Ngày 13-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca Chúa Nhật 5 mùa chay B
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:16 13/03/2018
Chúa Nhật 5 MÙA CHAY. B

(Ga 12, 20-33)

HIẾN TẾ

Chu toàn sứ mệnh Cha trao,
Giê-su Cứu Thế, bước vào chông gai.
Hy sinh dâng hiến ngày mai,
Nhục hình chịu chết, mở khai Nước Trời.
Con Người dấn bước vào đời,
Chôn vùi sự sống, rạng ngời phục sinh.
Hạt mì gieo xuống lặng thinh,
Nẩy mầm sinh hạt, muôn hình đổi thay.
Ai yêu sự sống hôm nay,
Ngày mai sẽ mất, đời này đời sau.
Tâm hồn xao xuyến đớn đau,
Xin vâng chén đắng, sẽ mau tới gần.
Xin Cha cất khỏi tội trần,
Chu toàn thánh ý, chịu phần gian lao.
Vinh danh Chúa cả trên cao,
Muôn lời chúc tụng, tuôn trào thánh ân.


Chúa Giêsu ví mình như hạt miến được chôn vùi xuống đất và thối đi để sinh nhiều bông hạt. Một hình ảnh rất sống động trong cuộc sống. Chúng ta có thể quan sát mọi loại hạt giống, nếu muốn được lưu truyền, hạt giống cần được gieo trồng, chôn vùi và tan rữa để trở thành mầm cây mới. Sự sống con người cũng thế, cần vượt qua sự chết, linh hồn mới thanh thoát trong sự sống mới vĩnh cửu.

Trong những ngày cuối của hành trình rao giảng, Chúa Giêsu cảm thấy xao xuyến. Hướng đến những ngày sắp tới Chúa phải đối diện với khổ đau và sự chết. Chúa đã vén mở mục đích của mầu nhiệm nhập thể. Chúa đến để làm vinh danh Chúa Cha. Chúa sẽ hiến dâng mình làm của lễ hy sinh đền tội trên thánh giá và từ đó Chúa sẽ kéo mọi người lên cùng Chúa.

Chúa đến để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu chấp nhận thân phận một người tôi tớ. Như tiên tri Isaia đã nói về người tôi tớ: “Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi.” (Is. 52,7). Đây chính là hình ảnh Chúa Giêsu khi bị điệu đến trước quan tòa. Chúa âm thầm chịu đựng từng giây phút khổ đau trong sự khinh bỉ và chế nhạo.

Con đường cứu độ là con đường của thập giá. Cuộc sống của chúng ta phải chịu hao mòn, chịu thiệt thòi và chịu tan biến trong tình yêu. Chúa phán: “Không có tình yêu nào cao trọng hơn tình yêu của kẻ dám thí mình vì bạn hữu”. Chúa hiến thân vì yêu. Vì yêu, Chúa muốn chúng ta cùng được chia xẻ hạnh phúc với Ngài trong Nhà Cha.

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, cao điểm của các nghi lễ phụng vụ. Mầu Nhiệm cứu độ sẽ được lập lại qua việc cử hành tưởng niệm Chúa chịu đau khổ, chịu chết và sống lại vinh quang. Chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm tình yêu cao cả. Hãy thả mình trong biển tình yêu để gẫm suy về lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa, xin giúp còn ngước nhìn lên thánh giá. Chúa đang mời gọi: “Hãy đến với Ta hỡi những ai gồng gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho.”(Mt.11,28).


THỨ HAI, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 1-11).
PHẠM TỘI
Quả tang phạm tội ngoại tình,
Đặt nàng trước mặt, khảo hình xót xa.
Thưa Thầy, xin xét tội bà,
Có nên ném đá, để mà nêu gương.
Giê-su cúi xuống bên đường,
Ngón tay viết chữ, vấn vương sự đời.
Người ta hạch hỏi đôi lời,
Chúa đành lên tiếng, cao vời biết bao.
Ai người sạch tội tự cao,
Tự mình ném đá, khai mào trước đi.
Lặng im tâm trí chai lì,
Trẻ con người lớn, thực thi xét mình.
Rút lui trật tự bình sinh,
Những người tố cáo, thật tình ăn năn.
Chúa nhìn thiếu phụ băn khoăn,
Thầy không kết án, điều răn giữ tròn.



THỨ BA, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 21-30).
THƯỢNG GIỚI
Trời cao Chúa ngự thiên tòa,
Hạ thân giáng thế, để mà độ nhân.
Rao truyền sứ mệnh gian trần,
Hy sinh chịu chết, vô ngần yêu thương.
Ngày đi giờ đến khôn lường,
Thực hành thiên ý, mở đường quang vinh.
Thương nhìn hạ giới sinh linh,
Chúa từ thượng giới, dủ tình thương yêu.
Ngay từ nguyên thủy thiên triều,
Suối nguồn sự sống, huyền siêu cao vời.
Ngôi Lời mạc khải cho đời,
Quan phòng cứu độ, cho người trần gian.
Chúa Cha ân sủng thương ban,
Mở đường dẫn lối, đổ tràn phúc ân.
Đất trời hòa hợp canh tân
Ngôi Con vinh thắng, triều thần hân hoan.



THỨ TƯ, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 31-42).
TỰ DO
Các ngươi cứ ở trong Ta,
Tin vào sự thật, mưa sa phúc lành.
Tâm hồn giải thoát lòng thanh,
Tự do sinh sống, thực hành đại bi.
Chúng tôi đâu phải nô tỳ,
Nhóm dân đáp lại, lầm lì kiêu căng.
Nếu ai phạm tội lăng nhăng,
Trở thành nô lệ, Sa-tăng dẫn đời.
Chúa Con giải thoát con người,
Tự do đích thực, gọi mời dấn thân.
Tự hào dòng dõi hiền nhân,
Ab-ram tổ phụ, dự phần phúc vinh.
Tại sao chống đối biểu tình,
Ta là nhân chứng, kết tình yêu thương.
Cha ông tín thác tựa nương,
Mong ngày cứu độ, tán dương Chúa Trời.



THỨ NĂM, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 8, 51-59).
HẰNG HỮU
Nếu ai vâng giữ lời Ta,
Muôn đời được sống, bên Cha nhân hiền.
Những người Do-thái ngạc nhiên,
Tiên tri tổ phụ, qui tiên lìa đời.
Ab-ram đã chết một thời,
Bộ ông cao trọng, hơn người trần ai.
Cho rằng thân phận là ai?
Xưng mình cao cả, thiên sai từ trời.
Các người không biết Ngôi Lời,
Đến từ Thiên Chúa, mọi thời chờ mong.
Phần Ta thông biết trong lòng,
Nguôn ơn phúc cả, theo dòng thời gian.
Cha ông nguyện ước miên man,
Vui mừng chứng kiến, ơn ban bởi trời.
Cha Ta hằng có đời đời,
Ta là Con Một, rạng ngời thánh nhan.



THỨ SÁU, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 10, 31-42).
NGÔI CON
Nhóm dân ném đá Ngôi Lời,
Nhạo cười phỉ báng, tạo khơi mối thù.
Lòng dân bao phủ mây mù,
Bịt tai la hét, dập trù chính nhân.
Chúa làm việc tốt cho dân,
Cứu người chữa bệnh, xác thần giải vây.
Dạy lời hằng sống dựng xây,
Mở đường chân lý, đong đầy tin yêu.
Người ta từ chối thiên triều,
Cứng lòng phản phúc, đặt điều cáo gian.
Diệt trừ nhân chứng Cha ban,
Cùng nhau giết chết, mê man thế trần.
Hóa thành nhục thể xác thân,
Những lời mạc khải, xuất thần cao siêu,
Con người dương thế tự kiêu,
Chúa đành im lặng, vì yêu hiến mình.



THỨ BẢY, TUẦN 5 MÙA CHAY
(Ga 11, 45-56).
HY SINH
Thành phần quản trị trong ban,
Các thầy Thượng tế, họp bàn thực thi,
Nhóm người Biệt phái phụ tùy,
Đưa vào Công nghị, diễn suy tìm tòi.
Đi tìm chứng cớ châm ngòi,
Thực thi ý định, dẫn soi trí lòng.
Chúng ta xử trí cho xong,
Một người phải chết, thỏa lòng ghét ghen.
Cai-pha thượng tế thấp hèn,
Loại trừ Cứu Chúa, muối men cuộc đời.
Xầm xì dư luận dậy khơi,
Cố tìm tiêu diệt, kết đời sứ ngôn.
Giê-su lặng lẽ ôn tồn,
Chu toàn thánh ý, giữ hồn bình an.
Xin vâng chén đắng Cha ban,
Hiến mình hy tế, gian nan tội hình.



Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 
Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:17 13/03/2018
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay – năm B

(Ga 12, 20 - 33)

Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi "Mừng Vui Lên" tuần trước khuyến khích chúng ta tiếp tục tiến lên không ngừng nghỉ trên con đường ăn năn đền tội, cải đổi đời sống để chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Việc đền tội này xảy đến trong Mùa Chay lúc mà sự mệt nhọc không làm giảm bớt, nhưng đúng hơn gia tăng niềm vui được đến gần mục đích.

Giao ước mới được ký kết

Kể từ khi dân Israel quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài bị nhiều lần gián đoạn, do dân lỗi lời giao ước. Vì thế Chúa đã dùng miệng các tiên tri để phán dạy và trao ban một điều căn bản mới.

Trong Cựu Ước Giêrêmia là người duy nhất nói về "giao ước mới", nên lời của ông rất quan trọng, tại sao vậy? Vì lời ấy trình bày một sự thay đổi căn bản trong tương quan giữa Thiên Chúa với con cái Israel.

Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa ban hành Luật với một cách thức và công thức mới. Thiên Chúa sẽ ghi tạc vào lòng con cái Israel (Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (Gr 31, 34) không qua trung gian : "Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em " (Gr 31, 34) theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên : "Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta" (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước "khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân" (Gr 31, 34 ). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong "giai đoạn" vượt qua.

Hoán cải tận con tim

Điều cần thiết hơn cả để đi vào trong giao ước là hoán cải, hoán cải để được Chúa thứ tha và làm mới lại giao ước. Tác giả Thánh Vịnh khơi dậy lòng thương xót của Thiên Chúa khi thứ tha tội lỗi cho dân. Trong Kinh Thánh có nhiều hình ảnh về sự tha thứ như : Thiên Chúa xóa, rửa và tẩy sạch, nên cũng có nhiều cách thế diễn tả sự đổi thay nơi con người được tha thứ. Nhưng sâu xa hơn cả là sự tái sinh: “Xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con” (Tv 50, 12-13). Quả tim trong Kinh Thánh không chỉ là nơi chứa đựng cảm xúc nhưng còn là nơi chất chứa sự thông minh và đưa ra những quyết đoán nữa. Người có lòng trong sạch thì luôn hướng trọn về Chúa. Thần khí (trong tiếng Do Thái ) là hơi thở, sự sống và nguyên lý sáng tạo. Tác giả Thánh Vịnh thưa với Chúa khi nói về các vật sống : " Người rút lại hơi khí của chúng, chúng liền tắt thở, chúng sẽ trở về với đất bụi ! Người sai khí của Người, chúng được tạo thành và Người đổi mới mặt đất "(Tv 103, 29-30). Giống như các tội nhân được tha thứ, từ tội nhân, họ có thể trở thành chứng nhân của lòng thương xót Chúa.

Sống sự sống của hạt lúa mì

Khi những người Hy Lạp đến xin được gặp Chúa Giêsu tại Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua, họ nói với ông Philipphê rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Ga 12, 24). Ước muốn nơi những người Hy Lạp mong gặp Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Người đã nhận được câu trả lời long trọng của Chúa Giêsu như sau: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga 12, 23). Thử hỏi Chúa Giêsu muốn nhắc đến "giờ" nào đây? Khung cảnh lúc đó giúp chúng ta biết rõ rằng: Ðây là "Giờ" Mầu nhiệm và long trọng về cái chết và sống lại của Chúa.

Bằng một ẩn dụ về hạt lúa mì, Chúa Giêsu dùng với hình ảnh giầu biểu cảm về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự biến đổi từ cõi chết qua cõi sống, tự nhiên nói lên tất cả. Chúng ta ghi nhận sự đảo ngược ý nghĩa của lễ Phục Sinh: mất sự sống mình, để lấy lại. Đây là hình ảnh dễ hiểu, phát xuất từ kinh nghiệm tự nhiên. Chắc chắn, "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình"(Ga 12, 24). Để sinh tồn nó phải mục nát. Tiếp theo là sự so sánh ít thuyết phục của Chúa Giêsu khi chúng ta chưa có kinh nghiệm về chính mình : "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời " (Ga 12, 25). Nhưng nếu chúng ta suy tư về cái chết của người khác thì sẽ thấy không ai mang được điều gì mình đã chiếm hữu hay yêu thích khi còn sống. Sự mất mát này còn lớn hơn đối với những người đã đặt đời mình vào mọi sự ở trần gian.

Không giống như các Phúc Âm Nhất Lãm, nơi Tin Mừng Gioan không có cảnh Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giệtsimani. Nhưng cảnh này cách nào đó, ở đây Chúa Giêsu nói "xao xuyến" và nói đến "giờ" của mình. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? (Ga 12, 27) Người xin Chúa Cha "cứu khỏi giờ này?" (Ga 12, 27) Người không trối giờ này, khi xin Cha tôn vinh "danh Cha", thể hiện vinh quang Cha, nghĩa là sự sống và quyến năng thần linh của Cha nơi Đức Giêsu. Một dấu chỉ trao ban được Chúa Cha chấp nhận. Bản văn kết thúc với một "lời tiên tri" của Chúa Giêsu tuyên bố Người phải chết cách nào. Lời này đã có từ câu đầu của Tin Mừng: " Đã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga 12, 23).

Mong gặp Thấy Chúa Giêsu giống như nhóm người Hy Lạp xưa kia. Chúng ta đã nhìn thấy Chúa qua đôi mắt đức tin, nhìn nhận Người là Ðấng Thiên Sai, đã chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Vậy chúng ta hãy để cho Chúa chiếm lấy và đã trở thành môn đệ Người.

"Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta " (Ga 12, 32). Thật vậy, chính từ trên thập giá mà Chúa Giêsu sẽ mạc khải cho thế gian biết tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại đang cần ơn cứu rỗi. Thiên Chúa là Chúa duy nhất của chúng ta, chúng ta là dân Ngài. Giao ước tình yêu bền vững giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.

Nhờ tham dự vào Mầu Nhiệm Thương Khó của Chúa Kitô, mà chúng ta có thể sống sự phong phú của hạt giống gieo xuống đất, và được Chúa đón nhận vào trong Vương Quốc trên trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật V Mùa Chay B. 25.3.2018
Lm Francis Lý văn Ca
13:11 13/03/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta đã và đang cùng với Giáo Hội tiến dần đến những ngày của Tuần Thánh và Phục Sinh. Sứ điệp Đức Kitô trong những lời Ngài rao giảng mỗi ngày một rõ rệt hơn.

Chúa dùng dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất, phải chết đi, rồi nẩy mầm lớn lên, trổ sinh nhiều bông hạt.... để sánh ví với cái chết mà Ngài phải đương đầu trong những ngày sắp tới. Qua ý nghĩa dụ ngôn nầy, Chúa mời gọi chúng ta phải chết cho chính mình, từ khướt tội lỗi, thống hối và làm lại cuộc đời. Chỉ còn một tuần nữa, chúng ta sẽ bước vào Tuần Thánh, còn gọi là Tuần Thương Khó hay Tuần Chịu Nạn. Một tuần với bao nghi lễ đặc biệt của Giáo Hội cử hành như nhắc nhở chúng ta về biến cố Chúa chịu chết và sống lại, và qua biến cố nầy, chúng ta được cứu rỗi. Mỗi người trong chúng ta, cố gắng mời gọi những anh chị em Công Giáo về tham dự những lễ nghi của cộng đoàn xứ đạo trong tuần lễ sắp tới, để họ cùng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với những người chúng ta yêu mến.

Cùng một Giáo Hội Việt Nam, chúng ta hiệp thông trong lời cầu nguyện với Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã và đang chuẩn bị Lễ Nghi An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi văn Đọc đã qua đời tại Thánh Đô Rôma trong dịp triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng với Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đây là một mất mác lớn lao không những cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Gia Đình-Dòng Tộc của Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô mà con cho cả Giáo Hội Việt Nam. Xin cho những nghi lễ của Tuần Thánh-Tuần Chịu Nạn là những của lễ hiến dâng của toàn thể Dân Thánh Chúa, dâng lên trước tôn nhan Chúa là Cha đầy lòng thương xót để cầu cho linh hồn của Đức Cố Tổng Phaolô được đoàn tụ cùng vị Mục Tử Nhân Lành trên thiên quốc trong Mùa Phục Sinh đang đến.



Với tất cả tâm tình chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bước vào thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:

Chúa hứa qua tiên tri Jêrêmia, Ngài sẽ thiết lập giao ước với nhân loại. Giao ước đặt căn bản nơi tâm hồn và trí khôn. Qua giao ước nầy chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn.

TRƯỚC BÀI II:

Chúa Giêsu là nguồn mạch của sự cứu rỗi. Qua sự khổ nạn, Chúa đã mang đến cho con người ơn cứu độ. Đời sống của người tín hữu tại thế cũng sẽ trải qua đau khổ trước khi vào vinh quang.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:

Chúa dùng dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất, phải chết đi... Qua hình ảnh nầy thánh Gioan muốn ám chỉ Đức Kitô phải trải qua sự đau khổ và chết để nhân loại được cứu thoát.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.



Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta đang chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong những ngày sắp tới. Chúng ta cầu xin Chúa cho thế giới, được thấm nhuần mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa:

1. Là những phần tử trong đại gia đình Giáo Hội, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Xin cho mỗi việc chúng ta làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi tha nhân. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con



2. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em tân tòng, đang chuẩn bị để lãnh nhận bí tích rửa tội trong Mùa Phục Sinh. Xin Chúa chúc lành cho bước đường họ đang đi tìm Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin



Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Qua sự hiệp thông và chia sẻ Lời Chúa và Bánh Hằng Sống mỗi ngày Chúa Nhật, xin Chúa giúp chúng ta luôn nối kết với nhau trong tình tương thân tương ái và giúp nhau thăng tiến. Chúng ta cùng nguyện xin



Xin Chúa nhậm lời chúng con



4. Xin Chúa ban ơn để chúng ta tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải trong Mùa Chay và Phục Sinh năm nay. Đồng thời, gặp gỡ anh chị em trong sự chia sẻ những hồng ân Chúa ban một cách cụ thể. Chúng ta cùng nguyện xin



Xin Chúa nhậm lời chúng con



5. Hiệp thông với Tổng Giáo Phận Sài Gòn trong những ngày nầy, nguyện cầu Thiên Chúa thương ban cho Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi văn Đọc, đã qua đời tại thánh đô Rôma. Xin cho Ngài và các linh hồn chúng ta nhớ đến trong tuần nầy được đoàn tụ cùng các thánh trên thành thánh Giêrusalm vĩnh cửu.Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

Linh mục:

Chúa đã yêu thương và ban cho mỗi người trong chúng con những ân huệ dồi dào phần hồn cũng như phần xác. Xin cho chúng con biết dùng những ân huệ đó để mưu ích cho phần rỗi của mình cũng như tha nhân. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tu sĩ Dòng Tên người Argentina đã lên ngôi Giáo Hoàng.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:25 13/03/2018
(Vatican News) Cha Bernd Hagenkord thuộc dòng Tên đã nói về quá trình của ĐGH Phanxicô, người Argentina, và nhờ dòng Tên đã giúp tạo nên nhân cách và triều đại của ngài.

Một biên tập viên kỳ cựu của tờ Tin Tức Vatican là cha Bernd Hagenkord đã nhìn ra cách ĐGH Phanxicô diễn tả vui đùa về chính ngài sau kết quả bầu cử là “ đến từ tận cùng của trái đất” làm cho chúng ta hiểu hơn nữa về quá trình của một tu sĩ dòng Tên người Argentina. Mặc dù ĐGH mới được bầu là Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng Giám Mục thành Buenos Aires, một đất nước khá xa Roma về mặt đia lý, nhưng cha Hagenkord nói rằng quá trình của ĐGH hình thành quan điểm của ngài về con người và về thế giới trên nhiều cấp độ khác nhau.

Thế giới theo quan điểm của ngài.

Cha Hagenkord nói rằng cách nhìn thế giới của ĐGH được hình thành tại nơi ngài trưởng thành. Cha mô tả vị Giáo Hoàng tương lai với tư cách là Tổng Giám Mục thành Buenos Aires đã chứng kiến “lần đầu tiên” là sự ảnh hưởng của một chế độ độc tài “tàn bạo” tại quê hương Agrentina của ngài, chứng kiến “ những “ bạo động” và cảnh “người dân bị khổ cực như thế nào.”

Ảnh hưởng dòng Tên.

Là người theo dòng Tên, cha Hagenkord nhìn thấy ĐGH Phanxicô chịu ảnh hưởng của Dòng Tên qua một số cách, trước hết bởi vì “ ngài nói trong 3 điểm”, cũng như “ trong cách ngài giảng dạy và nhìn vào Chúa Giê-su”

ĐGH không sợ hãi.

Khi được hỏi là theo quan niệm cá nhân, điều gì làm cho cha cảm động nhất về triều đại của ĐGH Phanxicô, cha Hagenkord nói rằng tính cách không sợ hãi của ĐGH là nổi bật nhất và cũng vì thế làm cho ngài “đến gần với Chúa Giê-su.”

ĐGH không hề sợ hãi, ngài không sợ… ngài tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm.

Đề cập đến uy tín của ĐGH Phanxicô, cha Hagenkord nhấn mạnh đến cách mà “ Đức Thánh Cha yêu thương mọi người và muốn gần cận với tất cả mọi người” và chính “món quà yêu thương ấy” đã nối kết ngài cũng như thông điệp của ngài đến với tất cả các nền văn hóa.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Karl Lehmann qua đời vì đột quỵ
Đặng Tự Do
15:46 13/03/2018
Đức Hồng Y Karl Lehmann, từng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã qua đời ở tuổi 81.

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai 12 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết ngài đã qua đời một ngày trước đó, tức là hôm Chúa Nhật 11 tháng Ba.

Đức Hồng Y Lehmann đã bị đột quỵ vào vào tháng Chín năm ngoái và trong những ngày gần đây. Khi cái chết của ngài dường như sắp xảy ra, người Công Giáo tại Đức đã cầu nguyện cho ngài.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức nói: “Giáo Hội Đức đang cúi chào cung kính trước một nhân vật có ảnh hưởng đến Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới.”

Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel nói bà rất buồn về cái chết của Đức Hồng Y Lehmann và gọi ngài là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Bà Merkel nói: “Tôi rất biết ơn những cuộc trò chuyện và gặp gỡ tốt đẹp của chúng tôi qua nhiều năm.” Bà gọi ngài là một nhà trung gian có năng khiếu đặc biệt, giữa người Công Giáo Đức và Rôma, theo tinh thần phong trào đại kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo, cũng như giữa Kitô hữu và tín đồ các tôn giáo khác.

Đức Hồng Y Lehmann sinh ngày 16 tháng 5 năm 1936 tại thị trấn Sigmaringen, tây nam Đức. Ngài là giáo sư thần học và được bổ nhiệm làm Giám mục của Mainz năm 1983.

Là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Đức, ngài đã lãnh đạo Giáo Hội tại Đức với hơn 23 triệu người Công Giáo trong 20 năm.

Lễ tang của ngài được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 tại Nhà thờ Mainz.
Source: Catholic Herald Cardinal Lehmann, former German bishops’ conference head, dies aged 81
 
Đức Thánh Cha chia buồn với Giáo Hội Đức trước cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann
Đặng Tự Do
16:04 13/03/2018
Trước cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann, Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa San Leone, Giám Mục Hiệu Tòa Mainz, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện cho Đức Cha Peter Kohlgraf, là giám mục của Mainz. Nội dung bức điện như sau:

Điện tín của Đức Thánh Cha

Ngày 12 tháng Ba, 2018

Thưa Đức Cha
Peter Kohlgraf
Giám mục Mainz

Tôi đã nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann với nỗi buồn. Tôi xin bày tỏ những lời chia buồn chân thành đối với các bạn và với các tín hữu của giáo phận Mainz, và bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho vị Hồng Y quá cố mà Chúa đã gọi về với Ngài sau một thời gian bệnh nặng và đau khổ.

Trong hoạt động lâu dài của mình với vai trò một nhà thần học và một giám mục, và với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, ngài đã giúp định hình cuộc sống của Giáo hội và của xã hội. Trái tim của ngài luôn mở ra đối với những vấn nạn và thách thức của thời đại, và đưa ra các câu trả lời và hướng dẫn khởi đi từ sứ điệp của Chúa Kitô, để đồng hàng cùng người dân trên con đường của họ, tìm kiếm những gì hiệp nhất họ vượt ra ngoài giới hạn của các lời tuyên bố, niềm tin và thực tại.

Nguyện Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, ban cho tôi đầy tớ trung tín sự viên mãn và sự sống trọn vẹn trong vương quốc trên trời.

Tôi chân thành ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em và cho tất cả những ai đang than khóc và thương tiếc Đức Hồng Y quá cố trong lời cầu nguyện.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Source: Holy See Press Office Telegram of condolences of the Holy Father for the death of His Eminence Cardinal Karl Lehmann, 12.03.2018
 
Mừng 5 Năm Đức Phanxicô cai quản Giáo Hội
Vũ Văn An
16:52 13/03/2018
Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Bergoglio được mật nghị Hồng Y bầu làm giáo hoàng, lấy hiệu là Phanxicô. Đến nay, chẵn 5 năm.



Nhân dịp này, ngoại trưởng Rex Tillerson, đại diện chính phủ Hoa Kỳ gửi điện chúc mừng: “Nhân danh Chính Phủ Hiệp Chúng Quốc, tôi gửi lời chúc mừng đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm năm thứ năm ngày ngài được bầu vào Tòa Rôma.

“Cùng nhau, Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh là một lực lượng phi thường tạo điều thiện khi chúng ta làm việc để thăng tiến tự do tôn giáo và các nhân quyền.

“Và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực, chiến đấu chống nạn buôn người, ngăn cản việc lan truyền bệnh tật, và tìm các giải pháp hoà bình cho các cuộc khủng hoảng khắp thế giới”.

Ngoại trưởng Tillerson nói rằng cuộc gặp gỡ có tính lịch sử của Tổng Thống Donald Trump với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông tháng Năm năm 2017 làm nổi bật tầm quan trọng của sự hợp tác này.

Ngoại Trưởng Tillerson nói: “tôi tham gia với hàng triệu người Hoa Kỳ trong việc chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm này và mong được tiếp tục làm việc với nhau để cổ vũ hoà bình, tự do, và nhân phẩm khắp thế giới”.

Trong khi ấy, nhận định về triều giáo hoàng Phanxicô, sau 5 năm trị vì, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong một cuộc phỏng vấn của VaticanNews, công bố ngày 13 tháng Ba, 2018, cho rằng “đặc điểm nền tảng của triều giáo hoàng này chính là niềm vui, một niềm vui hiển nhiên không phát sinh từ sự bất cẩn, mà từ sự kiện biết rằng mình được Chúa yêu thương”.

Các đặc điểm khác là lòng thương xót và phúc âm hóa. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tới phương thức “nhìn ra ngoài” của Giáo Hội ngày nay và cho rằng phương thức này “có thể gây nên những phán đoán khác nhau, mâu thuẫn nhau và đôi khi chống đối nhau” dẫn đến phê bình chỉ trích.

Đức Hồng Y nói thêm rằng “Theo một nghĩa nào đó, việc ấy bình thường thôi, tôi nghĩ vậy, thực tế là mọi triều giáo hoàng đều bị chỉ trích cả. Còn đối với sự chỉ trích, tôi muốn phân biệt giữa các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn, thực sự xấu xa... và những lời chỉ trích xây dựng”.

Ngài cho rằng ta cần chấp nhận các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn “in Cruce” (bằng Thánh Giá): “hãy coi chúng như một phần của mão gai mà chúng ta phải đội, nhất là những ai có trách nhiệm trong Giáo Hội và do đó cũng có một vai trò công cộng”.

Còn đối với các lời chỉ trích xâu dựng, “Tôi tin rằng ta cần lưu ý vì nó có thể hữu ích, như một khí cụ để cải tiến, thậm chí cải tiến việc phục vụ của ta. Tôi cho rằng về nền tảng, lời chỉ trích xây dựng là lời chỉ trích phát xuất từ một thái độ yêu thương và nhằm xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội”.
 
Ba “giám mục” Trung Quốc tham gia trong Quốc Hội, bỏ phiếu cho Tập Cận Bình làm “Đại Đế muôn năm”
Đặng Tự Do
16:56 13/03/2018
Có ít nhất là 3 giám mục Công Giáo trong số các đại biểu của Quốc hội Nhân dân khóa 13 vào ngày 11 tháng Ba đã đưa ra quyết định lịch sử nhất tề chấp nhận cùng một lúc 21 tu chính án sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc, bao gồm việc cho phép một nhiệm kỳ vô hạn của Tập Cận Bình.

Sự thay đổi quan trọng nhất trong bản sửa đổi lần thứ năm trong lịch sử Hiến pháp Trung Quốc là điều khoản “sanweiyiti” (ba chức vụ trong tay của một người). Tập Cận Bình được giao giữ cả 3 chức vụ: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, tất cả đều không có giới hạn thời gian, làm đến khi nào chán thì thôi.

Trước khi có sự sửa đổi này, chức vụ Chủ tịch nước bị giới hạn tối đa là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm.

Sự sửa đổi này đã gây ra tranh cãi lớn trong và ngoài Trung Quốc kể từ cuối tháng Hai. Những người phản đối đã nhạo báng Tập Cận Bình muốn làm “Đại đế Tập muôn năm”. Danh hiệu này cũng được sử dụng như một tag trên Facebook của một chương trình truyền hình RTHK ở Hồng Kông nhưng sau đó bị xóa đi. Những ai ở Trung Quốc tìm trên Google những từ như “emperor” đều bị chặn.

Những sửa đổi này là những thay đổi hiến pháp lớn nhất trong 36 năm qua tại Trung Quốc.

Ba “giám mục” Trung Quốc tham gia vào Quốc hội Nhân dân khóa 13 nói trong cuộc phỏng vấn hôm 9 tháng Ba với tờ Hoàn Cầu Thời Báo là họ ủng hộ những thay đổi lịch sử này và kêu gọi người Công Giáo Trung Quốc cũng ủng hộ Tập Cận Bình.

Trong ba ông này, nổi nhất là ông “giám mục” Giuse Huỳnh Bỉnh Chương (Joseph Huang Bingzhang), là người đã bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 dứt phép thông công vào năm 2011, nhưng nay Đức Cha Phêrô Trang Kiện Kiện (Peter Zhuang Jianjian) đang bị buộc phải giao lại giáo phận Sán Đầu cho ông này chăn dắt.

Ông nổi bật thứ hai là “giám mục” Quách Kim Tài (Guo Jincai) của giáo phận Thừa Đức, là người bị dứt phép thông công vào năm 2011 sau khi được truyền chức Giám Mục trái phép vào năm 2010 để cai quản một giáo phận ma. Cha Federico Lombardi, lúc ấy là giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, khẳng định rằng trong Giáo Hội Công Giáo chẳng làm gì có cái giáo phận Thừa Đức. Quách Kim Tài, tổng thư ký hội đồng giám mục do chính phủ kiểm soát, cũng đang chờ đợi Toà Thánh công nhận ông ta cùng với cái giáo phận Thừa Đức do Hội Công Giáo Yêu Nước tạo ra.

Ông thứ ba là “giám mục Phêrô Phương Kiến Bình” (Fang Jianping), là một giám mục bất hợp pháp được tấn phong vào năm 2000, đã được Tòa Thánh ân xá. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo Trung Quốc chỉ trích việc tha thứ này đã diễn ra quá sớm. Đúng thế, Phương Kiến Bình không hề hối hận và đã lấy vợ sau khi được ân xá.

Phát biểu với các phóng viên bên lề của Quốc hội Nhân dân khóa 13 về việc người Công Giáo Trung Quốc cần hỗ trợ Tập Cận Bình, “Đức cha” Phương Kiến Bình, khẳng định “dĩ nhiên rồi”, và lưu ý rằng “trong tư cách một công dân của một quốc gia, nghĩa vụ công dân phải được đặt trước mọi tôn giáo và mọi niềm tin.” Khi được hỏi Đức Chúa Trời hay Đảng Cộng sản ai quan trọng hơn, “Đức cha” Phương Kiến Bình, là phó chủ tịch hội đồng giám mục Trung Quốc, nói hôm 9 tháng 3, “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa và trả lại cho đất nước những gì của đất nước.”


Source: AsiaNews Three bishops among assembly that made Xi Jinping president for life
 
Toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò
Đặng Tự Do
17:23 13/03/2018

Kính gởi Đức Ông Dario Edoardo Viganò
Vụ trưởng, Vụ Truyền thông Tòa Thánh


Vatican, ngày 7 tháng 2 năm 2018

Thưa Đức Ông,

Cảm ơn Đức Ông vì bức thư tử tế của Đức Ông ngày 12 tháng Giêng và món quà kèm theo là mười một tập sách nhỏ do Roberto Repole biên soạn.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Đức Ông muốn phản đối và phản ứng lại với định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể, trong khi tôi chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay .

Những quyển sách nhỏ cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người được đào tạo sâu về triết học và thần học, và vì vậy chúng giúp cho thấy sự liên tục bên trong giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp những khác biệt về phong cách và tính khí.

Tuy nhiên, tôi không muốn viết một đoạn văn ngắn và nặng về thần học vì trong suốt cuộc đời, tôi luôn rõ ràng rằng, tôi chỉ viết và bày tỏ ý kiến bản thân mình trên những quyển sách mà tôi đã đọc thật kỹ. Chẳng may, vì những lý do thể chất, tôi không thể đọc 11 tập sách này trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là vì còn những công việc khác mà tôi đã hứa thực hiện.

Tôi chắc chắn Đức Ông sẽ thông cảm và thân ái chào Đức Ông.

Bênêđíctô XVI


Source: National Catholic Register Full Text of Benedict XVI’s Letter to Msgr. Viganò
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Cầu Hồn Cho Đức Cố Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn Tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam
Trương Cao Minh Trí
10:11 13/03/2018
Sáng ngày 13/3, trong niềm tiếc thương vô hạn đối với Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Thánh lễ đồng tế cầu hồn cho Ngài đã được cử hành trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam với chừng 100 linh mục, tu sĩ nam nữ các Hội Dòng và đông đảo giáo dân.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, linh mục chủ tế Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế đã thay mặt Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng gửi lời chia buồn đến Tổng Giáo phận Sài Gòn, gia đình linh tông huyết tộc và thân bằng quyến thuộc của Đức Cha Phaolô trước sự ra đi đột ngột của Ngài. Cha Antôn nhấn mạnh đây không chỉ là mất mát của Tổng Giáo phận Sài Gòn, mà còn là của toàn thể Giáo hội Việt Nam. Ngài cũng là người con xuất thân từ Giáo xứ An Lộng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thuộc Tổng Giáo phận Huế. Ngài cũng đã từng nhiều năm là Giáo sư môn Kitô học tại Đại Chủng viện Huế.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha Giuse Hồ Thứ, giám đốc Đại chủng viện Huế đã dùng dụ ngôn Mười trinh nữ của Chúa Giêsu để nhắc nhở toàn thể cộng đoàn phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa đến. Cái chết có thể đến một cách bất ngờ vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Sự ra đi đột ngột của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô là một minh chứng sống động về cái chết bất ngờ. Ngài qua đời trong lúc cùng với các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện chuyến hành hương Ad Limina viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Khi nghe tin, ai cũng bàng hoàng, rúng động. Họ cảm thấy thân phận con người ở dưới trần gian thật mỏng manh, yếu đuối. Thông qua cái chết của Đức Cha Phaolô, Chúa muốn chúng ta hiểu được không ai trong chúng ta tránh khỏi được ngày tận thế, cái ngày mà tất cả mọi người đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa.

Về chi tiết bình dầu trong dụ ngôn Mười trinh nữ, cha Giuse đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của nó đến mức định đoạt số phận của năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Theo Ngài, cái bình dầu tượng trưng cho tình yêu, đức ái của mỗi con người. Chúng ta không thể đợi đến lúc ra trước tòa phán xét mới dùng bình dầu đó, mà chúng ta phải dùng trong suốt cuộc đời trên trần thế, giống như năm cô khôn ngoan luôn mang dầu bên mình để chờ đợi chàng rể, còn năm cô khờ dại khi chàng rể sắp đến mới vội vã đi mua dầu, thế là cánh cửa của buổi tiệc khép lại với năm cô khờ dại.Có thể nhiều người trách năm cô khôn ngoan lúc tối lửa tắt đèn tại sao không chia sẻ chút dầu cho năm cô khờ dại, nhưng điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu đó là cái chết và sự phán xét là của bản thân mỗi người, chúng ta phải tự gánh lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình vì khi ra trước tòa không ai có thể nhờ ai được bất cứ điều gì.

Dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, chúng ta tưởng nhớ về một vị mục tử nhân lành, trung tín và là một giáo sư thần học danh tiếng. Chắc chắn không ai trong chúng ta có quyền phong thánh cho Đức Cha Phaolô cũng như không thể ca ngợi Ngài một cách quá đà, nhưng qua những chứng từ, qua những người học trò cũng như những người bạn của Ngài, chúng ta biết được điều nổi bật nhất của Đức Cha Phaolô đó là niềm vui. Ngay cả trong những ngày cuối đời, cùng với anh em Giám mục đang hiện diện tại Roma, Ngài vẫn thoáng lên một niềm vui sâu xa. Ngài đổ cái bình dầu yêu thương của Ngài cho mọi người xung quanh, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nói về người bạn thân của mình vừa mới qua đời, chia sẻ trong bài giảng lễ đưa chân tại Roma ngày 10 tháng 3 vừa qua, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang cho rằng: “Đức Tổng Phaolô luôn đến với mọi người, bất kể người đó là ai, trong tâm hồn của Ngài không có ai là kẻ thù”, vì Thiên Chúa của Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.Chúng ta cảm tạ Chúa vì biết bao muôn ơn lành Chúa đã ban xuống trên Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô, một tôi tớ trung thành của Ngài, và như lời của Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh: “Đối với một Giám mục, được chết tại Roma, tại phần mộ của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô thật là một hồng ân cao cả hiếm khi Chúa ban tặng cho ai”. Mà Ngài đã dành hồng ân đó cho Đức Cha Phaolô, điều đó chứng tỏ tình yêu của Chúa dành cho Đức Cha lớn lao đến dường nào. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm và thiếu sót cho Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc khi còn ở dưới thế, để Ngài sớm được về với Chúa trên quê trời.

Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc sinh năm 1944 tại Đà Lạt, quê quán thuộc giáo xứ An Lộng, Quảng Trị, Tổng Giáo phận Huế. Từ năm 1956 – 1964 theo học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, sau đó du học tại Roma. Năm 1970 thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt. Năm 1999 được bổ nhiệm làm Giám mục Mỹ Tho, lễ thụ phong do Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong. Năm 2013 Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đồng thời bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó Phaolô làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Từ 2013 – 2016, Ngài giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trương Cao Minh Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tứ trụ triều đình Việt Cộng đi đâu rồi ???
Đinh Văn Tiến Hùng
10:17 13/03/2018
Tứ trụ triều đình Việt Cộng đi đâu rồi ???
-Hàng không mẫu hạm đến nơi,
Dân ta phấn khởi kêu mời đi xem,
Nhìn tàu Mỹ quốc thấy quen,
Những chàng thủy thủ lại đem nụ cười,
Dân mình chào đón vui tươi,
‘Nối vòng tay lớn’ dưới trời ca vang (1)

-Bỗng dưng dân chúng ngỡ ngàng,
Chủ nhân ‘tứ trụ’ lang thang nơi nào ?
Ông Trọng cáo bệnh rồi sao ?
Ông Quang đi Ấn khi nào về đây ?
Ông Phúc sửa soạn công du !
Bà Ngân tiếp khách lu bù ngày đêm !
Chỉ còn mấy chú đàn em,
Đại diện tiếp đón không phiền chi đâu.
Người dân hiểu rõ lắc đầu,
Tứ trụ trốn tránh mưu cầu bình an,
Đụng vào anh cả lân bang,
‘Dạy cho bài học’ là tan nát đời. (2)

-Thôi thì anh Mỹ ghé chơi,
Đàn em, dân chúng đón mời thỏa thuê,
Đất trời sông biển bốn bề,
Vui chơi kỷ niệm ngày về mang theo,
Chớ khinh đất nước tôi nghèo,
Vài trăm năm nữa sẽ theo kịp người.
Năm mươi năm cũ qua rồi, (3)
Giờ đây xin cứ hát cười ‘Trống cơm’. (4)

-Nhìn vào sự việc vừa qua,
Việt cộng lưỡng lự để mà vượt qua,
Nhìn gần phải nghĩ đến xa,
Nếu tàu Trung cộng lại qua thình lình,
Việt cộng tứ trụ triều đình,
Chắc là xuất hiện cúi mình hân hoan,
Theo Tàu mất nước chẳng sao,
Còn đảng ta vẫn ‘đỉnh cao loài người’.
Còn theo anh Mỹ khó chơi,
Mất đảng ta sẽ hết thời oai danh !!
Thật là khó xử hai anh,
Đều là anh chị tung hoành bốn phương,
Ngoảnh mặt từ chối khó lường,
Chỉ còn thượng sách con đường giằng co !!!

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*)Ghi chú : (1&4) Ban nhạc Hạm đội Mỹ cùng dân chúng ca 2 bài ‘Nối vòng tay lớn và Trống cơm’
(2) Năm 1979 đàn anh Trung cộng đã dạy đàn em Việt cộng một bài học tại chiến tranh biên giới .
(3)Ngày 8/ 3/1965 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng.
Ngày 5/ 3/2018 Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson ghé Đà Nẵng là 53 năm.












 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Chủ tế rước Lễ nhiều lần trong Thứ Sáu Tuần Thánh được không?
Nguyễn Trọng Đa
10:04 13/03/2018
Giải đáp phụng vụ: Chủ tế rước Lễ nhiều lần trong Thứ Sáu Tuần Thánh được không? Nói thêm về lời nguyện trên dân chúng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Trong một số trường hợp, do linh mục có thể cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh nhiều lần (Thông tư Paschalis Solemnitatis, Đại lễ Phục Sinh, số 43); do phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, và vì vậy không phải là một hành động hiến tế đòi hỏi chủ tế rước lễ cho hợp tính toàn vẹn theo luật Chúa; và do Điều 917 của Bộ Giáo Luật (như được giải nghĩa cách trung thực): "Ngoại trừ quy định ở điều 921, §2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh) - con xin hỏi: liệu linh mục có thể/phải Rước lễ trong khi cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh lần thứ hai không? Liệu các vị khác (thí dụ một phó tế trợ giúp cho cả hai lần phụng vụ như thế) cũng được Rước lễ lần thứ hai không? - G. S., Washington, D.C., Hoa Kỳ.


Đáp: Thông tư Paschalis Solemnitatis (Đại lễ Phục sinh, năm 1988) của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí Tích, số 43, nói:

"43. Các cộng đoàn tu trì ít người, cả giáo sĩ và tu sĩ, và những nhóm giáo dân khác nên tham dự các cử hành Tam Nhật Thánh ở các nhà thờ chính gần đó.

“Tương tự như thế, ở những nơi mà số người tham dự và các thừa tác viên quá ít đến nỗi Tam Nhật Thánh không thể cử hành cách long trọng được, thì họ nên tham dự với các cộng đoàn lớn hơn.

“Cũng vậy, một linh mục phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ, thì thật là thích hợp để mọi người quy tụ lại ở một nhà thờ chính để cử hành Tam Nhật Thánh ở đó.

“Vì lợi ích của tín hữu, ở những nơi mà linh mục phụ trách hai hoặc nhiều giáo xứ, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành cách xứng đáng, long trọng thì việc cử hành Tam Nhật Thánh có thể được lặp lại ở những giáo xứ khác nhau, nhưng phải phù hợp với những qui định đã ban hành.

“Vì vậy, các sinh viên ở chủng viện ‘ước mong sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô cách tròn đầy, và như thế có khả năng truyền dạy những ai mà họ được trao phó chăm sóc mục vụ’. Các ứng sinh linh mục cần được đào tạo cách kỹ lưỡng và toàn diện về phụng vụ. Thật là quan trọng trong suốt những năm đào tạo ở chủng viện, các ứng sinh phải có kinh nghiệm đầy đủ về những cử hành của Đại Lễ Phục Sinh, cách riêng những ai giúp lễ cho những cử hành do Giám mục chủ tế” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Về Thứ Sáu Tuần Thánh, thông tư này cũng nói:

"59. Theo truyền thống xa xưa, hôm nay Hội Thánh không cử hành thánh lễ: Mình Thánh Chúa chỉ được trao cho tín hữu trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà thôi; tuy nhiên, vào bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có thể mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức được” (Bản dịch, như trên).

Chúng ta đang bàn đến một trường hợp đặc biệt, thực sự độc đáo. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng theo ý kiến của tôi, câu trả lời sẽ là tiêu cực, và rằng linh mục không được Rước lễ hai lần vào ngày này.

Trước hết, như bạn đọc của chúng tôi nêu ra, ngoại trừ trường hợp nguy tử, Giáo luật tiên liệu khả năng của việc rước lễ lần thứ hai trong bối cảnh của Thánh Lễ, nhưng đây không phải là Thánh Lễ.

Thứ hai, trong khi ở Thánh Lễ linh mục phải luôn thông truyền trong thừa tác của mình, trong trường hợp này không có nhu cầu nội tại để rước lễ lần thứ hai. Tương tự như vậy, trong trường hợp họa hiếm khi linh mục cử hành cuộc Thương khó lần thứ ba, rõ ràng là một việc rước lễ lần thứ ba là trái với luật. Do đó, việc linh mục rước lễ là không thiết yếu cho cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thứ ba, vào năm 1955, Đức Giáo Hoàng Piô XII khôi phục khả năng rước Lễ trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, sau nhiều thế kỷ không được phép. Mục đích của sự thay đổi này là: "Trên hết, khi sốt sắng rước lễ, được ban cho mọi người trong ngày này, các tín hữu có thể nhận được nhiều hoa trái của công cuộc Cứu độ hơn". Tuy nhiên, khả năng đã và vẫn là bị hạn chế cho sự tham gia vào buổi cử hành, ngoại trừ cho người bệnh. Do các hạn chế này, dường như về vấn đề, Hội Thánh không ủng hộ việc rước lễ nhiều lần vào ngày này.

Cuối cùng: nếu một linh mục phải cử hành nhiều lần cuộc Thương khó của Chúa, thì đó là: "Do nhu cầu số lượng các tín hữu quá đông". Mặc dù ngài thu được nhiều lợi ích tinh thần do sự cống hiến của mình, nhưng động cơ chính của ngài phải là phục vụ các tín hữu.

Hỏi 2: Sau câu trả lời của tôi ngày 27-2 về lời nguyện mùa Chay trên dân chúng, một độc giả ở bang Missouri đã hỏi: "Cha đã nói “Lời mời gọi của phó tế cho dân chúng cúi đầu để nhận phép lành cũng là rất cổ". Con xin hỏi liệu sự cúi đầu ở đây là chỉ cúi đầu nhẹ hay là cúi mình sâu. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 275b nói rằng “thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng”, vì vậy dường như là cũng giống cho cộng đoàn, khi họ nhận phép lành của linh mục vào cuối Thánh lễ. GIRM hay Sách Lễ đều không nói rõ việc con nhận xét. Phần cha, cha nghĩ sao ạ?"

Đáp: Toàn văn điều 275 của Quy chế Tổng Quát Lễ Rôma nói:

"275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:

“a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.

“b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh "Munda cor meum, Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy" và "In spiritu humilitatis, Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận", khi đọc câu trong kinh Tin Kính: "et incarnatus est, Bởi phép Chúa Thánh Thần", khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: "Supplices te rogamus, Chúng con nài xin Cha". Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Như bạn đọc này nhận xét, GIRM không nêu ra bản chất của việc tín hữu cúi đầu vào lúc này.

Tuy nhiên, bởi vì "cúi đầu" được đề cập trong điều 275a rõ ràng chỉ là một cúi đầu ngắn chỉ trong vài ba giây, nên sự cúi mình cho việc nhận phép lành long trọng sẽ rơi tự nhiên vào phạm trù của cúi mình sâu. Điều này cũng là giống như sự cúi mình của thầy phó tế hay của toàn cộng đoàn, khi đọc kinh Tin kính.

Đồng thời, vì không gì được xác định cách cụ thể, không có tiêu chuẩn đặc biệt nào về độ sâu của sự cúi đầu, và mỗi người có thể quyết định điều gì cấu thành cử chỉ thích hợp cho mình vào thời điểm ấy. (Zenit.org 13-3-2018)

Nguyễn Trọng Đa