Ngày 19-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một biến cố Một buổi chiều Tình Yêu - Thứ Năm Tuần Thánh
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:55 19/03/2008
Ga 13,1-15

Ngồi suy nghĩ lại một lúc nào đó trong cuộc đời. Người Kitô hữu không thể nào quên được cử chỉ của Thầy Chí Thánh Giêsu. Nói cho cùng Chúa Giêsu đã làm một việc rất ý nghĩa, rất ấn tượng, đó là việc bầy tỏ sự yêu thương của Ngài.: Yêu liên lỉ và Chết không ngừng.

MỘT CÁI CHẾT LIÊN LỈ:

Thương yêu là hy sinh, tận hiến và giúp đỡ lẫn nhau. Khi hai người thương nhau họ luôn muốn ở gần nhau để trò chuyện, nâng đỡ, để ý đến nhau. Chúa Giêsu đã thực hiện trọn đầy ý nghĩa đó. Chúa Giêsu có thể thực hiện tình yêu như một vị Chúa nghĩa là truyền lệnh và theo cách của một vị Chúa. Nhưng không, Ngài đã chết vì nhân loại, vì tất cả mọi người Ngài hằng yêu mến:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13 ). Yêu như vậy đối với Chúa vẫn chưa đủ, vì Ngài yêu thương con người không vô bến vô bờ. Ngài cũng chỉ có một cuộc sống và chết một lần. Đối với Ngài như thế chưa đủ. Do đó, để biểu hiệu tình yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn chết đi chết lại,muốn nên của ăn của uống cho con người qua muôn thế hệ. Và chiều nay thứ năm thánh chúng ta càng hiểu rõ ý nghĩa này hơn.

Chiều nay, cách đây hơn hai ngàn năm, ngày thứ năm trong tuần lễ ăn bánh không men của người Do Thái. Ngày hôm nay là ngày rất đặc biệt, khi trời đã về chiều, Chúa Giêsu và các môn đệ tới dùng tiệc trong một căn phòng rộng rãi mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một gia đình có thế giá ở Giêrusalem. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu và các tông đồ làm đùng thủ tục lề luật đề ra: rượu, bánh, rau cùng với nhữg món ăn cổ truyền trong xã hội Do Thái, cùng với những bài thánh vịnh. Đang khi ăn và giữa bữa tiệc Chúa Giêsu đã bộc bạch hết tâm sự của Ngài với các môn đệ vì đây là lần cuối cùng Chúa dùng lễ Vượt Qua với các môn đệ ở trần gian. Chúa Giêsu muốn thực hiện một cử chỉ hết sức yêu thương. Ngài dậy dỗ các môn đệ, dậy họ yêu thương nhau và yêu thương như Chúa đã yêu thương họ. Dậy dỗ xong, Chúa đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng môn đệ trước sự hết sức ngỡ ngàng của các ông. Rửa chân là việc làm của nô lệ rửa chân cho chủ. Chúa Giêsu không những đã rửa chân cho mọi môn đệ và lại còn rửa chân cho người sắp phản bội mình. Ngài làm thế là để dậy cho các môn đệ bài học khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhau trong mọi công việc hết sức tầm thường. Chúa rửa chân xong lại nhắc nhở các môn đệ hãy yêu nhau,phục vụ lẫn nhau không bằng đầu môi chóp lưỡi, mà phải yêu thương nhau thật tình.

CÁI CHẾT THIỆT TÌNH, CHẾT MÃI MÃI:

Trước khi ra đi, biệt ly, Chúa muốn trao cho các môn đệ một kỷ vật muôn vàn quí hóa. Kỷ vật này, các môn đệ sẽ lập lại hằng ngày để nuôi dưỡng nhân lọai, nuôi dưỡng nhân trần. Nếu cuộc đời, con người sống nhờ cơm gạo thì về mặt thiêng liêng, con người phải được Chúa nuôi dưỡng. Vàng, bạc, của cải thật tầm thường không nói lên được tất cả ý nghĩa cuộc đời của Ngài. Ngài muốn để lại một điều quí hóa nhất, đó là Thịt Máu Ngài, vì thế đang lúc ăn, Chúa trao bánh cho các môn đệ và nói:” Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy “…Rồi, Ngài cũng trao rượu và nói các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Đây là mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm đức tin. Khi nói lên điều đó, Chúa ban chức linh mục thừa tác cho các tông đồ và chức giám mục cho các Ngài, và từ các Ngài nhiều người sẽ được tuyển lựa, cắt nhắc để thực hiện công cuộc cứu chuộc và thực hiện tình yêu của Chúa.

Chiều nay khi chúng ta làm lại việc Chúa Giêsu xưa đã làm, chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương ta và qua đó chúng ta kính thờ, yêu mến Bí Tích Thánh Thể và yêu thương các linh mục của Chúa.

Vâng, Chúa để lại cho nhân lọai, cho mỗi người chúng ta một gia tài lớn lao quí báu không tiền của nào có thể mua được: đó là Tình Yêu dâng hiến, Tình Yêu khiêm hạ và để lại chính Mình và Máu của Ngài để nuôi dưỡng chúng ta. Amen.
 
Linh mục, bạn hữu của Chúa
+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
11:58 19/03/2008
LINH MỤC, BẠN HỮU CỦA CHÚA

(Bài giảng Lễ làm phép truyền dầu thánh Tuần Thánh 2008 tại Bắc Ninh)

Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày đặc biệt của các linh mục, vì là ngày kỷ niệm Chúa lập phép Truyền Chức Thánh. Nhớ đến ngày được lãnh nhận chức thánh, không linh mục nào không bồi hồi cảm động. Ngày ấy, ta cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa. Ta được nghe lời Chúa nói với ta: “Từ nay, Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy” ( Ga 15,15). Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ta được trở nên bạn hữu của Chúa qua nghi lễ phong chức rất long trọng và đầy ý nghĩa.

Qua nghi thức đặt tay, chính Chúa Giêsu đặt tay trên ta. Đặt tay là ban quyền nhưng cũng là tiếp nhận. Khi đặt tay Chúa như Chúa nói với ta: Từ nay con thuộc trọn về Thầy, Thầy sẽ che chở con. Thầy sẽ không bao giờ rời xa con, vậy con cũng đừng bao giờ rời xa Thầy. Có lẽ nhiều lần ta cảm thấy mình tội lỗi, không xứng đáng, giống như Phêrô, sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng, đã quỳ xuống nói với Chúa:” Lạy Thầy, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Nhưng Chúa vẫn mời gọi ta bước theo Chúa. Có lẽ nhiều lần ta cũng như Phêrô, mạnh dạn trên mặt nước để đến vơí Chúa. Nhưng rồi ta lại chìm xuống. Thế giới hôm nay là một mặt biển đầy sóng gió. Nhiều cơn sóng khiến ta như bị nhấn chìm. Nhưng ta hãy an tâm. Chúa sẽ cầm tay kéo ta lên và sẽ khiến mặt biển bình an phẳng lặng.

Qua nghi thức xức dầu, Chúa ban Thánh Thần sai ta đi làm công việc của Chúa. Từ xa xưa trong cựu ước, người được xức dầu luôn ra khỏi chính mình, từ bỏ công việc riêng tư để lo chu toàn công việc của Chúa trao phó. Linh mục được xức dầu vào tay nối tiếp bàn tay của Chúa, tiếp tục công việc thi ân giáng phúc của Chúa. Bàn tay con người thường được dùng để làm ra của cải, chiếm hữu nhiều tài nguyên. Trái lại bàn tay linh mục được xức dầu để cho đi, để ban phát. Với bàn tay khéo léo, con người xếp đặt thế giới trong trật tự. Với bàn tay được xức dầu, linh mục sắp xếp để đưa thế giới vào trong tình yêu.

Qua nghi thức trao chén thánh, Chúa cho ta được dâng thánh lễ và cử hành các bí tích. Thật cao cả. Linh mục được thay mặt Chúa, làm những việc của Chúa, đọc những lời đúng ra phải phát ra từ miệng Chúa: “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”. Trên bàn thờ, linh mục là hiện thân của Chúa. Đó là điều không thể tưởng tượng được. Ta thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, nên một với Chúa.

Tuy nhiên để thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, ta cũng phải giữ những quy tắc căn bản của tình bạn.

Trước hết phải hiểu biết Chúa. Ta hiểu biết Chúa qua việc đọc Kinh Thánh. Như lời Thánh Giêrônimô nói: “ Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Không đọc như một học giả để hiểu biết, thoả mãn trí tuệ, nhưng phải đọc trong tinh thần thiêng liêng, trong tâm tình cầu nguyện. Phải làm sao để việc đọc Kinh Thánh phát xuất từ cầu nguyện và dẫn đến cầu nguyện.

Tiếp đến phải kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Linh mục phải là người cầu nguyện. Nếu không những hoạt động chỉ là hiếu động, trống rỗng. Chỉ trong cầu nguyện những hoạt động mục vụ mới có kết quả phong phú và lâu bền.

Sau cùng phải kết hợp mật thiết với anh em. Làm linh mục không phải vì bản thân nhưng vì người khác. Lòng yêu mến Chúa thật phải dẫn ta đến với mọi người. Kết hợp với đầu cũng sẽ biết chia sẻ với các chi thể. Khi yêu mến và chia sẻ với anh em, ta trở thành sự hiện diện của Chúa Kitô giữa mọi người. Cha Anrê Santoro, một thừa sai bị sát hại ở Trébizonde đang khi cầu nguyện, đã nói: “Tôi đến đây để ở giữa dân tộc này. Tôi cho Chúa Giêsu mượn thân xác tôi để Chúa ở giữa dân tộc này”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mặc thân xác loài người để ở với chúng con. Con xin dâng cho Chúa thân xác của con, để Chúa tiếp tục ở lại và biến đổi thế giới. Amen.
 
Bài Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh
+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
12:05 19/03/2008
Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh: Thôi đừng giết Chúa

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Bài Thương khó theo thánh Gioan

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

“Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” . Chiêm ngắm dòng máu cùng nước tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa. Yêu cho đến chết. Yêu cho đến cả sau khi chết. Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước. Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng. Yêu không còn giữ lại chút nào. Đúng như lời thánh Gioan diễn tả: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương cho đến cùng” . Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài. Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết. Không còn có thể làm thêm gì được nữa. Yêu cho đến tận cùng con người. Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa. Yêu cả người tội lỗi. Yêu cả kẻ phản bội. Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu” . Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.

Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết. Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.

Thái độ thù ghét của các thượng tế và biệt phái. Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.

Thái độ nhập nhằng của Philatô. Biết Chúa là người vô tội. Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.

Thái độ phản bội của Giuđa. Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.

Thái độ hay thay đổi của dân chúng. Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.

Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa. Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các thượng tế và biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống Philatô nhập nhằng trong thái độ. Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa. Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý. Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.

Chúng ta cũng có thể giống Giuđa coi trọng tiền bạc hơn đạo nghĩa. Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa, gian giảo, lừa đảo.

Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ. Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông. Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo. Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.

Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông. Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.

Hôm nay trên thánh giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa. Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông. Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu. Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm ích lợi của Hội Thánh. Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí. Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Chiêm ngắm thánh giá Chúa, bạn thấy gì về tình yêu của Chúa?
2- So sánh với Philatô, Giuđa, các môn đệ và đám đông, bạn thấy mình có thể giống ai?
3- Bạn sẽ sống thế nào để người vô tội không bị oan ức nữa?

 
Quyền hành là để phục vụ
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP
12:57 19/03/2008
QUYỀN HÀNH LÀ ĐỂ PHỤC VỤ

Ý tưởng này được nói đến nhiều sau Công đồng, nhưng thực ra đã có từ lâu trong Tin Mừng, khi Đức Ki-tô nói Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà chính là để “hầu hạ” người ta: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” . (Mc 10,45) Vì thế, Người mới dạy các Tông đồ rằng ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44)

Từ những ý tưởng trên mới nảy ra cặp từ autorité-service trong tiếng Pháp, nghĩa là quyền hành-phục vụ. Có quyền là để phục vụ hay hành quyền là phục vụ. Cũng vì tinh thần này mà các Đức Giáo Hoàng thường viết tắt hai chữ SS trước khi ký tên. Hai chữ này không phải là bí ngữ của công an xung phong Quốc xã đâu, mà là hai chữ Servus Servorum viết tắt, có nghĩa là tôi tớ của các tôi tớ. Rồi người ta chuyển sang các chữ khác mà viết là Sua Sanctitas trong tiếng La tinh, Sa Sainteté trong tiếng Pháp. Những chữ chuyển dịch này xa với ý nghĩa ban đầu của hai chữ Servus Servorum. Mà thật thế. Gíáo Hoàng tuy ký là “tôi tớ của các tôi tớ” , một kiểu nói khiêm nhường nhưng lại là một nhân vật được tôn kính hơn mọi người có quyền hành trên thế gian này. Người công giáo ở khắp nơi đều kính trọng và yêu mến Đức Giáo Hoàng. Chúng ta chỉ cần nhớ lại đám tang vô tiền khoáng hậu của Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI thì đủ hiểu. Rồi các danh xưng đối với các vị chức sắc trong Hội thánh. Người ta xưng với Hồng Y là Sua Eminentia, Son Eminence, với Giám Mục là Sua Excellentia, Son Excellence, với Bề Trên cao cấp trong các Dòng tu là Reverendissimus, Reverendissime, với linh mục là Reverendus, Révérend.

Tất cả những danh xưng đó từ bao đời nay đã làm lu mờ ý tưởng có quyền là để phục vụ hay hành quyền là phục vụ. Phải đợi mãi đến Công đồng Va-ti-ca-nô II mới có sự thay đổi. Bắt đầu là sự thay đổi trong giáo triều Roma: Đức Phao-lô VI không ngồi trên kiệu khi ra cử hành các lễ nghi tại đền thờ thánh Phê-rô nữa; người bỏ mũ giáo hoàng ba tầng và khi qua đời thì truyền lệnh phải đặt quan tài sát đất v.v…

Nhưng đối với người Việt Nam thì sự đơn sơ giản dị là hơi khó, vì xã hội chúng ta là một xã hội nặng về tôn ty đẳng cấp, và không có một nước nào mà cách xưng hô vừa phong phú lại vừa phức tạp như cách xưng hô của chúng ta. Đàng khác, dân chủ vẫn còn như là một thứ xa xỉ phẩm đối với phần đông đồng bào chúng ta. Người Việt Nam lại vốn thích danh vọng địa vị. Vì thế mới có những câu như “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” . Ngoài ra, thường làm gì tự nhiên ai cũng thích cho người khác biết đến. Như thế mới nở mày nở mặt với thiên hạ. Trước mặt xã hội, phải có danh vọng địa vị gì đó mới được, còn nếu chỉ là bạch đinh thì thường quá. Vì vậy, trước kia trong làng xã phải bỏ tiền ra mua một chức nào dó như ông nhiêu, ông xã và trong họ đạo cũng phải có danh phận gì như ông trùm, bà quản, ông câu, ông biện và ngày nay một chân nào đó trong Hội Đồng giáo xứ. Danh vọng, chức vị đường như đã là một cái gi cố hữu trong huyết quản của người Việt Nam rồi, nên gỡ bỏ đi thật là khó. Xã hội của chúng ta bây giờ bên ngoài vẫn thế. Chẳng may, người nhà đạo chúng ta lại cũng “nhập nhiễm” những thói này. Cứ nhìn vào cách thức thưa gửi trong nhà thờ vào các dịp lễ đặc biệt là đủ thấy ảnh hưởng rõ rệt của lối hành xử theo phần đời. Nhiều người nhà tu cũng không rũ bỏ được những thứ đó. Vì thế, lối hành quyền của chúng ta còn lâu mới là một cách thế phục vụ. Ở Việt Nam phải cố gắng và cảnh giác lắm mới sống theo tinh thần Phúc Âm trong vấn đề này được. Lề lối phong kiến ở ngoài đời cũng như trong đạo còn đè nặng trên vai chúng ta. Vậy phải làm thế nào ?

Trước hết phải ý thức rằng mọi quyền hành là do Chúa ban cho: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thỉên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13, 1) Vì là quyền được ban và trao cho, nên người lãnh quyền và hành quyền là do thiên mệnh để lo ích chung và công việc chung cho đoàn thể. Người La tinh có câu tục ngữ “honor onus”, vinh dự gánh nặng, nghĩa là được vinh dự đấy, nhưng cũng phải mang gánh nặng, gánh nặng của trách nhiệm đối với đoàn thể. Nếu không chu toàn trách nhiệm thì không phải là người điều hành tốt. Bởi thế, quyền hành đi đôi với điều hành là vậy. Nếu chỉ nắm quyền mà không biết hành quyền cho phải đạo thì thật là tai hại cho đoàn thể.

Thứ đến là bao lâu còn nắm quyền thì hành quyền, nhưng khi mãn nhiệm, hết quyền rồi thì không lưu luyến, bằng lòng trở về vị trí như những người khác. Trong các chế độ dân cử, hết nhiệm kỳ là thôi không còn cố bám lấy chức vụ và địa vị cũ nữa. Đó là điểm hay của các chế độ dân chủ. Người mãn nhiệm kỳ không đòi hỏi một đặc quyền hay đặc lợi nào, và cũng không làm gì, ra như kể công về những việc mình đã làm trong thời gian tại vị.

Cuối cùng, sau khi đã rời khỏi chức vụ hay hết quyền thì “xóa” mình đi, rút lui vào bóng tối cho người kế nhiệm dễ làm việc. Nếu được mời làm cố vấn hay được bàn hỏi thì giúp ý kiến, còn tự mình thì không tìm cách duy trì ảnh hưởng hay làm khó dễ cách nào đó cho người đến sau. Tốt hơn cả là làm thế nào để người kế nhiệm khỏi cảm thấy ngột ngạt, vì sự có mặt của người tiền nhiệm ở bên cạnh. Thời gian rời khỏi chức vụ có thể là một thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh, sau khi đã đầu tư thời giờ, sức lực, họat động tối đa trong thời gian tại chức. Thái độ nên có trong lúc này là thái độ của ông già Si-mê-on trong kinh Nunc dimittis, một thái độ bình an thanh thản sẵn sàng ra đi.

Nói tóm lại, nếu muốn hành quyền theo tinh thần Phúc âm thì phải thay đổi não trạng phong kiến và kiểu cách chung của người Việt Nam trong đạo cũng như ngoài đời, khi nắm giữ quyền hành trong tay. Xin nói lại: Có quyền là để lo cho ích chung. Ích chung phải là kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành động của người nắm quyền.
 
Người lính canh mồ
Phaolô Ngô Suốt, CTS
13:17 19/03/2008
NGƯỜI LÍNH CANH MỒ

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài biết rõ tình yêu làm được mọi sự, sẽ vượt thắng tất cả - dù cho ma quỷ hết sức tinh khôn, xảo quyệt, do đó Ngài tạo dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Ngài ban tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa cho nhân loại, đưa vào trong thế giới đang có satan hiện hữu (xin đọc sách Ngôn Sứ Isaia 14:12, các Thánh Giáo Phụ nói về ma quỷ). “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2:15). Lý do cày cấy khu vườn để vui hưởng cũng đầy đủ ý nghĩa. Nhưng “canh giữ” tiếng Hy bá shamar có nghĩa canh chừng “to guard” (giống như các Linh mục Do thái canh chừng không để nơi tôn nghiêm bị ô uế). Tại sao Adam phải canh chừng vườn địa đàng. Điều này có nghĩa Thiên Chúa ra lệnh phải ngăn chận lại điều gì đó bên ngoài, không cho nó vào trong vườn địa đàng. Nó cũng giải thích xuất xứ của sự cám dỗ để rồi nguyên tổ sa ngã.

Bao nhiêu lần trong đời tôi đã phạm tội, mỗi lần như vậy bằng cách nào đó tôi làm cho khuôn mặt Giáo Hội bị méo mó, nhiều lần như thế khuôn mặt Giáo Hội càng lúc càng bị biến dạng, khiến cho người khác không còn nhận ra sự hiện hữu của Giáo Hội. Người lính tức là người đã được huấn luyện, được trang bị vũ khí để làm nhiệm vụ, tôi thành thạo hơn người thường, bởi vậy tôi làm tổn thương Giáo Hội nhiều hơn người khác. Ngày xưa, sau khi Adam phạm tội, Chúa liên tục gởi các ngôn sứ đến để sửa sai dân Người, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Nói đến ngôn sứ tức phải nói đến Gioan Tẩy Giả. Tại sao? Tại vì Ngài là vị ngôn sứ sau cùng của Cựu Ước. Ngài đã được Thiên Chúa xác nhận Ngài cao trọng hơn tất cả những người nam do nữ sinh ra -dĩ nhiên ngoài Thiên Chúa-. Ngài không để lại một án văn, một thi phẩm nào như những vị ngôn sứ trước mình, Ngài đúc kết toàn bộ sứ điệp của tất cả các ngôn sứ, tất cả mọi chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế trong một từ ngữ duy nhất: “Thống Hối”, nghĩa là trở về, trở lại với Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ lớn nhất vì Ngài được sống gần nhất với Thiên Chúa là Đấng mà mọi ngôn sứ đều nói đến, chuẩn bị cho, Ngài giới thiệu Đấng Xóa tội trần gian cho mọi người. Làm người lính canh mồ tôi cũng đứng gần Chúa hơn ai hết, nhưng tôi tự ý đứng xa Chúa hơn ai hết ! Đáng lý tôi hân hoan chỉ vào mồ, ca ngợi và giới thiệu Đấng mọi người mong đợi, tôi lại đứng quay lưng lại, dang rộng đôi tay, ngăn chận không cho thiên hạ nhìn thấy Ngài !

Ngày xưa Adam thất bại nên phải chết –dù Adam không hiểu chết là thế nào-, hôm nay tôi may mắn hơn Adam nhiều, tuy cũng thất bại nhưng có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm như Pascal viết: “Không phải chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, nhưng chúng ta còn biết bản thân chúng ta qua Ngài nữa; chúng ta chỉ biết sự sống và sự chết qua Ngài. Ngoài Đức Giêsu Kitô chúng ta không thể biết ý nghĩa của sự sống hay chết của chúng ta, của Thiên Chúa hay của chính bản thân mình.”. Buông khí giới, lìa bỏ vai trò lính canh mồ và trở về là con đường đúng đắn, cách xử sự khôn ngoan nhất. Tôi không cần phải tìm Chúa, chính Ngài đã sống lại và đang đi tìm tôi, Ngày xưa sau khi tạo dựng gia đình đầu tiên, chính Thiên Chúa như chiếc thuyền chở họ đến sự sống hoan lạc vĩnh cửu. Khốn thay nguyên tổ rời bỏ Thiên Chúa, các ngài tự ý nhảy xuống khỏi thuyền, nên nhân loại phải nổi trôi chờ chết. Thiên Chúa Tình Yêu gởi đến con thuyền khác để cứu vớt đó là con thuyền Giáo Hội. Hãy bám vào con thuyền này nếu muốn được sống, hãy cộng tác với Ngài đem Tin Mừng bình an đến cho đồng loại, vì giấc mơ duy nhất của Ngài là tất cả nhân loại làm con cáí Ngài. Khi xúc phạm, làm tổn thương người khác tôi cũng làm tổn thương chính Ngài. Khi tôi sống trong sa đọa, không luân lý, phi đạo đức tôi phủ nhận sự hiện hữu của Ngài trong lịch sử. Tôi tin chắc Ngài sẽ tha thứ cho mọi lầm lỗi của tôi, tha thứ cả cho những ai đã và đang tìm cách loại bỏ Ngái. Ngày xưa khi bị chửi mắng, đánh đập, Ngài làm thinh chịu đựng! Khi bị treo trên thập giá Ngài tha thứ hết! Khi bị giết chết, Ngài sống lại! Muôn đời không thể loại trừ được Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu. càng bị loại trừ, giáo lý yêu thương của Ngài càng hấp dẫn, kéo thiên hạ đến gần hơn. Nên không còn con đường nào khác ngoài “Thống Hối và tin vào Tin Mừng.”
 
ĐTC: Ý nghĩa Tam Nhật Thánh
Linh Tiến Khải
14:45 19/03/2008
ĐTC: Ý nghĩa Tam Nhật Thánh

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19-3-2008

Vì số tín hữu tuôn đổ về Roma tham dự các lễ nghi Tuần Thánh đông, nên sáng thứ tư 19-3-2008 Đức Thánh Cha cũng đã phải chia buổi tiếp kiến thành hai phần: phần đầu trong đền thờ thánh Phêrô và phần hai trong đại thính đường Phaolo VI.

Chào mấy ngàn sinh viên học sinh trong đền thờ thánh Phêrô Đức Thánh Cha nói: Các con là men hy vọng trong thế giới đang ước mong gặp gỡ Chúa Giêsu mà đôi khi không ý thức được điều đó. Để cải tiến thế giới này trước hết các con hãy cố gắng thay đổi chính mình qua một cuộc sống năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải và bằng cách tích cực tham dự các buổi cử hành Thánh Thể.

Trong bài huấn dụ tại đại thính đường Phaolo VI Đức Thánh Cha đã đề cập đến ý nghĩa của Tam Nhật Thánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến chúng ta đang đứng trước Tam Nhật Thánh. Ba ngày sắp tới thường được gọi là ”thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất: vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Kết thúc con đường Mùa Chay chúng ta cũng chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động các khổ đau mà Chúa đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang, lễ Vượt Qua trong đó Giáo Hội cử hành Lễ ”nguồn gốc của mọi lễ”, như khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrosio.

Tiếp theo đó Đức Thánh Cha trình bày ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Trước hết là Thứ Năm kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục thừa tác. Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một điều răn mới là điều răn của tình yêu thương huynh đệ. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, sáng thứ năm cộng đoàn giáo phận cử hành lễ làm phép dầu, trong đó vị Giám Mục và các linh mục giáo phận canh tân các lời hứa ngày thụ phong.

Cũng có lễ nghi làm phép Dầu: dầu tân tòng, dầu bệnh nhân và dầu thêm sức. Đó là thời điểm quan trọng đối với cuộc sống của mọi cộng đoàn giáo phận, quây quần chung quanh vị chủ chăn của mình để củng cố sự hiệp nhất và lòng trung thành với Chúa Kitô, Thượng Tế đời đời duy nhất. Vào ban chiều Giáo Hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa, trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta như lương thực cứu độ, như thần dược của sự bất tử: đó là mầu nhiệm Thánh Thể, suối nguồn và tuyệt đỉnh của cuộc sống Kitô. Trong Bí tích cứu độ này Chúa cống hiến và hiện thực cho tất cả những ai tin nơi Người sự hiệp thông thân tình nhất có thể có giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Người. Với cử chỉ khiêm tốn và ý nghĩa của lễ nghi rửa chân chúng ta được mời gọi nhớ lại điều Chúa đã làm cho các Tông Đồ: khi rửa chân cho các vị Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình, qua đó Chúa diễn tả trước hy lễ tuyệt đỉnh của cuộc sống mình, hao mòn đi ngày hôm sau đó trên núi Sọ. Theo một truyền thống rất đẹp, tín hữu kết thúc Thứ Năm Thánh với một buổi canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể để sống trở lại một cách thân tình hơn cuộc hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu.

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn đóng đanh và cái chết của Chúa Giêsu. Trong ngày này phụng vụ Giáo Hội không cử hành thánh lễ, nhưng cộng đoàn Kitô tụ tập nhau để suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đàn áp nhân loại, và để bước theo các khổ đau của Chúa đền bù sự dữ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ. Sau khi nghe trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả mọi nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, thờ lậy Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa đã được giữ lại trong thánh lễ chiều Thứ Năm. Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập tới nhiều thói quen đạo đức của truyền thống Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:

Như là lời mời gọi sau cùng suy tư về cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Chuộc và để diễn tả tình yêu thương và việc tham dự của tín hữu vào các nỗi khổ đau của Chúa Kitô, truyền thống Kitô đã làm nảy sinh ra nhiều hình thái đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu và diễn tuồng thương khó, nhằm ngày càng ghi đậm dấu trong tâm hồn tín hữu các tâm tình tham dự thực sự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô. Trong số các thói quen đạo đức ấy có việc đi đàng Thánh Giá. Theo dòng thời gian thói quen này có thêm nhiều kiểu diễn tả tinh thần và nghệ thuật phong phú gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Vì thế tại nhiều nước nảy sinh ra các đền thánh gọi là Núi Sọ, có đường đi lên dốc dác nhắc nhớ lại con đường đớn đau của cuộc Khổ Nạn, và giúp tín hữu tham dự vào cuộc đi lên Núi Thập Giá Chúa, Núi Tình Yêu Thương cho đến tột cùng.

Ngày Thứ Bẩy Thánh ghi đậm dấu của sự thinh lặng sâu thẳm. Các nhà thờ trống trơn và không có các lễ nghi phụng vụ đặc biệt. Trong khi chờ đợi biến cố Phục Sinh, các tín hữu kiên trì cùng Mẹ Maria cầu nguyện và suy niệm. Thật thế, cần phải có một ngày thinh lặng để suy tư về thực tại cuộc sống con người, về sức mạnh của sự dữ và sức mạnh của sự thiện nảy sinh từ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Chúa. Trong ngày này tín hữu đi lãnh nhận bí tích hòa giải để thanh tẩy tâm lòng và chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Ít nhất một năm một lần chúng ta cần đến sự thanh tẩy nội tâm này để canh tân chính mình.

Ngày Thứ Bẩy của thinh lặng, suy niệm, tha thứ và hòa giải này kết thúc với Buổi Canh thức vọng Phục Sinh, dẫn đưa vào Chúa Nhật quan trọng nhất của lịch sử, là Chúa Nhật Phục Sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội canh thức bên lửa mới làm phép và suy niệm về lời hứa vĩ đại trong Cựu Ước và Tân Ước lời hứa giải phóng con người vĩnh viễn khỏi sự nô lệ tội lỗi và cái chết. Trong đêm tối nến phục sinh, biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại khải hoàn được thắp lên từ lửa mới. Chúa Kitô ánh sáng của nhân loại đánh tan tối tăm của tâm lòng và trí khôn và soi sáng mọi người vào trần gian.

Bên cạnh nến phục sinh vang lên trong Giáo Hội lời loan báo phục sinh: Chúa Kitô đã thực sự sống lại, cái chết không còn quyền lực nào trên Người nữa. Với cái chết của mình Người đã vĩnh viễn đánh bại sự dữ và trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Do truyền thống cổ xưa trong lễ Vọng Phục Sinh các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nêu bật sự tham dự của Kitô hữu vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Từ đêm Phục Sinh rạng ngời niềm vui ánh sáng và hòa bình của Chúa Kitô tỏa lan trong cuộc sống của tín hữu mọi cộng đoàn và đến với mọi điểm của không gian và thời gian.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong các ngày đặc biệt này chúng ta hãy lập lại hai tiếng xin vâng với thánh ý Chúa như Chúa Giêsu đã nói với hy lễ thập giá. Các lễ nghi của Tam Nhật Thánh và buổi Vọng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta cơ may đào sâu ý nghĩa và giá trị của ơn gọi Kitô, nảy sinh từ Mầu Nhệm Phục Sinh và cụ thể hóa nó trong việc theo Chúa Kitô trong mọi trạng huống cuộc đời, cho đến hy sinh mạng sống chúng ta như Người đã hy sinh.

Kỷ niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng có nghĩa là sống gắn bó liên đới sâu đậm với ngày hôm nay của lịch sử, vì xác tín rằng những gì chúng ta cử hành là thực tại sống động và thời sự. Vì thế chúng ta hãy đem vào trong lời cầu nguyện của chúng ta các sự kiện và tình hình thê thảm trong các ngày này đang gây khổ đau cho biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta khắp nơi trên thế giới. Chúng ta biết rằng sự thù hận, các chia rẽ, bạo lực đã không bao giờ có tiếng nói cuối cùng trong các biến cố lịch sử. Trong những ngày này chúng ta hãy làm sống dậy nơi mình niềm hy vọng: Chúa Kitô chịu đóng đanh đã sống lại và chiến thắng trần gian. Tình yêu thương mạnh hơn thù hận. Nó đã chiến thắng và chúng ta cũng phải liên kết với tình yêu thương. Chúng ta phải tái khởi hành từ Chúa Kitô và làm việc với Người trong sự hiệp thông để tạo dựng một thế giới xây dựng trên hòa bình, công lý và tình yêu thương.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mừng lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã cát kinh Lậy Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 19/03/2008
NHẠC CHÍNH TỬ XUÂN THÍCH CHỮ TÍN



Nước Tề công đánh nước Lỗ rất mãnh liệt, nước Lỗ liên tục đại bại và muốn cầu hòa, nước Tề muốn nước Lỗ phải đem Sàm Đỉnh cho họ rồi mới bãi binh.

Thực ra thì vua nước Lỗ không nở đem Sàm Đỉnh đi cho nước Tề, bèn làm giả người khác để đem qua nước Tề. Nước Tề nhìn thấy Sàm Đỉnh đem tới là giả chứ không phải thật, nhưng vua nước Lỗ cứ khăng khăng nói là thật, thế là vua nước Tề nói: “Cho gọi Nhạc Chính Tử Xuân đến, nếu ông ta nói Sàm Đỉnh là thật thì chúng tôi tin.”

Vua nước Lỗ cho mời Nhạc Chính Tử Xuân đến, Nhạc Chính Tử Xuân sau khi hiểu rõ sự tình thì hỏi: “Tại sao không đem Sàm Đỉnh thật để tặng ?"

Vua nước Lỗ nói: “Ta thích Sàm Đỉnh, không nở đem tặng.”

Nhạc Chính Tử Xuân nghe xong thì chỉ nói: “Tôi cũng thích sự thành tín của tôi.”

(Hàn Phi tử: Thuyết lâm hạ)

Suy tư:

Có những cuộc chiến tranh tàn khốc mà lý do là một bên không giữ trọn chữ tín đã ký kết; có những cuộc tình ngỡ là rất đẹp, nhưng kết cuộc là đau thương vì một bên không giữ được chữ tín của tình yêu; có những hợp đồng rất công bằng, nhưng rốt cuộc là phải đưa nhau ra tòa là vì có một bên không giữ được chữ tín mà mình đã ký; có những người bạn khi hoạn nạn thì có nhau, nhưng khi giàu có ra thì tình bạn không còn, bởi vì có một bên không giữ được chữ tín với bạn bè...

Muốn bảo vệ danh dự của mình thì phải có chữ tín; muốn được người khác kính nể thì cần phải có chữ tín; muốn làm ăn buôn bán tốt đẹp thì phải có chữ tín, bởi vì chữ tín là cốt lõi của mọi phép xã giao hằng ngày.

Đức tin của người Ki-tô hữu thì vượt xa hơn cả chữ tín của người đời, bởi vì chữ tín của người đời thì dựa vào danh dự cá nhân và hoàn cảnh của đối phương mà hành xử chữ tín, nhưng đức tin của người Ki-tô hữu thì dựa vào Thiên Chúa mà đối xử với mọi người như đối xử với chính Ngài, cho nên chữ tín của họ càng “nặng ký” hơn.

- Nhờ có đức tin mà tình yêu vợ chồng được chung thủy.

- Nhờ có đức tin mà tình bạn được thăng tiến.

- Nhờ có đức tin mà cuộc sống của người Ki-tô hữu dễ chịu hơn, vì ai cũng là anh chị em của mình trong Chúa Giê-su.

- Nhờ có đức tin mà người Ki-tô hữu luôn chu toàn chữ tín trong mọi công việc được giao phó...

Nhờ đức tin mà chúng ta –người Ki-tô hữu- biết làm cho chữ tín của mình ngày càng nổi bật lên tinh thần bác ái và phục vụ của người môn đệ Chúa Giê-su.
 
Thứ Sáu Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 19/03/2008
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Lời Chúa: Ga 18, 1-19, 42.

Bạn thân mến,

Hôm nay thứ sáu Tuần Thánh, theo truyền thống của Giáo Hội thì hôm nay không có thánh lễ, nhưng có cử hành long trọng nghi thức phụng vụ Lời Chúa với bài Thương Khó của Chúa Giê-su do thánh Gioan tông đồ thuật lại, và rước Mình Thánh Chúa.

Bạn nghe bài Thương Khó hôm nay bạn có cảm nghĩ như thế nào về cuộc thương khó của Chúa Giê-su ? Chắc bạn cũng như tôi, cũng như những người Ki-tô hữu khác đều cảm thấy hối hận vì những tội lỗi mà mình đã xúc phạm đến tình thương của Chúa Giê-su, và ít nữa là quyết tâm làm một cái gì đó để xoa dịu những đau khổ của Chúa Giê-su phải chịu, cũng như là để đến bù những tội lỗi của mình.

Hôm nay, tôi đề nghị với bạn một việc đền tội: đó là xét mình thấy mình thường lỗi phạm tội nào nhất, thì quyết tâm -từ thứ sáu Tuần Thánh này bắt đầu- sửa đổi mỗi ngày một chút, cho đến thứ sáu Tuần Thánh sang năm, như thế là bạn đã làm một việc vừa đền tội vừa giúp mình trở thành một người Ki-tô hữu tốt giữa đời này.

Chúa Giê-su hằng ngày vẫn đau khổ vì tội lỗi của chúng ta, nhất là do những người môn đệ của Ngài đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình trong cuộc sống, đau khổ này bạn và tôi phải chia sẻ với Ngài, bằng những hy sinh lớn nhỏ trong cuộc sống, dù không thấm vào đâu, nhưng cũng có thể xoa dịu những đau khổ của Chúa Giê-su phải chịu…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:14 19/03/2008
N2T


33. Thời gian tạ ơn sau khi rước lễ, là thích hợp nhất khiến cho chúng ta bừng cháy lên lửa yêu mến.

(Thánh nữ Maria Magdalena de Pazzi)
 
Viên Đá Sống Động
Lm Vũđình Tường
20:34 19/03/2008
Một ngày kia Chúa Cha nói với Chúa Con.

Những viên đá sống động mà Chúng Ta dựng nên chúng đã bị thoái hóa, biến mất bản chất nguyên thủy khi chúng ta sáng tạo ra chúng.

Chúa Con thắc mắc.

Làm sao có thể như vậy được. Chúng ta ban cho chúng sự sống, lại ban cho chúng Thần Khí của chúng ta để chúng biết chuộng việc lành, tránh dữ mà sao bây giờ sự thể đó xảy ra.

Chúa Cha thở dài đáp:

Tội, tội, vì chúng phạm tội.

Chúa Con.

Thần Khí Chúng Ta ban sao chúng không dùng đến mà lại phạm tội.

Chúa Cha.

Không phải một mình chúng. Việc này có ma quỷ nhúng tay vào.

Chúa Con.

Như thế chúng ta trừng trị chúng hay chúng ta trừng trị ma quỷ.

Chúa Cha.

Tất nhiên phải là ma quỷ rồi. Chúng là Hình Ảnh của Chúng Ta nên ma quỷ phải lãnh trách nhiệm trong việc cám dỗ này.

Chúa Con.

Ma quỷ lãnh trách nhiệm trăm phần trăm sao.

Chúa Cha.

Không phải thế. Viên đá sống động khổng thể sống nhởn nhơ như trước được mà phải chịu một phần trách nhiệm, như thế mới rõ lẽ công lí của chúng ta.

Chúa Con.

Thế nghĩa là sao? Cha định phạt chúng sao?

Chúa Cha.

Không phải chúng ta phạt chúng nhưng chúng phải học khôn ra từ việc làm sai trái của chúng. Muốn được ơn khôn ngoan chúng phải trải qua những mài dũa, trải qua đánh bóng, trải qua tôi luyện. Đối với Chúng Ta như thế là việc tốt lành nhưng đối với chúng chúng sẽ than van, kêu đau, than khổ.

Chúa Con.

Như thế là khổ rồi vì chúng sẽ kêu than liên tục. Cha có biện pháp giải quyết rồi chứ.

Chúa Cha.

Không phải là biện pháp giải quyết mà là cách để cứu chúng. Để cứu chúng Cha cần đến Con giúp một tay.

Chúa Con.

Cha biết Con luôn nghe Lời Cha và sống để làm theo ý Cha.

Chúa Cha.

Tốt, rất tốt. Con thật là Con yêu dấu của Cha.

Mỗi người chúng ta là viên đá sống động. Nhiều viên đá sống động hợp lại thành giáo hội nhỏ. Những viên đá sống động này rất quý. Quý đến nỗi chính Con Thiên Chúa xuống trần gian để ban ơn sự sống cho những viên đá sống động có thời đã biến thành đá vôi.

Con Thiên Chúa xuống trần vì thương những viên đá sống động đã biến chất nên cần Con Chúa đến mang lại phẩm chất khi mới được tạo dựng.

Lí do thứ hai dẫn Con Thiên Chúa xuống trần vì những viên đá sống động này mang hình ảnh của Chính Thiên Chúa ‘Chúng ta hãy tạo dựng chúng theo hình ảnh chúng ta’.

Chính vì hình ảnh này mà trong mỗi viên đá sống động đều mang hình hài của Đấng Tạo Hóa. Khi Đấng Tạo Hóa nhìn những viên đá sống động Ngài cảm thấy như đang sống trong chính Ngài vì là cùng một hình hài.

Lí do thứ ba để cứu những viên đá sống động là vì khi lập nên chúng Thiên Chúa đã thả Thần Khí mình vào chúng để ban cho chúng sự sống. Sự sống trong viên đá sống động chính là sự sống của Thiên Chúa trao ban.

Lí do thứ tư các viên đá sống động đều trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần nên chúng trở nên thánh thiện và tinh tuyền.

CHÚC MỪNG PHỤC SINH

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mẹ Maria dưới chân thập tự
Thạch Thảo
22:46 19/03/2008
Mẹ Maria dưới chân thập tự

Mẹ đứng đó dưới chân thập tự (Ga 19, 25)
Lặng nhìn Con tràn ứ niềm đau
Thân con tan nát khổ sầu
Đồi Sọ đẫm máu tím mầu không gian
Đường tử nạn muôn vàn cay đắng
Mẹ theo Con bước ngắn bước dài
Thập hình đè nặng trên vai
Con lê từng bước miệt mài Mẹ theo
Thập giá kia thân treo tơi tả
Những giọt hồng vô giá tuôn rơi
Mẹ cùng Con – Lễ cứu đời
Để nên giá chuộc loài người chúng con
Mẹ đứng đó cõi lòng mặn chát
Vòng tay Mẹ ôm xác Con yêu
Lòng Mẹ cay đắng trăm chiều
Thân Con tan nát Mẹ hiền nát tan
Ngôi mộ mới bàng hoàng nức nở
Cùng Mẹ hiền thương khóc Chúa Con
Từ nay thôi hết chẳng còn
Lòng Mẹ biển đắng ai đong cho vừa
Xin cùng Mẹ lời thưa Fiat
Dẫu cuộc đời chua chát đắng cay
Quyết tâm theo Mẹ mê say
Tìm vâng Ý Chúa mọi ngày đời con.
 
Sứ Điệp Phúc Âm: Chúa Giêsu, kẻ đã chết thật và đã sống lại thật.
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
23:11 19/03/2008
Ngày 23 tháng 3, 2008: CHÚA NHẬT PHỤC SINH, NĂM A.

Tông Đồ Công Vụ 10: 34a.37-43;Thư gửi Côlossê 3:1-4 và Phúc Âm Giaon 20:1-9

Sứ Điệp Phúc Âm: Chúa Giêsu, kẻ đã chết thật và đã sống lại thật.



Câu hỏi giáo lý (trở lại những vấn nạn thiết thực trong Tuần Thánh)

1. Tại sao tiếng Anh gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Good Friday?

Good Friday, Thứ Sáu Tuần Thánh, bình thường có thể dịch Holy Friday hay như trong tiếng Pháp Vendredi Saint. Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chết, tiếng Anh không gọi “Holy” nhưng là “Good”. Ngày Thứ Sáu, ngày Chúa chết thì “good” cho chúng ta, đúng như Chúa nói: Khi ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta. Chúa chết mang ơn cứu độ cho chúng ta (The death of Jesus on Friday makes that Friday to be good for all of us). Hay như Thượng Tế Caipla nói: Một người chết cho toàn dân được nhờ.

2. Lễ Dầu (Chrism Mass) là gì và được cử hành như thế nào?

Lễ Dầu hay Lễ làm phép Dầu Thánh thường được cử hành vào Sáng Thứ Năm Tuần Thánh do Đức Giám Mục địa phận chủ sự tại nhà thờ Chánh Tòa. Vì các linh mục phải di chuyển xa, Lễ Dầu có thể được cử hành vào một ngày sau Chúa Nhật Lễ Lá và trước Thứ Năm Tuần Thánh. Vì lý do mục vụ, Giám Mục địa phận cũng có quyền cử hành lễ Dầu ở một nhà thờ khác trong địa phận mình.

Trọng tâm của Lễ Dầu: Diễn tả sự hiệp nhất giữa Giám Mục và linh mục trong địa phận qua một thánh lễ đồng tế qui tụ toàn thể linh mục trong địa phận chung quanh Giám Mục. Trong dịp nầy linh mục được chất vấn và củng cố lời hứa linh mục.

3. Dầu Thánh là gì và được xử dụng như thế nào?

Dầu Thánh bản chất là dầu Ôliu, được Đức Giám Mục địa phận làm phép trong Thánh Lễ làm phép dầu, sau đó được phân phối đến các giáo xứ để xử dụng trong năm. Có ba loại dầu Thánh:

Dầu bệnh nhân (The oil of the sick) viết tắt O.I. từ tiếng Latinh: Oleum Infirmorum, linh mục xức dầu O.I. trên trán và trong hai lòng bàn tay của bệnh nhân khi ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân (Anointing of the Sick)

Dầu Tân Tòng (The oil of Catechumens) viết tắt O.S. từ tiếng La Tinh: Oleum sanctum, linh mục xức trên cổ của người sắp lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Người Việt Nam cũng quen gọi là dầu trừ tà.

Dầu Thánh hay Dầu Chúa Kitô (The Oil of Chrism), viết tắt S.C. từ tiếng Latinh: Sanctum Chrisma. Dầu nầy được làm phép sau cùng có pha chút ít thuốc thơm. Dầu được dùng trong các bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức, truyền chức Dầu S.C. cũng được dùng trong các nghi thức thánh hiến nhà thờ, bàn thờ, đá bàn thờ, bình thánh, chén thánh và làm phép chuông nhà thờ.

4. Làm sao chứng minh cho người ngoại giáo tin: Chúa Giêsu đã chết và sống lại thật?

a) Chúa chết thật: Thử hỏi, một thanh niên lực lưỡng, sau khi thức suốt 24 tiếng đồng hố, không ăn uống, bị đau khổ dần vặt, bị tra tấn đánh đòn đến 3000 roi, bị mão gai đâm vào sọ, bị lôi kéo từ chỗ nầy đến chỗ khác, bị vác thánh giá, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá, treo giữa trời nắng nóng và sau cùng bị đâm lủng tim. Ai có thể sống hay ai có thể giả vờ chết sau những cực hình trên?

b) Chúa sống lại thật: (1) Mồ trống; (2) Chúa hiện ra cho nhiều người và (3) nhất là các tông đồ Chúa đã đi khắp nơi giảng về một đề tài: Giêsu đã chết và đã sống lại. Các tông đồ đã dùng mạng sống mình để chứng minh Chúa Phục Sinh. Giáo Hội sơ khai cử hành Chúa Phục Sinh và chỉ cử hành mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thôi trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật.
 
Thứ Sáu Tuần Thánh: Một ngày lời cầu xin không được nghe nhậm!
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:24 19/03/2008
Thứ Sáu Tuần Thánh: Một ngày lời cầu xin không được nghe nhậm !

(Ga 18,1-19.42)

Trong Bữa Tiệc Ly ngày thứ năm Tuần Thánh, hình ảnh chiếc chén đã trở nên quen thuộc đối với chúng ta, khi các vị đồng bàn với Ðức Giêsu đã lần lượt trao cho nhau để uống. Đó là hình ảnh tượng trưng cho chiếc chén chứa đầy rượu cay đắng mà Ðức Giêsu phải uống cạn thay cho nhân loại.

Trong vườn cây dầu vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, Ðức Giêsu đã khẩn thiết cầu xin cùng Chúa Cha cho chén đắng đó qua đi và Người khỏi phải uống. Nhưng hình như cửa Thiên đàng đã đóng kín trước mặt Người. Thay vào đó, hình ảnh một Thiên Thần đã hiện ra và trao cho Người chiếc chén. Phải chăng điều đó muốn ám chỉ sự thể cay đắng là Ðức Giêsu phải chấp nhận uống cạn chiếc chén đó, chứ không thể qua đi được?

Có không ít Kitô hữu đã cảm thấy bị «sốc», khi lời cầu nguyện trong cơn sầu khổ tột độ ở vườn cây dầu của Ðức Giêsu không được nghe nhận. Phải chăng Ðức Giêsu đã không biết được là Người phải chịu khổ giá, và vì anh chị em loài người của Người, nên Người đã phải gánh chịu cuộc khổ nạn thập giá vào mình? Phải chăng Ðức Giêsu đã không biết rằng Chúa Cha không thể nào nhậm lời cầu xin của Người được?

Vâng, lời cầu xin của Ðức Giêsu đã không được nghe nhậm! Chữ «không được nghe nhậm» ở đây được hiểu theo hai nghĩa của danh từ. Trước hết, lời câu xin đó thực ra không làm thay đổi được gì cả, nhất là trong lãnh vực thực thễ của sứ mệnh Ðức Giêsu. Sự kiện khủng khiếp và tang tóc phải được xảy ra. Nhưng đàng khác, lời cầu xin không được nghe nhậm đó của Ðức Giêsu cũng là một thách đố đối với Chúa Cha: Phải chăng phải thay đổi một điều không thể thay đổi được? Vâng, phải chăng Chúa Cha phải hủy bỏ chương trình cứu độ nhân loại qua sự khổ nạn của Con Một Người?

Ðối với đức tin của nhiều Kitô hữu, lời cầu xin của Ðức Giêsu trong vườn cây dầu cũng là một thách đố! Phải chăng Chúa Cha thực sự không thể nghe nhậm lời cầu xin đó ? Thứ sáu Tuần Thánh là ngày lời câu xin không được nghe nhậm, là ngày Thiên Chúa không thể chấp nhận được lời câu xin như thế, dẫu rằng nó đến từ miệng Con Một yêu dấu của Người. Ðối với chúng ta, đó cũng phải là ngày của nhiều lời cầu xin không được nhậm, mà ngày này qua ngày khác đã vang tới Trời Cao, đã thấu tới tòa Chúa Cha, đã khiến cho Người phải «khó xử», và như thế là một thách đố đối với Người! Nhưng cuối cùng cũng như xưa kia với Ðức Giêsu: Tất cả đều không mang lại một hiệu quả nào cụ thể. Thật vậy, nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh đau khổ, trớ trêu của cuộc đời và đã lặp lại lời kêu xin của Ðức Giêsu trong vườn cây dầu: Chớ gì chén thử thách của họ qua đi, chớ gì thánh giá đau khổ đời họ được cất đi! Nhưng rồi có biết bao nhiêu người đã vô vọng khi thành tâm câu xin như thế, tương tự như Ðấng đã cầu nguyện trước họ tại vườn cây dầu, chẳng hạn:

• Những bệnh nhân trong cơn nguy tử,

• Những người đang phải khiếp đảm chạy thoát thân trước những kẻ độc ác dày đạp mọi quyền con người,

• Những người tình nhân đang phải đau khổ đối mặt với sự đổ vỡ của mối tình đầy hạnh phúc của mình,

• Các bậc cha mẹ đang đầy khắc khoải lo âu khi cảm thấy hoàn toàn bất lực trong việc ngăn cản con cái mình đang tự hủy hoại cuộc sống vừa chớm nở của chúng, v.v..!

Khi một lời câu xin không đuợc nghe nhậm, không mang lại hiệu quả, thường chỉ còn là những lời phàn nàn kêu trách Thiên Chúa. Những lời phàn nàn kêu trách như thế là một thách đối với Thiên Chúa, thách đố làm hỏng chương trình của Người; thế nhưng, tai họa và điều bất hạnh vẫn xảy ra. Và những người kêu gào đến Thiên Chúa như thế, cũng rất có thể là tại vì họ không còn biết chạy đến ai khác ngoài Người ra, Ðấng duy nhất phải nghe lời họ xin và không thể từ chối được.

Nói tóm lại, lời cầu xin của Ðức Giêsu trong cơn sầu khổ ở núi cây dầu: «Lạy Cha, mọi sự đối với Cha đều có thể. Xin Cha cất chén này khỏi con!» không được nghe nhậm, không được thỏa mãn. Sự buồn tủi, sự đau đớn và cái chết trên thập giá là những điều phải được xảy ra, tất cả đều đã được ấn định, đều đã được sắp đặt từ trước rồi, hầu cho Ðức Giêsu còn có một cuộc sống tươi đẹp và hoàn hảo hơn, hầu cho nhiều anh em đồng loại của Người có thể tìm gặp được trong sự bất hạnh của Người, niềm hy vọng và hạnh phúc cho đời mình. Bởi vì, không có điều gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra trong cuộc đời này, trong thế gian này mà lại xảy ra ngoài sự quan phòng của Cha trên trời được, và xảy ra cũng chỉ vì lợi ích của chúng ta và lợi ích của mọi người.

Vậy, cũng như Ðức Giêsu, chúng ta có thể đầy lòng tin tưởng phó thác cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: «Nhưng không phải ý con, nhưng là ý Cha được thể hiện?»
 
Video Music: Đẹp thay Cuộc Tử Nạn của Đức Kitô
VietCatholic
23:18 19/03/2008
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung quốc lùng sục bắt bớ những người biểu tình
Thúy Dung
07:54 19/03/2008
Lahsa -
Công an lôi người đi giữa đường phố Lahsa
Cảnh sát lùng xục bắt bớ khắp nơi
Bộ đội Trung quốc kiểm soát chặt chẽ Lahsa
Bất chấp những lời kêu gọi đối thoại, Trung quốc đã cáo buộc Đức Dalai Lama là “chó sói đội lốt thày tu” và cho rằng họ bị buộc phải dính líu trong “một cuộc chiến sống còn” trong thách đố lớn nhất về quyền cai trị Tây Tạng hơn 2 thập niên qua.

Đó là những “lời phi lộ” cho hành động đàn áp trắng trợn đang diễn ra tại Tây Tạng. Tân Hoa Xã chiếu công khai cảnh những người biểu tình bị công an bắt lôi đi giữa đường phố.

Nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc cũng cho biết đến nay đã có hơn 100 người ra tự thú. Trước đó, Trung quốc đã ra tối hậu thư cho những người biểu tình hạn chót là 12 giờ đêm ngày thứ Hai 17/3 phải ra trình diện. Thông cáo của cộng sản Trung quốc nói: “những ai tự thú trước 17/3 sẽ được khoan hồng và không bị truy tố”.

Thông cáo thêm rằng: ‘Những công dân khai báo và chỉ ra những tên tội phạm sẽ được bảo vệ và ân thưởng”.

Tờ Tibet Daily hôm nay nói: “Những tên tội phạm [chỉ những người biểu tình] không nên nghĩ mình sẽ may mắn. Mọi tên tội phạm nhất định sẽ bị bắt trọn lưới”.

Trung quốc tố cáo Đức Dalai Lahma là người chủ mưu trong vụ này để hạ uy tín Trumg quốc trong thế vận hội sắp được tổ chức tại Bắc Kinh từ 8/8 đến 24/8 tới đây. Tuy nhiên, Đức Dalai Lahma lên tiếng cho biết là ngài luôn chủ trương bất bạo động và nếu tình trạng bạo động vượt quá sự kiểm soát thì ngài sẽ từ chức lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong.

Ông Thubten Samphel, phát ngôn viên chính phủ lưu vong Tây Tạng đặt trụ sở ở miền Bắc Ấn Độ giải thích rằng Đức Dalai Lahma biết rằng có những người trẻ Tây Tạng không đồng ý với đường lối bất bạo động của ngài. Nếu số đông dân chúng Tây Tạng chọn con đường bạo động thì ngài không có lựa chọn nào khác hơn là từ chức. Tuy nhiên, ông Thubten Samphel nói thêm, dù từ chức, ngài vẫn là Dalai Lahma.

Tân Hoa Xã cáo buộc những người Tây Tạng đã đốt hơn 300 tòa nhà và hơn 60 xe cộ của Trung quốc gây thiệt hại 14 triệu đô la.

Trong những ngày này, Trung quốc ráo riết đổ lỗi cho người Tây Tạng gây ra bạo động tuy nhiên không phóng viên báo chí nào được phép vào Tây Tạng. Qiangba Puncog, toàn quyền tại Tây Tạng nói với các ký giả tại Bắc Kinh hôm thứ Hai là “vì có đốt phá và giết người đang diễn ra tại Tây Tạng, chúng tôi khuyến cáo các hãng tin và các phóng viên ngoại quốc không nên đến miền này vì lý do an ninh”.

Hôm Chúa Nhật, các du khách đã được “khích lệ” hãy mau chóng rời bỏ nơi đây trong khi các giấy phép hiện hành để đến vùng này đã bị hủy bỏ.

Hôm thứ Ba, hàng ngàn người Tây Tạng đã biểu tình trên đường phố Seda, thuộc tỉnh Sichuan. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền tố cáo cộng sản Trung quốc đã thực hiện một cuộc tàn sát tập thể tại tu viện Kirti cũng thuộc tỉnh Sichuan.

Cũng trong ngày thứ Ba, tại tỉnh Gansu, những người Tây Tạng trên lưng ngựa và xe gắn máy đã tấn công một cơ sở của Trung quốc tại Hezuo. Họ treo được cờ Tây Tạng lên nhưng sau đó cảnh sát Trung quốc đến tăng viện đã gỡ xuống.
 
Tòa Thánh thương thuyết với Ả rập Xê-út để mở ngôi nhà thờ đầu tiên ở đây
Nguyễn Việt Nam
08:34 19/03/2008
Tờ Telegraph cho biết sau khi đã mở được một nhà thờ Công Giáo tại Qatar, Tòa Thánh đang nỗ lực thương thuyết với Ả rập Xê-út để mở ngôi nhà thờ đầu tiên ở đây.

Đức Tổng Giám Mục Mounged El-Hachem, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Kuwait, Qatar, Bahrain, Yemen, và Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất cho tờ Telegraph biết là những nỗ lực này đã được khởi sự từ vài tuần nay sau khi Vua Abdullah thăm Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo Đức Cha El-Hachem, một nhà thờ Công Giáo tại Ả rập Xê-út là dấu chỉ quan trọng của sự “có qua có lại” giữa hai niềm tin. Trong khi Hồi Giáo được phép xây dựng thoải mái những đền thờ tại Âu Châu, các nước Ả rập, đặc biệt Ả rập Xê-út, đã cấm chỉ tất cả mọi biểu hiện Kitô Giáo trong vùng. Tại Ả rập Xê-út, công an tôn giáo Mutaween được thành lập để bắt bớ tất cả những ai thực hành niềm tin không Hồi Giáo trên đất nước này.

Năm 1985, Mutaween đã bắt giam và trục xuất vị linh mục cuối cùng khỏi Ả rập Xê-út.

Hôm Chúa Nhật 14/3 vừa qua, ngôi nhà thờ Công Giáo đầu tiên tại miền đất Ả rập đã được thánh hiến cho Đức Mẹ trong một buổi lễ được Đức Hồng Y Ivan Dias, bộ trưởng bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, chủ sự.

Đức Hồng Y Dias đã chính thức khánh thành nhà thờ tại Doha, thủ đô Qatar cùng với Đức Tổng Giám Mục Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa miền Ả rập.

Ngôi nhà thờ được được xây trên mảnh đất do hoàng thân Emir Amir Hamad bin Khalifa Al Thani quyên tặng. Hoàng thân Al Thani là người trong những năm qua đã cổ võ cho đối thoại liên tôn tại Qatar, mặc dù ông vẫn chủ trương không cho người Hồi Giáo cải đạo sang Kitô Giáo.

Qatar nơi có 800,000 cư dân đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh năm 2003. Cha xứ đầu tiên của nhà thờ Đức Bà Qatar là cha Tomasito Veneracion, người Phi Luật Tân.
 
Giáo hội Công giáo tại Hong Kong đòi Trung quốc ngưng đàn áp người Tây tạng.
Phụng Nghi
14:23 19/03/2008
Hong Kong (CNS) - Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Hong Kong yêu cầu nhà cầm quyền Trung quốc chấm dứt việc đàn áp những người biểu tình và giới truyền thông tại Tây tạng.

Trong bản tuyên bố ngày 18 thàng 3, Ủy ban nói: “Chúng tôi phản đối chính phủ Trung quốc dùng võ lực đàn áp những người [Tây tạng] biểu tình và ngăn cấm các phóng viên Hong Kong lấy tin về tình hình bất ổn ở Tây tạng.

Bà Or Yan Yan, phát ngôn viên của Ủy ban, nói với thông tấn xã Catholic News Service hôm 18 tháng 3 rằng Ủy ban đã yêu cầu chính phủ Trung quốc ngưng mọi hình thức đàn áp tại Tây tạng và mở cuộc đối thoại với nhân dân Tây tạng:

“Chúng tôi yêu cầu chính quyền Trung quốc đảm bảo rằng nhân dân được hưởng các quyền dân sự như được ghi trong hiến pháp và để cho nhân dân [Tây tạng] được hưởng quyền tự trị, cũng như tôn trọng tôn giáo và văn hóa của họ. Bà Or nói thêm rằng Ủy ban sẽ phản đối tại văn phòng chính phủ Trung quốc tại Hong Kong vào ngày 19 tháng 3.

Trong bản tuyên bố, Ủy ban Công lý và Hòa bình nói rằng những cuộc biểu tình một phần là để phản đối việc Trung quốc vi phạm quyền tự trị của người Tây tạng. Ủy ban cho biết Trung quốc đã ép buộc Tây tạng phải theo văn hóa của người Hán.

Ủy ban cũng thúc bách Bắc kinh tôn trọng tự do báo chí và cho giới truyền thông được đến lấy tin ở Tây tạng.

Hiệp hội Báo chí Hong Kong nói rằng cấm không cho giới truyền thông làm tin tức về tình hình bất an ở Tây tạng là điều không thể chấp nhận được. Hôm 17 tháng 3, các nhà báo Hong Kong được lệnh và bị áp giải ra khỏi thành phố Lhassa của Tây tạng.

Hiệp hội tuyên bố vào hôm đó: “Cấm các phóng viên Hong Kong lấy tin ở Tây tạng sẽ chỉ gây nên mối nghi ngờ đối với thế giới bên ngoài rằng chính quyền đang che đậy một số sự việc. Điều đó gây ảnh hưởng bất lợi cho hình ảnh cởi mở của Trung quốc.”

Hồi đầu tháng 3 đã có những cuộc biểu tình tương đối ôn hoà ở Tây tạng để đánh dấu cuộc nổi dậy năm 1959 chống chế độ Trung quốc, nhưng sau đó biến thành bạo động khi bị quân đội Trung quốc đàn áp.

Nhà chức trách Trung quốc nói có 13 người chết, nhưng các nhóm người Tây tạng lưu vong cho biết con số thương vong là hơn 80 người.

Trung quốc áp đặt quyền cai trị lên Tây tạng trong khi nhiều người Tây tạng, gồm những người trung thành với vị lãnh đạo tinh thần nay đang phải lưu vong là đức Đạt lai Lạt ma, muốn Trung quốc trả quyền tự trị cho khu vực này. Đức Đạt lai Lạt ma gọi việc đàn áp là “diệt chủng văn hóa” và đe dọa sẽ từ chức lãnh đạo chính phủ Tây tạng lưu vong nếu như tình hình biến động ra ngoài tầm kiểm soát được.

Trong một bản tuyên bố hôm 14 tháng 3, Uỷ hội Quốc tế của Hoa kỳ về Tự do tôn giáo, là một bộ phận độc lập thuộc chính phủ liên bang, nói rằng: “Các hạn chế và lạm dụng tự do tôn giáo tại Tây tạng đã từ lâu là một trong những điều xấu xa nhất tại Trung quốc. Sử dụng cách biểu dương lực lượng mau chóng trong tuần qua là một phần trong chính sách rộng lớn của chính phủ Trung quốc nhằm hạ giá trị của Đức Đạt lai Lạt ma bằng cách kết tội ngài là cố phá hỏng Thế Vận hội 2008” tại Trung quốc.

Trong phúc trình hàng năm phổ biến ngày 11 tháng 3 về mức độ tôn trọng nhân quyền tại các quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã bỏ Trung quốc ra khỏi danh sách các quốc gia có những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất.
 
Dân số Công Giáo Nhật tăng nhưng số chủng sinh giảm đến mức phải đóng cửa chủng viện
Đặng Tự Do
07:21 19/03/2008
Các Đức Giám Mục Nhật đã xin Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho phép nhập hai đại chủng viện của Nhật lại thành một để đỡ các chi phí quản lý.

Quyết định này đã được đưa ra trong phiên họp khoáng đại thường niên của Hội Đồng Giám Mục Nhật vì sự sụt giảm số ơn gọi và sự gia tăng chi phí điều hành cùng một lúc hại đại chủng viện ở Tokyo và Fukuoka.

Nếu được Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đồng ý thì Đại Chủng Viện Thánh Sulpice tại Fukuoka sẽ được coi là Đại Chủng Viện duy nhất của Nhật. Hiện nay, Đại Chủng Viện Fukuoka có chương trình thần học trong ba năm, trong khi tại Tokyo có chương trình triết học trong hai năm cùng với chương trình đào tạo phó tế.

Vấn đề này đã bắt đầu được thảo luận từ 2003. Với con số chủng sinh giảm sút và chi phí không ngừng tăng cao, Hội Đồng Giám Mục Nhật lo là phẩm chất đào tạo sẽ bị ảnh hưởng. Đức Cha Yoshinao Otsuka, Giám Mục Kyoto nhận định rằng việc chia làm hai cơ sở sẽ khiến cho các linh mục trong tương lai khó biết hết các linh mục, một điều được coi là cần thiết để phát triển linh đạo trong một xã hội ít người Công Giáo như tại Nhật.

Trong lịch sử của Nhật, vào năm 1549, cha Phanxicô Xaviê dòng Tên đã đặt chân đến Nhật để triều giáo. 10% dân số Nhật đã trở thành người Công Giáo. Con số đông đảo người theo đạo này đã làm vua Toyotomi Hideyoshi lo ngại các thừa sai đang xâm lược Nhật. Hệ quả là ông ta đã đặt Công Giáo ra khỏi vòng pháp luật. Năm 1597, Toyotomi bắt 26 Kitô hữu trong đó có 6 thừa sai và 20 giáo dân, cắt lỗ tai họ và bắt đi du hành thị chúng từ Kyoto đến Nagasaki trong cái lạnh chết người của mùa đông. Tại Nagasaki, vua cho người đóng đinh các vị. Trong suốt thời kỳ bách hại nhiều Kitô hữu khác cũng bị bắt và hành hình dã man, nhiều người khác phải sống trốn tránh và lo sợ vì những cuộc ruồng bắt thường xuyên. Tuy nhiên, vào năm 1873, khi đạo Công Giáo được chính thức cho hoạt động một số nhỏ vẫn kiên vững trong đức tin.

Trong thế kỷ 20 và 21, Kitô Giáo dường như chỉ còn là một bóng mờ trong lịch sử dân Nhật đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa vật chất.

Những báo cáo mới nhất cho thấy ngày nay, con số Kitô hữu tại Nhật đã lên đến 6% và những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Nhật đang tạo ra những thay đổi đáng kể. Nam Hàn, một quốc gia kỹ nghệ với những sắc thái gần với xã hội Nhật giờ đây cũng đã có 26.3% dân số theo Công Giáo.

Giáo Hội tại Nhật với biến cố phong Chân Phước cho 188 vị tử đạo vào năm 2008 này đang tràn trề hy vọng.
 
Đặc sủng của phong trào Focolare Tổ Ấm
Linh Tiến Khải
14:40 19/03/2008
Đặc sủng của phong trào Focolare Tổ Ấm

Phỏng vấn Đức Ông Piero Coda, Chủ tịch hiệp hội các thần học gia Italia về đặc sủng của Phong trào Focolari Tổ Ấm

Lúc 2 giờ sáng ngày 14-3-2008 chị Chiara Lubich, sáng lập viên Phong trào Tổ Ấm, đã qua đời tại Trung tâm quốc tế của Phong trào ở Rocca di Papa, cách Roma 30 cây số, hưởng thọ 88 tuổi.

Chị Chiara Lubich sinh ngày 22-1-1920 trong một gia đình sống ở tỉnh Trento, đông bắc Italia. Thân mẫu của chị rất đạo đức. Thân phụ theo khuynh hướng xã hội, nhưng vì cuộc khủng hoảng của đất nước nên thất nghiệp. Để có tiền trang trải học phí, ngay từ ngày còn trẻ Chiara đã dậy học tư. Năm 19 tuổi tại trung tâm thánh mẫu Loreto miền trung Italia, chị đã trực giác được ơn gọi của mình là khai sinh ra một cuộc sống mới trong Giáo Hội. Đó sẽ là phong trào ”Focolari - Tổ Ấm”, gồm nhiều cộng đoàn nhỏ quy tụ những người sống đời đồng trinh cũng như những người sống đời gia đình, nhưng hoàn toàn dấn thân phụng sự Thiên Chúa.

Vào tháng 12 năm 1943 trong khi đi lo chuyện của gia đình, chị Chiara Lubich nhận ra tiếng Chúa gọi chị hoàn toàn hiến dâng cuộc sống cho Chúa một cách rõ ràng. Ít ngày sau đó mùng 7 tháng 12, trước sự hiện diện của một linh mục tại nhà nguyện các cha dòng Capucino, chị thưa lên hai tiếng "Xin Vâng" với Chúa. Năm đó chị mới 23 tuổi và chỉ có một mình khởi sự con đường của phong trào "Tổ Ấm”. Phong trào chính thức khai sinh từ ngày ấy.

Trong thời thế chiến thứ II thành phố Trento quê hương của chị bị dội bom. Chị Chiara Lubich khám phá ra cảnh nghèo nàn vật chất và tinh thần của dân chúng thời chiến. Chị cùng các bạn gái đầu tiên làm việc trợ giúp dân nghèo trong các khu phố đổ nát vì chiến tranh và bắt đầu cuộc mạo hiểm tinh thần, với mục đích giải quyết vấn đề xã hội của thành phố. Mô thức các chị theo là cộng đoàn Kitô tiên khởi của Giáo Hội, trong đó không ai phải thiếu thốn gì. Trong căn hộ nhỏ nơi các chị ở, các chị để tất cả mọi sự các chị có chung với nhau ở giữa phòng, rồi phân phát chúng cho những người thiếu thốn. Cứ thế phong trào Tổ Ấm lớn dần theo dòng thời gian và trở thành một trong những phong trào quốc tế lớn và nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo.

Hiện nay phong trào có 150 ngàn thành viên dấn thân, sống tại 87 quốc gia và 5 triệu thành viên khác, kể cả tín đồ của nhiều Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác sinh hoạt với phong trào tại 182 quốc gia trên thế giới.

Với dòng thời gian Phong Trào Tổ Ấm đã làm nảy sinh ra nhiều nhánh, tất cả đều được linh hoạt bởi cùng một đặc sủng hiệp nhất và yêu thương huynh đệ. Chúng gồm: ”Gia đình mới”, "Nhân loại mới”, "Người trẻ cho một thế giới hiệp nhất”, "Thiếu niên cho sự hiệp nhất”. Bên cạnh đó là phong trào giáo xứ và giáo phận, cũng như Phong trào các tu sĩ nam nữ quy tụ các nam nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng tu khác nhau.

Đối với tất cả, cá nhân cũng như cộng đoàn và phong trào, phương pháp đối thoại được áp dụng giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, cũng như giữa các thành phần của các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác nhau. Gốc rễ đó cũng đã thúc đẩy các thành viên phong trào Tổ ấm khai sinh ra các dự án mới trong lãnh vực chính trị và kinh tế như "Phong trào chính trị cho sự hiệp nhất” thành lập năm 1996, rộng mở cho các người dấn thân trên nhiều bình diện khác nhau thuộc các đảng phái khác nhau. Nền tảng của phong trào là ”tình huynh đệ như phạm trù chính trị lo cho thiện ích chung”. Thế rồi tình huynh đệ và tương trợ cũng là động lực chính của Phong trào "Kinh tế hiệp thông”, do chị Chiara thành lập năm 1991 tại Sao Paolo, trong chuyến viếng thăm Brasil. Mục đích trước mắt là tạo dựng các xí nghiệp hữu hiệu, sánh đôi với việc trợ giúp các thổ đân và với nền văn hóa cho đi và yêu thương. Đây là một nền kinh tế mới đích thật hiện phối hợp 754 hãng xưởng trên thế giới: 468 tại Âu châu, trong đó có 235 hãng xưởng Italia, 209 tại Mỹ châu Latinh, 38 tại Bắc Mỹ, 33 tại Á châu, 4 tại Phi châu và 2 tại Australia. Một vài hãng xưởng hiện nay là các xí nghiệp sản xuất các sản phẩm chuyên biệt rất nổi tiếng như Spartaco bên Brasil, Lionello tại Firenze Italia, và Solidaridad bên Argentina.

Bên cạnh các dự án làm men trong xã hội, phong trào Tổ Ấm còn thành lập các "citadelle - thành phố nhỏ” bao gồm nhà ở, trung tâm phục vụ, sinh hoạt sản xuất và nơi phụng tự. Hiện có 35 thành phố, mỗi thành phố có sắc thái riêng. Điển hình như Lopiano là thành phố được thành lập năm 1964 tại Firenze gồm 800 người thuộc 70 quốc gia sinh sống. Linh hồn của Lopiano cũng như Monet bên Thụy Sĩ là tính cách quốc tế. Trong khi Ottmaring bên Đức là thành phố có sắc thái đại kết giữa công giáo và tin lành, hay Welwyn Garden City bên Anh quốc là thành phố đại kết giữa Công giáo và Anh giáo; thành phố tại Tagatay bên Phi Luật Tân là thành phố đối thoại liên tôn. Ngoài ra còn có ba thành phố đặc biệt cho các vấn đề xã hội bên Brasil; thành phố O'Higgins bên Argentina dành cho giới trẻ; thành phố gần New York và Krizevci bên Croatia dành cho các nhóm chủng tộc; thành phố Fontem bên Camerun dành cho vấn đề hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa; thành phố Rotselaar bên Bỉ dành cho tương quan giữa con người và môi sinh.

Bên trong các thành phố cũng có các trung tâm đào tạo xã hội và tinh thần cho các thành viên phong trào. Thế rồi còn có các trung tâm gọi là ”Mariapolis thành phố của Mẹ Maria”, là 63 trường đào tạo và cầu nguyện hiện diện tại 46 nước trên thế giới, trong đó có 8 trung tâm tại Italia, cộng thêm trung tâm Mariapolis quốc tế ở Castel Gandolfo. Sau cùng còn có trung tâm nghiên cứu liên nghành là "Trường Abba”, quy tụ các giáo sư dấn thân đề ra các đường lối của một nền văn hóa được đặc sủng hiệp nhất soi sáng.

Ngoài ra phong trào còn có sinh hoạt ấn loát như nhà xuất bản Città Nuova hiện diện tại 35 quốc gia trên thế giới; nguyệt san ”Kinh Thành Mới” xuất bản tại 37 nước trong 22 thứ tiếng khác nhau; nguyệt san văn hóa "Nhân Loại Mới”; nguyệt san ”Hiệp nhất và đặc sủng” và nguyệt văn văn hóa ”Thế Hệ Mới” bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau cùng là các trung tậm sản xuất băng hình ”Thánh nữ Chiara” và ”Charisma”.

Trong điện tín gửi Linh Mục Oreste Basso, Đồng chủ tịch của phong trào Tổ Ấm, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho biết ngài xúc động khi hay tin chị Chiara đã kết thúc ”cuộc sống dài và phong phú, ghi dấu tình yêu không mệt mỏi đối với Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Đức Thánh Cha gần gũi với toàn Phong Trào Tổ Ấm do chị thành lập và tất cả những ai đã qúy chuộng sự dấn thân liên lỉ của chị để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội, cuộc đối thoại đại kết và tình huynh đệ giữa tất cả mọi dân tộc. Đức Thánh Cha cám tạ Chúa vì chứng tá cuộc sống xả thân của chị trong việc lắng nghe các nhu cầu của con người thời nay, trong sự trung thành tràn đầy đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha phó thác linh hồn chị cho lòng lành của Thiên Chúa để Ngài đón nhận chị vào lòng, và ngài cầu chúc tất cả những ai đã quen biết và gặp gỡ chị cùng cảm phục các điều kỳ diệu Thiên Chúa đã hoàn thành qua nhiệt tình truyền giáo của chị, bước theo chân chị bằng cách duy trì đặc sủng của phong trào.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Piero Coda, Chủ tịch hiệp hội các thần học gia Italia, về đặc sủng của Phong trào Focolare Tổ Ấm.

Hỏi: Thưa Đức Ông, chị Chiara Lubich có phải là một hạt giống đã chết để tái sinh hay không?

Đáp: Chắc chắn rồi, chị đã khai sinh ra một trào lưu canh tân tinh thần, văn hóa và xã hội to lớn trong cuộc sống của Giáo Hội thời đại chúng ta. Sự ra đi của chị là triều thiên của một cuộc sống ngoại thường, đồng thời đó là hạt lúa rơi xuống lòng đất, kết hiệp với Chúa Giêsu mà trong vài ngày tới đây chúng ta sẽ cử hành cái chết và sự sống lại. Chắc chắn là sự ra đi của chị mở ra một khung cảnh mới đối với sự hiện diện và hoạt động của Phong Trào Tổ Ấm, và mở đầu cho một giai đoạn có các hoa trái phong phú, với các biên giới mới trong sự trung thành với đặc sủng của sự hiệp nhất, mà Chúa Thánh Thần đã rộng ban cho chị Chiara và chị đã làm chứng dọc dài mấy thập niên qua.

Hỏi: Đức Ông đã nói là sẽ có các hoa trái khác. Vì từ thời thế chiến thứ II tới nay đã có các hoa trái rồi, chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu tổ ấm được thành lập đó đây trên thế giới. Các hoa trái đó diễn tả cái gì trong cuộc sống của Giáo Hội ngày nay thưa Đức Ông?

Đáp: Phần đóng góp đặc thù của chị Chiara được gói ghém trong đặc sủng của sự hiệp nhất mà Giáo Hội đã thừa nhận là hiện hữu trong cuộc sống của của chị và trong hoạt động của công trình do chị thành lập, đó là công trình của Đức Maria. Chị Chiara đã đem lại một trào lưu canh tân tinh thần ngoại thường. Tôi chỉ xin nói một cách đơn sơ rằng chị đã mời gọi chúng ta sống Tin Mừng không có các lời chú giải, nghĩa là sống tình yêu thương của Thiên Chúa với tất cả linh hồn, trí khôn và sức lực, để đáp trả lại tình yêu thương mà Thiên Chúa có đối với chúng ta nơi Đức Giêsu, và yêu thương tha nhân như chính mình, dù người đó là bất cứ ai. Sự đơn sơ và triệt để đó của Tin Mừng là trọng tâm của sự mới mẻ, mà chị Chiara đã đem lại và chính chị đã biết phân chia cho mọi người thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nam nữ, giả trẻ, các gia đình, các người của Giáo Hội Công Giáo, các thành viên của các Giáo Hội Kitô và các người của các tôn giáo khác. Nói cách khác, đó là thế giới của tất cả những ai được chị lôi cuốn vào trong lý tưởng của sự hiệp nhất ấy.

Hỏi: Tất cả những điều này có hơi hướng gì của tinh thần Phanxicô hay không thưa Đức Ông, vì chị lấy tên là Chiara, nhưng trên thực tế tên của chị là Silvia cơ mà?

Đáp: Chị Chiara đã là người khởi đầu một phong trào canh tân tinh thần có gốc rễ trong nền tu đức xa xưa của Giáo Hội. Chị đã tự đào tạo mình theo hai trường học tinh thần lớn: trường học Phan Sinh, vì ban đầu chị Chiara thuộc dòng Ba Phan Sinh; và trường học của Phong trào Công Giáo Tiến Hành, mà chị Chiara tích cực tham gia. Đó là hai trường học tinh thần mà chị Chiara khi còn là thiếu nữ đã gia nhập và kín múc từ từ với sức mạnh ngày càng trong sáng. Điều mới mẻ đó là sự đánh động của Thần Khí mới, của một đặc sủng chưa từng có, ban đầu được thừa nhận bởi Giám Mục bản quyền rồi được Giáo Hội hoàn vũ thừa nhận.

Hỏi: Còn có một khía cạnh khác trong nền tu đức của Phong Trào Tổ Ấm: đó là Tin Mừng sống. Nó có nghĩa là gì thưa Đức Ông?

Đáp: Nó có nghĩa là đến với Lời Chúa được trao ban cho chúng ta trong Kinh Thánh, được Giáo Hội giải thích dọc dài các thế kỷ. Nó có nghĩa là đến gần Lời Chúa để cho Lời Chúa nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta, không phải chỉ là của ăn tinh thần mà thôi, mà để cho Lời Chúa soi dẫn bước đi, nghĩa là linh hứng cho con đường đời của chúng ta, cho việc phục vụ trong Giáo Hội và trong thế giới, trong cuộc sống gia đình, trong dấn thân văn hóa. Tin Mừng sống có nghĩa là trở thành men, trở thành muối của sự hiện diện Kitô trong cuộc sống thời đại chúng ta, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã dậy.

Hỏi: Thưa Đức Ông, các sáng lập viên các phong trào lớn trong Giáo Hội ngày nay là người gốc Italia. Trong tư cách là thần học gia, Đức Ông giải thích sự kiện này như thế nào?

Đáp: Trước và sau Công Đồng Chung Vaticăng II Giáo Hội Công Giáo đã có một thời điểm lớn cho việc hăng say dấn thân và tái trao ban sinh khí cho cuộc sống qua các vị sáng lập các phong trào lớn, đâm rễ sâu trong các kinh nghiệm và truyền thống Kitô rất phong phú. chẳng hạn chị Chiara Lubich là người gốc thành phố Trento đông bắc Italia, nghĩa là một vùng có kinh nghiệm cuộc sống Kitô sâu xa và rất sống động. Nó như là dấu chỉ cho thấy cuộc sống Giáo Hội là một thân đại thụ có rễ sâu hàng ngàn năm, và vì thế có khả năng làm nảy sinh ra các mầm giống luôn luôn mới mẻ và không thể nào ngờ trước được.

(Avvenire 15-3-2008)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Tây Tạng
Đặng Tự Do
15:42 19/03/2008
Vatican - Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 19/3, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo động tại Tây Tạng.

“Tôi theo dõi với đầy âu lo tin tức trong những ngày này đến từ Tây Tạng. Tim tôi cảm thấy buồn và đau đớn trước sự đau khổ của quá nhiều người”.

“Mầu nhiệm thương khó và cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh giúp chúng ta cách đặc biệt nhạy cảm với tình trạng của họ”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng “các vấn đề không thể giải quyết bằng bạo lực, chúng chỉ làm xấu thêm tình hình”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu trên thế giới “hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa toàn năng soi sáng tâm trí của tất cả mọi người và ban cho mỗi người ơn can đảm để chọn con đường đối thoại và khoan dung”.

Tây Tạng đã bị Trung quốc xâm lược và sát nhập vào lãnh thổ của họ từ năm 1951. Người dân Tây Tạng đã nhiều lần phản kháng hành động xâm lược này. Ông Thubten Samphel, phát ngôn viên chính phủ lưu vong Tây Tạng đặt trụ sở ở miền Bắc Ấn Độ cho biết Đức Dalai Lahma luôn chủ trương đường lối bất bạo động để giải phóng đất nước. Ngài không có lựa chọn nào khác hơn là từ chức nếu bạo động xảy ra vô phương kiểm soát.

Trong những ngày này, Trung quốc ráo riết đổ lỗi cho người Tây Tạng gây ra bạo động. Tân Hoa Xã cáo buộc những người Tây Tạng đã đốt hơn 300 tòa nhà và hơn 60 xe cộ của Trung quốc gây thiệt hại 14 triệu đô la. Đồng thời, tấn công và giết chết 13 người Trung quốc.

Trong khi đó, chính phủ lưu vong Tây Tạng nói Trung quốc đã giết khoảng 100 người Tây Tạng.

Hiện nay, không phóng viên báo chí nào được phép vào Tây Tạng. Qiangba Puncog, toàn quyền tại Tây Tạng nói với các ký giả tại Bắc Kinh hôm thứ Hai là “vì có đốt phá và giết người đang diễn ra tại Tây Tạng, chúng tôi khuyến cáo các hãng tin và các phóng viên ngoại quốc không nên đến miền này vì lý do an ninh”.

Đài Truyền Hình Trung quốc công khai chiếu những cảnh bắt bớ và đánh đập trên đường phố Tây Tạng.
 
Top Stories
Sisters of Charity of Vincent de Paul took steps in reclaiming their school in Saigon
Lan Nguyen
06:21 19/03/2008
The local government in Ho Chi Minh city, Vietnam faces analogue protests as that in Hanoi when hundreds of Sisters of Vincent Charity Order in Ho Chi Minh city, Vietnam hold prayer vigils to protest a government plan to change their property into a night club and a hotel.

Ho Chi Minh city - The Sisters of Charity of Vincent de Paul in Ho Chi Minh city (formerly Saigon), Vietnam have just issued news concerning their plan to hold a prayer vigil in front of one of their former day care centers now on the brink of becoming a dance club and a hotel, at the actions of the local government

The reason for the sisters’ decision to take action was due to the fact that their “home” is being converted into an unhealthy entertainment center without their consent; the sisters’ repeated requests for its return have been to no avail.

Praying in front of the building
Lay people join in prayers
Arguing with government officials
According to the sisters, the property at the center of the dispute, located at 32 bis Truong Minh Ky St, has belonged to their order since 1958, a gift from The French Red Cross, and was registered on 4/12/1959. Here, the nuns had opened a day care center until 1975 when the Vietnamese communists came into power and the address changed to 32 bis Nguyen Thi Dieu. The archdiocese of Saigon in an official statement issued on 10/15/1975 (576/VP/75) has agreed to let the local government use the facility as school for kindergarteners called “Mang Non School”

In 1997 the Vietnamese government single-handedly established its ownership of the property in an administrative order (75083/QD-UB) on the ground of “property of absentee- landlord”. The VIP Club was then opened right after the government’s decision.

From 2005 to 2007, the Sisters of Charity of Vincent de Paul have been making numerous requests asking the government to return the property to its rightful owner so that their school can be re-opened; but all their requests went unanswered.

On 11/29/2007 the nuns went to the Office of City’s Construction to file a complaint and requested the government to resolve the issue but they were told to be patient without any action being taken. In the meantime, the property was being rented out to the Office of Railroad System Management, Inc (ORSM I) for a 5-year contract.

It was unofficially reported that ORSMI had planned to renovate the building to make rooms for business offices in the front side while running a brothel / hotel in the back. In desperation, the nuns made an emergency complaint and the archdiocese of Ho Chi Minh City also joined the sisters in asking the government to abandon its directive (75083/QD-UB).

The sign advertising the night club was taken down; however, the demolition continued. The nuns decided to take a more assertive action by organizing a prayer vigil on 12/15/2007 which drew about 70 nuns, along with college students and news reporters. Only then did the local public officials signed an agreement to halt their demolition process in a frugal effort to deflate the tension and to minimize the attention from the public. The nuns’s ultimate request of having their facility returned however, was never directly addressed.

The prayer vigil was once again organized by the sisters on 3/17 when about a hundred nuns gathered in front of the Nguyen Thi Dieu address, which later was joined by bystanders, including a Frenchman. To make it easier for the foreign sympathizer to participate, the nuns started to chant their prayers in French. The hunger for justice knew no bound while the police squad car was called to action and plain clothed policemen started to video tape the demonstration.

As of now, there is no sign of the government’s willingness to answer the nuns’ plea. Their request to open a direct dialog with Mr. Nguyen Huu Tin, Deputy of the People’s Committee of the City, has not reveived a response. The only action that the local official agreed to take to calm down the situation was signing a temporary agreement with the nuns to halt the demolition.

Despite having to face a tough road ahead of them, the nuns’ spirit remains high. They also found unexpected supporters among lay people whom they spend most of their lives serving. A lady who lived nearby the disputed property had witnessed their tireless effort, decided to come forward and offered them water and umbrellas. She also made a promise that if the nuns were to re-open a school at the same site, she would become a volunteer cook for them until she dies!
 
Pope: in Tibet, choose the path of dialogue and tolerance
Asia-News
08:42 19/03/2008
At the general audience, Benedict XVI speaks of his "sadness and sorrow" over what is happening, and recalls that "violence never solves problems, but only worsens them". To those present, he illustrates the meaning of the celebrations of Holy Week, which commemorate the last earthly hours and resurrection of Jesus.

Vatican City (AsiaNews) - The pope is following "with great trepidation" what is taking place in Tibet, and feels "sadness and sorrow in the face of so much suffering", issuing an appeal to recall that "violence never resolves problems, but only worsens them", and asking that "God may illuminate the minds of all and give each one the courage to choose the path of dialogue and tolerance". These words for the tormented Asian region today concluded the last general audience before Easter, at which Benedict XVI had already issued an appeal to include in prayer "the dramatic events and situations that in these days are weighing upon our brothers in so many parts of the world", and pointed to the "great hope" of the days of Holy Week. "We know", he said to the 15,000 faithful present at the general audience, "that hatred, division, and violence never have the last word in the events of history. These days renew within us the great hope that the crucified and risen Christ has overcome the world: love is stronger than hatred, he has conquered". We must "work in communion with Christ, for a world founded upon peace, justice, and love. This is a task that involves all of us".

Again today, the audience was divided between the Paul VI audience hall and the basilica of St. Peter's, because of the great numbers of the crowds, and Benedict XVI dedicated it to illustrating the days in which the passion, death, and resurrection of Jesus are commemorated. "The next three days", he said, "make us relive the central events of our redemption", the "essential nucleus of the Christian faith". They are "days that we can consider as a single day, the heart and fulcrum of the liturgical year and of the Church's life".

Benedict XVI, greeted with choruses of good wishes for his name day, then indicated the main characteristics of the days of the Triduum: tomorrow, Holy Thursday, the Church "remembers the last supper, during which the Lord instituted the sacrament of the Eucharist and of the ministerial priesthood". "That same night, he left the new commandment, of fraternal love". Before entering into the commemoration of the last days of Jesus, "in every Christian community the bishop and priests renew their promises", and the oil of the catechumens, of the sick, and the sacred chrism are blessed. It is "a very important moment for every diocesan community gathered around its pastor".

On Good Friday, "the liturgy does not provide for the celebration of Mass, but the assembly gathers to meditate on the great mystery of sin and evil". As "the last moment for meditation", Christian tradition has given rise to various manifestations of popular piety: outstanding among these is the Stations of the Cross, "a pious exercise that in the course of time has been enriched with many spiritual and artistic manifestations".

Holy Saturday "is marked by a profound silence; the churches are bare, and no special liturgies are provided". Believers "wait together with Mary, meditating and praying". On this day, the pope said, great importance is attached to the sacrament of reconciliation, an irreplaceable means for purification. The day ends with the Easter vigil, "which flows into the most important Sunday of history, that of the resurrection of Christ", "the definitive liberation from the ancient slavery to sin and death".

In these days, Benedict XVI added, "let us decisively orient our lives toward generous and steadfast adherence to the plans of the heavenly Father. Let us orient our lives toward the 'yes', as Jesus did upon the Cross"; these are days, he concluded, that "offer us the opportunity to deepen the meaning and profundity of our Christian vocation".
 
Vietnamese nuns protest for return of property
CWN
12:04 19/03/2008

Vietnamese nuns protest for return of property



Ho Chi Minh City, Mar. 19, 2008 (CWNews.com) - A group of Vietnamese nuns has inaugurated public protests against plans by the government to turn their property into a hotel and night club.

The Sisters of St. Vincent in Ho Chi Minh City (formerly Saigon) are commencing public prayer vigils at a building they once owned, which was seized by the government in 1975. The protests are an echo of the dramatic prayer vigils by Catholics in Hanoi, which prompted the government to promise the restoration of a building that was once the office of the papal nuncio.

In Ho Chi Minh City, the contested property was owned by the Sisters of St. Vincent, who operated a day-care center there. In 1975, when the Communist government came to power in southern Vietnam, the nuns acceded to heavy government pressure to open a kindergarten on the site. But in 1997 the government seized the building entirely, and has subsequently ignored requests for its return.

In recent years the government has leased the building to private owners, in order to raise money to support the local administration. A club has been opened in the building, and last year police raided that club, reporting that it was operating as a brothel.

Now under the administration of a different government unit, the building has been slated for demolition, with the administrators saying that they will redevelop the property into a hotel and night club. The Sisters of St. Vincent, joined by the Archdiocese of Ho Chi Minh City, have pleaded for restoration of the confiscated building, and the nuns have begun daily prayer vigils to protest the destruction.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới Trẻ Công Giáo Saigòn với Đêm Canh Thức: 'Về với chính mình'
Maria Vũ Loan
11:44 19/03/2008
SAIGÒN - Vào ngày 17 và 18 /3/2008, đã có một chương trình đêm canh thức mùa chay tại Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo, giáo phận Sài Gòn, có chủ đề VỀ VỚI CHÍNH MÌNH: Sống trung thực – Sống dấn thân.

Cũng như tôi, nhiều người từ các nơi đổ về tham dự không chỉ có người già, trung niên mà còn có rất nhiều bạn trẻ. Với nội dung phong phú, chương trình khá hoành tráng đã đáp ứng được lòng sốt sắng của nhiều người.

Tôi tiếc rẻ trong lòng vì đã không tham dự được ngày đầu tiên, nhất là nội dung nói về cách sống trung thực. Có một gợi ý sám hối rất hay, đó là mặt tiêu cực của cách sống thiếu trung thực là giả đạo đức, giả nhân nghĩa, giả tạo, giả vờ, giả nai, giả câm, giả điếc, giả mù….Và mặt tích cực là nét đẹp của bản thân, nét đẹp của sự thật.

Ngày thứ hai có chủ đề sống dấn thân. Tôi yên tâm bước vào sân Trung tâm vì lần này được gửi xe trong khuôn viên Đại Chủng Viện (gửi xe bên ngoài cứ nơm nớp lo sợ). Nếu ngày hôm qua người dự được phát chiếc mặt nạ thì hôm nay tôi nhận được đôi đũa to, dài hai gang tay người lớn, cột cái dây đỏ bé xíu.

Lời cầu nguyện khai mạc của linh mục MC Trần Đình Long rất hay, nói về chức năng đôi đũa. Đũa là để gắp, gắp cho người khác là phục vụ. Nếu đôi đũa chiếc dài chiếc ngắn, sần sù không đẹp thì làm sao mà gắp! Chúa mời gọi mỗi người nên biết “gắp” điều tốt cho người khác. Gắp Lời, tình thương, tình yêu và bao điều tốt lành cho người khác, và chỉ có từ nơi Chúa mới có sức sống dồi dào giúp chúng ta có đủ sức mạnh để biết gắp đúng, gắp đủ cho anh em.

Sau tiếng hát, điệu múa đũa vui, rộng ràng, tiếng hát mọi người bỗng trầm lại khi thánh giá Chúa được các bạn trẻ cung nghinh lên lễ đài, qua lối đi có trải tấm nhựa đỏ và hàng ánh nến lung linh. Thật sống động, mạnh mẽ! Và một phút suy tư dưới chân thánh giá được thực hiện trong bầu khí trang nghiêm, sâu lắng. Sau đó là một thanh thiếu niên khiếm thị đọc lời Chúa trên lễ đài.

Trước lời cầu nguyện trên đôi đũa, nghệ sĩ Hồng Vân ngâm thơ; nhóm nhạc dân tộc hoà tấu nhạc dân tộc dân ca Tây nguyên bài Lễ Dâng thật hay. Hôm nay, tiếng vỗ tay được thay thế bằng tiếng gõ đũa; hằng ngàn đôi đũa gõ cùng một lúc nghe hay làm sao! Nhưng lời cầu nguyện trên đôi đũa của linh mục MC mới thật ý nhị.

Đôi đũa có hai chiếc tượng trưng cho hai chiều của cây thánh giá. Chiếc đũa đứng dọc là hình ảnh tượng trưng cho tương quan của ta với Chúa. Mỗi người chúng ta gắn bó với Chúa như thế nào trong một ngày sống. Ta có lắng nghe Người? Ta có thì thầm với Người?. Ta có mau mắn gỡ bỏ các trở ngại ngăn cản trục thẳng đứng nối ta với Chúa không?

Chiến đũa thứ hai là chiều ngang của cây thánh giá. Ta có giang tay ra để ôm lấy những người anh em chung quanh ta không? Dẫu có ôm lấy người anh em thì năm năm sau, mười năm sau, hai mươi năm sau, vòng tay ấy có còn xiết chặt tha thiết hay hờ hững buông lỏng? Tôi ôm trọn mọi người hay chỉ ôm lấy những người tôi ưa thích?

Nếu người Kitô hữu chỉ có chiều dọc mà không có chiều ngang, hay ngược lại, thì người ấy không có được thánh giá vì tương quan của hai chiều này không thể tách rời nhau. Và điểm giao thoa của hai chiều nằm trong trái tim chúng ta, ở đó chúng ta biết cảm thông, yêu thương, tha thứ và dấn thân.

Những bài hát, điệu múa tập thể xen kẽ buổi tĩnh tâm làm mọi người thấy vui. Tĩnh tâm mà cũng cần vui sao? Đúng, tôi thấy cũng cần vui vì sám hối mà ủ rũ không hay cho bằng sám hối với lòng quyết tâm đứng lên một cách vui tươi.

Sâu sắc và ý nghĩa là phần chứng từ của các chứng nhân.

Có anh Phước, 36 tuổi, làm thợ hồ, sống ở gần khu rác Đông Thạnh, một khu vực nghèo khổ, rượu chè, cờ và và nhiều thứ tệ nạn trên đời. Có một gia đình kia từ đâu dọn đến ở, không giao du với hàng xóm, nên cũng chẳng ai biết gia đình ấy thế nào. Một ngày nọ, anh Phước đang nghỉ ở nhà, bỗng anh nghe tiếng gào thét bên ngoài, anh nhảy bổ ra: căn nhà của gia đình đó đang cháy, cửa ngoài khoá chặt mà có hai đứa trẻ đang hoảng hốt cầu cứu bên trong. Anh lao vào chữa cháy mà không sợ nguy hiểm đến mạng mình. Anh đã cứu sống hai đứa bé.

Lời chứng của anh tuy không trôi chảy lưu loát nhưng mọi người vẫn mường tượng được sự nhanh nhẹn, tháo vát của người thanh niên can đảm thương người.

Chứng từ thứ hai, đó là gia đình của anh Thuận, chị Nga gồm có năm người. Chị và em trai bị tật hai chân, đứa con ba tuối bị bệnh xương thuỷ tinh (xương giòn) còn anh Thuận và cháu lớn thì khoẻ mạnh bình thường. Ngày xưa, bố mẹ chị sinh ra ba người con tàn tật, nhẫn tâm vứt cả ba chị em vào rừng cao su. Được mấy người cảnh sát phát hiện đưa cả ba vào cô nhi viện. Ở đó, chị gặp một thanh niên co t?t ? chn s?ng làng Picaso Thủ Đức. Sau mười lăm năm yêu thương, anh chị đi đến hôn nhân trong một tình yêu được Chúa chúc phúc, được Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn làm phép hôn phối. Hình ảnh gia đình đông vui hạnh phúc này nói lên sự trân trọng tình yêu của người khuyết tật: yêu nhau 15 năm, làm lễ thành hôn theo luật Giáo hội đàng hoàng dù có nhiều trở ngại khó khăn.

Đặc biệt là chứng từ về hai cô gái. Cô Phượng bế đứa con trai được một tuổi lên khán đài kể về chuyện tình đời mình trong tiếng nức nở. Cô yêu một thanh niên và đi du lịch với anh ta qua một đêm. Ma đưa lối, quỉ đưa đường, cô trao thân và bị anh ta bỏ rơi. Cô đã vượt qua được cơn cám dỗ muốn phá thai, cam lòng chịu nhục, chịu khổ vì sợ phạm tội giết người. Được quí cha dòng giúp đỡ, cô qua được sự khó khăn. Cô ngã gục vì tình yêu lừa dối và được đứng dậy bởi tình yêu thương. Cô nói giờ đây cô chẳng cần chồng, cũng chẳng cần gì cả chỉ cần có đủ sức mạnh và điều kiện để nuôi con. Cô khuyên các bạn trẻ: “Nên trao thân cho người xứng đáng và có tình yêu chân thật nhất là phải qua nghi thức lễ giáo hôn nhân của gia đình, tôn giáo, xã hội…bước qua giới hạn đó thì phải trả giá rất đắt!”

Ngược lại, một cô gái khác được tình yêu vực dậy và cô chuẩn bị trở thành Kitô hữu trong đêm Phục Sinh năm 2008 này. Đó là cô Tiên.

Bố mẹ cô ly hôn, cô sống vật vã, lúc thì ở chung với bà mẹ kế, bà hành hạ cô đến phát sợ. Cô tìm đến sống với mẹ ruột, đang có một ông chồng khác; nào ngờ cũng bị mẹ không quan tâm, hắt hủi. Thất vọng, cô tìm đến ma tuý. May mắn là có một thanh niên yêu thương cô, an ủi, nâng đỡ tinh thần, vực cô ra khỏi vũng lầy của ma tuý. Chính tình yêu đã cho cô niềm tin vào cuộc sống. Và khuôn mặt khá xinh xắn cùng nụ cười bẽn lẽn nói cho mọi người biết cô đang khoẻ mạnh và yêu đời, dù đứng trên khán đài cô ngập ngừng và nói rất ít.

Sau những giây phút xúc động, mọi người lại gõ đũa, hát. Tôi xúc động vì bài múa Học Yêu Thánh Giá được các bạn trẻ thể hiện tuyệt vời.

Phần cầu nguyện kết thúc và ban phép lành do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền thực hiện trong bầu khí rất trang nghiêm dù chỉ còn vài phút là kết thúc.

Đêm canh thức mùa chay trong tuần thánh có nhiều ngàn người tham dự được kết thúc tốt đẹp. Anh sáng, âm thanh, cách trang trí và nhất là sự nhiệt tình và khiêm tốn của ban tổ chức góp phần làm cho nội dung chủ đề Về Với Chính Mình đi sâu vào lòng người tham dự.
 
Lễ Truyền Dầu giáo phận Cần Thơ được cử hành tại họ đạo Sóc Trăng
Vạn Nguyên
11:48 19/03/2008
CẦN THƠ - Là vùng đồng bằng sông nước, Giáo Phận Cần Thơ trải rộng qua địa bàn 5 tỉnh/thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Thực tế hiện có nhiều Linh mục phải coi sóc cùng lúc nhiều họ đạo, việc đi lại rất khó khăn nên phần nào cũng làm hạn chế đến công tác mục vụ.

Thánh Lễ Truyền Dầu theo truyền thống Giáo Hội Công Giáo thường tổ chức vào ban sáng ngày thứ 5 tuần thánh, nhưng do một số khó khăn thực tế tại Giáo Phận Cần Thơ, nên Đức Giám Mục Emmanuel đã chính thức chọn ngày thứ 3 của tuần thánh cử hành thánh lễ này, và khác với nhiều nơi thánh lễ này đã được dâng tại Thánh Đường Phanxicô Xavie của Giáo Xứ Sóc Trăng thay vì tại Nhà thờ Chánh Tòa như thông lệ.

Năm nay, thứ ba ngày 18 tháng 3 Đức Giám Mục Chánh Tòa -Đức Cha Emmanuel và Đức Giám Mục phó Stêphanô Tri Bửu Thiên đã về Giáo Xứ Sóc Trăng để cử hành thánh lễ Truyền phép dầu. Ngoài sự hiện diện của các Thầy Đại Chủng Sinh, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của các Soeurs thuộc các dòng đang hoạt động trong Giáo Phận gồm các Dòng: Chúa Quan Phòng, Mến Thánh Giá Cần Thơ, Nữ Tử Bác Ái và Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy cùng đông đảo bà con giáo dân từ khắp nơi tụ về.

Đúng 7 giờ sáng đoàn đồng tế gồm 02 Đức Cha cùng tất cả các Cha tiến bước vào nhà thờ chuẩn bị hiệp dâng thánh lễ. Nhắc lại ý nghĩa chính của Thánh Lễ này, một Thầy Đại Chủng Sinh đã khơi gợi lại ý nghĩa cũng như kêu gọi mọi người phải luôn ý thức trách nhiệm của mình trong giáo hội Chúa, cũng như hãy cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các Đức Cha cùng tất cả các Cha phục vụ để các Ngài luôn hoàn thành trọng trách của Người Mục Tử mà Chúa trao ban.

Trong Bài Giảng, Đức Cha phó Stêphanô Tri Bửu Thiên nhấn mạnh 02 phần chính yếu của Thánh Lễ này là: Dầu và Chức Linh mục và Thánh lễ kéo dài trong 02 giờ và kết thúc khỏang hơn 09 giờ và mọi người đã hân hoan bước ra khỏi nhà thờ đón Đức Cha ngay tại cửa phòng thánh, từng tốp người luân phiên tới chào chúc Đức Cha Chánh và đã được Ngài vui vẻ đáp lời, cùng cho mọi người kính hôn nhẫn cũng như cử chỉ xoa đầu trìu mến yêu thương của vị cha chung nhân hậu Giáo phận Cần Thơ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngưỡng Phục Giáo Xứ Thánh Cẩm, Sài Gòn! (xướng họa)
Bs Vũ Linh Huy & Huỳnh Chương Thiện
14:14 19/03/2008
Ngưỡng Phục Giáo Xứ Thánh Cẩm, Sài Gòn! (xướng hoạ)

Bài Xướng:
Thánh Cẩm, Sài Gòn, đáng phục thay,
Không cho cộng sản chiếm đất này.
Tham nhũng chỉ mong chia mồi bở!
Giáo dân quyết chí nối vòng tay!
Cha xứ chịu sào, xô chẳng chuyển!
Bổn đạo bền gan, đẩy không lay!
Giữ đất, nêu gương cho cả nước,
Chống đảng gian tham, bọn cướp ngày!

Bs Vũ Linh Huy

Bài Hoạ:
Bạo lực ép chèn, chí chẳng thay,
Cương quyết xây xong bức tường này.
Cúp nước, gánh xa, thêm khoẻ gối,
Cắt điện, làm nhiều, lại nhẹn tay!
Giáo dân đoàn kết như đá tảng,
Cộng sản bạo tàn phải lung lay!
Dân Chuá đấu tranh vì Công Lý,
Lưả Thiêng quyết giữ, đợi một ngày!

Lawrence Huỳnh Chương Thiện
 
Chút suy tư Thứ Năm Tuần Thánh
Bs Vũ Linh Huy
22:59 19/03/2008
Chút suy tư Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ Năm Tuần Thánh Chuá làm gương,
Rưả chân môn đệ, thật khiêm nhường.
Chuá còn để lại lời trăn trối:
Hãy rưả chân nhau, hãy yêu thương!
Chuá đồng hoá mình với chúng ta,
Hệt anh chị em bởi một Cha.
Như thế giúp nhau là giúp Chuá,
Thấy nhau, thấy Chuá, chẳng đâu xa.
Khi anh chị em bị khổ đau,
Bạo quyền dậm đạp xuống vực sâu,
Đó là anh chị em cuả Chuá,
Ta, người em Chuá, phải giúp nhau!
Giúp nhau ta thề hưá đinh ninh:
Quyết đòi Công Lý với Hoà Bình,
Để cho đất nước mau tươi sáng,
Anh chị em Chuá thấy bình minh.

Boston, ngày 19 tháng 3 năm 2008
 
Giấy tờ chứng minh sỡ hữu chủ của các Soeurs Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn
VietCatholic
23:40 19/03/2008


Sau đây là bản dịch ra Việt ngữ:

HỘI HỒNG THẬP TỰ PHÁP
Tổng Đại Diện của Hội tại Đông Dương
Hộp thơ: 397
Sài gòn

Sài gòn, ngày 23 tháng 7 năm 1958

SC/ No 66
Tổng Đại Diện Hội Hồng Thập Tự Pháp
Kính gởi
Soeur Giám tỉnh Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh sơn
Domaine de Marie
ĐÀ LẠT

Kính thưa Soeur,

Tôi đã nhận được thư của Soeur đề ngày 9 tháng 7 vừa qua, nó đã làm tôi rất quan tâm.

Nhân dịp này, tôi xin cám ơn Soeur về sự đóng góp quan trọng của Tu Hội Soeur vào những hoạt động của Hội Hồng Thập Tự Pháp tại Đông Dương. Nhất là, những hoạt động mà Soeur đã kể ra trong thư đã cho thấy, nhờ sự đóng góp của Tu Hội Soeur mà Hội Hồng Thập Tự Pháp thể hiện được những hoạt động từ thiện xã hội của mình. Vì thế, tôi sẵn sàng chấp thuận những những điều Soeur mong ước.

Như Soeur đã biết, Hội Hồng Thập Tự Pháp đã quyết định ngưng mọi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Tôi sẵn sàng ưng thuận để Tu hội Soeur thuê những cơ sở mà Soeur đã đề nghị với giá thuê tượng trưng là 1 VNĐ.

Lại nữa, nếu được sự đồng ý của Tổng Thống Cộng Hoà Việt Nam, tôi sẵn sàng tặng Tu hội Soeur tất cả những bất động sản đó làm sở hữu với một điều kiện Tu Hội Soeur phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc chuyển nhượng này.

Xin soeur vui lòng gởi lại cho tôi hợp đồng cho thuê mà tôi gởi cho soeur đây, với chữ ký của Soeur. Hợp đồng cho thuê này đương nhiên bị hủy bỏ ngay khi Soeur nhận được sự đồng ý của Tổng Thống Cộng Hòa Việt Nam.

Mong soeur hồi âm.

Xin nhận nơi đây lòng thành kính đặc biệt của tôi.

GH/sc
PJ
G.H.DUCHESNE
Tổng Đại Diện
Đã ký

Giấy chứng minh sở hữu điền thổ của các Soeurs:
 
Giáo sĩ mê mề-đay (xướng hoạ)
Bs Vũ Linh Huy, Huỳnh Chương Thiện, Đinh Phan
01:14 19/03/2008
Giáo sĩ mê mề-đay (xướng hoạ)

Xướng:
Thánh giá lại đeo cạnh huy chương!
Một đạo mà sao tới hai đường?
Nẻo Chuá: yêu người, phò luân lý,
Lối cộng: hại dân, phá cương thường.
Bạo quyền tàn ác thì bênh vực,
Dân đen oan ức chẳng xót thương.
Chăn chiên, sao lại theo sói dữ?
Chuyện quá trớ trêu, thật khó lường!

Hoạ:
Đọc kinh chia trí, mộng huân chương,
Chữ “đạo” ngẫm ra cũng mấy đường:
Người hiền tâm niệm điều cao thượng;
Kẻ trộm nghĩ suy chuyện tầm thường. [1]
Không ngại đạo mình mang tiếng nhục,
Chẳng nề danh dự bị tổn thương.
Quý chi chút bả danh lợi hão,
Muối mặt đi theo lũ gạt lường!
Chú thích: [1] 'đạo' cũng có nghiã là ăn trộm.

Lawrence Huỳnh Chương Thiện

Hoạ:
"Công Giáo Đòan Kết" đã lạc đường,
Lời Chúa dậy bảo đã xem thường,
Không còn phân biệt được công lý,
Theo đảng để nhận lãnh huy chương.

Tổ hợp quốc doanh nhận đặt hàng
Do nhà nước đặt: món lật lường.
Các ông toa rập bầy qủy dữ,
Xa lánh Giáo Hội, nghịch yêu thương.

Đinh Phan - Hà Nội


 
Ngưỡng Phục Quý Soeurs Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn Phao-lô
Bs Vũ Linh Huy
01:17 19/03/2008
Ngưỡng Phục Quý Soeurs
Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn Phao-lô Saigon


Ngợi khen con cái Thánh Phao-lô,
Tinh thần dũng cảm thật vô bờ.
Sức yếu dám ngăn phường cướp đất,
Tay trơn quyết chặn lũ tham ô.
Một tay nắm Chuá, xin giúp sức,
Tay nắm anh em, sẻ niềm mơ:
Mơ ngày cộng sản theo Công Lý,
Toàn dân no ấm thoả mong chờ!

Bs Vũ Linh Huy
 
Một tiếng kêu cùng với các Nữ Tử Bác Ái
Trương Phú Thứ
01:23 19/03/2008
Một tiếng kêu cùng với các Nữ Tử Bác Ái

Giây phút nóng bỏng ở tòa Khâm Sứ của giáo dân Hà Nội đã lắng dịu. Những hứa hẹn và cam kết của nhà cầm quyền đã được giáo dân tin tưởng và trân trọng bằng cách tạm ngưng những buổi tập trung cầu nguyện, nói cách khác là một hình thức xiển dương đòi hỏi công lý trong hòa bình. Cộng đòan giáo dân Hà Nội và những người thiện tâm thiện chí trên khắp thế giới trong đó có những vị dân biểu của quốc hội Hoa Kỳ đang trông đợi một nghĩa cử thỏa đáng của nhà cầm quyền. Nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của người dân phải được tôn trọng và giải quyết trong tinh thần thượng tôn luật pháp và bằng những nghĩa cử hợp tác chân tình.

Hôm nay trên VietCatholic lại đăng tải những hình ảnh đau lòng của các Nữ Tử Bác Ái vì chẳng còn biết kêu cứu nơi đâu nên phải cùng nhau đứng dưới trời nắng như lửa đốt để đòi lại một mảnh đất nhỏ bé bị nhà cầm quyền “mượn” từ nhiều năm. Những người phụ nữ yếu đuối hiền hòa mang thiên chức phục vụ những người nghèo khó bệnh tật lại phải đối đầu với một hệ thống cầm quyền chằng chịt những chức tước và quyền hành với rất nhiều thủ đọan.

Hình ảnh của các Nữ Tử Bác Ái ôm ấp những trẻ thơ bị vứt bỏ ở đầu đường xó chợ, nuôi dưỡng những cụ già vất vưởng không nơi nương tựa, chăm sóc những người đau ốm kể cả những căn bệnh rất dễ hay lây như phong cùi hay căn bệnh AIDS là hình ảnh của yêu thương và phục vụ. Những bàn tay nhỏ bé và yếu ớt của các Nữ Tử đã tích cực đóng góp hàn gắn và xoa dịu phần nào vấn nạn xã hội triền miên những đau thương khổ ải. Đó là những hình ảnh của tột cùng hy sinh và hết lòng vì tha nhân, vì xã hội. Những sứ giả của hòa bình và bác ái không thể và không phải là những người phải đứng giữa trời nắng như đổ lửa với nước mắt giọt ngắn giọt dài để đòi lại một vuông đất nhỏ bé bị nhà cầm quyền cưỡng bức “mượn” từ nhiều năm. Lương tâm bình thường của một con người có ai không khỏi xót xa ngậm ngùi khi nhìn những hình ảnh đau thương này.

Nhà cầm quyền dù thiển cận và hẹp hòi đến đâu thì cũng biết rõ rằng nếu mảnh đất này được dùng để dậy dỗ các trẻ em trở nên những người có học, những công dân lương thiện thì sẽ mang đến phúc lợi cho biết bao nhiêu người và tương lai tươi sáng cho cả đất nước và dân tộc. Một chỗ ăn chơi đàng điếm có thể mang về những đồng tiền cho đầy túi tham của một số viên chức cán bộ nhưng đồng thời cũng gây ra biết bao nhiêu tệ nạn xã hội thiêu hủy cả một thế hệ và còn di hại đến nhiều đời sau. Tôi có dịp hầu chuyện với một vị nữ tu phụ trách một cơ sở giáo dục. Ngài cho biết là đa số học sinh là con cái của cán bộ viên chức. Những ông to bà lớn này đã nhìn thấy hiệu năng của nền giáo dục công giáo trên chính con cháu họ. Những đứa trẻ học “trường đạo” bao giờ cũng học giỏi và lễ phép ngoan hiền hơn. Các cán bộ có chức quyền đã khuyến khích cũng như làm ngơ cho cơ sở giáo dục công giáo này mở thêm lớp và dậy những lớp cao hơn cũng chỉ vì phúc lợi cho chính con cháu họ. Vậy thì còn lý do và ngăn trở gì mà nhà cầm quyền không trả lại tài sản của các vị nữ tu để các ngài có phương tiện huấn luyện và dậy dỗ một lớp trẻ trở nên những người tài giỏi và đạo hạnh. Mở một vũ trường có thể làm dăm bẩy cán bộ trở nên giầu có nhưng từ cái ổ ăn chơi đàng điếm đó cũng phát sinh ra một bọn trộm cắp nghiện ngập và đủ mọi lọai bệnh tật truyền nhiễm.

Bản tin trên VietCatholic cho biết buổi cầu nguyện vào ngày 17 tháng 3 năm 2008 đã chấm dứt sau khi nhà cầm quyền cam kết ngưng đập phá và sửa chữa tòa nhà của các Nữ Tử Bác Ái. Lại thêm một đòn phép với rất nhiều hậy ý đen tối mặt trước cũng như phía sau. Nếu cần một căn phố để làm văn phòng thì tại sao nhà cầm quyền không “mượn” của các ông bà cán bộ có cả chục cơ ngơi rải rác trong thành phố mà lại ức chế một nhóm phụ nữ chân yếu tay mềm mà tiếng kêu không qua được dẫy phố.

Nhà Nước luôn tự mãn là anh hùng và đề cao khẩu hiệu “cho dân và vì dân” thì hãy nên hành xử lương thiện và chân thành với một nhóm phụ nữ đã có những đóng góp rất đáng được tuyên dương trong việc hàn gắn xoa dịu những vết thương xã hội mà chính Nhà Nước với một bộ máy công quyền khổng lồ và tiền bạc dư thừa cũng đã không quản lý được ngay ở mức tối thiểu. Các Nữ Tử Bác Ái đã gánh vác những con bệnh xã hội thay cho Nhà Nước mà chẳng đặt điều kiện hay đòi hỏi nào, chẳng lẽ các ngài lại không được đối xử như những công dân bình thường sao?!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cách làm việc ở Giáo xứ Việt Nam Paris
Gs Trần Văn Cảnh
13:10 19/03/2008
CHƯƠNG 3

CÁCH LÀM VIỆC Ở GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Có một tuổi đời lục tuần, sức sống của Giáo Xứ Việt Nam Paris, xem ra càng ngày càng tươi mát, sức sống này không gì khác hơn là cách làm việc. Nó được múc ra từ những mạch mang lại một sinh lực đại bổ, làm cho giáo xứ được lớn lên mãi và càng ngày càng phát triển thêm. Cách làm việc này, lấy nguồn gốc trước nhất là từ Phúc Âm, Giáo luật và lịch sử Giáo Hội; sau là được cảm hứng từ những nguyên tắc quản trị Á Âu, cổ tân.

1. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CĂN BẢN PHÚC ÂM

“Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám Mục giáo phận “ [1]. Cộng đoàn tín hữu này tạo thành một xã hội, một xã hội có tổ chức để đạt một lý tưởng.

Lý tưởng của Giáo xứ cũng như của Giáo Hội đã được người sáng lập là Đức Kytô vạch rõ qua bài giảng trên núi về tám mối phúc thật. Ở Giáo xú, từ Ban Giám Đốc, Ban Thường vụ, Hội Đồng Mục Vụ, cho đến các đại biểu của các Địa Điểm Mục Vụ và Hội đoàn mục vụ, ai ai cũng nhất chí lấy tám mối phúc thật làm nguyên tắc sống cho riêng mình và cho sự quản lý các hoạt động chung của cộng đoàn.

Bài giảng trên núi về tám mối phúc thật đã được thánh sử Mat Thêu [2]ghi lại như sau: Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dậy họ rằng:

1. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.
2. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
3. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
4. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả
5. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.
6. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
7. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho các con khi ngưới ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời.


Thi hành nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật là điều mà Giáo hội, và đặc biệt là hàng giáo phẩm, hằng áp dụng cho mình và khuyến khích, nhắc nhở giáo dân. Những Công đồng, những Thông điệp, những thư chung của các giáo hoàng và giám mục đều nhằm mục đích ấy. Từ sự áp dụng nguyên tắc quản lý tám mối phúc thật, nảy sinh ra những sáng kiến, những hoạt động, cho toàn Giáo hội nói chung cũng như cho giáo xứ nói riêng. Để hướng dẫn những sinh hoạt của mình, Giáo xứ thường tìm định hướng trong Giáo luật và xem xét những sinh hoạt chung của Giáo Hội.

Mười lãnh vực sinh hoạt hiện nay của Giáo Hội, được cha Michel LEMONNIER [3] tóm lược trong cuón sách ‘Lịch sử Giáo Hộĩ’ đã từng là đề tài thảo luận hướng dẫn việc tổ chức các sinh hoạt tương lai cho cộng đoàn vào Đại Hội Mục Vụ trưởng thành toàn quốc tại Versailles từ 15 đến 18/05/1999. Mưới lãnh vực đó là:

1. Tham dự vào mục vụ và phụng vụ trong tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II.
2. Tham dự vào các sinh hoạt văn hoá một cách tích cực trên căn bản đức tin công giáo.
3. Tham dự vào các phong trào công giáo tiến hành mới và những tu hội triều.
4. Khám phá đời sống cầu nguyện và đi tìm sự hiệp nhất của Giáo Hội.
5. Tham gia vào các sinh hoạt phục vụ người nghèo.
6. Phát triển vai trò giáo dân và phụ nữ.
7. Khẳng định vị trí của các giáo hội, các địa điểm mục vụ trẻ trung.
8. Thực hiện những sinh hoạt có tính cách quần chúng to lớn và rộng rãi.
9. Tham gia phong trào đại kết tôn giáo.
10. Mở rộng đối thoại trên đường tìm chân lý mà tôn trọng tự do, công lý và hoà bình.

2. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CĂN BẢN ISO 9000

Trong bất cứ một tổ chức nào, ngưới có trách nyhiện quản lý cũng đặt những câu hỏi này:

• ’Phải quản lý làm sao để trong mọi công việc, thực hiện được nhiều kết quả hơn mà không cần phải tốn thêm, hoặc được cũng ngần ấy kết quả mà có thể tốn ít hơn?’
• Tại sao tổ chức này hữu hiệu hơn tổ chức kia?
• Tại sao trong tổ chức này những người tham dự lại đông đảo và tích cực hơn hơn trong tổ chức kia?

Các nhà quản trị, hoặc nghiên cứu quản trị đã phí tổn nhiều trí lực.

Ở phương đông, từ đời Xuân Thu, từ năm 722 đến năm 479 trước công nguyên, Quản Trọng (-? đến -645), đã đề ra chủ thuyết phú cường; Tôn Tử đã soạn ‘Binh Pháp, mười ba thiên’, rồi Ngô tử soạn ‘Binh thư, sáu thiên‘,.. đều nhằm đưa ra những nguyên tắc quán trị căn bản. Trong Tôn Tử Binh Pháp, ở chương thứ nhất, nói về Thủy Kế [4], Tôn tử đưa ra 5 yếu tố phương pháp làm việc: đạo nghĩa để đặt mục tiêu cho chính đáng, thời trời để định hoàn cảnh cho chính xác, địa lợi để lượng tình huống cho cân xứng, chủ tướng để dùng nhân lực đúng tài năng và pháp chế để trị việc đúng phương pháp. Và ông đề nghị 7 câu hỏi mà bất kỳ chủ tướng hay lãnh đạo nào cũng phải so đo, tính toán: Vua nào có đạo nghĩa? Tướng nào có tài năng? Ai được thiên thời địa lợi? Ai thi hành được pháp lệnh? Binh đội nào mạnh mẽ? Sĩ tốt nào được tập luyện? Bên nào biết thưởng phạt công minh?

Ở phương tây, trong lãnh vực kỹ nghệ và xí nghiệp, Fayol đã đưa ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt áp dụng cho ban giám đốc. Taylor phân tích các tác động căn bản và đề ra những nguyên tắc quản trị, đặc biệt được áp dụng trong các xưởng sản xuắt. Drucker trình bày nguyên tắc quản lý theo mục tiêu kết quả,..

Ở Giáo xứ, một số nguyên tắc quản lý đă được nhận thấy và áp dụng. Vô tình hay hữu ý, những nguyên tắc này rất gần với những nguyên tắc của Tổ Chức Thế Giới Tiêu Chuẩn, ISO 9000. Những nguyên tắc ấy như sau:

1. Nhu cầu của giáo dân phải là nguồn gốc, nền tảng và mục tiêu của mọi hoạt động trong giáo xứ.
2. Ban Giám Đốc lãnh đạo bằng cách xướng xuất ra những mục tiêu, những đường hướng, rồi cùng Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục vụ đưa ra ngững chương trình và kế hoạch thực hiện, để từ đó, mỗi người và mọi người tự nguyện chấp hành và thực hiện.
3. Tất cả mọi giáo dân, mọi phần tử trong cộng đoàn, ai ai cũng được mời gọi để góp tài, góp lực, góp công, góp của vào các công việc mà BGĐ và HĐMV đã đề ra.
4. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo qui tắc tiến trình và chuẩn bị kỹ lưỡng.
5. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được quản lý theo nguyên tắc tổ chức hệ thống nhiệm thể của Giáo xứ, theo đó, Giáo xứ là một thân thể mà mỗi đơn vị, mỗi giáo dân là một chi thể liên đới và tuỳ thuộc lẫn nhau.
6. Tất cả mọi công việc to nhỏ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn cải thiện và cầu tiến liên tục.
7. Mọi quyết định đều phải được lựa chọn theo những dữ kiện, thư liệu và tin tức khách quan.
8. Tất cả những ai gần xa tham dự vào công việc đều có quyền được chia phần kết quả.

3. MỘT THÍ DỤ LÀM VIỆC: ÐẠI HỘI MỤC VỤ

Mỗi năm hai lần, đã thành thông lệ, giáo xứ tổ chức Đại hội mục vụ kỳ nhất vào trước hè, khoảng tháng sáu, và kỳ nhì vào cuối năm, khoảng tháng 12; kỳ nhất phúc trình và bàn thảo tổng quát về các sinh hoạt của giáo xứ và của các địa điểm mục vụ; kỳ nhì đặc biệt phúc trình và thảo luận về tổ chức giáo xứ và tổ chức các hội đoàn.

Một bản tóm lược Đại hội mục vụ mà tôi đã có dịp ghi lại, cho thấy rõ cách làm việc khoa học và sức sống tươi mát của giáo xứ việt nam Paris [5].

‘Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con Thần khí tác tạo của Chúa? Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng’.

Sau kinh khai mạc này, ông tổng thư ký Trần Khắc Đạt đã nhường lời cho Ls Lê Đình Thông điều khiển chương trình của Đại Hội Mục Vụ kỳ thứ nhất, ngày 4.6.2000. Ba mươi bảy (37) đại diện có mặt tham dự đại diện cho 35 đơn vị mục vụ, hội đoàn đã lần lượt giới thiệu và đã tích cực tham dự đại hội qua bốn phần chính:

A. PHÚC TRÌNH CỦA ĐỨC ÔNG GIÁM ĐỐC

Tám điểm đã được Đức Ông đề cập đến:

1. Các đơn vị mục vụ. Hiện có 5 đîa điểm mục vụ, 5 hội đoàn, 21 nhóm và 5 nhóm ngành nghề mới được thành lập trong chương trình Liên đới nghề nghiệp năm 2000. Tổng cộng, hiện nay giáo xứ có cả thảy 35 đơn vị mục vụ đang sinh hoạt.

2. Mặt xã hội. Một tin vui cho giáo xứ là chị Maria Nguyễn Kim Thoa, thuộc tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được bề trên cho phép về làm việc cho giào xứ tại phòng xã hội kể từ tháng 9.2000. Đức ông cũng xin bà Mai Hương và bà Khánh Huệ tiếp tục cộng tác.

3. Sinh hoạt Bí Tích. Năm 1999, có 73 trẻ em và người lớn được rửa tội, 252 em học lớp giáo lý và tiếng việt, 23 em rước lễ lần đầu, 32 đôi hôn phối và 57 người lãnh phép thêm sức.

4. Văn hóa. Ba hoạt động dáng được lưu ý:

• Xuất bản ba cuốn sách: HÀNH TRANG VÀO THẾ KỶ XXI, FATIMA và ĐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU.
• Luận hội với 4 đề tài: ‘Mạn đàm về thơ’, ‘Chữ tình và chữ yêu’, ‘Sự nghiệp văn hóa của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn’ có văn nghệ, ‘Những vấn đề của cuộc sống gia đình’.
• Văn nghệ: do nữ nghệ sĩ Bích Thuận vào tết, Thiếu Nhi vui tết và văn nghệ trong ngày Thân hữu của Giới trẻ, ca đoàn Trinh Vương và ca đoàn Vào Đời cùng trình diễn

5. Cơ sở. Nhóm Xây Dựng đã làm một đồ án liệt kê các việc phải làm, như làm thêm cửa sắt, sửa lại hệ thống giây điện... Công việc đang tiến hành tốt đẹp.

6. Tương quan với các gia đình trong chung cư. Kể từ tháng 8.1999, tương quan tốt đẹp hơn: một gia đình hay đặt vấn đề đã bỏ chung cư. Nhiều gia đình khác đã đến tham dự hai ngày thân hữu.

7. Tài chánh. Quĩ điều hành:

• Số chi: 1.026.849 frs
• Trong khi chỉ thu được: 999.584 frs
• Tức là hụt: 27.265 frs

Trong chiến dịch ngũ niên, năm 1999 thâu thêm: 90.550 frs. Vị chi thâu tổng quát của chiến dịch đã được 497.607 frs. Về chương mục trên tòa Tổng giám mục, tổng kết chúng ta đã có số tiền: 5.079.058 frs. Riêng hai ngày thân hữu, chỉ kiếm được: 63.085 frs, thua năm 1999 (được 72.669frs).

8. Qua bảy sự kiện trên, Đức ông giám đốc đề nghị một đường hướng hoạch định cho tương lai, chung quanh ba mục tiêu:

• Nâng cấp học hỏi Thánh Kinh và phát triển sinh hoạt liên đới nghề nghiệp
• Thực hiện những điều cần thiết cho an ninh cơ sở.
• Tiếp tục chương trình ngũ niên và lo bù đắp các thất thu.

B. PHÚC TRÌNH CỦA BÁC SĨ CHỦ TỊCH HĐMV

Với đề tài ‘Đi vào thế kỷ XXI, bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh nêu ba điểm son đặm của các sinh hoạt giáo xứ trên đường vào thế kỷ XXI: Chương trình mục vụ qua các lứa tuổi măng non thiếu niên, tráng niên và thượng thọ. Chương trình liên đới nghề nghiệp đi tìm Chúa nơi Đất Thánh. Sau đó, đi vào chi tiết, ba khía cạnh được đề cập:

1. Đối ngoại. Ba loại hoạt động chính đã được thực hiện:
• Liên đới với Giáo Hội quê nhà bằng cách tiếp đón các giám mục Việt Nam và gửi tiền yểm trợ về Việt Nam: 50.000 frs cho các chủng viện 35.000 frs cho bão lụt miền trung vừa qua.
• Tham gia các hoạt động tôn giáo với giáo phận Paris: nghi lễ ‘gọi chính thức’ các dự tòng tại Notre Dame de Paris, Thứ Tư tuấn thánh ở Bercy, hành hương tại vương cung thánh đường Sacré Coeur, Montmartre.
• Tổ chức các cuộc hành hương: Roma, Đất Thánh, Montligeon, Lisieux.

2. Đối nội.

• Họp hàng tháng giữa ban Giám đốc và ban Thường Vụ HĐMV để theo dõi và tổ chức các sinh hoạt.
• Cùng với các hội đoàn và ban giám đốc, tổ chức các sinh hoạt, như: Lễ tiếp nhận các tân tòng, Lễ các Thánh Tử đạo VN, Lễ kỷ niệm hôn nhân của các phụ huynh vào lễ Thánh Gia. Lễ mừng Thượng Thọ, Lễ Rửa tội cho các em nhỏ, Thi làm hang đá, Lễ mừng Chân phước Anrê Phú Yên, Hai ngày thân hữu, Bữa cơm thân hữu, Đại hội Liên đới nghề nghiệp.

3. Tài chánh. Bác sĩ Đỉnh tiếp lời Đức ông giám đớc đã nêu lên hai nố thất thu: trong bữa cơm thân hữu và trong hai ngày thân hữu.

C. PHÚC TRÌNH CỦA 5 ĐỊA ĐIỂM MỤC VỤ

1. Cergy Pontoise. Ông Phạm Kim Tiến cho biết, có khoảng 200 gia đình công giáo VN sống đức tin dưới sự dìu dắt của Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách. Một ban đại diện gồm 7 người được bầu lên với nhiệm kỳ 2 năm Ca đoàn Bảo Lộc giúp cộng đoàn tham dự hai thánh lễ trong tháng. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa sinh hoạt đều đặn và một tiểu đội Đạo Binh Đức Mẹ. Ngoài ra có nhiều người đã tham gia phong trào Cursillo. Địa điểm mục vụ Cergy Pontoise phát hành bản tin Sóng Đạo và tổ chức các lễ Giáng sinh, tết, rước kiệu troang tháng hoa. Giáo dân VN Pontoise tham dự tích cực vào các hoạt động của giáo phận,của giáo xứ địa phương và Giáo xứ VN Paris.

2. Marne La Vallé. Ông Nguyễn Long Nhan phúc trình tóm tắt: ‘Chúng tôi chỉ có khoảng 20 gia đình do cha Giuse Trần Anh Dũng làm tuyên úy. Có ban đại diện gồm 4 người, mỗi tháng có hai tháng lễ, với khoảng 60 người tham dự. Có ca đoàn Vào Đời, Đạo Binh Đức Mẹ, Cursillo, Bản Tin Liên Lạc hàng tháng’. Ông Nhan nêu lên mối ưu tư lớn: Sự vắng mặt của giới trẻ từ 18 đến 25 tuổi vì thiếu hiểu tiếng việt, lo lắng cho sự nối tiếp giữa các thế hệ.

3. Sarcelles. Ông Nguyễn Tấn Thiệp cho biết Sarcelles có ban Mục vụ, có nhóm ca đoàn, có hội Bà Mẹ Công Giáo, có hai lớp tiếng việt cho trẻ em nhỏ từ 6 đến 10 tuổi, và các em thiếu nhi từ 12 đến 16 tuổi. Để góp ý vào việc thất thâu, ông đề nghị làm các băng nhạc và xuất bản sách, bán lấy tiền.

4. Villiers Le Bel. Ông Nguyễn Văn Ân cho biết dầu ít người, nhưng Villiers Le Bel cũng có một ban đại diện, có ba tháng lễ trong tháng, có ca đoàn. Đặc biệt Villiers Le Bel tham dự nhiều vào các hoạt động của giáo xứ địa phương. Đích thân ông điều khiển ca đoàn cho giáo xứ địa phương, các trẻ em VN thường theo học giáo lý trong giáo xứ Pháp.

5. Ermont. Đức ông Mai Đức Vinh chuyển lời cáo lỗi của ban đại diện Ermont vì phải tham dự một sinh hoạt khác cùng lúc của địa phương Pháp. Ermont rất ít người công giáo VN, khoảng 40 đến 60 người. Dạu vậy, cũng có ban đại diện, một tiểu đội Đạo Binh.

D. PHÁT BIỂU VÀ THAM LUẬN

Sau khi đã nghe ba loạt bài thuyết trình, đại hội đã chuyển sang phần thứ tư để các đại biểu thảo luận và trao đổi ý kiến. Hai vấn đề đã đánh động các cử tọa:

Vấn đề tài chánh. Ls Lê Đình Thông xin các đại biểu tìm phương thức để bớt thất thâu. Ông Trần Khắc Đạt đề nghị tăng giá bữa cơm thân hữu tết và bán nhiều vé hơn. Ông Nguyễn Văn Tài đề nghị tổ chức văn nghệ trả tiền. Bà Đặng Sự đua ý kiến cổ động giáo hữu đóng góp tích cực hơn và xin góp 3.000 frs. Để có kế hoạch hơn và có tổ chức hơn, Gs Trần Văn Cảnh đề nghị Ban Giám đốc và Ban thường vụ HĐMV nghiên cứu và tổ chức một Hội đồng Tài chánh. Cha Sách, Bs. Đỉnh, Ls Thông, kỹ sư Đặng Mạnh Đĩnh, anh Nguyễn Sơn ủng hộ ý kiến của Gs Cảnh.

Vấn đề giới trẻ và cộng đoàn. Bao gồm các khía cạnh dậy tiếng Việt, sự đóng góp của giới trẻ, sự nối tiếp các thế hệ. Ý kiến của anh Đỗ Anh Sĩ, đoàn trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể xem ra cụ thể hơn. Anh đề nghị các địa điểm mục vụ cố gắng lập đoàn TNTT. Các huynh trưởng trung ương ở Giáo Xứ Việt Nam Paris sẽ được đoàn gửi đến địa phương để huấn luyện và giúp đỡ lúc đầu. Gs Cảnh góp ý xin Giáo Xứ phát động một chiến dịch để gây ý thức cho toàn thể giáo dân về sự cần thiết của tiếng Việt trong sự nối tiếp thế hệ Việt Nam tại Pháp.

Cuộc thảo luận rất hào hứng và phong phú. Nhưng Ls Thông xin đại hội chấm dứt ở đây vì đã 5 giờ và xin tất cả cùng đùng lên hát bài kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con làm gì? Lạy Chúa, con đây!


LỜI KẾT

Ðọc qua những dòng trên đây, điều hiển nhiên mà ai cũng nhình thấy là cách làm việc ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, cũng như cách làm việc ở bất cứ một xứ đạo nào trong Giáo Hội, Việt Nam, Pháp, Mỹ, hay Tầu,… đều giống nhau về những nguyên tắc căn bản của tổ chức “giáo xứ”, vì tất cả đều được xác định bởi một bộ giáo luật chung, lấy nguồn từ thánh kinh và tông truyền của Giáo Hội. Nguyên tắc căn bản để làm việc là nguyên tắc phẩm trật giáo hội, mà vai trò lãnh đạo và gương sáng của giáo sĩ, linh mục trong ban giám đốc thật là quan trọng và quyết định. Ðặc biệt là vai trò của cha sở, vì ?"Cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám Mục giáo phận, vì được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các Linh mục khác hoặc với các Phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo qui tắc luật định "[6]. Một câu hỏi sẽ được đặt ra là “Ban Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam Paris gồm bao nhiêu người, những ai và lãnh đạo như thế nào?”

Chú thích:
[1] Code de Droit Canonique, khoản 515
[2] Mt, 5, 1-12
[3] Michel LEMONNIER, OP; Histoire de l’Eglise; Montréal: Mediaspaul Paulines institut st-gaetan; 1983
[4] Trần Ðông Nam, Lê Xuân Mai; Tôn Ngô binh pháp; Thanh Hoá: Nhà xuất bản Thanh Hoá; 1996, tr. 24-25
[5] Giáo Xứ Việt Nam, số 166, tháng 10.2000, tr. 4-6.
[6] Code de Droit Canonique, khoản 519.
 
Văn Hóa
Mùa Chúa Phục Sinh, nhớ chuyện vé số năm xưa
Trần Bảo Kỳ
11:13 19/03/2008
Mùa Chúa Phục Sinh, nhớ chuyện vé số năm xưa

Tôi nghĩ rằng khi vào Mùa Chay, giáo dân chúng ta xét mình tìm xem mình đã làm gì mất lòng Chúa, sám hối, và hứa hẹn sửa đổi để xin Chúa tha tội. Mùa Chay đã gần qua đi, tôi nghĩ rằng chúng ta xét mình và sám hối đã đủ, nếu chúng ta đã thực lòng làm như vậy.

Giờ đây, giáo dân chúng ta lại dọn mình trong sạch để đón chờ ngày Chúa sống lại. Tôi nghĩ rằng cách dọn mình tốt nhất để đón mừng Chúa sống lại chính là xét xem mình đã làm được những gì đẹp lòng Chúa trong thời gian qua dựa vào hai vế đơn giản: “Kính Chúa và Yêu người”, để rồi chúng ta hứa với Chúa sẽ tiếp tục làm tốt, hay làm tốt hơn. Tôi tin rằng hầu hết chúng ta vẫn làm những điều tốt, có khi công khai, có khi âm thầm.

Trong khi đó, chắc cũng có người trong chúng ta nghĩ rằng kính Chúa hết mình là đủ rồi, yêu người là quyền tự do của chúng ta. Chúng ta làm việc cật lực để tạo ra của cải vật chất, tạo ra tiền bạc, thì chúng ta có quyền hưởng thụ, có quyền thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, cũng như lo cho gia đình, lo cho con cái có một tương lai chắc chắn. Đó chính là bổn phận của chúng ta. Rồi đến khi con cái chúng ta trưởng thành, có tương lai ổn định mà chúng ta vẫn lo thu vén, lo tích lũy, hoặc hưởng thụ xa xỉ thì đó vẫn là quyền tự do của chúng ta.

Trong tinh thần mừng vui đón Chúa sống lại, tôi kể hầu quý vị một vài mẩu chuyện có thực trong đời sống.

Hơn 20 năm trước, sau khi được tha ra từ trại cải tạo, anh bạn tôi luôn tìm mọi cách để vượt biên. Trong một chuyến vượt biên, anh tin tưởng người tổ chức nên đóng trước 1 lạng rưỡi vàng. Chưa được nhìn thấy mặt mũi chiếc ghe, thì người tổ chức cho biết chuyện đổ bể, bạn tôi mất toi 1 lạng rưỡi vàng. Anh buồn và ra lề đường ngồi uống vài chai bia ‘lên cơn’, loại bia được nấu bằng bã mía hay loại trái cây rẻ tiền nào đó mà chỉ cần uống vài chai là đầu óc quay cuồng.

Trong lúc anh đang tiếc của, cố nuốt từng ngụm bia đắng thì bỗng giật mình vì tiếng ‘xập xòe’ ngay sau lưng anh. Anh quay lại và thét lên: “Xéo đi mau”. Hai đứa nhỏ khoảng dưới mười tuổi, đứa lớn hơn đang đập cái xập xòe vào lòng bàn tay, đứa nhỏ hơn đang cầm tập vé số, hoảng sợ vì tiếng thét của anh, quay bước sang bàn bên cạnh mà vẫn ngoái cổ nhìn anh; có lẽ chúng chưa từng nghe tiếng thét lớn như vậy.

Từ bàn bên cạnh, tiếng xập xòe và tiếng hát của đứa bé bán vé số khiến anh như cảm thấy tội lỗi, cảm thấy hối hận vì tiếng thét tàn nhẫn của mình; mấy tấm vé số thì đáng bao nhiêu so với 1 lạng rưỡi vàng. Anh quay nhìn hai đứa bé thì cũng vừa lúc đứa đập xập xòe liếc nhìn anh; có lẽ nó vẫn chưa hoàn hồn. Anh giơ tay ngoắc nó lại. Nó nhìn anh, e dè. Anh móc túi lấy tiền ra vẫy vẫy. Đứa lớn thôi đập xập xòe, kéo vai đứa nhỏ, ngập ngừng bước về bàn anh. Anh trả tiền mười tấm vé số, rút lấy một tấm, trả lại 9 tấm, nhẹ nhàng bảo hai đứa nhỏ: “Hai đứa giữ lấy. Dò trúng thì ra đây, chú cháu mình chia nhau”. Từ hoảng sợ đến ngạc nhiên, hai đứa bé líu ríu cám ơn, bước đi mà vẫn ngoảnh cổ lại. Từ đó, mỗi khi có sẵn tiền và đụng đầu với đạo quân nghèo này, anh đều mua giùm vé số với cung cách tương tự.

Hơn hai mươi năm sau, tôi đem chuyện nói với một người bạn trên đất nước Mỹ này, và lần về thăm quê hương vừa qua của vợ chồng tôi, bạn tôi ghé qua, đưa tôi một trăm đô la, nhờ tôi mua vé số. Tôi làm đúng lời dặn của bạn tôi và cũng làm theo cách mua 10, lấy 1, tặng lại 9. Đương nhiên, việc làm này gây ra sự ngạc nhiên thích thú và sau đây là một mẩu chuyện vui vui.

Hôm ấy, tôi không đi chung với vợ tôi mà lững thững thả bộ đến một quán phở ngon có tiếng gần nhà để ăn điểm tâm trễ. Tôi ngồi ở lề đường vì các bàn bên trong đã chật ních, vả lại ngồi ngoài lề đường để nhìn người qua lại thì thích hơn. Trong lúc chờ phở bưng ra thì một em bé đã chìa tập vé số trước mặt tôi. Dễ thôi, tôi lại làm nhiệm vụ mà bạn tôi trao phó, một trăm đô la, 1 triệu sáu trăm ngàn đồng mua được nhiều vé số lắm. Thế rồi đạo quân vé số như được truyền tin nhanh chóng, cả trẻ em cả người lớn, lần lượt đến gặp tôi. Đối với trẻ em thì tôi thường nói đùa: “Cháu đọc cho chú mấy con số rồi giữ lấy cả. Chú nghe trúng thì chú ra đây, chú cháu mình chia nhau”.

Tô phở của tôi tuy bị nguội mà vẫn ngon vì tôi vui, vui vì làm được việc mà bạn tôi trao cho. Có một chuyện mà cho đến lúc này, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn cười thầm. Số là ở bàn bên cạnh tôi có hai bà xồn xồn đang theo dõi việc làm của tôi trong lúc chờ phở. Sau khi tôi nhờ đứa bé cuối cùng đọc mấy con số rồi dặn nó nếu dò trúng thì ra gặp tôi để chia nhau, rồi tôi đứng dậy ra về, tôi nghe một bà nói với bà kia: “Người như vậy mà không biết đọc cả con số”.

Có lẽ tôi sẽ nói chuyện này với nhiều bạn bè của tôi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thập Giá Hồng
Lm. Tâm Duy
00:25 19/03/2008

THẬP GIÁ HỒNG



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Khi tìm đến với những người trong đơn lẻ,

với Thập Tự bẻ đôi tôi chia sẻ

hạnh phúc có, buồn đau cũng có,

và nỗi cô đơn cũng chẳng còn”

(Trích thơ Món Quà Thượng Đế của Vũ Thủy)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền