Ngày 09-03-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Theo Ađam hay theo Chúa Giê-su?
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:03 09/03/2011
Chúa Nhật I Mùa Chay (Matthêu (4, 1-11)

Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra cho nó?

Trong trường hợp nầy, một thảm họa lớn nhất trong vũ trụ sẽ xảy ra. Những trận hoả hoạn toàn cầu khủng khiếp chưa từng thấy sẽ bùng lên thiêu rụi hết mọi thứ, nếu trái đất xích lại gần mặt trời hơn cự ly hiện nay; hoặc băng giá sẽ bao trùm trái đất khiến sự sống của mọi sinh vật sẽ bị đóng băng, nếu trái đất trệch ra xa mặt trời hơn khoảng cách hiện tại.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển không tuân theo quy luật là nước phải tụ về chỗ trũng thấp? Lúc đó, Biển Đông thỉnh thoảng tràn lên đến tận dãy Trường Sơn và toàn bộ phố xá ruộng vườn đều bị cào xới bình địa, mọi cư dân đang sống trên đường đi của nó trở thành lương thực cho các loài tôm cá.

Điều gì sẽ xảy ra nếu quy luật giao thông không được người tham gia giao thông tuân giữ? Lúc đó, xe cộ sẽ trở thành vũ khí huỷ diệt hàng loạt trên toàn cầu và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn hết thảy mọi cuộc chiến tranh khắp thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ngữ pháp không được người ta tôn trọng lúc giao tiếp? Khi đó, chỉ có người nói mới hiểu mình nói gì và người chung quanh không thể hiểu được điều ta nói.

Điều gì sẽ xảy ra nếu loài người không đi theo con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho mình? Lịch sử Hội Thánh cho thấy nguyên tổ loài người đã đi trật đường Chúa và phải lãnh lấy hậu quả là đau khổ và chết chóc.

Nói tóm lại, mọi sự đều phải vận hành theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài thì sự sống mới được duy trì và khi quy luật không được tôn trọng thì thảm hoạ sẽ xảy ra cho vũ trụ, cho thế giới, cho mọi loài.

Bài trích sách Sáng Thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định lại chân lý nầy. Khi hai ông bà nguyên tổ đi trệch đường lối Thiên Chúa (được minh hoạ bằng việc Chúa truyền đừng ăn trái cấm mà hai ông bà bất tuân) thì hậu quả đau thương đã đến với hai ông bà và lan truyền đến toàn thể nhân loại.

Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người (là Ađam) đã không tuân giữ quy luật của Thiên Chúa mà muôn người trở thành tội nhân (Rôma 5, 19) và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).

Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân, của việc đi lệch ra ngoài quỹ đạo!

***

Vì loài người đi trật ra ngoài quỹ đạo của Thiên Chúa, không đi theo đường lối Chúa, nên đau khổ và sự chết là hậu quả tất nhiên đã đến với mọi người.

Để cứu vớt loài người, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.

Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa với hy vọng một khi ‘Đầu Tàu’ đi trật đường rầy thì toàn thể đoàn tàu cũng sa xuống vực sâu. Ba lần cám dỗ trong hoang địa mà Tin Mừng hôm nay thuật lại là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ (Do-thái 4, 15) mà Ađam mới là Chúa Giê-su phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.

Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kiên quyết đi theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chấp nhận thập giá và cái chết vô cùng đau thương (Phi-líp 2, 8). Nhờ thế, Người đã nắn lại những sai trật do Ađam gây ra và đã lôi kéo được nhân loại về với Thiên Chúa.

Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa.

Bước theo vết chân của Ađam cũ, tức là nghe theo lời mời mọc của Sa-tan, không theo đường lối Chúa, để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc hay là kiên quyết chống lại cám dỗ để vững bước đi theo con đường của Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã làm, là chọn lựa mà mỗi người chúng ta phải lặp lại mỗi ngày. Bao lâu còn mang thân phận con người, bấy lâu chúng ta còn phải chịu thử thách và chiến đấu.

Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt mọi người. Xin Chúa thương giúp chúng ta đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt chọn bước vào cửa sinh, theo gót Chúa Giê-su là Đấng đã vinh thắng khải hoàn.
 
Phận bụi tro
Trầm Thiên Thu
09:05 09/03/2011
Hãy nhớ mình là bụi tro
Sự thật không thể từ chối
Một mai sẽ về cát bụi
Minh nhiên tay trắng ra đi!

Có khi quên là bụi tro
Tưởng mình oai phong, dũng mãnh
Liếc đời bằng mắt kiêu hãnh
Coi tha nhân chẳng ra gì!

Thế rồi bao lần ngã sa
Đơn độc, ê chề thất vọng
Lệ nhòa, tim đau, tỉnh mộng
Hóa ra mình là bụi tro!

Xin tha thứ, lạy Giêsu!
Đấng đã vì con mà chết
Máu và nước chảy ra hết
Vì tim Chúa “lỡ” yêu con

Trở về, gục đầu ăn năn
Xa cảnh hoang đàng chi địa
Còn đây vết-sẹo-sa-ngã
Chúa ơi! Con biết tội rồi!

Thứ Tư Lễ Tro – 9/3/2011
 
Dịp tội
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:15 09/03/2011
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'" (Mt. 4,10).

Tại nước Hoa Kỳ, mỗi năm các chủ xe phải đem xe của mình đi kiểm tra (inspection) một lần. Khi xe còn mới và chạy tốt thì vượt qua (pass) kiểm tra dễ dàng. Nhân viên kiểm tra sẽ dán cho một thẻ chứng nhận đã pass ở kính phía trước cửa kính. Khi chiếc xe cũ kỹ, trục trặc không thể pass thì cần phải sửa chữa và thay đổi phụ tùng cho thích hợp. Nhân viên kiểm tra có máy rà xét rất kỹ về các bố thắng của 4 bánh xe, các bộ phận dầu nhớt và ống bô thoát khói. Vì để bảo đảm sự an toàn cho xe chạy và để khỏi làm ô nhiễm môi trường đường phố.

Giáo Hội bắt đầu bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa chay là mùa tập luyện và thanh luyện tâm hồn. Mùa chay mang mầu tím. Mầu tím là mầu của sự ăn năn sám hối. Khởi đầu ra rao giảng thánh Gioan tiền hô đã mời gọi mọi người hãy sám hối: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt. 3,2). Chính Chúa Giêsu cũng lên tiếng kêu gọi: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt. 4,17). Sám hối và thanh luyện là để giúp tâm hồn trở nên tinh tuyền hơn. Tâm hồn thanh sạch thì đến với Chúa dễ hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn. Mến Chúa nhiều hơn thì dễ đến với anh em hơn và sống hài hòa hơn.

Chúa Giêsu xưa đã vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện 40 đêm ngày. Chúa chịu cám dỗ đúng vào lúc những nhu cầu cần thiết của thân xác con người đòi hỏi. Phúc âm kể lại ba cơ hội ma quỷ đã bày ra để cám dỗ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ qua sự cầu nguyện, cậy trông và sống lời Chúa. Chúa Giêsu dùng chính lời Chúa để thắng các mưu chước của ma qủy. Cám dỗ thứ nhất là về của cải vật chất, của ăn của uống và nhu cầu đời sống. Cám dỗ thứ hai là về sự kiêu ngạo, tự mãn và thách thức quyền phép của Thiên Chúa. Và sau cùng, cám dỗ về đức tin, thờ lạy bụt thần và chạy theo những đam mê trần tục thế gian. Ma qủy cũng đã dùng ba loại cám dỗ này để lặp đi lặp lại đánh bẫy con người.

Ngày xưa tổ tiên loài người cũng bị ma qủy cám dỗ cùng một thể thức: Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."(Stk.3,5). Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt, lòng thèm khát nổi dậy, lòng ham muốn tò mò, lòng kiêu căng nổi lên lấn át, thế là bà Evà và ông Adong đã rơi vào cơn cám dỗ dễ dàng: Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn (Stk. 3,6).

Hằng năm Giáo Hội cho chúng ta có cơ hội đi tái khám tâm hồn. Đây cũng là cơ hội khám xét cả hồn lẫn xác. Vì xác mạnh thì hồn thanh thản và bình an. Thường mỗi năm chúng ta cũng làm hẹn đến gặp bác sĩ gia đình để khám chung chung. Chúng ta không phải đợi tới khi mắc bệnh hay đau ốm rồi mới tìm đến bác sĩ. Người ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng ngừa trước vẫn tốt hơn hoặc mới chớm các triệu chứng bệnh hoạn cần uống thuốc ngăn ngừa. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta rất lười đi khám bệnh và ỉ y rằng có bệnh gì đâu mà khám. Có người nghĩ rằng đi khám bác sĩ thì đương nhiên là có bệnh rồi. Mà nếu chúng ta biết là có bệnh trong người, thì lại đâm ra lo lắng và sống mất vui. Như thế là chúng ta tự lừa dối mình thôi.

Nghề chuyên môn của các bác sĩ là chẩn bệnh, khám bệnh và chữa bệnh. Đôi khi xem ra rất đơn giản, bác sĩ chỉ sờ sờ ấn ấn trên bụng, đo huyết áp, nghe mạch phổi, tim và gõ đầu gối rồi lấy vài ống máu thử nghiệm. Bác sĩ có thể cho chúng ta biết những triệu chứng bệnh như cao máu, máu mỡ, đau tim, suy thận, sơ gan, sưng ruột, nhức xương, ung thư…trong thân xác của chúng ta có đủ các thứ bệnh. Sau khi biết các triệu chứng nguy hiểm, chúng ta lo lắng chạy thầy chạy thuốc để chữa trị ngay. Vâng lời bác sĩ, hằng ngày chúng ta phải uống thuốc điều độ. Chúng ta đâu dám cãi lại lời của bác sĩ. Cũng thế, để chữa trị tâm hồn, tại sao chúng ta không lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa và Giáo Hội?

Về mặt tâm linh, chúng ta cũng cần có một tâm hồn lành mạnh thánh thiện. Đầu Mùa Chay Thánh, xin giới thiệu vài triệu chứng bệnh họan mà chúng ta thường gặp trong đời sống tâm linh. Chúng ta có thể đến với các mục tử linh hướng hay chuyên viên tư vấn để dò xét cuộc sống tâm linh của mình xem đang trong tình trạng nào. Chúng ta cũng có thể tự xét mình và tự vấn lương tâm. Soi mình trước những tấm gương lời Chúa và các giới răn của Chúa để tìm ra những thiếu xót, yêu đuối, lỗi lầm để sửa sai và canh tân.

Ma quỷ sẽ tạo nhiều cơ hội để cám dỗ, vì chúng ta không thể dứt khoát nói ‘không’ một lần. Sự khôn khéo của quỷ ma là sẽ tấn công chúng ta mọi nơi và mọi lúc. Từ trong nhà ra tới ngoài công sở, trường học và rồi cả trong nơi thờ tự. Cám dỗ từ trong bản tính ham mê của cải vật chất, lòng tham lam và sự tự mãn. Những cơn cám dỗ không ở đâu xa mà ngay trước mặt kìa. Trước màn ảnh vi tính, màn ảnh truyền hình, rồi phim ảnh đồi trụy và báo chí với hình ảnh khêu gợi. Chúng ta có thể bị cám dỗ ngay trong phòng ngủ, tại nhà bếp, nơi phòng ăn, chỗ phòng khách những nơi đó gia đình thường gặp nhau. Chuyện vui chuyện buồn, cãi vã, hờn giận, lời nói nặng nhẹ cũng ở đó.

Khi chúng ta đến nhà thờ, những cơn cám dỗ cũng luồn lách theo vào. Những thói tục như chia trí lo ra, khoe khoang, giả hình, ghen tương, soi mói và phê bình chỉ trích. Có nghĩa là nơi nào ma quỷ cũng có thể mở cửa dẫn chúng ta vào những dịp tội.

Trong các Dòng tu, Tu viện ma quỷ cũng không tha. Ma quỷ len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của các tu sĩ nam nữ. Gây sự bất đồng trong anh chị em, ghen tị, lười biếng, giả hình và hướng ngoại.

Nơi nhà xứ, các chị quỷ luôn rảo quanh tìm mồi, các dịp tội cứ khơi dậy nơi các tu sĩ, linh mục như sự nóng nảy, tự kiêu tự mãn, lười biếng, hống hách, cau có, giận dữ, thèm khát dục vọng và còn có cả những ước muốn lạm dụng tình dục trẻ em.

Trường học và trung tâm huấn luyện cũng không tránh khỏi những đưa đẩy về sự lừa đảo, ăn gian nói dối và tự mãn kiêu căng. Trường học cũng còn là môi trường của sự ghen tương, chơi bời, tranh dành đối tượng, sống bừa bãi và trả thù tình.

Trên đường xá cũng không tránh khỏi những cám dỗ gây hại. Tranh dành đường xá, đua xe ẩu đả, gây tai nạn và thù hằn giận dữ. Tụ tập băng nhóm phá hoại, rượu chè hút sách và chơi bời quá độ. Nơi đâu cũng có những dịp và cớ để cho con người phạm tội.

Chúng ta thường nghĩ bệnh viện là nơi để cứu người và chữa bệnh. Sự thật không luôn luôn là thế, ma quỷ cũng len lỏi vào bệnh viện để thúc đẩy những dịch vụ giết người, cho thuốc an tử hoặc để đói khát mà chết. Còn có cả dịch vụ phá thai, giết các hài nhi trong bụng mẹ trong mọi thời kỳ. Thật ghê gớm!

Không phải ngoài sa mạc nhưng ngay nơi tiệm buôn, chỗ làm, công sở, các nhân viên thì nạnh hẹ và vào phe nhóm kình chống nhau. Có khi họ cắt bớt, rút xén và tham lạm của công. Gian dối trong vấn đề khai thuế, trả thuế. Đó cũng là những hình thức bị cám dỗ về tiền bạc của cải đời này.

Cám dỗ ở nơi chúng ta tụ họp. Có họp nhóm tụ năm tụ ba rồi nói hành nói xấu, nói truyện mù khú và nói nhỏ cười to. Cả những khi chúng ta tụ họp để đọc kinh cầu nguyện, ma quỷ cũng chen vào giúp chúng ta kể lể truyện nhà rồi đến truyện người, ngồi tụ nhau phê bình kẻ vắng mặt, bịa truyện và thêm thắt câu truyện cho mầu mè hấp dẫn. Cám dỗ về sự ghen tương, ghét bỏ và loại trừ nhau trong nhóm trong hội thường xảy ra.

Chúng ta nên áp dụng lời Chúa vào cuộc sống ví như người xây nhà trên nền đá. Đôi khi chúng ta không muốn học biết và lắng nghe lời Chúa. Vì ươn lười và tự tin, chúng ta chẳng muốn phấn đấu để vượt qua các cơn cám dỗ. Tâm trạng chung chung là không quan tâm nhiều đến đời sống nội tâm. Mùa chay là dịp giúp chúng ta tự xét mình. Không ai có thể làm giúp cho ai cả. Muốn sửa, muốn bỏ và muốn thanh tẩy thì phải có sự cố gắng và kiên tâm của mỗi người. Lời Chúa là đèn soi giúp chúng ta tịnh tâm và làm một quyết định cho mình. Bài suy niệm này cũng chỉ mạo muội nêu ra một vài cách để giúp tự xét mình và xa tránh những dịp tội thường ngày.

Cám dỗ có nhiều lối vào và cũng có ngõ ra trong thân xác con người. Cám dỗ đi vào qua ngũ quan: qua cặp mắt, đôi tai, mũi miệng và qua chân tay sờ mó đụng chạm. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục (Mc. 9,47). Ngõ ra thì nguy hiểm và tồi tệ hơn. Những lời nói dèm pha, gian dối, chửi bới cộc cằn, cãi vã, thề thốt và còn đáng tội hơn nữa là những ý nghĩ, xu hướng, ý định và tư tưởng bất chánh xuất phát từ bên trong sẽ làm cho người ta ô uế hơn. Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc. 7,15).

Chúng ta hãy bắt đầu ngay, những gì có thể làm được ngày hôm nay thì đừng để ngày mai. Chúng ta cũng không nên đùa dỡn với ma quỷ và tội lỗi. Chúng ta có thể áp dụng câu nói: Lửa gần rơm, lâu ngày cũng cháy. Đúng vậy, thật là tiếc khi phải từ bỏ những thói hư tật xấu mà chúng ta đã nhiễm. Nghe nói thế thì hơi lạ tai, nhưng thực tế là vậy đó. Chúng ta vừa thích nên tốt lành thánh thiện, cũng lại vừa muốn sống lai rai trong tội. Sống trong tội, thì xem ra thoải mái, dễ dàng và lạc thú nhiều hơn. Chúng ta hãy coi chừng, đường thênh thang sẽ dẫn đưa chúng ta xuống tận vực sâu.

Xin Chúa thêm ơn can đảm để chúng ta đủ sức tránh xa các dịp tội, chừa cải tội lỗi và sống đẹp lòng Chúa. Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 09/03/2011
CHỈ CÓ MỘT CÁI MIỆNG

N2T


Trong thành tuyển chọn tướng quân, có rất nhiều người đến coi.

Một người Sơn Đông nói: “Mấy người này coi như không được vạm vỡ, ở quê tôi có một người được coi là vạm vỡ: anh ta đứng lên thì đầu chạm ngay xà nhà”.

Một người Thiểm Tây tiếp lời: “Ở quê tôi có một người rất là vạm vỡ: anh ta ngồi trên đất thì môi trên chạm xà nhà, môi dưới thì kéo dài tới đất”.

Có người đứng bên cạnh nói xen vào: “Vậy thì thân thể của người ấy ở đâu ?”

Người Thiểm Tây trả lời: “Người ấy chỉ có một cái miệng”.

Suy tư:

Con người ta hoặc tất cả các động vật đều chỉ có một cái miệng, nhưng không thể có cái miệng mà môi trên chạm xà nhà và môi dưới thì kéo dài tới đất, những cái miệng như thế thì chỉ có trong chuyện tiếu lâm mà thôi.

Nhưng suy cho cùng, cũng có những người có cái miệng mà môi trên chạm xà nhà và môi dưới thì kéo dài tới đất, những người này thì thấy rất rõ, môi trên của họ chạm xà nhà là:

- Họ thường kiêu ngạo xúc phạm đến Thiên Chúa, tức là trong cuộc sống miệng lưỡi họ thường nói những lời phỉ báng và nhục mạ Thiên Chúa.

- Họ thường thề gian nói dối và có khi cả gan lấy tên Thiên Chúa mà thề để che giấu những việc xấu xa mà họ đã làm.

Môi dưới của họ thì kéo dài tới đất là:

- Họ thường chửi mắng anh chị em mình là đồ ngu.

- Họ thường nói lời khinh rẻ tha nhân.

- Họ thường vu vạ cáo gian cho người khác.

- Họ thường làm chứng dối chứng gian.

- Họ thường lừa dối cấp trên hoặc tha nhân để đạt được mục đích của mình.v.v…

Thiên Chúa tạo dựng mọi loài động vật chỉ có một cái miệng để ăn uống, nhưng cái miệng của con người thì ngoài việc dùng để ăn uống, nói, hát ca.v.v… thì còn có một chức năng rất quan trọng khác, đó chính là dùng miệng lưỡi của mình để ca ngợi, tán tụng và cám tạ Thiên Chúa.

Điều này thì người Ki-tô hữu đều biết, nhưng trong cuộc sống họ có dành thời gian để ca ngợi tán dương và cám tạ Thiên Chúa không mà thôi !

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 09/03/2011
N2T


2. Người phạm tội thì đắc tội với Thiên Chúa, có thể nói là hung ác vô cùng, bởi vì như thế là nhục mạ Thiên Chúa vô hạn.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Tìm sự thánh thiện hằng ngày trong Mùa Chay
Trầm Thiên Thu
19:49 09/03/2011
SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY

Bắt đầu với thánh lễ Chúa nhật, có rất nhiều cách để sống tinh thần Mùa Chay của Giáo hội. Có nhiều cơ hội để ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Đây là vài hoạt động mà bạn có thể áp dụng để sống Mùa Chay Thánh:

Nhớ lại Bí tích Thánh tẩy. Nếu bạn nhớ về Bí tích Thánh tẩy, hãy chia sẻ với gia đình. Nếu bạn hoặc các thành viên gia đình đã rửa tội cho con cái, hãy hỏi: Tôi cảm thấy thế nào khi đưa con đi rửa tội? Nếu có thể, hãy hỏi cha mẹ về Bí tích Thánh tẩy, Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu của mình. Hãy nghĩ về ý nghĩa của các Bí tích đó là một phần trong Nhiệm thể Chúa Kitô qua những lúc thánh thiện đó.

Tạo khoảng cầu nguyện trong gia đình. Một chiếc bàn nhỏ trải khăn tím, có Thánh giá và cây nến là những gì bạn cần. Đừng cảm thấy có lỗi nếu bạn không đến cầu nguyện hằng ngày ở “không gian thánh” đó. Hãy tạo “không gian thánh” đó ở nơi dễ thấy khi bước vô nhà, “không gian thánh” đó sẽ nhắc nhớ bạn cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa.

Chúc phúc cho các con. Nếu bạn chưa làm vậy, hãy dùng Mùa Chay là thời gian để bắt đầu chúc phúc cho các con bằng cách vẽ dấu Thánh giá trên trán chúng. Ai trong chúng ta cũng cần được nhắc nhớ đến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Dọn dẹp và trao tặng. Chúng ta có thói quen dọn dẹp nhà cửa lúc gần Tết, Mùa Chay cũng mời gọi chúng ta dọn dẹp cả nhà cửa lẫn “ngôi nhà tâm hồn” của mình. Hãy chọn những món đồ nào đó để trao tặng người khác. Nếu bạn cho người mình quen biết, hãy ghi chú vài lời vào miếng giấy kèm theo tặng vật – chẳng hạn nhắc lại một kỷ niệm: “Tôi nhớ lần đầu tiên gặp bạn. Có thể bạn rất vui!”, hoặc có thể là một lời xin lỗi, một lời khen, một lời tâm sự,…

Lập một hành trình. Dân Do thái băng qua sa mạc ròng rã 40 năm để tới Đất Hứa, chúng ta cũng trải qua hành trình 40 ngày chay tịnh để tiến về Đại lễ Phục sinh – không phải lúc nào hành trình cũng êm xuôi trên con đường bằng phẳng. Sự phát triển tâm linh thực sự thường phải qua những chặng đường quanh co khúc khuỷu và gập ghềnh nhiều. Suy niệm về phương diện này trong Mùa Chay, suy niệm riêng hoặc cùng gia đình, cùng bạn bè, bằng cách phác họa đường đi và bước theo con đường khúc khuỷu đó. Hãy tạo những điểm dừng trên đường đi để có thể cầu nguyện – cho người thân, bạn bè, cho hàng xóm, cho thế giới,…

Thực hiện tha thứ. Hãy tha thứ cho người đã làm mình tổn thương, và hãy xin lỗi người mà mình đã làm họ tổn thương. Hãy cố gắng giao hòa bằng mọi cách, và hãy đến với Bí tích Hòa giải. Dù bạn chưa sẵn sàng đi xưng tội thì cũng hãy cố gắng tham dự các hoạt động Mùa Chay của giáo xứ, và hãy nghĩ về biết bao lỗi lầm mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, và chúng ta cũng muốn được chữa lành beit61 bao!

Cử hành mùa Xuân. Chúng ta thường nghĩ về Mùa Chay là mùa khắc nghiệt và thiếu thốn. Nhưng Mùa Chay cũng là Mùa Xuân tạo cuộc sống mới. Để suy tư về thời gian canh tân này, hãy xem những sinh vật mới sinh ra được nhìn thấy thế giới lần đầu tiên. Hãy phục vụ cuộc sống mới bằng cách giúp đỡ chúng và bảo vệ chúng khỏi bị xử tệ.

Chia sẻ lòng quảng đại. Sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu là tặng phẩm tối thượng dành cho chúng ta. Hãy nhớ lại những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình, hãy noi gương quảng đại của Ngài bằng cách giúp đỡ giáo xứ và làm việc bác ái, và tiếp tục thực hiện điều đó suốt đời. Cố gắng chia sẻ bằng tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa, tình yêu và lòng quảng đại đó mạnh hơn tội lỗi và sự chết ở nơi Ngài.

Hành động vì công lý. Tội lỗi không chỉ riêng cá nhân mà còn mang tính xã hội. Giáo hội mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa giải và hành động vì công lý phải cùng nhau, không thể tùy ý lựa chọn. Có nhiều tổ chức hành động vì công lý với nhiều mức độ theo địa phương, vùng miền, quốc gia và quốc tế. Hãy tìm hiểu các tài liệu của Giáo hội về công bình xã hội. Hãy tìm hiểu, quan tâm và hành động.

Đơn giản hóa. Cố gắng duy trì những điều đơn giản như một gia đình. Như vậy nhiều người khả dĩ dành nhiều thời gian theo đuổi không ngừng. Cố gắng tái phát hiện những niềm vui nho nhỏ khi cùng ngồi bên nhau. Nhưng cũng đừng thất vọng nếu bạn chưa làm được. Nếu chúng ta hoàn hảo, chúng ta cần gì nới Đấng Cứu Độ? Trong lễ Phục sinh, Giáo hội hát vang: “Ôi tội hồng phúc, chính Tội Nguyên Tổ đã ban cho chúng con Đấng Cứu Độ!”.

Dành thời gian tôn sùng Thánh Thể. Chúng ta không bao giờ có thể thăm dò hoặc làm cạn kiệt sự hiện diện của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều có lợi nhờ biết dành thời gian đặt mình trước mặt Chúa hiện hữu nơi Nhà Chầu để thờ phượng và suy niệm về tặng phẩm là chính Mình Máu Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chầu Thánh Thể, cũng như cử hành Bí tích Thánh Thể, là cách xưng tụng và cảm tạ Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và cách sống của chúng ta, giúp chúng ta thông phần Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu, làm mạnh mẽ Nhiệm Thể Đức Kitô, và giúp chúng ta là chính Đức Kitô trong cuộc sống của mình. Do đó, việc chầu Thánh Thể dẫn chúng ta trở về với cộng đoàn cử hành Bí tích Thánh Thể ngày Chúa nhật.

Cầu nguyện. Hãy tạ ơn Thiên Chúa mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối. Hãy lần chuỗi Mân Côi, dù có thể chỉ đọc một chục kinh. Hãy nói chuyện với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Giáo hội đã đặt Đức Mẹ làm mẫu gương hoàn hảo cho cúng ta. Hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta luôn biết “xin vâng” theo Thánh Ý Thiên Chúa, như chính Mẹ đã làm.

VIỆC THƯỜNG NHẬT THÁNH THIỆN

Quét dọn và lau chùi nhà cửa có thể không có vẻ là hoạt động phát triển tâm linh, nhưng chúng ta có thể dùng bổn phận này, và các bổn phận khác, để bước vào Mùa Chay và sẵn lòng giúp đỡ vì Chúa Giêsu. Đây là vài ví dụ về những việc thường nhật có thể là những bài tập về tâm linh và là việc thánh thiện:

Khi rửa chén, tắm giặt: Hãy nghĩ về nước bạn đang dùng. Không có nước thì không có sự sống trên trái đất. Mỗi giọt nước đều có hơi thở của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo. Hãy lưu tâm tới nguồn quý giá mà bạn và gia đình cùng dùng, hãy dành một phút để cầu nguyện cho những người không có nước sạch để dùng. Trong Mùa Chay, chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những nơi thiếu nước sạch?

Khi dọn dẹp nhà cửa: Hãy nhớ đây là hành động yêu thương. Lau chùi nhà cửa, xả tủ lạnh, dọn dẹp đồ đạc, vứt bỏ những đồ thừa,… đều là những động thái yêu thương và nhịn nhục. Điều đó giúp gia đình là chính gia đình, phục vụ người khác, thể hiện yêu thương bằng hành động chứ không nói suông. Quét dọn đường đi là ý muốn chào đón người khác vào nhà mình. Trong Mùa Chay, và trong Mùa Vọng, chúng ta dọn đường sửa lối để đón Chúa Giêsu. Khi quét dọn sân, cổng và đường đi, hãy tạ ơn Chúa đã ngự đến ở giữa chúng ta và cứu độ chúng ta. Đây cũng là thể hiện tính kiên nhẫn và rộng lòng với tha nhân.

Khi làm việc, nấu ăn: Làm việc để có của cải nuôi sống chính mình và gia đình. Nấu ăn để có thự phẩm cho mình và cả gia đình cùng ăn, để có thể sống mà phụng sự Thiên Chúa. Lao động và nấu nướng đều thể hiện yêu thương, không chỉ vì mình mà còn vì người khác, là làm theo Ý Chúa.

(Chuyển ngữ từ Catholic Digest)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Niềm Tin Xứ Thái
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
08:43 09/03/2011
NIỀM TIN XỨ THÁI

Chúng tôi gồm 5 linh mục trong ban cố vấn tỉnh dòng Salesian Don Bosco Úc Châu tới Thái Lan tham dự khóa họp Liên tỉnh dòng khu vực Nam Á và Đại Dương Châu. Chúng tôi được đón mừng thật thân thiết bởi các hội viên Thái và đặc biệt linh mục giám tỉnh mới của tỉnh dòng Thái là Prasert Somngham Paul. Ngạc nhiên cha nói tiếng Việt thật thông thạo. Hỏi ra thì được biết ngài là người Thái gốc Việt, mẹ ngài là người Việt Nam. Tuy không biết đọc và viết tiếng Việt nhưng ngài nói tương đối thông thạo và hiểu tiếng Việt.
Tân giám tình Thái Prasert va lm Anthony Quảng tại Đại hội


Người Công giáo xứ này chưa đầy 0.5% dân số. Tổng cộng là 292,000 người Công giáo được chia thành 10 giáo phận với 436 giáo xứ đang được 662 linh mục phục vụ. Tuy là thiểu số nhưng ảnh hưởng của Công giáo thật lớn.

Hall trường học tại Hua Hin
Đối với dòng Salesian Don Bosco mới chỉ hiện diện chưa đầy 50 năm nhưng cống hiến cho Giáo Hội Thái một giám mục và nổi danh trong hoạt động về giáo dục giới trẻ, với những trường học nổi tiếng tại Bangkok và các tỉnh như trường Withalaya tại Hua Hin đồ sộ nguy nga với 3,500 học sinh nằm tại trung tâm thành phố...
Trường Salesian tai Hua Hin
Cạnh trường học là một giáo xứ xầm uất và một trung tâm tĩnh huấn với 80 phòng ngủ tiện nghi. Các phòng tuyết trình hội thảo trang bị thật tân thời.

Ảnh hưởng của các tu sĩ Salesian thật lớn với chính quyền và dân chúng. Làm sao có thể tưởng tượng ra được việc ban tổ chức mời 80 thành viên đi ăn tối tại một trung tâm nghỉ mát cách trung tâm hội thảo khoảng 10 cây số. Ban tổ chức mướn 20 xe Tuk tuk (kiểu xe Lam ở Việt Nam ngày xưa), mỗi xe chở được 4 người. Đoàn xe được dẫn đầu bằng xe cảnh sát hụ còi cho đoàn xe chạy trên quốc lộ... Đương nhiên là lưu thông được ngưng lại trong khi đoàn xe di chuyển!

Dân tộc Thái phần đa theo Phật giáo dù họ không thực hành đạo nhưng triết lý Đức Phật ăn sâu trong lòng dân Thái. Người Thái thật hài hòa với mọi người. Không phân biệt tôn giáo, gặp nhau, đặc biệt với khách họ luôn chắp tay bái chào... Cha giám tỉnh Thái trong lời chào mừng đại hội đã nói: “Xứ Thái là một đất nước hài hòa đầy nụ cười, vậy qúi cha qúi thầy hãy mang thêm nụ cười đến cho đất nước này.”

Chúng tôi không phủ nhận trong lịch sử tỵ nạn không ít người đã phải đương đầu với hải tặc Thái Lan! Tội ác này không thể dung tha và quên và hàn gắn được trong tâm khảm người Việt tỵ nạn! Tuy thế đại đa số người Thái có chiều sâu tâm linh, hiền hòa và đạo đức...

Một linh mục người Thái làm việc trong trường kể cho chúng tôi một câu chuyện thật lý thú đó là trong số 3500 học sinh tại trường ở Hứa Hin này có rất nhiều em không phải Công giáo. Một ngày bà nội một em đưa bé đi Chùa cầu nguyện. Em thuộc gia đình Phật giáo. Bé theo bà đi đến trước bàn thờ Phật, bà bảo bé vái nhang bé vái... Rồi bà nói: “Cháu hãy cầu nguyện đi”. Im lặng một chút bé kính cẩn chắp tay rồi làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” cất tiếng đọc kinh “Kính mừng Maria...” kinh mà em vẫn cầu nguyện mỗi sáng lúc bắt đầu giờ học trước bàn thờ Đức Phật. Bà nội bé ngạc nhiên một chút nhưng bà khen bé giỏi ngoan vì biết cầu nguyện. Vị linh mục ấy kết luận “Tất cả các cha mẹ gửi các em đến trường này, dù không phải Công giáo nhưng đều đống ý và muốn cho các em được giáo dục theo tinh thần và lễ nghi Công giáo”.

Niềm tin Kitô giáo ươm trồng trong lòng dân tộc Thái như mảnh đất phì nhiêu sằn sàng đâm bông kết trái vì bản chất người Thái đã có sẵn một tân hồn hài hòa đơn thành để đón nhận Tin mừng Phúc âm. Cầu mong cánh đồng truyền giáo nơi xứ này sẽ phong phú và gặt hái được nhiều thành qủa trong tương lai...

Lm Anthony nguyễn Hữu Quảng SDB
 
Giới chức Vatican nói: Thánh lễ không đúng nghi thức phụng vụ dẫn đến việc mất đức tin
Pt Huỳnh Mai Trác
10:02 09/03/2011
Roma (CNS) - Đức Tin vào Thiên Chúa trở nên yếu kém, lòng vị kỷ càng ngày càng lớn mạnh và giáo dân đi nhà thờ ở nhiều nơi trên thế giới it dần đi có thể do những buổi thánh lễ không còn đủ uy nghi và không theo đúng nghi thức phụng vụ của Giáo Hội, đó là lời của hai giới chức có thẩm quyền và một vị cố vấn về Phụng Tự và Bí Tích.

“Nếu chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng chính vì công việc phụng tự đã đưa đến việc mất đức tin” lời của vị Hồng Y ở Hoa Kỳ Đức Hồng Y Raymond Burke, Chưởng Ấn Tòa Án Tối Cao của Vatican.

Đức Hồng Y Burke và Đức Hồng Y Antonio Canizares Llovera, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Bí Tích, nói về Tập Sách vừa phát hành ngày 2 tháng 3 tại Roma.

Tập sách phát hành viết bằng tiếng Ý, do linh mục Nicola Bux viết, là một cố vấn cho các Bộ về tín điều đức tin và hồ sơ phong thánh cùng văn phòng phụ trách về phụng vụ của Đức Giáo Hoàng.

Tập sách được dịch ra tiếng Anh dưới nhan đề: “Đi dự thánh lễ như thế nào để khỏi mất đức tin?”

Đức Hồng Y Burke nói với các người tham dự buổi ra mắt sách là ngài đồng ý với cha Bux là “sự lạm dụng về phụng vụ có tai hại thực sự đến đức tin của người Công giáo.”

Thật đáng tiếc, ngài nói, có nhiều linh mục và cũng có các giám mục xem thường việc lạm dụng các nghi thức phụng vụ, nhưng thực ra đây là một “sai lầm rất nghiêm trọng”.

Đức Hồng Y Canizares nói là đề tài tập sách có vẻ là một thách thức, nhưng nó chứng minh được một niềm tin mà chúng ta có thể chia sẻ: “Tham dự Thánh lễ có thể làm cho đức tin của chúng ta yếu kém đi hoặc mất đi nếu chúng ta không nhận định một cách đúng đắn” và nếu phụng vụ không làm đúng theo như luật định của Giáo Hội.

“Điều này rất xác thật khi chúng ta nói về các hình thức phụng tự thường hay đặc biệt của nghi thức Công giáo La Mã”, Đức Hồng Y khi nói về Các Thánh Lễ được cải tổ sau Cọng Đồng Vatican II hay các thánh lễ cổ điển được gọi là nghi lễ “Tridentine “.

Đức Hồng Y Canizares nói vào một thời kỳ mà nhiều người sống như thể là không có Thiên Chúa, họ cần đến Thánh Lễ thật sự để nhắc nhở họ là chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng phải thờ lạy và ý nghĩa đích thật của cuộc sống của nhân loại với sự kiện là Chúa Giêsu đã hy sinh cuộc sống của Ngài để cứu độ nhân loại.

Cha Bux nói là có nhiều người Công Giáo hôm nay cho rằng Thánh lễ là gì mà linh mục và cọng đoàn cử hành chung với nhau, nhưng thực ra phải là do Chúa Giêsu đang cử hành Thánh Lễ.

“ Nếu bạn đi dự lễ tại chổ này rồi đi dự lễ tại một nơi khác, rồi bạn nhận thấy Thánh Lễ có những khác biệt. Điều đó có nghĩa là đó không phải là một Thánh Lễ Công Giáo, lẽ dỉ nhiên là mỗi nơi có quyền tự do, nhưng đó chỉ là thánh lễ của họ đạo này hay của linh mục nọ mà thôi.”
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ với nghi thức bỏ tro
LM Trần Đức Anh OP
11:14 09/03/2011
ROMA: Chiều thứ tư 9-3, ĐTC Biển Đức đã chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh và chủ sự thánh lễ tại đền thờ này với nghi thức bỏ tro mở đầu Mùa Chay Thánh.

Lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC cùng với 14 HY, 10 GM, hai bề trên Tổng Quyền dòng Điển Đức và Đa Minh cùng với hàng trăm tu sĩ của hai dòng, đi rước trên quãng đường 500 mét, vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, trên đồi Avventino, có từ thế kỷ thứ V, ĐTC đã chủ sự thánh lễ, cùng với các Hồng Y trước sự tham dự của 20 GM, đông đảo các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Trong bài giảng, ĐTC đã giải thích ý nghĩa 3 bài đọc của ngày lễ để làm nổi bật ý nghĩa mùa chay và nghĩa vụ hoán cải. Ngài nói: “Nói chung, trong dư luận, mùa chay có nguy cơ đồng nghĩa với sự buồn rầu, sự u ám của cuộc sống. Thực ra, mùa chay là một hồng ân quí giá của Thiên Chúa, một thời điểm nồng nhiệt và đầy ý nghĩa trên con đường của Giáo Hội, là hành trình tiến về Lễ Chúa Sống Lại”.

ĐTC nhận xét rằng lời mời gọi hoán cải, như được nói đến trong sách Ngôn Sứ Joel, “không phải là một sự hoán cải hời hợt và nhất thời, nhưng là một hành trình thiêng liêng đi sâu vào thái độ của lương tâm và đòi phải có quyết tâm sửa đổi.. Hoán cải ở đây chính là đặt mình trong thái độ thành tâm trở về cùng Thiên Chúa, nhìn nhận sự thánh thiện, quyền năng và uy quyền của Thiên Chúa. Ta có thể thực hiện được sự hoán cải như thế vì Thiên Chúa giàu lòng xót thương và đầy yêu thương”.

Nhắc đến giáo huấn của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corinto mời gọi các tín hữu hãy hòa giải với Thiên Chúa (2 Cr 5,20) và lời thánh nhân nói “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2), ĐTC khẳng định rằng “Tất cả chúng ta đều có thể cởi mở đối với hoạt động của Thiên Chúa, đón nhận tình thương của Chúa; qua chứng tá Phúc Âm của mình, các tín hữu Kitô chúng ta phải là một sứ điệp sống động, và trong nhiều trường hợp, chúng ta là Tin Mừng duy nhất mà con người ngày nay còn đọc được. Đó chính là trách nhiệm của chúng ta theo vết của thánh Phaolô, đó là một lý do mạnh hơn nữa để sống mùa chay một cách tốt đẹp, làm chứng tá về đức tin được sống thực cho một thế giới đang gặp khó khăn trong việc trở về cùng Thiên Chúa”.

Cũng trong bài giảng, ĐTC đã giải thích về việc làm phúc, cầu nguyện và ăn chay như được nói đến trong bài Phúc Âm thứ tư lễ tro. Ngài nói: “Khi tái đề nghị thi hành những việc đạo đức ấy, Chúa Giêsu không đòi ta tôn trọng một luật lệ vụ hình thức, một luật xa lạ với con người, do nhà lập pháp nghiêm khắc áp đặt như một gánh nặng, nhưng Chúa mời gọi tái khám phá và sống ba công việc đạo đức ấy một cách sâu xa, không phải vì tự ái, nhưng vì tình yêu Thiên Chúa, như những phương thế trên hành trình trở về cùng Chúa.”

Và ĐTC kết luận rằng: “Chúng ta hãy tín thác và vui tươi bắt đầu hành trình mùa chay. 40 ngày từ nay đến lễ Phục Sinh: đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh”.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu. (SD 9-3-2011)
 
Ăn chay là dấn thân xa lánh sự dữ
Linh Tiến Khải
11:15 09/03/2011
Ăn chay không chỉ là kiêng cữ thực phẩm, mà còn bao gồm nhiều hình thức sống thanh đạm khác. Đặc biệt nó là dấu chỉ bề ngoài của dấn thân không làm sự dữ, sống Tin Mừng và dưỡng nuôi mình bằng Lời Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9-3-2011. Hôm qua là Lễ Tro mở đầu mùa Chay Thánh, trong đó mọi thành phần Giáo Hội được mời gọi hoán cải tâm trí, canh tân cung cách suy tư hành xử và quyết tâm theo Chúa bước vào cuộc sống mới phục sinh. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói về ý nghĩa và lộ trình mùa Chay Thánh. Ngài nói về việc bỏ tro trên đầu như sau:

Tro được làm phép lành bỏ trên đầu chúng ta là một dấu chỉ nhắc cho chúng ta nhớ tới điều kiện là thụ tạo, mời gọi chúng ta sám hối và gia tăng dấn thân hoán cải để ngày càng theo Chúa hơn.

Mùa Chay là một lộ trình, là đồng hành với Chúa Giêsu lên Giêrusalem, nơi hoàn thành mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống kitô là một ”con đường” cần phải đi theo, kiên trì không phải trong một luật lệ phải tuân giữ, mà là với chính con người của Chúa Kitô, cần gặp gỡ, tiếp đón và đi theo. Thật thế, Chúa Giêsu nói: ”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mọi ngày và theo Thầy” Lc 9,23). Nghĩa là Chúa nói với chúng ta rằng để cùng Người đạt tới ánh sáng và niềm vui phục sinh, vinh quang sự sống, tình yêu và sự thiện, cả chúng ta nữa cũng phải vác thập giá mỗi ngày, như một trang rất đẹp của sách Gương Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: ”Vậy hãy vác lấy thập giá của bạn và theo Chúa Giêsu; như thế bạn sẽ bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chính Người đã vác thập giá đi trước bạn (Ga 19,17) và đã chết cho bạn, để cả bạn nữa cũng vác thập giá của mình và ước ao được bị đóng đanh. Thật vậy, nếu bạn sẽ cùng chết với Người, với Người và như Người bạn sẽ sống. Nếu bạn đã đồng hành với Người trong khổ đau, bạn cũng sẽ được đồng hành với Người trong vinh quang” (L. 2. 12. n.2).

Trích lại lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, Đức Thánh Cha nói nó là lời khẩn cầu chúng ta dâng lên Thiên Chúa, vì biết rằng chỉ có Người có thể hoán cải con tim chúng ta. Và nhất là trong Phụng Vụ, trong việc tham dự vào các mầu nhiệm thánh chúng ta được hướng dẫn bước theo con đường này với Chúa: đó là theo học trường của Chúa Giêsu, sống lại các biến cố đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, không phải như một tưởng niệm đơn sơ, một kỷ niệm các sự kiện qúa khứ. Trong các hành động phụng vụ, Chúa Kitô hiện diện qua công trình của Chúa Thánh Thần và các biến cố đó trở thành thời sự. Từ ”hôm nay” là từ chìa khóa diễn tả chiều kích thời sự đó, và nó được hiểu trong nghĩa đầu tiên cụ thể của nó. Hôm nay Thiên Chúa mạc khải lề luật của Người, và hôm nay Người cho chúng ta lựa chọn giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự sống và cái chết (x. Đnl 30,19); hôm nay ”Nước Thiên Chúa đến gần. Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)...

Lộ trình phụng vụ Mùa Chay năm A dẫn đưa chúng ta sống con đường của các anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và làm sống dậy trong chúng ta ơn Thánh Tẩy và giúp cuộc sống chúng ta tái phục hồi các đòi buộc và dấn thân của Bí Tích nền tảng của cuộc sống kitô.

Giáo Hội đã luôn luôn kết hiệp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành bí tích Rửa Tội trong đó hiện thực mầu nhiệm cao cả của cuộc sống kitô: chết đi cho tội lỗi, tham dự vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô phục sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Đấng đã cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11)

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã tóm tắt ý nghĩa các bài đọc của 5 Chúa Nhật mùa Chay. Chúng rất cổ xưa và đồng hành với các tân tòng trong việc khám phá ra Bí Tích Rửa Tội, và loan báo các việc lớn lao Thiên Chúa thực hiện trong Bí Tích đó. Chúa Nhật thứ nhất gọi là Chúa Nhật cám dỗ, vì giới thiệu các cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc. Nó mời gọi chúng ta canh tân quyết định vĩnh viễn cho Thiên Chúa và can đảm đương đầu với cuộc chiến chờ đợi chúng ta để trung thành với Chúa. Luôn luôn cần tái quyết định chống trả sự dữ và theo Chúa Giêsu. Trong ngày Chúa Nhật này sau khi nghe chứng tá của các cha mẹ đỡ đầu, Giáo Hội cử hành việc tuyển chọn những người sẽ được nhận lãnh bí tích Rửa Tội trong đêm Vọng Phục Sinh.

Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Hiển Dung. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và chức làm con Thiên Chúa: cũng như tổ phụ Abraham, cha của những kẻ có lòng tin, chúng ta cũng được mời gọi ra đi, ra khỏi vùng đất của chúng ta, từ bỏ các an ninh chúng ta đã xây dựng, để đặt sự tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đích điểm hé mở cho thấy trong biến cố hiển dung của Chúa Kitô, Con yêu dấu, nơi Người cả chúng ta nữa cũng trở thành con cái Thiên Chúa.

Các Chúa Nhật tiếp theo trình bầy Bí Tích Rửa Tội trong các hình ảnh của nước, ánh sáng và sự sống. Chúa Nhật thứ ba khiến cho chúng ta gặp gỡ người đàn bà Samaritana (x. Ga 4,5-42). Như dân Israel trong cuộc Xuất Hành, trong bí tích Rửa Tội chúng ta cũng đã nhận được nước cứu độ. Chúa Giêsu có nước sự sống, làm đã mọi cơn khát, và nước đó là chính Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Nhật này Giáo Hội cử hành việc bỏ phiếu các tân tòng lần thứ nhất và trong tuần trao cho họ Kinh Tin Kính.

Chúa Nhật thứ tư giúp chúng ta suy tư về kinh nghiệm của ”Người mù từ lúc mới sinh” (x. Ga 9,1-41). Trong Bí Tích Rửa Tội chúng ta được giải thoát khỏi bóng tối sự dữ và nhận được ánh sáng của Chúa Kitô để sống như con cái ánh sáng. Cả chúng ta nữa cũng phải học trông thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trên gương mặt Chúa Kitô và trông thấy ánh sáng. Trong lộ trình của các tân tòng người ta cử hành việc bỏ phiếu lần thứ hai.

Chúa Nhật thứ năm trình bày cuộc sống lại của ông Ladarô (x. Ga 11,1-45). Trong Bí Tích Rửa Tội chúng ta cũng từ cái chết bước vào sự sống và có khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa, khiến cho con người cũ chết đi, để sống Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Đối với các tân tòng người ta cử hành cuộc bỏ phiếu lần thứ ba và trong tuần họ được nhận Kinh Lậy Cha.

Lộ trình mùa Chay mà chúng được mời gọi bước đi trong truyền thống của Giáo Hội được định tính bằng vài thực hành: ăn chay, làm phúc, và cầu nguyện. Đức Thánh Cha giải thích việc ăn chay như sau:

Ăn chay có nghĩa là kiêng thực phẩm, nhưng bao gồm nhiều hình thức kiêng cữ khác để cho cuộc sống được thanh đạm hơn. Tuy nhiên, tất cả những thứ này chưa là thực tại tràn đầy của việc ăn chay. Nó là dấu chỉ bề ngoài của một thực tại nội tâm, của dấn thân không làm sự dữ và sống Tin Mừng, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ai không biết dưỡng nuôi mình bằng Lời Thiên Chúa, thì không ăn chay thật sự.

Thế rồi trong truyền thống kitô việc ăn chay gắn liền với việc làm phúc bố thí. Thánh Leô Cả đậy rằng ăn chay không phải chỉ là kiêng thực phẩm thôi, mà nhất là phải kiêng các thú vui. Rồi trong thực tế, có thể kết hiệp nó một cách hữu ích với việc bố thí nữa, có tên gọi duy nhất là ”lòng thương xót”, bao gồm rất nhiều việc lành: môi trường việc lành thì mênh mông. Không chỉ người giầu có và khá giả có thể làm phúc cho người khác, mà cả những người có điều kiện khiêm tốn và nghèo nàn cũng có thể làm được. Như thế, tuy không bằng nhau trong của cải, nhưng tất cả mọi người đều có thể bằng nhau trong tâm tình đạo hạnh của tâm hồn (Discorso 6 sulla Quaresima, 2; PL 54,286). Thánh Gregorio Cả dậy trong Luật Mục Vụ rằng ăn chay được biến thành thánh thiện bởi các nhân đức đi kèm, nhất là bởi đức ái, bởi mọi cử chỉ quảng đại cho người nghèo và người túng thiếu hoa trái sự kiêng cữ của chúng ta (x. 19,10-11).

Ngoài ra, mùa Chay còn là thời gian đặc ân của cho việc cầu nguyện. Thánh Agostino nói rằng chay tịnh và làm phúc là ”đôi cánh của lời cầu nguyện” cho phép chúng lao tới dễ dàng hơn và lên với Thiên Chúa. Người khẳng định rằng ”như vậy lời cầu nguyện của chúng ta, được làm với sự khiêm nhường và bác ái, trong chay tịnh và làm phúc, trong sự điều độ và tha tha thứ các xúc phạm, cho đi các điều tốt và không đáp trả các điều xấu, xa lánh sự dữ và làm sự thiện, tìm kiếm hòa bình và theo đuổi hòa bình. Với đôi cánh của các nhân đức này lời cầu nguyện của chúng ta bay vững vàng và được đem lên trời một cách dễ dàng hơn, nơi Chúa Kitô, niềm an bình của chúng ta, đã đi trước chúng ta” (Sermone 206, 3 sulla Guaresima; PL 38,1042).

Giáo Hội hiểu biết sự yếu đuối của chúng ta nên trong mùa Chay mời gọi chúng ta cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa một cách trung thành hơn và sâu xa hơn... Chúng ta hãy tiếp nhận lời Chúa Kitô kêu mời theo Người cương quyết và trung thực hơn, bằng cách canh tân ơn thánh và các dấn thân của Bí Tích Rửa Tội, để từ bỏ con người cũ và mặc lấy Chúa Kitô, để được canh tân tiến tới lễ Phục Sinh, và có thể nói như thánh Phaolô ”không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ mùa Chay thánh thiện. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha trả lời khán giả đài truyền hình các câu hỏi về Chúa Giêsu
Bùi Hữu Thư
14:14 09/03/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ trả lời các câu hỏi về Chúa Giêsu trong một chương trình phát hình bất thường vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trên hệ thống truyền hình của quốc gia Ý.

"A Sua Immagine" (Theo hình ảnh của Người),một chương trình về viễn tượng Công Giáo thông thường được chiếu trên kênh RaiUno vào các ngày Chúa Nhật, sẽ trình bầy một chương trình 80 phút ngày 22 tháng Tư với một cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha được thâu hình trước.

Trung Tâm Truyền Hình Vatican sẽ quay phim Đức Thánh Cha từ Cung Điện Tông Đồ một vài ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh trong khi ngài trả lời ba câu hỏi đã được trình lên ngài trước. Các câu hỏi sẽ dựa trên các điện thư được gửi đến trên mạng lưới toàn cầu của chương trình truyền hình RAI.

Rosario Carello, người điều khiển chương trình cho Radio Vatican hay ngày 8 tháng Ba là họ sẽ đọc tất cả các điện thư được gửi đến và sẽ lựa chọn những cầu hỏi nào nhiều người cùng hỏi, cũng như những câu hỏi thích thú nhất, kể cả những câu có thể “khai mào một cuộc tranh luận.”

Ông Carello nói họ muốn giúp cho chương trình ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trở lại với hình thái của một thời gian để suy niệm và chuẩn bị linh hồn. Trong quá khứ đã có một chương trình dành cho các câu hỏi về Chúa Giêsu, và họ muốn tái lập chương trình này.

Ông Carello nói: Họ nghĩ rằng khi để cho Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi của khán giả sẽ “hết sức đặc biệt” vì “khan giả sẽ lắng nghe thật cẩn thận” và ngài rất giỏi trong việc trình bầy cách giản dị các ý tưởng phức tạp.
 
Lạm dụng phụng vụ làm suy yếu đức tin
Trầm Thiên Thu
19:37 09/03/2011
ĐHY Antonio Cañizares Llovera dâng Máu Thánh trong thánh lễ ở Giáo đường Thánh Gioan Latêranô ở Rôma (CNS photo/Paul Haring)

Hai Hồng y và một vị cố vấn Tòa thánh nói: “Làm suy yếu niềm tin vào Thiên Chúa, làm tăng tính ích kỷ và làm giảm số người đi lễ có thể do phụng vụ bị lạm dung hoặc thánh lễ không được tôn kính”.

ĐHY Mỹ Raymond Burke, trưởng Tòa án Tối cao Vatican, và ĐHY Tây ban nha Antonio Cañizares Llovera, bộ trưởng Bộ Phượng tự và Bí tích (Congregations for Divine Worship and the Sacraments), nói trong buổi giới thiệu sách: “Nếu chúng ta sai lầm bằng cách nghĩ mình là trung tâm của phụng vụ, thánh lễ sẽ dẫn đến việc mất đức tin”.

Sách này bằng tiếng Ý, do tu sĩ Nicola Bux soạn thảo. Nicola Bux làm cố vấn cho Bộ Giáo lý và Đức tin (Congregations for the Doctrine of the Faith), Bộ Phong thánh (Congregation for Saints’ Causes) và Văn phòng Phụng vụ Giáo hoàng (the office in charge of papal liturgies). Tiêu đề bản dịch Anh ngữ của Nicola Bux là “How to Go to Mass and Not Lose Your Faith” (Làm sao đi lễ và không mất đức tin).

ĐHY Burke nói với những người có mặt tại buổi giới thiệu sách rằng ngài đồng ý với Bux về việc “lạm dụng phụng vụ dẫn đến những tổn hại ngiêm trọng đối với đức tin của người Công giáo”. Ngài nói rằng rất nhiều linh mục và giám mục đối xử với luật phụng vụ (liturgical norms) như điều gì đó không quan trọng, nhưng thực ra lại là sự “lạm dụng nghiêm trọng” (serious abuses).

ĐHY Cañizares nói rằng trong khi tiêu đề sách “khiêu khích” (provocative), sách chứng minh một đức tin mà tác giả chia sẻ: “Tham dự vào Bí tích Thánh Thể có thể làm chúng ta yếu đuối hoặc mất đức tin nếu chúng ta không tham dự đúng và nếu phụng vụ không được cử hành đúng theo Giáo luật”. ĐHY Cañizares nói thêm: “Đây là sự thật dù người ta nói về một nghi lễ Rôma bình thường hay đặc biệt”.

ĐHY Cañizares nói rằng, vào lúc nào đó, khi nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, họ cần cử hành Bí tích Thánh Thể thực sự để nhắc nhớ họ rằng chỉ có Thiên Chúa được tôn thờ và có ý nghĩa thực sự trong đời sống con người mà chính Chúa Giêsu đã chết và cứu độ thế gian.

Tu sĩ Bux nói: “Rất nhiều người Công giáo ngày nay nghĩ rằng thánh lễ là việc mà linh mục và cộng đoàn cử hành chun với nhau, thực ra đó là việc Chúa Giêsu làm. Nếu người ta đi lễ ở nơi này rồi đi nơi khác, người ta sẽ không nhận thấy cùng một thánh lễ. Nghĩa là đó không là thánh lễ của Công giáo mà người ta có quyền đi, nhưng đó là thánh lễ của giáo xứ đó hoặc của linh mục đó”.

(Chuyển ngữ từ catholicherald.co.uk)
 
Đối thoại liên tôn là đối thoại với những con người cụ thể
Vũ Văn An
20:43 09/03/2011
Shahbaz Batti, bị sát hại hôm Thứ Tư, 2 tháng 3, vừa qua khi vừa rời căn nhà của mẹ tại Islamabad, là vị bộ trưởng duy nhất trong chính phủ Pakistan của Thủ Tướng Yousaf Raza Gilani. Ông sinh năm 1968, là người Công Giáo độc thân, được bầu vào quốc hội năm 2008, và được cử nhiệm làm Bộ Trưởng Các Nhóm Thiểu Số cũng từ năm đó. Khi được cử nhiệm, ông tuyên bố: ông nhận chức vụ này vì “những người bị áp bức, bị chà đạp và bị đẩy ra bên lề” của Pakistan. Ông nguyện dành trọn đời mình để “tranh đấu cho quyền bình đẳng của con người, cho công bình xã hội, cho tự do tôn giáo, và nâng cao cũng như lên sức mạnh cho các cộng đồng tôn giáo thiểu số”. Ông cũng thêm rằng ông muốn gửi “một sứ điệp hy vọng cho những ai đang sống một cuộc sống chán nản, vỡ mộng và tuyệt vọng”. Nhất là ông cam kết sửa đổi luật “phạm thượng” của nước ông. Để làm việc này, ông phát động chiến dịch toàn quốc cổ vũ hoà hợp liên tôn, đề nghị đưa ra đạo luật ngăn cấm các ngôn từ và trước tác gây hận thù, đề nghị dẫn nhập môn tôn giáo so sánh vào học trình và ấn định hạn ngạch (quota) để các nhóm tôn giáo thiểu số giữ các chức vụ trong chính phủ cũng như các ghế tại Thượng Nghị Viện.

Vì những hoạt động ấy, ông đã nhận được nhiều đe dọa đến mạng sống từ năm 2009, khi ông lên tiếng ủng hộ người Kitô Giáo Pakistan bị tấn công trong các cuộc bạo động tại Punjab. Các đe dọa này càng gia tăng khi ông lên tiếng bênh vực Asia Bibi, một Kitô hữu bị kết án tử hình năm 2010 vì tội “phạm thượng”.

Ngày 2 tháng 3, từ nhà mẹ ra đi, không người hộ tống, ông bị bắn gục bằng một loạt đạn và đã qua đời khi tới bệnh viện. Nhóm Tehrik-i-Taliban cho BBC hay: họ thực hiện cuộc bắn bỏ vì Bhatti là “tên phạm thượng có tiếng”.

Phản ứng

Farahnaz Ispahani, phụ tá của Tổng Thống Asif Ali Zardari, lên án vụ ám sát, cho rằng “Đây là một chiến dịch có phối hợp nhằm sát hại mọi tiếng nói tự do, tiến bộ và nhân đạo tại Pakistan”. Phần Tổng Thống Zardani, ông cam kết sẽ đánh trả các lực lượng của chủ nghĩa tối tăm và cho hay: “chúng ta sẽ không khiếp đảm cũng như rút lui”. Tuy nhiên, khi Thủ Tướng Yousaf Raza Gillani chủ tọa hai phút mặc niệm tại quốc hội, 3 dân biểu của Đảng Jamiat Ulema-i-Islam vẫn tiếp tục ngồi tại chỗ. Còn đại giáo trưởng của Pakistan thì cho hay vụ ám sát này có thể chỉ là “âm mưu của Mỹ nhằm làm mất danh dự của chính phủ Pakistan, của người Hồi Giáo và của chính Hồi Giáo”. Đại biểu Pakistan tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là Asim Ahmad tuyên bố rằng liên kết vụ ám sát Bhatti với vấn đề phạm thượng là điều không đúng. Ông ta biện luận rằng tự do ngôn luận không thể biện minh cho việc làm mất danh dự và phạm thượng; “điều quan trọng là phải ngăn ngừa chiến dịch cố ý làm mất danh dự Hồi Giáo và vị Tiên Tri của tôn giáo này”.

Trong khi ấy, các viên chức của Liên Hiệp Âu Châu cũng như của Cao Ủy Nhân Quyền LHQ đều nhất loạt lên án vụ ám sát này và liên kết nó với “bầu khí bất khoan dung và bạo lực có liên quan với cuộc tranh luận về các luật phạm thượng đang gây tranh cãi”. Các chính phủ Thế Giới đều đã lên tiếng ca ngợi Bhatti là người can đảm, được mọi người trên thế giới ngưỡng mộ (Kevin Rudd của Úc), gọi kẻ sát nhân là “nhát đảm” (Thủ Tướng Gia Nã Đại), “đê tiện” (Chính Phủ Ấn Độ), hành vi ám sát là “tàn bạo và không thể chấp nhận được” (Thủ Tướng Anh)

Phản ứng của Tòa Thánh có hơi khác. Đức Hồng Y Tauran, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, cho hay quả là một vinh dự và là một niềm vui được gặp Bhatti nhiều lần. Ngài cho hay vị bộ trưởng độc thân, trẻ trung và năng động này có lần tâm sự với ngài: “Con biết con sẽ bị ám sát chết, nhưng con xin hiến mạng sống con cho Chúa Giêsu và cho cuộc đối thoại liên tôn”. Đó là một con người “làm ta hãnh diện được làm Kitô hữu”.

Đức Hồng Y nói tiếp: bất chấp vụ ám sát này cũng như các phản ứng tiêu cực của một số người, một số nhóm, cuộc đối thoại liên tôn, nhất là với người Hồi Giáo, hiện vẫn đang tiến triển. Theo ngài, với Công Đồng Vatican II, “lần đầu tiên trong lịch sử huấn quyền, một phán đoán tích cực đã được đưa ra đối với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo”. Sở dĩ ngài có phản ứng tích cực như vậy, là vì theo ngài, đối thoại liên tôn “là đối thoại giữa những người có đức tin. Nó không phải là cuộc đối thoại giữa các tôn giáo mà là giữa những con người cụ thể”.

Ngài giải thích rằng đây là “cuộc đối thoại giữa những con người tuyên xưng các tôn giáo khác nhau và mục tiêu của những con người này là tìm cách hiểu biết nhau, trao đổi các ơn phúc thiêng liêng, tôn trọng tự do lương tâm, tránh chủ nghĩa cải đạo nhưng chấp nhận để người ta thay đổi tôn giáo”. Bởi thế, theo Đức Hồng Y, “mỗi người đều nhất trí không từ bỏ các xác tín của mình nhưng cho phép mình được thách thức và sẵn sàng xem sét các vấn đề khác với cộng đồng mình, hy vọng nhờ thế thu lượm được sự hiểu biết sâu sắc hơn, giúp mình khách quan nhìn ra tôn giáo của người khác và phong phú hóa chính cuộc sống thiêng liêng của mình nhờ các yếu tố tích cực” của các tôn giáo kia.

Ngài nhấn mạnh tới 3 yếu tố cần thiết luôn luôn đi song song với nhau: bản sắc, quan điểm người khác (otherness) và việc trao đổi quan điểm. Đây không phải là vấn đề tạo ra một thứ tôn giáo phổ quát và đi đâu cũng lọt (passé-partout). Nhưng đúng hơn, đặt mình trước Thiên Chúa và dấn thân vào cuộc hành trình hướng tới sự thật.

Về bản sắc, Đức Hồng Y Tauran cho hay ta phải có một bản sắc rõ rệt về tôn giáo của mình. Đối với Kitô hữu, Chúa Giêsu là Cứu Chúa và là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Không có bản sắc thiêng liêng này, người ta không thể đối thoại được. Chúng ta rất may mắn có được một vị giáo hoàng như Đức Bênêđíctô XVI, người biết dạy ta các nội dung của đức tin, vì đức tin không phải là một hợp thể xúc cảm, nó có các nội dung của nó.

Mặt khác, ta cần phải khiêm tốn, biết nhìn nhận các sai lầm hôm qua và hôm nay cũng như nhìn nhận các giá trị của người khác và hiểu biết nhau để sống hòa hợp và chia sẻ các giá trị chung. Trong lãnh vực này, Đức Hồng Y nhấn mạnh tới 4 chiều kích: đối thoại trong cuộc sống, có những liên hệ láng giềng tốt và năng gặp gỡ nhau; đối thoại trong việc làm, khi có dịp cùng nhau hợp tác mưu công ích, như trong các việc thiện nguyện; đối thoại thần học, khi có thể, để hiểu sâu sắc các gia tài tôn giáo của nhau; và đối thoại linh đạo.

Để tránh được chủ nghĩa chiết trung, Đức Hồng Y Tauran cho hay: chúng ta không muốn nói mọi tôn giáo ít nhiều đều như nhau, nhưng rõ ràng mọi tín hữu đều có phẩm gia như nhau. Hai điều ấy không phải là một. Bởi vậy, người Công Giáo cần khẳng định đức tin của mình một cách không hàm hồ. Các tôn giáo khác không nhất thiết tạo ra một thách thức tiêu cực. Trái lại, các tôn giáo này giúp ta suy tư âu sắc hơn về các dấu chỉ của Chúa Kitô trong tâm hồn các tín hữu của Người.

Một vị tử đạo

Đó chính là thái độ của Bhatti. Và các vị giám mục Pakistan đang xem sét đệ trình Tòa Thánh nhìn nhận tư cách tử đạo của ông. Đề nghị này sẽ được đem ra thảo luận trong hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Pakistan tại Multan trong các ngày 20-25 tháng 3 này.

Đức Cha Andrew Francis của Giáo Phận Multan, Chủ Tịch Ủy Ban Đối Thoại Liên Tôn của Hội Đồng, người phụ trách việc soạn thảo dự án, quả quyết rằng “Bhatti là người đã hy sinh mạng sống vì đức tin trong sáng vào Chúa Giêsu Kitô”. Ông là người “sống để cổ vũ các giá trị của Tin Mừng, như lòng cảm thương, tình đoàn kết, và sự quan tâm tới những người bị bỏ rơi. Chúng ta khởi sự hành động từ những giá trị ấy. Ta được mời gọi trở nên biết cảm thương với mọi người, bất kể tín ngưỡng, chủng tộc và văn hóa, nhất là trong những lúc khó khăn (như trận lụt vừa qua), để nói lên tình huynh đệ. Để tưởng niệm Bhatti, bổn phận của ta là tiếp tục không mệt mỏi cổ vũ đối thoại như khí cụ hiểu biết và trân quí nhau cũng như xây dựng hòa bình”.

Ngài nói thêm: “ở Pakistan, bổn phận đó được phát biểu chủ yếu trong cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo. Trong cuộc đối thoại này, ta được mời gọi gửi tới toàn thể quốc gia một sứ điệp mời gọi mọi người xây đắp tình hòa hợp và đoàn kết giữa nhân dân Pakistan”.

Ngoài ra, theo huấn dụ của Đức Thánh Cha, Bhatti luôn trân qúi các giá trị như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do lương tâm. Ông cũng chủ trương cần phải hợp tác một cách hữu hiệu với chính phủ và các cơ quan công quyền để phục vụ ích chung của quốc gia. Ông là gương sáng của can đảm, dấn thân, trung thành với Tin Mừng, với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội. Ông luôn tuân theo kế hoạch Thiên Chúa dành cho đời ông. Ông là người thực hiện ý Thiên Chúa bằng đức tin, đức vâng lời, đức trông cậy và xác tín vào Nước Thiên Chúa.

Máu Kitô hữu và máu tín hữu Hồi Giáo

Trong khi ấy, phát ngôn viên Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, nhấn mạnh tới khía cạnh khác nhân cái chết của Bhatti. Cha cho hay: chống đối luật “phạm thượng” có thể nguy hiểm chết người cho cả Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo. Bởi vì Bhatti là viên chức Pakistan thứ hai bị thảm sát vì chống lại luật này. Trước ông, vào tháng Giêng năm nay, Thống Đốc Tỉnh Punjab, là Salman Taseer, từng bị cận vệ của mình giết chết. “Cả hai bị giết cùng vì một lý do như nhau: cả hai đã chống lại luật phạm thượng, một luật mà từ bản chất vốn có tính phạm thượng, vì nó đã nhân danh Thiên Chúa để tạo ra bất công và chết chóc. Cả hai đều biết rõ mình có thể bị giết, vì từng bị đe dọa như thế một cách minh nhiên. Tuy nhiên, cả hai đã không từ bỏ cuộc chiến đấu cho tự do tôn giáo của mình, chống lại chủ nghĩa cuồng tín đầy bạo động, và quả thực họ đã trả giá hết sức đắt bằng chính máu mình”.

Điều bất ngờ là Taseer vốn là một người Hồi Giáo. Trong bài diễn văn với ngoại giao đoàn đầu tháng Giêng năm nay, Đức Bênêđíctô XVI đã trang trọng ca ngợi lòng can đảm của ông. Ông thực là “đồng chí” của Bhatti, người, trước khi bị thảm sát, từng nói rằng: “Xin cầu cho tôi. Tôi là người đã rút cầu phía sau mình: nên không thể mà cũng không muốn trở lui với việc dấn thân của mình. Tôi nguyện chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan và tôi nguyện tranh đấu bảo vệ người Kitô hữu cho đến chết”.

Phát ngôn viên Tòa Thánh cho rằng Bhatti “sừng sững như một chứng nhân anh dũng của đức tin và công lý” và “trong khi hai vụ sát nhân này khiến chúng ta đầy kinh hoàng và âu lo cho số phận Kitô hữu tại Pakistan, thì đồng thời và nghịch lý thay, ta cũng có một tia hy vọng vì một người Hồi Giáo và một người Kitô Giáo đã cùng chung đổ máu ra vì một chính nghĩa như nhau. Đây không còn chỉ là một đối thoại để hiểu biết nhau, hay một đối thoại dấn thân cho ích chung; từ cuộc đối thoại bằng cuộc sống, ta bước qua cuộc đối thoại bằng cái chết, bằng giá máu của ta để danh Thiên Chúa không bị bóp méo thành khí cụ của bất công. Trong tâm tình tưởng niệm Taseer và Bhatti, trong niềm biết ơn đầy xúc động đối với cách sống và cách chết của họ, những người thực sự tôn thờ Thiên Chúa phải tiếp tục chiến đấu, dù cho phải chết, nếu cần, để bảo vệ tự do tôn giáo, công lý và hòa bình”.

Chỉ muốn phụng sự Chúa Giêsu

Năm 2008, nhà xuất bản Marcianum Press cho xuất bản cuốn “Christians in Pakistan or Where Hope Is Tested” (Kitô Hữu tại Pakistan hay Nơi Hy Vọng Bị Thử Thách) ghi lại cuộc phỏng vấn Bhatti khi ông nhận chức Bộ Trưởng Các Nhóm Thiểu Số. Trong tác phẩm này, ông thuật lại phản ứng của ông khi được mời giữ các chức vụ công: “Tôi từng được mời giữ các chức vụ trong chính phủ với điều kiện phải từ bỏ cuộc chiến đấu của mình, nhưng tôi luôn khước từ, không lui bước dù phải chết. Tôi nói: ‘Không, tôi muốn được phụng sự Chúa Giêsu như một người dân thường’. Tôi hạnh phúc với lòng sùng kính này, chứ không muốn được nổi tiếng; tôi không muốn bất cứ chức vụ nào. Tôi chỉ muốn được ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Tôi muốn cuộc sống tôi, tính khí tôi, các hành động của tôi nói thay cho tôi và cho mọi người thấy rằng tôi đang dấn bước theo Chúa Giêsu Kitô. Chính vì ý nguyện này, tôi muốn coi mình như may mắn hơn, nếu như trong cố gắng này và trong cuộc chiến đấu giúp người túng thiếu, người nghèo khổ, giúp các Kitô hữu bị bách hại và bị đầy đọa ở Pakistan này, tôi được Chúa Kitô chấp nhận lễ hy sinh đời tôi. Tôi muốn sống cho Chúa Kitô và chết cho Người. Tôi không thấy sợ tại đất nước này. Nhiều lần, người quá khích muốn giết tôi, nhiều lần họ muốn cầm tù tôi, họ đe dọa tôi, họ sách nhiễu tôi và khủng bố gia đình tôi… (Nhưng) bao lâu còn sống, bao lâu còn thở, tôi vẫn còn phụng sự Chúa Giêsu, phụng sự nhân loại khốn cùng, nhân loại đau khổ, người Kitô hữu, người túng thiếu, người nghèo đói”.
 
Top Stories
Pope: Lent, fasting means abstaining from evil and living the Gospel
AsiaNews
09:20 09/03/2011
General audience, Benedict XVI illustrates the moments of this "time of conversion” and practices connected with it. Linked "strictly" to fasting, almsgiving is the will to do good. Both are the "two wings of a prayer, which allow us to take flight and seek the things of heaven."

Vatican City (AsiaNews) - Lent, which begins today, Ash Wednesday, "reminds us of our condition as creatures, invites us to repentance, to a journey of conversion," it is a "journey of conversion", also characterized by the practice of fasting, almsgiving and prayer. Fasting, in particular, means abstinence from food but includes other forms of deprivation for a more sober life", but this “is the outward sign of an inner reality, of our efforts, with the help of God, to abstain from evil and to live the Gospel. Those who do not nourish themselves with the Word of God, are not really fasting"

The sense and the "moments" of Lent, " reminds us that Christian life is a “road” to be travelled, it consists not so much of a law to be observed, but in meeting, welcoming and following Christ" were presented today by Benedict XVI IN his address to the seven thousand people in the Vatican for the general audience.

This time, in the words of the Pope, "is following the school of Jesus, to retrace the events that have brought us salvation, but not as a simple commemoration, a remembrance of past events. In liturgical celebrations, Christ is made present through the Holy Spirit, those saving events become current. There is a keyword that occurs frequently in the liturgy to indicate this: the word today, and it must be understood not in the metaphorical sense but in the original and real sense. Today, God reveals His law and has given us to choose today between good and evil, between life and death, today the Kingdom of God is near. Repent and believe the Gospel; today, Christ died on Calvary and rose from the dead and ascended into heaven and is seated at the Father's right, today we are given the Holy Spirit, today is the opportune time. Participating in the Liturgy, then, means immersing our lives in the mystery of Christ, his permanent presence, to follow a path in which we enter into His death and resurrection to have life. "

On the Sundays of Lent, Benedict XVI said we are invited to live a baptismal journey, "to revive in us this gift and make it so that we discover in our lives the needs and commitments of this sacrament, which is the basis of our Christian life ", as pointed out, he said, in his message for Lent this year. "The Church has always associated the Easter Vigil with the celebration of baptism: it realizes the great mystery through which man, who died to sin, is given a share of new life in the Risen Christ and receives the Spirit of God who raised Jesus from the dead. "

"The readings we will hear in the next few Sundays, and to which I invite you to pay special attention, are taken from ancient tradition, which accompanied the catechumens in the discovery of Baptism: they are the good news of what God does is in this Sacrament, a stunning baptismal catechesis addressed to each of us. The first Sunday, presents the temptations of Jesus in the desert, it invites us to renew our final decision for God and to courageously face the fight ahead to remain faithful. "

The second Sunday "is said of Abraham and the Transfiguration. Baptism is the sacrament of faith and of divine sonship, like Abraham, the father of believers, we too are invited to leave, to go out from our land, to leave the security we have built, to put our trust in God, and the goal can be seen in the transfiguration of Christ, the beloved Son, in whom we become children of God. "

The following Sunday baptism is presented through the images of water, light and life. In the Third, we meet the Samaritan woman. Like Israel in the Exodus, in Baptism we too received the water that saves. Jesus, as He tells the Samaritan woman, has the water of life which satisfies every thirst; this water is His Spirit"

The fourth Sunday leads us to reflect on the experience of the man 'blind from birth'. In Baptism we are freed from the shades of evil and receive the light of Christ in order to live as children of light.. .. Finally, the fifth Sunday presents us with the raising of Lazarus. In Baptism we pass from death to life and become capable of pleasing God, of causing the old man to die so as to live in the spirit of the Risen One”.

This itinerary is characterized, in Church tradition by certain practices: fasting, almsgiving and prayer. Fasting is "strictly" linked to charity. Citing St. Leo the Great, the Pope said that alms, "under the single name of 'mercy' embraces many good works. A vast field of works of mercy. Not only the rich and the wealthy can benefit others through charity, but even those of modest and poor means. Thus, unequal in fortune, they can all be equal in sentiments of piety of the soul. "

"Lent is also a special time for prayer. St. Augustine calls fasting and almsgiving the “wings of prayer”, since they prepare our hearts to take flight and seek the things of heaven, where Christ has prepared a place for us" " The Church knows that, because of our weakness, it is often difficult to be silent before God and be fully aware of our condition as creatures who depend on Him, as sinners who are in need of His love. This is why Lent invites us to a more faithful and intense prayer"

"In this journey of Lent – concludes the Pope - we are ready to understand the call of Christ to follow a more determined and consistent path, renewing our commitments and grace of our baptism, to abandon the old man within us and vest ourselves in Christ, to arrive at Easter renewed so we can say together with Saint Paul "it is no longer I who live but Christ who lives in me."
 
Hundreds of Anglicans moving to Catholic church
YahooNews
09:22 09/03/2011
LONDON (AP) – Disaffected Church of England members and a number of priests are marking Ash Wednesday by taking a first step to joining the Roman Catholic Church.

They won't be able to receive the sacraments, however, until they are confirmed just before Easter.

Church officials haven't released numbers, but a Catholic magazine, The Tablet, has reported that 20 priests and 600 lay people are making the move.

They are joining the Ordinariate of Our Lady of Walsingham, a unique grouping formally created by the Vatican in January. Those joining the ordinariate will be allowed to keep some of their Anglican customs and liturgy, and their priests will be able to be ordained to the Catholic priesthood even if they are married.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo lý Mùa Chay
Liên Đoàn CGVNHK
09:14 09/03/2011
GIÁO LÝ MÙA CHAY

1/ Mùa Chay là gì?

Mùa Chay kéo dài bao nhiêu ngày, bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh.

2/ Kinh Thánh cho ta biết con số 40 ám chỉ những biến cố lớn nào?

Con số 40 (ám chỉ) gợi nhớ 40 năm dân Do Thái Vượt Qua trong sa mạc tiến về Đất Hứa (Ds 14,33; 32,13), lụt Hồng Thủy kéo dài 40 đêm ngày (St 7) và cuộc chay tịnh 40 đêm ngày của Chúa Kitô trong rừng vắng trước khi rao giảng ơn cứu độ (Mt 4,2; Lc 4,1-2). Các Giáo Phụ cũng coi thời gian giữ chay tương tự thời gian bốn mươi ngày ông Mô-sê ở trên núi Xi-nai (Xh 34,28), hoặc bốn mươi ngày ông Ê-li-a chạy trốn ở núi Kho-rép (1V 19,8)...

3/ Mùa Chay có mấy đặc tính?

Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô, và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị các tín hữu cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày.

4/ Mùa Chay mang ý nghĩa gì?

Mùa Chay là thời kỳ sám hối, cầu nguyện: Hội Thánh kêu gọi mọi người quay về với Chúa, thanh tẩy tâm hồn, từ bỏ các tật xấu, hy sinh hãm mình và làm việc bác ái.

Mùa Chay cũng là thời gian huấn luyện đức tin của các Kitô hữu cho thêm vững mạnh, và sâu xa hơn khi nhớ lại Bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận.

Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị cho anh chị em dự tòng đón nhận sự sống thiêng liêng nhờ việc sống tinh thần của Bí tích Rửa Tội.

5/ Chủ đề Sứ điệp Mùa Chay năm 2011 của Đức Thánh Cha là gì?

Sứ điệp năm nay có chủ đề “Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người” (Xc Cl 2,12).

6/ Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2011, Đức Thánh Cha chỉ ra đâu là điểm giúp hướng dẫn hành trình Mùa Chay?

“Để nghiêm túc bắt đầu hành trình tiến về Lễ Phục Sinh và chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa - là lễ vui mừng và trọng đại nhất trong toàn năm phụng vụ - thử hỏi có gì thích hợp hơn là để cho Lời Chúa dẫn dắt?”7/ Bốn phương thế Hội Thánh quen dùng trong Mùa Chay là gì?

Bốn phương thế Hội Thánh quen dùng trong Mùa Chay là: sám hối, ăn chay hãm mình, cầu nguyện và làm các việc bác ái.

8/ Sám hối là gì?

Sám hối là can đảm và khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm mình đã phạm.

9/ Việc chay tịnh giúp con người ra sao?

Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì chính lúc không sử dụng lương thực Chúa ban, con người mới cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình. Hơn nữa, ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: Nếu không có Người, chúng ta không thể làm gì được; và qua việc thực lòng nhìn nhận tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa tha thứ.

10/ Theo luật Hội Thánh, đến tuổi nào thì buộc phải giữ chay và kiêng thịt?

Theo luật Hội Thánh, mọi người từ tuổi thành niên (tức là 18 tuổi trọn; GL 97) cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì buộc phải giữ chay (GL 1252 ). Còn luật kiêng thịt buộc những người từ 14 tuổi trọn trở lên.

11/ Giáo Hội buộc ta phải giữ chay và kiêng thịt vào những ngày nào?

Giáo Hội buộc ta phải giữ chay và kiêng thịt vào hai ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh (x. GL 1251). Việc chay tịnh của Hội Thánh vào hai ngày này nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi và đó cũng là một sự chuẩn bị để mừng lễ Phục Sinh.

12/ Phụng vụ ngày thứ Tư Lễ Tro gợi lên cho tín hữu những gì?

Phụng vụ ngày thứ Tư Lễ Tro gợi lên cho tín hữu ý thức về thân phận thụ tạo tội lỗi của mình. Khi nhận tro rắc lên đầu, tín hữu được nhắc nhớ: “hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.

13/ Tại sao Chúa nhật thứ VI Mùa Chay được gọi là Chúa nhật Lễ Lá?

Chúa nhật bắt đầu Tuần Thánh gọi là Chúa nhật Lễ Lá, vì có cuộc kiệu lá để kỷ niệm việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Tục lệ này khởi đầu tại Giê-ru-sa-lem vào cuối thế kỷ thứ IV.

14/ Nghi thức làm phép lá và rước lá nhắc nhở chúng ta điều gì?

Nghi thức làm phép lá và rước lá nêu cao vương quyền của Đức Kitô, đồng thời để giúp chúng ta sống lại cảnh tượng Chúa Kitô khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem. Người muốn tỏ uy quyền và vinh quang của Người để chúng ta bền vững, tin tưởng và trung thành với Người.

15/ Tuần Thánh là gì?

Tuần Thánh là tuần lễ chủ yếu của năm Phụng vụ, bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá đến Chúa nhật Phục Sinh.

16/ Trong tuần Thánh, Giáo Hội cử hành những cuộc tưởng niệm nào?

Trong Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành cách đặc biệt hơn các biến cố trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Người. Trong tuần lễ này, Tam Nhật Vượt Qua là những ngày quan trọng nhất.

17/ Hằng năm, người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để làm gì?

Hằng năm người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để tưởng nhớ lại biến cố Vượt Qua Biển Đỏ mà ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, và nhắc nhở họ phải sống xứng đáng là dân riêng của Chúa.

18/ Hội Thánh cử hành Tam Nhật Vượt Qua với mục đích nào?

Hội Thánh cử hành Tam Nhật Vượt Qua để cho ta thấy trước và sống trước những thực tại của ngày cánh chung, ngày mà Chúa Kitô sẽ tập hợp tất cả chúng ta lại trong Nước của Cha Người. Mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu đã khơi mào và bảo đảm cho ta được hưởng ngày hồng phúc ấy. Hơn nữa, Hội Thánh dùng Tam Nhật Vượt Qua để đón nhận những con cái mới được sinh ra trong ân sủng, để giao hòa những hối nhân và canh tân đời sống những người đã được thanh tẩy.

19/ Tam Nhật Vượt Qua có ý nghĩa gì đối với Kitô hữu?

Tham dự Tam Nhật Vượt Qua, tín hữu được sống với Đức Kitô trong bữa Tiệc Ly, theo Người lên Núi Sọ, bước vào chốn an nghỉ của Người và chiêm ngắm Người Phục Sinh vinh hiển.

20/ Tại sao Tam Nhật Vượt Qua lại là trung tâm điểm của Phụng vụ Kitô giáo?

Tam Nhật Vượt Qua là trung tâm điểm của Phụng vụ Kitô giáo, bởi vì tất cả nền Phụng vụ của Hội Thánh đều phát xuất từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô: khổ nạn, chịu chết và phục sinh. Ngày Chúa Phục Sinh là ngày lễ Mẹ của mọi ngày Chúa nhật trong năm; Thánh Lễ nào cũng đều tưởng niệm và tái diễn công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.

21/ Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh cử hành những nghi thức long trọng nào?

· Thánh Lễ Truyền Dầu được cử hành vào ban sáng do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế cùng với Linh mục đoàn để làm phép dầu Bệnh Nhân, dầu Dự Tòng và để thánh hiến Dầu Thánh.
· Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu được cử hành ban chiều để nhắc nhớ việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Thánh lễ này khai mạc Tam Nhật Vượt Qua.

22/ Phụng vụ chiều thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội tưởng niệm những biến cố gì?

Trước hết là tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục, cũng như nghi thức rửa chân, biểu tượng tình yêu phục vụ của Đức Kitô.

23/ Khi cử hành nghi thức rửa chân, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta điều gì?

Chính vì yêu thương mà Chúa Giêsu đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, như đầy tớ rửa chân cho chủ. Qua nghi thức này, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta phải noi gương Đức Kitô trong tinh thần phục vụ: “Phục vụ vì yêu thương”.

24/ Kinh Thánh cho ta biết tâm trạng của Chúa Giêsu trong vườn Ghết-xê-ma-ni thế nào?

Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu cảm thấy sợ sệt, buồn rầu và xao xuyến. Người đã xin Chúa Cha cho khỏi qua giờ đau khổ, khỏi phải uống chén đắng này. Tuy nhiên, dầu sợ hãi, Người cũng sẵn sàng chết, nếu đó là Thánh ý Chúa Cha: “nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”.

25/ Chén đắng mà Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho Ngài khỏi uống ám chỉ điều gì?

Chén đắng ở đây ám chỉ những thử thách và những đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Đó chính là cuộc thương khó của Ngài.

26/ Trọng tâm của việc cử hành chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh là gì? Tại sao?

Trọng tâm của việc cử hành chiều thứ Sáu Tuần Thánh là nghi thức suy tôn và kính thờ Thánh Giá, vì nhờ Thánh Giá mà ơn cứu độ được ban cho chúng ta.

27/ Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã nói những lời nào?

· Lời thứ nhất: Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha xin Người tha cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34);
· Lời thứ hai: Đức Giêsu chấp nhận lời xin của tên trộm bị đóng đanh cùng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc, 23, 43);
· Lời thứ ba: Đức Giêsu trao gửi Thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là Con Bà” (Ga 19,26);
· Lời thứ bốn: Đức Giêsu trao gửi Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,27);
· Lời thứ năm: Đức Giêsu than thở với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con!” (Mt 27, 46);
· Lời thứ sau: Đức Giêsu phó thác linh hồn cho Chúa Cha: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23, 46);
· Lời thứ bảy: Đức Giêsu kêu khát và sau khi uống chút giấm chua, Đức Giêsu nói: “Thế là mọi sự đã hoàn tất”. Rồi Người tắt thở. (Ga 19, 30).

28/ Khi chết trên Thập Giá, Đức Kitô muốn nói với chúng ta điều gì?

Đức Kitô muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

29/ Tại sao gọi tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu chuộc?

Chúng ta gọi tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu chuộc vì qua hy lễ của Đức Kitô, tình yêu Thiên Chúa giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. (Rm 5, 8).

30/ Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, chúng ta phải có những thái độ nào?

· Suy tôn: vì Chúa đã chiến thắng sự chết;
· Cảm phục: vì Chúa đã hy sinh chịu chết;
· Cảm mến: vì Chúa đã dùng cái chết để tỏ lòng yêu thương ta;
· Tri ân: vì Chúa đã chịu chết để chuộc tội cho ta;
· Ngưỡng mộ: vì Chúa muốn chúng ta noi theo Người: “Ai muốn theo Ta, thì hãy bỏ mình và vác thập giá mình mà theo”;

Vì thế, chúng ta giục lòng ăn năn tội và quyết tâm sống mỗi ngày đẹp lòng Chúa hơn.

31/ Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội muốn chúng ta làm gì?

Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng với Mẹ Maria cầu nguyện bên Mồ Chúa, cùng Người suy ngắm các đau khổ, cái chết và việc mai táng của Chúa Giêsu trong niềm hy vọng và tin tưởng.

32/ Trên hình Thánh Giá ở cây nến Phục Sinh, Linh mục ghim năm hạt hợp hương mang ý nghĩa gì?

Trên hình Thánh Giá ở cây nến Phục Sinh, năm hạt hợp hương chính là biểu tuợng năm dấu đanh của Chúa Giêsu (dấu đanh trên cổ tay trái, dấu đanh trên cổ tay hữu, dấu đanh trên cổ chân trái, dấu đanh trên cổ chân phải, và dấu đanh bên cạnh sườn của Chúa Giêsu).

33/ Dấu Thánh Giá mang ý nghĩa gì?

Thánh Giá là dấu chỉ của sự cứu độ. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Chúa Kitô và bày tỏ niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã chết trên Thánh giá để cứu chuộc chúng ta.
 
Một Chuyến Viếng Thăm Cha Trương Bửu Diệp
Phạm Trung
11:35 09/03/2011
Xn chia sẻ về Một Chuyến Viếng Thăm Cha Trương Bửu Diệp, xin bấm vào đây:

Một Chuyến Viếng Thăm Cha Trương Bửu Diệp
 
Các cụ Cao Niên GXVN Paris Mừng Xuân Tân Mão
Trần Văn Cảnh
13:44 09/03/2011
Các cụ Cao Niên GXVN Paris Mừng Xuân Tân Mão

Chúa nhật 27.02.2011, các cụ Cao Niên GXVN Paris được các anh chị Chuyên Gia mời tới giáo xứ mừng Xuân Tân Mão. Đây là lần thứ ba các chuyên gia, Nhóm Cao Niên, tổ chức « Mừng Xuân » cho các cụ cao niên trong giáo xứ. Tổ chức theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là có dự tính, có chương trình, có phân công, có thực hiện, …

Vào đầu niên học, tháng 09, các anh chị lên chương trình sinh hoạt trong năm. Cho niên khóa 2010-2011. Năm sinh hoạt đã được lên chương trình:

Xem hình các cụ cao niên giáo xứ VN Paris mừng xuân Tân Mão

1. 17.10.2010: Hành hương Nevers, kính viếng thánh nữ Bernadette, Gare de Lyon, Paris
2. 12.12.2010: Thuyết trình “Vấn đề dinh dưỡng của người già”, từ 14 giờ tại GXVN Paris
3. 27.02.2011: Tết Cao Niên Tân Mão: 11g30 Thánh lễ; 13 giờ: Tiệc Xuân, tại GXVN Paris
4. 10.04.2011: Hành hương Lisieux, Kính viếng ÔB Chân phước Martin và Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Gare St-Lazare, Paris.
5. 19.06.2011: Ngày hiền phụ, Ông bà Cha mẹ (Fête de la musique), từ 14 giờ, tại GXVN Paris.

Từ tháng 10, sau khi đã thực hiện xong cuộc hành hương, tổ chức vào ngày 17.10.2010, các anh chị đã bắt đầu chuẩn bị « Tết Cao Niên », dự tính kế hoạch, trù liệu việc làm, phân công nhân sự,….Một trong những công việc phải khởi đầu là cập nhật danh sách. Qua một danh sách đã được thiết lập từ năm 2009, được cập nhật vào năm 2010, Các anh chị đã cập nhật lại cho Tết Tân Mão 2011. Theo danh sách này, các anh chị chia nhau điện thoại mời từng vị cao niên trong cộng đoàn. Trong những điện thư báo cáo về việc mời này, những chuyên gia phụ trách tỏ ra rất hồ hởi, vui mừng. Theo sát việc làm của các anh chị, mới thấy những thiện chí và hy sinh, mới thấy những tích cực đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn, trong đó, các thành phần khác nhau đóng góp cho nhau và cho cộng đoàn, làm cho cộng đoàn được sống động và phát triển trong tình hiệp thông và bác ái.

Nhờ những cú điện thoại mời này và những lời rao hàng tuần, những thông tin phổ biến trên báo và mạng lưới giáo xứ, các cụ cao niên, dẫu có người đã bị Alzheimer, đã đông đảo đến tham dự ngày « Cao Niên Mừng Xuân Tân Mão ». Người thì đi một mình, người thì đi với bạn bè, người thì đi chung cặp, trên dưới gần 200 cụ cao niên đã đến giáo xứ « Mừng Xuân Tân Mão », dành riêng cho cao niên.

11 giờ 30, trong nhà nguyện, giữa lòng, hai hàng ghế giữa đã chật chỗ, nhiều cụ cao niên đã phải ngồi sang hai hàng bên; nhiều vị khác phải ngồi sang hàng cánh. Theo lời ca của Ca đoàn Giáo xứ, hát rằng « Xin trở nên thạch độngcho con náu thân. Xin trở nên núi đá cho con ẩn mình. Vì Chúa là Đấng cứu độ con. Ngài nắm giữ vận mạng của con », các cụ đứng lên đón chào đoàn đồng tế và cùng các ngài cử hành thánh lễ, mở đầu việc mừng xuân.
Chia sẻ Tin Mừng với các cao niên, Đức Ông Mai Đức Vinh đã tựa vào ba bài thánh kinh chúa nhật VIII thường niên năm A để ngỏ lời với các cao niên về « Chúa Quan Phòng ».
Mở đầu bằng một câu truyện mục vụ sống động về việc trở lại đạo mới đây của cụ Huỳnh Văn Đạt, Đức Ông đã mời gọi mọi người hãy tin tưởng và phó thác vào Chúa Quan Phòng, như lời Phúc Âm hôm nay rằng: «Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy ».
Nhờ tin tưởng và phó thác vào Chúa Quan Phòng, chúng ta có thể sống an bình hơn trong Chúa, nhất là những người đã ở vào tuổi cao niên. Chúng ta càng sống an bình hơn khi biết rằng Chúa chẳng bao giờ quên ta. Chúa đã hứa « Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ ». Chúng ta chỉ có một điều lo lắng là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, như một đầy tớ của Đức Kytô, quản lý các mầu nhiệm của Chúa và trung thành với Ngài: « Anh em thân mến, chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành ».

12 giờ 30, cùng nhau dâng lễ chúc tuổi Chúa xong, các cao niên được ông Bùi trọng Khang, đại diện anh em chuyên gia, mời sang phòng khánh tiết cùng nhau mừng xuân một cách vật chất và trần thế hơn. Bước vào phòng tiệc, mỗi vị được Đức Ông giám đốc và cha Tuyên Úy trao tặng một cành mai vàng, mà các anh chị chuyên gia đã mua sẵn. Nhộn nhịp và vui tươi, các cụ cười nói vui vẻ, gọi nhau, kêu nhau, chúc nhau, mừng nhau, tin tức cho nhau, thăm hỏi nhau,… và từ từ ngồi vào bàn tiệc.
Trên sân khấu, to lớn và trang hoàng hoành tráng, cha tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách và các anh chị chuyên gia trong Nhóm Cao Niên xuất hiện, chào mừng các cao niên đã đến chung vui « Mừng Xuân Tân Mão Cao Niên ». Cha tuyên úy, cũng là nhà thơ Cung Chi, đã phân biệt ba hạng tuổi là thiếu niên, trung niên và cao niên. Về hạng cao niên, cha phân biệt năm bậc « thọ » là hạ thọ (từ 60 tuổi), trung thọ (từ 70), đại thọ (từ 80), thượng thọ (từ 90), và bách tuế (từ 100 tuổi). Ngoài năm bậc thọ trên, còn một bậc thọ nữa, ngàn vạn lần thọ là Vạn Thọ, dành cho Chúa. Kết thức lời chào mừng và chúc thọ, cha tuyên úy đã « Kính tặng Quí vị Cao niên GXVN Paris » bài thơ « Vạn thọ ». Thơ rằng:

Sáu chục xuân xanh « đầu hạng ba »
Vào hàng nội ngoại, thành ông bà.
Trước lo con cái, giờ lo cháu
Thật là vui cửa, lại vui nhà.

Sáu chục qua đi, tiếp bảy mươi
Thất thập cổ lai vốn hiếm hoi
Con số tụng ca theo thánh vịnh
Đáng kể, đáng ghi, dưới mặt trời.

Oanh liệt kỳ công tuổi tám mươi
Danh dự chiếu trên quí cụ ngồi
Khoe hết các con, khoe cháu chắt
Nhìn ngó tương lai mỉm miệng cười.

Ai nấy trầm trồ bậc chín mươi
Vượt hẳn hạ, trung, thượng thọ rồi
Khấp khởi nay mai mừng bách tuế
Cho tròn thế kỷ sống trên đời.

Vạn thọ vô cương chỉ có Trời.
Nghìn năm chớp nhoáng phút giây trôi
Một giờ biệt tích đêm khuya khoắt
Trường sinh bất diệt..; trông nơi Trời.

Cung Chi
Tết cao niên 2011 Tân Mão tại GXVN Paris


Tiệc tân niên được các Bạn Trẻ, đến phụ các anh chị chuyên gia, hầu tiếp. Các bạn trẻ, nam có, nữ có, người bưng mâm cỗ, kẻ xách chai rượu, đi lại hầu tiếp các cụ cao niên. Cùng với tiệc, có xúp măng cua, pa tê nóng, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, gỏi tôm, giò thủ, thịt heo quay, mì xào, xôi vò, chè, thạch, cà phê,… có rượu vang, nước ngọt, nước khoáng, nước lọc,…một cuộc trình diễn văn nghệ dân tộc đã được các nghệ sỹ trong nhóm Bảo Đức đến từ Bussy-St-Georges, và nhiều nghệ sỹ hoặc nhóm văn nghệ khác góp vui.
Đơn ca, với Bảo Đức, Trinh Nghia, Ngoc Chau, Đinh Đại, Ngọc Lan, …qua những bài hát xuân quen thuộc, như Anh cho em mùa Xuân, Cánh thiệp đầu xuân, Đôi mắt người Sơn Tây, Le temps de l’amour, Que sera sera, Đón Xuân
Múa, Liên khúc, hợp ca với các nhóm Thiếu nhi, thiếu niên giáo xứ, Triều Dâng, …qua những bài như Vui Xuân, Xuân Nghệ Sĩ, Xuaz-n họp mặt, Trống cơm, Quan họ Bắc Ninh,…
Một trong những màn độc đáo mà các cao niên yêu thích là sớ của « Thần Táo Cao Niên », trình tâu Ngọc Hoàng về những việc « Nhóm Cao Niên » đã thực hiện trong năm Dần 2010.

17 giờ, tiệc mãn. Khép lại ngày « Các cụ Cao niên GXVN Paris Mừng Xuân Tân Mão ». Văng vẳng những câu sớ còn vọng vang: « Đã ba năm liền, Có Tết Cao Niên, Tại ngay Giáo xứ, Tổ chức quy củ, Do Nhóm Chuyên Gia »,….

Paris, ngày 09 tháng 03 năm 2011
 
Hành hương khai mạc Mùa Chay tại Núi Sọ giáo phận Đà Nẵng
Tôma Trương Văn Ân
13:53 09/03/2011
Núi Sọ tại Giáo xứ An Ngãi, hạt Hòa Vang, Giáo phận Đà Nẵng là trung tâm hành hương Mùa Chay, dịp Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm của Giáo phận. Trên quả đồi cao chừng 200m, một lễ đài lớn được xây dựng gần chặng thứ nhất, 14 chặng Thánh Giá được xây xoắn ốc từ lưng đồi đến đỉnh.

Xem hình ảnh

Thứ Tư Lễ Tro ( 9 /3 / 2011 ) năm nay, tại đây Giáo phận đã gẫm Đàng Thánh Giá và Thánh Lễ Đồng Tế trọng thể khai mạc Mùa Chay. Chủ đề được trích trong thư Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Benedic XVI, trích trong thư Thánh Phao-lô gởi cô-lô-xê: “chúng ta đã chịu Phép Rửa với Chúa Ki-Tô, Đấng đã tử nạn và Phục Sinh vì chúng ta, anh em đã được mai táng với Chúa Ki-Tô trong Phép Rửa, anh em cũng sẽ được sống lại với Người”

Mấy hôm nay thời tiết Đà Nẵng se lạnh, gió bấc như làm cho lạnh thấm sâu thêm vào từng thớ thịt, nhiều người lo có thể ít người đến tham dự, vậy mà từ rất sớm tùng đoàn người đổ dồn về.

7 giờ30 bắt đầu khai mạc đi gẫm Đàng Thánh Giá, khu vực lễ đài đã không còn chổ trống, đoàn hành hương mỗi lúc một đông, gẫm sự thương khó Chúa trong mùi hương thoang thoảng của hoa sim tím khắp quả đồi, một ý tưởng thoáng qua trong tôi, ngày nào tôi biết nối kết với Đức Ki-Tô, cùng đóng đinh những lỗi lầm và đam mê xác thịt, biết bác ái, giữ chay tịnh lòng và cầu nguyện mỗi ngày, tôi cũng được như hương thơm của một đóa hoa giữa đồi hoa Giáo hội, vậy mà thực tế tôi lại không làm được!

Càng lên cao, đường như càng dốc, đôi chân thấm mỏi, hơi thở gấp, mồ hôi lấm tấm mặc dù trời không nắng và lạnh. Đi theo đường Chúa quả là không dễ, có vài người trượt chân té ngã lại cười đùa: Chúa ngã 3 lần, mình mới ngã 1 lần chưa thấm gì, trong cuộc đời tôi đã “té ngã “ quá nhiều lần. Lên đến đỉnh mới cảm thấy khoan khoái lạ thường, đây chính là hình ảnh mờ nhạt “qua đau khổ mới đến phục sinh vinh quang “.

9 giờ kết thúc gẫm Đàng Thánh Giá.

9 giờ 30 Thánh lễ do ĐGM Giáo phận chủ sự cùng đồng tế với Linh Mục đoàn Giáo phận, trong bài chia sẻ, ĐGM mời gọi người Ki-Tô hữu, nỗ lực gìn giữ ơn Thánh khi nhận bí tích Rửa Tội nên con cái Thiên Chúa, mời gọi sống làm chứng cho Đức Ki-Tô trong cuộc sống, chúng ta lãnh nhận áo trắng phải nên con người mới nối kết với Đức Ki-Tô và nên đồng hình đồng dạng với Người, nến sáng, nên chứng nhân ánh sáng trong đời, nổ lực đời sống vẹn toàn trước những bảo táp cuộc đời. Ngài cũng mời gọi làm hòa cùng Thiên Chúa, Đấng hằng thương xót chúng ta và với nhau, để được ơn tha thứ để tiếp tục đời trong sạch. ĐGM cảnh báo: “nhìn lại đời sống chúng ta, mắc bao nhiêu lỗi lầm, làm hoen ố vấy bẩn tấm áo linh hồn, còn ánh nến gương sáng thì đã tắt từ lâu rồi ! “.

Ngài đã chỉ cho mọi người thấy các phương thế mà Chúa đã dạy, trong Tin Mừng Thánh Mat thêu, đó là bác ái – ăn chay – cầu nguyện

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, nghi thức xức tro, như nhắc mọi người thân phận bụi đất của con người.

Cuối Thánh lễ, Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Thú, quản xứ An Ngãi đại diện Giáo xứ, cám ơn ĐGM, quý Linh Mục đồng tế, quý Tu Sĩ nam nữ, các ban ngành, ca đoàn và mọi người góp công sức cho buổi lễ được tốt đẹp.

ĐGM đại diện cộng đoàn đáp từ, cám ơn cộng đoàn Giáo xứ An Ngãi.

11 giờ, trước lúc kết thúc, ĐGM ban phép lành, mọi người hân hoan ra về.
 
Văn Hóa
Tôi ăn chay
Maria Vũ Loan
09:06 09/03/2011
Hôm nay, tôi ăn chay hãm mình. Những người trân trọng giáo huấn, luật định của Hội Thánh cũng làm như vậy. Vào mùa này, có những bài viết rất hay về nói về sự chay tịnh, rồi nhắc nhở nào là cuộc đời này chóng qua, nào là con người là tro bụi, nào là sự cám dỗ “mãnh liệt” từ của cải dẫn con người đến tội ác…nói chung, nhiều bài viết rất cao siêu. Tôi chỉ xin chia sẻ cảm xúc đơn sơ của một giáo dân trong một ngày ăn chay.

Trước hết, phải nói rằng, đối với tôi, tiền lương hàng tháng lãnh của Nhà Nước được “ổn định” vào từng chuyên mục “điện, nước, internet, gas, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối” cả rồi, chỉ có tiền “viết lách” là tôi được “ăn tiệm” thoải mái, vì thế ăn chay hôm nay là đúng việc của người Kitô hữu nhưng tôi còn đề ra THÊM CHO MÌNH NHỮNG CÁCH CHAY TỊNH KHÁC trong mùa chay này.

Buổi sáng thức dậy, tôi đọc kinh mà lòng còn thấy vui vui vì bữa tiệc “8 tháng 3” của ngày hôm qua. Tôi cố gắng sốt sắng, một sự chay tịnh đầu tiên khi điều chỉnh sự tự do của mình!

Kế tiếp, tôi lập công đức bằng cách cầm điện thoại, gọi cho một “con nợ” và nói rõ rằng người này không cần phải trả tôi món tiền còn nợ. (Thế là tôi yên lòng, không phải bớt tiền quà sáng mà “cho người nghèo” đúng ý nghĩa của ngày ăn chay. Mà quà sáng của tôi có gì đâu: một ly cà phê và vài cái bánh ngọt, bớt ra làm sao được!)

Thật ra, có một Đức Giám mục nói với tôi rằng: “Con ĐỪNG LÀM CHO AI THẤT VỌNG khi họ đến với mình!”. Tôi đã áp dụng điều này cho bất cứ ai chạy đến nhờ vả, dù ít dù nhiều, vì thế tôi đã cho người bạn mượn số tiền trong lúc túng bấn mà nếu người ấy không trả, tôi cũng không ảnh hưởng gì! Tôi nghĩ đó là cách chay tịnh theo thời điểm.

Một lần, tôi đang đứng trong một tiệm sách Công giáo, một người đến gần, nói với tôi chỉ một câu mà lòng tôi đau nhói, ra về, tôi ăn ngủ ray rứt đến ba ngày, đã mấy lần tôi định nhấc diện thoại gọi cho người này để trả đũa bằng những lời cay cú (vì ai cũng có khả năng nói những lời làm người khác đau đớn!) nhưng tôi kính sợ Chúa, không dám làm điều đó, chỉ rên rỉ rằng: “Chúa ơi, sao người này lại thốt ra những lời ấy? Xin Người xem xét mà sửa dạy!”. Đối với tôi, đây là sự chay tịnh trong đời thường.

Bình thường, tôi thường sợ và né tránh những người có tánh tình hung dữ. Trước đây, tại nơi tôi làm việc, có một người hay dùng suy nghĩ sắc sảo, tinh ranh của mình làm chia rẽ mọi người trong một tập thể. Thấy tầm nguy hiểm của người này, tôi gồng mình đến gần, quan tâm chia sẻ chuyện gia đình, năng hỏi thăm sức khỏe và không từ chối bất cứ điều gì; hy vọng cảm hóa và cô lập được cái ác trong một con người. Nào ngờ, một lần tôi sơ sót, thế là tôi lãnh chịu cơn giận dữ của người phụ nữ thâm độc này. Tôi bực dọc vì thấy mình thất bại và việc làm bị phản tác dụng; sau cùng, tôi dùng kinh Mân Côi, cầu nguyện cho con người đáng sợ này. Ít lâu sau, tôi thắng cuộc, ảnh hưởng xấu của người này giảm hẳn. Tôi nhận ra rằng, cách chay tịnh bằng kinh Mân Côi thắng được quỉ dữ, dù rằng rất hồi hộp, dễ bị tổn thương.

Tôi hay “check” tin tức vào buổi sáng. Để thỏa mãn “sự hiểu biết” hay tánh “tò mò” tôi cần phải bỏ ra cả ngày thì mới đọc hết những gì muốn biết. Nhưng không, “thời gian sống” Chúa ban cho một ngày thật quý báu, tôi không thể sống mãi trên đời để đón nhận những điều “vô bổ”; tôi lựa chọn và chỉ đọc những gì tôi có thể “biến hóa” thành “sản phẩm mới” lợi ích cho người anh em quanh mình hay ở nơi khác, từ công việc sáng tạo của mình. Tôi quyết định “delete” những cái ‘hấp dẫn” mà không bổ ích trong sự ham thích của mình. Tôi nghĩ, đó là một cách chay tịnh tri thức.

Cuối ngày ăn chay, tôi thường bủn rủn tay chân và “thầm mong” cho ngày chay chóng qua. Bị bủn rủn tay chân thì người ta nhìn thấy nhưng thầm mong ngày chay qua mau thì chẳng ai biết. Tôi nghiệm ra rằng, có những việc làm, tội lỗi của mình không ai biết nhưng Chúa biết. Mà thường Chúa biết thì bản thân ta không lo sợ cho bằng nơm nớp bị người đời biết, nên tốt hơn hết, khi làm việc gì nếu lương tâm lên tiếng, mà lòng cứ muốn chống lại để xuôi theo khát vọng xấu, thì cần nghĩ ngay đến CÁI CHẾT. Không bao lâu tôi sẽ chết, ngoài bộ áo liệm và cỗ quan tài, tôi có mang theo được gì đâu mà bon chen, nếu có được khen tặng (từ việc làm xấu), thì có nghĩa gì đâu khi đã chết.

Chắc là có 1001 cách ăn chay? Sau cùng, tiền bạc và quyền hành là những thứ cám dỗ “mê hồn”, ai thoát được hai thứ ấy đã có thể “nên thánh”, nhưng hãnh tiến về sự mạnh mẽ của bản thân đối với hai thứ ấy, nghĩa là tự phụ về thành quả đạo đức của mình thì có lẽ việc chay tịnh đành…bó tay, có đúng không?

Trên đây là một số suy tư có thể giúp con người của tôi bình tâm lại, sống theo lời Chúa. Mong được học hỏi thêm những cách chay tịnh trong cuộc đời để bước từng bước nên hoàn thiện, từ con người mỏng giòn, tro bụi của mình.
 
Hoa Chay
Mic. Cao Danh Viện
09:07 09/03/2011
Đời con là một mùa chay
Sám hối canh tân mỗi ngày
Trái tim trọn tình yêu mến
Sẵn sàng đèn sáng trên tay

Chúa đã nghe con tự tình
Lời cùng ý tứ nguyên trinh
Trữ tình bài thơ lễ phẩm
Là con dâng Chúa đời mình

Có rượu nồng nào say hơn
Có tình yêu nào ngọt thơm
Bằng giờ con say yêu Chúa
Bên bàn tiệc thánh chiều hôm

Thành toàn lễ tế, con chưa
Nhưng yêu, con biết sao vừa
Hoa chay lòng con cứ nở
Say Người, con mới hơn xưa

Hôm nay Người đã thương con
Đem con từ xa về gần
Bên bàn thờ con hạnh phúc
Hồng ân tiếp nối hồng ân

Đáp tình con biết làm sao
Thân con vẫn cứ bọt bèo
Cậy trông vào tình yêu Chúa
Đường Ngài xin dẫn con theo

Tạ ơn Chúa đã ân trao
Con gần bàn thánh, con vào tịnh chay.

(Viết tặng các Thầy lánh nhận 4 chức nhỏ. nhân mùa chay thánh)
 
Mùa Chay cuộc đời
Mr. Cao Danh Viện
19:32 09/03/2011


Ai vào sa mạc hồn tôi

Mà nghe chìm nổi sự đời vấn vương

Sân si ái ố bao đường

Trái tim nhân loại tôi thường bất an

Lặng nghe Lời Chúa bảo ban

Hồn tôi mới có thanh nhàn thảnh thơi



Muôn cám dỗ của phận người

Tiền tài danh vọng cuộc đời vinh hoa

Ngọt ngào như khúc thi ca

Nồng nàn như thoảng hương hoa gọi mời

Tín trung với Chúa mà thôi

Tôi nên công chính nhờ Lời Thần linh



Ngàn xưa nguyên tỗ tội tình

Vì yêu Ân Sủng thiên đình giáng lâm

Tình cao hơn núi mê lầm

Lời công chính hóa nhân trần tha hương

Dựng xây vương quốc tình thương

Một Adam mới dẫn đường phục sinh



Về trong chay tịnh tôi xin

Cho tôi kiên vững niềm tin Chúa Trời

Mùa chay nối tiếp một đời

Vượt bao cám dỗ dẫu tôi khốn cùng

Xây lòng nhân hậu bao dung

Thực hành bác ái thủy chung đợi Ngài.



09 - 03 - 2011
 
Thi ca Mùa Chay
Trầm Thiên Thu
19:56 09/03/2011
Hạt bụi bay lạc lõng
Giữa mùa Chay tím màu
Cõ lòng trần còn đọng
Sóng ăn năn khát khao
Miệt mài đời lữ khách
Gọi tình yêu ngu ngơ
Nhìn bóng mình trên cát
Nghe chuông chiều ngẩn ngơ
Lòng vàng như chiều xuống
Trái sầu rơi cuối ngày
Lòng tựa vùng đại hạn
Lối quanh co sỏi, gai
Lòng bồi hồi nỗi nhớ
Võ vàng kỷ niệm xưa
Dời cát bụi sương gió
Ưu tư từng ngày qua
Tim tục lụy yếu đuối
Mà sao quá đam mê
Trắng ước mơ luân lạc
Lối đời mòn nhiêu khê
Mon men tìm đến Chúa
Lời kinh con ấp úng
Xin xót thương tha thứ
Một mảnh đời chênh vênh.

ĐƯỜNG LÊN THÁNH GIÁ

Đường lên Thánh Giá cao vời
Mà con tụy lủy một đời đi hoang
Đường lên Thánh Giáo cao quang
Mà tim con lắm vấn vương tội tình
Vì yêu nên Chúa quên mình
Chỉ mong cứu độ chúng sinh lạc loài
Lưỡi đòng đâm thấu tim Ngài
Ân tình dòng máu chảy dài vì yêu
Tình ca vang mãi ngàn sau
Lời thơ tuyệt diệu dâng trào khắp nơi
Thành tâm cảm tạ Chúa Trời
Đã thương cứu độ cuộc đời phàm nhân
Tình Ngài siêu trác tuyệt luân
Tình con tục lụy đa đoan bọt bèo
Tội con như núi ngất cao
Tình yêu Thiên Chúa trước sau vuông tròn
Chính bao đau khổ u buồn
Là chén dạt dào tình nghĩa hôm mai
Giúp con vui bước theo Ngài
Ngước nhìn Thánh Giá lòng đầy tin yêu
Giêsu đã chết thương đau
Con đường Thánh Giá nhiệm mầu, quang vinh
Âm thầm sám hối chân tình
Xin được đồng hành với Đức Kitô.

ĐƯỜNG THẬP GIÁ

Con đường Thập giá cheo leo
Gian nan, vất vả, nhọc lao, gập ghềnh
Ai lo giữ mạng sống mình
Thì rồi sẽ mất – Đời thành trầm luân
Ai vì Chúa, vì Phúc âm
Hy sinh mạng sống được phần quang vinh
Chúa cho hưởng phúc trường sinh
Đời đời bên Chúa ca tình tri âm
Cuộc đời Thiên Chúa trao ban
Sự sống rất cần, đừng phí một giây
Xin cho con biết vì Ngài
Sống cho xứng đáng tháng ngày hồng ân.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình Minh Quê Tôi
Nguyễn Ngọc Liên
22:10 09/03/2011
BÌNH MINH QUÊ TÔI

Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên

Làng tôi, lưng dựa vào dãy núi

Mắt thẳng nhìn ra hướng biển khơi

Tôi là con của một vùng đồi

Nhưng cũng là con của biển

Tình đất nước quyện vào máu thịt…

(Trích thơ của Thuận Hữu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền