Ngày 18-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Thánh Giuse 19/3/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:43 18/03/2018
Thánh Giuse Bạn Trinh Nữ Maria

BÀI ĐỌC I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Đavít, tổ phụ Người”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với Đavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Đáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời (c. 37).

1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.

2) Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”. – Đáp.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Đá Tảng cứu độ của con”. Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 4, 13. 16-18. 22

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 129, 5 và 7

(Mùa Chay: bỏ Alleluia) Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền. Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Lc 2, 41-51a

“Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Đó là lời Chúa.
 
Dung mạo Thánh Giuse - 19/3
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
14:31 18/03/2018
Nếu được vẽ một bước chân dung về thánh Giuse, tôi xin phác họa chân dung của thánh nhân với ba nét chấm phá đặc biệt: thánh Giuse với cái miệng rất nhỏ, nhưng có hai tai rất to và hai cánh tay vạm vỡ. Ba nét chấm phá này diễn tả cách tuyệt vời tính cách đặc trưng vốn đã làm nên sự vĩ đại của thánh Giuse. Xin được bình giải bức ảnh này:

1- Miệng nhỏ

Thánh Giuse có miệng nhỏ, diễn tả thánh nhân là một con người ít nói, không ồn ào, nhưng rất trầm lắng, nội tâm và khiêm tốn. Trong Tin Mừng, chúng ta không tìm thấy một lời nào phát ra từ môi miệng thánh Giuse. Người không nói nhiều, không chạy theo sự hoành tráng bên ngoài và dư luận xã hội, nhưng chỉ âm thầm khiêm hạ, an nhiên tự tại, mai danh ẩn tích sống theo thánh ý Thiên Chúa. Quả thật, một đời sống trong thinh lặng như thế mới có thể lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, bởi lẽ, Thiên Chúa thường nói và hoạt động trong thinh lặng; chỉ có trong thing lặng bên ngoài và bên trong như thế, chúng ta mới biết mình, biết Chúa và biết tha nhân; chúng ta mới ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống mình.

Xưa nay, bao chuyện đổ vỡ, bao gia đình tan nát, bao dự định tiêu tan, bởi vì một trong những nguyên nhân: chúng ta không biết im lặng và học im lặng. Vì thế, hãy hỏi nơi thánh Giuse, nói ít lại, nhỏ miệng lại với chuyện nhỏ cũng như chuyện to.

2- Hai tai to

Nét đặc trưng thứ hai diễn tả tính cách của Giuse là người có hai tai rất to. Quả thế, Đức Chúa Trời khôn ngoan tạo dựng con người chỉ có một cái miệng để nói, nhưng có hai cái tai để nghe. Điều đó có nghĩa là con người phải nghe gấp hai lần nói. Con người trước hết hay học lắng nghe Thiên Chúa nói với mình; thứ đến con người học lắng nghe người khác nói với chúng ta. Lắng nghe để biết được điều Chúa muốn nói; lắng nghe để biết và học những điều người khác muốn nói với chúng ta. Thực tế, có những người nghĩ rằng mình không cần phải nghe ai nữa, mình đã đầy và đã đủ rồi! Như thế, sẽ rất nguy hiểm, sẽ làm cho người đó dễ tự mãn.

Thánh Giuse là mẫu gương cho chúng ta về khả năng lắng nghe này: Khi đối diện với một tình huống rất tế nhị và khó khăn: Đức Maria mang thai mà không phải do mình, nếu đưa ra ánh sáng, Maria sẽ bị ném đá theo luật Môsê; nếu đón nhận, ai có thể chấp nhận sự thật trớ trêu này, Giuse quyết định “đào vi thượng sách” trong âm thầm. Nhưng trong giấc mơ, Thiên Chúa sai thiên thần đến giải thích cho Giuse biết về Hài Nhi là Con Đấng Tối Cao và việc Đức Maria mang thai là do bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18-25), ông đã mau mắn lắng nghe và làm theo lời thiên thần truyền.

Chưa hết, khi gia đình Thánh Gia gặp khó khăn, khi Hài Nhi Giêsu bị các bạo Chúa lùng bắt, Giuse đã mau mắn vâng theo lời thiên thần hướng dẫn, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, ông lại đưa các ngài về Nadarét (x. Mt 2,13-23). Như thế, Giuse là một người luôn biết lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý của Thiên Chúa. Nên ông được mệnh danh là người công chính, nghĩa là người có hai tai rất to để nghe và sống theo thánh ý Chúa.

3- Hai tay vạm vỡ

Cuối cùng chúng ta nói đến thánh Giuse với hai cánh tay mạnh mẽ, gân cốt cuồn cuộn, biểu tượng của một con người luôn chăm chỉ làm việc. Đó cũng là đức tính nổi bật của Giuse. Quả thế, trong gia đình Thánh Gia, Giuse đã đóng tròn vai là một người cha và người chồng bằng việc chăm chỉ lao động để kiếm cơm áo nuôi sống gia đình. Với nghề thợ mộc, Giuse đã tích cực làm việc mỗi ngày để có tiền trang trải trong gia đình, nuôi con, cho con ăn học. Giuse là hình ảnh của biết bao người bố, người chồng ngày ngày vất vả đạp đá, cuốc đất chân lấm tay bùn hay lái xe, lên rừng xuống biển đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm vài ba trăm bạc về nuôi gia đình, lo cho con cái được học hành nên người.

Chăm chỉ lao động là bí quyết của thành công. Bởi lẽ, trên con đường thành công không có chỗ cho những người lười biếng. Để có của cải, để có kiến thức, để có chuyên môn, chúng ta phải tích cực lao động. Không có vất vả không có vinh quang. Không có khó nhọc không có gặt hái (no pain no gain). Đó là quy luật cuộc sống mà thánh Giuse đã từng sống.

Như thế, mừng lễ thánh Giuse là cơ hội tốt để chúng ta chiêm ngắm dung mạo của thánh Giuse với ba nét chấm phá như là ba nhân đức quý báu cho chúng ta noi theo: đó là ít nói, nghe nhiều và tích cực làm việc. Đó là những điều làm cho chúng ta trở nên công chính và cao cả như thánh Giuse. Nguyện xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng ta. Amen!
 
Làm Mặn Lại Hương Vị Của Tình Yêu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
21:41 18/03/2018
Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B 2018

Có phải độ đường Mùa Chay với hơn 4 tuần qua đi đã khiến dân Chúa mỏi mệt cho nên toàn cảnh Phụng Vụ Chúa Nhật V Mùa Chay gần như toát lên một màu tang chế ? Ảnh tượng được phủ khăn tím, trong khi các trích đoạn Lời Chúa xa gần gợi nhớ đến thập giá thương đau : Đức Kitô đã nói tiên tri về cuộc tử nạn của chính mình qua hình tượng “hạt lúa mì mục nát” (TM). Trong khi đó, thư gởi giáo đoàn Do Thái đã minh nhiên xác quyết : “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục …” (BĐ 2).

Thế nhưng, nếu nghiệm cho kỷ, tiêu đích của Phụng Vụ “tuần chịu nạn” (V Mùa Chay) lại không dừng lại ở chiều kích “nỗi buồn thập giá” mà là hướng đến một viễn tượng chứa chan hy vọng của một “mùa lúa mới vàng đồng”!

Để khai mào cho sứ điệp hy vọng nầy, trước hết, Phụng vụ đã mượn lời của sứ ngôn Giêrêmia để công bố tin mừng về một “Giao ước Mới” :

“Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới…Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”.

Và ngay tại điểm cao chót vót của lộ trình cứu độ, khi “thời gian tới hồi viên mãn”, “giao ước mới” mà Giêrêmia đã tiên báo đó đã hiện thực trong chính cuộc khổ nạn của Đức Kitô : “Chén nầy là Giao ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20).

Nếu tin mừng “Giao ước mới’ của Giêrêmia đã “phục sinh” niềm hy vọng cho đám dân Ít-ra-en lưu đầy đang héo hon mỏi mệt và tội lỗi bơ phờ…; thì “Giao ước mới bằng máu thập giá” của Đức Kitô lại là điểm quyết định cho một vận mệnh mới của toàn nhân loại, một nhân loại “được nâng lên trong ánh sáng phục sinh”, một nhân loại là “cánh đồng lúa chín vàng” trong kho lẫm Nước Trời, như Tin Mừng hôm nay xác quyết :

“Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (….) “Phần tôi, khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,24-25.32).

Sứ điệp nầy thật ra không hề mới mẻ; nhưng vì quá cần thiết cho thế giới hôm nay nên đã trở thành con đường không thể thay thế.

Vâng, thế giới hôm nay, nếu đưa mắt quan chiêm bao cảnh đời “trái tai gai mắt’, bao đồi trụy nhiểu nhương, bao lạc lầm đổ vỡ…chúng ta có thể cô đọng lại một kết luận không mấy lạc quan của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mừng Matthêô : “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh” (Mt 24,12).

Và có ai trong chúng ta dám vỗ ngực xưng mình là đang “ấm hỉm” tình Chúa lẫn tình người ! Chính Đức đương kim giáo hoàng Phanxicô mà còn bi quan nêu bật câu Lời Chúa đó như tiêu đề trong sứ điệp Mùa Chay 2018; và ngài đã diễn tả :

“Trong mô tả về địa ngục của mình, Dante Alighieri hình dung ma quỷ ngồi trên một chiếc ngai làm bằng băng đá, trong sự cô lập lạnh lùng và không có tình yêu. Chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình lòng mến có thể băng giá trong tâm hồn chúng ta như thế nào. Những dấu hiệu nào cho thấy rằng lòng mến của chúng ta đang bắt đầu nguội lạnh?...”

Như thế, rõ ràng sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật V Mùa Chay muốn nhắn gởi cộng đoàn dân Chúa rằng : trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay, cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, với đắng cay và nước mắt, với ốm đau tật nguyền, với thất bại rủi ro và với cả cái chết…chúng ta không có quyền thất vọng, không thể để “phai nhạt lòng mến trong ta”. Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa của Giao Ước, qua chính Con Một Giêsu Kitô, Ngài đang có mặt trên mọi nẻo đường và biến cố cuộc đời chúng ta để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. “”Hạt lúa mì Giêsu” đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.

Hai ngàn năm qua bài học “Hạt Lúa Mì” nầy xem ra vẫn còn mới mãi với thế giới, với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta.

- Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mỏi để thà chọn dễ dãi mà yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng.

- Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận hy sinh, thua thiệt để làm chứng cho sự thật và công lý.

- Vẫn còn mới và cần thiết cho mỗi người chúng ta khi chỉ muốn dừng lại, thối lui để được mơn trớn vỗ về với cái tôi ươn hèn, mệt mỏi, nhỏ nhen và hưởng thụ, thay vì phải tiến lên, đổi đời, lột xác trong chiến đấu cực nhọc để hiện thực hóa những lời dạy của Tin Mừng.

Ngay từ những tháng năm đầu khai sinh Hội Thánh, nếu roi vọt, đòn bọng, tù đầy, nhục hình và cái chết thương đau đã thành công và chiến thắng trong việc bịt miệng các Tông Đồ, ngăn cản các bước chân loan truyền Tin Mừng, thì làm sao có được Hội Thánh hôm nay với cây Thánh Giá được cắm trên mọi nẻo đường thế giới ! Nếu những chàng thanh niên như Anrê Phú Yên, những bà mẹ như Anê lê Thị Thành, những thiếu nữ như Cecilia, Anê, Têrêxa, những linh mục như Gioan Hoan, Anrê Dũng lạc, Maximilien Kolbe…đều khiếp nhược đầu hàng trước đắng cay thập giá tử đạo, trước ngục tù máu đổ đầu rơi… thì làm gì có được “mùa lúa mới hôm nay” với hàng tỷ anh chị em thuộc về gia đình con cái Chúa, với hàng triệu ngôi thánh đường uy nghi đỗ bóng và vang dội những tiếng chuông hy vọng trên khắp phố phường của thế giới hôm nay, với hàng báo nhiêu công trình bác ái xã hội phục vụ con người và đẩy lùi những tệ nạn để mang lại hạnh phúc cho anh em đồng loại !

Từ “hạt lúa mì đầu tiên có tên Giêsu” đã được “gieo trên Đồi Sọ vào chiều Thứ Sáu Vượt Qua”, và được tiếp nối bởi muôn ức triệu chứng nhân ngã xuống trên khắp cánh đồng thế giới, quả thật, mùa xuân ơn cứu độ cứ mãi vươn lên, trăm hoa đua nở, trái chín vàng đồng. Phải chăng đó chính là “qui luật của Thiên Chúa”, một qui luật đã hóa thân nơi chính cuộc sống của “Con Người Giêsu”, của Hội Thánh, của từng thế hệ kitô hữu ; và hôm nay, qui luật ấy đang mời gọi hiện thực hóa nơi chính mỗi người chúng ta trong giữa độ đường Mùa Chay thánh nầy.

Nếu có lần nào đã quên đi quy luật đó, thì hôm nay, tuần Chịu Nạn, chúng ta hãy bắt đầu, hãy bắt đầu làm “mặn lại hương vị của tình yêu” !

Giuse Trương Đình Hiền

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Để biết Chúa Giê-su, người ta phải ngắm nhìn lên Cây Thánh Giá.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:52 18/03/2018
(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào hôm nay, Chúa Nhật ngày 18 tháng Ba, ĐGH đã nói đến cái chết của Chúa Giê-su như là hành động tối cao cho tình yêu, là giá chuộc tội cho nhân loại ở mọi thời đại. Bài Phúc Âm hôm nay kể cho chúng ta về chuyện những khách hành hương người Hy Lạp tại Giê-ru-sa-lem muốn “ gặp Chúa Giê-su” ĐGH nói rằng phản ứng của Chúa đối với những người Hy Lạp này là “ ngạc nhiên”. Ngài không đơn giản trả lời đồng ý hay không, nhưng Ngài tỏ lộ một sự thật cuối cùng sâu xa hơn về Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Ngài: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.”

Để biết Chúa Giê-su, hãy nhìn lên cây Thánh Giá.

ĐGH nói rằng “Ai muốn biết Chúa Giê-su phải ngắm nhìn lên cây Thánh Giá nơi mà Vinh Quang của Ngài được tỏ lộ”. Thánh giá không phải là món trang trí hay thời trang, nhưng là “một dấu chỉ tôn giáo để suy niệm và thấu hiểu.” Hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh bộc lộ sự huyền nhiệm về cái chết của Con Chúa Trời như là đỉnh cao của yêu thương, là giá của sự sống và ơn cứu chuộc nhân loại ở mọi thời đại.”

Sự chết của Chúa Giê-su là một hành động mang lại hoa trái cho nhiều người.

Trở lại hình ảnh hạt lúa mì trong Tin Mừng, rơi xuống đất và chết đi, sinh “nhiều hoa trái,” ĐGH nói rằng Chúa dùng hình ảnh này để giúp chúng ta hiểu được sự Chết và Sự Sống Lại của Ngài “là một hành động sinh nhiều hoa trái cho nhiều người.” Chúa Giê-su xuống thế gian này để mặc lấy thân phận con người chưa đủ, nhưng Ngài “còn phải chết để cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi và cho họ đời sống mới chan hòa yêu thương.”

Chúng ta được kêu gọi để trở nên những hạt lúa mì.

ĐGH tiếp tục rằng “tính năng động của hạt lúa mì” đã được thực hiện hoàn hảo nơi Chúa Giê-su, cũng phải được nhận ra nơi đời sống của các môn đệ của Ngài. Chúng ta cũng thế, chúng ta được mời gọi “để đành mất sự sống này để được nhận lại đời sống mới và vĩnh cửu.” Điều này có nghĩa là “đừng lúc nào cũng nghĩ đến mình”, nhưng hãy bước ra ngoài để giúp đỡ những anh chị em túng thiếu, khó khăn. “Hãy vui mừng hân hoan tham gia thực hiện những việc bái ái để giúp những người đau khổ về vật chất cũng như tinh thần là cách sống Tin Mừng tốt nhất. Đó chính là nền tảng cần thiết để cộng đoàn của chúng ta lớn lên trong tình bằng hữu và chấp nhận lẫn nhau.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Toà Thánh công bố toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò
Đặng Tự Do
16:05 18/03/2018
Vụ tai tiếng liên quan đến lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò đã lan rộng thành xì-căng-đan rất kinh hoàng. Báo chí gọi là vụ “LetterGate”. Nhiều tiếng nói nổi lên kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cách chức Đức Ông Dario Viganò, Vụ trưởng Vụ Truyền Thông Tòa Thánh để Giáo Hội khỏi mang tiếng xấu tung “fake news”, ngụy tạo, và xuyên tạc ý kiến Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Trong bài “Toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò”, chúng tôi đã dịch bản văn do National Catholic Register công bố, ghi lại từ những gì Đức Ông Dario Viganò đọc trong buổi họp báo giới thiệu tuyển tập 11 cuốn sách nói về Thần học của Đức Phanxicô.

Dưới những áp lực rất mạnh, ngày thứ Bẩy 17 tháng Ba, 2018, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã công bố toàn bộ lá thư này, trong đó có một đoạn rất quan trọng giải thích tại sao Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã từ chối viết lời giới thiệu cuốn sách và tại sao ngài tỏ ra chẳng hứng thú gì trong việc đọc tuyển tập 11 cuốn sách này.

Dưới đây là cập nhật toàn bộ lá thư

Kính gởi Đức Ông Dario Edoardo Viganò

Vụ trưởng, Vụ Truyền thông Tòa Thánh


Vatican, ngày 7 tháng 2 năm 2018

Thưa Đức Ông,

Cảm ơn Đức Ông vì bức thư tử tế của Đức Ông ngày 12 tháng Giêng và món quà kèm theo là mười một tập sách nhỏ do Roberto Repole biên soạn.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Đức Ông muốn phản đối và phản ứng lại với định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể, trong khi tôi chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.

Những quyển sách nhỏ cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người được đào tạo sâu về triết học và thần học, và vì vậy chúng giúp cho thấy sự liên tục bên trong giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp những khác biệt về phong cách và tính khí.

Tuy nhiên, tôi không muốn viết một đoạn văn ngắn và nặng về thần học vì trong suốt cuộc đời, tôi luôn rõ ràng rằng, tôi chỉ viết và bày tỏ ý kiến bản thân mình trên những quyển sách mà tôi đã đọc thật kỹ. Chẳng may, vì những lý do thể chất, tôi không thể đọc 11 tập sách này trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là vì còn những công việc khác mà tôi đã hứa thực hiện.

Chỉ là một ý bên lề, tôi muốn lưu ý sự kinh ngạc của tôi trước thực tế là trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố “Kölner Erklärung”, trong đó, phần liên quan đến thông điệp “Veritatis splendor” (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức “Europaische Theologengesellschaft”, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng. Sau đó, tình cảm đối với giáo hội của nhiều nhà thần học đã giúp ngăn cản định hướng này, để tổ chức đó trở thành một công cụ gặp gỡ bình thường giữa các nhà thần học.

Tôi chắc chắn Đức Ông sẽ hiểu được sự từ chối của tôi và tôi chào Đức Ông với lời chào trân trọng.

Bênêđíctô XVI
Source: National Catholic Register: Vatican Reveals Full Text of Benedict XVI’s Letter to Msgr. Viganò
 
Một giải thích nhã nhặn và quân bình về vụ lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
20:41 18/03/2018
Chung quanh vụ thao túng lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, có rất nhiều giải thích khá cay đắng và gay gắt, có thể khiến tình trạng thê thảm hơn. Dưới đây là một giải thích tương đối nhã nhặn và quân bình đã được đăng trên tờ Crux.

Trước các áp lực của công luận, hôm thứ Bảy 17 tháng Ba, 2018, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã công bố đầy đủ bức thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về một bộ sách nói về thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau khi bị chỉ trích gay gắt vì đã trích dẫn một cách có chọn lọc bức thư này trong một thông cáo báo chí, và đã thao túng về mặt kỹ thuật số một bức ảnh của bức thư này.

Chính phần trước đây bị che dấu của bức thư đã đưa ra lời giải thích thực sự tại sao Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 từ chối đưa ra lời bình luận của ngài về một tuyển tập mới xuất bản, được Vatican công bố, nói về tư tưởng triết học và thần học của Đức Phanxicô, nhằm đánh dấu 5 năm triều Giáo Hoàng của ngài.

Đức Bênêđíctô thứ 16 lưu ý rằng một trong những tác giả tham gia vào dự án này đã từng đưa ra các cuộc tấn công “tàn bạo”, “chống giáo hoàng” nhằm công kích triều giáo hoàng và các giáo huấn của ngài. Đức Bênêđíctô thứ 16 nói ngài “kinh ngạc” tại sao Vatican đã chọn nhà thần học này để đưa vào bộ sách 11 cuốn nhan đề “Thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Hôm thứ Bảy Vụ Truyền Thông Tòa Thánh cho biết họ đã công bố toàn bộ văn bản của bức thư vì những tranh cãi liên quan đến “giả định thao túng” thông tin khi bộ sách này được ra mắt vào hôm thứ Hai, ngay trước ngày kỷ niệm 5 năm triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô.

Vụ Truyền Thông Tòa Thánh nói rằng quyết định của mình giữ lại một phần của lá thư vào thời điểm đó dựa trên mong muốn để dành lại chứ “không phải vì bất cứ mong muốn kiểm duyệt nào.”

Vụ tai tiếng được gọi là “Lettergate” này đã làm Vatican xấu hổ trong tuần vừa qua và đã làm nảy sinh khoảng cách ngày càng tăng giữa những người ủng hộ đường lối chú trọng về mục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng và những người bảo thủ ưa chuộng triều Giáo Hoàng tập trung vào tín lý của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Một tag trên Twitter #releasetheletter đã lan truyền nhanh chóng trong số những người Công Giáo khi vụ tai tiếng này càng ngày càng lan rộng.

Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã bị cáo buộc truyền bá “fake news” - “tin giả” vì đã bỏ qua các phần chính trong bức thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và - như thông tấn xã Associated Press đã tường thuật – đã cố ý che đi một phần quan trọng trong lá thư khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu giải thích vì sao ngài không muốn bình luận về bộ sách này.

Vụ tai tiếng bắt đầu khi Đức ông Dario Vigano, vụ trưởng Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đọc một phần bức thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 trong bài thuyết trình hôm thứ Hai. Trong những phần mà Đức ông Vigano đã đọc, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 xác nhận rằng Đức Phanxicô đã được đào tạo vững chắc về triết học và thần học và ngài ca ngợi sáng kiến này cho thấy có sự “liên tục nội tại” giữa hai triều Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 chưa bao giờ được công bố đầy đủ trong bản thông cáo báo chí hay trong bức ảnh, nhằm khiến cho người ta có ấn tượng rằng vị giáo hoàng 91 tuổi nghỉ hưu đã đọc trọn bộ sách này và đã hoàn toàn đồng ý với những quan điểm trong đó, trong khi thực tế ngài chưa bao giờ đọc.
Source:Crux: Vatican bows to pressure, releases retired pope’s letter
 
Top Stories
Hundreds of Vietnamese nuns granted scholarships to study in USA
J.B. An Dang
22:35 18/03/2018
Top Catholic universities and formation institutions of the Church in America have opened wide arms for Vietnamese religious sisters. During the last two years, more than 200 Vietnamese nuns have arrived in USA to study.

With great efforts, nine religious sisters, most of them from the archdiocese of Hà Nội, North Vietnam, are pursuing PhD programs in Biblical, Theological, Philosophies, Education and Pastoral Counselling Studies, said Sr. Teresa Nguyễn, a doctoral student, from Vietnam’s Lover of the Holy Cross congregation.

Religious sisters educated in America can help improve the formation within the Church and religious life in Vietnam. However, their contributions to the education of the society at large may be still limited due to the harsh scrutiny of the government.

Private organisations including foreign ones can participate in the education system in Vietnam. Recent statistics show that 163 universities and senior colleges, and 223 junior colleges, in which 50 senior colleges and 30 junior colleges are non-public. However, so far, the government has never granted permissions to any private organisations affiliated with the Church.

Here and there, Vietnamese nuns can run kindergarten and child care centres in large cities if local authorities turn a blind eye. In remote area, it is somewhat impossible.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐềnThánh Giuse, Gx. Lạc quang: Lễ Mừng kính Thánh Giuse Bổn mạng Giáo họ 3
Đức Dũng
05:21 18/03/2018

"Thánh Giuse là bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, là người tài đức, khiêm cung, thuộc dòng dõi con vua Đavít, chính tại đây xuất hiện Vua cứu tinh đó là Đức Kitô" - Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Thi đã giảng về Thánh cả Giuse như là mẫu gương cho đời sống tín hữu trong thánh lễ mừng bổn mạng của Đền Thánh Giuse thuộc Giáo họ 3 vào lúc 19g00 ngày 17.03.2018

Thánh lễ trọng thể do cha sở Phanxicô Xaviê Trần Văn Thi chủ tế. Đến hiệp dâng Thánh lễ có quý soeur, quý chức tân cựu HĐMV, quý Ban Hành giáo, quý hội đoàn cùng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Lạc Quang.

Xem Hình

Đầu lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn chúc mừng bổn mạng giáo họ 3 với các gia trưởng và 12 ông trương, ông trùm và những ai trong giáo xứ nhận Thánh Giuse làm quan thầy bằng một tràng pháo tay thật lớn. Và nói lên mục đích ý nghĩa của ngày Lễ bổn mạng

Phần chia sẻ Tin Mừng. Cha chủ tế đã chia sẻ:

Mừng lễ Thánh Giuse là bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Giuse là người tài đức. khiêm cung, thuộc dòng dõi con vua David, chính tại đây xuất hiện Vua cứu tinh đó là Đức Kytô.

Gia đình Ngài đã sắp xếp Ngài đính hôn với Maria, khi biết Maria có thai, Nếu là người đàn ông bình thường, rất tức giận sẽ di tố cáo để Maria bị ném đá đến chết, nhưng ông rất công chính, vì vậy Ngài đã âm thầm trinh khiết sống theo ý Thiên Chúa, trong sâu thẳm tâm can, khao khát sống trọn đời đồng trinh. Thiên Chúa đã báo mộng cho Ngài biết không phải Maria ngoại tình mà là do quyền năng của Chúa Thánh Thần làm ra, Thánh Giuse tuân thủ theo thánh ý của Thiên Chúa. Ngài đã đón nhận Trinh nữ Maria về nhà làm vợ mình, làm bạn mình. Trong suốt cả cuộc đời. Ngài đã giúp Maria tránh tiếng không chồng mà có con, giúp Đức Giêsu có một gia dình, có cha, có mẹ, như bao gia đình khác, như thế Thánh Giuse tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Với vai trò làm bạn, Thánh giuse đã đưa Maria về Giêrusalem, làm khai sổ kiểm tra dân số theo lệnh của hoàng đế Augustô, dọc đường Maria đã hạ sanh Chúa hài nhi xuống thế làm người, với tinh thần tuân phục vâng lời ở Thánh Giuse là khi Thiên Thần báo mộng, người ta sẽ giết hại hài nhi, đang đêm Thánh Giuse đã chổi dậy đưa Maria trốn sang Ai cập, thời đó đường đi xa xôi, khó khăn đầy hiểm trở như thế nào. Khi trốn sang được Ai cập chẳng bao lâu Sứ Thần lại báo mộng để trở về Nazaret, lại một lần nữa Thánh Giuse tuân phục theo Thánh ý Chúa, bất chấp đường xá xa xôi, đầy nguy hiểm, vô vàn khó khăn mà Ngài không một lời than vãn, cho thấy sự công chính, sự tuân phục một cách khiêm tốn, không điều kiện của Ngài. Ngay cả sự tuân phục trong đạo đức, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thờ khi mà Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, đồng thời dâng cả Đức Maria. Trong dịp đó Ngài gặp ông già Symêon nói tiên tri “về sứ mạng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria” trong công trình cứu độ.

Thánh Giuse luôn luôn công chính, thánh thiện, đi đầu trong việc đạo đức, và luôn gương mẫu trong gia đình thật tuyệt vời. Ngài âm thầm sống ở Nazaret. Ngài rất cần cù, siêng năng chăm lo cho gia đình, và Ngài đã chết lúc nào? Và ở đâu? Không ai biết! chúng ta suy luận Ngài chết sau khi Chúa Giêsu được 12 tuổi, chắc chắn Ngài chết trước khi Chúa Giêsu bị khổ hình trên Thập Giá. Chính vì vậy Ngài được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa với vai trò làm bạn trăm năm, trung thành với Đức Maria, sau đó được Thiên Chúa thưởng công bội hậu trên Thiên Đàng, nên ta gọi Ngài là Thánh cả Giuse. Trong các Thánh. Nói lên cái quý giá như vậy, nên Giáo Hội chọn Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo Hội và của tất cả mọi người mang tên Thánh là Giuse.

Nhờ lời cẩu bầu của Ngài cùng Chúa ban cho chúng ta, nhiều ơn lành phần hồn, phần xác, nhất là ban cho chúng ta nhiều sức khỏe, cho tất cả mọi quý chức trong Giáo họ, trong Giáo xứ, và trong mỗi người chúng ta, sống một đòi sống như Ngài, để chúng ta sống hòa thuận, hiệp nhất, xây dựng Giáo Hội, từng ngày càng phát triển vững vàng, ngày càng thăng tiến hơn

Một lần nữa xin Thánh cả Giuse cầu bầu cùng Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả mọi người hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. Amen.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Vị đại diện cho giáo họ đã có lời cảm ơn quý cha cũng như toàn giáo xứ, vì tình thương yêu đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo họ. Ông cũng có những lời chúc tốt đẹp gửi đến quý cha cùng quý cộng đoàn.

Buổi lễ kết thúc lúc 20 giờ cùng ngày , mọi người ra về trong hân hoan, nguyện sống như Thánh cả Giuse và như lòng Chúa mong ước.

Bài. Ảnh Đức Dũng
 
Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland Oregon Mừng Lễ Bổn Mạng.
Phan Hoàng Phú Quý
17:59 18/03/2018
(Portland-Oregon) Thứ Bảy ngày 17 tháng 3 năm 2018 vào lúc 10 sáng, Hội Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt Miền Portland Oregon Hoa Kỳ đã tổ chức thánh lễ Kính Thánh Giuse Bổn Mạng của Hội Dòng.

Xem Hình

Lạy Thánh Giuse vinh hiển trên nơi diệu quang
Người được Thiên Chúa phong ban tước lộc cao sang
Nhớ khi sanh tiền Cha đã gìn giữ thánh thất
Dám xin hộ phù đoàn con cái nơi trần gian.
Mừng lạy Cha chí nhân chí lành
Là bạn thanh sạch Đức Nữ Trinh
Nhân đức Cha rạng ngời
Soi chiếu muôn nghìn đời
Nguyện cho con noi dấu người liên
Để sau được vinh phúc vô biên


Trên đây là những lời ca nguyện được mọi người hát lên để đón chào cha chủ tế từ từ tiến vể Cung Thánh của Nguyện Đường Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.

Thánh lễ hôm nay có sự hiên diện của Cha Chủ Tế, Thầy Phó tế, quý tu sĩ nam nữ, quý thành viên Hội Bảo Trợ Ơn Gọi, quý hội viên Hiệp Hội Giáo Dân Mến Thánh Giá và rất đông giáo dân đến hiệp thông cầu nguyện.

Trong phần chia sẽ Lời Chúa linh mục Giuse Nguyễn Minh Nhật đã đề cao mẫu gương nhân đức của Thánh Cả Giuse

Thánh cả Giuse được sống bên cạnh Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa; được sống bên cạnh Đức Maria Maria, Mẹ của Con Đức Chúa Trời, trong gia đình thánh thất, là thiên đàng trên trần gian nầy. Thánh cả Giuse được chết trong tay Hai Đấng cao trọng nầy, là Con của Thiên Chúa và Mẹ của Thiên Chúa.

Thánh cả Giuse là vị thánh rất cao sang vì Ngài được làm cha nuôi của Chúa Giêsu. Các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh nam nữ xưa và nay đều sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu, còn Thánh cả Giuse thì nuôi dưỡng Chúa Giêsu, nâng đỡ Chúa Giêsu, lo lắng cho Chúa Giêsu, bồng Chúa Giêsu trên tay, hôn kính Chúa Giêsu, nói chuyện với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu ăn, cho Chúa Giêsu mặc, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi muôn vàn nguy hiểm.

Ý Thiên Chúa quan phòng để cho Thánh cả Giuse làm Cha của Đấng Cứu Thế ở trước mặt người đời. Để thực hiện ý định nầy của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn vâng lời thánh cả Giuse từng li từng tí, tôn kính Ngài như một người con hết sức hiếu thảo.

Bởi thế, trừ ra chức làm Mẹ Thiên Chúa vô cùng cao sang của Đức Trinh Nữ Maria, thì trên trời dưới đất nầy, không có chức nào cao trọng cho bằng chức làm Cha nuôi của Thánh cả Giuse đối với Chúa Giêsu

Vị Chủ Tế cũng khuyên bảo mọi người hãy học hỏi nơi Thánh Cả đức khiêm nhường và hiền lành, đức nhẫn nại và thầm lặng, hãy biết chạy đến cầu khẩn van xin Ngài giúp đỡ, bởi vì Ngài là bạn thanh sạch của Mẹ Maria, là Cha nuôi Con Đức Chúa Trời, là Đấng Bảo Vệ các kẻ đồng trinh, là Quan Thầy bàu chữa Hội Thánh.

Sơ Bề Trên Maria Bùi Kim Chi cũng ngỏ lời tri ân cảm tạ đến quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân, quý hội viên trong Hội Bảo Trợ cũng như quý hội viên trong Hiệp Hội Giáo Dân MTG và toàn thể giáo dân hiện diện. Trong dịp này Sơ Bề Trên cũng cho biết thêm hiện nay tổng số hội viên của Hiệp Hội Giáo Dân Mến Thánh Giá là 60 người và sẽ chính thức làm lễ tuyên hứa trong năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.

Sau thánh lễ mọi người được mời ở lại tham dự bữa tiệc trà thân mật do quý Sơ khoải đãi, với những món ăn thuần tuý quê hương. trước khi ra vê mọi ngưới cũng nhận được một quà lưu niệm rất ý nghĩa, đó là tượng Đức Mẹ La Vang, chúng ta có thể đặt Mẹ trên xe, trên bàn làm việc, trên giường ngủ, để rồi dù bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có Mẹ che chở, phù hộ và ủi an.

Tường thuật từ Portland Oregon

Phan Hoàng Phú Quý
 
Văn Hóa
Đừng nghĩ mình cao hơn: bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối
Vũ Văn An
20:43 18/03/2018
3. Khiêm nhường và hạ nhục

Chúng ta không nên tự lừa dối mình khi nghĩ rằng mình đã đạt được đức khiêm nhường chỉ vì lời của Thiên Chúa và gương sáng của Đức Maria đã dẫn chúng ta đến chỗ khám phá ra sự hư vô của chúng ta. Mức độ khiêm nhường của chúng ta chỉ được nhìn thấy khi sáng kiến chuyển từ chúng ta sang người khác, nghĩa là, khi chúng ta không phải là những người duy nhất nhận ra những điểm yếu và sai sót của mình, nhưng khi những người khác nhận ra chúng - khi chúng ta có khả năng không những nói sự thật mà còn sẵn lòng để người khác nói điều ấy cho chúng ta. Nói cách khác, đức khiêm nhường của chúng ta chỉ chân thực khi chúng ta chấp nhận lời khiển trách, sửa trị, chỉ trích, và hạ nhục. Tác giả của Sách Gương Chúa Kitô đã nói rằng: "Nhiều lần vì lợi ích của chúng ta nếu người khác biết khuyết điểm của chúng ta và thậm chí khiển trách chúng ta vì các khuyết điểm này thì là họ giúp chúng ta ở khiêm nhường" (5).



Việc tự tuyên bố mình khai tử lòng kiêu ngạo của chúng ta và tự mình đánh bại nó mà không có ai can thiệp từ bên ngoài cũng giống như sử dụng cánh tay của chúng ta để trừng phạt chúng ta: chúng ta sẽ không bao giờ làm tổn thương chính mình. Nó giống như tự mình, chúng ta muốn cắt bỏ khối u. Có nhiều người (và chắc chắn tôi ở trong số họ) có khả năng nói - thậm chí một cách chân thành - tất cả những điều không tốt có thể tưởng tượng được về bản thân họ, những người, trong nghi thức thống hối, tự tố cáo một cách thẳng thắn và dũng cảm hết sức. Nhưng nếu ai đó xung quanh họ bắt đầu để ý quan tâm tới các lời thú tội của họ, hoặc nếu dám đề cập với họ một phần nhỏ những gì chính họ tự nói ra, thì chắc chắn nẩy lửa sẽ diễn ra. Rõ ràng, con đường vẫn còn rất dài trước khi đạt được đức khiêm nhượng đích thực và sự thật khiêm nhường.

Khi tôi tìm cách nhận được vinh quang từ một người nào đó vì một điều tôi nói hoặc làm, thì đáp lại, hầu như chắc chắn cũng người này sẽ tìm cách nhận được vinh quang từ tôi vì những gì họ làm hoặc nói. Và vì vậy, cả hai chúng tôi đều đang tìm kiếm vinh quang của riêng mình và không ai trong chúng tôi có được nó. Và nếu, do tình cờ, một người trong chúng tôi nhận được nó, thì nó cũng chỉ là "hư danh", là vinh quang trống rỗng mà số phận sẽ tan thành mây khói lúc chết. Nhưng hậu quả vẫn rất khủng khiếp. Chúa Giêsu thậm chí còn liên kết việc tìm vinh quang cho riêng mình với việc thiếu khả năng tin. Người nói với những người Pharixiêu rằng: “Làm sao các ông có thể tin được, khi các ông nhận sự vinh hiển của nhau chứ không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất? "(Ga 5:44).

Khi chúng ta thấy mình chìm đắm trong ý nghĩ và khát vọng muốn được vinh quang của con người, chúng ta hãy ném vào hỗn hợp ý nghĩ tương tự như thế, giống một ngọn đuốc đang cháy, lời Chúa Giêsu đã nói và để lại cho chúng ta: "Tôi không tìm vinh quang cho mình" (Ga 8 : 50). Chữ này có sức mạnh gần như bí tích để thực hiện những gì nó tượng trưng và xua tan những ý nghĩ đó.

Việc theo đuổi sự khiêm nhường là một cuộc chiến đấu kéo dài suốt cuộc đời chúng ta và đụng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự kiêu ngạo có thể được nuôi dưỡng bằng cả điều xấu lẫn điều tốt và do đó có thể tồn tại trong mọi tình huống và mọi "bầu khí”. Thực thế, ngược với mọi điều xấu khác, điều tốt, chứ không phải điều xấu, là cơ sở nuôi dưỡng tốt nhất cho thứ “vi khuẩn” khủng khiếp này. Blaise Pascal từng viết:

“Hư danh bắt nguồn sâu xa từ lòng con người đến nỗi một người lính, một kẻ lỗ mãng, một người nấu ăn, một kẻ chuyên nạy ổ khóa, cũng khoác lác và muốn có nhiều người ngưỡng mộ; và các triết gia cũng mong muốn có họ; và những người viết chống lại họ muốn được tiếng là viết hay; và những người đọc họ muốn có tiếng là đã đọc họ; và tôi, người đang viết những dòng này, có lẽ cũng mong muốn được như vậy; và có lẽ những người sẽ đọc nó cũng thế”. [6]

Hư danh có thể biến đổi ngay cả việc chúng ta cố gắng đạt đức khiêm nhường thành một hành vi kiêu ngạo, nhưng với ơn thánh, kết cục chúng ta sẽ chiến thắng trong trận chiến đấu khủng khiếp này. Trên thực tế, nếu "cái tôi cũ" của qúy vị có thể thành công trong việc biến đổi các hành vi khiêm nhường của qúy vị thành các hành vi kiêu ngạo, với ơn thánh, các hành vi kiêu ngạo của qúy vị có thể được biến đổi thành các hành vi khiêm nhường nhờ việc qúy vị nhìn nhận chúng - khiêm nhường nhìn nhận rằng qúy vị là một hư vô đầy tự hào. Nhờ vậy, Thiên Chúa sẽ được tôn vinh bởi chính cả sự kiêu ngạo của qúy vị.

Trong trận chiến đấu này, Thiên Chúa thường đến giúp dân Người bằng một phương thuốc khá hữu hiệu và độc đáo. Thánh Phaolô viết: "để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một sứ giả của Satan được sai đến vả mặt tôi” (2Cr 12: 7). Để con người không "tự phụ", Thiên Chúa cột chặt ta bằng một chiếc neo: Ngài đặt “nhiều gánh nặng lên lưng chúng ta” (Tv 66:11). Chúng ta không biết chính xác "cái dằm đâm vào xác thịt" và "sứ giả của Satan" là gì đối với Thánh Phaolô, nhưng chúng ta biết rất rõ chúng là gì đối với chúng ta! Bất cứ ai muốn bước theo chân Chúa và phục vụ Giáo Hội đều có chúng. Chúng là những tình huống hạ nhục mà chúng ta luôn được nhắc nhớ, đôi khi cả đêm lẫn ngày, nhắc nhớ thực tại khắc nghiệt của việc ta là gì. Có thể là một khiếm khuyết, một bệnh tật, một yếu đuối, hoặc một bất lực mà Chúa để chúng ta có, bất chấp mọi lời năn nỉ của chúng ta. Có thể là một cơn cám dỗ dai dẳng, hạ nhục và có lẽ đúng là một cơn cám dỗ kiêu ngạo! Có lẽ là một người mà chúng ta phải sống với, người mà, bất chấp thiện chí của cả hai bên, có thể phơi bày sự yếu đuối của chúng ta, để đánh đổ sự tự phụ của chúng ta.

Đôi khi, điều ấy thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa: có những tình huống trong đó người tôi tớ của Thiên Chúa buộc phải chứng kiến một cách bất lực sự thất bại của mọi cố gắng của mình và thấy những điều lớn hơn mình vốn làm cho mình cảm nghiệm đầu tay sự bất lực của mình trước sức mạnh của sự ác và bóng tối. Đặc biệt trong những trường hợp như thế, họ mới học được ý nghĩa của việc "khiêm nhường dưới bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa" (xem 1Pr 5: 6).

Sự khiêm nhường là điều quan trọng không những đối với sự tiến bộ bản thân trên con đường thánh thiện, nó còn rất chủ yếu đối với việc điều hành thích đáng đời sống cộng đồng và việc xây dựng Giáo Hội. Con tin rằng sự khiêm nhường là chất cách điện đối với đời sống của Giáo Hội. Việc cách điện là điều rất quan trọng và chủ yếu đối với các tiến bộ trong lĩnh vực điện học. Thực thế, điện thế càng cao và dòng điện chạy qua đường dây càng mạnh, thì việc cách điện càng phải có khả năng ngăn trở mạnh hơn để ngăn dòng điện khỏi phóng ra mặt đất hoặc gây ra các vụ chạm mạch. Các tiến bộ trong lĩnh vực điện năng phải đi đôi với những tiến bộ tương tự trong kỹ thuật cách điện. Trong đời sống thiêng liêng, đức khiêm nhường là sự cách điện vĩ đại giúp dòng ơn thánh của Thiên Chúa lưu chuyển qua con người mà không tan biến hoặc, tệ hơn, tạo ra những ngọn lửa bùng của kiêu ngạo và đua tranh.

Chúng ta hãy kết luận bằng những lời của một bài thánh vịnh cho phép chúng ta biến lời khuyên mà Thánh Tông Đồ đã ngỏ với chúng ta qua lời giảng dạy của ngài về đức khiêm nhường thành lời cầu nguyện:

Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm
(Tv 131)
___________________________________________________________________________________________________________
[1] Thánh Têrêsa thành Ávila, Interior Castle, VI, ch. 10, vol. 2, Complete Works of St. Teresa of Ávila, Bản tiếng Anh và chú giải của Allison Peers (New York: Burns & Oates, Dover, 2002), tr. 323.
[2] Thánh Angela thành Foligno, The Book of the Blessed Angela of Foligno (Instructions), in Complete Works, Bản tiếng Anh của Paul Lachance (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1993), trang 315-316.
[3] Thánh Antôn Cả, Selections from the Sayings of the Desert Fathers, Bản tiếng Anh của Benedicta Ward (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1975), tr. 8.
[4] Martin Luther, "The Magnificat", Bản tiếng Anh của. A. T. W. Steinhaeuser, vol. 21, Luther’s Works, Jaroslav Pelikan chủ biên (St. Louis, MO: Concordia, 1956), trang 308, 311.
[5] Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, 2, 1, Bản tiếng Anh của Joseph N. Tylenda (New York: Vintage Classics, 1998), tr. 50.
[6] Blaise Pascal, Pascal’s Pensées, Bản tiếng Anh của Martin Turnell (New York: Harper & Brothers, 1962), trang. 134; Braunschweig ed., # 150.
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha hành hương viếng Thánh Piô Năm Dấu Thánh tại San Giovanni Rotondo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:46 18/03/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 7h sáng thứ Bẩy 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để bay đến San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, thường được gọi là cha Piô Năm Dấu Thánh, một linh mục dòng Capuchinô.

Năm nay là kỷ niệm 100 năm ngày cha Piô nhận được Năm Dấu Thánh, và cũng là kỷ niệm 50 năm ngày ngài qua đời. Thánh Piô sinh ra ở Pietrelcina vào ngày 25 tháng 5 năm 1887 và qua đời vào ngày 23 tháng 9 năm 1968 tại tu viện Capuchinô ở San Giovanni Rotondo.

Kim Thúy cũng xin được nhắc lại là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu đưa di hài của cha Thánh Piô đến Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày Thứ Tư Lễ Tro để các tín hữu tôn kính từ ngày 8 đến 14 tháng 2 năm 2016.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba hành hương đến San Giovanni Rotondo. Ngày 23/5/1987, Đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Sau một giờ bay, lúc 8h, trực thăng chở Đức Thánh Cha đáp xuống quảng trường kế bên hội trường Phụng Vụ Piana Romana ở Pietrelcina

Ra đón ngài tại đây có Đức Tổng Giám Mục Felice Accrocca, của tổng giáo phận Benevento và ông Domenico Masone, thị trưởng thành phố Pietrelcina.

Đức Thánh Cha đã dành ít phút cầu nguyện ở nhà nguyện Thánh Phanxicô trước khi có cuộc gặp gỡ với các tín hữu tại quảng trường.

Lúc 9h ngài lại dùng trực thăng để bay từ Piana Romana sang San Giovanni Rotondo. Ba mươi phút sau, trực thăng hạ cánh tại khu thể thao “Antonio Massa” của San Giovanni Rotondo

Tại đây, Đức Thánh Cha đã được Đức Tổng Giám Mục Michele Castoro, của tổng giáo phận Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo và tiến sĩ Costanzo Cascavilla, thị trưởng thành phố San Giovanni Rotondo đón tiếp.

Các vị sau đó đã di chuyển bằng xe hơi đến bệnh viện “Casa sollievo della Sofferenza”. Đức Thánh Cha đã chào đón và ban phép lành cho nhiều bệnh nhân, trước khi đến thăm Phòng Phẫu thuật Nhi khoa. Ngài đã gặp gỡ các trẻ em bệnh nhân nội trú.

Lúc 10h45, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Đức Mẹ Ban Nhiều Ơn Lành, nơi ngài thăm cộng đoàn Capuchinô, và tôn kính di hài Thánh Pio thành Pietrelcina.

Lúc 11h15 Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại tiền đình nhà thờ Thánh Piô thành Pietrelcina.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Từ các bài đọc Sách Thánh chúng ta vừa nghe, tôi muốn rút ra ba từ này, đó là cầu nguyện, bé mọn, và khôn ngoan.

Cầu nguyện. Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta cách thế Chúa Giêsu cầu nguyện. Từ tâm hồn Ngài trào ra những lời này: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25). Lời cầu nguyện đến từ Chúa Giêsu một cách tự nhiên, nhưng không phải là tùy ý: Ngài thường xuyên lui vào những nơi hoang vắng để cầu nguyện (xem Mc 1: 35); đối thoại với Chúa Cha là ưu tiên hàng đầu. Và từ đó các môn đệ đã khám phá một cách tự nhiên lời cầu nguyện quan trọng là dường nào đến mức một ngày kia họ hỏi Ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11: 1). Nếu chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta hãy bắt đầu từ đây, từ lời cầu nguyện.

Chúng ta có thể tự hỏi: các Kitô hữu chúng ta cầu nguyện đủ chưa? Thông thường, lúc cầu nguyện, chúng ta lại có nhiều lý do để thoái thác, nhiều việc khẩn cấp phải làm ... Đôi khi, chúng ta dẹp chuyện cầu nguyện sang một bên khi chúng ta bị cuốn vào một chủ thuyết hoạt động không ngừng nghỉ, khi chúng ta quên “điều gì là tốt hơn” (Lc 10: 42), khi chúng ta quên rằng nếu không có Ngài, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì (xem Ga 15: 5), và từ đó chúng ta lơ là cầu nguyện. Thánh Piô, năm mươi năm sau khi Ngài lên trời, vẫn giúp chúng ta vì Ngài đã muốn để lại cho chúng ta di sản của lời cầu nguyện. Thánh nhân đề nghị, “Các con ơi, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mỏi” (Diễn từ tại Hội Nghị Quốc tế lần thứ hai của các nhóm Cầu Nguyện, 5/5/1966).

Chúa Giêsu trong Phúc Âm cũng chỉ cho chúng ta biết cách cầu nguyện. Trước hết, Ngài nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha”; Ngài không bắt đầu bằng cách nói, “Con cần điều này, điều nọ”, nhưng “con ngợi khen Cha”. Ta không biết đến Cha nếu ta không mở lòng ra ngợi khen, nếu ta không dành thời gian cho cho một mình Ngài mà thôi, nếu ta không tán tụng Ngài. Chúng ta quên lời cầu nguyện tán tụng, lời cầu nguyện ngợi khen Chúa biết chừng nào! Chúng ta phải trở lại điều này. Mỗi người trong chúng ta có thể hỏi: tôi thờ phượng Chúa kiểu nào đây? Khi nào tôi thờ phượng? Khi nào tôi ngợi khen Đức Chúa Trời? Hãy tái tục những lời cầu nguyện tán tụng và ngợi khen Chúa. Đó là một bối cảnh cá nhân, mặt đối mặt, im lặng trước mặt Chúa, đó là bí quyết để bước vào tình hiệp thông với Ngài. Cầu nguyện có thể được phát sinh từ một lời thỉnh cầu, ngay cả lời cầu xin Chúa can thiệp khẩn cấp, nhưng việc cầu nguyện trưởng thành trong lời cầu tán tụng và tôn thờ. Đó là lời cầu nguyện trưởng thành. Cầu nguyện trở nên thật sự cá vị, như đối với Chúa Giêsu, Đấng lúc đó dự phần một cách tự do trong cuộc đối thoại với Chúa Cha: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11: 26). Và, trong cuộc đối thoại tự do và tín thác này, lời cầu nguyện dâng lên trước mặt Chúa toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Và rồi chúng ta tự hỏi thêm: những lời cầu nguyện của chúng ta có giống với những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không, hay là chúng bị giản lược thành những lời kêu cứu khi khẩn cấp lúc này lúc khác? “Tôi cần cái này”, và vì thế tôi cầu nguyện ngay. Và khi anh chị em không cần, anh chị em sẽ làm gì? Hay chúng ta có ý định dùng những lời cầu nguyện như một thứ thuốc an thần với những liều lượng thường xuyên, để giảm bớt căng thẳng? Không, cầu nguyện là một hành động của tình yêu, là ở với Thiên Chúa và mang đến với Ngài cuộc sống trên thế gian này: đó là một công việc không thể thiếu của lòng thương xót thiêng liêng. Nếu chúng ta không phó thác anh chị em chúng ta và các tình huống của chúng ta cho Chúa, ai sẽ làm đây? Ai sẽ cầu thay, ai sẽ lo lắng gỏ cửa thánh tâm Chúa cho các nhu cầu của nhân loại đây? Vì thế, Cha Pio đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Ngài nói với họ: “Chính lời cầu nguyện, chính sức mạnh liên kết tất cả những linh hồn tốt lành này, sẽ thúc đẩy thế giới, canh tân lương tâm ... chữa lành những người đau ốm, thánh hóa công ăn việc làm, tăng cường sức khoẻ, nâng cao sức mạnh tinh thần ... chính lời cầu nguyện loan truyền nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên cho mọi sự suy nhược và yếu đuối (thượng dẫn). Chúng ta hãy chăm sóc những lời này, và tự hỏi bản thân chúng ta: Tôi có cầu nguyện không? Và khi tôi cầu nguyện, tôi có biết ngợi khen Chúa, tôi có thờ phượng Người không, tôi có biết dâng lên Chúa cuộc sống của tôi, và của tất cả mọi người không?

Từ thứ hai: bé mọn. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha vì Ngài đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Ai là những người bé mọn này, ai là những người biết đón nhận những bí mật của Thiên Chúa? Những người bé mọn là những người đang cần đến sự cao cả, họ là những người không tự mãn, những người không tự phụ nghĩ rằng họ chỉ cần đến chính mình. Những người bé mọn là những người có lòng khiêm cung và rộng mở, nghèo khó và thiếu thốn, là những người biết mình cần đến lời cầu nguyện, biết tín thác và để cho mình được đồng hành. Trái tim của những người bé mọn này giống như một ăng-ten: nó nắm bắt tín hiệu từ Thiên Chúa, và hiểu ngay lập tức. Thiên Chúa muốn đến với tất cả mọi người, nhưng những người thấy mình cao cả quá thì tạo ra những trở ngại to lớn, và lòng ao ước Thiên Chúa không xuất hiện trong ta khi ta quá choáng ngợp với cái tôi của mình đến mức không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Đó là lý do tại sao Ngài thích những người bé mọn, Ngài tỏ mình ra cho họ, và cách để gặp Ngài là hạ mình xuống, khiêm cung trong lòng, và nhìn nhận mình cần đến Người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô là mầu nhiệm của sự nhỏ bé: Ngài hạ mình xuống, chính Ngài đã hủy mình đi. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Hình Bánh tại mỗi Thánh Lễ, là mầu nhiệm của sự nhỏ bé, của tình yêu khiêm cung, và chỉ có thể nắm bắt bằng cách trở nên nhỏ bé và đến với những người bé mọn.

Và giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có biết tìm kiếm Thiên Chúa ở đâu không? Ở đây có một ngôi đền đặc biệt nơi Ngài hiện diện vì có nhiều người bé mọn được Ngài ưa thích. Thánh Piô gọi đó là “đền thờ của cầu nguyện và khoa học”, nơi mọi người được mời gọi trở thành những “kho dự trữ tình yêu” cho người khác (Diễn từ kỷ niệm đệ nhất chu niên khánh thành, ngày 5 tháng 5 năm 1957): đó là Nhà xoa dịu Đau khổ. Trong những người bệnh, ta tìm thấy Chúa Giêsu, và trong sự chăm sóc yêu thương của những người cúi xuống trên những vết thương của người lân cận, có con đường gặp Chúa Giêsu. Những người chăm sóc những ai bé mọn đứng về phía Thiên Chúa và đánh bại nền văn hoá loại bỏ, là điều ngược lại, chỉ thích những kẻ có quyền có thế và cho rằng người nghèo là vô dụng. Những ai thích những người bé mọn rao giảng một lời tiên tri về cuộc sống chống lại những tiên tri chết chóc nổi lên trong mọi thời đại, thậm chí cả ngày nay nữa, là những kẻ vứt bỏ mọi người, vứt bỏ những đứa trẻ, những người cao tuổi, bởi vì họ không cần thiết. Khi còn nhỏ, ở trường, họ dạy chúng tôi lịch sử của người Sparta. Tôi luôn bị đánh động bởi những gì thầy giáo nói với chúng tôi, rằng khi một em bé bị dị tật chào đời, họ đưa em bé ấy lên đỉnh núi và xô xuống để những đứa trẻ như thế không tồn tại. Những đứa trẻ chúng tôi nói: “Nhưng sao lại tàn nhẫn thế!”. Anh chị em ơi, chúng ta cũng làm như vậy, tàn ác hơn, và khoa học hơn. Những gì không cần thiết, những gì không hiệu quả đều bị loại bỏ. Nền văn hóa này là thứ văn hóa lãng phí: những người bé mọn ngày nay không được người ta mong muốn. Và vì thế Chúa Giêsu bị gạt sang một bên.

Cuối cùng là từ thứ ba, sự khôn ngoan. Trong bài đọc thứ Nhất, Thiên Chúa nói: “Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh;” (Giêrêmia 9: 23). Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại nơi việc có những phẩm chất tuyệt vời và sức mạnh đích thực không phải nơi quyền lực. Những ai chứng tỏ mình mạnh mẽ, và những ai chống lại cái ác bằng cái ác không khôn ngoan đâu. Vũ khí khôn ngoan và bất khả chiến bại duy nhất là lòng bác ái được linh hứng bởi đức tin, bởi vì nó có năng lực giải giới các thế lực của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu với sự ác trong suốt cuộc đời của ngài và chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa: nghĩa là với sự khiêm tốn, với sự vâng phục, với thập tự giá, chấp nhận đau đớn vì tình yêu. Và tất cả mọi người ngưỡng mộ ngài, nhưng rất ít người làm như vậy. Nhiều người nói tốt, nhưng có bao nhiêu người bắt chước? Nhiều người sẵn sàng cho một cái “like” trên trang Web của các vị thánh vĩ đại, nhưng mấy ai bắt chước làm như các ngài? Hương thơm thánh thiện của cuộc sống Kitô không phải là một cái “like”, nhưng đó phải là một “ân sủng” cho tôi. Cuộc sống là hương thơm khi nó được trao ban như một món quà; nhưng nó sẽ trở nên mờ nhạt khi chỉ được giữ cho bản thân.

Và trong bài đọc đầu tiên, Chúa cũng giải thích với chúng ta nơi nào chúng ta có thể kín múc sự khôn ngoan của cuộc sống: “Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta.”(câu 23). Biết Ngài là gặp Ngài, là Thiên Chúa cứu rỗi và tha thứ; đó là con đường của sự khôn ngoan. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tái khẳng định: “Hãy đến cùng ta, hết thảy những ai mệt nhọc và gánh nặng” (Mt 11:28). Người nào trong chúng ta có thể cảm thấy bị loại trừ khỏi lời mời gọi này? Ai có thể nói, “Tôi không cần điều đó”? Thánh Piô đã cống hiến cuộc đời của ngài với cơ man những khổ đau để giúp các anh chị em của ngài gặp Chúa. Và con đường có tính chất quyết định để gặp Ngài là Xưng Tội, là bí tích Hòa giải. Ở đó, một cuộc sống khôn ngoan bắt đầu và khởi động mới lại từ đầu một cuộc sống được yêu thương và tha thứ; ở đó bắt đầu có sự chữa lành con tim. Cha Piô là một vị tông đồ giải tội. Ngày nay, ngài cũng mời gọi chúng ta đến với tòa giải tội; và ngài nói với chúng ta: “Anh chị em đang đi đâu vậy? Đến với Chúa Giêsu hay đến với nỗi buồn của anh chị em? Anh chị em quay về đâu? Về với Đấng cứu độ anh chị em, hay về với những thất bại, những hối tiếc, và tội lỗi của mình? Hãy đến đây, Chúa đang chờ đợi anh chị em. Hãy can đảm, không có lý do nào nghiêm trọng đến mức loại trừ anh chị em khỏi lòng thương xót của Ngài”.

Các nhóm cầu nguyện, những bệnh nhân trong Nhà xoa dịu, tòa giải tội là ba dấu chỉ hữu hình nhắc nhở chúng ta về ba di sản vô giá, đó là cầu nguyện, bé mọn và sự khôn ngoan của cuộc sống. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng gặt hái được những điều này mỗi ngày.

Sau thánh lễ, lúc 13h, Đức Thánh Cha khởi hành quay về Vatican và đến nơi lúc 14h.