Ngày 16-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay 17/3/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:01 16/03/2019
Bài Ðọc I: St 15, 5-12. 17-18

"Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.

Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c. 1a)

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta".

Xướng: Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con.

Xướng: Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

Bài Ðọc II: Pl 3, 17 - 4, 1

"Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.

Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 - 4, 1

Anh em thân mến, quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 16/03/2019

111. Sỉ nhục, đối với người vô cớ mà bị sỉ nhục thì không nghĩa lý gì cả, nhưng đối với người sỉ nhục người khác thì phải thanh toán rõ ràng.

(Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 16/03/2019
60. LANG BĂM DẠY CON

Lang băm chữa bệnh làm chết người, gia đình người chết lấy dây thừng trói ông ta lại và chuẩn bị đưa đến quan phủ.

Ban đêm, lang băm cởi dây thừng bơi qua sông trở về nhà.

Lúc này, đứa con trai còn đang đọc sách thuốc, lang băm vội vàng nói:

- “Con à, sách thuốc thì từ từ mà xem, nhưng bơi lội thì phải học trước và học gấp.”

(Tiếu phủ)

Suy tư 60:

Ở đời có nhân thì có quả, nhân trước quả sau.

Nhưng lang băm thì quả trước nhân sau, tức là chưa học thuốc mà đã dạy con tập chạy trốn sau khi chữa bệnh, chẳng khác chi khuyến khích con đừng chăm chỉ học nghề thuốc mà nên học nghề chạy trước.

Ở đời sinh nghề tử nghiệp và tổ trác là chuyện thường, bởi vì không ai “mười phân vẹn mười”, nhưng cái phải làm trước hết chính là cái nhân đẹp thì có quả đẹp, cái nhân xấu thì quả phải xấu, như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy: xem quả thì biết cây...

Những bậc cha mẹ công giáo thì không dạy con theo kiểu quả nhân, nhưng là nhân quả:

- Nếu nhân là hiền lành thì quả là bác ái.

- Nếu nhân là khiêm tốn thì quả là thánh thiện.

- Nếu nhân là yêu thương thì quả sẽ là hy sinh bao dung.

- Nếu nhân là đoàn kết thì quả sẽ là hiệp nhất...


Nhân không ở đâu xa, nó ở ngay nơi con tim của chúng ta, và quả của nó thì ở ngay trong gia đình, trong cộng đoàn và trong xã hội mà chúng ta đang sống.

Dạy con cái biết sống có nhân tốt có quả đẹp, thì cha mẹ đã giới thiệu cho con cái một kho tàng rất quý giá ở trên trời rồi vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 16/03/2019
Chúa Nhật 2 MÙA CHAY

Tin mừng: Lc 9, 28b-36

“Đang lúc Đúc Giê-su cầu nguyện, dung mạo Ngài bổng đổi khác.”


Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng tốt lành là một trong những biến cố quan trọng của Phúc Âm, để củng cố đức tin cho các tông đồ, cũng như mạc khải cho các ngài biết về vinh quang và nguồn gốc của Đức Chúa Giê-su, từ cuộc biến hình này của Ngài, mà Ngài muốn hướng chúng ta đến hai điểm:

- Sự đổi mới ở đời này.

- Sự biến hình ở đời sau.

1. Đổi mới ở đời này.

Điển hình một: Người hàng xóm của chúng ta có tật xấu là hay đi nói chuyện của người khác khiến ai cũng phải tránh, hôm nay tự nhiên trở nên tốt lành sẵn lòng giúp đỡ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ: đó là cuộc biến hình đổi đời của họ...

Điển hình hai: Anh thanh niên ấy ngày ngày uống rượu, đức hạnh được gọi là xấu xa, hôm nay tự nhiên sống tốt lành, siêng năng đi lễ và hay giúp đỡ người khác: đó là cuộc biến hình đổi mới của anh ta.

Điển hình ba: Trong cuộc sống hằng ngày tôi đã tự kiêu, thường hay phê bình người khác, thường hay thoá mạ chửi bới người khác, nay tôi đã trở nên một người sống chan hoà giữa anh em chị em, tôi đã đổi mới cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

Cuộc đổi mới này của người hàng xóm, của người thanh niên, của tôi hoặc của bạn hoặc của tất cả những người tội lỗi nào khác, đều được ân sủng của Thiên Chúa đánh động trong tâm hồn, Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi là để cho những người tội lỗi hôm nay là chúng ta có niềm hi vọng: đó là hy vọng từ cõi chết qua sự sống, từ tội lỗi đến hoán cải và trở nên con người mới trong Đức Ki-tô.

Cuộc đổi mới này không đợi đến ngày tận thế, cũng như không đợi đến ngày lên thiên đàng mới được biến hình sáng láng tốt lành, nhưng cuộc đổi mới này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong ngày chúng ta đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

2. Biến hình ở đời sau.

Cuộc biến hình của chúng ta ở đời sau đều tuỳ thuộc vào cuộc đổi mới của chúng ta ở ngày hôm nay, ngày hôm nay chúng ta đổi mới con người cũ của mình từ cuộc sống bon chen phù phiếm vật chất đến cuộc sống tích cực tìm Nước Chúa trong đời sống thường ngày; ngày hôm nay chúng ta đổi mới cuộc sống không phù hợp với đạo lí của Phúc Âm của mình, để trở thành con người mẫu mực tuân giữ và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống.

Đức Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các tông đồ không phải là chuyện thần thoại cổ tích, nhưng là một thực tại có thật với quyền năng của Thiên Chúa, thực tại này sẽ được bày tỏ rõ ràng trong ngày Ngài phục sinh vinh hiển, và dù cho Ngài có chịu nhiều đau khổ, chịu chết nhục nhã chăng nữa, thì thực tại vinh quang này vẫn sẽ được thực hiện, bởi vì đó là chân lí của những ai tin vào Ngài...

Bạn thân mến,

Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng, có ông Môi-sen và tiên tri Ê-li-a hiện ra khi Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng là để cho chúng ta biết: Đức Chúa Giê-su đến để làm cho lề luật nên trọn hảo, và lời loan báo của các tiên tri về Ngài đã được ứng nghiệm.

Tuy nhiên có một điều rõ ràng nhất mà chúng ta cảm nghiệm được khi đổi mới con người cũ của mình, đó là khi chúng ta tuân giữ lề luật và giới răn của Chúa, khi chúng ta quyết tâm trở nên người môn đệ của Chúa, thì chúng ta cảm thấy như có một sức mạnh thần thiêng thôi thúc trong tâm hồn, khiến chúng ta vui vẻ hân hoan và sống hướng thiện ngay trong đời sống đời thường, đó chính là sự đổi mới cuộc sống đích thực của tâm hồn chúng ta, khi chúng ta thực hành Lời Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
CN 2 Mùa Chay : Rất sáng và rất ngắn
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:11 16/03/2019
CN II Mùa Chay : Rất sáng và rất ngắn

Chúa hiển dung trên núi

Trong thánh lễ cưới, cô dâu thường mặc áo trắng, hoặc soirée trắng hoặc áo dài trắng với voile phủ đầu cũng trắng. Nhưng màu trắng đó khi gặp bóng chiều buông xuống – nếu lễ cưới vào buổi chiều. Hoặc như mấy nhà thờ quê, lễ cưới vào giấc 4:30 hay 5 giờ sáng, gọi là sáng, nhưng trời còn tối. Ngoài trời tối mà trong nhà thờ, đèn có sáng mấy cũng không đủ làm cho màu trắng áo cô dâu sáng lên được. Chỉ thỉnh thoảng khi ánh đèn flash của máy ảnh loé lên để ghi hình cô dâu chú rể, thì màu trắng của y phục cô dâu mới thật là trắng. Đèn flash bật lên rất sáng và cũng rất ngắn.

Cuộc hiển dung của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng rất sáng và cũng rất ngắn.

Sáng đến độ diện mạo Chúa biến đổi khác thường, còn áo Ngài mặc thì trắng tinh sáng láng [Marcô thì ghi rõ: không thợ giặt trần gian nào giặt trắng đến thế ! Chuyên viên tẩy rửa Omo, hay Tide+ cũng không làm trắng đến như thế. Bột giặt với mẩu quảng cáo yêu nhau cởi áo cho nhau trên TV hẳn cũng không cho màu áo trắng sáng được như áo Chúa trong cuộc hiển dung !].

Rất sáng, nhưng lại cũng rất ngắn.

Phêrô vui mừng tột độ, nhưng nói chưa hết câu “làm 3 lều”, thì đã thấy chỉ còn mình Chúa Giêsu, bình thường, chẳng sáng là mấy... Cuộc hiển dung của Chúa rất sáng và rất ngắn. Tại sao ?

Tại sao Vinh quang của Chúa lại xuất hiện rất sáng, nhưng cũng rất ngắn như một tia chớp mau qua như thế ?

Thưa đó là qui luật muôn đời của đức tin.

Vinh quang Thiên Chúa bao giờ cũng chỉ được ban cho ta trong một chớp sáng mau qua vào những lúc ta cần được an ủi nhất: vừa sáng đủ để củng cố đức tin của ta mà cũng vừa ngắn đủ để khỏi xâm phạm tự do của ta. Ta tìm hiểu thêm về sáng và ngắn.

1. Rất sáng :

Các nhà giảng thuyết cũng như các nhà giải thích Kinh Thánh đều đồng ý với nhau về ý nghĩa bối cảnh của cuộc hiển dung. Đó là sau khi tiên báo mình sẽ chịu đau khổ, chịu chết tại Giêrusalem, những môn đệ theo Chúa buồn bã rồi nghi ngờ về người Thầy mà mình đang theo. Ông Giêsu này là ai, mà tương lai ông đen tối như thế: nào là đau khổ, nào là chết trên thập giá. Ông lại còn nói “ai theo ông cũng phải vác thập giá” : cả một bầu trời u ám tối đen ! Giữa lúc ấy thì Chúa hiển dung vinh quang sáng láng, trước khi Ngài hai lần nữa loan báo về khổ đau và cái chết của Ngài: lần 2, lần 3 (thêm : bị nộp, bị khạc nhổ, xỉ vả, đánh đập).

Các nhà canh tân Phụng vụ cũng muốn đồng ý với lối giải thích trên, nên trong Mùa Chay, mùa sám hối đền tội, mùa trời giăng màu tím, ngay sau lễ tro rồi Chúa Nhật I Mùa Chay bị cám dỗ, trước khi đến CN 3, 4, 5 thì chen nằm vào ngay giữa một ngày tường thuật cuộc hiển dung của Chúa : hôm nay Chúa Nhật II, năm A hay B hay C đều là hiển dung sáng láng.

Vậy giữa mùa chay dài 40 ngày mang tính buồn rầu than khóc, sẽ có một Chúa Nhật nói đến sự hiển dung vinh quang. Và Phụng vụ muốn mô phỏng 2000 năm về trước, giữa bầu khí u buồn và nghi hoặc nơi các tông đồ, Chúa đã hiển dung sáng láng ..

Cuộc hiển dung này phải thật sáng thì mới chiếu đủ ánh sáng vào không gian (bầu khí) ảm đạm u buồn khá đậm nơi các đồ đệ của Đức Giêsu. Và cũng phải thật sáng thì mới ảnh hưởng đến thời gian còn rất lâu mới tới một cuộc hiển dung khác là sự phục sinh của Ngài.

Giống như đèn flash phải thật sáng để chiếu vào không gian đen tối hầu lưu ảnh cho thời gian dài lâu, thì cuộc hiển dung phải rất sáng để đủ chiếu soi không gian u buồn rất lớn, và thời gian nghi hoặc rất dài. Cuộc hiển dung rất sáng để phá tan được ảm đạm và nghi ngờ nơi các Tông đồ, giúp củng cố niềm tin của các ông vào người Thầy mà mình đang đi theo. Nhưng cuộc hiển dung rất sáng đó, cũng diễn ra rất ngắn.

2. Rất ngắn. Tại sao lại rất ngắn

Thưa là để khỏi xâm phạm đến tự do của các Tông đồ. Tự do đi theo Ngài, và tin Ngài cách tự do. Giả sử Đức Giêsu cứ xuất hiện dưới dạng uy nghi sáng láng, thì tin vào Ngài là dễ dàng, là đương nhiên. Triết lý gọi là bó buộc, không tự do tin hay không tin tùy ý nữa. Và nếu Ngài cứ uy nghi sáng láng mãi thì đi theo Ngài cũng là bó buộc đương nhiên, nhất là khi Ngài hứa ai theo Ngài sẽ nên giống như Ngài. (Đèn flash mà cứ sáng hoài, ta cũng mất tự do, không dám co tay duỗi chân đập con muỗi !).

Trong cuộc sống thử thách ở trần gian này, Thiên Chúa vẫn cứ muốn là Thiên Chúa mai ẩn, giấu mình đối với những kẻ tin vào Ngài. Ngài muốn họ tự do. Tự do tin Ngài, theo Ngài, yêu mến Ngài. Khi cần, khi rất cần, để an ủi khích lệ những kẻ tin Ngài, Thiên Chúa mới tỏ vinh quang. Nhưng cũng như tia chớp, trong chốc lát. Rất rất ngắn. Vừa đủ sáng để củng cố đức tin ta vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm đến tự do của ta.

Một hôm có người đến báo cho vua Louis IX (nước Pháp) là hãy đến ngay xem phép lạ tại nhà thờ kia : vị linh mục đọc lời truyền phép xong, thì chính Chúa Giêsu hiện nguyên hình trên tấm bánh. Tấm bánh sáng láng lạ thường. Vua Louis đáp lại: Ta không cần đến, vì ta vẫn tin như thế. Không phải vì thấy được ngời sáng mà ta tin hơn đâu. Những ai yếu tin, nghi ngờ thì cứ đến mà xem.

Không thấy sáng, không sờ được mà vẫn tin, cái tin đó mới tự do. Cái tin đó mới là Đức. Đức tin. Phúc cho ai không thấy mà tin. Chỉ cần nghe mà tin mới là phúc, mới là tự do. Tôi nghe nói, tôi nghe dạy : Chúa ngự thật trong hình bánh. Tôi tin. Tin “chất lượng” nhất vì có tự do, tức là tôi có thể tin hay không tin mà chẳng ai cho tôi là mát, là dị.

Còn khi vừa truyền phép xong, tấm bánh sáng láng lạ lùng và cứ sáng mãi bao lâu Chúa còn hiện diện thì tôi chỉ còn một con đường không có chọn lựa nào khác, là tin, là công nhận ; nếu không thiên hạ gọi tôi là khùng là mát… Chính vì để khỏi xâm phạm đến tự do của các tông đồ mà Chúa đã hiển dung sáng láng rất ngắn.

Trong cuộc sống tại trần gian của Kitô hữu chúng ta, rất nhiều khi và rất rất nhiều người không hề gặp được một cuộc hiển dung nào của Chúa cả, cho dù là rất ngắn. Một chút của rất rất ngắn cũng không có !

Nhưng đừng có ganh tị. Bởi cuộc hiển dung xưa kia trên núi, Chúa Giêsu cũng chỉ mang theo ba vị: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín vị khác và đông đảo đệ tử có thấy được tí loé sáng vinh quang nào của Chúa đâu. Mà họ vẫn tin theo Chúa. Mà ba vị đó khi xuống núi cũng bị cấm không tiết lộ cho chín tông đồ khác và các môn đệ ngơ ngác kia, nhưng họ vẫn tin.

Xin cho chúng ta cũng được như vậy, dù Chúa không hoặc chưa hiển dung với ta, nhưng ta vẫn tin Ngài là Chúa, như kinh Tin Kính ta sẽ tuyên xưng bây giờ đây.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
CN 2 Mùa Chay: Gói Hành Trang Duy Nhất
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:14 16/03/2019
Chúa Nhật 2 MC Năm C 2019

Như một lời mời gọi truyền thống, sứ điệp Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay đốc thúc chúng ta và các anh chị em Dự tòng lên đường tiến vào Mầu nhiệm Vượt Qua bằng những nỗ lực cụ thể hơn trong hy sinh và từ bỏ, trong sám hối và đổi đời. Đó chính là “tiếng gọi của Lời Chúa hãy “lên cao” như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Ta-bo để Ngài biến hình rạng rỡ (TM), hãy “đi xa” như tổ phụ Áp-ra-ham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình mà đón nhận lời giao ước của Gia-Vê (Bđ 1).

Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước Lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá.

Cuộc hành trình nào, vật lý hay tâm linh, đều đòi hỏi phải lột xác, phải trả giá. Tuy nhiên, người Kitô hữu nắm chắc đích điểm của của mình chính là quê trời, là điểm hẹn gặp gỡ với Đức Kitô, như cách cảm nhận của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philip (Bđ 2) : “Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta”.

Chúng ta thử dừng lại để đào sâu thêm những nội dung nầy.

Trước hết, khi nêu bật hai nhân vật cùng gắn liền với hình ảnh của chuyển động, ra đi, bức phá :

- Abraham lên đường đi khỏi thành Ur để đón nhận giao ước của Giavê (BĐ 1) ;

- Đức Kitô lên núi Tabor rồi biến đổi hình dạng nên rực rỡ sáng ngời (Trình thuật biến hình của Tin Mừng Luca),

sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn muốn đưa chúng ta vào chính trọng tâm ý nghĩa đầy năng động của hành trình Mùa Chay.

Hình ảnh Chúa đưa cụ Tổ Áp-ra-ham “nhìn lên bầu trời đầy sao” để rồi nói với ông rằng : “Ta sẽ dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ sở nầy làm gia nghiệp…”, là một dấu chỉ sống động cho mọi ơn gọi trong dân Chúa : ơn gọi ra đi của niềm tin và vì niềm tin, như chính lời sách Sáng Thế xác định : “Abraham tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính”.

Dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy, có lẽ đang vang vọng cách sâu xa và mãnh liệt nơi tâm hồn của những anh chị em Dự tòng, những kẻ đã được Thiên Chúa kêu gọi vào niềm tin vào Ngài và sắp sửa chính thức nói lên cách trang trọng và dứt khoát “TIN và TỪ BỎ” trong cử hành Bí tích Nhập Đạo đêm Vọng Phục Sinh.

Vâng. Đối với những người đã từng gắn bó với một “thành UR” nào đó của tín ngưỡng cũ, của niềm tin ngoại đạo trước đây, của thói tục xa lạ với Tin Mừng, thì việc “bước vào một đức tin mới”, tin thờ một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn mới mẻ, và gia nhập vào một cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo bao gồm những anh chị em xa lạ…không là một cuộc “đi xa, bức phá” của một Abraham lên đường theo tiếng gọi đó sao ?

Và chắc chắn, họ cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm trăn trở, ưu tư của các Thánh Tông Đồ trong những ngày gặp gỡ Đức Kitô : Rồi niềm tin nầy sẽ dẫn mình đi đâu, tới đâu ? Sẽ mang lại điều gì giá trị hơn, hay ho hơn chăng ? (Mc 10,28-30). Chẳng lẽ rồi tất cả sẽ dẫn tới một đích điểm “tối om”, buồn rực… như chính Thầy Giêsu đã từng tiên báo không phải một mà nhiều lần : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống dậy.” (Mc 8,31; 9,31;10,33).

Không. Để củng cố niềm tin và trả lời dứt khoát cho những môn đệ ngày xưa, hay để nói cho muôn thế hệ Kitô hữu muôn nơi muôn thuở, và cho riêng các anh chị em dự tòng hôm nay biết rằng : ở cuối đường thập giá là Phục sinh, tiêu đích của “con đường Kitô”, của sự chọn lựa niềm tin vào Đức Kitô, chính là chiến thắng vinh quang, là rạng ngời vinh hiển của phận người, là cuộc “Biến hình, lột xác” của cái tôi xác thịt nặng nề tội lỗi để trở nên “một con người mới” trong vương quốc rạng ngời thánh thiện của Thiên Chúa !

Thật vậy, biến cố “Biến Hình” không là một sự kiện “ngẫu hứng” trên con đường đi về Giêrusalem của Chúa Giêsu, mà là một mạc khải quan trọng soi chiếu vào con đường dài lịch sử cứu độ; nhất là làm rực sáng lên như một hậu cảnh nền, một “focus” của huyền nhiệm thập giá. Bởi vì, xuyên qua “sự kiện Biến Hình”, chúng ta có thể thấy một sự đối xứng :

- Bên kia “Đồi Sọ” của thương đau khổ nạn, đã vươn lên “Núi Ta-bo” của rạng ngời Phục sinh.

- Đằng sau một Giêsu Nadarét tội nhân xác thân trần truồng, rách nát, chết tủi nhục thương đau trên thập giá, là một Đức Kitô vinh hiển rạng ngời.

Và cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu “biến hình” với hai người : hai nhân vật tượng trưng cho hai truyền thống vĩ đại và nền tảng của Cựu ước : Môsê (Lề Luật), Êlia (Ngôn Sứ), lại xoay quanh câu chuyện “cái chết (hay cuộc ra đi) của Người tại Giêrusalem”. Chi tiết nầy càng củng cố thêm :

- Trong cuộc “xuất hành” thời Môsê, bên nầy Biển Đỏ với sa mạc chết chóc và nô lệ đoạ đầy, đã thấp thoáng bến bờ “Đất Hứa”;

- Trong cuộc lưu đày thời các Ngôn sứ, đã sáng lên niềm hy vọng “trở về và tái thiết Sa-lem”.

Từ hai nhân vật và những dữ kiện tiên trưng của mạc khải Cựu Ước đó đã dẫn tới đích điểm của cuộc hành trình Vượt Qua của Đức Kitô mà cuộc “Biến Hình” của Ngài là một dấu chỉ rõ nét : trong bóng đen của cái chết và thương đau cuối đường thập giá, đã bừng lên ánh sáng rạng ngời của Phục Sinh.

Như vậy, dưới ánh sáng của các “diễn trình” Lời Chúa vừa được công bố đó, chúng ta một lần nữa lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay đó là : định hướng lại nhịp sống đức tin có thể đang trên đà sai lệch, và làm mới lại những thực hành sống đạo có nguy cơ đang ngủ vùi trong trạng thái cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa.

- Vươn cao để lột xác, “biến hình” khỏi “cuộc sống tà tà ở dưới thấp” với những nếp nghĩ và cách hành xử tầm thường, cục bộ, ích kỷ, bon chen, ganh tị, tham lam…hầu trở nên một con người mới : khó nghèo, khiêm hạ, phục vụ, yêu thương…

- và đi xa khỏi “cái tôi ao tù vẩn đục” với trái tim và con mắt chật hẹp, méo mó, xoi mói, giận hờn, thù oán, kiêu căng…để nhìn thế giới và anh em đồng loại bằng đôi mắt mới của tình huynh đệ, hiệp nhất, của mối tương quan thân ái dịu dàng…

Nếu đặt cuộc sống và sự chọn lựa đức tin trong viễn tượng cuộc “ra đi giã từ quê hương cũ của Abraham” và sự “lên núi cao để biến hình của Đức Kitô” như sứ điệp Lời Chúa hôm nay minh hoạ, thì mỗi người Kitô hữu, đặc biệt, mỗi anh chị em dự tòng, không chỉ trong Mùa Chay nầy, mà xuyên suốt cuộc đời, đều có những cuộc “ra đi” và “lên cao”, những cuộc hành trình của riêng mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những “vấp phạm”, những lực kéo và cám dỗ con người quay lưng lại với những giá trị đạo đức thanh cao để ươn hèn trụ lại trong vũng lầy của dục vọng, một thế giới hùa nhau chống lại Hội Thánh Chúa Kitô, và loại bỏ những giá trị của Tin Mừng bằng nhiều phương thế hiện đại để tự tung tự tác…; một thế giới mà Thánh Phaolô đã từng trải nghiệm nơi cộng đoàn Philipphê : “có những người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng…” (Bđ 2).

Và vì thế, lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô luôn mãi vẫn hợp thời : “Hãy vững vàng trong Chúa” và luôn đặt niềm trông cậy vững vàng vào cuộc gặp gỡ cuối cùng nơi quê hương Nước Trời “ở đó có Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”. (Bđ 2).

Tóm lại, trong khi cộng đoàn đang nỗ lực tiến bước trên con đường Mùa Chay với khổ chế và sẻ chia, của nguyện cầu và chiến đấu…, các anh chị em dự tòng đang khẩn trương dọn mình để hội nhập vào “Dòng nước tái sinh” và tràn ngập “ngọn lửa Thánh Thần”…, thì cuộc “lên đường của Abraham”, nhất là sự “Biến hình của Đức Kitô”, chính là một lời nhắn gởi, động viên tất cả cùng vươn cao đi tới “chân trời Cứu độ”, tới “Bàn tiệc Nước Trời” trong tin yêu và hy vọng, trong nỗ lực chiến đấu và chiến thắng.

Cuộc “xuất hành tâm linh” nầy luôn đòi hỏi nhiều “từ bỏ, hy sinh, bứt phá…”; tuy nhiên, hãy vững tin rằng : cho dù có những lúc phải đối diện với gian nan thử thách, với cay đắng hy sinh hay đêm tối thập giá… thì Chúa vẫn hiện diện ngay bên khi ta ngước mắt kêu cầu, để “phục sinh” tất cả trong rạng ngời ân sủng hôm nay và trong hạnh phúc viên mãn của Nước Trời mai hậu.

Đơn giản hơn, cứ tạm cho cuộc hành trình Mùa Chay như một “cuộc leo núi dã ngoại” đi, thì ta vẫn cứ phải lắng nghe “cái đập vai của Chúa”, như cảm nhận của thi sĩ Trăng Thập Tự trong bài thơ “LEO NÚI”. Xin trích mấy câu :

Ngài vỗ vai tôi ướm hỏi

Theo Ngài lên tận đỉnh kia chăng?

Ngài rõ lòng tôi, còn phải nói !

Vội vàng tôi xếp gọn hành trang…

Và gói hành trang mà ta phải mang theo và giữ mãi chính là Lời của Chúa Cha trong sự là “Biến Hình” : “hãy vâng nghe Lời Người”.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Bài Giảng: Dung Mạo thánh Giuse
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:13 16/03/2019
DUNG MẠO THÁNH GIUSE
19/3
Nếu được vẽ một bước chân dung về thánh Giuse, tôi xin phác họa chân dung của thánh nhân với ba nét chấm phá đặc biệt: thánh Giuse với cái miệng rất nhỏ, nhưng có hai tai rất to và hai cánh tay vạm vỡ. Ba nét chấm phá này diễn tả cách tuyệt vời tính cách đặc trưng vốn đã làm nên sự vĩ đại của thánh Giuse. Xin được bình giải bức ảnh này:
1- Miệng nhỏ
Thánh Giuse có miệng nhỏ, diễn tả thánh nhân là một con người ít nói, không ồn ào, nhưng rất trầm lắng, nội tâm và khiêm tốn. Trong Tin Mừng, chúng ta không tìm thấy một lời nào phát ra từ môi miệng thánh Giuse. Người không nói nhiều, không chạy theo sự hoành tráng bên ngoài và dư luận xã hội, nhưng chỉ âm thầm khiêm hạ, an nhiên tự tại, mai danh ẩn tích sống theo thánh ý Thiên Chúa. Quả thật, một đời sống trong thinh lặng như thế mới có thể lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, bởi lẽ, Thiên Chúa thường nói và hoạt động trong thinh lặng; chỉ có trong thing lặng bên ngoài và bên trong như thế, chúng ta mới biết mình, biết Chúa và biết tha nhân; chúng ta mới ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống mình.
Xưa nay, bao chuyện đổ vỡ, bao gia đình tan nát, bao dự định tiêu tan, bởi vì một trong những nguyên nhân: chúng ta không biết im lặng và học im lặng. Vì thế, hãy hỏi nơi thánh Giuse, nói ít lại, nhỏ miệng lại với chuyện nhỏ cũng như chuyện to.
2- Hai tai to
Nét đặc trưng thứ hai diễn tả tính cách của Giuse là người có hai tai rất to. Quả thế, Đức Chúa Trời khôn ngoan tạo dựng con người chỉ có một cái miệng để nói, nhưng có hai cái tai để nghe. Điều đó có nghĩa là con người phải nghe gấp hai lần nói. Con người trước hết hay học lắng nghe Thiên Chúa nói với mình; thứ đến con người học lắng nghe người khác nói với chúng ta. Lắng nghe để biết được điều Chúa muốn nói; lắng nghe để biết và học những điều người khác muốn nói với chúng ta. Thực tế, có những người nghĩ rằng mình không cần phải nghe ai nữa, mình đã đầy và đã đủ rồi! Như thế, sẽ rất nguy hiểm, sẽ làm cho người đó dễ tự mãn.
Thánh Giuse là mẫu gương cho chúng ta về khả năng lắng nghe này: Khi đối diện với một tình huống rất tế nhị và khó khăn: Đức Maria mang thai mà không phải do mình, nếu đưa ra ánh sáng, Maria sẽ bị ném đá theo luật Môsê; nếu đón nhận, ai có thể chấp nhận sự thật trớ trêu này, Giuse quyết định “đào vi thượng sách” trong âm thầm. Nhưng trong giấc mơ, Thiên Chúa sai thiên thần đến giải thích cho Giuse biết về Hài Nhi là Con Đấng Tối Cao và việc Đức Maria mang thai là do bởi phép Chúa Thánh Thần (Mt 2,20), ông đã mau mắn lắng nghe và làm theo lời thiên thần truyền.
Chưa hết, khi gia đình Thánh Gia gặp khó khăn, khi Hài Nhi Giêsu bị các bạo Chúa lùng bắt, Giuse đã mau mắn vâng theo lời thiên thần hướng dẫn, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, ông lại đưa các ngài về Nadarét. Như thế, Giuse là một người luôn biết lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý của Thiên Chúa. Nên ông được mệnh danh là người công chính, nghĩa là người có hai tai rất to để nghe và sống theo thánh ý Chúa.
3- Hai tay vạm vỡ
Cuối cùng chúng ta nói đến thánh Giuse với hai cánh tay mạnh mẽ, gân cốt cuồn cuộn, biểu tượng của một con người luôn chăm chỉ làm việc. Đó cũng là đức tính nổi bật của Giuse. Quả thế, trong gia đình Thánh Gia, Giuse đã đóng tròn vai là một người cha và người chồng bằng việc chăm chỉ lao động để kiếm cơm áo nuôi sống gia đình. Với nghề thợ mộc, Giuse đã tích cực làm việc mỗi ngày để có tiền trang trải trong gia đình, nuôi con, cho con ăn học. Giuse là hình ảnh của biết bao người bố, người chồng ngày ngày đạp đá, cuốc đất chân lắm tay bùn hay khuôn vác, cày cấy, lái xe, lên rừng xuống biển đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm vài trăm bạc về nuôi gia đình, để lo cho vợ con có miếng cơm manh áo, con cái được học hành nên người.
Chăm chỉ lao động là bí quyết của thành công. Bởi lẽ, trên con đường thành công không có chỗ cho những người lười biếng. Để có của cải, để có kiến thức, để có chuyên môn, chúng ta phải tích cực lao động. Không có vất vả không có vinh quang. Không có khó nhọc không có gặt hái (no pain no gain). Đó là quy luật cuộc sống mà thánh Giuse đã từng sống.
Như thế, mừng lễ thánh Giuse là cơ hội tốt để chúng ta chiêm ngắm dung mạo của thánh Giuse với ba nét chấm phá như là ba nhân đức quý báu cho chúng ta noi theo: đó là ít nói, nghe nhiều và tích cực làm việc. Đó là những điều làm cho chúng ta trở nên công chính và cao cả như thánh Giuse. Nguyện xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng ta. Amen!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoà Bình Không Chiến Tranh
Nguyễn Đức Cung
08:55 16/03/2019
HOÀ BÌNH KHÔNG CHIẾN TRANH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chẳng ai không muốn hòa bình
Chiến tranh tàn phá, gia đình ly tan.
(nđc)