Ngày 18-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:24 18/03/2009
THAM VỌNG

N2T


Khi đại sư thâu nạp một vài người nào đó làm đệ tử và từ chối nhận người khác, thì các đệ tử vẫn luôn không hiểu thái độ hống hách gần đây của ông ta.

Cho đến một hôm, các đệ tử nghe đại sư nói: “Không nên có ý định dạy con heo xướng hát, không những lãng phí thời gian mà còn làm cho con heo giận dữ.”

Bấy giờ các đệ tử mới ngộ được tất cả.

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thời nay, có những người đi tu vì để thoát khỏi cảnh nghèo khó, họ coi đi tu là cách giải quyết nạn thất nghiệp cho mình; có những người đi tu vì bị cha mẹ ép buộc nên mới miễn cưỡng đi tu; có người đi tu vì để được học hành.v.v...tất cả những người đi tu với những lý do trên, nếu được “đỗ cụ” thì sẽ gây tai hại cho Giáo Hội và gương mù cho giáo dân, nếu được khấn trọn trong một dòng tu thì sẽ là tai họa cho cộng đoàn nào có họ tham dự, bởi vì mục đích đi tu của họ không phải là vì Chúa vì Giáo Hội và cũng không vì tha nhân, mà là vì bản thân và gia đình mình.

Thời nay, vì ơn gọi hiếm nên có các dòng tu và chủng viện nhận bừa vào những những thanh niên nam nữ mà hạnh kiểm và cuộc sống không rõ ràng, rồi khi chuẩn bị chịu chức hay khấn trọn thì các bề trên lúng túng trong việc lựa chọn, bởi vì các chủng sinh hoặc tu sĩ ấy dây mơ rễ má quá nhiều, đụng chạm người này với người nọ.v.v...

Không nên dạy cho con heo hát ca, không những lãng phí thời gian, mà còn làm cho nó giận dữ, ý tưởng này của đại sư cũng phù hợp với câu cảnh cáo của Chúa Giê-su: “Của thánh, đừng quăng cho chó; mgoc5 trai chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7, 6)

Thật đúng quá thay.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:25 18/03/2009
N2T


112. Học vấn vĩ đại nhất của một người giáo hữu vẫn là nhận ra sự hư vô của mình.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:26 18/03/2009
N2T


57. Chỉ có những người tràn đầy lòng tự tin, thì trong bất cứ thời gian nào, bất cứ nơi nào, đều ôm mối tự tin chìm đắm trong cuộc sống, và thực hiện ý chí của mình.

 
Giuse: nhà đào tạo người công chính
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:15 18/03/2009
Cụm từ: Giuse là người công chính rất thân quen với Kitô hữu. Người ta cũng quen với những hình ảnh nói về thánh cả Giuse như người cha nuôi, Đấng bảo trợ Con Thiên Chúa làm người, khuôn mẫu của người lao động… Thế nhưng, chúng ta cần thú nhận rằng thật thiếu sót khi bỏ qua chân dung nhà giáo dục Giuse. Chính Thiên Chúa qua lời sứ thần báo mộng đã truyền rằng chính Giuse là người phải đặt tên cho Con Trẻ tức là giao phó trách nhiệm đào tạo, giáo dục Con Trẻ Giêsu cho Thánh Cả. Ý nghĩa của việc đặt tên theo Thánh Kinh cho ta xác tín chân lý này ( x. Mt 1,21 ).

NGƯỜI CÔNG CHÍNH:

Dưới nhãn quan nhân loại thì người công chính là người chính trực trong tâm tình và suy nghĩ, công minh trong lời nói và hành động. Người công chính theo Thánh Kinh thì vượt lên trên đức công chính nhân bản. Đó là người không chỉ công minh, chính trực trong tư tuởng, lời nói và hành động mà còn là người luôn tín trung trong tình yêu. Chúng ta hiểu được điều này khi Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa bày tỏ sự công chính của Người khi tín trung với lời Người đã hứa là yêu thương con người đến cùng, không muốn bất cứ ai phải hư mất, nên đã sai Con của Người đến thế gian thực thi công trình cứu độ (x. Rm 3,25 ).

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH:

Thưa Chúa, nếu tìm thấy trong thành có 50 người công chính thì với 50 người chính chính ấy Chúa có tha cho cả thành không ? Giavê Thiên Chúa đã chấp thuận điều kiện Abraham đặt ra. Abraham đã kỳ kèo bớt dần bớt dần xuống con số 10 thì Giavê cũng chấp nhận ( x. St 18,16-33 ). Sau khi ra khỏi đời này khá lâu, Abraham mới vui mừng vì hiểu được rằng chỉ với một người công chính duy nhất chính hiệu thì Thiên Chúa cũng ban ơn tha thứ cho cả nhân loại ( x. Ga 8,56 ). Người công chính là người lôi kéo ân lộc trời cao cho nhân trần, là người trung gian hòa giải đất với trời, là người thể hiện tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và là người nối kết mối dây giao hòa giữa nhân loại với Đấng tác thành mọi sự mọi loài.

KHÔNG AI CÓ THỂ TRAO BAN ĐIỀU MÌNH KHÔNG CÓ:

Đã yêu Maria thì dù cho không hiểu sự kiện người mình yêu thụ thai, Giuse vẫn tín trung, trước sau như một, không thay dạ, đổi lòng. Ngài dự tính chọn con đường rút lui trong âm thầm là vì yêu Maria, không muốn làm hại Maria, cho dù bản thân sẽ phải hứng chịu nhiều tai tiếng như hàng sở khanh. Khi được sứ thần báo mộng, Giuse đã mau mắn đón nhận Maria với đầy đủ bổn phận người chồng, người cha, nhưng quyền lợi thì nguyện hy sinh rất nhiều. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại”. Tự nguyện cắt đứt việc lưu truyền nguồn sống tự nhiên ( không có con nối dõi tông đường ) vì tình yêu và nhất là vì niềm tin, thật là một lễ hy sinh cao quý. Sống đức tin và thể hiện tình yêu cho đến cùng trong sự âm thầm không chút danh phận trước mặt người đời quả là sự tự hiến, sự tự hủy cao độ. Chúng ta nhận ra điều này khi xóm giềng, người đồng hương kinh ngạc về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu và những sự phi thường được thể hiện do bởi tay Người: Ông ta không phải là con bác thợ sao ? ( Mc 6,3 )

MỘT NGƯỜI CÔNG CHÍNH XỨNG DANH ĐƯỢC NHÌN NHẬN:

Con người, nhân cách và có thể nói là cả niềm tin của Chúa Giêsu mang đậm dấu ấn của Thánh Giuse. Ở đây chúng ta không một chiều theo nghĩ suy thường tình: “cha nào con nấy”, nhưng chính cung cách ứng xử của Chúa Giêsu, những lời giảng dạy của Người và cả cuộc đời của Người minh chứng cho sự thật này. Khi khẳng định mình không làm điều gì mà không trông xem cha đã làm thì dù Chúa Giêsu có ý nói về Cha trên trời nhưng hẳn có sự góp phần của người cha nuôi Giuse. Thánh Giuse không chỉ tập tành cho Chúa Giêsu ngành nghề thợ mộc mà nhất là dìu dắt Con Trẻ sống đức tin, sống yêu thương đến cùng trong sự thủy chung.

Một cách nào đó, chính nhờ gương mẫu của Giuse và sự giáo dục của Ngài mà nhân loại đã hưởng nhận một Người Công Chính xứng danh là Giêsu. Người đã yêu thương những kẻ thuộc về Người, những kẻ mà Cha trên trời đã ban cho Người và yêu thương họ đến cùng, đồng thời tìm mọi cách thế để chẳng một ai bị hư mất. Phải nói chắc chắn rằng chẳng có một ai mà Chúa Cha lại không trao ban cho Con Một Người. Chính vì thế phút giây hấp hối trên thập giá Chúa Giêsu đã khẩn xin Chúa Cha tha cho cả kẻ giết Người vì họ lầm chẳng biết ( x.Lc 23,34 ). Một điều chắc chắn không kém đó là tông đồ Giuđa, kẻ phản bội cũng ở trong số đó. Trước tình yêu kiên vững và tín trung của người tử tội trên đồi Can-vê, “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: Người này đích thực là người công chính !” ( Lc 23,47 ).

Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho đời một Người Công chính xứng hiệu, cám ơn Thánh Cả Giuse đã góp phần đáng kể trong việc dệt xây cho loài người một Người Công Chính chính danh. Vì một Người Công Chính này, Giêsu-Kitô, cả vũ hoàn mừng rỡ hân hoan, toàn thể nhân loại cất tiếng reo vui vì được ơn giao hòa.
 
Đời sống thanh niên Giuse quay 360 độ?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
03:16 18/03/2009
Nếu chàng thanh niên Giuse khoảng ba mươi thì đúng vào tuổi “tam thập nhi lập” (tuổi ba mươi trưởng thành) hoặc như hình vẽ một ông gia tặng cho thánh Giuse thì ông vào tuổi “tri thiên mệnh” (tuổi năm mươi biết được sắp đặt của trời ). Dầu vào tuổi nào, Giuse khi đa ký “hôn ước” với cô Maria thì Giuse vẫn muốn sống theo cuộc sống gia đình như mọi người nghĩa là vợ chồng sẽ sống chung với nhau vàsinh con cái càng nhiều càng tốt (trước khi Chúa gọi).

Do thái không có quan niệm như ta: cưới vợ thì cưới liền tay, rước dâu thì rước trong ngày cho xong. Do đó, cô Maria mới có thời gian đi từ miền Bắc Galilê tới miền Nam Giuđêa để thăm bà chị Elizabet đang mang thai được sáu tháng. Chia vui với bà Chị mang thai trong cảnh già do Chúa cho và bà Chị cũng phát hiện ra em mình đang mang “Chúa tôi” mới được mấy ngày do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bài Magnificat ngắn do Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa “thực hiện việc trọng đại nơi mình “(Luca I,49) và lời khen của ba Chị: ” Phúc cho em vì em tin vào Lời Chúa phán cùng em được thực hiện” (Lc I,45) tất cả nói lên niềm tin tưởng vững bền vào Thiên Chúa bên cạnh một vị tư tế câm vì thiếu niềm tin.

Giuse hình như không biết gì cả. Khi cô Maria trờ về nhà thì cô đã mang thai được ba tháng rồi. Dáng đi của cô được các bà trong thôn xóm dễ dàng phát hiện: cô có thai. Người lo lắng nhất là bà Anna, rồi bà truyền cái lo nầy cho chồng. Các nhà làm phim de dàng khai thác cảnh nầy. Maria đứng trước cha mẹ, bà Anna nói, rồi ông bố nói theo luật: nếu mà con của Giuse thì tốt lắm nhưng con của người khác thì chết với Giuse … bi ném đá đó. Maria công nhận mình đang mang thai, nhưng bào thai nầy không phài của Giuse và cô xin cha mẹ yên tâm và cô hứa sẽ nói với Giuse. Giuse đã nghe được dư luận trong xóm nói về cô Maria đi thăm chị về và cô có thai, tức tốc chạy tới nhà Gioakim. Hai ông bà vừa tin con, vừa hiểu được thái độ bực tức của Giuse nên bảo Giuse xuống nhà dưới gặp Maria.

Giuse biểu lộ bực tức ra và giơ tay đe … Maria binh tĩnh xác nhận mình đang mang thai, và nói: thai nầy không phải của ai cả mà do Thiên Chúa. Giuse yên lặng, bực mình đi về. Dĩ nhiên, là chàng rất buồn, va ngồi ngủ thiếp đi dươí bóng mát một cây nhiều lá. Và sứ thần Chúa đến giải thích cho Giuse biết phép mầu của Thiên Chúa để Maria mang thai con trai và dạy Giuse đưa Maria về nhà và phải đặt tên con trẻ là Giêsu ( Thiên Chúa cứu độ). Thiên Chúa đã quay 360 độ cho cuộc đời Giuse.

Thế là đời sống gia đình của bác thợ mộc Giuse có Đức Trinh nữ Maria và Con Thiên Chúa làm người, hoàn toàn thuận theo Ý Chúa Cha, không có “tình dục vợ chồng”. Cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu, Giám Đốc Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Saigon đã giảng trong Thánh lễ Bổn Mạng Chủng viện: Đức Mẹ tắm trong phòng, tiếng nươc chảy róc rách, Thánh Giuse bào, đục, cưa ở ngoài, nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm, là con người, không phải là vật vô cảm nhưng Ngài đã lướt thắng vì ơn Chúa và vì ý chí của Ngài.

Để hiểu về giá trị đồng trinh và giá trị giới tính và tính dục, thiết nghĩ xin nói đôi nét ở đây:
Tính dục ăn sâu vào bản ngã con người, nhưng là di tích của thú tính (thấy rõ trong những lỗi phạm thuộc giới răn thứ sáu và báo chí đăng tệ nạn mại dâm, phạm pháp hiếp dâm ) chỉ la phương tiện nhất thời để tình yêu hôn nhân được triển nở, nhưng có thể bỏ qua được, vượt qua được và chỉ còn giữ lại những yếu tố thiêng liêng của tình yêu hôn nhân (ông bà ngoại của tôi, khi về già, ông một giường gỗ lim, bà một giương gỗ lim, ở giữa là một tủ lớn trên có bàn thờ và tiếp là bàn dài với đôi trường kỷ dài để tiếp khách. Tôi thỉnh thoảng leo lên giường ngủ với ông hoặc với bà. Đời sống của ông bà tôi thật là tuyệt hảo. Khi ông tôi qua đời, bà và con cháu đi dưới quan tài go vàng tâm của ông, và tôi thấy và nghe bà tôi khóc … tôi không diễn tả nỗi ). Nơi Thánh gia, Thiên Chúa đã muốn đề cao tình trạng thiêng liêng của bậc hôn nhân.
-
- Nói như vậy không phải để hạ thấp giá trị của phương diện giác quan của tình ái trong bậc hôn nhân (amour sensible). Nó cần thiết, nhưng chỉ đóng vai trò yếu tố dẫn khởi, nâng đỡ và tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng bền vững. Nếu chỉ biết tình yêu hôn nhân qua hoạt động tính dục thì sẽ đưa tới đổ vỡ (thời nay, ra tòa ly dị vì chồng hoặc vợ bất lực sinh lý hoặc ngoại tình v.v ). Trái lại, đặt tình yêu hôn nhân đúng mức của nó là tình yêu thiêng liêng bền vững thì gia đình không bị lung lay và được hạnh phúc.

Đức Maria và Thánh Giuse đã sống phần cốt yếu của lý tương hôn nhân và đồng thời hưởng phần châu báu của lý tưởng trinh khiết. Nơi Đức Maria có vẻ đẹp của sự đồng trinh và cả vẻ đẹp của lý tưởng hôn nhân. Nơi thánh Giuse sáng chói của gia trưởng công chính trong bầu khí gia đình thánh thiện, thanh khiết. Cà hai thánh sống bậc gia đình trong sự đồng trinh đã cho biết tình yêu đã vượt khỏi hoạt động sinh lý là một thứ tình yêu hoàn hảo hơn hẳn tình yêu phải nhờ giác quan và sinh lý. Tình yêu trong đức trinh khiết là thứ tình yêu giống tình yêu trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, tiên báo cách rõ ràng đời sống sau nầy
ở trên trời: ” Khi sống lại, người ta sẽ sống như Thiên thần “( Mt 22,30).

Ca ngợi Đức Maria đã mong ước sống đồng trinh trước khi lập gia đình và ngay khi đính hôn với bác thợ mộc Giuse mà quên con người thánh Giuse được Kinh Thánh gọi là bậc công chính trong dịp nầy là một thiếu sót. Để học hỏi, ta thử xem các bản dịch liên quan tới vấn đề nầy (Matheu 1, 18-19):

Bản Latinh (Vulgata): Christi autem genatio sic erat: cum esset desponsata mater eius Maria Ioseph, antequam convenirent, inventa est in utero habens de Spiritu Sancto. Ioseph autem vir eius, cum esset iustus et nollet eam traducere, voluit occulte dimittere eam. (ghi chú: desponsata nghĩa là người nữ đã đính hôn, đã hứa hôn, fiancée ).

Bản tiếng Việt của Đức Hồng Y Giuse Maria Trinh Văn Căn: Chúa Giêsu giáng sinh như sau: Bà Maria, Mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse, song hai ông bà chưa ở cùng nhau, thì Bà đã chịu thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo.

Bản dịch tiếng Việt của Uy Ban Giám mục về Phụng vụ (Cha Nguyễn văn Vi) về Thánh lễ Thánh Giuse: Chúa Kytô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Bản dịch của Cha Nguyễn thế Thuấn năm 1965: Việc Đức Kytô sinh ra thì thế nầy: Maria, Mẹ Ngài đã đính hôn với Yuse; song trước khi chung sống cùng nhau, thì bà đã mang thai bởi phép Thánh Thần. Yuse, chồng bà, vì là người công chính, vả lại không muốn lộ việc bà, nên đã muốn đoạn giao cách thầm kín. (Cha Thuấn chú giải Mt 1, 19: Biết được Maria thụ thai cách lạ lùng, như các người công chính Cựu ước, Yuse kính giới cách mầu nhiệm, nên không muốn lấy Maria làm vợ, đâu dám để người đời nghĩ mình là cha của hài nhi siêu phàm đó. Ngài lại không muốn lộ bí mật. Phải có một can thiệp siêu phàm đến, Ngài mới hết phân vân, và lại được biết, theo tư cách con Đa vít, Ngài có nhiệm vụ nhận hài nhi vào dòng dõi Đa vít ).

Bản dịch của Nhóm Phụng vụ giờ kinh, imprimatur của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình, ngày 11-5-1993, in năm 1994: Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kytô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kiến đáo. (Nhóm Phụng vu GK chú giải: Theo phong tục về hôn nhân của dân Israen thì đính hôn đã là thành vợ chồng trước mặt pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn nầy vẫn là con hợp pháp. Hai điểm khó giải thích trong đoạn nầy là: Sự công chính của ông Giuse ở cho nào và ông Giuse có biết việc Đức Mẹ Maria thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần trước khi thiên thần báo tin không ? Các giải thích vấn đề thứ nhất tùy thuộc cách giải thích vấn đề sau. Lời thiên thần báo cho ông Giuse biết có thể hiểu là một lời báo cho biết sự thật về nguồn gốc bào thai trong lòng Đức Maria hoặc là một lời xác nhận ông Giuse đã biết. Nếu nhờ lời thiên thần báo tin ông Giuse mới biết sự thật, thì sự công chính của ông là ở chỗ không nhận là của mình cái gì không về mình, đồng thời tôn trọng điều ông không hiểu nơi Đức Maria và chọn cách âm thầm bỏ đi. Còn nếu trước khi thiên thần báo tin, ông đã biết sự thật, thì sự tôn kính của ông là tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đa thực hiện nơi Đức Maria. Dù sao thì lời thiên thần nói với ông Giuse chính là nói với chúng ta để giải thích nguồn gốc và sứ mạng của Chúa Giêsu: Người là Thiên Chúa mà đến, sinh làm người trong dòng dõi vua Đa vít để cứu dân Người khỏi tội lỗi.

Bản dịch của Nhóm Phụng vụ giờ kinh, imprimatur như trên, nhưng có nói: giúp đỡ của Liên hiệp Thánh Kinh Hội (United Bible Societis): Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kytô: bà Maria, mẹ Người đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
Nhóm nầy đã thay từ ngữ “đính hôn” ra “thành hôn”.

Bản dịch của Thánh Kinh hội tại Việt nam năm 1974: Việc Chúa Giê-xu Cơ-đốc giáng sanh như sau: Mẹ Ngài là bà Maria đã được hứa gả cho Giô-xep nhưng trước khi họ chung sống với nhau thì bà đã có thai bởi Đức Thánh Linh. Ông Giô-xep, chồng bà là người ngay lành, không muốn bêu xấu bà trước công chúng, liền âm thầm từ hôn.

Bản dịch song ngữ (Anh Việt) của Thánh Kinh hội in năm 2004:

This is how Jesus Christ was born, / Sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu Cơ
A young woman named Mary was engaged to Joseph / đã xảy ra như sau: Maria, mẹ Ngài đã hứa hôn với Gio-sép
from King David’ s Family. But before they were married / nhưng trước khi chung sống với nhau thì
she learned that she was going to have a baby by God ‘s Holy Spirit / nàng mang thai bởi Đức Thánh Linh .
Joseph was a good man and did not / Gio-sép, chồng nàng là người công chính,
want to embarrass Mary in front of everyone. / không muốn bêu xấu nàng,
So he decided to quietly call off the wedding. / nên định âm thầm từ hôn.

Bản dịch tiếng Pháp của Bible de Jérusalem in năm 1961: Et voici comment Jésus Christ fut engendré. Marie, sa mère, était fiancée à Joseph: or, avant qu ‘ ils eussent mené vie commune, elle se trouve enceinte par le fait de l’ Esprit Saint. Joseph, son époux qui était un homme droit et ne voulait pas la dénoncer publiquement, résolut de la répudier sans bruit. (fiancée =đã
hưá hôn )

Bản dịch tiếng Pháp của TOB năm 1988: Voici quelle fut l’ origine de Jésus. Marie, sa mère, était accordée en mariage à Joseph; or, avant qu’ ils aient habité ensemble, elle se trouva enceinte par le fait de l’ Esprit Saint. Joseph, son époux, qui était un homme juste et ne voulait pas la diffamer publiquement, résolut de la répudier secrètement. (accordée en mariage = thỏa
thuận kết hôn, đồng ý kết hôn)

Bản dịch tiếng Anh của Công giáo Mỹ, imprimatur năm i981: Now this is how the birth of Jesus Christ came about. When his mother Mary was betrothed to Joseph, but before they lived together, she was found with child through the Holy Spirit. Joseph her husband, since he was a righteous man, yet unwilling to expose her to sharm, decided to divorce her quietly. (betrothed =hứa hôn)

Bản dịch tiếng Trung quốc dùng từ ngữ đính hôn.

Các bản dịch đã tỏ ra hết sức thận trọng với từ ngữ desponsata trước sự thật nơi thánh Giuse và Đức Mẹ: “kết hôn nên vợ nên chồng rồi mà chưa hoạt động vợ chồng “. Hầu hết dùng từ ngữ: đính hôn hoặc cách nói nôm na nhưng rất rõ ràng: được hứa gả.

Dùng từ ngữ: thành hôn ? Chữ “thành” trong nghĩa của chữ Hán có nghĩa là xong, xong rồi. Trong tiếng Nôm, nghĩa chữ “thành “còn mạnh hơn, rõ hơn vì xong rồi, đạt tơi đích rồi. Cac từ ngữ: đính hôn, kết hôn, thành hôn, một số từ điển xem như gần giống nghĩa với nhau, nhưng dùng cho trường hợp cụ thể, thực tế thì có ý nghĩa khác nhau. Ngôn ngữ trong cuộc sống thực tế, cụ thể.

Thánh Giuse được Thánh Kinh ca ngợi là người công chính, không những là Người biết kính sợ Thiên Chúa, giữ luật Chúa nghiêm chỉnh, mà nhất là tin tưởng tuyệt đối vào Chúa trong vâng phục, phó thác, khiêm nhu. Muốn dịch đoạn Kinh Thánh trên thiết tưởng phải giống thánh Giuse trước đã.
 
Ðồng Hành với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá - Bài 1
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
04:28 18/03/2009
Mở Ðầu: Tôi Ðồng Hành với Chúa Giêsu Bài 1


Chúa Giêsu đã đi, và Người vẫn còn đi. Chúa Giêsu đi từ làng này sang làng khác, và trên đường đi, Người gặp những người nghèo khổ. Người gặp những người hành khất, những người mù lòa, những người bệnh tật, những người khóc lóc, và những người mất hết hy vọng. Người vẫn rất gần gũi thế gian. Người cảm nhận cái nóng ban ngày và cái lạnh ban đêm. Người biết về những cây cỏ đang héo khô tàn tạ, đất sỏi đá khô cằn, những bụi cây gai góc, những thân cây trơ trụi, những cánh hoa ngoài đồng, và những vụ gặt được mùa. Người biết vì Người đi quá nhiều và cảm thấy nơi chính thân thể Người sự khắc nghiệt và sức sống của bốn mùa.

Người đã lắng nghe những kẻ đang cùng đi với Người, và Người dùng quyền của một người bạn đồng hành chân chính mà trò truyện với họ trên đường. Người nghiêm nghị nhưng rất nhân từ, trực tính nhưng rất hòa nhã, đòi hỏi nhưng rất dễ tha thứ, điều tra nhưng bằng một cách rất kính trọng. Người cắt sâu nhưng với đôi tay của thầy thuốc…

Chúa Giêsu liên hệ mật thiết với thế gian mà Người đi trên đó. Người quan sát sức mạnh của thiên nhiên, Người học từ chúng, dạy về chúng, và tỏ cho ta biết rằng Thiên Chúa của Sự Tạo Dựng cũng là Thiên Chúa Ðấng gửi Người xuống loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, cho người mù được thấy, và trả tự do cho những kẻ bị cầm tù.

Những người nghèo đang đi trên đường, qua sa mạc và những nơi ghồ ghề trên thế gian này nhắc cho tôi phải khiêm nhường - một chữ gốc từ tiếng La-tinh là “humus”, có nghĩa là bùn đất. Tôi vẫn phải sống gần bùn đất, thế gian. Tôi thường ngước nhìn những vầng mây và mơ mộng về một thế giới tươi đẹp hơn. Nhưng giấc mơ của tôi sẽ không bao giờ thành tựu trừ khi tôi ngoảnh mặt lại nhìn kỹ thế gian và tất cả những người đang đi trên đường, bước đi mệt nhọc và kêu mời tôi đồng hành với họ.

Ðồng hành với người nghèo nghĩa là gì? Nghĩa là nhận ra sự nghèo nàn của chính tôi: sự tan nát tận đáy lòng tôi, sự mệt nhọc của tôi, sự bất lực của tôi, và bản tính hay chết của tôi. Chính ở đây mà tôi liên hệ với thế gian; chính nhờ vậy mà tôi thực sự khiêm nhường. Phải, chính vì thế mà tôi trở nên thân mật với tất cả những người đang cùng đi trên đường trần thế, và khám phá ra rằng, tôi cũng được yêu như một con người rất mỏng manh và đáng quý.

Trước khi Chúa Giêsu chịu thương khó, “khi Người biết rằng Người từ Thiên Chúa mà đến, và Người sẽ trở về cùng Thiên Chúa, Người lấy khăn, và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13:3-5). Ngôi Lời làm người để rửa đôi bàn chân mệt mỏi của tôi. Người chạm vào tôi ngay chính chỗ tôi chạm vào đất, chỗ mà trái đất này nối liền với thân thể tôi mà vươn lên trời. Người quỳ xuống, cầm lấy chân tôi trong tay Người và rửa. Rồi người ngước mắt lên nhìn tôi, và khi mắt Người và mắt tôi chạm nhau, Người nói: “Con có hiểu điều Thầy vừa làm cho con không? Nếu Thầy, là Chúa và Chủ của con, mà Thầy đã rửa chân con, thì con phải rửa chân cho anh chị em con” (Ga 13:12-14).

Khi tôi đớn đau lê bước trên cuộc hành trình dài về phía cây thập giá, tôi phải ngừng dọc đường để rửa chân cho những người lân cận tôi. Khi tôi quỳ trước anh chị em tôi, rửa chân họ, và nhìn vào mắt họ, tôi khám phá ra rằng vì có anh chị em tôi đồng hành với tôi, mà tôi mới có thể tiến bước trên cuộc hành trình của tôi.

Lm. Henri J.M. Nouwen
 
Trong giấc mơ
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
15:42 18/03/2009
Trong giấc mơ

Dân gian thường hay phê bình ai đó sống không thực tiễn: Chỉ mơ màng viển vông! Hay „đó là chuyện hoang đường mơ màng!

Nhưng giấc mơ lại cũng có mặt tích cực của nó. Như Martin Luther King đã nói trong cuộc tuần hành chống lại nạn kỳ thị chủng tộc bên Hoa Kỳ năm 1968, để bênh vực cho người da đen được bình đẳng với người da trắng: „ I have a dream! – Tôi có một giấc mơ!“.

Nhiều người có những ý tưởng khác lạ dường như một giấc mơ. Nhưng những ý tưởng mơ màng đó lại thúc đẩy họ vươn lên làm nên chuyện to lớn để đời cho hậu thế. Những ví dụ này thấy ở nơi những nhà nghệ thuật làm phim ảnh, viết tiểu thuyết văn chương, sáng tác thi ca, âm nhạc…

Nhiều người cũng đã từng có hứng khởi từ những ý tưởng của một giấc mơ về xây dựng sự nghiệp đời sống vươn lên thành công tốt đẹp. Bạn trẻ nào hầu như cũng đều có những giấc mơ mộng về một tương lai sáng lạn. Vợ chồng trẻ nào cũng dệt, nhất là nơi người mẹ, những mơ ước sao cho gia đình con cái mình học hành đỗ đạt thành công trên đường đời!

Giấc mơ có thể là tấm gương phản chiếu lại một qúa trình suy nghĩ mong muốn lâu dài từ lâu hằng lảng vảng bay lượn trong tâm trí.

Trong đời sống đức tin đạo giáo giấc mơ đóng vai trò gì?

1.Những giấc mơ trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh giấc mơ giữ một vài trò đáng kể. Sách sáng Thế ký ( 28,10-29) thuật lại Ông Giacóp trong giấc mơ nhìn thấy một cái thang dựng từ mặt đất lên tới trời cao. Trên những bậc nấc thang đó, các Thiên Thần của Chúa lên xuống.

Giấc mơ của Ông Giacóp vẽ ra hình ảnh trời và đất có đường thông thương gạch nối liền lại với nhau.

Ông Giuse con Ông Giacóp ( Sáng Thế 37,5-11) đã kể cho các anh em trong nhà nghe về giấc mơ của mình: trong giấc mơ ông thấy các bó lúa của các anh em đều vây chung quanh kính phục bó lúa của ông; và ông còn giấc mơ thấy mặt trời mặt trăng cùng 11 ngôi sao sụp xuống thờ lạy ông. Cũng vì đó mà ông bị anh em ghen ghét bán cho lái buôn sang Ai cập.

Nhưng chục năm sau, chính ông là người cứu gia đình ông khỏi nạn đói mất mùa hoành hành bên quê nhà, cùng được các anh em tôn vinh kính phục.

Ông Thánh Gioan trong suốt sách Khải huyền đã kể lại hàng loạt những thị kiến về những cảnh trên trời, trên mặt đất có tính cách tiên tri về một tương lai trời mới đất mới theo trật tự của Thiên Chúa.

Phải chăng đây không phải là giấc mơ về một tương lai đạo giáo đó sao?

2.Những giấc mơ của Thánh Giuse

Ông Thánh Giuse, vị hôn thê của đức mẹ Maria, trong giấc ngủ ông cũng có giấc mơ thấy Thiên Thần Thiên Chúa hiện đến ( Mt 1,18-24) nói cùng Ông đừng trốn bỏ rơi Maria cùng Thai nhi Giêsu trong cung lòng Maria.

Sau khi Chúa Giêsu sinh ra, Thiên Thần Thiên Chúa lại đến báo tin cho Giuse trong giấc mơ: đem Maria và trẻ Giêsu trốn đi tỵ nạn sang Ai cập để tránh bị vua Herode đang lùng tìm bắt sát hại. ( Mt 2,13-15).

Sau khi vua Herode băng hà, Thiên Thần Thiên Chúa lại lần nữa xuất hiện báo trong giấc mơ cho Giuse đem gia đình từ Ai Cập trở về sống bên quê nhà Nazareth xứ Galileo ( Mt 32,19-23).

Kinh Thánh không ghi chép lại một lời nào của Thánh Giuse về những giấc mơ đó, hay những hoài nghi thắc mắc về ý nghĩa giấc mơ đã trải qua. Nhưng chỉ nói đến: Thánh Giuse đã thi hành làm theo đúng chỉ dẫn của Thiên Thần nói cho biết trong giấc mơ.

Giấc mơ trong Phúc âm theo Thánh Mattheo ghi thuật lại chiếm ý nghĩa quan trọng trong Tin mừng Chúa Giêsu xuống thế làm người.

Điều này phù hợp ăn khớp với bài tường thuật ngay phần đầu Phúc âm của Thánh sử Mattheo về nguồn gốc gia phả con người của Chúa Giêsu ( Mt 1,1-17). Tuy Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở thành người có thân xác như mọi con người trên trần gian do Thiên Chúa sáng tạo dựng nên. Và vì thế nguồn gốc gia phả cùng đời sống của Ngài ăn khớp nằm trong dòng sông lịch sử nếp sống văn hóa gia đình của con người với những biến cố lên xuống.

Cùng trong ý nghĩa suy niệm đó, Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo có biểu hiệu hình người đang cầm bút viết có hai cánh được vẽ ghi khắc trong ảnh sách hay trên tường nhà thờ hay bục đọc sách Thánh.

3.Gạch nối giữa trời và đất

Những điều con người xưa nay cảm nhận suy nghĩ từ những giấc mơ có thể làm thay đổi đời sống họ nhiều. Trong thời Kinh Thánh Cựu Ước cũng xảy ra tương tự với Ông Giacóp, với Ông Giuse. Và với Thánh Giuse thời kinh thánh Tân ước cũng thế.

Kinh Thánh không nói gì đến suy nghĩ của Thánh Giuse về giấc mơ ông đã có, nhưng chỉ nói Thánh Giuse khi tỉnh giấc đã làm theo như Thiên Thần báo trong giấc mơ. Điều này tất nhiên không thể chứng minh theo khía cạnh lịch sử được. Dẫu vậy, những giấc mơ trong Kinh Thánh phản chiếu lại những hình ảnh nói về những sự việc diễn ra mà không diễn tả ra bằng ngôn từ chữ viết.

Một bên chúng ta biết rất ít về lịch sử đời Thánh Giuse, chỉ qua biến cố lúc thời thơ ấu của Chúa Giêsu thôi. Thân thế lịch sử của Thánh Giuse, người cha nuôi Chúa Giêsu, vẫn hằng luôn là một ẩn số cho con người chúng ta.

Nhưng một bên khác, Thánh nhân qua những giấc mơ quan trọng trong đời ngài có liên quan mật thiết với đời đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đã trở thành gạch nối giữa trời và đất, giữa thế giới bên này và mặt ẩn kín phía thế giới bên kia đàng sau.

Nói thế, không phải muốn qủa quyết Thánh Giuse là một nhân vật đạo đức tới mức cuồng tín chỉ dựa vào những mơ mộng trong giấc mơ đâu.

Không, Thánh Giuse đã âm thầm suy nghĩ trong tâm hồn thôi, không nói một lời nào, mà chỉ làm theo sự hướng dẫn mà Thiên Chúa qua Thiên Thần đã nói cho một mình ông biết.

Và Thánh sử Mattheo đã tường thuật lại cả ba giấc mơ quan trọng đời Thánh Giuse như trên với ý tưởng: Qua Thánh Giuse nói vẽ lên hình ảnh sự liên kết tương quan giữa Cựu ước và Tân ước, giữa thời gian trước Chúa Giêsu giáng sinh và thời gian sau Chúa Giêsu giáng sinh.

Thánh Gisue đã mơ ước, như những giấc mơ đã xảy đến cho Ông. Giấc mơ của Ông cũng có ý nghĩa giống như những giấc mơ thời tổ tiên cha ông của Thánh nhân. Thánh Giuse đã trở nên nhân vật gạch nối trung gian giữa truyền thống và sang đổi mới.

Con người chúng ta, nhất là nơi người trẻ, nhiều khi mải mê với giấc mơ, với ý tưởng mới lạ khác lạ, mà quên đứng dậy bắt tay vào việc trong đời sống. Nên nhiều khi sống trong viển vông bỏ lỡ chuyến tầu cơ hội sống thực tế vươn lên.

Thái độ đó như Kinh Thánh thuật lại không có nơi Thánh Giuse. Trong giấc mơ Thiên Thần Chúa bảo Ông: „Giuse hãy chỗi dậy! Ông liền chỗi dậy bắt tay ngay vào việc.

Thánh Giuse là người sống âm thầm làm việc. Đức tính này ngày hôm nay trong một xã hội đòi hỏi phải hội họp nói nhiều, phải phát biểu, có thể bị hiểu cho là ù lỳ, hay không hiểu biết gì! Với Thánh Giuse, tuy không nói gì bằng lời nào, nhưng qua hành động cùng cuộc sống đã nói, đã chỉ hướng về Thiên Chúa nhiều cho mọi thế hệ.

Phải chăng đức tính này không chỉ ngày xưa, mà ngày nay còn rất cần cho đời sống làm người, nhất là trong lãnh vực sống đức tin đạo giáo tinh thần, trong cung cách sống tình con người với nhau?

Lễ Thánh Giuse 19.03.2009

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Giuđa hôn Thầy
Lm PX Phan Long, ofm
17:27 18/03/2009
Hỏi: Kính thưa cha, khi nghĩ tới cái hôn Giuđa dùng để chỉ điểm Thầy mình, con cảm thấy ghê tởm. Nhưng trong Tin Mừng, không phải chỉ có cái hôn phản bội đó, phải không, thưa cha? (Têrêsa Ngọc Nga).

Chị Ngọc Nga thân mến,

Câu hỏi của chị tưởng như chỉ là một câu hỏi mang tính tò mò, nhưng lại giúp sống tinh thần sám hối Mùa Chay đấy.

Trong Kinh Thánh, “cái hôn” là một dấu chỉ tình yêu thương âu yếm cũng như của lòng kính trọng. Dừng lại với các Tin Mừng, chúng ta thấy có động từ Hy-lạp phileô vừa có nghĩa là “hôn”, vừa có nghĩa là “yêu thương”; như vậy, cái hôn là một hành vi bên ngoài biểu lộ tâm tình yêu thương trong lòng. Còn một động từ Hy-lạp khác là kataphileô có nghĩa là “hôn thắm thiết, nồng nàn”; trong động từ này vẫn có động từ phileô; còn tiếp-đầu-ngữ kata ở đây có nghĩa là “cách trọn vẹn”, nên có thể mô tả kataphileô theo nghĩa gốc là “yêu thương trọn vẹn”.

Thế nhưng “cái hôn”, dấu chỉ của tình yêu này đã được con người ứng dụng nhiều cách.

1) Cái hôn của Giuđa

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến cái hôn của Giuđa (Mt 26,48-49; Mc 14,44-45; Lc 22,47-48). Nét tinh tế của các tác giả Tin Mừng là ở chỗ này: Các ngài kể rằng Giuđa đã cho đám người đi bắt Đức Giêsu một dấu hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó” (Mt 26,48//Mc Mc 14,44//Lc 22,47); chữ “hôn” ở đây là phileô. “Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: ‘Rabbi, xin chào Thầy!’, rồi hôn Người” (Mt 26,49//Mc 14,45); chữ “hôn” ở đây lại là kataphileô, “hôn thắm thiết, nồng nàn”. Giuđa đã dùng một cử chỉ để diễn tả “tình yêu thương tha thiết, trọn vẹn”, “cái hôn thắm thiết”, để phản bội Đức Giêsu là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể! Một trái tim phản bội che giấu hành vi bất lương dưới một cái hôn nồng nàn…

2) Cái hôn của người phụ nữ vô danh

Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã biết dùng hành vi yêu thương này thật tế nhị. Không phải là cô Maria ở Bêtania (Mt 26,6-13 và Mc 14,3-9 không nêu tên nhân vật, nhưng so sánh với Ga 12,1-8 thì có thể xác định là Maria), cũng không phải là Maria Mácđala mà truyền thống nghĩ là được nói đến trong câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8,2-11), vì các bản văn không nói là họ hôn Đức Giêsu. Đây là một “người phụ nữ tội lỗi trong thành”, nghĩa là “tội lỗi công khai” (xin đọc bản văn Lc 7,36-50). Chị đã “đứng đàng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Chữ “hôn” ở đây là kataphileô, “hôn thắm thiết”. Một tâm hồn tội lỗi đến gặp Đức Giêsu để thú nhận tình trạng bất chính của mình cùng với lòng kính trọng và tâm tình biết ơn sâu xa bằng những nụ hôn thắm thiết đặt lên chân Người…

3) Cái hôn của người cha

“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). “Hôn lấy hôn để” là công thức mà Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dùng để dịch kataphileô. Người cha đã ôm cổ đứa con hoang đàng mà hôn với hết lòng yêu thương của ông, trong khi anh ta quay về với lòng dạ giả dối, với một “bài diễn từ” dọn sẵn, chỉ cốt để khỏi chết đói (x. Lc 17,17-18). Câu chuyện này chỉ là một dụ ngôn, nhưng “có thật”, vì Đức Giêsu dùng để bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta. Thiên Chúa vẫn “hôn” chúng ta nồng nàn trong ơn tha tội, để đón chúng ta trở về, dù mấy khi lòng chúng ta quay trở về với Người với trọn con tim?…

4) Tin Mừng còn nói đến cái hôn nào?

Các Tin Mừng không còn nói đến cái hôn nào nữa, trừ phi là, một cách lố bich, người ta cả gan chú giải và dịch méo mó lời Đức Giêsu và ông Phêrô trao đổi với nhau: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến (phileis) Thầy không? – Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến (philô) Thầy” (Ga 21,17). Bản văn Hy-lạp dùng động từ phileô, nhưng dĩ nhiên phải hiểu là “yêu mến”, chứ không phải là “hôn”.

Còn chúng ta có thể tưởng tượng, và ở đây chúng ta không còn ở trong bình diện chú giải bản văn nữa, mà là suy niệm thiêng liêng rồi, là: Khi đón lấy thi hài của Đức Giêsu được tháo xuống từ trên thập giá và đặt trong mộ, Đức Maria làm sao lại không hôn người con yêu dấu của mình? Cái hôn thê thảm của người mẹ từ biệt con, cái hôn đau đớn của người môn đệ từ biệt thầy, nhưng hẳn cũng là cái hôn vui mừng hãnh diện vì thấy con, thấy thầy mình đã hoàn tất sứ mạng cách anh hùng: một cái hôn để ghi dấu sự hoàn tất và một cái hôn để dâng tất cả về cho Chúa Cha.

Hy vọng một vài chia sẻ trên đây có thể góp phần hỗ trợ cho chị đi trọn con đường Mùa Chay.
 
Một tình yêu không thể tin được
Lm PX Phan Long, ofm
17:30 18/03/2009
MỘT TÌNH YÊU KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC (Gioan 3,14-21 – CN IV MC – B)

1.- Ngữ cảnh và Bố cục

Đoạn 3,16-18 đọc trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi (Năm A), hoặc đoạn 3,14-21 đọc vào CN IV MC (Năm B) nằm trong một phân đoạn lớn từ 2,1 đến 4,54, có thể gọi là “Các dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu và các cuộc gặp gỡ (từ Cana đến Cana)”. Cách phân chia này được hỗ trợ bởi cấu trúc và ngữ học (nhưng chúng ta không xét đến ở đây).

A (2,1-12): Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước thành rượu (Chuyển tiếp: 2,12)
B (2,13-25 +): Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối thọai với người Do-thái về Đền Thờ mới (Các câu-làm-cầu: 2,23-25) +
C (2,23–3,21): Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.
C’(3,22–4,3 +): Đối thoại của Gioan TG với các môn đệ ông về chú rể đến từ trên cao và diễn từ về sự sống (Các câu-làm-cầu: 4,1-3) +
B’(4,1-42): Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng sống và việc phụng tự đích thật (Chuyển tiếp: 4,43-45)
A’(4,43-54): Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một quan chức nhà vua.

Chúng ta thử xác định cấu trúc tổng quát của phân đoạn 2,23–3,21. Truyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ (2,13-22) và cuộc đối thoại của Người với Nicôđêmô (3,1-21) được liên kết với nhau nhờ các câu-làm-cầu (2,23-25).

Nay chúng ta lại xác định cấu trúc của đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị trí của 3,14-21). Về hình thức bản văn, chúng ta ghi nhận rằng Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba câu nói của ông, Đức Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo thật ông” (cc. 3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]). Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8 liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc. 11-15 liên hệ đến Con Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha. Nếu tổng hợp hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố cục của 3,1-21 như sau:

* Câu 3,1: Dẫn nhập cho toàn bài.

1. Phân đoạn 1 (3,2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần thiết để được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.

(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.
(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi Thần Khí.

2. Phân đoạn 2 (3,9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên cùng Cha, và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.

- 3,9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.
(a) 3,11-15: Con phải lên cùng Cha (để ban Thần Khí).
(b) 3,16-21: Tin vào Đức Giêsu là cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ này.

Chúng ta có thể theo cách nhìn của R.E. Brown mà cho rằng, tác giả Tin Mừng đã để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra sơ đồ ngài theo để tổ chức bản văn.

Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân Ít-ra-en, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).

Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):

(a) Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn kết thúc với đề tài người ta phải bỏ bóng tối để đến với ánh sáng.

(b) Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư từ Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian (c. 17) như là ánh sáng cho thế gian (c. 19).

(c) Chúng ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến những người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa đáng vì họ không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức Giêsu nhấn mạnh rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.

2.- Vài điểm chú giải

- Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.
- ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
- Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapan ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapan được diễn tà ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.
- đã ban (16): Đông từ didonai không chỉ nhắm đến cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidonai, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didonai ở Gl 1,4.
- Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellein này song song với “ban” ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Tác giả Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempein (26 lần) và apostellein (18 lần).
- Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong TM IV thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.
- không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.
- được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).
- vì đã không tin (18): Pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.
- tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức Giêsu.
- làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ “làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu nói Sê-mít.

3.- Ý nghĩa của bản văn

* Con phải lên cùng Cha (11-15)

Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích rửa tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính bản thân chúng ta.

Làm thế nào để tranh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu đóng đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng chịu đóng đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, làm quà tặng.

* Tin vào Đức Giêsu là cần thiết (16-21)

Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở trong nguy hiểm: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Ngài. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.

Điều cần thiết này có vể hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta không làm theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa, nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không quan tâm nghiêm túc đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài? Bởi vì chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa! Ngược lại, ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh sáng của tình yêu Ngài.

+ Kết luận

Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mấy trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!

4.- Gợi ý suy niệm

1. Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Người sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).

2. Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Người Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho chúng ta từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.

Chúng ta suy ngẫm một đoạn bài giảng của thánh Antôn Pađôva: “Chúa Cha đã gửi Con của Ngài đến với chúng ta, là “ân ban tuyệt vời, ân ban hoàn hảo” (Ga 1,17). Ân ban tuyệt vời, không gì có thể vượt qua; ân ban hoàn hảo, ta không thể thêm gì vào nữa. Chúa Kitô là ân ban tuyệt vời bởi vì Đấng mà Chúa Cha ban cho chúng ta như thế là Con Ngài, tối cao, vĩnh cửu như Ngài. Chúa Kitô là ân ban hoàn hảo; như thánh Phaolô đã nói, “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32)… Ngài đã ban cho chúng ta Đấng là “đầu Hội Thánh” (Ep 5,23). Ngài đã không thể nào ban thêm gì nữa cho chúng ta. Chúa Kitô là ân ban hoàn hảo bởi vì, khi ban Người cho chúng ta, Chúa Cha đã nhờ Người mà đưa mọi sự tới mức hoàn hảo.

3. Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.

4. Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).
 
Tại Sao Toi Có Thể Tha Thư Được
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
20:27 18/03/2009
Sống Tỉnh thức # 39:

TẠI SAO TÔI CÓ THỂ THA THỨ ĐƯỢC?

Chuyện kể: Trong thế chiến thứ hai, Corrie Ten Boom và em gái của bà là Betsie đã bị lính Đức bắt vì tội che dấu những người Do thái. Hai người đã bị đứa đến trại tập trung của Đức quốc xã. Với sự hành hạ dã man, Betsie đã chết, cái chết đến thật chậm chạp và tàn nhẫn. Đức quốc xã thất bại, bà sống sót trở về.

Năm 1947, Corrie chia sẻ đức tin trong mong nhà thờ ở Munich, bà nói về ơn tha tội lớn lao của Chúa đối với bà, và sự tha thứ đối với anh em trong Chúa. Ngay sau đó, một trong số những người đã nghe bà chia sẻ tìm đến gặp bà. Bà kinh hoàng nhận ra đó là một trong những tên lính Đức dã man đã từng hành hạ bà và ém gái Betsie.

Anh ta thưa với bà rằng anh đã trở thành Kitô hữu, đã nhận tội lỗi của mình. Anh quì xuống giang rộng hai tay xin bà tha lỗi cho. Corrie chiến đấu mãnh liệt với những cảm xúc, giữa lòng thù hận và sự tha thứ! Giữa những căm phẫn trong lòng và những lời dạy của Chúa! Có lẽ trong đời, chưa bao giờ bà phải đối diện với một tình huống khó xử đến thế! Nhưng Corrie nhớ lại Lời Chúa dạy, bà biết mình phải tha thứ, bà lặng lẽ cầu nguyện: “Chúa ơi xin giúp con, không có tình yêu Chúa con không thể làm nổi sự tha thứ này”. Rồi bà đưa tay đỡ kẻ thù đứng dậy.

* Một phút hồi tâm: Tha thứ cho người khác không phải chỉ là một sự kêu gọi, đó còn là một mệnh lệnh. Chúa nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44). Mệnh lệnh này lại còn được ràng buộc như một điều kiện, nếu bạn nhận được sự tha thứ của Chúa.

Bạn có kẻ thù nào hơn kẻ thù của Corrie chăng? Hãy cầu nguyện bằng tất cả lòng vâng phục, vì chỉ có tình yêu thật của Chúa trong tâm mới giúp bạn thực hiện tha thứ cho người hành hạ bạn. Thánh Phêrô khuyên: “Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại nguyền rủa; nhưng trái lại hãy chúc phúc. (1 Pr 3, 9).

* Lời Chúa tôi gẫm suy: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 24)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Thánh Giuse, Người thợ vô danh
LM Giuse Trương Đình Hiền
22:17 18/03/2009

Thánh Giuse, Người thợ vô danh



Dẫn vào thánh lễ: Kính thưa ông bà anh chị em,

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh hoàn vũ, chúng ta long trọng cử hành lễ Thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, Cha nuôi Chúa Cứu thế, và được mệnh danh là ‘Người Công Chính” hay là “Vị quản lý trung tín và không ngoan mà Chúa đã cắt đặt để trông coi Nhà Chúa” (CNL).

Ngày lễ nầy ra đời vào thế kỷ 15, và kể từ năm 1621 đã được mừng kính trong khắp cả Giáo Hội. Vào năm 1847, ĐGH Piô IX đã tôn phong Thánh Giuse làm quan thầy của toàn thể Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ghi tên Thánh Giuse vào lễ qui Rôma…

Đối với lịch sử Giáo Hội Việt nam, Ngày lễ Thánh Giuse 19.3 còn là một cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình truyền giáo: vào chính ngày nầy, 19.3.1627, phái đoàn truyền giáo của Cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Bạng ở Đàng Ngoài để đem Tin Mừng cho dân tộc Việt nam. Đó cũng là một lý do để Hội Thánh Việt nam chọn Thánh Giuse làm quan thầy.

Ngoài chiều kích long trọng của ngày lễ Phụng vụ, thánh lễ hôm nay còn được nhân thêm niềm hân hoan tạ ơn vì bao hồng ân Chúa đã ân ban cho cộng đoàn giáo xứ, dưới sự bảo trợ đầy ưu ái của Thánh Cả Giuse, Vị Thánh mà Cha ông chúng ta khi tạo lập Nhà Thờ nầy đã chọn làm Bổn Mạng. Trong thánh lễ đặc biệt nầy, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô, vì Bổn mạng của Ngài là Thánh Giuse: Giuse Ratzinger, cầu cho cố linh mục quản xứ có công đặc biệt trong việc tạo lập giáo xứ và xây dựng ngôi Thánh đường nầy: Cha Giuse Tô Đình Sơn, các linh mục, trong đó có Cha Giuse Võ tá Hoàng (đang du học Rôma), các anh em chọn Thánh cả Giuse làm Bổn Mạng.

Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta hân hoan cùng hiệp dâng Thánh lễ Tạ Ơn Chúa và tôn vinh Thánh Cả Giuse. Nguyện xin Thánh Cả cầu thay nguyện giúp cho giáo xứ được bình an và phát triển, cho mọi người còn sống được yên vui hạnh phúc, sống đạo tốt lành, và cho mọi anh chị em đã qua đời được chung hưởng hạnh phúc trên quê trời.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa

1. Giuse, Người công chính

Để tôn vinh và xác nhận địa vị cao cả của Thánh Giuse trong chương trình cứu rỗi, Thánh thi của Giờ Kinh Phụng vụ kinh sáng của ngày lễ hôm nay đã hát lên:

Đây Chúa tể càn khôn đây Thượng Đế,
Một dấu tay là địa ngục hải hùng,
Cả thiên đình đều phụng mệnh khiêm cung
Mà không quản vâng ý ngài trọn vẹn.

Trong khi đó thánh Bê-na-di-nô thành Siê-na trong bài đọc của giờ phụng vụ Kinh Sách đã lý giải vai trò cao cả của Thánh Giuse như sau:

“Nếu bạn muốn nói đến vị thế của Thánh Giuse trong Hội Thánh Đức Kitô, thì không phải thế nầy sao: Thánh nhân chính là con người được tuyển chọn, con người đặc biệt. Nhờ có thánh nhân đứng bảo lãnh mà Đức Kitô đã vào trần gian một cách hợp pháp và đàng hoàng ? Vậy nếu toàn thể Hội Thánh mắc nợ Đức Mẹ đồng trinh, vì nhờ Mẹ mà Hội Thánh được đón nhận Đức Kitô, thì sau Đức Mẹ, Thánh Giuse phải được Hội Thánh biết ơn và tôn sùng hơn hết”.

Nhưng, còn điều gì khác nữa khiến Thánh Giuse được tôn vinh, trọng vọng như thế ?

- Có phải vì thánh Cả xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc như các thánh sử Matthêô và Luca trình bày: Ông là “Con cháu Vua Đa-vít” (Mt 1,23), thuộc “hoàng tộc Đa-vít” (Mt 1,27), thuộc “dòng dõi vua Đa-vít” (Lc 2,4). Có phải vì ý nghĩa đó, mà Bài đọc 1 trong Phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ hôm nay đã chọn trích đoạn sách thứ 2 Samuel để nhắc lại lời giao ước của Thiên Chúa dành cho Đa-vít là sẽ “thiết lập cho Đa-vít một nhà chính là dòng dõi kế vị để vương quyền bền vững thiên thu”. Tin Mừng Matthêô đã xác nhận cái mắc xích liên tục trong cái chuỗi huyết tộc vương giả mà Giuse được dự phần: “Ông Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

Nhưng trong lịch sử loài người có cơ man những người danh gia vọng tộc như thế nhưng nào có được tôn vinh !

- Hay vì thánh Giuse đã để lại những công trình vĩ đại, những tác phẩm danh tiếng, những lời vàng ngọc làm thước đo về luân thường đạo lý cho cuộc sống của nhân sinh ? Điều nầy thì hoàn toàn không. Phúc âm không để lại một lời phát ngôn nào của “người thợ mộc Na-da-rét” nầy và cũng chẳng ghi lại một tác phẩm nào, một công trình nghệ thuật, tâm linh nào của Ngài. Cả đến “Người con” mà người có công chăm sóc, nuôi dạy, bảo bọc ngay từ lúc mới sinh thì lại là “con nuôi”, “con theo giấy tờ”, chứ hoàn toàn không phải là “giọt máu” của Ngài. Cũng chính sự kiện nầy mà ngay từ buổi bào thai Giêsu còn trong bụng mẹ, thánh Giuse đã một phen bối rối, băn khoăn đến độ, nếu không có thiên thần hiện ra báo mộng mặc khải, chắc thánh Giuse đã khăn áo lên đường bôn tẩu cao bay xa chạy để khỏi gây nên vụ án thảm khốc cho người yêu Maria trong trắng dịu dàng.

Như vậy thì điều gì khiến thánh Giuse được ca tụng, cao rao và đặt trên bệ thờ với muôn ngưỡng vọng kính tôn của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở.

Thưa, chỉ cần một nhân đức thôi: Giuse người công chính. (Mt 1,19)

Để hiểu khái quát về nội dung của từ Công chính theo nghĩa Thánh kinh, chúng ta hãy theo chân học giả Phạm Đình Khiêm để nghe ông chia sẻ trong tác phẩm “Thánh Giuse trong Dân Chúa”:

“Ông Giuse là người công chính” (Mt 1,19). Đó là lời giới thiệu cao quí nhất mà Phúc âm Chúa Giêsu dành cho thánh Cả Giuse ngay ở trang đầu. Nếu diễn ngữ “Đầy thánh sủng” là lời thiên sứ chào mừng Đức Trinh nữ như biểu dương trọn vẹn nhân phẩm Đức Mẹ thế nào thì diễn ngữ “Người công chính” cũng tóm gọn phẩm giá và nhân đức Thánh Giuse như vậy.

Trong cựu ước, công chính là đức tính của người tuân giữ trọn vẹn lề luật, công bình với mọi người, và theo một nghĩa rộng hơn, đó là sự thánh thiện của bản thân hay ít nhất là một nếp sống nhân đức đã thành lề thói. Công chính là trái ngược với tội lỗi. (X. St 18,23), và người công chính là người sống theo lẽ phải, chỉ làm điều thiện, không bao giờ làm điều ác, điều tội lỗi (X. Ez 18,5). Tóm lại, người công chính là người có đủ mọi nhân đức, và đức công chính là nhân đức toàn thiện, toàn hảo, như thánh Gioan Kim Khẩu, tiến sĩ HộiThánh, đã nhận định.

Thông thường nhất, người công chính được khen ngợi bằng sự tuân thủ lề luật và các giới răn Thiên Chúa, như Phúc âm Luca viết về hai ông bà Giacaria và Êligiabét: “Cả hai đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, đi theo đường lối Người truyền dạy, không ai chê trách được điều gì (Lc 1,6). Những người biệt phái và người thông giáo thời đó cũng tự cho mình là người công chính vì chăm chỉ giữ lề luật, nhưng đó là thứ công chính che dấu một lương tâm suy đồi, khiến họ chỉ biết giữ hình thức lề luật mà khinh khi, vi phạm cả công bình và bác ái.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã lên án lối giữ lề luật như vậy và Chúa đã đòi hỏi nơi các môn đệ một đức công chính mới trỗi vượt hơn nhiều (x. Mt 5,20,tt), sự công chính của Nước Trời: khiêm nhường, thành thật, không giả hình, bác ái, không phô trương, đạo đức nội tâm, lương tâm trong sáng, siêu thoát của cải, cậy tin Đấng quan phòng, làm cho người khác tất cả những gì mình muốn người khác làm cho mình v.v... (x. Mt chương 6). Tóm lại, đó là đức toàn thiện của Kitô giáo vậy.

Diễn ngữ “người công chính” mang ý nghĩa trọn vẹn nhất trong câu nói của viên đại đội trưởng quân binh La Mã, khi chứng kiến thái độ phi thường và nghe những lời bất tử của Chúa Giêsu trên thập giá, lại thấy những hiện tượng vũ trụ kinh hoàng xảy ra lúc Chúa trút hơi thở cuối cùng. Ông ta cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa và nói: “Chắc hẳn ông đây là người công chính” (Lc 23,47). Người công chính ở đây không phải chỉ là người vô tội như Philatô tuyên xưng (Lc 23,22) mà phải là bậc Toàn thiện, là Đấng chí thánh, hơn nữa, là chính “ConThiên Chúa” theo bản văn của Matthêô: Mt 27,54) và của Mát-cô (Mc 15,39).

2. Giuse, Người Quản lý mầu nhiệm Thiên Chúa

Và cũng từ nhân đức “công chính” đó, Thánh Giuse xứng đáng được Thiên Chúa ký thác để giữ gìn mầu nhiệm thiên Chúa theo quảng diễn của tông huấn “REDEMPTORIS CUSTOS” (Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế) của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chúng ta cùng dừng lại suy niệm đôi điều về nội dung nầy của tông huấn:

Đức Thánh Cha, trong khi nêu bật đức tin của Thánh Giuse đối chiếu với đức tin của Đức Maria, Ngài đã làm rõ sứ mệnh “quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” của Thánh cả:

“Bằng một cách đặc thù và phi thường, Thánh Giuse đã trở thành Người được ký thác mầu nhiệm “giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,9)….Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi phục vụ bản thân Chúa Giêsu và sứ mệnh của Chúa bằng cách thực hành quyền làm Cha của mình: Chính bằng cách ấy mà, khi thời gian đến hồi viên mãn, Người được cọng tác vào mầu nhiệm vĩ đại của công trình cứu chuộc, và Người đích thực là vị “Thừa quản ơn cứu độ”…Đức Maria là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, đã được chuẩn bị từ muôn thuở cho sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa; còn thánh Giuse là người mà Thiên Chúa đã chọn làm “phối trí viên sắp đặt mọi sự cho Chúa ra đời, người có trách vụ lo liệu, chu cấp mọi sự cho Con Thiên Chúa bước vào trần gian “trong trật tự”, nghĩa là tôn trọng mọi ý định của Thiên Chúa và lề luật của loài người. Trọn vẹn đời sống “riêng tư” hay “ẩn dật” của Chúa Giêsu được giao phó cho Thánh Giuse trông coi” (Số 8).

Ý nghĩa nầy cũng đã toát lên nơi lời cầu nguyện của Hội Thánh qua lời kinh tổng nguyện của ngày lễ kính Thánh Giuse hôm nay:

"Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu".

Và chúng ta cũng biết rằng: Giáo Hội không bao giờ là một thực tại trừu tượng, một cơ cấu rỗng tuếch. Giáo Hội đó chính là tôi, là anh, là chị. Giáo Hội là mỗi người kitô hữu chúng ta. Vì thế, “cầu xin cho Giáo Hội biết luôn luôn cọng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu” là cầu xin cho chúng ta biết từng ngày lắng nghe tiếng Chúa âm vang trong cuộc sống và can đảm, khiêm nhu cúi dầu thực hiện trong thái độ phó thác tin yêu.

Trong ý nghĩa và tâm tình đó, chúng ta có thể mượn lời Thánh Thi giờ kinh Phụng vụ lễ Thánh Giuse Thợ 1/5 để cầu nguyện với Thánh Giuse:

Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin ban no lành
Cho người lao công khắp cùng xứ sở.
Chúng con càn gương ngài
Để thấy kho tàng trong giọt mồ hôi,
Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt,
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo, đi lên, tình người,
Yêu thương và hiệp nhất.
Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt,
Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ới.
Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người đang xây dựng thé giới nầy
Thấy Ngài phục sinh,
Thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ…

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:03 18/03/2009
CÓ XEM XÉT

N2T


Có lúc, các đệ tử họp nhau lại để thảo luận về lợi ích của sự đọc sách, có một vài người cho rằng đó là việc lãng phí thời gian, và có một vài người thì khó mà đồng ý như thế.

Thế là các đệ tử thỉnh giáo sư phụ, ông nói: “Không phải các con đã đọc qua quyển sách này sao, những chữ nhỏ chú giải phía dưới bản văn chính, có lúc nó cũng như bản văn chính thức, kích thích rất nhiều linh cảm cho người đọc.”

Các đệ tử gật đầu đồng ý.

Sư phụ nói tiếp: “Cuộc sống thì giống như đoạn văn ấy.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có rất nhiều người đọc sách Kinh Thánh, nhưng có mấy ai hiểu được ý nghĩa nội dung của sách, bởi vì họ đọc mà không chú ý đến những câu ghi chú bên dưới trang sách mình đang đọc...

Có rất nhiều người đọc sách Kinh Thánh, nhưng có người đọc để giải trí, có người đọc để giết thời giờ, có người đọc để mở mang kiến thức, và rất ít người đọc để sống như Kinh Thánh đã dạy.

Đọc Kinh Thánh là chuyện thường ngày của người Ki-tô hữu, bởi vì nếu một người Ki-tô hữu không thích đọc Kinh Thánh thì sẽ không biết Chúa Giê-su Ki-tô, lại càng không biết cuộc sống và những lời dạy của Ngài.Uổng thật.

Nhưng khi đọc Kinh Thánh thì phải có suy tư và xem xét nhé.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:04 18/03/2009
N2T


113. Thánh hóa bản thân con thì con có thể thánh hóa xã hội.

(Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:05 18/03/2009
N2T


58. Ý nghĩa của đời người lớn nhỏ thì không hệ tại thế giới thay đổi, mà hệ tại sự thể nghiệm.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha được người Hồi giáo và Tin Lành đón chào
Bùi Hữu Thư
02:35 18/03/2009

Đức Thánh Cha được người Hồi giáo và Tin Lành đón chào



YAOUNDÉ, Cameroon, ngày 17 tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI được các lãnh đạo Hội Giáo và Tin Lành đón tiếp nồng hậu khi ngài đến phi trường quốc tế Yaoundé-Nsimalen hôm nay.

Thầy cả Yaoundé, Sheik Ibrahim Moussa, khẳng định: "Trong Kinh Koran, tiên tri Mohammed khuyên chúng tôi đón chào người ngoại quốc, vì thông thường họ mang hoà bình đến. Vì vậy đối với chúng tôi, việc Giáo Hoàng tới là một ơn phúc."

Vào ngày đầu tiên của ba ngày thăm viếng Cameroon, Đức Thánh Cha nhận được nhiều sự đón tiếp của các vị lãnh đạo Hồi giáo, cộng đồng này lớn thứ nhì sau Kitô giáo với trên 18 triệu người.

Được khích lệ về sự thăm viếng của Đức Thánh Cha, Sheik Moussa kêu gọi các tín đồ Hồi giáo “kính trọng tôn giáo của người khác và cùng hiệp nhất để chào đón vị khách cao quý này."

Như đã được giới truyền thông địa phương báo cáo, vị lãnh đạo Hồi giáo này nói: ”Chúng tôi coi Giáo Hoàng như một thầy cả iman cao quý,” đề cập đến vị chủ tế các buổi cầu nguyện Hồi giáo, là người đứng trước các tín đồ để họ tuân theo khi đọc kinh và làm các cử chỉ phụng tự.

Ông tiếp, “Chúng tôi cầu xin cho mọi sự được tốt đẹp và ngài sẽ trở về nhà bằng an. "

Thầy imam nói: "Chúng tôi có những cảm nghĩ tốt về ngài, trên hết tất cả chúng tôi sống hòa bình với tín hữu Công giáo, thực vậy, chúng ta cùng cầu nguyện với một Thượng Đế. Do dó, người Hồi gáo rất vui mừng tiếp đón Giáo Hoàng đến với quốc gia chúng tôi."



Các Kitô hữu cũng đón chào


Các cộng đồng Tin Lành cũng đón chào Đức Thánh Cha.

Tổng thư ký của Liên Minh các Giáo Hội Tin Lành tại Cameroon là mục sư Jean Emile Ngue nói, "Việc Đức Giáo Hoàng đến với quốc gia chúng tôi là một ân sủng không thể khiến cho bất cứ một kitô hữu thản nhiên.”

Ông khẳng định rằng việc Đức Giáo Hoàng đến thăm quốc gia chúng tôi là “một biến cố có tầm vóc thiêng liêng cao cả."
 
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Phi châu
G. Trần Đức Anh OP
13:13 18/03/2009
VATICAN. Sáng 17-3-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã lên đường viếng thăm Phi châu trong vòng 1 tuần lễ, với hai trạm dừng là Yaoundé thủ đô Camerun và Luanda, thủ đô Angola.

Tổng thống Paul Biya và phu nhân đón ĐTC
Các vị quan khách đón ĐTC
Dân chúng đón ĐTC
Cao điểm trong các hoạt động của ngài tại Camerun là thánh lễ lúc 10 giờ sáng ngày 19-3-2009, với các đại diện của lối 50 HĐGM Phi châu tại sân vận động Amadou Ahidjo, và trong dịp này ngài sẽ trao cho các vị Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 sẽ nhóm tại Roma từ ngày 4 đến 25-10 năm nay về chủ đề: ”Giáo Hội phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình. Các con là muối đất.. là ánh sáng thế gian”.

Sau Camerun, ĐTC sẽ viếng thăm Angola trong vòng 3 ngày rưỡi nhân dịp kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại nước này.

Trên chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Alitalia, ĐTC đã gặp gỡ giới báo chí và trả lời 6 câu hỏi của các ký giả trong khoảng nửa giờ. Ngài đề cập đến nhiều điểm trọng yếu, chẳng hạn cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới các nước nghèo và tầm quan trọng của luân lý đạo đức để có một trật tự ngay chính trong kinh tế thế giới, Giáo Hội Phi châu, sức sinh động và các vấn đề của Giáo Hội này. ĐGH cũng nói về bệnh Aids và lập trường của Kitô giáo về tình yêu và về tính dục. Ngài nhấn mạnh rằng nạn dịch Aids không thể khắc phục bằng tiền bạc, hoặc bằng cách phân phát các túi cao su, trái lại nó càng làm gia tăng vấn đề. Cần có một thái độ nhân bản hợp luân lý và đúng đắn và đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân”.

Đầu buổi gặp gỡ, ĐGH mỉm cười và trả lời một câu hỏi về điều mà nhiều báo chí gọi là sự cô đơn của ngài. ĐGH nhắc đến bao nhiêu tiếp xúc hằng ngày của ngài với các cộng sự viên và bao nhiêu người khác, mà ngài tiếp kiến.

Đón tiếp tại Camerun

Sau gần 6 giờ bay, vượt qua hơn 4.200 cây số, máy bay chở ĐTC, đoàn tùy tùng gồm 30 vị và 70 ký giả quốc tế đã tới phi trường Yaoundé lúc gần 4 giờ chiều. Tại đây đã diễn ra nghi thức đón tiếp với đông đảo quan khách đạo đời, và 31 GM địa phương.

Tổng thống Paul Biya cùng với phu nhân với Đức TGM sở tại và ĐHY Tumi và các vị lãnh đạo trong chính quyền đón tiếp ĐTC tận chân thang máy bay.

Trong bài đáp từ, sau khi chào thăm và cám ơn tổng thống, chính quyền và giáo quyền, ĐTC cho biết ngài đến thăm Camerun như một mục tử, “củng cố các anh chị em tôi trong đức tin”. ĐTC nói thêm rằng: ”Chính tại Yaoundé này vào năm 1995, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã công bố Tông Huấn hậu thượng HĐGM, ”Giáo Hội tại Phi châu”, thành quả Thượng HĐGM Phi châu kỳ I, diễn ra tại Roma năm 1994 trước đó. Dịp kỷ niệm 10 năm biến cố ấy đã được cử hành trọng thể tại thành phố này. Nay tôi đến đây để trình bày Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 sẽ tiến hành tại Roma vào tháng 10 tới đây. Cac nghị phụ sẽ cùng nhau suy tư về đề tài: ”Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công bình và xã hội.. Các con là muối đất.. Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-14). Sau gần 10 năm của Ngàn năm mới này, thời điểm ân phúc này là lời kêu gọi tất cả các GM, LM, tu sĩ và giáo dân của Phi châu hãy tái hiến thân cho sứ mạng của Giáo Hội mang lại hy vọng cho tâm hồn dân chúng tại Phi châu, và qua đó cho các dân tộc toàn thế giới.”

”Dù giữa những đau khổ lớn lao, sứ điệp Kitô vẫn luôn mang theo hy vọng. Cuộc sống của thánh nữ Josephine Bakhita là một tấm gương sáng ngời về sự biến đổi mà cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống có thể mang lại trong một tình trạng rất đau khổ và bất công. Đứng trước đau đớn và bạo lực, nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền thế, tín hữu Kitô không bao giờ có thể ngồi im trong yên lặng. Sứ điệp cứu độ của Tin Mừng đòi phải được mạnh mẽ công bố rõ ràng, để ánh sáng của Chúa Kitô có thể chiếu sáng trong tăm tối của đời sống con người. Tại Phi châu này cũng như tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới, vô số người đang khao khát được nghe một lời hy vọng và an ủi. Những cuộc xung đột địa phương làm cho hàng ngàn người vô gia cư và túng thiếu, trẻ mồ côi và góa phụ. Tại một đại lục, trong quá khứ đã thấy bao nhiêu người dân của mình bị bắt cóc tàn bạo và đưa ra hải ngoại để làm việc như nô lệ, nạn buôn bán người, nhất là các phụ nữ và trẻ em vô phương tự tệ, nay đã trở thành một hình thức nô lệ mới. Trong một thời đại thiếu lương thực trên thế giới, xáo trộn về tài chánh, và khí hậu bị chao đảo, Phi châu đang phải chịu đau khổ thái quá: càng ngày càng có nhiều người dân đại lục này lâm vào nạn nghèo đói, bệnh tật. Họ đang lớn tiếng kêu cầu hòa giải, công lý và hòa bình, và đây chính là điều mà Giáo Hội mang lại cho họ. Không phải là những hình thức mới của sự áp bức kinh tế hoặc chính trị nhưng là tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa (cf Rm 8,21). Không phải là sự áp đặt những kiểu mẫu văn hóa không đếm xỉa gì tới sự sống của những thai nhi chưa sinh ra, nhưng là nước tinh tuyền cứu độ của Tin Mừng sự sống. Không ưa thích sự cạnh tranh giữa các chủng tộc hoặc tôn giáo, nhưng là sự ngay chính, hòa bình và niềm vui của Nước Thiên Chúa được Đức Phaolô 6 mô tả một cách rất thích hợp là ”nền văn minh tình thương” (Xc Sứ điệp buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 1970).

ĐTC ghi nhận rằng: ”Camerun thực là miền đất hy vọng đối với nhiều người tại Trung Phi. Hàng ngàn người tị nạn từ các nước bị chiến tranh tàn phá đã được tiếp đón tại đây. Đó là một miền đất sống, với một chính phủ tuyên bố rõ ràng bênh vực quyền của các hài nhi chưa sinh ra. Đó là một miền đất hòa bình: khi giải quyết bằng đối thoại cuộc tranh chấp tại bán đảo Bakassi, Camerun và Nigeria đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng một nền ngoại giao kiên nhẫn có thể mang lại thành quả. Đây cũng là miền đất của người trẻ, được chúc phúc nhờ dân chúng trẻ trung đầy sức sống và nóng lòng muốn xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Đất nước này được mô tả là ”Phi châu thu hẹp”, là quê hương của hơn 200 nhóm chủng tộc sống hòa hợp với nhau”.

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô, cách đó gần 30 cây số. Dọc đường có đông đảo tín hữu và dân chúng tiếp đón.
 
Đại sứ Israel khẳng định: ĐGH có thể đeo thánh giá tại Bức Tường Than Khóc
Phụng Nghi
16:13 18/03/2009
Rome (CNA).- Trái với những lời bình luận được gán cho một giáo trưởng Do thái, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ không bị cấm cản khi đeo thánh giá đi vào khu vực thánh thiêng của Bức Tường thành Phía Tây Jerusalem (còn gọi là Bức Tường Than Khóc).

Hôm qua, thứ Ba, tờ báo Jerusalem Post trích dẫn lời giáo trưởng Shmuel Rabinovitch là người trông coi các vấn đề phụng tự tại Tường Thành Phía Tây nói rằng Đức giáo hoàng không nên đeo thánh giá khi thăm viếng khu vực này.

Theo tường trình của báo Jerusalem Post, thì vị giáo trưởng nói trên đã phát biểu rằng: “Đi vào vùng Tường Thành Phía Tây mà mang theo các biểu tượng tôn giáo, như cây thánh giá, là điều không thích hợp.” (Xin coi nguyên văn tin của báo Jerusalem Post sau bản tin này)
Bức Tường Than Khóc (hay Tường Thánh Phía Tây) tại Jerusalem


Ông Mordechay Lewy, đại sứ của Israel cạnh Tòa thánh đã đưa ra một bản tuyên bố để làm sáng tỏ vấn đề và nói rằng lời trích dẫn đăng trên báo Jerusalem Post là “sai lạc”.

Đại sứ Lewy nói rằng Israel sẽ “tôn trọng, theo lẽ đương nhiên, các biểu tượng tôn giáo của Đức thánh cha và đoàn tùy tùng của ngài, đúng theo luật lệ hiếu khách và phẩm cách” như thể thức đã áp dụng đối với Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài thăm viếng Israel năm 2000.

Bản tuyên bố của ông đại sứ nói tiếp: “Điều này đã được chính Giáo trưởng Shmuel Rabinovitch khẳng định với một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao của Jerusalem.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô dự trù sẽ thăm viếng Bức Tường thành Phía Tây vào ngày 12 tháng 5, một phần của cuộc tông du Thánh Địa của ngài.

Bản tin của báo The Jerusalem Post:

Giáo trưởng tại Bức Tường thành Phía Tây nói ĐGH không nên đeo thánh giá tại khu vực này

THE JERUSALEM POST - Trước khi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thăm viếng Israel vào tháng 5 sắp tới, giáo trưởng Shmuel Rabinovitch đã nói rằng đến khu vực này mà đeo thánh giá là điều không thích hợp.

Đức giáo hoàng luôn luôn đeo thánh giá trong mọi lần xuất hiện công khai. Theo dự kiến ngài sẽ thăm viếng Bức Tường thành Phía Tây vào ngày 12 tháng 5 sau khi hội kiến với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Dome of the Rock.

Sau cuộc thăm viếng, bao gồm cả việc hội họp với giáo trưởng Shmuel Rabinovitch, Đức giáo hoàng dự trù sẽ hội kiến với hai vị giáo trưởng cao cấp của Israel là Yona Metzger và Shlomo Amar.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo The Jerusalem Post hôm thứ Hai giáo trưởng Rabinovitch nói rằng: “Lập trường của tôi là vào khu vực Bức Tường thành Phía Tây mà đem theo các biểu tượng tôn giáo, gồm cả thánh giá, là điều không thích hợp. Tôi có cảm tưởng hệt như một người Do thái mà đi vào một nhà thờ mà choàng khăn trùm đầu (tallit) và đeo những hộp da đựng các bản chép Thánh kinh (phylacteries) vậy.”

Rabinovitch có trách nhiệm trông coi các nghi thức phụng tự tại khu vực Bức Tường thành Phía Tây.

Ông Wadie Abunassar, phối trí viên truyền thông chuyến viếng thăm Đất Thánh của Đức giáo hoàng tuyên bố để trả lời cho các bản tin nói rằng Đức giáo hoàng sẽ không cởi bỏ thánh giá: “Trong những ngày tới, tôi có ý định sẽ thảo luận vấn đề này với các nhân viên của Đức giáo hoàng. Tôi không thể tưởng tượng nổi chuyện Đức thánh cha sẽ cởi bỏ cây thành giá của ngài.”

Trong cuộc viếng thăm lịch sử vùng Thánh Địa năm 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã cầu nguyện tại Bức Tường thành Phía Tây, nhét vào khe hở nơi tường một bản cầu nguyện viết tay. Các hình ảnh ghi lại cuộc viếng thăm này rõ rệt cho thấy ngài có đeo một cây thánh giá bằng vàng trong lúc cầu nguyện.

Bất kể tiền lệ đó, Rabinovitch vẫn duy trì lập trường của mình, chống lại việc đeo các biểu tượng tôn giáo. Trong những năm vừa qua đã có ít nhất hai vụ Rabinovitch ngăn chặn hàng giáo sĩ Kitô giáo có đeo thánh giá, không cho tới Bức Tường thành Phía Tây.

Vào tháng 11 năm 2007, ông từ chối một nhóm các giám mục nước Áo do tổng giám mục Vienna là Christoph Schonborn hướng dẫn, không cho đi vào khu vực khi các vị giáo sĩ này từ chối không chịu tháo hoặc giấu thánh giá của họ đi.

Lúc đó, Rabinovitch tuyên bố với báo The Jerusalem Post rằng “thánh giá là một biểu tượng làm đụng chạm đến cảm xúc của người Do thái.”

Tháng 5 năm 2008, một nhóm giáo sĩ người Ireland, thuộc cả hai giáo hội Công giáo và Tin lành, cũng bị ngăn cản không được thăm viếng vì cùng một lý do như thế.

Rabinovitch cũng phản đối về các biện pháp an ninh ngăn không cho tín đồ được vào Kotel (Bức Tường thành Phía Tây) nhiều giờ trước và trong khi thăm viếng của Đức giáo hoàng.

Rabinovitch nói: “Các nhà chức trách cảnh sát và Shin Bet (Cơ quan An ninh Israel) đã gặp tôi và trình bày một vài nhu cầu về an ninh trong cuộc thăm viếng, gồm cả việc đóng lại khu vực không cho người ta đến cầu nguyện.”

“Suốt 42 năm qua, đã không có người nào bị cấm cản không cho đến cầu nguyện tại Bức Tường thành Phía Tây, và với thánh ý của Đức Chúa, sẽ mãi mãi không ai bị như thế. Cần phải đạt tới một giải pháp để có được an ninh thích hợp cho giáo hoàng mà không làm mất quyền lợi của mọi người muốn đến cầu nguyện. Bức Tường thành Phía Tây là của tất cả mọi người.”

Một viên chức cao cấp của Giáo hội Công giáo đáp lại rằng các biện pháp an ninh cho Đức giáo hoàng là vấn đề nội bộ của Israel và không phải chuyện của Giáo hội.

Trước năm 1967, khi Bức Tường Than Khóc còn dưới quyền kiểm soát của Jordan, người Do thái bị cấm không được đên đó cầu nguyện. Trong cuộc chiến tranh 6 ngày, Israel chiếm được vùng phía đông Jerusalem, gồm cả Bức Tường Than Khóc, khỏi tay người Jordan và từ đó khu vực này được mở ra cho mọi tôn giáo đến cầu nguyện.
 
“Anh muốn phá thì cứ phá đi, nhưng đừng ép tôi phải phá!”
Nguyễn Kim Ngân
22:12 18/03/2009
“Anh muốn phá thì cứ phá đi, nhưng đừng ép tôi phải phá!”

Mẩu đối thọai trên nghe quen quen, cứ y như là cuộc giằng co giữa chàng và nàng sau khi mối quan hệ thân mật của họ vừa đạt được “thành quả.” Để tránh “hậu họa,” chàng khăng khăng đòi phá cho bằng được, nhưng lương tâm của nàng không cho phép. Biết bao lần đi nhà thờ, nàng đã nghe rao ý lễ là cầu cho linh hồn các thai nhi. Không lẽ lại thêm một linh hồn nữa để xin lễ sao?

Hiểu như vậy cũng đúng! Thế nhưng đây không còn là chuyện kín đáo giữa chàng và nàng nữa. Nó sắp trở thành câu chuyện của cả nước Mỹ, và rồi sẽ lan sang cả thế giới là cái chắc!

Theo Thông Tấn Xã Công giáo (CNA) hôm qua, Đức Hồng Y (ĐHY) Francis George đã phát hành một đọan băng ghi hình nhắn gửi đến toàn thể giáo dân Công giáo nhằm lên tiếng yêu cầu Tổng Thống (TT) Obama tiếp tục duy trì luật bảo vệ lương tâm dành cho các nhân viên chăm lo sức khỏe có xu hướng phò-sự-sống. ĐHY nói rằng việc duy trì này mang một tầm mức quan trọng đến độ có thể tránh cho chính quyền không làm cho đất nước này tuột dốc từ chế độ dân chủ xuống vực thẳm của chuyên quyền.

Trong những tháng cuối cùng của thời TT George W Bush, Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người (HHS—Health & Human Services) đã xác nhận minh bạch các luật lệ hiện hành nhằm bảo vệ các nhân viên cũng như cơ sở y tế vốn có xu hướng không hợp tác trong việc phá thai.

Thế nhưng, ngày 27 tháng Hai vừa qua, văn phòng Quản trị và Ngân sách (OMB—Office of Management & Budget) trực thuộc tòa Bạch Ốc, loan báo rằng họ đang cứu xét đề nghị loại bỏ hoặc sửa đổi luật của Sở HHS vừa nói.

Trong đoạn băng thu hình kéo dài một phút rưỡi, ĐHY Francis George, Tổng Giám Mục Chicago và cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Hoa Kỳ, đã nhắm thẳng vào đề nghị sửa đổi này. Sau khi tóm lược khái quát vấn đề, ngài nói rằng khoản luật hiện hành là một phần trong các cách bảo vệ pháp lý dành cho các nhân viên chăm lo sức khỏe nhưng cương quyết chống lại việc tham gia “vào tiến trình phá thai và sát nhân” vốn đi ngược lại với niềm tin của mình.

Ngài móc nối luật của Sở HHS với việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo cũng như tự do lương tâm cá nhân, vốn cả hai đều bảo đảm cho “quyền tự do căn bản của con người chống lại sự đàn áp của chính quyền.” Ngài bình luận thêm rằng: “Không một chính phủ nào có thể đứng giữa một cá nhân và Thiên Chúa—điều mà đất nước Hoa Kỳ này xưa nay vẫn tin như thế, và cũng chính là mảnh đất gặp gỡ chung đúng nghĩa cho tất cả mọi người dân Hoa Kỳ này.” Như vậy, theo ĐHY, cần phải có một luật bảo vệ tự do lương tâm cũng như tự do tôn giáo, bao gồm cả tự do cho các cơ sở y tế do tôn giáo quản trị được họat động đúng với chức năng của mình. Ngài còn ghi nhận rằng việc hành xử theo lương tâm đã được thừa nhận cho cả các nhóm chống chiến tranh cũng như cho các vị bác sĩ nào không muốn dính dáng đến việc thi hành bản án tử hình.

ĐHY nêu lên câu hỏi này: “ Tại sao chính quyền và hệ thống pháp lý của ta lại cho phép việc chống lại lương tâm trước một hành động sai quấy xét về mặt luân lý, đó là việc giết hại hài nhi còn trong bụng mẹ? Người ta hẳn phải hiểu điều gì xẩy ra trong một cuộc phá thai và trong những tiến trình liên hệ: đó là một phần tử của gia đình nhân loại còn đang sống mà bị giết chết. Chính quyền không có quyền ép buộc ai phải hành động như thể mù lòa trước thực tế hiển nhiên này.”

ĐHY kết luận: “Tôi khẩn khoản kêu gọi anh chị em nói lên cho chính quyền biết rằng anh chị em muốn luật bảo vệ lương tâm tiếp tục được áp dụng. Hơn nữa, anh chị em hãy cho Sở HHS tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn biết rằng anh chị em ủng hộ luật bảo vệ lương tâm, nhất là đối với những người đang chăm lo các dịch vụ sức khỏe vốn thật thiết yếu cho một xã hội lành mạnh.”

Trang nhà của HĐGM Hoa Kỳ về việc bảo vệ lương tâm còn cung cấp thêm nhiều thông tin về vấn đề này. Ngoài ra, còn có mạng lưới nối kết dành cho các giáo hữu cũng như những ai quan tâm có diễn đàn bộc lộ quan điểm của mình với Sở HHS. Trang mạng này sẽ còn mở ra cho đến hết ngày mùng 9 tháng 4 năm 2009.

Dường như mối căng thẳng này đã đến giai đọan quyết liệt, thành ra TT Obama đã mời ĐHY Francis George đến gặp riêng tại Tòa Bạch Ốc vào ngày hôm qua, 17 tháng 3 năm 2009, một ngày sau khi ĐHY đưa ra những lời cảnh báo nói trên. Sau cuộc gặp mặt, cả Tòa Bạch Ốc lẫn HĐGM Hoa Kỳ đều đưa ra những lời tuyên bố rất cẩn trọng, nhưng không hề tiết lộ chi tiết cũng như nội dung buổi luận bàn. Phòng báo chí HĐGM Hoa Kỳ chỉ ghi nhận rằng ĐHY George và TT Obama đã bàn đến Hội Thánh Công giáo tại Hoa Kỳ trong mối quan hệ với tân chính quyền.

Cuộc họp mặt kéo dài khoảng 30 phút. Trước khi ra về, ĐHY George bầy tỏ lời tri ân của ngài về buổi họp. Ngài hy vọng buổi họp hiếm có này sẽ nuôi dưỡng sự đối thoại đầy hiệu quả giữa Hội Thánh và chính quyền hầu mưu cầu công ích.

Trong khi đó, theo Phòng Báo Chí Tòa Bạch Ốc, thì “TT và ĐHY George đã bàn về nhiều vấn đề, bao gồm những cơ hội quan trọng cho chính quyền và Hội Thánh Công giáo tiếp tục mối giao hảo lâu dài trong việc cùng nhau đối phó với những thách đố cấp bách nhất của quốc gia. TT cảm ơn ĐHY vì khả năng lãnh đạo của ngài cũng như những đóng góp của Hội Thánh Công giáo tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”

Chưa biết kết quả của cuộc họp mặt riêng này thế nào, nhưng tình thế xem ra đã đến hồi gay cấn.
 
Top Stories
Video report: Thai Ha's Catholics to be re-tried amidst campaigns of intimidation and defamation
Emily Nguyen
15:56 18/03/2009
Eight Catholic activists who were convicted by Communist court in December 2008 on charges stemming from protests at a Hanoi parish will face a new trial. The activists, who received suspended sentences for damaging government property, had appealed, insisting that they had done nothing wrong. While the state-owned media's propaganda campaign against the Catholic defendants is escalating, their lawyer has been singled out for hostile treatment, another malicious effort to deter his morale and his ability to provide council to his Catholic clients.

The People's Court in capital city of Hanoi announced last Friday that it would review notice of appeal of eight Catholic defendants' who were sentenced in early December of 2008 for their participation in prayer vigils calling for justice and the restitution of land confiscated from the Church.

At the end of the Dec. 8, 2008 trial, all eight parishioners from Hanoi's Thai Ha parish were released after seven of them received suspended sentences for “disturbing public order” and “damaging state property” in an ongoing land dispute with the Vietnamese government which had drawn international attention and help united the Vietnamese Church in the most profound way one can imagine.

The defendants were among thousands of parishioners who joined prayer vigils and peaceful rallies over the past year in the capital of Hanoi demanding the return of Catholic Church land seized by the state half a century ago.

At the trial, all denied the charges. Seven of them received suspended jail terms of 12 to 15 months, with credit for time already served while in police custody and probation periods of up to two years, and the eighth defendant received a warning. These sentences seemed to be light in comparison with what had been threatened by communist leaders in Hanoi. Upon hearing these sentences every defendants announced right in court that they would appeal to the high court.

"I did nothing wrong. Our vigils were a good thing for the government, because we prayed to God to enlighten the leaders' minds," defendant Le Quang Kien, 63, told the court.

He said parishioners organized the vigils when they heard that authorities planned to sell the land to private buyers.

The trial in lower court was held at a local town hall instead of the Dong Da District People's Court where the government said would be more difficult to limit the number of audiences.

Police surrounded the location to keep unauthorized audiences out, while a crowd of parishioners from Thai Ha parish held a demonstration outside.

Hundreds of Catholic supporters outside the Hanoi court building greeted the eight defendants, four men and four women, with flowers as they left the building, which was guarded by rows of riot police.

The upcoming trial will be held at 2 Nguyễn Trãi St, city of Hà Đông, a location 40 km away from Hanoi to avoid foreign media’s attention and to set a limit to number of Catholic supporters whose attendance is anticipated.

Vietnamese state media recently have launched a defamation campaign against the Catholic defendants, suggesting more severe punishments.

On Feb 28, 2009, the online edition of the New Hanoi Newspaper which had falsely reported the true and accurate pleas of all eight defendant from lower court trial in last December has again published an article charging the Thai Ha plaintiffs for refusing to “awaken to reality" in a very provocative, accusatory tone. It accused the defendants of “obstinacy and narrowness” and “refusing to go back to the right path”.

A week later, on March 5, Vietnam Television repeated the same charges, after brushing aside the Thai Ha parishioners' demand to broadcast the corrected version of the trial report the plaintiffs claimed VTV was responsible for.

What the state media's intention is now unraveling to the public view as they are trying to portrait the plaintiffs are none other than stubborn defendants who did not only refuse to honor the stayed sentence imposed upon them by Hanoi people's court, but also continue to cause public disturbances by insisting on the media to make corrections on what they described as "distortion of the truth" in broad daylight.

Even more alarming is the fact that the Catholics' legal counsel Mr. Le Tran Luat is now being subject of governmental intimidation and persecution for providing assistance in the law suits against the state media.

On Tuesday March 3, lawyer Le Tran Luat was arrested at Tan Son Nhat airport on last Tuesday morning when he was boarding a flight from Saigon to Hanoi in order to prepare for the law suits against the state media.

Even though he was released at the end of the day, a series of his "working sessions" with police have soon followed the arrest. On Saturday, March 15, he once again was arrested and interrogated by the police custody until mid-night. Also, he was threatened with severe consequences if he keeps defending the Catholics at the upcoming trial.

A week before, his office was ransacked. His computers and other personal equipments were confiscated. His aides were taken into custody by plainclothes policemen, and suffered from hours of interrogation. Most of the law firm staff members have resigned from their post for fear of being retaliated by the police. On March 12, his partner Nguyen Quoc Dat who has been in charge of the law firm -while Luat was preparing for the Thai Ha law suit- has been harassed and arrested, even he has no role in the case. This prompts people to suspect that the government is signaling a severe punishment on those who dare to stand on the side of justice.

Police have also attacked him financially. His law firm reported that police had forced most of his clients in Phu Quoc province to cancel their legal-aid contracts with it describing the lawyer as "a political criminal" who would soon be put into jail.

All his clients on March 15, 2009 have just filed a motion to the Hanoi People's Court and to the Department of Public Safety to ask for the release of Mr. Le Tran Luat, who has been purposely detained by Ho Chi Minh city's police, thus depriving the Catholics of their right to council on the brink of the trial, and denying them the right to due process.

Dear brothers and sisters in Christ,

As you are watching this video, the Redemptorist priests on behalf of Thai Ha parishioners have expresses their grave concern on the fate of the 8 Catholic defendants who had been victimized by an undemocratic, faulty justice system which rules not from the clear and convincing evidence but from the benefit of the state, and a overwhelmingly powerful system of the state media which only reports what the outcome dictated by the government, not the true and correct version of what really happened in court.

The Redemptorists is also making an appeal to all Catholics worldwide and people of goodwill, asking them to join with the Catholic defendants, their families and their parish in prayers and in support, as they are feeling very vulnerable and hopeless at the intimidation tactics of the Vietnam government which is clearly trying to manipulate both the court and the media to prevent the Catholic from getting a fair and impartial trial.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Về lại Tràng Đình hôm nay
PV GP Vinh
00:38 18/03/2009
VINH - Tuần III Mùa Chay hằng năm, giáo xứ Tràng Đình thuộc giáo hạt Can Lộc được phân công tổ chức tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho toàn giáo phận. Nhưng có lẽ phải gọi là Kỳ đại hội Thánh Thể thì mới toát lên được bầu khí trang nghiêm sốt sáng trong 3 ngày qua tại giáo xứ Tràng Đình và những nét đổi thay của vùng đất này.

Nằm dưới chân Rú Nậy theo hướng Nam thuộc xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, ngôi nhà thờ Tràng Đình được xây dựng từ năm 1936, sau cuộc đốt phá của một nhóm người vô lại bất lương, vẫn giữ được nét cổ kính thâm nghiêm của nó như một dấu tích không bao giờ phai về trang sử hào hùng của giáo xứ. Vốn vẫn được ít biết đến với những hoạt động sôi nổi bên ngoài nên hai tiếng Tràng Đình không có dấu ấn nhiều nơi các giáo xứ bạn trong địa phận Vinh, đó là một thực tế. Nhưng có một thực tế vượt không gian và thời gian, sống mãi với muôn thế hệ người Công giáo trên đất Việt Nam - mảnh đất đã từng phải ngập chìm trong bầu khí sục sôi máu lửa một thời mà người Công giáo bị phân biệt đối xử, bị gạt ra bên lề, bị gọi là công dân hạng hai và bị bách hại - đó là sự kiện xẩy ra vào đầu những năm của thập kỷ 30, thế kỷ XX, khi đảng cộng sản mới ra đời. Sự kiện đó nay lại được nhắc đến như một dấu mốc oanh liệt hào hùng của mảnh đất dường như bị "bỏ quên" ngay chính trên quê hương mình, trong tác phẩm "Cuộc phiêu lưu của một gia đình nông dân" của tác giả Thập Lang tại Houston, Hoa Kỳ. Cuốn sách dày 700 trang, viết với văn thể tiểu thuyết nhưng được gợi hứng từ một sự kiện lịch sử có thật tại giáo xứ Tràng Đình, trên mảnh đất của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930. Sự kiện ở Tràng Đình như là cú hích ban đầu để nhằm gây hấn và thổi bùng lên phong trào rộng lớn và đẩy đến cao trào vào tháng 9 năm 1930. Gọi là cuộc phiêu lưu của một gia đình nông dân vì chính tính cách phiêu lưu không tưởng của nó, được thúc đẩy bởi chủ trương tuyên truyền về một xã hội ngày mai với viễn ảnh tươi đẹp, gieo rắc trong tầng lớp nông dân cùng đinh một đường lối đấu tranh tự giải phóng mình như một thứ linh dược cải tử hoàn sinh, cải lão hoàn đồng và trường sinh bất lão trong hình thái xã hội cộng sản văn minh mai ngày. Và cứ thế, tầng lớp nông dân cố cùng liều thân đã ngã vào cuộc đấu tranh đầy tính bạo động và dấn sâu trên con đường phiêu lưu đó, đã đứng lên làm cách mạng bằng chính giá máu của mình. Gọi là đánh đổ thực dân phong kiến, giải phóng tầng lớp nông dân công nhân, nhưng trong những phong trào đó họ đã đồng hóa Công giáo với kẻ thù, thế là chỉ vì con chuột nhắt mà làm vỡ cả bình hoa đẹp quý báu. Ở một khía cạnh khác tác giả đề cập đến, đó là cuộc phiêu lưu của những tầng lớp người bị bách hại, bị trấn áp đã làm tan vỡ sự bình yên của một vùng quê, như những câu thơ của tác giả Ngô Minh Hằng trong thi phẩm "Mùa thu hoa bướm quê tôi":

Quê tôi hoa bướm là như thế
Đẹp đến vô cùng một bức tranh
Nhưng một mùa Thu hoa bướm khóc
Mùa Thu, ai xé mộng an lành!!!


Từ những cuộc bách hại đó, người giáo dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cũng bắt đầu một bước đường phiêu lưu y như cuộc Xuất Hành của dân Israel để thoát khỏi truy bức sát hại của vua Pharaon. Nhưng biến cố Xuất Hành cũng là một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa và Giao Ước Xi-nai như một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa. Giáo xứ Tràng Đình được nói đến trong tác phẩm của tác giả Thập Lang ở những bối cảnh lịch sử đó. Cùng với Cuộc phiêu lưu của một gia đình nông dân, Tràng Đình cũng được nhắc đến trong Ông Trùm Noãn và những truyện ngắn khác của cùng một tác giả, đã được xuất bản tại Hoa Kỳ. Nói như vậy để bạn đọc hình dung được phần nào về Tràng Đình, một giáo xứ có bề dày lịch sử, đã vượt không gian vô hạn và thời gian vô tận để đến với khắp mọi miền.

Theo Linh mục Nguyễn Hoằng trong bán tự sự (trích SACSERDOS tháng 1 năm 1936) thì nhà xứ Tràng Đình được thành lập vào tháng 3 năm 1897 do linh mục Nguyễn Hoằng bấy giờ là Quan Phụ Tế Đại Thần dưới thời vua Đồng Khánh. Nhưng có lẽ phải nói đây là thời gian đặt nền móng ban đầu về cơ sở vật chất, trên thực tế thì giáo xứ Tràng Đình được thành lập năm 1903 khi hội đủ các yếu tố cấu thành một giáo xứ theo giáo luật. Và ngôi nhà thờ hiện nay được xây năm 1936 sau khi ngôi nhà thờ trước đó đã bị đốt phá cùng với cái chết của cha Hoàng Khang vào năm 1930.

Đi trọn gần một thế kỷ, Tràng Đình đã từng bước lớn mạnh và khẳng định được vị thế của một giáo xứ có truyền thống sống đạo vững bền qua bao thử thách nghiệt ngã của biến động lịch sử xã hội, để đến hôm nay, những thế hệ con cháu không cảm thấy hổ thẹn với các bậc tiền bối đã hy sinh xương máu trong công cuộc bảo vệ đức tin tinh tuyền son sắt của mình. Ngày nay, đến Tràng Đình chúng ta chứng kiến được nhiều nét đổi thay, cả về đời sống kinh tế, văn hóa cũng như đời sống đạo nơi 3063 giáo hữu thuộc 4 giáo họ. Đặc biệt, những đổi thay bên ngoài nơi khuôn viên nhà thờ, nhà xứ, tất cả đã được xây mới, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp… tạo nên một khung cảnh tôn nghiêm, sạch đẹp, xứng với nơi thờ phượng Chúa. Có được những nét khởi sắc này, trước hết phải nhờ đến sự nỗ lực không mệt mỏi của cha quản xứ Giuse Trần Thanh Lợi, ngài mới nhận nhiệm sở Tràng Đình được hơn 6 tháng. Khi vừa mới về nhận xứ được một ngày, ngài đã bắt tay ngay vào công việc tái thiết bộ mặt khuôn viên giáo xứ, từ việc tu sửa lại toàn bộ xứ đường, sắp xếp sửa sang lại một số công trình cho phù hợp với sinh hoạt của giáo dân trong các ngày đại lễ, đến việc tái bố trí cơ cấu đội ngũ cốt cán trong hàng lãnh đạo, cách thức sinh hoạt phục vụ của Ca đoàn, và các Ban ngành khác… để vừa tạo được khối đoàn kết trong giáo xứ vừa đem lại hiệu quả trong công tác phục vụ chung. Qua cách thức "quản trị" vừa có tính khoa học, vừa mang đậm tính giáo huấn của Giáo Hội thể hiện căn bản nơi Tin Mừng, cha quản xứ đã tạo được một nét mới phong quang tươi đẹp cho giáo xứ. Hơn 3000 giáo dân đoàn kết xung quanh người cha chung, đồng tâm hiệp lực xây dựng cộng đoàn ngày một vững mạnh, xứng đáng là chứng nhân Tin Mừng giữa xã hội hôm nay trong tinh thần hợp nhất yêu thương.

Tuần III Mùa Chay 2009 này, Tràng Đình tổ chức tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng tôi gọi là kỳ Đại hội Thánh Thể để mới có thể nói lên một dấu mốc đáng ghi nhận trong quá trình tăng triển của giáo xứ. Bắt đầu từ tối thứ 5, 12 tháng 3, ngày khai mạc Tuần chầu, Thánh lễ và các giờ chầu Thánh Thể được diễn ra liên tục vào các buổi sáng chiều và tối, với sự hiệp dâng lời cầu nguyện của quý cha trong giáo hạt, quý cha khách và đông đảo giáo dân tham dự. Cha Giuse Trần Thanh Lợi cho biết, có những giáo dân đã bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, nay trở lại tòa cáo giải trong tâm thế của một hối nhân quyết tâm hoán cải ăn năn tội lỗi của mình, để làm hòa với Chúa, làm hòa với anh em. Đặc biệt, chiều thứ 6 ngày 13/3, Đức Cha Phaolô Maria đã về dâng thánh lễ và chủ sự nghi thức làm phép Tượng đài Thánh Giuse. Tượng đài Thánh Giuse nằm về phía bên phải nhà thờ, cao hơn 7m được xây dựng trong hai tuần lễ với tiến độ gấp rút để hoàn thành kịp tuần chầu lượt, hơn nữa là để tôn kính Thánh Nhân trong tháng 3, tháng biệt kính Ngài.

Tràng Đình là một giáo xứ nổi tiếng về nghề thợ mộc. Ngoài nghề trồng lúa nước, nghề mộc đã đóng một vai trò chính trong việc nâng cao đời sống kinh tế của giáo dân trong giáo xứ. Khắp nơi trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình, ở đâu cũng có dấu chân của những tay thợ lành nghề của làng nghề mộc Tràng Đình. Chính vì thế, một tượng đài Thánh Giuse hiện diện giữa lòng giáo xứ là thích hợp nhất, bởi Thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu trong xóm nhỏ đơn nghèo miền Nazaret xưa là "bác thợ mộc" rất siêng năng cần cù chịu khó, luôn nêu gương cho đời sống người lao động. Trong những câu chuyện viết về gương đời sống lao động của Thánh Giuse, chúng ta bắt gặp hình ảnh của một người gia chủ rất đỗi hiền lành, khiêm nhường và hết mực vì công việc để lo cho Thánh gia: "Ông rành nghề thạo việc, lại cầu toàn: đường cưa phải thực thẳng, nước bào phải thực mịn, mộng mẹo phải thực khít, các sản phẩm làm ra phải thực chắc, thực đẹp, xứng đáng với lương tâm nhà nghề, đáp lại lòng tín nhiệm của thân chủ. Vì thế các đồ ông làm ra đều nổi tiếng trong vùng. Các đồ nghề, ông giữ gìn như của báu, coi đó là những bàn tay nối dài sắc bén, không thể để sứt mẻ vô cớ được. Nhất là ông yêu nghề. Từ sáng sớm, ông đã bắt đầu làm việc, vừa làm vừa ca hát, ngâm nga, ra chiều thích thú, khác nào thợ cưa kéo gỗ bên ta. Lao động, đối với ông, là một nguồn vui trong sạch, xua đuổi mọi nỗi buồn chán trong lòng. Lao động, không phải là mục đích cuộc đời, nhưng là phương tiện cần thiết để phát huy tài năng và làm ra của cải nuôi sống con người. Theo quan niệm của Giuse, lao động không phải là thần tượng con người phải phục vụ, nhưng trái lại, lao động phải phục vụ con người, và con người phải phục vụ Thiên Chúa". Từ đây, giáo dân giáo xứ Tràng Đình sẽ chạy đến với Thánh Giuse để nhờ lời bầu cử của Ngài thánh hóa công việc làm ăn hàng ngày, biến những lao công của mình thành của lễ đáng trân quý trước mặt Chúa, từ đó tiến tới xây dựng gia đình, cộng đoàn giáo xứ ngày thêm vững mạnh hơn.

Ngày cao điểm của Đại hội Thánh Thể giáo xứ Tràng Đình diễn ra trong bầu khí sốt sáng trang nghiêm dưới làn nắng ửng của tiết trời mùa xuân. Chủ Nhật hôm nay thời tiết có lạnh hơn, nhưng từ rất sớm trên khu vực trước sân nhà thờ đã có một lượng người đông đảo, các giáo xứ bạn đến hiệp thông tuần chầu với giáo xứ rất đông. Cha FX Võ Thanh Tâm, Tổng đại diện giáo phận Vinh đã chủ sự thánh lễ và đồng tế với ngài có 13 linh mục trong ngoài giáo hạt Can Lộc. Lời cầu chúc bình an cho giáo xứ được cha Tổng đại diện nói đến nhiều nhất, và thiết nghĩ đó cũng là lời nguyện thiết yếu nhất cho một cộng đồng Công giáo sống tốt hơn, xứng đáng là chứng nhân cho Chúa giữa trần gian hôm nay.

Khép lại Tuần chầu, kỳ đại hội Thánh Thể, của giáo xứ sẽ mở ra một mùa sống mới với nhiều hứa hẹn thăng tiến mạnh mẽ về đời sống đạo, cơ sở cho những bước tiến vững mạnh về đời sống văn hóa kinh tế trong giáo xứ, làm đẹp thêm cho một xứ sở đã từng thấm máu các bậc tiền bối anh dũng hy sinh để bảo vệ Giáo hội, làm triển nở đời sống đức tin. Cầu chúc cho mọi nguyện ước của giáo xứ Tràng Đình được Chúa thương chúc lành và sớm trở thành hiện thực.
 
Sinh hoạt tại Giáo Xứ Việt Nam Paris: Dinh dưỡng và sức khoẻ cao niên
Bích Hiền và Trần Văn Cảnh
01:04 18/03/2009
PARIS - 15.03.2009, từ 14 đến 16 giờ, khoảng 40 người đã đến tham dự buổi sinh hoạt hàng tháng cho các vị cao niên trong cộng đoàn, do Nhóm Chuyên Gia Nha Y Dược thực hiện. Chủ đề chính của buổi sinh hoạt hôm nay là trao đổi giữa các bác sĩ với các cụ cao niên về « Dinh Dưỡng và Sức khỏe cao niên ».

Nhưng trước đó, ông Bùi Trọng Khang, đã thay mặt Nhóm Chuyên Gia làm tổng kết ngày « Tết Cao Niên 15.02.2009 »: 100 vị đến dự tiệc tết. 80 vị cho ý kiến về cuộc sống và về sinh hoạt mong muốn. 33 vị cao niên từ 55 đến 69 tuổi tương đối có nhiều thuận lợi hơn. Sau đây là ý kiến đã thâu lượm được về hoàn cảnh sống, đặc biệt của 47 cụ cao niên từ 70 đến 90 tuổi.

1. Cảnh sống của các cụ cao niên 70-90 tuổi


2. Ý kiến về sinh hoạt cao niên mong muốn

1. Giúp sức bằng bỏ giỏ
2. Lạy Chúa, đặt để Giáo Xứ VN làm cơ đồ tuyên xưng, tuyển mộ, làm lan rông Hội Thánh Chúa trên bãi đồng lúa Paris, lúa chín mà hãy còn thiếu người gặt. Ghi vui với Giáo Xứ, Đức Ông và Cha Sách cùng các Cha
3. Vui thích. Mong được tham gia nhiều
4. Cầu xin ơn lành, tất cả cho tốt đẹp
5. Rất vui trong lòng của tôi hôm nay, rất là phấn khởi và các Cha tổ chức rất là đẹp đẽ trong ngày hôm nay…
6. Ăn ngon, thích
7. Tôi Mỗi tháng đi Giáo Xứ vì có hội Bà Mẹ Công Giáo không có ý kiến gì hết, tất cả đều tốt đẹp
8. Mong muốn Chúa ban tốt đẹp
9. Nếu có thể được, nên có mục hướng về giúp đỡ những người neo đơn khó khăn ở trong nước, để tỏ tình đoàn kết với đồng bào vùng xa xôi hẻo lánh
10. Tôi cảm thấy rất vui, tôi cũng vừa họp với Cha Dũng, tôi đã đi nhà thờ 30 năm rồi, tại Giáo Xứ cũ, tôi trong nhóm các Thánh Tông Đồ
11. Con có ý kiến. Cám ơn các Cha. Các Cha tổ chức cuộc vui này làm vui tuổi già cho các con. Năm mới Kỷ Sửu, xin Chúa ban ơn lành cho các Cha sức khỏe phần hồn và phần xác
12. Rất hân hạnh được dự lể ngày hôm nay 15.02.2009. Rất vui vẻ và rất cảm động
13. Nếu có những cuộc họp về tuổi già ( sức khỏe, ăn uống ) và cũng cần có những gặp gỡ, trao đổi không lệ thuộc tuổi tác
14. Vui đặc biệt, thường xuyên tham dự
15. Nên có ban thăm viếng người cao niên, neo đơn, bệnh tật
16. Vô cùng khen ngợi Ban Tổ Chức "Mừng Tuổi Qúy Vị Cao Niên" dưới sự bảo trợ của Giáo Xứ Việt Nam tại Paris (Pháp) và hy vọng sẽ tiếp tục
17. Tôi rất sung sướng được đến đọc kinh, viếng Chúa và được gặp quí Cha và bạn bè, đời sống rất vui vẻ
18. Xin cám ơn quí Cha, quí Sơ, quí Thày và tất cả các em, anh chị em hôm nay tổ chức hết sức là chu đáo. Tất cả mọi người rất vừa lòng
19. Rất muốn lên hát, nhưng vì bị trục trặc kỹ thuật, xin hẹn lần sau nếu Chúa muốn
20. Mong được dự lễ như vậy nhiều hơn, Vui. Thích
21. Hôm nay rất là vui mừng cho những người cao niên như chúng tôi
22. Hội viên hội Legio Maria
23. Tổ chức rất chu đáo. Xin tiếp tuc. Hoan hô
24. Bác làm xôi vò, giò thủ
25. Xin có dịp tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, các chương trình y tế, để nâng cao việc giữ gìn sức khỏe cho người lớn tuổi

3. Trao đổi về dinh dưỡng và sức khỏe cao niên

Bác sĩ Bích Hiền và bác sĩ Hoa đã chuẩn bị trao đổi với các cụ cao niên hiện diện về 3 đề tài: Dinh dưỡng cao niên, các bệnh tuổi già và trị liệu tiên phòng. Cuộc trao đổi phong phú và hào hứng. Hai bác sĩ khác, cũng hiện diện trong buổi họp, đã góp thêm ý kiến: Bs Tú và Bs Anh.

3.1. Dinh dưỡng

Người Việt Nam thường thường có 3 bữa ăn và trong mỗi bữa ăn có 3 món:

• cơm
• món mặn: thịt kho, cá kho, trứng, đậu hủ, …
• món rau (canh hay xào )

Cơm hay những ngũ cốc (gạo, nếp, bắp, mì, khoai,…) thuộc về chất bột đường (glucides). Chất đường cần thiết cho hoạt động não bộ. Nhưng dùng đường nhiều có thể dẫn đến chứng bệnh tiểu đường (Diabète)

Món mặn gồm thịt, cá, trứng, đậu,… thuộc về chất đạm (protéines, protides). Trong chất đạm thì có chất đạm xuất phát từ động vật: thịt, cá, trứng, tôm, cua, … Chất đạm cần thiết cho hoạt động cơ bắp. Nhưng chất đạm động vật luôn pha lẫn với chất mỡ, chất béo (lipides) có thể làm tăng lượng cholestérol trong máu như lòng đỏ trứng, mỡ heo, da gà, …Vì thế mà chúng ta nên chuộng dùng cá hay chất đạm xuất phat từ thực vật như đậu hủ, đậu nành, đậu xanh,…

Nói đến món mặn thì không quên đến muối, nước mắm và các loại mắm,… Ăn mặn có thể làm tăng huyết áp (Hypertension artérielle) và bệnh về thận

Chất béo gồm có mỡ, dầu, bơ, margarine,…Chúng ta cũng cần phân biệt chất mỡ xuất phát từ động vật như bơ, mỡ gà, mỡ thịt, mỡ cá,… có nhiều lượng cholestérol, nhất là lượng cholestérol « xấu » có thể gây nên sơ chai cứng động mạch. Và chất béo xuất phát từ thực vật như margarine và các loại dầu như dầu bắp, dầu đậu phọng, dầu mè, dầu ô-liu, dầu hột hoa hướng dương,…có lượng cholestérol « tốt » có đặc tính che chở các động mạch.

Món rau gồm các rau cải, hoa quả đủ loại … chất chứa nhiều chất khoáng và vitamines cần thiết cho cơ thể. Món rau cải có thể là rau nấu canh, rau luộc, hay xào.

Nói đến canh thì nhớ đến uống nước, nhu cầu cần thiết của cơ thể là khoảng một lít rưỡi nước lọc (nước nguội, ấm hay nước nóng) trong ngày giúp thận hoạt động bài tiết bình thường. Nên tránh uống rượu, bia, nước ngọt.

3.2. Các bệnh tuổi già

Bệnh tiểu đường (Diabète) là do có nhiều lượng đường trong máu. Nguyên nhân là do ăn uống nhiều chất bột đường hay di truyền.

Bệnh huyết áp cao (Hypertension artérielle) là do các động mạch bị sơ cứng về tuổi già, ăn uống đồ mặn và một phần do di truyền.

Các bệnh về xương khớp, loãng xương, … Tuổi già thì chất sụn trong các trong khớp xương bị mòn đi, không còn độ trơn, chất nhờn nên khi vận động thường dễ bị đau.

Cần ăn nhiều chất Calcium có trong các thực phẩm như sữa, phó mát, cá, tôm, … hay viên thuốc calcium

3.3. Trị liệu tiên phòng

Tập thể dục, vận động cơ thể duới mọi hình thức: đi dạo, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, múa quyền, … khoảng 30 phút trong ngày, giúp cho cơ thể bảo tồn: hô hấp bền dai; hệ thống tuần hoàn tim mạch tránh bị sơ cứng, giảm huyết áp; giảm lượng cholestérol trong máu; xương khớp được cứng cáp; …

Tinh thần, tâm hồn: làm cho tinh thần được thư thái, yên ổn, gạc bỏ âu lo, xúc động mạnh, giận dữ, buồn phiền. Giao động tâm linh (stress) cũng là yếu tố làm phát sinh các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, đau tim; đau dạ dày, …

Sau phần trình bày, nhiều câu hỏi đâ được các vị cao niên hiện diện nêu ra. Bốn bác sĩ hiện diện đã góp phần trả lời và giải thích: Bs Hiền, Bs Hoa, Bs Tú và Bs Anh.

3.4. Tóm lại

Tuổi càng về già, cần nên ăn uống điều độ, chừng mực, mỗi ngày ăn ba bữa

Bớt ăn mặn, ăn ngọt, ăn dầu mỡ

Một bữa ăn luôn có ba chất: chất đạm, chất bột đường và rau quả

Uống khoảng một lít rưỡi nước mỗi ngày. Theo Cha Sách: mỗi giờ một ly nước nhỏ …

Vận động, tập thề dục mỗi ngày 30 phút: đi dạo, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, múa quyền, …

Giữ cho tinh thần luôn bình an, thanh thản

Đi khám Bác sỉ thường xuyên để kiểm xoát huyết áp, lượng đường, lượng mỡ,. .. Nếu cần thiết, không ngần ngại xin Bác sỉ đi khám các chuyên khoa.

Uống thuốc đều đặn, không bỏ thuốc khi Bác sỉ chưa cho phép.

Paris, ngày 17 tháng 03 năm 2009
 
Mời tham dự Tọa đàm “ Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt trước yêu cầu hội nhập quốc tế ”
CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình
17:38 18/03/2009
Trước yêu cầu hội nhập, việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam để đáp ứng với đòi hỏi mới của thời đại, hơn bao giờ hết, đang được đặt ra một cách khẩn thiết. Tiến trình xây dựng cái mới được bắt đầu từ việc nhìn lại con người và văn hóa truyền thống, để từ đó, khai mở và chọn lựa cho mình một hướng đi phù hợp với thời cuộc. Trong ý hướng đó, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phối hợp với Viện Triết học Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt trước yêu cầu hội nhập quốc tế” sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ 30 Thứ Bảy, 21/3/2009 tại Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình (số 43 Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn).

Tọa đàm lần này hân hạnh giới thiệu sự đóng góp tham luận của các diễn giả:

- LM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình với đề tài Người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, Cựu Phó TBT báo Tuổi Trẻ với đề tài Thông tin trong thời hội nhập.
- LM. G.B. Huỳnh Công Minh, Tổng ĐD Giáo phận Sài Gòn với đề tài Sứ vụ của người Công giáo trước thách đố hội nhập.
- Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch MTTQVN với đề tài Vấn đề công bằng xã hội trước yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đây là 4 trong tổng số 13 tham luận với nhiều góc nhìn đa chiều, phong phú đã được gửi về tham gia hội thảo khoa học cùng chủ đề trên được tổ chức trước đó.

Tọa đàm cũng hết sức hân hạnh chào đón sự tham gia thảo luận của các thành viên Viện Triết học Việt Nam, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, các khách mời là giáo sư, luật sư, linh mục, chuyên gia, nhà báo… cùng toàn thể quý vị nào quan tâm đến chủ đề này.
 
Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng văn hóa Nhân bản Tâm linh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
17:43 18/03/2009
TỪ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG NỀN VĂN HOÁ NHÂN BẢN TÂM LINH
(Bài suy niệm tĩnh tâm của các linh mục hạt Tân Định, ngày 10-3-2009 -- Bài chuẩn bị cho thảo luận loan báo Tin Mừng của UBLBTM, ngày 20-3-2009)

NHẬP ĐỀ

Chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việc Nam trong khoảng 50 năm gần đây với nghi vấn rằng: hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước, và tìm ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả và gợi ý cần phải trở lại với Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, những suy tư này có lẽ còn nặng tính lý thuyết, cần được chứng minh bằng chính thực tế của hoạt động truyền giáo.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá vài kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, để thấy rằng việc truyền giáo tác động lên xã hội, ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn hoá dân tộc và có thể thay đổi cả đất nước. Do đó, muốn cho việc truyền giáo hiện nay ở Việt Nam có kết quả tốt đẹp, cần xây dựng một nền nhân bản mới.

Bài trình bày bao gồm mấy điểm chính sau đây:

1. Hiệu quả việc truyền giáo ở Việt Nam trong bối cảnh văn hoá và lịch sử
2. Phân tích khái quát hiệu quả truyền giáo ở Hàn Quốc trong 50 năm gần đây
3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản mới cho tín hữu Việt Nam

1. HIỆU QUẢ VIỆC TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ VÀ LỊCH SỬ

Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết công cuộc truyền giáo ở Việt Nam trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, đặc biệt trong chương 10 và 11, từ trang 184-225. Ở đây chúng tôi xin tóm tắt vài điểm chính như sau:

1.1. Bối cảnh văn hoá và lịch sử

Bối cảnh lịch sử:

Sau khi Lê Lợi thắng quân Minh, triều đại nhà Lê kéo dài 360 năm (1428-1788). Xã hội Việt Nam vào thế kỷ XV ổn định, nông nghiệp phục hồi và phát triển. Sang thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu vì các vua ham mê tửu sắc, triều đình thiếu người tài trí, xã hội bắt đầu hỗn loạn. Dân chúng khốn khổ vì những cuộc chiến tranh loạn lạc liên miên giữa họ Trịnh phò Lê và họ Mạc. Sau khi họ Trịnh chiếm lại được thành Thăng Long, vào năm 1592, nhà Lê được khôi phục, nhưng mọi quyền lực đều nằm trong tay họ Trịnh. Chiến tranh Lê-Mạc chưa chấm dứt thì cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, rồi đến cuộc chiến giữa anh em nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn từ năm 1776 cho đến khi chúa Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn và thống nhất sơn hà năm 1802. Cuộc sống người dân trong thời kỳ này vô cùng khốn khổ, sinh mạng con người bị coi thường, đời sống kinh tế kiệt quệ vì sưu cao thuế nặng để chi phí cho chiến tranh.

Từ những năm 1802-1856, xã hội tạm yên ổn, nhưng thay vì cởi mở như Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản (Mutsuhito, 1852-1912), các vua triều Nguyễn lại dùng chính sách bế quan toả cảng đối với người nước ngoài, hoàn toàn theo quan điểm chính trị của Trung Quốc, nên đời sống dân chúng vẫn hết sức khó khăn, dân trí lạc hậu. Cuộc chiến tranh giữa Pháp-Việt bùng nổ vào năm 1858. Những cuộc tàn sát tập thể tín hữu Kitô giáo ở Ba Giồng, Hữu Đạo, Biên Hoà, Bà Rịa (1861), Nam Định, Hưng Yên (Bắc kỳ), Búng, Long Thành, Tân Triều, Trảng Bàng (Tây Ninh) (1862) đã là lý do để người Pháp vin vào đó đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Năm 1862, Việt Nam phải ký Hoà ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp.

Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1868, Phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” để chống Pháp và sát hại người Công giáo nổi lên ở Nghệ An, Nam Định và lan dần khắp nước. Năm 1873, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần đầu và một số tỉnh ở miền Bắc. Năm 1874, Việt Nam phải ký Hoà ước Giáp Tuất nhường đứt cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ, đồng thời người dân được tự do truyền đạo và theo đạo. Hàng chục ngàn người Công giáo bị sát hại do phong trào Văn Thân, nhất là trong những năm 1885-1886.

Năm 1882, Pháp chiếm Hà Nội lần II và các tỉnh miền Bắc dẫn đến hoà ước Giáp Thân năm 1884, đặt miền Bắc dưới sự bảo hộ của người Pháp, Nam kỳ là thuộc địa Pháp và Trung kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế cho tới năm 1945, khi Đảng Cộng Sản giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bối cảnh văn hoá:

Chủ quyền chính trị thay đổi liên miên nhưng bối cảnh văn hoá hầu như không thay đổi từ năm 1428 đến 1945. Dân tộc ta tổ chức xã hội theo tư tưởng Nho giáo dựa trên Tam cương, Ngũ thường. Vua là chủ thể tối cao của đất nước mà mọi người phải tôn thờ vì vua là Con Trời (Thiên Tử). Vua nắm toàn quyền sinh sát trong tay, bắt ai chết là người đó phải chết. Chỉ có vua nắm độc quyền về tôn giáo để phong thần cho các vị thần linh và từ đó dân chúng mới được phép tôn thờ.Triều đình lấy chữ Hán của người Trung Hoa làm chữ chính thức và tổ chức các khoa thi dựa trên các sách kinh điển của nền giáo dục Trung Quốc như Tứ Thư, Ngũ Kinh. Phật giáo có ảnh hưởng nhiều trên dân chúng và những biến thể của đạo Lão như các hình thức thờ các thần vật, bùa chú mê tín rất phổ biến trong dân gian (x. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng và Quyển Hạ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992).

Gia đình theo chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ với những hình phạt rất nặng nề dành cho các phụ nữ hoang thai, gian dâm. Xã hội còn nhiều hủ tục như tục tảo hôn, tục cho phép đàn ông bỏ vợ vì một số lý do không chính đáng (thất xuất) như: không con, không thờ cha mẹ chồng, đa ngôn, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật, dâm dật (x. Toan Ánh, Con người Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 215). Nhiều trò vui, lễ hội mang tính phóng đãng (x. Toan Ánh, Hội Hè Đình Đám, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 244-279).

Cách tổ chức làng xã dù có thay đổi ít nhiều dưới các thời vua chúa khác nhau, nhưng các sinh hoạt và các tục lệ hầu như vẫn giữ nguyên, nhiều khi “phép vua thua lệ làng” (x. Toan Ánh, Làng Xóm Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, ).

Trong bối cảnh lịch sử và văn hoá như thế, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được loan báo cho dân tộc Việt Nam.

1.2. Các giai đoạn truyền giáo

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam tạm chia thành những giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn khai sinh (1533-1615) và mở đạo chính thức (1615-1659)

Khởi đầu vào năm 1533, một người nước ngoài tên là Inêkhu đã đến truyền giáo tại làng Ninh Cường, huyện Nam Châu và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay).

Tiếp đó, các vị thừa sai Dòng Tên đã đến truyền đạo ở cả 2 miền Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới, phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh nắm quyền, phía Nam gọi là Đàng Trong do các chúa Nguyễn cai quản.

Từ năm 1615, các linh mục F. Buzomi, D. Cavalho đến Cửa Hàn, Đà Nẵng, tiếp theo là các linh mục F. Pina, C. Borri và A. de Rhodes (Đắc Lộ). Ở Đàng Ngoài có linh mục G. Baldinotti, P. Marques và cả A. de Rhodes đến Cửa Bạng, Thanh Hoá, ngày 19-3-1627. Để hỗ trợ cho việc truyền giáo, các thừa sai đã biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ Chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse, đặc biệt là 2 tác phẩm của cha Đắc Lộ ấn hành ở Rôma năm 1651: Phép giảng Tám ngày và Từ điển Việt Bồ La, các thánh truyện bằng chữ Nôm của G. Majorica.

Vào năm 1665, sau 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài với 25 linh mục và 5 trợ sĩ, và sau 50 năm ở Đàng Trong với 39 linh mục và 01 trợ sĩ, các thừa sai Dòng Tên rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (trong đó có 20.000 ở Đàng Trong) (x. Công giáo và Dân tộc, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm, NXB Tôn Giáo, 1996, tr. 86).

- Giai đoạn hình thành (1659-1802)

Năm 1659, Đức Thánh Cha Alexander VII lập 2 giáo phận ở Việt Nam (Đàng Trong và Đàng Ngoài) và đặt 2 vị giám mục đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm đại diện Tông Toà. Đức cha Lambert de la Motte ở Đàng Trong và F. Pallu ở Đàng Ngoài.

Dù có những sắc chỉ cấm đạo của vua chúa kèm theo những cuộc bách hại dưới thời các chúa Trịnh ở miền Bắc, các chúa Nguyễn ở miền Nam hoặc của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn ở miền Trung, các giám mục và các thừa sai vẫn miệt mài truyền đạo, và Giáo hội Việt Nam vẫn không ngừng phát triển.

Vào năm 1802, Giáo hội Việt Nam có 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam và 320.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ khoảng 3% dân số. Giáo phận Đàng Trong có 60.000 giáo dân, Tây Đàng Ngoài có 120.000 giáo dân và Đông Đàng Ngoài 140.000 giáo dân.

- Giai đoạn thử thách (1802-1886)

Sau khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước năm 1802, cho đến khi phong trào Văn Thân ngưng tàn sát người Công giáo (1885-1886), có thể gọi đây là giai đoạn thử thách với các cuộc bách hại triền miên của vua quan lẫn một phần dân chúng chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thù ghét sự xâm lăng của người Pháp và hiểu lầm người Công giáo đi với Pháp để phản bội đất nước.

Nhưng đây cũng là giai đoạn truyền giáo rất thành công vì người tín hữu Việt Nam đã tìm được con đường sống trong cái lẽ tử sinh của kiếp người, giới thiệu được nền văn hoá Công giáo cho dân tộc. Đây cũng là thời kỳ truyền giáo hiệu quả nhất. Trong vòng 80 năm, dân số Công giáo tăng gấp đôi và tỷ lệ tăng từ 3% lên đến 7%.

Vào cuối thời kỳ này, Giáo hội Việt Nam có 9 giáo phận, 4 giáo phận ở Đàng Trong và 5 giáo phận ở Đàng Ngoài, với 9 giám mục, 219 linh mục thừa sai, 356 linh mục Việt Nam, 1.246 chủng sinh, 156 thầy giảng, 1.399 nữ tu, 930 nhà thờ, 292 cơ sở bác ái, và 648.435 giáo dân, chiếm tỷ lệ khoảng 7% dân số (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 195).

- Giai đoạn phát triển (1886-1960)

Sau hoà ước 1884, Việt Nam được chia thành 3 kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ và Trung kỳ. Người Công giáo được tự do theo đạo, xây dựng các cơ sở vật chất, nhiều giáo phận mới được thành lập, số tín hữu tăng nhanh. Tính đến năm 1939, Giáo hội Việt Nam có 16 giáo phận, 17 giám mục, 1.544.765 giáo dân trên tổng số 26.500.000 người chiếm 7,5% (x. Bảng 12, phần Phụ lục, tr. 26).

Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam chia thành 2 miền Nam Bắc, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới, với hai ý thức hệ đối nghịch nhau. Trong thời gian này, có khoảng 650.000 tín hữu từ miền Bắc di cư vào miền Nam.

Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Một số giáo phận mới được thành lập. Giáo hội Việt Nam lúc này có 20 giáo phận, 23 giám mục, 2.094.540 tín hữu, 1.944 linh mục, 5.789 tu sĩ nam nữ và 1.530 chủng sinh trên tổng số 30.172.000 dân, chiếm tỷ lệ 6,9% dân số (x. Bảng 12, phần Phụ lục, tr. 26).

Giai đoạn này dù được tự do theo đạo, xây dựng được nhiều nhà thờ, cơ sở giáo dục, xã hội, thậm chí được chính quyền nâng đỡ, nhưng số người theo đạo lại không nhiều. Tỷ lệ giảm từ 7% xuống 6,9% dân số.

- Giai đoạn trưởng thành (từ 1960 đến nay)

Trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc với hai ý thức hệ kéo dài từ năm 1963 đến 1975. Do số tín hữu tăng nên hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn lại được chia nhỏ để lập thêm nhiều giáo phận: Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Phú Cường, Phan Thiết. Vào cuối năm 1975, Giáo hội Việt Nam có 25 giáo phận.

Ánh sáng từ Công đồng Vatican II (1962-1965) đã lan toả trên các giáo phận miền Nam theo đường hướng mục vụ và đại kết với các hoạt động của nhiều hội đoàn Công giáo Tiến hành trong xã hội, với hàng ngàn trường học các cấp được xây dựng trong khi miền Bắc vẫn giữ nếp sống âm thầm dưới chế độ Cộng sản với nhiều khó khăn và thử thách.

Chiến thắng của Cộng sản miền Bắc đã dẫn đến việc chính quyền miền Nam sụp đổ và thống nhất đất nước, ngày 30-4-1975, đưa Giáo hội Việt Nam vào một giai đoạn mới. Dù có khó khăn về vật chất vì các phương tiện hoạt động mục vụ, các cơ sở hoạt động xã hội và kinh tế ở miền Nam đều bị Nhà nước tiếp thu và quản lý, nhưng Giáo hội Việt Nam lại thấy đây là dịp Thiên Chúa thanh tẩy mình khỏi những vướng bận vật chất để chú ý hơn đến tinh thần sống đạo, học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, dạy giáo lý cũng như phổ biến đời sống đức tin, văn hoá, đạo đức của người Việt Nam cho toàn thể gia đình nhân loại, qua việc gần 1 triệu người đã di tản từ 1975-1990, sang rất nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 1990 đến nay, qua chính sách cởi mở của Nhà Nước đối với tôn giáo, Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều tự do hơn để tổ chức các hoạt động tôn giáo cũng như các hoạt động bác ái xã hội. Số tín hữu bắt đầu gia tăng so với tỷ lệ dân số, dù sự gia tăng không nhiều. Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 25.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong gần 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 5 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi.

Hiện nay, nếu tính thêm số tín hữu Công giáo (khoảng 1 triệu) và số người Việt ở nước ngoài (khoảng 3 triệu) mà Giáo hội Việt Nam phần nào chịu trách nhiệm loan báo Tin Mừng, tổng số tín hữu là 7 triệu trên 89 triệu người Việt, chiếm tỷ lệ 7,86 % (x. Hội Đồng Giám mục Việt nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, Phụ lục: Cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải ngoại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 867-902).

1.3. Truyền giáo và nền văn hoá Việt Nam

Xét về mặt văn hoá, công cuộc truyền giáo ở Việt Nam đã đóng góp rất lớn hay có thể nói đã giải phóng người Việt khỏi lệ thuộc nền văn hoá Trung Hoa.

Từ khi bị người Tàu đô hộ vào năm 179 TCN cho đến 1615, khi Tin Mừng được các nhà truyền giáo Tây Phương loan báo, hầu như mọi người dân Việt, từ vua quan đến dân chúng, chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Hoa. Dầu vậy, ý thức phản kháng của dân tộc Việt vẫn âm ỉ bày tỏ qua cách sống (thuốc Nam - thuốc Bắc), cách ăn mặc (mặc váy-mặc quần), chữ viết (chữ Nôm thế kỷ 11 – chữ Hán) nên người Việt không mất nước và không bị đồng hoá so với dân tộc Chiêm Thành ở miền Trung Việt Nam.

* Các nhà truyền giáo đã dạy cho người Việt giá trị vô cùng cao quý của con người trong những thế kỷ chiến tranh liên miên mà mạng người bị coi rẻ như cỏ rác. Tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô họ sẽ được sống muôn đời dù vua chúa có thể dùng họ như những món đồ chơi trong cuộc tranh giành quyền lực.

Sống dưới chế độ dân chủ chuyên chế, vua được tôn là thiên tử (con trời), có toàn quyền sinh sát: vua bắt bầy tôi chết mà người đó không chịu chết là người đó bất trung (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Còn Kitô hữu lại được dạy mọi người đều bình đẳng, đều là anh em trong đại gia đình nhân loại, có Thiên Chúa là Cha nên ai cũng phải tôn trọng quyền sống của con người. Đức Giêsu mới là “Thiên Tử” thật sự, nhưng lại tự nguyện chết để cứu độ chúng ta, nên người Kitô hữu sẵn sàng hy sinh mạng sống để phục vụ Chúa và mọi người.

* Sống trong một xã hội theo chế độ đa thê (trai thì năm thê bảy thiếp), trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), các Kitô hữu thời đó làm chứng cho sự thật về quyền bình đẳng giới tính, về hôn nhân một vợ một chồng, về hạnh phúc gia đình dựa trên tình yêu chung thuỷ và tình yêu Thiên Chúa. Hạnh phúc này biểu lộ trong đời sống gia đình của người Công giáo với những tiếng cười tiếng hát và trong đời sống cộng đồng, với những công việc cũng như trò vui mà nam nữ được tham dự như nhau.

* Sống trong xã hội mà học thức là một cái gì quý giá chỉ dành cho một thiểu số được ưu đãi, giàu sang, thì người tín hữu lại muốn phổ biến sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho mọi người. Mỗi làng ngày xưa chỉ có một vài người đi học để viết được cái văn tự bán nhà bán đất, làm sổ đinh sổ điền thay cho cả làng; nếu may mắn hơn thì thi đỗ làm quan. 99% dân số còn lại đều mù chữ, thất học. Trái lại, người Công giáo ai cũng được học, ai cũng biết chữ. Lúc đầu học chữ Hán, chữ Nôm, sau lại cùng nhau khám phá và truyền bá thứ chữ dễ đọc hơn, dễ viết hơn là chữ Quốc Ngữ, như chúng ta đang dùng, để phổ biến sự thật cho mọi người. Hàng trăm bộ sách Hán Nôm, hàng ngàn cuốn sách Quốc Ngữ của người Công giáo còn để lại trong kho tàng văn hoá dân tộc như muốn chứng minh điều đó.

Đời sống hằng ngày với những kinh sách, với những tuồng kịch diễn mỗi ngày lễ trọng, mỗi mùa phụng vụ giúp cho tất cả từ trẻ đến già đều biết chữ nghĩa, trở thành người có văn hoá và dạy văn hoá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 200 năm, tính từ khi tiếng Việt được khai sinh chính thức với cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và sách Phép giảng Tám ngày của Linh mục Đắc Lộ, vào năm 1651, cho đến lúc tờ Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra mắt ở miền Nam năm 1865, ta mới thấy nếp sống văn hoá của người Công giáo ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam như thế nào.

* Nhờ chữ viết, nhất là nhờ các vị thừa sai dạy cho biết khoa học, kỹ thuật Tây Phương, tín hữu Công giáo trở thành những người truyền bá sự thật của Thiên Chúa ghi khắc trong vũ trụ vạn vật. Thời đó, mỗi làng có vài ba cái ao: tắm rửa, ăn uống đều lấy nước từ đó. Người Công giáo hiểu rằng cần phải gìn giữ thể xác của mình cho khoẻ mạnh, cho xứng đáng với ơn Chúa, nên dạy bảo nhau cần phải lọc nước bằng than, cát, sỏi mới được dùng, rồi phải đun sôi mới nên uống. Cách đây năm bảy chục năm, cứ 10 đứa trẻ thì may ra có 3 đứa sống quá 1 tuổi, rất nhiều đứa bị chết yểu vì bệnh tật. Vì dùng nước ao tù nên cả làng cứ 100 người thì có khoảng 90 đến 95 người toét mắt, lúc nào cũng che miếng vải đen sùm sụp trước mắt. Nhưng con cái người Công giáo đứa nào cũng khoẻ mạnh, đẹp đẽ nên nhiều người lương cho người Công giáo con của mình để nó được sống. Nhiều chàng trai bên lương chỉ muốn lấy vợ Công giáo vì người nào đôi mắt cũng đẹp. Còn những cô gái ngoại đạo lại muốn lấy chồng Công giáo để gia đình có những đứa con khoẻ mạnh và hoà thuận yêu thương nhau trong đời sống một vợ một chồng.

* Với những chữ “tả đạo” thích trên trán, người Công giáo không thể đi học, không thể buôn bán trong xã hội. Lúc bấy giờ họ hiểu rằng mình phải yêu thương nhau, phải đoàn kết và chia sẻ nghề nghiệp cho nhau. Làm ra hàng gì thì phải thật tốt, bán ra cái gì thì phải thật rẻ. Nhờ vậy ai cũng muốn trao đổi hàng hoá với người Công giáo, và họ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

* Bị bắt bớ quá thì người tín hữu trốn vào rừng sâu làm rẫy, như ở La Vang, Trà Kiệu, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước. Với lý lịch “tả đạo”, khó sống ở miền Bắc, tín hữu phải đi vào miền Trung, miền Nam theo đoàn quân viễn chinh và trở thành những người mở đường, dựng nước. Chính trong miền Nam, sống với những người có thể nói là đầu trộm đuôi cướp theo chính sách di dân thời xưa, người Công giáo lại cảm thấy dễ thở hơn, dù phải hy sinh rất nhiều, phải chiến đấu với từng đàn thú dữ, với những đám muỗi bay dày như đám mây. Người Công giáo trở thành những người tiên phong với tinh thần hào phóng, thân thiện của người phương Nam thuở trước. Người tín hữu chia sẻ tình yêu thương với hết mọi người, cùng quên đi những quá khứ xấu xa, những lý lịch đen tối của nhau để sống hoà thuận bên nhau, chỉ cần gọi nhau là anh Hai, chị Ba, cô Tư, chú Tám và coi nhau như một đại gia đình của Thiên Chúa.

* Các nhà Nho tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với phong trào Đông Du; Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã hô hào dân chúng bỏ búi tóc, cắt móng tay, mặc Âu phục, học chữ Quốc Ngữ, sống đời gia đình một vợ một chồng như người Công giáo. Tất cả phong trào ấy đã làm cho đất nước của chúng ta phát triển.

Những sự thật về giá trị và quyền lợi căn bản của con người, về bình đẳng nam nữ, về sự chung thuỷ trong gia đình, về giá trị của khoa học, kỹ thuật… mà chúng ta thấy dường như hiển nhiên, rõ ràng trong thời đại ngày nay, thì các bậc tiền bối Công giáo đã phải vất vả truyền giảng cho người đương thời với mình bằng biết bao nỗi tủi nhục, hy sinh và có khi bằng cả sự sống quý báu.

Nếu hiểu văn hoá là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn khi tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình (x. Trần Ngọc Thêm, Tìm hiểu về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 20-27), thì người tín hữu Công giáo Việt Nam trong những giai đoạn truyền giáo vừa qua, từ 1659-1885, đã xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc. Nền văn hoá này lấy con người làm gốc, nên tạm gọi là nền văn hoá nhân bản, với những nét chính yếu sơ khởi cần được phát triển thêm trong tương lai.

Để làm sáng tỏ thêm mối liên hệ giữa truyền giáo và văn hoá, chúng tôi xin giới thiệu một thí dụ khác. Đó là công cuộc truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc trong 50 năm gần đây với bối cảnh lịch sử, văn hoá có rất nhiều điểm tương đồng với Giáo hội Việt Nam.

2. TRÌNH BÀY VÀ PHÂN TÍCH KHÁI QUÁT VỀ KẾT QUẢ TRUYỀN GIÁO Ở HÀN QUỐC TRONG 50 NĂM GẦN ĐÂY

2.1. Bối cảnh lịch sử và văn hoá

(x. NN., Trịnh Huy Hoá biên dịch, Đối thoại với các nền văn hoá Triều Tiên, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001)

Hàn Quốc là một quốc gia nằm ở bán đảo Triều Tiên, phía Bắc giáp Trung Quốc và Nga, phía Đông giáp biển Nhật Bản, gồm hai miền Nam Bắc theo hai thể chế chính trị khác nhau, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Bắc Hàn hiện nay theo chế độ Cộng sản, với tên nước là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nam Hàn theo chế độ Tư bản, với tên nước là Cộng hoà Hàn Quốc.

Hàn Quốc lập nước vào khoảng năm 3.000 TCN với tên nước là Choson (Triều Tiên). Những người dân ở bán đảo này là những người châu Á tiền sử sống dưới ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc. Năm 108 TCN, nhà Hán ở Trung Quốc, chiếm nửa phần phía Bắc của bán đảo. Các bộ lạc Đại Hàn đã chiếm lại một phần lãnh thổ vào năm 75 TCN và lập nên các vương quốc Silla (57 TCN), Koguryo (37 TCN) và Paekche (18 TCN), tồn tại trong 700 năm. Từ năm 668-917, các vua triều Silla chiến thắng nhà Đường ở Trung Quốc, thống nhất đất nước, mở ra một thời hoàng kim cho dân tộc Hàn.

Thủ lĩnh Wang Kon chiếm được vương quốc năm 918 và lập nên triều đại Koryo (Korea), kéo dài từ 918-1392. Sau đó tướng Yi Songgye đã giành quyền và lập nên triều đại Yi (1392-1910) và chuyển đô về Hanyang (Seoul hiện nay). Từ năm 1592-1598, Đại Hàn bị tàn phá nặng nề do cuộc chiến tranh xâm lăng của Nhật Bản và từ năm 1600-1894, người Trung Hoa xâm chiếm Đại Hàn và buộc cống nộp. Đến năm 1910, người Nhật lại chiếm đóng Đại Hàn sau khi Nhật thắng Liên Xô trong cuộc chiến 1904-1905. Từ những ngày đầu lập nước cho đến thế kỷ XX, người dân Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Hoa: xã hội được tổ chức theo Khổng giáo, dân chúng theo Phật giáo và thờ kính ông bà tổ tiên với ảnh hưởng của tín ngưỡng Shaman.

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Nhật bại trận, Đại Hàn bị chia cắt thành hai miền: ở phía Bắc vĩ tuyến 38, Liên Xô tiếp quản lập thành Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (1-5-1948), với thủ đô là Pyonnyang. Ở phía Nam vĩ tuyến 38, Hoa Kỳ tiếp quản năm 1948, với thủ đô là Seoul. Cuộc chiến Nam Bắc đã xảy ra do sự đối kháng của hai ý thức hệ Cộng sản và Tư bản đã tàn phá đất nước nặng nề (1950-1953). Từ đầu thế kỷ XX, người dân Hàn Quốc biết đến nền văn hoá Tây phương.

2.2. Công cuộc truyền giáo

Công giáo được truyền vào Đại Hàn từ năm 1784, qua các tín hữu giáo dân học đạo ở Trung Quốc. Dù chưa có linh mục cai quản nhưng vào năm 1794, đã có khoảng 4.000 tín hữu. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt và tinh thần truyền đạo của tín hữu Hàn Quốc. Năm 1857, số tín hữu là 15.000 người. Giáo hội Hàn Quốc trải qua 4 cuộc bách hại nặng nề trong thế kỷ XIX, nhiều ngàn người đã bị giết. Vào năm 1984, 103 vị thánh Tử đạo đã được tôn phong thuộc các thời kỳ bách hại này.

Năm 1883, người dân Hàn Quốc được tự do tôn giáo khi chính sách bế quan toả cảng được tháo gỡ nhưng trong thực tế việc truyền giáo không thu được kết quả vì dân chúng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Tam giáo Đông Phương. Trong Thế Chiến thứ II, hầu hết các thừa sai nước ngoài bị bắt bớ và bị trục xuất, nhiều chủng viện bị đóng cửa và nhà thờ bị phá huỷ. Sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Giáo hội Hàn Quốc ở miền Nam mới được tự do tôn giáo thật sự và từ sau cuộc chiến Nam Bắc Hàn, Giáo hội Nam Hàn mới thật sự có những thành công lớn lao về mặt truyền giáo đáng chúng ta nghiên cứu.

Giáo hội Bắc Hàn có khoảng 100.000 tín hữu (theo Thống kê của Toà Thánh Vatican năm 1969) trên tổng số 23.761.000 dân. Nhưng sau cuộc chiến Nam Bắc, việc theo đạo Kitô chỉ được thể hiện trong nội bộ gia đình và bị ngăn cản dữ dội cho đến ngày nay.

Giáo hội Nam Hàn hiện có 3 giáo tỉnh, 12 giáo phận, 1 giáo phận quân đội, 1 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 24 Giám mục, 1.471 giáo xứ, 3.525 linh mục (2.947 triều, 578 dòng), 1.702 chủng sinh, 636 nam tu sĩ, 8.828 nữ tu sĩ, 12.824 giáo lý viên, rửa tội 158.978 người, 4.682.000 giáo dân trên tổng số 48.500.000 dân (chiếm 9,65%) (x. Catholic Almanac, 2009, tr. 316-317).

Vài con số thống kê sau đây để thấy bước phát triển của Công giáo và Tin Lành ở Nam Hàn:

- Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.
- Năm 2009: Công giáo 9,6% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35,6% theo Kitô giáo.
- Chỉ trong vòng 60 năm dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9,65% và trong 10 năm (1999-2009) tăng từ 7,73% lên 9,65% (x. Bảng Thống kê Giáo hội Hàn Quốc, 1999-2009).

2.3. Phân tích sự thành công của việc truyền giáo ở Nam Hàn

Giáo hội Hàn Quốc có thể là một trường hợp điển hình trong công việc truyền giáo cho nhiều giáo hội khác, đặc biệt là cho Giáo hội Việt Nam vì hai giáo hội có nhiều nét tương đồng về bối cảnh lịch sử: chịu ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương và văn hoá Trung Hoa, bị chia đôi đất nước, có nội chiến Nam Bắc với hai ý thức hệ đối kháng và đang mở ra cho nền văn hoá Tây phương. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo trong vòng 60 năm ở hai nước thật khác nhau: trong khi Hàn Quốc từ năm 1949-2009, tỷ lệ dân số Công giáo tiến từ 1% lên 9,6% thì ở Việt Nam từ 1960-2007, tăng từ 6,9% lên đến 7,1% (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam, 1933-2007, Phụ lục, tr. 26, Bảng 12).

Sự phát triển của Giáo hội Hàn Quốc có thể do những tác nhân sau đây:

* Hàng giáo phẩm của Giáo hội Hàn Quốc được tuyển chọn kỹ lưỡng và ít bị tác động bởi chính quyền dân sự. Việc tuyển chọn các giám mục có sự nhất trí cao nên dẫn đến sự vâng phục hầu như tuyệt đối trong cộng đồng tín hữu vì người Hàn Quốc rất kính trọng người trên, coi trọng tôn ti trật tự. Trong một số nước hiện nay, luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền dân sự, thậm chí của cả những phe nhóm trong nội bộ Giáo Hội đối với việc tuyển chọn giám mục nên dẫn đến sự thiếu đoàn kết trong cộng đồng giáo hội địa phương. Người ta vẫn dùng chính sách “chia để trị” khi muốn can thiệp vào những cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, sự suy yếu của cộng đồng tín hữu, dù chỉ là thiểu số, cũng dẫn đến sự suy yếu của cộng đồng dân tộc.

* Việc đào tạo linh mục, tu sĩ ở Hàn Quốc rất nghiêm túc và được mọi người quan tâm đóng góp. Hầu như tất cả các sách quan trọng, cần thiết hay có giá trị của Giáo Hội đều được dịch sang tiếng Hàn để tạo điều kiện cho việc đào tạo này. Nhiều gia đình Công giáo Hàn Quốc hiện nay hầu như chỉ có 1 hoặc 2 con nhưng sẵn sàng hiến dâng cho Chúa. Những linh mục, tu sĩ đó rất ý thức về sứ mạng của mình và luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần kỷ luật cao.

* Giáo dân Hàn quốc đóng góp tích cực cho giáo hội địa phương, tự nguyện đảm nhận những công việc điều hành tại giáo phận và giáo xứ. Giáo hội Hàn Quốc làm theo các anh em Tin Lành trong việc yêu cầu tín hữu tự nguyện đóng góp từ 5-10% thu nhập cá nhân. Nhiều tín hữu nghèo không bị buộc đóng góp nhưng vẫn sẵn sàng tham gia bằng công sức lao động của mình cho công việc chung. Nhờ vậy Giáo hội Hàn Quốc tự lập về tài chính, không bao giờ đi xin các tổ chức hay giáo hội khác, ngược lại còn giúp đỡ những tổ chức này. Giáo hội tự trang trải tất cả các chi phí như trả lương cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong công tác truyền giáo, dù nhiều người không muốn nhận.

* Giáo hội Hàn Quốc coi trọng giáo dân vì ngay từ đầu lịch sử, chính giáo dân đảm nhiệm công tác truyền giáo. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành, nhất là Legio Mariae, được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hăng say với những chương trình đào tạo rõ ràng và cụ thể. Trong giáo xứ, nhiều cộng đồng cơ bản được thành lập để thúc đẩy mối liên kết giữa các gia đình tín hữu với nhau: các thành viên trong cộng đồng chia sẻ niềm vui bằng cách hội họp để cầu nguyện và sau đó cùng giải trí, xem ti vi chung với nhau. Người làm bác sĩ thì khám bệnh, người làm kỹ sư thì sửa chữa máy móc, điện nước cho những thành viên trong cộng đồng với giá rẻ hoặc không lấy tiền. Từ đó, người dân cảm nghiệm được tình bác ái liên kết thật sự trong cộng đồng Giáo Hội.

* Người tín hữu được đào tạo cẩn thận, được huấn luyện để trưởng thành với những kỹ năng sống, đặc biệt là giới trẻ. Những người này được huấn luyện từ cách ăn nói, đi đứng, tổ chức công việc và đời sống cho đến các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thời giờ, tiền bạc… Nhiều thanh niên Công giáo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, trước khi đi nghĩa vụ quân sự hay vào đại học thường dành một tháng hè để phục vụ cộng đồng. Họ đăng ký với một cha xứ ở miền xa hay các điểm truyền giáo (năm 2002 có 1.042 điểm) để đến dạy học cho người mù chữ, sinh hoạt hội đoàn, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật… Những thanh niên nam nữ Công giáo này thường trở thành những người cuốn hút các bạn trẻ trong cộng đồng địa phương, nhờ đó đạo Công giáo được biết đến và nhiều người tin theo qua đời sống chứng nhân. Những chương trình đào tạo này được thực hiện trong các trường lớp ngày Chủ Nhật mà giáo phận nào cũng thực hiện. Năm 2000 có 267.742 trường Chủ Nhật, năm 2002 có 260.724 trường (x. Niên giám Giáo hội Hàn Quốc 2000-2002, tr. 15). Ngoài ra, ta còn phải kể thêm 13 đại học Công giáo với 34.470 sinh viên, vào năm 2002 (x. Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 2000-2002, Phụ lục, Bảng 30).

* Giáo hội Hàn Quốc chú ý nhiều đến việc sử dụng những phương tiện thông xã hội trong công tác truyền giáo. Xứ đạo nào cũng có phòng truyền thông với những sách báo, phim ảnh cho tín hữu mượn đọc hay sử dụng. Có bản tin nội bộ của xứ đạo, bản văn phụng vụ cho các ngày Chủ Nhật, sách hát, sách lễ dùng trong cộng đồng với giá rất rẻ. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh, truyền hình hoặc chương trình phát thanh, truyền hình riêng của giáo phận dành cho cộng đồng tín hữu.

Giáo hội Công giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc đã ảnh hưởng mãnh liệt vào nền văn hoá dân tộc để chuyển đổi thái độ trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp xã hội (Yangban, Chunging, Sangmin, Chonmin) sang thái độ tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng nam nữ, vượt qua thái độ thù hận với các nước láng giềng, yêu thích khoa học kỹ thuật Tây phương và lòng bác ái Kitô giáo. Trong đường hướng văn hoá mới này, Nam Hàn đã có bước tiến vượt bật để từ một nước kiệt quệ về kinh tế sau cuộc chiến Nam Bắc đã trở thành một nước có nền kinh tế phát triển với tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2006 là 18.340 USD so với Việt Nam là 723 USD, với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2.016 USD, Thái Lan 3.252 USD, Philippines 1.362 USD, Đài Loan 15.569 USD (x. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2007, NXB Thống Kê, tr. 687-688).

3. XÂY DỰNG MỘT NỀN VĂN HOÁ NHÂN BẢN MỚI CHO TÍN HỮU VIỆT NAM

Từ kinh nghiệm truyền giáo của người tín hữu Kitô giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta thấy người Công giáo Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội khi giới thiệu cho đồng bào mình một nền văn hoá với các giá trị mới mẻ của Tin Mừng Chúa Kitô để rồi từ đó thay đổi và làm phát triển xã hội trong mọi lĩnh vực. Đó cũng là yêu cầu của việc hội nhập văn hoá mà ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đi nhắc lại qua từ “văn hoá” (125 lần) và “hội nhập văn hoá” (21 lần) trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3.1. Xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc

Chúng ta có thể nói rằng người tín hữu Kitô đã giới thiệu cho đồng bào mình ở Việt Nam và Hàn Quốc một nền văn hoá mới. Đó là nền văn hoá Công giáo với các giá trị mới về nhân phẩm của con người trong một nền quân chủ chuyên chế độc tài, về bình đẳng nam nữ trong một xã hội chấp nhận chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ, về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi giữa những tôn giáo Đông Phương không biết đến Ngài, về cấu trúc của con người với hồn và xác do Thiên Chúa dựng nên để sống mãi mãi với Chúa thay vì tan rã như vạn vật tự nhiên hoặc thay đổi trong vòng luân hồi của kiếp người, về cách tổ chức làng xóm thành những xứ đạo với luật lệ dựa vào lòng bác ái và khoan dung của Thiên Chúa, về cách tổ chức gia đình cho có tôn ti trật tự nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và tự do, về cách tổ chức đời sống cá nhân để không chiều theo những dục vọng thấp hèn mà vẫn phát triển nhiều khả năng của con người. Tất cả tập trung cho con người trong những mối tương quan cơ bản của mình. Đây là nền văn hoá nhân bản mới.

Những giá trị này lại được thể hiện qua những kỹ năng sống mới phù hợp với khoa học kỹ thuật Tây Phương tạo nên những con người khoẻ mạnh, thông minh, đẹp đẽ, những gia đình an vui, hạnh phúc và những cộng đồng sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù có bị chính quyền lên án và cộng đồng xã hội ghét bỏ vì họ chưa biết hay chưa quen với những giá trị mới mẻ ấy. Tuy nhiên, một khi cảm nghiệm được giá trị của chúng nơi chính bản thân, gia đình và cộng đồng thì nền văn hoá mới này lại thu hút người ta đến nỗi dù biết theo tôn giáo mới là chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, có khi còn mất mạng nữa, nhưng họ vẫn theo đuổi, tuân giữ vì nó thật sự mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Rồi khi đa số dân chúng chọn lựa những giá trị ấy, chúng trở thành nền văn hoá của dân tộc, của quốc gia mà nhiều khi người đời sau không còn nhớ đến cội nguồn của chúng nữa.

Đó là trường hợp của nền văn hoá Việt Nam với những giá trị mới mẻ nhận được từ đạo Công giáo. Sự chọn lựa của người dân Việt đối với đạo Công giáo ở miền Nam Việt Nam là một thí dụ điển hình. Từ giữa thế kỷ XVII, nhiều người ở miền Trung và miền Nam đã biết đến đạo Công giáo. Đến giữa thế kỷ XVIII đã có nhiều tín hữu Công giáo, trong đó có cả ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) nhưng chính đoàn quân Tây Sơn lại có những hành động cướp bóc, giết hại đối với dân chúng và bách hại cả người Công giáo (x. HĐGMVN, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 212; Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968).

Người dân Việt đón nhận những giá trị của nền văn hoá thể hiện qua cách sống đạo của tín hữu Công giáo, qua thứ chữ viết mới lạ mà ta gọi là chữ Quốc Ngữ, nhanh chóng đến không ai ngờ vì ngay từ năm 1865, miền Nam đã có tờ báo tiếng Việt đầu tiên, trong khi triều đình Huế vẫn coi chữ Hán là văn tự chính thức cho đến đầu thế kỷ XX. Từ miền Nam, chữ Việt lại lan dần ra miền Trung và miền Bắc. Chính sự đón nhận những giá trị mới này đã là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên sự thù ghét của các nho sĩ, khơi dậy phong trào Văn Thân chống Pháp và giết hại người Công giáo sau này.

Như thế, đạo Công giáo được người dân Việt tiếp nhận và chọn lựa với tất cả ý thức về giá trị chứ không phải vì lòng thiện cảm hay thù hận đối với người này hay kẻ khác.

3.2. Tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc truyền giáo

Từ những thí dụ trên đây, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của văn hoá và việc đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc. Chúng ta đã biết văn hoá là tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động (Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO). Hơn nữa, Công đồng Vatincan II còn xác định một cách rộng rãi hơn: văn hoá là phương cách đặc thù mà mỗi người, mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có được một cuộc sống nhân đạo trọn vẹn (x. CĐ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 53). Còn việc hội nhập văn hoá chính là nỗ lực của Kitô hữu muốn đưa Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô thâm nhập vào trong mọi lĩnh vực xã hội để làm cho xã hội ấy tốt đẹp hơn theo đúng ý Thiên Chúa.

Trong lĩnh vực truyền giáo, trước hết, nội dung Tin Mừng là Lời Thiên Chúa đã hoà nhập vào thế giới này, trở thành một con người cụ thể là Đức Giêsu Nazareth, đón nhận nền văn hoá Do Thái. Người là gương mẫu cho tất cả những ai muốn loan báo Tin Mừng cần phải biết quên mình để hoà nhập. Tin Mừng cũng là những lời giảng dạy của Đức Giêsu trong Tân Ước được biên soạn và viết bằng chữ Hy Lạp, với ảnh hưởng của văn hoá Hy-La thời đó nên cần được hiểu đúng và giải thích rõ ràng cho người nghe. Tiếp theo, người rao giảng Tin Mừng cũng có sẵn một nền văn hoá diễn tả trong cách sống của mình. Nếp sống này phải phù hợp với Tin Mừng thì mới thu hút được người khác theo Đức Kitô. Cuối cùng, người nghe Tin Mừng cũng đang có sẵn một nền văn hoá bản địa cần thay đổi để phù hợp với Tin Mừng.

Người Công giáo Việt Nam sau khi giới thiệu những giá trị của nền văn hoá mới cho dân tộc và được đồng bào đón nhận trong những giai đoạn đầu của công cuộc truyền giáo thì dường như đã ngủ quên trong chiến thắng và bỏ mất vai trò tiên phong của mình trong việc xây dựng nền văn hoá mới cho dân tộc. Trước đây, người tín hữu không có nhà thờ, xứ đạo, trường học hay cơ sở xã hội thì họ diễn tả các giá trị mới này bằng chính đời sống của mình. Ngày nay, họ lại quá tập trung sức lực cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cho những nghi lễ phụng tự hoành tráng, những giờ kinh cầu nguyện công khai dường như chỉ dành cho Thiên Chúa mà quên mất con người, ngoại trừ một vài dịp đóng góp cho việc từ thiện. Người ngoài Kitô giáo nhận thấy rằng theo đạo Kitô thì đời sống thường ngày cũng chẳng thay đổi bao nhiêu mà còn thêm những ràng buộc về lễ lạy, đóng góp tốn phí!

Trước đây, người Công giáo nào cũng chăm chỉ học hành để phổ biến chữ Quốc Ngữ với những bài thơ, bài văn, những tuồng kịch, câu đố, câu hò… Nhưng khi chữ Quốc Ngữ đã được dân tộc đón nhận thì dường như người tín hữu Công giáo Việt Nam lại không còn hứng thú để học hành, sáng tác. Hoạ hiếm lắm mới tìm thấy được nhà thơ, nhà văn Công giáo có tầm cỡ như Hàn Mạc Tử. Nhiều cuốn sách Công giáo còn viết sai chính tả. Các sách triết học, thần học dành cho người Công giáo thật là khan hiếm và sử dụng những từ chuyên môn thật khó hiểu đối với dân chúng.

Đến những vùng hay xứ đạo có nhiều người Công giáo sống tập trung, người ta cũng không tìm ra những nét đặc biệt của nếp sống Công giáo, buôn bán thì cũng nói thách, nói dối, với đủ loại hàng giả hàng thật lẫn lộn nhau, gia đình thì cũng xào xáo, chửi rủa, đánh lộn, ly thân, ly hôn như các người không Công giáo. Thanh niên nam nữ cũng chưa chứng tỏ một nếp sống văn hoá Công giáo để ăn nói nhã nhặn, thanh lịch, khoẻ mạnh với những bài tập thể dục, những trò chơi thể thao, những thái độ dấn thân hy sinh vì đại nghĩa như đã từng có trước đây. Người Công giáo với lịch sử 2000 năm đã có rất nhiều những suy tư nhận thức nhưng lại chưa biến chúng thành những kỹ năng sống cụ thể.

Hậu quả là số người tin vào Đức Kitô không còn gia tăng nhanh chóng như trong thời buổi đầu của thời kỳ mở đạo. Tại một số nước trên thế giới, số tín hữu Công giáo còn giảm sút. Có thể là vì những Kitô hữu này đã bỏ mất những ân huệ Thánh Thần mà Đức Kitô vẫn trao ban cho tất cả những ai tin vào Người. Chính vì thế mà Giáo Hội toàn cầu đang mời gọi tín hữu Công giáo trở về với Đức Kitô để học lại bài học loan báo Tin Mừng của mình và xây dựng một nền nhân bản thật sự mới mẻ và toàn diện cho con người mà chúng tôi sẽ giới thiệu nơi bài nghiên cứu khác.

3.3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản

Muốn cho công cuộc truyền giáo có hiệu quả nhanh chóng và lớn lao như ở Việt Nam thời trước và Hàn Quốc gần đây, chúng ta phải quan tâm xây dựng những giá trị mới mẻ để tạo nên một nếp sống văn hoá Công giáo vừa phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô lại vừa đáp ứng với những nhu cầu của con người thời nay.

Đây là công việc lớn lao đòi hỏi sự cộng tác mật thiết của các nhà thần học, triết gia, các nhà văn hoá, giáo dục cũng như các nhà chuyên môn khác. Các nhà văn hoá giới thiệu bản sắc của nền văn hoá dân tộc mà chúng ta có thể tìm thấy một số nét khái quát trong những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn như Trần Ngọc Thêm (x. Tìm về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP.Hồ Chí Minh, xuất bản lần 4, 2004), Toan Ánh (x. Bộ Nếp Cũ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992), Lê Văn Chưởng (x. Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM, 1999), Cao Xuân Hạo (x. Chữ Việt, Văn Việt, Người Việt, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001), Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Hứa, Nguyễn Quang Vinh (x. Văn hoá Dân gian người Việt ở Nam bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992)…

Những đặc điểm trong văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức đời sống cá nhân và tập thể, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá giáo dục thẩm mỹ sẽ được các nhà thần học, triết học và văn hoá Công giáo tìm ra những điểm tốt đẹp phù hợp với Tin Mừng để có thể hội nhập với nền nhân bản Kitô giáo, cũng như tìm ra những điểm yếu kém cần bổ sung hay sai trái hoặc đi ngược với Tin Mừng để loại trừ. Điểm quan trọng là các nhà giáo dục cần phối hợp với các nhà văn hoá và thần học để biến những suy tư, nhận thức thành những bài học cụ thể và áp dụng vào đời sống Kitô hữu. Những bài học này trở thành những kỹ năng sống để chuyển giao cho những thế hệ tiếp theo.

Nếu nếp sống văn hoá Công giáo thời xưa giới thiệu Thiên Chúa như Người Cha Tối Cao (Thượng phụ) so với vua chúa là người cha ở giữa (Trung phụ) và người cha trong gia đình ở bậc dưới (Hạ phụ) trong nhận thức “Tam Phụ” của linh mục Đắc Lộ trong Phép giảng Tám ngày để bảo vệ nhân phẩm trong xã hội theo quân chủ chuyên chế độc tài, thì trong xã hội dân chủ ngày nay lại cần phải tìm ra một hình ảnh người cha khác gần gũi hơn, thiết thực hơn. Nếu quan niệm của người xưa về các mối quan hệ với trời, với đất, với người (Tam tài: thiên-địa-nhân) còn yếu kém và thiếu sót, nền văn hoá Công giáo cần phải giới thiệu cho con người thời nay một cái nhìn đầy đủ hơn. Trời không còn là một năng lực mơ hồ nhưng là một ngôi vị thật sự, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Còn người không phải chỉ là anh em ở khắp năm châu mà còn là những con người có mặt trong vũ trụ; và đất, hay vạn vật, không phải là những thụ tạo vô tri vô giác nhưng là những đứa em bé nhỏ được Người Cha Tạo Hoá giao cho con người săn sóc, quản lý, yêu thương. Có thái độ như thế, người ta mới có thể nói cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều như Đức Giêsu đã làm thuở trước và nhiều vị thánh nhân vẫn còn thực hiện thời nay.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta sẽ phải chọn nền văn hoá nào. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc trong nền văn hoá của mình. Các dân tộc làm nông nghiệp lúa nước như ở vùng Đông Nam Á chúng ta có đặc điểm “trọng văn, trọng đức, trọng tình, trọng nghĩa, trọng nữ”, trong khi nền văn hoá kỹ thuật Tây Phương của các dân tộc du mục thời xưa lại có những đặc điểm “trọng võ, trọng tài, trọng lý, trọng vật, trọng nam”. Nền văn hoá Công giáo mà chúng ta muốn xây dựng cho người Công giáo Việt Nam, và qua đó cho dân tộc Việt Nam, là một nền văn hoá nhân bản toàn diện với các mối tương quan đầy đủ của con người mà Giáo hội Công giáo đã giới thiệu qua Công đồng Vatican II (1962-1965) và Học thuyết Xã hội của mình (2004) để người Công giáo trở thành những con người văn võ cao siêu, lý tình hoà hợp, tài đức vẹn toàn. Đó không phải là một lý tưởng xa vời, tự mãn của người Công giáo nhưng là một mục tiêu phải tiến tới để trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, con người hoàn hảo, mà Người Cha Tạo Hoá muốn cho tất cả con cái mình đạt được khi ban Con Một của Ngài cho chúng ta (x. Ga 3,16-17).

KẾT LUẬN

Khi trình bày công cuộc truyền giáo và hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc trong một vài thời điểm lịch sử, chúng tôi chỉ muốn nêu lên tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc loan báo Tin Mừng để mời gọi mỗi tín hữu Việt Nam cùng tham gia xây dựng nền văn hoá mới. Nếu người tín hữu Kitô giáo Hàn Quốc đã có thể biến đổi nhanh chóng đất nước chậm tiến, nghèo nàn của mình trở thành một nước phát triển, có nền kinh tế giàu mạnh, nhờ sự góp phần lớn lao của nền văn hoá Công giáo, thì người tín hữu Việt Nam có quyền hy vọng mình cũng có thể làm cho đất nước Việt Nam phát triển, dân tộc hùng mạnh nếu cùng nhau xây dựng và thể hiện nền văn hoá mới mẻ và toàn diện qua đời sống gắn bó với Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biển Đông nổi sóng: Mỹ làm gì?
Lữ Giang
01:13 18/03/2009
Từ năm 1974 đến nay, kể từ khi Trung Quốc đem tàu chiến chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Biển Đông thỉnh thoảng lại nổi sóng. Đặc biệt, hôm 2.12.2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã thành lập thành phố hành chính cấp huyện có tên là Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Trước đó, trong thời gian từ 16 đến 23.11.2007, Hải Quân Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và khuyến cáo tàu bè qua lại phải tránh xa khu vực này. Từ đó, nhiều cuộc tranh chấp về Biển Đông đã xẩy ra. Đại diện các quốc gia tranh chấp và các chuyên gia quốc tế đã mở nhiều cuộc hội thảo hay hội họp để tìm một giải pháp cho vụ tranh chấp, nhưng không thành vì sự gạt bỏ của Trung Quốc.

CÁC BIẾN CỐ MỚI

Hôm 10.3.2009, bà Gloria Macapagal Arroyo, Tổng thống Philippines, đã ký đạo luật tuyên bố chủ quyền Philippines đối với hơn 7.100 đảo trong vùng biển cạnh Philippines, trong đó có hai đảo Hoàng Nham và Nam Sa (tên Philippines là Kalayaan và bãi Scarborough) vốn được coi là nằm trong quần đảo Trường Sa gần Philippines. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều lên tiếng phản đối đạo luật này và tuyên bố hai đảo Hoàng Nham và Nam Sa là của họ.

1.- Trung Quốc khiêu khích Hoa Kỳ

Trước đó ba ngày, hôm 8.3.2009, chiếc tàu thăm dò không có vũ trang của Hải Quốc Hoa Kỳ đang thực hiện một sứ mạng thường lệ trong hải phận quốc tế, tại một địa điểm nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc lối 120 km về hướng Nam, thì bị 5 tàu Trung Quốc bao vây và khiêu khích. Đây là một hiện tượng đặc biệt đang được dư luận quốc tế theo dõi và bàn luận.

Trong cuộc họp báo hôm 10.3.2009, ông Robert Gibbs, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, tuyên bố các nhà ngoại giao Mỹ đã phản đối hành động của phía Trung Quốc. Ông nói các tàu Hải Quân của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động trong các vùng biển thuộc hải phận quốc tế, và Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế.

Trong khi đó ông Bryan Whitman, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, cho biết các chiếc tàu Trung Quốc đã bao vây tàu Hải Quân của Hoa Kỳ và tiến tới sát tàu Hải Quân Impeccable. Ông nói:

“Đây là một hành động thiếu thận trọng và nguy hiểm, không được chuyên nghiệp. Làm như thế là vi phạm luật pháp quốc tế quy định tàu bè phải tôn trọng các quyền và sự an toàn của các tàu khác đi lại trên biển cả.”

Một thông báo mới nói rằng hai chiếc tàu Trung Quốc đã dừng lại ngay trước mũi chiếc tàu hải quân Mỹ, buộc tàu Impeccable phải khẩn cấp ngưng chạy. Thông báo này nói các thủy thủ trên tàu Hải Quân Mỹ đã dùng vòi nước phun vào một trong những chiếc tàu Trung Quốc. Tàu Impeccable đã lập tức tiếp xúc với tàu Trung Quốc, để yêu cầu phía Trung Quốc mở một lối an toàn cho tàu Mỹ rời khỏi vùng biển này.

Ông Bryan Whitman cho biết Tàu Impeccable là một tàu nghiên cứu, không mang theo vũ khí. Theo Hải Quân Hoa Kỳ thì tàu Impeccable dài 84 mét, rộng 25 mét và phân nửa thủy thủ đoàn là nhân viên dân sự.

Theo ông Whitman, chiếc tàu Impeccable đang thi hành công tác thăm dò đại dương thường lệ trong vùng hải phận quốc tế, tại một địa điểm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 120 kilômét về hướng nam khi các tàu Trung Quốc tiến tới gần với thái độ khiêu khích, một chiếc tàu của Trung Quốc chỉ cách tàu hải quân Mỹ khoảng 8 mét mà thôi.

Ông Whitman nói: "Các tàu này di chuyển đến gần sát tàu của Hoa Kỳ một cách nguy hiểm. Họ thả nhiều thanh gỗ xuống biển, ngay trên đường đi của tàu Impeccable. Họ còn dùng các cây sào dài với ý định làm gãy một hệ thống âm sonar của chiếc Impeccable.” (Đây là một bộ phận của thiết bị sonar để thăm dò hải dương).

Ông Whitman cho biết thêm rằng một số thủy thủ Trung Quốc đã tuột quần xuống để lộ cả đồ lót của họ như để tỏ thái độ khinh miệt, một hành động mà ông Whitman mô tả là thiếu chín chắn. Tuy nhiên, ông khuyến cáo rằng di chuyển gần tàu của Hải Quân Mỹ và cố tình ngăn cản sự đi lại của tàu Impeccable là một vấn đề nghiêm trọng. Ông nói:

“Đây không phải là lần đầu tiên một tàu Trung Quốc đã tiến tới gần tàu của Hoa Kỳ với một thái độ khiêu khích, nhưng tôi nghĩ đây là một trong những hành động có tính khiêu khích nhất mà chúng tôi đã chứng kiến trong một thời gian khá dài.”

Thông cáo chính thức của Hoa Kỳ nói các tàu và máy bay Trung Quốc ngày càng xử sự một cách khiêu khích hơn đối với các tàu của Hải Quân Mỹ những ngày gần đây. Thông cáo đơn cử ba trường hợp, hai trường hợp có liên hệ đến cùng một chiếc tàu của Hoa Kỳ:

Hôm 4.2.2009, một tàu tuần tra của Bộ Hải Sản Trung Quốc đã sử dụng đèn cao áp chiếu thẳng vào tàu thăm dò đại dương USNS Victorious của Mỹ tại Hoàng Hải và một hôm sau đó, máy bay thăm dò hải dương Y-12 của Trung Quốc cũng bay vòng quanh trên đầu tàu Victorious.

Hôm 5.3.2009, một tàu Trung Quốc đã lại gần tàu Impeccable mà không báo trước và lại gần tới khoảng 100m, sau khi máy bay Y-12 của Trung Quốc đã 11 lần bay thấp theo sát chiếc tàu Impeccable của Hải Quân Hoa Kỳ.

Các nguồn tin cho hay Hoa Kỳ quyết định điều tàu chiến có trang bị vũ khí tới hộ tống tàu thăm dò của nước này tại khu vực Biển Đông (Nam Hải), sau khi có sự cố với tàu Trung Quốc hồi cuối tuần.

Một viên chức quốc phòng Mỹ giấu tên được hãng AFP trích lời nói tàu chiến sẽ hộ tống tàu thăm dò trong "thời gian trước mắt". Hoạt động hộ tống này chỉ áp dụng cho vùng Biển Đông.

2.- Trung Quốc phản pháo

Tại một cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 10.3.2009, phát ngôn viên Mã Triêu Húc cực lực bác bỏ cách thuật lại câu chuyện của Mỹ, đã đổ lỗi một cách trực tiếp cho phía Trung Quốc.

Ông Mã nói rằng những lời tuyên bố của Hoa Kỳ trái ngược một cách nghiêm trọng với các sự kiện, gây lẫn lộn trắng đen và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc. Ông ta cho rằng hành động của Mỹ vi phạm Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và nhiều luật khác của Trung Quốc. Nhưng ông không đưa ra chi tiết nào về sự cố và không trả lời các câu hỏi của các phóng viên về luật cụ thể nào đã bị vi phạm.

Tuy nhiên, ba ngày sau Trung Quốc phản ứng một cách mạnh mẽ, cáo buộc ngược lại rằng Hoa Kỳ đã "vi phạm luật lệ quốc tế và Trung Quốc khi vào Nam Hải mà không được phép của Trung Quốc".

Báo chí Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã điều tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất tới khu vực Biển Đông sau “sự cố” với tàu thăm dò của Mỹ hôm Chúa nhật tuần trước. Tàu tuần tra ngư nghiệp này mang số số 311 được điều tới nơi từ hôm 10.3.2009, tức chỉ hai ngày sau khi tàu Trung Quốc đối đầu với tàu thăm dò Impeccable của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của tàu này được nói là "bảo vệ các tàu đánh cá của Trung Quốc quanh các quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), đồng thời thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trong Nam Hải".

Ông Triệu Hưng, Ủy Viên Hội Đồng Cố Vấn Chính trị Trung Quốc và là cựu Phó Tổng Tư Lệnh Hải Quân, đã nói với các nhà báo: "Nếu chúng ta nhượng bộ, không chỉ ranh giới lãnh hải quốc tế mà cả khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của chúng ta bị xâm phạm".

KHÁI NIỆM VỀ BIỂN ĐÔNG

Trước khi trình bày các giải pháp đã được đề nghị để giải quyết các tranh chấp về Biển Đông và chủ trương của Hoa Kỳ, chúng tôi xin nói qua khái niệm về Biển Đông.

Biển Đông là một “bán nội hải” (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt Nam, nên được người Việt gọi là Biển Đông hay Đông Hải. Philippines gọi là Biển Tây hay Tây Hải, vì nó nằm ở phía tây của nước này, còn người Tàu gọi là Nam Hải, vì biển này nằm ở phía Nam Trung Quốc. Nhưng trên bản đồ thế giới, vùng này thường được ghi là “South China Sea”, tức Biển Nam Trung Quốc.

Biển Đông rất rộng lớn, có diện tích được ước tính khoảng 1.091.642 hải lý vuông, bao gồm hai vịnh khá lớn là vịnh Bắc Việt (46.961 hải lý vuông) và vịnh Thái Lan (85.521 hải lý vuông), 90% do các nước sau đây bao vây: Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung Quốc.

Bờ biển của Việt Nam được coi là bờ biển dài nhất trong vùng, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dài đến 2.828 hải lý (tức 3.260km).

Biển Việt Nam, nếu tính cả vùng nội hải, lảnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có diện diện tích trên 1 triệu km2, tức rộng gấp 3 lần diện tích đất liền (330.000km2). Đặc biệt, trên biển này có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, với vô số quyền lợi kinh tế về hải sản, dầu hỏa, khí đốt, khoáng sản, phân bón... Nhưng bảo vệ vùng biển Việt Nam không phải là dễ vì vùng này luôn bị Trung Quốc nhòm ngó. Đại khái, Trung Quốc đã có những hành động sau đây để xâm lấn chủ quyền của Việt Nam:

- Ngày 19.1.1974, dùng hải quân chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa sau khi đánh bại Hải Quân VNCH;

- Ngày 14.3.1988, chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi đánh bại Hải Quân của CSVN.

- Ngày 14.4.1988, tuyên bố sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam.

- Ngày 2.12.2007, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trường Sa nằm ở toạ độ 8,38 độ Bắc và 111,55 độ Đông, đường bờ biển là 926 cây số, với khoảng 100 đảo nhỏ nằm rải rác trên một diện tích gần 410.000 cây số vuông ở giữa Biển Đông, đa số là bãi san hô phủ cứt chim và đá (reefs), rất thấp, hầu hết ở mức 0 m hoặc thấp hơn mực nước biển, chỉ nổi lên khi biển rút. Nơi cao nhất là 4 m. Đảo chính có diện tích nhỏ hơn 5 cây số vuông.

Hòn đảo gần nhất của Trường Sa cách Việt Nam 280 hải lý, Philippines 310 hải lý, Trung Quốc 580 hải lý và Đài Loan 900 hải lý.

Việt Nam đặt Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, Philippines đặt thuộc tỉnh Palawan, Trung Quốc đặt thuộc tỉnh Hải Nam, còn Malaysia đặt thuộc tỉnh Sabah.

Tuy là một quần đảo không lớn, nhưng Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, do đó đã xẩy ra những sự tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần. Nhìn lên bản đồ do “Energy Information Administration” cung cấp, chúng tôi thấy Trung Quốc đang chiếm 10 đảo, Philippines 8 đảo, Malaysia 4 đảo, Việt Nam 21 đảo và Đài Loan 1 đảo. Nhưng các chuyên gia cho rằng vùng Trung Quốc chiếm có nhiều dầu lửa và khí đốt nhất.

GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP

Có ba cách để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, đó là:

- Đưa nội vụ ra trước Toà Án Quốc Tế.

- Dùng họng súng.

- Thay vì tranh chấp về chủ quyền, thương lượng để phân chia quyền khai thác.

Rất nhiều người Việt đòi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice). Nếu chuyện này làm được, chính phủ lưu vong của Tây Tạng đã làm từ lâu rồi.

Muốn đưa một vụ tranh chấp ra trước Tòa Án Quốc Tế, phải hội đủ hai điều kiện sau đây:

(1) Chủ thể đứng đơn kiện phải là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

(2) Hai bên tranh tụng phải đồng ý sẽ thi hành phán quyết của Toà Án Quốc Tế.

Khi có một bên không đồng ý thi hành phán quyết của Toà Án Quốc Tế (như Trung Quốc chẳng han), không thể đưa nội vụ ra trước Toà Án Quốc Tế được.

Vã lại, những tài liệu mà các bên tranh chấp đưa ra để chứng minh chủ quyền của mình cũng chỉ mới được coi là những thông tin (information), rất khó kiểm chứng để được công nhận là bằng chứng (evidence) có thể dùng tranh tụng trước toà án, mặc dầu về phương diện chủ quan, bên nào cũng đang xác tín tài liệu của mình là đúng 100%!

Cách thứ hai đang được Trung Quốc xử dụng. Mao Trạch Đông đã từng nói: "CHÍNH QUYỀN được đẻ từ họng súng.” Nay Hồ Cẩm Đào cũng đang thực hiện một chủ trương tương tự: "CHỦ QUYỀN được đẻ từ họng súng.” ! Trong tác phẩm “Khế Ước Xã Hội” (Du Contrat Social) Jean Jacques Rousseau cũng đồng ý như vậy khi ông nói ràng “kẻ mạnh hơn luôn có lý” (le plus fort a toujours raison). Hoa Kỳ khi mở cuộc tấn công Iraq cũng đã bất chấp quốc tế công pháp và quyết định của Hội Đồng Bảo An.

Cách thứ ba là thay vì tranh chấp về chủ quyền, các bên tránh chấp thương lượng với nhau để phân chia vùng khai thác. Nhưng đây không phải là một chuyện dễ dàng vì hiện nay Trung Quốc đã kiểm soát tới 75% Biển Đông. Vì thế, các chuyên gia đã khuyến cáo nên tiến từ từ từng buớc.

1.- Xác định rõ các nguyên tắc căn bản của Luật Biển cần được tôn trọng

Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nation Convention on the Law of the Sea) ngày 10.12.1982, cần xác định rõ các nguyên tắc căn bản sau đây:

(1) Những đảo nằm dưới mức thủy triều cao không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, quy chế vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay quy chế thềm lục địa ra tới 350 hải lý.

(2) Những đảo nằm trên mức thủy triều cao chỉ được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý nhưng không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay quy chế thềm lục địa ra tới 350 hải lý.

Trong vụ các tàu của Trung Quốc khiêu khích tàu Impeccable của Hoa Kỳ cho thấy rằng Trung Quốc quan niệm vùng đặc quyền kinh tế (ra tới 200 hải lý) hay thềm lục địa (ra tới 350 hải lý) là lãnh hải của Trung Quốc chứ không phải là biển quốc tế nên Hoa Kỳ không có quyền xâm phạm. Điều này hoàn toàn trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển như chúng tôi đã trình bày trên.

Luật biển cũ chỉ quy định lãnh hải của mỗi quốc gia là 3 hải lý và không đề cập đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, sau khi gia nhập Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đã phải hủy bỏ Hiệp Ước Thiên Tân về Vịnh Bắc Việt và phân chia lại theo luật mới để có nhiều quyền lợi hơn. Dĩ nhiên là vùng lãnh hải được chia lại theo luật mới sẽ không thể gióng như trước được. Hoa Kỳ đã từ chối phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vì cho rằng việc gia nhập Công Ước này sẽ gây khó khăn cho Hoa Kỳ.

Ngoài việc xác định các nguyên tắc pháp lý căn bản nói trên, ngày 4.11.2002, các nước ASEAN đã cùng Trung Quốc ký kết một bản tuyên bố về hành vi của các bên ở Biển Nam Trung Quốc, gồm những điểm chính sau đây:

(1) Tái cam kết tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hợp Quốc và Công Uớc LHQ về Luật Biển năm 1982;

(2) Tránh những hành động cư trú ở những đảo, đá, bãi cát, đảo thấp;

(3) Cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hoà bình, và

(4) Tôn trọng quyền tự do giao thông và bay trên Biển Nam Trung Quốc.

Cam kết thì cam kết vậy, nhưng Trung Quốc vẫn dùng sức mạnh để khống chế Biển Đông, kể cả đối với Hoa Kỳ.

2.- Các nước nhỏ tranh chấp về Biển Đông phải ngồi lại với nhau để đối phó với Trung Quốc

Các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines phải tạm thời ngưng đưa ra những quyết định bất lợi cho nhau, kể cả những tranh chấp về chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý chung quanh mỗi đảo mà mỗi nước đang chiếm.

Hiện nay, nhiều tổ chức và chuyên gia đã mở các cuộc hội thảo hay hội họp để tìm một giải pháp cho Biển Đông. Họ đã đưa ra những đề nghị khác nhau về việc phân chia các vùng khai thác kinh tế dành cho mỗi nước. Họ khuyến cáo các nước nhỏ cần đi tới thỏa thuận về một giải pháp chung. Nhưng các chuyên gia cho rằng các nước nói trên, kể cả khối ASEAN, không đủ mạnh để nói chuyện với Trung Quốc. Vậy cần phải liên kết với một số nước lớn có liên hệ về quyền lợi ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản hay Úc chẳng hạn.

Tiến sĩ Toshi Yoshihara, nhà nghiên cứu về chiến lược chính trị Trung Quốc tại trường Đại Học Hải Chiến (Naval War College) Rhodes Island, Hoa Kỳ, đã nhận định: “Tìm sự trợ giúp của bên thứ ba để đối chọi Trung Quốc là phương cách duy nhất cho các nước dính líu vào vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.”

Phóng viên đài BBC lại hỏI: Có những người ở Việt Nam chê trách chính phủ đã không dám lớn tiếng với Trung Quốc. Lại cũng có ý kiến cho rằng Hà Nội chẳng thể làm gì hơn vì Trung Quốc quá mạnh. Theo ông, chiến lược của một nước nhỏ nên là thế nào trong vấn đề này? Tiến sĩ Toshi Yoshihara nói:

“Tôi nghĩ nếu các nước nhỏ có khả năng chống lại Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ làm, hoặc bằng động thái ngoại giao cứng hơn hoặc phô trương sức mạnh quân sự. Việt Nam, Philippines, Brunei, là những nước không đủ lực lượng để chứng tỏ quyết tâm trước Trung Quốc. Cách duy nhất là dựa vào bên thứ ba. Bên thứ ba nổi bật nhất, chắc chắn, là Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc phần nào đó là Ấn Độ...”

CHỦ TRƯƠNG CỦA HOA KỲ

Khi biến cố xẩy ra giữa tàu Trung Quốc với tàu Impeccable của Hoa Kỳ, phóng viên BBC Kevin Connolly tại Washington, nhận định rằng có thể Trung Quốc đang muốn thử thái độ của tân chính phủ Mỹ, giống như đã từng làm ngay sau khi George W. Bush lên nhận chức năm 2001. Nhưng giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia nói:

"Vào thời điểm này tôi không nghĩ việc xảy ra là nhằm thử thách chính quyền Obama. Ngoại Trưởng Clinton vừa đi thăm Bắc Kinh, Tổng Thống Obama và người đồng nhiệm Trung Quốc cũng đang có kế hoạch gặp nhau vào tháng tới."

Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang hiện đại hoá Hải Quân để có thể mở rộng các vùng trên biển mà Trung Quốc có quyền lợi, nên đã tạo ra biến cố này để thử xem phản ứng của Hoa Kỳ.

Trước đây và trong hiện tại, Washington chỉ muốn giới hạn phản ứng của mình trong việc đòi hỏi phải phải bảo đảm an toàn cho việc xử dụng biển quốc tế mà thôi, chứ không muốn can thiệp vào sự tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Sau vụ tàu Impeccable, ông Stewart Upton, phát ngôn cho quân đội Mỹ nói: "Hành động thiếu tính chuyên nghiệp của tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế về quyền và an toàn của các bên khác trong sử dụng vùng biển quốc tế".

Chúng ta nhớ lại, hôm 10.5.1995, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở Nam Hải không phù hợp với Luật Biển.”

Sau đó, một tài liệu nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết:

“Mỹ không có quan điểm đúng sai pháp lý về các tuyên bố chủ quyền. Lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì đường thông thương nối liền Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Ấn Độ Dương, đòi hỏi chúng ta chống lại các xác lập chủ quyền vượt khỏi điều mà Công Ứớc Luật Biển cho phép.”

Hôm 16.6.1995, ông Joseph Nye, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về An Ninh Quốc Tế đã nói trong một cuộc họp báo tại Tokyo: “Nếu hành động quân sự xảy ra ở quần đảo Trường Sa và ngăn cản tự do đi lại trên biển cả, chúng tôi sẵn sàng hộ tống và bảo đảm rằng thông thương tiếp tục.”

Với những lời tuyên bố nói trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ xác định không can thiệp vào vấn đề tranh chấp về chủ quyền đối với các hải đảo trên Biễn Đông. Hoa Kỳ chỉ quan tâm và can thiệp khi có “sự ngăn cản tự do đi lại trên biển cả” trái với Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.

Như vậy không thể dựa vào Hoa Kỳ để thúc buộc Trung Quốc chấp nhận một giải pháp công bằng cho Biển Đông.

(Ngày 17.3.2009)
 
Vận động giết người !!!
An Mai
03:06 18/03/2009
VẬN ĐỘNG GIẾT NGƯỜI !!!

Trên con đường Nguyễn Văn Tạo thuộc huyện Nhà Bè thành phố Hồ Chí Minh, ai đi qua đó sẽ thấy một cái băng-rôn thật to: Thực hiện kế hoạch hoá gia đình là góp phần phát triển đất nước !

Nhìn vào một đất nước nghèo, một đất nước chậm phát triển thì giúp đất nước phát triển không phải là thao thức của riêng một ai nhưng đó là thao thức của tất cả mọi người trong xã hội. Đã là công dân của đất nước, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt trình độ, không phân biệt giai cấp thì đều biết rằng cái chuyện đất nước phát triển là nhiệm vụ của mỗi một người. Chuyện cầu mong cho đất nước phát triển, cơm no ấm áo đó là nguyện ước hết sức chính đáng và hợp lý của con người nhưng để đạt được cái mục đích phát triển đất nước tốt đó ta phải xem lại cái phương tiện để đạt được cái mục đích ấy như thế nào ?

Làm giàu ! Là lẽ dĩ nhiên của mọi người, ai ai cũng muốn mình được giàu có, được nở mặt nở mày để nhìn người, nhìn đời nhưng làm giàu bằng cách nào ? Ai ai cũng biết là làm giàu không phải là làm bất cứ cái gì cũng được. Ví dụ như muốn làm giàu bằng cách ăn cướp hay buôn bán ma tuý là vi phạm pháp luật. Thử hỏi những ai trộm cướp và buôn bán ma tuý thì sẽ bị gì ? Sẽ bị pháp luật trừng trị ngay. Bên cạnh toà án pháp luật còn đạo lý của con người cũng như còn tiếng nói của lương tâm sẽ xét xử con người về hành vi của mình.

Lương tâm thì ai ai cũng có cả nhưng lương tâm ấy cần được huấn luyện, cần được dạy dỗ, cần được vun đắp và phát triển như tri thức của con người vậy. Tri thức thì ai ai cũng có nhưng có nhiều hay ít hay khôn có là tuỳ thuộc mọi người. Đơn giản như chữ viết, nếu muốn thì phải học, phải tập để biết đọc biết viết. Lương tâm cũng cần được đào luyện nếu không lương tâm sẽ bị sai lệch và đôi khi trở thành chai cứng.

Kế hoạch hoá gia đình ! Ai ai cũng biết đó là hạn chế, là điều hoà lại về việc sinh sản để giảm bớt dân số. Đành biết rằng đất nước ta còn nghèo, đất nước ta tuy chật mà người đông. Và vì vậy, chủ trương chung của đất nước giảm dân số là điều cần thiết để góp phần phát triển đất nước nhưng không khéo ta sẽ thực hiện chủ trương đó một cách sai lầm.

Kế hoạch hoá gia đình trước hết là phải nâng cao dân trí, trình độ nhận thức của người dân chứ không phải là kêu gọi người ta sinh sản có kế hoạch. Dù cho thực hiện đúng lời kêu gọi kế hoạch hoá gia đình đi chăng nữa mà không nâng cao trình độ dân trí thì mãi mãi vẫn nằm trong các nước chậm phát triển. Bên cạnh việc nâng cao trình độ ấy việc cần thiết phải nâng cao nữa đó là luân thường đạo lý của con người.

Điều nghịch lý và buồn cười đó là dân thành thị do có ý thức kèm theo tri thức nên tỷ lệ sinh ở thành thị thấp nhiều so với nông thôn. Ở nông thôn, do nhận thức không bằng thành thị nên rồi người ta vô tư sinh sản. Vấn đề ở đây là giáo dục tri thức chứ không phải là nêu cao khẩu hiệu. Bằng chứng là khẩu hiệu có to đấy, băng-rôn có to đấy nhưng mà kết quả chẳng là bao.

Không phải là ít khi một cô gái 18 tuổi đi đăng ký kết hôn với anh chàng 24 tuổi mù chữ ! Quen nhau mới có 2 tuần ở Ấp Rạch Lá đã lên Xã An Thới Đông huyện Cần Giờ của mình để đăng ký kết hôn. Những đứa con của đôi vợ chồng này sẽ đi về đâu ắt hẳn ai cũng biết !

Cũng vậy, em gái 17 tuổi ở Ấp An Đông cùng Xã An Thới Đông cũng vội kết hôn với anh chàng làm thuê ao tôm cho vùng Bầu Thơ Hốc Quả. Những cuộc tình này do đâu ?

Những đôi vợ chồng trẻ này không kịp nhận thức mình sẽ nuôi con, mình sẽ sống gia đình như thế nào nên rằng có bao nhiêu lo “kế hoạch” bấy nhiêu. Còn nếu để thì lại thêm gánh nặng cho vùng biển mặn nghèo nay lại nghèo thêm !

Vùng sát nách thành phố thôi mà trình độ dân trí sao mà ngao ngán ! Cách đây chục năm thì học được lớp 2, lớp 3. Nay khá hơn thì được lớp 6, lớp 7. Phần còn lại chỉ là bán lưng cho trời, bán mặt cho đất với vài con cua con tép đắp đổi qua ngày.

Đáng tiếc thay người ta giáo dục con người về nhận thức về giá trị của sinh sản, đạo lý của con người đàng này họ lại hô hoán khẩu hiệu.

Kế hoạch hoá gia đình là gì ? Là một người phụ nữ trong tuổi mang thai phải làm sao kế hoạch chuyện sinh nở của mình. Đồng nghĩa với chuyện tháng nào mà chị em cảm thấy mất đi cái dấu hiệu bình thường thì chị em đến Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em và tìm đến cái phòng “Hút điều hoà kinh nguyệt” để được bảo vệ. Vào đó người ta sẽ hút đi “mầm sống” đang tượng hình trong các chị để tháng sau các chị có cái dấu hiệu bình thường của người phụ nữ.

Không ít người phụ nữ vì đam mê, vì trót dại, vì sợ nặng gánh của gia đình mà đã đặt chân vào cái phòng “Hút điều hoà kinh nguyệt”. Các chị đâu biết rằng các chị vào đấy là các chị đã viết lên một “trang sử hào hùng” của đời các chị là các chị đã giết bỏ một sinh linh, các chị đã can án giết các hài nhi vô tội.

Thực hiện cái gọi là kế hoạch hoá gia đình có khác chi là vận động một chiến dịch giết người một cách hết sức dã man !

Thế đấy ! Đôi khi để đạt được mục đích tốt con người lại đánh mất đi tiếng nói lương tâm, tiếng nói của đạo lý đã dùng phương tiện xấu.

Thử hỏi một con người ít học, một con người kém cõi xem có ai dám can đảm đi giết người để góp phần phát triển đất nước không ? Những sinh linh, những hài nhi vô tội ấy ngày đêm vẫn kêu những tiếng kêu ai oán của những bậc làm cha làm mẹ bất nhân và những người cộng sự vào việc giết cháu một cách vô luân.

Ai can đảm phát triển đất nước bằng việc vận động giết người ?

Có người mẹ nào cam tâm an bình thảnh thơi sống khi giết chính người con yêu dấu của mình chăng ?

Nguyện xin các Thánh Anh Hài, nguyện xin những hài nhi vô tội bị giết oan soi sáng mở lòng mở trí những vị có trách nhiệm để họ sống đúng với lương tâm, họ nêu cao khẩu hiệu đúng với phẩm giá, đúng với đạo lý làm người hơn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (20): Chúa Giêsu
Vũ Văn An
06:14 18/03/2009
Chúa Giê-su

Tên Giê-su (Cựu Ước là ‘Joshua’) có nghĩa là đấng cứu vớt. Vào thời Hê-rô-đê làm vua Giu-đê và toàn bộ xứ sở bị người La Mã đô hộ, thiên thần Gáp-ri-en đã đến với Đức Ma-ri-a tại Na-da-rét. Thiên Chúa đã chọn Đức Mẹ làm mẹ Đấng Được Xức Dầu đã được hứa xưa nay. Hôn phu của Đức Ma-ri-a là Thánh Giu-se, trong một giấc mơ, được truyền phải đặt tên cho con trẻ sắp sinh là Giê-su ‘vì cậu bé sẽ cứu dân của mình khỏi tội lỗi’. Cuộc kiểm kê dân số khiến Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se phải tới Bê-lem nơi Chúa Giê-su sinh ra, trong thành Vua Đa-vít, vốn là tổ tông của Người. Vua Hê-rô-đê sợ trẻ Giê-su này sẽ trở thành vua cạnh tranh với mình, nên tìm cách giết chết đi, nhưng Thiên Chúa đã soi dẫn cha mẹ cậu đưa cậu qua Ai Cập. Sau khi Hê-rô-đê qua đời, các vị mới trở lại quê nhà tức thành Na-da-rét. Tại đây, Chúa Giê-su lớn lên và có lẽ theo nghề thợ mộc của thánh Giu-se.

Lúc 30 tuổi, Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi tay Gio-an Tẩy Giả tại Sông Gio-đan. Người chọn 12 môn đệ làm bạn đồng hành gần gũi để cùng sống và làm việc.Trong ba năm, Chúa Giê-su dạy dỗ người ta và làm nhiều phép lạ, chữa lành đủ mọi chứng bệnh. Hàng đoàn hàng lũ người theo Người. Nhưng các nhà lãnh đạo Do Thái sợ sệt trước uy quyền của Người và nhất là việc Người công khai tuyên bố mình là Con Thiên Chúa. Họ muốn giết Người. Giu-đa, một trong mười hai môn đệ, nhận hối lộ và giúp các kẻ thù của Người bắt giam Người mà không cho dân chúng hay. Binh lính bắt giữ Chúa Giê-su tại Vườn Diệt-si-ma-ni, gần Giê-ru-sa-lem. Người bị xử và bị tòa án Do Thái kết án trước hừng đông. Thống đốc La Mã là Phi-la-tô có nhiệm vụ phải chuẩn y các án tử hình. Ông thấy Chúa Giê-su vô tội, nhưng sợ dân nổi loạn nên không dám thả tự do cho Người. Cho nên Chúa Giê-su đã phải đóng đinh. Người được chôn trong huyệt mộ của Giu-se A-ri-ma-thê, một người bí mật theo Người.

Hừng đông ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su qua đời, một nhóm phụ nữ thấy mồ Người trống trơn. Các thiên thần cho các bà hay Chúa Giê-su đã sống lại. Trong bốn mươi ngày sau đó, các môn đệ của Người và nhiều người khác đã trông thấy Người. Giờ đây, họ biết chắc Người là Con Thiên Chúa. Rồi từ Núi Cây Dầu, Chúa Giê-su đã về Trời. Trong khi các môn đệ còn nhìn lên trời, một thiên thần cho họ hay một ngày kia Chúa Giê-su sẽ trở lại. (xem Mt, Mc, Lc, Ga, Cv 1:1-11).

Lời dạy của Thánh Kinh về Chúa Giê-su có thể tóm tắt trong một số tước hiệu, đã được dùng để mô tả về Người.

Tôi Trung Thiên Chúa: Phúc âm Mát-thêu tặng Chúa Giê-su tước hiệu này, vốn lấy từ Sách tiên tri I-sai-a. Đặc điểm người tôi trung thấp hèn, dịu dàng của Thiên Chúa đã được thể hiện hoàn toàn nơi con người Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su nói rằng Người ‘đến để phục vụ và để hiến mạng sống mình mà cứu chuộc nhiều người’, quả Người đã thực hiện đầy đủ công việc của Người Tôi Trung Thiên Chúa, nghĩa là chịu đau khổ để mang lấy tội lỗi nhân loại, như I-sai-a đã miêu tả. (Xem Mt 12:15-21; Is 42:1-4; 52:13-53; 12 và các đoạn khác; Mc10:45).

Con Vua Đa-vít: Vị thiên thần báo tin Người sẽ sinh ra, đã nói với mẹ Chúa Giê-su rằng Thiên Chúa sẽ làm cho con trai Bà trở thành một vị vua ‘như Đa-vít tổ tiên cậu’. Về phương diện loài người, Chúa Giê-su quả là con cháu dòng dõi Đa-vít. Tước hiệu này cho thấy Chúa Giê-su quả đã làm trọn niềm hy vọng của dân tộc Do Thái. Đây là tước hiệu được dùng để mô tả Chúa Giê-su trong câu đầu phúc âm Mát-thêu, một phúc âm có nhiều đặc tính Do Thái hơn cả các phúc âm kia. Nó cũng chính là tước hiệu được người Do Thái dùng khi họ nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Được Xức Dầu. ‘Chúc tụng Con Vua Đa-vít! Thiên Chúa chúc phúc cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Ngợi khen Chúa!’. (Xem Lc 1:32; Ga 7:42; Mt 1:1; 21:9).

Con Người: Đây là tước hiệu Chúa Giê-su quen dùng hơn cả để chỉ về chính mình, và nó cho ta biết nhiều hơn cả về chính Người. Người mượn kiểu nói này từ Sách Đa-ni-en. Tiên tri này thị kiến thấy một vị ‘giống như người’ nhưng có uy quyền Thiên Chúa đến muôn đời. Đa-ni-en cho hay: ‘Nước Người sẽ không bao giờ cùng’. Thánh kinh dạy rõ ràng rằng Chúa Giê-su là người thực sự. Người đồng hóa mình hoàn toàn với nhân loại. Trong tư cách ‘con người’, Người đến để phục vụ người ta và hiến mạng sống mình mà cứu vớt họ. ‘Con người phải chịu đau khổ… Người sẽ chịu chết, nhưng ba ngày sau, Người sẽ sống lại’. Là con người, Chúa Giê-su sẽ đánh bại tội lỗi và sự chết và sẽ đến lần thứ hai ‘trong uy quyền và vinh quang cao cả’. (Xem Đn 7:13-14; Mc 10:45; 9:21-22; 21:25-28).

Con Thiên Chúa: Lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa tại Sông Gio-đan, một tiếng nói từ trời phán: ‘Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con’. Rồi một lần khác, trên núi cao, khi Người tỏ lộ vinh quang của mình, tiếng từ trời lại phán: ‘Đây là Con Ta đã chọn, hãy nghe lời Người’. Phúc âm Gio-an giải thích ý nghĩa của câu này. Chúa Giê-su là ‘Con Một’ Thiên Chúa. Trọn cuộc sống và mục tiêu của Người là thực hiện công việc của Thiên Chúa. Người cho hay: ‘Cha Ta với Ta là một’. Người hiện hữu với Chúa Cha trước khi vũ trụ được dựng nên. Các vị là một đến muôn đời. Vì Chúa Giê-su có bản tính Thiên Chúa và không vương tội lỗi, nên Người có khả năng trả hết nợ cho tội lỗi của loài người muôn thuở. Và thế là từ nay, ta có ‘Đấng luôn bênh đỡ ta trước Chúa Cha nhân danh ta, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính’. (Xem Mc 1:11; Lc 9:35; Ga 1:14; 10:30; 17; Rm 1:3-4; Dt 1; 1Ga 1-2:2).

Chúa: Trong các phúc âm, Chúa Giê-su thường được xưng là Chúa theo nghĩa ‘ông chủ’ bình thường. Nhưng sau khi Người sống lại, chữ này có một nghĩa mới hẳn. Thánh Tô-ma tuyên xưng “Lạy Chúa và là Thiên Chúa của con’ khi ông được tận mắt thấy Chúa Giê-su phục sinh. Đây là cách người Do Thái hay dùng để chỉ chính Thiên Chúa, và các Ki-tô hữu tiên khởi thường công khai tuyên xưng đức tin của họ bằng câu sau đây “Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa’. Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô trông mong đến ngày Chúa Giê-su tái lâm trong tư cách Chúa, lúc ‘mọi loài trên trời, dưới đất và cả hạ giới đều bái gối và hết thẩy tung hô rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, để vinh danh Thiên Chúa Cha’. (Xem Lc 5:8; Ga 20:28; 1Cr 12:3; Pl 2:6-11).

Giáo Huấn của Chúa Giê-su

Nhiều người ngày nay nghĩ rằng, trong căn bản, giáo huấn của Chúa Giê-su chính là Bài Giảng Trên Núi được tóm gọn trong ‘luật vàng’ này là ‘Hãy làm cho người khác điều các con muốn họ làm cho các con’ (Mt 7:12). Nhưng thực ra, trung tâm sứ điệp của Chúa Giê-su chính là việc Người công bố rằng ‘Nước Thiên Chúa’ đã đến rồi.

Nước Thiên Chúa có nghĩa là việc thống trị của Thiên Chúa đã xuất hiện trong lịch sử con người, sáng thế mới thay thế sáng thế cũ đã bị tội lỗi và tử thần làm hư thối. Đã từ rất lâu, dân Do Thái mong chờ ngày Thiên Chúa đến trong uy quyền để làm vua họ. Người sẽ giải phóng dân Người và phán xử muôn dân. Câu ‘không vua nào khác mà là chính Chúa’ vốn là khẩu hiệu của những người quá khích thuộc phái Nhiệt Thành, những người hy vọng sẽ dùng bạo lực xua đuổi được người La Mã ra khỏi xứ sở của mình. Nhưng nước được Chúa Giê-su công bố và mang đến với Người lại ‘không thuộc thế gian này’. Không thể dùng vũ lực thô bạo mà tạo ra nó được. Thực ra, Nước Thiên Chúa đã đến cùng với Chúa Ki-tô rồi, vì Người là Đấng đầu tiên hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Bởi thế Người mới nói được cho người Biệt Phái biết rằng: ‘Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa các ông’. Nó hiện hữu trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su.

Tuy thế, cũng còn một nghĩa khác, theo đó Nước Thiên Chúa chưa đến. ‘Nước Cha trị đến’, đó là lời Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải cầu xin trong Kinh Lạy Cha. Từ trước đến nay, Nước Thiên Chúa chỉ hoạt động có một phần. Nước ấy sẽ đến trong tương lai với ‘trọn vẹn quyền lực’. Nhưng việc xuất hiện trong tương lai của Nước ấy không hẳn là biến cố vui mừng đối với mọi người. Với những ai tin vào tin mừng của Nước Trời, sẽ có ‘cứu rỗi’, tức sự sống mới. Nhưng với nhiều người khác, Nước Chúa đến chỉ có nghĩa là phán xét.

Chúa Giê-su thường dùng các dụ ngôn để giải thích về Nước Thiên Chúa. Nước ấy đảo ngược mọi giá trị trần gian. Những người khiêm nhường, nghèo khó và khóc than sẽ là những người hạnh phúc. Nước Thiên Chúa là của họ. Người giầu có không thể mua vé vào đó được. Lần đầu tiên trong đời, họ mới thấy của cải của họ trở thành một trở ngại. Kẻ ăn mày được mời vào và họ nhận lời mời của Thiên Chúa, còn người đáng kính thì bị từ khước và bị khóa cửa. Các dụ ngôn của Chúa Giê-su cho thấy Thiên Chúa làm việc trong đời một cách âm thầm, gần như bí mật. Ấy thế nhưng ‘vương quốc’ cứ thế lớn lên và phát triển thêm mãi từ một khởi đầu thật bé nhỏ. Nó giống hạt mù-tạt bé xíu nhưng lại nở thành cây lớn, hay như chất men làm dậy cả một khối bột.

‘Người gieo hạt’ ra đi, làm mọi người mọi nơi biết sứ điệp Thiên Chúa. Phần lớn các ‘hạt’ bị phí phạm. Người ta đóng cửa tâm hồn đối với những điều nghe được. Hoặc nhiều sự việc khác ùa tới làm họ quên khuấy mất chúng. Nhưng một số người biết lắng nghe, và đời họ thay đổi. Hạt lúa đã đem lại mùa gặt. (Xem Ga 18:36; Lc 17:21; Mt 3:2; Mc 1:15; Mt 6:10; Mc 9:1; 14:25; Lc 13:23-30; 14:15-24; Mt 20:1-16; 19:23-24; 13:31-33; Mc 4:3-8).

Ăn năn và Tin: Chúa Giê-su phán “Nước Thiên Chúa đã gần. Hãy từ bỏ tội lỗi và tin vào Tin Mừng’. Người ta phải ‘ăn năn’ nghĩa là thay đổi tâm hồn, nếu muốn tiếp nhận sự thống trị của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Họ phải tin vào tin mừng được Chúa Giê-su mang đến.

Thiên Chúa ban sự sống mới cho bất cứ ai tin, tức những ai biết từ bỏ lối sống cũ để bước chân theo Người. Điều này đáng đổi lấy mọi sự người ta có. Tìm được nó giống như tìm được châu báu dấu ở ngoài đồng, khiến người ta bán mọi sự để mua được thửa đồng kia. Có nghĩa là phải từ bỏ mọi sự ta đang dính bén vì an toàn mà đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa. Cũng có nghĩa là phải ăn năn thống hối tội lỗi ta. Đó không phải là điều tự ta cố gắng mà đạt được. Thiên Chúa thực sự đã đến tìm kẻ tội lỗi. Trong các dụ ngôn con chiên lạc và người con phung phá, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến niềm vui được Thiên Chúa tìm lại. (Xem Mc 1:15; Mt 13:44-46; Lc 15:1-7, 11-32).

Giáo Huấn của Chúa Giê-su về chính Người: Chúa Giê-su biết rằng Người rất gần gũi với Thiên Chúa. Người khuyến khích các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, nhưng Người là Con Thiên Chúa cách hết sức độc đáo. Phúc âm Gio-an đặc biệt trình bầy cho ta khía cạnh đó trong giáo huấn của Chúa Giê-su. Người còn nói: ‘Chúa Cha với Ta là một’. Bởi thế, tin Thiên Chúa cũng có nghĩa là tin Chúa Giê-su. Người gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi người ta có thể cậy trông Người giống như cậy trông Thiên Chúa vậy. Tuy nhiên, Người không bao giờ nói điều gì khiến Người trổi vượt hơn Thiên Chúa. Người là ‘đường’ dẫn tới Thiên Chúa. Người không tự ý làm điều gì cả, nhưng chỉ làm điều Thiên Chúa hướng dẫn Người. Người là ‘bánh’ cho nhân loại mà Chúa Cha đã ban xuống từ trời.

Đường tới ‘sự sống đời đời’, tức chính sự sống của Thiên Chúa, một sự sống con người có thể chia sẻ được, là tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. Mà tin vào Chúa Giê-su cũng là tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Người tới. Đức tin ấy đem con người từ cõi chết tới sự sống. (Xem Ga 10:30; 14:1; 14:6; 5:19-20, 30; 6:32-33; 3:16, 18, 36; 5:24).

Vui mừng: Một nét hân hoan có mặt suốt trong giáo huấn của Chúa Giê-su. Nước Thiên Chúa giải phóng con người và trả tự do để họ sống một cuộc sống trọn vẹn. Ngay khi các môn đệ ăn chay, Chúa Giê-su cũng bảo họ phải sống như đang có hội hè, phải bôi dầu thơm, chứ không được rầu rĩ như phần đông người ta thường làm. Đối với người Do Thái thời Chúa Giê-su, ăn ngay ở lành và giữ luật Thiên Chúa quả là một việc ảm đạm. Bởi thế, các lãnh tụ tôn giáo thời đó thường càu nhàu mỗi khi thấy Chúa Giê-su vui chơi ăn uống, và hết sức nổi giận khi Người được dân chúng vui mừng tung hô tại Giê-ru-sa-lem. Họ giống như người con cả trong dụ ngôn người con trai phung phá. Hãy nghe người cha nói với anh ta: ‘ta phải tiệc tùng và vui chơi ăn uống, vì em con đã chết nhưng nay đã sống lại; em con đã mất, nhưng nay đã được tìm lại’. Chính Thiên Chúa cũng hết sức vui mừng khi một người quay đầu trở lại với Người, khi ‘kẻ có tội ăn năn thống hối’. (Xem Ga 10:10; Mt 6:16-18; 11:19; 21:15; Lc 15:11-32).

Các Mối Phúc: Chúa Giê-su công bố các mối phúc cho người ‘khiêm nhường’, nghĩa là người nhận ra rằng về mặt tâm linh, họ rất ‘nghèo hèn’. Thực vậy, tất cả những người được Các Mối Phúc nhắc đến thẩy đều ‘nghèo hèn’ hoặc ‘khiêm nhường’ cách này cách khác. Họ là những người được Thiên Chúa công bố là hạnh phúc. Họ sẽ nhận được điều Thiên Chúa hứa hẹn. Nước Người thuộc về họ. Họ không có gì ở trên đời, nhưng họ có thể chờ mong mọi sự nơi Chúa.

Những người ‘đói khát công chính’, ‘ý muốn lớn nhất của họ là làm điều Thiên Chúa đòi hỏi’ đã lấy Thiên Chúa làm tâm điểm đời họ. Họ biết họ không thể sống mà không có Người. Kẻ ‘thương xót người’là kẻ biết cư xử với người khác giống như cách Chúa cư xử với họ vậy. Người hoạt động cho hòa bình không có quyền lực trần gian. Họ lệ thuộc vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu sẽ biến hai kẻ thù địch thành bạn bè. Kẻ bị bách hại là kẻ bị săn đuổi ra khỏi thế giới con người. ‘Nước’ Thiên Chúa thuộc về những người như trên. Họ là những người Thiên Chúa sẽ trọng thưởng. Chúa Giê-su khen ngợi họ. Và do đó, Các Mối Phúc đã đảo ngược ý niệm ‘hạnh phúc’ của trần gian. Chúng cũng thiết lập ra một tiêu chuẩn. Chúng biểu tượng cho một thách thức, một lệnh truyền mà Nước Thiên Chúa đã đặt để trên Dân Chúa. (Xem Mt 5:1-12; Lc 6:20-26).

Các Môn Đệ Chúa Giê-su: Làm ‘môn đệ’ hay học trò Chúa Giê-su là một đặc ân lớn lao. Khác với các bậc thầy khác, Chúa Giê-su không đặt gánh quá nặng lên các kẻ bước chân theo Người. Chúa phán: ‘Ách ta trao cho các con rất êm ái và gánh ta đặt lên các con rất nhẹ nhàng’. Tuy nhiên, Người cũng dạy ‘cửa sự sống thì hẹp và đường dẫn tới đó nhiều chông gai’. Các môn đệ của Người phải giống như Thầy mình, luôn đặt mình và quyền lợi mình sau chót. Ngay các liên hệ gia đình cũng không được làm trở ngại niềm vâng phục trọn vẹn đối với Người.

Chúa Giê-su cho các môn đệ hay họ sẽ chịu bách hại. Nhưng đừng xao xuyến. Thiên Chúa sẽ ban cho họ lời nói cần thiết khi bị xử án. Người kêu gọi họ sống cuộc sống phục vụ người khác, nhưng chính Người lại coi họ là bằng hữu. Họ chia sẻ tâm tư tình cảm của Người, cũng như các đau khổ của Người. Nhưng họ cũng chia sẻ cuộc sống, niềm vui và cả vinh quang trong tương lai của Người nữa. (Xem Mt 13:16-17; 11:30; 7:13-14; Mc 8:34; Lc 9:57-62; Mt 10:16-25; Ga 13:4-17; 14:17).

Thiên Chúa và việc thờ phượng: Chúa Giê-su nói đến Thiên Chúa như ‘Cha’ một cách mới mẻ và thân thiết hơn bất cứ ai trước Người. Người dạy một cách đặc biệt rằng Thiên Chúa là Cha riêng của Người. Nhưng Người cũng dạy các môn đệ cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Người dạy họ đến với Thiên Chúa như những đứa con đến với Cha đầy yêu thương, tha thứ và khôn ngoan. Người ban cho họ ‘quyền trở nên con cái Thiên Chúa’.

Giáo huấn này rất mới và cách mạng đối với nhiều người. Bởi vì đối với nhiều người, ‘tôn giáo’ vốn là một hệ thống nặng nề gồm các luật lệ và nghi lễ. Chúa Giê-su cho thấy căn bản của tôn giáo là liên hệ yêu thương với chính Thiên Chúa. Thiên Chúa, trong tư cách Cha, quan tâm đến mọi chi tiết của cuộc sống. Người chăm sóc ta. Điều ấy thay đổi thái độ người ta đối với việc cầu nguyện.

Điều Chúa Giê-su nói mang lại nhiều kết quả thay đổi lớn trong tương lai. Khi người đàn bà bên giếng hỏi người ta phải thờ phượng Thiên Chúa ở đâu, Chúa Giê-su trả lời rằng: ‘sẽ đến lúc người ta không còn thờ phượng Chúa Cha trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem nữa…nhờ quyền lực Thần Linh Thiên Chúa, họ sẽ thờ phượng Chúa Cha trong yếu tính của Người, dâng lên Người sự thờ phượng chính Người muốn’. Trong Sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy điều ấy đã bắt đầu xẩy ra, khi ‘tin mừng’ được rao giảng cho cả người Do Thái lẫn người không phải là Do Thái. Chính Chúa Giê-su thường hay lui tới hội đường địa phương và tham dự các ngày lễ tại Giê-ru-sa-lem. Người không lập ra một hệ thống nghi lễ mới nào. Người mong các kẻ theo chân noi gương Người trong việc hội họp nhau để học hỏi Thánh Kinh, cầu nguyện và ăn chay. Và Người truyền lệnh cho họ rửa tội các tín hữu mới và tưởng nhớ cái chết của Người vì họ bằng cách chia sẻ với nhau bánh và rượu, như Người đã từng làm với các môn đệ của Người trong bữa ăn cuối cùng. (Xem Mt 6:6-18, 31-32; 7:7-11; Ga 1:12-13; Mt 9:14-17; Ga 4:19-24; Mt 28:19; 1Cr 11:23-25).
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Sợ Vợ
Trà Lũ
16:11 18/03/2009
Chuyện phiếm: SỢ VỢ

Tuần qua chúng tôi họp làng ở nhà ông H.O., vui vẻ quá sức. Trong phòng ăn ông treo hai bức thư pháp rất đẹp. Mỗi bức viết một câu ca dao. Nét chữ bay bướm. Nền đỏ, chữ vàng kim nhũ.

Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm.


Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.


Lúc đó anh John và Chị Ba Biên Hòa chưa tới nên ông nói nhỏ: Trời cho chúng tôi được 2 đưá con, tôi muốn hai cháu lập gia đình với người Việt Nam. Ta phải giữ lấy giống. Tuy đây là quan niệm bảo thủ nhưng thà mang tiếng bảo thủ còn hơn để dòng họ mình bị pha giống hay mất giống. Nhân chuyện Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa, trong bữa ăn tôi thường pha trò bảo các con: Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp của VN, các con chớ có rước kẻ thù về nhà này. Nghe xong, chúng không dám cãi, nhưng chúng cũng vừa cười vừa đáp lễ: “ Bố racist ! Canada là nước cấm kỳ thị chủng tộc ”. Chúng nói có lý nhưng tôi vẫn nghĩ trong bụng: thà rằng mình nói rõ lập trường trước còn hơn là im lặng. Hy vọng hai bức thư pháp này chúng thấy hằng ngày sẽ làm chúng suy nghĩ khi quyết định chọn người yêu.

Nghe xong, ông ODP phát biểu: Mình ao ước là một chuyện, chúng có nghe hay không lại là chưyện khác, phải không các bác.

Ông H.O. đáp ngay: Thưa ông ODP, rất phải ạ. Xứ này là xứ tự do mà. Xin tổ tiên phù hộ chúng con ! Chúng con không muốn lai giống, nhất là giống của kẻ thù phương Bắc !

Bữa nay, làng tôi được nhậu một món VN cổ truyền, ngon hết ý. Các cụ có đoán ra món gì không ? Thưa đó là món thịt heo nấu giả cầy. Tôi phục mấy bà trong làng tôi qúa. Cụ B.95 là vị lãnh đạo tài ba bữa nay. Chân giò heo đem về cụ đem nướng trên lửa hồng cho vàng, rồi ngâm nước, rồi cạo sạch, rồi chà với chanh cho hết mùi khét, rồi ướp với riềng, mắm tôm, đường, me chua, rồi xào cho thơm, rồi thêm nước luộc xương heo đã làm từ trước. Khi nồi thịt đã sột sệt thì cụ cho rượu vang vào, chờ cho sôi là cụ bắt ra ngay. Món này xơi nóng, với bún. Nếu cụ ăn được ớt, xin cụ thỉnh thoảng cắn một chút ớt cay, và nhấp một chút whisky hay vodka. Ngon vô cùng ! Xin tạ ơn tổ tiên đã nghĩ ra được món ngon tuyệt trần này.

Biết tôi vừa đi California ra mắt sách, dân làng xúm vào bắt tôi kể chuyện. Đất Cali là đất tôi có biết bao nhiêu bạn bè và độc giả, tôi có biết bao nhiêu là chuyện, biết kể chuyện gì bây giờ. Lần này đi Cali để ra mắt hai cuốn ‘Miền Đất An Lạc’ và ‘500 Chuyện Cười’, tôi xuất hành đúng hướng của thần tài. Mấy thùng sách đem theo, vèo một cái là hết. Còn bao nhiêu người muốn mua.Tôi đành xin khất, sẽ gửi sách sau qua cơ quan bảo trợ. Các cụ có biết cơ quan nào bảo trợ cho tôi không ? Thưa đó là Đài Little Saigon Radio, Tuần san Việt Tide và Hồn Việt TV. Bạn bè bảo tôi có số đẻ bọc điều, luôn được thánh nhân phù trợ. Quả đúng như vậy. Mỗi lần có sách mới là mỗi lần tôi được cơ quan truyền thông uy tín này đỡ đầu. Đây là lần thứ bốn nha, các cụ ơi, kinh chưa. Ông thày tử vi và ông thày phong thủy nói đúng qúa.

Bữa hôm ra mắt sách, 15.2.2009, một nữ độc giả mua sách xong thì nhét vào tay tôi một tờ giấy. Vị này bảo: chuyện tiếu lâm của ông rất hay nhưng chưa đạt mức tuyệt chiêu, vì vẫn còn nhiều lời. Lời ít ý nghiều mới hay. Xin tặng ông mấy chuyện này làm mẫu. Người đẹp có dáng một bà tiên, tôi bận tíu tít với bạn đọc, quay đi quay lại thì bà tiên đã biến mất. Tối hôm đó về nhà, tôi mở tờ giấy bà tiên cho thì đọc thấy mấy chuyện cười này. Qủa là ngắn và qủa là hay. Tôi xin chép ra đây để trình các cụ, cũng là để tạ ơn bà tiên.

- Chuyện thứ nhất : Ông bố bảo đứa con xích con chó dữ lại. Cạu con hỏi: Sắp có khách lạ từ phương xa tới à bố ? Bố đáp: Không, mẹ mày sắp từ mỹ viện về !

- Chuyệ thứ hai: Ông chồng đi làm về bất chợt thì bắt gặp vợ đang nằm với một người bạn thân. Ông rút súng bắn chết ngay thằng bạn này. Bà vợ nói ngay: Cứ đà này thì ông sẽ mất hết bạn bè !

- Chuyện thứ ba: Dịp lễ Giáng Sinh một em bé viết thư cho ông già Noen: Xin Ngài cho con một đứa em. Ông già Noen phúc đáp: Con hãy gửi mẹ con lên đây !

- Chuyện thứ bốn: Thày giáo hỏi cả lớp: Các em đã hiểu việc kinh nguyệt quan trọng thế nào đối với nữ giới chưa ? Trò Mike đáp ngay. Thưa hiểu. Khi chị con nói là tháng này không thấy có kinh thì mẹ con ngất xỉu, bố con bị đột qụy tim, và anh tài xế chạy thoát ra cửa.

- Chuyện thứ năm : Câu bé hỏi bố sự khác biệt giữa 2 tiếng ‘confident’ (tin chắc chắn) và ‘confidential ( tin bí mật), ông bố liền đáp: Nếu bố nói ‘Con là con ruột của bố’ thì tức là bố ‘confident’. Nếu bố nói nhỏ với con: ‘Thằng Bob hàng xóm cũng là em con’ thì đó là tin ‘confidential’

- Chuyện thứ sáu: Ông chồng hỏi vợ: Khi anh giận dữ la em mà không bao giờ anh thấy em có phản ứng gì. Vậy em kiềm chế cơn tức giận làm sao ? Cô vợ đáp: Em đi chùi cầu tiêu. Chồng: Làm sao việc chùi rửa này làm em hết giận được ? Cô vợ trả lời: Thì em cọ rửa bằng bàn chải đánh răng của anh !

Sáu chuyện hay qúa chứ, phải không các cụ ? Xin tạ ơn bà tiên Cali. Mai mốt mà tôi còn dám liều viết thêm sách cười, xin bà cho phép tôi được chép 6 chuyện này vào đầu sách.

Kể đến đây xong, tôi tuyên bố hết chuyện Cali. Cụ B.95 quay ngay vào anh John, thần tượng của cụ. Cụ vừa nhìn anh vừa cười: Lão nghe các chuyện cười Cali đang thích, anh có chuyện cười nào ngắn gọn như vậy xin cho lão nghe nào. Phe các bà cũng đồng ý như vậy. Nhưng Cụ Chánh gạt đi. Cụ bảo xin để anh John kể chuyện thời sự, chuyện tân Tổng Thống Obama sang thăm Canada.

À, đây là tin quá sốt giẻo. Các cụ phương xa không thấy nó nóng sốt như người Canada chúng tôi vì việc này liện hệ rất nhiều tới việc giao hảo giữa hai nước. Theo truyền thống thì bao giờ tân tổng thống Hoa Kỳ cũng sang thăm Canada ngay đầu nhiệm kỳ. Canada bao giờ cũng là nước đầu tiên trong danh sách xuất ngoại. Trừ Tổng Thống George Bush. Ông Bush đã đi thăm Mexico.Viẹc này năm xưa đã làm Canada giận mãi.

Tổng thống Obama tuổi con trâu đã sang Canada đầu năm con trâu, ngày 19.2.2009. Mọi nghi lễ ngoại giao quân cách đã diễn ra rất long trọng. Đón tân tổng thống ở sân bay là bà Toàn Quyền Michaelle Jean đại diện Nữ Hoàng. Xin mở ngoặc để trình các cụ: Canada vẫn ở trong Liên Hiệp Anh nên nhận đương kim Nữ Hoàng là quốc trưởng. Vì Nữ hoàng ở mãi bên Anh nên bà có một vị đại diện, gọi là quan toàn quyền. Hiện nay quan toàn quyền là Bà Michaelle Jean, gốc da đen. Chủ nhà Canada da đen Jean đón chào quốc trưởng Hoa Kỳ Obama cũng da đen. Lý thú quá chư. Rồi các diễn văn chào mừng. Tổng thống Obama đã hết lời ca ngợi Canada. Ông hứa sẽ cộng tác thân ái với Canada để đối phó với các vấn đề khủng hoảng tài chính, môi sinh, và chiến tranh ở A Phú Hãn.

Sau các nghi lễ bắt buộc, Tổng thống Obama đã đi phố để thăm dân chúng. Đoàn xe tháp tùng dài 50 chiếc. Ông cho ngừng xe ở một hiệu bánh ngọt và vào mua mấy cái bánh Beaver Tail. Các cụ có biết đây là bánh gì không ? Thưa, đó là một loại bánh mì có hình dáng như cái đuôi con beaver, tiếng VN gọi là con hải ly. Beaver là con vật biểu trưng của Canada. Con beaver giống như con sóc. Hình như năm xưa tôi đã viết về nó rồi. Ông Obama mua cái bánh này ở Chợ Byward ngay trung tâm thủ đô Ottawa. Chắc cái chợ Byward này từ nay sẽ đắt hàng vô cùng, giống như cái hiệu phở gì đó ở HàNội năm xưa được tổng thống Clinton tới ăn. Nghe nói là mấy hiệu bán pizza đã vận động ráo riết để Tổng thống Obama ghé thăm mà không được.

Chị Ba Biên Hoà nghe đến đây thì bình luận: Ông Obama mua bánh Beaver Tail là hợp lý vì đồng bánh có hình dáng cái đuôi con beaver, mà con beaver biểu trưng Canada, chứ mua miếng pizza gốc Ý thì chả có ý nghĩa gì cả. Thế mới biết nhất cử nhất động của tổng thống đã được các chuyên viên nghiên cứu từ trước. Ông Obama làm bộ tình cờ cho dừng xe xuống mua, chứ thực ra việc này đã được tính toán rồi.

Một tin thời sự thứ hai cũng khá nóng, đó là Canada vừa thóat một tai nạn không gian. Số là ngày 20 tháng Hai vừa qua, một vệ tinh của Nga đã đụng vào một vệ tinh của Mỹ trên bầu trời Siberia, và vệ tinh Nga đã vỡ tan. Một mảng của vệ tinh lớn khoàng 10 thước vuông có thể sẽ rơi xuống Calgary miền tây Canada. Nếu nó rơi vào thành phố thì sẽ gây ra tai nạn khủng khiếp. Cơ quan an ninh đã được báo động. Nhưng rồi may quá, cái mảng vỡ này đã bay đi hướng khác và rơi xuống Đại Tây Dương. Nga cho biết đây là một vệ tinh không người lái, vệ tinh vừa chở đồ tiếp tế cho trạm không gian ISS, nó đang bay trở về trái đất. Hoa Kỳ hoàn toàn im lặng về biến cố hai vệ tinh đụng nhau này. Bí mật quân sự nha, các cụ.

Cũng tin về không gian, theo bá cáo của cơ quan theo rõi các vật lạ trên trời đặt tại tỉnh Winnipeg miền tây Canada ( Winnipeg-based Ufology Research) thì trong năm 2008 vừa qua, cơ quan này đã ghi nhận 1.004 vật lạ bay trong bầu trời Canada. Vât lạ trông giống như những con tầu không gian có hình dáng như điếu xì gà. So với những năm trước thì năm 2008 vừa qua những con tầu không gian lạ lùng này đã xuất hiện nhiều hơn. Các khoa học gia đặt tên cho những con tầu kỳ lạ này là UFO. Không biết chúng từ thế giới nào tới. Tôi vẫn thắc mắc là không lực của thế giới loài người hùng mạnh và giỏi như vậy mà cho đến nay vẫn chịu thua, vẫn chưa ‘bắt’ được một UFO đem xuống đất để điều tra.

Cụ B.95 nghe kể chuyện tàu UFO mà không hiểu gì cả. Chị Ba Biên Hoà vừa cười vừa giảng nghĩa cho cụ. Rằng trái đất chúng ta đang ở do Thượng Đế dựng nên. Theo Kinh Thánh thì trái đất sẽ có ngày tận thế. Rồi chị Ba cười hi hi: Hiện Thánh Peter coi cửa thiên đàng đang tìm bãi cho các con tàu từ thiên đàng đáp xuống để rước các người thánh thiện về trời. Canada là nước có phước vì được Thánh Peter chọn làm phi trường. Năm vừa qua người ta đã nhìn thấy 1004 lần tầu bay từ thiên đàng xuống Canada tìm địa điểm làm bãi đáp. Hình như Thánh Peter chưa tìm ra. Toronto dám được chọn làm cửa khẩu để chúng ta về trời đó cụ ơi.

Lời giải thích về UFO thật là dễ hiểu, phải không các cụ. Nghe như chuyện thần tiên mà dám đúng lắm đó. Cụ nào muốn đi tầu sớm về thiên đàng, không phải chờ đợi lâu, xin nhớ di cư ngay tới Canada nha.

Tin thời sự sau cùng là bài báo ca ngợi Canada hết lời của nhà bình luận Fareed Zakaria trên báo Newsweek ngày 16.2.2009. Bài này xuất hiện 3 ngày trước chuyến thăm Canada của tổng thống Obama. Theo Zakaria thì Hoa Kỳ nên học hỏi và theo gương Canada trong các lãnh vực tài chánh, thuế vụ, y tế và di trú. Tác giả đưa ra nhiều chứng minh. Chẳng hạn tại Hội Nghị Kinh Thế Thế Giới vừa qua, hệ thống ngân hàng Canada được xếp hạng mạnh và giỏi nhất thế giới, ngân hàng HoaKỳ đứng hạng 40 và Anh quốc đứng hạng 44. Chẳng hạn hệ thống y tế Canada bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân thế mà nó chỉ tốn 9.7% ngân sách quốc gia trong khi Hoa Kỳ chiếm tới 15.2% mà không bao bọc hết mọi người. Chẳng hạn Canada có hệ thống di trú thu hút được mọi chất xám trên thế giới, chính vì vậy mà Microsoft đã lập một trung tâm nghiên cứu ở Vancouver miền tây Canada và đã thu hút được nhiều thiên tài từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đọc xong bài báo, người ta hiểu rằng báo Newsweek muốn gửi thông điệp này cho chính quyền Obama.

Nói đến đây xong thì anh John tuyên bố xin hết phần thời sự. Đúng vào lúc đa số phe các bà bắt đầu ngáp. Anh H.O. cười hê hê: phe các bà đang đòi chuyện tươi mát kìa, thưa anh John, thưa Ông ODP. Anh John liền trả trái banh cho anh H.O.: Anh khơi mào thì anh có bổn phận phải nói trước để chúng tôi lấy hứng. Được phép rồi đấy, nào anh H.O., bắt đầu đi.

Anh H.O. chắc cũng đã chuẩn bị nên thưa ngay: Tuần qua tôi xem băng DVD Thúy Nga 95, tôi nghe cô Ý Lan hát một bài mà tôi chịu quá. Hình như tên nó là ‘ Hãy cứ là tình nhân’:

. . . Em không thích làm vợ
Không thích anh làm chồng,
Hãy cứ yêu cứ nhớ,
Tìm nhau trong mơ
Đừng làm vợ làm chồng
Rồi nhìn nhau chán ngán
Hãy cứ làm tình nhân
Cho tình ta mênh mang. . .


Ông ODP góp ý ngay: Tôi đồng ý là thời gian yêu đương truớc khi cưới là thời gian thơ mộng và đẹp nhất. Nhưng không thể mãi mãi như thế được. Thi sĩ Phùng Quán yêu cô Vũ Bội Tâm, chị của một người bạn. Hai người bị tiếng sét ái tình, hai người chết đuối trong mắt nhau. Chính Phùng Quán đã viết:

Tình yêu như tia chớp giữa cơn giông
Tia chớp đến, không một lời báo trước


Họ ngụp lặn trong tình yêu những 7 năm rồi mới cưới. Bảy năm biết bao nhiêu tha thiết. Mối tình này thơ mộng và đắm đuối nhưng chỉ về mặt tinh thần mà thôi, mặt vật chất thì bết bát vô cùng, không thơ mộng chút nào. Phùng Quán là một chú bộ đội mồ côi, tứ cố vô thân, tay trắng. Cô Tâm yêu anh bộ đội Phùng Quán này bằng một mối tình say đắm và bất chấp. Khi đã yêu thì trăm sông cũng lội, vạn đèo cũng qua. Chú rể nghèo đến độ ngày cưới không có tiền làm lễ tơ hồng, không có lễ xin dâu, không có quần áo cưới, cô dâu đi xe đạp về nhà chồng, cô dâu chú rể nằm cái giường cũ và đắp chăn rách. Thế mới biết mối tình của đôi trẻ vũ bão đến chừng nào.

Rồi Phùng Quán dính vào vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, bị loại khỏi quân đội. Họ hàng và bạn bè ngoảnh mặt và bỏ chạy. Thế nhưng Phùng Quán vẫn đứng thẳng.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu


Ông ODP nhấp một ngụm trà, nhìn mọi người rồi cười: Vì Anh H.O. đang tán dương tình yêu, nên tôi kể chuyện tình yêu của Phùng Quán là vậy. Nhân nói tới cái bất khuất của Phùng Quán miền Bắc, xin cho tôi lạc đề sang cái nét hào hùng của Vũ Hoàng Chươn miền Nam: Bạn bè còn kể cho nhau nghe giai thoại Chế Lan Viên từ ngoài Bắc vào thăm Vũ Hoàng Chương sau tháng Tư 1975. Chế Lan Viên vì có quen từ trước nên đã trấn an thi sĩ họ Vũ và hứa sẽ xin biệt đãi cho ông nếu ông có thái độ thích hợp. Nói xong thì Chế Lan Viên đưa cho Vũ Hoàng Chương tập thơ của Bác Hồ, gợi ý họ Vũ viết lời tán dương. Ít lâu sau Chế Lan Viên trở lại thăm Vũ Hoàng Chương và hỏi về tập thơ. Vũ Hoàng Chương làm bộ giật mình, rồi ông xoay người, lật chỗ chiếu ông đang ngồi, lôi ra tập thơ và trả lại cho Chế Lan Viên. Chế Lan Viên tái mặt. Thế ra Vũ Hoàng Chương không kính trọng thơ bác. Vũ Hoàng Chương đã ngồi lên thơ Bác. Sau đó ít lâu thì Vũ Hoàng Chương bị bắt đi tù cải tạo. Khi được thả về, mấy ngày sau thì họ Vũ qua đời.

Vũ Hoàng Chương có máu của Phùng Quán, máu đứng thẳng, máu cây xương rồng.

Phe các bà lại lên tiếng: Xin các ông đừng nói chuyện VC nữa. Nó làm chúng tôi nhức đầu. Xin cho chuyện tươi mát. Ông ODP liền trả lời: Để chuộc lỗi đi lạc đề, tôi xin trở về chủ đề tươi mát của tình yêu.

Này nha, yêu nhau thì phải lấy nhau. Lấy nhau đâu có dễ. Các cụ ngày xưa đã có kinh nghiệm:

Tậu trâu lấy vợ làm nhà
Cả ba việc ấy thật là khó thay


Anh H.O. xin phụ họa:

Làm ruộng mạnh có trâu
Làm dâu mạnh có chồng


Ông ODP đáp ngay: Câu anh vừa đọc đề cao vai trò của ông chồng. Tôi còn nghe câu khác, cũng giọng như vậy, nhưng đề cao vai trò người vợ, như thế này:

Làm ruộng phải có trâu
Làm giầu phải có vợ


Các bà nghe ông ODP nói xong thì vỗ tay khen là chí lý. Ông ODP lúc nãy bị chê là nói chuyện gây nhức đầu, nay thấy các bà đẹp lòng bèn nương đà thắng lợi tiến lên. Ông bảo ông mới đọc được một đoạn thơ tán dương công đức của vợ như sau:

Dù không sinh đẻ ra ta
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao
Khi ta đau ốm xanh xao
Vợ lo chăm sóc, hồng hào khoẻ ngay
Sợ ta đi trật đường rầy
Vợ liền theo dõi kéo ngay về nhà
Khi ta tán tỉnh ba hoa
Vợ liền lớn tiếng gọi là răn đe
Lời vợ dạy phải lắng nghe
Mai sau ‘khôn lớn’ mà khoe với đời
Nói ra các bạn chớ cười
Vợ ta ta sợ, vợ người còn lâu


Đề tài sợ vợ làm phe các bà thích quá. Bà nào cũng cười hích hích. Cô Cao Xuân lên tiếng hỏi anh John: Các ông chồng người Canada da trắng có sợ vợ không ? Câu hỏi này hóc búa vì có Chị Ba Biên Hoà trước mặt. Anh bảo để trả lời thì anh xin kể chuyện Ông Lý Bằng bên Tàu. Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông, tờ báo tiếng Anh nổi tiếng thế giới đã phỏng vấn ông Lý Bằng lúc đó là thủ tướng Trung Cộng thời Ông Đặng Tiểu Bình: Thưa Ngài, vợ chồng Ngài lấy nhau đã 40 năm mà tình nghĩa keo sơn, bí quyết nào đã làm cho tình nghĩa vợ chồng của Ngài bền vững như vậy ? Lý Bằng đáp ngay lập tức: Vợ chồng muốn ăn ở với nhau bền vững thì chỉ có một bí quyết duy nhất: đó là người chồng phải đặc biệt vâng lời mệnh lệnh của vợ. Nguyên văn lời tiếng Anh thế này: A husband specially must obey his wife’s order. Ông dùng 2 tiếng rất mạnh đó là obey và order. Kinh thế. Việc này có thật chứ tôi không dám bịa. Tôi còn lưu số báo ở nhà. Cô Cao Xuân vẫn chưa tha anh John: Thế còn anh thì sao ? Anh có theo gương ông Lý Bằng không ?

Cụ Chánh thấy anh John lúng túng nên đã chen vào cứu giúp. Cụ bảo Cô Cao Xuân không được hỏi những câu khó qúa sức như vậy. Vợ chồng sống với nhau sao cho có hạnh phúc là được. Rồi cụ đánh trống lảng: Lần trước ông Trà Lũ khoe một câu chúc tết rất nổ. Tôi đây cũng vừa nhận được một câu cũng rất nổ, xin đem ra chúc cả làng:

Một bầu trời sức khoẻ
Một biển cả tình thương
Một đại dương tình bạn.


Câu chúc được qúa chứ, phải không các cụ ?

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Trắng
Tâm Ngộ
05:07 18/03/2009

HOA TRẮNG



Ảnh của Tâm Ngộ

Con là một loài hoa, trong muôn loài hoa nở gần xa.

Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui…

(Trích bài Khúc Hát Một Loài Hoa – của Ân Đức)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền