Ngày 09-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tha Thứ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:38 09/03/2016
Chúa Nhật V MÙA CHAY, năm C
Ga 8, 1-11

THA THỨ

Mùa Chay trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa càng làm nổi bật ý nghĩa tha thứ. Quả thực, Thiên Chúa Cha đầy lòng nhân từ luôn yêu thương, cảm thông và tha thứ cho loài người, cho con người, cho mỗi người chúng ta.Các bài đọc của Chúa Nhật V mùa chay, năm C cho chúng ta cái nhìn xuyên suốt về người Cha đầy lòng xót thương. Cử chỉ người Cha tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình nói lên tình thương vô biên của Chúa và như thế, cho chúng ta hiểu sâu hơn về bí tích hòa giải.

Trong đoạn Tin Mừng của thánh Gioan 8, 1-11 cho chúng ta thấy tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu như thế nào ? Vâng, có lẽ các kinh sư, các Pharisêu muốn đưa Chúa Giêsu vào cái bẫy họ giăng ra để bắt bẻ, kết tội Chúa Giêsu. Với sự đằng đằng sát khí của những người dân hùa theo các Kinh sư, các Pharisêu khi họ đưa một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đang run lẩy bẩy trước mặt mọi người. Nếu Chúa nói ném đá người phụ nữ này thì Ngài đã không tuân thủ lời giảng yêu thương của Ngài và nếu Ngài nói tha thì Ngài lại lỗi với luật lệ lúc đó. Họ rất ác tâm đối với Chúa bởi vì họ muốn gày bẫy để thử thách Chúa, đồng thời họ đóng chặt cửa nhằm không cho người phụ nữ này có lối thoát. Thái độ của Chúa và lời nói nhẹ nhàng của Chúa :” Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá người này trước đi “. Câu nói này là một lời thách thức lương tâm của mọi người có mặt hôm đó. Cái trớ trêu của những Kinh sư, Pharisêu và những người hùa theo những người lãnh đạo tôn giáo hôm đó là không ai dám ném đá người phụ nữ này vì ai cũng có tội. Tin Mừng dí dỏm viết:”…Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau…bắt đầu từ những người lớn tuổi…”. Thật dí dỏm, nhưng cũng thật đáng yêu. Dí dỏm vì ai cũng bỏ đi. Đáng yêu vì Chúa đã tha thứ cho người phụ nữ đang sợ sệt đến toát mồ hôi vì sợ chết ! Chúa đã nói lời tha thứ đối với người phụ nữ :” Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa ! “.

Sống ở đời, người ta thường dễ chỉ trích, phê bình, lên án, kết án nhau hơn là cảm thông. Chúa Giêsu qua đoạn Tin Mừng này muốn cho mỗi người, mọi người nhìn lại bản thân của mình. Chúng ta tất cả đều là tội nhân. Dân Do Thái xưa tưởng là dân riêng Chúa chọn, nên ơn cứu độ chỉ dành riêng cho họ. Họ luôn phản nghịch lại Chúa. Họ tưởng rằng có có quyền lỗi phạm và ơn cứu độ chắc chắn thuộc riêng quyền họ. Do đó, họ không đóng khung và khinh chê những người khác. Không, mọi người đều có tội, mọi người đều phải ăn năn sám hối, quay trở lại với Chúa. Chúng ta có quyền gì để lên án, kết án anh em. Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ. Phêrô đã hỏi Chúa khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ làm sao ? Chúa trả lời :” Tha Thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng “. Tha thứ là điều kiện tiên quyết để chúng ta gặp gỡ được đích thực anh chị em của chúng ta. Tha thứ là mối dây liên kết mọi người chúng ta. Tha thứ là chúng ta mở cho nhau những cánh cửa tương lai rực sáng và khép lại những quá khứ u tối mà vì cố tình hay vô ý chúng ta giăng cho nhau. Chính vì thế, Chúa mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ cho nhau không ngừng. Tha thứ chúng ta mới đến với Chúa được và mới gần gũi anh chị em được.

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào Chúa để nhận ra Lòng Chúa xót thương để chúng ta yêu và yêu như Chúa yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một con người mới để chúng con biết sống đạo đức, thánh thiện nhờ đó chúng con sẽ xây đắp sự an bình, huynh đệ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Các Kinh sư và Pharisêu muốn thử Chúa thế nào ?
2. Thái độ của những người hùa theo các Kinh sư và Pharisêu ?
3. Thái độ của người phụ nữ bị bắt ?
4. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ thế nào ?
5. Đó là lời gì của Chúa ?
 
Ai sạch tội ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:01 09/03/2016
AI SẠCH TỘI?

(Chúa Nhật V Mùa Chay C)

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong Tin Mừng thánh Gioan (8,1-11), theo các nhà nghiên cứu thì có lẽ là của Luca, một tác giả đặc biệt đề cao chủ đề lòng thương xót của Chúa. Trong văn học, một chủ đề chính cũng thường được điểm tô đậm nét bằng những yếu tố “phản đề”. Có một cái nhìn cặn kẻ về sự gian ác của con người hẳn nhiên sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa.

Tội ngoại tình: Thoặt xem ra đây là một loại tội dễ lượng thứ, vì bản tính con người mỏng dòn, yếu đuối. Và người ta thường dùng cụm từ “tính xác thịt” như để bào chữa mỗi khi lỗi phạm. Nếu xét tội này theo chiều kích “sự yếu đuối” thì cũng có thể dễ thông cảm. Tuy nhiên, nếu nhìn đây là một sự bất tín, bất trung, là một hành vi phản bội, phá vỡ sự bền vững của đời sống hôn nhân-gia đình, vốn là tế bào của xã hội thì tội này thật đáng sợ. Tội bất trung vì yếu đuối có thể không quá trầm trọng nhưng hậu quả của nó thì thật khó lường. Các ngôn sứ thường dùng thứ tội này: “ngoại tình”, để nói đến việc dân xưa bỏ Chúa mà đi thờ các thần của dân ngoại.

Nhất tiển diệt song điêu. Câu nói có thể dùng trong cả trường hợp tích cực lẫn tiêu cực, nhưng thường ám chỉ những hành vi gian ác gây hại cho nhiều đối tượng. Cái bẫy mà nhiều kinh sư và người biệt phái ngày xưa giăng ra để hãm hại Chúa Giêsu quả là hiểm độc. Đã nhiều lần, và nay thêm một lần nữa họ dồn Chúa Giêsu vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Để thực hiện mưu đồ này họ đã không ngần ngại sử dụng sự yếu đuối, tội lỗi của một con người. Có thể nói rằng họ đã kiếm tìm và tận dụng tội lỗi của đồng loại để phục vụ gian kế của mình. Đã là gian ác thì sẽ không chừa một thủ đoạn nào, kể cả việc lợi dụng tội lỗi, sự yếu đuối hay nỗi khốn khổ của tha nhân để thủ lợi hoặc để thực hiện ý đồ đen tối của mình.

“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Tin Mừng minh nhiên cho ta biết rằng những người biệt phái và luật sĩ hôm ấy cố tình gài bẫy Chúa Giêsu hầu có bằng chứng tố cáo Người, Đấng đã từng tuyên bố rằng “đến không phải để hủy bỏ lề luật và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn”(x.Mt 5,17). Chắc hẳn những người cố tình gài bẫy hôm ấy nghĩ rằng phen này Chúa Giêsu không thể thoát. Nếu Người không giữ luật Môsê thì khó mà thuyết phục dân chúng. Còn nếu cứ nhất nhất hành xử theo luật truyền thì sẽ đi ngược với lời giảng dạy của Người về lòng nhân từ, tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy (x.Mt 18,21-22).

Nhất ngôn độ bách tính: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”(Ga 8,7). Một lệnh ban để thi hành án ư? Xét về hình thức văn tự thì đúng vậy. Nhưng ẩn sâu bên trong lệnh ban ấy, chính là lời mời gọi xét mình, tự kiểm. Ai là người vô tội? Người Do Thái vốn không xa lạ gì với khái niệm tội lỗi, nếu không muốn nói là rất bén nhạy. Cùng với tổ phụ Đavít xưa họ luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình để rồi không ngừng cầu xin ơn tha thứ. “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm…(Tv 50).

Một lời tuyên phán đã cứu sống người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Lời tuyên phán ấy cũng đã giải thoát cả đám đông gian ác hôm ấy. Hành vi rút lui, bỏ đi, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi, là một lời xưng thú tội lỗi công khai, dù vô ngôn nhưng lại đủ ý. Rút lui là tự nhận mình cũng tội lỗi không kém gì người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà có khi còn tồi tệ và xấu xa hơn. Tình yêu thật vạn năng và diệu kỳ. Tình yêu luôn chiến thắng sự hiểm độc, gian ác.

Ai thực sự vô tội? Chúng ta dễ dàng kết luận đó là Chúa Giêsu, vì chỉ còn lại một mình Người và người phụ nữ. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có quyền kết án, thế mà Người lại phán: “Tôi không lên án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Người rộng lượng tha thứ cho tội nhân, khoan dung với người phạm tội, nhưng lại cương quyết loại trừ tội lỗi. Để làm điều này thì Đấng vô tội đã cam chịu kết án cách bất công.

Một hành vi vừa nhân ái vừa dịu hiền và tinh tế: “Cúi xuống”. Khi nghe tố cáo chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã cúi xuống và viết cái gì đó trên đất. Sau khi người ta hỏi mãi, Người đã ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội…” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Không biết Chúa Giêsu viết những gì, nhưng hành vi cúi xuống của Người thật nhân hậu và khoan dung. Nếu giả như Người cứ chăm chăm nhìn vào đám đông thì chắc gì đã có chuyện người ta can đảm nhận mình là tội nhân để rồi rút lui tuần tự. “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”(Kn 11,23).

Ai trong chúng ta sạch tội? Một câu hỏi khiến chúng ta cần khiêm nhu nhìn nhận con người thật của mình. Tiên vàn hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình hơn là cứ chăm chăm vào cái rác trong mắt tha nhân. Ai trong chúng ta cũng là tội nhân. Mọi người đều cần ăn năn sám hối. Để có thể trở về thì ngoài tình yêu và ân sủng Chúa, chắc hẳn cũng cần sự khoan dung và thái độ ứng xử tế nhị trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau. Chúa Kitô không chỉ cúi xuống rửa chân cho chúng ta mà con cúi xuống, làm ngơ để tạo cơ hội cho chúng ta là những tội nhân hoán cải trong danh dự. Người đã nêu gương cho chúng ta thì chúng ta cũng phải bắt chước Người để sống với nhau cho có tình trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Suy niệm các ngày trong tuần 5 mùa chay
Jos. Vinc. Ngọc Biển
09:07 09/03/2016
SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 5 MÙA CHAY

THỨ HAI: TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ

(Ga 8, 1 -11)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Khi nói đến Lễ Lều, là nhắc lại cho dân về hành trình trong Samạc suốt bốn mươi năm trường. Đây cũng gọi là lễ tạ ơn sau mùa gặt. Lễ này được dành cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị trong xã hội. Vì thế, không ai bị loại trừ, cho nên người ta gọi lễ này là lễ của Vui Mừng.

Vì là lễ hội vui mừng nhất của người Dothái, nên người ta hứng khởi và vui tươi khi về dự lễ. Vì vậy, nó cũng cuốn hút lượng người có lẽ là đông nhất trong các dịp lễ của năm. Đây cũng là cơ hội để họ hẹn hò, tâm sự, chia sẻ...

Nhân có hội này, các Kinh Sư và Pharisêu cố tìm ra cho được một lời tố cáo Đức Giêsu nhằm hạ uy tín của Ngài, bởi vì đây là dịp đông người, hơn nữa, nếu thắng thế, họ có đủ lý do thuận tiện để giết Ngài.

Và cơ hội ngàn năm một thủa đã đến khi họ bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, và họ dẫn nàng đến với Đức Giêsu.

Họ dẫn đến để xin Ngài xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?".

Tuy nhiên, vì biết rõ lòng họ độc, nên Đức Giêsu phản ứng bằng việc bình tĩnh lấy tay viết trên đất! Hành động này của Đức Giêsu khiến cho họ sinh thêm bực bội và nóng lòng sốt ruột.

Họ sốt ruột là vì cái bẫy đã giăng, chỉ chờ Đức Giêsu mắc phải là ra tay đối với Ngài! Thật thế, nếu Đức Giêsu tuyên bố tha thì Ngài rơi vào bẫy chống luật Môsê, còn nếu tuyên án tử cho chị phụ nữ thì sẽ bị mất uy tín và đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa cũng như những lời rao giảng của Ngài.

Sự thinh lặng và viết trên đất là cách thế Đức Giêsu thức tỉnh lương tâm những người Pharisêu khi chuyển phiên tòa dành cho chị phụ nữ, rồi đến Đức Giêsu, giờ đây sang phiên tòa lương tâm của chính họ khi nói: "Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước". Bị bại lộ ý đồ và xấu hổ vì thấy mình tội lỗi, nên họ đã dần dần bỏ đi.

Cuối cùng, Đức Giêsu lên tiếng với chị phụ nữ: "Không ai lên án chị sao?"; “tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!".

Ngày nay cũng không thiếu gì những con người có lòng bỉ ổi, hẹp hòi, tàn nhẫn, nên đã đẩy anh chị em mình vào chỗ chết như vậy.

Điều đau buồn hơn cả là nhiều khi lại nhân danh Thiên Chúa để hạ uy tín anh chị em mình. Không phải vì tình yêu, cũng chẳng phải lòng tốt, càng không phải vì sự công chính hay phẫn nộ tội lỗi, mà là do ghen tỵ mà tìm dịp thuận tiện để gài bẫy và đẩy đưa anh chị em chúng ta đến chỗ chết. Những người này thuộc hạng: “Miệng tụng lời nam mô nhưng bụng chứa đầy bồ dao găm”.

Lạy Chúa Giêsu, cách hành xử của Chúa thật tuyệt vời, đáng làm cho chúng con suy nghĩ về những cung cách mà chúng con đã gây ra cho anh chị em chúng con. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con biết can đảm thay đổi nếp sống không tốt để đáng được Chúa ban ơn cứu độ. Amen.

THỨ BA: ĐỨC TIN VÀ ĐỜI SỐNG

(Ga 8, 2-30)

Tin Mừng hôm nay
, tác giả Gioan đề cập đến chuyện Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ về cùng Cha và những lời tiên tri cho những ai không tin Ngài.

Khi nói đến việc Ngài sẽ trở về cùng Cha, những kẻ chống đối Ngài không thể hiểu nổi. Ngược lại, họ nghĩ rằng Đức Giêsu tự tử. Lối nói này cho thấy họ mỉa mai Đức Giêsu, vì khi nói đến tự tử, ấy là nói đến nơi sâu thẳm, đau khổ dành cho những người khước từ sự sống bằng việc tự tử. Khi nói như thế, họ tự cho mình quyền không thể tin nổi Đức Giêsu vì Ngài sắp đi vào chỗ chết một cách bi đát!

Khi thấy họ phản ứng như vậy, Đức Giêsu đã nói cho họ biết Ngài bởi đâu mà đến và suy tưởng của họ do đâu! Đồng thời Ngài nói tiên tri về số phận của những kẻ cứng đầu do không tin, Ngài nói: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết".

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học sau cho đời sống đạo của mình:

Thứ nhất, hạnh phúc đích thực tùy thuộc vào chuyện chúng ta tin Chúa hay khước từ Ngài. Tin thì được sống vĩnh viễn và khước từ thì trầm luân muôn đời.

Thứ hai, chúng ta được Thiên Chúa trao ban cho nhiều cơ hội tốt, bổn phận là phải làm cho cơ hội ấy trở nên hữu ích cho phần hồn của mình và tha nhân. Nếu không biết nhạy bén để đón nhận cơ hội Chúa ban, hoặc vì coi thường và khinh dể thì sẽ bị luận tội nặng nề hơn những người không biết.

Ngày nay, chúng ta được học hành nhiều về Chúa, nhận biết có Thiên Chúa, nhưng có sống theo điều mình đã tin hay không mới là quan trọng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật, tránh chuyện môi miệng thì cầu kinh mà lòng không yêu mến. Thật vậy, không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là thực hành những gì Lời Chúa dạy thì mới được vào.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mãnh liệt và một đời sống đầy lòng mến. Xin cho đời sống và những điều chúng con tin được hòa quyện với nhau thành một. Amen.

THỨ TƯ: PHẠM TỘI LÀ LÀM NÔ LỆ CHO TỘI

(Ga 8,31-42)

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối chất giữa Đức Giêsu và người Dothái.

Trước tiên, Đức Giêsu khẳng định cho họ biết rằng: nếu họ ở trong Lời của Ngài, tức là sự thật thì họ thuộc về Ngài và trở thành môn đệ, bằng không sẽ trở thành nô lệ cho tội và bị truất phế bất cứ lúc nào!

Khi xác định như thế, Đức Giêsu cảnh báo sự kiêu ngạo tự phụ của người Dothái. Bởi vì họ luôn nghĩ rằng mình thuộc hạng người ưu tuyển, dân riêng, nên có đặc quyền đặc lợi trước mặt Thiên Chúa và không ai có quyền đụng tới họ.

Tiếp theo, Ngài đã vạch trần sự giả tạo nơi người Dothái khi họ dựa vào tổ phụ Apraham và an tâm vì được đảm bảo bởi uy tín của tổ phụ, nhưng lại hành động ngược lại với những gì Apraham đã làm khi xưa. Vì nếu Apraham xưa kia có lòng mộ mến và sẵn sàng nghe lời các tiên tri, thì dân này lại đang tìm cách loại trừ vị tiên tri vĩ đại là chính Đức Giêsu.

Cuối cùng, nếu đọc tiếp đoạn Tin Mừng này, từ câu 44 tiếp theo..., chúng ta thấy rõ Đức Giêsu tuyên bố thẳng thừng là họ không thuộc về Thiên Chúa mà thuộc về ma quỷ.

Ngày nay vẫn còn nhiều người tin một đàng, làm một nẻo. Có nhiều người tự xưng là đạo gốc, nhưng những hành vi của họ nơi chợ búa, ngoài đồng ruộng hay nơi đường phố thì ngược lại với những gì họ tự hào và tuyên xưng trong nhà thờ.

Lý do, họ không để cho Lời Chúa thấm nhập vào trong tâm hồn, mà chỉ ở trên đầu môi chóp lưỡi mà thôi.

Xin Chúa ban cho chúng ta hiểu và yêu mến cũng như siêng năng tuân giữ Lời Chúa để được thuộc trọn về Ngài. Amen.

THỨ NĂM : ƠN CỨU ĐỘ CỦA TÔI NHỜ HY VỌNG VÀO CHÚA

(Ga 8, 51-59)

Trong tông huấn Thiên Chúa là Tình yêu, Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã viết: “Chúng ta được cứu độ là nhờ vào hy vọng”. Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói!

Là người Kitô hữu, niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Đức Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài.

Chân lý này chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói Ngài là: “Đấng Hằng Hữu”.

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải Thiên tính của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thay vì vui mừng và tạ ơn, những người Dothái cùng thời đã không thể chịu nổi những tuyên bố này của Đức Giêsu, nên sự đối đầu của họ với Ngài ngày càng quyết liệt, khiến họ quyết định lượm đá ném Ngài.

Ngày nay, trong xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất và thượng tôn chủ thuyết tương đối, nhiều người cũng không thể chấp nhận những sự thật của Tin Mừng, ngược lại, họ luôn đi tìm những điểm tựa mang tính nhất thời, những lời tuyên bố hão huyền và những chân lý nửa vời!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, chỉ có Ngài mới tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Ngài Hằng Hữu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin và hy vọng ấy ngay trong những lựa chọn và hành động của mình để được thuộc Chúa và chung hưởng hạnh phúc cùng với những người thuộc về Nước Hằng Sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng, ngõ hầu chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.

THỨ SÁU : GIẢ HÌNH NÊN GIẢM THIÊNG

(Ga 10, 31-42)

Khi con người không còn coi trọng luân lý, thì tiếng nói lương tâm trở nên dư thừa với họ. Như vậy, chuẩn mực trong cuộc sống được đo bằng tiền, quyền, và lẽ tất yếu, chân lý thuộc về đám đông hay những kẻ mạnh! Đây là sự thật xót xa đã xảy ra thời Đức Giêsu!

Tin Mừng hôm nay thuật lại lối sống giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời Đức Giêsu, họ sống vụ luật thuần túy khi luật được đưa lên làm chuẩn mực chứ không phải con người, chú trọng đến hình thức hơn nội tâm, sống trên danh vọng, hào nhoáng bên ngoài hơn là nội dung bên trong...

Lối sống đó đã hoàn toàn ngược lại với lời giáo huấn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài không ngừng vạch trần giã tâm của họ trước mặt mọi người, thế nên Đức Giêsu đã trở thành cái gai trước mắt họ, và họ tìm mọi cách bứng Ngài ra khỏi xã hội của họ càng sớm càng tốt.

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người dựa trên nguyên lý tự nhiên để xét xử chân lý Tin Mừng! Hay, khi không còn cách nào nữa thì áp đặt và quyết định trắng trợn khi nhân danh tập thể, tức là dựa trên hiệu ứng đám đông mà không cần biết đúng hay sai!

Mặt khác, nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa, đó là: khó chịu, bực bội với Lời Chúa, bởi Lời Chúa gọt dũa, cật vấn lương tâm và dạy những điều mà chúng ta không muốn sống... hay chúng ta đã phản ứng bằng việc dửng dưng!

Sống với những thái độ như thế, nên không lạ gì nhiều Mùa Chay qua đi mà chúng ta không thấy tốt hơn là mấy?

Lý do tại sao lại có những chuyện như thế trong thời đại được coi là văn minh, khoa học? Thưa chỉ vì cái tôi của chúng ta quá lớn và sự ích kỷ thì quá nhiều, nên đã không chấp nhận sự thật củaTin Mừng!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được yêu mến Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.

THỨ BẨY: MỘT NGƯỜI CHẾT, TOÀN DÂN ĐƯỢC NHỜ!

(Ga 11,45-56)

Câu chuyện Đức Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài.

Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".

Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Đức Giêsu?

Lạy Chúa Giêsu, sự thật mà Chúa muốn chúng con sống, đòi hỏi chúng con phải có quyết tâm cao thượng mới có thể đi vào đường lối đó được. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con can đảm sống giá trị Tin Mừng dù có phải thiệt thòi. Amen.

2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy rất nhiều điều:

Thấy tội lỗi của mình.

Thấy tình thương của Chúa.

Thấy giá trị của đau khổ.

Thấy ơn cứu độ.

Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ…
 
Đàng Thánh Giá thứ Sáu tuần thánh 2016
Jos. Vinc. Ngọc Biển
09:31 09/03/2016
ĐÀNG THÁNH GIÁ THỨ SÁU TUẦN THÁNH – 2016

“NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT”

“NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI”

Jos. Vinc. Ngọc Biển

(Người kiệu Thánh Giá, và hai chú giúp lễ... với nến sáng, tiến ra trước cung thánh hay một nơi thuận tiện, đứng quay về phía cộng đoàn, linh mục chủ sự (hoặc thừa tác viên) cùng hai người xướng viên và cộng đoàn quỳ hướng về Thánh Giá).

Chủ sự: Dấu Thánh Giá

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Cộng đoàn: Amen.

HÁT MỘT BÀI VỀ CHÚA THÁNH THẦN

PHẦN I: LỜI KHAI MẠC

Chủ sự:

Kính thưa cộng đoàn,

Trong tâm tình của năm: “Tân Phúc Âm Hoá đời sống xã hội” và “Năm Thánh lòng Thương Xót”, nhất là trong buổi chiều thứ sáu Tuần Thánh, chiều Chúa Giêsu chịu chết chuộc tội thiên hạ, một buổi chiều mà mọi cánh cửa của lòng thương xót nơi Thiên Chúa được mở tung để tẩy rửa tội lỗi nhân loại khi cạnh nương long của Chúa Giêsu được hé mở qua lưỡi đòng của tên lính độc ác.

Nếu đi đàng Thánh Giá không trùng trong dịp này thì đọc: (Kính thưa cộng đoàn, hôm nay, chúng ta quy nhau nơi đây, để cùng sống lại mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu trên từng chặng đàng Thánh Giá, để thấy được tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho chúng ta lớn lao là giường nào!). Sau đó đọc tiếp:

Kính thưa cộng đoàn,

Để hiểu, cảm và thấu được tình yêu ấy, giờ đây, mỗi người chúng ta sẽ cùng với chính Chúa Giêsu đi lại hành trình thương khó của Ngài, để nhận ra tình thương vô biên của Thiên Chúa và nhận ra sự yếu đuối, bội nghĩa, bất nhân của con người, từ đó, lo sám hối, canh tân và biết đón nhận Thánh Giá trong cuộc đời của mình, luôn sẵn sàng vác lấy như Chúa Giêsu khi xưa, hầu có thể cảm thông, nâng đỡ những anh chị em đang gặp phải những khó khăn, đau khổ, thất vọng trong cuộc đời.

Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta can đảm, trung thành và dấn thân đi theo Chúa đến cùng lên đồi Canvê như Mẹ khi xưa. Amen.

(Cha chủ sự xông hương Thánh Giá. Đoàn kiệu bắt đầu tiến đến chặng thứ nhất).

PHẦN II: SUY NIỆM CÁC CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Chuyển Thánh Giá)

1. Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn lên đau xót. Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ nhất: Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan

Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Dothái: “Ðây là vua các người!” Họ liền la lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá (Ga 19, 14-16).

Suy Niệm: Xướng viên

Một phiên tòa phi nhân, bất nghĩa, do thái độ nhát đảm, nhu nhược của vị quan luôn “sợ tiếng chửi, ăn mày tiếng khen” đứng lên để xét xử Người Công Chính.

Ông ta đã vì ham quyền, cố vị, sợ mất chức, nên đã đổi trắng thành đen khi chấp nhận thuận theo hiệu ứng đám đông để kết án tử cho Chúa Giêsu mà không hề biết việc làm của mình có công lý hay công bằng cho Ngài hay không!

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, vẫn còn đó những chuyện bất công trong nhiều lãnh vực. Người công chính vẫn bị trù dập, phỉ báng và đối xử bất nhân như một kẻ có tội, trong khi kẻ vô luân lại an nhiên lộng hành!

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, mà Chúa chấp nhận chịu xét xử và bị kết án tử hình cách bất công, để cho chúng con được sống và sống dồi dào.

Xin cho mỗi người chúng con luôn mặc lấy trái tim của Chúa, để chúng con biết rung động và thương xót trước nỗi cơ cực của anh chị em, ngõ hầu chúng con biết đứng về phía sự thật để trở nên chứng nhân của lòng Chúa xót thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: GIỌT LỆ THỐNG HỐI (Chuyển Thánh Giá)

ĐK. Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con nguyện cầu, con hết lòng ăn năn. Con sấp mình, con xin hết lòng kêu van. Xin Chúa giúp con đau đớn vì tội lỗi. Con quyết lòng tự hối theo đường Chúa đi mà thôi.

Ơ linh hồn xấu xa phạm tội nhiều. Chúa khoan dung chờ đợi mến yêu. Hãy thật lòng ăn năn chừa chớ liều. Gục đầu yên tựa bên lòng Chúa.

Chặng thứ hai: Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan

“Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha” (Ga 19, 16-17).

Suy Niệm: Xướng viên

Sau khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình qua phiên tòa ám muội, bất công và không hề có công lý, Ngài đã phải đón nhận thập giá và bắt đầu vác đi đến nơi hành quyết trong sự cười chê khinh bỉ của dân chúng.

Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, việc Ngài vác thập giá trên vai, ấy là lúc Ngài đang vác tội lỗi của cả nhân loại, để không ngừng xin Chúa Cha thương xót và tha thứ cho những lỗi lầm của con người; đồng thời Ngài đang biểu lộ thật sâu sắc mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Trong đời sống xã hội hiện nay, sự vô cảm, dửng dưng đã sản sinh ra biết bao con người lạnh lùng. Họ sẵn sàng cười đùa trên những giọt nước mắt của anh chị em em mình, tất cả do đồng tiền bạc bẽo, tình ái bất chính, quyền lực bất nhân chỉ đạo!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn vui vẻ đón nhận thập giá trong cuộc đời của mình, đồng thời không ngừng giới thiệu lòng thương xót của Chúa khi chúng con sống tình liên đới, cảm thông và sẵn lòng mang trên mình những đau khổ, ưu sầu cũng như lo lắng của anh chị em, để chúng con trở nên hiện thân của lòng Chúa xót thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Chuyển Thánh Giá)

Lạy Chúa, mũi đồng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, tủi nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương. Đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ ba: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia

“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5).

Suy niệm: Xướng viên

Tội lỗi, bất công, vô ơn bạc nghĩa là những thứ tra tấn tinh thần Chúa Giêsu mãnh liệt nhất! Cộng thêm sự đau đớn về thể xác do những nhát roi chí tử, những cú đá, xô đẩy không thương xót của những tên lính tàn bạo, đã làm cho Chúa Giêsu suy tàn và kiệt sức, nên Ngài đã ngã dưới sức nặng của cây thập giá. Tuy nhiên, vâng phục Thiên Chúa Cha và yêu thương con người, nên Ngài đã đứng dạy và tiếp tục vác lấy thập giá để đi tiếp con đường Chúa Cha muốn.

Trong đời sống gia đình và nơi xã hội, chúng ta vẫn thường xuyên trở nên nạn nhân của sự vô tâm, ích kỷ, hiềm khích hay những chuyện cáo vạ vu oan... làm cho tâm hồn chúng ta trĩu nặng, lương tâm không thanh thoát, và chúng ta đã bị ngã gục trước sự tra tấn thâm độc của chính anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng bao giờ trở nên gánh nặng của nhau khi trà đạp lên người khác. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, can đảm, gắng sức đứng dạy tiếp tục vác lấy thập giá của chính mình cũng như của anh chị em đau khổ và đi đến cùng con đường tình yêu, thấm đượm lòng thương xót mà Chúa đã đi và nêu gương cho chúng con. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CHÚA NHÂN TỪ (Chuyển Thánh Giá)

ĐK: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van lạy Chúa xin dủ thương. Ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.

1. Lạy Chúa, xin thương con theo lượng từ bi Chúa. Chúa ơi xin xóa tội con theo lòng lân tuất vô bờ.

2. Rửa con nên trinh trong, giũ sạch mọi gian ác. Cứu con qua ách tội khiên, con thành tâm thú lỗi lầm.

Chặng thứ 4 Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca

Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35).

Suy niệm: Xướng viên

Cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu luôn im đậm dấu ấn của Mẹ Maria. Niềm vui, nỗi buồn của Con cũng chính là của Mẹ. Vì thế, Mẹ luôn xuất hiện bên cạnh Người Con Chí Ái của mình để đồng hành, nâng đỡ, an ủi Con Yêu Dấu chu toàn sứ mạng Thiên Chúa Cha đã ủy thác. Ôi, một mẫu gương sáng ngời về niềm tín thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa nơi Mẹ!

Trong xã hội hôm nay, người ta ưa sống hưởng thụ và tách biệt theo kiểu hạt nhân, “đèn nhà ai nấy rạng”, tức là không biết quan tâm đến người khác.

Nhưng là Kitô hữu, chúng ta không được phép trở nên một hòn đảo xa lạ giữa đại dương mênh mông, nhưng luôn được mời gọi sống tinh thần liên đới để giúp nhau vượt qua đau khổ nhằm vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Lạy Mẹ Maria, lời tiên tri của cụ già Simêon nói về Mẹ khi xưa, giờ đây đang ứng nghiệm. Nỗi khổ đau mà Chúa Giêsu phải chịu đã làm cho lòng Mẹ tan nát như bị gươm đâm thâu.

Xin Mẹ dạy cho chúng con biết đón nhận thánh ý Chúa cách trung thành như Mẹ, để chúng con xứng đáng là con cái của Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: XIN VÂNG (Chuyển Thánh Giá)

Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây dó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.

ÐK: Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời.

Chặng thứ năm: Ông Simon vác Thánh Giá đỡ Đức Chúa Giêsu

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô

Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ. (Mc 15, 21-22).

Suy niệm: Xướng viên

Vác lấy thập giá của cuộc đời mình đã là một khó khăn, nhưng kề vai vác đỡ thập giá cho người khác lại là một hành động phi thường. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã có một con người can trường như thế, người đó là Simon người Kyrênê. Chính hành động can đảm của ông đã khắc lại cho hậu thế mẫu gương về lòng bác ái Kitô giáo, để muôn đời còn lưu dấu chính nhân.

Ôi thật xót xa cho Chúa Giêsu và chính chúng ta, một nỗi đau xé lòng khi “anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi”!

Trong cuộc sống xã hội hôm nay, vẫn không thiếu những người sẵn sàng theo phò khi ta thành công. Họ luôn bề nịnh hót theo kiểu “đội trên đạp dưới”, nhưng khi ta thất bại thì nào thấy ai?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên dấu chỉ và hiện thân của lòng nhân ái như ông Simon, luôn sẵn lòng kề vai gánh vác nỗi khổ của nhau, để chúng con thực sự là những người con của lòng Chúa xót thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: VINH QUANG CỦA TA (Chuyển Thánh Giá)

ĐK: Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, Phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát...ư...

1. Lạy Chúa! Chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, chúng con họp mừng cuộc khổ hình diễm phúc của Chúa.

2. Lạy Chúa! Chúng con vui lòng vác Thánh Giá Chúa, chúng con nguyện sẽ cùng đi theo Chúa trên đường Chúa.

Chặng thứ sáu: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu

Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 37-40).

Suy niệm: Xướng viên

Một phụ nữ liễu yếu đào tơ thì làm sao có thể làm được những chuyện gì lớn! Đấy là những quan niệm khinh miệt người phụ nữ thời bấy giờ. Tuy nhiên, trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có những phụ nữ làm nên những chuyện vĩ đại cách can trường, một trong những người đó phải kể đến chính là bà Veronica.

Với một trái tim đầy thương xót, bà đã không sợ đám lính mặt người dạ thú, nên đã tiến lại trước Chúa Giêsu và lấy khăn lau mặt cho Ngài, để Ngài khỏi bị mướt máu, hầu có thể tiếp tục hành trình.

Trong cuộc sống xã hôm nay, có quá nhiều người bị bỏ rơi ngay tại những khu phố phồn hoa đô hội hay nơi những xứ đạo toàn tòng, hoặc trong lòng cộng đoàn và đôi khi lại bị cô lập ngay giữa gia đình!

Khi gặp những hoàn cảnh đó, hẳn hình ảnh của bà Veronica lại hiện lên trong tâm trí và luôn hối thúc ta hãy làm một cử chỉ thân thiện, một lời nói yêu thương, một hành động bác ái, để vơi bớt đi tình cảnh sầu thương ai oán của anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng xót thương và can đảm như bà Veronica, để trở nên chứng nhân của một tình yêu vô vị lợi như Thiên Chúa là Đấng Xót Thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Chuyển Thánh Giá)

Lạy Chúa, ôi đường tình Chúa đã đi qua, con đường thập tự loang máu đào, ôi lưỡi đòng còn loang vết máu. Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài đóng đinh xưa, chén đắng nào Ngài uống say sưa, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi (đường đời con đi). Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ bảy: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Lời Chúa trong sách Thánh Vịnh

“Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ danh Chúa, tôi đã diệt trừ chúng. Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này” (Tv 118, 12-13).

Suy niệm: Xướng viên

Khi xuống trần gian, Chúa Giêsu đã trở nên con người giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài mang trong mình thân phận giới hạn của kiếp nhân sinh, vì thế, mất máu nhiều qua những trận đòn chí mạng và mồ hôi toát ra đầm đìa dưới sức nặng của cây thập giá, đã làm Chúa Giêsu ngã gục xuống đất lần thứ hai. Tuy nhiên, những khổ cực đó đã không đè bẹp được lòng thương xót của Ngài dành cho con người, vì thế, Ngài đã đứng dạy, tiếp tục hành trình.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhiều khi những đau khổ, khó khăn, thử thách ập đến, thay vì khám phá ra ý nghĩa và giá trị dưới cái nhìn cứu độ để kết hợp với lòng thương xót Chúa nhằm lấy tinh thần vươn dạy, vượt xa để tiếp tục tiến về phía trước, thì chúng ta lại ngủ yên trong vũng lầy êm ái của tội, hoặc than thân trách phận!

Trỗi dạy và đứng lên để tiếp tục tiến bước là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Cảm thông, tha thứ cho những thiếu xót của anh chị em mình là sứ điệp mà Ngài trao gửi cho mỗi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh, lòng can đảm cho chúng con, để chúng con trung thành đi theo Chúa và thi hành bổn phận hằng ngày cách trọn vẹn. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: VINH QUANG CỦA TA (Chuyển Thánh Giá)

ĐK: Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ của ta, Sức sống của ta, Phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát...ư...

1. Lạy Chúa! Chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, chúng con họp mừng cuộc khổ hình diễm phúc diễm phúc của Chúa.

2. Lạy Chúa! Chúng con vui lòng vác Thánh Giá Chúa, chúng con nguyện sẽ cùng đi theo Chúa trên đường Chúa.

Chặng thứ tám: Đức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em”. (Lc 23, 27- 28).

Suy Niệm: Xướng viên

Các phụ nữ thành Giêrusalem nhìn thấy Chúa Giêsu máu me đầm đìa, chân lê từng bước, hơi thở hổn hển, là những người yêu mến Chúa làm sao cầm được nước mắt xót thương đến Ngài! Nhưng họ đã được Chúa Giêsu nhắc nhở: A (Lc 23, 27 – 28).

Trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó biết bao phụ nữ phải chịu cảnh đàn áp, bóc lột về sức khỏe, nhân phẩm; hay cũng không thiếu những phụ nữ cay cực khi có những ông chồng mất nết, những đứa con lăng loàn, và, cũng không thiếu những phụ nữ vô tâm với bổn phận và trách nhiện, nhất là có những người mẹ thú tính không có lòng thương xót đến chính những đứa con của mình, nên đã đang tâm vứt bỏ chúng qua hành động phá thai!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con khi nhìn vào cuộc thương khó của Chúa thì luôn biết ăn năn tội lỗi của mình và có lòng thương xót đến những người cô đơn, bất hạnh. Xin cho các bà mẹ nơi giáo xứ (giáo họ) và trên thế giới luôn ý thức thiên chức cao cả là làm mẹ trong vai trò diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA

Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán. Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi (đường đời con đi). Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ chín: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

“Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Suy niệm: Xướng viên

Đôi khi con người đối xử với nhau còn tệ hơn cả loài xúc vật! Tại sao vậy? Thưa, chỉ vì ghen tức, ích kỷ và kiêu ngạo...

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là đối tượng để cho quân lính và những người thù ghét Ngài thỏa mãn những ác tâm. Tưởng chừng một con người với sức tàn hơi kiệt sẽ được họ nương tay và rủ lòng thương xót! Ai ngờ! Không những không thương, mà ngược lại, họ chửi bới, đánh đập Ngài cách tàn nhẫn không tiếc tay. Cộng thêm đường lên Gôngôtha quanh co, gồ ghề, sỏi đá, đã làm Chúa gục ngã một lần nữa trước sự ác tâm, thất đức của con người. Tuy nhiên, với chút sức lực còn lại, Ngài đã cố gượng và đứng dạy để đi đến nơi.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những con người mất nhân tính, không có lòng thương xót khi sẵn sàng chửi bới, đánh đập tàn nhẫn với ngay cả đấng sinh thành ra mình! Hay cũng không ít những người vô tâm khi cướp đi cả miếng cơm, gói mỳ của bà góa nghèo. Những lúc như thế, chúng ta đã gây nên đau khổ không những thể xác và cả tinh thần cho anh chị em mình, làm họ bần cùng và ngã quỵ trước sự bất nhân của ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vượt qua đau khổ để tiến bước với Chúa trên đường nhân đức. Đồng thời, xin cho chúng con biết tỏ lòng xót thương đến những người đau khổ, như chúng con đã được Thiên Chúa xót thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CHÚA NHÂN TỪ (Chuyển Thánh Giá)

ĐK: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van lạy Chúa xin dủ thương. Ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.

1. Lạy Chúa, xin thương con theo lượng từ bi Chúa. Chúa ơi xin xóa tội con theo lòng lân tuất vô bờ.

2. Rửa con nên trinh trong, giũ sạch mọi gian ác. Cứu con qua ách tội khiên, con thành tâm thú lỗi lầm.

Chặng thứ mười - Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19, 23-24).

Suy niệm: Xướng viên

Một vị Thiên Chúa đầy quyền năng, giàu có, là Chúa Tể trời đất, ấy vậy mà giờ đây lại trở nên một người nghèo nhất trong những người nghèo! Nghèo đến độ không có mảnh vải che thân.

Ôi một vị Thiên Chúa tự hủy đến độ chấp nhận trở thành không có gì để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại cách trọn vẹn. Chúa Giêsu giờ đây trở thành trò cười cho những đối tượng thù ghét Ngài. Nhưng với những người tin và yêu mến, thì đây là lúc Thiên Chúa trở nên nghèo khó thực sự để cho con người được nên giàu có.

Ngày nay, Chúa vẫn còn bị người ta lột áo, phỉ báng, chêu cười nơi những người sống bên lề xã hội. Ngài chính là những cụ già bị con cái đối xử bất hiếu; những nạn nhân của các cuộc bạo hành, áp bức, bóc lột, buôn bán; hay những đứa trẻ mồ côi, hoặc những đứa trẻ đánh mất tuổi thơ khi phải sống trong những hang động của trộm cướp, mại dâm...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học về lòng thương xót khi chúng con biết tôn trọng nhân phẩm của anh chị em mình, để Chúa không còn bị tủi nhục nơi những con người bất hạnh trong xã hội hôm nay nữa. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Chuyển Thánh Giá)

Lạy Chúa, ôi đường tình Chúa đã đi qua, con đường Thập Tự loang máu đào, ôi lưỡi đồng còn loan vết máu. Lạy Chúa, thánh giá nào Ngài đóng đinh xưa, chén đắng nào Ngài uống say sưa, đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ mười một: Quân dữ đóng đinh Đức Chúa Giêsu

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. (Ga 19, 17-18).

Suy niệm: Xướng viên

Nếu cao trào của thước phim chính là hồi kết, thì đỉnh cao của cuộc khổ nạn chính là lúc Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Gay cấn hơn nữa chính là đôi chân đã từng đi đến với những người nghèo, những khu ổ chuột, những người bị loại ra bên lề; đôi tay đã từng thi ân giáng phúc; trái tim đã rung động trước nỗi khốn khổ của con người, thì giờ đây bị đóng chặt và đâm thủng do lòng độc ác của loài thụ tạo!

Trong xã hội hôm nay, vẫn không thiếu những con người sống hết mình vì mọi người, nhưng phần thưởng của họ nhận được lại là sự vô ơn của chính những người thụ ơn họ.

Trước Thánh Giá Chúa Giêsu, và trong sâu thẳm nội tâm, mỗi người hãy ăn năn, sám hối vì đã nhiều lần ta vô ơn với Chúa khi sử dụng ơn thánh cách phí phạm, vô ích... Cũng đã biết bao lần ta vô ơn với những người làm ơn cho ta, trong đó phải kể đến các bậc sinh thành và dưỡng dục ta!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời, để không bao giờ đóng đinh anh chị em mình, ngõ hầu chúng con thực sự là những người con của lòng Chúa xót thương. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (Chuyển Thánh Giá)

Lạy Chúa, mũi đồng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, tủi nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương. Đường tình đó Ngài dành cho con.

ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Chặng thứ mười hai: Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Sau đó, Giêsu Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19,28-30).

(Xin cộng đoàn quỳ hướng về Thánh Giá và thinh lặng để tưởng niệm Chúa chịu chết chuộc tội thiên hạ).

Suy niệm: Xướng viên

Thánh Giá được dựng lên, người bị treo trên đó lại là “Giêsu Nazaret - Vua dân Do Thái”. Với tấm bảng đó, chúng ta thấy rất rõ ý đồ độc ác của nhóm người lãnh đạo Dothái! Họ chụp mũ cho Chúa Giêsu với những cái mũ như: phạm thượng, lộng ngôn, sách động dân chúng, lật đổ chính quyền..., để rồi bình chân như vại giết đi một Chúa Giêsu hết lòng thương xót con người...

Ôi sự thật phũ phàng và bi đát biết bao! Người lương thiện thì bị dập vùi, tiêu diệt, còn kẻ bất lương, giả hình thì lại ngang nhiên lộng hành! Chúa Giêsu đã chết. Trái tim của Ngài cũng đã được mở ra, từ đó Máu và Nước tuôn trào như nguồn mạch thương xót, để tẩy rửa tội lỗi nhân loại, khai sinh Giáo Hội và đem lại sự sống đời đời cho những ai tin.

Ngày nay, trong xã hội đương thời, người ta vẫn thấy đây đó những cáo trạng bất công, được nhào nặn bằng những thứ tội không khác gì bản án mà người ta đã chụp lên đầu Chúa Giêsu khi xưa!

Trước thực trạng đó, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía sự thật, bảo vệ công lý, xây dựng công bằng, nhằm làm cho xã hội này biết yêu thương, liên đới và trung thực hơn, ngõ hầu không còn những cái chết oan uổng, bất công diễn ra trong thời đại hôm nay.

Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Trái Tim Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: GIỜ TỬ NẠN (Chuyển Thánh Giá)

1. Hỡi không gian rủ sương mù. Ngàn mây hỡi hãy che lấp trời cao. Ánh kim ô vụt lu mờ. Vì Con chúa gánh muôn nỗi khổ đau.

2. Hãy tung ra mồ quanh đồi. Người xưa hỡi hãy thôi chết dậy mau. Cõi dương gian tạm trông vời. Kìa Con Chúa chết treo chốn đồi cao.

3. Xé tung ra màn che đền, và tan vỡ núi cao ngất từng mây. Đá muôn năm nào vững bền, giờ Con Chúa tắt hơi núi Sọ đây.

ĐK. Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình. Con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối. Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối. Quyết từ nay thờ Chúa hết tâm tình.

Chặng thứ mười ba: Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông (Mt 27,57- 58).

Suy niệm: Xướng viên

Nếu cái chết đau thương nơi Chúa Giêsu trở thành niềm vui mừng của nhóm Pharisêu, Luật sĩ, Tư tế, phe Sađốc, Hêrôđê... và dân chúng vì đã loại trừ được Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời và xã hội của họ, thì nỗi đau khổ của Mẹ Maria dâng lên tột cùng khi hai tay ôm trọn thân xác bất động và bê bết máu của Con Chí Ái trong lòng. Lúc này, hơn bao giờ hết, lời tuyên sấm của cụ già Simêon: “Một lưỡi gươm sắc sẽ đâm thấu tâm hồn bà” lại một lần nữa lộ hiện rõ nét trên khuôn mặt được toát ra từ trong sâu thẳm cõi lòng Thân Mẫu. Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của con người, Mẹ Maria cũng đang chết trong tâm hồn khi hiệp thông trọn vẹn với Con Yêu Dấu trên hành trình cứu chuộc.

Trong các mối tương quan xã hội, giáo xứ và gia đình, nhiều lúc chúng ta thờ ơ, lãnh đạm khi có ai đó cậy nhờ đến sự giúp đỡ của ta trong lúc họ gặp hoạn nạn khó khăn. Một mặt vì sợ tốn của, mất thời gian, mặt khác vì sợ liên lụy đến thanh danh, tiếng tốt của mình. Những lúc như thế, chúng ta không có lòng thương xót như Mẹ Maria, mà ngược lại, lòng thương xót của Chúa bị giới hạn qua những lựa chọn ích kỷ của chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết đón nhận hai tiếng “Xin Vâng" như Mẹ. Xin Mẹ cũng dạy chúng con biết tha thứ cho những người làm hại mình, và xin cho chúng con vững tin vào lòng thương xót của Chúa như Mẹ khi xưa. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: MẸ NHÂN LOẠI (Chuyển Thánh Giá)

ĐK: Maria ngày xa xưa ấy, đồi hoang liêu bóng mây nhạt chiều, đứng tiêu điều, xót xa nhiều, thánh giá chiều treo xác con yêu.

1. Mẹ đứng nhìn nhân loại ôi con người đang hấp hối giữa tội nhơ. Mẹ nhìn lên bàn tay thánh giá, chung tâm hồn, chung đau buồn bên con mình cứu rỗi cho cuộc đời.

2. Mẹ ấm lòng hoan lạc tuy tim mình như dao sắc đâm thủng sâu. Trời chiều nay tầng mây u ám, nhưng tim Mẹ luôn hy vọng trên gian trần đã sáng muôn hồn người.

Chặng thứ mười bốn: Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá

Lĩnh xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Cộng đoàn: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc loài người.

LỜI CHÚA: (Chủ sự)

Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó (Ga 19,40-42).

Suy niệm: Xướng viên

Một con người đã làm biết bao chuyện phi thường, nào là: dẹp yên bão tố; hóa bánh ra nhiều; chữa lành bệnh tật; cho kẻ chết sống lại... Hơn nữa, chính con người ấy đã hứa cho những ai tin mình thì sẽ được sống đời đời..., giờ đây, chỉ còn nằm bất động như khúc gỗ, chẳng còn cứu nổi chính mình, thì làm sao cứu được người khác! Với bản án và cái chết như một tử tội, bị mai táng trong ngôi mồ lạnh lẽo thê lương đã làm cho biết bao người thất vọng!

Ôi một không gian tang tóc phủ đầy màu tím bao trùm lên cả nhân loại!

Tuy nhiên, với những ai tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, thì việc thân xác Chúa Giêsu bị an táng trong mồ cũng chính là dấu chỉ tội lỗi của nhân loại được Ngài vùi lấp vào quá khứ, để từ ngôi mộ ấy khơi lên một niềm tin mãnh liệt vào lời tiên báo của Chúa Giêsu: “Con Người phải chịu đau khổ, chịu chết, bị mai táng và ngày thứ ba sẽ sống lại”; đồng thời toát lên một sứ điệp: nếu “ai cùng chết với Chúa Kitô, cùng chịu mai táng với Ngài thì sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang”.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết chết đi cho con người cũ là những sự kiêu ngạo, hiềm khích, bảo thủ, ích kỷ, hẹp hòi, bất nhân, vô luân... và sống trong tinh thần mới theo chân lý Tin Mừng là: hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhịn, bao dung, tha thứ, liên đới và yêu thương... để nhờ lòng thương xót của Chúa, chúng con được hưởng ơn cứu độ mà Chúa đã hứa cho những ai tin vào Ngài. Amen.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.

Lĩnh xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Cộng đoàn: Và cho họ được lên Thiên Đàng.

Hát: “KINH HÒA BÌNH”.

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

PHẦN III: LỜI NGUYỆN KẾT

Chủ Sự:

Lạy Chúa Giêsu, qua 14 chặng đàng Thánh Giá, chúng con khám phá ra lò
ng thương xót của Chúa thật lớn lao. Bởi vì tình yêu ấy không loại trừ ngay cả những kẻ gây nên cái chết của Chúa, nó cũng không bị giới hạn cho một số người đặc tuyển nào, nhưng lòng thương xót ấy được trải rộng đến tận chân trời góc bể cho hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Thật vậy, kể từ khi cây thập giá được vinh dự treo thân xác của Chúa và trở thành giường Đấng Cứu Chuộc nằm khi tắt thở, thì ngay lập tức nó đã được đổi tên thành cây Thánh Giá, trở nên biểu tượng của ơn cứu chuộc, là biểu chứng của sự giao hòa, là dấu chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì từ trên Thánh Giá, Máu và Nước của Chúa đã tuôn trào như dòng suối để tẩy rửa tâm hồn chúng con nên trong sạch.

Xin Chúa ban cho chúng con biết trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa khi chúng con can đảm, trung thành sống yêu thương cách chân thành, cùng nhau xây dựng một xã hội chan chứa tình bác ái, huynh đệ và yêu thương, để mọi người không còn oán ghét, hận thù, chia rẽ, nhưng luôn là một xã hội biết thương xót khi chúng con sống trong tình Chúa và tình người.

Chúng con cầu xin, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 09/03/2016
9. HÀ THỎA HỎI VẶN.

Hà Thỏa người nước Tùy, lúc mới tám tuổi thì đã được đi đến chơi nơi cao nhất của học phủ.
Viên quan tên là Cố Lương nói đùa với nó:
- “Mày họ Hà, có phải là “sen荷” của “lá sen”, hay là “sông河” của “nước sông” hở ? (1)
Hà Thỏa ứng tiếng, nói:
- “Ngài họ Cố, là “cố顧” của “quan tâm”, hay là “cố故” của “mới cũ” hở ? (2)
(Tùy thư)

Suy tư 9:
Thánh sử Lu-ca đã kể về Đức Chúa Giê-su khi Ngài ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem cùng với các thầy dạy hỏi đáp về thánh kinh như sau: “...Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.”
Nếu Đức Chúa Giê-su sống vào thời đại ngày nay thì sẽ được phong làm “thần đồng giáo lý”, và sẽ được cha sở và các anh chị giáo lý viên biểu dương trong nhà thờ, cha mẹ của Ngài sẽ rất hãnh diện vì có thằng con học giỏi, và ai cũng đoán rằng, trẻ Giê-su sau này sẽ trở thành linh mục của Chúa.
Cho trẻ em đến nhà thờ học hỏi giáo lý là việc quan trọng hàng đầu của cha mẹ, bởi vì không cần phải thống kê thì người ta cũng biết tỷ lệ thanh thiếu niên có học giáo lý phạm pháp, thì ít hơn các bạn đồng lứa không học giáo lý.
Không ít các bậc cha mẹ Công Giáo thời nay chỉ lo chú trọng đến vấn đề học vấn của con em mình: con học mẫu giáo thì chạy cửa trước lòn cửa sau để cho con được vào học trường “chuẩn” cao cấp của thành phố; con học tiểu học, trung học thì rán kiếm trường dạy hai ngoại ngữ cho con học, dù tốn kém bao nhiêu cũng được; con chuẩn bị thi đại học thì “đôn đốc” con đi học thêm bất kể ngày Chúa Nhật hay ngày đại lễ.v.v...nhưng có mấy cha mẹ nhắc nhở, khuyến khích và ghi danh cho con cái đi học giáo lý ở nhà thờ ?
Cha mẹ nào cũng muốn con cái noi gương Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít cha mẹ muốn con hăng say học hỏi Lời Chúa, tham dự thánh lễ, và rất ít cha mẹ dạy con tập cầu nguyện với Đức Chúa Giê-su !

(1) 荷 là sen; 河là sông, cả hai chữ đều đọc là “hé”, Hán Việt là Hà. Đồng âm khác nghĩa.
(2) 顧 là chú ý, quan tâm; 故là xưa, cũ, cả hai chữ đều đọc là gù“, Hán Việt là Cố. Đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:39 09/03/2016
TRINH KHIẾT (2)
“Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác”.
(1 Cr 7, 32-34)


1.“Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xá".

(1 Cr 7, 32-34)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Học thuyết Xã Hội Công Giáo, sinh thái toàn diện và việc phát triển bền vững
Vũ Văn An
18:27 09/03/2016
Ngày 5 tháng Ba vừa qua, tại Hội Nghị “Trách Nhiệm Hoàn Cầu 2030” tổ chức ở Katholisch-Sozialen Institut, Bad Honnef, Đức, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã đọc một bài diễn văn với chủ đề như trên.

Sau đây là nguyên văn bài nói của ngài
:

Nhân danh Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, tôi rất sung sướng được tham dự hội nghị “Trách nhiệm hoàn cầu 2030” năm nay được đồng bảo trợ bởi hiệp hội học thuật Ordo Socialis (Trật Tự Xã Hội) [2] và Katholisch-Sociales Institut (Viện Xã Hội Công Giáo) của Tổng Giáo Phận Cologne.[3] Cũng nhân danh toàn thể Hội Đồng, xin cho tôi được hết lòng khen ngợi Đức Hồng Y Oscar Rodríguez Maradiaga vì ngài rất xứng đáng lãnh nhận giải Ordo Socialis vì sự dấn thân Kitô giáo đầy đức tin của ngài và nhiều cách giá trị trong đó, ngài giải quyết các vấn đề loại trừ, nghèo đói và quản trị.

Ngoài ra, xin qúy vị cùng tôi nhìn trước tới năm sắp đến trong giây lát. Năm này sẽ là năm kỷ niệm kép đầy triển vọng. Viện Xã Hội Công Giáo được thành lập năm 1947. Rồi tới năm 1967, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình. Vì chúng ta mừng các ngày sinh nhật đặc biệt này trong cùng một năm, nên Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình rất sung sướng được tôn vinh Viện Xã Hội Công Giáo như là người đi trước mình đến 20 tuổi!

Đến đây, tôi xin kính mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô tự giới thiệu Laudato si’ một cách vắn tắt trong một cuốn video ngắn. Bây giờ, chúng ta hãy xem cuốn video này [4].

Đây là một số điểm chủ yếu có thể lấy về từ cuốn video và từ chính Laudato si’:

• Bản chất của ta đã được Thiên Chúa tạo dựng và bảo bọc bằng hồng phúc tạo thế.

• Các thất bại của ta là: ta tiêu thụ thái quá và không chia sẻ hồng phúc tạo thế.Ta cầy sới nhiều quá và bảo tồn ít quá, mang lại nhiều hậu quả tồi tệ cho người nghèo và hành tinh.

• Và do đó, điều khẩn trương là ta phải thay đổi cái hiểu của ta về tiến bộ, về việc quản trị kinh tế của ta, và cả lối sống của ta nữa.

Cách tiếp cận đời sống có tính gắn bó và lâu dài này là điều ta gọi là sinh thái toàn diện (integral ecology).

Sự đóng góp của tôi vào các suy tư hôm nay của chúng ta có tựa đề là Học thuyết xã Hội Công Giáo, sinh thái toàn diện và việc phát triển lâu dài, và điều tôi hy vọng là chứng tỏ ba yếu tố trong tựa đề này đều gặp nhau ra sao trong các đề xuất phong phú của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là trong Laudato si’.

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một trong các thách đố lớn nhất mà gia đình nhân loại đang phải đối diện. Ý niệm chính nhìn nhận rằng đo lường sự tiến bộ của con người nguyên bằng việc gia tăng Sản Lượng Sổi Trong Nước (GDP) mà thôi là điều không đủ. GDP luôn luôn là thước đo không thỏa đáng của phúc lợi (well-being). Là một thước đo sổi, nó làm ngơ nhiều biến thể (variations) có ý nghĩa của kết quả nơi các bộ phận dân số có thể nhận diện được, và hiện nay, ta đang phải chứng kiến những hố phân cách bi thảm giữa người hết sức giầu và người hết sức nghèo. Là một thước do đơn nhất, nó luôn bỏ qua các nền tảng chủ yếu khác của phúc lợi. Điều này đặc biệt đúng trong thực tại hoàn cầu hiện nay. Bởi thế hiện nay, chúng ta đang từ từ nhưng chắc chắn thừa nhận điều này: việc bao gồm có tính xã hội và tính bền vững của môi trường là điều nội tại của phát triển đích thực. Phát triển đích thực phải là phát triển bền vững. Nó phải như kiềng ba chân: kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu bỏ quên một chân nào, thì toàn bộ cơ cấu sẽ sụp đổ.

Trong nhiều phương diện, phát triền bền vững là câu trả lời cho vấn đề qui mô (scale). Từ thời cách mạng kỹ nghệ, bắt đầu từ thế kỷ 18, dân số hoàn cầu tăng gấp 9 lần, và nền kinh tế hoàn cầu hiện đang lớn hơn tới 200 lần. Và chiều hướng không cho thấy bất cứ dấu hiệu chậm lại nào. Đến giữa thế kỷ, dân số hoàn cẩu dự ứng sẽ vuợt quá 9 tỷ người, và theo ước tính hay nhất, cỡ nền kinh tế hoàn cầu sẽ gia tăng gấp ba. Đây là một thay đổi đầy kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn như thế, và chắc chắn nó sẽ tạo ra nhiều thách đố kinh tế, xã hội và môi trường.

Ngay từ lúc bắt đầu có những “tân sự” (res novae) trên, Giáo Hội đã tìm cách đối phó với mọi thay đổi choáng váng ấy. Đây là lý do tại sao học thuyết xã hội Công Giáo hiện đại đã ra đời, trong cố gắng của Đức Lêô XIII nhằm song hàng các nguyên tắc vượt thời gian của Kitô Giáo với những res novae (tân sự) của nền kinh tế kỹ nghệ hiện đại. Ấy thế nhưng, lúc thông điệp vĩ đại Rerum Novarum (Tân Sự) được soạn năm 1891, cuộc cách mạng kỹ thuật mới ở trong giai đoạn non nớt của nó. Thời của hơi nước và hỏa xa đã xuông xẻ rồi, nhưng thời của điện khí thì mới chỉ bắt đầu, và những tiến bộ vĩ đại của xe hơi và hóa dầu (petrochemicals), chưa nói tới kỹ thuật thông tin, vẫn còn là chuyện của tương lai. Từ 1950, tiềm năng kinh tế từ cuộc cách mạng kỹ thuật mới từ từ nhưng vẫn chưa đồng đều gây ích lợi cho nhiều nơi trên thế giới. Diễn trình này bắt đầu với nhiều bất bình đẳng trong đó có chủ nghĩa thực dân và thậm chí chế độ nô lệ; và diễn trình vẫn tiếp tục rất bất bình đẳng, chưa hoàn tất và, ở một số nơi, rất trì trệ nếu không muốn nói là bị tắc nghẽn.

Dù thông điệp Tân Sự tập chú vào các điều kiện và quyền lợi của công nhân, nó cũng chứa đựng một số hạt giống sản sinh ra các ý niệm hiện nay về môi trường tự nhiên. Thí dụ, nó quả quyết rằng những người lãnh nhận được sự hào phóng của Thiên Chúa dưới hình thức tài nguyên thiên nhiên hay tài sản nên thi hành trách nhiệm của họ “như là người quản lý sự quan phòng của Thiên Chúa, vì lợi ích của người khác” (5). Hơn nữa, thông điệp Tân Sự, và mọi thông điệp xã hội của các vị giáo hoàng sau đó, đều cảnh báo ta về khuynh hướng tư bản chủ nghĩa hiện đại là tạo ra các chia rẽ hết sức rõ rệt giữa người giầu và người nghèo trong nội bộ các quốc gia, và giữa các nước giầu và các nước nghèo với nhau. Khi kích thích kinh tế chủ yếu do tư lợi, tham lam, muốn tích lũy của cải và tiêu thụ thỏa thích thúc đẩy, thì kết quả sẽ là hoạt động bất thường (dysfunction) và mất quân bình, và sẽ dẫn tới việc một số đông người bị lãng quên, loại ra ngoài và vứt bỏ. Vì tập chú tương đối quá hẹp vào phát triển, nó để các nền kinh tế mặc sức nghiêng về những giãn nở co thắt có hại.

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói tới việc “loại trừ các nguyên nhân cơ cấu gây ra các hành động bất thường trong nền kinh tế thế giới và sửa chữa các mô thức phát triển chứng tỏ không có khả năng bảo đảm việc tôn trọng môi trường” (6). Điều này trở thành sứ điệp mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Laudato si’. Nền kinh tế hoàn cầu mở rộng kích cỡ và tầm với như thế nào, thì “các phương thức thiển cận của nó đối với nền kinh tế, thương mại và sản xuất” cũng mở rộng như vậy (§32). Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: điều này phát sinh ra “nền văn hóa vứt bỏ”, vốn là lực đẩy đứng đàng sau nền kinh tế loại trừ. Đức Thánh Cha phê phán rằng: những người bị loại trừ thậm chí bị coi không phải là một thành phần của xã hội, họ là những người bị vứt ra ngoài, “thứ thừa thãi”.

Nhưng không phải chỉ có thế. Khi thông điệp Tân Sự được soạn thảo, qui mô nền kinh tế hoàn cầu nhỏ hơn nhiều, cũng như tác động của nó đối với trái đất vá các hệ thống và chu kỳ tự nhiên. Ngày nay, tình hình không còn như vậy nữa. Khi viết Laudato si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham khảo một số khoa học gia hàng đầu của thế giới, kể cả ở Đức này. Sứ điệp khá to và rõ: con người đang gây trở ngại cho các chu kỳ tự nhiên của trái đất một cách chưa từng thấy và rất nguy hiểm. Qui mô hoạt động của con người có nghĩa chúng ta đang đụng tới một số biên giới sinh tử của hành tinh ta, trong đó có thay đổi khí hậu, ácxít hóa đại dương, phá rừng, làm cạn nguồn nước qúy gía, ô nhiễm bởi quá dùng phân hóa học, và ồ ạt đốt nhiên liệu hóa thạch, và phá hoại các hệ sinh thái mỏng dòn và làm mất sự đa dạng sinh học một cách bi thảm.

Độc đáo đối với một thông điệp giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc tới các nguy cơ này, nhất là trong chương đầu tiên, “Điều gì đang xẩy ra cho căn nhà chung của chúng ta”. Lý do rất đơn giản. Nếu ta không từ từ dừng lại để tái thẩm định tác phong của mình, ta sẽ tiêu diệt trái đất mà Thiên Chúa đã hậu hĩnh ban cho mọi người chúng ta. Làm thế, ta đã phá hoại các điều kiện để con người triển nở, nhất là người nghèo và các thế hệ tương lai (7).

Đó là lý do tại sao phát triển bền vững lại là một thách đố lớn lao đến thế của thời đại ta. Ta phải phục hồi cảm thức thích đáng về quân bình, và đặt các cột trụ xã hội và môi trường trên cùng một bình diện như cột trụ kinh tế. Phát triển bền vững kêu gọi một thế giới trong đó tiến bộ kinh tế được rộng khắp, nghèo đói bị loại trừ, các tài nguyên của trái đất được phân chia công bằng, môi trường được che chở khỏi bị con người hạ giá, và mọi người đều triển nở.

Trong tinh thần trên, các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại New York tháng Chín năm ngoái để chấp thuận 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững; rồi một lần nữa, tại Hội Nghị COP21 ở Paris hồi tháng Mười Hai, để cam kết loại trừ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầy nguy hiểm. Các mục tiêu này là những ưu tiên đúng cho thế giới vào lúc này. Chúng nhằm làm cho nền kinh tế phục vụ mọi người; chấm dứt tai tiếng nghèo đói trong một thế giới dư thừa; bảo đảm có nước sạch, năng lượng tới tay, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho mọi người; bảo vệ các hệ thống sinh thái của thế giới và biết quay qua sử dụng cách bền vững các tài nguyên của trái đất; và xây dựng các xã hội có tính bao gồm, công lý và hòa bình hơn.

Trong nền kinh tế trên, Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững được xây dựng trên động lực của các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ. Các mục tiêu trước đó chỉ áp dụng cho các nước đang phát triển, và tập chú vào một danh sách ngắn hơn gồm các phạm vi ưu tiên như nghèo, đói, sức khỏe, giáo dục, và bình đẳng phái tính. Ấy thế nhưng chúng vẫn cho thấy những điều có thể làm được khi thế giới hợp nhất quanh một số các ưu tiên hợp luân hơn. Nhờ các mục tiêu này, cảnh nghèo đã giảm xuống một cách hết sức đáng kể, và thành quả sức khỏe đã được cải thiện cách đột ngột (8). Các mục tiêu mới dành cho mọi người khắp nơi trên thế giới, và chúng bao trùm toàn bộ các thách đố đang đặt ra cho gia đình nhân loại của chúng ta. Thành thử, đúng, Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững có nhiều tham vọng hơn. Tuy thế, ta đã học thấy rằng khi người ta, nhất là các nhà lãnh đạo của họ, tập chú vào khuôn khổ hành động cụ thể, thành công là điều có thể. Hệ thống thị trường chắc chắn có khả năng sản sinh ra giầu có và đem lại phát triển kinh tế. Ta có thể thấy điều ấy. Nhưng nó không thể thực sự đi quá việc đó. Ta cũng có thể thấy điều này. Thị trường không thể bảo đảm việc bao gồm theo nghĩa xã hội, và chắc chắn không thể tìm cách duy trì bền vững các tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của ta. Do đó, thị trường mà thôi sẽ không có khả năng đem lại việc phát triển bền vững.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng vấn đề không hẳn là chính thị trường, nhưng ý thức hệ cũng hay lấp ló ở phía sau nó, thứ “thị trường được thần thánh hóa” hay “quan niệm ảo thuật về thị trường”, một quan niệm chống lại mọi thứ giám sát và qui luật chính trị cần thiết. “Không được bắt chính trị lệ thuộc kinh tế, cũng không được bắt kinh tế lệ thuộc các lệnh truyền của một mô thức kỹ trị (technocracy) chỉ biết có hiệu năng” (§189). Theo giáo huấn xã hội Công Giáo, giải pháp là chọn liên đới hơn tư lợi, ích chung hơn việc tối đa hóa lời lãi, phát triển con người toàn diện hơn là duy vật chủ nghĩa và sự bền vững hơn là ngắn hạn chủ nghĩa. Điều này không có nghĩa bác bỏ thị trường; nó có nghĩa thừa nhận các giới hạn rõ ràng của nó, và giữ nó dưới sự kiểm soát nhân bản và đạo đức.

Nói đến liên đới, xin cho phép tôi ghi nhận chủ trương tuyệt vời của Nước Đức hiện thời về phương diện này. Việc nước này tiếp nhận các người tỵ nạn là một thao tác đáng lưu ý, cụ thể của lòng cảm thương đối với những người bị loại trừ và hất hủi. Cả ở đây nữa, tính bền vững cũng là điều sinh tử. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng viết:

“Về việc di dân, hiện đang cần có những kế hoạch trung và dài hạn không chỉ giới hạn vào các đáp ứng khẩn cấp mà thôi. Các kế hoạch này nên bao gồm việc trợ giúp hữu hiệu để hội nhập di dân vào các nước tiếp nhận, trong khi vẫn cổ vũ việc phát triển xứ sở gốc của họ bằng các chính sách được linh hứng bởi tình liên đới, ấy thế nhưng không được liên kết sự trợ giúp này vào các chiến lược và thực hành ý thức hệ rất xa lạ hay đi ngược lại các nền văn hóa của các dân tộc đang được trợ giúp" (9).

Số phận các di dân và người tỵ nạn đã là một yếu tố sôi nổi của triều giáo hoàng hiện nay; sự đáp ứng tại Đức quả là một việc thi hành Lòng Thương Xót trong Năm Thương Xót vĩ đại này.

Phát triển con người toàn diện, nền sinh thái toàn diện và Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo

Từ trước đến bây giờ, tôi đã tập chú vào các nhận định của tôi về phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong Laudato si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn kêu gọi một điều rộng hơn và bao trùm hơn điều thế giới muốn hiểu về việc phát triển bền vững. Ngài kêu gọi “việc phát triển con người toàn diện và bền vững”. Điều này xem ra chỉ thêm được chữ “toàn diện”, nhưng chữ thêm vào này tạo rất nhiều khác biệt! Trong giáo huấn xã hội Công Giáo, phát triển con người toàn diện có ý nói tới việc phát triển trọn cả con người và mọi người. Việc phát triển nhiều mặt này vượt xa GDP lúc nào cũng lớn hơn, kể cả một GDP được phân phối tốt hơn, và tiến bộ chỉ có tính kinh tế hay vật chất. Nó bao trùm các chiều kích văn hóa, xúc cảm, tri thức, thẩm mỹ, và tôn giáo. Nó là một lời mời mỗi người trên hành tinh này triển nở, sử dụng các hồng phúc Thiên Chúa ban cho họ để trở nên những người họ được dự kiến trở nên.

Phương thức phát triển bao trùm và toàn bộ hơn này vượt xa các phương thức duy giản lược chật hẹp. Không nên quan niệm phát triển theo nghĩa kỹ trị vốn làm ngơ các xem xét luân lý. Laudato si’ mạnh mẽ lên án sự thống trị của “khuôn mẫu kỹ trị”. Đức Giáo Hoàng hiểu kiểu nói này là khuynh hướng lấy hiệu năng và năng xuất làm thước đo thành công, và coi thiên nhiên như một vật để thao túng, khuất phục và kiểm soát, không một chút quan tâm tới giá trị và giới hạn nội tại của nó. Ngược lại, điều này sẽ dẫn tới cơn cám dỗ đi tìm “một lớn mạnh không cùng và hay vô giới hạn” và tới khuynh hướng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung. Nó dẫn tới khuynh hướng xác định thành công kinh tế dựa vào lời lãi và tính toán vật chất, là thứ chỉ phản ảnh thèm khát vô trật tự muốn được thỏa mãn tức khắc. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chính thái độ thiển cận và tự phục vụ mình này nằm đàng sau cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường. “Liên minh giữa kinh tế và kỹ thuật kết cục sẽ loại qua một bên bất cứ điều gì không liên hệ với các lợi ích tức khắc của nó” (§54).

Trong thực hành, điều trên đòi phải tái lượng giá sự ám ảnh của ta đối với việc tăng GDP và chủ nghĩa duy tiêu thụ. Laudato Si’ ghi nhận rằng một số nước quả cần một tăng trưởng kinh tế cao hơn, nghĩa là, các nước đang phát triển nào có hy vọng hợp lý sẽ cải thiện được tiêu chuẩn sống. Đây là một vấn đề công lý. Nhưng điều cũng quan trọng là các nước giầu có hơn cũng cần phải tái xem xét lối sống của họ và vai trò của nguyên việc phát triển kinh tế. Họ (chúng ta!) phải tái thẩm định cơn xoáy lốc duy tiêu thụ đang thúc đẩy việc lớn mạnh của họ.

Đức Giáo Hoàng Phaolô đang kêu gọi mọi người theo đuổi thứ tiến bộ toàn diện hơn, bền vững hơn, và sau cùng, xứng đáng hơn. Đây là một khía cạnh trong sinh thái toàn diện của Đức Giáo Hoàng: giá trị hội nhập và hoà hợp đời sống ta với thế giới tự nhiên (§225). Nó bao gồm “vị trí độc đáo làm người của chúng ta trong thế giới này và mối liên hệ của chúng ta với các khu vực chung quanh ta” (§15), trong các khía cạnh khác nhau của đời sống, trong kinh tế và chính trị, trong các nền văn hóa đa dạng, nhất là các nền văn hóa đang bị đe dọa hơn cả, và trong mọi khoảnh khắc đời sống hàng ngày của ta.

Đặc biệt, ta đừng quên người nghèo ngày nay “mà đời sống trên trái đất này vắn vỏi và không thể cứ tiếp tục phải chờ đợi” (§162). Trong thế giới ngày nay, nơi “đầy bất công và số người bị tước các nhân quyền căn bản và bị coi có thể hy sinh càng ngày càng gia tăng”, làm việc cho ích chung có nghĩa phải thực hiện các lựa chọn trong tình liên đới dựa trên việc “ưu tiên chọn người nghèo nhất” (§158).

Ích chung cũng liên quan tới các thế hệ tương lai: “chúng ta không thể nói tới việc phát triển bền vững nữa nếu không có tình liên đới giữa các thế hệ” (§159). Ở đây, trong ngữ cảnh sinh thái toàn diện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viện dẫn việc chăm sóc trẻ em của chúng ta để đưa ra câu hỏi chủ yếu của ngài về môi trường: “ta muốn để lại thứ thế giới nào cho những người đến sau ta, cho con cháu hiện nay đang lớn lên?”(§160).

Kết luận

Tôi đã nói về việc thay thế lối suy nghĩ truyền thống của thị trường, vốn làm méo mó quan niệm đầy đủ về việc phát triển toàn diện và bền vững. Nhưng đây không phải là một lời kêu gọi trở về với chủ nghĩa lãng mạn của thời tiền kỹ nghệ. Đúng hơn, tôi muốn thấy các khí cụ của thị trường và các kỹ năng của các chuyên viên của nó được áp dụng vào việc đạt được sự triển nở trọn vẹn của con người và việc phát triển bền vững. Tham lam lời lãi không nội tại đối với các thị trường được điều hành tốt đẹp; tham nhũng, hối lộ và tàn ác cũng không nội tại đối với các thị trường được điều hành tốt đẹp. Thực vậy, điều ngược lại mới đúng. Cai quản tốt hơn có nghĩa thịnh vượng chân chính sẽ lớn hơn. Cả các lý thuyết gia cổ điển cũng như ngày nay đều nhấn mạnh rằng căn bản của các thị trường được đều hành tốt là các nhân đức như tin tưởng, trung thực, liên đới, hỗ tương, và hợp tác. Nếu có điều gì đó nội tại đối với thị trường, thì đó không phải điều xấu mà là nhân đức. Thành thử, không có điều gì lạ lẫm cả khi thách thức thị trường sản xuất các thành quả hợp nhân đức như ích chung, sự bền vững và tình liên đới. Đây là điều tốt nhất trong những điều mà Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ trước đây và Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững mới đây hy vọng có được và cố gắng đạt được.

Niềm hy vọng như trên vang vọng lại huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Việc vượt qua các cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường liên hệ qua lại với nhau đòi phải có một thái độ hoàn toàn khác, theo ngài, là một cuộc cách mạng văn hóa. Qua kiểu nói này, Đức Thánh Cha không muốn nói tới việc ngây thơ bác bỏ kỹ thuật và các lợi ích của xã hội hiện đại. Không, ngài muốn nói đặt tài khéo léo của con người vào việc phục vụ một thứ tiến bộ tốt đẹp hơn, một tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn, và toàn diện hơn. Ngược lại, điều này kêu gọi cúng ta phải lật ngược điều ngài gọi là các huyền thoại của thời hiện đại: chủ nghĩa duy cá nhân, tiến bộ vô giới hạn, cạnh tranh, chủ nghĩa duy tiêu thụ, một thị trường vô luật lệ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi sự phát triển bền vững, đúng, nhưng cuối cùng là một viễn kiến sâu xa hơn về điều việc phát triển này phải phục vụ: Trái Đất trở về với sự khỏe mạnh và cái đẹp của nó, thành nhà chung của mọi thế hệ tương lai của ta. Để được như thế, ta phải cầu nguyện để cùng làm việc với nhau, được Thiên Chúa hướng dẫn, ngõ hầu làm cho Trái Đất xứng đáng một lần nữa được so sánh với Thiên Đàng. Dein Wille geschehe, wie im Himmel, so auf Erden. – Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời!

Hồng Y Peter K.A. Turkson
Chủ Tịch
________________________________________________________________________________________________________
[1] Với lòng biết ơn Anthony Annett (New York) và Robert Czerny (Ottawa) vì đã giúp đỡ soạn thảo và sửa chữa bài diễn văn này.
[2] ORDO SOCIALIS để Cổ Vũ Giáo Huấn Xã Hội Kitô Giáo http://ordosocialis.de/en/wir-ueber-uns/
[3] Tọa lạc ở Bad Honnef.
[4] Tiếng Anh: http://thepopevideo.org/en.html
[5] Thông Điệp Rerum novarum, Leo III (15 tháng Năm, 1891), 22.
[6] Diễn Văn với Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh (8 tháng Giêng, 2007): AAS 99 (2007), 73.
[7] Easter Island là một minh họa của các thực hành bất cẩn dẫn tới việc gần như tận diệt.
[8] Từ năm 1990, đã có những cải thiện đáng kể sau đây:

–số người nghèo cùng cực đã giảm một nửa, từ 1.9 tỷ xuống còn 836 triệu.
–những người thiếu ăn ở các nước đang phát triển gần như giảm một nửa, từ 23 phần trăm xuống 13 phần trăm.
–số các trẻ em chết dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa, từ 12.7 triệu xuống 6 triệu.
–tử xuất khi sinh con của bà mẹ giảm 45 phần trăm.
–số vụ lây nhiễm HIV mới giảm 40 phần trăm giữa các năm 2000-2013. 13 triệu 6 trăm ngàn người được điều trị chống tái phát, năm 2003 chỉ có 800,000 người.
–mạng sống được cứu khỏi một số bệnh: AIDS 7.6 triệu (1995-2013); sốt rét, 6.2 triệu (2000-2015); lao, 37 triệu (2000-2013).

Nguồn: The Millennium Development Goals Report 2015 (United Nations).

2 tỷ người được hưởng những điều kiện vệ sinh tốt hơn.
[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn với Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh, 11.01.2016.


 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Giỗ năm thứ 70 cho Cha Fx. Trương Bửu Diệp tại Nam Úc
Truyền Thông SA
00:16 09/03/2016
Hằng năm cứ đến gần ngày 12/3, mọi người Việt Nam trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới đều nô nức tổ chức tưởng nhớ ngày giỗ của Cha Diệp, như: Đi hành hương, xin lễ giỗ, cầu nguyện bên Cha Diệp.
Năm nay, lần đầu tiên tại Adelaide, Nam Úc, hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp đã tổ chức lễ giỗ năm thứ 70 cho Cha Diệp. Buổi lễ được tổ chức long trọng vào chiều thứ Bảy ngày 5/3/2016 tại nhà thờ Saint Maximilian Kolbe, Ottoway, trong thành phố Adelaide thủ phủ của tiểu bang Nam Úc
Chương trình lễ giỗ gồm có 3 phần:
4.00pm: Tiếp đón quí Cha, quí Quan khách và Cộng đoàn
4.15pm: Rước kiệu tượng Cha Diệp
4.30pm: Thánh Lễ Giỗ
6.30pm: Văn nghệ tưởng nhớ Cha Trương Bửu Diệp và Tiệc thân hữu

XEM HÌNH
XEM VIDEO
XEM VIDEO HỘI THOẠI

Rất đông giáo dân Việt Nam trong các vùng gần Ottoway cũng như ở Adelaide đã tụ tập về đây để tham dự thánh lễ, chật kín trong nhà thờ, không còn ghế ngồi, nhiều người phải đứng ở dưới cuối và chung quanh nữa. Ban tổ Chức và các tín hữu rất vui mừngđược đón tiếp quí cha, gồm có:
-Lm. Phaolô Nguyễn Công Trứ, chánh xứ nhà thờ Saint Leo The Great, Altona North, Melbourne
-Lm. Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ nhà thờ Chánh toà Adelaide
-Lm. Phêrô Trần Quang Tòng, phó xứ Salisbury, Nam Úc
-Lm. Marek P'Tak, chánh xứ Ottoway, Nam Úc
-Lm. Gregou Kierpiec đến từ tỉnh Zywiec, Ba Lan (Poland)
Cha Phaolô Nguyễn Công Trứ đến từ Melbourne, đại diện cho cha Phêrô Trần Thế Tuyên, vị cáo thỉnh viên của tiến trình tuyên thánh cha Fx. Trương Bửu Diệp
Buổi lễ được bắt đầu bằng việc kính cẩn rước tượng cha Trương Bửu Diệp từ phía sân sau nhà thờ tiến vào trong nhà thờ cùng với những tiếng ca và lời kinh của cộng đoàn.
Sau khi tượng cha Diệp được an vị bên cánh trái của bàn thờ, thánh lễ đồng tế được cử hành trọng thể do cha Phaolô Nguyễn Công Trứ chủ tế cùng đồng tế với 4 linh mục kể trên.
Trong bài giảng của lễ giỗ hôm nay, Cha chủ tế đã kể lại hạnh tích của thánh Maximilian Maria Kolbe, tên của ngôi thánh đường đang cử hành thánh lễ, cũng là nơi mà mỗi thứ Sáu tuần thứ 2 hàng tháng đều có lễ cầu nguyện bên cha Diệp.
Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941) người Ba Lan, là linh mục dòng Phanxicô đã tự nguyện chết thay cho một hạ sĩ quan trong trại tập trung khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan trong thế chiến thứ II.
Khi biết mình phải bị giết vì có tù nhân trốn trại, người hạ sĩ quan này đã đau khổ thốt lên: "Tôi còn vợ tôi, con tôi! Từ nay tôi sẽ không bao giờ được gặp nữa!" Cha Maximilian Kolbe, tù nhân mang số 16670, động lòng thương đã xin chết thay. Ngay tức khắc Cha bị đưa đi biệt giam. Hai tuần sau đó, cai tù đã kết liễu cuộc đời của Cha vào ngày 15/8/1941. Cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982.
Thật là một sự trùng hợp với cái chết của Cha Fx. Trương Bửu Diệp (1897-1946).
Theo truyện kể, năm 1946, chiến tranh loạn lạc, cha bề trên ở Bạc Liêu khuyên Cha Diệp nên lánh mặt một thời gian nhưng Cha luôn một mực từ chối: "Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên!"
Cha Diệp bị Việt Minh bắt năm 1946 cùng với gần 100 giáo dân họ đạo Tắc Sậy do Cha chăm sóc. Ngày 12/3/1946 Cha đã anh dũng chịu chết, để thay thế cho gần 100 giáo dân của Cha được tha. Thật là một cái chết anh dũng!
Chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến Cha Fx. Trương Bửu Diệp (TBD) và sốt sắng cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp sớm có kết quả.
Các bài thánh ca trong lễ giỗ hôm nay do các ca đoàn Saint Patrick, Hội Ái Mộ cha TBD và ca đoàn Hy Vọng phụ trách, bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh gồm những bài ca tụng tình yêu Thiên Chúa và sự hy sinh cao cả của những người mục tử nhân từ đã làm cho thánh lễ thêm phần long trọng, thánh thiện và sốt sắng.
Cuối thánh lễ, ông Nguyễn Ngọc Cường, hội trưởng hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp Úc Châu, đã có vài lời cám ơn quí Cha đồng tế, quí Cộng đoàn và kính mời tất cả sang bê hội trường của giáo xứ thưởng thức chương trình văn nghệ và tiệc thân hữu bên tượng cha Diệp do Hội khoản đãi.
Phần văn nghệ với những bài hát ca tụng cha Diệp, những bài thánh ca rất du dương và cảm động do hai ca đoàn Saint Patrick và Hy Vọng trình diễn.
Bài "Sống và Chết" với tiếng hát của ca sĩ Anh Chương và bài ca "Cha Trương Bửu Diệp" do cô Ngọc Thu trình bày, đã làm cho bầu khí lắng đọng, tưởng nhớ đến cha Diệp.
Đặc biệt trong bài hợp ca "Tông đồ Bác Ái" phụ diễn một hoạt cảnh ngắn với sự xuất hiện của cha Fx. Trương Bửu Diệp ban phép lành, được cả hội trường nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.
Sau đó mọi người cùng ăn tối với những món ăn ngon miệng do các ông bà, anh chị em, ân nhân tự nguyện đóng góp.
Chương trình lễ giỗ cha Trương Bửu Diệp đã diễn ra thật vui tươi và trang nghiêm trong tinh thần hợp thông cầu nguyện cho cha Diệp mau được tôn vinh lên hàng ngũ các thánh trên Thiên Quốc. TVK

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Trọng có biết nội thù ở đâu không ?
Phạm Trần
21:41 09/03/2016
ÔNG TRỌNG CÓ BIẾT NỘI THÙ Ở ĐÂU KHÔNG ?

Việt Nam Cộng sản đang đối mặt với đám nội thù nằm ngay trong lòng chế độ mà Lãnh đạo cứ nhởn nhơ như không hay biết gì.

Thứ nhất, chuyện Bộ Quốc phòng bình chân như vại trước những hành động của Trung Quốc mở rộng vùng chiếm biển đảo Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2007 đến nay là một thắc mắc chưa được ai trong đảng và nhà nước giải thích cho dân biết.

Sau đó đến hành động ngăn cấm, trong suốt 41 năm qua không cho tổ chức tưởng niệm 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ chống quân Tầu xâm lược quần đảo Hòang Sa năm 1974.

Duy trì kỳ thị, phân biệt kẻ Bắc người Nam trong đấu tranh chống quân xâm lược ngọai bang Trung Quốc của ai đó trong đảng Cộng sản Việt Nam là hành động vô cùng ấu trĩ, thiển cận và chia rẽ dân tộc không tha thứ được, nhất là đối với những kẻ vẫn có tâm địa nô lệ Tầu phương Bắc.

Rồi trong 37 năm qua, nhà nước còn cấm cả việc tổ chức lễ tưởng nhớ và tri ân trên 40 ngàn quân và dân của “phe mình” ở 6 tỉnh biên giới đã can trường chiến đấu và hy sinh chống 600,000 quân xâm lăng Trung Quốc từ 1979 đến 1990.

Đảng cũng cấm luôn không cho tổ chức truy điệu 64 chiến sỹ của Quân đội Nhân dân đã hy sinh chống quân Tầu chiếm 7 đảo và bãi đá tại chiến trường Trường Sa năm 1988.

Song song với những cấm đóan phản cảm vô trách nhiệm và xúc phạm đến danh dự Tổ Quốc là những lần nhà nước cho Công an đội lốt côn đồ chống phá và đàn áp người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc từ Sài Gòn ra Hà Nội từ 2011. Công an cũng đã ngăn chặn, đe dọa và tấn công các nhân sỹ, trí thức và những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền không cho họ lên tiếng hay hành động chống xâm lược Trung Quốc.

Tệ hại hơn, nhà nước còn bỏ tiền nuôi đám dư luận viên ấu trĩ, làm hề phản quốc để đội lốt người hiền lương xâm nhập vào hàng ngũ anh chị em dân chủ trong nước để tuyên truyền và xuyên tạc các mục tiêu tranh đấu chống kẻ thù xâm lược.

Nổi tiếng nói xiên nói qùang và cãi chầy cãi cối hăng nhất trong số họ có Trần Nhật Quang ở Hà Nội. Nhưng kẻ nào trong đảng hay trong chính phủ đã chủ trương ngăn dân chống Trung Quốc và cấm không cho truy điệu các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh ở 3 mặt trận biên giới, Hòang Sa và Trường Sa ?

Và ai đã chỉ thị cho Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho đảng bộ Đà Nẵng hủy bỏ lễ thắp nến tri ân 74 chiến sỹ VNCH hy sinh ở Hòang Sa nhân dịp kỷ niệm 40 năm, dự trù diễn ra trong đêm 18/01/2014 ?

Sự kiện lịch sử này đã được Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẳng chuẩn bị cả năm trời lấy tên là “Hướng về Hòang Sa” với chương trình ca nhạc có chủ đề “Hướng về biển đảo quê hương" tổ chức tại Công viên Biển Đông, nhưng giờ chót Ban Tổ chức buộc phải đưa ra lý do ngớ ngẩn vì “chuẩn bị chưa được chu đáo” !

Ai ở Việt Nam hồi ấy cũng xầm xí “lệnh hủy bỏ đến từ Trung Quốc” mà Bộ Chính trị không dám chống lại !

Sau đó để chữa cháy cho hành động mất chính nghĩa của mình và sau nhiều tranh cãi trong nội bộ, đảng CSVN đã phải đồng ý xây tượng đài tưởng niệm Nghĩa sỹ Hòang Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Qủang Ngãi, cửa ngõ đi ra quần đảo Hòang Sa từ Thế kỷ 17. Một số thân nhân của các liệt sỹ VNCH hy sinh chống quân Tầu ở Hòang Sa đã được mời tham dự lể đặt viên đá đầu tiên xây đài ngày 17/01/2016.

Tượng đài “Người mẹ thắp lửa -Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" với “ý tưởng mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng, làm ngọn hải đăng soi đèn cho những người con thấy đường trở về” đã được công khai tại buổi lễ, căn cứ theo trang điện tử Zing.VN.

Nhưng việc làm này không đủ giúp đảng CSVN lấy lại niềm tin đã mất trong dân bởi lẽ lâu nay Việt Nam chỉ biết phản đối Trung Quốc bằng nước bọt.

Bộ ngọai giao Hà Nội luôn luôn mở lại dĩa nhạc cũ mèm quen thuộc với câu:“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử chứng minh Hòang Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Hay Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ biết ru ngủ nhân dân rằng:”Đảng khẳng định kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”

Việt Nam nói nhiều nhưng hành động thì không nên phiá Trung Quốc đã tự do chiếm đảo và dành biển. Họ luôn luôn lập luận không chứng minh được rằng:” Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có tòan quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải.” (tuyên bố của Chủ tịch, Tổng Bí đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc (Hoa Thịnh Đốn) ngày 25/09/2015)

Bắc Kinh cũng đã đem quân, máy bay tác chiến, thiết lập đài radar và 8 giàn Hỏa tiễn địa không đến đồng trú tại đảo Phú Lâm (Trung Hoa gọi là Vĩnh Hưng), thủ phủ của Hòang Sa để đe dọa an ninh Biển Đông.

Hai sân bay có khả năng dân dụng và quân sự đã được thiết lập ở đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma là hai vị trí chiến lược quan trọng trong dẫy Trường Sa. Từ Chữ Thập, cách Đà Nẵng khỏang 400 cây số, máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tấn công Cam Ranh và miền Trung.

Và từ Gạc Ma, Trung Quốc có thể chận đứng đường tiếp viện của Quân Việt Nam đến Trường Sa và tấn công thẳng vào Nha Trang và miền nam Trung phần Việt Nam.

Trước đây, Việt Nam không quan tâm lắm về đe dọa của Trung Quốc vì tin rằng đường bay từ đảo Hải Nam đến Việt Nam qúa xa nên không sợ bị tấn công bất ngờ. Giờ đây thì Trung Quốc đã có các sân bay và bến tầu ở vùng Trường Sa thì an ninh hàng hải và hàng không của Việt Nam nói riêng và tòan khu vực Đông Nam Á nói chung sẽ bị đe dọa trực tiếp.

LÝ KHẮC CƯỜNG-BIỂN ĐÔNG

Mới đây Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố kế họach tăng ngân sách quốc phòng và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông mà họ Lý cho là của Trung Quốc.

Trong diễn văn tại lễ khai mạc, của Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khoá 12 ngày 3/3/2016, theo Tân Hoa Xã (Xinhua) ông Lý xác định Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải và bảo vệ an ninh trong vùng biển của Trung Hoa, đồng thời sẽ nghiêm khắc đối phó với những vi phạm.

(“The pledges include boosting maritime law enforcement, -ensuring freedom of navigation and security in Chinese waters and “appropriately dealing with infringements” of rights at sea.”--Xinhua)

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài và tăng ngân sách Quốc phòng tăng lên 7.6 phần trăm, hay 954 tỷ đồng Nhân tệ, tương đương với 146 tỷ US dollars.

(Premier Li Keqiang (李克強) also said during his work report delivered to the legislature yesterday that the government would increase its capacity to protect its interests overseas. The defence budget is planned to rise by 7.6 per cent this year to 954 billion yuan.)

Họ Lý nói với các Đại biểu:”Chúng ta sẽ tăng cường phối trí quân sự trên khắp mặt trận và trong mọi tình huống để sẵn sàng quyết liệt chiến đấu và bảo vệ biên giới, bờ biển và phòng không.”

(“We will strengthen in a coordinated way military preparedness on all fronts and for all scenarios and work meticulously to ensure combat readiness and border, coastal and air defence control.)

Liệu những lời đe dọa của Lý Khắc Cường có thấm vào tâm não lãnh đạo Việt Nam không, hay họ cứ nhởn nhơ mãi để tin vào lời đường mật “vừa lả đồng chí vừa là anh em” của lãnh đạo Trung Hoa ?

Nhiều người trong lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng Lý Khắc Cường có chủ ý nhắm vào Mỹ vì mới đây Bắc Kinh đã lên án Hoa Thịnh Đốn khiêu khích và chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

LÃNH ĐẠO ĐẢNG-TRUNG QUỐC

Vậy các người lãnh đạo to đầu của đảng và nhà nước đã nói về chiến tranh biên giới với Trung Quốc và chủ quyền ở Biển Đông ra sao ?

Vào dịp kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới (2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”.

Không thấy ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói gì về chuyện có nên kỷ niệm hay không đối với cuộc chiến biên giới năm 1979, nhưng ông ta bày tỏ quan điểm về tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 01/07/2014, ông Trọng nói:”Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren... Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với TQ, người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Ông còn kéo thêm câu:”Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”.

Như vậy là ông Trọng muốn lập lờ bơi như con cá trong bể nước. Ông muốn khuyên dân phải tỉnh táo và khôn khéo để chung sống hòa bình, an thân với láng giềng “vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Người Việt Nam nào trong nước cũng biết thái độ nhũn như con chi chi này này chỉ giúp cho Trung Quốc được chân lân đến đầu rồi bóp cổ Việt Nam lúc nào không hay !

Nhưng mà chuyện lịch sử đâu có thể vì phải sống chung, dù mình không muốn, mà bẻ cong không cho con cháu ta biết những gì đã xẩy ra cho đất nước ?

Bằng chứng là kè nội thù nào đã cấm không cho viết về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục ?

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết ông “ không giải thích được vì sao kiến thức lịch sử về vấn đề chủ quyền gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc và có tầm quan trọng đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ nhưng chưa được đưa vào sách giáo khoa phổ thông môn Lịch Sử?” (Báo Giáo dục Việt Nam, 16/03/2016)

Thầy Hiếu trích lời GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nói trong bản tham luận tại cuộc Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học lịch sử trong trường phổ thông Việt Nam cuối năm 2015:” Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang bi hùng được viết bằng máu xương của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chăm Pa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay.

Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước, không chỉ là quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta mà hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước, một cộng đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, chết không rời biển lại không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng!

Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.

Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hứa sẽ đem cuộc chiến tranh biên giới chống Tầu và Biển đảo vào sách giáo khoa, nhưng bao giờ mới làm hay cứ mãi sợ “nhậy cảm” với Trung Quốc để phản bội Tổ Quốc ?

Kẻ nội thù nằm đâu , ông Trọng có biết không ? -/-

Phạm Trần

(03/016)
 
Văn Hóa
Trên Sân Đền Thờ
Nguyễn Trung Tây
16:55 09/03/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Trên Sân Đền Thờ (Gioan 8:1-11)



Trời bừng sáng. Vươn vai ngáp ngắn ngáp dài, mặt trời che miệng nhìn xuống nhân gian. Trời hừng đông. Thành phố Giêrusalem ồn ào thức giấc. Từng hồi tù và từ những ô cửa tò vò trên đỉnh ngọn tháp cao của ngôi Đền Thờ đều đặn ngân vang bốn hồi dài ba nhịp ngắn. Trời bình minh. Những cánh cửa sơn mầu bạc, điểm chấm mầu vàng của ngôi Đền Thờ cổ kính thoạt tiên ngập ngừng he hé nhìn ra, sau cùng chầm chậm mở rộng chào đón một ngày mới.

Đức Giêsu đặt những bước chân đầu tiên vào sân Đền Thờ. Sáng sớm, sân đất mênh mông bát ngát lơ thơ thấp thoáng một vài bóng người. Đó đây tho áng hiện thoáng mất những thầy thượng phẩm, khoác áo choàng dài, dáng vẻ đăm chiêu. Đi ngược hướng lại với đoàn người đang tiến vào sân Đền Thờ, hai ba ông thầy Lêvi, mặt còn trẻ măng, nhanh nhanh bước tới, khuôn mặt ẩn hiện lo lắng.

Đức Giêsu lơ đãng nhìn xuống sân Đền Thờ. Cỏ dại cụt ngủn xơ xác như đang ngơ ngác dõi nhìn những bàn chân. Lủng lẳng treo trên những trụ cột chống đỡ mái hiên ngôi Đền Thờ là những bình hương mầu đồng đo đỏ, đang đong đưa khói trắng hiền lành, hương thơm ngào ngạt bốc cao một khoảng không gian. Hít vào buồng ngực hương thơm thiên đàng, Đức Giêsu nhìn quanh. Bước thêm mấy bước, né bụi cỏ dại, Ngài ngồi xuống bậc thềm. Dựa lưng vào bờ tường đá của ngôi Đền Thờ, Đức Giêsu nhắm mắt lại. Trong yên lặng, bất chợt Ngài nhận ra những bước chân rón rén đạp lên trên nền đất đen. Tiếng bước chân thoạt tiên nhẹ nhàng, rồi chuyển đổi cung bậc biến sang âm vang khua động. Một, hai, ba, bốn, và rồi rất nhiều người tiếp tục bước tới gần chỗ Ngài đang ngồi. Bao nhiêu tiếng chào cất cao cùng một lượt,

— Chào Thầy.

— Con chào Thầy.

Đức Giêsu mở mắt, miệng tươi cười chào lại,

— Chào cụ. Chào bà.

Và Đức Giêsu bắt đầu nói về tình thương của Thiên Chúa. Ngài nói, Giavê Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, cho nên Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người, không phải để luận phạt, nhưng mà là để cứu rỗi. Đức Giêsu cũng nói về một Thiên Chúa của từ bi, của nhân hậu; một Thiên Chúa không bao giờ lên án kết tội, cho dù con người tội lỗi trăm đàng! Đức Giêsu cũng nói, từ những ngày đầu tiên của vạn vật, Giavê Thiên Chúa đã dựng nên trái đất màu xanh lơ với biển cả sông ngòi, với cây cối xanh tươi, với trái chín đỏ ửng. Tất cả những điều này Thiên Chúa đã làm bởi con người, vì con người, và cho con người. Bởi Thiên Chúa yêu, Ngài đã dựng nên con người. Từ bùn đất, con người đã được tạo dựng giống như hình ảnh đẹp đẽ của Trời cao.

Bất chợt, Đức Giêsu ngưng tiếng nói, bởi Ngài nhận ra đất đen trên sân Đền Thờ lay động khua vang. Ngẩng mặt nhìn lên, Ngài nhận ra đám đông chen lấn, ồn ào, xô đẩy ngay chỗ hai cánh cửa sơn bạc điểm vàng đang rộng mở. Mọi người trong ngôi Đền Thờ dương cao cặp mắt dõi nhìn. Tiếng la, tiếng hét, và tiếng khóc hòa trộn vang vang từ đám đông đã phá tan bầu không khí trang nghiêm của ngôi Đền Thờ cổ kính. Mọi người nhíu mày nhận ra đám đông tiếp tục kéo nhau đi thẳng tới chỗ Đức Giêsu đang ngồi. Tới trước mặt Đức Giêsu, đám đông ồn ào dừng lại thanh âm. Trong yên lặng, người ta đẩy tới một người phụ nữ. Trong yên lặng, người ta hằn học nhìn cô gái té lăn ra trên nền đất. Trong yên lặng, cô gái chầm chậm đứng dậy, dáng vẻ chịu đựng, ánh mắt mệt mỏi cúi nhìn đất đen. Mái tóc nâu dài của người con gái rối quăn xơ xác vì bụi cát rớt xuống che kín nửa khuôn mặt.

Đức Giêsu nhìn cô gái. Ngài liếc nhìn đám đông với những cục đá sần sùi sắc nhọn trên hai bàn tay nắm chặt, hậm hực nhìn thẳng vào mặt Ngài. Khuôn mặt trầm tĩnh không một thoáng lay động, Ngài tiếp tục ngồi dựa lưng vào bức tường của ngôi Đền Thờ. Tiếng ồn ào la hét của đám đông ngưng bặt, khi một người đàn ông cất tiếng hỏi Đức Giêsu,

— Người phụ nữ này đã bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đúng theo luật pháp Môisen, cô ta sẽ bị ném đá. Thầy nghĩ chúng tôi phải làm sao đây?

Đức Giêsu nhìn khuôn mặt xanh xao của người phụ nữ đang đứng lẻ loi giữa vòng tròn lô nhô đầu người. Ngài đưa mắt nhìn tất cả những người đang bao vây cô gái. Cuối cùng Đức Giêsu nhìn thẳng vào khuôn mặt của người Biệt Phái vừa cất giọng hỏi. Bốn cặp mắt nhìn nhau. Ánh mắt Đức Giêsu ôn hòa, nhưng cương quyết. Ánh mắt của người Biệt Phái thách thức pha trộn khó hiểu. Không nói chi, Đức Giêsu cúi xuống, ngón tay trỏ viết lên trên nền đất những nét chữ nguệch ngoạc. Mọi người cúi xuống nhìn. Không ai nhận ra Đức Giêsu đang viết những chi.

Trên sân Đền Thờ, yên lặng tiếp tục che miệng nín thở, yên lặng liếc mắt dõi nhìn Đức Giêsu, yên lặng e ngại nhíu mày nhìn đám đông. Thêm một phút, rồi hai phút. Sau cùng yên lặng vỡ tan thành từng mảnh vụn thủy tinh sắc nhỏ khi người Biệt Phái một lần nữa cất tiếng nói. Ông lập lại cùng một câu hỏi,

— Người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Theo như lề luật của Môisen, cô ta sẽ bị ném đá. Thầy dạy chúng tôi phải làm sao đây?

Đức Giêsu ngẩng mặt lên. Ngài nói chậm nhưng rõ từng chữ,

— Ai trong các ông nghĩ mình là người vô tội, hãy ném đá người đàn bà này đi.

Nói xong, Đức Giêsu lại cúi mặt xuống, lấy ngón tay tiếp tục viết lên trên nền đất đen.

Sau câu nói của Đức Giêsu, đám đông khựng lại. Khuôn mặt của người Biệt Phái tái xanh. Những sợi gân xanh lè hai bên thái dương căng cứng chuyển động. Quay lại nhìn đám đông, người Biệt Phái mím môi, hít mạnh, hồi hộp bởi ông nhận ra những ngón tay to cứng nắm chặt những hòn đá sần sùi bất chợt xiết thật mạnh, xiết chặt cứng, xiết oằn cong. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, những ngón tay gồng cứng dần dần lơi ra, buông lỏng, nhẹ tênh. Sau cùng những hòn đá của những người có tuổi trong đám đông buông rơi, rớt thẳng xuống đất. Tiếng đá rơi nghe khô khan, lạnh lùng, và cụt ngủn. Đá tròn sần sùi lăn lăn trên nền đất điệu bộ lạnh lùng, không hối tiếc. Đá rớt xuống, hình thể tròn đều của đám đông xôn xao chuyển động. Những người cao niên tóc bạc da mồi bỏ đi đầu tiên. Những người trung niên, tóc mầu muối tiêu, buông rơi hòn đá, nối tiếp theo sau. Những người thanh niên, cuối cùng, rồi cũng quay lui. Những người lắng nghe Đức Giêsu giảng dạy từ sáng sớm cũng yên lặng từ từ bỏ đi, miệng họ mỉm cười.

Đức Giêsu ngẩng đầu lên nhìn. Ngài nhận ra nắng buổi sáng đang lung linh nhảy múa mời gọi trên bậc thềm. Ngài nhìn người con gái. Với giọng nói ngọt ngào, ấm áp, Đức Giêsu cất tiếng,

— Họ đâu hết rồi? Không ai lên án chị nữa hay sao?

Lần đầu tiên từ lúc bị lôi tới bực thềm, người phụ nữ ngẩng mặt lên. Nàng nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu. Nhìn thẳng vào cặp mắt của người đàn ông trước mặt, người con gái nhận ra cặp mắt đó chứa chan tình người, ánh mắt đó không phải là căm hận, nhãn tuyến đó không phải là hận thù, tròng mắt mầu nâu đó long lanh ánh sáng thiên đàng, đôi mắt to tròn đó thiết tha bao la mời gọi, cặp mắt hiền dịu đó sáng ngời thấu hiểu rạng rỡ cảm thông. Cô gái bưng mặt, giọng nói nghẹn ngào,

— Thưa Thầy, không còn ai nữa. Họ bỏ đi hết rồi.

Ngọt ngào ấm áp trên sân Đền Thờ lại ngân vang,

— Thôi chị về đi. Và đừng bao giờ phạm tội nữa nhé.

Bình minh chiếu sáng rực rỡ khuôn mặt của Đức Giêsu. Một vài cánh bướm mầu vàng đậm đặc điểm chấm mầu đen nhánh chao đảo buông mình bay nhảy trên bờ vai của Ngài. Những con chuồn chuồn sa mạc mầu đỏ như ớt chín ngập ngừng dừng lại trên mái tóc nâu đậm của Đức Giêsu. Dưới chân cột trụ chống đỡ mái hiên, hai ba chú chuột nhắt tiếp tục thập thò, xô đẩy, tranh nhau cửa hang để nhìn mặt Đức Giêsu. Ngưng chui xuống nền đất đen, chú cuốn chiếu giơ cao hai sợi râu trên đầu mỉm cười nhìn Con của Trời. Mặt trời bỗng dưng sáng rực rỡ hơn. Ánh sáng trời cao ngập tràn trên sân Đền Thờ.



Lời Nguyện

Lạy Chúa! Bao nhiêu lần rồi con đã mang người phụ nữ tới ngôi Đền Thờ. Đã bao nhiêu lần rồi con quyết định chọn lựa không đứng với Chúa, nhưng nghiêng hẳn về phía của đối diện, phía của kết án, và phía của chỉ ngón tay. Lạy Chúa! Xin dạy con thôi không kết án ai nữa, nhưng mở miệng nói với chính con và với anh chị em con là, “Thôi, chúng ta đi về. Và không bao giờ phạm tội nữa nhé”.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Trà Mi
Joseph Ngọc Phạm
19:40 09/03/2016
ĐÓA TRÀ MI
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Nắng rất mới như lòng tôi rất mới
Tôi vui cười chào ngày mới vừa sang
Nắng thật tươi, đoá trà mi nở vội vàng
Ôi đẹp quá, màu nắng trong như ngọc .
(Trích thơ của Sương Mai)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 03– 09/03/2016: Câu chuyện về các linh mục ở trại tù DaChau
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:43 09/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Lịch sử của một lòng trung tín thất bại

“Chỉ khi tâm hồn rộng mở, con người mới có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.” Đây là lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 03.03, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng sự bất trung của dân Chúa chỉ có thể được thắng vượt nhờ việc nhìn nhận mình là tội nhân. Khi biết mình là tội nhân tức là đã bắt đầu bước đi trên hành trình hoán cải.

Khởi đi từ bài đọc thứ nhất, trích sách tiên tri Giê-rê-mia, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Chúng ta có thể nhìn thấy sự thành tín của Thiên Chúa và sự bất tín của dân Ngài. Thiên Chúa luôn trung tín vì Ngài không thể chối bỏ mình là Đấng Thành Tín trong khi dân chúng lại không nghe lời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều điều để lôi cuốn lòng dân nhưng dân vẫn muốn ở lại trong sự bất trung.

Sự bất trung của dân Chúa, cách nào đó, cũng là sự bất trung của chúng ta khi chúng ta cứng lòng, khép kín con tim, không để cho lời Chúa đi vào. Giống như người cha trìu mến, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mở ra với lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện với Thánh Vịnh: ‘Hôm nay các ngươi hãy lắng nghe Lời Chúa. Đừng cứng lòng nữa!’ Thiên Chúa luôn nói với chúng ta như thế. Với sự âu yếm, vỗ về của người cha, Ngài ngỏ lời với chúng ta: ‘Hãy hết lòng trở về với Ta, vì Ta nhân hậu và từ bi’. Nhưng khi con tim chai đá thì người ta không hiểu được điều này. Chỉ có thể hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nếu chúng ta có khả năng mở toang cõi lòng, ngõ hầu Ngài có thể bước vào.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Cõi lòng chai đá cũng là điều mà chúng ta thấy trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca. Đoạn Tin Mừng ấy tường thuật lại sự đối đầu của những người hiểu biết Kinh Thánh dành cho Đức Giêsu. Những tiến sĩ luật vốn hiểu biết về thần học nhưng có tâm hồn và não trạng khép kín. Còn đám đông dân chúng lại rất đỗi ngạc nhiên, sửng sốt và họ đã tin vào Đức Giêsu. Họ đã mở rộng cõi lòng với Lời Chúa. Tội nhân là những người không hoàn hảo nhưng phải biết mở rộng tấm lòng.

Những nhà thông luật đã có một thái độ đóng kín. Họ luôn tìm kiếm những biện minh và giải thích để không hiểu thông điệp của Đức Giêsu. Họ đòi Người một dấu lạ bởi trời. Họ luôn đóng kín! Đây là lịch sử, lịch sử của sự trung tín bị thất bại. Lịch sử của cõi lòng khép kín, của những tâm hồn đã không để lòng thương xót của Thiên Chúa bước vào. Những cõi lòng ấy đã lãng quên từ ngữ ‘tha thứ’: Lạy Chúa xin hãy tha thứ cho con! Lý do lãng quên hết sức đơn giản vì họ không ý thức mình là tội nhân nữa. Thay vào đó, họ cho rằng mình là thẩm phán xét xử người khác. Sự trung tín thất bại này cũng được Đức Giêsu giải thích bằng hai từ rất ràng để kết thúc cuộc đối thoại với những kẻ đạo đức giả: ‘Ai không đi cùng tôi là chống lại tôi’. Như vậy, hoặc là chúng ta trung tín, với tấm lòng rộng mở, đối với Thiên Chúa là Đấng trung tín, hay chúng ta chống lại Ngài – ‘Ai không đi với tôi là chống lại tôi!’.

Nhưng có người sẽ hỏi rằng: ‘Liệu có một con đường ở giữa hay không? Tôi không muốn chống lại Thiên Chúa nhưng tôi cũng không thể luôn luôn tín trung với Ngài, vì có những khi tôi yếu đuối, vấp ngã.’ Có! Có một con đường ở giữa bằng cách khiêm nhường thú nhận mình là tội nhân. Bởi vì chính khi nói ‘tôi là kẻ có tội’, thì tâm hồn của chúng ta sẽ mở ra và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào. Chính lúc ấy, chúng ta đã bắt đầu trung tín rồi.”

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa ân ban của sự trung tín. Và bước đầu tiên để trung tín là tự nhận mình là tội nhân. Nếu không nhận thấy mình là kẻ có tội, chúng ta đã bước đi nhầm đường rồi. Do đó, hãy nài xin ân sủng để cõi lòng chúng ta không chai đá nhưng luôn biết rộng mở với lòng thương xót Chúa, đồng thời cũng xin có được ơn của sự trung tín nữa. Và khi chúng ta cảm nhận mình đang bất trung thì hãy nài xin Thiên Chúa ơn tha thứ.”

2. Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thời gian của Mùa Chay “giúp chúng ta dọn lòng” đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và đến lượt mình, chúng ta cũng biết tha thứ như Chúa, nghĩa là “quên đi” những lỗi lầm của tha nhân. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01.03, tại nguyện đường thánh Marta.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự mỏng dòn, bất lực nơi bản tính hay sa ngã của con người thường không hướng tới để thực hiện: khả năng tha thứ.

Những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ thường được khởi hứng từ những bài đọc Phụng vụ. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Đức Giêsu: ‘Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?’ Còn bài Thánh thư trích sách Đa-ni-en lại xoay quanh lời cầu nguyện của thanh niên A-da-ri-a, là người bị thiêu trong lò vì đã từ chối thờ kính một ngẫu tượng bằng vàng. Giữa ngọn lửa thiêu đốt, anh đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân tộc của mình ngõ hầu họ cũng biết khẩn cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho chính bản thân họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là cách thức đúng đắn để cầu nguyện, để tín thác vào sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta làm khi tán gẫu với nhau: ‘Người này người kia đã làm điều này điều nọ…”. Chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta không có tấm lòng thương xót. Chàng thanh niên A-da-ri-a đã cầu nguyện rằng: ‘Xin hãy đối đãi với chúng con theo lượng từ ái Chúa.’ Và ‘theo lòng thương xót vĩ đại của Chúa, xin cứu vớt chúng con.’ Đây là một lời khẩn cầu lòng thuơng xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ trao ban cho chúng ta sự tha thứ và ơn cứu độ đồng thời quên hết mọi tội lỗi của chúng ta.”

Trong bài Tin Mừng, để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót một nguời khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét về điểm này như sau:

“Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.”

3. Câu chuyện các linh mục tại trại tù Dachau

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.

Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công Giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.

Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.

Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.

Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.

Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù...

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.

Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.

Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...

4. Ơn cứu độ đến từ những điều đơn sơ, nhỏ bé

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 29.02, tại nguyện đường thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng: “Ơn cứu độ của Thiên Chúa không đến từ những điều vĩ đại, không đến từ quyền lực hay tiền bạc, không đến từ những hệ thống tôn giáo hay chính trị, nhưng là từ những điều nhỏ bé và đơn sơ. Nhưng chính những điều nhỏ bé, đơn sơ ấy lại khiến nhiều người khinh thường, khó chịu.

Giáo Hội đang chuẩn bị cho chúng ta bước vào mùa Phục Sinh, và ngày hôm nay Giáo Hội mời gọi suy tư về ơn cứu độ: Chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ? Phải chăng tất cả chúng ta đều khao khát ơn cứu độ ấy? Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại chuyện ông Na-a-man và phải chăng sách ấy đang trình bày cho chúng ta về thực tại cái chết và sự sống đằng sau cái chết? Thật vậy, bệnh tật thường kéo chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu độ sẽ xảy ra như thế nào? Đâu là con đường dẫn đến ơn cứu độ? Thiên Chúa mặc khải gì cho chúng ta, những Kitô hữu, về ơn cứu độ?

Từ khóa để hiểu thông điệp mà Giáo Hội muốn truyền tải cho chúng ta ngày hôm nay là từ ‘coi khinh’. Khi Na-a-man đến nhà ông Ê-li-sa để xin được chữa lành, Ê-li-sa đã sai sứ giả ra nói với ông hãy đi tắm ở sông Gio-đan bảy lần. Đây là một chuyện đơn giản. Vì quá đơn giản nên Na-a-man đã coi thường và tỏ ra tức giận. Có thể ông đã nghĩ bụng: ‘Tôi đã thực hiện chuyến hành trình công phu như thế, đã chuẩn bị bao nhiêu là quà cáp sang trọng như thế…. mà chẳng lẽ bệnh của tôi lại được chữa lành đơn giản bằng cách chỉ đi tắm trong một dòng sông!? Nước các sông ở Đa-mát lại chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao!?’ Như thế, ông Na-a-man đã coi thường những điều đơn sơ, nhỏ bé.

Cũng vậy, Tin Mừng theo thánh Luca cho thấy dân làng Na-da-rét đã tỏ ra khinh thường sau khi nghe Đức Giêsu đọc đoạn sách tiên tri Isaia trong ngày Sa-bát, tại hội đường, đặc biệt khi Đức Giêsu nói về sự giải phóng đem lại tự do cho con người - ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời quý vị vừa nghe’. Dân chúng bàn tán rằng: ‘Ông này là ai vậy? Ông ấy chẳng phải cũng là một người trong chúng ta sao? Chúng ta đã thấy ông ấy lớn lên từ tấm bé và đâu có học hành gì nhiều.’ Như thế, dân chúng bắt đầu coi thường và muốn loại trừ Đức Giêsu.

Về sau này, Đức Giêsu còn chịu sự khinh thường từ những người lãnh đạo trong dân chúng, từ những kinh sư, luật sĩ. Họ là những người tìm kiếm ơn cứu độ chỉ trong lề luật luân lý đúng sai: ‘Phải làm như thế này, phải làm như thế kia thì mới đúng….v.v’ Đó là lý do tại sao dân chúng không tin tưởng họ. Nhóm Sa-đốc cũng giống như thế. Họ tìm kiếm ơn cứu độ trong việc thỏa hiệp, nhân nhượng với những người nắm trong tay thế quyền: một số trong nhóm họ đã thỏa hiệp với những người đứng đầu giới tăng sĩ, số khác thì với những người nắm quyền lực chính trị. Họ đã đi tìm ơn cứu độ trong cách thức này. Dân chúng có một nhạy cảm bản năng nên đã không tin vào họ. Trái lại, dân chúng tin tưởng nơi Đức Giêsu vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.

Nhưng tại sao lại có sự khinh thường? Tại sao tiên tri lại không được coi trọng nơi quê hương mình? Đó chính là bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng ơn cứu độ phải đến từ những điều vĩ đại, hoành tráng. Chúng ta cho rằng đấng cứu độ phải là người nắm trong tay quyền lực, phải là người có sức mạnh, có tiền, có quyền… Nhưng kế hoạch của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Do đó, họ tỏ ra khinh thường vì họ không hiểu rằng ơn cứu độ chỉ đến từ những điều nhỏ bé, từ sự đơn sơ bắt nguồn nơi Thiên Chúa. Thật vậy, khi Đức Giêsu trình bày đường lối cứu độ, Ngài không bao giờ nói những điều cao siêu vĩ đại nhưng chỉ là những gì nhỏ bé, đơn sơ.

Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại bản Hiến Chương Nước Trời và chương 25 Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Anh chị em sẽ được cứu độ nếu thực thi Bản Hiến Chương ấy. Anh chị em không thể tìm thấy ơn cứ độ khi đặt hy vọng của mình nơi quyền lực, nơi những tổ chức, hệ thống. Anh chị em hãy thực thi những điều nho nhỏ mà Đức Giêsu đã mời gọi trong Bản Hiến Chương ấy. Tuy nhiên, thực tế là những điều nho nhỏ đó lại khiến cho người ta khinh thường, coi rẻ. Bởi vậy, kết thúc Tám Mối Phúc, Đức Giêsu đã nói những lời mạnh mẽ như sau: ‘Phúc cho những không ai vấp ngã vì tôi’. Điều ấy có nghĩa là phúc cho những ai đã không khinh thường, đã không coi rẻ những điều nhỏ bé, đơn sơ. Trong tâm tình đó, sẽ thật hữu ích nếu mỗi người chúng ta hãy dành chút thời gian – hôm nay và ngày mai – để đọc Tám Mối Phúc và Tin Mừng thánh Mát-thêu đồng thời để ý điều gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta để xem liệu có điều gì khiến chúng ta tỏ ra khinh thường không.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Chúng ta hãy nài xin Chúa ơn được hiểu rằng đường lối duy nhất dẫn đến ơn cứu độ là phải trải qua nghịch lý của thập giá, tức là sự tự hạ của Con Thiên Chúa sẵn sàng trở nên nhỏ bé. Bài đọc ngày hôm nay cho thấy điều bé nhỏ ấy được diễn tả qua việc đi tắm ở sông Gio-đan, tại một ngôi làng nhỏ bé của Na-da-rét.”
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03 – 09/03/2016: Giáo Hội trước những vu cáo che đậy lạm dụng tính dục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:57 09/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành thống hối

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu, 4-3, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Buổi cử hành diễn ra trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, với sự tham dự của 5 Hồng Y, và đông đảo các linh mục, tu sĩ và 6 ngàn giáo dân. Sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, và bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành ông Bartimeo, người mù bẩm sinh, là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha. Ngài nhắn nhủ các mục tử “hãy lắng nghe tiếng kêu, có lẽ âm thầm, của những người muốn gặp Chúa. Chúng ta phải xét lại những thái độ nhiều khi không giúp người khác tiến đến gần Chúa Giêsu; những thời khóa biểu và chương trình không đáp ứng những nhu cầu thực sự của những người có thể đến tòa giải tội; xét lại những luật lệ con người, xem chúng có giá trị hơn ước muốn tha thứ hay không; sự cứng nhắc của chúng ta có thể làm cho người xa cách sự dịu dàng của Thiên Chúa. Dĩ nghiên chúng ta không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng chúng ta không thể nhận nguy cơ làm cho ước muốn của tội nhân hòa giải với Chúa Cha trở nên hư vô, vì sự trở về nhà cha của người con là điều mà Chúa Cha chờ đợi hơn mọi sự (Xc Lc 15,20-32).”

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính Đức Thánh Cha cũng đi xưng tội với một linh mục, trước khi ngài giải tội trong hơn một tiếng rưỡi cho các hối nhân, trong đó có một số bạn trẻ thuộc giáo phận Roma.

Trong lúc ấy 60 vị linh mục, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với Đức Hồng Y Piacenza và các linh mục thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của Đức Thánh Cha.

Các nghi thức trên đây là phần đầu của sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, với chủ đề là “Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô 24 giờ trên toàn thế giới để sống Lòng Thương Xót của Chúa.”

Đây là lần thứ 3 sáng kiến này được cử hành, theo sự đề xướng của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, với mục đích đặt ở trung tâm tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận hồng ân bí tích hòa giải, một cơ hội được mở rộng cho tất cả mọi người. Năm nay, sáng kiến này có khẩu hiệu là “Hãy thương xót như Chúa Cha”.

Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” cũng được cử hành tại nhiều giáo phận trên thế giới. Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, nói rằng: “Lòng thương xót không thu hẹp trong bí tích hòa giải, nhưng có một chân trời bao quát hơn nhiều, đòi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót cho tha nhân”.

Từ lúc 9 giờ tối ngày 4-3, các tín hữu cũng có thể lãnh nhận bí tích hòa giải và chầu Mình Thánh Chúa tại 3 thánh đường ở Roma. Thứ bẩy 5-3, thánh đường Đức Bà Thánh Tâm được mở cửa liên tục với sự hiện diện của các linh mục để giải tội cho các tín hữu đến 4 giờ chiều. Sau cùng Đức TGM Fisichella sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc, tại Nhà Thờ Chúa Thánh Linh ở khu vực Sassia, cạnh trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Tên ở Roma, và cũng là Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa.

2. Báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh nhận định rằng phim Spotlight, mới được giải Oscar, không nhắm chống Công Giáo.

Phim Spotlight trình bày cuộc điều tra của báo Boston Globe về những xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong tổng giáo phận Boston Hoa kỳ, và sự che đậy của giáo quyền địa phương đối với những vụ này. Hôm 28 tháng 2, Phim được hai giải thưởng Oscar về hình ảnh đẹp nhất và về trình diễn đặc sắc nhất.

Trong một bài đăng trên báo Tòa Thánh, số ra ngày 29 tháng 2, bà Lucetta Scaraffia, giáo sư lịch sử hiện đại và cộng tác viên thường xuyên của báo Tòa Thánh nhắc đến sự kiện Ông Michael Sugar, người sản xuất phim “Đèn chiếu” khi nhận giải thưởng, đã bày tỏ hy vọng cuốn phim này sẽ vang dội tới Vatican; cuốn phim này đã gióng lên tiếng nói thay cho các nạn nhân và giải Oscar càng gia tăng tiếng nói đó. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nay đã đến lúc bảo vệ trẻ em và tái lập đức tin”.

Báo Quan sát viên Roma nhận định rằng thật là một dấu hiệu tích cực vì lời kêu gọi của ông Sugar, vì cho thấy vẫn còn có sự tín nhiệm nơi cơ chế của Giáo Hội, có một sự tín nhiệm nơi Đức Giáo Hoàng là vị đang tiếp tục công việc thanh tẩy đã được vị tiền nhiệm của ngài khởi sự.

Báo Tòa Thánh nhận xét rằng cuộc phim không nhắc đến cuộc chiến lâu dài và kiên trì của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bấy giờ là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong nỗ lực bài trừ những kẻ lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội. Nhưng cuốn phim không thể nói mọi sự và những khó khăn mà Đức Hồng Y Ratzinger gặp phải xác nhận tiền đề của cuốn pháp, nghĩa là quá nhiều khi các tổ chức của Giáo Hội không biết cách đối phó một cách quyết liệt chống lại tội ác lạm dụng.

3. Đức Thánh Cha kêu gọi đặt Bí Tích Hòa Giải ở trọng tâm

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội đừng cản trở hồng ân thương xót của Thiên Chúa và hãy trở thành máng chuyển niềm vui tha thứ của Chúa cho các hối nhân.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 4-3 dành cho 500 linh mục trẻ và chủng sinh sắp thụ phong linh mục tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức từ ngày 29-2 đến 4-3. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đức Hồng Y Chánh Tòa và các chức sắc của Tòa Ân Giải tối cao những như các cha giải tội tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta đến tòa giải tội để tiếp đón các anh chị em, trong tư cách là cha giải tội, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ; vì thế chúng ta phải chú ý đừng đặt chướng ngại cho hồng ân cứu độ của Chúa. Chính cha giải tội cũng là một người có tội, một người luôn cần ơn tha thứ: Cha giải tội là người đầu tiên không thể không cần lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chọn và thiết định cha giải tội (Xc Ga 15,16) cho công tác cao cả này. Vì thế, cha giải tội phải luôn có thái độ khiêm tốn và quảng đại, với ước muốn duy nhất là làm sao để mỗi tín hữu có thể cảm nghiệm tình thương của Chúa Cha”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Trên trời vui mừng vì một tội nhân hoán cải hơn là 99 người công chính không cần hoán cải” (Lc 15,7) và ngài nói: “vì thế, điều quan trọng là cha giải tội cũng phải là “máng chuyển niềm vui mừng” và tín hữu, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, không cảm thấy bị tội lỗi đè nén nữa, nhưng có thể nếm hưởng công trình của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ, tín hữu ấy sống trong tâm tình tạ ơn, sẵn sàng đền bù sự ác đã phạm, và đi gặp gỡ anh chị em với tâm hồn tốt lành và sẵn sàng”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc nhở các cha giải tội rằng: “Thời đại ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cá nhân, bị bao nhiêu vết thương và bị cám dỗ co cụm vào mình, vì thế thực là một hồng ân khi thấy và tháp tùng những người đến gần lòng thương xót của Chúa. Đối với tất cả chúng ta, điều này cũng đòi chúng ta phải có một cuộc sống phù hợp hơn với Tin Mừng và có lòng từ nhân như người cha; chúng ta là những người gìn giữ, chứ không bao giờ là chủ nhân của đoàn chiên cũng như của ân thánh. Chúng ta hãy đặt ở trung tâm bí tích hòa giải không những trong Năm Thánh này mà thôi; bí tích này thực sự là một không gian của Chúa Thánh Linh trong đó, tất cả mọi người, các cha giải tội cũng như hối nhân, có thể cảm nghiệm tình yêu thương duy nhất, chung kết và trung tín, là tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người trong các con cái của Ngài, một tình yêu không bao giờ để cho chúng ta thấy vọng”

4. Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-3, dành cho 120 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 22 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của các nhân đức trong đời sống con người.

Khóa họp này kéo dài 3 ngày và có chủ đề: “Các nhân đức trong luân lý đạo đức của đời sống”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “điều thiện mà con người thực hiện không phải chỉ là kết quả của những tính toán hoặc chiến lược, và cũng chẳng phải là sản phẩm của những hệ di truyền hoặc những điều kiện xã hội, nhưng là hoa trái của một con tim luôn sẵn sàng, của sự chọn lựa tự do hướng đến điều thiện chân thực. Khoa học và kỹ thuật không đủ, vì để làm điều thiện, còn cần phải có sự khôn ngoan của tâm hồn nữa”.

Từ tiền đề trên đây, Đức Thánh Cha xác quyết rằng: “nhân đức không phải chỉ là một tập quán nhưng là một thái độ liên tục được đổi mới trong việc chọn lựa điều thiện. Nhân đức không phải là một cảm xúc, cũng không phải là một sự khéo léo ta đạt được nhờ một khóa học canh tân, để dần dần trở thành một cơ chế sinh hóa (meccanismo biochimico), nhưng là một biểu hiện cao cả nhất của tự do con người. Nhân đức là điều tốt đẹp nhất mà trái tim con người có thể trao tặng. Khi con tim xa lìa sự thiện và chân lý chứa đựng trong Lời Chúa, thì sẽ gặp bao nhiêu nguy hiểm, thiếu định hướng và có nguy cơ gọi điều ác là điều thiện, và gọi thiện là ác; lúc ấy các nhân đức sẽ mất đi, và tội lỗi dễ dàng thay thế, rồi đến tật xấu. Ai đi xuống dốc nguy hiểm ấy, thì sẽ rơi vào sai lầm luân lý và ngày càng bị lo âu của cuộc sống đè nén”.

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha tố giác hiện tượng: “Ngày nay không thiếu những kiến thức khoa học và những dụng cụ kỹ thuật có thể nâng đỡ đời sống con người trong những hoàn cảnh cuộc sống ấy bị suy yếu, nhưng nhiều khi cũng thiếu tình người, thiếu nhân tính. Hành động tốt không phải chỉ là sự áp dụng đúng đắn kiến thức luân lý đạo đức, nhưng nó còn đòi phải có một sự quan tâm thực sự đối với người mong manh yếu đuối. Các bác sĩ và mọi nhân viên y tế không bao giờ được lơ là trong việc liên kết khoa học, kỹ thuật và tình người với nhau”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha phê bình sự kiện này: con người thường là nạn nhân của tình trạng thiếu chắc chắn về luân lý, khiến họ không bảo vệ sự sống một cách hiệu quả. Và nhiều khi dưới danh nghĩa nhân đức, người ta che đậy những tật xấu tỏ tường. Vì thế, không những cần để cho các nhân đức thực sự hình thành tư tưởng và hành động của con người, nhưng còn cần phải vun trồng các nhân đức qua sự liên tục phân định và các nhân đức ấy phải ăn rễ trong Thiên Chúa là nguồn mạch mọi nhân đức”.

5. Cha Raniero Cantalamessa trình bày trước giáo triều Rôma những suy tư về việc công bố Lời Chúa

Trong bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ Ba dành cho giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên trong Giáo triều đã tiếp tục suy tư trên Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”, Lời của Thiên Chúa. Đây là một trong những tài liệu quan trọng của Công đồng Vatican II.

Hôm thứ Sáu 4 tháng Ba, Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, đã tập trung vào việc “công bố Lời Chúa” là chủ đề tiếp theo sau ba chủ đề trước đó là “Đón nhận Lời Chúa, suy tư Lời Chúa và đặt Lời Chúa vào thực tế cuộc sống”

Khi rao giảng Tin Mừng, “hành động hùng hồn hơn lời nói,” Cha Cantalamessa nhận xét rằng ngay cả “những người dành phần lớn thời gian của họ ngồi đằng sau bàn giấy vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng.”

Phát biểu về các thành viên trong Giáo triều, Cha Raniero Cantalamessa nói: “Nếu một người nào đó quan niệm công việc của mình như là một sự phục vụ cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội, nếu anh ta canh tân ý nguyện này thường xuyên và không cho phép mối quan tâm về sự nghiệp của mình chiếm ưu tiên trong trái tim mình, thì người nhân viên khiêm tốn của một Bộ nào đó vẫn có thể đóng góp cho công cuộc truyền giáo hiệu quả hơn là một nhà giảng thuyết chuyên nghiệp, đang tìm cách làm hài lòng người ta hơn là Thiên Chúa”.

Để trở thành một nhà truyền giáo, người ta phải “bước ra ngoài”. Và cánh cửa đầu tiên chúng ta phải thoát ra là “cánh cửa của cái tôi của mình,” bỏ lại sau lưng những “ganh tị, ghen tuông, những lo âu bối rối, cay đắng, thù hận và hằn học.” Để trở thành nhà truyền giáo hiệu quả có thể ảnh hưởng người khác một cách tích cực, chúng ta không chỉ nghiên cứu và rao giảng lời Chúa, chúng ta phải cầu nguyện với Lời Chúa và đồng hóa mình trong đó vì “chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim.”

Tình yêu và lòng từ bi cũng là dấu hiệu của những người rao giảng sự thật, cha Cantalamessa nhấn mạnh. “Trên tất cả là tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Chính tình yêu dành cho Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta. “Việc chăn dắt và giảng dạy phải xuất phát từ tình yêu chân thật đối với Chúa Kitô vì chỉ có người đang ở trong tình yêu với Chúa Giêsu mới có thể công bố Ngài cho thế giới với một niềm tin sâu sắc.”

6. Các đề tài Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều Rôma.

Cũng như những năm trước, trong những ngày này Ðức Thánh Cha và các thành viên của Giáo triều Rôma đang có cuộc tĩnh tâm Mùa Chay tại “Nhà Thầy Chí thánh” (Casa Divin Maestro) ở Ariccia từ 06 đến 11 tháng Ba. Trong thời gian này, Đức Thánh Cha sẽ tạm ngưng các buổi tiếp kiến, kể cả buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư.

Vị giảng thuyết cho tuần tĩnh tâm năm nay là cha Ermes Ronchi thuộc Dòng Tôi tớ Ðức Mẹ, với các bài suy niệm lấy đề tài từ mười câu hỏi trong Phúc Âm.

Tuần tĩnh tâm đã bắt đầu lúc 18g Chúa Nhật 06 tháng 03 với giờ Chầu Thánh Thể và Kinh chiều. Những ngày tiếp theo khởi sự lúc 7g30 sáng với Kinh sáng, rồi đến bài suy niệm thứ nhất lúc 9g30, sau đó là Thánh Lễ đồng tế. Bài suy niệm thứ hai vào lúc 16g00, sau đó là Chầu Thánh Thể và Kinh chiều. Ngày 11 tháng Ba năm 2016 chỉ có một bài suy niệm.

Mười câu hỏi cũng là mười đề tài suy niệm là:

1/ Các anh tìm gì thế? (Ga 1,38)

2/ Tại sao các con sợ? Các con vẫn chưa có đức tin sao? (Mc 4,40)

3/ Các con là muối đất. Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp cho nó mặn lại được? (Mt 5,13)

4/ Còn các con, các con bảo Thầy là ai? (Lc 9,20)

5/ Rồi quay sang người phụ nữ, Ðức Giêsu bảo ông Simon: “Con thấy người phụ nữ này chứ?” (Lc 7,44)

6/ Các con có mấy chiếc bánh? (Mc 6,38; Mt 15,34)

7/ Chúa Giêsu ngẩng lên và hỏi người phụ nữ: “Họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8,10)

8/ Này bà, sao bà lại khóc? Bà tìm ai?

9/ Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? (Ga 21,16)

10/ Maria nói với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1,34).

7. Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, phê bình phản ứng của một số người về cuốn phim Spotlight, “có trí nhớ cụt lủn” và họ đòi Giáo Hội Công Giáo “phải bắt đầu phải có biện pháp chống nạn lạm dụng trẻ em, nhất là từ phía giáo sĩ”.

Trong thông cáo dài công bố ngày 4-3, Cha Lombardi nói: “Những điều trần của Đức Hồng Y Pell trước Ủy ban hoàng gia điều tra được nối trực tiếp giữa Australia và Roma, và việc trao tặng đồng thời giải Oscar cho cuốn phim hay nhất “Spotlight” về vai trò của báo Boston Globe trong việc tố cáo việc che đậy những tội ác của nhiều linh mục ấu dâm ở Boston (nhất là trong những năm từ 1960-1980), đã lôi kéo theo một làn sóng mới những quan tâm của các cơ quan truyền thông và dư luận quần chúng về vấn đề thê thảm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niêm, đặc biệt từ phía thành viên hàng giáo sĩ.

Sự trình bày “giật gân” về hai biến cố đó đã làm cho phần lớn dân chúng - nhất là những người không am tường hoặc có trí nhớ cụt lủn - nghĩ rằng trong Giáo Hội người ta không làm gì cả hoặc làm rất ít để đáp lại những thảm trạng kinh khủng ấy và cần phải bắt đầu lại từ đầu. Một sự cứu xét khách quan chứng tỏ không phải như vậy. Vị TGM trước đây của giáo phận Boston đã từ nhiệm năm 2002 sau những vụ mà phim Spotlight đã nói tới (và sau cuộc họp nổi tiếng của các Hồng Y Hoa kỳ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 triệu tập tại Roma hồi tháng 4-2002) và từ năm 2003 (tức là từ 13 năm nay), Tổng giáo phận Boston do Đức Hồng Y Sean O'Malley cai quản, ngài được mọi người biết đến vì sự nghiêm ngặt và khôn ngoan trong việc đương đầu với những vấn đề lạm dụng tính dục, đến độ đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào số các cố vấn của ngài và làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh do Đức Giáo Hoàng thành lập để bảo vệ các trẻ vị thành niên.

Cả những biến cố bi thảm lạm dụng tính dục ở Australlia cũng là đối tượng các vụ điều tra và thủ tục pháp lý và giáo luật từ nhiều năm nay. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 ở Sydney nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2008 (tức là đã 8 năm rồi), ngài gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân ngay tại tòa TGM giáo phận do Đức Hồng Y Pell cai quản, xét vì vụ này bấy giờ có tính chất thời sự rộng rãi và Đức TGM thấy rằng một cuộc gặp gỡ như vậy rất thích hợp. Để cho thấy những vấn đề này được quan tâm theo dõi, chỉ cần nhắc đến sự kiện nguyên phần dành cho vấn đề “Lạm dụng trẻ vị thành niên. Câu trả lời của Giáo Hội” trên mạng internet của Vatican, đã được khởi sự cách đây 10 năm, và chứa đựng 60 văn kiện hoặc những biện pháp can thiệp của Giáo Hội.

Sự dấn thân can đảm của các vị Giáo Hoàng để đương đầu với các cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó tại nhiều nước và những hoàn cảnh khác - như Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan, Đức, Bỉ, Hòa Lan, dòng Đạo binh Chúa Kitô - không phải là nhỏ và cũng không phải là dửng dưng. Các thủ tục xét xử và các khoản giáo luật phổ quát đã được canh tân; những đường hướng chỉ đạo được yêu cầu và được soạn thảo từ phía các HĐGM, không những để xử lý những vụ lạm dụng đã xảy ra, nhưng con để phòng ngừa chúng một cách thích hợp; các cuộc thanh tra tông tòa để can thiệp trong những tình cảng trầm trọng nhất; sự cải tổ sâu rộng dòng Đạo binh Chúa Kitô, đó là những hành động nhắm đáp lại một cách sâu rộng và với sự sáng suốt đối với một tai ương được biểu lộ một cách trầm trọng lạ thường và tai hại, nhất là trong một số miền và trong một số thời kỳ. Lá thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 gửi các tín hữu Ái Nhĩ Lan hồi tháng 3 năm 2010 có lẽ vẫn còn là văn kiện tham chiếu hùng hồn nhất, vượt ra ngoài nước Ái Nhĩ Lan, để hiểu thái độ và câu trả lời pháp lý, mục vụ và tinh thần của các vị Giáo Hoàng cho những thảm trạng ấy của Giáo Hội thời nay: nhìn nhận những sai lầm đã phạm và thực thi công lý cho các nạn nhân, hoán cải và thanh tẩy, dấn thân phòng ngưà và canh tân việc huấn luyện về mặt nhân bản và tinh thần.

Những cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức và Phanxicô với những nhóm nạn nhân đã tháp tùng con đường dài với gương về sự lắng nghe, xin lỗi, an ủi và với sự đích thân can dự của các vị Giáo Hoàng.

Tại nhiều quốc gia, các kết quả sự dấn thân đổi mới thật là khả quan, những vụ lạm dụng trở nên rất họa hiếm và vì thế, phần lớn những vụ mà ngày nay người ta còn xử lý và tiếp tục được đưa ra ánh sáng thuộc về một quá khứ tương đối xa vài chục năm. Tại các nước khác, thường vì lý do tình cảnh văn hóa rất khác và vẫn còn có tính chất im lặng, còn nhiều điều phải làm và không thiếu những kháng cự và khó khăn, nhưng con đường phải theo đã trở nên rõ ràng hơn.

Việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên được Đức Giáo Hoàng Phanxicô loan báo hồi tháng 12-2013, gồm các thành viên đến từ mọi lục địa, cho thấy sự trưởng thành trong hành trình của Giáo Hội Công Giáo. Sau khi ấn định và phát triển trong nội bộ một câu trả lời quyết liệt đối với những vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên (từ phía các linh mục hoặc các nhân viên khác của Giáo Hội), người ta nhất loạt đặt vấn đề không những làm sao đáp ứng một cách thích hợp vấn đề mọi mỗi nơi trong Giáo Hội, nhưng còn phải làm sao giúp xã hội rộng lớn hơn trong đó Giáo Hội đang sống, đối phó với các vấn đề lạm dụng và vi phạm các trẻ vị thành niên, xét vì - như tất cả đều phải biết, tuy rằng nhiều khi người ta dè dặt không muốn nhìn nhận - ở mọi nơi trên thế giới phần lớn những vụ lạm dụng không xảy ra trong các lãnh vực Giáo Hội, nhưng ở bên ngoài các lãnh vực này (ở Á châu người ta có thể nói về hàng chục hàng chục triệu trẻ vị thành niên bị lạm dụng, chắc chắn là không phải trong lãnh vực Công Giáo...).

Tóm lại, Giáo Hội bị thương tổn và tủi nhục vì tai ương lạm dụng, muốn phản ứng không những để thanh tẩy chính mình, nhưng cũng để dành kinh nghiệm cam go của mình trong lãnh vực này, để làm cho việc phục vụ giáo dục và mục vụ dành cho toàn thể xã hội được phong phú hơn, xã hội nói chung còn một con đường dài phải đi để ý thức sự trầm trọng của các vấn đề và để đương đầu với chúng”.

Trong viễn tượng ấy, những biến cố ở Roma trong những ngày qua, rốt cuộc có thể được đọc trong một viễn tượng tích cực. Người ta phải ghi nhận Đức Hồng Y Pell đã trình bày chứng từ bản thân một cách xứng đáng và phù hợp (khoảng 20 tiếng đồng hồ đối thoại với Ủy ban hoàng gia!) từ đó một lần nữa có một khung cảnh khách quan và sáng suốt hơn về những sai lầm đã xảy ra trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội (trong trường hợp này là Australia) trong những thập niên quá khứ. Và đây là một sự thủ đắc không phải là vô ích trong viễn tượng “cùng thanh tẩy ký ức”.

Người ta cũng phải nhìn nhận nhiều thành viên của nhóm các nạn nhân đến từ Australia để chứng tỏ sự sẵn sàng thiết lập một cuộc đối thoại xây dựng với chính Đức Hồng Y và với đại diện của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên - cha Hans Zollner SJ, thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, - với cha, các nạn nhân ấy đã đào sâu những viễn tượng dấn thân hữu hiệu để phòng ngừa những lạm dụng.

Vì thế, nếu những lời kêu gọi tiếp theo sau phim Spotlight và sự động viên của các nạn nhân và của các tổ chức nhân dịp các cuộc điều trần của Đức Hồng Y Pell sẽ góp phần hỗ trợ và tăng cường hành trình dài chống lại những lạm dụng trên trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trên thế giới ngày nay (nơi mà chiều kích các thảm trạng này thật là vô biên), thì cũng cần được chào đón.

8. Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Sáng ngày 29-2, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và cám ơn Đại đội hiến binh Roma San Pietro của Italia và ngài khích lệ họ sống tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đại Tướng Chỉ huy trưởng Hiến binh Italia và 150 quân nhân thuộc binh chủng này. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn họ vì những hoạt động bảo vệ an ninh quanh khu vực Vatican, giúp các tín hữu hành hương và du khách tôn trọng luật pháp điều hành sự sống chung thanh thản và hòa hợp.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Năm Thánh Lòng thương xót đang mở ra trước mọi người cơ hội được đổi mới, đi từ sự thanh tẩy nội tâm, và phản ánh qua cách cư xử và qua các hoạt động hằng ngày. Chiều kích tinh thần này thúc đẩy mỗi người chúng ta tự hỏi về sự dấn thân thực sự của mình để đáp ứng những đòi hỏi trung thành với Tin Mừng mà Chúa mời gọi chúng ta đi từ bậc sống của mình. Năm Thánh trở thành cơ hội thuận tiện để kiểm chứng đời sống cá nhân và cộng đoàn. Và mô thức để kiểm chứng chính là những công việc từ bi bác ái về thể xác cũng như về tinh thần”.

Đức Thánh Cha mời gọi các hiến binh Italia hãy để cho giáo huấn của Chúa hướng dẫn mình trong trách vụ bảo vệ trật tự công cộng, thăng tiến tình liên đới trong mọi hoàn cảnh, nhất là đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ; bênh vực quyền sống qua sự dấn thân bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn của con người. Trong khi thi hành sứ vụ này, anh chị em hãy luôn ý thức rằng mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương, họ là thụ tạo của Chúa và đáng được tiếp đón và tôn trọng”

9. Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác đã bị quân khủng bố sát hại tại một nhà dưỡng lão và săn sóc người tàn tật tại thành phố Aden, Yemen. Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn và lên án bạo lực “ma quái” này.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 4-3 cho biết: nữ tu bề trên cộng đoàn đã sống sót nhờ ẩn nấp. Cha Tom Uzhunnalil, dòng Don Bosco Ấn độ, thì bị mất tích sau cuộc tấn công của nhóm khủng bố. Cha sống trong nhà dưỡng lão do các nữ tu phụ trách từ sau khi nhà xứ Thánh Gia của cha ở Aden bị cướp phá và thiêu hủy hồi tháng 9 năm ngoái.

Yemen ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị từ năm 2011 và thường được coi là bị nội chiến giữa các cộng đoàn Hồi giáo Shiite và Sunnit tranh giành quyền bính. Giữa những căng thẳng ấy, các nhóm khủng bố cũng lộng hành tại nước này, trong đó có những nhóm liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng khủng bố al-Qaida.

Mặc dù hầu hết các tín hữu Kitô đã di tản khỏi Yemen, nhưng một số linh mục dòng Don Bosco và 20 nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta vẫn quyết định ở lại và tiếp tục sứ vụ tại đây.

Đức Cha Paul Hinder, dòng Capuchino Thụy Sĩ, Đại diện Tông Tòa địa phận tông tòa Nam Arabia, trong đó có Yemen, cho biết lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 4-3 vừa qua, có những người mặc quân phục đột nhập khu nhà của các nữ tu nơi các nữ tu phục vụ ở Aden, giết chết những canh gác và mọi nhân viên tìm cách ngăn cản họ, rồi chúng đến gặp các nữ tu và nổ súng sát hại”.

Trong số 4 nữ tu bị giết có hai chị người Ruanda, một chị Ấn độ và một chị người Kenya. Cha Uzhunnalil dường như bị bắt cóc. Đức Cha Hinder nói: “Dấu hiệu thật là rõ ràng. Vụ này có liên hệ tới tôn giáo” (CNS 4-3)

Trong sứ điệp công bố hôm 5-3, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha kinh hoàng và rất đau buồn khi hay tin vụ giết hại 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác trong nhà dưỡng lão. Ngài cầu nguyện cho những người bị sát hại và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với thân nhân họ cũng như với tất cả những người bị thương tổn vì hành vi vô nghĩa lý và bạo lực ma quái này. Đức Thánh Cha cầu nguyện để vụ sát hại vô ích này thức tỉnh lương tâm con người, đưa tới sự thay đổi tâm hồn và soi sáng cho mọi phe hãy từ bỏ khí giới và đi vào con đường đối thoại.

Nhân danh Thiên Chúa, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi phe trong cuộc xung đột hãy từ bỏ bạo lực và tái quyết tâm phục vụ nhân dân Yemen, nhất là những người cùng khổ nhất, mà các nữ tu và những người trợ tá của các chị tìm cách phục vụ.

Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa chúc lành và đặc biệt ngài bày tỏ sự cảm thông trong kinh nguyện và tình liên đới với các nữ tu thừa sai bác ái.

10. Đức Thánh Cha thay đổi thông lệ ngoại giao khi tiếp các nguyên thủ quốc gia ly dị và tái hôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi thông lệ ngoại giao của Vatican khi tiếp các nguyên thủ quốc gia đã ly dị và tái hôn.

Trong quá khứ, trong cuộc tiếp kiến giữa Đức Thánh Cha và một nguyên thủ quốc gia là người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha sẽ chỉ tiếp kiến chính thức người đứng đầu nhà nước; sau đó ngài sẽ tiếp kiến riêng người phối ngẫu của vị này. Cử chỉ này hàm ý không công nhận cuộc hôn nhân giữa hai người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã loại bỏ thông lệ ngoại giao này và tiếp cả hai.

Thông lệ ngoại giao mới đã có hiệu lực vào tuần trước, khi Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Á Căn Đình Mauricio Macri. Bà Juliana Awada, người vợ cùng đi với ông tổng thống là người vợ thứ ba của ông.

11. Đức Thánh Cha chuẩn y các án tuyên Thánh và tuyên Chân Phước

Trong buổi tiếp kiến hôm 03 Tháng Ba dành cho Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn việc công bố các nghị định tuyên thánh cho hai vị và tuyên phong Chân Phước cho 8 vị khác.

Các phép lạ nhờ lời cầu bàu của Chân Phước Manuel González García sinh năm 1877 và qua đời năm 1940; và Chân Phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi sinh năm 1880 và qua đời năm 1906 đã được công nhận. Việc công nhận chính thức này mở đường cho việc tuyên thánh cho hai vị.

Đức Cha Manuel González García nguyên là giám mục Palencia, Tây Ban Nha, và là đấng sáng lập Dòng Thừa Sai Thánh Thể Nazareth.

Chân Phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi là một nữ tu dòng Camêlô Nhặt Phép người Pháp và là một nhà văn về tâm linh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt sắc lệnh công nhận các phép lạ do lời cầu bầu của hai vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa là cha Marie-Eugene, người Pháp, và sơ María Antonia, người Á Căn Đình; do đó mở đường cho việc tuyên Chân Phước cho hai vị.

Ngoài ra có 8 vị được tuyên là những bậc Đáng Kính.

12. Một Giám Mục Ý kêu gọi mafia hoán cải

Tiếp theo những leo thang bạo lực liên quan đến các nhóm mafia tại địa phương, một vị giám mục Ý đã đưa ra một thư mục vụ kêu gọi hoán cải.

Thúc giục các tín hữu không được để cho mình trở thành “thờ ơ, gần như bị tê liệt hay đầu hàng trước những sự ác được nhiều người xem là không thể tránh khỏi”, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Fiorini Morosini của tổng giáo phận Reggio Calabria-Bova đã viết, “Chẳng lẽ không thể chặn đứng vòng xoáy của sự man rợ, đang dường như không thể ngăn cản được trong xã hội chúng ta?”

Bày tỏ sự thất vọng vì “khoảng cách quá xa giữa đức tin và cuộc sống” của nhiều người, Đức Tổng Giám Mục nói, “Tôi nói với một thái độ quyết liệt phụ tử rằng chúng ta không thể ngủ yên trong hòa bình, tập chú vào những nghi lễ tôn giáo của chúng ta mà thôi.”

Ngài nói thêm, “Chúng ta đang cử hành Năm Thánh của lòng thương xót: nhưng chúng ta có thể nhận được sự thương xót nào từ Thiên Chúa nếu chúng ta không có một tiến trình hoán cải khỏi điều ác”

13. Từ năm 2000 đến nay ít nhất 1.3 triệu Kitô hữu Nigeria phải bỏ nhà cửa tháo chạy

Open Door, một tổ chức đại diện cho các Kitô hữu bị bách hại, đã công bố một bản báo cáo dày 47 trang về bạo lực chống Kitô hữu ở miền bắc Nigeria.

Báo cáo nhận xét rằng:

“Không chỉ có các thứ quân khủng bố Hồi giáo quá khích, trong đó Boko Haram là một ví dụ đáng chú ý nhất, nhưng những thứ Hồi giáo khác như nhóm Hausa-Fulani và các tầng lớp chính trị và tôn giáo theo đạo Hồi ở miền Bắc Nigeria cũng là các diễn viên chính trong những màn bạo lực nhắm vào các nhóm thiểu số Kitô giáo”

“Hơn nữa, cộng đồng Kitô hữu trong các bang đang áp dụng luật Sharia, đặc biệt ở nhiều vùng thuộc miền bắc Nigeria cũng đang phải đối mặt với những thách đố cam go trong một môi trường mà họ phải chịu nhiều thiệt thòi và bị phân biệt đối xử.”

Báo cáo cho thấy một con số “tối thiểu từ 9,000 đến 11,500 Kitô hữu đã bị giết chết”. Bên cạnh đó, ít nhất 1,3 triệu người Kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa tháo chạy kể từ năm 2000. 13,000 nhà thờ “đã bị đóng cửa hoặc phá hủy hoàn toàn.”

14. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Đông Timor

Hôm thứ Năm 3 tháng 20, Đức Thánh Cha đã tiếp Thủ tướng Đông Timor, là ông Rui Maria de Araújo

Một thông cáo báo chí từ văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các cuộc thảo luận đã diễn ra thân mật, và cho biết “các mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Timor-Leste đã được đề cập đến, cũng như những đóng góp lịch sử của Giáo Hội trong việc xây dựng đất nước và hợp tác với các nhà chức trách trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, chẳng hạn như giáo dục, y tế và cuộc chiến chống đói nghèo.”

Thủ tướng Đông Timor sau đó đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và thứ trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước, là Đức Ông. Antoine Camilleri.

Các vị đã hài lòng nhắc lại thỏa thuận gồm 26 điều khoản giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste, ký ở Dili vào ngày 14 tháng 8 năm 2015.