Ngày 10-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay 11/3/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:56 10/03/2018
Bài Ðọc I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

"Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc".

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: "Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: "Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!".

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10

"Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:28 10/03/2018
51. MÔN KHÁCH CƯỜI CHỦ
Ngu Tập lúc thi không đậu công danh thì đến làm thực khách môn hạ của Hứa Hoành.
Họ Ngu có việc riêng, nên thường đi khỏi học quán của Hứa Hoành mà không báo cáo, Hứa Hoành nhiều lần đi quan sát nhưng đều không thấy Ngu Tập, bèn viết một lá thư ghi mấy lời:
- “Đêm đêm xuất du, biết không thể can Ngu công”.
Ngu Tập bèn viết lại một trang giấy ứng đối :
- “Luôn luôn hạng ưu, sao lại sợ phiền Hứa tử?”
(Chuyện tiếu thời thượng)

Suy tư 51:
Ngày xưa cũng như ngày nay, chữ tín rất là quan trọng, người quân tử mà mất đi chữ tín thì coi như tiêu đời.
Người Ki-tô hữu ngày xa xưa cũng như ngày nay, đức tin là quan trọng số một, đánh mất đức tin thì coi như đi đời nhà ma.
Người quân tử sống chết cũng vì chữ tín, nhưng chữ tín của người đời cũng có những lúc làm cho người quân tử chết cách dại dột, bởi vì có người khi vui lỡ hứa một câu dại dột, hứa mà không suy nghĩ, và vì sợ mất mặt nên thực hiện lời mình hứa, kết quả là có người vô tội chết oan như vua Hê-rô-đê giết thánh Gioan Tẩy Giả vậy; lại có người vì uống rượu ngà ngà nên hứa đại, và khi hết say thì cảm thấy mình không thực hành lời hứa thì không có chữ tín, nên tự tử..v.v...tất cả các loại chữ tín này đều không hợp cách, nghĩa là không làm cho chúng ta được thêm trọng vọng, trái lại để tiếng ngu cho đời bàn tán, chê bai...
Người Ki-tô hữu sống đức tin giữa xã hội thì không phải như thế, họ lấy đức tin làm ngọn đèn soi đường để họ biết nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc sống, trong hoàn cảnh xấu xa hay tốt đẹp, họ biết dùng đức tin như một la bàn cho đời sống tín ngưỡng của họ, la bàn mất là họ sẽ lạc đường, do đó mà họ luôn nghe lòi Đức Chúa Giê-su dạy bảo: là luôn cầu xin cho mình được thêm đức tin vững mạnh để sống theo đường lối của Chúa đã dạy trong Tin Mừng...
Chữ tín và đức tin thì không giống nhau, cho nên đừng dại dột mà nói: tôi thà mất đức tin hơn là mất chữ tín với tha nhân.
Mất chữ tín là mất bạn bè ở đời tạm này, nhưng mất đức tin là mất luôn cả Thiên Chúa đời này và đời sau
Thiên Chúa hằng sống và bạn bè hay chết thì chúng ta chọn ai !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 10/03/2018
Chúa Nhật 4 MÙA CHAY
Tin Mừng: Ga 3, 14-21.
“Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, để thế gian, nhờ con của Ngài mà được cứu độ.”


Bạn thân mến,
Thánh Gioan tông đồ đã xác tín: Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu vượt ra khỏi chính mình, bao trùm cả vũ trụ, vượt qua mọi suy nghĩ của con người và làm cho con người được trở nên con cái của Thiên Chúa, nhờ lòng tin vào Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Tình yêu này của Thiên Chúa được bày tỏ trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, khi suốt cuộc đời làm người ngắn ngủi của Ngài ở thế gian đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Chính tình yêu này mà Ngài phải bị treo trên thập giá và đã chết, cái chết của yêu thương, cái chết để những ai tin vào Ngài thì sẽ được sống muôn đời, đó là niềm tin của bạn và của tôi.
Tin vào Đức Chúa Giê-su để được cứu độ và được chia sẻ niềm hạnh phúc với Ngài, đó là niềm tin của bạn và tôi và của những người tin vào Ngài ở trên thế gian này, vì tin vào Ngài mà bạn và tôi yêu thương tha nhân, vì tin vào Ngài mà bạn và tôi đã trở thành trò cười cho bạn bè người thân chế giễu, bởi vì bạn và tôi muốn trở nên những môn đệ trung thành của Ngài, biết nhìn lên thập giá để tìm thấy sức mạnh tâm hồn, để nhìn thấy tình yêu chịu đau khổ của Đức Chúa Giê-su vì bạn, vì tôi và vì nhân loại tội lỗi này.
Bạn thân mến,
Nọc độc của rắn độc thì rất độc và có thể giết người trong chớp mắt, nhưng nọc rắn cũng là loại thuốc quý hiếm linh diệu để chữa một vài bệnh nan y, nên nọc độc của rắn vừa giết người vửa có thể cứu sống người.
Con rắn đồng bị treo trên cây là hình bóng tượng trưng cho Đức Chúa Giê-su, Ngài bị treo trên thập giá là để chữa lành và cứu chuộc những kẻ tin vào Ngài, nhưng đồng thời sự treo trên thập giá của Ngài cũng là cán cân công lý xử phạt những ai vì kiêu ngạo mà không tin vào Ngài, như thánh Gioan tông đồ đã nói: Ai tin vào Đức Chúa Giê-su thì không bị lên án, những kẻ không tin vào Ngài thì bị lên án rồi.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:31 10/03/2018

42. Cầu nguyện chính là hướng tâm hồn nhiệt thành quy về Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thập giá, tột đỉnh tình yêu
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:33 10/03/2018
Chúa Nhật IV Mùa Chay B
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21

Trong Tin Mừng Chúa Nhật này, chúng ta tìm thấy một trong những câu nói đẹp nhất và an ủi nhất của Kinh Thánh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, những được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Để bày tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, Thiên Chúa đã dùng những kinh nghiệm về tình yêu mà con người trao tặng cho nhau trên bình diện tự nhiên. Nhà thơ Dante cho rằng tất cả những điều giới hạn đều diễn tả những điều vô hạn nơiThiên Chúa. Mọi tình yêu con người như tình yêu vợ chồng, phụ tử, mẫu tử, bạn bè là những trang của một cuốn sách, hoặc những ngọn lửa của đống lửa; chúng có nguồn gốc và tìm thấy sự viên mãn trong Thiên Chúa.

1- Những dạng thức của tình yêu Thiên Chúa trong Cựu Ước

Trước hết, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Người qua hình ảnh của tình yêu phụ tử. Tình yêu phụ tử được thể hiện bằng sự cổ võ, khích lệ và thúc đẩy. Một người cha muốn người con của mình lớn lên, bằng cách ông khuyến khích nó phải cố gắng hết mình. Đây là lý do tại sao chúng ta ít nghe người cha ca ngợi con của mình một cách rộng rãi khi trước sự hiện diện của nó. Vì ông sợ rằng nó nghĩ mình đã hoàn hảo rồi và không cần phải cố gắng thêm nữa.

Nét đặc trưng khác của tình yêu phụ tử là sự sửa dạy. Người cha là thầy dạy, hướng dẫn và uốn nắn người con trưởng thành. Một người cha đích thực đồng thời cũng là người ban cho con cái sự tự do và an toàn, nhờ đó, người con cảm thấy mình được bảo vệ trong đời sống. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa giới thiệu mình với con người qua hình ảnh “đá tảng và thành lũy” bảo vệ con người, một “thành lũy vững vàng” trước những gian nan thử thách và lo lắng (x. Tv 27,1).

Nơi khác, Thiên Chúa nói với chúng ta qua hình ảnh tình yêu mẫu tử. Người nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Tình yêu của một người mẹ được ban nhờ sự đón nhận, cảm thương và sự dịu dàng; tình mẫu tử là một tình yêu sâu nặng và mênh mông như biển cả. Người mẹ luôn luôn đồng hành với con mình và luôn bảo vệ chúng, can thiệp cho chúng trước mặt người cha. Kinh Thánh luôn nói về sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa như là sức mạnh của người cha; nhưng Kinh Thánh cũng nói về sự dịu dàng và từ tâm của Thiên Chúa như là sự dịu dàng và từ tâm của người mẹ. Đó là sự “mềm mỏng mẫu tử.”

Nhờ kinh nghiệm, con người biết đến một dạng thức khác của tình yêu, tình yêu vợ chồng, đó là một thứ “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng” (Dc 8,6). Thiên Chúa cũng dùng hình thức tình yêu này để nói với chúng ta về tình yêu vô biên của Người đối với con người. Tất cả những danh từ mang sắc thái tình yêu giữa người nam và người nữ, bao gồm cả từ “quyến rũ” cũng được dùng trong Kinh Thánh để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa quyến rũ chúng ta (x. Gr 20,7).

2- Đức Giêsu, sự viên mãn của tình yêu

Khi đến trần gian, Chúa Giêsu kiện toàn tất cả những hình thức này của tình yêu: tình phụ tự, tình mẫu tử, tình vợ chồng (biết bao lần Người ví mình là một chàng rể (x. Mt 9,15); nhưng Người còn thêm vào một hình thức tình yêu khác: đó là tình bạn hữu. Người nói với các môn đệ Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,14-15).

Tình bạn hữu là gì? Tình bạn có thể là một tương quan lớn hơn cả muối tương quan ruột thịt. Tương quan họ hàng hệ tại ở việc có cùng huyết tộc; tình bạn hệ tại ở việc có chung một quan điểm, lý tưởng và những quan tâm. Nó phát xuất từ lòng tin tưởng, nhờ đó tôi sẵn sàng thổ lộ cho người khác biết những tư tưởng, tâm tư, tình cảm sâu kín nhất, cũng như những kinh nghiệm riêng tư của mình.
Giờ đây, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu của Người, bởi vì những gì Người biết bởi Cha Trên Trời, Người đã mạc khải cho chúng ta, Người đã thổ lộ với chúng ta, tin tưởng chúng ta. Người đã xem chúng ta là những người bạn tri âm tri kỷ để chia sẻ với chúng ta những ẩn dấu của mầu nhiệm Ba Ngôi! Chẳng hặn, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ưu thích những người bé mọn và những người nghèo, hay Người yêu chúng ta như người cha nhân hậu; hoặc Người chuẩn bị một nơi vĩnh cửu cho chúng ta.

3- Thập giá, tột đỉnh của tình yêu

Hơn thế, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu lớn lao nhất của Người đối với chúng ta khi Người bước lên thập giá. Nơi thập giá, tình yêu của Người thể hiện qua ba năng động: Thứ nhất, tình yêu tự hạ (kenosis): Con Thiên Chúa tự hạ, trút bỏ đị vị cảo cả, mặc lấy thân phận người Tôi Tớ đau khổ để cứu độ nhân loại. Đây là tình yêu được thể hiện bằng chính hành động và dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu; Thứ đến, tình yêu đảm nhận (ricapitolatio): Con Thiên Chúa đảm nhận và cưu mang mọi đau khổ và tội lỗi của nhân loại, Người chịu chết thay cho chúng ta; Thứ ba, tình yêu tự hiến (agape): Người tự hiến vì chúng ta một không điều kiện. Đây là tình yêu ở mức cao nhất. Bởi thế, thánh Gioan quả quyết: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Như thế, Chúa Giêsu mang đến cho hạn từ “bạn hữu” một ý nghĩa đầy đủ nhất khi Người hiến mình để cứu độ chúng ta. Nhờ đó, chúng ta đón nhận được lòng thướng xót và ân sủng của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chính do ân sủng và lòng tin mà chúng ta được sống và được cứu độ (x. Ep 2,4-10).

Chúng ta phải làm gì khi được nhắc nhớ đến tình yêu này? Chúng ta làm điều gì đó rất đơn giản thôi: hãy tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, hãy đón nhận tình yêu đó, hãy nhắc lại nhiều lần với thánh Gioan: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó!” (1 Ga 4,16).

Đồng thời chúng ta được mời gọi đáp trả tình yêu của Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn, xa lánh các dịp tội và quyết tâm không phạm tội nữa. Bởi lẽ, bao lâu còn phạm tội, bấy lâu Chúa Giêsu vẫn phải hấp hối và tiếp tục chịu chết một lần nữa vì chúng ta. Như lời của Dinsmore nói: “Vẫn có một cây thập giá trong cung lòng Thiên Chúa trước khi cây thập giá đó được trồng trên một ngọn đồi bên ngoài thành thánh Giêrusalem. Và giờ đây, dù cây thập giá gỗ đã bị loại trừ, cây thập giá đó vẫn còn trong cung lòng Thiên Chúa và nó sẽ vẫn con bao lâu vẫn con dù chỉ một tội nhân để cho Thiên Chúa phải đau khổ.”

Ước gì trong Mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta nhìn lên thập giá và biết hoán cải đời sống mình để Thiên Chúa không còn phải đau khổ, còn chúng ta được cứu độ và sống đời đời. Amen!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp lần Thứ 72 tại Melbourne.
Trần Văn Minh
04:24 10/03/2018
Melbourne, trong một ngày nóng bức, nhiệt độ 33 độ C, cộng với những ngày dài trước đó nóng và không mưa cộng lại. Trong ánh nắng chói chang còn sót lại của Mùa Hè Nam Bán Cầu. Nhưng vì lòng ái mộ Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp. Đông đảo mọi người với đủ mọi thành phần dân Chúa từ quý cụ, quý ông bà khỏe mạnh cũng như đau yếu và cả các em thanh, thiếu niên, đặc biệt đã có thêm các người Úc đã không ngại cái nắng nóng. Đã tề tựu về Nhà thờ Our Lady vùng Maidstone để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha Trương Bửu Diệp.

Xem hình

Thánh lễ lúc 14 giờ trưa Thứ Bảy, Ngày 10 Tháng Ba Năm 2018, do Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp tổ chức và do Cha Trần Ngọc Tân là linh hướng của hội chủ tế cùng với hai Cha Philip Lê Văn Sơn và một cha người Úc đồng tế. Ca đoàn Nữ Vương tiếp tục đồng hành cùng hội trong suốt 18 năm qua, đã dùng lời ca tiếng hát của mình để vinh danh Thiên Chúa, giúp cho buổi lễ thêm sống động, long trọng và sốt sắng hơn.

Trước khuôn viên ngôi giáo đường, có một băng rôn ghi: Mừng lễ giỗ lần thứ 72 Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp với bức di ảnh của cha một bên. Như thường lệ, trước khi thánh lễ giỗ bắt đầu, cô Phương Thanh và ông Thịnh đã lên chào mừng mọi người và đọc tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp bằng song ngữ Anh Việt. Để tiện cho mọi người theo dõi, nhất là những em nhỏ và những người Úc, Thầy Đạt đã giúp cho hội có được các bài dùng để chiếu phần phụ đề song ngữ trên màn hình.

Đại diện hội trong quốc phục Việt Nam đã rước đoàn đồng tế thật long trọng lên bàn thánh. Trong bài chia sẻ lời của Chúa. Linh mục Trần Ngọc Tân đã hết lòng ca ngợi Cha Phanxico Xavier Trương Bửu Diệp, một vị mục tử nhân lành đã sống hết mình để bảo vệ cho đoàn chiên. Sống đúng theo gương Chúa Giê Su, để chịu chết thay cho con chiên mà mình có nhiệm vụ coi sóc. Mặc dù, theo tiểu sử thì Cha cũng đã được bề trên và quý bằng hữu khuyên nên bỏ đi nơi khác, nhưng Ngài đã không nỡ bỏ lại những người là đoàn chiên đã theo Ngài. Nhờ sống đẹp lòng Chúa, Chúa đã thương và trao chìa khóa kho tàng ân sủng để Cha Trương Bửu Diệp ban phát. Và những ai đã đến xin Ngài, để Ngài cầu bầu cùng Chúa đều không thất vọng. Trong các ơn lành mà Cha Diệp ban phát, có rất nhiều người đã không phải là người Công Giáo.

Cuối lễ, trước khi mọi người được mời qua bên hội trường nhà xứ để dùng bữa ăn nhẹ, Cha Trần Ngọc Tân đã kêu gọi mọi người ủng hộ Hội Bác ái Cha Trương Bửu Diệp, để hội có khả năng tài chánh để tổ chức các buổi lễ giỗ, và làm các công việc bác ái, từ thiện. Linh mục Trần Ngọc Tân đã là người đầu tiên móc túi đóng góp cho thùng tiền bác ái. Tiếp theo là làm phép ảnh Cha Diệp để làm món quà cho những ai chưa có ảnh Ngài thỉnh về trưng trong gia đình.

Bà Đỗ Thị Nhơn thay mặt hội lên cám ơn quý Cha, quý tu sỹ nam nữ và toàn thể mọi người, đã đến hiệp dâng thánh lễ cầu cho Cha Trương Bửu Diệp để nếu đẹp lòng Chúa, xin ban cho Ngài được giáo hội công nhận và xin Ngài cầu bầu cùng Chúa ban ơn bình an đến cho toàn thể mọi người.

Kết thúc, mọi người đã lên viếng di ảnh cha, sau đó qua hội trường dùng bữa ăn nhẹ thân mật, có phần văn nghệ giúp vui và phần xổ số để gây quỹ giúp các nơi đang cần đến sự giúp đỡ của hội tại Việt Nam.
 
Thông Báo V/v bổ nhiệm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Saigòn
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
12:40 10/03/2018
Thông Báo V/v bổ nhiệm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh

Kính thưa quý cha,

quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh,

cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong Tổng giáo phận,

Ngày 8/3/2018 vừa qua, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã được Tòa Thánh, qua Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sàigòn để điều hành Tổng giáo phận trong lúc “trống tòa” do sự ra đi đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.

Xin các thành phần dân Chúa trong Tổng giáo phận cầu nguyện cho Đức Giám quản Giuse và tích cực cộng tác với Ngài trong trách vụ được Giáo hội ủy thác.

Kính báo,

Lm. Phêrô Kiều Công Tùng

Chưởng Ấn
 
Bổ nhiệm Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J., vào chức vụ Chánh Văn phòng kiêm Quản lý Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.
WHD
12:43 10/03/2018
Ngày 09/03/2018, trong phiên khai mạc Hội nghị Thường niên kỳ I-2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Foyer Phát Diệm, Rôma, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký quyết định bổ nhiệm linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J., vào chức vụ Chánh Văn phòng kiêm Quản lý Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục trước đây là cha Louis Nguyễn Anh Tuấn. Cha Louis Tuấn đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận TP.HCM từ ngày 25/08/2017, nên cần có một linh mục khác trong chức vụ này.

Cha Giuse Đào Nguyên Vũ hiện đang là Thư ký Uỷ ban Mục vụ Di dân của Hội đồng Giám mục và Đại diện giám mục đặc trách ngoại kiều tại Tổng giáo phận TP.HCM.
 
Giáo xứ Tân Định Sàigòn: Chầu Thánh Thể “24 giờ cho Chúa”
Đức Dũng
20:24 10/03/2018
Theo thông báo của HĐMV TGP Sài Gòn. Tổ chức Chầu Thánh Thể. “24 giờ cho Chúa” Nhà thờ Tân Định được vinh dự thay nhà thờ chính tòa đang bề bộn (theo sứ điệp chọn một nhà thờ) Vào lúc 14 giờ chiều ngày 9/3/2018 đến 16 giờ 30 chiều ngày thứ bảy 10/3/2018

Chầu Thánh Thể trong mùa chay “24 giờ cho Chúa” của TGP kỳ này trong bối cảnh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang có cuộc viếng thăm “Ad Limina” và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc TGM TGP Sài Gòn vừa mới qua đời tại Rôma.

Trong tâm tình mùa chay và hướng về Chúa: “Nơi Chúa có ơn Tha thứ” trích “TV 130,4”

Xem Hình

Vào lúc 14 giờ chiều ngày 9/3/2018. Giáo xứ Tân Định khởi đầu tổ chức Chầu Thánh Thể. “24 giờ cho Chúa” là đặt Mình Thánh Chúa và ban bí tích hòa giải. Cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng Chánh xứ Giáo xứ Tân Định có vài lời khai mạc và mời gọi cộng đoàn tham dự nâng tâm hồn lên, hướng về Chúa, bầu khí thật trang trọng, sau đó ngài tiến vào tòa giải tội để ban bí tích hòa giải.

Tham dự buổi Chầu Thánh thể có Cha Phụ tá Đaminh Phạm Khắc Duy Chủ sự, HĐMVGX và Cộng Đoàn dân Chúa Gx. Tân Định

Bài dẫn nhập: Khai mạc

Mùa Chay là thời điểm của ân sủng, giúp mọi tín hữu nhìn lại cuộc đòi mình, sám hối ăn năn sửa lại những lỗi lầm và là thời gian thuận tiện nhất để mỗi người kitô hữu đổi mới con người và đời sống của mình, để trở về và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Năm nay 2018 Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành sứ diệp mùa chay vào ngày 1/11/2017 với chủ đề “vì tội ác gia tăng nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (MT 24,12). Theo ĐTC mùa chay là thời gian “hoán cải”. Trong việc chuẩn bị của chúng ta cho Mùa Phục Sinh. Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài trao ban cho chúng ta mỗi năm một Mùa Chay như là “dấu chỉ bên ngoài của cuộc hoán cải”

Qua sứ điệp này, ĐTC cảnh giác dân Chúa đừng để các tiên tri giả mê hoặc và đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, mà hãy dấn thân sống trọn tinh thần Mùa Chay. Đồng thời “Giáo hội, là Mẹ và là Thầy của chúng ta, cùng với phương dược sự thật, nhiều khi là thuốc đắng, cống hiến cho chúng ta trong Mùa Chay này phương dược ngọt ngào, là kinh nguyện – làm phúc bố thí và chay tịnh.

Bởi kinh nguyện giúp tâm hồn chúng ta khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để chúng ta đi tìm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng cho chúng ta được sống.

Tiếp đến việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân, là anh chị em chúng ta, điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. ĐTC cho biết ngài “ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thật của mỗi người”

Sau cùng, việc chay tịnh giải tỏa bạo lực của chúng ta và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng, chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói,. Chay tịnh biểu lộ tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh đánh thức và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.

Trước khi kết thúc sứ điệp Mùa Chay 2018. ĐTC Phanxicô nhắc nhở chúng ta mặc dù ngọn lửa bác ái có thể lịm tắt trong lòng chúng ta, nhưng nó không bao giờ tắt trong tâm lòng Thiên Chúa. Đồng thời ngài mời gọi toàn thể Cộng Đoàn Giáo Hội cử hành bí tích hòa giải trong khuôn khổ Chầu Thánh Thể, qua sáng kiến. “24 giờ cho Chúa”, vào Thứ sáu và Thứ bảy ngày 9 và 10/3/2018, được gợi hứng từ lời Thánh Vịnh 130 câu 4 là: “Nơi Chúa có ơn Tha thứ”.

Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp thông cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, và chiêm ngắm Chúa là “Đấng lãnh đạo và kiện toàn đức tin” (Dt 12,2) chúng ta tuyên xưng Chúa ngự trong phép Mình Thánh, chúng ta thờ lạy và phủ phục tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta hãy cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình Ngài, và ban ơn tha thứ cho chúng ta. Xin Chúa Giê su Thánh Thể, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, trợ giúp chúng ta, trợ giúp gia đình chúng ta, trợ giúp Giáo xứ chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta luôn trung tín với Chúa và thủy chung với nhau.

Sau bài dẫn nhập cả cộng đoàn hát cầu xin Chúa Thánh Thần, Cha chủ sự Đaminh Phạm Khắc Duy tiến ra bàn thờ và đặt Mình Thánh Chúa kế đó ngài xông hương và Cộng đoàn hát bài thánh ca. Đây lòng Chúa ái tuất.

Buổi chầu Thánh Thể được tiếp nối: Tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau lời suy ngẫm Tâm tình tin thờ Thánh Thể. Cộng đoàn hát bài. Lắng nghe Lời Chúa

Kế đó là Suy niệm Lời Chúa. Cha chủ sự đọc tin mừng. bài Lời Chúa hôm nay được lấy từ sách Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 8, 11) sau bài Tin Mừng Cộng đoàn được mời vào suy niệm, sau phần suy niệm Cộng đoàn hát bài. Nay con trở về. và được mời gọi đến tòa giải tội để được lãnh nhận bí tích hòa giải

Buổi Chầu Thánh Thể được tiếp tục với phần Cầu nguyện, sau phần cầu nguyện Cộng đoàn hát bài. Sống trong niềm vui

Kế đó là phần cầu nguyện chung trước Thánh Thể, sau phần cầu nguyện chung là Cầu cho Đức Giáo Hoàng sau đó Cộng đoàn hát bài. Này con là Đá và Đây Nhiệm Tích

Cuối cùng Cha chủ sự ban phép lành trên Cộng đoàn và Cộng đoàn hát bài. Dâng Mẹ.

Buổi Chầu Thánh Thể đầu tiên “24 giờ cho Chúa” của Giáo xứ Tân Định kết thúc và mọi người tiến tới tòa giải tội, để lãnh nhận bí tích hòa giải.

Laudetur Jesus Christus - Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.

Mùa Chay 2018






 
Văn Hóa
Chuá Nhật 4 mùa chay : Ở hai đầu con rắn
Sơn Ca Linh
20:17 10/03/2018
Ở HAI ĐẦU CON RẮN
(CN 4 MC Năm B)

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3,14)

Ngồi ngẫm lại chuyện ta, chuyện người,
Chẳng qua chỉ là chuyện “giữa hai đầu con rắn” !

Con rắn địa đàng,
Con rắn của cám dỗ, chối từ, ngã sa, cay đắng,
Con rắn của một đời lỗi tội, đi hoang.

Cũng may, Chúa không đành,
Bỏ mặc đời ta trong vực thẳm nô lệ lầm than,
Mà từng bước dẫn ta đi tìm về đất hứa.

Dẫu bước đăng trình có khổ sầu chan chứa,
Sa mạc cuộc đời lắm cạm bẫy gian nan.
Những vết thương đau, tội lỗi ngập tràn,
Tưởng đã tiêu đời,
Giữa sa mạc hoang vu hay trập trùng “Biển Đỏ” !

Nhưng Giao ước khắc ghi muôn đời sáng tỏ,
Ta là con và Chúa mãi mãi là Cha.
Nên vẫn sáng lên niềm hy vọng bao la,
Nơi “Con rắn đồng” được giương cao giữa trời sa mạc.

Vâng, Thập Giá chiều nao trên đồi xưa xơ xác,
Xác thân “Con Người” của lễ hy sinh.
Cho ngàn đời muôn ánh mắt nhìn lên,
Máu tình yêu xóa sạch bao vết hằn tội lỗi.

Đường ta đi vẫn con đường trần lầy lội,
Vẫn cuộc đăng trình,
Giăng mắc giữa muôn vàn tội lỗi với thứ tha.
Giữa vong ân bội nghĩa với thương xót bao la…
Vâng, đời là cả Mùa Chay,
Xuyên suốt cả giữa “hai đầu con rắn” !

Sơn Ca Linh
(CN 4 Mùa Chay 2018).


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lên Chùa Tháng Giêng
Nguyễn Bá Khanh
09:40 10/03/2018
LÊN CHÙA THÁNG GIÊNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Tháng giêng sau tết lên chùa
Xin xâm hái lộc cơm chùa lấy hên.
(nbk)