Ngày 14-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ăn chay theo ý Chúa
Lm. Bosco Dương Trung Tín
08:32 14/03/2016
Ăn chay theo ý Chúa

Mùa chay thường nói đến việc ăn chay và người ta kể cả người Công Giáo lẫn ngoại giáo đều thắc mắc về cách ăn chay của Đạo Công Giáo. Ta cùng nhau tìm hiểu về cách ăn chay này. Cách ăn chay này dựa trên hai bản văn Kinh Thánh của Cựu Ước là Is 58,3-7và của Tân Ước là Mt6, 16-18.

Trong bản văn của Cựu Ước có ghi:”Chúng nói: chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy; chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay? Này ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiến lợi; vẫn áp bức kẻ làm công cho mình. Này các ngươi ăn chay để đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay, để tiếng các ngươi kêu thấu tới trời thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng, trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mới gọi là ăn chay. Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm. Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục”(Is58,3-7).

Theo bản văn Kinh Thánh của Chúa này thì đấy chính là cách ăn chay mà Chúa muốn, nó nặng về tinh thần hơn xác thịt; nặng về cái đầu hơn cái bao tử. Cách ăn chay của con người hay các tôn giáo khác thường nặng về cái bao tử hơn tinh thần. Họ không ăn hay chỉ ăn chút ít mà thôi. Ta thử tìm hiểu xem cách nào tốt hơn.

Xét về mặt xác thịt, về cơ thể con người, chẳng có gì là xấu xa hay tội lỗi cả; nó cứ đói là đòi ăn, khát là đòi uống; thèm khát tính dục thì đòi thỏa mãn, để duy trì sự sống và nòi giống. Nhưng trong các việc đó thì cái gì chỉ huy, cái đầu hay bao tử? Chắc chắn là cái đầu rồi. Cái đầu cho biết ăn uống thế nào thì được, ăn bao nhiêu thì tốt; thỏa mãn thế nào thì hạnh phúc. Chúa đã nói mà: “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích chi”(x.Ga 6,36). Có thể nói Thần khí đây là cái đầu, là tinh thần, là thần khí của con người, mới làm làm cho ta sống vui và sống khỏe. Vậy thì ăn chay cái đầu hơn là ăn chay cái bao tử.

Mọi sự độc ác, xấu xa; tham lam, bất chính; bất công, bất nhân đều từ cái đầu mà ra chứ không phải từ cái bao tử. Cho nên cách ăn chay mà Chúa muốn là ăn chay cái đầu chứ không phải cái bao tử. Và Giáo Hội theo ý Chúa, chỉ ăn chay và kiêng thịt có hai ngày là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Mặc dù Đức Giê-su ăn chay 40 đêm ngày, nhưng Giáo Hội không bắt các tín hữu ăn chay như vậy mà chỉ kêu mời các tín hữu sống 40 ngày trong mùa chay thôi. Ngày thứ tư lễ tro là để bắt đầu vào mùa chay và ngày thứ sáu tuàn thánh là để tưởng niệm việc Chúa chịu chết, nên các tín hữu ăn chay và kiêng thịt trong hai ngày đó.

Việc kiêng thịt, thì những ai từ 14 tuổi trở lên cho đến hết đời phải kiêng thịt(x.Gl 1251). Tuy nhiên những ai vì lý do bệnh tật hay vì khả năng lao động cần phải ăn thịt hoặc những ai bị ông chủ không cho ăn thức nào khác thì không buộc phải kiêng thịt.

Kiêng thịt là kiêng không ăn thịt. “Luật kiêng thịt cấm ăn các sản phẩm làm từ thịt, tủy và máu các động vật và các loài chim làm thành thịt”(Zenit.org 1-3-2016). Không được ăn thịt nhưng được ăn trứng; được dùng các thức ăn làm với sữa hay các loại nước chấm làm bằng mỡ động vật. Thịt bị cấm là các loại động vật hữu nhũ như bò, heo, trâu, cừu,… và các loại gia cầm như gà, vịt, chim,… Không được xem là thịt cấm sử dụng như các loài cá và các thức ăn biển, những loài máu lạnh như ếch, trai, hến, sò, rùa,… và các loài bò sát như rắn,…(Trích “ Ăn chay và kiêng thịt” trong Hội thánh Công Giáo”).

Thế nhưng có thể thay thế việc kiêng thịt bằng một hình thức khác mà Hội Đồng Giám Mục qui định(x.Gl 1253), cho các ngày thứ sáu trong tuần. Hội Đồng Giám mục Việt Nam khóa họp tháng 4 năm 1991 đã ấn định: “Các ngày thứ sáu có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay từ thiện bác ái như nghe hay đọc một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội; bố thí cho người nghèo; làm một việc công ích,…”. Bản văn này không có giá trị cho ngày thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh, nghĩa là hai ngày này không được thay thế việc kiêng thịt bằng các việc đạo đức và bác ái. Ai vi phạm thì mắc tội hay phải kiêng thịt vào ngày khác.

Người ta thắc mắc: kiêng thịt mà ăn nước thịt thì được, nghĩa là sao?

Kiêng thịt, có nghĩa là kiêng cữ(abstinentia), có nghĩa là từ bỏ những thức ăn khoái khẩu, như thịt, còn nước thì không. Và vì đặt nặng về tinh thần nên ăn nước thịt vẫn được. Nhưng không vì thế mà say thịt thành nước mà ăn. Kiêng thịt về phần xác là ta hy sinh một chút khoái khẩu khi ăn thịt, cái chính là tinh thần của ta. Cái đầu của ta chú ý một chút và muốn hy sinh một tí để làm chủ thân xác.

Còn ăn chay, luật ăn chay có nghĩa là được ăn một bữa no và hai bữa còn lại ăn chút ít. Theo đó ta có thể ăn bữa sáng, hoặc bữa trưa hay bữa tối no, còn hai bữa còn lại ăn ít hơn. “Trong khi việc ăn các thực phẩm “rắn” giữa các bữa bị cấm, nghĩa là không ăn gì ngoài bữa ăn như bánh kẹo, thì các thức ăn “lỏng”, như sữa, trà, cà phê và nước trái cây, có thể được dùng bất cứ lúc nào”(x.Zenit.org1-3-2016). Theo đó thì thậm chí cả rượu, bia cũng được uống, nhưng chỉ được dùng như một loại giải khát, chứ không phải là được nhậu nhẹt. Vì có người mỗi ngày thường uống một chum rượu cho khỏe hay một lon bia như một loại giải khát.

Những ai từ 18 tuổi đến tròn 59 tuổi buộc phải ăn chay(x.Gl 1252). Theo đó các trẻ em, thanh thiếu niên và những người từ 60 tuổi trở lên không buộc phải ăn chay, nếu tự ý ăn chay để hãm mình đền tội thì đánh hoan nghênh.

Ăn chay theo nguyên ngữ là Jejunium, có nghĩa là hạn chế lượng thức ăn được đưa vào, vào những ngày cụ thể. Như vậy, ăn chay là bớt ăn chứ không phải là không ăn gì. Có người ăn chay chỉ ăn chút ít một bữa hay không ăn gì, nên mệt lả, không làm việc gì được, có khi nguy hiểm đến tính mạng nữa thì không phù hợp với tinh thần ăn chay của Chúa.

Cắc cớ là ngay chay ta lại hai bị cám dỗ, cái gì cũng muốn ăn, cũng thích ăn mà ngày thường thì không đếm xỉa gì tới. Có khi ta bỏ vào miệng rồi mới sực nhớ là ngày chay. Nếu ta chưa nuốt thì nhổ ra; nếu sợ phí của trời thì nuốt. Nuốt khỏi cổ rồi, thì coi như xong; coi như mất chay, phải đi xưng tội hay phải ăn chay vào ngày khác.

Thế đấy, ăn chay là để ta ý thức việc ăn uống và làm việc của mình, để tinh thần làm chủ thân xác; ăn chay là để ta biết suy nghĩ những điều hay lẽ phải mà thực hành; để ta làm chủ lấy mình, muốn ăn là ta ăn; không ăn là ta không ăn và để ta kiên trì làm việc và làm cho tới cùng.

Qua đó ta thấy “chay tịnh phần xác để ta kiềm chế các lỗi lầm, nâng cao tâm hồn và dành được đức hạnh và phần thưởng của nó”(Kinh tiền tụng IV mùa chay” và việc kiêng thịt là để “thanh luyện tâm hồn, nâng cao tâm trí, làm cho xác thịt phụ thuộc tâm hồn; sinh ra một tâm hồn khiêm nhường và thống hối; phân tán các đám mây của nhục dục, dập tắt ngọn lửa của sự ham muốn và kích động ánh sáng thật của đức khiết tịnh”(St. Augustino).

Mục đích của của việc kiêng thịt là giúp ta làm chủ con người của mình và Ăn chay là để hãm mình, ép xác và làm việc bố thí. Đó là một hy sinh dù không lớn lao nhưng cũng là một thành ý.

Cách ăn chay theo ý Chúa muốn là đừng lo kiếm lợi đời này mà lo kiếm lợi đời sau; kiêng đừng áp bức người khác, đừng đôi co, cãi vã, hơn thua và đánh đập người khác. Cũng không cúi rạp như cây sậy, cây lau; không cần nằm trên tro, trên bụi, đó chỉ là những việc xáo rỗng nếu ta không có lòng ăn năn thống hối thật. Chúa Giê-su đã nói: “Khi ăn chay chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả, chúng làm cho ra vẻ thểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”. Không, ngàn lần không. “Khi ăn chay nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm” cơ(x.Mt6,16-18). Đó chẳng phải là việc tích cực, nhẹ nhàng và phấn khởi sao? Đúng, đó là ý Chúa muốn.

Khi tâm hồn ta nhẹ nhàng ta sẽ “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm” nghĩa là ta mở lòng từ bi đối với người khác, tháo gỡ mọi khó khăn, giúp đỡ người ta khi họ thiếu thốn hay chạy đến kêu cứu ta. Ta làm, ta giúp trong tình người, trong sự yêu thương và tôn trọng. Đừng bao giờ giúp người ta mà đòi hỏi này nọ.

Khi con người của ta phấn khởi ta sẽ “chia cơm cho người đói, rước vào nhà cho những người không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần cho áo che thân; không ngoãnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”, nghĩa là ta có lòng nhân từ và thương xót đến người khác, nhất là những người anh chị em ruột thịt của ta. Ta chia sẻ com bánh, tiền bạc, Lời Chúa, kinh nghiệm,…về phần xác cũng như phần hồn. Ta không theo chủ nghĩa Mac-ke-no, nhưng ra tay cứu khổ, cứu nạn với tình người, với lòng bác ái chân thật.

Ta làm được như thế là ăn chay theo ý Chúa muốn đấy, chứ không phải ăn no hay ăn đói; ăn ít hay ăn nhiều. Ăn chay chỉ là cách ta biểu lộ ra ngoài thôi. Sống như thế là ta kiêng thịt theo ý Chúa muốn đấy chứ không phải ăn con 4 chân hay 2 chân; trên cạn hay dưới nước, ăn thịt hay ăn nước. Kiêng thịt, đó chỉ là một cách biểu lộ sự kiêng khem chút thôi.

Quả thật ăn chay, kiêng thịt của Đạo Công Giáo chúng ta tích cực và nặng về tinh thần, nặng về cái đầu hơn là cái bao tử. Điều đó giúp ta ăn năn sám hối; giúp ta nên thánh, nên thiện; nên từ bi, nên thương xót, nên nhân từ như cha chúng ta trên trời; đồng thời làm cho ta thêm phấn khởi, hăng say để sống và làm việc. Như thế ta muốn ăn chay theo ý Chúa hay theo con người đây? Cái nào tốt hơn, cái này hay hơn, cái nào ích lợi hơn? Chắc là theo ý Chúa thì tốt hơn rồi. Vậy chúng ta hãy ăn chay, kiêng thịt theo ý Chúa muốn nha.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13/3/2016: Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.
VietCatholic Network
13:36 14/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày 13 Tháng 03 là kỷ niệm 3 năm Đức Thánh Cha được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, tức là Giám Mục của Rôma. Giáo phận đã có cuộc cầu nguyện khởi sự lúc 10 giờ tối thứ Bẩy, 12-3, với việc Chầu Mình Thánh Chúa và thánh lễ trọng thể lúc 11 giờ đêm. Trưa Chúa Nhật 13-3, các tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô và lúc 2 giờ chiều có buổi đọc kinh Mân Côi của các trẻ em. Nhiều phong trào và hội đoàn đã đăng ký thay phiên nhau tham gia các giờ cầu nguyện với thánh ca và phần linh hoạt phụng vụ.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 13 Tháng 03, với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của ngày Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay hôm nay rất đẹp (Ga, 8, 1-11). Tôi rất thích đọc và suy gẫm về đoạn Tin Mừng này. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, qua đó làm nổi bật chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Câu chuyện diễn ra trong khuôn viên đền thờ. Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy dân chúng. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa Đức Giêsu và dân chúng (x. câu 3), tức là đứng giữa lòng xót thương của Con Thiên Chúa và sự công kích của những người tố cáo chị. Trong thực tế, họ không đến với Thầy Giêsu để xin ý kiến nhưng là để gài bẫy Ngài. Thật vậy, nếu Đức Giêsu theo sự nghiêm khắc của lề luật, tức là chấp thuận việc ném đá người phụ nữ, thì ngay lập tức Ngài sẽ mất đi uy tín. Những gì Ngài rao giảng về sự hiền lành, lòng thương xót mà dân chúng đang say mê lắng nghe sẽ trở nên giả dối. Nhưng nếu Ngài nói không, tức là muốn tỏ lòng thương xót với người phụ nữ, thì Ngài đang đi ngược lại với lề luật. Như vậy Đức Giêsu cũng tự mẫu thuẫn với chính mình vì trước đây Ngài từng tuyên bố: ‘Tôi đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật’ (x. Mt 5,17). Đức Giêsu đã bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như thế.

Ý định và cạm bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu ẩn núp dưới câu hỏi mà họ chất vấn Đức Giêsu: ‘Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’ Đức Giêsu im lặng không trả lời và làm một cử chỉ bí ẩn, rất khó hiểu: ‘Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất’ (c. 7). Dường như Đức Giêsu vẽ cái gì đó. Có người cho rằng Ngài viết tội của người Pha-ri-sêu… Tuy nhiên, việc Đức Giêsu viết cũng giống như những việc khác Ngài đã làm thôi. Nhưng chắc chắn rằng, bằng cách viết trên đất như thế, Đức Giêsu muốn mời gọi mọi người bình tĩnh lại, đừng hành động vì sự nôn nóng bốc đồng nhưng hãy tìm kiếm sự công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ lại nhất quyết chờ đợi một câu trả lời từ Đức Giêsu. Dường như họ đang khát máu. Vì họ cứ hỏi mãi nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.’ (c. 7) Câu trả lời này đã hạ đo ván những người đang lên án tố cáo, tước bỏ tất cả vũ khí của họ trong chính nghĩa đen của từ ngữ: tất cả họ đều hạ ‘vũ khí’ xuống, đó là những viên đá đang sẵn sàng để ném ra. Một cách công khai họ muốn giết chết người phụ nữ, nhưng cách âm thầm và đầy ngụ ý họ muốn chống đối và loại trừ Đức Giêsu. Và trong khi Đức Giêsu tiếp tục viết trên đất, những kẻ tố cáo bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, đó là những người ý thức hơn về tình trạng không sạch tội của mình. Chính chúng ta cũng phải ý thức rằng chúng ta là kẻ tội lỗi. Khi kết án người khác, chúng ta biết rõ tội lỗi của họ. Nhưng sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta có cam đảm bỏ xuống đất hòn đá nắm trong tay để ném người khác và suy nghĩ về tội lỗi của mình.

Cuối cùng chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau. Điều này cũng xảy ra với mỗi người chúng ta. Khi đến trước tòa giải tội, với sự xấu hổ, thẹn thùng, chúng ta nhận thấy tình trạng khốn khổ của mình và nài xin ơn tha thứ. Đức Giêsu cất tiếng hỏi: ‘Này chị, họ đâu cả rồi?’ (c.10). Như vậy, vụ thẩm tra đã kết thúc. Với đôi mắt tràn đầy xót thương và tình yêu mến, Đức Giêsu nhận thấy rằng người phụ nữ vẫn có phẩm giá của mình. Chị không đáng tội chết. Chị vẫn có thể thay đổi đời sống, vẫn có thể thoát ra khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và bước đi trên một con đường mới.

Chị đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống.’ Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy với ân sủng Chúa ban.

Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ra biết tín thác cách tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ đó mà chúng ta sẽ được trở nên những thụ tạo mới.”

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Hôm nay, tôi muốn nhắc lại ý nghĩa cử chỉ của việc anh chị em trao tặng các sách Tin Mừng bỏ túi. Đó là sách Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc vào mỗi Chúa Nhật trong năm phụng vụ này. Cuốn sách ấy có nhan đề: ‘Tin Mừng về lòng thương xót Chúa theo Thánh Luca’. Thánh sử Luca đã thuật lại lời của Chúa Giêsu rằng: ‘Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ’ (Lc, 6, 36). Chính những lời ấy đã gợi hứng cho Năm Thánh này. Anh chị em sẽ được phát miễn phí sách Tin Mừng bỏ túi ấy bởi các tình nguyện viên. Tôi mời gọi anh chị em hãy nhận lấy và đọc mỗi ngày, để nhờ đó lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn anh chị em và anh chị em cũng có thể diễn tả lòng thương xót ấy cho những người mà anh chị em gặp gỡ.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người ngày Chúa Nhật an lành và cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài nhân kỷ niệm đúng ba năm ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.
 
ĐTC Phanxicô tuyên bố một người Palestine thắng giải Giáo Viên cuả Thế Giới: Cô Hanan al-Hroub.
Trần Mạnh Trác
20:59 14/03/2016


Trong cái hỗn loạn và đầy bạo lực cuả vùng Trung Đông, thì một ngôi sao sáng đã xuất hiện trên nền trời thành phố Al-Bireh vùng West Bank Palestine: một cô giáo tiểu học, cô Hanan al-Hroub, vừa được lãnh giải Giáo Viên cuả Thế Giới.

Đây là một giải thưởng mà mới có năm thứ hai, người ta đã đặt tên cho nó là giải Nobel cuả Giáo Dục.

Giải được hiệp hội Varkey Foundation thành lập vào năm 2015, là một hiệp hội phi lợi nhuận có mục đích nâng cao phẩm chất giáo dục trên toàn Thế Giới.

Bắt đầu với ông Sunny Varkey, một người Ấn Độ có doanh nghiệp thành đạt và thịnh vượng ở Dubai. Sau khi nhìn thấy tình trạng suy giảm về giáo dục một cách thảm khốc trên toàn thế giới, đã cổ động và sáng lập ra giải thưởng này. Ông hiện giữ chức chủ tịch cuả hiệp hội.

Với những tiêu chuẩn minh bạch và công bằng, hiệp hội được sự ủng hộ cuả nhiều nhân vật tăm tiếng trên Thế Giới như nhà khoa học Stephen Hawking, phó tổng thống HK ông Joe Biden, hoàng tử Anh Quốc William, cựu tổng thống HK Bill Clinton và ĐGH Phanxicô.



Năm nay ĐTC Phanxicô giữ vai trò 'công bố' người thắng giải, Ngài không đến tham dự tại chỗ, nhưng gửi lời phát biểu qua TV trực tuyến. Ngài nói: "Mỗi đứa trẻ có quyền được chơi đuà. Một phần của giáo dục là dạy trẻ con chơi những trò chơi. Bởi vì chúng ta học được cách sống trong xã hội qua những trò chơi và qua đó học được niềm vui của cuộc sống."

Ngài nói tiếp: " Tôi khen ngợi cô giáo Hanan al-Hroub thắng được giải thưởng cao quí này do việc cô đã nâng cao sự quan trọng cuả trò chơi trong việc giáo dục trẻ em."

Cô Hanan al-Hroub thắng giải qua sự lựa chọn trên 8000 thầy cô trên toàn Thế Giới. 10 người đi vào vòng chung kết đã có mặt tại đại sảnh đường cuả khu nghỉ mát Atlantis ở Dubai.

Toàn thể cử toạ, trong đó có vị quốc vương cuả Dubai là Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, đã hoan hô nồng nhiệt khi tên cuả cô được ĐTC đọc lên.

Những người Palestine đã nhẩy lên ghế, phất cờ cuả họ lên cao và hát vang dội bài quốc ca cuả họ "Với tất cả tâm hồn, với tất cả nguồn máu nóng, chúng ta cùng hy sinh cho Palestine".

Trò chơi mà ĐTC đề cập tới là các hoạt động vui tươi để giúp đỡ các trẻ em địa phương học hỏi trong môi trường đầy bạo lực của chúng, một chương trình mà cô Hroub gọi là "Không có bạo lực".

Cô Hanan al-Hroub sẽ nhận được một giải thưởng trị giá là 1 triệu Mỹ Kim.

Năm ngoái cô Nancie Atwell đã là người thắng giải, là một cô giáo dậy môn 'đọc và viết' tại Tiểu Bang Maine, Hoa Kỳ. Cô Atwell đã tặng số tiền thưởng cho một trung tâm giáo dục ở quê nhà là trung tâm 'Center for Teaching and Learning' ở Edgecomb, Maine. Đây là một trung tâm lo trợ giúp các trẻ em kém may mắn trong vùng (underprivileged).

Còn cô Hanan al-Hroub dự định sẽ dùng số tiền để khởi sự cho một quĩ học bổng trợ giúp các trẻ em tị nạn.

Chính cô Hanan al-Hroub đã là một người tị nạn.

Lớn lên trong trại tị nạn, cô Hroud hằng ngày là chứng nhân cuả những cảnh hung bạo. Một ngày kia, chồng và các con cuả cô thoát chết vì bị bắn tiả trên đường đi đến trường, cô đã nhận thấy hậu quả thảm hại trên tâm thần cuả những đứa con cuả chính mình như thế nào.

Thiếu sự hiểu biết về phương pháo giáo dục để có thể giúp cho con mình, và các thầy cô ở trường cũng không biết phải làm thế nào để giúp, cô đã phải một mình sống trọn cái sự 'chấn thương' cuả đàn con. Cô đã cương quyết làm cô giáo cho chính gia đình mình.

Cô bắt đầu nghĩ ra những trò chơi mới, và gọi những đứa trẻ cùng xóm cùng tới chơi. "Dần dà những sự lo sợ, nghi kỵ, rụt rè cuả những đưá trẻ bớt đi, số điểm ở trường học bắt đầu tăng lên và chúng bắt đầu có sự tự tin trở lại," Cô nói.

Cô ghi tên đi học làm cô giáo chương trình giáo dục cấp tiểu học, nghĩ rằng cô có thể san sẻ những kinh nghiệm bản thân cho nhiều trẻ em khác.

"Một đứa trẻ sẽ trưởng thành rất nhanh ở đây (vùng Palestine), bởi vì tình hình ở đây khác xa với tình hình của bất kỳ nơi nào trên thế giới," Cô Hroub giải thích. "Tôi phải đối phó với cá tính của từng đưá trẻ, được tạo ra do kết quả cuả môi trường sống của chúng, trói buộc chúng phải như thế. Bạo lực không chỉ là trên thân xác mà thôi, nhưng có nhiều hình thức khác nữa. Bạo lực là một rào cản đối với các giáo viên chúng tôi, ngăn cản chúng tôi thực hiện vai trò giáo dục của chúng tôi."

"Tôi muốn nói với tất cả các giáo viên," Cô Hroub nói trong bài phát biểu nhận giải của mình, "cho dù họ ở Palestine hay ở các nơi khác trên toàn thế giới: 'Việc làm của chúng ta là nhân đạo, mục tiêu của nó là cao quý. Chúng ta phải dạy cho con em chúng ta là: vũ khí duy nhất của chúng ta là kiến thức và giáo dục.. "

Xem video cảnh tuyên bố người thắng giải:

 
Tái tục vụ xử 'Vatileaks II'
Đặng Tự Do
19:29 14/03/2016
Sau một thời gian nghỉ ba tháng, phiên tòa "Vatileaks II" đã được tái tục.

Hai ký giả Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi bị buộc tội "gạ gẫm và gây áp lực" trên các nhân viên Vatican để có được những tài liệu mật.

Ba bị cáo khác gồm Đức ông Angel Lucio Vallejo Balda, bà Francesca Immacolata Chaouqui, và bà Nicola Maio bị cáo buộc đã thành lập một nhóm hoạt động bất hợp pháp nhằm có được những tài liệu mật và cung cấp những tài liệu này cho các nhà báo. Cả ba đều có chân trong một ủy ban được thành lập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô với mục đích đề nghị các cải cách trong các vấn đề tài chính của Vatican.

Phiên tòa đang được tiến hành bởi tòa án của thành phố quốc gia Vatican.
 
Chính Thống Giáo Ukraine thân Mạc Tư Khoa xuyên tạc lịch sử vu cáo Giáo Hội Công Giáo
Đặng Tự Do
19:52 14/03/2016
Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng Liên Xô đàn áp người Công Giáo vì thái độ ủng hộ phát xít Đức.

Một tuyên bố chính thức của cơ quan truyền thông Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng sự đàn áp tàn bạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine trong thời kỳ Stalin là một phản ứng dễ hiểu của người Nga nhằm trừng phạt sự hỗ trợ mà người Công Giáo dành cho Đức quốc xã.

Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 70 cuộc đàn áp này, các viên chức Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói rằng "lý do chính gây nên cuộc đàn áp của Liên Xô trên Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukarine là sự hợp tác công khai của tôn giáo này với các lực lượng Đức Quốc xã chiếm đóng và thái độ làm tay sai của họ ở Tây Ukraine."

Đây là một tuyên bố xuyên tạc lịch sử. Thật vậy, ngày 22/6/1941 Hitler phát động chiến dịch Drang nach Osten (Ðông Tiến) bằng cuộc oanh kích dữ dội biên giới Ukraine và Belarus. Trong ngày đầu tiên, tất cả các thành phố lớn của Ukraine như Kiev, Lviv đều bị bỏ bom. Quân Ðức, trong tập đoàn quân Wehrmacht, lên đến 3 triệu binh lính và sĩ quan tràn vào lãnh thổ Ukraine như thác lũ dưới sự chống đỡ yếu ớt của hồng quân Liên Sô. Các sĩ quan và binh lính Ðức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu họ cũng được người dân Ukraine cầm hoa hay bánh mì và muối theo truyền thống hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng giải phóng cho họ. Toàn dân Ukraine hân hoan chào đón người Đức. Đó là một thái độ chung, không phải của riêng người Công Giáo.

Có lẽ dân Ukraine đã quá đau khổ dưới ách thống trị của cộng sản nên sẵn sàng chào đón bất cứ ai không cần biết tốt xấu. Ðối với họ cộng sản là tột đỉnh của đau khổ rồi. Sự chán ghét chế độ cộng sản còn được minh chứng qua hành động đầu hàng tự nguyện của một tập đoàn quân đông đảo. Trong chiến sử thế giới có lẽ chưa bao giờ chứng kiến việc ra đầu hàng của một tập đoàn quân lên đến gần 665,000 quân tại mặt trận Kiev. Trong số 667,085 quân nhân trú đóng tại Kiev, chỉ có khoảng 2000 quân chạy theo hồng quân Liên Sô, số còn lại tự nguyện ở lại đầu hàng quân Ðức.

Các cơ quan thông tin Chính Thống Giáo Ukarine thân Nga thừa nhận sự đau khổ của người Công Giáo dưới thời Stalin, nhưng nhanh chóng nói thêm rằng Giáo Hội Chính Thống cũng bị thiệt hại. Tuyên bố cũng nhắc tới những căng thẳng giữa Chính thống giáo và Công Giáo ở Ukraine từ thế kỷ thứ 16.

Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Chính Thống Ukraine thân Nga đã thường xuyên cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Ukraine đã chiếm giữ nhiều nhà thờ Chính thống trong những năm ngay sau sự sụp đổ của chính quyền cộng sản. Các nhà thờ này thực ra là các nhà thờ Công Giáo, bị tịch thu bởi chính phủ Stalin để giao cho các giáo sĩ Chính thống dễ bảo hơn.
 
Bộ trưởng ngoại giao Vatican kêu gọi các cuộc đối thoại như lời đáp trả với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo
Đặng Tự Do
20:06 14/03/2016
Hợp tác quốc tế và đối thoại liên tôn là những cách tốt nhất để chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa bất khoan dung tôn giáo. Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước, đã phát biểu như trên tại một hội nghị về truyền giáo. Theo Đức Tổng Giám Mục, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bạo lực đã trở thành vấn đề cấp bách. Ngài kêu gọi thế giới phải có những hành động phối hợp "để đảm bảo sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động tàn bạo, cũng như để khẳng định sự ủng hộ vô điều kiện cho tự do tôn giáo và lên án tất cả các loại phân biệt đối xử và bất khoan dung tôn giáo".

Đức Tổng Giám Mục than phiền rằng đã có "một sự tăng trưởng theo cấp số nhân những trường hợp bất khoan dung, những hình thái phân biệt đối xử, chủ nghĩa cực đoan, và những chà đạp tự do cá nhân."

Tuy không nêu đích danh một quốc gia Hồi giáo cụ thể nào, Đức Tổng Giám Mục cũng lưu ý rằng một số quốc gia đang hạn chế quyền tự do tôn giáo của các nhóm thiểu số và rằng luật báng bổ đang cung cấp "một cớ dễ dàng cho những người có ý định bắt bớ những người tuyên xưng một niềm tin tôn giáo khác với đa số."

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng "sự bất ổn liên tục của Trung Đông đã làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu.”

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng lưu ý rằng tình trạng bất khoan dung tôn giáo cũng có thể nhìn thấy ở phương Tây", nơi các hình thức phân biệt đối xử thường xuất hiện trong vỏ bọc của cái gọi là "bảo vệ các giá trị dân chủ."
 
Lá thư cuối cùng của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái bị giết tại Yemen: 'Chúng tôi sống cùng nhau, và cùng chết với Chúa Giêsu, Mẹ Maria'
Đặng Tự Do
20:16 14/03/2016
Mạng lưới truyền hình của các giám mục Ý đã công bố lá thư cuối cùng của năm nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã phục vụ người nghèo, người già, và người tàn tật ở Aden, Yemen.

Bốn trong số năm chị em đã bị giết trong một cuộc tấn công khủng bố hôm 04 tháng 3. Chị thứ năm còn sống nhờ ẩn nấp kịp thời và bây giờ đã được đưa ra khỏi Yemen.

Trong một lá thư viết cho nhà dòng tại Rôma, các chị cho biết bất cứ khi nào có ném bom "chúng tôi cùng quỳ gối trước Mình Thánh Chúa, cầu xin Chúa Giêsu đầy lòng thương xót bảo vệ chúng tôi và những người nghèo mà chúng tôi phục vụ và ban hòa bình cho đất nước này."

"Thiên Chúa không bao giờ chịu thua kém về lòng quảng đại miễn là chúng ta ở lại trong Ngài và ở giữa những người nghèo của Ngài"

"Khi bị dội bom, chúng tôi trốn dưới gầm cầu thang, tất cả năm chị em luôn luôn hiệp nhất. Chúng tôi sống với nhau, và sẵn sàng cùng chết với Chúa Giêsu, Mẹ Maria."
 
Đức Thánh Cha lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bờ Biển Ngà
Đặng Tự Do
20:24 14/03/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một tuyên bố lên án các hành vi bạo lực khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bờ Biển Ngà.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc tấn công xảy ra ở một bến xe buýt tại Ankara vào ngày 13 tháng 3 đã giết chết ít nhất 34 người và làm 100 người khác bị thương. Trong điện văn do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay mặt ngài, Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới với các tang quyến, và chỉ trích "hành động bạo lực ghê tởm này."

Tại Bờ biển Ngà, một cuộc tấn công vào một khu du lịch ở Grand Bassam giết chết 16 người, và làm nhiều người khác bị thương nặng. Thông điệp của Đức Thánh Cha gởi cho Đức Giám Mục Raymond Ahoua của giáo phận Grand Bassam, ban phép lành cho các nạn nhân và gia đình của họ và "lên án bạo lực và hận thù dưới tất cả các hình thức của nó."
 
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đốt sách Kitô Giáo
Đặng Tự Do
20:55 14/03/2016
Trong bản tin đánh đi hôm 14 tháng Ba, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết tại Mosul, thủ phủ của Công Giáo Iraq, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tổ chức một cuộc đốt sách Kitô Giáo và quay thành video đưa lên Internet.
Những sách bị đốt dường như được lấy từ các trường tiểu học Kitô Giáo ở Mosul. Tiêu đề của video cho thấy sự phá hủy này được thực hiện bởi “văn phòng giáo dục của Nhà nước Hồi giáo.”

Ngày 4 tháng Sáu năm 2014, thành phố Mosul bắt đầu bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công. Sau 6 ngày giao tranh, quân Iraq bỏ chạy để lại thành phố cho bọn khủng bố chiếm đóng.
Cho đến mốc lịch sử bi đát này thành phố Mosul là một trung tâm lịch sử của Giáo Hội Assyriô nơi có các ngôi mộ của một số tiên tri trong Cựu Ước như tiên tri Giô-na. Di tích lịch sử quan trọng này đã bị phá hủy bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào tháng Bảy năm 2014.
 
Kitô hữu Israel chỉ trích chính sách của chính phủ nước này
Đặng Tự Do
21:10 14/03/2016
Rất ít các Kitô hữu sống ở Israel hỗ trợ các chính sách của chính phủ Do Thái trong khi nhiều Kitô hữu sống ở Mỹ lại tỏ ra ủng hộ chính quyền Tel Aviv, một nghiên cứu của Pew Research đã cho thấy như trên.

Trong số các Kitô hữu Israel, 80% tin rằng chính phủ Do Thái không chân thành quan tâm đến việc mưu tìm hòa bình với người Palestine, và 79% tin rằng việc xây dựng các khu định cư Do Thái cuối cùng sẽ làm mất đi hy vọng có được an ninh của đất nước.

72% tin rằng Israel không phải là một quốc gia dân chủ và là một nhà nước thế tục. 86% nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ quá nồng nhiệt các chính sách của Israel.

Một cuộc khảo sát vào năm 2013 được thực hiện trên các Kitô hữu người Mỹ cho thấy chỉ có 18% cho rằng Mỹ đã quá ủng hộ Israel. Hầu hết các tín hữu Tin Lành cho rằng thái độ của Mỹ đối với Israel là “có chừng mực”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân gửi gia đình giáo phận Lạng Sơn
+ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân
08:39 14/03/2016

Thư gửi toàn thể gia đình Giáo phận
của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân
Nguyên Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng,

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 03 năm 2016

Kính thưa toàn thể gia đình Giáo phận thân thương,

Như chúng ta đã biết, hồi 18h00, ngày 12 tháng 03 năm 2016, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chuyển đổi Giám mục cho hai Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng và Giáo phận Đà Nẵng.

Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng chúng ta có một Tân Giám mục, là Đức Cha GIUSE CHÂU NGỌC TRI, nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm tôi thay thế Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri để làm Tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.

Xin toàn thể gia đình Giáo phận cùng tôi cảm tạ Thiên Chúa, cùng tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô, cám ơn Tòa Thánh và Thánh bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân tộc. Xin chúc mừng Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng có Đức Tân Giám mục, và tôi xin chúc mừng Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Tân Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng.

Phần tôi, từ ngày Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, ngày 12 tháng 10 năm 2007, tới ngày 12 tháng 03 năm 2016 là đúng tám năm-năm tháng đồng hành với gia đình Giáo phận. Từ một linh mục sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, 20 năm làm linh mục trong Tổng Giáo phận Hà Nội; khi được bổ nhiệm làm mục tử Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng với bao bỡ ngỡ khởi đầu; nhưng nhờ Ơn Chúa, với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đỡ nâng của các Đấng bậc và toàn thể gia đình giáo phận, dần dần đã trở nên một gia đình thật đặc biệt trong tin mến, cộng tác, hiệp nhất và phục vụ để cùng góp phần phát triển Giáo phận này. Xin chân thành cám ơn toàn thể gia đình giáo phận về những nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ.

Cuộc đời mục tử với ơn gọi tông đồ, luôn vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa qua Đại Diện của Ngài là Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh, nên xin mọi thành phần Dân Chúa trong gia đình Giáo phận hãy cầu nguyện cho tôi trong sứ vụ mới. Đặc biệt, cũng như gia đình Giáo phận đã yêu thương, cộng tác giúp đỡ tôi thế nào, thì hãy tin mến, yêu quý, hiệp nhất, đồng hành và cộng tác với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Tân Giám mục Giáo phận như vậy, để cùng Ngài phát triển Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng theo hướng đi chọn lựa đời Giám mục của Ngài: “Trời Mới Đất Mới”.

Hai Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng và Giáo phận Đà Nẵng sẽ bàn và sắp xếp công việc cho việc chuyển giao và lãnh nhận sứ vụ của hai Đức Giám Mục. Sau khi sắp xếp công việc của hai Giáo phận, sẽ có ngày chúng ta cùng nhau cử hành Thánh lễ Tạ Ơn trước ngày tôi rời Giáo phận tại Nhà thờ Chính tòa Lạng Sơn để cầu nguyện cho nhau và cầu chúc cho nhau, và phấn đấu để luôn trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót Chúa.

Xin kính chào toàn thể gia đình Giáo phận thân thương với Phúc lành tình thương yêu của Thiên Chúa. Hiệp nhất trong tin mến và kinh nguyện.

+Giuse Đặng Đức Ngân

Nguyên Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng
 
Hội đồng giáo xứ và giới Gia trưởng Gp Phú Cường tĩnh tâm mừng Năm Thánh Lòng Chúa
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:04 14/03/2016
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 13/3/2016, trong khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường đông nghẹt người và xe, bởi sự hiện diện của quý vị trong ban Hội đồng giáo xứ và giới Gia trưởng về tham dự tĩnh tâm mừng Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Buổi tĩnh tâm được chia làm hai địa điểm: giới Gia trưởng đông hơn (khoảng 500 người) tĩnh tâm trong nhà thờ, ban Hội đồng giáo xứ (khoảng 200 người) tĩnh tâm nơi nhà nguyện cũ.

Xem Hình

Với giới Gia trưởng: Cha Tôma Trần Đức Thành – Đặc trách giới Gia trưởng mở đầu bằng việc xướng kinh Chúa Thánh Thần và dâng lời nguyện, xin Chúa mở lòng trí mọi người thấu hiểu được lòng thương xót của Chúa luôn tràn ngập trên từng người. Tiếp theo, Cha Gioan Baotixita Bùi Ngọc Điệp – Phó đặc trách giới Gia trưởng đứng ra chia sẻ với chủ đề “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”. Trong bài chia sẻ, cha đã hướng dẫn cho các gia trưởng hiểu được sứ điệp, huấn từ quan trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các bài giảng trước và sau khi khai mở Cửa Năm Thánh. Cha cũng chia sẻ thêm về Lời Chúa trong lễ Chúa Nhật IV và V mùa Chay vừa qua.

60 phút có thể là thời gian dài, thế nhưng rất mau qua khi mọi người cùng lắng nghe để hiểu được: Ơn Chúa trao ban. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót là thời điểm thuận lợi để mọi người trở về, để được yêu thương, để được tha thứ.

Với ban Hội đồng giáo xứ: Cha Antôn Hà Văn Minh – Đặc trách Ủy ban Giáo dân đã chủ sự cho buổi tĩnh tâm hôm nay.

Sau kinh khai mạc, Cha mời mọi người đứng lên lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa hôm nay nói về lòng thương xót của Chúa khi tha cứu cho một người đàn bà phạm tội ngoại tình.

Giáo Hội đã đề ra: Cứ 25 năm sẽ tổ chức năm thánh một lần. Năm 2016 chưa đến thời điểm, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra Năm Thánh ngoại thường. Năm Thánh ngoại thường này được gọi là Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Đây là một biến cố quan trọng để mọi người biết được: Thiên Chúa yêu thương con người. Khi biết được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải biết cảm tạ, ngợi khen tôn vinh Chúa. Và chúng ta phải biết loan truyền lòng Chúa thương xót đến nhiều người chung quanh.

Thánh lễ.

Sau những giờ phút tĩnh tâm, mọi người cùng hiệp thông trong Thánh lễ. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục giáo phận chủ tế Thánh lễ. Cùng đồng tế có Cha Antôn Hà Văn Minh, Cha Tôma Trần Đức Thành, Cha JB. Bùi Ngọc Điệp, và khoảng 800 anh chị em giáo dân các giáo xứ tham dự.

Trong bài giảng lễ Chúa Nhật 5 mùa Chay, Đức Cha chia sẻ: Không ai trong chúng ta là không có tội. Trong Tin Mừng: kẻ rút lui đầu tiên là người nhiều tuổi nhất. Vì thế, ngồi đây chúng ta là những người trưởng thành, chúng ta hãy siêng năng đến với Chúa, sống với Lời Chúa, để có ơn Chúa giúp chúng ta tránh được dịp tội. Chúng ta cầu xin Chúa.

Hôm nay cũng cận kề ngày mừng kính Thánh Giuse - 19/3, sau lời nguyện hiệp lễ, ông đại diện Hội đồng giáo xứ đã thay mặt tất cả mọi người đang hiện diện trong Thánh lễ chúc mừng bổn mạng Đức Cha Giuse, cha chánh xứ Chánh Tòa và tất cả anh em có thánh bổn mạng Giuse.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành Toàn xá. Mọi người xuống nhà sinh hoạt dùng cơm trưa và ra về trong yêu thương.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Cuộc gặp gỡ giới trẻ Giáo hạt Phú Thọ, TGP Sàigòn
Martinô Lê Hoàng Vũ
09:22 14/03/2016
Cuộc gặp gỡ giới trẻ Giáo hạt Phú Thọ, TGP Sàigòn

Hôm qua,chiều Chúa Nhật ngày 13.3.2016 tại Giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, SG đã có gần 1000 bạn trẻ thuộc các giáo xứ trong Giáo hạt Phú Thọ về tham dự buổi gặp gỡ giới trẻ với chủ đề: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Các bạn trẻ đã cùng nhau sinh hoạt.hát múa,cùng lắng nghe chia sẻ và đỉnh cao của buổi gặp gỡ là thánh lễ,cử hành Nghi Thức sai đi trong sứ mệnh người trẻ.

Xem Hình

1. Đón tiếp và khai mạc.

Lúc 16 giờ 30, sân nhà thờ Phú Bình hiện diện đầy đủ các bạn trẻ,ai ai trên khuôn mặt cũng rạng rỡ,nụ cười nở trên môi,gặp nhau tay bắt mặt mừng.Ban Huynh Trưởng TNTT Giáo xứ Phú Bình lo phần đón tiếp các bạn trẻ từ cổng nhà thờ.Mỗi bạn được phát một thẻ đeo tên mình,phần ăn và một tờ giấy A4 in sẵn châm ngôn sống của người trẻ Kitô hữu như: Bác Ái, Hy Sinh,Yêu Thương,Tha Thứ, Dấn Thân,Phục Vụ…Kế đó,là sinh hoạt tập thể ngoài sân trước tiền đình nhà thờ để khởi động cho buổi gặp gỡ.

Phần khai mạc do cha Giuse Vương Sĩ Tuấn,linh mục chánh xứ Phú Bình,Đặc trách Giới Trẻ Giáo hạt Phú Thọ chào mừng Cha Hạt Trưởng Phú Thọ,Quý Cha đồng hành giới trẻ,cha Giuse Hoàng Ngọc Dũng,Tiến sĩ Tâm lý, Thư ký Đức Tổng GM Girelli, Sư Huynh Minh,các anh chị trong CLB Lửa Hồng,cùng các anh chị trong Ban Mục Vụ Giới Trẻ Tổng Giáo phận Sài gòn.

Cha Hạt trưởng Giuse Phạm Bá Lãm khai mạc buổi gặp gỡ với sự phấn khởi hân hoan,chào đón bạn trẻ,ngài cũng giới thiệu Cha Đặc trách của các bạn trẻ.Dù mới về chánh xứ Phú Bình hơn hai tháng,mới nhận nhiệm vụ đặc trách Giới trẻ Giáo hạt Phú Thọ hồi đầu tháng 3,cha Giuse Vương Sĩ Tuấn đã tích cực chuẩn bị chăm lo cho các bạn trẻ, tổ chức buổi hội ngộ này.Cha là người có nhiều kinh nghiệm mục vụ cho người trẻ.Cha hạt trưởng hy vọng với sự nhiệt tình cha đặc trách giới trẻ sẽ hướng dẫn các bạn trẻ thăng tiến hơn trong đời sống đạo,các bạn sẽ được tràn đầy hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót.

2. Bai Chia sẻ đề tài: Thiên Chúa Yêu Thương

Phần tiếp theo theo chương trình,cha Giuse Trịnh Tín Ý, chánh xứ Phaolô quân 10 chia sẻ theo chủ đề: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”dành cho con người.Chúng ta học với Chúa Giêsu thái độ nhân hậu, tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình.Người Luật sĩ và Biệt phái đang từ vị trí công tố,qua lời Chúa Giêsu nói đã thay đổi tình thế.Ai cũng là người có tội,cho nên tất cả rút lui,không ai dám lấy đá ném người phụ nữ ngoại tình.Đức Thánh Gioan Phaolô II đã đem Lòng Thương Xót Chúa đến cho mọi người.Chúng ta hãy trở vể với lòng mình,sẵn sàng bao dung tha thứ cho nhau để chúng ta cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót của Chúa.Giữa bài chia sẻ là bài hát: “Yêu Thương”.Yêu nhau đừng chót lưỡi đầu môi,yêu nhau đừng chỉ nói lời thôi.Nhưng hãy bằng việc làm,nhưng hãy bằng hành động minh chứng cho tình yêu.”

Sau đó,các bạn trẻ được ra ngoài sân nhà thờ nghỉ ngơi,trò chuyện riêng,ăn uống và tiếp tục là phần ca nhạc diễn ra phía sau nhà thờ qua chủ đề “Hát lên ngọn lửa yêu thương”có sự tham gia của CLB Lửa Hồng và các ca sĩ Công Giáo: Gia Ân,Diệu Hiền,Đông Nghi,Xuân Trường,Minh Khoa,Lệ Huyền,Đức Duy …dẫn chương trình MC Minh Quân.

3. Thánh lễ - Đi trong sứ mạng

Phần quan trọng nhất được xem như là tâm điểm của buổi gặp gỡ giới trẻ là Thánh lễ đồng tế dành cho các bạn trẻ, theo Phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Chay.Cha Hạt Trưởng Phú Thọ Giuse Phạm Bá Lãm chủ tế thánh lễ, cùng quý cha trong Giáo hạt Phú Thọ,cha Giuse Vũ Minh Danh chánh xứ Tân Phước,cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa,cha xứ Tân Trang, đặc biệt có sự hiện diện của cha Gioan Lê Quang Việt,Đặc trách Giới Trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Cha Giuse Phạm Bá Lãm,Hạt Trưởng Phú Thọ trong bài giảng đã nói về Dung mạo của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót theo câu chuyện Tin Mừng: người phụ nữ ngoài tình.Chúa Giêsu là trạng sư nhân hậu,Ngài ghét tội,nhưng không ghét người có tội,nhưng trái lại còn bênh vực,yêu thương tha thứ họ. “Ai sạch tội hãy ném đá trước đi.Tôi cũng vậy,tôi không kết án chị”.Hai câu nói của vị trạng sư Giêsu nhâu hậu đã lật tẩy ý đồ đen tối của người ta.Mẹ Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót. Cha Hạt trưởng kết thúc bài giảng với lời mời gọi: Tin Mừng hôm nay gởi đến các bạn trẻ một thông điệp: Hãy biết thông cảm với những mảnh đời bất hạnh,biết bênh vực người nghèo,người bị hàm oan,hãy dẹp bỏ thái độ dửng dưng vô cảm,hãy thắp lên một ngọn lửa yêu thương.Được Chúa yêu thương và xót thương,chúng ta hãy đem Tin Mừng yêu thương đến cho mọi người, ở khắp mọi nơi.Đó là sứ mạng của các bạn trẻ.

Sau lời nguyện hiệp lễ,cha Đặc trách Giới Trẻ Giáo hạt Phú Thọ Vương Sĩ Tuấn cám ơn Cha hạt trưởng, quý cha,quý sư huynh,quý tu sĩ nam nữ,các ca sĩ Công Giáo,quý vị HĐMVGX và các hội đoàn,ca đoàn,lễ sinh Giáo xứ Phú Bình,và tất cả các bạn trẻ tham dự đêm gặp gỡ giới trẻ.

Kết thúc thánh lễ với Nghi thức ra đi do Sư Huynh Minh phụ trách,các bạn trên tay cằm nến,các bạn trẻ toàn nhà thờ xếp hàng thành hình thánh giá.Với ánh nến lung linh,các bạn cầu nguyện với Thiên Chúa xót thương,cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ngay lúc này, và xin Ngài giúp mỗi người chúng ta canh tân đời sống.Các bạn trẻ ra tới ngoài sân nhà thờ để ra về trong niềm vui,vì nhận thức mình được sai đi giữa lòng xã hội hôm nay.

Tạ ơn Chúa đã ban cho các bạn trẻ một buổi chiều thật đẹp,để cùng nhau gặp gỡ chia sẻ nhất là tham dự Thánh lễ,đón nhận sứ mệnh ra đi làm chứng cho Chúa giữa mọi môi trường sống từ nơi gia đình đến công sở.Một buổi giới trẻ của giáo hạt Phú Thọ kết thúc tốt đẹp trong tình yêu thương của Thiên Chúa, cảm nghiệm ân tình của mọi người.Xin Chúa đốt lên nơi mỗi bạn trẻ ngọn nến yêu thương phục vụ, trong sức trẻ làm chứng nhân Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Sinh viên Công Giáo giáo phận Đà Nẵng tĩnh tâm mùa chay
SVCG Đà Nẵng
09:41 14/03/2016
SINH VIÊN Công Giáo – GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG TĨNH TÂM MÙA CHAY 2016

Chủ đề: “Nhìn lại chính mình - trở về bên Lòng Thương Xót Chúa”

"Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha..." (Lc 15,18-19)

Xem Hình

Mùa Chay là mùa Giáo Hội mời gọi ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị tâm hồn cho đại biến cố Phục Sinh. Mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình, như Gandhi nói: “Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy nơi thế giới. Thế giới mà bạn muốn thay đổi, khởi đầu ở chính sự thay đổi nơi con người bạn.”

Được sự cho phép, ưu ái và quan tâm của Đấng bản quyền Giáo phận Đà Nẵng, ngày 13 tháng 03 năm 2016 nhằm Chúa Nhật V – Mùa Chay, giới Sinh Viên Công Giáo – Giáo phận Đà Nẵng cùng nhau tham gia tĩnh tâm Mùa Chay với chủ đề: “Nhìn lại chính mình - trở về bên Lòng Thương Xót Chúa” được dẫn dắt bởi Cha Phêrô Lê Trung Phước, SVD – Tỉnh dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam (hiện đang phục vụ tại Giáo xứ Trung Phước – Giáo phận Đà Nẵng). Buổi tĩnh tâm được tổ chức tại Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng – Cộng đoàn Mẹ Sao Biển.

Tham dự trong ngày tĩnh tâm này, đã quy tụ gần 300 các bạn Sinh viên Công Giáo đến từ 9 nhóm sinh viên đang sinh hoạt tại các Giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng. Bao gồm các nhóm: SVCG Chính Tòa, SVCG Hòa Khánh, SVCG Hòa Cường, SVCG Thanh Đức, SVCG Thanh Bình, SVCG Phú Thượng, SVCG Gia Phước, SVCG An Thượng 1, SVCG An Thượng 2.

Chương trình tĩnh tâm được bắt đầu từ 8h00’ sáng, nhưng ngay từ sớm đã rất đông các bạn Sinh viên kéo về nhà dòng để chuẩn bị chương trình tĩnh tâm. Cùng với nhau các bạn đã có những bài hát, những trò chơi để hiểu nhau, gần nhau hơn trong tình Hiệp nhất – Yêu thương.

Đúng 8h00’ sáng, Cha Phêrô bắt đầu bài chia sẻ tĩnh tâm cho sinh viên của mình, với những trò chơi, những tâm hồn đang vui nhộn như thế, Cha giảng tĩnh tâm đã đưa các bạn lắng đọng tâm hồn, trở về cùng Chúa qua bài hát quen thuộc “Hãy trở về”. Cha cùng các bạn sinh viên cùng nhau vang lên: “Bao năm trôi qua, hồn con lạc bước đi xa…….quyết tâm trở về Cha lành.”

Trong bài giảng tĩnh tâm cho giới Sinh viên hôm nay, Cha Phêrô đã dùng dụ ngôn: Người Con Hoang Đàng mà dẫn đưa các bạn Sinh viên trở về cùng Chúa qua 3 nhân vật trong dụ ngôn là: Người Cha nhân hậu – Người hoang đàng - Người anh cả, được phân tích và gợi mở qua 4 “màn”: - Màn thứ nhất: Bỏ người Cha già, ra đi… - Màn thứ hai: Quyết ăn năn trở về lại - Màn thứ ba: Được Cha đợi chờ và nồng nhiệt đón tiếp - Màn thứ tư: Người Cha đãi tiệc ăn mừng. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng Cha giảng tĩnh tâm đã dẫn đưa các bạn sinh viên cùng nhau nhận ra chính mình là con người mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi đang cần và rất cần đến Lòng Thương Xót Chúa. Nhận ra Thiên Chúa là Cha. Ngài rất yêu thương ta là con cái của Ngài. Khi phạm tội, ta là những đứa con hoang đàng, bỏ Chúa để chạy theo ma quỷ, xác thịt, thế gian. Nhưng than ôi, sau một thời gian tự do bay nhảy, phóng túng, ta chán chường, buồn phiền và thất vọng.

Khi ta lạm dụng sự tự do Chúa ban để sống tội lỗi, ta ngây thơ nghĩ rằng mình được sung sướng hạnh phúc, nhưng ta sẽ chóng thất vọng buồn phiền. Rồi cùng với thời gian, lương tâm ta sẽ bị giày vò vì dằn vặt, ưu tư và tủi hận. Không có Chúa là Cha yêu thương ta, cuộc đời ta sẽ trống rỗng, đen tối và buồn phiền. Không có Chúa, con người ta không thể tạo nỗi cho mình một cuộc sống thăng bằng, phong phú và hạnh phúc được. Thiên Chúa không phải là một quan án nghiêm khắc, không phải là một vị vua độc tài và độc ác, nhưng Thiên Chúa là đấng chăn chiên lành (ngài luôn luôn đi tìm con chiên lạc, và khi gặp nó trong bụi gai, ngài tìm cách vác nó trên vai, sung sướng đem về nhà); Thiên Chúa như người đàn bà kia đánh rơi mất đồng tiền (người đàn bà thắp đèn đi tìm mọi góc xó trong nhà, và khi tìm được thì báo tin vui cho mọi người biết); và nhất là, Thiên Chúa như một người Cha nhân hậu (sau bao ngày buồn rầu vì đứa con ngỗ nghịch ra đi biệt tăm, nay lòng tràn trề vui sướng khi thấy bóng dáng người con ngỗ nghịch từ xa trở về). Thiên Chúa luôn mở rộng cánh tay bao dung để chờ đón con người tội lỗi ăn năn trở về với Ngài.

Sau bài giảng tĩnh tâm của Cha Phêrô, các bạn sinh viên giữ mình trong tâm hồn lắng đọng và xét mình cùng tiến vào tòa giải tội để được giao hòa với Thiên Chúa. Hôm nay, cũng có rất đông các Cha từ Trung tâm mục vụ Giáo phận đến giúp ngồi tòa giải tội cho các bạn sinh viên.

Giao hòa với Chúa, cùng cầu nguyện với Ngài xong, các bạn sinh viên có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện cùng với nhau, trao đổi với nhau về cuộc sống của mình, những thắc mắc được giải đáp và cùng nhau chia sẻ, thật ấm áp, thân tình và tràn ngập tình yêu và hồng ân trong Chúa Giêsu Kitô.

Đúng 10h00’ sáng, Cha Phêrô đã dâng Thánh lễ Chúa Nhật V – Mùa Chay tại Nhà nguyện Dòng Thánh Phaolô – Cộng đoàn Sao Biển, trong thánh lễ có rất đông sự hiện diện của Quý Sơ trong dòng, và hết thảy các bạn sinh viên tham dự buổi tĩnh tâm hôm nay. Các bạn sinh viên hiệp cùng với Cha chủ tế để dâng lên Thiên Chúa hiến lễ tạ ơn trong buổi tĩnh tâm Mùa Chay này. Trong bài giảng lễ, Cha chủ tế chia sẻ nối tiếp chủ đề: “Nhìn lại chính mình - trở về bên Lòng Thương Xót Chúa” qua bài Tin mừng nói về người đàn bà ngoại tình, Cha dẫn dắt các bạn nhận ra Thiên Chúa là đấng giàu Lòng Thương Xót nơi những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót” (trích: Tông sắc Dung mạo của Lòng Thương xót)

Là một Kitô hữu chúng ta nên hiểu rằng, Xã hội hôm nay đã có quá nhiều khổ đau vì tính đố kỵ, ganh tương, xã hội đang hình thành một cộng đoàn ẩn chứa nhiều kích động từ đám đông, từ đó gây ra bao nhiêu cảnh đâm chém đổ máu, và người vô tội chết cách oan uổng. Chúng ta hãy tạo một đám đông thay vì bị kích bởi những lời phê phán, nói xấu, nói hành thành một cộng đoàn bao dung rộng lượng từ những lời nói yêu thương và tấm lòng dung thứ của chúng ta.

Qua buổi tĩnh tĩnh tâm hôm nay, mỗi bạn sinh viên có thể nhận thấy được Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi chúng ta như là mong đợi, là tiếp đón, là vui mừng, là tha thứ khi con người tội lỗi trở về gặp lại ngài là Chúa tình thương của họ, là Cha yêu thương của họ. Tạ ơn Chúa, cùng cám ơn nhau qua buổi tĩnh tâm chúng ta đã đọng lại trong tâm hồn và cảm nhận được Lòng Chúa Xót Thương ta biết là nhường nào. Xin Chúa hãy hành động trong mỗi người chúng con, để qua Mùa Chay Thánh này chúng con được trở về “đích thực” với Chúa và sẽ không xa Chúa thêm 1 lần nữa.

Cuối Thánh lễ, 1 bạn đại diện cho Sinh viên Giáo phận Đà Nẵng dâng lời Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Quý Cha giảng tĩnh tâm, quý Sơ dòng Phaolô, cám ơn các bạn Sinh viên.

Lạy Chúa là Cha chúng con. Chúng con đã lỗi phạm đến trời và đến Cha. Xin Cha tha thứ tội chúng con đã phạm. Xin giúp mỗi người chúng con ăn năn chừa hối và quyết tâm làm lại cuộc đời cho sánh với tình Cha là đấng luôn hằng xót thương chúng con. Xin cho mỗi sinh viên, đang sống trong xã hội tràn ngập sự vô thần, thách đố với Đức tin, xin cho chúng con vững vàng trong đức tin, nồng nàn trong đức mến, phó thác luôn trong đức cậy, cũng như nhận ra chính mình, ăn năn trở lại, dọn sạch tâm hồn để chuẩn bị đón ngày Chúa quang lâm Phục sinh trong vinh hiển. Amen.
 
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney
Diệp Hải Dung
09:13 14/03/2016
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney

Chiều Chúa Nhật 13/03/2016 các em Thiếu Nhi Cung Thánh thuộc các Giáo Đoàn Cabramatta, Fairfiled, Georges Hall, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt.Pritchard và Revesby đã đến nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard Sydney tham dự Lễ kính Thánh Dominic Savio là Quan Thầy của Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney.

Xem Hình

Trước khi dâng Thánh lễ. Các em tập trung dưới cuối nhà thờ và cùng với qúy Cha tiến lên cung Thánh. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Linh hướng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney ngỏ lời chào mừng bổn mạng của các em hôm nay và đồng thời Cha cũng giới có sự hiện diện của Cha Anthony Fregolent Chính xứ và cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết đã kể về Thánh Dominic Savio khi được 5 tuổi là một cậu học trò giúp Lễ và vì lòng đạo đức vào năm 12 tuổi Dominic Savio muốn đi tu muốn trở thành Linh mục. Cậu sống rất tốt với bạn bè đặc biệt cậu thích cầu nguyện và thường xuyên xưng tội và Rước Lễ. Ý niệm của cậu là Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những người bạn thân thiết của cậu và cậu thà chết chứ không phạm tội. Dominic Savio sống được 15 tuổi thì Chúa rước về.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Một em đại diện lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt.Pritchard và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Dominic Savio Quan Thầy của Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney. Kính xin qúy Cha và mọi người nâng đỡ và cầu nguyện cho Thiếu Nhi Cung Thánh luôn làm tròn sứ vụ của mình trên cung Thánh để làm đẹp lòng Chúa. Ông Lê Hồng Phục thay mặt Ban Mục Vụ Giáo đoàn cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng các em Thiếu Nhi Cung Thánh.

Sau đó Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng kính Bổn Mạng trong hội trường nhà thờ.

Diệp Hải Dung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tản Bộ Đầu Ngày
Nguyễn Đức Cung
19:14 14/03/2016
TẢN BỘ ĐẦU NGÀY
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Cảm tạ ơn lành sáng hôm nay
Khi còn nguyên vẹn cả đôi tay
Đôi chân còn đứng và còn bước
Di chuyển gần xa xuốt trong ngày
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
Thánh Ca
Hạt Kinh Dâng Mẹ - Trình bày: Ca Sĩ Thanh Lan
VietCatholic Network
14:51 14/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Trở Về Ăn Năn - Trình bày: Ca Sĩ Tấn Đạt
VietCatholic Network
08:33 14/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Nhìn Về Thập Giá - Trình bày: Ca Sĩ Ngọc Huệ
VietCatholic Network
08:47 14/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây