Ngày 08-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng Thương Xót Không Kết Án
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:37 08/03/2016
Lòng Thương Xót Không Kết Án

Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay - C

(Ga 8, 1-11)

Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi "Mừng Vui Lên" của Chúa Nhật IV Mùa Chay. Nay bước vào tuần thứ I của giai đoạn II, thời gian mà toàn bộ nhà thờ sẽ chuẩn bị cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nên việc cải đổi đời sống, ăn chay, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức càng khẩn thiết hơn. Vì Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Chúa Nhật V Mùa Chay được gọi là Chúa Nhật thứ I mùa Thương khó, kéo dài 2 tuần cho đến lễ Phục sinh. Sau Công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chỉ còn một tuần Thương khó, trùng với Tuần thánh, và Chúa Nhật thứ V Mùa Chay là giai đoạn tiếp tục các đề tài huấn giáo theo chu kỳ. Nếu các Chúa Nhật Mùa Chay năm A, B trình bày Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống, là Anh Sáng, là Sự Sống dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Thì các Chúa Nhật Mùa Chay năm C đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi con người đáp trả.

Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, dẫn chứng của Gioan đầy sức thuyết phục "Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri" (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Cha đầy tình thương xót" (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11). Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói : "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.

Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho con người, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một "Tin Vui" cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.

Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.

Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: "Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đón nhận với niềm vui đã được canh tân, tiếp nhận hồng ân cứu rỗi, ngõ hầu chúng con gặp lại được sự tin tưởng và niềm hy vọng để bước đi trên con đường mới. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ V Mùa Chay C - 13.3.2016
Lm Francis Lý văn Ca
15:41 08/03/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chỉ còn hai tuần nữa, chúng ta sẽ bước vào một chu kỳ Phụng Vụ khác, đó là Chu Kỳ của Mùa Phục Sinh. Khi tiến gần đến ngày lễ Phục Sinh bao nhiêu thì tâm hồn của chúng ta rộn lên niềm rào rạc bấy nhiêu.
Chúng ta có hai lý do để vui mừng: Thứ nhất là hân hoan để tiếp nhận những anh chị em tân tòng, sau những tháng ngày chuẩn bị trong lộ trình Mùa Chay, sẽ gia nhập vào Dân Thánh Chúa là Giáo Hội. Thứ hai, là mọi người tín hữu, sau những tháng ngày của Mùa Chay, chuẩn bị canh tân và hòa giải sẽ bắt đầu một cuộc sống mới đầy ơn thánh của Chúa. Nhất là trong năm thánh Kính Lòng Thương Xót nầy.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Câu chuyện dân Dothái qua Biển Đỏ ráo chân và Chúa nuôi dưỡng họ trong sa mạc bằng bánh bởi trời là hình bóng của bánh trường sinh chúng ta lãnh nhận trong thời Tân Ước là Đức Kitô. Với ơn phép rửa tội, bởi nước chúng ta được thanh tẩy.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô chứng minh giá trị cao cả của một người làm tông đồ: Khi ngài còn bé là một cậu bé Dothái, có những hành động ấu trĩ. Nhưng sau khi nhận thức được thái độ của niềm tin, ngài đã đổi mới thích nghi hơn trong cuộc sống.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chủ đề của Mùa Chay là ăn năn sám hối, tha thứ và bác ái. Câu chuyện của người đàn bà được thánh Gioan ghi lại nơi đây sẽ giúp chúng ta suy nghĩ. Thái độ của dân Dothái: Kết án. Còn Chúa Giêsu: Khoan hậu. Người đàn bà: chấp nhận trong yên lặng về sự yếu hèn của mình. Chúng ta thuộc về thành phần nào trong 3 hạng người kể trên?

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Ngày Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tham gia vào sứ vụ của Đức Kitô là biến đổi, canh tân thế giới nầy. Biến đổi đau thương sầu muộn bằng sức sống mới, niềm vui mừng của mùa Phục Sinh sắp đến. Giờ đây, chúng ta xin Chúa những ơn cần thiết để đáp lại lời mời gọi đó:

1. Xin cho các tín hữu Chúa trong đoạn đường cuối cùng của Mùa Chay, biết chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích hòa giải. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta biết sống đạo một cách thực tiễn bằng cách tìm kiếm Chúa để mỗi ngày sẽ khám phá ra những con đường hoàn hảo theo Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Với sự quảng đại của Cộng Đoàn Dân Chúa đó đây trên thế giới, đáp lại chiến dịch của Mùa Chay, Giáo Hội sẽ đón nhận dồi dào sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm nhân hậu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta trở thành những sứ giả của Công Đoàn Xứ Đạo mời gọi những phần tử trong gia đình hay Cộng Đoàn Xứ Đạo trở về Nha Cha để cùng nhau cử hành Tam Nhật Vượt Qua với chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi trung tớ nữ của Chúa đã qua đời được nghỉ giấc bình an trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã chỉ cho các tông đồ con đường theo Chúa: đó là con đường đau khổ. Xin cho chúng con biết lấy bài học của thánh giá và qua thánh giá chúng con sẽ vào cõi sống vinh quang. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 08/03/2016
8. KHỈ CỨU MẶT TRĂNG.

Có năm trăm con khỉ mặt đỏ đi trong rừng sâu, đến dưới một cây cổ thụ.
Dưới cây có một cái giếng, nước trong giếng phản chiếu lại mặt trăng, con khỉ đầu đàn nhìn thấy thì liền vội vàng nói với đồng bọn:
- “Mặt trăng bị rớt xuống giếng rồi kìa, chúng ta nên cùng nhau cứu nó ra khỏi giếng. Thế này nhé, tôi sẽ bám chặt vào cành cây trên mặt giếng, sau đó, các anh từng người, từng người một bám vào đuôi nhau trèo xuống, như thế mới có thể cứu được mặt trăng.”
Bầy khỉ mặt đỏ từng con từng con liên tục treo thành một chùm dài. Lúc còn một chút xíu nữa thì đến mặt nước, trọng lượng của bầy khỉ vượt qua lực chịu của cành cây, chỉ nghe “rắc” một tiếng, cành cây gãy, bầy khỉ mặt đỏ rớt xuống trong giếng giãy giụa mãi không thôi, mặt trăng trong giếng cũng “mất tích” luôn.
(Pháp Uyển Châu Lâm)

Suy tư 8:
Khỉ là loài được gọi là thông minh trong các loài vật, nhưng cũng có lúc ngu đần hết chỗ nói, nhưng cái ngu của loài khỉ không đáng trách, vì nó là...khỉ. Mặt trăng rơi trong giếng thì không có, nhưng linh hồn đắm trong tội và sẽ rơi vào trong hỏa ngục thì có thật, chuỗi Mân Côi là sợi dây liên kết tâm tình của người Ki-tô hữu với Đức Mẹ Ma-ri-a, bám vào sợi dây này để cứu linh hồn mình và linh hồn của anh chị em, chính là việc làm thông minh và hiệu quả hơn là bám vào ô dù của những kẻ quyền quý ở thế gian.
Bầy khỉ mặt đỏ đã chết oan uổng vì làm chuyện không có –cứu mặt trăng rơi xuống giếng- nên bị coi là ngu. Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ bị ma quỷ coi là ngu khi chúng ta không dùng chuỗi Mân Côi như một phương thế đơn sơ mà hữu hiệu để cứu linh hồn mình. Đức Mẹ Ma-ri-a –Đấng đồng công cứu chuộc loài người- đã rất nhân ái yêu thương khi nghĩ đến phương thế nhẹ nhàng mà hiệu quả này cho con cái của Mẹ, để không một đứa con nào phải hư mất đời đời khi suy tư, chia sẻ mầu nhiệm xuống thế làm người và cứu chuộc của Con Mẹ –Đức Chúa Giê-su- trong chuỗi Mân Côi.
Khắp mọi nơi và mọi lúc (trừ đang khi dâng thánh lễ) chúng ta đều có thể lần hạt Mân Côi, kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, để chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đời sống thiêng liêng, và tốt đẹp hơn trong cuộc sống đời thường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 08/03/2016

29. Đoan chính là đức hạnh duy trì phong độ chắc chắn, đúng đắn và uy nghiêm của linh hồn và thân xác.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nghi thức thống hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô
VietCatholic Network
14:21 08/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, chiều thứ Sáu 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của 5 Hồng Y, và đông đảo các linh mục, tu sĩ và 6 ngàn giáo dân. Sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, và bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù bẩm sinh Bácthôlômêô, Đức Thánh Cha đã giảng như sau:

“Tôi muốn lại được nhìn thấy một lần nữa” (Mc 10:51). Đây là những gì chúng ta khẩn cầu cùng Chúa hôm nay. Chúng ta xin được nhìn thấy một lần nữa, vì tội lỗi của chúng ta đã làm cho chúng ta hết còn thấy tất cả những gì là tốt lành, và đã cướp đi khỏi chúng ta vẻ đẹp trong ơn gọi của chúng ta, và dẫn dắt chúng ta xa dần đích điểm cuộc hành trình của mình.

Đoạn Tin Mừng này có giá trị biểu tượng tuyệt vời cho cuộc sống của chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều thấy mình trong tình trạng tương tự như người mù Bácthôlômêô. Sự mù lòa đã dẫn ông đến cảnh nghèo đói và phải sống ở ngoại ô thành phố, phụ thuộc vào người khác trong tất cả mọi thứ anh cần. Tội lỗi cũng có tác dụng này: nó bần cùng hóa chúng ta và cô lập chúng ta. Chính sự mù lòa về tinh thần ngăn cản chúng ta nhìn thấy những gì là quan trọng nhất, và khiến chúng ta không còn dán cái nhìn của chúng ta vào tình yêu mang lại cho chúng ta sự sống. Sự mù lòa này dẫn chúng ta từng bước một bám víu vào những gì là hời hợt, cho đến khi chúng ta lạnh nhạt với tha nhân và hờ hững với những điều lương hảo. Biết bao những cám dỗ có sức mạnh che mờ tầm nhìn của con tim và khiến nó ra thiển cận! Chúng ta thật dễ dàng bị lừa đảo để tin rằng cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào những gì chúng ta có, vào những thành công của chúng ta và những khen tặng chúng ta nhận được. Chúng ta cũng thật dễ dàng bị lừa đảo để tin rằng để tin rằng nền kinh tế chỉ là vì lợi nhuận và tiêu dùng; và ham muốn cá nhân quan trọng hơn so với trách nhiệm xã hội! Khi chúng ta chỉ nhìn vào chính chúng ta, chúng ta trở nên mù quáng, thiếu sức sống và tự coi mình là trung tâm, để rồi không còn những niềm vui và sự tự do đích thực.

Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua; Ngài đi ngang qua, và Ngài dừng lại: Tin Mừng nói với chúng ta rằng “Ngài dừng lại” (câu 49). Con tim chúng ta bồi hồi, bởi vì chúng ta nhận ra rằng Ánh Sáng đang nhìn chằm chằm vào chúng ta, chính Ánh Sáng dịu dàng ấy mời gọi chúng ta bước ra khỏi sự mù tối của mình. Sự gần gũi của Chúa Giêsu khiến cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta đang ở xa Ngài thì có một cái gì đó quan trọng còn thiếu vắng trong đời sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài làm cho chúng ta cảm thấy cần đến ơn cứu độ, và điều này bắt đầu chữa lành con tim chúng ta. Sau đó, khi mong muốn được chữa lành của chúng ta trở nên mãnh liệt hơn, nó dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện, để gào lên xin được giúp đỡ một cách thống thiết và kiên trì như người mù Bácthôlômêô: “Lạy Chúa Giêsu, Con vua David, xin thương xót tôi!” (Câu 47).

Thật không may, như “nhiều” nhân vật trong Tin Mừng, luôn luôn có những kẻ không muốn dừng lại, luôn luôn có những kẻ không muốn bị phiền hà bởi người khác đang kêu gào vì đau đớn, luôn luôn có những kẻ thích sự im lặng và quở trách người cần đến sự giúp đỡ, xem họ chẳng qua chỉ là một mối phiền toái (x v. 48). Có một cám dỗ để làm lơ và đi tiếp như thể không có gì, nhưng khi đó chúng ta sẽ xa dần Chúa và chúng ta cũng sẽ ngăn những người khác không cho đến gần Chúa Giêsu. Cầu xin cho chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả chúng ta đang van xin tình yêu của Thiên Chúa, và không cho phép mình bỏ lỡ cơ hội khi Chúa đi qua như Thánh Augustinô nói “Timeo transeuntem Dominum”. Chúng ta hãy bày tỏ mong muốn chân thật nhất của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được sáng mắt!” (Câu 51). Năm Thánh Lòng Thương Xót này là thời điểm thuận lợi để chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa, để trải nghiệm tình yêu của Ngài và trở về với Ngài với tất cả con tim chúng ta. Giống như người mù Bácthôlômêô, chúng ta hãy cởi bỏ chiếc áo choàng của chúng ta và trỗi dậy trên đôi chân của mình (câu 50): Nghĩa là, chúng ta hãy gạt sang một bên tất cả những gì ngăn cản chúng ta chạy nhanh về phía Ngài, và đừng sợ phải bỏ lại đằng sau những gì đang cho chúng ta cảm giác an toàn, và khiến chúng ta bo thiết với chúng. Chúng ta đừng ngồi một chỗ nữa, nhưng chúng ta hãy đứng dậy và tìm lại giá trị tinh thần của chúng ta một lần nữa, tìm lại phẩm giá của chúng ta như những con trai, con gái đáng yêu trước mặt Chúa để chúng ta có thể nhìn thấy Ngài, được thứ tha và tái sinh.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta, những mục tử đặc biệt được mời gọi để nghe tiếng kêu xin, có lẽ trong âm thầm, của tất cả những người muốn gặp gỡ Chúa. Chúng ta cần phải xem xét lại những hành vi của chúng ta mà từng nơi từng lúc không giúp đỡ người khác đến gần Chúa Giêsu; xét lại những kế hoạch và chương trình không đáp ứng được nhu cầu thực sự của những người có thể chỉ đến với bí tích giải tội như những quy định của con người, nếu họ xem mình quan trọng hơn so với ước muốn được tha thứ. Sự thiếu linh hoạt của chúng ta có thể khiến cho nhiều người không đến được sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta phải chắc chắn là không được bỏ qua các đòi buộc của Tin Mừng, nhưng chúng ta không thể gây ra nguy cơ làm nản lòng nơi những người phạm tội muốn được hòa giải với Cha. Điều Cha đang chờ đợi nhiều hơn bất cứ điều gì chính là những con trai và con gái của mình quay trở về nhà (xem Lc 15: 20-32).

Xin cho những lời của chúng ta là những lời của các môn đệ, là những người vang vọng lời Chúa Giêsu nói với Người mù Bácthôlômêô: “ Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”(Mc 10:49). Chúng ta đã được gửi đến để kích thích lòng can đảm, để hỗ trợ và dẫn dắt người khác đến với Chúa Giêsu. Sứ vụ của chúng ta là một sứ vụ hỗ trợ để các cuộc gặp gỡ với Chúa có thể xảy ra cá vị và thân mật, và con tim có thể tự mở ra cho Đấng Cứu Thế trong sự thành thật và không sợ hãi. Cầu xin cho chúng ta đừng quên: chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hoạt động trong mọi người. Trong Tin Mừng chính Ngài là người dừng lại và nói với người mù; chính Ngài là người ra lệnh đem người đàn ông tới cho Ngài, và chính Ngài là người lắng nghe và chữa lành anh ta. Chúng ta đã được chọn để đánh thức ước muốn hoán cải, để là công cụ tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ này, để giang tay ra và xá giải, và như thế làm cho lòng thương xót của Ngài được tỏ tường và có hiệu quả.

Kết luận của câu chuyện Tin Mừng rất có ý nghĩa: Người mù Bácthôlômêô “ngay lập tức thấy được và đi theo Người” (câu 52). Khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy lại một lần nữa ánh sáng cho phép chúng ta nhìn về tương lai với sự tự tin. Chúng ta thấy một lần nữa sức mạnh và lòng can đảm để cất bước lên đường. “Những ai tin, thì được nhìn thấy” (Lumen Fidei, 1) và họ ra đi trong niềm hy vọng, bởi vì họ biết rằng Chúa đang hiện diện, rằng Ngài đang dưỡng nuôi và hướng dẫn họ. Chúng ta hãy đi theo Ngài, như những môn đệ trung thành, để chúng ta có thể dẫn tất cả những người chúng ta gặp gỡ đến chỗ trải nghiệm được niềm vui của tình yêu thương xót của Ngài.

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính Đức Thánh Cha cũng đi xưng tội với một linh mục, trước khi ngài giải tội trong hơn một tiếng rưỡi cho các hối nhân, trong đó có một số bạn trẻ thuộc giáo phận Roma.

Trong lúc ấy 60 vị linh mục, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với Đức Hồng Y Piacenza và các linh mục thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của Đức Thánh Cha
 
Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 06/3/2016: Thiên Chúa là Đấng luôn sẵn sàng tha thứ
VietCatholic Network
14:22 08/03/2016
Trong chương thứ 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc tìm lại được (vv.4-7), dụ ngôn đồng tiền lại tìm thấy (vv.8-10), và dụ ngôn dài về người con trai hoang đàng, hay đúng hơn, về người cha thương xót (vv.11-32). Hôm nay, trong hành trình mùa chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn thứ ba này, trong đó vai chính là người cha và 2 người con. Trình thuật cho chúng ta thấy một vài đặc điểm của người cha: đó là một người luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng dù điều gì xảy ra đi nữa. Nhất là nổi bật lòng bao dung của ông trước quyết định của người con út rời nhà ra đi: lẽ ra ông có thể chống lại, vì biết rằng người con ấy chưa trưởng thành, trái lại ông để đứa con ra đi, tuy thấy trước những rủi ro có thể xảy ra. Thiên Chúa cũng hành động như thế đối với chúng ta: Ngài để cho chúng ta tự do, dù ta có thể sai lầm, vì khi tạo dựng chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân cao cả là tự do. Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng tốt tự do ấy.

Nhưng sự tách biệt của người con ấy chỉ là về mặt thể lý; người cha vẫn luôn mang người con ấy trong con tim; ông tin tưởng chờ đợi con trở về; ông chăm chú nhìn con đường với hy vọng thấy con trở về. Và một hôm ông thấy người con xuất hiện từ xa (Xc v.20). Lúc ấy ông xúc động, chạy ra đón con, ôm con và hôn. Thật là dịu dàng dường nào!

Người cha cũng dành thái độ ấy cho người con cả, là người vẫn luôn ở nhà, và nay người con này tức giận và phản đối vì không hiểu và không chia sẻ tất cả lòng từ nhân đối với đứa em đã lầm lỗi. Người cha ra ngoài để gặp người con cả và nhắc nhở cho anh ta rằng cha con vẫn luôn ở với nhau, và có chung mọi điều (v.31), nhưng cần phải vui mừng đón tiếp người em trở về nhà.

Trong dụ ngôn này ta cũng có thể thấy hình bóng người con thứ ba, âm thầm!, đó là người con “không giữ cho mình đặc ân giống như Cha, nhưng đã hủy bỏ mình, mặc lấy thân phận người tôi tớ” (Pl 2,6-7). Người Con-Tôi Tớ này là sự nối dài đôi vòng tay và trái tim của Cha: Người đã đón nhận người con hoang đàng và rửa đôi chân bẩn thỉu của người con ấy; Người đã chuẩn bị bữa tiệc để mừng lễ tha thứ. Người là Chúa Giêsu, dạy chúng ta hãy có lòng “thương xót như Cha”.

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn biểu lộ con tim của Thiên Chúa. Người là Cha thương xót, Đấng yêu thương chúng ta trong Chúa Giêsu vượt ra ngoài mọi giới hạn, luôn chờ đợi chúng ta hoán cải mỗi khi chúng ta lầm lạc; Ngài chờ đợi chúng ta trở về khi chúng ta xa lìa Ngài vì nghĩ rằng mình có thể không cần Chúa; Ngài luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay dù điều gì xảy ra đi nữa. Như người cha trong Phúc Âm, Thiên Chúa cũng tiếp tục coi chúng ta là con cái của Ngài khi chúng ta lạc đường, và Ngài đến gặp chúng ta với tất cả sự dịu dàng khi chúng ta trở về cùng Ngài. Những lầm lỗi chúng ta phạm, cả những tội trọng, không làm suy giảm tình thương trung tín của Ngài. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể tái khởi hành: Ngài đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá làm con cái của Ngài.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Trong giai đoạn mùa chay này cho đến lễ Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi tăng cường hành trình hoán cải nội tâm. Chúng ta hãy để cho cái nhìn đầy yêu thương của Cha chúng ta đạt tới chúng ta và hết lòng trở về cùng Ngài, loại bỏ mọi thái độ thỏa hiệp với tội lỗi. Xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng chúng ta cho đến vòng tay âu yếm của lòng thương xót của Chúa.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các nữ tu thừa sai bác ái đang chịu đại tang đổ ập trên các chị hôm 4 tháng Ba trong vụ 4 nữ tu bị sát hại tại Aden, Yemen, nơi các chị săn sóc giúp đỡ những người già. Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện cho các chị và những người khác bị giết trong cuộc tấn công, cũng như cho thân nhân của họ. Xin Mẹ Têrêsa tháp tùng vào thiên đàng những người con của Mẹ tử đạo vì bác ái, và chuyển cầu cho hòa bình và sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống con người.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng 'Như một dấu chỉ dấn thân cụ thể cho hòa bình và sự sống tôi muốn nhắc đến sáng kiến lập các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, mới được khởi xướng ở Italia. Dự án tiên phong này liên kết tình liên đới với an ninh, giúp nâng đỡ những người đang trốn chạy chiến tranh và bạo lực, như hàng trăm người tị nạn đã được chuyển đến Italia, trong đó có các trẻ em, bệnh nhân, người tàn tật, góa phụ chiến tranh với con cái, và những người già. Tôi cũng vui mừng vì sáng kiến này có tính chất đại kết, được sự hỗ trợ của Cộng đồng thánh Egidio, Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Italila, Giáo Hội Valdesi và Metodist.

Đức Thánh Cha chào thăm các nhóm tín hữu hành hương và ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ngài và các cộng sự viên bắt đầu tuần tĩnh tâm từ tối nay đến thứ sáu tới đây.

Giống như năm ngoái, tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh diễn ra tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Thánh Cha Phanxicô ban tước Đức Ông cho Linh mục GB. Phạm Mạnh Cương tại Tòa Thánh Vatican
Bằng An
18:06 08/03/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô ban tước Đức Ông cho Linh mục GB. Phạm Mạnh Cương tại Tòa Thánh Vatican

Ngày 12.02.2016 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ưu ái ban tước Đức Ông cho Linh mục Gioan Baotixita Phạm Mạnh Cương, thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật tại Tòa thánh Vatican. Theo tuần báo Công Giáo The Tablet phiên bản ấn hành ngày 01.03.2016 tại Mỹ, bản tuyên phong do Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa thánh nhân danh Đức Thánh Cha ấn ký đã được Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng công bố trong phiên họp ngoại thường cùng ngày tại trụ sở Hội đồng tại Vatican.

Tân Đức Ông GB. Phạm Mạnh Cương sinh ngày 23.12.1973 tại Saigon. Ngài thụ phong Linh mục ngày 02.06.2001 tại Giáo phận Brooklyn, New York. Năm 2006, sau khi hoàn tất nhiệm kỳ mục vụ giáo xứ, ngài được đề cử du học Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Roma. Từ năm 2011 tới nay, ngài được bổ nhiệm phục vụ Tòa Thánh tại Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật.

Căn cứ vào Niên Giám Tòa Thánh Annuario Pontificio 2016, Tân Đức Ông GB. Phạm Mạnh Cương là Linh mục gốc Việt trẻ nhất tính đến thời điểm hiện tại được trao ban tước vị này. Ngài cũng là Linh mục trẻ gốc Việt thứ hai được vinh dự nhận tước Đức Ông từ Đức Thánh Cha Phanxicô, sau Đức Ông Phêrô Bùi Đại thuộc giáo phận Phoenix, Hoa Kỳ, hiện cũng đang phục vụ Tòa Thánh tại Hội đồng Giáo hoàng về Bác ái “Cor Unum” (Đồng Tâm).

Tân Đức Ông GB. Phạm Mạnh Cương từng đảm nhiệm vai trò Chủ Tịch Liên Tu Sĩ Việt Nam vùng New York và phụ cận, kiêm Thư ký Liên đoàn Công Giáo Việt Nam thuộc Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 2001-2006. Được biết ngài sinh trưởng tại Giáo xứ Thái Bình, Gò Vấp, Saigon và định cư tại Hoa Kỳ cùng gia đình từ năm 1990. Ngài là con thiêng liêng của Linh mục Giuse Vũ Minh Nghiệp, hiện là Đại diện Linh mục tại Tổng Giáo Phận Saigon.

Bằng An
 
Đoàn các em Giúp Lễ giáo xứ CTTĐVN Seattle mừng lễ bổn mạng
Nguyễn An Quý
18:20 08/03/2016
Đoàn các em Giúp Lễ giáo xứ CTTĐVN Seattle mừng lễ Thánh Domenico Savio bổn mạng của Đoàn 2016.

Tukwila. Sáng Chúa Nhật đầu tháng 3, cảnh nhộn nhịp lại đến với giáo xứ trong niềm vui tạ ơn khi các em giúp lễ của giáo xứ mừng lễ Thánh Domenico Savio bổn mạng của đoàn giúp lễ. Đoàn giúp lễ của giáo xứ khá đông đảo với đội ngủ gần cả trăm em. Mới hơn 9 giờ, các em trong bộ áo giúp lễ màu trắng chỉnh tề xếp hàng để chuẩn bị thánh lễ. Những khuôn mặt ngây thơ của các em với nét mặt tươi cười và lộ vẻ vui mừng trong ngày trọng đại này của các em.

Xem Hình

Đúng 9:30, từ ca đoàn vị MC đọc lời dẫn lễ của Chúa Nhật IV mùa chay năm C: "Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật vui mừng, vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của người Cha, khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê. Dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người chúng luôn biết quay trở về với Chúa, để được sống trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Mời Cộng đoàn đứng cùng hiệp dâng thánh lễ. Ca đoàn hát bài ca nhập lễ do ca đoàn Tin Yêu hát lễ. Bài Ca Nhập lễ có đoạn: "Đoàn con ca vang mừng khen thánh Savio. Người là hoa thơm xin tươi giữa thơì niên thiếu. Này lơì cầu thiết tha đoàn con dâng Người. Xin cho chúng con noi dấu bước Người đã đi"

Đoàn lễ sinh nghiêm trang cùng với quý linh mục cung nghinh thánh giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn. Thánh lễ do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, linh mục Nguyễn Sơn Miên, linh mục Trần Hữu Lân đồng tế thánh lễ. Mở đầu thánh lễ cha chánh xứ ngỏ lời chúc mừng các em trong đoàn giúp lễ, với lời ân cần : Hôm nay giáo xứ vui mừng với các em trong ngày lễ kính thánh Domenico Savio bổn mạng của các em giúp lễ. Ban giúp lễ của giáo xứ gần cả trăm em, nhưng hôm nay có nhiều em vắng mặt. Chúc mừng các em trong ngày mừng bổn mạng. Xin cho một tràng pháo tay chúc mừng các em...( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa vào Chúa Nhật IV Mùa Chay. Bài tin mừng Thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa nói về dụ ngôn người cha đã chia gia tài cho các con theo yêu cầu của một người con trong gia đình: "Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".

Bài chia sẻ trong thánh lễ, cha chủ tế đã nhấn mạnh về lòng nhân hậu của người cha khi đón nhận người con đã bỏ nhà ra đi và ăn năn hối cải trở về... Đề cập đến ngày lễ bổn mạng của các em giúp lễ, ngài nêu cao về đời thánh thiện của vị thánh trẻ Domenico Savio, ngài nói: Thánh Domenico Savio lúc chỉ mới năm tuổi đã tập giúp lễ như nhiều em ở đây. Đến năm 12 tuổi, vào một ngày, thánh Savio đến thăm linh mục Gioan Bosco và ngỏ ý muốn theo ơn gọi linh mục. Sau đó Savio được nhận vào Nguyện Xá ở Torino. Ngài sống với tâm tình cầu nguyện và luôn tâm niệm: "Tôi sẽ thường xuyên đi xưng tội và chịu lễ.- Tôi sẽ tham dự các ngày lễ trọng.- Chúa Giêsu và Mẹ Maria sẽ là những người bạn thân nhất của tôi.- Tôi thà chết còn hơn phạm tội ". Thánh Domenico Savio là vị thánh rất trẻ , ngài qua đời lúc mới được mười lăm tuổi. Dâng thánh lễ hôm nay, Xin cho các em luôn sống theo gương thánh Savio khi các em chọn con đường vào đoàn gíup lễ của giáo xứ..."

Điểm nổi bật trong thánh lễ là các em đều phụ trách phần phụng vụ một cách nghiêm chỉnh, nhất là các em đều được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhưng các em vẫn đọc các bài thánh thư bằng tiếng Việt khá rõ ràng, người viết tâm đắc nhất là hai em rất bé đọc phần Lời Nguyện giáo dân rất chỉnh khi đọc từng câu văn khá rõ ràng, và đọc có giọng khá hay nữa.

Trước khi kết thúc thánh lễ là phần các em cầu nguyện trước bàn thánh với tất cả tâm tư qua bài hát khá cảm động : " ƯỚC NGUYỆN ĐỜI CON "có đoạn như sau : "Con nguyện xin Chúa ban cho con trái tim tinh tuyền- Yêu người yêu Chúa mang hạnh phúc đến cho muôn người- Với những việc làm nhỏ bé đơn sơ - Với những lời cầu con dâng lên Chúa - Chúa thương nhận ban tràn hồng ân". Bài hát chấm dứt với tràng pháo tay dài.

Một vị đại diện của Đoàn Giúp Lễ đã có lời cám ơn quý cha và qúy cộng đoàn giáo xứ hiện diện, nhất là em cũng đã cám ơn sự ân cần của quý quý vị phụ huynh cùng các ân nhân trong giáo xứ luôn nâng đỡ khuyến khích các em trong việc giúp lễ này.

Cha chánh xứ cũng đã ân cần trao quà tặng cho các em qua vị đại diện là em Julie . Em Julie rất siêng năng trong việc hướng dẫn đoàn gíup lễ khá lâu năm. Sau thánh lễ là tiệc mừng tại Hội trường giáo xứ với sự tham dự của cha chánh xứ và các phụ huynh cùng các em giúp lễ hiện diện trong thánh lễ. Tiệc vui chấm dứt vào khoảng 2 giờ chiều, mọi ngươì chia tay trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc Phúc âm hóa
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
09:23 08/03/2016
LOAN BÁO LỜI

Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc Phúc âm hóa


Bài giảng thứ ba Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa, Ofmcap

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục và kết những suy tư của chúng ta về hiến chế Dei verbum, Lời Chúa. Trong lần cuối, tôi đã nói về lectio divina, một lối đọc Kinh Thánh giúp cho sự trưởng thành cá nhân. Theo lược đồ Kinh Thánh được thánh Giacôbê phác thảo, chúng ta đã phân biệt tuần tự ba bước: đón nhận Lời, suy niệm Lời và thực hành Lời.

Còn có một bước thứ tư nữa, đó là bước mà hôm nay tôi muốn suy tư: là loan báo Lời. Dei verbum nói vắn tắt về vị trí ưu tiên mà Lời Chúa phải có trong việc rao giảng của Giáo Hội (x. DV s. 24), nhưng tài liệu này không có trực tiếp tập trung về việc rao giảng Lời, nên Công Đồng đã dành một tài liệu riêng biệt cho chủ đề này, “Ad gentes divinitus” (Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội).

Sau tài liệu Công Đồng này, đề tài truyền giáo được lấy lại và cập nhật bởi Chân phước Phaolô VI trong Evangelii nuntiandi, bởi thánh Gioan Phaolô II trong Redemptoris missio, và bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Evangelii gaudium. Từ quan điểm huấn quyền và thực hành, vì thế, mọi sự đã được nói hết cả rồi, và đã nói ở một mức độ cao nhất của huấn quyền. Có lẽ sẽ là ngớ ngẫn đối với tôi để nghĩ rằng tôi có thể thêm vào đó bất cứ điều gì nữa. Tuy nhiên, điều mà tôi có thể làm, cho phù hợp với đường hướng của những suy niệm này, đó là tập trung một số những khía cạnh tu đức quan trọng liên quan đến đề tài này. Để làm được điều đó, tôi sẽ bắt đầu với lời quả quyết thường được Chân phước Phaolô VI lặp đi lặp lại: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc phúc âm hóa”.[1]

1- Phương tiện là sứ điệp

Nếu tôi muốn chia sẻ một vài thông tin, những câu hỏi đầu tiên tôi tự hỏi là: “Làm sao tôi sẽ chuyển thông nó? trên báo? trên radio? trên truyền hình? Phương tiện trở thành rất quan trọng mà khoa học hiện đại của truyền thông xã hội đã đưa ra khẩu hiệu: “Phương tiện là sứ điệp”.[2] Bây giờ, phương tiện tự nhiên đầu tiên nào được dùng để chuyển tải một lời nói? Đó là hơi thở, một luồng khí, âm thanh của một giọng. Như thế để nói được, hơi thở của tôi sự dụng lời được hình thành trong tâm trí tôi và nó mang lời đến với tai của người nghe. Mọi phương tiện khác của truyền thông chỉ làm cho mạnh thêm và khuếch đại phương tiện đầu tiên này của hơi thở và âm thanh. Sau đó những lời được viết ra và mang một âm thanh sống động, bởi vì, những vần chữ aphabét chỉ là những biểu tượng đại điện cho những âm thanh.

Lời Chúa cũng tuân theo quy luật này. Lời Chúa được chuyển tải nhờ hơi thở. Và hởi thở hay ruah của Chúa theo Kinh Thánh là gì hay là ai? Chúng ta biết đó là ai rồi: đó là Chúa Thánh Thần! Có thể hơi thở tôi làm sống động lời của người khác, hay hơi thở của người khác làm sống động những lời tôi chăng? Không, lời tôi không thể được phát âm mà không phải nhờ hơi thở tôi và lời của người khác không thể được phát âm nhờ hơi thở tôi. Một cách tương tự mà người ta hiểu, Lời Chúa không thể có sức sống động nếu không phải nhờ hơi thở của Chúa, chính là Chúa Thánh Thần.

Đây là chân lý rất đơn sơ và gần như là hiển nhiên, nhưng nó cũng rất quan trọng. Đó là quy luật nền tảng cho mọi công loan báo và phúc âm hóa. Thông tin con người được chuyển tải nơi con người, hoặc qua radio, cáp, internet, vệ tinh, v.v... Thông tin thần linh, bởi vì thuộc về thần linh, được chuyển tải nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa thánh Thần là phương tiện đích thật, chính yếu của việc truyền thông, nếu không có Người, người ta không hiểu được sứ điệp bên trong qua những lớp bọc nhân loại. Lời Chúa là “Thần Khí và sự sống” (Ga 6,63), và vì thế chúng không thể truyền đạt và đón nhận mà không ở “trong Thánh Thần”.

Quy luật nền tảng này là điều mà chúng ta thấy được thực hiện cách cụ thể trong lịch sử cứu độ. Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng “với sức mạnh của Thánh Thần’ (Lc 4,14 tt). Chính Người đã tuyên bố rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu cho tôi để tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Khi hiện ra với các tông đồ trong phòng tiệc ly vào chiều Phục sinh, Người nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con! Khi Người nói điều đó, Người thổi hơi và phán bảo họ: ‘Anh em hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần’” (Ga 20,21-22). Khi chỉ thị cho các tông đồ đi khắp thế gian, Chúa Giêsu cũng ban cho họ những phương tiện để hoàn tất sứ vụ này – đó chính là Chúa Thánh Thần – và Người ban Chúa Thánh Thần cách rất ý nghĩa, qua dấu chỉ Người thổi hơi vào họ.

Theo thánh Maccô và Matthêu, lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các tông đồ trước khi về trời là “Hãy đi!”: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15; Mt 28,19). Tuy nhiên, theo thánh Luca, lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu xem ra có sự mâu thuẫn: Hãy ở lại! Hãy lưu lại!: “Còn nh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Dĩ nhiên không có sự trái ngược nào ở đây; nhưng chỉ muốn nói là “hãy đi khắp thế gian nhưng đừng đi khi chưa đón nhận Chúa thánh Thần”.

Toàn bộ trình thuật về Lễ Hiện Xuống được dùng để làm sáng tỏ chân lý này. Chúa Thánh Thần đến và lúc đó Phêrô và các tông đồ khác bắt đầu lớn tiêng rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, lời rao giảng của họ đã có sự đánh động và sức mạnh lạ thường, khiến 3,000 người cảm thấy trái tim họ bị tan nát. Khi xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần tác động trong họ, làm cho họ nhận thấy có một nhu cầu không thể chống lại được là loan báo Tin Mừng.

Thánh Phaolô còn đi xa hơn khi khẳng định rằng không có Chúa Thánh Thần thì không còn quan trọng nữa để loan báo “Chúa Giêsu là Chúa” (1 Cr 12,3), theo Tân Ước, Người là khởi đầu và là tóm kết của mọi công cuộc loan báo Kitô Giáo. Như thánh Phêrô định nghĩa người tông đồ là “những người loan báo Tin Mừng cho anh em nhờ Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1,12). Những lời “Tin Mừng” hay Phúc Âm xác định nội dung rao giảng và “nhờ Chúa Thánh Thần” xác định ý nghĩa hay phương pháp của việc rao giảng.

2- Lời và hành động

Điều đầu tiên cần tránh khi chúng ta nói về việc phúc âm hóa là nghĩ rằng nó đồng nghĩa với việc rao giảng và như thể nó chỉ được dành riêng cho một nhóm riêng biệt thuộc các Kitô hữu. Khi đề cập về bản chất của mạc khải, Dei verbum nói rằng:

“Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó”.[3]

Lời quả quyết này quy chiếu trực tiếp lời của thánh Grêgôriô Cả: “Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ dạy dỗ chúng ta có khi bằng Lời Người và có khi bằng công trình Người” (aliquando nos sermonibus, aliquando vero operibus admonet).[4]

Đây là quy luật áp dụng cho mạc khải từ khởi đầu và cũng áp dụng cho cả lúc đi rao giảng. Nói cách khác, chúng ta không chỉ phúc âm hóa bằng lời nói, nhưng trước hết bằng hành động và cuộc sống, không phải bằng những gì chúng ta nói, nhưng bằng việc chúng ta làm và sống như thế nào.

Một thời Marshall McLuhan giải thích rất ý nghĩa đối với chúng ta châm ngôn sống của ông: “Phương tiện là sứ điệp”. Ông nói rằng chỉ trong Chúa Kitô không có “khoảng cách hay phân biệt giữa phương tiện và sứ điệp: đây là một trường hợp mà chúng ta có thể nói rằng phương tiện và sứ điệp đã hoàn toàn nên một và đồng nhất”.[5] Một sự đồng nhất hoàn toàn như thế giữa sứ giả và sứ điệp chỉ có thể tìm thấy trong Đức Kitô mà thôi, nhưng theo một nghĩa loại suy, sự đồng nhất này cũng cần phải hiện thực nơi những ai đi loan báo Tin Mừng. Ở đây, sứ giả không phải là sứ điệp. Tuy nhiên, nếu những người rao giảng đã hiến dâng hoàn toàn đời sống mình cho Chúa Kitô, nên họ có thể nói như thánh Phaolô: “Không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), khi đó có thể nói mà không sợ sai về họ rằng phương tiện là sứ điệp, đời sống của họ thực sự là sứ điệp.

Có một câu nói trong tiếng Anh mang một ý nghĩa rất đặc biệt để áp dụng cho việc phúc âm hóa: “Actions speak louder than words” (những hành động có âm vang hơn những lời nói). Lời của Đức Phaolô VI quả quyết trong Evangelii nuntiandi thường hay được nhắc lại: “Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu con người lắng nghe các thầy dạy, bởi vì họ là những chứng nhân”.[6]

Một trong những nhà triết gia luân lý nổi tiếng của thế kỷ qua (tên ông không cần nói) một chiều nọ ở trong một nơi và chung sống với người không được giáo dục nhiều. Một người bạn hỏi ông rằng làm sao ông có thể hòa giải giữa điều ông sống với điều ông viết trong sách, ông trả lời cách bình thản với người đó rằng: “Bạn có bao giờ thấy một bảng chỉ đường hướng dẫn hướng đi không?” Đó là một câu trả lời rất thông minh, nhưng cũng là một sự tự kết án mình. Con người thường cho mình là người đưa ra những “những biển báo” chỉ đường cho người khác, nhưng chính họ lại không có bước đi một bước nào cả.

Tôi có thể cho một mẫu gương tốt về sự hiệu quả của chứng tá từ dòng tu mà tôi thuộc về. Sự cống hiến lớn, dù rất âm thần và kín đáo, mà Dòng Capuchinô đã làm cho việc phúc âm hóa trong năm thế kỷ qua của lịch sự hội Dòng, tôi cho rằng, không phải là những bài giảng thuyết hay của những nhà giảng thuyết chuyên nghiệp nhưng là những việc làm của nhóm “những anh em giáo dân”: họ là những người gác cổng đơn sơ và ít học của tu viện hay dòng khất thực.

Toàn bộ số người tái khám phá đức tin và giữ đạo nhờ sự gặp gỡ với họ. Trong số đó, Chân phước Nicôla thành Gesturi, là người rất ít nói nên người ta gọi ngài là “Thầy thinh lặng” và khi ở Sardinia, lúc 58 tuổi trước khi thầy qua đời, Dòng Capuchinô được đồng hoá với thầy Nicôla thành Gesturi, hay với thầy Ignatius thành Laconi, một thầy dòng khất thực thánh thiện khác trong quá khứ. Họ thực hiện những lời thánh Phanxicô Assisi mà một ngày nọ ngài gửi cho những nhà giảng thuyết sống giữa những anh em ngài: “Tại sao các anh lại khoe khoang về những người trở lại, các anh hãy biết rằng những anh em hèn mọn của tôi đã hoán cải họ bằng chính lời cầu nguyện của mình đó”.[7]

Lần kia trong một cuộc đối thoại đại kết, có một người anh em thuộc phong trào Hiện xuống – ông không có tranh luận nhưng có gắng để hiểu – hỏi tôi sao những người Công Giáo gọi Đức Maria là “ngôi sao của phúc âm hóa”. Đây cũng là một cơ hội cho tôi để suy tư về tựa đề này mà Đức Phaolô VI gán cho Đức Maria khi kết thúc Evangelii nuntiandi. Tôi giải thích bằng kết luận rằng Đức Maria là ngôi sao của việc phúc âm hóa bởi vì ngài đã mang Ngôi Lời nhập thể và mang Người (cả cách thể lý) cho toàn thế giới! Mẹ không bao giờ giảng, Mẹ chỉ nói đôi câu, nhưng Mẹ là người tràn đầy Chúa Giêsu, và bất cứ nơi đâu Mẹ đến, Mẹ đều mang hương thơm sự hiện diện của Chúa, như Gioan Tẩy Giả đã cảm nghiệm cả khi còn ở trong dạ mẹ mình. Ai có thể phủ nhận rằng Đức Mẹ ở Guadalupe có một vai trò nền tảng trong cuộc phúc âm hóa và đức tin của dân tộc Mexicô đó sao?

Khi giảng ở đây trong Curia, tôi nghĩ rằng sẽ rất phù hợp đối với tôi là nói lên sự đóng góp mà những ai đã dùng phần lớn thời gian của mình ở trong một bàn giấy hoặc làm việc với những tổ chức hoàn toàn khác nhau để có thể công hiến – và quả thật đã có những cống hiến – cho công cuộc phúc âm hóa. Nếu chúng ta đón nhận công việc của mình như là sự phục vụ cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội, ước gì chúng ta luôn canh tân ý hướng này và không chỉ quan tâm trong lòng như một nghề nghiệp, mà hơn thế như là một nhân viên khiêm tốn của một Bộ để đóng góp cho việc phúc âm hóa hơn cả một nhà giảng thuyết chuyên nghiệp tìm kiếm sự hài lòng con người hơn là hài lòng Thiên Chúa.

3- Làm sao để trở thành những người rao giảng đích thực

Nếu bổn phận phúc âm hóa là dành cho mọi người, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu những nền tảng và điều kiện nào phải có đối với người thực sự muốn trở thành những người rao giảng. Điều kiện đầu tiên là lời đề nghị mà Chúa đã nói với Abraham: “Hãy rời quê hương anh và hãy ra đi” (x. St 12,1). Không có sứ vụ hoặc sai đi nếu trước đó không có sự từ bỏ. Chúng ta thường nói về một Giáo Hội “đi ra ngoài”. Chúng ta cần rời bỏ cửa đầu tiên để đi ra không phải là cửa của Giáo Hội, của cộng đoàn, của cơ quan, hoặc cửa nhà thánh; mà đó là cửa của cái “Tôi” chúng ta.

Chúa Giêsu còn đòi hỏi hơn lời mời gọi của Abraham khi có một người đến xin Người cộng tác trong việc loan báo Nước Trời: “Anh hãy đi, ra khỏi cái tôi của anh và hãy bỏ mình. Bây giờ mọi điều của anh là thuộc về tôi. Đời sống của anh đang thay đổi, khuôn mặt của Tôi đang trở thành mặt của anh. Không phải anh sống nữa, nhưng Tôi sống trong anh”. Đây là con đường duy nhất để chiến thắng những tính hư tật xấu như ghen ghét, ganh tị, sợ hãi, hiềm thù, buồn chán, và ác cảm ... chúng chứa đầy trong tâm hồn của những cái tôi già cỗi – tắt một lời chúng ta cần được “tắm mình” Tin Mừng và để loan tỏa hương thơm của Tin Mừng.

Kinh Thánh cho chúng ta một hình ảnh khác chứa đựng sự thật còn hơn cả những khảo luận mục vụ về việc loan báo Tin Mừng: đó là hình ảnh ăn một cuốn sách, như chúng ta đọc trong sách tiên tri Êdêkiel:

“Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa. Đức Chúa phán với tôi: ‘Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn! Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel’. Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: ‘Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây’.Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 2,9 – 3,1-3; x. Rev. 10,8-10).

Có một sự khác biệt lớn lao giữa Lời Chúa chỉ đơn thuần được nghiên cứu rồi đưa ra loan báo và Lời Chúa trước hết được “ăn” và được đồng hóa. Trong trường hợp thứ nhất, người ta xem người rao giảng giống như một người nói với một cuốn sách đã in, nhưng ông không thành công trong việc lay động tâm hồn người nghe bởi vì chỉ những gì đến từ trái tim lay động trái tim. Khi sử dụng lại hình ảnh trong Êdekien, tác giả sách Khải Huyền đem lại cho chúng ta một sự thay đổi nhỏ nhưng rất ý nghĩa. Ngài nói rằng cuốn sách mà ngài nuốt vào thì rất ngọt như mật ong trên miệng, nhưng sau đó ngài cảm thấy đắng trong lòng (x. Kh 10,10). Vâng bởi vì trước khi Lời đánh động người nghe, nó phải đánh động người giảng, chỉ cho họ thấy tội của họ và thúc đẩy họ hoán cải.

Điều này không thể thực hiện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, có một điều có thể hôm nay, là chấp nhận đi theo cái nhìn này, thực hiện một quyết định cách kiên định, với tất cả những gì chúng ta có thể, là không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Chúa (x. Rm 14,7-9). Tất cả điều này không thể thực hiện đơn thuần như là kết quả của sự cố gắng hy sinh con người; đó cũng là một công trình của ân sủng, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện ở Kinh Nguyện Thánh Thể IV: “Chúng con phải sống không cho chính mình nhưng cho Đấng đã chết và chổi dậy vì chúng con, Ngài đã sai Chúa Thánh Thần đến từ Ngài, lạy Cha, như là hoa quả đầu mùa cho những kẻ tin”.

Thật là đơn giản để làm sao chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần theo cái nhìn phúc âm hóa. Chúng ta chỉ cần xem Chúa Giêsu đã đón nhận Chúa Thánh Thần và Giáo Hội đã đón nhận Người trong ngày Lễ Hiện Xuống như thế nào. Luca miêu tả biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa thế này: “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người” (Lc 3,21-22). Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã mở rộng cửa trời và sai Chúa Thánh Thần xuống, điều tương tự như thế đã xảy ra đối với các tông đồ. Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống khi họ một lòng một ý cầu nguyện (Cv 1,14).

Sự cố gắng dấn thân canh tân truyền giáo cho thấy hai nguy hiểm chính. Một là sự ù lì, lười biếng, không làm gì và để cho người khác làm mọi sự. Thứ đến là để cho mình cuốn theo lối duy hoạt động nhân loại, vô bổ và trống rỗng dẫn đến hậu quả là đánh mất dần dần nguồn mạch dồi dào của Lời và những hiệu quả của Lời. Như thế là để cho mình cuốn theo một sự thất bại.

Càng gia tăng hoạt động thì càng phải gia tăng cầu nguyện. Ai đó có thể phản đối và cho rằng như thế là ngớ ngẩn bởi vì chỉ có chừng đó thời gian thôi. Điều đó đúng, nhưng Người có thể hóa bánh ra nhiều, lại không thể hóa thời gian ra nhiều được sao?

Ngoài ra, đây cũng là điều mà Chúa luôn thực hiện và điều mà chúng ta kinh nghiệm mỗi ngày: sau khi đã cầu nguyện, chúng ta làm chính những công việc đó với một nữa thời gian thôi.

Ai đó cũng có thể nói: “Nhưng làm sao chúng ta có thể ở lại cách thản nhiên trong cầu nguyện mà không chạy đi khi ngôi nhà đang cháy?” Điều đó cũng là rất đúng. Nhưng hãy tưởng tượng cảnh này: một nhóm người cứu hỏa nghe còi báo động xông lên với còi báo động đến chổ hỏa hoạn. Tuy nhiên, khi tới nơi đó, người ta phát hiện ra rằng họ không mang một giọt nước nào trong thùng cả. Điều này cũng giống như khi chúng ta đi loan báo mà không cầu nguyện. Không phải là vì thiếu lời nói; nhưng ngược lại là thiếu người cầu nguyện hơn là thiếu người nói, họ là những lời rỗng tuếch mà không thuyết phục được ai cả.

4- Phúc âm hóa và lòng thương xót

Bên cạnh lời cầu nguyện, có một con đường khác để đón nhận Chúa Thánh Thần đó là có ý hướng ngay lành. Ý hướng của một người khi rao giảng Đức Kitô có thể mang nhiều lý do khác nhau. Thánh Phaolô liệt kê một số lý do trong Thư gửi tín hữu Philiphê: rao giảng vì lợi ích của mình, qua sự ganh tị, tranh chấp, phe nhóm và tranh dành nhau (x. Pl 1,15-17). Nguyên nhân duy nhất bao gồm mọi nguyên khác đó chính là thiếu đức mến. Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng (1 Cr 13,1).

Kinh nghiệm làm cho tôi khám phá một điều: người ta có thể loan bao Chúa Giêsu Kitô vì những lý do họ có mà rất ít thấy hoặc không có một chút đức mến nào cả. Người ta có thể loan báo Chúa bằng việc giúp trở lại đạo, gia tăng con số các thành viên, hay hợp pháp hóa một nhà thờ nhỏ bé của họ, đặc biệt là thành lập nhà thờ... Người ta có thể loan báo Người – khi áp dụng cách máy móc câu của Lời Chúa là mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất (x. Mc 13,10) – bằng cách gia nhập nhiều thành viên ưu tuyển và thôi thúc Chúa trở lại

Một số những lý do này không phải là xấu. Nhưng nếu chúng chỉ làm như thế, thì chưa đủ. Chúng ta còn thiếu đức mến chân thật và lòng thương cảm đối với con người vì đức mến là linh hồn của Tin Mừng. Tin Mừng của tình yêu chỉ có thể được loan báo qua đức mến. Nếu chúng ta không cố gắng yêu mến con người mà chúng ta phục vụ, những lời nói sẽ dễ dàng biến đổi thành những hòn đá trong tay chúng ta để làm thương tổn họ và người nghe cần phải tránh xa, giống như người ta phải dùng ô dù bảo vệ khi có mưa đá.

Tôi luôn ghi nhớ bài học mà Kinh Thánh dạy chúng ta cách mặc nhiên qua câu chuyện của Giona. Giona bị Chúa ép buộc phải đi rao giảng cho thành Ninivê. Nhưng những người Nivivê là kẻ thù của Israel, vì thế, Giona không có lòng yêu thương họ. Ông tỏ ra vui mừng và hài lòng khi ông có thể lớn tiếng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy!” (Gn 3,4). Cảnh tượng về sự hủy diệt này không làm ông buồn phiền gì cả. Tuy nhiên, những người dân thành Ninivê hối cải và Chúa đã tha thứ cho họ thoát khỏi hình phạt. Ở điểm này, Giona trải qua một cuộc khủng hoảng. Chúa nói với ông: “Ngươi thương hai cây thầu dầu mà người đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên... Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Nivinê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,10-11). Chúa đã cố gắng nhiều để thay đổi ông, người rao giảng, hơn là thay đổi tất cả dân thành Nivinê.

Phải có lòng yêu thương đối với con người, nhưng cũng vậy và trên hết phải có lòng yêu mến Chúa Giêsu. Tình yêu của Chúa Kitô hẳn phải thúc bách chúng ta. “Con có yêu thầy không?” Chúa Giêsu hỏi Phêrô. “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (x. Ga 21,15 tt). Chăn dắt và rao giảng phải phát xuất từ tình yêu chân thật dành cho Chúa Kitô. Chúng ta cần yêu mến Chúa Giêsu bởi vì chỉ có người ở trong tình yêu với Chúa Giêsu mới có thể loan báo Chúa cho thế giới với một xác tín sâu sắc. Người say mê rao giảng chỉ những điều mà họ sống trong tình yêu.

Việc loan báo Tin Mừng phải thực hiện bằng đời sống hơn là bằng lời nói. Chúng ta không chỉ dâng lên cho Chúa Giêsu vinh quang nhưng chúng ta còn dâng cho Người niềm vui. Quả thật “niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”,[8] cũng thế, một người đi rao giảng Tin Mừng cũng phải đổ tràn đầy niềm vui vào tâm hồn của Chúa Giêsu. Ý nghĩa của niềm vui và niềm hạnh phúc mà một người kinh nghiệm khi chợt nhiên nhận thấy một người khuyết tật được phục hồi sức sống vì không thể đi lại hoặc bị bại liệt, đó là một dấu chỉ nhỏ bé của niềm vui mà Chúa Kitô trải nghiệm khi Người nhận thấy Chúa Thánh Thần đem lại sự sống cho bộ phần nào đó đã chết trong thân thể Người.

Đây cũng là điều Kinh Thánh nói mà trước đây tôi không có chú ý như bây giờ: “Sứ giả trung tín với kẻ sai mình đi đáng quý như tuyết mát ngày mùa: người đó làm vững lòng ông chủ” (Cn 25,13). Hình ảnh sức nóng và sự mát mẻ trong ngày mùa làm chúng ta nghĩ đến tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ta khát!” Người là “thợ gặt” vĩ đại khát các linh hồn, chúng ta được mời gọi hãy can đảm dấn thân phục vụ cách khiêm tốn và tận tụy cho Tin Mừng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, “tác nhân chính của việc phúc âm hóa”, làm cho chúng con biết dâng lên Chúa Giêsu niềm vui này qua lời nói và công việc chúng con, theo đặc sủng và bổn phận mà mỗi người chúng ta đảm nhận trong Giáo Hội.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển dịch từ https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-3rd-lent-homily-2016-3/

[1] Blessed Paul VI, Evangelii nuntiandi, n. 75, December 8, 1975. All papal quotes are taken from the Vatican website.

[2] The slogan is from Marshall McLuhan, Understanding Media: The Extensions of Man(New York: McGraw Hill, 1964). This is the title for chapter 1, p. 7.

[3] DV 2.

[4] Gregory the Great, “Homily on the Pastoral Office” [Homily 17 on the Gospels], trans. Patrick Boyle (New York: Benziger Brothers, 1908), p. 1.

[5] Marshall McLuhan, The Medium and the Light: Reflections on Religion, eds. Eric McLuhan and Jacek Szklarek (Eugene, OR: Wipf and Stock 1999), p. 103.

[6] Evangelii nuntiandi, n. 41.

[7] Thomas Celano, The Second Life of St. Francis, in The Lives of St. Francis of Assisi, 123, 164, trans. A. G. Ferrers Howell (London: Methuen, 1908), p. 295; see also FF, 749.

[8] Pope Francis, Evangelii guadium, n. 1.
 
Giải đáp phụng vụ: Tại sao các bài đọc Tin Mừng Chúa nhật Mùa Chay trong Năm A được gợi ý đọc trong các năm B và C nữa?
Nguyễn Trọng Đa
09:32 08/03/2016
Giải đáp phụng vụ: Tại sao các bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Chay trong Năm A được gợi ý đọc trong các năm B và C nữa?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong khi sự tò mò có thể giết chết con mèo, nó có xu hướng nuôi linh hồn khi nó là sự tò mò về các điều của Giáo Hội! Tại sao Giáo Hội gợi ý các bài đọc Tin Mừng trong Năm A được đọc cả trong các năm B và C nữa? Con đã được cho biết rằng chúng đang liên kết với "các chọn lọc cẩn thận”, nhưng làm như thế nào? Câu chuyện người phụ nữ Samari bên giếng nước nói với chúng ta điều gì tốt hơn câu chuyện Chúa đuổi người buôn bán khỏi Đền thờ (Chúa Nhật III Mùa Chay), hay câu chuyện về việc chữa lành người mù từ thuở mới sinh nói với chúng ta điều gì tốt hơn chuyện Chúa Kitô giảng dạy ông Nicôđêmô về chính Ngài là ánh sáng (Chúa Nhật IV Mùa Chay)? Và làm thế nào chúng kết nối với "các chọn lọc cẩn thận”? Có manh mối nào chăng, thưa cha? - E. L., Lake Zurich, Illinois, Mỹ.


Đáp: Thật ra câu tục ngữ cũ đã có phần thứ hai: "Sự tò mò giết chết con mèo, thông tin làm cho nó béo".

Cái lý do chính tại sao các bài đọc từ chu kỳ A luôn luôn có thể được dùng trong Mùa Chay, đặc biệt tại các giáo xứ có người lớn chuẩn bị cho khai tâm Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh sắp tới, là có tính chất lịch sử cũng như tính chất mục vụ.

Thời gian Mùa Chay từng bước phát triển trong Giáo Hội thời ban sơ. Trong suốt thế kỷ IV, Mùa Chay ở Rôma được phát triển, từ một sự chuẩn bị ba tuần lễ cho lễ Phục sinh, đến một thời gian 40 ngày, bắt đầu vào một ngày Chúa Nhật. Ngày Thứ Tư Lễ Tro được thêm vào một thời gian sau đó.

Lúc đầu, chỉ có ngày Chúa Nhật được cử hành có tính phụng vụ. Dần dần, các hình thức phụng vụ đặc biệt được thêm vào cho các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Điều này là bởi vì chúng là những ngày dành riêng để hướng dẫn các dự tòng chuẩn bị việc khai tâm. Các yếu tố cần thiết cho việc dạy này vẫn còn được tìm thấy trong phụng vụ cho các ngày đó, và nghi thức hiện nay giữ lại hầu hết các bài đọc Tin Mừng hàng ngày truyền thống, và một số các bài đọc Cựu Ước như là hình thức ngoại thường. Một số các cuộc thẩm vấn và nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn cũng được tổ chức vào các ngày trong tuần như thế. Khi việc rửa tội người lớn trở nên ít phổ biến hơn, các nghi thức ấy đã được đưa vào phần đầu của chính nghi thức rửa tội.

Một Thánh lễ mùa Chay đặc biệt cho các ngày thứ Ba và thứ Bảy đã được bổ sung thêm sau hai thế kỷ kế tiếp, trong khi chúng ta không tìm thấy một văn bản cụ thể cho ngày Thứ Năm cho đến thế kỷ VIII.

Chu kỳ A hiện nay về cơ bản là một sự chuẩn bị cho lễ rửa tội. Chúa Nhật I Mùa Chay sử dụng Tin mừng theo thánh Mátthêu (Mt) về việc Chúa Kitô chịu cám dỗ, Chúa Nhật II Mùa Chay sử dụng Tin mừng theo thánh Mátthêu về việc Chúa biến hình trên núi. Chúa Nhật III Mùa Chay sử dụng câu chuyện người phụ nữ Samari bên giếng nước, từ Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga) 4, 5-42, Chúa Nhật IV Mùa Chay sử dụng câu chuyện về việc chữa lành người mù từ thuở mới sinh, từ Ga 9, 1-41, và Chúa Nhật V Mùa Chay sử dụng câu chuyện Chúa làm cho ông Ladarô sống lại, từ Ga 11, 1-45. Chúa Nhật Lễ Lá kết luận chu kỳ Mùa Chay của các bài đọc Chúa Nhật, với việc đọc Bài Thương Khó.

Các bài đọc Chúa Nhật trong chu kỳ hàng năm duy nhất của hình thức ngoại thường là khác hẳn. Hai tuần đầu tiên là giống nhau. Chúa Nhật III sử dụng Luca 11, mà trong đó Chúa Kitô nói về việc trừ quỉ. Chúa Nhật IV được lấy từ Ga 6 - phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Nhật V, được gọi là "Chúa Nhật Thương Khó", Tin Mừng Ga 8, 46-59 được công bố. Đoạn Tin Mừng này nói về việc Chúa Giêsu hứa sự sống đời đời cho những người tuân giữ lời Ngài, và Ngài tuyên bố thần tính của Ngài khi nói rằng "Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”. Chúa Nhật VI là Chúa Nhật Lễ Lá với việc đọc Bài Thương Khó.

Chu kỳ được trình bày hiện nay trong hình thức thông thường có lẽ là chu kỳ cổ xưa nhất. Có bằng chứng rõ ràng cho nó trong các tác phẩm của Thánh Ambrôxiô (337-397), và có bằng chứng bản thảo cho việc sử dụng nó trong tất cả miền đất của Ý bên ngoài Rôma, cũng như ở Pháp và Tây Ban Nha. Sự thay đổi trong nghi lễ Rôma có thể được giải thích bởi một sự thay đổi trong việc thực hành các chọn lọc cẩn thận diễn ra tại Rôma, vào khoảng cuối thế kỷ VI. Tại Rôma, đã có ba chọn lọc cẩn thận vào Chúa Nhật III, Chúa Nhật IV và Chúa Nhật V của Mùa Chay. Khoảng giữa thế kỷ VI, các chọn lọc cẩn thận được nâng lên bảy bài từ ba bài, và tất cả đã được cử hành vào các ngày trong tuần. Do đó, các công thức Chúa Nhật cũ và các bài đọc liên kết với các chọn lọc cẩn thận này là đơn giản được thay thế bằng các bài khác, không bị ràng buộc đặc biệt cho sự chuẩn bị việc khai tâm.

Do đó, chu kỳ A chuẩn bị cho lễ Phục Sinh và lễ rửa tội với các chủ đề về vượt thắng cám dỗ. Trinh thuật Chúa biến hình cho thấy, theo Thánh Âutinh, rằng Tin Mừng tiếp nhận chứng tá của Luật và các ngôn sứ. Các ngày Chúa Nhật khác phản ánh sự mặc khải dần dần của Đức Kitô và sứ điệp Kitô giáo cho những người sẽ nhận được "nước hằng sống", "ánh sáng trần gian" và "sự sống lại và là sự sống."

Điều này không có nghĩa rằng các bài đọc của các chu kỳ khác không thể được thích ứng với một chủ đề rửa tội. Tuy nhiên, các bản văn truyền thống có trọng lượng của các thế kỷ đằng sau chúng, và được hỗ trợ bởi một sự phong phú của các bình giải từ các Giáo phụ, vốn còn thiếu trong các bản văn khác.

Các phản ảnh này sẽ giúp chúng ta hiểu được lời giải thích, vốn được cung cấp trong Phần dẫn nhập cho Sách bài đọc, liên quan đến các bài đọc Mùa Chay.

"A) Chúa Nhật

"97. Các bài đọc Tin Mừng được bố trí như sau:

"Các Chúa Nhật I và Chúa Nhật II duy trì trình thuật Chúa chịu cám dỗ và Chúa biến hình trên núi, tuy nhiên với bài đọc từ ba Tin Mừng Nhất Lãm.

"Trong ba Chúa Nhật tiếp theo, các Tin Mừng về người phụ nữ Samaria bên giếng nước, người đàn ông mù từ thuở mới sinh, và việc Chúa cho ông Ladarô sống lại đã được phục hồi trong năm A. Vì các Tin Mừng này có tầm quan trọng lớn trong vấn đề khai tâm Kitô giáo, chúng cũng có thể được đọc trong năm B và năm C, đặc biệt là ở những nơi có các dự tòng.

"Tuy nhiên, các bản văn khác được cung cấp cho Năm B và Năm C: cho Năm B, một bản văn từ Ga về vinh quang sắp tới của Chúa Kitô qua Thánh Giá và sự Phục Sinh của Ngái, và cho Năm C, một bản văn từ Lc về sự hoán cải.

"Vào Chúa Nhật Lễ Lá của cuộc Thương Khó của Chúa, các bản văn cho cuộc rước được lựa chọn từ các Tin Mừng Nhất Lãm liên quan đến việc Chúa long trọng vào thành Giêrusalem. Về Thánh Lễ, bài đọc là Bài Thương Khó của Chúa.

"Các bài đọc Cựu Ước là về lịch sử cứu độ, vốn là một trong các chủ đề phù hợp cho việc dạy giáo lý Mùa Chay. Các loạt bản văn cho mỗi năm trình bày các yếu tố chính của lịch sử cứu độ, từ đầu cho đến lời hứa của Giao Ước Mới.

"Các bài đọc từ các Thư của các thánh Tông Đồ đã được chọn cho phù hợp với bài đọc Tin Mừng và bài đọc Cựu Ước và, trong chừng mực có thể, để cung cấp một kết nối giữa chúng với nhau.

"B) Các ngày trong tuần

"98. Các bài đọc từ sách Tin Mừng và Cựu Ước đã được lựa chọn, bởi vì chúng có liên quan với nhau. Chúng bàn các chủ đề khác nhau của giáo lý Mùa Chay, vốn là phù hợp cho ý nghĩa thiêng liện của mùa này. Bắt đầu với thứ Hai của tuần IV Mùa Chay, có việc đọc bán liên tục của Tin Mừng theo thánh Gioan, bao gồm các bản văn tương ứng chặt chẽ hơn với các chủ đề riêng của Mùa Chay.

"Bởi vì các bài đọc về người phụ nữ Samaria bên giếng nước, người đàn ông mù từ thuở mới sinh, và việc Chúa cho ông Ladarô sống lại hiện đang dành cho các ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cho Năm A (trong Năm B và Năm C, chúng là tùy chọn), đã có dự liệu cho việc dùng chúng trong các ngày trong tuần. Như vậy vào đầu tuần III, tuần IV và tuần V Mùa Chay, các Thánh Lễ ngoại lịch với các bản văn này cho Tin Mừng đã được chèn vào, và có thể được sử dụng thay cho bài đọc của ngày bất kỳ trong tuần của tuần tương ứng.

"Trong các ngày đầu của Tuần Thánh, các bài đọc là về mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Đối với Thánh Lễ Truyền Dầu, các bài đọc nêu ra sứ mạng Thiên sai của Chúa Kitô và sự tiếp tục của sứ mạng này trong Giáo Hội qua các bí tích". (Zenit.org 8-3-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Bản ai ca: Đồi Thập Giá
Đinh Văn Tiến Hùng
10:29 08/03/2016
Bản Ai Ca Đồi THẬP GIÁ

*“…Vậy họ đem Đức Giêsu đi. Tự mình vác lấy khổ giá cho mình. Ngài đi đến nơi gọi là Gò Sọ, tiếng Hipri gọi là Golgota. Ở đó họ đã đóng đinh Ngài và cùng với Ngài, 2 người khác nữa mỗi người một bên, Đức Giêsu ở giữa.
Philatô cho viết tấm biển đặt trên khổ giá đề rằng: Giêsu Nazaret vua Do Thái. Tấm biển ấy nhiều người Do Thái đã đọc, vì chỗ Chúa bị đóng đinh sát bên thành và lại viết bằng các tiếng Hipri, La tinh Hy Lạp. Vậy các thượng tế Do Thái thưa với Philatô: Xin ngài đừng viết vua Do Thái, nhưng là tên này đã xưng mình là vua Do Thái. Philatô đáp: Điều ta đã viết là đã viết.

Khi lính tráng đã đóng đinh Đức Giêsu rồi, thì họ lấy áo sống Ngài mà chia làm 4 phần, mỗi người 1 phần, họ lấy cả chiếc áo chùng nữa, nhưng áo chùng ấy lại không có đường khâu, từ trên xuống dưới dệt liền một tấm. Họ mới bảo nhau: Ta đừng xé ra, nhưng hãy bốc thăm xem ai được, ngõ hầu Kinh Thánh được nên trọn :
‘ Chúng chia nhau áo xống tôi,
Và áo chùng của tôi chúng đã bỏ thăm’.
Lính tráng đã thi hành các điều ấy.
Đứng bên khổ giá Đức Giêsu , có Mẹ Ngài và người chị em của Mẹ Ngài, Maria vợ của Klôpa và Maria
người Magdala. Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà ! Đoạn lại nói với môn đồ : Này là Mẹ con ! Và từ giờ đó môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình.
Sau đó Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để Kinh Thánh được nên trọn, thì Ngài nói : Ta khát ! Sẵn có một bình đầy dấm, thì người ta lấy bọt biển thấm đầy dấm cài vào một nhánh bài hương mà đưa lên miệng Ngài. Khi đã nếm dấm rồi, Đức Giêsu nói : Đã hoàn tất ! Đoan gục đầu xuống, Ngài phó thác linh hồn.

Vì là ngày dọn lễ, kẻo xác chết còn lại trên khổ giá ngày hưu lễ và ngày hưu lễ này là một đại lễ, nên người Do thái xin Philatô cho đập bể ống chân các người bị xử mà cất xác đi. Vậy lính đến đập bể ống chân người thứ nhất và cả người kía chịu đóng đanh làm một với Ngài. Đến bên Đức Giêsu thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài và lập tức có máu và nước chảy ra. Người trông thấy đã làm chứng và chứng của người ấy là xác thực và người ấy biết mình đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin. Các điều ấy đã xảy ra là để Kinh Thánh được nên trọn :
‘Không một xương nào của Người đã bị giập’.
Lại còn lời Kinh Thánh khác nói :
‘ Chúng sẽ trông lên người chúng đã đâm’……

( Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan : đoạn 19 từ câu 17 đến 37 )



*Đồi Can-ve sao u buồn ảm đạm !
Mây ngừng trôi che lấp ánh mặt trời,
Vũ trụ ngưng đọng, vạn vật im hơi,
Khắc khoải âu sầu ngày tang trần thế.

Chân đồi lớp người cuốn như sóng bể,
Bọn quan binh đang la hét mở đường,
Tiếng roi vun vút vọng xoáy bi thương,
Tội nhân bị lôi đi không thương tiếc.

Thân mình nát tan, áo quần tơi tả,
Vòng mạo gai đâm suốt chặt quanh đầu,
Máu nhỏ dòng loang lổ khắp châu thân,
Quá kiệt sức nên nhiều lần ngã gục.

Tai vang dội biết bao lời sỉ nhục,
Các thượng tế, luật sĩ, cả đám dân,
Ngẩng mặt đắc chí, hò hét rần rần,
Say đắc thắng vì âm mưu hoàn hảo.

Người nhân đức bước sau buồn ảo não,
Hai phụ nữ dìu theo Người Mẹ hiền,
Lòng Bà dâng trào đau xót triền miên,
Tội tình chi hỡi Con Mẹ yêu dấu !

Tới đỉnh đồi nơi lý hình đang đợi,
Chúng cởi trói, lột áo mà chia nhau,
Giật mạo gai gẫy nát đâm vào đầu,
Để quyết liệt bắt đầu cho bản án.

Bắt tội nhân nằm ngửa trên thập ác,
Và tay chân bị lôi kéo giãn ra,
Tới lỗ đinh còn một khoảng cách xa,
Nghe xương cốt đang tách ra rơi rụng.


Những nhát búa đập mạnh để chọc thủng,
Chân tay tội nhân vặn vẹo đau thương,
Toàn thân quằn quại đau đớn khôn lường,
Không cuộc hành hình nào dã man hơn thế !


Thập giá dựng lên cùng hai tử tội,
Một tử tội biết thống hối kêu cầu,
Khát khao mong đợi diễm phúc bấy lâu,
Đang nhận được vinh quang nơi Thiên Quốc.

Ngước nhìn trời tù nhân cầu nguyện :
Xin tha cho những kẻ làm khốn mình,
Xót thương Gio-an người đệ tử chân tình,
Trao cho Mẹ nhận người con đau khổ.

Rồi xuất thần ngước mặt kêu : Ta khát !
Một lý hình nhúng dấm chua đưa lên,
Sau khi nếm, nghiêng đầu qua một bên,
Kêu : Đã hoàn tất ! Gục đầu tắt thở.

Lòng quặn đứt Bà Mẹ hiền chết ngất,
Khi lính cầm đòng đâm suốt nương nong,
Máu và nước tuôn xuống chảy thành dòng,
Bà đã chết cùng người Con yêu dấu !

Vũ trụ chuyển rung, quay cuồng tinh đẩu,
Bầu trời vần vũ, lốc cuộn bật mồ,
Đền thờ màn xé, mưa sóng tràn bờ,
Có phải chăng đây là ngày tận thế ?

Dấu minh chứng cho muôn ngàn thế hệ,
Người tử tội : Đấng Cứu Thế Hiến Mình !
Chết nhục nhã cho ta sống quang vinh.
Bản Ai ca nhiệm màu đồi Thập Giá !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG







 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh
Dominic Đức Nguyễn
19:25 08/03/2016
NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Thế giới cần vẻ đẹp chân chính
và các nghệ sĩ có nhiệm vụ
đem vẻ mỹ lệ cho con người
qua con đường nghệ thuật.
(Trích lời ĐGH Benedict)