Ngày 08-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/03: Thái độ sống quan trọng hơn trình độ – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:44 08/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:48 08/03/2024

17. Rất lâu không rước lễ thì linh hồn sẽ biến thành yếu đuối, kết quả là con sẽ trở thành người khô khan đáng sợ.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:52 08/03/2024
99. ĐẺ “TIỀN HO LAO”

Bố con Nghiêm Tùng có lòng tham vô đáy, nhận hối lộ càng vô số.

Hai bố con bàn tính rằng, phàm tích trử của cải được trăm vạn thì đặt một lần tiệc rượu ăn mừng, đại khái là đã qua năm lần tiệc rượu rồi mà lòng tham của bố con Nghiêm Tùng lại càng vô cùng, vơ vét tiền bạc của dân chúng hung ác đến cực điểm.

Nói đến bố con Nghiêm Tùng thì người trong kinh thành đều tức khí giận dữ gọi họ là đẻ “tiền ho lao”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 99:

Tiền bạc thì ai cũng thích có, bởi vì không có tiền thì không có cơm ăn áo mặc, không có tiền thì không có các phương tiện cần thiết cho cuộc sống, tóm lại tiền bạc rất quan trọng với cuộc sống của con người.

Có nhiều loại tiền: đồng tiền bất lương là đồng tiền ăn chặn các công trình công cộng cũng như của tư nhân; đồng tiền thất đức là đồng tiền bóc lột của con nhà nghèo; đồng tiền nhớp nhúa là đồng tiền hối lộ; đồng tiền sạch sẽ là đồng tiền làm lụng đổ mồ hôi mà có; đồng tiền “ho lao” là đồng tiền do vơ vét của dân mà có...

Người Ki-tô hữu là những người sống trong cõi trần gian này, nên cũng cần có tiền để mua những thứ nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, đó là nhu cầu chính đáng, cho nên họ làm ăn cách chính nghĩa, không gian lận khi buôn bán, không bóc lột người khi mướn họ làm việc, không ăn hối lộ khi phục vụ dân chúng, bởi vì họ là người Ki-tô hữu, là con cái của Thiên Chúa.

Ho lao là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên cần phải tránh xa không được tiếp xúc với họ. Cũng vậy, bóc lột, tham những, ăn chặn là những “đồng tiền ho lao” cần phải tránh xa, vì nó sẽ truyền nhiễm đến linh hồn đẹp đẽ của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con cậy Chúa cứu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:30 08/03/2024
CON CẬY CHÚA CỨU

Có một thực tế trong đời sống ai cũng nhận thấy: Nhân loại lỗi lầm. Lịch sử nhân loại là lịch sử của tội này chồng tội khác mà con người đã gây ra cho nhau và xúc phạm đến Chúa. Con người cần được cứu độ. Vậy phải làm sao? Thánh Phaolô xác định trong bài đọc 2: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. …Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ.”

1. Chúa cứu. Thiên Chúa là tình yêu nên đã đi bước trước để cứu độ con người. Chúa không muốn mất người mình yêu nên Ngài sẵn sàng cứu độ nhân loại bằng mọi giá. Vì thế, Thiên Chúa ban tặng Con Một cho nhân loại, và Người Con ấy lại hiến dâng cả mạng sống để cứu độ nhân loại. Sự trao tặng tất cả này là ân sủng vĩ đại Thiên Chúa trao ban nhân loại. Thiên Chúa đã yêu hết mình, đã làm hết sức để cứu con người.

2. Con cậy. Quà tặng cần người trao và cần cả người nhận. Thiên Chúa đã trao tặng ân sủng thì cũng cần con người mở lòng đón nhận bằng lòng tin cậy mến. Phải đón nhận quà tặng thì người ta mới có niềm vui hạnh phúc. Con người phải mở lòng đón nhận ân sủng Chúa tặng ban thì mới được cứu độ, mới được sống đời đời. Đức tin là mở lòng đón nhận ân sủng, là hết lòng cậy trông vào Chúa cứu.

Thiên Chúa đã yêu thương cứu độ bằng một tình yêu hy sinh trao tặng tất cả. Xin cho chúng ta biết cảm nghiệm và cảm tạ tình yêu Chúa bằng lòng cậy trông tín thác. Để chúng ta vui hưởng ơn cứu độ, và vui mừng loan báo cùng làm chứng ơn cứu độ của Chúa cho những người khác. Có thể nói như tục ngữ Việt Nam: Trẻ cậy cha, già cậy con, cả nhà cậy Chúa. Amen.
 
Chìm vào vực bất xứng
Lm. Minh Anh
14:56 08/03/2024
CHÌM VÀO VỰC BẤT XỨNG
“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”.

A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là chiếc cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trần trụi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng, một người thu thuế! Anh đã dâng một “lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình. Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người là “tình yêu”, mà không cần bất cứ điều gì khác!

Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; Ngài chỉ muốn tình yêu, “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại chỉ ngần ấy!

Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong Tin Mừng dâng Thiên Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác! Lời cầu nguyện của ông bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’ và tệ hơn, lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh dể người khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘diễn văn’. Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; nhưng ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”.

Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”. Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội của mình. Lời cầu của ông xuất phát từ một tấm lòng tan nát; ông ý thức sự bất xứng của mình trước một Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông càng đau đớn hơn để ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay, điều này rất đẹp lòng Chúa và Ngài thích thú!

Đức Phanxicô nói, “Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa. Ở nước tôi, chúng tôi gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi”, tên của những người đó. Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: “Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”; và điều đó khiến bạn buồn cười!”.

Anh Chị em,

“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”. Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai! Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người. Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”. Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể nhận được tất cả; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa ‘chìm vào vực bất xứng’ để chỉ biết cầu xin lòng Chúa xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’. Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 08/03/2024
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Tin Mừng: Ga 3, 14-21

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muốn đời”.


Anh chị em thân mến,

Để thử thách đức tin của tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa đã yêu cầu ông giết con một của mình là I-sa-ác để tế lễ cho Ngài, và ông đã vâng lời không điều kiện, ông vâng lời là vì ông đã tin vào Thiên Chúa toàn năng, ông đã tin rằng: lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông sẽ vĩnh viễn không bị quên lãng, nhưng sẽ được thực hiện dù cho mất đứa con độc nhất này, và ông đã trở thành cha của những kẻ tin.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Chúa Giê-su đã hé mở cho ông Ni-cô-đê-mô thấy ý định của Thiên Chúa, hay nói cách khác, kế hoạch “cứu linh hồn con người” của Thiên Chúa khi Ngài nói: “Thiên Chúa vì yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một của Người...” Lần này Thiên Chúa không thử đức tin của ai cả, nhưng Thiên Chúa đã đem mạng sống của người Con duy nhất tinh tuyền của mình, để đổi lấy mạng sống hư mất, tội lỗi của nhân loại và của chúng ta. Đó là tình yêu, tình yêu dâng hiến và cứu sống, tình yêu dâng hiến này có giá trị mãi mãi đến muôn đời, trí óc con người không thể dò thấu, hiểu nỗi.

Hôm nay, nếu Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: Ngài cần đứa con đầu lòng của các anh chị, cho nên Ngài yêu cầu anh chị –để bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa- hãy giết con của mình để làm của tế lễ cho Ngài, thử hỏi các anh chị có vui lòng vâng lời Ngài như tổ phụ Áp-ra-ham không? Chắc chắn là không, vì không ai nhẫn tâm giết chết con mình, dù với mục đích cao cả là tế lễ Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa đã xử sự như thế khi cứu chuộc nhân loại tội lỗi: sát tế Con độc nhất của mình là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Con Một của Thiên Chúa đã đến rồi đó, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, ai tin Ngài thì sẽ được sống đời đời, chúng ta cũng đã tin vào Ngài rồi đó.

Ngài đang ở đây, trong nhà thờ này nơi bí tích Thánh Thể, mà chút xíu nữa chúng ta sẽ rước Ngài vào trong tâm hồn của chúng ta, Ngài trở thành lương thực hằng sống nuôi dưỡng linh hồn và làm cho nó được sống đời đời. Chúng ta tin rồi đó.

Và đức tin đã soi sáng dẫn đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa để trưởng thành hơn, đó là biết mỗi một người trong chúng ta đều là con một của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài yêu thương chúng ta như trên thế gian này không còn ai khác. Do đó mà Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta hãy yêu thương anh chị em, như là yêu chính Ngài vậy. Yêu thương, đương nhiên là không đầu môi chót lưỡi, yêu thương đương nhiên không làm bộ làm tịch bên ngoài để cho mọi người thấy, nhưng chính là yêu như yêu Chúa vậy, nghĩa là yêu với tất cả tấm lòng chân thành, không vì chút sĩ diện hay khoe khoang, không vì để quảng cáo hay để tuyên truyền, nhưng là vì yêu Chúa trong tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của mùa chay, có nghĩa là chúng ta càng ngày càng đến gần ngày đại lễ vượt qua của thời Tân Ước, tức là đại lễ Phục Sinh. Càng đến gần ngày đại lễ, thì cơn cám dỗ của sa-tan càng gia tăng mạnh mẽ, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Tỉnh thức để thấy, cầu nguyện để ngắm, thấy và ngắm Thiên Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta và cũng đang ở trong tha nhân, đó chính là niềm tin của chúng ta vào Con Một của Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta, đó cũng chính là sợi giây vô hình liên kết chúng ta với mọi người trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay 10/3 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
18:40 08/03/2024

BÀI ĐỌC 1  2 Sb 36, 14-16. 19-23

Bài trích sách Sử biên niên quyển thứ hai.

Khi ấy, tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị. Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên...!’”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Ep 2, 4-10

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ : đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga 3,16

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.

TIN MỪNG  Ga 3, 14-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp kiến các đại biểu tham dự Hội nghị Đại học Quốc tế Phụ nữ trong Giáo hội: Những người xây dựng nhân tính
Vũ Văn An
00:37 08/03/2024

Sáng nay, 03/07/2024, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị liên trường quốc tế “Phụ nữ trong Giáo hội: Những người xây dựng nhân tính”, diễn ra tại Giáo hoàng Đại học Holy Cross ở Rome từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 3 năm 2024. Sau đây là bài diễn văn được Đức Thánh Cha chuẩn bị cho dịp này và được Đức ông Pierluigi Giroli tuyên đọc.



Diễn văn của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em đến từ nhiều quốc gia khác nhau để tham gia Hội nghị Phụ nữ trong Giáo hội: Những người xây dựng nhân tính. Tôi cảm ơn sự hiện diện của anh chị em cũng như việc tổ chức và cổ vũ biến cố này.

Hội nghị của anh chị em đặc biệt nhấn mạnh chứng tá thánh thiện của 10 người phụ nữ. Tôi muốn kể tên họ: Josephine Bakhita, Magdeleine de Jesus, Elizabeth Ann Seton, Mary MacKillop, Laura Montoya, Kateri Tekakwitha, Teresa thành Calcutta, Rafqa Pietra Choboq Ar-Rayès, Maria Beltrame Quattrocchi và Daphrose Mukasanga.

Tất cả những người phụ nữ này, ở những thời điểm khác nhau và ở những nền văn hóa khác nhau, mỗi người theo cách riêng của mình, đã đưa ra bằng chứng thông qua các sáng kiến bác ái, giáo dục và cầu nguyện, về cách “thiên tài nữ tính” có thể phản ảnh một cách độc đáo sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa thế giới của chúng ta. Thật vậy, chính vào những thời điểm trong lịch sử khi phụ nữ phần lớn bị loại trừ khỏi đời sống xã hội và giáo hội, “Chúa Thánh Thần đã dấy lên các vị thánh mà sức hấp dẫn của họ đã tạo ra sinh lực thiêng liêng mới và những cải cách quan trọng trong Giáo hội”. Ở đây cũng vậy, “Tôi nghĩ đến tất cả những người phụ nữ vô danh hoặc bị lãng quên, những người, theo cách riêng của mình, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và cộng đồng bằng sức mạnh chứng tá của họ” (Gaudete et Exsultate, 12). Giáo Hội cần ghi nhớ điều này, vì Giáo Hội chính là một người phụ nữ: là con gái, là cô dâu và là người mẹ. Và ai hơn phụ nữ có thể tỏ lộ khuôn mặt của Giáo hội? Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau, gạt bỏ mọi thái độ hung hăng và chia rẽ, và thực hiện sự phân định cẩn thận, để khám phá, trong sự ngoan ngoãn trước tiếng nói của Chúa Thánh Thần và trong sự hiệp thông trung thành, những cách thức phù hợp để sự cao cả và vị trí của phụ nữ ngày càng được đánh giá cao hơn trong dân Chúa.

Anh chị em đã chọn một danh hiệu hùng hồn cho Hội nghị của mình khi đề cập đến phụ nữ là “Những người xây dựng nhân tính”. Cách diễn đạt này càng làm nổi bật hơn bản chất ơn gọi của phụ nữ là “thợ xây dựng”, cộng tác với Đấng Tạo Hóa để phục vụ sự sống, công ích và hòa bình. Tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh của sứ vụ này, liên quan đến phong cách giáo dục.

Trước hết, phong cách. Thời đại của chúng ta đang bị thiêu đốt bởi hận thù, trong đó gia đình nhân loại của chúng ta, vốn cần cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, thay vì thường xuyên bị tổn thương bởi bạo lực, chiến tranh và những ý thức hệ bóp nghẹt những cảm xúc cao quý nhất của trái tim con người. Chính trong bối cảnh này, sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết hơn bao giờ hết. Vì phụ nữ biết đem người ta lại với nhau bằng sự dịu dàng. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói rằng ngài muốn trở thành tình yêu trong Giáo hội. Ngài rất đúng: trên thực tế, phụ nữ với khả năng cảm thương độc đáo, trực giác và thiên hướng “quan tâm” bẩm sinh của họ, có thể, một cách xuất sắc, đối với xã hội là cả “trí tuệ và trái tim biết yêu thương và hợp nhất”, để mang tình yêu đến nơi tình yêu còn thiếu, và nhân tính đến nơi con người đang tìm kiếm danh tính thực sự của mình.

Thứ hai, giáo dục. Anh chị em đã tổ chức Hội nghị này với sự hợp tác của nhiều tổ chức học thuật Công Giáo khác nhau. Trong bối cảnh chăm sóc mục vụ trong các cộng đồng đại học, ngoài việc nghiên cứu học thuật về tín lý và giáo huấn xã hội của Giáo hội, mọi nỗ lực nhằm cung cấp cho sinh viên những chứng từ về sự thánh thiện, đặc biệt là về sự thánh thiện của phụ nữ, có thể khuyến khích họ hướng tới mục tiêu cao hơn, mở rộng các chân trời ước mơ, cách suy nghĩ của họ và hướng tới việc theo đuổi những lý tưởng cao đẹp. Do đó, sự thánh thiện có thể trở thành một con đường giáo dục liên ngành trong việc theo đuổi kiến thức nhiều hơn. Vì lý do này, tôi bày tỏ hy vọng rằng môi trường giáo dục của anh chị em, ngoài việc là nơi học tập, nghiên cứu và học tập, nơi “thông tin”, còn sẽ là nơi “đào tạo”, nơi tâm trí và trái tim được mở ra trước những thúc giục của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là làm cho các vị thánh được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là các nữ thánh, trong tất cả chiều sâu và thực tế nhân tính của các vị. Bằng cách này, giáo dục sẽ ngày càng có khả năng chạm đến sự toàn vẹn và độc đáo của mỗi người.

Lời cuối cùng về giáo dục: trong một thế giới mà phụ nữ vẫn còn phải chịu đau khổ rất nhiều vì bạo lực, bất bình đẳng, bất công và ngược đãi – một điều tai tiếng và còn hơn thế nữa đối với những ai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa “được sinh ra bởi người phụ nữ” (Gl 4:4) –một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến việc giáo dục phụ nữ. Trong một số bối cảnh nhất định, nó là nguyên nhân gây ra sự sợ hãi, tuy nhiên con đường dẫn đến sự tốt đẹp hơn của xã hội là thông qua giáo dục trẻ em gái và phụ nữ trẻ, mang lại lợi ích cho sự phát triển chung của con người. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này và dấn thân thực hiện điều này!

Anh chị em thân mến, tôi phó thác những thành quả của Hội nghị anh chị em cho Chúa và tôi đồng hành với anh chị em với phép lành của tôi. Và tôi xin các anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
 
Lời nói cuối cùng của Thánh Tôma Aquinô trước khi qua đời cách đây 750 năm
Vũ Văn An
15:07 08/03/2024

Abel Camasca thuộc ACI Prensa, ngày 7 tháng 3 năm 2024, viết rằng ngày 7 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquinô, vị thánh bảo trợ của nền giáo dục Công Giáo, người đã thốt ra những lời có tính tiên tri cuối cùng và một lời cầu nguyện đầy cảm xúc trước khi về trời. Ngoài ra, vị thánh còn viết lời cho một bài thánh ca hay hiện vẫn còn được hát khắp Giáo Hội Công Giáo.



Trình thuật về cái chết của Thánh Tôma Aquinô được viết bởi Thầy Guillermo de Tocco, người viết tiểu sử về vị thánh, được xuất bản bởi trang web tomasdeaquino.org do Viện Ngôi Lời Nhập Thể điều hành, kể lại việc Vị Tiến sĩ Thiên Thần đang trên đường đến Rôma nhưng gặp vấn đề về sức khỏe.

Đi ngang qua gần Đan viện Fossanova của các đan sĩ Xitô ở phía nam Rome, ngài đồng ý ở lại đó để lấy lại sức.

Trong đan viện, ngài nói lời tiên tri sau đây với người bạn đồng hành của mình: “Reginaldo, con trai của ta, đây sẽ là nơi yên nghỉ của ta mãi mãi, ở đây ta sẽ sống vì ta đã mong muốn điều đó.” Lúc này, các tu sĩ Đa Minh đi cùng ngài bắt đầu bật khóc.

Ngày tháng trôi qua, tình trạng của Thánh Tôma Aquinô nằm liệt giường ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một số tu sĩ nhận thấy thời điểm của ngài đang đến gần nên yêu cầu ngài ban cho họ một biểu hiện của tài học hỏi uyên bác của ngài. Bất chấp tình trạng của mình, Thánh Tôma Aquinô vẫn không ngừng trở thành một nhà giáo dục vĩ đại và đã cho họ suy gẫm ngắn gọn về Diễm ca, một cuốn sách trong Cựu Ước với những bài hát và bài thơ về tình yêu.

Sau đó, Thánh Tôma Aquinô xin được rước lễ. Khi nhìn thấy Mình Thánh Chúa đến, ngài không quan tâm đến tình trạng của mình và quỳ xuống sàn nhà với đôi mắt đẫm lệ để rước Chúa.

Sau khi rước lễ, người ta hỏi ngài có tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể không. Giữa những giọt nước mắt, ngài đã trả lời bằng một lời tuyên xưng đức tin sâu sắc.

Thánh Tôma trả lời, “Nếu ở đời này người ta có thể hiểu biết bí tích này lớn hơn bí tích đức tin, thì trong đức tin đó tôi đáp lại rằng tôi tin chắc và không chút nghi ngờ rằng Người là Thiên Chúa thật và là người thật, Con Thiên Chúa Cha và Mẹ Trinh Nữ. Và vì vậy tôi tin hết lòng và miệng thú nhận tất cả những gì vị linh mục (người đã hỏi ngài) đã khẳng định về Bí tích Cực Thánh này”.

Thầy Tocco kể lại rằng thánh nhân “đã thốt ra những lời khác đầy sùng kính, mà những người hiện diện không thể nhớ được nhưng người ta tin rằng đó là những lời này: 'Adoro te devote’”, dòng mở đầu của bài thánh ca tuyệt vời “Adoro Te Devote” (Con sùng kính tôn thờ Ngài) được viết bởi Thánh Tôma thường được hát trong giờ chầu Thánh Thể.

Lời cầu nguyện của Thánh Tôma trước khi chết

Sau đó, vị thánh đến gần Mình Thánh Chúa và dâng lời cầu nguyện này: “Con đón nhận Chúa, giá cứu chuộc linh hồn con, con đón nhận Chúa, của ăn của cuộc hành hương của con. Vì tình yêu của Ngài, con đã nghiên cứu, con đã canh thức và đã tiêu hao chính mình con; Con đã giảng về Ngài, con đã dạy về Ngài và con chưa bao giờ bày tỏ bất cứ điều gì chống lại Ngài, và nếu điều đó xảy ra thì con đã vô ý làm điều đó và con không cố duy trì quan điểm đó. Và nếu con có nói điều gì sai trái về Bí tích này hay bất cứ điều gì khác, con hoàn toàn chịu sự sửa dạy của Thánh Giáo hội Rôma, mà giờ đây trong sự vâng phục Giáo hội này, con lìa cõi thế.”

Cuối cùng, Thánh Tôma sốt sắng xin được ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân vào ngày hôm sau. Ít lâu sau, vào ngày 7 tháng 3 năm 1274, ngài bình tĩnh phó linh hồn chao Chúa, lúc mới 49 tuổi.
 
Phụ nữ nói Giáo hội phải xem lại khái niệm bổ sung
Vũ Văn An
15:26 08/03/2024

Elise Ann Allen của Crux, ngày 7 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng khi thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, các phụ nữ Công Giáo trên khắp thế giới ca ngợi những bước tiến gần đây đã được thực hiện, nhưng kêu gọi còn nhiều việc phải làm để tạo không gian cho họ ở những chức vụ quan trọng trong Giáo hội.

Họ cũng kêu gọi xem xét lại “nền thần học về tính bổ sung” của Giáo hội – quan điểm cho rằng đàn ông và phụ nữ có vai trò và trách nhiệm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau trong hôn nhân, đời sống gia đình và lãnh đạo tôn giáo.

Khái niệm bổ sung từ lâu đã được sử dụng để bảo vệ lệnh cấm lâu dài của Giáo Hội Công Giáo đối với các nữ linh mục, với việc Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên viện dẫn tính bổ sung là lý do tại sao chức linh mục thụ phong lại phù hợp hơn với các năng khiếu và tài năng của nam giới.

Trong một phiên thảo luận ngày 6 tháng 3 trước Ngày Quốc tế Phụ nữ, các nhà lãnh đạo và thần học nữ Công Giáo đã kêu gọi xem xét lại tính bổ sung, nói rằng mặc dù có giá trị nhưng một số cách giải thích đã tạo ra sự chia rẽ giữa những gì được coi là nam tính và nữ tính.

Hội thảo có tựa đề “Các nhà lãnh đạo nữ: Hướng tới một tương lai tươi sáng hơn” và được tổ chức bởi Caritas Quốc tế và Đại sứ quán Anh và Úc tại Tòa thánh.

Phát biểu tại hội thảo, Christiane Murray, phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết phụ nữ mang đến một quan điểm “mới mẻ và đổi mới” cho Vatican, nhưng cũng than thở rằng khi một phụ nữ được bổ nhiệm vào vai trò lãnh đạo trong giáo triều, họ được định nghĩa như một người nắm giữ quyền lực, trong khi điều tương tự không được nói đến đối với những người đàn ông được bổ nhiệm vào cùng chức vụ.

“Dường như có một hào quang quyền lực,” bà nói và nhấn mạnh rằng công việc không phải về quyền lực mà là phục vụ.

Bà cũng phản đối những gì bà cho là định kiến về phái tính, nói rằng: “Theo truyền thống, những phẩm chất như duyên dáng, tế nhị, quan tâm, đồng cảm, những phẩm chất này luôn gắn liền với nữ tính”.

“Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những đặc điểm này về bản chất không gắn liền với phái tính, mà chúng là những cấu trúc xã hội mà các cá nhân thuộc phái nam cũng có thể trải nghiệm và thể hiện,” bà nói thế và được cả phòng vỗ tay.

Tương tự như vậy, Tiến sĩ Maeve Heaney, một thành viên tận hiến của Verbum Dei và Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thần học Xavier tại Đại học Công Giáo Úc, cho biết vai trò lãnh đạo của phụ nữ là một vấn đề thần học và đặc biệt đề cập đến tính bổ sung.

Bà nói: “Một số nền nhân thần học yếu tính hóa quá đáng những gì đàn ông và đàn bà đem vào cuộc thảo luận theo những cách không giúp ích chi và không phản ảnh kinh nghiệm thực sự của con người,” bà nói thế và cho rằng những quan điểm nhân học này thường đề cập đến tính bổ sung giữa nam giới và nữ giới.

Mặc dù đúng, nhưng tính bổ sung đôi khi coi “sự đóng góp của phụ nữ, trong yếu tính, khác với sự đóng góp của nam giới, đặt tình yêu, linh đạo và dưỡng nuôi chống lại thẩm quyền, khả năng lãnh đạo và trí hiểu”.

Bà nói: “Tôi không cho rằng không có các khác biệt giữa nữ giới và nam giới, tôi chỉ yêu cầu chúng ta đừng cực đoan hóa hoặc yếu tính hóa chúng”.

Để đạt được mục tiêu này, bà đề cập đến các nguyên tắc Phêrô và Thánh Mẫu của linh mục và nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthazar, những nguyên tắc thường được Đức Thánh Cha Phanxicô viện dẫn để minh họa tại sao phụ nữ có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong Giáo hội, ngay cả khi họ không được thụ phong.

Heaney trong bài thuyết trình của mình đã ca ngợi von Balthazar là “một thiên tài”, nhưng cho biết công việc của ngài “không có đủ sự kiểm tra và cân bằng”.

Bà nói: “Theo tôi, thần học bổ sung của ngài chưa đầy đủ vì nó nhấn mạnh quá mức đến tính chất nam tính của Chúa Giêsu và tính chất nữ tính của Giáo hội, trình bày phụ nữ như những người tiếp thu và thiêng liêng, đối trọng và đôi khi là câu trả lời cho bản chất trí thức và chủ động hơn của nam giới”.

Bà nói, bản thân tính bổ sung không phải là một vấn đề, đồng thời cho biết vấn đề, theo quan điểm của bà, là khi các vai trò phái tính “hoàn toàn” tương phản trong Giáo hội, “đặc biệt là khi những vai trò đó được xây dựng trên các vai trò quyền lực”.

Bà cũng kêu gọi xem xét lại thần học truyền chức của Giáo hội, nói rằng “Trong hình thức hiện tại, thần học về mục vụ thụ phong của chúng ta…liên kết việc ra quyết định trong mọi lĩnh vực với việc truyền chức, tuy nhiên trong phép rửa của chúng ta, tất cả chúng ta đều được dẫn nhập vào Chúa Kitô và được gọi là các nhà tiên tri, các linh mục và các vị vua.”

Bà nói, điều này có nghĩa là mọi người đều có một vai trò để thực hiện, đồng thời cho biết thừa tác vụ thụ phong là cần thiết, nhưng nó có thể thay đổi.

“Tôi không nói phụ nữ nên được phép, nhưng tôi cũng không nói họ không nên. Đó không phải là vấn đề mà tôi đang nhận diện,” Heaney nói thế, đồng thời cho rằng cần có một sự suy tư “mạnh mẽ” ở nhiều bình diện khác nhau “để tháo gỡ nút thắt giữa quản trị và quyền lực và chức linh mục thừa tác và do đó cho phép phụ nữ và những giáo dân khác” đóng vai trò trò lớn hơn trong việc ra quyết định.

Bà nói, tính bổ sung “xuất hiện vào thời điểm Giáo hội nói rằng phụ nữ không thể được thụ phong. Tôi không đề cập đến vấn đề đó nhưng tôi nghĩ họ đang tìm kiếm một cách để trân quí phụ nữ về mặt thần học trong khi nói rằng bạn không thể có quyền lực.”

Bà nói, điều cần phải xảy ra là suy nghĩ lại sâu sắc về thần học truyền chức.

Khi được hỏi về việc Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc đến các khái niệm Phêrô và Thánh Mẫu của von Balthazar, Heaney cho biết sự suy tư về chủ đề tính đồng nghị và sự lãnh đạo hợp tác chỉ mới bắt đầu, và “đôi khi chúng ta yêu cầu quá nhiều nơi một người, không nên chỉ yêu cầu Đức Giáo Hoàng, mà nên yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo.”

Bà nói, “Không phải mọi lời nói phát ra từ miệng của bất cứ vị giáo hoàng nào đều có tính chất huấn quyền. Tất cả chúng ta đều đã được đào tạo về mặt thần học, tất cả chúng ta đều cần cập nhật điều đó, ngay cả các giáo hoàng và giám mục”.

Nữ tu người Tây Ban Nha Linda Pocher, người đã đề cập đến vấn đề phụ nữ trong Giáo hội trong hai cuộc họp vừa qua của Hội đồng Hồng Y, cơ quan cố vấn hàng đầu của Đức Giáo Hoàng và có vẻ là cố vấn thân cận của Đức Giáo Hoàng về vấn đề phụ nữ, cũng nêu vấn đề với nguyên tắc Phêrô và Thánh Mẫu của von Balthazar.

Trong một thông điệp bằng văn bản gửi tới hội nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu xin “ơn khôn ngoan của Thiên Chúa” cho hội nghị và dâng lời cầu nguyện để cuộc thảo luận sẽ “mang lại kết quả trong một cam kết lớn hơn bao giờ hết của tất cả mọi người, trong Giáo hội và trên toàn thế giới, để thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá bình đẳng và bổ sung cho nhau của phụ nữ và nam giới.”

Một đại sứ tham gia hội thảo hôm thứ Tư lưu ý rằng ngay cả ở cấp độ ngoại giao cũng có sự thiên vị về phái tính, nói rằng nam giới làm việc ngoại giao thường được giao phụ trách các lĩnh vực giải trừ quân bị và an ninh, trong khi phụ nữ được giao các vấn đề nhẹ nhàng hơn và các dự án xã hội.

Đại sứ Úc tại Tòa Thánh Chiara Porro than thở về tiêu chuẩn kép mà phụ nữ trong giới lãnh đạo phải đối đầu, cần phải nổi bật để đạt đến đỉnh cao, trong khi phải đối đầu với “sự thiên vị” để được tin tưởng và xem xét kỹ lưỡng cách họ thực hiện vai trò lãnh đạo.

Nữ tu Patricia Murray, Tổng thư ký Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, đã nhấn mạnh vai trò của các nữ tu trong Giáo hội, thường ở những vùng ngoại vi và tuyến đầu trong các vấn đề như nghèo đói, nạn buôn người và di cư.

Trích lời người sáng lập dòng của mình, bà nói, “không có sự khác biệt nào giữa nam và nữ đến mức phụ nữ có thể không làm được những điều vĩ đại,” và ca ngợi nhiều cách mà theo bà tiếng nói của phụ nữ hiện đang được lắng nghe trong Giáo hội.

Bà đánh giá cao sự hiện diện ngày càng tăng của phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục về tính Đồng nghị đang diễn ra, vốn chứng kiến phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên tại một cuộc họp mặt ở Rome vào năm ngoái.

Bà nói, các vấn đề như chức phó tế cho phụ nữ, khả năng thuyết giảng của phụ nữ và tiềm năng thành lập các thừa tác vụ khác đang được xem xét, bà nói: “đây không phải là một quá trình nhanh chóng, nó sẽ cần thời gian, thậm chí vượt ra ngoài phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng, và nó đòi hỏi sự lắng nghe Chúa Thánh Thần cách sâu sắc.”

Tương tự như vậy, Nữ tu Nathalie Becquart, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, đã ca ngợi mục đích của Thượng hội đồng là làm cho Giáo hội “ít quan liêu hơn và mang tính quan hệ hơn”.

Bà nói, vai trò của phụ nữ và mong muốn tạo ra nhiều không gian hơn cho họ trong vai trò lãnh đạo là “dấu chỉ của thời đại”, đồng thời nói rằng “Giáo hội phải chú ý đến tiếng nói của phụ nữ đang tìm kiếm sự bình đẳng hơn”.

Bà nói: “Có một mong muốn lớn lao là được tham gia nhiều hơn vào đời sống của Giáo hội, đặc biệt là vào các quá trình đưa ra quyết định”, nhưng cũng cảnh cáo rằng khi nói đến điều này sẽ như thế nào, “Chúng ta không thể nói về 'người đàn bà’ trong Giáo hội, có rất nhiều phụ nữ trong Giáo hội với những trải nghiệm đa dạng.”

Bà cho biết kinh nghiệm của chính bà khi làm việc như một phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở Vatican là một mớ hỗn độn, và “Giáo hội giống như gia đình của chúng ta, một số người tốt hơn những người khác”.

Bà nói: “Tôi có một số kinh nghiệm hợp tác tốt khi làm việc với các Hồng Y và giám mục, và đôi khi với những người khác, điều đó thật khó khăn vì văn hóa, giáo dục và hậu cảnh”, nhưng gọi trải nghiệm này là một “cuộc phiêu lưu” và “rất phong phú”.

Phát biểu với Crux, Becquart đề cập tới những lo ngại cho rằng cuộc thảo luận về sự tham gia của phụ nữ vào vai trò lãnh đạo đã bị chi phối bởi quan điểm quá phương Tây, đồng thời cho rằng cám dỗ có đó, nhưng chính Thượng hội đồng đã lắng nghe tất cả mọi người.

Bà nói, “Tất cả các bản tổng hợp quốc gia của chúng ta từ khắp nơi trên thế giới đều nêu bật yêu cầu công nhận nhiều hơn vai trò của phụ nữ. Đã có lời kêu gọi mạnh mẽ từ khắp mọi nơi để có thêm nhiều phụ nữ lãnh đạo trong Giáo hội, để có nhiều phụ nữ tham gia hơn. Điều đó phổ biến ở khắp mọi nơi.”

Bà nói, nơi xảy ra sự khác biệt là ở chỗ sự tham gia của phụ nữ phải như thế nào.

Một số người “ủng hộ mạnh mẽ chức phó tế cho nữ. Nó không chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, mà còn có thể ở những nơi khác, nhưng không phải ở khắp mọi nơi”, lưu ý rằng ở Hoa Kỳ, phụ nữ đã đảm nhận những vai trò quan trọng như chưởng ấn giáo phận và thừa tác viên giáo dân.

Bà nói, “Ở các quốc gia khác không có trải nghiệm giống hệt như thế, vì vậy… đối với những gì phải được quyết định ở bình diện phổ quát, bạn phải tính đến tất cả sự đa dạng này. Bạn phải công nhận, thừa nhận và tôn trọng văn hóa địa phương. Điều đó cũng rất quan trọng đối với người phương Tây, cả chúng tôi ở Châu Âu và Hoa Kỳ.”

Bà nhấn mạnh sự cần thiết của “tản quyền” trong một số vấn đề nhất định, nói rằng, “có những việc bạn sẽ làm ở một số nơi trên thế giới,” nhưng không phải ở những nơi khác, “vì vậy chúng ta có sự đa dạng đó”.

“Tôi nghĩ Thượng Hội đồng thực sự là một quá trình để lắng nghe nhiều hơn từ những tiếng nói đa dạng, đặc biệt từ các châu lục khác nhau. Giáo hội của chúng ta, giống như thế giới của chúng ta, là đa cực”, bà nói thế, đồng thời cho biết phụ nữ đã đóng một vai trò trong tất cả các lĩnh vực ưu tiên, cho dù đó là biến đổi khí hậu, di cư hay tìm kiếm hòa bình giữa xung đột.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Sự tha thứ của Thiên Chúa là tâm điểm của Giáo hội.
Thanh Quảng sdb
17:13 08/03/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Sự tha thứ của Thiên Chúa là tâm điểm của Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi phụng vụ xám hối tại Giáo xứ Thánh Piô V ở Rôma để khai mạc chương trình “24 giờ cho Chúa”. ĐTC nói việc xưng tội đưa chúng ta trở lại cuộc sống mới khởi đi từ Bí tích Thanh tẩy.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Việc xưng tội, Bí tích Hòa giải của Thiên Chúa, cho phép chúng ta bắt đầu lại cuộc hành trình đời sống mới khởi đi từ Bí tích Rửa tội, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong phụng vụ xám hối vào chiều thứ Sáu (8/3/2024).

Buổi xám hối diễn ra tại giáo xứ Thánh Piô V ở Rôma, nhằm phát động “24 giờ cho Chúa” hàng năm, một sáng kiến Mùa Chay do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập với mục đích mời gọi các nhà thờ mở cửa suốt ngày để tạo cơ hội cầu nguyện và cử hành Bí tích Hòa giải.

'Bước đi trong cuộc sống mới'

Trong suy tư của mình tại buổi lễ hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào chủ đề năm nay: “Bước đi trong cuộc sống mới”.

Trong cuộc hành trình của đời sống hằng ngày, Đức Thánh Cha nhận xét, chúng ta có thể đánh mất vẻ đẹp của cuộc sống mới trong Chúa Kitô, với những hậu quả tai hại cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.

ĐTC nói: “Chúng ta vẫn tiếp tục đi trên con đường của mình, nhưng chúng ta cần một bảng chỉ dẫn mới, một sự thay đổi nhịp độ, một hướng đi để giúp chúng ta tìm lại con đường của Bí tích Thanh tẩy, vẻ đẹp nguyên thủy của chúng ta, ý thức tiến về phía trước”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục: “Anh chị em thân mến, đâu là cách để tiếp tục con đường của sự sống mới? Đó là cách tha thứ của Thiên Chúa.” Sự tha thứ của Thiên Chúa “đưa chúng ta trở lại với nhau… thanh tẩy bên trong chúng ta, đưa chúng ta trở lại tình trạng tái sinh khi chịu phép rửa.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, trong khi chúng ta cần phải có tấm lòng rộng mở và thống hối – giống như người cùi đã kêu lên cùng Chúa Giêsu: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con nên sạch” – những nỗ lực của riêng tư của chúng ta vẫn chưa đủ. “Chỉ có Chúa mới biết và chữa lành trái tim; chỉ có Ngài mới có thể giải thoát nó khỏi sự ác.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng đây là điều mà Chúa Giêsu mong muốn nơi chúng ta, để chúng ta có thể được đổi mới, tự do, hạnh phúc và có thể tiếp tục tiến lên trên con đường đời sống mới của mình.

Bí tích là nền tảng của sự tồn tại Kitô giáo

“Chúng ta đừng làm buồn Ngài; chúng ta đừng trì hoãn cuộc gặp gỡ sự tha thứ của Ngài, vì chỉ khi được Ngài đặt vào đôi chân của chúng ta, chúng ta mới có thể quay trở lại con đường, nhìn lại sự thất bại của tội lỗi chúng ta, mà từ bỏ chúng vĩnh viễn!”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đừng khước từ sự tha thứ của Thiên Chúa, Bí tích Hòa giải,” vốn không chỉ là một việc tôn kính mà còn là “nền tảng của sự tồn tại Kitô giáo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người cử hành Bí tích Hòa giải “hãy đặt sự tha thứ của Thiên Chúa trở lại trọng tâm của Giáo hội”.

Ngài mời gọi các linh mục luôn ban ơn tha thứ cho những ai xin và giúp đỡ những người sợ thú nhận tội lỗi của mình “để đến với Bí tích chữa lành này trong niềm vui và niềm tín thác”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng Chúa Giêsu có thể thanh tẩy mọi lỗi lầm của chúng ta, Ngài mời gọi họ xưng thú tội lỗi với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa có thể thanh tẩy con. Con xác tín rằng con cần sự tha thứ của Chúa. Xin hãy đổi mới con và con sẽ vui tiến bước trong cuộc sống mới.”
 
Một số người Công Giáo Ý quay trở lại với các vị thần, nhà tiên tri và thầy phù thủy Rôma cổ đại
J.B. Đặng Minh An dịch
18:48 08/03/2024


Tờ Catholic Herald cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Italian Catholics reverting to ancient Roman gods, seers and sorcerers”.

Một số lượng đáng kinh ngạc những người Công Giáo đã nguội lạnh ở Ý đang quay trở lại với các vị thần của Rôma cổ đại và quay sang các nhà tiên tri, nhà chiêm tinh và nhà ngoại cảm ngoại giáo, chứng thực sự sụp đổ thảm khốc có thể xảy ra của Công Giáo ngay trong pháo đài truyền thống của mình.

Hơn 160.000 phù thủy đang kinh doanh nhanh chóng trong các hoạt động huyền bí và Thời đại Mới, với hơn ba triệu người Ý tìm tư vấn trong cái gọi là “maghi” mỗi năm để xin lời khuyên. Điều này liên quan đến việc chi ra 8 tỷ euro khổng lồ, theo dữ liệu từ Osservatorio Antiplagio.

Từ 10 đến 13 triệu người Ý – hầu hết đều là người Công Giáo đã được rửa tội – đã tìm đến các thầy phù thủy hoặc các bà phù thủy ít nhất một lần trong đời; trong khi 30.000 người Ý thuộc mọi tầng lớp trong xã hội hàng ngày tìm kiếm các nhà ngoại cảm và những người có tầm nhìn xa nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, cơ quan Codacons cho biết.

Tâm chấn của phép thuật phù thủy và huyền bí nằm ở vùng Lombardy phía bắc nước Ý, với 2.800 người điều hành huyền bí và 200.000 khách hàng - những con số vượt xa tỷ lệ phần trăm các linh mục Công Giáo và người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường SWG thực hiện vào năm 2023 cho thấy 34% người Ý tin hoặc tham gia vào thuật chiêu hồn, 24% vào ma thuật đen, 19% vào việc dự đoán tương lai bằng những lá bài, 18% vào ma thuật trắng và 17% tin vào những người chữa bệnh bằng tâm linh hoặc huyền bí.

Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo người Ý “không nên tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đi theo những người bán khói – những người thường là những người bán cái chết – những chuyên gia về ảo ảnh”, một tài liệu tham khảo được truyền thông Ý giải thích là một lời cảnh báo chống lại sự gia tăng của các thầy phù thủy.

Một năm sau, Đức Thánh Cha nhắc lại lời khuyên của ngài trong bài giảng Lễ Hiển Linh, kêu gọi đoàn chiên của ngài đừng đi theo “các thầy phù thủy, thầy bói, những người đồng bóng” kẻo “anh chị em có nguy cơ trở thành những kẻ nghiện ngẫu tượng”.

Trong một bài phát biểu trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào tháng 7 năm 2023, Đức Thánh Cha cảnh báo người Công Giáo hãy bác bỏ những niềm tin “vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, bài tarot, tử vi và những thứ tương tự khác”, lưu ý rằng “rất nhiều Kitô hữu đi xem chỉ tay”.

Những số liệu gần đây xác nhận những phát hiện của một luận án tiến sĩ do Stefano Falappi đệ trình cho Đại học Bergamo vào năm 2012, có tựa đề Giáo dục, Đa dạng Tôn giáo và Tín ngưỡng Phi tôn giáo, chứng minh rằng không còn tôn giáo Công Giáo thống trị nước Ý mà là “sự đa dạng tôn giáo và niềm tin phi tôn giáo trong bối cảnh ngày càng đa nguyên của Ý”.

Trong khi đó, trong một hiện tượng song song, những người Ý thất vọng với Giáo hội đang tuyên bố rằng họ đã tìm thấy một nền tâm linh đích thực bằng cách quay trở lại cội nguồn của mình và hướng đến các vị thần ngoại giáo của Rôma cổ đại.

“Via romana agli dei” (“Con đường Rôma đến với các vị thần”) là một phong trào tôn giáo bao gồm nhiều giáo phái tân ngoại giáo khác nhau tuyên bố mình là một phần của Đại hội Tôn giáo Dân tộc Âu Châu (ECER).

Những người thực hành giáo phái Rôma lập luận rằng mặc dù tổ tiên của họ đã bị đàn áp sau “Sắc lệnh thứ hai đáng nguyền rủa và đáng thi hành của Theodosius” vào năm 392 sau Công Nguyên, các nghi lễ của họ vẫn tồn tại một cách công khai hơn ở vùng nông thôn nước Ý và bí mật trong nền văn hóa thượng lưu Ý.

Trong khi một số vị thần ngoại giáo được cho là vẫn sống sót trong vỏ bọc Công Giáo, vì “nhiều nữ thần được đeo mặt nạ đằng sau những Madonnas rất cụ thể; nhiều vị thánh là những vị thần và linh hồn cải trang”, và những nhà thơ như Dante “lưu giữ ký ức về truyền thống Rôma, theo chủ nghĩa đồng bộ bề ngoài với Kitô giáo”.

Kể từ cuối những năm 1980, nhiều hiệp hội đã khôi phục lại giáo phái Rôma một cách công khai, từ “chỉ là tái hiện lịch sử một chút”, cho đến những hiệp hội khác “bị ảnh hưởng bởi những ảnh hưởng của hội tam điểm trước thế kỷ 20”.

Trung tâm Nghiên cứu về Tôn giáo Mới, gọi tắt là CESNUR, có trụ sở tại Turin liệt kê các giáo phái bí truyền vào danh mục Phong trào Truyền thống Rôma, với số lượng tín hữu tân ngoại giáo lên tới hơn 230.000 vào năm 2017, tăng 143% trong 10 năm.

Một hiệp hội tân ngoại giáo hàng đầu là Communitas Populi Romani, tự mô tả mình là “hiệp hội của những người tự do nhận ra mình nắm giữ các giá trị tinh thần và văn hóa giống như tôn giáo cổ xưa của Rôma, công cộng hay tư nhân”.

Những người mới nhập đạo được khuyến khích trước tiên “thiết lập một không gian dành riêng cho các vị thần trong nhà của bạn để bạn có thể bắt đầu cúng dường các vị thần của mình”, và thứ hai, “làm nghi thức theo các ngày lễ chính được Kalendarium ghi nhớ”.

Các tín hữu được cho biết: “Tôn giáo Rôma về cơ bản là một tôn giáo theo chủ nghĩa tập thể và vui vẻ, nó không dành nhiều chỗ cho chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nhân vị, vốn thường dẫn – và vẫn dẫn – đến những thực hành mê tín đáng bị lên án”.

Vào ngày 10 tháng 2 năm 2024, một nhóm những người theo phong cách chiết trung từ Communitas Populi Romani đã tập hợp gần Diễn đàn Rôma cổ đại để bày tỏ lòng sùng kính của họ đối với các vị thần Juno, Jupiter và Apollo.

Luca Fizzarotti, một lập trình viên máy tính tham gia phong trào sau khi anh gặp khủng hoảng tinh thần, nói với Dịch vụ Tin tức Tôn giáo (RNS) rằng anh là giáo lý viên và theo đạo Công Giáo trong nhiều năm nhưng “tôi đã có một trải nghiệm rất tồi tệ và phải rời bỏ Giáo hội của mình”.

Fizzarotti yêu một người theo Chính thống giáo Kemetic, một giáo phái dựa trên đức tin tôn giáo của người Ai Cập cổ đại. Anh giải thích: “Lúc đầu, tôi thực sự không thể hiểu được điều đó, nhưng khi tôi dần dần tìm hiểu về cộng đồng ngoại giáo, tôi đã tìm ra cách để sống theo tâm linh của mình”.

Mặc dù Fizzarotti thừa nhận rằng việc chuyển đến sống cùng bạn gái đã khơi dậy sự quan tâm của anh ta đối với ngoại giáo ở Rôma, nhưng động lực chính đằng sau việc những người như anh ta và những người khác tham gia phong trào chịu ảnh hưởng của ngoại giáo là niềm đam mê với điều mà nhà văn người Ý Andrea Angelini gọi là “Chủ nghĩa Tái thiết Đa thần Rôma”, chứ không phải bất kỳ khuyến khích tình dục kiểu Thời đại mới nào chẳng hạn như đa tình.

Những người ủng hộ phong trào nhấn mạnh đến “sự hòa hợp với tâm linh cổ xưa”, đạo đức về “bổn phận đối với thần thánh”, và các đức tính Fides, tức là sự cam kết có đi có lại và lời nói ràng buộc hai bên, Pietas hay công lý, sự tôn trọng và tận tâm đối với thần; và Religio tức là thực hiện đúng nghi thức nhằm bảo đảm sự ưu ái của thần linh.

Donatella Ertola nói với RNS: “Tất cả chúng tôi đều tin vào các vị thần, chúng tôi thực hiện các nghi lễ tại nhà, chúng tôi có các bàn thờ sùng đạo ở nhà, chúng tôi có các linh mục và người làm lễ”.

Antony Meloni, một công nhân xây dựng phi trường, nhấn mạnh: “Tôi tìm thấy ở thuyết đa thần một sức mạnh mới. Tôi đang tìm kiếm thứ mà thuyết độc thần không mang lại cho tôi.”

Nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa Latinh và có trụ sở tại Rôma, Lorenzo Murone, nói với Catholic Herald rằng Giáo Hội Công Giáo ở Ý đang thất bại trong trận chiến chống lại những giáo phái như vậy vì họ không sẵn sàng tham gia vào “việc truyền giáo có chủ ý”.

Murone nói: “Rôma chưa bao giờ thực sự truyền giáo ở Ý ngay cả trong quá khứ,” giải thích tại sao việc thiếu sự chăm sóc mục vụ cũng dẫn đến việc rời bỏ Giáo hội. “Cho đến ngày nay nhiều người tuyên xưng Công Giáo Rôma hầu như không biết tên cha xứ của họ và ngược lại.”

Học giả này than thở rằng khi gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “các cặp đôi đang tìm kiếm hôn nhân nên được giáo đoàn ủng hộ trong quá trình chuẩn bị cho hôn nhân”, Vito Mancuso, một nhà thần học tự do người Ý, dường như phản ứng với một đề xuất như vậy “với sự hoang mang, như thể giáo đoàn đang bối rối” với cuộc sống mới lạ kỳ”.

Murone cũng lưu ý rằng cách đây không lâu một vị Hồng Y đã than phiền về chủ nghĩa thờ ơ của nước Ý - thái độ thờ ơ của nước này đối với sự tồn tại hay không tồn tại của Thiên Chúa.

Murone kết luận: “Tôi nghĩ anh ta đúng, nhưng chủ nghĩa thờ ơ này bây giờ đã di căn.

Tiến sĩ Jules Gomes (BA, BD, MTh, PhD) là một học giả Kinh Thánh và một nhà báo có trụ sở tại Rôma.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024- Gx Chúa Kito Vua- San Jose - Phần 3
Thái K Phạm
14:53 08/03/2024


 
Hội thảo với các em Thiếu Nhi, tại giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm.
Khanh Lai
16:35 08/03/2024
Hội thảo với các em Thiếu Nhi, tại giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm.


Hình ảnh buổi hội thảo


Với chủ đề các Bạn Trẻ cùng Hiệp Hành, tại giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm được Thầy Peter Pio Chu Hoài Nam O.P đang giúp xứ Thánh Vinh Sơn Liêm và sống trong Tu Viện Đa Minh tại Calgary chuẩn bị khấn trọn tại Oakland California và đầu tháng 9.
Thầy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để giúp cho các em với 45 phút thật sinh động và có thể cùng nhau xây dựng đời sống chung với các Bạn Trẻ hôm nay. Với 2 vị Thánh trẻ Trung Đa Minh Savio và Chân phước Carlo Acutis đã để lại ấn tượng cho các bạn trẻ.
Mặc dầu thời tiết là bão tuyết nhưng quý phụ huynh đã hy sinh đưa các em đến cho buổi hội thảo này.

Vương Nguyễn tường trình
 
Văn Hóa
Robert Royal: Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, dẫn nhập
Vũ Văn An
22:18 08/03/2024


Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi



Nguyên tác: A Deeper Vision, The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century

của Robert Royal


Dẫn nhập (tiếp theo)

Các nghịch lý khác nữa

Trong số những nghịch lý kỳ lạ của thế kỷ, Giáo hội cố kết với nhau hơn và được xác định rõ hơn khi phải đối đầu với những mối đe dọa lớn, đặc biệt là các ý thức hệ như Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Phát xít. Khi những đối thủ đó biến mất, Công Giáo dường như mất đi bản sắc và trở nên không thể phân biệt được với các hoạt động từ thiện hiện đại khác. Chẳng hạn, một triệu chứng của hiện tượng này là Công Giáo đã thành công trong việc chống lại Liên Xô, nhưng gặp khó khăn hơn trong việc giành được sự ủng hộ đối với các xã hội cởi mở của phương Tây. Như triết gia người Anh Elizabeth Anscombe, dịch giả và thông dịch viên lỗi lạc của nhà tư tưởng hiện đại vĩ đại Ludwig Wittgenstein, đã nhận xét khi kết thúc bài biện hộ mạnh mẽ cho giáo huấn của giáo hoàng về tính dục: “Giáo huấn mà tôi đã thi hành thực sự đi ngược lại với bản chất của thế giới, chống lại chiều hướng của thời đại chúng ta. Nhưng xét cho cùng, đó là mục đích của Giáo hội trong tư cách thầy dạy. Những sự thật có thể chấp nhận được vào một thời điểm nào đó—chẳng hạn như chúng ta mắc nợ công lý phải cung cấp những thứ dư thừa của chúng ta cho những người cơ cực và đói khát—những sự thật này sẽ không chỉ được Giáo hội công bố: Giáo hội còn dạy những sự thật bị coi là đáng ghét đối với tinh thần của một thời đại.” (9) Nhưng những tiếng nói như vậy, đặc biệt là trong số các nhà tư tưởng Công Giáo thuộc đẳng cấp thế giới, ngày càng trở nên hiếm hoi khi thế kỷ 20 trôi qua.

Thay vào đó, sau Công đồng Vatican II, một rừng rậm các luồng tư tưởng đa dạng xuất hiện trong giới học thuật Công Giáo, mà dường như ngày càng hoạt động giống như các đối tác thế tục của họ tại các cơ sở giáo dục đại học phi Công Giáo. Điều này rõ ràng đã dựng nên một rào ngăn trí thức tại nhiều trường cao đẳng và đại học này. Nhưng nó cũng làm cho khó hiểu hơn đâu là lối suy nghĩ đặc trưng Công Giáo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mặc dù nền tảng siêu hình và đạo đức nơi Augustinô, Tôma Aquinô, và những nhân vật vĩ đại khác vẫn còn đâu đó ở phía sau. Các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau giờ đây hiếm khi có thời gian để xem xét sâu sắc công việc của những đồng nghiệp theo đuổi các phương thức tư duy khác, và do đó, công việc của họ giống như những chuyên ngành “trí thức” bị cô lập - theo nghĩa xấu mà Péguy đã xác định. Trong thế kỷ 21, không có gì là bất thường khi thấy một nhà thần học Công Giáo được đào tạo trong một trường phái tư tưởng thậm chí biết rất ít về các trào lưu thần học Công Giáo khác, chứ đừng nói đến những thành tựu nghệ thuật hoặc văn học của người Công Giáo đương thời. Và ngược lại.

Biện minh cho cuốn sách này

Nếu có bất cứ lời biện minh nào cho việc một người đơn nhất cố gắng bao trùm các lĩnh vực khác nhau được đề cập trong tập sách này—và theo cách được ngỏ với những người không phải là chuyên gia—thì nó nằm ở sự kiện đơn giản này là không ai cố gắng tập hợp các xu hướng chính từng tạo nên truyền thống trí thức Công Giáo hiện đại. Có lẽ lý do chính mà ngày nay truyền thống trí thức Công Giáo hầu như không được thừa nhận là vì nó đã trở nên quá lớn để có thể nắm bắt dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng đó không phải là một nhiệm vụ bất khả để có một cái nhìn khái quát về các nguyên tắc chính được tư tưởng Công Giáo soi sáng, trong một số giới hạn rõ nét.

Tôi hoàn toàn nhận thức được những nguy hiểm liên quan đến nỗ lực này. Cách đây vài năm, tôi đã hỏi một đồng nghiệp, một người không theo Công Giáo với bằng tiến sĩ triết học từ một trong những trường đại học danh tiếng nhất của tiểu bang, xem ông ấy nghĩ gì về cuốn A History of Philosophy của Cha Frederick Copleston, một thành tựu đồ sộ gồm mười một tập, hơn năm nghìn trang và là một dấu mốc của đời sống trí thức Công Giáo thế kỷ XX. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ấy không có gì ngoài lời khen ngợi: “này, đó là thứ tốt nhất vượt trội ở đó. Và mọi người đều biết điều đó. Vấn đề duy nhất là mọi người cũng nghĩ rằng nó rất tuyệt - ngoại trừ trong lĩnh vực mà ông ta là chuyên gia. Nhưng các triết gia khác nhau rất nhiều ngay cả trong các trào lưu triết học đơn lẻ đến nỗi không phải lúc nào bạn cũng có thể khiến họ đồng ý về những nét khái quát trong tư tưởng của một triết gia. Ai khác có thể bao trùm rất nhiều lãnh vực một cách tốt đẹp như vậy?”

Tôi không ngu xuẩn đến mức mời gọi sự so sánh tập sách này với thành tựu cao chót vót của Cha Copleston. Một vài người bạn đã nghe nói về dự án, kể cả một số giám mục, cho rằng tôi sẽ tập hợp một loại bách khoa toàn thư nhiều tác giả nào đó, vì rõ ràng là không một người nào có thể khẳng định một cách hợp lý về kiến thức chuyên môn của mình ngay cả trong một chủ đề đơn nhất trong số các chủ đề mà các trang tiếp theo được dành cho. Cả đời cũng không đủ để hiểu một nhân vật như Hans Urs von Balthasar hay Karl Rahner, một trào lưu phức tạp như hiện tượng học hay chủ nghĩa Tôma hiện đại, hay sự phức tạp của văn học được viết bằng nhiều thứ tiếng bởi người Công Giáo trong thế kỷ vừa qua. Tôi khá ý thức về những thách thức này, chưa nói đến những giới hạn trong khả năng của chính tôi, có lẽ còn nhiều hơn những độc giả của tôi. Nhưng có một số lý do, nếu không muốn nói là các biện minh đầy đủ, cho một tác phẩm đầy tham vọng như tác phẩm này.

Để bắt đầu, như đồng nghiệp của tôi đã lưu ý, có giá trị thực sự trong một cuộc khảo sát về một lĩnh vực trí thức rộng lớn của một người đơn nhất. Các phần được viết bởi nhiều tác giả khác nhau chắc chắn sẽ xung đột với nhau— Những người theo thuyết Tôma với các nhà hiện tượng luận, những người theo thuyết Balthasar với những người theo thuyết Rahner—và có lẽ khiến độc giả không những chỉ có những cách giải thích mâu thuẫn mà còn có những nghi ngờ thực sự về cách các phần khác nhau ăn khớp với nhau ra sao theo tiêu chuẩn đánh giá của Công Giáo, nếu có. Tôi có ý kiến của mình và đôi khi có những đánh giá rõ nét về tài liệu được cung cấp ở đây, nhưng vì tôi không có chia chác chuyên môn gì trong nhiều cuộc xung đột này, nên tôi hy vọng mình đã cố gắng trình bày các quan điểm khác nhau theo cách chính xác và thiện cảm nhất có thể. Tôi đã cố gắng làm như thế bằng cách sử dụng ít ngôn ngữ kỹ thuật nhất có thể (mặc dù có một số chỗ không thể tránh khỏi) và với hy vọng ít nhất giải thích được tại sao những bộ óc vĩ đại được trình bày ở đây lại làm những gì họ đã làm. Đối với các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực này, tôi xin nói trước rằng tôi nhận ra có rất nhiều điều để nói hơn những gì tôi đã sàng lọc. Nếu không có những giới hạn rõ ràng, một cuốn sách thuộc loại này sẽ nhanh chóng trở nên khó sử dụng và không thể đọc được—thực sự là không thể.

Nhưng trong khi tôi hy vọng sẽ trình bày một cách công bằng nhất có thể về các yếu tố khác nhau được đưa vào đây, tôi tin rằng tôi cũng đã trình bày chúng từ một quan điểm nhất định: quan điểm của một đạo Công Giáo được Công đồng Vatican II mở ra cho thế giới hiện đại—và các bước dẫn đến nó—nhưng là một bước có ý thức tìm cách khẳng định những gì là Công Giáo lâu dài và mạnh mẽ. Có một sự khác biệt lớn giữa một đạo Công Giáo tự tin—với truyền thống thần học, đạo đức và văn hóa phong phú của nó từ thời Trung Đông, Ai Cập cổ thời, và xa hơn nữa từ nguồn gốc Do Thái của nó, và từ việc nó chiếm hữu cách năng động sức mạnh văn hóa của Hy Lạp, Rôma, Bắc Âu, Châu Mỹ, Viễn Đông, và nhiều luồng tư tưởng hiện đại khác nhau—và một Đạo Công Giáo trong đó sự phong phú kia được xếp ngang hàng với việc dành ưu tiên cho những khoảnh khắc trong đó người ta tình cờ thấy mình rơi vào vì sức mạnh hoặc tính tất yếu biểu kiến của nó.

Hơn nữa, dù điều quan trọng là phải loại bỏ điều gì đúng và điều gì không đúng, nhưng có một giai đoạn hiểu biết sớm và cần thiết hơn về những gì đã xảy ra trước đó giúp mang lại cho chúng ta những câu hỏi sâu sắc hơn trong tính viên mãn của chúng. Như Aristốt đã từng nhận xét một cách khôn ngoan:

“Đối với những người muốn thoát khỏi những khó khăn, thì việc có lợi là thảo luận tốt về những khó khăn đó; vì hành động tự do suy nghĩ tiếp theo bao hàm giải pháp cho những khó khăn trước đó, và điều bất khả là tháo cái nút thắt mà người ta không biết gì về nó... Lẽ ra người ta nên khảo sát trước mọi khó khăn, cả vì những mục đích mà chúng tôi đã nêu ra lẫn bởi vì những người lên tiếng hỏi mà trước hết không nêu rõ những khó khăn thì giống như những người không biết họ phải đi đâu; bên cạnh đó, một người thậm chí không biết liệu họ có tìm được điều mà họ đang tìm kiếm hay không vào bất cứ thời điểm nào đó; vì mục đích không rõ ràng đối với một người như vậy, trong khi đối với người trước nhất thảo luận về những khó khăn thì điều đó khá rõ ràng. Hơn nữa, người đã nghe tất cả các tranh luận tranh chấp nhau, như thể họ là các bên trong một vụ án, hẳn ở vị trí tốt hơn để phán đoán.” (10)

Một trong những lý do khiến Aristốt được thẩm thấu vào tư tưởng Công Giáo là vì ông là người Công Giáo avant la lettre [trước khi có chữ Công Giáo], chính ở chỗ nhận ra tầm quan trọng của việc xem xét cách người khác tiếp cận các câu hỏi khác nhau trước khi chúng ta nỗ lực xem xét chúng.

Bất chấp các biểu kiến, Đạo Công Giáo đã nhiều lần quay trở lại thủ tục này và có khả năng sẽ làm lại như thế ngay vào lúc này. Như nhà sử học Công Giáo vĩ đại Christopher Dawson đã nhận xét trước cuộc khủng hoảng của thập niên 1960, nhưng với sự linh cảm của một nhà sử học về sự bấp bênh của nền văn hóa hiện đại: “Giáo hội với tư cách là một xã hội thiêng liêng sở hữu một nguyên tắc sống nội tại có khả năng hấp thụ các chất liệu đa dạng nhất và in hình ảnh của chính mình lên chúng. Chắc chắn trong dòng lịch sử, có những lúc năng lực tâm linh này tạm thời bị suy yếu hoặc bị che khuất, và lúc đó Giáo hội có xu hướng bị đánh giá là một tổ chức của con người và bị đồng nhất với những lỗi lầm và hạn chế của các thành viên. Nhưng luôn luôn sẽ đến lúc Giáo hội phục hồi được sức mạnh của mình và một lần nữa phát huy năng lực thiêng liêng vốn có của mình trong việc hoán cải các dân tộc mới và biến đổi các nền văn hóa cũ.” (11)

Nếu tôi phải phát biểu trong một câu duy nhất quan điểm mà các trang sau đây tiếp tục, thì đó là: một nền nhân học thần học dựa trên mô hình được Đức Gioan Phaolô II vạch ra một cách rộng rãi, nghĩa là, một quan điểm về con người và thế giới như chỉ có thể giải thích được một cách đầy đủ bằng các dữ kiện mặc khải, nhưng là một quan điểm cũng khẳng định sự nhấn mạnh hiện đại về quyền tự do nhân bản, quyền lương tâm và giá trị của lý trí. Quan điểm đó phải là điểm khởi đầu chung cho người Công Giáo ngày nay, ngay cả đối với những người có thể không đồng ý với Đức Gioan Phaolô II về những vấn đề chuyên biệt. Nói tóm lại, tôi hy vọng đã viết từ một viễn kiến về đức tin và lý trí—Fides et Ratio, mượn tiêu đề của một trong những thông điệp phong phú nhất của ngài— một điều vừa mang tính Công Giáo vừa có thể bảo vệ được về mặt trí thức. Cách tiếp cận này vừa bảo tồn tính cụ thể trong công trình của Thiên Chúa, như Péguy hiểu nó, vừa hiện đại theo cách nó tìm cách hiểu công trình đó.

Liên kết mật thiết với viễn kiến lớn hơn này là một câu hỏi quan trọng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và xuyên suốt tất cả các chương sau: Làm thế nào để Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ 21 tích hợp được sự nhấn mạnh mới của mình vào cộng đồng và nhận thức mục vụ với sự canh tân, không kém phần quan trọng và cấp bách, việc bảo vệ vững chắc các tín điều về đức tin và luân lý. Đạo Công Giáo không phải và chưa bao giờ chỉ là hoạt động từ thiện đơn thuần, và, như Anscombe đã lưu ý, nó không đúng với chính nó, trừ khi nó vừa xác định vừa công bố những chân lý của chính mình, những chân lý định hình ý nghĩa trọn vẹn của việc yêu mến Thiên Chúa và người lân cận. Không có những chân lý đó, Giáo hội trở thành một thứ gì đó giống như một bác sĩ giỏi cách thức giọn giường chiếu nhưng ít biết về y học. Giáo Hội có thể an ủi và mục vụ nhưng không thể thực sự chữa trị và cứu rỗi.

Bối cảnh hiện đại

Cuốn sách này không đi quá xa bên ngoài truyền thống trí thức Công Giáo (nhấn mạnh vào cả hai định tính) trong thế kỷ XX. Và theo thiết kế, nó không đề cập nhiều đến tư tưởng Công Giáo Mỹ, điều tôi hy vọng sẽ đề cập đến trong một tập khác. Tuy nhiên, trước khi bước vào lĩnh vực đó, một cuộc khảo sát ngắn gọn về thế giới trong đó truyền thống này hoạt động có thể hữu ích cho việc hiểu tại sao một số ý tưởng đã xuất hiện, vì tư tưởng không bao giờ nảy sinh trong một khoảng chân không trí thức thuần túy. Các đường hướng chung đã được biết đến. Ở các nước phát triển, chúng ta có xu hướng tập chú vào những tiến bộ đạt được trong việc tôn trọng quyền con người, nâng cao mức sống vật chất cho người dân, và phổ biến việc biết đọc biết viết - lần đầu tiên trong lịch sử loài người - cho phép hầu hết mọi người được là người chủ đạo tích cực trong cuộc sống của chính mình. Bất chấp các vấn đề xảy ra với mọi nỗ lực của con người, đây là những thành tựu thực sự đối với người Công Giáo và đối với bất cứ ai tin vào phẩm giá của tất cả mọi người, được tạo dựng “theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”, và trong nhu cầu cổ vũ sự phát triển đích thực của con người.

Nhưng có một khía cạnh khác của câu chuyện mà người Công Giáo, có lẽ hơn hầu hết mọi người, nhận thức được một cách rất cụ thể. Sau Cách mạng Pháp, một cuộc cách mạng khi biến thành Khủng bố, đặc biệt đã bách hại và sát hại nhiều người vốn không tham gia việc duy trì trật tự quân chủ cũ, Giáo hội phải đối diện với một tình hình xã hội hoàn toàn mới. Hệ thống giáo hội nhà nước trước đây dần dần nhường chỗ cho các nền dân chủ thế tục mà tốt nhất cũng đã thờ ơ và tệ nhất là thù địch đối với tôn giáo. Pháp chỉ là sự khởi đầu. Nước Đức nhanh chóng chuyển từ một tập hợp các quyền tài phán sang sự thống nhất của Đế chế thứ hai (1871–1918), mà dưới thời Bismarck đã tiến hành Kulturkampf (“Chiến tranh Văn hóa”, 1871–1878) chống lại Giáo hội. Ở Ý, sự thống nhất quốc gia vào năm 1870 và sự biến mất của các Quốc gia Giáo hoàng khiến một số giáo hoàng tự coi mình là “tù nhân của Vatican”, tự áp đặt sự cô lập tại Thành phố Vatican, nơi mà chính phủ mới của Ý cho phép giáo hoàng giữ lại được. Tình hình không được hợp thức hóa cho đến triều giáo hoàng Piô XI và Hiệp định Lateranô năm 1929.

Và còn nhiều điều hơn nữa. Hiệp định Lateranô đã được đàm phán với chính phủ Phát xít của Mussolini, về một số khía cạnh đã gây ra nhiều rắc rối hơn cho Giáo hội sau các hiệp định so với trước đây, mặc dù Giáo hội hoạt động tương đối tự do ở Ý so với các phần còn lại của Châu Âu. Các đạo luật chống giáo sĩ ở Pháp được chính phủ xã hội chủ nghĩa của Émile Combes thông qua vào đầu những năm 1900 đã đóng cửa ít nhất mười nghìn trường học Công Giáo và các dòng tu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Cuộc khủng hoảng của Đức giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đã dẫn đến sự trỗi dậy của Adolf Hitler, kẻ đã tìm cách quét sạch người Do Thái ở châu Âu. Nhưng người ta thường quên rằng dù được dưỡng dục làm một tín đồ Công Giáo, nhưng Hitler cũng có ý định “đè bẹp Giáo hội như một con cóc”. Đế chế thứ ba rất sẵn lòng đe dọa, bỏ tù và sát hại các linh mục Công Giáo trong khi, hơn hai nghìn người trong số họ kết cục trong các trại lao động của Đức. Ở những nơi khác, đặc biệt là trong Nội chiến Tây Ban Nha, hầu hết các giám mục đều bị tàn sát cùng với toàn bộ tu viện, đan viện và chủng viện. Khi chủ nghĩa cộng sản đến các quốc gia Trung và Đông Âu sau Thế chiến thứ hai, Giáo hội ở các khu vực phần lớn Công Giáo như Slovakia, Ba Lan và Hung Gia Lợi, trong số những quốc gia khác, đã phải chịu đựng thêm một đợt bách hại nghiêm trọng và nhiều cái chết, cho đến khi có cuộc sụp đổ trong hòa bình cho hệ thống Xô Viết vào năm 1989. Cuộc đàn áp của cộng sản đối với người Công Giáo ở Trung Quốc, Việt Nam và Cuba vẫn tiếp diễn trong thiên niên kỷ mới. Trên nhiều mặt trận công khai, Đạo Công Giáo phải đối đầu với các cuộc tấn công trực tiếp và có vũ trang trong thế kỷ 20, chưa nói đến sự chống đối về trí thức và xã hội. Do đó, cần phải phân biệt khá kỹ những gì tốt và chưa tốt trong nền văn hóa hiện đại.

Như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, bản thân văn hóa đã trở thành một ảnh hưởng chính trong hậu bán thế kỷ 20 như có lẽ chưa từng có trước đây, một phần do sự suy tàn của nền văn hóa “cao cấp” và điều phải được mô tả một cách thẳng thắn là sự hạ thấp giá trị của nền văn hóa đại chúng, mà trước đó đã là một phương tiện cho một thế giới quan lành mạnh một cách hợp lý đối với đại chúng. Tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2010, đã lập luận rằng chúng ta đã đi đến điểm mà văn hóa hiện nay là phản văn hóa hoặc bị suy yếu đến mức hầu như không còn hiện hữu. (12) Cần phải nói thêm rằng một số chủ nghĩa duy khoa học—một niềm tin rằng các thí nghiệm thực nghiệm là nguồn duy nhất của kiến thức thực sự—cũng đã phá bỏ ngay cả một số yếu tố thế tục nhân đạo trong văn hóa. Như thể cả thế giới đã trở nên vỡ mộng, giống như Charles Ryder trong tiểu thuyết Brideshead Revisited của Evelyn Waugh, người chạy trốn khỏi gia đình Công Giáo Marchmain ở giữa cuốn tiểu thuyết đó, nói rằng, “Từ giờ trở đi, tôi sống trong một thế giới ba chiều—với sự trợ giúp của năm giác quan tôi." Ryder vội nói thêm: “Từ đó tôi học biết rằng không có thế giới như vậy.” (13) Nhưng nhiều người ở cuối thời hiện đại không chắc chắn như vậy, trong đó có một số không ít người Công Giáo.

Hình dạng cuốn sách này

Dàn ý của cuốn sách này rất đơn giản. Nó bắt đầu với một tường thuật về một số trào lưu chính trong triết học Công Giáo thế kỷ hai mươi. Điều này không phải là sự lựa chọn cá nhân mà là sự thật này: không có triết học thì không có thần học. Và không có thần học thì không có điều gọi là truyền thống trí thức Công Giáo. Khi Đức Gioan Phaolô II công bố thông điệp Fides et Ratio, chưa đầy hai năm trước khi bắt đầu thiên niên kỷ mới, ngài đã khẳng định một điều bắt nguồn trong truyền thống Công Giáo từ chính các sách Tin Mừng: cả đức tin lẫn lý trí đều cần thiết đối với cái hiểu Công Giáo về Thiên Chúa và thế giới của Người. Vì người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự, nên chân lý của đức tin và chân lý của lý trí không thể mâu thuẫn với nhau, vì cuối cùng chúng quy về Đấng là Chân lý. Và sự thật cho phép có những cách tiếp cận khác nhau. Đức Gioan Phaolô II đã ca ngợi Thánh Tôma Aquinô như một hình mẫu về cách trở thành một nhà tư tưởng Công Giáo, nhưng ngài cũng nói rõ rằng Đạo Công Giáo không có nền triết lý chính thức nào. Trong quá trình chuyển dịch từ thuyết Tôma, chiếm ưu thế trong triết học Công Giáo trước Công đồng Vatican II, sang các triết thuyết khác mà sau này trở nên nổi bật hơn, chính Đức Giáo Hoàng—một người thực hành thuyết nhân vị và hiện tượng học—và Joseph Ratzinger—người kế vị của ngài (danh hiệu Bênêđictô XVI) và một người theo thuyết Augustinô. —là những thí dụ sống động về chủ nghĩa đa nguyên triết học nảy sinh trong Giáo hội. Những cái được và mất của sự thay đổi đó là một phần cốt truyện chính trong triết học Công Giáo thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, cuối cùng, Đạo Công Giáo về bản chất là một đức tin cần điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “một triết lý thuộc phạm vi siêu hình thực sự” (Fides et Ratio, 83). Tái khám phá chiều kích đó giữa chủ nghĩa đa nguyên bên trong và chủ nghĩa hoài nghi và thuyết tương đối bên ngoài Công Giáo vẫn là một nhiệm vụ cấp bách đối với bất cứ đạo Công Giáo nào xứng đáng với tên gọi.

Tất nhiên, thần học cũng có quan hệ với một số khía cạnh văn hóa khác được xem xét ở đây. Thần học Công Giáo phụ thuộc vào một sự mặc khải trước đó. Như Aquinô nói, về mặt kỹ thuật, đó là một “khoa học đặc thù [subalternate science]”. Dữ kiện của nó là dữ kiện của mặc khải giống như dữ kiện của vật lý là những sự kiện mà chúng ta quan sát được trong thế giới thực nghiệm. “Ba hoặc bốn mầu nhiệm” mà Péguy đã nói không bao giờ có thể được thần học giải thích đầy đủ bởi vì theo định nghĩa, một mầu nhiệm không phải là một vấn đề có thể “giải đáp”. Đó là một điều gì đó được trình bày cho chúng ta và nằm ngoài khả năng nắm bắt đầy đủ của chúng ta. Người ta có thể phủ nhận, cho rằng mặc khải của Kitô giáo là không đúng hoặc thậm chí cho rằng việc thông đạt từ Thiên Chúa như vậy là điều không thể có — hoặc không thể hiểu được — đây là các tiền đề vô thần hoặc bất khả tri. Nhưng các phân biệt đúng đắn đã được thực hiện rằng đó không phải là lập trường của Công Giáo, và việc cẩn thận chú ý đến cả những sự thật mạc khải lẫn những sự thật mà lý trí có thể tiếp cận được trong yếu tính xác định ra nền thần học Công Giáo. Như Đức Gioan Phaolô II đã đề cập trong Fides et Ratio, cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí không bao giờ đi đến hồi kết. Cuộc đối thoại đó đã diễn ra như thế nào trong vài thập niên đầy biến động sau Công đồng Vatican II là một câu chuyện hấp dẫn và ít được biết đến.

Hơn nữa, sự phát triển của thần học Công Giáo không chỉ được hình thành bởi nỗ lực của các nhà thần học cá nhân đang nghiên cứu các vấn đề khác nhau. Nó cũng được hướng dẫn một cách đáng kể, và đôi khi gay gắt, bởi các tuyên bố có thẩm quyền từ huấn quyền, hoặc văn phòng giảng dạy của Giáo Hội. Đối với những người bên ngoài, điều này có vẻ giống như việc hoàn toàn tùy tiện sử dụng quyền lực để ngăn chặn suy nghĩ, gần giống với trường hợp sẽ xảy ra nếu một chính phủ thế tục cố gắng can thiệp vào công việc của một giáo sư nghiên cứu. Đã có những trường hợp trong lịch sử Giáo hội—đáng chú ý nhất là trường hợp của Galileo—khi Giáo hội để mình bị bóp méo và vượt quá thẩm quyền thích hợp của mình trong những vấn đề như vậy, như một đạo Công Giáo trọn vẹn hơn vốn hiểu. Và điều đó thật không may đã khiến một số người có thói quen nghi ngờ các tuyên bố có thẩm quyền khác của Giáo Hội. Nhưng những song hành với trường hợp thế tục không hoàn toàn phù hợp vì thần học Công Giáo coi là tài liệu nghiên cứu thích hợp của nó sự mặc khải tìm thấy trong Kinh thánh và truyền thống hiểu sự mặc khải đó (ngay cả khi nó nói thêm, với Aquinô, rằng “lập luận từ thẩm quyền dựa trên lý trí của con người” (14) là lập luận yếu nhất trong tất cả các lập luận).

Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã trải qua một giai đoạn bắt kịp các nghiên cứu Kinh thánh hiện đại. Giáo Hội cũng có những lời chỉ trích và đóng góp hữu ích cho một phương pháp được phát triển ngoài phạm vi hoạt động của Giáo Hội. Đối với người Công Giáo, Mặc khải là một điều lớn hơn Kinh thánh: thực tại lịch sử của Israel và cuộc đời của Chúa Kitô và bằng chứng của truyền thống, ngoài chính các bản văn Kinh thánh, tất cả đều phải được đưa vào bất cứ sự hiểu biết nào của người Công Giáo về những gì Thiên Chúa đã làm. Nhưng vì việc nghiên cứu sách thánh đã trải qua một số giai đoạn cách mạng trong giới Công Giáo trong thế kỷ 20, nên những giai đoạn đó cũng cần được đề cập ở đây vì tác động đáng kể của chúng đối với cách các học giả trong các lĩnh vực khác nhau hiểu sự mặc khải đã xảy ra và cũng như cách họ tranh luận về vị trí của những quan điểm mới giành được trong lãnh vực thần học và triết học. Ngay trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, diễn trình này vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Lịch sử, khảo cổ học, phê bình bản văn và các ngành khác đang chờ đợi sự tích hợp đầy đủ vào các lĩnh vực tư tưởng khác.

Đối với một giải trình Công Giáo về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ XX, cũng cần phải nói điều gì đó về phụng vụ. Vì một nguyên tắc Công Giáo vững chắc là lex orandi, lex credendi [luật cầu là luật tin], những thay đổi trong các thực hành khác nhau phản ảnh rõ ràng một số thay đổi trước đó trong tư tưởng; tuy nhiên, người ta thường quên rằng chúng cũng tạo ra những thay đổi như vậy. Thí dụ, người ta thường nói rằng việc chuyển từ tiếng Latinh sang tiếng bản địa trong Thánh lễ, vốn không phải do Công đồng Vatican II bắt buộc một cách tình cờ, đã khiến giáo dân có quan niệm rằng nếu một điều cơ bản như Thánh lễ có thể thay đổi mạnh mẽ như vậy, thì bất cứ điều gì khác cũng có thể thay đổi như thế. Bất cứ người Công Giáo chân chính nào, theo chủ nghĩa truyền thống hay cấp tiến, đều phải nói rằng có điều gì đó không ổn trong thái độ đó. Nhưng có lẽ còn tồi tệ hơn thái độ này là sự mất đi tính mầu nhiệm và tính cao nhã, vốn cũng được mọi người thừa nhận, do các loại bản dịch tiếng bản ngữ mà chúng ta đã có. Một số ngôn ngữ— tiếng Ý chẳng hạn—dường như vẫn giữ được một số phẩm giá của nghi lễ cũ. Nhưng tiếng Anh thì khá tệ. Dù ý định của các dịch giả có là gì – và những nghi ngờ về ý thức hệ không phải là hoàn toàn không có cơ sở – thời đại của chúng ta không phải là thời đại tuyệt vời cho ngôn ngữ cao nhã. Phần lớn Thánh lễ tiếng Anh dao động giữa tầm thường và ủy mị, ngay cả sau “cải cách của cải cách” của Đức Bênêđictô XVI.

Một vấn đề tương tự đã len lỏi vào các bản dịch Kinh thánh đương thời. Điều không thể tránh khỏi và thậm chí cần thiết là những thành tựu thực sự của các học giả kinh thánh hiện đại được phản ảnh trong các bản dịch mới hơn. Nhưng chắc chắn cũng không thể tránh khỏi việc những bản dịch đó mặc dù tốt hơn theo quan điểm chính xác kỹ thuật (rất may bộ Kinh thánh Tin mừng [Good News Bibles] và các phiên bản cường điệu khác đã tự nhiên chết nhanh chóng), sẽ không chính xác đạt đến mức của bản Kinh thánh King James hoặc Lutheran xưa hoặc thậm chí cả bản dịch tiếng Anh Douay-Rheims có thể sử dụng được. Nhà thơ Công Giáo-Anh giáo vĩ đại T. S. Eliot đã nói về bộ New English Bible [Kinh thánh tiếng Anh mới] của Thệ phản, là bộ sử dụng “tính tương đương năng động” [dynamic equivalence] thay vì diễn giải chặt chẽ, rằng nó “gây kinh ngạc trong sự kết hợp giữa những điều thông tục, tầm thường và mô phạm”. (15. Người Công Giáo khá hơn một chút. Vào chính thời điểm khi Giáo Hội Công Giáo lần đầu tiên thực sự khuyến khích giáo dân tự đọc Kinh thánh và được truyền cảm hứng khi tiếp xúc trực tiếp với Lời hằng sống của Thiên Chúa, Giáo hội đã từ từ cung cấp các loại bản dịch có thể nâng cao tâm hồn và tâm trí của giáo dân có học. Phần mở đầu tuyệt đẹp của Thánh vịnh 23 được dịch một cách vụng về trong Kinh thánh Giêrusalem vốn được sử dụng rộng rãi: “Giavê là Đấng chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu bất cứ điều gì”. Ronald Knox, một người Anh rất có năng khiếu trở lại đạo, cũng lộn xộn: “Chúa là người chăn dắt tôi. Làm sao tôi có thể thiếu bất cứ điều gì được?” Bản Kinh Thánh Mới của Mỹ, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1970 và sau đó, được duyệt lại, vào năm 1986, đã dịch đúng, “Chúa là Đấng chăn dắt tôi, tôi sẽ không thiếu thốn chi.” Nhưng khi ngay cả một trong những dòng nổi tiếng và được yêu thích nhất cũng bị đối xử không đồng đều như vậy, thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn nhiều thuộc nền văn hóa đương thời và những ảnh hưởng của nó đối với những điều căn bản của niềm tin.

Một số phần chính của chủ đề trong các trang này có thể gợi lên óc hoài nghi. Những thứ như văn chương, văn hóa và nghiên cứu lịch sử có thực sự đóng vai trò trung tâm trong một truyền thống trí thức không? Tôi đã nghĩ như vậy trước khi bắt đầu viết, và việc tôi xem xét loại tác phẩm được tạo ra trong ba lĩnh vực này trong thế kỷ XX đã thuyết phục tôi hơn nữa. Một trong những chủ đề chính sẽ xuất hiện sau này trong bản văn là tình hình văn hóa của một truyền thống trí thức trong một thời đại mà bản thân trí hiểu không được tin tưởng, một phần do việc sử dụng nó. Tôi không phải là người đầu tiên hay duy nhất nhận thấy rằng loại hình văn hóa mà chúng ta đang sống hiện nay, dường như giới hạn lý trí vào các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật và đặt tất cả các biểu hiện khác của tư duy con người vào phạm trù tưởng tượng, có thể cần phải trải qua một sự thay đổi rất công khai, trên diện rộng lớn trước khi thậm chí có thể coi đức tin là một điều gì đó khác hơn là cảm xúc đơn thuần hoặc sự thỏa mãn mong muốn. Văn học và các sáng tạo văn hóa khác, với khả năng mang đến cho chúng ta những điều mà các lực lượng văn hóa thống trị có thể đã gạt ra ngoài lề hoặc buộc phải kết thúc sớm, đặc biệt hữu ích trong những điều kiện như vậy.

Một số độc giả có thể vẫn nghi ngờ rằng lịch sử, văn chương và nghiên cứu văn hóa có thể làm được công việc mà triết học hay thần học cứng cựa vẫn làm được. Chúng ta thường nghe nói, quá khứ quá phức tạp, quá dễ bị bóp méo về ý thức hệ và lỗi thời, và quá quá khứ để có thể sử dụng nhiều trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta đưa quan điểm này đến những kết luận hợp luận lý của nó, thì đức tin bắt nguồn từ lịch sử thánh thiêng, những câu chuyện trong Kinh thánh, và các truyền thống của dân Do Thái và của Giáo hội - vốn là một trong những đặc điểm khác biệt của Do Thái giáo và Kitô giáo—chỉ trở nên bất khả mà thôi. Bất kể điều không chắc chắn, khoảng cách và xung đột nào trong việc giải thích có thể hiện hữu liên quan tới lịch sử Kinh thánh và các sự kiện quan trọng trong lịch sử Công Giáo, nếu không có một số nỗ lực để giữ nguyên sợi chỉ vàng xuyên suốt truyền thống và hành động của Chúa Quan phòng trong lịch sử giữa những khúc ngoặt khác nhau của mê cung, đơn giản không thể duy trì đức tin Công Giáo. Một số nhân vật trong văn chương được khảo sát ở đây giúp phục hồi cảm thức sống động về tính Công Giáo ngay trong bối cảnh hiện đại. Nhu cầu làm điều đó hữu hiệu hơn, trên thực tế, có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất—và là những cơ hội quan trọng nhất—đối với truyền thống trí thức Công Giáo, như tôi hy vọng đã chỉ ra được trong các chương kết luận.

Vì vậy, đây không phải là một thao tác mà nhiều thế kỷ trước Malebranche đã bác bỏ như là “môn bách khoa” [polymathy]. Một câu hỏi trọng tâm mà bất cứ ai muốn trình bày Đạo Công Giáo trong thế giới hiện đại phải đối mặt là liệu có giải trình diễn ngôn nào có nhiều giá trị vượt ra ngoài sự tò mò đơn thuần hay không. Phần lớn những gì truyền thống trí thức Công Giáo phải đối đầu ngày nay chỉ là giả định hoàn toàn dai dẳng, được thúc đẩy trực tiếp và gián tiếp bởi những nhân vật như Nietzsche, rằng Đạo Công Giáo và tất cả những giải thích toàn diện về cuộc sống con người đều là “các ngẫu tượng”—thiên vị, cả tin, quá tự tin, tìm kiếm quyền lực, bù trừ, và bị bác bỏ ngay từ đầu không còn ai nhớ được bởi vì không có gì có thể được ghi nhận là kết quả của bất cứ tác nhân có thể sai lầm nào của con người. Bất chấp khía cạnh đáng buồn mà thái độ văn hóa này đôi khi đại diện, nó vẫn có tác dụng bổ ích một cách kỳ lạ đối với những người trong chúng ta không có xu hướng đặt niềm tin vào các vị giáo sư.

Chúa Giêsu Kitô đã không tranh luận nhiều cho chính Người, Cha Người hay toàn bộ lịch sử thánh thiêng mà đạo Công Giáo giả định. Đúng hơn, Người đã làm một việc vẫn còn âm vang khắp năm châu và sẽ còn mãi trong tương lai. Sau tất cả những nỗ lực hợp lý, cuối cùng, như Péguy và những nhân vật hiện đại vĩ đại khác đã lưu ý, truyền thống trí thức Công Giáo được giữ ở tiêu chuẩn cao, cao nhất:

“Người nói chuyện với chúng ta mà không lạc đề hay phức tạp.

Người không khoác lác, thêu dệt mọi điều.

Người ăn nói đều đều, như một người giản dị, sơ sài, như một người thị trấn.

Một người dân làng.

Giống như một người ngoài phố không tìm kiếm lời nói của mình và không làm ồn ào.

Khi Người trò chuyện.

Ngoài ra, vì Người nói với chúng ta và nói trực tiếp với chúng ta,
Vì Người nói với chúng tôi bằng dụ ngôn,
Điều mà chúng ta gọi là tương tự trong tiếng Latinh,
Vì Người không đến để kể cho chúng tôi những chuyện cổ tích,
Vì Người luôn nói với chúng ta một cách trực tiếp và giản dị
Từng chữ,
Từng trình độ,
Luôn luôn đáp ứng, chúng ta phải luôn luôn nghe Người và lắng nghe Người theo nghĩa đen.

Một cách trực tiếp và trọn vẹn từng trình độ.

Người anh em của chúng ta, người anh cả của chúng ta đã không lừa chúng ta vì vui thích được tiếng khôn khéo.

Chúng ta không nên lừa Người vì vui thích với trò đánh lừa.

Và sẽ là chuyện đánh lừa Người khi đi tìm những trò nghịch ngợm ở nơi Người không cất nó.

Khi nghe, tìm, muốn nghe; tưởng tượng;
Khi làm cong vênh méo mó;
Khi nghe lời nói của Người khác với cách Người nói nó.

Thậm chí khi lắng nghe khác hơn cách Người nói.”
(16)

Ghi chú

1 Charles Péguy, The Portal of the Mystery of Hope [Cửa Mầu nhiệm Đức cậy], bản tiếng Anh của David Louis Schindler, Jr. (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1996), 67-68.

2 Đã dẫn, 69.

3 Charles Péguy, Oeuvres poétiques complètes [Các tác phẩm thi ca đầy đủ] (Paris: Bibliothèque de la Pléiade, 1957), 1154. Bản dịch của tác giả.

4 Richard Ellmann, James Joyce (New York: Oxford University Press, 1965), 353.

5 Các giảng khóa này đã mang lại hai cuốn sách khá sinh động vẫn còn ý nghĩa đáng kể: Creative Intuition in Art and Poetry [Trực giác Sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca] (New York: Pantheon Books, 1953); và Man and the State [Con người và Nhà nước] (Chicago: University of Chicago Press, 1951).

6 Francis Fukuyama, The Great Disruption: Human Nature and the Reconstitution of Social Order [Gián đoạn Lớn lao: Bản nhiên Con người và Việc Tái lập Trật tự Xã hội] (New York: Free Press, 1999).

7 Karl Rahner, S.J., “Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican II” [Hướng tới Lối Giải thích Thần học Nền tảng về Vatican II], Theological Studies 40, no. 4 (1979): 716-27.

8 John W. O’Malley, What Happened at Vatican II [Điều gì Xẩy ra tại Vatican II](Cambridge, Mass.: Belknap Press of Harvard University Press, 2008), 307.

9 Giảng khóa này đã thường xuyên được in lại và có thể tìm thấy, với các tư liệu liên hệ, trong G. E. M. Anscombe, Faith in a Hard Ground: Essays on Religion, Philosophy and Ethics [Đức tin trong một Cơ sở Cứng cáp: Các Tiểu luận về Tôn giáo, Triết học và Đạo đức học], chủ biên Luke Gormally và Mary Geach, St. Andrews Studies in Philosophy and Public Affairs [Các Nghiên cứu St. Andrews về Triết học và Công vụ] (Exeter, U.K., and Charlottesville, Va.: Imprint Academic, 2008), 191.

10 Aristotle, The Metaphysics [Siêu hình học], bản dịch của W. D. Ross trong The Basic Works of Aristotle [Các Công trình Căn bản của Aristốt], chủ biên Richard McKeon (New York: Modern Library, 2001), 716.

11 Christopher Dawson, The Historic Reality of Christian Culture [Thực tại Lịch sử của Văn hóa Kitô giáo](New York: Harper, 1960), 103.

12 Mario Vargas Llosa, La civilizacion del espectaculo [Nền văn minh của cảnh tượng] (Alfaguara: Mexico City, 2012).

13 Evelyn Waugh, Brideshead Revisited [Quí tộc tái lâm (?)](Boston: Little, Brown, 1976), 195

14 Thomas Aquinas, Summa Theologiae (Tổng luận Thần học), Bản dịch của Các Cha Dòng Đa Minh thuộc tỉnh dòng Anh (New York et al.: Benziger Bros., 1947, từ đây viết tắt là ST), I, q. 1, a. 8 ad 2; p. 5.

15 T. S. Eliot, “Letter: Review of the New English Bible” [Thư: Duyệt sách Tân Thánh Kinh tiếng Anh], Sunday Telegraph, December 16, 1962, p. 7.

16 Péguy, Portal [Cửa lớn], 69-70.
 
Church Documents
Thu Trinh 09/03/2024
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:50 08/03/2024
1. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia ra lệnh chấm dứt mua các sản phẩm của các công ty vẫn còn hoạt động ở Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur hôm thứ Bẩy 9 Tháng Ba, cho biết ông đã ra lệnh loại bỏ các sản phẩm khỏi Bộ và lực lượng quốc phòng của mình khỏi các công ty vẫn đang hoạt động ở Nga.

Tôi đã yêu cầu loại bỏ và chấm dứt việc mua tất cả các sản phẩm của các công ty PepsiCo, Mars, Nestle, Unilever, Mondelēz International, Philip Morris International, JTI, v.v., là những công ty vẫn đang hoạt động bên trong nước Nga và do đó hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh của Putin.

2. Quân Ukraine nỗ lực cầm chân đối phương ở Mariinka

Vào ban đêm, Sasha và đội máy bay không người lái của anh đi tìm đối phương. Họ khởi hành trên một chiếc xe phủ đầy bụi bẩn hướng tới thành phố Mariinka ở phía đông Ukraine, nơi bị Nga xâm lược kể từ tháng 12. Họ dỡ một chiếc máy bay không người lái lớn. Và sau đó, họ bay nó trong bóng tối qua tiền tuyến, phía trên khung cảnh ma quái của những cánh đồng và những ngôi nhà đổ nát, hướng tới thành phố lấp lánh Donetsk. Máy bay không người lái mang theo một kho vũ khí chết người gồm sáu quả lựu đạn.

Sasha, người sử dụng biệt danh “Du lịch”, đã ném bom hơn 100 thiết bị quân sự của Nga.

Danh sách này bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bọc thép và pháo tự hành cũng như các kho đạn được giấu kín. Pháo của Nga là một mục tiêu quan trọng khác. Gần đây đơn vị hoạt động đặc biệt của ông đã ngăn chặn được một cuộc tấn công quy mô lớn. Nó phát hiện bảy xe tăng Nga tập trung cho một cuộc đột kích lúc bình minh và vô hiệu hóa hai chiếc trong số đó.

Bất chấp những thành công này, các lực lượng Ukraine đang phải vật lộn để kìm chân quân Nga trong và xung quanh Mariinka cũng như khắp khu vực Donbas. Sau hai năm chiến tranh toàn diện và cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm ngoái, Mạc Tư Khoa đang bắt đầu hành động. Quân đội của họ đã chiếm được thành phố Avdiivka, bên cạnh Donetsk, thủ phủ của tỉnh do Điện Cẩm Linh nắm giữ từ năm 2014. Quân tiếp viện của Nga đang chiếm thêm lãnh thổ, từng thị trấn tan hoang.

“Người Nga có nhiều thứ hơn. Xe tăng, pháo binh, nhân lực và máy bay,” Sasha thừa nhận khi thực hiện chuyến bay thử nghiệm bằng chiếc máy bay bốn cánh quạt mang bom của mình.

Xa xa, bên cạnh một đống xỉ, khói đen cuồn cuộn bốc lên bầu trời trắng xóa. Anh ta nói thêm:

“Chúng tôi có ít hơn rất nhiều. Và họ đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ lâu. Thật không may, chúng tôi đã không làm vậy. Chúng tôi chỉ có thể sống sót nếu phương Tây bước lên và cung cấp cho chúng tôi thêm vũ khí”.

3. Nga pháo kích dữ dội vào Kharkiv

Ba người chết ở khu vực Kharkiv do pháo kích của Nga, Oleg Sinegubov, Thống đốc khu vực Kharkiv cho biết như trên vào sáng Thứ Bẩy, 9 Tháng Ba,.

Ông cho biết khoảng 18 khu định cư ở vùng Kharkiv đã bị tấn công bằng pháo và súng cối của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng một phụ nữ 64 tuổi, một người đàn ông 58 tuổi và một phụ nữ 40 tuổi đã chết.

4. Hơn 45.000 phụ nữ phục vụ trong lực lượng vũ trang Ukraine

Ngày Quốc tế Quyền Phụ nữ và Hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8/3. Nhân dịp này thông tấn xã quốc gia Ukraine cho biết hiện có 45.587 phụ nữ phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Đây là những dữ liệu được cung cấp bởi Trung tâm Truyền thông Quân đội trên Telegram, theo Ukrinform.

Báo cáo cho biết: “Tính đến tháng 1 năm 2024, có 45.587 nữ quân nhân trong quân đội Ukraine, nhiều hơn 2.108 người so với tháng 10 năm 2023. Trong số đó, 13.487 người chiến đấu ở tiền tuyến”. Theo Trung tâm Truyền thông Quân đội, hơn 4.000 phụ nữ hiện đang phục vụ tại các khu vực chiến sự.

Tính đến năm 2024, tổng số phụ nữ đang làm việc và phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ukraine là hơn 62.000 người.

5. Kuleba kêu gọi các đối tác quay trở lại nhiệm vụ huấn luyện cho Ukraine và bảo vệ Ukraine bằng phòng không

Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba kêu gọi các đối tác quay trở lại các nhiệm vụ huấn luyện trở lại Ukraine trong thời gian toàn bộ các nhiệm vụ huấn luyện được thực hiện ở Ukraine trong giai đoạn 2014-2022.

Nhà lãnh đạo cơ quan ngoại giao Ukraine cho biết điều này tại cuộc họp báo chung với các ngoại trưởng Estonia, Latvia, Lithuania và Pháp sau cuộc hội đàm ở Vilnius, phóng viên Ukrinform đưa tin.

“Tôi thực sự không hiểu tại sao vấn đề phái bộ huấn luyện ở Ukraine lại gây ra nhiều khó khăn và thảo luận đến vậy. Từ năm 2014 đến năm 2022, toàn bộ các nhiệm vụ huấn luyện đã hoạt động rất hiệu quả ở Ukraine. Tôi thấy không có lý do tại sao điều này không thể tiếp tục. Hãy mang lại các khóa huấn luyện của bạn, đặt lực lượng phòng không của bạn để bảo vệ các trung tâm huấn luyện”, Kuleba nói.

Ông nhấn mạnh rằng trong một cuộc chiến tranh quy mô như thế này, hậu cần là vấn đề quan trọng. Bộ trưởng cho biết, nếu quân đội Ukraine có thể huấn luyện nhanh hơn và sửa chữa thiết bị nhanh hơn thì họ sẽ có lợi thế.

Ông nhấn mạnh: “Làm việc hiệu quả là hành động không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Ukraine”.

Như đã đưa tin trước đó, Dmytro Kuleba đang có chuyến thăm làm việc tới Lithuania để gặp gỡ ngoại trưởng các nước vùng Baltic và Pháp. Chủ đề chính của cuộc đàm phán là sự gia tăng nhanh chóng viện trợ quân sự của đồng minh cho Ukraine và năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp quốc phòng.

Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã có mặt tại Lithuania hôm thứ Sáu, nơi ông gặp những người đồng cấp vùng Baltic và Ukraine để củng cố ý tưởng rằng quân đội nước ngoài cuối cùng có thể giúp đỡ Ukraine trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn và huấn luyện.

Séjourné nói tại cuộc họp do Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis chủ trì và có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuleba: “Nga không thể nói cho chúng tôi biết chúng tôi nên giúp Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc năm tới”. “Nga không có quyền tổ chức cách chúng ta triển khai hành động của mình hoặc đặt ra các ranh giới đỏ. Vì vậy, chúng ta quyết định điều đó giữa chúng ta.”
 
VietCatholic TV
Hậu quả của Tuyên ngôn Fiducia: Đám cưới đồng hệ tại một nhà nguyện của TGP Madrid
VietCatholic Media
01:10 08/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay

THỨ SÁU, 8/3/2024

Hs 14:2-10

Thánh Vịnh 80(81):6, 8-11, 14, 17

Mc 12:28-34

Hãy trở lại với Ta bằng cả trái tim (Hs 14:2)

Người luật sĩ trẻ trong bài Tin Mừng hôm nay đã hỏi Chúa Giêsu: “Giới răn nào trọng nhất trong tất cả các giới răn?” (Mc 12:28) rõ ràng là đang tìm kiếm Thiên Chúa và hết lòng tìm kiếm Ngài.

Đó là câu hỏi xuất phát từ trái tim của mỗi tín hữu chân thành đang thực sự tìm kiếm Thiên Chúa. Vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15), đây là một câu hỏi không chỉ củng cố toàn bộ Lề Luật của Thiên Chúa, mà còn là lý do chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa bằng cả trái tim và trí tuệ khi cố gắng theo đuổi Ngài.

Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói với người luật sĩ rằng phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta hết lòng, hết linh hồn, trí khôn và sức lực, và yêu người lân cận như chính mình, và khi thấy ông hiểu điều này, Chúa Giêsu đã trả lời: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34).

Mệnh lệnh yêu mến Chúa không phải là một nghĩa vụ có thể bị ép buộc đối với chúng ta, hay là điều chúng ta làm vì được bảo phải làm. Yêu mến Thiên Chúa là một đặc ân được tự do ban cho chúng ta khi Người ôm lấy chúng ta trong mối quan hệ cá nhân với Người khi lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng sẽ chỉ phát triển và sâu sắc hơn khi chúng ta tự do đón nhận lời nói và giáo huấn của Người, đồng thời mở lòng đón nhận tình yêu và ân sủng của Người trong cuộc sống của chúng ta. Và điều này sẽ chỉ xảy ra khi chúng ta dần dần điều chỉnh ý muốn của mình theo ý muốn của Ngài qua vô số những quyết định nhỏ nhặt mà chúng ta đưa ra trong cuộc sống hàng ngày, tìm kiếm Ngài “bằng cả trái tim mình.

Thiên Chúa không ngừng vươn tới chúng ta, nhưng chúng ta phải tự do đáp lại Ngài, giống như người kinh sư trẻ, nếu chúng ta muốn tìm thấy sự khôn ngoan như ông ấy đã làm và đến gần vương quốc của Thiên Chúa – tức là đến gần chính Chúa Giêsu vì trong Người Nước Trời đã hiện diện.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhận ra nhiều cách thức và dấu chỉ Chúa đến với con, và đáp lại bằng tình yêu chứ không chỉ bằng nghĩa vụ. Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nói với Mẹ lời “xin vâng” bằng cả trái tim, linh hồn, trí óc và sức mạnh của con. Amen.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô

Theo yêu cầu của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời Cha. Andrzej Komorowski, Bề trên Tổng quyền của FSSP, đến gặp ngài trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican vào Thứ Năm, ngày 29 tháng 2 năm 2024, cùng với Cha. Benoît Paul-Joseph, Bề trên Giáo hạt Pháp, và Cha. Vincent Ribeton, Hiệu trưởng Chủng viện Thánh Phêrô ở Wigratzbad.

Cuộc gặp gỡ là cơ hội để họ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Thánh Cha về sắc lệnh ngày 11 tháng 2 năm 2022, qua đó Đức Thánh Cha khẳng định tính đặc thù phụng vụ của Huynh đệ đoàn Thánh Phêrô, nhưng cũng để chia sẻ với ngài những khó khăn gặp phải trong ứng dụng của nó. Đức Thánh Cha rất thông cảm và đã mời gọi Huynh đệ đoàn Thánh Phêrô tiếp tục xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội ngày càng trọn vẹn hơn thông qua đặc sủng riêng của mình. Cha. Komorowski đã thông báo với Đức Thánh Cha rằng sắc lệnh ngày 11 tháng 2 năm 2022 đã được ban hành đúng ngày Huynh đệ đoàn Thánh Phêrô dâng hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria, nhân ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đức Thánh Cha ca ngợi sự trùng hợp ngẫu nhiên này như một dấu hiệu quan phòng.

3. Đức Hồng Y Burke ra mắt tuần cửu nhật trong ‘một thời điểm rất khó khăn’

Đức Hồng Y Raymond Burke đã yêu cầu các tín hữu Công Giáo cùng tham gia với ngài trong tuần cửu nhật kéo dài 9 tháng kính Đức Mẹ Guadalupe, cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ để chống lại “bóng tối của thời đại chúng ta”.

Trong một thông điệp video đặc biệt, Đức Hồng Y Burke trích dẫn các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Thánh Địa, cùng với “sự nhầm lẫn về thần học làm đen tối tâm hồn các tín hữu”, như những lý do cho một chiến dịch cầu nguyện. Ngài chỉ ra rằng những mối quan tâm tương tự đã khiến thế giới lo lắng vào năm 1531, thời điểm Đức Mẹ Guadalupe xuất hiện. “Khi đó, sự nhầm lẫn độc hại trong Giáo hội cũng đã làm xói mòn đức tin của các Kitô hữu trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Burke nhắc nhở các tín hữu rằng sự xuất hiện của Đức Trinh Nữ đã khơi dậy một làn sóng ăn năn, hoán cải và phát triển đức tin vào Tân Thế giới một cách ngoạn mục. Thúc giục các tín hữu tin tưởng vào sự chăm sóc của Đức Maria, ngài yêu cầu người Công Giáo ghi danh vào một chiến dịch cầu nguyện mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 3 và lên đến đỉnh điểm vào ngày 12 tháng 12, lễ Đức Mẹ Guadalupe.

4. Tổng giáo phận Madrid than phiền về đám cưới đồng giới tại một nhà nguyện riêng

Sau khi hai người đàn ông kết hôn vào ngày 24 tháng 2 trong một buổi lễ dân sự bên trong một nhà nguyện Công Giáo tại một khu đất tư nhân gần Madrid, Tổng Giáo phận Madrid đã khiển trách những người tổ chức buổi lễ.

Ẩn thất Công Giáo Chúa Ba Ngôi nơi buổi lễ diễn ra nằm ở khu đô thị El Escorial phía tây bắc thủ đô Tây Ban Nha. El Escorial được nhiều người biết đến là nơi có tòa nhà lớn nhất Tây Ban Nha, cung điện được xây dựng bởi vua Philip II vào thế kỷ 16 ở thời kỳ đỉnh cao của đế chế Tây Ban Nha.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26 tháng 2, tòa tổng giám mục Madrid, nói rằng “họ không được thông báo hay hỏi ý kiến về khả năng thực hiện buổi lễ như vậy. Hành động đơn phương này sẽ dẫn đến các kỷ luật giáo luật.”

Tuyên bố trên trang web của tổng giáo phận cho biết: “Trong mọi trường hợp, không được phép thực hiện hôn nhân dân sự trong phạm vi các địa điểm tôn giáo”.

Đức Tổng Giám Mục cũng tuyên bố thêm rằng “các nhà nguyện gia đình chỉ có thể được sử dụng cho mục đích mà Giáo hội đã ban cho họ”.

“Chúng không thể là nơi tổ chức các lễ kỷ niệm tôn giáo công cộng, trừ khi được Tòa Giám mục cho phép rõ ràng, chúng cũng không thể được sử dụng cho mục đích thương mại hoặc cho bất kỳ loại lễ kỷ niệm dân sự nào”.

Trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha và trên toàn thế giới, hai người đàn ông mặc vest bước ra khỏi nhà nguyện nắm tay nhau. Đoạn clip kết thúc bằng hình ảnh từ chính buổi lễ kết hôn, trong đó những người đàn ông đứng trước một nơi trông giống như bàn thờ phủ đầy cây cối, và hai người đàn ông được quấn một tấm vải trắng trên vai và đang cầm một cây thánh giá.

Vào ngày 25 tháng 2, một linh mục người Tây Ban Nha, Cha Juan Manuel Góngora của El Ejido, đã đăng đoạn video về đám cưới trên tài khoản X của mình, nói rằng buổi lễ là “một hành động tôn sùng tình dục diễn ra trong nhà nguyện của một khu tổ chức đám cưới riêng tư ở Madrid.”

Cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra chỉ một tháng sau khi các giám mục Tây Ban Nha nhiệt thành ủng hộ Đức Thánh Cha sau khi Bộ giáo lý Vatican công bố tuyên bố “Fiducia Supplicans” về “ý nghĩa mục vụ của các phép lành”.

Sau cuộc họp của Ủy ban Thường trực Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha tại Madrid từ ngày 30 đến ngày 31 Tháng Giêng, các giám mục đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với tài liệu này bằng cách đưa ra một tuyên bố về “sự hiệp thông và gắn bó sâu sắc trong giáo hội” với Đức Thánh Cha Phanxicô và huấn quyền của ngài.

Trong tuyên bố, Giáo hội cho phép chúc lành cho các cặp vợ chồng trong những hoàn cảnh bất hợp lệ, chẳng hạn như các cặp đồng giới và các cặp đã ly hôn và tái hôn.

Tài liệu hỗ trợ của các vị Giám Mục Tây Ban Nha không đề cập trực tiếp đến “Fiducia Supplicans”, nhưng Đức Giám Mục Phụ Tá César García Magán của Toledo đã nói với nhà báo tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thường trực rằng “một tài liệu của Tòa thánh không thể được bình luận” mà thay vào đó phải “được chấp nhận” và “được chào đón trong tinh thần hiệp thông với Đức Thánh Cha”.

Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 6 năm 2005 bất chấp sự phản đối gay gắt của Giáo Hội Công Giáo.

https://www.thebostonpilot.com/article.php?ID=196868
 
Nghênh ngang, đoàn xe Nga bị UAV đánh tan tành. Magura V5, tử thần của Hạm Đội Hắc Hải
VietCatholic Media
03:35 08/03/2024


1. Máy bay không người lái Ukraine đánh chìm các tàu chiến Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine's Drones Sinking Russian Warships”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Hai đã phá hủy một trong những tàu tuần tra của Hạm đội Hắc Hải của Nga bằng cách sử dụng thuyền không người lái tự chế với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của con tàu.

Theo các giới chức Ukraine, tàu chiến Sergei Kotov của Nga đã bị 5 thuyền không người lái hàng hải Magura V5 tấn công. Magura là tàu mặt nước không người lái, thường được gọi là USV và được cho là có giá khoảng 250.000 Mỹ Kim mỗi chiếc. Sergei Kotov được cho là có chi phí xây dựng khoảng 65 triệu Mỹ Kim.

Con số mới nhất của Ukraine về tổn thất của Mạc Tư Khoa trong hơn hai năm chiến tranh đưa số tàu Nga bị phá hủy lên tới 26.

Magura cũng được sử dụng trong một số cuộc tấn công thành công gần đây vào hải quân của Putin.

Magura là từ viết tắt của Maritime Autonomous Guard Unmanned Robotic Apparatus hay Thiết bị robot không người lái bảo vệ tự động hàng hải. Tờ Kyiv Post gần đây đã lưu ý rằng Magura cũng là một nhân vật trong thần thoại Slav.

“Con gái của Thần sấm Perun, Magura là một tiên nữ trên mây được coi là xinh đẹp, có cánh và hiếu chiến — đối với nhiều người, đó là hiện thân hoàn hảo của USV này,” Kyiv Post viết.

Tờ Kyiv Post cũng đăng một bức ảnh của Magura ban đầu được chia sẻ trên Telegram. Tờ báo Ukraine đã đăng hình ảnh này lên tài khoản X, vào hôm thứ Ba.

Trong một câu chuyện hôm thứ Hai, hãng tin AP cho biết Magura “sẽ không hề lạc lõng trong một bộ phim James Bond”. Nó cũng nêu chi tiết cụ thể về việc chế tạo chiếc máy bay này, cho biết một chiếc Magura dài 18 feet, nặng 2.200 pound và có tầm hoạt động lên tới 500 dặm với thời lượng pin 60 giờ.

AP viết: “Nó cũng truyền video trực tiếp tới các nhà khai thác”.

Quân đội Ukraine cho biết tàu mặt nước không người lái này có khả năng thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm giám sát, trinh sát, tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, chống mìn và bảo vệ hàng hải. Nó cũng được sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu.

Maguras được cho là đã được đưa vào sử dụng chiến đấu vào khoảng năm 2023 và một trong những nhiệm vụ nổi bật đầu tiên sử dụng thuyền không người lái trên biển diễn ra vào tháng 11, khi Maguras phá hủy một tàu đổ bộ lớp Serna và một tàu đổ bộ lớp Akula neo đậu tại một căn cứ của Nga ở phía tây Crimea.

Nhiều tháng sau, Giám đốc Tình báo Ukraine Kyrylo Budanov đã ghi nhận một số thuyền không người lái Magura đã tiêu diệt tàu hộ tống hỏa tiễn lớp Tarantul-III Ivanovets của Nga trong cuộc tấn công ngày 1 tháng 2 ở Crimea. Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính chi phí của Ivanovets vào khoảng 60 triệu đến 70 triệu Mỹ Kim.

Vài tuần sau, thuyền không người lái Magura V5 được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 14 tháng 2 nhằm đánh chìm tàu đổ bộ lớn Caesar Kunikov gần thành phố Alupka của Crimea.

Sau vụ chìm tàu Caesar Kunikov, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng việc mất tàu Nga khiến Hạm đội Hắc Hải “dễ bị tấn công thêm”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết: “Sự khéo léo của Ukraine rất có thể đã ngăn cản Nga hoạt động tự do ở phía Tây Hắc Hải và giúp Ukraine giành được động lực hàng hải từ Nga”.

Phát biểu với hãng tin Ukrainska Pravda gần đây về thuyền không người lái Magura, Budanov cho biết loại vũ khí này chỉ là một phần của câu đố về mục tiêu của Ukraine trong việc giành lại Crimea, vùng đất đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Ông nói: “Đây chỉ là một cách để đẩy nhanh việc rút Hạm đội Hắc Hải của Liên bang Nga khỏi Cộng hòa tự trị Crimea đang bị tạm chiếm tạm thời”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào thứ Tư để bình luận.

2. Đại sứ Đức tại Anh nhận xét rằng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã rơi vào bẫy của Nga.

Miguel Berger, Đại sứ Đức tại Anh nhận xét rằng khi chỉ trích sự rò rỉ các cuộc thảo luận quân sự rất nhạy cảm của Đức về việc chuyển hỏa tiễn Taurus của Đức sang Ukraine, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã rơi vào bẫy của Nga.

Một đoạn ghi âm dài 38 phút trong đó các sĩ quan quân đội Đức thảo luận về việc gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine đã bị rò rỉ trên đài truyền hình nhà nước Nga RT hôm thứ Sáu và tính xác thực của đoạn băng đã được chính phủ Đức xác nhận. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết hôm thứ Ba rằng vụ vi phạm xảy ra sau khi một quan chức cao cấp của lực lượng không quân Đức quay số vào cuộc gọi WebEx từ một khách sạn ở Singapore.

Wallace vào cuối tuần cho biết vụ rò rỉ xác nhận rằng Đức đã bị tình báo Nga “xâm nhập khá sâu”. Ông nói: “Điều đó chỉ chứng tỏ rằng họ không an toàn cũng như không đáng tin cậy”.

Berger cho biết “những gì Wallace đã nói bây giờ là vô cùng vô ích. Đây là điều Nga mong muốn khi công bố cuộc trò chuyện qua điện thoại này.”

Ông nói thêm “chúng ta phải cẩn thận để không rơi vào bẫy của Nga trong việc tạo ra sự chia rẽ. Đáng tiếc là một số người và một số phương tiện truyền thông đã rơi vào cái bẫy này”.

Ông nói về vụ rò rỉ “đây là một cuộc tấn công lai của Nga. Rõ ràng mục đích là nhằm gây bất ổn cho phương Tây''. Berger cho rằng vụ rò rỉ trùng hợp với thời điểm hàng ngàn người Nga xuống đường để đánh dấu vụ sát hại nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny.

Berger nói với chương trình BBC Today rằng một cuộc điều tra nội bộ cho thấy “đó là một sai sót cá nhân của một sĩ quan trong một cuộc gọi qua hệ thống an toàn”. Anh ta nói “đó là một bài học tốt cho mọi người không nên sử dụng internet của khách sạn nếu bạn muốn thực hiện cuộc gọi an toàn”.

Nhưng ông khẳng định cuộc trò chuyện là một cuộc thảo luận chuyên nghiệp về việc sử dụng hỏa tiễn tầm xa và làm thế nào để thực hiện bất kỳ quyết định tích cực nào khi Đức quyết định cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Taurus.

Ông bảo vệ quyết định của Thủ tướng Olaf Scholz không cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine với lý do Ukraine thực sự cần thêm đạn dược và hệ thống phòng không. Ông nói: “Thủ tướng muốn bảo đảm rằng bất cứ điều gì chúng tôi làm đều không có sự leo thang dẫn đến những hậu quả mà chúng tôi không muốn thấy”.

Ông mô tả hỏa tiễn Taurus giống như chiếc Mercedes-Benz của hỏa tiễn tầm xa và bắn từ Ukraine có thể vươn tới Mạc Tư Khoa, một trong những lý do khiến Thủ tướng phản đối việc bàn giao vũ khí.

Pistorius đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps về cuộc điều tra nội bộ của Đức về vụ rò rỉ, nhưng Vương quốc Anh không hài lòng với việc các sĩ quan quốc phòng Đức cẩu thả cuối cùng đã tiết lộ các sĩ quan Anh đang hoạt động ở Ukraine và có khả năng giúp người Ukraine bắn hỏa tiễn Storm Shadow.

Pistorius cho biết ông không muốn hy sinh một trong những sĩ quan giỏi nhất của mình cho trò chơi của Putin, nhưng thừa nhận ông rất khó chịu nếu có hành vi không tuân thủ luật lệ.

Đức cảm thấy nước này không nhận được tín nhiệm xứng đáng khi tăng cường viện trợ cho Ukraine. Nước này đang tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cung cấp viện trợ quân sự trị giá 7,5 tỷ euro vào năm 2024, trở thành nước đóng góp lớn nhất ở Âu Châu.

Vụ rò rỉ xảy ra khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục cuộc tấn công gián tiếp vào Đức vì đã không làm nhiều hơn để giúp đỡ Ukraine, một cuộc tấn công đang cho phép Pháp xây dựng lại liên minh với các quốc gia vùng Baltic và tiền tuyến ở Đông Âu.

3. Moldova bác bỏ ý kiến Putin có thể ra lệnh cho quân Nga mở cuộc xâm lược

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Moldova dismisses idea that Putin could order Russian invasion”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ngoại trưởng Mihail Popșoi cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với POLITICO rằng các lựa chọn quân sự của Mạc Tư Khoa đã sụp đổ.

Moldova đang cảm nhận được sức nóng từ Nga, nhưng nước này gửi một thông điệp tới Mạc Tư Khoa: hãy biết những giới hạn của mình.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Chișinău nói với POLITICO rằng các mối đe dọa an ninh ngày càng hiếu chiến từ Mạc Tư Khoa và những gợi ý rằng nước này có thể sáp nhập khu vực ly khai Transnistria được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn đang khiến họ ớn lạnh nhưng chúng không phản ánh thực tế về khả năng quân sự hiện tại của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông quốc tế kể từ khi nhậm chức một tháng trước, Ngoại trưởng Mihail Popșoi nói rằng sức mạnh quân sự của Nga đã suy yếu “nhờ sự hy sinh của những người Ukraine dũng cảm và quân đội Ukraine anh hùng”.

Ông nói: “Chúng tôi an toàn, mặc dù an toàn có thể là một từ táo bạo vì tiền tuyến chỉ cách đó 200 km”.

Người dân Moldova, phương Tây và các nhà phân tích lo ngại rằng Điện Cẩm Linh đang tăng cường nỗ lực gây bất ổn cho Moldova sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước cáo buộc chính phủ Chișinău “theo chân chế độ Kyiv” bằng cách “hủy bỏ mọi thứ của Nga” và “phân biệt đối xử với tiếng Nga.” Một tỷ lệ đáng kể người Moldova nói tiếng Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ và nó được sử dụng rộng rãi trong xã hội mà không bị hạn chế - một tình huống mà Popșoi nhắc lại rằng chính phủ không có ý định thay đổi.

“Nhận thức của Lavrov không đại diện cho siloviki,” ông nói, đề cập đến giới tinh hoa quân sự và an ninh hiếu chiến của Nga, những người ra lệnh khi tiến hành các hành động khiêu khích. “Chúng tôi biết tình hình thực tế và rất có thể anh ta biết tình hình thực tế – chỉ là anh ta phải thể hiện vai trò của mình.”

Ngoại trưởng kỳ cựu của Nga cũng tìm cách gây căng thẳng ở Transnistria, một khu vực ly khai bên trong biên giới Moldova dọc biên giới với Ukraine, nơi Nga đóng quân và kiểm soát chính quyền ly khai. Tuần trước, trong khi không đề nghị Putin sáp nhập, các nhà lãnh đạo Transnistria đã kêu gọi Mạc Tư Khoa “bảo vệ nước này trước áp lực của Moldova”.

Popșoi nói: “Các cơ quan tình báo của chúng tôi, các cơ quan tình báo của Ukraine, rõ ràng rằng không có cảnh báo nào cho điều đó”. “Họ đang cho chúng tôi thấy bằng chứng rằng tình hình ở tiền tuyến, do Ukraine rất quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình, khiến điều đó khó xảy ra - mặc dù không phải là không thể. Khả năng người Nga có thể tiến quân và tiếp cận lãnh thổ của chúng tôi hiện nay thấp hơn nhiều so với hai năm trước.”

Thay vào đó, Popșoi tiếp tục, các mối đe dọa nhiều khả năng là một phần của “hoạt động tâm lý” được thiết kế nhằm chia rẽ người dân Moldova và phá hoại các cuộc đàm phán của nước này để trở thành một phần của Liên Hiệp Âu Châu.

Chișinău cho biết họ có kế hoạch dài hạn nhằm tái hội nhập một cách hòa bình Transnistria, quốc gia phụ thuộc về kinh tế vào Moldova và không xem xét giải pháp quân sự mặc dù có suy đoán rằng quân Ukraine có thể dễ dàng giúp quân Moldova đánh đuổi quân đội Nga được trang bị kém.

Theo Ivana Stradner, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ của Washington, “Đây không phải là lần đầu tiên người Nga sử dụng các công cụ chiến tranh hỗn hợp để gây bất ổn cho Moldova và gieo rắc bất hòa”.

Bà nói: “Nga không có vũ khí dự phòng để gửi đến các nước như Moldova và họ không thể tiếp cận Transnistria bằng đường hàng không hoặc đường bộ”. “Nhưng Vladimir Putin không cần gửi xe tăng và máy bay phản lực tới đất nước để tạo ra sự hỗn loạn - những người được ủy quyền nội bộ có thể hoạt động thay mặt ông ấy.

“Và bằng cách đó, ông ấy sẽ đẩy Âu Châu vào tình thế khó khăn”.

4. Nhà máy lọc quặng sắt Mikhailovsky GOK ở vùng Kursk của Nga

Thống đốc khu vực Roman Starovoit cho biết trên Telegram rằng một máy bay không người lái thứ hai của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc quặng sắt Mikhailovsky GOK ở vùng Kursk của Nga, ngay sau cuộc tấn công trước đó vào nhà máy này.

Ông cho biết không có thương vong trong cả hai cuộc tấn công, theo Reuters.

Các quan chức Nga và chủ sở hữu nhà máy cho biết, điều này xảy ra khi một máy bay không người lái của Ukraine đâm vào thùng nhiên liệu tại một trong những nhà máy quặng sắt lớn nhất của Nga, mặc dù không có ai bị thương và nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, đoạn video chưa được xác minh trên các kênh Telegram của Nga cho thấy những đám khói đen bốc lên bầu trời ở vùng Kursk và có vẻ gây thiệt hại lớn tại nhà máy quặng sắt Mikhailovsky GOK thuộc sở hữu của Metalloinvest, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất của Nga.

5. Video cho thấy đoàn xe Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công trên không

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Video Shows Column of Russian Vehicles Destroyed in Aerial Attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới xuất hiện cho thấy lực lượng Ukraine phá hủy một số xe thiết giáp của Nga ở phía đông đất nước bị chiến tranh tàn phá này, khi Mạc Tư Khoa tấn công các vị trí của Ukraine trên chiến tuyến.

Đoạn clip được Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ hôm thứ Tư dường như cho thấy một máy bay không người lái đang quay phim một đoàn xe thiết giáp của Nga di chuyển qua vùng nông thôn Ukraine. Đoạn video cho thấy các phương tiện đang cố gắng chuyển hướng và các binh sĩ đang di tản khỏi đoàn xe. Khói có thể nhìn thấy từ một số phương tiện, với bức ảnh cuối cùng cho thấy một phương tiện đang bốc cháy. Kyiv cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng những chiếc xe này đã trở thành “kim loại phế liệu”.

Đoạn video được cho là của đơn vị Shadow của Ukraine, chuyên sử dụng máy bay không người lái và pháo binh. Hôm thứ Tư, đơn vị này viết: “Một cuộc tấn công 'thành công' khác của Nga vào Novomykhailivka.”

Thị trấn Novomykhailivka nằm trên tiền tuyến hiện tại ở miền đông Ukraine, phía tây nam thủ phủ khu vực do Nga kiểm soát, Thành phố Donetsk và phía đông bắc thị trấn Vuhledar đổ nát. Vuhledar là nơi giao tranh gay gắt vào năm 2023 và tình báo phương Tây cho rằng Nga đã mất hàng loạt xe thiết giáp quanh làng vào đầu năm 2023.

Theo một cơ quan cố vấn của Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đoạn phim được định vị địa lý từ hôm thứ Tư cho thấy Nga đã tiến về phía nam Novomykhailivka.

Quân đội Ukraine hôm thứ Tư cho biết Nga đã cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Kyiv xung quanh Novomykhailivka 39 lần trong 24 giờ trước đó. Mạc Tư Khoa đã tấn công xung quanh Novomykhailivka và các làng lân cận Heorhiivka và Krasnohorivka.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết họ đã bắn vào các vị trí của Ukraine xung quanh Vuhledar, hạ gục hai xe tăng Ukraine trong khu vực.

Các cuộc tấn công ở khu vực phía nam khu vực Donetsk phía đông Ukraine này xảy ra khi Nga tăng cường áp lực lên lực lượng phòng thủ của Ukraine ở phía tây thành phố chiến lược Avdiivka đã chiếm được. Ukraine đã rút khỏi thành trì cũ vào giữa tháng 2.

Trong những tuần kể từ khi lực lượng Ukraine rút khỏi Avdiivka, quân đội Ukraine cho biết họ đã rút lui khỏi một số thị trấn phía tây thành phố, bao gồm Stepove, Lastochkyne và Sieverne. Việc chiếm giữ các khu định cư này giúp củng cố vị trí của Nga xung quanh Avdiivka, chính phủ Anh đánh giá vào tuần trước.

Nga đã đồng thời phát động cái mà ISW gọi là “chiến dịch tấn công đa trục gắn kết” ở phía đông bắc Ukraine, gần các thành phố Svatove và Kreminna do Nga kiểm soát, cũng như trung tâm hỏa xa Kupiansk do Ukraine nắm giữ.

Nga đang “có một số thành công” trong lĩnh vực tiền tuyến này, chỉ huy Lữ đoàn 13 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine nói với Newsweek vào tuần trước.

6. Điện Cẩm Linh cho rằng phương Tây đang đùa với lửa khi thảo luận về ý tưởng đưa quân tới Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước cho biết ông không thể loại trừ khả năng đưa quân vào Ukraine, mặc dù các thành viên NATO ở Âu Châu khác và Mỹ cho biết không có kế hoạch nào như vậy.

Putin tuần trước cho biết phương Tây nên hiểu rằng họ có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu gửi quân tới Ukraine.

Trong một diễn biến có liên quan, Điện Cẩm Linh cho biết Nga sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dù Mỹ đang chống lại Nga ở Ukraine.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov, cũng nói rằng Nga không muốn chiến đấu chống lại Đức.

Nga thường đưa ra các thông tin trái chiều. Trong khi các tuyên truyền viên trên TV, kể cả cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện nay là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, tung ra những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân, hô hào tấn công Hoa Kỳ và các nước phương Tây, các quan chức chính thức khác lại nói ngược lại.

7. Nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov gọi việc bị đưa vào danh sách khủng bố của Mạc Tư Khoa là một 'vinh dự'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Chess champ Garry Kasparov calls inclusion on Moscow’s terrorist list an ‘honor’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Cơ quan giám sát tài chính của Nga đã bổ sung cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov vào danh sách “những kẻ khủng bố và cực đoan”.

Danh sách của Rosfinmonitoring hạn chế các giao dịch ngân hàng của khách hàng, yêu cầu người dùng phải nhận được sự chấp thuận mỗi khi họ truy cập vào tài khoản của mình.

Kasparov bày tỏ sự thích thú, gọi diễn biến này là một “vinh dự nói nhiều về chế độ phát xít của Putin hơn là về tôi.

“Hôm nay sẽ là một ngày tốt để bổ sung Nga, Putin và tất cả những người thân cận của ông ta vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố”, ông nói thêm, đề cập đến danh sách các quốc gia bị Mỹ phát hiện “liên tục hỗ trợ cho các hành động khủng bố quốc tế”.

Sau khi kết thúc sự nghiệp cờ vua vào năm 2005, Kasparov bắt đầu hoạt động tích cực trong phe đối lập Nga, nhưng rời đất nước vào năm 2013 để tránh bị đàn áp.

Ông hiện là một trong những người lưu vong phản đối thẳng thắn nhất chế độ của Putin.

Vào năm 2015, Kasparov đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề mang tính tiên tri “Mùa đông đang đến”, lập luận rằng Putin và những “đối phương của thế giới tự do” khác phải bị ngăn chặn.

Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, kỳ thủ và các nhân vật của công chúng khác đã thành lập Ủy ban phản chiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế tuyên bố các nhà lãnh đạo Nga là những tên “tội phạm chiến tranh”.

Vào tháng 5 năm đó, Bộ tư pháp Nga đã đưa Kasparov vào danh sách “đặc vụ nước ngoài”, phần lớn là những người chỉ trích Điện Cẩm Linh và bị chính quyền Nga giám sát chặt chẽ.

8. Nga không công nhận lệnh bắt giữ do tòa án hình sự quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành đối với hai chỉ huy Nga, Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Tư.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng lệnh bắt giữ của tòa án hình sự quốc tế đối với hai chỉ huy của nước này ở Ukraine không có ý nghĩa gì đối với Nga và là một “sự khiêu khích”.

Trong một tin tức riêng biệt, bà nói rằng Mạc Tư Khoa chưa bao giờ muốn xung đột với NATO, Mỹ hoặc Ukraine, nhưng những lời đe dọa chống lại Mạc Tư Khoa sẽ phải bị đáp trả, Reuters đưa tin.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Sergei Kobylash và Viktor Sokolov vì nghi ngờ tội ác chiến tranh ở Ukraine, nói rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng hai người này phải chịu trách nhiệm về “các cuộc tấn công hỏa tiễn do lực lượng dưới sự chỉ huy của họ thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ ít nhất ngày 10 tháng 10 năm 2022 cho đến ít nhất là ngày 9 tháng 3 năm 2023”.

9. Các đồng minh phương Tây chia rẽ về cách buộc Putin phải trả giá

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Western allies split over how to make Putin pay”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Mỹ và Âu Châu không thể đồng ý về việc họ nên ép Nga phải trả tiền để tái thiết Ukraine đến mức nào.

Một đề xuất, cách đây không lâu đã bị cả hai bờ Đại Tây Dương bác bỏ như một chiếc bánh trên trời, hiện đang có động lực nghiêm trọng - và cũng gây ra căng thẳng nghiêm trọng giữa các đồng minh.

Ý tưởng này là tịch thu tài sản thuộc về nhà nước Nga đã bị phong tỏa khi Điện Cẩm Linh tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hai năm trước. Một cuộc đột kích như vậy có khả năng giải phóng hơn 250 tỷ euro.

Đó là kế hoạch được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ nhưng cho đến nay các chính phủ quyền lực nhất Âu Châu tại Paris, Berlin và Rôma đều không bị thuyết phục. Các nhà hoạch định chính sách của Washington đang gây áp lực lên các đồng minh của họ để từ bỏ mối lo ngại về một bước đi chưa từng có với nhiều khó khăn về pháp lý, đạo đức và chính trị.

Charles Lichfield, nhà phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương và là chuyên gia hàng đầu về tài sản bị phong tỏa của Nga, cho biết: “Việc chiếm đoạt dự trữ của một quốc gia chưa bao giờ được thực hiện trước đây”. “Nhưng việc vượt qua ngưỡng, một ngưỡng không thể đảo ngược, nơi bạn mang chúng đi và trao chúng cho Ukraine, trong khi về mặt đạo đức thì điều đó có vẻ đúng… người Âu Châu vẫn chưa thoải mái khi làm điều đó nếu không có cơ sở pháp lý vững chắc hơn, điều này vẫn chưa được tìm thấy..”

Quyết tâm của Washington đã khiến các chính phủ Âu Châu lo ngại rằng động thái như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư vào đồng euro hoảng sợ. Những người khác lo ngại Mạc Tư Khoa có thể trả đũa bằng cách tấn công vào các tài sản Âu Châu ở Nga và tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây. Một số người cho rằng dù hành vi của Mạc Tư Khoa có tàn ác đến đâu, một quốc gia cũng không nên bị buộc phải bồi thường khi chiến tranh vẫn còn hoành hành.

Vấn đề đối với Mỹ là phần lớn tài sản được giữ ở Bỉ, trong kho lưu ký an ninh Euroclear - Mỹ chỉ nắm giữ số lượng không đáng kể - vì vậy bất kỳ động thái tịch thu nào cũng cần có sự chấp thuận của Âu Châu. Hy vọng nhóm G7 gồm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu sẽ có được lập trường chung vào cuối năm nay.

Liên Hiệp Âu Châu không có kế hoạch tịch thu toàn diện

Một quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Biden, được giấu tên để thảo luận về vấn đề nhạy cảm, xác nhận với POLITICO rằng có những căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh Âu Châu về vấn đề này.

Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của Liên Hiệp Âu Châu, chưa sẵn sàng vượt xa kế hoạch hiện tại vốn chỉ nhắm tới doanh thu do các quỹ bị đóng băng tạo ra, thay vì tịch thu toàn bộ tài sản.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi được khuyến khích bởi bất kỳ hành động nào mà Liên Hiệp Âu Châu có thể thực hiện để sử dụng tài sản cố định có chủ quyền của Nga vì lợi ích của người Ukraine”. “Chúng tôi tiếp tục tích cực đối thoại với các đồng minh và đối tác của mình, bao gồm cả G7, về những bước bổ sung có thể thực hiện được trong các hệ thống pháp lý tương ứng và theo luật pháp quốc tế.”

Khi cuộc xâm lược của Nga bước sang năm thứ ba và quân đội Ukraine thiếu đạn pháo, những bất đồng của phương Tây về viện trợ tài chính đã đến vào thời điểm khó khăn đối với Kyiv.

Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tiền mặt để gửi đến Ukraine, với nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv thông qua Quốc hội đã bị các nhà lập pháp cản trở.

Quan chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ bác bỏ ý kiến, được đưa ra bởi một số nhà quan sát, bao gồm cả Lichfield của Hội đồng Đại Tây Dương, rằng cuộc đấu tranh tại Quốc hội đã góp phần khiến Washington háo hức tịch thu toàn bộ tài sản bị phong tỏa, nhấn mạnh rằng điều này đã được thực hiện trước khi xảy ra tình trạng bế tắc trên Đồi Capitol.

Quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết: “Chúng tôi luôn hình dung điều này cho công cuộc tái thiết Ukraine, bởi vì đó là cách duy nhất một cách thực tế để đáp ứng nhu cầu tái thiết của Ukraine”.

Đức, Pháp và Ý lo lắng

Các thủ đô Âu Châu phần lớn đều né tránh cuộc tranh luận. Đối với họ, điều đó quá mạo hiểm.

Ủy ban Âu Châu sẽ đưa ra kế hoạch hạn chế hơn nhiều để chỉ sử dụng lợi nhuận do tài sản tạo ra – trị giá khoảng 3 tỷ euro mỗi năm.

Một quan chức từ một quốc gia G7 nói với POLITICO rằng sử dụng nguồn thu là ý tưởng duy nhất được đưa ra bàn thảo vì nó được coi là một lựa chọn an toàn hơn về mặt pháp lý. Họ nói thêm rằng Brussels không có hứng thú nói về việc tịch thu.

Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Chúng tôi không nói về việc tịch thu các tài sản bị phong tỏa”. “Cuộc thảo luận là về doanh thu được tạo ra bởi những tài sản này.”

Ba quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có ghế quanh bàn G7 – Đức, Pháp và Ý – lo ngại rằng việc tịch thu tài sản sẽ làm hoen ố danh tiếng của khu vực đồng euro và có khả năng ngăn cản đầu tư quốc tế.

Họ đã tìm được đồng minh là Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), nơi đã nhiều lần cảnh báo về sự bất ổn của đồng euro nếu nước ngoài sợ hãi và chuyển tài sản của họ ra ngoài khối.

Sự phản kháng đã khiến Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của Liên Hiệp Âu Châu, đẩy lùi việc trình bày ngay cả kế hoạch hạn chế hơn của mình.

Ban đầu, Ủy ban báo hiệu rằng thời điểm đưa ra đề xuất này sẽ trùng với dịp kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Nhưng nó đã quá thời hạn không chính thức khi các thủ đô của các quốc gia muốn có thêm thời gian để đánh giá các hậu quả pháp lý và tài chính.

“Văn bản đề xuất sử dụng nguồn thu] đã sẵn sàng,” một quan chức Liên Hiệp Âu Châu nói với POLITICO với điều kiện giấu tên. “Chúng tôi chỉ chờ tín hiệu chính trị từ các quốc gia thành viên.”

Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy kế hoạch có thể tiến triển dần dần, Ủy ban đã đưa ra một đề xuất, thậm chí còn ít quan trọng hơn, buộc doanh thu của tài sản đầu tư phải được gửi vào một tài khoản riêng của các cơ quan thanh toán bù trừ - tức là các tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ― nơi họ bị giam giữ.

Hai quan chức Ủy ban cho biết, ban điều hành Liên Hiệp Âu Châu đã thực hiện đường lối dần dần này để đánh giá phản ứng của thị trường tài chính và xoa dịu nỗi lo ngại về vốn quốc gia.

Trong khi Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ này, họ kêu gọi các đồng minh Âu Châu hành động nhanh hơn và tìm cách nhắm vào tài sản chứ không chỉ tiền thu được.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết: “Các đồng nghiệp Âu Châu của tôi hiện đã thực hiện bước quan trọng đầu tiên để khai thác số tiền thu được từ tài sản có chủ quyền của Nga, một hành động mà tôi hoàn toàn tán thành”.

Lợi nhuận có thể được sử dụng để mua thiết bị quân sự

Tiến trình băng hà đang tạo ra một số bối rối cho Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, người đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Biden về chính sách đối ngoại. Bà đang đặt cược vào thành tích ủng hộ Ukraine của mình để giành được nhiệm kỳ thứ hai vào cuối năm nay.

Các quan chức cho biết, đề xuất dường như ngẫu hứng của bà về việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản để mua vũ khí cho Kyiv vào tuần trước đã khiến các chính phủ Âu Châu và ngay cả các ủy viên của bà cũng hoang mang.

“Đã đến lúc bắt đầu thảo luận về việc sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cùng nhau mua thiết bị quân sự cho Ukraine”, von der Leyen nói với các nhà lập pháp Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Tư tuần trước.

Trước đây, Ủy ban đã báo hiệu rằng doanh thu sẽ được bổ sung vào một quỹ dành riêng cho Ukraine, vốn không thể được sử dụng để mua vũ khí.

Các nhà ngoại giao Âu Châu lo ngại các chính phủ vốn đã miễn cưỡng hỗ trợ Ukraine sẽ phản đối việc chuyển số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa cho mục đích quân sự.

Ukraine muốn đột phá tại hội nghị thượng đỉnh G7

Bối cảnh sẽ diễn ra các cuộc thảo luận sôi nổi giữa Âu Châu và Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở vùng Puglia phía nam nước Ý vào tháng 6.

Mỹ sẽ gây áp lực lên các đồng minh Âu Châu để tiến gần hơn đến lập trường của mình trước cuộc họp, trong khi Ukraine đang hy vọng hội nghị thượng đỉnh có thể mang lại bước đột phá.

Có thể có một con đường trung gian tiến xa hơn kế hoạch hiện tại của Liên Hiệp Âu Châu nhưng không đến mức tịch thu toàn bộ.

Điều này sẽ bao gồm việc sử dụng những tài sản này làm tài sản thế chấp cho một khoản vay ngân hàng để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, theo một đề xuất do chính phủ Bỉ đưa ra đang được thảo luận ở cấp G7. Các nước phương Tây sẽ chỉ giao tài sản bị đóng băng của Nga cho Kyiv nếu Điện Cẩm Linh từ chối hoàn trả các khoản vay dưới dạng bồi thường chiến tranh sau khi xung đột kết thúc.

Pierre Klein, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Tự do Brussels, cho biết ý tưởng này sẽ an toàn hơn về mặt pháp lý trong thời gian ngắn vì nó khiến tài sản rơi vào tình trạng lấp lửng, nhưng sẽ không ngăn chặn việc tịch thu thêm về sau.

Klein nói: “Tôi không cảm thấy rằng sẽ có vấn đề pháp lý lớn trong việc tịch thu tài sản… vấn đề pháp lý là lời biện minh hoặc lời bào chữa. “Đó chủ yếu là một quyết định chính trị.

10. Một phóng viên của một hãng tin độc lập của Nga đã bị kết án bảy năm tù hôm thứ Tư vì những bài báo ông viết về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine, cơ quan truyền thông của ông cho biết.

Roman Ivanov, người làm việc cho tờ RusNews trực tuyến, đã bị kết tội đăng “tin giả” về quân đội Nga theo luật kiểm duyệt thời chiến được thông qua ngay sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hai năm trước, Reuters đưa tin.

Nga đã sử dụng những luật đó để trấn áp các nhà báo và nhà hoạt động đưa tin thông tin trái ngược với những lời tường thuật của Điện Cẩm Linh về cái mà Mạc Tư Khoa gọi là hoạt động quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine.

Các cáo buộc chống lại Ivanov xuất phát từ những bài báo ông viết về vụ thảm sát ở Bucha, Ukraine, như một báo cáo về tội ác chiến tranh; và các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Các bài báo được đăng trên các tài khoản mạng xã hội của “Chestnoye Korolyovskoye”, một kênh tin tức do Ivanov điều hành, nơi ông viết blog về các vấn đề địa phương ở Korolyov, thành phố nhỏ ngoại ô Mạc Tư Khoa nơi ông sống.

RusNews cho biết một công tố viên tại tòa án thành phố Korolyov đã yêu cầu mức án 8 năm tù.

Một nhóm nhân quyền cho biết Ivanov đã sử dụng bài phát biểu bế mạc trước tòa hôm thứ Ba để lên tiếng một cách mạnh mẽ một lần nữa về điều mà ông gọi là “tội ác” trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ivanov được dẫn lời nói: “Đất nước của chúng ta đơn giản đã biến thành một trận tuyết lở đau buồn và bất hạnh”, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã quyết định đăng bài về các sự kiện ở Bucha để người Nga có thể thấy rằng chiến tranh “chẳng mang lại điều gì ngoài sự sợ hãi, đau đớn, đau buồn, sự phá hủy, mất mát”.

Ivanov nói: “Chúng ta phải hiểu rằng mọi chuyện xảy ra ở Ukraine là lỗi của chúng ta”.

Nội dung bài phát biểu của ông đã được đăng trên trang web của Memorial, một trong những tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất của Nga, mà giám đốc của tổ chức này, Oleg Orlov, đã bị kết án vào tháng trước hai năm rưỡi tù giam vì “làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga”.

Ivanov là nhà báo RusNews thứ hai bị bỏ tù vì điều mà Putin gọi là “tin giả” sau khi đồng nghiệp Maria Ponomarenko bị kết án 6 năm vào tháng trước vì cáo buộc Mạc Tư Khoa đánh bom một nhà hát ở Mariupol, Ukraine, trong những tháng đầu tiên của cuộc xâm lược.

Một nhà báo khác của RusNews đang bị xét xử với cáo buộc công khai kêu gọi “chủ nghĩa cực đoan” trong việc khuyến khích các cuộc biểu tình trên đường phố trên Telegram hơn ba năm trước, hãng tin này cho biết.
 
Đại Tá Nga, Tư Lệnh Biệt Kích Spetsnaz, tử trận. Phản bội bị nổ tung trong xe. Moldova cầu viện Pháp
VietCatholic Media
15:59 08/03/2024


1. Tư lệnh lực lượng đặc biệt Nga 'bị thanh lý' ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russian Special Forces Commander 'Liquidated' in Ukraine: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo, một chỉ huy lực lượng đặc biệt của Nga đã thiệt mạng ở Ukraine trong bối cảnh quân đội Mạc Tư Khoa tiếp tục chịu tổn thất nhân sự cao kể từ cuộc xâm lược toàn diện.

Hãng tin Đông Âu Nexta đăng trên Telegram hôm thứ Năm rằng Đại Tá Alexey Ivanov, chỉ huy biệt đội lực lượng đặc biệt “Peresvet” (Spetsnaz), “đã bị tiêu diệt bởi trinh sát trên không của lữ đoàn cơ giới số 30 của Lực lượng Vũ trang Ukraine”.

Tài khoản X có tên “Các sĩ quan Nga bị giết ở Ukraine”, gọi tắt là KIU, chuyên theo dõi các tổn thất liên quan đến các sĩ quan cao cấp thông qua các thông báo công khai, cáo phó và báo cáo tin tức, cho biết ông ta “đã bị loại ở Ukraine bởi một quả lựu đạn thả từ máy bay không người lái”.

KIU liên kết với một bài viết tưởng nhớ được viết vào ngày 1 tháng 3 trên trang mạng xã hội VKontakte của Nga bởi Yaroslav Yaroslavtsev, người đã mô tả cách anh ta đã chiến đấu bên cạnh anh ta.

Yaroslavtsev, người tự nhận mình là đại diện được ủy quyền của chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc Nga Sergey Baburin, đã viết: “Tin buồn. Khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, chỉ huy trưởng biệt đội phá hoại và trinh sát Đại Tá Alexey Ivanov có biệt danh 'Fagot' đã hy sinh.”

Bài viết cho biết: “Tôi biết Fagot là một sĩ quan có năng lực và giàu kinh nghiệm. “Tôi nhớ một sự việc trong cuộc trò chuyện với anh ta—khi đang chiến đấu, anh ta bị một mảnh đạn. Khi được hỏi tại sao anh ta không di tản khỏi vị trí của mình, anh ta trả lời tôi, 'làm sao tôi có thể để người của mình ở đây?'

“Ông ấy là loại sĩ quan và chỉ huy như vậy,” bài viết kết thúc. “Ngủ ngon nhé anh trai.”

Trường Cao đẳng Y tế Kislovodsk, ở vùng Stavropol, cho biết Ivanov đã làm việc ở đó và phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga cho đến năm 2011, nơi ông đạt cấp bậc Đại Tá và được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm.

Sau khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine vào năm 2022, Đại Tá Alexey Ivanov “đã dũng cảm đứng lên bảo vệ Tổ quốc và hy sinh khi thực hiện nghĩa vụ quân sự với tư cách là một người yêu nước thực sự của đất nước mình”, một lời tri ân trên trang web của trường cho biết.

Nga đã mất rất nhiều sĩ quan trong quá trình xâm lược toàn diện với con số mới nhất của KIU là 3.667. Trong đó có 1 trung tướng, 6 thiếu tướng, 89 đại tá, 218 trung tá và 618 thiếu Tá.

Lực lượng Nga cũng đã mất hơn 1.000 Đại Úy, theo tài khoản X, tính đến ngày 1/3.

Trong khi đó, con số thương vong mới nhất của Nga ở Ukraine là 421.430 tính đến thứ Năm, với 1.160 tổn thất được ghi nhận so với ngày hôm trước.

2. Quan chức Nga thiệt mạng vì bom xe ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russian Official Killed by Car Bomb in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một quan chức bầu cử Nga tại khu vực bị tạm chiếm của Ukraine được cho là đã thiệt mạng sau khi bị tấn công bằng bom xe.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết trong một thông cáo hôm thứ Tư rằng một quan chức giấu tên, một phụ nữ từng là thành viên của ủy ban bầu cử được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn tại thành phố Zaporizhzhia bị tạm chiếm Berdyansk, đã bị giết trong “hành động khủng bố” vào sáng cùng ngày.

“Theo điều tra, vào buổi sáng ngày 6 tháng 3 năm 2024, một thiết bị nổ tự chế đã được đặt dưới xe của một thành viên của ủy ban bầu cử khu vực,” thông cáo cho biết.

“Khi một người phụ nữ bước vào bên trong một chiếc xe hơi đậu gần một ngôi nhà trên phố Herzen ở thành phố Berdyansk, nó đã hoạt động. “Nạn nhân chết vì vết thương tại cơ sở y tế.”

Ủy ban nói tiếp rằng cuộc điều tra đang diễn ra nhằm xác định “những người liên quan đến việc thực hiện tội ác này” dựa trên “các cuộc khám nghiệm pháp y” và lời khai của các nhân chứng.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, tuyên bố hôm Thứ Năm, rằng người phụ nữ thiệt mạng trong vụ nổ là Svitlana Samoilenko, người được cho là đã “tổ chức các cuộc bầu cử giả cho Putin tại các vùng lãnh thổ của tỉnh Zaporizhzhia bị tạm chiếm của Ukraine.”

“Trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc bầu cử giả, Svitlana Samoilenko của Putin đã tìm cách lấy lòng những người Nga: bà ấy đe dọa và khủng bố cư dân Berdyansk, buộc họ tham gia bỏ phiếu giả bất hợp pháp”.

Trong khi công bố danh tính có mục đích của nạn nhân, Ukraine không tuyên bố rõ ràng trách nhiệm về vụ đánh bom xe.

Yevgeny Balitsky, thống đốc Zaporizhzhia do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm, đã viết như trên hôm thứ Tư rằng vụ đánh bom là một nỗ lực nhằm “đe dọa” các quan chức thân Nga ở Zaporizhzhia và ngăn chặn “sự bày tỏ ý chí hợp pháp của họ”.

“Nạn nhân của cuộc tấn công ngày hôm nay của những kẻ khủng bố ở Kyiv là một phụ nữ vô tội - một người mẹ, người vợ, người yêu nước của đất nước cô ấy, người đã giảng dạy tại Trung tâm Sáng tạo Trẻ em của thành phố, nuôi dạy con cái chúng ta và làm việc vì lợi ích của vùng Zaporizhzhia,” Balitsky nói.

Ông ta nhấn mạnh rằng: “Cô ấy là thành viên của ủy ban bầu cử và đây là một hành động khủng bố đã được lên kế hoạch - một nỗ lực nhằm đe dọa”. “Họ hy vọng ngăn chặn sự thể hiện ý chí hợp pháp của chúng ta, điều đó là không thể.”

Berdyansk, nằm trên bờ biển phía bắc Biển Azov ở phía đông nam Ukraine, đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga chỉ ba ngày sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Zaporizhzhia là một trong 4 vùng Ukraine mà Putin tuyên bố đã sáp nhập vào Nga vào tháng 9/2022. Ông cũng tuyên bố sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk và Kherson của Ukraine. Crimea đã bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Tất cả các khu vực được cho là đã bị sáp nhập của Ukraine, không khu vực nào hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga ngoại trừ Crimea, sẽ tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Nga, dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 3.

Trong khi Putin đang phải đối mặt với một số ít đối thủ, các ứng cử viên phản chiến đã bị cấm tranh cử, và các cuộc thăm dò cho thấy tổng thống đương nhiệm của Nga gần như được bảo đảm sẽ tái đắc cử.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát quốc tế tin rằng sẽ không có sự cạnh tranh công bằng khi các cuộc bầu cử ở Nga, và thậm chí có thể cả các cuộc thăm dò dư luận, đều bị thao túng nhằm có lợi cho Putin một cách giả tạo.

3. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine sau khi trực tiếp trải qua nguy cơ chiến tranh trong chuyến thăm bí mật tới nước này.

Phát biểu tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo đảng bảo thủ Âu Châu ở Bucharest sau khi tiến “rất gần” tới cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga vào thành phố cảng Odesa của Ukraine hôm thứ Tư, Mitsotakis nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có một thông điệp gửi tới Điện Cẩm Linh: chúng ta sẽ không bị đe dọa, chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và những công dân dũng cảm của nước này trong thời gian cần thiết. Và chúng tôi vẫn thống nhất về vấn đề này.”

Nhà lãnh đạo Hy Lạp đến cách vụ nổ vài mét khi ông đi thăm cảng Hắc Hải cùng với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào sáng thứ Tư. Cuộc tấn công khiến 5 người chết và hơn 20 người bị thương. Các quan chức Ukraine hôm nay nói rằng phái đoàn đến thăm đã bị tấn công một cách có chủ ý.

Mitsotakis, người đến thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, cho biết vụ va chạm xảy ra khi ông và các trợ lý chuẩn bị bước vào đoàn xe của họ. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Stavros Papastavrou, người cũng đi cùng nhà lãnh đạo, được dẫn lời nói rằng ông tin rằng hỏa tiễn đã bắn trúng đoàn xe “trong vòng 150 mét”.

Chuyến thăm kéo dài bảy giờ của thủ tướng đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng khi truyền thông Hy Lạp đưa tin hôm thứ Năm rằng ông đã cất cánh từ một phi trường quân sự trong hoàn cảnh “tuyệt mật” vì lo ngại về an ninh.

Hai nước đã quyết định rằng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở Odesa vì mối liên hệ lịch sử của thành phố Hắc Hải với Hy Lạp. Là nơi sinh sống của một cộng đồng Hy Lạp sôi động, Odesa đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập của quốc gia chống lại sự cai trị của Ottoman vào đầu thế kỷ 19. Mitsotakis thề sẽ giúp xây dựng lại thành phố sau khi chiến tranh kết thúc.

4. FSB của Nga hạ sát một người đàn ông Belarus mà họ cho rằng đã lên kế hoạch cho “một hành động khủng bố”

FSB của Nga tuyên bố đã hạ sát một người đàn ông Belarus mà họ cho rằng đã lên kế hoạch cho “một hành động khủng bố” thay mặt cho Ukraine, ở khu vực Karelia phía bắc nước Nga, theo hãng thông tấn nhà nước RIA.

FSB cho biết họ đã “thu giữ vũ khí và một thiết bị nổ tự chế” sau vụ xả súng.

RIA dẫn lời FSB nói rằng người đàn ông này đã có ý định cho nổ tung một tòa nhà hành chính ở thành phố Olonets, cách biên giới Phần Lan khoảng 250 km.

RIA dẫn lời FSB cho biết: “Trong quá trình bắt giữ, tên tội phạm đã nổ súng vào các sĩ quan dịch vụ đặc biệt và bị vô hiệu hóa trong cuộc đụng độ”.

Reuters đưa tin RIA đã công bố đoạn video cho thấy một số đặc vụ FSB bước vào một tòa nhà đổ nát, tối tăm ở một khu vực hẻo lánh, hét lên “ra đây” và sau đó nổ súng. Đoạn video sau đó cho thấy một người đàn ông dường như đã chết nằm trên mặt đất với một khẩu súng ngắn bên cạnh thi thể.

FSB cho biết thiết bị nổ tự chế này được chế tạo bằng chất nổ dẻo do Anh sản xuất và có ngòi nổ do Mỹ sản xuất.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, truyền thông Nga đưa tin tên người đàn ông này là Nikolai Alekseev, một nhà hoạt động 49 tuổi đến từ Belarus, người từng tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập ở đó vào năm 2020.

5. Moldova quay sang Pháp trước mối đe dọa từ Putin

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Moldova turns to France in face of threats from Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Pháp không muốn Moldova trở thành Ukraine tiếp theo

Hôm thứ Năm, hai nước đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự. Hiệp ước được đưa ra khi Điện Cẩm Linh hướng sự chú ý đến đất nước 2,6 triệu dân không phải là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu hay NATO và nơi lực lượng Nga đóng quân ở khu vực Transnistria ly khai.

Thỏa thuận “gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Moldova đang trở nên mạnh mẽ hơn cùng với Pháp. Với sự hỗ trợ của Pháp, chúng tôi biết mình không đơn độc”, Tổng thống Moldova Maia Sandu, người đã tới Paris sau khi tham dự đại hội Đảng Nhân dân Âu Châu tại Bucharest, nói với các phóng viên.

Phát biểu cùng với Sandu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng “Thực tế dân chủ của Moldova và những khát vọng của nước này về một tương lai Âu Châu - giống như của Ukraine - thực sự là một thách thức đối với nước Nga của Vladimir Putin, khi nước này đang phát triển một mô hình khác ngay trước cửa nhà mình”.

Pháp ngày càng quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện của mình ở các quốc gia mà Nga coi là một phần phạm vi ảnh hưởng của mình. Tháng trước, Paris đã ký các thỏa thuận quốc phòng mới với Armenia, một nền dân chủ nhỏ khác đang nỗ lực tách mình ra khỏi Nga.

Paris đang cố gắng biến Moldova thành một ưu tiên hàng đầu của phương Tây; đất nước này được đề cập cụ thể trong các sản phẩm sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc tế do Macron triệu tập vào cuối tháng Hai.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Moldova đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây khi nước này chuẩn bị bắt đầu đàm phán để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Tuần này, ông Putin cho biết ông sẽ ủng hộ khu tự trị Gagauzia của Moldova sau khi gặp lãnh đạo thân Mạc Tư Khoa của vùng lãnh thổ này.

Tháng trước, chính quyền Transnistria đã kêu gọi Mạc Tư Khoa “bảo vệ” nước này trước “áp lực” từ Moldova.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Tư cho biết: “Nga sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ này, nhưng chúng tôi muốn giải quyết mọi vấn đề mà không có bất kỳ ngoại lệ nào bằng đối thoại, đối thoại chính trị”, theo hãng tin TASS.

Trong khi Ngoại trưởng Moldova Mihail Popșoi không nhận thấy mối đe dọa ngay lập tức về một cuộc xâm lược của Nga, thì đất nước của ông vẫn đang tìm cách tăng cường phòng thủ.

Moldova trong tuần này cũng quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, trong đó đặt ra giới hạn cho các thiết bị quân sự bao gồm xe tăng chiến đấu, pháo binh và chiến binh.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Moldova và Pháp mở đường cho việc huấn luyện lực lượng vũ trang nước này. Theo một quan chức Pháp, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu - người đã tới Moldova vào năm ngoái để chuẩn bị thỏa thuận - đã thảo luận về các hợp đồng vũ khí trong tương lai với người đồng cấp Moldova Anatolie Nosatîi.

Một phái bộ phòng thủ của Pháp cũng sẽ được thành lập vào mùa hè.

Trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO trước cuộc họp, Popșoi nói rằng đầu tư vào hệ thống phòng không của đất nước là rất cần thiết. Một số hỏa tiễn Nga phóng từ Hắc Hải đã được phát hiện bay qua không phận nước này trên đường tới các mục tiêu ở Ukraine.

Vào tháng 9, Moldova đã mua radar Ground Master 200 của Pháp do Thales sản xuất - lần đầu tiên quốc gia Đông Âu này mua thiết bị quân sự của phương Tây. Một lựa chọn được thảo luận vào tháng 9 là mua hỏa tiễn phòng không tầm ngắn Mistral do MBDA sản xuất.

Chính phủ Moldova không có kế hoạch dừng lại ở đó.

Popșoi nói: “Tất nhiên, nó rất đắt tiền và chúng tôi không có đủ nguồn lực. “Nhưng chúng tôi đang tìm cách làm thế nào để có thể áp dụng hệ thống này để chúng tôi không rơi vào tình thế của các nhân vật trong bộ phim 'Đừng tra cứu'“, Bộ trưởng Moldova nói thêm, ám chỉ đến bộ phim nơi loài người bỏ qua một sao chổi đang đến gần để hủy diệt Trái đất.

6. Tổng thống Moldova nói Putin sẽ tiếp tục nếu không bị chặn lại

Tổng thống Moldova Maia Sandu hôm thứ Năm cho biết Nga đang tiếp tục nỗ lực gây bất ổn cho đất nước của cô và cảnh báo rằng, nếu Putin không bị ngăn chặn ở Ukraine, ông ta sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với phần còn lại của Âu Châu.

“ Nếu kẻ xâm lược không bị ngăn chặn, hắn sẽ tiếp tục tiến lên, và tiền tuyến sẽ ngày càng tiến gần hơn. Gần gũi hơn với chúng tôi. Gần gũi hơn với các bạn”, Sandu nói khi ký thỏa thuận hợp tác và quốc phòng với tổng thống Emmanuel Macron tại Paris.

“Vì vậy, Âu Châu phải thể hiện một mặt trận thống nhất. Sự xâm lược phải bị đẩy lùi bằng một lực lượng mạnh mẽ”, cô nói. Macron cho biết Pháp sẽ ủng hộ Moldova.

“Thực tế dân chủ của Moldova và nguồn cảm hứng của nước này về một tương lai Âu Châu, như Ukraine, trên thực tế là một thách thức đối với nước Nga của Vladimir Putin,” ông Macron nói và cho biết thêm đất nước của ông sẽ tăng cường hợp tác để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công hỗn hợp.

Nằm ở biên giới phía Tây Nam Ukraine, Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, từ lâu đã bày tỏ nguyện vọng tiến gần hơn tới Liên Hiệp Âu Châu và cho biết đây là mục tiêu can thiệp của Nga, chủ yếu ở khu vực Transdnistria ly khai.

Với lực lượng quân sự yếu kém, Moldova được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương nếu chiến tranh Ukraine lan sang các nước Đông Âu khác.

Đầu tuần này, giám đốc cơ quan tình báo Moldova cho biết Nga đang lên kế hoạch cho những nỗ lực mới nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước này bằng cách kích động biểu tình và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

7. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, hôm thứ Năm cho biết cuộc tập trận quân sự mới nhất của NATO giống như một cuộc diễn tập cho một cuộc đối đầu vũ trang với Nga.

Cuộc tập trận phản ứng Bắc Âu của NATO đang diễn ra trên khắp miền bắc Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan với sự tham gia của 20.000 binh sĩ từ 13 quốc gia.

Patrushev cho biết cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 14/3 đang gây bất ổn và làm gia tăng căng thẳng.

8. Tư lệnh Ukraine cung cấp thông tin cập nhật về cuộc phản công tiếp theo

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine Commander Gives Update on Next Counteroffensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung tướng Oleksandr Pavliuk, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết Kyiv đang nỗ lực ổn định các vị trí dọc chiến tuyến chống lại Nga để tiến hành một cuộc phản công vào cuối năm nay.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hôm thứ Năm, Trung tướng Oleksandr Pavliuk, người được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine hôm 11/2, cho biết tình hình trên chiến trường vẫn còn khó khăn nhưng đang trong tầm kiểm soát của quân phòng thủ Ukraine. Sau nhiều tháng phản công đáng thất vọng được phát động vào mùa hè, động lực của Kyiv phần lớn đã chững lại ở tiền tuyến, trong khi Mạc Tư Khoa dường như vẫn giữ được động lực kể từ khi chiếm được Avdiivka vào tháng Hai.

Pavliuk cho biết, nhiệm vụ của Ukraine lúc này là “ổn định giới tuyến”, “tiêu diệt càng nhiều quân Nga càng tốt” và “tập hợp lại” để các binh sĩ Ukraine cần “bổ sung và phục hồi” có thể được di chuyển đến nơi huấn luyện.. Người chỉ huy nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là “thành lập một nhóm tấn công và tiến hành các hoạt động phản công trong năm nay”.

“ Chúng tôi đang thành công và tình hình đang ổn định”, Pavliuk nói, theo hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

Theo Tướng Pavliuk, giao tranh chống lại Nga tập trung ở một số điểm dọc chiến tuyến nơi Mạc Tư Khoa tập trung quân, bao gồm gần các thành phố Avdiivka Chasiv Yar và Terny, tất cả đều nằm dọc theo mặt trận phía đông.

Tướng Pavliuk nói: “Ở đó giao tranh rất khốc liệt mỗi ngày, nhưng quân của chúng tôi đang cầm cự”. “Họ đang cầm cự khá tự tin—tổn thất của đối phương là rất lớn. Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm ổn định tình hình và sẽ làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho quân đội tiến tới các hoạt động tích cực hơn và giành thế chủ động.”

Cả hai bên đều bị tổn thất lớn về trang thiết bị và nhân sự trong cuộc chiến kéo dài hơn hai năm, mặc dù Nga được cho là đã mất số lượng quân kỷ lục trong tháng 2, với số thương vong trung bình hàng ngày của Mạc Tư Khoa đạt mức cao mới là 983 người mỗi ngày vào tháng trước, theo thống kê của Bộ Quốc phòng Anh.

Trong khi những thành công của Ukraine chậm lại trên chiến trường thì Kyiv lại tàn phá hạm đội hải quân Mạc Tư Khoa ở Hắc Hải. Cơ quan quân sự Ukraine hôm thứ Ba cho biết máy bay không người lái của họ đã bắn hạ một trong những tàu tuần tra của Nga, tàu Sergei Kotov, trong một cuộc tấn công qua đêm gần cầu Kerch ở Crimea. Mạc Tư Khoa chưa công khai giải quyết những tuyên bố như vậy, nhưng tình báo quân đội Anh cho biết một ngày sau đó rằng chỉ huy Hạm đội Hắc Hải của Điện Cẩm Linh có thể đã bị cách chức do số lượng tổn thất cao trong những tuần gần đây.

9. Zelenskiy bổ nhiệm tổng tư lệnh bị phế truất làm Đại Sứ tại Anh trong động thái 'thỏa hiệp'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelenskyy taps ousted commander-in-chief as envoy to UK in ‘compromise’ move”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bổ nhiệm Tướng Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh quân đội nước này vừa bị cách chức, làm đại sứ của Kyiv tại Vương quốc Anh.

Zelenskiy cho biết trong một bài phát biểu trước quốc dân hôm thứ Năm rằng ông và Zaluzhny đã bàn về việc tìm một vị trí ngoại giao cho cựu chỉ huy quân sự hàng đầu của đất nước.

“Liên minh của chúng ta với Anh phải phát triển mạnh mẽ hơn,” Zelenskiy nói.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng Kyiv đã gửi yêu cầu chính thức yêu cầu chính phủ Anh phê duyệt Zaluzhny.

Việc bổ nhiệm Zaluzhny đang chờ giải quyết diễn ra sau khi Zelenskiy loại ông khỏi chức vụ chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine vào tháng trước. Tổng thống Ukraine vào thời điểm đó cho biết ông đang cải tổ lại ban lãnh đạo quân sự của mình vì ông cảm thấy cần phải có một chiến lược mới khi cuộc chiến toàn diện giữa đất nước với Nga bước sang năm thứ ba. Nhưng các nhà phân tích và quan chức thân cận với văn phòng của Zelenskiy và Zaluzhny cho biết lý do thực sự khiến vị tướng này bị sa thải là do xung đột đang diễn ra giữa hai người. Zelenskiy được cho là không thể kiểm soát Zaluzhny thẳng thắn, người đã đăng một số bài viết nghiêm chỉnh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài về tình trạng chiến tranh mà không có sự cho phép trước của tổng thống.

Theo các cuộc thăm dò quốc gia Ukraine, Zaluzhny cũng có khả năng là đối thủ thực sự duy nhất của Zelenskiy nếu ông quyết định tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, Volodymyr Fesenko, một nhà phân tích chính trị Ukraine, cho biết sẽ là sai lầm nếu coi việc bổ nhiệm này là một hình thức đày ải chính trị đối với Zaluzhny.

“Đây là một sự thỏa hiệp tốt cho cả hai bên. Văn phòng tổng thống loại bỏ khả năng bất kỳ tác nhân chính trị nào ở Ukraine lôi kéo Zaluzhny vào chính trị, và Zaluzhny có được kinh nghiệm ngoại giao mới quý giá mà ông luôn quan tâm,” Fesenko nói với POLITICO.

Fesenko nói rằng mặc dù chức vụ đại sứ là một “bước lùi trong sự nghiệp của Zaluhzny”, nhưng đây cũng là cơ hội để mở rộng tầm nhìn chuyên môn và phục vụ đất nước của mình theo một cách khác.

Theo hiến pháp Ukraine, cuộc bầu cử tổng thống chỉ có thể diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc. Fesenko nói thêm, chức vụ đại sứ sẽ không đóng lại triển vọng về sự nghiệp chính trị trong tương lai đối với Zaluhzny, 50 tuổi, người có bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế và nói được tiếng Anh một cách lưu loát.

10. Vương Quốc Anh nói với Đức: Gửi hỏa tiễn Taurus sẽ không làm leo thang chiến tranh Ukraine đâu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “UK to Germany: Sending Taurus missiles won’t escalate Ukraine war”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh hôm thứ Năm rằng việc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine sẽ không làm gia tăng xung đột giữa nước này với Nga, trong bối cảnh Đức đang có cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên gửi vũ khí tầm xa cho Kyiv hay không.

Phát biểu trong chuyến đi tới Berlin, David Cameron –nhà ngoại giao hàng đầu từng làm thủ tướng Anh – cho biết quyết định cung cấp hỏa tiễn là “vấn đề do chính phủ Đức quyết định”.

Nhưng Cameron đã thực hiện một nỗ lực rõ ràng để loại bỏ logic được đề xuất bởi một số người - bao gồm cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz - rằng việc cung cấp hỏa tiễn hành trình cho Ukraine sẽ gây ra sự trả đũa từ Nga.

“Ở mọi giai đoạn, người ta đều nói rằng nếu bạn cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine thì đó là sự leo thang. Không, không phải vậy,” Cameron nói khi đứng cạnh Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.

“'Nếu bạn cung cấp xe tăng cho người Ukraine, đó là sự leo thang. Không, không phải vậy. Nếu bạn cung cấp pháo tầm xa hoặc hỏa lực tầm xa cho người Ukraine thì đó là sự leo thang. Không, không phải vậy.”

“Tôi nghĩ lý do cho điều đó rất rõ ràng: Nếu điều bạn đang làm là giúp một quốc gia tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược bất hợp pháp và hoàn toàn phi lý, thì không có gì có thể ngăn cản bạn giúp quốc gia đó chống trả để giành lại lãnh thổ của mình,” Cameron nói.

Ngoại trưởng cho biết chỉ có tình huống “một người lính NATO giết một người lính Nga” mới dẫn đến leo thang.

Lập trường của Scholz về hỏa tiễn Taurus đã bị giám sát chặt chẽ trong những ngày gần đây sau khi truyền thông Nga công bố đoạn ghi âm rò rỉ về các quan chức quân sự cao cấp của Đức thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả những bình luận thẳng thắn về chính trị và hậu cần của việc chuyển hỏa tiễn hành trình Taurus cho Ukraine.

Trong số những tiết lộ bí mật khác từ đoạn băng, các quan chức cho rằng quân nhân Anh đang có mặt ở Ukraine - tạo ra bối cảnh khó xử cho cuộc đàm phán kéo dài bốn giờ của Cameron với Baerbock.

Chính phủ Anh đã tránh công khai chỉ trích Đức về vụ rò rỉ - mặc dù cựu bộ trưởng quốc phòng nước này, Ben Wallace, nói với The Times of Luân Đôn rằng điều đó cho thấy Berlin “không an toàn cũng như không đáng tin cậy”.

Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có đồng ý với Wallace hay không, Cameron cho biết ông “không muốn kể lại câu chuyện của Putin” về sự mất đoàn kết của phương Tây.

Cameron nói: “Những gì tôi thấy sau 115 ngày làm việc là sự đoàn kết đáng kinh ngạc giữa các đồng minh, sự đoàn kết đáng kinh ngạc trong NATO”.

“Tất nhiên, chúng tôi sẽ có những lĩnh vực mà chúng tôi muốn thảo luận về những gì chúng tôi có thể làm thêm, những gì chúng tôi có thể làm thêm để giúp đỡ. Đó là những cuộc thảo luận riêng tư mà những người bạn tốt và đồng minh của khối thống nhất này thực hiện”, ông nói thêm.

Ông nói: “Tôi chỉ nghĩ đây là bài kiểm tra dành cho các chính trị gia thuộc thế hệ này, của thời điểm này.

“Tôi không nghi ngờ gì rằng người Ukraine đủ dũng cảm. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng lãnh đạo của họ.

Cameron nói: “Tôi không nghi ngờ gì về khả năng của người Ukraine chiến đấu và chống lại sự xâm lược kinh hoàng này của Nga”.

“Câu hỏi dành cho chúng ta: Chúng ta có cung cấp cho họ những gì họ cần không? Chúng ta có hỗ trợ họ bằng tất cả những gì chúng ta có không?

11. Thụy Điển hiện là thành viên đầy đủ của NATO

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Sweden is now a full NATO member”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thụy Điển hôm thứ Năm đã trở thành thành viên mới nhất của NATO, từ bỏ tính trung lập lâu đời và gia nhập liên minh này sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hơn hai năm trước.

Việc gia nhập trở thành chính thức sau khi Hung Gia Lợi đệ trình nghị định thư phê chuẩn; đây là thành viên cuối cùng trong số 31 thành viên liên minh đồng ý với Thụy Điển.

Với việc Thụy Điển hiện là thành viên đầy đủ của NATO, điều này được bảo vệ bởi Điều 5 của liên minh, buộc tất cả các thành viên khác phải đứng ra bảo vệ lẫn nhau nếu họ bị tấn công.

Các quan chức hàng đầu của Thụy Điển do Thủ tướng Ulf Kristersson dẫn đầu đã tập trung tại Washington hôm thứ Năm để đánh dấu sự kết thúc của quá trình nộp đơn mệt mỏi bắt đầu vào ngày 17 tháng 5 năm 2022. Ông đã được mời xem bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ Tổng thống Joe Biden vào cuối buổi tối nay.

Kristersson nói: “Hôm nay là một chiến thắng cho tự do. “Thụy Điển đang… bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự. Đó là một bước quan trọng nhưng đồng thời cũng là một bước đi rất tự nhiên.”

Thừa nhận đây “là một chặng đường hơi khó khăn” đối với Thụy Điển, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken quay sang Kristersson và nói: “Chúng tôi đã biết từ Ngày đầu tiên rằng chúng ta sẽ có mặt ở đây”.

Trong một thông cáo báo chí, Tòa Bạch Ốc cho biết: “Thụy Điển là một nền dân chủ mạnh mẽ với quân đội có năng lực cao, chia sẻ các giá trị và tầm nhìn của chúng ta đối với thế giới. Việc có Thụy Điển là Đồng minh của NATO sẽ khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi an toàn hơn nữa”.

Một buổi lễ chào cờ đã được lên kế hoạch tại trụ sở liên minh ở Brussels vào thứ Hai để đánh dấu nghi thức gia nhập.

Nước láng giềng Phần Lan của Thụy Điển đã gia nhập liên minh vào ngày 4 tháng 4. Với việc hai nước Bắc Âu tham gia liên minh, NATO kiểm soát gần như toàn bộ Biển Baltic.

Thụy Điển cũng có quân đội được trang bị tốt và ngành công nghiệp vũ khí mạnh mẽ. Nước này đặt mục tiêu chi 2,1% GDP cho quốc phòng trong năm nay, cao hơn mục tiêu của NATO và gần gấp đôi số tiền chi tiêu vào năm 2020.

Blinken gọi đây là một “thất bại chiến lược” đối với Putin.

Tại Mạc Tư Khoa, Konstantin Kosachev, phó chủ tịch Hội đồng Liên bang, thượng viện Nga, gọi việc Thụy Điển gia nhập NATO: “Một trong những quyết định liều lĩnh và thiển cận nhất trong lịch sử vương quốc”, theo hãng tin TASS. Ông nói thêm rằng Thụy Điển giờ đây sẽ bị Nga coi là mối đe dọa. “NATO không phải là sự bảo đảm cho an ninh của Thụy Điển mà là sự bảo đảm cho những rủi ro.”

12. Thủ tướng Ba Lan cảnh báo Âu Châu đang bước vào kỷ nguyên 'tiền chiến' mới

Thủ tướng Ba Lan mới đắc cử, Donald Tusk, đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng Âu Châu hiện đang đứng trong một kỷ nguyên mới trước chiến tranh giống như trước Thế chiến thứ hai.

“Thời kỳ yên bình hạnh phúc đã qua rồi. Thời hậu chiến đã qua. Chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời kỳ tiền chiến tranh. Trên thực tế, đối với một số anh em của chúng ta, thời điểm đó thậm chí không còn là thời kỳ tiền chiến nữa. Đó là một cuộc chiến tranh toàn diện ở hình thức tàn khốc nhất,” ông nói với các thủ tướng và hàng trăm thành viên của Nghị Viện Âu Châu tham dự đại hội thường niên của liên minh đảng Nhân dân Âu Châu tại Bucharest.

Ông nói: “Không phải lỗi của chúng ta khi vốn từ vựng hàng ngày của chúng tôi lại bao gồm những từ như chiến đấu, đánh bom, tấn công bằng hỏa tiễn, diệt chủng”. Tusk nói thêm:

Âu Châu muốn sống và phát triển trong một thế giới hậu chiến. Nhưng hôm nay chúng ta phải nói rõ ràng rằng chúng ta đang phải đối mặt với một lựa chọn đơn giản – hoặc chúng ta tiến hành cuộc chiến để bảo vệ biên giới, lãnh thổ, các nguyên tắc của chúng ta và do đó, công dân và thế hệ tương lai của chúng ta, hoặc chúng ta sẽ thất thủ.

Không có lý do khách quan nào để đầu hàng trước cái ác. Tiềm năng của Âu Châu, về kinh tế, tài chính, nhân khẩu học, đạo đức, lớn hơn tiềm năng của những kẻ tấn công chúng ta. Điều quan trọng ngày nay là Âu Châu tin vào sức mạnh của mình.

Ngoài ra, khi xét đến bối cảnh năng lực phòng thủ của chúng ta, chúng ta không thể sống dựa vào ảo tưởng. Sẽ không có ai thay thế chúng ta trong cuộc chiến này vì sự an toàn và tương lai của chúng ta. Bản thân chúng ta là những người bảo đảm tốt nhất cho sự an toàn và sự đoàn kết của chúng ta.

Như bạn đã biết, người duy nhất bạn có thể tin cậy là chính bạn. Người dân Âu Châu sẽ đoàn kết khi họ thấy rõ ràng rằng Liên minh thực sự là Âu Châu của chúng ta, một ngôi nhà an toàn và tốt đẹp cho người dân. “
 
24 giờ cho Chúa tại Rôma. Đáng buồn: Làn sóng quay trở lại với các vị thần ngoại giáo Rôma cổ đại
VietCatholic Media
17:44 08/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay

THỨ BẨY, 9/3/2024

Hs 5:15-6:6

Thánh Vịnh 50(51):3-4, 18-21

Lc 18:9-14

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18:13)

Gần đây tôi đã xem một bộ phim Nhật Bản có nhan đề “Những mảnh vỡ của di chúc cuối cùng”. Dựa trên một câu chuyện có thật, phim kể về hoàn cảnh khó khăn của một số binh sĩ Nhật Bản bị bắt làm tù binh vào cuối Thế chiến thứ hai sống trong nhiều trại khác nhau ở Siberia.

Nhân vật chính, Hatao Yamamoto, là một người đàn ông rất hiền lành và tốt bụng. Chính nhờ cách anh ta tương tác với các bạn tù của mình mà rất nhiều người trong số họ đã được giải thoát.

Anh ấy luôn hiểu rõ điểm yếu của họ; anh ấy tôn trọng và không phán xét khi đối mặt với sự phản bội tuyệt đối của họ. Anh ta đã đi xa hơn và tự mình gánh lấy những đau khổ của họ, trả giá bằng sự đánh đập tàn nhẫn và sự cô lập. Anh ấy đã tha thứ; anh ấy không hề có ác cảm.

Lòng trắc ẩn của Yamamoto không bao giờ rời bỏ anh. Anh ta không chịu để mình bị cám dỗ trở nên kém cỏi hơn con người, ngay cả khi bị đối xử kém hơn con người, và anh ta khuyến khích những người bạn tù của mình cũng vậy. Anh ấy coi những gì thân yêu với họ cũng như thân yêu với chính mình, vì vậy khi một trong số họ bị giết, anh ấy đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm bí mật để tất cả mọi người thương tiếc. Từng người một họ sở hữu những bộ xương trong những chiếc tủ khác nhau, họ thừa nhận những điều họ đã thiếu sót trong cuộc sống - tội lỗi của họ. Họ chấp nhận những gì họ đã làm, và bất chấp môi trường xung quanh, họ tìm thấy tự do để trở thành người tốt.

Đây là điều Chúa làm cho chúng ta. Khi bạn và tôi tiếp tục đến với Ngài, mở lòng đón nhận lòng nhân hậu và sự cảm thông tuyệt đối của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta đến với tấm lòng rộng mở, khi chúng ta để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta sẽ thấy mình trong sự tự do vinh quang kêu lên: “Chúa ơi”, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi.” Và đó sẽ không phải là một kiểu tự giảm thiểu nào đó, nó sẽ giống như một con chim được thả tự do: “Đúng, tôi là một tội nhân, một kẻ đã lạc mục tiêu, và là một kẻ đã nhận được nụ cười nhân hậu đời đời của Thiên Chúa.”

Ngày nay chúng ta có thể giống như anh ấy và cho phép điều đó xảy ra với người khác, giống như Hatao Yamamoto đã làm.

Xin Chúa thương xót con là kẻ có tội. Amen.

2. Cử hành 24 giờ cho Chúa

Hôm Thứ Sáu, 08 tháng Ba, lúc 4:30 chiều, tại giáo xứ thánh Piô V ở Roma, Phanxicô sẽ chủ sự Phụng Vụ Thống Hối khai mạc truyền thống 24 giờ cho Chúa. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ 11, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Tiến bước trong đời sống mới”, lấy ý từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Rôma “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6:4)

Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.

3. Nhật Ký Trừ Tà #281: Ma quỷ hút cạn năng lượng của chúng ta*

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #281: Demons Drain Our Energy*”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà #281: Ma quỷ hút cạn năng lượng của chúng ta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào cuối buổi trừ tà, tôi thường hỏi người bị quỷ ám: “Con khỏe không?” Câu trả lời hầu như luôn là: “Con kiệt sức rồi”. Họ không chỉ mệt mỏi; họ cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Sau một đợt điều trị, người bị bệnh có thể phải mất vài ngày mới hồi phục, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình giải thoát.

Trừ tà là một trận chiến thực sự. Ma quỷ cứng cỏi và quen chịu đau khổ; chúng có thể phải chịu đựng nỗi đau tột cùng trong một thời gian dài mà không rời bỏ. Ngoài ra, vì nhiều lý do, chúng không muốn rời đi. Vì vậy, cuộc xung đột trở nên căng thẳng và mệt mỏi đối với cả hai con quỷ và người mà chúng đang chiếm hữu. Người đau khổ là nơi diễn ra trận chiến đó và do đó bị hao tổn sức lực sau trận chiến.

Nhưng còn có một lý do khác khiến người bị ma quỷ và tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với ma quỷ đều kiệt sức. Chỉ có Thiên Chúa mới ban sự sống; ma quỷ mang lại cái chết. Trong địa ngục không có nước, không có ánh sáng và không có năng lượng. Mọi thứ ma quỷ chạm vào đều bị mất đi sự sống và năng lượng.

Ngoài ra, ma quỷ không muốn “lắng nghe” những lời cầu nguyện khiến chúng đau đớn khôn tả. Bất cứ điều gì giống với Sự thật đều đáng ghét đối với “Cha đẻ của sự dối trá” và tay sai của hắn. Vì vậy, lũ quỷ cố gắng không lắng nghe những lời cầu nguyện và “tra tấn” người mà chúng đang trú ngụ. Họ cố gắng ngăn chặn các giác quan, tức là họ đưa người đó vào giấc ngủ.

Giữa buổi học, khi tôi thấy một người đau khổ bắt đầu buồn ngủ, tôi thường nói: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho ma quỷ hãy lắng nghe những lời cầu nguyện! Tôi ra lệnh cho lũ quỷ hôn mê rời đi! Không có gì lạ khi người đó sẽ thức dậy ngay lập tức và tập trung lại vào buổi tập.

Sự hiện diện của ma quỷ đang hút cạn năng lượng của con người cũng ảnh hưởng đến những người trừ quỷ và các thành viên trong nhóm của chúng tôi - ít nhất là tạm thời. Tôi đã gặp một số nhà trừ quỷ nhận xét với tôi rằng họ cảm thấy kiệt sức một cách bất thường sau một cuộc trừ quỷ và không thể hiểu tại sao họ lại mệt mỏi đến thế. Sau nhiều buổi trừ tà trong một ngày, các nhà trừ tà của chúng tôi thường cảm thấy gần như không thể di chuyển hoặc đi lại trong vài giờ.

Ma quỷ hút năng lượng của chúng ta. Chúa ban sự sống. Một dấu hiệu của sự thánh thiện là cảm giác sống động và sức sống đáng kinh ngạc. Các vị thánh thường được cho là tràn đầy năng lượng một cách siêu nhiên. Họ tràn đầy sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa, làm sống động tâm hồn họ và chảy vào tâm trí cũng như cơ thể họ. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà trừ quỷ và các thành viên trong nhóm của chúng ta phải có một đời sống tâm linh sôi động. Chúng ta cần được tái tạo năng lượng sau khi đối đầu với bầy quỷ hút năng lượng.

Đối với tất cả chúng ta, một liều thuốc giải độc cho sự kiệt sức là cầu nguyện. Mọi người thường cho biết họ được tiếp thêm năng lượng nhờ kết nối với Chúa. Lời cầu nguyện mở ra cho chúng ta sự sống thiêng liêng và năng lượng thiêng liêng của Thiên Chúa. Nếu bạn kiệt sức và không biết phải làm gì, tại sao không thử cầu nguyện?


Source:Catholic Exorcism

4. Một số người Công Giáo Ý quay trở lại với các vị thần, nhà tiên tri và thầy phù thủy Rôma cổ đại

Tờ Catholic Herald cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Italian Catholics reverting to ancient Roman gods, seers and sorcerers”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một số lượng đáng kinh ngạc những người Công Giáo đã nguội lạnh ở Ý đang quay trở lại với các vị thần của Rôma cổ đại và quay sang các nhà tiên tri, nhà chiêm tinh và nhà ngoại cảm ngoại giáo, chứng thực sự sụp đổ thảm khốc có thể xảy ra của Công Giáo ngay trong pháo đài truyền thống của mình.

Hơn 160.000 phù thủy đang kinh doanh nhanh chóng trong các hoạt động huyền bí và Thời đại Mới, với hơn ba triệu người Ý tìm tư vấn trong cái gọi là “maghi” mỗi năm để xin lời khuyên. Điều này liên quan đến việc chi ra 8 tỷ euro khổng lồ, theo dữ liệu từ Osservatorio Antiplagio.

Từ 10 đến 13 triệu người Ý – hầu hết đều là người Công Giáo đã được rửa tội – đã tìm đến các thầy phù thủy hoặc các bà phù thủy ít nhất một lần trong đời; trong khi 30.000 người Ý thuộc mọi tầng lớp trong xã hội hàng ngày tìm kiếm các nhà ngoại cảm và những người có tầm nhìn xa nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, cơ quan Codacons cho biết.

Tâm chấn của phép thuật phù thủy và huyền bí nằm ở vùng Lombardy phía bắc nước Ý, với 2.800 người điều hành huyền bí và 200.000 khách hàng - những con số vượt xa tỷ lệ phần trăm các linh mục Công Giáo và người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường SWG thực hiện vào năm 2023 cho thấy 34% người Ý tin hoặc tham gia vào thuật chiêu hồn, 24% vào ma thuật đen, 19% vào việc dự đoán tương lai bằng những lá bài, 18% vào ma thuật trắng và 17% tin vào những người chữa bệnh bằng tâm linh hoặc huyền bí.

Vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo người Ý “không nên tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đi theo những người bán khói – những người thường là những người bán cái chết – những chuyên gia về ảo ảnh”, một tài liệu tham khảo được truyền thông Ý giải thích là một lời cảnh báo chống lại sự gia tăng của các thầy phù thủy.

Một năm sau, Đức Thánh Cha nhắc lại lời khuyên của ngài trong bài giảng Lễ Hiển Linh, kêu gọi đoàn chiên của ngài đừng đi theo “các thầy phù thủy, thầy bói, những người đồng bóng” kẻo “anh chị em có nguy cơ trở thành những kẻ nghiện ngẫu tượng”.

Trong một bài phát biểu trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào tháng 7 năm 2023, Đức Thánh Cha cảnh báo người Công Giáo hãy bác bỏ những niềm tin “vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, bài tarot, tử vi và những thứ tương tự khác”, lưu ý rằng “rất nhiều Kitô hữu đi xem chỉ tay”.

Những số liệu gần đây xác nhận những phát hiện của một luận án tiến sĩ do Stefano Falappi đệ trình cho Đại học Bergamo vào năm 2012, có tựa đề Giáo dục, Đa dạng Tôn giáo và Tín ngưỡng Phi tôn giáo, chứng minh rằng không còn tôn giáo Công Giáo thống trị nước Ý mà là “sự đa dạng tôn giáo và niềm tin phi tôn giáo trong bối cảnh ngày càng đa nguyên của Ý”.

Trong khi đó, trong một hiện tượng song song, những người Ý thất vọng với Giáo hội đang tuyên bố rằng họ đã tìm thấy một nền tâm linh đích thực bằng cách quay trở lại cội nguồn của mình và hướng đến các vị thần ngoại giáo của Rôma cổ đại.

“Via romana agli dei” (“Con đường Rôma đến với các vị thần”) là một phong trào tôn giáo bao gồm nhiều giáo phái tân ngoại giáo khác nhau tuyên bố mình là một phần của Đại hội Tôn giáo Dân tộc Âu Châu (ECER).

Những người thực hành giáo phái Rôma lập luận rằng mặc dù tổ tiên của họ đã bị đàn áp sau “Sắc lệnh thứ hai đáng nguyền rủa và đáng thi hành của Theodosius” vào năm 392 sau Công Nguyên, các nghi lễ của họ vẫn tồn tại một cách công khai hơn ở vùng nông thôn nước Ý và bí mật trong nền văn hóa thượng lưu Ý.

Trong khi một số vị thần ngoại giáo được cho là vẫn sống sót trong vỏ bọc Công Giáo, vì “nhiều nữ thần được đeo mặt nạ đằng sau những Madonnas rất cụ thể; nhiều vị thánh là những vị thần và linh hồn cải trang”, và những nhà thơ như Dante “lưu giữ ký ức về truyền thống Rôma, theo chủ nghĩa đồng bộ bề ngoài với Kitô giáo”.

Kể từ cuối những năm 1980, nhiều hiệp hội đã khôi phục lại giáo phái Rôma một cách công khai, từ “chỉ là tái hiện lịch sử một chút”, cho đến những hiệp hội khác “bị ảnh hưởng bởi những ảnh hưởng của hội tam điểm trước thế kỷ 20”.

Trung tâm Nghiên cứu về Tôn giáo Mới, gọi tắt là CESNUR, có trụ sở tại Turin liệt kê các giáo phái bí truyền vào danh mục Phong trào Truyền thống Rôma, với số lượng tín hữu tân ngoại giáo lên tới hơn 230.000 vào năm 2017, tăng 143% trong 10 năm.

Một hiệp hội tân ngoại giáo hàng đầu là Communitas Populi Romani, tự mô tả mình là “hiệp hội của những người tự do nhận ra mình nắm giữ các giá trị tinh thần và văn hóa giống như tôn giáo cổ xưa của Rôma, công cộng hay tư nhân”.

Những người mới nhập đạo được khuyến khích trước tiên “thiết lập một không gian dành riêng cho các vị thần trong nhà của bạn để bạn có thể bắt đầu cúng dường các vị thần của mình”, và thứ hai, “làm nghi thức theo các ngày lễ chính được Kalendarium ghi nhớ”.

Các tín hữu được cho biết: “Tôn giáo Rôma về cơ bản là một tôn giáo theo chủ nghĩa tập thể và vui vẻ, nó không dành nhiều chỗ cho chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nhân vị, vốn thường dẫn – và vẫn dẫn – đến những thực hành mê tín đáng bị lên án”.

Vào ngày 10 tháng 2 năm 2024, một nhóm những người theo phong cách chiết trung từ Communitas Populi Romani đã tập hợp gần Diễn đàn Rôma cổ đại để bày tỏ lòng sùng kính của họ đối với các vị thần Juno, Jupiter và Apollo.

Luca Fizzarotti, một lập trình viên máy tính tham gia phong trào sau khi anh gặp khủng hoảng tinh thần, nói với Dịch vụ Tin tức Tôn giáo (RNS) rằng anh là giáo lý viên và theo đạo Công Giáo trong nhiều năm nhưng “tôi đã có một trải nghiệm rất tồi tệ và phải rời bỏ Giáo hội của mình”.

Fizzarotti yêu một người theo Chính thống giáo Kemetic, một giáo phái dựa trên đức tin tôn giáo của người Ai Cập cổ đại. Anh giải thích: “Lúc đầu, tôi thực sự không thể hiểu được điều đó, nhưng khi tôi dần dần tìm hiểu về cộng đồng ngoại giáo, tôi đã tìm ra cách để sống theo tâm linh của mình”.

Mặc dù Fizzarotti thừa nhận rằng việc chuyển đến sống cùng bạn gái đã khơi dậy sự quan tâm của anh ta đối với ngoại giáo ở Rôma, nhưng động lực chính đằng sau việc những người như anh ta và những người khác tham gia phong trào chịu ảnh hưởng của ngoại giáo là niềm đam mê với điều mà nhà văn người Ý Andrea Angelini gọi là “Chủ nghĩa Tái thiết Đa thần Rôma”, chứ không phải bất kỳ khuyến khích tình dục kiểu Thời đại mới nào chẳng hạn như đa tình.

Những người ủng hộ phong trào nhấn mạnh đến “sự hòa hợp với tâm linh cổ xưa”, đạo đức về “bổn phận đối với thần thánh”, và các đức tính Fides, tức là sự cam kết có đi có lại và lời nói ràng buộc hai bên, Pietas hay công lý, sự tôn trọng và tận tâm đối với thần; và Religio tức là thực hiện đúng nghi thức nhằm bảo đảm sự ưu ái của thần linh.

Donatella Ertola nói với RNS: “Tất cả chúng tôi đều tin vào các vị thần, chúng tôi thực hiện các nghi lễ tại nhà, chúng tôi có các bàn thờ sùng đạo ở nhà, chúng tôi có các linh mục và người làm lễ”.

Antony Meloni, một công nhân xây dựng phi trường, nhấn mạnh: “Tôi tìm thấy ở thuyết đa thần một sức mạnh mới. Tôi đang tìm kiếm thứ mà thuyết độc thần không mang lại cho tôi.”

Nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa Latinh và có trụ sở tại Rôma, Lorenzo Murone, nói với Catholic Herald rằng Giáo Hội Công Giáo ở Ý đang thất bại trong trận chiến chống lại những giáo phái như vậy vì họ không sẵn sàng tham gia vào “việc truyền giáo có chủ ý”.

Murone nói: “Rôma chưa bao giờ thực sự truyền giáo ở Ý ngay cả trong quá khứ,” giải thích tại sao việc thiếu sự chăm sóc mục vụ cũng dẫn đến việc rời bỏ Giáo hội. “Cho đến ngày nay nhiều người tuyên xưng Công Giáo Rôma hầu như không biết tên cha xứ của họ và ngược lại.”

Học giả này than thở rằng khi gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “các cặp đôi đang tìm kiếm hôn nhân nên được giáo đoàn ủng hộ trong quá trình chuẩn bị cho hôn nhân”, Vito Mancuso, một nhà thần học tự do người Ý, dường như phản ứng với một đề xuất như vậy “với sự hoang mang, như thể giáo đoàn đang bối rối” với cuộc sống mới lạ kỳ”.

Murone cũng lưu ý rằng cách đây không lâu một vị Hồng Y đã than phiền về chủ nghĩa thờ ơ của nước Ý - thái độ thờ ơ của nước này đối với sự tồn tại hay không tồn tại của Thiên Chúa.

Murone kết luận: “Tôi nghĩ anh ta đúng, nhưng chủ nghĩa thờ ơ này bây giờ đã di căn.

Tiến sĩ Jules Gomes (BA, BD, MTh, PhD) là một học giả Kinh Thánh và một nhà báo có trụ sở tại Rôma.


Source:Catholic Herald