Ngày 15-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đón nhận ơn tái sinh
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
02:11 15/03/2017
Chúa nhật III Mùa Chay A

Đón nhận ơn tái sinh

Tin Mừng theo thánh Gioan cho biết, người đàn bà có sáu đời chồng, ra giếng múc nước vào buổi trưa, gặp Chúa Giêsu và được Chúa đánh thức tâm hồn, đó là người đàn bà xứ Samaria.

Samaria trước là vùng đất Do thái, vì thế, những người sinh sống tại đây cũng là người gốc Do thái. Nhưng qua nhiều đổi thay của đất nước, nhất là trong những lần bị đưa đi lưu đày, nhiều lần bị đặt dước ách đô hộ của các đế quốc, làm cho lịch sử biến chuyển không ít… Người Do thái ở Samaria không còn giữ được nguyên gốc Do thái. Họ ngày càng có nhiều mối dây liên hệ với dân ngoại. Do đó, người Samaria luôn luôn bị người Do thái khinh miệt, tránh mọi liên hệ gần gũi và tiếp xúc.

Nhưng Chúa Giêsu thì không. Người đã không đứng chung hàng ngũ với những người đồng hương để lên án con người, mà luôn ý thức vai trò cứu rỗi của mình: đưa con người từ tội lỗi về lại với sự thánh thiện.

Tin Mừng theo thánh Gioan viết: “Đức Giêsu tới thành gọi là Kikha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu”(Ga 4,5-6).

Bỗng dưng một phụ nữ ra giếng múc nước. Chúa nhìn thấy tâm hồn chị. Chúa biết chị luôn sống trong mặc cảm của tội, bởi chị đã có đến “năm đời chồng và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị”. Nhưng Người cũng nhìn thấy khả năng đón nhận chân lý nơi chị, vì thế, chính Chúa lên tiếng trước: “Cho tôi chút nước uống”.

Chúa phá tan sự nghi kỵ. Chúa đã làm khiến ngạc nhiên không ít. Bởi không phải chỉ vì “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống”. Nhưng nếu theo dõi hết trình tự của câu chuyện, ta sẽ thấy, Chúa khiến chị phụ nữ phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đúng hơn, khi đối thoại với Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria đã phải chuyển từ ngạc nhiên sơ khởi dần dần đi lên đến đỉnh điểm của đức tin.

Chỉ cần một chi tiết sau, đủ chứng minh tình cảm biến đổi từ thấp lên cao dần của chị: Khởi đầu chị gọi Chúa là “ông”, rồi chuyển sang gọi là “ngài”, kế đến là “đấng tiên tri”, cuối cùng là “Đấng Kitô”.

Chúa làm thay đổi hoàn toàn tình thế: Chúa, người xin, trở thành người cho; chị phụ nữ, người được xin, trở thành kẻ đón nhận.

Một loạt những lời nói của Chúa Giêsu đã biến chính Người thành Đấng trao ban, còn chị phụ nữ thành người thụ nhận:

- “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).
- “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).
- “Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn” (Ga 4, 23).
- Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật (Ga 4, 34).
- Và sau hết, như một đoạn kết có hậu, một đoạn kết tất yếu phải có, Chúa Giêsu dứt khoát chỉ cho chị để chị nhận ra “Chân Lý” mà chị cần gặp, chị phải gặp. “Chân lý” ấy không phải ai khác mà là chính Chúa, Đấng đã tự mình tìm đến với chị: “Đấng Mêsia chính là Ta, Người đang nói với chị đây” (Ga 4, 26).
Bất cứ ai, khi được Chúa chạm đến, với điều kiện người ấy phải chấp nhận sự thật về mình, chấp nhận vạch trần con người tội lỗi của mình, đều được biến đổi. Một khi đã được biến đổi, người ấy lập tức trở thành chứng nhân của Chúa, chứng nhân của tình yêu tha thứ mà Chúa ban cho mình.

1. BIẾN ĐỔI:

Người phụ nữ Samaria chắc chắn đã phải giật thót mình khi “bị” một người xa lạ đánh đúng vào thái độ đùa nghịch với đạo đức, với luân lý mà chị đã quen sống từ trước đến nay.

Chị đã thật sự nhận ra mình trong phút chốc khi chị được Chúa soi sáng.

Không ai có thể thật sự thấy mình, cho đến khi soi mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Chị phụ nữ đã được Chúa buộc phải nhìn vào Chúa để từ đây, chị biến đổi chính mình.

Cú “giật mình” đã phải làm cho chị nhanh chóng thốt lên: “Tôi thấy ngài thật là một tiên tri…” (Ga 4, 19).

2. CHỨNG NHÂN:

Thánh Gioan đã không bỏ qua chi tiết chị phụ nữ “bỏ vò nước lại” ngay tại chỗ chị đã gặp Chúa Giêsu. Tại sao lại bỏ vò nước? hành động này, tuy nhỏ, lại nói lên nhiều ý nghĩa lớn:
- Sự biến đổi ngoạn mục trong chị đã làm cho chị phải dẹp những gì là cồng kềnh vướng víu, để lập tức ra đi trong nhẹ nhỏm, trong thanh thoát.
- Sự biến đổi ấy đã làm cho chị sung sướng đến độ không còn nhớ việc ban đầu của mình.
Điều duy nhất quang trọng lúc này là chạm đến chân lý, là khám phá tận căn con người hèn hạ của mình, nhằm chứng minh với mọi người Đấng đã giúp mình khám phá chính bản thân mình.
- Sự biến đổi đã thôi thúc chị ra đi với “tốc độ”, ra đi càng nhanh càng tốt.
Chị nóng lòng, không phải với việc múc nước nữa, nhưng là làm sao phải hô thật to, nói thật nhiều cho mọi người biết Đấng Tiên Tri và chạm đến Người, như chính mình đã được biết, đã được chạm đến.
- Chị “bỏ lại” để chị còn quay lại. “Bỏ lại” là lý do tốt nhất để còn được quay lại.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị khám phá sự thật về mình.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu chị biến đổi chính mình.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị ra đi loan báo ơn tái sinh.

Và rồi bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị quay lại với Chúa Giêsu.

Chúa vẫn yêu thích tìm đến cùng chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở lòng đón Chúa để được tái sinh và biến đổi đời mình.

Chúng ta hãy làm như chị người Samaria, đó là mềm lòng để Chúa uốn nắn. Từ nay ta sẽ trở về, biết chối từ quá khứ lầm lỡ đển vươn tới tương lai thánh thiện trong Chúa.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:23 15/03/2017
28. MƯỢN TÊN ĐỂ TẤU VẬN
Vương Tề Tấu tự là Nghiễn Linh, người Hoài Châu, có tài cao mà không thích chịu gò bó.
Khi ông ta làm một quan chức nhỏ ở Thái Nguyên đã thêm vào hai câu “Thanh ngọc án” và “Vọng Giang Nam” để chế giễu các quan giám sát ở Thái nguyên.
Do chuyện đó mà quan đầu huyện giận dữ hỏi Vương Nghiễn Linh tại sao, Vương Nghiễn Linh không chút mảy may hoảng sợ, lại còn lớn tiếng nói một câu để trả lời quan đầu huyện:
- “Kẻ có địa vị thấp nên thường sợ bị người khác gièm pha, chỉ là thêm vào “Thanh ngọc án” thì làm sao lại còn dám làm “Vọng Giang Nam” nữa chứ, phải không thưa ngài Mã đô giám ?”.
Lúc ấy Mã đô giám (tên một chức quan nắm trong tay đội vệ cấm thành, huấn luyện binh lính) chợt tiến vào đến ngồi bên cạnh Vương Nghiễn Linh nghe nói như thế, vì không kịp chuẩn bị nên đã hàm hồ ừ cho qua chuyện.
Sau khi hồi triều, Mã đô giám chất vấn Vương Nghiễn Linh:
- “Chuyện của ông tôi không biết chút gì cả, sao lại bắt tôi làm chứng chứ ?”.
Vương Nghiễn Linh cười nói:
- “Tôi chỉ là mượn tên của ngài để chạy tội thôi mà, xin đừng trách, đừng trách !”
(Hiên Cứ lục)

Suy tư 28:
Thời nay có rất nhiều người lợi dụng người khác để làm lợi cho mình: có người lợi dụng sự nghèo khó của người khác để bóc lột họ; có người lợi dụng sự đơn sơ của trẻ em để làm những chuyện đồi bại; có người lợi dụng sự nhẹ dạ của người tín hữu để làm tiền; có người lợi dụng chức vụ để vơ vét của cải cho mình...
Tình yêu chân chính là một tình yêu không tính toán, không vụ lợi, nhưng rất tôn trọng đối tượng của mình, Đức Chúa Giê-su đã thực hiện điều ấy khi Ngài tâm tình với Chúa Cha:
“Lạy Cha chí thánh,
xin gìn giữ các môn đệ
trong danh Cha mà Cha đã ban cho con,
để họ nên một như chúng ta”. (Ga 17, 11b)

Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương nhân loại và đã chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, đó là tình yêu cho đi để thánh hóa và thăng hoa đời sống của những ai tin vào Ngài.
Người thích lợi dụng người khác là người ích kỷ không có tâm hồn quảng đại và là người không biết thông cảm với người khác, cho nên họ thường là những người trở nên gánh nặng cho người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:33 15/03/2017
Chương 15:

CẦU NGUYỆN (1)


“Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40)

1. Cầu nguyện là sức mạnh mà chúng ta phải dựa vào. (Thánh John Bosco)



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thánh Giuse Mẫu Gương Cho Các Người Cha
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:45 15/03/2017
Thánh Giuse Mẫu Gương Cho Các Người Cha

(Mt 1, 16. 18-21.24)

Ngày 19 tháng 3, toàn thể Hội Thánh hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính dễ mến, dễ thương, là gương tốt lành cho các bậc làm cha làm chủ trong gia đình.

Trong khung cảnh của Mùa Chay Thánh. Giuse, vị thánh vĩ đại được Giáo Hội đề cao như là mẫu gương cho người thế noi gương, bắt chước, học đòi. Ngài là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà, là vị gia trưởng thánh thiện, vâng phục, khiêm cung trong gia đình Nagiarét.

Tin mừng gọi thánh Giuse là người công chính. Công chính trước hết có nghĩa là tuân giữ luật Chúa (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là nhân hậu, và trắc ẩn (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Đức công chính của thánh Giuse xem ra nổi bật hơn cả. Chẳng thế, Giuse đính hôn với Maria như bao thanh nam nữ tú thời bấy giờ. Theo phong tục Do thái, khi hai người nam nữ đính hôn, trước luật pháp đã thành vợ chồng, nhưng chưa chung sống; một năm sau đính hôn, chồng rước vợ về sống chung. Thời gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.

Thế mà Maria đã có thai trước khi về chung sống. Giuse thật khó xử. Tin mừng viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Vì công chính, Giuse không tố cáo Maria, hay làm nhục người mà ông thương mến yêu; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi. Vì công chính, nên Giuse hành động theo ý Chúa, sau lời giải thích của Thiên thần, Giuse tín thác hoàn toàn, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

Vốn là người vâng nghe ý Chúa, Giuse đã sống ơn gọi làm chồng cách trung thành. Vì thế, thánh nhân trở nên người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

Nếu như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, gia đình nhân loại hôm nay cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa biết bao. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, các gia đình hôm nay đang rất cần có những người chồng, người cha công chính và có lòng bác ái như thánh cả Giuse.

“Hãy cứu lấy các gia đình hỡi những người cha” là lời kêu gọi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđitô, ngài tiếp : “Các gia trưởng sẽ bớt bài bạc, bớt những chén rượu, bớt đi những cuộc vui vô bổ, để làm gương sáng cho con cái về lòng tin ; để con cái siêng năng cầu nguyện và đến với Chúa khi nhìn vào cha mẹ của mình…”. Thánh Giuse đã làm điều đó, đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, dẫn về thành Nagiaréth vui sống bình an.

“Tình yêu là sứ mạng của chúng ta” là chủ đề của ĐHGĐTG tại Philadelphia năm 2015. Tình yêu là cốt lõi làm nên ý nghĩa cho đời sống gia đình. Nếu Thiên Chúa không yêu thương thì không tạo dựng gia đình, không có mầu nhiệm nhập thể, và không có chết trên Thánh giá. Cũng vậy, không có tình yêu, chẳng ai dại gì mà kết hôn với nhau cho nó nặng nề. Có tình yêu, người ta mới sống với nhau trong tình nghĩa vợ chồng, hy sinh, quên mình để sống cho người khác. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Thiên Chúa gieo mầm tình yêu đó nơi mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đến để trao cho chúng ta sống và biểu lộ tình yêu ấy cho đồng loại.

Yêu là luôn nghĩ tốt, nỗ lực làm tốt, nói tốt, muốn điều tốt nhất cho người mình yêu. Tình yêu là sứ mạng, thì các gia đình Công Giáo phải thay đổi cách nhìn về gia đình, vì hôm nay ly dị quá nhiều, gia đình bị tan nát, gia đình hai người nam, hoặc nữ kết hôn với nhau. Một bức tranh tăm tối, ảm đạm phủ trên gia đình. Giáo Hội phải có sứ mạng tình yêu đó, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ để gieo niềm và hy vọng trong đời sống gia đình.

Thánh Giuse là người biết nhìn lên, luôn cố gắng đáp lại kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Giuse cũng là người biết nhìn xuống Đức Maria và Chúa Giêsu, đồng thời cố gắng giải thích những hành động của họ cách thiện ý nhất. Nhìn thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, hai cha con nhìn nhau làm chúng ta nhớ tới anh Đinh Văn Manh cõng vợ là Lương Thị Hà “đi khắp thế gian” (phát sóng ngày 9/5 trên VTV3, Đài truyền hình Việt Nam). Hay là ông Lê Xuân Hồng cõng con là Lê Xuân Bách (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) suốt 20 năm trời đến trường, theo đuổi giấc mơ đỗ Đại học phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 ngày 24/10 thật là cảm động. Sau những thành công mà hai cha con vất vả đạt được luôn có hình bóng người mẹ động viên, an ủi. 3 con người, ba trái tim giàu tình yêu thương, họ sống bên nhau, nương tựa vào nhau trong khó khăn, hoạn nạn nhưng lại chưa bao giờ kể cho nhau nghe những tâm tình từ đáy lòng. Chưa hết, ngày con nhập trường cũng là ngày ông cùng con lên trường xin làm bảo vệ để tiếp tục cõng con. Người vợ nói rằng, ông Hồng là người đàn ông tuyệt nhất thế gian.

Vợ chồng, hay bố mẹ cõng nhau xem ra ruột thịt, nhưng Báo Dân Trí có đăng em Nguyễn Văn Phong cõng bạn là Lê Xuân Tú (cùng sinh năm 1998, chung lớp 11C5) đến trường suốt 5 năm trời vì thương bạn quá. Tình bạn không vơi, Tốt nghiệp THCS, Tú và Phong lại may mắn thi đậu vào trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) và được xếp vào học cùng một lớp.

Đó không phải là thực hành sứ mạng tình yêu và lòng bác ái trong gia đình noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse như Chúa dạy đó hay sao.

Kính xin thánh Giuse từ Trời cao trợ giúp các gia đình chúng ta, đặc biệt là những người cha. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ III Mùa Chay A. 19.3.2017
Lm Francis Lý văn Ca
15:05 15/03/2017
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta cùng theo chân Đức Kitô trên đường rao giảng Tin Mừng và cùng với Ngài dừng chân bên bờ giếng Giacób. Bên bờ giếng nầy, Chúa Giêsu đã gặp người thiếu phụ Samaritana đến múc nước. Từ việc Chúa Giêsu xin người thiếu phụ nước uống để đỡ khát, Chúa đã hướng người thiếu phụ nầy đến một thứ NƯỚC HẰNG SỐNG.

Đời sống của người tín hữu chúng ta phải luôn khao khát thứ nước mà Chúa đã hứa cho người thiếu phụ, nước hằng sống, nếu chúng ta biết cần đến Chúa, chạy đến Ngài để gặp gỡ Ngài trong sự cầu nguyện và năng lãnh nhận các phép bí tích.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Bài đọc thứ I hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện Môisen dẫn dân Dothái về Đất Hứa. Họ đang ở giữa sa mạc và đang khát. Môisen đã cầu xin Chúa ban cho họ nước. Chúa đã làm phép lạ cho nước chảy ra từ tảng đá Aqua, để cứu họ và đoàn súc vật.

TRƯỚC BÀI II:
Niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu chuộc và thứ tha phải là trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu, qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Bài đọc thứ I đã chuẩn bị phần nào cho bài Tin Mừng chúng ta sắp nghe hôm nay. Chúa dùng câu chuyện xin nước bên bờ giếng Giacób để hướng lòng chúng ta đến nguồn nước hằng sống chảy ra từ nguồn của 7 phép bí tích Chúa đã thiết lập trong Giáo Hội.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Tư tưởng của các bài đọc hôm nay, phần nào hướng chúng ta về phép rửa tội. Chúng ta cầu xin Chúa, qua việc được tái sinh làm con cái Chúa, chúng ta sẽ làm chứng nhân cho Chúa qua ơn được làm con cái Chúa.

1. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và tất cả những ai đã được tuyển chọn vào chức vụ thánh, luôn được tràn đầy ơn Chúa, để hướng dẫn Dân Chúa mạnh dạn tiến về Đất Hứa trong ơn Thánh. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho Dân Riêng Dothái của Chúa - vì qua dân tộc của họ - ơn cứu chuộc đã đến với nhân loại. Xin Thánh Linh Thiên Chúa mở lòng trí họ, để họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa Giavê thể hiện nơi Đức Kitô. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Qua tinh thần của bài Tin Mừng, câu chuyện bên bờ giếng Gacób, chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em vì hoàn cảnh nào đó phải sống ly thân hoặc ly dị, với ơn Chúa trợ lực, sẽ mang lại cho họ niềm cậy trông. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho những anh chị em tân tòng, đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong mùa Phục Sinh. Với sự giúp đỡ của các giảng viên giáo lý, họ sẽ xứng đáng lãnh nhận những bí tích khai tâm Kitô giáo. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin Chúa trả công bội hậu, cho những giảng viên giáo lý trong cộng đoàn xứ đạo, đã hy sinh thời gian, để chuẩn bị cho những ai muốn gặp gỡ Chúa, qua bí tích rửa tội. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con dâng kên Chúa những ý nguyện cầu của cộng đoàn dân Chúa đang họp nhau trước tôn nhan Chúa. Xin cho đời sông của con cái Chúa nơi trần gian luôn sống gắn bó, mật thiết với Chúa, qua sự cầu nguyện, lãnh nhận các phép bí tích. Đặc biệt là bí tích giải tội và thánh thể. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.

 
Nước nước nước
Lm Vũđình Tường
21:01 15/03/2017
Nước và sức khoẻ có quan hệ mật thiết. Người mạnh khoẻ uống li nước lạnh khi khát thấy nước ngọt lịm, mát lòng, mát dạ; khi không được khoẻ uống nuớc thấy nhạt nhẽo, không thấy mùi cũng chẳng có vị. Bệnh tật không những làm mất vị giác, còn làm cho ta cảm thấy mất hứng thú trong việc ăn uống. Người phụ nữ thành Samaritanô ra giếng múc nước mỗi ngày. Nơi đây bà gặp Đức Kitô đang ngồi nghỉ nơi bờ giếng trong lúc các môn đệ vào làng mua thực phẩm. Bà rất đỗi kinh ngạc khi Đức Kitô xin bà nước uống. Bà đáp lại với vẻ diễu cợt.

Sao được, ông là người Do Thái mà lại xin tôi nước uống.

Cuộc đàm thoại tiếp tục bà lại đáp với vẻ vừa thắc mắc vừa nghi.

Ông không có gầu múc nuớc, giếng lại sâu làm sao ông có thể cho tôi nước uống.

Đức Kitô tiếp tục nói với bà và bà thay đổi thái độ từ không quan tâm đến có vẻ nghi ngờ và giờ đây bà tỏ ra kính trọng khi nói với Đức Kitô là ‘thưa Ngài’. Ngôn từ thay đổi cho biết thâm tâm bà cũng thay đổi. Mỗi bước đổi thay trong cách đối xử là một biến chuyển nội tâm.Từ chỗ coi Đức Kitô là người xa lạ, đến chấp nhận đàm thoại và biến sang kính trọng ‘thưa Ngài’ rồi đổi sang ‘ông là một tiên tri’. Mỗi bước là một biến chuyển trong tâm hồn, quan trọng nhất khi bà coi Đức Kitô là tiên tri bởi tiên tri là nguời đại diện và phát ngôn cho Đấng Vô Hình. Tiên tri là người chịu nhiều thử thách bởi ngôn từ và lời kêu gọi thống hối, hoán cải, thay đổi lối sống. Tiên tri thường gặp chống đối mãnh liệt từ tấm lòng tự cao, tự đại. Từ đó dẫn đến tìm cách triệt hạ tiên tri, đổ máu người kêu gọi sống công chính. Người phụ nữ thành Samaritanô nhận ra Đức Kitô là phát ngôn cho Đấng Vô Hình nhưng bà không biết Đấng đó sẽ chịu chết đền tội thay nhân loại. Bà thú nhận Ngài là ‘Đấng Cứu thế’ nhưng không biết Đấng đó cứu độ bằng cách nhận chết thay cho nhân loại. Tuyên xưng đức tin xong bà nhanh chân chạy vào làng báo cho mọi người biết có Đấng Cứu Thế đến thăm dân làng. Dân chúng ùa ra gặp Đấng Cứu Thế và sau khi nghe Đức Kitô họ xác nhận. Chúng tôi tin không phải do lời bà nói mà chính tai chúng tôi nghe thấy, mắt chứng kiến và chúng tin Ngài là Đấng Cứu Thế.

Cả hai cùng nói về nước nhưng mỗi người hiểu nước một cách khác nhau. Bà nói về nước cần thiết cho cuộc sống trần gian, Đức Kitô nói về nước cần thiết cho cuộc sống thiên quốc. Nước thiên nhiên mang sức sống cho cơ thể; nước hằng sống mang sự sống trường sinh cho tâm hồn. Nước thiên nhiên đến từ lòng đất; nước hằng sống đến từ lòng con người. Nước thiên nhiên đến từ bên ngoài; nước hằng sống có nguồn sống từ nội tâm. Nước thiên nhiên mang niềm vui cho chính mình; nước hằng sống là nguồn hoan lạc cho tha nhân và mình là một thành phần trong đó. Nước hằng sống ban cho nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa.

Cuộc đàm thoại giữa Đức Kitô và người phụ nữ cho biết Đức Kitô đã phá một số rào cản của xã hội thời đó. Thứ nhất là phụ nữ và đàn ông không đàm thoại nơi công cộng, nhất lại là bờ giếng là nơi phụ nữ trong làng ra kéo nước. Thứ hai người đàn ông đó lại là người xa lạ. Kế đến người Do Thái không xã giao với người ngoài tôn giáo của họ. Hơn nữa người phụ nữ bên bờ giếng lại là người nổi tiếng trong làng về tư cách của cô ta nên ai đó liên hệ với cô đều bị người khác coi thường, khinh miệt. Chính vì thế mà cô lựa lúc trời nóng bức, lút vắng người ra kín nước giếng để lấy nước.Đức Kitô đã làm việc đó và chính người phụ cũng ngạc nhiên và các môn đệ Ngài nhìn thấy cũng nhột nhạt. Người phụ nữ cũng tỏ ra có một ít kiến thức về tôn giáo. Hoặc cũng có thể cô ta đang tìm kiếm hướng đi cho cuộc sống tâm linh và cô gặp Đức Kitô soi sáng. Tội lỗi làm lu mờ tâm trí và ảnh hưởng đến việc chọn lựa cho tâm linh. Đức Kitô đã khai sáng cho cô từng bước một cho đến khi cô trở thành môn đệ Chúa.

Chân thành lắng nghe lời Đức Kitô dẫn đến nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế, Đấng đến mang nuớc hằng sống cho nhân loại. Đối thoại với Đức Kitô bà học biết về cuộc đời mình và việc đã làm nên bà tự thú ‘Ngài đã nói cho tôi biết các việc tôi từng làm’. và cô trở thành môn đệ Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Suy Niệm Lễ Truyền Tin
LM. Anthony Trung Thành
21:13 15/03/2017
Suy Niệm Lễ Truyền Tin

Tầm Quan Trọng Của Hai Tiếng Xin Vâng

Biến cố truyền tin chỉ có Tin Mừng của Thánh Luca ghi lại. Đây là biến cố hết sức quan trọng trong lịch sử cứu độ. Biến cố này xảy ra trước lễ Giáng Sinh 9 tháng.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nhân loại: đó là phải xa cách Chúa, phải đau khổ và phải chết. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu độ con người. Ngài nói với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15).

Từ đó, cả nhân loại sống trong tối tăm mù mịt, trông chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa. Trông chờ trong niềm tin. Trông chờ trong hy vọng. Trông chờ trong cầu nguyện. Sự trông chờ đó được thể hiện qua lời cầu nguyện triền miên của dân Do Thái, được phụng vụ nhắc lại trong Mùa Vọng: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời” (Is 45,8). Thế rồi, niềm tin, niềm hy vọng của sự trông chờ được đáp trả trong biến cố Truyền Tin hôm nay.

Đức Maria là một thôn nữ nhà quê. Thời đó, Mẹ cũng sống như bao nhiêu người Do Thái khác. Mẹ cũng trông chờ Đấng Cứu Thế đến. Có lẽ cho tới khi Thiên Thần đến báo tin thì Mẹ vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng, Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự nơi Mẹ. Ba tuổi, Mẹ đã dâng mình trong đền thờ. Lớn lên, Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh. Mẹ chuyên chăm suy niệm Lời Chúa. Mẹ luôn cầu nguyện. Chính khi Thiên Thần Gabriel đến cũng là lúc Mẹ đang chìm đắm trong kinh nguyện. Thế rồi, cuộc trò chuyện có một không hai trong lịch sử giữa Mẹ và Thiên Thần Gabriel bắt đầu. Cuộc trò chuyện lịch sử này cho chúng ta nhiều điều bất ngờ.

Mở đầu cuộc trò chuyện là việc Thiên Thần chào Đức Mẹ một cách cung kính rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,28). Lời chào này được Giáo Hội đưa vào đoạn đầu của Kinh Kính Mừng. Giáo Hội cũng giữa vào lời chào này để giải thích về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Bởi vì, Mẹ đầy tràn ơn phúc, đầy tràn Chúa, tội lỗi không có thể len lỏi vào. Rồi Thiên thần còn cho biết “Mẹ có phúc hơn các người phụ nữ.” Bởi vì Mẹ được làm mẹ Thiên Chúa và Mẹ được Thiên Chúa ban cho nhiều đặc ân đặc biệt khác, hơn hẳn các phụ nữ trên trần gian này.

Tiếp đến, Thiên Thần cho Mẹ biết, Mẹ sẽ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Thiên Thần nói: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.” (Lc 1, 31-33). Đây là một tin vui. Tin vui cho Mẹ và cho cả nhân loại. Nhưng tin vui này đến với Mẹ quá bất ngờ. Bất ngờ vì Mẹ không bao giờ nghĩ tới. Bất ngờ vì Mẹ đã có chương trình riêng của Mẹ là “khấn giữ mình đồng trinh.” Đức Mẹ phân vân giữa việc giữ mình đồng trinh và làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ thưa lại với Thiên Thần rằng: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”(Lc 1,34).

Hiểu được ý Mẹ, Thiên Thần liền cho Mẹ biết, Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Thiên Thần nói: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”(Lc 1,35). Và để thuyết phục Mẹ, Thiên thần còn đưa ra một dẫn chứng cụ thể, đó là trường hợp của bà Ê-li-sa-bét. Thiên Thần cho biết: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,36). Thiên thần còn nhấn mạnh thêm: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

Sau khi Thiên thần đã cho biết ý định của Thiên Chúa và giải thích về những băn khoăn thắc mắc trong lòng Mẹ. Giờ đây, số phận nhân loại tùy thuộc vào hai tiếng “xin vâng” của Mẹ. Cho nên, hai tiếng xin vâng của Mẹ hết sức quan trong, liên quan đến vận mạng của cả nhân loại. Vì thế, khi nói về tầm quan trọng của hai tiếng xin vâng, Thánh Bênađô kêu lên rằng: "Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavít cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ."

Đức Maria cũng biết rõ điều đó. Ở đời, người ta thường so sánh cái được cái mất. Xin vâng thì được gì, mất gì? Đối với Mẹ, từ một thiếu nữ bình thường, nay thưa xin vâng sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Từ một thiếu nữ chỉ lo biết việc cá nhân, gia đình, nay thưa xin vâng sẽ phải lo việc Chúa, cưu mang Chúa, sinh ra Chúa, nuôi nấng Chúa, đem Chúa đến với nhân loại. Hành trình phía trước quá vất vả, gian nan. Như vậy, nếu thưa “xin vâng” thì Đức Mẹ được Chúa, cứu được nhân loại, nhưng Đức Mẹ phải chấp nhận làm “đấng Đồng công cứu chuộc,” nghĩa là chấp nhận hy sinh đau khổ. Thế rồi, cuối cùng Đức Maria cũng mạnh dạn đưa qua quyết định của mình. Mẹ thưa với Thiên Thần rằng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38).

Ôi, vui quá! Hạnh phúc quá! Vì sau khi dứt lời thưa xin vâng của Đức Mẹ thì “chốc ấy Ngôi Thứ Hai Xuống Thế Làm Người.”

Nếu đọc tiếp Tin mừng chúng ta sẽ thấy, đi liền với hai tiếng xin vâng của Mẹ là những niềm vui và nỗi buồn, những hạnh phúc và đau khổ. Niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ mang Chúa đến với mọi người như biến cố Mẹ đem Chúa đến với bà Ê-li-sa-bét và ông Gioan Tẩy Giả. Niềm vui của Mẹ được thể hiện qua bài Magnificat. Nhưng quan trọng hơn là Mẹ mang Chúa đến với cả nhân loại. Mẹ trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Thế nhưng, đi liền với niềm vui là một chuỗi ngày tháng năm chồng chất những đau khổ. Bảy sự thương khó của Mẹ nói lên tất cả. Mẹ đau khổ nhưng nhân loại sẽ được cứu độ.

Có thể nói, nhân loại không mất gì nhưng lại được rất nhiều nhờ hai tiếng “xin vâng” của Mẹ. Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại.”

Nhờ Mẹ, nên có Đấng Cứu Thế mà hàng ngàn năm nay nhân loại chờ đợi. Có Đấng Cứu Thế nên mới có ơn cứu chuộc. Có Đức Giêsu nên mới có Giáo Hội. Có Giáo Hội nên mới có linh mục. Có linh mục nên mới có các Bí tích và muôn vàn ân sủng khác. Ôi thật hạnh phúc với hai tiếng xin vâng của Mẹ. Mẹ hạnh phúc và nhân loại còn hạnh phúc hơn. Nhân loại biết ơn vì hai tiếng xin vâng của Mẹ. Nhân loại phải luôn cùng với Mẹ cất lên lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” (Lc 1,46-55).

Mẹ Maria đã cưu mang Chúa sau lời thưa xin vâng. Mỗi người chúng ta cũng được cưu mang Chúa sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức, và được nuôi dưỡng từ Bí tích Thánh Thể. Từ đó, Chúng ta cũng được Chúa mời gọi đáp lại hai tiếng “xin vâng” mỗi ngày.

Xin vâng theo lời thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Để rồi chúng ta được mời gọi làm mới lại tiếng xin vâng đó, bằng cách chấp nhận “xin vâng” trong mọi cảnh huống của cuộc đời: Có khi đó là lời mời gọi của Chúa qua Giáo Hội; hay là lời mời gọi của Chúa qua cha mẹ, anh chị em, qua các chương trình bác ái từ thiện. Đôi khi đó lại là lời mời gọi chấp nhận một thất bại, một cơn bệnh, một sự mất mát khổ đau. Nhiều lúc chúng ta bắt gặp lời mời gọi sống và tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh… Có thể nói, mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta như là những lời truyền tin mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Như Đức Mẹ, chúng ta hãy khiêm tốn thưa “xin vâng”.

Nhưng xét mình lại, nhiều khi chúng ta bất tuân, chúng ta lỗi lời thề hứa ngày chịu Bí tích Rửa tội. Chúng ta không theo ý Chúa nhưng làm theo ý riêng mình. Chúng ta sống quá ích kỷ, chỉ biết đón Chúa về nhà và đóng chặt cửa lại, rồi để niềm vui của Chúa bị bóp nghẹt nơi cuộc sống của chúng ta chứ không đem Chúa đến với tha nhân. Vậy, xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã can đảm thưa hai tiếng “xin vâng” để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Xin dạy chúng con biết thưa xin vâng trong mọi cảnh huống của cuộc đời, để chúng con luôn trung thành với Chúa trong đức tin và đặc biệt từ đó chúng con biết đem Chúa đến với tha nhân. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 15/3/2017
VietCatholic Network
10:59 15/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”.

2- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

3- ĐTC nói, ngài luôn bình an dù là một người có tội.

4- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

5- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

6- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

7- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

8- Bangladesh: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân cần cứu trợ khẩn cấp.

9- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

10- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”

Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. ĐTC chia sẻ như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, ngày thứ Ba, 14-3-2017. ĐTC nói:

“Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình. Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện. Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện… Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.”

ĐTC nói thêm, chúng ta cũng phải “Học làm điều tốt cụ thể chứ không chỉ nói xuông… Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể. Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa… Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.

ĐTC cũng khuyên mọi người cần thức tỉnh và khiêm tốn đón nhận sự đỡ nâng của Chúa để được thứ tha. Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết.

Và ĐTC kết luận: “Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.”

- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

Một trong các mục đích của Năm Thương Xót do ĐTC Phanxicô khởi xướng là cổ vũ tín hữu chạy tới với Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa Nhập Thể tại tòa giải tội, đúng nghĩa là Tòa Thương Xót. Tuy nhiên, tòa ấy đã bị lạm dụng và hiểu lầm một cách hết sức tệ hại bởi não trạng hiện đại. Một trong những lạm dụng ấy là người ta dùng nó làm khí cụ tấn Công Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một thứ pháo đài bao che tội lỗi ấu dâm. Quyền lực trần thế đang tìm đủ cách để phá đổ Tòa Thương Xót này bằng cách soi mói, buộc các thừa tác viên của Giáo Hội phải nói ra những thổ lộ tâm tình sâu kín nhất của những tâm hồn đau khổ đi tìm sự an ủi của Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng ấn tòa giải tội rộng đến nỗi linh mục không buộc phải xác nhận mình có giải tội cho một người nào đó hay không, huống chi là nội dung cuộc xưng tội.

Tòa Thương Xót cũng thường bị hiểu lầm. LM Dwight Longenecker, một cựu mục sư Anh Giáo, ngày 6 tháng Ba vừa qua, có viết một bài về sự hiểu lầm tai hại này, trong đó ngài cho rằng, một trong các lý do khiến ít người Công Giáo đi xưng tội là họ thực sự không nghĩ họ làm gì ra tội cả. Cha không trách tín hữu vì họ đã bị phỉnh lừa lâu nay bởi “60 năm giáo lý kiểu nựng chó con và mèo con”. Đây là một nền giáo lý, trong đó, không ai được dạy về tội lỗi, mà toàn nói tới yêu thương, nắng hồng và con cái Thiên Chúa, để họ cảm thấy mình hay, mình tốt, đáng yêu. Nền giáo lý trên được tăng cường bởi một thứ tâm lý học làm vui lòng người trong đó, mọi người đều tốt lành cả… Một số linh mục cũng mềm lòng vốn quen với ý niệm cho rằng mình không nên nói đến tội lỗi kẻo làm người ta có mặc cảm tội lỗi và điều này chẳng hay ho chi. Thành thử, tín hữu ... không những không biết về tội lỗi mà còn về cả trách nhiệm bản thân và việc cần phải chọn lựa nữa. Nếu không có tội, thì đâu cần phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu làm chi!

Bởi thế, Mùa Chay năm nay, Cha Longenecker dựa vào bức tranh hỏa ngục của Dante để nói về bản chất của tội, chiều sâu của tội và cái tinh vi của tội. Theo Cha, Dante đã dẫn ta tới hỏa ngục để học về tội: tội không chỉ có nghĩa các điều xấu đã làm mà còn là các điều tốt không làm nữa. Không làm điều xấu đã đành là được rồi, nhưng không làm điều tốt có đáng lên thiên đàng không? Nói đến tội làm người ta khó chịu, có mặc cảm tội lỗi hoặc làm họ sợ phải nghĩ tới thiên đàng. Nhưng, Cha Longenecker kết luận, chẳng thà sợ mà nghĩ tới thiên đàng còn hơn như bồ hóng trong hỏa ngục!

- ĐTC nói ngài luôn bình an dù là một người có tội.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô nói ngài luôn bình an dù là một người có tội. Khi được hỏi về các cuộc tấn công đích danh đối với ngài gần đây, ĐTC Phanxicô cho hay: “Từ lúc tôi được bầu làm giáo hoàng đến nay, tôi chưa bao giờ mất cảm thức bình an. Tôi hiểu một số người có thể không thích lối hành động của tôi, tôi còn biện minh cho họ nữa vì có rất nhiều lối suy nghĩ; thậm chí còn được phép, hợp nhân bản và ngay cả phong phú nữa”.

Về các bích chương phản đối ngài thiếu lòng thương xót và ấn bản giả của tờ L’Osservatore Romano mới đây, ĐTC Phanxicô cho biết ngài thấy ấn bản giả không phong phú chút nào, nhưng các bích chương phản đối thì có. Ngài nói: “Tiếng địa phương Romanesco trong các bích chương ấy quả tuyệt diệu!”, chắc chắn do một người có học thức cao viết.

Nhân dịp này, ngài thổ lộ: ngày nào ngài cũng đọc kinh Ông Thánh Thomas More, xin được ơn biết hài hước. Ngài bảo: “Chúa chưa lấy mất sự bình an của tôi, và Người ban cho tôi đủ tính hài hước”. Và cũng như trước đây, ngài thú nhận mình là người có tội và có những khoảnh khắc ngài nổi điên với Chúa Giêsu hoặc nói rằng ngài không hiểu tại sao một điều gì đó lại xẩy ra, kể cả những điều chính ngài làm.

- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

Ngày 13 tháng 3, 2017 là tròn 4 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng “đến từ cùng tận của thế giới” đã chiếm được trái tim của các tín hữu khi nói về lòng thương xót và chú ý đến những người cùng đinh nhất. Nhà báo Michele Raviart đã phỏng vấn một số tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 12 tháng ba vừa qua về những kỉ niệm và ấn tượng họ có về ĐGH Phanxicô. Một tín hữu nói: “ĐGH đến từ nơi rất xa, từ miền đất xa xôi ở Argentina. Rồi tên của ngài, cách đặc biệt, gợi nhớ đến thánh Phanxicô. Điều đầu tiên mà tôi thích, đó là ngài muốn đến ở nhà Santa Marta thay vì ở trong dinh tông tòa như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đó là một điều thật đẹp. Ngài là một Giáo hoàng tốt lành, nhắc tôi hơi nhớ đến ĐGH Gioan XXIII.”

Nhiều tín hữu nói rằng: “Ngài là một người vĩ đại …”, “Lòng thương xót của Đức Giáo Hoàng đối với tất cả, không có sự phân biệt”, và “Lòng tốt lành của Đức Giáo Hoàng đã đánh động họ. Ngài sẽ để cho các người trẻ, 100 năm nữa, một cử chỉ không thể lấp đầy.” Một tín hữu đã tâm sự, “Nhìn thấy ngài sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ rẻ tiền, thấy sự đơn giản của ngài, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn đẹp nhất đối với tôi, ngài thực sự là một người của gia đình.” Khi ký giả Raviart hỏi các tín hữu mong ước điều gì trong thời gian còn lại của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô, câu trả lời gần như đồng nhất là họ mong là triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài thật lâu để ngài tiếp tục truyền bá ý tưởng về tình huynh đệ, và dân chúng hiểu là ngài mong có sự tốt lành trên thế giới và sự giản đơn. Một tín hữu biểu lộ sự yêu mến ĐGH một cách mạnh mẽ: “Cầu mong ngài không đi xa, không bao giờ, không bao giờ! ĐGH này sẽ sống 1000 năm!”

Đức Phanxicô cũng cho hay ngài không cảm thấy ngài là “một người đặc biệt” và các chờ mong người ta đặt lên ngài, có hơi cường điệu hóa, quả không công bằng đối với ngài. Ngài bảo: “tôi không phải là người tồi, không, nhưng tôi là một người làm điều mình có thể làm… Được hỏi ngài có sợ làm ngã lòng các vị ở trong Giáo Triều với những lời lẽ như trên hay không, nếu các vị này cần có một người cha hoàn hảo, Đức Phanxicô trả lời: không, không có chuyện người cha hoàn hảo, vì chỉ có một người cha hoàn hảo mà thôi, đó là Thiên Chúa.

- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

Trong mấy ngày đầu tháng ba này, Đức Cha Munib Younan, Giám mục của Giáo Hội Luther Giordania và Thánh Địa, kiêm chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới, đã có mặt tại Firenze, trung bắc Italia, để tham dự đại hội về đề tài “Đọc hiểu trở lại cuộc Cải Cách”. Nhân dịp này Đức Cha đã dành cho phóng viên Riccardo Burigana một bài phỏng vấn về cuộc đối thoại đại kết. Trong cuộc phỏng vấn này, khi được hỏi cuộc đối thoại đại kết diễn tả điều gì đối với Liên Hiệp Luther thế giới.

Đức Cha Younan trả lời: “Đối với tín hữu Luther, đại kết là trung tâm cuộc sống đức tin, chính vì thế Liên Hiệp đã thăng tiến cuộc đối thoại song phương với Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội chính thống, các Giáo Hội cải cách, Giáo Hội anh giáo, và các cuộc nói chuyện với các anh em Pentecostal và Baptist, cũng như thăng tiến một lộ trình sám hối với anh em Menonít. Tuy nhiên, đại kết không phải chỉ là một việc đối chiếu thần học để hiểu xem phải thắng vượt các chia rẽ như thế nào. Nó … phải đi sâu vào kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của từng kitô hữu… Tinh thần cuộc gặp gỡ tại Lund có thể giúp các tín hữu kitô khám phá ra rằng đại kết có nghĩa là cùng nhau sống Chúa Kitô để cùng nhau đương đầu với các thách đố chung cho mọi kitô hữu.

Trả lời một câu hỏi khác về các liên lạc giữa Liên Hiệp Luther và Giáo Hội Công Giáo sau cuộc gặp gỡ tại Lund, ngài cho biết tài liệu “Từ xung khắc tới hiệp thông“ đã được soạn thảo, đề ra 5 điểm hướng dẫn con đường đại kết, khởi hành từ việc thừa nhận phép rửa duy nhất trong Chúa Kitô… Từ 50 năm qua, các tín hữu Công Giáo và Luther đã bắt đầu cuộc đối thoại đại kết … Giờ đây điều quan trọng là cuộc đối thoại này không chỉ được sống tại Roma hay tại Genève thôi, mà phải đi tới với mọi cộng đoàn địa phương. Được hỏi về sự dấn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự liên lụy cá nhân của ngài trong phong trào đại kết, ngài đáp:

“Truớc hết, tôi tin rằng thật là quan trọng nhắc lại rằng Đức Gioan XXIII, với Công Đồng Chung Vatican II, đã mở ra một mùa mới được các vị kế nhiệm tiếp tục. Tôi đã có niềm vui được gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI cũng như ĐGH Phanxicô, sống kinh nghiệm những gì các vị có trong tim, không phải chỉ có con đường đại kết mà cả việc thăng tiến đối thoại với tất cả mọi người. ĐGH Phanxicô, người anh em của tôi trong Chúa Kitô, nhắc nhở rằng khi cùng tiến bước các kitô hữu mạnh mẽ hơn trong việc loan báo Chúa Kitô. Đối thoại là tương lai. ĐTC Phanxicô đã hiểu điều này, ngài thực thi và nhập thể nó. Trong đối thoại và với đối thoại, các kitô hữu được mời gọi cùng nhau sống hoà bình, công bằng, cứu vãn thụ tạo và yêu thương.

- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

Manila – Hôm thứ hai, 6-3-2017, chính quyền tổng thống Duterte đã thông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo Hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, Đức Cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo Hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo Hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.” Đức Cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo Đức Cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Trong nhiều tháng qua, Giáo Hội đã lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình.

- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

Từ Vienne, thủ đô nước Áo, ngày 2 tháng 3 vừa qua, tổ chức kiểm soát ma túy quốc tế, gọi tắt là OICS, trực thuộc LHQ đã mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy ngoài vòng pháp luật do tổng thống Philippines phát động. Chỉ trong vài tháng, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã gây ra hàng ngàn nạn nhân. Nhiều người bị hành hung hay sát hại chỉ vì bị nghi ngờ là dính líu đến ma túy. Tổng thống Rodrigo Duterte khích lệ những vụ sát hại sơ sài không cần xét xử này. Cảnh sát Phi cho biết đã bắn hạ 2.500 người buôn bán hay xử dụng ma túy và 4000 người khác thì bị giết trong những hoàn cảnh không được sáng tỏ.

Tổ chức kiểm soát tình hình ma túy quốc tế OICS có trụ sở tại Vienne, trong quá khứ, đã từng kêu gọi chính quyền Phi ngưng ngay các chiến dịch ngoài vòng pháp luật này. Trong phúc trình công bố hôm 2.tháng ba vừa qua, OICS cứng rắn tái lên án một lần nữa mọi hành động nhắm vi phạm các quyền con người và chà đạp nhân phẩm cách trầm trọng như thế.

Tuy không đả động đến dự định của tổng thống Phi muốn tái lập án tử hình cho những kẻ phạm tội buôn bán ma túy, phúc trình của tổ chức OICS khích lệ các quốc gia còn án tử hình hãy hủy bỏ án này đối với những tội phạm liên quan đến ma túy. Philippines đã xóa bỏ án tử hình cách đây 11 năm. Các đảng phái đối lập tại Philippine chống lại việc tái lập án tử hình vì trong những điều kiện tham nhũng thối nát tại nước này hiện nay, có nguy cơ nhiều người vô tội có thể bị kết án tử hình.

- Tích Lan: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân.

Khoảng một triệu người đang cần thực phẩm và hàng chục ngàn người đang cần cứu trợ một cách khẩn cấp vì nạn hạn hán nghiêm trọng ở Sri Lanka, Bangladesh. Đó là tóm lược cuả những lời báo động từ các tuyên bố của chính phủ Sri Lanka và cuả Liên Hiệp Quốc.

Trong năm vừa qua, đất nước này đã phải đối mặt với một nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm quản lý thiên tai cho biết đã có tới một triệu 200 ngàn người bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Khoảng 900,000 cần thực phẩm cấp bách, trong số này, khoảng 80.000 cần cứu trợ khẩn cấp.

Hạn hán ảnh hưởng đến 23 huyện trong tổng số 25 huyện cuả quốc gia. Theo ước tính thì một phần ba dân số đang gặp phải khó khăn về nguồn nước. Chính phủ đã phải bắt đầu phân phối nước đến 180 ngàn gia đình kể từ ngày 2 tháng ba.

- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

Các lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Coptic ở Anh đã nói rằng, mặc dù các tín hữu Ai Cập là nạn nhân của nạn quấy nhiễu và bạo lực, họ đã sẵn sàng tha thứ theo một tiêu chuẩn Tin Mừng mà mọi người nên bắt chước. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài EWTN, Giám mục Anba Angealos, Giám mục tổng quyền của Giáo Hội Chính Thống Giáo Coptic ở Anh đã nhắc lại rằng các tín hữu Ai cập luôn trung thành với lý tưởng hòa bình và tha thứ… ĐGM nói rằng “Tôi cảm thấy tự hào về cách sống chứng nhân và gương mẫu của họ. Họ đã là một gương sống động cho chúng ta noi theo.

Chỉ trong 3 tháng gần đây thôi đã có trên 40 tín hữu bị giết, bao gồm vụ đánh bom ở nhà thờ Chính Tòa Thánh Mác-Cô của Giáo Hội Chính Thống ở Cairo vào tháng 12 đã làm thiệt mạng 29 người. Nhóm nhà nước Hồi Giáo ở khu vực Sina Ai Cập, đã nhắm mục tiêu vào các tín hữu ở đây nhằm đuổi họ ra khỏi khu vực này. Cuộc tấn công vào Al Arixh, một thành phố trong vùng Sinai đã làm cho 7 người chết và hằng trăm người đã phải sơ tán. Cuộc sống ở Ai Cập không dễ dàng chút nào cho các tín hữu Coptic, những người đã gắn bó trong cộng đồng Thánh Mác-Cô, vị tông đồ đầu tiên truyền đạo tại vùng này.
Các tín hữu ở đây chiếm 15% dân số Ai Cập, nhất là các tín hữu ở vùng nông thôn. Họ thường bị đối xử như công dân hạng hai, là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và bạo lực. Nhà thờ của họ bị tấn công. Giám Mục Angaelos nhận xét, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã có những biểu hiện tích cực, nhưng hệ thống luật pháp và lực lượng anh ninh trật tự địa phương không đủ mạnh để có thể ngăn chặn tội ác và bắt giữ các thủ phạm.

- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

Thứ Sáu ngày 3 tháng ba, 2017, Giáo sư François Mabille, Tổng Thư ký Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế (International Federation of Catholic Universities, gọi tắt là IFCU) và Cô Monserrat Alom, Trưởng Ban Dự Án của IFCU, đã đến thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam. Ngay buổi sáng khi vừa đến Việt Nam, Giáo sư Tổng Thư Ký và vị Trưởng Ban Dự Án của IFCU đã thăm Cơ sở của Học Viện Công Giáo Việt Nam và buổi chiều có cuộc gặp gỡ chân thành và cởi mở với Đức Cha Viện trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Đức Cha Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn Giuse Đỗ Mạnh Hùng, và cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng Tổng Thư Ký của Học viện.

Giáo sư Mabille cho biết mục đích của chuyến thăm là để IFCU hiểu thêm những khó khăn và những nhu cầu cụ thể của Học Viện Công Giáo Việt Nam; đồng thời, tìm cách hỗ trợ cho Học viện trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn. Theo Giáo sư Mabille, IFCU sẽ có những giúp đỡ cụ thể cho Học viện về giáo viên giảng dạy ngôn ngữ, bước đầu là bộ môn Tiếng Anh và sách cho thư viện online, cũng như giúp thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục vụ giáo dục và giới trẻ.

Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế, thành lập năm 1924 và hiện có hơn 221 thành viên bao gồm đại học và học viện Công Giáo trên toàn thế giới, có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức giáo dục Đại học Công Giáo, nghiên cứu và hành động cho sự phát triển tri thức, xây dựng xã hội và con người toàn diện. IFCU được Liên Hiệp Quốc công nhận như tổ chức Quốc tế Phi Chính phủ vào năm 1952.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về cuộc khổ nạn mà Chúa đã đi qua để minh chứng tình yêu trọn vẹn của Ngài đối với nhân loại. Bài thánh ca này mang tựa đề Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu của nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh, hòa âm bởi nhạc sĩ Quang Phúc, được trình bày qua tiếng hát ca sĩ Đình Trinh. Chúng tôi kính mời quý vị cùng nghe!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
19 tháng 3: Thánh cả Giuse
Đinh Văn Tiến Hùng
17:15 15/03/2017
THÁNH CẢ GIUSE

Đại Lễ Mừng Kính ngày 19/3 hàng năm

*Hồng Ân Thiên Chúa bao la,

Thiên đàng trần thế ngợi ca danh Ngài.


Hàng năm Giáo Hội giành tháng 3 dâng kính Thánh Giuse và 2 ngày Lễ đặc biệt tôn vinh Ngài :

- 19/3 Quan Thày Hội Thánh và các gia trưởng.

- 1/5 Quan Thày công nhân hay thường gọi là Lễ Thanh Giuse Thợ ( cũng là ngày Quốc Tế Lao Động )

Cùng dâng kinh nguyện Thứ tư trong tuần.

Vị Đại Thánh lãnh nhận trọng trách vinh dự cao sang tột đỉnh :

- Gia Trưởng Thánh Gia.

- Phu Quân Trinh Nữ Maria.

- Dưỡng Phụ Đấng Cứu Thế.

Nhưng cuộc đời Ngài rất trầm lặng khiêm tốn, không nói một lời, không ghi lại ngày sinh và lúc từ trần… mà Phúc Âm chỉ ghi lại vài dòng như một hình bóng thoáng qua :

-Theo gia phả Chúa Giêsu, Thánh Giuse thuộc dòng dõi vua Đa-vít.

“…Giacóp sinh Giuse chồng của Maria, người sinh ra Đức Giêsu gọi là Kitô.

Tổng cộng các đời lại, thì từ Abraham đến Đavít là 14 đời, từ Đavít đến thời lưu đầy Babylon là 14 đời, từ thời lưu đầy Babylon đến Đức Kitô là 14 đời.” ( Mt.1 : 16 & 17 )

-Giuse đính hôn với Maria ( Báo mộng lần 1 ).

“Đây là chuyện Đức Giêsu sinh ra : Maria Mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse, trước khi ông bà về chung sống với nhau, thì bà đã có thai do tự Thánh Thần. Giuse chồng bà là người công chính, không muốn tố giác bà, định âm thầm ly dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì Thiên Thần hiện ra với ông trong giấc mộng bảo rằng ‘Giuse con vua Đavít, chớ sợ rước Maria về nhà, vì thai nơi bà do tự Thánh Thần, bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi.” (Mt.1 : 18- 21 )

-Giuse đi Belem và Chúa Giáng Sinh.

“Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustô ra sắc lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ. Việc kiểm tra này đã thi hành lần đầu thời Quirintô trấn nhiệm xứ Syri và mọi người phải đi khai sổ bộ, ai về thành nấy. Ông Giuse thuộc xứ Galilê , cũng từ thành Nazareth lên xứ Giuđê, tới thành của Đavít gọi là Belem vì ông thuộc dòng dõi Đavít để khai sổ bộ cùng Maria đã đính hôn với ông và hiện bà đang thai nghén. Xảy ra là khi hai ông bà đang ở đó, thì đã mãn những ngày thai nghén đến buổi lâm bồn. Bà đã sinh con trai đầu lòng và lấy tã vấn con đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ,” ( Lc.2 : 1- 7 )

- Dâng Chúa trong Đền Thờ.

“Và khi đã đầy ngày, lúc phải tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem Hài Nhi lên Đền thờ Jerusalem tiến dâng cho Thiên Chúa như đã viết trong lề luật là mọi con trai đầu lòng được gọi là của thánh dâng kính Chúa, chiếu theo điều dạy trong luật để dâng làm lễ tế với một cặp chim gáy hay hai bồ câu tơ.” ( Lc.2 : 22- 24 )

-Trốn sang Ai-Cập ( Báo mộng lần 2 ).

“Họ lui về rồi, thì Thiên Thần hiện ra trong giấc mộng Giuse bảo ‘Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta báo lại, vì Hêrôđê đang lùng bắt Hài Nhi để giết’

Chỗi dậy ông đã đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn qua Ai Cập và ở đó đến mãn đời Hêrôđê, ngõ hầu được trọn lời Chúa phán với vị tiên tri : Từ Ai Cập ta đã gọi Con Ta về.” ( Mt.2 : 13- 15 )

-Trở về Nazareth ( Báo mộng lần 3 ).

“Hêrôđê chết rồi, thì Thiên Thần Chúa lại hiện ra trong mộng với Giuse và bảo ‘ Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về Israel, vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi’ Ông liền chỗi dậy và đem Hài Nhi cùng Mẹ Ngài về Isarel. Nhưng nghe tin Akhêlaô lên làm vua Giuđê thay cha là Hêrôđê, ông sợ không dám về đó, được báo mộng ông lui về

miền Galilê và lập cư tại thành Nazareth, hầu ứng nghiệm lời các tiên tri đã nói ‘Ngài sẽ được gọi là Nazareth’ “ ( Mt.3 : 19- 23 )

-Tìm thấy Chúa trong Đền Thờ.

“Hàng năm cha mẹ Ngài lên Jerusalem vào dịp lễ Vượt Qua. Khi Ngài lên 12 tuổi, ông bà cũng đi theo thông lệ để dự lễ. Khi các ngày ấy đã mãn, ông bà trở về, thì trẻ Giêsu ở lại Jerusalem mà cha mẹ Ngài không hay, nghĩ là Ngài có trong đoàn lữ hành, nên ông bà đi một ngày đàng, rồi cố tìm Ngài trong đám bà con họ hàng quen thuộc, nhưng không tìm ra, ông bà mới quay trở lại Jerusalem để tìm Ngài.

Xảy ra sau 3 ngày, ông bà đã gặp Ngài trong Đền Thờ, ngồi giữa các tấn sĩ nghe và hỏi họ. Mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và về các lời Ngài đối đáp. Thấy Ngài, ông bà thất kinh và Mẹ Ngài nói với Ngài ‘Này con, sao con làm thế ? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con. Nhưng Ngài đáp lại ‘Tại sao tìm con, lại không biết con phải ở nơi nhà cha con sao ?” Nhưng ông bà không hiểu lời Ngài nói với họ. Ngài đã xuống với ông bà về Nazareth và tùng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thi giữ kỹ các điều ấy trong lòng. Và Đức Giêsu tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng cùng ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.” ( Lc.2 : 41- 52 )

*Cuộc đời Thánh Giuse được tường thuật qua Tin Mừng chỉ gom lại vỏn vẹn trong một trang giấy nhỏ, nhưng từ đó đã khơi nguồn cho một kho tàng vô biên – như một dòng suối trong lành đổ vào đại dương Tình yêu bao la - về cuộc đời gương mẫu tuyệt vời của vị Đại Thánh mà mọi người cúi đầu tôn kính :

-Một số hệ phái tôn giáo Chính Thống và Anh Giáo cũng tôn kính Ngài.

-Từ thế kỷ 4, các Giáo phụ Đông Phương như Ephraem, Gioan Damasceno, Gioan Kim Khẩu đề cao đời sống thanh khiết

của Thánh Giuse qua câu nói bất hủ của Thánh Ephraem ‘ Không ai có thể ca ngợi Thánh Giuse cho xứng đáng ‘

-Còn các Giáo phụ La tinh như Thánh Hieronimo và Augustino nhấn mạnh đến sự công chính của Ngài.

-Việc tôn kính Thánh Giuse phảt triển mạnh với phong trào Thập Tự Quân còn ghi lại nơi các Thánh đường tại Nazareth.

-Nhiều quốc gia nhận Ngài là Đấng bảo trợ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Áo, Bỉ, Việt nam …

-Nhiều Vị Thánh đã sống theo gương mẫu của Ngài

-Thánh Teresa Avila dâng kính Dòng Cát Minh cho Thánh Phụ và đã xác quyết trong câu ‘Tôi xin Thánh Giuse điều gì cũng được. Nếu ai không tin hãy thử xem. ‘

-Năm 1479, Giáo Hoàng Sixto đã đưa Lễ kính 19/3 vào sách nguyện Roma.

-Năm 1621, Giáo Hoàng Gregorio 15 ban Sắc chỉ Lễ Kính Thánh Giuse là Lễ buộc và kiêng việc phần xác.

-Ngày 19/3/1661, vua Louis 14 hiến dâng nước Pháp.

-Giáo Hoàng Ubrano 7 nâng thành ngày lễ buộc kính Thánh Giuse. -Năm 1677, Công tước Áo Leopoldo 6 tôn Thánh Cả là Đấng bảo vệ quốc gia.

-Năm 1870, Giáo Hoàng Piô 9 tôn vinh Thánh nhân là Quan Thày toàn thể Giáo Hội.

-Năm 1889, Giáo Hoàng Lêô 13 ban hành Thông điệp chọn tháng 3 kính Thánh Giu-se.

-Năm 1989, Thánh GH Gioan Phaolô 2 ban hành Tông huấn Redemtoris Custom (Người Giám Hộ Đấng Cứu Thế)

-Năm 1955, ĐTC Piô 12 công nhận ngày 1/5 Lễ kính Thánh Giuse Thợ.

-Ngày 19/12/2010, Giáo Hoàng Biển Đức 16 phó dâng Thế giới cho Thánh Giuse.

-Gần đây nhất, ngày 12/2/17 báo Le Soir đã viết về lòng mến mộ và dâng hiến mọi khó khăn của Đức Thành Cha Phanxicô đối với Thánh Cả Giuse như sau : “ …Thật vậy, ĐTC cho biết là Ngài đã viết trên những miếng giấy nhỏ những vấn đề nan giải và trao cho Thánh Giuse, để dưới chân tượng nhỏ của Thánh. Bây giờ thì tượng này đè trên một đống thư tràn ra như tấm thảm. ĐGH người Á-căn-đình, tuổi đã bát tuần kể tiếp : ‘Do vậy mà tôi ngủ ngon giấc’ và Ngài còn nhấn mạnh :

‘Tôi không uống thuốc an thần đâu’.

-Trên thế giới nhiều thánh đường, dòng tu, tổ chức từ thiện, địa điểm hành hương, du lịch mang tên Thánh Giuse.

-Từ năm 1950, ba trung tâm thần học Giuse được thành lập tại Valladolid (Tây ban Nha)- St Joseph Oratory (Montreal)-

Logate Viterbo (Ý).

-Cùng các địa danh du lịch nổi tiếng như San Jose, California – San Jose, Costa Rica – San Jose, Dimaget (Quần đảo thuộc

Phi luật Tân )

-Nhưng có hai địa điểm hành hương nổi tiếng nhất, mỗi năm thu hút hàng triệu người đến thăm viếng cầu nguyện,xin ơn lành đã được toại nguyện, đó là :

Đại Thánh Đường Thánh Giuse tại Montreal, Canada và Chiếc thang kỳ diệu nơi nguyện đường Loretto, Santa Fe, New

Mexico, Hoa Kỳ mà người ta tin rằng chính Bác Thợ Mộc Giuse đã hoàn thành.

*Riêng tại Việt Nam Thánh Cả Giuse rất được tôn kính như một truyền thống lâu đời :

-Ngày 14/2/1670, Giám Mục Pierre Lambert de la Motte họp cộng đồng tại Phố Hiến, Hưng Yên long trọng tôn nhân Thánh Giuse là Bổn Mạng Giáo Hội Đàng ngoài.

-Ngày 17/8/1678, ĐTC Innocente 11 đáp ứng thỉnh nguyện của các Giám Mục ban hành Tông huấn Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) công nhận Thánh Cả là Quan Thày các Địa phận truyền giáo tại Trung Hoa và Việt Nam.

-Ngày 6/11/1997, Hội nghị các Giám Mục tại Hà Nội tôn vinh thánh Giuse làm Bổn Mạng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

-Ngày 9/10/2013, Ủy ban Phụng Tự Hội đồng Giám Mục ra thông báo việc đọc tên Thánh Giuse trong các kinh nguyên Thánh Thể.

-Các Giáo phận Hà Nội, Đà Lạt, Xuân Lộc, Thanh Hóa nhận Ngài là Bổn Mạng.

-Ngài cũng là Quan Thày Dòng Mến Thánh Giá VN.

-Tại Nha Trang có Dòng Anh Em hèn mọn Giuse.

-Ba Đại chủng viện mang tên Ngài tại Hà Nội, Sài Gòn và Xuân Lộc.

-Nhà thờ cổ kính Hà Nội mang danh Ngài.

-Tại nhiều Giáo xứ, Giáo họ trong nước có nhiều nhà thờ hay nguyện đường kính Thánh Nhân.

-Nam giới rất nhiều người nhận Thánh Bổn Mạng Giuse.

*Chúng ta có thể noi gương nhiều nhân đức nơi Thánh Cả Giuse, nhưng 3 nhân đức nổi bật nhất :

-Trầm lặng : Suốt cả cuộc đời không có một lời nói nào của Ngài được các Thánh Sử ghi lại, chỉ thinh lặng lắng nghe tiếng nói nội tâm, chân thành với Thánh ý hướng dẫn .

-Cần lao : Tuy thuộc dòng dõi vương giả, nhưng Ngài vui nhận cuộc đời khó nghèo vất vả để dưỡng nuôi Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria, làm trọn bổn phận gia trưởng.

-Vâng phục : Cả 3 lần chỉ được Thiên Thần báo trong giấc mộng, Ngài đã vâng lời nhận Trinh Nữ Maria về nhà mình, mau

mắn không quản ngại đường xa gian nguy khổ cực, đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cấp và hồi hương về Nazareth.

Có một số người cho rằng tên JOSEPH đã gói trọn các nhân đức của Thánh Cả như sau :

Justitia ( Công chính ) - Oboedictia ( Vâng lời ) - Sapientia ( Khôn ngoan )- Experienta ( Kinh nghiệm )-Patientia (Kiên nhẫn) Humilitas ( Khiêm nhu )

*Điểm đặc biệt về cuộc đời Thánh Giuse lúc sinh thời sống một đời rất đơn giản như mọi người, làm nghề tầm thường để

nuôi Thánh gia, không làm phép lạ như nhiều Vị Thánh và người dân gọi với tên đơn sơ thân mật ‘Bác Thợ Mộc’,nhưng lúc chết lại trở thành cao trọng và quyền thế trước mặt Thiên Chúa. Biết bao ơn phúc Thiên Chúa ban cho nhân loại qua lời bầu cử của Ngài, trong đó có 7 ơn rất cần cho đời sống thiêng lời của mỗi người chúng ta :

1-Ơn lướt thắng những cám dỗ trái ngược đức khiết tịnh.

2-Ơn được xám hối bỏ đàng tội lỗi.

3-Ơn tôn sùng Đức Mẹ Đồng Trinh,

4-Ơn khỏe mạnh phần xác.

5-Ơn được an ủi nâng đỡ lúc đau khổ.

6-Ơn được chết lành.

7-Ơn có người thừa tự xứng đáng trong gia đình Công Giáo.

*Tôi nhớ mãi những kỷ niệm về Thánh Giuse trong những tháng năm tuổi thơ nơi quê nhà. Họ đạo tôi có ngôi Thánh Đường kính Thánh Giuse, tháp chuông cao vút nổi bật giữa làng quê nghèo. Mỗi chiều thứ tư hàng tuần, tiếng chuông mời gọi, giáo dân vội vàng rời ruộng vườn qui tụ về Thánh đường đọc kinh cầu nguyện, ca hát dâng kính Thánh Cả.

Đặc biệt mỗi năm, trước Lễ Quan Thày họ đạo một tuần, có Cha từ Nhà Chung Giáo Phận về mở Tuần Đại Phúc. Không khí vui tươi nhộn nhịp như ngày Tết, Thánh Lễ tôn nghiêm trọng thể, ánh đèn nến lung linh bao quanh kiệu rước Thánh Quan Thày vòng quanh nhà thờ. Tiếng kinh cầu nguyện, tiếng hát dâng cao, hòa trong tiếng chiêng trống rên vang…khiến bày chim sẻ bay lượn trên mái giáo đường cũng ríu rít chung vui. Cuôc thi Giáo lý sôi nổi giành cho thiếu nhi có phần thưởng và tiệc vui phấn khởi mừng Lễ Thánh Quan Thày, cùng chia tay cảm động tiễn đưa Linh Mục về Giáo phận.

-‘Làm sao quên được quê xưa,

Giáo đường vương vấn lơ thơ mây buồn,

Chiều về vang vọng hồi chuông,

Con đường xóm đạo nhớ thương tiếng người.

Chuông ngân thúc dục gọi mời,

Bước chân vội vã về nơi giáo đường,

Giu-se Thánh Cả nêu gương,

Con chiên họ đạo mến thương dâng đầy,

Chiều chiều qui tụ nơi đây,

Dâng lời khấn nguyện lòng đầy tin yêu,

Ngoài kia đã tắt nắng chiều,

Bàn thờ tỏa sáng, bóng nghiêng Tượng Vàng,

Rộn lên tiếng hát ca vang,

Giu-se xóm nhỏ nghèo nàn thuở xưa (*)

Kính yêu biết mấy cho vừa,

Tuổi thơ dịu ngọt luôn mơ màu hồng,

Say sưa ngắm Chúa Hài Đồng,

Trên tay Thánh Cả ẵm bồng nâng niu,

Tay kia Huệ Trắng đáng yêu,

Ôi sao đẹp quá làm siêu ngất hồn !

Nơi đây nhạt nắng chiều hôm,

Xa quê sao vắng tiếng chuông gọi mời,

Giáo đường chốn ấy quê tôi,

Nhớ thương xóm đạo khuất nơi quê nghèo.

*Lạy Thánh Cả Giuse !

Mùa Chay Thánh, xin soi dẫn tâm hồn tội lỗi con, biết ăn năn thống hối để xứng đáng đón nhân ơn lành Chúa ban xuống trong Mùa Chay Hồng Phúc này - Amen.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Mượn ý bài Thánh Ca ‘ Giu-se trong xóm nhỏ khó nghèo ‘ của Lm Nhạc sĩ Gioan Phạm đình Nhu, vừa mới qua đời tại VN 13/3/17 .
 
Văn Hóa
Từ giã thị trấn Parintins và làng nhỏ Alter do Chao vùng Amazon
LM Trần Công Nghị
06:51 15/03/2017
AMAZON RIVER - Trong 10 ngày qua chúng tôi có dịp vào tận rừng sâu nhiệt đới và sông Amazon để chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ bao là của dòng sông thời danh nhất thế giới này, đồng thời cũng khám phá những bí mật và tìm hiểu về sự đa dạng sinh thái của lưu vực Amazon: nhân chủng học, sinh học, thực vật học và về lịch sử cũng như kinh tế của vùng đất mà hiện này vẫn có thể nói là đa số còn “nguyên sơ” nhất thế giới, còn đang chờ được khám phá thêm.

Chúng tôi đã đi thăm từ thành phố Manaus lớn nhất và nằm sâu nhất 1500 cây số từ Đại Tây Dương, tới các thành phố trù phú một thời như Belem hay là một làng nhỏ Boca de Valeria nằm ven sông. Rồi mấy ngày qua chúng tôi đã thăm thị trấn Parintins nơi có lễ hội Boi Bamba kỳ thú và đặc sắc, tiếp theo là một làng nghĩ mát với những bãi cát trắng mịn như đường tại Alter do Chao.

Thị trấn Parintins với lễ hội đặc sắc Boi Bumba

Tầu du lịch đậu ngay giữa dòng sông Amazon và nhìn về hướng nam là thị trấn Parintins. Từ xa có thể nhìn thấy rõ là một thành phố không lớn lắm, thấy có 4 điểm nổi bật, đó là một sân vận động to lớn, rồi tới tháp cao của 2 nhà thờ, và chỉ thấy có một cao ốc 6 tầng. Sở dĩ thị trấn này trở thành điểm du lịch là vì có lễ hội Boi Bumba ngoạn mục được tổ chức trong ba ngày vào tháng Sáu mỗi năm và dân chúng cũng mất cả năm để sửa soạn.

Hình ảnh thị trấn Parintins ngoạn mục

Dân ở đây thường nói rằng: Nếu có một kỷ lục thế giới nào cho một lễ hội to lớn và xa xôi nhất trên hành tinh thì chắc chắn là thị trấn Parintins sẽ nhận được danh dự này.

Đây là thị trấn trên một cù lao rộng 15 cây số và với dân số chừng 60.000 dân, nằm trong lòng sông Amazon cách Đại Tây Dương 1.100 km (700 dặm).

Đi du lịch mà trời mưa thì không thú vị chút nào, nhưng vì trong vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon, nên mấy ngày nay, ngày nào cũng đổ mưa, trận mưa đổ xuống ào ào rồi tạnh, rồi lại mưa… Dù vậy chã lẽ đến đây mà không đi thăm những địa danh có tiếng. Dù đang mưa, chúng tôi cũng lên bờ sông dùng xe du lịch cỡ nhỏ 20 người ngồi đi khám phá những điểm nổi bật như khu thương mại, khu dân cư và nhà cửa ven sông đầy màu sắc này.

Trước tiên chúng tôi tiến về phía trung tâm thị trấn và xem nơi công viên có những bức tranh phù diêu ghi lại các cảnh sắc người dân sinh sống ở đây, không những sự tích huyền thoại về tổ tiên và nếp sống của họ mà ngay cả thà thờ Đức Mẹ Carmelô mới xây năm 1961 cũng có ở đây. Những bức tranh nổi được tạo thành trên vách tường một gò đất nhỏ.

Trên đường đi tại nhiều nơi thấy có hoặc là tượng những con bò sơn màu xanh hoặc đỏ, chúng tượng trưng cho phe Caprichoso hoặc phe Garantido.

Chúng tôi tới thăm Bumbadromo, đấu trường hàng đầu của thành phố. Nó được thiết kế với hình dạng đầu của một con bò và là nơi diễn ra lễ hội Boi-Bumba hàng năm và nổi tiếng thế giới. Chỉ có 35.000 chỗ ngồi và vì vậy mua được vé tham dự là điều mà dân chúng yêu thích nhất.

Tiếp theo chúng tôi tới khu của phe Garantido tại đây được quan sát những xe hoa nổi tiếng khổng lồ, và những trang phục rực rỡ và kỳ lạ được sử dụng trong Lễ hội Boi-Bumba. Người ta nói hầu như cả cư dân của thị trấn dành cả năm chuẩn bị cho lễ hội này. Họ làm những xe diểu hành khổng lồ có những hình thú vật tièn sử như khủng long, rồng, rắn, cá xấu, rùa, voi, báo, v.v…

Vậy lễ hội Boi-Bumba là gì mà khuấy động cả rừng già Amazon Jungle vậy? Lễ hội Boi Bumba là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở Brazil. Đó là một thế giới đầy phép thuật, màu sắc tươi sáng, âm nhạc, ca múa và văn hóa dân gian. Những trang phục lộng lẫy và những hình hài đồ sộ.

Lễ hội này về Câu chuyện dân với những yếu tố bản địa, gồm cả sắc thái châu Phi và châu Âu được kể như sau: Có một chàng cao bồi kia giết chết một con bò (“boi” trong tiếng Bồ Đào Nha là con bò) rất có giá để lấy lưỡi bò làm đồ ăn cho vợ, vì cô vợ đang mang thai khao khát được ăn lưỡi thịt bò. Ông chủ bò quyền thế ra lệnh giết chàng trai trẻ. Đang khi phải đối mặt với cái chết của chủ đất, thì có một pháp sư đã ra tay cứu giúp và làm cho con bò sống lại. Không những chẳng trai được cứu mà dân chúng cũng hân hoàn săn mừng.

Chúng tôi nghe kể lại như sau: Lễ hội Boi-Bumba là cuộc thi đấu của hai phe đối địch là phe Garantido màu đỏ và phe Caprichoso màu xanh da trời. Họ cạnh tranh thi hát, khiêu vũ, với xe hoa và hàng trăm những chiếc trống nhịp điệu samba khua động náo nức cả thành phố và tiến vào sân Bumbadrome với những chiếc xe hoa khổng lồ. Hàng chục ngàn khán giả cổ vũ các sôi động và hoang dại, các thiếu nữ "Ấn Độ" ngồi cao trên các xe hoa nổi ca hát và các đoàn khiêu vũ rất lớn di chuyển theo nhịp điệu của hàng trăm nghệ sĩ đánh trống samba.

Phe nào thắng cuộc thi mỗi năm thì cả năm có quyền hành diện khoe khang. Ngoài ra trong suốt cả năm, du khách cũng có thể được xem các show diễn nhỏ biểu trưng cho sinh hoạt người dân ở đây. Chương trình show diễn này có khoảng sáu mươi vũ công và nhạc sĩ, được thực hiện tại một câu lạc bộ địa phương hoặc tại Trung tâm Hội nghị của thành phố cho du khách.

Sau khi thăm Bumbadrome và nơi làm các xe hóa trang, chúng tôi tới thăm nhà thờ Đức Mẹ Carmelô mới được xây vào năm 1961. Nhà thờ rộng và tháp vuông cao, bên trong thoáng mát và có nhiều hình vẽ các thánh ở trên tường. Trong gian cung thánh sau tượng Đức Mẹ Carmelô là cửa kính mầu rất đẹp và lộng lẫy.

Tiếp đến thăm một nhà thờ bên bờ sông từ đó có thể nhìn ra chổ tầu đậu. Đây là nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu. Khu nhà thờ gồm nhà xứ và các cơ sở rất rộng và khang trang.

Thăm làng nhỏ du lịch Alter do Chao

Làng Alter do Chao trên sông Amazon được gọi là vùng biển Caribbean của Amazon. Nơi đây có những bãi biển cát trắng mịn, nước màu xanh trong so với nước mầu vàng nâu của Amazon và có những sinh hoạt cho giới lãng du làm rung cảm tâm hồn. Chả thế mà người ta ví đây là vùng biển Antilles nhỏ.

Hỉnh ảnh làng du lịch Alter do Chao

Thăm Nhà thờ Đức Mẹ Sáude: Theo lịch sử ghi tại nhà thờ thì vào năm 1738 LM Manul Ferredra thuộc Dòng Đức Mẹ Purificacao từ thành Santarem cách 20 cây số đến lập cứ điểm truyền giáo ở đây. Đến năm 1759 các cha dòng Tên đến quản nhiệm và xây một nhà nguyện nhỏ. Năm 1876 một nhà thờ được xây dựng với vật dụng hiện có tại địa phương do Cha Jodé Antonio Gonzalves và sau 20 năm mới hoàn thành và được khánh thành ngày 6/1/2896. Ảnh Đức Mẹ Saudé trong nhà thờ được các Cha thừa Sai Bồ đào Nha tặng ngày 2/2/1725.

Đến thăm Alter do Chao tuy giống như đang sống trong một vùng biển Carribean thời danh nào đó nhưng mà vẫn còn đang ở giữa biển sông của Nam Mỹ, bên cạnh các rừng mưa nhiệt đới và có loại cá dolphin màu hồng đôi khi nhảy trên dòng sông, một trong những quyến rũ đặc sắc.

Bao quanh bằng những bãi biển cát trắng và nước xanh của sông Rio Tapajós, làng Amazon này tự hào là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Brazil. Tọa lạc giữa hai ngọn đồi nhấp nhô, một trong những ngọn đồi có hình dạng giống như một bàn thờ do đó mà có tên là Alter (bàn thờ của trên vùng đất)

Gần đó có Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật người thổ dân bản xứ gồm một bộ sưu tập phong phú của nghệ thuật bản địa từ lưu vực sông Amazon.

Làng này có tiếng là nơi tụ họp và thăm viếng của giới hippies, những kiều bào Brazil hồi hương, những người yêu thích thiên nhiên và các loài cây chữa bệnh. Họ tạo ra phong cách đặc biệt với những quán càfe, những cửa tiẹm nhỏ duyên dáng và nhất là bối cảnh sống thoải mái tự do thanh tịnh.

Trên đường đi dạo bãi biển có nhiều nhà nghĩ mát và quán cafe mái lợp bằng lá dừa có vẻ đồng quê, du khách có thể vào trong đó để thưởng thức đồ uống hoặc món ăn dân gian. Nếu muốn cũng có thể thuê một truyền nhỏ thống địa phương đi một vòng khám phá những nhà tranh trên cồn cát ngoài xa xa.

Thăm vườn ươm cây và khu sinh thái Santa Lucia Arboretum: Từ bến tàu tại Alter do Chao, đi du lịch bằng xe du lịch nhỏ chừng một giờ đến Bosque Santa Lucia (Vườn ươm Santa Lucia). Khu vực này tự hào có hơn 200 loài cây bao gồm cả cây cao su là loại cây nguyên thủy chỉ có ở Brazil sau này được giới thiệu trên thế giới. Mặc dù việc buôn bán cao su tự nhiên không còn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nó là mãi mãi gắn liền với quá khứ của Brazil.

Tại đây tha hồ khám phá các loài cây khác nhau và các hạt giống, chẳng hạn như hạt Brazil cũng là loại câu biều tượng của Brazil… Trong suốt một giờ đồng hồ du khách tha hồ đi dạo trong khu sinh thái này.

Từ giã lưu vực Amazon chúng tôi sẽ đi thăm thêm 2 đảo Saint Lucia và Saint Martin ở biển Carriberan và cuối cùng là Key West trước khi trở về miền Nam California ở Hoa Kỳ.
 
Lá thư Canada : Tro Bụi
Trà Lũ
08:41 15/03/2017
Lá Thư Canada: TRO BỤI

Năm nay, Canada mừng lễ 150 tuổi. Lễ khai mạc đầu năm mới ở thủ đô Ottawa, Đồi Nghị Viện, Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố danh sách những thành phố lớn trên toàn quốc sẽ có các đại lễ ăn mừng quanh năm, với các chương trình văn hóa đặc biệt. Từ bên Anh, Nữ Hoàng Elizabeth vua của Canada, trong thông điệp năm mới đã cầu chúc Canada phát triển thành một quốc gia phi thường. Mọi công dân đều vui vẻ nhận lời chúc này.

Và lời chúc đang biến thành sự thực, các cụ ạ. Chuyện chuyển biến này có nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất đối với tôi đến từ nhà văn Tu Dinh ở Aurora bên Hoa Kỳ. Các cụ biết nhà văn này chứ ? Ông đã xuất bản 4 cuốn sách, tất cả đều mang tên ‘ Lang Thang Trên Nước Mỹ’, mỗi năm một cuốn, sách chép đủ thứ chuyện, vừa của ông vừa của thiên hạ, toàn chuyện lạ và chuyện vui. Trong cuốn thứ 4 mà ông vừa gửi cho tôi, mấy trang cuối cùng là những tấm hình vô cùng độc đáo, sống động về giới tính. Man mác trong các trang sách tôi thấy ông ca ngợi hết lời vẻ đẹp thân xác của phái nữ và khen dân Hy Lạp ngày xưa là có mắt. Ông bảo trong cuộc đời đi tìm hạnh phúc này, đỉnh của hạnh phúc phải là tình yêu và sex... Cuốn thứ 4 ông viết xong trong năm 2016 vừa qua. Hiện ông đang viết tiếp cuốn 5 trong năm 2017 này. Cuốn thứ 5 chưa ra nhưng ông đã gửi trước cho tôi xem một bài mà chắc ông được hứng từ lời chúc của Nữ Hoàng Elizabeth trên đây. Đó là bài lấy từ tài liệu của Liên Hiệp Quốc viết về ‘ 10 Nước Hạnh Phúc Nhất Thế Giới’. Các cụ đã biết tài liệu này chưa? Theo bài của nhà văn Tu Dinh gửi cho tôi, thứ tự 10 nước hạnh phúc nhất trần gian này như sau : Đan Mạch, Thụy Sĩ, Băng quốc Iceland, Na Uy, Phần Lan, CANADA, Hoà Lan, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợ, Thụy Điển. Các cụ thấy chưa, 2016 Canada đứng thứ 6 nha. Vừa sang năm 2017 này, theo tài liệu tháng Ba vừa qua của 3 cơ quan uy tín quốc tế là US News , Y&R’s Bay , Wharton School, xét về hạnh phúc thì đứng đầu là Thụy Sĩ, thứ hai là Canada. Ba cơ quan làm thống kê này đã phỏng vấn 21.000 người trên 80 quốc gia. Hoá ra Nữ hoàng Elizabeth vị vua lâu đời nhất thế giới này miệng có thần. Bà chúc Canada trở thành phi thường thì qủa thực việc đó đang xảy ra. Xin đa tạ tài liệu qúy của nhà văn Tu Dinh, tài liệu đến vừa lúc tôi viết bài này.

Chính vì Canada ưu việt như vậy nên kể từ khi Ông Trump lên làm tổng thống thì số người ở Mỹ vượt biên giới sang Canada định cư tăng lên rất nhiều. Đó là chỉ nói vượt biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada. Còn các sắc dân khác tới Canada thì nhiều vô kể, đặc biệt dân Tàu Cộng . Dân Tàu Cộng đến miền Vancouver thuộc bang BC miền tây đông nhất, vì gốc tổ đi làm cu ly ngày xưa của họ ở đây. Họ ôm tiền mà chạy nên khi đến Canada này thì họ nhắm mắt mua nhà. Thị trường địa ốc ở Vancouver và Toronto đang tăng lên có khói.

Sáng Chúa Nhật tuần qua, vừa ra cửa tôi gặp ngay mấy ông hàng xóm da trắng. Ai cũng nói tới mấy bài về xếp hạng‘ Top 10’ , Canada từ hạng 6 năm ngoái đã lên hạng 2 năm nay. Ai cũng vui vẻ sung sướng quá sức. Rồi họ rủ tôi đi nhậu để ăn mừng. Nghe tới tiếng ‘đi nhậu’ là tôi rụt cổ lại ngay. Xưa nay tôi có biết nhậu kiểu người da trắng làm sao đâu. Tôi gốc nhà quê mà. Hàng tuần tôi chỉ nhậu với họ ở quán cà phê Starbucks nơi ngã tư, nói là nhậu mà cái thực đơn quanh năm chỉ là cà phê và bánh mì bagel. Việc nhậu là phụ, việc chính là gặp nhau trao đổi các chuyện về thể thao và thời sự. Tôi sống ở Canada đã mấy chục năm mà chưa hề thấy mình hội nhập Canada, vì xem các trận bóng chầy, bóng bầu dục thì tôi chả hiểu gì cả. Chỉ có môn bóng đá thì tôi hiểu.

Tôi đem việc được mời đi nhậu với dân da trắng ra kể với ông niên trưởng và bồ chữ ODP trong làng nghe, và xin ông chỉ dẫn . Ông lấy cho tôi coi mấy tờ báo lớn ở Toronto tháng vừa qua có bài phóng sự rất hay về những nhà hàng ngon nhất ở Canada. Xưa nay chúng tôi vẫn phục ông niên trưởng này về sự thông thái, thật là đúng quá.

Theo Torstar News Services số ngày 1 tháng Ba vừa qua thì Canada có một nhóm chuyên ngành gồm 82 vị đầu não chuyên nghiên cứu về ăn uống. Họ đã chia nhau đi khắp nước Canada tìm chọn 100 nhà hàng tiêu biểu. Thành phố Montreal có 26 và Toronto có 24 hiệu lọt vào danh sách chung kết. Và họ đã đi ăn rồi bỏ phiếu xếp thứ hạng. Cuối cùng họ đã chọn ra 10 nhà hàng ngon nhất Canada, danh sách ‘Top 10’ như sau : 1.Alo ( Toronto), 2.Toque ( Montreal ), 3.Joe Beef ( Montreal ), 4.Le Vin Papillon (Montreal), 5. Edulis ( Toronto), 6.Hawksworth (Vancouver ), 7.Buca Yorkville ( Toronto ), 8. Canoe (Toronto ), 9.Dandylion (Toronto), 10.Pigeonhole ( Calgary ). Các cụ phương xa đi du lịch Canada nhớ kỹ 10 nhà hàng quốc tế này nha. Trong số 10 này, thành phố Toronto có 5, Montreal có 3 và 2 thành phố khác là Vancouver và Calgary. Riêng Toronto có nhà hàng đứng thứ nhất Malo ở ngay phố Tàu, số 163 đường Spadina. Các cụ tới Toronto, hỏi bất cứ người Việt nào về phố Tàu đường Spadina thì ai cũng có thể chỉ cho cụ. 10 nhà hàng này là tiêu biểu cái bếp đa văn hóa của Canada. Chỉ tiếc là món VN chưa lọt lưới.

Tôi cũng vừa thấy một bài viết của Vĩnh Bảo trên mạng. Tác giả tỏ ra là người có thẩm quyền về ăn uống. Tôi xin phép tác giả chép mấy dòng trong bài ‘ Các món ngon nhất định phải thử khi tới Canada’. Đó là : Tôm hùm, cá tuyết, cua tuyết, thịt bò, táo Ambrosia, và sirô Cây Phong. Riêng về Tôm hùm, tác giả viết rất đúng: ... Đây là nước xuất khẩu tôm hùm và cua tuyết lớn nhất thế giới. Có thể nói, tôm hùm chính là vị đại sứ của ẩm thực Canada, được mệnh danh là ‘vua hải sản’, và là niềm tự hào của các đầu bếp đất nước này. Bộ phận nào của tôm hùm cũng đều có thể chế biến thành món ăn. Cả con tôm hùm, được hấp lên ăn kèm với bơ là bữa tiệc của bậc đế vương...

Ngoài ra tôi cũng đọc được tin này từ miền đông Canada : Các ngư phủ bắt được một con tôm hùm khổng lồ ở miền biển St.Martin’s thuộc bang New Brunkswick ngày 28 tháng 11 năm vừa qua. Con tôm nặng 23 cân Anh tức là vào khoảng hơn 10.4 kí lô. Đây là con tôm lớn nhất từ xưa tới nay, và các nhà chuyên môn đoán con tôm này đã sống ít là 100 tuổi. Nó được bày bán ở tiệm Alma Lobster Shop. Một cư dân ăn chay đã mua con tôm này với giá $230 và đã phóng sinh nó, trả nó lại biển vùng Fundy.

Chuyện nhậu nhà hàng đã đưa các cụ đi xa quá rồi. Bây giờ thì tôi xin trình chuyện thời sự. Chuyện nổi bật là chuyện biểu tình đồng loạt của các cộng đồng VN trên khắp thế giới theo lời hô hào từ VN của LM Nguyễn Văn Lý ngày Chúa Nhật 5 tháng Ba vừa qua. Toronto, Montreal, Ottawa và các tỉnh miền tây, chỗ nào cũng cờ vàng, chỗ nào cũng biểu ngữ chống CSVN và Formosa, chỗ nào cũng vang lên những câu ‘CSVN hèn với giặc ác với dân, CSVN đang bán đất bán rừng bán biển cho Tàu Cộng, Formosa hãy cút khỏi VN...’ Dân làng An Lạc của tôi ai cũng đi biểu tình. Hình như các ngài CS ở Hà Nội tai điếc nặng rồi các cụ ạ, các ngài không nhúc nhích gì, chỉ biết mỗi ngày mỗi đàn áp dân dữ hơn. Càng ngày tôi càng thấy lời mấy cụ tổ CS ở Nga nói đúng vô cùng. Cụ Yeltsin nói : Không thể sửa chữa được CS, phải liệng nó đi. Cụ Putin nói : Ai tin những lời CS nói là những người không có óc, và ai làm những điều CS bảo là những người không có tim. Tôi nghĩ rằng các cụ VC ở Hà Nội biết hết và hiểu rất rõ những lời này, nhưng vì các cụ đang ngồi trên đống vàng, dại gì mà bỏ vàng, ngoài ra nếu bỏ đống vàng này thì các cụ đi đâu tuy các cụ đang cho con cháu chuyển của ra ngoại quốc.

Mà thôi, không nói chuyện VC nữa kẻo các cụ nhức đầu đêm nay mất ngủ. Xin kể chuyện Canada tuyết trắng. Đây là xứ tuyết mà. Mỗi năm Canada đã phải chi không biết bao nhiêu tỷ đồng để dọn tuyết ngoài đường. Nào xúc, nào chuyên chở đổ đi, nào rải muối cho tuyết tan... Canada đang nghĩ tới việc bắt chước xứ Phần Lan là sưởi ấm mặt đường vào mùa đông. Nghe có vẻ chuyện hoang đường, phải không các cụ? Nhưng nghĩ cho kỹ và cân nhắc cho kỹ các phí tổn phải xúc phải cào phải chuyên chở đổ đi, phải lo rải muối, phải lo việc tải thương cấp cứu các tai nạn thì ta thấy Phần Lan rất có lý khi chọn giải pháp sưởi ấm mặt đường. Cụ nào đã từng đi du lịch ở Helsinki vào mùa đông chắc thấy rõ giữa mùa tuyết rơi mà bà con miền này đi lại tỉnh bơ. Họ đã sưởi ấm mặt đường đấy các cụ a.Thành phố Montreal miền nói tiếng Pháp của Canada đang bàn về việc này. Và sau đó chắc sẽ là Toronto. Dân Canada là dân xứ tuyết mà tôi thấy không ai ở đây thích tuyết cả, nhất là dân lái xe. Ở Hoa Kỳ, cụ mua một cái xe mới, cụ lái 5 năm mà cái xe trông vẫn còn thấy mới vì xe của cụ không bị tuyết tàn phá, còn ở Canada, cụ lái cái xe mới tinh, sau 5 năm thì nhan sắc cái xe đã tàn phai vì 5 năm nó đã phải chống chọi với tuyết, với muối chống tuyết trên mặt đường.

Cụ Chánh nghe chúng tôi nói về việc lái xe trong mùa đông thì cụ cười hà hà. Cụ bảo các bạn di chuyển phải có xe hơi vì nó liên hệ tới việc làm ăn, còn lão đây từ khi tới xứ tuyết này lão đã học cách đi xe công cộng. Xe bus và xe điện ngầm ở đây tiện lợi vô cùng. Dân làng nghe cụ Chánh nói vậy thì biết vậy chứ đa số người Canada khi ra đường là phải lái xe. Riêng Chị Ba Biên Hoà thì ca ngợi cụ Chánh hết lời. Lâu nay chị đã bắt đầu theo gương Cụ Chánh. Nếu không phải đi đâu khẩn cấp thì bao giờ Chị cũng đi xe công cộng. Hệ thống này ở Toronto có tên là TTC, Toronto Transit Commission, rất lớn, gồm 800 xe điện ngầm, 200 xe điện chạy trên đường rầy, và 1.900 xe bus, mỗi năm chuyên chở hơn 500 triệu lượt khách. Bản đồ các đường xe chạy trải rộng trên khắp thành phố. Mỗi năm ngân sách gần 2 tỷ đồng. Cụ Chánh và Chị Ba thật khôn ngoan và có lý khi xử dụng lối di chuyển này. Ông ODP cho biết hệ thống chuyên chở công cộng ở Montreal và Toronto mới có số tuổi hơn dăm chục năm nay, chưa thấm thía gì nếu so sánh với hệ thống xe điện ngầm ở Paris nước Pháp. Ở Pháp hệ thống có tên là Metro Paris, theo tài liệu của Reuters thì xe chạy tròng tréo trên khắp Paris với tổng số lộ trình là 210 cây số, với 372 trạm lên xuống, có tới 4 tầng sâu dưới đất, mỗi năm chuyên chở 400 triệu hành khách. Ở Toronto và Montreal thì chỉ xuống tới 2 tầng sâu mà thôi.

Báo chí ngành du lịch cũng vừa cho biết các du khách quốc tế đã đánh giá thành phố Toronto là thành phố an toàn và tiện lợi bậc nhất, rất tốt cho các cụ về hưu. Ra khỏi nhà là cụ có thể lên xe bus, xe điện, hay xe điện ngầm và cụ có thể đi bất cứ chỗ nào cụ muốn, ngay cả ra phi trường. Các cụ nhớ ghi việc này vào sổ tay nha.

Viết đến đây thì tôi giật mình, tôi chưa trình các cụ về việc dân làng sau khi đi biểu tình đã về nhà cụ Chánh tiên chỉ ăn bữa chiều. Lần trước cụ đãi món phở gà, lần này cụ đãi món phở bò. Các cụ biết một tô phở bò gồm rất nhiều thứ, nước giùng, bánh, thịt, các gia vị, xin hỏi các cụ thứ gì là quan trọng nhất ? Nếu cụ đáp là thịt hay bánh là sai! Thứ mà làm cho tô phở ngon chính là nước giùng. Vào hiệu phở, khi tô phở nóng được bưng ra, nếu ta thấy thực khách nào lấy muỗm nếm nước phở thì đó là người biết ăn phở. Còn vị nào mà tô phở vừa bưng ra là nhắm mắt nhắm mũi xịt tương đen tương đỏ rồi vắt chanh rưới nước mắm vào tô phổ thì đó là người không biết ăn phở. Cụ Chánh thường bảo chúng tôi thế. Bữa phở bò hôm nay cụ đã chuẩn bị rất kỹ, nước phở cụ nấu từ hôm trước. Đi biểu tình về, ai cũng mệt phờ, nhưng mắt ai cũng sáng lên khi thấy trên bàn nhà bếp cụ Chánh đã bày sẵn mọi thứ. Tất cả đều nóng sốt. Mời bạn vào làm tô phở bạn muốn. Bạn tự chọn nha. Tô lớn tô nhỏ tùy bạn. Nhiều bánh ít bánh, thịt chín thịt tái , gầu vè nạm sụn, hành ngò, đủ hết nha, nước giùng nóng hổi nhiều ít tùy bạn nha. Dân làng đã có một bữa ăn ngon miệng hết sức. Đi từ ngoài trời giá buốt vào tới trong nhà liền được ăn một tô phở ngon nóng hổi, trên đời này hỏi còn cái sướng nào bằng.

Việc ăn phở làm tôi nhớ tới ông bạn kể về những quán phở bác ái ở Saigon hiện nay. Những quán này mang tên ‘Nụ Cười’. Năm ngoái đã có 7 quán mang tên Nụ Cười. Mỗi tô phở gía chỉ có 1000 đồng, tương đương với 2 xu Mỹ hay Canada. Chủ nhân của các quán này là những nhà từ thiện. Quán mở ra để phục vụ những người lao động nghèo. Tô phở tuy giá rẻ bèo như thế nhưng là một tô phở thơm ngon thực sự. Các quán phở bác ái này mở cửa mỗi ngày Thứ Năm. Bà con các xóm nhà lá tới ăn rất đông, ai cũng hả hê sung sướng. Ban đầu có phóng viên thắc mắc : giá bán có 1000 đồng một tô thì bán làm gì vì thu được bao nhiêu, nhưng rồi chủ nhân nói nhỏ : phải thu chút tiền tượng trưng thì khi tới ăn không ai có mặc cảm là ăn của bố thí cả, tôi ăn phở có trả tiền mà. Tôi có mấy người bạn ở Canada này khi nghe biết về các quán phở bác ái này đã gửi tiền về giúp quán rất nhiều. Đến ăn phở, phở đã ngon đã rẻ, lại còn được tiếp đón bằng những nụ cười, chao ơi, hình ảnh đẹp quá. Xin bái phục những chủ nhân đại tâm này.

Dân làng tôi đã ăn một bữa phở bò rất say sưa . Anh John cứ chép miệng tiếc nuối. Anh bảo giá mà Cụ Chánh còn trẻ thì nhất định anh và vợ anh sẽ chung vốn với cụ mở một nhà hàng phở. Cái mức độ phở thơm ngon như thế này thì phải cho cái nhóm đi tìm các nhà hàng ngon nhất Canada trên kia biết tới và biết đâu ông thần bếp VN có thể đưa tô phở bò của Cụ chánh vào ‘ Top 10 ‘ năm 2018. Dân làng tôi đã vỗ tay hoan hô cái ý cao cả ấy của Anh John. Vợ anh là Chị Ba Biên Hoà giơ tay xin nói tiếp : Tôi nghĩ rằng việc này chưa muộn. Cụ Chánh không đứng ra mở thì nhóm chúng ta mở, xin Cụ Chánh làm cố vấn chỉ đạo. Dân làng lại vỗ tay râm ran nữa. Đây là chuyện lớn nha. Nếu làng tôi mà mở tiệm phở thì tôi sẽ trình các cụ ngay.

Dân làng còn đang ồn ào về tiệm phở tương lai thì Cụ già B.95 lên tiếng : Bữa nay chúng ta mải mê ăn phở bò rồi lại mải mê với giấc mơ mở tiệm mà quên cho lão tiếng cười. Ai cho tôi tiếng cười bữa nay đây ? Anh John giơ tay xin kể ngay. Anh bảo việc mơ một tiệm phở VN đoạt giải nhất quốc tế là do cháu vẽ ra, làm ai cũng thích, do đó xém quên chuyện cười của Cụ. Cháu xin đền Cụ bằng chuyện sau đây :

... Có một cặp vợ chồng già kia, đêm đó cả hai ngủ rất ngon. Sáng dậy lúc uống cà phê thì ông chồng kể : Đêm vừa qua tôi có một giấc mơ kỳ lắm. Tôi mơ tôi sống trên hoang đảo với một cô gái thật đẹp và trẻ trung. Bà vợ nghe đến đây thì lên tiếng ngay : Thế thì ông sung sướng quá rồi còn gì ! Ông chồng trả lời ngay : Tôi bảo giấc mơ kỳ là vì trong giấc mơ tôi cũng là đàn bà, bạn của cô gái ! Bà vợ nghe xong thì cười hi hi, rồi nói : Tôi cũng có một giấc mơ và giấc mơ này cũng kỳ như giấc mơ của ông. Tôi mơ tôi gặp một bà tiên và bà tiên cho tôi một điều ước. Tôi liền ước tôi trẻ lại thời 20 tuổi. Bà tiên liền gật đầu cho ngay. Và tôi đã biến ra một cô gái thời xuân xanh 20. Ông chồng lên tiếng ngay : Thế là giấc mơ của bà đẹp quá rồi, tại sao bà lại nói nó kỳ. Bà vợ trả lời : Tôi trẻ 20 tuổi nhưng ông đã xuất hiện, ông vẫn già khòm 70 tuổi thì sung sướng nỗi gì !

Chị Ba Biên Hoà cười ha ha rồi hỏi Cụ Chánh : Chắc hai vợ chồng già đó đã không ăn phở bò trước khi đi ngủ, phải không cơ ? Tôi xin chúc các bạn đêm nay ai cũng sẽ có một giấc mơ đẹp nha. Cụ Chánh trả lời Chị Ba mà như nói với cả làng :

- Báo chí vừa cho biết các khoa học gia mới tìm thấy ở Quebec thuộc đất nước Canada thân yêu này dấu vết sự sống cách đây 3.8 tỷ năm. Thế có nghĩa rằng trái đất của chúng ta đã có ít là 4 tỷ năm. Cuộc đời của con người, giỏi lắm là dài 100 năm. 100 năm sánh với 4 tỷ năm thì có nghiã gì. Đầu tháng Ba vừa qua ở nhà thờ có Lễ Tro. Vị linh mục khi bỏ tro lên đầu lão đã nói : ‘Bạn hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về tro bụi’. Lão đã chảy nước mắt khi suy nghĩ về câu này. Phần các bạn, các bạn nghĩ sao cơ ?

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cá Chép
Nguyễn Bá Khanh
19:23 15/03/2017
CÁ CHÉP
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Con Nguồn Dinh cá chình cá chép
Con Nguồn Bồ con tép con cua
Con vua thì lại làm vua
Con Sãi ở chùa thì quét lá đa
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 15/3/2017
VietCatholic Network
11:00 15/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”.

2- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

3- ĐTC nói, ngài luôn bình an dù là một người có tội.

4- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

5- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

6- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

7- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

8- Bangladesh: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân cần cứu trợ khẩn cấp.

9- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

10- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”

Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. ĐTC chia sẻ như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, ngày thứ Ba, 14-3-2017. ĐTC nói:

“Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình. Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện. Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện… Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.”

ĐTC nói thêm, chúng ta cũng phải “Học làm điều tốt cụ thể chứ không chỉ nói xuông… Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể. Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa… Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.

ĐTC cũng khuyên mọi người cần thức tỉnh và khiêm tốn đón nhận sự đỡ nâng của Chúa để được thứ tha. Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết.

Và ĐTC kết luận: “Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.”

- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

Một trong các mục đích của Năm Thương Xót do ĐTC Phanxicô khởi xướng là cổ vũ tín hữu chạy tới với Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa Nhập Thể tại tòa giải tội, đúng nghĩa là Tòa Thương Xót. Tuy nhiên, tòa ấy đã bị lạm dụng và hiểu lầm một cách hết sức tệ hại bởi não trạng hiện đại. Một trong những lạm dụng ấy là người ta dùng nó làm khí cụ tấn Công Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một thứ pháo đài bao che tội lỗi ấu dâm. Quyền lực trần thế đang tìm đủ cách để phá đổ Tòa Thương Xót này bằng cách soi mói, buộc các thừa tác viên của Giáo Hội phải nói ra những thổ lộ tâm tình sâu kín nhất của những tâm hồn đau khổ đi tìm sự an ủi của Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng ấn tòa giải tội rộng đến nỗi linh mục không buộc phải xác nhận mình có giải tội cho một người nào đó hay không, huống chi là nội dung cuộc xưng tội.

Tòa Thương Xót cũng thường bị hiểu lầm. LM Dwight Longenecker, một cựu mục sư Anh Giáo, ngày 6 tháng Ba vừa qua, có viết một bài về sự hiểu lầm tai hại này, trong đó ngài cho rằng, một trong các lý do khiến ít người Công Giáo đi xưng tội là họ thực sự không nghĩ họ làm gì ra tội cả. Cha không trách tín hữu vì họ đã bị phỉnh lừa lâu nay bởi “60 năm giáo lý kiểu nựng chó con và mèo con”. Đây là một nền giáo lý, trong đó, không ai được dạy về tội lỗi, mà toàn nói tới yêu thương, nắng hồng và con cái Thiên Chúa, để họ cảm thấy mình hay, mình tốt, đáng yêu. Nền giáo lý trên được tăng cường bởi một thứ tâm lý học làm vui lòng người trong đó, mọi người đều tốt lành cả… Một số linh mục cũng mềm lòng vốn quen với ý niệm cho rằng mình không nên nói đến tội lỗi kẻo làm người ta có mặc cảm tội lỗi và điều này chẳng hay ho chi. Thành thử, tín hữu ... không những không biết về tội lỗi mà còn về cả trách nhiệm bản thân và việc cần phải chọn lựa nữa. Nếu không có tội, thì đâu cần phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu làm chi!

Bởi thế, Mùa Chay năm nay, Cha Longenecker dựa vào bức tranh hỏa ngục của Dante để nói về bản chất của tội, chiều sâu của tội và cái tinh vi của tội. Theo Cha, Dante đã dẫn ta tới hỏa ngục để học về tội: tội không chỉ có nghĩa các điều xấu đã làm mà còn là các điều tốt không làm nữa. Không làm điều xấu đã đành là được rồi, nhưng không làm điều tốt có đáng lên thiên đàng không? Nói đến tội làm người ta khó chịu, có mặc cảm tội lỗi hoặc làm họ sợ phải nghĩ tới thiên đàng. Nhưng, Cha Longenecker kết luận, chẳng thà sợ mà nghĩ tới thiên đàng còn hơn như bồ hóng trong hỏa ngục!

- ĐTC nói ngài luôn bình an dù là một người có tội.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô nói ngài luôn bình an dù là một người có tội. Khi được hỏi về các cuộc tấn công đích danh đối với ngài gần đây, ĐTC Phanxicô cho hay: “Từ lúc tôi được bầu làm giáo hoàng đến nay, tôi chưa bao giờ mất cảm thức bình an. Tôi hiểu một số người có thể không thích lối hành động của tôi, tôi còn biện minh cho họ nữa vì có rất nhiều lối suy nghĩ; thậm chí còn được phép, hợp nhân bản và ngay cả phong phú nữa”.

Về các bích chương phản đối ngài thiếu lòng thương xót và ấn bản giả của tờ L’Osservatore Romano mới đây, ĐTC Phanxicô cho biết ngài thấy ấn bản giả không phong phú chút nào, nhưng các bích chương phản đối thì có. Ngài nói: “Tiếng địa phương Romanesco trong các bích chương ấy quả tuyệt diệu!”, chắc chắn do một người có học thức cao viết.

Nhân dịp này, ngài thổ lộ: ngày nào ngài cũng đọc kinh Ông Thánh Thomas More, xin được ơn biết hài hước. Ngài bảo: “Chúa chưa lấy mất sự bình an của tôi, và Người ban cho tôi đủ tính hài hước”. Và cũng như trước đây, ngài thú nhận mình là người có tội và có những khoảnh khắc ngài nổi điên với Chúa Giêsu hoặc nói rằng ngài không hiểu tại sao một điều gì đó lại xẩy ra, kể cả những điều chính ngài làm.

- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

Ngày 13 tháng 3, 2017 là tròn 4 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng “đến từ cùng tận của thế giới” đã chiếm được trái tim của các tín hữu khi nói về lòng thương xót và chú ý đến những người cùng đinh nhất. Nhà báo Michele Raviart đã phỏng vấn một số tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 12 tháng ba vừa qua về những kỉ niệm và ấn tượng họ có về ĐGH Phanxicô. Một tín hữu nói: “ĐGH đến từ nơi rất xa, từ miền đất xa xôi ở Argentina. Rồi tên của ngài, cách đặc biệt, gợi nhớ đến thánh Phanxicô. Điều đầu tiên mà tôi thích, đó là ngài muốn đến ở nhà Santa Marta thay vì ở trong dinh tông tòa như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đó là một điều thật đẹp. Ngài là một Giáo hoàng tốt lành, nhắc tôi hơi nhớ đến ĐGH Gioan XXIII.”

Nhiều tín hữu nói rằng: “Ngài là một người vĩ đại …”, “Lòng thương xót của Đức Giáo Hoàng đối với tất cả, không có sự phân biệt”, và “Lòng tốt lành của Đức Giáo Hoàng đã đánh động họ. Ngài sẽ để cho các người trẻ, 100 năm nữa, một cử chỉ không thể lấp đầy.” Một tín hữu đã tâm sự, “Nhìn thấy ngài sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ rẻ tiền, thấy sự đơn giản của ngài, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn đẹp nhất đối với tôi, ngài thực sự là một người của gia đình.” Khi ký giả Raviart hỏi các tín hữu mong ước điều gì trong thời gian còn lại của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô, câu trả lời gần như đồng nhất là họ mong là triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài thật lâu để ngài tiếp tục truyền bá ý tưởng về tình huynh đệ, và dân chúng hiểu là ngài mong có sự tốt lành trên thế giới và sự giản đơn. Một tín hữu biểu lộ sự yêu mến ĐGH một cách mạnh mẽ: “Cầu mong ngài không đi xa, không bao giờ, không bao giờ! ĐGH này sẽ sống 1000 năm!”

Đức Phanxicô cũng cho hay ngài không cảm thấy ngài là “một người đặc biệt” và các chờ mong người ta đặt lên ngài, có hơi cường điệu hóa, quả không công bằng đối với ngài. Ngài bảo: “tôi không phải là người tồi, không, nhưng tôi là một người làm điều mình có thể làm… Được hỏi ngài có sợ làm ngã lòng các vị ở trong Giáo Triều với những lời lẽ như trên hay không, nếu các vị này cần có một người cha hoàn hảo, Đức Phanxicô trả lời: không, không có chuyện người cha hoàn hảo, vì chỉ có một người cha hoàn hảo mà thôi, đó là Thiên Chúa.

- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

Trong mấy ngày đầu tháng ba này, Đức Cha Munib Younan, Giám mục của Giáo Hội Luther Giordania và Thánh Địa, kiêm chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới, đã có mặt tại Firenze, trung bắc Italia, để tham dự đại hội về đề tài “Đọc hiểu trở lại cuộc Cải Cách”. Nhân dịp này Đức Cha đã dành cho phóng viên Riccardo Burigana một bài phỏng vấn về cuộc đối thoại đại kết. Trong cuộc phỏng vấn này, khi được hỏi cuộc đối thoại đại kết diễn tả điều gì đối với Liên Hiệp Luther thế giới.

Đức Cha Younan trả lời: “Đối với tín hữu Luther, đại kết là trung tâm cuộc sống đức tin, chính vì thế Liên Hiệp đã thăng tiến cuộc đối thoại song phương với Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội chính thống, các Giáo Hội cải cách, Giáo Hội anh giáo, và các cuộc nói chuyện với các anh em Pentecostal và Baptist, cũng như thăng tiến một lộ trình sám hối với anh em Menonít. Tuy nhiên, đại kết không phải chỉ là một việc đối chiếu thần học để hiểu xem phải thắng vượt các chia rẽ như thế nào. Nó … phải đi sâu vào kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của từng kitô hữu… Tinh thần cuộc gặp gỡ tại Lund có thể giúp các tín hữu kitô khám phá ra rằng đại kết có nghĩa là cùng nhau sống Chúa Kitô để cùng nhau đương đầu với các thách đố chung cho mọi kitô hữu.

Trả lời một câu hỏi khác về các liên lạc giữa Liên Hiệp Luther và Giáo Hội Công Giáo sau cuộc gặp gỡ tại Lund, ngài cho biết tài liệu “Từ xung khắc tới hiệp thông“ đã được soạn thảo, đề ra 5 điểm hướng dẫn con đường đại kết, khởi hành từ việc thừa nhận phép rửa duy nhất trong Chúa Kitô… Từ 50 năm qua, các tín hữu Công Giáo và Luther đã bắt đầu cuộc đối thoại đại kết … Giờ đây điều quan trọng là cuộc đối thoại này không chỉ được sống tại Roma hay tại Genève thôi, mà phải đi tới với mọi cộng đoàn địa phương. Được hỏi về sự dấn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự liên lụy cá nhân của ngài trong phong trào đại kết, ngài đáp:

“Truớc hết, tôi tin rằng thật là quan trọng nhắc lại rằng Đức Gioan XXIII, với Công Đồng Chung Vatican II, đã mở ra một mùa mới được các vị kế nhiệm tiếp tục. Tôi đã có niềm vui được gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI cũng như ĐGH Phanxicô, sống kinh nghiệm những gì các vị có trong tim, không phải chỉ có con đường đại kết mà cả việc thăng tiến đối thoại với tất cả mọi người. ĐGH Phanxicô, người anh em của tôi trong Chúa Kitô, nhắc nhở rằng khi cùng tiến bước các kitô hữu mạnh mẽ hơn trong việc loan báo Chúa Kitô. Đối thoại là tương lai. ĐTC Phanxicô đã hiểu điều này, ngài thực thi và nhập thể nó. Trong đối thoại và với đối thoại, các kitô hữu được mời gọi cùng nhau sống hoà bình, công bằng, cứu vãn thụ tạo và yêu thương.

- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

Manila – Hôm thứ hai, 6-3-2017, chính quyền tổng thống Duterte đã thông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo Hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, Đức Cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo Hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo Hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.” Đức Cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo Đức Cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Trong nhiều tháng qua, Giáo Hội đã lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình.

- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

Từ Vienne, thủ đô nước Áo, ngày 2 tháng 3 vừa qua, tổ chức kiểm soát ma túy quốc tế, gọi tắt là OICS, trực thuộc LHQ đã mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy ngoài vòng pháp luật do tổng thống Philippines phát động. Chỉ trong vài tháng, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã gây ra hàng ngàn nạn nhân. Nhiều người bị hành hung hay sát hại chỉ vì bị nghi ngờ là dính líu đến ma túy. Tổng thống Rodrigo Duterte khích lệ những vụ sát hại sơ sài không cần xét xử này. Cảnh sát Phi cho biết đã bắn hạ 2.500 người buôn bán hay xử dụng ma túy và 4000 người khác thì bị giết trong những hoàn cảnh không được sáng tỏ.

Tổ chức kiểm soát tình hình ma túy quốc tế OICS có trụ sở tại Vienne, trong quá khứ, đã từng kêu gọi chính quyền Phi ngưng ngay các chiến dịch ngoài vòng pháp luật này. Trong phúc trình công bố hôm 2.tháng ba vừa qua, OICS cứng rắn tái lên án một lần nữa mọi hành động nhắm vi phạm các quyền con người và chà đạp nhân phẩm cách trầm trọng như thế.

Tuy không đả động đến dự định của tổng thống Phi muốn tái lập án tử hình cho những kẻ phạm tội buôn bán ma túy, phúc trình của tổ chức OICS khích lệ các quốc gia còn án tử hình hãy hủy bỏ án này đối với những tội phạm liên quan đến ma túy. Philippines đã xóa bỏ án tử hình cách đây 11 năm. Các đảng phái đối lập tại Philippine chống lại việc tái lập án tử hình vì trong những điều kiện tham nhũng thối nát tại nước này hiện nay, có nguy cơ nhiều người vô tội có thể bị kết án tử hình.

- Tích Lan: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân.

Khoảng một triệu người đang cần thực phẩm và hàng chục ngàn người đang cần cứu trợ một cách khẩn cấp vì nạn hạn hán nghiêm trọng ở Sri Lanka, Bangladesh. Đó là tóm lược cuả những lời báo động từ các tuyên bố của chính phủ Sri Lanka và cuả Liên Hiệp Quốc.

Trong năm vừa qua, đất nước này đã phải đối mặt với một nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm quản lý thiên tai cho biết đã có tới một triệu 200 ngàn người bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Khoảng 900,000 cần thực phẩm cấp bách, trong số này, khoảng 80.000 cần cứu trợ khẩn cấp.

Hạn hán ảnh hưởng đến 23 huyện trong tổng số 25 huyện cuả quốc gia. Theo ước tính thì một phần ba dân số đang gặp phải khó khăn về nguồn nước. Chính phủ đã phải bắt đầu phân phối nước đến 180 ngàn gia đình kể từ ngày 2 tháng ba.

- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

Các lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Coptic ở Anh đã nói rằng, mặc dù các tín hữu Ai Cập là nạn nhân của nạn quấy nhiễu và bạo lực, họ đã sẵn sàng tha thứ theo một tiêu chuẩn Tin Mừng mà mọi người nên bắt chước. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài EWTN, Giám mục Anba Angealos, Giám mục tổng quyền của Giáo Hội Chính Thống Giáo Coptic ở Anh đã nhắc lại rằng các tín hữu Ai cập luôn trung thành với lý tưởng hòa bình và tha thứ… ĐGM nói rằng “Tôi cảm thấy tự hào về cách sống chứng nhân và gương mẫu của họ. Họ đã là một gương sống động cho chúng ta noi theo.

Chỉ trong 3 tháng gần đây thôi đã có trên 40 tín hữu bị giết, bao gồm vụ đánh bom ở nhà thờ Chính Tòa Thánh Mác-Cô của Giáo Hội Chính Thống ở Cairo vào tháng 12 đã làm thiệt mạng 29 người. Nhóm nhà nước Hồi Giáo ở khu vực Sina Ai Cập, đã nhắm mục tiêu vào các tín hữu ở đây nhằm đuổi họ ra khỏi khu vực này. Cuộc tấn công vào Al Arixh, một thành phố trong vùng Sinai đã làm cho 7 người chết và hằng trăm người đã phải sơ tán. Cuộc sống ở Ai Cập không dễ dàng chút nào cho các tín hữu Coptic, những người đã gắn bó trong cộng đồng Thánh Mác-Cô, vị tông đồ đầu tiên truyền đạo tại vùng này.
Các tín hữu ở đây chiếm 15% dân số Ai Cập, nhất là các tín hữu ở vùng nông thôn. Họ thường bị đối xử như công dân hạng hai, là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và bạo lực. Nhà thờ của họ bị tấn công. Giám Mục Angaelos nhận xét, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã có những biểu hiện tích cực, nhưng hệ thống luật pháp và lực lượng anh ninh trật tự địa phương không đủ mạnh để có thể ngăn chặn tội ác và bắt giữ các thủ phạm.

- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

Thứ Sáu ngày 3 tháng ba, 2017, Giáo sư François Mabille, Tổng Thư ký Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế (International Federation of Catholic Universities, gọi tắt là IFCU) và Cô Monserrat Alom, Trưởng Ban Dự Án của IFCU, đã đến thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam. Ngay buổi sáng khi vừa đến Việt Nam, Giáo sư Tổng Thư Ký và vị Trưởng Ban Dự Án của IFCU đã thăm Cơ sở của Học Viện Công Giáo Việt Nam và buổi chiều có cuộc gặp gỡ chân thành và cởi mở với Đức Cha Viện trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Đức Cha Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn Giuse Đỗ Mạnh Hùng, và cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng Tổng Thư Ký của Học viện.

Giáo sư Mabille cho biết mục đích của chuyến thăm là để IFCU hiểu thêm những khó khăn và những nhu cầu cụ thể của Học Viện Công Giáo Việt Nam; đồng thời, tìm cách hỗ trợ cho Học viện trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn. Theo Giáo sư Mabille, IFCU sẽ có những giúp đỡ cụ thể cho Học viện về giáo viên giảng dạy ngôn ngữ, bước đầu là bộ môn Tiếng Anh và sách cho thư viện online, cũng như giúp thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục vụ giáo dục và giới trẻ.

Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế, thành lập năm 1924 và hiện có hơn 221 thành viên bao gồm đại học và học viện Công Giáo trên toàn thế giới, có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức giáo dục Đại học Công Giáo, nghiên cứu và hành động cho sự phát triển tri thức, xây dựng xã hội và con người toàn diện. IFCU được Liên Hiệp Quốc công nhận như tổ chức Quốc tế Phi Chính phủ vào năm 1952.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về cuộc khổ nạn mà Chúa đã đi qua để minh chứng tình yêu trọn vẹn của Ngài đối với nhân loại. Bài thánh ca này mang tựa đề Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu của nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh, hòa âm bởi nhạc sĩ Quang Phúc, được trình bày qua tiếng hát ca sĩ Đình Trinh. Chúng tôi kính mời quý vị cùng nghe!