Ngày 18-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Tuần - Tuần V Mùa Chay C
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
03:26 18/03/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 5 mùa chay

Ga 11, 1-45

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là bánh trường sinh. Bánh Thánh Thể của Chúa sẽ mang lại cho chúng con sự sống đời đời. Xin Chúa thương giải cứu linh hồn chúng con khỏi bóng tối của tội lỗi và sự chết. Xin Chúa hãy đánh thức tâm hồn chúng con đang chìm đắm trong những đam mê, tội lỗi.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con lòng mến yêu vào Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin vững vàng để chúng con buông mình trong sự quan phòng của Chúa. Đức tin sẽ nâng chúng con dậy sau những lần vấp ngã. Đức tin sẽ giúp cho lòng cậy trông của chúng con thêm vững vàng hơn. Đức tin sẽ xé tan bức màng tang tóc, buồn đau để chúng con luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dù lòng chúng con còn ngổn ngang trăm chiều. Dù tâm trí chúng con còn bấn loạn hoang mang. Dù thân xác yếu đuối ươn hèn, nhưng chúng con tin Chúa sẽ luôn nâng đỡ chúng con. Chúa mãi mãi là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa là Đấng đầy quyền năng, Chúa đã phán một lời để phục sinh sự sống cho Lagiaro. Chúa đã tháo cởi ràng buộc sự chết cho Lagiaro. Xin Chúa cũng cứu lấy linh hồn chúng con. Xin ân sủng Chúa gột rửa linh hồn chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin ban lại cho chúng con một tâm hồn tinh tuyền, trong trắng là đền thờ của Chúa. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật V Mùa chay

Ga 8,21-30

Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Là Đấng Emmanuel ở cùng chúng con. Chúng con tin rằng Chúa hằng ở cùng chúng con. Khởi đầu bằng việc nhập thể làm người. Chúa thực sự hòa nhâp với lịch sử nhân loại. Hai ngàn năm trôi qua, là quãng thời gian Chúa cùng đồng hành với vũ trụ và lịch sử. Chúa đi vào trần gian để ghi dấu tình yêu thủy chung và không phôi phai nơi trần thế. Biểu tượng tột đỉnh của tình yêu chính là tình yêu tự hiến. Chúa hiến mình chịu chết trên thập tự giá để cứu độ trần gian. Chúa còn tự hiến chính Máu Thịt mình nên của ăn và của uống nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân và cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Lời tâm huyết mà Chúa hằng mong muốn nơi chúng con: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Lời đó không chỉ là lời mời gọi mà còn là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Nếu chúng con là môn đệ của Chúa mà không diễn tả được tình yêu trong ngôn ngữ, hành động của mình thì chúng con chỉ là kẻ dối gian. Theo Chúa là trở nên giống Chúa. Theo Chúa là quên đi bản thân mình mà hòa nhịp với trái tim yêu thương của Chúa. Như thế, theo Chúa là chọn con đường tình yêu để đến với tha nhân, là chọn cung cách yêu thương để đối xử với tha nhân. Là hoạ lại hình ảnh yêu thương của Chúa giữa thế gian.

Lạy Chúa, chúng con muốn được theo Chúa cho đến cùng. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.

Xin ban cho chúng con tấm lòng của Chúa để chúng con yêu thương phục vụ mọi người. Sống bao dung. Sống độ lượng. Sống vâng phục để ý Chúa được nên trọn. Lấy nhân nghiã làm nền tảng để cư xử tốt với mọi người. Chọn sống thanh bần mà hòa mình với tha nhân. Xem chữ tín như mối dây liên kết với đồng loại.

Xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa, để chúng con biết cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh của tha nhân. Cảm thông cả những yếu đuối tội lỗi của họ.

Xin ban cho chúng con đôi tay của Chúa để chúng con xoa dịu những đau thương khốn cùng của anh em. Vực dậy những tâm hồn đang ngã qụy trước những thất bại, đắng cay. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để thi ân cho kẻ cơ hàn.

Xin ban cho chúng con đôi chân của Chúa để chúng con dám đến với tha nhân trong yêu thương phục vụ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chùn bước trước gian nguy thử thách. Một lòng tín trung bước theo Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu làm biểu tượng cho cuộc sống của mình. Xin cho chúng con biết sống và yêu như Chúa đã sống để yêu thương chúng con. Amen.

Thứ Tư sau Chúa nhật V mùa chay

Ga 8,31-42

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là nguồn sự sống của chúng con. Chúng con tin và thờ lạy Chúa. Ngay từ khi dựng nên Adam, Chúa đã thổi hơi và thông truyền sự sống của Chúa cho con người. Thế nhưng, vì kiêu ngạo tổ tông của chúng con đã đánh mất sự sống trường sinh mà Chúa đã ban trong khi tạo dựng.

Vâng lạy Chúa, hậu quả của tội tổ tông là sự chết đã đi và thế gian. Con người phải đau khổ vì lỗi lầm của mình gây ra. Con người đã bị những tham sân si trói buộc mình trong những đam mê thấp hèn, trong những ích kỷ kiêu căng. Thế nhưng tình thương của Chúa không muốn cho con người phải trầm luân muôn đời. Chúa đã nhập thể làm người để cứu chuộc chúng con, để phục hồi sự sống ban đầu, và tặng ban sự sống thần linh trong bí tích Thánh Thể, hầu dưỡng nuôi và dẫn con người đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được Chúa biến đổi, thăng tiến. Những con người tội lỗi như Giakêu, như Madalêna, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Gia cóp đã tìm được niềm vui của sự hoán cải, của tha thứ và cảm thông. Những con người đang nặng trĩu những hoang mang lo lắng như hai môn đệ đi làng Emmau đã bừng sáng niền tin và hy vọng. Những trái tim chân thành như các tông đồ năm xưa đã tìm được lẽ sống để hân hoan bước đi theo Chúa. Tất cả những cảnh đời đó đã được biến đổi, được tăng thêm sức mạnh và nghị lực nhờ gặp được Chúa và trọn vẹn tín thác nơi Chúa.

Giờ đây trước tôn nhan Chúa, chúng con cũng mang khuôn mặt của những con người đầy khiếm khuyết tội lỗi, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của tội lỗi, những đam mê bất chính để chúng con sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để những ai gặp gỡ và tiếp xúc với chúng con cũng tìm được sự nâng đỡ, khích lệ và bình an. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật V mùa chay

Ga 8,51-59

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con thật lòng tạ ơn tình thương của Chúa dành cho mỗi người chúng con. Cho dù cuộc đời chúng con còn đầy những tội lỗi và lầm lỡ, nhưng Chúa vẫn trao ban cho chúng con biết bao ơn lành hồn và xác. Xin cho chúng con biết trân trọng những ân ban của Chúa, và khiêm hạ đón nhận trong tâm tình cảm mến tri ân. Xin cho chúng con cũng được trở nên tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và cho mọi người.

Lạy Chúa, mỗi lần chúng con được rước Chúa là một lần chúng con được mời gọi hoàn thiện mình trở nên thánh thiện theo hình ảnh Chúa. Mỗi lần chúng con rước Chúa là chúng con được bổ dưỡng bởi sức sống phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con được sống trong tình thương của Chúa với trọn tâm tình hân hoan như lời thánh vịnh mô tả:

“Hạnh phúc thay ai sống hoàn thiện,

biết noi theo luật pháp Chúa Trời.

Con thành tâm dâng lời cảm tạ,

vì được biết những quyết định công minh.

Thánh chỉ Ngài con xin tuân giữ,

xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con.

Xin Chúa luôn ở bên cuộc đời chúng con. Xin nâng đỡ những yếu hèn nơi bản thân chúng con. Xin giúp chúng con biết hoàn thiện cuộc đời mình theo thánh ý Chúa, ngõ hầu làm rạng danh Chúa trong cuộc đời hôm nay. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật V mùa chay

Ga 10,31-42

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ sự hiệp nhất chúng con nên một trong Chúa, như lời bài hát: “Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày, linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây”. Bởi lẽ, tuổi thơ ngây con cái thường vui đùa bên cha mẹ, luôn cảm thấy an vui khi cha mẹ ở bên. Nhờ sự hiện diện của cha mẹ, con cái xum vầy bên nhau và mái nhà rộn rã tiếng cười vui. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa hiện diện giữa chúng con như người cha luôn ở bên con cái mình. Sự hiện diện của Chúa đã quy tụ cộng đoàn chúng con thành một gia đình giáo xứ. Niềm vui của sự xum vầy và hạnh phúc của tình huynh đệ sẽ chan hòa nếu chúng con biết sống trong sự hướng dẫn và quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa mang lấy thân phận con người mà chúng con được làm con cái Thiên Chúa. Chúng con xin tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương. Xin cho chúng con biết đối xử với nhau trong tình thân ái của anh em con một cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì tính ích kỷ, kiêu căng để rồi làm mất vẻ đẹp hiệp nhất nơi Giáo hội, nhưng luôn biết sống khiêm tốn để cùng nhau tôn vinh chúc tụng Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 5 mùa chay

Ga 11,45-56

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Mùa chay luôn mời gọi chúng con cùng vác thập giá đi theo Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa thêm sức mạnh để chúng con can đảm vượt qua những chông gai trên đường đời.

Lạy Chúa, cuộc đời có đau khổ và hạnh phúc. Có những nụ cười và có cả những giọt nước mắt. Có những thành công và thất bại. Chúng con cám ơn Chúa đã chia sẻ phận người với chúng con. Chúa đã sống trọn kiếp người ba chìm bảy nổi và đầy sóng gió nguy nan. Chúa đã trải qua những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Chúa âm thầm sống theo từng lừa tuổi để yêu thương và cảm thông với chúng con. Cuộc đời Chúa không thiếu những lời khen và cũng không ít những lời chê. Chúa đã từng làm ơn để rồi bị mắc oán. Chúa cũng cảm nghiệm nỗi đau của sự vong ân bội nghĩa của tha nhân. Nhưng Chúa đã vượt qua tất cả nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin giúp chúng con luôn quảng đại gieo vãi tình yêu thương mà không mong đền đáp.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi theo Chúa trên con đường thập gia hy sinh. Xin giúp chúng con biết mục nát đời mình nên nguồn sống cho anh em. Xin giúp chúng con biết chấp nhận thực tại cuộc sống: có vui, có buồn, có đau khổ và có hạnh phúc, nhưng điều quan yếu là dầu trong hoàn cảnh nào chúng con cũng luôn có Chúa bên mình. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa
Lm. Jude Siciliano, OP
07:56 18/03/2010
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C

Is 43: 16-21; Pl 3: 8-14; Ga. 8: 1-11

Hôm nay, Chúa Giêsu thay đổi hướng nhìn của chúng ta. Thay vì nhìn xung quanh và chỉ ra tội lỗi cũng như những sai lầm của người khác, thì Người hướng dẫn chúng ta nhìn vào tận thâm sâu khung cảnh nội tâm của mỗi người. Đâu là những gai góc và vật cản cần được nhổ đi và ném ra ngoài?

Hôm nay là Chúa Nhật thứ năm mùa Chay và nếu chúng ta đang kiểm điểm lương tâm trong Mùa Chay thì, dưới ánh sáng của Mùa Chay, hẳn là giờ đây chúng ta đã ý thức được đâu là chỗ chúng ta phải thay đổi và đâu là sự giúp đỡ chúng ta cần để vượt qua những sai lầm.

Những kẻ chống đối Chúa Giêsu thì giỏi xem xét luật tôn giáo và áp dụng những luật đó cho người khác, nhưng họ lại không giỏi sử dụng những luật đó để hướng dẫn hành vi của mình. Họ cũng tài tình chọn lựa những điều luật được áp dụng theo ý của họ và buộc tội những người khác. Trong Tin Mừng hôm nay, điều gì xảy đã ra cho người đàn ông có quan hệ bất chính? Có vài khía cạnh đáng khó chịu trong câu chuyện này: chúng ta đang kể về người đàn bà “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.” Phải chăng người ta gài bẫy cho cô ta? Phải chăng đây cũng là một cái bẫy dành cho Chúa Giêsu? Ở đây, chúng ta có một ý tưởng hay về việc những kẻ chống đối Chúa Giêsu đã đã không hướng cái nhìn về phía chính họ..

Chúa Giêsu muốn chuyển hướng sự chú ý của họ vào hai điểm. Trước tiên, đối với chính họ, Người nói, “Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá ném trước đi.” Sau đó Người cúi xuống viết trên đất. Người đã cho họ một cơ hội để nghĩ về đời sống của chính họ, giống như một mùa chay nhỏ để tĩnh tâm. Sau một lát suy nghĩ, những người lớn tuổi bỏ đi trước. Phải chăng tuổi già cho họ sự khôn ngoan để nhận ra sự thật mà Chúa Giêsu đang nói đến. Có lẽ không phải thế. Có thể họ đã có quá nhiều tội lỗi trong lương tâm của họ và chẳng cần nhiều thời giờ cũng đã nhận ra. Vì vậy họ bỏ đi. Cuối cùng, tất cả đều bỏ đi.

Thật tiếc, vì nếu họ ở lại, ý thức được tội lỗi của họ, như người phụ nữ đã nhận ra tội của chị, thì họ có lẽ cũng đã nhận được điều mà người phụ nữ ấy đã nhận được. “Tôi cũng không lên án chị. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu cũng không ném đá mặc dù Người có thể làm thế vì chỉ có mình Người là không có tội. Người cũng không nói rằng Thiên Chúa sẽ ném hòn đá nào hay không. Lòng nhân từ đã được thể hiện. Không còn bị nô lệ cho quá khứ tội lỗi, “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Nhưng người phụ nữ chưa từng yêu cầu lòng nhân từ. Chị chỉ đứng đó cùng với những tội lỗi của chị dưới sự hiện diện của đấng nhân lành. Và chị ta đã được hưởng lòng nhân ấy. Điểm thứ hai mà Chúa Giêsu muốn hướng cái nhìn của chúng ta đến là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nếu anh chị em đứng dưới ánh nắng mặt trời, anh chị em sẽ bị rám nắng hoặc thậm chí bị cháy nắng. Nếu anh chị em ở trong sự nồng ấm của ơn tha thứ của Thiên Chúa, khi anh chị em ý thức được tội lỗi của mình, thì anh chị em sẽ nhận được ơn tha thứ đó. Chúng ta chỉ cần nhận biết tội lỗi của chúng ta và tin tưởng rằng có lòng nhân từ dành cho chúng ta trong đức Kitô.

Mùa Chay được coi là thời gian giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình. Cứ như thể chúng ta đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, giống như người phụ nữ kia. Bây giờ, Người hỏi chúng ta, “Mùa Chay này có đổi mới gì trong tâm hồn hay không?” Sau đó người cúi xuống viết trên đất, để chúng ta có thời gian mà suy nghĩ về những việc đã qua. Trong những tuần lễ này có lẽ chúng ta đã ý thức rõ hơn về những thiếu sót của mình: những ích kỷ, sự thờ ơ với những người xung quanh; thiếu lòng quảng đại, quá đam mê vật chất và của cải, quá hẹp hòi với thế giới rộng lớn và môi trường xung quanh của chúng ta… Rồi chúng ta nhận được ân sủng dồi dào của Mùa Chay này thấm đẫm cuộc sống của chúng ta và đòi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta có cảm thấy tội lỗi không? Sau khi viết trên đất để cho chúng ta thời gian suy nghĩ, Chúa Giêsu nhìn thấy tấm lòng ăn năn của chúng ta và trao cho chúng ta một điều tương tự với điều Người đã trao cho người phụ nữ, đó là sự tha thứ. Và Người cũng truyền cho chúng ta: “Đừng phạm tội nữa.”

Chúng ta không biết người phụ nữ ấy ra đi và có thay đổi đời sống của chị hay không. Nhưng còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có đón nhận sự tha thứ mà Mùa Chay đã giúp chúng ta ý thức được đó là sự cần thiết cho chúng ta hay không? Liệu chúng ta có đón nhận sự trợ giúp mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để có thể biến đổi cuộc đời mình trở nên tốt hơn không?

Chúng ta đang ở trong thời điểm thuận lợi của Mùa Chay. Ngay trong Thánh lễ này, Lời Chúa soi dẫn và khích lệ chúng ta và lương thực mà chúng ta chia sẻ củng cố sự quyết tâm của chúng ta cũng như mang lại cho chúng ta niềm hy vọng. Nếu Lời đã nói với chúng ta điều gì trong Mùa Chay này, thì đó là sự nhắc nhớ chúng ta rằng, trong Chúa Kitô, mọi sự đều có thể! Có lẽ, đó cũng là những gì mà Thánh Phaolô được.

Trên đường tới Đamát Phaolô đã được biến đổi, cái nhìn của ngài chuyển sang hướng khác. Trước đó, ngài đã là một người Do Thái nhiệt thành trong thành Tácsô. Ngài cũng là một công dân Rôma. Ngài cũng đã được những bậc thầy vĩ đại của Dothái như thầy Ga-ma-li huấn luyện (Cv 22,3). Vì thế, Phao-lô thực sự có đầy đủ quyền hành khi đi đến Đamát để bắt những Kitô hữu (Cv 9). Lối nhìn của ngài hợp với bản thân ngài, với những gì ngài biết và những gì ngài suy nghĩ. Ngài đã thực hiện nghĩa vụ tôn giáo của mình.

Hãy tưởng tượng cảnh Phao-lô ngạc nhiên và bối rối khi Chúa Kitô nói với ngài và biến đổi đời sống của ngài 180 độ trên đường đến Đamát. Sự thay đổi tận căn đó khiến ngài viết cho Philipphê về quá khứ của mình theo cách này “vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” Phao-lô đang trên đường tìm bắt các Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa. Nhưng trong thư gửi Philipphê, chính Phaolô cũng đang xác định một niềm tin như thế; không phải chỉ trong lá thư này, nhưng trong tất cả những lá thư của ngài. Với cái nhìn mới mẻ, ngài thừa nhận rằng sự công chính không xuất phát từ sự tuân phục lề luật, cũng không phải đến từ người giảng dạy lề luật nhưng là từ Thiên Chúa “dựa trên lòng tin.”

Phao-lô không còn theo đuổi sự công chính mà ngài nghĩ rằng có được nhờ công khó của mình; sự công chính ấy không đến từ chính ngài nhưng từ những công việc của Thiên Chúa nơi ngài (3,9). “Không phải sự công chính của tôi dựa trên lề luật nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, sự công chính do Thiên Chúa ban…” Thánh Phao-lô đã khám phá ra rằng trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã tỏ lộ mình ra như một Thiên Chúa của ân sủng và lòng từ bì thương xót. Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu và luôn luôn ban cho chúng ta lòng nhân từ nếu chúng ta để Thiên Chúa thực hiện điều đó trên cuộc đời mình. Nếu chúng ta đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì cũng giống như

Phao-lô chúng ta cũng sẽ trở nên thụ tạo mới, được tái sinh trong đời sống mới mà giờ đây chúng ta chia sẻ trong Chúa Ki-tô phục sinh. Việc chọn lựa bài đọc từ thư Phi-lip-phê ngày hôm nay cho thấy rằng, thánh Phao-lô đã biết việc tái sinh vẫn chưa hoàn tất nơi chính ngài. Điều mà chúng ta cũng phải ý thức trong mùa Chay này là vẫn còn nhiều việc cần được thực hiện nơi chúng ta. Chúng ta biết rằng Chúa Ki-tô cũng biết những việc đó. Người không kết tội nhưng vì kết hiệp của chúng ta với Người nên Chúa Ki-tô hứa hoàn tất công trình cứu độ đã được khởi sự trong chúng ta. Đó là hy vọng mà Phaolô đã theo đuổi khi ngài nói “…quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.”

Tôi thích kiểu diễn tả của thánh Phao-lô về “phần thưởng từ trời cao” của Thiên Chúa. Trong khi mùa chay có nguy cơ kìm chúng ta lại trong vũng bùn của tội lỗi thì thánh Phao-lô nói với chúng ta đừng nhìn lại những gì “rác rưởi.” Thay vào đó, ngài muốn chúng ta lắng nghe sứ điệp tin mừng của ân sủng và đón nhận ơn tha thứ nhưng không dành cho chúng ta. Để rồi, giống như vận động viên hoàn thành cuộc đua, chúng ta có thể “cố sức tiến về phía trước,” đặt trọn tầm mắt và niềm hy vọng vào tương lai của chúng ta và “phần thưởng của Thiên Chúa từ trời cao đang mời gọi.” Vì thế, thánh Phao-lô từ bỏ những gì ngài cho là có được nhờ việc tuân phục lề luật, với hy vọng rằng một ngày nào đó ngài sẽ có được sự tất cả là chính Đức Ki-tô.

Anh em HV Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ
 
Ý thức hệ thế tục hóa, hay trào lưu khai trừ Thánh Giá Chúa
LM. Nguyễn Hữu Thy
08:25 18/03/2010
Ý thức hệ thế tục hóa, hay trào lưu khai trừ Thánh Giá Chúa

1) Sự phán quyết của Tòa án Liên Hiệp Âu Châu về Thánh Giá nhân danh các quyền con người, đã xúc phạm trắng trợn đến chính các quyền con người.

Đúng vậy, sự phán quyết vào tháng 11 năm 2009 vừa qua của Tòa án Liên hiệp Âu Châu: Nhân danh quyền con người, cấm các trường công lập tại Ý không được treo tượng Thánh Giá trong các phòng học như từ trước cho tới lúc bấy giờ, đã bị đa số mọi thành phần dân chúng trong Liên Hiệp Âu Châu cũng như nhiều nơi khác trên thế giới chống đối và kết án.

Nhìn một cách tổng quát, ở Âu Châu ngoài các Nhà Thờ, các Tu Viện và các cơ sở thuần túy tôn giáo ra ra, thì sự hiện diện của tượng Thánh Giá ở các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, tòa án, công trường, đường sá, v.v… là một biểu tượng văn hóa và truyền thống thánh thiêng từ hàng ngàn năm nay của lục địa này, một lục địa đã đặc biệt được gầy dựng nên, được phát triển và được tồn tại nhờ vào nền tảng các học thuyết xã hội hợp lý và các giáo lý chân chính của Kitô giáo.

Nhưng vấn nạn đã được đặt ra ở đây là liệu sự phán quyết kia của Tòa án LH Âu Châu, một cơ quan có bổn phận bảo vệ các quyền con người, có thực sự phù hợp với các quyền con người hay không?

Để trả lời vấn nạn đó, một cuộc nghiên cứu và tìm hiểu đầy đủ và khách quan đã chứng minh cho thấy rằng phán quyết của Tòa án LH Âu Châu phụ trách vấn đề các quyền con người là không đúng và là một xúc phạm trắng trợn đến chính các quyền nền tảng ấy, và mỉa mai thay là sự xúc phạm trắng trợn này còn được khen thưởng bằng tiền bạc nữa, đó là khi những phụ huynh của những học sinh liên hệ, những kẻ chống đối sự hiện diện của tượng Thánh Giá tại các phòng học, còn nhận được tiền đền bù các tổn phí và thiệt hại của việc họ đâm đơn kiện.

2) Thái độ khoan dung đối với sự thực hành đạo của các tôn giáo là một điều đương nhiên

Quyền con người về tự do tôn giáo được công khai ghi rõ ràng trong Hiệp ước Âu Châu để nhằm bảo vệ các quyền con người như sau:

„Điều 9 về sự tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo:

§1: Mỗi người có quyền được tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm sự tự do thay đổi tôn giáo hay vũ trụ quan (hay ý thức hệ) của mình và sự tự do tin theo tôn giáo hay vũ trụ quan của mình, từng cá nhân hay cùng với những người khác, một cách công khai hay riêng tư qua việc cử hành tế tự, dạy giáo lý hay thực hành các thói quen và các lễ nghi.

§2: Quyền tự do tin theo tôn giáo hay vũ trụ quan (hay ý thức hệ) của mỗi người chỉ bị hạn chế như pháp luật đã dự liệu và trong một xã hội dân chủ vì sự an ninh công cộng, vì để bảo vệ trật tự chung, sức khỏe hay đạo đức luân lý hay để bảo vệ những quyền lợi và sự tự do của những người khác.“

Nếu không có sự sống chung hài hòa giữa các tôn giáo với nhau, thì ý nghĩa và mục đích của quyền tự do tôn giáo, tức sự khoan dung và sự tôn trọng chân thành đối với các niềm tin tôn giáo, sẽ là một điều hoàn toàn bất khả. Thực ra, từ đầu, vấn đề trước hết chỉ liên quan tới sự sống chung huynh đệ đồng tín ngưỡng giữa các Giáo Hội khác nhau thuộc Kitô giáo, và những nền tảng chung của Kitô giáo được coi là giá trị và sự ràng buộc thiêng liêng một cách tổng quát giữa các Giáo Hội ấy. Bởi vì, sự khoan dung luôn luôn chỉ khả dĩ, nếu nó được đặt trên nền tảng một sự xác tín chung về quyền tối thượng của Thiên Chúa. Nhưng từ kỷ nguyên ánh sáng hay kỷ nguyên triết học (thế kỷ XVIII) trở đi, người ta lại quan niệm sự xác tín chung này phải được xây dựng trên nền tảng lý trí, vì họ cho rằng nhờ thế nó mới thực sự là một điều khả dĩ đối với sự sống chung hài hòa của tất cả các vũ trụ quan hay các ý thức hệ khác nhau.

Qua tiết §1 của Điều 9 trong Hiệp ước Âu Châu về các quyền con người, sự bảo vệ quyền tự do tin theo một tôn giáo hay một vũ trụ quan và sự thực hành các xác tín ấy là một quyền lợi xác thực và đồng thời điều đó có nghĩa là mỗi người phải cư xử khoan dung và cảm thông đối với sự tin theo cũng như sự thực hành các tôn giáo và các vũ trụ quan khác với tôn giáo và vũ trụ quan của mình. Chiếu theo tiết §2 của Điều 9, thì quyền lợi ấy chỉ có thể bị giới hạn, khi bó buộc phải bảo vệ sự an ninh trật tự công cộng, sức khỏe, luân lý đạo đức hay quyền lợi và sự tự do của những người khác. Dĩ nhiên, tiết §2 này chỉ đưa ra một sự giới hạn, chứ không vô hiệu hóa tiết §1. Sự giới hạn này nhất thiết phải được luật pháp dự liệu. Vì thế, nếu người ta giải thích điều này một cách thật chặt chẽ đúng theo luật, thì Tòa án Âu Châu không được quyền phê chuẩn một sự hạn chế như thế được, nghĩa là sự treo tượng Thánh Giá trong các phòng học, vì một sự hạn chế như thế không được dự liệu rõ ràng trong luật pháp. Chỉ trừ khi người ta tiếp tục giải thích tiết luật trên một cách mập mờ và tổng quát, thì sự khẩn thiết của việc bảo vệ các quyền lợi và các quyền tự do của những kẻ khác mới được coi là đủ lý do để áp dụng một sự hạn chế như thế. Và chỉ với cách giải thích mập mờ như thế, thì sự phán quyết của Tòa án Âu Châu mới có thể được coi là hợp lý.

Nhưng trong trường hợp đang được bàn đến ở đây, người ta lại nhìn thấy được một cách quá rõ ràng là không hề có vấn đề các quyền lợi và các quyền tự do của con người trực tiếp đi ngược lại tiết §1 của Điều 9. Trong trường hợp này, tiết §2 rất có thể vô hiệu hóa hoàn toàn tiết §1, nếu như tôi có thể khẳng định được rằng tôi phải tin theo và thực hành một tôn giáo không phù hợp với tôi, chỉ do những người khác áp đặt cho tôi mà thôi, và vì thế đi ngược lại những quyền lợi và sự tự do của tôi. Nói tắt, từ tiết §1 người ta có thể đi tới kết luận là không ai có thể có quyền cấm đoán một người nào đó không được tin theo và thực hành tôn giáo của anh ta, bởi lý do là tôi không muốn chấp nhận tôn giáo ấy. Nếu không, chắc chắn vấn đề sẽ dẫn tới những hậu quả hoàn toàn phi lý và buồn cười không thể tránh được. Vâng, chẳng hạn bấy giờ, con đường dẫn đứa bé liên hệ hằng ngày đến trường học sẽ không còn được phép chạy qua bất cứ ngôi nhà thờ Kitô giáo, đền thờ Hồi giáo hay hội đường Do-thái nào nữa, tức những nơi được coi là biểu tượng đặc trưng của một tôn giáo, nhưng đòi buộc phải chạy qua những nơi trung lập mà thôi. Tiếp đến, các viện bảo tàng công cộng cũng không còn được phép trưng bày những tranh ảnh hay những hình tượng cổ về tôn giáo, v.v… Thật là một điều không thể hiểu được! Chính những người chủ trương thế tục hóa một cách cực đoan cũng không dám đòi hỏi một điều phi lý như thế.

Bởi vậy, chính Hội đồng Trung ương người Do-thái đã hoàn toàn có lý khi lên tiếng kết án phán quyết của Toà án LH Âu Châu về việc cấm treo tượng Thánh Giá trong các phòng học ở Ý, mặc dù „Thánh Giá đối với Do-thái là một điều ô nhục không thể chấp nhận được“ (1Cr 1,23). Bởi vì, ngoài sự phi lý không thể chấp nhận được của nó như đã nói trên, phán quyết của Tòa án LH Âu Châu còn là một sự đe dọa trực tiếp đầy nguy hiểm đối với các cộng đồng người Do-thái ở khắp nơi trên thế giới nói chung và ở Âu Châu nói riêng. Đúng thế, lời phán quyết ấy có thể gây nên làn sóng bài trừ các tín đồ Do-thái và sự hận thù chống lại nhà nước Ít-ra-en và có thể tạo nên phong trào đòi buộc nghiêm cấm các biểu tượng của Do-thái cũng như của Hồi giáo. Nhưng việc các quan tòa, những người đã đưa ra phán quyết ấy, cũng như một số người ủng hộ phán quyết của họ xem ra đã không phải đối mặt những hiện tượng tiêu cực trên, cũng chẳng thay đổi được gì tốt hơn cho hoàn cảnh những người có liên quan đến vụ kết án.

3) Nhân danh sự tư do tôn giáo để khen thưởng sự hận thù tôn giáo

Người ta có thể nói được rằng phán quyết của Tòa án LH Âu Châu đã không bắt nguồn từ quyền con người về tự do tôn giáo, nhưng bắt nguồn từ một ý thức hệ thế tục hóa, một ý thức hệ đã bùng nổ, đang lan tràn ra khắp nơi trên thế giới và đặc biệt đang vô thần hóa Âu Châu, đã được đặt thay thế vào chỗ quyền con người chân chính. Dĩ nhiên, ở đây khi đề cập tới quyền con người về tự do tôn giáo thì hoàn toàn không hề có liên quan gì tới sự phân biệt giới hạn giữa nhà nước và các tôn giáo. Sự tương quan giữa nhà nước và tôn giáo được qui định bởi các hoàn cảnh của các nhà nước khác nhau, nhưng không qua thỏa hiệp về quyền con người. Ngoài ra, người ta cũng cần phải nắm rõ được điều này là khi đề cập tới sự phân biệt giới hạn giữa nhà nước và các tôn giáo, thì không hề có nghĩa là các nhà nước Âu Châu phải hoàn toàn tách biệt ra khỏi Kitô giáo. Phân biệt, chứ không tách biệt. Bởi vì, nhà nước đương nhiên có thể tự chọn cho mình những quan điểm thuộc tôn giáo hay vũ trụ quan nhất định làm của riêng mình, bao lâu nhà nước không bó buộc hay áp đặt tất cả người dân phải thực thi những quan điểm ấy của mình. Trong một nước thực sự dân chủ và tiến bộ, nhà nước và tôn giáo – nhờ vào các khả năng, các điều kiện và các phạm vi chuyên biệt của mình – cùng cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phục vụ phúc lợi chung và thăng tiến xã hội. Trong đó, tôn giáo sẽ đặc biệt trợ giúp và hướng dẫn nhà nước trong lãnh vực tinh thần và đạo đức luân lý, hầu cho các chính sách và các đường lối phục vụ các phúc lợi chung của nhà nước được đúng đắn và có hiệu quả thiết thực. Một ví dụ quen thuộc nhất về điều này là sự xác nhận mang tính cách tôn giáo trong phần kết thúc lời tuyên thệ nhận chức của một vị tân Tổng Thống, của các tân Bộ trưởng hay của các vị nắm giữ các trách nhiệm quan trọng khác tại các quốc gia dân chủ và tân tiến, như ở Hoa Kỳ hay ở một số nước Âu Châu, chẳng hạn ở Hoa Kỳ: „… So help me God!“ (… Xin Chúa trợ giúp con); và ở CHLB Đức cũng tương tự như thế: „… So wahr mir Gott helfe“ (… Xin Chúa trợ giúp con thực hiện được như vậy!).

Nói tóm lại, khi ra phán quyết cấm treo tượng Thánh Giá trong các lớp học tại các trường công lập ở Ý, Tòa án LH Âu Châu phụ trách về các quyền con người đã tạo dịp thuận lợi cho sự bất khoan dung tôn giáo và qua đó họ đã xúc phạm và phản bội lại chính các quyền con người. Đây quả là một Xì-căng-đan, một sự ô nhục thế kỷ của Âu Châu, một lục địa đã được xây dựng, được phát triển và được tồn tại cho tới ngày nay nhờ được nấp bóng Thánh Giá Đức Kitô, vâng, nhờ được ấp ủ và chở che dưới bóng Thánh Giá Đức Kitô. Bởi vì, những phán quyết tiêu cực tương tự như phán quyết về Thánh Giá của Tòa án Âu Châu không hề cổ xúy hay thăng tiến sự tự do tôn giáo cũng như sự tự do nói chung, nhưng trái lại, nó đã cung cấp cho những kẻ vô thần và những kẻ thù ghét tôn giáo có được một dịp may hiếm có để đào hố sâu chôn vùi những nền tảng sự tự do chân chính của con người. Tiếp đến, điều đó còn được minh chứng rõ ràng và cụ thể khi những kẻ chủ trương thái độ bất khoan dung tôn giáo đã được đền bù những tổn phí và vất vả của họ. Nói cách khác, nhân danh quyền tự do tôn giáo người ta đã thưởng công cho chính sự thù hận tôn giáo. Đây hẳn là một dấu hiệu tiêu cực và vô trách nhiệm, tố cáo một tình trạng tinh thần hỗn loạn, vô thần, bị thế tục hóa và sa đọa trầm trọng của một số người đang nắm giữ vai trò „cầm cân nảy mực“, đang nắm giữ vai trò lãnh đạo của lục địa Âu Châu, một lục địa được mệnh danh là cái nôi của Kitô giáo và của nên văn minh nhân loại.

Hy vọng rằng sự sai lạc vô cùng nguy hại này chóng được điều chỉnh, chóng được sửa sai và không bao giờ có dịp tái diễn lại, nhưng hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi tư duy con người, nhất là ra khỏi tư duy của những người nắm giữ vai trò lãnh đạo và có trách nhiệm quyết định trong các xã hội.

(Suy tư Mùa Chay 2010)
 
Nghịch lý nơi Thiên Chúa và nghịch lý nơi con người
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:49 18/03/2010
Tin Mừng vốn là tin bình an, tin mang lại ơn cứu độ, nhưng cũng chứa đầy những nghịch lý. Có những nghịch lý phát xuất từ giáo huấn của Chúa Kitô. Có những nghịch lý đến từ niềm tin của những kẻ đi theo Ngài. Có những nghịch lý đáng yêu. Có những nghịch lý đáng ghét. Có những nghịch kéo theo những hệ luỵ chết chóc. Có những nghịch lý chất chứa nguồn ơn cứu độ. Câu chuyện Tin Mừng về người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang của thánh sử Luca hôm nay cho chúng ta thấy hai trong trong số các nghịch lý ấy: một nghịch lý nơi Thiên Chúa và một nghịch lý nơi con người.

1. Nghịch lý nơi Thiên Chúa, một nghịch lý đáng yêu:

Thiên Chúa có quyền lên án, kết tội, nhưng Ngài không lên án mà lại còn thứ tha. Thiên Chúa có quyền lên án vì Ngài là Chúa cả trời đất, là Đấng thập toàn, nhưng Ngài không bao giờ lên án tội nhân. Vì sao Ngài không lên án tội nhân ?

- Ngài không lên án vì Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài không bao giờ muốn con người phải đau khổ và phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23).

Chúng ta biết rằng người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Bị bắt quả tang đồng nghĩa với cái chết. Luật Môisê đã qui định như thế. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu chị ta. Vấn đề chỉ còn là thời gian. May mắn cho chị, chị đã gặp được Đức Giêsu, Đấng là hiện thân của lòng thương xót. Ngài đã cứu chị khỏi một “bàn thua” trông thấy.

- Ngài không lên án, nhưng thứ tha vì Ngài muốn cho con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa một cách sâu xa. Nếu nơi lề luật Cựu Ước, người phụ nữ ngoại tình nhận ra một Thiên Chúa nghiêm khắc và công thẳng, thì nơi Đức Giêsu, chị đã cảm nghiệm được một vị Thiên Chúa vô cùng bao dung và nhân hậu: “Ta không kết án chị đâu” (Ga 8,11). Đối với chị, Đức Giêsu, Đấng đang nói với chị, chính là cứu Chúa của đời chị và là hiện thân của lòng thương xót, đúng như lời Ngài đã từng công bố: “Con Ngưòi đến để cứu vớt, chứ không phải để huỷ diệt; Ta đến không phải kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,32).

- Ngài không lên án nhưng tha thứ vì Ngài muốn cho tội nhân có cơ hội làm lại cuộc đời. Trong câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy lòng bao dung tha thứ của Chúa Giêsu đã mở ra cho người phụ nữ ngoại tình một vận hội sống đời sống mới. Nói cách khác, khi tuyên bố “Con hãy về và đừng phạm tội nữa” Chúa Giêsu đã cho chị một cơ hội để hoàn lương và để làm lại cuộc đời. Từ nay chị sẽ trở thành một con ngưòi mới, giã từ quá khứ ô nhơ để sống một cuộc đời lành thánh. Tắt một lời, Chúa Giêsu đã cứu thoát chị khỏi cái chết thể lý tủi nhục, Ngài còn cứu chị khỏi cái chết khốn nạn đời đời nữa.

Qua những lý do vừa nêu ta thấy rõ ràng rằng nghịch lý nơi Thiên Chúa là một nghịch lý rất đáng yêu, nghịch lý mang lại ơn cứu độ. Trước mặt Thiên Chúa, con người chưa phải là thiên thần nhưng cũng không phải là ác quỷ, mà đơn giản họ là tội nhân cần được cứu độ. Con Một của Ngài đã chết cho tội nhân, và Ngài muốn cái chết ấy là niềm hy vọng cứu độ cho hết thảy mọi người. Thế còn nghịch lý nơi con ngưòi thì sao ?

2. Nghịch lý nơi con người, một nghịch lý đáng ghét:

Con người không có quyền lên án, nhưng lại thích lên án, thích “ném đá” người khác. Không có quyền… tại sao ? Đơn giản tại vì mình cũng là bị cáo, là tội nhân trước mặt Chúa, không tội to thì tội nhỏ, không tội nặng thì tội nhẹ, không tội trong hành động thì cũng trong tư tưởng lời nói… Thế nhưng trơ trẽn thay, người ta lại thích làm quan toà, làm lý hình để lên án, để “ném đá” người khác. Thậm chí còn đòi kết án luôn cả Chúa Giêsu, điển hình như các Luật sĩ Biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Tôi có thường lên án và “ném đá” người khác không ? Chắc chắn là có. Có nhiều nữa là khác. “Ném đá” theo nghĩa nào ? “Ném đá” bằng ánh mắt tị hiềm ghen ghét; “ném đá” bằng những tư tưởng, lời nói thâm độc, gắt gỏng chua cay; “ném đá” bằng hành động tẩy chay, trù dập và loại trừ….

Vì sao nghịch lý đáng ghét này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống chúng ta ? Thưa vì trước khi “sờ gáy” (lên án và kết tội) người khác, chúng ta thường không “sờ gáy” chính mình; tức là không xét mình, không nhìn lại lương tâm của mình. Hơn nữa, vì chúng ta chưa biết nhận ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình, để rồi đến lượt mình, chúng ta cũng biết cảm thông bao dung cho những sai lỗi, vấp váp của anh em.

Một cuốn sách tựa đề “Tình trên non cao” kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống với với nhau trên một ngọn núi cao, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ đã hô to: “Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá”. Thế nhưng đâu phải chỉ sống trên núi mãi là hạnh phúc. Thỉnh thoảng người chồng cũng phải xuống núi để làm ăn. Và trong một lần xuống núi, người chồng đã lỡ sa ngã với một người đàn bà khác. Người vợ biết được rất tức giận. Từ đó nàng không nói chuyện với chồng nữa. Phần người chồng thì cũng hối hận, nhưng không thể nào xin lỗi được vì mỗi lần muốn nói lời xin lỗi với vợ thì vợ bỏ đi nơi khác. Rồi một đêm kia, người chồng trên đường lên núi về nhà thì gặp bão tuyết. Chiếc xe ngựa bị gãy, con ngựa bị què, và anh cũng bị thuơng nặng ở chân. Anh cố gắng lết về tận cửa nhà. Người vợ mặc dù thấy chồng như thế, nhưng vì vẫn còn giận nên nhất định không mở cửa cho chồng vào. Sáng hôm sau người ta thấy xác người chồng đã cứng đờ vì giá lạnh ngay trước mái ấm gia đình của mình.

Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế, chỉ vì người vợ không biết thương xót thứ tha, không cho chồng mình một cơ hội để làm lại từ đầu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra được điều nghịch lý đáng yêu của lòng Chúa xót thương, và biết loại bỏ cái nghịch lý đáng ghét vẫn hằng ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con biết cảm thông tha thứ cho anh chị em mình, đặc biệt là những người tội lỗi ngã sa hầu cho họ có cơ hội sửa đổi và canh tân cuộc đời. Amen.
 
Tha thứ
Thanh Thanh
11:07 18/03/2010
Là người, ai chẳng có lúc lỗi lầm: lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, vô tình hoặc cố ý. Lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng làm sao tha thứ ? Làm sao chữa lành ? Đó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình, thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ càng trở nên khó!

Phêrô hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có tới bảy lần chăng ?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 21-22). Chúa còn bảo: "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc 17, 4). Ngài còn đi xa hơn nữa: "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hoà với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt 5, 23-24).

Điều đó quả thật không dễ! Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (ĐTC Gioan Phaolô II).

Như thế, tha thứ là một nỗ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa. Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình. Nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu mỗi khi thất bại.

Và việc tha thứ còn phải tuỳ thuộc một yếu tố quan trọng khác là thời gian: thời gian cho hạt cát biến thành ngọc trai; phải có thời gian cho việc tốt tích luỹ thành nhân đức; phải có thời gian cho nỗi đau dịu xuống, vết thương liền sẹo và được lành; phải có thời gian cho tha thứ thành tự nguyện và thực hiện được. Vậy phải tha thứ cho ai ?

Tha thứ cho chính mình

Quả thật, tha thứ cho người khác mà lại không chấp nhận chính mình, thì chỉ là một sự tha thứ hời hợt giả tạo bên ngoài. Nhưng phải tự tha thứ cho mình về những gì ?

Vì mình đã liều lĩnh trong dịp nguy hiểm khiến mình bị tổn thương.

Vì mình đã không biết phải làm gì hay nói gì trong trường hợp nào đó.

Vì để mình bị suy sụp bởi những lời lăng mạ của kẻ nọ người kia.

Vì mình đã kéo dài quá lâu một mối quan hệ xấu.

Vì mình có tính cầu toàn đến nỗi không chấp nhận bất cứ một sai sót nào của mình...

Tha thứ cho chính mình để khỏi bì giày vò lương để sống bình an, chấp nhận thực tại này chỉ là tương đối, trong đó có mình.

Tha thứ cho những thành viên trong gia đình

Quan trọng nhất là tha thứ cho các thành viên trong gia đình mình, bởi vì những quan hệ thân thiết có khả năng làm phát sinh những xung đột thường xuyên.

Tha thứ cho cha mẹ vì đã làm bạn thất vọng khi bạn nhận ra khuyết điểm của các ngài.

Tha thứ cho bà mẹ luôn o bế không để cho bạn được lớn lên.

Tha thứ cho người cha thường xuyên vắng mặt.

Tha thứ cho cậu em hay cô em đã giành mất địa vị của bạn trong gia đình.

Tha thứ cho người anh em đã từ chối giúp đỡ bạn lúc túng quẫn.

Tha thứ cho người cha hay người mẹ nghiện ngập, bài bạc làm bạn phải xấu hổ.

Tha thứ cho vợ hay chồng vì tính ưa mèo mỡ.

Tha thứ cho mẹ chồng đã nghĩ là bạn cướp mất con trai của bà.

Tha thứ cho ông bố chồng vì những cử chỉ tán tỉnh...

Tha thứ cho cậu con phạm pháp làm bạn phải nhục nhã.

Tha thứ cho cô con gái không chịu khép mình dưới kỷ luật của bạn.

Tha thứ cho bạn bè và những người gần gũi

Thường người ta đặt để những kỳ vọng lớn nơi bạn bè thân thiết và những người quen biết, nhưng không phải lúc nào họ cũng làm đúng ý và hài lòng ta, nên hãy

Tha thứ cho những người bạn đã làm tổn thương bạn cách bất công.

Tha thứ cho người bạn thân đã để mặc bạn quỵ ngã vào lúc bạn cần đến nó.

Tha thứ cho người bạn thân đã không kín đáo và đã tiết lộ bí mật của bạn.

Tha thứ cho người bạn chóng quên lời hứa...

Tha thứ cho những thầy cô kém cỏi và cố chấp làm bạn phải mất thời giờ quý báu ở trường.

Tha thứ cho ông giám đốc cần khẳng định mình bằng cách hạ nhục bạn.

Tha thứ cho thằng bạn đồng nghiệp đã gièm pha bạn với cấp trên.

Tha thứ cho thượng cấp đã có những lời quở trách làm mếch lòng bạn trước mặt mọi người.

Tha thứ cho những người xa lạ

Các hoàn cảnh cuộc sống áp đặt cho bạn những con người khó ưa, gây nên cho bạn những thiệt hại bất ngờ và không lường trước được:

Tha thứ cho tên lái xe không cẩn thận hoặc say rượu đã cán chết con bạn.

Tha thứ cho thầy thuốc đã chẩn đoán sai khiến bạn phải mất thời gian, tiền bạc và sức khoẻ của bạn.

Tha thứ cho kẻ làm hư xe bạn mà không nói.

Tha thứ cho người bán hàng tráo đổi hàng bạn đã chọn lựa.

Tha thứ cho các cơ chế

Vì sự vô danh của chúng, thật ra khó tha thứ cho các cơ chế. Nhưng chúng còn có những người đại diện mà bạn có thể tha thứ cho họ:

Tha thứ cho tổ chức đã sa thải bạn sau nhiều năm dài phục vụ trung thành.

Tha thứ cho Nhà Dòng đã vị nể người quyền thế, ép kẻ cô thế.

Tha thứ cho các vị hữu trách, vì thành kiến và thiếu thông tin chính xác đã có những quyết định bất công và oan ức...

Tha thứ cho Đức giám mục, cho các vị bề trên đã để xảy ra những lạm dụng mà không can thiệp kịp thời và hữu hiệu.

Tha thứ cho Thiên Chúa

Ngay cả Thiên Chúa cũng bị đưa ra hàng bị cáo, bởi vì sự dữ trong thế giới đã cùng tồn tại với sự tốt lành của Thiên Chúa. Và Con Thiên Chúa là nạn nhân đầu tiên của Sự Dữ.

Tất cả những gì ta không được như ý, thì Thiên Chúa là người đầu tiên bị đưa ra xử tội:

Vì Ngài để cho con cái tôi phải đau khổ và phải chết.

Vì Ngài nói là yêu tôi mà không đến giúp tôi trong những lúc gặp khó khăn thử thách.

Vì Ngài không đáp lại lời tôi kêu xin.

Vì Ngài không cho tôi hạnh phúc mà tôi có được hưởng khi đã chu toàn các bổn phận.

Vì Ngài để cho người ta lạm dụng, ngay cả trong Giáo hội, mà không can thiệp.

Vì Ngài mà tôi không thể đạt tới sự trọn lành mà Ngài buộc tôi nhắm đến.

Chú giải Tin Mừng

Đnl 22,22-24 nói đến việc xử ném đá người đàn bà ngoại tình cùng với người đàn ông phạm tội. Tại sao chỉ có một mình người phụ nữ? Còn người đàn ông, người chồng của bà đâu?

Hôm nay, cũng như việc nộp thuế cho Xeda (Mc 12,13-17, Ngài bị đưa vào tròng để xử tội. Hãy tha thứ cho Chúa.

Việc thinh lặng trước mặt kẻ lên án Ngài phù hợp với chân dung mà Isaia đã tả về người "tôi tớ đau khổ": "Ngài đã không mở miệng" (Isaia 53,7)

Ném trước đi: Ngài muốn nhắc lại lời sách Đệ nhị luật 17,7 rằng nhân chứng trong một vụ ngoại tình có trách nhiệm chính trong việc xử án tử hình. Người đó phải ném viên đá đầu tiên rồi mọi người theo sau. Những người lớn tuổi có thể là lớn trong chức vị, chứ chưa hẳn là lớn trong tuổi tác mà thôi. Cuối cùng còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ.

Thánh Augustinô diễn tả sâu sắc nhất về cảnh này: "Chỉ còn lại hai hình ảnh: sự khốn khổ và sự thương xót". Bằng chứng này cho thấy Ngài biểu lộ tình yêu cách mạnh mẽ và hữu hiệu nhất.

Đó là tha thứ.

* Tham khảo: Làm sao tha thứ, Cha JEAN MONBOURQUETTE, OMI,
 
Thánh trong nhà
PM. Cao Huy Hoàng
14:15 18/03/2010
Trong một dịp tham dự đám cưới cháu của một linh mục, gọi linh mục ấy bằng cậu. Được ngồi cạnh bên Cha, Cha quay sang hỏi tôi:

-”Anh nghĩ thế nào về đời sống gia đình”?

Tôi vội vàng trả lời:

-“Các thánh mới sống được đời sống gia đình công giáo đó cha ạ”.

Cha chau mày khó chịu vì câu nói của tôi. Tôi không biết là tại sao Ngài khó chịu.

Rồi tôi tự xét thấy mình nói cũng không sai mà!

Vì quả thật, trong bậc sống gia đình với ơn Bí tích hôn nhân công giáo, mỗi thành viên đều được ơn nên thánh và phải nên thánh mới bảo đảm được hạnh phúc gia đình ở trần thế nầy, và ở đời sau. Tôi có nhìn thấy điều ấy quả đúng nơi cha mẹ tôi, nơi các cụ ông cụ bà đang sống, nơi các gia đình trẻ gương mẫu, ít là hạnh phúc ở đời nầy. Không là thánh, không nên thánh, thì đời sống gia đình đôi khi trở nên vực thẳm cho nhau, trở nên một địa ngục ở trần gian đầy khủng khiếp.

May quá, một lúc sau, Ngài quay sang tôi và nói:

-“Anh nói đúng lắm. Hình như anh biết rõ chuyện gia đình anh chị mình chứ?”.

-“Thưa Cha, con biết chút ít, và có biết là anh chị có một người con sắp chịu chức Linh Mục bên Roma”.

-“Đúng rồi, nhưng không phải vì con làm linh mục mà nên thánh đâu, nhưng phải nên thánh để tồn tại. Anh chị tôi cũng đã phải chiến đấu để nên thánh mới sống được tới ngày hôm nay.”

Lễ Thánh Giuse quan thầy các gia trưởng gợi nhớ cho tôi câu chuyện nầy. Và tôi muốn tự khẳng định lại một lần nữa rằng, các gia trưởng công giáo, các bà mẹ công giáo là những ông thánh bà thánh trong gia đình, để làm cho cả gia đình nên thánh, trong đó, vai trò của người Cha đạo đức, thánh thiện, noi gương thánh Giuse và người Mẹ, noi gương Mẹ Maria, noi gương cả đời không hết.

Riêng với người Cha gia đình: Thật vô lý khi ông nào cũng muốn là gia trưởng với đầy quyền hành với vợ và các con về quyền quyết định đủ mọi chuyện trong đời, mà quên làm gia trưởng theo cách gia trưởng của Thánh Giuse. Không đợi đến lúc thất bại với cách gia trưởng trần thế của mình, mới chạy đến thánh Giuse, nhưng thiết tưởng, phải khám phá nơi thánh Giuse những “chiêu độc” trong nghề làm gia trưởng: Khiêm tốn, Vâng lời. Khiết tịnh

Khiêm tốn: Quyền hành của gia trưởng Giuse được thể hiện nơi lòng khiêm tốn lắng nghe và hiểu thấu trước tiên là thánh ý Thiên Chúa và sau là những ưu tư, những khát vọng của bạn đời, của con cái. Sự khiêm tốn trong cõi trầm tư thinh lặng tâm hồn để hiểu cho ra thánh ý Thiên Chúa. Sự khiêm tốn để Thiên Chúa tác động trên mọi ý nghĩ, mọi hành động, mọi quyết định đời mình. Sự khiêm tốn để tôn trọng và gìn giữ người bạn đời cho toàn việc lớn lao của Thiên Chúa.

Vâng lời: vâng lời Thiên Chúa và dẫu cho là gia trưởng, cũng phải biết vâng lời người bạn đời trong những điều hợp ý với Thiên Chúa. Kể cả việc chìu theo ý con, nếu không nói là tôn trọng, vâng lời con trong những điều đúng đắn: “Cha mẹ không biết là con còn phải lo việc của Cha con sao”

Khiết tịnh: Thánh Giuse không mảy may, không bén gợn chút ô nhơ trần phàm nào trong đời sống hôn nhân mà cụ thể nhất là giữ lòng thanh sạch cùng với Mẹ Maria như lời đoan hứa. Thật hiếm có một người đàn ông không chỉ chung tình chung thủy mà còn chung ý chung nguyện với người bạn đời để tình yêu đôi lứa thanh khiết đến trong ngần không để một ý nghĩ thấp hèn nào có thể vương chen vào tâm trí.

Thánh Giuse đầy no mọi nhân đức, nhưng thiết tưởng ba nhân đức ấy, đủ để là gương soi cho mọi gia trưởng trưởng công giáo.

Nhìn vào thực tế đời sống gia đình nơi các gia trưởng công giáo, thật tiếc thay, mấy người tìm theo thánh ý Thiên Chúa, mấy người tuân giữ lề luật Chúa, mấy người không mảy may chút dục tình hèn hạ trong đời vợ chồng thánh thiện? Và vì thế, đời sống gia đình không thể đạt đến một hạnh phúc toàn bích. Trông đó chắc chắn có gia đình tôi, gia đình bạn…

Từ ba nhân đức ấy, có thể nói thêm rằng:

Thánh Giuse không nói nhiều như các gia trưởng thời nay, nhưng chăm chỉ làm việc và làm việc với lòng yêu mến

Thánh Giuse không lên tay xuống ngón, không lên giọng dạy đời, không lộng quyền vũ phu, nhưng âm thầm lắng nghe thấu hiểu và bảo bọc bạn đời và con trong nhẫn nại.

Thánh Giuse không đặt điều bậy bạ, không dối trá quanh co, không ghen tuông vô cớ, không dằn xé đay nghiến nhưng thật thà, tin tưởng và ủi an chân tình.

Thánh Giuse không đi dông di dài, không nhậu nhoẹt chè chén, không bài bạc gái trai nhưng quyết chọn nhà mình, chọn gia đình mình làm nơi an vui hạnh phúc nhất.

Thánh Giuse không vô lo, vô tình vô tâm để vợ con màn trời chiếu đất, ăn mắm mút giòi, lang thang thất học nhưng Ngài luôn tận tâm tận lực để có cái nhà cái cửa, miếng cơm manh áo, cái chữ cái học cho đến nơi đến chốn đàng hoàng.

Thánh Giuse không bày vẻ, cũng không làm gương xấu cho con cho gia đình nhưng luôn hướng dẫn cho Mẹ con tuân hành thánh ý Chúa.

…….

Quả thật, sống đời vợ chồng, và nhất là làm gia trưởng, nếu không phải là ông thánh, thì mọi tinh thần thế tục sẽ xâm nhập vào nhà chúng ta cách dễ dàng và làm cho đời sống gia đình trở nên một nơi đầy những hỗn độn.

Nhân lễ kính Thánh Giuse,

Ước gì mỗi người sắp lấy vợ, hãy học nơi thánh Giuse gương khiêm tốn, vâng lời khiết tịnh quí giá.

Ước gì mỗi gia trưởng được ơn Thánh Gia Trưởng Giuse, khám phá ra cách gia trưởng công giáo tuyệt vời nơi thánh Giuse, để mỗi gia đình trở nên một Thánh Gia, một giáo hội thu nhỏ.

Lạy Thánh Giuse, xin cho các gia trưởng của chúng con có một ước muốn thánh thiện, một quyết tâm nên thánh, và noi gương thánh thiện của Ngài, để cả nhà chúng con cùng được hạnh phúc ở đời nầy và đời sau. A men
 
Lời cầu xin cùng Thánh cả Giuse
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
15:33 18/03/2010
Lời cầu xin cùng Thánh cả Giuse

Trong tập tục đạo đức của Hội Thánh Công giáo, Thánh Giuse là cha nuôi Chúa Giêsu trên trần gian cùng với Đức Mẹ Maria được tôn kính sùng mộ cách đặc biệt.

Tháng ba hằng năm là tháng dành kính Thánh Giuse. Một năm có hai ngày lễ mừng kính Thánh Giuse: ngày 19.03. và ngày 01.05.

Tên Thánh cả Giuse được nhắc kể đến 05 lần trong Phúc âm theo Thánh Matthêo ( Mt 1,16,18,19,20,24); 05 lần trong phúc âm theo Thánh Luca ( Lc 1,27; 2,4,16;3,23;4,22), và 01 lần trong Phúc âm theo Thánh Gioan ( Ga 1,45).

Tên Thánh Giuse được nhắc đến trong Phúc âm như vậy đều có liên quan đến đời sống Chúa Giêsu vào giai đoạn thời thơ ấu Chúa Giêsu sinh ra làm người trên trần gian. Từ giai đoạn thời Chúa Giêsu trưởng thành ra giảng đạo nước Thiên Chúa, tên Thánh Giuse, người cha nuôi Chúa Giêsu, không còn được nhắc tới nữa.

Cũng không có sách nào ghi viết tiểu sử của Thánh Giuse, người cha nuôi Chúa Giêsu. Nhưng Thánh Giuse lại là vị Thánh được cả Hội Thánh hoàn vũ biết đến với lòng cung kính sùng mộ xưa nay.

Sử sách không ghi chép nói gì về cuộc đời Thánh Giuse, nhưng những đặc thù cá biệt tốt lành thánh thiện của cuộc đời Thánh Giuse lại luôn sống động cùng là gương mẫu cho mọi người trong đời sống.

Trong đời sống làm người xưa nay, khi lớn lên đi vào đời, con người ai cũng phải làm việc xây dựng bản thân mình, cùng góp phần kiến tạo đời sống xã hội chung cũng như riêng. Và có như thế, đời sống con người mới có phát triển và có hạnh phúc.

Chính vì thế, trong kinh cầu Ông Thánh Giuse có lời ca tụng cầu xin: „Ông Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn.“

Xưa nay gia đình là nền tảng của xã hội cũng như của Hội Thánh. Đời sống gia đình có niềm vui hạnh phúc không phải vì gia đình có đời sống của cải sung túc dư thừa, tuy của cải là yếu tố cần thiết để sinh sống. Nhưng hạnh phúc gia đình còn tùy thuộc nơi đời sống tinh thần nhiều hơn nữa.

Vì thế, người tín hữu Chúa Kitô cầu xin cùng Thánh Giuse qua lời cầu trong kinh cầu: „Ông Thánh Giuse là Đấng mọi nhà phải cậy nhờ cho được vững vàng“

Cuộc đời con người ai cũng mong muốn sao cho xuông xẻ thuận buồm xuôi gió trong mọi giai đoạn đường đời. Nhưng nỗi vướng trở khúc mắc, niềm bất hạnh đau khổ thường xảy đến trong đời sống nhiều hơn. Gặp vướng mắc vào hoàn cảnh như thế, là con người hầu như ai cũng lúng túng chao đảo mất tinh thần. Những lúc như thế này, niềm tin, sự an ủi rất cần thiết cho tinh thần được đứng vững, nhất là khi cảm nhận thấy có người cùng thông cảm nâng đỡ.

Vì vậy, trong kinh cầu Thánh Giuse, chúng ta thành khẩn giới thiệu kêu xin: „Ông Thánh Giuse yên ủi các kẻ khốn nạn.“

Trong đời sống sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần là món qùa tặng cao qúy của Trời cao, mà không gì có thể so sánh với, cùng không sao mua được bằng tiền bạc. Chúng ta có hay không có sức khoẻ. Khi có sức khoẻ phải gìn giữ bảo vệ. Khi sức khoẻ yếu kém cần phải tìm cách chữa chạy để có trở lại. Thuốc uống là phương pháp cần thiết cho việc chữa trị để sức khoẻ bình phục trở lại. Nhưng lòng cậy trông vào sức thiêng liêng cũng là phương dược hiệu nghiệm giúp cho không chỉ tinh thần mà còn cả thể xác tìm trở lại được sức sống phấn khởi vươn lên.

Nên, người tín hữu Chúa Kitô trong kinh cầu đã có tâm tình cầu xin: „Ông Thánh Giuse làm cho kẻ liệt lào được cậy trông.“

Đời người xưa nay ai cũng có ngày mở mắt sinh ra trong đời sống. Khi sinh ra bước chân vào đời, thường con người hay nắm chặt bàn tay. Qua cử chỉ này muốn truyền đi tín hiệu: tôi ham sống. Đời sống là niềm vui. Tôi sẵn sàng bắt nắm cơ hội sống vươn lên!

Nhưng đời sống đâu có ai được mãi trẻ khoẻ đẹp. Trái lại, ai cũng có ngày cùng tận. Khi ngày cùng tận tới kề, lúc đó sức lực cũng hết, đôi bàn tay nắm chặt ngày còn thơ bé, lúc thanh thiếu niên, quãng đời trưởng thành, giờ đây duỗi buông xuôi thẳng mềm ra. Đức tin vào Thiên Chúa là điểm tựa cuối cùng của đời sống.

Và trong giờ phút đó, người có niềm tin kêu xin: „Ông thánh Giuse là quan thầy các kẻ mong sinh thì“

Chúa Giêsu sinh sống trên trần gian giữa con người tất cả 33 năm. Ngài dành ba năm đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa cho con người. Trong quãng thời gian đó, Ngài kêu gọi 12 Tông đồ làm nền tảng xây dựng Hội Thánh ở trần gian. Sau khi Chúa Giêsu trở về trời, Hội Thánh do Chúa Giêsu thành lập trên nền tảng 12 Tông đồ có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng gìn giữ, làm chứng cùng loan truyền giáo lý Chúa đã rao giảng cho con người: Anh em hãy đến với muôn dân!

Trong dòng thời gian lịch sử hơn hai ngàn năm, Hội Thánh Chúa Giêsu đã trải qua không biết bao nhiêu biến cố thắng trầm, vâng có rất nhiều chao đảo biến đổi. Nhưng đức tin vào Chúa là sức mạnh giúp Hội Thánh vượt qua khó khăn, vượt qua được sóng gió cùng thung lũng bóng tối.

Nhìn vào Thánh Giuse, là người gìn giữ bảo vệ gia đình Chúa Giêsu ngày xưa, nên Giáo Hội hằng kêu xin cùng Thánh nhân trong kinh cầu: „Ông Thánh Giuse gìn giữ phù hộ Hội Thánh.“

Dù mỗi người có thể nhìn vào Thánh Giuse với cách nhìn tầm hiểu biết khác nhau. Nhưng Thánh Giuse vẫn luôn là gương mẫu cho người tín hữu Chúa Kitô về đời sống đức tin vào Thiên Chúa trong mọi cảnh ngộ đời sống.

„Ông Thánh Giuse là Đấng rất trung nghĩa“

Lễ Thánh Giuse 19.03.2010
 
Lòng thương xót, Vòng xót thương
Lm. Minh Anh
15:51 18/03/2010
Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Năm C

“Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn”.

Các bạn trẻ thân mến,

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy, ở đâu có Đức Giêsu, ở đó có những vòng tròn: vòng to, vòng nhỏ, vòng hình cung, vòng trên núi, vòng dưới biển, vòng ven hồ, vòng nơi hội đường, vòng trong đền thờ…

Vây quanh Ngài hôm nay, không phải là vòng người miệt biển mộc mạc chơn chất, cũng không phải là vòng người bản làng miền cao bơ vơ tất tưởi nhưng là một vòng tròn kinh sư biệt phái cùng một đám rất đông dân thành Giêrusalem kéo đến từ sáng sớm nhốn nháo ngay trong nơi phượng thờ. Oái ăm thay, một thiếu phụ phạm tội ngoại tình cũng bị xô vào vòng tròn ấy, đặt cho Đức Giêsu một tình thế tiến thoái lưỡng nan, “Ả này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chiếu theo luật, hạng phụ nữ này phải ném đá, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Tha bổng cho chị? Ngài chống lại luật Môisen. Cứ ném đá chị? Ngài chống lại luật Rôma vốn không cho phép quốc gia bị đô hộ ra án tử hình. Nhưng quan trọng hơn, nếu cứ chiếu theo luật, còn đâu hình ảnh một Giêsu từ ái, một Giêsu hiện thân của lòng thương xót; còn đâu một Messia từ tâm xuống thấp thật thấp để rao giảng sự duông thứ của một Đấng ngự trên cao thật cao.

Vì biết rằng, đằng sau bản án đòi ném đá người con gái của đất ấy, còn cả một bản án muốn giết chết đứa con trai của trời, Đức Giêsu, tâm vòng tròn hôm ấy, đành phải nín thinh, cúi xuống lấy tay viết nguệch ngoạc trên đất, viết một lần duy nhất trong đời.

Thưa các bạn,

Ai trong chúng ta từng say mê những câu chuyện thiền ý vị thì tiểu phẩm Tin Mừng hôm nay, câu chuyện vòng tròn nghiệt ngã vây quanh Đức Giêsu sáng hôm ấy, một vòng tròn của lên án, của nguyền rủa, của cạm bẫy, của chết chóc là một trong những tuyệt phẩm vậy. Vòng tròn ấy giờ đây đang câm nín.

Cái im lặng đang vần vũ lòng người cũng là cái im ắng đang đánh động lòng trời. Đền thờ chìm vào thinh không như đang chờ đợi một cái gì đó sẽ nổ tung làm rung chuyển cả thành thánh. Và bởi họ cứ thôi thúc, Đức Giêsu buộc lòng phải ngẩng lên cất tiếng, “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá chị này trước đi!”. Tuyệt vời!

Người ta mời Ngài làm quan án xét kẻ có tội; bỗng dưng, Ngài trở thành quan toà xét xử kẻ cho mình là vô tội.

Người ta chờ đợi Ngài kết án bị cáo; bỗng dưng, Ngài lại thẩm vấn chính các nguyên cáo.

Người ta mang đá để ném vào một người yếu thế cô thân; bỗng dưng, Ngài ném ngược trở ra một lời cứng hơn đá trúng tim những kẻ ỷ thế mình là mạnh mẽ.

Đá ném vào giết chết tội nhân, lời ném ra cứu sống người “công chính”.

Người ta muốn Ngài đồng tình giết chết kẻ mắc tội, Ngài lại muốn cứu sống kẻ buộc tội lẫn người có tội.

Tin Mừng nói, “Bấy giờ kẻ trước người sau, họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu là những người lớn tuổi”.

Giờ đây, cái vòng thòng lọng của giết chết, của lên án, của nguyền rủa phải rã đám… nhường chỗ cho vòng tròn của lòng thương xót, của thứ tha, của chữa lành. Vòng tròn từ nhân ấy đang bao trùm cả những người cho mình là công chính, cả người phụ nữ có tội cũng như cả nhân loại đang khốn cùng.

“Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn”.

Điều chúng ta dừng lại không phải là tuyệt chiêu của vị thiền sư, nhưng điều phải chiêm ngắm chính là lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Giêsu, tâm vòng tròn, hiện thân của lòng xót thương đó, “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng không, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Dịu dàng nhường bao, nhân ái nhường nào!

Ngài không chấp nhận tội lỗi, nhưng lại chấp nhất tội nhân;

Ngài không vùi lấp nhân phẩm, nhưng lại phục hồi nhân cách;

Ngài không lui về quá khứ, nhưng lại phóng chiếu tương lai.

Vâng, Đức Giêsu đưa người phụ nữ ra khỏi dĩ vãng tăm tối để đẩy chị tới một viễn cảnh ngời sáng. Ngài tái tạo chị, cứu sống chị, đưa chị vào một chân trời mới, một cõi đất mới. Trời mới đất mới ấy còn đẹp hơn cả địa đàng thuở hồng hoang chiều ngày tạo dựng. Bởi lẽ, ở đó, cả một đại dương bao la của lòng thương xót, một bến bờ vô tận của thứ tha, một không gian bát ngát của vỗ về, một giang sơn đại ngàn của cứu chữa, một lãnh địa thênh thang của băng bó, một quê hương rạng ngời của lòng cậy trông và một phúc kiến ngơi nghỉ của an bình.

“Ôi tội hồng phúc!”.
 
Mém hay tha ?
Lm. Anmai, CSsR
17:47 18/03/2010
Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Năm C

Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11

Chúa Giêsu từ Cha mà xuống trần gian, không phải để tố cáo, để kết án tội nhân, nhưng để cứu rỗi họ. Nhờ đời sống, sự chết, sự sống lại của Người, Người ban tặng cho những người nhất là những người tội lỗi sự sống của Thiên Chúa. Trang Tin mừng hôm nay chúng ta nghe Thánh Gioan thuật lại gợi lên hình ảnh, tấm lòng hết sức tuyệt vời của Chúa Giêsu về sự tha thứ, về sự cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con người.

Câu chuyện xảy ra trong Tin mừng xác thực và rõ ràng. Ngoại tình là một trọng tội ít gặp. Để được tha, cần làm việc đền tội công khai, lại chỉ được tha một lần thôi. Cách cư xử của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ ngoại tình, với những con người vụ luật và khắc khe thì dễ dãi quá. Nhiều người trong số họ đã quên mất câu “Hãy về và đừng phạm tội nữa". Họ nghĩ rằng cách cư xử dễ dãi như thế của Chúa Giêsu sẽ đe dọa sự trung tín trong hôn nhân. Sau một ngày giảng dạy ở đền thờ, chiều xuống, theo thói quen, Chúa Giêsu lên núi Ôlivê. Sáng sớm hôm sau, Người lại vào Đền thờ giảng dạy dân chúng.

Các kinh sư và những người Pharisêu từ lâu đã bất bình với Chúa Giêsu. Không chỉ dừng lại ở thái độ bất bình nhưng họ đã thù nghịch nghĩ rằng giáo huấn của Chúa Giêsu làm đảo lộn tất cả. Với những lý do ấy họ quyết định tìm đủ mọi cách để trừ khử Người. Tuy nhiên, để đưa Người ra xét xử, cần phải có một chứng cứ đúng đắn.

Một cơ hội không mong đã đến. Một thiếu phụ "bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình". Rẽ đám đông, các kinh sư và những người Pharisêu dẫn chị vào "giữa" đám đông đang tụ họp và nói với Chúa Giêsu: "Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"

Chúa Giêsu không còn cách nào thoát khỏi cạm bẫy đã giăng của đám người xấu. Không thể bào Chúa Giêsu thoát khỏi cạm bẫy này! Nếu tha, Chúa Giêsu sẽ chống lại luật Môsê. Ném đá, Người tự mâu thuẫn vì Người vẫn rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đằng sau án xử người thiếu phụ là chính án xử Chúa Giêsu.

Giờ đây, dây thòng lọng đang xiết dần cả người thiếu phụ, lẫn Chúa Giêsu. Quá tệ! Đây không còn là một vấn nạn, một câu hỏi bình thường của cuộc sống, nhưng là một câu hỏi sinh tử, đối với người nữ phạm tội tày đình cũng như đối với chính Chúa Giêsu.

Vẫn ngồi trong dáng điệu của một ông thầy đang giảng dạy, Chúa Giêsu "cúi xuống" và thay vì trả lời, Người dùng ngón tay vẽ vẽ trên đất.

Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh rất quan tâm tìm hiểu xem Chúa Giêsu viết gì trên đất? Thánh Giêrônimô nghĩ rằng Chúa Giêsu vạch tội những kẻ tố cáo người phụ nữ ngoại tình còn nhiều tác giả khác thì cho rằng: Người viết lại một câu trong Jêrêmia 17, l3: "tất cả những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải hổ thẹn, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ phải ghi tên mình trong lòng đất". Tốt nhất chúng ta nên trung thành với cách diễn đạt của bản văn. Chúa Giêsu vạch trên đất để kéo đài thời gian thinh lặng, làm cho lời phân xử sắp thốt ra thêm trọng lượng. Người ta như không chú ý tới điều được ghi nhận tới hai lần: Chúa Giêsu "cúi xuống", rồi "ngước lên". Sao Thánh Gioan lại nhấn mạnh đến cử chỉ ấy trong một câu chuyện ngắn ngủi như vậy, rồi trả lời. Tên núi Ôlviê được nhắc đền ở đầu câu chuyện đã đặt giai thoại này trong bối cảnh cuộc khổ nạn sắp đến. Cử chỉ của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa Kitô học: nó nhắc đền sự hạ xuống, và đưa lên cao mà qua đó, Chúa Giêsu sẽ hòa giải nhân loại bị giam hãm trong tù ngục tội lỗi với Thiên Chúa.

Họ nài nỉ. Trước khi lại chìm trong thinh lặng, Chúa Giêsu nhắc họ lời Kinh Thánh: "Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ lấy đá mà nén trước đi. " Đnl 13,9-10 và 11,7: "Người làm chứng sẽ ném đá kẻ phạm tội trước. Từ lúc ấy, vụ án xử bị cáo lại trở thành vụ án xử nguyên cáo.

Các kinh sư và những người Pharisêu đinh minh mình công chính. Họ đứng đằng sau mặt chữ, đằng sau lề luật để tố cáo người phụ nữ. Ở đây, Chúa Giêsu đưa chính họ ra xét xử dưới ánh sáng của Luật. Người buộc những quan tòa phải tự xét xử chính mình, trước hết, phải trở lại với lương tâm mình, nhìn nhận mình cũng là tội nhân, cùng một thân phận như "người phụ nữ kia", người mà họ đã lôi ra giữa đám đông và giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi của mình.

Trong vòng vây của những nguyên cáo hung hăng, sự lưỡng lự biến thành cuộc lui binh như thánh sử ghi nhận cách hài hước: "Họ rút lui từng người một, bắt đầu từ người già nhất ".

Khi Chúa Giêsu ngẩng đầu lên "lần thứ hai thì chỉ còn mình Người đối diện với người phụ nữ". Thánh Augustinô chú giải: "Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Nếu trước đó, những người tố cáo gọi chị là "hạng đàn bà đó” một cách khinh bỉ, coi chị như đồ vật, thì giờ đây, chị thấy một ánh mắt khác nhìn chị, nghe một giọng khác gọi chị như gọi một con người: "Này chị ". Hơn bất cứ ai khác, Chúa Giêsu là người đo lường chính xác nhất mức nặng nhẹ của tội lỗi; và thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai một "Không ai kết án chị sao ? Tôi cũng vậy. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa ".

Sau đó thì sao? Câu chuyện để ngỏ đó giống như dụ ngôn Chúa nhật trước bỏ ngỏ thái độ người anh. Một khi đã gặp Chúa Giêsu Đấng không lên án mà kêu gọi sống đời sống thánh thiện, người nghe thấy mình được kêu gọi để đừng khép mình vào cái khuôn dĩ vãng chết chóc nhưng là bước đi trong tự do của con cái Thiên Chúa.

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình đã đi vào huyền thoại hơn 2000 năm rồi nhưng nhiều và nhiều câu chuyện người đàn bà ngoại tình khác vẫn còn diễn ra trước mắt mỗi người chúng ta, diễn ra mỗi ngày trong đời sống thường nhật. Và, với cái lý, cái lẽ hết sức bình thường của con người, người ta vẫn giơ tay ra và hùng hùng hổ hổ ném đá và ném thật mạnh vào người tội lỗi. Và, chắc có lẽ cái cảnh từng người bỏ đi cũng sẽ tái hiện bởi lẽ nhìn lại mình mình cũng quá nhiều tội như nhiều người ngày hôm ấy nên đã từ từ rút lui.

Thật sự ra mà nói những người rút lui hôm nay xem chừng không hay, không đạt được ý nguyện nhưng được một chuyện là lương tâm và sự thật đã thức tỉnh lòng dạ đen tối của họ. Chỉ sợ rằng vấn đề rõ ràng nơi đó mà họ còn cố tình chối tội, họ cố tình lấp liếm tấm lòng nham hiểm của họ.

Đứng trước những lầm lỗi, những khiếm khuyết của người khác, nên chăng con người cần phải khiêm tốn để nhìn nhận lại chính bản thân của mình. Nếu nhìn nhận chính bản thân mình thì con người sẽ thay đổi lối nhìn cũng như lối hành xử.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philip mà chúng ta vừa nghe cho ta bài học về sự khiêm tốn. Với Ngài, tất cả Ngài coi mọi sự đều là rơm rác. Ngay cả sự công chính của Ngài, Ngài cũng nại vào ơn Thiên Chúa ban cho Ngài chứ không phải do tự bản thân của Ngài. Ngài, dẫu đã trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu nhưng Ngài vẫn còn phải chạy và Ngài không nghĩ là Ngài thành toàn. Có lẽ nhờ vào lối sống, lối suy nghĩ của Ngài nên Ngài hành xử một cách khác người đó là Ngài không bao giờ lên án ai. Ngài vẫn tự nhận mình là môn đệ rốt hết, Ngài vẫn tự nhận Ngài là con người thấp hèn để rồi Ngài không bao giờ hạ nhục người khác.

Thường, con người vẫn và vẫn tìm cách để hạ nhục người khác dẫu chưa tìm ra chứng cứ. Nếu có chứng cứ như người phụ nữ ngoại tình hôm nay thì lại thêm phần bảo đảm, phần chắc chắn cho sự kết án của họ. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, dù có chứng cứ, dù có bằng chứng nhưng chắc gì những người đưa ra chứng cứ lại là những người vô tội.

Một lần nữa, sự kết án, sự kết tội, sự ném đá với tội nhân vẫn mở ngõ ra cho con người. Con người hoàn toàn tự do sử dụng sự tự do của Thiên Chúa ban cho họ. Hoặc là họ ném đá, hoặc là họ kết án anh chị em đồng loại.

Vấn đề đặt ra là liệu rằng khi ném đá, họ - những người kết án - có thấy mình sạch tội để ném đá, để kết án anh chị em đồng loại hay không mà thôi.
 
Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Lm. Đinh Lập Liễm
19:20 18/03/2010
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C

+++

A. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã được thánh Luca kể lại câu truyện đứa con hoang đàng để nói lên lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tuần này chúng ta lại được thánh Gioan tông đồ kể lại câu truyện người phụ nữ bị ném đá vì phạm tội ngoại tình và thái độ của Đức Giêsu trước cảnh tượng này. Tất cả đều nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay, các luật sĩ và biệt phái gài bẫy Đức Giêsu để tìm cách bắt Ngài hay ít ra làm cho Ngài mất uy tín hay bớt ảnh hưởng với dân chúng, nhưng Ngài đã xử lý một cách rất khôn ngoan: Ngài không bị mắc kẹt trong việc đòi ném đá hay tha ném đá cho người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, mà còn cho họ một bài học đích đáng: đừng xét đoán, đừng lên án ai, trái lại phải có lòng thương cảm đối với người tội lỗi.

Chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách: một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng mà lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi… Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.

Hôm hôm nay Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là nghững người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân. Về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 43,16-21

Đoạn này được trích trong phần II sách Isaia. Hoàn cảnh lúc đó là dân Do thái đang bị lưu đầy bên Babylon. Vị tiên tri nói với dân bị lưu đầy nhằm khích lệ họ và mở ra cho họ thấy những viễn cảnh tương lai. Cuộc hồi hương sau cuộc lưu đầy sẽ còn phi thường hơn cuộc xuất hành khỏi Ai cập; cuộc xuất hành mới sẽ còn tuyệt vời hơn lần đầu.

Như vậy, bài đọc 1 chứa đựng một bức thông điệp của niềm hy vọng gửi cho người Do thái đang bị lưu đầy: sẽ có một cuộc xuất hành mới, rất vinh quang, đến nỗi nó sẽ đẩy lùi những sự việc vĩ đại của cuộc xuất hành đầu tiên vào bóng tối. Và tất cả những điều này sẽ xẩy ra, bởi vì Thiên Chúa là Đấng trung thành với dân của Ngài.

+ Bài đọc 2: Pl 3,8-14

Ở đây thánh Phaolô cho thấy đối với ngài việc biết Đức Kitô là thế nào, một khám phá khiến mọi sự còn lại xem ra như không vậy. Biết Đức Kitô là tìm cách chiếm đoạt Ngài sau khi đã được Ngài chiếm đoạt. Là nhờ Ngài mà đạt đến quyền năng phục sinh của Ngài. Bằng cách chấp nhận thông phần vào đau khổ của Ngài.

Thánh nhân được Chúa mời gọi tiếp tục chạy bộ không ngừng trên đường xuất hành. Để được sống lại với Đức Kitô, ông phải chia sẻ với Ngài sự đau khổ và sự chết, bằng cách liên tục vượt qua chính mình và luôn luôn hy vọng.

+ Bài Tin mừng: Ga 8,1-11

Biết Đức Giêsu thương người tội lỗi, nhóm luật sĩ và biệt phái tìm cách gài bẫy Ngài để Ngài mất uy tín với dân chúng. Họ dẫn đến trước mặt Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật Maisen, ai bắt được người phạm tội quả tang, kẻ ấy có quyền xét xử tội nhân. Trước khi ném đá người phụ nữ này, họ hỏi Đức Giêsu: ”Theo luật Maisen thì người phụ nữ này phải bị ném đá, vậy theo ý Ngài thì người phụ nữ này sẽ bị xử như thế nào” ?

Đức Giêsu trả lời bằng cách hỏi lại họ, làm cho họ phải thức tỉnh, không dám kết tội người khác: ”Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá đi” (Ga 8,7). Đúng là một gáo nước lạnh giội lên đầu họ vì không ai trong bọn họ là người vô tội. Họ lần lượt rút lui trong sự thẹn thùng.

Qua câu trả lời ấy, Đức Giêsu cho chúng ta biết chỉ mình Thiên Chúa là người vô tội, là người có quyền xét xử. Nhưng Chúa đã xét xử theo lòng từ bi thương xót. Thay vì luận phạt, Ngài đã cứu chị ta. Một người tuyệt vọng như người phụ nữ ấy, đã tìm được nguồn hy vọng. Quả thực, Thiên Chúa là Đấng chẳng làm cho ai tuyệt vọng.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tôi không kết án chị đâu

I. BA HỒI CỦA MỘT VỞ KỊCH

Trong Mùa Chay chúng ta hay đọc câu thánh vịnh: ”Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung”. Người Do thái vẫn đọc câu thánh vịnh này, nhất là những luật sĩ và biệt phái, nhưng họ chưa hiểu được hết nội dung của nó. Lòng thương xót của Chúa quá thẳm sâu, ai hiểu thấu được. Câu truyện người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay không phải là đề tài chính, không chủ ý nhằm nói lên tội của con người mà chỉ là cơ hội thuận lợi để nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa và khuyên bảo chị ta đừng phạm tội nữa: ”Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị đâu” (Ga 8,11).

Đọc câu truyện người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta coi câu truyện này như một vở kịch được chia làm ba hồi. Tất cả đều nói lên lòng thương xót của Chúa.

1. Hồi nhất: Xử án người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-5)

Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt 8 ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xẩy ra câu truyện trong bài Tin mừng.

Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.

Tình cờ người ta đem đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Tất nhiên tội ngoại tình bị lên án, nhưng các người tố cáo thời đó, dù họ là luật sĩ cũng không yêu sách lắm về cách áp dụng khoản luật trong sách Lêvi dạy ném đá người ngoại tình (Lv 20,10). Tuy thế, các luật sĩ và biệt phái muốn dựa vào hai đoạn văn của lề luật: ra lệnh giết chết người đàn ông và người đàn bà ngoại tình (Lv 20,10) và dạy ném đá người đàn bà ngoại tình với người tòng phạm (Đnl 22,22-24), để cố ý ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Các luật sĩ và biệt phái dựa vào cơ hội này để thử thách Đức Giêsu (Ga 8,3-6). Họ thật thâm độc, họ đặt Đức Giêsu và thế gọng kìm, tiến thoái lưỡng nan. Nếu Đức Giêsu đồng ý cho ném đá, Ngài sẽ bị kẹt vào hai điều: trước hết, vi phạm luật của chính quyền Rôma, chỉ chính quyền Rôma mới có quyền xử tử hình mà thôi. Thứ đến, Ngài mất uy tín, và ảnh hưởng của Ngài như một người bạn của những người tội lỗi và bậc thầy giảng dạy về tình yêu thương tha thứ. Mặt khác, nếu Ngài từ chối giữ luật Maisen, không ném đá người phụ nữ ngoại tình, tức là Ngài ủng hộ cho hành động vô luân lý, như vậy làm sao xứng danh một tiên tri, một Đấng Thiên Sai đến từ Thiên Chúa được ?

2. Hồi hai: Đức Giêsu với việc xử án (Ga 8,6-9)

Đứng trước câu hỏi hóc búa này, Đức Giêsu đã có một cách giải quyết rất khôn ngoan. Ngài không trả lời mà chỉ ngồi mà vẽ xuống đất cái gì đó. Vậy Ngài viết những gì ? Theo thánh Giêrônimô, Đức Giêsu viết tội những kẻ đứng tố cáo. Còn bản Tân ước tiếng Amêri dịch như sau: ”Chính Ngài cúi xuống, lấy ngón tay viết trên mặt đất để tuyên bố tội lỗi họ, và họ thấy nhiều trọng tội của họ trên mặt đat”. Ý ở đây là Đức Giêsu đã viết trên mặt đất các tội lỗi của chính những kẻ đang tố cáo người phụ nữ ấy. Điều này có thể đúng, vì từ viết “Katagraphein” được dùng ở đây có nghĩa là viết (một bản cáo trạng) chống lại một người nào. Có thể Đức Giêsu buộc những kẻ đang tố cáo người khác phải đối diện với bản liệt kê các tội lỗi của chính mình.

Dầu vậy, các luật sĩ và biệt phái vẫn một mực đòi hỏi Đức Giêsu phải trả lời, và họ đã được trả lời: ”Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8,7). Ai có thể là người vô tội ? Trong thư thánh Gioan Tông đồ Ngài dạy rằng: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”(1Ga 8,7). Người phụ nữ phạm tội ngoại tình thì quá rõ ràng. Còn những luật sĩ và biệt phái đang tố cáo người phụ nữ với hậu ý rất thâm độc và một lòng thù ghét Đức Giêsu, họ đang tìm cách giết Ngài. Tội của họ còn lớn lao hơn tội người phụ nữ ! Nhưng họ lại tự lừa dối mình là những người đạo đức. Chúa đã vạch tội họ ra cho thấy rằng làm sao một người tội lỗi lại lên án một tội nhân khác được ?

Cúi xuống và viết tội là Chúa nhìn thẳng vào quá khứ và cuộc đời tội lỗi của những người đang tố cáo. Chúa hỏi: ”Ai trong các ông sạch tội thì cứ ném đá trước đi”. Câu nói đó chắc là đã khơi động lương tâm các người tố cáo, già thì nhiều tội hơn, lại bị cắn rứt nhiều hơn nên đã tự biết mình rút lui trước, cho đến người cuối cùng.

3. Hồi ba: Tha án cho người phụ nữ (Ga 8,10-11)

Sau khi họ đã rút lui hết, chỉ còn lại có một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Ngài mới hỏi chị ta: ”Không còn ai lên án chị sao” ? Chị ta đáp:”Thưa không”. Ngài phán: ”Ta cũng không lên án chị. Hãy đi làm lại cuộc đời và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh rất khéo là “Miseria và misericordia”: bây giờ chỉ còn lại một nỗi khổ đau tràn đầy và một tấm lòng thương xót vĩ đại, bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”(Ga 3,17).

II. BÀI HỌC TỪ MỘT VỞ KỊCH

1. Thiên Chúa giầu lòng thương xót và tha thứ

Qua câu truyện này, chúng ta mới thấy rõ tâm tình của Thiên Chúa qua Đức Giêsu là lòng thương xót đối với tội nhân. Đứng trước lỗi lầm của con người, Đức Giêsu luôn có lòng thương cảm. Ngài không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài lại không lên án ai. Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ, nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ này, Ngài hiểu biết những tình huống đã dẫn chị ta đến cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng lại muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn lòng kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án càng chứng tỏ mình sạch tội, vô tội.

Vì thế cần phải biết hồi tâm. Bằng chứng: chỉ vài phút trước đó, người ta hung hăng tố cáo đòi ném đá, và bây giờ người ta lại lặng lẽ rút lui. Một sự chuyển biến bất ngờ phát sinh từ lời mời gọi của Đức Giêsu: ”Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá trước đi”. Khi người ta đòi ném đá tha nhân, người ta tự cho mình là kẻ sạch tội và có quyền lên án kẻ có tội. Nhưng khi người ta khám phá ra mình cũng là tội nhân, người ta không dám lên án nữa vì như thế cũng là lên án chính mình. Sự khám phá có được là do cái nhìn về phía bên trong chính mình.

Chúng ta đều đã phạm tội nên đáng chịu hình phạt ném đá như người phụ nữ kia, nhưng Chúa luôn thương xót chúng ta, không nỡ đoán phạt chúng ta. Tiên tri Ôsê (2,4-25) đã so sánh dân Israel với một người vợ được Chúa yêu thương mà lại “ngoại tình” bằng những hành động “đáng điếm”. Mọi sự lìa bỏ Chúa đều là một thứ ngoại tình, vì xúc phạm đến một Thiên Chúa dễ bị tổn thương và si tình. Nhưng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương một cách không mệt mỏi và tha thứ cho người vợ bất trung, là nhân loại tội lỗi. Chúng ta là dân Israel mới, cũng như người phụ nữ ngoại tình đáng bị trừng phạt nhưng Thiên Chúa luôn xót thương và tha thứ.

Truyện: Hoàng đế Napoléon và lòng thương xót

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.

Bà mẹ nói:

- Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.

Và ông sai thả người thanh niên đó ra.

(Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr 192)

2. Đừng xét đoán và lên án ai

Qua câu trả lời của Đức Giêsu: ”Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra nguyên tắc của Đức Giêsu là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác. Ngài đã cảnh cáo chúng ta: ”Các ngươi đừng đán xét ai, để mình khỏi bị xét đoán”(Mt 7,1). Khi nhìn vào người khác chúng ta chỉ biết được cái vỏ bề ngoài, còn cái ruột người khác thì làm sao biết được. Vì thế người ta mới nói:

Dò sông dò biển dễ dò,

Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

Một trong những lỗi lầm thông thường nhất trong đời sống là chúng ta đòi hỏi người khác đạt những tiêu chuẩn mà chính mình không hề cố gắng đạt tới; nhiều người trong chúng ta kết án người khác về những lỗi lầm mà chính mình đã mắc phải. Không thể dựa trên kiến thức để xét đoán kẻ khác, vì ai cũng có tri thức. Phải dựa trên sự thành đạt đạo đức để xét đoán, nhưng không ai trong chúng ta là người toàn thiện cả. Thực trạng của con người cho thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, lý do hết sức đơn giản là không ai lành thánh đủ để đoán xét kẻ khác.

Thích xét đoán và kết án người khác là cái chuyện trầm kha của con người. Không ai nghĩ đến cái xấu của mình mà chỉ nghĩ đến cái xấu của người khác. Chính vì thế ông bà tổ tiên chúng ta đã để lại một lời than trách nhắc nhở chúng ta đừng xét đoán người khác vì mình cũng có tội:

Chân mình thì lấm lê mê

Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Truyện: Không ai là người vô tội.

Ngày xưa, có một người đàn ông bị bắt vì tội trộm cắp, và bị giải ra trước mặt nhà vua, ngay tức khắc, nhà vua liền ra lệnh treo cổ người đó. Tuy nhiên, khi bị áp tải đến giá treo cổ, người đàn ông đó đã nói với người cai ngục rằng anh ta biết một điều bí mật, do cha của anh chỉ dạy. Anh tuyên bố rằng khi xử dụng bí quyết này, thì anh có thể trồng một hạt giống của cây lựu, và làm cho nó mọc lên, trổ sinh hoa quả chỉ trong một đêm. Anh ta nói rằng thật đáng tiếc, nếu bí quyết này bị chôn vùi đi theo cái chết của anh, và sẵn lòng bộc lộ bí quyết này cho nhà vua.

Viên cai ngục quá bị gây ấn tượng, đến nỗi anh ta lưỡng lự trong việc thi hành án, và giải tù nhân trở lại trước mặt vua. Tại đó, người ăn trộm đào một cái lỗ trong lòng đất, lấy hạt giống cây lựu ra và nói:

- Thưa bệ hạ, hạt giống này phải được trồng từ bàn tay của một người nào chưa bao giờ lấy cắp bất cứ thứ gì không thuộc về người đó. Vì là một tên trộm, nên tôi không thể trồng nó được.

Thế rồi anh ta quay sang một trong những viên quan của nhà vua và nói:

- Ngài có thể trồng hạt giống này được chứ ạ ?

Nhưng vị quan này từ chối, nói rằng:

- Khi còn trẻ, tôi đã giữ một vài thứ không phải là của tôi.

Sau đó, người ăn trộm quay sang người giữ kho tàng của nhà vua và nói:

- Vậy ngài có thể trồng hạt giống này chứ ?

Nhưng người canh giữ kho tàng cũng từ chối:

- Từ nhiều năm nay, tôi đã giữ nhiều tiền bạc. Bây giờ và một lần nữa, tôi đã có thể giữ một ít tiền cho bản thân tôi.

Và cứ như thế, cuối cùng chỉ còn lại có một mình nhà vua. Quay sang nhà vua, người ăn trộm nói:

- Có lẽ bệ hạ sẽ vui lòng trồng hạt giống này ?

Nhưng nhà vua nói:

- Ta xấu hổ mà phải nói rằng, có một lần ta đã lấy một chiếc đồng hồ của cha ta.

Sau đó, người ăn trộm nói:

- Tất cả các ngài đều vĩ đại và có quyền lực, không còn gì để mong muốn nữa. Tuy nhiên, không một ai trong các ngài có thể trồng được hạt giống này, trong khi tôi đã ăn cắp một thứ nhỏ nhoi, chỉ vì tôi đang chết đói thế mà tôi lại bị kết án treo cổ.

Nhà vua tha thứ cho anh ta. Câu chuyện này sẽ có kết thúc khác hẳn, nếu nhà vua không được chuẩn bị để lắng nghe. Thay vào đó, nhờ sự kiên nhẫn của nhà vua, và nhờ óc tưởng tượng của người đàn ông đã bị kết án, mà không phải chết, và tất cả đều học được một bài học bổ ích.

(Flor McCarthy, sđd, tr 193-194)

3. Phải biết thông cảm và tha thứ

Điều khác nhau căn bản giữa Đức Giêsu và nhóm Do thái là họ muốn kết tội, còn Đức Giêsu thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy họ chỉ muốn ném đá người phụ nữ này cho chết, và họ cảm thấy rất thích hợp làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi hành quyền kết tội, còn Đức Giêsu vui sướng khi hành quyền tha thứ. Đức Giêsu nhìn tội nhân với sự thương cảm phát xuất từ tình yêu thương, còn các luật sĩ và biệt phái nhìn tội nhân với thái độ ghê tởm, bắt nguồn từ việc coi mình là thánh thiện.

Đức Giêsu thực sự có lòng thương xót đối với tội nhân. Đây là một thứ tình cảm đặc biệt ngoài “thất tình” mà chúng ta vẫn biết: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Vậy thương xot là gì ?

Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương) vừa đau đớn đắng cay (xót) Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trổi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương nhưng người ấy vừa phạm một lỗi lầm.

Khi đó chúng ta phải đối xử thế nào ? Lên án chăng ? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng ? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy phải làm thế nào bây giờ ? Chúng ta hãy nhìn Đức Giêsu: Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C, tập 1, tr 198).

Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ, tạo điều kiện và khuyến khích họ sống tốt lành hơn.

Truyện: Tha thứ cho người vợ

Câu truyện xẩy ra ở một hải đảo của nước Ý. Tại đây người ta qui định: Nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc vào cổ người đàn bà này một tảng đá lớn, và quẳng xuống biển cho chết chìm.

Vào một ngày kia, một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội này. Bà đã bị kết án tử hình theo như luật định. Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn còn đánh bắt cá ngoài khơi, khiến tòa án phải gia hạn thêm mấy ngày nữa. Người ta đã phải gia hạn nhều lần mà vẫn không thấy anh chồng trở về. Cuối cùng họ quyết thi hành án tử hình cho chị vợ, cho dù chồng có mặt hay không. Họ định ngày xử án dùng thuyền đưa chị ra vùng nước sâu, cột một hòn đá vào cổ chị ta, trước khi quăng chị ta xuống biển cho chết chìm.

Nhưng thật lạ lùng, ngày hôm sau mọi người đều kinh ngạc khi thấy chị ta xuất hiện ở trong làng. Thì ra, ngay từ đầu, nhờ được hai người bạn thân giúp đỡ, người chồng đã hay biết mọi sự. Cho dù bị vợ phản bội, nhưng người chồng vẫn luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ tội bất trung của vợ. Anh và mấy người bạn kia đã đặt ra một kế hoạch hoàn hảo để giải cứu người vợ. Do đó, thay vì sớm xuất đầu lộ diện để tham gia xét xử, anh ta đã lẩn trốn trong rừng một thời gian để làm kế hoãn binh. Đến ngày thi hành án, anh bí mật bơi lặn đến núp dưới một tảng đá ngầm, ngay tại nơi mà người chị vợ sẽ bị quăng xuống biển. Khi chị vợ bị quăng xuống, thì người chồng đã mau tiến lại gần, dùng dao cắt đứt sợi dây cột đá và bí mật đưa vợ đi đường tắt về nhà.

4. Hãy đi xưng tội

Mọi người đã phạm tội, cần phải ăn năn sám hối và làm hòa với Chúa. Cách giao hòa với Chúa hay nhất là đi xưng tội, đặc biệt cho những người phạm tội trọng. Những người phạm tội trọng muốn được tha tội, trong những điều kiện bình thường, chỉ còn cách duy nhất là đến tòa giải tội. Những người phạm tội nhẹ, tuy không buộc phải xưng tội, có nhiều cách để được tha, nhưng việc xưng tội sẽ đem lại cho họ được nhiều lợi ích.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi bí tích giải tội là con đường thanh tẩy và kết hợp với Đức Kitô. Ngài nhận định rằng bí tích Giải tội có mục đích không chỉ tha tội nhưng còn và trên hết dẫn đưa người tín hữu vào cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Kitô.

Khi tiếp kiến với các Linh mục và chủng sinh đang tham dự một khoa học về “internal forum” do tòa Ân giải tổ chức, ngài bầy tỏ suy tư về những phương diện chính yếu của bí tích này: ”Hoa trái của việc xưng tội”không những chỉ là tha thứ tội lỗi, điều cần thiết cho bất cứ ai đã phạm tội” nhưng còn mang lại “sự phục sinh thiêng liêng” thực sự, một sự phục hồi phẩm giá và những điều thiện hảo cho sự sống của con cái Thiên Chúa, mà điều quí giá nhất là “Tình bằng hữu với Thiên Chúa”.

Do dó, “sẽ ảo tưởng cho việc nên thánh, tùy theo ơn gọi Chúa ban cho mỗi người, mà không thường xuyên và sốt sắng lãnh nhận bí tích sám hối và thánh hóa này” như Đức Giáo hoàng đã khẳng định.

Truyện: Thánh Phanxicô Salêsiô với việc xưng tội

Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhường và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:

- Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con ?

- Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.

- Chắc cha phải nói ngược lại mới được.

- Không, Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.

- Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà ?

- Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalena đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.

- Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con ?

- Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.

Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:

- Cha khóc à ? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá ?

- Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.

Thánh nhân biết rõ phép giải tội không phải chỉ là che giấu tội, phủ kín tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:46 18/03/2010
LUI CÓ PHƯƠNG PHÁP

N2T


Trong thời gian ông Disraeli làm thủ tướng nước Anh, có một chính khách mà ảnh hưởng của ông ta rất lớn, cứ muốn thủ tướng phong tước vị cho ông ta. Vì không muốn chính khách ấy quấy rầy, nên Disrael tìm cách từ chối mà không làm thương tổn tình cảm của ông ta:

- “Xin lỗi, tôi không thể phong tước cho anh được, nhưng tôi có thể cho anh cái tốt hơn: Anh có thể nói với bạn bè của anh là tôi muốn phong tước cho anh, nhưng anh không chịu nhận.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta khi có chức có quyền thì luôn muốn bày tỏ quyền uy của mình khiến người khác bị thương tổn tâm hồn, chứ ít người có chức quyền lại muốn làm cho người khác được bình an tâm hồn.

Linh mục là người có chức cao trọng nhất, đó là chức thượng tế đời đời theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê để tế lễ Thiên Chúa, là người có quyền hạn lớn nhất là quyền tha tội và quyền cầm tội, tức là quyền đóng và mở cửa thiên đàng cho các tín hữu Công Giáo. Chức và quyền này là để phục vụ dân thánh Chúa chứ không phải để được phục vụ, do đó mà các linh mục –trong bất cứ hoàn cảnh nào- cũng đều phải phục vụ dân Chúa khi họ cần đến, nhất là phục vụ giáo dân khi cử hành các bí tích, mà đặc biệt là hai bí tích Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân.

Các linh mục không bao giờ làm tổn thương người khác khi họ đến với mình để xin một lời khuyên, không làm cho họ nản chí khi họ đến với bí tích Giải Tội, không làm cho họ mất lòng tin khi họ đến bàn tiệc Thánh Thể, bởi vì linh mục là người đứng đầu vừa là người cuối hết trong Giáo Hội, vừa là người cao trọng vừa là kẻ rốt hèn giữa anh chị em mình, vừa là mục tử vừa là kẻ hầu hạ chăm sóc đàn chiên của mình...

Đó là một Chúa Giê-su Ki-tô thứ hai vậy.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:47 18/03/2010
N2T


3. Chúa Giê-su đã vì yêu thương chúng ta mà chịu chết, vậy tại sao chúng ta không muốn thập giá chịu nạn của Chúa Giê-su và cùng chết với Ngài ?

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:48 18/03/2010
N2T


393. Lựa chọn của anh chính là làm và không làm, không làm thì suốt đời sẽ không có cơ hội.

 
Lòng khoan dung của Thiên Chúa
PM. Cao Huy Hoàng
20:58 18/03/2010
Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Măm C

Các em thiếu nhi trong Giáo xứ thường xem trước bài Tin Mừng Chúa Nhật, đọc và tìm hiểu. Hôm nay, Bé Hữu đọc to đoạn tin mừng Ga 8, 1-11. Mẹ hỏi: “con hiểu thế nào?” Bé trả lời “Chúa Giêsu cứu một mạng người” “cứu ai” “Cứu bà kia”? “Ai định giết?” “Mấy ông luật sĩ định ném đá cho chết luôn” “Sao không ném?” “Ai cũng có tội mà ném gì, Mẹ? Họ rút êm hết rồi”

Còn Chúa thì sao? “Chúa bảo bà ấy về đi, đừng phạm tội nữa. Thế là bà ấy thoát chết”

"Thưa Thầy, phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận. Theo Luật, Môise truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà như thế. Vậy, Thầy dạy sao?" (Gn 8:4-5)

Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội tình được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay đang đau khổ vì xét theo luật, phải bị công khai ném đá cho đến chết. Thực ra, chị không phải là nhân vật chính trong vụ xét xử theo yêu cầu của các luật sĩ. Nhưng chính là Chúa Giêsu. Họ đang muốn xử Chúa Giêsu. Và họ sẽ xử Chúa Giêsu nếu Ngài không xử người phụ nữ này đúng theo luật của Môise đã định. (Lv 20:10).

Thật tội nghiệp cho thân phận thiệt thòi của người phụ nữ. Không thấy người đàn ông tòng phạm bị ném đá!

Chúa Giêsu biết họ đang thử thách Ngài về lòng bác ái và việc thi hành lề luật. Ngài đã thinh lặng đến độ khó hiểu. Và khi Ngài lên tiếng, thì họ mới hiểu ra là Chúa Giêsu đứng về phía tội nhân. Ngài không bảo đừng ném đá, nhưng Ngài bảo ai đó cứ ném đi nếu tự thấy mình vô tội. “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước đi" (Gn 8:7).Ngài không bào chữa cho tội nhân, nhưng Ngài tha thứ và với ơn tha thứ Ngài khuyên người phụ nữ đừng phạm tội nữa. "Ta cũng không xử tội bà! Đi đi! Và từ nay đừng phạm tội nữa! (Gn 8:10-11).

Tin mừng đưa ra hình ảnh người đàn bà ngoại tình không có ý làm giảm nhẹ giá trị phụ nữ thời xưa hay thời nay, nhưng có ý nhắc đến “người phụ nữ là Dân Riêng Thiên Chúa” mà Thiên Chúa đã kết ước như một cuộc hôn phối diệu kỳ giữa Thiên Chúa như người chồng, và dân riêng như người vợ: “Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể”.(x. Is 62, 4- 5). Và Ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA. ( Hôsê 2,21-22)

Còn trong Tân Ước, Chúa Giêsu Kitô là chàng rể và Giáo Hội chính là hiền thê của Ngài. “Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người” (Mt 25, 6). Cũng vậy, trong Giáo Hội mỗi thành phần đều là những người yêu quí của Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô, trong ý nghĩa đã được hôn phối đời đời với Ngài.

Như vậy hình ảnh người vợ ngoại tình có ý nói đến việc dân riêng Thiên Chúa bỏ Thiên Chúa mà lang chạ với ngẫu thần ngẫu tượng, việc mỗi người chúng ta cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa khi để lòng chúng ta yêu chuộng các sự thế gian hơn yêu mến Thiên Chúa, khi sống trong tình trạng tội lỗi.

Đâu chỉ có các bà!

Dân Chúa hôm nay có trong đó có tôi, có chị, có nam có nữ, có ông già bà già và cả con nít..thảy đều phạm tội ngoại tình.. xét theo nghĩa, ngoại tình là không chung thủy lời hứa hôn phối với Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, qua lời hứa từ bỏ ma quỉ và các việc của nó…

Có người ngoại tình chạy theo lời dụ ngọt của lợi nhuận vật chất, của sự bảo bọc bao che cho những sai trái của mình mà phải làm tay sai cho một thế lực chống lại Thiên Chúa.

Có ông ngoại tình hết mình lo tiền bạc là vì xem tiền bạc là cứu Chúa đời mình mà quên việc phục vụ tha nhân.

Có ông vì run sợ trước họng súng để vào tai, trước lưỡi dao kề bên cổ, trước những đe dọa bắt bớ bỏ tù mà đành phản bội với Chúa Kitô và Thập giá của Ngài.

Có người muốn kết duyên với “chức trọng quyền cao” mà không chu toàn bổn phận đầy gian nan khổ ải, đòi hỏi những hiến thân phục vụ cho chân lý.

Cũng có những người ngoại tình vì những khát vọng khoái lạc chóng qua mà bỏ rơi Thiên Chúa muôn đời hằng hữu.

Có ông ngoại tình “bắt cá hai tay” không mất chuyện trong đạo mà được cả chuyện ngoài đời, trong ngoài đều có lợi…



Ma quỷ khôn ranh tạo ra muôn hình vạn trạng cách phạm tội ngoại tình đối với lời thề hứa chung thủy với Thiên Chúa và còn đưa dẫn chúng ta cách tài tình đến chỗ phải làm thân nô lệ cho tội lỗi.

Không ai vô tội. “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước đi"

Lời Chúa xoáy vào tâm can mỗi người. Từng người rút êm. Không ai dám cầm viên đá mà quăng vào người phụ nữ.

Cách đây không lâu, chỉ vài chục năm thôi, tôi còn nhớ như in hình ảnh những cô “ăn cơm trước kẻng”, những bà có chồng công khai chung sống với người khác, đứng trước cộng đoàn đọc bản tự thú để được tha vạ mà xưng tội rước lễ. Tôi cũng thấy có các cô thôi, không thấy các anh, các ông. Các cô, các bà ấy bị những biện pháp chế tài vì là tội nhân công khai -có lẽ công khai vì cái bầu - Có nơi còn phải bị nộp phạt cho giáo xứ nữa.

Những dịp ấy, có nhiều tiếng xì xào trong nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ, cả cô và bà đều cúi gầm mặt xuống mà đi vì xấu hổ trước mặt mọi người. Rồi, nếu có lễ cưới, thì Bí Tích Hôn Phối bị gọi là Phép Giao, cử hành trong phòng thánh mấy phút là xong.

Tưởng là khủng khiếp cho một não trạng phân biệt đối xử như thế, nhưng ít nhiều cũng đã bảo đảm được cho lớp trẻ một thời biết gìn giữ đức khiết tịnh tiền hôn nhân, lớp già biết gìn giữ đặc tính đơn hôn trong hôn nhân công giáo.

Xin một chút tản mạn ngoài lề…Còn thời nay… “Mẹ lạy con đừng phá cái thai ấy. Đã lỡ phạm tội, lỡ có bầu rồi, con đừng phạm thêm cái tội giết người nữa con ơi! Phá thai là giết người không có sức kháng cự, không có khả năng tự bảo vệ, là giết chính con mình… Tội tày trời. Mẹ năn nỉ con…”

Còn thời nay…. người trẻ chưa sống đời vợ chồng, đòi sống thử đã đành, người già cũng sanh tật tìm hoa thơm cỏ lạ, thành ra tội lỗi khắp nơi khắp chốn, tội lỗi đủ mọi lớp tuổi, mọi thành phần. Sống thử, ngoại tình, phá thai, ly dị… trở thành đại dịch để lại những hậu quả khủng khiếp về đời sống luân lý cho không chỉ một thế hệ, và chắc chắn cũng là hậu quả vô cùng tệ hại đối với sự tồn vong của một dân tộc.

….

Nhưng xin đừng kết án. Xin đừng ném đá. Chúa Giêsu bảo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,36-38).

Thực tế, lòng người quá hẹp hòi ích kỷ, như bà De Girardin đã nói: “ đàn bà chỉ tha thứ sau khi đã trừng phạt, hoặc như Tennyson: “đàn bà rất cay nghiệt với đàn bà”. Vâng tính đàn bà ấy lại ngự trị ngay trong lòng những người đàn ông tưởng như là độ lượng. Ngược lại, không thiếu những phụ nữ còn độ lượng hơn cả đàn ông.

Đối với Chúa Giêsu, tha thứ tuyệt đối là điều kiện tiên quyết để phục hồi tình

trạng nguyên tuyền của hôn ước thánh thiện giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Giêsu là tấm lòng bao dung của Thiên Chúa. Lòng bao dung của Thiên Chúa được nhắc đến trong bài đọc 1, Is 43, 18-19: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”.

Vâng, Thiên Chúa không nhắc lại chuyện xưa, không dằn xé đay nghiến, không trừng phạt tức khắc, nhưng chỉ biết khoan dung kiên nhẫn chờ đợi và thứ tha vô lượng. Ngài còn mở ra một con đường của bình an hy vọng: “Đừng phạm tội nữa”

Và để có một hướng định quyết liệt cho việc không tái phạm tội, thánh Phaolô chỉ dẫn: “Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô…….

Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. (Pl 3,8-14)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là lòng khoan dung của Thiên Chúa, xin cho chúng con giữ lòng chung thủy với Chúa, và khi lỡ lầm, xin cho chúng con biết vững tin vào lòng tha thứ vô lượng của Chúa, mà quyết tâm nối lại duyên tình hạnh phúc vô biên với Chúa, và dứt khoát nói “không” với tội lỗi. A men
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng lập lại Lời kêu gọi xây dựng quyền lực tài chính thế giới mới.
Dominic David Trần
10:59 18/03/2010
VATICAN 18 tháng Ba năm 2010 (Catholic World News): Trong buổi triều yết tại Điện St Clementine vào ban trưa cùng ngày, Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 đã tuyên bố với các đại biểu của Liên Hiệp Các Doanh Thương Kỹ Nghệ Gia Roma rằng, " Cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới ngày nay chứng tỏ cho thấy việc xây dựng lại một hệ thống kinh tế mới trên toàn cầu là một nhu cầu cần thiết."

Trích dẫn trích trong Tông Thư Xã hội " Bác Ái trong Chân Lý " (Caritas in Veritate ) của ngài, Đức Thánh Cha lập lai Lời kêu gọi của ngài là cần xây dựng một hệ thống kinh tế-tài chính thật mới để sẽ " tập trung vào phục vụ con người vốn đã được Thiên Chúa mặc khải trong nhân vị cao trọng và sâu sắc nhất". Đức Thánh Cha cũng lập lại rằng Tông Thư nói trên đã kêu gọi các nhiệm vụ " canh tân và thiết lập một trật tự chính trị và pháp trị quốc tế mới" để giám sát và theo dõi các chức năng hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI là công dân danh dự của thành phố Romano Cavanese
Bùi Hữu Thư
11:10 18/03/2010
Ngài đã thăm thành phố Miền Piemont tháng 7 vừa qua

ROME, Thứ Tư 17 tháng 3, 2010 (ZENIT.org) - Đức Thánh Cha Benedict XVI sáng nay đã tiếp nhận sau buổi triều kiến chung, tước hiệu công dân danh dự của thành phố Romano Canavese, một thị trấn miền Piémont nơi ngài đã thăm viếng ngày 19 tháng 7 năm ngoài, trong khi ngài trú ngụ tại vùng rặng núi Alpes.

Sau khi nhắc lại lịch sử của các Kitô hữu, kể từ thời thánh Tử Đạo Solutor, Đức Thánh Cha đã mời các người dân Miền Piemont “duy trì và trau dồi các truyền thống tốt bắt nguồn từ Phúc Âm, luôn luôn hăng hái làm nhân chứng đức tin vào Đấng Phục Sinh, bảo vệ gia đình và thực hành việc hợp quần với nhau.”

Trên hết, Đức Thánh Cha đã đòi hỏi “không bao giờ được để mất niềm tin nơi Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ bỏ rơi con cái của Người, và phải sát cánh bên Người là Đấng luôn tìm kiếm sự lành, hoà bình và công chính.”

Trong Kinh Truyền Tin ngày 19 tháng 7 năm 2009, Đức Thánh Cha cánh tay hãy còn bó bột, đã nhấn mạnh là Romano Canavese là quê hương của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh của ngài: “Trên miền đất phồn thịnh về các truyền thống Kitô và giá trị nhân bản, với nhiều ơn gọi nam và nữ, đặc biệt là trong Dòng Salêdiêng; cũng như Hồng Y Bertone, đã sanh trưởng trong giáo xứ quý vị, đã được rửa tội trong nhà thờ này, đã lớn lên trong một gia đình nơi ngài đã có được một đức tin chân chính.

Giáo xứ chịu ơn rất nhiều các người con trai và gái của Thánh Don Bosco, qua sự hiện diện lan tràn và phồn thịnh trong tất cả miền, trong những năm vị thánh sáng lập Dòng hay còn sống. Ước gì đây là một sự khuyến khích phụ trội để cộng đồng giáo phận của quý vị sẽ dấn thân nhiều hơn vào lãnh vực giáo dục và theo dõi các ơn gọi.”
 
Tòa Thánh đã bổ nhiệm Ủy Ban Điều tra về Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorj
Dominic David Trần
15:28 18/03/2010
VATICAN: (Catholic World News) Ngày 18 tháng Ba năm 2010; Tiếp theo thông báo của Tòa Thánh chính thức xác nhận rằng một Ủy Ban được lập ra để điều tra về các bản báo cáo rằng Đức Mẹ Maria đã hiện ra tại Medjugorje ( mà có đôi lúc có người Việt gọi tắt là Đức Mẹ Mễ-du); phóng viên Andrea Tornielli của Nhật Báo nước Ý là Il Giornale đã nêu ra danh tánh một số thành viên của Ủy Ban đặc nhiệm này.

Thông báo chính thức của Điện Vatican chỉ nói rằng Ủy Ban Điều Tra do sẽ do Đức Hồng Y Camillo Ruini, nguyên Giám Quản Giáo Phận Roma đứng đầu làm Chủ Tịch. Ngoài ra không nêu danh tánh của các thành viên thuộc Ủy Ban. Thế nhưng phóng viên Tornielli-- người rất thạo tin về nội bộ Tòa Thánh với những báo cáo được công nhận là liên tiếp chính xác -- đã viết rằng các thành viên khác của Ủy Ban Đặc nhiệm Điều Tra về các bản báo cáo Đức Mẹ đã hiện ra tại Medjugojie sẽ gồm có:

-Đức Hồng Y Vinko Puljic của Giáo Phận Sarajevo;

-Đức Tổng Giám mục Josip Boznic của Giáo phận Zagreb;

-Đức Hồng Y Julian Herranz, nguyện Chủ Tịch Ủy Hội Giáo Hoàng về Các Văn bản Pháp Quy; và

-Linh mục Tony Anatrella, một nhà Tâm lý học người Pháp và là chuyên gia về Thánh Mẫu học.

Uỷ Ban cũng gồm có một số giáo dân sẽ được mời tham dự.

Tuy nhiên việc không có tên của Đức Cha Ratko Peric, Giám mục Giáo phận Mostar, là nơi mà Đền Thánh Đức Mẹ Medjugojie toạ lạc là điều rõ ràng. Lập trường về sự kiện Medjugojie của Giám mục Peric đã được biết rõ từ lâu rồi; Đức Cha Peric đã ám chỉ rằng ngài không công nhận những báo cáo về sự hiện ra là thực.
 
Đàng Thánh Giá tại một họ đạo Úc
Vũ Văn An
23:15 18/03/2010
Trong Mùa Chay năm nay, vào mỗi thứ tư hàng tuần, Giáo Xứ Regina Coeli tại Beverly Hills, NSW, Australia, dưới sự hướng dẫn của cha xứ người Việt, Cha Nguyễn Văn Thụ, đều có đi đàng Thánh Giá vào lúc 7 giờ 30 tối. Những buổi sùng kính này thường lôi cuốn được chừng 7, 8 chục giáo dân trong giáo xứ. Nhưng không vì con số nhỏ ấy, mà buổi đi đàng Thánh Giá kém sốt sắng. Thiển nghĩ là do nội dung của Đàng Thánh Giá này. Nhận thấy nội dung ấy có thể có ích cho một số bạn trẻ và những người thích suy niệm dựa vào Thánh Kinh (Lectio Divina?), chúng tôi chuyển ngữ Đàng Thánh Giá này qua tiếng Việt. Diễn tiến chặng đàng Thánh Giá này như sau:

Khởi đầu, mọi người hướng lên Bàn Thờ và cùng hát bài Will you love me (con có yêu Thầy chăng) của Brian Boniwell. Sau đó, một người đọc to hai hay ba trích đoạn Thánh Kinh không hẳn trực tiếp nói tới cuộc khổ nạn của Đức Kitô mà đúng hơn đề cập tới ý nghĩa có tính hình loại học của biến cố khổ nạn. Cứ sau một câu trích, người đọc sẽ dừng lại giây phút để Lời Chúa ấy thấm sâu vào tâm hồn người tham dự, trước khi đọc câu trích sau. Tiếp theo là lời chú giải vắn tắt của vị chủ sự, trực tiếp nhắc đến biến cố khổ nạn liên hệ của Chúa Giêsu. Cộng đoàn đáp ứng bằng dâng lời cầu nguyện theo gợi ý của vị chủ sự. Mười lăm chặng Đàng Thánh Giá sau đó cũng theo trình tự này.

Tại chặng 15, dĩ nhiên, mọi người lại hướng về Bàn Thờ. Sau lời nguyện của mọi người, là Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và cùng hát bài A New Heart for a New World (Một Trái Tim Mới cho Một Thế Giới Mới) của Trisha Watts/Monica O’Brien.

Về các câu trích Thánh Kinh, chúng tôi dựa vào bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.


Bắt đầu Đàng Thánh Giá

Người đọc: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14:6) (Dừng lại)

Quả vậy, Ðấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời đời; (Ga 3:34-36) (Dừng lại)

Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em (Lc 12:32) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con cùng bước với Chúa, hàng ngày vác thánh giá của chúng con mà theo Chúa. Không phải chúng con yêu Chúa mà là Chúa yêu chúng con trước. Nhờ Chúa Cha lôi kéo chúng con tới Chúa, chúng con ca ngợi Người vì tình yêu vô lượng của Người: đến nỗi Người đã sai Chúa, lạy Chúa, đến ở với chúng con để chúng con được sống trong Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, xin Chúa mở lòng chúng con và đổ đầy chúng con bằng lửa Chúa Thánh Thần để chúng con can đảm sống trọn vẹn trong Chúa. Chúa là đường: chúng con xin bước đi với Chúa trong đau thương trên đường Chúa tới vinh quang. Chúa là sự thật: nhờ biết các thống khổ của Chúa, sự thật sẽ giải thoát chúng con. Chúa là sự sống: nhờ sự thống khổ của Chúa trên Thánh Giá, chúng con sẽ tìm được sự sống đời đời. Lạy Chúa, qua hành trình Thánh Giá này với Chúa, chúng con xin Chúa ban hòa bình, hy vọng và niềm vui là những thứ chỉ do tình yêu Chúa mà có.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

Người đọc: Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?" Ðức Giêsu trả lời: "Phải, chính thế”. (Mc 14: 61) (Dừng lại)

Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước các thiên thần của Thiên Chúa. (Lc 12:8) (Dừng lại)

Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. (Rm 10:9-10) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, đứng với Chúa, nạn nhân của những tố cáo và lăng nhục bất công, chúng con nhớ rằng Chúa dạy chúng con đừng sợ những người chỉ giết được thân xác chứ không thể giết được linh hồn. Thế gian ghét Chúa vì Chúa không thuộc thế gian này. Chúa là đấng Kitô, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Chúa yêu cả kẻ thù của Chúa, Chúa chúc phúc cho những ai nguyền rủa Chúa và Chúa cầu nguyện cho những ai gây thương tích cho Chúa. Chúa giơ má khác cho người ta tát, Chúa tặng luôn áo khoác, Chúa im lặng trước những kẻ tố cáo Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, như Chúa đã thần phục Chúa Cha thế nào, ở đây và lúc này đây chúng con cũng xin thần phục Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con

Nơi thứ hai: Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Người đọc: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! (Lc 12: 49-50) (Dừng lại)

Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh ÐỨC CHÚA. Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người. (Tv 116:13-14) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, khi vui lòng chấp nhận Thánh Giá vì lòng vâng phục Chúa Cha, Chúa đã giải thoát chúng con khỏi món nợ đang đè nặng lên chúng con. Chúng con không thể tự cứu chúng con bằng các cố gắng riêng của mình; mà chúng con cũng không thể có được sự sống đời đời nhờ cũng những cố gắng ấy.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con đặt tin tưởng nơi Chúa Cha, và khiêm nhường chấp nhận thánh giá nhờ đó Người đã kéo chúng con về với Người. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cương quyết vác thánh giá đó và bước đi với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi thứ ba: Chúa ngã lần thứ nhất

Người đọc: Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mt 7:14) (Dừng lại)

Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. (1Cor 10:12) (Dừng lại)

Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian! (Ga 16:33) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa ngã vì sức nặng tội lỗi thế gian. Chúa luôn hướng mắt lên Chúa Cha, và Người luôn nâng đỡ Chúa trong cơn đau khổ. Chính tình Chúa yêu thương nhân loại và lòng Chúa muốn thực hiện Ý Chúa Cha đã giúp Chúa tiếp tục tiến bước. Lúc Chúa còn sống trên trần gian như một con người, Chúa đã chịu cám dỗ, nhưng không như bất cứ người nào trước Chúa, Chúa không bao giờ thuận theo.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con hối lỗi vì khi yếu đuối chúng con đã thuận theo mọi thứ cám dỗ. Giờ đây, chúng con cương quyết theo chân Chúa và cùng vác thánh giá với anh chị em của chúng con. Và nếu có ai sa phạm, xin cho chúng con biết nói lời khích lệ vì tất cả chúng con đều đang gắng sức vác thánh giá của mình.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi thứ 4: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

Người đọc: Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng (35) còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. (Lc 2:33-35) (Dừng lại)

Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. (Lc 8:21) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, khi chúc lành cho Chúa lúc thiếu thời, Simêong cũng đã tiên đoán sự đau khổ của Mẹ Chúa. Đức Mẹ quả đã ở với Chúa trong suốt cuộc thương khó của Chúa, chúng con không thể tưởng tượng được sự đau đớn và buồn sầu của Ngài. Chúng con tin tưởng kêu xin Ngài yên ủi chúng con, trong giờ lâm tử.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, xin cho lưỡi gươm Thánh Thần tức Lời Chúa đâm thấu linh hồn chúng con và dẫn đưa chúng con đến sự khôn ngoan chân thực. Xin cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đnh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 5: Simong vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu

Người đọc: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. (Ga 12:26) (Dừng lại)

Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 15:15) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, được vác thánh giá của Chúa trên đường Chúa tới vinh quang là một đặc ân biết chừng nào, ấy thế nhưng Simong thành Xirênê lại do dự không đáp lại ngay lời kêu gọi ấy. Thực ra, Lạy Chúa, có ai sẵn sàng vui lòng giúp Chúa vác thánh giá đâu!

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, con hết lòng ăn năn vì đã không luôn sẵn sàng vui lòng vác thánh giá của mình mà bước theo Chúa. Giờ đây xin cho con biết lắng nghe lời Chúa mời gọi và trở nên xứng đáng không những được gọi là đầy tớ khiêm hạ và tận tụy của Chúa mà còn là bạn của Chúa nữa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ Sáu: Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

Người đọc: Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. (Is 53:2-3) (Dừng lại)

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Ðấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Ðấng cứu độ con (Tv 27:7-9) (Dừng lại)

Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. (1Ga 3:18) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, lúc Chúa bị lăng nhục trong thân xác, bị tra tấn và nhạo cười, kiệt sức vì phải vác thánh giá của Chúa và của chúng con, và hết sức đau đớn buồn sầu, thì một người phụ nữ, cảm động vì lòng yêu Chúa, đã tỏ ra hết sức can đảm và đầy thương cảm, vượt qua đám đông và dùng khăn của mình mà lau mặt Chúa đang vã mồ hôi và rướm đầy máu.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con tới với Chúa một cách công khai và không sợ sệt, để dâng lên Chúa việc phụng sự của chúng con, bất kể nó nhỏ bé và đơn sơ như thế nào. Nhờ biết dùng hành động của chúng con mà phản chiếu tình yêu của Chúa, xin cho chúng con được phản ảnh hình ảnh vinh quang của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 7: Chúa Giêsu ngã lần thứ hai

Người đọc: Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên. (Tv 145, 14) (Dừng lại).

Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng". (Mt 11:28-30) (Dừng lại).

Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Ðấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng. (1 Cor 10:13) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, bị lăng nhục vì tra tấn, sự yếu đuối nhân bản của Chúa khiến Chúa phải ngã lần thứ hai, nhưng Chúa nhất định không chịu bỏ cuộc. Chúa đặt tin tưởng nơi tình yêu Chúa Cha, để niềm vui biết rằng mình đang thực hiện ý Chúa Cha luôn nâng đỡ Chúa trong lúc gian nan thử thách.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, đôi khi xem ra chúng con không thể vác thánh giá của mình xa hơn nữa, và rất muốn được đặt nó xuống đất. Nhưng chúng con biết rằng Chúa luôn sánh bước với chúng con và tình yêu không bao giờ ngưng của Chúa luôn phục hồi đức tin và sức mạnh của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 8: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ Giêrusalem

Người đọc: Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (Mt 5:5) (Dừng lại).

Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga 16:20) (Dừng lại).

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. (1Ga 1:8-9) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, ngay cả lúc bị dẫn tới cái chết trên Thánh Giá, Chúa vẫn cảm thương đối với sự buồn rầu của người khác và an ủi họ. Lạy Chúa, Chúa mang lấy sự buồn sầu, đau đớn và tội lỗi của chúng con. Nhờ các thương tích bầm tím của Chúa, chúng con đã được chữa lành.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con thực sự ăn năn vì các lỗi lầm của mình và vì hình phạt mà Chúa đã tự gánh lấy khi Chúa chịu chết trên Thánh Giá. Nhờ Chúa, chúng con tìm được giao hoà với Chúa Cha sau bao lần chúng con bẻ gẫy niềm tin với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 9: Chúa Giêsu ngã lần thứ 3

Người đọc: Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 23:4) (Dừng lại)

Chúa sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo và nước uống trong cơn khốn quẫn. Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt,và mắt ngươi sẽ thấy Ðấng dạy dỗ ngươi. Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ được nghe một tiếng nói từ phía sau: "Ðây là đường, cứ đi theo đó!" (Is 30:20-21) (Dừng lại)

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, bị đè nặng vì buồn sầu đối với hố thẳm sa ngã của nhân loại, Chúa lại ngã lần thứ ba dưới sức nặng của Thánh Giá. Thế nhưng, Chúa vẫn có thể chỗi dậy một lần nữa vì Chúa biết rõ trong tâm hồn rằng Chúa Cha yêu thương Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chính khi con hoàn toàn chấp nhận thánh giá của con, Chúa tỏ lộ tình yêu sâu xa của Chúa cho con. Xin cho con tìm thấy ơn thánh để yêu thương kẻ không được yêu thương trong chính con người của họ, bởi vì chính ở trong họ, chúng con yêu thương Chúa, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con trong nỗi thống khổ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 10: Chúa Giêsu bị lột quần áo

Người đọc: Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14:33) (Dừng lại).

Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại… trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.(Cl 3:12-13) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, lúc chịu đóng đinh, đến quần áo Chúa cũng bị lột hết. Chúa đã bằng lòng chịu hạ mình hoàn toàn, và chịu kể vào hàng hèn hạ nhất của loài người.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con coi mọi sự ở trên đời như không; chúng con chỉ ước ao được yêu mến và phụng sự Chúa thôi. Chúng con xin Chúa, lạy Chúa, Chúa hãy ngự vào trung tâm điểm đời chúng con và mặc cho chúng con aó giáp đầy đủ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 11: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá

Người đọc: Tôi đã tin cả khi mình đã nói: "Ôi nhục nhã ê chề!" Ðã thốt ra trong cơn hốt hoảng: "Mọi người đều giả dối!" Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh ÐỨC CHÚA. (Tv 116:10-13) (Dừng lại).

Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình. (Is 64:3) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, trong thân phận con người, Chúa biết rõ sự kinh hoàng của cái chết. Nhưng trong tư cách Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa đã hành động như không có ai khác trước Chúa từng hành động trong việc tự hạ mình trong tay những kẻ tuy chưa bao giờ biết Chúa, nhưng đã nhạo báng và tra tấn Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con biết cuối cùng cả chúng con nữa cũng giáp mặt với sự chết để được sống với Chúa trong Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng con rất sợ hãi. Xin Chúa ban cho chúng con ơn can đảm và tin tưởng phó thác nơi Chúa để chúng con sẵn sàng vui lòng chia sẻ các đau đớn của Chúa và tìm được ơn cứu rỗi trong lời hứa phục sinh viên mãn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá

Người đọc: Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Ðức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống (1Cor 15:22) (Dừng lại).

Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1:29) (Dừng lại).

Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín (Tv 31:6) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Kitô, Đấng Được Xức Dầu, là Chiên Thiên Chúa. Chúa dâng mình làm của lễ cứu chuộc tội lỗi chúng con. Chúa bảo vệ chúng con khỏi tay thần chết đang rình rập chúng con, và thay vào đó đã đem nước trường sinh đến cho chúng con, là Thánh Thần Thiên Chúa, là Chúa và là Đấng ban sự sống.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, nhờ sự chết của Chúa trên Thánh Giá, Chúa đã giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và đem chúng con tới sự sống muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 13: Tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thánh Giá

Người đọc: Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ (Tv 138:2) (Dừng lại).

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy (Ga 6:56-57) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, xác không còn sự sống của Chúa được tháo xuống khỏi Thánh Giá và trao vào lòng Đức Mẹ. Trong tư cách người môn đệ đầu hết của Chúa, Mẹ Chúa cũng là Mẹ Giáo Hội, người đang lãnh nhận Thân Xác Hằng Sống của Chúa trong Phép Thánh Thể, một biểu hiệu và là lời hứa được sống viên mãn với Chúa trong lòng Chúa Cha. Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, xin cho chúng con tiếp tục làm cho Chúa được sinh ra trên thế gian.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con luôn ước ao được sống trong Chúa. Xin cho chúng con xứng đáng được nhận lãnh Chúa rồi sau đó tái biến cải chúng con thành hình ảnh Chúa. Chúng con mở cửa lòng chúng con cho Chúa, để khi được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa, chúng con học biết đứng vào hàng ngũ và đóng góp cho cộng đoàn đức tin đang lớn mạnh.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ

Người đọc: Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi (Tv 3:6) (Dừng lại).

Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2:19) (Dừng lại)

Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được (Ga 16:22) (Dừng lại).

Vị chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không thoát khỏi cảm nghiệm chết chóc, và chúng con cũng không. Chết là bức màn qua đó chúng con không thấy sự sống ở bên kia. Đúng hơn, chúng con tin vào tình yêu của Chúa Cha, Người sẽ đem chúng con tới sự sống muôn đời nhờ hy lễ cứu chuộc của Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con trao phó đời sống chúng con cho Chúa, bằng cách quay lưng khỏi cách sống trần gian. Xin hãy cho chúng con chỗi dậy. Xin sai Chúa Thánh Thần xuống để chúng con được tái sinh trong Chúa Thánh Thần, chỉ sống trong Chúa và nhờ Chúa mà thôi. Lạy Chúa Cha, xin cho nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.

Nơi Thứ 15: Chúa Giêsu sống lại từ trong mồ

Người đọc: Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống (Ga 5:24) (Dừng lại).

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11:25-26) (Dừng lại).

Vị chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đem chúng con ra khỏi bóng tối mà vào ánh sáng tình yêu Chúa. Chúa đả rửa chúng con sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Chúa đã chỉ cho chúng con đường tới Chúa Cha. Chúa đã đem chúng con tới sự sống muôn đời.

Mọi người: Lạy Chúa mến yêu, chúng con đã bước trên hành trình đức tin này có Chúa, Đấng chăn dắt chúng con, ở bên cạnh chúng con. Xin hướng dẫn chúng con trong đường nẻo Chúa để chúng con mãi mãi được bước đi với Chúa. Xin hãy cột chặt chúng con vào với Chúa bằng sợi dây tình yêu trong cộng đồng đức tin của chúng con. Hãy dâng lời ca tụng, vinh danh và khôn ngoan, tạ ơn và vinh dự, quyền năng và sức mạnh lên Thiên Chúa chúng ta đời đời kiếp kiếp. Amen.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con.
 
Top Stories
Dissident priest warmly welcomed home by archdiocesan and compatriots
Emily Nguyen
14:13 18/03/2010
The news on the temporary release of the most well known dissident priest from prison had caught many by surprise but a relief for those who have been advocating for his freedom especially his family and fellow compatriots.

Bishop Francis-Xavier Le Van Hong greeted Fr. Ly


In an unexpected move made by the Vietnamese government on Mar 15, 2010, Fr. Thaddeus Nguyen Van Ly whose raw, courageous criticism of the government on human and religious rights had landed he in the communist prison 15 times since 1977 has been released to the custody of Hue Archdiocese and his family for medical treatment for 12 months.

Though the release of Fr. Ly had been announced by none of more than 600 state media outlets, even calls to the Foreign Ministry's press office had gone unanswered, but it was instantly spread globally through the Internet and the cleric is now facing an avalanche of attention from fellow Christians, compatriots, human rights activists and well wishers around the world who have come to know him and his ordeal from the infamous Kangaroo trial which had been dubbed "the mouth muzzling trial" in 2007.

He had been welcome home Monday afternoon by an ecstatic group of bishop Francis-Xavier Le Van Hong and several fellow priests from the Archbishopric at the Diocesan Retirement Home of Hue on Phan Dinh Phung St. He was reportedly had to be on a walker and assisted with moving around as a result of a stroke he suffered in 2009 without proper medical care in prison.

The newly parolee is now resting comfortably at the said Diocesan Retirement Home and managing to give a few interviews to foreign media which are receiving so many requests from the public to inquire on the state of his health and his mind. He has repeatedly denied that he had motioned for his own release but assumed it was supposed to be granted at the urgent request from his family and the Archdiocese since last year, however only after the 2009 report of the USCIRF which called for Vietnam to be back on the CPC list, and the US State Department's report, issued the day before, also strongly denounced the increase of Vietnam's crackdown on democracy activists.

In his recent interviews with overseas media, the good natured cleric indicates no ill will against his jailers; however he insists that the communist court conviction and its sentence have no merit as he's done nothing criminally as the state accused him of doing. And he thanked everyone who has believed in him, faithfully praying for, and jealously fighting for his freedom.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Diễn nguyện tôn vinh thánh Giuse tại tuy Hòa Quy Nhơn
Giusinh Hát
22:20 18/03/2010
DIỄN NGUYỆN TÔN VINH THÁNH GIUSE

Cùng với toàn thể cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi trong hoàn vũ, anh chị em giáo dân giáo xứ Tuy Hòa nô nức đón mừn đại lễ kính thánh Giuse sẽ được Hội Thánh long trọng cử hành vào ngày 19.3 hằng năm. Thánh Giuse là Bổn Mạng của nhà thờ và giáo xứ Tuy Hòa. Đặc biệt năm nay, giáo xứ Tuy Hòa mừng kỷ niệm Kim Khánh xây dựng nhà thờ (1960-2010). Chính trong ý nghĩa mục vụ đặc biệt nầy, cha chán xứ Giuse Trương Đình Hiền cùng với Hội Đồng Mục Vụ quyết định tổ chức tuần Bảy Ngày tôn vinh Thánh Giuse trước ngày chính lễ.

Trong những ngày nầy, cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ quây quần trước tượng đài Thánh Giuse (được tân trang và thiết đặt ngày 10.12.2009) cùng nhau suy niệm về cuộc đời và các nhân đức cao vời của Thánh Cả qua các chủ đề: 1. Thánh Giuse và hình ảnh tiên trưng trong Cựu ước; 2. Lý lịch và tông tích Thánh Giuse; 3. Thánh Giuse săn sóc bảo vệ Thánh Gia; 4. Thánh Giuse gương mẫu trong việc thánh hóa gia đình; 5. Thánh Giuse tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa; 6. Thánh Giuse thinh lặng. Ngày cuối cùng, diễn nguyện kết thúc tổng hợp các nhân đức của ngài cùng với những tâm tình cầu nguyện sốt sắng được thể hiện qua các lời ca tôn vinh Thánh Giuse với các vũ điệu đơn sơ thánh thiện của các em thiếu nhi trong giáo xứ. Cùng với việc đạo đức đậm chất văn hóa Việt Nam này, sau 3 ngày thứ Ba, Tư, Năm, anh chị em giáo dân đã đến các tòa giải tội để được lãnh bí tích Giao hòa, như một cao điểm trong hành trình tiến về Đại Lễ Phục Sinh. Được biết chiều nay, 19.3, cộng đoàn giáo xứ sẽ cử hành lễ thánh Giuse long trọng với cuộc kiệu tôn vinh thánh Giuse trước lễ. Xin Thánh Cả Giuse cầu thay nguyện gúp cho cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa sinh hoa kết trái thiêng liêng phong phú trong thời điểm đón mừng Kim Khánh xây dựng nhà thờ, một cột mốc quan trọng đời sống đức tin của toàn Dân Chúa giáo xứ cũng như của mỗi một thành viên đang hiện diện trên mảnh đất thân yêu này
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đan Mạch: Thắp nến cầu nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam
Vương Nhi
03:50 18/03/2010
SOLIDARITETS SØNDAG” Chúa Nhật Hiệp Thông

ÅRHUS – ĐAN MẠCH 14 – 03 – 2010 -- Một ngày Chúa nhật đẹp tươi, dưới bầu trời chan hoà ánh nắng đầu xuân, nườm nươp từng lớp người tiến về ngôi thánh đường Công Giáo Vor Frue Kirke trên con phố nhộn nhịp mang tên Rysegade 26 8000 Århus C.

Theo quyết định của Hội Đồng Giáo xứ Århus và với lời kêu gọi của Cộng Đoàn Công Giáo Việt nam.... một ngày Chúa nhật 14-03 2010 được dành trọn cho Việt nam, trong cả 3 thánh lễ trong ngày, để cùng hiệp thông cầu nguyện cho giáo cứ Đồng Chiêm nói riêng và Giáo Hội cùng quê hương Việt Nam nói chung...Ban tổ chức chủ lực là Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cộng tác cùng những tổ chức, hội đoàn và những cánh chim Việt tha hương....

Điểm nỗi bật trong ngày Người chủ xướng và Chủ tế chính là Cha Chánh xứ Herbert K. cùng với sự đồng tế của Cha Meister... và Cha Nguyễn Minh Quang....

Lý do chủ xướng lên một ngày hiệp thông cho Việt nam được Cha Herbert K. trình bày: ”…Tôi nghĩ rằng Chúng ta sống không chỉ cho riêng mình, chúng ta có đầy đủ kể cả tự do tôn giáo; Chúng ta cần phải hiệp thông cùng với anh em của chúng ta sống tại những nơi không có được quyền sống với đức tin của mình; và hơn nữa tại giáo xứ chúng tôi có một cộng đoàn người việt công giáo, họ sống đạo rất sốt sắng và có tổ chức; Vì thế tôi nghĩ rằng cần phải hiệp thông cùng với anh em của chúng ta đang bị bách hại dưới ách thống trị của nhà cầm quyền CSVN.... .

Chúa nhật là một ngày thánh, ngày của hy vọng, ngày của ánh sáng và Chúa nhật là ngày mà hầu hết tất cả giáo dân công giáo đều đến nhà thờ để cùng dâng thánh lễ... ở Việt nam cũng thế. thế nên tôi nghĩ rằng trong các thánh lễ chúa nhật này đều hiệp thông dâng lời cầu nguyện cho những người đang bị bách hại về đạo giáo, họ không thể có được quyền nói như chúng ta ở Đan mạch, vì thế tôi nghĩ tốt nhất là Chúa nhật... ” ( Cha chánh xứ Herbert K.).

Thánh lễ 10 giờ được xem là thánh lễ tập trung.... Khuôn viên thánh đường không còn một ghế trống, kẻ đứng người ngồi kín mít cả lối đi... Với sự ước lượng của nhiều người, tổng số có thể vượt quá 500 người, gồm cả dân bản xứ Đan Mạch và nhiều sắc dân các nước khác cùng người Việt nam từ khắp mọi nơi tụ họp về. Không chỉ có giáo dân công giáo mà có cả sự tham dự của đồng hương từ các tôn giáo bạn các thành viên từ những hội đoàn, từ các cụ cao niên, các bậc trung niên đến các em nhỏ còn bế trên tay đều hướng về Việt nam trong thinh lặng nguyện cầu. .Những ánh mắt cảm thông, những bắt tay thân thiện, những lời hỏi thăm trìu mến như xoa dịu nỗi đau và vết thương đang rỉ máu của người Việt nam và dân tộc Việt nam... với hiện tình đất nước.

Thánh lễ được bắt đầu lúc 10 giờ với lời mở đầu của Cha Herbert, lời kinh tiếng hát cùng những làn hương trầm bay lên Thiên Chúa Tối Cao; nghi thức thánh lễ hướng lòng mọi người lên cùng Chúa...dâng lên Ngài cõi lòng hiệp thông với giáo hội và dân tộc Việt nam... cùng với của lễ toàn thiêu là chính con một Thiên Chúa. Thánh lễ diễn ra bằng tiếng Đan mạch... Tuy nhiên những giòng nhạc thánh ca Việt nam cũng được cất lên với những tác phẩm được viết riêng cho biến cố Đồng Chiêm của nhạc sĩ trẻ Việt nam tại Århus – Đinh Brothers. Bài Phúc Âm trong thánh lễ cũng được đọc bằng 2 ngôn ngữ: Đan ngữ và Việt ngữ...

Lời thuyết giảng hùng hồn của Cha Nguyễn Minh Quang với sự phối hợp tuyệt vời hài hoà những nét nỗi bật trong hai hình ảnh: một của ” Đứa con hoang đàng” trong phúc âm, trụy lạc trong lỗi tội với hình ảnh của ”những người con vô thần cộng sản” của tà quyền phản Chúa lừa dân...

Một tấm hình có thể nói lên vạn lời... không ai là không khỏi bùi ngùi xúc động khi ban tổ chức cho chiếu trên màn ảnh được dựng ngay trên cung thánh, những khúc phim thời sự về biến cố Đồng Chiêm bị đàn áp dã man với sự đập phá biểu tượng thiêng liêng của đức tin Công Giáo – Thánh Giá Chúa Giesu trên đỉnh núi Thờ, cùng với sự đổ máu của giáo dân vô tội hứng lấy những cơn mưa đòn vọt, những làn gió hơi cay khí độc từ lực lượng công an được trang bị võ trang hùng hậu...

Tiếp theo là nghi thức thắp nến, chẳng mấy chốc cả thánh đường ngời sáng lên bởi những ánh nến lung linh trên tay mọi người chuyền tay nhau chuyển lửa. ..với ước nguyện hoà cùng ánh sáng Chúa Thánh Thần sẽ xua tan những áng mây đen tối của tà quyền đang bao trùm Việt nam.

Cùng với làn hương trầm mọi người đều hướng lòng dâng lên Thiên Chúa Chí Tôn những ước nguyện thầm kín và lời nguyện giáo dân được đọc lên với 2 ngôn ngữ Đan và Việt:

”…..Cầu nguyện cho những nạn nhân chịu cảnh tù đày, đặc biệt cho những nạn nhân tại Đồng Chiêm đã làm chứng cho sự thật, các nạn nhân cùng gia đình đã phải trực tiếp chịu đựng những đau khổ về thể xác và tinh thần, rất nhiều người còn phải trong vòng lao lý. Xin Chúa luôn đồng hành với họ và xoa dịu những nỗi đau, giúp họ có thêm sự can đảm và sự kiên vững.

…..Cầu nguyện cho người dân Việt – Con dân đất Việt đã bao nam mất đi quyền tự do của con người, quyền tự do mà chính Thiên Chúa Tình Yêu đã ban cho mỗi người trên trái đất này. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để tất cả thấu hiểu được lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, để họ luôn tôn trọng lẫn nhau.

…..Cầu nguyện cho Giáo Hội: Giáo Hội Việt Nam trong bao năm qua đã phải gánh chịu những áp bức, bất công và chia rẽ. Xin cho Giáo Hội luôn biết đồng hành với dân tộc và Giáo Hội hoàn vũ. Cầu cho các tu sĩ nam nữ, linh mục giám mục Việt Nam, những người chu mệnh trực tiếp hướng dẫn dân Chúa, Xin cho các Ngài lòng đạo đức, sự khôn ngoan và lòng can đảm để phục vụ dân Chúa.

…..Cầu nguyện cho nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm đối với đất nước sớm nhận ra những lầm lỗi của họ đối với các tôn giáo, đối với đất nước, đối với người dân, để họ sửa đổi vì lợi ích của đất nước và người dân…” (lời nguyện giáo dân)

Sau phần dâng lời nguyện là phần quan trọng nhất trong thánh lễ là phần dâng của lễ toàn thiêu....Thánh lễ được tăng thêm phần long trọng với những bài thánh ca Đan mạch và Việt nam, nhất là những ý nhạc viết về biến cố Đồng Chiêm của Đinh Brothers như những giọt châu rơi tưới lên những đoá xuân buồn đang khoe một màu tang trắng…

Trước khi thánh lễ được kết thúc là tiếng nói từ ban đại diện Cộng Đồng trên toàn Đanmạch – Ông Trần Văn Trí. Và lời cảm tạ của chủ tịch Cộng Đoàn – Bà Nguyễn Kim Hương.

Sau khi Cha ban phép lành… những cánh cổng thánh đường được mở rộng để tiễn bước mọi người dời sang hội trường giáo xứ, nơi đã được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo từ tranh ảnh, tài liệu triển lãm và tiếp đón mọi người với cà phê, bánh ngọt, bánh mì thịt, chả giò ngào ngạt hương vị quê hương... Quan khách vừa thưởng thức những món ăn thuần túy Việt nam vừa đưa những ánh nhìn theo những hình ảnh, tài liệu về hiện tình Việt nam đang bị chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt tư do, dập tan những hạt mầm nảy sinh hoa dân chủ...

Những đoạn phim tài liệu cũng được tiếp tục chiếu trên màn ảnh để mọi người theo dõi và thấu rõ hơn chi tiết tận tường...

Ngoài ra chương trình còn có phần văn nghệ cổ động với sự đóng góp của nhạc sĩ Trấn Quốc tại Århus. Với lời ca tiếng nhạc được Anh sử dụng như vũ khí đấu tranh hầu phá vỡ bức tường thông tin của Cộng Sản và hun đúc tinh thần đấu tranh và hiệp thông cùng Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Hình ảnh Anh ngồi ôm đàn dưới chân núi Thờ sừng sững cây thánh Giá quấn vành khăn tang (được anh Khánh Hải dựng ngay trong hội trường), tiếng đàn của chính tác giả đệm theo những điệu hò Trấn Quốc và những ý nhạc đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền do chính anh sáng tác. .. là một trong những hình ảnh khó quên, để lại trong lòng mọi người ”một chút gì để nhớ”...

Trong bầu khí nhộn nhịp với những âm thanh từ mọi phía....Người thì bàn luận với nhau về tình hình đất nước qua những tranh ảnh được triễn lãm, kẻ thì hàn huyên tâm sự cùng những người thân và bạn bè lâu ngày không gặp... Chúng tôi thu được những tiếng nói từ nhiều phía:

Trước hết là tiếng nói của Cha Nguyễn Minh Quang:

Cha Quang: ”….rất là hạnh phúc, rất là vui khi được đến với tất cả những người Việt, đồng hương cũng như đồng đạo đến đây để cầu nguyện cho Quê Hương, cho Giáo Hội Việt Nam. Đương nhiên rõ ràng là Giáo Hội cũng như Quê Hương chúng ta đang trải qua những cuộc khó khăn giữa Giáo Hội với nhà nước và chính quyền với nhau, thì chúng ta có bổn phận, những người Kito hữu chúng ta có trách nhiệm, hoặc những người Việt Nam chúng ta có trách nhiệm cầu nguyện, liên đới, cũng như nâng đỡ tinh thần cho họ cách này hay cách khác để một phần nào đó nói lên tiếng nói của chúng ta bênh vực cho sự thật, công lý cũng như tự do và hòa bình.”

VN:. .. và có những biện luận rằng về ”Thắp nến cầu nguyện” mình cứ làm đi rồi Trời sẽ giúp cho, chứ mình cứ ngồi đó mà cầu hoài…. thì phản biện của Cha như thế nào?

Cha Quang: ”... Khi mình là những người Kito Hữu thì mình phải tin vào những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu chúng ta không thể thấy kết quả của nó ngay trước mắt được, nhưng trong thực tế chúng ta vẫn thấy. Chính Chúa Giesu vẫn kêu gọi, và ngay cả hồi nảy đã nói trong thánh lễ, một trong những biện pháp ôn hòa, chứ không phải là bạo lực để mà phản đối họ, thì trong lời cầu nguyện của chúng ta, với sự hiệp nhất đó, đoàn kết đó, và tin rằng lời cầu nguyện đương nhiên sẽ được Thiên Chúa chấp nhận và ban cho quê hương và thế giới chúng ta được hoà bình như chúng ta hằng mong ước và cầu xin.”

VN: Cám ơn Cha rất nhiều và trước khi dứt lời thì Cha còn có những trăn trở gì có thể nói với con chiên của Cha cũng như những đồng hương…???

Cha Quang: ”...thì đương nhiên cũng như trăn trở của biết bao nhiêu người Việt, những người yêu hòa bình yêu công lý là muốn cho đất nước cho giáo hội và quê hương Việt Nam chúng ta cũng như nhiều đất nước khác trên thế giới sớm có một nền hòa bình và tự do đích thực, nơi mọi người có thể sống vói tinh thần tương thân tương ái với nhau một cách thật sự, sống với nhau không chỉ bằng những lời nói suông, nhưng sống bằng đời sống của mình, bằng những cử chỉ thân ái đó; mong rằng đất nước của chúng ta sớm có một nền hoà bình tự do đó nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, quan điểm của mình mà không sợ người khác, cũng như thực hành sống đức tin của mình mà không sợ hoặc không ai có thể ngăn cấm chúng ta được; Đó là tự do của mỗi người dù chúng ta là ai trong một xã hội hoặc đất nước nào đó… (Cha Nguyễn Minh Quang).

Cảm nghĩ của vị cựu chủ tịch cộng đồng cũng như cộng đoàn qua nhiều nhiệm kỳ: Ông Vũ Đình Riễn:

”...Tôi thấy những vụ xảy ra ở Việt Nam rất là đau thương, đau thương như Đồng Chiêm bây giờ, như Hà Nội chẳng hạn, nhà thờ Chính Tòa Hà Nội cũng bị nhà cầm quyền đàn áp và nhiều nơi khác nữa; Đó là cái mà chúng ta không thể làm ngơ được; Và dù rằng chúng ta không trực tiếp ở Việt Nam để mà tranh đấu với họ nhưng chúng ta có những lời nói để nói lên cho họ biết rằng họ đã dùng những áp lực đàn áp về tôn giáo là quá đáng. Theo tôi thì dù rằng nhỏ dù là lớn, chúng ta có tiếng nói nói lên sự chứng minh, dầu muốn dầu không thì cũng có một ích lợi cho người dân ở Việt Nam rất là nhiều… ở chỗ là chúng ta ở nước ngoài chúng ta cũng nhìn thấy những điều sai trái của Cộng sản đã dùng áp lực đàn áp nhất là về tôn giáo, không phải Công Giáo không mà nhiều tôn giáo khác cũng bị như thế. thành ra chúng ta ở nước ngoài chúng ta không nên làm ngơ, và chúng ta thấy những gì xảy ra thì chúng ta nên có tiếng nói để báo động không phải riêng đối với Việt Nam mà báo động trên toàn thế giới hiểu rằng nhà cầm quyền Cộng sản họ dùng những đàn áp như thế…” (Vũ Đình Riễn).

Tiếp theo là tiếng nói của vị đương kim đại diện cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trên toàn Đan Mạch: Ông Trần Văn Trí:

… Tôi đã theo dõi tình hình ở Việt Nam, nhất là về Đồng Chiêm trong một thời gian rất là lâu trên internet. Tôi thật sự là ngạc nhiên và xúc động vì tôn giáo bị chà đạp, tự do của người dân trong nước bị giới hạn như vậy. Tôi rất xúc động khi thấy đến đây là một đất nước nhỏ nhoi như Đan Mạch vùng Bắc Âu, người Việt từ gìà tới bé, không bất kỳ tôn giáo hay là tuổi tác tụ họp về ngày hôm nay tại đây có cả 5 – 600 người để hướng lòng về quê hương, cầu nguyện cho nhân quyền và tự do, nhất là tư do tôn giáo ở Việt Nam. Tôi rất là xúc động và vui mừng vì người Việt mình qua bao nhiêu thế hệ đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương dân tộc đã tụ về đây cầu nguyện và hiệp lòng với nhau chia sẻ với nỗi đau của người dân Việt Nam đặc biệt là những người Công Giáo Việt Nam ở trong nước đã chịu đàn áp từ mọi phía. Thực tế không một tiếng nói, chỉ dùng ánh sáng và ánh mắt tin yêu mọi người tham dự đã nói lên cho thế giới thấy rằng một sức mạnh vô hình đang triển nở trong cộng đồng người Việt chúng ta. Đó là tiếng nói không cần phải nói. Đó là tiếng nói âm thầm nhưng mãnh liệt của tất cả những người Công Giáo, của người Việt Nam ở trên toàn thế giới. Khi thắp nến như vậy họ đồng lòng nói với nhau một tiếng rằng: Họ loại trừ tất cả những vũ lực, những đàn áp và họ ước mong một điều là Tự Do Dân Chủ cho quê hương Việt Nam…

…..Tôi sẽ tìm mọi cách với khả năng của tôi để quảng bá cho mọi người nhất là giới trẻ ý thức sâu sắc về hiện tượng, hoàn cảnh đau thương của đất nước và sẽ vận động bằng mọi cách để Việt Nam tiến đến Tự Do Dân Chủ và đất nước chúng ta được hòa bình giàu mạnh thật sự, cho quê hương Việt nam, cho dân tộc Việt Nam…” (Ông Trần Văn Trí)

Kế đến là tiếng nói của nhạc sĩ Trấn Quốc:

Trấn Quốc: ”…Mình thấy đó cũng là một điều tốt để cho giáo dân Đan mạch ở đây biết được giáo dân ở Việt Nam đang bị Cộng Sản đàn áp, Việt Nam không có tự do tôn giáo. Nhiều người cũng là tay sai cho Cộng Sản hay là công cụ tuyên truyền của Cộng Sản, chẳng hạn như Nguyễn Cao Kỳ, ông ta vẫn nói Việt nam có tự do ngôn luận, mình thấy đâu có đâu, tự do tôn giáo cũng hoàn toàn không có, hoặc là những người nghệ sĩ ở nước ngoài trở về ca hát cũng là giúp cho Cộng sản tuyên truyền, thật sự ở Việt Nam không có đâu, chẳng hạn như cô luật sư Lê Thi Công Nhân, nhốt người ta 3 năm tù ra, rồi mới cho người ta ra mấy tiếng đồng hồ sau bắt lại để dằn mặt người ta không cho nói hay gì hết. Dịp này cũng để cho mọi người biết, cũng để cho đồng bào quê nhà biết được mình dù xa quê hương nhưng vẫn luôn luôn hướng về Đồng Chiêm, hướng về quê nhà.

VN: Thưa Anh, Anh là một chiến sĩ đấu tranh với cách riêng của Anh, với ngòi bút và với giòng nhạc của Anh. Thì theo Anh với phương cách thắp nến cầu nguyện, nôm na là bất bạo động sẽ mang đến hiệu quả gì đối với hiện tình đất nước?

A.Trấn Quốc: Tôi thấy đấu tranh cũng có nhiều hình thức, đấu tranh như đốt nến, với tính cách tôn giáo, thì đương nhiên trong nhà thờ mình đốt nến, đó là về đạo, còn về đời thì mình phải đấu tranh bằng cách khác nữa; hình thức đốt nến cũng chỉ là hình thức thụ động thôi. Phải làm sao hợp tác với đồng bào trong nước để làm sao phải lật đổ được chế độ cộng sản. Tôi thấy có nhiều tổ chức kêu gọi đấu tranh mà nói không đụng gì đến thí dụ như những đảng viên bỏ đảng, thì đâu có được. Nếu đảng cộng sản còn thì không thể nào Việt Nam có độc lập tư do dân chủ được. Ngoài hình thức đốt nến, hình thức thụ động thì mình phải kêu gọi bằng nhiều hình thức, kể cả vấn đề IT, vi tính cũng có thể giúp được cho dân Việt Nam kể cả những người đảng viên cộng sản hiểu được. Nếu mà làm được cuộc cách mạng không đổ máu thì tốt, còn nếu không thì chắc cũng phải là như vậy cũng như câu của lãnh tụ Nguyễn Thái Học ngày xua đã nói: Hoa Tự Do phải tưới bằng máu…” (Trấn Quốc).

Và sau đây là tiếng nói của một thành viên trong tổ chức UBYT – PTDT TDDC cho VN: Anh Nguyễn Minh Hùng:

”...ja em tên là Hùng, Em nghĩ rất nhiều… Theo lời kêu gọi củaHội Đồng Giáo Xứ Ărhus cũng như Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan mạch và Cộng Đoàn tại Ărhus kêu gọi cho buổu cầu nguyện hôm nay, em thấy những việc em làm để đóng góp một tí xíu nào đó cho người Việt trong nước để nói lên những tiếng nói thay cho người trong nước. Em cảm thấy rất ý nghĩa đối với em, đối với cộng đồng Việt nam ở Đan mạch.Em muốn nói với người trong nước: Tất cả mọi người hãy cố gắng và đừng SỢ- Hãy vượt qua nỗi Sợ để mang đến tự do tôn giáo cũng như dân chủ cho Việt Nam… ” (Nguyễn M Hùng).

Thêm một tiếng nói của một phụ nữ Việt từ một thành viên trong tổ chức UBYT- PTDT-TDDC cho VN: Chị Nhung:

”…Em là Nhung, Cảm tưởng của em về buổi lễ em rất là xúc động khi thấy bà con đông đảo đến tham dự thánh lễ để hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Đồng Chiêm nói riêng và cho Giáo Hội Việt Nam, cho quê hương Việt Nam nói chung, thì em rất xúc động. Trong thánh lễ có nghi thức đốt nến nữa. Chị có thấy đấy, bây giờ Cộng sản đàn áp dân mình mà trong khi mình ở nước ngoài, mình cũng không quên người dân còn ở trong nước khổ như vậy… Cái đấy cũng là một cách gì đó mình làm để an ủi những người còn ở lại Việt nam…” (Nhung).

Và đặc biệt là tiếng nói của một tham dự viên người bản xứ. .. Đan Mạch:

Dĩ nhiên tôi cảm nhận được qua hình ảnh xem được ngày hôm nay, đã làm cho tôi kinh ngạc về vụ việc quá bạo động so với sức tưởng tượng của tôi. Trước đây tôi đã không nghĩ rằng tình hình quá thảm hại đến như vậy, và qua hình ảnh thì người ta sẽ nhận diện ra được, rằng ở VN sự tự do tôn giáo chỉ được tôn trọng trong một phạm vi tối thiểu nào đó. Tôi thừa biết rằng ở một đất nước cộng sản, thì có rất nhiều sự cấm đoán, nhưng con người phải có một niềm tin tôn giáo, nhưng điều này chưa có được tại VN hiện nay. Đìều trái ngược này thật đáng tiếc đã xãy ra trong khi nhiều quốc gia khác đang có chiều hướng xa lánh đất nước cộng sản, chẳng hạn như người ta thấy được một số thay đổi tại Trung Cộng, và dĩ nhiên tôi kinh ngạc là VN đang đi ngược lại.…

Tôi muốn nói rằng tôi nghĩ đến họ, và mong ước rằng họ sẽ sớm được tự do tôn giáo, như đất nước Đan mạch, mặc dù đạo Thiên Chúa giáo là một tôn giáo nhỏ tại Đan mạch, nhưng nơi đây luôn luôn cởi mở, và rộng mở điều kiện cho sinh hoạt Thiên Chúa giáo, và tôi kỳ vọng rằng, trong tương lai giáo dân người VN cũng sẽ được quyền lợi đó, và tôi cũng nghĩ rằng chính phủ sẽ nhìn thấy được, tự do tôn giáo là một điều quan trọng, bởi vì điều đó sẽ làm cho một quốc gia sống động và cởi mở, và cuối cùng họ sẽ cho thay đổi điều nào đó, theo một đường lối đúng đắng hơn…. (người bản xứ Đan Mạch).

Chương trình được kết thúc vào chiều cùng ngày. ..mỗi người một tay dọn dẹp hội trường và ra về với những hành trang nặng trĩu những nỗi niềm hướng về quê hương Việt Nam cùng với niềm tin sắt đá và hy vọng những lời cầu nguyện của chúng ta được đoái nghe và những ngọn nến được thắp sáng hôm nay sẽ hợp cùng với ánh sáng Chúa Thánh Thần soi rọi vào một tương lai tươi sáng cho Việt Nam...
 
Văn Hóa
Giuse Người Cha
Vọng Sinh
16:16 18/03/2010
  • Giuse Thánh cả Thiên Đường
  • Người xưa công chính nên gương muôn đời
  • Cậy trông phó thác không rời
  • Một niềm tin kính ở nơi Chúa Trời


  • Giữa muôn gian khó cuộc đời
  • Phân vân… bối rối… tơi bời… đắn đo…
  • Tin Yêu thắng hết âu lo
  • Một niềm phó thác vào cho Chúa Trời.


  • Giuse tin tưởng tuyệt vời
  • Đã nên Thánh Cả trên nơi Thiên Đường
  • Để cho trần thế soi gương
  • Cho đoàn con cái thấy đường noi theo.


  • Chúng con trần thế nhóc nheo
  • Đường đời lắm nỗi ngặt nghèo gian nan
  • Cuộc sống vất vả tân toan
  • Ngày đêm vật lộn công ăn việc làm.


  • Giữa muôn bận rộn muôn vàn
  • Gia đình chồng vợ bớt dần cảm thông…
  • Để rồi vợ chẳng hiểu chồng
  • Chồng không hiểu vợ hai lòng hai nơi!


  • Gia đình tan đến nơi rồi
  • Còn đàn con cái ai thời chăm nom?
  • Cả bầy nheo nhóc sớm hôm
  • Không người dạy dỗ xác hồn ra sao ?


  • Bao nhiêu sóng gío ba đào
  • Nguyện xin Thánh Cả nhìn vào đoái thương
  • Ban ơn phù giúp dặm trường
  • Vượt qua những bước nhiễu nhương đường trần.


  • Luôn phó thác chẳng phân vân
  • Cậy trông vào Chúa chẳng cần lắng lo
  • Như Gia đình Thánh: Gương to !
  • Vợ nhường chồng nhịn con lo học hành.


Xin cho mỗi gia đình nhìn theo gương Thánh Gia.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xuân Về
Thérésa Nguyễn
19:27 18/03/2010

XUÂN VỀ



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Thấy hoa mới nở sau vườn

Thì ra xuân đã trên đường về đây.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bầu Sữa Mẹ
Lê Ngọc Minh
22:07 18/03/2010

BẦU SỮA MẸ



Ảnh của Lê Ngọc Minh


Dòng sữa ngọt ngào theo tháng năm con lớn lên

Mẹ chăm chút cho con từng miếng ăn giấc ngủ

Những lúc ngu ngơ con đâu có hiểu

Mẹ đã vì con mà thành túng thiếu

Chiếc áo vai sờn đạm bạc bữa cơm rau.

(Trích thơ của Nguyễn Trung Kiên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền