Ngày 13-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:01 13/03/2009
LÀM RÕ

N2T


Một hôm, sư phụ hỏi đệ tử: “Thiên Chúa có tồn tại không ?”

- “Tồn tại.”
các đệ tử đồng thanh trả lời.

- “Sai.” Sư phụ nói.

- “Không tồn tại.” các đệ tử lập tức chữa lại.

- “Cũng sai.” Sư phụ nói.

- “Đáp án đúng là như thế nào ?”

- “Không có đáp án.”

- “Tại sao ?”


- “Bởi vì không có vấn đề. “ sư phụ nói.

Sau đó, sư phụ giải thích: “Nếu vị ấy vượt qua ngôn từ và khái niệm, căn bản là “không thể nói”, thì các con làm thế nào đặt ra vấn đề chứ.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thiên Chúa thì vượt qua tất cả không gian và thời gian, vượt trên bầu trờ và không giới hạn bởi biển cả hay vũ trụ bao la, vậy thì con người làm thế nào để đặt ra vấn đề với Ngài chứ, bởi vì trí óc con người không thể dò thấu mọi vấn đề của vũ trụ, thì cũng không thể nào hiểu thấu Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ này, trong đó có con người.

Nhưng Thiên Chúa là tình yêu, đối tượng yêu thương của Ngài là vũ trụ này, nhất con người có hồn có xác, bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh của Ngài, và Chúa Giê-su –Ngôi Hai Thiên Chúa- đã xuống thế làm người mặc lấy thân phận con người như những người khác, ngoại trừ tội lỗi.

Thiên Chúa vẫn hiện hữu và vẫn luôn tồn tại trong vũ trụ này. Nhưng vũ trụ này, nhân loại này sẽ có một ngày mất đi không tồn tại, bởi vì trời cũ đất cũ sẽ qua đi, và trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng luôn tồn tại và hiện hữu mới có đủ quyền năng để làm lại “trời mới đất mới” mà thôi.

Hãy làm rõ điều này: tôi sống ở đời này để làm gì, thì biết Thiên Chúa có tồn tại hay không ?
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:02 13/03/2009
N2T


107. Con người ta nhìn hành động bên ngoài, Thiên Chúa nhìn ý hướng của nội tâm bên trong.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:03 13/03/2009
N2T


52. Gỗ tốt không phải ở tại sinh trưởng trong hoàn cảnh thuận tiện, nhưng gió càng mạnh thì cây càng cứng.

 
Đền thờ của Thiên Chúa
Giuse Đinh lập Liễm
01:05 13/03/2009
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY B

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nói về lề luật của Chúa và đền thờ của Ngài. Ngài ban bố lề luật qua ông Maisen và dùng Con Ngài là Đức Giêsu Kitô để nói về đền thờ. Luật của Chúa là đường lối dẫn con người đến hạnh phúc, còn đền thờ của Ngài là nơi chúng ta đến gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài, hầu chúng ta tìm được niềm tin và sức mạnh cho tâm hồn.

Mỗi người có nhiều đền thờ vật chất nhưng chỉ có một đền thờ thiêng liêng là thân xác mình theo lời thánh Phaolô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao”?(1Cr 3,16). Chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ cả hai loại đền thờ đó bằng bất cứ giá nào dựa vào Thánh kinh: “Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa làm hao tổn thân tôi” (Tv 68.10). Hãy tôn trọng thân xác mình và đừng biến nó thành hang trộm cướp. Đừng để cho của cải vật chất chi phối tâm hồn mình. Hãy biến thần Mammon thành đầy tớ trung thành phục vụ ta, và hãy cố gắng biến thân xác và linh hồn mình thành”Ngôi Thánh Đường” của Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 20,1-17

Thiên Chúa đã dùng ông Maisen giải phóng dân Israel ra khỏi ách nộ lệ của Ai cập. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa ban bố lề luật cho Maisen và ông đã truyền lại cho dân chúng. Luật ấy được gọi là “Thập giới” hay “Mười điều răn”. Đối với họ “mười điều răn” là cách đọc được ý muốn của chính Thiên Chúa ngõ hầu sống hiệp thông với Ngài. Đó chính là điểm cốt lõi, cho dầu phần lớn các điều răn còn được thấy ở những nơi khác ngoài Israel.

Thập giới không phải là xiềng xích nặng nề, kìm hãm tự do con người, nhưng là luật chỉ đạo của Thiên Chúa để hướng dẫn và bảo đảm bước đường tiến tới tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa đòi Israel phải tuyệt đối trung thành và tuân giữ các điều răn của Ngài. Có như vậy, Ngài mới là Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân riêng của Ngài. Điều mà Ngài đòi hỏi Israel cũng là điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1,22-25

Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh. Theo Ngài, nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha, nhưng thập giá lại là điều ô nhục đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với người Hy lạp. Người Do thái mong đợi Đấng Cứu thế quyền năng chứ không hèn yếu; người Hy lạp trông một sự can thiệp của Thiên Chúa phù hợp với sự khôn ngoan của họ, và đối với Đấng ấy, cái chết không được phép chạm đến.

Nhưng thánh Phaolô lại quả quyết rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trổi vượt hơn sự khôn ngoan của con người. Do đó, Ngài tự hào về sự khôn ngoan của thập giá bởi vì sức mạnh của Ngài tỏ lộ trong sự yếu đuối: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.

+ Bài Tin mừng: Ga 2,13-25

Thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân đền thở Giêrusalem. Đền thờ là nơi dân Chúa thập phương tụ họp lại để tỏ lòng tôn thờ và dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán, ồn ào nhộn nhịp. Đức Giêsu vì nhiệt thành với Thiên Chúa đã dám chấp nhận nguy hiểm dẫn đến cái chết khi nghĩ đến câu Thánh vịnh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 68,10).

Để trả lời cho những thách thức của họ, Đức Giêsu nói: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,21). Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Và “Nhà Cha” thực sự từ nay sẽ là “đền thờ thân thể Ngài”, và Ngài sẽ là vị tư tế duy nhất muôn đời. Nhưng nhân tính của Ngài sẽ chỉ giữ vai trò trên sau khi bị phá hủy và trỗi dậy (Ga 2,20).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thanh tẩy đền thờ Thiên Chúa

I. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Đền thờ là nơi qui tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat (Sách Giáo lý số 2906-2907).

1. Đền thờ Giêrusalem

Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga tráng lệ đã được vua Hêrôđê Cả ra lệnh trùng tu đại qui mô từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Đức Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán xẩy ra vào năm 27-28 sau Chúa Giêsu thì việc trùng tu đó kéo dài 46 năm. Điều này rất phù hợp với thánh Luca 3,2 nói về ngày Chúa chịu phép rửa năm 15 đời hoàng đế Tiberiô. Đây là một nêu mốc khá chắc chắn để tính niên lịch của Chúa. Công việc trùng tu đền thờ đòi hỏi rất nhiều nhân công. Flavius Joseph nói rằng khi xong việc người ta phải thải về 18.000 thợ. Như thế mới thấy rằng Đền thờ Giêrusalem lớn lao và đẹp đẽ đến chừng nào.

2. Đức Giêsu xua đuổi người buôn bán

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật làm ô uế Đền thờ, Ngài lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi đền thờ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Cũng nên biết là những người ở xa đến khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong Đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho người từ xa tới, thì sao Đức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh Đền thờ ? Thưa chúng ta thấy có một số lý do:

a) Những khách hành hương

Lễ Vượt qua của người Do thái được tổ chức rất long trọng ở Giêsrusalem. Theo luật pháp, mọi người nam Do thái sống cách xa Giêrusalem trong vòng 25 cây số bắt buộc phải đi dự lễ. Trong các lễ của người Do thái, lễ Vượt qua là lễ trọng nhất. Không phải chỉ có người Do thái trong xứ Palestine đến dự lễ mà các người Do thái ở khắp nơi cũng hướng về quê hương và mong được mừng lễ Vượt qua tại Giêrusalem ít nhất một lần trong đời, giống như người Hồi giáo muốn hành hương về thánh địa La Mecque. Chuyện nghe thật đáng kinh ngạc, nhưng dường như cũng đã có đến 2. 200.000 người Do thái đã tập họp về Xứ thánh dự lễ Vượt qua,

b) Việc dâng của lễ

Theo thói quen, mỗi khi hành hương lên Giêrusalem mừng lễ người ta thường dâng của lễ bằng con vật sống. Trong sân đền thờ có chỗ bán con vật sống là việc bình thường. Nhưng cái không bình thường là sự lạm dụng. Luật qui định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết. Các chức sắc quản trị đền thờ bổ dụng những người kiểm tra để khám xét con vật, mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua một con vật ngoài đến thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét. Ngoài ra, mỗi con vật mua trong đền thờ có khi phải trả đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

c) Việc đổi tiền

Luật buộc mỗi người Do thái phải nộp thuế cho đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng hai ngày lương công nhật. Trong việc giao dịch bình thường, có đủ mọi thứ tiền ở Palestine, nhưng thuế nộp cho đền thờ là một thứ tiền riêng của người Do thái, khách hành hương phải đổi lấy thứ tiền này. Người ta lấy lý do là các thứ tiền khác bị xem là ô uế không thể dùng để trả nợ cho Thiên Chúa.

Việc đổi tiền bạc có ăn lời đôi chút là chuyện thường. Kinh Talmud qui định:”Mỗi người cần có đồng nửa siếc-lơ, người ấy phải chi cho người đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng đàng này khách hành hương phải chịu những tệ nạn bọn đổi bạc với giá cắt cổ. Nhìn thấy những sự bóc lột quá đáng như thế, Đức Giêsu bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Chúa đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền.

3. Đức Giêsu bảo vệ đền thờ

Đức Giêsu đã cảnh cáo bọn họ: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc trần tục hóa và thương mại hóa Đền thờ. Tin Mừng thánh Matthêu (21,14), Marcô (11,17),và Luca (19,36) còn trích sách ngôn sứ Isaia để cảnh giác họ: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).

Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.

II. ĐỀN THỜ CỦA CHÚNG TA

1. Hai loại đền thờ

Khi Đức Giêsu nói với người Do thái: “Hãy phá hủy Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói: Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.

a) Đền thờ vật chất

Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, họ giáo nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân qui tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng nhưng luôn phải có vẻ trang nghiên đạo đức. Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự Thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên... hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương !

b) Đền thờ thiêng liêng

Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

2. Tôn trọng đền thờ chúng ta

a) Nhiệt thành với đền thờ

Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi” (Tv 68.10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác... Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giầy ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giầy thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

b) Bênh vực nhà Chúa

Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

* Bênh vực đền thờ vật chất

Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta. Nhưng chúng ta phải lưu ý: nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, mầu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân... là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

Truyện: Mahatma Gandhi vào nhà thờ

Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do thái hay lương dân... Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Công giáo. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau:”Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da mầu mà xin”! Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau:”Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài ! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ”!

* Bênh vực đền thờ thiêng liêng

Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Chúa như thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr 3,16). Trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, Linh mục đọc lời nguyện trừ tà xua đuổi ác thần ra khỏi em bé để em được trở nên đền thờ của Chúa:”Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất quyền lực của ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát và đem con người được giải thoát khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Nước Chúa. Chúng con nài xin Chúa làm cho những em này, sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong các em”.

Khi đã trở thành đền thờ thiêng liêng của Chúa chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cho xứng đáng, đừng bao giờ để cho thần Mammon trở vào chiếm giữ, vì như Chúa nói: “Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đấy” (Mt 6,21). Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đừng để cho tiền của lấn át linh hồn. Chúng ta phải khôn ngoan biến tiền của thành đứa đầy tớ trung thành phục vụ mình, đừng bao giờ để cho nó trở thành ông chủ khắc nghiệt chế ngự ta.

Truyện: Tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Thỉnh thoảng đài truyền hình Việt nam lại cho chiếu bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trong quan điểm của đạo Tin lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo hội.

Câu chuyện về một Linh mục là cha Ralph. Ralph là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người đến với mình. Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ cha Ralph, có một bà già qúi phái giầu có. Bà qúi mến cha cách đặc biệt nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành hận thù. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ: Trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch sù của bà cho Giáo hội Công giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo hội phải cử cha Ralph quản lý số tài sản đó. Cách trả thù của bà quí phái giầu có đã thành công: Cha Ralph dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà Cha quản lý đã làm cho đời sống tinh thần của Cha ngày một xuống cấp và cuối cùng Cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện “sống độc thân vì Nước Trời” mà Cha đà khấn hứa (Theo Lm Đan Vinh).

3. Hãy biến cuộc đời mình thành đền thờ

Chúng ta là những Kitô hữu, cuộc sống chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và đã trờ thành đền thờ cho Chúa ngự. Nỗ lực của chúng ta là phải làm sao sống xứng đáng là đền thờ của Chúa, đừng bao giờ đuổi Chúa ra khỏi đền thờ này. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biến cuộc đời của chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi.

Charles Singer có một bài thơ ngụ ngôn nói về đề tài nay: hãy biến cuộc đời thành “Ngôi Thánh Đường”. Xin trich một đôi câu trong bài thơ này:

Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh đường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Để vươn lên thật cao qúi tôn nghiêm...

Lạy Chúa,

Ngôi thánh đường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng...

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu:

Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.

(Lm Trương đình Hiền)

Và để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ:

Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em.

nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà.

Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng để buớc chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.

Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa.

(Theo Flor McCarthy)

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Tài Liệu Tham Khảo Mùa Chay 2009
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
01:27 13/03/2009
Lời Ghi Chú & Tri Ân

Lm Tạ Duy Tuyền ước mong gởi đến Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và Mọi Người những bài Tĩnh Tâm Mùa Chay để Quý Cha và Quý Vị tham khảo. Dù sao đây cũng là những đóng góp tuy rằng như Cha Jos Tuyền đã cho Vietcatholic biết: "... là những đóng góp 'nhỏ bé' của Cha trong việc đem Lời Chúa soi chiếu vào trần gian để thánh hóa trần gian..."

Thay mặt Vietcatholic, xin chân thành cám ơn những đóng góp của Cha không những các bài Tĩnh Tâm Mùa Chay mà còn những đóng góp khác của Cha qua các bài chia sẻ hằng tuần. Xin Chúa chúc lành cho Cha trong công việc thiêng liêng tốt đẹp nầy.

Dịp nầy, chúng con cũng mời gọi Quý Cha cũng như Quý Tu Sĩ nếu có điều kiện viết những bài Suy Niệm Hằng Tuần hoặc Hằng Ngày và gởi cho chúng con để Cộng Đồng Dân Chúa luôn được nuôi dưỡng bằng những của ăn thiêng liêng hữu ích nầy.

Lm Francis Lý văn Ca.

BÀI 1: HÃY LÀ MỘT NGƯỜI MẸ XỨNG ĐÁNG

Trước khi bước vào tuần tĩnh tâm các bà mẹ, chúng ta thử nhìn lại dung nhan các bà mẹ qua văn chương Việt Nam để thưởng ngoạn những câu ca dao của người xưa diễn tả thân phận làm vợ, phận làm dâu cũng như vai trò làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam, để thấu hiểu, để thương mến, để cảm phục, để chia sẻ ngọt bùi, đắng cay hạnh phúc, khổ sở của những người vợ, nàng dâu, người mẹ Việt Nam cao quý hằng miệt mài cần cù hy sinh tất cả vì chồng, vì con và cho chồng, cho con.

Thân làm vợ:

Sẵn lòng gánh vác việc nhà chồng:

“Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”

Đôi khi vì chồng mà cam chịu mọi đắng cay

“Có chồng phải luỵ theo chồng

Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo

Lên non thiếp cũng lên theo

Tay vịn, chân trèo hái trái nuôi nhau”

Sẵn lòng chịu thiệt thòi, nhịn nhục vì chồng:

“Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Thưa anh thưa giận em chi?

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho”

Nét son của người con gái Việt Nam chính là sự thuỷ chung:

“Theo nhau cho trọn đạo đời

Dẫu rằng không chiếu, trải tơi mà nằm”.

Phận làm dâu thì

Nhẫn nhục với mẹ chồng trong mọi trường hợp:

“Từ khi nàng về làm dâu

Anh thì dặn trước bảo sau mọi lời

Mẹ già dữ lắm em ơi!

Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha

Nhịn cho nên cửa nên nhà

Nên kèo nên cột nên xà tầm vông

Sằn sàng lo cho mẹ chồng

Anh ơi phải lính thì đi

Mẹ cha đơn chiếc đã thì có em

Về Tình mẫu tử của người mẹ Việt Nam

Suốt đời không ngừng thương nghĩ về con:

“Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng

Nuôi con càng lớn, mẹ càng thêm lo”

Người mẹ sẵn sàng thức suốt năm canh để ru con ngủ

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài thức trọn năm canh”

Người mẹ còn chấp nhận hao gầy vì con

“Mẹ là chiếc nón vành tre

Nghiêng nghiêng con đội mẹ che trên đầu

Sớm khuya mưa nằng dãi dầu

Thương con tóc mẹ điểm màu gió sương”

Chính vì thế mà công ơn của mẹ còn cao hơn núi:

“Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.

Tình mẹ cuồn cuộn như nước nguồn và lai láng như đại dương mênh mông;

“Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông”

Thế nên, nếu những ai mất mẹ là mất một bầu trời. Bởi vì: “Mất cha con đã u ơ

Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình”

Lâm vào hoàn cảnh bi đát như vậy, người con mới cám cảnh mà than:

“Gió đưa cây cửu lý hương

Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn

Quê người nương tựa tháng năm

Thương cha, nhớ mẹ trong lòng không nguôi.”

Đó là những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng liệu rằng những nét đẹp đó còn rạng rỡ trong bầu trời hôm nay? Những người phụ nữ có còn nhịn nhục, hy sinh? Có còn chung thuỷ sắt son tận tuỵ với chồng với con nữa hay không?

Nhìn vào những gì đang diễn ra chung quanh, chúng ta thấy chữ hy sinh đang thiếu dần nơi người phụ nữ, lòng chung thuỷ đang chao đảo, sự từ tâm tận tuỵ với bổn phận đang mờ nhạt.

Nỗi đau của xã hội hôm nay chính là tình mẫu tử xem ra cũng không còn. Nhiều bà mẹ đã không chỉ thiếu trách nhiệm với con cái mà còn sẵn sàng vì một chút danh dự của riêng mình, vì hạnh phúc của mình, họ sẵn sàng giết hại các thai nhi trong cung lòng của mình. Người ta nói rằng mỗi phút qua đi là một thai nhi bị sát hại bởi những người mẹ của mình. Ở cao nguyên người ta đã làm một nghĩa trang dành cho các thai nhi. Ngay cổng nghĩa trang có tấm bảng: “Chúng con tha thứ cho mẹ”. Người ta nói rằng hằng ngày có rất nhiều cô gái còn rất trẻ đứng thẩn thơ nơi nghĩa trang như đang tìm kiếm điều gì đã mất. Có lẽ họ đã mất tính người khi giết con của mình. Họ đã đánh mất thiên chức làm mẹ mà trời đã ban cho họ. Họ muốn tìm lại nhưng bao giờ mới có thể hàn gắn lại vết thương do chính mình gây ra.

Tình mẫu tử từ xưa vẫn coi là tình linh thiêng nhất. Không bao giờ mất. Không bao giờ suy giảm. Thế nhưng những gì đang diễn ra cho chúng ta thấy, tình mẫu tử cũng đang rạn nức bời cả mẹ và lẫn con

Mới đây, Rất nhiều người gần như không tin vào mắt mình khi chứng kiến trên màn hình VTV1 phát cảnh một người đàn ông đánh ngã mẹ mình, tối ngày 19-11. Chuyện xảy ra tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Người mẹ đã già lắm rồi, 85 tuổi, và chuyện bà bị đứa con trai đánh đập ấy đã là chuyện thường xuyên, do đó mới được người ở gần nhà canh ghi hình lại dễ dàng.

Đạo đức xã hội đáng được báo động cấp mấy khi nhan nhản trên đường phố, trước cổng trường và trong từng gia đình là cảnh hành hung, bạo lực đầy dẫy? Chỉ cần một ánh mắt ngó thấy ghét, một câu nói nghe không lọt tai, một vụ va quệt nhỏ..., là người ta đã có thể rần rần kéo nhau đi chém giết, cướp đi sinh mạng của người khác dễ dàng như lấy một món đồ trong túi. Cha mẹ hành hạ con như kẻ thù; trò đánh thầy; bảo mẫu tra tấn con trẻ, dán băng keo bịt mồm cho đến chết; đồng môn đồng lớp hở chút là lấy dao đâm...

Dường như con người hôm nay đang đối xử với nhau quá hung hãn, và tình người, lòng nhân ái đã trở thành một thứ hàng hiếm giữa thời buổi này? Những bài giáo dục công dân ở đâu hết rồi?

Nghĩ đến chuyện mẹ tra tấn, cắt gân con, rồi chuyện con đánh mẹ thì thật... quá sức chịu đựng!

Bởi tình mẫu tử vẫn luôn được ngợi ca - và ngợi ca không quá lời - là thứ tình thiêng liêng nhất của trời đất, thứ tình tự nhiên vô tư vô vụ lợi, cho đi không cần lấy lại. Không ai thương yêu mình bằng mẹ của mình. Người duy nhất trên đời có thể gánh chịu tất cả sự thiệt thòi để nhường tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phạm vi có thể - thậm chí cả mạng sống, nếu cần - cho ta, chỉ có thể là mẹ ta. Đã có không biết bao nhiêu bài văn, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật... được viết ra làm rung động lòng người, đơn giản chỉ về một nhân vật: “Mẹ”. Ấy vậy mà, giờ đây... Một người mẹ cắt gân con, một người con đánh mẹ... Sao mà buồn vậy? Xã hội sẽ đi về đâu?

Bởi nếu những tình cảm thiêng liêng trong gia đình mà cũng mất luôn nữa thì làm sao con người có thể sống được trên đời?

Để có cái nhìn tổng quát về những hình ảnh mù tối của các bà mẹ trong xã hội hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết: “Ác như hiền mẫu” mà Đoàn Dự đã đúc kết qua các sự kiện điển hình như:

+ Bán con lấy tiền trang trải nợ nần

+ Ép con bán dâm để lấy tiền

+ Tức chồng ném con xuống sông

+ Bán con 500.000đ để đánh đề

+ Cảnh thương tâm lan tràn khắp nơi: “Ba đứa trẻ: hai đứa sống – 1 đứa chết”.

Nhìn vào những sự kiện này, chúng ta tự hỏi: Lỗi tại ai? Tại mẹ hay tại con? Lỗi tại ai có lẽ chúng ta để cho lương tâm trả lời. Chính lương tâm là tiếng nói trung thực nhất là toà án công lý mà mỗi người chúng ta trong mọi công việc đều bị xét xử.

Năm nay với chủ đề giáo dục gia đình theo giáo huấn của thánh Phao-lô, chúng ta hãy xét lại đức ái của chúng ta có còn với gia đình chúng ta hay không? Chúng ta có yêu con, yêu chồng hơn cả bản thân? Hay chúng ta chỉ đòi hỏi chồng con chiều chuộng, chăm sóc mình?

Thánh Phaolo nói rằng: “Trên hết mọi sự anh em hãy có lòng bác ái với nhau. Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Và Ngài còn mời gọi: “hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục”.

Thực vậy, nếu gia đình không có lòng bác ái với nhau sẽ không có cảm thông, nâng đỡ, chia sẻ. Cuộc sống gia đình sẽ thật tẻ nhạt, buồn chán. Và nếu gia đình không có sự tha thứ thì gia đình sẽ biến thành hoả ngục mà mỗi thành viên gia đình đang tự biến thành quỷ dữ để đầy đoạ lẫn nhau.

Ước mong năm giáo dục gia đình, các bà mẹ hãy hoạ khắc lại chân dung người mẹ hiền hậu, nhẫn nại và từ bi cho con cái. Hãy sống đoan trang, mực thước vì hạnh phúc gia đình, đừng sống buông thả theo thói đời “chồng chung vợ chạ”. Con cái chẳng biết con ai. Hãy sống để đức lại cho con, cho đời, đừng để lại gương xấu cho con cái đời sau, vì tội lỗi quá khứ của mẹ mà con cái chẳng dám nhìn đời.

Để kết thúc tôi xin hát tặng mọi người bài “Mỗi mùa xuân sang”.

Bài 2: ĐỨC ÁI LÀ NỀN TẢNG HẠNH PHÚC

Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, tôi đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh “lục đục” của gia đình hàng xóm. Chuyện chồng uống rượu say, về nhà đánh vợ doạ con xảy ra như cơm bữa. Tôi nhớ rất rõ những buổi chiều chạng vạng ấy, cái không khí chờ đợi, sự im lặng căng thẳng trước khi bão nổi: người vợ đang trò chuyện với hàng xóm lo tất tả chạy về nhà, càng tỏ ra bận rộn với công việc nấu nướng quét dọn càng tốt; mấy đứa con đang la ó đùa giỡn ngoài đường bị mẹ gọi vào nhà, con gái ngồi xuống giúp mẹ rửa rau, con trai ra giếng tắm, hay lẻn ra sau hè. Muốn đóng cổng lắm, để tiếng ồn giảm bớt, xấu hổ giảm bớt, nhưng “ổng” về tới nhà mà thấy cổng đóng thì càng thêm rắc rối!

Tôi nhớ rất rõ ánh mắt hoảng sợ của những đứa con khi chúng chạy qua nhà hàng xóm, theo lời dặn của mẹ, chờ đến khi yên lặng rồi hãy về.

Những cảnh bạo hành đó không chỉ xảy ra hôm qua, mà ngay hôm nay vẫn còn đó những cảnh ngược đãi của những người thân trong gia đình dành cho nhau.

Bạo hành trong gia đình được diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm bạo hành về thể xác; khủng bố về tinh thần; nhục mạ, mắng chửi; kiểm soát kinh tế nhằm tạo lệ thuộc về mặt tài chính; lạm dụng tình dục; kiểm soát từ việc làm đến giao thiệp, thăm hỏi bạn bè, gia đình, họ hàng, v.v.

Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này là rượu. Cộng với rượu là nhiều tác nhân khác, như ghen tuông, cộc tính, thất nghiệp, v.v.

Đánh đập, mắng chửi, cô lập, và cưỡng ép tình dục chỉ là những biểu hiện chứ chưa đủ để định nghĩa bạo hành trong gia đình hay miêu tả đúng bản chất của nó. Bạo hành trong gia đình là một sự áp bức. Giống như bao sự áp bức khác, bạo hành trong gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có cùng một mục đích: thiết lập quyền lực và gia tăng sự chế ngự của một người đối với người khác,

Bạo hành trong gia đình không bao giờ là một tai nạn hay một rủi ro nhất thời. Bạo hành trong gia đình là một quá trình biến chuyển dai dẳng, và nguyên nhân của bạo hành trong gia đình xét tận gốc rễ là tầng tầng lớp lớp những truyền thống và tiêu chuẩn đạo đức của một xã hội, đã được cá nhân hấp thu và biến chuyển. Người chồng có thể tự cho phép mình đánh đấm, mắng chửi, cô lập hay cưỡng ép tình dục vợ mình, không phải vì anh uống quá say, giận quá mất khôn, quá ghen tuông, hay quá thèm khát tình dục mà không kiềm chế được mình. Anh ta có thể cho phép mình làm những điều đó bởi vì anh tin rằng anh có quyền được uống say, giận, ghen, và quan hệ tình dục với vợ mình vào bất cứ lúc nào, vì anh là chồng, anh là một người đàn ông. Bất cứ ai, ít học hay có học, đều có thể tin rằng mình có quyền như vây.

Lý do tại sao nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn cắn răng chịu đựng thì đã được phân tích nhiều, và văn hoá luôn đóng một vai trò quan trọng. Người phụ nữ Việt Nam vốn tính cam chịu, bởi văn hoá Việt Nam vốn đề cao “một điều nhịn chín điều lành”, trong khi đa số đàn ông Việt Nam tính tình gia trưởng, độc đoán, muốn vợ luôn phải nghe lời mình. Chẳng phải ông bà ta ngày xưa từng dạy: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?” Người Việt Nam lại chú trọng nhiều đến thể diện, danh giá, nên muốn dấu chuyện gia đình, tránh “vạch áo cho người xem lưng”. Đa số phụ nữ Việt Nam luôn có tính hy sinh, chịu khó cho gia đình, và thường có tâm lý nhịn nhục để khỏi làm mất mặt cha mẹ.

Tuy vậy, xét văn hoá Việt Nam để hiểu thái độ của người Việt Nam đối với bạo hành trong gia đình là cần thiết nhưng chưa đủ. Có phụ nữ Việt Nam không cam chịu, và cũng có nam giới Việt Nam không gia trưởng. Bạo hành trong gia đình là một sự lựa chọn hoàn toàn tự chủ của một cá nhân, bất kể trình độ học vấn hay giàu nghèo. Cá nhân đó tin rằng mình có quyền quyết định cuộc sống của người bạn đời, con cái, người yêu, hay cả những người thân khác.

Ví thế, để tránh đi những bạo hành đáng tiếc cho gia đình, chúng ta hãy học hỏi đức ái Ky-tô giáo mà thánh Phao-lo đã dạy: ‘Đức ái thì bao dung, nhân hậu, không ghen tương. Đức ái thì nhẫn nại, thi hy sinh.. . ” Và ngài đúc kết rằng: “anh em đừng mắc nợ nhau điều gì “ngoài đức bác ái yêu thương”.

1. Đức ái là đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ

Gia đình là cộng đoàn hợp nhất yêu thương. Vì chính tình yêu nam nữ làm nên tình nghĩa vợ chồng để cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình. Gia đình hạnh phúc là gia đình có tình yêu. Vì vậy:

Hãy đảm bảo cho mái nhà chúng ta đang sống, đừng còn một em nhỏ nào, một người lớn nào, dù nam hay nữ, cảm thấy không được đoái hoài hay không được yêu thương nơi chính gia đình của mình. Nhiều ông bố, nhiều bà mẹ, nhiều người con đã không muốn trở về nhà vì họ không được quan tâm, chăm sóc và cảm thông từ gia đình. Họ cảm thấy cuộc đời họ thật vô nghĩa khi ở với gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

Đặc biệt hãy chống lại tên phá hoại an bình kinh tởm. Nạn phá thai là tên phá hoại an bình kinh tởm nhất. Nó phá hoại tình yêu. Nó phá hủy hình ảnh Thiên Chúa. Nó phá hoại sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó phá hủy lương tâm người mẹ (hổ dữ không ăn thịt con). (Có người hỏi rằng: “đặt vòng có tội không? Thưa có. Phá thai non)

Vì vậy, nơi gia đình mỗi người hãy học cho biết yêu thương. Vì yêu thương là nỗ lực không ngừng biến ác cảm thành thiện cảm. Biến hận thù thành tha thứ. Đây là lãnh vực cần chiến đấu nhiều hơn cả để chế ngự bản năng ganh ghét trong con người của mình, đế sống vị tha hơn giữa anh em.

Người xưa cũng nói rằng: Sống chung là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Chén bát còn có khi xô xát, chứ vợ chồng sống chung với nhau lâu ngày, tránh sao cho khỏi những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt? Vì bá nhân bá tính mà (mỗi người một tính khác nhau).

Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết,

Hoa để gần sẽ hết mùi hương.

Thực tế cho thấy cuộc sống Hôn nhân không luôn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Bao nhiêu sóng gió nổi lên vì cá tính dị biệt, anh thì chậm rãi nghiêm trang, chị lại mau chân lẹ miệng. Hoặc chồng thì hào hoa phong nhã,, vợ thì kín đáo, keo kiệt, anh mê tân nhạc, chị thích cải lương… Đấy là chưa kể đến vấn đề bất đồng quan điểm trong việc làm ăn, sống theo tôn giáo, dạy bảo con cái…

Nếu sự khác biệt này cứ tiếp diễn bằng sự xung khắc sẽ dẫn đến cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Thế nên chí có tình yêu mới hàn gắn lại những đổ vỡ do sự khác biệt gây nên. Vì

Thương nhau cau bảy bổ ba.

Ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

2. Đức ái đòi hỏi phải sống vì người khác

Khi tạo dựng con người, TC đã tạo dựng con người có đôi. Con người phải có tính xã hội, phải biết hoà mình trong số đông nhân loại vì: “Con người ở một mình không tốt” (St2,18)

Thực vậy, con người càng đi tìm chính mình, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, con người càng chết dần trong nỗi cô đơn của mình. Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người.

Qua cuộc sống và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được sự sống muôn đời” (Mt10,39)

Đó là nghịch lý của Kitô giáo, nhưng đó cũng là chân lý của muôn đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong danh lợi, chức quyền, lạc thú của riêng mình cũng sẽ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ, con người mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính trong những nghĩa cử yêu thương, con người mới tìm được nguồn hạnh phúc đích thực.

Trong đời sống gia đình, điều này càng thể hiện rõ nét: chúng ta chỉ sở hữu hạnh phúc từ gia đình khi chúng ta cho đi tình yêu, sự sống, sự hy sinh quên mình là lúc chúng ta đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Ngược lại, chúng ta chỉ nhận lãnh sự buồn tẻ, thất vọng, nếu chúng ta chỉ đòi người bạn cưng phụng chúng ta, thì chúng ta sẽ không có cơ hội nhận lãnh hạnh phúc.

3. Đức ái đòi phải chung thuỷ với nhau (bà nào quên mất rồi)

Có một lần trên chuyến xe, tôi đã được nghe mẩu tâm sự vụn giữa mấy bà mấy cô với nhau. Bà thì than rằng ông chồng của mình bê bối. Bà thì bực tức thấy ông nhà đèo bồng mà chẳng làm gì được. Nói ra thì xấu thiếp hổ chàng, còn để vậy thì ấm ức trong lòng. Sau cùng, có một bà đã kết luận: chỉ có mấy bà Công giáo là sướng. Đạo của họ cấm chỉ việc lang bang. Dù sao chăng nữa, thì họ cũng vẫn một lòng một dạ với nhau. Nghe mẩu tâm sự ấy, tôi cũng thấy mừng vì từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, sự chung thủy, một vợ một chồng vốn dĩ đã là một nét son của hôn nhân Công giáo.

Chính Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt”. Và Ngài đã kết luận: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã liên kết thì loài người không được phân ly”. Chính vì thế sự trung thành cùng nhau phải là một bổn phận chung của cả hai người: người chồng cũng như người vợ.

Đây là điều dễ hiểu bởi vì hôn nhân Công giáo là một khế ước song phương, nghĩa là được ký kết giữa hai người. Chúng ta đòi buộc người bạn đời phải tuyệt đối trung thành với chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng có bổn phận phải tuyệt đối trung thành với người bạn đời như thế. Chúng ta không thể nào chấp nhận những chia sẻ vụng trộm của người bạn đời thì chính chúng ta cũng không được chia sẻ tình yêu một cách thầm lén cho kẻ khác không phải là người bạn đời của mình. Nếu như những hành vi thầm lén vụng trộm của chúng ta bị đổ bể, bởi vì đi đêm có ngày gặp ma......... thì lúc bấy giờ chắc chắn dư luận sẽ không buông tha chúng ta và gia đình chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải nhiều sóng gió.

Quyết định đi đến hôn nhân là quyết định dứt khoát cho một sự chọn lựa. Mà chọn lựa thì trước hết có nghĩa là chấp nhận. Chúng ta phải chấp nhận người bạn đời với tất cả những sở trường và sở đoản. Bởi vì nhân vô thập toàn, ai cũng có những khuyết điểm của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được người yêu lý tưởng, đủ mọi tiêu chuẩn chúng ta đưa ra trên cõi đời này. Tiếp đến, chọn lựa còn có nghĩa là từ bỏ. Chúng ta phải từ bỏ những cuộc giao du, những cuộc gặp gỡ hay những lần tiếp xúc khả dĩ làm sứt mẻ, rạn vỡ tình yêu của chúng ta. Đó là trong hiện tại, còn trong dĩ vãng thì sao? Chúng ta cũng phải từ bỏ những hình ảnh, những kỷ niệm của một ngày xưa, cho dù đó là một ngày xưa “hoàng thị”, một ngày xưa đằm thắm, với những rạo rực của một thuở mới lớn, với những mộng mơ của những cuộc tình đầu. Nếu chúng ta cứ để cho dĩ vãng ám ảnh, và nhất là nếu chúng ta cứ luôn so sánh hiện tại với dĩ vãng, thì chắc chắn tình yêu của chúng ta sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Và biết đâu, đó cũng là một cách chúng ta ngoại tình trong tư tưởng rồi vậy.

Sau hết, phải trung thành với nhau qua mọi cảnh huống của cuộc sống: khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, để yêu thương, để nâng đỡ và để cùng dìu nhau bước đi trong cuộc sống.

Để kết luận chúng ta hãy cùng nghe lời khuyên dạy của thánh Phao-lô tông đồ trong thư I Cor 13:4-7, đã mô tả những đặc điểm của đức ái như sau: "Lòng mến không ghen tương, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước bất công nhưng biết chia vui một cách chân thành. Trong mọi sự lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, trông cậy và kiên nhẫn". Đó là những đặc điểm của đời sống Kitô thấm nhuần đức ái và còn có thể có trăm ngàn những đặc điểm khác nữa, vì phải áp dụng đức ái trong trăm ngàn hoàn cảnh khác nhau. Điều quan trọng là phải có đức ái, có lòng yêu mến Chúa chân thành và yêu thương anh chị em như chính mình. Cầu chúc cho các gia đình luôn có đức ái nồng nàn để gia đình luôn hạnh phúc. Amen

BÀI 3: SỐNG ĐỨC ÁI NƠI GIA ĐÌNH

Cuộc đời nếu không có yêu thương?

Đọc bản tin của báo thanh niên online ngày 29.11.2005 có tin: “Ái nữ của ông Samsung tự tử”. Bản tin đó như sau:

“Cuối tuần rồi tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới Samsung đã xác nhận Lee Yoon-Hyung, con gái út của tập đoàn này đã tự kết liễu đời mình”. Lee 26 tuổi đang học cao học ngành quản trị nghệ thuật tại đại học New York đã tự treo cổ bằng dây điện trong căn hộ của cô ở Manhattan.

Cô đang ở tuổi thanh xuân, giầu có, có cổ phần 191 triệu đô la mỹ ở công ty Samsung vào năm 2003, tính đến ngày nay chắc chắn là phải nhiều hơn. Giầu có như vậy tại sao lại tự tử? Cô còn thiếu cái gì?

Chắc chắn cô đâu còn thiếu gì! Cô sống vương giả như một người có quyền thế lớn. Ở nhà đắc tiền. Đi xe sang trọng. Giầu có như cô thật là hiếm có trong thế giới hôm nay. Cô đi đâu người ta vẫn tưởng cô là một viên chức nhà nước đương quyền, có kẻ đón người đưa. Rồi cô bỏ lại tất cả giầu có đó, sang trọng đó, để đi về thế giới bên kia. Tại sao?

Thưa, vì cô thiếu tình thương. Cô có cảm giác ba cô không thương yêu cô khi ngăn cấm tình duyên của cô. (Nhiều trường hợp tự tử vì thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là sự bạo hành)

Trong trại tập trung cùa Đức Quốc xã, các cai tù đã quan xác thấy rằng: những tù nhân nào mà chỉ nghĩ tới mình, chỉ biết sống cho bản thân mình thì cơ may sống sót rất ít. Ngược lại, người nào còn nghĩ tới gia đình, bạn bè, thân thuộc, họ ước ao sống vì những người thân đang cần họ, thì cơ may sống sót nhiều hơn trong trại tù khắt nghiệt của phát xít Đức. Chính những ý tưởng yêu thương đó đã giúp họ sống.

Thực vậy, có thể nói rằng: “người ta sống để yêu và để được yêu”. Không có tình yêu thì sẽ như cây xanh thiếu lá sẽ héo úa theo thời gian. Ngược lại, nếu có tình yêu thì cuộc đời luôn là mùa xuân, là hạnh phúc miên trường.

Hôm nay, chúng ta thử nhìn lại sự yêu thương cùa chúng ta có còn cho gia đình chúng ta hay không? Chúng ta có thực sự dành tình yêu của mình cho gia đình hay chúng ta đang muốn phá huỷ gia đình vì thiếu tình yêu của chúng ta?

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểm: Gia đình ky-tô giáo phải có những đặc điểm nào?

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giê-su muốn cho Giáo hội của Ngài mang lấy. Những đặc tính ấy chình là: “yêu thương và hợp nhất, thực thi lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền tin mừng.

Thực vậy, Chúa Giê-su đã từng nói: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau”. Ngài cũng xác định cho chúng ta một dấu hiệu riêng biệt, một bộ đồng phục của người môn đệ. Dấu hiệu ấy không phải là đi nhà thờ, làm dấu thánh giá, tham dự thánh lễ. . . Bộ đồng phục ấy không phải là chiếc áo đủ kiểu đủ màu của từng nhóm, từng hội dòng khác nhau, của từng giới khác nhau, cũng không phải là chiếc khăn theo cấp của thiếu nhi nhưng là tình thương.

Phải, dấu hiệu và bộ đồng phục của người tín hữu chính là tình bác ái yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau”.

Thế nhưng, xem ra có nhiều người đã không muốn chấp nhận bộ đồng phục này. Họ trang nghiêm sốt sắng trong giờ kinh nguyện, nhưng lại thiếu đứng đắn khi sống giữa đời. Ở nhà thờ họ là con chiên ngoan đạo, nhưng ở trường đời họ mặc áo lang sói, với lòng gian gian tham, độc ác (xin phấn)

Có lẽ vào ngày phán xét chúng ta sẽ ngạc nhiên:

Có những người chúng ta tưởng họ là môn đệ Chúa dựa vào một nếp sống đạo đức giả tạo bên ngoài, nhưng thực sự không phải như thế, chỉ vì họ không thực thi giới luật yêu thương.

Có những người chúng ta tưởng họ là vô thần, là chống đối Thiên Chúa, nhưng thực sự họ là môn đệ của Chúa, chỉ vì họ đã sống tình bác ái. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “giới luật yêu thương” cũng nói:

“Người vô thần không tin Chúa, chúng ta bảo họ là kẻ vô đạo. Còn chúng ta, mặc dù là tin Chúa, nhưng nếu không thương yêu anh em thì chúng ta cũng chỉ là một loại vô đạo mà thôi.

THỰC HÀNH

Vì vậy, để thực sự trở thành người ky-tô hữu mỗi người đều phải có khả năng yêu thương anh em mình, và người anh em cũng là người thân cận mà chúng ta phải yêu thương chính là gia đình chúng ta. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương và được yêu thương từ gia đình. Cha mẹ, vợ chồng và con cái phải luôn nghĩ đến nhau, sống cho nhau và có thể chết vì nhau.

Gia đình là trường đào tạo cho đời những con người biết yêu thương thuận lợi và hữu hiệu nhất.

Thuận lợi vì cùng một xương, một thịt, một dòng máu nên dễ dàng yêu thương nhau hơn.

Hữu hiệu vì là bước đầu để từ đó chiếu toả tình yêu ra bên ngoài: Yêu mọi người như chính mình và yêu tha nhân như Chúa đã yêu. Đồng thời cũng biết yêu thương cả kẻ thù chúng ta như Chúa đã dạy và làm gương khi nói lời tha tội cho kẻ làm hại người.

Muốn đạt tới tình yêu này chúng ta phải trau dồi, tu luyện hằng ngày. MỖi ngày phải rà xét lại tình yêu với đồng loại, mỗi ngày phải sống tình yêu đó cho anh em, cho dẫu có thiệt thòi cho bản thân.

Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ miển cười và hỏi:

- Thế con đã yêu ai chưa?

Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời:

- Dạ thưa cha, chưa ạ

Cha bề trên lại mỉn cười và bảo:

Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.

Câu chuyện này chỉ muốn nói lên rằng: chúng ta phải học cả những cái tầm thường như câu tục ngữ đã bảo: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, huống chi là học yêu thương.

Yêu thương thì dài bằng cả cuộc đời. Bao lâu còn sống, chúng ta vẫn phải tập luyện yêu thương, để tình yêu của chúng ta mỗi ngày một thêm tinh tuyền hơn. Vì tình yêu, đầu tiên thường mang tính vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để thoát khỏi tình trạng ấu trĩ đó để tiến tới tình yêu vị tha, một tình yêu trưởng thành.

Vậy thế nào là một tình yêu vị kỷ?

Tình yêu vị kỷ là tình yêu vì mình, chúng ta luôn đòi người khác phải phục vụ mình, phải đem lại niềm vui cho chúng ta, giống như đứa bé yêu mẹ nó không phải vì là mẹ nó tốt, mẹ nó đẹp mà vì mẹ nó luôn sẵn sàng sống chết vì nó. Khuynh hướng vị kỷ sẽ làm cho tình yêu chết dần, chết mòn, và nếu tồn tại thì cũng chỉ là một tình yêu èo uột và nhơ nhớp, như hình ảnh Tagor đã dùng để so sánh:

- Tình yêu giống như một con suối, nếu ta đắp đập chặn nước, thì dòng suối sẽ khô. Tình yêu giống như một bông hồng, nếu ta ngắt đi và ép vào ngực, thì chẳng bao lâu bông hồng sẽ héo.

Còn thế nào là tình yêu vị tha?

Tình yêu vị tha là tình yêu vì mọi người. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, chúng ta vui lòng quên mình để dấn thân, đem lại niềm vui mừng và hạnh phúc cho người khác. Đặc tính của loại tình yêu này là cho đi và cho đi không ngừng. Như người mẹ cho con cả cuộc đời vất vả vì con.

Khuôn mẫu lý tưởng cho tình yêu vị tha là chính Chúa Giê-su, Ngài đã nói và đã làm: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu dám hiến mạng vì bạn hữu.

Nhưng để có một tình yêu vị tha như Chúa, chúng ta phải tập luyện hằng ngày, và không một môi trường nào thuận tiện cho việc tập luyện bằng đời sống gia đình. Vì “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.

Nếu chúng ta không yêu thương chính những người cùng máu huyết với mình, làm sao chúng ta có thể yêu thương người dưng nước lã và hơn nữa, còn phải yêu thương cả kẻ thù mình.

Trong năm giáo dục gia đình, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện cho gia đình mình một số ưu tiên sau:

1. Hãy biết tha thứ cho nhau

Vì cuộc sống chúng, chúng ta không thể tránh hết được những va chạm, những bực bội, những buồn phiền, hiểu lầm, vì “bá nhân bá tánh”, và lại “nhân vô thập toàn” nên cần phải tôn trọng và cảm thông với nhau. Phải biết quên đi và tha thứ, biết nhường nhịn và chịu đựng, vì một sự nhịn là chín sự lành, để nhờ đó bầu khí gia đình sẽ luôn hoà thuận, bằng không đời sống gia đình sẽ luôn là bãi chiến trường căng thẳng. rồi dần dần “già néo thì đứt dây” sẽ dẫn đến sự đỏ vỡ của gia đình.

2. Hãy giúp đỡ nhau

Phải, hãy giúp đỡ nhau chu toàn những công việc nhỏ bé trong đời sống thường ngày, cộng tác với nhau rong sinh kế làm ăn, hầu bảo đảm một đời sống vật chất ấm no.

Nói tóm lại, những người trong gia đình, phải biết nghĩ đến nhau, phải biết sống cho nhau và có thể dám chết vi nhau, để biến gia đình thành một cộng đoàn ngập tràn yêu thương

Với tình yêu, chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật đáng sống, dù có phải vất vả, cực nhọc, dù có phải nghèo túng:

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”

“Canh tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”

Tình yêu còn có khả năng mang lại nguồn nghị lực mới để vượt qua mọi khó khăn:

“Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”

Trái lại, không có tình yêu gia đình sẽ trở thành một địa ngục, một nhà tù, trong đó người này cầm chân và giam hãm người kia.

Ước gì mỗi người chúng ta đều có một trái tim hãy dành tình yêu đó cho gia đình. Mỗi người hãy sống tình yêu bao dung và dâng hiến cho gia đình được mãi êm ấm thuận hoà và hạnh phúc.

BÀI 4: NGƯỜI CHA HOÀN HẢO

MỖi người sinh ra đều có một người cha. Một người cha cộng tác trong việc sinh ra chúng ta. Một người cha nuôi dưỡng chúng ta. Một người cha cho chúng ta một dòng máu, một dòng tộc ở đời. Thế nên cũng có thể nói: mỗi người chúng ta đều có một người cha gắn bó với chúng ta. Ông là người mang lại cho chúng ta vinh dự hay tủi nhục. Ông là người mang lại cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh. Ông là người cha gương mẫu hay bệnh hoạn bởi thói hư tật xấu.

Chị Liên vẫn cho mình là một đứa trẻ bất hạnh vì mồ côi cha ngay từ nhỏ. Chị chỉ thấy bóng hình cha qua người khác kể và những tấm ảnh cũ nát theo thời gian. Chỉ rất tủi khi nhìn thấy bạn bè được có cha yêu thương dạy dỗ. Nhưng trường hợp anh Vinh lại khác. Anh có cha và còn cha. Nhưng cha lại quá khắt khe với anh, luôn dùng hình phạt để răn dạy anh. Ông nói là ông thương anh “thương cho roi cho vọt”, nhưng anh lại nghĩ vì ông quá đòi hỏi nơi anh. Ông đòi anh phải học thật giỏi, phải nổi bật giữa bạn bè để ông được nở mày nở mặt, nhưng anh đã không làm được điều đó nên ông đánh đập anh.

Kinh nghiệm của chị Tuyết thì lại khác. Chị thương cha và cha cũng thương chị. Nhưng ông hiền lành và nhu nhược quá. Ông yếu đuối với người chung quanh. Ông không hướng dẫn gia đình, ông trao phó mọi việc cho vợ con. Con cái muốn làm gì cũng được nên không đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Thậm chí lấy vợ lấy chồng cũng tuỳ ý, chứ không có sự định hướng của cha mẹ. Vì thế mà bây giờ người nào cũng sống trong khó khăn, thiếu thốn. Từ khi còn nhỏ, chị luôn mong cha chỉ dạy, hướng dẫn nhưng cha chẳng bao giờ có ý kiến hay có tiêu chuẩn gì rõ ràng để định hướng cho con vào đời. Chị có cha nhưng vẫn phải một mình vật lộn với đời.

HÔm nay khởi đầu ngày tĩnh tâm dành cho quý vị gia trường, chúng ta cùng chiêm ngắm bóng hình người cha hoàn hảo trên trời để chúng ta cũng có gắng hoạ lại chân dung đó trong vai trò làm cha của mình.

1. Chúa là người cha giầu lòng thương xót và nhân từ

Thiên Chúa biết rằng: con người là tạo vật mong manh yếu đuối, được tạo dựng bằng cát bụi, một ngày kia cũng trở về cát bụi. Vì thế Chúa yêu thương, thương xót chúng ta. Là những người con yếu đuối vụng về, nhiều lỗi lầm, chúng ta cần có một người cha có lòng thương xót như Chúa biết rõ những yếu đuối của chúng ta và sẵn sàng thông cảm tha thứ những vấp vấp ấy của chúng ta.

Thế nhưng, nhiều ông bố của chúng ta lại thiếu lòng từ bi và nhân hậu. Ông chỉ biết roi vọt và doạ nạt ngoài ra chẳng có sáng kiến gì giúp con sửa đổi. Roi vọt và doạ nạt không phải là dạy dỗ mà là trừng phạt và khủng bố. Con cái rất cần những lời răn dạy bảo ban trong tinh thần nhân ái từ bi của cha. Đó là bài học mà các người cha phải kiên nhẫn giáo dục liên tục cho đến khi con trưởng thành.

Có một ông bố khi thấy con hút thuốc, ông đã không giận dữ quạt nạt mà ông dẫn đứa con ra sau bếp và chỉ cho nó thấy mùn hóng từ khói đã bám vào mái nhà thế nào, thì người hút thuốc cũng bị khói bám vào phổi như vậy. Thiết tưởng đó là bài học nhân từ và hiệu quả hơn là dành điếu thuốc, đánh đập con cái.

2. Chúa là người Cha lo lắng cho con cái.

Chúa Giê-su đã từng nói: đừng quá lo lắng về cơm ăn, áo mặc, vì Cha anh em đã cho chim trời thức ăn, cho hoa ngoài đồng những màu sắc tươi đẹp. Ngài chắc chắn sẽ cung ứng cho chúng ta (Mt 6,32).

Người cha trong gia đình dù bất toàn nhưng vẫn luôn muốn cung ứng mọi nhu cầu cho con, nhưng lắm khi vì hoàn cảnh khó khăn, không thể cho con điều con cần. Người cha trên trời của chúng ta trái lại, là Đấng quyền năng giầu có vô hạn. Ngài có thể đáp lại mọi lời con cái kêu xin. Tuy nhiên, với một điều kiện “hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn những điều khác Ngài sẽ ban cho sau” (Mt 6,33)

Và như vậy, người cha trong gia đình điều cần mang lại cho con chính là biết dạy con, cái đức thành người, biết sống theo lẽ phải, biết hướng về thiện, biết tìm kiếm nước Chúa. Của cải vật chất mãi mãi chúng ta không lo đủ và vừa lòng con cái. Vì được voi đòi tiên, và đôi khi “có tiền sinh tật”. Chúng ta đừng hổ thẹn vì mình không giầu có để thoả mãn nhu cầu cho con cái, nhưng chúng ta phải xấu hổ vì không cho con cái cái đức thành người.

3. Chúa là người Cha yêu thương và tha thứ

Thánh Gioan đã viết: Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Và ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7)

Chúng ta cảm tạ Chúa vì không những Ngài yêu chúng ta vô điều kiện mà còn yêu chúng ta trước. Ngài yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Ngài không yêu chúng ta bằng lời nói như bằng những việc làm cụ thể. Ngài đã đến trần gian làm người hy sinh chịu chết thay cho chúng ta. Ngài là người cha luôn luôn tha thứ. Mỗi lần lỡ phạm tội, nếu chúng ta cầu xin Chúa tha thứ, Ngài chẳng những tha thứ mà còn quên hết tả lỗi lầm của chúng ta.

Thế nhưng, nhiều ông bố lại quá cố chấp với con cái, thái độ gia trưởng của các ông bố dễ làm cho con cái xa cách. Nhiều đứa con đã thực sự không muốn ở nhà vì bố quá hà khắc, thiếu từ nhân. Thiết nghĩ sự dữ dằn không mang lại hạnh phúc cho gia đình, biến gia đình thành nơi tố tụng hình sự thì chắc chắc chẳng mang lại niềm vui cho con.

4. Chúa là người cha không bao giờ thay đổi

Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu đời đời. Ngài yêu ai thì yêu cho đến cùng. Kinh thánh luôn luôn nhắc rằng: “lòng nhân từ của Đức Chúa Trời còn đến muôn đời.

Người cha trong gia đình có thể vì một cám dỗ nào đó, bỏ quên con cái, nhưng Chúa không bao giờ quên chúng ta, dù chúng ta tội lỗi xấu xa, làm cho Chúa buồn lòng. Ngài cũng không bảo giờ bỏ chúng ta. Nếu khi nào chúng ta xa Chúa là vì chúng ta đã từ bỏ Ngài mà thôi.

Ngày nay người ta đang sợ những đứa con của các gia đình ly dị, ly thân, không có tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ liệu rằng chúng sẽ ra sao?

Vì vậy, hãy dừng lại đúng lúc, đừng quá đi sâu vào những tình cảm bất chính để rồi chia đàn xẻ nghé vợ con. Chúng ta không thể vì niềm vui của minh, hạnh phúc của mình mà không cảm thấy có trách nhiệm với gia đình vợ con của mình.

Nhiều người cha vẫn đang đi tìm một mối tình khác, một niềm vui trong các quán Café ôm, có ai nghĩ rằng trong bóng tối của cuộc vui chúng ta là bóng tối của cô đơn, thất vọng của vợ con. Chúng ta vui về mối tình vụng trộm, nhưng lại trút gánh nặng kinh tế cho gia đình, bởi những đồng tiền đáng lý được trang trải cho gia đình lại phung phí cho bản thân.

Ước mong trong năm giáo dục gia đình, mỗi người chúng ta hãy ý thức mình là người giáo dục, hãy ý thức “sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó. Chúng ta sống không nghiêm túc thì không thể có những đứa con ngoan ngãn vâng lời. Chúng ta không dạy con cái những bài học mực thước, đoan trang từ trong cách sống của chúng ta thì làm sao chúng ta có được những đứa con sống đoan trang thuỳ mỵ ở đời. Chúng ta không dạy con cái lòng nhan ái bao dung trong sự nhẫn nại, hy sinh của chúng ta làm sao chúng ta có được những người con hiền lành hiếu đức. Chúng ta không dạy con cái sống có trách nhiệm qua đời sống chu toàn bổn phận làm cha của mình, thì làm sao chúng ta có được những người con biết sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Nguyện xin Thiên Chúa là người cha vô cùng nhân ái, bao dung dạy chúng ta biết theo gương Ngài mà hoạ lại tình yêu của Chúa cho gia đình chúng ta.
 
Linh mục, chứng nhân đời sống khó nghèo
LM. Giuse Trương Đình Hiền
02:40 13/03/2009
LINH MỤC, CHỨNG NHÂN ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO

BÀI CHIA SẺ TRONG THÁNH LỄ THỨ NĂM (Sau Chúa Nhật II MC)

TUẦN TĨNH TÂM NĂM 2009

Dẫn nhập: Kính thưa...

Hôm nay, ngày cuối của tuần tĩnh tâm linh mục, ngày mà theo chương trình truyền thống của tuần tĩnh tâm năm giáo phận Qui Nhơn, dành riêng để cầu nguyện và tưởng nhớ đến các Giám Mục, linh mục, Phó tế trong giáo phận đã qua đời. Hôm nay cũng là ngày Thứ Năm trong tuần II Mùa Chay, tuần lễ mời gọi Dân Chúa cùng “Biến Hình” với Chúa Kitô trong cuộc hành hương tiến về Đại lễ Phục Sinh, chấp nhận sẵn sàng “lột xác” để gương mặt rạng ngời của Chúa Kitô Phục Sinh tiếp tục sáng lên trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu, nhất là cuộc đời của mỗi anh em linh mục chúng ta.

Như vậy thật là thích hợp, để chúng ta vừa lắng nghe sứ điệp Lời Chúa được công bố trong thánh lễ nầy để kín múc từ đó những điểm qui chiếu cho cuộc đời thánh chức, vừa trở về nguồn cội những “cây cao bóng cả” các bậc cha anh để tìm lại những hành trang quí báu cho cuộc hành trình sống chức linh mục trên những nẻo đường mục vụ hôm nay.

I. LINH MỤC: CHỨNG NHÂN CỦA ĐỜI SỐNG KHÓ NGHÈO :

Trước hết, trích đoạn của sách sứ ngôn Giêrêmia sau khi đưa ra 2 mẫu người với chọn lựa cuộc sống cùng với kết quả của sự chọn lựa đó:

Mẫu 1): Chọn người đời làm điểm tựa:

Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa lìa Đức Chúa.


Kết quả: Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa.
Chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ


Mẫu 2). Chọn Thiên Chúa làm điểm tựa:

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa,
Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân


Kết quả: Người ấy như cây trồng bên dòng nước
Đâm rễ sâu vào mạch suối trong…


Trong khi đó, với dụ ngôn “Ông phú hộ và anh Lagiarô ăn mày”, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu người cùng với kết cục cuộc đời của họ:

Mẫu 1: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vó, ngày ngày yến tiệc linh đình….”

Kết cục cuộc đời: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình…”

Mẫu 2: “Người nghèo khó La-da-rô, mụn nhọt đầy mình…thèm được những thứ trên bàn ăn…”

Kết cục cuộc đời: “Thiên thần đem vào lòng ông Abraham…”

Như vậy chúng ta thấy quá rõ ràng dụng ý của bàn tiệc Lời Chúa hôm nay: mời gọi chúng ta đứng về phía của những người đặt niềm tin nơi Chúa, về phía của những người nghèo của Giavê (anawim). Thật ra, tư tưởng và hình ảnh “người nghèo của Giavê” gần như đã âm vang suốt chiều dài của lịch sử cứu rỗi, xuyên qua sứ điệp của các ngôn sứ như Ê-dê-ki-en, A-mốt, I-sa-ia, Giê-rê-mi-a…; và đặc biệt nổi bật lên qua lời cầu nguyện và thái độ tâm hồn được diển tả qua những lời thánh vịnh:

“Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Chỉ lối cho tội nhân,
Dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính
Dạy cho biết đường lối của Người”… (Tv 25,8-9)


“Người giải thoát bần dân kêu khổ
Và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn…” (Tv 72, 12-13)


Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,
Hằng gìn giữ những ai bé mọn…” (Tv 116,5-6
)

để cuối cùng cô đọng lại như điểm qui chiếu chung kết là “Con đường Bát Phúc” của Tân ước trong loạt bài giảng trên núi của Chúa Giêsu: “Phúc cho ai có tâm hôn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1), hay được cụ thể hóa cách sống động nơi những mẫu người “nghèo” điển hình như Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giuse, ông bà Giacaria và Isave, Gioan Tẩy giả, các mục đồng thành Bê lem…và tiếp sau đó là những Tông đồ sẵn sàng bỏ lưới bỏ thuyền, cha mẹ vợ con, bỏ cả “túi tiền nơi bàn thu thuế”… để lang thang với vị tiên tri “không có viên đá gối đầu”, những người như Maria Bêtania sẵn sàng đập bể bình dầu cam tùng để xức chân Chúa, như Giakê sẵn sàng đem nữa tài sản phân phát cho người nghèo và đền gấp bốn những thiệt hại…, những người nghèo đến độ danh dự, phẩm giá, cuộc đời chỉ còn đọng lại nơi những giọt nước mắt sám hối rơi trên chân Chúa như Maria Mađalêna, hay đó là những trẻ em, những người nghèo được dành chỗ ưu tiên trong Vương Quốc Nước Trời (Mt 18,1-4), và cuối cùng, dó là người nghèo nhất trong những người nghèo của nhân loại: Giêsu Na-da-rét, người tử tội bị đóng đinh giữa hai người trộm cướp, chết trần truồng không mảnh áo che thân…

Nếu đem hai chữ “khó nghèo” áp dụng vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, thì quả thật Giáo Hội có cả một kho tàng giáo huấn và kinh nghiệm, mẫu gương và chứng tá, của gần 2000 năm lịch sử. Xét về mặt giáo huấn, chúng ta chỉ cần đọc lại nguyên số 30, chương III trong Tông Huấn “Pastores dabo vobis” của Đức cố ĐGH G.P. II, sẽ gặp được những chỉ dẫn cơ bản và cần thiết như:

- Nghèo khó của linh mục đó là “đem mọi của cải (tous les biens) tùng phục Của Cải tối thượng (Bien suprême) là Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài”.

- Nghèo khó của linh mục đó là: “tự do sử dụng những của cải ấy và đồng thời vui vẻ khước từ chúng với một trạng thái ứng trực nội tâm, đối với Thiên Chúa và đối với những kế hoạch của Ngài”.

- Linh mục khó nghèo đó là “linh mục phải coi người nghèo và những người yếu đuối nhất như là được giao phó cho mình một cách đặc biệt, và phải có khả năng nêu chứng tá nghèo khó bằng một đời sống giản dị và khắc khổ, vì đã quen từ bỏ một cách quảng đại những gì là dư thừa” (Optatam totius, ĐT số 9; GL khoản 282”, là người “nêu chứng tá về một sự “trong suốt” hoàn toàn trong việc quản trị tài sản cộng đoàn….sẽ không bao giờ xử sự như thể tài sản ấy là gia sản riêng tư của mình, nhưng như những gì mà mình phải thanh thỏa trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em mình, nhất là trước những người nghèo”.

- Linh mục sống khó nghèo cũng có nghĩa là: “biết chú tâm tới những người bé nhỏ, tới các tội nhân, tới hết mọi người sống ngoài lề xã hội, theo như mẫu mực mà Đức Giêsu đã để lại trên bước đường thừa tác vụ ngôn sứ và tư tế của Ngài” (x. Lc 4,18).

- Và Tông huấn cũng đưa ra một dấu chỉ để đánh giá một linh mục thực sự biểu hiện đức khó nghèo trong xã hội hôm nay: “Một linh mục thực sự nghèo khó chắc chắn sẽ là dấu chỉ cụ thể cho sự cách biệt, cho sự chối từ chớ không phải cho sự lụy phục đối với bạo quyền trong thế giới đương thời là thế giới đặt trọn niềm tin cậy của mình nơi tiền bạc và nơi sự an toàn vật chất”.

Ôn lại sứ điệp Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội như thế để điều chỉnh lại cuộc sống linh mục, chắc chắn không phải là chuyện dư thừa trong cuộc tĩnh tâm nầy. Bởi vì, hơn lúc nào hết, trong xã hội Việt nam hôm nay, đang cần những “chứng nhân của đời sống khó nghèo”, một “loại hình chứng nhân” xem ra trở thành của quý hiếm trong một xã hội đua đòi, hào nhoáng, phương tiện và sự hưởng thụ giàu sang…

Có một điều may mắn, trong dòng chảy truyền thống của hàng ngủ linh mục giáo phận Qui Nhơn, quả thật, chúng ta không thiếu những chứng từ sống động về đời sống khiêm hạ, khó nghèo.

II. NHỮNG CHỨNG TỪ CỦA CHA ÔNG:

Hôm nay, trong thánh lễ nầy, khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Đấng Giám Mục, linh mục, phó tế của giáo phận đã an nghỉ, quả thật, chúng ta như thấy sống lại bao chứng từ sống động của các vị cha anh, chúng ta như chiêm ngưỡng được cái uy hùng, ngất ngưỡng của những cây cao bóng cả. Quả thật, với chòm râu nhân từ của ĐC Dominicô, của cha già Đức, với mái tóc bạc thân thương của ĐC Phaolô, cùng với những gương mặt, nụ cười hiền lành, dễ mến của Quý cha già Tiên, cha già Hiến, cha già Châu...chúng ta không chỉ được chuyển tải một giá trị bằng hình tượng khả giác, nhưng là cả một gia tài tinh thần cao quí. Đó chính là lòng nhân từ, sự hiền lành, nhân đức khiêm nhu. Nếu mọi linh mục hôm nay đều toát lên nơi gương mặt của mình, tỏa sáng trong nụ cười và cung cách ứng xử của mình cái chất “hiền lành, khiêm nhu” của các bậc Cha ông khả kính đó thì đẹp biết bao, dễ sống với nhau biết nhường nào và chắc chắn cũng thành công mục vụ không ít.

Và nếu cần những chứng từ của một đời linh mục giản đơn, khó nghèo để chúng ta noi gương mà trụ vững giữa một xã hội ngập tràn những cơn cám dỗ của hào nhoáng và phương tiện, của đua đòi và lãng phí, của hưởng thụ và giàu sang...thì chúng ta hãy đọc lại cuộc đời của Cha Tám Ân, Cha Bùi Huy Bích, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri...Các Ngài giảng đạo, truyền giáo đôi khi chỉ chỉ cần một chiếc võng để đong đưa giấc ngủ trong một mái tranh nghèo; các ngài đi đến với đàn chiên từ xóm nầy qua làng nọ đâu cần phải “ngựa xe kiệu lọng” mà chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng hay chiếc gắn máy cũ kỷ. Làm mục vụ ở giữa đám dân gầy “liên khu 5” thường xuyên đối mặt với chiến tranh loạn lạc, với bảo lụt triền miên…nên đối với các ngài, một chiếc áo rách vai, một chiếc quần bà ba cũ kỷ bạc màu lại dễ tiếp cận giáo dân và lương dân hơn là phong cách đạo mạo, quý phái của những bậc quan quyền phong kiến.

Đó không là chứng từ của sự khó nghèo linh mục hay sao ? Rồi cũng từ cái phong cách giản đơn, khiêm tốn, thanh bần đó, hàng linh mục Qui Nhơn lại được tài bồi thêm những giá trị nhân bản quý giá: sống nghĩa tình huynh đệ, sống nghĩa khí bạn bè, sống thân tình sư đệ, sống yêu thương phụ tử. Từ thế hệ linh mục cận kề mới đây như Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, Cha Tổng Đại Diện Anrê Huỳnh Thanh Khương... cho đến thế hệ của các cây đại thụ tiền bối như cha Châu, Cha Đại, Cha Tám Ân...đã để lại những dấu ấn không phai mờ về tình huynh đệ, về cái chất dung dị hòa đồng, về tâm tình cảm thông, liên đới, sẻ chia trong cuộc đời linh mục.

Quả thật, chúng ta có cả một cội nguồn phong phú, những cây cao bóng cả tuyệt vời. Nếu ai đó cố tình cắt đứt cái truyền thống Qui Nhơn tốt đẹp cao quý nầy thì e rằng sẽ biến mình thành một linh mục cô đơn, nghèo nàn, nếu không nói là biến chất, đánh rơi căn tính.

Kính thưa…

Sứ điệp Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay quả là thích hợp để khơi lên trong chúng ta ý chí và tình yêu để tiếp tục chọn lựa sự khó nghèo của Phúc Âm, chọn lựa đánh cuộc đời mình trong sự phó thác và đặt điểm tựa hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chắc chắn, có một sức mạnh vô hình sẽ giúp chúng ta kiên vững trong chọn lựa khó khăn nầy, đó chính là sự hiện diện của Vị Mục Tử Chí Thánh Giêsu, Đấng, mà nhờ bàn tay và miệng lưỡi đớn hèn nhân loại của chúng ta, sẽ hiện diện trên bàn thờ nầy qua hình bánh rượu.

Chính trong tâm tình khiêm hạ, khó nghèo, chúng ta có thể cùng nhau đọc lại bức thư của thầy A. Roncalli (tức ĐGH Gioan XXIII) gửi thăm ba má:

“Đại chủng viện Rôma, ngày 16.01.1901,
Trọng kính thăm Ba Má, Bác Hai, Cậu và anh chị.
Khi thư nầy đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.
Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa Quan phòng.
Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng Sinh thì được thẻo bánh má tự làm. Tuy nhiên, dù gần 20 đứa lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ vào bàn chia bữa ăn với chúng con…
Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo. Con: Angelo
”.

Ước gì lời quyết tâm của Đức cố GH Gioan XXIII cũng là lời quyết tâm của tất cả anh em linh mục chúng ta hôm nay: Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo.”. Amen



 
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ê-phê-xô
LM An-rê Đỗ xuân Quế,OP.
12:48 13/03/2009
THƯ GỬI TÍN HỮU Ê-PHÊ-XÔ

1. Thư gửi cho ai và muốn nói gì ?

Đề tài chính của thư Ê-phê-xô là kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa được ấn định từ trước muôn đời, nhưng trong bao thế kỷ vẫn còn bị che giấu, nay mới được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, và được mặc khải cho thánh Phao-lô để loan truyền trong Hội thánh. Hội thánh là một tổ chức vừa mang tính trần gian lại vừa mang tính thiên quốc. Nói đúng hơn, Hội thánh là công trình Chúa Giê-su đang thực hiện, là công trình tạo thành mới thay cho công trình tạo thành cũ. Thánh Phao-lô hướng chúng ta nhìn về một viễn tượng lớn: đó là cảnh tượng một Hội thánh phát triển, khởi sự từ đầu với Đức Ki-tô cho tới khí đạt tới tầm vóc viên mãn như Thiên Chúa trù liệu. Tác giả bức thư dùng hai hình ảnh để diễn tả sức sống đó: Hội thánh là một thân thể đang lớn lên và là ngôi nhà của Thiên Chúa đang được xây cất. Nhờ phép Rửa, các tín hữu đã được đưa vào thân thể này, trong đó Ít-ra-en và dân ngoại được kết đoàn, trở thành một thọ tạo mới, nhờ việc ca tụng. hiểu biết và vâng phục Thiên Chúa. Họ trở thành trung tâm điểm hợp nhất mọi người.

Thư chia làm hai phần: phần thứ nhất từ chương 1-3. Trong phần này, thánh Phao-lô dùng một lối văn đặc sắc, cảm hứng từ giáo lý và phụng vụ để diễn tả Hội thánh như là thành quả của tất cả công trình do Thiên Chúa tạo thành. Tác giả mở đầu bằng một lời chúc tụng theo kiểu phụng vụ Do thái. Trước hết là lời ca tụng ân sủng vô biên của Thiên Chúa (1,3-24). Tiếp đến là lời cầu xin ơn soi sáng, được kết thúc bằng lời tán dương Đức Ki-tô là thủ lãnh vũ trụ và là đầu Hội thánh (1,15-23).

Chương 2 nói đến những thay đổi lớn đã được thực hiện nơi Đức Ki-tô: những gì đã chết nay được sống lại (2,1-10); những gì đã bị chia rẽ, nay được tái hợp (2,11-22). Nhờ ân sủng, ơn cứu độ đến với từng người và đồng thời kết hợp mọi người trong Đức Ki-tô. Từ nay không còn ngăn cách giữa Ít-ra-en và dân ngoại nữa; việc hòa giải giữa họ, loan báo việc hòa giải của toàn thể vũ trụ. Người cổ động cuộc hòa giải này là thánh Phao-lô. Để kết thúc phần 1, tác giả dùng lời kinh ca ngợi tình yêu vô biên của Đức Ki-tô (3,14-19) và chấm dứt bằng một lời tán tụng (3,20-21)

Phần 2 (từ chưỡng 4-6) có thể gọi là phần huấn dụ tín hữu, đi từ việc tán tụng trên. Thánh Phao-lô khuyên cộng đoàn sống hợp nhất với nhau. Ngài gợi lên hình ảnh ngôi nhà và thân thể con người để nói về Hội thánh. Ngôi nhà và thân thể ấy được phát triển nhờ các thừa tác viên của Đức Ki-tô (4,1-16). Các huấn dụ sau đó lặp lại các đề tài giáo lý quan trọng, như bỏ nếp sống cũ để đón nhận nếp sống mới bằng cách mặc lấy Đức Ki-tô (4,17-31), noi gương Chúa (4,32-5,2), đi từ tối tăm sang ánh sáng (5,3-20). Để mô tả những tương quan mới được thiết lập trong Đức Ki-tô (5,21-6,9), thánh Phao-lô viết một đoạn rất thời danh, so sánh mối liên hệ giữa Đức Ki-tô với Hội thánh như một cuộc hôn nhân (5,25-32). Sau cùng, tác giả kêu gọi ai nấy hãy mang vũ khí thiêng liêng của người tín hữu, để chiến đấu chống lại các sức mạnh của ma quỉ, xác thịt (6,10-17). Đó là những hình ảnh và đề tài mượn của Cựu Ước, đôi khi phỏng theo giáo phái Qumrân, nhưng tất cả đã được đổi mới theo ánh sáng của Đức Ki-tô. Thư kết thúc bằng một lời khuyên cầu nguyện, đưa một vài tin tức rồi sau cùng chào tạm biệt.

2. Hoàn cảnh và đặc tính của thư

Bối cảnh lịch sử của thư Ê-phê-xô cũng giống như bối cảnh chung của các thư Cô-lô-xê và Phi-lê-môn. Bấy giờ thánh Phao-lô đang ngồi tù (Ep 3,1; 4,1; 6,20). Chỉ có mấy người ở gần ngài, và ngài cũng sai anh Ty-khi-cô đi làm cùng một công tác như trong các thư kia. Nhưng vì các thư đó quá giống nhau nên có vấn đề. Người ta thấy mọi chi tiết lịch sử trong thư Ê-phê-xô lặp lại hầu như từng chữ những gì viết trong thư Cô-lô-xê (Ep 6,21-22 = Cl 4,2-8). Hơn nữa, chính thánh Phao-lô lại không quen biết những người nhận thư (1,15) nên chắc thư này không gửi cho giáo đoàn Ê-phê-xô, nơi ngài đã ở khá lâu. Đàng khác, các thủ bản làm cho người ta lưu ý ngay từ đầu là nhiều bản không có tên Ê-phê-xô ở trong đó. Ngay từ thời Thượng cổ, nhiều người nghĩ rằng thư này viết cho giáo đoàn Lao-đi-kê-a, gần Cô-lô-xê, vì theo Cl 4,16, giáo đoàn này đã nhận được một thư của thánh Phao-lô, thế mà người ta không thấy thư này đâu cả.

Đến như văn trong hai thư Ê-phê-xô và Cô-lô-xê cũng lại giống nhau nữa: cũng dùng những bản văn phụng vụ, câu cú nhiều khi nặng nề, thích dùng các từ đồng nghĩa, các chuỗi túc từ, các kiểu nói với phân từ. Hai thư có ngữ vựng giống nhau và chịu ảnh hưởng của loại văn chương khôn ngoan. Trong thư Ê-phê-xô, các đặc tính của thư Cô-lô-xê được nhấn mạnh hơn và các kiểu nói sê-mít cũng nhiều hơn. Sau cùng, tưởng cũng phải nêu lên những đoạn song song giữa hai thư:



Liên hệ giữa hai thư Ê-phê-xô và Cô-lô-xê là một điều bí hiểm. Chưa ai đưa ra được một giải pháp nào thỏa đáng. Đại khái có những giả thuyết sau đây:

Rất ít người coi thư Ê-phê-xô là bản văn của thánh Phao-lô mà chỉ nghĩ rằng đó là bản văn của một người khác được thánh Phao-lô sửa chữa lại. Phần đông nghĩ rằng cả hai thư đều do thánh Phao-lô viết để gửi cho các giáo đoàn gần nhau cùng một lúc, và tác giả đã dùng thư Cô-lô-xê để viết thư Ê-phê-xô. Như vậy, thư Ê-phê-xô là thư cuối cùng của ngài. Bấy giờ ngài đang bị giam giữ tại Rô-ma. Người muốn dùng gịong văn viết thư để trối lại cho mấy cộng đoàn những suy nghĩ thâm thúy của mình về mầu nhiệm cứu độ và Hội thánh. Một số người khác lại nghĩ rằng sau khi soạn thư Cô-lô-xê, thánh Phao-lô đã bảo thư ký hay một môn đệ thân cận soạn một bức thư khác. Vì thế, hai thư vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Sau cùng có nhiều lý do quan trọng khiến nhiều học giả nghĩ rằng bức thư này đã được viết muộn hơn vào sau thời các Tông đồ, và phát xuất từ một môi trường chịu ảnh hưởng sâu xa của thánh Phao-lô.

Theo các đặc tính trong thư, người ta có thể liên tưởng tới một bài tán tụng ca hay huấn dụ được đọc lên trong một buổi cử hành phụng vụ, rồi sau được mặc hình thức một bức thư để được liệt kê vào sồ các thư của thánh Phao-lô. Ngoài ra, người ta cũng thấy thư Ê-phê-xô lấy lại đề tài của những thư khác, nhưng liên hệ giữa thư Ê-phê-xô với thư Rô-ma, thư 1 Co-rin-tô, thư Ga-lát và ngay cả với thư Cô-lô-xê cũng không phải là một sự lệ thuộc trực tiếp cho bằng một sự liên tưởng đến các thư kia, và lấy lại các đề tài thời các Tông đồ. Thư Cô-lô-xê rất giống các thư khác về giọng văn, còn thư Ê-phê-xô có nhiều tư tưởng của thánh Phao-lô hơn, trong khi thư Cô-lô-xê không nói tới sự cứu độ nhờ ân sủng, cũng như Dân Thiên Chúa và Thánh Thần. Thư Ê-phê-xô lại có nhiều điểm giống với cộng đoàn Qumrân. Thế mà ảnh hưởng của nhóm này chỉ ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng Ki-tô giáo vào sau thời các Tông đồ thôi. Sau cùng, người ta để ý đến vai trò của loại văn chương khôn ngoan trong thư này, mặc dù đã thấy có trong thư Cô-lô-xê. Tác giả hay dùng các danh từ như khôn ngoan, mầu nhiệm, sung mãn với ý nghĩa khá tinh vi. Cuối cùng, nếu đặt thư này vào thời gian muộn hơn, người ta sẽ hiểu mối liên hệ giữa nó với các thư mục vụ và truyền thống Gio-an. Trong trường hợp đó, có thể coi thư Ê-phê-xô như là môi trường chung của các bản văn nói trên. Tuy nhiên, nếu muốn biết rõ đặc tính của thư Ê-phê-xô, phải nghiên cứu các tư tưởng thần học trong đó.

3. Thần học trong thư Ê-phê-xô

Dù sao, thư Ê-phê-xô cũng chứa đầy tư tưởng của thánh Phao-lô và gỉả như không có những mối liên hệ quá rõ như trên, thì chẳng ai có thể đặt nghi vấn về xuất xứ của thư.

Thư Ê-phê-xô nói về công trình lớn lao Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Phép Rửa làm cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh của Đưc Ki-tô. Việc công bố và tán tụng ơn thánh làm cho thư mang một sắc thái đặc biệt, từ đoạn chúc tụng mở đầu (1,3-4) đến các huấn dụ cuối cùng (2,1-10; 4,7). Sự ngăn cách giữa Ít-ra-en với dân ngoại đã bị hủy bỏ, vì thế từ nay dân ngoại cũng được quyền tham dự hoàn toàn vào Nước Thiên Chúa (2,11-22). Thánh Phao-lô thực hiện sứ mạng Thiên Chúa giao phó (3,2-13). Hội thánh vừa được coi là Dân Thiên Chúa vừa được gọi là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Tư tưởng chờ đợi ngày cánh chung chưa biến mất, nhưng thay vì sự giằng co giữa hiện tại vá tương lai, người ta thấy có tư tưởng khác, đó là ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Ki-tô, và đang được mặc khải trong Hội thánh, phải đạt tới chiều kích viên mãn, nhờ sự tăng trưởng của thân thể mầu nhiệm. Sự tăng trưởng này có ảnh hưởng đến cả vũ trụ (1,22; 4,8-10). Ơn cứu độ là điều đang được hoàn thành. Ki-tô hữu là người được cứu độ (2,8). Người chịu phép Rửa là người đã được phục sinh và chia sẻ vinh quang của Đức Ki-tô (2,6).

Khi nói về ân sủng, thánh Phao-lô không dừng lại trong khung cảnh cánh chung nữa. Các phạm trù luật pháp đã nhường chỗ cho thần bí; người ta có cảm giác Ki-tô giáo bây giờ xích lại gần các tôn giáo rao giảng sự cứu độ. Tương quan giữa Ít-ra-en và các dân ngoại cũng thế. Trong thư Rô-ma, Ít-ra-en và dân ngoại tuy họp nhất nhưng vẫn khác biệt, còn trong thư Ê-phê-xô, sự khác biệt chỉ có trong quá khứ mà thôi. Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô còn hồi hộp lo lắng cho thân phận Ít-ra-en, chờ đợi họ trở lại trong ngày cuối cùng. còn trong thư Ê-phê-xô, ngài chắc chắc gặp lại họ trong Hội thánh. Trong thư Rô-ma, biện chứng pháp thuộc loại pháp luật, còn trong Ê-phê-xô, cuộc hòa giải vừa mang tính đạo đức vừa có tính toàn cầu (x. Rm 9,11; Ep 2,11-21)

Trong các thư trước, danh từ Hội thánh thường chỉ các giáo đoàn địa phương, còn trong thư Ê-phê-xô, Hội thánh là thực tại phổ quát, gần như được nhân vị hóa. Thư Ê-phê-xô chuyển thành phổ quát tất cả những gì mang tính hạn hẹp và cá thể ở trong thư 1 Co-rin-tô. Trước kia, Hội thánh được coi như còn đang ở trong thời gian và hội nhập vào lịch sử, nhưng bây giờ đã trở thành vĩnh cửu. Trong thư Cô-lô-xê, sự viên mãn ở trong Đức Ki-tô (Cl 1,19; 2,9), bây giờ Hội thánh được gọi là sự viên mãn của Người (Ep 1,23). Những gì nói về Đức Ki-tô trước kia thì bây giờ được dùng để nói về Hội thánh. Đề tài thân thế Đức Ki-tô được liên kết chặt chẽ với đề tài nhà Thiên Chúa. Thánh Phao-lô khai triển đề tài mới về mầu nhiệm kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội thánh, gương mẫu của sự kết hợp trong hôn nhân. Mầu nhiệm này nói lên quyền tối thượng của Đức Ki-tô và trách nhiệm của Hội thánh.

Kết luận

Dù tác giả thư Ê-phê-xô là thánh Phao-lô vào lúc cuối đời hay một thư ký viết theo ý ngài hoặc một ai khác, thì tất cả đều đã cố gắng phác họa những giải đáp cho các vấn đề tín hữu thời bấy giờ đưa ra. Tác giả muốn cho họ ý thức thật rõ là thế giới đã thay đổi, từ sau khi Đức Ki-tô chịu chết và sống lại.

Nói tóm lại, thư Ê-phê-xô là một bản trình bày đức tin sống động, chứa chan những tâm tình cảm mến và lời ngợi ca nồng nhiệt về ơn huệ và tình thương của Thiên Chúa.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris trang 2815-2818)
 
Trong đền thờ
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
14:59 13/03/2009
Trong đền thờ

Một người hỏi bạn mình: „ Tại sao anh lại có phản ứng nóng giận mạnh như thế? „

Người Bạn trả lời ngay: „Tại điều họ nói ra gây hiểu lầm làm hại đến thanh danh của tôi. Nên tôi phải có phản ứng nói ra cho mọi người hiểu rõ!“

Một người khác nhất định đòi cho bằng được lẽ phải về phần mình. Nên có những lời nói gay gắt dọa nạt người cùng làm việc, khi hai bên trao đổi ý kiến về lề lối làm việc sống chung !

Một người khác có chuyện tranh cãi với người bạn mình về chuyện qúa khứ giữa hai người với nhau. Một bên đòi hỏi bên kia phải quy nhận cho mình là đúng, phần sai là do bên kia gây ra!

Những mâu thuẫn tranh giành như thế, và những điều khác còn tệ hại nặng nề hơn nữa, đều diễn ra mọi nơi trong đời sống từ khi, có lẽ, tội nguyên tổ xảy ra cho loài người.

Biết như thế là điều không tốt đẹp. Nên dần dà trong lịch sử đời sống, con người cố gắng tìm cách đề ra một lối sống văn hóa có đạo đức tình người, những mong giúp xây dựng đời sống sao cho có hòa bình tốt đẹp hơn. Vì không lẽ „ con người lại là chó sói của nhau“ mãi sao?

Còn trong đời sống đức tin đạo giáo thì như thế nào?

Giáo lý và những giáo huấn nói nhiều về bảy mối tội đầu là mầm mống đưa đến sự tội sự dữ cho con người. Tựu trung chúng bắt nguồn từ trong trái tim tâm hồn ra.

Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem, như Phúc âm thuật lại ( Ga 2, 13-25). Đền thờ là nơi thánh thiêng để phựợng thờ cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Xưa nay không chỉ với Chúa Giêsu mà còn với tất cả mọi người, đền thờ phải là nơi tôn nghiêm trang trọng có bầu khí yên lặng cho việc cầu nguyện, tế lễ phụng thờ Thiên Chúa, tuy đền thờ xưa nay xây dựng bằng đá, bằng gạch hay ximăng cốt sắt…

Nhưng lúc Chúa Giêsu vào đền thờ bầu không khí trong đó lại khác: cảnh ồn ào buôn bán đổi chác tiền bạc!

Không chịu nổi, Chúa Giêsu đã dùng gậy roi đuổi bọn con buôn ra khỏi nơi đó. Và qua đó Ngài nói đến một đền thờ khác hơn nữa: đền thờ chính thân xác Ngài.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã thành người có xác thịt hình hài như mọi con người chúng ta. Thân xác con người không là một lớp áo vỏ bao bì, nhưng là một bộ máy với những cơ quan tinh vi tế nhị sống động. Và thân xác con người không do bất cứ thợ hay kỹ sư con người nào vẽ mẫu tạo nặn ra, nhưng do Thiên Chúa tác thành tạo dựng nên và phú ban cho sự sống động.

Thân xác và sự sống gắn bó đi liền với nhau. Sự sống của thân xác là yếu tố quan trọng. Sự sống làm cho thân xác hoạt động sống động, cùng là động cơ cho tâm trí suy nghĩ sáng tạo.

Thánh Phaolô đã gọi thân con người chúng ta là ngôi đền thờ Chúa Thánh Thần ( 1 Cor 6,19)

Nên ngôi đền thờ thân xác con người chúng ta do Thiên Chúa tạo dựng không là kho chứa chất những hàng hóa không lành mạnh, không phù hợp làm đình trệ chắn ngang hoạt động trong đền thờ.

Những hàng hóa không tốt đẹp không lành mạnh là những mâu thuẫn chằng chịt thiếu bác ái với nhau, lòng ham muốn hơn kém ganh tỵ giành phần hơn về cho mình, những đổ lỗi gây bất hòa giữa nhau, những tranh chấp nhỏ nhặt không quảng đại tha thứ cho nhau, là những ham muốn về dục vọng, của cải vật chất cùng danh vọng quyền lực chức quyền.

Những hàng hóa không lành mạnh này làm tê liệt ngôi đền thờ thân xác của chúng ta bị ngột ngạt thiếu dưỡng khí trời tươi mát, làm tâm trí bị đình trệ không còn suy nghĩ sáng tạo được nữa. Và từ đó nếp sống đạo đức với Thiên Chúa cùng nếp sống tình người bị phai mờ biến mất.

Mùa chay là thời gian tẩy trừ thu dọn ra ngoài những hàng hóa không lành mạnh lâu nay chứa chất trong ngôi đền thờ thân xác con người cho không gian nơi đó được thông thoáng sạch sẽ, cho tâm hồn được khai thông khỏi bóng đen sự tội sự dữ che khuất, và khí trời tươi mát là sự bình an có chỗ cư ngụ.
 
Điên rồ Thiên Chúa - Khôn ngoan con người
Anmai, Cssr
15:07 13/03/2009
CHÚA NHẬT 3 MUA CHAY B

ĐIÊN RỒ THIÊN CHÚA – KHÔN NGOAN CON NGƯỜI !



Xh 20, 1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2, 13-25

Dân Do Thái xưa đã được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ. Sau khi cứu khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã trao cho dân tuyển chọn một giao ước qua miệng của Môsê. Giao ước ấy có hai phần, phần thứ nhất là đối với Thiên Chúa, dân phải: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh”. (Xh 20, 1-11).

Đoạn giao ước này xem ra bình thường vì lẽ với người cứu mình, với người cưu mang mình. Chúng ta xem lại phần 2 của giao ước:

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng gian hại người.

Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta." (Xh 20, 12-17)

Với những người tự do thì xem những giao ước, những luật lệ này nó làm sao đó. Những người tự do phóng túng coi những luật lệ này như những gì ràng buộc sự tự do, ý riêng của mình.

Những người theo chủ nghĩa tự do thì thích những người ấy thích làm gì làm, chẳng có luật lệ gì cả. Và nếu có luật thì họ cũng bất tuân theo luật vì họ cho đó là “điên rồ”, là bó buộc những hành vi của họ. Thế nhưng, suy nghĩ một chút thì thấy những người tự do ấy sẽ bị nô lệ trong cái tôi ích kỷ của mình vì họ chỉ biết có mình họ, còn những người xung quanh thì chẳng là gì cả. Nhìn bề ngoài họ tự do thật đấy nhưng bên trong họ bị nô lệ. Họ không sống thênh thang như những người khác.

Trong xã hội, những người sống tuân thủ luật lệ và những người bất tuân luật lệ. Hai lập trường đó của hai loại người đó luôn đối lập nhau.

Đơn giản nhất, nhìn vào xã hội, nếu không có luật giao thông, ai ai cũng tự do đi lại không có luật thì tình hình giao thông sẽ như thế nào. Cũng hơn một lần chúng ta chứng kiến cảnh kẹt xe. Tại sao kẹt ? Vì ai ai cũng muốn mình được tự do, bất tuân luật, bất tuân tín hiệu đèn giao thông nên kẹt là chuyện bình thường. Cuối cùng những người bất tuân luật bị kẹt đường, chính họ đã gây ra hậu quả mà họ không biết chính họ là nguyên nhân.

Cứ đổ lỗi do đường chật, đường hẹp nhưng do chính con người gây ra, do con người đã tạo nên những cảnh kẹt xe vô cùng mệt mỏi. Đường dù có chật, có hẹp đi chăng nữa nhưng nếu phần đường bên nào bên đó đi thì làm sao kẹt được. Đèn đã báo tín hiệu đỏ rồi nhưng cố vượt qua thì thử hỏi làm sao mà không kẹt được. Cứ tuân thủ đúng luật thì không bao giờ kẹt xe.

Một số người dự tòng, khi theo học giáo lý được giải thích ý nghĩa 10 điều răn mà người Công Giáo phải tuân theo thì họ thấy thoải mái. Trước đó, họ nghe người này người kia hù doạ là theo đạo Công Giáo phải giữ mười điều răn khó lắm ! Những người chưa nghe rõ hay nghe câu được câu mất họ giải thích 10 điều răn như là những điều gì đó kinh khủng lắm, khó giữ lắm. Thế nhưng thật sự những ai tuân giữ giới luật đó một cách nghiêm túc sẽ thấy tâm hồn mình thanh thản, bình an.

Người ta vẫn thường nói “vô tri bất mộ”. Không biết thì làm sao mà mộ mến được. Mười lời hay luật của Chúa gửi đến cho dân qua môi miệng Môsê cũng thế ! Nếu không tìm hiểu thì làm sao biết được và khi không biết thì làm sao cảm thấy những giới luật ấy là nhẹ nhàng, là kim chỉ nam cho cuộc sống của con người.

Vấn đề muôn thuở trong đời sống con người đó là đối lập giữa người biết và người không biết, giữa người hiểu và không hiểu. Những người biết Chúa, những người giữ luật Chúa thường bị những người không tin Chúa cho là điên rồ.

Nhớ lại những ngày tháng ở Thái Hà, ở Linh Địa Đức Bà đã xảy ra hiện tượng này. Giữa đoàn con cái ngày ngày lên Đền Mẹ Hằng Cứư Giúp để dâng lễ và sau đó ra Linh Địa Đức Bà để cầu nguyện, để hát lời Kinh Hoà Bình thì bị không ít người đứng ngoài gọi là “đồ điên” và thậm chí phỉ báng với những lời tục tằn và nhổ nước bọt vào con cái của Mẹ nữa. Những người tin cầu nguyện trong bầu khí ôn hoà thì chẳng hiểu có ai nào đó vô thần, vô tín ngưỡng đã chà đạp tôn giáo mà người ta vẫn lu loa là tự do tôn giáo. Những người tin đang cầu nguyện trong trật tự thì bị người không tin cho ăn dùi cui và roi điện.

Thế đấy ! Ngay ngày hôm nay cái nghịch lý giữa người tin Chúa và những người không tin Chúa vẫn diễn ra. Họ cho những người theo Chúa, là những người điên rồ.

Chúa Giêsu muôn thuở vẫn là mục tiêu cho những người tin tin theo và Chúa Giêsu vẫn muôn thuở muôn đời là mục tiêu phỉ pháng của những người không tin vào Ngài.

Nhớ lại lời của cụ già Simeon trong ngày Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Cụ già Simeon nói rằng đứa trẻ này là mục tiêu để người ta chống đối và con trẻ ấy cũng là cái cớ để cho người ta vấp ngã. Đơn giản, tin thì được đứng vững trước mặt con người, còn không tin thì ngã.

Nếu không biết, không hiểu Chúa Giêsu thì quả thật với những người bình thường thì Chúa Giêsu thật “điên rồ” ! Điên rồ thật chứ không phải là điên vừa vừa. Một cái nhà nhỏ thôi muốn xây dựng làm sao mà có thể xây trong 3 ngày được ! Phải chờ cho cột nó vững, hồ nó khô chứ ! Đàng này, cả một cái Đền Thờ Giêsusalem thật hoành tráng vậy mà bảo xây 3 ngày !

Quá điên rồ chứ không còn điên bình thường nữa vì theo cha ông của người Do Thái nói lại và còn nhiều nhân chứng đương thời thì cái Đền Thờ này phải mất 46 năm mới xây xong chứ không phải là 46 tháng, 46 tuần hay 46 ngày. Ấy vậy mà cái ông Giêsu con của ông Giuse và bà Maria ở cái làng Nagiaret nghèo sống với cái nghề thợ mộc ấy lại dám bảo là xây 3 ngày !

Một chàng thanh niên ở làng quê nghèo nay lên thành thị là Giêrusalem lại dám bảo là xây đền thờ này trong vòng 3 ngày ! Đố ai mà tin được. Phải nói là dân chúng ngày hôm ấy có mặt với Chúa Giêsu quá hiền chứ cả một cái đền thờ trang trọng xây 46 năm như vậy mà dám bảo là 3 ngày thì phải đánh cho bõ ghét cái tay Giêsu nổ này hay là phải bỏ ngay cái tay Giêsu điên rồ này vào nhà thương điên chứ để yên cho Giêsu thoát thân như vậy đâu.

Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem ngày hôm ấy là mục tiêu chống đối của những kẻ tin và mục tiêu tin tưởng của một số người vì họ thấy Chúa Giêsu làm dấu lạ. Và thật sự những người nhìn thấy dấu lạ Chúa Giêsu được mấy người tin. Bởi thế, trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nói: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”. (1 Cr 1,22-25).

Quả thật, nếu không có lòng tin thì làm sao dám chấp nhận thập giá và tin theo cái người chết treo trên thập giá đó được ? Với thế gian, thập giá cũng như người chết treo trên thập giá quả là vô lý, quá vô lý và điên rồ.

Những người tin vào Chúa bị coi là điên rồ.

Những người tuân giữ luật Chúa cũng bị coi là không bình thường.

Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết thập giá Đức Kitô là điên rồi với thế gian.

Những ai tin và theo Chúa mãi muôn đời vẫn bị giằng co bởi điều tiếng của thế gian, của những người không tin.

Hôm nay, đối diện với một chàng thanh niên “cà tàng” Giêsu tuyên bố đền thờ Giêrusalem sẽ xây lại trong 3 ngày, chúng ta phải trả lời về lòng tin của chúng ta. Chúng ta có tin vào lời tiên báo “điên rồ” của Chúa hay không ? Hay là chúng ta chạy theo thế gian đến lên án Thầy Chí Thánh Giêsu ?

Xã hội chúng ta vẫn có những người “điên rồ” đi theo cái ông Giêsu “điên rồ”. Thử vào các trung tâm nuôi người khuyết tật, trẻ mồ côi, các trung tâm xã hội hay gần nhất là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Trung Tâm Ung Bướu, chúng ta thấy được những người “điên”. Dưới con mắt người đời thì họ thật là những người “điên”, người “rảnh”, người “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Ấy vậy mà Nước Thiên Chúa lại có chỗ đặc biệt cho những người “điên ấy”. Nước Thiên Chúa lại là nơi mà những người “điên” theo cái nhìn của người đời nhưng lại là khôn ngoan với Thiên Chúa.

Chúng ta vẫn là những con người mỏng dòn non yếu, xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta để chúng ta tin Chúa, yêu Chúa. Tin và yêu Chúa thế gian cho là điên rồ còn với Chúa chính là sự khôn ngoan. Xin Chúa cho chúng ta điên rồ đối với thiên Chúa để ngang qua thập giá của Chúa Giêsu chúng ta sẽ được hưởng vinh quang mà Ngài đã hứa.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (77)
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
16:31 13/03/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (77)

771. Thân Xác của Chúa Giêsu, chính là Đền Thờ

Chúa Giêsu nói với những người Do Thái rằng Ngài sẽ phá hủy Đền Thờ và sẽ xây lại trong ba ngày (x. Ga 2,13-25)

Các học giả phỏng chừng Chúa Giêsu thốt ra những lời nầy trong năm 29 công nguyên. Lúc đó, đền thờ mà Chúa Giêsu nói tới, đang được xây dựng trong khoảng thời gian bốn mươi sáu năm. Thật ra, đền thờ nầy chỉ được hoàn thành không lâu trước khi bị người La Mã triệt hạ năm 70.

Những người Do Thái đang nghe Chúa Giêsu nói, thì nghĩ đến đền thờ nầy cũng giống như bao đền thờ khác.

Nhờ giáo huấn của thánh Gioan trong bài Phúc Âm, chúng ta biết Chúa Giêsu đang nói tới ĐỀN THỜ là Thân Thể của Người, bao gồm cả chúng ta. (Giảng Lễ Chúa Nhựt – Charles E.Miller, C.M.)

772. Chúa Giêsu là người thật

Là người, Chúa Giêsu mang trong mình bản tính nhân loại như bất cứ ai trong chúng ta: một con người thật, một con người thật với tất cả ý nghĩa của nó, ngoại trừ tội lỗi.

Là người, Chúa Giêsu trước hết là một bào thai nằm trong bụng mẹ chín tháng mười ngày. Mẹ Ngài, Đức Mẹ Maria, mang Ngài nặng và đẻ Ngài đau. Ngài được sinh ra trong lúc Mẹ Ngài phải đi xa, đi về quê Bêlem khai sổ kiểm tra dân số.

Là người, Chúa Giêsu lúc còn bé, lo học tập và thường vui đùa với các bạn đồng lứa trong những giờ giải trí.

Là người, Chúa Giêsu lúc lớn lên, học một nghề để sinh sống, là nghề thợ mộc. Thánh Giuse là cha, dạy cho trò Giêsu là con, học nghề thợ mộc, và người học trò đặc biệt nầy đã sớm trở thành một tay thợ mộc lành nghề. Và từ đó, thanh niên Giêsu thường đổ những giọt mồ hôi trên nhiều miếng gỗ trong khi hành nghề thợ mộc. ...

773. Sức khoẻ của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu là một người có sức khỏe thật bền bỉ.

Chúa Giêsu là một con người cân đối tâm sinh lý hoàn toàn, không đau ốm tật bệnh gì. Sau nầy, chúng ta thấy Ngài, trong cuộc đời bôn ba truyền giáo, dậy sớm (x. Mc 1,35), thức khuya (x. Mc 1,32-34), luôn luôn có mặt trên mọi nẻo đường khắp nước (x. Mt 4,23; Mc 1,38-39).

Chúa Giêsu chịu đựng được nhiều cơn nhọc mệt lớn lao, nên không chao đảo, không ngã quỵ. Đám đông dân chúng và vô số bệnh nhân bao vây Ngài tư bề, không kể ngày, không kể đêm (x. Mt 4,24-25), nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện, vẫn luôn niềm nở, không bao giờ nở bỏ rơi một ai, viện cớ là mệt, là mắc nghỉ, mắc ngủ. ...

Chúa Giêsu nói, Chúa Giêsu dạy, thì dân chúng đông hằng hà sa số, khi trên núi đồi gió trời lồng lộng (x. Mt 5,1), khi giữa đồng bằng trãi rộng mênh mông (x. Mt 14,13), khi trên bãi biển sóng gầm gió thét (x. Mc 4,1), khi trong những thành phố chật ních người ta (x. Mc 2,1-2), tại các hội đường cũng như trong Đền Thờ Giêrusalem đông nghẹt người (x. Mc 11,15-17), thế mà ai ai cũng nghe rõ tiếng Ngài đến tận tai.

Chúa Giêsu không có thời giờ để ăn, để uống cho thong thả (x. Mc 3,20-21). Ngài ngủ ngay được trên mạn thuyền giữa cơn bảo táp gầm thét dữ dội (x. Mt 8,23-24).

774. Chúa Giêsu luôn sống trong lòng dân tộc

Chúa Giêsu mang một tình yêu lớn lao và một mối thiện cảm đậm đà đối với những người đang sống trong xã hội đồng thời với Ngài và đối với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh Ngài.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu là kẻ biết sống trong lòng dân tộc của mình.

Ngài quan sát rất kỹ mọi người, mọi vật, mọi sự một cách thiện cảm, một cách thích thú.

Trong những bài giảng dạy, Ngài luôn làm sống lại trước mắt mọi người những cảnh sống hằng ngày của dân tộc thân yêu của Ngài: nào là người gieo giống đang vung lên những hạt giống vàng nhuộm màu nắng lạt của hoàng hôn (x. Mt 13,3), nào là người ngư phủ đang vá lưới trên bờ biển (x. Mt 4 21), nào là người đàn bà đang sú bột và trộn men (x. Mt 13,33), nào là cô thợ may từ chối lấy miếng vải mới để vá vào chiếc áo cũ (x. Mt 9,16), nào là người trồng nho sản xuất rượu mới, không chịu đổ rượu mới vào bình củ (x. Mt 9,17), nào là những kẻ đi làm thuê, chưa có công ăn việc làm, đang đứng đợi ngoài công trường (x. Mt 20,7), nào là người thanh niên phung phí của cải, chơi bời điên loạn (x. Lc 15,12), nào là các em bé chạy chơi rộn ràng ngoài đường phố (x. Mt 11,16), nào là đám rước cưới tiến đi trong đêm tối với ánh đèn (x. Mt 25,6-7), nào là những đám tiệc được tổ chức trong khoe khoang, với các chỗ ngồi được quy định sít sao (x. Lc 14,7), nào là bà nội trợ đặt đúng cây đèn ở giữa chỗ chính trong nhà (x. Mt 5,15), nào là người hành khất bất hạnh bị lãng quên trước cửa nhà của ông tỷ phú (x. Lc 16,20), nào là ông quản lý tinh khôn biết lôi kéo bạn bè sau khi bị sa thải (x. Lc 16,4), nào là các công nhân làm việc đòi tăng lương khi chiều đến (x. Mt 20,10), nào là ông biệt phái kiêu căng tự mãn khinh chê ông thuế vụ không đạo đức (x. Lc 18,11), nào là lão sùng đạo huyênh hoang bỏ tiền lẻng kẻng vào hòm cúng Đền Thờ (x. Mc 12,41), nào là bà góa nghèo cúi mặt, không dám nhìn ai, khi trút tất cả gia tài bé xíu của mình vào hòm cúng Đền Thờ (x. Mc 12,42), nào là bà mẹ sinh được đứa con, quên cả đau đớn khi nhìn được mặt con (x. Ga 16,21), nào là quan tòa bị thân chủ quấy rầy trong đêm (x. Lc 18,4), nào là ông chồng tức bực khi người hàng xóm, có bạn đi xa về, đánh thức mình dậy trong khuya khoắt (x. Lc 11,7), nào là ông phú hộ xoa tay khi thấy kho lẫm mình đầy tràn (x. Lc 12,18-19), nào là người chăn chiên đi trước đàn chiên và gọi tên từng con một (x. Ga 10,4), v.v...

775. Trái tim của Chúa Giêsu

Tình cảm của Chúa Giêsu rất cao đẹp, rất nồng nàn, rất mãnh liệt, nhưng Ngài vẫn luôn luôn làm chủ trái tim mình.

Ngài dành cho Mẹ Maria, cho Cha Giuse tất cả những tình cảm quý báu nhất (x. Lc 2,51).

Ngài tận tâm săn sóc các môn đệ của Ngài, không bỏ rơi một ai. Tuy quý chuộng tất cả các tông đồ, nhưng Ngài lại quý chuộng Gioan hơn, và giao Mẹ mình cho Gioan nuôi dưỡng (x. Ga 19,27).

Ngài thích trú ngụ tại nhà ba chị em ở Bêtania (x. Mt 21,17),

Ngài rất hiền lành và hết sức kiên nhẫn đối với các bệnh nhân và những ai bị đời hất hủi. Những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh tấp nập đến với Ngài từ bốn phía, và Ngài tiếp đón săn sóc họ không biết mệt (x. Mc 2,10).

Ngài rất động lòng trước nỗi đau khổ của bà góa đi đưa xác đứa con trai độc nhất của mình (x. Lc 7,13).

Ngài xiêu lòng trước những lời van xin của người đàn bà xứ Canaan muốn Ngài thương giúp chữa lành đứa con gái (x. Mt 15,28).

Ngài khóc khi đến mộ Ladarô là người mà Ngài yêu (x. Ga 11,33).

Ngài rơi lệ khi nhìn ngắm kinh đô yêu dấu của tổ quốc mà Ngài biết thế nào cũng bị tàn phá trong một ngày gần đây (x. Lc 21,20).

Ngài nhân từ vô hạn đối với những người tội lỗi, những kẻ yếu đuối lỡ lầm. Ngài tha tội cho họ ngay, tha trong nháy mắt. Ngài công khai bênh vực họ trước những hạng biệt phái đạo đức giả, luôn kiêu căng khinh dễ kẻ khác (x. Ga 8,7).

Ngài độ lượng tha thứ vô điều kiện cho những ai đã hành hạ và giết chết Ngài (x. Lc 23,34).

Trái tim Chúa Giêsu đầy vui vẻ. Ngài vui vẻ tham dự tiệc cưới và sản xuất rượu ngon cho khách tiệc dùng (x. Ga 2,9). Ngài muốn cho các môn đệ vui vẻ trong thời gian Ngài còn tại thế (x. Mc 2,19-20). Ngài hứa ban hạnh phúc cho những ai đeo đuổi lý tưởng Ngài vạch ra (x. Mc 10,30). Ngài hân hoan sung sướng khi nghĩ đến Cha Ngài trên trời và dâng lời cảm tạ (x. Mt 11,25 ).

Nhưng trái tim Chúa Giêsu cũng da diết buồn khi nghĩ đến nhiều kẻ vẫn mù quáng và vong ân. Trái tim đó thắt lại trước sự phản bội của Giudà mà Ngài tin cẩn. Trái tim đó tan nát trong Vườn Cây Dầu.

Và trái tim đó, trước khi ngưng đập, đã bị lưỡi đòng đâm thâu, và từ trái tim yêu thương loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dễ duôi nầy, một giọt máu loảng, lợn cợn với nước, chảy ra !

776. Chúa Giêsu: một nhà vô địch đau khổ.

Mọi cực nhọc túng thiếu trong thân xác và mọi đau khổ ê chề trong linh hồn, tất cả đều có mặt trong cuộc đời làm người của Chúa Giêsu khi Ngài còn sống cũng như lúc Ngài chết.

Sống thì không nhà, không cửa; nay đó, mai đây; nhiều ngày không đủ ăn; nhiều đêm phải ngủ ngoài trời, gối đầu trên tảng đá thô (x. Mt 8,20).

Ở Nadarét, lúc làm nghề thợ mộc tại gia, Chúa Giêsu đã từng cảm thấy mệt mõi sau một ngày lao động vất vả; và sau nầy, khi lìa nhà, bôn ba truyền giáo, Ngài kiệt sức sau nhiều giờ đi bộ trên những con đường dài dưới ánh nắng chói chang, đến đổi phải dừng lại nghỉ trên bờ một giếng mát để xin nước uống (x. Ga 4,6).

Vì làm việc quá tải, Ngài rãnh được chút nào thì ngủ chút đó, có khi ngủ ngay trên mạn thuyền giữa cơn bão tố dữ dội (x. Mc 4,38).

Nhiều lần Ngài cảm thấy đói và uể oải trong thân xác. Nhất là nhiều lần, Ngài cảm buồn da diết khi thấy dân chúng vô ơn, khi thấy các tông đồ yêu dấu chạy trốn, khi thấy Giuda trắng trợn phản bội.

Nhất là trong giai đoạn Thương Khó: thân xác nát tan, linh hồn sầu thảm, tràn đầy nhuốc hổ và sĩ nhục, lảo đảo vác thập giá lên Núi Sọ, chịu xử tử bằng hình khổ đóng đinh trần truồng, nhìn Mẹ đứng dưới chân mà bất lực, chết tủi cực và rùng rợn giữa trời và đất, bị treo trên hai miếng gỗ lạnh lùng. Chết không có mồ chôn, phải mượn mồ kẻ khác để chôn thế.

Đó, GIÊSU! Một con người nếm đủ mọi nổi đau khổ của nhân loại: Một Nhà Vô Địch Đau Khổ!

777. Chúa Giêsu là con người can đảm.

Chúa Giêsu là một con người can đảm, có lập trường cao cả và vững vàng, không lay chuyễn, làm cho chúng ta phải cúi đầu khâm phục.

Nếu Chúa Giêsu chấp nhận đến dự tiệc, chấp nhận ngồi ăn uống với đủ mọi hạng người, thì Ngài vẫn luôn lớn tiếng chống lại tội lỗi, lên án công khai những hạng bất chính, những kẻ dâm tà.

Nếu Chúa Giêsu luôn luôn tốt lành và thông cảm đối với những kẻ yếu hèn, cô thế, sa đọa, thì Ngài vẫn chống đối nặng nề những kẻ lạm dụng Đền Thờ, những kẻ làm gương xấu, những hạng đạo đức giả, những kẻ kiêu căng, dù họ là ai và dù họ ở địa vị nào.

Khi dân chúng say mê Chúa Giêsu, muốn tôn Ngài lên chức cao quyền trọng, Ngài không đếm xỉa, không chụp cơ hội: Ngài bỏ đi. Ngài không tìm thành công nhất thời và bên ngoài cho mình.

Người ta xin Chúa Giêsu làm điềm lạ. Ngài có thể làm cho họ sửng sốt, nhưng Ngài không muốn làm thỏa mãn tính tọc mạch của một ai.

Đối với tiền bạc, Chúa Giêsu từ chối điều đình: đối với Ngài, dứt khoát không được làm tôi hai chủ; không thể nào vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.

Đối với luật pháp, Chúa Giêsu chủ trương rõ ràng dứt khoát: phải vâng giữ luật thế trần trong những điều chính đáng; phải tuân giữ luật Chúa trong mọi điều Chúa dạy.

Lập trường của Chúa Giêsu, không gì có thể thay đổi được, vì lập trường của Ngài là lập trường chỉ biết làm vinh danh Cha Ngài là Đấng đã sai Ngài đến đem sự thật cho trần gian.

Niềm tin của Chúa Giêsu, không gì có thể làm lung lay nổi: dọa nạt, tra tấn, đối với Ngài, vô ích. Ngài không van xin quan tòa. Ngài không muốn nhận đặc ân.

Chúa Giêsu tuyệt đối trung thành với việc bổn phận. Việc bổn phận phải làm, Ngài thi hành không sai một phẩy, không sẩy một chấm. Ngài nhắm mắt hoàn thành bổn phận của mình trong mọi hoàn cảnh, khi thuận cũng như khi nghịch, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi hân hoan cũng như hồi đau khổ. Ngài luôn luôn lặng lẽ làm chứng hùng hồn về sứ mạng của Ngài cho đến hơi thở cuối cùng.

Trước những kẻ nghịch nhạo cười đắc thắng, hả hê chê bai, Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh yêu thương và tha thứ. Sự dữ, sự tội, sự tức tối, sự báo thù không ảnh hưởng được gì trên Ngài. Ngài tha cho tất cả mọi kẻ nghịch với Ngài ngay trên thập giá. Và sau khi đã thực hiện từng chấm, từng phẩy, mọi lời tiên phán trong Thánh Kinh về Đấng Cứu Thế, Ngài vui lòng chết: "Mọi sự đã xong!” và Ngài để cho trái tim mình bị đâm thâu qua.

Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nhưng là một con người cao cả và đáng kính phục biết bao !

778. Nói lại, mà nói một cách khác.

Có một lần, diễn viên hề nổi tiếng thế giới, là Hầu Bá, nói trong lúc biễu diễn:

- “Tôi ở một khách sạn. Phòng vừa hẹp vừa thấp, chuột cũng phải gù lưng.”

Chủ khách sạn, nghe nói, vô cùng tức giận, cho là Hầu bá nói xấu khách sạn của ông, dọa đi kiện.

Hầu Bá dùng một biện pháp vừa giữ quan điểm của mình, vừa tránh được phiền phức. Ông thanh minh trên tivi, tỏ ý xin lỗi:

- “Tôi có nói trong phòng nkhách sạn tôi ở, chuột đều gù lưng. Câu nói đó sai. Bây giờ tôi xin trịnh trọng đính chính: “Chuột ở đây, không có con nào gù lưng cả.”

Nói ngay cả chuột cũng gù lưng, là nói khách sạn vừa hẹp vừa thấp.

Nói chuột ở đây, không có con nào gù lưng cả, thì tuy phủ định khách sạn hẹp và thấp, nhưng khẳng định khách sạn có chuột, và hơn nữa, lại nhiều chuột.

Hầu Bá xin lỗi, đính chính, nhưng thực ra là phê bình khách sạn thiếu vệ sinh.

Hầu Bá vẫn giữ được quan điểm cũ, nhưng mức độ châm biếm lại sâu sắc hơn. (Nhân Hoà, Kế Sách Của Người Thành Công – Duy Hinh)

779. Phải hết sức nghiêm túc khi làm việc.

Hãy chọn một chuyên môn hết sức cần thiết đối với công việc, rồi rèn luyện, thực hành và nghiên cứu càng sâu càng tốt. Đó là cách tốt nhất để khẳng định tầm quan trọng của bạn và để những đề nghị của bạn được tôn trọng.

Bill Gates, chủ tịch Microsoft, được mọi người biết đến như một thiên tài về kỹ thuật và một nhà chiến lược trong kinh doanh.

Các nhân viên, khi trình bày các dự án, đều bị ông chất vấn đến cùng, không chỉ về khía cạnh kỹ thuật, mà còn về tiềm năng thị trường và khả năng sinh lợi của dự án.

Các cuộc “truy bức” của Bill Gates khắc nghiệt đến nỗi các nhân viên của ông dặn dò nhau:

- “Hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi gặp Bill Gates. Nếu không, ông ta sẽ huỷ diệt bạn.” (Bí Quyết Của Thành Công – David Niven, Ph.D.)

780. Lái xe nhanh là lấy sinh mạng của mình ra đùa giỡn.

Ông Tanaka bình thường rất thích lái xe nhanh.

Có một lần, ông chạy trên đường cao tốc, vượt quá tốc độ cho phép, lại còn tăng tốc vượt các xe chạy phía trước.

Ông nhìn thấy phía trước, có một xe chạy hơi chậm. Khi ông ta đạp ga, định tăng tốc vượt qua, thì một hàng chữ trên cửa sau xe nầy đột nhiên đập vào mắt ông: “Vương quốc âm u mời ông xuống trước!”

Ông vội vàng nhả ga, giảm tốc độ, quên ý định lái xe nhanh.

Từ đó về sau, ông bỏ thói quen xấu lái xe nhanh, cũng như không lấy sinh mạng của mình ra đùa nữa. (200 CácH Hành Xử Trong Cuộc Sống – Phúc Điền Kiến)
 
Bí quyết sống hạnh phúc: Thanh tẩy mỗi ngày
Thanh Thanh
16:36 13/03/2009
BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC THANH TẨY MỖI NGÀY
[Để đời luôn hạnh phúc, cần thanh tẩy mỗi ngày]

Sống là thanh tẩy. Có bao nhiêu ngày để sống, thì cũng có bấy nhiêu ngày để thanh tẩy. Muốn bản thân và gia đình hạnh phúc, hãy thanh tẩy.

. Thanh tẩy đi những tư tưởng và lời nói xấu, bằng những suy nghĩ và lời tốt đẹp.
. Thanh tẩy đi những vất vả và lo toan, bằng hăng say làm việc và hành động.
. Thanh tẩy đi những gian nan và thử thách, bằng đời sống kiên trì và nhẫn nại.
. Thanh tẩy đi những đau khổ và bất hạnh, bằng đời sống vui tươi và phấn khởi.
. Thanh tẩy đi những kiêu căng và tự phụ, bằng đời sống khiêm tốn và hoà nhã.
. Thanh tẩy đi những chè chén say sưa, bằng đời sống tiết độ và chừng mực.
. Thanh tẩy đi những cục cằn và nóng giận, bằng đời sống từ tốn và hiền từ.
. Thanh tẩy đi những khép kín và sợ sệt, bằng đời sống cởi mở và tự tin.
. Thanh tẩy đi những thô lỗ và tục tằn, bằng đời sống nhã nhặn và lịch sự.
. Thanh tẩy đi những ghen tương, cố chấp, bằng đời sống ngoan ngoãn và vâng phục.
. Thanh tẩy đi những nông nổi và bồng bộ, bằng đời sống chín chắn và thận trọng.
. Thanh tẩy đi những cẩu thả và giả dối, bằng đời sống cẩn thận và thật thà.
. Thanh tẩy đi những lười biếng và hèn nhát, bằng đời sống siêng năng và can đảm.
. Thanh tẩy đi những ù lì và dựa dẫm, bằng đời sống hoạt bát và tự lập.

. Thanh tẩy đi những nghi ngờ và hiểu lầm, bằng đời sống tin tưởng và cảm thông.
. Thanh tẩy đi những tranh chấp và bất hoà, bằng đời sống yêu thương và hiệp nhất.
. Thanh tẩy đi những khô khan và nguội lạnh, bằng đời sống tích cực và nhiệt thành.
. Thanh tẩy đi những xét đoán và lên án, bằng đời sống tha thứ và bao dung.
. Thanh tẩy đi những kỳ thị và bè phái, bằng tinh thần đón nhận và hợp tác.
. Thanh tẩy đi những ghen ghét và so đo, bằng đời sống yêu thương và quảng đại.
. Thanh tẩy đi những bất trung và bất hiếu, bằng đời sống trung tín và hiếu thảo.
. Thanh tẩy đi những giả tạo và môi mép, bằng đời sống chân thành và thật lòng.
. Thanh tẩy đi những đối phó và tránh né, bằng đời sống đáp ứng và tự nguyện.
. Thanh tẩy đi những thu gom và vơ vét, bằng đời sống chia sẻ và hy sinh.
. Thanh tẩy đi những coi thường và khinh rẻ, bằng đời sống trân trọng và kính yêu.
. Thanh tẩy đi những chia rẽ và phá huỷ, bằng tinh thần xây dựng và đoàn kết.
. Thanh tẩy đi những gian dối và bất công, bằng đời sống công bằng và thật thà.
. Thanh tẩy đi những thất bại và lỡ lầm, bằng đời sống vươn lên và phục thiện.
. Thanh tẩy đi, thanh tẩy nhiều thứ lắm…

Cuộc sống là một chuỗi những phấn đấu và vượt qua. Hãy thanh tẩy đi mọi thứ, mọi điều có thể làm cho đời ta, gia đình ta trở nên u ám và đen tối, bất hạnh và đau khổ. Những ân sủng Chúa ban cho là thời gian, vật chất, sức khoẻ, khả năng, người thân… Hãy trân trọng, quý mến chứ đừng hoang phí, tận dụng chứ đừng lạm dụng hoặc coi thường. Hãy luôn coi đó là những nén bạc quý, là những cơ hội tốt để phát huy bản thân cho tốt đẹp mọi bề.
Thanh tẩy mà. Thanh tẩy nhiều thì sạch nhiều, thanh tẩy ít thì sạch ít.

Hãy phấn đấu để thoát ra khỏi dòng thác của hưởng thụ, tự tôn và ích kỷ, để ta có một cuộc sống hạnh phúc. Tất cả tuỳ thuộc vào lựa chọn và quyết định của ta.
Hôm nay ta, gia đình ta thế nào, là do chọn lựa và quyết định của ta hôm qua ra sao. Tương lai của ta, gia đình ta ra sao, tuỳ thuộc vào lựa chọn và quyết định của ta hôm nay thế nào.
 
Phật ý
Lm Vũđình Tường
23:24 13/03/2009
Từ phật ý đến phật lòng không bao xa. Vì phật lòng nên lòng luôn nổi sóng. Người ta phật lòng với Đức Kitô nên đầu óc họ luôn tìm cách khai trừ Ngài. Bất cứ Ngài làm điều gì họ cũng cảm thấy khó chịu. Thấy mặt Ngài lòng họ nổi sóng, Ngài giảng họ chói tai, thấy Ngài họ ngứa mắt. Người ta ca tụng Ngài họ ghen ghét, bực tức.

Thiếu bác ái

Con tim tượng trưng cho tấm lòng. Phật ý đến từ con tim. Phật lòng nên trong lòng thiếu nhân ái, vắng tình thương và nghèo tình người. Trái lại đầy hận thù, giầu ghen ghét và lắm ganh tị. Để cho những cảm xúc này hướng dẫn tư tưởng, kết quả nhận được là những hành động thiếu bác ái, thừa đau thương. Lúc đầu nói móc méo, rồi đưa ra cạm bẫy, tìm cách hạ nhục, tạo bè phái cho vừa lòng. Nếu vẫn chưa thoả lòng biện pháp loại trừ, tiêu diệt, thủ tiêu sẽ được dùng đến. Những kẻ ghen, ghét Đức Kitô đi từng bước một. Khởi đầu là chê bai, trách móc. Không kết quả họ đi xa hơn nữa là gài bẫy mong hạ nhục, phá uy tín để ngăn cản đám đông đến nghe Ngài giảng dậy. Bước cuối là tìm cách giết đi. Dù khó khăn nhưng họ thành công vì có những thế lực, bè đảng sau lưng sẵn sàng hậu thuẫn.

Phản bác không được. Mối căm hận bừng lên mãi vì những câu khen ngợi của dân chúng có tác dụng như thêm dầu vào lửa lòng, đang bừng cháy khiến phe phái họp nhau quyết tâm giết Đức Kitô.

Phe Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđe, để tìm cách giết Đức Giêsu Mc 3, 6

Phản bác

Lí do chính đưa đến án tử vừa vội vã vừa bất công để giết Đức Kitô thai nghén từ ghen tị, hận thù. Lối suy nghĩ của các phe này hoàn toàn trái nghịch những điều Chúa dậy. Chỉ điều này không cũng đủ cho thấy hai luồng tư tưởng đối chọi nhau. Chúa dậy sống tha thứ và yêu thương. Ngược lại họ lại tin vào kết án và hận thù.

Để nguỵ trang, che đậy âm mưu đen tối, họ gán ghép Chúa tội chính trị - làm loạn, xúi dục dân chống lại chính quyền - Cạnh đó còn tội kiêu ngạo. Không đồng ý với lối kết tội của đám đông, Philatô bất lực.

‘đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lí do nào để kết tội ông ấy.

Các thượng tế cùng các thuộc hạ la to,

Chúng tôi có lề luật và theo lề luật thì nó phải chết vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa Gn 19,6-7

Phật lòng

Đức Kitô phật lòng họ vì Ngài không chọn sanh nơi lầu cao, dinh thự lát vàng, cẩn ngọc mà chọn sanh nơi chuồng bò, nơi đồng hoang, vắng lạnh.

Đức Kitô phật lòng họ vì mẹ Ngài không là một bà hoàng hay công chúa mà là một thôn nữ tầm thường, lớn lên trong một làng nhỏ bé nhất Giuđa.

Đức Kitô phật lòng họ vì cha Ngài không đánh đông, dẹp bắc, chinh phục vạn quân, oai phong lẫm liệt xứng vai tể tướng một dân tộc. Trái lại Giuse là một thợ mộc, hạng thường, thứ dân sống nghề làm mướn kiếm ăn vì thế người ta ngạc nhiên thốt lên,

Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được Jn 1,46

‘ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao? Mc 6,3

Đời công khai

Đám đông vô tình ca ngợi Đức Kitô càng làm cho lòng họ căm phẫn.

‘Giáo lí thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho thần ô uế và chúng phải tuân lệnh. Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê. Mc 1,27’

Để phản bác, nhóm kinh sư từ Giêrusalem kết án Ngài là tướng quỉ ra lệnh cho quỉ con phải nghe.

Người dựa thế quỉ vương mà trừ quỷ Mc 3, 22

Đức Kitô phật lòng họ vì Ngài dám đụng chạm đến thế lực đồng tiền. Họ biến Đền Thờ thành nơi kiếm tiền, buôn bán. Ngài đuổi con buôn ra và họ đã chỉ trích ra mặt.

Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như vậy? Gn 2,18.

Đức Kitô phật lòng họ vì Ngài không chịu làm vua đánh đuổi quân xâm lược như lòng họ mong đợi. Mỗi lần họ muốn Ngài làm vua, Ngài liền lẩn trốn đi vào nơi thanh vắng, cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.

Người ta mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Khi Ngài đến họ lại chống báng. Vì Ngài không đến vinh quang như họ mong đợi. Ngài không làm theo ý họ. Họ không lợi dụng được Ngài trái lại còn bị sửa sai. Không vừa ý nên phải tìm cách dẹp bỏ.

Người ta không thể định giờ khi Đức Kitô đến trần thế. Người ta ngang ngược định giờ cho Ngài chết, nơi Ngài sẽ chết và định Ngài phải chết cách nào. Để vừa ý mà nảy sinh biết bao nịnh thần và cũng bao kẻ phải hy sinh. Nguồn gốc gây nên tội.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một bà mẹ Công Giáo lập mạng kết liên cho trẻ em
Vũ Văn An
04:35 13/03/2009
Một bà mẹ Công Giáo lập mạng kết liên trên mạng cho trẻ em

Tháng Hai vừa qua, MySpace cho công bố danh sách 90,000 người từng có hồ sơ vi phạm tình dục hiện có mặt trên hệ thống kết liên xã hội của họ. Đó là một trong các lý do đã khiến cho Mary Kay Hoal, một bà mẹ Công Giáo, quyết định tạo một thế giới liên mạng khác cho trẻ em, nơi các em có thể liên hệ với bạn bè của mình mà không bị quấy nhiễu. Bà Hoal, cựu chủ tịch CMP Media, một nhà xuất bản về kỹ thuật học, và cũng là mẹ của năm người con tuổi từ 4 tới 18, hiện là người sáng lập ra Yoursphere.com, một mạng kết liên xã hội tự hào là nơi ‘dung thân’ an toàn cho các trẻ em và thiếu niên từ 18 tuổi trở xuống.

Vốn không phải là một người ái mộ các mạng kết liên xã hội xưa nay, nên nữ chuyên gia về truyền thông này nhận rằng trước đây mình không quan tâm nhiều về việc đó. Phải đợi tới cách nay ba năm, khi đứa con gái 12 tuổi của bà là Madison bắt đầu yêu cầu MySpace cung cấp cho cô một chỗ để kể tiểu sử sơ lược (profile) giúp cô có thể gia nhập thế giới liên mạng.

Bà Hoal cho hay bà vốn biết những hệ thống như MySpace không hẳn an toàn cho trẻ em. Tháng Mười năm 2006, một bài báo của Kevin Poulsen trên tập san Wired cho hay: đã có chừng 744 người có hồ sơ vi phạm tình dục có mặt trên trang mạng này.

Tháng Năm năm 2007, MySpace tường trình rằng mình đã xóa bỏ 7,000 người bị nhận diện là vi phạm tình dục, và chỉ 2 tháng sau đó, con số những người bị nhận diện là vi phạm tình dục đã lên đến khoảng 29,000 người.

Sau khi nghe tường trình trên, Bà Hoal nói với con gái: “nếu mẹ con mình không mở cửa nhà cho 29,000 người có hồ sơ vi phạm tình dục kia, thì mình không nên vào cái trang mạng ấy. Mẹ sẽ không để bất cứ ai trong bọn họ biết được con. Quả là phi pháp khi để cho các tên có hồ sơ vi phạm tình dục kia tự do giao tiếp với trẻ em, làm việc với trẻ em, gần gũi trẻ em. Nhưng liên mạng đâu có ngăn cản ai!”

Bi kịch gia đình

Madison, khởi đầu, đâu có nghe mẹ. Cô tìm mọi cách để mở cho được một chỗ (account) trên MySpace. Bà Hoal mệt mỏi vì loay hoay. “Làm cha mẹ quả là khó khăn. Khó mà theo kịp được kỹ thuật”. Khi cố gắng dưỡng dục con cái thành người tốt, thì hình như mọi điều đều ập tới chống lại mình, sao mà nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thế.

Thế rồi, nhờ một “giây phút linh hứng”, bà Hoal bỗng hiểu được điều này: bà cần phải xem sét việc kết liên xã hội trên mạng một cách nghiêm chỉnh hơn, tìm hiểu xem nó vận hành ra sao, và làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn với con gái, một mâu thuẫn đang tạo ra cả một bi kịch cho gia đình.

Bà bèn mở một tiểu sử sơ lược về chính bà, giả danh là một thiếu nữ, trên hầu hết các trang mạng nổi tiếng hiện nay gồm cả MySpace, Facebook, MyYearbook, hi5 lẫn TeenSpot.

Điều bà khám phá ra không phải chỉ là sự hiện diện của 29,000 người vi phạm tình dục; bà còn tìm thấy một thứ văn hóa siêu dục hóa vốn không phản ánh chút nào thực tại của con cái bà, hay thực tại của bất cứ thiếu niên nào bà từng quen biết. Bà cho hay: “Tôi ngỡ ngàng hết sức. Vì đã khám phá ra một nền văn hóa thô tục chỉ biết chú mục vào việc siêu dục hóa trẻ em… Chúng đang hiện diện trong một cộng đồng hoàn toàn giống như một bãi rác văn hóa. Chúng là những đứa trẻ bị người lớn khích dục. Tôi đã thấy nhiều tác phong hết sức tàn bạo trên liên mạng. Và dù có một tiểu sử sơ lược tư riêng, tôi chỉ cần hai cái “click” là đã vào được một trang mạng khiêu dâm rồi”. Thực thế, bà Hoal nhớ lại: có lần trên một tiểu sử sơ lược tư riêng, bà thấy có lời yêu cầu thân ái của “Samantha”, bà liền ‘click’ trên nó rồi vô tình ‘click’ thêm cái nữa và thấy một trang mạng khiêu dâm hiện ra trước mắt.

Bà cho biết thêm: trên trang mạng một trường trung học kia, các con gái bà được yêu cầu chụp tấm hình phần thân thể nào đẹp nhất của các em để chúng được “hai phai” (hi-fived). Trên một trang mạng khác dành cho các thiếu niên, bà Hoal thấy các người sử dụng không được xếp loại theo phái tính, tuổi tác hay nơi cư trú, mà là lưỡng phái, dị tính hay đồng tính luyến ái.

Thế giới tích cực

Bà Hoal nói rằng: bà chết trân trên đường tìm kiếm, lúc hiểu ra các con cái bà đang giáp mặt với loại nguy hiểm nào. Và bà nghĩ bà phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt vì bà thấy không có điều gì phản ánh con cái bà cũng như trẻ em thuộc lứa tuổi của chúng và các bạn cùng trường với chúng. Dĩ nhiên, tính dục là thành phần của mọi hữu thể nhân bản, nhưng tính tâm linh của họ cũng thế; ngoài ra, các em còn phải nghĩ đến việc học hành, cũng như thể thao, thi ca hay kịch nghệ nữa chứ.

Theo bà, trẻ em có rất nhiều chiều kích tuyệt diệu và hết sức tích cực cho riêng mình. Nhưng trong hệ thống kết liên xã hội trên mạng, bà chỉ thấy duy nhất một nền văn hóa luôn chú trọng tới khía cạnh tính dục mà thôi. Đó là điều đáng lo và đáng buồn. Trong khi đó, lại không có ai đưa ra một điều gì cụ thể, có ý nghĩa.

Bà nói: “Khi nghĩ tới việc phải làm sao giải quyết vấn đề trên, tôi thực sự chỉ nghĩ đến con cái mình cùng bạn bè các cháu và các trẻ em giống như chúng mà tôi biết mà thôi”.

Ý niệm về “Yoursphere” (Thế Giới Của Bạn) đã phát sinh trong bối cảnh ấy. Bà Hoal muốn tạo ra một không gian liên mạng có tính tích cực, một chỗ mà trẻ em có thể chia sẻ nhiều sở thích của các em, như thể thao, học hành, trò chơi, trang phục và âm nhạc, trong khi có thể tác động qua lại với bạn bè, những người thực sự cùng trang cùng 1ứa với chúng.

Phụ chú của trang mạng là “Sáng Tạo Tương Lai Của Bạn”, một phụ chú nhấn mạnh tới khía cạnh tích cực của trẻ em và thiếu niên biết chia sẻ những gì được các em quan tâm. Các thành viên có thể tham gia các nhóm có cùng một quan tâm hiện hữu gọi là “thế giới” (spheres) hay tạo ra các nhóm riêng. Dù trang mạng này không hẳn là trang mạng tôn giáo, nhưng hiện nay đã có một “thế giới” Yêu Chúa Giêsu do một trong các em sử dnụg tạo ra. Bà cho hay: những sáng kiến của các thành viên như thế này chính là một phần trong chủ trương của trang mạng. Chủ trương khác là hỗ trợ tình hiệp đoàn (citizenship) có tính tích cực và đạo đức trên mạng, và trang mạng này liên tục theo dõi để loại bỏ bất cứ hình thức dọa nạt, bắt nạt nào trên liên mạng.

Chương trình “Yoursphere Create Your Future Scholarship” (Học Bổng Yoursphere Sáng Tạo Tương Lai Của Bạn), được tài trợ bởi một phần lệ phí thành viên và lợi nhuận hùn hạp (partner revenue) đang cung cấp nhiều học bổng có tính khoa bảng và không khoa bảng ngõ hầu giúp các thành viên phát huy xa hơn các mục tiêu và hoài bão của họ.

Loại bỏ những tên lươn lẹo

Còn đối với những gì ở bên ngoài “Thế Giới Của Bạn”, bà Hoal cho hay: triết lý đàng sau những gì trang mạng của bà đang thực hiện đã được đặt căn bản trên lương tri, và nguyên tắc căn bản này là những gì đời thực không chấp nhận thì trang mạng cũng không chấp nhận. Bà cho hay “Thế Giới Của Bạn” không chấp nhận bất cứ những gì bà gọi là ‘những tên lươn lẹo’ (creepers), nghĩa là những tên rình rập để lạm dụng tình dục, sẽ không có những tên khiêu dâm nhằm vào tuổi trẻ. Và trên Thế Giới Của Bạn, sẽ không một ai được tạo ra một tiểu sử giả danh nhằm mục đích gây hại hay gạ gẫm người khác.

Bà Hoal cho hay: trang mạng của bà thực hiện điều trên bằng cách loại bỏ việc nặc danh. Muốn tham gia trang mạng, mỗi người phải cho biết tư liệu về cha mẹ và cha mẹ hay người giám hộ sẽ được liên lạc để có sự đồng ý của họ. Giống như việc cha mẹ phải đồng ý để con cái tham gia các sinh hoạt không phải là liên mạng. Thế Giới Của Bạn sẽ kiểm nghiệm căn cước của cha mẹ hay người giám hộ đã đồng ý và phải xác nhận được là người lớn ấy không phải là một người vi phạm tình dục đã bị nhận diện.

Trang mạng này vượt quá chỉ tiêu của Đạo Luật Bảo Vệ Sự Tư Riêng Trên Mạng Của Trẻ Em (the Children's Online Privacy Protection Act), và là trang mạng kết liên xã hội duy nhất của giới trẻ được Chương Trình Hải Cảng Yên Lành của Hội Đồng Mậu Dịch Liên Bang hỗ trợ. Trang mạng cũng được một toán đặc nhiệm hỗ trợ gồm nhiều nhà chuyên nghiệp và chuyên gia trong phạm vi bảo vệ môi trường tích cực.

Bà Hoal cũng cho hay: một mục tiêu khác nữa của trang mạng là giáo dục phụ huynh và con em về an toàn trên mạng. Thế Giới Của Bạn mời các cha mẹ tham gia một cộng đoàn song song, nơi đó, họ có thể thảo luận về an toàn trên mạng, và trang mạng có phát hành thư tin tức hàng tháng với nhiều chỉ dẫn để giữ cho con cái được an toàn trên mạng. Bà nói: “Làm cha mẹ, thì ngày nào cũng có thách đố của nó, nhưng theo kịp đà tiến của kỹ thuật quả là quá sức”.

Phát triển

Nữ chủ nhân trang mạng cho hay mặc dù số thành viên hiện nay đang gia tăng ở mức 20% mỗi tuần, nhưng tổng số người sử dụng vẫn còn ở con số hàng ngàn ít ỏi. Trong tháng này, Thế Giới Của Bạn sẽ được mở rộng ra khắp thế giới với việc phát động một cộng đồng tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh) và Ái Nhĩ Lan. Các kế hoạch tương lai sẽ bao gồm các cộng đồng tại Úc, Tân Tây Lan và Gia Nã Đại.

Do luật lệ hiện hành nhằm bảo vệ căn cước người vi phạm tình dục tại Vương Quốc Thống Nhất và Ái Nhĩ Lan, các cộng đồng này sẽ là các cộng đồng tách biệt với các cộng đồng tại Hoa Kỳ, tuy nhiên, các bậc cha mẹ tại các nơi đó nên an tâm vì Thế Giới Của Bạn sẽ kiểm chứng mọi thành viên của mình y hệt như ở Hoa Kỳ. Mặc dù tại Anh và Ái Nhĩ Lan, trang mạng không thể kiểm nghiệm xem cha mẹ hay người giám hộ của thành viên có phải là người vi phạm tình dục hay không, nhưng các trang mạng này sẽ sử dụng moị biện pháp an toàn khác hiện có. Như tại Anh chẳng hạn, trang mạng sẽ tuân hành đầy đủ các tiêu chuẩn của chính phủ nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng. Trang mạng sẽ làm việc với Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em Trên Mạng đặt trụ sở tại Anh.

Theo Karna Swanson DAVIS, California, 6/3/2009 (Zenit.org)
 
ĐTC: Đối thoại giữa Công Giáo và Do Thái Giáo là ''cần thiết và khả thi''
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:01 13/03/2009
Vatican (AsiaNews) - Hôm 12/03/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến đoàn đại biểu Giáo Trưởng Đoàn Do Thái giáo và Ủy ban Giáo hoàng về liên lạc tôn giáo với người Do Thái. Trong diễn từ của mình, ngài cho hay rằng đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo là "cần thiết và khả thi", Đức Thánh Cha hy vọng rằng cuộc hành hương của ngài đến Thánh Địa dự trù diễn ra vào tháng Năm tới có thể góp phần vào công việc này "để các tín hữu Do Thái giáo, Kitô giáo cũng như Hồi giáo có thể sống trong hòa bình và hòa hợp nơi Thánh Địa này". Trong suốt chuyến đi này, "mục đích của tôi là cầu nguyện đặc biệt cho quà tặng quý báu của hiệp nhất và hòa bình cả trong khu vực và gia đình nhân loại trên toàn thế giới".

Sau việc "đình hoãn" trong quan hệ ngoại giao với Giáo Hội Công Giáo tiếp sau những sự kiện liên quan đến việc Giám Mục Williamson từ chối Nạn Diệt Chủng, vốn trì hoãn hai tuần lễ phiên họp thông thường với Ủy ban Giáo hoàng về liên lạc tôn giáo với người Do Thái, trong diễn từ dành cho các giáo sĩ Do Thái giáo, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn được nhắc lại "dấn thân của cá nhân của tôi để thúc đẩy viễn tượng được đặt ra cho các thế hệ tiếp theo diễn tả trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate (Thời Ðại Chúng Ta – hay Tuyên ngôn về Quan hệ của Giáo hội với các Tôn giáo Ngoài Kitô giáo) của Công Đồng Vatican II". Cũng trong ngày 12/03, Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI bày tỏ lòng biết ơn đến người Do Thái trong một bức thư gửi cho các giám mục trên toàn thế giới, trong thư ngài chỉ ra rằng "những người bạn Do Thái của chúng ta" có hiểu biết tốt hơn nhiều người Công Giáo về ý nghĩa của việc tha vạ tuyệt thông cho các giám mục Lefebvre.

Đức Thánh Cha cho hay: "Giáo Hội nhận ra rằng khởi đầu của đức tin Giáo Hội được tìm thấy trong sự can dự thiêng liêng mang tính lịch sử nơi đời sống của người Do Thái và nơi đây mối quan hệ vô song của chúng ta được có được bằng nền tảng đó". "Các Kiô hữu vui sướng nhận ra rằng cội rễ của chính họ được tìm thấy trong cùng sự tự mặc khải của Thiên Chúa, trong đó kinh nghiệm tôn giáo của người Do Thái được nuôi dưỡng". Đề cập đến tiến bộ trong những năm gần đây trong suốt 7 phiên họp giữa Giáo Trưởng Đoàn Do Thái giáo và Ủy ban Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha nêu bật lên rằng: "chư huynh đã trở nên ngày càng nhận thức được các giá trị chung làm căn bản cho các truyền thống tôn giáo tương ứng của chúng ta. Chư huynh đã suy tư về tính thiêng liêng của đời sống, các giá trị gia đình, công bằng xã hội và tư cách đạo đức, tầm quan trọng Lời Thiên Chúa được diễn tả trong Kinh Thánh đối với xã hội và giáo dục, các mối quan hệ giữa tôn giáo và thẩm quyền dân sự cùng với các quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm".

Đối với Giáo Sĩ Đoàn, cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha "đánh dấu một thay đổi tích cực trong sự canh tân đối thoại giữa chúng ta". Tuyên bố được Giáo trưởng Shear-Yashuv Cohen đưa ra cũng nhấn mạnh đến "những tuyên bố rõ ràng và minh bạch chỉ trích việc phủ nhận Nạn Diệt Chủng" được Đức Thánh Cha đưa ra. Vị giáo sĩ cũng bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc về bản chất bài Do Thái rõ rệt của văn bản dự thảo cho hội nghị Liên Hiệp Quốc" về chống phân biệt chủng tộc, Durban 2 (dự kiến diễn ra tại Geneva vào các ngày từ 20-24/4). Đức Thánh Cha đã được yêu cầu đưa ra tuyên bố chỉ trích từ Tòa Thánh Vatican. Giáo trưởng thúc giục: "Chúng tôi đánh giá cao việc xây dựng vai trò quan sát viên của Tòa Thánh Vatican trong nỗ lực chống lại những tuyên bố xuyên tạc, và chúng tôi hy vọng rằng Tòa Thánh sẽ lên tiếng phàn nàn về cuộc công kích nhắm vào nhà nước Do Thái này".
 
Tìm hiểu vị “Giáo hoàng Học giả”
Phụng Nghi
17:51 13/03/2009
Gần 4 năm đã trôi qua kể từ ngày Bênêđictô XVI được tuyển chọn làm giáo hoàng. Và trong 4 năm này đã nổ ra một số những điều gây tranh cãi. Dưới đây là những nhận xét của David Willey thuộc đài BBC về hiệu suất từ trước đến nay của cựu Hồng Y Joseph Ratzinger.

Đức giáo hoàng sống trong cách biệt?

Ngồi nơi chiếc bàn giấy trong văn phòng làm việc to rộng có trần nhà cao ở tận đỉnh Điện Tông tòa, nhìn ra những tháp chuông, mái vòm, đền đài kỷ niệm và những nóc nhà của thành phố Roma, Đức giáo hoàng Bênêđictô có lẽ bằng lòng khi nghĩ rằng ngày nay người đứng đầu Giáo hội Công giáo không còn là “Người Tù của Điện Vatican” hoặc là “Vị Giáo chủ-Hoàng đế” như người ta thường gọi các vị tiền nhiệm của ngài.

Nhưng trong một cuộc gặp gỡ riêng tư với những linh mục các xứ đạo tại Roma ít ngày trước đây, ngài đã phải thú nhận rằng, bị giam hãm trong ngôi điện với những bức bích họa, ngài cảm thấy một chút xa vời, một chút cách biệt cuộc sống của những linh mục đó và những thách đố thường ngày họ phải đối mặt khi thi hành mục vụ giữa một xã hội thay đổi nhanh chóng và không ngừng trở thành đa văn hóa, đa tôn giáo nơi Kinh thành Muôn thuở.

Đầu tuần này, trong một cuộc viếng thăm chính thức hiếm hoi tại tòa Thị chính Roma, Bênêđictô đã dùng một từ ngữ đẹp đẽ để mô tả thủ đô của nước Ý. Ngài gọi Roma là “thủ đô khác thường”.

Roma quả thực là một nơi khác thường, bởi vì co cụm trong khu vực đô thị đông đúc của nó là lãnh thổ tự trị còn sót lại của giáo hoàng, chiếm một diện tích chỉ bằng cỡ 40 sân đá bóng gộp lại. Một hệ thống lâu đài bao quanh bằng tường thành và một quảng trường là tất cả những gì còn lại của những lãnh địa giáo hoàng trước kia ở trung tâm nưóc Ý.

Phia sau những bức tường thành

Trong nội vi Thành phố Vatican, ngự trị một không khí yên tĩnh và trật tự.

Tản bộ qua những thửa vườn riêng được chăm sóc kỹ lưỡng của Đức giáo hoàng, dưới cặp mắt soi mói của lính cảnh vệ Vatican, bạn vẫn còn nghe được tiếng ồn ào vẳng lại từ dòng xe cộ di chuyển không ngừng của thành phố Roma ngay phía bên ngoài những bức tường thành.

Bên cạnh các văn phòng của thống đốc Thành phố Vatican là nhà ga xép, nơi không có chuyến xe lửa chở hành khách nào đậu lại, mà chỉ có những hàng hóa miễn thuế dành cho các nhân viên Tòa thánh được chở tới mỗi tuần một lần đi vào lãnh địa của giáo hoàng bằng một toa tầu đóng kín.

Tiếp tục đi quanh phía sau Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, bạn sẽ gặp Xưởng đúc tiền ngày xưa (Đức giáo hoàng thường đúc tiền riêng), vườn rau và nhà kiếng, cung cấp rau quả, hoa tươi cho bàn ăn của giáo hoàng và mật ong cho bữa ăn điểm tâm của ngài.

Thành phố Vatican cũng có Sở Bưu điện và tem riêng, đài phát thanh và báo Osservatore Romano, một nhà in, một thư viện lừng danh, một tiệm bán thuốc men do các tu sĩ hay nữ tu điều hành.

“Những hớ hênh của giáo hoàng”

Viện Bảo tàng và Nhà thờ Sistine mới là nơi lôi kéo những đám người rất đông tới viếng.

Hàng năm có tới 4 triệu người tới tham quan – hơn số người đến dự các cuộc triều yết của Đức giáo hoàng rất nhiều. Họ mua vé vào cửa và đi thành hàng đoàn qua các máy đếm của bảo tàng viện, đóng góp vào việc duy trì những bộ sưu tập độc đáo các tranh vẽ, các bức bích họa và điêu khắc phản ảnh khiếu thẩm mỹ đổi thay của các giáo hoàng đã bảo trợ nghệ thuật qua bao nhiêu thế kỷ.

Bây giở trở lại câu hỏi tôi đặt ra trên kia. Có phải cái lồng sơn son thếp vàng lạ lùng trong đó giáo hoàng sinh sống cả cuộc đời, có nghĩa rằng ngài trở thành tách biệt khỏi những mối quan tâm thông thường của đa số trong bầy chiên của ngài – quá chìm đắm trong các nghiên cứu về thần học và học thuật – đến độ mất cả liên lạc với những người tín hữu Công giáo bình thường?

Tôi đặt ra câu hỏi đó chỉ vì một loạt những sự việc hoặc lời bình luận đã tạo ra bất ngờ cũng như phê phán và đã được mô tả (ngay cả trong giới báo chí Công giáo) là “những điều hớ hênh của giáo hoàng.”

Đó là chuyện đề cập đến mối liên hệ lịch sử giữa Hồi giáo và bạo lực từng gây ra xúc phạm nghiêm trọng trong nhiều nước theo Hồi giáo.

Đó là quyết định nhận lại vào giáo hội một giám mục bảo thủ từng gây tranh cãi. Bênêđictô đã “không biết” về thành tich chống báng Do thái của giám mục này, theo lời tuyên bố của Vatican.

Trong một lá thư gửi cho các giám mục Công giáo Roma trên khắp thế giới, Đức giáo hoàng Bênêđictô nhận rằng vụ đó đã bị xử lý sai.

Đức giáo hoàng thường tìm được từ ngữ đúng vào lúc chung cuộc”

Và rồi đó là việc thăng chức giám mục không suôn sẻ cho một linh mục người Áo từng gây ra tranh luận. Ông ta đã từ chức ngay sau đó.

Linh mục này đã đưa ra nhận xét rằng trận bão Katrina xảy ra là do Thiên Chúa bất bình vì tội lỗi của cư dân thành phố New Orleans; ý kiến đó đã gây nên một cuộc phản kháng nho nhỏ nơi giáo hội Công giáo tại Austria (Áo).

Câu trả lời dường như là vì Đức giáo hoàng Bênêđictô điều hành tổ chức qui củ, cương quyết và vì ngài dựa vào một nhóm quá nhỏ nhoi những người cố vấn thân cận để giúp ngài đưa ra các quyết định.

Điều này có thể có nghĩa là đôi khi các thủ tục hành chánh thông thường, hành động phân quyền trong Phủ Quốc vụ khanh (trung tâm thần kinh của chính phủ trung ương Giáo hội Công giáo) không được thực thi đúng đắn.

“Vị giáo hoàng học giả”

Nhưng trong khi đó, một tông thư mới của Đức giáo hoàng – là hình thức giáo huấn cao nhất của ngài – sắp được công bố.

Tông thư đó đề cập đến các vấn đề luân lý và xã hội đàng sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngài nói rằng tông thư chứng tỏ khó viết hơn lúc đầu ngài tưởng bởi vì sự phức tạp không lường trước của hiện tượng kinh tế tan rã.

Nhưng Đức giáo hoàng thường tìm được những từ ngữ thích hợp vào lúc chung cuộc.

Đứng trên ban công trong cuộc viếng thăm tòa thị chính thành phố Roma, được xây cất trên địa điểm của một ngôi đền đã biến mất từ xa xưa, Đức giáo hoàng bày tỏ mối cảm tình với cảnh ngộ khốn khó của người dân thành phố Roma hiện đại đang mất công ăn việc làm và chịu khổ đau vì cuộc suy thoái kinh tế như bao nhiêu người khác.

Vị “giáo hoàng học giả” không cưỡng được cơn cám dỗ phải trưng dẫn một câu viết bằng chữ Latinh, không phải trong Kinh Thánh, nhưng là của thi sĩ Ovid người La mã đã viết 2000 năm trước: "Perfer et obdura: multo graviora tulisti."

Ngài thúc giục: “Hãy kiên trì và chịu đựng. Trong quá khứ các bạn đã thắng thế những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều.”

Nguồn: David Willey/BBC
 
Toàn văn thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gởi các Giám Mục Công Giáo
J.B. Đặng Minh An dịch
22:09 13/03/2009
Chư huynh đệ trong hàng Giám Mục thân mến!

Việc tha vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục được tấn phong không có phép của Tòa Thánh bởi Tổng Giám Mục Lefebvre hồi năm 1988, vì nhiều lý do, đã gây nên một cuộc tranh luận, cả trong và ngoài Giáo Hội, gay gắt như chưa từng thấy trong một thời gian dài. Nhiều Giám Mục cảm thấy hoang mang trước biến cố bất ngờ và khó có thể nhìn vấn đề cách tích cực dưới ánh sáng của những vấn nạn và nghĩa vụ mà Giáo Hội phải đương đầu hôm nay. Dù cho nhiều vị Giám Mục và các tín hữu theo nguyên tắc vẫn giữ một cái nhìn tích cực trước quan tâm của Đức Giáo Hoàng đối với vấn đề hòa giải, thì vẫn tồn tại câu hỏi là liệu một cử chỉ như thế có phù hợp trước những đòi hỏi thật cấp bách trong đời sống đức tin của chúng ta hôm nay. Trong khi đó, một số nhóm lại công khai tố cáo Đức Giáo Hoàng muốn quay lại thời kỳ trước Công Đồng: hệ quả là, một trận cuồng phong chống đối được phát động bởi những người mà sự cay đắng của họ làm cho vết thương chưa lành càng trở nên sâu hơn. Vì thế, tôi thấy cần phải gởi đến các chư huynh đệ khả kính một lời giải thích nhằm giúp anh em hiểu những quan ngại đã dẫn tôi và các cơ quan thẩm quyền của Tòa Thánh đến quyết định này. Qua đó, tôi hy vọng đem lại an bình cho Giáo Hội.

Điều chẳng may không lường trước được cho tôi là trường hợp của Giám Mục Williamson đã được đặt lên trên việc tha vạ tuyệt thông. Cử chỉ thương cảm thận trọng dành cho bốn Giám Mục được tấn phong thành sự nhưng không hợp luật bất ngờ trở thành một điều gì đó hoàn toàn khác biệt: như một sự phủ nhận tiến trình hòa giải giữa các Kitô hữu và anh chị em Do Thái Giáo, và như thế nó thành ra như một sự đảo ngược điều đã được Công Đồng xác lập để hướng dẫn con đường của Giáo Hội về vấn đề này. Một cử chỉ hòa giải với một nhóm tín hữu đang trong tiến trình ly giáo, vì thế, đã biến thành một điều hoàn toàn ngược lại: một bước lùi rõ rệt trong những bước tiến hòa giải giữa các tín hữu Kitô với các tín hữu Do Thái từ sau Công Đồng - những bước tiến mà trong công việc của chính tôi như một thần học gia, tôi đã không ngừng tìm kiếm ngay từ ban đầu để dự phần và nâng đỡ. Sự kiện hai tiến trình chồng chéo và trái ngược đã xảy ra và tức thời quấy rối bình an giữa các Kitô hữu và anh chị em Do Thái Giáo, cũng như bình an trong nội bộ Giáo Hội, là điều tôi không biết nói gì hơn là hối tiếc sâu xa. Tôi được báo cho biết rằng việc tham khảo các thông tin trên Internet có lẽ đã làm cho vấn đề được thấu hiểu sớm hơn. Tôi học được bài học này là trong tương lai Tòa Thánh chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến nguồn tin này. Tôi thấy buồn là cả những người Công Giáo, những người trên hết có lẽ rành rẽ hơn về thực trạng của vấn đề, lại đi nghĩ rằng họ phải tấn công tôi với một thái độ hằn học công khai. Chính vì thế tôi lại càng phải cám ơn những bạn bè Do Thái, những người đã mau chóng giúp đánh tan sự hiểu lầm và tái lập bầu khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau vẫn hằng tồn tại trong thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và, tạ ơn Chúa, là vẫn tiếp tục trong triều Giáo Hoàng của tôi.

Một sai lầm nữa mà tôi chân thành hối tiếc đó là phạm vi và những giới hạn đưa ra trong quyết định tha vạ ngày 21/1/2009 đã không được giải thích minh bạch và thỏa đáng vào thời điểm đặc cách này được công bố. Vạ tuyệt thông chi phối trên các cá nhân chứ không phải các tổ chức. Việc tấn phong Giám Mục không có phép của Đức Giáo Hoàng mang đến hiểm họa ly giáo vì nó đe dọa sự hiệp nhất của Giám Mục Đoàn với Đức Giáo Hoàng. Thành ra, Giáo Hội phải phản ứng lại bằng cách áp dụng hình phạt nặng nề nhất là vạ tuyệt thông với ý hướng kêu gọi những ai chịu vạ này hối hận và quay trở lại trong tình hiệp nhất. Hai mươi năm sau những vụ tấn phong này, đáng buồn là mục tiêu này vẫn không đạt được. Việc tha vạ tuyệt thông có cùng ý hướng như hình phạt: nghĩa là, tái mời gọi bốn vị Giám Mục quay lại. Cử chỉ này có thể diễn ra sau khi các đương sự đã bày tỏ sự nhìn nhận trên nguyên tắc Đức Giáo Hoàng và quyền bính của ngài như một Mục Tử, dù cho vẫn còn những khúc mắc trong việc vâng phục quyền giáo huấn của ngài và thẩm quyền của Công Đồng. Ở đây tôi muốn quay trở lại sự phân biệt giữa các cá nhân và các tập thể. Việc tha vạ tuyệt thông là một biện pháp trên bình diện kỷ cương Giáo Hội: các cá nhân được tha gánh nặng lương tâm cấu thành bởi các vạ nghiêm trọng nhất. Bình diện kỷ cương này cần phải phân biệt với phương diện tín lý. Sự kiện Huynh Đoàn Thánh Piô X không được hưởng một quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội, suy cho cùng, không phải vì những lý do kỷ luật nhưng thật ra vì những lý do tín lý. Chừng nào Huynh Đoàn Thánh Piô X chưa được hưởng một quy chế giáo luật trong Giáo Hội, các thừa tác viên của huynh đoàn này vẫn chưa thể thi hành một cách hợp luật các thừa tác vụ trong Giáo Hội. Cần phải phân biệt giữa lãnh vực kỷ luật liên quan đến các cá nhân và lãnh vực tín lý liên quan đến thừa tác vụ và tổ chức. Để minh bạch hóa một lần nữa: chừng nào các vấn nạn tín lý chưa được rõ ràng, Huynh Đoàn không được hưởng quy chế giáo luật nào trong Giáo Hội và các thừa tác viên của nó – dù cho đã được tha vạ - vẫn không được thi hành cách hợp luật bất cứ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội.

Trước hiện trạng này tôi có ý định sẽ sáp nhập vào Bộ Giáo Lý Đức Tin Ủy Ban Tòa Thánh “Giáo Hội Chúa” – là cơ quan từ năm 1988 đã đặc trách vấn đề về những cộng đoàn và cá nhân thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X muốn trở lại trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Thánh Cha. Điều này sẽ làm rõ là những vấn đề giờ đây được đề cập đến chủ yếu thuộc về tín lý trong tự bản chất của chúng và liên hệ mật thiết với việc chấp nhận Công Đồng Vatican II và huấn quyền sau Công Đồng của các Đức Giáo Hoàng. Các cơ chế hữu quan mà Bộ [Giáo Lý Đức Tin] liên hệ để nghiên cứu những vấn đề nảy sinh (đặc biệt là cuộc gặp gỡ ngày thứ Tư hàng tuần của các Đức Hồng Y hay Phiên Họp Khoáng Đại thường niên hay hai năm một lần) bảo đảm sự dự phần của các vị Bộ Trưởng thuộc các Bộ khác nhau của Giáo Triều Rôma và đại diện của các Giám Mục trên thế giới trong tiến trình hình thành quyết định. Thẩm quyền giáo huấn của Hội Thánh không thể bị đình chỉ vào năm 1962 – điều này phải hoàn toàn làm rõ với Huynh Đoàn. Nhưng một số người xem mình như những nhà bảo vệ hăng hái của Công Đồng cũng cần phải được nhắc nhở rằng Công Đồng Vatican II chấp nhận toàn bộ lịch sử tín lý của Giáo Hội. Ai muốn vâng lời Công Đồng phải chấp nhận đức tin đã được tuyên xưng qua hàng bao thế kỷ, và không thể chặt bỏ những căn cội của một cây từ đó cây này kín múc sức sống của nó.

Tôi hy vọng rằng, các chư huynh đệ thân mến, điều này giúp minh bạch hóa ý nghĩa tích cực của quyết định tha vạ hôm 21/1/2009 cũng như những giới hạn của quyết định này. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Liệu rằng biện pháp này có cần thiết không? Có thực là một ưu tiên không? Những chuyện khác không quan trọng hơn sao? Dĩ nhiên là có nhiều việc quan trọng và cấp bách hơn. Tôi tin là tôi đã đưa ra một cách rõ rệt những ưu tiên trong triều Giáo Hoàng của tôi trong những diễn văn được đưa ra từ buổi đầu. Mọi điều tôi đã tuyên bố vẫn được giữ nguyên không có gì thay đổi. Ưu tiên hàng đầu của đấng Kế Vị Thánh Phêrô đã được Chúa đặt ra [trong Bữa Tiệc Ly] ở Phòng Trên Gác với những từ rõ nghĩa nhất: “Anh … hãy củng cố anh em mình” (Lk 22:32). Chính thánh Phêrô đã tổng kết ưu tiên này một cách mới mẻ trong Thư Thứ Nhất của ngài: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3:15). Trong thời đại chúng ta hiện nay, khi mà ở nhiều miền rộng lớn trên thế giới đức tin đang gặp hiểm nguy hay đang lụi tàn như ngọn lửa hết dầu, ưu tiên tối thượng là làm sao cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này và chỉ ra cho những người nam nữ thấy con đường của Thiên Chúa. Không phải là bất cứ chúa nào, nhưng là Thiên Chúa Đấng đã phán hứa trên núi Sinai, Đấng mà thiên nhan Ngài chúng ta nhận ra được trong một tình yêu cho đến “tận cùng” (x Ga 13:1) – nơi Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh và sống lại. Cái vấn nạn thực sự vào thời điểm này của lịch sử là Thiên Chúa đang biến mất dần khỏi chân trời nhân loại, và với sự mờ dần ánh sáng từ Thiên Chúa, nhân loại đang đánh mất định hướng, với những hậu quả tàn hại càng ngày càng rõ rệt.

Dẫn đưa những người nam nữ đến với Thiên Chúa, Đấng đã phán hứa với chúng ta trong Thánh Kinh: đây là ưu tiên tối thượng và căn bản của Giáo Hội và của đấng Kế Vị Thánh Phêrô trong thời đại hôm nay. Một hệ quả đương nhiên của điều này là chúng ta phải có trong tim sự hiệp nhất của của mọi tín hữu. Sự mất hiệp nhất, sự bất hòa giữa chính họ, đặt thành vấn nạn cho nhiều người về tính khả tín của những gì họ nói về Thiên Chúa. Do đó, nỗ lực đề cao một chứng tá chung của các tín hữu Kitô cho niềm tin của họ - đại kết – là một ưu tiên tối thượng. Thêm vào đó là nhu cầu cho những ai tin vào Thiên Chúa phải liên kết với nhau trong việc tìm kiếm hòa bình, cố gắng xích lại gần nhau, đồng hành với nhau hướng về nguồn mạch của Ánh Sáng, ngay cả với những hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa – đó là đối thoại liên tôn. Ai tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Tình Yêu “đến cùng” phải làm chứng cho tình yêu: qua việc tận tụy yêu thương người đau khổ, qua lời khước từ oán ghét và thù hận – đó là chiều kích xã hội của đức tin Kitô, là điều tôi đã nêu trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu (Deus Caritas Est).

Thành ra nếu nghĩa vụ cam go hoạt động cho đức tin, cho hy vọng và tình yêu trong thế giới này đang là (và trong nhiều cách thế khác nhau luôn là) ưu tiên thực sự của Giáo Hội thì một phần của nghĩa vụ ấy phải bao gồm những hành động hòa giải ở mọi mức độ. Chúng ta cần phải ghi nhận sự kiện là cử chỉ lặng lẽ đưa cánh tay ra cho người anh em mình đã tạo ra một cuộc tranh cãi quá ồn ào và vì thế trở thành đối ngược với cử chỉ hòa giải. Nhưng tôi tự hỏi trong trường hợp này có gì là sai khi bước tới với người có “điều bất hòa với anh em” (x. Mt 5:23) để mưu tìm sự hòa giải? Chẳng phải là xã hội dân sự cũng cố đạp đổ những hình thức cực đoan và cố hết sức để lôi kéo mọi người vào những con đường hình thành nên đời sống xã hội và qua đó tránh cho họ trở nên những kẻ ly khai với tất cả những hậu quả của nó? Không lẽ lại là sai lầm khi đạp đổ sự cố chấp và hạn hẹp để tạo chỗ cho một điều là tích cực và phục hồi lại toàn thể? Chính tôi đã thấy vào những năm sau năm 1988 sự quay trở lại của những cộng đoàn ly khai khỏi Rôma có tác dụng thay đổi thái độ nội tâm của họ như thế nào; tôi đã thấy việc trở lại một Giáo Hội rộng lớn hơn cho phép họ vượt lên những quan điểm một chiều và phá bỏ đi sự cố chấp để các năng lượng tích cực có thể phát sinh như thế nào. Liệu chúng ta có thể bỏ mặc hoàn toàn một cộng đoàn bao gồm tới 491 linh mục, 215 chủng sinh, 6 chủng viện, 88 trường học, 2 cơ sở giáo dục cấp đại học, 117 nam tu sĩ, 164 nữ tu và hàng ngàn tín hữu? Chúng ta có thể mặc kệ họ trôi dạt ngày càng xa Giáo Hội? Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, 491 linh mục. Chúng ta không biết những động cơ của họ có thể bị lẫn lộn như thế nào. Nhưng đồng thời tôi không nghĩ rằng họ đã chọn ơn gọi linh mục nếu, bên cạnh những yếu tố bị bóp méo và không lành mạnh, họ không có một tình yêu dành cho Chúa Kitô và một ước muốn công bố Ngài, và với Ngài, là Thiên Chúa hằng sống. Liệu chúng ta có thể đơn giản là loại bỏ họ, như những đại diện cho một thành phần cực đoan, trên con đường theo đuổi hòa giải và hiệp nhất hay không? Nếu thế thì rồi họ sẽ ra sao?

Chắc chắn là trong nhiều dịp khác nhau và một lần nữa trong dịp cụ thể này, chúng ta lại phải nghe từ đại diện của cộng đoàn này những lời không được êm tai – đầy kiêu ngạo và huênh hoang, một thái độ cố chấp với những quan điểm một chiều …. Nhưng thật sự tôi cũng phải nói thêm là tôi đã nhận được một số chứng từ cảm động với lòng biết ơn cho thấy rõ một sự cởi mở tấm lòng. Chẳng lẽ đại Giáo Hội lại không thể quảng đại khi biết rõ chiều kích lớn lao của mình, và lời hứa đã dành cho mình? Chẳng lẽ chúng ta, như những nhà giáo dục tốt, lại không thể nhìn xa hơn những thiếu sót đa dạng và thực hiện mọi cố gắng để mở rộng tầm nhìn? Chẳng lẽ chúng ta lại không dám nhìn nhận những điều không dễ chịu gì cũng xuất hiện bên trong Giáo Hội? Đôi khi người ta có ấn tượng là xã hội chúng ta cần đến ít nhất là một nhóm để người ta có thể điềm nhiên tấn công và thù ghét không thương tiếc. Và người nào dám đến gần họ - trong trường hợp này là Đức Giáo Hoàng - cũng mất đi quyền được bao dung; cả ngài cũng bị đối xử một cách thù hận không ngần ngại hay dè dặt.

Các chư huynh đệ thân mến, trong những ngày tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết thư này, thì tình cờ trong dịp viếng thăm chủng viện Rôma, tôi đã diễn giải và bình luận về thư gởi cho các tín hữu Galát đoạn 5 từ câu 13 đến câu 15. Tôi kinh ngạc trước sự trực tiếp mà đoạn văn này nói với chúng ta về thời điểm hiện nay: “Anh em đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều duy nhất này: ‘Anh em hãy yêu người lân cận như chính mình’. Nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em đang tiêu diệt nhau đấy.” Tôi vẫn luôn bị cám dỗ để xem những lời này như một lối diễn tả có phần quá đáng mà chúng ta thỉnh thoảng vẫn tìm thấy nơi Thánh Phaolô. Ở mức độ nào đó có thể là như thế. Nhưng đáng buồn là cái “cấu xé” này cũng tồn tại cả trong Giáo Hội hôm nay, như thể hiện của một nhận thức nghèo nàn về tự do. Chúng ta có nên ngạc nhiên là cả chúng ta cũng chẳng hơn gì dân thành Galát? là tối thiểu thì chúng ta cũng bị đe dọa với cùng những cám dỗ tương tự? là chúng ta cũng phải luôn canh tân học biết làm sao dùng tự do cho đúng? là chúng ta cũng phải luôn nhận ra ưu tiên tối thượng là tình yêu? Đúng ngày tôi đề cập đến điều này tại Đại Chủng Viện Rôma thì lễ Đức Mẹ Là Nguồn Cậy Trông được cử hành tại Rôma. Và vì thế tôi muốn nói điều này: Đức Mẹ dạy chúng ta đức cậy. Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Con Mẹ, nơi Ngài tất cả chúng ta có thể tín thác mọi niềm cậy trông. Ngài sẽ là người dẫn đàng cho chúng ta ngay cả trong những lúc nhiễu nhương. Và vì thế tôi muốn gởi lời cám ơn chân thành đến tất cả đông đảo các Giám Mục những người đã dành cho tôi những dấu chỉ cảm động về lòng tin và lòng mến, và trên hết tất cả các vị đã bảo đảm với tôi lời cầu nguyện của các ngài. Những lời tri ân của tôi cũng xin được gởi đến anh chị em tín hữu, những người trong những ngày này đã dành cho tôi chứng tá về lòng trung thành liên tục với đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Xin Thiên Chúa che chở tất cả chúng ta và hướng dẫn mọi bước đi của chúng ta trên con đường bình an. Đây là lời cầu nguyện thốt lên tự nhiên từ tâm khảm của tôi vào buổi đầu Mùa Chay này, một mùa phụng vụ đặc biệt thích hợp cho việc thanh tẩy nội tâm, một mùa phụng vụ mời gọi mọi người chúng ta hướng nhìn với một niềm hy vọng được canh tân về ánh sáng đang chờ đợi chúng ta trong lễ Phục Sinh.

Xin gởi đến anh em Phép Lành Tòa Thánh

Trong Chúa Kitô

+ BENEDICTUS PP. XVI

Từ Vatican, 10 Tháng Ba 2009
 
Top Stories
Le procès en appel des huit catholiques de Thai Ha est fixé au 27 mars 2009
Eglises d'Asie
16:47 13/03/2009
Le procès en appel des huit catholiques de Thai Ha est fixé au 27 mars 2009

Tandis que le cabinet de l'avocat des catholiques de Hanoi continue de subir le harcèlement quotidien de la police locale à Hô Chi Minh-Ville, les huit accusés, condamnés à l'issue du procès du 8 décembre dernier, viennent d'apprendre que leur procès en appel aura lieu le 27 mars 2009 (1).

Le 10 mars dernier, ils avaient reçu du tribunal une convocation pour le 13 mars. Ce matin, les huit accusés étaient présents sur les lieux à l'heure convenue pour le rendez-vous. Ils étaient accompagnés de la secrétaire de leur avocat, Maître Lê Trân Luât. Par ailleurs, un nombre assez important de paroissiens de Thai Ha les avait escortés jusqu'au tribunal, par sympathie, sans qu'aucune invitation n’ait été lancée. Chacun des accusés a ensuite été convoqué séparément dans la salle d'accueil pour y apprendre la date du procès en appel et recevoir une convocation. L’audience aura lieu à 8 heures du matin, le vendredi 27 mars, au siège secondaire du tribunal populaire de Hanoi, 2 rue Nguyên Trai, Hà Dông. Cette date avait déjà été annoncée comme probable à l'avocat venu, sans succès, consulter le dossier du procès à Hanoi (1). À une question posée par le greffier du tribunal, chacun des accusés a répondu qu'il désirait être défendu par Me Lê Trân Luât.

Ce dernier n'était pas présent à Hanoi. Son cabinet Phap Quyên de Saigon, continue d'être la cible d'initiatives intempestives de la police de l'arrondissement. Aujourd'hui, Me Luât était convoqué dans les locaux de la police de Go Vâp pour une « séance de travail » qui devait durer toute la journée, sans doute en raison de la convocation de ses clients de Hanoi au greffe du tribunal. La veille, le journal de la Sécurité de Saigon, Công An Thanh Phô Hô Chi Minh, avait publié un article très malveillant à l'égard des activités du cabinet de l’avocat et en particulier de sa secrétaire, Mme Ta Phong Tân. Le jour même, celle-ci avait répondu point par point aux accusations de l'organe de la police, sur le blog qu'elle tient avec régularité depuis un certain temps.

Le procès en appel du 27 mars aura lieu à l'initiative des huit accusés condamnés le 8 décembre dernier en première instance. À ce premier procès, deux chefs d'accusation avaient été retenus contre les huit accusés: destruction de biens et troubles à l'ordre public. La première accusation faisait référence à la journée du 15 août 2008, au cours de laquelle les manifestants de la paroisse de Thai Ha avaient abattu un pan de mur de clôture du terrain accaparé par l'État et réclamé par la paroisse. La seconde rendait les inculpés responsables des prétendues conséquences des manifestations de prière hors des lieux de culte. Quatre des inculpés avaient été condamnés à des peines allant de 12 à 17 mois de prison avec sursis. Trois autres avaient écopé de peines allant de 12 à 15 mois de rééducation sans détention. Le huitième inculpé, âgé seulement de 22 ans, avait été l'objet d'un avertissement du tribunal. Les accusés ont fait immédiatement appel par l'intermédiaire de leur avocat, estimant que ces condamnations, même légères, étaient injustes. Un communiqué de la paroisse de Thai Ha publié peu après le procès, déclarait que la communauté catholique continuerait sa lutte jusqu'à ce que soit reconnue l'innocence des huit fidèles (2).

(1) Informations parues sur le site de la paroisse de Thai Ha le 13 mars 2009.

(2) Voir EDA 497
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao: Ngày hành hương dành cho Giới Gia Trưởng.
LM Giuse Nguyễn Hữu An
15:32 13/03/2009
Giáo hội sống Mùa Chay Thánh, đây cũng là dịp Giáo hội kính nhớ Thánh Cả Giuse. Một sắp xếp niên lịch phụng vụ mang nhiều ý nghĩa. Nhiều nhân đức trổi vượt nên Thánh Giuse trở nên mẫu gương sống Mùa Chay cho mọi tín hữu. Đặc biệt là Giới Gia trưởng, Thánh Giuse chính là mẫu mực của một người chồng thuỷ chung tận tuỵ, một người cha khả ái hiền hoà. Vì thế, Ban tổ chức Năm Thánh Đức Mẹ TàPao phân chia lịch hành hương dành tháng 3 cho giới Gia trưởng. Qua đó, ước nguyện nhờ lời chuyển cầu của Thánh Bổn mạng, xin cho các Gia trưởng ơn khôn ngoan, lòng nhiệt thành làm tông đồ giáo dân và trở nên Giuse trong gia đình của mình.

Theo tôn ý của Đức Cha Phaolô, mỗi tháng các cha trong từng Giáo hạt đến giải tội chiều và tối 12. Khách hành hương cần xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha để lãnh Ơn Toàn xá. Có 14 toà giải tội được đặt từ trên tượng đài, lưng chừng núi và dưới chân núi. Từng đoàn người thinh lặng xét mình rồi lãnh nhận bí tích hoà giải. Các linh mục nhiệt thành giải tội từ chiều đến tận đêm khuya. Giải tội là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất của linh mục. Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà giải tội bước ra.Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hoà với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn. Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa.

Từ sáng sớm, hàng ngàn khách hành hương đã đến nuí Đức Mẹ Tà Pao. Không còn lối để xe đi vào. Từ ngã ba rẽ vào chân núi đều kín những người.

Đội kèn Giáo xứ Vũ hoà tấu vang những bài ca phấn khởi rộn rã. Hơn 5.000 hội viên Giới Gia trưởng Giáo Phận đã đến thật sớm. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, áo trắng thắt càvạt đính bảng hiệu Thánh Giuse, màu đỏ sẫm trang nhã. Cha Giuse Bùi Ngọc Báu, đặc trách Gia trưởng Giáo phận cho biết, ban điều hành chuẩn bị chu đáo từ mấy tháng qua cho ngày đại lễ của giới.

8g30, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cùng 40 linh mục đồng tế tiến lên lễ đài. Hàng ngàn Gia trưởng nghiêm trang đứng hai hàng chào mừng.

Đức Cha Phaolô chủ tế và giảng lễ, ngài suy niệm Tin mừng Mt 1,18-25: Truyền tin cho Giuse.

Bài Tin Mừng đề cập đến đời sống gia đình. Giới gia trưởng cần học hỏi để xây dựng gia đình của mình theo kiểu mẫu Gia Đình Nazareth. Gia đình Kitô giáo luôn được Thiên Chúa hiện diện và dìu dắt. Và suốt cuộc đời hôn nhân cần phải sống trong niềm tin đó. Con cái của gia đình Kitô giáo là hoa quả của tình yêu, của đức tin và của niềm hy vọng. Đó là những ý chính mà tôi muốn chia sẽ với anh chị em.

Từ ngày hai bên nội ngoại làm lễ đính hôn cho Maria và Giuse thì ai ai cũng vui mừng cho rằng đây là cặp hôn nhân lý tưởng. Họ thương nhau không vì trai tài gái sắc, mà thương nhau vì hai người đều nết na đức hạnh, hai người cùng có một đức tin tinh tuyền từ gia đình đạo hạnh. Giuse là Người Công Chính. Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc. Đó là tổ ấm cao sang nhất trong lịch sử nhân loại.

Hai người diễm phúc được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác vào công trình cứu độ nhân loại. Chúa Giêsu xuất thân từ gia đình thánh thiện ấy. Đó là việc Thiên Chúa nhiệm mầu đã làm. Nhưng từ ngày sánh duyên với nhau, Maria và Giuse vẫn chỉ biết hướng về tương lai, chuẩn bị cho gia đình mới sắp thiết lập.

Cuộc hôn nhân của người Do Thái cũng diễn ra bình thường như cuộc hôn nhân của các đôi vợ chồng chúng ta hôm nay. Anh em lương dân quen coi nhân duyên là việc của trời định. Còn chúng ta có đức tin, chúng ta tin việc hôn nhân có sự an bài của Thiên Chúa. Cho nên hôn nhân vừa có tính nhân loại, vừa có tính linh thánh,Thiên Chúa quan phòng.

Tính linh thánh gia tăng nhờ gia đình cầu nguyện.Mọi thành viên trong gia đình Kitô giáo sớm tối quy tụ bên bàn thờ để cầu nguyện, nghe Lời Chúa thì luôn đón nhận biết bao ân huệ, phần hồn phần xác cho vợ chồng con cái.

Nhiều gia đình thiếu buổi cầu nguyện vào ban tối là thiếu sót đáng tiếc. Con cái rất dễ sống xa đức tin dần dần. Các gia trưởng có nhiệm vụ phải tổ chức buổi kinh hạt gia đình. Nhất là ngày nay người ta đang tổ chức xã hội như một cộng đồng phi tôn giáo. Người ta công khai đặt tôn giáo ra bên lề và coi trách nhiệm lãnh đạo chỉ là việc chính trị, kinh tế, giáo dục. Và đó là dấu hiệu của một nền văn minh mà các Đức Giáo Hoàng gọi là văn minh sự chết.

Tôi muốn trở lại câu chuyện của đôi vợ chồng thánh thiện. Đã làm lễ đính hôn, chỉ chờ lễ cưới. Điều bất ngờ với cuộc tình duyên êm đẹp. Thiên Chúa đã can thiệp vào dự án tương lai của Maria và Giuse. Thiên Chúa muốn cả hai thành Đấng Bậc Đồng Trinh để Ngài trao gửi Con Một dấu yêu. Cả hai trở nên cha mẹ của Giêsu về pháp lý và Maria ban tặng bản tính nhân loại cho Đấng Cứu Thế.

Thiên Chúa đi từng bước một. Truyền tin cho Đức Maria rồi truyền tin cho Giuse. Giữa hai biến cố trọng đại là cuộc khủng hoảng đối với Giuse.

Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định: “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” ( 1,20);rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và Ong đã rước bà về”(1,24).

Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel” (Mt2,21). Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Để luôn hướng về Ý Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi ngài. Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình. Vì thế, nơi thánh Giuse, con đường sống đạo là con đường tin cậy khiêm cung và tuyệt đối vào Thiên Chúa. Tin với tâm hồn thờ phượng, tạ ơn, với lòng phó thác và nguyện cầu tha thiết. Càng đi sâu vào nội tâm, đức tin của thánh Giuse càng được thanh luyện khỏi những ảo tưởng, những tự mãn, và những quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Thay thế cho hình ảnh một Thiên Chúa quyền lực và xa vời rất phổ biến hồi đó, thánh Giuse nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thương xót, tình yêu gần gũi, tình yêu khiêm nhường, tình yêu phục vụ, tình yêu cứu độ, tình yêu đợi chờ và đi tìm những kẻ lầm lạc để ban tặng cho họ ơn tha thứ.

Anh em Gia trưởng thân mến,

Anh em là người cha người chồng trong gia đình. Anh em đừng bao giờ coi mình là ông chủ đầy quyền lực trong gia đình, muốn làm gì thì làm. Anh em phải biết tuân theo ý Chúa, phải bình tĩnh, phải biết quãng đại, hy sinh trong mọi khó khăn của gia đình theo gương Thánh Giuse.

Đứng trước những bối rối, đối diện với nghịch cảnh, gặp những thử thách, Thánh Giuse luôn chia sẽ nổi lòng với Đức Mẹ, Ngài trăn trở những âu lo của Đức Mẹ, Ngài chỉ muốn tìm giải pháp ưu việt cho nhất cho gia đình.

Anh em gia trưởng cần có lòng tôn kính Thánh Giuse, thường xuyên xin Ngài cố vấn cho các hoàn cảnh khó xử của mình. Ngài đã kinh qua nên Ngài hiểu rõ hơn ai hết những nổi niềm của người gia trưởng. Thánh Cả như một địa chỉ cần thiết, thân quen, anh em cần lui tới chuyện trò với Ngài.

Hôn nhân là tổ ấm. Gia đình là chiếc nôi. Con cái đón nhận đời sống thể chất và tinh thần. Mỗi đứa con đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Giáo dục để chúng lớn lên trong ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa. Nhiệm vụ giáo dục con cái thật thiêng liêng và cao cả, Thiên Chúa trao cho các gia trưởng.

Thánh Giuse làm cha. Con của Ngài vừa là người mà cũng là Đấng Cứu Độ, Chúa Tể vũ trụ. Con cái của anh em được làm con Thiên Chúa. Cho nên nhiệm vụ nuôi nấng dưỡng dục con cái còn là Hồng Ân quý giá Thiên Chúa ban cho anh em.

Anh em cần phải biết yêu thương và tôn trọng con cái mình. Phải trở nên gương mẫu đạo đức thánh thiện cho con cái. Hãy tránh mọi thứ gương mù gương xấu. Từ lời nói đến thái độ sống xấu sẽ là tai hoạ cho con cái. Tuổi thơ các em đơn sơ như tờ giấy trắng, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của cha mẹ đều ghi đậm nét trên tờ giấy trắng tâm hồn và in dấu suốt cuộc đời các em. Bởi đó, trách nhiệm của người gia trưởng đối với các em vô cùng quan trọng. Các em là thánh hay là quỷ tùy vào sự giáo dục và cách ăn nết ở của cha mẹ.

Con cái của anh chị em là hoa trái của tình yêu và của hy vọng. Nguyện xin Thánh Giuse phù trợ cho anh em được trở nên những gia trưởng thánh thiện, gương mẫu để đem hạnh phúc đến cho gia đình và cho cả xã hội tương lai.

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa và khi đã nghe thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn hướng tâm hồn về Chúa, xin vâng trước Thiên Ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã biến Thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá. Các Gia trưởng gặp gỡ các cha đặc trách để trao đổi công việc. Sau đó từng giáo hạt lần lượt lên tượng đài kính viếng Đức Mẹ Tàpao.

Có hai bài thơ ý nghĩa gởi đến anh em Gia trưởng nhân ngày hành hương hồng ân.

TẤM GƯƠNG GIA TRƯỞNG

Ở trong cương vị chủ nhà,

Giuse - Thánh Cả tỏ ra nhiệt tình.

Ngày đêm chỉ biết hy sinh,

Tận tâm chăm sóc gia đình Thánh gia.

Giúp cho cuộc sống an hòa,

Với bầu không khí thật là thân thương.

Chính qua nếp sống đời thường,

Mọi người cảm nhận thiên đường mai sau.

Đường đời cũng lắm khổ đau,

Vẫn luôn vững bước, đưa nhau về trời.

Tin rằng được sống muôn đời,

Sau khi hoàn tất kiếp người trần gian.

Được vào cõi phúc thiên đàng,

Muôn đời hiện hữu trước nhan Chúa Trời.

(HTMV)

SỐNG CHO NHAU

Nguyện xin Thánh Cả Giu-se,

Ra tay nâng đỡ, chở che gia đình.

Mọi người luôn biết quên mình,

Loại trừ ích kỷ, cho tình nở hoa.

Tình yêu giữa mẹ và cha,

Với cùng con cái thiết tha thắm nồng.

Suốt đời vẫn cứ cậy trông,

Vượt qua bão tố ở trong biển đời.

Giúp nhau sống trọn kiếp người,

Đúng theo chất lượng Chúa Trời đề ra.

Dắt nhau tiến bước về nhà,

Ở trên thiên quốc gặp Cha nhân lành.

Muôn đời sẽ được chung phần,

Vinh quang phúc lộc trong thành thiên cung.

(HTMV)

Gx Mẹ Vô Nhiễm 13.3.2009
 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly
Diệp Hải Dung
16:51 13/03/2009
Sáng thứ Sáu 13/03/2009 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney hành hương ngày 13 kính viếng Đức Mẹ.

Dù thời tiết có chút mưa nhỏ nhưng mọi người vẫn tập trung trước tượng đài Đức Mẹ cầu nguyện và làm giờ đền ta. Sau đó suy gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá mà xưa kia Chúa Giêsu đã khổ nạn cứu chuộc nhân loại. Từ chặng thứ 1 nơi tượng đài Đức Mẹ đến chặng 14 trong hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse.

Mọi người rất sốt sắng tham dự suốt 14 Chặng Đàng Thánh Giá nhân ngày 13 Mùa Chay. Sau khi chấm dứt Chặng Đàng Thánh Giá là nghi thức Xức Dầu Thánh cho những vị già yếu bệnh tật, nguyện xin Chúa ban ơn lành mạnh cho phần hồn cũng như phần xác. Kế tiếp Thánh lễ tạ ơn do Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn và Cha Nguyễn Văn Tuyết cùng đồng tế. Sau khi Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại chầu Mình Thánh Chúa và hiệp ý với Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 cầu nguyện cho Châu Phi nơi xảy ra nghèo đói và hình như bị thế giới quên lãng. Sau đó kết thúc ngày hành hương Thập Tự Mùa Chay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Freedom House: Việt Nam không có tự do
Nhã Trân, RFA
01:37 13/03/2009
Tổ chức Freedom House hôm thứ Hai 9 tháng 3, 2009 công bố tại Geneve phúc trình thường niên về nhân quyền trên thế giới, trong đó cho hay mức độ tự do của mỗi quốc gia.

Nhã Trân lược thuật đánh giá của Freedom House về mức độ tự do tại các nước, đặc biệt tại Việt Nam, đồng thời lấy ý kiến một số người trong nước về tự do ở Việt Nam hiện nay.

Xếp hạng của Freedom House

Phúc trình mới nhất của Freedom House về tình trạng nhân quyền toàn cầu là kết quả nghiên cứu về các quyền chính trị cũng như dân sự của ngưòi dân thế giới trong năm 2008.

Tổ chức quốc tế về dân chủ và tự do này, có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, xếp hạng từng nước xét về mức độ các quyền tự do vừa kể mà người dân được hưởng, tính trong suốt 30 năm từ 1973 đến nay.

Bảng xếp hạng về mức độ tự do tại các nước của Freedom House chia toàn cầu ra làm 3 nhóm.

Các quốc gia được kể là quốc gia hoàn toàn hay gần như hoàn toàn có tự do trong suốt hơn một phần tư thế kỷ vừa qua có thể kể Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Australia, Italy, Mexico, Nam Hàn, Israel, Áo, Ukraine, Romania, Norway, New Zealand, Mexico, Luxembourg, Ireland, Ấn Độ, Hungary v.v…

Các nước chỉ có tự do phần nào gồm Thái Lan, Singapore, Phillipines, Trung Quốc, Iraq, Bangladesh, Iran, Jordan, Qatar….

Các nước bị xem là không có tự do có thể kể Việt Nam, Campuchia và ẢRập Xê-út.

Người Việt nói gì?

Trong khi tổ chức nhân quyền quốc tế này thẩm định như thế thì người dân Việt có ý kiến gì về mức độ tự do ở Việt Nam? Một giáo chức ở Quảng Nam là ông Bùi Thi nhận xét:

Quyền tự do bầu cử và ứng cử thì tôi thấy chưa có ở Việt Nam mình. Mỗi lần bầu cử thì đi bầu, nhưng ngưòi dân không có quyền tự do lựa chọn những người mà họ muốn, vì dưòng như đã có sự sắp sẵn ở trên từ lâu rồi, nên mình có muốn bầu cho ngừơi nào thì cũng không thể theo ý của mình được.

Tôi chưa thấy ai ứng cử. Không biết là cái quyền đó có không mà tôi chưa thấy ai ứng cử. Vừa rồi tôi nghe có một người muốn ứng cử vào quốc hội là luật sư Cù Huy Hà Vũ nhưng rồi sau đó không được.

Tôi thấy không có ai được tự do lập hội. Tất cả đều phải xin phép hết. Không ai có thể lập hội mà không được sự cho phép của nhà nước.

Tự do phát biểu ý kiến thì, xét về mặt lý thuyết thì có, nhưng trên thực tế thì không phải là như vậy. Những ý kiến mình phát biểu ra nếu mà ngược lại với ý của cấp trên thì cấp trên ngừơi ta sẽ gây khó khăn cho mình. Không thể có tự do phát biểu được. Các phát biểu phải theo chỉ đạo của trên, mà ngưòi ta đã đề ra trước.

Việt Nam theo tiêu đề của nhà nước thì là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, độc lập tự do hạnh phúc, nhưng mà trên thực tế thì không được tự do như là các nước Tây Phương.

Người Việt Nam chỉ được hưởng một cái tự do trong khuôn khổ đã được huấn luyện, chứ không có được cái quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do bầu cử, tự do hội họp. Những quyền đó không có ở Việt Nam
.”

Xét về chi tiết mức độ tự do ở Việt Nam, nghiên cứu của Freedom House cho thấy trong giai đoạn đầu tiên của thời gian 30 năm này, từ 1973-1975 khi Việt Nam chưa thống nhất, mức tự do của hai miền có khác nhau.

Trong 3 năm ấy miền Bắc bị đánh giá là không có tự do; còn miền Nam thì được nhìn nhận là có một phần tự do.

Kể từ 1975 sau khi đất nước thống nhất, cả hai miền không có tự do và cho đến nay 2009 Việt Nam bị xem là nước không tự do, ngoại trừ một vài giai đoạn ngắn ngủi kéo dài một vài năm khi các ngăn cấm được nới lỏng chút ít.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội là bà Thùy Hương nhận xét:

Việt Nam chưa có các quyền về chính trị. Điều gì liên quan đến chính trị hay là bầu cử thì đều bị hạn chế. Quyền tự do về bầu cử hay bầu đại diện của một tổ chức vẫn chưa được.

Ví dụ như là bầu đại diện phường hay là gì đó, ở Việt Nam mình chưa được. Mình vẫn phải dựa theo tổ chức của mình, chẳng hạn như bầu ủy ban phường, thì họ đưa danh sách ra, và mình có bầu cử đi chăng nữa thì cái người trúng cử cũng không chuẩn.

Theo tôi thì các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng hoặc là tự do báo chí vẫn còn bị hạn chế. Tự do tín ngưỡng thì lại còn bị hạn chế hơn.

Nếu như mình nhìn từ ngoài vào thì thấy như là nhà nước đã mở cửa hay gì đó. Thế nhưng mà thật sự chỉ là mở cửa một phần nào đó thôi, chứ thật sự bên trong thì đang còn có nhiều những cái khống chế.

Tất cả người Việt Nam đều muốn, đều mong muốn là có một cái như thế nào đó để người dân được thoải mái hơn. Nói chung là trong đời sống hiện nay, mọi người đều muốn thay đổi
”.

Báo cáo của Freedom House về tình trạng nhân quyền toàn cầu ghi nhận rằng 2008 là năm thứ ba mà mức độ tự do trên thế giói nói chung suy giảm, nghĩa là các quyền tự do của công dân thế giới có phần bị giới hạn kể từ năm 2006.

Dù vậy, có những nước các quyền tự do của ngưòi dân đã bị kềm hãm hoặc giới hạn đến nhiều thập niên trước đó, điển hình là Việt Nam, xứ mà tự do vắng bóng kể từ năm 1975.

Một nông gia ở An Giang cho rằng:

Thấy sao mấy ổng toàn đặt để không à. Mấy ổng làm theo ý của mấy ổng không à. Phải do nơi mấy ổng sắp xếp mới được. Ngưòi dân tự ra ứng cử không được. Phải qua Mặt Trận Tố Quốc mới được. Quyền tự do ứng cử thì người dân không được. Cái đó do chính quyền mới được.

Tự do lập hội là không được. Phải có ý kiến do mấy ổng đặt ra mới được. Chứ mình đặt ra vấn đề là không được.

Việt Nam bây giờ chưa được tự do phát biểu. Phải do nơi chánh quyền. Hội họp thì mấy ổng đề ra ý kiến mới được, chứ mình không có ý kiến riêng được
.”

Sau phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu, tổ chức cổ súy tự do và dân chủ trên thế giới Freedom House dự kiến công bố báo cáo về những nước tệ nhất trong số các nước bị kể là có thành tích tồi tệ về nhân quyền.

(Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-has-no-freedom-NTran-03112009122109.html)
 
Bộ máy tuyên truyền bẩn thỉu của CSVN đang tan chảy
Lê Sáng
12:57 13/03/2009
Ngay từ khi có xã hội loài người, tin và truyền tin đã rất quan trọng. Từ thời nhà nước Phong Kiến – Nô Lệ, truyền tin nhanh-chậm cũng có thể dẫn đến kết cục thắng hay thua trận… Thậm chí giữ được hay mất cả một quốc gia, một dân tộc… Tuy nhiên việc thông tin vẫn rất thô sơ, hàng ngàn năm vẫn với một hình thức chuyển tin bằng ngựa, chim bồ câu, bằng đốt lửa, đánh trống… Cho nên có vẻ như thông tin chưa phải là yếu tố tối quan trọng…

Đầu thế kỷ 20, khi xã hội loài người đã phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật. Các vấn đề thông tin, truyền thông được khoa học kỹ thuật hỗ trợ mạnh mẽ. Nhiều hình thức thông tin mới ra đời… Cũng kể từ đó, các nhà quản lý (quản lý nhà nước, quản lý kinh tế) đã thấy được tính chất rất lợi hại của tin và thông tin, họ triệt để khai thác những lợi ích... Ai nắm bắt sớm tin, xử lý tốt tin, người đó sẽ làm chủ tình huống, và là người chiến thắng. Trong cuộc chạy đua này, con người dùng trí tuệ và có luật lệ để đảm bảo chân lý và các giá trị về nhân bản được tôn trọng. Thông tin phải phục vụ mọi người chứ không thể chỉ phục vụ các mục đích đen tối của nhóm người… Nếu không sẽ là thảm hoạ cho nhân loại, thậm chí có thể đẩy loài người đến chỗ diệt vong.

Chủ thuyết cộng sản, từ trong trang sách đã đặt vấn đề nô dịch tư duy con người để khống chế hành vi. Từ việc nô dịch suy nghĩ, nó sẽ nô lệ hoá con người một cách bền vững nhất: Nô lệ từ trong tiềm thức. Chúng muốn biến con người thành những cỗ máy. Không quốc gia, không dân tộc… Thậm chí chúng sẵn sàng vứt bỏ cả quan hệ máu thịt trong gia đình cho cái gọi là lý tưởng cộng sản. Chủ thuyết cộng sản bắt đầu được ứng dụng từ đầu thế kỷ 20. Bộ máy tuyên truyền của cộng sản việt nam được ra đời trước cả nhà nước cộng sản bởi nó được hỗ trợ bởi quốc tế cộng sản. Quốc tế cộng sản cũng ấn định các nguyên tắc chung cho bộ máy tuyên truyền của cả hệ thống, trong đó có csvn. Những nguyên tắc đó rất quái đản và kỳ quặc… Làm cả thế giới phải kinh ngạc và sợ hãi… Chúng công khai đưa ra khái niệm: Định hướng dư luận - Thực chất là dùng bạo lực cưỡng bức dư luận phải đi theo hướng chúng muốn, bất kể đúng sai. Cách mạng văn hoá tư tưởng - Thực chất là giết những ai không chịu nói theo khuôn mẫu của cộng sản áp đặt … v v và v v … Thay vì dùng trí tuệ và chấp nhận luật lệ chung của thế giới văn minh về tin-thông tin, những người cộng sản chủ yếu dùng tiểu sảo để đạt được các ý đồ của họ…

Loài người đã chứng kiến hai bộ máy tuyên truyền ghê gớm và bất nhân nhất trong lịch sử đó là bộ máy tuyên truyền của Hít le và bộ máy tuyên truyền của cộng sản. Hai bộ máy tuyên truyền này đều chung một thủ pháp “nhồi sọ” người nghe – Nói đi nói lại nhiều lần một vấn đề… không cho người nghe có khoảng trống nào về thời gian, không cho người nghe được nghỉ ngơi, có thời gian suy luận... Người nghe Lúc đầu thấy khó chịu, nhưng sau cảm thấy bình thường, rồi thấy quen, cuối cùng luận đề được “gim” vào tiềm thức con người… Đương nhiên thủ đoạn đê hèn này phục vụ cho những mục đích đen tối xấu sa của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng bộ máy tuyên truyền của cộng sản còn ghê gớm hơn bộ máy tuyên truyền của Hít le ở chỗ: Về mặt thủ pháp, nó không chỉ áp dụng biện pháp không cho người nghe có “thời gian nghỉ” mà nó còn không cho người nghe có cơ hội tiếp cận kênh thông tin khác … Nham hiểm hơn, cộng sản biết rằng việc đi tìm kênh thông tin khác là một nhu cầu tất yếu của người nghe trong xã hội bị phong toả… Nên cộng sản còn dùng thủ pháp taọ ra những kênh thông tin “Ngoài luồng” giả cho nhu cầu này… Đã có không ít cá nhân, tổ chức trở lên nghi ngờ lẫn nhau sau khi các màn “hoả mù thông tin ngoài luồng” này của cộng sản được tung ra …

Tính chất bất nhân và hậu quả tai hại của bộ máy tuyên truyền cộng sản còn hơn cả bộ máy tuyên truyền của Hít Le ở chỗ nó còn biến người nghe thành một bộ máy tuyên truyền thứ phát, một tuyên truyền viên không công cho cộng sản… Cộng sản bắt mọi người phải nói theo một khuôn mẫu rất ngô nghê của nó, lúc đầu người ta còn phì cười và không hiểu hết tác hại… Chính Đại tá nhà văn Nguyễn Khải - Một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng của csvn trong những dòng viết cuối đời của mình cũng phải thú nhận:

“Tôi có một bà cô sống ở Hà Nội suốt thời Pháp tạm chiếm, là dân cũ của Hà Nội, sau này giải phóng được một năm, bà than thở với tôi, nghĩ rằng sống với cách mạng thì dễ mà hoá ra rất khó. Bà bảo chính phủ gì việc lớn không lo toàn lo việc vặt, từ cách ăn mặc, cách yêu đương, cách nuôi dạy con cái là những việc người dân tự biết cách lo, tự biết cách học, lo không nổi thì đã có dư luận xã hội lo giùm, từ cổ tới nay vẫn thế mà.” (Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải.)

Nhưng có lẽ ông ta không hiểu hết ý nghĩa sự áp đặt này nên chỉ kết luận rằng đây là một sự can thiệp ấu trĩ của nhà nước vào cuộc sống người dân… Hôm nay ai cũng thấy tác hại của việc làm có vẻ ngô nghê này. Những người dân thất học trong xã hội cộng sản, thiếu tin tức, thiếu hiểu biết và ngây thơ đã dần biến thành những tuyên truyền viên một cách vô thức cho cộng sản...

Trong xã hội cộng sản việt nam, nhan nhản những chuyện làm giả tin để tuyên truyền lừa bịp, để bôi nhọ đối phương, để âm mưu viết lại lịch sử, thậm chí để những người cộng sản thuộc các phe nhóm hãm hại nhau… Những chuyện này cũng đã được cộng sản công khai thừa nhận, thậm chí “sửa sai” như vụ nhân văn giai phẩm, vụ “làm tư bản bằng khoán 10”… Cỗ máy tuyên truyền của cộng sản biến các thước phim “Tài liệu” thành những cuốn “Phim truyện”. Như những thước phim “tài liệu” về Hồ Chí Minh là một minh chứng. Chính những học trò, những người đồng chí của Hồ đã tố cáo sự việc này (Xem thêm hồi ký của Vũ Thư Hiên đoạn viết về Hồ Chí Minh)… Ngay như di chúc của Hồ Chí Minh, cùng ngày giờ chết của ông ta cũng bị cộng sản làm giả, ém lại… Đến nay csvn đã công khai thừa nhận việc làm gian dối này. Tin tức trong xã hội cộng sản Việt Nam có thể nói ngắn gọn: Lộng giả thành chân.

Có thể nói cộng sản đã sử dụng việc tuyên truyền lừa bịp như một cuộc chiến tranh trong lòng một cuộc chiến tranh. Chúng gọi là cách mạng văn hoá tư tưởng trong cuộc cách mạng XHCN. Hình thức chiến tranh này chúng gọi là “mặt trận văn hoá tư tưởng”. Những tên bồi bút cộng sản, được chúng gọi là “chiến sĩ cầm bút”. Những cuộc làm giả tài liệu, bôi nhọ đối phương được chúng gọi là bút chiến… Làm giả tin, cắt sén tin, ém tin, rồi xì tin ra vào thời điểm có tính toán… luôn được csvn triệt để áp dụng.

Trong chiến tranh, cộng sản Việt Nam không tiếc công sức, không từ thủ đoạn để bôi xấu lãnh tụ, chế độ và người dân của Việt Nam Cộng Hoà. Tổng Thống Ngô Đình Diệm – Người mà ngay cả Hồ Chí Minh cũng phải công nhận Ông là một nhà ái quốc, khi tay chân của Hồ bắt Ông vào năm 1945, Hồ gặp mặt tìm cách lôi kéo Ông theo cộng sản, dù bị mắng vào mặt Hồ vẫn phải để Ông đi – Bị bộ máy tuyên truyền cộng sản bôi bẩn bằng những từ ngữ của “văn hoá” vô sản lưu manh, du thủ du thực đến mức người viết không dám viện ra đây, xin quí vị tự tìm kiếm trên Internet… Thế nhưng đến hôm nay, để kéo dài sự sống, cộng sản việt nam lại phải áp dụng các nguyên lý của tổng thống Ngô Đình Diệm trong ngoại giao... Đối với người dân của Việt Nam Cộng Hoà - Phạm Văn Đồng, kẻ làm thủ tướng từng đi ra quốc tế chắc cũng có chút kiến thức về lịch sự tối thiểu của giao tiếp xứng tầm lãnh tụ trên trường quốc tế… Vậy mà ông ta không ngần ngại chửi với theo những người phải bỏ nước đi tị nạn cộng sản sau 1975 rằng: Dân theo ngụy trai thì trộm cướp gái thì đĩ điếm hãy cút đi. Càng ngạc nhiên hơn khi bộ máy tuyên truyền của cộng sản ngay lập tức cho đăng tải… Quả thực bộ máy tuyên truyền của csvn thật là bẩn thỉu.

Sau khi hệ thống cộng sản khét tiếng ở đông Âu và Liên Xô sụp đổ, người ta được biết những sự thực kinh hoàng về cỗ máy tuyên truyền, bộ máy an ninh kiểm duyệt tư tưởng của cộng sản. Khởi đầu người ta được chứng kiến những toà nhà lưu trữ hàng triệu cuốn băng ghi âm của tất cả các cuộc điện thoại của người dân ở Rumania… Rồi người ta được nghe lời kết luận của một ông trùm cộng sản kiêm sĩ quan an ninh Liên Xô – Sau làm tổng thống Nga – Ngài Putin: Ai tin vào lời nói của người cộng sản, người đó sẽ phải trả giá cho sự ngây thơ của mình.

Khoa học kỹ thuật hỗ trợ thông tin ngày nay phát triển từng giờ, làm cho các hình thức thông tin cũng nhanh chóng phát triển, nhanh chóng bị thay thế… Thật nực cười khi cộng sản ra văn bản luật cấm Blog. Ngay một tên cộng sản hạng bét thôi cũng nhận ra và cảnh báo rằng:

“Ngay ngày mai, người ta sẽ sáng tác ra một hình thức mới không dùng tên Blog… Cái văn bản luật này sẽ vô dụng và thành trò cười, đó là chưa kể đến việc lấy phương tiện gì để có thể kiểm duyệt được hệ thống internet quốc tế vốn không phải do nhà nước điều hành?” .

Có vẻ như trong xã hội văn minh ngày nay vấn đề tin-thông tin đang được cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giúp xoá bỏ biên giới quốc gia. Chỉ cần biết đọc biết viết, người ta dễ dàng tự tìm hiểu tự tiếp cận các nguồn tin khác nhau để phân tích so sánh… Việc ngăn chặn người dân tiếp cận tin khách quan ngày càng trở nên vô vọng đối với cộng sản…

Ở góc độ kỹ thuật cộng sản cũng như các thể chế độc tài với lối tuyên truyền bằng tin tức ngụy tạo đang gặp phải những trở ngại hầu như không thể vượt qua được… Thì ở góc độ khác: Chính những người cộng sản đang ngày càng chán ghét lối thông tin tuyên truyền nói lấy được bất chấp chân lý. Đã có không ít cán bộ cao cấp của cộng sản bằng cách này cách khác xé bức màn đen bưng bít tin, họ tiết lộ những chuyện thâm cung bí sử từng bị cộng sản chôn lấp… Họ công khai phê phán tính chất lừa bịp của bộ máy tuyên truyền cộng sản…

Một điểm yếu của thủ pháp tuyên truyền lưu manh nêu trên của cộng sản, là chỉ cần người nghe ngộ ra mình bị lừa, thì thủ pháp sẽ vô dụng, thậm chí phản tác dụng. Trong khi thành trì cộng sản Liên Xô và hệ thống cộng sản đông Âu đã sụp đổ, mọi thủ đoạn đê hèn về chiến tranh tuyên truyền của cộng sản đã bị phơi bày ra ánh sáng… Chính người cộng sản còn phải la lên rằng họ cũng là nạn nhân của thông tin tuyên truyền cộng sản… Có lẽ không ai còn có thể tin vào các tin tức được đưa ra từ bộ máy tuyên truyền cộng sản nếu chưa kiểm chứng. Nhìn chung, cuộc chiến tuyên truyền của cộng sản việt nam cũng đã phá sản. Nó chỉ còn cái vỏ chứ không có một chút giá trị nào về nội dung, cho dù nó vẫn ra rả ngày đêm…

Có thể nói, cỗ máy tuyên truyền bẩn thỉu của cộng sản việt nam - Một công cụ chúng dùng để nô dịch tư duy con người – Đang tan chảy dưới ánh sáng chân lý, cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong xã hội văn minh ngày nay. Mỗi người dân Việt trong chế độ cộng sản hãy tự trang bị cho mình những kiến thức, những phương tiện để tiếp cận chân lý. Hãy truyền đi thông điệp này:

Đảo chiều những gì cộng sản nói – Ghi nhận lưu trữ những việc cộng sản làm để đến một ngày đưa ra bằng chứng tố cáo cộng sản trước toà án nhân quyền của nhân loại.
 
8 giáo dân Thái Hà đi hỏi về phiên tòa phúc thẩm
PV Vietcatholic
15:23 13/03/2009
Sáng thứ sáu, ngày 13/3, 8 bị can - giáo dân của giáo xứ Thái Hà đã đến tòa án thành phố Hà Nội, theo lời hẹn từ tòa án (vào ngày 10/3). Đi cùng các bị can có thư ký luật sư. Ngoài ra, nhiều giáo dân đã đến tòa án (một số đứng trước cổng và một số vào bên trong) để thể hiện sự ủng hộ 8 bị can (họ đến với sự tự nguyện và các bị can không dự tính điều này).

Từng người một trong 8 giáo dân được gọi vào phòng tiếp (tại tầng 3, tòa hình sự) để nhận thông báo về phiên tòa phúc thẩm. Mỗi người được gửi một giấy mời tham dự phiên tòa. Phiên tòa sẽ diễn ra từ 8h sáng, thứ sáu, ngày 27/3, tại cơ sở 2 của tòa án thành phố - số 2 Nguyễn Trãi, Hà Đông.

Khi các giáo dân được hỏi rằng họ muốn nhờ ai làm luật sư bào chữa, các giáo dân trả lời rằng họ muốn nhờ luật sư Lê Trần Luật. Luật sư Lê Trần Luật là người đã bào chữa cho các giáo dân trong phiên tòa sơ thẩm của tòa án nhân dân quận Đống Đa vào ngày 8/12/2008.

Thông tin thêm về sự việc này sẽ được đưa trong bản tin kế tiếp.





 
Tin Đáng Chú Ý
Người dân Tây Nguyên với dự án khai thác bauxite
VNC
19:13 13/03/2009
Người dân Tây Nguyên với dự án khai thác bauxite

Chính quyền Việt Nam đang dọn đường thành lập nhà nước Đega?

Những tháng ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nói và viết rất nhiều về dự án khai thác bauxite tại huyện Đăk Nông trên Tây Nguyên theo ‘chủ trương lớn’ của nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết khi đọc tưởng chừng như tác giả đang chấm nước mắt của mình để viết thay vì chấm mực. Những bài khác bộc lộ sự lo lắng trong thất vọng như một lời kêu cứu giữa sa mạc. Lợi nhuận đem lại do khai thác nguồn khoáng sản trên mặt đất và những hậu quả tai hại sau khi khai thác đã được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia phân tích cặn kẽ và được đưa lên bàn cân xem xét một cách tỷ mỷ. Tuy thế, cho đến giờ phút này người ta vẫn chưa nghe tiếng nói của chủ nhân vùng đất sẽ được khai phá, những người con của núi rừng Tây Nguyên. Khi nào họ sẽ lên tiếng?

Đất có Thổ Công, sông có Hà bá

Vùng đất núi rừng trùng điệp nằm dọc theo dãy Trường sơn trải dài trên ba cao nguyên Pleiku, Daklak, Lâm Đồng là nơi cư trú từ rất lâu đời của nhiều cộng đồng tộc người thuộc hai dòng ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Tuy khác nhau về tiếng nói, phong tục nhưng tất cả khối cộng đồng này đã cùng chia sẻ với nhau những thăng trầm lịch sử của vùng đất nơi cha ông họ đã từng sống và chiến đấu.

Trải dài hơn hai trăm năm đầu thế kỷ 12, Tây Nguyên là vùng đệm giữa sự tranh chấp quyết liệt của hai vương triều Chàm và Khmer. Người Khmer tìm mọi nỗ lực để liên kết gắn bó với các cư dân bản địa trên Tây Nguyên với ý muốn mượn nơi này làm bàn đạp để đưa quân đánh người Chàm và để ngăn cản người Chàm đưa quân tấn công họ. Người Chàm không chịu lép vế, đã đưa người lên vùng núi cao ấn giữ bảo vệ đế chế, họ đã xây dựng những tháp Chàm rải rác khắp nơi từ Pleiku đến vùng trũng nơi nối tiếp của hai con sông Ayun và Apa. Phản ứng của người bản địa là sự im lặng, tránh né. Im lặng không phải hoàn toàn có nghĩa là đồng ý hay sợ hãi. Sự im lặng vốn là bản tính cá biệt của người Tây Nguyên. Gặp sự khó khăn, gặp điều không vừa ý họ luôn im lặng, khép kín và tự tìm giải pháp. Khi có sự đồng thuận chung trong gia đình, với cộng động họ sẽ phản ứng. Thường sự phản ứng rất mạnh mẽ và quyết liệt. Với tổ chức xã hội ngày xưa làng là một cơ chế độc lập tự cung tự quản. Giữa các làng không có liên hệ hành chánh, kinh tế, tín ngưỡng. Nếu có chỉ là những quan hệ gia đình hình thành qua hôn nhân, kết nghĩa cha con hay làng này tách ra từ làng kia. Trong hoàn cảnh đơn lẻ yếu đuối ấy, để khỏi bị diệt vong chỉ còn cách chọn lựa duy nhất là im lặng để tồn tại.

Trong suốt thời kỳ đô hộ Việt nam, người Pháp cũng đã cố gắng khám phá vùng đất huyền bí này. Nhiều nhà khoa học được giao nhiệm vụ khảo sát để vẽ bản đồ, quy hoạch từng vùng nhằm tạo thông thương về phía Bắc, cạnh tranh với người Anh, sau đó từng bước chính thức tách rời các tỉnh Kontum, Gialai ngày nay khỏi hệ thống hành chính của Lào để sát nhập vào lãnh thổ Việt nam với tên gọi là ‘Pays Montagnard du Sud Indochinois’ (PMSI). Những nét vẻ ngoằn ngoèo trên giấy thời ấy sau này đã biến đổi hoàn toàn số phận Tây Nguyên và cư dân bản địa: họ được gọi là công dân của nước Việt nam. Họa hay là Phúc ?

Trong suốt thời kỳ Tây Nguyên đặt dưới sự cai trị của người Pháp, một số người bản địa có điều kiện đi học đã thấy rằng ngoài núi rừng Tây Nguyên còn có nhiều dân tộc khác trên thế giới, và hiểu rằng con người có quyền được nói, được tự do tín ngưỡng cùng nhiều quyền về chính trị và dân sự khác.

Sau khi lên nắm chính quyền, tổng thống Ngô Đình Diệm đã áp dụng chiến thuật Việt nam hóa các cư dân từ lâu sống tách biệt riêng lẻ, khó kiểm soát và hơn nữa lại được Pháp và vua Bảo Đại ký kết vùng đất này thuộc nhà vua ‘hoàng triều cương thổ’. Lần này cộng đồng người Thượng với sự lãnh đạo của những người có học thức được đào tạo trong các trường Pháp đã đấu tranh quyết liệt hơn với những tổ chức vũ trang, khôn khéo hơn trong ngoại giao và đã đưa vấn đề Tây Nguyên trở thành khó xử cho chế độ. Kết quả của những lần đấu tranh cam go, tù đày, chết chóc là những văn phòng đại diện đầu tiên của người Thượng được hình thành, người Thượng có đại diện trong quốc hội, những tù nhân người Thượng trước đây bị giam tù nay được thả ra. Cùng trong thời gian này chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã tổ chức những đợt di dân lên tây Nguyên thành lập những khu dinh điền rải rác khắp núi rừng từ Kontum đến Đồng Nai. Sự xâm nhập của người Kinh vào thời điểm này chưa đông và nhiều để cán cân dân số nghiêng về phía họ. Người Thượng chưa cảm thấy bực bội gò bó ngược lại sự cộng sinh sống gần gũi bên nhau đã giúp rất nhiều cho cộng đồng các cư dân bản địa học thêm nhiều kinh nghiệm trong canh tác nương rẫy, chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ và một số ít trẻ em được đi học.

Chính quyền cộng sản sau năm 1975, với đội ngũ cán bộ dốt nát nhưng tàn bạo, đã đảo lộn mọi trật tự xã hội truyền thống trên Tây Nguyên. Họ gièm pha chỉ trích phong tục tập quán đặc thù của các cộng đồng dân bản địa theo cảm tính cá nhân. Dùng quyền lực ra lệnh không được cử hành những nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Họ và chính quyền không biết rằng niềm tin về một sức mạnh siêu nhiên vô hình là trung tâm của mọi sinh hoạt đời sống đời thường của người dân bản địa. Sự cấm đoán tin và thực hành nghi thức tín ngưỡng truyền thống là một ngăn cấm quá sức chịu đựng của người dân bản địa, sự kiện đã thúc đẩy người dân miền núi tìm tin vào một sức mạnh siêu nhiên khác. Họ đã ồ ạt theo đạo Công giáo và đạo Tin lành. Trong sinh hoạt của những tôn giáo này, người Thượng cảm thấy mình còn có một chỗ đứng và cảm thấy mình còn là con người, bình đẳng với mọi người khác, trong đó có người Mỹ, Pháp trước mặt đấng họ tin.

Với chương trình kinh tế mới những năm 1978, dân ở các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt tràn vào Tây Nguyên như một cơn sóng thần. Trên bước đường đi họ xóa sạch những vết tích của cư dân bản địa đã sống tại chỗ từ nhiều ngàn năm. Những xã thôn người Kinh mọc lên như nấm sau cơn mưa chia cắt các buôn làng vốn đã xa nay càng xa hơn. Những nghi thức cúng tế thần linh, phong tục truyền thống của cư dân bản địa bị dòm ngó, chê bai đã kích, khinh miệt. Người Tây Nguyên cảm thấy chật chội, khó chịu với sức ép mới, và đã từng bước dời làng ra xa hơn những nơi người Kinh chiếm đóng.

Ngày nay nhờ vào mạng lưới thông tin, phương tiện giao thông, trao đổi buôn bán, thế hệ mới của người Thượng không còn tránh né, sợ hãi, im lặng trong vỏ bọc của làng mình như trước. Ranh giới làng đã thay đổi, quan niệm về tổ chức xã hội trưởng thành hơn. Sự giao lưu qua lại giữa các cộng đồng khác biệt ngôn ngữ ngày càng dâng cao, những liên hệ gia đình qua hôn nhân giữa các cộng đồng phát triển. Nói chung, ngày nay ranh giới làng đã biến đi nhường chỗ cho một khái niệm chung là Người Tây Nguyên bao trùm tất cả các cộng đồng sống trên các cao nguyên miền Trung Việt Nam. Khái niệm mới này là kết quả của sự trưởng thành từng bước trong nhận thức của lớp người mới được đi học và được cọ sát với sinh hoạt thế giới qua truyền thông và truyền hình. Người Thượng đã biết mình có quyền được sống an lành. Có quyền tự do tin một tín ngưỡng và có quyền đòi hỏi và nói lên khi bị ức chế. Sự kiện hàng ngàn người Thượng khắp các tỉnh trên Cao Nguyên ôn hòa xuống đường những năm 2001 và 2004 đã minh chứng rỏ điều đó. Chính quyền Việt Nam thay vì đối thoại để giải quyết những đòi hỏi và nguyện vọng của cư dân bản địa, họ đã dùng bàn tay sắt đập tan cuộc biểu tình bằng nhiều hình thức. Sau đó bố ráp, truy lùng bắt bớ số người bị tình nghi là cầm đầu xách động. Kết quả hơn 1000 người Thượng đã chạy trốn sang Cam-Bốt và được định cư ở Mỹ. Người Thượng lại im lặng. Một sự im lặng đáng sợ.

Máu và nước mắt.

Qua những tin tức trên các phương tiện truyền thông, chính quyền Việt Nam đã đồng ý cho người Trung Quốc đến khai thác mỏ bauxite ở huyện Đăk Nông như là một chủ trương lớn của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Sự có mặt của người Trung Quốc trên tây Nguyên thật sự chỉ để khai thác quặng mỏ hay sau lưng còn giấu giếm một mưu mô thâm độc nào khác?

Trong hơn 30 năm qua, đám nô bộc của đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảng giao: dập tắt mọi ý kiến, hành vi không có lợi cho đảng. Kết quả việc làm của đám này đã xua đẩy người dân Việt Nam qua bên kia trận tuyến của oán thù và đối kháng. Đa số gia đình nào của người Thượng cũng là nạn nhân của sự đàn áp, cướp đất, bất công. Sự uất ức như hơi nóng cao độ bị dồn nén trong một phòng kín, ngày nào đó chỉ cần một khe hở để không khí lọt vào, hơi nóng vô hình kia sẽ biến thành ngọn lửa thiêu cháy mọi vật từ trước đến nay đã cản trở dồn ép nó. Người Thượng đã mất trắng tay. Họ đang trông chờ một bàn tay đưa ra để nắm chặt lấy như một chiếc phao cứu sinh. Sự kết hợp thỏa hiệp với Trung Quốc, Cam-Bốt, Lào hay bất cứ quốc gia nào khác với họ chỉ là một nếu những đối tác này giúp họ được sống, được tự do thở như họ đã sống trước kia. Quan niệm về người Trung Quốc của người Thượng khác với người Kinh, họ chưa bao giờ bị đế quốc này lấn chiếm, đàn áp, tru diệt. Với họ người Trung Quốc cũng như người Thái lan, người Cam-bốt. Nếu người Trung Quốc đứng sau lưng vịn vai, trao vũ khí, giúp đỡ phương tiện cho người Thượng đứng lên đòi tự trị chắc chắn Tây Nguyên sẽ ngập chìm trong máu và nước mắt. Sự căm thù và bản tính của người dân sống trong núi rừng, luôn chấp nhận chân lý mạnh được yếu thua sẽ giúp họ bắn nhiều hơn, bắn nhanh hơn.

Phía Bắc quân đội Trung Quốc đang hăm he, ngoài biển khơi hải quân của họ cũng đã sẵn sàng và được trang bị vũ khí hiện đại tối tân để lấy cho được Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam sẽ nằm trong thế ba bên thọ địch khi ấy Trung Quốc có biểu ký nhượng tòa nhà quốc hội chắc Việt Nam cũng phải ký.

Chính quyền nhà nước Việt nam phải sáng suốt trong quyết định chấp nhận cho người Trung Quốc đặt chân cư trú hợp pháp trên lưng của mình qua dự án khai thác quặng mỏ bauxite trên Tây Nguyên. Đồng thời phải hòa hợp hòa giải với cộng đồng người Thượng. Thả tất cả số tù nhân lương tâm về với gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi cho người Thượng hội nhập vào sinh hoạt xã hội và chính trị. Họ sẽ yên tâm hơn khi có một văn phòng đại diện thật sự, do chính người Thượng đề cử người đứng ra thay mặt họ đệ trình cho nhà nước những oan khuất, những nguyện vọng của họ. Ai sẽ là chiếc phao để người Thượng chụp bắt: Việt Nam hay Trung Quốc ?

VNC
 
Văn Hóa
Tìm về (Thơ)
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
16:42 13/03/2009
Tìm Về

Một đời cười tiếng hồn nhiên
Hồn con phấn khởi câu khen của Ngài
Đắng cay dong duổi đường dài
Lối vùng hạnh phúc tìm ai chỉ dùm
Giơ tay nhặt một cánh thơm
Lối qua sót lại dỗi hờn vô tâm
Không nhìn mà cứ đăm đăm
Bước nhanh dẫu đã bầm thâm gót gầy
Chúa ơi, con đã về đây
Xin thương, con rất thơ ngây một đời !

Lối Bước Theo Ngài

Con hát vang bài ca đau khổ
Mỗi chặng đường có Chúa bước cùng con
Không có gai mà trong tim buốt nhói
Lạnh cắt da hay muôn triệu dấu đòn
Con nghĩ về truân chuyên cuộc sống
Biết làm sao cho hạnh phúc vuông tròn ? !
Để quỵ ngã rồi Chúa thương nâng dậy
Bóng Quê Nhà thấp thoáng dưới hoàng hôn
Nguyện theo Chúa trên những chặng đường
Để mùa đông sáng lên vùng Dấu Thánh
Hoa Tình Yêu nở trong vườn tuyết lạnh
Chúa và con cùng hái những đoá thơm !

(ĐCV Vinh – Thanh)

 
Giuse Niềm Cậy Trông
Vọng Sinh
20:20 13/03/2009

Giuse Niềm Cậy Trông



Kính tặng NS Joseph Phạm Đức Huyến

  • Đường trần gian ngàn nỗi gian nan
  • Bao sóng gío vây kín muôn vàn
  • Tưởng chừng như không còn lối thoát
  • Biết cùng ai to nhỏ thở than


  • Trong lao đao bối rối phân vân
  • Giuse đã nghe tiếng Sứ Thần
  • Dù muôn nỗi lo âu vây kín
  • Người vẫn không do dự ngại ngần


  • Người nhanh chân đón Mẹ Con Chúa
  • Để từ nay hứa suốt cuộc đời
  • Mãi bao bọc nuôi Con Chúa Trời
  • Không sợ tiếng miệng đời mai mỉa


  • Niềm Cậy Trông Phó Thác lớn lao kia
  • Đường hầm tối không một tia ánh sáng
  • Như Abram khi đưa con sát tế
  • Đã trở nên Cha những kẻ Cậy Tin


  • Cha Giuse giờ Quyền Thế Phúc Vinh
  • Cha Nuôi Con Chúa Cả Thiên Đình
  • Có ai Quyền Thế hơn Cha nữa?
  • Cả trần gian cả Chốn Thiên Đình!


  • Lời Người xin Chúa đoái Tình khứng nhận

    Chẳng khi nao từ chối bao gìơ
  • Cha Giuse Đấng Cầu Bầu Thần Thế!
  • Cha Giuse nâng đỡ kẻ Cậy Trông!


  • Nay đoàn con chốn trần thế long đong
  • Muôn sóng gío thuyền con hòng chìm mất
  • Giữa Biển Đời thét gào bao chật vật
  • Thật sức hèn sao bơi đến Bến Thiêng
  • Cha Giuse đưa Tay cho sóng yên
  • Cho con noi gương Tín Thác Trung Kiên
  • Thuyền Đức Tin vượt qua muôn Ghềnh Thác
  • Về đến nơi Bến Phúc Mãi Bình Yên.


Vọng Sinh

Chúng con đương chốn ba đào

Nguyện xin Thánh Cả đổ trào Ơn Thiêng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vườn Xuân
Nguyễn Ngọc Danh
00:49 13/03/2009

VƯỜN XUÂN



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Khoác áo xanh non - Nắng hài tiên

Xinh tươi Xuân dạo khắp mọi miền

Vườn mơ cổ tự nghe chim báo

Quên cả gài then cánh cửa thiền.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Quê
Thanh Phong
05:19 13/03/2009

MẸ QUÊ



Ảnh của Thanh Phong


Quang gánh ngày đêm Mẹ tảo tần

Một thân nuôi lớn đàn con dại

Con lớn cao thêm Mẹ yếu mòn

Con cười khi mắt Mẹ lệ rơi.

(Thanh Phong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền