Ngày 16-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lên cao - Hướng thượng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:51 16/03/2011
Chúa Nhật II Mùa Chay A

Chủ đề chính của bài Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Chay cả ba năm A - B - C đều tập trung vào chủ đề “các chước cám dỗ”. Và bài Tin mừng Chúa Nhật II mùa Chay của cả ba năm A - B - C cũng tập trung vào một chủ đề “lên núi cao, Chúa biến hình”. Dưới cái nhìn tổng quát thì hình như Hội Thánh muốn chúng ta khởi đầu mùa chay thánh bằng sự gột bỏ những gì là “tiêu cực” do thần dữ cám dỗ để rồi cùng với Chúa Giêsu lên núi cao mà phát triển điều “tích cực” là cái nhìn và con tim của chúng ta.

Càng lên cao, tầm nhìn càng thêm bao quát là một điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Những người được dịp lên núi cao hay đã từng sử dụng phương tiện hàng không đều không khỏi bị cám dỗ phóng tầm nhìn đến quang cảnh chung quanh hay bên dưới. Quả thật, với cuộc sống thường nhật kiểu tà tà sát mặt đất thì luôn có đó nhiều điều rất cụ thể vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta. Và cũng từ cái nhìn hướng đến các vật thể trong thực tế vốn bị giới hạn thì chúng ta cũng có thể bị hạn chế tầm nhìn trong những lãnh vực “phi vật thể”. Chính vì thế, khi có dịp thuận tiện, người ta thường đến những nơi quang đãng hay lên chỗ cao, không chỉ để hít thở không khí trong lành mà còn được dịp phóng tầm nhìn bao quát hơn, rộng mở hơn.

Hãy lên cao!: Càng lên cao, tâm hồn càng khoáng đạt hơn, rộng mở hơn. Các tu sĩ, đúng hơn là các đan sĩ trong truyền thống Kitô giáo nói riêng và trong các tôn giáo nói chung thường chọn những nơi cao để làm chốn tu tập. Càng lên cao thì lòng ta dường như càng nhẹ nhàng, thanh thoát và rộng mở hơn. Bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Chay tường thuật sự kiện Chúa Kitô đưa ba môn sinh lên núi cao. Các sự kiện xảy ra trên núi Tabôrê ngày ấy dễ làm chúng ta dán mắt vào việc Chúa biến hình oai nghiêm sáng láng. Dĩ nhiên, chúng ta nhìn nhận việc Chúa Kitô tỏ ánh vinh quang của Người là Thiên Chúa để củng cố niềm tin cho các môn đệ thân tín. Tuy nhiên xin đừng quên nội dung câu chuyện đàm đạo giữa Chúa Kitô với Môsê và Êlia. Đó là cuộc tử nạn mà Chúa Kitô sẽ phải chịu tại Giêrusalem. Đây chính là đỉnh cao hay là điểm tới của tình yêu mà Chúa Kitô tỏ bày cho nhân loại: hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Tình yêu làm phát sinh tình yêu. Lòng quảng đại làm triển nở lòng quảng đại. Quy luật tác động dây chuyền đã thể hiện hiệu năng ở lãnh vực này. Bị thúc bách một cách nào đó, Phêrô vội lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Êlia” (Mt 17,4). Thế còn Phêrô và hai người bạn đồng môn là Giacôbê và Gioan sẽ ở đâu? Giả như Chúa Giêsu chấp thuận lời thỉnh cầu của thánh Phêrô thì tối hôm ấy, ba môn đệ của Người hẳn phải ở ngoài trời, trên cây hay trong bụi bờ nào đó. Tuy nhiên điều chúng ta chợt khám phá ở đây, đó là khi lên cao, được chiêm ngắm phần nào vinh quang của Thầy Giêsu thì tâm hồn của Phêrô đã mở ra. Ngài như quên hẳn mình đi.

Dệt xây một tâm hồn biết hướng thượng: Nếu hạn hẹp sự lên cao ở phạm trù không gian thì không biết bao người đã lên quá cao mà tâm hồn vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Với công nghệ hàng không hiện đại như hôm nay, rất nhiều người đã từng lên rất cao so với mặt đất. Theo thống kê thì mỗi ngày có hàng ngàn chuyến bay xuyên lục địa. Những người có điều kiện sử dụng phương tiện hàng không, thường là những người của tiền dư dả, ít ra là không thiếu. Thế nhưng lời cảnh giác của Chúa Kitô vẫn còn đó: người giàu có thì khó vào Nước trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24). Dù đã lên cao nhưng trái tim của nhiều người vẫn có thể chưa rộng mở. Như thế việc lên cao chỉ là một trong những phương thế, một trong những nguyên cớ để có được lòng hướng thượng.

Người có tâm hồn biết hướng thượng là người biết khao khát những giá trị cao cả, tốt đẹp trên những sự tốt đẹp bình thường mà nhiều người vẫn hằng tìm kiếm. Họ không dừng lại với chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, không dừng lại với chức quyền, danh phận hay lạc thú trần gian cách ích kỷ. Trái tim của họ luôn ấp ủ số phận của nhiều người. Tầm nhìn của họ luôn vượt quá những gì đang trông thấy. Khát mong của họ luôn vươn tới những giá trị vĩnh cửu, trường tồn… Có thể gọi họ là người sống có lý tuởng, muốn cống hiến hơn là tìm cách hưởng thụ.

Các chuyên gia xã hội học, các nhà đạo đức ngày nay đều có chung nhận định rằng con người, cách riêng giới trẻ hôm nay, trên thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng đang mất dần sự hướng thượng, chí cống hiến. Cùng với công nghệ hiện đại, ngành quảng cáo tiếp thị như đang tiếp sức xây dựng một lối sống hưởng thụ vị kỷ. Người người đua nhau kiếm tiền để hưởng thụ ích kỷ. Công ăn việc làm, đúng hơn là thu nhập tiền bạc như đang là mục tiêu của việc học tập của giới trẻ hôm nay mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định là “não trạng duy kinh tế” (x.Thư chung HĐGM VN năm 2007 số 11; 12). Chính vì thế mà chí cống hiến, sự hướng thượng ngày càng mai một.

Để lên cao, đúng hơn là để có tâm hồn hướng thượng cần thiết phải rủ bỏ nhiều vướng bận gây cản trở. Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế ký gợi mở ý tưởng là hãy ra đi. Giavê Thiên Chúa mời gọi Abraham ra đi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Tuổi đời đã 75, trên mức xưa nay hiếm, đang chưa có người nối dõi tông đường, cùng với nghề chăn nuôi súc vật, thế mà ra đi đến nơi chưa từng biết, quả là một quyết định thiếu chín chắn và liều lĩnh. Nếu gọi quyết định ấy là dại dột hay điên rồ thì cũng không ngoa. Vậy mà Abraham đã ra đi theo lời Chúa gọi. Thế nhưng với cái quyết định liều lĩnh hay điên rồ ấy thì một thời kỳ mới của công trình cứu độ đã mở ra. Phải nhìn nhận rằng dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn Abraham luôn ấp ủ những gì tốt đẹp hơn, cao hơn nữa.

Mùa chay thánh đã về, Kitô hữu chúng ta không được phép dừng lại ở việc sám hối, ăn năn về tội lỗi đã phạm mà còn phải dệt xây tấm lòng hướng thượng với chí cống hiến cao đẹp. Trong nông nghiệp, không ai làm cỏ chỉ để cho mảnh đất sạch sẽ mà là để trồng tỉa các loại cây hữu ích. “Anh em hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8). Lời của thánh Gioan Tẩy giả một cách nào đó thúc bách ta không ngừng lên cao, hướng thượng để cùng với Chúa Kitô sau khi xuống núi thì “cương quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51).
 
Điều luật của Thánh Bênêđictô
Jos. Tú Nạc, NMS
08:53 16/03/2011
Mùa Chay 2011

“Hãy lắng nghe cẩn thận, con trai ta, trước những sự hướng dẫn của thầy, và hãy chú trọng nó với thính giác của trái tim. Điều này đến từ một người cha, người mà yêu thương các con. Chào mừng nó và đưa nó vào thực thi một cách trung thành.”

Đây là những lời đầu tiên của Điều Luật Thánh Benedict. Chúng ta đề cập đến bài viết cổ đại này. Điều Luật của Thánh Benedict là một cuốn sách được viết bởi Benedict Nursia. Nó hàm chứa những lề luật cho nguyên tắc chuẩn mực một cộng đồng nam tu sỹ Ki-tô giáo. Những thầy tu là những người thuộc tôn giáo, những người mà họ dành thời gian của mình cho việc cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và làm việc. Nhiều thầy tu đã tuyên hứa trở thành người nghèo khó, không kết hôn, hoặc thậm chi tịnh khẩu.

Benedict Nursia sinh năm 480, tại Ý. Ngài được sinh ra trong một gia đình giàu có. Nên Ngài đã có nhiều thứ mà hầu hết nhiều người không có. Quan trọng nhất là Ngài đã lãnh nhận một nền giáo dục.

Một phần nền giáo dục của Ngài là việc nghiên cứu Thánh Kinh Ki-tô giáo. Ngài đã thấy rằng những người xung quanh Ngài đã không sống theo lề lối mà Kinh Thánh đã dạy để sống theo. Họ sống cuồng sống vội và không quan tâm đến người khác.

Thế nên Benedict đã xa lìa sự giàu sang và cuộc sống gia đình của mình. Ngài trở nên một thầy tu. Ngài một mình ba năm sống trong sa mạc. Ngài cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Ngài bắt đầu hiểu được lối sống Ki-tô giáo. Người ta bắt đầu nhìn Ngài như một thánh nhân. Có nhiều thầy tu sống bên cạnh Ngài. Khi Cha Bề trên, người lãnh đạo của họ, qua đời, họ yêu cầu Benedict thay thế dẫn dắt họ.

Benedict đã có nhiều ý tưởng về cách mà các thầy tu nên sống theo. Nhưng những thầy tu ấy nghĩ rằng Ngài đã đưa ra quá nhiều lề luật. Có một câu chuyện đó là một thầy tu đã cố bỏ thuốc độc vào thức ăn của Benedict. Nhưng những lời nguyện của Ngài trên thức ăn đã làm cho thuốc vô hiệu. Ngay sau đó Benedict trở lại sa mạc sống một mình.

Vì trải nghiệm tồi tệ này, Benedict đã viết Luật để quản lý đời sống của những thầy tu. Rồi Ngài đã sáng lập một số cộng đồng nhỏ sống theo Luật này. Chúng ta không biết nhiều gì hơn nữa về cuộc đời của Thánh Benedict. Nhưng Luật của ngài đã trở nên một phương thức phổ biến và nổi tiếng để quản lý những thầy tu. Khoảng năm mươi năm sau, Benedict qua đời, Đức Giáo Hoàng Cả Thánh Gregory đã viết.

“Nếu bất kỳ ai ao ước muốn biết nhân cách và cuộc đời của Ngài, người ấy có thể tìm thấy nó trong điều luật của Ngài. Đây là toàn cảnh cuộc đời Benedict. Đối với thánh nhân không thể dạy gì khác hơn khi còn sống.”

Luật của Thánh Benedict trở nên phổ biến vì sự cân đối của nó. Nó đối trọng đức tin cá nhân với cơ cấu cộng đồng. Benedict đã hiểu rằng, cong người không ai là hoàn toàn. Nhưng Ngài khuyến khích con người không ngừng phấn đấu để trở nên tốt hơn. Để trở nên những môn đệ tràn đầy đức tin của Đức Giê-su Ki-tô.

Chúng ta hãy nhìn vào vài điều luật của Ngài. Thứ nhất là quản lý về điều kiện ngủ của các thầy tu:

“Các thầy tu phải ngủ giường riêng. Nếu có thể tất cả phải ngủ tại một chỗ. Đèn phải được thắp cho đến sáng. Họ ngủ phải mặc áo choàng. Nhưng họ phải cất những con dao của họ. Trong trường hợp ngẩu nhiên xảy ra tai nạn họ tự gây thương tích trong khi ngủ. Cách này các thầy tu sẽ sẵn sàng thức dậy không trì hoãn. Những sư huynh trẻ hơn không có giường riêng, nằm cạnh nhau, khi thức dậy làm Việc của Chúa, những thầy tu này lặng lẽ động viên nhau. Bởi vì con người khi ngủ thường dung thứ.”

Một điều luật nữa là lượng thực phẩm mà mỗi thầy tu đều phải tuân thủ:

“Hai loại thực phẩm được nấu chin đủ cho tất cả các thầy. Nếu có một trái cây hoặc rau quả tươi sau đó một món thứ ba được bổ sung. Một cân bánh mì đủ cho một ngày, không biết dành cho một bữa hay cả hai bữa tối và bữa khuya. Đột xuất nếu con việc vất và hơn thường ngày, cha bề trên có thể quyết định cho thêm thức gì đó. Trên hết các thay62nen6 tránh ăn quá nhiều thực phẩm. Bởi vì như vậy họ sẽ bị đau bao tử.”

Và khi an xong thức ăn, thậm chí còn có một điều luật về lau dọn.

“Các thầy tu cùng nhau làm phận sự. Không ai được miễn trừ phi ốm đau hoặc đang làm làm một số nhiệm vụ quan trọng cho cộng đồng. Bởi có phục vụ như thế mới nảy nở yêu thương.”

Nhưng những điều luất ấy không chỉ thuộc về ăn uống, ngủ nghỉ hoặc lau dọn. Đây là một cộng đồng Ki-tô giáo. Nên nhiều điều luật thuộc về những vấn đề của đức tin Ki-tô giáo. Đây là nhưng gì mà Thánh Benedict viết cho các thầy tu tuân theo.

“Bước thứ nhất của sự khiêm nhừng là vâng lời. Điều này sẽ trở thành bản chất tự nhiên cho những ai yêu Đức Ki-tô hơn tất cả. Vì sự phục vụ thánh thiện họ đã tuyên hứa hay vì sợ địa ngục, họ sẽ thực hiện mệnh lệnh của cha bề trên một cách nhanh chóng y như yêu cầu đến từ Thiên Chúa. Điều này sẽ được Thiên Chúa khứng nhận nếu như nó được hoàn thành mà không tạo ra những khuôn mặt hoặc chậm chạp hoặc thiều nhiệt tình. Thiên Chúa thấy trái tim mình. Thầy tu ấy sẽ nhận lãnh vô giá cho cách phục vụ này. Duy chỉ sự chống đối, người ấy sẽ bị trừng phạt, người ấy thay đổi và trở nên tốt hơn và thực hiện những điều ngay lẽ phải.”

Benedict không có ý định cho rằng Luật của Ngài điều duy nhất là nhu cầu của một cộng đồng Ki-tô giáo. Ngài tin rằng, cả hai Kinh Thánh và những tác phẩm của những nhà lãnh đạo Giáo Hội còn giá trị hơn nhiều so với Luật của ngài. Ngoài ra, Ngài đã viết Luật này chỉ dành cho các thầy tu. Nó không phải viết cho những tín hữu Ki-tô giáo. Dù vậy, luật của Thánh Benedict đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy Ki-tô giáo.

Một số ý tưởng đã chi phối rộng rãi đến Ki-tô giáo là:

Những Ki-tô hữu vâng lời các đấng bậc bề trên. Nhưng Ki-tô hữu làm việc chăm chỉ. Những Ki-tô hữu cầu nguyên và đọc Kinh Thánh hàng ngày. Những Ki-tô hữu không biếng nhác trong công việc. Và họ làm bất cứ những gì. Nó được thực hiện với sự tiết chế. Chẳng hạn, ăn hoặc uống quá nhiều sẽ không tốt.

Nhưng số người chịu ảnh hưởng Thánh Benedict hầu như nhiều hơn. Vẫn có những cộng đồng Benidict trên thế giới. Rev. Timothy Fry là một trong những thầy tu này. Ông đã viết lời giới thiệu cho Luật của Thánh Benidict. Trong đó, ông giải thích sự kêu gọi về Luật này phải được tiếp tục.

“Đó là một phương thức cao quí đối với trật tự của những mối quan hệ cá nhân. Mà nó còn là một phương thức dựa trên căn bản Thiên Chúa. Như Benedict đã nói, ‘Rằng trong tất cả mọi thứ Thiên Chúa có thể đươc vinh danh.’ Benedict luôn luôn hướng về Thiên Chúa. Người dẫn dắt con người trên cùng một con đường Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô.

Bạn đã có những điều luật nào để sống theo chưa? Nếu bạn thực hiên, tại sao bạn nghĩ chúng là quan trọng?
 
Con yêu dấu
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:38 16/03/2011
"Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người".(Mt.17,5).

Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã được tỏa sáng trên đỉnh núi. Chúa Giêsu biến hình, mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Chúa Giêsu tỏ mình: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."(Ga. 9,5). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa thật. Thánh Matthêo đã diễn tả sự biến hình một cách ngắn gọn nhưng đã nói lên được ý nghĩa và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu. Từ khi Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Chúa đã xuất hiện trước công chúng một cách âm thầm như mọi người trong tất cả mọi sinh hoạt. Chúa chấp nhận sự phát triển tiệm tiến trong thời gian và không gian tự nhiên.Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Con yêu dấu của Chúa Cha. Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa (Ga. 1,1). Khi Ngôi Lời xuống trần, thiên thần đồng thanh ca tụng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc.2,14). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan tại sông Giođan: Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."(Mc. 1,11). Chúa Giêsu biến hình trên núi có tiếng Chúa Cha phán: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người".(Mt.17,5). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với các tông đồ qua nhiều cách và luôn chúc bình an cho các ông: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "(Lc. 24,36). Chúng ta nhận thấy hình ảnh xiên suốt qua cuộc đời Chúa Cứu Thế. Ngài là Con Thiên Chúa đến đem bình an cho nhân loại.

Chúa đã chia sẻ cuộc sống với con người một cách cụ thể. Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo như mọi người. Hằng ngày, Chúa muốn học biết và trải qua những kinh nghiệm của đời thường. Chúa quan sát mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Khi ra giảng đạo, Chúa dùng tất cả những câu truyện cụ thể kinh nghiệm trong đời sống. Chúa lấy tất cả những ví dụ dễ hiểu để truyền rao chân lý Nước Trời. Chúa dùng các tỉ dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn hay câu truyện rất thật đi đôi với cuộc sống nơi vùng quê thôn dã. Chúa rành rẽ những phương thức gieo trồng, nấu nướng, ép nho và ủ rượu. Chúa học biết cách xử dụng muối ướp, men trong đấu bột, đèn để trên giá và mang đèn phải mang dầu theo.

Chúa lôi cuốn quần chúng lại gần qua lời giảng dậy đơn sơ, thẳng thắn và đầy uy quyền. Chúa không dùng những triết thuyết cao siêu, trừu tượng hay lý thuyết khô khan khó hiểu. Lời Chúa thật giản dị và cụ thể dành cho mọi tầng lớp. Ai nghe cũng có thể hiểu được ý nghĩa, trừ những người nhắm mắt và bịt tai không muốn lắng nghe. Từ những người chài lưới thất học quê mùa đến những thầy thông luật cũng đã thấm nhuần đạo lý của Chúa. Lời của Chúa thật trong sáng và có sức thuyết phục sâu đậm.

Chúa còn thực hiện rất nhiều phép lạ để chữa lành nọi thứ bệnh họan tật nguyền, cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, xua đuổi tà thần, hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, truyền sóng biển im lặng, mẻ cá đầy tràn và cho kẻ chết sống lại... Đây là những phép lạ tỏ uy quyền của Chúa trên vạn vật. Chúa biến hình một sự kiện vĩ đại trong lịch sử cứu độ, Chúa tỏ mình cho các môn đệ thân tín. Chúa biến hình trở lại nguyên dạng đã có từ nguyên thủy. Một mầu nhiệm nhập thể không ai hiểu thấu. Chúa mặc lấy xác phàm với thân phận của con người giới hạn trong thời gian và không gian. Chính Ngài đã tự nguyện tước bỏ vinh quang và chấp nhận thân phận tôi đòi: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Ph. 2,8)

Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Một Thiên Chúa thật trong thân xác phàm nhân. Chính Thiên Chúa đó bị người đời khinh bỉ, tẩy chay, xua đuổi, chối từ, đánh đập, khặc nhổ trên mặt, nhạo cười, đội mạo gai, vác thánh giá, bị con người tội lỗi xét xử và kết án tử hình. Chính những con người đã từng chịu ơn đã giơ tay xin tha cho Baraba và giết Giêsu. Giết Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là mặt trời công chính và là ánh sáng thế gian. Chúa Giêsu lại nói với người Do-thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."(Ga. 8,12). Thiên Chúa cao cả sáng chói như mặt trời vậy mà bị con người vô tâm xô đẩy vùi dập, đánh đập tàn nhẫn, máu me dính bết châu thân, nhịn đói nhịn khát, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá và bị treo lên lơ lửng cho chết dần. Ngài chính là Thiên Chúa. Con người phàm hèn mà dám giết chết Thiên Chúa trong xác phàm.

Tiếng từ trời cao: Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người (Mt.17,5). Loài người đã giết người Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục hùa nhau giết Con của Thiên Chúa và loại trừ Ngài ra khỏi đời sống. Người Con đó bị xét xử như một tội nhân và được xếp vào hàng các tội nhân đem đi xử tử. Người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Chúng ta suy gẫm và chăm chú nhìn hình ảnh người Con yêu dấu chết giang tay trên thập giá. Qua hơn hai ngàn năm, Ngài vẫn tiếp tục bị người đời tẩy chay, khinh bỉ và xua đuổi. Không phải người ta xua đuổi loại trừ một ông Giêsu nào đó, mà là đang loại trừ chính Con Một Thiên Chúa.

Con Ta yêu dấu chiếu sáng như mặt trời và áo Ngài trắng như tuyết. Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu dọi vào đêm tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (Ga. 1,5). Nhìn thấy ánh sáng chói lòa, các môn đệ sợ hãi và ngã sấp mình xuống đất. Ánh sáng của Chúa Kitô soi dọi thấu tận tâm can của các tông đồ, các ngài thốt lên rằng: Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm (Mt. 17,4). Thật sung sướng khi được ở bên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi đã hé mở một chút vinh quang của Ngài cho các tông đồ. Sự vinh quang luôn hiện diện trong Ngài qua lời giảng dậy, qua các phép lạ và qua chính con người của Ngài. Chúa Giêsu sẽ trở lại với vinh quang đích thực khi Ngài hoàn tất công trình cứu độ qua con đường thập giá. Chúa Giêsu đã đổ tới giọt máu cuối cùng trong thân phận con người. Tình yêu trọn vẹn hiến dâng Chúa Cha để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ngài yêu chúng ta tới cùng: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15,13).

Chúng ta được cứu chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Chúa Con đã hiến tế một lần là đủ để đền tội thay cho cả thế giới. Chúng ta hưởng nhờ ơn cứu độ mang lại nguồn sống. Chỉ nơi Đức Kitô chúng ta sẽ có sự sáng và sự sống: Ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga. 1,4). Chúa Giêsu biến hình mặc khải cho chúng ta về vinh quang ngày sau mà chúng ta hy vọng sẽ được chung hưởng ánh sáng ngàn thu với Ngài.

Trong cuộc lữ hành thế gian còn nhiều bóng tối che phủ và còn nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Đừng khi nào chúng ta chán nản bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: Thầy đây, đừng sợ. Chúng ta hãy khẩn khoản xin với Chúa như thánh Phêrô: Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! (Mt. 14, 30).

Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.

Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.

Đây chính là hồng ân cứu độ. Đây chính là tình yêu! Chúa đã chết vì yêu! Chúa đã chết vì tội lỗi chúng con. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tán tụng danh Chúa đến muôn ngàn đời.
 
Chúa hiển dung
Lm Inhaxiô Trần Ngà
17:41 16/03/2011
Chúa Nhật 2 mùa Chay (Mat-thêu 17, 1-9)

Người đời thường mang hai bộ mặt: mặt thật và mặt nạ. Khi mặt nạ rơi xuống, bộ mặt thật sẽ hiển dung (biểu lộ ra bên ngoài).

Khi nhập thể làm người, Chúa Giê-su mang dung mạo con người, mang bản tính và khuôn mặt con người, hoàn toàn trở nên giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, người đồng hương Na-da-rét gọi Người là “Bác thợ” (Mác-cô 6,3) hay “con Bác thợ Giu-se, con bà Maria” (Luca 4, 22. Mat-thêu 13, 55)

Hầu hết người Do-thái đồng thời với Chúa Giê-su chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhân loại của Chúa Giê-su mà thôi nên cho rằng Người chỉ là người phàm. Họ trách Chúa Giê-su lộng ngôn khi Người tỏ ra Người là Con Thiên Chúa. “Ông là người phàm mà tự xưng mình là Con Thiên Chúa.”

Nhưng ngoài bản tính nhân loại, Chúa Giê-su còn có bản tính Thiên Chúa.

Khi Chúa Giê-su hiển dung

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo nầy làm cho tinh thần các môn đồ bấn loạn.

Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giê-su bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Người: Người là Đấng uy nghi sáng láng, là Con yêu dấu của Chúa Cha. Sự kiện nầy được thánh sử Mat-thêu thuật lại như sau:

“Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an …tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.” … “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

Dung mạo Thiên Chúa được hiển dung nơi Đức Giê-su Na-da-rét trên ngọn núi cao đã làm cho tâm hồn ba môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì thế, Phê-rô muốn sống mãi giờ khắc tuyệt vời ấy và không muốn rời bỏ khung cảnh thần tiên đó. Ông đề nghị dựng lều ở lại lâu dài trên núi: “Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

Sự hiển dung của Chúa Giê-su trước mặt ba môn đệ đã khiến cho tâm hồn các vị tràn ngập niềm vui và hạnh phúc; còn khi chúng ta hiển dung, để lộ chân tướng, để lộ khuôn mặt thật của ta ra thì người khác sẽ cảm thấy thế nào?

Khi chúng ta hiển dung

Jiddu Krishnamurti, người Ấn-độ (1895- 1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, cho rằng, trong mỗi con người có ba “nhân vật” đang chung sống:

Một là “tôi-là”. Đây là con người thật của tôi, chân tướng của tôi. Ví dụ: bản chất tôi (tôi-là) là người tham lam, ích kỷ, lười biếng…)

Hai là “Tôi-muốn-là”. Đây không phải là bản chất con người tôi, nhưng là con người mà tôi mong muốn trở thành. Ví dụ: Tôi hiện là người tham lam, ích kỷ, lười biếng nhưng tôi muốn sống như là người quảng đại, vị tha, năng động…

Ba là “Tôi-tưởng-tôi-là”. Đây cũng không phải là bản chất con người tôi, nhưng là ảo tưởng tôi có về mình. Ví dụ: Một số kinh sư và Pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su thực chất là người tham lam dối trá, nhưng cứ tưởng mình là người công chính đạo đức.

Đây chính là cái mặt nạ đẹp mà tôi đeo lên để che đậy khuôn mặt thật u ám của mình. Từ lâu nay tôi tưởng tôi là người đàng hoàng, đạo đức, mẫu mực… Tôi nhập vai khá tốt nên những người mới tiếp xúc đều tưởng tôi là người đạo đức chân chính và ngay cả bản thân tôi cũng tưởng mình như vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, tôi vô tình đánh rơi mặt nạ khỏi khuôn mặt mình; lúc bấy giờ tôi mới “hiển dung”, mới hiện nguyên hình là một tên đạo đức giả.

Bài học từ Lời Chúa

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nhìn thật sâu vào đáy lòng mình, nhìn xuyên qua vai diễn mà tôi đang đóng - vai “tôi-tưởng-tôi-là ” - để nhận ra bản chất con người tôi (tôi-là) thật là khả ố. Từ đó, tôi mới tự thấy xấu hổ về mình. Từ đó tôi mới quyết tâm cải thiện cuộc đời, tô điểm dung nhan, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp.

Nhờ thế, khi phải “hiển dung” (tức là bộc lộ chân tướng) trước mặt người khác (dù muốn hay không việc nầy cũng phải xảy ra), chân dung tôi không đến nỗi u ám, xám xịt, mốc meo… nhưng có được một chút sáng ngời, phần nào giống như chân dung chói lọi của Chúa Giê-su khi Người hiển dung trên núi với ba môn đệ năm xưa.
 
Lễ kính thánh cả Giuse
Jos. Tú Nạc, NMS
20:29 16/03/2011
Lễ kính 19/ 3 & 1/ 5

Những điều mà chúng ta biết về hiền phu của Maria và dưỡng phụ của Chúa Giê-su bắt nguồn từ Thánh Kinh và điều đó dường như đã quá khiêm tốn đối với những ai đã khắc họa những truyền thuyết về Ngài.

Chúng ta chỉ biết Ngài là một thợ mộc, một người lao động, để rồi những người Nazareth hoài nghi hỏi tin về Chúa Giê-su, “Đây có phải là con của người thợ mộc không?” (Matthew 13: 55). Ngài chẳng phú quí gì vì khi Ngài dẫn Chúa Giê-su lên đền thờ để chịu phép cắt bì và Maria được thanh tẩy, Ngài đã dâng vật hiến tế đôi chim gáy hoặc một cặp bồ câu, duy chỉ cho phép những ai không có khả năng tiền bạc mua một con chiên. (Luke 2: 24).

Mặc dù với công việc và phương tiện hèn mọn của Ngài, Thánh Giu-se đã xuất thân từ dòng dõi hoàng gia. Lu-ca và Mat-thêu đã bất đồng một vài chi tiết về dòng dõi của Thánh Giu-se, nhưng cả hai họ đều ghi nguồn gốc của Ngài từ dòng dõi David, vị hoàng đế vĩ đại của Israel (Matthew 1: 1-16 và Luke 3: 23-38). Thật vậy, vị thiên sứ đầu tiên nói với Giu-se về Chúa Giê-su gặp gỡ Ngài với tư cách “con của David,” một danh hiệu hoàng gia cũng được dùng cho Chúa Giê-su.

Chúng ta biết Thánh Giu-se là một người nhẫn nại và giàu lòng nhân ái. Khi Ngài biết được Maria đã thụ thai sau khi họ đính hôn, Ngài biết đứa trẻ ấy không phải là con mình, nhưng chỉ vì không ngờ rằng hài nhi mà Maria đang mang thai là Con của Thiên Chúa. Ngài đã định ly hôn Maria theo luật, nhưng Ngài đã quan tâm lo lắng cho sự đau khổ và an toàn của Maria. Ngài biết rằng những phụ nữ bị kết tội ngoại tình có thể bị ném đá cho đến chết, nên Ngài quyết định lặng lẽ chia tay và không tiết lộ cho Maria biết vì hổ thẹn và tàn nhẫn (Matthew 1: 19-25).

Chúng ta biết Chúa Giê-su là người của đức tin, vâng phục trước bất cứ điều gì mà Thiên Chúa yêu cầu ở Ngài mà không cần biết hậu quả như thế nào. Khi thiên sứ đến với Thánh Giu-se trong giấc mơ và nói với Ngài sự thật về đứa trẻ mà Maria đang cưu mang, Thánh Giu-se lập tức không thắc mắc và để ý nhưng tin đồn nhảm, đã chấp nhận Maria là vợ mình. Khi thiên sứ một lần nữa trở lại nói với Ngài rằng gia đình Ngài găp nguy hiểm, tức khắc Ngài từ bỏ mọi thứ của riêng mình, tất cả gia đình và bè bạn, rồi chạy trốn đến một quê hương xa lạ cùng người vợ trẻ và con thơ dại. Ngài đã chờ đợi ở Ai cập mà không một than vấn cho đến khi thiên sứ nói với Ngài đã đến lúc an toàn để trở về (Matthew 2: 13-23).

Chúng ta biết Thánh Giu-se đã yêu thương Chúa Giê-su như thế nào. Mối quan tâm duy nhất của Ngài là dành sự an toàn cho hài nhi này mà Ngài đã được ủy thác. Không chỉ Ngài đã từ bỏ quê nhà để bảo bọc Chúa Giê-su, mà trên lần trở về của ngài được an cư ở thị trấn tối tăm Nazareth không còn sự sợ hãi đối với cuộc đời của Ngài. Khi Chúa Giê-su ở lại trong Đền Thờ chúng ta được nghe kể rằng Thánh Giu-se (cùng Mẹ Maria) đa tìm kiếm lo âu ba ngày ròng rã (Luke 2: 48). Chúng ta cũng biết rằng Thánh Giu-se đã đối xử với Chúa Giê-su như con ruột của mình mà không biết bao lần người dân Nazareth hỏi về Chúa Chúa Giê-su, “Đây không phải là con của Giu-se sao?” (Luke 4: 22).

Chúng ta biết Thánh Giu-se hết mực tôn kính Thiên Chúa. Ngài đã bước theo những yêu cầu của Thiên Chúa trong danh nghĩa tình huống với Maria và sẽ đi đến Jerusalem để Chúa Giê-su chịu phép cắt bì và Maria thanh tẩy sau khi hạ sinh chúa Giê-su. Chúng ta cũng được nghe rằng Ngài đa dẫn gia đình tới Jerusalem mỗi năm để dự Lễ Vượt Qua, điều gì đó mà không thể có một cách dễ dàng đối với một người lao động.

Từ khi Thánh Giu-se không xuất hiện trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, như lúc sinh thì trên thập giá cũng như lúc phục sinh, nhiều thánh sử gia tin rằng Thánh Giu-se có thể đã qua đời trước khi Chúa Giê-su bước vào sứ vụ rao giảng công khai.

Thánh Giu-se là người bảo trợ lúc lâm chung bởi vì, giả định Ngài đã qua đời trước lúc cuộc đời công khai của chúa Giê-su, Ngài đã chết với Chúa Giê-su và Mẹ Maria gần gũi với Ngài, con đường mà chúng ta ai nấy đều được mời gọi để từ giã thế gian này.

Thánh Giu-se là người bảo trợ của toàn Giáo Hội, những người cha trong gia đình, những người thợ mộc, và công bằng xã hội.

Chúng ta dành cho Thánh Giu-se hai ngày lễ kính nhớ: 19 tháng Ba – Thánh Giu-se Bạn Thanh Sạch của Đức Nữ Đồng Trinh Maria và 1 tháng Năm – Thánh Giu-se của những người thợ.

Còn nhiều điều mà chúng ta ước ao muốn biết về Thánh Giu-se – Ngài sinh ra khi nào, ở đâu, Ngài đã dành những thời gian của ngài như thế nào, Ngài qua đời khi nào và như thế nào. Nhưng Thánh Kinh đã để lại cho chúng ta một nhận thức quan trọng nhất: Ngài là ai – “Một người công chính.” (Matthew 1: 18).

Lạy Thánh Giu-se, xin hãy bảo trơ toàn Giáo Hội, chiu trách nhiệm trông coi Giáo Hội, thận trọng như Ngài đã trông coi Chúa Giê-su, giúp đỡ, bảo vệ và dẫn dắt như Ngài đã thực hiện với dưỡng tử của Ngài. Amen.
 
Người biến hình trước mặt các ông
Tuyết Mai
20:35 16/03/2011
Chúa Nhật 2 mùa chay

Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". (Mt 17, 1-9).

Ở thời buổi nào đi chăng nữa con người ta thường yếu đức tin và cứng lòng, không đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Ấy vậy cho nên Chúa Giêsu mới tuyển chọn ít tông đồ của Chúa đi theo để thứ nhất tăng cường đức tin nơi các ông, thứ hai để các ông biết cuộc sống của con người đời sau sẽ đẹp lộng lẫy và cao sang như vậy đấy!. Chúa cấm các ông không được nói lại bất cứ ai biết về chuyện Chúa Biến Hình trước mặt các ông, mà phải chờ cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại. Thật vậy! Cuộc sống trần gian này cả thảy khó mà có ai vào được Nước Trời. Chung quanh con người là bao nhiêu cám dỗ khó có bỏ được, không nói rằng còn bị nghiền cho đến khi thân tàn ma dại, rồi đến cái chết. Mà khổ nỗi khi con người còn xa cái chết thì chẳng một ai biết sợ hãi là gì!? Bởi thấy người chết nhưng cứ nghĩ rằng mình sẽ sống được mãi mãi mà hưởng thụ cuộc sống trần gian này!. Quả ma quỷ chúng rất độc hại. Ở chỗ là chúng làm cho chúng ta sa chước cám dỗ, mà chẳng mảy may muốn quay về mà ăn năn tội.

Y chang như cái cảnh những kẻ nghiền cờ bạc đỏ đen mà bên Mỹ đây ngày nào chúng cũng dụ dỗ những ông bà già, ở nhà ăn tiền già. Sáng sáng đến người người lái xe tới trạm xe buýt, thong thả tìm chỗ đẫu xe, rồi tự leo lên chiếc xe buýt loại cỡ thật lớn hai tầng, chờ sẵn sàng để chở tất cả đến sòng bài. Họ dụ rất hay và rất mưu chước trước sự cám dỗ mà khó lòng cho ai từ chối được. Này nhé mỗi đầu người họ cho $20 đô để đi đánh bài, tiền ăn uống bao nhiêu họ cũng bao, chỉ trừ một điều kiện là phải ở sòng suốt cả một ngày mới được, không được bỏ ra ngoài. Cái dụ dỗ là cái chỗ ấy!. Bởi ai đâu có thể ở đó chơi vãng lai đến suốt cả ngày cho được?. Sốt ruột lắm! Nhiều giờ lắm nếu chẳng làm gì ngoài chơi cờ bạc. Vài lần chưa quen thì họ dậy cho chơi, và họ làm cho mình thắng vài lần để dụ chúng ta ham thích. Ai thắng tiền mà lại không ham thích bao giờ?. Đó là cái mà chúng ta tự đưa chân vào hỏa ngục tầng một?. Khi chúng ta ghiền rồi thì ngoài $20 đô họ cho, chúng ta sẽ mang thêm biết bao nhiêu nữa khi bị thua?. Máu sẽ hăng mà thua hết những số bạc đó!. Và đó là cách mà chúng dụ dỗ chúng ta không thể nào từ bỏ được cái chốn hư hỏng đốn mạt đó cho được. Rồi thì sau đó gia đình của họ sẽ trở thành hỏa ngục triền miên. Ông ghiền thì ông đi khảo tiền mọi người. Không cho ông sẽ la hét, đánh đập, rồi thì ăn cắp. Cái xe ông cũng đem cầm để trả cho chúng. Cái nhà nếu ông làm chủ cũng sẽ mất hết. Mất trắng tay. Mà có thể ông cũng sẽ vào tù ngồi vì làm những chuyện bất hợp pháp để có tiền mà chơi tiếp.

Ngoài cái đam mê đỏ đen, con người ta còn vướng vào tửu sắc, cần xa, ma túy, game on line, v.v…… Tất cả đều dẫn đưa chúng ta đến con đường tự sát vì chúng đều có thể giết chết chúng ta, chỉ một thời gian ngắn mà thôi!. Sắc đẹp thiếu nữ bây giờ ư!?. Họ dẫn chúng ta lên đài chờ chết một cách chẳng đẹp đẽ tý nào!?. Chỉ cần một lần nhẹ dạ là các ông xong ngay. Thế mà cớ gì làm các ông không từ chối được?. Có phải đó là ma chước cám dỗ hay không?. Và ngược lại các phái nữ cũng cùng chết vì một chiến thuật của quỷ ma cám dỗ?. Vì thế cho nên Thiên Chúa đã rành quá bản tánh con người là luôn yếu kém và rất mỏng dòn. Chẳng cám dỗ nào mà thiếu ơn Chúa mà con người có thể thoát ra khỏi được đâu. Tiền là cái mà tất cả con người trần gian đều cần và đều phải yêu quý nó!. Có Tiền là có tất cả ngoại trừ Tiền chẳng đưa chúng ta lên đài vinh quang trên Nước Thiên Chúa được đâu!. Trên Trời không xài Tiền. Trên Trời chỉ xài ngân phiếu bác ái mà chúng ta khi còn ở trần gian, đã sống trọn hảo theo Thánh Ý Chúa và giữ điều răn của Chúa. Sống bác ái càng đầy thì càng được Thiên Chúa cấp thật nhiều ngân phiếu ấy trên Trời. Càng nhiều thì nhà băng trên trời giữ dùm cho chúng ta, để khi chúng ta lên ấy, ngân phiếu bác ái ấy giúp chúng ta có chức phận gì chăng????. Sự gì trên Trời chúng ta nhân loại chưa ai nhìn thấy, sờ được, hay biết được, nhưng chỉ qua Phúc Âm Chúa dậy, đại khái hiểu được rằng Nước Trời là Nơi con người tất cả sẽ được biến hình, sẽ trở nên sáng láng và đẹp lộng lẫy. Cái đẹp, cái sang, cái sáng láng ấy tất nhiên có lên Trời chúng ta mới thấy và chứng kiến tận mắt chúng ta được.

Có phải nơi ấy Chúa ban cho chúng ta sự sống muôn đời, trong hạnh phúc chứa chan, được sống bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ, cùng toàn thể đạo binh, Thiên Thần, các Thánh, cùng hết thảy anh chị em vui hưởng hoan lạc miên viễn, thiên thu, và bất tận. Hỡi những ai đang coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa anh chị em. Xin Thánh Thần Thiên Chúa, giúp ban cho chúng ta biết từ bỏ từ từ, để mọi cám dỗ sẽ phải xa tránh chúng ta; giúp chúng ta có được ơn Chúa mà nhận ra sớm Tình Yêu bất tử của Ngài, sẽ giúp ban cho chúng ta đến được Quê Trời trong con đường hẹp mà Chúa chỉ dẫn cho chúng ta. Sự việc Chúa biến hình trên núi Tabore, là để chứng mình cho chúng ta thấy có Nước Trời, có Thiên Chúa Toàn Năng hằng hữu, có cuộc sống muôn đời, và Hạnh Phúc sẽ mãi là trường tồn. Còn ai chưa tỉnh thức trước những đại họa xẩy ra trước mắt cho anh chị em bạn trên khắp cùng thế giới, xin Thiên Chúa giúp chúng ta nhận định được trước kẻo trễ. Vì Tình thương yêu Thiên Chúa thì vô cùng tận. Ngài không bao giờ từ khước chúng ta, chỉ khi chúng ta cứng cỏi mà từ chối tình Ngài. Hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng!. Amen.
 
Chiêm ngắm thánh Giuse
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:36 16/03/2011
Trong nghi thức làm phép ảnh tượng các thánh, thừa tác viên Giáo Hội cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, chúng con cũng dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi và đời sống thánh thiện của các Ngài mà bắt chước. Chúng con nài xin Chúa làm phép + và thánh hóa tượng ảnh này để tôn kính và tưởng niệm đến…Xin Chúa đoái thương, để ai siêng năng tôn kính…trước tượng ảnh này, thì nhờ công nghiệp và sự che chở của Người, được Chúa ban ơn thánh ở đời này và vinh hiển ở đời sau. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Người Kitô hữu tôn kính các thánh qua các ảnh tượng. Con mắt thể xác chiêm ngưỡng vị thánh thì con mắt ký ức suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của ngài để noi gương bắt chước.

Hôm nay Lễ Thánh Giuse, chiêm ngắm và học nơi Ngài hai nhân đức cần thiết cho đời sống đức tin.

1. Nhạy bén

Đọc Phúc Âm ta thấy Giuse có tâm hồn mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa và rất nhạy bén trước ý định của Người.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là ý Chúa là Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành. -Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn Thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định: “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24). - Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). - Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21). Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse nhạy bén lắng nghe và vâng phục chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Để nhạy bén với tiếng gọi của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi Ngài. Thánh Giuse hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.

2. Kiên quyết.

Phúc Âm nói rất ít về thánh Giuse. Nhưng có một điều chắc chắn đã giúp Ngài chu toàn bổn phận bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Điều đó là đức tính kiên định.

Nhạy bén tình hình thực tế nên thấy mối đe dọa cho Hài Nhi, Ngài mau mắn lên đường lánh nạn. Đường xa vạn dặm từ Do thái sang Ai cập mà vợ yếu con thơ, núi đồi hiểm trở, cướp bóc rình rập, nhưng Thánh Giuse luôn kiên quyết đã quyết định là làm cho đến cùng để bảo vệ gia đình.

Đọc Phúc Âm ta thấy rõ đức tính ấy. Từ khi đưa Đức Maria đang mang thai về quê hương Bêlem để khai sổ kiểm tra cho đến khi định cư tại Nazareth, Thánh Giuse luôn kiên quyết bảo vệ gìn giữ gia đình. Về quê quán, đường xa xôi cách trở. Khi đến nơi “Maria đã đến ngày sinh nở”, và phải sinh con “nơi hang đá bò lừa” vì “hai ông bà không tìm được nhà trọ”(Lc 2,7). Chỉ ít lâu sau được lệnh “Thiên sứ báo tin phải lên đường, đưa con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13). Vâng theo ý Chúa, “ngay đang đêm, Giuse chỗi dậy đem con trẻ và mẹ Người lên đường đi Ai cập” (Mt 2,14). Định cư tại Ai cập cho đến khi nhận được lệnh thiên sứ “hãy đưa con trẻ trở về quê hương”, Giuse “lại chỗi dậy đưa gia đình về lại quê hương Nagiaret”. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên cường vượt qua. Ngài là cột trụ gia đình, kiên nhẫn làm việc đổ mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động để nuôi sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn nhạy bén tình hình thực tế và khi đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn kiên định xin vâng trước Thiên ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Nhờ hai đức tính nhạy bén và kiên quyết mà Thánh Giuse đã trở thành đấng bao bọc che chở Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người rất hiệu quả. Đó cũng là bài học quý giá cho đời sống đức tin và trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta. Luôn nhạy bén với tiếng Chúa gọi, nhạy bén với tiếng lương tâm, với các biến cố đời sống, với những biến chuyển của thời đại và với những lời nhắn nhủ của anh chị em mình. Nhạy bén trước những mối nguy hiểm đe dọa những nguy cơ rình rập đời sống, cần kiên quyết để vượt qua. Bất cứ việc gì, đã quyết định là làm cho đến cùng với tinh thần trách nhiệm.

Thánh Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống đời thường đã biến thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động. Xin cho mỗi người chúng con học nơi Ngài, luôn biết nhạy bén và kiên quyết sống theo hướng dẫn của đức tin. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:43 16/03/2011
CÓ TRỘM

N2T


Có một tên trộm, ban đêm lủi vào trong nhà người ta, sờ phía dưới đầu giường đụng một cái hũ gạo, tên trộm bèn cởi cái tạp dề trên người ra trải trên đất, sau đó đi lấy gạo trong hũ ra.

Người nằm trên giường vẫn chưa ngủ, hành vi của tên trộm vào nhà ông ta đều biết. Khi tên trộm lấy tạp dề trãi trên đất để đi lấy gạo, ông ta bèn đưa tay ra kéo cái tạp dề, sau đó nằm trên giường mà la: “Có trộm, có trộm !”

Tên trộm vừa nghe tiếng la thì quay mình muốn chạy ra ngoài, nhưng vừa đưa tay sờ cái tạp dề thì không thấy nữa, thế là hắn ta đứng một bên cũng la lớn:

“Có thể có tr¬ộm thật, vừa mới trãi cái tạp dề trên đất, quay lại thì không thấy nữa”.

Suy tư:

Tên trộm trên đây đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”, tức là đã đi ăn cướp của người khác lại còn lớn tiếng la lên như mình mất của không bằng.

Trong cuộc sống thường ngày, cũng có nhiều người vừa ăn cướp vừa la làng, tức là họ đã làm sai nhưng vẫn cứ biện hộ cho mình và đổ tội cho người khác; họ làm không tròn bổn phận của mình, nhưng vẫn cứ chối bai bãi là vì lý do này lý do nọ, rồi trách móc người khác.

Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu ma quỷ chính là tên trộm vừa ăn cướp vừa la làng, nó chính là nguyên nhân của mọi sự dữ, nhưng lúc nào cũng đổ lỗi cho Thiên Chúa khi cám dỗ con người là: tại sao Chúa dựng nên tôi mà không chăm sóc tôi, để tôi sống khốn khổ như thế này; nào là nói Chúa không tồn tại đâu, bởi vì Thiên Chúa đâu có ác đức để cho sóng thần, ôn dịch.v.v...hại con người.

Có những lúc chúng ta –người Ki-tô hữu- cũng “vừa ăn cướp vừa la làng” khi chúng ta chỉ sống vì sĩ diện bên ngoài, tức là vừa phạm tội vừa đi rước Thánh Thể, vừa đọc Lời Chúa vừa nghe lời ma quỷ, vừa ăn chay vừa chửi mắng tha nhân...

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:46 16/03/2011
N2T


8. Tội nhẹ làm chậm lại sự tiến bộ của các nhân đức.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tôn giáo cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội
Linh Tiến Khải
07:09 16/03/2011
Phỏng vấn ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh quốc về vai trò cần thiết của tôn giáo đối với sự tiến bộ xã hội

Trong xã hội Âu Châu tục hóa và duy đời qúa khích hiện nay, càng ngày người ta càng có cảm tưởng nhà chính trị phải là một người biết chống đối Kitô giáo và các giá trị siêu việt. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế. Điển hình là trường hợp của ông Tony Blair, nguyên thủ tướng Anh quốc.

Đối với ông, Đức tin, tự nó, là một thiện ích rất lớn lao, và tin là một sức mạnh cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội. Vì thế, không phải chỉ khoan nhượng một cách cưỡng ép đối với tôn giáo, mà phải coi tôn giáo như một ”cộng tác viên có tiềm nămg” trong việc đối phó với các thách đố của ngàn năm mới.

Say đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Tony Blair, về vai trò cần thiết của tôn giáo đối với sự tiến bộ xã hội.

Ông Anthony Charles Lynton Blair sinh năm 1953, và đã là thủ tướng Anh quốc từ năm 1997 tới 2007. Từ năm 2007 ông được Liên Hiệp Quốc chỉ định là đặc sứ hòa bình trong vùng Trung Đông. Sau khi mãn nhiệm thủ tướng ngày 21 tháng 12 năm 2007, ông đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Ông đã thành lập ”Tổ chức niềm tin và sáng kiến toàn cầu” có mục đích đối thoại liên tôn và thăng tiến dấn thân xã hội của các tôn giáo.

Hỏi: Thưa ông Tony Blair, hồi tháng 11 năm 2010, tại Toronto bên Canada, ông đã công khai tranh luận với ông Christopher Hitchens, là người ”vô thần mới”. Làm thế nào để luận cứ rằng tôn giáo xây dựng chứ không tàn phá xã hội?

Đáp: Cuộc tranh luận với ông Hitchens đã chứng minh cho thấy rằng các vấn nạn liên quan tới giá trị của tôn giáo ngày nay không phải là mới mẻ, nhưng chúng đã không luôn luôn là các sự mới mẻ tích cực. Có một niềm tin tốt và có một niềm tin xấu. Vì thế trả lời cho câu hỏi ”Tôn giáo có là một sức mạnh xây dựng thiện ích trên thế giới hay không?” có thể làm nảy sinh ra một câu trả lời hàm hồ. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào việc phục vụ tha nhân, thường là kín đáo do những người có niềm tin đảm trách, thì câu trả lời sẽ không hàm hồ. Nó cũng thế, nếu chúng ta chú ý tới các hoạt động của các nghệ sĩ được đức tin thúc đẩy tại Âu châu dọc dài bao thế kỷ. Như vậy, sau cùng câu trả lời của tôi là tôn giáo xây dựng, chứ không tàn phá xã hội. Có lẽ câu hỏi mà chúng ta đưa ra sai chăng?

Hỏi: Như vậy thì đâu là câu hỏi đúng thưa ông?

Đáp: Câu hỏi đúng đó là: ”Tôn giáo tích cực cho cái gì?”, ”Đâu là các dấu chỉ cho thấy một niềm tin tốt đang hoạt động?”. Lòng tin trao ban cái tối hảo của nó, khi nó làm thành một loại ”chống văn hóa”. Tin vào một Thiên Chúa nhân từ có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm đối với điều mình làm. Lịch sử Giáo Hội cho thấy Giáo Hội tạo ra một khung cảnh, trong đó có thể yêu thương một cách ”thái qúa”, và đó là các gương mẫu đặc biệt của lòng thương xót, hy sinh chính mình. Thật thế, các thánh đã cho thấy rằng tôn giáo khiến cho sự liều lĩnh sống ngoài lề, và nó làm cho niềm hy vọng trở thành sự an ninh duy nhất, là điều có thể làm được. Nhất là tin cho phép tha thứ. Vì thế tôn giáo là một linh hứng để chiến đấu, một dấn thân để thực hành lòng tốt nhờ các tấm gương cao qúy, là một cái gì khiến có thể tiêu hao cuộc sống bằng cách tìm ơn gọi riêng của mình.

Hỏi: Trong ”Đại hội tình bạn” tại Rimini hồi năm 2009 ông đã định nghĩa niềm tin là mục đích cuộc sống. Như thế, ai không tin thì không có các mục tiêu tích cực hay sao, thưa ông?

Đáp: Lập trường của tôi được diễn tả cách tốt nhất trong quan niệm của ”Tổ chức đức tin” của tôi. Nó dấn thân xây dựng một sự hiểu biết giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau. Chúng tôi tin, và chúng tôi thăng tiến một cuộc đối thoại thông minh giữa các người của mọi tôn giáo, cũng như với những người không có niềm tin tôn giáo nào. Chúng tôi tiếp nhận tất cả những ai có các xác tín nhân bản, vô ngộ, vô thần hay ”đời”. ”Tổ chức niềm tin và sáng kiến toàn cầu” đang xây dựng một lãnh vực nghiên cứu mới trong các đại học, dựa trên việc phân tích các phát triển của tôn giáo bên trong các tiến trình toàn cầu hóa. Tôi tin rằng trong thời đại này việc hiểu biết tôn giáo có tầm quan trọng sinh tử đối với sự hài hòa quốc tế. Vì thế chúng tôi chào mừng bất cứ ai muốn phát triển khả năng sống trong một xã hội đa nguyên.

Hỏi: Thưa ông, làm thế nào để đưa diễn văn tôn giáo vào trong không gian cuộc sống công cộng?

Đáp: Tổ chức của tôi nhấn mạnh trên sự kiện tiếng nói tôn giáo có quyền có một chỗ trong không gian cuộc sống công cộng; và vai trò của nó không cần phải được đặc ân, nhưng cũng không bị khinh rẻ. Lập trường của niềm tin được lắng nghe như cộng sự viên tiềm năng giúp giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, mà chúng ta phải đương đầu trong thế kỷ XXI.

Điều này không có nghĩa là những kẻ có niềm tin xứng đáng hơn người khác. Trong ban điều hành tổ chức của tôi có những người đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, một vài người là vô thần, nhưng tất cả chúng tôi đều chia sẻ quan niệm làm việc chung với nhau cho các mục đích liên tôn. Và điều này không giảm thiểu dữ kiện mỗi người duy trì tôn giáo riêng hay triết lý sống riêng của mình, nó diễn tả sự tràn đầy ý nghĩa cuộc sống đối với họ hay diễn tả mạc khải đầy đủ của Thiên Chúa.

Tổ chức của chúng tôi thăng tiến tư tưởng niềm tin, tự nó, là một thiện ích, và một sức mạnh cho sự tiến bộ. Niềm tin có thể trao ban ý nghĩa và một mục đích cho cuộc sống. Nó vén mở cho thấy một ý thức sâu thẳm của sự khiêm tốn, bằng cách đặt để con người trước mặt Thiên Chúa. Nó dậy cho chúng ta biết là có một cái gì đó cao cả hơn là cái ”tôi”. Nó cống hiến cho chúng ta khung cảnh các giá trị trong một thế giới bị đảo lộn. Đa số các tôn giáo thăng tiến sự an bình của tinh thần trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Tôi không muốn nói rằng ai không có niềm tin tôn giáo thì không có các mục đích tích cực trong cuộc sống. Nhưng nếu tôi chấp nhận rằng họ có thể sống một cách tràn đầy, thì họ cũng phải chấp nhận rằng niềm tin của tôi là suối nguồn trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của tôi.

Hỏi: Trong cuốn sách ”Một chuyến du hành” ông đã viết: ”Tôi đã có khả thể vun trồng một đam mê lớn lao hơn chính trị: đó là tôn giáo”. Nhưng khi ông còn làm Thủ tướng Anh, người phát ngôn của ông đã nói một câu để đời: ”Chúng tôi không chú ý tới Thiên Chúa”. Theo ông, chính trị và tôn giáo có thể cùng hiện hữu với nhau hay không?

Đáp: Sự liên lụy của tôn giáo trong lãnh vực công cộng không được người ta nhìn với con mắt thiện cảm. Các tôn giáo khác nhau có quyền lên tiếng trong lãnh vực công cộng, và không được tiên thiên coi tiếng nói của chúng thấp kém hơn các tiếng nói đời. Mặt khác, các tác nhân tôn giáo có bổn phận bước vào trong cuộc thảo luận công cộng với các đề tài hữu lý. Tôi tin rằng người dân sẽ đóng góp rất nhiều kinh nghiệm và niềm tin của họ cho cuộc sống công cộng, theo như môi trường đáng được hưởng. Sự chia rẽ giữa các lý lẽ đời và các lý lẽ tôn giáo ít sâu rộng hơn chúng ta thường tưởng nghĩ.

Một người tàn tật khi chống lại việc làm cho chết êm dịu, thì đưa ra một lý lẽ đời hay lý lẽ tôn giáo, bằng cách quy chiếu về giá trị của mỗi một sự sống con người. Một tín hữu công giáo khi chiến đấu chống lại việc phá thai lan tràn, thì họ làm điều đó vì tin rằng giết một người không phương thế tự vệ là điều sai lầm, hay là bởi vì Giáo Hội dậy phá thai là một tội.

Hỏi: Ánh sáng, các tôn giáo và lương tri là những đề tài của ”Sân của dân ngoại Paris”. Phải thảo luận chúng như thế nào, thưa ông?

Đáp: Trước hết tôi xin bầy tỏ sự chào mừng của tôi đối với sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Cả lời người mời gọi đối thoại với tư tưởng đời trong chuyên viếng thăm Anh quốc cũng đã là một can thiệp rất quan trọng, chính bởi vì sự đối chiếu thường khi bị phân cực. Kinh nghiệm tôi có bên Phi châu, hay trong dấn thân chống lại nạn nghèo đói, gợi ý cho tôi biết rằng có một lãnh vực gặp gỡ của trí thông minh giữa biết bao nhiêu người dấn thân một cách đời và biết bao nhiêu người cũng làm điều đó trong nhãn quan tôn giáo. Cuộc đối thoại này phải đương đầu với trách nhiệm chung của mọi niềm tin, cũng như của các người vô thần, trong việc đối chiếu với nhau với sự cương quyết, thông cảm và một ý thức trách nhiệm cao độ trước các đe dọa chống lại hạnh phúc của con người.

Hỏi: Thưa ông Tony Blair, thế thì đâu là các việc cấp thiết chung của ngàn năm mới?

Đáp: Các thay đổi khí hậu, việc tàn phá môi sinh, tình trạng sống nghèo túng của người dân vẫn tồn tại trong các quốc gia nghèo và các quốc gia giầu. Nhưng cũng có sự thất bại của chúng ta trong sự kiểm soát buôn bán ma túy và khí giới nữa, cũng như nạn vũ khí nguyên tử lan tràn, nạn tôn giáo cuồng tín và sự giòn mỏng của cơ cấu tài chánh của chúng ta. Chúng ta phải nhớ rằng ”Sân của dân ngoại” đã là khoảng không gian ngoài cùng của Đền Thờ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã nổi giận chống lại việc khai thác người nghèo. Nơi đây chúng ta tìm thấy một loại đặc nhiệm kinh thánh dể đạt các mục tiêu của Ngàn Năm Mới, hay làm vơi nhẹ nạn nghèo đói toàn cầu nội trong năm 2015.

Hỏi: Ông nghĩ gì về lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi đối chiếu trở lại giữa các tín hữu và người vô thần?

Đáp: Thường khi người ta nghe có những người bắt đầu một cuộc đối thoại về tôn giáo nói rằng ”Tôi muốn tin, nhưng... ” Trong trường hợp một cuộc kiểm kê thì đa số tỏ ra thuộc loại vô ngộ, nghĩa là chủ trương không thể hiểu biết các sự thật tôn giáo. Tại Âu châu chắc hẳn có ít người cảm thấy sự cần thiết phải công bố khuynh hướng vô thần của họ như một triết lý thực tiễn, mặc dù có sự trưng bầy quảng cáo cho các ”người vô thần công cộng nổi tiếng”. Khi có ai đó tuyên xưng mình vô thần, thì Thiên Chúa mà người đó nói rằng không tin, có lẽ không dính dáng gì tới điều, mà một đức tin công giáo trưởng thành tin.

Hỏi: Làm thế nào để đưa ra một diễn văn ”cao vời” về Thiên Chúa đối với những người không tin, thưa ông?

Đáp: Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại đó có thể rất ít gây kinh hoàng cho thế giới đời, nếu điểm khởi hành là Đấng Tạo Hóa. Các hiểu lầm có thể biến mất, nếu các thần học gia và các tín hữu trưởng thành giải thích trong một ngôn ngữ có thể hiểu được sự hiểu biết của họ về Thiên Chúa hệ tại điều gì, và tại sao lại có thể định nghĩa Thiên Chúa như là Đấng yêu mến và tràn đầy thương xót. Ngoài ra, dấn thân trong cuộc đối thoại chứng minh cho thấy rằng chúng ta không sợ hãi, trái lại chúng ta hãnh diện về điều đó.

Đối thoại cũng sẽ chứng minh cho thấy rằng lý trí và đức tin ở bên cạnh nhau một cách sâu xa, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã làm, có lẽ một cách tốt đẹp hơn ai hết.

(Avvenire 10-3-2011)
 
Các giám mục Hoa Kỳ hỗ trợ cho các nghiệp đoàn công nhân nhưng cũng kêu gọi sự hợp tác của họ
Bùi Hữu Thư
08:35 16/03/2011
Hoa Thịnh Đốn (CNS) – Trong cuộc tranh chấp đang tiếp diễn giữa các thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa và các tổ chức nhân công tại Miền Trung Tây Hoa Kỳ, các giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng về truyền thống lâu dài của giáo hội là bênh vực quyền lợi của công nhân.

Nhưng các ngài cũng ghi nhận là không có những giải pháp dễ dàng cho nền kinh tế đang bị suy sụp hiện nay. Các ngài đã yêu cầu các công nhân và các giới chức chính quyền hợp tác cho ích lợi chung và kêu gọi các thành viên các nghiệp đoàn công nhân chính phủ hãy làm những sự hy sinh.

Lời kêu gọi của các giám mục đã không bị bỏ qua. Trong khi cuộc tranh chấp đã gây xúc động trên toàn quốc, người ta đã phê bình các giám mục Hoa Kỳ là hoặc quá yểm trợ cho các nghiệp đoàn, hoặc không yểm trợ đầy đủ.

Người Công Giáo thuộc hai phe tranh chấp cũng cân nhắc những gì là tốt đẹp nhất cho công nhân và cho toàn quốc. Đức Tổng Giám Mục Milwaukee Jerome E. Listecki nói vào trung tuần tháng Hai: "Thời kỳ kinh tế khó khăn không hủy bỏ trách nhiệm luân lý của mỗi người chúng ta là tôn trọng quyền lợi chính đáng của thợ thuyền.”

Ngài nói như trên trong khi có sự phản đối hết sức phẫn nộ tại tiểu bang Wisconsin về đề nghị của Thống Đốc Scott Walker là ngăn chặn quyền thương lượng để đòi hỏi các bổng lộc và gia tăng số tiền công nhân phải đóng góp cho bảo hiểm sức khỏe và tiền hưu bổng.

Sau ba tuần có sự đối chất đã đem đến thủ đô tiếu bang Wisconsin mấy vạn người, các nghi sĩ đảng Cộng Hòa đã thông qua kế hoạch của thống đốc ngày 9 tháng Ba, bất kể các nghị sĩ đảng Dân Chủ đã bỏ tiểu bang ra đi nhằm ngăn chặn đạo luật.

Ngày hôm sau, Hạ Viện Tiểu Bang đã thông qua một bản dự thảo rút gọn, và gần như loại trừ hết tất cả quyền thương lượng tập thể của các công nhân chính phủ.

Toàn quốc đã theo dõi những gì xẩy ra tại tiểu bang Wisconsin như một dấu hiệu của một khuynh hướng lớn mạnh hơn vì các nhà lập pháp tại Ohio, Indiana, Iowa, Idaho, Tennessee, Kansas và Michigan cũng đang tìm cách để ngăn chặn quyền thương lượng của các nghiệp đoàn.
 
Tây Ban Nha: một linh mục đang đối mặt với vạ tuyệt thông vì liên quan đến vụ phá thai
Tiền Hô
09:36 16/03/2011
Barcelona (Tây Ban Nha), 15 Tháng Ba 2011 (CNA) - Tổng Giáo Phận Barcelona thông báo mở một cuộc điều tra để "xác minh" xem linh mục Manel Pousa có bị vạ tuyệt thông tiền kết hay không, khi linh mục này trả tiền cho việc phá thai.

Trong cuốn sách "Cha Manel: gần gũi với Trái Đất hơn là Thiên Đàng" được phát hành vào hôm 28 Tháng Hai, Cha Manel nói rằng, trước đây Cha đã "chúc phúc" cho việc kết đôi giữa các tù nhân đồng giới trong tù, và Cha ủng hộ việc "tự nguyện" sống độc thân và phụ nữ được làm linh mục. Cha Manel cũng thừa nhận là đã cho phép phá thai và nói thêm rằng, đến bây giờ, những hành động trên của mình chỉ nhận một cảnh báo từ ĐHY Martinez Lluís Sistach (Tổng Giám Mục của Barcelona).

Hôm 8 Tháng Ba, ĐHY Sistach đã ban hành một tuyên bố vắn gọn triệu tập linh mục này để "nói chuyện trực tiếp về một số nội dung trong cuốn sách kể trên và để đưa ra quyết định thích hợp".

Trong một thông báo gửi đến cho CNA hôm 15 Tháng Ba, tổng giáo phận Barcelona cho biết, ĐHY Sistach cùng với ĐGM Phụ Tá Sebastia Tatlavull và chưởng ấn tổng giáo phận - Đức Ông Sergi Gordo - đã gặp Cha Manel hôm 14 Tháng Ba vì "liên quan đến báo cáo về vụ phá thai do linh mục này cộng tác thực hiện được ghi trong cuốn sách viết về mình".

Thông báo viết rằng, "Theo Giáo Luật, cộng tác trong việc phá thai sẽ mang vạ tuyệt thông tiền kết, điều luật này chỉ dụ các thủ tục phải được tiến hành theo sau để xác minh về sự kiện. Do đó thủ tục này [về trường hợp Cha Manel] đã được bắt đầu".

Tổng giáo phận nói thêm rằng, thủ tục này cũng không nhằm phản ánh hạ thấp "các công tác xã hội mà linh mục này đã thực hiện nhiều năm phục vụ cho các nhóm cần kíp nhất của xã hội chúng ta".
 
Macau: thảo luận khôi phục Trung Tâm Công Giáo của giáo phận
Tiền Hô
09:37 16/03/2011
Macau, 16 Tháng Ba 2011 (UCANEWS) - Giáo phận Macau đã kết thúc buổi cuối cùng trong bốn buổi tham vấn, để lắng nghe những ý tưởng làm thế nào để biến khu vực Trung Tâm Công Giáo cũ của giáo phận thành một điểm đến chính yếu của Giáo Hội địa phương.

Cha Pedro Chung Chi-kin - tổng đại diện giáo phận Macau nói rằng, "Chúng tôi không muốn địa điểm này bị bỏ phế. Có rất nhiều việc cần làm để giữ gìn nó, và cũng cần một kế hoạch dài hạn cho dự án khôi phục lại tòa nhà có lịch sử nửa thế kỷ này".

Mục đích và quản lý chi phí cũng là mối quan tâm, cho nên Giáo Hội địa phương cần nghe ý kiến của 20.000 người Công giáo Macau, bao gồm cả giáo sĩ, nữ tu, giáo dân và các hiệp hội tu trì, sẽ có linh mục đứng đầu một nhóm làm việc để điều phối các dự án khôi phục.

Cha tổng đại diện nói thêm, tòa nhà bốn tầng này đã bị bỏ không gần 20 năm, nay có thể được sử dụng lại để giới thiệu về đức tin Công giáo và lịch sử của giáo phận cho những người không biết Giáo Hội.

Sau bốn buổi tham vấn - được tổ chức từ Tháng Hai - đã có các đề xuất như: biến trung tâm này thành một bảo tàng Giáo Hội, một trung tâm thông tin liên quan đến tin tức về Giáo Hội, hoặc chuyển đổi nó thành một nhà nghỉ cho khách hành hương. Thậm chí còn có một số ý kiến đề nghị phá dỡ công trình cũ để xây mới.

Nguyên Giám Mục Domingos Lam Ka-tseung của Macau cũng đã "xem xét thay thế trung tâm cũ này bằng một tòa nhà mười tầng", nhưng ý tưởng đó đã bị bỏ vì cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu cuối thập niên '90.

Các nhóm làm việc sẽ ghi nhận và công bố các đề xuất trên, nhưng Đức Giám Mục Giuse Lai Hung-seng của Macau là người quyết định cuối cùng. Đức cha Lai nói, "Tôi nghĩ rằng đó là thời gian để tái khám phá tất cả chức năng của tòa nhà".

Xung quanh Trung tâm Công Giáo cũ là các trường học, bệnh viện, một số khách sạn và sòng bạc lớn, nằm ở ngã tư đường Praia Grande da Avenida và Rua do Campo, đây là một trung tâm thương mại và hành chính rộng 29.5 km vuông.

Với vị trí thuận tiện của nó, Đức Giám Mục Lai cho biết, ngài hy vọng khôi phục hoặc xây mới để có thể là một nơi minh chứng cho những nỗ lực truyền giáo và mục vụ của Giáo Hội.

*Macau là một đặc khu hành chánh thuộc Trung Quốc, trước là thuộc địa của Bồ Đào Nha, và được trao trả lại cho Trung Quốc vào ngày 20 Tháng Mười Hai năm 1999. Theo Tuyên Bố Chung Trung Quốc-Bồ Đào Nha và Đạo Luật Cơ Bản của Macau, lãnh thổ Macau có tính tự trị khỏi chính phủ Trung Quốc đến ít nhất là năm 2019, tức là 50 năm sau ngày trao trả.
 
Giáo phận San Jose có tân Giám Mục phụ tá
Nguyễn Long Thao
16:47 16/03/2011
VATICAN CITY, 16 /03/2011 - Tin từ Tòa Thánh Vatican cho biết Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chính thức bổ nhiệm linh mục Thomas A. Daly làm Giám Mục Phụ Tá của giáo phận San Jose, bắc California.

Tân GM Thomas A Daly
Đức tân Giám Mục Thomas A. Daly sinh năm 1960 tại thành phố San Francisco, thụ phong linh mục năm 1987, đậu văn bằng Master về Thần Học năm 1987 và Master về Giáo Dục năm 1996.Ngài thuộc tổng giáo phận San Francisco và đã từng giữ chức Giám Đốc ơn kêu gọi linh mục và là Chủ Tịch trường trung học Công Giáo ở Kentfield.

Được biết giáo phận San Jose có diện tích 3,367 dặm vuông, dân số 1,837,075. trong đó 667,474 là người Công Giáo. Số linh mục của giáo phận là 343, số thầy sáu vĩnh viễn là 20 và nam nữ tu sĩ là 583.

Tưởng cũng nên nói thêm, giáo phận San Jose có số tín hữu Công Giáo Việt Nam đông vào hạng thứ hai tại Hoa Kỳ, chỉ sau giáo phận Orange của nam California.
 
Nét văn hóa độc đáo của người Nhật
Vũ Văn An
19:46 16/03/2011
Cả thế giới đều đã được nhìn tận mắt sức tàn phá khủng khiếp của trận động đất và cơn sóng thần ngày 11 tháng 3 vừa qua tại Nhật. Hình ảnh cơn lũ biển cao 10 thước với vận tốc gần 2 trăm cây số giờ đổ xuống các làng mạc và thị thành ven biển phía bắc của Nhật, mang theo thác chẩy của nó bất cứ vật gì, sẽ còn hiển hiện trong tâm trí nhiều người trên thế giới trong nhiều thời gian sau. Nhưng một hình ảnh khác, xuất hiện muộn hơn một chút, cũng sẽ không thua xa độ bền trong tâm trí họ. Đó là hình ảnh một dân tộc anh dũng duy trì được nền đạo đức cộng đồng trong một hoàn cảnh cực kỳ cùng cực và hỗn độn do thiên nhiên tạo ra: người chết hàng loạt, người mất tích đông vô kể, nhiều thành phố và làng mạc bị san bằng trong phút chốc, và viễn tượng phóng xạ không thua 1945, viễn tượng mà có người cho rằng: tôi sống sót, nhưng không biết là tốt hay xấu (theo tin CNN). Tốt hay xấu, người Nhật vẫn một lòng biểu lộ nền đạo đức cộng đồng của họ.

Đài CNN trưng trường hợp: không một nạn cướp giật nào xẩy ra nhân vụ động đất và sóng thần khủng khiếp này. Tất cả những biến động gần đây, dù là ở đâu, ở Anh hay ở Mỹ, nạn cướp giật vẫn xẩy ra nhãn tiền. Ở Nhật, nó đã không xẩy ra. Có người nói tới những đôi dép đặt ngay ngắn bên ngoài các trung tâm tạm cư; những hàng người kiên nhẫn đứng chờ hàng giờ đến lượt vào mua nửa cân gạo, một cây nến; những viên chức cho biết chỉ nhận được 10% sự giúp đỡ cho dân mình, nhưng sẵn sàng kiên nhẫn vì “ai cũng đau khổ như mình”; những người chủ siêu thị, máy bán thức ăn thức uống sẵn sàng bán chịu hay tặng không; những thanh thiếu niên cúi đầu cám ơn khi “được” rà máy khám phá tia phóng xạ; người dân âm thầm bắt tay vào diễn trình phục hồi, tái thiết, không đợi ai, không ta thán ai, không khoán trắng cho ai. Và đài CNN làm một cuộc thăm dò: tại sao người Nhật không cướp giật? Nay mai, thế giới chắc chắn sẽ được đài này cho biết câu trả lời. Có điều ai cũng biết câu trả lời chắc chắn không như câu trả lời lâu nay trên liên mạng đối với câu hỏi tại sao ở Texas không có nạn cướp giật: đó là một tấm hình, chụp một nhóm thanh niên tay cầm súng lên nòng sẵn, tay kia ôm một biển ngữ viết hàng chữ màu đỏ (mầu máu?): “Drunks with guns, U loot we shoot” (say rượu có súng, mày cướp, bọn tao bắn). Đài CNN gợi ý: có thể là do Thần Đạo và Phật Giáo. Chả lẽ cướp giật lại là phó sản của các tôn giáo không phải là Thần Đạo và Phật Giáo? Thần Đạo thì chỉ Nhật mới có, nhưng Phật Giáo thì không của riêng Nhật. Và không thiếu cảnh cướp giật trong nhiều xứ Phật Giáo. Nhiều ý kiến cho rằng không hẳn do yếu tố chủng tộc mà do yếu tố văn hóa, bén rễ trong tâm trí người dân Nhật cả hàng nghìn năm nay, bất kể các tấn công như vũ bão từ bên ngoài. Họ là những người khiêm tốn, tự trọng, quyết tâm bảo vệ danh dự gia đình. Danh dự là điều xác định ra tác phong văn hóa Nhật Bản. Họ quí trọng người trẻ, người già, thành quả giáo dục, mục tiêu nghề nghiệp, gia đình. Tại Nhật, ô danh không những mang nhục cho cá nhân mà nhục cho cả gia đình, dòng tộc. Danh dự ấy, người dân Nhật đang kiêu hãnh chứng tỏ cho cả thế giới thấy.

Mặt mũi và thực cảm

Nhiều tài liệu viết về văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh tới “tatemae”, tư cách bên ngoài (public persona) và “honne”, tâm tư thực sự bên trong và cho rằng: ngoài công cộng, người Nhật ưa biểu lộ mặt mũi, vì địa vị, vì vai trò của mình, bất chấp các ý kiến tư riêng. Những tâm tư, tình cảm, ý kiến riêng luôn được khuyến khích dấu kín, nhất là khi làm việc công, chỉ nên thổ lộ với bạn bè. Chỉ xét như thế, người Nhật có vẻ khép kín, theo chủ nghĩa cá nhân.

Thực ra, người Nhật không đơn giản như thế, họ có cả một thứ triết lý sống phong phú và phức tạp hơn nhiều. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, trong thần thoại học của họ, các vị thần cũng biểu lộ các xúc cảm nhân bản như yêu thương và giận dữ. Trong các truyện kể này, tác phong nào đem lại các tương quan tích cực với người khác đều được tưởng thưởng, và sự tương cảm (empathy) tức việc đặt mình vào hoàn cảnh người khác, rất được trân quí. Ngược lại, hành vi nào chống lại xã hội, có hại cho người khác, đều bị kết án, trừng phạt. Không một xã hội nào có thể hiện hữu mà lại dung túng tác phong phản xã hội về lâu về dài, nhưng Nhật Bản là một trong những xã hội dựa nhiều nhất vào sự thưởng phạt có tính xã hội hơn là có tính siêu nhiên và nhấn mạnh tới ích lợi của sự hòa hợp. Trẻ em Nhật, từ rất sớm, đã được dạy rằng sự thành toàn nhân bản phát sinh từ việc liên hợp với người khác. Chúng được người ta dạy rất sớm rằng chúng là thành phần của một xã hội liên lập, bắt đầu từ gia đình và sau đó lan rộng ra các nhóm lớn hơn như khu xóm, trường học, cộng đồng, và nơi làm việc. Tùy thuộc người khác là một phần tự nhiên trong thân phận làm người; nó chỉ bị coi là tiêu cực khi các trói buộc xã hội do nó tạo ra quá nặng nề đến chu toàn không nổi.

Trong các liên hệ liên bản ngã, phần lớn người Nhật có khuynh hướng tránh việc cạnh tranh hay tranh chấp công khai. Làm việc với người khác đòi có tinh thần tự chế (self-control), nhưng nó đem lại phần thưởng tự hào vì đã đóng góp cho nhóm, an toàn xúc cảm, và bản sắc xã hội. Hòa (wa), tức ý niệm hòa hợp trong nhóm, đòi tác phong hợp tác và nhìn nhận các vai trò xã hội. Nếu mỗi cá nhân trong nhóm hiểu rõ bổn phận bản thân và tương cảm với hoàn cảnh người khác, thì cả nhóm được nhờ. Thành công chỉ đến nếu mọi người đóng góp phần cố gắng hết sức mình của mình. Các quyết định thường chỉ được đưa ra sau khi tham khảo với mọi người trong nhóm. Nhất trí không bao hàm mọi người phải đồng ý, nhưng phong thái đưa ra quyết định có tính tham khảo này bao gồm mọi thành viên của nhóm trong các buổi trao đổi tín liệu, củng cố tâm tư tình cảm của cả nhóm, và làm cho việc thi hành các quyết định trôi chẩy hơn. Sự hợp tác trong nhóm cũng thường được tập chú vào việc thi đua giữa tiểu nhóm này và tiểu nhóm kia… Các biểu tượng như đồng phục, bảng tên, huy hiệu và có khi cả bài ca được dùng để lên bản sắc cho tiểu nhóm để cả bên ngoài lẫn trong nhóm đều nhận ra. Tham gia sinh hoạt của nhóm, dù chính thức hay không chính thức, đều là một cách biểu tượng nói lên rằng cá nhân muốn được coi là thành phần của nhóm. Bởi vậy, những buổi la cà ở hàng quán sau giờ làm việc không những là cách trao đổi tin tức và xả “xú bắp” căng thẳng xã hội mà còn là dịp để nói lên một cách không lời (noverbally) ý muốn được tiếp tục thuộc về nhóm.

Ở Nhật Bản, làm việc trong một nhóm đòi người ta phải khai triển nhiều “kênh” thông đạt để tăng cường tinh thần liên lập của nhóm và cảm thức khác biệt với những người không thuộc nhóm mình. Còn các tương giao xã hội bên ngoài các nhóm này, tuy hiện đã trở thành một điều cần thiết trong xã hội hiện đại, nhưng nếu tương giao này ngắn ngủi hay tương đối vô nghĩa, như đi mua một tờ báo chẳng hạn, thì người ta vẫn duy trì sự ẩn danh. Trái lại, nếu thấy tương giao này tiếp diễn lâu dài, dù trong thương trường, trong hôn nhân, nơi làm việc hay khu xóm, thì người ta hết sức quan tâm để làm sao thiết lập cho bằng được những liên hệ tốt và lâu bền. Các mối liên hệ này thường bắt đầu nhờ dùng mạng lưới thân nhân, bè bạn hay đồng nghiệp là những người sẵn sàng giới thiệu họ, làm trung gia mối lái (nakodo) cho họ với người họ muốn. Mối lái tất nhiên xẩy ra nhiều trong lãnh vực hôn nhân, nhưng trong các lãnh vực khác vẫn không thiếu. Việc của họ là tìm hiểu bối cảnh gia đình, chuyển tải các câu hỏi và phê phán, và làm trơn tru các trở ngại, khó khăn.

Lãnh vực tư

Địa vị liên hệ được coi là căn bản cho các tổ chức xã hội, và việc liên hợp với người khác được coi là đáng mong ước, nhưng các giả định này không hề triệt tiêu ý niệm bản ngã. Ý thức hệ hòa hợp với người khác không tự động tạo ra sự đồng quy của cá nhân với nhóm hay với mục tiêu của định chế.

Nhà nhân chủng học Brian Moeran phân biệt các thái độ đối với cá tính và chủ nghĩ cá nhân. Cá tính (individuality), hay tính độc đáo của một con người, không những được dung túng mà thường còn được ca ngợi nếu người đó được nhận là thành thực, hành động theo lương tâm. Một tác phẩm nghệ thuật chuyên chở những nét mạnh và đẹp là do “ cá tính” của nó. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân bị coi là tiêu cực, vì nó đồng nghĩa với vị kỷ, ngược hẳn với tương cảm là điều người Nhật hết sức trân quí. Dù đa số người Nhật ngày nay bác bỏ giá trị của ý niệm “seishin”, tức đức quên mình đến chấp nhận cái chết của các binh sĩ trong Thế Chiến II, nhưng lòng vị kỷ (nhất là lòng vị kỷ nơi các bà mẹ, là lòng vị kỷ được người Nhật coi là có ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý và tinh thần của con cái), vốn được người ta gán cho đủ mọi thứ nan đề của xã hội đương thời. Các nan đề này bao gồm những bệnh được xếp loại là hội chứng tâm bệnh như hội chứng bếp núc (dadokoro shokogun) tức tình trạng các bà nội trợ, trước đây vốn tỉ mỉ, bỗng nhiên có những tác phong kỳ cục và than đau đầu đau lưng, biểu lộ sự chán nản thất vọng của mình bằng cách khước từ vai trò làm mẹ và làm vợ. Hay hội chứng khước từ trường học (toko kyohi), trong đó trẻ em kêu đau bụng, đau đầu để khỏi đi học, khỏi thất bại về đường học vấn và xã hội.

Giống mọi xã hội khác, Nhật Bản cũng có những tranh chấp giữa cá nhân và nhóm. Điều khác với xã hội Bắc Mỹ, không phải là việc người Nhật không có ý thức về bản thân mình mà đúng hơn, bản thân ấy được xác định qua tương giao với người khác, chứ không qua sức mạnh của nhân cách cá nhân. Theo Reischauer, “người ta không quan niệm một người Nhật, vốn có tinh thần hợp tác, sống bằng tương giao, như một sản phẩm vô vị của tác động hóa xã hội đến làm mòn hết mọi góc cạnh của cá tính, nhưng đúng hơn như một sản phẩm của lòng tự chế nội tâm đầy kiên vững khiến họ khuất phục được… bản năng phản xã hội…. Tính hợp khuôn theo xã hội của họ… không phải là dấu chỉ yếu nhược mà đúng hơn chính là sản phẩm đầy tự hào và tôi luyện của sức mạnh nội tâm”. Sự khuất phục này đạt được là nhờ thắng vượt khó khăn bằng tự kỷ luật chính mình, cố gắng bản thân nhằm sự hoàn thiện, điều mà họ biết là không thể thực hiện được nhưng lúc nào cũng là một mục tiêu đáng vươn tới. Với tầm nhìn này, cả bản thân lẫn xã hội đều thăng tiến, và thực sự có tương quan qua lại với nhau vì lý tưởng toàn thành bản thân (selfhood) mà người Nhật nào cũng cố gắng nhắm tới chính là lý tưởng trong đó quan tâm tới người khác là điều rất quan trọng. Theo David W. Plath, trong khi người Mỹ cố gắng vun sới một bản ngã độc đáo, thì đa số người Nhật đặc biệt nhấn mạnh tới việc vun sới “một bản ngã biết cảm nhận điều nhân bản trong tình liên hợp với người khác”. Sự trưởng thành chín chắn vừa có nghĩa tiếp tục quan tâm tới điều người khác cảm nghĩ vừa có nghĩa cảm thấy tự tin vào khả năng phán đoán và hành động hữu hiệu của mình, vừa nhìn nhận các qui phạm xã hội vừa trung thực với chính bản ngã mình.

Lãnh vực công

Khó có thể hiểu được quan điểm của người Nhật về trật tự xã hội nếu không xét tới ảnh hưởng của Khổng Giáo bởi vì trước khi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6, nước Nhật không hề có một xã hội có tầng lớp. Khổng Giáo nhấn mạnh tới sự hòa hợp giữa trời, đất và xã hội con người nhờ việc mọi người biết chấp nhận vai trò xã hội của mình và góp phần vào trật tự xã hội bằng chính tác phong của mình. Câu người ta hay trích dẫn từ Sách Đại Học là câu này: “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Câu này cho thấy phẩm trật là điều tự nhiên. Sự khác nhau trong địa vị gần như xác định ra mọi tương giao trong xã hội. Tuổi tác, phái tính, trình độ giáo dục, và nơi làm việc là những dị biệt hướng dẫn việc tương giao trên. Không biết hậu cảnh của người khác, thì tuổi tác và phái tính là các hướng dẫn duy nhất cho cá nhân. Người Nhật không mấy thích giao tiếp với người lạ, để tránh sai lầm về xã giao. Danh thiếp năng được trao đổi ở Nhật, làm phương tiện qúy giá cho việc giao tế trong xã hội, vì chúng cung cấp khá nhiều tín liệu về người khác giúp cho việc giao tế xuông xẻ. Nhà học giả về Nhật Bản Edwin O. Reischauer nhận định rằng trong khi người Mỹ có khuynh hướng hành động để giảm thiểu hóa các dị biệt về địa vị, thì đối với người Nhật, nếu một ai đó không xử sự đúng theo địa vị của mình, thì quả là vụng về, có khi còn bất xứng nữa.

Ngôn ngữ Nhật là một ngôn ngữ phẩm trật, dồi dào phương tiện giúp người ta biểu lộ các dị biệt về địa vị, và do đó, cho thấy phẩm trật là điều tự nhiên. Người Nhật có cả một ngữ vựng phong phú gồm các hạn từ mô tả danh dự hay thân phận hèn mọn, vì chúng cho thấy địa vị của người ta. Đàn ông và đàn bà sử dụng cách ăn nói hơi khác nhau: đàn bà thường dùng lối nhã nhặn, lễ phép hơn. Người ta có thể nhận dạng hạn từ nào đàn bà hay dùng và hạn từ nào đàn ông hay dùng. Giống người Việt chúng ta, nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít mà tiếng Anh vỏn vẹn chỉ là “I”, thì người Nhật tùy theo hoàn cảnh, phái tính và địa vị của mình mà thay đổi khác nhau. Tóm lại, bất cứ nền văn hóa nào chú trọng tới tương cảm, thì người nói không thể lên tiếng nếu không có sự chú trọng tới người khác.

Hạn từ phẩm trật hàm nghĩa có sự xếp hạng các vai trò, cũng như hàm nghĩa có những qui luật cứng ngắc và nền hành chánh của Nhật cũng phản ảnh triết lý này. Tuy nhiên, ở đây, người ta thấy có sắc thái độc đáo mà nhà nhân chủng học Robert J. Smith gọi là “trật tự khuếch tán” (diffuse order, không tập quyền). Thí dụ, trước thời hiện đại, các nhà lãnh đạo địa phương được ban cho nhiều quyền tự trị, nhưng để đáp lại họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công việc của địa phương. Thời hiện đại của Nhật cũng thế, trách nhiệm thì có tính tập thể và thẩm quyền thì có tính khuếch tán. Một người nào đó xem ra trọn quyền điều khiển, nhưng thực tế, bị cột vào một mạng lưới liên lập của nhóm cũng nghiêm ngặt như những người xem ra là cấp dưới của ông hay bà ta. Vì thế, việc lãnh đạo không đòi phải có một cá tính mạnh mẽ và các kỹ năng quyết định bén nhậy, nhưng đúng hơn phải biết nhậy cảm đối với tâm tư người khác và kỹ năng môi giới. Ngay đầu thập niên 1990, người ta vẫn mong các nhà lãnh đạo nên nhận trách nhiệm đối với những vấn đề lớn do nhóm của mình gây ra mà từ chức, dù họ không trực tiếp dính líu vào hoàn cảnh này.

Tại Nhật, địa vị dựa trên các mối liên hệ đặc thù giữa các cá nhân, thường là các liên hệ tùy thuộc nhau về phương diện xã hội giữa những người có địa vị không bằng nhau. “Giri” (nghĩa vụ), tức cảm thức trói buộc phải có đối với người ta mang ơn, đòi ta phải có tác phong tôn kính và sau cùng đền đáp công ơn, và việc đền ơn này khích lệ các ân huệ tương lai. Các liên hệ tùy thuộc nhau về xã hội này cứ thế kéo dài bất tận, chính sự bất bình đẳng đã liên kết các cá nhân lại với nhau như thế. Bởi thế, qui luật của phẩm trật đã được chính mối liên hệ làm dịu đi. Diễn trình làm dịu này được người Nhật gọi là ninjo (cảm thương). Tiềm năng đối nghịch giữa “giri” và “ninjo” vốn là đề tài rất thường xuyên trong nền kịch nghệ và văn chương Nhật Bản. Dù giới trẻ Nhật Bản ngày nay coi ý niệm “giri” là lỗi thời, nhưng đa số vẫn cảm thấy căng thẳng khi phải làm điều nên làm dù không muốn. Trật tự xã hội sở dĩ hiện hữu được, một phần là nhờ mọi thành viên trong xã hội đều được liên kết trong mạng lưới liên lụy xã hội, ai cũng vừa nhận vừa cho.

Truyền thống tôn giáo và triết học

Các giá trị mô tả trên đây đã phát sinh từ một số truyền thống tôn giáo và triết học, cả từ trong nước lẫn từ bên ngoài du nhập. Xét gộp lại, các truyền thống này có thể được xem như thế giới quan của người Nhật, dù niềm tin bản thân của từng người Nhật có thể khiến họ tiếp nhận điều này mà loại bỏ điều kia. Xét như thế, ta thấy thế giới quan của người Nhật có tính chiết trung, tương phản với thế giới quan Tây Phương trong đó, tôn giáo có tính độc hữu và xác định ra bản sắc người ta. Xã hội đương thời của Nhật là một xã hội thế tục cao độ. Các liên hệ nhân quả thường đặt căn bản trên các mô thức khoa học, và bệnh tật cũng như chết chóc được giải thích theo các lý thuyết y khoa hiện đại. Ấy thế nhưng, quan điểm khoa học cũng chỉ là một trong những lựa chọn được cá nhân dùng để giải thích các kinh nghiệm sống của họ.

Thế giới quan Nhật Bản cũng có đặc tính nữa là cách tiếp cận có tính thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề, trong đó, kỹ thuật không quan trọng bằng kết quả. Do đó, người Nhật nào bị bệnh, họ đều có thể vừa đi bác sĩ y khoa, vừa đi “hốt” thuốc của một đông y sĩ hay đến một đền miếu nào đó để cầu kinh. Mỗi hành động này đều dựa vào một niềm tin khác nhau về nguyên nhân tạo ra cơn bệnh: tây y sĩ có thể cho hay, cơn bệnh là do nhiễm trùng gây ra; đông y sĩ thì có thể nói rằng cơ thể mất thăng bằng hay quân bình; đền thờ có thể bảo: tâm trí người ta cần được thanh tẩy thì cơ thể mới lành mạnh. Ở Tây Phương, các lối giải thích ấy thường được coi là loại trừ lẫn nhau, nhưng một người bệnh Nhật Bản có thể cùng một lúc tiếp nhận cả ba lối giải thích ấy mà không thấy có gì mâu thuẫn cả. Cũng vậy, một học sinh đang dọn thi vào đại học hiểu rất rõ rằng không chịu khó học tập một cách ngoại thường thì cổng đại học sẽ không bao giờ mở ra cho mình. Nhưng cậu hay cô ta vẫn cứ tới một ngôi chùa hay một ngôi đền đặc biệt để xin thế giới thần linh phù giúp sự thành công của mình.

Gốc rễ thế giới quan trên do nhiều truyền thống khác nhau mà có. Thần đạo, tôn giáo bản địa duy nhất của Nhật, tạo nền. Khổng Giáo, phát xuất từ Trung Hoa, đem tới các quan niệm phẩm trật, chữ trung, và hoàng đế như con trời. Lão Giáo, cũng phát xuất từ Trung Hoa, giúp đem lại trật tự và chế tài cho hệ thống cai trị vốn tiềm tàng trong Thần Đạo. Phật Giáo không những đem tới khía cạnh chiêm niệm mà còn là nền văn hóa phát triển cao về nghệ thuật và đền thờ, rất ảnh hưởng tới cuộc sống công cộng. Kitô Giáo bơm vào nhiều ý niệm Tây Phương, nhất là công bình xã hội và canh cải. Chỉ có điều, nhiều xã hội khác cũng thừa hưởng đủ thứ truyền thống như thế, nhưng đâu có xã hội nào tổng hợp một cách sống động và nhuần nhuyễn được như xã hội Nhật Bản. Đã đành xã hội này cũng có những sâu mọt như bất cứ xã hội nào khác, nhưng đại đa số các thành viên của nó đã chứng tỏ được bản chất tích cực thực sự của nó, dù là trong một hoàn cảnh bị thử thách đến cùng cực như cuộc động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 vừa qua. Do phép lạ hay do tâm thức người dân Nhật?
 
Thiên tai làm người Nhật gần nhau hơn
Trầm Thiên Thu
20:33 16/03/2011
Sự cố động đất và sóng thần tại Nhật ngày 11/3/2011 vừa qua làm rung động không chỉ nức Nhật mà còn rung động các nước trên thế giới. Đọc bài viết của tác giả KAORI SHOJI, thiết nghĩ chúng ta cũng cảm nghiệm được bài học riêng cho mình – cả về tâm linh lẫn thực tế.

Nhiều thế kỷ qua, Nhật đã hoạt động về luận lý vô âm (unvoiced logic) mà sự chắc chắn duy nhất có trong thế giới là tai họa – đặc biệt là thiên tai (天災 – tensai). Bốn thế kỷ trước, các công dân Tokyo cổ (江戸 – Edo) nói với nhau rằng họ có 4 điều lớn để họ sợ: Động đất (地震 – jishin), Sấm chớp (雷 – kaminari), Hỏa hoạn (火事 – kaji) và Người Cha (親父 – oyaji). Bốn điều này là “thủ phạm” lớn bắt chịu đựng nhưng đồng thời vẫn có một số ít người có thể ngăn chặn. Điều quan trọng thứ nhất đã xảy ra: Động đất.

Trước tiên, người ta được chuẩn bị. Ngay khi trẻ em Tokyo biết đi, chúng được cung cấp mũ bảo hiểm (防災頭巾 – bōsai zukin) để tránh lửa và mảnh vỡ rơi xuống bất ngờ, và đeo một ba lô nhỏ chứa lương thực khẩn cấp, một chai nước, một chiếc khăn và các đồ dùng cá nhân cần thiết khác. Khi chúng trưởng thành, chúng biết rằng một chủ nhân tốt luôn luôn cấp loại mũ này cho các nhân viên. Khi động đất tàn phá Nhật ngày thứ Sáu 11/3/2011, nhiều người bắt đầu đi bộ về nhà và đội mũ bảo hiểm.

Nói về việc đi bộ, nhiều công ty ở Tokyo cho rằng sẽ có lúc xe lửa và xe điện ngầm ngưng hoạt động và các nhân viên phải đi bộ. Có từ ngữ dành cho những người như vậy: Những người gặp khó khăn trở về nhà (帰宅困難者– kitaku konansha), và các nhân viên tham gia các máy khoan mô phỏng (được công ty tài trợ nhưng thường là chính quyền thành phố) nơi mọi người tụ họp tại cuộc họp được sắp xếp trước vào cuối tuần, và trở về với chiếc ba lô đựng những đồ cần thiết. Khoảng cách chênh lệch từ 15 đến 21 km – điều này khiến người ta ra khỏi thành phố và đến các ngoại ô Chiba hoặc Saitama, nơi họ sinh sống. Ngày động đất và sóng thần tại Nhật vừa qua, các đường phố đầy kitaku konansha, nhưng điều đó ở Tokyo vẫn có nhiều quán rượu (一杯呑みや – ippai nomiya) và nhiều trạm xe lửa gần đó vẫn hoạt động đến khuya để giúp đỡ những người không thể đi bộ.

Người ta nói rằng phụ nữ Nhật cho thấy một số đồ tốt trong tai họa #8212. Ngày xưa, phụ nữ xắn tay áo kimono lên để có thể tìm được ít gạo để nấu ăn (炊き出し – takidashi) cho những người bị thương và đói. Tại thành phố Ishinomaki, thuộc Miyagi, 70%% số dân hiện nay ở khu tạm cư (避難所 – hinanjo), một số ít người vợ và con cái, vẫn có nhà không bị tàn phá, đi lùng sục các thùng gạo để làm bánh gạo (おにぎり– onigiri, loại bánh kẹp takidashi truyền thống) để phân phối cho những người cần. Mặt khác, người ta hóa thành những người hùng cứu vớt (救助 – kyūjo), và những câu chuyện về lòng can đảm, những người này hoàn toàn vì người khác, họ đang làm khâm phục nhân dân khắp nước Nhật.

Tại vùng Kanto, việc tiết kiệm điện (計画停電 – keikaku teiden) buộc người ta phải nghỉ sớm, hoặc như ở Ibaraki, người ta phải chờ ở nhà cho đến khi có thông báo mới (自宅待機 – jitaku taiki). Điều này không hoàn toàn xấu: Những người chồng và những người cha ở nhà, có thể là lần đầu tiên trong đời họ, để chia sẻ sự hoang mang của gia đình. Những người vợ và những người mẹ ở nhà với con cái, và vì thiếu nguồn lương thực (食材不足 – shokuzai busoku) trong thành phố mà phải cắt bữa trưa ở trường (給食カット– kyūshoku katto), nhiều học sinh cũng về nhà sớm và bám chặt lấy cha mẹ. Để tiết kiệm điện, một số ít người chơi trò chơi bằng điện thoại di động (モバゲー – mobagē), nhiều người bàn tán với nhau, và có thêm những người bạn mới ở chỗ làm. Thiên tai và thảm họa theo sau đã tạo hệ quả phải giảm thời gian, các gia đình ngạc nhiên kể lại rằng họ đang ngồi ăn với nhau sau bao năm không gặp nhau thì tai họa ập đến bất ngờ.

Việc tắt đèn điện và dư chấn (余震 – yoshin) có thể còn kéo dài tới tháng Tư, đặc biệt là “dư chấn tinh thần”. Số người chết và mất tích (行方不明者 – yukuefumeisha) được xác định gần 10.000 người. Cảnh sát (警察 – keisatsu), lực lượng phòng thủ (自衛隊 – jieitai) và chính quyền địa phương (自治体 – jichitai) đang nỗ lực tìm kiếm (捜索 – sōsaku) những người còn sống sót.

Từ ngữ thường được nhắc đến trong những ngày này là An Toàn (無事 – buji), gồm chữ kanji (viết theo lối Hán) là chữ mu (無 – không có gì) và koto (事 – điều bất ngờ). Không có gì bất ngờ: Đó là tình trạng chúng ta phải trả giá.

(Chuyển ngữ từ Japan Times)
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 150 năm thống nhất Italia
LM Trần Đức Anh OP
20:48 16/03/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 nồng nhiệt chúc mừng Italia nhân dịp kỷ niệm 150 năm thống nhất đất nước và ngài đề cao sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho căn tính quốc gia cũng như sự cộng tác hiện nay giữa Giáo Hội và Nhà Nước Italia.

Ngày 17-3-2011, Italia mừng kỷ niệm 150 năm thống nhất đất nước và hôm nay cũng ngày lễ nghỉ toàn quốc. Sáng thứ tư, 16-3-2011, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đến trao Sứ điệp dài của ĐTC cho Tổng thống Giorgio Napolitano. Ngoài lời nồng nhiệt chúc mừng, Sứ điệp còn chứa đựng những suy tư xúc tích và sâu rộng về vai trò của Kitô giáo và Giáo Hội trong lịch sử quốc gia Italia.

Ngài viết: “Tiến trình thống nhất Italia về mặt chính trị hồi thế kỷ 19 là một kết quả sự hình thành một căn tính quốc gia mà Kitô giáo đã đóng góp một cách cơ bản từ thời trung cổ qua việc giáo dục, qua các hoạt động từ thiên, nghệ thuật, sự thánh thiện của những nhân vật như thánh Phanxicô và thánh nữ Catarina Siena... Cả trong thời Phục Hưng, tuy thời kỳ này thường được coi như một phong trào chống lại Giáo Hội và tôn giáo, cũng không thiếu sự đóng góp quan trọng của các tín hữu Công Giáo cho sự hành thành một Quốc gia thống nhất, và căn tính của người Italia.”

ĐTC không quên nhắc đến “Vấn đề Roma”, một thời kỳ kéo dài 60 năm, từ sau khi Italia chiếm trọn nước Tòa Thánh hồi năm 1987, đến khi ký hiệp định Laterano năm 1929 thành lập Quốc gia Thành Vatican. Ngài nhận xét rằng “Sự kiến tạo Italia về mặt cơ chế và chính trị đã đụng phải vấn đề chủ quyền trần thế của các vị Giáo Hoàng (..) và tạo nên những hậu quả tàn phá trong lương tâm cá nhân và tập thể các tín hữu Công giáo Italia, họ bị giằng co giữa những tâm tình đối nghịch giữa một bên là lòng trung thành với quốc gia và bên là sự thuộc về Giáo Hội”.

ĐTC đặc biệt nhắc đến sự đóng góp cơ bản của các tín hữu vào việc soạn thảo hiến pháp mới của Cộng hòa Italia hồi năm 1947, từ đó khởi xướng một sự dấn thân quan trọng của các tín hữu Công Giáo trong đời sống chính trị, công đoàn, kinh tế, xã hội của đất nước, với những tấm gương sáng ngời về sự “trung thành tuyệt đối với Quốc gia, và tận tụy đối với công ích, cho đến độ làm chứng tá bằng máu đào trong những năm có nạn khủng bố”.

ĐTC nhận xét rằng những nguyên tắc hướng dẫn quan hệ hiện nay giữa Giáo Hội và Cộng đồng chính trị là nguyên tắc phân biệt đúng đắn giữa các lãnh vực và nguyên tắc cộng tác. Như Công đồng đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở, Giáo Hội lẫn Nhà Nước, với danh nghĩa khác nhau, đều phục vụ ơn gọi bản thân và ơn gọi xã hội của con người. Trong sự cộng tác này, không những Giáo Hội đóng góp cho xã hội dân sự, nhưng còn nhìn nhận là đã nhận được nhiều trợ giúp từ xã hội, trong tất cả những gì góp phần vào thiện ích của gia đình, văn hóa, đời sống kinh tế và xã hội quốc gia và quốc tế”.

Câu cuối cùng trong sứ điệp của ĐTC là lời chúc lành và cầu mong cho nhân dân Italia luôn được hướng dẫn nhờ ánh sáng đức tin, nguồn mạch của hy vọng và của sự dấn thân cho tự do, công lý và hòa bình”

Cách đây 150 năm, ngày 17-3-1861, vua Vittorio Emmanuele II (1820-1878) được quốc hội tôn làm vua Italia. Cùng hôm đó, ông tuyên bố thành Torino là thủ đô của vương quốc mới. Roma chỉ thuộc về Italia từ năm 1870 khi quân của Nhà Vua tấn công vào cổng thành Pia ngày 20-9-1870.

Nhân kỷ niệm 150 năm, ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia, sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể lúc 12 giờ ngày 17-3-2011 tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần ở Roma, trước sự hiện diện của các quan chức cấp cao của chính quyền Italia (SD 16-3-2011)
 
Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?
An Bình
20:58 16/03/2011
Trên khắp thế giới, các dấu hiệu về những bất ổn của con người - cảnh cướp bóc và tranh giành đồ ăn và dịch vụ - thường xảy ra sau các thảm họa. Nhưng dường như những điều đó lại hoàn toàn vắng bóng tại Nhật Bản.

Mọi người xếp hàng trước cửa một siêu thị ở Sendai, phía đông bắc Nhật Bản.

Quang cảnh nhiều khu vực ở phía bắc Nhật Bản trông giống như hậu quả thời Thế chiến II. Không một quốc gia công nghiệp phát triển nào kể từ đó lại chứng kiến số người chết vì thiên tai cao như vậy.

Theo dõi tin tức tại Nhật Bản thật khủng khiếp với 3 thảm họa liên tiếp - trận động đất mạnh kỷ lục, sóng thần và một nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố. Nhưng có những thông tin tốt lành mà cả thế giới phải học tập.

Tại những nơi hàng hóa từ các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không có thông tin về các cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở cửa các máy bán hàng của họ và phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, các nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa.

Và đặc biệt nhất là bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc. Sự vắng bóng của nạn cướp bóc tại Nhật Bản đã khiến nhiều người quan sát phương Tây bất ngờ. Đối lập với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật có vẻ như rất đoàn kết và cư xử có trận tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân.

“Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản”, nhà báo Ed West viết trên tờ Telegraph của Anh.

Nhìn trên khắp thế giới, cảnh cướp bóc không phải là hiếm trong các thiên tai gần đây. Sau siêu bão Katrina, người New Orlean đã chứng kiến nạn cướp bóc trên một quy mô mà nhiều người Mỹ cũng phải bất ngờ. Sau trận động đất tại Chile hồi năm ngoái, nạn cướp bóc diễn ra nghiêm trọng tới nỗi quân đội phải can thiệp.

Nạn cướp bóc tràn lan đã xảy ra tại Haiti sau trận động đất hồi năm ngoái và trong trận lũ lụt tại Anh năm 2007. Tại New Zealand, tại cướp bóc và hôi của cũng xảy ra sau trận động đất hồi tháng 3 năm ngoái.

“Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình nhưng các nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa?”, Ed West viết.

Trên thực tế, mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn tại Nhật Bản. Lương thực, nhiên liệu, nước sạch và điện đều bị cắt giảm.

Một số gian hàng trong các siêu thị trống trơn. Tại khu vực đông dân cư Nerima của thủ đô Tokyo, các nhu yếu phẩm như gạo, bánh mì, mì ăn liền đều cháy hàng. Điện bị cắt để tiết kiệm điện năng.

“Khoảng 40-50 người đã xếp hàng bên ngoài khi chúng tôi mở cửa lúc 10 giờ sáng. Lượng thực phẩm dự kiến bán trong một ngày đã hết veo chỉ trong 1 giờ. Chúng tôi đã được chuyển đến một lượng thực thẩm tương tự khác vào buổi trưa nhưng cũng bán hết chỉ trong một giờ”, ông Toshiro Imai, một quản lý cửa hàng tại Tokyo, cho biết.

Hơn 100 tuyến tàu điện tại khu vực Tokyo hôm thứ Hai đã bị gián đoạn do cắt điện, khiến việc đi lại của hành khách bị ảnh hưởng khi mọi người trở lại làm việc sau ngày nghỉ cuối tuần.

Công ty điện Tokyo đã bắt đầu cắt điện luân phiên tại Tokyo và các thành phố lân cận để tiết kiệm điện giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.

Kênh truyền hình NHK đã chiếu hình ảnh quay được từ trên cao về tỉnh Ibaraki, phía bắc Tokyo, nơi quang cảnh là một màu đen kịt ngoại trừ vài đốm sáng từ những chiếc ô tô.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, cách cư xử của người Nhật dường như ngày càng tốt hơn.

Một nhân chứng tại Miyagi, gần tâm chấn của động đất, cho hay: “Khí đốt và nước đã bị cắt tại Miyagi và thành phố Sendai. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, điện cũng bị cắt. Nhưng không có sự hoảng sợ trên đường phố cũng như trong các cửa hàng”.

Những đức tính của người Nhật như lịch sự, trung thực, hành động có trật tự… vốn được nhiều người ngưỡng mộ.

Một người Brazil hoạt động trong lĩnh vực trang sức do mệt mỏi sau một chuyến bay dài đã để quên một hành lý không khóa chứa hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều đá quý trên một tuyến tàu điện ở Tokyo. Chủ nhà trọ đã trò chuyện với anh này và dẫn anh tới nhà ga quản lý tàu điện. Tại đây, hành lý và toàn bộ tài sản bên trong đã đợi chủ nhân tại quầy đồ đạc thất lạc.

Những câu chuyện như vậy có thể tin được tại Nhật Bản nhưng lại khó tin ở New York, Paris hay London. Vì sao vậy?

Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Văn hóa Nhật Donald Keene tại Đại học Colombia (Mỹ), giải thích: “Người Nhật có ý thức rằng trước hết phải có trách nhiệm với cộng đồng”.
 
Top Stories
Pope's message for 150th anniversary of Italian Unification
VIS
20:51 16/03/2011
The Vatican has sent a message from the Holy Father to Giorgio Napolitano, president of the Italian Republic, for the 150th anniversary of the political unity of Italy.

In the message, which Cardinal Secretary of State Tarcisio Bertone SDB delivered to President Napolitano during a visit to the Quirinal Palace yesterday, Benedict XVI highlights Christianity's contribution to building Italian identity "through the efforts of the Church and of her educational and care institutions, which established rules of behaviour, institutional structures and social relationships; but also through her vast artistic activity". He also mentions the influence of such saints as Francis of Assisi and Catherine of Siena.

"For complex historical, cultural and political reasons, the Italian 'Risorgimento' has been seen as a movement against the Church, against Catholicism and sometimes even against religion in general", the Holy Father says. However he also mentions the contribution to the formation of the unified State made by Catholic figures such as Gioberti, Rosmini and Manzoni.

Going on then to refer to the so-called "Roman Question" and "the divisive effects it had on the individual and collective conscience of Italian Catholics", Benedict XVI notes that "no conflict took place in society, which was marked by a profound friendship between the civil and ecclesial communities. The national identity of the Italians, so strongly rooted in Catholic traditions, constituted, in effect, the most solid foundation for the political unity that had been achieved".

"The fundamental contribution of Italian Catholics to the republican Constitution of 1947 is well known", Pope Benedict writes. "This was the starting point for the highly significant involvement of Italian Catholics in politics,. .. and in civil society, offering their fundamental contribution to the growth of the country, demonstrating their absolute faithfulness to the State and dedication to the common good, and projecting

Italy towards Europe".

"For her part the Church, thanks also to the broad-ranging freedom she was guaranteed by the Lateran Pacts of 1929, has continued to make an effective

contribution to the common good through her institutions and activities.. .. The conclusion of an agreement revising the Lateran Pacts, signed on 18 February 1984, marked the move to a new stage in relations between the Church and the State of Italy.. .. The agreement, which contributed greatly to defining the healthy secularism that characterises the Italian State and its juridical system, highlighted two overriding principles which must regulate relations between the Church and the political community: the separation of spheres and collaboration.. .. The Church is aware not only of the contribution she makes to civil society for the common good, but also of what she herself receives from civil society".

The Pope concludes: "Contemplating the long course of history we must recognise that the Italian nation has always had a sense of the duty, but at the same time the unique privilege, arising from the fact that the See of Peter's Successor, and therefore the centre of Catholicism, is in Italy, in Rome. And the national community has always responded to this awareness by expressing is affectionate closeness, solidarity and assistance towards the Apostolic See, so as to foster its freedom and help create the conditions favourable for the exercise of spiritual ministry in the world by Peter's Successor, who is Bishop of Rome and Primate of Italy".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuyết trơi tại thị trấn Sapa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
17:12 16/03/2011
SAPA - Hôm nay, hàng ngàn người dân Lào Cai nói chung và dân chúng thị trấn Sapa nói riêng đã được thưởng thức một "bữa tiệc tuyết" rơi.

Theo những người dân địa phương kể lại thì năm 2001 đến nay mới lại có đượt tuyết nhiều và lâu như vậy. Vì thế, ai ai cũng nô nức đi chơi tuyết để chiêm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ lạ này.

Hình ảnh nhặt tuyết vui chơi, và mọi người Mọi người đổ về trung tâm Sapa và sân nhà thờ ngắm tuyết thật thú vị!



 
Phòng khám chuyên khoa nhân đạo Xuân Hòa - Caritas Xuân Lộc
Maria Vũ Loan
17:34 16/03/2011
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, sự quan tâm của nhiều người trong giáo phận Xuân Lộc và các ban ngành có chức năng, phòng khám chuyên khoa nhân đạo Xuân Hòa thuộc Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Xuân Lộc được làm phép và khai trương vào lúc 10g 00 ngày thứ tư 16/3/2011, tại phường Tân Hòa, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Xem hình ảnh

Hôm nay, tuy không rộn rã tiếng trống, tiếng kèn nhưng chương trình khai trương một phòng khám có tính nhân đạo đã diễn ra rất có ý nghĩa khi có sự hiện diện của Đức Cha Dom. Nguyễn Chu Trinh, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, quí cha quản hạt, cha Giám đốc Caritas, quí cha đặc trách Caritas GP Xuân Lộc. Về phía chính quyền còn có đại diện UBMTTQ tỉnh Đồng Nai, đại diện Ban Dân Vận Tỉnh Ủy, Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Y Tế, giám đốc Sở LĐTBXH và nhiều quan khách là đại diện công ty, những doanh nghiệp.

Tất cả những ai đến dự hôm nay đều được phát tài liệu. Tài liệu thứ nhất nói về qui chế hoạt động, đặc điểm, lời ngỏ của ĐGM, qui trình khám bệnh và giờ làm việc; tài liệu thứ hai tổng kết hoạt động từ tháng 9/2009 – 9/2010 của Caritas GP Xuân Lộc và chương trình hành động năm 2010 – 2011. Có đọc hai tài liệu này người tham dự mới hiểu được phòng khám nhân đạo là một trong ba chương trình lớn của Caritas Xuân Lộc.

Sau lời chào kính ngắn gọn, giới thiệu quan khách, Đức Cha và đại diện chính quyền cắt băng khai trương phòng khám. Tuy không gian không rộng rãi thênh thang việc cắt băng vẫn mang ý nghĩa của “việc bắt đầu”. Nghi thức làm phép phòng khám cũng ngắn gọn, trang trọng trước khi Đức giám mục phát biểu những lời chứa đựng thao thức về việc thực thi đức ái của một vị chủ chăn: “….sự hiện diện của quí vị đã động viên và giúp chúng tôi chu toàn nhiệm vụ người Công giáo. Người Công giáo chúng tôi mang danh Kitô hữu. Bản chất của chúng tôi là đem tình thương đến cho mọi người, là thực hiện việc bác ái. …sự hiện diện của quí vị đã giúp đỡ không những cho nhiều người thực hiện bác ái mà còn tất cả những bệnh nhân được hưởng sự tương trợ ấy của người Công giáo. Với những Kitô hữu, đây là dịp thể hiện đức ái, chúng ta động viên, lo lắng cho người nghèo khó đang ở bên cạnh chúng ta, họ là hình ảnh Chúa Giêsu mà chúng ta phải giúp đỡ để họ có được đời sống nhân bản, có phẩm chất của con người Công giáo….”

Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú bước lên bục tiếp nhận sự đóng góp của những vị hảo tâm, được ghi chi tiết trong một tấm giấy to in ba màu hài hòa, nhiều người mới biết có những doanh nghiệp bôn ba trong thương trường nghiệt ngã, vẫn víu tay đến người nghèo – những con người ăn thiếu thốn, mặc chưa đủ còn bệnh tật là một nỗi ám ảnh có lúc thường xuyên, có lúc bất ngờ. Chị T. là chủ salon ô tô cho biết: “Tôi kinh doanh ô tô đã năm năm. Năm 2010 rất vất vả mới vượt qua khó khăn, tôi muốn chung tay với Giáo Hội và thấy việc chia sẻ là một bổn phận”. Chị H.Th, phó giám đốc doanh nghiệp gỗ với số tiền đóng góp khá lớn, được mời lên đầu tiên, chị nói: “Sự trợ giúp của mình chỉ là hạt cát. Một doanh nghiệp làm ăn thành công, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xưởng của mình, cũng đã là làm từ thiện!”. Đây chính là những con người thể hiện “Bác ái là bản chất của người Kitô hữu”.

Phòng khám tọa lạc trên lầu 5, tại nhà của anh chị Nguyễn Văn Anh và Trịnh Thị Hòa, tình nguyện cho mượn mặt bằng không thời hạn. Phòng khám đã hoạt động từ ngày 26/02/2011 và chính thức được khai trương vào ngày hôm nay. Bệnh nhân được khám vào ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy và Chúa nhật, do đội ngũ y bác sĩ tình nguyện khám bệnh; phát thuốc là hai dược sĩ trung cấp Maria Đỗ Thị Vui và Maria Lê Thị Thúy Ngân (hai bạn trẻ này cho biết, ngoài giờ tình nguyện ở đây, thời gian còn lại làm việc trong tiệm thuốc của gia đình tại nhà). Khi phòng khám làm việc, còn có hai y công, hai người giữ xe và hai người giúp bệnh nhân đi lên đi xuống tháng máy.

Người quản lý chung ở đây cho biết, mỗi ngày làm việc có khoảng 60 đến 85 người đến khám và nhận thuốc. Nguồn thuốc hiện tại chỉ là thuốc sản xuất trong nước, một nửa được ân nhân cho, một nửa do cha giám đốc Caritas mua, và đây là điều lo lắng nhất của cha Giám đốc Giuse Nguyễn Văn Uy. Cha dặn dò rất kỹ những nhân viên thiện nguyện rằng: “ Đây là công trình của giáo phận, không được nhận tiền, quà cáp của ai, dù là một củ khoai mì!”

Khi đi qua chín phòng, ông Anrê Nguyễn NgọcThiên giải thích cặn kẽ từng phòng; có phòng tư vấn do một thầy thuộc dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa, thường trực tư vấn cho bệnh nhân về các loại bệnh, cách phòng bệnh, dinh dưỡng cho người già…Ông xác nhận, có đến 85% người đến đây là thực sự cần giúp đỡ về y tế. Thí dụ, một thanh niên làm trong trại cưa (vùng Hố Nai này có nhiều xưởng mộc, làm bàn ghế gỗ…) bị vết thương nhỏ, thay băng hết 15 ngàn đồng (3/4 của 1 Usd) mà anh phải làm việc từ 8 đến 12 giờ đồng hồ mới được 45 đến 60 ngàn đồng (2,5 đến 3 Usd) trong khi nhu cầu một ngày phải ăn uống và nuôi gia đình, đến đây được thay băng vết thương miễn phí thì đỡ khổ biết bao!

Chương trình khai trương phòng khám được nối tiếp bằng lời cảm tạ của linh mục giám đốc Caritas. Hẳn là ai cũng có thể đoán được là cha vui mừng nói lên lời cảm tạ và mong ước công việc được tiếp nối tốt đẹp.

Trong tiệc liên hoan người ta nói với nhau khá ít nên bầu khí không ồn ào theo kiểu “cụng ly vui say”.

Chương trình văn nghệ do nhóm ca sĩ Công giáo gồm Thanh Sử, Xuân Trường, Đông Nghi, Diệu Hiền cũng trình bày những ca khúc đượm “tình Chúa, tình người” êm dịu mà thôi.

Từ nay, phòng khám Xuân Hòa hoạt động với “tư cách pháp nhân” đầy đủ. Người ta thường “hề hà” trước một công trình xây dựng, nhưng chỉ có những ai biết yêu thương mới thấy lòng mình “hỉ hả” trước một phòng khám nhân đạo, nơi có nhiều người nghèo khổ được cứu giúp.

Nhìn vào chương trình hành động của Caritas giáo phận Xuân Lộc, có những điểm hành động rất cụ thể như thành lập hội đoàn Caritas, đào tạo nhân sự, khuyến học, chăm sóc bệnh nhân,phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, bảo vệ sự sống, xã hội hóa giao thông, bác ái từ thiện, xóa đói giảm nghèo, các công tác phát triển là những mục tiêu sẽ thực hiện; nay một phòng khám nhân đạo đã hoạt động chính thức như một khởi động tốt cho những chương trình kế tiếp.

Ước mong xuất hiện thêm nhiều công trình như phòng khám nhân đạo này tại nhiều nơi trên quê hương đất nước.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Xin cầu nguyện cho cha Giuse Vũ Đức
LIên Đoàn CGVN
16:28 16/03/2011
XIN CẦU NGUYỆN CHO CHA GIUSE VŨ ĐỨC

Ngày 14 tháng 3, 2011

Kính gửi Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm

Chủ Tịch Cộng Đồng Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ

Kiêm Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt nam tại Hoa Kỳ

Ngày 20 tháng 2 vừa qua, khi Đức Cha Oanh ban phép Thêm Sức cho các em thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ Ban Ơn Lành, TGP. Detroit

Thì Cha Giuse Vũ Đức, Tuyên Úy bệnh viện Cựu Chiến Binh HK tại Detroit, cũng dự trù lên đồng tế. Những bất thần ngài có bệnh nhân tại bệnh viện cần đến ngài, nên ngài đã không đến đồng tế được.

Ngay buổi tối hôm đó, con được tin báo chính ngài phải vào nhà thương vì một triệu chứng bất thường trong cơ thể. Sau một đêm vô nước biển tại nhà thương mà ngài làm Tuyên Uý, ngài khoẻ mạnh về nhà. Rồi tiếp tục đi làm việc. Nhưng chỉ một tuần sau, ngài lại phải vào bệnh viện khám nghiệm. Hậu quả, ngài cho con biết là gan của ngài bị nhiễm chất độc da cam từ thời ngài phục vụ vùng Cà Mâu, Cần Thơ.

Sau nhiều kiểm nghiệm kế tiếp trong tuần lễ vừa qua, các BS cho kết quả là gan của ngài bị ung thư! Hồ sơ bệnh lý của ngài đã được chuyển về BV Oklahoma City để ngài về đó chữa trị cho gần gũi với 4 người em và các con cháu. Các em trai em gái của ngài cùng các cháu ruột, gồm cả gia đình người em gái vừa từ VN sang đoàn tụ. Tất cả đại gia đình đã lên đây 4-5 ngày vừa qua, chờ để đưa ngài về Oklahoma City, thì bất thần bệnh ngài trở nặng, ngài không đủ sức để về Oklahoma nữa. Hôm nay, bệnh viện đã chịu thua, và đưa ngài vào hospive đề an dưỡng đợi chờ gìờ phút Chúa muốn!!!

Nằm giữa các em, con cháu quay quần bên giường bệng đang nức nở khóc thương, ngài hết sức can đảm và bình tĩnh chấp nhận thuận theo ý Chúa. Trong lời trăn trối, Ngài an ủi các con cháu rằng: “Trong khi nhiều cha bạn nằm xuống bất ngờ, không chuẩn bị, không trăn trối, không gặp được một ai, thì Bác có hạnh phúc gặp được đông đủ anh em con cháu, ngay cả gia đình vừa từ Việt Nam tới. Bác may mắn có 2 tuẫn lễ chuản bị, cầu nguyện phó dâng, và được sẵn sàng về với Chúa. Ngài nói với con cháu là chỉ an táng ngài một cách rất đơn sơ. Không “life support”. Ngài bảo dù ngài là cựu Tuyên Uý quân đội HK, với quân hàm Thiếu Tá, nhưng khi ra đi, ngài muốn mang phẩm phục Linh Mục. Mặc dù con cháu tha thiết xin đem ngài về an nghỉ tại Oklahoma giữa con cháu, nhưng để tránh cho con cháu khỏi phải vất vả, đau khổ và tốn kém thêm, ngài cương quyết yêu cầu để ngài an nghỉ nơi Đất Thánh Công Giáo tại Detroit.

Xin kính thông báo tới Cha Chủ Tịch, để xin anh em cầu nguyện cho Cha Giuse Vũ Đức, nếu không được hồi phục, thì xin Chúa ban cho ngài không phải đau đớn và ra đi trong hạnh phúc và bình an.

Khi có tin khác, sẽ thông báo tới cha thêm.

Lm. Vincent Nguyễn An Ninh

Giáo Xứ Đức Mẹ Ban Ơn Lành

TGP Detroit
 
Văn Hóa
Cuộc đời ngắn ngủi
Tuyết Mai
01:38 16/03/2011
Cuộc đời rõ thật ngắn ngủi!

Ai trên đời có nhiều vui hơn buồn?

Bởi có phải con người luôn

Bon chen cuộc sống để hưởng thụ đời?

Không bao giờ chấp nhận đời

Chỉ đủ ăn, đủ mặc, thời để sống

Chẳng phải là ăn để sống

Nhưng thời là muốn được sống để ăn

Sống ở đời luôn cạnh tranh

Ai chết mặc ai miễn anh được sống

Sống mạnh, sống giầu, sống trong

Ích kỷ, gian ác, mà không chạnh lòng

Đi đâu muốn người gọi Ông

Dạ thưa, hầu hạ, giở nón, cúi đầu

Người người, khúm núm, chờ lâu

Chờ ông ngồi trước, chẳng mau mở đầu?

Khổ lắm cái kiếp trọc đầu!

Đi đâu cũng chỉ bẩm tâu kẻ giầu

Ai ơi! Nếu có qua cầu

Mới thông mới cảm nỗi sầu của tôi

Giầu nghèo cũng gió thoảng thôi!

Chúa dậy sớm tối Nước Trời phải luôn

Tìm kiếm và ao ước luôn

Mọi sự trần thế luống công, ích gì?

Có ích không giờ biệt ly?

Hai bàn tay trắng, Của chi theo cùng?

Toàn thân đơ cứng lạnh lùng

Nằm như khúc gỗ biết mừng biết vui?

Cả một đời chỉ tìm vui!

Cái vui nhục dục cái vui chết người

Chả giúp được ai cả đời!

Đến khi Chúa gọi ta thời Xin Vâng!

Lậy Chúa, Lậy Chúa, xin van!

Ngài thương Ngài xót con van xin Ngài!

Xin lượng từ bi của Ngài!

Giúp con tránh khỏi đọa đày Ngài ơi!

Giờ đấy, Chúa chọn nghỉ ngơi

Chẳng cần, chẳng biết, các ngươi là gì?

Từ đâu đến, đến làm chi?

Hỡi quân gian ác, xéo đi ta nhờ!

Ngay cả những kẻ phụng thờ

Lợi dụng danh Chúa làm mờ mắt ai?

Thẳng tay trục lợi tháng ngày

Làm mọi phù phép, lậy thầy quỷ ma

Lấy danh Chúa mà trừ tà!

Nói tiên tri để làm lòa thiên hạ

Dùng tà thuật chữa bệnh lạ

Cùng mọi phương chước, lòng tà ai nghi?

Ngẫm nghĩ lại ta phải suy!

Những Lời Chúa dậy vẫn y rằng Lời

Cho nên ta chớ theo thời

Mà quên Lời Chúa mà đời đi đong

Đừng dùng Lời Chúa bẻ cong

Như bao nhiêu kẻ sống trong rối đạo

Thay đổi Điều Răn, chối đạo

Để sống thoải mái tự hào mình hay

Chẳng hiểu rằng ngày mai đây

Khi lìa cõi thế trắng tay mãn đời

Xuống hỏa ngục hay lên Trời?

Tự ta ta biết, Chúa Trời chẳng hay!

Vì Chúa sẽ bảo mặc bay

Cái phường gian ác tội đầy nhuốc nhơ

Đến thẳng chúng quỷ mà thờ!

Tội bây bây phạm, nên giờ trả thôi!

**********

Lậy Chúa, Con biết tội rồi!

Tránh xa tội lỗi giữ mọi Điều Răn

Trở về cùng Chúa ăn năn

Đổi thay cuộc sống siêng năng nguyện cầu

Nguyện xin Thiên Chúa nhiệm mầu!

Ban ơn Thần Khí, được giầu tình thương

Biết kính Chúa, biết noi gương

Thực hành Lời Chúa, độ lượng với người

Đó là Giới Răn Chúa Trời!

Làm con Thiên Chúa, yêu người như ta

Nhất nhất ta phải thứ tha

Để được Thiên Chúa cho ta Trở Về

(03-15-2011)
 
Lá thư Canada: Ni Sư Maria
Trà Lũ
13:02 16/03/2011
NI SƯ MARIA

Tôi được nhận vào Canada năm 1975. Nhìn tôi lên đường, nhiều người trong trại tỵ nạn Thái Lan thương tôi dại dột vì dám liều mình chui vào đống tuyết. Sống ở Canada một thời gian tôi có thấy Canada là đống tuyết đâu. Mùa đông thì có, khi nhiều khi ít, nhưng không phải toàn cõi Canada là đống tuyết. Thế nhưng năm nay thì Canada là đống tuyết thật các cụ ạ. Ngày Tết Con Mèo vừa qua, nha khí tượng báo động sẽ có bão tuyết, và miền Toronto sẽ chìm trong biển tuyết dày. Mọi người lo hết sức. Làng An Hạ đã bảo nhau:: Nhà ai mà mất sưởi mất điện thì kêu cho nhau đến cứu. Thành phố dặn dân chúng kêu số 911, vì thành phố đã sẵn sàng ứng chiến, với 300 xe ủi tuyết, 1.600 nhân viên cào tuyết, và 10.000 tấn muối làm tan tuyết. Nhưng may qúa, trung tâm Toronto thoát bão. Tuyết rơi sơ sơ có 15 phân. Ai cũng thở phào. Rồi trời lại sáng. Người Việt phe ta gặp nhau ai cũng cười sung sướng: Rõ ràng ông Trời kính trọng tết VN. Phe ta đã rần rần đi hội chợ Tết con Mèo. Chỉ tội nghiệp phi trường Toronto tuyết cao nửa thước, nhiều chuyến bay phải hủy bỏ. Tới nay thì đống tuyết lớn đã tan và hình như trời đang chuẩn bị sang xuân. Tôi nói ‘ hình như’ là vì chú chuột đất đã báo tin mừng. Các cụ phương xa không biết chuyện này đâu. Để tôi kể các cụ nghe. Dân Canada có thói quen là cứ đầu tháng Hai, lúc còn giữa mùa đông, họ đem con chuột đất, tên Canada là ground hog, ra ngắm ở ngoài trời. Nếu năm nào mà nó không soi bóng trên mặt đất thì năm đó mùa đông sẽ còn rất ngắn, nếu năm nào nó rọi bóng xuống đất thì năm đó mùa đông sẽ dài lê thê. Giữa tháng Hai vừa qua, cụ chuột đất Canada không hề có bóng trên mặt đất nên dân Canada vui vẻ qúa chừng. Làng An Hạ chúng tôi đã sống ở Canada ba chục năm, cái đầu đã Canada-hóa, nên chúng tôi cũng tin sắp hết mùa đông.

Đó là tin tuyết. Tin tiếp theo là Canada vừa khai mạc đại hội thể thao mùa đông toàn quốc, Canada Winter Games 2011, vào ngày 11 tháng Hai tại tỉnh Halifax thuộc bang Nova Scotia miền đông. Đại hội kéo dài hai tuần với 2.700 lực sĩ đến từ 800 thị trấn. Canada là đất thể thao, quanh năm là thể thao. Xứ này mà không có thể thao thì chắc dân chúng phát điên và nổi loạn. Trên các hệ thống truyền thông, 50% thời lượng là nói về thể thao. Những lực sĩ nổi tiếng, lương hàng năm mấy chục triệu. Theo họ, bắng cấp thạc sĩ tiến sĩ vất đi hết.Tháng trước tôi đã trình các cụ tin Đại Hội Thể Thao Liên Châu Mỹ, Pan Am Games, vào năm 2015 tại Toronto, mà quên trình về đai hội thể thao toàn quốc Canada này.

Nhân nói tới thể thao, xin khoe với các cụ tin vui: Một em bé VN, mới 12 tuổi, vừa đoạt giải vô địch trượt băng thiếu nhi nghệ thuật toàn quốc Canada. Cuộc thi mang tên Canadian Figure Skating Championship, tại Victoria bang British Columbia. Đó là em Nguyễn Nam. Báo chí Canada gọi em là ‘Super Nam’ / ‘Em Nam Siêu Đẳng’. Đây là lần thứ 4 em được giải này. Nhìn em lên lãnh huy chương vàng, em nhỏ xíu so với 2 em khác đoạt giải bạc và đồng đứng hai bên. Trông em như con châu chấu đứng bên hai cỗ xe khổng lồ. Xin chúc mừng em Nguyễn Nam. Em là niềm hãnh diện của người VN chúng tôi. Đến tháng 5 này, em sẽ 13 tuổi và sẽ đủ tiêu chuẩn đi dự thi giải quốc tế, ai cũng đoán em sẽ đem giải nhất về cho Canada. Báo chí cho biết ngay từ lúc 6 tuổi em đã say mê môn trượt băng này. Hiện em đang học lớp 7 bậc tiểu học. Cha mẹ em là kỹ sư điện tóan, gốc thuyền nhân tỵ nạn.

Tin tiếp theo là đến tháng Tám giữa mùa Hè này, Toronto miền đất thân yêu của làng An Hạ chúng tôi sẽ có một đại hội thế giới của Khối Nha Y Dược VN Hải Ngoại. Đại hội sẽ kéo dài 4 ngày. Đây là lần họp quốc tế thứ 11. Chương trình hội ngộ và trao đổi kinh nghiệm này có nhiều tiết mục hấp dẫn. Các cụ ở xa có thể ghi danh đến dự thính nếu không trực tiếp trong ngành. Trưởng ban tổ chức là BS Hồ Thị Cẩm Nhung ở Toronto, tel: (416) 398-0292, www.ynd2011.com. Phụ tá là bác sĩ nhà văn Nguyễn Trùng Khánh, cũng ở Toronto. Tôi sẽ viết bài về đại hội uy tín này vào tháng Chín.

Một tin khác cũng khá sốt giẻo là tháng vừa qua Canada đã chính thức nhận thêm 50 người tỵ nạn Thượng VN. Các cụ còn nhớ chuyện tỵ nạn sôi nổi này chứ, tin quốc tế nóng hổi mà. Đó là khối 76 người Thượng gốc Tây Nguyên VN trốn khỏi nước thiên đàng XHCNVN chạy sang Cao Mên năm ngoái. Họ đã được Cao Ủy Tỵ Nạn sàng lọc. Canada nhận 50 người, Hoa kỳ nhận 5 người. Số còn lại bị trả về VN. Thấy dư luận thế giới xôn xao về số phận những người bị trả về, VNCS sợ mất mặt đã phải hứa sẽ đối xử tử tế. Các cụ đã thấy Canada bao giờ cũng nhân đạo hơn Hoa Kỳ và yêu người tỵ nạn VN chưa? Canada nhận những 50, Hoa Kỳ đông dân và nhiều tiền mà chỉ nhận có 5!

Cũng xin loan tin tiếp về thuyền tỵ nạn Tamil đến Canada tháng Tám năm ngoái. Tàu chở 492 người. Canada đang làm các thủ tục cứu xét. Mới có 5 tháng làm việc mà Canada đã tiêu mất 25 triệu đồng. Không biết khi xét xong 492 người này thì tiền thuế của dân Canada sẽ tốn thêm bao nhiêu nữa. Được biết khối dân số gốc Ấn Độ và Tamil này có khoảng một triệu người ở Canada. Hy vọng trong khối di dân mới này không có ai thuộc bọn tôn giáo qúa khích đang tàn sát và đốt phá các cơ sở tôn giáo khác.

Cụ Chánh và Bà Cụ B.95 trong làng tôi nghe tin Canada mở cửa đón nhận người tỵ nạn trên đây thì tỏ ra cảm động lắm. Hai cụ đều nói: Chính vì lòng nhân đạo cứu người tỵ nạn như vậy mà ông Trời thương Canada đặc biệt. Trời đã ban cho nước này mọi phước lành, như thanh bình, an lạc, giầu có. Cụ Chánh bao giờ cũng nói: Tôi đã thề là trọn đời tôi, đời con tôi, và đời cháu tôi, lúc nào dòng họ tôi cũng ghi ơn Canada.

Anh John lên tiếng: Cháu xin kể tin người đẹp Canada lãnh giải Prix de Rome. Trong mùa tết con Mèo vừa qua, Cô Samantha Lynch kiến trúc sư tại Đại Học Manitoba vừa được Hội đồng Nghệ Thuật Canada trao giải khôi nguyên Prix de Rome về những đóng góp mới lạ của cô trong thời gian qua. Với số tiền giải thưởng này, cô dự định sẽ đi một vòng Âu Châu để tìm hiểu thêm về các đồ án kiến trúc ở Âu Châu. Tên giải Prix de Rome làm tôi nhớ tới một kiến trúc sư nổi tiếng của Miền Nam, KTS Ngô Viết Thụ. Các cụ còn nhớ ông kiến trúc sư tài ba này chứ? Thập niên 1950, ông du học kiến trúc ở Ý và đậu giải khôi nguyên, cũng Prix de Rome. Ông là người đã vẽ hoạ đồ Dinh Độc Lập của VNCH và nhiều kiến trúc khác nữa.

Sau tin giải Prix de Rome, anh John nói sang chuyện thời sự vẫn còn nóng hổi là tin săn bắt hải cẩu ở Canada. Xưa nay Canada cho phép ngư dân mỗi năm giết 250.000 con hải cẩu để bảo vệ ngành ngư nghiệp, việc này làm Hội Bảo Vệ Súc Vật Âu Châu la ầm lên và họ kêu gọi dân Âu Châu tẩy chay hàng hóa Canada. Nay Canada vừa cho phép ngư dân xả thịt hải cẩu bán cho Trung Quốc, Đại Hàn và Nhật Bản, việc này Hội Bảo Vệ Súc Vật Âu Châu giận dữ và to tiếng hơn nữa. Canada mang việc này kiện nơi toà án Âu Châu, nhưng tòa này lờ đi vì áp lực của các ông bà to mồm. Canada hiện đang phải mang việc này ra kiện trước toà án quốc tế World Trade Organization / WTO. Coi bộ sẽ nổ lớn đây.

Vừa nghe anh John nói đến đây thì ông bồ chữ ODP trong làng lên tiếng ngay: Chú nói ‘coi bộ sẽ nổ’ tức là chú chưa chắc sẽ nổ lớn hay không. Còn tôi thì nghĩ sẽ nổ lớn là cái chắc, vì hải cẩu Canada là vấn đề lớn, nó liên hệ tới kinh tế, tới hàng hải, tới sĩ diện. Các anh Âu Châu xưa nay vốn ghen tị với Canada về tài nguyên thiên nhiên phong phú, Canada chưa khai thác về đàn hải cẩu khổng lồ mà Canada đã giàu có như vậy, nay để Canada khai thác kho hải cẩu vĩ đại thì Canada sẽ giầu có thêm, mà miệng của kẻ giầu tiền thì có gang có thép, Âu Châu ngứa mắt lắm.

Nói xong thì ông ODP cười hà hà. Đấy là chuyện đại sự quốc gia. Riêng làng ta thì hải cẩu cũng là việc đại sự. Nếu các nhà quân tử làng ta chịu để tâm khai thác món ‘ngầu pín’ của hải cẩu chế thành thuốc viên rồi xuất cảng thì làng ta sẽ giầu to. Chỉ nguyên xuất cảng món xuân dược này sang Mỹ cũng đủ thành tỷ phú. Nhiều bạn bè tôi bên Mỹ đã viết thư xin tôi cho làm đại lý. Đấy mới là ngành thuốc. Lần trước Chị Ba Biên Hoà còn định chế biến pín hải cẩu thành món lẩu và cũng xuất cảng nữa thì trời ơi, năm Mão này làng ta trúng số độc đắc to rồi.

Anh H.O. nhảy vào chuyện này ngay. Anh cười hì hì. Anh kể tết con Mèo vừa qua anh đi chúc tết một cụ già. Cụ này rất tếu. Cụ kể cho anh nghe một chuyện tiếu lâm về lời chúc tết. Rằng có một cặp ông bà già kia đã ngoài thất tuần mà còn du dương âu yếm nhau lắm. Hôm tết, hai ông bà chúc nhau hạnh phúc thêm về mặt tình ái. Cụ bà chúc cho cụ ông được cứng rắn và kiên cường, còn cụ ông chúc cụ bà bớt khô khan nguội lạnh. Nghe đi thì chưa thấy hay, nghĩ lại thì thấy hai lời chúc hay cực kỳ. Các cụ có đồng ý với tôi không. Hay thấm thía ấy chứ.

Riêng phe liền ông trong làng nghe vừa xong 2 lời chúc ấy thì phá ra cười ngặt nghẽo, còn phe liền bà bản chất ngây thơ trong trắng nên chả hiểu gì, họ nhìn phe liền ông mà ngạc nhiên hết sức. Mãi rồi Chị Ba mới hiểu rồi chị rỉ tai từng bà. Lúc đó họ mới cười rũ ra, vừa cười vừa la ‘ Dơ dáy! Quỷ! Quỷ!’

Đợi cho phe liền bà hết cười rồi anh H.O. mới nói tiếp: Rằng cụ ông cụ bà chúc nhau mới bằng lời thôi. Lời chúc mới chỉ là một ước mơ. Để sự ước mơ trở thành sự thực thì phải có chất xúc tác. Chất ấy là thuốc xuân dược hải cẩu của làng ta sắp sản xuất, và món lẩu hải cẩu của chị Ba sắp làm. Bao giờ chúng ta bắt tay hành động để trở thành tỷ phú đây, thưa các bác?

Chà, câu hỏi này gay cấn, phải không cơ.

Trong khi làng còn suy nghĩ về phương cách khai thác hải cẩu, và nhân nghe câu chuyện lời chúc của hai cu cao niên, tôi chợt nhớ tới một chuyện tiếu lâm vừa đọc trên máy điện toán. Nó cũng có hơi hưóm của lời chúc trên đây. Rằng trong một cuộc thi hoa hậu giai đoạn chung kết, ban giám khảo hỏi một cô thí sinh:

- Theo cô, mẫu người chồng tương lai của cô phải như thế nào?

Cô này đáp ngay: Theo em, người chồng lý tưởng của em là phải có chỗ đứng và phải. .. Nghe xong, khán thính giả trong hội trương đều đứng lên vỗ tay râm ran. Cô đã được toàn thể ban giám khảo cho điẻm tối cao và đoạt giải hoa khôi.

Phe liền ông trong làng chúng tôi lại một lần nữa cười bò lăn bò càng. Không ngờ câu chuyện đầu năm mèo của tôi được làng thích làm vậy. các cụ có thích không cơ? Mà tôi chưa nói hết. Câu trả lời của cô thí sinh hoa hậu cũng lại là một vế câu đối nữa cơ đấy. Cô nói ‘ Anh phải có chỗ đứng và phải...’ là vế một, là phần thách đối. Chưa có lời đối lại. Vậy xin các cụ bốn phương đối lại nha. Cụ nào đối hay nhất sẽ được làng tôi tặng một tễ xuân dược hải cẩu Canada.

Cụ B.95 để cho làng cười thoải mái rồi mới nóí: Các bác nóí chuyện mùa xuân nhiều chất hải cẩu qúa, đủ ngấy rồi. Anh John đâu xin anh kể chuyện Canada đi, chuyên nào không mặn và không có mùi hải cẩu nha.

Anh John bèn vâng lời. Anh đáp: Xin cụ an tâm, cháu biết khẩu vị của cu mà. Cháu xin kể một chuyện liên quan tới cái vĩ đại của nước Canada thân yêu này.

Rằng có một du khách Âu Châu tới thăm Hoa Kỳ và Canada lần đầu. Anh ta đến Hoa Kỳ trước. Anh ta đi viếng một nhà thờ ở Boston. Anh thấy gần bàn thờ có để một cái điện thoại bằng vàng và mẩu giấy ghi giá tiền mỗi lần gọi là 10.000 mỹ kim. Anh thắc mắc tại sao giá mắc như vậy, anh bèn đi hỏi cha sở. Cha trả lời ngay: Đây là điện thoại gọi lên thiên đàng, nói chuyện trực tiếp với Chúa, nên mắc tiền như vậy. Du khách này lần đầu tiên trong đời nghe sự lạ nên không dám hỏi gì thêm. Rồi anh đi Los Angeles. Anh vào thăm nhà thờ chính toà, anh cũng thấy cái điện thoại bằng vàng và hàng chữ ghi giá 10.000 mỹ kim. Lần này anh không tìm cha sở mà tìm một bà sơ phụ trách lớp học gần đó. Anh cũng hỏi về giá tiền điện thoại. Bà sơ cũng trả lời y như ông cha sở ở Boston. Anh du khách này rất sửng sốt về việc này nhưng không phát biểu gì cả. Rồi anh đến thăm thủ đô DC. Anh viếng nhà thờ thủ đô. Anh cũng thấy cái điện thoại vàng ở gần bàn thờ và cũng giá tiền 10.000 mỹ kim. Anh hỏi một giáo dân đang qùy cầu nguyện và ông này cũng được trả lời y như vậy.

Rồi anh sang du lịch Canada. Nơi đến đầu tiên là thủ phủ Toronto. Anh đến ngay nhà thờ chính tòa St. Michael. Anh cũng thấy một máy điện thoại gần bàn thờ và mẩu giấy ghi giá tiền. Cho chắc chắn, anh đeo kính vào hẳn hoi. Anh thật vô cùng sửng sốt khi thấy giá tiền cho mỗi lần gọi là 50 xu. Anh giữ mối ngạc nhiên này trong lòng rồi âm thầm đi Montreal. Anh đến nhà thờ Oratoire St.Joseph là nơi Thày André mới được phong hiển thánh. Ngay dưới chân bàn thờ này cũng có một máy điện thoại bằng vàng và lời ghi giá cũng là 50 xu. Anh ngạc nhiên và thắc mắc vô cùng nhưng cố giữ kín việc này trong lòng. Rồi anh đi thủ đô Ottawa. Anh đến ngay nhà thờ thủ đô, cũng thấy một máy điện thoại vàng với hàng chữ cũng giá 50 xu mỗi lần gọi. Bây giờ thì anh không thể giữ kín trong lòng nỗi thắc mắc của anh, anh tìm gặp cha sở và đặt câu hỏi: Tại sao bên Hoa Kỳ gọi điện thoại ở bàn thờ thì giá 10.000 đồng, còn ở Canada cũng gọi như thế mà giá chỉ có 50 xu. Ông cha sở nhìn anh rất ấu yếm rồi nói: Con ơi, bên Hoa Kỳ, gọi từ Hoa Kỳ lên thiên đàng là gọi viễn liên, vì xa lắm nên mới đắt như thế, còn Canada này với thiên đàng thì gần xịt à, đây là đường giây địa phương, giây local, con hiểu chưa?

Phe các bà nghe xong câu chuyện thì khen hay qúa, tả Canada đúng qúa.

Anh John giải thích: Canada đúng là thiên đàng hay cận kề thiên đàng. Chết xong ta chỉ đi vài bước là tới cửa thiên đàng.

Trên đây là chuyện cười, chứ các chuyện thật mang ý nghĩa ca ngợi Canada như thế thì nhiều lắm. Chẳng hạn ngay đầu năm nay, ngày 4.1.2011, báo Washington Times bên Mỹ đã viết một bài ca ngợi Canada hết lời. Bài này do ký giả nổi tiếng Jim Bacon viết. Ông bảo không phải nhìn đâu xa, cứ nhìn vào hệ thống ngân hàng, thị trường đia ốc, quy chế thuế má của Canada là đủ rõ. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng đã hết lời ca ngợi. Bà Jane Moffat, giám đốc điều hành Hội Đồng các kinh tế gia Hoa Kỳ và Canada cũng đồng ý như vậy. Bà cho biết càng ngày càng nhiều người Mỹ ước mơ có một đất nước như Canada, đặc biệt bà nhấn mạnh: Hệ thống ngân hàng Canada là một bài học người Mỹ cần lưu tâm.

Phe các bà xin anh John cho nghe thêm một chuyện nữa, đại loại như vậy. Anh John được phe các bà khen và chị Ba chớp mắt gật gù thì thích qúa sức. Anh xin kể tiếp một chuyện nữa. Rằng có một anh Mỹ sang Pháp du lịch. Bữa đó anh đang ăn sáng trong một nhà hàng ở Paris thì có một anh Pháp đến ngồi ở bàn bên cạnh. Anh Tây này miệng nhai kẹo cao su lép bép. Anh Mỹ tiếp tục ăn sáng, còn anh Tây thì tìm cách bắt chuyện. Anh Tây chỉ vào ổ bánh mì rồi hỏi:

- Người Mỹ các anh có ăn hết cả ổ bánh mì không?

- Hết chứ, dĩ nhiên rồi

- Bên Pháp này thì không. Chúng tôi chỉ ăn ruột bánh mì còn vỏ bánh mì thì gom lại rồi chế biến ra bánh croissant và xuất cảng sang các nước khác.

Anh Tây nói xong thì phá ra cười, giọng đầy khoái trá. Rồi anh ta lại hỏi tiếp:

- Người Mỹ các anh ăn bánh mì với mứt à?

- Dĩ nhiên rồi

Anh Tây thổi kẹo cao su thành bong bóng rồi cho nổ tung, đoạn nói:

- Người Pháp chúng tôi thì không. Chúng tôi chỉ ăn trái cây tươi cho bữa sáng, rồi gom vỏ, hột trái cây vào thùng, rồi chế biến thành mứt rồi xuất cảng sang các nước khác.

Người Mỹ ngồi yên lặng lắng tai nghe, sau đó thì hỏi anh Tây:

- Ở bên Pháp này người ta có làm tình không?

- Có chứ. Sao anh lại hỏi vậy?

- Vì tôi muốn biết là sau khi làm tình thì người Pháp làm gì với bao cao su condom?

- Chúng tôi vất đi

- Bên Mỹ chúng tôi không vất đi bao giờ. Chúng tôi gom các bao cao su lại, rồi chế biến ra kẹo cao su, và xuất cảng sang Pháp.

Anh John kể đến đây xong thì tuyên bố hết chuyện. Ai cũng khen câu chuyện hay, còn Chị Ba Biên Hòa thì góp ý: Hay thì có hay nhưng ý chuyện đã xúc phạm tới người Pháp!

Ông ODP gật gù khen câu chuyện không có vị hải cẩu, không có vị mặn mà hay thấm thía. Chắc gốc câu chuyện này là ở Mỹ. Xưa nay Mỹ và Pháp có ưa nhau bao giờ!

Cụ B,95 cũng gật gù khen hai câu chuyện của anh John hay. Cụ đòi thêm. Cụ bảo hôm nay anh John toàn nói chuyện quốc tế, từ chuyện Canada, sang tới Hoa Kỳ rồi tới Pháp. Anh còn chuyện nào đi xa hơn một chút nữa không?

Cái anh John này thật là giỏi và ứng đối tuyệt không chịu được. Anh xin kể câu chuyện bên Úc Châu. Chuyện này có thật vì vừa mới xảy ra. Đó là câu chuyện Đại Tướng Peter Cosgrove của quân đội Úc mới trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh quốc gia ABC, về việc ông tiếp đón đoàn thiếu niên Hướng Đạo Sinh đến viếng thăm một doanh trại. Rất nhiều báo chí nói tới cuộc phỏng vấn này. Người phỏng vấn là một cô phóng viên. Cô hỏi:

- Xin Đại Tướng cho biết khi các em Hướng Đạo này tới thăm trại thì Đại Tướng sẽ chỉ bảo cho các em những điều gì?

- Chúng tôi sẽ dạy các em cách trèo cao, cách chèo thuyền, cách bắn cung và cách bắn súng.

- Đại Tướng dạy các em cả cách bắn súng nữa sao? Như vậy có vẻ như quân đội vô trách nhiệm!

- Tại sao vô trách nhiệm? Chúng tôi sẽ chỉ bảo và giám sát các em rất cẩn thận trên sân bắn mà.

- Đại Tướng không thấy như vậy là một hành động rất nguy hiểm sao?

- Không nguy hiểm vì chúng tôi chỉ dẫn rất cẩn thận trước khi các em động tới khẩu súng.

- Nhưng như vậy là Đại Tướng đang chỉ bảo cho các em trở thành những kẻ giết người tàn ác.

Câu này của cô phóng viên đã làm đại tướng Úc nổi giận. Ông đáp ngay:

- Thưa cô, nếu nói theo lập luận của cô thì tôi cũng có thể nói cô cũng có đủ đồ nghề trở thành gái điếm mà cô đâu có phải là gái điếm.

Cuộc phỏng vấn tự nhiên im lặng trong 45 giây, rồi chuyển sang mục khác.

Cụ B.95 nghe xong thì cười sung sướng. Cụ bảo: Xin lỗi Chị Ba nha, anh John chồng chị đúng là thần tượng của tôi!

Ông ODP đáp ứng: anh ấy cũng là thần tượng của phe liền ông chúng tôi nữa đấy. Người đâu mà giỏi lạ lùng. Khen anh John xong thì ông chuyển sang chuyện khác: Nhân nghe cái câu thách đối trên đây, câu ‘cứng chỗ đó’ ấy mà, tôi chợt nhớ ra vài câu đối khác, xin cho phép tôi trình làng. Câu đối đầu tiên tôi thấy trên báo điện tử SINA bên Tàu dịp tết vừa qua. Đôi câu đối bằng tiếng Anh, như thế này:

- Eat Well, Sleep Well, Have Fun Day by Day

- Study Hard, Work Hard, Make Money, More and More

Đọc xong tôi thấy cũng hay hay, vì chữ và ý thì được cả, nhưng còn thiếu mặt bằng trắc, thua tiếng VN. Câu đối tiếng Việt của ta mới là hay tuyệt diệu, vì vừa phải đối ý, đối lời, vừa phải đối cả âm nữa. Tiếng Việt Nam ta hay hơn tiếng Tàu là vậy. Nhân mùa Tết còn lai rai, xin cho lão trình bầy một câu đối mới xuất hiện:

Cô giáo Thường nằm trên giường, ngửa cái bình thường lên trên

Thày giáo Trọng ngồi ở chõng, đút cái quan trọng xuống dưới

Cả làng vỗ tay khen hay. Ông ODP được hứng, kể tiếp. Rằng tôi cũng vừa nhận được từ bạn bè hai câu dáng như câu đối mà không phải câu đối. Đây là hai câu nói lịch sử và có thật, chữ thì xo le, ý tưởng không đối nhau nhưng ăn khớp, ghép chung lại nghe hay quá chừng. Đây là hai câu nổi tiếng, câu trước của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, câu sau của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Thời gian hai câu nói khác nhau, nhưng ghép lại thấy đúng lạ kỳ:

- Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gỉ Cộng Sản làm

- Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi

Biết rằng phe các bà có thể kêu nhức đầu, ông ODP kể tiếp ngay. Rằng ông cũng vừa đọc được bốn câu thơ tả rất đúng và rất hay tâm trạng của đồng bào ta tại quê hương VN bây giờ:

Những người Đảng ghét dân yêu

Ngẫm ra không ít bậc siêu anh tài

Những người Đảng đến khoác vai

Xem ra phần lớn là loài bất nhân

Nghe xong bài thơ thì Chị Ba giơ tay. Chị bảo lúc nãy chồng chị mải kể chuyện cười quốc tế mà quên kể chuyện thời sự Việt Nam. Chị xin bổ túc cho chồng. Có một tin về tôn giáo khá cảm động đã xảy ra tại VN vào cuối năm 2010 vừa qua. Đó là tin Ni Sư Lương Thị Phụng của Chùa Quan Âm ở Bình Hưng, Bình Chánh, Saigon, đã gia nhập đạo Công Giáo khi Ni Sư bệnh nặng phải vào bệnh viện.Việc nhập đạo Công Giáo này chắc không phải đột nhiên. Nó đã phải nung nấu trong tâm can của Ni Sư từ lâu. Biết mình sắp ra đi nên Ni Sư đã tỏ rõ ý định. Lễ Nhập Đạo đã diễn ra tại nhà thương. Ni Sư mang tên Thánh Maria.Vì bệnh nặng vô phương cứu chữa nên Ni Sư xin được về lại chùa. Tại đây Ni sư đã nhắm mắt ra đi. Một thánh lễ an táng theo nghi lễ Công Giáo đã diễn ra tại chùa. Các ni cô Phật Giáo và các nữ tu Công Giáo đã nắm tay nhau cùng tụng niệm. Hai bên cùng cầu nguyện cho Ni Sư Maria sớm được về Cõi Vĩnh Hằng. Lễ an táng vô cùng cảm động. Nó đã đi vào lịch sử.

Kể đến đây, mắt chị Ba đỏ hoe.
 
Nhật Bản cần cơn mưa đổ
Tuyết Mai
20:31 16/03/2011
Lậy Thiên Chúa của chúng con!
Anh chị em bên Nhật còn đau khổ
Họ cần một cơn mưa đổ
Để làm mát dịu các lò nguyên tử

Họ đang gần đến cửa Tử
Xin Chúa thương ban đổ sự nhiệm Mầu
Cơn mưa Hồng Phúc trên đầu
Dẹp tan sự đe dọa, hầu tìm sống

Còn gì tương lai, ước mong?
Bao nhiêu sự dữ trên không bít trời
Khói, lửa, đen nghịt khắp trời
Người người lo sợ, kiếp đời mỏng manh

Sợ hãi tiếng cầu thất thanh!
Ăn năn sám hối bớt dành tranh nhau
Cuộc sống chỉ cần đời sau
Đời nay sống tốt giúp nhau đến cùng

Đừng nên chọn sống lạnh lùng
Chúa phạt cái chết chẳng đừng được đâu!
Nhìn thiên hạ biết về đâu?
Tương lai, cái chết, sống lâu được à?

Nhìn người ngẫm nghĩ đến ta
Cuộc sống ngắn, thọ do ta biết cách
Sống yêu thương là nguồn mạch
Là chiên con Chúa, xa tách chúng dê

Tiền của, danh vọng, phải chê!
Bởi làm con Chúa chẳng mê trần đời
Luôn luôn tìm về Nước Trời
Nơi Cha ban phát một trời Yêu Thương

Nhìn triệu người Nhật thấy thương!
Thương quá hoang tàng nhiễu nhương đổ nát
Đói quá, khát quá, mất mát
Khói độc lan tỏa cao ngất phương trời

Chúng con van Mẹ Chúa Trời!
Mẹ A-ki-ta cứu người trần gian
Mẹ ơi, con Mẹ gian nan!
Van xin Thiên Chúa nguôi giận Mẹ ơi!

Tất cả đã hối tội rồi!
Tội tham, ích kỷ, sống thời quên đi
Lời Chúa, Tình Chúa, khắc ghi
Yêu thương, tha thứ, thực thi Lời Người

Người chết, thế giới ngậm ngùi
Thiên tai khủng khiếp chôn vùi xác thây
Độc nguyên tử còn bủa vây
Ôi tội quá Nước Nhật này của Mẹ!

Vâng, nếu được Mẹ trở về?
Ban ơn con Mẹ mưa về tưới lên
Những lò nguyên tử bùng lên
Dập tan ngọn lửa trước tiên cứu người

Mẹ ơi xin đến kịp thời!
Con Mẹ hối lỗi cả trời lắng nghe
Khắp thế giới cũng e dè
Độc khói nguyên tử bốn bề rất nguy

Làm sao đây trong gian nguy?
Chúa không cứu vớt lâm nguy khốn cùng
Xin toàn dân cầu nguyện cùng
Nguyện Cha cả sáng hẵng dừng thịnh nộ

Vì rằng người sống ơ thờ!
Hờ hững với những gì Lời khuyến cáo
Suốt bao năm Mẹ cảnh báo
Khóc, đổ máu, chẳng thấy bao người chừa?

Giờ nhìn sụp đổ vừa chưa?
Tất cả thế giới xin thưa Chúa rằng
Lậy Chúa chúng con Xin Vâng!
Mặc tình Chúa định hồn an xác lành

Mùa chay chúng con lậy van!
Đấm ngực, hãm xác, xin dâng lên Ngài
Tâm tình sám hối chừa cải
Một kính Chúa yêu người, cải thiện sống

Trong đức mến, cậy, ái, hòng
Nhờ Lòng thương xót Chúa lòng từ nhân
Ngài xóa sạch tội nhân trần
Để xứng đáng nên tốt lành trong Chúa

(03-16-2011)
 
Khởi tự Tsunami …
Một dòng sông
23:59 16/03/2011
đất Phù Tang phủ một màu tang tóc

xứ mặt trời thấm đẫm sắc hoàng hôn

một chút trở mình của vũ trụ càn khôn

chút hơi thở đất cũng làm hồn xiêu phách lạc

người có nghe chăng giữa muôn ngàn xao xác

vọng tiếng thương đau của đảo quốc huy hoàng

Thái dương Thần nữ than khóc những đứa con

không để ai ủi an vì các con bà nay đã mất

sóng cả trùng dương lớp lớp dâng vùi dập

nuốt chửng phố phường cuốn cả xóm thôn

ôi một vùng hoa gấm đẹp khôn lường

tsunami đi qua: tan hoang bình địa

đây Japan mặt trời phương đông chói lóa

là tấm gương bao dân tộc ngước nhìn

khoa học kỷ thuật tiến bộ văn minh

mà trước thiên tai cũng đành câm lặng

hởi những ai nghĩ mình đỉnh cao muôn trượng

rằng mình vô địch mình vĩ đại mình muôn năm

xin một lần cúi xuống xét lại bản thân

chẳng là chi chẳng là chi cả

… ước mong sao như mẹ hiền chuyển dạ

trong đớn đau con trẻ được sinh ra

thảm họa hôm nay là thời khắc trổ hoa

một thế hệ mới tái sinh trong tình yêu sự thật …
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chớm Xuân
Lm. Tâm Duy
21:10 16/03/2011
CHỚM XUÂN

Ảnh của Lm. Tâm Duy

Xuân tới

Lời Thánh hoan ca

Vang vang từ gai góc cành hoa.

(Thơ của Antonio Machado Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền