Ngày 11-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vị gia trưởng gương mẫu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
00:09 11/03/2009
Gia đình truyền thống của Việt Nam bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống. Trong nếp sống này, ông bà nhận được sự kính trọng và hiếu thảo từ nơi con cháu; vợ chồng yêu thương nhau; cha mẹ là chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho con cái; còn con cái là tương lai và niềm hy vọng của gia đình và xã hội.

Thế nhưng các giá trị quý báu đó đang bị mai một dần, mái ấm gia đình có nguy cơ biến thành nhà trọ, để vợ chồng và con cái nghỉ chân mỗi khi đêm về. Là Kitô hữu và nhất là với tư cách gia trưởng trong gia đình, bạn nghĩ gì về thực trạng này?

Sẽ có nhiều lý do để biện minh, nhưng dù sao đi chăng nữa, người gia trưởng là người có trách nhiệm lớn nhất trong gia đình.

Nhân ngày đại lễ kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cùng nhau học hỏi về đời sống gương mẫu của vị gia trưởng. Ta thấy, thánh nhân là người Do thái đạo đức, giữ luật một cách nhiệm nhặt. Ngài cũng là người chồng, người cha mẫu mực. Nhưng trên hết mọi sự, thánh Giuse đã biết kết hiệp mật thiết với Chúa cả trong đời sống cầu nguyện cũng như đời sống lao động.

1. Thánh Giuse, một mẫu gương cầu nguyện

Cả đời thánh nhân là một lời cầu nguyện liên lỉ. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thực hành. Phúc Âm kể:

+ Khi Đức Mẹ mang thai trước khi về chung sống, chắc chắn lòng Giuse lúc đó rối như tơ vò. Nhưng khi đã nhận ra thánh ý Chúa và biết được Đức Mẹ chịu thai bởi Chúa Thánh Thần, ngay lập tức, Giuse đón nhận Maria về sum họp.

+ Khi được thiên thần báo cho biết vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, tức thì thánh nhân đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập.

+ Rồi khi thiên thần bảo đem Hài Nhi về, ngài liền thi hành ngay.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giusecũng đều chạy đến với Chúa để đón nhận thánh ý của Người. Bầu khí cầu nguyện bao trùm lên cuộc sống của ông và tiếp cho ông một sinh khí: thánh ý Chúa trở nên lương thực của thánh nhân.

2. Thánh Giuse, một mẫu gương lao động

Phúc Âm cho chúng ta biết thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Ngài đã chọn nghề này làm kế sinh nhai và để nuôi sống gia đình Nazareth. Vẫn biết rằng nghề thợ mộc chẳng nhàn hạ chút nào, càng không thể làm giầu được, thế nhưng thánh nhân vẫn làm nghề này với tất cả lòng yêu mến trong suốt thời gian dài (ít là khoảng thời gian Chúa Giêsu sống ẩn dật tại gia đình Nazareth).

Lao động không đơn thuần vì mưu sinh, cao hơn thế, thánh Giuse dùng đó làm phương tiện để nên thánh. Ngài đã thánh hoá công việc, biến lao động thành lời cầu nguyện, biến xưởng mộc thành nguyện đường. Ngài đã khoác cho lao động một ý nghĩa: lao động là để cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và là phương thế để nên thánh. Với mẫu gương này, thánh Giuse đã được Giáo Hội tôn làm quan thầy giới lao động.

Lao động và cầu nguyện là hai thứ không thể tách rời và không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Nếu lao động nuôi sống thân xác, thì cầu nguyện giúp ta gặp gỡ Chúa và nhận ra thánh ý của Người. Thế nhưng việc cầu nguyện và lao động của chúng ta còn mang tính vụ lợi.

+ Xưa thánh Giuse cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa và đón nhận cách mau mắn, thì nay chúng ta cầu nguyện thường để bắt Chúa làm theo ý ta.

+ Xưa thánh Giuse lao động với tất cả lòng yêu mến và dùng nó để nên thánh, thì nay chúng ta lao động một cách chẳng đặng đừng: lao động chỉ vì đồng tiền bát gạo.

3. Bài học áp dụng

3.1 Vậy ngay từ hôm nay, khi bắt tay vào bất cứ công việc gì bạn hãy thử làm với tất cả lòng yêu mến và ý thức đó là phương tiện giúp bạn phục vụ Chúa và tha nhân.

3.2 Và mỗi khi đứng trước một biến cố trong cuộc đời, bạn thử tìm đến Chúa và xin Người chỉ bảo, xem kết quả ra sao?

3.3 Đồng thời bạn hãy tin rẵng xưa kia thánh Giuse đã dùng tài trí, sức lực, lòng dũng cảm và can đảm để bảo vệ gia đình Thánh Gia qua mọi cơn thử thách, thì nay làm sao ngài có thể làm ngơ không cầu bầu trước mặt Chúa cho chúng ta, mỗi khi chúng ta gặp thử thách?

Vâng, ngài thật gần gũi với mọi gia đình của chúng ta, thật xứng đáng là quan thầy mọi gia đình. Vậy mỗi khi gia đình chúng ta gặp thử thách, hãy đến với thánh Giuse.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:20 11/03/2009
KHÁC BIỆT

N2T


Chủ nhân của một khu “công viên thú vị” nói với đại sư chỗ mâu thuẫn của ông ta: khi các con của ông ta vui đùa thoải mái trong công viên, thì ông ta cảm nhận được buồn bả vô hạn.

- “Ông muốn có công viên lại muốn có lạc thú không ?” đại sư hỏi.

- “Cả hai đều muốn.”

Đại sư hết lời để nói.

Sau câu chuyện đó, có người hỏi chuyện ấy tiếp theo thì như thế nào, đại sư dẫn một người lãng tử và nói với địa chủ một câu như sau: “Ông có đất và có tất cả quyền trên đất ấy, nhưng người khác thì được hưởng đất đai.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Khác biệt giữa địa chủ và người làm công là một bên có đất đai và một bên thì không có, nhưng nếu không có người làm công thì đất của địa chủ sẽ trở thành đất hoang hoặc cỏ dại mọc um tùm.

Khác biệt giữa người giữ đạo và người thực hành đạo thì rất rõ ràng, người giữ đạo thì chỉ biết Chúa và Mẹ ở nhà thờ, nhưng người thực hành đạo thì không những biết Chúa và Mẹ ở nhà thờ, mà còn biết Chúa và Mẹ ở nơi tha nhân, và tự nguyện đem Chúa và Mẹ đến cho những người khác bằng cách thực hành lời của Chúa dạy...

Khác biệt giữa người có đức tin và người không có đức tin là: người có đức tin thì có đất nhưng vẫn biết đất đai nhà cửa không phải của mình mà là của người khác sau khi mình chết đi, cho nên họ vui vẻ khi người khác hưởng lợi trên đất đai nhà mình; nhưng người không có đức tin thì coi đất đai nhà cửa mãi mãi là của mình, nên họ rất buồn khi người khác sử dụng đất đai nhà cửa của mình mà tiền thuê không nhiều như của người khác cho thuê, cho nên họ bực bội, nói nặng nói nhẹ, nói xa nói gần để người thuê đất nản chí mà trả đất thuê lại cho họ...

Đừng giỡn chơi khi nói có đức tin và không có đức tin thì cũng thế thôi, không khác gì nhau cả, bởi vì lời nói ấy sẽ phán xét chúng ta trong ngày ra trước tòa phán xét của Chúa đấy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:24 11/03/2009
N2T


105. Anh lúc nào cũng muốn làm giảm bớt mối tranh chấp của người khác, muốn thuyết phục người khác, đó là việc vừa lương thiện vừa tốt; nhưng nhẫn nại, khiêm tốn so với nghiêm khắc tranh chấp phần thắng, thì càng có thể thắng người hơn. Ai mà không biết dùng chút mật ngọt thì có thể bắt được ruồi, so với dùng một thùng giấm thì bắt được nhiều ruồi hơn.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:25 11/03/2009
N2T


50. Tất cả các kết quả trên thế giới đều không viên mãn, cuối cùng nó chỉ là một chuyện viên mãn.

 
Ý kiến độc giả góp ý: về người Linh Mục
Hạnh Nguyên
13:28 11/03/2009
Nhân đọc bài "Giáo dân và linh mục" và " Tình trạng sống hiện nay của các linh mục"; v.v…

Ngày nay, trong xã hội đầy dẫy những điều mà chúng ta không bao giờ ngờ tới.

Có những sự việc xãy ra một cách trật tự và bài bản, nhưng, cũng có những sự việc xãy ra ngoài sự tiên liệu của mọi người.

Vẫn biết Linh Mục là một khái niệm rộng lớn và thánh thiên. Nhưng riêng tôi, đã biết bao lần, tôi vẫn tự hỏi: Linh Mục, người là ai ?

Là người được Giáo hội tín nhiệm, thay mặt Chúa thông ơn, làm cho mọi người thấy được sự liên kết trọn vẹn từ linh mục đến Chúa Kitô và từ linh mục đến con người. Qua bàn tay linh mục, chúng ta tìm được niềm an ủi trong cõi lòng, cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng và thánh thoát.

Trong xã hội, không ít nhiều cách sinh hoạt, xử lý của linh mục đối với giáo dân làm cho họ không thấy thoải mái và việc xử lý có tính áp đặt.

Những lần như vậy, làm tạo khoảng cách và mất đi tính thân mật trong tương quan giữa giáo dân và linh mục. Hình ảnh đẹp của Chúa Kitô mà linh mục muốn giới thiệu cho, vô tình, mất đi vẻ sống động và hoàn hảo.

Với tôi, một giáo dân dưới mức trung bình trong giáo xứ tôi. Tôi cũng từng bị va chạm trong những tình huống mà bản thân tôi không tâm phục khẩu phục. Cũng rất may trong tình huống ấy, tôi đã kịp kìm chế để khỏi bật ra thái độ của mình.

linh mục cũng như bao nhiêu người, họ cũng bằng da, bằng xương, bằng thịt và máu của họ cũng như máu chúng ta thôi. Trong cuộc sống nếu chúng ta có vấp ngã thì linh mục cũng vấp ngã. Ở các linh mục có sự mỏng dòn cũng như pha lê vậy. linh mục như một vật đồ trang sức, rất cần những ngưởi thợ gọt đẻo tôi luyện để trở nên một món đồ đẹp và giá trị.

Xin hiểu các linh mục và thông cảm các linh mục.

Sự cô đơn đi liền với người linh mục suốt cuộc đời. Chỉ một ý nghĩ hay hành động thiếu tích cực sẽ tác động mãnh liệt. Xin được gần gũi để các linh mục không cảm thấy cô đơn. linh mục sống trong sự cô đơn dằng xé của mọi sự cám dổ, đến lúc nhiều khi cảm thấy nhát đảm và thiếu sự trung thành.. ...

Hãy chia sẻ và đồng cảm hơn là chúng ta lên án các linh mục. Hãy để cho các linh mục tìm thấy được sự thoải mái tâm hồn trong cuộc đời tận hiến.

Xin đừng khuấy động tâm hồn các ngài.

Một vài bài viết, một vài ý kiến làm ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống tu trì.

Xem ra, sự cô đơn gắn liền với tính vô cùng nhạy cảm..

Xem ra, vẫn còn rất nhiều ánh mắt khắc khe, đòi hỏi nơi các linh mục.

Nhớ lại, có lần tôi nói đùa vui với Cha phó xứ tôi: "Đầu lễ cha xứ khủng bố, cuối lễ cha phó khủng bố. Sợ quá !". Câu nói này đã được cha xứ tiếp nhận và nhiều lần đưa vào bài giãng với thái độ rất vui vẻ và trọng thị cộng thêm lời xin lỗi nếu mất lòng ai đó. Một câu nói vui, mặc dầu ý nghĩa có như thế nào đi nữa, khi nghe Cha xứ nói, tôi đã phải chạnh lòng....

Viết ra những ý nghĩ trên đây, tôi xin chia sẻ với những người đã từng một lần không được vừa ý về lời nói và hành động của linh mục. Xin hãy tha thứ tính người của linh mục.

Xin cho các linh mục yên tâm làm công việc vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.

Chúng ta hãy nhìn vào 98% những điều tốt đẹp mà các linh mục đã từng làm mà quên đi 2% con số nhỏ bé này.

Với tôi có một điều chắc chắn rằng cho dù ở môi trường nào linh mục cũng chỉ muốn làm điều tốt cho chúng ta mà thôi.

Trên đây là những ý nghĩ thô thiển của một giáo dân-tân tòng. Dĩ nhiên, vẫn cần những mỹ từ, những lời hay ý đẹp. Nhưng cần hơn nữa, vẫn là sự hiểu biết, thông cảm sâu sắc, sự chân thành. Được như vậy, tính cách của người-linh mục thêm phần hoàn thiện.

Một linh mục tầm thường, sống thực tế và biết gần gũi, kịp thời chia sẻ đồng cảm với giáo dân, tôi vẫn thích hơn.
 
Đền thờ được mọc lên trong ba ngày
Jos. Tú Nạc
15:58 11/03/2009
Chúa Nhật 3 Mùa Chay (Exodus 20: 1-17; Psalm 19; 1 Corinthians 1:18, 22-25; John 2:13-25)

Cách đây vài năm, một nhà chính trị bảo thủ ở Hoa Kỳ đã nỗ lực thúc đẩy về việc phô bày Mười Điều Răn Thiên Chúa trong những tòa nhà công cộng ở tiểu bang của ông. Ông đã bị thử thách trong một cuộc phỏng vấn truyền hình về việc đặt tên cho những giới răn này, nhưng phóng viên chỉ nhận được câu trả lời bằng cái nhìn vào khoảng không xa xôi rất ấn tượng của ông. Phóng viên hạ thấp giọng và hỏi ông đặt tên tối thiểu chỉ một điều răn thôi, nhưng nhà chính trị không may mắn này vẫn lặng thinh và bối rối trước cái nhìn không chớp mắt của máy thu hình.

Chúng ta có thể độ lượng và chiếu cố cho hội chứng hoảng loạn và tư tưởng trống rỗng mà nhiều người gặp phải khi đặt ra những câu hỏi một cách đường đột ngay tại chỗ. Nhưng đây vẫn là một vấn đề nổi bật nghiêm trọng: chúng ta nghĩ rằng bằng một hành động thán phục nơi công cộng hoặc tán thành những giá trị thuộc Kinh Thánh nghĩa là chúng ta đã hoàn thành bổn phận của chúng ta.

Một phần của vấn đề là cái mà chúng ta thực sự không cảm nhận ảnh hưởng bởi những giới răn – cuối cùng, ai khiêm cung bái lạy trước những tranh tượng trong ý thức truyền thống? Bao nhiêu người trong chúng ta đã bị buộc tội giết người? chúng ta có thực sự hiểu điều gì mắc lỗi lầm trầm trọng khi chúng ta lạm dụng danh nghĩa của Thiên Chúa? Chúng ta không được sự trợ giúp bởi thực tế mà những giới răn đã biểu đạt bằng những biểu trưng và ngôn ngữ của một nền văn hóa trên 3,000 năm tuổi. Những giới răn này không phải là những điều lỗi thời và vô ích – chúng phải được giải thích và diễn đạt bằng những thuật ngữ trong thế kỷ XXI. Chúng ta vi phạm sự sùng bái thần tượng bất cứ nơi đâu chúng ta đặt bất cứ cái gì khác trước Thiên Chúa và người ta cũng sát nhân bởi tư tưởng và ngôn từ. Và hệ thống kinh tế của chúng ta không chỉ là khuyến khích mà trong ý nghĩa nào đó đòi hỏi dưới một hình thức nào đó của sự thèm muốn và tham lam. Một số điều cấm này – ngoại tình và giết người – là những đề tài nổi cộm trong nhiều hình thức giải trí của chúng ta. Chúng ta cần phải đòi hỏi để những giới răn này sẽ được tron vẹn, tích lũy nếu chúng được dâng hiến trước tiên trong thời đại và nền văn hóa của riêng mình, mặc dù một vài nhận xét méo mó, thiển cận, 10 yêu cầu này không xác định cụ thể. Chúng chỉ biểu thị nền móng căn bản của cộng đồng nhân loại: tôn trọng cuộc sống, những quan hệ tình cảm, và sở hữu cùng trạng thái tuyệt đối đối với Thiên Chúa.

Đế quốc La-mã vào thế kỷ thứ I, dấu chữ thập – một biểu tượng của sự nhu nhược và hổ thẹn – đã được coi như sự kinh dị và ghê tởm. Thật kỳ lạ nhưng rất đỗi thông minh, Paul đã chọn nó như một biểu tượng của sự khôn ngoan và phán xét của Thiên Chúa về mọi yêu sách của loài người. Paul nhấn mạnh rằng biểu tượng của sự yếu đuối này là lời đáp của Thiên Chúa tới một thế giới dựa vào sức mạnh, cạnh tranh và tàn bạo. Bất bạo động, yêu thương, công lý, thứ tha và sự tin cây tuyệt đối vào Thiên Chúa không phải là được tổ chức trong sự kính mến cao cả của hệ thống giá trị trần tục này, trong hình ảnh Chúa Ki-tô bị đóng đinh đã chỉ ra rằng chúng mới biểu thị sức mạnh và sự khôn ngoan đích thực.

Tin Mừng của John đã trình bày đền thờ được quét dọn sạch sẽ tại phần đầu về sự chăm sóc của Chúa Jesus thay vì phần cuối như trong Mathew, Mark và Luke. Và đúng hơn là đôn đốc làm ngôi đền ẩn náu của những tên trộm, Chúa Jesus buộc đổi lại thành đến một nơi buôn bán. Phiên bản của Paul, sử dụng những dẫn chứng khác nhau từ Cựu ước, biểu thị một quan điểm thần học khác. Nhưng có một điểm tương đồng: các đền thờ đang bị chiếm đoạt hoặc lạm dụng. Như đối với mọi tôn giáo; những vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm dễ dàng bị xuyên tạc vì những mục đích vị kỷ loài người. Nhưng đối với John, những vụ rắc rối này chỉ đặt vào tình trạng khó giải quyết mà chính Chúa Jesus phán: phá hủy đền thờ và ta sẽ xây dựng trong ba ngày!

Trong Tin Mừng của John, người dân bình thường hiểu lời tuyên bố như vậy theo thuật ngữ tường minh – ý tại ngôn trung, họ không biết rằng Chúa Jesus đang nói về một cấp độ cao hơn, mang ý nghĩa hàm ẩn – ý tại ngôn ngoại. Người muốn nói chính bản thân Người là Đền thờ - địa điểm mới của sự thiêng liêng cùng một xác thể mà chúng ta trú ngụ. Là một phụ chú, trong 1 Corinthians Paul nhấn mạnh hai lần rằng chúng ta là những đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa được gặp gõ bên trong và con người đã tôn kính như sự sinh ra của Thiên thần Chúa. Nhưng vào thời điểm đó, các Tông đồ không một ai hiểu điều này – câu chuyện này đoan kết với chúng ta rằng nó theo sau sự Phục Sinh mà họ đã am tường lời giáo huấn của Người. điều này mang lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc Tin Mừng đã phát triển như thế nào và được ghi lại.

Chúa Jesus chắc không đơn giản mặc dù nhiều người tin vào Người, Người đã giữ khoảng cách của Người. Người đã nhận thức sâu sắc về sự thay đổi của con người và xu hướng thiếu hiểu biết, ấu trĩ xuyên tạc lời răn dạy của Người. Điều đó không có gì lạ rằng Người đã cáu giận trong câu chuyện này. Chúng ta chỉ có thể tưởng tựợng sự giận dữ và thất vọng của Người vào những gì mà chúng ta đã cư xử với lời răn dạy của Người hơn 2,000 năm qua.

Nguồn: Regis College – School of Theology
 
Quà tặng ân sủng
Phanxicô Xaviê
16:06 11/03/2009

Quà tặng ân sủng



Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ đã trở thành bậc khoa bảng không còn xa lạ với chúng ta. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.

Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa ? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không chịu bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã học xong đại học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.

Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy, đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy từ những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó....xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen Keller hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn ?

Một ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen hai chữ "tình yêu" rồi ôm chầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc và mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là tình yêu thương. Ngôn ngữ của tình yêu là những hành động cụ thể như vậy.

Khi yêu, người ta có nhiều cách biểu lộ tình yêu với người mình yêu. Thiên Chúa cũng có cách biểu lộ tình yêu của Ngài cho nhân loại. Thiên Chúa đã nói lên tình yêu của mình nơi quà tặng là Con Một của Ngài.

Mặc dù dân chúng bất trung, chống đối lại Thiên Chúa bằng việc làm ô uế đền thờ, nhạo báng lại các sứ giả Chúa gửi đến, nhưng Ngài vẫn tỏ lòng từ bi với họ khi giải thoát họ khỏi lưu đày Babylon. Thiên Chúa nhân từ đến độ, tội lỗi làm cho con người phải chết, nhưng Ngài đã cứu sống nhờ Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thương thế gian và ban tặng Con Một Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì được sống đời đời.

Bản văn Tin mừng Ga 3, 14-21 là phần cuối cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô. Qua cuộc đối thoại này, Chúa Giêsu mặc khải Người lá Ánh Sáng từ trời đến, Người được Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại để đem đến cho nhân loại ơn cứu độ bằng việc Người bị treo trên thập giá. Muốn đón nhận ơn cứu độ, thì phải tin vào Người.

Hình ảnh Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc, nói về Chúa Giêsu bị treo trên thập giá mang một ý nghĩa biểu trưng: được nâng lên từ cõi chết để sống lại. Việc so sánh con rắn được Môsê treo lên trong sa mạc còn có ý nghĩa: không phải con rắn đồng cứu dân khỏi thảm họa rắn cắn, nhưng chính vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, được biểu lộ bằng hành động nhìn lên con rắn đồng được treo lên của dân chúng đã cứu thoát họ. Con rắn được treo lên là dấu hiệu của tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại lớn lao đến độ khi cảm nghiệm điều này, Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài trao tặng món quà quý giá vô song là chính Người Con chí ái, là Đức Giêsu Kitô. Đây là một tình yêu trao hiến hoàn toàn, trao hiến chính mình. Chúa Giêsu cũng đã thực hiện trọn vẹn món quà trao hiến này bằng việc tự hiến trên thập giá để cứu độ trần gian. Vì vậy, tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu là vô diều kiện, mời gọi lời đáp trả của con người và từ con người là thái độ tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Thiên Chúa yêu thương ban tặng chính Chúa Giêsu cho nhân loại. Chúa Giêsu yêu thương cũng tặng ban chính Người cho chúng ta, đến lượt mỗi Kitô hữu cũng phải biết sống để trở thành món quà tặng cho nhau, cho thế giới và con người hôm nay.
 
Sám hối
+ GM JB Bùi Tuần
22:11 11/03/2009
Mùa Chay là thời gian kêu gọi sám hối. Kêu gọi này được hưởng ứng nồng nhiệt tại Giáo Hội trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Với kinh nghiệm của một người sám hối đã nhiều mùa chay, tôi xin phép chia sẻ vài điều xác tín trong ăn năn sám hối.

1/ Phải khiêm tốn nhìn nhận điều xấu xuất phát từ bên trong mỗi người

Chúa Giêsu dạy: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra dơ bẩn" (Mc 7,20-23).

Với những lời trên đây, Chúa chỉ cho chúng ta thấy cội rễ sự ác là từ bên trong lòng người. Ma quỷ, thế gian đóng vai trò người cám dỗ. Nhưng những chấp nhận, những chọn lựa là do lòng ta. Vì thế mà ta phải chịu trách nhiệm về những gì lòng ta chọn lựa.

Rất nhiều khi, chúng ta chọn sự ác, là do lòng ta khao khát, chứ chẳng phải do ai xúi giục. Chưa thực hiện bằng hành động, mà chỉ khao khát và nuôi dưỡng đi tìm sự ác trong tư tưởng, cũng là sai rồi.

Vì thế, tội lỗi không phải chỉ là vấn đề của một xã hội, của một hệ thống văn hoá, chính trị hay kinh tế, mà trước hết là vấn đề của lòng người. Phải đổi mới lòng mình, trước khi đòi đổi mới xã hội.

Khiêm tốn nhìn nhận điều đó là yếu tố rất cần trong sám hối.

2/ Phải khiêm tốn nhìn nhận tính cách phức tạp của từng sự xấu

Có những sự xấu trong ta coi như không lớn, nhưng ảnh hưởng lại rất lớn. Thí dụ: tính kiêu ngạo, tính ghen tương.

Không thiếu trường hợp, sự thành công của người này lại là sự xúc phạm đến người kia. Sự ghen tương kiêu ngạo có tài cắt nghĩa xấu một cách thông minh.

Cả khi Thiên Chúa nơi những người ngoài công giáo thực hiện những sự lạ lùng phục vụ tha nhân, cứu nhân độ thế, thì sự kiêu căng ghen tương có thể đóng cửa lòng một số người tin thờ Chúa. Họ tìm cách hạ giá những việc tốt đó. Như thế tính kiêu căng ghen tương dám chỉ trích đến cả lòng tốt lành của Thiên Chúa.

Lòng người ta thực phức tạp. Có những tính xấu thường xuyên chi phối sự phức tạp của nó trên cuộc sống. Chẳng may, nhiều khi chúng ta lại không để ý đến những phức tạp đó trong sám hối.

3/ Phải khiêm tốn nhìn nhận tình hình xấu trong mình ta

Khi nhìn chính mình bị bao phủ bởi những lớp bóng tối; tôi không nên ngạc nhiên, càng không nên kêu trách. Trái lại, tôi dám nghĩ rằng: Những bóng tối đó không những vẫn còn, mà có thể còn phát triển mạnh, như một cánh đồng mênh mông những nỗi đau bất tận.

Nhưng tôi xác tín: Nước Trời là một hạt giống tốt đã được gieo vào thực tế thân tôi, và đã được mọc lên trong thực tế ấy. Thân tôi vốn là cánh đồng có lúa tốt lẫn cỏ xấu. Tôi là nạn nhân của bao sự yếu đuối, lỗi lầm. Nhưng chính trong đêm tối ấy đã đang và sẽ mọc lên ánh sáng vinh quang của Chúa. Chúa có thể rút sự lành ra từ những sự xấu.

4/ Phải khiêm tốn nhìn nhận ơn cứu độ từ Chúa Giêsu trên thánh giá

Trong Phúc Âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã phán những lời rất an ủi về sự Người cứu đoàn chiên của Người.

"Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,11).

"Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,14-15).

Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên là một việc làm tự do, phát xuất từ tình yêu cao cả "Không tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu" (Ga 15,13).

Thánh Gioan tông đồ sau này đã viết trong thư thứ nhất: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha.

"Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta. Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa" (1 Ga 2,1-2).

Phần tôi, tôi hết sức cố gắng không phạm tội. Nhưng tôi vẫn yếu đuối. Tôi luôn thú nhận rằng: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Điều quan trọng của tôi, không phải là vật vã giày vò mình, nhưng là nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá. Chính Người là Đấng yêu thương tôi. Chính Người là Đấng cứu độ tôi. Chính Người là Đấng tha tội và thánh hoá tôi.

Niềm tin đó khiến tôi ca ngợi Chúa. Ca ngợi với lòng biết ơn. Ca ngợi với quyết tâm yêu mến Chúa hơn và sống thuộc về Chúa hơn.

Niềm tin đó khiến tôi cầu nguyện phó thác.

***

Như thế, trong sám hối phải có nhiều khiêm tốn, nhiều niềm tin, nhiều yêu mến, nhiều tạ ơn và nhiều cầu nguyện.

Khi sám hối, nên thực hiện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Hãy nhìn Người. Hãy lắng nghe Người. Hãy nói với Người.

Hãy đặt vào trái tim Người gánh nặng đời ta.

Sám hối như vậy sẽ đổi mới lòng ta. Đổi mới đó sẽ làm cho ta kết hợp chặt chẽ với Chúa Giêsu, như cành với cây. "Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,5).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng Thống Reagan thuyết phục Tổng Bí Thư Gorbachev tin vào Thiên Chúa.
Nguyễn Long Thao
00:14 11/03/2009
Tài liệu lịch sử: Tổng Thống Reagan thuyết phục Tổng Bí Thư Gorbachev tin vào Thiên Chúa.

WASHINGTON 9/03/09. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo cộng sản Nga Mikhail Gorbachev theo đạo Thiên Chúa để kết thúc Chiến Tranh Lạnh.

Đó là nội dung một đoạn trong tác phẩm mới xuất bản gần đây viết về tiểu sử cựu Tổng Thống Ronald Reagan. Tác phẩm có tên là The Rebellion of Ronald Reagan: A History of the Cold War ( Cuộc Kháng Cự của Ronald Reagan: Lịch Sử Chiến Tranh Lạnh). Tác giả quyển sách này là ông James Mann và đoạn văn liên quan đến việc ông Reagan thuyết phục ông Gorbachev tin vào Thiên Chúa đã được tờ The Wall Street Journal, một tờ báo kinh tế tài chánh uy tín nhất thế giới, trích đăng trong ngày 7 tháng 3 năm 2009 tại Hoa Kỳ và được nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới đăng lại.

Tài liệu mà tác giả Mann dùng để viết quyển sách này dựa vào các tài liệu đã được giải mật do hai viên phụ tá hiện diện trong cuộc hội kiến giữa Reagan và Gorbachev ghi chép. Tài liệu hiện đang được lưu trữ tại thư viện Reagan Library tại Semi Valley, California.

Khi ông Reagan thuyết phục ông Gorbachev theo Thiên Chúa Giáo, ông Gorbachev tỏ ra rất ngượng ngùng, không mấy quan tâm và đã cố gắng thay đổi đề tài câu chuyện đang nói.

Tác giả Mann kể rằng ông Reagan đã gặp ông Gorbachev mấy lần trong đó có sự hiện diện của các vị phụ tá cao cấp. Sau đó, có một lần hai ông gặp riêng nhau, không có sự hiện diện của phụ tá nào và chính lần này ông Reagan đã cố gắng thuyết phục ông Gorbachev tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tác giả Mann viết rằng “Đó là một nỗ lực can đảm nhưng trở thành vấn đề vì nó vượt quá sứ mạng của một Tổng Thống Hoa Kỳ”

Cuộc họp thượng đỉnh Reagan –Gorbachev nhằm chấm dứt chiến tranh lạnh đã diễn ra nhiều lần giữa những năm 1985 – 1988. Theo tác giả Mann, TT Reagan nghe thấy Tổng Bí Thư Gorbachev dùng từ ngữ “Xin Chúa chúc lành” (God Bless) để nói với ông và TT Reagan đã thắc mắc ông Gorbachev nói điều đó có phải là biểu lộ niềm tin tôn giáo không?

Tác giả Mann cũng viết rằng khi ông Reagan nêu lên vấn đề Thiên Chúa với ông Gorbachev, ông Reagan cũng hứa với nhà lãnh đạo Sô Viết là sẽ không bao giờ nhận là có cuộc nói chuyện nào về vấn đề này đã diễn ra.

Theo những ghi chép của hai viên trợ tá thì ông Gorbachev đã cho ông Reagan biết là “Chính ông đã được rửa rội nhưng bây giờ ông không phải là một tín đồ và đó là phản ảnh của sự tiến hóa xã hội Sô Viết”

Tổng Thống Hoa Kỳ cũng kể lại với ông Gorbachev về một chuyện của người lính Nga trong Đệ II Thế Chiến: “Giữa đêm người lính nằm dưới hố cá nhân chờ lệnh tấn công. Anh ta không phải là một tín hữu vì anh đã từng được dậy dỗ không có Thiên Chúa. Nhưng khi anh ngước nhìn lên trên trời thấy trăng sao, anh thốt lên lới cầu nguyện rằng nếu đêm nay con chết thì xin Chúa hãy đón nhận con. Lời cầu nguyện đó đã được viết trên giấy và người ta tìm thấy miếng giấy này trên thi thể người lính trẻ Nga chết trong đêm ở mặt trận này”

Ông Mann kể rằng ông Gorbachev đã “cố gắng xoay đề tài sang đề mục hợp tác rộng rãi hơn về vấn đề không gian nhưng Tổng Thống đã không để ông Gorbarchev hướng sang câu chuyện khác.”

Ông Mann viết: ”Theo như tài liệu ghi chép, ông Reagan đã nói với ông Gorbachev rằng không gian là hướng về thiên đàng nhưng nó không gần thiên đàng cho bằng những việc khác hai ông đang thảo luận”.

Tổng Thống Reagan cũng kể cho nhà lãnh đạo Sô Viết biết về chuyện con trai của mình là Ron đã không tin vào Thiên Chúa. Tác giả Mann viết: “Có một việc Tổng Thống Reagan mong mỏi làm với người con trai vô thần của mình là mời anh ta ăn một bữa cơm, để con thưởng thức món ăn và sau đó sẽ hỏi con một câu là con có tin rằng có người đầu bếp không?

Ông Rudolf Perina thời đó là Giám Đốc Sô Viết vụ trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã trả lời cuộc phỏng vấn của tác giả Mann vào năm 2005. Ông cố vấn cho biết: ‘Tổng Thống Reagan tưởng là mình đã có thể thay đổi được ông Gorbachev, hay cũng làm cho ông ta thấy ánh sáng.”

Người thứ hai ghi chép tài liệu trong các cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Reagan –Gorbachev là ông Thomas Simons thì nhận xét việc ông Reagan đề cao tôn giáo như là một chiến thuật nhằm làm lạc hướng ông Gorbachev khỏi những đề tài quan trọng đang được thảo luận.

Việc Tổng Thống Ronald Reagan có dự định cải hoán nhà lãnh đạo ngoại quốc không phải là chuyện chưa từng có.

Tác giả Mann kể rằng chín năm trước thì vị tiền nhiệm của ông Reagan là Tổng Thống Jimmy Carter đã làm sửng sốt các viên phụ tá Tổng Thống khi ông hỏi nhà độc tài Park Chung-hee của Nam Hàn về niềm tin tôn giáo của ông này. Và sau đó Tổng Thống Jimmy Carter đã nói với Tổng Thống Park Chung –hee: “Tôi muốn ông biết về Chúa Kitô”
 
Khâm sứ Tòa Thánh trinh bầy chương trình chuyến đi Do Thái của Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
02:08 11/03/2009

Khâm sứ Tòa Thánh trinh bầy chương trình chuyến đi Do Thái của Đức Thánh Cha



Các biến cố chính gồm có 3 Thánh Lễ cộng cộng

GiÊRUSALEM, ngày 10 tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Hôm nay tại Giêrusalem có buổi họp báo đầu tiên để chính thức trinh bầy chương trinh thăm viếng của Đức Thánh Cha tại Đất Thánh từ 11 đến 15 tháng 5.

Tổng Giám Mục Antonio Franco, khâm sứ Tòa Thánh tại Do Thái, đề cao các thời điểm quan trọng của chuyến đi là 3 Thánh Lễ công cộng, tại Giêrusalem, Bê Lem và Nazareth.

Đức Thánh Cha sẽ ở tại Giêrusalem từ 11 đến 15 tháng 5, ngày 13 ngài sẽ đi Bê Lem, và ngày 14 đi Nazareth. Thánh Lễ tại Nazareth sẽ có một số người rất đông tham dự, vì trùng hợp với sự kết thúc của Năm Gia Đình. Đức Thánh Cha sẽ làm phép một viên đá đầu tiên cho một trung tâm quốc tế được cung hiến cho việc yểm trợ các gia đình.

Đức Thánh Cha cũng sẽ ngưng tại một vài chỗ để cầu nguyện tại Đất Thánh: đầu tiên tại Phòng Tiệc Ly, và cuối cùng tại Mộ Thánh Chúa.

Có những cuộc gặp gỡ đã được hoạch định với tổng thống Do Thái và Palétin, cũng như các buổi họp với các nhà lãnh đạo Do Thái và Hồi giáo tại thánh địạ của cả hai tôn giáo, và một cuộc viếng thăm bảo tàng viện Holocaust Yad Vashem.

Tổng Giám Mục Franco nhấn mạnh mục tiêu trên hết của chuyến đi của Đức Thánh Cha là vấn đề thiêng liêng. Ngài nói Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện và xin ơn hòa bình và hiệp nhất cho Đất Thánh, Miền Trung Đông và toàn thế giới.

Đức khâm sứ khẳng định rằng sẽ có sự hợp tác trọn vẹn giữa chính quyền Do Thái và Palétin, và ghi nhận rằng chính phủ Do Thái đã thỏa thuận dành mọi sự dễ dàng cho Kitô hữu Bê Lem cũng như cho hai xe buýt chở đầy dân từ Gaza tới tham dự các nghi lễ.
 
Tế bào gốc phôi thai dưới nhãn quan xây dựng và nhãn quan phát triển
Vũ Văn An
04:26 11/03/2009
Tế bào gốc phôi thai dưới nhãn quan xây dựng và nhãn quan phát triển

Theo tin của hãng CNA (Hãng Tin Công Giáo) ngày 9 tháng Ba, các nhà lãnh đạo Công Giáo và phò sự sống đã lên tiếng chỉ trích việc ông Obama hủy bỏ các hạn chế của chính phủ liên bang đối với việc sử dụng tế bào gốc để nghiên cứu, cho rằng sự thay đổi này “là một cái tát vào mặt” và đưa ra biện luận cho rằng tiến bộ khoa học không thể nào đi đôi với việc hủy diệt các mạng sống con người đang ở giai đoạn phôi thai.

Hành động của Obama

Hôm thứ Hai vừa qua, ông Obama đã ký hủy bỏ lệnh hành pháp năm 2001 của Tổng Thống George W. Bush từng ngăn cấm không được tài trợ bất cứ cuộc nghiên cứu nào sử dụng tới tế bào gốc của phôi thai được tạo ra sau ngày 9 tháng Tám năm 2001. Ông Paul A. Long, Phó Chủ Tịch phụ trách Chánh Sách Công của Hội Đồng Công Giáo Michigan, nói rằng lệnh hành pháp của tổng thống “đáng tiếc thay đã đặt ý thức hệ và lập trường chính trị lên trên cả các tiến bộ khoa học về trị liệu có giá trị… Hiện đã có vô vàn cuộc nghiên cứu và truyện kể về các bệnh nhân từng được chữa trị, thậm chí chữa khỏi các trạng huống làm suy nhược, nhờ trị liệu pháp dùng tế bào gốc nhưng không nhất thiết phải hủy diệt các phôi thai người, ấy thế mà hôm nay, tổng thống lại ký ban hành pháp lệnh biến mọi công dân Mỹ chịu thuế trở thành người đồng lõa bất đắc dĩ của việc hủy diệt các phôi thai người cho mục đích nghiên cứu thí nghiệm”.

Ông Long cũng trích dẫn lời nhận xét của Tổng Thống Obama đưa ra tại Buổi Cầu Nguyện Toàn Quốc sáng ngày 3 tháng Hai “Không một Thiên Chúa nào lại bỏ qua việc lấy mất sự sống của một con người nhân bản vô tội. Điều ấy, chúng tôi biết rất rõ”. Nhận định về nhận xét ấy của tổng thống, Ông Long cho hay: “điều bất hạnh, là giữa câu công bố sâu sắc ấy và pháp lệnh ngày hôm nay, không có sự nhất quán nào, vì thực ra, hủy bỏ các phôi thai nhân bản chính là lấy mất sự sống của các hữu thể nhân bản vô tội”.

Brian Burch, chủ tịch trang mạng CatholicVote.org, cho hay: “Mọi người Mỹ nên rùng mình” khi nghe công bố việc thay đổi chính sách trên. Ông Burch gọi các hành động mới đây của Tổng Thống Obama là các hành vi ảo thuật chống lại sự sống. Ông đơn cử các vụ việc sau: việc Obama đề cử Thống Đốc Kathleen Sebelius, “một thống đốc phò phá thai hạng nhất trên đất nước này”, làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, động thái của chính phủ trong việc bãi bỏ các khoản luật nhằm bảo vệ lương tâm cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe, và việc ông ta ủng hộ dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Ông Burch cho rằng cuộc nghiên cứu dùng tế bào gốc của phôi thai là “một cuộc nghiên cứu không được chứng nghiệm, một cuộc nghiên cứu không có hứa hẹn gì về phương diện khoa học và thực sự hủy diệt sự sống của trẻ chưa sinh”. Theo ông, các chính sách của Obama khiến những người Công Giáo từng ủng hộ ông làm tổng thống phải xấu hổ, vì các hành động của ông rõ ràng cho thấy ông là tổng thống phò phá thai hạng nhất trong suốt lịch sử của đất nước Hoa Kỳ.

Tony Perkins, chủ tịch Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình, cho hay: chính sách của tổng thống là “một cú tát vào mặt các người Mỹ từng tin vào phẩm giá của mọi sự sống nhân bản…Tôi tin rằng sử dụng sự sống con người, dù là sự sống phôi thai nhỏ bé, để tạo tiến bộ cho khoa học quả là một điều vô đạo đức. Dù, bất hạnh thay, cuộc nghiên cứu như thế có hợp pháp chăng nữa, thì vẫn không nên bắt người chịu thuế phải gánh chịu phí tổn cho những cuộc thử nghiệm đòi phải có việc hủy diệt sự sống con người… Sự thay đổi chính sách của Tổng Thống Obama càng làm ta hết sức bối rối khi đã có sẵn những tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng tế bào gốc người lớn để điều trị các bệnh nhân mà không gây hại hay không hủy hoại các phôi thai nhân bản”. Theo Perkins, dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu là thứ “khoa học nghèo nàn nhất về tế bào gốc”. Ông khuyến cáo nên gia tăng tài trợ cho việc dùng tế bào gốc người lớn để điều trị, vì hiện nay nó đã được dùng rộng rãi để điều trị hơn 70 chứng bệnh và bệnh trạng. Các tiến bộ gần đây trong việc tái thảo chương các tế bào của da người vào các tế bào gốc giống như phôi thai nên được tài trợ vì việc ấy không hủy diệt sự sống và do đó không đi ngược lại đạo đức học.

Chủ tịch tổ chức Phụ Nữ Quan Tâm Tới Hoa Kỳ là Wendy Wright nhấn mạnh tới việc hàng triệu Mỹ kim đã được đổ vào việc dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu tại các nơi như California và Anh. “Kết quả cho thấy một thất bại ê chề vì các tế bào gốc của phôi thai càng ngày càng bị coi như các cục bướu gây tử thương”. Bà nhận xét thêm rằng người ta đã chứng tỏ rằng các phương pháp thay thế cho việc dùng tế bào gốc phôi thai hiện đang “hữu năng, hữu hiệu và thực sự đang chữa trị được nhiều bệnh nhân”.

Jenn Giroux, chủ tịch hội Phụ Nữ Gây Ảnh Hưởng Cho Quốc Gia, nói rằng quyết định (của Obama) là một nhục mạ và xúc phạm tới những ai vốn tin tưởng Hoa Kỳ được xây dựng và duy trì nhờ “văn hóa sự sống”. Sau khi liệt kê nhiều hành động phò phá thai của Obama, Giroux tố cáo rằng hành động mới nhất của ông “khiến người ta có cảm giác như thể cả một đám khói đen dầy đặc đang che phủ đất nước và lính cứu hỏa thì tìm khắp không ra để mà giập tắt ngọn lửa”

Mục sư Patrick J. Mahoney, Giám Đốc Liên Minh Bảo Vệ Kitô Giáo, thì cho hay: việc thay đổi chính sách này cho thấy tổng thống “coi thường công bình xã hội và nhân quyền… Y khoa từng xác nhận rằng phôi thai chính là sự sống nhân bản, bất kể Tổng Thống Obama có thiếu giáo dục hay hiểu biết về vấn đề đó hay không. Trong quá khứ, ông Obama có lần nói rằng ‘mức lương của ông’ không giúp ông biết rõ lúc nào sự sống con người bắt đầu. Tôi muốn đề nghị điều này: như một phần trong kinh phí hàng tỉ mỹ kim của gói kích thích, mức lương của Tổng Thống nên được gia tăng để ông có thể theo đuổi hơn nền giáo dục tráng niên và hiểu được các sự kiện căn bản về sinh học và công bằng xã hội”.

Giống những người trên đây, Mahoney cũng cho rằng việc bãi bỏ hạn chế dùng ngân quĩ liên bang tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai là một cú tát vào mặt những người Hoa Kỳ phò sự sống. Tổng thống Obama một lần nữa đã phá bỏ lời hứa lúc tranh cử là xây dựng sự hợp nhất và nhất trí giữa mọi tầng lớp”.

Cuối cùng Marjorie Dannenfelser, chủ tịch Danh Sách Susan B. Anthony, nhận định rằng: dù Nước Mỹ “đang kinh qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng… Người ta hết sức kinh hoàng khi nghe biết ưu tiên hàng đầu của Tổng Thống Obama là cổ vũ ý niệm cho rằng người chịu thuế Mỹ có nhiệm vụ phải tài trợ cho việc hủy diệt mạng sống nhân bản… Không phải là một trùng hợp khi việc hủy bỏ chính sách này lựa đúng giờ để bảo đảm nhận được tối đa ngân khoản của người chịu thuế. Các Viện Y Tế Quốc Gia đã nhận được 10.4 tỉ Mỹ kim trong Gói Kích Thích của ông Obama. Pháp lệnh hôm nay nhằm hủy bỏ chính sách của Ông Bush để cho phép Tổng Thống đẩy nhanh hàng tỉ bạc của người chịu thuế vào chương trình nghiên cứu tế bào gốc của phôi thai, mà không cần các lợi ích cho công chúng hay tranh cãi của Quốc Hội”.

Tại sao chống phá thai nhưng lại ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi thai

Nhân mùa bầu cử năm ngoái, Hãng Tin Công Giáo (CNA), ngày 9 tháng Chín, có phát đi một bài viết của tiến sĩ Richard Stith bênh vực cho tính nhân bản của bào thai đang phát triển. Vị bác sĩ này khởi đầu bài viết của mình bằng cách nhắc tới một bài báo khác đăng trên tờ New York Times hồi tháng Mười Hai năm 2005 của nhà xã hội học Dalton Conley. Ông này cho rằng: phần đông người Mỹ coi bào thai là một cá thể đang được xây dựng (under construction). Quan điểm phổ quát về một phôi thai và bào thai “đang được xây dựng” chính là chìa khóa để ta hiểu tại sao người tốt vẫn coi luận điểm phò sự sống là phi lý, nếu không thì cũng không hợp lý, chỉ có tính tôn giáo, nhất là khi nói tới việc dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Ý niệm xây dựng cũng giải thích lý do tại sao ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa là John MaCain đã có thể ủng hộ cả hai việc: quyền sống từ lúc tượng thai và dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu.

Chỉ cần nghĩ tới một cái gì đang được xây dựng, như một căn nhà, hay một công trình bác học, hay ta nên lấy thí dụ một chiếc xe đang được lắp ráp. Chiếc xe đó bắt đầu ở đó lúc nào? Đến thời điểm nào trong diễn trình lắp ráp, ta mới có thể nói “Chiếc xe đây rồi”? Một số người trong chúng ta có thể chỉ cần nhìn bề ngoài, cho nên nói rằng: chiếc xe kia rồi, khi thân xe tương đối đã hoàn chỉnh (tương tự như bào thai lúc được 10 tuần chẳng hạn). Một số người khác rất có thể chú ý tới khía cạnh vận hành (functional), cho nên chiếc xe chỉ có khi bộ máy xe đã được lắp ráp (giống như lúc bào thai bắt đầu biết đạp bụng mẹ). Nhiều người khác đợi tới lúc bánh xe được lắp ráp (giống như lúc bào thai có khả năng sống thoát) hay tới tận lúc chiếc quạt của kính chắn gió (nghĩa là lúc có thể sống thoát dưới mưa nắng). Nhưng cũng không thiếu người muốn nói: “Nó không phải là chiếc xe cho tới lúc lăn bánh ở ngoài đường (giống như lúc sinh ra)”. Ý kiến như thế khá dị biệt.

Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ ai cũng phải đồng ý là: không ai bảo chiếc xe đã có đó ngay từ giây phút đầu của dây chuyền lắp ráp, khi con ốc đầu tiên hay con tán đầu tiên được gắn vào hay khi hai hay ba mảnh kim loại được hàn lại với nhau. Các mảnh kim khí hàn lại với nhau hình như chẳng ăn khớp chi với ý niệm của người ta về chiếc xe.

Thiển nghĩ đó chính là phương thức nhiều người dùng để nhìn một phôi thai, giống như chiếc xe tương lai đang nằm ở chỗ khởi đầu của diễn trình xây dựng. Trong các giai đoạn đầu của diễn trình xây dựng ấy, bạn chưa có được một căn nhà, một chiếc xe, một cá thể nhân bản. Không bao giờ bạn có được điều bạn đang chế tạo ngay ở lúc bắt đầu tạo ra nó. Điều ấy không có nghĩa: các ông bạn “duy xây dựng” (constructionist) của chúng ta chống lại sự sống. Họ có thể nghĩ rằng một trẻ thơ chỉ cần được bảo vệ tuyệt đối khi nó được tạo ra một cách hoàn bị. Cho nên, đối với họ, trước thời điểm ấy, phá thai đâu phải là sát nhân.

Điều gì sẽ xẩy ra khi một người duy xây dựng nghe người phò sự sống bảo rằng phôi thai con người cũng có cùng một quyền sống y như mọi hữu thể nhân bản khác? Nhà báo Michael Kinsley, người viết cho tờ Washington Post, đã phát biểu sự ngạc nhiên cùng cực của ông như sau: “Tôi không thể nào chia sẻ được, mà ngay cả dò chừng được, niềm xác tín của người phò sự sống cho rằng cái chấm li ti của kính hiển vi kia, cũng dễ bỏ qua như một viên sỏi, còn sơ khai hơn cả con trùng, lại có cùng một quyền lợi như những người đang đọc bài báo này”.

Bên dưới sự ngạc nhiên của Kinsley, ta thấy có một sự thật sâu sắc. Không có gì chắc chắn về một loại sự vật cho tới khi nó có được hình dạng của loại sự vật ấy, và hình dạng của một sự vật đang được xây dựng thì rõ ràng là chưa có ngay ở lúc khởi đầu của diễn trình xây dựng. Nó chưa có ở đó vì hình dạng kia còn đang được áp đặt từ bên ngoài và những con người hay lực lượng thực hiện việc xây dựng chưa có khả năng tạo khuôn cho vật liệu thô thành cái cuối cùng nó trở thành.

Thành ra, ý niệm xây dựng có một sự ăn có khá đặc biệt đối với cuộc tranh luận về nghiên cứu tế bào gốc phôi thai. Conley nhìn nhận có một thứ phẩm giá đặc thù, ít giá trị nơi một công trình đang diễn tiến (work-in-progress). Thí dụ, nếu ta nghĩ Thiên Chúa đang dấn thân vào việc tạo ra một Evà mới, bằng một chiếc xương và một hơi thở, chắc ta không nỡ hủy diệt công trình đang diễn tiến của Người, chỉ vì lòng kính trọng đối với Người. Như thế, nhiều người chúng ta có thể nghĩ chiếc xe Corvette Tương Lai cũng đã khá đẹp ngay lúc còn đang ở trên dây chuyền lắp ráp, một cái gì đó ta không nên phá hủy, vì nó đang ở trên đường trở thành một cái gì đó mà ta thực sự quan tâm. Nhưng nếu xưởng xe hơi sập tiệm sớm, thì mấy cái mảnh kim loại hàn lại với nhau trên dây chuyền lắp ráp kia chả là cái thá gì; cùng lắm chỉ còn là chất thải có thể tái chế biến mà thôi. Cũng thế, một phôi thai được thụ thai bên ngoài dạ con, mà không một kế hoạch nào được đưa ra để cấy nó giúp nó có khả thể được sinh ra, thì nó đâu có ở trên đường trở thành một cái gì. Do đó, nó có rất ít hay không có chút phẩm giá nào của một công trình đang diễn tiến, và phẩm giá của một công trình đang diễn tiến mới có giá trị đối với Conley và những người nhất trí với quan điểm duy xây dựng của ông ta.

Do đó, những người như John McCain và một số người khác cực lực phản đối ngừa thai, cả ở giai đoạn đầu, mới có lý do để cảm thấy thoải mái bỏ phiếu ủng hộ việc tài trợ cho các chương trình sử dụng phôi thai để nghiên cứu. Hình như theo họ, một bào thai hay phôi thai trong dạ mẹ là một công trình nhân thần vĩ đại đang diễn tiến và do đó không được phá bỏ, dù vừa mới được thụ thai, chỉ vì nó đang trong giai đoạn được xây dựng. Trong khi đó, hàng ngàn phôi thai đang được đông lạnh, do ống nghiệm tạo ra mà các khoa học gia muốn dùng để thí nghiệm thì không ở diễn trình đang được xây dựng, chỉ là những mảnh vụn vứt bỏ sau các cuộc điều trị IVF (thụ thai trong ống nghiệm), nên chúng có thể được tái biến chế mà không cần phải thắc mắc chi.

Phát triển thay vì xây dựng

Dù các giải thích của Conley dựa vào các ẩn dụ xây dựng có sức mạnh rất lớn để người ta hiểu cuộc tranh luận hiện nay về các vấn đề thuộc sự sống, nhưng từ căn bản, nó có tính cách lừa dối liên quan đến bản chất của việc thai nghén. Vì thực ra, thân xác các sinh vật không được xây dựng, dù là do Chúa hay do bất cứ ai. Không hề có người xây dựng hay người chế tạo ở bên ngoài. Sự sống không được chế tạo. Sự sống phát triển.

Trong xây dựng, hình dạng (form) xác định ra thực thể đang được xây dựng chỉ xuất hiện từ từ, như thể được thêm thắt từ bên ngoài. Trong phát triển, hình dạng xác định ra sự sống đang lớn lên (điều mà các truyền thống chính của Kitô giáo gọi là linh hồn) thì vốn ở bên trong nó ngay từ lúc đầu. Nếu việc sản xuất ra chiếc Corvette bị hủy bỏ, hai mảnh kim loại khởi thủy đã được gắn với nhau có thể trở thành khởi điểm cho một cái gì khác, có thể là một loại xe hơi khác, hay một chiếc máy giặt. Nhưng dù bạn có lấy một phôi thai nhân bản ra khỏi dạ mẹ, bạn cũng sẽ không bao giờ có thể triển khai nó thành một con chó con hay một con mèo con.

Các sinh vật không được tạo hình hay xác định từ bên ngoài. Nó tự xác định và tạo hình lấy mình. Hình dạng hay bản chất một sinh vật đã có ở đó từ lúc ban đầu, trong những gien đã được sinh động hóa, và từ cái hình dạng ấy nó bắt đầu tự biểu lộ mình ra ngay từ giây phút đầu của cuộc hiện sinh, trong một tác động qua lại tự định hướng có tính thay đổi hệ di truyền (self-directed epigenetic interaction) với môi trường của nó. Các phôi thai không cần phải được lên khuôn thành một kiểu loại hữu thể. Nó vốn đã là một loại hữu thể nhất định.

Ý niệm phát triển này, một thứ hiện diện liên tục nhưng tiệm tiến xuất hiện của một hữu thể, nằm rất sâu trong chính chúng ta. Sau đây là một điển hình phát triển không có tính sinh vật. Giả thiết ta trở lại với thời kỳ hình ảnh trước lúc có kỹ thuật số và bạn đang có trong tay một máy hình Polaroid và bạn chụp được một tấm hình bạn cho là độc đáo và giá trị, thí dụ tấm hình chụp một con báo đốm phóng ra từ một cánh rừng Mễ Tây Cơ. Con báo đốm bây giờ đã biến mất, nên bạn không có cách chi chụp lại được một tấm hình như vậy nữa, và bạn hết sức trân quí tấm hình ấy. (Ta đang cố gắng làm cho thí dụ này sóng đôi với con người nhân bản, vì ta vốn cho rằng mọi hữu thể nhân bản đều có giá trị độc đáo). Khi bạn kéo tấm phim đó ra và đang chờ “rửa” (phát triển) nó, thì tôi giật mất tấm phim đó khỏi tay bạn và do đó làm hư tấm phim. Khi bạn nổi nóng với tôi, tôi chỉ nói một cách vô tình: “Sao mà khùng quá vậy. Đó chẳng qua chỉ là một tấm giấy dơ bẩn mầu nâu. Tôi không thể tưởng tượng nổi có người lại bận tâm đến thế về một tấm giấy dơ bẩn như vậy”. Thử hỏi bạn có cho tôi là một tên mất trí hay không? Tấm ảnh của bạn đã có ở đấy rồi. Chỉ là chúng ta chưa có dịp nhìn thấy nó mà thôi!

Tại sao có đôi lúc ta thấy quan điệm duy xây dựng xem ra có giá trị, trong khi những lúc khác, quan điểm phát triển xem ra lại nghĩa lý hơn? Thiển nghĩ, xét theo trực giác, quan điểm duy xây dựng có tính cách lôi cuốn, bất cứ khi nào ta đẩy tương lai ra khỏi tâm trí … Bất cứ khi nào phôi thai hay bào thai được mô tả duy nhất bằng những nét hiện hữu biểu kiến hiện tại, thì ta đều rất dễ rơi vào chủ nghĩa duy xây dựng. Thí dụ, nếu ta thoáng chụp được bức hình lúc phôi thai mới chỉ là một quả cầu tế bào tí hon, thì việc tự định hướng đầy sinh động của nó sẽ không ai nhìn thấy. Quả cầu ấy thật bất động, vô lực. Thực thể nào chỉ có các đặc điểm phôi thai làm trạng thái tự nhiên sau cùng của mình quả không có tư cách là một hữu thể nhân bản, cho nên người ta dễ tưởng tượng việc thực thể trong bức ảnh kia không phải là người. Nhận thức khoa học về sinh hoạt nội tại của thực thể ấy vẫn không đủ để vượt qua cảm nghĩ trên, vì khó mà nhận ra một hình dạng chưa ai nhìn thấy.

Tuy nhiên, khi ta nhìn ngược lại thời gian hay dùng tâm trí hình dung ra hình dạng cụ thể sau cùng của một sinh vật, thì quan điểm phát triển lại lôi cuốn hơn, cả về phương diện trực giác. Vì nhờ biết rằng hình ảnh chờ khai triển của máy Polaroid đáng lẽ ra đã trở thành hình con báo đốm, ta nhận ra điều này: gọi nó là “tấm giấy dơ bẩn mầu nâu” quả là không thích đáng chút nào. Nếu bằng cách nào đó ta có được tấm hình cũ của anh bạn Thiện nào đó, chụp lúc anh ta mới được tượng thai trong lòng mẹ, lúc ấy dĩ nhiên anh ta chỉ là một núm tế bào nhỏ, nhưng giờ đây khi khoe anh ta, ta đâu có ngần ngại bảo anh ấy: “ê Thiện, là mày đó!”. Bởi vậy, cách hay nhất để đem quan điểm phát triển ra chống lại cuộc nghiên cứu hủy diệt phôi thai là nói với những người chủ trương ấy rằng: “Mỗi một người trong số bằng hữu của bạn trước đây đều là một phôi thai. Đáng lẽ ra mỗi một phôi thai bị hủy diệt một ngày kia đã trở thành người bạn của bạn rồi”.

Gỡ bỏ và khuyết tật

Sự chống chọi giữa hai quan điểm duy xây dựng và phát triển có thể cũng giúp ta làm sáng tỏ sự hiểu lầm hỗ tương hiện nay liên quan tới an tử, hay chết êm ái (euthanasia). Nếu chiếc Corvette dần dần bị gỡ bỏ hay tháo tung ra, thì tựu chung, nó hết còn danh xưng là một chiếc xe. Nếu bạn được tặng cái thân xe đã bị tháo tung của chiếc Corvette ấy, đã mất máy hay bánh xe, liệu bạn có cảm nghĩ là mình được tặng chiếc xe hay không? Nếu bạn chỉ nhận được chiếc khung xe mà thôi, thì sao? Đã đành, rất có thể những người yêu loại xe Corvette vẫn duy trì được một lòng ‘tôn kính’ đối với cái thân xe ấy, hay một phần khung xe ấy, vì dù sao, nó vốn là thành phần của chiếc Corvette kia, cho nên đối với họ, cố tình quăng bỏ nó đi là điều không đúng. Nhưng việc ấy xem ra không đến nỗi tệ bằng hủy diệt trọn cả chiếc xe. Ta thấy lối suy nghĩ ấy chả có chi sai nếu nói về các sáng chế nhân tạo, như chiếc xe hơi chẳng hạn. Một khi các thành phần cần thiết làm ra chiếc xe ấy đã không còn, thì chính hình dạng của nó không còn và do đó, chiếc xe cũng không còn nữa.

Tuy nhiên, sự sống có khác. Hình dạng (bản chất, danh từ triết học thường gọi là mô thức) của một sinh vật vừa đi trước vừa đi sau (perdures) một cách độc lập đối với dáng vẻ bề ngoài và chức năng của nó. Cái hình dạng đã sinh động hóa kia được gắn sâu vào mọi phần, mọi tế bào bên trong sinh vật ấy (trong hệ DNA đầy sinh động của nó). Bao lâu sinh vật khuyết tật còn là một cái gì đó, nghĩa là bao lâu nó còn duy trì được nó cách nào đó, chứ không trở thành một mớ hỗn độn các món đồ hỗn tạp, nghĩa là bao lâu nó vẫn còn sống, thì nó vẫn là cái nó luôn luôn là từ lúc khởi đầu mới phát triển. Thực vậy, tấm hình làm thí dụ trên đây không hoàn toàn nắm được bản chất sự sống. Tấm hình không tự duy trì được mình. Nếu bạn làm nó trầy sát sau khi đã được “rửa”, đến cố gắng tự làm lành lặn trở lại, nó cũng không làm được. Giống như một thực thể được xây dựng, nó chỉ là sự lắp ráp của nhiều thành tố khác nhau, bên trong không hề có một sức mạnh liên tục tự duy trì lấy hình dạng (hay mô thức) của mình. Vì sinh vật không phải chỉ là sự lắp ráp của nhiều thành tố, nên thực ra ta không thể đơn thuần xây dựng lên nó. Các người có quan điểm duy xây dựng, cả xưa lẫn nay, phải quay qua và đã quay qua quan điểm phát triển vào một thời điểm nào đó của thai kỳ, hay không bao lâu sau thời điểm ấy, để có thể giải thích được sự kiện này: các hữu thể nhân bản sống động quả có một hình dạng (mô thức) sống động và kết hợp bên trong, cho đến ngày họ qua đời.

Người chủ trương gỡ bỏ (deconstructionist) quên khuấy sự thật ấy và chủ trương một cách gây sai lầm rằng người đang trong trạng thái vốn có tên là “liên tục sống như rau cỏ” không còn phải là một hữu thể nhân bản nữa, đã vĩnh viễn đánh mất điều chúng ta vốn cho là đặc thù đối với chủng loại mình. Nhưng sự thật là người như thế không bao giờ đánh mất sức mạnh kết hợp luôn cho thấy tính người của mình, cho đến lúc họ qua đời. Mọi phần trong cơ thể đang hư hại của họ, mọi gien của họ, đều đang sinh động cố gắng tự sửa chữa các hư hao, và nói lên lý lẽ, ý chí và sự nối kết tự nhiên của họ với những người họ vốn yêu thương từ trước đến nay. Họ không bao giờ trở nên một cái gì khác, như rau cỏ chẳng hạn. Chính vì thế, tình trạng của họ bi đát, vì họ có một bản chất người, một bản chất đang hết sức thất vọng. Ta không thấy cái bi đát rau cỏ thực sự, vì con người lúc nào cũng có khả năng biểu lộ cái bản chất bên trong của mình.

Do tai nạn hay tuổi đời, nhiều người chúng ta sẽ trở thành hết còn khả năng phát biểu tốt, hay không còn phát biểu chi được nữa, các lời nói, các lý lẽ, các chọn lựa và tình yêu mà từ khi được tạo hình chúng ta vốn có. Tính người của chúng ta lại một lần nữa trở thành bị che phủ một phần, giống như lúc ta vừa được tượng thai, nhưng nó vẫn còn đó.
 
Nạn trẻ em nô lệ trên thế giới
Linh Tiến Khải
17:05 11/03/2009
Phỏng vấn ông Pierpaolo Romani, giáo sư xã hội học, về nạn trẻ em nô lệ trên thế giới

Ngày 3-3-2009, ”Tổ Chức Phong Trào Trẻ Em” đã triệu tập một đại hội tại Roma với đề tài ”Những người bảo đảm. Ai bảo đảm cho các trẻ em?”

Trong sứ điệp gửi đại hội tổng thống Italia ông Giorgio Napolitano khẳng định rằng: ”Bảo vệ trẻ em là một mục tiêu cần được theo đuổi với sự cương quyết, với sự trợ giúp của các phương tiện sư phạm tối tân và bằng cách hết sức chú ý tới các nhu cầu của trẻ em và người trẻ”.

Ông Renato Schiffani, Chủ tịch Thượng Viện cũng gửi sứ điệp tới hội nghị và nhấn mạnh rằng: ”Đề tài trẻ em và việc bảo vệ chúng phải là trọng tâm của mọi thảo luận về tương lai của xã hội chúng ta, mà không đợi đến lúc sự chú ý được đánh thức bởi các sự kiện thê thảm được báo chí nói tới. Chúng đòi buộc chúng ta phải có các hành động cứng rắn và có phối hợp”.

Trong sứ điệp gửi đại hội ông Gianfranco Fini, Chủ tịch Hạ Viện trích lại phần nhập đề của Tuyên Ngôn Quyền của Trẻ Em được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn hồi năm 1959, khẳng định rằng: ”Một xã hội nhắm mắt làm ngơ trước các hiện tượng bạo lực và khai thác hoặc thảm cảnh của thế giới trẻ vị thành niên là một xã hội không có tương lai”.

Trong bài thuyết trình khai mạc đại hội về việc bảo vệ trẻ em, bà Maria Rita Parsi, chủ tịch Phong Trào Trẻ Em nêu bật rằng ”Thảm cảnh sống của trẻ em hiện nay là một tình trạng khẩn trương, càng ngày càng gia tăng với tốc độ gây lo âu, đồng thời cũng phải buồn lòng ghi nhận sự thờ ơ của thế giới người lớn. Chúng ta không thể đồng lõa với sự bất động và sự thinh lặng đó”.

Ngày 3-3-2009 ông Roberto Maroni, Bộ trưởng Nội Vụ Italia, đã ký thỏa hiệp với nước Nigeria về việc chống lại tệ nạn buôn bán người. Phát biểu trong đại hội lần thứ V của các văn phòng cảnh sát quốc gia và lực lượng cảnh sát quốc tế, diễn ra tại Lyon bên Pháp, ông Maroni đã mạnh mẽ tố cáo nạn buôn bán người như là khâu làm ăn đứng hàng thứ ba của các tổ chức tội phạm quốc tế, sau kỹ nghệ buôn bán ma túy và buôn bán khí giới, và mỗi năm thu vào hàng chục tỷ mỹ kim. Theo ông, đường lối tốt nhất là các thỏa hiệp song phương với các nước, quê hương của các nạn nhân.

Mục đích đầu tiên của kỹ nghệ buôn bán người đó là khai thác tình dục. Ba phần tư các nạn nhân được di chuyển tới các thị trường tình dục. Mục đích thứ hai là để cung cấp công nhân rẻ tiền: một phần năm các nạn nhân sẽ trở thành công nhân nô lệ bất hợp pháp. Đây là hiện tượng thường hằng nhưng ít được nhận diện và do các tổ chức tội phạm quản lý.

Toàn hệ thống buôn bán người này là do các tổ chức tội phạm quốc tế kiểm soát, mặc dù điểm khởi hành là do các tổ chức tội phạm quốc gia hay vùng miền móc nối, với rất nhiều uyển chuyển, thường là dựa trên liên hệ chủng tộc. Riêng trong trường hợp của Italia có sự cộng tác chặt chẽ giữa các tổ chức mafia Italia và các tổ chức mafia ngoại quốc. Để đương đầu với hiện tượng ngày càng gây âu lo này, trong tư cách là quốc gia chủ tịch hội nghị thượng đỉnh của khối G8 vào tháng 5 tới đây tại Roma, Italia sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận để tăng cường sự cộng tác quốc tế. Hiện nay hằng năm có 1,5 triệu phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của tệ nạn buôn bán nô lệ này: nô lệ của kỹ nghệ tình dục cũng như nô lệ lao động.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Pierpaolo Romani, giáo sư xã hội học, về nạn trẻ em nô lệ trên thế giới. Giáo sư Romani đã nhiều lần là cố vấn cho Ủy ban quốc hội chống nạn tội phạm mafia và từ nhiều năm qua cũng đặc trách các hình thức tội phma liên quan tới việc buôn bán người.

Hỏi: Thưa giáo sư Romani, nạn trẻ em nô lệ trên thế giới ngày nay chỉ liên quan tới kỹ nghệ mại dâm hay còn liên quan tới lãnh vực nào khác nữa?

Đáp: Hiện nay trên thế giới không chỉ có cảnh khai thác tình dục trẻ em, mà cũng còn có tệ nạn khai thác sức lao động của trẻ em nữa. Tệ nạn trẻ em nô lệ tình dục và trẻ em lao động thì ai trong chúng ta cũng biết. Nhưng còn có một lãnh vực khai thác nữa đem lại những món tiền lời khổng lồ: đó là tệ nạn các tổ chức tội phạm ma túy dùng trẻ em dưới 14 tuổi cho công tác buôn bán các chất ma túy nữa. Bên cạnh đó còn có nạn khai thác trẻ em cho nghề móc túi và ăn trộm trong các tư gia.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo Bộ Nội Vụ Italia, các trẻ em nước ngoài có nguy cơ rơi vào tay của những kẻ khai thác bóc lột, đặc biệt khi các em không có cha mẹ hay thân nhân người lớn, có đúng thế không?

Đáp: Dĩ nhiên là khi trẻ em chỉ có một mình thì dễ trở thành nạn nhân của các kẻ khai thác bóc lột các em cho nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng cũng không được quên rằng tại Italia có nhiều trẻ em ngoại quốc, vì chính cha mẹ các em, đôi khi vì thiện ý muốn gửi gắm các em để các em có cơ may có được cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhiều khi là do sự giàn xếp với chính các tay anh chị tội phạm, giao các em cho họ để đổi lấy một số tiền. Có các cuộc điều tra cho thấy nhiều trường hợp các trẻ em bị khai thác vì chính cha mẹ các em quyết định bán các em như vậy. Rồi cũng có các cuộc điều tra cho thấy tại một số nước Đông Âu, các tổ chức tội phạm len lỏi vào trong các trung tâm dành cho người di cư.

Hỏi: Như thế nạn buôn bán người là một hiện tượng phổ biến hơn là điều mà người ta vẫn tưởng nghĩ cho tới nay, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Chúng ta hãy nghĩ tới nạn khai thác tình dục các thiếu nữ trẻ người gốc Slave hay người Nigeria thì biết: trong con mắt của đa số người, những kẻ ”gian ác” chỉ là những tay anh chị đầu nậu thuộc tổ chức buôn bán và khai thác phụ nữ và trẻ gái mại dâm, mà người ta không hề nhắc tới các khách hàng tiêu thụ của kỹ nghệ mại dâm. Họ cũng là một khâu của tệ nạn này.

Hỏi: Thưa ông, mới đây Bộ Nội Vụ Italia cũng đã nêu lên nghi vấn cho rằng đàng sau nạn buôn bán trẻ em cũng có một thực trạng ghê sợ hơn nữa: đó là bàn tay của những tay buôn bán cơ phận người. Đây chỉ là một giả thuyết thôi hay là chuyện có thật?

Đáp: Nó có thể là chuyện có thật chứ. Nhiều cuộc điện đàm chứng minh cho thấy các tay buôn người này nói về các nạn nhân như là các đồ vật và coi họ như là các món hàng để mua bán trong chợ, để khai thác và bán lại. Do đó tôi không lấy làm lạ, khi biết là trong các chuyện buôn bán người này có cả việc buôn bán các cơ phận nữa. Tuy nhiên cần phải nói thêm điều này nữa: đó là để lấy thận hay một cơ phận nào đó của nạn nhân, thì không thể đứng mà lấy được, mà cần phải có một toán bác sĩ giải phẫu và các dụng cụ y khoa thích hợp và mắc tiền. Và đây là điều người ta chưa khám phá ra tại Italia này.

Hỏi: Khi chính quyền gửi trả về quê quán một nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, việc trợ giúp có phải là hình thức đáng lựa chọn nhất hay không thưa giáo sư?

Đáp: Đây là một trong các hình thức trợ giúp các người lớn và trẻ em tái hội nhập môi trường gốc của họ, với điều kiện là môi trường đó lành mạnh và không có thành kiến đối với việc tái hội nhập. Cũng có những trường hợp có những người đã được tái hội nhập, nhưng không có các phương tiện để sinh sống và họ đã lại tìm cách trở lại Italia đến 6-7 lần.

Hỏi: Italia mới ký một thỏa hiệp cộng tác với Nigeria, đây là thỏa hiệp thứ 52 với 52 nước khác nhau trên thế giới. Giáo sư có nghĩ rằng các thỏa hiệp này có giúp chống lại tệ nạn buôn bán người hay không?

Đáp: Có chứ. Chúng giúp chống lại tệ nạn buôn bán người cũng y như các nhóm điều tra liên quốc và một loạt các nhân viên mật vụ giúp khám phá ra các tay đầu não của tổ chức này vậy. Nhưng việc chống lại và đàn áp các tổ chức này dọc dài lộ trình của chúng từ các quốc gia gốc tới các nước chuyển tiếp, phải được yểm trợ bởi các đường lối chính trị trợ giúp tái thiết cơ cấu kinh tế và xã hội của các quốc gia gốc, làm sao để người dân có công ăn việc làm ổn định và không cảm thấy cần phải tìm ra nước ngoài sinh sống. Nếu Liên Hiệp Âu châu không đưa ra một chiến thuật chung, thì sẽ luôn mãi là đích tới của hàng triệu người tuyệt vọng, không có sự lựa chọn nào khác là trốn chạy khỏi quê hương của họ để có thể sống còn.

(Avvenire 4-3-2009)
 
Duy trì gia tài lòng tin Kitô và truyền lại cho các thế hệ đến sau
Linh Tiến Khải
17:06 11/03/2009
VATICAN - "Noi gương thánh Bonifacio tiếp nhận Lời Chúa vào trong cuộc sống như điểm tham chiếu nòng cốt và say mê yêu mến Giáo Hội, cảm thấy có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo Hội và tìm sự hiệp nhất chung quanh người kế vị thánh Phêrô”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp 40.000 tín hữu và du khách năm châu sáng thứ tư 11-3-2009 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong các đoàn hành hương cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam thuộc tổng giáo phận Sài Gòn. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh Bonifacio tông đồ của người Đức. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta dừng lại trên gương mặt của một thừa sai lớn thuộc thế kỷ thứ VIII, là người đã phổ biến Kitô giáo tại Trung Âu châu, ngay trên quê hương của tôi: đó là thánh Bonifacio, được lịch sử coi như là ”tông đồ của người Germani”.

Sinh trưởng trong một gia đình anglosaxon vùng Wessex năm 675, người được rửa tội với tên thánh là Winfrido và gia nhập tu viện khi còn rất trẻ vì bị lý tưởng viện tu lôi cuốn. Là người có nhiều khả năng trí thức người trở thành thầy dậy văn phạm Latinh, biên soạn vài thiên khảo luận và sáng tác nhiều bài thơ bằng tiếng Latinh. Được thụ phong Linh Mục khoảng năm 30 tuổi, người cảm thấy ơn gọi tông đồ giữa các dân ngoại trong đại lục. Vùng đất của người đã được các tu sĩ Biển Đức rao giảng Tin Mừng 100 năm trước đó tỏ ra vững vàng trong đức tin và sốt sắng trong tình bác ái, đến độ gửi các thừa sai đi truyền giáo tại vùng trung Âu châu. Năm 716 Winfrido và một vài bạn đến vùng Frisia bên Hòa Lan ngày nay, nhưng đụng độ với lãnh tụ địa phương nên công cuộc truyền giáo thất bại phải trở về nước. Nhưng 2 năm sau người sang Roma để nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Gregorio II và nhận các chỉ dẫn của người. Đức Giáo Hoàng tiếp đón thánh nhân với gương mặt tươi cười và cái nhìn đầy hiền dịu và trong các ngày sau đó đã có các cuộc đối thoại quan trọng với người (Willibaldo, Vita S. Bonifatii, Ed Levison, tr.13-14). Sau cùng sau khi đặt tên cho người là Bonifacio, Đức Giáo Hoàng viết thư chính thức giao cho người sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Germani.

Được sự yểm trợ của Đức Giáo Hoàng củng cố và nâng đỡ thánh Bonifacio dấn thân rao giảng Tin Mừng trong các vùng này, chiến đấu chống lại các thói tôn thờ ngoại giáo và củng cố nền tảng luân lý nhân bản và Kitô. Trong một thư người viết rằng: ”Chúng tôi không phải là chó câm, hay người quan sát lầm lì, cũng không phải là các người làm thuê trốn chạy trước chó sói! Trái lại chúng tôi là các Chủ Chăn canh thức trên đoàn chiên của Chúa Kitô, loan báo ý muốn của Thiên Chúa cho các nhân vật quan trọng cũng như cho thường dân, cho người giầu cũng như kẻ nghèo... trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện” (Epistulae, 3,352,354: MGH). Vì các hoạt động không mệt mỏi, với tài tổ chức và tính tình mềm dẻo và dễ thương, thánh nhân gặt hái rất nhiều thành công tới độ chính Đức Giáo Hoàng Gregorio II đã tấn phong người làm Giám Mục miền này, tức toàn nước Đức.

Ngoài việc rao truyền Tin Mừng cho vùng đất được giao phó, thánh Bonifacio còn trải rộng hoạt động sang cả vùng Gallia tức nước Pháp nữa. Người thận trọng tái lập kỷ luật giáo hội, triệu tập nhiều công nghị, củng cố sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Cả các Giáo Hoàng kế vị cũng rất qúy mến thánh nhân. Đức Gregorio III chỉ định người làm Tổng Giám Mục của tất cả các bộ lạc Đức, gửi dây Pallium cho người và cho người quyền tổ chức hàng giáo phẩm địa phương. Đức Giáo Hoàng Zaccaria tái xác định nhiệm vụ này và ca ngợi dấn thân của thánh Bonifacio. Đức Giáo Hoàng Stefano III vừa mới lên ngôi đã nhận được một bức thư của thánh nhân bầy tỏ tình con thảo.

Ngoài việc truyền giáo và tổ chức Giáo Hội qua việc thành lập các giáo phận và cử hành các Công Nghị, vị Giám Mục lớn lao này còn thành lập các tu viện nam nữ khác nhau để chúng như đèn pha giãi tỏa ánh sáng đức tin và nền văn hóa nhân bản và Kitô trong vùng. Người cho gọi các tu sĩ Biển đức nam nữ từ quê hương của người sang để họ trợ giúp công tác rao truyền Tin Mừng và phổ biến các khoa học nhân văn và nghệ thuật. Người xác tín rằng công tác truyền giáo cũng phải là công tác phổ biến một nền văn hóa nhân bản đích thật. Đặc biệt là tu viện Fulda, được thành lập năm 743, đã trở thành con tim và trung tâm tỏa chiếu tinh thần tu đức và nền văn hóa tôn giáo, nơi các tu sĩ cố gắng nên thánh qua lời cầu nguyện, công việc làm và sự hãm mình, tự đào tạo mình trong việc học hỏi nghiên cứu các môn học thánh và đời, và chuẩn bị trở thành thừa sai cho công tác rao truyền Tin Mừng.

Nhờ thánh Bonifacio và các tu sĩ nam nữ của người, chị em phụ nữ cũng đã góp phần quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Nền văn hóa nhân bản cũng nở hoa: nó không thể tách rời khỏi lòng tin và vén mở vẻ đẹp của lòng tin. Chính thánh Bonifacio cũng đã để lại các tác phẩm trí thức ý nghĩa, trong đó có các thư tín của người gồm các thư mục vụ, các thư chính thức và cá nhân, vén mở cho thấy các sự kiện xã hội, và nhất là tính tình nhân bản phong phú và lòng tin sâu sắc của người. Thánh nhân cũng viết một cuốn văn phạm Latinh và biến nó trở thành dụng cụ phổ biến lòng tin và nền văn hóa. Người ta cũng gán cho ngài một tác phẩm dậy làm thơ và nhiều bài thơ khác cũng như 15 bài giảng.

Mặc dù đã gần 80 tuổi, thánh nhân chuẩn bị cho một cuộc truyền giáo mới: với 50 tu sĩ người trở lại vùng Frisia nơi đã bắt đầu công tác rao giảng Tin Mừng. Như có linh tính báo trước cho biết cái chết gần kề, thánh nhân gứi cho Đức Cha Lullo Giám Mục Mainz và là môn đệ của ngài một bức thư cho biết ngày cuối cùng của người đã gần và khích lệ Đức Cha Lullo xây cho xong nhà thờ chính tòa Fulda và chôn xác ngài trong đó. Ngay mùng 5 tháng 6 năm 754 trong khi thánh nhân bắt đầu dâng thánh lễ tại Dokkum, miền bắc Hòa Lan, thì bị một toán dân ngoại tấn công. Người bình tĩnh tiến về phía họ và cấm các người tùy tùng chiến đấu, vì Kinh Thánh dậy ”không lấy ác đáp trả điều ác, nhưng lấy điều thiện đáp trả lại điều ác. Đây ngày ước mong biết bao đã tới, giờ cuối cùng của chúng ta đã tới: hãy can dảm lên trong Chúa!”. Thánh nhân đã bị các người tấn công đánh chết. Thi hài tử đạo của người được đưa về tu viện Fulda và chôn cất tại đó. Ngài được gọi là người cha của dân tộc Đức vì đã sinh họ ra trong lòng tin.

Sau bao thế kỷ, đâu là sứ điệp mà chúng ta có thể tiếp nhận từ giáo huấn và từ các hoạt động kỳ diệu của vị thừa sai tử đạo lớn lao này? Điều hiển nhiên đầu tiên đối với ai tìm hiểu thánh Bonifacio: đó là tính cách trung tâm của Lời Chúa, được sống và giải thích trong lòng tin của Giáo Hội. Thánh nhân đã sống, rao giảng và làm chứng cho Lời Chúa cho tới chỗ tử đạo. Người say mê Lời Chúa tới độ cảm thấy cấp thiết phái đem Lời Chúa tới cho người khác, cả khi có nguy hiểm tới tính mạng đi nữa. Khi thụ phong Giám Mục, người đã long trọng dấn thân tuyên xưng sự tinh tuyền của lòng tin công giáo. Điểm thứ hai rất quan trọng đó là sự hiệp thông với Tông Tòa như là trung tâm điểm chắc chắn cho công tác truyền giáo của người và như là di chúc của người. Trong một thư viết cho Đức Giáo Hoàng Zaccaria thánh nhân khẳng định rằng người không ngừng mời gọi vâng phục Tông Tòa tất cả những ai muốn ở trong lòng tin công giáo và sự hiệp nhất của Giáo Hội Roma cũng như tất cả những ai lắng nghe và là môn đệ của người trong sứ mệnh Chúa giao phó. Thánh nhân thông truyền tinh thần gắn bó với Người Kế Vị Thánh Phêrô cho các Giáo Hội trong vùng truyền giáo của người, nối liền các nước Anh, Đức và Pháp với Roma, góp phần định đoạt vào việc đặt gốc rễ Kitô cho Âu châu sẽ đâm hoa trái trong các thế kỷ sau đó. Điểm thứ ba đó là sự gặp gỡ giữa nền văn hóa Roma Kitô và nền văn hóa Đức. Người biết rằng nhân bản hóa và truyền giảng Tin Mừng cho nền văn hóa là nhiệm vụ của Giám Mục. Khi thông truyền gia tài các giá trị Kitô, thánh nhân tháp vào các dân tộc Đức một kiểu sống nhân bản hơn, nhờ đó các quyền bất khả xâm phạm của con người được tôn trọng. Như là con của thánh Biển Đức thánh nhân biết kết hiệp lời cầu nguyện với việc làm, bút và cầy.

Chứng tá can đảm của thánh Bonifacio là một lời mời gọi chúng ta tiếp nhận Lời Chúa vào trong cuộc sống như điểm tham chiếu nòng cốt và say mê yêu mến Giáo Hội, cảm thấy có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo Hội và tìm sự hiệp nhất chung quanh người kế vị thánh Phêrô. Đồng thời người nhắc cho chúng ta biết rằng khi phổ biến nền văn hóa, Kitô giáo thăng tiến sự tiến bộ của con người. Chúng ta phải sống xứng đáng với gia tài cao qúy ấy và truyền lại cho các thế hệ đến sau.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
 
Đức giáo hoàng sẽ thăm viếng Đền thờ Hồi giáo Dome of the Rock ở Jerusalem
Phụng Nghi
18:13 11/03/2009
Jerusalem (ANSA) - Khi viếng thăm Thánh Địa vào tháng 5 sắp tới, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ là vị giáo chủ Giáo hội Công giáo Roma đầu tiên bước chân vào một thánh đường Hồi giáo tại Jerusalem.

Đức giám mục Antonio Franco, sứ thần Tòa thánh tại Đất Thánh, nói rằng Đức giáo hoàng sẽ thăm viếng Dome of the Rock, ngôi đền thờ Hồi giáo cổ kính nhất trên thế giới, xây dựng từ hồi thế kỷ thứ 7; trong ngôi đền này có tảng đá tương truyền Tiên tri Muhamed đã để lại vết chân của ông khi được thiên sứ Gabriel đưa về trời.
Dome of the Rock


Giám mục Franco nói thêm: “Cuộc viếng thăm Dome of the Rock đã được thỏa thuận trên nguyên tắc, và tháp tùng Đức giáo hoàng sẽ có Đại Giáo trưởng (Grand Mufti) của Jerusalem và các nhân vật Hồi giáo khác. Giám mục cũng bác bỏ các bản tin nói rằng ĐGH cũng có thể viếng thăm Đền al-Aqsa gần đó, nói rằng cuộc viếng thăm như thế “chưa được đề cập tới.”
Tảng đá ghi vết chân của Muhamed


Sáng hôm thứ Ba vừa qua, linh mục Pierbattista Pizzaballa, Quản trị viên Đất Thánh, cho thông tấn xã SIR của Hội đồng giám mục Ý biết rằng Đức giáo hoàng sẽ đến al-Aqsa, “nhưng cho đến nay chúng tôi chưa biết chắc chắn ngài có thể đi vào ngôi đền này hay không.” Năm 2000, vị tiền nhiệm của ngài là ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm Temple Mount nơi có hai ngôi đền Dome of the Rock và al-Aqsa, nhưng không bước chân vào ngôi đền nào cả. Báo Jerusalem Post hôm thứ Ba dựa vào các nguồn tin của giáo hội loan báo rằng mục đích chính yếu của Đức giáo hoàng khi đến Thánh Địa là để “cầu nguyện.”
Đền al-Aqsa


Hôm Chủ nhật vừa qua, Đức giáo hoàng xác nhận là ngài sẽ du hành sang vùng Đất Thánh, cùng với những trạm dừng chân tại Jordan và Israel. Trong cuộc viếng thăm từ ngày 8 đến 15 tháng 5, với cương vị là quốc trưởng và giáo chủ Giáo hội, ngài sẽ hội kiến với quốc vương Abdullah nước Jordan, thủ tướng Shimon Peres nước Israel, và chủ tịch thẩm quyền Palestine là Mahmoud Abbas. Đức giáo hoàng cũng sẽ cử hành thánh lễ tại Amman, Jerusalem, Bethlehem và Nazareth.

Theo tin của báo Jerusalem Post, trong thời gian ở Israel, Đức giáo hoàng sẽ thăm viếng đài tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Yad Vashem, nhưng cũng như Gioan Phaolô II trước đây, ngài sẽ không đi vào viện bảo tàng, nơi có treo bức ảnh Đức giáo hoàng Piô XII với lời phụ chú phê phán giáo hoàng này đã không cứu giúp người Do thái khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã. Tòa thánh Vatican bác bỏ luận điệu đó, và vấn đề này vẫn còn là một điều không ổn định trong mối liên lạc giữa Israel và Roma, đặc biệt là khi có những nỗ lực muốn tuyên thánh cho Đức Piô XII.

Tòa thánh Vatican và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1994 dưới triều đại của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.
 
Tín Hữu được mời gọi bắt chước Đức Thánh Cha và tôn thờ Thánh Thể
Bùi Hữu Thư
22:03 11/03/2009

Tín Hữu được mời gọi bắt chước Đức Thánh Cha và tôn thờ Thánh Thể



VATICAN ngày 10 tháng 3, 2009 2009
(Zenit.org).- Một giới chức Tòa Thánh nói, trong thời đại tục hóa này, người Công Giáo nên bắt chước gương Đức Thánh Cha Benedict XVI và phục hồi việc tôn thờ Thánh Thể. Đức Hồng Y Antonio Cañizares, trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích đã tuyên bố với đài phát thanh Vatican, khi ngài nói về phiên họp khoáng đại của tổng bộ trong tuần này.

Ngài giải thích "Phụng tự trên hết là thờ phượng, Giáo Hội là công trinh của Thiên Chúa, là hoạt động của Thiên Chúa: đó là nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm cho con người. Và việc thờ phượng được diễn tả trong phụng vụ, đặc biệt trong Phép Thánh Thể, là việc công nhận rằng tất cả mọi sự đều được Thiên Chúa trao ban, và tất cả mọi sự trực thuộc chúng ta phải tìm được Chúa."

Đức Hồng Y tuyên bố, chính trong khuôn khổ của việc tục hóa, trong đó có một khuynh hướng là “quên lãng Thiên Chúa, và coi Người không quan trọng cho đời sống,” điều thích nghi là “phải khẳng định rằng Thiên Chúa là ưu tiên số một. Đây chính là điều sẽ thay đổi đời sống của mọi Kitô hữu và của Giáo Hội.” Khi Giáo Hội “quên rằng Thiên Chúa là trung tâm của mọi sự, thì Giáo Hội chỉ còn là một tổ chức của con người."
 
Top Stories
VIETNAM: Le harcèlement policier continue à l’encontre du cabinet de l’avocat des catholiques de Hanoi, lesquels organisent des veillées de prière pour leur défenseur
Eglises d'Asie
14:47 11/03/2009
La Sécurité de l’arrondissement de Go Vâp, à Hô Chi Minh-Ville, continue de harceler l’avocat des catholiques de Thai Ha, ainsi que ses collaborateurs travaillant à son cabinet Phap Quyên de Saigon. Ce 11 mars, l’un d’eux, l’avocat Nguyên Quôc Dat, a été empêché de prendre l’avion à Tân Son Nhat et emmené de force au siège de la Sécurité de l’arrondissement. A la demande de Me Lê Trân Luât, il s’apprêtait à se rendre sur l’île de Phu Quôc, dans le sud-ouest du pays, pour y régler une affaire traitée par le cabinet. Au même moment, des convocations différentes appelaient Me Luat et son assistante, Mme Ta Phong Tân, pour interrogatoire (« séance de travail ») dans ces mêmes locaux. Le cabinet d’avocats est donc resté vide. Le 3 mars, une opération similaire avait empêché Me Luat de prendre l’avion pour Hanoi afin de défendre ses clients (1).

Lors d’un des rendez-vous précédents avec la Sécurité, un haut responsable s’était exprimé sans fard: le défenseur des catholiques de Hanoi ne devait plus se rendre à la capitale pour y assister ses clients, condamnés le 8 décembre dernier par un tribunal de première instance et auteurs d’une plainte contre les médias officiels pour information erronée. A l’avocat qui répliquait qu’il faudrait bien qu’il se rende à Hanoi le jour du procès en appel de ses clients puisqu’il était reconnu officiellement comme leur avocat, l’officier de police a déclaré que, ce jour-là, la police ne ferait pas obstacle à son départ. Mais, en attendant, il devrait s’abstenir de tout voyage à la capitale.

Le site Internet de la paroisse de Thai Ha, qui a mis en ligne cette information (2), souligne que c’est la première fois que la police vietnamienne intervient ainsi dans les affaires d’un cabinet d’avocat. En tout cas, cette série d’actions policières (perquisition policière du cabinet le 27 février, arrestation de Me Luât à l’aéroport le 3 mars) a provoqué une grande émotion dans les milieux catholiques du Vietnam du Nord et particulièrement dans la paroisse de Thai Ha. Les témoignages de soutien et de sympathie se sont multipliés. Un prêtre de la paroisse a déclaré: « L’ensemble de paroissiens s’est irrité et a été scandalisé par les violations de la loi commise par les autorités. L’avocat était en chemin pour venir nous porter assistance. Il en a été empêché par les autorités qui ne le voulaient pas. Elles ont violé la loi et méprisé la justice par crainte de la vérité. »

Le 7 mars, l’église de Notre-Dame du Perpétuel secours à Thai Ha était bondée de fidèles lors des deux séances de prière organisées, l’une dans l’après-midi, l’autre dans la soirée, aux intentions de l’avocat et de ses collaborateurs. Le P. Nguyên Van Khai, qui présidait la veillée aux flambeaux du 7 mars, a ainsi présenté les intentions de prière: « Nous avons le devoir de prier pour lui car il a assisté les fidèles de notre paroisse. Ainsi, lorsqu’il est détenu provisoirement par les forces de l’ordre et qu’il subit des représailles, il nous est impossible de garder le silence ! » (3).

(1) Voir dépêche diffusée le 3 mars 2009.
(2) Ces informations ont été mises en ligne le 11 mars 2009 sur le site de la paroisse de Thai Ha.
(3) Cette déclaration ainsi que celles qui suivent ont été recueillies par Radio Free Asia, émissions en vietnamien, le 10 mars 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 11 mars 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tường trình về ngày Đại hội của Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ (AIV) tại Dallas, TX
Nhật Tùng
13:38 11/03/2009
Gia Đình Lai Mỹ Việt Tiếng Nói Độc Lập Tại Hoa Kỳ
Amerasian Independent Voice of America
http://aivofamerica.org
Live as if you were to die tomorrow
Learn as if you were to live forever
(Gandhi)


Tường trình sinh hoạt Tối thứ Sáu, ngày 27/2/2009

Đại diện anh chị em Lai chúng tôi từ các tiểu bang xa đã kéo về Dallas, Texas để chuẩn bị cho ngày Đại hội vào sáng sớm hôm sau. Khi tôi về đến trụ sở văn phòng của AIV, anh em trong Board of Directors đã có mặt đầy đủ. Nơi đây là trụ sở chính, là căn cứ của Gia Đình Lai Mỹ Việt - AIV tại Hoa Kỳ và cũng là tư gia của anh chị Nguyễn Hoàng Huy Đức mà vợ chồng anh đã dành một căn phòng thật rộng rãi và khang trang để ACE có nơi làm việc.

Có lẽ, từ Washington State, tôi là người về đến Dallas trễ nhất. Gần hai mươi ACE đã có mặt và khi tôi vừa bước vào thì tất cả bắt đầu ngay giờ họp. Dù đây là lần đầu tiên gặp gỡ của nhiều anh chị em nhưng bầu không khí của cuộc họp thật rất thân tình. Đặc biệt, buổi họp Board của AIV thêm phần long trọng và nghiêm túc với sự có mặt của bà Catherine Karnow –Photographer của tờ Smithsonian Magazine. Bà đã ghi lại tất cả những hình ảnh của suốt buổi tối này.

Tất cả những thảo luận, những phương hướng hoạt động cũng như điều lệ của AIV được thông qua lần cuối trước ngày Đại hôi. Những sự phân công và chuẩn bị cho ngày hôm sau là phần kết thúc cho buổi họp sau gần 3 giờ đồng hồ. Các anh chị em quây quần bên nhau sau đó với bữa ăn tối thật vui vẻ và ấm cúng. Không còn những gương mặt nghiêm chỉnh của giờ họp hội nữa, giờ đây đúng nghĩa là không khí của một “gia đình AIV” với những câu đùa vui, những món ăn thật “chu đáo” đã được chuẩn bị sẵn bởi các ACE Lai tại Dallas để chào đón các ACE từ phương xa hội về. Chúng tôi phải tạm chia tay và ai nấy về nơi nghỉ lưng của mình khi đã gần 3 giờ sáng.

Sáng thứ Bảy, ngày 28/2/2009

Tuy trời Dallas gió mạnh và lạnh đột ngột sau hai ngày nắng nóng trước đó, tại trụ sở của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas đã có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Tôn giáo, các Hội đoàn, đại diện của cộng đồng hai thành phố Dallas và Fort Worth, thân hữu cùng nhiều gia đình ACE Lai. Đúng 10 giờ, chúng tôi bắt đầu buổi Lễ Vinh Danh Các Người Mẹ đã sinh thành những ACE mang hai dòng máu. Đồng thời, nghi thức Lễ Nhậm Chức của Tân Ban Chấp Hành Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ - Amerasian Independent Voice of America cho nhiệm kỳ 2 năm 2009-2011 cũng là một phần của chương trình Đại hội.

Buổi lễ thật trang nghiêm với khói hương nghi ngút mà các ACE Lai đốt lên để tưởng nhớ và vinh danh những người Mẹ đã qua đời. Bài tâm tình cùng những lời thơ của chị Amy Nga Nguyễn nói lên sự hy sinh của Mẹ và tấm lòng của những người con Lai đối với Mẹ mình đã làm cả hội trường lặng đi trong niềm xúc động. Theo từng lời của chị Nga, Nhật Tùng đã nhìn thấy những dòng lệ tuôn tràn trên nhiều khuôn mặt của ACE Lai và các cháu thế hệ thứ hai.

Trong nghi thức Nhậm Chức, đứng trước bàn thờ vinh danh các người Mẹ của những đứa con mang hai dòng máu, cùng với sự chứng kiến của tất cả quý quan khách và ACE Lai, toàn thể anh chị em trong Board đã nghiêm trang đọc lời tuyên hứa với tổ chức để cùng nhau làm việc đúng với phương châm của AIV.

Sau đó, anh Huy Đức lên trình bày về vấn đề tổng vận động cho dự luật H.R 4007 vào mùa Hè năm 2009. Một dự luật, nếu được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận, sẽ giúp cho tất cả ACE Lai được nhận quốc tịch Hoa Kỳ miễn thi. Tiếp theo đó, chị Nguyệt Lâm lên trình bày về vấn đề của các ACE Lai hiện còn kẹt tại Việt Nam để chúng ta làm cách nào giúp cho họ được trở về quê Cha. Cuối cùng, Nhật Tùng kết thúc buổi lễ với lời cảm tạ đến tất cả quý vị đã có mặt. Khoảng 12:00 trưa, mọi người đã có bữa cơm thân mật với nhau. Lúc này, cả hội trường trở nên rộn rã với những tiếng cười, những câu chào hỏi, chia sẻ, hàn huyên tâm sự, hay kể lại chuyện xưa.

Thật thú vị, bà Catherine Karnow gặp lại anh Jim, một người mà bà đã phỏng vấn anh và gia đình 20 năm về trước tại Việt Nam. Bà Catherine đã cố công tìm anh bấy lâu nay nhưng không được, giờ lại gặp nhau qua Đại hội của AIV. Đặc biệt, bác Đàm Trung Thao - cựu Giảng viên của trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt - cũng đã đến tham dự rồi trao lại hết những hình ảnh và giấy tờ của những ACE Lai được bác giúp trong những ngày đầu tiên khi mà chương trình Amerasian Homecoming Act hình thành. Dĩ nhiên, bác có tâm sự và kể lại rất nhiều kỷ niệm vui buồn về thời gian bác làm việc với ACE Lai. Bác nói: “Giờ đây, các cháu đã tự đứng lên thành lập hội, nên bác đến trao lại hết những hình ảnh và giấy tờ bác đã lưu giữ bấy lâu nay”.

Chương trình dạ tiệc dạ vũ “Lời Ca Dâng Mẹ”

Chiều tối ngày 28/2/2009 tại nhà hàng Quốc Hương, dù tiết trời lạnh buốt bất ngờ tràn về Dallas, cộng thêm những cơn gió giật mạnh có lúc lên tới 20-30 dặm/giờ đến rát mặt, và trong đêm nhiệt độ xuống còn có 29oF nhưng cũng không làm cho chúng tôi bận tâm. Ngược lại, chúng tôi thật vô cùng ấm lòng khi số ACE đến ngày càng đông. Số bàn tiệc phải bất ngờ kê thêm 10 bàn và nhà hàng đã không còn chỗ để có thể tăng thêm nữa. Chúng tôi buộc lòng phải đóng cửa lại vì không muốn khách vào dự lại không có chỗ ngồi. Thật xúc động khi có một số ACE Lai đã nói “Để chúng tôi vào đứng cũng được, chúng tôi đến để ủng hộ tinh thần cho anh chị em Lai mình” và nhất quyết trả full $40 để chỉ… đứng! Và đương nhiên, toàn thể ACE trong ban tổ chức đều phải đứng hết để nhường chỗ cho khách đến tham dự. Chúng tôi càng xúc động hơn khi biết rằng có một số các ACE Lai từ phương xa đến thăm Dallas, tình cờ nghe được thông tin về ngày Đại hội, các ACE đã ở nán lại và cùng góp mặt trong đêm này.

Từ trên sân khấu lướt nhìn xuống, chúng tôi thật hãnh diện và tự hào cho ngày Đại Hội Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ - Amerasian Independent Voice of America diễn ra tại thành phố Dallas, Texas này. Đại hội đã do chính những ACE Lai chúng tôi đứng ra tổ chức mà không cần đến bất cứ sự “dìu dắt” của một vị “cố vấn” nào. Ngày Đại hội và Vinh danh Mẹ của ACE Lai đã thành công ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, dù đây là nơi đã từng trải qua vô số khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt trên mọi thử thách với bao sóng gió đó. Cả nhà hàng chật kín người, trong con số khoảng chừng 350 người tham dự, có đến chín mươi phần trăm là ACE Lai. Chúng tôi thấm thía với sáu chữ mà gia đình AIV đã làm đúng, đó là: “Bởi Lai, Cho Lai và Vì Lai”; và chúng tôi cũng nhớ đến lời của vị Tổng Thống vừa mới nhậm chức rằng: “Yes We Can”!!!

Họp mặt nào rồi cũng phải chia tay, buổi dạ tiệc dạ vũ kết thúc vào lúc nửa đêm. Các ACE Lai ra về trong niềm vui của hạnh ngộ với nhiều sự gặp gỡ bất ngờ và thú vị. ACE trong ban tổ chức vẫn còn lưu luyến không muốn chia xa “sao thời gian trôi đi mau quá?!” nên một lần nữa lại kéo về trụ sở chính của AIV là nhà anh Huy Đức. Để rồi gần như là thức trắng đêm, nhìn lại những gì trong ngày, để hiểu nhau hơn, và để cảm nhận hơn hai chữ “Tình Lai”.

Bên lề Đại Hội

Sáng Chủ Nhật hôm sau tại Saigon Mall, ACE trong ban tổ chức AIV hợp nhau lại lần nữa với bữa điểm tâm cuối ở Dallas để chia tay trước khi ai nấy về lại tiểu bang mình cư ngụ. Dẫu biết rằng cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, nhưng chúng tôi không thể thoát khỏi giây phút chạnh lòng trước giờ rời xa ấy. Chỉ đôi ngày ngắn ngủi, nhưng tình đệ huynh của Gia đình Lai Mỹ Việt như được thắt chặt hơn…

Ngậm ngùi trong phút chia tay nơi phi trường, tôi quay đi mà lòng chùn xuống như vừa để lại sau lưng một điều gì thật quý báu với bao niềm luyến tiếc. Sợi dây vô hình của tình anh em mang hai dòng máu như nhau đã cột tim tôi vào ánh mắt, vào tiếng cười của các ACE và các cháu. Máy bay cất cánh, nhìn lại thành phố Dallas lần cuối, tôi thầm mong và hẹn gặp lại ACE Lai chúng ta càng sớm càng tốt. Chợt nhớ đến cái hẹn của ngày Father’s Day tại Washington DC vào 21 tháng Sáu tới đây, lòng tôi phần nào vơi đi chút ưu buồn và tự an ủi rằng “chỉ ba tháng thôi, đâu có lâu…”!!!

Trước và trong thời gian Đại hội cũng như những ngày sau này, nếu có người băn khoăn đặt câu hỏi rằng tại sao ACE Lai không đoàn kết để đứng dưới một tên gọi mà thôi, sao lại có thêm một gia đình với tên gọi khác? Thì đây là câu trả lời thật đơn giản nhất: “Ngày 22/9/2007 đã có người trong cương vị “cố vấn” đứng trên sân khấu nói “I dare you” để thách thức ACE Lai chúng ta đoàn kết thành một Gia Đình Mỹ Việt-AFA, rồi sau đó dùng ACE Lai như những công cụ đi đánh bóng tên tuổi cho chính cá nhân họ khắp nơi và đã tạo nên sự ngộ nhận rằng họ là những vị ân nhân của ACE Lai, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Khi lẽ ra chính ACE Lai tại Hoa Kỳ phải toàn tâm toàn lực tự đứng lên lo cho ACE Lai còn đang bị bỏ rơi tại Việt Nam, thì ngược lại làm cho họ thêm mòn mỏi chờ đợi từng ngày từng giờ trong suốt gần hai năm qua. Chính điều này đã tạo nên sự chia rẽ về quan điểm và làm sai lạc đi mục tiêu được đặt ra từ ban đầu là kêu gọi sự đoàn kết ACE Lai tại Hoa Kỳ và cùng nhau giúp đỡ cho ACE Lai còn bên Việt Nam; ngoài ra tổ chức này là một tổ chức độc lập không đứng dưới bất cứ một ô dù hay bất cứ một cá nhân nào. Quan điểm bị rẽ chia, mục tiêu bị sai lạc nên mới trở thành trò cười cho mọi người khắp nơi như hiện nay”.

Bởi như thế, giờ đây chúng ta mới có tổ chức Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ - Amerasian Independent Voice of America, một tổ chức có tiếng nói độc lập thật sự để chính chúng ta cùng nhau hợp sức giúp cho các ACE Lai còn tại Việt Nam. AIV đã vượt lên trên sự thách thức đó. Giờ đây, Nhật Tùng tin tưởng các ACE Lai khắp nơi cũng sẽ tự thách thức chính mình và thành lập một Gia đình tự chủ tại mỗi địa phương, đứng trên chính đôi chân của mình mà không cần đến bất cứ một vị “cố vấn” nào. Đó là điều tiên quyết để chúng ta có sự đoàn kết thật sự và chặt chẽ hơn. Chúng ta hãy cố gắng làm theo phương châm từ những ngày đầu: “Bởi Lai, Cho Lai và Vì Lai”... “I dare you, too”!!!

Ngày 10 tháng 3 năm 2009
President of Amerasian Independent Voice of America
 
Giáo phận Hải Phòng tổ chức Lễ Giỗ Cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương
Tòa Giám mục Hải Phòng
15:56 11/03/2009
HẢI PHÒNG - Trong tâm tình cảm mến tri ân, Giáo phận Hải Phòng long trọng tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương nhân dịp kỷ niệm 10 năm, Ngài về Nhà Cha trên trời.

Thánh lễ đồng thế do Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự hồi 9h30 ngày 10-03-2009, có sự hiện diện của Quý Đức Cha:Đức Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình; Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám mục Vinh; Đức Cha An-tôn Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa; Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa; Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Phụ tá Giáo phận Tp HCM; Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Bắc Ninh, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục Phát Diệm, nghĩa tử của Đức Cha Cố Giuse Maria. Khoảng 3000 tín hữu đã tham dự thánh lễ long trọng này.

Cùng với Linh mục đoàn Giáo phận, trong thánh lễ, còn có sự hiện diện của:

-Phái đoàn Linh mục, Quý Tu sĩ gốc Hải Phòng tại miền Nam
-Quý Linh mục Tu sĩ và giáo dân từ xứ Nhà thờ lớn Hà Nội, xứ Kẻ Sét, Bằng Sở, Bút Đông (Quê hương của Đức Cha Cố Giuse Maria), thuộc Giáo phận Hà Nội.
-Quý Linh mục và Tu sĩ nam nữ thuộc các Dòng tu và các Giáo phận khác.
-Thân nhân gia đình Đức Cha Cố Giuse Maria từ Hải ngoại và từ miền Nam.
-Nhóm nghệ sĩ Công giáo từ thành phố Hồ Chí Minh.
-Các Ông Cố Bà Cố của các Linh mục
-Đại diện các Ban Hành giáo và giáo dân trong Giáo phận.

Đức Cha Cố Giuse Maria sinh ngày 04-10-1919; thụ phong Linh mục ngày 03-12-1949; tấn phong Giám mục Hải Phòng ngày 19-02-1979 và an nghỉ trong Chúa ngày 10-03-1999. Trong 20 năm lãnh đạo Giáo phận Hải Phòng, Ngài đã luôn can đảm nhiệt thành để dẫn dắt đoàn chiên Giáo phận qua những thăng trầm trôi nổi. Có những lúc Giáo phận chỉ có 4 Linh mục, Ngài vừa phải làm Giám mục, cha xứ nhà thờ chính tòa, quản lý, thư ký và mọi việc đối ngoại khác. Cùng với trách nhiệm mục tử của một Giáo phận, Ngài còn được bầu làm Tổng thư ký của Hội Đồng Giám mục Việt Nam (từ năm 1980-1983).

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Sang, người đã có nhiều kỷ niệm đặc biệt với Đức Cha Cố, đã ôn lại những nét đẹp của cuộc đời Ngài. Đức Cha Thái Bình đã diễn giảng ý nghĩa khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Cố “Hãy ra khơi” để nói lên những cố gắng âm thầm và những hy sinh lớn lao của Đức Cha Cố. Từ Thủ đô Hà Nội, Ngài đã ra khơi về phía Hải Phòng để truyền giáo, để mở Nước Chúa và làm cho các tín hữu ngày thêm đông số. Hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục “ra khơi” để chuyển cầu cho những người hiện diện, cho mọi tín hữu.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Cha Giuse Giám mục Hải Phòng đã cám ơn Quý Đức Cha và mọi người đã đến từ những nơi khác nhau trong cả nước, như dấu chỉ của sự hiệp thông sâu xa trong Giáo Hội. Ngài cũng nói lên tâm tình tri ân đối với vị Tiền nhiệm và ước mong tinh thần của Đức Cha Cố, tức là tinh thần ra khơi truyền giáo luôn sống động nơi mỗi tín hữu của Giáo phận Hải Phòng cũng như nơi những ai đã được quên biết và gặp gỡ Ngài.

Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nghĩa tử của Đức Cha Cố Giuse Maria, đã chủ sự nghi thức viếng mộ. Những lời kinh tha thiết, cùng với làn hương thơm ngát tỏa lan làm thành một bầu khí linh thiêng mà cảm động, đơn sơ mà trầm lắng, để tưởng nhớ vị Cha chung đáng kính của Giáo phận Hải Phòng.

Những bài thánh ca du dương do Ca đoàn Nhà thờ chính tòa và nhóm nghệ sĩ Công giáo từ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày đã làm tăng thêm sự trang trọng và ấm cúng của Thánh lễ đặc biệt này.

Xin tiếp tục cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Maria. Nguyện xin Chúa thưởng công bội hậu cho Ngài nơi hạnh phúc vĩnh cửu.
 
Thăm giáo xứ Long Hải miền biển Bà Rịa
Maria Vũ Loan
16:10 11/03/2009
Vùng biển Long Hải

Vào một ngày đầu tháng 3, để tạm tránh cái nóng ngột ngạt ở Sài Gòn, chúng tôi lên xe đi về hướng biển Long Hải, mong có một ngày thư giãn với gió, với màu xanh của biển và thăm một giáo xứ của giáo phận Bà Rịa, một nhà thờ ở vùng ven biển rất đúng nghĩa.

Đường ra biển rộng và đẹp, ít bóng cây. Đến ngã ba Láng Cát, tôi nhìn thấy con đường dẫn vào đảo Long Sơn, một đảo nhỏ có nhiều diêm dân mà cuộc sống gắn liền với những hạt muối, nơi đây có nhiều điều để viết mà nhiều lần tôi muốn ghé thăm nhưng chưa thể dừng chân được.

Bãi biển hôm nay quá đông người. Những cái dù, bạt, hàng quán, gánh hàng rong…trên một bãi cát rộng tạo thành một khung cảnh đặc thù khó tả. Thì ra, hai hôm nay là ngày hội tại Dinh Cô nên số người đến đây nhiều hơn ngày thường.

Dinh Cô là một ngôi chùa bình thường như bao ngôi chùa khác nhưng gắn liền với một câu chuyện kể về một cô gái trẻ, theo gia đình buôn bán dọc xuôi miền biển trên một chiếc ghe. Một ngày nọ, sóng đánh bể ghe, cô gái chết đuối, trôi dạt vào bờ biển này, được người ta chôn cất tử tế theo truyền thống nhân ái bao đời nay của người sống ven biển Việt Nam. Sau đó có người xây một ngôi chùa và dựng tượng của cô để trong chùa; từ đó nơi này gọi là Dinh Cô.

Giáo xứ Long Hải

Cách ngôi chùa không xa có một nhà thờ. Nhà thờ nằm trên trục lộ du lịch của thị trấn Long Hải, có địa danh là ấp Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa. Đây là nhà thờ duy nhất nằm trong thị trấn, ở giữa vùng chùa, miếu, đền, đài; được thành lập từ năm 1956.

Hiện nay, giáo dân đang tham dự thánh lễ trong một nhà thờ tạm dài và trống hốc. Năm 2006, cơn bão Durian đã đánh xập nhà thờ cũ; cũng may, cơn bão ập đến lúc 3 giờ 45 sáng, nhiều người chưa kịp rời nhà ra phố chợ để làm ăn buôn bán, nên chỉ có 5 giáo dân chết và 54 người bị thương nặng nhẹ.

Cha quản nhiệm Giuse Phạm Ngọc Tuyến đón chúng tôi khi trời nắng chang chang, cái nóng của cát hắt lên mặt. Người cha cao to, vóc khá đẹp khi mặc áo chùng trắng, nhìn sau lưng dáng cha rất giống Chúa Giêsu. Mà chẳng cần cao to, quí cha nào thấp bé, gầy đen thì cũng vẫn giống Chúa, vì hằng ngày, trên bàn thờ quí cha là hiện thân của Chúa Giêsu đó thôi!

Cha có ý tiếc vì ngày hai ngày hôm sau, ngày 10/3/2009, sẽ có Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm về đây dâng thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên. Tôi mân mê tấm thiệp trên tay và thích nhất dòng chữ: “ Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động, mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5), nhưng biết làm sao khi thời giờ của tôi eo hẹp. Cha còn cho biết: “Giáo xứ dự trù xây cất nhà thờ là 7 tỉ đồng nhưng tôi có học bên kỹ thuật nên sẽ tự thiết kế và thực hiện thi công; có cả công sức của anh chị em giáo dân nên sẽ gói gọn khoảng trên 4 tỉ đồng Việt Nam (khoảng 250.000 Usd)”. Tôi ra vẻ am tường: “Cha xây lúc này rất tốt vì giá vật liệu xây dựng đang rẻ”. Bình thường khi nghe quí cha làm nhà thờ nào mà số tiền trên 10 tỷ là lòng tôi bị dị ứng ngay, nhưng cách suy nghĩ thực tế và làm việc của cha quản nhiệm này làm tôi rất thích. Nghĩ cũng hay hay, một linh mục, nếu học biết hay có thêm một ngành nghề gì đó, gặp lúc cần, cũng có cơ hội làm lợi cho nhà Chúa nhiều đấy chứ!

Khi tôi đang viết bài này thì một ông trùm điện thoại cho biết, lễ làm phép viên đá đầu tiên rất thành công. Giáo dân đóng góp nhiều viên đá khiến Đức cha phải ngạc nhiên, nhưng qua hình thức “chọn đá trả góp”. Nghĩa là gia đình một giáo dân chọn viên đá năm triệu đồng hay bảy triệu đồng gì đó, trong thời gian xây nhà thờ, gia đình đó mang tiền đến đóng từ từ, miễn là đủ số tiền mình đã chọn. Một cách làm cũng hay, tiện lợi cho sự tự nguyện của giáo dân.

Người nghèo vùng biển

Đến thăm một giáo xứ nào mà không được gặp gỡ người nghèo ở vùng đó, đối với tôi là một thiếu xót. Ba ông trùm xứ đạo dẫn chúng tôi đi thăm giáo khu Phaolô, nơi có 360 hộ với 1.800 giáo dân. Những căn nhà ở đây quây thành một khu, lại những căn nhà vá chằng vá đụp; mà ở vùng biển này những căn nhà mỏng manh như thế khó mà “bình yên” với gió và cát.

Bước vào căn nhà của người đàn ông bị cùi, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà không có lấy một cái giường, dồ đạc thì lèo tèo cũ kỹ, ông bị phát bệnh cùi từ năm 1977, đến nay ông đã 63 tuổi đời. ông ngồi trên cái chiếu, góc ở của ông toát ra một mùi hôi khó tả. Hằng tháng, ông được giáo xứ cho 15 kg gạo và 100 ngàn đồng (gần 7 Usd). Bà vợ mới chết năm ngoái. Thằng con trai lớn của ông làm thợ hồ; còn đứa con gái đã nghỉ học; giáo xứ cấp vốn cho em bán vé số nhưng cứ bị hụt tiền trước sau nên bây giờ em đi lượm ve chai ven biển.

Đã bệnh mà còn sống trong túp nhà tồi tàn, thế mà ông vẫn vui khi nhận quà của chúng tôi. Tôi thấy quí mến ông vì ông can đảm hơn rất nhiều người, được sống đầy đủ trong nhung lụa nhưng mới bế tắc trong đời sống một chút thì đã vội tìm đến cái chết!

Đi dọc vào xóm ven biển, tôi thấy những chiếc ghe đậu gần đó và những cái thúng làm bằng tre, được trát bằng nhựa cây chai nấu chung với vải băm vụn, để nước không rỉ vào trong thúng. Những cái thuyền này hằng ngày đưa những cái thúng ra xa bờ để ngư dân câu mực; đến giờ hẹn thì thuyền lại đi vớt những cái thúng về. Mà sự thỏa thuận ăn chia rất hay; thí dụ mỗi thúng câu được 10 kg mực thì phải trả cho thuyền 2 kg mực câu được, chứ không trả bằng tiền mặt.

Tôi còn thăm vài gia đình đông con, họ đang đan lưới cá mà những ngôi nhà của họ cũng luộm thuộm như ở ven sông quận 8 Sài Gòn. Một cái lưới rộng độ 5 sải tay thì được trả 35.000VNĐ (2 Usd) mà đan cũng đến đau cả lưng.

Ông trùm xứ đạo dẫn đường cho chúng tôi hôm nay cũng là một cai cá. Tức là mỗi khi thuyền đánh cá về, ông phải cung cấp giỏ đựng cá, cân cá, phân chia, ghi số lượng, bỏ mối cá tươi cho vựa để vựa chở đi nhiều nơi khác bán. Là dân thành thị như chúng tôi nghe những chuyện về nghề cá và cuộc sống ở ven biển thì thật là thích.

Rời giáo xứ Long Hải khi trời tắt nắng để về Sài Gòn, tôi thấy mình như bỏ quên cái gì. À, có lẽ tôi chỉ bỏ quên làn gió mát của biển thổi xuyên qua hạt nắng chói chang ở sân nhà thờ đầy cát và thấy lòng nhen nhúm muốn trở lại nơi đây thăm những giáo dân nghèo trong những căn nhà vá chằng vá đụp ở giáo khu Phaolô đó.
 
Sinh viên giáo xứ Tân Lộc - Giáo phận Vinh họp mặt đồng hương tại Huế
Josephus Nguyễn
19:23 11/03/2009
Sinh viên giáo xứ Tân Lộc - Giáo phận Vinh họp mặt đồng hương tại Huế

Nhằm có thêm những điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống xa nhà và tạo mối đoàn kết thân hữu giữa các bạn sinh viên trong cùng xứ đạo, vừa qua (07/03/2009) nhóm sinh viên Công giáo thuộc giáo xứ Tân Lộc - giáo hạt Cửa Lò - Giáo phận Vinh đang theo học tại Huế đã có buổi gặp mặt thân mật trong căn phòng trọ ấm cúng số 03/12/16 đường Duy Tân - TP Huế.

Đúng 18h tối ngày 07/03, căn phòng trọ đã ấm lên với những bài hát sinh hoạt vui nhộn, giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông còn sót lại và giữa những cơn mưa xuân phụt phùi. Đến với buổi gặp mặt lần này có sự góp mặt của 10 bạn sinh viên giáo xứ Tân Lộc đang theo học các ngành: Luật (ĐH Khoa học), Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế), Bác sĩ đa Khoa (Đại học Y), Sư phạm tiếng Trung, Nga (ĐH Ngoại ngữ) và đại diện các nhóm sinh viên tại Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…. Đặc biệt, bác Anna Phạm Thị Hạnh - đại diện cho phụ huynh trong giáo xứ Tân Lộc - đã không quản đường xa để đến dự buổi họp mặt đồng hương cùng những người con trong xứ đạo.

Những câu chuyện về quê nhà Cửa Lò, những niềm vui, nỗi buồn và cả những khó khăn trong đời sống sinh viên đều được các bạn chia sẻ một cách cởi mở, gần gũi, thân thương. Tham dự buổi gặp mặt, bạn P.T. Nguyễn Văn Việt, trưởng nhóm sinh viên Tân Lộc tại Huế bày tỏ niềm vui và mong muốn hội đồng hương Tân Lộc sẽ có những hành động thiết thực trong những tháng ngày theo học trên mảnh đất Cố đô. “Chúng ta đều là những sinh viên xa quê, hàng ngày phải đối mặt với bao khó khăn và thách thức của đời sống sinh viên nên mình mong rằng các bạn trong hội đồng hương Tân Lộc này sẽ gần gũi nhau hơn để cùng nhau vượt qua những khó khăn và thách thức đó” - Bạn P.T. Việt bày tỏ.

Linh mục Martinô Nguyễn Xuân Hoàng, quản xứ Tân Lộc khi nghe nhóm sinh viên của giáo xứ đang theo học tại Huế tổ chức gặp mặt đồng hương, cha cũng không giấu nổi niềm vui. Ngài đã điện thoại thăm hỏi về sức khỏe và công việc học tập của những người con trong giáo xứ đồng thời động viên các bạn vượt qua những khó khăn của đời sống giảng đường: “Các con đã biết tập hợp nhau lại để giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống, cha rất vui mừng vì điều đó. Cầu chúc các con sẽ giữ được tình thân hữu nơi đất khách để học tập và sống đạo tốt hơn” - Cha nói. Cha cũng gửi lời chúc mừng tới các bạn nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 - 3.

Trong buổi gặp mặt, các bạn cũng đã đề ra những mục tiêu cho hè 2009. Đó là tổ chức giảng dạy văn hóa các môn: Anh văn, Văn, Toán, Sinh học, Địa Lý, Lịch Sử cho các bạn trẻ từ lớp 9 -12 tại quê hương. Và đặc biệt là chương trình “tiếp sức mùa thi” cho các thí sinh của Tân Lộc dự thi Đại học tại Huế. “Chúng mình muốn tổ chức nhiều chương trình hơn nữa nhưng bây giờ vấn đề tài chính quá eo hẹp nên cũng không dám mở rộng. Nếu có nguồn tài trợ chắc tụi mình sẽ làm được nhiều việc có ích hơn cho quê hương” - một bạn trong nhóm tâm sự. Nhìn vào đời sống sinh viên thường nhật phải đối mặt với 101 khoản chi tiêu thì việc gom quỹ cho hoạt động hè là điều không hề đơn giản. Thế nhưng ai ai cũng quyết tâm, thực hành siêu tiết kiệm để có “vốn” thực hiện mục tiêu đề ra. “Mỗi ngày bớt một chút tiền tiêu vặt để đến hè có nguồn lo tiền xe, chỗ ăn, chỗ ở cho các bạn cùng quê vào dự thi Đại học cũng là việc nên làm. Nghĩ thế nên dù ăn đói hơn mọi khi tụi mình cũng sẵn lòng” - Bạn Giacôbê Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ.

Về dự với nhóm sinh viên Tân Lộc, các bạn sinh viên thuộc địa phận ngoài cũng không dấu nổi sự bất ngờ. Bạn Gioan Trần Văn Nam (địa phận Thanh Hóa) xúc động: “Đến đây được cùng chung hưởng niềm vui ngày gặp mặt của các bạn sinh viên giáo xứ Tân Lộc, được nghe những câu chuyện cảm động, những kinh nghiệm từ đời sống sinh viên và cả những dự định của các bạn trong dịp hè sắp tới mình thực sự khâm phục tinh thần đoàn kết và hoài bão của các bạn. Qua đây mình cũng học hỏi thêm nhiều điều về cung cách sống và các chương trình tình nguyện”.

Buổi gặp mặt khép lại trong bầu khí đầm ấm. Ngày mai các bạn sinh viên Tân Lộc lại phải đối mặt với những khó khăn của đời sống sinh viên, nhưng giờ đây những khó khăn đó đã không còn nặng gánh vì họ luôn đồng hành cùng nhau, luôn đùm bọc nhau để cùng nhau vượt qua những tháng ngày sinh viên. Cầu chúc cho nhóm sinh viên giáo xứ Tân Lộc sẽ luôn giữ được tình thân hữu và thực hiện được những dự định, những chương trình tình nguyện vì quê hương của mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhận diện sự thật
Lữ Giang
14:10 11/03/2009
Ngày 27.2.2009, bà Katia Bennett, Tham Tá Chính Trị tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đến vấn an và trao đổi về tình hình Việt Nam và Phật Giáo với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống GHPGVNTN, tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon. Sau đó, bà Ỷ Lan, đại diện đài Á Châu Tự Do (RFA) đã phỏng vấn Hoà Thượng về cuộc gặp gỡ này. Cuộc phỏng vấn đã được đài RFA phát đi trong cùng ngày.

Hòa Thượng Quảng Độ cho biết ngài đã nói với bà Katia Bennett hai điều quan trọng: Điều thứ nhất là không hài lòng với lời tuyên bố vừa qua của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh. Lời tuyên bố này đã xem nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ. Điều thứ hai là quá trình thất bại của nhà cầm quyền Hà Nội trong 6 bước tấn công nhằm tiêu diệt GHPGVNTN qua các năm 1977, 2000, 2005, 2006, 2007 và 2008. Hoà Thượng nhấn mạnh rằng Hà Nội đã xử dụng lá bài Sư Ông Nhất Hạnh và hai năm qua dùng chiêu bài “Về Nguồn” của nhóm các Sư ở Úc Châu, Âu Châu, Canada và Hoa Kỳ nhưng tất cả đều that bại.

Điều đáng chú ý là qua cuộc nói chuyện với bà Katia Bennett, Hoà Thượng đã công khai nói lên mặt trái của lá bài dân chủ và nhân quyền mà Hoa Kỳ thường đưa cao. Hy vọng tiếng nói của Hoà Thượng sẽ làm cho nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại nhìn rõ vấn đề hơn.

Mặc dầu một số website đã đăng toàn văn bài phỏng vấn nói trên, trước khi góp một vài ý kiến vào những vấn đề mà Hoà Thượng Quảng Độ đã nêu ra, chúng tôi xin mời độc giả đọc kỹ lại một lần nữa phần Hoà Thượng Quảng Độ chỉ trích Hoa Kỳ về vấn đề dân chủ và nhân quyền.

TRÍCH BÀI PHỎNG VẤN

Ỷ Lan: Kính chào Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Được biết bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ vừa đến vấn an Hòa thượng tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon. Kính xin Hòa thượng hoan hỉ cho thính giả được biết sự kiện này và Hòa thượng đã nói gì khi gặp gỡ?

HT Quảng Độ: Chào cô Ỷ Lan, lúc 9 giờ ngày hôm qua tức ngày 26.2.2009, bà Katia Bennett, Tham tán Chính trị tại tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon có đến thăm tôi ở Thanh Minh Thiền viện. Sau khi chào hỏi và trao đổi mấy câu có tính cách xã giao thường lệ, tôi bắt đầu ngay vào vấn đề chính mà tôi muốn trình bày trong cuộc gặp gỡ đúng lúc này.

Đó là vấn đề lời tuyên bố của bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Bắc Kinh ngày 21.2.2009, rằng Hoa Kỳ sẽ không để vấn đề Dân chủ, Nhân quyền gây ảnh hưởng và cản trở bước phát triển trong mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tôi nói với bà Bennett rằng, khi tôi nghe lời tuyên bố ấy tôi có cảm tưởng như người Việt Nam thường nói, bị dội gáo nước lạnh lên đầu. Như vậy tôi hiểu từ nay Hoa Kỳ sẽ coi vấn đề Dân chủ, Nhân quyền là thứ yếu trong chính sách ngoại giao, và vấn đề kinh tế, thương mại tức vấn đề làm ăn được đặt lên hàng đầu. Điều chúng tôi quan ngại là lời tuyên bố trên đây của bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton không những rất bất lợi đối với những nhà đang tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Trung Quốc mà còn rất tai hại cho những người đang cố gắng hết sức mình bất chấp khó khăn, tù ngục, đọa đày, ngay cả mạng sống, đấu tranh để vứt bỏ gông cùm xiềng xích của các chế độ độc tài toàn trị, độc tài quân phiệt ở Việt Nam, Tây Tạng và Miến Điện. Bởi vì bản chất các chế độ độc tài ở đâu cũng giống nhau. Rồi đây các chính quyền phi pháp, tàn bạo ở các nước nói trên sẽ thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi quyền sống, quyền làm người, tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Vì chẳng còn chướng ngại nào trên con đường áp bức của họ.

Ỷ Lan: Bạch Hòa Thượng, bà Katia Benneth phản ứng ra sao trước lời phê bình của Hòa thượng?

HT Quảng Độ: Sau đó thì bà Bennet cũng có cố gắng biện minh. Bà nói rằng là ở Bắc Kinh bà ấy cũng có nói như thế, tuyên bố như thế. Nhưng mà trong các cuộc họp riêng tư, các cuộc phỏng vấn, bà vẫn cứ đặt vấn đề dân chủ, nhân quyền hàng đầu. Đó là chính sách của Hoa Kỳ, chính sách truyền thống của Hoa Kỳ. Và nhất là bà đưa bản Tường trình về Nhân quyền trên toàn thế giới trong ấy có Việt Nam của Bộ Ngoại giao mới phát hành hôm qua hôm kia gì đó. Bà có nói để chứng minh rằng trước sau như một, Hoa Kỳ vẫn lấy vấn đề dân chủ và nhân quyền làm căn bản. Trong chính sách ngoại giao thì tôi cũng hiểu bà cố nói để biện minh vậy thôi. Chứ còn không thể nào làm hơn.

Nhưng tôi có nói với bà, tôi thưa thật tôi thấy vấn đề ấy nó hơi quan trọng liên quan đến người Việt Nam chúng tôi, cho nên tôi nói thế thôi. Chứ thực ra tôi cũng ý thức rằng, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự người Việt Nam chúng tôi phải lo lấy. Còn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, của Liên Âu, bất cứ gì ở bên ngoài, đó chỉ là phụ thôi. Theo nhà Phật cái nhân là chính, cái duyên là phụ. Tuy nhiên cái phụ cần phải có thì cái chính, cái nhân mới phát triển được. Chẳng hạn hạt thóc mà vứt xuống ruộng thì cũng phải nhờ gió, nhờ nước, nhờ đất tốt thì nó phát triển. Thì chúng tôi cũng vậy, nhân quyền thì chúng tôi tranh đấu, đòi hỏi. Nhưng dưới chế độ độc tài toàn trị thế này rất là khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ truyền thông bên ngoài thì không ai biết đến. Do đó chúng tôi hy vọng ở Hoa Kỳ nói riêng, và các nước dân chủ tiên tiến nói chung trên thế giới, nhất là Liên Âu, hỗ trợ chúng tôi. Tôi có nói an ủi bà như thế, chứ bà cũng tỏ ra buồn, vì bà Ngoại Trưởng đã phát biểu rồi. Người Việt Nam thì nói sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng khó đỡ lắm! Cổ nhân Việt Nam hay là Trung Quốc ngày xưa cũng thế, trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần mới nói là vì thế.

TUYÊN BỐ CỦA BÀ HILLARY CLINTON

Trước khi lên máy bay từ Seoul đi Bắc Kinh hôm 20.2.2009, Bà Hillary Clinton nói:

''Các chính quyền Mỹ liên tiếp cũng như các chính phủ Trung Quốc đều bị vấn đề nhân quyền khuấy động. Chúng ta cần phải tiếp tục gây áp lực. Thế nhưng không nên để điều này chi phối các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, về biến đổi khí hậu và về an ninh".

Đài RFI của Pháp ngày 23.2.2009 có phổ biến một bài dưới đầu đề “Ưu tiên cho kinh tế, ngoại trưởng Mỹ quên hồ sơ nhân quyền” , tường thuật lại một bài báo trên tờ Libération của Pháp dưới hàng tựa «Bà Clinton tán tỉnh Bắc Kinh», nhấn mạnh rằng Washington mải lo cho món nợ của mình đã «quên mất» hồ sơ nhân quyền. Tờ Le Figaro cũng nói đến một bà Hallary Clinton ra sức quyến rũ Trung Quốc và đã gạt qua một bên vấn đề nhân quyền để có thể đẩy mạnh, một cách hữu hiệu hơn, sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

Trong bài “Hoa Kỳ chỉ trích TQ về nhân quyền” phổ biến ngày 26.2.2009, đài BBC tường thuật rằng trong chuyến thăm của bà Clinton tới Trung Quốc, một số nhân vật hoạt động cho nhân quyền đã chỉ trích bà khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không nêu “vấn đề nhân quyền” với giới chức Trung Quốc.

Tuy nhiên nữ Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ nói rằng bà có các buổi trao đổi ý kiến thẳng thắn với người đương nhiệm phía Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói năm 2008 giới chức Trung Quốc đã thực hiện các vụ “giết người không nêu lý do, tra tấn, ép cung tù nhân, và dùng lao động cưỡng bức.” Đàn áp về văn hóa và tôn giáo trở nên tồi tệ hơn, xảy ra chủ yếu tại vùng Tân Cương có đông người Hồi giáo sinh sống. Và vùng Tây Tạng.

Bài tường thuật nói rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục chính sách ngoại giao mạnh mẽ, vừa lên tiếng trước các vụ vi phạm nhân quyền, vừa yêu cầu hành động.

ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THẬT

Vấn đề liên hệ giữa GHPGVNTN và Đảng CSVN và sau đó “cuộc chiến” kéo dài giữa hai bên, chúng tôi đã viết khá nhiều và đầy đủ. Hôm nay chúng tôi chỉ đề cập đến chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Thật ra, việc tố cáo chính sách của Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền không phải là một chuyện mới mẻ gì. Trong gần 20 năm qua, kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt và Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng chiến thuật “diễn biến hoà bình”, các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, các nhà phân tích, các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ... đã nhiều lần nêu lên vấn đề mà Hoà Thượng Quảng Độ đã đề cập đến. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nói rõ về vấn đề này, nhất là trong các bài “Đừng quên Anh Hai”, “Lại chuyện Anh Hai”, “Anh Hai Cán Bộ” , v.v… Nhưng đa số người Việt chống cộng ở hải ngoại vẫn tưởng rằng Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sẽ dùng dân chủ và nhân quyền để đánh sập chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại, lời phê phán của Hoà Thượng Quảng Độ một lần nữa đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật. Đây là một vấn đề không đơn giản.

1.- Sự thật phủ phàng

Chúng ta nhớ lại, sau khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Eric G. John thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Việt Nam hôm 12.4.2007, thông tín viên Matt Steinglass của đài VOA đã tường thuật lại lời tuyên bố của ông ta như sau:

“Tôi không bị hạn chế dưới bất cứ hình thức nào khi đi gặp ông Thích Quảng Độ. Cơ bản là chúng tôi đã lái xe thẳng vào khuôn viên thiền viện.”

“Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đồng ý rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam không hoàn chỉnh. Theo luật, mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước. Nhưng đối với đa số người Việt, Việt Nam đang được tự do tôn giáo nhiều hơn...”

Ông nói tiếp: "Chúng ta đã thấy các biến chuyển đáng kể. Tôi nghĩ rằng là có tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam".

Ông cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khuyến cáo Việt Nam cho phép có tự do tôn giáo nhiều hơn. Nhưng, Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Độ đề nghị dùng thương mại như một cái cần để thúc đẩy Cộng sản Việt Nam cởi mở hơn về các vấn đề nhân quyền.”


Sau đó, thông tín viên Matt Steinglass còn đá giò lái GHPGVNTN: “Giáo hội được thành lập ở Nam Việt Nam vào năm 1964. Khi đó, giáo hội phản đối Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn chống Mỹ.”

Tuy nhiên, bảo rằng Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề thương mại hơn vấn đề dân chủ và nhân quyền cũng không hoàn toàn đúng vì hai vấn đề thường đi song song với nhau. Thỉnh thoảng Hoa Kỳ đã dùng chiêu bài dân chủ và nhân quyền để làm áp lực về thương mại đối với nước đối tác, nhưng Hoa Kỳ cũng chủ trương xây dựng dần dần dân chủ và nhân quyền ở quốc gia đối tác để hổ trợ cho việc phát triển kinh doanh.

2.- Chấp nhận “mô thức xám xập”

Tưởng cần nhắc lại: Bà cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice đã từng thúc giục cả Miền Điện lẫn Bắc Hàn noi gương Việt Nam (The American Secretary of State, Condoleezza Rice urged Burma and North Korea to follow the example set by Vietnam). Hôm 27.11.2007, ông Ibrahim Gambari, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Liên Hiệp Quốc lại thúc giục Việt Nam tiếp tay trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện! Sau đó, trong cuộc viếng thăm Hà Nội ngày 3.3.2008, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill lại tuyên bố Bắc Hàn và nhiều nước khác có thể học nhiều bài học quý giá từ Việt Nam. Ông nói:

"Tôi không rõ Bắc Triều Tiên có hỏi kinh nghiệm của Việt Nam hay không, nhất là kinh nghiệm phát triển kinh tế. Thế nhưng tôi rất mong họ hỏi câu hỏi đó vì trong 5 năm gần đây Việt Nam đã có những tiến triển thần kỳ."

Như chúng tôi đã nói, sở dĩ các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thúc giục Miến Điện và Bắc Hàn nói gương (example) của Việt Nam vì theo họ Việt Nam đã hội đủ ba yếu tố sau đây để có thể giao thương bền vững: (1) Đoạn tuyệt với quá khứ, (2) ổn định tình hình và (3) phát triển kinh tế.

Khi muốn lập quan hệ thương mại với bất cứ nước nào, Hoa Kỳ thường làm áp lực đòi nước đó phải nới rộng dân chủ và nhân quyền đến mức nào đó để việc giao thương có thể phát triển được.

Các nhà phân tích cho rằng trong một nước chậm tiến, trình độ dân trí còn thấp, một chế độ độc tài theo “mô thức xám xập” , tức 30% dân chủ và 70% độc tài, chế độc đó có thể tồn tại được. Trái lại, nếu tiến tới “mô thức ứng xập” , tức 50% độc tài và 50% dân chủ, tình trạng bất ồn rất dễ xẩy ra và chế độ đó sớm muộn gì rồi cũng sụp đổ. Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam biết rất rõ điều đó, nên để bảo vệ chế độ, họ không bao giờ cho phép vượt qua “mô thức xám xập” , dù bị áp lực.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhà cầm quyền CSVN tìm mọi cách để phân hoá hay ngăn chận không cho GHPGVNTH hoạt động ở trong nước vì sợ giáo hội này sẽ gây bất ổn cho chế độ như dưới thời VNCH.

Hôm 9.3.2009, trong bài diễn văn đọc tại phiên họp của Quốc Hội Nhân Dân Trung Quốc, ông Ngô Bang Quốc, Chủ Tịch Quốc Hội, tuyên bố:

"Chúng ta phải học hỏi từ thành công của tất cả các nền văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ đơn giản chỉ đi sao chép hệ thống của các nước phương Tây hay đưa ra một hệ thống đa đảng luân phiên nắm quyền".

Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không bao giờ đầu tư vào một quốc gia sáng đình công, chiều biểu tình, ngày hôm sau đảo chánh... như tình trạng của miền Nam Việt Nam sau năm 1963. Các nhà kinh tế nói rằng đầu tư vào một tình trạng như thế chẳng khác chi “chùm hai chân nhảy vào bóng tối”.

Trong thực tế rõ ràng là Hoa Kỳ đã đồng ý “mô thức xám xập” có thể giúp cho việc phát triển kinh doanh ổn định, nên đã biện hộ cho cả Đảng Cộng Sản Trung Quốc lẫn Việt Nam, và kêu gọi Bắc Hàn và Miến Điện noi gương Việt Nam.

Cũng vì chấp nhận “mô thức xám xập”, các cường quốc đang đổ khá nhiều tiền của vào Việt Nam với hy vọng biến Việt Nam thành một đầu cầu phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á. Họ tiếp tục tăng viện trợ ODA (Official Development Assistance), tức viện trợ phát triển cho Việt Nam, và đẩy mạnh các chương trình xây dựng hạ tầng.

Vốn ODA dành cho Việt Nam liên tục tăng lên, từ 4,45 tỷ USD cam kết cho năm 2007 lên 5,426 tỷ USD cho 2008. Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) đứng đầu danh sách các tổ chức tài trợ cho Việt Nam, với 1,35 tỷ USD, chiếm 25% tổng số cam kết năm 2008. Chiều 5.12.2008 mức cam kết ODA được nhóm các nhà tài trợ quốc tế quyết định dành cho Việt Nam trong năm 2009 là 5,014 tỷ USD, thấp hơn mức cam kết năm 2008 là 8%, vì tình hình kinh tế thế giới đang suy thoái, nhưng như thế cũng là quá nhiều.

Với Nhật Bản, mặc đầu có vụ PCI, Nhật đã cam kết dành 83 tỷ 200 triệu Yen, tương đương với 900 USD, cho chương trình trợ giúp Việt Nam phát triển. Sự kiện này đã làm Nhật trở thành nước cấp viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam.

Hoa Kỳ và các cường quốc cũng đang thúc đẩy và giúp Việt Nam hoàn tất đường xe lửa cao tốc xuyên Việt và xuyên Á để có thể mở rộng kinh doanh. Chỉ riêng tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội với Sài Gòn dài 1600km đã tốn đến 40 tỉ USD, tương đương GDP của Việt Nam trong một năm.

Phương án thiết kế đoạn đường sắt từ ga Sài Gòn đến Lộc Ninh, biên giới Cambodia, dài 140 km trong tuyến đường sắt xuyên Á với phí tổn được dự trù là 438 triệu USD. Tuyến đường sắt xuyên Á này dài 5.500km, bắt đầu từ Côn Minh, Trung Quốc, chạy qua Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai Á và ga cuối cùng ở Singapore. Tuyến đường này do Mã Lai Á khởi xướng vào năm 1995 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Nhìn những công trình mà Hoa Kỳ và các cường quốc đang thực hiện ở Việt Nam, chúng ta có thể tin rằng họ đang tính chuyện làm ăn lâu dài với Việt Nam. Nhật Bổn đã viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất nhằm ưu tiên chiếm lãnh thị trường tại đây trong tương lai.

DÂN CHỦ PHỤC VỤ KINH DOANH

Khi tạm thời chấp nhận một “mô thức xám xập” như đã nói trên, không có nghĩa là Hoa Kỳ và các cường quốc muốn duy trì mãi tình trạng đó. Họ sẽ dùng “diễn biến hoà bình” để làm thăng tiến chế độ, giúp cho việc kinh doanh ngày càng mở rộng.

Muốn thăng tiến chế độ, công việc đầu tiên là nâng cao dần cuộc sống và dân trí của người dân trong nước lên. Nếu mức sống và dân trí như hiện nay còn được tiếp tục duy trì, rất khó thoát ra khỏi “mô thức xám xập” .

Trong vụ nhà cầm quyền Việt Nam định khai thác mỏ bauxite ở Cao Nguyên, đài BBC đã phỏng vấn thầy giáo Y Long, một thầy giáo dạy cấp ba duy nhất người M'Nong ở tỉnh Đắk Nông, nơi dự án bauxite sẽ được thực hiện. Theo thầy Y Long người M'Nong chiếm gần 40% dân số Đắk Nông (tổng số dân trong tỉnh khoảng 500.000 người) và sống trên 90% diện tích đất đai của tỉnh. Người M'Nong không mặn mà lắm đối với những cái lợi do việc khai thác bauxite sẽ đem lại. Hiện nay việc đào tạo kỹ sư rồi đào tạo nhân lực chuẩn bị cho việc khai thác quặng bauxite thì người địa phương bản địa không hề biết gì hết. Người địa phương cũng khó có thể cạnh tranh trong việc kinh doanh thương mại phục vụ cho công trình khai thác vì họ quá nghèo và kinh tế thị trường vẫn còn là điều xa lạ đối với họ. Có hộ thu nhập hàng tháng chỉ tính bằng vài chục đô, có hộ không đủ gạo để ăn. Với họ, tốt nhất là không nên làm.

Tại Hà Nội, người ta mới khám phá ra xứ Quèn Gianh - Gò Mu thuộc huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 50 km về phía tây nam, chỉ có 2 học sinh lớp 6 là cao nhất, 3 học sinh lớp 5, 4 học sinh lớp 3 và lớp 1!

Với mức sống và trình độ dân trí như thế, dân chủ và nhân quyền đối với họ chẳng có một ý nghĩa gì cả.

Các cường quốc tin rằng khi cuộc sống và dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, nền dân chủ sẽ được phát triển từ từ trong ổn định, và sự kiện này sẽ giúp cho việc phát triển kinh doanh của họ ngày càng tốt đẹp hơn.

Liên Hiệp Quốc và các cường quốc đã thiết lập kế hoạch kiến tạo “xã hội dân sự” ở Việt Nam qua từng giai đoạn. Họ tính cả việc xử dụng các đoàn thể quần chúng do Đảng CSVN lập ra.

Biết được điều này, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhân dịp lễ Vesak Nhà Nước được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2008, ngày 28.5.2008, ông Judd Birdsall – Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế - Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã tới thăm và làm việc tại Văn Phòng I Trung Ương GHPGVN, tức Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Tại cuộc gặp gỡ, ông Judd Birdsall đã bày tỏ sự cảm kích và ngưỡng mộ đối với GHPGVN qua việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 trong thời gian qua. Ông mong muốn GHPGVN ngày càng phát triển hưng thịnh, giúp xã hội được thịnh vượng và hạnh phúc.

Mới nhìn qua, chúng ta cho rằng Hoa Kỳ đang chơi trò bắt cá hai tay, nhưng nhìn vào chương trình phát triển “xã hội dân sự” ở Việt Nam, chúng ta thấy Hoa Kỳ và các cường quốc đang thực hiện chiến dịch “diễn biến hoà bình”.

Đại Sứ Hoa Kỳ Michael Michalak đã từng nói: “Hai mươi năm sau, chúng ta sẽ không nói Mỹ đã vào Việt Nam để kiếm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% thành phần Nội Các Việt Nam là những người đã du học Mỹ." Còn ông Aloisi, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tiên đoán: “Việt Nam có thể ở trong lộ trình của chế độ dân chủ đa đảng trong 15 hay 20 năm tới”!

Các nhà phân tích cho rằng sự ước tính của ông Aloisi hơi quá lạc quan.

Trước đây, Đại Hàn và Đài Loan là hai nước chống cộng hàng đầu ở Á Châu, luôn sát cánh với VNCH. Nhưng khi Hoa Kỳ từ bỏ chiến tranh lạnh và thay thế bằng chiến dịch “diễn biến hoà bình”, cả hai nước này đã đi theo, và có khi còn qua mặt Hoa Kỳ, nhờ vậy hai nước này đã biến thành hai con rồng Á Châu.

Các nhà phân tích lưu ý rằng cái gạnh nối giữa phát triển kinh tế và dân chủ không phải luôn luôn là điều tất yếu. Nhiều chế độ độc tài cho thấy rằng họ có thể làm cho đất nước phát triển kinh tế nhưng vẫn dìm được dân chủ. Trường hợp của Trung Quốc là một thí dụ điển hình. Nhưng các chuyên gia Mỹ tin tưởng rằng thế hệ tới do họ đào tạo sẽ làm thay đổi.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG

Trong bất cứ chế độ nào, kể cả tại Hoa Kỳ, lúc nào cũng cần có những ý kiến khác biệt được đưa ra để thúc đẩy chế độ phải xét lại các chủ trương và hành động của mình, nhận ra những sai lầm và sửa chữa. Khi tiếng nói ở trong nước bị giới hạn, tiếng nói từ bên ngoài rất cần thiết.

Nhưng điều quan trọng là phải nghiên cứu tường tận những vấn đề muốn chỉ trích hay góp ý để có thể điểm trúng “huyệt” mới có tác dụng. Nếu chỉ đánh khơi khơi, đánh dựa trên hư cấu, lập luận một chiều hay chỉ đánh để thỏa mãn lòng thù hận..., chắc chắn sẽ không có tác dụng gì.

Hiện nay có ba cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế đã đóng góp rất nhiều vào việc làm thay đổi lối suy tư và hành động của người dân trong nước, kể cả các đảng viên và viên chức chính quyền, đó là đài BBC, đài RFI và đài RFA. Những cơ quan này đã dùng những tin tức chính xác và những quan điểm khác nhau của các chuyên gia để giúp người dân cũng như chính quyền trong nước suy nghĩ về những gì đã hay đang xẩy ra. Chúng tôi tin rằng đây là một phương cách tốt để nâng cao dân trí và đổi mới đất nước.

(Ngày 10.3.2009)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Alịchsơn Đắc Lộ - Alexandre De Rhodes: Một Nhận Định Tổng Hợp (1)
Đỗ Hữu Nghiêm
00:46 11/03/2009
Alịchsơn Đắc Lộ - Alexandre De Rhodes: Một Nhận Định Tổng Hợp

Mở Đầu

Khởi đầu bài viết này, tôi nêu lên câu hỏi mà hầu như mọi người Việt Nam còn yêu nước thương nòi đều tự hỏi: “Tiếng nói và chữ viết Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển biến thế nào?” Để khỏi dông dài về nguồn ngọn nhiều thứ chữ viết cho giống nòi người Việt, ta chỉ nói nôm na như nhiều sinh viên đại học ngày nay hay nhắc đến: Chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay có từ bao giờ?

Điều không mấy ai ngờ, người đó không phải là một cá thể nhưng là một tập thể: nhiều người Việt Nam ở mọi miền và một số nhà truyền giáo Bồ, Ý, Tây, Pháp, Đức,. .. và cả người Nhật Bản. Đó là một biến cố văn hóa kéo dài trong nhiều thế kỷ về sau từ thế kỷ XVII đến nay, Nhưng có lẽ người ta chú ý nhiều đến nhân vật Alexandre de Rhodes [1] mà trong tiếng Việt, người ta quen gọi là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ. Chắc chắn ông không phải là người có khả năng duy nhất.

Viết về một con người nổi tiếng, người ta dễ đụng chạm đến những dư luận, quan điểm, lập trường chống đối nhau. Nhưng không nhất thiết cứ có một ý kiến là mọi người phải theo vì đó là một “chân lý”. Điều quan trọng là một quan điểm ấy có đúng và hợp với phán đoán thông thường của con người ấy có ngay tình không.

Từ sau 30/4/1975, dường như dưới chế độ Cộng sản toàn trị người dân trên cả lãnh thổ thật nghiệt ngã, có một sự kiện nghịch lý là người ta lại tha hồ nêu lên những vấn đế chung quanh Alexandre de Rhodes cả ở trong lẫn ngoài nước. Điều đó chứng tỏ, dưới xã hội toàn trị mới hễ Đảng và nhà nước của chế độ mới muốn gì, thì vấn đề đó được khởi xướng lên và tạo điều kiện đầu tư nghiên cứu tập chú vào như một chiến dịch phê phán.

Chẳng hạn chiến dịch Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam rầm rộ phê phán và tẩy chay việc Giáo Hội Trung Ương tôn phong 117 vị tử đạo vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 là người Việt Nam hay người ngoại quốc từng làm việc và sinh sống ở Việt Nam. Hay các chiến dịch phê phán lại Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Phan Văn Trị hay Trần Lục, …. Mới đây có phong trào đánh giá lại vai trò của Nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam tại Thanh Hóa. Hay kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Đại Học Đông Dương tại Hà Nội.

Điều đó làm cho bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng phải liên tưởng đến trường hợp của linh mục Đắc Lộ. Hàng loạt những (khỏng hơn một chục bài) bải viết về Đắc Lộ được biên soạn ra từ nhiều tác giả trong nước cũng như hải ngoại.

Người ta có thể phân loại ba xu hướng quan điểm thể hiện trong những bài nghiên cứu đó:

1. Xu hướng chống đối, thường xuất hiện dưới chế độ Cộng sản, nêu lên vai trò, câu chữ mà nhà nghiên cứu cho là mù mờ để đi đến kết luận Đắc Lộ và các nhà truyền giáo sau đó là man trá, làm nhà truyền giáo nếu không chủ ý, thì vô tình dọn đường cho chủ nghĩa thực dân Pháp sau này, và cho rằng người tín đồ Công giáo tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân. Nhưng người ta không nêu ra vấn đề người nhà nước và triều đình xưa kia đã đẩy người Công giáo vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, để kết luận một số người là làm tay sai cho thực dân.

2. Xu hướng bênh vực. Người viết muốn nêu lên vai trò lịch sử tích cực của Đắc Lộ cả trong truyền giáo và sáng lập chữ quốc ngữ và đáng góp nhiều kiến thức thần học, khoa học, dân tộc học, lịch sử địa lý và sự kiện cùng nhân vật lịch sử. Những người có xu hướng này xuất hiện nhiều trong thời người Pháp còn đang nắm quyền ở Đông Dương

3. Xu hướng mệnh danh khoa học, thiên về chống đối. Dường như vào cuộc tranh đấu văn hóa này, có cả một linh mục Công giáo, LM Durand Jacques từ Trường Đại Học St Paul ở Canada và một số học giả Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ ở Strasbourg, Pháp. Theo quan điểm nghiên cứu đó, nhà nghiên cứu muốn nêu lên vai trò tiên phong trong việc hình thành chữ quốc ngữ của nhiều nhà truyền giáo tiên phong quốc tịch nước khác như Bồ, Ý, Tây, Đức.

Không hẳn là Đắc Lộ có công đầu và được đề cao như nhiều nhà nghiên cứu đã làm. Hàm ý cho rằng ông là một người Pháp nên được nhà nghiên cứu người Pháp nhấn mạnh đến. Có người còn đi xa hơn phủ nhận tính xác thực của những công trình biên soạn của Đắc Lộ. Thực ra Nhóm Linh Mục Durand Jacques có nhiều cố gắng để quân bình và làm sáng trỏ thêm những điều kiện các tác giả khác chưa có hay chưa làm

Thực sự vai trò của Alexandre de Rhodes quá hiển nhiên và tích cực khó ai có thể phủ nhận kể cả những nhà nghiên cứu Cộng sản. Người nghiên cứu có thể đặt ra biết bào giả thuyết nhưng những giả thuyết đó có đứng vững không, hay chỉ là một hành vi chụp mũ sai lầm hay nếu có ác ý xuyên tạc vô trách nhiệm và căn cứ chính đáng xác thực

Chứng cớ nêu ra nhất là đối với một con người có quá trình lịch sử lâu dài, đều có nhiều điều không hiển nhiên đối vớì quần chúng độc giả cũng như nhà nghiên cứu. Vả lại chứng cớ nhiều khi là ngụy tạo hay không có đầy đủ về một nhân vật hay sự kiện, nhất là có chịu ảnh hưởng chuyển biến quan điểm dựa trên thời cuộc hiện nay không

I. Alexandre de Rhodes là ai?

Có thể tổng hợp bài viết từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau trình bày về nhân vật này.

Alexandre de Rhodes (A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ) (15 tháng 3 năm 1593 – 5 tháng 11 năm 1660) trước nhất là một nhà truyền giáo dòng Tên người Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông là một nhân vật đa năng như sử học, dân tộc học, thần học và ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hiểu biết nhiều mặt về lịch sử đất nước, văn hóa và quá trình hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng mẫu tự La tinh.

1. Vài Hàng Tiểu Sử

Như đã nói, cậu Alexandre chào đời tại Avignon, miền nam nước Pháp [3]. Theo một số sử liệu, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), sinh năm 1593 nhưng có tài liệu khác ghi cậu sinh năm 1591 [4]. Ông gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, trong lúc cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang tiến triển. Tuy nhiên, cùng với đà tiến này, Giáo hội Công giáo cũng đồng thời vô hình chung đã tạo môi trường và lý do phát sinh sức đề kháng vũ bão của chính quyền các dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Vì thế, ngoài nhiệt tâm truyền giáo, tín đồ Công Giáo còn tin sống đạo, ước muốn đổ máu đào minh chứng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô như các tông đồ ban đầu và các nhà thừa sai tin sống và truyền giảng trải qua các thời kỳ trong lịch sử.

Vậy cứ tạm cho là gia đình ông có nguốn gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia, phía cực đông nam bán đảo Tây Ban Nha), tổ tiên sang tị nạn dưới uy quyền Giáo Hoàng, vì thời ấy Avignon là đất của Giáo Hoàng, nên ông có tên Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ). Người Việt Nam đương thời thường gọi Alexandre de Rhodes là Giáo sĩ Đắc Lộ.

2. Công Cuộc Truyền Giáo Bước Đầu Tại Trung Hoa

a. Trong bối cảnh ấy, Alexandre de Rhodes được linh mục Bề trên Cả Vitelleschi chính thức sai đi truyền giáo ở Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4/1619, ông mạnh dạn ra đi vào tuổi 26, với hành trang kiến thức sâu rộng về thần học, thiên văn học và toán học. Alexandre nhiệt thành, cường tráng, vui vẻ và lạc quan, đấy sức sống và niềm tin, luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề. Ông nhận thức nhạy bén và thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường và điều kiện sống và cư xử giao tế giản dị với mọi người.

b. Đầu tiên, Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa ở Đông Ấn Độ, chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên Nagasaki, đất Nhật Bản. Nhưng vì tình hình Kitô Giáo đang bị bách hại khốc liệt tại đây, thời các Tướng quân Phong Thần Tú Cát khởi đầu từ 1587, rồi đến Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung năm 1614, các Bề Trên phải chuyển hướng, sai ông đi Trung Quốc [5].

c. Ông lên tàu đi Ma Cao, ở đó đã có sẵn một trụ sở truyền giáo tiền trạm, và ông đã ghi lại những nhận xét bước đầu về người Trung Hoa:

"Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ Trái Đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung Quốc- nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản..." [6]

Ông còn ghi lại:

"Chúng ta quen tỏ ra quý chuộng những người ngoại giáo. Nhưng khi họ trở thành Kitôhữu, chúng ta không chú ý mấy đến họ nữa. Thậm chí còn bắt các người theo đạo phải từ bỏ y phục địa phương. Chúng ta đâu biết rằng, đây là một đòi buộc quá khắt khe, mà ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng không đòi như thế. Chúng ta ngăn cản người ngoại giáo, không cho họ cơ hội dễ dàng gia nhập Giáo hội Công giáo.

Riêng tôi, tôi cực lực phản đối những ai muốn bắt buộc người đàn ông Trung Hoa, khi theo đạo, phải cắt bỏ mái tóc dài họ vẫn để, y như các phụ nữ trong xứ. Làm vậy, chúng ta gây thêm khó khăn cho các nam tín hữu Trung Hoa, một khi theo Công giáo, không còn tự do đi lại trong xứ, hoặc tìm được dễ dàng công ăn việc làm. Phần tôi, tôi xin giải thích rằng, điều kiện để trở thành Kitô hữu là phải từ bỏ lầm lạc, chứ không phải cắt bỏ tóc dài..."
[7]

Đường lối truyền giáo của Alexandre de Rhodes cũng như của các nhà truyền giáo Dòng Tên không có gì là khác lạ với truyền thống Phaolô: Trở nên mọi sự với hết mọi người omnia omnibus factus sum (I Cor. 9:23). Ngày nay chúng ta quen gọi là hội nhập văn hóa.

Đó là đường lối mà Linh mục Đỗ Quang Chính đã nghiên cứu và công bố trong Luận Văn về Alexandre de Rhodes trình tại Đại Học Paris, Sorbonne. Sau này, năm 1996, Linh mục Phan Đình Cho đã khai triển trong tiểu luận về việc truyền giáo và giáo lý của linh mục Alexandre de Rhodes.

Chính đường lối hội nhập văn hóa sáng suốt mạnh dạn này là một trong những nguyên nhân về sau đưa đến biến cố Dòng Tên bị cấm hoạt động trong năm 1773 đến 1814.[8]

3. Truyền Giáo Vào Việt Nam

Một trang sách Giáo lý (Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus , Rome,1651). Sách song ngữ, hai cột, một cột La ngữ (bên trái), một cột Việt ngữ - Quốc ngữ - (bên phải), tất cả gồm 319 trang. Sách do Bộ Truyền Bá Đức Tin ấn hành tại nhà in riêng của bộ và do tài trợ của bộ này.

Trong lúc ở Việt Nam, ông viết cuốn Giáo Lý Việt Nam đầu tiên và ông xuất bản Tự Điển Bồ La Việt. Tự Điển này được nhiều học giả Việt Nam xử dụng rộng rãi về sau để tạo nên hệ thống chữ viết Việt Nam mới, xử dụng nhiều các mẫu tự la tinh (Rôma) - như được xử dụng hiện nay được cải tiến - gọi là chữ quốc ngữ. Trong tường thuật của mình, Đắc Lộ cho biết ông đã cải đạo hơn 6.000 người Việt, hầu như chắc chắn một con số được phóng đại, tuy nhiên ông đã không giành được những người cải đạo này

a. Đầu năm 1625, Alexandre cùng với bốn linh mục dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết:

Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. Cậu đã là một dụng cụ rất tốt để tôn thờ Chúa trong giáo đoàn và cả ở nước Lào, nơi cậu hoạt động trong nhiều năm với thành quả mỹ mãn, cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi[9].

Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, cũng như nhiều nhà truyền giáo khác, nhưng công cuộc truyền giáo của ông ở đây còn nhiều bất ổn.

Thế là cuối năm 1624 (hoặc đầu năm 1625) Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phía Tây chừng 4km, để học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thời điểm ấy thông thạo tiếng Việt nhất. Xem ra từ cuối năm 1624 đến tháng 6-1626, Rhodes được Bề trên cho ở Đàng Trong với mục đích chính là học tiếng Việt và làm quen dần với con người và xã hội Việt, để rồi tung ông ra Đàng Ngoài.

Ông vào truyền giáo ở Đàng Trong năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Tháng 6-1626, Rhodes cùng với linh mục Pedro Marques bỏ Đàng Trong về Áo Môn chờ gió mùa sang năm sẽ vào đất chúa Trịnh. Vâng, ngày 12-3-1627, Rhodes và Marques lên tàu từ Áo Môn, chỉ một tuần sau, ngày 19-3-1627, tàu tới bờ biển cửa Bạng tại Thanh Hóa.

Trong vòng 20 năm (1625-1646), ông bị trục xuất đến sáu lần [10]. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều kiên trì tìm cách trở lại Việt Nam, khi có cơ hội.

Về Áo Môn, Rhodes được chỉ định làm Giáo sư Thần học tại Học viện Madre de Deus, điều mà ông không cảm thấy thích thú, chỉ làm vì đức vâng phục. Trong 10 năm trời, 1630-1640, Rhodes ở Áo Môn làm “cái nghề” tay trái ấy

b. Giai đoạn Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các thừa sai dòng Tên hoạt động rất nhiệt thành, có phương pháp và có kết quả mau chóng. Riêng Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc. [11]

Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài (Miền Bắc):

“Miếng Trầu Làm Đầu Câu Truyện” Theo Thói Á Đông

“Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem những hàng hóa mới lạ vào. Tôi làm thông ngôn cho tất cả đoàn thể, tôi đáp đây là một chiếc tàu người Bồ, những người khắp vùng Đông phương đều khá biết về giá trị võ khí và hàng hóa tinh xảo từ lâu vẫn đem tới xứ này và nhân dịp này họ tới bán cho người Đàng Ngoài một hạt trai quý mà không đắt để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại, người ta đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người Ấn Độ và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu.”[12]

“Ngay khi chúng tôi có một nơi riêng để thừa hành chức vụ và giảng Phúc âm thánh, thì có rất nhiều thính giả tuốn đến và sau khi được dạy dỗ về đức tin thì họ chịu phép rửa tội. Trong số đó mấy vị sư mở đường làm gương cho dân chúng trở lại. Vị sãi chính yếu và kỳ cựu hơn cả được các đồng sự trong tỉnh cảm phục và tôn trọng như bề trên, cũng là người đầu tiên theo đức tin và Kitô giáo, tuổi đã tám mươi lăm và lấy tên rửa tội là Gioakim, một nhân vật có thế giá và đạo hạnh, đã thu hút được nhiều người khác thuộc cả hai giới. Trong những nhân đức của vị lão thành đáng kính này, đặc biệt tôi nhận thấy một nguyện vọng hăng say học hỏi những gì cần cho sự cứu rỗi. Ông thu xếp ở với chúng tôi luôn để học biết sâu rộng hơn về các chân lý đạo Kitô và những mầu nhiệm đức tin.

Một ngày kia sau bữa tối, tôi nhờ một cậu bé viết mấy kinh công giáo cho giáo dân tân tòng mà không nhờ tới vị lão thành, vì tôi tưởng là tôi tôn trọng thời giờ ông dành để nghỉ ngơi. Khi biết việc này thì ông khiển trách tôi nặng lời vì tôi đã nhờ một người khác chứ không nhờ ông là bậc tôn sư và tiến sĩ của sai lầm. Theo lẽ phải, trong việc tôi muốn tìm người giúp tôi để giảng dạy chân lý thì tôi phải dùng ông hơn người nào khác. Tôi khen lòng nhiệt thành của ông và hứa sẽ dùng ông khi có dịp và xét ra có ích.

Vì thực ra ông tinh thông chữ hán hơn những người khác nên ông viết đúng hơn và nhanh hơn những điều tôi đọc cho ông biết. Không những ông chỉ làm việc này giúp ích cho giáo đoàn mới của xứ sở ông, nhưng còn nhận thấy nơi chúng tôi dâng thánh lễ và giảng dạy lời Thiên Chúa thì quá chật hẹp đối với số người hội họp tới nghe. Ông liền dâng một thửa ruộng cạnh đấy thuộc về ông để dựng một nhà thờ rộng hơn, nhà thờ làm bằng gỗ như lối bản xứ do lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng và trang trí do hảo tâm của người Bồ. Chúng tôi làm phép trọng thể ngày mồng 3 tháng 5, ngày tìm thấy thánh giá.”[13]

“Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm và tà giáo làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và những nguyên lý của Kitô giáo, theo lệnh Thiên Chúa đã truyền cho một tiên tri rằng: Ta đặt người để diệt và nhổ, để dựng và trồng, còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sáng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó. Thế nhưng theo kinh nghiệm, giữa hai cách trên đây, tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho các dân nước này.

Nghĩa là không chống đối sai lầm các giáo phái Đàng Ngoài trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý tuyệt đối vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người. Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình mặc dầu là giả dối và những tập tục mê tín, đó là sự thường xảy ra.

Tôi đã thành công hơn, theo như tôi nhận xét, nếu tôi đem cho họ một ít tâm tình hiếu thảo và mộ mến tự nhiên đối với Đấng Hóa Công và Nguyên lý đệ nhất bản thể họ. Rồi khi đề cập tới truyện đại hồng thủy và lộn lạo các ngôn ngữ thì cho họ biết sợ Thiên Chúa họ phải tôn kính và thờ phượng, từ đó mới đả phá tà đạo mà ma quỷ cũng chỉ đưa vào thế gian sau đại hồng thủy. Rồi sau đó tôi mới đồng ý với những người khác và chưa trình bày cho lương dân mình muốn chinh phục những mầu nhiệm Ba Ngôi thánh, sự Nhập thể và thương khó của Con Thiên Chúa và gieo mầm các chân lý đó trong tâm hồn họ, trước khi nhổ những sai lầm và mê tín dị đoan.” [14]

“Lịch sử được tiếp tục ghi cho tới đây bao gồm sự tiến triển của Kitô giáo trong khu truyền giáo Đàng Ngoài từ năm 1627 cho tới năm 1646. Còn những điều sẽ nói sau đây, trong chương này, chúng tôi đã trích rong hai bức thư, một thư của cha Gioan Cabral chúng tôi vừa nói, kinh lý khu truyền giáo, viết về cha bề trên Cả, vào tháng 10 năm 1647. Trong thư, cha điều trần về cuộc kinh lý của cha và về những thành quả mới hái được trong khu truyền giáo. Thư thứ hai là của cha Gioan Barbosa thợ kỳ cựu ở đây, cũng là người rất hiểu biết các công việc trong khu vực này.

Cha Cabral cam đoan nhận rằng chỉ trong hai năm 1645 và 1646 giáo hội Đàng Ngoài đã được hơn hai mươi bốn nghìn giáo dân trở lại đạo. Trong xứ có hai trăm nhà thờ cỡ lớn với nhà ở cho các cha ngay cạnh đó, đây là nơi thường trú hoặc tạm trú khi các cha tới làm việc. Trong năm 1646 chỉ có bảy cha phân ra trong năm trụ sở, còn một cha tên là Phaolô Caloprosi người thành Napoli, thợ rất can đảm và không biết mệt, cha đã mất ít lâu sau. Ngoài bốn thợ mới ghi ở trên còn có một người thứ sáu là cha Philipphê Marini người thành Genôva bị chặn lai không qua nước Campuchia như đã được chỉ định. Phải dựng trụ sở thứ sáu để dễ bề phục vụ số rất đông giáo dân trở lại.

Cha đã nhìn thấy từ khi ở xứ này, dân Đàng Ngoài dễ tiếp xúc hơn và dễ tin theo đạo hơn, không có một dân Đông Phương nào, về luân lý trong trắng hơn và có ít thói hư tật xấu chung cho mọi nơi khác, làm ngáng trở cho đức tin và gây những khó khăn gần như không vượt nổi, để thực hành các nhân đức của Kitô giáo. Giáo dân tân tòng rất vững vàng trong đức tin, như thể đã nhận từ mấy thế kỷ nay, họ cũng xa những khuynh hướng, những mê tín dị đoan như thể chưa bao giờ biết tới. Họ thi hành các nhân đức Kitô giáo, gớm ghét những đồi bại chung, rất nghiêm chỉnh giữ luật Thiên Chúa, rất sốt sắng làm các việc đạo đức và đọc kinh cầu nguyện. Mọi người đều dậy thật sớm, sau khi thức dậy thì họ đọc kinh ít là nửa giờ và cũng vậy trước khi đi ngủ; họ rất vâng lời và kính trọng các cha, công nhận sự khó nhọc của cha bằng sự biết ơn và không gì làm phật ý họ bằng từ chối không nhận phẩm vật họ mang tới. Khi các cha đến thì họ tỏ ra vui mừng thái quá đến nỗi họ tổ chức cuộc vui và ngày hội công cộng để thổ lộ ra.”
[15]

Năm 1645, Chúa Nguyễn trục xuất ông ra khỏi Việt Nam hẳn. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes đúc kết kinh nghiệm hiểu biết thực địa của mình khi rao giảng Tin Mừng tại Á Châu. Cuối cùng ông đã xin Tòa Thánh phái các giám mục truyền giáo đến Á Châu. Nhờ đó chính các giám mục này có thể truyền chức linh mục cho các thày giảng bản xứ, thành lập một hàng giáo sĩ bản địa, nối tiếp công cuộc truyền giáo. Từ đó nẩy sinh Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, thưởng gọi vắn tắt là M.E.P hay Hội Thừa Sai Ba Lê

Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau khi bị trục xuất lần cuối cùng khỏi Việt Nam.

(còn tiếp...)

Ghi chú

[1] sinh tại Avignon, 18/3, 1593; chết tại Ispahan, Ba Tư 5/11, 1660

[3] từ năm 1960, Torralba chứng minh năm sinh 1591 của A.De.Rhodes là sai. Xin xem Đỗ Quang Chính SJ: NHÀ THỪA SAI ALEXANDRE DE RHODES TỪ TRẦN: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=1604

[3] Gốc gác Do Thái hay Pháp, Tây Ban Nha? Trước đây, người ta cho rằng Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái, từ lâu đời có mặt tại Tây Ban Nha, xứ Aragon, miền Calatayud. Bốn năm gần đây, một linh mục Xuân Bích người Pháp, Michel Barnouin (tên Việt là Sơn) công bố một tài liệu về dòng họ Alexandre de Rhodes, nhận định rằng, không có dấu chỉ Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái như người ta tưởng (de Rhodes ne laisse percevoir aucun véritable indice de judaité)(1). Hãy cứ tạm nhận cho Rhodes có nguồn gốc Do Thái, vì vậy Cụ Tổ của ông ở Tây Ban Nha bị trục xuất cùng với 300.000 người Do Thái trong đợt 31-3-1492 vì chính quyền nước này kỳ thị người Do Thái (2). Bỏ Calatayud đi đâu? Cụ tổ của Alexandre, Jean Chimenes de Rhodes (ghi trong bản di chúc năm 1497 bằng tên này), tức Jean de Rhodes, phải khăn gói chạy về Avignon, nơi gặp gỡ, hội tụ cho nhiều dân tộc, ngôn ngữ; đó là thành phố đã được Tòa thánh Roma mua lại trước đó 144 năm. Từ đấy Avignon là đất của Tòa thánh; chỉ đến năm 1791, Avignon mới trở thành đất của Pháp hoàn toàn

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=1604

[4] Thân sinh của Alexandre là Bernardin II de Rhodes, một quan chức giàu có, mang tước vị Ecuyer d’Avigon, kết hôn với Francoise de Raphaelis ngày 10-9-1590, anh ông là Jean (1591-1621), tiến sĩ luật học; em trai Georges (1597-1661) tu trong Dòng Tên, nhiều năm làm giáo sư thần học; ngoài ra còn 5 em ruột nữa: Gabrielle, Laure, Suzanne, Francois, và em út là Hélène sinh năm 1607 http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=1604

[5] Ngày 4-4-1619 nhà truyền giáo lên tàu từ thủ đô Bồ Đào Nha, tới hải cảng Goa 9-10-1619. Vì xứ Anh đào đang cấm đạo nghiêm ngặt, bề trên Dòng Tên ở Goa tạm giữ ông lại hơn 2 năm trời, mãi đến 22-4-1622 Rhodes mới lên tàu từ Goa, tới Malacca 28-7-1622, nhưng rồi phải đến ngày 29-5-1623 Rhodes mới có mặt tại Áo Môn, chờ đi Nhật Bản]

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=1604

[6] (Theo trích dịch của Wilkipedia, nhưng không nói rõ xuất xứ, có thể là cuốn Voyages et missions du Père Alexandre de Rhodes, de la Compagnie de Jésus, en la Chine et autres royaumes de l'Orient. Paris, Lanier, 1854. 23 cm vii, 448 p. paper.Tác giả vô danh)

[7] Tham khảo bản dịch Wilkipedia như trên

[8] Các websites mang tên Peter C. Phan trên internet, hay Phan Đình Cho, Đỗ Quang Chính, Kim Ân trong website dunglac.org

[9] Chương 3: LẦN THỨ NHẤT TÔI ĐƯỢC PHÁI TỚI ĐÀNG TRONG http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=85&ib=136&ict=319.

[10] Tổng cộng trong giai đoạn 1640-1645 có bốn lần đi về giữa Áo Môn-Đàng Trong thật là cực khổ; mỗi lần tạm rút lui khỏi Đàng Trong cũng có nghĩa như bị chính quyền hoàn toàn trục xuất khỏi đây. Thời gian những lần đi về:

Tháng 2-1640 đến tháng 8-1640;

Tháng 12-1640 đến tháng 7-1641;

Tháng 1-1642 đến tháng 7-1643;

Tháng 1-1644 đến tháng 7-1645.

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=1604

[11] Đàng Trong và Đàng Ngoài thời phân tranh Trịnh Nguyễn, 1591-1772.

[12] A. De Rhodes, TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI, ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652. Quyển II. CHƯƠNG 3. NHỮNG NGƯỜI ĐEM PHÚC ÂM TỚI ĐÀNG NGOÀI KHỞI HÀNH VÀ MAY MẮN TỚI NƠI

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=111&ict=434

[13] A. De Rhodes, TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI, ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652. Quyển Ìi. CHƯƠNG 6

RẤT ĐÔNG LƯƠNG DÂN TUỐN ĐẾN NGHE LỜI THIÊN CHÚA TRONG NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN CỦA CHÚNG TÔI Ở ĐÀNG NGOÀI

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=85&ib=111&ict=435

[14] De Rhodes, TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI, ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652

Phần II. CHƯƠNG 16 PHƯƠNG PHÁP CHÚNG TÔI DÙNG ĐỂ DẠY GIÁO LÝ.

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=111&ict=437

[15] A. De Rhodes, TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI, ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652. Phần II. Chương 51

NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI MỚI NHẬN ĐƯỢC VỀ GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=111&ict=443

http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_T%C3%AAn
 
Tin Đáng Chú Ý
Chủ trương lớn hay mồ chôn đất nước
Người Buôn Gió
17:22 11/03/2009
Phát súng trên cao nguyên.

Ngày 22-2 -1957, cách đây hơn nửa thế kỷ. Anh hùng lực lượng vũ trang Hà Minh Trí đã nổ phát súng nhằm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Do hơi run tay lên vụ ám sát đã không thành.

Rừng Tây Nguyên
Rút kinh nghiệm từ hơn 50 năm trước các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đã phối hợp chặt chẽ nổ một phát đạn trên cao nguyên. Do có ''chủ trương lớn" từ đầu nên đã hoàn toàn trúng đích. Phát đạn tương đương với sức công phá của một quả bom nguyên tử này có tên là '' bô xít Tây Nguyên''.

Cuối cùng người Trung Quốc thông qua Tây Nguyên đã rửa sạch những món nợ tích lũy qua bao nhiêu thế kỷ từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa.. muôn vàn những trận đánh oai hùng của quân dân Việt Nam từ xưa đến nay đều bị lu mờ bởi một trận đánh cực lớn trên Tây Nguyên mà người Trung Quốc dùng Bô Xít làm chủ công. Chiến thắng này của người Trung Quốc trên đất Việt là một chiến thắng vĩ đại để rửa hờn cho bao thế hệ đi trước của họ đã bị thất bại ở Việt Nam.

Một thảm Tây Nguyên xanh sau khi bị tàn phá sau năm 1975 bởi những giám đốc lâm trường - trong số đó giờ có người là ủy viên trung ương - làm giàu cho bao kẻ bất lương. Những gì trên mặt đất đã cạn kiệt từ cây cỏ đến muông thú. Nhưng thế chưa phải là xong, vì Tây Nguyên còn nhiệm vụ cao cả thiêng liêng mà chủ trương lớn đã phó thác. Nhiệm vụ đó là

Tây Nguyên mồ chôn nước Việt.

Về giá trị bô xít trong lòng đất Tây Nguyên, các chứng minh đều cho thấy đây là thứ quặng rẻ tiền. Muốn khai thác được bô xít cần phải đào bới, sàng lọc rất nhiều đất đá để lấy được chúng. Tóm lại các báo cáo nghiêm túc đều nói rằng việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên về giá trị kinh tế hoàn toàn không nên làm.

Thế nhưng người ta vẫn làm với một chủ trương lớn là sao ?

Bởi vì đám con cháu của Mã Viện ngày nay ngồi ở Bắc Kinh muốn dứt điểm cái dân tộc suốt mấy nghìn năm ngo ngoe chống đối thiên triều. Không khác gì trận Xích Bích, các tay chân, quân sư thầy dùi cho nước Ngụy kết tàu thuyền lại thành miếng mồi cho đòn hỏa công. Trung ương Bắc Kinh thấy thời cơ để rửa các món nhục đã chín muồi. Khi phần đông lãnh đạo Việt Nam đã không còn nghĩ đến lợi ích dân tộc, đất nước. Lúc mà chủ nghĩa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang phổ biến thành tư tưởng hàng đầu ưa thích ở Việt Nam. Chỉ cần chút mồi, hứa hẹn cuộc sống sau này cho vài cá nhân và gia đình họ là người Trung Quốc dễ dàng thực hiện mọi kế sách như đã định.

Chưa bao giờ giá cả đất nước và dân tộc Việt Nam rẻ mạt như bây giờ. Kể cả những triều đại mà sử nay gọi là phong kiến thối nát thì sự bóc lột thuế má, khai thác tài nguyên cũng chỉ ở mức độ giới hạn. Cho dù xa hoa và hưởng thụ nhưng những vị vua phong kiến kỵ nhất câu kết với ngoại bang để hút linh khí của đất nước. Sự tham tàn của chế độ phong kiến chỉ hạn chế ở mức tự họ bóc lột nhân dân mình, chứ không tàn tệ đến nỗi giúp cả kẻ thù truyền kiếp bày thế trận tàn khốc để hủy diệt đúng xương sống đất nước. Để giúp kẻ thù đánh đòn tuyệt hậu xuống đất nước mình.

Đây là chiến lược phá hoại lớn của Trung Quốc và "'chủ trương lớn" của Việt Nam.

Còn chưa xa chuyện người TQ sang giúp ta làm đường các tỉnh biên giới, họ đã làm gì để năm 1979 quân đội họ nhanh chóng xâm chiếm các tỉnh Việt Nam. Còn vô vàn các chứng cứ để làm rõ những tác hại mà người anh hữu nghị, đồng chí lớn đã để lại cho nhân dân đất nước Việt Nam.

Hậu quả hình dung không quá khó, vì những điều hiển nhiên đã xẩy ra.

Nông đức Mạnh và Hồ cẩm Đào
Nếu Tây Nguyên đã là phần của người Trung Quốc làm ăn, thì việc tranh cãi về Hoàng Sa- Trường Sa có thể đoán kết quả là vô nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà khi các nhà sử học Bắc Kinh được tài trợ quy mô, bài bản để sưu tập tài liệu hay chế biến lịch sử để chứng minh là của họ. Thì chính phủ Việt Nam vẫn bình chân như vại, một số nhà nghiên cứu có tâm huyết do điều kiện hạn chế chỉ sưu tầm tìm hiểu trong khả năng của mình, kinh phí tự túc do bản thân bỏ ra. Thậm chí việc Hoàng Sa- Trường Sa không được báo chí nhắc đến là khó khăn cho những tri thức, học giả trong quá trình tìm tòi tài liệu,vô hình chung biến hai quần đảo này thành đề tài bí mật không bàn công khai.

Mong sao đây chỉ là giả tưởng xấu trong quan hệ Trung- Việt của người bi quan.

Láng giềng hữu nghị.

Đồng chí TBT Nông Đức Mạnh trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo đã nỗ lực cực kỳ hoàn thành tốt nhiều việc lớn trong đối ngoại với TQ. Như hiệp định biên giới, trao đổi kinh nghiệm quản lý, hiệp ước kinh tế, hiệp ước an ninh.......

Hy vọng các đồng chí kế tiếp sau này có những quan hệ mật thiết, giữ gìn '' đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước'' để có hòa bình, ổn định hợp tác phát triển.

(Nguồn: Người Buôn Gió's Blog, Wednesday March 11, 2009)
 
Văn Hóa
CD Xin Mở Rộng Tay: Sở hữu tâm linh
Nguyễn Trung Tây, SVD
05:17 11/03/2009

CD Xin Mở Rộng Tay: Sở hữu tâm linh

CD Xin Mở Rộng Tay


Tôi vừa về tới Melbourne, Úc Châu sau ba tháng nghỉ hè tại San Jose, Hoa Kỳ. Về lại nhà Dòng, bước vào văn phòng, thấy giấy tờ chất cao như núi, điện thư viết và trả lời không kịp, điện thoại réo gọi liên tục, tự nhiên ngan ngán! Ba năm rồi, tôi dời Bắc Bán Cầu đi xuống Nam, truyền giáo tại Úc. Ba năm rồi, tôi cũng chẳng làm được bao nhiêu việc cho Chúa, mà mẹ tôi thì ngày càng lớn tuổi, gần chín mươi rồi; anh chị em cũng như bao nhiêu người khác, vẫn đang vật lộn với cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề trong lịch sử Hoa Kỳ; những đứa cháu tiếp tục vươn mình cao lớn, tôi quay lại nhà mà thấy cả hai bên cùng xa lạ nhìn nhau; cuộc sống truyền giáo của riêng mình thì vẫn cứ mịt mù!

Tháng Ba mùa Chay, tiểu bang Victoria bước vào thu. Nắng mùa hè đã nhạt nhòe trên đường phố. Nhiệt độ trên 46 độ C khơi dậy bừng bừng ngọn lửa đỏ khốc liệt của thứ Bẩy, ngày 7 tháng Hai vừa qua thiêu rụi một phần đời sống của Victoria rồi cũng đã tàn lụi. Melbourne tháng Ba, trời kéo mây âm u. Melbourne mùa thu chiều tàn, trời lạnh thổi gió hiu hiu. Tôi đi bộ ra ngoài đường dưới hàng cây chơm chớm đổi màu. Tôi bật nút nghe CD Xin Mở Rộng Tay. Vậy là tâm hồn cất cánh bay cao theo tiếng hát của những dòng nhạc đầu tiên,

#1. Ở lại với con (Nguyễn Hùng Cường), “Ở lại với con Chúa ơi, ở lại với con. Ngoài kia đêm xuống, bóng tối đang về… Làm thân lữ khách nơi chốn quê người…”. Phải là như vậy rồi, Chúa không ở lại với con, thì cuộc đời này rỗng ruột, buồn tênh! Cuộc đời tha hương đã bắt đầu lang thang từ tháng Tư 75, khi thành phố Marang của Mã Lai mờ ảo chào đón con thuyền tị nạn vào tháng Mười 82, khi phi cảng San Jose của Hoa Kỳ mở rộng cửa nhận người con viễn xứ vào tháng Năm 84, để dọn đường cho cuộc sống truyền giáo tại Melbourne của Úc Châu vào tháng Hai 2006. Cuộc sống tha hương truyền giáo vắng bước chân đồng hành của Chúa, Chúa không ở lại với con thì “con nào biết trông cậy vào ai?”.

Con đường vẫn cứ mở rộng, những chiếc lá xôn xao rớt xuống. Một cánh lá dừng lại ngay trên mái tóc. Lặng người, bởi cảm nghiệm xôn xao tiếng Chúa đang thì thầm ngay bên tai qua bài thánh ca,

#5. Dấu chân (Viễn Xứ),

— “Dấu chân lẻ loi trên đường, là chính lúc Cha bồng con trên đường”.

— Có thật không Chúa?

Nhìn lên hàng cây, hỏi Chúa. Ngàn vạn chiếc lá lao xao rộn ràng cũng chính là lời xác nhận của Trời cao, bởi vì Chúa vẫn cứ thế, Ngài vẫn…

#6. Yêu con suốt đời (Nguyễn Hùng Cường), “Ngài là suối mát, sa mạc hoang vu. Ngài là nắng ấm, soi ngục âm u… Tình Ngài vẫn thế, muôn đời không phai. Chúa ơi, con biết Ngài yêu con suốt đời”.

Bài Yêu Con Suốt Đời hay quá. Tôi đã từng nghe chính tác giả LM Nguyễn Hùng Cường đàn guitar hát tại thành phố Đào Viên của Đài Loan. Bây giờ nghe ca sĩ Kim Thúy hát bài hát mà ngay cả riêng tôi cũng hay hát trong những lần giảng phòng, tự nhiên nỗi buồn rỗng ruột như muốn biến tan. Tự nhiên tôi nhớ tới khuôn mặt của Chúa hiện diện qua khuôn mặt của nhạc sĩ LM Nguyễn Hùng Cường và ca sĩ Kim Thúy. Cả hai đã hát để nhắc nhở với tôi về tình yêu chung thủy bất diệt của Trời cao muôn đời dành cho đất thấp.

CD Xin Mở Rộng Tay cũng có sự hiện diện của hai bài hát nổi danh mà nhiều người quen thuộc,

#4. Nguồn cậy trông (Vinh Hạnh), “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không”, và,

#7. Kìa ai (Vinh Hạnh), “Kìa ai, dong duổi đường gió bụi, gánh sầu thương mệt mỏi hai vai…”. Đức Mẹ là nguồn cậy trông, bởi trong tiệc cưới Cana, người ta chưa nói chi, mà Mẹ đã tinh tế nhận ra, và Mẹ mở lời với Chúa. Cho nên Hàn Mặc Tử mới dùng bút ngọc viết xuống, “Bà giầu nhận đức, giầu muôn hộc từ bi”. Cho nên cuộc đời dong duổi con đường gió bụi của riêng tôi cũng vẫn luôn luôn có bóng Mẹ chở che vỗ về.

Đọc được hàng chữ tại trang bià sau của CD, “CD được thực hiện với mục đích giúp các trẻ em mồ côi nghèo tại Việt Nam”, tôi nói với ca sĩ Kim Thúy,

— Vậy là làm CD chùa rồi.

Ca sĩ Kim Thúy gật đầu xác nhận,

— Vâng, cha chưa thấy đâu, có lần trong Đại Hội Thánh Mẫu của Nhà Dòng Đồng Công, con cầm CD đứng rao ngay giữa ngã ba đường, kêu gọi anh đi qua, cô đi lại “Xin Mở Rộng Tay”…

Cả hai người, ca sĩ Kim Thúy và tôi cùng cười xòa. Thì vậy thôi, mình không kêu gọi, thì ai bây giờ.

#2. Xin mở rộng tay (Nguyên Kha), “Người già yếu khô cằn tấm thân đói lả, và một lũ con thơ vô tội không tìm được tương lai. Họ là (là) con Thiên Chúa. Họ là anh em của ta. Xin mở rộng tay con, san sẻ cho người cùng khốn”.

Mười một bài hát trong CD Xin Mở Rộng Tay của Ca sĩ Kim Thúy là mười một chọn lựa cẩn thận. Ngoài những bài đã được nhắc tới, CD còn có,

#3. Tình Người chuộc tội (Trần Đăng Tuấn), “Nhiều phen vấp ngã trên con đường đến Cal-vê. Vòng gai hoen máu, Chúa ơi, tấm thân đọa đầy…”,

#8. Con có Chúa (Viễn Xứ), “Không có Chúa, con chỉ là hạt cát bé nhỏ. Không có Chúa, con chỉ là một chấm hư vô…”,

#9. Chúa dắt lối (Đức Huân), “Con nay xin chọn Người, chọn Chúa dắt lối cuộc đời…”,

#10. Giờ đây phó thác (Minh Đạo), “Giờ đây con đến phó thác. Lòng hèn con với tình mến thương…”.

Ngoài Kim Thúy còn có sự hiện diện của tiếng hát Đinh Vũ, Khải Tuấn (Trung Tâm Asia), Trà My, riêng những giọng ca thiếu nhi ngây thơ của Ý Vy, Ý Dân, B. Hoàng, K. Diễm, Vicky, Lily chỉ xuất hiện trong bài bonus.

CD Xin Mở Rộng Tay được trình bày lạ, đẹp, nhã, và đầy tính nghệ thuật. Graphic design Minh Nguyễn của Roman Media Service chỉ sử dụng hai mầu đen trắng mà nét đẹp sắc sảo của CD vẫn nổi bật. Đặc biệt nhất, CD Xin Mở Rộng Tay được nhà vẽ kiểu Minh Nguyễn trình bày như là một cuốn sách, lật từng trang cũng có nghĩa là đọc và ngắm từng dòng nhạc và hình chụp đen trắng sắc nét đầy tính nghệ thuật.

Hát thánh ca không dễ, bởi nếu hát không có hồn, bài hát chết khô gãy gục. Nhưng ca sĩ Kim Thúy và những ca sĩ xuất hiện trong CD Xin Mở Rộng Tay không những hát điêu luyện nghệ thuật mà còn dạt dào xúc cảm tâm linh. Họ hát mà như đang cầu nguyện, như làn hương thơm bay cao, vươn cao mãi mãi lên tới Trời cao. Hơn thế nữa, CD Xin Mở Rộng Tay đã xuất hiện trong đời chỉ bởi hai chữ Tử Tế. Thật là tuyệt vời! Đẹp quá! XIN MỞ RỘNG TAY của Ca sĩ Kim Thúy chính là một tác phẩm mà mọi người Kitô hữu nên có, một sở hữu tâm linh cho đời sống niềm tin.

Trời Melbourne buông màn đêm bao phủ mờ mờ tối. Tôi quay lại về nhà Dòng, nghe hồn mình xôn xao với bài hát cuối cùng (bonus) trong CD,

#11. Trong trái tim Chúa (Phanxicô), “Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca, có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa”.

Thì đương nhiên, có ân tình Thiên Chúa, có những Sở Hữu Tâm Linh cho đời sống niềm tin, làm chi mà không có những giây phút trái tim bừng bừng nở rộ ngàn vạn đóa hoa.

Xin mời chúng ta ủng hộ CD XIN MỞ RỘNG TAY do ca sĩ Kim Thúy thực hiện. Kính mời liên lạc:

E-mail: hatcatgroup3@yahoo.com.

Điện thoại: (626) 393-7476.

Melbourne, 10 tháng 3, 2009

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vườn Trăng
Đặng Đức Cương
05:22 11/03/2009

VƯỜN TRĂNG



Ảnh của Đặng Đức Cương


Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.

(Trích thơ của Xuân Diệu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền