Ngày 11-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người phụ nữ phạm tội ngoại tình
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:40 11/03/2010
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, năm C

Ga 8, 1-11

Chúa nhật 5 mùa chay, năm C, Giáo Hội cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng Ga 8, 1-11 nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Xuyên suốt Tin Mừng của thánh Gioan là lòng nhân từ của Chúa. Sợi chỉ đỏ của Tin Mừng thánh Gioan là tình yêu không biên giới của Chúa Giêsu. Tất cả ba bài đọc của Chúa nhật 5, năm C đều làm nổi bật tình thương cao vời của Chúa Giêsu, một tình thương không giới hạn, tình thương của một con người đã tự hiến vì người mình yêu.

Trở về thời Cựu Ước, luật Môsê qui định: ” Người bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình thì bị ném đá “. Do đó, ngày hôm nay câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mà các Kinh sư và Pharisêu dẫn đến xin Chúa Giêsu xử tội quả rất hợp lý. Tuy nhiên, đây không phải là điều bình thường nhưng chỉ là cái bẫy Kinh sư và Pharisêu giăng ra để kết tội Chúa Giêsu. Càng đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta càng thấy lòng nhân từ, chạnh thương và hay tha thứ của Chúa. Nhưng đang khác chúng ta cũng dở mếu giở khóc vì cái trò bịp bợm, gian manh của các nhóm Kinh sư và Pharisêu. Ném đá người phụ nữ ngoại tình ư ? Điều này hoàn toàn thích hợp với luật Môsê. Nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá người phụ nữ thì Ngài lỗi luật Môsê. Còn nếu Ngài ra lệnh ném đá người phụ nữ thì Ngài đã phản lại lời dạy dỗ của Ngài:” Các con hãy yêu thương nhau “. Quả đây là cái bẫy vừa tinh vi vừa hết sức nham hiểm của những con người tàn ác, dã man. Tin Mừng viết rất rõ, Ngài cúi mặt viết trên đất. Cúi mặt có nghĩa không lưu tâm tới những con người lòng nham dạ sói. Cúi mặt cũng có nghĩa Ngài đã biết quá rõ về cái bẫy họ đang giang ra để ám hại Ngài. Chúa Giêsu đang viết tội họ trên đất hay đang suy nghĩ gì đó, chúng ta không thể hiểu được, nhưng chỉ có một điều là những Kinh sư, những Pharisêu và nhiều người Do Thái khác đang đắc thắng vì đã dồn được Chúa Giêsu vào chân tường, họ sốt ruột điên cả người lên vì Chúa không thèm trả lời câu hỏi của bọn họ. Họ gặng hỏi mãi, Chúa đã trả lời một câu làm bẽ mặt họ và câu trả lời của Ngài vẫn là mũi dao xoáy vào lương tâm của mỗi người muôn thời “ Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi “ ( Ga 8, 7 ).

Tin Mừng nói rất rõ:” Không một ai dám ném viên đá đầu tiên và viên đá cuối cùng “. Bởi vì từ già đến trẻ đã lặng lẽ rút lui. Những viên đá mà trước khi tới với Chúa Giêsu để xin Ngài xét xử, từ già tới trẻ đã cầm chặt trong tay chỉ chờ ném vào đầu người phụ nữ cho thỏa mãn, cho hả dạ. Những viên đá đó lúc này đã nhẹ nhàng được lặng lẽ cho rơi xuống đất và họ lặng lẽ ra đi.

Sứ điệp Chúa nhật V mùa chay, năm C muốn nói cho chúng ta hay ở đời chẳng ai là vô tội. Ai cũng yếu hèn, tội lỗi. Có biết bao thứ tội tầy trời, có biết bao thứ tội còn nặng hơn cả tội ngoại tình bị bắt quả tang. Tội ngoại tình trong tư tưởng, trong ước muốn, có những tội ngoại tình lén lút chẳng ai biết, chẳng ai hay vv…Ngày nay, có biết bao thứ tội mà con người chỉ nhận khi không còn lối chối từ. Do đó, người ta tìm đủ mọi cách để che dấu, để lén lút phạm tội. Họ cứ an tâm phạm tội khi không bị bắt quả tang. Quả thực, họ đã đánh mất hết cảm thức về tội lỗi của mình. Và đó là tội đáng chết, đáng nguy hiểm.

Dù rằng mình có tội thật, nhưng con người lại dễ lên án, lại dễ ghép tội người khác, lại dễ ném đá người khác. Có thể làm như thế họ tự biện bạch họ vô tội chăng ? Con người dễ thông cảm cho mình và xét nét lên án kẻ khác. Vâng, chỉ có một Đấng vô tội duy nhất đã không lên án và đã nói: ” Tôi không lên án chị đâu ! Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa “ ( Ga 8, 11 ).

Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay muốn làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa, vì thương con người, Ngài muốn cứu độ, muốn tha thứ con người tội lỗi, Chúa không xét xử và luận phạt, kết tội. Nhưng muốn được thứ tha, con người phải dứt bỏ quá khứ tội lỗi và thật lòng quay trở về với Chúa.

Lạy chúa, xin giúp chúng con biết mau mắn thay đổi đời sống để chúng con được Chúa thứ tha và Chúa thi ân giáng phúc. Amen.
 
Sám hối hôm nay
Mic. Cao Danh Viện
07:50 11/03/2010
Đứa con hoang của thế kỷ hăm mốt
Lê thân về xin tạ tội với Cha
Đã bao năm qua
Con bất xứng với tình thâm phụ tử

Con đã sống trong trào lưu hưởng thụ
Bỏ tất cả để chỉ biết hôm nay
Mê công danh,ôm tài lộc trên tay
Sống thực tế, quên nguồn ơn cứu thế!

Đời cho con bao nhiêu là hoa lệ
Đi theo Ngài, nặng Thập giá không cam…

Con có việc phải làm
Mà con đã không kham
Bao điều không nên thế
Con nhắm mắt đưa chân

Tình Chúa thật, mà con chưa sống thật
Lời Chúa hay, mà con bỏ qua tai
Con đam mê niềm hoan lạc từng ngày
Con sống ảo trong cuộc đời rất ảo

Con nguỵ biện vì gạo tiền cơm áo
Con hư vong trong chủ nghĩa tự nhiên
Con vô tư coi mạng sống rẻ tiền
Con cầu an, làm thinh trong công lý

Cha yêu ơi!!Con xét mình, suy nghĩ
Con là Giuđa, bán Chúa cách hồn nhiên
Là Philato, tay rửa tránh luỵ phiền
Là Herode giết từ mầm sống nhỏ

Kỷ nguyên mới, mới mười năm mở ngõ
Đã hồi sinh biết bao kẻ Giuđa
Hêrode gõ cửa đến từng nhà
Vang tiếng khóc bà Rachel không dứt!

Cuộc sống số, biết đâu là hư, thực!
Ai cũng là tổng trấn Philato
Nền công lý từ bao giờ đã mất
Đức từ bi chưa sáng đã lu mờ

Đau Cha lắm! Trái tim Cha loang lở!
Tay mỏi rồi! Cha vẫn mãi giăng tay!
Chờ đợi con! Cha cứ đếm từng giây
Con tỉnh ngộ lăn vào tình phụ tử

Cha yêu ơi! Những đứa con thừa tự!
Đã không làm vinh sáng được danh Cha
Đã không gieo Lời Chân lý an hoà
Đã không có bài tình ca Ngôn Sứ

Cha vẫn yêu, gọi con là quý tử
Chờ con về chia hạnh phúc thiên niên
Con đã nghe Lời đấu ái dịu hiền
Con quỳ gối ! thưa Cha ! Xin thứ tội !
 
Tình Cha hậu hỉ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:23 11/03/2010
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay, Năm C

Dưới góc nhìn tình yêu thì người ta có thể nói rằng đoạn tin mừng của thánh sử Luca tường thuật câu chuyện kể của Chúa Giêsu về “người con hoang đàng” là đỉnh cao của chữ tình. Người ta còn nói rằng nếu chọn một chương tiêu biểu trong tin mừng thánh sử Luca thì chương 15 phải được ưu tiên. Và trong chương ấy nếu chọn một vài câu thì bài trích Tin Mừng trong Chúa Nhật IV mùa Chay C đáng phải được chọn làm tiêu biểu.

Nói về chữ tình thì cái tựa đề cũ “người con hoang đàng” hay “đứa con phung phá” không thể lột tả hết. Hẳn nhiên điều này được minh chứng qua động cơ trở về của anh ta là chỉ muốn được no cái bụng. Ngày nay người ta đổi tựa đề câu chuyện kể của Chúa Cứu Thế thành “người cha nhân hậu”. Theo thiển ý cái tựa đề này diễn tả nội dung câu chuyện khá hoàn hảo. Tuy nhiên xin được mạo muội góp một cái nhìn khi thêm một tựa đề đó là “tình cha hậu hỉ”.

Hai từ hậu hỉ gợi mở cho chúng ta cảm nhận sự dư tràn vượt quá mong ước. Quả thật câu chuyện kể của Chúa Giêsu đã khiến người đương thời và cả chúng ta hôm nay chưng hững vì nhiều điều. “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con”. Theo luật bấy giờ, người con chỉ được nhận gia tài khi cha đã khuất. Đang sống sờ sờ thế mà một đứa con muốn mình như đã chết. Không sao. Đã khuất trước một đứa con thì sẵn sàng khuất bóng trước cả đứa còn lại. Nước từ trên chảy xuống. Miễn sao con cái được sống thì sự sống của mình vẫn tồn tại. Đã có đó nhiều người cha, người mẹ thanh thản nhắm mắt lìa đời khi thấy con cái đã thành gia thất.

Dù khuất bóng nhưng lòng người cha vẫn mãi dõi theo bước chân con cái mình. Đứa con như vô đạo, bất hiếu có ngờ đâu cha anh vẫn ngóng trông anh từng giờ, từng ngày, trong khi anh đang mãi mê ăn chơi sa đọa. Cái gì đến rồi sẽ đến. Chuyện gieo gió, gặt bão là lẽ như tất nhiên. Lá rụng về cội là điều thường có. Trong thân phận của kẻ hèn kém hơn cả loài heo, người con đi hoang mới chợt bừng tỉnh. “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha…” Chẳng biết anh ta có chút tình nào với người cha già, nhưng sự vị kỷ là có đó: về với cha chỉ vì miếng ăn, chỉ vì cái bụng. Kẻ gian thường tỏ vẻ ngoan. Để che giấu sự vị kỷ của mình, người con hoang đàng đã nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc lòng câu thưa thoặt nghe dễ mủi lòng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Không sao cả, miễn là con ta đi xa nay trở về, đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Dù là tấm thân gầy gò đầy bụi bẩn, lẫn mùi phân hôi của loài nhơ uế, nhưng chính là con của ta. Người cha đã vội chạy đến ôm cổ đứa con, hôn lấy hôn để. Vòng tay âu yếm, những nụ hôn yêu thương đã xóa đi mọi cách ngăn sạch nhơ, sang hèn. Có nhiều điều dường như là không thể với khả năng con người, nhưng đều là có thể khi tình yêu hiện diện. Tình yêu mạnh hơn cả sự chết!

Chẳng đợi con dứt câu xưng thú, chẳng cần biết quá khứ của con như thế nào, hôm nay, giờ này, con hiện diện ở đây là đủ. “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”. Tình người cha, một mối tình bao la đủ làm cho người con nên thanh sạch hơn mọi thứ nước tự nhiên. Cái tình ấy đã được chuẩn bị từ lâu qua con chiên được vỗ béo mà hẳn các gia nhân vốn thừa hiểu.

“Con ta đây đã chết mà nay sống lại.” Có con rồi mới có cha. Có cháu rồi mới có ông, có bà. Sự sống chết của người cha như lệ thuộc vào sự sống chết của đứa con. Đến đây chúng ta mới hiểu sự sâu xa lời của một giáo phụ: “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người”. Thế gian này là chi? loài người là gì? Thảy đều là loài thọ tạo. Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn làm hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Và Người đã yêu thương nó đến độ đã ban chính Con Một để cho nó được sống và sống dồi dào. (x.Ga 3,16). Vậy ta có thể nói rằng Thiên Chúa không thể bỏ con người, không thể bỏ bất cứ một ai, nếu Người thực sự là Thiên Chúa.

Thánh sử Luca cho chúng ta hay chính vì những lời xầm xì của nhiều người Pharisiêu và luật sĩ khi thấy những người thu thuế và người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu mà Người đã kể câu chuyện này. Họ cảm thấy khó chịu vì tình Chúa quá hậu hỉ. Họ ganh tị vì thấy tình Chúa như không công bằng. Bọn thu thuế và mấy người tội lỗi kia không đáng được yêu. Và cách mặc nhiên họ cho rằng chỉ mình họ mới xứng đáng. Đằng sau lòng ganh tương đố kỵ luôn có bóng dáng của thần dữ.

Chúa Giêsu đã cảnh giác những tâm hồn đố kỵ ganh tương bằng hình ảnh người con cả trong câu chuyện. Dù đang ở trong nhà nhưng anh ta hành xử như là kẻ làm tôi. Anh còn tự loại mình ra khỏi tình cha, khi không nhìn nhận người em của mình. “Còn thằng con của cha kia…”. Loại bỏ tha nhân, không nhận nhau là anh em một nhà, thì vô tình chúng ta tự loại mình ra khỏi tình Cha trên trời, Đấng từ bi nhân hậu, cho mưa rơi đều trên người công chính lẫn bẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi sáng người thánh thiện và người tội lỗi, Đấng không bao giờ muốn cho kẻ gian ác phải chết nhưng tìm mọi cách để họ ăn năn sám hối và được sống.

Tình Chúa thật bao la hay tình cha luôn hậu hỉ. Trong tình Chúa, không có sự gì là không thể. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể hưởng nhận tình Cha trên trời, nếu chúng ta biết ngửa tay đón nhận. Chỉ một lời khẩn xin: “Thưa Ngài, khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi”, thì hạnh phúc Nước Trời đã được ban cho người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa ngay ngày hôm ấy (x.Lc 23,29-43). Nhưng cũng xin đừng quên chân lý này: không ai hưởng hạnh phúc Nước Trời một mình. Rất có thể chính ta tự đóng đinh số phận của mình, nếu ta loại bỏ tha nhân ra khỏi nghĩa tình huynh đệ.
 
Hỏng hết! Hỏng hết
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:37 11/03/2010
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay, Năm C

Cứ mỗi lần chia sẻ hay giảng giải về đoạn tin mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay C (Lc 15,1-3;11-32) tôi thường bị cám dỗ phân tích tỉ mỉ từng chi tiết hình ảnh người con thứ, tạm gọi là đứa con hoang đàng. Phân tích tỉ mỉ theo kiểu chú giải Thánh Kinh cũng có, theo cái nhìn tu đức cũng có, rồi sau đó áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay. Và không thể bỏ qua, nói đúng hơn là luôn nhấn mạnh đến hình ảnh người cha nhân hậu. Còn hình ảnh người con cả, tuy có phân tích, nhưng chỉ như vai phụ.

Khi người con thứ xin cha chia gia tài là lúc nó muốn cha nó chết quách cho rồi, vì theo luật bấy giờ người con chỉ được nhận gia tài khi cha đã qua đời. Nhiều người, đặc biệt kể từ thế kỷ Ánh sáng đến nay đã bị cám dỗ muốn “Thiên Chúa biến đi” để mình được tự do và thực sự là mình, mà nói theo ngôn ngữ triết học là để mình khỏi bị vong thân. “Con không cha như nhà không nóc”. Một người con khi đã muốn giết cha thì bất cứ sự xấu xa nào cũng có thể làm. Ăn chơi đàn đúm là chuyện tất yếu kéo theo, nhiều khi chỉ là chuyện nhỏ. Hậu quả nhãn tiền của chuyện ác giả ác báo vẫn thường xảy ra đây đó. Sau thoáng lên mây thì xuống kiếp đọa đày là điều vẫn thường thấy. Mang kiếp đốn mạt, thua cả heo vốn là sự không thể tưởng theo quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ, thế mà đó là thực trạng của đứa con bất hiếu, hoang đàng. Quay đầu là bờ ư? Anh này chỉ biết nghỉ đến cái bụng mình thôi. Kẻ gian vốn thường làm ra vẻ ngoan. Môi dẻo, lưỡi cũng lắt léo với câu thú tội đã nhẩm đi nhẩm lại để khỏi vấp.

Bóng càng đen thì ảnh càng rực sáng. Không ngại ngần ẩn mình hay chết đi, không chỉ với đứa kêu xin, mà với cả đứa còn lại. Người cha đã chia gia tài cho cả hai. Có nhiều kiểu nói không thành lời nhưng luôn đầy ý. Người con cả tuy ở trong nhà, nhưng anh ta không thực sống phận con thì người cha vẫn không tồn tại trong tâm khảm của anh. Dù con không nhìn hay chẳng nhận thì cha vẫn mãi là cha: “mọi sự của cha cũng là của con.” Từng ngày, từng giờ, ông còn mỏi mòn ngóng trông đứa con xa nhà. Ô kìa nó đây! Ông vội chạy đến ôm con hôn lấy hôn để, bất kể mùi uế tạp lẫn bụi đường khắp cả mình con. Không cần nghe trọn lời xưng thú, cũng chẳng cần tra khảo thứ loại tội hay số lần nó đã phạm: Phạm tội gì? Phạm ra sao? Phạm mấy lần?...“Mau đem áo đẹp ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay cậu, xỏ giày vào chân cậu!” Tình yêu cha đủ làm con sạch hơn mọi thứ nước của trần gian. ông lại còn sai bắt con bê đã vỗ béo để mở tiệc ăn mừng. Quả là một sự chuẩn bị trong niềm hy vọng sắt son. Tình yêu là thế: Không bao giờ chịu bó tay vì chẳng hề thất vọng bao giờ.

Không cần biết lý do, cũng chẳng cần xem xét quá khứ của nó, chỉ biết là nó đang ở đây, nghĩa là con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Từ câu chuyện kể đến cảnh hiện thực trên đồi sọ năm xưa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 26-3,43).

Hỏng! Hỏng hết Chúa ơi! Thương yêu kiểu này thật là vô lý. Chỉ tổ vẽ đường cho hươu chạy hay bắc cầu cho chuột leo mà thôi. Xin đừng làm cớ cho người ta ỉ lại! Thế là hỏng, hỏng hết! Chúa yêu thương kiểu này thì người ta tha hồ ăn chơi sa đọa mà chỉ cần một chút sám hối là dư lời cả Nước Trời. Lại có người chẳng cần đến các bí tích, lễ lạc, chẳng cần vào tòa xưng thú tội lỗi, chắc họ sẽ theo anh em Tin lành mất thôi. Dứt khoát không thể được. Xin Chúa hãy mau sửa lại câu chuyện này, kẻo nhân loại hư hết, hỏng hết mà thôi.

Dù trời đất có qua đi, nhưng lời của Chúa sẽ không hề thay đổi (x.Mt 5,18). Có thể chúng ta đã lầm. Chuyện kể của Chúa Giêsu sở dĩ có ra là vì nhiều người biệt phái và luật sĩ năm xưa đã thấy khó chịu, khi nhiều người thu thuế và tội lỗi năng lui tới với Người. Họ đã lẩm bẩm, xầm xì trong ganh tị và cả tức tối. Vì họ không chấp nhận những người ấy là huynh đệ của mình. Chính Chúa Giêsu đã từng minh định rằng Người đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là người tội lỗi. Thầy thuốc không cần cho người mạnh khỏe mà là tội nhân. Như thế chuyện Chúa Giêsu kể không cố ý nhấn mạnh đến người con thứ bỏ nhà ra đi, nhưng là người con cả đang ở trong nhà. Chính khi anh ta loại bỏ người em là lúc anh ta tự loại mình ra khỏi tình cha.

Tình Chúa mãi luôn bao la. Người muốn tất cả mọi người đều được hưởng ân tình của Người. Tình yêu thì không cần hội đủ điều kiện. Dù chỉ một cơ hội nhỏ nhoi thôi cũng đủ để cho tình yêu lên ngôi. Tình Chúa vượt quá mọi tình cha thế trần. Người chính là nguồn của mọi tình phụ tử. Là người cha thì lắm khi không cần con cái trực tiếp báo hiếu hay đáp đền công đức. Chỉ cần chúng nó yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong nghĩa tình huynh đệ. Thế là đã đủ.

Đọc Tin mừng chúng ta sẽ càng xác tín chân lý này. Chúa sẽ xử với chúng ta không theo những gì chúng ta đã làm cho Người mà theo những gì chúng ta đã làm cho nhau. Không xét đoán tha nhân thì Chúa sẽ không xét đoán chúng ta. Nếu ta tha thứ cho tha nhân thì Chúa sẽ thứ tha cho chúng ta. Khi ta làm một điều thiện bé nhỏ cho một trong những người bé mọn thì Thiên Chúa không chỉ lấy đấu đã dằn, đã lắc mà đong đổ sự thiện hảo cho chúng ta mà Người còn tặng ban hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta (x.Lc 6,36-38; Mt 25,31-46)

Lạy Cha chúng con ở trên trời…Xin Cha tha nợ cho chúng con…(Mt 6,9-13) Chưa xin thì Chúa cũng đã ban ơn tha thứ, vì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Chưa xin thì Chúa cũng đã nhận chúng ta làm con, vì Người đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một…(Ga 3,16)

Chúa yêu thương, ban ơn tha thứ cho loài người chúng ta thật quá dễ dàng và nhiều khi ta lầm tưởng như là quá hoang phí. Quả đúng vậy. Dường như là một quy luật: Đã thương thì không hề tiếc, đã yêu thì chẳng bao giờ tính toán, so đo. Tuy nhiên để nhận được tình yêu, thì cần phải có điều kiện nào đó. Và cái điều kiện không thể thiếu để có thể đón nhận tình yêu của Cha trên trời, đó là chúng ta phải đón nhận nhau là anh chị em. Điều kiện nay xem ra không dễ. Nếu một ai đó, một người bé mọn hay một kẻ gian ác không có tí chỗ nào trong trái tim chúng ta, thì khi ấy mới thực sự là hỏng hết, hỏng hết.

Để có thể đặt những người không dễ thương mà lại còn đáng ghét vào một chỗ nhỏ trong trái tim chúng ta thì Thánh Lễ, các bí tích, việc cầu nguyện… luôn cần thiết, vì không có ơn Chúa chúng ta không thể làm được sự gì (x. Ga 15,5).
 
Về với tình yêu Chúa
PM. Cao Huy Hoàng
11:44 11/03/2010
Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Chay, Năm C (Lc 15, 1-3; 11-32)

TỘI NHÂN

Tôi vẫn thường thấy tội lỗi của người khác một cách dễ dàng hơn là nhìn thấy tội lỗi của tôi. Tôi vẫn thường đóng vai quan tòa để kết án người khác theo như tội trạng của họ. Tôi vẫn nghĩ rằng người khác tội lỗi hơn tôi- hoặc nghĩ là tôi thánh thiện-và tôi loại trừ họ, không giao du, không tiếp xúc với họ. Tôi vẫn đấm ngực người khác, trước khi đấm ngực tôi: “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại người ta một phần”. Như có một lần, tôi đến thăm một Linh Mục, bạn cùng lớp tôi, hỏi thăm về Giáo xứ, Ngài nói: “Ở đây mình ngán nhất là việc giải tội, vì họ xưng tội của người khác nhiều hơn xưng tội của chính mình”…Não trạng của những Biệt phái, những người Phariseu, thời Chúa Giêsu, vẫn còn hiện thực trong tim óc và cách sống của tôi, tín hữu thời nay. Và còn hơn thế nữa, những cảm thức về tội của thời nay còn biến thay muôn hình vạn trạng:

-Không thấy mình có tội hoặc tự tha tội cho mình tự chước giảm mức nặng của tội.

-Tội phong trào: người ta phạm được mình phạm được

-Sự cần thiết của Bí tích Hòa Giải để trở về với Thiên Chúa cũng giảm nhẹ, nếu không nói là không còn, đối với một số người.

Thì ra, ở đâu và thời nào, sức bành trướng của thế lực thù nghịch Thiên Chúa luôn lôi kéo con người ra chỗ càng xa Thiên Chúa càng tốt- như các người biệt phái xưa, thấy những người thu thuế, tội lỗi tìm đến Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu tiếp đón họ ân cần, thì lòng họ khinh bỉ luôn cả Chúa Giêsu là không có tư cách cứu thế.

LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA

Chúa Giêsu đưa ra một loạt ba ví dụ về lòng nhân từ của Thiên Chúa(Lc 15): Con chiên lạc, đồng bạc đánh mất, và nhất là ví dụ về tình phụ tử trong Tin Mừng hôm nay-nhằm nói với họ rằng: Chúa Giêsu đến với người tội lỗi, cứu người biết mình tội lỗi có ý hướng quay về.

Suy gẩm ví dụ “Tình Phụ Tử” cho tôi thấy trong ấy hàm chứa nhiều thông điệp quan trọng với đời sống tín hữu của tôi:

- Thiên Chúa để cho con người tự do dùng các ơn của Chúa: người con thứ đòi chia gia tài, người Cha tôn trọng và đáp ứng yêu cầu của con

- Lòng Cha yêu con, buồn phiền, không yên lòng, khi con rời xa Cha, luôn mong con trở về với mái ấm tình thương gia đình

- Sự sám hối chân thành của người con thứ: nhận ra mình đã lỗi phạm đến tình thương của Cha, quyết tâm đứng lên, mạnh dạn trở về thú tội và xây dựng một tương quan mới: tương quan của một lòng yêu thật.

- Cử chỉ, thái độ và kế hoạch đón tiếp của Cha, đầy tình thương yêu, cảm thông và tha thứ.

- Không nên có thái độ của người con cả với những ý niệm sai lầm về tương quan Cha Con, như tương quan của chủ tớ, sống trong tình thương của Cha, mà không nhận ra tình thương ấy.

BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Một phần suy niệm các thông điệp, tôi muốn dùng Lời Chúa hôm nay, “Tình Phụ tử”, liên hệ đến đời sống Bí Tích Hòa Giải

Điều đáng vui mừng là ở khắp các Giáo xứ tại Việt Nam, việc ban và lãnh nhận Bí tích Hòa giải vẫn còn đang sinh động lắm. Nhưng điều đáng nói là: cần bổ sung vào việc đạo đức ấy một tâm tình thánh thiện chân thành của người con hoang đàng như trong ví dụ “Tình Phụ Tử”.

-Cảm thấy xấu hổ vì tội: làm cho mất nhân phẩm tự nhiên và nhất là mất nhân phẩm Ki tô hữu, “con cái Thiên Chúa”. Cảm nghiệm được sự bất hạnh khi sống trong tình trạng xa cách Thiên Chúa và nhất là “giác ngộ” được chân lý “sẽ phải chết đời đời”

-Cảm thấy đói: không chỉ giữ luật xưng tội một năm ít là một lần, nhưng phải có tâm tình “cảm thấy đói”. Ấy là “Đói” Chúa Giêsu Thánh Thể, khao khát được kết hợp lại với Chúa Giêsu và Thiên Chúa qua việc rước lễ, để được “sống lại và sống đời đời” trong tình thương yêu của Chúa.

-Quyết tâm trở về: “Tôi sẽ đứng lên sẽ trở về cùng Cha…” đồng nghĩa với việc quyết tâm chừa tội và mạnh dạn tìm đến Bí tích Hòa giải cách sớm nhất.

-Thú tội: “Thưa Cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha..”: xưng thú tất cả các tội đã phạm với lòng tin tưởng vào lòng Chúa nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ; chân thành nhận hoàn toàn sự sai trái thuộc về mình, do sự lạm dụng tự do của mình, không đổ thừa đổ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh…

-Dự tiệc: dự tiệc Thánh Thể với tâm tình Tạ Ơn lòng Chúa nhân hậu.

Tưởng cũng nên nhắc lại đây, một vài vấn nạn thường gặp của tôi, của các tín hữu khi đề cập đến Bí tích Hòa Giải.

-Không xét mình hằng ngày, dần dần mất cảm thức về tội, mất lòng thống hối

-Không thường xuyên tham dự Thánh Lễ, mất lòng khao khát kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, do đó, việc xưng tội trở nên không cần thiết.

-Không tin tưởng đủ vào lòng Chúa thương xót, mất niềm trông cậy

-Các Linh Mục, thừa tác viên Bí tích giải tội, trung gian của ơn thứ tha hòa giải, đóng một vai trò quan trọng vô cùng trong việc trở về của các hối nhân. Các tín hữu vẫn mong thấy được lòng nhân từ của “Chúa thương xót” thể hiện nơi cách tiếp đón và thi hành mục vụ Bí tích cách nhân bản, tế nhị và đạo đức nhất.

Vì những vấn nạn trên, nên đã hình thành những tâm trạng như: có tội xét mình dễ, có tội khó; có tội dễ xưng, có tội khó nói; có tội xưng dễ, chừa khó; có Cha ngồi tòa đông hối nhân tìm đến, có Cha chẳng có ai; có việc đền tội làm được, có việc không…

TÌNH YÊU

Không phải mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu luật điều Hội Thánh dạy cho tôi có cảm thức về tội, nhưng chính “lòng yêu” của tôi, lòng biết ơn của tôi dành cho Thiên Chúa, như dành cho “người Cha nhân hậu” mới cho tôi nhận ra tôi đã xúc phạm tới Thiên Chúa và tha nhân đến mức nào. Chính vì ‘hiểu được Cha tôi ở nhà thương tôi, lo cho tôi từng bữa cơm, từng tấm áo, từng giấc ngủ’; nên tôi mới nhận ra sự bất hạnh của tôi khi phải sống xa Cha, sống bụi bờ, đói khát và mất nhân phẩm; và tôi quyết tâm trở về vì tôi yêu Cha tôi.

Phàm ai trên đời cũng có tội, tôi cũng không ngoại lệ. Tội, không chỉ dựa theo mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu luật điều Hội Thánh-mà còn là Tội: mỗi khi tôi đặt “lòng yêu” của tôi trọn vẹn vào một thực tại hư hèn, hoặc một thực tại không phải là Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con lòng yêu mến Chúa nồng nàn, để con kịp nhận ra những gì là không phù hợp với Thánh Ý và Tình Yêu Chúa; để con kịp nói với Chúa lời xin lỗi vì những xúc phạm, để con kịp tìm đến Bí tích Hòa Giải mà trở về với Chúa, trong vòng tay ôm yêu thương của Chúa, Người Cha nhân hậu. A men
 
Người con phung phí
Linh mục Phêrô Thiên
14:37 11/03/2010
Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C (Luca 15,1-3.11-32)

Ba câu mở đầu bài Tin Mừng là lời dẫn nhập cho “ba dụ ngôn về lòng thương xót”: con chiên lạc tìm được, đồng tiền đánh mất tìm được, đứa con đi hoang tìm được. Như thế, ba câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể để tự biện hộ về những quan hệ chướng tai gai mắt (đối với phái Pharisêu) mà Người có với những “kẻ tội lỗi”.

“Một người kia có hai con trai…” Ta thường có thói quen xấu là chỉ nghe nửa đầu của dụ ngôn, phần nói về đứa con thứ. Thế nhưng, ông cha mới là người hùng của câu chuyện. Chúng ta sắp nghe không phải dụ ngôn “Người con phung phá” song là “Người cha phung phí”, một vở kịch hai màn: cuộc “tranh chấp” giữa một người cha với 2 đứa con, cả hai đều được yêu mến như nhau, yêu mến điên cuồng, mặc dầu chẳng có đứa nào xứng đáng với tình yêu đó cả! Một câu chuyện tình cảm động nhất (Charles Dickens), một hình ảnh đẹp nhất của Cha trên trời!

1- Thái độ của người cha đối với đứa con thứ

Đứa con này chỉ là một tên trục lợi: nó đòi tiền bạc, rất nhiều tiền bạc. Nó chỉ nghĩ tới mình. Nó nhận tất cả từ cha, nhưng chẳng hề biết ơn cha, mà chỉ nghĩ một chuyện: đòi hỏi, yêu sách… Phần người cha thì hoàn toàn trái ngược. Ông chỉ là cho không, chia sẻ vô vị lợi, tôn trọng tự do người khác, tóm lại chỉ là tình yêu! Hình ảnh Thiên Chúa!

Đứa con thứ chính là hình ảnh Biệt phái vẫn thường vẽ lên về tội nhân: a/ Là đứa con nổi loạn, đòi độc lập tự chủ, y quả tượng trưng chủ nghĩa vô thần của mọi thời: hưởng dùng các “ân huệ” của Thiên Chúa nhưng chẳng thừa nhận Thiên Chúa, còn sống xa Người, muốn làm mọi chuyện mà chẳng bị ai kiểm soát cả: “không Chúa không chủ”. Điều đó đặc biệt đúng với hôm nay! b/ Hơn nữa, đối với Biệt phái, đứa con Israel này đã xuống tới đáy ti tiện đê hèn. Nó đã bán thân làm nô lệ cho một người ngoại, thành thử chẳng còn giữ ngày sabát cũng như các tập tục về thanh sạch: nó chăn heo, con vật nhơ bẩn, ghê tởm, bị cấm đoán. c/ Hơn nữa, dẫu chỉ xét về mặt con người, sống như thế cũng không hợp luân lý: đây là một tên phóng đãng, một loại người hạ đẳng, biến chất, trở lùi lại thú tính. Nó sống như một loài heo: kiếm tiền, ăn nhậu, làm tình… chỉ biết đến cái tôi, thuần mơ chuyện hưởng thụ…

Ta quả là tô vẽ nó khi ca ngợi sự hoán cải của nó. Không, đứa con thứ vẫn chẳng có thần nào khác ngoài tư lợi ích kỷ: đổ cho đầy bụng! Việc nó trở lại nhà chỉ là một tính toán đê tiện nhằm tìm lại chỗ trú và bàn ăn. Câu nói hoa mỹ, nghe rất lâm ly bi đát, chỉ là một màn kịch soạn sẵn nhằm làm mủi lòng người cha mà nó nghĩ là sẽ la rầy, trừng phạt nó đích đáng và… chính đáng. Có đứa con nào đi xa nay trở về thăm cha mẹ mà lại chuẩn bị trước những câu nói vốn sẽ tự nhiên trào ra tận đáy lòng một khi trông thấy quê nhà dấu yêu? Đứa con thứ xót bụng hơn đau lòng! Nó đúng là một tên khốn khiếp, nạn nhân của các bản năng, của lũ bạn bè quý hóa: nó đã đánh mất tập quán yêu thương, chỉ còn biết nghĩ tới chính mình. Lạy Chúa, đó là hình ảnh của con. Con thường sống như vậy!

Thằng con trở về với ý đồ đê tiện. Nhưng khi “nó còn ở đằng xa”, còn chưa mở miệng thì người cha đã làm tất cả. Bốn cử chỉ: “ông đã trông thấy nó”, “ông chạnh lòng thương…”, “ông bổ nhào ra…”, “ông ôm cổ nó và hôn lấy hôn để”. Cử chỉ chạy bổ nhào ra có lẽ là cử chỉ mạnh nhất của toàn thể dụ ngôn. Trong tập quán của mọi thời, không có chuyện một người trên chạy tới với một người dưới, nhất là khi kẻ dưới này có một thái độ đáng trách. Đây lại là một ông già đông phương đường bệ, lúc nào cũng ăn nói và đi đứng khoan thai từ tốn.

Vâng, ta bóp méo hoàn toàn dụ ngôn của Đức Giêsu khi trình bày cuộc trở về của đứa con này như mẫu gương “hoán cải”. Nếu Đức Giêsu chỉ mô tả sự “thống hối” của một tội nhân, giáo huấn này đã chẳng gây khó chịu cho người Biệt phái. Tại Israel, người ta đã biết từ lâu, toàn thể Kinh Thánh làm chứng, là Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân hoán cải. Nhưng thái độ của người cha ở đây còn đi xa hơn nhiều: ông không mảy may lưu ý xem thằng con biểu lộ một lòng thống hối đích thực hay giả tạo. Ngay khi nó còn ở đằng xa, ông đã chạy ra gặp nó. Đức Giêsu không nhấn mạnh đến thái độ của đứa con hoang đàng, trên những cử chỉ thống hối đền tội của nó, nhưng trên tình yêu vô vị lợi của người cha… một người cha đã tha thứ vô điều kiện, trước khi đứa con thú lỗi! Đức Giêsu nói cho ta biết “làm con” là gì: trước hết đó không phải là có thái độ thế này thế kia với cha hay mẹ… nhưng là được cha và mẹ thương yêu, cho dù mình xứng hay bất xứng! Đó đã là mạc khải của ngôn sứ Hôsê: Thiên Chúa tiếp tục yêu thương cô vợ bất trung bất tín của Người (Hs 3,1; 11,1-9; 14,5-9). Hỡi những ai tự nhận là vô thần, những ai sống như kẻ vô thần, những ai đã xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, Đức Giêsu nói với quý vị: “Cho dẫu bạn không tin Thiên Chúa lẫn yêu mến Người, Người cũng chẳng bao giờ ngừng tin và yêu bạn!”. Ta hiểu vì sao những kẻ tội lỗi đã chạy đến cùng Đức Giêsu.

Trong vòng tay cha, thằng con bắt đầu tụng lên câu nói đã dọn sẵn, nhưng ông không để nó kết thúc. Ông chẳng cần biết nó dối trá hay chân thành. Ông chỉ biết nó là con ông và ông là cha nó. Trái tim tràn tình yêu của ông khiến ông đổ đầy nó bằng tặng phẩm! Đây quả thực là một lễ cưới: áo, nhẫn, giày, tiệc, ca nhạc, quả thực là nghi lễ phục hồi chức vị làm con. Ông lăng xăng chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, từ đầu sân đến cuối sân, hối thúc gia nhân dọn tiệc. Niềm vui ông thật vỡ bờ. Nếu có hình dung sự hoán cải của thằng con đểu giả thì chính là lúc này đây, khi nó đứng giữa sân như trời trồng rồi khóc lên sung sướng vì nhận thấy tất cả tình thương bao la vĩ đại của cha. Nhưng đó không phải là điều tác giả dụ ngôn muốn đề cập.

Tình thương của người cha được cô đọng trong câu: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy”. Đây là điệp khúc chấm dứt màn nhất của vở kịch. Lát nữa ta sẽ gặp lại nó cuối màn hai với vài từ thay đổi. Chết-sống… Thất lạc-tìm lại… Cái chết nào đối với Đức Giêsu đây? Mạc khải nào Người muốn đưa ra cho nhân loại đây? Thưa rằng: xa Thiên Chúa, đó là chết, đó là đánh mất chính mình! Con người chỉ hiện hữu thật sự trong mối tương quan với Thiên Chúa thôi. Người ta có thể tưởng mình sống, thế mà đã chết trong thực tế.

Nhưng khi phàm nhân trở về, thì “cuộc liên hoan” của Thiên Chúa bắt đầu, “niềm vui” của Thiên Chúa nở rộ! Hoán cải, đó đơn giản là đi vào niềm vui của Thiên Chúa. Đấy chính là chuyện mà anh con cả sắp khước từ.

2- Thái độ của người cha đối với đứa con cả.

Đối với đứa con cả, người cha cũng biểu lộ một lòng tốt như thế: “ông ra gặp chàng trước…”, “ông năn nỉ chàng…”. Kinh Thánh thường trở đi trở lại trên chủ đề này, chủ đề về tính nhưng không tuyệt đối của các hồng ân Thiên Chúa, qua hình ảnh con thứ thay thế con cả (St 27,36; 2Mcb 4,26; Cn 30,23; Hs 12,4), hình ảnh “những người thợ giờ cuối cùng” cũng được trả công bằng “những người thợ giờ thứ nhất” (Mt 20,8), hình ảnh “những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu” (Lc 13,30), hình ảnh “lương dân” sẽ thay thế “tuyển dân” (Rm 9,30). Tất cả đều nói lên tự do cao vời và tính cách nhưng không của tình yêu Thiên Chúa.

Đối với đứa con thứ, người cha đã không muốn nghe gì hết. Nay đối với anh con cả, ông để cho chàng mặc sức trút lên đầu ông bầu tâm sự đầy cay đắng, phẫn nộ. Có lẽ anh cũng có lý của mình. Anh ta chính là chân dung của người Biệt phái mà Đức Giêsu muốn khắc vẽ. Câu quả quyết của anh: “Ông coi, đã bao năm trời tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông” quả là đúng với sự thật, làm nổi bật hình ảnh phái Pharisêu tự hào vì đã giữ trọn luật (x. Lc 18,9). Thái độ của anh không kể gì đến tương quan anh em nữa (“thằng con của ông”) và nói về em một cách khinh bỉ đúng là thái độ của phái Pharisêu đối với hạng mà họ gọi là tội nhân. Bản dịch Anh ngữ câu nói của người con cả này còn cho ta một chi tiết lý thú: “thì ông lại giết con bê chúng ta đã cùng vỗ béo” (you kill the calf we had been fattening). Đúng là chua chát và ghen tức đến cực điểm! Riêng đối với cha, anh đã biến mình thành tôi tớ, biến tình thương thành nô dịch.

Như thế, người con cả cho ta thấy chính trọng tâm của dụ ngôn: anh ta đã không nhận rõ tất cả tình yêu đang bao phủ anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, mọi sự của cha đều là của con hết thảy. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây…” Người cha sửa lại lối nói của người anh một cách tế nhị (“em con đây” đối lại “con ông đó”). Qua dụ ngôn hai màn này, thành thử chúng ta được mời đi vào trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui của Người được gặp lại các tội nhân. Đây là lời loan báo sự hoán cải của lương dân sẽ đi vào trong “dân mới của Thiên Chúa” hàng loạt. Một ngày kia, Luca sẽ đặt trên miệng Phêrô câu nói này khi nhận ra ân sủng ban cho viên bách quản ngoại đạo: “Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa” (Cv 11,17). Không, không có ưu đãi: hết thảy đều được Cha trên trời mến yêu.

Và dụ ngôn “đứa con thất lạc tìm thấy” (hay đúng hơn “người cha phung phí”, phung phí tình yêu) kết thúc với cùng một điệp khúc vui tươi như hai dụ ngôn trước (xin xem Chúa nhật 24 thường niên năm C). Màn hai của dụ ngôn lấy lại câu kết luận của màn đầu, với việc đổi từ “con ông” bằng “em con” như đã ghi nhận. Thiên Chúa là Cha, điều đó chắc chắn: Người yêu hết thảy con cái của mình. Nhưng nhân loại có là anh em với nhau không? Phải chăng anh con cả sẽ để mình bị thuyết phục và “đi vào chung hưởng niềm vui với cha”? Chúng ta không biết. Dụ ngôn vẫn bỏ ngỏ. Vì chính người Biệt phái, chính chúng ta phải cho nó một kết luận: đi vào cuộc liên hoan với Thiên Chúa, cuộc liên hoan mừng kẻ tội lỗi trở về.

(Viết theo Nil Guillemette SJ, Parables for today)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 11/03/2010
TÍNH TỶ LỆ

N2T


Một thanh niên trong lòng chứa chan nhiệt tình, vừa mới tốt nghiệp lớp sửa chữa ống dẫn nước máy, có người dẫn anh ta đi đến một thác nước lớn tại Ni-ca-ra-goa, anh ta yên lặng ngắm nhìn thác nước một lúc rồi nói:

- “Tôi nghĩ là tôi có thể sửa chữa nó.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Không ai có thể sửa được một thác nước khổng lồ đang cuồn cuộn chảy, nhưng người ta có thể có hai tình huống để xử lý nó: một là với khoa học tiến bộ có thể lợi dụng dòng thác nước khổng lồ để làm ra điện lực, tưới nước cho đồng ruộng; hai là phá hoại nó mà thôi.

Cũng vậy ân sủng của Thiên Chúa thì như dòng thác lũ tuôn chảy trong tâm hồn những người có ơn nghĩa của Chúa, họ biết dùng ân sủng này để làm cho đời sống thiêng liêng của mình ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn trong tình yêu thương của Thiên Chúa, và chỉ có tội lỗi mới phá hoại ân sủng của Chúa trong con người chúng ta mà thôi.

Không ai có thể sửa chữa hay thay đổi được ân sủng của Thiên Chúa, chỉ có lòng kiêu ngạo của con người mới làm khô cạn nguồn suối ân sủng mà thôi, bởi vì kiêu ngạo là gốc rễ của mọi sự dữ, tức là căn nguyên của mọi tội lỗi.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 11/03/2010
N2T


15. Vui vẻ có thể tăng cường dũng khí, khiến chúng ta kiên nhẫn sống qua cuộc sống tốt đẹp.

(Thánh Philip Neri)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:39 11/03/2010
N2T


387. Kiên trì với lý tưởng của mình là sự kiên trì đáng kính phục.

 
Tin vào lòng nhân từ hay thương xót của Chúa
Lm. Trần Bình Trọng
20:57 11/03/2010
TIN VÀO LÒNG NHÂN TỪ HAY THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
Gs 5:9a,10-12; 2 Cr 5:17-21; Lc15:1-3,11-32


Lòng nhân từ hay thương xót của Chúa là một thực tại hiện hữu được ghi lại trong Thánh kinh. Sách Giô-suê kể lại dân Chúa bị lưư lạc, làm nô lệ bên Ai cập như là một ô nhục, nên Thiên Chúa cho giải thoát dân Người, đem họ về đất hứa: Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai cập (Gs 5:9a). Trong miền đất hứa, họ được dùng thổ sản và hoa mầu của đất hứa Ca-na-an (c.12).

Trải qua suốt dòng lịch sử cứu độ, biết bao lần dân Chúa đã lỗi lời giao ước. Họ chối bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai. Họ đúc bò vàng để thờ. Và mỗi khi họ đi lạc đường lỡ bước thì Chúa lại sai các ngôn sứ đến để cảnh giác họ. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối, thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng tha thứ. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một đến để làm cuộc hoà giải giữa loài người với Thiên Chúa. Ðó là điều mà thánh Phaolô dạy người tín hữu Corintô hôm nay: Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải (2 Cr 5:18).

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về người con hoang đường và phung phá (Lc 15:13). Dụ ngôn chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn người tội lỗi được cứu rỗi. Sự thực thì dụ ngôn nhắm vào người cha hơn là người con và có lẽ đúng hơn thì nên gọi là dụ ngôn người cha nhân từ hay thương xót và tha thứ (Lc 15:20), thay vì dụ ngôn người con phung phá.

Theo dụ ngôn thì cả hai người con đều có lỗi. Người con thứ hai đã phạm tội ích kỉ, tham lam và đàng điếm. Còn người con trưởng lỗi phạm tội ghen tuông và không tha thứ. Người con trưởng được thừa hưởng tài sản và của cải của cha mình. Ðáng lẽ anh ta phải cảm thấy hoan hỉ về những của cải mà người cha có cũng sẽ là của anh ta. Tuy nhiên anh ta không nhận định được ân huệ mà người cha sẽ dành cho mình. Anh ta đóng cửa lòng lại, nhất định không chịu tha thứ cho người em biết sám hối trở về.

Ðến đây mỗi người tín hữu tự hỏi xem mình thuộc loại người con nào? Ta hành động như người con thứ hai khi ta lạm dụng những ân huệ, phung phí những của cải và tài năng Chúa ban, khi ta ích kỉ và lười biếng. Ta hành động như người con trưởng khi ta không chịu tha thứ hoặc ghen tuông với người được may mắn và được nhiều ân huệ, giàu có và tài năng hơn ta. Ta có thể có kinh nghiệm khi ta đóng cửa lòng lại, không chịu tha thứ. Tâm trạng đó có thể hiện trên nét mặt làm ta khó chịu. Chắc vẻ mặt của người con trưởng lúc đó phải lầm lì khó chịu lắm khi thấy người em thứ được cha đón tiếp trở về.

Bối cảnh của dụ ngôn Chúa kể hôm nay là những người Pharisêu và kinh sư bất bình với Chúa Giêsu vì Người đón tiếp và ăn uống với những người tội lỗi. Họ cho rằng Chúa Giêsu coi nhẹ tội và họ muốn đặt giới hạn cho lòng nhân từ của Chúa. Câu chuyện trong dụ ngôn hôm nay không gợi cho ta một kinh nghiệm nào trong cuộc sống hằng ngày. Theo kinh nghiệm trong xã hội loài người, người ta khó có thể tìm thấy một người cha nào tốt lành và nhân hậu đến nỗi, hối hả chạy ra đón đứa con hoang đàng trở về khi đứa con chưa có dịp xin lỗi và kể lể.

Thường khi một người con bỏ nhà ra đi, mà trở về thì người cha cũng để con vào nhà, nhưng giữ sự việc yên lặng cho phản ứng vui buồn lẫn lộn lắng đọng trong một thời gian rồi mới tính đến những chuyện khác. Việc tha thứ của loài người thì khác biệt với việc tha thứ của Chúa. Việc tha thứ của loài người chỉ có giới hạn. Còn việc Chúa thứ tha thì vô hạn. Chúa cũng bảo ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy.

Nhận thức được tình trạng khốn khổ và bi thảm của mình, người con thứ đã quyết định trở về. Ðó là bước đầu để tiếp nhận lòng nhân từ và tha thứ của người cha. Trong nhà người cha nhân từ, anh ta có nhà ở, có cơm ăn áo mặc, có người giúp việc phục dịch mà anh ta không đánh giá được những hồng ân đó. Vậy để đánh giá được những ân huệ ta được hưởng trong Giáo hội của Chúa, ta phải tập cho mình biết đưa mắt nhìn quanh để so sánh và biết đánh giá. Ở trong Giáo hội là ở trong cửa chuồng chiên, ta được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng là lời Chúa cùng lời giảng dạy về giáo lí Phúc âm và Mình Thánh Chúa. Ta còn được sự khuyến khích và nâng đỡ của những người tín hữu khác cùng với lời cầu nguyện của người tín hữu lẫn cho nhau.

Người con thứ hôm nay được may mắn là anh ta đã có can đảm trở về nhà cha. Anh ta không để cho mình bị sa lầy trong vũng bùn đen tội lỗi, nhưng đã chỗi dậy trở về để hưởng tình tha thứ của người cha, được ăn ở và sống trong sự an toàn của gia đình. Nếu đã đi lạc đường lỡ bước về phương diện nào đó, ta cần có can đảm chỗi dậy trở về. Ðiều không may là ta đã quên lãng lòng nhân từ, hay xót thương và tha thứ của Chúa. Vậy điều ta cần là lòng tin tưởng, cậy trông vào lòng xót thương nhân từ của Chúa. Chúa vẫn ở đó chờ đợị ta tỏ dấu muốn trở về làm hoà với Chúa và thay đổi cách sống để được sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa.

Lời cầu nguyện xin Chúa rủ lòng thươnh xót:

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.
Xin ban cho tội nhân biết đặt tin tưởng
vào lòng xót thương của Chúa
và khơi dậy lòng thống hối, quyết chí dốc lòng chừa
Xin đừng để họ ngã lòng trông cậy Chúa.
Xin Chúa cũng nhớ lại lòng khoan dung của Chúa
mà đối xử khoan hồng đại lượng với con. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Theo Đức Thánh Cha Giáo Hội luôn luôn đổi mới
Bùi Hữu Thư
10:25 11/03/2010
Ngài giải thích tại sao sự duy nhất của Chúa Kitô sẽ luôn luôn mang lại sự canh tân

VATICAN CITY, ngày 9 tháng Ba, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: “Sự duy nhất của Chúa Kitô có nghĩa là sẽ có những mới mẻ và canh tân bên trong Giáo Hội trong mọi giai đoạn của lịch sử.”

Hôm nay Đức Thánh Cha giải thích như vậy trong buổi triều kiến chung, trong đó ngài bàn đến một lần nữa về vị thánh ngài đã nghiên cứu trong luận án của ngài: Bonaventura.

Đức Thánh Cha tập trung vào giáo huấn của thánh Bonaventura về lịch sử, gây nên bởi phản ứng đối với sự hiểu nhầm được loan truyển trong dòng Phanxicô vào thời của ngài.

Đức Thánh Cha giải thích, theo thánh Bonaventura, công trình của Chúa Kitô không thoái hậu hay thất bại, nhưng luôn luôn phát triển.

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói Giáo hội không bất động, và cố định trong quá khứ, khiến cho những đổi mới không thể xẩy ra.

Đức Thánh Cha giải thích: "Thánh Bonaventura trình bầy rõ ràng ý tưởng của sự tiến bộ, và đây là một điều mới mẻ đối với các Giáo Phụ của Giáo Hội và đa số những người đồng thời với ngài. Đối với thánh Bonaventura, Chúa Kitô không phải là cùng điểm như các Giáo Phụ của Giáo Hội đã suy nghĩ, mà là trung tâm của lịch sử; lịch sử không chấm dứt với Đức Kitô, nhưng đã có một giai đoạn mới khởi đầu.”

Một hậu quả của điều này liên hệ đến sự hiểu nhầm của các Giáo Phụ của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha ghi nhận: "Cho tới lúc đó mọi người đều cho rằng những ý tưởng của các Giáo Phụ của Giáo Hội là tuyệt đỉnh của thần học, và tất cả mọi thế hệ kế tiếp của họ chỉ có thể là các môn đệ mà thôi. Ngay cả Thánh Bonavenura cũng công nhận các Giáo Phụ vĩnh viễn là những bực thầy, nhưng hiện tượng về thánh Phanxicô mang đến cho ngài việc xác tín là sự phong phú của Lời Đức Kitô không bao giờ suy cạn và cũng có thể có những ánh sáng mới phát hiện trong các thế hệ mới.”

"Sự duy nhất của Đức Kitô cũng bảo đảm rằng các sự mới mẻ và canh tân luôn hiện hữu trong mọi giai đoạn của lịch sử.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói như vậy hôm nay về những ai có ý tuởng là Giáo Hội đang suy đồi thường trực, và một số người còn cho rằng sự suy đồi này đã khởi sự ngay sau Tân Ước.

Nhưng Đức Thánh Cha nói, trên thực tế, công trình của Đức Kitô không đi thối lui, nhưng luôn luôn tiến tới.

Ngài nói: "Giáo Hội sẽ ra sao nếu không có những linh đạo mới của Dòng Xitô, Dòng Phanxico và Dòng Đa Minh, linh đạo của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, v..v..? Sự khẳng định này cũng vẫn có giá trị hôm nay: 'Opera Christi non deficiunt, sed proficiunt,' công trình của Chúa Kitô luôn tiến tới."
 
Đức Thánh Cha lên tiếng về động đất Thổ Nhĩ Kỳ và bạo lực tại Nigeria
LM. Trần Đức Anh OP
19:42 11/03/2010
VATICAN.- ĐTC Biển Đức 16 chia buồn với các nạn nhân bị động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nạn nhân bạo lực tại Nigeria.

Ngỏ lời với 7 ngàn tín hữu hành hương vào cuối tiếp kiến chung sáng 10-3-2010 tại Vatican, ĐTC nói: ”Tôi rất gần gũi với những người bị động đất mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình họ. Tôi hứa cầu nguyện cho mỗi người đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế mau lẹ và quảng đại góp phần vào công cuộc cứu trợ.”

“Tôi cũng thành tâm chia buồn với các nạn nhân bạo lực tàn khốc làm cho Nigeria đẫm máu và không tha cả các trẻ em vô phương tự vệ. Một lần nữa tôi tha thiết lập lại rằng bạo lực không giải quyết được các xung đột, nhưng chỉ gia tăng những hậu quả bi thảm của chúng. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm dân sự và tôn giáo tại Nigeria, hãy nỗ lực hoạt động cho an ninh và sự sống chung hòa bình của toàn dân. Sau cùng, tôi bày tỏ sự gần gũi với các vị mục tử và tín hữu Nigeria, và cầu nguyện để họ được vững mạnh trong niềm hy vọng, trở thành những chứng nhân đích thực về sự hòa giải”.

Cuộc động đất sáng sớm ngày 8-3-2010 tại vùng Elazig cách thủ đô Ankara 550 cây số về hướng đông và ở mức độ 6 theo thước Richter đã làm cho hàng trăm người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Tại tỉnh Jos bên Nigeria, sáng sớm ngày 7-3, các dân quân thuộc bộ lạc du mục Fulani theo Hồi giáo đã dùng súng và dao rựa tấn công 3 làng của một bộ lạc khác, theo Kitô giáo, giết hại lối 120 người, kể cả phụ nữ và trẻ em.

Hôm 10-3-2010, Cảnh sát trưởng của bang Plateau nơi xảy ra vụ tàn sát cho biết 49 người thuộc bộ lạc Fulani đã bị bắt vì tình nghi tham gia cuộc tàn sát. (SD 10-3-2010)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục chăm chỉ giải tội
LM. Trần Đức Anh OP
19:43 11/03/2010
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các linh mục hãy siêng năng ban bí tích hòa giải cho các tín hữu noi gương thánh Gioan Maria Vianney.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-3-2010, dành cho các linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Năm Linh Mục kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Gioan Maria Vianney và đặc biệt đề cao tấm gương của thánh nhân ”đã thi hành sứ vụ hòa giải một cách anh hùng với nhiều thành quả”. Ngài nhận xét rằng để thi hành sứ vụ ấy, thánh Vianney đã kín múc sức mạnh từ chiều kích thống hối bản thân, ý thức giới hạn của mình và nhu cầu cần tìm đến Lòng Từ Bi của Chúa để xin ơn tha thứ, để hoán cải tâm hồn và được nâng đỡ trên con đường nên thánh.”

ĐTC ghi nhận rằng ”chúng ta đang sống trong một bối cảnh văn hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của não trạng duy khoái lạc và duy tương đối, muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời cuộc sống. Bối cảnh ấy không tạo điều kiện thuận tiện để thấy rõ khuôn khổ các giá trị cần tham chiếu và không giúp phân biện thiện ác cũng như ý thức đúng đắn về tội lỗi. Tình trạng ấy càng làm cho việc phục vụ của những vị quản lý Lòng Từ Bi Chúa trở nên cấp thiết”.

ĐTC nhắc lại rằng thánh Gioan Maria Vianney cũng sống trong một thời đại có nhiều điểm tương tự với thời nay: một não trạng thù nghịch với đức tin, được biểu lộ qua những thế lực tìm cách ngăn cản việc thi hành sứ vụ thánh. Trong bối cảnh ấy, Thánh Cha Sở họ Ars đã ”biến nhà thờ thành nhà của ngài” để dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa. Ngài đã sống quyết liệt tinh thần cầu nguyện, quan hệ thân mật với Chúa Kitô, cử hành Thánh Lễ, chầu Mình Thánh Chúa, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng, và trở nên một dấu chỉ tỏ tường trước mắt những người đồng thời về sự hiện diện của Thiên Chúa, đến độ thúc đẩy bao nhiêu hối nhân đến tòa giải tội”.

ĐTC nhắc đến cuộc ”khủng hoảng” về bí tích Thống Hối mà người ta thường nói. Tình trạng này gọi hỏi trước tiên các linh mục và trách nhiệm lớn lao của các vị trong việc giáo dục Dân Chúa về những đòi hỏi quyết liệt của Tin Mừng. Đặc biệt tình trạng ấy đòi các linh mục quảng đại giải tội, can đảm hướng dẫn đoàn chiên, để họ khỏi rập theo não trạng của thế gian này (Xc Rm 12,2), nhưng biết thực hiện những chọn lựa, kể cả những quyết định phải đi ngược dòng, tránh thái độ thỏa hiệp hoặc chiều theo thế gian. Vì thế, điều quan trọng là linh mục phải luôn hướng về tinh thần khổ chế, được nuôi dưỡng bằng sự hiệp thông với Thiên Chúa, tận tụy cập nhận trong việc học hỏi thần học luân lý và các khoa học nhân vân”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Trong hoàn cảnh được tự do thi hành sứ vụ linh mục ngày nay, các linh mục cần sống cao độ lời đáp trả ơn gọi của mình, vì chỉ những ai hằng ngày trở thành sự hiện diện sống động và rõ ràng của Chúa, mới có thể khơi dậy nơi các tín hữu ý thức về tội lỗi, mang lại can đảm và làm nảy sinh ước muốn được ơn tha thứ của Thiên Chúa”. (SD 11-3-2010)
 
Lịch sử Giáo Hội tiếp nối với các biến cố và đặc sủng mới mẻ
Linh Tiến Khải
19:46 11/03/2010
Sau Công Đồng Chung Vaticăng II có người cho rằng Giáo Hội tiền công đồng đã chấm dứt, giờ đây bắt đầu một Giáo Hội khác. Thật ra các công trình của Chúa Kitô không quay lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới. Lịch sử Giáo Hội tiếp nối với các canh tân và đặc sủng mới mẻ.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 10.000 tín hửu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 9-3-2010. Vì số tín hữu đông nên Đức Thánh Cha ã phải chia buổi tiếp thành hai phần: phần đầu trong đền thờ thánh Phêrô dành cho mấy ngàn thành viên ”Hiệp hội Don Carlo Gnocchi” chuyên chăm sóc các người tàn tật, già yếu và bệnh nhân cuối đời, và phần hai trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy gương mặt của thánh Bonaventura, hoạt động và các sáng tác của thánh nhân, đặc biệt là nỗ lực giải quyết các khó khăn nảy sinh trong dòng Phanxicô thời đó. Dựa trên tư tưởng của Gioacchino da Fiore viện phụ Xitô qua đời năm 1202 khẳng định rằng lịch sử Giáo Hội gồm ba giai đoạn tương ứng với Ba Ngôi Thiên Chúa, một nhóm tu sĩ Phanxicô cho rằng thánh Phanxicô thành Assisi tổ phụ của dòng là người khai mào giai đoạn mới, và các tu sĩ của dòng là cộng đoàn của Chúa Thánh Thần, bỏ lại đàng sau Giáo Hội phẩm trật và khai mào Giáo Hội mới của Chúa Thánh Thần, không còn bị ràng buộc vào các cơ cấu cũ nữa. Lập trường này có nguy cơ hiểu lầm sứ điệp của thánh Phanxicô, sự trung thành khiêm tốn của thánh nhân đối với Tin Mừng và Giáo Hội và nhất là dẫn tới một quan niệm sai lạc về Kitô giáo.

Năm 1257 khi trở thành Bề Trên Tổng Quyền Dòng Phanxicô, thánh Bonaventura phải đương đầu với tình trạng căng thẳng này trong Dòng. Để giải quyết vấn đề thánh nhân tìm hiểu cặn kẽ các bút tích và tư tưởng của viện phụ Gioacchino da Fiore, ghi nhận tính cách mới mẻ của Dòng Phanxicô do thánh tổ phụ thành lập, khác với phong trào viện tu quen thuộc cho tới lúc đó, cũng như việc cần thiết giải thích một phong trào viện tu mới được viện phụ Gioacchino báo trước. Thánh Bonaventura nhận ra trong quan niệm của nhóm tu sĩ duy linh nguy cơ đưa tới cảnh hỗn loạn vô quyền bính.

Trong biến cố này thánh nhân nhận ra hai điểm: thứ nhất là việc cần thiết cụ thể có các cơ cấu và việc lồng vào trong thực tại của Giáo Hội phẩm trật là Giáo Hội đích thực, cần tới một nền tảng thần học đối với cả các tu sĩ duy linh. Thứ hai việc chú ý tới thực tại cần thiết này không được đánh mất đi tính cách mới mẻ nơi gương mặt của thánh Phanxicô. Thánh Bonaventura khước từ chấp nhận tư tưởng lịch sử bao gồm 3 tiết nhịp. Thiên Chúa duy nhất trong toàn lịch sử và không chia thành ba Thiên Chúa, do đó lịch sử cũng duy nhất mặc dù vẫn tiến bước.

Chúa Kitô là lời cuối cùng của Thiên Chúa. Nơi Người Thiên Chúa đã nói tất cả, bằng cách trao ban chính mình và diễn tả chính mình. Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Kitô đã nói về Chúa Thánh Thần như sau: ”... Người sẽ nhắc cho các con nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26), ”Người sẽ lấy những gì của Thầy và loan báo cho các con” (Ga 16,15). Vì thế không có một Tin Mừng khác, cũng không có một Giáo Hội khác phải chờ đợi. Do đó cả Dòng thánh Phanxicô cũng phải được tháp nhập vào Giáo Hội này trong đức tin, trong trật tự phẩm trật của nó. Điều này không có nghĩa là Giáo Hội bất động, gắn chặt vào qúa khứ và không thể có điều gì mới mẻ nữa. Trong bức thư tựa đề ”De tribus quaestionibus” thánh Bonaventura khẳng định rằng: ”Opera Christi non deficiunt, sed proficiunt” ”Các công trình của Chúa Kitô không trở lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới”. Nghĩa là người khẳng định có sự tiến bộ.

Đây là điều mới mẻ đối với tư tưởng của các Giáo Phụ và các người thời đó. Cho tới thời bấy giờ người ta cho rằng tư tưởng của các Giáo Phụ về Giáo Hội là tột đỉnh của nền thần học, và tất cả các thế hệ đến sau chỉ có thể là môn sinh của các vị mà thôi. Nhưng đối với thánh Bonaventura Chúa Kitô không phải là điểm kết thúc lịch sử như các Giáo Phụ tưởng nghĩ, mà là trung tâm của lịch sử; với Chúa Kitô lịch sử không kết thúc, nhưng bắt đầu một giai đoạn mới. Thánh nhân thừa nhận các Giáo Phụ là bậc thầy, nhưng hiện tượng Phanxicô khiến cho ngài xác tín về sự phong phú vô tận của lời Chúa Kitô, và nơi các thế hệ mới có thể xuất hiện các ánh sáng mới. Tính cách duy nhất của Chúa Kitô cũng bảo đảm cho tính cách mới mẻ và sự canh tân trong tất cả mọi giai đoạn của lịch sử.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng Dòng Phanxicô thuộc Giáo Hội của Chúa Giêsu, thuộc Giáo Hội tông truyền, và không thể tự xây dựng trong khuynh hướng duy linh ảo tưởng. Nhưng đồng thời sự mới mẻ của nó đối với phong trào viện tu cổ điển cũng có giá trị. Và thánh Bonaventura bênh vực tính cách mới mẻ của Dòng Phanxicô chống lại các tấn công của hàng giáo sĩ Paris: các tu sĩ Phanxicô không có một đan viện cố định, nhưng có thể hiện diện khắp nơi để loan báo Tin Mừng. Chính việc bẻ gẫy với sự ổn định là đặc tính của phong trào đan tu, để sống linh động tái lập năng động truyền giáo cho Giáo Hội.

Ngày nay cũng có các quan niệm cho rằng lịch sử Giáo Hội trong ngàn năm thứ hai sẽ là một sự suy vong thường hằng. Có người cho rằng sự suy đồi đã bắt đầu ngay sau Tân Ước. Thật ra ”các công trình của Chúa Kitô không quay lại đàng sau, không thuyên giảm nhưng tiến tới”. Giáo Hội sẽ là gì nếu không có tinh thần tu đức mới của các tu sĩ Xitô, Phanxicô, Đaminh, hay tinh thần tu đức của thánh nữ Terexa thành Avila và thánh Gioan Thánh Giá vv... ?. Đức Thánh Cha khai diễn điểm này như sau:

Thánh Bonaventura dậy cho chúng ta biết tổng hợp cần thiết của việc phân định nghiêm chỉnh, của khuynh hướng thực tiễn đơn sơ và sự cởi mở cho các đặc sủng mới mà Chúa Kitô trao ban cho Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Ý tưởng về sự suy thoái cũng như khuynh hướng duy linh lập lại trong lịch sử.

Thật thế sau Công Đồng Chung Vaticăng II có vài người xác tín rằng tất cả đều mới mẻ, có một Giáo Hội khác, Giáo Hội tiền công đồng đã chấm dứt và chúng ta có một Giáo Hội khác. Đây là một khuynh hướng ảo tưởng vô quyền bính! Nhưng tạ ơn Chúa, các vị cầm lái Con Thuyền Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một đàng đã bênh vực tính cách mới mẻ của Công Đồng, đồng thời đàng khác đã bảo vệ tính cách mới mẻ và tiếp nối của Giáo Hội, luôn luôn là Giáo Hội của những người tội lỗi và luôn luôn là nơi ơn thánh hoạt động.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ rằng kiểu thánh Bonaventura cai quản Dòng Phanxicô chứng minh cho thấy thánh nhân có óc thực tế lành mạnh và sự can đảm tinh thần. Vì đối với ngài cai quản không chỉ đơn thuần là làm việc, mà nhất là suy tư và cầu nguyện. Đó là hai đường nét nổi bật trong việc cai quản Dòng. Việc tiếp xúc mật thiết với Chúa Kitô đã đồng hành với người trong công việc của Bề Trên tổng quyền và các sáng tác thần học thần bí, trong đó nổi bật nhất là cuốn ”Lộ trình của trí khôn trong Thiên Chúa”, là cuốn sách chiêm niệm thần bí. Nó được cưu mang tại Verna nơi thánh Phanxicô đã nhận Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Thánh nhân giải thích nguồn gốc tác phẩm trong phần nhập đề như sau: ”Trong khi tôi suy gẫm về các khả thể của linh hồn trong việc lên cao với Thiên Chúa, tôi thấy hiện ra trong trí biến cố tuyệt vời đã xảy ra cho thánh Phanxicô tại nơi này: đó là thị kiến thiên thần Seraphim có cánh hình Thánh Giá. Và khi suy gẫm về điều này tôi nhận thấy thị kiến ấy cống hiến cho tôi sự xuất thần chiêm niệm của chính cha thánh Phanxicô và con đường dẫn tới đó” (Itinerario della mente in Dio, Prologo, 2, in Opere di San Bonaventura. Opuscoli Teologici/ 1, Roma 1993, tr.499).

Sáu cánh của thiên thần Seraphim, như thế, trở thành biểu tượng 6 giai đoạn tiệm tiến dẫn đưa con người từ sự hiểu biết Thiên Chúa qua việc quan sát thế giới và các thụ tạo và qua việc thám hiểm chính linh hồn với các khả năng của nó cho tới sự kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi qua Chúa Kitô, noi gương thánh Phanxicô thành Assisi. Các lời cuối cùng kết thúc tác phẩm trả lời cho câu hỏi làm thế nào để đạt sự hiệp thông thần bí với Thiên Chúa. Thánh nhân viết như sau: ”Nếu bạn ước mong biết điều gì xảy ra (sự kết hiệp thần bí với Thiên Chúa) thì hãy hỏi ơn thánh, chứ đừng hỏi giáo thuyết; hỏi ước mong chứ đừng hỏi trí tuệ; hỏi lời cầu nguyện rên rỉ chứ đừng hỏi việc nghiên cứu tìm tòi; hỏi phu quân chứ đừng hỏi thầy dạy; hỏi Thiên Chúa chứ đừng hỏi người phàm; hỏi sương mù chứ đừng hỏi sự rõ ràng; đừng hỏi ánh sáng nhưng hãy hỏi lửa đốt cháy tất cả và đưa vào trong Thiên Chúa với việc xức dầu mạnh mẽ và lòng trìu mến rất nóng bỏng... Như thế chúng ta hãy bước vào trong sương mù, hãy khiến cho các mệt nhọc, đam mê và bóng ma im tiếng; hãy cùng Chúa Kitô bị đóng đanh từ thế giới này bước tới với Thiên Chúa Cha, để sau khi đã nhìn thấy Ngài chúng ta nói cùng với tông đồ Philiphê rằng: điều đó đủ cho con rồi” (ibid., VII, 6).

Trước đó trong đền thờ thánh Phêrô ngỏ lời chào mấy ngàn thành viên của Hiệp Hội Don Carlo Gnocchi Đức Thánh Cha đã đề cao gương mặt bác ái của chân phước Carlo Gnocchi, tông đồ của thời đại tân tiến và thiên tài của tình bác ái Kitô, là người đã biết tiếp nhận các thách đố thời đó tận hiến cuộc đời để yêu thương săn sóc các trẻ em tàn tật vì chiến tranh.

Ngài là một linh mục năng nổ và là một nhà giáo dục say mê sắc bén sống trọn vẹn Tin Mừng trong mọi cảnh huống cuộc đời với nhiệt huyết tông đồ liên lỉ và không biết mệt mỏi. Trong Năm Linh Mục này Đức Thánh Cha cầu mong gương sống sáng ngời của chân phước Carlo Gnocchi cũng khơi đậy nơi các Linh Mục ước muốn tái khám phá ra và củng cố ý thức ơn thánh của chức thừa tác các vị đã lãnh nhận cho toàn Giáo Hội và toàn thế giới.
 
Địa Phận Dallas sẽ có thêm 2 giám mục phụ tá
Trần Mạnh Trác
20:11 11/03/2010
Washington-ĐGH Benedict XVI vừa chỉ định Cha J. Douglas Deshotel, 58 tuổi, cha chánh địa phận Giáo phận Dallas, và Đức Ông Mark J. Seitz, 56 tuổi, cha sở St Rita, làm giám mục phụ tá của Giáo phận Dallas.

Tin này được công bố tại Washington, ngày 11 tháng ba, bởi Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, khâm mạng Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Cha John Douglas Deshotel sinh tại Kinder, Louisiana, ngày 06 tháng một năm 1952, đậu Cử nhân Văn Khoa và Cao học Thần Học tại Đại học Dallas. Thụ phong linh mục cho Giáo phận Dallas năm 1978.

Ngài từng là phó xứ của ̉St Patrick Parish, Dallas (1978-1980); St Anthony Parish, Longview (1980-1982); St Elizabeth of Hungary Parish, Dallas, (1982-1983); St Thomas Aquinas Parish, Longview (1983-1988); là chánh xứ St William Parish, Greenville (1988-1992); St John Nepomucene Parish, Ennis, (1992-1995); St Lukegiáo xứ, Irving (1995-2001).

Ngài làm phó giám đốc Đại Chủng viện Chúa Ba Ngôi, Irving, (2001-2005); chánh xứ St Monica và St. Juan Diego Parish, Dallas, (2006-2008); là cha chánh đại diện và điều phối viên của Tòa GM, kể từ năm 2007.

Đ.Ô. Mark Joseph Seitz sinh ở Milwaukee ngày 10 Tháng 1, 1954, đậu Cử nhân triết học, và Cao học Thần học tại Trường Đại học Dallas. Ngài thụ phong linh mục cho Giáo phận Dallas năm 1980.

Ngài lấy văn bằng Thạc sĩ phụng vụ tại Đại học St John's, Collegeville, Minnesota, năm 1985. Trong năm 2004, ĐGH John Paul II nâng ngài lên danh hiệu "Monsignor."

Ngài từng làm cha sở tại Good Shepherd Parish, Garland, (1980-1985); Phó giáo sư Đại học Dallas, (1985-1994); lãnh đạo tinh thần Đại Chủng Viện Chúa Ba Ngôi, (1986-1987); Phó giám đốc, Đại Chủng viện Chúa Ba Ngôi, (1987 -1.993); Chánh xứ St Joseph Parish, Waxahachie (1993-2003); và chánh xứ St Rita Parish, từ năm 2003.

Giáo phận Dallas gồm 7.523 dặm vuông với dân số 3.688.838 trong đó có 1.127.985, hay 31 phần trăm, là Công giáo.

Lễ tấn phong sẽ là ngày 27 tháng Tư 2010 tại nhà thờ chính tòa, thánh đường ĐB Guadalupe.
 
Top Stories
Chine: Fujian: arrestation d’un prêtre « clandestin » pour avoir organisé un camp d’étudiants
Eglises d'Asie
09:14 11/03/2010
Eglises d’Asie, 11 mars 2010 – Depuis le 3 mars dernier, le P. John Baptist Luo Wen, 39 ans, est retenu en « détention administrative » dans un centre géré par la police de Fu’an, ville de la province côtière du Fujian. Il lui est reproché, ainsi qu’à six autres prêtres qui ont été laissés en liberté, d’avoir organisé, sans en demander l’autorisation aux autorités, un camp pour étudiants durant les vacances du Nouvel An chinois.

Dans le diocèse de Mindong, un diocèse dynamique comptant quelque 70 000 fidèles qui, pour la plupart, appartiennent à la partie « clandestine » de l’Eglise catholique, organiser des camps pour la jeunesse durant les vacances scolaires est un moyen privilégié d’enseigner le catéchisme. Pour les étudiants de l’université, des camps sont également montés afin de garder le contact avec eux et les former à la vie chrétienne. Le camp organisé par le P. Luo Wen et six de ses confrères devait durer quatre jours fin janvier-début février et réunir quelque 300 étudiants catholiques. C’est le 3 février, vers la fin du camp, que la police a fait irruption dans l’église de Saiqi, où étaient réunis les jeunes, et ordonné sa fermeture.

« Nous avons décidé de ne pas obtempérer et nous avons informé les étudiants de la situation. Nous avons demandé à ceux qui avaient peur de retourner chez eux et nous avons dit que nous, les prêtres, resterions auprès de ceux qui choisiraient de rester jusqu’à la fin du camp », a expliqué le P. Luo, interrogé par l’agence Ucanews avant son arrestation (1). Une vingtaine de jeunes ont regagné leur domicile et les autres sont restés, souvent encouragés par leurs parents qu’ils avaient joints par téléphone pour demander conseil. Finalement, la police n’a pas fait évacuer les lieux et ce n’est que le lendemain, 4 février, que les prêtres ont été convoqués pour un entretien au poste de police, d’où ils ressortirent libres. L’arrestation du P. Luo n’est donc intervenue qu’un mois après les faits, un délai que les catholiques sur place expliquent par le fait que les policiers ont eu le sentiment de perdre la face le 3 février et ont ensuite pris le temps de préparer leur vengeance.

Dans l’immédiat, le P. Luo peut être maintenu en détention pour un maximum de quinze jours, comme le prévoit la loi en cas de non-obtempération à un ordre visant à maintenir l’ordre public (2). A l’agence Ucanews, le prêtre avait dit qu’il était prêt à affronter la détention « comme témoin de Dieu et successeur des saints martyrs ». Actif dans l’évangélisation auprès des jeunes, notamment via Internet, le P. Luo appartient à cette génération qui n’a pas connu la Chine maoïste et a grandi dans la Chine des réformes, qui ont transformé la société à grande vitesse.

Quant aux six prêtres qui étaient avec le P. Luo durant le camp, trois d’entre eux, les PP. Guo Xijin, Miu Yong et Liu Maochun, ont reçu un ordre de placement en détention qui, pour l’heure, est resté lettre morte. Les trois autres ont reçu une amende de 500 yuans chacun (53 euros), qu’ils refusent de payer. « Ils préfèrent risquer la prison plutôt que de payer cette amende », affirment des sources catholiques locales.

Le diocèse de Mindong compte une soixantaine de prêtres « clandestins » – et une dizaine de prêtres « officiels ». Depuis la mort de Mgr James Xie Shiguang, décédé le 25 août 2005, il est dirigé par Mgr Vincent Huang Shoucheng, 86 ans et évêque « clandestin » (3).

(1) Ucanews, 11 mars 2010.
(2) Cette détention pour un maximum de quinze jours ne doit pas être confondue avec le laojiao ou ‘rééducation par le travail’, qui s’applique à des infractions dont la gravité est insuffisante pour qu’elles soient punies aux termes du Code pénal. La durée des peines de « rééducation par le travail » peut aller d’un an à trois ans, et peut être prolongée d’un an. Elle est fixée arbitrairement par la police, sans inculpation, ni procès et sans le contrôle d’une autorité judiciaire. Il arrive aussi que des citoyens chinois soient enlevés et maintenus au secret, pendant des durées illimitées, dans des dépendances de camps militaires ou dans des centres d’hébergement gérés par la police ou la Sécurité publique.
(3) A propos du diocèse de Mindong, voir EDA 441

(Source: Eglises d'Asie, 11 mars 2010)
 
Vietnam: Les fidèles de Côn Dâu persistent dans leur refus de voir leur village disparaître au profit d’une zone urbaine « écologique »
Eglisse d'Asie
09:25 11/03/2010
Eglises d’Asie, 11 mars 2010 – A Côn Dâu, la trêve du Nouvel An lunaire n’aura duré que quelques semaines. Depuis le 4 mars dernier, la campagne de persuasion musclée des autorités municipales de Danang auprès des paroissiens a repris de plus belle. Elle vise à récupérer les quelque 100 hectares de terrains (cultivés et habités) de la paroisse au profit d’une nouvelle zone urbaine « écologique ». D’après les informations transmises par VietCatholic news le 10 mars 2010, la plus récente intervention date du 9 mars. Elle a été effectuée par le secrétaire général du Parti communiste de Danang en personne, Nguyên Ba Thanh.

Celui-ci, accompagné de cadres et d’agents de la Sécurité, est venu, en début d’après-midi, rencontrer le curé de la paroisse, le P. Emmanuel Nguyên Tân Luc. Il lui a demandé de conseiller à ses fidèles, dans sa prédication, de consentir à l’expertise et à la vente de leurs terres. Le prêtre a répondu que ses fonctions pastorales consistaient à commenter la parole de Dieu et à orienter la conduite morale de ses fidèles. Achats et ventes de terres ne le concernaient pas. Le ton se serait alors élevé. Le secrétaire du Parti aurait déclaré que de toute façon, dès le mois d’avril, les bulldozers feraient leur travail, les terres appartenant à l’Etat et les paysans n’en ayant qu’un droit d’usage.

Quatre jours plus tôt, dans la soirée du 4 mars, les autorités municipales avaient repris la campagne entamée fin janvier et interrompue par le Nouvel An. Elles ont tenté une fois de plus de faire revenir les paroissiens sur leur refus de vendre leurs terres. Deux versions de cette tentative ont été publiées. L’une a paru, le vendredi 5 mars, en première page du journal officiel de la ville de Danang (Bao Da Nang) (1), l’autre a été mise en ligne, dans la matinée du 6 mars, sur le site de l’agence VietCatholic News (2) et semble avoir été rédigée par un témoin direct des faits, qui signe Song Ngoc.

Selon ce dernier témoignage, le 4 mars aux alentours de 18 h, le secrétaire du Parti communiste Nguyên Ba Thanh, accompagné d’une centaine d’agents de la Sécurité et de cadres, s’est présenté au « tô » 20 (division administrative) du hameau de Côn Dâu. Le groupe s’est installé dans la maison de l’ancien président du Conseil paroissial, ayant déjà accepté l’expertise et la vente de ses biens. La population du « tô » 20 a été convoquée pour y débattre des problèmes en cours. Selon le témoignage, personne n’a répondu à cette invitation. Le groupe des autorités a passé la nuit sur place. Dans la matinée du lendemain, les agents chargés de l’expertise se sont répandus dans le quartier, mais ils n’ont trouvé que des portes fermées, les propriétaires des maisons s’étant tous absentés. L’opération s’est effectuée sous forte présence policière, les lignes téléphoniques et Internet étant coupés. Dans la matinée du samedi, les effectifs de la police, déjà importants, ont été renforcés. Selon le témoin, dans la soirée, les autorités n’avaient pu recueillir aucun accord de la population qui refuse de vendre les terres héritées des ancêtres et évite les contacts avec les agents municipaux.

Le journal de Danang présente une version des faits qui a peu de rapport avec l’offensive décrite ci-dessus. Le secrétaire du Parti communiste de Danang, dont on ne dit pas qu’il était accompagné, aurait convoqué une réunion des habitants du « tô » 20 du hameau de Con Dâu dans la soirée du 4 mars. Ceux-ci, contrairement à ce qu’affirme le récit cité plus haut, seraient venus débattre de la réquisition de leurs terres avec le responsable communiste. Un certain nombre d’entre eux n’auraient pas encore compris le sens du projet en cours et n’auraient pas encore pris de décision. D’autres se sont montrés insatisfaits de l’indemnisation proposée. En réponse à ces préoccupations, Nguyên Ba Thanh a multiplié les arguments en faveur de son projet et a tenté de persuader ses auditeurs qu’ils faisaient une bonne affaire. En conclusion, il a annoncé que les travaux de démolition commenceraient au mois de mai.

Le projet de nouvelle zone urbaine écologique de la municipalité de Danang prévoit la récupération de 438 ha dans le district de Hoa Xuan (arrondissement de Cam Lê), dont une centaine appartient à la paroisse de Côn Dâu. Le projet devrait provoquer le déplacement de 10 000 personnes. Deux mille d’entre elles sont des fidèles de la paroisse de Côn Dâu. Ceux-ci, malgré de très nombreuses réunions et rencontres avec le secrétaire du Parti communiste de la ville, refusent dans leur majorité de se séparer de leurs terres et de leur paroisse. Seules dix des 400 familles de la paroisse ont donné leur accord.

C’est le 24 janvier dernier que des agents municipaux et du personnel de la Sécurité ont entamé une campagne de persuasion dans la paroisse (3). Ils ont tenté sans succès de faire pression sur la population pour qu’elle accepte le projet d’urbanisation. Une lettre ouverte signée des fidèles avait alerté l’opinion internationale. Le dimanche suivant, l’évêque de Danang, Mgr Joseph Châu Ngoc Tri, était venu célébrer la messe dans la paroisse et, dans un communiqué publié peu après (4), avait tenté de calmer les esprits et de présenter une vue objective et apaisée du conflit actuel. Il avait souligné qu’il ne s’agissait pas d’un conflit concernant la liberté religieuse et avait mis en garde contre des informations ne tenant pas compte de l’ensemble des éléments en jeu.

(1) On pourra trouver cet article en vietnamien à l’adresse: http://www.baodanang.vn/vn/chinhtrixahoi/29641/index.htmlce
(2) http://vietcatholic.net/News/Html/77623.htm.
(3) Voir EDA 523
(4) Communiqué paru sur le site du diocèse de Danang: http://giaophandanang.org/

(Source: Eglisse d'Asie, 11 mars 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những cảm nhận từ 3 ngày Hội ngộ Linh mục giáo tỉnh Huế
Lm. An-tôn Vũ Thanh Lịch
08:35 11/03/2010
BA NGÀY HỘI NGỘ LINH MỤC CỦA GIÁO TỈNH HUẾ
TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG
(Từ 03/03/2010 – 05/03/2010)


19g30, thứ tư, ngày 03.03.2010.

Lễ nghi khai mạc cuộc hội ngộ rất ấn tượng và cảm động. Đức tổng giám mục cùng với 6 Giám mục và Đan viện phụ, 450 linh mục của 6 giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế, trong trang phục chỉnh tề, trang nghiêm tiến về Linh đài Đức Mẹ. Đi sau cùng là 4ngnh thánh Gioan Vianney, bổn mạng các linh mục.

Đức tổng giám mục giáo phận Huế đọc bài chào mừng và tuyên bố khai mạc cuộc hội ngộ linh mục của giáo tỉnh trong Năm Linh Mục và Năm Thánh Giáo hội Việt Nam.

Tiếp đến là nghi thức sám hối và hòa giải do Đức cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự, cùng với 2 linh mục giáo phận Ban Mê Thuột phụ trách việc hồi tâm, xét mình. Trong phần hướng dẫn sám hối, Đức giám mục Ban Mê Thuột nhắc lại lời Hồng y Hummes, chủ tịch Bộ giáo sĩ, rằng: “ Giáo hội tự hào về các linh mục của mình”. Nhưng ngài cũng cho thấy: khoảng cách lớn lao giữa sứ mệnh cao cả của thiên chức linh mục và khả năng giới hạn của họ.

Thật xúc động và là một cảnh tượng này, khi chứng kiến các Giám mục cùng quỳ xuống thú tội với người anh em của mình. Các linh mục cũng lần lượt nhận và ban bí tích hòa giải cho nhau trong bầu khí lắng đọng và sám hối. Không còn phân biết cha trẻ với cha già, giáo phận này với giáo phận kia, người quen và không quen. Tất cả tìm đến nhau trong tình huynh đệ và khiêm tốn.

08 giờ, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Đức cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa chia sẻ về đề tài: “ Đời sống linh mục”, với những cám dỗ và thách thức.

Giáo hội đang sống trong một thời đại nhiều thách thức và cám dỗ. Thách thức cám dỗ đã có ngay trong vườn địa đàng. Nọc độc cám dỗ ẩn núp trong những vỏ bọc, bao bì màu mè hấp dẫn, bề ngoài có vẻ rất hợp lý, hợp tình, hợp pháp …. “ Biết như Thiên Chúa” có gì xấu đâu?

Đức Giêsu, con Thiên Chúa xuống thế làm người nêu gương thắng vượt cám dỗ bằng cuộc sống luôn thực hiện Thánh ý của Chúa Cha.

Đức cha Phao-lô nêu lên một số cám dỗ và thách thức sau đây:

1. Tương đối hóa các giá trị tôn giáo và luân lý, cho rằng:

Đạo nào cũng tốt, tôn giáo nào cũng có nhiều điều chân thực. Lại còn phải hội nhập văn hóa. v.v. Thế nên, đã có rất nhiều giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân bỏ Giáo hội, bỏ đức tin, bỏ đời sống tu trì để đi tìm những những giá trị ở các tôn giáo khác. Không con coi Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất.

2. Tinh thần truyền giáo giảm sút.

Sau Công đồng vatican II, nhiệt tình truyền giáo sút giảm rõ rệt. Phải lấy lại nhiệt tình truyền giáo ban đầu của tổ tiên và cac nhà truyền giáo. Đào sâu ý thức truyền giáo như là trách nhiệm, và như là hồng ân nhận được từ bí tích Thánh tẩy. Nên phải thực hiện sự trao đổi nhân sự. Cộng tác mục vụ giữa các giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn…

3. Bị lôi kéo bởi các nghi lễ trang trọng của các tôn giáo.

Một số tôn giáo thu hút tín đò bằng cách tổ chức những lễ nghi rất hấp dẫn. Vì thế, ta phải đề cao sự tôn nghiêm và vẻ đẹp huyền nhiệm của Phụng vụ Kitô giáo. Khuyến khích giáo dân tham gia tích cực và sống động trong phần phụng vụ Lời Chúa qua việc ca hát, đối đáp …Hiện nay “xu hướng trình diễn” khá phổ biến từ các ca viên và ca đoàn.

4. Cám dỗ mất Đức tin bởi “xì căng đan” tình dục của các giáo sĩ ở nhiều nước.

Các linh mục phải trau dồi bản lĩnh, xác tín ơn gọi của mình vì “danh dự” của hàng giáo sĩ và “vẻ đẹp tinh tuyền” của Hội thánh.

5. Ngày nay người ta sợ hy sinh, tránh thập giá ….

Sống trong xã hội đề cao thực dụng, người ta không thích nói đến hy sinh, từ bỏ, tự chế, tự chủ …

6. Cám dỗ đề cao cá nhân chủ nghĩa.

Cao ngạo, quá tự tin, và quy ngã, người ta thích bêu xấu, chửi rủa, xoi mói, phê bình, ưa dùng ngôn từ “đao to búa lớn”. Lấy cớ là “vì chân lý”. Nhưng nói sự thật để xây dựng, thì khác với nói sự thật để bêu xấu. Sự thật phải luôn đi kèm với bác ái. (Veritas in Caritate).

15g30, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Trong hơn một tiếng đồng hồ, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang triển khai đề tài: “ Linh mục đồng hành với dân Chúa”, dựa theo trình thuật của Lc 24, 13-35 về hai môn đệ trên đường Emmau.

Thánh Luca giới thiệu sáu điểm nhấn sau đây:

1. Đang lúc họ chuyện vãn với nhau ( Lc 24,15).

Họ là nhóm người được Đức Giêsu gọi và chọn. Họ được nghe, được thấy, được Ngài chia sẻ về các mầu nhiệm Nước Trời. Họ là tiền thân của các linh mục, những người thân cận với Giám mục. Họ cũng là tiền thân của tất cả những ai có tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà chúng ta gọi bằng một danh xưng: dân Thiên Chúa. Họ cũng có những lúc nghi ngờ, thất vọng, hoang mang … Tâm trạng này của hai người môn đệ nhiều khi rất thiết thực với các linh mục, và qua kinh nghiệm mục vụ giáo xứ, chúng ta cũng nhận ra nơi chính đời sống của dân Chúa.

2. Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ ( Lc 24,15).

Thánh Luca viết: “ Đang lúc họ (hai môn đệ) chuyện vãn và bàn tính với nhau, thì chính Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ”. Một cách êm đềm Chúa xuất hiện và đồng hành. Ngài im lặng lắng nghe điều họ bàn tán nhỏ to, điều họ bàn tán liên quan mật thiết đến tiền đồ của Hội thánh. Thật vậy, việc Chúa chịu chết và phục sinh là những tín điều cơ bản, cốt lỏi của Hội thánh. Hội thánh được thiết lập và tồn tại trên tín điều này. Các môn đệ ban đầu đã không hiểu gì về lời Đức Giêsu báo trước cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Họ tưởng: Người không thể chết, và nếu có chết và sống lại, thì sự sống lại phải rất hoành tráng, ấn tượng, làm chấn động đối phương thù ghét Ngài. Đức Giêsu kiên nhẫn lắng nghe họ bàn tán để giải thích và giải tỏa những hoang mang nghi ngờ. Ngài đã đồng hành, đã tế nhị can thiệp đúng lúc.

Thái độ chăm chú lắng nghe các môn đệ nói của Chúa là bài học cụ thể cho các giám mục, linh mục. Có biết bao điều trăn trở của giáo dân muốn nói mà linh mục không hay. Có trăm nghìn thành kiến của đồng bào mà người công giáo không thể ngờ được … Thái độ “đồng hành” của Chúa soi sáng chúng ta.

3. Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài ( Lc 24,17).

Đối tượng của việc tông đồ mục vụ là chính Đức Ki-tô, Đấng được Chúa Cha sai đến để nhân loại được sống và sống dồi dào. Ngài phải được loan báo, Ngài không còn là một nhân vật lịch sử, xa lạ. Nhưng Ngài đang sống. Ngài đã kinh qua đau khổ để đi đến vinh quang. Muốn “dẫn giải” về Đức Ki-tô, thì điều tiên quyết là phải biết rõ về Ngài để loan báo Ngài. Biết không chỉ là đọc sách, nhưng là sống kết hiệp mật thiết với Ngài. Rao giảng Chúa mà không gắn bó với Ngài, thì rao giảng gì! Khi rao giảng, linh mục phải cố gắng làm cho cái tôi của mình nhỏ lại, để Đức Ki-tô lớn lên trong lòng mọi Người. Và khi chăm sóc đoàn chiên, làm sao chiếu tỏa được tấm lòng của người mục tử: quảng đại, bao dung, phát huy đức bác ái huynh đệ là giới răn mới, giới răn xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chính Ngài là đầu, là thủ lãnh, là thầy, là cha tuyệt đối.

4. Và họ nhận biết Ngài ( Lc 24,31).

Đã có một hiện tượng, một sự biến đổi xảy ra. Đó là: lòng hai môn đệ cháy bừng lên khi Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ. Chúa Thánh Thần đã làm việc với Chúa Giêsu. Và như thế, không có ơn Thánh Thần kèm theo, việc làm của các linh mục có ích lợi gì. Chúng ta không thể làm việc mục vụ khi chưa cầu nguyện để Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đến thánh hóa, dạy dỗ và ban ơn can đảm dấn thân. Chúa Thánh Thần cũng soi sáng cho hai môn đệ hiểu căn tính đích thực của Thầy qua câu nói: “ Khi treo Ta lên, các người sẽ thấy chính là Ta”, nghĩa là: Thầy chính là Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, nhưng cũng là tôi tớ, là chiên gánh tội trần gian ( Ga 1,46). Ngài đã đi qua thập giá để tiến đến vinh quang. Đi ngang qua lòng tham, dục vọng, ích kỷ của con người mà đi tới chiến thắng.

Là linh mục của Đức Ki-tô, chúng ta có đời sống đồng hình đồng dạng với Đấng vác thập giá đi trước không? Chính đời sống linh mục chữ không phải lời nói khiến người ta công nhận: “Quả thật vinh quang của tôi là thập giá Đức Ki-tô”.

5. Ngay giờ đó, họ chỗi dậy ( Lc 24,33).

Vừa nhận ra Đức Kitô là Thầy của mình, hai môn đệ không còn thấy ngài nữa. Đức Ki-tô đã đi vào thế giới vô hình đang bao bọc họ. Ngài ở trong chính con người của họ đang bừng cháy lửa yêu mến. Ngay giờ đó, họ chỗi dậy, trở về Giêrusalem gặp lại Phê-rô và tất cả những người được Chúa kêu gọi quy tụ chung quanh Phê-rô. Chúa đã hiện ra với hai môn đệ, thì Ngài cũng ưu tiên hiện ra với Phê-rô, người mà Chúa đã chọn làm “ Đá nền” để xây dựng Hội thánh ( Mt 16,18). Chính ông được chứng kiến các biến có quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa (x. Lc 9,39). Chính ông đã có kinh nghiệm chúa xót của một kẻ chối Ngài, hoặc cản lối Ngài đi lên Giêrusalem. Chính ông đã ba lân tuyên xưng: con yêu mến Thầy với tất cả ý thức sâu sắc của một người được chọn làm mục tử chăn dắt đoàn chiên. Và chính ông luôn đứng đầu danh sách những người thân cận với Chúa (x. Lc 9, 28-36), cũng đã được Thầy giao phó trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình. ( x. Lc 22,32). Chỗi dậy, chạy mau về với Phê-rô và các bạn, cũng là dấu chỉ nói lên sự hiệp thông, hiệp nhất với Giáo hội quy tụ chung quanh Phê-rô.

6. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy ( Lc 24,48).

Chúa sống lại đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ và môn đệ. Khi thì giơ tay chân bị đóng đinh ra, khi thì đi đòi ăn trước mặt họ, để làm chứng chính Ngài, chứ không phải là ma, đang ở trước mặt họ. Hiện ra nhiều lần như thế, là để các tông đồ có trách nhiệm làm chứng về sự phục sinh của Chúa, cùng với sự trợ giúp của Thánh Thần ( Cv 1,8). Và đây là điều quan trọng nhất của niềm tin Ki-tô giáo. Nếu Đức Ki-tô không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Làm chứng bằng chính đời sống, và cả bằng hiến dâng sự sống. công việc làm chứng chỉ có thể thực hiện với những điều kiện: Có ơn Chúa Thánh Thần, trung thành với truyền thống tông đồ, yêu mến Giáo hội mà Đức Maria vừa là hình ảnh, vừa là mẹ được trao phó cho Giáo hội qua tông đồ Gioan.

19g30, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Kiệu Đức Mẹ Lavang, lần chuỗi Môi khôi và chầu Thánh Thể do Đức cha Phan-xi-cô Lê Văn Hồng, giám mục phụ tá giáo phận Huế phụ trách.

Cuộc rước kiệu Đức Mẹ Lavang và lần chuỗi Môi khôi, đêm bế mạc “ Cuộc Hội Ngộ linh mục lịch sử”, đã ghi khắc trong tâm trí người tham dự những hình ảnh đậm nét không bao giờ phai lạt. Gần 500 linh mục, giám mục, đan viện phụ, trong lễ phục Alba trắng, tay cầm nến sáng, xếp hàng bốn chậm rãi bước đi dưới bầu trời cao vút không một ánh sao, uốn lượn theo một lộ trình dài khoảng vài trăm mét, từ nhà nhà Trung Tâm đến linh đài Đức Mẹ, tạo nên một dòng ánh sáng huyền ảo, lung linh, nhiệm mầu. Cứ mỗi chục hạt, đoàn rước dừng lại, tay trái giơ cao nến cháy, miệng ca vang điệp khúc Ave Maria, đậm đà tình cảm hiếu thảo Mẹ con.

05g30, thứ sáu, ngày 05.03.2010.

Thánh lễ đồng tế kính Đức Maria, Mẹ Giáo hội. Đức giám mục phó Quy nhơn giảng lễ. Linh mục JB. Lê Quang Quý, quản hạt Quảng Trị, thay mặt cộng đoàn linh mục giáo tỉnh Huế, cảm tạ các Đức giám mục trong giáo tỉnh, đã có sáng kiến tổ chức “Cuộc Hội ngộ lịch sử” này. Cuộc hội ngộ làm nổi bật chiều kích huynh đệ và cộng đoàn của đời sống linh mục. Quây quần chung quanh Mẹ Lavang, các linh mục ý thức hơn về sự liên đới trong ơn gọi linh mục, và trong tư cách là những Gioan tông đồ được Chúa trao phó cho Mẹ của Ngài. ( Ga 19, 26-27).

Cũng xin nhắc lại lời Đức tổng giám mục Stê-pha-nô Nguyễn Như Thể nói trong diễn văn khai mạc: đây là cơ hội “tái lập bản sắc thiêng liêng, loại trừ những uế tạp, hướng đến sự hoàn thiện linh thiêng của thừa tác vụ” …(ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI). Ngài ước mong: trong thời gian ân sủng đặc biệt này, đời sống nội tâm của linh mục được biến đổi dưới sự chỉ bảo của Mẹ Maria.

(từ Giáo phận Ban Mê Thuột)
 
Khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường Đức Mẹ Mân Côi của giáo xứ Cẩm Trường
Anthony Lê Lượng
10:44 11/03/2010
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ CẨM TRƯỜNG

Nhân đại lễ cắt băng khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường Đức Mẹ Mân Côi của giáo xứ Cẩm Trường (xóm 08, Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An), ngày 10 tháng 03 năm 2010, người viết xin tóm tắt một vài nét về quá trình hình thành, thăng tiến và triển nở của xứ đạo này, trong suốt chiều dày lịch sử gần 400 năm đón nhận Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Kitô, nhất là trong vòng 145 năm trở lại đây, kể từ ngày giáo xứ chính thức mang nhận danh thơm tiếng tốt “Cẩm Trường”.

Xem hình ảnh

1. Danh Xưng “Cẩm Trường”

Vào khoảng năm 1629 và đặc biệt vào đầu thế kỷ thứ 18, từng nhóm người Công Giáo định cư rải rác từ Thuận Nghĩa, tọa lạc trên các trục đường bộ hợp với đường thủy, từ sông Mai Giang đổ xuống sông Hàu, sông Cầu đổ về, qua sông Thai, hợp với dòng kênh Dâu, xuôi về cửa lạch Quèn (Mành Sơn), hợp thành giáo xứ “Cẩm Trường”, trông như thể một dải gấm dài, uốn lượn quanh co.

Theo sử sách kể lại, thì danh xưng “Cẩm Trường” (“cẩm” là “gấm vóc”, “trường” là “dài”) có từ đầu thế kỷ 18; cụ thể là vào năm 1732, khi họ nhà xứ được thành lập. Nhưng, trung tâm mục vụ lại được các Cố Tây đặt ở Thuận Nghĩa cho gần trục đường bộ; về sau, mới dời xuống họ Kẻ Gấm (tức họ Cẩm Trường ngày nay). Mặc dù thay đổi địa chỉ, nhưng danh xưng vẫn là “Cẩm Trường”. Đến năm 1923, các họ đạo từng vùng bắt đầu tách lập xứ mới; riêng vùng Xuân Yên vẫn duy trì danh xưng “Cẩm Trường” cho đến ngày nay.

Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu xem từng nhóm người này về định cư nơi đây như một họ đạo, thì lúc này giáo xứ Cẩm Trường có tất cả 34 giáo họ: Cẩm Trường, Đồng Lăng, Hội Yên, Yên Hoà, Du Xương (Trang Họ), Quý Vinh, Dị Lệ, Thuận Nghĩa, Yên Lưu, Hạ Nguyên, Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Thuận Giang, Tân Lập, Thanh Dạ, Cự Tân, Xuân An, Lộc Thuỷ, Mành Sơn, Văn Phú (Quỳnh Tiến), Tân Yên, Ngọc Thanh, Ngọc Sơn, Văn Thai, Văn Trường, Văn Cả, Thia Thia (Vịnh Giang), Đồng Lầy (Phú Xuân), Đồng Xuân (Quang Tĩnh), Đồng Ầm, Đập Bể (Nghĩa Thành), Đồng Lèn, Tân Hội (Tân Nghĩa) và Vịnh Yên (An Hoà).

2. Thời Kỳ Bi Hùng

Để tìm biết và thấu đạt lịch sử giáo xứ Cẩm Trường, trước hết phải nói đến nguồn gốc họ đạo cùng tên.

Năm 1629, nơi đây có 5 gia đình đầu tiên lãnh nhận đức tin Công giáo: 1) ông Trần Vũ; 2) ông Nguyễn Vi; 3) ông Nguyễn Hữu Khuyên; 4) ông Nguyễn Thuấn; và 5) ông Vũ Vượng (quê ở Đông Thành, thuộc phủ Diễn Châu). Lúc bấy giờ, họ ngụ cư trên đất Thanh Sơn (Ngò), do Kẻ Quát quản lý; họ sống trên cồn đưng cỏ nhọn, lấy cuốc cày làm kế sinh nhai; và vì chưa có nhà thờ, nên họ mượn tạm nhà ông Nguyễn Hữu Khuyên làm nơi thờ phượng, cầu kinh sớm tối; thời gian này kéo dài khoảng 100 năm.

Đến 1732, nơi đây mới lập phường Kẻ Gấm và xây dựng nhà thờ của họ cùng tên. Năm 1762, có ông Ngô Đình Lại, gốc Yên Định, Thanh Hóa, di cư đến đây và lấy một người vợ trong dòng họ cha Nghiệm là cháu chắt của ông.

Năm 1798, vì vua Cảnh Thịnh cấm đạo rất nhặt, họ phải mua 8 mẫu đất ở Quý Hòa, nằm sát làng Trung Yên (tức họ Đồng Lăng ngày nay), để nương tựa vào nhau. Sau khi dời dân và chuyển nhà thờ về đất Quý Hòa (nằm ngay dằm họ Trường Cựu bây giờ), để lập làng, có con dấu, có lý trưởng và phó lý quản cai, thì cơ sở mục vụ truyền giáo cũng được thiết đặt tại đây.

Hạt lúa mì rơi xuống đất có thối đi thì mới sinh nhiều bông trái. Vào đầu thế kỷ 19, thời các triều đại nhà Nguyễn bách hại đạo Công giáo rất ác liệt, nhiều chứng nhân đã anh dũng hy sinh vì niềm tin vào Chúa Kitô; sự kiện này càng ngày càng làm cho nhiều người lương dân và ngoại giáo tin nhận Đạo thánh Chúa hơn.

Vào đầu thế kỷ này, các chi tộc Nguyễn-Trần (Quỳnh Bá), Phan-Nguyễn (Quỳnh Đôi), Trịnh, Hồ, Phạm, v.v., từ nhiều nơi đổ về ngày càng đông. Cho nên, đến năm 1847, làng phải gom đủ số tiền khoảng 300 quan, để tậu thêm thẻ đất thuế đinh của làng Thượng Yên (thẻ đất này phải vào tới tận cố đô Huế mới làm được).

Biết làng có tiền, vì ham tiền và nhân cơ hội Vua Minh Mạng đang riết ráo bắt bớ đạo Chúa, tên Ngoạt cùng làng đã lên báo cáo với Đoàn Tổng. Khoảng canh 5, chúng cho người xuống bắt Cha Thân hiện đang quản xứ. Tờ mờ sáng hôm đó, khi Cha đang dâng lễ, tên Ngoạt làm hắng 3 tiếng báo hiệu cho Đoàn Tổng vây bắt ngài và lấy luôn cả chén đĩa thánh. Thấy thế, giáo dân liền xông vào bảo vệ, cứu được Cha và thu lại những gì đã mất; còn tên Ngoạt thì bị ngài chúc dữ: ho tới 3 đời mà chết.

Năm 1848, sau khi tậu được 15 mẫu đất của làng Thượng Yên, giáo dân bắt đầu san bớt lên đó định cử và lập làng mới, có tên gọi “Xuân Yên”; vùng đất này thuộc xã Quỳnh Yên, tổng Phú Hậu, chứ không thuộc Quý Hòa, tổng Thanh Viên nữa.

Năm 1855, giáo xứ được Cha Gioan Baotixita Thái đến tiếp quản. Lúc này, vua Tự Đức bách đạo rất ác liệt. Vua cho thuộc hạ lùng sục khắp nơi, bắt bớ các linh mục và cả giáo dân, nên cả chủ chăn lẫn đoàn chiên phải bỏ trốn nhiều nơi trong các làng lương. Nhiều người bị bắt và bị đày họ lên huyện và tỉnh, và đã anh dũng tử vì đạo Chúa.

Trong cảnh hỗn mang loạn lạc này, thánh đường chẳng có ai trông nom. Vì thế, tên Huề, người cùng làng, đã rủ thêm 7 tên người Thượng Yên, vào nhà thờ đào bới khắp nơi để kiếm tiền. Khi xăm nhằm huyệt mộ Cha Nhân, tưởng là hòm tiền, chúng liền cạy nắp, thò tay vào, sờ thấy toàn xương liền bỏ chạy. Giáo dân ở Bút Luyện và các làng kế cận trở về thấy thế, liền cải táng ngài chu đáo. Phần tên Huề về sau bị vẹo tay và mắc bệnh mà chết.

Đến thời vua Tự Đức, làn sóng bách đạo vẫn dâng lên cuồn cuộn; nhiều giáo hữu bị bắt, bị giam cầm, chịu tra tấn dã man và bị khắc chữ “Giatô” trên trán.

Năm 1862, bằng an trở lại, người dân Xuân Yên bắt đầu trồng tre bao lũy xung quanh, để bảo vệ làng và xây dựng nguyện đường. Lúc này, giáo họ Kẻ Gấm là một làng có hai thôn, hai hương bộ và hai ông từ: nhà thờ mới do ông câu Nguyễn Giới coi sóc; còn nhà thờ cũ do ông từ Ngô Đình Lãng đảm nhiệm.

Sau 2 năm yên hàn, sóng gió lại nổi lên. Năm 1864, Văn Thân tiếp tục băt bớ những người theo Chúa. Vì là giáo toàn tòng ngày càng đông số, lại gan dạ bảo vệ được các nhà truyền giáo, nên Trung tâm Mục vụ Truyền giáo, ở Thuận Nghĩa được Tòa Giám Mục cho phép dời xuống giáo họ Kẻ Gấm, mà sau đó một năm, năm 1865, chính thức gọi là giáo xứ “Cẩm Trường”, do Cha xứ đầu tiên, Cha Giuse Huấn quản nhiệm.

Mặc dù Văn Thân chia vùng kìm chế, bắt bớ đạo thánh, nhưng Trung tâm Mục vụ Truyền giáo của giáo xứ cần phải được tiến hành xây dựng. Năm 1869, Bề Trên sai Cha Tùy đến làm phó xứ, giúp Cha già Huấn xây dựng nhà thờ. Ngôi nhà thờ xứ 8 gian đầu tiên, thiết kế theo lối “Chồng Diêm”, với kích thước: 22m dài x 9m rộng x 7,8m cao, đã được khánh thành năm 1871 (nằm ngay vị trí nhà ông Hòa Thuận ngày nay).

Lúc này, nhóm Văn Thân Quỳnh Lưu đã triệu tập giáo dân Cẩm Trường lại, bắt dợ bỏ nhà thờ; nhưng họ không chịu, nên bị chúng giam giữ 2 tháng trời. Cha Tùy phải đích thân lên thương thảo với nhóm này. Ngài bị chúng chất vấn và ra lệnh: Không ai được phép làm nhà “Chồng Diêm”, mẫu nhà đó chỉ dành cho vua chúa mà thôi. Nhưng, ngài đã khôn ngoan trả lời: “Tôi không làm nhà ‘Chồng Diêm’ mà làm nhà ‘Thiên Diêm’ (tức là nhà Chúa Trời Ngự). Vì thấu tình đạt lý, dù rất tức giận, nhưng bọn chúng phải miễn cưỡng thả những người Cẩm Trường bị bắt.

Năm 1874, phong trào Văn Thân ở Nghệ An lại nổi lên, lấy tên là “Bình Tây Sát Tả”. Cũng trong năm đó, triều đình đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) cho phép giảng đạo. Vì an sinh của xã tắc, vua ban sắc chỉ cho phép Đức Giám mục Hậu đi dẹp loạn Văn Thân. Vì thế, Cha Thiện đã đặt ông Tuần Giới (họ Cẩm Trường) và ông Tuần Pớc (họ Đồng Lăng), chỉ huy sáu đội quân để bảo vệ làng.

Năm1876, vừa mới thụ phong, Cha Đức được Bề Trên điều về làm phó Cha Thiện. Lúc này, giáo xứ Cẩm Trường có 34 nhóm-họ; nên việc làm phúc hầu như quanh năm. Có lần, Cha Đức đi làm phúc ở giáo họ Phú Yên và nghỉ lại đó. Ngài bị bọn Văn Thân Quý Hòa bao vây, thoát không được bởi Phú Yên quá yếu. Cẩm Trường nghe tin liền xuống giải vây và rước ngài về nhà xứ an toàn.

Cũng trong năm đó, có tên tướng Đề Niên, quê ở Phù Mỹ, đem quân xuống sát hại vùng Cẩm Trường. Lúc đó, có mấy người đàn anh ra mặt đối phó, như ông Kí Dũng (Đồng Lăng), ông Lý Phú (Trường Cũ), v.v. dùng mác cố thủ và dùng tre vót nhọn lia trúng đùi Đề Niên làm hắn bị trọng thương. Thuộc hạ thấy vậy bỏ chạy thoát thân, Đề Niên bị bắt. Được hai Cha đã tha mạng, hắn đã hậu tạ các ngài một con chiến mã tốt nhất.

Vụ này chưa yên, vụ khác lại đến. Năm 1877, Tú Mớc, một viên tướng giỏi đã từng chinh chiến nhiều nơi, quê ở phủ Diên Châu, hôm nào cũng cưỡi ngựa đi qua làng để quan sát, lên Quỳnh Lưu chiêu binh tập luyện, lập kế sách tối hôm nọ xuống sát hại Cẩm Trường. Nhận được mật báo, ngay chiều hôm đó, hai người đàn anh là ông Xoang và ông Xuyên và một số anh em khác đã mai phục sẵn, chặn đánh khi tướng Mớc đi qua. Bị tiếp đón bất ngờ, Mớc tuốt đánh gươm đôi, ngựa chạy thụt lui vấp phải dây khoai té ngã. Nhanh như chớp, ông Binh Vũ lao đến chặt đầu hắn, đem về treo ngọn pheo cho mọi người biết.

Về mặt giáo lý, thời kỳ này, giáo xứ tổ chức thi khảo ba năm một lần, tại ba địa điểm khác nhau: năm thứ nhất ở Cẩm Trường, năm thứ hai ở Thuận Nghĩa và năm thứ ba ở Thanh Dạ. Một hôm, Cha Đức đi dự khảo giáo lý ở họ Thanh Dạ trở về, qua Quỳnh Đôi, bị bọn côn đồ ra chặn đường đánh. Ngài đã dùng cây súng gỗ không có đạn nhe doạ bắn chúng và thụt lui về tới Đồng Chùa. Nghe tin, Cầm Trường lên đánh hiệp một; Thanh Dạ xuống đánh hiệp hai, lùa chúng lên tận kênh Hói Nồi, và giải cứu ngài trở về nhà xứ bình an vô sự.

Nhận thấy đời sống bổn đạo ở xứ Quỳnh Lưu bất ổn như thế, nên năm 1877, Đức Cha Hậu đã dùng sắc chỉ Vua ban, cho phép Cha Thiện và Cha phó Đức đem sáu đội quân do hai ông: Tuần Giới và Tuần Pớc cầm đầu, đi dẹp loạn Văn Thân, tại một số nơi thuộc phủ Diễn Châu và mấy điểm chính trong vùng Quỳnh Lưu. Từ đó, Văn Thân Quỳnh Lưu không còn dám hà hiếp đạo Công Giáo nữa.

Năm 1886, Văn Thân lại nổi lên lần thứ hai. Một hôm, trên đường đi làm phúc ở họ Sơn Trang, Cha Đức đã bị bọn Văn Thân bao vây. Trong lúc những người đàn anh đi giải cứu Cha, ở nhà có bọn Văn Thân Quỳnh Đôi và Thượng Yên xuống quậy phá. Lực bất tòng tâm, thiếu vắng anh tài, giáo dân chỉ biết đem ảnh Đức Mẹ Mân Côi ra nghênh chiến, vào nhà thờ cầu nguyện, đọc kinh, lần hạt, nài xin Mẹ đoái thương cứu giúp đoàn con cái.

Một phép lạ đã xảy ra! Thấy một nữ tướng cưỡi ngựa bạch, mặc áo trắng, chỉ huy đoàn binh đông vô số, từ trời ngự giá, bọn chúng khiếp đảm, bỏ chạy toán loạn. Văn Thân Quỳnh Lưu tự kết liễu đời mình. Kể từ đó, giáo xứ Cẩm Trường đã nhận Mẹ Mân Côi làm Quan thầy; bà con giáo dân hăng hái lập tổ Thánh Mẫu, lần hạt chung với nhau trong các gia đình cho tới ngày nay.

Năm 1887, một cơn bão to đã làm cho nhà thờ Chồng Diêm và nhiều nhà thờ trong xứ bị sập, riêng nhà thờ Hội Yên vì mới làm xong nên chỉ bị di xịch một dằm cột. Sau đó, Cha Đức cho dời nhà thờ xứ xuống địa sở hiện nay và chuẩn bị xây cất thánh đường Mân Côi mới to lớn hơn.

3. Thời Kỳ Hưng Phát

Năm 1884, Yên Hòa gồm 4 giáo họ tách lập xứ mới. Đây là con đầu lòng của xứ mẹ Cẩm Trường, nhưng mãi tới năm 1889, mới có Cha Hoàng quản nhiệm. Năm 1913, Đức Cha Bắc nhậm chức Giám mục, chăn dắt Giáo phận Vinh thịnh vượng. Giáo xứ truyền giáo Cẩm Trường cũng có nhiều đổi thay: vào dịp lễ Phục Sinh năm 1914, Thuận Nghĩa gồm 15 giáo họ từ Thuận Giang lên tới Cồn Cả và Nghĩa Thành; Thanh Dạ gồm 4 giáo họ; và Mành Sơn gồm 3 giáo họ, rời xa xứ mẹ, tách lập thành 3 giáo xứ mới.

Cũng trong năm đó, ngôi nhà thờ xứ thứ 2 (13 gian gỗ lim, 38m dài x 14m rộng x 18m cao), do cha Gioan Baotixita Đức sắm gỗ, và Cha Phêrô Ái xây dựng trường kỳ 8 năm, được Đức cha Bélois Bắc chủ sự cắt băng khánh thành và làm phép; còn nhà thờ “Chồng Diêm” cũ đem làm nhà xứ; và hiện nay là nhà truyền thống, năm sau khu vực nhà trường phía Tây ngôi thánh đường này.

Năm 1920, Tân Yên lại tiếp bước các giáo xứ anh, lìa xa xứ mẹ, tách lập xứ mới. Sau đó 3 năm (năm 1923), người em út là giáo xứ Song Ngọc mang đi 4 giáo họ, ra đi xây dựng tổ ấm mới. Lúc này, xứ mẹ chỉ còn lại 3 giáo họ sát cạnh nhau là: Cẩm Trường, Đồng Lăng và Hội Yên. Đến năm 1990, Cha Phanxicô Hồ Đức Hoàn xin phép Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp, cho xóm nhà thờ Cẩm Trường cũ (gọi tắt là “Trường Cũ”), kính thánh Gioan Tẩy Giả từ năm 1874, tách riêng thành giáo họ Trường Cựu.

Ngược dòng thời gian, chúng ta cùng nhau lần tìm về các Đấng chăn tiền nhiệm. Trước ngày thành lập, giáo xứ có 22 Linh mục Thừa sai chánh coi sóc; trong đó, có Cha Ambrôsiô Nhân là Thừa sai Pari từ trần vào năm 1834 ở nhà thờ cũ của giáo họ Trường Cựu. Năm làm nhà thờ xứ 1914, giáo dân đã cãi táng và chôn cất ngài trong nền nhà thờ, nay được tái lập mộ chí cùng với quý Cha quá cố, ở khu vực nghĩa trang phía Tây-Bắc khuôn viên thánh đường.

Từ ngày lập xứ đến nay, Cẩm Trường có 19 linh mục kế tiếp nhau quản nhiệm, có những Cha quản xứ lâu năm như: Cha G.B. Đức 29 năm, Cha Phêrô Ái 27 năm, Cha Phanxicô Hồ Đức Hoàn 35 năm, v.v.; trong số đó có 7 Cha đã yên nghỉ tại giáo xứ. Sau đây là danh sách các Linh mục chánh-phó xứ qua các thời kỳ:

Cha Giuse Huấn: 1867-1876; Cha Giuse Tuỳ phó 1869-1872; Cha Giuse Thiện: 1874 phó, 1876-1884 chánh; Cha G.B. Đức: 1876 phó, 1884-1906 chánh; Cha Phêrô Diệm: 1884-1885 phó; Cha Phêrô Ái: 1906-1933 từ trần; Cha Phêrô Hoan: 1931-1933 phó; Cha Phêrô Đoài: 1933-1934 phụ trách; Cha Anrê Thế: 1935-1938 từ trần; Cha G.B. Ninh: 1938-1940; Cha G.B. Đính: 1940-1943; Cha P.X. Khiêm: 1943-1944; Cha Phêrô Đình: 1944-1948 từ trần; Cha Giuse Đôn: 1944 hưu, 1948-1959 từ trần; Cha Phêrô Hậu: 1959-1961 phụ trách; Cha P.X. Hồ Đức Hoàn 1961-1995; Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng: 1996-1997 phụ trách; Cha Phêrô Lê Nam Cao: 1998-2006; và Cha Antôn Nguyễn Văn Thanh: 2006, đương nhiệm.

Giáo xứ Cẩm Trường có 21 linh mục con cái trong 34 giáo họ khi chưa phân xứ, và có 13 linh mục con cái trong 4 giáo họ hiện nay; trong đó, có Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quế đã tử vì đạo, ngày 14-11-1962, tại trại tù Quyết Tiến (Cổng Trời, Hà Giang); 5 Cha qua đời tại quê hương; và có Cha Già Giuse Nguyễn Hồng Thanh đang sống đến nay đã 81 tuổi.

Về bậc tu sĩ nam nữ, toàn giáo xứ có 5 đại chủng sinh; 22 vị khấn tạm và 28 vị đã khấn trọn đời tại các Dòng tu; trong đó, có 9 vị đã qua đời, 4 vị đang du học ở: Italia, Pháp, Mỹ và 14 vị đang tu học trong nước.

Từ khi thành lập đến nay, giáo xứ Cẩm Trường đã trải qua 21 khóa Ban Hành Giáo và nhiều Ban ngành đoàn thể khác, thay nhau cộng tác với Cha sở, để điều hành giáo xứ. Con số giáo dân cũng tăng trưởng theo thời gian và đạt tới con số 4856 nhân danh, tính đến hết năm 2009. Ấy là chưa kể, số giáo dân ra đi khai lập rất nhiều xứ-họ, trong Nam cũng như ngoài Bắc, mà chúng con không sao kể hết được.

Cách nay mấy năm, ngôi thánh đường Đức Mẹ Mân Côi cũ chật hẹp, đã bị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho các lễ nghi phụng vụ và sinh hoạt tôn giáo nữa. Qua bao tháng năm, với lòng mong mỏi, đợi trông của bà con giáo dân Cẩm trường muốn xây một ngôi thánh đường mới, Cha quản xứ tiền nhiệm, Phêrô Lê Nam Cao, đã lo thủ tục giấy tờ và giải phóng một phần mặt bằng, để làm đà tiến cho Cha xứ tân quản nhiệm, Antôn Nguyễn Văn Thanh, bắt tay vào kiến thiết.

Thế là, giấc mơ dài của bao thế hệ tiền nhân nối tiếp nhau nay đã trở thành hiện thực. Sau 40 ngày đêm miệt mài phần móng và đến ngày 05-03-2007, Đức Giám mục giáo phận, Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, đã chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường Mân Côi, với kích thước: dài 60m x rộng 20m x cao 48m (tính từ tháp).

Trong suốt quá trình thi công công trình này, cộng đoàn giáo xứ gặp không ít những khó khăn về nhiều mặt, nhất là vấn đề tài chính; vì lúc đầu, họ chỉ có trong tay 680 triệu đồng-số tiền này chưa đủ chi phí cho phần móng (chi phí móng hết 1 tỷ đồng). Nhưng, nhờ tình thương bao la của Thiên Chúa, qua lời bầu cử đắc lực Mẹ Quan thầy, cùng với lời cầu nguyện liên lỉ và sự quảng đại giúp đỡ của Đức Giám mục Giáo phận, quý Cha quê hương, quý Hiệp hội nước ngoài và quý ân nhân xa gần, sau 1100 ngày, ngôi thánh đường mới của giáo xứ đã được hoàn thành, với tổng kinh phí lên đến 7 tỷ đồng.

Hôm qua, ngày 10 tháng 03 năm 2010, chính Đức Giám mục Giáo phận, đã chủ thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến ngôi thánh đường của Mẹ Mân Côi này cho Thiên Chúa, để làm nơi phượng tự xứng đáng, nhất là khi cử hành các phụng vụ thánh.

Hy vọng rằng, đại lễ này sẽ nhắc nhớ cộng đoàn hiện diện, cách riêng giáo dân giáo xứ Cẩm Trường rằng: Chúng ta cần siêng năng lui tới ngôi thánh đường bằng gỗ đá này để điểm tô, gìn giữ đền thờ tâm hồn của mỗi chúng ta, bằng chính nỗ lực sống theo và sống đúng Tin Mừng Chúa Kitô, như thánh Âugustinô đã t?ng khuyên dạy trong một thánh lễ cung hiến thánh đường: “Chúng ta đến đây để cung hiến nhà cầu nguyện; nhưng, đừng quên rằng nếu hôm nay nhà này trở thành nhà cầu nguyện, thì tâm hồn anh chị em phải luôn luôn là nhà của Thiên Chúa”.

Hiểu như thế, ngôi nhà thờ bằng gỗ đá này sẽ đứng đây như biểu tượng nhắc nhớ, hướng dẫn và giáo huấn chúng ta, để mỗi người ngày càng trở nên kitô hữu hơn và mỗi ngày thêm giống Chúa Kitô hơn.
 
Mừng Năm Thánh 2010: Lịch Sử Truyền Giáo Việt Nam:Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ
Trần Văn Cảnh
21:19 11/03/2010
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

Bài 11

Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam

Sứ mệnh căn bản mà Tòa Thánh đã ủy nhiệm cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris là thiết lập hàng giáo sĩ địa phương.: « Lý do chính yếu khiến Thánh Bộ gởi các ngài là những người có chức giám mục đến những vùng nói trên (Trung Hoa, Bắc Việt và Nam Việt) là để, bằng mọi cách thế và phương pháp có thể, các ngài nắm lấy trách nhiệm giáo huấn người trẻ hầu giúp họ thâu thập đủ các khả năng, để tiến tới chức linh mục. Truyền chức linh mục cho họ rồi, các ngài hãy sai họ về địa phương gốc của họ với sứ mệnh phục vụ đạo kitô hết lòng mình, dưới sự hướng dẫn của các ngài. Vậy xin các ngài hãy luôn ghi nhớ mục đích này trước mắt mình là dẫn đưa đến chức linh mục, một số đông càng nhiều càng tốt và càng có khả năng càng hay, những người có khả năng, đào tạo họ và giúp họ tiến triển trong môi trường của họ([1]) ».

Trong việc làm dầu tiên của các thừa sai khi đến Viễn Ðông là họp công đồng vào đầu năm 1664 ở Ayuthia để soạn thảo chương trình và xác định nguyên tắc hành động, không kể việc soạn bản « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo », các thừa sai hiện diện, hai đức cha Ðại Diện Tông Tòa cũng như các linh mục thừa sai, tất cả đều đồng ý rằng việc lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương là sứ mệnh hàng đầu và là điều khẩn cấp phải làm.

1. Công đồng Ayuthia quyết định lập chủng viện đào tạo linh mục địa phương

« Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo », như chúng ta đã xem ở bài 9, đã được soạn thảo với 10 chương qui tụ trong ba phần. Ba chương đầu nói về con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có. Năm chương tiếp theo, các chương 4, 5, 6, 7 và 8, nói về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến: giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung. Hai chương 9 và 10 nói về việc tổ chức giáo hội, qua 3 khía cạnh: tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.

Về điểm cuối cùng liên quan đến việc đào tạo linh mục bản xứ việt nam, tất cả các thừa sai đều đồng ý lấy quyết định phải thành lập chủng viện. Trong tình trạng hiện thời, với số nhân sự thừa sai ít ỏi, lại phải bận bịu với công việc truyền giáo, chỉ cần lập một chủng viện.

Nhưng ở đâu ? Câu trả lời mau chóng đã được mọi người nhìn ra: phải đặt ở Xiêm La. Những tiêu chuẩn cần thiết để một chủng viện có thể sinh hoạt kết quả thì ai cũng thấy: phải có bình an và tự do giảng dậy, phải có điều kiện di chuyển và phương tiện cũng như khả năng thâu nhận chủng sinh. Trong tình trạng bách hại hiện nay, Việt Nam không thuận tiện. Chỉ có Xiêm mới là nơi mà Công Giáo được tự do hành đạo và truyền đạo, nơi mà các người ngoại quốc đủ mọi quốc tịch, Âu châu hay Á châu, đều có thể ra vào dễ dàng, các chủng sinh có thể đi lại không có vấn đề, lại là nơi có các thuyền bè buôn bán di chuyển và chuyên chở thuận tiện nối liền các nước khắp vùng Viễn Ðông, Nhật, Tầu, Việt Nam,…với các nước Âu Châu, Pháp, Anh, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha,…Thế là nơi đặt chủng viện đã được quyết định: ở nước Xiêm.

Ðiều thứ hai mà công đồng Ayuthia đã quyết định liên quan đến chủng viện là đưa ra những nguyên tắc tổng quát về tổ chức nội bộ. Thrước nhất về chủng sinh, chủng viện sẽ tiếp nhận các chủng sinh hay thừa sai Âu Châu để hoàn tất công việc đào tạo của họ, để họ cùng có chung một đường hướng và một phương pháp truyền giáo hữu hiệu và thích ứng với các xứ Viễn Ðông. Sau nữa, chủng viện, được thiết kế như « một trường đời sống hoàn hảo » lấy mẫu gương cuộc sống của Chúa với các tông đồ khi xưa, tiếp dón và đào tạo tất cả các chủng sinh địa phương mà các thừa sai gởi về. Không quên vấn đề vật chất cụ thể, công đồng đã quyết định bổ nhiệm một Tổng quản lý để quản trị các vấn đề vật chất tại chủng viện.

Chiếu theo những quyết định này, ở lại Ayuthia, đức cha Lambert đã đảm nhiện công việc thực hiện việc thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ Á Đông, mà Việt Nam là nước có nhiều nhu cầu cao.

2. Ðức cha Lambert được vua Pha Narai cho đầt và vật liệu xây chủng viện

Hai giám mục Ðại Diện Tông Tòa đến kinh đô nước Xiêm vào năm 1662 và 1664, đã tạo một tiếng vang, đồn khắp Ayuthia. Vua Phra Narai đang cai trị nước Xiêm lúc đó, là người lịch thiệp, có tinh thần cởi mở, khoan nhân với người ngoại quốc, tỏ ý muốn gặp các giám mục Pháp. Nghĩ rằng đây là dịp thuận tiện có thể làm tăng uy tín các vị thừa sai và hữu ích cho việc truyền giáo, Ðức cha Pierre Lambert de la Motte nhận lời mời và cùng đoàn tùy tòng đến gặp vua.

Vua Phra Narai đã tiếp đón các ngài một cách lịch thiệp và trang trọng, theo lễ nghi của nước Xiêm lúc đó. Ðức cha Lambert cám ơn lòng tốt của vua đã cho phép ngài và các linh mục cộng sự được lưu trú trong vương quốc Xiêm La, lại được đặc ân được vua tiếp kiến. Vua hỏi thăm Ðức cha về nước Pháp: địa thế thế nào, thương mại ra sao, tài nguyên giầu nghèo, quân đội mạnh yếu, … Vua cũng hỏi thăm về lý do khiến Ðức cha và các cộng sự bỏ nước đi sang Viễn Ðông, mà đặc biệt là Xiêm La. Về vấn đề tôn giáo, vua hỏi đức cha: « Ngài có nghĩ rằng đạo của ngài tốt hơn đạo của chúng tôi không » ? Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Ðức cha Lambert kể cho vua nghe về những sự thật của đạo Kitô, về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, về sự phát triển của đạo công giáo ở Âu châu,…Bỗng vua Phra Narai ngắt lời đức cha và nói với ngài: « Tôi có một người anh em bị bại liệt tứ chi. Nếu ngài có thể chữa lành được cho em tôi, thì tất cả chúng tôi sẽ theo đạo ngài ». Nói thế rồi vua xin cáo từ Ðức cha và các linh mục cộng sự.

Trở về trại, Ðức cha liền triệu tập tất cả các giáo hữu lại và kể cho họ nghe lời vua Phra Narai đã hứa và xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện với ngài. Trong suốt ba ngày, Ðức giám mục, các linh mục, các bổn đạo, mọi người cùng cầu nguyện. Sáng ngày thứ tư, mấy vị quan triều đến nhà nguyện, quì sập bái lậy Ðức cha Lambert và báo tin cho ngài hay rằng tình trạng sức khoẻ của hoàng tử anh em của vua tốt đẹp hơn. Hoàng tử có thể nhúc nhích được tứ chi, trái với tình trạng hoàn toàn tê liệt trước đây. Trong nhà nguyện nhỏ, mọi người cảm động khôn xiết. Ðức cha liền nói với các quan triều: « Các quan hãy về nói với vua rằng, với lời cầu nguyện, tôi chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe lời và hoàng tử sẽ được chữa lành và sẽ có một sức khoẻ tốt đẹp. Nhưng nếu thiếu tin thì vua nên bái sợ sự công thẳng của Chúa, vì Ngài sẽ để cho người anh em vua lại rơi vào tình trạng ốm liệt ».

Các quan triều đã về thuật lại với vua và theo lời người ta kể thì vua có vẻ lo lắng và đăm chiêu trong nhiều ngày. Ít lâu sau đó, vua Phra Narai sai gởi khoảng một chục trẻ con các quan triều đến theo học các khoa học Âu châu với các cha thừa sai.

Trong tình trạng thuận lợi có tâm tình tốt đẹp của vua, Ðức cha Lambert đã biên một văn thơ ngày 29.05.1665, gởi lên vua Phra Narai, đề nghị mở một trường học, tại thủ đô Ayuthia hay một nơi nào khác ở ngoại ô cũng được, để dậy các khoa học cần thiết cho một quốc gia. Và để tránh nghi kỵ, Ðức cha đã thêm rằng « các thừa sai sẽ chẳng hề xen lấn vào chính sự quốc gia, cũng chẳng màng đến những sự thế gian ». Rồi ngài kết luận rằng: « hy vọng rằng lòng nhân từ của vua sẽ khấng ban cho chúng tôi một đền thờ để làm việc thờ kính tôn giáo ».

Mãi đến cuối tháng 12.1665, lá thơ của Ðức cha mới đến tay vua Phra Narai, vì vị quan triều chuyển thơ bị đau. Nhà vua đã chấp nhận những điều Ðức cha xin và đầu năm 1666, vua đã cấp cho các thừa sai người Pháp một mảnh đất khá rộng ở Bản (làng) Phahet, bên bờ sông Ménam[2], cạnh khu Việt kiều. Vua cũng hứa sẽ cung cấp vật liệu để xây cất một nhà nguyện và một chủng viện. Đc Lambert mừng lắm. Ðể đề phòng tránh nạn hỏa hoạn và bảo vệ các sách vở và đồ thờ, Ngài cho xây hai phòng nhà gỗ, lợp ngói. Ðồng thời Ngài cho xây một ngôi nhà lớn: tầng dưới bằng gạch, là nhà ở, có thể chứa dễ dàng vài chục người; tầng trên bằng gỗ, là nhà nguyện. Phần đất còn lại chung quanh nhà thờ, Ðức cha trù tính sẽ để làm nghĩa địa và vườn cây, giống như mô hình các làng xứ đạo Pháp. Toàn khu đất đó của các thừa sai người Pháp, ngài muốn đặt dưới sự bảo trợ của thánh Giuse để tỏ lòng cám ơn thánh cả vì những bầu cử mà thánh cả đã làm cho các thừa sai và ngài đặt tên là Trại Thánh Giuse. Như vậy, vào năm 1666 này, nói được là tại kinh đô Ajuthia có thêm « Khu người Pháp » sau khi đã có những khu kiều dân khác như: Bồ Đào Nha, Hoà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, vân vân.

Xin xác định rõ một chút rằng, tuy ở gần, nhưng « Khu người Pháp », hay « Trại Thánh Giuse », hay « Chủng Viện Thánh Giuse » là nơi cư trú của các đức cha, các linh mục thừa sai, các chủng sinh, các nhân viên phục vụ, bệnh xá, trường học, v.v. của người Pháp, khác với « Khu người Việt ». Khu người Việt tại Ajuthia là khu mà người Việt Nam cư ngụ, gồm cả lương lẫn giáo, có trên trăm người, đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé, trong đó một số khá đông có đạo. Đức cha Lambert vẫn đến đây dạy dỗ, cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo dân, cũng như gặp gỡ và rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Trong khu này, người công giáo việt nam họp thành giáo xứ thánh Giuse, có nhà thờ và nhà xứ riêng.

Thế là từ năm 1666, cơ sở chủng viện thánh Giuse đã được xây cất tại Ayuthia, nước Xiêm La để đào tạo các linh mục bản xứ cho các giáo hội Viễn Ðông, ít nhất là các giáo hội mà Tòa Thánh đã ủy thác cho các Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa. Từ nay, trong nhà này, các chủng sinh việt nam, trung hoa, xiêm la,… những thanh niên có hiểu biết, khả năng và đức độ,…sẽ có thể được đào tạo tại chỗ, để trở thành linh mục, tiếp tay cho các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng.

Cũng tại đây, như chung ta vừa nói qua ở trên, nhiều sinh hoạt bác ái cũng đã và sẽ được thực hiện, khiến có một số người cảm kích và xin trở lại đạo và khiến vua Phra Narai đã tiếp kiến đức cha Lambert lần thứ hai và hỏi chuyện ngài về đạo Công Giáo. Ðó là chuyện chúng ta sẽ bàn đến trong một dịp khác. Bây giờ xin trở lại vần đề truyền chức linh mục, thành lập chủng viện và đào tạo linh mục.

3. Chủng viện thánh Giuse khai giảng đào tạo các giáo sĩ Việt Nam tiên khởi

Sau quyết định của Công Ðồng Ayuthia năm 1664 về việc thành lập chủng viện, trong năm 1665, một số đơn xin truyền chức đã đến từ các cộng đoàn không thuộc thẩm quyền Hội Thừa Sai. Vào năm 1665 chẳng hạn, Tòa Giám Mục Macao đã gởi ba thầy xin được phong chức linh mục. Ðức cha Lambert đã tiếp họ và thấy rằng họ đã chưa được chuẩn bị đủ, nên đã từ chối truyền chức ngay cho họ, mà đề nghị họ phải học thêm thần học. Rồi ba thanh niên khác cũng trình diện, xin học thần học, trong đó có François Pérez[3], sinh quán tại địa phận Méliapour, Ấn Ðộ, con của một gia đình hỗn hợp, cha là Bồ Ðào Nha, mẹ là Á châu. Sau đó, Macao đã gởi đến 6 thầy khác để xin được truyền chức linh mục. Ðức cha Lambert cũng đưa ra một đề nghi là học tiếp thần học trong một hay hai năm, trước khi nhận lãnh chức linh mục. Ba thầy đồng ý ở lại. Thế là lớp thần học đầu tiên đã được mở tại chủng viện thánh Giuse, vào năm 1665, với 9 chủng sinh, do một ban giáo sư gồm 3 vị là Ðức cha Lambert de la Motte, cha François Deydier và cha Louis Lanneau, mà cha Louis Laneau lãnh trách nhiệm giám đốc điều khiển.

Chủng viện Thánh Giuse đã tiếp đón và đào tạo các thanh niên địa phương, trong đó, ít nhất là lúc đầu, chính yếu là các thầy giảng, thanh niên Việt Nam. Ba năm sau khi thành lập khóa thần học đầu tiên, ngày 31.03.1668, Ðức Cha Lambert đã truyền chức cho hai linh mục, cha Giuse TRANG, vị linh mục Việt Nam tiên khởi đến từ Ðàng Trong và cha François Perez. Rồi cha Luca BỀN, một linh mục Ðàng Trong khác. Vào tháng sáu cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức cho hai vị linh mục việt nam đầu tiên đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan HUỆ và Bênêditô HIỀN. Năm 1672, trong chuyến kinh lý Ðàng Trong lần thứ nhất, Ðức cha Lambert đã mang theo 10 người trẻ việt nam về học ở chủng viện Thánh Giuse.

Không kể những linh mục dòng, hoặc triều cho các địa phận khác ở Viễn Ðông, nguyên cho hai Ðịa Phận Đàng Tropng và Ðàng Ngoài, trong những năm từ 1668 đến 1677, Ðức cha Lambert đã truyền chức cho 13 linh mục việt nam, trong đó 11 thuộc Địa Phận Đàng Ngoài[4]. Ðó là các vị sau đậy:

1668 và 1669 ở Xiêm cho hai cha Đàng Trong

1. Giuse Trang (người Đàng Trong) ngày 31.03.1668

2. Luca Bền, năm 1669.

1668, tháng sáu, ở Xiêm cho hai cha Đàng Ngoài:

3. Gioan HUỆ, coi Thanh Hóa rồi Kiên Lao, Sơn Nam (1668-1671) và

4. Bênêditô HIỀN, sinh tại làng Ðong Hiên, huyện Chân Phúc, (1668-1696);

1670, ở Việt Nam cho bảy cha Đàng Ngoài:

5. Mactinô MÁT(1670-1684), gốc là một nhà sư, coi sóc nửa tỉnh Thanh Hóa,

6. Giacôbê CHIÊU (1670-1683), giám quản Hải Dương và Bắc Sơn Nam, rồi Nghệ An, Thanh Hóa,

7. Philiphê NHÂN (1670-1672), chính xứ Kẻ Võ, coi sóc phần bắc tỉnh Thanh Hóa,

8. Antôn QUẾ (1670-1685), sinh tại Bến Triều, Thanh Hóa, trong một gia đình nhà nho thượng lưu, coi sóc Hải Dương và Kinh Bắc,

9. Simon KIÊN (1670-1684), sinh tại Kiên La, Sơn Nam, coi sóc làng Kiên Lao,

10. Lêôn TRỤ (1670-1692), sinh tại làng Ðông Hồ, huyện Ðông Quan coi sóc địa hạt nửa tỉnh Nghệ An,

11. Vitô TRI (1670-1705), coi sóc vùng nam tỉnh Thanh Hóa, rồi Nghệ An, Sơn Nam và Kinh đô

1677 ở Xiêm cho hai cha Đàng Ngoài:

12. Philiphê TRÀ (1677-1685), sinh quán Trà Lũ, Sơn Nam,

13. Dominicô HẢO (1677-1697), sinh quán làng Thụy Nhai, tỉnh Sơn Nam

Ðề tựa cho tập tài liệu của đức cha NÉEZ « Hàng Giáo sĩ Bắc Kỳ trế kỷ 17 và 18 » để xuất bản, đức cha J. de GUÉBRIANT, Nguyên Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa, Giám Quản Canton và Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris 1921-1935 đã viết những dòng sau đây về Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris: « Hội ghi vào ở ngay những điều khoản đầu tiên của chương thứ nhất bản nội qui của Hội những dòng sau đây, những dòng trình bày sáng kiến vĩ đại của việc tông đồ hiện đại: Mục đích hàng đầu mà Thiên Chúa đã ban cho các Giám Mục và giáo sĩ Pháp, tập họp nhau thành hội, ở giữa thế kỷ 17, để hoạt động hoán cải các người ngoại giáo ở các nước ngoài, và ý định chính yếu của Tòa Thánh khi gửi họ đến các Miền Truyền Giáo, với các tước hiệu Ðại Diện Tông Tòa và Thừa Sai là để tiến hành nhanh chóng việc hoán cải các dân ngoại, không những bằng cách rao truyền cho họ Tin Mừng, mà còn nhất là bằng cách chuẩn bị với những phương thế tốt nhất để nâng lên hàng giáo sĩ những người trong số các tân tòng hoặc con cháu họ được xét thấy xứng hợp với chức bậc thánh thiện ấy, hầu tạo lập trong mỗi nước một hàng giáo sĩ, và một hàng giáo phẩm, như Chúa Giêsu và các tông đồ đã thiết lập trong Giáo Hội[5] ».

Ðọc lại những dòng chữ này và nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn thật ai cũng sẽ phải nhận rằng người có công rất lớn trong việc xây dựng Giáo Hội Việt Nam là Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Chính Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, từ 350 năm nay, 1659-2009, đã, cùng với nhiều hội dòng khác như Dòng Tên, Dòng Đaminh, góp phần thiết lập và đào tạo hàng giáo sĩ cho Việt Nam. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà các giáo dân được đào luyện, hiểu biết đạo hơn và dám can đảm bảo vệ đức tin. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Giáo Hội Việt Nam đã được hân hạnh có 117 thánh tử vì đạo. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Tin Mừng vẫn tiếp tục được rao truyền cho lương dân. Chính nhờ hàng giáo sĩ này mà Giáo Hội Việt Nam được phát triển, chẳng những có linh mục mà có cả giám mục và hồng y, đủ khả năng để đi đến việc thành lập Hàng Giáo Phẩm vào năm 1960. Có giám mục là những vị kế nghiệp các thánh tông đồ, thì, như đàn ong có ong chúa, Giáo Hội Việt Nam có người lãnh đạo, chỉ đường, truyền sức sống, phát triển năng lực.

Nhờ các Thừa Sai Hải Ngọại Paris, hai giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài đã được thiết lập vào năm 1659. Rồi hôm nay, 2010, đã lớn lên với 26 giáo phận, qui tụ trong 3 tổng giáo phận và đã có 5 hồng y: Trịnh Như Khuê (1899-1978), Trịnh Văn Căn (1921-1990), Phạm Ðình Tụng (1919-2009 ), Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) và Phạm Minh Mẫn (1934- ). Tạ Ơn Chúa ! Cám ơn các Thừa Sai Hải Ngoại Paris !

Paris, ngày 11 tháng 03 năm 2010

Trần Văn Cảnh

--------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú

[1] Le Siège apostolique et les Missions – Textes et Documents pontificaux, 1959: Union missionnaire du clergé; Paris et Lyon; t. 1, tr. 10

[2] Vào năm 1680, cha Louis Laneau đã quyết định lập thêm một cơ sở mới cho chủng viện ở Mahapram, cách Ayuthia chừng hai dậm, lấy tên là « Chủng Viện Các Thánh Thiên Thần », dành cho các chủng sinh bản địa. Còn Chủng Viện Thánh Giuse cũ, vẫn ở nguyên tại chỗ và dành cho các chủng sinh đến từ Âu Châu..

[3] François Perez sẽ chịu chức vào năm 1668, cùng lượt với cha Việt Nam đầu tiên, Giuse Trang. Và sẽ làm giám mục Ðàng Trong từ 1691 đến 1728.

[4] Ðức cha NÉEZ, Hàng giáo sĩ Bắc Kỳ thế kỷ 17 và 18, tr. 35-93

[5] Ibidem, tr. 6-7.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Những đức tính căn bản của Ls Lê thị Công Nhân
Jos. Tú Nạc, NMS
07:40 11/03/2010
Mấy ngày hôm nay đọc báo, nhìn hình, nghe phỏng vấn tôi đã cảm nghiệm một thanh niên Công giáo mà đối với tôi, ở cái tuổi sáu mươi này phải gật gù lẩm bẩm “hậu sinh khả úy”. Không biết tôi nghĩ và nói như vậy có thậm xưng lắm không? Nhưng cứ khách quan nhận xét thì Ls. Lê Thị Công Nhân hội đủ bốn đức tính căn bản Thành-Tín-Trí-Dũngn nơimà một thanh niên Công giáo nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung cần phải tu đức, chiêm nghiệm.

Bất kỳ một quốc gia nào mà thế hệ trẻ chậm bước, quốc gia đó khó tiến triển. Tuổi trẻ là tuổi hăng hái nhất, sôi nổi nhất, năng động và là những bước tiên phong. Nhưng để có những bước tiên phong vững mạnh, đòi hỏi thanh niên phải thể hiện được bốn điều căn bản: Thành-Tín-Trí-Dũng.

Tôi còn nhớ lời trong Bài hát “Thanh niên” (Jeunesse):

“Cái dĩ vãng ganh hờn
Chết gục dưới chân ta,
Và tương lai là của chúng ta.”

(Te passé jaloux
Meurt à nos genoux.
Et l’avenir est la nous.)


Và, trong bài hát này cũng gọi thanh niên là “đóa hoa của nhân loại” (fleur d’humanité), đó là đóa hoa đầy đủ hương và sắc, cũng như người thanh niên đòi hỏi phải có một trình độ văn hóa và nột tư cách đạo đức ngang bằng – Trí và Đức. Chỉ người có trí và đức mới thể hiện một cách đích thực những yếu tố căn bản của THÀNH-TÍN-TRÍ-DŨNG. Ls. Lê Thị Công Nhân – Bốn trong Một.

Chữ “Thành” là gì?

Trong Kinh văn có nói: “Sở vi thành kỳ ý giả, vô tự khi giả” (thành kỳ ý nghĩa là mình chẳng dối mình). Như vậy ta nhận thấy ý nghĩa đầu tiên của chữ Thành là hiểu mình, không tự dối mình. Vậy không tự dối mình là thế nào? – Là làm theo mệnh lệnh của lương tri, đúng thì làm, sai thì bỏ, làm lành, lánh dữ. Điều thiện vốn là căn bản của con người. Không đi ngược với cai căn bản ấy tức là đã thực hiện được chữ Thành.

Ls. Công Nhân luôn thành thật từ lời nói đến việc làm của mình.

Xưa vợ chồng Tăng Tử đi chợ, con khóc đòi đi theo. Vợ Tăng Tử bảo con: “Con ở nhà rồi mẹ đi chợ về làm thịt lợn cho con ăn”. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử bắt lợn mổ. Vợ nói: “Tôi nói đùa con nó đấy thôi!” Thầy bảo: “Không nên nói đùa, không nên nói dối, phải giữ được cái đức thành với con và dạy cho nó ngay từ bây giờ cái đức thành của người quân tử.” Nói rồi thầy đi mổ lợn cho con ăn.

Cứ ngẫm thế mới hiểu được giá trị của chữ Thành. Với người lớn, kẻ nhỏ và bản thân cần phải giữ được lòng thành.

Nhưng muốn giữ được chữ Thành, bên cạnh ta cần phải trau giồi chữ Tín.

Chữ “Tín” là gì?

Tín trước nhất là lòng tin ở mình, ở người. tin mình là biết lượng sức mình, định được chữ thành trong lòng mình để hành động. Có tự tín mới có tự lực, tự cường, tự giải quyết mọi khó khăn trên đường đời.

Tín cũng là giữ đúng lời hứa với mọi người. Một lời đã hứa, dù vật đổi sao dời vẫn không hề thay đổi. Đó là chữ tín.

Tín còn là niềm tin, niềm cậy trong và phó thác vào đấng Tối Cao xét về mặt tín ngưỡng, không bị lay chuyển, lung lạc trước những vinh hoa, bổng lộc hay đàn áp, tù đày vì đức tin có thể chuyển dời được cả núi non.

Như vậy, đức tín và đức thành có nét tương đồng, cùng có nghĩa là giừ điều ngay thẳng, không điêu ngoa, xảo quyết để làm những việc lợi ích cho đời.

Ls. Công Nhân luôn thành tín từ lời nói đến việc làm của mình

Thầy Tử Cống ngày xưa đã nói: “Nhân vô tín bất lập” (người không có tín thì không đứng vững được). Ls. Công nhân do chữ tín và bằng chữ tín đã đứng vững trong hoàn cảnh của mình.

Xưa Duyên Lăng Quí Tử đi xứ nước Tấn có một thanh kiếm quí và sang chơi với vua nước Từ. Vua từ thấy thanh kiếm lấy làm thích lắm, ý muốn xin mà không dám nói. Quí Tử ý muốn cho nhưng ngặt phải lo tròn nhiệm vụ. Khi đi xứ về, vua Từ chết. Quí Tử đưa kiếm cho Tự Quân, Tự Quân không nhận. Ông bèn treo kiếm nơi mộ vua nước Từ. Ngẫm thế, ta mới thấy, chỉ mới hứa nơi lòng mình thôi mà Quí tử cũng không muốn thất hứa với lòng. Quả thật là người trọng chữ tín.

Nhưng thành và tín mà thiếu trí chẳng khác nào người có tâm mà không có mắt.

Chữ “Trí” là gì?

Trí trước tiên là sự thông minh, sáng suốt. Tâm cảm thì trí suy, thấu tình, đạt lý. Người trí nhận thức nhạy bén, xét đoán công việc một cách phân minh, tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng. Có như vậy mới giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, kịp thời, xoay chuyển được tình thế, thu hút mọi người và lãnh đạo muôn dân.

Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc” (người có trí, chẳng có việc gì mê muội). chính vì thế ta mới nói trí là con mắt của tâm vậy.

Ls. Công Nhân thể chữ trí từ lời nói đến việc làm của mình.

Xưa Đào Duy Từ chơi với bọn trẻ. Đánh rơi quả bưởi xuống lỗ sâu, không ai biết cách làm sao để lấy. Nhưng ông đã biết múc nước đổ xuống lỗ, quả bưởi nổi lên và lấy được dễ dàng.

Thần đồng Hạng Thác có lần hỏi Khổng Tử: trên trời có bao nhiêu vì sao thì Ngài bảo hãy nói chuyện dưới đất. Hạng Thác hỏi: dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà? Khổng Tử lại bảo nên nói chuyện trước mắt. Hạng Thác liền hỏi: lông mi có bao nhiêu sợi? Khiến Khổng Tử phải bật cười, khen là “hậu sinh khả úy” (người sinh sau đáng sợ). Trí là vậy ru.

Khổng Tử nói: “Nước mất không biết là bất trí, không liều là bất dũng”. Hai chữ trí và dũng vì thế mà di đôi với nhau.

Chữ “Dũng là gì?

Dũng tự nó là sức mạnh - mạnh thể chất và mạnh tinh thần. Dũng là cái chí khí của con người. Người có cái dũng thì ăn ngay nói thẳng. Thấy việc phải làm thì ra tay hành động; thấy nguy nan thì ra tay cứu vớt. Đó là người dũng. Bởi thế, Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng giả” (Thấy điều nghĩa mà không làm thì không phải là kẻ dũng).

Chính vì thế mà khi Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thẳng thắn mà rằng:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người như thế cũng phi anh hùng.”


Người dũng cũng là người anh hùng vậy, mà người anh hùng phải biết kết hợp cái dũng với thành, tín và trí để làm nện sự việc, giúp ích cho đời.

“Lạy Chúa, xin cho những thanh niên (Công giáo) hôm nay biết ý thức học hành, rèn luyện tư cách và trau giồi tâm hồn họ với những đức tính Thành-Tín-Trí-Dũng để họ có thể giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình; phục vụ Giáo hội cũng như xã hội trên căn bản công bình và bác ái.”

Noi gương Ls. Lê Thị Công Nhân, tuổi trẻ cần phải chăm lo rèn luyện tư cách đạo đức của mình, lấy bốn điều căn bản Thành-Tín-Trí-Dũng làm nền tảng đạo đức của mình – phương châm hành động.
 
Một tổ chức bất vụ lợi về truyền thông mạng: ‘Chúng tôi giúp blogger Việt Nam’
BBC
10:32 11/03/2010
Một tổ chức bất vụ lợi về truyền thông mạng đặt tại Malaysia cho hay nếu blogger tại Việt Nam gặp khó khăn, hãy đến với họ để nhận trợ giúp.

Trung tâm Truyền thông Mạng Đông Nam Á, (South East Asian Center for eMedia, Seacem) cho hay họ có sứ mạng thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trong vùng Đông Nam Á thông qua bảo vệ tự do ngôn luận.

Trao đổi với BBC Việt Ngữ ngày 11/3, ông Sean Ang, Giám đốc điều hành Seacem nó về mục đích hoạt động của tổ chức ông.

Sean Ang: chính kiến, hành động.

BBCMục đích đầu tiên là thúc đẩy quyền tự do bày tỏ chính kiến. Chúng tôi giúp đỡ truyền thông độc lập, huấn luyện cho blogger và các nhà báo công dân. Mục đích thứ hai là theo dõi nhân quyền. Chúng tôi có chế độ theo dõi, cập nhật các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ tại Đông Nam Á. Thứ ba là thúc đẩy dân chủ. Chúng tôi giúp đỡ các nhóm người bị yếu thế, bị cô lập, trợ giúp họ trong chuyện có tiếng nói. Giúp họ bảo vệ: Liệu chính phủ Malaysia có chấp thuận hoạt động của tổ chức ông hay không?

Sean Ang:Chúng là tổ chức từ thiện giúp nâng cao năng lực của công dân, chúng tôi không có gì liên hệ với chính phủ Malaysia. Chúng tôi không có gì chống họ. Chúng tôi giúp đỡ các hội đoàn ở Malaysia, nếu họ có những vấn đề cần trợ giúp trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ hình ảnh. Chúng tôi không thách thức trực tiếp chính phủ.

BBC: Nhưng nếu ông giúp các blogger ở VN phát triển, rồi tránh sự kiểm soát của nhà nước, có thể có lúc nào đó Hà Nội sẽ than phiền với Malaysia rằng ông có hành động phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước?

Sean Ang:Chính phủ Malaysia không thể làm như vậy vì chúng tôi sống trong môi trường tự do hơn Việt Nam. Gần đây Kuala Lumpur hiểu rằng viết blog là một phần của hoạt động con người, giống như ăn ngủ vậy. Ở Malaysia chúng tôi coi blogging là điều cần có trong hoạt động chính trị. Hai năm trước có thể chính phủ Malaysia không nghĩ như vậy. Năm nay họ đã chỉ dẫn một số bộ trưởng làm blog. Và chính phủ Malaysia lẽ ra cần khuyên nhủ chính phủ Việt Nam hãy nói chuyện nhiều hơn với dân, đón nhận ý kiến của họ trong quá trình ra quyết định. Những gì xảy ra ở Malaysia hiện nay là không thể đảo ngược được. Dân biểu, thành viên chính phủ vào mạng internet, mở trang facebook nhằm truyền tải thông điệp tốt hơn đến với người dân.

BBC: Lời khuyên của ông đưa ra là chính phủ Malaysia cần kêu gọi Việt Nam khuyến khích dân chúng viết blog nhiều hơn?

Sean Ang: Không nên ngăn cản người dân blog. Dân biểu, thành viên chính phủ cần viết nhật ký mạng nhiều hơn và khuyến khích người dân góp ý kiến phản hồi, mục đích là đề ra đường hướng cai trị tốt nhất cho quốc gia.

BBC: Một số blogger Việt Nam đã làm như vậy, họ góp ý kiến đối với cách cai trị của chính phủ, nhưng lại bị bắt và bỏ tù?

Sean Ang:Tôi nghĩ ở Việt Nam vẫn còn những chủ đề cấm đoán mà blogger không được đụng tới. Nếu ai đó muốn viết về chuyện môi trường, thu gom rác tại nơi họ sống, tôi không nghĩ chính phủ Hà Nội sẽ khó chịu. Còn khi blogger quảng bá cho các ý tưởng tự do, dân chủ, đa đảng, chính phủ VN sẽ nghĩ người blogger này thách thức quyền lãnh đạo của họ.

BBC: Vậy nhóm blogger nào ở Việt Nam ông muốn giúp đỡ. Người viết về môi trường hay chính trị?

Sean Ang:Chúng tôi nhắm đến các lĩnh vực nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận để trợ giúp. Người ấy có thể viết về chính trị, xã hội, kinh tế, vân vân. Tôi không quyết định chủ đề, hay câu chuyện sẽ blog. Người blogger quyết định chuyện này. Chúng tôi giúp ai đó theo nguyên tắc tự do ngôn luận cần phải giúp.

BBC: Hãy nói cho tôi biết tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng đối với phát triển của một quốc gia?

Sean Ang:Nếu một chế độ chuyên chính không chịu nghe ai cả, người ta sẽ không có ý tưởng hay nhất để điều hành quốc gia. Trong một xã hội mở, nhiều ý kiến sẽ xuất hiện, chúng sẽ cạnh tranh nhau. Ví dụ như chuyện xây đập thủy điện. Sẽ có người hậu thuẫn, người chống đối, hoặc người đưa ra các giải pháp thay thế. Nếu như người ta cho phép các ý kiến này được phát biểu, được trình bày một cách công khai, cuối cùng chúng ta sẽ có ý kiến tốt nhất. Nếu ý tưởng tốt nhất được mang ra thực hiện, chất lượng đời sống của người dân sẽ tốt hơn. Nếu tự do phát biểu bị cấm đoán, một số người điều hành sẽ lợi dụng để kiếm lợi cho bản thân. Khi ấy dân chúng sẽ bị thua thiệt.

BBC: Ông có biết tình hình tự do internet tại Việt Nam hiện nay ra sao không?

Sean Ang:Tôi biết một số người blogger có tiếng trên mạng đã bị bắt. Năm ngoái chính phủ mở cuộc thanh trừng lớn, khoảng trên 10 blogger đã bị bắt và đem ra xét xử. Nhiều người nhận án tù.

BBC: Tổ chức của ông có thể giúp họ bằng cách nào?

Sean Ang: Đối với những người bị bắt rồi tôi không giúp được nhiều. Đối với những ai chưa bị bắt, tôi có thể giúp đỡ họ. Chúng tôi không trực tiếp nói chuyện với họ. Chúng tôi làm việc thông qua các đối tác. Chúng tôi có cách để tìm kiếm đối tác. Blogger sẽ biết cách để liên hệ với chúng tôi và tìm kiếm những lời khuyên bảo. Chúng tôi sẽ cho họ biết kỹ thuật để tránh sự phát hiện của chính phủ, xây dựng các liên minh, tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, đấy là một số biện pháp chúng tôi sẽ giúp đỡ.

(Source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100311_helping_vn_blog.shtml?s)
 
Cuối cùng cơn giông kinh tế khủng hoảng cũng tạt vào mặt cộng sản Tàu
Hà Long
14:41 11/03/2010
Quốc hội cộng sản Tàu đã khai mạc phiên họp thường niên vào thứ sáu, 05/3/2010 tại đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh với 3.000 Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, một quốc hội có nhiều đại biểu nhất thế giới được kéo dài trong 10 ngày.

Trong đại sảnh đường hoành tráng các quan sát viên chỉ thấy một màu duy nhất: màu máu đỏ tươi. Đỏ, đỏ ở khắp mọi nơi: Ngôi sao sáng trên trần nhà, thảm nhà, những lá cờ và màn cửa, băng rôn, tấm hoành phi biểu tượng của thủ đô. Và tiếp theo là các khuôn mặt của 3.000 Đại biểu nghiêm trang lạ thường.

Bục chủ tọa được trang trí xa hoa, trong hai hàng đầu tiên thuộc bộ chính trị, đối diện gần 3.000 đại biểu, một nghị viện lớn nhất thế giới. Hình như họ đang sống trong thời đại đồ đá của chủ nghĩa cộng sản. Nơi đây những người đại diện nhân dân không được phép đưa tay giơ lá phiếu quyết định của chính mình nhưng chỉ phải gật đầu, dân gian gọi là nghị gật. Đúng ra họ chỉ vâng lời gật cho những gì đảng đề ra, hay nói đúng hơn họ dựa vào những điều thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra bản thảo trong ngày đầu tiên của phiên họp quốc hội để giơ tay bỏ phiếu.

Quốc hội đặt trọng tâm vào kinh tế và cải tạo các dự án xã hội để lấy lại cán cân thu nhập trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Cơn giông khủng hoảng đã thổi mạnh vào nước Tàu năm 2009, cho dù mức tăng trưởng tại đây so với thế giới vẫn đứng đầu bảng với 8,7%, nhưng lầu đầu tiên cộng sản Tàu phải thâm hụt kỷ lục về ngân sách quốc gia đến 113 tỷ đôla trong năm 2009. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt tiêu đề trong bài diễn văn: "Đây là năm rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính toàn cầu."

Cộng sản Tàu lo ngại cho mức độ thâm hụt kinh tế cao nhất kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân đã được 60 năm. Thâm hụt ước tính khoảng 2,8 phần trăm của GDP theo mức độ quốc tế chấp nhận là 3%. Đó là nỗi lo to lớn của cộng sản Tàu trong đại hội đảng 2010.

Nguyên nhân chính theo Ôn Gia Bảo là thiếu các nguồn thu nhập của chính phủ do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Lỗi lầm phát xuất từ các khoản tín dụng do nhà nước phân phát rộng rãi đến các doanh nghiệp quốc doanh, trong khi các công ty tư nhân không được để ý đến. Điều này có thể gây ra mất kiểm soát về kinh tế. Ngoài ra nhiều nguồn vốn đã ngấm ngầm chảy vào lĩnh vực bất động sản và làm cho nhà cửa tăng giá lên cao vùn vụt.

Gia tăng hỗ trợ nông dân, cải thiện môi trường và xã hội

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra đường lối cải thiện xã hội của người dân là mục tiêu căn bản của sự phát triển kinh tế. Nâng cao đời sống của người dân để gia tăng kinh tế và tạo ra ổn định xã hội. Với 1,3 tỷ dân, hầu hết thuộc diện nghèo và hàng triệu người tha hương lên sinh sống tại các thành phố với đồng lương rẻ mạc. Đặc biệt trong các vùng nông thôn không thể được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế nhảy vọt của những năm gần đây, mà tự nó chỉ nó thể xảy ra một ít nơi như tại thành phố như Thượng Hải. Một điều hãi hùng cho 230 triệu công nhân di dân chưa có quyền cư trú, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Theo thống kê của năm 2008 cho biết: Thu nhập bình quân đầu người là 1.717 Euro ở thành phố, và 515 Euro ở nông thôn. Đã có hơn 825.000 người ở Tàu với tài sản riêng hơn 10 triệu nhân dân tệ, và 51.000 người với hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 10 triệu Euro)! Một số 145.000 triệu phú và đa triệu phú sống tại thủ đô Bắc Kinh. 45% tổng số dân số sống trong thành phố, và 55% sống ở nông thôn.

Để giải quyết các khoảng cách chênh lệch giàu nghèo to lớn này ông Ôn Gia Bảo đề ra kế hoạch tăng cường chi tiêu cho khu vực nông thôn và các dự án xã hội nhiều hơn ngân sách quốc phòng năm 2010. Ông Bảo tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nông nghiệp, nông dân và các vùng nông thôn" bằng cách hỗ trợ 10 tỷ Euro cho giới nông dân, nghĩa là tăng 12,8%. Đầu tư vào việc cải thiện môi trường tăng 23% với 15,2 tỷ Euro. Chi tiêu cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội, việc làm, nhà ở cho người nghèo tăng 8,8% với 87 tỷ Euro. So với ngân sách quốc phòng được tăng lên 7,5% cho 2,3 triệu bộ đội với 53 tỷ Euro, tuy nhiên cộng sản Tàu vẫn bị chỉ trích về ngân sách quốc phòng không được minh bạch, theo các chuyên gia quốc tế thì bên trong con số chi tiêu cho quốc phòng vẫn vượt lên cao hơn dự định.

Trải dài của lời phát biểu với 36 trang giấy của ông Ôn Gia Bảo người ta nhận ra văn bản của các tuyên bố chính sách dành cho năm ngoái, hầu như các từ ngữ gần giống nhau - một dấu hiệu cho thấy các ưu tiên của Bắc Kinh không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, kinh phí về giáo dục, cho lương hưu trí và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng vùng với sự ưu đãi cho dân số nông thôn sẽ được tăng lên. "Sự phát triển của mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, mà sẽ cung cấp cho người dân tốc độ, an toàn cơ bản và giảm lo lắng của họ", ông Ôn Gia Bảo nói.

Kết thúc ông Ôn Gia Bảo thú nhận: Nền kinh tế Tàu đang đứng trước nguy hiểm, mặc dù có tốc độ tăng trưởng 8,7% cao so với thế giới. Cộng sản tàu không thể chỉ dựa vào sức mạnh xuất khẩu được làm ra từ hàng triệu công nhân sống bằng đồng lương rẻ mạc và dựa vào chính sách đầu tư ồ ạt ra nước ngoài. Ngoài ra ông còn nhắc đến cuộc chiến chống tham nhũng và các thu nhập to lớn của các cán bộ nhà nước chưa được rõ ràng công khai.

10 ngày họp đại biểu quốc hội, các đại biểu phải tập trung nghe báo cáo về ngân sách, các duyệt trình của chính phủ và các cơ quan tư pháp và sau đó đồng loạt gật đầu biểu quyết như một mệnh lệnh.

Hệ thống an ninh kiểm soát rất nghiêm ngặt cho những ngày hội tại Bắc Kinh. Theo tập quán theo dõi gắt gao, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến được đặt trong vòng kiểm soát của công an, tạm gọi là quản thúc tại gia. Nhân vật nổi danh, ông Qi Zhiyong cho biết từ thứ hai 01/3 vừa qua ông không thể rời khỏi căn nhà của ông. Quanh nhà ông công an canh gác ngày đêm. Ông nói: "Nếu tôi muốn ra ngoài, thì phải đi xe của cảnh sát." Ngoài ra, bà Zeng Jinyan, vợ của nhà bất đồng chính kiến Hu Jia đang bị giam tù, cũng bị theo dõi nghiêm ngặt tại nhà.
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân phụ của LM Phêrô Trần Công Minh đã từ trần tại Kontum
GP Kontum
09:20 11/03/2010
CÁO PHÓ

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)

Giáo phận Kontum và Gia Đình trân trọng báo tin:

Ông Cố Antôn TRẦN VĂN TÌNH

Sinh năm 1927, tại Ninh Bình.
Hiện đang ở họ Ninh Hợp, Giáo xứ Ninh Phát, Giáo phận Xuân Lộc.
Đã từ trần vào lúc 20h30’,
ngày 11 tháng 3 năm 2010.
Hưởng thọ 83 tuổi.

Là Thân phụ
của Linh mục Phêrô Trần Công Minh
(Dòng Lazariste),
phụ trách Giáo xứ Kon Gu và giáo xứ Kon Bơbăn, Giáo phận Kontum.
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành
vào lúc 08h30 ngày 15 tháng 3 năm 2010,
tại Nhà thờ Ninh Phát, Giáo phận Xuân Lộc.
An táng tại nghĩa trang Giáo xứ Ninh Phát.
Xin quí vị hiệp ý cầu nguyện cho Ông cố Antôn.

R.I.P


 
Văn Hóa
Bao nhiêu…?
Thanh Thanh
07:51 11/03/2010
Bao nhiêu…?

Bao nhiêu nắng để làm khô một dòng sông?
Bao nhiêu mưa để cuốn trôi một sa mạc?
Bao nhiêu đêm để giết chết một nỗi nhớ?
Bao nhiêu cái hôn để đong đầy một tình yêu?
Bao nhiêu cái nắm tay để xóa bỏ một khoảng cách?
Bao nhiêu lời nói mới làm bạn hiểu tôi?
Bao nhiêu nước mắt để được tha thứ?
Bao nhiêu nụ cười để làm vơi khắc khoải?
Bao nhiêu im lặng để biết ta là của nhau?
Bao nhiêu chờ đợi để đổi lấy lời?
----------
Bao nhiêu việc làm để xong bổn phận đạo hiếu?
Bao nhiêu điều lành để đạt tới thánh thiện?
Bao nhiêu tình nghĩa mới sống chết cho nhau?
Bao nhiêu vật chất để thoả lấp tham vọng?
Bao nhiêu hy vọng để đạt được lý tưởng?
Bao nhiêu yêu thương để khoả lấp bất hạnh?
Bao nhiêu bao dung để chôn vùi hận thù?
Bao nhiêu thứ tha để xoá vơi lỗi lầm?
Bao nhiêu thời gian để đạt tới hoàn thiện?
Bao nhiêu chữ nghĩa để bảo là biết sống?
Bao nhiêu kiến thức để gọi là khôn ngoan?
Bao nhiêu bằng cấp để cho là thông thái?
Bao nhiêu thử thách để làm ta dẻo dai?
Bao nhiêu nghị lực để làm ta can trường?
Bao nhiêu trang giấy để nói hết lời biết ơn?
Bao nhiêu lời ca để diễn tả hết tâm tình tri ân?
Bao nhiêu dòng nhạc để ca hết bài đức mến?
Bao nhiêu bạc tiền để mua được nghĩa tình?
Bao nhiêu châu báu để đổi lấy mẹ cha?
Bao nhiêu, bao nhiêu, tính bằng số, đo bằng thước hay lượng bằng cân?
Bao nhiêu, bao nhiêu là đủ, là vừa, là hài lòng?
Bao nhiêu, bao nhiêu, cái bao nhiêu làm ta mệt mỏi quay cuồng.
Bao nhiêu, bao nhiêu rồi đến bao giờ mới thực sự làm ta hạnh phúc.

(http://niemvuimoi.org)
 
Dòng sông bức tử
Joseph Kim Toan
14:40 11/03/2010
Đâu rồi con sông xanh hiền hòa ngày xưa, những đứa bé lặn ngụp trên sông chơi đùa, đâu rồi dòng sông xanh tắm mát buổi trưa hè. Ký ức đã đi vào dĩ vãng quá xa, bao tuổi thơ đã mất dòng sông. Dòng sông xưa đã qua đời trong ký ức.

Đâu rồi những dòng sông của ca dao, bài hát, câu hò, tiếng vọng. Những câu hát ngày xưa êm đềm quá, dòng sông ngày xưa hai mùa mưa nắng, đem phù sa và tưới gội đồng xanh.

Đâu rồi những đêm thanh gió lặng thả thuyền lướt nhẹ trên sông, nghe tiếng thì thầm con nước chảy, giọt nhẹ nhàng trên mái chèo đưa. Những con sông của một thời dịu hiền như cô gái nhỏ.

Đâu rồi những bạn bè năm ba đứa ngày ngày tắm lội trên sông, đã xa rồi mỗi đứa một phương vì dòng sông không nuôi nổi những chàng trai trẻ lớn lên. Rời xa dòng sông như mất những người bạn thân thiết trong đời.

Buồn quá, dòng sông hôm nay mang đầy rác rưởi, sự tanh hôi của những con người bội bạc, xem dòng sông như dòng chảy xử lý chất thải. Sông ơi, đâu còn nữa dòng chảy xanh mát, đâu còn nữa mùi vị thơm dòng sông mùa lúa mới.

Buồn quá, bên dòng sông chỉ còn những tiếng thét gào của nhà máy, ghe đò, xáng cạp. Trong tiếng thét gào ấy, bao nhiêu nhớt cặn, chất thải đang đổ xuống dòng sông. Còn đâu nữa, màu đỏ máu và đen kịt đã thay dòng, đổi mặt như lòng người phản bội.

Buồn quá, những mái nhà máy, những bãi rác khổng lồ ngày đêm không ngớt đổ vào sông. Rác chảy đầy, mỏi hơi tìm cũng không thấy được cá lội. Xưa dòng sông tưới mát cánh đồng, nay những cánh đồng đổ ra sông bao là chất hóa học.

Buồn quá, bên dòng sông chỉ còn những người già, đám trẻ con. Bao thôn nữ dịu hiền ra phố cho người nước ngoài xem mắt, bao chàng trai lặn ngụp trong tiếng rì rầm, khói bụi nơi nhà máy. Sông như không còn sức sống mang nỗi đoạn trường của những thân già mệt mỏi, rệu rã.

Chảy đi sông ơi! nhưng đâu còn nước nguồn đổ về để chảy. Người ta đã ngăn sông, đắp đập làm thủy điện, làm hồ chứa, còn đâu nước nguồn mà tẩy rửa.

Chảy đi sông ơi! Chỉ còn chảy theo mực thủy triều nước mặn, ngày càng xâm lấn dòng sông nỗi mặn chát chảy vào sâu đất liền.

Chảy đi sông ơi! Mỗi ngày lại đều đặn như thế, những dòng sông đang bị bức tử, để rồi chẳng còn những dòng sông để khóc, chỉ khóc cho con người quá bội bạc với sông.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Xuống Trên Thái Bình Dương
Lm. Trần Cao Tường
13:36 11/03/2010

Chiều Xuống Trên Thái Bình Dương



Ảnh của Cao Tường

Tịnh tâm lại

và nhận ra Ta là Thiên Chúa. (TV. 46:10)

Be still, and know that I am God.

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chung Đường
Dominic Đức Nguyễn
23:24 11/03/2010

CHUNG ĐƯỜNG



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Uớc gì đường mãi mãi dài

Ðể tôi có dịp sánh vai cùng người.

(Trích thơ của Nguyễn Liên Châu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền