Ngày 14-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 4B Mùa Chay : Bị Và Được
Lm .Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:27 14/03/2021
CN 4B Mùa Chay : Bị Và Được

Chúa Giêsu nói với ông Nicođêmô : Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thật ra, có lúc Chúa Giêsu dùng chữ giương cao theo nghĩa “bị” : khi Con Người bị giương cao (x. Ga 12, 32). Cho nên hôm nay ta chọn đề tài “bị và được.”

Trong một đoạn Phúc m khác Chúa Giêsu nói : Hai người cùng xay bột, một người bị đưa đi, một người được để lại. Chẳng ai cấm ta dịch ngược lại : hai người cùng xay bột, một người “được” đưa đi, một người “bị” để lại. Như năm 1975 : gia đình 2 người, một người được tàu bốc đi một người bị để lại. Nếu tàu bốc đi, bị chìm, chết khơi, có phải là kẻ “bị” để lại, lại là “được” không? Chỉ một động từ thể thụ động, mà tiếng Việt ta vận dụng thành được hay bị, tuỳ nghi.

Đi qua nhà thuốc tây, thấy logo hình con rắn quấn cái ly, nhỏ nọc vào cái chén. Khi ta bị rắn cắn, là ta được rắn nhỏ nọc. Nọc rắn càng độc, giá càng cao. Nọc rắn, có khi là “bị,” có lúc lại “được.” Chắc hẳn hình rắn trong ngành dược được gợi ý từ chuyện xưa trong sa mạc : Bấy giờ họ phàn nàn kêu trách Chúa và Môsê vì đã không cho họ bánh ăn và nước uống như hồi ở bên Ai Cập. Họ đã quá chán ngán thứ manna này rồi. Và thế là Chúa đã trừng phạt họ bằng cách cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Tuy nhiên, khi họ biết ăn năn hối cải, Ngài đã ra lệnh cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo nó lên một cây cột và hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng là được bảo đảm an toàn tính mạng.

Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh xưa mà ám chỉ về mình : Khi Con Người bị giương cao lên (bị đóng đinh) lại là lúc được Chúa Cha giương cao lên, ai nhìn vào, tin vào, được cứu.

Khi dạy các dự tòng, tôi thường đặt câu hỏi “bị và được” này. Bị là phải, bắt buộc, chẳng ai thích. Nhưng thay vì nói bị, phải, tại sao không nói “được.” Cụ thể, tại sao lại nói “anh phải vào Đạo” mà không nói “anh được vào Đạo.” Và tôi phân tích hai cái được rất lớn khi vào Đạo. (1) Được vợ (chồng) mãi, không sợ chia tay; và (2) được làm con Chúa. Những cái Được lớn như vậy sao gọi là “bị” được?

Sách “Hạnh Lâm Tử” kể, trước đây rất xưa, con nhím không có gai. Thân nó nhỏ, bản tính lương thiện ôn hoà, thích thân cận với mọi người. Nhưng cũng vì chính nó yếu đuối nhát gan, mà trở thành đối tượng cho người khác bắt nạt, đây không phải chỉ là đùa giởn với nó, mà chính là tấn công nó, thậm chí, có lúc ngay cả mạng sống cũng bị uy hiếp.

Cho nên nhím kể khổ với Chúa Tạo Vật:

- "Ngài xem thân con, ngoài da không có sừng tê giác hùng hậu, lại không có răng nanh vuốt nhọn như sư tử và hổ, đã không linh mẫn như tai thỏ, càng không có tứ chi nhảy vọt như linh dương. Ở một nơi mà cường địch theo dõi như thế này mà một chút năng lực đề kháng cũng không có, Ngài bảo con sống sót thế nào được chứ?"

Chúa Tạo Vật nói:

- "Ðược rồi, để Ta nghĩ cách xem sao?"

Thế là Chúa Tạo Vật làm cho con nhím toàn thân đầy gai nhọn.

Sau đó, mỗi lần có kẻ địch đến gần, cơ thể của nhím giương lên, gai của nhím dựng đứng thẳng. Gai của nó nhọn sắc như dao, khỏi cần phải nói, các động vật, thậm chí ngay cả hổ và sư tử, hoặc là cá sấu, trăn, là những động vật dữ tợn như thế cũng đều có vài phần sợ nó. Con nhím vạn phần đắc ý, không ngờ nó nhỏ nhỏ như thế, mà cũng có một ngày người ta sợ hãi nó...

Dần dần kẻ địch càng ngày càng lánh xa, nhưng bạn bè cũng chẳng có ai dám đến gần, rất nhiều loài vừa nhìn thấy nó liền chết khiếp chạy trốn. Nhím cô đơn buồn bực, chịu không nổi bèn kể lể với Chúa Tạo Vật:

- "Mọi việc đều bởi Ngài, vì Ngài đã tạo cho con những cái gai kì quái này, báo hại con, một thằng bạn cũng không có".

Chúa Tạo Vật phì cười nói:

- "Bé con, Ta tạo cho con cái gai nhọn là để cho con phòng ngự kẻ địch, chứ Ta có nói con phải dựng đứng cái gai nhọn (của con) từ sáng đến tối đâu?"

Tài năng Thiên Chúa ban cho mỗi người không phải là để huênh hoang khoác lác, hoặc kiêu ngạo với anh chị em.

Mỗi người đều có một khả năng riêng, một cái hay riêng.

Những người học võ công cao siêu, nhìn họ chẳng có chi là con nhà võ cả, họ rất hiền, rất điềm đạm, họ chẳng bao giờ đánh ai, vì họ biết rằng, học võ là để bảo vệ sức khoẻ, là tự vệ, chứ không phải là để đánh người ta và đem đi khoe khoang.

Trái lại, những người mới học, võ vẽ đôi cú đấm đá, thì đi đâu cũng vung tay múa chân, cũng vỗ ngực ta đây đã từng học võ này võ nọ, không coi ai ra gì cả. Thật tội nghiệp cho họ.

Có người trời ban cho cái tài lợi khẩu, nhưng không dùng cái tài ấy để bênh vực người bị áp bức, bị chèn ép, mà lại dùng tài lợi khẩu ấy để nói móc họng anh em, để chửi xéo chị em bằng những lời... bóng bẩy văn hoa, nghe mà muốn... độn thổ.

Con người là một động vật có trí khôn, nếu trí khôn mất đi thì trở thành... con vật, mà nhìn còn tệ hơn nữa. Trí khôn là một báu vật vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, để con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, tức là làm đẹp vũ trụ này.

Có trí khôn, có tài năng mà lạm dụng chúng nó làm những việc trái với lương tâm, gây đau khổ cho người khác, ích kỷ, chỉ biết những gì có lợi cho mình, mưu mô, xảo quệt, làm hại người.v.v... thì như con thú dữ.

Nên dùng tài năng và trí khôn Thiên Chúa ban cho, để thăng tiến mình và ích lợi cho tha nhân.

Đừng như con nhím nghĩ mình “bị” có gai nhọn nên chẳng bạn bè giao du, mà quên đi mình “được” có gai nhọn để tự vệ.

“Bị” rắn cắn, nhưng có lúc mong “được” nọc độc của nó.

“Bị” đòn hay “được roi”. Thương cho roi cho vot. Có những học sinh đã trải qua chương trình giáo dục nghiêm khắc, họ vẫn nhắc lại những mẩu chuyện xưa, bị thầy giáo nọ dùng thước kẻ đánh vào bàn tay, bà sơ kia bắt quì, mà họ vẫn có thể cười được vì bây giờ họ thành công trên đường đời, có địa vị trong xã hội.

Hôm nay Chúa Nhật, phải đi nhà thờ. Sao nặng nề thế ! Sao không là : Hôm nay Chúa Nhật, “được” đến nhà thờ. Được ngồi gần Chúa, chứ không phải bị ngồi gần Chúa đâu. Cứ chuyển “bị” thành “được,” đời ta sẽ lên hương… với Chúa.

Lm.Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(mượn phần suy tư “con nhím” trong “mỗi ngày một câu chuyện” của Lm Nhân Tài, csjb)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 14/03/2021

47. Giả như con có gia tài phú quý vạn phần mà lấy đi giúp cho người nghèo khổ thì công đức rất lớn, nhưng cứu một linh hồn thì công đức càng lớn bội phần.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 14/03/2021
89. THÊM HUYỆN MỚI ĐỔI THƠ

Tiền Mậu tự phong mình là Ngô Việt vương.

Tăng nhân là Quý Hưu nhàn rỗi nên làm thơ tặng Tiền Mậu:

- “Mãn đường hoa túy tam thiên khách,

nhất kiếm sương hàn thập tứ châu”.

Tiền Mậu coi xong thì không hài lòng, hạ lệnh sai người đòi Quý Hưu sửa mười bốn huyện thành bốn mươi huyện, và nói:

- “Không sửa bốn mươi thì đừng đến thăm ta”.

Quý Hưu sau khi được lệnh thì bật cười, nói với người đưa tin:

- “Phải thêm huyện trước đã rồi mới đổi thơ được !”.

(Tiếu Tán)

Suy tư 89:

Mười bốn là mười bốn và bốn mươi là bốn mươi không lẫn lộn đâu được cả, chỉ những ai mắt mờ quáng gà mới đọc sai mà thôi, và nguy hơn nữa là chỉ những ai mắc bệnh khoe khoang thành tích trầm trọng mới như thế. Khoe khoang thành tích cũng đã làm cho người khác không thích, huống hồ là đem cái không có mà khoe khoang !

Thời nay bệnh khoe khoang thành tích là một đại dịch của xã hội, mà thực tế cho thấy, công trình nào được báo cáo vượt chỉ tiêu trước thời hạn là công trình xuống cấp nhanh nhất; công trình nào được báo chí khen nhiều thì cũng báo chí ấy sẽ là tờ báo đầu tiên chỉ trích bơi móc những sai lầm khuyết điểm bê bối của công trình nhiều nhất, vì đó là bệnh thành tích...

Đã tự xưng là vương rồi lại bắt ép người ta làm thơ để ca tụng thành tích không có của mình, ai mà làm, chỉ có các nhà báo đã nhận bao thư đỏ đỏ hồng hồng mới làm như thế.

Người Ki-tô hữu viết báo làm báo thì là một cách truyền giảng Lời Chúa, cho nên luôn viết sự thật, nói sự thật và cái gì nên viết cái gì không nên viết, đó là sự khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần luôn ban cho những ai thích sự thật, bằng không thì là công cụ của ma quỷ: dùng phương tiện truyền thông để bôi nhọ nhau, làm gương mù gương xấu, lây lan nhanh hơn cả một đại dịch cúm gà như các nhà khoa học tiên báo.

Đại nguy hiểm, thậm nguy hiểm...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay 14/3/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
15:07 14/03/2021
Chúa Nhật 14 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ tư của Mùa Chay, phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với lời mời gọi này: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên…” (x Is 66:10). Lý do của niềm vui này là gì? Vào giữa Mùa Chay như thế này, đâu là lý do cho niềm vui đó? Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Thiên Chúa “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Người Con ấy không bị hư mất mà được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thông điệp vui mừng này là trọng tâm của đức tin Kitô: tình yêu của Thiên Chúa đã tìm thấy đỉnh cao trong sự ban tặng Con Ngài cho một nhân loại yếu đuối và tội lỗi. Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta, cho tất cả chúng ta.

Đây là những gì xuất hiện trong cuộc đối thoại trong đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một phần của thông điệp này cũng được mô tả trong bài Tin Mừng cùng ngày (x Ga 3: 14-21). Nicôđêmô, giống như mọi thành viên của dân Israel, chờ đợi Đấng Mêsia, xác tín rằng Ngài là Đấng mạnh mẽ, Đấng có thẩm quyền phán xét thế gian. Trái lại, Chúa Giêsu thách đố kỳ vọng này bằng cách trình bày Người trong ba hình thức: Con Người được tôn vinh trên thập tự giá; Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu rỗi muôn dân; và ánh sáng để phân biệt những người theo đuổi sự thật với những người đứng về phía dối trá. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh sau: Con người, Con của Thiên Chúa, và ánh sáng.

Chúa Giêsu trình bày Ngài trước hết là Con Người (cc. 14-15). Bản văn ám chỉ trình thuật về con rắn bằng đồng (xem Nm 21: 4-9), theo thánh ý Chúa, được Môisê treo trong sa mạc khi dân chúng bị rắn độc tấn công; ai bị cắn và nhìn con rắn đồng đó thì được chữa lành. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã được treo lên trên thập tự giá để những ai tin vào Ngài được chữa lành khỏi tội lỗi và được sống.

Khía cạnh thứ hai là của Con Thiên Chúa (cc.16-18). Chúa Cha yêu thương nhân loại đến độ “ban” Con của Người: Người đã ban Con Ngài trong mầu nhiệm Nhập thể trước khi giao nộp Người cho cái chết. Mục đích của sự trao ban của Thiên Chúa là sự sống đời đời của mỗi người chúng ta: thật ra, Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Chúa Giêsu mà được cứu. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là sứ mệnh cứu độ, cứu rỗi mọi người.

Danh xưng thứ ba mà Chúa Giêsu tự trình bày mình là “ánh sáng” (c. 19-21). Tin Mừng cho biết: “Sự sáng đã đến trong thế gian, nhưng người ta yêu bóng tối hơn ánh sáng” (c. 19). Việc Chúa Giêsu đến trong thế gian dẫn đến một sự lựa chọn: ai chọn bóng tối sẽ phải đối mặt với lời kết án, ai chọn ánh sáng sẽ được ơn cứu rỗi. Bản án luôn là hậu quả của sự tự do lựa chọn của mỗi người: bất cứ ai thực hành những điều gian ác luôn tìm bóng tối, cái ác luôn phải được dấu diếm, nó che đậy chính mình. Ai tìm kiếm sự thật, có nghĩa là, những người thực hành những gì là thiện hảo, thì thích ánh sáng chiếu sáng những con đường của cuộc sống. Ai đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, không thể nào lại không làm việc thiện. Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với sự tận tụy lớn hơn trong Mùa Chay: hãy đón nhận ánh sáng trong lương tâm chúng ta, mở rộng tâm hồn chúng ta trước tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, trước lòng thương xót đầy dịu dàng và nhân hậu, trước sự tha thứ của Người. Đừng quên rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, luôn luôn, nếu chúng ta khiêm nhường cầu xin sự tha thứ. Chỉ cần cầu xin sự tha thứ, và Người sẽ thứ tha. Như thế, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đích thực và có thể vui mừng trong sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng tái tạo và ban sự sống.

Xin Mẹ Maria Chí Thánh giúp chúng ta đừng sợ để mình bị Chúa Giêsu “ném vào khủng hoảng”. Đó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh, cho sự chữa lành của chúng ta: để niềm vui của chúng ta được tràn đầy.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Mười năm trước, cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã bắt đầu, dẫn đến một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong thời đại chúng ta: số người chết và bị thương không kể xiết, hàng triệu người tị nạn, hàng nghìn người mất tích, đất nước bị tàn phá, bạo lực đủ loại và đau khổ vô cùng đối với toàn bộ người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và người cao niên. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành của mình đối với các bên trong cuộc xung đột: hãy thể hiện những dấu chỉ thiện chí, để một tia hy vọng có thể mở ra cho những người đang kiệt quệ. Tôi cũng hy vọng vào một cam kết dứt khoát và mới mẻ, mang tính xây dựng và đoàn kết, từ phía cộng đồng quốc tế, để một khi vũ khí đã được hạ xuống, cấu trúc xã hội có thể được hàn gắn và có thể bắt đầu tái thiết và phục hồi kinh tế. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa rằng nỗi đau khổ lớn lao tại đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta có thể không bị lãng quên, và sự đoàn kết của chúng ta có thể làm sống lại hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Thứ Sáu tới, ngày 19 tháng Ba, Lễ Trọng kính Thánh Giuse, sẽ khai mạc Năm Tông Huấn Amoris Laetitia của Gia đình: một năm đặc biệt để lớn lên trong tình yêu thương gia đình. Tôi kêu gọi một động lực mục vụ đổi mới và sáng tạo để đặt gia đình vào trung tâm của sự chú ý của cả Giáo hội và xã hội. Tôi cầu nguyện rằng mọi gia đình có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Thánh Gia Nazareth trong chính ngôi nhà của mình, để có thể lấp đầy các cộng đồng nhỏ bé trong gia đình chúng ta bằng tình yêu chân thành và quảng đại, một nguồn vui ngay cả trong thử thách và khó khăn.

Tôi xin chào các chàng trai và cô gái của đội bóng rổ, được các gia đình và huấn luyện viên của họ tháp tùng, đang có mặt tại Quảng trường hôm nay. Tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé, hãy tiếp tục!

Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các bạn, các tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương thân mến. Và đặc biệt, tôi chào rất nhiều người Phi Luật Tân, những người đang kỷ niệm năm trăm năm công cuộc truyền giáo ở quốc gia này. Xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến anh chị em! Và xin hãy tiếp tục với niềm vui của Tin Mừng!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!
Source:Libreria Editrice Vaticana

 
Phải mất 60 năm khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus trải qua biết bao đau khổ
Đặng Tự Do
16:37 14/03/2021


Một nghệ sĩ xăm mình đang giúp khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus theo lời mời của cha sở địa phương.

Julia Kulba - được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh hình xăm với cái tên Pipetka - đã áp dụng kỹ năng của mình vào 14 bức phù điêu Thánh giá tại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh Đức Maria ở Adamovichi, một ngôi làng ở vùng Grodno phía tây bắc.

Catholic.by, trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus, đưa tin rằng cha Alexander Shemet cũng yêu cầu Kulba khôi phục lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử Nhân Lành.

Kulba, một nghệ sĩ xăm mình được đánh giá cao với hơn 15 năm kinh nghiệm, chưa từng phục chế một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo nào trước khi Cha Shemet tiếp cận cô vào đầu năm 2021. Cô làm việc cùng với em gái, cũng là một nghệ sĩ được đào tạo.

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1854. Một cựu tù nhân của một trại tù Liên Xô đã bắt đầu khôi phục lại các chặng đàng Thánh giá cách đây 60 năm nhưng bị buộc phải từ bỏ công việc do sức khỏe yếu.

Người cựu tù làm việc dưới sự hướng dẫn của Cha Sở lúc bấy giờ là Cha Kazimir Orlowski. Ngài được thụ phong linh mục năm 1939, làm tuyên úy cho phong trào kháng chiến Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Năm 1950, ông bị bắt vì tội tuyên truyền chống Liên Xô và bị kết án tử hình. Bản án của ngài cuối cùng được giảm xuống 25 năm trong trại kiên giam.

Sau khi chấp hành một phần bản án của mình, Orlowski được trở lại nhà thờ và giám sát việc trùng tu.

Belarus là một quốc gia không có bờ biển giáp ranh với Nga, Ukraine, Ba Lan, Litva và Latvia. Người Công Giáo là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai sau Chính thống, chiếm khoảng 15% trong dân số 9.5 triệu người.
Source:Catholic News Agency
 
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng huân chương cho nữ tu y tá phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý
Đặng Tự Do
16:39 14/03/2021


Một nữ tu và đồng thời là một y tá đã tình nguyện phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh với Giải thưởng “Phụ nữ Dũng cảm”.

Sơ Alicia Vacas Moro là một Nữ tu Truyền giáo dòng Comboni người Tây Ban Nha. Sơ đã phục vụ người nghèo và người bệnh như một y tá ở Ai Cập, Bờ Tây, và giữa đại dịch coronavirus.

Sơ Vacas đã được Ngoại trưởng Anthony Blinken trao Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế trong một buổi lễ trực tuyến vào ngày 8/3 cùng với 13 phụ nữ khác.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh ở Rôma đã tổ chức một buổi lễ ảo trao giải “Phụ nữ Dũng Cảm” vào Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Trước buổi lễ, Đại Biện Lâm Thời đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh là ông Patrick Connell nói rằng cá nhân ông được truyền cảm hứng từ “Sự tận tụy suốt đời của Sơ Alicia cho hòa bình và công lý, đặc biệt là thay mặt cho những người dễ bị tổn thương nhất”.

“Trong hơn 20 năm Sơ Alicia đã phục vụ trong các cộng đồng bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông nâng đỡ những người không có tiếng nói ở những nơi bị bao vây bởi chiến tranh và mất an ninh”, Connell nói.

“Sơ đã làm việc với tư cách là một y tá và một nhà vận động nhân quyền cho phụ nữ, giáo dục trẻ em và chăm sóc y tế trong các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo”.

Là một Nữ tu Truyền giáo Comboni, Sơ Vacas đã dành tám năm để phục vụ người nghèo ở Ai Cập. Sơ điều hành một phòng khám y tế phục vụ 150 bệnh nhân có thu nhập thấp mỗi ngày. Sau đó sơ được gửi đến Bethany ở Bờ Tây, nơi sơ thành lập các trường mẫu giáo và các chương trình đào tạo cho phụ nữ nghèo.

Sơ Vacas hiện là điều phối viên khu vực của các chị em dòng Comboni ở Trung Đông, giám sát công việc của 40 chị em giúp đỡ nạn nhân buôn người, người tị nạn và người xin tị nạn trong khu vực, nhưng vào năm 2020, sơ đã bay đến Ý để giúp phục vụ các chị em trong dòng sau khi bùng phát COVID-19 tại tu viện của các sơ ở miền bắc nước Ý.

Nữ tu 41 tuổi đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thời kỳ đại dịch tại một hội nghị chuyên đề ảo do các đại sứ quán Hoa Kỳ và Anh tổ chức tại Tòa Thánh vào tháng 6 năm 2020.

“Thật không may một trong các cộng đồng của chúng tôi tại Bergamo đã bị nhiễm bệnh ngay từ đầu, và chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức rất xấu từ cộng đồng”, sơ nói.

“Chúng tôi tình nguyện đi để giúp đỡ họ”.

Khi đến Bergamo, nằm ở Lombardy, là tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus ở Ý, sơ Alicia nói rằng nhà mẹ Comboni “thực sự hỗn loạn” vì “hầu hết mọi người đều nhiễm bệnh”.

45 sơ trong số 55 nữ tu sống ở Bergamo nhiễm coronavirus. Mười sơ dòng Comboni trong cộng đồng này đã chết trong trận dịch.

“Đó là một kinh nghiệm rất mạnh mẽ khi sống từ bên trong nỗi đau khổ của người dân ở Bergamo”, sơ nói và nói thêm rằng đó là một kinh nghiệm về Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.
Source:Catholic News Agency
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ mừng 500 năm Tin Mừng đến Phi Luật Tân
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:47 14/03/2021

Hôm Chúa Nhật 14 tháng Ba, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng Giáo Hội tại Phi Luật Tân kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến quốc gia Đông Nam Á này.

Ngài đã cử hành thánh lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô với một số đại diện của Giáo Hội Phi Luật Tân, bao gồm cả Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trước đây là Tổng giám mục của Manila.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Đây là trọng tâm của Tin Mừng; đây là nguồn vui của chúng ta. Sứ điệp Tin Mừng không phải là một ý tưởng hay một học thuyết nhưng là chính Chúa Giêsu: Người Con mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta để chúng ta được sống. Nguồn gốc của niềm vui của chúng ta không phải là một lý thuyết đáng yêu nào đó về cách tìm thấy hạnh phúc, mà là một trải nghiệm thực tế khi được đồng hành và yêu thương trong suốt hành trình của cuộc đời. “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài”. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lắng nghe hai suy nghĩ này một chút: “Chúa quá yêu” và “Chúa đã ban cho”.

Trước hết, Chúa quá yêu. Những lời này của Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô - một trưởng lão Do Thái muốn hiểu rõ về vị Thầy - giúp chúng ta nhìn thấy thiên nhan đích thật của Thiên Chúa. Ngài luôn nhìn chúng ta bằng tình yêu thương, và vì tình yêu thương, Ngài đã đến giữa chúng ta trong thân xác Con Ngài. Trong Chúa Giêsu, Ngài đã tìm kiếm chúng ta khi chúng ta lạc lối. Trong Chúa Giêsu, Ngài đã đến để nâng chúng ta lên khi chúng ta sa ngã. Trong Chúa Giêsu, Ngài khóc với chúng ta và chữa lành vết thương của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, Ngài đã ban phước cho cuộc sống của chúng ta mãi mãi. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng ai tin vào Người sẽ không hư mất (thd.) Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã phán lời chung cuộc về cuộc đời chúng ta: các con không ra hư mất, các con được yêu thương. Được yêu thương mãi mãi.

Nếu việc nghe Tin Mừng và thực hành đức tin của chúng ta không mở rộng tâm hồn chúng ta và không giúp chúng ta nắm bắt được sự bao la trong tình yêu thương của Thiên Chúa – thì có thể là vì chúng ta thích một lòng đạo u mê, buồn bã và tự ái - đây là một dấu chỉ cho thấy chúng ta cần dừng lại và lắng nghe một lần nữa để có thể rao giảng Tin mừng. Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi đã cho chúng ta cả cuộc đời Người. Ngài không phải là một vị thần từ trên cao nhìn xuống chúng ta, thờ ơ, mà là một người Cha nhân từ đã trở thành một phần lịch sử của chúng ta. Ngài không phải là một vị thần thích thú trước cái chết của tội nhân, nhưng là một người Cha quan tâm đến việc không ai bị hư mất. Ngài không phải là một vị thần lên án, nhưng là một người Cha cứu chúng ta với vòng tay an ủi của tình yêu Người.

Bây giờ chúng ta đến với khía cạnh thứ hai: Thiên Chúa đã “ban” Con Ngài. Chính vì quá yêu chúng ta, nên Chúa đã trao ban chính Người; Ngài dâng hiến cho chúng ta cuộc sống của mình. Những người yêu luôn đi ra khỏi bản thân. Đừng quên điều này: những người yêu thương ra khỏi bản thân mình. Đức mến luôn hiến thân, cho đi, làm hao mòn chính mình. Đó là sức mạnh của tình yêu: nó phá vỡ lớp vỏ ích kỷ của chúng ta, thoát ra khỏi các khu vực an ninh được xây dựng cẩn thận của chúng ta, phá bỏ các bức tường và vượt qua nỗi sợ hãi, để cho đi chính mình cách nhưng không. Đó là những gì tình yêu làm: trao đi chính mình. Và đó là cách thức của những người yêu nhau: họ thích mạo hiểm trao ban bản thân hơn là giữ gìn bản thân. Đó là lý do tại sao Chúa đến với chúng ta: bởi vì Ngài “quá yêu” chúng ta. Tình yêu của Người quá lớn nên Người không thể không trao thân cho chúng ta. Khi dân chúng bị rắn độc tấn công trong sa mạc, Thiên Chúa bảo ông Môisê làm con rắn bằng đồng. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu, được tôn vinh trên thập tự giá, chính Ngài đã đến để chữa lành nọc độc của sự chết cho chúng ta; Ngài đã trở thành tội lỗi để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thiên Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói: Người ban Con của Người cho chúng ta, để ai nhìn vào Người và tin vào Người, thì được cứu độ (x. Ga 3,14-15).

Càng yêu nhiều, chúng ta càng có khả năng cho đi. Đó cũng là chìa khóa để chúng ta hiểu được cuộc sống của mình. Thật tuyệt vời khi gặp gỡ những người yêu thương nhau và chia sẻ cuộc sống của họ trong tình yêu thương. Chúng ta có thể nói về họ những gì chúng ta nói về Thiên Chúa: họ yêu nhau đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta có thể tạo ra hay tích lũy được, chính tình yêu mới là điều giúp chúng ta có thể trao ban.

Đây là nguồn vui! Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Ngài. Ở đây, chúng ta thấy ý nghĩa của lời mời gọi của Giáo Hội vào Chúa nhật tuần này: “hãy hân hoan vui mừng… hãy hân hoan vui mừng hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy vui lên và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.” (Ca nhập lễ; x. Is 66: 10-11). Tôi nghĩ về những gì chúng ta đã thấy cách đây một tuần ở Iraq: một dân tộc đã phải chịu nhiều đau khổ đã vui mừng và hân hoan, nhờ ơn Chúa và tình yêu thương xót của Ngài.

Đôi khi chúng ta tìm kiếm niềm vui ở những nơi không thể tìm thấy: trong những ảo ảnh tan biến, trong những giấc mơ vinh quang, trong sự an toàn bề ngoài nơi của cải vật chất, trong sự sùng bái hình ảnh của chúng ta, và trong rất nhiều thứ khác. Nhưng cuộc sống dạy chúng ta rằng niềm vui thực sự đến từ việc nhận ra rằng chúng ta được yêu thương một cách nhưng không, biết rằng chúng ta không cô đơn, biết rằng có một người chia sẻ ước mơ của chúng ta và là người, khi chúng ta bị đắm tàu, vẫn ở đó để giúp chúng ta và đưa chúng ta đến bến cảng an toàn.

Anh chị em thân mến, năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi sứ điệp Kitô lần đầu tiên đến Phi Luật Tân. Anh chị em đã nhận được niềm vui của Tin Mừng: tin mừng là Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Ngài cho chúng ta. Và niềm vui này hiện rõ trong con người của anh chị em. Chúng tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của anh chị em, trên khuôn mặt của anh chị em, trong các bài hát của anh chị em và trong những lời cầu nguyện của anh chị em, trong niềm vui mà anh chị em mang niềm tin của mình đến những vùng đất khác. Tôi thường nói rằng ở Rôma này, các phụ nữ Phi Luật Tân là “những kẻ buôn lậu” đức tin! Vì đi làm ở đâu họ cũng gieo niềm tin đến đó. Điều này là một phần gen của anh chị em, một “khả năng lây nhiễm” tốt lành, mà tôi mong anh chị em tiếp tục gìn giữ. Hãy tiếp tục mang niềm tin, tin tốt mà anh chị em đã nhận được từ năm trăm năm trước, cho người khác. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì niềm vui mà anh chị em mang lại cho toàn thế giới và cho các cộng đồng Kitô của chúng ta. Tôi nghĩ, như tôi đã đề cập, về nhiều trải nghiệm đẹp đẽ trong các gia đình ở Rôma này - nhưng cũng trên khắp thế giới - nơi sự hiện diện kín đáo và chăm chỉ của anh chị em đã trở thành chứng tá của đức tin. Theo bước chân của Mẹ Maria và Thánh Giuse, vì tình yêu dành cho Chúa, anh chị em đem lại niềm vui đức tin qua sự phục vụ khiêm nhường, kín đáo, can đảm và bền bỉ.

Vào ngày kỷ niệm rất quan trọng này đối với dân thánh của Thiên Chúa ở Phi Luật Tân, tôi cũng muốn kêu gọi anh chị em hãy kiên trì trong công việc truyền giáo - chứ không phải là chiêu dụ tín đồ, là một điều hoàn toàn khác. Lời công bố cho các Kitô hữu mà anh chị em đã nhận được cần được liên tục mang đến cho người khác. Sứ điệp Tin Mừng về sự gần gũi của Thiên Chúa mời gọi chúng ta thể hiện trong tình yêu thương đối với anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa mong muốn rằng không ai ra hư mất. Vì thế, Người yêu cầu Giáo Hội quan tâm đến những người đang bị tổn thương và đang sống bên lề cuộc sống. Thiên Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi đã hiến thân cho chúng ta, và Giáo Hội cũng có sứ mệnh này. Giáo Hội được kêu gọi không phải để phán xét nhưng để chào đón; không phải để đòi hỏi, nhưng để gieo hạt giống; không phải để lên án, nhưng để mang lại Chúa Kitô, Đấng là sự cứu rỗi của chúng ta.

Tôi biết rằng đây là chương trình mục vụ của Giáo Hội anh chị em: một cam kết truyền giáo liên quan đến mọi người và đến với mọi người. Đừng bao giờ nản lòng khi anh chị em bước đi trên con đường này. Đừng bao giờ sợ loan báo Tin Mừng, phục vụ và yêu thương. Với niềm vui của mình, anh chị em cũng sẽ giúp mọi người nói về Giáo Hội: “Giáo Hội rất yêu thế giới!” Một Giáo Hội yêu thương thế giới mà không phán xét, đẹp đẽ và hấp dẫn biết bao, một Giáo Hội hiến mình cho thế giới. Cầu xin được như vậy, anh chị em thân mến, ở Phi Luật Tân và ở mọi nơi trên trái đất.
Source:Libreria Editrice Vaticana

 
Diễn từ của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle trong thánh lễ mừng 500 năm Tin Mừng đến Phi Luật Tân
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:51 14/03/2021

Hôm Chúa Nhật 14 tháng Ba, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng Giáo Hội tại Phi Luật Tân kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến quốc gia Đông Nam Á này.

Ngài đã cử hành thánh lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô với một số đại diện của Giáo Hội Phi Luật Tân, bao gồm cả Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trước đây là Tổng giám mục của Manila.

Kết thúc buổi cử hành Thánh Thể, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle bày tỏ lòng biết ơn của tất cả người dân Phi Luật Tân về cử chỉ gần gũi của Đức Giáo Hoàng.

Với giọng nói đầy xúc động, vị Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói với Đức Giáo Hoàng rằng khi những người di cư Phi Luật Tân nhớ ông bà của họ, họ luôn có thể trông cậy vào sự gần gũi của Đức Thánh Cha, như Lolo Kiko của họ.

Đức Hồng Y nói:

Thưa Đức Thánh Cha,

Những người di cư Phi Luật Tân ở Rome muốn bày tỏ lòng biết ơn của chúng con vì Đức Thánh Cha đã hướng dẫn chúng con trong buổi cử hành Thánh Thể này để tạ ơn vì đức tin Kitô đã đến Phi Luật Tân, cách đây năm trăm năm. Chúng con muốn bày tỏ cùng Đức Thánh Cha tình con thảo của những người Phi Luật Tân trên 7641 hòn đảo của đất nước chúng con. Có hơn mười triệu người di cư Phi Luật Tân sống ở gần một trăm quốc gia trên thế giới. Họ đã hiệp nhất với chúng ta sáng nay. Chúng con trân trọng sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với chúng con và đối với tất cả những người di cư ở Rôma, được thể hiện một cách nhất quán bởi vị đại diện của Đức Thánh Cha tại Giáo phận Rôma, là Đức Hồng Y Angelo de Donatis nổi tiếng của Ngài và Giám đốc Văn phòng Di cư của Giáo phận, Đức ông Pierpaolo Felicola, và vị Tuyên úy đặc trách Phi Luật Tân là Cha Ricky Gente.

Sự xuất hiện của đức tin Kitô ở đất nước chúng con là ân sủng của Thiên Chúa. Đa số người dân chúng con đã tiếp nhận đức tin Kitô và coi đức tin Kitô là một đặc tính của người Phi Luật Tân, một ân sủng Thiên Chúa ban cho họ. Hiện nay, Phi Luật Tân có số lượng người Công Giáo lớn thứ ba trên thế giới. Đây thực sự là ân sủng của Chúa. Chúng con cho rằng đức tin lâu bền của người dân Phi Luật Tân là vì tình yêu thương, lòng nhân từ và sự trung tín của Thiên Chúa, chứ không phải do bất kỳ công lao nào của chúng con.

Từ năm 1521 đến năm 2021, chúng con đã luôn nhận được hết ân sủng này đến ân sủng khác. Chúng con tạ ơn Chúa vì những người mang ân sủng Chúa đến trong 500 năm này: các nhà truyền giáo tiên phong, các dòng tu, các giáo sĩ, các ông bà, các cha mẹ, các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các giáo xứ, trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi, nông dân, người lao động, nghệ sĩ, và những người nghèo mà của cải của họ là Chúa Giêsu. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, các Kitô hữu Phi Luật Tân đã tiếp tục nhận được đức tin, một trong những nguồn hy vọng khi đối mặt với nghèo đói, bất bình đẳng kinh tế, biến động chính trị, bão, núi lửa phun trào, động đất và thậm chí cả đại dịch hiện nay. Dù phải thú nhận sự thất bại của mình trong việc sống đức tin một cách nhất quán, chúng con cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của đức tin Kitô trong việc định hình nền văn hóa Phi Luật Tân và đất nước Phi Luật Tân.

Món quà phải tiếp tục là một món quà. Nó phải được chia sẻ. Nếu nó được giữ cho riêng mình, nó không còn là một món quà nữa. Nhờ thánh ý tuyệt vời của Thiên Chúa, hồng ân đức tin mà chúng con nhận được hiện đang được chia sẻ bởi hàng triệu người di cư Phi Luật Tân theo Kitô Giáo ở các nơi khác nhau trên thế giới. Chúng con đã rời bỏ gia đình của mình, không phải để bỏ rơi họ, mà là để chăm sóc cho họ và tương lai của họ. Vì yêu họ, chúng con chịu đựng nỗi buồn chia ly. Khi những khoảnh khắc cô đơn đến, những người di cư Phi Luật Tân tìm thấy sức mạnh nơi Chúa Giêsu, Đấng đang đồng hành cùng chúng con, Đấng đã trở thành Hài Nhi (Santo Niño) và được biết đến với cái tên Nazarene (Chúa Giêsu thành Nazareth), đã vác thập giá cho chúng con. Chúng con được bảo đảm về sự chở che của Mẹ Maria và sự phù trợ của các thánh. Khi nhớ gia đình, chúng con hướng về giáo xứ, quê hương thứ hai của chúng con. Khi không có ai để nói chuyện cùng, chúng con đổ tâm hồn vào Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa và suy ngẫm về lời này. Chúng con chăm sóc những đứa trẻ do chúng con phụ trách như con cái mình, và những người già như cha mẹ của chúng con. Chúng con hát, chúng con cười, chúng con khóc, và chúng con tiến bước. Chúng con cầu nguyện rằng qua những người di cư Phi Luật Tân của chúng con, danh của Chúa Giêsu, vẻ đẹp của Giáo Hội, và công lý, lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa có thể đến tận cùng trái đất. Ở đây, ở Rôma này, khi chúng con nhớ đến ông bà của mình, chúng con biết rằng chúng con có một Lolo Kiko.

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.
Source:Vatican News
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đau xót trước cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria trong cả thập kỷ qua.
Thanh Quảng sdb
16:54 14/03/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đau xót trước cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria trong cả thập kỷ qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ qua ở Syria, người dân nỗ lực để sống còn!...

(Tin Vatican - Devin Watkins và Nathan Morley)

Trưa ngày 15 tháng 3 năm 2011, trong giờ Kinh Truyền Tin, trước tình trạng bất ổn đang gia tăng ở Syria... Các cuộc biểu tình chống chính phủ Ba’athist của Tổng thống Bashar al-Assad leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang sau những cuộc đàn áp dã man các cuộc biểu tình.

Đã qua cả 10 năm rồi, Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau xót và không ngừng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tương tàn này cho người dân Syria.

Lời kêu gọi mới của Đức Thánh Cha

ĐTC cho hay cuộc nội chiến Syria "đã gây ra những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thời đại này."

Đức Thánh Cha nói: “Một con số khổng lồ những người chết và bị thương, và hàng triệu người tị nạn, hàng nghìn người mất tích, tàn phá, bạo lực và đau khổ cho toàn dân, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và người già cả.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã “tha thiết kêu gọi” các thành phần đối kháng hãy “thể hiện thiện chí, hầu thắp lên một tia hy vọng cho những người dân vô tội!”

ĐTC cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cam kết "dứt khoát và đổi mới" việc tái thiết quốc gia, để "một khi vũ khí được hạ giới, cơ cấu xã hội được hàn gắn, tái thiết và phục hồi kinh tế."

“Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa cho những nỗi đau khôn nguôi trong đất nước Syria thân yêu này đang bị chiến tranh dày xéo, không bị lãng quên, và sự đoàn kết của chúng ta có thể làm dấy nên những niềm hy vọng.”

Hiện tại, hơn 5 triệu người Syria đã trốn chạy khỏi quê hương đất nước này và 6 triệu người đang di cư trong nước. Hơn nữa, hơn 13 triệu người đang cần trợ giúp! Những cuộc xung đột đã gây ra nhiều đau khổ cho người dân và trẻ em Syria.

Đồng thời, Liên Hợp Quốc cho hay việc cung cấp viện trợ là một việc làm nguy hiểm, đôi khi gây nên cảnh chết người: trung bình hàng tháng có ít nhất hai nhân viên cứu trợ và tám nhân viên y tế bị thiệt mạng ở Syria trong thập kỷ qua.

Những nỗi đau ở vùng tây bắc

Tình hình ở phía tây bắc Syria, nơi hàng triệu trẻ em vẫn phải di tản, đặc biệt nhiều gia đình phải trốn chạy bạo lực nhiều lần để tìm kiếm sự an toàn.

Họ đang sống trong các túp lều, hay tại các tòa nhà đổ nát không còn chủ...

Trẻ em tuyệt vọng

Ở những nơi khác, sau một thập kỷ chiến tranh, cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ em trong nước đang cần được giúp đỡ.

Quỹ Nhi đồng LHQ, UNICEF, cho hay các gia đình đã bị đẩy đến bờ vực thẳm tuyệt vọng. Vấn đề càng ngày càng tồi tệ, vì nền kinh tế Syria đang bị phá sản!

Giá lương thực tăng vọt hơn 230% so với năm ngoái, và hơn nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính.
 
Tám hình ảnh đáng ghi nhất trong 8 năm qua của đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:44 14/03/2021

Cách nay, 13 tháng 3, đúng tám năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xuất hiện trên ban công của Quảng trường Thánh Phêrô lần đầu tiên, không mặc chiếc áo choàng màu đỏ và đôi giày mới màu đỏ vốn được chuẩn bị cho vị giáo hoàng tiếp theo, nhưng trong một chiếc áo choàng trắng đơn giản và đôi giày chỉnh hình màu đen cũ của ngài.

Trang phục đơn giản của ngài đã tạo nên giai điệu cho những gì sẽ trở thành một triều đại giáo hoàng tạo gió lốc bao gồm 52 chuyến tông du, 6 văn kiện chính, 3 Thượng hội đồng và hàng nghìn bài phát biểu và bài giảng nhằm mục đích chuyển dịch Giáo Hội qua sự đơn giản, tính hợp đoàn và quan tâm đến người nghèo và người bị ruồng bỏ.

Trong khi những người theo dõi Vatican đã đổ nhiều giấy mực để giải thích cách các trước tác và các thay đổi cơ cấu của Đức Giáo Hoàng sẽ định hình Giáo Hội trong nhiều năm tới, thì những cử chỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể còn làm được nhiều điều hơn thế để xác định di sản của ngài.

Rất lâu sau khi tông huấn “Amoris Laetitia” và thông điệp “Laudato Si” đã đi vào lịch sử, người ta vẫn còn nhớ đến hình ảnh vị giáo hoàng Nam Mỹ này nồng nhiệt ôm một người đàn ông phủ đầy khối u, quì xuống đất để hôn chân các nhà lãnh đạo châu Phi trước đây từng chống lại nhau hoặc cầu nguyện một mình dưới làn mưa tầm tã ở Quảng trường Thánh Phêrô lúc cao điểm của đại dịch coronavirus.
Đây là một vị giáo hoàng sống câu thường được gán cho vị được ngài lấy danh hiệu theo, Thánh Phanxicô Assisi: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng. Khi cần, hãy sử dụng lời nói”.

Để tôn vinh tám năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tạp chí America của các cha Dòng Tên Hoa Kỳ nhắc lại tám hình ảnh hàng đầu sau đây trong triều đại giáo hoàng của ngài. Nguyên văn xem tại https://www.americamagazine.org/faith/2021/03/13/pope-francis-eight-year-anniversary-papacy-images-240226:



1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên chào kính thế giới trong tư cách giáo hoàng, ngày 13 tháng 3 năm 2013

Đi vào mật nghị năm 2013, ít người coi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio là người dẫn đầu — ít nhất là chính Hồng Y-tổng giám mục của Buenos Aires. Như thông tín viên của America tại Vatican, Gerard O'Connell, đã kể chi tiết trong cuốn The Election of Pope Francis: An Inside Account of the Conclave that Changed History (Cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Lời tường thuật bên trong cuộc mật nghị đã thay đổi lịch sử) (Orbis, 2019), khi Đức Phanxicô xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lần đầu tiên trong tư cách giáo hoàng, ngài “chỉ đứng đó trong im lặng, bất động. Dường như Ngài bị choáng váng trước biển người trải dài trong bóng tối trước mặt ngài, suốt quảng trường, xuống tận Via della Conciliazione xuôi về phía Castel Sant’Angelo”.

Ngài chào đám đông như là “anh chị em” của ngài và nói: “Anh chị em biết rằng nhiệm vụ của mật nghị là ban cho Rôma một Giám mục. Có vẻ như các Hồng Y anh em của tôi đã đi đến tận cùng trái đất để kiếm được một người, và thế là chúng ta có đây!” Trước khi ban phép lành, ngài yêu cầu đám đông dừng lại và cầu nguyện cho ngài trong giây lát. Một sự im lặng trùm phủ.

Ông O'Connell viết rằng có một cái gì đó mới trong bầu không khí Rôma đêm hôm đó: một dự ước rằng vị giáo hoàng không phải người châu Âu đầu tiên trong 1,200 năm, vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và người đầu tiên lấy tên của Thánh Phanxicô có thể, như chính ngài nói với các Hồng Y trong cuộc họp trước mật nghị, sẽ mở cửa sổ của một Giáo Hội đầy bụi bặm để Chúa Thánh Thần thổi hơi vào.



2. Rửa chân cho các tù nhân, phụ nữ và người Hồi giáo vào Thứ Năm Tuần Thánh, 28 tháng 3 năm 2013

Ngay sau khi đắc cử, tân giáo hoàng đã thu hút sự chú ý của thế giới khi ngài tổ chức một buổi lễ nhỏ vào Thứ Năm Tuần Thánh tại một trung tâm giam giữ thanh thiếu niên. Phá vỡ truyền thống, Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, lần đầu tiên, bao gồm hai cô gái: một Kitô hữu và một người Hồi giáo. Ba năm sau, ngài sẽ thay đổi bản văn Sách Lễ Rôma để chính thức đưa phụ nữ vào nghi thức rửa chân, một động thái gặp phải sự phản đối bên trong Vatican.

Kể từ đó, hàng năm, Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho phụ nữ, người thiểu số và những người sống bên lề xã hội, như người già, trong các buổi phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh của ngài.



3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm một người đàn ông bị bệnh da nặng, ngày 6 tháng 11 năm 2013

Vinicio Riva đã quen với việc mọi người sợ anh ta. Dì của anh nói với CNN rằng anh đã học cách kiềm chế cơn tức giận của mình khi bị mọi người xách nhiễu vì tình trạng da của anh: Mặt và cơ thể nổi đầy những khối u trầm trọng thường xuyên chảy máu qua áo sơ mi. Vì vậy, anh rất ngỡ ngàng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp cận anh mà không do dự trước một cử tọa đông đúc vào tháng 11 năm 2013, ôm lấy anh và để anh vùi đầu vào ngực của ngài.

Dì của Riva, Caterina Lotto, nói với CNN "Khi ngài đến gần chúng tôi, tôi nghĩ ngài sẽ đưa tay ngài cho tôi [để hôn]. Nhưng thay vì thế, ngài đã đến thẳng Vinicio và ôm chặt lấy nó. Tôi nghĩ ngài dám không chịu trả lại nó cho tôi, ngài cứ giữ chặt lấy nó như vậy. Chúng tôi không nói được lời nào. Chúng tôi không nói được gì, nhưng ngài nhìn tôi như thể ngài muốn đào sâu bên trong, một cái nhìn đẹp đẽ mà tôi không bao giờ có thể ngờ tới”.

Hình ảnh trên đã lan truyền mạnh mẽ, một phần của “hiệu ứng Phanxicô” đã chạm đến trái tim của thế giới vào thời kỳ đầu của triều giáo hoàng Phanxicô.



4. Thượng phụ Đại kết Bartholomew hôn đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 29 tháng 11 năm 2014

Trong chuyến đi tới Istanbul, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Thượng phụ Đại kết Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống Đông phương, chúc lành cho ngài và “Giáo Hội Rôma”. Khi ngài cúi đầu lãnh phúc lành, thượng phụ đã hôn nhẹ lên đầu ngài.

Hai vị hiện nay có một mối quan hệ ấm áp, thường hôn lên má nhau và ôm nhau khi họ gặp nhau. Đạt được sự hợp nhất giữa các giáo hội phương Đông và phương Tây, vốn đã ly giáo từ thời Trung cổ, là một trong những mục tiêu chính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.



5. Một tia sáng chạm cây thánh giá của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Dublin, ngày 26 tháng 8 năm 2018

Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Ái Nhĩ Lan được cho là có tính thách thức nhất của ngài. Các hào hứng của những năm đầu làm giáo hoàng của ngài đã vơi đi, và Giáo Hội Mỹ bị cuốn vào cái mà từ đó được gọi là “mùa hè nhục nhã”: làn sóng thứ hai của những tiết lộ về lạm dụng tình dục được đưa ra bởi báo cáo của Đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania, kể lại một cách chi tiết các cáo buộc lạm dụng trong 70 năm, và các tiết lộ cho biết vị Hồng Y có ảnh hưởng Theodore McCarrick đã lạm dụng trẻ vị thành niên và chủng sinh.

Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, một thời từng thống trị về văn hóa, đã mất hàng nghìn tín đồ sau khi các vụ lạm dụng tình dục bắt đầu xảy ra ở đó vào những năm 1990.

Trong đêm của chuyến tông du kéo dài hai ngày của Đức Giáo Hoàng, cựu đại sứ của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã công bố một bức thư cáo buộc rằng các thành viên của phẩm trật Rôma đã làm ngơ sự lạm dụng của cựu Hồng Y McCarrick. Bức thư kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức, trong một động thái mà phóng viên Christopher Lamb tại Vatican gọi là "một cuộc đảo chính nửa vời chống lại triều giáo hoàng của ngài". Các tuyên bố của Viganò chống lại Đức Giáo Hoàng đã bị báo chí và, sau hơn hai năm, Vatican vạch trần.

Tuy nhiên, đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn từ chối bình luận về bức thư trên. Khi phóng viên Anna Matranga của CBS News hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về vấn đề này trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Dublin trở về Rôma, ngài nói: “Tôi đã đọc bản tuyên bố sáng nay và tôi phải thành thật mà nói điều này với cô và bất cứ ai quan tâm: Hãy đọc bản tuyên bố đó một cách chăm chú và tự đưa ra nhận định của riêng cô.... Tôi nghĩ rằng bản tuyên bố tự nó đã nói cho chính nó, và cô có đủ khả năng báo chí để kết luận". Khi ngài đưa ra câu trả lời, một tia sáng chiếu vào cây thánh giá của Đức Giáo Hoàng và chiếc nhẫn ngư phủ của ngài.



6. Hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan từng gây chiến với nhau, ngày 11 tháng 4 năm 2019

Trong một cuộc tĩnh tâm bất thường do Anh giáo và Công Giáo tài trợ dành cho các nhà lãnh đạo Nam Sudan trước đây từng chống chọi nhau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây sốc cho tổng thống và bốn trong số năm phó tổng thống của nước này bằng cách tự phát cúi đầu hôn chân họ khi ngài yêu cầu họ làm việc với nhau cho hòa bình. Các phó tổng thống đại diện cho các phe phái khác nhau trước đây từng gây chiến với nhau nhưng đã đồng ý chia sẻ quyền lực trong nỗ lực tạo hòa bình cho đất nước.

Như Giám mục Nam Sudan Eduardo Hiiboro Kussala đã nói với America, cử chỉ của Đức Giáo Hoàng được các thành viên của một nền văn hóa coi trọng những người lớn tuổi của mình “xem hệt như một phép lạ, không kém gì sự can thiệp của Thiên Chúa”.



7. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để chấm dứt đại dịch coronavirus, ngày 27 tháng 3 năm 2020

Vào cao điểm của làn sóng đại dịch coronavirus đầu tiên ở Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành “urbi et orbi” (“cho thành phố và thế giới”) đặc biệt thường dành cho Lễ Phục sinh, Giáng sinh và việc bầu cử tân giáo hoàng.

Buổi lễ ảm đạm, được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng, đẫm mưa, đã được phát sóng tới hàng triệu người trên thế giới, những người đang bị cô lập vì lo sợ đại dịch. Khi suy gẫm câu chuyện Tin Mừng về việc các môn đồ đang khốn đốn vì cơn sóng bão thì Chúa Giêsu lại cứ ngủ say trên thuyền của họ, ngài nói: “Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi cùng nhau chèo thuyền, mỗi người trong chúng ta cần khuyến khích người kia".

Sau khi suy gẫm, Đức Giáo Hoàng đã mang một mặt nhật từ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào quảng trường, nâng nó lên khỏi đầu với nỗ lực rất lớn, bị gió và mưa đánh bật, khi chuông nhà thờ và còi xe cứu thương vang vọng khắp các phố phường vắng vẻ của Rôma.



8. Gặp gỡ Đại Giáo Trưởng Ali Al-Sistani, ngày 6 tháng 3 năm 2021

Trong tháng đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rằng ngài hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, một cam kết mà ngài đã thực hiện bằng cách đến thăm một số quốc gia đa số theo đạo Hồi và ký một văn kiện quan trọng với Đại Giáo Trưởng của phái Sunni là Ahmad al-Tayyeb, một văn kiện sẽ là nguồn cảm hứng cho thông điệp gần đây của ngài, "Fratelli Tutti".

Năm nay, ngài tập trung vào việc tiếp xúc với những người Hồi giáo phái Shia, gặp gỡ với giáo sĩ đáng kính, Giáo Trưởng Ali al-Sistani. Giáo Trưởng đã không tiếp khách công khai hoặc được chụp ảnh trong một thập niên nay, nhưng ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà riêng vào tuần trước, nghinh đón ngài nồng nhiệt và nói chuyện với ngài trong gần một giờ. Các chuyên gia cho rằng cuộc họp đã gửi đi một thông điệp hòa bình tới toàn thế giới Hồi giáo.

Trước cuộc gặp gỡ, các hình vẽ giáo hoàng và giáo trưởng đã xuất hiện trên các bức tường xung quanh Najaf, thánh địa Hồi giáo nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Một hình ảnh gọi cuộc gặp gỡ giữa chuông nhà thờ và các tháp Hồi Giáo, những ngọn tháp mà từ đó người Hồi giáo được kêu gọi cầu nguyện. Một nhà thơ Shia đã viết rằng baba của Kitô giáo và baba của Hồi giáo sẽ ôm nhau, chơi chữ đối với các tương đồng giữa các hạn từ dành cho “papa” và “pope” (giáo hoàng) trong nhiều ngôn ngữ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Thánh Lễ Tạ Ơn hoàn tất Sứ vụ Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
10:41 14/03/2021
Chiều ngày Thứ Tư, 10/3/2021, tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Chánh Tòa Giáo phận, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cùng với Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo dâng Thánh Lễ Tạ Ơn hoàn tất sứ vụ Giám mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc của Đức Cha Giuse. Đồng tế trong Thánh Lễ còn có sự hiện diện của Đức Ông Vinh Sơn, Cha Tổng Đại diện, quý Cha Đại Chủng viện, quý Cha Ban Tư Vấn, cùng toàn thể quý Cha trong Giáo phận. Và không thể thiếu sự hiện diện của các vị đại diện cho các dòng tu, giới, hội đoàn trong Giáo phận cùng tham dự dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Đức Cha Giuse. Thêm nữa, vì cũng là ngày thường huấn linh mục của Giáo phận, nên sự đông đảo của các cha càng làm cho Thánh Lễ thêm long trọng và sốt sắng.

Xem Hình

Như lời dẫn lễ của Cha Đặc trách Phụng vụ, “Thánh Lễ tạ ơn được cử hành dâng lên Thiên Chúa vì chính Đức Cha Giuse và thời gian phục vụ đầy ân sủng của Đức Cha dành cho Giáo phận. Đây cũng là Thánh Lễ mà đoàn con cái Giáo phận hiệp cùng tạ ơn Chúa, và đặc biệt cám ơn Đức Cha đã phục vụ một cách không mệt mỏi dành cho Giáo phận.” Thánh Lễ của lời tạ ơn, và cũng là lời cám ơn Đức Cha vì Đức Cha đã dẫn đưa mọi người vào linh đạo của lòng Chúa thương xót, và sống lòng thương xót đó với tha nhân. Lời tri ân Đức Cha vì với đức tin vững chắc, sự hiểu biết sâu xa, và một tình yêu bùng cháy nơi Đức Cha đã “dẫn dắt Giáo phận và thắp sáng nơi con tim mỗi người con đường đi tới lòng thương xót của Thiên Chúa và chuyển trao cho lòng thương xót đó cho toàn thế giới.” Cám ơn Đức Cha, vì lòng nhiệt thành của ngài trong sứ vụ mục tử, đã “trở thành nguồn động lực giúp cho các linh mục hăng say trong sứ vụ mục tử”, và thôi thúc từng người tín hữu trở nên chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Lời tri ân Đức Cha Giuse, vì lòng đạo đức của ngài đã giúp cho nhiều tâm hồn tìm đến Chúa, thỏa mãn nỗi khát khao của họ. Để rồi như lời dẫn lễ kết thúc “Mọi lời cám ơn Đức Cha Giuse cuối cùng quy hướng về Chúa, về tình yêu quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho con cái Ngài. Xin cho mọi thành phần trong Giáo phận cùng thiết tha xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô ngày càng tràn đầy sức sống thần linh, trở nên dấu chỉ đầy thuyết phục về sự hiện diện của Thiên Chúa đầy lòng thương xót giữa lòng nhân loại.”

Chia sẻ bài giảng trong Thánh Lễ, Cha Đa Minh Ngô Công Sứ, Quản hạt Giáo Hạt Xuân Lộc, đã chia sẻ bài giảng với nội dung chínhdựa vào khẩu hiệu đời giám mục mà Đức Cha Giuse đã chọn “Đây Là Mình Thầy hiến tế vì anh em”. Cha Đa Minh chia sẻ, “Vị Giám mục của chúng ta khi nói: “Này là mình thầy”, là nói đến tất cả những gì góp phần làm nên sứ vụ chủ chăn: từ thời giờ, sức khỏe, năng lực, đến trí thức, tình cảm…, dù chỉ là một nụ cười, một cái vẫy tay như ngài vẫn làm, hay một chuỗĩ tràng hạt trao cho khi đi thêm sức … là những việc làm rất đời thường, mà lại thành những hạt ngọc vô giá ngài đem lại niềm vui cho mọi người.” Đề cập đến linh đạo lòng thương xót mà Đức Cha Giuse đã từng huấn dụ và thực hiện, Cha Quản hạt nói “Những năm chấp chính Giáo phận, ngài đã có những sáng kiến tông đồ ngoạn mục ghi đậm dấu ấn trong lòng người tín hữu, mà trước đó họ chưa từng thấy: môt vị Giám mục đến những khu nhà trọ di dân, hay ngồi trên xe máy đi vào những lối mòn của vùng sâu để thăm người dân tộc; ngài nói chuyện với cả nhiều ngàn người đau khổ trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót; ngài có mặt thăm viếng xã giao các bậc trụ trì tại những ngôi chùa, những tịnh xá vào những dịp lễ tiết; có lần chúng ta nghe kể ngài đến viếng xác một người bên lương không quen biết…. “Cả đến những người xem ra bị coi thường, bị lãng quên vì nghề nghiệp của họ, mà khi ngài “giơ tay vẫy chào thân thiện những người quét rác vì ngài không muốn họ bị quét ra khỏi cuộc đời, cũng như người ta thấy ĐC quây quần với các tài xế như chỉ cho họ đường đi đến Lòng Thương xót Chúa.” Dù là thông thạo nhiều thứ tiếng, nhưng tại Giáo phận Xuân Lộc, mọi người chỉ nghe thấy “Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của Lòng Chúa Thương Xót”. Kết thúc bài giảng, Cha Đa Minh nói “Đời cha lúc nào cũng là bánh cho dân Chúa, đời cha lúc nào cũng bị nghiền nát cho dân Chúa. Amen”

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha Chánh Gioan đã thay mặt toàn thể Giáo phận để dâng lên Đức Cha Giuse lời tri ân sâu sắc, mà trước hết, ngài biểu tỏ sự hiệp thông cùng với Đức Cha Giuse dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn. “Chúng con cùng hợp dâng với Đức Cha trong Thánh Lễ để tạ ơn Thiên Chúa, và đây cũng chính là tâm tình rất đặc biệt của Đức Cha hướng tới Thiên Chúa, để tạ ơn Ngài vì những ân huệ mà Đức Cha đã nhận được trong đời.”

“Quả là phúc lộc của Chúa đã tăng ban cho chúng con qua Đức Cha”, như Đức Cha dâng lời, để rồi tất cả mọi người, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân để được Đức Cha giúp đỡ. “Mỗi khi chúng con hoài nghi hay khó khăn, chúng con đều hướng về mục tử của mình để xin hướng dẫn, soi sáng giúp chúng con giải quyết các vấn đề và bước tương lai.” Thêm nữa, Đức Cha Chánh Gioan đã ví cuộc đời của Đức Cha Giuse như mùa gặt mà Đức Cha đã hoàn tất sứ vụ chính thức mà Chúa và Giáo Hội trao phó trong hân hoan, để rồi, ngài mơ rằng, “cuộc đời của chúng con cũng sẽ được kết thúc nhẹ nhàng và hân hoan như Đức Cha hôm nay.” Kết thúc lời cám ơn dâng lên Đức Cha Giuse, Đức Cha Chánh thân thưa với Đức Cha Giuse “Chúng con mừng cùng với Đức Cha đã hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo Hội trao cho Đức Cha, và xin Đức Cha cũng cầu nguyện cho chúng con để chúng con cũng được hạnh phúc khi kết thúc sứ vụ của mình.”

Bằng những ngôn từ và cung điệu đầy khiêm tốn, Đức Cha Giuse đã đáp từ lại lời tri ân của Đức Cha Chánh Gioan khi bộc bạch rằng, “tâm tình của con hôm nay đang trào dâng một ‘Bài ca tạ ơn’…Cảm tạ Chúa đã đưa con về Giáo phận Xuân Lộc và đón nhận Giáo phận Xuân Lộc như là hồng ân của Chúa Thánh Thần.” Không chỉ dừng lại ở đó, Đức Cha chia sẻ “và hôm nay, con cũng lập lại những lời tạ ơn ấy, sau thời gian chung sống và phục vụ, con nhận ra rằng, Giáo phận Xuân Lộc quả là một viên bích ngọc, mà trong đó, từng người như là một viên ngọc nhỏ.” Rõ ràng trong nhận định và tránh hiểu lầm, Đức Cha Giuse nói “Con không có ý so sánh Giáo phận Xuân Lộc với các Giáo phận khác, nhưng con thừa nhận rằng Giáo phận Xuân Lộc là viên bích ngọc mà con được đón nhận và được cùng với viên ngọc này trên hành trình theo Chúa, phục vụ Chúa, đưa Chúa đến cho mọi người.” Càng cảm động hơn khi Đức Cha chia sẻ “Thế nên, khi rời Rôma để trở về nơi đây, dù ban đầu con cũng luyến tiếc Rôma, nhưng giờ thì nơi con đã ở trước đang trở nên mờ nhạt vì Xuân Lộc đã chiếm trọn trái tim của con và là viên ngọc bích con đã, đang có.”

Đức Cha Giuse đã cám ơn cách đặc biệt đến Đức Cha Cố Đa Minh, nguyên Giám mục Giáo phận, người đã đón Đức Cha về phục vụ tại Đại Chủng viện Xuân Lộc, tiếp sau đó đề đạt ngài làm Đức Giám Mục Phụ Tá, giữa một hoàn cảnh không dễ để khả thi thực hiện những ý định đó bởi những cửa ải thật gian nan của bối cảnh. Nhờ đó, Đức Cha khẳng định “Con nhận ra sự tin tưởng, tình nghĩa mà Đức Cha Đa Minh đã dành cho con, nên con hết lòng cám ơn Đức Cha.”

Ngài tiếp tục cám ơn Đức Cha Chánh Gioan, “người mà trước đây là giám đốc Chủng viện của con, rồi là Cha Tổng Đại Diện, và là Giám Mục Phụ Tá của con” vì những năm tháng gần gũi và cộng tác với Đức Cha. Lời cám ơn của Đức Cha Giuse còn dành đến Đức Ông Vinh Sơn, quý cha Đại chủng viện, quý Cha Ban Tư vấn, quý cha, quý bề trên, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và mọi thành phần dân Chúa vì “con thực sự sung sướng và hãnh diện khi được cộng tác với quý Đức Cha, quý cha và mọi người để phục vụ Chúa trong Giáo phận Xuân Lộc này.” Và Đức Cha thêm rằng, nếu với những lời thật quảng đại dành cho Đức Cha như trong dẫn lễ của Cha Đặc trách Phụng vụ và bài chia sẻ của Cha Quản Hạt Đa Minh, đã làm cho ngài nghĩ rằng, sứ vụ của ngài nơi Giáo phận sẽ vẫn tiếp tục bằng một hình thức khác: đó là lời cầu nguyện.

Sau cùng, Đức Cha Giuse cũng đã xin lỗi quý cha, xin lỗi mọi người trong khi ngài thi hành sứ vụ “nếu đã có những lần vì thiếu sót, vì lỡ lời làm cho quý cha buồn lòng…Không phải để thanh minh, nhưng để xin quý cha và mọi người tha thứ.”

Kết thúc lời cám ơn và xin lỗi, Đức Cha Giuse hứa rằng, ngài sẽ cùng Đức Cha Cố Đa Minh tiếp tục cầu nguyện cho Giáo phận với tất cả tâm tình tri ân. Và Đức Cha Giuse thật chân thành và cũng dí dỏm khi thưa với Đức Cha Chánh Gioan “Giờ đây, khi Đức Cha Gioan sai bảo điều gì, con cũng sẽ vâng theo!”

Thánh Lễ Tạ Ơn Hoàn Tất Sứ Vụ Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc của Đức Cha Giuse đã kết thúc trong niềm vui, nhưng cũng thật cảm động, sốt sắng bởi ai nấy đều nhận ra, trên hết tất cả, đó là ân huệ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo Phận đã có một vị mục tử chăn dắt đoàn chiên bằng linh đạo của lòng thương xót Chúa, và con đường ấy vẫn tiếp tục, như hoa trái, ân huệ của Thánh Thần ban cho Giao Phận qua Đức Cha Giuse.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P, Ảnh: TTXL
 
Giới trẻ Giáo Phận Đà Nẵng chia sẻ yêu thương tại huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam
Tô-ma Trương Văn Ân
15:43 14/03/2021
Ngày 13 và 14 / 3 / 2021, 35 Bạn trẻ Công Giáo - Giáo phận Đà Nẵng, đã băng rừng lội suối đến chia sẻ yêu thương tại thôn Lăng Lương và thôn Răng Chuổi, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam. Đây là “ Chương Trình Vùng Cao Yêu Thương lần thứ 6 “ của Ban trẻ Giáo phận Đà Nẵng, đến làm việc thiên nguyện ở những nơi vùng núi xa xôi hiểm trở tại các xã trong huyện Nam Trà My này.

Hai thôn ( làng): Lăng Lương và Răng Chuổi là Bản làng của anh em sắc tộc Ca Dong, thuộc vùng sâu, núi non hiểm trở, đi lai khó khăn, cách thành phố Đà Nẵng hơn 200 Km về phía tây nam, không điện ( một số ít gia đình có đèn điện năng lượng mặt trời). Người dân chủ yếu sống làm rẫy và trồng rừng, cuộc sống quá khó khăn thiếu thốn cả vật chất, đời sống tinh thần, văn hóa và Tôn Giáo.

Xem Hình

Hàng hóa các Ban chia sẻ lần này gồm những thiết bị thiết yếu cho 2 điểm trường mẫu giáo kết hợp Tiểu học lại 2 Thôn gồm: 2 tủ thuốc y tế với số thuốc cơ bản, 4 kệ để đồ dùng học tập, đồ dùng học sinh, truyện tranh, sách vở, đồ chơi, banh da, cầu lông, …. lưới B40 làm hàng rào quanh trường, 2 hệ thống đèn năng lượng mặt trời, 2 quạt năng lượng. Các Bạn còn tặng cho các trường những dụng cụ cắt tóc cho các em, nấu một bữa ăn ngon. Ngoài ra, các Ban trẻ còn chia sẻ phần quà cho 70 gia đình trong 2 Thôn, phần quà gồm: dụng cụ lao đông dao rựa cuốc xẻng, bột nêm, gạo, đường, muối, dầu ăn, nước mắm, cá khô, cá tươi, xà bông, hạt giống ngô đỏ ( năm 2020 mưa lũ hư hại trôi hết)… dây thừng bản lớn để gùi hàng, bạt che, thùng nhựa 80 lít, tặng quần áo mới hơn 70 em và những nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Với anh em sắc tộc Ca dong, gùi hàng chừng 30 Kg và đi bộ đường rừng núi đồi dốc Từ điểm dừng chân lên đến trường tiểu học bán trú Răng Chuỗi khoảng 16 Km, vượt qua 5 ngọn núi, với nhiều đồi dốc và khe suối, đi hơn 4 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Nhưng đối với các bạn trẻ ở thành thị đi bộ thôi cũng thở dốc và rất mệt, đường có độ dốc lớn, có bạn đi không nổi. Cần phải có cây gậy chống đỡ phụ khi đi đường rừng, thậm chí có ban bị căng cơ chân ( chuột rút) trượt ngã té nhào !

Khi nhìn sự chân tình của anh em Sắc tộc và nụ cười các em nhỏ lúc đón nhận những món quà, làm các Bạn quên hết những khó khăn mệt nhọc đoạn đường vừa trải qua. Các Ban trẻ cảm nhận được hạnh phúc đón nhận và hạnh phúc sẻ chia, nhưng lời Thánh Phao-lô: “ cho thì có phúc hơn là nhận” ( Cv 20,35).

Xin cám ơn quí n nhân đã hỗ trợ cho Chương trình và các bạn trẻ rất nhiều. Với niềm tin và hy vọng được sự quan tâm của Chính Quyền và n nhân nhiều hơn nữa, để Anh chị em các Sắc tộc vùng sâu vùng xa có đời sống tinh thần và thể chất ngày càng tốt hơn.

Các bạn trẻ Công Giáo sống tinh thần cầu nguyện – hy sinh – Bác ái trong Mùa Chay, và sống Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô: Mùa Chay là Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu. “Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Tô-ma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
19g thứ Tư 17/3: Hành hương trực tuyến đền thánh Đức Mẹ Fatima cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:07 14/03/2021


Đức Hồng Y António dos Santos Marto, Giám mục giáo phận Leiria-Fátima, thông báo rằng cuộc hành hương thường niên từ 14 đến 21/3/2021 tại đền thánh Đức Mẹ Fatima sẽ diễn ra trực tuyến vì tình trạng đại dịch coronavirus ở Bồ Đào Nha hiện nay rất bi đát.

Trong thông điệp mục vụ có tựa đề “Tám ngày hành hương tâm linh tới Đền thờ Fatima”, Đức Hồng Y Marto giải thích rằng giáo phận không thể tổ chức cuộc hành hương có giáo dân tham dự do nhu cầu bảo vệ “lợi ích chung cho sức khỏe của mọi người.”

Ngài cho biết những biện pháp này gây đau đớn và làm tăng mong muốn của các tín hữu được tụ họp với các cộng đồng ở đó để cầu nguyện như trong quá khứ. “Đây là một khoảnh khắc thật đau lòng: Thánh địa tồn tại để chào đón khách hành hương mà ‘lực bất tòng tâm’ chúng tôi không thể thực hiện được điều đó, càng thêm đau lòng xót dạ.”

Vì thế, Đức Hồng Y Marto cầu mong các tín hữu trên toàn thế giới thực hiện “cuộc hành hương thiêng liêng đặc biệt này đến Đền Đức Mẹ Fatima,” và cho biết ngài đã chuẩn bị cho các trẻ em của giáo phận tham gia vào cuộc hành hương trực tuyến này.

Đức Hồng Y cho biết ngài sẽ cầu nguyện trong sự thanh vắng của đền thờ dưới chân Đức Trinh Nữ Fatima để cầu mong cho sớm chấm dứt “tai họa của đại dịch kinh hoàng này.”

“Tôi sẽ đến Đền Fatima, ôm tất cả anh chị em trong trái tim tôi, và ở đó tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em và cho sự chấm dứt của tai họa đại dịch này, giao phó tất cả chúng ta cho sự bảo vệ của Mẹ Thiên đàng và Đáng bảo trợ của quốc gia chúng tôi”.

Theo yêu cầu của Đền Thánh Đức Mẹ Fatima, chúng tôi sẽ phối hợp với Đền Thánh thực hiện cuộc hành hương trực tuyến vào lúc 7g tối thứ Tư ngày 17 tháng Ba theo giờ Việt Nam.

Xin quý vị và anh chị em nhớ đón xem để hiệp ý cầu nguyện với Đức Hồng Y cho sớm chấm dứt tai họa của đại dịch kinh hoàng này. Xin cũng giúp báo cho anh chị em khác biết để cùng hiệp ý cầu nguyện.
Source:Catholic News Agency
 
Văn khố Tòa Thánh cho thấy Đức Giáo Hoàng Piô XII đã 4 lần chứng kiến phép lạ mặt trời nhảy múa Fatima
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:36 14/03/2021


1. Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã chứng kiến “phép lạ mặt trời nhảy múa” Fatima khi đi dạo trong các khu vườn của Vatican

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường” cho biết: trong một ghi chú viết tay, được lưu trong văn khố của Vatican, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 viết: “Tôi đã thấy ‘phép lạ mặt trời nhảy múa’, đây thuần túy là một sự thật”.

Vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, hàng ngàn người đã chứng kiến một quang cảnh kỳ diệu gần Fatima, Bồ Đào Nha. Theo một tờ báo địa phương, “Trước con mắt kinh ngạc của đám đông, khi họ đứng đầu trần, háo hức nhìn lên bầu trời, mặt trời run rẩy, đột ngột chuyển động lạ thường nằm ngoài mọi quy luật vũ trụ — nói tóm lại, mặt trời ‘nhảy múa’ theo cách diễn tả tiêu biểu của người dân”.

Kinh nghiệm này đã được xác nhận bởi những người tin cũng như những người không tin, và sự kiện đó đã được Đức Mẹ Fatima báo trước cho ba trẻ chăn cừu. Những trẻ này loan truyền tại địa phương dẫn đến việc tụ họp của đám đông dân chúng.

Tòa thánh đã xác nhận tính xác thực của phép lạ này và kể từ đó, địa điểm này đã trở thành nguồn cung cấp nhiều phép lạ và các sự kiện lành bệnh không thể giải thích được về mặt y khoa.

Năm tháng trước đó, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, cùng ngày mà ba đứa trẻ chăn cừu bắt đầu nhìn thấy Đức Mẹ, Đức Cha Eugenio Pacelli được phong làm tổng giám mục trong Nhà nguyện Sistina. Đức Tổng Giám Mục Pacelli sau đó được bầu làm giáo hoàng và trở thành Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 vào ngày 2 tháng 3 năm 1939.

Ngài có một tình yêu sâu đậm đối với Đức Trinh Nữ Maria và đã dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria vào năm 1942, để kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra.

Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đang cân nhắc việc công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Khi đang cầu nguyện trong vườn Vatican, Đức Piô XII đã nhìn thấy một điều kỳ diệu đập vào mắt mình.

Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã viết một ghi chú viết tay trong đó viết: “Tôi đã thấy ‘phép lạ mặt trời nhảy múa’, đây thuần túy là một sự thật”. Sau đó, ngài tiếp tục mô tả thêm những gì ngài đã nhìn thấy.

Ghi chú của Đức Giáo Hoàng nói rằng vào lúc 4 giờ chiều ngày 30 tháng 10 năm 1950, trong “đi dạo theo thói quen trong Vườn Vatican, đọc và nghiên cứu, tôi đã đến tượng Đức Mẹ Lộ Đức, về phía đỉnh đồi. Tôi đã bị kinh hoàng bởi một hiện tượng mà trước đây tôi chưa từng thấy. Mặt trời, lúc đó vẫn còn khá cao, trông giống như một quả cầu nhạt màu, mờ đục, được bao quanh hoàn toàn bởi một vòng tròn phát sáng. Và người ta có thể nhìn vào mặt trời, mà không thói chói mắt chút nào. Có một đám mây nhỏ rất nhẹ trước mặt nó”. Ghi chú của Đức Thánh Cha tiếp tục mô tả ‘quả cầu đục’ di chuyển ra bên ngoài một chút, hoặc là quay, hoặc di chuyển từ trái sang phải và ngược lại. Bạn có thể thấy các chuyển động với độ rõ nét hoàn toàn và không bị gián đoạn”.

Đức Piô 12 đã nhìn thấy hiện tượng này bốn lần riêng biệt và tin chắc rằng đó là một dấu chỉ thuận lợi từ Thiên Chúa rằng ngài nên tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Đức Piô 12 biết rõ các sự kiện ở Fatima và đã trò chuyện với một trong những thị nhân, Sơ Lucia, là người đã tâm sự với ngài về “bí mật thứ ba”.

Đức Piô 12 qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1958, và được chôn cất vài ngày sau đó - ngày 13 tháng 10 năm 1958, ngày kỷ niệm “phép lạ mặt trời” tại Fatima.
Source:Aleteia

2. Phải mất 60 năm khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus trải qua biết bao đau khổ

Một nghệ sĩ xăm mình đang giúp khôi phục các chặng đàng Thánh giá tại một nhà thờ ở Belarus theo lời mời của cha sở địa phương.

Julia Kulba - được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh hình xăm với cái tên Pipetka - đã áp dụng kỹ năng của mình vào 14 bức phù điêu Thánh giá tại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh Đức Maria ở Adamovichi, một ngôi làng ở vùng Grodno phía tây bắc.

Catholic.by, trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus, đưa tin rằng cha Alexander Shemet cũng yêu cầu Kulba khôi phục lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô Mục Tử Nhân Lành.

Kulba, một nghệ sĩ xăm mình được đánh giá cao với hơn 15 năm kinh nghiệm, chưa từng phục chế một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo nào trước khi Cha Shemet tiếp cận cô vào đầu năm 2021. Cô làm việc cùng với em gái, cũng là một nghệ sĩ được đào tạo.

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1854. Một cựu tù nhân của một trại tù Liên Xô đã bắt đầu khôi phục lại các chặng đàng Thánh giá cách đây 60 năm nhưng bị buộc phải từ bỏ công việc do sức khỏe yếu.

Người cựu tù làm việc dưới sự hướng dẫn của Cha Sở lúc bấy giờ là Cha Kazimir Orlowski. Ngài được thụ phong linh mục năm 1939, làm tuyên úy cho phong trào kháng chiến Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Năm 1950, ông bị bắt vì tội tuyên truyền chống Liên Xô và bị kết án tử hình. Bản án của ngài cuối cùng được giảm xuống 25 năm trong trại kiên giam.

Sau khi chấp hành một phần bản án của mình, Orlowski được trở lại nhà thờ và giám sát việc trùng tu.

Belarus là một quốc gia không có bờ biển giáp ranh với Nga, Ukraine, Ba Lan, Litva và Latvia. Người Công Giáo là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai sau Chính thống, chiếm khoảng 15% trong dân số 9.5 triệu người.
Source:Catholic News Agency

3. Phép lạ đáng kinh ngạc trên sa mạc Ai Cập

Thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Côrintô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. (1 Cr 11:27-29).

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường”, nhận định rằng trong cuộc tranh cãi về vấn đề rước lễ của ông Joe Biden tại Hoa Kỳ, và việc cho những người Tin lành tại Đức được rước lễ, một mẫu số chung là người ta không tin có sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Aleteia cho biết vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 nhiều người đàn ông và phụ nữ được truyền cảm hứng từ các gương sáng của một ẩn sĩ khiêm tốn nay chúng ta gọi là Thánh Antôn Viện Tu. Họ để lại tất cả những gì họ có, để sống một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm trong sa mạc Ai Cập.

Một trong những trung tâm chính của kiểu sống viện tu này là một khu vực được gọi là Scetis, nằm ở phía tây bắc đồng bằng sông Nile. Theo một tài liệu cổ có tên là Những Lời Nói Của Các Giáo Phụ, có một tu sĩ sống trong cộng đồng này, là người đã nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ.

Ngài thường nói với các tu sĩ cùng dòng rằng “Bánh mà chúng ta nhận được không hẳn là Mình của Chúa Kitô, nhưng chỉ là một biểu tượng của Mình Chúa Kitô”. Đối mặt với sự phản đối của các thành viên trong cộng đồng tu viện về tuyên bố này, tu sĩ này trả lời, “Trừ khi bạn có thể cho tôi xem bằng chứng, tôi sẽ không thay đổi ý định của mình”.

Sau đó, trong một thánh lễ Chúa Nhật, khi tu sĩ không tin này nói lời truyền phép trên bánh Thánh Thể, một cậu bé xuất hiện trên tay vị tu sĩ thay vì bánh thánh. Vị tu sĩ cho biết cậu bé ấy chính là Chúa Hài Đồng và một lúc sau lại trở lại nguyên dạng là bánh thánh. Trước phép lạ bất ngờ này, vị tu sĩ tuyên bố: “Lạy Chúa, con tin rằng Bánh là Mình Chúa và Máu Chúa ở trong chén này”.

Phép lạ này gợi lại một mối liên hệ mà nhiều người thánh thiện trong suốt lịch sử Giáo Hội đã nói lên qua nhiều thế kỷ. Họ tin rằng mỗi Thánh lễ đều giống như lễ Giáng sinh, khi Chúa Kitô từ trời xuống ngự trên bàn thờ của chúng ta. Theo cách này, mỗi ngày đều là ngày “Giáng sinh”, khi Chúa Giêsu “ngự giữa chúng ta” dưới hình dạng của bánh thánh.
Source:Aleteia

4. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng huân chương cho nữ tu y tá phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý

Một nữ tu và đồng thời là một y tá đã tình nguyện phục vụ những người nhiễm coronavirus ở Ý đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh với Giải thưởng “Phụ nữ Dũng cảm”.

Sơ Alicia Vacas Moro là một Nữ tu Truyền giáo dòng Comboni người Tây Ban Nha. Sơ đã phục vụ người nghèo và người bệnh như một y tá ở Ai Cập, Bờ Tây, và giữa đại dịch coronavirus.

Sơ Vacas đã được Ngoại trưởng Anthony Blinken trao Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế trong một buổi lễ trực tuyến vào ngày 8/3 cùng với 13 phụ nữ khác.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh ở Rôma đã tổ chức một buổi lễ ảo trao giải “Phụ nữ Dũng Cảm” vào Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Trước buổi lễ, Đại Biện Lâm Thời đại sứ quán Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh là ông Patrick Connell nói rằng cá nhân ông được truyền cảm hứng từ “Sự tận tụy suốt đời của Sơ Alicia cho hòa bình và công lý, đặc biệt là thay mặt cho những người dễ bị tổn thương nhất”.

“Trong hơn 20 năm Sơ Alicia đã phục vụ trong các cộng đồng bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông nâng đỡ những người không có tiếng nói ở những nơi bị bao vây bởi chiến tranh và mất an ninh”, Connell nói.

“Sơ đã làm việc với tư cách là một y tá và một nhà vận động nhân quyền cho phụ nữ, giáo dục trẻ em và chăm sóc y tế trong các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo”.

Là một Nữ tu Truyền giáo Comboni, Sơ Vacas đã dành tám năm để phục vụ người nghèo ở Ai Cập. Sơ điều hành một phòng khám y tế phục vụ 150 bệnh nhân có thu nhập thấp mỗi ngày. Sau đó sơ được gửi đến Bethany ở Bờ Tây, nơi sơ thành lập các trường mẫu giáo và các chương trình đào tạo cho phụ nữ nghèo.

Sơ Vacas hiện là điều phối viên khu vực của các chị em dòng Comboni ở Trung Đông, giám sát công việc của 40 chị em giúp đỡ nạn nhân buôn người, người tị nạn và người xin tị nạn trong khu vực, nhưng vào năm 2020, sơ đã bay đến Ý để giúp phục vụ các chị em trong dòng sau khi bùng phát COVID-19 tại tu viện của các sơ ở miền bắc nước Ý.

Nữ tu 41 tuổi đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong thời kỳ đại dịch tại một hội nghị chuyên đề ảo do các đại sứ quán Hoa Kỳ và Anh tổ chức tại Tòa Thánh vào tháng 6 năm 2020.

“Thật không may một trong các cộng đồng của chúng tôi tại Bergamo đã bị nhiễm bệnh ngay từ đầu, và chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức rất xấu từ cộng đồng”, sơ nói.

“Chúng tôi tình nguyện đi để giúp đỡ họ”.

Khi đến Bergamo, nằm ở Lombardy, là tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus ở Ý, sơ Alicia nói rằng nhà mẹ Comboni “thực sự hỗn loạn” vì “hầu hết mọi người đều nhiễm bệnh”.

45 sơ trong số 55 nữ tu sống ở Bergamo nhiễm coronavirus. Mười sơ dòng Comboni trong cộng đồng này đã chết trong trận dịch.

“Đó là một kinh nghiệm rất mạnh mẽ khi sống từ bên trong nỗi đau khổ của người dân ở Bergamo”, sơ nói và nói thêm rằng đó là một kinh nghiệm về Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.
Source:Catholic News Agency