Ngày 09-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người tù mãi mãi không chết
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:59 09/03/2024
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B
NGƯỜI TỬ TÙ MÃI MÃI KHÔNG CHẾT

Trong câu chuyện với Nicôđêmô, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh con rắn đồng khi so sánh: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời".

Con rắn ở sa mạc không là chính sự tha thứ nhưng là biểu tượng của tình yêu tha thứ. Nó không là chính tình yêu nhưng là dấu chỉ của tình yêu hiến dâng và hiến thân. Nó gọi về nơi tâm trí chúng ta cái chết của Đấng vì chúng ta mà chết và là tác giả của ơn cứu chuộc. Nó đưa chúng ta về với tình yêu tha thứ có một không hai trên cõi đời, đó là chính tấm lòng của Đấng tạo thành chúng ta.

Ngài là Thiên Chúa và là tình yêu tuyệt đỉnh. Lòng tha thứ của Thiên Chúa mạnh đến nỗi, Thiên Chúa như ném chính Người Con duy nhất và yêu quí nhất của mình cho trần gian để thực hiện lòng tha thứ đối với chính trần gian vô vàn lần xúc phạm Thiên Chúa.

Trong mạch văn của bài Tin Mừng, thánh Gioan còn ghi thêm chính lời Chúa Giêsu: "Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến luận phạt trần gian, nhưng để trần gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ". Thiên Chúa luôn ở về phía chúng ta để ra tay cứu chứ không phải phạt.
Ngày xưa nơi địa đàng, cửa trời khép lại do lòng người khép lại. loài người không yêu Chúa và chẳng còn yêu thương nhau. Ngày nay cửa trời lại mở do một người biết mở rộng cõi lòng. Chúa Giêsu Kitô ôm lấy Thập giá để mãi mãi mở ra chân trời mới, chân trời của sự sống cho cả nhân loại.

Với Chúa Kitô, Thập giá của Ngài không chỉ là ngọn cờ biểu trưng cho Tình yêu, cũng không chỉ là mầu nhiệm của Tình yêu, mà còn là lời ngỏ của Tình yêu gởi nhân loại, là lời chung quyết của tình yêu thay mọi lời nới về tình yêu, thay mọi diễn tả của lòng tha thứ, thay tất cả mọi biểu hiện của sự cứu độ.

Vì Tình yêu ấy mà Chúa Kitô trở thành "người Tôi tớ đau khổ" của Thiên Chúa.

Trên Thập giá, gương mặt của Chúa Kitô là tất cả nỗi nhục nhằn của nhân loại được khắc sâu vào đó.

Trên Thập giá, gương mặt tha thứ và xót thương của Chúa Cha trở nên rạng ngời, trở nên hiện thực, gần gũi và sinh động đến không cùng, mạnh mẽ và dữ dội.

Bởi khi trao dâng Con của mình, tức là Thiên Chúa trao tặng chính mình, trao tặng chính sự hy sinh lớn lao của bản thân để cứu độ chúng ta.

Nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đóng vai người trộm lành để ngước lên mà nài xin Chúa Giêsu: Xin cho con được về Nước của Chúa cùng Chúa. Xin cho Thập giá của Chúa cứu lấy con, ban cho con chính sự sống của chính Chúa. Xin hãy trao vương quốc của Chúa cho con. Xin Hãy để con tiến đến cùng Thiên Chúa và đích thân thưa với Ngài trong vai trò của chính Chúa: Lạy Cha, xin đừng bỏ con, xin đừng chê chối con, đừng đẩy con xa Cha. Lạy Cha, con phó thác trọn hồn con trong tay Cha.

Và chúng ta đừng quên, trước khi thưa với Chúa Giêsu như trên, người trộm đã thực sự nhìn nhận thân phận bản thân khi anh đối chất với người cùng chịu tử hình với mình: "Mày đáng chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm".

Trong khi cả đám đông chung một lòng đòi Chúa xuống khỏi Thập giá, thì người trộm lại đòi được đưa lên. Tất cả đều tìm kiếm một Đấng Cứu Chuộc không Thập giá, thì người trộm lại nhận ra hy vọng từ Thập giá. Điều quan trọng trên hết mọi thứ quan trọng, đó là, trong khi cả đám đông phủ nhận Chúa Giêsu, thì chỉ một mình người trộm lại có thể hướng về Chúa Giêsu để bật thốt: "Cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!".

Ý thức phận mình, người trộm lành, dẫu chỉ là một tử tội, đã có thể sống vĩnh cửu trong đời vĩnh cửu. Người tử tội trở thành người mãi mãi không chết.

Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đến vô cùng, hãy cảm tạ Thiên Chúa không phải bằng lời, nhưng bằng cả cõi lòng mình. Hãy ý thức thật sâu lắng và lớn lao: Chúa yêu thương ta đến nỗi không còn kể mình nữa, miễn là ta được sống. Ý thức thật nhiều, để niềm ý thức ấy trở nên nung đốt tâm tình cảm tạ trong ta thật mãnh liệt, thật dồi dào, thật trào tràn.

Người trộm lành là tấm gương và sự gợi hứng để chúng ta ăn năn tội. Bởi nếu ngày nào chúng ta chưa ăn năn, hoặc chỉ ăn năn cách hờ hững, sơ sài, ngày ấy chúng ta chưa thể có Chúa thật sự trong nhận thức và trong trái tim mình.

Phải thấy mình dại dột, lầm lạc và đáng thương, chúng ta mới đủ sáng suốt nhận ra Chúa thực sự là tình yêu, thực sự là nguồn ơn cứu độ của chúng ta.

Chỉ khi nào bắt đầu thực sự thấy mình tầm thường, nhỏ bé, còn đầy dẫy khuyết điểm, còn xa cách sự thánh thiện, khi đó mới thực sự bước vào con đường của hối cải, của ăn năn như chính con đường mà người trộm lành đã khởi sự bước đi khi bị treo trên thập giá.

Hãy nhớ, để chữa trị bệnh tật, bệnh nhân phải thực sự thấy mình bị bệnh. Cũng vậy, phải thực sự thấy mình có tội, đó mới thực sự là điều kiện dẫn mình đến khởi sự ăn năn tội.
 
Máu Đỏ Thánh Giá
Nguyễn Trung Tây
14:28 09/03/2024
Nguyễn Trung Tây
Máu Đỏ Thánh Giá

...Khi Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá, ngày giờ của ơn cứu rỗi, giây phút của ơn cứu độ đã bắt đầu.

Hồi đó trên con đường thiên lý, trong đất sỏi sa mạc, mệt mỏi với hành trình bốn mươi năm hoang địa, với manna, với nước, và với chim cút, dân hành hương Do Thái than van oán trách Thiên Chúa tại sao lại mang họ ra khỏi vùng đất nô lệ về miền đất hứa. Trong khi người dân du mục đang than thở, nhớ thương củ hành củ tỏi đất Ai Cập, rắn độc bỗng dưng xuất hiện ngập tràn sa mạc. Thế là máu đỏ của dân Do Thái trong sa mạc không còn đỏ nữa, nhưng chuyển đổi sang mầu đen bởi nọc rắn độc. Trong cơn nguy khốn, dân riêng của Thiên Chúa quay trở về lại với Giavê Thiên Chúa.

Bởi lòng thống hối của họ, Thiên Chúa giơ tay ra, Ngài giao hòa, ôm lấy những người con hoang đàng của một thời bỏ đi hoang. Và Giavê sai ngôn sứ Môisen làm một con rắn bằng đồng dựng cao trên cột trụ. Những ai đang bị nọc độc của rắn tung hoành trong người, nếu nhìn lên con rắn đồng, nọc độc máu đen trong huyết mạch sẽ biến mất, nhường chỗ cho dòng máu đỏ nguyên thủy luân lưu (Dân Số 21:4-9).

Về sau, trong khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã so sánh hình ảnh của con rắn đồng treo trên cột trụ trong sa mạc năm xưa với hình ảnh của thân xác Ngài bị đóng đinh trên cây gỗ hình chữ thập (Gioan 3:14). Theo như thánh sử Gioan, khi bị đóng đinh trên cây thánh giá, Đức Giêsu không nhắm mắt lại chết đi như một tội nhân, nhưng Ngài đã trở thành nguồn suối nước hằng sống tẩy rửa tất cả những nọc độc tội lỗi của nhân loại (Gioan 4:13-14, 8:28, 19:34).

Đặc biệt, bởi máu đỏ của Đức Giêsu tuôn chảy nhuộm hồng cây thánh giá gỗ trên đỉnh núi Sọ, máu đen rắn độc của tội lỗi đã bị đánh bại, thôi, không còn luân lưu trong huyết mạch của con cháu Adong Evà. Bởi thế, khi Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá, ngày giờ của ơn cứu rỗi, giây phút của ơn cứu độ đã khởi đầu.

Suy Niệm
Đức Khổng Tử tin rằng, “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người nguyên thủy mang trong người tính thiện. Tương tự như người Trung Hoa, người Do Thái cũng tin rằng, bởi được sinh ra trong hình dạng của Giavê Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26, 27), con người nguyên thủy là con người tốt, con người của tính thiện. Nhưng, rất tiếc, bởi Adong và Evà cãi lại lời của Giavê Thiên Chúa, nọc độc tội lỗi đã có dịp nứt vỏ, nẩy mầm, lan tràn trong tâm hồn của con người. Thật vậy, từ khi ông bà nguyên tổ nghe lời của con rắn trên cành cây, nọc độc của rắn độc và của tội lỗi đã có cơ hội phun vào thịt da, ngấm sâu vào trong mạch máu của nhân loại. Bởi thế, máu đen của ác tính có dịp len lỏi vào dòng máu đỏ của thiện tính.

Nhưng, bởi Đức Giêsu bị treo trên cây gỗ hình chữ thập (Gioan 8:28), đã chảy hết máu đỏ của Ngài ra trên cây thánh giá (Gioan 19:34), nọc độc của rắn độc và của tội lỗi trong chúng ta đã bị chế ngự. Hơn thế nữa, bởi dòng máu đỏ của Đức Giêsu đã nhỏ ra tới giọt cuối cùng (Gioan 19:34), máu đen rắn độc năm xưa đã được thay thế bằng dòng máu đỏ thánh giá của Con Thiên Chúa trên núi Sọ. Khi Đức Giêsu nhắm mắt lại chết đi trên đỉnh núi, thánh giá và thân xác của Ngài đã trở thành một biểu tượng của một Thiên Chúa giầu lòng vị tha. Ai tin, nhìn lên cây thánh giá, biểu tượng của ơn cứu rỗi, dòng máu đen rắn độc sẽ được biến đổi, hóa thành dòng máu đỏ thánh giá.

Lời Nguyện
Lạy Ngài, xin cho con thấy.□
 
Hương thơm sớm
Lm. Minh Anh
15:46 09/03/2024
HƯƠNG THƠM SỚM
“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.

Một cô gái trong bệnh viện bị tai nạn và chỉ còn khứu giác. Mẹ cô muốn truyền đạt sự hiện diện của mình nên đã sử dụng loại nước hoa mà cô gái sẽ nhớ là của mẹ mình. Giờ đây, nước hoa không phải là cái gì thiết yếu của người mẹ mà là ‘sự mở rộng’ con người thật của bà để giao tiếp ở cấp độ con gái của bà. Thiên Chúa thực chất không phải là một thân xác, nhưng Ngài trở thành người. Ngài đã ‘mở rộng’ chính Ngài để giao tiếp ở cấp độ của chúng ta để chúng ta có thể hưởng ‘hương thơm sớm’ của chính Ngài.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mang đến cho chúng ta ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh. Phẩm phục hồng mời gọi chúng ta đến với niềm vui thanh thản. Ca nhập lễ hát, “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành!”.

Tâm lý cho chúng ta biết, một người không hạnh phúc, cuối cùng sẽ mắc bệnh cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc phải có cơ sở, nó phải là biểu hiện của sự thanh thản khi sống một cuộc sống ý nghĩa. Không được như thế, niềm vui sẽ thoái hoá, hời hợt và điên rồ. Têrêxa Ávila phân biệt chính xác giữa “niềm vui thánh thiện” và “niềm vui dại khờ”. Loại thứ hai chỉ ở bên ngoài, tồn tại trong thời gian ngắn và để lại dư vị đắng; loại thứ nhất cho chúng ta hưởng nếm ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy thử thách cho đời sống đức tin, nhưng đó cũng là những khoảng thời gian thú vị. Cách nào đó, chúng ta trải nghiệm những cuộc lưu đày tận Babylon mà Thánh Vịnh Đáp Ca nhắc đến. Vâng, cả chúng ta nữa, cũng có thể trải qua những cuộc lưu đày “Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion”. Những khó khăn bên ngoài, bao giằng co bên trong mà trên hết là tội lỗi có thể đưa chúng ta đến gần các dòng Babylon. Vậy mà bất chấp mọi sự, chúng ta vẫn có lý do để hy vọng, vì không chỉ chúng ta thở than mà chính Thiên Chúa cũng tiếp tục than thở chính những lời đó, “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm!”.

Chúng ta luôn có thể sống hạnh phúc trong niềm vui vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta điên cuồng đến nỗi đã ‘mở rộng’ chính Ngài, “đã ban Con Một của Ngài” - Tin Mừng hôm nay. Hãy sớm đồng hành cùng Giêsu trên con đường tử nạn và phục sinh; đồng thời, chiêm ngắm tình yêu của Đấng hiến thân mình vì bạn và vì tôi. Và chúng ta sẽ cảm nhận ‘hương thơm sớm’ của niềm vui Phục Sinh, một niềm vui mà không ai có thể lấy đi được.

Anh Chị em,

“Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!”. Để Giêrusalem có thể mừng vui, bạn hãy trở về với nó; nghĩa là hãy trở về với Chúa! Hãy rời xa các bờ sông Babylon thì niềm vui đích thực sẽ đến! Nó sẽ thắp sáng cuộc đời bạn và tôi. Tuy nhiên hãy biết rằng, niềm vui đó không đến từ nỗ lực của chúng ta! Phaolô nhắc nhở, nó là một món quà đến từ Thiên Chúa, “Đấng tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu” - bài đọc hai. Vậy, hãy để cho mình được Chúa yêu thương, yêu mến Ngài, và niềm vui của chúng ta sẽ thật lớn lao trong Lễ Phục Sinh sắp tới cũng như trong suốt đời mình. Muốn được vậy, hãy để Chúa ôm ấp và đổi mới bằng cách đến với toà giải tội ngay trong Mùa Chay này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã mở rộng chính Ngài theo cấp độ của con; dạy con ‘mở rộng’ chính mình ‘theo cấp độ của Chúa’ hầu con hưởng ‘hương thơm sớm’ của thiên đàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:36 09/03/2024

18. Một người rước lễ mỗi ngày, thì ngay cả những tội nhẹ họ cũng nhất định thoát khỏi, và sẽ không có bất cứ liên hệ nào với chúng nó (tội nhẹ).

(Thánh Pius X)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 09/03/2024
100. THỊ LANG THAM QUYỀN CỐ VỊ

Vào thời Võ Tắc Thiên, binh bộ thị lang Hầu Trí Nhất vì tuổi tác cao nên hoàng đế ra lệnh cho về hưu, nhưng Hầu Trí Nhất không muốn tình nguyện về hưu nên nhảy lên chạy xuống để cho hoàng đế thấy sự nhanh nhẹn của mình, mọi người đều cười ông ta và nói:

- “Bất phủ chí sĩ”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 100:

Về hưu là chuyện tự nhiên như tre già măng mọc, nhưng măng sẽ không mọc nếu những ông quan già vẫn cứ tham quyền cố vị; hoán chuyển công việc là chuyện tự nhiên như sóng vỗ vào bờ hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, nhưng sóng sẽ không vỗ bờ nếu biển lặng như tờ !

Có nhiều cha sở ở rất lâu nơi giáo xứ và cảm thấy mình có công trạng quá nhiều với giáo xứ, nên khi giám mục hoặc bề trên đổi qua giáo xứ khác thì không đi, lại còn “ăn rơ” với địa phương về vấn đề hộ khẩu để không đi xứ mới, làm cho cha sở mới được bổ nhiệm không đến nhiệm sở được, hoặc làm khó cho giám mục hay bề trên của mình...

Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa cao sang của mình để xuống trần gian làm con người hèn hạ thấp hèn, vì Ngài yêu thương thế gian, thì sá chi cái công lao nhiều năm của cha sở nơi một giáo xứ chứ? Nếu mình không đi thì lớp đàn em sao “khả úy” được, nếu mình không vâng lời thì lớp em út sau làm sao “mọc” lên được chứ?

Tham quyền cố vị không chỉ là những ông quan già đến tuổi về hưu mà không muốn về, nhưng còn là nói đến những ông quan trẻ được thuyên chuyển đi qua nơi làm việc khác mà không chịu đi...

Người thế gian nể và kính trọng Giáo Hội và các linh mục là ở chổ đó: biết vâng lời đi giáo xứ khác, khi mà mình đang làm rất nhiều công trình đạo đời cho giáo xứ mà mình đang coi sóc...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp của Đức Phanxicô gửi các người tham gia hội thảo hữu thể học xã hội và luật tự nhiên của Thánh Tôma
Vũ Văn An
16:59 09/03/2024

Nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày qua đời năm nay và 800 năm ngày sinh vào năm tới của Thánh Tôma Aquinô, Giáo hoàng Hàn lâm viện Các Khoa học Xã hội đã tổ chức một buổi tập huấn về chủ đề “hữu thể học xã hội và luật tự nhiên của Thánh Tôma” trong hai ngày 7 và 8 tháng 3. Nhân dịp này, Đức Phanxicô đã gửi các tham dự viên thông điệp sau đây:



Tôi rất vui khi biết rằng Giáo hoàng Hàn lâm viện Các Khoa học Xã hội đã chọn tổ chức lễ kỷ niệm 750 năm ngày qua đời của Thánh Tôma Aquinô bằng cách tài trợ một cuộc Hội thảo về chủ đề “hữu thể học xã hội và luật tự nhiên trong viễn ảnh những hiểu biết sâu sắc cho và từ Khoa học xã hội của Thánh Tôma”. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả những người tham gia vào cuộc họp mặt quan trọng này và tôi cầu nguyện những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất để cuộc thảo luận của anh chị em đạt được kết quả tốt đẹp.

Chắc chắn Thánh Tôma không trau dồi các khoa học xã hội như chúng ta biết ngày nay. Tuy nhiên, việc nghiên cứu nghiêm ngặt của ngài về những hàm ý triết học và thần học của dữ kiện Kinh Thánh cho rằng con người được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1:27), vốn được phát biểu trong nhiều tác phẩm khác nhau của ngài, có thể nói là đã giúp dọn đường cho sự phát triển của các ngành khoa học hiện đại này. Tác phẩm của Thánh Tôma thể hiện cả sự cam kết của ngài trong việc hiểu lời mặc khải của Thiên Chúa trong mọi chiều kích của nó, đồng thời, sự cởi mở đáng chú ý của ngài đối với mọi chân lý mà lý trí con người có thể tiếp cận được. Vị Tiến sĩ Thiên thần đã xác tín sâu sắc rằng vì Thiên Chúa là sự thật và là ánh sáng soi sáng mọi hiểu biết, nên không thể có sự mâu thuẫn cuối cùng giữa sự thật được mặc khải và những sự thật được lý trí khám phá. Trọng tâm của sự hiểu biết của ngài về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí là niềm xác tín của ngài về quyền năng ân sủng của Thiên Chúa để chữa lành bản chất con người bị suy yếu bởi tội lỗi và nâng cao tâm trí thông qua việc tham gia vào sự hiểu biết và tình yêu của chính Thiên Chúa, và qua đó giúp chúng ta hiểu được và sắp xếp một cách đúng đắn cuộc sống của chúng ta với tư cách cá nhân và trong xã hội.

Các khoa học xã hội đương thời tiếp cận các vấn đề của con người và theo đuổi sự phát triển của con người thông qua nhiều cách tiếp cận và phương pháp khác nhau phải đặt nền tảng trên thực tại và phẩm giá không thể giản lược của con người. Thánh Tôma đã có thể rút ra một di sản triết học phong phú mà ngài giải thích qua lăng kính Tin Mừng để khẳng định rằng con người, là “điều hoàn hảo nhất trong mọi tạo vật” (ST I, q. 29, a. 3), là trụ cột của trật tự xã hội. Được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, các cá nhân, thông qua các mối quan hệ bản thân và liên bản vị, được dự định sống, tăng trưởng và phát triển trong cộng đồng. Vì lý do này, “điều tự nhiên là con người phải sống trong xã hội với nhiều người khác để có thể, bằng lao động của đôi tay và thân thể mình, được soi sáng bởi ánh sáng trí tuệ và sức mạnh ý chí của mình, kiếm được những thiện ích vật chất và tinh thần” cho phúc lợi và cuộc sống tốt đẹp của họ, vì hạnh phúc của họ” (De regno, B.I.c. 1).

Dựa trên những nguyên tắc đã được Aristốt thiết lập, Thánh Tôma cho rằng thiện ích tinh thần có trước thiện ích vật chất và thiện ích chung của xã hội có trước thiện ích của các cá nhân, vì con người về bản chất là một “động vật chính trị”. Sự tiếp xúc của ngài với các tác phẩm đạo đức và chính trị của các nhà tư tưởng cổ điển vĩ đại được thể hiện rõ qua các bài bình luận của ngài, và được phản ảnh đặc biệt trong các câu hỏi mà ngài dành cho công lý, đặc biệt là trong Chuyên luận về Luật nổi tiếng của ngài (ST I-II, qq. 90-108).

Trong khi ảnh hưởng của ngài trong việc định hình tư duy đạo đức và pháp lý của thời hiện đại là không thể nghi ngờ, thì việc khôi phục quan điểm triết học và thần học đã hình thành nên tác phẩm của ngài có thể tỏ ra khá hứa hẹn cho sự suy tư có kỷ luật của chúng ta về các vấn đề xã hội cấp bách của thời đại chúng ta.

Thánh Tôma đề cao phẩm giá và sự thống nhất vốn có của con người, con người vừa thuộc về thế giới vật chất nhờ thể xác, vừa thuộc về thế giới tâm linh nhờ linh hồn hữu lý. Một tạo vật có khả năng phân biệt đúng và sai theo nguyên tắc không mâu thuẫn nhưng cũng có khả năng phân định thiện và ác. Khả năng bẩm sinh này để phân định và ra lệnh hoặc xử lý các hành vi để đạt được mục đích cuối cùng thông qua tình yêu, theo truyền thống được gọi là “luật tự nhiên”, như Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nêu rõ, trích lời Thánh Tôma, “không gì khác hơn ánh sáng của sự hiểu biết được Thiên Chúa đặt trong chúng ta; nhờ đó chúng ta biết mình phải làm gì và phải tránh gì. Thiên Chúa đã ban ánh sáng hay quy luật này khi tạo dựng” (Số 1955).

Ngày nay, điều cần thiết là phải phục hồi sự đánh giá cao “khuynh hướng tự nhiên tìm kiếm sự thật về Thiên Chúa và sống trong xã hội” (ST I-II, q. 94, a. 2) để định hình tư tưởng và chính sách xã hội theo những cách nuôi dưỡng hơn là cản trở sự phát triển nhân bản đích thực của các cá nhân và các dân tộc. Vì lý do này, các vị Tiền nhiệm của tôi và tôi đã liên tục tái khẳng định sự liên quan của luật tự nhiên trong các cuộc thảo luận liên quan đến những thách thức đạo đức và chính trị của thời đại chúng ta. Theo lời của Đức Bênêđíctô XVI, “luật luân lý phổ quát cung cấp một nền tảng vững chắc cho mọi cuộc đối thoại về văn hóa, tôn giáo và chính trị, và nó đảm bảo rằng tính đa nguyên nhiều mặt của sự đa dạng văn hóa không tách rời khỏi cuộc tìm kiếm chung về sự thật, sự tốt lành và Thiên Chúa” (Caritas in Veritate, 59).

Do đó, niềm tin của Thánh Tôma vào luật tự nhiên được viết trong trái tim con người có thể mang lại những hiểu biết mới mẻ và giá trị cho thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta, bị thống trị bởi chủ nghĩa thực chứng pháp lý và thuyết ngụy biện, ngay cả khi nó tiếp tục tìm kiếm những nền tảng vững chắc cho một trật tự xã hội công bằng và nhân đạo. Thật vậy, theo chân Aristốt, Thánh Tôma nhận thức rõ sự phức tạp của việc áp dụng luật vào các hành động cụ thể, và do đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính epikeia. Theo lời ngài, “các hành động của con người, liên quan đến luật pháp, bao gồm các yếu tố riêng lẻ tùy thể (contingent singulars) và các tùy thể này vô số trong tính đa dạng của chúng… nếu luật được áp dụng cho một số trường hợp nhất định, nó sẽ cản trở sự bình đẳng về công lý và gây tổn hại cho thiện ích chung, điều mà pháp luật quan tâm”. Do đó, “điều tốt là bỏ qua câu chữ của luật pháp để tuân theo những gì công lý và thiện ích chung đòi hỏi” (ST II-II, q. 120, a. 1).

Nếu Tiến sĩ Thiên thần căn cứ vào sự hiểu biết của mình về phẩm giá con người và các yêu cầu của một “hữu thể học xã hội” trong bản chất con người, và do đó, theo trật tự của tạo vật, với tư cách là một nhà tư tưởng Kitô giáo, ngài cũng nhất thiết phải nói thêm rằng bản chất con người của chúng ta, bị tổn thương bởi tội lỗi, được chữa lành và nâng cao nhờ ân sủng như hoa trái của ơn cứu chuộc được Chúa Kitô thực hiện. Khi bắt đầu nền Kitô học vĩ đại của mình, ở phần thứ ba của Tổng luận Thần học, trong liên tục tính với giáo huấn của Thánh Kinh và của các Giáo phụ, Thánh Tôma khẳng định rằng việc Nhập thể của Con Thiên Chúa mặc khải phẩm giá tối cao của bản chất con người. Niềm xác tín này đã được khẳng định một cách hùng hồn trong thời đại chúng ta qua giáo huấn của Công đồng Vatican II rằng “Chúa Kitô, Ađam mới, khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, mặc khải con người một cách đầy đủ về chính mình và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả của họ” (Gaudium et Spes, 22). Sau đó, ân sủng trọn vẹn hiện diện trong nhân tính của Đấng Cứu Chuộc được thông truyền cho các chi thể trong Thân Mình của Người là Giáo Hội mà toàn thể nhân loại được mời gọi tham gia. Với tư cách là Đầu của Thân Thể đó, Chúa Kitô phân phát ân sủng của Người bằng nhiều cách khác nhau cho mỗi thành viên, tùy theo ân sủng và ơn gọi riêng biệt của họ.

Những hiểu biết sâu sắc của Thánh Tôma về việc tuôn đổ ân sủng cứu chuộc và những cách thức khác nhau mà ân sủng đó được truyền đạt để xây dựng Thân Thể có ý nghĩa phong phú cho sự hiểu biết về tính năng động của một trật tự xã hội lành mạnh đặt nền tảng trên sự hòa giải, liên đới, công bằng và hỗ tương quan tâm nhau. Theo nghĩa này, Đức Bênêđíctô XVI có thể khẳng định rằng, chính như đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, con người nam nữ lần lượt trở thành đối tượng của đức ái, được kêu gọi phản ảnh lòng bác ái đó và dệt nên những mạng lưới bác ái (x. Caritas in Veritate, 5) trong việc phục vụ công lý và thiện ích chung.

Chính động lực lớn hơn này của lòng bác ái được đón nhận và ban tặng đã làm nảy sinh giáo huấn xã hội của Giáo hội (x. ibid.), vốn tìm cách khám phá làm thế nào những thiện ích xã hội của việc cứu chuộc có thể trở nên hữu hình và hoạt động trong cuộc sống của con người nam nữ với tư cách là những hữu thể xã hội mà cá tính nhất định được đắm chìm trong một lịch sử, văn hóa và truyền thống lớn hơn. Ở đây, Thánh Tôma chỉ ra rằng, chúng ta coi trọng tâm của đời sống Kitô giáo như một hành vi thờ phượng của linh mục nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa thế giới của chúng ta. Trong quan điểm này, Vị Tiến Sĩ Thiên Thần kiên quyết đề cao tính ưu tiên của các việc làm bác ái. Theo lời ngài: “Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa bằng những hy sinh và lễ vật bên ngoài, không phải vì lợi ích riêng của Người, nhưng vì lợi ích của chúng ta và người lân cận. Vì Người không cần những hy lễ của chúng ta, nhưng mong muốn chúng ta dâng chúng cho Người, để khơi dậy lòng sùng mộ của chúng ta và mang lại lợi ích cho người lân cận. Do đó, lòng thương xót…là một hy lễ dễ được chấp nhận hơn đối với Người, vì mang lại hạnh phúc trực tiếp hơn cho người lân cận của chúng ta” (ST II-II, q. 30, a. 4, ad 1).

Các bạn thân mến, trong những năm triều Giáo Hoàng này của tôi, tôi đã tìm cách nêu cao cử chỉ rửa chân, theo gương Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, đã cởi áo choàng và rửa chân cho từng môn đệ. Việc rửa chân chắc chắn là một biểu tượng hùng hồn của các Mối Phúc Thật được Chúa công bố trong Bài Giảng Trên Núi và việc thể hiện cụ thể các Mối Phúc Thật trong các công việc của lòng thương xót. Với cử chỉ này, Chúa muốn để lại cho chúng ta “một gương mẫu để anh em có thể làm như Thầy đã làm” (Ga 13:15). Quả thực, như Thánh Tôma dạy, bằng một hành động phi thường như vậy, Chúa Kitô “đã thể hiện mọi công việc của lòng thương xót” (In Ioan. XIII). Chúa Giêsu biết rằng khi nói đến việc truyền cảm hứng cho hành động của con người thì những tấm gương quan trọng hơn những lời nói suông.

Trong những ngày này, khi các bạn tiếp cận di sản phong phú về tư tưởng tôn giáo, đạo đức và xã hội do Thánh Tôma Aquinô để lại cho chúng ta, tôi tin chắc rằng các bạn sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng và sự soi sáng cho những đóng góp của chính các bạn cho các ngành khoa học xã hội khác nhau, với sự tôn trọng hoàn toàn đối với các phương pháp và mục tiêu phù hợp của chúng. Tôi lập lại những lời chúc tốt đẹp cho các cuộc thảo luận của các bạn và tôi cầu nguyện để mỗi người trong các bạn, trong công việc và cuộc sống của mình, sẽ tìm thấy sự viên mãn trong cam kết chung của chúng ta nhằm đóng góp cho một tương lai của tình huynh đệ, công lý và hòa bình cho tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta. Tôi chân thành kêu xin Chúa bạn Phước lành dồi dào của Người trên mỗi người trong các bạn và những người thân yêu của các bạn.

Từ Điện Vatican, ngày 7 tháng 3 năm 2024

Phanxicô
 
Vì Fiducia Supplicans, Giáo hội Ai Cập cắt đứt đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
21:27 09/03/2024

Charles Collins, Giám đốc điều hành của Tạp chí Crux, ngày 9 tháng 3, 2024, tường trình rằng một trong những Giáo hội Chính thống Đông phương có ảnh hưởng nhất đã đình chỉ đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo và tái khẳng định sự phản đối của mình đối với “tất cả các hình thức quan hệ đồng tính luyến ái”, trong đòn mới nhất nhằm vào một tài liệu gần đây của Vatican quy định cách thức ban phước lành cho các thành viên của các mối quan hệ đồng tính.



Tuyên bố – “Fiducia Supplicans: Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành,” được công bố vào ngày 18 tháng 12 bởi Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández.

Mặc dù nói rằng giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân vẫn không thay đổi, nhưng tài liệu này khuyến khích các giáo sĩ thực hành sự thận trọng và khôn ngoan cá nhân khi tham gia cầu nguyện “của những người, mặc dù ở trong một sự kết hợp không thể so sánh với hôn nhân theo bất cứ cách nào,” tuy nhiên mong muốn phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa với một phép lành.

Tài liệu này đã gây ra nhiều tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo, với một số hội đồng giám mục nói rằng họ sẽ từ chối bất cứ điều gì có vẻ là lời chúc phúc cho một cặp đồng tính luyến ái.

Giờ đây Giáo hội Coptic ở Ai Cập đã “quyết định đình chỉ cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo, đánh giá lại những kết quả mà cuộc đối thoại đã đạt được kể từ khi bắt đầu hai mươi năm trước, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế mới để tiến hành cuộc đối thoại”.

Trong thông cáo ngày 7 tháng 3 của Thượng Hội đồng Giáo hội, Giáo hội Coptic cho biết họ “khẳng định lập trường vững chắc của mình là bác bỏ mọi hình thức quan hệ đồng tính luyến ái, vì chúng vi phạm Kinh thánh và luật mà Thiên Chúa tạo ra con người có nam và nữ, và Giáo hội cho rằng bất cứ phép lành nào, bất kể loại nào, đối với những mối quan hệ như vậy đều là chúc phúc cho tội lỗi, và điều này là không thể chấp nhận được.”

Đây là lời chỉ trích mới nhất của ngài về Fiducia Supplicans do một Giáo hội Đông phương đưa ra.

Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng của Tòa Thượng phụ Mạc tư khoa – cơ quan lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga – đã phát biểu về tài liệu của Vatican vào ngày 20 tháng 2, nói rằng “sự đổi mới này phản ảnh một sự rời xa rõ ràng khỏi giáo huấn đạo đức Kitô giáo”.

Tổng giám mục Hilarion Alfeyev của Budapest, người đứng đầu ủy ban nghiên cứu Fiducia Supplicans, cho biết tài liệu này là “một loại gây sốc”.

Ngài nói trong một cuộc phỏng vấn: “Bây giờ mọi người sẽ tin rằng việc Giáo hội chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái lừa dối những người nhận được phép lành đó và những người chứng kiến điều đó”.

Bất chấp những phản đối này – cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo – Đức Giáo hòng Phanxicô vẫn bảo vệ tài liệu này.

“Mục đích của ‘các phép lành mục vụ và tự phát’ là thể hiện một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai, khi thấy mình ở trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiến bước – đôi khi là bắt đầu – một con đường đức tin,” Đức Phanxicô nói vào ngày 26 tháng 1 như thế.

“Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: Thứ nhất là những phép lành này, ngoài bất cứ bối cảnh hay hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức để được lãnh nhận; thứ hai, khi một cặp vợ chồng tự nhiên tiến tới yêu cầu [những phước lành này], thì không phải sự kết hợp được ban phước, mà chỉ là những người cùng đưa ra yêu cầu,” ngài nói tiếp như thế.

Đức Giáo Hoàng nói: “Không phải sự kết hợp, mà là những con người, một cách tự nhiên có tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm và những nơi mà người ta sống, cũng như cách thức thích hợp nhất để thực hiện điều đó”. [Bản dịch từ tiếng Ý của Crux.]

Tuy nhiên, động thái mới nhất của Giáo hội Coptic cho thấy có vẻ như Fiducia Supplicans đã hạ nhiệt mối quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Tawadros II – người đứng đầu Giáo hội Coptic – lần đầu tiên gặp nhau vào ngày 10 tháng 5 năm 2013 và ấn định ngày này là “Ngày Hữu nghị giữa người Coptic và người Công Giáo” hàng năm.

Cách đây chưa đầy một năm, Đức Phanxicô đã công nhận 21 công nhân Chính thống Coptic bị phiến quân Hồi giáo chặt đầu ở Libya là các vị tử đạo và phong họ vào danh sách Tử đạo Rôma, được coi là một trong những chiến thắng đại kết quan trọng nhất giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương.

Vào thời điểm đó, Đức Giám Mục Brian Farrell, thư ký của Bộ Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, cho biết: “Đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của các mối quan hệ”.
 
‘Đức Thánh Cha kêu gọi lòng can đảm để đàm phán cho Ukraine’
Thanh Quảng sdb
23:08 09/03/2024
‘Đức Thánh Cha kêu gọi lòng can đảm để đàm phán cho Ukraine’

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, trả lời các nhà báo về phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Thụy Sĩ, rằng “Đức Thánh Cha đã chọn hình ảnh lá cờ trắng, do người phỏng vấn đề xuất, để biểu thị một sự chấm dứt chiến tranh, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của đàm phán. Hy vọng của ĐTC là một giải pháp ngoại giao cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài.”

(Tin Vatican - Salvatore Cernuzio)

Với những lời phát biểu của mình về Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô có ý kêu gọi ngừng bắn và kêu gọi hãy can đảm đàm phán.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo vào tối thứ Bảy liên quan đến cuộc phỏng vấn với đài Truyền hình Thụy sĩ (Télévision Suisse - RTS), một phần trong cuộc phỏng vấn đó đã được xuất bản trước đó trong ngày.

Ông Bruni giải thích rằng mong muốn của Đức Thánh Cha dành cho Ukraine, một quốc gia mà ngài luôn cho là “một quốc gia tử đạo”, đã được thể hiện đầy đủ trong lời ngài tại buổi Truyền tin vào ngày 25 tháng 2, một ngày sau ngày kỷ niệm năm thứ hai của cuộc chiến.

Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha tái khẳng định “tình cảm sâu sắc” của mình đối với người dân Ukraina. Ngài cũng mời tất cả các bên “tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

“Đức Thánh Cha,” ông Bruni chỉ rõ, “sử dụng thuật ngữ cờ trắng và trả lời bằng cách chọn hình ảnh do người phỏng vấn đề xuất, để biểu thị sự chấm dứt thù địch, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với lòng dũng cảm đối thoại. Ở chỗ khác trong cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến một tình huống xung đột khác, nhưng đề cập đến mọi tình huống chiến tranh, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rõ ràng: ‘Các cuộc đàm phán không bao giờ là một sự đầu hàng.’”

Trong cuộc phỏng vấn, ký giả phỏng vấn Lorenzo Buccella hỏi Đức Thánh Cha: “Ở Ukraine, một số người kêu gọi lòng dũng cảm đầu hàng, lá cờ trắng. Nhưng những người khác nói rằng điều này sẽ hợp pháp hóa đảng mạnh hơn. ĐTC nghĩ sao?"

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Đó là một cách giải thích. Nhưng tôi tin rằng kẻ mạnh hơn là người nhìn rõ hoàn cảnh, biết nghĩ đến dân, có dũng khí cầm cờ trắng để đàm phán. Và ngày nay, các cuộc đàm phán có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của các cường quốc quốc tế. Từ ‘thương lượng’ là một từ dũng cảm. Khi thấy mình bại trận, mọi việc không được suôn sẻ thì cần phải có dũng khí để thương lượng. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng liệu nó sẽ kết thúc với bao nhiêu cái chết? Đàm phán kịp thời; hãy tìm một quốc gia nào đó có thể làm trung gian. Ngày nay, chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Ukraine, có rất nhiều người muốn làm trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đề nghị cho việc này, và còn nhiều người khác, quốc gia khác nữa. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.”

Do đó, những lời của Đức Thánh Cha, lấy từ một hình ảnh do người phỏng vấn đề xuất, nhắc lại, cùng với những điều khác, những gì đã được nêu trong hai năm liên tục kêu gọi và tuyên bố công khai, cụ thể là tầm quan trọng của cuộc đối thoại chống lại “sự điên rồ” của chiến tranh và mối quan tâm hàng đầu đối với số phận của thường dân.

“Niềm hy vọng của Đức Thánh Cha,” ông Bruni tái khẳng định, “vẫn là điều mà ngài đã luôn lặp lại trong những năm qua, và gần đây đã nhắc lại nhân dịp kỷ niệm hai năm cuộc xung đột: 'Khi tôi bày tỏ tình cảm rất sâu sắc của tôi với các vị tử đạo. Người dân Ukraine và cầu nguyện cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho nhiều nạn nhân vô tội, tôi cầu xin rằng chúng ta có thể tìm ra một chút nhân tính cho phép tạo ra các điều kiện của một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài'.”
 
VietCatholic TV
Tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cùng Giáo triều Rôma. Bài thứ 2: Ta là Ánh Sáng Thế Gian
VietCatholic Media
02:35 09/03/2024

Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng có bài giảng tĩnh tâm trước Giáo triều Rôma.

Bài giảng thứ Hai của Đức Hồng Y có tựa đề: Ta là ánh sáng thế gian

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Trong những bài thuyết giảng Mùa Chay này, chúng ta đã đề nghị suy niệm về những câu “Ta là” (Ego eimi) vĩ đại được Chúa Giêsu tuyên bố trong Tin Mừng Gioan. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra đặt là: Liệu những câu “Ta là” ấy có thực sự được Chúa Giêsu nói ra hay là do những suy tư sau này của Thánh sử, giống như nhiều phần của Tin Mừng Thứ Tư? Câu trả lời mà hầu như tất cả các nhà chú giải ngày nay đều đưa ra cho câu hỏi này là câu thứ hai. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng những lời tuyên bố này thực sự là “từ Chúa Giêsu” và tôi sẽ cố gắng giải thích tại sao.

Có một sự thật lịch sử và một sự thật mà chúng ta có thể gọi là thật sự, hoặc có tính bản thể. Chúng ta hãy lấy một trong những câu “Ta là” của Chúa Giêsu, chẳng hạn như câu: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Nếu thông qua một khám phá mới nào đó khó lòng xảy ra được mà chúng ta biết được rằng câu này, trên thực tế và về mặt lịch sử, đã được Chúa Giêsu trần thế tuyên bố, thì đây không phải là điều khiến câu ấy trở thành “thật” (vì người thốt ra câu đó có thể đang tự lừa dối chính mình!). Điều làm cho tuyên bố này trở nên “thật” đó là – trong thực tế và vượt lên trên mọi khả thể lịch sử –Chúa Giêsu thật sự là đường, là sự thật và là sự sống.

Theo nghĩa sâu xa hơn và quan trọng hơn này, mỗi lời tuyên bố mà Chúa Giêsu đưa ra trong Tin Mừng Gioan đều là thật, kể cả lời tuyên bố long trọng của Người: “Trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8: 58). Định nghĩa cổ điển về chân lý là “sự tương ứng giữa sự vật và ý tưởng mà người ta có về sự vật” (adaequatio rei et Intellectus); chân lý được mạc khải là sự tương ứng hoàn hảo giữa thực tại và lời được mạc khải diễn tả chân lý đó. Vì vậy, những lời vĩ đại mà chúng ta sẽ suy niệm đều đến từ Chúa Giêsu: không phải từ Chúa Giêsu lịch sử, nhưng từ Chúa Giêsu, là Đấng - như Người đã hứa với các môn đệ (Ga 16:12-15) - nói với chúng ta bằng thẩm quyền của Đấng Phục Sinh, qua Thánh Thần của Người.

* * *

Từ hội đường Capernaum miền Galilê, hôm nay chúng ta tiến tới đền thờ Giêrusalem trong miền Giuđêa, nơi Chúa Giêsu đã đến nhân dịp Lễ Lều. Ở đây diễn ra cuộc tranh luận với “người Do Thái”, trong đó lời tự tuyên bố của Chúa Giêsu được đưa ra, mà trong bài suy niệm này, chúng ta muốn tập trung:

“Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12).

Lời này tràn đầy ý nghĩa và quá đẹp đến nỗi các Kitô hữu ngay lập tức chọn làm một trong những tước hiệu yêu thích về Đức Kitô. Trong nhiều vương cung thánh đường cổ - chẳng hạn như nhà thờ chính toà Cefalù và Monreale ở Sicily - bức tranh khảm phía sau thánh đường mô tả Chúa Giêsu là Đấng Pantocrator, hay Chúa của vũ trụ. Người cầm một cuốn sách mở trước mặt và giơ ra trang có viết chính những lời này, bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh: Egô eimi to phos tou cosmou – Ego sum lux mundi - Ta là ánh sáng thế gian.

Đối với chúng ta ngày nay, Chúa Giêsu “ánh sáng thế gian” đã trở thành một chân lý được tin và được công bố, nhưng đã có lúc sự việc không chỉ như vậy, mà hơn thế, đó là một trải nghiệm sống động, như đôi khi xảy ra với chúng ta, chẳng hạn như sau khi cúp điện, ánh sáng bất ngờ có lại, hoặc vào buổi sáng, khi mở cửa sổ, chúng ta được bao phủ với ánh sáng ban ngày. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nói về trải nghiệm này như một cuộc hành trình “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2: 9; Cl 1:12 ff.). Khi nhớ lại giây phút hoán cải và lãnh Phép Rửa của mình, Tertullian diễn tả giây phút này bằng hình ảnh một hài nhi bước ra từ bóng tối của lòng mẹ và hoảng sợ khi tiếp xúc với không khí và ánh sáng. Ông viết: “Bước ra từ một cung lòng vô minh, những Kitô hữu chúng ta, run rẩy trước ánh sáng chói lọi của chân lý” [1].

* * *

Chúng ta lập tức tự hỏi: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu “Ta là ánh sáng thế gian” có ý nghĩa gì đối với chúng ta, tại đây và lúc này? Cụm từ “ánh sáng thế gian” có 2 ý nghĩa cơ bản. Trước hết, ý nghĩa thứ nhất đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian vì Người là mạc khải tối cao và chung cuộc của Thiên Chúa cho nhân loại. Lời mở đầu của Thư gửi tín hữu Do Thái nêu rõ điều này một cách rõ ràng và trang trọng nhất:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1:1-2).

Tính mới lạ nằm ở chỗ thực tại độc nhất và không thể lặp lại đó là chính người mạc khải lại chính là mạc khải! “Ta là ánh sáng thế gian” chứ không phải “Ta mang ánh sáng vào thế gian”. Các ngôn sứ nói ở ngôi thứ ba: “Chúa phán thế này!”, còn Chúa Giêsu nói ở ngôi thứ nhất: “Ta bảo cho các ông biết!”. Năm 1964, Marshall McLuhan đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Phương tiện truyền thông là sứ điệp”, nghĩa là phương tiện truyền tải sứ điệp quyết định chính sứ điệp đó. Câu nói này áp dụng một cách độc đáo và siêu việt cho Đức Kitô. Nơi Người, phương tiện truyền tải thực sự là sứ điệp; người chuyển trao sứ điệp cũng chính là sứ điệp!

Như tôi đã nói, đây là ý nghĩa thứ nhất của cụm từ “ánh sáng thế gian”. Thứ đến, ý nghĩa thứ hai đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian theo nghĩa chính Người chiếu sáng thế gian, có nghĩa là Người phơi bày thế gian cho chính nó; Người phơi bày mọi sự trong sự thật của Người, như chúng ở trước mặt Thiên Chúa.

* * *

Chúng ta hãy suy tư về từng ý nghĩa trong 2 ý nghĩa này, khởi đi từ ý nghĩa thứ nhất, nghĩa là Chúa Giêsu là mạc khải tối cao về chân lý của Thiên Chúa. Từ quan điểm này, ánh sáng là Đức Kitô luôn có một đối thủ cạnh tranh khốc liệt, đó là lý trí con người. Chúng ta nói về vấn đề này không nhằm mục đích luận chiến hay hộ giáo, tức là biết cách làm sao để đáp lại những người chống đối đức tin (điều này sẽ mâu thuẫn với mục đích ban đầu của tôi), mà là để khẳng định mình trong đức tin.

Theo tôi, các cuộc tranh luận về đức tin và lý trí – chính xác hơn là về lý trí và mạc khải – bị ảnh hưởng bởi tính bất đối xứng cao độ. Người có đức tin chia sẻ lý trí với người vô thần; người vô thần không chia sẻ niềm tin vào mạc khải với người có đức tin. Người có đức tin thì nói ngôn ngữ của người đối thoại vô thần; người vô thần thì không nói ngôn ngữ của người đối tác có đức tin.

Đây chính là lý do tại sao cuộc tranh luận thuyết phục nhất về chủ đề đức tin và lý trí lại là cuộc tranh luận diễn ra trong chính con người, giữa đức tin và lý trí của chính mình. Chúng ta có những ví dụ điển hình nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng nhân loại về những người, mà nơi họ, chúng ta không thể nghi ngờ niềm say mê ngang nhau đối với cả lý trí và đức tin: Thánh Augustinô thành Hippo, Thánh Tôma Aquino, Blaise Pascal, Søren Kierkegaard, Thánh John Henry Newman, và chúng ta có thể thêm vào Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI...

Kết luận mà mỗi người trong số các ngài đưa ra đó là hành động tối thượng của lý trí con người là nhận ra rằng có một điều gì đó vượt lên trên lý trí. Đây cũng là điều khiến lý trí trở nên cao quý nhất vì nó cho thấy khả năng vượt lên trên chính nó. Đức tin không đối lập với lý trí nhưng nó giả định cần có lý trí, cũng như “ân sủng giả định phải có tự nhiên” [2].

Ngoài ra còn có một sự hiểu lầm thứ hai cần làm sáng tỏ liên quan đến cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí. Lời chỉ trích phổ biến nhắm vào các tín hữu là họ không thể khách quan, vì đức tin của họ ngay từ đầu đã áp đặt cho họ cái kết luận mà họ phải đạt đến. Nói cách khác, đức tin đóng vai trò như một tiền đề và một thành kiến. Nhưng ở đây người ta không chú ý đến thực tế là chính thành kiến này cũng tác động theo hướng ngược lại đối với nhà khoa học hoặc triết gia không có đức tin, và thậm chí còn theo một cách triệt để hơn nhiều. Nếu bạn đương nhiên giả định rằng Thiên Chúa không hiện hữu, rằng siêu nhiên không tồn tại, và phép lạ là không thể xảy ra, thì kết luận của bạn cũng đã được định trước ngay từ đầu rồi còn gì.

Đây là một ví dụ trong số nhiều ví dụ. Dựa trên nhãn quan của Freud về thực tế, liệu ông có thể thừa nhận rằng “tình yêu phổ quát” của thánh Phanxicô Assisi có một thành phần siêu nhiên được gọi là ân sủng chăng? Tất nhiên là không, và trên thực tế, Freud coi đó là một “nguồn gốc của tình yêu tính dục”. Theo ông, Thánh Phanxicô chỉ “là người đã sử dụng tình yêu nhiều nhất để mang lại lợi ích cho cảm giác hạnh phúc nội tâm của mình”. Nghĩa là, Thánh Phanxicô yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người, yêu mến mọi thụ tạo, và nhất là yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bởi vì điều này mang lại cho thánh nhân niềm vui và khiến ngài cảm thấy dễ chịu! [3],

Con người hiện đại, thay vì chọn chân lý, lại chọn việc tìm kiếm chân lý là giá trị tối thượng. Lessing đã viết rằng: “Nếu Thiên Chúa cầm trong tay phải Ngài tất cả chân lý, và trong tay trái Ngài chỉ có khát vọng hướng về chân lý luôn sống động, cho dù là nó trong tình trạng vĩnh viễn sai, và nếu Ngài nói với tôi: 'Hãy chọn đi!', thì tôi nên khiêm tốn cúi đầu về phía bên trái và nói: 'Đây, thưa Cha! Sự thật thuần khiết chỉ thuộc về Cha mà thôi” [4].

Lý do cho điều này khá đơn giản. Chừng nào bạn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu, thì chính bạn là người dẫn dắt trò chơi, với tư cách là nhân vật chính, trong khi đó, đối diện với chân lý được thừa nhận như vậy, bạn không còn cơ hội nữa và bạn phải đáp lại bằng “sự vâng phục của đức tin”. Đức tin thừa nhận sự tuyệt đối, trong khi lý trí lại muốn tiếp tục tranh luận vô thời hạn. Giống như nàng Scheherazade xinh đẹp trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, lý trí của con người luôn có một câu chuyện mới để kể để trì hoãn sự quy phục của mình.

Chỉ có 2 giải pháp khả thi cho sự căng thẳng giữa đức tin và lý trí: hoặc giảm thiểu đức tin “trong giới hạn của lý trí thuần túy”, hoặc phá bỏ giới hạn của lý trí thuần túy để “mở rộng ra một chân trời vô tận”. Giống như khi Ulysses của Dante, người đã chạm tới “Những cột trụ của Hercules”, mà khi đó từng được coi là nơi tận cùng của Trái đất, quyết định không dừng lại mà biến mái chèo thành đôi cánh cho chuyến bay táo bạo [5].

Tuy nhiên, tôi phải nhất quán với những tiền đề của mình. Cuộc tranh luận về đức tin và lý trí, trước khi trở thành cuộc tranh luận giữa “chúng ta và họ”, giữa người tin và người không tin, phải là cuộc tranh luận giữa chính những người có đức tin. Thật ra, loại chủ nghĩa duy lý tồi tệ nhất không phải là loại chủ nghĩa duy lý bên ngoài, mà là loại chủ nghĩa duy lý bên trong. Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1 Cr 2:4-5).”

Và ở một nơi khác, ngài viết: “Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Ðức Kitô. (2 Cr 10:4-5).”

Tiếc thay điều mà thánh Tông đồ lo sợ đã thường xảy ra giữa chúng ta. Thần học, nhất là ở phương Tây, ngày càng xa rời quyền năng của Thánh Thần để dựa vào sự khôn ngoan của con người. Chủ nghĩa duy lý hiện đại yêu cầu Kitô giáo phải trình bày sứ điệp của mình một cách biện chứng, nghĩa là đặt sứ điệp ấy vào nghiên cứu và thảo luận, để nó có thể phù hợp với khuôn khổ chung, cũng có thể chấp nhận được về mặt triết học của một nỗ lực chung và luôn mang tính tạm thời trong việc tự hiểu về số phận con người và vũ trụ. Tuy nhiên, khi làm như vậy, việc loan báo về cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô phải lệ thuộc vào một thẩm quyền khác - và được cho là có thẩm quyền cao hơn - Việc loan báo này không còn là một lời công bố Tin Mừng nữa mà chỉ là một giả thuyết.

Mối nguy hiểm cố hữu trong đường lối thần học này là Thiên Chúa bị đối tượng hóa. Ngài trở thành một đối tượng mà chúng ta nói đến chứ không phải là một chủ thể – hoặc với sự hiện diện của chủ thể đó – mà chúng ta nói chuyện với. Một “Ông ấy” – hay tệ hơn là “Nó” –chứ không bao giờ là “Ngài”! Đây là hậu quả của việc coi thần học là một “khoa học”. Nhiệm vụ trước hết của những người làm khoa học là phải trung lập với đối tượng nghiên cứu của mình; nhưng liệu bạn có thể giữ thái độ trung lập khi đề cập đến Thiên Chúa chăng? Đây là lý do chính đã thúc đẩy tôi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, từ bỏ việc giảng dạy thần học mang tính hàn lâm để dành trọn thời gian cho việc giảng thuyết. Thật vậy, hậu quả của cách làm thần học này là nó ngày càng trở thành một cuộc đối thoại với giới tinh hoa học thuật của thời đại, và ngày càng ít trở thành nguồn nuôi dưỡng cho đức tin của dân Chúa.

Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi tình trạng này bằng việc cầu nguyện, nói chuyện với Chúa trước khi nói về Chúa. Một vị Giáo phụ cổ xưa đã nói “Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ cầu nguyện thực sự, và nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ là một nhà thần học” [6]. Thánh Augustinô đã đạt được nền thần học bền vững và an toàn nhất của mình – bằng cách nói chuyện với Thiên Chúa trong tác phẩm Lời Tự thú của ngài. Việc chiêm niệm và noi gương Mẹ Thiên Chúa cũng giúp ích cho việc này. Trong cuộc sống trần thế của mình, Mẹ không lưu tâm gì đến những ý tưởng trừu tượng về Thiên Chúa và Chúa Giêsu Con của Mẹ, mà chỉ quan tâm đến thực tại sống động của các Ngài.

* * *

Ở phần đầu, tôi đã đề cập đến ý nghĩa thứ hai của cụm từ “ánh sáng thế gian”, và tôi muốn dành phần cuối cùng trong suy tư của mình cho nghĩa thứ hai này, và đây cũng là phần liên quan chặt chẽ nhất đến chúng ta. Như tôi đã nói, điều này có ý nghĩa khí cụ, có thể nói như thế, trong đó Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian: nghĩa là, Người chiếu sáng mọi sự; và Người làm cho thế gian giống như những gì mà mặt trời làm cho trái đất. Mặt trời không chiếu sáng cho chính nó mà chiếu sáng vạn vật trên trái đất và khiến vạn vật tỏ hiện dưới ánh sáng đích thực của nó.

Cũng theo nghĩa thứ hai này, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người có một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất, là đối thủ nội bộ, đối phương trong nhà. Cụm từ “ánh sáng thế gian” thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của nó tùy thuộc vào việc cụm từ “thế gian” được coi là sở hữu khách quan hay sở hữu chủ quan; nghĩa là tùy thuộc vào việc thế gian là đối tượng được chiếu sáng hay, thay vào đó, là chủ thể chiếu sáng. Trong trường hợp thứ hai này, thì không phải Tin Mừng mà là thế gian khiến chúng ta nhìn mọi sự theo ánh sáng riêng của chúng. Thánh sử Gioan đã khuyên nhủ các môn đệ của mình bằng những lời này: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2: 15-16).

Mối nguy hiểm của việc tuân theo thế gian này – tức là tinh thần thế gian – trong lĩnh vực tôn giáo và tâm linh, cũng tương đương với điều mà trong lĩnh vực xã hội, chúng ta gọi là tục hóa. Chẳng ai (đặc biệt là chính tôi) có thể nói rằng mối nguy hiểm này không rình rập họ. Một câu nói được cho là của Chúa Giêsu trong một bản văn cổ không chính thức có nội dung: “Nếu bạn không kiêng bớt thế gian, bạn sẽ không khám phá được vương quốc của Thiên Chúa”. Đây có lẽ là cuộc ăn chay cần thiết nhất hiện nay: kiêng bớt thế gian, nesteuein tô kosmô, như câu nói đã được trích dẫn ở trên!

Thế gian mà chúng ta nói đến và thế gian mà chúng ta không được tuân theo không phải là thế gian được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương; thực ra, không phải con người thế gian mà chúng ta phải luôn luôn gặp gỡ, đặc biệt là những người nghèo, những người thấp kém, và những người đau khổ. Nghịch lý thay, “việc hòa nhập” với thế giới của những người đau khổ và bị gạt ra lề xã hội này lại là cách tốt nhất để “tách” mình ra khỏi thế gian, bởi vì điều đó có nghĩa là đi đến nơi mà thế gian đang chạy trốn bằng tất cả sức mạnh của nó. Nó có nghĩa là tách mình ra khỏi nguyên tắc thống trị thế giới, là sự ích kỷ.

Sự thay đổi trước hết phải diễn ra trong cách chúng ta tư duy. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu ở Rôma rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính thế tục, nhưng nguyên nhân chính là sự khủng hoảng đức tin. Đức tin là chiến trường chính giữa Kitô hữu và thế gian. Chính nhờ đức tin mà người Kitô hữu không còn “thuộc về” thế gian nữa. Hiểu theo nghĩa đạo đức thì “thế gian” là tất cả những gì chống lại đức tin. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất, “chiến thắng của chúng ta đối với thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5:4). Về vấn đề này, trong Thư gửi tín hữu Êphêsô có một lời đáng để suy ngẫm lâu hơn một chút. Ngài nói: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2).

Nhà chú giải người Đức, Heinrich Schlier, đã thực hiện một phân tích sâu sắc về “tinh thần thế gian” bị Thánh Phaolô coi là đối thủ trực tiếp của “tinh thần phát xuất từ Thiên Chúa” (1 Cr 2: 12). Dư luận xã hội đóng vai trò quyết định trong việc này. Ngày nay chúng ta có thể gọi tinh thần thế gian - theo nghĩa đen - là “sức mạnh của không trung”, bởi vì nó lan truyền trước hết trên không trung qua các phương tiện truyền thông ảo. Schlier viết: “Đây là một tinh thần có mãnh lực lịch sử to lớn, mà cá nhân khó có thể thoát ra. Chúng ta tuân theo tinh thần chung và coi đó là điều hiển nhiên. Hành động, suy nghĩ hoặc nói điều gì đó chống lại tinh thần này đều bị coi là vô nghĩa hoặc thậm chí là bất công hoặc tội ác. Và rồi, chúng ta không còn dám đối diện với các sự vật, tình huống, và nhất là đời sống theo một cách khác với cách mà tinh thần đó thể hiện... Đặc điểm của tinh thần này là diễn giải thế giới và sự tồn tại của con người theo cách riêng của nó” [7].

Đây là điều mà chúng ta gọi là “thích ứng với tinh thần thời đại”. Bài học đạo đức trong bài Così fan tutte của Mozart. Hôm nay chúng ta có một hình ảnh mới để mô tả hành động bào mòn của tinh thần thế gian, đó là virus máy tính. Theo những gì tôi biết, virus là một chương trình được thiết kế độc hại, xâm nhập vào máy tính theo những cách thế không ngờ tới nhất (trao đổi e-mail, trang web...), và một khi xâm nhập vào bên trong, virus này sẽ gây nhầm lẫn hoặc chặn các hoạt động bình thường, do đó, làm thay đổi cái gọi là “hệ điều hành”.

Tinh thần thế gian cũng hành động theo cách tương tự. Nó thâm nhập vào chúng ta qua hàng ngàn kênh, giống như không khí chúng ta hít thở, và khi vào bên trong, nó thay đổi mô hình hoạt động của chúng ta: nó thay thế mô hình “Đức Kitô” bằng mô hình “thế gian”. Thế gian cũng có “ba ngôi”, tức là ba vị thần hay thần tượng để tôn thờ: lạc thú, quyền lực, và tiền bạc. Tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc về những thảm họa mà chúng gây ra cho xã hội, nhưng liệu chúng ta có chắc rằng, ở quy mô nhỏ bé của mình, bản thân chúng ta hoàn toàn miễn nhiễm với những vị thần ấy chăng?

Niềm an ủi lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại thế gian bên ngoài và thế gian bên trong chúng ta là biết rằng Đức Kitô phục sinh vẫn tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta bằng những lời mà Người đã cất lên trước khi từ biệt các môn đệ của mình:

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (Ga 17: 15-20).

1.Terullianus, Apologeticum 39,9: “ad lucem expavescentes véritatis”.
2.Thomas Aquinas, S.Th., I, q. 2, a. 2 ad 1.
3.S. Freud, Civilization and Its Discontents, IV.
4,G. Lessing, Eine Duplik, I, in Werke 3, Zürich 1974, p.149.
5.See Inferno, XXVI, 125: “We of the oars made wings for our mad flight” (trans. Henry Wadsworth Longfellow).
6.Evagrius Ponticus, De oratione, 61 (PG 79, 1180).
7.Xem Clement Al., Stromata, 111, 15 (GCS, 52, p. 242, 2); A. Resch, Agrapha, 48 (TU, 30, 1906, p. 68).
8.H. Schlier, in “Geist und Leben 31 (1958), pp. 173-183

Source:Cantalamessa
 
Kyiv phát hiện lính TQ đánh thuê cho Nga. Doanh trại xe tăng Nga bốc cháy. Macron thách thức Putin
VietCatholic Media
02:47 09/03/2024


1. Lính đánh thuê Trung Quốc được phát hiện chiến đấu cho Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Chinese Mercenaries Spotted Fighting for Russia in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lính đánh thuê Trung Quốc đang chiến đấu cho Nga ở Ukraine, theo một đoạn video được một blogger quân sự Nga chia sẻ trên mạng xã hội.

Đoạn phim do phóng viên quân sự Nga Pavel Kukushkin chia sẻ trên kênh Telegram của mình cho thấy hai người đàn ông ngồi đối diện nhau tại bàn, giao tiếp bằng tiếng Nga và tiếng Hoa thông qua một phiên dịch điện tử.

“Không có rào cản ngôn ngữ! Một tình nguyện viên từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên lạc với chỉ huy Lữ đoàn quốc tế Pyatnashka bằng phiên dịch trực tuyến,” Kukushkin viết.

Putin được cho là đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện một đường lối tích cực hơn trong cuộc chiến chống Ukraine và đưa ra một cuộc huy động toàn diện ở nước này để tăng cường nhân lực, và trong nhiều tháng đã tấn công vào các công dân Cuba, Armenia và Kazakhstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp với Nga, thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Tổng cục tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, tuyên bố rằng Nga đã tuyển mộ lính đánh thuê từ Syria để chiến đấu ở Ukraine, trong khi Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, do Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của chính phủ Ukraine điều hành, cho biết người Mã Lai Á cũng được phát hiện đang chiến đấu cho Nga ở vùng Donetsk của Ukraine bị tạm chiếm.

“Đơn vị Trung Quốc trong lữ đoàn Pyatnashka đang ngày càng lớn mạnh. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc liên tục đến. Những người anh em Trung Quốc của chúng ta cũng đã đến với chúng tôi”, một quân nhân Nga nói trong video do Kukushkin công bố.

Đoạn video xuất hiện ngay sau khi Ấn Độ cho biết họ đang nỗ lực để đưa khoảng 20 công dân của mình về nước, những người nói rằng họ đã bị lừa để chiến đấu cho Nga trên tiền tuyến ở Ukraine.

Một số công dân Ấn Độ được Nga tuyển dụng nói với AFP rằng họ được hứa đảm nhận những vai trò không liên quan đến chiến đấu ở tiền tuyến, nhưng khi đến Nga, họ đã được huấn luyện cách sử dụng các loại vũ khí bao gồm súng trường tấn công Kalashnikov và được triển khai tới Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với Financial Times hôm thứ Ba: “Chúng tôi đã hồi hương một số người và đang nỗ lực đưa về nước phần còn lại ngay bây giờ”.

Mùa thu năm ngoái, tình báo Anh đánh giá rằng Nga đang tuyển mộ binh lính ở các nước láng giềng, trong khi có thông tin cho rằng những người lao động nhập cư có quốc tịch Nga đang bị bắt để chiến đấu ở Ukraine.

Tình báo Anh vào thời điểm đó đánh giá rằng Nga có thể muốn tránh các biện pháp huy động trong nước không được lòng dân trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, diễn ra trong tháng này.

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị gốc Nga của Đại học Chicago, trước đây đã nói với Newsweek rằng Putin có thể sẽ bị ngăn cản trong việc tuyên bố một cuộc tổng động viên rộng rãi bởi vì câu chuyện tuyên truyền mà ông và đoàn tùy tùng đang thúc đẩy là Nga không tiến hành chiến tranh mà đang tiến hành một hoạt động quân sự đặc biệt quy mô hạn chế.

“Đây là những gì ông ta được cung cấp trong các báo cáo của quân đội và cảnh sát, và đây là ngôn ngữ mà ông ta nói với cấp dưới của mình và công chúng. Sonin nói: “Việc thông báo tổng động viên một cách công khai sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ khỏi thế giới quan này, gần giống như vỡ ra từ một bong bóng thông tin”.

2. Video cho thấy doanh trại Học viện xe tăng bốc cháy ở miền Trung nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Video Shows Tank Academy Barracks on Fire in Central Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một tòa nhà của học viện xe tăng Nga bốc cháy hôm thứ Năm, trong vụ cháy lớn mới nhất không rõ nguyên nhân tấn công nước này kể từ cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine năm 2022.

Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa đã xác nhận vụ hỏa hoạn trong một tuyên bố khi các video về vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội. Một video được đăng bởi Astra, một hãng tin Telegram, có chú thích: “Một doanh trại của học viện xe tăng đang bốc cháy ở Kazan”.

Các khu vực của Nga, bao gồm cả Mạc Tư Khoa, đã hứng chịu hàng loạt vụ hỏa hoạn kể từ khi nước này xâm lược toàn diện vào Ukraine chỉ hơn hai năm trước. Một số các cơ sở công nghiệp và tòa nhà quân sự quan trọng đã bốc cháy, và các quan chức thường đổ lỗi cho các cuộc tấn công và phá hoại bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Doanh trại của Trường chỉ huy xe tăng cao cấp Kazan, nằm ở Kazan, miền Trung nước Nga, nơi huấn luyện binh sĩ được triển khai cho các đơn vị xe tăng ở Ukraine, được nhìn thấy chìm trong khói khi lửa bùng lên trên hai tầng của nó.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương Tatar-Inform, ngọn lửa đã lan từ tầng hai của doanh trại lên mái nhà. Một nguồn tin khác, Shot, cho biết đội cứu hỏa đã khoanh vùng đám cháy trên diện tích 120 mét vuông, lưu ý rằng mọi người đã được di tản khỏi tòa nhà và không có thương vong nào được báo cáo.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng một sự việc đã xảy ra tại học viện Kazan, cho rằng đám cháy bắt nguồn từ một phòng tiện ích.

Nó đổ lỗi cho ngọn lửa do hệ thống dây điện bị lỗi.

Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với một số cuộc tấn công nhằm vào các thành phố lớn bao gồm St. Petersburg và Mạc Tư Khoa.

Nhiều cuộc tấn công đã nhắm vào các kho đạn dược. Điện Cẩm Linh cáo buộc Kyiv cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái.

Ukraine đã tăng cường tấn công vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga trong những tuần gần đây, buộc Mạc Tư Khoa phải phê chuẩn lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng vào tháng trước.

Vào Tháng Giêng, Newsweek đưa tin, trích dẫn Molfar, rằng có 939 vụ cháy ở Nga vào năm 2023, so với 416 vụ vào năm 2022, có nghĩa là số vụ cháy ở nước này đã tăng 125,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Nga triệu tập đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa và tuyên bố sẽ trục xuất các nhà ngoại giao can thiệp vào công việc nội bộ của nước này

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm cho biết họ đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa và cảnh báo bà về “những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga”, Reuters đưa tin.

Trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, Maria Zakharova cho biết hành vi như vậy sẽ “bị trấn áp một cách kiên quyết và thẳng thừng, thậm chí bao gồm cả việc trục xuất các nhân viên đại sứ quán Mỹ có liên quan đến những hành động như vậy”.

4. Điện Cẩm Linh hôm thứ Năm cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tăng cường sự can dự của Pháp vào Ukraine, sau khi ông từ chối loại trừ khả năng triển khai quân đội ở đó.

Trái với nhận định của nhiều người, Tổng thống Macron đang tăng gấp đôi những nhận xét của mình, khiến nhiều người ở Âu Châu choáng váng và thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Pháp khi Ukraine đang gặp khó khăn trên chiến trường.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Macron tin tưởng vào đường lối đánh bại đất nước chúng tôi một cách chiến lược và ông ấy tiếp tục nâng cao mức độ can dự trực tiếp của Pháp”.

Theo AFP, Peskov cho biết Paris đã đưa ra những tuyên bố “rất mâu thuẫn” về việc liệu nước này có sẵn sàng gửi quân tới Ukraine hay không và Bộ Ngoại giao nước này kể từ đó đã bác bỏ đề xuất này.

Hôm thứ Năm, ông Macron cho biết ông “hoàn toàn ủng hộ” những nhận xét gây tranh cãi của mình và kêu gọi các đồng minh của Kyiv đừng trở thành “những kẻ hèn nhát” trong việc hỗ trợ đất nước chống lại Nga.

5. Putin thề sẽ bảo vệ khu vực Moldova thân Nga, lãnh đạo Gagauzia nói.

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin vowed to protect pro-Russia Moldovan region, its leader says.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Transnistria không phải là vấn đề duy nhất của Moldova.

Putin trong tuần này cho biết ông sẽ ủng hộ khu tự trị Gagauzia của Moldova sau khi gặp nhà lãnh đạo thân Mạc Tư Khoa của lãnh thổ này, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn ở quốc gia Đông Âu này khi nước này chạy đua gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Evghenia Guțul, người đã ở Nga từ tuần trước, cho biết Putin “hứa sẽ mở rộng hỗ trợ cho Gagauzia và người dân Gagauz trong việc duy trì các quyền hợp pháp, thẩm quyền và vị thế của chúng tôi trên trường quốc tế”.

“Tôi đã nói với anh ta về những hành động bất hợp pháp của chính quyền Moldova, những người đang trả thù chúng tôi vì các quan điểm công dân của chúng tôi và vì lợi ích quốc gia của chúng tôi,” bà nói thêm sau khi gặp nhà lãnh đạo Nga hôm thứ Tư.

Gagauzia, một vùng phía nam Moldova với dân số khoảng 150.000 người, chủ yếu là người dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và được trao quyền tự trị từ Chișinău ngay sau khi Liên Xô sụp đổ.

Bình luận của Guțul được đưa ra sau khi chính quyền ở Transnistria, một lãnh thổ ly khai thân Mạc Tư Khoa nổi bật hơn ở phía đông Moldova, nơi tiếp đón quân đội Nga trong ba thập kỷ, đưa ra lời kêu gọi tương tự tới Mạc Tư Khoa vào tháng trước để “bảo vệ” nước này trước “áp lực” từ Chișinău.

Căng thẳng giữa hai khu vực và chính quyền trung ương Moldova đã tăng vọt do sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Maia Sandu đối với Ukraine và những giấc mơ thân Liên Hiệp Âu Châu. Moldova, nằm giữa Rumani và Ukraine, chuẩn bị bắt đầu đàm phán để gia nhập khối sau khi Liên Hiệp Âu Châu bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán vào tháng 12.

Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao nước này Mihail Popșoi bác bỏ tuyên bố Nga có thể điều quân vào nước này, bất chấp cuộc chiến tổng lực của Điện Cẩm Linh với Ukraine đang hoành hành gần biên giới của nước này, nói với POLITICO trong tuần này và cho rằng sức mạnh quân sự của Nga đã suy yếu “nhờ sự hy sinh của những người Ukraine dũng cảm”.

Hôm thứ Năm, tổng công tố Moldova cho biết ông đã khởi động hành động pháp lý chống lại Guțul, người được bầu làm lãnh đạo khu vực vào năm ngoái, vì những “hành động bất hợp pháp”.

6. Đảng lớn nhất của Liên Hiệp Âu Châu tán thành nỗ lực của Ursula von der Leyen cho nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là nhà lãnh đạo Ủy ban Âu Châu

Đảng chính trị lớn nhất của Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Năm đã tán thành nỗ lực của Ursula von der Leyen cho nhiệm kỳ 5 năm thứ hai dưới sự lãnh đạo của Ủy ban đầy quyền lực của khối, theo báo cáo của AP.

Việc đề cử Von der Leyen tại cuộc họp mặt của Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là EPP, trung hữu của bà ở thủ đô Bucharest của Rumani, diễn ra trước cuộc bầu cử ngày 6-9 tháng 6 cho quốc hội Âu Châu, tổ chức được bầu cử dân chủ duy nhất của Liên Hiệp Âu Châu. Sự chứng thực này giúp cô chắc chắn trở thành người dẫn đầu cho vị trí hàng đầu trong khối 27 quốc gia.

EPP dự kiến sẽ vẫn là cơ quan lập pháp lớn nhất trong khối sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 6, nhưng vị trí của von der Leyen vẫn cần có sự chấp thuận của lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Gần một nửa trong số 27 nhà lãnh đạo quốc gia của Liên Hiệp Âu Châu là thành viên của EPP.

Khi cuộc họp EPP kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ Năm, von der Leyen cảnh báo về sự trỗi dậy dự kiến của những người theo chủ nghĩa dân túy trong cuộc bầu cử sắp tới của khối và nỗ lực của Nga “quét sạch Ukraine khỏi bề mặt trái đất”.

Cô nói: “Âu Châu hòa bình và thống nhất của chúng ta đang bị thách thức hơn bao giờ hết bởi những người theo chủ nghĩa dân túy, những người theo chủ nghĩa dân tộc, bởi những kẻ mị dân, cho dù đó là phe cực hữu hay cực tả”. “Tên có thể khác nhau nhưng mục tiêu thì giống nhau. Họ muốn chà đạp các giá trị của chúng ta và họ muốn phá hủy Âu Châu của chúng ta… EPP sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra”.

Theo AP, von der Leyen ghi nhận nỗ lực của Âu Châu nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi Putin ra lệnh chiến tranh ở Ukraine hai năm trước.

“Chúng ta đã chống lại sự tống tiền của Putin bằng than, dầu và khí đốt bẩn. Chúng ta đã thoát khỏi sự phụ thuộc này,” cô nói. “Chúng ta đang đầu tư ồ ạt vào năng lượng sạch. Lần đầu tiên ở Âu Châu chúng ta sản xuất được nhiều điện từ gió và mặt trời hơn từ khí đốt. Điều này tạo ra việc làm tốt ở quê nhà, đẩy giá cả xuống và làm sạch môi trường. Và nó mang lại cho chúng ta an ninh năng lượng.”

Theo một đánh giá gần đây của Ember, một tổ chức tư vấn năng lượng, vào năm 2022, gió và mặt trời đã tạo ra mức kỷ lục 22% điện năng của Liên Hiệp Âu Châu, lần đầu tiên vượt qua khí hóa thạch ở mức 20% và duy trì trên năng lượng than ở mức 16%.

7. Tướng Nga cảnh báo xung đột Ukraine có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện ở Âu Châu

Một Tướng Nga đã cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Âu Châu và cho biết khả năng các lực lượng của Mạc Tư Khoa tham gia vào một cuộc xung đột mới đang gia tăng “đáng kể”, hãng tin Reuters đưa tin.

Thượng tướng Vladimir Zarudnitsky, nhà lãnh đạo Học viện Quân sự của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, đã đưa ra nhận xét này trong một bài báo đăng trên “Tư tưởng quân sự”, một ấn phẩm của Bộ Quốc phòng, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin hôm thứ Năm.

“Khả năng leo thang xung đột ở Ukraine - từ việc mở rộng những người tham gia 'lực lượng ủy nhiệm' được sử dụng để đối đầu quân sự với Nga đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Âu Châu - không thể loại trừ”, RIA dẫn lời ông nói.

“Nguồn đe dọa quân sự chính đối với đất nước chúng ta là chính sách chống Nga của Mỹ và các đồng minh, những người đang tiến hành một loại hình chiến tranh hỗn hợp mới nhằm làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể, hạn chế chủ quyền và phá hủy toàn vẹn lãnh thổ của nước ta,” ông nói.

“Khả năng của chúng ta bị lôi kéo có mục đích vào các cuộc xung đột quân sự mới đang gia tăng đáng kể.”

Bình luận của Zarudnitsky được đưa ra vào thời điểm phương Tây đang nỗ lực giúp Ukraine có thêm vũ khí và tài chính sau cuộc phản công thất bại của Kyiv vào mùa hè năm ngoái và sau khi lực lượng Nga giành lại thế chủ động trên chiến trường.

RIA cho biết thêm, Zarudnitsky ủng hộ một số thay đổi trong cách Nga tổ chức quân sự và an ninh, bao gồm cả việc nhấn mạnh hơn vào việc dựa vào cái mà ông gọi là các nước thân thiện để bảo đảm an ninh của chính Nga và củng cố toàn bộ xã hội Nga xung quanh nhu cầu quốc phòng của nước này.

8. Kinzinger nhận định Nga đã tiến đến 'vòng 500 feet' khi NATO phải kích hoạt Điều 5

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia Came 'Within 500 Feet' of Triggering NATO's Article 5: Kinzinger”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cựu Đại Sứ Mỹ Adam Kinzinger cho biết Mạc Tư Khoa đã gần gây ra phản ứng tập thể từ NATO khi bắn một hỏa tiễn tấn công gần đoàn xe chở thủ tướng Hy Lạp và tổng thống Ukraine.

Cựu Dân biểu Đảng Cộng hòa Illinois phản ứng như trên với các báo cáo về việc Nga tấn công hỏa tiễn gần Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Volodymr Zelenskiy hôm thứ Tư khi họ gặp nhau ở thành phố cảng Odesa phía nam Ukraine.

Mitsotakis nói với các phóng viên rằng ông và đoàn tùy tùng đã “nghe thấy tiếng còi báo động và tiếng nổ xảy ra gần chúng tôi” và nói thêm rằng “chúng tôi không có thời gian để đến nơi trú ẩn”.

Zelenskiy nói rằng Nga “không quan tâm đến nơi họ tấn công” trong khi Hải quân Ukraine nói rằng 5 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Truyền thông Hy Lạp cho biết hỏa tiễn phát nổ trong phạm vi 150 mét gần hai nhà lãnh đạo Hy Lạp và Ukraine.

Zelenskiy thường thực hiện các chuyến đi đến tiền tuyến nhưng cuộc tấn công hôm thứ Tư có thể là một trong những cuộc tấn công gần nhất mà ông phải đối mặt, đặc biệt là do cuộc tấn công ở gần Thủ tướng Mitsotakis, lãnh đạo của một quốc gia NATO.

Kinzinger đã viết trên X, : “Nga vừa mới chọc đến điều 5 trong vòng 150 mét, với tin tức về cuộc tấn công ở Odessa gần đánh trúng Thủ tướng Hy Lạp,” khi đề cập đến hiến chương NATO, trong đó nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ thành phố nào của nước này sẽ bị 31 thành viên coi là một cuộc tấn công vào tất cả và sẽ gây ra phản ứng.

Trong khi cuộc tấn công xảy ra ở Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO, những người sử dụng mạng xã hội lưu ý rằng không rõ liệu Điều 5 có thể được kích hoạt bởi sự hiện diện của một thành viên NATO trong vùng chiến sự hay không.

Bài đăng của cựu Dân biểu Đảng Cộng hòa Illinois đã nhận được hơn 750.000 lượt xem vào sáng thứ Năm.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong bản cập nhật hôm thứ Tư rằng lực lượng Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng ở Odesa bằng số lượng hỏa tiễn không xác định trong chuyến thăm của các nhà lãnh đạo.

Trong khi các blogger quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh gắn cuộc tấn công hỏa tiễn với chuyến thăm thành phố của Zelenskiy, thì không rõ liệu tổng thống Ukraine hay Thủ tướng Hy Lạp có phải là mục tiêu hay không.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Mạc Tư Khoa đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn có độ chính xác cao vào lúc 11h40 sáng thứ Tư vào một nhà chứa máy bay ở cảng được sử dụng để chuẩn bị cho thuyền không người lái của hải quân hoạt động.

“Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Đối tượng đã bị bắn trúng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố mà không đề cập đến Zelenskiy hay Mitsotakis.

Theo các quan chức Ukraine, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực Odesa trong vài ngày qua với vụ tấn công vào một khu chung cư trong thành phố vào cuối tuần trước khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em.

9. Điện Cẩm Linh phủ nhận đoàn xe của Zelenskiy và Thủ tướng Hy Lạp là mục tiêu

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, hôm thứ Năm cho biết Nga không nhắm vào phái đoàn của Volodymyr Zelenskiy trong cuộc tấn công hỏa tiễn hôm thứ Tư.

Medvedev cho biết Nga sẽ bắn trúng mục tiêu nếu đó là mục tiêu của họ.

Nhiều người cho rằng nếu quả hỏa tiễn của Nga giết chết Thủ tướng Hy Lạp, thì điều đó sẽ kích hoạt điều 5 của NATO. Chiến tranh lập tức nổ ra.

Phát biểu mới nhất này của Medvedev xem ra có vẻ hiền nhất trong suốt 2 năm qua từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.

10. Putin ca ngợi Không quân Nga bất chấp đã mất 15 máy bay quân sự trong một tháng

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Putin Praises Russian Air Force as 15 Military Aircraft Lost in a Month”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin ca ngợi lực lượng không quân của ông hôm thứ Năm, vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng Kyiv đã bắn rơi 15 máy bay quân sự Nga trong một tháng.

“Không quân ngày nay thực hiện những nhiệm vụ rất nghiêm chỉnh, rất cần thiết trên chiến trường, tất nhiên, xứng đáng được khen ngợi và tôn trọng cao nhất”, Tổng thống Nga nói với các sinh viên tốt nghiệp Trường Phi công Hàng không Quân sự Cao cấp Krasnodar, hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti cho biết như trên.

Gần đây số lượng máy bay quân sự Nga mà Ukraine tuyên bố đã bắn rơi đã gia tăng. Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Năm rằng Mạc Tư Khoa cho đến nay đã mất 347 máy bay kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Chỉ trong tuần này, chúng tôi đã bắn hạ được 7 máy bay quân sự của Nga,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu qua video vào ngày 3 tháng 3. “Kể từ đầu tháng 2, Nga đã mất 15 máy bay quân sự. Đây chính là động lực thích hợp cho những tổn thất của họ.”

Kyiv cho biết họ đã phá hủy máy bay ném bom Su-34, chiến binh Su-35 và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50. A-50 là máy bay trinh sát thời Liên Xô được sử dụng để chuẩn bị tấn công và ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương. Đài Svoboda, cơ quan của Radio Free Europe/Radio Liberty của Nga, trích dẫn dữ liệu của chính phủ cho biết, mỗi chiếc máy bay có phi hành đoàn gồm 15 người có giá ước tính khoảng 350 triệu Mỹ Kim.

Vào ngày 2 tháng 3, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích về cuộc xung đột ở Ukraine rằng các lực lượng Nga “dường như sẵn sàng mạo hiểm với những tổn thất hàng không liên tục để theo đuổi những lợi ích chiến thuật ở miền Đông Ukraine.”

Tổ chức nghiên cứu đánh giá: “Những tổn thất máy bay Nga trước đây đã khiến lực lượng Nga tạm thời giảm hoạt động hàng không trên khắp Ukraine, nhưng tỷ lệ tổn thất hàng không Nga ở Ukraine ngày càng gia tăng trong những tuần qua vẫn chưa khiến lực lượng Nga giảm đáng kể hoạt động hàng không chiến thuật”.

ISW cho biết thêm: “Các lực lượng Nga có thể đang cố gắng thiết lập lại ưu thế trên không hạn chế và cục bộ này để hỗ trợ các bước tiến chiến thuật của Nga theo hướng Avdiivka và đã quyết định rằng các hoạt động tấn công tiếp tục với sự hỗ trợ trên không sẽ có tác dụng lớn hơn nguy cơ mất thêm máy bay”.

Vài ngày trước đó, vào ngày 20/2, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết Nga đã ít triển khai máy bay hơn sau chuỗi tổn thất gần đây.

11. Macron thách thức Putin về 'ranh giới đỏ' Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Macron Challenges Putin Over Ukraine 'Red Lines'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết “không có giới hạn” đối với sự hỗ trợ của Paris dành cho Kyiv, theo một báo cáo về bình luận của ông hôm thứ Năm.

Theo Le Monde, nguyên thủ quốc gia Pháp đã tổ chức cuộc gặp với các lãnh đạo đảng khác của Pháp tại Điện Elysee để thảo luận về tình hình ở Ukraine.

Tuần này, Macron đã rút lại những bình luận trước đó được đưa ra sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu ở Paris, khi ông nói rằng “không nên loại trừ bất cứ điều gì” khi ủng hộ Ukraine chống lại Vladimir Putin.

Bình luận của Macron tuần trước được hiểu là gợi ý sự can thiệp của Pháp vào cuộc chiến mặc dù ông nói rằng “không có sự đồng thuận ở giai đoạn này” về việc đưa quân phương Tây vào cuộc.

Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Fabien Roussel, bí thư quốc gia của Đảng Cộng sản Pháp, cho biết Macron đã bày tỏ “quan điểm của Pháp đã thay đổi” về cuộc chiến và rằng “không còn ranh giới đỏ, không còn giới hạn nữa”..

Le Monde đưa tin rằng Macron đã nói với các nhà lãnh đạo đảng của Pháp rằng ông đã phác thảo kịch bản về một cuộc tiến quân của Nga tới Odesa hoặc Kyiv và điều đó “có thể dẫn đến một sự can thiệp” bởi vì ông nói “chúng ta không nên để Mạc Tư Khoa làm điều đó bằng mọi cách”.

Theo Le Monde, những bình luận được báo cáo của tổng thống Pháp đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các nhà lãnh đạo chính trị khác về khả năng leo thang chiến tranh. Nhà lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu, Jordan Bardella, nói: “Tôi rất lo lắng về quan điểm của Emmanuel Macron.”

Bardella nói: “Vai trò của Pháp là đặt ra các ranh giới đỏ. Khi chúng ta xem xét giả thuyết gửi lính Pháp… tới một cường quốc hạt nhân như Nga, thì đó là sự vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm cho hòa bình thế giới.”

Nhà lãnh đạo Les Républicains, Éric Ciotti, cũng chỉ trích quan điểm của Macron là “không phù hợp” và “thậm chí vô trách nhiệm”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng bình luận của ông Macron cho thấy ông đang gia tăng mức độ can dự trực tiếp của Pháp vào cuộc chiến này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, ông Peskov nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không hề phù hợp với lợi ích của người Pháp”.

AFP đưa tin, Quốc hội Pháp sẽ có cơ hội bỏ phiếu vào tuần tới về chiến lược Ukraine của nước này, bao gồm cả hiệp ước an ninh song phương được ký với Kyiv vào tháng trước.

Cũng trong ngày thứ Năm, ông Macron đã gặp Tổng thống Moldova Maia Sandu, cam kết sự hỗ trợ của Pháp đối với đất nước thuộc Liên Xô cũ khi căng thẳng gia tăng giữa Chisinau và khu vực ly khai thân Nga Transnistria.

12. Xuất hiện đoạn phim mới về thuyền không người lái của Ukraine đánh chìm tàu chiến Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “New Footage Of Ukraine Drones Sinking Russian Warships Surfaces”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy hai cuộc tấn công của Ukraine vào các tàu Nga ở Hắc Hải, một phần trong chuỗi hoạt động hàng hải thành công của Kyiv xung quanh Bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Một đoạn clip được kênh Telegram có ảnh hưởng của Nga đăng tải dường như cho thấy quân Nga trên tàu Caesar Kunikov, một tàu đổ bộ của Nga bị Ukraine tấn công vào giữa tháng 2.

Những người lính có thể được nhìn thấy đang bắn về phía vùng nước xung quanh con tàu, trước khi có một vụ nổ rực rỡ.

Kyiv hôm 14/2 cho biết các máy bay không người lái hải quân Magura V5 do Ukraine thiết kế đã tấn công tàu Caesar Kunikov gần thành phố Alupka phía nam Crimea, phía đông nam căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol.

Vào thời điểm đó, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, GUR, cho biết các thuyền không người lái đã đâm vào mạn trái của tàu, đồng thời công bố đoạn phim cho thấy các thuyền không người lái đang tiếp cận tàu đổ bộ của Nga.

Một đoạn clip khác được chia sẻ rộng rãi trên mạng có nội dung cho thấy cuộc tấn công gần đây nhất của Ukraine nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga, một phần dựa trên Bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Đầu ngày thứ Ba, GUR đã công bố một đoạn video cho thấy máy bay không người lái Magura V5 lao vào tàu Sergei Kotov, một trong bốn tàu tuần tra Dự án 22160 của Nga. Kyiv cho biết con tàu đang ở gần eo biển Kerch và “bị hư hại ở đuôi tàu, bên phải và bên trái”.

Nền tảng gây quỹ được chính phủ Ukraine hậu thuẫn, United24, cũng chia sẻ đoạn phim mà họ cho biết cho thấy cuộc tấn công tuần này nhằm vào tàu Sergei Kotov.

Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Tư rằng bảy thủy thủ Nga đã thiệt mạng và 27 thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Đoạn phim lan truyền trên mạng dường như cho thấy một thuyền không người lái của hải quân đang truy đuổi tàu Sergei Kotov.

Ukraine có lực lượng hải quân nhỏ nhưng đã sử dụng thuyền không người lái và hỏa tiễn tấn công tầm xa để chống lại Hạm đội Hắc Hải của Nga trong hơn hai năm chiến tranh toàn diện. Chỉ trong vòng vài tuần, Ukraine đã đánh chìm ba tàu Nga ở Hắc Hải, một thành tích khác biệt rõ rệt với những khó khăn mà Kyiv đang gặp phải trong việc ngăn cản những bước tiến trên bộ của Nga.

Thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets của Nga vào tháng 2.

“Hắc Hải không an toàn cho Hải quân của Putin”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps hôm thứ Ba cho biết, đề cập đến nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. “Cho đến gần đây điều đó vẫn là điều không thể tưởng tượng được.”

Shapps cho biết vào cuối tháng 12 rằng Nga đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó.

Điện Cẩm Linh đã di dời một số tài sản ở Hắc Hải từ Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở vùng Krasnodar của Nga, cách xa bờ biển Ukraine hơn. Nga cũng được cho là đang thiết lập một căn cứ khác ở Hắc Hải ở Abkhazia, một khu vực ly khai được quốc tế công nhận là một phần của Georgia. Điều này sẽ đẩy các nguồn tài nguyên của Nga ở Hắc Hải ra xa tầm với của Ukraine hơn nữa.
 
Bước ngoặt: Khoáng đại Pháp-Baltic quyết định đưa quân vào Ukraine. HIMAR đầu tiên bị Nga đánh trúng
VietCatholic Media
15:56 09/03/2024


1. Pháp tìm thấy các đồng minh vùng Baltic trong cuộc tranh cãi với Đức về việc triển khai quân đội ở Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “France finds Baltic allies in its spat with Germany over Ukraine troop deployment”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Pháp đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng gửi quân đội phương Tây tới Ukraine - và quá trình này làm sâu sắc thêm cuộc xung đột với một Berlin thận trọng hơn.

Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã có mặt tại Lithuania hôm thứ Sáu, nơi ông gặp những người đồng cấp vùng Baltic và Ukraine để củng cố ý tưởng rằng quân đội nước ngoài cuối cùng có thể giúp đỡ Ukraine trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn.

Séjourné nói tại cuộc họp do Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis chủ trì và có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba: “Nga không thể nói cho chúng tôi biết chúng tôi nên giúp Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc năm tới”. “Nga không có quyền tổ chức cách chúng ta triển khai hành động của mình hoặc đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta quyết định điều đó giữa chúng ta.”

Séjourné liên tục đề cập đến khả năng thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn, nói rằng nó “có thể có nghĩa là có một số nhân sự, nhưng không phải chiến đấu.”

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo khiến việc ngăn chặn các cuộc tấn công dữ dội của Nga trở nên khó khăn.

“Ukraine không yêu cầu chúng ta gửi quân. Ukraine hiện đang yêu cầu chúng tôi gửi đạn dược”, Bộ trưởng Pháp nói. “Chúng tôi không loại trừ bất cứ điều gì trong những tháng tới.”

Các bộ trưởng vùng Baltic khen ngợi Pháp vì đã “suy nghĩ sáng tạo”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macon tháng trước nêu lên khả năng binh lính phương Tây có thể phải được điều tới Ukraine; ngay sau đó hầu hết các nước Âu Châu - bao gồm Đức, Cộng hòa Tiệp và Ba Lan - cho biết họ không có kế hoạch như vậy. Tuy nhiên, ba quốc gia vùng Baltic – những quốc gia dễ bị Nga tấn công nhất nếu Mạc Tư Khoa thành công trong cuộc chiến chống Ukraine – sẽ cởi mở hơn nhiều với ý tưởng này.

Warsaw cũng đang thay đổi quan điểm.

“Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là không thể tưởng tượng được,” Ngoại trưởng Radosław Sikorski cho biết hôm thứ Sáu tại Ba Lan, đồng thời nói thêm rằng ông đánh giá cao sáng kiến của Macron, “bởi vì Putin đang sợ hãi chúng ta, chứ không phải chúng ta sợ Putin.”

Séjourné nêu lên mối lo ngại về việc Mạc Tư Khoa để mắt tới các nước vùng Baltic, vốn từng là một phần của đế chế Liên Xô nhưng hiện là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Landsbergis của Lithuania lặp lại ý tưởng Séjourné.

“Không thể có chữ 'nhưng' nào cả. Chúng ta phải vạch ra ranh giới đỏ cho nước Nga chứ không phải cho chính chúng ta. Không thể loại trừ bất kỳ hình thức hỗ trợ nào dành cho Ukraine. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở những nơi cần thiết nhất”, ông nói.

Mặc dù cho đến nay, Đức là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Âu Châu cho Ukraine, nhưng nước này đang phải chịu áp lực gay gắt vì miễn cưỡng gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus cho Kyiv vì sợ khiêu khích Mạc Tư Khoa. Kuleba đã có một bước chuyển mình tinh tế trước sự dè dặt đó vào thứ Sáu.

“Cá nhân tôi đã chán ngấy với… nỗi sợ leo thang,” ông nói. “Vấn đề của chúng tôi là vẫn có những người nghĩ đến cuộc chiến này với tâm lý sợ leo thang”.

Kuleba nói tiếp: “Bạn sợ leo thang kiểu gì? Điều gì khác phải xảy ra với Ukraine để bạn hiểu rằng nỗi sợ hãi này là vô ích? Bạn mong đợi Putin sẽ làm gì? 'Chà, tôi đã gửi xe tăng nhưng tôi không gửi hỏa tiễn hay quân đội, vì vậy có lẽ bạn sẽ tử tế với tôi hơn những người khác?' Đó không phải là cách Putin nghĩ, đó không phải là cách ông ấy đối xử với Âu Châu.”

2. Cuộc tấn công HIMARS của Nga làm dấy lên lo ngại về Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia's HIMARS Strike Sparks Ukraine Concerns”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sau 20 tháng săn lùng, Nga dường như đã tiêu diệt được Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao M142 do Mỹ sản xuất ở Ukraine.

Video xuất hiện trong tuần này cho thấy một trong 39 HIMARS của Kyiv – như chúng được biết đến một cách tổng quát – dường như đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga gần Nykanorivka ở phía đông tỉnh Donetsk, cách mặt trận hiện tại khoảng 30 dặm về phía tây và gần như cách đều các thành phố Avdiivka đã chiếm được và Bakhmut.

HIMARS đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự kiên cường và tinh vi của Kyiv trước cuộc xâm lược của Nga, đồng thời là biểu tượng cho sự hợp tác quân sự thành công giữa NATO và Ukraine. Kể từ khi đến chiến trường vào tháng 6 năm 2022, HIMARS đã trở thành mục tiêu hàng đầu của Mạc Tư Khoa.

Nhưng mặc dù Nga đã tuyên bố rằng nhiều nền tảng đã bị phá hủy — và với một vụ suýt bắn trượt gần đây khiến hai chiếc HIMARS dính đầy mảnh đạn — video tuần này cho thấy sự mất mát thực sự đầu tiên.

Việc phá hủy hệ thống hỏa tiễn đã gây lo ngại ở Ukraine, không có gì đáng ngạc nhiên khi các đội HIMARS đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công vào các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và nơi tập trung quân có giá trị cao của Nga.

Roman Kostenko, thư ký ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine, đã kêu gọi một cuộc điều tra.

“ Phải mất rất nhiều thời gian để nhắm một hỏa tiễn Iskander như vậy”, ông nói với Ukrainska Pravda, đề cập đến loại hỏa tiễn đạn đạo của Nga được cho là nguyên nhân gây ra vụ bắn trúng HIMARS.

Ông nói thêm: “Hãy để các chuyên gia điều tra lý do tại sao điều này lại xảy ra”. “Tất nhiên, HIMARS đã bắn từ phía sau và chúng tôi thấy rằng tình báo của đối phương hiện đang hoạt động để phát hiện HIMARS.”

Bất chấp tổn thất lớn, Ukraine vẫn có nhiều HIMARS đang hoạt động. Thật vậy, mối quan tâm cấp bách hơn đối với Kyiv là liệu nước này có đủ đạn dược cho họ hay không. Hỏa tiễn HIMARS thuộc mọi tầm bắn đều nằm trong số đạn dược bị mắc kẹt do bế tắc đảng phái ở Washington.

Sự mất mát này có thể coi như một lời cảnh tỉnh đối với người Ukraine và các đối tác Mỹ của họ.

“Điều đó có nghĩa là chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, vì vậy chúng tôi phải đề phòng”, Ivan Stupak – cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine – nói với Newsweek.

Cuộc tấn công dường như được thực hiện với sự hỗ trợ của máy bay không người lái tầm cao.

Stupak nói: “Một mặt, đây là dấu hiệu cho thấy khả năng của Nga, nhưng mặt khác, phía Ukraine thiếu các trạm radar tinh vi”. “Ngoài ra, còn thiếu các hệ thống phòng không tiền tuyến để bảo vệ lực lượng mặt đất của chúng ta.”

Ông nói thêm: “Thỉnh thoảng chúng tôi thấy bằng chứng cho thấy máy bay không người lái nhận dạng của Nga đang bay qua lãnh thổ Ukraine ở độ sâu khoảng 50 km”.

Pavel Luzin, nhà phân tích quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek rằng việc phá hủy HIMARS đầu tiên đáng chú ý nhất ở chỗ quân đội Mạc Tư Khoa phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được mục tiêu.

Ông giải thích: “Thật thú vị khi HIMARS tồn tại được trong một thời gian dài như vậy. “Đó là một thành công lớn. Nga đã mất hàng trăm hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và hàng ngàn khẩu pháo trong cùng thời gian.”

Luzin nói thêm: “Tôi cho rằng phần lớn là do may mắn của quân đội Nga”. Và tất nhiên, người Ukraine rất sáng tạo và đôi khi họ thích mạo hiểm nhằm phá hủy thứ gì đó có giá trị từ phía Nga”.

Luzin gợi ý rằng Ngũ Giác Đài sẽ không quá lo lắng.

Ông nói thêm: “Và người Ukraine cũng đang học cách bảo vệ HIMARS của họ tốt hơn”.

3. Sự thay đổi trong chiến tranh Ukraine làm tăng cảnh báo cho Vương quốc Anh

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Shift in Ukraine War Raises Alarms for the UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps, những thất bại của Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra với các lực lượng xâm lược của Nga sẽ “gây cảnh báo cho thế giới dân chủ”.

Hơn hai năm sau khi Putin ra lệnh tấn công, Mạc Tư Khoa đã đạt được một loạt tiến bộ ở miền đông Ukraine, trong khi Kyiv gặp khó khăn trên chiến trường trong bối cảnh thiếu đạn dược và viện trợ quân sự từ các đồng minh chậm lại.

Trung tướng Oleksandr Pavliuk, nhà lãnh đạo lực lượng Lục Quân của Ukraine, gần đây cho biết quân đội Ukraine đang nỗ lực làm việc để ổn định vị trí của họ và “tập hợp lại” với hy vọng đặt nền móng cho “các hoạt động phản công” rất cần thiết vào cuối năm nay.

Shapps đã đưa ra “lời cảnh tỉnh” về cuộc chiến trong chuyến thăm Kyiv trong một video được chia sẻ vào hôm thứ Sáu, kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine cam kết cung cấp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này những “nguồn lực” cần thiết để đánh bại nhà độc tài Putin.

Shapps nói trong video: “Tôi là Bộ trưởng Quốc phòng Anh, đến Kyiv để báo động. Bởi vì điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho phép một đất nước dân chủ bị một kẻ độc tài như Putin tiếp quản? Nó sẽ nói gì về các giá trị tự do và dân chủ của chúng ta?”

Ông nói tiếp: “Mọi chuyện không nhất thiết phải như vậy, bởi vì chúng ta dễ dàng có được các nguồn tài nguyên của phương Tây nếu chúng ta có ý chí. Đây là lời cảnh tỉnh cho thế giới. Hãy chắc chắn rằng Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến này”.

“Tôi đến Kyiv để gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thế giới dân chủ - chúng ta phải bảo đảm Ukraine thắng trong cuộc chiến này.”

Shapps đang ở Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Hôm thứ Năm, Shapps thông báo rằng Vương quốc Anh sẽ chi khoảng 160 triệu Mỹ Kim để tài trợ cho việc sản xuất hơn 10.000 máy bay không người lái quân sự cho Ukraine.

“Máy bay không người lái đang thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine. Đó là lý do tại sao ngày nay Vương quốc Anh đang tăng cường đưa máy bay không người lái đến tiền tuyến... Bằng cách đó, chúng tôi sẽ có hơn 10.000 máy bay không người lái mới đến Ukraine và vẫn là nhà cung cấp máy bay không người lái lớn nhất của Ukraine.”

Viện trợ quân sự bổ sung của Ukraine từ Mỹ vẫn bị đình trệ tại Quốc hội, nơi gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Joe Biden đã không được tiến hành trong nhiều tháng xảy ra tranh cãi giữa các đảng phái.

Trong phiên điều trần tại Hạ viện vào cuối tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng việc không thông qua viện trợ có thể dẫn đến thất bại của Ukraine, đồng thời dự đoán rằng Nga sau đó sẽ cố gắng tiếp tục bành trướng qua Âu Châu và cuối cùng bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới bằng cách tấn công một quốc gia NATO.

“Chúng tôi biết rằng nếu Putin thành công ở đây, ông ấy sẽ không dừng lại”, Austin nói. “Ông ấy sẽ tiếp tục có những hành động quyết liệt hơn trong khu vực… Thành thật mà nói, nếu Ukraine thất thủ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ gây chiến với Nga”.

4. Đệ nhất phu nhân Ukraine từ chối lời mời tham dự buổi đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine’s first lady declines Biden’s State of the Union invite”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Văn phòng của Olena Zelenska viện dẫn xung đột về lịch trình. Nhưng truyền thông Mỹ đưa tin còn có một lý do khác: Đó là lời mời tới Yulia Navalnaya.

Olena Zelenska, đệ nhất phu nhân Ukraine, đã không tham dự bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước Quốc hội Hoa Kỳ vào thứ Năm mặc dù đã được Tòa Bạch Ốc mời.

Văn phòng của Zelenska nói với POLITICO: “Do các sự kiện đã được lên kế hoạch trong lịch trình, bao gồm chuyến thăm trẻ em từ trại trẻ mồ côi đến Kyiv, đã được lên kế hoạch trước, nên rất tiếc, đệ nhất phu nhân sẽ không thể tham gia sự kiện này”.

Tuy nhiên, tờ Washington Post đưa tin vào cuối ngày thứ Tư rằng có những lý do khác khiến Zelenska từ chối lời mời.

Theo nguồn tin của tờ Washington Post, Zelenska được cho là ngồi gần đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Tổng thống Biden và Yulia Navalnaya, góa phụ của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, người đã chết trong nhà tù Bắc Cực ở Nga vào tháng trước.

Nhưng tờ Washington Post cho rằng điều đó gây khó chịu cho giới lãnh đạo cao nhất Ukraine, vì nhiều người Ukraine không coi Navalnaya và các nhân vật đối lập khác của Nga là đồng minh trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Vladimir Putin. Đó là do những nhận xét trước đây của Navalny về việc Crimea “không phải là một chiếc bánh sandwich để trao đổi qua lại”, được coi là ủng hộ tuyên bố của Nga đối với bán đảo Ukraine mà nước này đã sáp nhập và xâm lược bất hợp pháp vào năm 2014.

Navalny sau đó đã công khai ủng hộ việc Ukraine khôi phục lại đường biên giới năm 1991, đồng thời phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Cuối cùng, Navalnaya cũng từ chối lời mời của Tòa Bạch Ốc tới Thông điệp Liên bang với lý do mệt mỏi.

Toàn bộ câu chuyện đã gây ra một số phẫn nộ ở Kyiv.

“Thế giới ngoan cố muốn đặt người Ukraine và người Nga cạnh nhau, họ cho rằng, ngụ ý rằng cả hai đều đang chịu đựng chế độ độc tài của Putin. Nạn nhân và kẻ xâm lược không bình đẳng”, Iryna Gerashchenko, nghị sĩ Ukraine thuộc đảng chính trị đối lập Đoàn kết Âu Châu, cho biết.

Cô nói thêm: “Bi kịch của gia đình Navalny không bằng nạn diệt chủng của người dân Ukraine”. “Tất cả người Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến khủng khiếp này. Họ đã không ngăn chặn nó.”

5. Những lời kích động trên mạng xã hội của đồng minh Putin gắn liền với các chuyến hàng rượu từ Ý

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Putin Ally's Social Media Rants Tied to Wine Shipments from Italy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một hãng tin điều tra của Nga đưa tin, các bài đăng gây tranh cãi trên mạng xã hội của Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, đã xuất hiện sau khi nhận được rượu vang vận chuyển từ Ý.

Nói cho dễ hiểu, cựu Tổng thống Medvedev chỉ tung ra được những lời lẽ kích động thế giới sau khi có rượu vào. Tờ Insider của Nga nhấn mạnh rằng đó là rượu nói chứ không phải hắn ta nói.

Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã gây chú ý trong suốt cuộc chiến ở Ukraine vì những lời chỉ trích thường xuyên trên mạng xã hội, từ kêu gọi tấn công hạt nhân vào các thành viên NATO cho đến gợi ý rằng Mạc Tư Khoa không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy..

Một báo cáo của trang tin tức Insider của Nga, được công bố hôm thứ Sáu, kết nối những lời lẽ chống NATO của cựu tổng thống Nga trên kênh Telegram của ông với các chuyến hàng rượu từ Ý.

Cơ quan truyền thông cho biết: “Hóa ra, bất chấp các lệnh trừng phạt, rượu vang vẫn tiếp tục được cung cấp cho Nga từ các vườn nho ở Ý của Medvedev và ngày giao hàng mỗi lần đều đáng ngạc nhiên trước các tuyên bố tai tiếng của ông ấy”.

Medvedev tiếp tục nhận các chuyến hàng rượu từ nhà máy rượu Fattoria della Aiola ở Tuscan, nhà máy này được ghi danh vào năm 2017 với một công ty nước ngoài ở Síp thuộc sở hữu của Ilya Eliseev, bạn học cũ và là bạn thân của quan chức này. The Insider lưu ý rằng cơ cấu sở hữu của nhà máy rượu đã thay đổi kể từ đó, nhưng một phần cổ phần vẫn thuộc về Eliseev.

Sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022, Medvedev tiếp tục nhận rượu vang từ nhà máy rượu Ý này, The Insider đưa tin. Người ta nói rằng rượu vang từ Fattoria della Aiola đã đến Nga vào ngày 17 tháng 6 năm 2022.

Hai ngày sau, Medvedev viết một bài trên Telegram ám chỉ sự sụp đổ của Liên minh Âu Châu trước khi Ukraine có thể trở thành thành viên.

“Có lẽ chúng ta sẽ có Chủ nghĩa Cộng sản nếu Liên Xô được bảo tồn. Nhưng thật không may, công đoàn đã chết. Hiểu tôi đang muốn nói gì không?” anh đã viết. “Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Liên Hiệp Âu Châu biến mất vào thời điểm đó?.”

Một tháng sau, ngày 18/7/2022, Medvedev nhận thêm một chuyến hàng nữa từ nhà máy rượu. Ba ngày sau đó, ông đăng một danh sách dài trên Telegram nêu chi tiết “tội lỗi” của phương Tây, gọi người Âu Châu là “những kẻ ngu ngốc” và mô tả Tổng thống Mỹ Joe Biden là “ông nội mắc chứng mất trí nhớ”.

Và vào tháng 10 năm 2022 và Tháng Giêng năm 2023, Medvedev đã đăng tải nhiều lời kích động trên mạng xã hội hơn vài ngày sau khi nhận được các chuyến hàng rượu từ Ý, The Insider cho biết.

Cựu tổng thống Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Vào Tháng Giêng, ông cảnh báo trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình rằng nếu Ukraine tấn công các bãi phóng hỏa tiễn trên đất Nga bằng hỏa tiễn tầm xa do phương Tây cung cấp, Mạc Tư Khoa có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân.

Ông Medvedev cho biết các cuộc tấn công của Ukraine có nguy cơ vi phạm khoản 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga và nói thêm rằng tất cả những ai ủng hộ Kyiv “nên ghi nhớ điều này”.

Đoạn văn nêu rõ rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga “khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”, Reuters đưa tin.

Medvedev viết: “Đây không phải là quyền tự vệ mà là cơ sở trực tiếp và rõ ràng cho việc chúng tôi sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một quốc gia như vậy”.

6. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến Istanbul

Theo hãng thông tấn nhà nước Ukrinform, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến Istanbul, nơi ông chuẩn bị hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Reuters đưa tin, văn phòng của ông Zelenskiy trước đó cho biết, trong số các chủ đề thảo luận có công thức hòa bình tiềm năng sau việc Nga xâm lược Ukraine, an toàn hàng hải ở Hắc Hải và việc thả các tù nhân chiến tranh Ukraine do Nga giam giữ.

Một quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói với AP rằng ông Erdogan dự kiến sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng ông cũng dự kiến sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục của nước này đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Türkiye Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cung cấp cho ông danh sách những người Tatars gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Crimea hiện đang bị Nga giam giữ.

Theo Ukrinform, Tổng thống Ukraine đã nói điều này với các nhà báo sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Türkiye.

“Hôm nay tôi đã trao danh sách các công dân Ukraine của chúng tôi, bao gồm cả người Tatars ở Crimea, những người đang bị Nga áp bức trên lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine và đang bị giam giữ trong các nhà tù và trại của Nga trong những điều kiện cực kỳ tàn ác và vô nhân đạo. Chúng ta phải thả tất cả họ - binh lính cũng như thường dân, và những người bị bắt để bảo vệ người dân của họ và chịu sự đàn áp của Nga chỉ vì họ là ai”, ông nói.

7. Lãnh đạo phe đối lập Belarus lưu vong lo ngại cho tính mạng của chồng cô

Lãnh đạo phe đối lập Belarus lưu vong, Svetlana Tikhanovskaya, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng cô đã không nhận được tin tức gì từ người chồng đang bị bỏ tù của mình trong một năm và mô tả việc thiếu liên lạc là “một hình thức tra tấn”.

AFP đưa tin rằng cô kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres can thiệp, nói rằng các tù nhân chính trị khác của Belarus cũng đã bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

“Đã một năm kể từ lần cuối tôi nghe tin từ chồng tôi, Sergei Tikhanovsky. Từ đó đến nay chỉ có sự im lặng. Không có thư từ, không có cuộc gọi điện thoại, không có sự thăm viếng nào của luật sư,” Tikhanovskaya nói với các phóng viên ở Vilnius.

Cô nói thêm: “Tôi chỉ nhận được những lá thư nặc danh tuyên bố rằng anh ấy đã qua đời và đoạn video được xuất bản vào năm ngoái mà tôi hoàn toàn không thể nhận ra chồng mình”.

Tikhanovskaya, người đã tuyên bố chiến thắng trước nhà lãnh đạo lâu năm của Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đã sống lưu vong ở Lithuania kể từ khi chính quyền tiến hành đàn áp bạo lực đối với những người biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Một số lãnh đạo phe đối lập hàng đầu đang ở trong tù. Tikhanovsky bị kết án 18 năm tù vào năm 2021 vì “tổ chức bạo loạn và kích động hận thù xã hội”.

Tikhanovskaya nói: “Biệt giam là một hình thức tra tấn... không chỉ đối với các tù nhân chính trị của chúng tôi, mà còn đối với gia đình họ, những người sống trong tình trạng bấp bênh và không muốn tin vào điều tồi tệ nhất”.

8. Cộng hòa Tiệp tìm tiền mua 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine

Cộng hòa Tiệp đã huy động đủ tiền để mua 300.000 viên đạn cho Ukraine chứ không phải 800.000 như tổng thống nước này đề xuất trước đây.

“Chúng tôi đã quyên góp đủ tiền để mua lô 300.000 quả đạn pháo đầu tiên. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là mang lại nhiều hơn thế nữa!” Thủ tướng Tiệp Petr Fiala cho biết như trên, mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Tổng thống Petr Pavel.

Hôm thứ Năm, Pavel nói với các nhà báo rằng đất nước của ông đã bảo đảm đủ tiền để mua 800.000 quả đạn pháo bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine đang thiếu đạn dược.

Praha đang dẫn đầu sáng kiến mua 500.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 ly và 300.000 quả đạn pháo cỡ nòng 122 ly cho Kyiv.

Nhìn chung, 18 quốc gia đã đồng ý tài trợ cho việc mua sắm theo sáng kiến do Tiệp dẫn đầu. Trong khi một số chính phủ – bao gồm Na Uy, Bỉ và Hà Lan – đã công bố các cam kết tài chính thực tế, thì các chính phủ khác, chẳng hạn như Pháp và Đức, vẫn chưa cung cấp số liệu chính xác.

9. Thống đốc Nga báo cáo cáo buộc Ukraine tấn công xuyên biên giới

Thống đốc Nga cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào khu vực biên giới Belgorod của Nga đã giết chết hai người vào hôm thứ Sáu.

AFP đưa tin Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết ba “máy bay không người lái cảm tử” của Ukraine đã tấn công làng Rozhdestvenska, gần biên giới với Ukraine.

Gladkov cho biết như trên và nói thêm rằng “Sau vụ nổ, hai người đã thiệt mạng và người đàn ông thứ ba bị thương nặng”. Ông nhấn mạnh rằng một đội cứu thương đã được gọi đến hiện trường để điều trị cho các nạn nhân.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ một số máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Belgorod trong suốt sáng thứ Sáu.

Trong khi đó, Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 9 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết hai người đã thiệt mạng và 26 người bị thương trong một cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào thành phố Sumy phía bắc hôm thứ Năm.

“Cơ sở của trường học, bệnh viện trung tâm thành phố, trung tâm chăm sóc y tế khẩn cấp khu vực và hệ thống cấp nước đã bị hư hại”.

10. Bản đồ cho thấy các cuộc tấn công ở Ukraine đang tiến sâu hơn vào bên trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Map Shows Ukraine Strikes Reaching Deeper Inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một bản đồ được một cơ quan truyền thông trực tuyến của Nga công bố cho thấy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đang tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Phân tích của Verstka, một hãng tin độc lập của Nga được thành lập ngay sau khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, cho thấy các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất trên đất Nga đã mở rộng diện tích đất nước nằm trong tầm bắn của Ukraine lên 1,045 triệu km2.

Nga đã hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, với một số cuộc tấn công nhắm tới Mạc Tư Khoa. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào các kho đạn dược. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga, nhưng Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Kyiv cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái.

Verstka trích dẫn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Năm vào một nhà máy luyện kim thuộc nhà sản xuất thép Severstal ở thành phố Cherepovets, thuộc vùng Vologda của Nga.

“Sáng nay tại khu vực Vologda của doanh nghiệp Severstal đã xảy ra sự việc ở khu vực lò cao, khiến một máy bay không người lái của liên kết không xác định tấn công. Điều quan trọng là không có thương vong “, Georgy Filimonov, quyền thống đốc Vologda, cho biết trong một tuyên bố.

Ông cho biết: “Ngoài ra, hoạt động của lò không bị gián đoạn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ở chế độ bình thường”.

Trước đó vào thứ Năm, Filimonov đã mô tả vụ tấn công là một “sự việc công nghệ” mà không nêu chi tiết.

Verstka đưa tin, cuộc tấn công là một trong những “mục tiêu xa nhất” tính từ tiền tuyến của Ukraine bị tấn công trên đất Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Cuộc tấn công vào doanh nghiệp ở Cherepovets đã mở rộng lãnh thổ có khả năng dễ bị tổn thương của Nga trước các cuộc tấn công của quân đội Ukraine thêm 45 ngàn km2”, hãng tin này cho biết. “Bây giờ nó có diện tích khoảng 1.045.000 km2. Nó có hơn sáu triệu thành phố, trong đó có hai thành phố liên bang—Mạc Tư Khoa và St. Petersburg.”

Verstka nói thêm: “Trước đây, theo hướng đông bắc, máy bay không người lái đã bay tới St. Petersburg và Yaroslavl, nơi mục tiêu là nhà máy Nevsky Mazut và nhà máy lọc dầu Slavneft-YANOS.”

Hôm thứ Tư, chính quyền ba khu vực của Nga – Belgorod, Voronezh và Kursk – đã công bố một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm. Ngoài ra, một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một nhà máy nhiệt điện kết hợp ở thành phố Shagonar, miền nam Siberia, vào sáng thứ Tư.

Ukraine cũng tăng cường tấn công vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga trong những tuần gần đây, buộc Mạc Tư Khoa phải thông qua lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng vào tháng trước.
 
Phụ nữ hung bạo chém loạn xạ, đốt nhà xứ. HY Demos II: Triều Giáo Hoàng tiếp theo phải như thế nào?
VietCatholic Media
16:57 09/03/2024


1. Vụ đột nhập vào nhà thờ Công Giáo Nam Omaha được coi là 'hành động bạo lực ngẫu nhiên'

Đã xuất hiện những chi tiết mới sau vụ đột nhập vào nhà xứ của một nhà thờ Công Giáo phía nam Omaha vào sáng Chúa Nhật. Phát ngôn nhân của cảnh sát địa phương nói rằng đây là một hành động bạo lực ngẫu nhiên.

Cảnh sát Omaha cho biết một người phụ nữ đã đột nhập vào nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo St. Frances Cabrini ngay sau 6 giờ sáng Chúa Nhật 3 Tháng Ba. Người phụ nữ bị cáo buộc đâm cha sở ngay trong nhà ngài và cố gắng đốt cháy ngài và nhà xứ.

Sơ Mary Ann Meagher cho biết cha sở của nhà thờ, là Cha Damian Zuerlein.

Cảnh sát cho biết Cha Zuerlein, sống tại nhà xứ, đang ở nhà khi vụ đột nhập xảy ra. Ngài tự nhốt mình trong một căn phòng trên lầu trước sự hung hăng của người phụ nữ và sau đó trốn thoát qua cửa sổ.

Cảnh sát cho biết người phụ nữ đã đột nhập được vào căn phòng mà cha Zuerlein vừa trốn ra, mang theo một con dao ngay khi lực lượng cứu hỏa đang đưa Cha Zuerlein xuống trên một cái thang.

Sơ Meagher nói: “Thật đáng sợ khi nghe điều này, không chỉ đối với ngài mà còn đối với tất cả mọi người khi sự việc như thế này đang diễn ra.

Các bức ảnh cho thấy sự hư hại bên trong nhà xứ: đồ đạc bị xé nát, sách vở bị vứt bỏ, và hầu hết đồ đạc cá nhân của Cha Zuerlein bị phá hủy.

Vụ đột nhập vào nhà xứ của nhà thờ St. Frances Cabrini diễn ra chưa đầy ba tháng sau khi Cha Stephen Gutgsell bị đâm chết tại nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo St. John the Baptist ở Fort Calhoun.

Cảnh sát Omaha cho biết nghi phạm đã bị bắt giam.


Source:wowt.com

2. Thảm trạng nhân đạo bi thảm tại Ukraine

Theo phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, công bố ngày 05 tháng Ba vừa qua, tình hình nhân đạo tại Ukraine tiếp tục ở mức độ thê thảm: khoảng 40% dân chúng tiếp tục cần được nâng đỡ về nhân đạo và bảo vệ, nhưng khả năng tài chánh chỉ có thể đáp ứng 13% nhu cầu.

Đối với nhiều người, đây là kinh nghiệm đầu tiên về chiến tranh và tị nạn. Tuần này là kỷ niệm mười năm bắt đầu chiến tranh tại miền Đông Ukraine. Hiện nay, gần 6 triệu 500.000 người Ukraine đang tị nạn tại nước ngoài, trong khi đó 3,7 triệu người tản cư trong nội địa nước này.

Phúc trình cho biết hai năm sau chiến tranh rộng lớn, 65% người Ukraine tị nạn ra nước ngoài và 72% những người tản cư nội địa mong ước có thể trở về nhà vào một ngày nào đó. Nhưng tỷ lệ này giảm bớt, vì nhiều người tỏ ra không chắc chắn vì chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Phúc trình của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc mang tựa đề: “Cuộc sống bị ngưng lại: ý hướng và viễn tượng của những người tị nạn, những người hồi hương và di tản trong nội địa Ukraine”. Phúc trình và nghiên cứu này dựa trên các cuộc phỏng vấn khoảng 9.900 gia đình Ukraine tị nạn, tản cư nội địa và những người từ trong và ngoài nước trở lại gia cư của họ: tỷ lệ những người Ukraine tị nạn hy vọng trở về nước giảm bớt so với thời kỳ cách đây một năm, tức là từ 77 xuống còn 65%. Cùng xu hướng như vậy đối với những người di tản nội địa về vấn đề có thể trở lại gia cư của họ hay không, từ 84% xuống còn 72%.

Cuộc điều tra cho thấy ưu tiên của những người liên hệ được hỏi là sửa chữa lại nhà của họ ở Ukraine làm sao để họ có thể ở lại gia cư của họ. Cho đến nay đã có hơn 27.500 nhà được sửa chữa.

Cuộc khủng hoảng của người tị nạn Ukraine phần lớn do sự chia cách gia đình ở mức độ rộng lớn. Nhiều người nam Ukraine ở lại trong nước, với những khó khăn đi kèm đối với người buộc lòng phải rời bỏ nước và người còn ở lại, họ không được sự nâng đỡ của gia đình. Phúc trình này cho thấy rằng sự đoàn tụ gia đình là một trong những nhân tố thúc đẩy người tị nạn trở về nhà luôn. Một số lớn những người tị nạn trở về Ukraine trong một thời gian ngắn - khoảng 50% so với 39% hồi năm ngoái và cũng với mục đích kiểm điểm tài sản của họ và nhất là viếng thăm thân nhân. Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc khuyên các nước tiếp cư hãy duy trì một thái độ uyển chuyển đối với những người Ukraine tị nạn, đối với những cuộc viếng thăm quê hương dưới ba tháng và làm sao để qui chế pháp lý tị nạn của họ với các quyền lợi đi kèm tại nước tiếp cư, không bị ảnh hưởng vì những chuyến về thăm gia đình như vậy. Sự bảo vệ và những nhu cầu của người tị nạn phải được bảo đảm cho đến khi họ tự ý hồi hương, trong an ninh và phẩm giá.

3. Hồng Y ẩn danh 'Demos II' đề xuất chương trình nghị sự cho giáo hoàng tiếp theo

Vào tháng 3 năm 2022, cố Hồng Y George Pell đã xuất bản một bài phê bình ẩn danh vào thời điểm đó đối với triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dưới bút danh “Demos”.

Giờ đây, một vị Hồng Y khác, người tự nhận mình là “Demos II,” đã công bố một bản phê bình ẩn danh khác. Tuy nhiên, bản mới này có tính chất hướng tới tương lai hơn và đưa ra bảy nhiệm vụ được đề xuất cho người kế vị tiếp theo của Thánh Phêrô.

Vị Hồng Y ẩn danh đã công bố văn bản của mình, có tựa đề “Ngày mai của Vatican,” bằng sáu thứ tiếng trên trang web “Bussola Quotidiana” tức là “La bàn hàng ngày” của Ý.

Mở đầu, tài liệu viết: “Vào tháng 3 năm 2022, một văn bản ẩn danh xuất hiện - được ký dưới bút danh 'Demos' và có tựa đề 'Vatican Ngày Nay' - đã đặt ra một loạt câu hỏi và chỉ trích nghiêm chỉnh về triều đại giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Các điều kiện trong Giáo hội kể từ khi văn bản đó xuất hiện đã không thay đổi cụ thể, càng không được cải thiện nhiều,”

Demos II nhận xét rằng có những khía cạnh tích cực của triều đại giáo hoàng hiện tại, chẳng hạn như mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho những người yếu thế nhất và nghèo nhất, cùng với các vấn đề môi trường, nhưng “những thiếu sót của nó cũng rõ ràng như nhau”.

Những thiếu sót đó bao gồm “một phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với những bất đồng thậm chí những bất đồng ấy mang tính tôn trọng; và - nghiêm trọng nhất - một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Khuôn mạo vị Giáo Hoàng tiếp theo

Hai năm sau khi văn bản được ký tên 'Demo' (sau này được tiết lộ là của Đức Hồng Y Pell), một tài liệu ẩn danh mới, được liên kết với tài liệu đầu tiên, xác định bảy ưu tiên của Mật nghị tiếp theo nhằm sửa chữa sự nhầm lẫn và khủng hoảng do vị Giáo hoàng hiện nay tạo ra.

“La bàn hàng ngày” cho công bố một tài liệu độc quyền bằng sáu thứ tiếng, nhằm mục đích lưu hành giữa các Hồng Y nhân mật nghị sắp tới và giữa các tín hữu như một nguồn suy nghĩ về các ưu tiên của Giáo hội. Văn bản chủ yếu được viết bởi một Hồng Y sau khi ngài đối chiếu những đề xuất của các Hồng Y và giám mục khác. Các ngài đã chọn giấu tên vì những lý do được giải thích trong thư.

Vatican ngày mai

Vào tháng 3 năm 2022, một văn bản ẩn danh xuất hiện – ký tên là “Demo” và có tựa đề là “Vatican Ngày Nay” – đã nêu ra một số câu hỏi và chỉ trích nghiêm trọng liên quan đến triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Các điều kiện trong Giáo hội kể từ khi bản văn đó xuất hiện không có thay đổi gì về mặt thực chất, càng không được cải thiện nhiều. Vì vậy, những suy nghĩ được đưa ra ở đây nhằm xây dựng trên những suy tư ban đầu đó theo nhu cầu của Vatican trong tương lai.

Những năm cuối cùng của một triều giáo hoàng, bất cứ triều giáo hoàng nào, là thời gian để đánh giá tình trạng của Giáo hội trong hiện tại cũng như những nhu cầu của Giáo hội và các tín hữu trong tương lai. Rõ ràng điểm mạnh của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nhấn mạnh thêm mà ngài dành cho lòng cảm thương đối với những người yếu đuối, tiếp cận những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội, quan tâm đến phẩm giá của sáng thế và các vấn đề môi trường phát sinh từ nó, cũng như những nỗ lực để đồng hành cùng những người đau khổ và bị vong thân trong những gánh nặng của họ.

Những nhược điểm của nó cũng rõ ràng như thế: phong cách quản lý chuyên quyền, đôi khi có vẻ mang tính thù hận; sự bất cẩn trong vấn đề pháp luật; không khoan dung đối với cả những bất đồng đầy tôn trọng; và – nghiêm trọng nhất – một mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu. Sự mơ hồ lẫn lộn sinh ra sự chia rẽ và xung đột. Nó làm suy yếu niềm tin vào Lời Thiên Chúa. Nó làm suy yếu chứng tá Tin Mừng. Và kết quả ngày nay là một Giáo hội bị rạn nứt hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây của mình.

Do đó, nhiệm vụ của triều đại giáo hoàng tiếp theo phải là phục hồi và tái lập những sự thật đã dần bị che khuất hoặc đánh mất nơi nhiều Kitô hữu. Những điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều cơ bản như sau: (a) không ai được cứu ngoại trừ và chỉ nhờ Chúa Giêsu Ki-tô, như chính Người đã nói rõ; (b) Thiên Chúa là Đấng thương xót nhưng cũng công bằng, và quan tâm mật thiết đến sự sống của mỗi con người, Người tha thứ nhưng Người cũng bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm, Người vừa là Cứu Chúa vừa là Đấng xét xử; (c) con người là tạo vật của Thiên Chúa, không phải tự sáng chế ra, một tạo vật không chỉ có cảm xúc và ham muốn mà còn có trí hiểu, ý chí tự do và số phận vĩnh cửu; (d) những sự thật khách quan không thay đổi về thế giới và bản chất con người hiện hữu và có thể nhận biết được thông qua Mặc khải Thần Linh và việc vận dụng lý trí; (e) Lời Chúa, được ghi lại trong Kinh thánh, đáng tin cậy và có hiệu lực vĩnh viễn; (f) tội lỗi là có thật và hậu quả của nó là chết người; và (g) Giáo hội của Người có cả thẩm quyền lẫn nghĩa vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Việc không vui vẻ đón nhận công cuộc truyền giáo, tình yêu cứu độ đó sẽ gây ra nhiều hậu quả. Như Thánh Phaolô đã viết trong 1 Cr. 9:16, “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Một số quan sát thực tế xuất phát từ nhiệm vụ và danh sách ở trên.

Thứ nhất: Thẩm quyền thực sự bị tổn hại bởi những biện pháp độc đoán trong quá trình thực thi nó. Đức Giáo Hoàng là Người Kế Vị Thánh Phêrô và là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng ngài không phải là người chuyên quyền. Ngài không thể thay đổi tín lý của Giáo hội, và ngài không được phát minh hay thay đổi kỷ luật của Giáo hội một cách tùy tiện. Ngài điều hành Giáo hội một cách tập thể cùng với các giám mục anh em của mình tại các giáo phận địa phương. Và ngài luôn làm như vậy trong sự tiếp tục trung thành với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. “Những mô hình mới” và “những con đường mới chưa được khám phá” đi chệch khỏi một trong hai đều không phải của Thiên Chúa. Một Giáo hoàng mới phải khôi phục khoa giải thích liên tục trong đời sống Công Giáo và khẳng định lại sự hiểu biết của Vatican II về vai trò đúng đắn của giáo hoàng.

Thứ hai: Chính vì Giáo hội không phải là một chế độ chuyên chế, cũng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội là Giáo hội của Người. Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, gồm có nhiều chi thể. Chúng ta không có thẩm quyền sửa đổi những lời dạy của Giáo hội để phù hợp hơn với thế giới. Hơn nữa, cảm thức đức tin của Công Giáo không phải là vấn đề khảo sát ý kiến hay thậm chí là quan điểm của đa số những người đã được rửa tội. Nó chỉ xuất phát từ những người thực sự tin tưởng và tích cực thực hành, hoặc ít nhất là chân thành tìm cách thực hành đức tin và giáo huấn của Giáo hội.

Thứ ba: Sự mơ hồ không mang tính Tin mừng hay chào đón. Đúng hơn, nó nuôi dưỡng sự nghi ngờ và nuôi dưỡng những xung động ly giáo. Giáo hội là một cộng đồng không chỉ Lời Chúa và bí tích, mà còn cả tín ngưỡng. Những gì chúng ta tin tưởng sẽ giúp xác định và duy trì chúng ta. Vì vậy, các vấn đề giáo lý không phải là gánh nặng do những “tiến sĩ luật” vô cảm đặt ra. Chúng cũng không phải là những màn biểu diễn phụ của đời sống Ki-tô hữu. Ngược lại, chúng rất quan trọng để sống một đời sống Kitô hữu đích thực, bởi vì chúng đề cập đến việc áp dụng sự thật, và sự thật đòi hỏi sự rõ ràng, chứ không phải sắc thái nước đôi. Ngay từ đầu, triều giáo hoàng hiện tại đã chống lại sức mạnh Tin Mừng và sự trong sáng về mặt trí thức của những triều tiền nhiệm. Việc dỡ bỏ và tái sử dụng Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Rôma cũng như việc loại bỏ các văn kiện như Veritatis Splendor cho thấy sự đề cao “lòng cảm thương” và cảm xúc bất chấp lý trí, công lý và sự thật. Đối với một cộng đồng tín ngưỡng, điều này vừa không lành mạnh vừa cực kỳ nguy hiểm.

Thứ tư: Giáo Hội Công Giáo ngoài Lời Chúa, bí tích, tín điều còn là một cộng đồng luật pháp. Giáo luật sắp đặt trật tự cho đời sống Giáo hội, hài hòa các thể chế và thủ tục của Giáo hội, đồng thời bảo đảm các quyền lợi của các tín hữu. Trong số các dấu hiệu của triều giáo hoàng hiện tại là sự phụ thuộc quá mức vào tự sắc như một công cụ quản trị và sự bất cẩn và chán ghét nói chung đối với các chi tiết giáo luật. Một lần nữa, cũng như sự mơ hồ về tín lý, việc coi thường giáo luật và thủ tục giáo luật thích hợp sẽ làm suy yếu niềm tin vào sự trong sạch của sứ mệnh Giáo hội.

Thứ năm: Giáo hội, như Đức Gioan XXIII đã mô tả rất hay, là mater et magistra, “mẹ và thầy” của nhân loại, chứ không phải là người tận tụy đi theo; người bảo vệ con người trong tư cách chủ thể của lịch sử chứ không phải đối tượng của lịch sử. Giáo hội là cô dâu của Chúa Kitô; bản chất của Giáo hội có tính bản vị, siêu nhiên và thân mật, chứ không chỉ đơn thuần là thể chế. Giáo hội không bao giờ có thể bị thu gọn vào một hệ thống đạo đức linh hoạt hoặc phân tích và tái lên khuôn xã hội học để phù hợp với bản năng và ham muốn (và những nhầm lẫn về tình dục) của một thời đại. Một trong những sai sót chính của triều giáo hoàng hiện tại là việc rút lui khỏi “thần học thân xác” đầy thuyết phục và thiếu một nền nhân học Kitô giáo hấp dẫn... chính vào thời điểm mà các cuộc tấn công vào bản chất và bản sắc con người, từ chủ nghĩa chuyển phái tính đến chủ nghĩa chuyển nhân bản [transhumanism], đang gia tăng.

Thứ sáu: Việc tông du hoàn cầu đã phục vụ một mục tử như Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất tốt vì những thiên phú bản thân độc đáo của ngài và tính chất của thời đại. Nhưng thời thế và hoàn cảnh đã thay đổi. Giáo hội ở Ý và khắp châu Âu – ngôi nhà lịch sử của đức tin – đang gặp khủng hoảng. Bản thân Vatican rất cần một cuộc đổi mới tinh thần, thanh lọc các thể chế, thủ tục và nhân sự, cũng như một cuộc cải cách toàn diện về tài chính để chuẩn bị cho một tương lai đầy thách thức hơn. Đây không phải là những điều nhỏ nhặt. Chúng đòi sự hiện diện, sự chú ý trực tiếp và sự tham gia đích thân của bất cứ vị Giáo hoàng mới nào.

Thứ bảy và cuối cùng: Hồng Y đoàn hiện hữu để cung cấp cố vấn cấp cao cho Giáo hoàng và bầu người kế vị sau khi ngài qua đời. Việc phục vụ đó đòi hỏi những con người có đức tính trong sạch, được đào tạo thần học vững chắc, kinh nghiệm lãnh đạo trưởng thành và sự thánh thiện bản thân. Nó cũng đòi hỏi một Giáo hoàng sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên và sau đó lắng nghe. Không rõ điều này được áp dụng ở mức độ nào trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Triều giáo hoàng hiện tại đã nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa Hồng Y đoàn, nhưng đã thất bại trong việc tập hợp các Hồng Y trong các công nghị thường kỳ được thiết kế để thúc đẩy tinh thần hiệp đoàn thực sự và sự tin tưởng giữa các anh em. Kết quả là nhiều cử tri bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo sẽ không thực sự biết nhau và do đó có thể dễ bị thao túng hơn. Trong tương lai, nếu Hồng Y đoàn phục vụ mục đích của mình thì các Hồng Y ở đó cần nhiều thứ hơn là một chiếc zucchetto màu đỏ và một chiếc nhẫn. Hồng Y đoàn của ngày hôm nay, nên chủ động tìm hiểu nhau để hiểu rõ hơn quan điểm cụ thể của họ về Giáo hội, hoàn cảnh giáo hội địa phương và nhân cách của họ - những điều ảnh hưởng đến việc họ cân nhắc về vị giáo hoàng tiếp theo.

Người đọc sẽ khá hợp lý khi hỏi tại sao bản văn này lại ẩn danh. Câu trả lời hẳn phải rõ ràng từ xu hướng chung của môi trường Rôma ngày nay: Sự thẳng thắn không được chào đón và hậu quả của nó có thể khó chịu. Tuy nhiên, những suy nghĩ này có thể tiếp tục trong nhiều đoạn văn nữa, đặc biệt lưu ý đến sự phụ thuộc nặng nề của giáo hoàng hiện tại vào Dòng Tên, công việc có vấn đề gần đây của Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández của Bộ Giáo lý Đức tin, và sự xuất hiện của một tổ chức đầu sỏ nhỏ gồm những người thân tín có ảnh hưởng quá mức trong nội bộ Vatican – tất cả bất chấp những chủ trương tản quyền của tính đồng nghị, trong số những điều khác.

Chính vì những vấn đề này nên những suy nghĩ thận trọng được nêu ở đây có thể hữu ích trong những tháng tới. Người ta hy vọng rằng sự đóng góp này sẽ giúp hướng dẫn những cuộc đối thoại rất cần thiết về việc Vatican sẽ trông như thế nào trong triều giáo hoàng tiếp theo.


Source:Catholic News Agency