Ngày 13-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa mới thật là Đấng trao ban
Lm. Jb Nguyễn Minh Hùng
01:28 13/03/2020


Chúa Nhật III Mùa Chay A

Câu chuyện về sự gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria trên bờ giếng Giacop có một chi tiết nghịch lý thú vị:

1. Mở đầu:

Chúa Giêsu ngỏ lời: "Chị cho tôi xin chút nước uống!". Từ khoảnh khắc đó, Chúa dẫn dắt chị đi vào bầu trời thánh ân của yêu thương, bao dung, tha thứ.

Chúa nhìn thấy tâm hồn chị. Chúa biết chị luôn sống trong mặc cảm của tội, bởi chị đã có đến “năm đời chồng và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị”.

Nhưng Chúa cũng nhìn thấy khả năng đón nhận chân lý nơi chị, vì thế, chính Chúa lên tiếng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).

Nhưng trên tất cả, Chúa muốn chị phải hiểu rằng, chỉ nhờ Chúa, con người mới đạt tới viên mãn: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

2. Sau cùng:

Chị trở thành người cầu xin: "Xin cho tôi thứ nước ấy".

Rồi lại trở thành người tuyên xưng đức tin: "Tôi thấy ngài thật là một ngôn sứ…" (Ga 4, 19), sau khi được Chúa gợi ra chính tình trạng tâm hồn tội lỗi của chị, kẻ đã có đến sáu đời chồng, nhưng chẳng ai là chồng thực sự.

Chúa dứt khoát dẫn chị đi gặp “Chân Lý” mà chị cần gặp, chị phải gặp. “Chân lý” ấy không phải ai khác mà là chính Chúa, Đấng đã tự mình tìm đến với chị: "Đấng Mêsia chính là Ta, Người đang nói với chị đây" (Ga 4, 26).

Cái hay của câu chuyện đó là sự nghịch lý thú vị: Người xin nước uống trở thành người trao ban; còn kẻ được xin trở thành kẻ lãnh nhận.

Chị phụ nữ Samaria, người đã được Chúa xin nước, lại là người lãnh nhận cả một kho tàng không thể có bất cứ điều gì có thể so sánh. Kho tàng ấy là chính Chúa Giêsu, mạch suối trao ban nguồn nước trường sinh, đó là được sống chính sự sống của Chúa, sống vĩnh cửu.

Hóa ra cần đến nước nhưng không phải là nước. Trong hoàng cảnh này, nước chỉ là biểu tượng của sự sống trường sinh.

Và Chúa Giêsu, người đến xin nước không phải để uống nước, nhưng để trao ban chính mình.

Khai mở bằng một cơn khát nước của Đấng Cứu Chuộc, nhưng kết thúc không phải là một cơn, mà là cả một niềm khao khát mãnh liệt vươn tới tình yêu vĩnh cửu, vươn tới sự sống thường hằng và bình an đích thực của người đã có thể ý thức mình tội lỗi.

Bằng một cơn khát thể lý của Đấng Cứu Chuộc, đã có thể tạo đà cho nhân loại đi tới một cơn đói khát tâm linh, cần thiết để chuẩn bị nhân loại mở lòng đón nhận ơn lớn lao là chính Đấng Cứu Chuộc.

Chúa vẫn yêu thích tìm đến cùng chúng ta. Chúa vẫn chờ đợi để được trao ban chính mình Người.

Chúa muốn chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận thụ tạo, thân phận yếu đuối, thân phận dễ đổ ngã của bản thân, để Chúa là sức mạnh, là thuẫn đỡ, là khiên che, là chính ơn tha thứ, là chính nguồn tái sinh, là hạnh phúc đích thực cho ta ngã nhào vào mà tìm lẽ sống, mà đạt đến sự sống.

Chúng ta hãy làm như người phụ nữ Samaria, đó là mềm lòng để Chúa uốn nắn. Từ nay ta sẽ trở về, biết chối từ quá khứ lầm lỡ đển vươn tới tương lai thánh thiện trong Chúa.

Từ nay ta sẽ ăn năn hối lỗi, biết lột trần con người của mình để càng lúc càng dễ dàng nhận ra, mình chỉ là kẻ đón nhận, chỉ mình CHÚA MỚI THẬT LÀ ĐẤNG TRAO BAN.
 
Nước hằng sống
Lm Vũđình Tường
04:19 13/03/2020
Kéo nước từ giếng sâu là việc làm khó nhọc, gánh nước leo đồi về nhà càng vất vả hơn, nhất là gánh vác vào buổi trưa hè. Giếng đầu làng là nơi thu nhập và truyền bá tin tức trong ngày. Thời gian người ta chờ nhau kéo nước cũng là lúc tin tức trong làng được truyền miệng. Người phụ nữ thành Samarita đi kéo nước vào buổi trưa vì lúc đó vắng người. Bà hy vọng tránh không bị lôi kéo vào sinh hoạt đó. Bà cũng hy vọng không có ai ở đó. Ngạc nhiên thay, ba thấy Đức Kitô đang ngồi bờ giếng từ lúc nào, và Ngài xin bà nước uống. Việc Đức Kitô xin bà nước uống cho biết Ngài không đồng í với luật lệ trọng nam, khinh nữ và coi thường dân ngoại thời đó. Theo luật, đàn ông không được nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng. Do Thái giáo không nhờ vả dân ngoại. Xin nước uống người phụ nữ dân ngoại là điều cấm kị. Cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và người phụ nữ tiến triển qua ba giai đoạn. Đức Kitô mổ đầu, xin nước uống cho đỡ khát; tiếp đến người phụ nữ chân thành xác nhận những gì Đức Kitô biết về quá khứ bà đều đúng, và cuối cùng bà trở thành môn đệ Đức Kitô. Bà rất ngạc nhiên khi Đức Kitô xin bà nước uống vì đó là điều tối kị. Đức Kitô cho biết nếu bà biết Ngài là ai thì chính bà xin Ngài ban cho nước uống, chứ không phải Ngài xin bà. Điều này gây thắc mắc hơn nữa, bởi giếng nước sâu, Ngài không có gầu múc nước làm sao có thể lấy được nuớc. Đức Kitô cho biết nước Ngài ban là nước hằng sống, không bao giờ cạn. Dù không hiểu bà cũng xin Ngài ban cho nước không hề cạn. Đức Kitô nói với bà, hãy về gọi chồng bà ra đây. Bà tự thú bà không có chồng. Câu tiếp theo khiến nhiều học giả Kinh Thánh giải thích người phụ nữ thay đổi niềm tin như thay áo, bà đã phục vụ năm bảy vị thần khác nhau và không hài lòng với vị thần nào, ngay cả vị thần bà đang tôn kính. Số học giả khác không đồng í với giải thích trên. Tuy nhiên không ai có thể chối cãi một thực tế là Đức Kitô không hề kết án, cũng như nhắc đến tội của bà.

Ngay sau khi bà xác định bà không có chồng, câu chuyện đổi sang việc thờ phượng. Đức Kitô hướng dẫn bà về cách thờ kính Thiên Chúa. Không phải cách hay nơi thờ phượng, hay núi thánh mà là tâm tình thờ phượng phải chatn thành. Việc thờ phượng Thiên Chúa chính đáng nhất là tôn thờ với tất cả tấm lòng và trong sự thật. Vì hướng dẫn trên mà học giả Kinh Thánh giải thích chữ 'chồng' ở đây không đồng nghĩa như nghĩa thông thường xã hội dùng. Người phụ nữ đón nhận giải thích về cách tôn thờ chính đáng Đức Kitô đưa ra. Bà cũng cho biết cách thờ phượng đó chỉ một mình Đấng Messiah hướng dẫn khi Ngài đến. Đức Kitô nói với bà chính Ngài là Đấng Messiah. Đúng lúc đó thì các môn đệ Đức Kitô đi mua ăn trưa trở về và cuộc đối thoại bị gián đoạn. Cuộc đối thoại biến sang giai đoạn ba, giữa Đức Kitô và đám đông dân làng. Người phụ nữ về làng thông báo cho mọi người biết tại bờ giếng bà gặp một vị xem ra vị này là Đấng Cứu Thế bởi Ngài có thể nói những việc thầm kín quá khứ đời bà. Vì niềm tin phóng khoáng, đổi thần, thay thánh, của bà mà nhiều người không tin lời bà nói. Ngạc nhiên thay, lần này người ta tin và họ kéo nhau ra giếng gặp Đức Kitô. Sau khi nghe Đức Kitô, họ tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Đám đông nói với bà. Chúng tôi tin Ngài là Đấng Cứu thế không phải do lời bà loan báo mà chính mắt chúng tôi đã thấy, tai chúng tôi đã nghe Ngài giải thích, và chúng tôi tin. Dù giải cuộc sống bà thích thế nào chăng nữa, bà chính là người loan báo Tin Mừng cho dân làng, và những điều bà loan báo minh xác sự thật- Đức Kitô là Đấng Cứu Thế.

Người phụ nữ tin vào Đức Kitô vì bà chân thành lắng nghe, cởi mở cõi lòng và bà khẩn khoản xin Đức Kitô ban cho nước hằng sống. Bà không hiểu rõ nước hằng sống là gì? Điều này cho biết tin theo Đức Kitô không phải có các câu trả lời cho thắc mắc về đức tin, mà chính là yêu mến Ngài. Tin theo Đức Kitô giúp thoả mãn khát khao của tâm hồn, giúp con tim tìm được bình an ngay trong cảnh hỗn loạn, và giúp sống trong hy vọng. Với bà, ơn không ngoan Đức Kitô trao cho dư thừa, không cần phải tìm nguồn khôn ngoan nào khác.

TiengChuong.org

Everlasting water

Drawing water from a well is hard work, and carrying it up hill, under the heat, is even more challenging. A village well is a hub of information. News from all over the place came in and out would be shared by people, who came to draw water. A Samaritan woman came to draw water at noon to avoid the crowd. She expected a quiet time, but to her surprise, Jesus was there. By asking the woman for water to drink, Jesus demonstrated his rejection of Judaism's customs and male superiority, that it was improper for a man to talk to a woman in public; worse even, when a man asked for hospitality from a woman. Jews certainly would have nothing to do with the gentiles. The dialogue between Jesus and the woman had three phases. It began about the thirst for natural water, and it went deeper for her to open up her past life, and ended up with her having faith in Jesus. Water is necessary to sustain life, but it will not satisfy one's heart. Our hearts thirst for true love and everlasting peace. God alone can satisfy that thirst. Jesus employed the symbolic language- living water- to talk about the need of a human heart. Jesus initiated the conversation by asking the Samaritan for a drink. What? A man asked a woman for a drink. Jesus went on to say, if she knew who he was, it would be her asking him for water, not him asking her, and he would give her the everlasting water. The woman was more curious to understand Jesus, and wondered how could Jesus, without a bucket, draw water from the deep well? We humans love to make claims of possession; the woman claimed that Jacob gave her people the well. Jesus agreed: Yes, the well is yours; but God (I) provide the water. She had her faith in Jacob, Jesus helped her to open it up. He told her that it was not the place, but who and how one worshipped that was important: 'true worshippers will worship the Father in spirit and truth'. Jesus invited the woman to look deep into her life by telling her, 'Go and call your husband and come back'. Seeing that Jesus was able to reveal the secrets of her past, she believed Jesus was a prophet. The dialogue moved from physical water to spiritual water. Jesus talked to her about true worship. She responded that when the Messiah comes, he will teach them to worship in spirit and truth. Jesus revealed his identity to her, by telling her, that He actually is the Messiah. Jesus' apostles returned from the market, and the conversation came to an abrupt end. The village well is the centre of information exchange. Not realizing that she became a missionary for Jesus, the woman rushed back to her village, telling others about Jesus, and inviting them to meet the man, whom she suspected was the Messiah, because he was able to reveal her past life. The woman was well known for her way of life, and her villagers would doubt the truthfulness of her word. Surprisingly they believed her, and came to meet Jesus. Later on her villagers told her, they believed in Jesus not because of her story, but because they themselves had heard him, and had come to believe, that He is the Messiah, thus validating her words. We don't know her name, but we do know that her faith came via dialogue with Jesus, and she made a change of heart. For her, having faith in Jesus was not about having all the answers, but God's love satisfied her heart. She listened and believed in Jesus, and she was satisfied. For her having faith in Jesus was enough, and she would need no other source of wisdom.
 
Ân tình Ngài chứa chan
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:54 13/03/2020



Chúa Nhật III Mùa Chay A
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con người và ân sủng của Người vẫn hằng chan chứa cho cả những ai được coi là không xứng đáng. Đó là chủ đề mà chúng ta suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Chay dưới ánh sáng của các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

1- Thiên Chúa sẵn sàng thi ân giáng phúc

Trong bài đọc I (Xh 17,3-7), dân Do Thái hành trình trong sa mạc, họ phải chịu cảnh đói khát vì không có thức ăn và nước uống. Họ cần của ăn và nước uống. Họ lãng quên những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Nên họ kêu trách ông Môsê và Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa trả lời cho dân “vô ơn” này bằng việc ban cho họ nước uống. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người không thù hận ai. Thiên Chúa hiểu thấu nỗi thống khổ của họ và ban cho họ những gì cần thiết.

Trong bài đọc II (Rm 5,1-2.5-8), thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Giêsu ban cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta xứng đáng. Ân sủng đến từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô minh chứng rằng tình yêu đó là hoàn toàn nhưng không và do lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta là những người yếu đuối, những người vô đạo, trong khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa Giêsu chết vì chúng ta và như thế niềm hy vọng của chúng ta đặt trên nền tảng vững chắc là tình yêu của Chúa Kitô và ân sủng vững bền do Người ban tặng.

Trong bài Tin Mừng (Ga 4,5-42), chúng ta lắng nghe câu chuyện nổi tiếng về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari tại bờ giếng Giacóp ở Xykha, vào giữa trưa. Trong cuộc gặp gỡ này, có rất nhiều chi tiết: nơi chốn, thời gian và những nhân vật. Chúng ta tập trung suy tư về cuộc gặp gỡ xem ra bình thường này như là thời điểm của ân sủng mà Chúa Giêsu rộng ban cho con người qua người phụ nữ này. Ân sủng đã làm cho người phụ nữ Samari phải ngạc nhiên.

2- Vượt qua những giới hạn

Chúng ta biết rằng mọi sự đang chống lại người phụ nữ này: Trước hết, bà là một người Samari. Vào thời điểm đó, người Samari và người Do Thái đang thù địch nhau và tránh mặt nhau. Người Do Thái coi người Samari như là những người dân ngoại, những người không có niềm tin. Vì thế, người Do Thái không dám sử dụng những gì mà người Samari đã dùng, kể cả thức ăn, thức uống.

Thứ đến, bà là một người phụ nữ. Vào thời đó, cả với những người phụ nữ Do Thái và nhất là đối với những người phụ nữ dân ngoại Samari, họ thực sự bị coi là thuộc hạng thấp cổ bé miệng, không có quyền lợi và ưu tiên nào cả. Làm sao người phụ nữ này dám nói chuyện với Chúa Giêsu? Tiếp theo, như trình thuật cho thấy, chúng ta biết rằng bà đã có năm đời chồng rồi, một người có vấn đề về gia đình và chắc bà này là người có vấn đề về tính cách phụ nữ, một người có vấn đề về đời sống khác thường. Như thế, tất cả những điều này vốn là những sự cản trở ngăn cản Chúa và bà gặp nhau. Nhưng Chúa Giêsu chủ động đến nói chuyện với bà trước. Chúa Giêsu cởi mở bắt chuyện với bà. Chúa Giêsu đi bước đầu hội thoại với bà bằng việc xin nước uống, từ đó, Chúa hướng bà tới một thứ nước khác, nước hằng sống mà Người sẽ ban. Theo Gioan, nước đây chính là ân huệ Thánh Thần. Nước biểu tượng của sự sống từ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được ban như là nguồn mạch sự sống mới cho con người. Thánh Thần sẽ được đổ vào lòng chúng ta nhờ Đấng Phục Sinh để chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và kêu lên rằng Ápba – Cha ơi (x. Rm 5,5; Gl 4,6).

Điều đó làm cho bà phải ngạc nhiên. Bà không thể tin rằng một người Do Thái như Đức Giêsu lại có thể nói chuyện với bà, một người Samari như thế này được. Bà không thể tin rằng một người đàn ông Do Thái lại có thể trao đổi với một người phụ nữ Samari được. Bà cũng không thể tin rằng người đàn ông này lại biết rõ về bà. Trái tim và cuộc sống của bà không thể che dấu người này được. Từ những trao đổi về cuộc sống cá nhân, Chúa Giêsu hướng bà tới những điều cao cả hơn: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Những điều này làm cho bà phải ngạc nhiên và tự hỏi: “Ngài có phải là một vị ngôn sứ hay Ngài có phải là Đấng Mêsia không?” Người đàn bà dẫu không xứng đáng, nhưng qua cuộc gặp gỡ này Chúa Giêsu đã ban cho bà ân phúc cao cả, hồng ân tuyệt vời là nhận biết Đấng Mêsia và nhờ Người để bà biết tôn thờ Thiên Chúa.

3- Những điều kỳ diệu của ân sủng

Nhưng ân sủng này không chỉ cho một mình bà mà còn cho những người khác nữa. Bà đã chạy về báo tin cho mọi người trong làng biết rằng bà đã gặp Đấng Kitô. Họ kéo nhau ra để gặp Người. Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Bà trở thành một tông đồ của Chúa Giêsu khi bà kể cho họ nghe về việc bà gặp một người đặc biệt, một tiên tri và có thể là Đấng Mêsia mà người Do Thái đang trông chờ. Đấng đó biết rõ về cuộc đời tôi. Người yêu thương tôi. Người tôn trọng tôi và tôi cảm thấy được Người chúc phúc.

Ân sủng này từ một cuộc gặp gỡ nếu được dùng theo tiêu chuẩn của thế gian có thể không được ban cho người phụ nữ này, vì thân thế của bà là hoàn toàn bất xứng với ân sủng đó. Nhưng Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người. Thiên Chúa bảo đảm cho mọi người tội lỗi, cho tất cả những ai bất xứng rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Ơn Ta không bao giờ cạn đối với con.

Thánh Giuse mà chúng ta mừng kính trong tháng Ba này là một mẫu gương khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Ngài chỉ là một người thợ mộc nghèo hèn, đơn sơ, không có vai vế gì trong xã hội. Nhưng thánh nhân luôn tin tưởng vào Thiên Chúa nên ngài luôn được chúc phúc. Cũng thế, bao nhiêu con người khiêm tốn trên thế gian này, những người thực sự cảm thấy mình bất xứng với hồng ân Thiên Chúa, họ vẫn có thể quay trở về và đón nhận ân sủng của Người ban một cách nhưng không. Bởi vì ơn cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên mọi giới hạn của con người. Tình yêu Chúa lớn hơn tội lỗi con người. Thiên Chúa luôn là quảng đại, rộng lượng và nhân ái đối với hết mọi người, ngay cả khi chúng ta bất xứng để đón nhận ân sủng Người. Đó là điều làm cho chúng ta vững tin vào Chúa. Đó là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi thiêng liêng. Đó là điều làm cho chúng ta luôn biết trở về với Chúa ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bất xứng và tội lỗi nhất. Cả lúc đó Chúa vẫn giang tay chờ đón chúng ta.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta suy ngắm tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là cơ hội để canh tân đời sống của mình như là nghĩa cử đáp lại lòng thương xót và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Trời mưa Nước Hằng Sống Giêsu
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:07 13/03/2020


“Lậy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm”…

Đó là bài đồng dao quen thuộc của người Việt Nam diễn tả lòng tin tưởng cậy trông vào Trời chăm lo đời sống con người. Nhờ Trời cho mưa xuống mà con người thoát khỏi cảnh đói khát, mọi người sung sướng có cơm ăn nước uống. Tạ ơn Trời.

Nhưng con người đâu chỉ khát nước, mà còn khát nhiều thứ mãnh liệt hơn như: khát tiền bạc, khát quyền lợi, khát danh vọng, khát tự do, khát công lý, khát hạnh phúc, và nhất là khát tình yêu như lời ca dao diễn tả:

“Qua bờ giếng, liệng bờ ao

Nước thì không khát, khát khao duyên nàng”

Sâu thẳm trong lòng người là khao khát tình yêu. Thấu hiểu điều này, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là nước hằng sống thỏa mãn mọi cơn khát yêu thương của nhân loại qua câu chuyện Phúc Âm tuần này. Chuyện khát nước, rồi chuyển sang chuyện khát chồng của người phụ nữ Samaria - bà có tới 5 ông rồi mà vẫn chưa hết khát. Khiếp thật! Bà đang sống với ông thứ 6 mà vẫn chưa thỏa mãn, vẫn bảo là tôi chưa có chồng. Cơn khát của bà vào loại khát dữ dội. Lòng bà cháy bỏng cơn khát tình yêu! Chính ở điểm này mà câu chuyện xoay chuyển: từ chuyện khát nước tự nhiên chuyển sang chuyện khát tình yêu, khát nước hằng sống từ Trời.

Thật tuyệt vời, Chúa Giêsu đã đến thỏa mãn cơn khát yêu thương của cả nhân loại. Chúa khao khát cứu độ nhân loại bằng tình yêu hy sinh mạng sống trên thánh giá khi Chúa kêu lên: “Ta khát”. Khi máu cùng nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra, thì Chúa trở thành dòng nước hằng sống chan chứa yêu thương thỏa mãn những khát vọng vô biên của nhân loại.

Trong mùa Chay này, chúng ta đang khao khát điều gì? Khát nước tự nhiên thì uống bằng miệng nhưng khát nước hằng sống Giêsu phải uống bằng trái tim. Để uống dòng nước cứu độ của Chúa thì chúng ta rất cần dòng nước mắt sám hối ăn năn. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 13/03/2020

20. Chúng ta nên cứu tế người nghèo. Bởi vì việc từ thiện sẽ cảm hóa lòng người, khiến người ta sửa đổi nết đức.

(Thánh nữ Agnes)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 13/03/2020
67. HOẠN QUAN KÉM CỎI

Có một hoạn quan nọ rất quyền thế cùng uống rượu với những người làm quan.

Những người làm quan chuyện trò rất ăn ý, bắt chuyện lẫn nhau, còn hoạn quan thì nhạt nhẽo ngồi bên, không nói được lời nào, đúng lúc nhìn lên trần nhà thấy khói mù cuộn vòng thì muốn nói hơi khói quá đậm, nhưng lại nói lầm câu trong “luận ngữ”:

- “Tại sao nhất định phải nói lời hay khi tranh biện chứ?”. (1)

Những người làm quan vừa nghe được thì hồ nghi tên hoạn quan này chế giễu họ, nên đợi đến khi tiệc rượu xong và lúc đứng dậy đi về, thì những người làm quan đều ngước đầu lên nhìn thấy khói và nói:

- “Khói nhiều”.

Lúc này mọi người mới xóa bỏ ngờ vực, và biết tên hoạn quan trí thức kém cỏi nói lầm chữ “khói” thành chữ “tại sao” nên càng cừơi lớn hơn nữa.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 67:

Các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng uống rượu nhiều sẽ làm giảm trí nhớ, hại gan, khả năng có con tỷ lệ rất thấp. Tên hoạn quan dứt khoát là không có con, trí nhớ thì bị giảm nên nói không đầu không đuôi, và có lẽ là ông ta bị bệnh gan nên các quan không muốn bắt chuyện vì sợ...lây bệnh !

Nhưng có một hậu quả rất thảm khốc cho những người làm quan khi uống rượu, đó là mất đi nhân cách của mình và làm xấu đi thể diện dân tộc.

Linh mục thích uống rượu đã thấy chướng mắt giáo dân, huống chi là một linh mục say rượu, không những mất đi nhân cách cá nhân của mình mà còn làm mất thể diện của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của giáo xứ. Khi một linh mục say rượu thì người ta sẽ buồn và oán trách Thiên Chúa: “Lạy Chúa, sao Ngài chọn người say rượu thay mặt Ngài?”. Người ta cũng oán trách Giáo Hội: “Sao các giám mục và bề trên lại chọn người say rượu làm linh mục?”. Giáo dân sẽ chê cười và hổ thẹn vì cha sở của mình say rượu: “Ông cha mất nết”...

Giảm uy tín của mình thì không đáng kể, bởi vì khi linh mục say rượu thì hết uy tín nên không sợ mất và cũng không sợ giảm, nhưng sẽ là một lỗi lầm to lớn vì không một người say rượu nào có thể đi vững vàng hiên ngang trên đường, nhưng sẽ té vào cột đèn đường, rơi xuống hồ ao, lăn vào trong bụi tre.v.v...

Linh mục cũng là “hoạn quan” nhưng là hoạn vì Nước Trời chứ không phải hoạn vì ông vua và hoàng hậu, hoặc hoạn vì muốn được hưởng bỗng lộc của nhà vua, cho nên sẽ rất đáng tiếc khi các ngài thích uống rượu quá mức cho phép.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 13/03/2020
Chúa Nhật III MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 4, 15-19b-26.39a.40-42

“Mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.


Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã làm một việc mà người Do Thái trong thời Ngài chưa ai làm được, đó là tiếp xúc, trò chuyện thân tình với một người phụ nữ Sa-ma-ri, và quan trọng hơn, qua việc tiếp xúc này, đã có nhiều người Sa-ma-ri trong thành ấy tin vào Ngài.

Noi gương Đức Chúa Giê-su trong việc đối thoại để đem Tin Mừng đến cho mọi người, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây:

1. Đi trước một bước để bắt cầu.

Ai cũng biết người Do Thái và người Sa-ma-ri thì không hòa hợp với nhau, cho nên mới có chuyện tôi thờ lạy Thiên Chúa ở trên núi Ga-ra-zim, còn anh thì bái lạy Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem, từ chỗ khác biệt ấy và những khác biệt khác nữa, nên họ đã không cùng đi lại với nhau và trở thành đối địch nhau.

Đức Chúa Giê-su đã đi trước một bước: Ngài chủ động trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri và xin bà ta nước uống, và thế là Ngài đã phá tan tảng băng đóng kín giữa hai người, giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri, hơn thế nữa, chính Ngài đã mặc khải cho người phụ nữ biết Ngài chính là Đấng Mê-si-a, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo, chính Ngài đã đi trước một bước để bắt cầu cảm thông giữa những tâm hồn có thành kiến với nhau.

Chung quanh chúng ta có những tình cảm bị đóng băng vì thiếu đi sự khiêm tốn của chúng ta, chỉ cần một lời thăm hỏi chân tình khi gặp mặt, là chúng ta có thể làm cho tảng băng ấy tan rã và tạo được tình thân; chỉ cần một thái độ ân cần là chúng ta có thể bắt được chiếc cầu hữu nghị giữa chúng ta với người hàng xóm bên cạnh nhà, là người không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Đó là bí quyết truyền giáo của Đức Chúa Giê-su khi Ngài trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri...

2. Quên mình để tha nhân thấy được Thiên Chúa.

Đức Chúa Giê-su khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri đã không chỉ trích bà là người ngoại đạo, đã không nói bà là người lăng loàn trắc nết đã có bảy đời chồng, dù Ngài biết rất rõ, Ngài cũng không nói dân thành Sa-ma-ri kém lòng tin vào Ngài. Nhưng chính Đức Chúa Giê-su đã quên mình đi để cho người phụ nữ Sa-ma-ri được cảm thấy gần gủi hơn, để dễ dàng bày tỏ tâm tình của mình hơn, và như thế, chính Ngài đã làm cho bà và dân thành Sa-ma-ri nhận ra Ngài là ai, và tin vào Ngài.

Quên mình đi để người khác tìm thấy Thiên Chúa qua mình, đó không những là thái độ của người khiêm tốn mà còn là hành vi của người truyền giáo, bởi vì khi chúng ta quên đi chức vụ, thân phận, học vấn của mình, thì chúng ta dễ dàng đối thoại với tha nhân hơn.

Có nhiều người thích tự giới thiệu về mình cách khoe khoang khi đối diện chuyện trò với người khác, nên người ta không tìm được Thiên Chúa trong họ; lại có nhiều người trong chúng ta thích chỉ trích người khác hơn là nói lời khuyến khích, và thích nói những khuyết điểm của người khác ra hơn là cầu nguyện cho họ, nên người khác chưa nhận ra được Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ và trên con người chúng ta...

Anh chị em thân mến,

Chỉ cần noi gương Đức Chúa Giê-su đi trước một bước với thái độ chân thành, là chúng ta đã phá bỏ bức tường thành kiến ngăn cách giữa chúng ta với người khác; chỉ cần chúng ta đưa tay ra trước là chúng ta đã nắm được bàn tay của người bên cạnh, và làm cho cách nhìn lâu nay của họ đối với chúng ta thay đổi, cách nhìn ấy của họ chính là họ vẫn cho chúng ta là những Ki-tô hữu giả hình, vì chúng ta không sống như lời của Đức Chúa Giê-su dạy.

Mỗi ngày, bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng đều có thể đi trước một bước để hàn gắn những vết thương lòng giữa người với người, có khi vì hiểu lầm. Đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su –qua những việc làm tốt lành của chúng ta- đã mặc khải Ngài cho mọi người biết Ngài là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi, và đó cũng là tinh thần truyền giáo của Đức Chúa Giê-su ngày xưa và của chúng ta ngày hôm nay vậy !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay 15 Tháng Ba 2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
22:44 13/03/2020
Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7

"Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy". Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: "Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi". Chúa liền phán bảo Môsê: "Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống". Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là "Thử Thách", vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: "Chúa có ở với chúng tôi hay không?"

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!"

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng:Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8

"Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".

Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"

Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".

Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các mục tử trước đại họa coronavirus
Đặng Tự Do
04:01 13/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các mục tử, xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng biết chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ anh chị em giáo dân.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta đang liên kết với những người bệnh nhân và gia đình của họ. Sau đó, ngài đề cập đến ý cầu nguyện trong thánh lễ hôm nay, và nói thêm rằng ngài hiểu được tình trạng khó xử của các linh mục ở Ý hiện nay.

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay tôi cũng muốn cầu nguyện cho các mục tử là những vị phải đồng hành với dân Chúa trong cuộc khủng hoảng này. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng lựa chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ dân Chúa. Các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các vị mục tử ơn phân định mục vụ để các ngài có thể nhận ra được các biện pháp không bỏ mặc những tín hữu thánh thiện, trung tín của Thiên Chúa, nhưng để dân Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã hướng các suy tư của ngài đến bài Tin Mừng trong ngày nói về dụ ngôn những tá điền bất lương.

Chúa và dân Ngài

Đức Thánh Cha giải thích rằng: Dụ ngôn này đề cập đến sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Vườn nho là dân được chọn, những tá điền là các thầy thông luật, và những người đầy tớ của chủ vườn là các tiên tri. Thiên Chúa đã làm tốt công việc của Ngài trong vườn nho. Hàng rào chung quanh, hầm ép rượu và tháp canh có thể được so sánh với việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Người, lời hứa mà Ngài đã thực hiện với Abraham, và mối quan hệ giao ước mà Ngài đã thực hiện với họ trên núi Sinai.

“dân Chúa phải luôn luôn giữ trong ký ức của mình sự lựa chọn này của Thiên Chúa. Họ phải nhớ rằng họ là một dân được chọn, như thế họ mới có thể luôn luôn hướng về phía trước trong hy vọng; và đồng thời, họ phải luôn luôn giữ trong ký ức của mình giao ước với Thiên Chúa để có thể sống cuộc sống hàng ngày với lòng trung thành.”

Tội bất trung

Khi Chúa sai đầy tớ của Ngài đến thu phần hoa lợi của vườn nho từ những người tá điền, chúng đánh đập, giết chết và ném đá họ. Thay vì tôn trọng người Con của chính Ngài, họ giết đi để tranh đoạt gia tài. Họ đã cướp đi quyền thừa kế. Đó là một câu chuyện về sự bất trung đối với lời mời gọi của Thiên Chúa; bất trung với diễm phúc được chọn, với lời hứa và giao ước, là những ân sủng của Chúa.

Họ không hiểu rằng đó là một ân sủng. Họ coi đó là một thứ để chiếm đoạt. Những người này chiếm đoạt ân sủng. Họ đã lấy đi khía cạnh ân sủng để biến nó thành vật sở hữu của riêng mình. Ân sủng vốn phong phú, cởi mở và là một phước lành đã bị đóng lại, đặt bên trong một cái lồng.

Sự quên lãng

Đức Thánh Cha cho rằng sự biến đổi ân sủng thành một vật sở hữu là kết quả của “tội quên lãng”. Chúng ta quên rằng “Thiên Chúa đã trở nên một món quà cho chúng ta để Ngài có thể được trao ban như một món quà. Thay vì đón nhận và trao ban, chúng ta bắt đầu sở hữu món quà ấy.”

Vì thế, lời hứa không còn là lời hứa nữa, việc được chọn không còn là được chọn nữa, giao ước được diễn giải theo ý kiến của riêng tôi. Nó trở thành một hệ tư tưởng.

Nguồn gốc của chủ nghĩa giáo sĩ

Đức Thánh Cha nhận định rằng có thể là Tin Mừng muốn nhắm đến chủ nghĩa giáo sĩ đã có mặt ngay cả vào thời đó. Chủ nghĩa giáo sĩ “luôn luôn phủ nhận” tính nhưng không của lời hứa và việc được chọn. Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành một món quà cho chúng ta, món quà ấy phải được trao ban cách nhưng không cho người khác chứ không phải như thể là một vật thuộc về chúng ta.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin cho chúng ta nhận được ban ân sủng biết đón nhận quà tặng của Thiên Chúa như một món quà và trao ban món quà ấy cho người khác như một món quà chứ không phải là một vật sở hữu, và trao ban món quà ấy cách nhưng không.


Source:Vatican News
 
Tổng giáo phận Portland: coronavirus hay không, anh chị em vẫn có thể nhận Mình Thánh Chúa trên lưỡi
Đặng Tự Do
04:09 13/03/2020
Quyền rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi đã được khẳng định bởi Tổng Giáo Phận Portland, Oregon. Tổng giáo phận cho rằng nguy cơ nhiễm trùng trong cả hai trường hợp rước Mình Thánh Chúa trên tay hay trên lưỡi là như nhau, sau khi đã tham khảo các chuyên gia y tế về dịch tễ học.

“Chúng tôi đã tham khảo ý kiến với hai bác sĩ về vấn đề này, một trong hai vị này là một chuyên gia về miễn dịch học của Tiểu Bang Oregon. Cả hai vị đều đồng ý rằng nếu thừa tác viên Thánh Thể trao Mình Thánh Chúa đúng cách thì nguy cơ nhiễm trùng khi Rước Lễ trên lưỡi không nhiều hơn hay ít hơn trong trường hợp Rước Lễ trên tay,” Văn phòng Phụng Tự của tổng giáo phận đã cho biết như trên.

“Nguy cơ thừa tác viên Thánh Thể chạm vào lưỡi người rước lễ và như thế truyền nước bọt người này vào người khác rõ ràng là một mối nguy hiểm. Tuy nhiên, khả năng xảy ra nguy cơ thừa tác viên Thánh Thể chạm vào tay của một ai đó cũng không ít hơn. Bên cạnh đó, bàn tay của một người có khả năng tiếp xúc lớn hơn đối với các loại vi trùng.”

Văn phòng Phụng Tự của tổng giáo phận đã đưa ra tuyên bố trên sau khi một số giáo dân phàn nàn rằng họ đã bị từ chối rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi, hoặc được thông báo rằng rước lễ trên lưỡi đã bị cấm tại một vài giáo xứ cụ thể trong tổng giáo phận.

Văn phòng nói thêm rằng: “Sau khi tham khảo ý kiến với Đức Tổng Giám Mục, văn phòng chúng tôi muốn truyền đạt rõ ràng rằng các giáo xứ không được quyền cấm Rước Lễ trên lưỡi, một thừa tác viên Thông thường hay Ngoại thường cũng không thể từ chối một người yêu cầu được rước Mình Thánh Chúa trên lưỡi”.

Thừa tác viên Thông thường trong việc trao Mình Máu Thánh Chúa là Đức Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế. Ngoài các vị có chức thánh đó, một số giáo dân được thừa ủy hay chỉ định trao Mình Máu Thánh Chúa gọi là Thừa tác viên Ngoại thường.

Theo triệt 3 điều 230 của Bộ Giáo Luật, trong trường hợp cần thiết, tư tế có thể chỉ định, tạm thời trong một thời điểm nào đó, những giáo dân có thể cho rước lễ. Cũng nên lưu ý rằng nếu khi có đủ Thừa tác viên Thông thường thì những Thừa tác viên Ngoại thường không được cho rước lễ.

Văn phòng Phụng Tự của tổng giáo phận Portland, Oregon nhấn mạnh rằng các thừa tác viên Thánh Thể phải “có khả năng phân phối Mình Thánh Chúa mà không có nguy cơ chạm vào tay hoặc lưỡi,” và rằng “giáo dân cũng cần được hướng dẫn làm thế nào để rước Mình Thánh Chúa đúng cách trên lưỡi hoặc trên tay.”

Với một gịng điệu rất quyết liệt, văn phòng Phụng Tự nói thêm rằng “nếu các thừa tác viên Thánh Thể Ngoại thường cảm thấy khó chịu trong việc phân phát Mình Thánh Chúa trên tay hay trên lưỡi họ thì họ nên từ chức.”

Nhiều giáo phận trên thế giới đã ban hành các hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm trong các Thánh lễ, hoặc hủy bỏ hoàn toàn các Thánh lễ công cộng, vì sự bùng phát của coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Chủng mới của coronavirus gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đường hô hấp, COVID-19, có tỷ lệ tử vong khoảng 3%. Tuy nhiên, ở những người cao niên, hay những ai có tiền sử bệnh, tỷ lệ tử vong này rất cao.

Đã có hơn 121,487 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại 93 quốc gia và 4,382 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp và tử vong đã xảy ra ở Trung Quốc.

Tại Hoa Kỳ, đã có ít nhất 1,016 trường hợp được xác nhận tại 16 tiểu bang và 31 người thiệt mạng. Đa số các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh tập trung ở tiểu bang Washington.

Ở Oregon, đã có hai trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và không có trường hợp tử vong nào.


Source:Catholic News Agency
 
Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: Các cơ quan trung ương Tòa Thánh vẫn mở cửa hoạt động
Đặng Tự Do
05:56 13/03/2020
Trong thông báo đưa ra hôm 12 tháng Ba, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết:

Sáng nay, tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục cũ, một cuộc họp liên bộ bất thường đã diễn ra, dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, với sự có mặt của tất cả các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma.

Mục đích của cuộc họp là bàn về sự phối hợp giữa các chức năng của các bộ, và các suy tư liên quan đến các nhân viên Tòa Thánh trong bối cảnh thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Về vấn đề này, cuộc họp đi đến quyết định rằng các bộ và các cơ quan trung ương Tòa thánh khác cũng như các cơ quan của quốc gia Thành Vatican sẽ vẫn mở cửa để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho Giáo hội toàn cầu, phối hợp với phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đồng thời áp dụng tất cả các quy định về sức khỏe và các cơ chế linh hoạt công việc được thiết lập và ban hành trong những ngày gần đây.


Source:Vatican News
 
Hồng Y từng bất tuân dân sự kéo cầu dao điện, vừa bất tuân lệnh địa phận, mở tung cửa nhà thờ
Đặng Tự Do
12:54 13/03/2020
Chỉ một ngày sau khi Đức Hồng Y Angelo De Donatis tuyên bố một quyết định chưa từng có là đóng cửa tất cả các nhà thờ trong Giáo Phận Rôma để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng đã làm điều ngược lại là mở tung cửa nhà thờ Santa Maria Immacolata - Đức Maria Vô Nghiễm Nguyên Tội, là nhà thờ hiệu tòa của ngài, trong khu phố Esquiline của Rôma.

“Đây là hành động bất tuân hả, vâng chính thế, chính tôi đã đưa Thánh Thể ra ngoài và mở cửa nhà thờ,” Đức Hồng Y Kraewski nói với tờ Crux.

“Thời này không phải là dưới chế độ phát xít, cũng chẳng phải dưới sự cai trị của Nga hay Liên Sô ở Ba Lan - các nhà thờ không bị đóng cửa,” ngài nhấn mạnh, và nói thêm rằng “đây là một hành động mang lại sự can đảm cho các linh mục khác.”

“Mái ấm gia đình phải luôn mở ra cho con cái mình,” ngài với Crux trong một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc.

“Tôi không biết anh chị em giáo dân có đến hay không, bao nhiêu người, nhưng nhà của họ đã mở,” ngài nói.

Trong một diễn biến thật đau lòng, giáo phận Rôma đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ có công chúng tham dự cho đến ngày 3 tháng Tư, tức là cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá, để đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã cho biết như trên trong một thông báo được công bố vào tối Chúa Nhật 8 tháng Ba, theo sau một sắc lệnh của chính phủ Ý đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng. Các Thánh lễ và các phụng vụ khác dành cho công chúng đã bị cấm trên khắp nước Ý.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y De Donatis lại đi xa hơn một bước nữa, và tuyên bố thêm rằng tất cả các nhà thờ sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 3 tháng Tư, ngay cả cầu nguyện riêng cũng không được.

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 13 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra không hài lòng. Ngài nói:

“Hôm nay tôi cũng muốn cầu nguyện cho các mục tử là những vị phải đồng hành với dân Chúa trong cuộc khủng hoảng này. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng lựa chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ dân Chúa. Các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các vị mục tử ơn phân định mục vụ để các ngài có thể nhận ra được các biện pháp không bỏ mặc những tín hữu thánh thiện, trung tín của Thiên Chúa, nhưng để dân Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ.”

Chỉ vài giờ sau đó đã xảy ra hành động phản kháng của Đức Hồng Y Krajewski.

Là cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng trong việc giúp đỡ người nghèo ở Rôma, Đức Hồng Y đã không đình chỉ các bữa ăn bác ái do ngài phụ trách. Các bữa ăn này thường được phân phối trong khu vực các nhà ga xe lửa Termini và Tiburtina bởi hàng chục tình nguyện viên. Truyền thống này chỉ được thay đổi, không bị đình chỉ. Các tình nguyện viên phân phát các túi thức ăn để những người nghèo mang về nhà, thay vì cùng chia sẻ bữa ăn tại bàn.

Đức Hồng Y Krajewski cho biết nhà thờ hiệu tòa của ngài sẽ mở cửa cả ngày để chầu Thánh Thể và sẽ mở cửa thường xuyên để anh chị em đến cầu nguyện riêng bắt đầu từ Thứ Bảy.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 11 tháng Năm, năm ngoái 2019, với kiến thức của một người thợ điện chuyên nghiệp trước khi đi tu, Đức Hồng Y đã tự mình, không cần nhờ ai, phá niêm phong của một hộp điện, kéo cầu dao lên cho cư dân của một chung cư ở Rôma có điện trở lại.

Chung cư đông đúc này ở Rôma đã không có điện và nước nóng trong nhiều ngày. Những dịch vụ này đã bị đình chỉ bởi công ty cung cấp năng lượng vì những người dân trong chung cư chậm trễ thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Tổng cộng số tiền thiếu lên đến khoảng €300,000, tức là khoảng 337,000 Mỹ Kim.

Đức Hồng Y đã đến tận nơi, mở nắp hộp điện ngầm chôn dưới lòng đất này và đích thân làm mọi việc cần thiết của một người thợ điện chuyên nghiệp để kích hoạt lại nguồn cung cấp điện cho tòa nhà.

Đức Hồng Y giải thích hành động bất tuân dân sự này là “một cử chỉ tuyệt vọng và nhân đạo” để giúp các gia đình đang phải vất vả với cuộc sống.


Source:Crux
 
Cưỡng lệnh đóng cửa nhà thờ, một Hồng Y bên Rome tuyên bố rằng Nhà thì luôn rộng mở cho con cái mình.
Trần Mạnh Trác
15:21 13/03/2020
ROME – Theo tin độc quyền cuả trang web Công Giáo Crux thì chỉ một ngày sau khi Đức Hồng Y Angelo De Donatis đưa ra một quyết định chưa từng có là đóng cửa tất cả các nhà thờ trong Giáo Phận Rome để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus COVID-19, thì vị quan Phát Chẩn cuả Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã làm điều trái ngược lại là mở rộng cửa nhà thờ hiệu toà của ngài, nhà thờ Santa Maria Immacolata trong khu phố Esquiline của Rome.

“Đây là một hành động bất tuân phải không? Thưa phải, chính tôi đã đưa Mình Thánh ra và mở cửa nhà thờ,” ĐHY Krajewski nói với phóng viên cuả Crux.

“Việc này đã không từng xảy ra dưới chế độ phát xít, không từng xảy ra dưới sự cai trị của Nga hay Liên Xô ở Ba Lan - các nhà thờ không hề bị đóng cửa,” Ngài nói, thêm rằng “đây là một hành động nêu gương can đảm cho các linh mục khác.”

“Mọi căn nhà đều luôn luôn mở cửa cho con cái mình,” Ngài nói với một giọng đầy cảm xúc.

Tôi không biết có ai sẽ đến hay không, và có bao nhiêu người trong số này, nhưng nhà của họ vẫn mở, Ngài nói.

Nhắc lại vào thứ năm, ĐHY De Donatis – phó giám mục của điạ phận Rome - tuyên bố rằng tất cả các nhà thờ sẽ đóng cửa cho đến ngày 3 tháng 4, ngay cả việc cầu nguyện riêng. Các buổi lễ công khai và các phụng vụ khác cũng bị cấm trên khắp nước Ý, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói trong thánh lễ buổi sáng rằng các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt lành và cầu nguyện rằng các mục tử sẽ tìm cách không để cho các con chiên cuả mình phải xa cách Thiên Chúa một cách lẻ loi.

ĐHY Krajewski đã nhận thông điệp này từ trái tim.

Là cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng để giúp đỡ những người nghèo ở Rome, Đức Hồng Y đã không đình chỉ các bữa ăn từ thiện. Thay vì hàng chục tình nguyện viên sẽ chia sẻ các bữa ăn tại bàn trong các nhà ga xe lửa Termini và Tiburtina, thì nay, các tình nguyện viên sẽ phân phát các tuí xách gọi là “túi thành tâm” (“Bags from the heart”) để cho họ đưa bữa tối về nhà.

Tôi hoạt động theo Tin Mừng; Đây là luật của tôi, theo lời HY Krajewski, Ngài cũng không quên đề cập đến việc bị cảnh sát thường xuyên kiểm tra trong lúc lái xe quanh thành phố để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Sự giúp đỡ này là một việc truyền giáo, và nó phải được thực hiện, ngài nói.

“Tất cả mọi chỗ dành cho người vô gia cư nghỉ đêm thì đều đã chật,” vị Quan Phát Chẩn cuả ĐGH nói – ngay cả ở Palazzo Migliori, là nơi nằm gần hàng cột Bernini của đền Thánh Phêrô mới được mở cửa trong tháng Mười Một,.

Khi sự bùng phát coronavirus bắt đầu ở Ý, ĐHY Krajewski nói rằng nền văn hóa sự sống bỗng nhiên trở thành một phần của cuộc đàm luận quốc gia.

“Người ta không còn nói về phá thai, hay về cái chết êm dịu, bởi vì mọi người đang lo về chuyện sống,” Ngài nói. “Chúng ta đang lo tìm kiếm vắc-xin, chúng ta đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng chúng ta có thể cứu được mạng sống.”

Mọi người đang chọn sự sống ngày hôm nay, bắt đầu với giới truyền thông, ĐHY Krajewski nói. Thiên Chúa yêu sự sống. Ngài không muốn tội nhân chết; Ngài muốn tội nhân chuyển đổi.

Phát biểu vào thứ Sáu hôm nay, ĐHY Krajewski cho biết nhà thờ hiệu toà của Ngài sẽ mở cửa cả ngày hôm nay để chầu Thánh Thể và sẽ mở cửa như thường nhật cho các việc cầu nguyện riêng bắt đầu vào Thứ Bảy.
 
Cảm tưởng chung thuận lợi về phiên tòa của Tòa Án Tối Cao Úc xử đơn kháng án của Đức Hồng Y Pell
Vũ Văn An
16:42 13/03/2020
Phiên toà của Tòa án Tối Cao Úc để quyết định đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Pell đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp.



Lập luận của hai bên

Ngày đầu tiên dành cho bên bênh vực. Luật sư Walker, đại diện cho Đức Hồng Y đã trình bầy các lý lẽ cho thấy vụ cho là Đức Hồng Y tấn công tình dục hai ca viên là việc không thể xẩy ra và các quan tòa phúc thẩm của Melbourne đã quá chú trọng đến thái độ ứng xử của nguyên đơn đến coi nhẹ các chứng cớ khác. Trong trình bầy của mình, Luật Sư Walker có đề cập đến việc các quan tòa phúc thẩm đã chịu ảnh hưởng không đúng của cuốn video của nguyên cáo.

Theo Reuters (xem Australian court hears final appeal by ex-Vatican treasurer Pell), các thẩm phán đã vặn hỏi luật sư Walker: liệu tòa phúc thẩm có sai hay không khi xem cuốn video thay vì chỉ dựa vào các bản ghi chép.

Luật sư Walker trả lời rằng cuốn video có thể đã dẫn các quan tòa đến chỗ quá tập chú vào tính đáng tin cậy của nguyên cáo và các chứng nhân khác thay vì tập chú vào các vấn đề có thể nêu hoài nghi cho bồi thẩm đoàn.

Ông nói: “nó làm phát sinh nguy hiểm thực sự này là tòa phúc thẩm cứ loay hoay với việc lượng định tính đáng tin cậy cho chính nó, trong khi vấn đề thực sự là... bồi thẩm đoàn có ở vị trí rộng đường tìm thấy tội ngoài sự hoài nghi hợp lý hay không”.

Các thẩm phán cũng hỏi Luật sư Walker: liệu có đúng hay không khi các quan tòa phúc thẩm thử các phẩm phục của Tổng Giám Mục để xem xem chúng có thể được vạch ra như mô tả của nạn nhân tại phiên xử.

Luật sư Walker nói ông thấy không có vấn đề với việc thử ấy.

Tờ The Guardian thì cho hay, trong ngày thứ hai, dành cho công tố, các luật sư của Đức Hồng Y vặn hỏi công tố viên về quyết định coi cuốn video của tòa phúc thẩm thay vì chỉ đọc bản ghi lại bằng chứng của anh ta.

Giám đốc công tố viện, Kerri Judd, trả lời rằng vì nhóm luật sư của Đức Hồng Y Pell nhấn mạnh nhiều đến việc nguyên cáo thiếu tính đáng tin cậy, nên tòa phúc thẩm Victoria được quyền coi cuốn video. Điều ấy không có nghĩa họ nâng nó lên trên các bằng chứng khác, hay họ không dành tầm quan trọng cho các bằng chứng khác.

Chánh thẩm Susan Kiefel đáp lại rằng cái khó khăn khi các quan tòa phúc thẩm coi cuốn video của nguyên cáo là “...việc lượng định một nhân chứng dựa trên cách xử sự là điều quá chủ quan”.

Chánh thẩm Kiefel nói rằng “rất khó nói được nó [cuốn video của nguyên cáo] ảnh hưởng ra sao một quan tòa phúc thẩm trung gian so với việc đọc bản ghi chép. Chính vì thế, qúy vị thực sự không nên làm điều đó [coi cuốn video]... trừ khi có lý do pháp lý (forensic) phải làm thế. Tòa này phải xác định đến mức nào tòa phúc thẩm chịu ảnh hưởng của cuốn video?”

Tờ The Guardian cho hay việc tòa phúc thẩm coi bằng chứng video là điều thường không xẩy ra, dù càng ngày việc này càng thông thường hơn vì kỹ thuật năng được sử dụng nhiều hơn. Các tòa phúc thẩm thường được cảnh báo về việc lấn vai trò của bồi thẩm đoàn, và khi chỉ đọc bản ghi chép họ có khả năng hơn trong việc để các vấn đề thuộc cách xử sự của các nhân chứng cho bồi thẩm đoàn.

Một trong các nhân chứng mà nhóm pháp lý của Đức Hồng Y Pell nói rằng nên làm cho tính khả tín của người khiếu nại bị nghi ngờ và nêu lên sự nghi ngờ hợp lý về việc Pell phạm tội là Đức ông Charles Portelli. Tại phiên tòa, đức ông Portelli đã đưa ra bằng chứng rằng Đức Hồng Y Pell có thông lệ lưu lại ở các bậc thềm phía trước của Nhà thờ Chính tòa Thánh Patrick sau Thánh Lễ long trọng Chúa Nhật để thăm hỏi giáo dân. Nếu đúng như thế, thì ngài không thể ở trong phòng áo các linh mục để lạm dụng hai cậu ca viên.

Nhưng Judd trả lời rằng Portelli không có ký ức chuyên biệt có tính thuyết phục về những gì Pell làm vào những ngày năm 1996 khi vụ vi phạm xảy ra. Portelli thậm chí không thể nhớ liệu ca đoàn diễn hành ở bên trong hay ở bên ngoài để ra khỏi các tòa nhà vào những dịp đó.
Bà nói rằng bằng chứng của Portelli không nên được xét trong sự cô lập.

Judd nói: “Khá nhiều ca viên khác và những người khác nói rằng có những dịp ông ấy [Pell] không đứng trên các bậc thềm và tham dự cuộc diễn hành, và các ca viên nhớ đã phải chờ ông ta”.

“Cũng có một số bằng chứng từ các ca viên nói rằng họ đã thấy ông ta trong phòng của ca đoàn khá sớm sau thánh lễ. Vậy, nếu ông ta đứng trên những bậc thềm đó trong một thời gian dài, ông ta sẽ không thể thấy các ca viên đó”.

Thẩm phán Virginia Bell nói với Judd rằng “kháng án buộc phải được phép nếu có thể thiết lập một cách hợp lý rằng Đức Tổng Giám Mục hiện diện ở các bậc thềm phía tây vào lúc người khiếu nại bị xúc phạm”.

Judd trả lời tòa cần xem xét: “toàn diện các bằng chứng, chứ không chỉ dựa vào Portelli, đó là lý do tại sao bằng chứng phụ trợ cực kỳ quan trọng”. Vả lại, ký ức của Portelli không nhất thiết đáng dựa vào.

Trong phiên xử, các công tố viên nói với bồi thẩm đoàn rằng các thói quen cần thời gian mới được khai triển, và thói quen chào hỏi giáo dân của Pell ở các bậc thềm phía trước có thể chưa khai triển cho mãi tới một thời gian sau khi được cử làm Tổng Giám Mục Melbourne.
Trong khi đó, Đài ABC thì tường trình rằng về vấn đề cuốn video có thể gây ảnh hưởng không thích đáng cho các quan tòa phúc thẩm Victoria, Thẩm Phán Virginia Bell của Tòa án Tối cao Úc lưu ý Công tố viên Judd tới bài diễn văn kết thúc phiên xử Đức Hồng Y Pell của công tố viện, khi công tố viên mời bồi thẩm đoàn nhớ lại việc nạn nhân nhắm mắt vào hai dịp để nhớ một điều gì đó.

Thẩm phán Bell cho rằng “rất có thể việc coi và thấy người khiếu nại nhắm mắt và nghĩ lại đã khiến bồi thẩm đoàn có ấn tượng là bằng chứng của dấu hiệu nói sự thật”. Nhưng theo bà, nhiều người khác có thể coi việc đó như nạn nhân tạo hoẹt câu trả lời.

Thẩm phán Bell nói thêm “Tôi muốn nói rằng đó là một xem xét chủ quan đến nỗi khó thấy Tòa Phúc Thẩm... có thể được trợ giúp ra sao bởi quan điểm chủ quan của họ đối với các vấn đề có đặc tính đó”.

Judd chỉ còn biết nhấn mạnh rằng nhiên hậu, tính đáng dựa vào và tính đáng tin của nhân chứng “trước hết và chủ yếu” là một vấn đề đối với bồi thẩm đoàn. Nhân vật này còn nói thêm rằng “dù có một số bằng chứng có thể cho thấy sự vô tội, điều này không có nghĩa bồi thẩm đoàn không có khả năng thấy Pell có tội ngoài sự hoài nghi hợp lý”.

Đài ABC cũng nói đến phòng áo của các linh mục. Về vấn đề này, Judd nói với tòa rằng bằng chứng đệ nạp đủ để bồi thẩm đoàn kết tội Pell ngoài sự hoài nghi hợp lý. Bà cho rằng việc nạn nhân biết rõ phòng áo này là bằng chứng chứng minh thêm cho câu truyện của ông ta.
Nhưng Thẩm Phán Geoffrey Nettle nêu câu hỏi bằng chứng nào cho thấy nạn nhân ở trong phòng áo ấy.

Judd trả lời: “nhân chứng này đưa bằng chứng quả quyết rằng ông ta chưa ở trong phòng áo ấy trước đó”. Bà bác bỏ ý niệm do bên bênh vực đưa ra là trước đó, ông ta có thể đã được hướng dẫn đến thăm phòng áo này.

Judd giải thích “Ông ta ở trong phòng đó và ông ta mô tả nó một cách chi tiết đến nỗi nếu điều gì đó xẩy ra khi ông ta ở trong phòng đó, nó mãi mại ghi vào ký ức ông ta không thể tẩy xoá. Đây không phải là nhìn thoáng qua căn phòng. Một điều gì đó quan trọng đã xẩy ra trong căn phòng đó”.

Còn về khoảng thời gian để phạm tội, Đài ABC cho hay: vì bị cật vấn, Judd thừa nhận rằng thời gian 5 hay 6 phút, tức khoảng thời gian nói là đã xẩy ra vụ lạm dụng, có thể dài hơn!

Tòa Án Tối cao Úc không phán quyết ngay

Tờ The Guardian, ấn bản 12 tháng 3, thì tường thuật rằng Tòa Án Tối Cao Úc không phán quyết về đơn kháng án của Đức Hồng Y Pell sau 2 ngày ngồi nghe hai bên lập luận. Trong khi chờ đợi phán quyết chưa định ngày giờ của họ, họ ra lệnh cho hai bên, trong hai ngày, nạp thêm lý lẽ viết vào những gì trình bầy miệng trước tòa.

Sau đó, thuật lại việc Judd thường bị Toà cật vấn suốt cả buổi. Tờ này cho hay nhiều người dự phiên tòa cho rằng đây là một ngày khó khăn cho công tố viện, nhưng nhiều người khác cho rằng loại cật vấn ấy là chuyện thông thường của một phiên kháng án.

Tờ này cũng thuật lại việc buổi chiều thứ Năm, luật sư Walker nói với tòa rằng công tố viện chỉ biết lo nêu lên khả thể cho rằng một vài biến cố có thể đã xẩy ra khiến việc phạm tội đã xẩy ra. Điều ấy không đủ để chứng minh ngoài sự hoài nghi hợp lý rằng việc phạm tội đã xẩy ra.

Ông cho hay nhiều điển hình cho thấy công tố viện đã can dự vào “mưu toan bất chính và quá mó máy (over-engineering) tạo hoẹt để làm cho sự việc êm xuôi mà thực ra không êm xuôi”.

Còn về việc Judd nói rằng việc nạn nhân mô tả phòng áo đã củng cố việc ông ta nói sự thật, luật sư Walker trả lời rằng “không có điều gì về việc biết căn phòng đó cho thấy Đức Tổng Giám Mục hẳn phải có mặt ở đó”.

Công tố có vẻ “lung lay”

Hãng tin Associated Press, trong bản tin 12 tháng 3, cho thấy một khía cạnh có vẻ “lung lay” của công tố viện. Dù vẫn đòi bản án được duy trì, nhưng họ nói: nếu có “bề nào” thì xin trả về tòa dưới để xử lại. Nếu không, Tòa nên nghe thêm bằng chứng nữa rồi tự phán quyết liệu có nên duy trì bản án hay không.

Có lẽ vì vậy, theo A.P., giáo sư luật của Đại Học Melbourne, Jeremy Gans, người tham dự phiên tòa, nhận định rằng “đây là một ngày rất tốt cho Pell. Điều nổi bật là các câu hỏi dường như phần lớn hướng về các lập luận ủng hộ lập luận cho rằng Pell được tha bổng chứ không đặc biệt có thiện cảm với công tố viện, với việc thận trọng là luôn khó mà biết được tại sao họ hỏi các câu hỏi đó”.

A.P. cũng tường trình việc hôm thứ Tư, cảnh sát đã kết tội một người đàn ông Melbourne vì đã đe dọa Đức Hồng Y Pell. Ông ta đã được tại ngoại hầu tra để xuất hiện trở lại trước tòa địa phương Melbourne vào ngày 9 tháng Bẩy về các tội danh doạ đặt bom chống Đức Hồng Y Pell và 3 tội danh đe dọa sát hại ngài.

Riêng ký giả Edward Pentin của The National Catholic Register thì lạc quan trông thấy khi loan tin các người ủng hộ Đức Hồng Y Pell tràn trề hy vọng ngài sẽ được giải oan.

Ký giả này thuật lại nhận định của Shannon Deery của tờ Herald Sun. Cô này cùng nhận định như giáo sư Gans: “điều thấy từ phiên toà hôm nay là viễn ảnh thành công của Pell trong việc kháng án khá tốt”. Cô nói thêm tòa “xem ra đứng về phía” bên bênh vực nhưng “vật lộn” (struggled) với công tố viện.

Pentin cũng cho rằng theo tờ The Australian, Kerri Judd Q.C., trưởng công tố viện Victoria, đã thay đổi đáng kể lập trường của bà ta về bằng chứng then chốt và trình bầy một cách nghèo nàn lý lẽ của mình trước Tòa.

Trước nhất là lập trường về khoảng thời gian để phạm tội, như trên đã nói, từ 5,6 phút bà ta đã thay đổi tới một khoảng thời gian dài hơn. Nhưng bà cho rằng các thẩm phán nên bỏ qua chuyện đó, vì có thể có “bất nhất” trong ký ức của nạn nhân về ngày đó. Nhưng như trên đã nói, bà cho rằng dù có bằng chứng cho thấy sự vô tội, bồi thẩm đoàn vẫn có quyền kết tội.

Về phía luật sự Walker, Pentin thuật lại việc ông dựa vào phán quyết của chánh án Weinberg của tòa phúc thẩm Melbourne để trình bầy lý lẽ của mình. Ông phê bình tòa phúc thẩm đã dùng “phương thức từng mảnh một” đối với các bằng chứng đệ trình và do đó đã có thể kết luận trong mỗi trường hợp điều ông mô tả là “điều bất khả không bất khả chút nào”. Điều này đã khiến cuộc điều tra đi theo một “con đường sai lầm gây thiệt hại ghê gớm”.

Pentin cũng cho hay John Macauley, người từng giúp lễ cho Đức Hồng Y Pell tại cùng một nhà thờ chính toà nơi nói đã xẩy ra việc phạm pháp, nói với ông hôm thứ Năm rằng ông ta “âm thầm tin tưởng Đức Hồng Y sẽ được trắng án”. Từ Canberra, nơi ông ta và một số bằng hữu của Đức Hồng Y tham dự phiên toà, ông ta nói rằng thật khó tưởng nghĩ bất cứ “bất đồng còn sót lại nào” giữa đa số 7 vị thẩm phán mà một số lớn ít có thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo.

Macauley nói ông hy vọng tòa sẽ tái nhóm vào tuần tới “không nguyên chỉ để trắng án Đức Hồng Y Pell mà còn để giải tội (exoneration) một cách vang dội” vì “không có cả thời gian lẫn cơ hội để các vi phạm như được công tố viện quả quyết xẩy ra”.

Điều mà không ai nhắc đến là bầu khí lạc quan vốn đã có vào cả mấy phút trước phán quyết chia rẽ 2 chống 1 của tòa Phúc Thẩm Melbourne. Đến nỗi có người đã “hồ hởi” lo chỗ ở cho Đức Hồng Y Pell khi ngài được trắng án. Sự thật đã không như thế. Hy vọng lần này, sự lạc quan có nhiều cơ sở hơn.
 
Virus tai hại: Bán đảo Ả rập đình chỉ mọi thánh lễ. Đức Thánh Cha cầu cho các mục tử.
Đặng Tự Do
16:43 13/03/2020


Tử vong vì coronavirus

Tính cho đến chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng vọt lên đến 4,984 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 134,818 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 268 người thiệt mạng vì coronavirus.

Hoa Lục dẫn đầu con số thương vong với 3,177 người chết, và 80,814 trường hợp nhiễm bệnh.

Kế đến là tại Ý với 1,016 người chết, và 15,113 trường hợp nhiễm bệnh. Như thế, chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Năm, tại Ý, đã có thêm 189 người chết vì coronavirus, và 2,651 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 429 người chết, và 10,075 trường hợp nhiễm bệnh.

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Năm 12 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample của tổng giáo phận Portland, Oregon đã bác bỏ yêu cầu đình chỉ các thánh lễ vì coronavirus của nữ thống đốc Kate Brown.

Ngài cho biết “Tổng giáo phận Portland sẽ không hủy bỏ các Thánh lễ Chúa Nhật dành cho công chúng. Nữ thống đốc bang Oregon, Kate Brown, đã hủy bỏ tất cả các cuộc tụ họp công cộng hơn 250 người. Thực tế là hầu hết các Thánh lễ được cử hành vào cuối tuần tại Tổng giáo phận Portland đều thấp hơn con số đó.”

Đức Tổng Giám Mục đã khuyến khích các linh mục xem xét việc dâng nhiều thánh lễ Chúa Nhật hơn thường lệ để giảm bớt số người tham dự trong một Thánh lễ.

Ngài nói thêm: “Cử hành Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Chính trong Thánh lễ, chúng ta gặp gỡ mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta, và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, được đón nhận Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô.”

Chính vì hai lý do trên, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài không có ý định đình chỉ các thánh lễ vì coronavirus. Tuy nhiên, ngài khích lệ các tín hữu trên 60 và những ai cảm thấy không được khoẻ nên ở nhà hiệp thông với cộng đoàn qua các thánh lễ trực tuyến.

Bán đảo Ả rập

Trong khi đó, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trên toàn bán đảo Ả rập, các nhà thờ đã bị buộc phải đóng cửa, dù các trường hợp nhiễm coronavirus trong vùng này không đáng kể.

Trên toàn cõi Iraq, các thánh lễ đã bị đình chỉ vô hạn định từ Thứ Tư Lễ Tro. Việc tổ chức hành hương, gặp gỡ và thăm viếng phải được sự chấp thuận của giám mục bản quyền.

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, và Đức Tổng Giám Mục Paul Hinder, Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho dịch bệnh mau kết thúc, cho hòa bình và xin Chúa bảo vệ dân Ngài. Hiện nay, ngoài hiểm họa coronavirus, các Kitô hữu trong vùng còn phải đối phó với quân khủng bố Hồi Giáo IS vừa mới hồi sinh nhờ trận dịch này.

Vatican

Hôm thứ Tư, chính phủ Ý tiếp tục thắt chặt các hạn chế bằng cách ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm.

Trong bầu không khí lo ngại ngày càng tăng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi khoản đóng góp 100,000 Euro cho Caritas Ý. Ngài đã quyên góp thông qua Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, là cơ quan của Tòa Thánh nhằm cổ vũ tình liên đới đối với những người nghèo và những ai dễ bị tổn thương nhất.

Trong thông báo đưa ra trưa thứ Sáu 13 tháng Ba, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết:

Sáng nay, tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục cũ, một cuộc họp liên bộ bất thường đã diễn ra, dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, với sự có mặt của tất cả các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma.

Mục đích của cuộc họp là bàn về sự phối hợp giữa các chức năng của các bộ, và các suy tư liên quan đến các nhân viên Tòa Thánh trong bối cảnh thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Về vấn đề này, cuộc họp đi đến quyết định rằng các bộ và các cơ quan trung ương Tòa thánh khác cũng như các cơ quan của quốc gia Thành Vatican sẽ vẫn mở cửa để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho Giáo hội toàn cầu, phối hợp với phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đồng thời áp dụng tất cả các quy định về sức khỏe và các cơ chế linh hoạt công việc được thiết lập và ban hành trong những ngày gần đây.

Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta

Lúc 7 sáng thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các mục tử, xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng biết chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ anh chị em giáo dân.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta đang liên kết với những người bệnh nhân và gia đình của họ. Sau đó, ngài đề cập đến ý cầu nguyện trong thánh lễ hôm nay, và nói thêm rằng ngài hiểu được tình trạng khó xử của các linh mục ở Ý hiện nay.

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay tôi cũng muốn cầu nguyện cho các mục tử là những vị phải đồng hành với dân Chúa trong cuộc khủng hoảng này. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng lựa chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ dân Chúa. Các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các vị mục tử ơn phân định mục vụ để các ngài có thể nhận ra được các biện pháp không bỏ mặc những tín hữu thánh thiện, trung tín của Thiên Chúa, nhưng để dân Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã hướng các suy tư của ngài đến bài Tin Mừng trong ngày nói về dụ ngôn những tá điền bất lương.

PHÚC ÂM

“Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:

“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?” Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.

Ngài nói:

Chúa và dân Ngài

Dụ ngôn này đề cập đến sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Vườn nho là dân được chọn, những tá điền là các thầy thông luật, và những người đầy tớ của chủ vườn là các tiên tri. Thiên Chúa đã làm tốt công việc của Ngài trong vườn nho. Hàng rào chung quanh, hầm ép rượu và tháp canh có thể được so sánh với việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Người, lời hứa mà Ngài đã thực hiện với Abraham, và mối quan hệ giao ước mà Ngài đã thực hiện với họ trên núi Sinai.

“dân Chúa phải luôn luôn giữ trong ký ức của mình sự lựa chọn này của Thiên Chúa. Họ phải nhớ rằng họ là một dân được chọn, như thế họ mới có thể luôn luôn hướng về phía trước trong hy vọng; và đồng thời, họ phải luôn luôn giữ trong ký ức của mình giao ước với Thiên Chúa để có thể sống cuộc sống hàng ngày với lòng trung thành.”

Tội bất trung

Khi Chúa sai đầy tớ của Ngài đến thu phần hoa lợi của vườn nho từ những người tá điền, chúng đánh đập, giết chết và ném đá họ. Thay vì tôn trọng người Con của chính Ngài, họ giết đi để tranh đoạt gia tài. Họ đã cướp đi quyền thừa kế. Đó là một câu chuyện về sự bất trung đối với lời mời gọi của Thiên Chúa; bất trung với diễm phúc được chọn, với lời hứa và giao ước, là những ân sủng của Chúa.

Họ không hiểu rằng đó là một ân sủng. Họ coi đó là một thứ để chiếm đoạt. Những người này chiếm đoạt ân sủng. Họ đã lấy đi khía cạnh ân sủng để biến nó thành vật sở hữu của riêng mình. Ân sủng vốn phong phú, cởi mở và là một phước lành đã bị đóng lại, đặt bên trong một cái lồng.

Sự quên lãng

Đức Thánh Cha cho rằng sự biến đổi ân sủng thành một vật sở hữu là kết quả của “tội quên lãng”. Chúng ta quên rằng “Thiên Chúa đã trở nên một món quà cho chúng ta để Ngài có thể được trao ban như một món quà. Thay vì đón nhận và trao ban, chúng ta bắt đầu sở hữu món quà ấy.”

Vì thế, lời hứa không còn là lời hứa nữa, việc được chọn không còn là được chọn nữa, giao ước được diễn giải theo ý kiến của riêng tôi. Nó trở thành một hệ tư tưởng.

Nguồn gốc của chủ nghĩa giáo sĩ

Đức Thánh Cha nhận định rằng có thể là Tin Mừng muốn nhắm đến chủ nghĩa giáo sĩ đã có mặt ngay cả vào thời đó. Chủ nghĩa giáo sĩ “luôn luôn phủ nhận” tính nhưng không của lời hứa và việc được chọn. Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành một món quà cho chúng ta, món quà ấy phải được trao ban cách nhưng không cho người khác chứ không phải như thể là một vật thuộc về chúng ta.

Lời cầu nguyện của Giáo hoàng

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin cho chúng ta nhận được ban ân sủng biết đón nhận quà tặng của Thiên Chúa như một món quà và trao ban món quà ấy cho người khác như một món quà chứ không phải là một vật sở hữu, và trao ban món quà ấy cách nhưng không.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giữa cơn dịch cúm: Giáo phận San Jose, Calfornia ngưng các thánh lễ và chương trình mục vụ
Nguyễn Long Thao
20:16 13/03/2020
Đức Giám Mục Oscar Cantu cai quản giáo phận San Jose, thuộc quận hạt Santa Clara miền bắc California, trong ngày 13 tháng Ba năm 2020 đã ra thông báo gửi giáo dân giáo phận San Jose về việc tạm ngưng cử hành các thánh lễ và các chương trình mục vụ trong giáo phận San Jose trong thời gian có dịch cúm Coronavirus.

Thông báo của Đức Giám Mục Cantu, được công bố trên trang nhà của giáo phận Sanjose Xem thông báo của ĐGM Cantu. Thông báo có đoạn viết.

“Ưu tiên hàng đầu của Giáo phận chúng tôi là sức khoẻ và sự an toàn của các gia đình, trẻ em, và những ai dễ bị lây bệnh trong cộng đồng. Với đầy sự thận trọng, chúng tôi đã đóng cửa mọi trường học của Giáo phận kể từ hôm nay, thứ Sáu, 13 tháng 3, cho đến thứ Sáu, 27 tháng 3.

Thêm vào đó, tôi yêu cầu tất cả các giáo xứ, họ đạo, và các nhà nguyện trong Giáo phận San Jose tạm ngưng tất cả các Thánh lễ chung, kể từ thứ Bảy, 14 tháng 3, cho tới khi có thông báo mới. Các nghi lễ Rửa tội, lễ Hôn phối, lễ An táng có thể được cử hành, nhưng chỉ giới hạn cho những người trong gia đình. Các lớp Giáo lý cũng sẽ tạm ngưng cho tới khi có quyết định mới.

Tất cả những cuộc tụ họp của các xứ đạo cũng tạm ngưng cho tới khi có thông báo mới.

Với những quan tâm nói trên, tôi miễn chuẩn việc tham dự Thánh lễ cho mọi người Công Giáo trong Giáo phận San Jose trong giai đoạn này”.


Tưởng cũng nên nói thêm, nhằm giới hạn dich cúm lây lan, Thị Trưởng thành phố San Jose đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc tụ họp có trên 250 người trong thời gian San Jose đang trải qua dịch cúm Coronavirus.

Nguyễn Long Thao