Ngày 17-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vâng nghe lời Người
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:01 17/03/2011
Chúa nhật 2 mùa chay

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo Tin mừng Luca và Marcô thì các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả;đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc nên bị Chúa mắng cho là satan.

Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

Tôi được diễm phúc lên Núi Tabor vào dịp hành hương Đất Thánh năm 2008. Từ khách sạn ở Nazareth xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 40c, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh. Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môisê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus, nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây đựơc Nhà Thờ. Nhà Thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ đựơc kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”. Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26). Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt, thì Chúa Giêsu cũng hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên Đàng trước Thiên Đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19),hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27). Sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô số 14;40).Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18), hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa” và “Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài. Ngoài việc họa lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội, phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Người để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này. Cha Emiliano Tardif chia sẽ: “ Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà còn là Một Đấng -Vẫn -Sống đang ban sự sống dồi dào”; “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”. ( x. Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin, tr 38).

Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Người giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Đó là lý do tại sao câu chuyện Chúa Giêsu biến hình được sắp xếp cử hành trong Mùa Chay.

Chúa Giêsu biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh. Đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Chỉ qua Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và ở trong Chúa Giêsu chúng ta mới chiến thắng được thế gian ma quỷ và sống sự sống dồi dào của Người.
 
Biến hình
PM. Cao Huy Hoàng
06:47 17/03/2011
Suy niệm Lời Chúa CN 2 Chay A

Lời Chúa hướng dẫn hành trình mùa chay thánh, mùa chay cuộc đời, để chúng ta:

-Nhớ cuộc sống nầy mong manh. Tin cùng đích cuộc sống nầy là cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Vì dẫu là chút tàn tro mong manh, nhưng không phải là chút tàn tro vô nghĩa đến muôn đời. Bởi chút tàn tro ấy, thân phận con người ấy, được cứu rỗi nhờ chính giá máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. (Lễ tro)

-Cộng tác với ơn cứu rỗi của mình bằng việc sống Lời Chúa, và cùng Chúa Giêsu chiến thắng những cơn cám dỗ để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, để mong ơn cứu độ. (CN 1 Chay)

-Và hôm nay, Chúa Nhật 2 Chay, Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta cùng lên núi với Chúa Giêsu, gặp gỡ Thiên Chúa, chứng kiến dung mạo thật của Đấng Cứu Thế, và nhờ đó, tin tưởng và khát khao một cuộc biến hình vĩ đại nơi thân phận con người chúng ta.

Ý thức bụi tro, chiến thắng cám dỗ và biến đổi nên con người mới, liên kết chặt chẽ với nhau, đến nỗi không thể thiếu nhau trong hành trình đời người. Nếu không ý thức thân phận mình mong manh, con người không nhận ra chước cám dỗ để chiến thắng, và dĩ nhiên là không thể biến hình thành con người mới.

Hôm nay Chúa Giêsu gặp gỡ Thiên Chúa Cha trên núi, rồi Ngài biến hình: dung mạo Ngài nên sáng láng trước mắt ba môn đệ. Vẻ đẹp toàn năng, toàn bích của Con Thiên Chúa và nhất là lời mạc khải long trọng từ trong đám mây uy linh: “Đây là Con ta Yêu Dấu” làm ngây ngất tâm trí ba môn đệ. Ba môn đệ bừng tỉnh, ngộ ra, và xác tín Thầy mình không chỉ là một con người đồng hành với những con người tội lỗi xấu số, mà chính là Con Thiên Chúa thật. Những gì Thầy sẽ thực hiện nay mai, chắc chắn là chương trình của Thiên Chúa quyền năng, và kết cuộc là hiển vinh sáng láng trong sự sống vĩnh cửu.

Lời Chúa hôm nay củng cố cho mỗi chúng ta một niềm tin vững chắc về quyền năng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, để chúng ta cùng bước theo Ngài cả trên đường yêu thương phục vụ, lẫn trong phút vinh quang với Người. Con đường ấy là con đường biến hình nên giống Chúa Giêsu.

Để biến đổi nên con người mới với Chúa Giêsu biến hình, thiết tưởng, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một trình tự tâm linh cụ thể:

-Tin tưởng rằng Thiên Chúa đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ, bằng Mây Ân Sủng phủ che râm mát vùng hò hẹn ở trên cao, như đã thấy trong cuộc gặp gỡ của Môisê trong Xuất Hành 24,16: “Vinh quang ĐỨC CHÚA ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Mô-sê”

-Từ bỏ những quyến rủ của cuộc đời, tin tưởng và nghe theo Lời Chúa mà tiến bước, như Abraham: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. (Stk 12,1).

-Đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu: lên núi gặp gỡ Thiên Chúa: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1)

-Bằng lòng để quyền năng Thiên Chúa Cha tác động, như Abraham “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (Stk 12,2), và như Chúa Giêsu hôm nay: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2).

-Cùng Chúa Giêsu tiêu diệt thần chết trong ta, và trở nên ánh sáng của sự sống và sự sống lại cho mọi người. “Chính Đức Ki-tô đã dùng Tin Mừng tiêu diệt thần chết, và chiếu soi sự sống, và sự sống không hư nát được tỏ rạng” (2 Tim, 10). Và như vậy, xứng đáng là “Con Yêu Dấu Của Cha”, trước mặt Cha và trước mặt mọi người.

Vâng, mỗi tín hữu đã có một lần biến hình vĩ đại: tấm linh hồn ô uế do tội nguyên tổ, đã được tẩy rửa sạch vết nhơ tội lỗi và nên tinh tuyền sáng láng nhờ máu Cứu Chuộc của Chúa Giêsu. Qua Bí Tích rửa tội, Chúa Giêsu đã phục hồi cho con người phẩm vị làm con của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha và sống với niềm con thảo.

Thế nhưng, dòng đời trôi đi, với bao cuốn hút của những đam mê, vinh hoa, lạc thú, và sự đồng thuận với tội lỗi theo lời mời mọc của ma quỷ, các tín hữu đã tự làm hoen ố tâm hồn và mất đi vẻ đẹp nguyên tuyền của lần biến hình trọng đại ấy.

Thiên Chúa đã và đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ mỗi chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có từ bỏ những cuốn hút thế trần để tiến bước theo lời mời đi lên của Chúa, và có bằng lòng để quyền năng Ngài tác động trong ta, cho ta biến đổi nên con người mới, con người nhân chứng cho cuộc sống mới, cuộc sống sáng láng của Thiên Chúa.

Con đường đi lên với Thiên Chúa, cũng không phải là con đường dễ dãi, phẳng phiu. Cảm nghiệm đi lên của mỗi người đều có những điểm chung, riêng. Dẫu lên cao đến núi Chúa Tao Phùng, đến Núi Mẹ Tà-pao, hay thâm thấp như Đồi Mẹ Hòa Bình Gx. Hiệp Đức, thì mỗi bước đi lên, thân đời vẫn luôn níu chân người xuống, nghe nằng nặng, rã rời, đôi khi chùn bước. Mục đích đi lên thì không hẳn giống nhau: có người đi lên để thỏa mãn một thị hiếu, thỏa mãn đam mê chinh phục, nhưng cũng có người đi lên với ý tránh những xô bồ, hỗn độn của cuộc đời, tìm một nơi cho tâm hồn yên tịnh và nhất là gặp được Thiên Chúa để Ngài thanh luyện, biến đổi.

Mọi người đang chờ tôi, chờ bạn, biến hình, đổi mới, là phản ảnh trung thực diện mạo của Thiên Chúa tinh tuyền, sáng láng trong đời sống chứng nhân. Chúa Giêsu, chứng nhân của Thiên Chúa, trong cái thân phận con người đứng cuối sổ những người đau thương nhất, đã tỏ hiện cái vinh quang tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Cũng vậy, mỗi chúng ta, trong khi chấp nhận cùng Chúa Giêsu làm tôi tớ mọi người, phục vụ mọi người, trong gia đình, trong Giáo xứ, trong Giáo Hội, chúng ta tin rằng, chúng ta cũng đang được vinh dự tỏ bày dung mạo của Thiên Chúa cho mọi người.

Cuộc biến hình mang ý nghĩa phục sinh, với niềm tin xác loài người sẽ sống lại, đã có tín hiệu tốt, tín hiệu vui ngay từ cuộc sống trần thế nầy. Đó là những cuộc biến hình từ một quyết tâm trở về, từ một lần giao hòa với Thiên Chúa qua bí tích giải tội, từ Thánh Thể Chúa Giêsu. Và do tác động ơn thánh nơi các bí tích, các tín hữu sống trước cuộc sống phục sinh bằng việc hoàn toàn thuộc về Chúa trong tâm tư ý nghĩ, lời nói, hành động: tất cả cho vinh danh Chúa, tất cả cho ý Chúa được thể hiện, tất cả vì bổn phận của người con thảo hiếu đối với Cha trên trời trong việc kính mến Chúa và phục vụ tha nhân.

Nếu lên núi là lên nơi thanh vắng, lên gần với Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài, thì cụ thể hơn con đường đi lên hôm nay nơi mỗi chúng ta, có thể là: bỏ ngay tức khắc những bận tâm hiện tại và tìm ngay một phút tĩnh lặng, và lắng nghe Chúa nói.

Tôi tin Chúa đang cảm thông với những ước muốn vươn lên. Chúa tiếp sức cho mỗi khát vọng biến hình.

Ba giờ chiều, có nhiều người đang lên núi với lòng Chúa thương xót. Sáu giờ tối có nhiều người đang lên núi với lễ tế Chúa Giêsu trong thánh lễ. Và cũng có người 9 giờ đêm lên núi với Chúa trong giờ kinh rất thầm lặng, một mình Chúa một mình con, ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ leo lét.

Cũng không thiếu những người chùn chân, vấp ngã, trên đường lên núi biến hình, nhưng Chúa đang cần một khát khao. Cha PX kể chuyện: “8 giờ sáng, có người xin xưng tội. Bảy giờ tối, người ấy lại vào gõ cửa “xin cha cho con xưng tội”. Sáng hôm sau người ấy lại đến “Cha ơi, xin cứu con, con muốn bước lên, mà xác thịt con nặng nề yếu đuối quá. Con sợ quá, ông ấy sẽ giết con. Làm sao Cha ơi….?”

Có những niềm riêng làm sao nói hết… nhưng một niềm riêng thật đau đớn, hẳn là, sống trong tội lỗi, sống trong sự ràng buộc của những ý nghĩ thấp hèn, không vươn lên được điều thanh thoát, không gặp được Thiên Chúa, không biến hình được… Nhưng chắc hẳn điều đau đớn nhất là: không khát khao lên núi, không khát khao biến hình…

Có một ca đoàn hát bài “Từ vực sâu” trong mùa chay, bị mấy người phản đối: “bài đó chỉ để hát trong lễ cầu hồn”. Anh ca trưởng buồn lắm, vì anh nghĩ, có phải là đợi lúc ta chết mới cầu hồn đâu. Lúc đang sống thế nầy, mà linh hồn ta đang chết, linh hồn ta đang ở dưới vực sâu. Không hát được sao?

Lạy Chúa, linh hồn con đang ở dưới vực sâu, trong vũng tội. Nếu Chúa chấp tội thì ai được cứu rỗi. Nhưng chúng con tin Chúa là Cha khoan hồng thứ tha, vẫn từng mong ngóng đợi chờ chúng con từ bỏ tất cả, lên núi, gặp Chúa, để Chúa biến hình chúng con từ ô uế nhớp nhơ, nên tinh tuyền sáng láng, xứng đáng là Con yêu dấu của Cha trên trời.

Xin cho chúng con lòng khát khao nên tinh tuyền hôm nay và phục sinh ngày mai. Amen.
 
Hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy
Lm Jude Siciliano, OP
07:01 17/03/2011
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

Sáng thế 12: 1-4a; Tv 33; Tm 1: 8b-10; Matthêu: 17: 1-9

Ngoài những người tuyệt vời tôi từng gặp thì một trong những ưu điểm đối với việc giảng thuyết lưu động là cơ hội được thấy nhiều thứ trong đất nước mình, đôi khi ở cả nước ngoài. Tôi là một đứa trẻ sống ở thành thị và ở New York chúng tôi không còn có những ngọn núi ở phía xa chân trời, mà chỉ còn đường chân trời Manhattan!

Tuy nhiên, trải qua những năm đi đây đi đó, tôi đã từng đến những ngọn núi cao như dãy núi Rocky và Sierra Nevada ở phía Tây; những dãy núi thấp hơn một chút nhưng vẫn được xem là hùng vĩ ở bang Vermont, Bắc Carolina, Tây Verginia và thượng bang New York. Tôi thường cảm thấy sung sướng khi ở trên đỉnh của những dãy núi này vì không khí trong lành, gió mạnh và cảnh vật hùng vĩ. Đứng trên đỉnh núi cũng cho tôi cảm giác an toàn nhờ khối đá rắn chắc dưới chân. Với tôi, dường như đó là một kinh nghiệm tôn giáo khi trèo lên một ngọn núi rồi để cho tâm trí và cảm xúc ùa về cùng với dòng cảm nghiệm.

Chẳng phải ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng có những cảm xúc như thế khi các ông lên tới đỉnh của “ngọn núi cao” với Đức Giêsu hay sao? Sau khi các ông lên tới đỉnh núi, dường như được ở đó với Người vẫn chưa đủ, các ông còn có cảm nghiệm về sự Biến Hình! Đó là một câu chuyện ấn tượng và xảy ra ở một thời điểm quan trọng trong Tin Mừng thánh Mátthêu, trong đó có vài chủ để cùng được đề cập đến.

Thánh Mát-thêu có những biểu tượng Dothái cụ thể trong Tin Mừng của ngài. Chẳng hạn khi so sánh giữa Đức Giêsu và ông Mô-sê. Đức Giêsu là Môsê mới giải phóng dân Người. Còn nhớ Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu trải qua 40 ngày trong sa mạc, nơi Người chịu cám dỗ - một sự ám chỉ hiển nhiên đối với sa mạc của người Do Thái tạm cư, nơi họ chịu cám dỗ và, khác với Đức Giêsu, họ đã không chống nổi sự cám dỗ. Trên núi, Đức Giêsu đàm đạo với ông Mô-sê (Nhà lập pháp) và ông Ê-li-a (đại diện cho các ngôn sứ). Cũng có tiếng nói từ đám mây, gợi lại việc Thiên Chúa mạc khải cho ông Mô-sê ở trên núi và trình thuật của thánh Mát-thêu về việc Đức Giêsu chịu phép rửa (3,17)

Cũng như trong các trình thuật Tin Mừng, bối cảnh của biến cố Biến Hình là quan trọng. Mạc khải trên núi cho ba môn đệ diễn ra ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng về Đức Giêsu (“Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”). Điều này diễn ra tiếp sau việc Đức Giêsu khiển trách ông Phêrô; lần đầu tiên Người nói đến cuộc thương khó; rồi Người mời gọi các môn đệ từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người.

Đó là một sứ điệp khó khăn cho các môn đệ Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng họ đã biết chắc chắn về Đức Giêsu, một ngôi sao chổi quét ngang bầu trời. Thay vì trở thành những người bạn thân thiết của Đấng mà họ nghĩ rằng sẽ đạt đến đỉnh vinh quang và dẫn họ đi cùng, thì các môn đệ mới hay rằng mình phải sẵn sàng theo Đức Giêsu tới cuộc khổ nạn sắp diễn ra của Người. Thật không hoàn toàn như những gì các ông nghĩ!

Cuộc Biến Hình, với những tin có vẻ không tốt cho các môn đệ ngay lúc đầu, có thể nhằm để mở rộng tầm nhìn của các ông về những gì sẽ xảy đến. Vượt trên sự hy sinh cần có đối với bất cứ ai muốn theo Đức Giêsu là điều hàm ẩn chắc chắn mà cuộc Biến Hình đã mang lại cho các môn đệ khi các ông xuống núi. “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Vì thế sau khi Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết, Người sẽ sống lại – và những ai theo Người cũng sẽ được sống lại. Sự phục sinh là sự kết thúc đầy hứa hẹn dành cho các môn đệ trung tín.

Nhiều nhà thờ có một hình ảnh thập giá với Đức Ki-tô, trên áo linh mục thì tách hai hình ảnh đấy ra, ý muốn mô tả Người không còn ở trên thập giá nữa nhưng đã phục sinh. Hoặc các nhà thờ có cửa sổ bằng kính màu diễn tả sự Phục Sinh. Khi chúng ta ngắm nhìn những biểu tượng này trong lúc cầu nguyện thì chúng không chỉ nói về điều gì đó Đức Giêsu đã cảm nghiệm, mà chúng còn diễn tả tương lai của chúng ta: một lời hứa về sự phục sinh từ cõi chết dành cho các môn đệ, những người đã tự nguyện vác thập giá.

Vẫn là bối cảnh: Sau cuộc Biến Hình, Đức Giêsu lại tiên báo về cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Người. Càng ngày Người càng ý thức về vận mệnh của mình và Người muốn các môn đệ của mình biết mình muốn gì nếu họ vẫn tiếp tục theo Người. Ông Phêrô muốn ở lại trên núi – ai chẳng muốn thế? Ông muốn né tránh những gì Đức Giêsu đã nói với các ông trước đó về sự đau khổ dành sẵn cho Người, và rồi cho cả các môn đệ nữa. Buổi tối trong vườn trước khi chịu khổ hình thập giá, Đức Giêsu cũng muốn được miễn khỏi cuộc khổ nạn đang chờ đợi Người, khi Người xin miễn khỏi chén khổ. Nhưng Người vẫn chấp nhận thập giá. Và vì Người đã làm được nên chúng ta cũng có thể.

Nhiều người, sau một kinh nghiệm hoán cải hay khi họ đạt đến một ý thức sâu xa về niềm vui và bình an mà kèm theo một cuộc sống đặt trọng tâm vào Đức Ki-tô, thì sẽ có được một “cảm nghiệm trên đỉnh núi”, giống như cảm nghiệm của các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhưng chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng cần phải trở về với thực tế cuộc sống và đối mặt với thập giá của cuộc đời người môn đệ.

Một cuộc sống của người Ki-tô hữu đích thực có nhiều chọn lựa: Chúng ta có chấp nhận những tiêu chuẩn sống của xã hội đặt ra với những tham vọng vô độ như: thành công, quyền lực, của cải, danh vọng…? Hay chúng ta chọn theo đường lối của Đức Giêsu là: phục vụ, xây dựng hòa bình, từ bỏ chính mình…? Nếu chúng ta chấp nhận theo đường lối của Đức Giêsu thì chúng ta cũng sẽ chấp nhận sự đau khổ đi kèm.

Khi đối mặt với thập giá của người môn đệ, chúng ta phó thác mình trong tay Đức Giêsu, vì Người có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi bóng đêm và sự tuyệt vọng. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi hay để chúng ta hư mất khi chúng ta chấp nhận những đau khổ chắc chắn xảy đến trên hành trình chúng ta khi cố gắng sống như những người Ki-tô hữu trong xã hội không mấy thân thiện này. Cảm nghiệm trên đỉnh núi đảm bảo rằng: nếu chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu qua bí tích Rửa tội, thì chúng ta cũng sẽ trở nên những anh chị em được Thiên Chúa thương mến.

Hôm nay, việc thánh Phaolô khích lệ ông Timôthê thật có ý nghĩa đối với chúng ta, là những môn đệ cũng được mời gọi kiên tâm chịu đựng những cuộc đấu tranh trong việc trở thành một Kitô hữu trong thế giới của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc rằng ân sủng của Chúa luôn tuôn đổ trên chúng ta qua Đức Giêsu Ki-tô. Trong Tin Mừng chúng ta đã được ban cho một ánh sáng tỏ tường để dẫn bước và giúp chúng ta có thể chấp nhận bất cứ nỗi khổ nào xảy đến trên hành trình của mình, khi chúng ta chấp nhận cái giá trong cương vị môn đệ.

Thánh Phaolô dùng từ "epiphaneia" khi nói về ân sủng “giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giêsu đã xuất hiện”. Chúng ta không cần phải biết tiếng Hylạp để hiểu được ngụ ý của từ đó. "Epiphaneia" diễn tả việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng cao cả trong lịch sử dân Do Thái. Hôm nay, Thiên Chúa cũng tỏ cho chúng ta việc biểu lộ này ("epiphaneia") ở trên núi. Trong Đức Giêsu có sức mạnh giúp ta vượt thắng cả tội lỗi và sự chết. Trên thực tế, toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu là một "epiphaneia" về sự quan tâm rất lớn Thiên Chúa dành cho chúng ta trong những cuộc chiến đấu vượt qua quyền lực của bóng đêm và tội lỗi.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta vác lấy thập giá của Người và sự đau khổ chắc chắn cùng xảy ra. Nhưng Người không tôn vinh đau khổ chỉ vì chính đau khổ. Có một thứ đau khổ có thể cứu vãn được. Chẳng hạn như có sự đau khổ kèm theo sự hiến thân cho công lý vì người khác. Trong sự đau khổ có thể cứu vãn này là một sức mạnh để yêu thương ngay cả khi sự đối kháng và ghen ghét nhắm thẳng vào chúng ta. Với sự chịu đựng có thể cứu vãn cũng là sức mạnh và sự bền đỗ khi chúng ta hành động để giúp anh chị em, những người bị xã hội chúng ta đối xử cách bất công.

Nhiều người đã sẵn sàng chịu chết để anh chị em có thể có một đời sống mới. Cái chết của họ được kết hiệp với cái chết mang lại sự sống, cái chết mà Đức Giêsu đã cam chịu trên thập giá. Đây là những gì sẽ xảy ra khi những môn đệ của Đức Giêsu đáp lại lời mời gọi của Người, vác thập giá mình mà đi theo Người. Những môn đệ này phải đối mặt với đau khổ của thập giá, nhưng họ có thể chịu đựng được nhờ vào niềm tin chắc chắn rằng họ cũng sẽ sống lại để chia sẻ cuộc sống đã được hứa ban bởi chính Đấng đã biến đổi hình dạng ở trên núi.

Chuyển ngữ Anh Em HV Đaminh Gò Vấp

2nd SUNDAY OF LENT (A) -

Gen 12: 1-4a; Ps 33; 2 Tim 1: 8b-10; Mt 17: 1-9

One of the advantages to itinerant preaching, besides the wonderful people I meet, is the opportunity to see different parts of our country and, occasionally even a foreign land. I am a city kid and in New York we didn’t have mountains off on the distant horizon–we had the Manhattan skyline!

But, as I’ve traveled over the years, I’ve been to mountains: tall ones, like the Rockies and the Sierra Nevada mountains in the West; lesser, but still magnificent ones in Vermont, North Carolina, West Virginia and upper New York State. I’ve always been thrilled at the top of these mountains by the clear air, strong wind and spectacular views. Standing on a mountaintop also gives me a sense of security because of the solid mass beneath my feet. It’s a religious experience, it seems to me, to climb a mountain and let your mind and emotions flow with the experience.

Did the three apostles Peter, James and John have some of those feelings when they got to the top of that "high mountain" with Jesus? After they got there, as if being on the mountain with him weren’t enough, they had the experience of the Transfiguration! It’s a dramatic story and appears at a key moment in Matthew’s Gospel, where several themes converge.

Matthew has strong Jewish symbols in his gospel. So, for example, he draws parallels between Jesus and Moses. Jesus is the new Moses leading his people to freedom. Remember last Sunday, Jesus spent 40 days in the desert where he was tempted–an obvious allusion to the Israelites’ desert sojourn where they were tempted and, unlike Jesus, succumbed. On the mountain Jesus converses with Moses (the Lawgiver) and Elijah (representing the great line of prophets). There is also the voice from the clouds, reminiscent of God’s revelation to Moses on the mountain and of Matthew’s account of Jesus’ baptism (3:17).

As in all the gospel narratives, the context for the Transfiguration is important. The revelation on the mountain to the three apostles takes place immediately after Peter’s confession about Jesus ("You are the Messiah, the Son of the living God."). This was followed by Jesus’ rebuke of Peter; his first prediction of his passion; then,his invitation to the disciples to deny themselves, take up their cross and follow him.

That was a hard message for Jesus’ followers to hear. They thought they had "hitched their wagon to a star"–Jesus, a blazing comet across the skies. Instead of being intimates of the one they thought would go to great heights and take them with him, the disciples hear they must be willing to follow Jesus to his oncoming passion. Not quite what they had in mind!

The Transfiguration, linked to what initially sounded like bad news to the disciples, might have been meant to broaden their vision of what was coming. Beyond the sacrifice required of anyone wishing to follow Jesus, is the implicit assurance the Transfiguration gave the disciples as they descend the mountain, "Do not tell the vision to anyone until the Son of Man has been raised from the dead." So, after his suffering and death Jesus will be raised from the dead–and so will those who follow him. The resurrection is the promised end for faithful disciples.

Many churches have an image of the cross with Christ, in priestly robes, detached from it–depicting that he is no longer on the cross, but resurrected. Or, they have a stained-glass window that features the Resurrection. As we gaze on these images in prayer they aren’t only about something Jesus experienced, but they represent our future too: a promise of resurrection from the dead to disciples who have voluntarily taken up the cross.

Context again: After the Transfiguration Jesus again predicts his passion, death and resurrection. He is becoming more aware of his fate and he wants his disciples to know what to expect if they keep following him. Peter wants to stay on the mountain–who wouldn’t? He wants to avoid what Jesus said to them previously about the suffering the lies ahead for himself and then his apostles. In the garden the night before his crucifixion, Jesus would also have liked to have been spared the suffering that awaited him, as he asked to be spared the cup of suffering. But he accepted the cross and because he did, we can too.

Some people, after a conversion experience, or when they come to a deeper awareness of the joys and peace that accompany a life centered on Christ, have a "mountaintop experience," similar to the one Peter, James and John had. But sooner or later we need to come back down to earth and face the cross that comes with living out the life of discipleship.

An authentic Christian life involves choices: will we accept the standards of living proposed by the world in its insatiable appetite for success, power, possessions, fame, etc? Or, will we choose Jesus’ way of service, peace making, self-denial, etc.? If we accept Jesus’ way, we will also be accepting the suffering that accompanies it.

As we face the cross of discipleship we surrender ourselves into Jesus’ hands, for he has the power to rescue us from darkness and despair. God will not let go of us or let us perish as we accept the sufferings that inevitably come our way trying to live as Christians in our inhospitable world. The experience on the mountain top assures us that linked to Jesus through our baptism, we too are God’s beloved daughters and sons.

Today Paul’s encouragement to Timothy is meant for us disciples who are also called to bear with the struggles of being a Christian in our world. Paul reminds us that God’s grace has been made available to us through Jesus Christ. In the gospel we have been given a clear light to guide our steps and enables us to accept whatever sufferings should come our way, as we accept the cost of discipleship.

Paul uses the word "epiphaneia" when he speaks of the grace "now made manifest through the appearance of our Savior Christ Jesus." We don’t have to know Greek to catch the implications of that word. "Epiphaneia" describes God’s great manifestations of power in the history of the Jews. God also gives us this manifestation, this "epiphaneia," on the mountain today. In Jesus is our power to overcome sin and even death. In fact, all of Jesus’ life was an "epiphaneia" of God’s great concern for us in our struggles over the powers of darkness and sin.

Jesus invites us to take up his cross and the suffering that inevitably come with it. But he isn’t glorifying suffering just for the sake of suffering. There is a kind of suffering that is redemptive. For example, the suffering that comes with a commitment to justice for others. In this redemptive suffering comes the power to love even when resistance and hate are directed our way. With redemptive suffering also comes strength and perseverance as we work to help others who are unfairly treated by our society.

Some have been willing to endure death so that others can have a new life. Their deaths are linked to the life-giving death Jesus endured on the cross. This is what happens when disciples of Jesus respond to his invitation to take up their cross and follow him. These disciples face the suffering of the cross, but can endure because of the sure faith that they too will rise from the dead to share the life promised us by the One who was transfigured on the mountain.
 
Ơn gọi biến hình đổi dạng
Giuse Đinh Lập Liễm
07:55 17/03/2011
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

+++

A. DẪN NHẬP

Thứ Tư Lễ tro đã khai mạc Mùa Chay thánh. Nói tới Mùa Chay, hầu như chúng ta có cái cảm giác là phải khép mình buớc vào con đường khắc khổ, hy sinh, từ bỏ, một mùa “khó nhá lắm”! Đúng vậy, chính Đức Giêsu đã nói cho các môn đệ đang theo Ngài: ”Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo”(Mt 16,14). Ngòai ra, Ngài còn tiết lộ cho các ông: Ngài sẽ lên Giêrusalem, phải bị bắt, bị đánh đòn, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Đúng là một tin sét đánh. Các môn đệ cảm thấy bàng hòang lo sợ cho tương lai. Các ông phải buớc vào mùa Chay và mùa Thương khó.

Nhưng tám ngày sau khi tiết lộ tin sét đánh ấy, Đức Giêsu đã đem nhóm bộ ba là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện và Ngài đã biến hình sáng láng trước mắt các ông. Cảnh tượng này làm các ông hết sức ngạc nhiên và hứng thú, đến nỗi ông Phêrô đề nghị với Chúa để dựng lều ở luôn trên núi không xuống nữa. Nhưng thực tế là người ta phải xuống núi để còn phải chu tòan bao nhiệm vụ gai góc và nguy hiểm nữa. Phải chăng Đức Giêsu hé mở cho các ông thấy một chút vinh quang để kích thích các ông đi vào con đường khổ giá mà Ngài sắp phải trải qua trong những ngày sắp tới ?

Mọi Kitô hữu chúng ta cũng phải đi theo con đường khổ giá của Chúa. Đi theo con đường khổ giá là phải từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là phải thay hình đổi dạng, phải lột bỏ con người cũ xấu xa tội lỗi mà mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn. Điều đó đòi hỏi một cuộc canh tân tòan diện. Cuộc canh tân này phải kéo dài và đòi hỏi chúng ta phải cố gắng liên miên, phải liều mình theo tiếng gọi của Chúa giống như tổ phụ Abraham xưa. Nhưng chắc chắn cuộc canh tân này sẽ dẫn ta đi tới đích mặc dầu phải trả một giá rất đắt vì “Per crucem ad lucem”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: St 12,1-4

Theo sách Sáng thế, sau khi tổ tông lòai người sa ngã phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, hạnh phúc tan biến mất. Nhưng theo dòng thời gian Thiên Chúa không quên lòai người đang phải sống lầm than dưới ách tội lỗi, Ngài đã chọn tổ phụ Abraham để thực hiện chương trình đưa lòai người trở về hạnh phúc ban đầu.

Thiên Chúa gọi tổ phụ Abraham rời bỏ Ur, một cuộc sống an cư lạc nghiệp cùng với bà con, với tài sản đầy đủ. Thiên Chúa truyền cho ông hãy rời bỏ tất cả mà ra đi, phải làm một cuộc hành trình đầy phiêu lưu. Phiêu lưu vì Thiên Chúa không cho ông biết nơi sẽ đến, tương lai sẽ ra sao ! Ngài chỉ bảo: ”Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, đến đất ta sẽ chỉ cho ngươi”(St 12,1). Nhưng tổ phụ Abraham đã đặt hết tin tưởng vào Chúa, ông lên đường, phó thác hòan tòan vào Chúa, còn tương sẽ để Ngài lo.

+ Bài đọc 2: 2Tm 1,8b-12

Thánh Phaolô khuyên dụ Timôthêô hãy thực hành ơn gọi Kitô hữu của mình là dấn thân vào một cuộc hành trình phiêu lưu theo Chúa. Như thế chưa đủ, ngài còn khuyên phải đồng lao cộng khổ với nhau làm một cuộc hành trình thứ hai cũng đầy gian khổ là lên đường loan báo Tin mừng. Chính Chúa Kitô đã dùng Tin mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống.

+ Bài Tin mừng: Mt 17,1-19

Trước đây Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16,24). Lời mời gọi này có thể làm cho các môn đệ chùn bước vì phải làm một cuộc hành trình đầy gian khổ và cũng có tính cách phiêu lưu như trường hợp của tổ phụ Abraham xưa. Nhưng hôm nay Đức Giêsu biến hình trước mặt ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan để khuyến khích các ông theo Ngài, nhất là trong cuộc khổ nạn sắp tới của Ngài; đồng thời cũng hé mở cho các ông thấy một chút tương lai của cuộc hành trình ấy, nghĩa là sau khi qua gian khổ thì sẽ tới vinh quang.

Nếu Đức Giêsu là Con Yêu dấu của Thiên Chúa Cha mà còn phải chấp nhận thập giá thì các môn đệ của Ngài cũng phải dấn thân vào cuộc hành trình của Ngài để tiến tới vinh quang. Việc Đức Giêsu biến hình cũng nhắc nhở cho các môn đệ và chúng ta là muốn tiến tới vinh quang thì phải thay hình đổi dạng con người tội lỗi của chúng ta để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chúng ta phải biến hình đổi dạng

I. ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH TRÊN NÚI

Đức Giêsu vừa loan báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ lên Giêrusalem, sẽ bị bắt, bị hành hình và sẽ bị giết chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại (Mt 16,21). Cái tin đột ngột ấy cũng như lời giảng dạy về luật phải từ bỏ mình vác thập giá, đã làm cho các ông bàng hòang lo sợ. Chúa nhận thấy cần phải nâng đỡ tinh thần của họ hay một phần trong nhóm của họ được nhìn thấy vinh quang của Ngài. Vì thế, tám ngày sau, Ngài đưa ba môn đệ lên núi và biến hình trước mặt các ông.

1. Nơi Đức Giêsu biến hình

Thánh Matthêu dùng một chữ rất trống “trên núi cao”. Ngày nay hai quả núi đang tranh nhau cái vinh dự được Chúa chọn làm nơi biến hình.

* Có truyền thuyết cho rằng cuộc biến hình xẩy ra trên núi Taborê, nhưng không lấy gì làm đáng tin. Lý do: trên đỉnh núi Taborê cao 562 mét có một đồn lũy và một tòa lâu đài lớn, ta thấy cuộc biến hình khó có thể xẩy ra trên một hòn núi có đồn lũy, và theo như thánh Luca ghi lại thì chúng ta biết Đức Giêsu lên đó để cầu nguyện, Ngài cần phải có sự yên tĩnh.

* Có người cho rằng việc biến hình xẩy ra trên núi Hermon. Núi này cao gần 3000 mét, nằm cách Xêsarê Philip 23 cây số. Đó là hòn núi cao, cao đến nỗi người ta có thể nhìn thấy nó từ Biển chết, cách đó 160 cây số. Như thế, việc biến hình không thể xẩy ra trên tận đỉnh núi, vì núi quá cao, và lên núi phải mất một ngày, xuống một ngày, như thế thì quá mệt mỏi.

* Chúng ta không biết rõ Đức Giêsu đã biến hình ở núi nào. Theo cổ truyền thì núi Hermon không được nhắc tới mà chỉ nói tới núi Taborê. Hơn nữa, núi Taborê được hậu thuẫn ở cổ truyền cho đến thế kỷ IV. Ngày nay trên núi Taborê có nhà thờ lộng lẫy của các cha dòng Phanxicô dâng kính Chúa biến hình.

2. Những người chứng kiến

Đức Giêsu chọn nhóm bộ ba đi theo, đó là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Nhóm này được Đức Giêsu lưu ý đặc biệt: các ông được chứng kiến những việc trọng đại của Chúa, các ông cũng được mục kích việc xẩy ra ở vườn Giệtsimani, lúc Đức Giêsu đang trong cơn hấp hối. Riêng ông Gioan còn đứng chứng kiến giờ Chúa hấp hối trên thập giá nữa.

3. Hai vị khách đặc biệt

Tại trên núi, có hai nhân vật xuất hiện gặp Đức Giêsu, đó là ông Maisen và Elia. Maisen là nhà lập luật Do thái dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Elia nhà tiên tri trứ danh, vị tiền hô thứ nhất cho Chúa đến. Các ông hầu chuyện với Đức Giêsu về cái chết của Ngài ở ngòai thành Giêrusalem.

Có thể nói, đó là hai nhân vật lớn nhất trong lịch sử Israel đến với Đức Giêsu, lúc Ngài sắp lên đường, bắt đầu cuộc hành trình mạo hiểm đến nơi chưa biết, để bảo Ngài cứ đi tới. Nhà lập pháp lớn nhất và nhà tiên tri lớn nhất công nhận Đức Giêsu là người họ hằng mơ ước, là người họ đã báo trước. Sự xuất hiện của họ là hiệu lệnh cho Ngài buớc tới. Như vậy, những nhân vật lớn nhất nhân lọai làm chứng rằng Đức Giêsu đã đi đúng đường và khuyên Ngài cứ đi trong cuộc xuất hành mạo hiểm đến Giêrusalem và đồi Golgotha.

4. Mục đích việc biến hình

Chắc chắn tâm tư các môn đệ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giêsu khi Ngài tiết lộ cho các ông: Ngài phải tới Giêrusalem, để chịu nhục hình, bị đối xử như tên tội phạm, chịu đau đớn, bị đóng đinh vào thập giá và chết. Trước mắt họ, tương lai tòan là mầu đen nhục nhã. Nhưng tòan cảnh núi Biến hình là vinh quang. Mặt Đức Giêsu sáng rỡ ràng như mặt trời, áo Ngài rực rỡ chói lòa như ánh sáng…

Chắc chắn cảnh tượng đó đã làm cho các môn đệ phấn khởi, họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã, khải hòan bên kia cảnh đau khổ, vương miện bên kia thập giá. Ngay lúc ấy, họ cũng chưa phải là đã hiểu trọn vẹn, nhưng chắc chắn họ đã lờ mờ ý thức được rằng thập giá là hòan tòan khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và đến cái chết.

Đức Giáo hòang Lêô Cả, nhà thần học trứ danh ở thế kỷ thứ 5, đã nói: ”Chúa Giêsu biến hình nhằm mục đích giữ trước cho tâm hồn các môn đệ khỏi cây Thánh giá làm chướng nghịch: Buổi sáng tưng bừng trên núi ấy, ba tông đồ có nhớ lại trong đêm ở vuờn Cây Dầu chăng, khi được mục kích một việc mầu nhiệm khác mà các ông cũng ngủ lăn lóc, không chú ý đến, tức là Chúa Giêsu hội diện trong u ám với Thiên Chúa hùng mạnh”(Daniel-Rops).

Qua cuộc biến hình nhiều người đã có cảm nghiệm như thánh Phêrô: ông muốn làm ba lều cho Đức Giêsu, cho Maisen và cho Elia. Ông muốn kéo dài giây phút huy hòang ấy. Ông không muốn trở về với công việc thường ngày, ông muốn ở lại mãi mãi với vinh quang rực rỡ. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi với Chúa cũng đều muốn kéo dài những giây phút ấy, như có người đã diễn tả: ”Núi Biến hình bao giờ cũng thích thú hơn là công tác phục vụ hằng ngày hay con đường thập giá”(Mc Neil).

Nhưng núi Biến hình được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục sau: ”Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng: đạo không bị giới hạn nơi nhà thờ hay nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hay suy gẫm mà ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa”(S. Wesley). Giờ phút vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nó xuất hiện là để khóac vẻ đẹp lóng lánh, rực rỡ cho những công việc bình thường mà trước kia chúng ta chẳng hề có.

II. CHÚNG TA PHẢI BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG

Muốn theo ơn gọi làm Kitô hữu, chúng ta phải dấn thân làm một cuộc hành trình phiêu lưu gian khổ để theo Chúa Kitô. Dấn thân gợi lên ý tưởng phải liều. Liều đây không có nghĩa là nhắm mắt theo một cách mù quáng, bất chấp tương lai, bất chấp hậu quả tốt xấu, nhưng liều một cách sáng suốt nghĩa là đặt trọn niềm tin vào những lời hứa của Chúa, Đấng hằng trung tín không lừa dối ai, Ngài kêu gọi chúng ta từ bỏ để phiêu lưu theo Ngài, cũng chỉ vì Ngài muốn đưa chúng ta trở về hạnh phúc thuở ban đầu.

Cuộc hành trình theo Chúa này đòi chúng ta phải “từ bỏ mình và vác thập giá hằng ngày ”, nghĩa là phải lột bỏ con người xấu xa tội lỗi của mình để được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Hay nói cách khác, chúng ta phải biến hình hằng ngày để có thể “nhật nhật tân, hựu nhật tân” theo khuôn mẫu của Chúa Kitô.

1. Biến hình đổi dạng là gì ?

Khi nói đến biến hình đổi dạng, ta liên tưởng ngay đến lời thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Ephêsô: ”Hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em”(Ep 4,22.24). Không phải chỉ có một lối biến hình, mà có hai: biến hình nên tốt hơn và biến hình thành xấu hơn, tùy vào tác nhân gây nên sự biến hình ấy. Trong các môn đệ Đức Giêsu, Gioan là thí dụ của lối thứ nhất và Giuđa là thí dụ của lối thứ hai.

Những tác nhân ảnh hưởng giúp biến hình nên tốt là những gì ta yêu, những gì nâng tâm hồn ta lên cao, những gì làm ta thức tỉnh, những gì kêu gọi ta bước tới, những gì mở rộng lòng ta ra…

2. Nhu cầu biến hình đổi dạng

Mọi vật phải luôn luôn đổi mới không thể đứng ỳ một chỗ được. Dòng nước phải lưu thông, nếu không sẽ trở thành một ao nước tù. Sự biến hình đổi dạng cần thiết cho cả phương diện vật chất lẫn tinh thần.

a) Phương diện vật chất

Thân thể con người đổi mới mỗi ngày thì mới có thể tồn tại được. Ngày trước, người ta nói rằng cứ 7 năm, cơ thể con người ta được trùng tu lại một lần hòan tòan mới. Các nhà khoa học ngày nay không nói 7 năm, mà chỉ nói một năm thôi. Mỗi năm một lần, các bộ phận trong cơ thể con người được lần lượt tháo gỡ bỏ đi hết kỹ lưỡng hơn gấp mấy các bác ráp sửa xe và được thay thế bằng những bộ phận khác hòan tòan mới.

Rắn già rắn lột. Con người thì già trẻ gì cũng lột. Chỉ trong vòng 12 tháng là tôi lột bỏ hết con người cũ với xương thịt của nó và mặc lấy một con người mới với xương thịt mới hòan tòan. (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 373-374).

Các nhà khoa học còn cho biết, da của thân xác con người còn được thay đổi nhanh hơn nữa, tính ra da của cơ thể con người sẽ thay đổi hòan tòan mỗi 27 ngày (Báo Thời nay, số ra ngày 04.12.1977, tr 70).

b) Về phương diện tinh thần

Người ta thường nói đến đổi mới tư duy, phải đổi mới nếp nghĩ mới đưa đến tiến bộ trong hành động; những tư tưởng cũ kỹ lạc hậu phải được đẩy lùi để thay vào đó những tư tưởng tiến bộ mới mẻ hơn.

Không có thời nào người ta hay nhắc đến chữ “cách mạng” cho bằng thời nay. Người ta thích luôn đổi mới, chữ cách mạng hiện nay có nghĩa là thay đổi một thể chế, một chế độ cũ xấu xa để xây dựng một chế độ mới tốt hơn. Theo nguyên nghĩa của nó thì chữ cách mạng bao giờ cũng bao hàm một ý nghĩa tốt, thí dụ người ta đã làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vào thế kỷ 17 để rồi biến thế kỷ 19 thành thế kỷ ánh sáng của khoa học.

c) Về phương diện tâm linh

Con người bị vật dục và những hòan cảnh chung quanh chi phối, làm cho nó đi xa nguồn gốc tốt lành của nó, cần phải làm cho nó trở về tình trạng tốt lành nguyên thủy của nó.

Ông Francis Bacon nói: ”Thời thượng cổ trong lịch sử là thời thanh xuân của thế giới: chính chúng ta mới là cổ nhân”. Thời kỳ con người mới được dựng nên là thời kỳ thanh xuân vì con người lúc ấy giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và trong sạch. Mặc dầu thời kỳ hiện nay là thời kỳ nguyên tử vệ tinh, con người cũng không thể đem chính họ trở lại thời kỳ “thanh xuân” được. Ông G. Duhamel nói rằng: ”Con người ta dù có là vĩ nhân đi chăng nữa cũng chỉ là con người”.

Cho nên, con người muốn trở nên con Trời, tức là trở lại thời thanh xuân, thì phải được tái sinh theo phương cách mà Chúa Giêsu đã tuyên bố với ông Nicôđêmô: ”Quả thật, Ta nói cùng ông, nếu một người chẳng sinh lại thì không thể thấy được Nước Đức Chúa trời” (Ms Hùynh Tiên, Thánh kinh Nguyệt san, số 362, tr 14).

3. Phương cách biến hình đổi dạng

Cuộc sống tâm linh của con người thời nay sẽ xuống dốc vì họ không muốn đi theo con đường của Chúa, con đường thập giá mà đi theo một con đường dễ dãi.

Mục sư Oscar Cullman, một nhà thần học Tin lành được mời diễn thuyết cho một số nhà trí thức công giáo họp tại Strasbourg ở Pháp, về cuộc khủng hỏang sau công đồng Vatican II, ông nói:

“Cuộc khủng hỏang hiện nay không phải chỉ xẩy ra trong Giáo hội Công giáo, chính trong Giáo hội Tin lành của chúng tôi cũng không thóat khỏi. Một trong lý do là Kitô hữu không chấp nhận sự điên dại của thập giá Chúa, như thánh Phaolô đã dạy. Họ muốn đua đòi khôn ngoan theo kiểu thế gian. Họ tránh hy sinh, tránh khó nghèo. Họ tìm lời khen, họ muốn tự do theo ý riêng họ. Họ muốn theo Chúa Giêsu lúc Người biến hình trên núi Taborê, nhưng dừng lại bên ngòai vườn Cây Dầu, và không trèo lên núi Thập giá” (Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa A, tr 49).

Chương trình biến hình đổi dạng của chúng ta là làm một cuộc cách mạng bản thân trong hai chiều hướng tiêu cực và tích cực.

a) Phương diện tiêu cực

Mọi người đều có khuyến điểm, sai phạm, yếu đuối và sa ngã. Đặc biệt là khi qui chiếu với Tin mừng của Đức Giêsu. Có nhận ra sự mỏng dòn của thân phận con người thì mới cố gắng để biến đổi cuộc sống của mình. Đồng thời trong cuộc sống, nếu ai cũng có một lý tưởng để hướng tới, nếu ai cũng có một mục đích để dõi theo, hay luôn để ý tìm kiếm một sự hòan thiện, sự trọn hảo, thì chắc chắn thế giới này đã có nhiều biến chuyển rất khác so với thực tế xã hội hiện nay.

Theo thánh Phaolô, con người cũ là con người hành động theo xác thịt không theo luật của lương tri, họ sống buông thả cho mọi khuynh hướng sống. Không ai sống cho chính mình (Rm 14,7). Nhưng biết bao người chỉ sống cho mình họ, cho thỏa nguyện của họ: ”Tất cả những người lấy cái bụng làm Chúa, những người đặt vinh quang của họ trong những việc chỉ làm cho họ xấu hổ vì chỉ thích những cái gì phàm tục”(Pl 3,19).

Suy nghĩ thực tế về con người mình, một nhà quân tử đã thốt lên:

“Tôi chưa có kinh nghiệm thế nào là lương tâm của một kẻ sát nhân, nhưng tôi đã biết thế nào là lương tâm của một người quân tử: thực là ghê tởm ! Người quân tử là người dám thành thật với mình, dám nhìn thẳng vào cõi lòng mình, không dối mình, dối người, cũng chẳng dối trời. Đúng vậy: “Le moi est haissable”: cái tôi đáng ghét.

Truyện: Gột rửa óc tội phạm.

Tin từ Toronto (Canada) cho hay: công cuộc giải phẫu để rửa óc con người đã hòan thành và chứng minh được là ý nghĩ con người sẽ hòan tòan thay đổi bằng những tác dụng mạnh vào tinh thần của đương sự.

Các nhà bác học Hoa kỳ đã nghĩ đến cách xử dụng việc giải phẫu nói trên để gột rửa óc của những kẻ phạm trọng tội, biến những kẻ khát máu này thành những “con cừu non ngoan ngõan”.

Giáo sư James Mc Connel tại đại học đường Michigan đã tuyên bố với báo chí: ”Hiến pháp Hoa kỳ cho phép con người được tự do hành động theo lý trí của họ, thì để cho công bằng, Hiến pháp cũng phải để cho người ta được phép tiêu diệt những khuynh hướng giết người trong đầu óc những kẻ sát nhân”.

b) Phương diện tích cực

Cách mạng không có nghĩa là chỉ phá đổ cái cũ đi là xong, nhưng còn phải xây dựng một cái gì tốt hơn. Bước đầu của cuộc cách mạng bản thân là hủy bỏ tất cả những tính hư tật xấu của con người và buớc thứ hai là phải xây dựng con người theo một khuôn mẫu nào đó.

Chúng ta phải “canh tân” con người mình. Canh tân là làm cho tình trạng xấu hóa thành tình trạng tốt. Canh tân con người nội tâm không phải chỉ thay đổi những cái phụ tùy bên ngòai, nhưng là thay đổi hẳn tình trạng, phải có một sự chuyển biến từ nội tâm, nếu không thì người ta sẽ chê trách:

Thay quần, thay áo, thay hơi,

Thay dáng thay dấp, mà người chẳng thay.

(Ca dao)

Chúng ta hãy chọn cho mình một “Thần tượng”. Con người được gán danh hiệu thần tượng là được tôn thờ, hoan nghênh như một vị thần. Thực ra thần tượng không những được người ta tôn thờ như vị thần, đặt hết lòng tin, niềm kiêu hãnh trong đó, nhưng hơn nữa còn ao ước, mong muốn mình được huyền đồng với thần tượng của mình. Do đó, người được tôn sùng là thần tượng là người đã được đồng hóa như vị thần và có thể bắt chước rập khuôn những điệu bộ, lối sống, cách phục sức…

Ta nhận định: đi trong hành trình cuộc đời, con người khi đã cảm thấy mình đuối sức, tâm hành bất nhất, họ sẽ tìm bám víu lấy một thần tượng để trao phó cho thần tượng, gửi gắm cho thần tượng ước vọng tiến mãi của mình. Người ta nhận ra trong thần tượng những ưu điểm mà mình không có, và cố với lấy những ưu điểm này (Chiêu Anh, Nội san Đồng tiến, 1972, tr 39).

Chúng ta hãy chọn Đức Giêsu là thần tượng vì Ngài là “Đường. Là chân lý và sự sống”(Ga 14,6), Ngài có mọi đức tính của một con người hòan hảo nhất và Ngài dạy rõ ràng và công khai: ”Các con chỉ có một người Huấn đạo là Đức Kitô”(Mt 23,10). Lời dạy của Ngài đã được ghi chép trong Tin mừng, hãy đọc và thực hành.

Truyện: Hòang tử lưng gù

Có một hòang tử vừa đẹp trai vừa văn võ song tòan. Nhất là có thái độ khiêm tốn hòa nhã với mọi người, nên rất được lòng vua cha và bá quan trong triều. Hòang tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái lưng bị gù từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng có mặc cảm tự ti không bao giờ dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hòang tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bầy tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân đến chiêm ngưỡng.

Năm đó, hòang tử của chúng ta cũng tròn 20 tuổi. Dù không muốn người ta tạc tượng cho mình, nhưng chàng không dám trái lệnh vua cha. Có một điều là chàng xin vua cha hai điều và được chấp thuận: một là bức tượng của chàng phải được tạc ở thế đứng thẳng người chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì không được trưng bầy bức tượng ấy, mà chỉ được đặt trong phòng riêng của chàng.

Từ khi có bức tượng, mỗi ngày hòang tử đều đến gần ngắm nhìn ảnh mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước thế đứng thẳng người của bức tượng. Và sau một thời gian, mọi người trong hòang cung đều vui mừng nhận thấy hòang tử không còn gù lưng nữa, trái lại, chàng luôn có dáng vẻ hiên ngang oai vệ xứng đáng như một hòang tử. Cũng từ đó, chàng đồng ý cho trưng bầy bức tượng của mình tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng.
 
Chiêm ngắm vinh quang thần tính Chúa tiền Phục Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
12:54 17/03/2011
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Chay, Năm A

Trận siêu động đất và sóng thần hôm 11.3 vừa qua đã làm cho Nhật Bản, một đất nước từng thịnh vượng thứ hai thế giới, phải chao đảo. Nhiều thành phố hoang tàn đổ nát; một số thị trấn bị xoá sổ; nhiều người mất nhà cửa, tài sản, người thân, lang thang trong vô vọng. Chỉ trong phút chốc tất cả đều bị thuỷ thần cuốn phăng ra biển.

Các bản tin liên tục cập nhật con số thương vong theo chiều hướng ngày một tăng làm cho nhiều người choáng váng. Đặc biệt là tin tức dự báo về các dư chấn mạnh sẽ còn xảy ra nhiều trong thời gian sắp tới, cũng như tin về mức độ phát tán chất phóng xạ nguy hiểm trong không khí từ các lò phản ứng hạt nhân bị nổ hay bị hư hỏng… Tất cả đã tạo ra một bầu khí hoang mang và ảm đạm bao trùm toàn thể nước Nhật, kể cả thủ đô Tokyo, một thành phố hiện đại bậc nhất của xứ sở Hoa Anh Đào. Đối diện với hiểm nguy rình rập từ các vụ dư chấn, nhất là phóng xạ hạt nhân, các du học sinh sinh viên và kiều bào nước ngoài sinh sống tại Nhật đã phải tìm cách tháo chạy khỏi nước Nhật càng sớm càng tốt. Còn người dân bản xứ cảm thấy hoang mang và lo sợ não nề.

Trước lời loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó Chúa Giêsu, tâm trạng của các môn đệ có lẽ cũng hoang mang và lo sợ não nề không kém người dân Nhật hiện nay. Lo sợ vì khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ phải đương đầu với sự bắt bớ, bách hại, các ông không còn nhìn thấy được đâu là đấng cứu tinh mà muôn dân đang trông đợi. Hoang mang vì khi sắp sửa phải đối mặt với thập giá Chúa Giêsu, các ông chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính của đấng mà các ông nhiều lần gọi là Chúa. Não nề vì khi chạm trán với viễn tượng chết chóc, các ông chẳng còn hình dung được đâu là sự sống đời đời mà Thầy mình đã từng cao rao.

Hiểu rõ nỗi lòng của các môn sinh, Chúa Giêsu đã khéo léo đưa họ lên núi để họ được chiêm ngưỡng một biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, biến cố mở ra cho họ một viễn tượng mới tràn đầy hy vọng: Biến Cố Hiển Dung.

1. Hiển dung, biến cố chứng thực cho sự sống sau cái chết.

Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết. Nói cách khác, qua biến cố hiển dung, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng các ông cứ tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn. Và rằng các ông cứ an tâm Thầy của họ có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang.

2. Hiển dung, biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.

Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu, ẩn dấu trong một thân xác nghèo hèn dân dã.

Thế nhưng, qua biến cố hiển dung, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như tuyết”. Rạng ngời đến nỗi các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều”. Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã viết: “Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che dấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tâm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang”.

3. Hiển dung, biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.

Chúng ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, ít là có hai trong ba môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đã từng chứng kiến biến cố hiển dung đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của ba môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài: “Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài”. “Lời Ngài” mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.

ĐTC Bênêdictô XVI, trong Sứ điệp Mùa Chay 2011, đã nói: “Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người Kitô hữu. Ngài mời gọi chúng ta hãy ý thức mình cũng được dẫn lên núi cao như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận món quà Ân Sủng của Thiên Chúa là Chúa Kitô” (số 2). Trong ý nghĩa đó, một khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm biến cố Hiển Dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau, cuộc sống mà Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào Người. Hơn nữa, chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương ấy trong đời. Amen.
 
Con yêu dấu
Lm Vũđình Tường
19:55 17/03/2011
Dấu chỉ ân sủng đặc biệt Chúa ban thường đi chung với sứ mạng đặc biệt. Hai lần các tông đồ là những chứng nhân nghe Chúa Cha đàm đạo với Chúa Con. Lần thứ nhất xảy ra sau khi Đức Kitô chịu phép rửa. Khi vừa lên khỏi bờ liền có tiếng từ trời phán ra

Đây là Con yêu dấu của Ta,Ta hài lòng về Người Mat 4,17

Người Con yêu dấu được Chúa Cha hài lòng vì Người Con sống không phải để làm theo ý riêng mình nhưng để hoàn thành ý muốn của Cha mình. Đức Kitô nói

Vì tôi từ trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai Tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Gioan 6,38-39

Sứ vụ Con yêu dấu gắn liền với rao giảng về nước Thiên Chúa và sự sống trường sinh cho toàn thể nhân loại.

Lần thứ hai các tông đồ chứng kiến trên núi thánh. Chúa Con biến hình, mặt Ngài sáng chói như hừng đông và y phục trắng như tuyết. Ngài đàm đạo với tổ phụ Môsê và ngôn sứ Elia. Các tông đồ hoảng sợ khi nghe có tiếng như tiếng sấm từ trời cao phán ra

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người Mat 17,5

Trên đường xuống núi Đức Kitô cho các tông đồ biết Ngài sẽ chịu đau khổ, bị bắt, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại từ cõi chết. Người Con yêu dấu hằng làm đẹp lòng Chúa Cha thực hiện việc làm hài lòng bằng cách thi hành ý muốn của Cha. Lần đầu ý của Cha là cho mọi người được nhận biết Con Thiên Chúa để nhận ơn cứu chuộc. Lần thứ hai ý của Chúa là hiến chính Con một mình làm chiên sát tế, đổ máu đào ra chuộc tội toàn thể nhân loại. Người Chúa yêu dấu là người Chúa tin tưởng giao phó cho sứ mạng chứng nhân Tin Mừng. Nhân chứng nếu cần sẵn sàng đổ máu đào ra làm sáng Danh Chúa. Đức Kitô cũng không loại trừ giải pháp đổ máu ra để nhân loại được giao hoà cùng Thiên Chúa.

Sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Mữ Maria thụ thai làm mẹ Đấng Cứu thế xác nhận Mẹ là người Chúa yêu dấu.

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà Lc 1,29

Mẹ Maria được đầy ân sủng vì có Đức Chúa ở cùng. Có Đức Chúa ở cùng để trở thành Mẹ Đức Kitô. Một ân huệ tuyệt vời và cũng là một sứ mạng cao cả. Sứ mạng mà tiên tri Simeon tuyên sấm

Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. Luca 2,35

Được đầy ân sủng Chúa luôn kèm theo một sứ vụ cao cả. Sứ vụ đó đòi hy sinh đến độ rỉ máu con tim. Hai ngàn năm qua biết bao chứng nhân Tin Mừng đi con đường Chúa đã đi qua, đổ máu mình ra làm nhân chứng. Xã hội hiểu đơn giản chết là hết, không còn gì để lo. Mọi sự trở thành quá khứ. Với tôn giáo đổ máu đào ra, thân xác bất động biến thành nhân chứng sống động. Nhân chứng đức tin không bao giờ chết. Bởi vì người ta có thể giết được thân xác mà không giết được linh hồn.

Thực ra một khi nhà cầm quyền phải dùng đến giải pháp giết chết là họ chấp nhận bất lực, đầu hàng. Người ta tự hào có thể cải hoá con người, làm thay đổi lối sống, niềm tin, cách suy nghĩ của con người. Thực tế cho thấy lao tù, hành hạ thân xác đã không làm cho lòng tin lu mờ; trái lại mọi hình thức bắt bớ, giam cầm, đánh đập, thù nghịch càng làm cho lòng tin ra sắt son. Chết, nhân chứng đức tin trở thành hào quang chiếu sáng.

Hợp lòng hợp ý

Hợp lòng, hợp ý chính là mối giây liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Khi hợp lòng, hợp ý liên kết thì hai ý nên như một. Cha vẫn là Cha; Con vẫn là Con nhưng tấm lòng, trí tưởng trở nên một. Nói rõ hơn là ý Chúa Cha hướng dẫn cuộc đời Đức Kitô. Câu tâm đầu, ý hợp diễn tả mối liên kết này. Đức Kitô luôn để cho ý Cha được thể hiện vì trong ý Cha có kết hợp mật thiết ý Con. Thi hành xong ý Cha cũng là lúc ý Con được thể hiện, kiện toàn.

Người Kitô hữu liên kết với Đức Kitô bằng cách kết hợp ý mình với ý Chúa. Vì thế Kitô hữu có thể nói Thiên Chúa đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh, tình huống khi con liên kết ý con với Chúa, để Ngài hướng dẫn đời con. Thánh Phaolô diễn tả mối tình này là

Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa sống trong tôi.Gl.2,20.

Đức Kitô diễn tả tâm tình liên kết một lòng, một ý qua hình ảnh của chính Ngài. Ta và Cha Ta là một. Ai thấy Ta là thấy Cha Gn 14,9

Đức Kitô còn thánh hiến mối giây liên kết bằng cầu nguyện. Lậy Cha xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta Gn 17,21
.

Liên kết chặt chẽ với Đức Kitô, cõi lòng người Kitô hữu luôn hướng về trời vì Thiên Chúa từ trời đến nên sau khi hoàn thành sứ vụ cứu độ Ngài sẽ về trời. Liên kết với Đức Kitô chính là liên kết với nước trời, với Đấng từ trời mà đến. Thế gian bách hại Kitô hữu, phần vì ghen tức; phần khác Kitô hữu không thuộc về thế gian. Kitô hữu trải qua đau khổ, hoạn nạn trên trần thế nên nhận thức rõ ràng sứ mạng chứng nhân Tin Mừng của mình. Được ân phúc cùng Chúa luôn kèm theo đau khổ và qua đó Danh Chúa được cả sáng hơn.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:49 17/03/2011
CHO ANH COI

N2T


Có một nhà giàu không biết chữ, khi đi đòi nợ thì cầm ngược tờ giấy vay nợ. Con nợ cười nói ông ta đã cầm ngược tờ giấy.

Ông nhà giàu nổi giận nói:

- “Tôi cầm là đưa cho ông coi, chứ bản thân tôi thì coi nó làm gì hử ?”

Suy tư:

“Miệng nhà quan có gang có thép”, nhưng bụng nhà giàu thì chỉ biết có tiền. Có tiền có bạc mà không biết chữ thì buồn và tội nghiệp cho họ biết bao, như thế thì cũng đủ biết họ là những người rất nghèo về đời sống tinh thần.

Cầm ngược tờ giấy nợ thì không có gì là đáng cười cả, nhưng cái đáng cười là chúng ta làm những điều trái ngược với lương tâm của mình, bởi vì khi làm những điều trái ngược với lương tâm là chúng ta đắc tội với Thiên Chúa và mắc nợ với tha nhân, do đó không những đáng cười chê mà còn đáng phạt đời đời trong hỏa ngục nữa.

Làm ngược với lương tâm, làm trái với Lời Chúa dạy thì chỉ có ma quỷ là kẻ vui nhất cười ha ha mà thôi, và đến ngày phán xét thì bàn dân thiên hạ đều nhìn rỏ ràng những tội lỗi mà chúng ta làm ngược với lương tâm và Lời Chúa dạy.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:54 17/03/2011
N2T


9. Nếu linh hồn mang tội trọng, thì giống như cây khô chết, không thể khai hoa kết trái.

(Thánh Francis de Sales)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình chuyến Tông Du Mục Vụ của ĐGH Bênêđictô XVI tại Đức quốc
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
08:31 17/03/2011
Paderborn, Đức quốc - Hội Đồng Giám Mục Đức gồm 69 giám mục, hồng y họp mặt hằng năm vào mùa xuân tại TGP Paderborn vào thứ ba, ngày 15/03/2011. Nghị trình họp lần này chủ yếu là trình bày bản phác thảo về chương trình cho chuyến tông du mục vụ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Đức quốc vào tháng 9/2011. Đây là chuyến thăm cố hương lần thứ 3 của ĐGH, tuy nhiên 2 lần trước được xếp vào mục vụ giáo hội năm 2005 dịp ĐHGT Thế Giới và thăm lại giáo phận cũ München và Regensburg của mình năm 2006. Tháng 9/2011 là lần thăm quốc gia chính thức của Đức Giáo Hoàng tại Đức do tổng thống Christian Wulff đại diện nước Đức mời đến.

Là người con của nước Đức ĐGH lúc nào cũng ghi lòng tạc dạ nhớ về cố hương, dịp HDGM Đức thăm Ad Limina việng mộ Thánh Phêrô vào tháng 11/2006, ĐGH lại có cơ hội biểu lộ tâm tình đó: "Những người Công giáo trong các giáo phận Đức và thực sự tất cả các Kitô hữu ở nước này luôn ở trong trái tim tôi."

Trong chuyến Tông Du Mục Vụ bốn ngày với phương châm: „Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai – Wo Gott ist, da ist Zukunft“ ĐGH sẽ có những cuộc gặp gỡ trong các nghi lễ phụng vụ với các vị đại diện của GH Tin Lành (EDK). Cùng lúc cũng có các cuộc họp với đại diện của Hội đồng Trung ương người Do Thái, đại diện người Hồi giáo và với Chính thống giáo.

Chương trình Tông Du của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ ngày 22 đến 25 tháng 11 năm 2011 tại Đức:

(Lưu ý: Các kế hoạch chi tiết cho chương trình Tông Du đang hoàn thành. Trước tiên, theo HĐGM Đức chỉ cho biết các nơi trọng điểm đón tiếp. Thời giờ cụ thể sẽ được bổ túc sau).

Thứ năm, 22 Tháng 9 năm 2011

- Đức Giáo Hoàng đến phi trường Tegel, thủ đô Berlin.

- Tổng thống Christian Wulff chào mừng ĐGH tại điện Schloss Bellevue, dinh tổng thống

- Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đọc diễn văn tại Bundestag, Quốc Hội Đức

- Gặp gỡ với nữ thủ tướng Angela Merkel và chủ tịch quốc hội

- Thánh lễ đại trào tại thủ đô Berlin

Thứ sáu, 23 Tháng 9 năm 2011

- Đức Giáo Hoàng đến thành phố Erfurt (Đông Đức),

- Thánh lễ đại trào trước quảng trường nhà thờ chính tòa Erfurt

- Đọc kinh kính Đức Trinh Nữ Maria tại Trung Tâm Hành Hương Etzelsbach - Eichsfeld



Thứ bẩy, 24 Tháng 9 năm 2011

- Đức Giáo Hoàng đến thành phố Freiburg (Tây Nam Đức)

- Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn trước công trường Münsterplatz

- Đêm Canh Thức cầu nguyện với Giới Trẻ

Chúa nhật, 25 Tháng 9 năm 2011

- Thánh lễ đại trào và đọc kinh kinh Truyền Tin tại sân bay của Freiburg

- Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn tại nhà hát Freiburg

- Trở về Rôma

Tấm Logo cho chuyến Tông Du của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Đức



Tấm Logo cho chuyến thăm của ĐGH được thực hiện theo phong cách mới, bằng màu sắc và các biểu hiện nghệ thuật nhẹ nhàng về đường nét cũng như tiềm ẩn sự năng động trong đó.

Trọng yếu của thiết kế là không gian của Giáo Hội: một cuộc hành trình của nhóm người đang tiến lên và cây thánh giá. Các màu sắc được sử dụng lấy từ lá cờ của Đức quốc gồm 3 màu: đen, đỏ và vàng. Ý tưởng nhắc đến người con thân yêu của nước Đức chính là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Nhóm người trên đó biểu tượng của cộng đoàn các tín hữu trên cuộc hành trình đến với Chúa Kitô được tấm Logo này mô tả. Không gian của Giáo Hội bao gồm các tín hữu và bảo trợ họ cũng như bảo vệ quê hương.

Sự tiến lên cao của cuộc hành trình diễn tả cho một hướng đi tới tương lai. Mục tiêu của cuộc hành trình và tương lai là ở trong Chúa Kitô, làm nổ bật trong hiện tại qua cây thánh giá. Rõ ràng là, Giáo Hội như là đoàn người hành hương Dân Chúa gồm các cộng đoàn của tín hữu trên đường đến với Chúa Kitô.

Hình ảnh này được củng cố qua phương châm của chuyến Tông Du: „Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai“ được Đức Giáo Hoàng lựa chọn. Tấm Logo cho thấy rằng: Giáo Hội tại Đức cùng với Đức Giáo Hoàng trên cuộc hành trình tiến về tương lai của Thiên Chúa.

Tấm Logo được thiết kế bởi bà Jola Fiedler, sinh năm 1962 tại Stawiszyn (Ba Lan) và tốt nghiệp đại học về thiết kế vào năm 1987 tại đại học Aachen. Kể từ 2010 bà làm việc tại công ty truyền thông Agentur MediaCompany.

Phương châm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Đức

„Nơi đâu có Thiên Chúa, là đấy có tương lai - Wo Gott ist, da ist Zukunft“ - với phương châm này hai vấn đề trọng yếu của thời đại hướng về một điểm tập trung: Vấn đề tìm Thiên Chúa và tìm đến tương lai. Cho tất cả chúng ta là người Kitô hữu, tương lai không phải là một quyền lực vô danh, không phải là nguyên tắc làm cho chúng ta bị bất ngờ, không phải là một số phận không thể tránh khỏi. Tương lai của chúng ta chính là ở trong Thiên Chúa và ở bên Thiên Chúa. Vì thế phương châm sẽ làm chứng này cho Thiên Chúa.

Đồng thời phương châm cũng sẽ làm cho chúng ta suy tư trong cuộc sống: Thiên Chúa muốn hình thành tương lai của thế giới qua bàn tay và cộng tác của con người. Có một tương lai xứng đáng nhân phẩm con người vì thế Thiên Chúa đã tỏ lộ ra ý muốn của Người. Nhất là qua các kinh nghiệm tàn ác, đau thương với các chủ nghĩa quốc gia phát xít và chủ nghĩa cộng sản đã xảy ra tại nước Đức chỉ rõ cho thế giới thấy rằng một trật tự xã hội mà không có Thiên Chúa là không có tương lai. Các chi tiết quan trọng đó để một lần nữa cho người Đức nhận thức rằng các ông bố và bà mẹ của các Luật Cơ Bản luôn nói rõ ràng về trách nhiệm "trước Thiên Chúa và con người". Mối quan hệ này càng được củng cố hơn chỉ hơn sáu thập kỷ sau đó trong một thế giới ngày càng quy tụ vào nhau về ý nghĩa định hướng cho tương lai nhân loại.

Gìn giữ tỉnh thức cho câu hỏi về Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sứ vụ mục tử cũng như của Giáo Hội là một cộng đồng tín hữu. Một trong những thách thức cấp bách của thời đại chúng ta phải tìm mọi cách để thuyết phục đức tin Kitô giáo và làm chứng nhân, không phô trương, nhưng tự tin vào chính trị và xã hội, vào khoa học, công nghiệp và văn hóa để mang lại tương lai.

Vì vậy một tình liên đới và công bằng cho nhau cần phải được xây dựng bởi trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Nhiều hơn, một vấn đề muốn mang đến sự thành công rao truyền đức tin cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là một câu hỏi về sự tồn tại đức tin ở nước Đức và trong một xã hội được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm cũng như quyền tự do người Đức đang có.
 
Giới chức giáo hội: Phúc trình tạo một ‘đám mây che phủ’ nỗ lực của giáo hội ngăn chặn lạm dụng tính dục
Bùi Hữu Thư
15:01 17/03/2011
Hoa Thịnh Đốn (CNS) – Bà Teresa Kettelkamp, giám đốc điều hành Văn Phòng Bào Vệ Trẻ Em và Vị Thành Niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói: Một phúc trình của bồi thẩm đoàn lên án các lạm dụng tính dục của các giáo sĩ và nhân viên giáo hội trong Tổng Giáo Phận Philadelphia " tạo nên một ‘đám mây mờ che phủ tất cả mọi sự’ giáo hội đang làm để ngăn chặn sự lạm dụng.

Sau vụ tổng giáo phận cho 21 linh mục nghỉ việc ngày 7 tháng 3, trong sự đáp ứng với cuộc điều tra của bồi thẩm đoàn, bà Kettelkamp nói người ta muốn biết những gì đã xẩy ra, xẩy ra như thế nào, và có thể rút tiả bài học gì từ đó.

Bà Kettelkamp nói với phóng viên hãng thông tấn Catholic News Servie ngày 11 tháng 3: "Tất cả mọi giám mục đều muốn biết tại sao điều này có thể xẩy ra” để cam đoan với giáo dân của họ là sẽ không xẩy ra trong giáo phận của các ngài.

Bà không cho là đã có sự thiếu phản ứng trước những báo cáo về lạm dụng tính dục theo tinh thần “Hiến Chương Bảo Vệ Trẻ Em và Vị Thành Niên,” đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thông qua năm 2002 trong buổi họp tại Dallas và đã được tu chính ba năm sau.

Hiến chương này và các tiêu chuẩn nhắm thiết lập một hệ thống hoàn bị để đối phó và chặn đứng các vụ bạo hành. Điều cần phải xem xét, theo bà Kettelkamp, là mức độ các giáo phận tuân hành theo đúng “tình thần và nội dung” của hiến chương.

Khi bồi thẩm đoàn Philadelphia phổ biến phúc trình, họ kêu gọi tổng giáo phận “duyệt lại tất cả các vụ lên án các linh mục đang hành xử và loại trừ ra khỏi việc mục vụ tất cả những linh mục có những vụ lên án có thể tin là xác thực.”

Trong số các hành động khác, tổng giáo phận cam kết duyệt xét lại trường hợp của 37 linh mục. Bồi thẩm đoàn cũng kết án 5 tội phạm của một cựu linh mục, 3 linh mục đang tại chức, và một cựu giáo viên trường học trong giáo xứ. Năm người này đã phải ra tòa ngày 14 tháng 3 để được phán xét sơ khởi.
 
Một bức thư cảm động và rất nên đọc viết từ Nhật
Hà Minh Thành
18:01 17/03/2011
Ngày 17/3/ 2011

Xin chào anh Đăng,

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp. Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.

Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi. Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm, con có muốn đi VN lánh nạn không". Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ, xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó." Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra, khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.

Chúc anh và gia quyến an toàn.
 
Top Stories
As Apostolic Visitation wraps up, congregations feel 'power of our sisterhood'
Cheryl Wittenauer/NCR
08:20 17/03/2011
As Apostolic Visitation wraps up, congregations feel 'power of our sisterhood'

Mother Mary Clare Millea's report to Vatican due by year's end

NCR Mar. 16, 2011 - Mother Mary Clare Millea is the apostolic visitator charged with directing a Vatican study of U.S. women's religious orders.

The largest-ever comprehensive study of Catholic sisters in America has entered its final phase, as information on women religious, collected over the last two years, is compiled for a confidential report to the Vatican by Dec. 31.

Mother Mary Clare Millea, who is directing the effort and writing the report, met in a closed session earlier this month in Hamden, Conn., with some of the 78 "visitors" -- nuns, priests and brothers -- who last year visited 90, or roughly one-fourth, of U.S. congregations of religious women engaged in service to church and society. Contemplative, cloistered communities are not part of the study.

The visits to a cross-section of communities were the third phase of the inquiry, following individual meetings between Mother Millea and major superiors of congregations, and circulation of a survey to all U.S. congregations on such areas as religious and prayer life, charism, governance, ministry, and demographics.

Mother Millea, a Connecticut native, has been directed by the Vatican to file written reports on each U.S. congregation as well as a composite report on the quality of women's apostolic religious life in the United States.

She said in a written statement to NCR that the March 4-6 meeting with the Apostolic Visitation's on-site visitors was a "valuable opportunity" to learn their insights and observations. The meeting helped identify "common threads of hope and concern" that emerged during the on-site visits, she said. It was attended by Milliea's core team staff, consultants and Archbishop Joseph Tobin, secretary for the Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, commonly known as the Congregation for Religious.

"It also surfaced some excellent suggestions for promoting the vitality of apostolic women's religious life in our country," she said in the statement. "This data will be extremely helpful for me in the compilation of my final general report on the Apostolic Visitation."

She said the meeting confirmed her previous impressions that the visits to communities were conducted in a "climate of respectful listening."

In most cases, the visited communities accepted the offer to invite Catholic laity and other non-members of the community to share their impressions of the sisters' presence and ministry, she said.

"These sessions affirmed the esteem with which the sisters are regarded by those with whom they share their apostolic service and their desire to see a new flourishing of vocations," she said.

Tobin pledged the support of the Congregation for Consecrated Life in fostering the revitalization of religious life in the U.S., Mother Millea said.

The Apostolic Visitation of Institutes of Women Religious in the United States was initiated in December 2008 by the Vatican office overseeing religious orders under its former prefect, Slovenian Cardinal Franc Rodé.

Rodé, who retired from that position in January, said in a Dec. 22, 2008 decree that the effort was being undertaken to "look into the quality of the life of religious women in the United States."

The Vatican's announcement of the initiative took Catholic sisters in the U.S. by surprise, and raised suspicion and serious concerns, in part because such an undertaking is rare and the "purpose was not specific enough to know what was intended by Cardinal Rodé or how it originated," said Sr. Mary Whited, former general superior of the Sisters of the Most Precious Blood in O'Fallon, Mo.

Rodé later said the visitation was aimed at encouraging vocations and assuring a better future for women religious. He said in a Vatican Radio interview in November 2009 that the inquiry also was in response to concerns about "irregularities or omissions" in American religious life, including what he described as a secular mentality and feminist spirit.

Many congregations came to see the visitation as an opportunity to describe the vitality of their work and community life, and grow closer as a community. Some even have said their visits were cordial and warm, a sentiment echoed by Sr. Kieran Foley, spokeswoman for the Apostolic Visitation office. "The visits overall were extremely positive," she said. "Even if there was apprehension, a lot of it melted away. They [the visitors] were there to listen" to each community's story."

The Sisters of Charity of the Blessed Virgin Mary based in Dubuque, Iowa, were visited last November, and the entire congregation was engaged throughout all three phases of what congregational president Sr. Mary Ann Zollmann described as a significant event for the community. Many of the members shared their experience of BVM life "openly and honestly with the visitors," she said, however it felt like a one-way conversation.

"It is my hope that, in the spirit of mutuality, we will receive a report that honors the depth and extent of our congregational investment in the process."

The exercise has had its benefits, Zollmann said, including a renewed spirit and celebration of the BVMs' foundress Mary Frances Clarke, a greater sense of affection, communion and solidarity as a community, and stronger bonds with women religious everywhere as well as laity.

"So, although we have yet to receive any report for a process that has now gone on for almost two and a half years, no matter what may be Rome's final evaluation, the power of our sisterhood is being unleashed into our social, political and ecclesial systems recreating our world and Church," Zollmann said.

The Sisters of the Most Precious Blood in O'Fallon, Mo., were not among the visited communities, but Whited, former general superior, did meet with Mother Millea.

She said she trusts that the final report will reflect the importance of the many charisms represented by religious congregations who participated in the visitation, and that it will affirm the presence of women religious in the church in the United States.

She also said she expects that nurturing religious life into the future will be one of the challenges highlighted by the report.

"I hope that the concerns expressed around the flourishing of vocations to religious life will awaken, not only women religious, but other members of the church -- mentors, parents, teachers, clergy, etc. -- to the need for nurturing religious life into the future."

(Editor's Note: Lots of background and commentary on the apostolic visitation can be found online at NCRonline.org/apostolicvisitation., [NCR contributor Cheryl Wittenauer is based in St. Louis.])

Source: http://ncronline.org/news/apostolic-visitation-wraps-congregations-feel-power-our-sisterhood
 
Dans le Tohoku, l’Eglise catholique se mobilise pour les survivants du séisme du 11 mars
Eglises d'Asie
10:08 17/03/2011
Eglises d'Asie - Le 16 mars, un groupe d’évêques japonais, représentant l’ensemble des seize diocèses que compte l’Eglise catholique au Japon, s’est réuni à l’évêché de Sendai, diocèse qui est au cœur du Tohoku, cette vaste région qui s’étend au nord de Tokyo et qui a été la plus gravement meurtrie par le séisme du 11 mars et le tsunami qui a suivi. Pour faire face à l’afflux de bonne volonté et aux volontaires qui se présentent des régions épargnées par le tremblement de terre,. ..

... les évêques ont mis sur pied un « centre de soutien d’urgence » afin de coordonner l’aide aux sinistrés.

Les évêques avaient inscrit deux points à leur ordre du jour: « comment aider les victimes, et comment agir en tant qu’Eglise catholique en cette phase tragique de l’histoire du pays », indique le P. Narui Diasuke, directeur de Caritas Japon, à l’agence Fides (1). « En tant que Caritas, nous recevons en ce moment de tous les diocèses du Japon des propositions de jeunes désireux de se rendre comme bénévoles dans les zones les plus touchées par le désastre. C’est un signal important qui permet d’être optimistes pour l’avenir », ajoute le prêtre.

Selon l’évêque de Sendai, Mgr Hiraga Tetsuo, « la situation reste très difficile. Les informations sont fragmentaires et il n’est pas encore possible de quantifier l’étendue du désastre. Mon diocèse est très grand et couvre quatre préfectures pour un total de 500 km de côte sur la moitié nord du Honshu. Le tsunami en a touché plus de 300. Dans la préfecture d’Aomori, deux églises ont été touchées; dans celle d’Iwate, elles sont au nombre de trois, dans la préfecture de Miyagi, on en compte deux et deux encore dans la préfecture de Fukushima. Nous ne savons pas encore combien de personnes sont mortes, disparues ou déplacées. Nous ne savons pas si parmi elles se trouvent des catholiques » (2).

Dans un pays aussi développé que le Japon, les aides sont coordonnées par la Protection civile japonaise et l’afflux de bénévoles armés de leur seule bonne volonté n’est pas nécessairement d’une grande aide, soulignent des membres de la Caritas sur place. Toutefois, face à l’ampleur de la catastrophe, les besoins sont immenses. Parmi les priorités figurent la nécessité de trouver de l’essence pour permettre l’acheminement des secours, de vastes portions côtières du Tohoku étant encore quasiment coupées du reste du pays, leurs infrastructures ayant été totalement détruites.

De Tokyo, plongée dans un calme très inhabituel du fait des coupures de courant et de la circulation réduite des trains et du métro, le P. Olivier Chegaray, des Missions Etrangères de Paris, souligne la très grande précarité dans laquelle vivent les populations rescapées du tsunami. « Plus d’un million de personnes sont dans une situation de dénuement total », a-t-il expliqué ce matin dans une communication par Webcam avec la télévision KTO (3). Certes, le Japon est un pays riche, a-t-il ajouté, mais cela ne doit pas décourager les autres pays de venir en aide aux Japonais car les besoins sont immenses (4).

Le P. Chegaray a aussi témoigné de l’incertitude dans laquelle sont encore bon nombre de Japonais quant au sort de leurs proches. Le bilan dressé par les autorités du pays ne cesse de s’alourdir et l’Eglise du Japon s’inquiète pour les jardins d’enfants dont elle avait la responsabilité dans les régions dévastées par la catastrophe. En effet, si les catholiques sont une petite minorité de 0,3 % de la population au Japon, l’Eglise est néanmoins présente dans la vie quotidienne des Japonais, notamment par sa présence dans la sphère éducative. Quasiment chaque paroisse gère un jardin d’enfants, où sont accueillis catholiques comme non-catholiques. Généralement, les jardins d’enfants jouxtent les bâtiments de l’église paroissiale et, aujourd’hui, souligne le P. Chegaray, l’inquiétude est forte car « bon nombre de ces enfants figurent sur la liste des disparus ».

L’ensemble des opérations de secours se déroule sous la menace d’une fuite radioactive massive de la centrale nucléaire de Fukushima. Dans le Tohoku, après les opérations de déblaiement, la vie a repris son cours, les magasins ont été dévalisés par la population qui accumule les vivres au cas où elle recevrait l’ordre de rester confinée chez elle. Etant donné la situation, le réapprovisionnement des étals ne se fait pas et la couverture des médias japonais, même si elle est moins alarmiste que celle de leurs confrères à l’étranger, ajoute à l’inquiétude. Aux dernières nouvelles, il a été annoncé que, dans la centrale de Fukushima, on comptait désormais des morts par irradiation.

A Sendai, le « centre de soutien d’urgence » de l’Eglise catholique a été placé sous la présidence de l’évêque de Mgr Hiraga, son chancelier, le P. Komatsu Shiro, en assumant la vice-présidence. Il a été prévu que le centre resterait opérationnel « pour au moins les six prochains mois ». A l’agence Fides, Mgr Hiraga indique qu’au-delà de la mobilisation en faveur des rescapés, « nous nous en remettons à Dieu et nous demandons la prière de tous les chrétiens du monde. Nous avons reçu le message du Saint-Père et nous le remercions pour ses paroles qui insufflent courage et espérance. Aujourd’hui, notre mission est d’aider la nation à lever à nouveau les yeux vers le Ciel et à tenir vivante la flamme de l’espérance ».

(1) Fides, 15 mars 2011

(2) Fides, 14 mars 2011

(3) A partir d’aujourd’hui 17 mars, KTO fera un point quotidien de la situation avec le P. Chegaray qui sera mis en ligne sur le site Internet (www.ktotv.com) de la chaîne chaque jour vers 17 h. Pour le point du 17 mars, voir http://www.dailymotion.com/video/xhnx2y_tokyo-temoignage-du-responsable-des-mep-au-japon_news

(4) Cinq jours après le tremblement de terre du 11 mars, Caritas Japon fait état de dons émanant des catholiques japonais se montant à l’équivalent de 253 000 USD. Ailleurs, en Asie, la mobilisation a été particulièrement forte et rapide: Caritas Corée a envoyé 100 000 USD en aide d’urgence. Depuis Bangkok, le bureau Asie de Caritas Internationalis indique que les Caritas à Singapour, Hongkong, Macao, Taiwan, mais aussi de Birmanie et du Vietnam sont très actives. De Chine populaire, Jinde Charities a envoyé une contribution initiale de 10 000 USD, en signe de « symbole fraternel ».

(Source: Eglises d'Asie, 17 mars 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng Châu Ngoại – ngày lễ hạ giải nhà thờ
Thiên Quang sssv
06:46 17/03/2011
Cả đêm qua trời trở lạnh gió rét từng cơn nghe mà sợ hãi ! Sáng nay tự nhiên ngại dậy, ngại đi ra ngoài và cũng chẳng muốn đi đâu. Hôm nay 16/03 giáo họ Đồng Châu Ngoại làm lễ “hạ giải” để xây dựng ngôi nhà thờ mới, nửa muốn tới nửa lại không. Nhưng sau đó vì tính hiếu kỳ, vả lại phương tiện di chuyển tốt không sợ gió cũng như cả cái rét, nên tôi quyết định một lần cho biết.

Giáo họ Đồng Châu Ngoại là một trong 11 giáo họ của giáo xứ Bạch Long, thuộc giáo hạt Tiền Hải, giáo phận Thái Bình; về địa lý thì thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Đây là một vùng đất mới được thành lập từ thời nhà Nguyễn, do công khai khẩn lấn biển của Doanh Điền Nguyễn Công Trứ từ năm 1828. Theo lược sử của giáo xứ Bạch Long thì trước năm 1900 nơi vùng đất này đã có người tín hữu, nhưng mãi đến năm 1908 thì họ đạo mới bắt đầu dựng ngôi nhà thờ bằng tre nứa. Năm 1907 Đức giám mục giáo phận ban sắc thành lập giáo họ. Năm 1939 giáo họ được nâng lên hàng giáo xứ. Cùng với sự phát triển của đất nước, giáo xứ cũng được phát triển. Nhưng biến cố 1954 đã làm thay đổi cục diện đất nước, đặc biệt là các giáo phận Miền Bắc. Do đó, giáo xứ Bạch Long cũng bị ảnh hưởng không ít. Từ quãng thời gian đó cho đến nay, giáo xứ Bạch Long đang từng bước hồi sinh và phát triển với con số 11 họ lẻ.

Giáo họ Đồng Châu Ngoại năm kề bên bãi biển Đồng Châu và là một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Bình không rõ được hình thành từ thời gian nào, nhưng chắc cũng phải đã có từ trước, để đến năm 1986 – theo như lời phát biểu của ông trùm chánh giáo họ - một cơn bão đổ vào đã làm sập toàn bộ ngôi thánh đường và đến 2 năm sau mới được xây dựng lại trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và ác nghiệt, nhưng ông đại diện cho biết trong thời gian xây dựng đó: “Ông thợ cả mũ lá, áo thì vá liên tục phải tụt khỏi róng trốn chạy khỏi sự kiểm soát của chính quyền lúc đó. ” Để giờ đây nhiều người vẫn còn nhớ: Ông thợ cả đi xây là hôm này có lễ; ông thợ cả đi sửa đồng hồ là đi chăm sóc bệnh nhân…Và ông thợ cả ngày nào bây giờ là Đức Ông của giáo phận. Trong muôn vàn khó khăn ấy, ngôi nhà thờ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của giáo họ cũng như của xã hội. Hôm nay ngôi nhà thờ bé nhỏ này đã hoàn tất vai trò của mình, khi đất nước đang bước những bước đổi mới thật là dài, khi giáo họ mỗi ngày một lớn mạnh, cũng như để chống chọi với thời gian và thiên nhiên ác nghiệt, để nhường cho một công trình mới xứng đáng hơn.

Trong thánh lễ “Hạ giải” này. cũng trống, cũng kèn cũng đoàn rước như ai, nhưng thật ngắn gọn cùng với tiết trời dường như ngậm ngùi cho ngày chính thức chia tay ngôi nhà thờ nhỏ bé, cũ xưa. Trong ngôi nhà thờ tự nhiên hôm nay thật là ấm áp bởi chan chứa tình người, những người cùng chung một niềm tin, và những người không chung một niềm tin, nhưng cũng đang đồng hành với giáo họ trong buớc thay da đổi thịt này. Thánh lễ thật sốt sắng, khi mọi người cùng chung một tâm tình. Kết thúc thánh lễ, Đức Ông, ông thợ cả ngày xưa đã bước lên thang tới mái hiên nhà thờ, dỡ xuống tượng trưng một viên ngói, như tuyên bố một cách chính thức, ngôi nhà thờ này đã hoàn tất một giai đoạn lịch sử, mà bao người đã vất vả, hy sinh gầy dựng lên, nay sẽ được thay vào bằng một ngôi nhà thờ mới được xây dựng chính thức đẹp, trang trọng, đúng như mong ước của mọi người trong tràng pháo tay dòn dã sau đó, để mọi người trong giáo họ Đồng Châu Ngoại mỗi ngày một xứng đáng là con cái của các bậc tiền bối cũng như của chứng nhân cha ông tử đạo Phêrô Đinh Văn Dũng.
 
Văn Hóa
Viết về Cha, nhân ngày lễ bổn mạng
KH
06:32 17/03/2011
19 tháng 3 là Bổn mạng của Cha Giuse Nguyễn Quang Lãm là Cha Sở Giáo xứ Xây Dựng năm xưa, cũng là người Cha ân nhân của gia đình chúng tôi.

Đã từ lâu tôi muốn viết về người Cha thân yêu này của gia đình chúng tôi, để nhớ lại những gì cha đã giúp đỡ cho chúng tôi, và cũng để gia đình chúng tôi luôn khắc sâu vào lòng những ân tình mà không làm sao chúng tôi đền đáp được, để mãi mãi các con tôi vẫn luôn nhớ về Cha và xin Cha phù hộ.

Ngày đó, năm 1988, gia đình chúng tôi quyết định bỏ vùng kinh tế mới về Sài Gòn sinh sống, những mong sự thay đổi này, giúp gia đình chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mong ước là thế, nhưng việc đời đâu có dể dàng như ý muốn của mình, chúng tôi may mắn được Bà Nội cho ở nhờ trong căn nhà, được nhà nước cấp còn đang bỏ trống, tại Giáo xứ Xây Dựng.

Điều này thật vô cùng tiện lợi cho gia đình Công giáo như gia đình chúng tôi. Bao nhiêu năm ở vùng kinh tế mới, một năm chỉ đi Lễ được 2 lần, vào ngày Giáng Sinh và ngày Phục Sinh. Những đứa con lớn của tôi được học giáo lý qua quýt để được nhận các Bí tích theo đà tuổi.

Vì thế, ngày được trú ngụ trong Giáo xứ, tôi vui mừng lắm, tôi siêng năng cùng chồng con đi Lễ hằng ngày, các con tôi được ôn lại những bài giáo lý chưa hề biết qua. Đặc biệt là Thánh Lễ Thiếu Nhi vào sáng chủ Nhật, chính Cha sở giảng giáo lý cho cả nhà thờ.

Bao giờ vào bài giảng Cha cũng cho mang ra một bản đồ “Hành Trình Rao Giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu” thật lớn treo giữa nhà thờ. Cha dựa vào bài Phúc Âm chỉ ra con đường Chúa Giêsu đang đi qua. Vùng nào Chúa chịu phép Rửa, vùng nào Chúa làm phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá, vùng nào ông Gia-kêu trèo lên cây cao để được nhìn thấy Chúa, vùng nào có người Samaritanô nhân hậu ….

Tuần nào cũng thế, cứ theo cách giảng của Cha, thì dể nhận biết được hành trình của Chúa trong 3 năm đi Rao Giảng Tin Mừng. Chính tôi đây cũng nhờ thế, mà nhớ được từng bài Phúc Âm và hình dung ra từng nơi xảy ra từng việc, trên bản đồ to lớn của Cha treo giữa nhà thờ.

Nhờ cách giảng ấy, mà thiếu nhi GX Xây Dựng không những thuộc bài Phúc Âm, những phép lạ Chúa đã làm nơi nào, mà con biết rỏ địa lý của từng bài đọc, từng vùng đất nằm dọc theo hai bên bờ sông Gio-dan, các con tôi cũng thế.

Ổn định được nơi ở, vợ chồng tôi chọn nghề may gia công tại nhà. Điều mà người trong Giáo xứ bất ngờ là họ thấy chúng tôi cũng có Đạo.

Chẳng là nhà chúng tôi đang ở, là nhà của một Bác đã vượt biên, bị nhà nước tịch thu và cấp cho Mẹ chồng chúng tôi là gia đình Liệt sỹ có con đang làm trong bộ Ngoại vụ. Gia đình nhà chồng tôi không có Đạo, chỉ chồng tôi là anh cả “đi lính Ngụy” và theo Đạo khi cưới tôi.

Tôi không rỏ họ quan tâm đến chúng tôi như thế nào? Vì thật tình chúng tôi có 6 miệng ăn trong nhà, 4 đứa con còn trong tuổi đi học, nên mọi chú tâm của chúng tôi là làm sao đủ tiền ăn, tiền học cho các con, chứ không hề để ý đến xung quanh. Mỗi ngày cứ mong sao có hàng để may, may nhiều thì có tiền nhiều, may đến quên ăn quên ngủ, không biết trời qua đêm lúc nào, nếu không nhờ tiếng chuông nhà thờ báo cho biết đã đến giờ Lễ sáng.

Ban đầu chỉ có một cái máy, 2 vợ chồng thay phiên nhau đạp, sau có người trong Giáo xứ gọi đến nhà, cho mượn một cái máy bỏ quên trong kho đã lâu, chồng tôi mang về hì hục chìu lau, bôi dầu thay nhớt, máy chạy khá tốt, thế là bao nhiêu hàng cũng cố nhận, các con lớn cũng tập giúp Ba Mẹ, mỗi khi tôi rời máy để đi chợ hay cơm nước, là các cháu thế vào, không bao giờ dám để máy trống.

Tuy làm cật lực như thế, nhưng tiền công chẳng là bao, vẫn thiếu trước hụt sau. Mẹ phải nấu thêm nồi xôi cúc cho con gái bán trước cổng nhà, sau ế quá hôm nào cũng ăn xôi trừ cơm, con gái nói “Mẹ để con đi bán dạo mau hết hơn”. Thấy con từ lúc nào chỉ biết ăn học, giờ phải bon chen với đời, tôi không sao cầm được nước mắt, nhưng cố nín lòng để con đi rao bán.

Vào đầu niên học năm đó, nhờ giấy xác nhận mẹ là giáo viên, xin được cho con vào trường Nguyễn Thượng Hiền, tôi không cho con đi bán nữa, 2 vợ chồng ra sức cầy, tập cho con phụ những đường may đơn giản, để có tiền cho con khỏi thất học. Các cháu biết thân phận không ham chơi, chăm lo học hành, tan học là về ngay nhà để phụ ba mẹ. Nhìn con gái vào câp 3 chỉ độc nhất một chiếc áo dài, chiều nào cũng lo giặc, phơi cho khô, mai mặc đến lớp mà thương, rồi cứ thế áo ngã qua màu cháo lòng lúc nào không hay. Nhìn áo con, mẹ đau cả lòng, và cho mãi đến bây giờ thấy trong sân trường, hay trên đường phố có chiếc áo dài nữ sinh nào có màu cháo lòng là tôi mãi nhìn theo và không làm sao quên được thời khổ cực đó của các con tôi.

Như mọi buổi chiều, tôi cấm cổ bước vào nhà thờ cho kịp Lễ, bỗng bên cửa sổ Cha Sở vẩy tay, tôi không hiểu Cha gọi ai, tôi nhìn quanh, nhìn ra phía sau, vẫn thấy Cha vẩy gọi, tôi chỉ vào người tôi, Cha gật đầu, tôi vội bước ra hành lang, đến bên Cha. “Thưa Cha gọi con?”

Cha trả lời:

- Ờ, trong nhà con, có đức con trai nào khoảng lớp 6. 7 gì không?

- Dạ, có đứa học lớp 7, thưa Cha.

- Vậy đem nó ra nhà Cha, Cha nuôi cho một đứa.

Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì tiếng Cha.

- Thu xêp sách vở, áo quần mai cho nó ra ngay nhé. Rồi Cha đi nhanh vào dâng Lễ.

Tôi chẳng biết hỏi cùng ai, vì thật tôi cũng chẳng biết ai để mà hỏi. Sao Cha lại biết tôi? Sao Cha lại giúp tôi như thế? Từ ngày về đây sinh sống, tôi chưa hề vào gặp Cha một lần nào, cũng không hề xin Cha cho nhập vào xứ Đạo, vì cũng không biết mình còn lưu lạc đến nơi nào, nên cũng không dám làm phiền đến Cha.

Thế sao Cha lại biết tôi? Đòi nuôi giùm cả con tôi, tức là phải rỏ hoàn cảnh của tôi lắm lắm mới có đề nghị như thế.

Tan Lễ tôi về báo cho chồng và con biết. Sáng hôm sau vâng lời Cha dẫn con vào, với túm ni lông đựng ít sách vở và vài bộ đồ cho con, tôi đưa con vào nhà Cha.

Con trai tôi tên Vương Quốc Huy học giỏi từ tiểu học, không hiểu sao chẳng sợ hãi gì cứ thế vào nhà thờ sống với Cha. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, thì nó tạc về nhà kể chuyện sống với Cha cho cả nhà nghe.

Hằng tháng Cha lại bảo nó về gọi Mẹ ra Cha bảo

- Dạ, Cha gọi con.

- Cha đưa mấy trăm phụ trong nhà, thôi về đi.

Tôi muốn nói: Cha đã nuôi con giùm con rồi, mà còn đưa tiền cho con nữa làm gì? Nhưng Cha chẳng cho tôi nói tiếng nào, cứ khoát tay bảo về đi. Tôi chẳng biết nói sao. Xem ra Cha biết rất rỏ sự khó khăn của nhà chúng tôi.

Rồi bổng một hôm, cuối tuần lãnh tiền gia công, chồng tôi nhậu lai rai với Bác giao hàng, hình như anh uống say, không hiểu lúc tiển Bác giao hàng xuống gác đi về, cô em chồng tôi nói lời gì? (Lúc này nhà không còn mình gia đình tôi ở, mà Má chồng cho 2 mẹ con cô em chồng đến quản lý nhà, cho gia đình tôi gồm 6 nhân khẩu dọn lên căn gác 3mx4m, cùng làm việc, học hành, ăn ngủ trên căn gác ấy) Mà chồng tôi tiếng qua, tiếng lại với cô em chồng, cô em dâu ghé vào chơi lại nói câu: “Nhà này là nhà của tôi, tôi không muốn cho anh chị ở nữa …”.

Thế là chồng tôi trong cơn say, anh hất tung bàn thờ xuống đất, vừa la to “Nhà của mày hả? Tao không cần nữa, tao đi đây” thế là anh ôm hình Ba anh đi lang thang ngoài đường. Phần tôi khi có tiếng qua tiếng lại giữa 2 anh em, tôi đã trốn qua nhà hàng xóm, nên không rỏ sự việc ra sao? Người ta báo cho tôi là chồng tôi ôm hình Ba anh ấy ngồi ngoài đường.

Tôi vội vào nhà Cha báo cho cha biết và xin cho con trai ra dẫn ba nó về. Đêm đó anh không chịu về nhà, tôi phải ra xin Cha giúp cho anh có nơi ngũ cho qua cơn say.

Cha bảo: “Nói Huy giăng mùng vào phòng Thánh Martino mà ngủ, mai phải dậy thu xếp lúc có chuông nhà thờ, đừng để người ta nhìn thấy”

Sau hôm đó, gia đình tôi bị Má chồng và các em chồng họp lại, đuổi cả gia đình ra khỏi nhà, vì tội “Đập phá bàn thờ”.

Tôi xa Giáo xứ Xây Dựng từ ngày đó, tôi thuê nhà gần gần nơi ấy cho con tôi thỉnh thoảng tạt qua nhà, và cũng phải gần nơi để nhận hàng. Gia đình tôi đi đâu Cha dỏi theo đó. Thuê nhà cũng khó, chỗ thì chật, chỗ thì bất tiện, có chỗ vừa thuê ở được vài tháng lại phải chuyển đi vì có người muốn mua nhà.

Chỉ có vài năm mà tôi thuê những 9 căn nhà. Cha Lãm phải kêu lên:

- Sao Má mày khổ thế? Thuê nhà gì vài tháng họ đòi nhà cũng trả là sao? Vậy là dọn đi suốt à? Phải tính sao chứ?

Nhưng biết tính sao được, lúc nhà bỏ không, chẳng ai mua, chẳng ai mướn, mình vừa mới thuê là có người trả giá cao. Mình khó dể họ làm gì?

Sau hai năm thì Cha sinh bịnh, con tôi cũng chịu khó vì Cha nhiều, đau chẳng bao lâu Cha bị liệt 2 chân, trước bàn thờ phải treo một cái màn để kéo lại mỗi khi khiêng cha ra, và lúc làm Lễ xong thì đưa cha vào.

Người ta dự định đưa Cha đi qua Đức chữa bịnh, cha gọi tôi vào.

- Cha đi chữa bịnh, để Huy nó đi với Cha, Cha quen sự chăm sóc của nói rồi, ra nước ngoài nó học được nhiều cái, không chừng Cha lại cho nó đi Tu như Cha. Con tính sao?

- Dạ thế thì còn gì bằng Cha. Con không dám mơ ước điều gì hơn.

Ít lâu sau cha lại đổi ý:

- Thôi để cha ở nhà chết cũng được, để suất đi nước ngoài cho các Cha trẻ đi học, có ích cho Giáo hội hơn.

Sức khỏe Cha mỗi ngày mỗi kém đi.

Một hôm con trai tôi chạy về nhà, mặt đỏ bừng. Tôi hỏi có chuyện gì vậy? Nó trả lời:

- Cha kỳ lắm má, cứ bắt con viết di chúc hoài.

- Viết làm gì?

- Cha cứ nói, Cha đọc cho con viết, xong thì cha ký, hay lăn tay, vì tay Cha cũng tê lắm rồi. Cha nói “để cha viết di chúc, cho mày có được cái gì, không thì Cha chết, mày chẳng được gì đâu“. Con cãi: “cha còn khỏe mà, con không cần điều gì, còn còn có Ba Mẹ con, Cha thương con như vậy là đủ rồi”. Cha còn nói “Để Cha viết bảo con cái Cha giúp đỡ cho con, Cha có mấy người con đỡ đầu ở nước ngoài đó “. Con không chịu viết, có người vô thăm Cha, con bỏ chạy về đây.

Tôi cũng chẳng biết nói gì? nó yêu Cha lắm, lại sợ Cha chết, thôi cứ để nó ở nhà một lát tâm trạng ổn, rồi về. Nhưng có người vào nhà gọi.

- Cha cứ gọi Huy mãi, vào ngay với Cha, giờ Cha mệt lắm rồi.

Hai Mẹ con tôi cùng chạy đến nhà thờ. Cha vừa thấy tôi nước mắt trào ra, Cha không còn nói được nữa, họ khiêng Cha đi, Cha vẫn hướng mắt nhìn mẹ con tôi … Rồi Cha qua đời.

Ngày đám tang của Cha, tất cả Giáo xứ được thông báo ở nhà, xem trực tiếp truyền hình, không được đến nhà thờ, vì nhà thờ quá nhỏ không đủ tiếp khách quan trọng đến viếng xác Cha. Con tôi được mặc nguyên bộ đồ tang, túc trực bên quan tài của Cha, bái lạy những người đi viếng xác Cha. Gia đình tôi có giấy ưu tiên đi dự Thánh lễ An Táng và đưa Cha đến nơi An Nghĩ cuối cùng.

Sau đó, con tôi về lại nhà. Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngày Giỗ đầu Giáo xứ còn tìm nhà chúng tôi để gởi thiệp dự Lễ Giỗ của Cha, sau dần dần mất dần, chắc là không ai còn nhớ đến chúng tôi nữa. Mà trách sao được. Cha đã đi rồi, ngày Cha còn, Cha lo cho, ngày Cha đi, ai thế được Cha?

Gia đình chúng tôi vẫn luôn nhớ đến Cha, sau này Mộ Cha đã được cải táng về nằm ngay trong đền Thánh Martinô của Giáo xứ Xây Dựng.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết tại sao Cha lại giúp gia đình chúng tôi? Ai đã giới thiệu cho Cha biết về chúng tôi? Tất cả những điều ấy tôi vẫn không sao tìm ra được. Nhưng GX Xây Dựng vẫn luôn là những vị ân nhân ẩn mặt của chúng tôi.

Về phần Cha, tôi cũng không biết gì về Cha, chỉ nghe người ta nói Cha là Chủ Nhiệm tờ Báo Xây Dựng trước năm 75 và anh Rể tôi biết tôi được Cha Lãm giúp đỡ thì nói một câu:

“Ngày xưa nếu được quen biết với Cha như thế, thì anh có thể bước chân vào Quốc Hội dể dàng”.

Tôi chưa rỏ công trạng của Cha đối với Giáo Hội, với xã hội như thế nào? Bao nhiêu người thương? Bao nhiêu người ghét? Con tôi thì thường kể, Cha rất thương người nghèo, những người “ăn xin”, vẫn đúng hẹn đến nhận tiền Cha cho, có bộ đồ ngủ độc nhất để mặc, Cha cũng đành trao cho người quá rách rưới đến tìm Cha. Cha sống rất bình dân và khổ hạnh. Nhưng không hiểu sao ngày Tang Lễ của Cha được nhà nước cộng sản cho trực tiếp truyền hình một cách long trọng như thế?

Có dịp về, chúng tôi vẫn đến thắp nhang cho Cha. Điều mà Cha chắc vẫn yêu thương gia đình chúng tôi, là từ ngày Cha mất đến nay. Trong bữa cơm nào, gia đình tôi cũng đọc “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Thầy Cả Giuse được lên chốn nghĩ ngơi”. Lời kinh ấy đi theo từng bữa cơm của gia đinh suốt gần 20 năm cha đã ra đi.

Viết về Cha trong ngày Mừng Kính Thánh Bổn Mạng Giuse của Cha. Xin Cha vẫn dõi theo chúng con như những ngày cùng khổ của chúng con mà cha vẫn luôn để mắt đến.

Con Của Cha, Mẹ của Huy
 
Mừng lễ Thánh Giuse
Hai Tê Miệt Vườn
06:35 17/03/2011
THẦM LẶNG THỰC THI

Giuse thầm lặng thực thi,
Bao điều Chúa dạy không gì bỏ qua.
Bởi ngài luôn biết tỏ ra,
Tôi trung tài giỏi của Cha trên trời.
Chính nhờ luôn sống vâng lời,
Hoàn thành nhiệm vụ của người quản gia.
Giúp cho bầu khí trong nhà,
Trở nên êm ấm chan hòa mến thương.
Nơi đây chẳng có ghen tương,
Đâu còn đố kỵ, vấn vương buồn phiền.
Nghĩa tình nối kết gắn liền,
Mọi người nên một suốt trên đường đời.
Dẫn nhau thẳng tiến về trời,
Muôn đời vui sống bên Người Cha yêu.

PHỤC VỤ GIA ĐÌNH

Tận tâm phục vụ gia đình,
Giuse Thánh Cả quên mình vì yêu.
Giúp cho Gia Thất phong nhiêu,
Nghĩa tình triển nở bằng nhiều phúc ân.
Bởi ngài chăm chú thực hành,
Giới răn đức ái chân thành vị tha.
Khiến cho sinh khí trong nhà,
An bình thư thái, đậm đà mến thương.
Cùng nhau biết sống can trường,
Đồng hành nhịp bước theo đường thẳng ngay.
Cuộc đời chan chứa điều hay,
Cõi lòng nhân thế mảy may gian tà.
Đồng thanh trổi khúc hoan ca,
Bài ca tình mến dâng Cha trên trời.
Thế là sống trọn kiếp người,
Trên nơi dương thế bằng đời yêu thương.

(Mừng lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria, 19/03/2011)
 
Giêsu Ngài giờ này nơi đâu?
Tuyết Mai
13:02 17/03/2011

Trong lòng chúng con, trong tâm hồn, hay trong tâm tưởng?

Bởi chúng con cảm nhận được Ngài là Đấng Toàn Năng,

Đấng Vô Hình và hay Ẩn Mình,

Nhưng ở rất gần và luôn bên cạnh chúng con,

Chúng con cảm nhận được Ngài biết rất rõ hiện giờ,

Chúng con đang nghĩ gì, muốn gì và đang khao khát điều chi!?

Ngài Giêsu ơi! có những lúc chúng con buồn và cô đơn lắm!

Chẳng phải vì không có ai để chúng con trút nguồn cơn,

Nhưng là vì những điều chúng con suy nghĩ,

Thật kín sâu trong tận cùng trí óc chúng con.

Là những điều không đúng đắn không được nên tốt?

Là những điều cám dỗ bắt nguồn từ trong tư tưởng?

Là những điều con người thường hay mắc phải?

Là những điều mà con người hay lấy cớ cho mình là luôn yếu đuối!?

Tất cả mọi cám dỗ đều quy về những ao ước,

Thật tầm thường và thật tội nghiệp trong một thế giới,

Mà con người không ra khỏi được cái quỹ đạo,

Của cuộc đời đầy những Tham Sân Si nơi chốn trần gian.

Lậy Chúa Giêsu, có phải chúng con ngu muội hết cả đâu!

Nhưng biết thế mà không tránh được là do bởi đâu!?

Có phải vì lòng chúng con còn ở xa Chúa?

Có phải vì trái tim chúng con không đón nhận Ngài?

Có phải vì chúng con quá ích kỷ và nhỏ nhen?

Trong cuộc đời phù du tạm bợ đầy cạm bẫy?

Có phải vì lòng chúng con luôn kiêu căng tự phụ?

Luôn cậy dựa vào tài năng rất hạn hẹp của mình,

Với giấc mơ muốn làm bá chủ được hết cả vũ trụ,

Như những con người có đầy tham vọng,

Đem tiền, uy quyền, và sức mạnh đi mua được tất cả,

Công Danh, Sự Nghiệp, Thú Vui thế trần.

Những con người này luôn dùng bạo lực và đồng tiền,

Để ức hiếp những người hiền lành, thế cô, và yếu đuối.

Lậy Chúa Giêsu, Ngài là Lẽ Sống là Đường là Sự Thật!

Ngài là Hạnh Phúc là Niềm Vui bất tận,

Cho những ai khát vọng tìm kiếm Chúa,

Cho những ai biết tìm cuộc sống miên viễn,

Trường tồn và vĩnh cửu trên Nước Thiên Đàng.

Nguyện xin Ngài luôn giúp đỡ, bảo ban,

Nhắc nhở, nâng đỡ, và hướng dẫn chúng con,

Sống một cuộc đời đơn sơ, an phận, liêm chính,

Ban cho chúng con có Trái Tim giống Chúa,

Luôn sống trong Bác Ái trong Yêu Thương,

Trong Tự Do, Công Lý, và Hòa Bình.

Để chúng con được mạnh dạn tiến bước,

Mang Thánh Danh Chúa, Tin Mừng, và Tình Yêu,

Đến khắp cùng bờ cõi và khắp nơi trên địa cầu,

Chia sẻ, an ủi, và vỗ về những anh chị em,

Đang sống trong cảnh đọa đầy, đau khổ,

bệnh hoạn, tật nguyền, đói cơm, thiếu áo,

Đơn độc, nhục nhã, tội lỗi, và tù đầy.

Luôn ban cho chúng con biết dùng nụ cười vui vẻ,

Để làm cho cuộc đời bớt buồn tẻ,

Sống an vui trong Chúa và Tha Nhân,

Để cùng dẫn dắt nhau về Thế Giới Muôn Đời,

Một nơi không còn Sinh Bệnh Lão Tử,

Một nơi không còn Tham Sân Si.
 
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Tàn Phá Dung Nhan
Nguyễn Trung Tây, SVD
22:45 17/03/2011
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Tàn Phá Dung Nhan

Ông Tư Dì Tư, một cặp vợ chồng người miền Nam định cư tại Quận Cam từ sau năm 75. Hồi xưa Ông Tư bịt răng vàng, người trong thôn gọi Cậu Tư Cường. Dì Tư, gọi là Thoan.

Dì Tư điệu bộ lo lắng, cất tiếng hỏi chồng,

— Ông? Ông mần chi mà tui thấy ông cứ loay hoay đi ra đi vô toilet, rồi lại đứng hằng giờ ở trỏng săm soi trước cái kiếng? Bộ ông đau bụng hả? Có cần uống thuốc hay không? Hay là để tui cạo gió cho. Trời lóng rầy nắng đổ lửa như than hầm, dễ bị Tào Tháo rượt lắm đó nghen.

Ông Tư bông lơn,

— Tui hổng có sao. Bà đừng có lo. Tui là người tốt cho nên bụng cũng tốt theo à. Ta nói Tào Tháo có muốn rượt, sợ cũng khó lắm.

Ông Tư hỏi vợ,

— Bà còn nhớ năm ngoái lúc hai vợ chồng mình về Việt Nam thăm họ hàng hay không.

Dì Tư gật đầu,

— Ờ, tui nhớ.

Ông Tư tâm sự,

— Tình thiệt mà nói trước khi lên phi cơ, tui cũng hơi ngần ngại, bởi nghe nói nhiều người về bển uống nước rồi bị Tào Tháo rượt. Nhưng mới bước được mấy bước trên đường làng á, thì ta nói thiệt tình… Gần ba mươi năm trời không gặp được bà con chòm xóm, giờ tự dưng gặp lại biết bao nhiêu người, tui vui quá xá à. Cho nên sang tới ngày thứ hai cái là tui bắt đầu sa đà, gặp thịt chó ăn thịt chó, đụng nước mía uống nước mía. Nhưng hên ông trời cho tui cái bụng tốt. Gần ba mươi năm xa nhà, giờ về Việt Nam ăn thịt chó nướng vỉ ngay bên lề đường đó, uống nước mía xay ngoài chợ sáng trưa chiều tối đủ bốn cữ mà vẫn tỉnh bơ như không!

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Hứ, ông đừng tưởng ông ngon! Tại chưa tới lúc Tào Tháo mở sổ gọi tên ông ấy. Ông đừng có quên cái hồi tui mới sanh thằng Hai xong, chiều hôm đó ông sa đà nhậu nhẹt thịt chó với lòng heo chấm mắm tôm. Lết về được tới nhà, ông thượng thổ hạ tả. Thiệt tình bữa đó ông hành tui gần chết luôn…

Ông Tư cụt hứng,

— Bà! Nói chuyện nghe mắc cười quá à…

Ngồi xuống ghế, ông Tư vô đề,

— Bà biết hông? Mới lúc nãy coi TV, tui thấy người ta nói có cái bà người Pháp được bác sĩ thẩm mỹ sửa cho lại cái mặt...

Dì Tư khịt mũi,

— Hứ, mần chi mà phải mò tới viện thẩm mỹ sửa da sửa mặt. Bà này nhiêu tuổi rồi? Dư tiền bạc quá mà...

Ông Tư cự nự,

— Bà, chưa chi đã nghĩ xấu cho người ta à. Đây nè, cái bà này bị chó cắn cái mặt nát bấy như tương vậy đó... Nhưng cũng còn hên cho bả, bởi gặp được bác sĩ thẩm mỹ rành nghề, cho nên khuôn mặt của bả trở lại gần như bình thường nguyên vẹn vậy đó.

Ông Tư tâm sự,

— Thấy chuyện người tui lại nhớ tới chuyện mình.

Dì Tư hỏi,

— Chuyện người thì tui hiểu. Còn chuyện mình là chuyện gì?

Ông Tư nhìn vợ,

— Chớ bộ bà không thấy vợ chồng mình sống tới tuổi này, nhìn miết ở trong gương, tui thấy tóc muối nhiều hơn tiêu. Cho nên tui thấy càng sống lâu càng thêm cơ hội khiến khuôn mặt biến dạng. Tôi thấy ở trên đời này chỉ có mình Chúa Giêsu là còn nguyên vẹn, trắng tinh vẫn là trắng tinh như tuyết, trước sau khuôn mặt của Chúa không hề thay đổi à nghen.

Dì Tư chép miệng,

— Ông nói chiện! Chúa mà! Ông còn nhớ cái tuồng Chúa biến hình ở trên núi Tabo hay không?

Ông Tư cự nự,

— Bà! Sao lại có cái vụ tuồng tích ở đây. Bài Phúc Âm Chúa Biến Hình mà bà làm như là tuồng Võ Tòng Đả Hổ hay là Tiếng Trống Mê Linh không bằng.

Dì Tư cười giả lả,

— Ừ, ừ, thì bài Phúc Âm…

Tới phiên dì Tư tâm sự,

— Tôi nhớ hồi còn nhỏ đó ông, nghe dì phước dậy nếu mình chịu khó siêng năng đi lễ Misa, lần chuỗi Mân Côi, ngoan ngoãn với tía má thì áo rửa tội của mình lúc nào cũng trắng tinh như là áo Chúa Giêsu lúc Ngài biến hình trên núi vậy đó. Ông biết không, nghe vậy tui khoái quá, tui te te đi lễ Misa ngày hai bận. Sáng tinh mơ, chuông nhà thờ vừa đổ là tui lục đục ngồi dậy đi lễ với tía má. Còn chiều đó nghen, tui hấp tấp nấu cơm cho lè lẹ để còn kịp đi lễ. Còn tối khuya, nhiều khi tui còn nhắc nhở tía má lần chuỗi Mân Côi đó ông. Trời ơi, hồi đó tía má cứ nói mai rày lớn lên con nhỏ này sẽ đi tu cho mà coi. Nghe nói vậy, tui cũng khoái tê tê trong bụng, tui tính đi tu thiệt tình đó ông…

Ông Tư nửa đùa nửa thật,

— Nè, nè, bà đừng có đổ ngang là tại bà lậm tui cho nên mất đi cơ hội làm dì phước đó nghen…

Dì Tư mặt đỏ tuồng như người nhai trầu thuốc,

— Á! Ông quỷ đa! Nói năng lảm nhảm không à.

Ông Tư bập bập hơi thuốc,

— Bà làm tui nhớ chuyện ông họa sĩ vẽ tranh Bữa Tiệc Ly đó.

Dì Tư ngưng ngang miếng trầu,

— Chuyện làm sao?

Ông Tư kể chuyện,

— Thì ổng họa sĩ chọn vẽ người đầu tiên là Chúa Giêsu. Người làm mẫu cho Chúa Giêsu, ông ấy nghĩ phải kiếm cho ra người có khuôn mặt nhân hậu nè, từ bi nè. Chỉ trong vòng một thời gian, ổng ấy đã kiếm ra người mẫu cho Chúa Giêsu. Rồi sau đó, ổng lại đi kiếm mười một người mẫu khác cho mười một vị tông đồ. Sau cùng, ổng mới đi kiếm người mẫu cho Giuđa, là một người mà theo như ổng là phải có cái khuôn mặt nham hiểm bất lương. Nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian ông họa sĩ mới kiếm ra được người mẫu cho Giuđa đang ngồi ăn xin ở chợ. Thì mang ông ăn mày về nhà, chỉ vô bức tranh, ông họa sĩ giải thích cho người ăn mày biết công trình ông đang thực hiện. Thì thiệt là bất ngờ…

Dì Tư nóng nảy,

— Bất ngờ làm sao hả ông?

— Thì khi nhìn thấy Chúa Giêsu trong bức tranh, người ăn mày bật khóc, và nói, “Ông biết sao không? Người mẫu cho Chúa Giêsu trong bức tranh chính là tôi đây nè”.

Dì Tư xuýt xoa,

— Í chèng ơi! Nghe ông kể chiện mà tự nhiên tui rùng mình ớn lạnh luôn đó ông. Tự dưng cũng muốn đi soi kiếng coi khuôn mặt mình đã biến đổi tới đâu… Mà lạ hén. Người ta nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nhưng mà tui không hiểu sao người ta lại biến đổi, mất đi cái tính bổn thiện vậy hả ông?

Ông Tư giải thích,

— Thì cũng có nhiều lý do. Nhưng tôi nghĩ cũng tại cái môi trường nơi mình sống thôi. Bà còn nhớ ông bà mình hay nói, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Dì Tư gật đầu,

— Ừ…

Ông Tư tiếp tục,

— Hay là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay không?

Dì Tư lại gật đầu, miệng nói,

— Nhớ…

Ông Tư vẽ vẽ vòng tròn,

— Bà thấy cái mặt tròn tròn, phúc hậu như cô Thúy Vân mà đưa vào cái ống tre ở riết thì cũng biến dạng dài thoòng. Tôi mà cứ giỡn với mực, có ngày mực đổ vấy áo hóa ra đen thui à.

Ông Tư lên giọng tuồng như thầy đồ giảng bài,

— Cho nên tôi nhớ chuyện kể Tể Tướng Án Anh nước Tề có lần ổng công du nước Sở. Muốn làm bỉ mặt nước Tề và Án Anh, vua Sở mới bày kế, trong khi nhà vua và Án Anh đang đàm đạo, từ bên ngoài quân lính mang vô một người thanh niên mặc quần áo nước Tề, tay chân bị xiềng xích. Vua Sở mới hỏi quân lính, “Người đó tội chi mà bị xiềng xích như vậy?”. Quân lính mới thưa, “Tâu bệ hạ, người này nguyên gốc dân nước Tề, nay bị bắt vì tội ăn cắp”. Vua Sở mới quay sang hỏi Án Anh, “Bộ nước Tề có nhiều người ăn cắp lắm hay sao?”. Nghe vua nói, Án Anh mặt không biến sắc, nhưng điềm tĩnh trả lời, “Thần nghe nói quất Giang Nam nguyên thủy quất ngọt. Nhưng khi mang qua trồng bên đất Giang Bắc, quất ngọt hóa ra quất chua. Nay anh chàng thanh niên này nguyên thủy người nước Tề, ở bên nước Tề, sống một đời lương thiện cho tới khi dọn nhà qua bên đất Sở sinh sống, khi đó lại hóa ra quân trộm đạo bất lương”. Vua Sở nghe nói vậy, giận tím mặt, vẫy tay cho quân sĩ kéo người thanh niên ra ngoài…

Dì Tư lại xuýt xoa,

— Chà chà, cái ông Án Anh này thiệt là lanh lợi đa, ông ha. Trả lời như vậy thì còn ai nói cho lợi với ổng. Người xưa ta nói sao mà lợi khẩu quá hén, ông…

Ông Tư bàn thêm,

— Nơi chốn mình ở chỉ là một thôi. Nguyên nhân thứ hai khiến người ta mất đi cái tính bổn thiện thì lại có liên quan tới những cái chọn lựa trong đời sống hằng ngày…

Dì Tư nóng nảy,

— Sao? Sao? Vậy là làm sao? Cái này ông phải nói thêm rồi đa.

Ông Tư chậm rãi,

— Bà còn nhớ câu chuyện bà Evà ăn trái cấm hay không?

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Chuyện đó thì ai còn lạ gì. Nhưng mà ông lôi chuyện bà Evà vào trong đây để làm cái gì?

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ,

— Để làm cái gì? Bà nói nghe thấy mắc cười à. Bộ bà không thấy rõ ràng là bà Evà có cái chọn lựa hay sao? Hoặc ăn hoặc không ăn. Nhưng mà cuối cùng, bả ấy cũng chọn, một cái chọn lựa khờ dài, và bởi cái chọn lựa khờ dại này, mà hai vợ chồng mất đi khuôn mặt thiên đàng. Tệ hơn nữa, từ cái chọn lựa nghèo nàn của bà Evà, trần gian mới nảy sinh ra khuôn mặt hung thủ Cain và khuôn mặt nạn nhân Abel, nối tiếp theo sau là những khuôn mặt xác chết nổi lềnh bềnh trên dòng nước Đại Hồng Thủy. Đó, bà thấy chưa?

Dì Tư rạng ngời nét mặt,

— Thôi, tui hiểu rồi. Tui nhớ đâu có lần tụi tui thắc mắc hỏi cha linh hướng Hội Legio về sự khác nhau giữa tội nhẹ với tội nặng. Có người còn hỏi, “Ơ, thưa cha, nếu khai thuế hơi quá tay một chút, rồi lấy số tiền đó gửi về cho các trại mồ côi ở bên Việt Nam, làm như vậy có được hay không?”.

Ông Tư giọng điệu gậy mọt thấy rõ,

— Rồi… Ông cha linh hướng, ổng ấy nói làm sao?

Dì Tư suy nghĩ,

— Ờ, thì tui nhớ đâu ổng nói in đâu như là, “Nếu cứ sống với những cái chọn lựa nghèo nàn, chẳng mấy chốc từ người làm mẫu cho Chúa Giêsu, mình sẽ trở thành người mẫu tuyệt vời cho Giuđa”. Đúng rồi đó…

Ông Tư kết luận

— Thì đấy, vậy là bà hiểu chuyện rồi đó. Bây giờ bà còn tưởng tui bị Tào Tháo rượt nữa hay không?

Thiền Năm Phút

Chọn lựa nghèo nàn dẫn ra đời sống nghèo nàn, khuôn mặt bần hàn.

Chọn lựa thánh thiện dẫn tới đời sống bình an, khuôn mặt an bình.

Ước chi trần gian ngày càng xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt bình an.


www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rình
Joseph Ngọc Phạm
22:03 17/03/2011
RÌNH

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Ra đàng hỏi người già

Về nhà hỏi con nít.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền