Ngày 07-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/03: Luật Mến Chúa và Yêu Người – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
VietCatholic Media
00:25 07/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 07/03/2024

16. Hiệu quả kỳ diệu nhất của bí tích Thánh Thể chính là miễn cho linh hồn khỏi sa đọa, và giúp cho những người vì yếu đuối mà sa đọa đứng lên làm lại từ đầu.

(Thánh Ignatius of Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:48 07/03/2024
98. CHIM ĐỪNG THAM NGỦ

Năm đầu của Minh Huệ Tông, Hình Công có đảm nhiệm qua chức tri phủ ở Tô Châu.

Nhiều năm liên tiếp bị hạn, tri phủ Hình bèn nghĩ ra một kế, hạ lệnh cho các hồ nước và hồ lau (sậy) phải trưng thuế, bá tính không ngớt báo oán.

Có người làm một bài thơ hài châm biếm:

- “Đong hết sơn điền và thủy điền, chỉ lưu biển xanh cùng trời xanh, ngư thuyền nếu qua nghĩ bãi giữa, mau báo hải âu đừng tham ngủ” (hàm ý là nếu không thuế khóa cũng phải thu).

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 98:

Làm quan mà có lòng tham lại thêm có óc thiển cận thì chỉ khổ dân mà thôi, nhưng thường ai có lòng tham thì các nhân đức khác đều...chạy mất, nhất là nhân đức khôn ngoan và sự hy sinh.

Người Ki-tô hữu nếu được làm quan thì việc trước tiên phải làm là cầu nguyện xin ơn khôn ngoan và sự để phục vụ bá tánh thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì khi cầu xin ơn khôn ngoan thì thường là Thiên Chúa cũng ban cho những ơn khác như: ơn sống liêm khiết để thanh thoát trong khi sử dùng quyền hành, ơn công bằng để biết bênh vực người nghèo, ơn khó nghèo để không làm khổ dân...

Tham lam là ngủ quên trong bổn phận, có óc thiển cận là mĩm cười đắc thắng trên nổi khổ của bá tánh, bởi vì quá tham lợi mà không còn thời gian để suy tính những kế hoạch giúp dân giàu nước mạnh...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đến mức tràn đầy
Lm. Minh Anh
14:04 07/03/2024
ĐẾN MỨC TRÀN ĐẦY
“Chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sống là sống với, sống cùng, sống các mối tương quan!”. Thế mà, tương quan giữa người với Chúa, giữa người với người xem ra luôn nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết. Vấn đề nằm ở phía con người! Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường tình yêu, con đường Giêsu, con đường ngắn nhất để có thể hoàn thiện các mối tương quan ‘đến mức tràn đầy!’.

Bài đọc một nói đến một dân nửa vời, thiếu cam kết, đứt đoạn, nên đã gục ngã trong tội ác. Qua Hôsê, Thiên Chúa mời gọi Israel, “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi!”; “Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”, nghĩa là “Nhờ Ta, ngươi sẽ sống ‘đến mức tràn đầy!’”.

Với bài Tin Mừng, nhân một kinh sư hỏi đâu là giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu chỉ ra con đường ngắn nhất, “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực!”. Tại sao phải yêu mến Chúa? Sự thật là, cách duy nhất để yêu người khác và ngay cả yêu chính mình, là chọn yêu mến Chúa với tất cả những gì chúng ta ‘có’, chúng ta ‘là!’. Ngài là nguồn cội và là cùng đích của mọi tình yêu. Ngài phải được yêu trên hết và trước hết vì Ngài là trọng tâm duy nhất của mọi tình yêu. Điều đáng kinh ngạc là khi càng chọn yêu Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng, mọi tình yêu trong cuộc đời mình - nếu có - là tình yêu do chính Ngài tuôn đổ ‘đến mức tràn đầy’.

Trái lại, nếu tìm cách chia cắt tình yêu, yêu nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết để chỉ dâng cho Chúa một phần trái tim, một phần linh hồn, một phần trí khôn, một phần sức lực, thì tình yêu của chúng ta không thể lớn lên ‘đến mức tràn đầy’. Hạn chế khả năng yêu mến Chúa, con người rơi vào ích kỷ! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đây là giới răn trọng nhất; bởi lẽ, tất cả các giới răn khác bao hàm trong giới răn này. Giới răn trọng nhất định hướng và mời gọi các giới răn khác. Thiên Chúa là suối nguồn tình yêu, chân trời tình yêu! Đóng cửa và lấy đi chìa khoá của tình yêu, con người không bao giờ đạt đến sự cứu rỗi; và như thế, tình yêu của chúng ta đối với Chúa, với nhau, sẽ luôn nông cạn, hời hợt.

A.W. Tozer viết, “Kitô hữu xét cho cùng, là một con người kỳ cục nhưng không kém độc đáo! Họ cảm nhận một tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ dành cho một Đấng mình chưa từng gặp; trò chuyện hằng ngày với Đấng mình chưa từng thấy. Họ bỏ mình để có một cuộc sống sung mãn; mạnh mẽ khi nhận mình hèn yếu; giàu có khi biết mình nghèo; hạnh phúc khi biết mình tồi tệ; và chết đi để sống một cuộc sống tràn đầy hôm nay và mai ngày!”.

Anh Chị em,

“Nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái”. Thập giá Chúa Kitô cũng là một cái gì “kỳ cục nhưng không kém độc đáo!”. Thập giá là biểu tượng của tình yêu, hoa trái của tình yêu, yêu đến cùng. Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha đến nỗi Ngài chỉ có một giấc mơ duy nhất, làm tất cả để vui lòng Cha; Ngài yêu con người đến nỗi chấp nhận hiến dâng mạng sống để cứu nó. Chính nhờ tình yêu ‘đến mức tràn đầy’ Ngài dành cho Cha; từ đó, cho con người, mà “chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác”. Đúng, chỉ trong Chúa Kitô, bạn và tôi mới trổ sinh hoa trái trong các mối tương quan - với Chúa với người - ‘đến mức tràn đầy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con yêu Chúa nửa vời, đứt đoạn và thiếu cam kết! Dạy con yêu như Chúa yêu; từ đó, con lớn lên trong tình yêu Chúa, yêu người, đến mức sung mãn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ánh sáng và bóng tối
Lm. Thái Nguyên
21:43 07/03/2024


CHUỘNG BÓNG TỐI HƠN ÁNH SÁNG
Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm B : Ga 3, 14-21

Suy niệm

Ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà ta chứng kiến mỗi ngày, và phân biệt dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn ta thì quả là phức tạp. Ta thường mệt mỏi khi phải đối diện với những xung đột bên trong, với những giằng co của ánh sáng và bóng tối.

Trong tâm hồn ta có những lúc đầy ánh sáng, là niềm vui, hạnh phúc, những ước mơ đơn sơ ngay lành, nhưng vẫn có những lúc và những vùng đầy bóng tối: bóng tối của buồn sầu chán nản, của ích kỷ tự mãn, của những mưu mô, ghen ghét, hận thù, của cả những thói quen xấu, khiến ta cứ kéo lê cuộc đời mình vì không đủ can đảm để dứt bỏ.

Bóng tối đây không chỉ là một tình trạng cứng đọng của đời sống con người mà còn là một thế lực của sự dữ luôn bao quanh đời sống con người. Thế nên thánh Phêrô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Ánh sáng đây cũng không chỉ là một tình trạng đầy sinh khí và hoan lạc cho đời sống con người, mà còn chính là biến cố Đức Giêsu xuất hiện giữa trần gian. Ngài là “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1, 78-79).

Thật vậy, cuộc giáng sinh của Ngài được trình bày như cuộc chiến thắng của ánh sáng (Lc 2, 9), định mệnh của Ngài là “ánh sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Khi định nghĩa Đức Giêsu là ánh sáng “thật” (Ga 1, 9), Tin Mừng thứ tư nhấn đến tính cách duy nhất và chung cuộc của Ngài đối với thế gian. Như vậy, ánh sáng và bóng tối đều kệ cận với chúng ta, nên ta có thể để cho mình chan hòa ánh sáng, hoặc có thể vùi mình trong bóng tối. Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô đã cho chúng ta thấy rằng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng”.

Nói đến chuộng bóng tối có vẻ khó nghe, nhưng lắm lúc lại đúng với lòng mình. Có những lúc ta thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc hổ ngươi bẽ mặt, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở ta và cho ta cảm giác an toàn. Ta thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để ta tự do làm điều mình muốn, sống điều mình thích. Điều nguy cơ là ta dễ bị nghiện bóng tối. Sống càng lâu trong bóng tối, ta càng ngại bước ra ánh sáng. Ánh sáng khiến ta có cảm giác bị phơi trần, bị dò xét, bị phân xử.

Đức Giêsu giải thích việc người ta chuộng bóng tối là vì các việc họ làm đều xấu xa. Thật thế, ánh sáng bắt ta phải đối diện với sự thật, mà sự thật thường cay đắng và chua chát. Ánh sáng chất vấn ta, đòi ta đặt lại nhiều vấn đề trong đời mình. Ánh sáng làm bại lộ những điều ta muốn giữ kín, nên ta thấy mất an toàn và bị đe dọa. Nhưng có một sự thật hiển nhiên mà ta không muốn nghĩ tới: là không phải không có đe dọa trong bóng tối, nhưng là vì trong bóng tối, ta không thấy mình bị đe dọa.

Hãy nhớ rằng, dù có bước đi với cảm giác an toàn trong bóng tối, ta vẫn là một nạn nhân bị chộp giữ. Ta tưởng mình được tự do, nhưng thực ra là đang tránh né và cuộn tròn mình lại. Ta tưởng mình được bình an, nhưng thực sự đang bất an. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối luôn là cuộc chiến không khoan nhượng, hoặc là ta thuộc về ánh sáng, hoặc là ta bị bóng tối kiềm giữ. Ánh sáng làm tươi đẹp cuộc đời nhưng ai cũng muốn núp trong bóng tối để thỏa mãn cái tôi của mình.

Cuộc sống con người không tránh được những nhập nhằng giữa ánh sáng và bóng tối. Nhưng phúc cho ai quay về với ánh sáng:“Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ”. Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối là quay lại và ngước nhìn lên con rắn đồng như dân Israel xưa. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng cho Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Khi Ngài được treo lên, chính là lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa đổ tràn xuống. Ta được cứu độ là nhờ tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá.

Là Kitô hữu, chúng ta“không còn bước đi trong bóng tối nữa” nhưng có một đích nhắm là ánh sáng của Đức Kitô (Ep 5,14; 2Cr 4,6). Ngày xưa Israel không thể thực hiện được điều đó vì chỉ cậy dựa vào Lề luật, nhưng bây giờ Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu: trong Ngài “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1,13). Chúng ta hãy hân hoan bước theo ánh sáng Đức Kitô đang dọi chiếu trên cuộc đời mình. Ngoài ra còn phải nhớ rằng, mỗi người chúng ta cũng là ánh sáng, là con cái của ánh sáng, mỗi người chúng ta phải ở trong ánh sáng và phải chiếu tỏa ánh sáng ra bên ngoài (Mt 5, 14-16; Ga 9, 4-5).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu,
ánh sáng sự sống chiếu soi muôn đời,
là chính Chúa Đấng rạng ngời muôn kiếp.
Nhưng bóng tối vẫn bàn bạc mênh mang,
bóng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
bóng tối bên trong và bóng tối bên ngoài,
khiến lòng con vẫn u hoài thổn thức,
đã bao lần làm đau nhức tâm can.
Có vẻ như bóng tối che chở con,
và cho con được cảm giác an toàn,
nhưng đời con vẫn cảm thấy bất an,
có nguy cơ cạm bẫy đang rình chờ.
Khi nhìn lại đời sống con mới thấy,
những chỗ tối tăm chưa được khai sáng;
còn cảnh mù mờ chưa được khai quang;
còn bao hỗn mang chưa được khai phóng.
Để đón nhận và bước đi trong ánh sáng,
con phải dẹp tan mọi bóng tối âm u,
dù nhức nhối và tội lỗi bị phơi trần,
nhưng lại an vui trong tinh thần chân thật.
Chúa biết là tình trạng con không tốt,
nhưng rồi vẫn đặt con là ánh sáng,
soi chiếu vào nơi tăm tối trần gian,
con thấy mình thật bất xứng muôn vàn.
Xin tinh luyện tâm con nên trong sáng,
và tình Chúa nơi con mãi hòa chan,
cho bao người trong tăm tối hoang mang,
được ánh sáng bình an luôn soi chiếu. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổ chức Giuđitha giúp đỡ các phụ nữ Kitô giáo bỏ chồng vì bị lạm dụng
Vũ Văn An
15:19 07/03/2024

Michelle La Rosa, trên tập san The Pillar, ngày 6 tháng 3 năm 2024, có bài báo khá dài về một cơ quan có tên khá lạ là “Dòng Giuđitha” (Order of Judith). Trong Đạo Công Giáo, thuật ngữ Dòng thường dùng để chỉ một cộng đồng thánh hiến. Nhưng trong trường hợp này để chỉ một cơ sở thiện nguyện chuyên giúp đỡ những người đàn bà quyết định ra đi vị bị bạo hành trong gia đình. Vì thế, ở đây, chúng tôi tạm dùng thuật ngữ Tổ chức để thay thế. Nguyên văn có thể đọc tại đây https://www.pillarcatholic.com/p/the-order-of-Giuđitha-its-ok-as-a-christian

Khoảng 600 năm trước khi Chúa Kitô giáng sinh, quân Assyria hùng mạnh đang chuẩn bị tấn công dân Israel ở Giu-đê với ý định tàn sát tất cả.

Quân đội Assyria đã bao vây dân Israel ở thành phố miền núi Bethulia, cắt nguồn cung cấp nước của họ. Tuyệt vọng vì suy nhược và khát nước sau một tháng, người dân kêu gọi giao thành phố cho người Assyria.

Giuđitha chặt đầu Hô-lô-phéc-nê của Artemisia Gentileschi. Phạm vi công cộng


Sau đó Giuđitha, một góa phụ người Israel nổi tiếng về sự khôn ngoan và đức hạnh, bước tới, khiển trách dân chúng vì đã không đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Đêm đó, sau khi cầu nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh, Giuđitha và người hầu gái lẻn vào trại của người Assyria, hứa sẽ cung cấp thông tin giúp chinh phục dân Israel.

Say mê trước vẻ đẹp của bà, tướng quân Assyria Hô-lô-phéc-nê [Holofernes] đã tổ chức một bữa tiệc với mục đích quyến rũ Giuđitha.

Nhưng thay vào đó, hắn lại say khướt và ngủ quên.

Khi hắn đang ngủ, Giuđitha chặt đầu hắn bằng chính thanh kiếm của hắn, giải cứu người dân của bà khỏi quân Assyria hùng mạnh, chúng hoảng sợ và bỏ chạy khi nhận ra Hô-lô-phéc-nê đã bị giết.

Câu chuyện trong Kinh thánh về Giuđitha, được kể lại trong cuốn sách Cựu Ước mang tên bà, là nguồn cảm hứng cho Chelsi Creech, người sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Giuđitha, một tổ chức nhằm giúp phụ nữ Ki-tô giáo thoát khỏi nạn bạo hành gia đình.

Năm ngoái, Creech làm việc để giúp một người bạn thoát khỏi bạo lực gia đình.

Trong nhiều tháng, cô đã cố gắng hỗ trợ bạn mình, giúp đỡ bạn tìm các phương thức và giúp cô ấy thực hiện các bước để thoát khỏi sự lạm dụng. Trong những tháng đó, cô nhận thấy điều gì đó về đức tin Kitô giáo của người phụ nữ này đã ảnh hưởng đến trải nghiệm của cô như thế nào.

Creech giải thích: “Mong muốn được an toàn của cô ấy đã bị cản trở bởi sự bóp méo giáo huấn của Kitô giáo và những hiểu biết trong Kinh thánh về hôn nhân cũng như các chủ đề Kitô giáo về tình yêu và trách nhiệm”.

Bạn của cô lo ngại rằng việc rời bỏ một gia đình ngược đãi có nghĩa là cô có thể vi phạm luật pháp của Thiên Chúa - và trở thành một Kitô hữu tồi.

Điều đó làm Creech khó chịu. Và điều đó làm phiền một số phụ nữ khác, những người cũng đang làm việc để hỗ trợ nạn nhân khi họ trải qua một diễn trình dài để thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống của mình.

Vài tháng sau, Creech và một số người bạn quyết định thành lập Tổ chức Giuđitha để giúp những phụ nữ Kitô hữu khác thoát khỏi hoàn cảnh bị ngược đãi.

Creech nói với The Pillar, mục tiêu là “giúp những phụ nữ khác đưa ra quyết định trốn thoát và xây dựng lại sau bạo lực do bạn tình gây ra, đặc biệt từ quan điểm 'Là một phụ nữ Kitô giáo có thể thoát khỏi sự lạm dụng và lạm dụng không phải là điều Thiên Chúa muốn cho cuộc sống của bạn'."

Hàng năm, hơn 12 triệu người ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi bạo lực do bạn tình gây ra. Theo thống kê của CDC, cứ 3 phụ nữ ở nước này thì có hơn 1 người bị cưỡng hiếp, bạo lực thể xác hoặc bị bạn tình rình rập trong suốt cuộc đời.

Người Công Giáo - và rộng hơn là những người theo Kitô giáo- không được miễn trừ khỏi hành vi bạo lực do bạn tình gây ra. Nhưng họ có thể gặp phải những thách thức cụ thể khi rời bỏ những tình huống bị ngược đãi.

Đặc biệt, Creech cho biết cô thấy bạn mình ngần ngại ra đi vì lo ngại cô có thể phá vỡ lời thề hứa hôn nhân, hoặc ý Thiên Chúa muốn cô phải chịu đựng nỗi đau bị ngược đãi.

Khi thành lập Tổ chức Giuđitha, Creech đã rút ra những kiến thức mà cô và những người khác đã thu được trong những tháng họ giúp đỡ bạn mình.

Cô cũng dựa vào nền tảng của chính mình là một nhà tâm lý học lâm sàng.

Cô nói: “Việc đào tạo của tôi tập trung vào sự hòa nhập tôn giáo và tâm linh trong phúc lợi tâm lý, với rất nhiều thực hành nhằm xác định những cách mà các chân lý Kitô giáo thường bị bóp méo để gây tổn hại”.

Các thành viên khác của hội đồng quản trị Tổ chức Giuđitha mang theo nhiều hậu cảnh và kinh nghiệm khác nhau, bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục và phát triển trẻ em cũng như làm việc với những phụ nữ đã thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi.

Họ tin rằng Tổ chức Giuđitha sẽ lấp đầy khoảng trống.

Trong nghiên cứu của mình, họ chỉ tìm thấy một số tổ chức Kitô giáo khác đang hoạt động để giúp phụ nữ thoát khỏi bạo lực do bạn tình gây ra. Một số chỉ hoạt động trong khu vực. Và một số trong số này phản đối việc ly hôn ngay cả trong những trường hợp bị lạm dụng.

Ngược lại, Tổ chức Giuđitha hoạt động trên toàn quốc và không đưa ra quan điểm về việc liệu việc lựa chọn đúng đắn cho bất cứ cá nhân phụ nữ nào là hòa giải, ly thân hay ly hôn - có hoặc không có lệnh hạn chế hoặc truy tố.

Dù một người phụ nữ là Kitô giáo hay không thì vẫn có rất nhiều trở ngại khiến việc rời bỏ người bạn đời bạo hành trở nên khó khăn.

Cecelia Cottrill, người giữ vai trò giám đốc truyền thông và giám đốc thương hiệu của Tổ chức giải thích: Mặc dù thoạt nhìn, có vẻ như việc thoát khỏi một mối quan hệ lạm dụng là điều đơn giản, nhưng diễn trình này phức tạp hơn nhiều so với việc bước ra khỏi cửa.

Việc ra đi cần có tiền bạc, nguồn lực và thời gian để lên kế hoạch. Người phụ nữ phải tìm một nơi ở mới và có thể cần tìm luật sư hoặc xác định xem mình có đủ điều kiện nhận trợ cấp công cộng hay không và cách nộp đơn xin trợ cấp.

Phụ nữ cũng có thể nghĩ rằng họ đáng bị lạm dụng như họ đang gặp. Hoặc thậm chí họ có thể không nhận ra việc điều trị cấu thành hành vi lạm dụng.

Creech nói: “Đó là chủ đề mà tôi nghĩ đã được nhắc đến nhiều lần, cả với người phụ nữ đầu tiên này… và những người phụ nữ mà chúng tôi đã nói chuyện kể từ đó”.

Cottrill, người cũng tham gia vào việc giúp đỡ người bạn đầu tiên rời bỏ người chồng bạo hành của cô, cho biết lạm dụng được định nghĩa là “sự ngược đãi có chủ ý và lặp đi lặp lại”.

Cô giải thích: Điều này có thể có nhiều hình thức. Nhưng mọi người có thể không nhận ra liệu điều đó chỉ xảy ra định kỳ hay nó không giống như họ mong đợi. Ngoài ra, những kẻ bạo hành có thể tỏ ra là những thành viên chính trực trong cộng đồng địa phương của họ, điều này cũng có thể khiến nạn nhân khó nhận ra rằng họ đang bị lạm dụng.

Nhưng các Kitô hữu cũng có thể phải đối mặt với những trở ngại bổ sung làm tăng thêm những thách thức khi rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng. Ví dụ, Cottrill cho biết, lạm dụng tinh thần đôi khi vẫn hiện diện và có thể dễ dàng không được nhận ra.

Cô nói, những kẻ lạm dụng tinh thần có thể bóp méo đức tin để kiểm soát nạn nhân hoặc cô lập họ khỏi Thiên Chúa. Ví dụ, một người chồng có thể tự nhận mình là người hòa giải giữa vợ mình và Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng anh ta là người duy nhất có thể phân định các quyết định thay mặt cho cặp vợ chồng - và anh ta có thể làm điều đó hoàn toàn tách biệt với vợ mình.

Anh ta có thể nói điều gì đó như, “Chà, nếu em là một Kitô hữu tốt hơn, anh đã không phải làm X, Y hay Z, nhưng em thì không, nên anh làm vậy, vì Thiên Chúa muốn anh làm vậy. Thiên Chúa đã đặt anh vào cuộc đời em trong tư cách người lãnh đạo của em.”

Cottrill nói: “Mặc dù nhất thiết phải có sự chia sẻ về đời sống tinh thần giữa vợ và chồng và giữa các đối tác, nhưng điều đó không nên được dàn xếp như vậy”.

Điều này có thể trở nên phức tạp hơn bởi niềm tin cho rằng khái niệm phục tùng trong Kinh thánh có nghĩa là phụ nữ phải chấp nhận sự lãnh đạo của chồng trong mọi quyết định hoặc hành động.

Phụ nữ cũng có thể ngần ngại rời bỏ những hoàn cảnh bị ngược đãi vì họ cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc trở thành cha mẹ đơn thân hoặc sợ rằng làm như vậy có thể ảnh hưởng xấu đến con cái họ.

Creech cho biết, những tác động tiêu cực của việc ly hôn và nuôi dạy con đơn thân thường được thảo luận trong giới Kitô giáo. Và mặc dù những tác động này là có thật, nhưng “việc chứng kiến cha mẹ mình bị ngược đãi hoặc bản thân bị ngược đãi cũng là một sự kiện bất lợi cho tuổi thơ”.

Cô nói, việc rời bỏ hoàn cảnh gia đình bị ngược đãi thường khiến trẻ em có nhiều khả năng được lắng nghe và đáp ứng nhu cầu cũng như nhận được sự hỗ trợ mà chúng cần.

Cô nói: “Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em phải đối đầu với bạo lực gia đình sẽ phát triển các vấn đề nội tâm hóa với tỷ lệ cao hơn so với những đứa trẻ không bị bạo lực hoặc đã trốn thoát”.

Cô trưng dẫn một nghiên cứu năm 2023 sử dụng dữ kiện hoàn cầu, trong đó phát hiện ra các biến chứng về tâm lý, tâm thần, tác phong, giáo dục và xã hội do tiếp xúc với bạo lực gia đình.

Cottrill cho biết một trong những phụ nữ nhận được sự giúp đỡ từ Tổ chức Giuđitha đã ngạc nhiên khi thấy việc nuôi dạy con một mình dễ dàng hơn so với việc nuôi dạy con cái một người chồng bạo hành, bởi vì cô ấy không còn phải dành nhiều thời gian và sức lực để chống lại người bạn đời của mình và cố gắng giữ cho mình và con cái được an toàn.

Creech cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất mà phụ nữ Kitô giáo đôi khi phải đối đầu là niềm tin sai lầm rằng ly hôn là không thể chấp nhận được ngay cả trong những trường hợp bị lạm dụng.

Trong khi Giáo Hội Công Giáo dạy rằng hôn nhân là bất khả tiêu, Giáo hội cũng thừa nhận việc ly hôn dân sự là một thực tế và không cho rằng ly hôn nhất thiết là tội lỗi.

Trên thực tế, hầu hết các tòa án hôn nhân giáo phận thực sự yêu cầu việc ly hôn dân sự phải được hoàn thành trước khi bắt đầu thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu để xác định xem một cuộc hôn nhân có được kết ước thành sự hay không.

Điều này là cần thiết để đưa ra bằng chứng về sự đổ vỡ không thể cứu vãn được trong cuộc hôn nhân và để ngăn chặn công việc của tòa án khỏi bị vướng vào thủ tục ly hôn sau này.

Nhưng nếu một phụ nữ Công Giáo nghĩ rằng mình không thể ly hôn dân sự về mặt đạo đức, hoặc bị đe dọa bởi thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, thì họ có thể bị cản trở việc rời bỏ người chồng bạo hành của mình.

Creech cho biết, việc đối đầu với tất cả những thách thức này có thể khiến phụ nữ rất khó thoát khỏi sự lạm dụng. Cô trích dẫn nghiên cứu từ Đường dây nóng lạm dụng gia đình quốc gia, cho thấy trung bình một phụ nữ phải mất bảy lần cố gắng mới có thể rời bỏ người bạn đời bạo hành thành công.

Và trong khi một người phụ nữ đang quyết tâm rời đi, Creech nói, những người đang hỗ trợ người phụ nữ có thể trở nên xa cách - hoặc vì họ trở nên thất vọng vì người phụ nữ vẫn chưa rời đi, hoặc vì đối tác bạo hành đã thành công trong việc cô lập người phụ nữ.

“Vì vậy, tôi có thể nói rằng việc thiếu sự hỗ trợ có lẽ là một trong những lý do lớn nhất khiến phụ nữ ở lại.”

Tổ chức Giuđitha nhằm mục đích cung cấp sự hỗ trợ đó cho những phụ nữ có mối quan hệ bị lạm dụng, nhằm giúp họ rời bỏ và xây dựng lại cuộc sống.

Phụ nữ thường đến với Tổ chức Giuđitha bằng cách tìm trang web của họ hoặc được bạn bè hoặc thành viên gia đình giới thiệu.

Sau khi phụ nữ liên hệ, điều phối viên tiếp nhận của nhóm lên lịch một cuộc điện thoại kéo dài 30 phút - vào thời điểm người phụ nữ đang ở một địa điểm an toàn và không có nguy cơ bị nghe lén - để thảo luận về tình huống của mình.

“Chúng ta tìm hiểu xem tất cả những ai có liên quan đến tình huống này?” Creech nói. “Có trẻ em tham gia không? Những đứa trẻ này bao nhiêu tuổi? Có phải chỉ có người bạn đời đang bạo hành hay còn có những người khác liên quan cũng đang bạo hành? Những loại lạm dụng đã được trải qua? Bởi vì điều đó có thể thay đổi những nguồn lực mà nạn nhân cần.”

Từ đó, diễn trình thay đổi. Có trường hợp, người phụ nữ đã đóng gói đồ đạc và chỉ cần tiền đi khách sạn. Có trường hợp, người ta cần trợ giúp để lên kế hoạch cho mọi việc.

“Trên trang web của chúng tôi, chúng tôi có một danh sách các tài liệu,” Cottrill nói. “Bạn biết đấy, giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, hộ chiếu, bằng lái xe của bạn. Nếu bạn có con, giấy khai sinh của chúng, tất cả những tài liệu đó.”

“Vậy thử tính xem, bạn có những tài liệu này không? Bạn có biết chúng ở đâu không? Bạn có thể lấy chúng được không?

Ngoài ra, cô nói, điều quan trọng là phải lên kế hoạch đi đâu. Điều quan trọng là tránh đến những nơi mà đối tượng bạo hành sẽ nghi ngờ và có thể tìm thấy nạn nhân.

Người phụ nữ cũng sẽ cần cố gắng tiếp cận tiền, điều này có thể khó khăn nếu đối tác bạo hành có quyền kiểm soát hoặc giám sát tài khoản ngân hàng. Thay vì thực hiện một khoản rút tiền lớn cùng một lúc, điều này có thể gây nghi ngờ, có thể cần phải thực hiện các khoản rút tiền nhỏ hơn trong một khoảng thời gian.

Tổ chức Giuđitha giúp phụ nữ lên kế hoạch cho các bước họ cần thực hiện.

Cottrill nói: “Đó thực sự là việc cố gắng tìm ra những bước nhỏ kín đáo mà bạn có thể thực hiện, để bằng cách đó bạn có thể rời đi mà kẻ ngược đãi bạn không hề hay biết và họ không thể tìm thấy bạn”.

Tổ chức Giuđitha cũng giúp phụ nữ tìm luật sư gia đình và xem xét sự khác biệt giữa việc nộp đơn xin lệnh hạn chế và lệnh bảo vệ.

Và nó giúp họ xem xét các yếu tố mà họ thậm chí có thể không biết - ví dụ: ở một số tiểu bang, việc chuyển con của bạn qua ranh giới tiểu bang mà không có sự đồng ý của cha/mẹ kia được coi là hành vi bắt cóc, vì vậy điều đó cần được tính đến khi quyết định đi đâu.

Creech cho biết: “Chúng tôi cố gắng điều tra vấn đề đó để họ có thể tập trung vào việc giữ an toàn và mua những thứ cần thiết để ra đi”.

Toàn bộ diễn trình được thực hiện có tính đến nhu cầu cụ thể của nạn nhân bị lạm dụng.

Ví dụ, việc tiếp nhận ban đầu diễn ra qua điện thoại, Creech giải thích, “bởi vì nó thực sự làm tăng rủi ro cho sự an toàn của phụ nữ khi có một tài liệu, chẳng hạn như nói rằng chồng cô ấy đã đe dọa giết cô ấy và các con cô ấy, hoặc anh ấy không cho phép họ có tiền mua thực phẩm, hoặc ngăn họ đến các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe, hoặc bất cứ điều gì trong số này.”

Trang web của nhóm được thiết kế trông không có gì nổi bật - thoạt nhìn, nó có thể là trang web của bất cứ thừa tác vụ Kitô giáo nào. Đây là một quyết định có chủ ý nhằm giảm nguy cơ kẻ lạm dụng thấy trang web…

Nhóm đã chọn nhân vật Giuđitha trong Kinh thánh làm tên của họ. Cottrill giải thích rằng câu chuyện của bà là “câu chuyện rất mạnh mẽ về một người phụ nữ vượt qua áp bức nhờ sự phù hộ của Chúa”.

Cottrill cho biết họ muốn bác bỏ quan điểm cho rằng phụ nữ trong Kinh thánh có nghĩa là chấp nhận sự ngược đãi một cách phục tùng.

Creech làm rõ rằng Tổ chức Giuđitha không tha thứ cho bạo lực, nhưng cho biết câu chuyện của Giuđitha là “một câu chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ tìm thấy tiếng nói của mình, tìm thấy năng lực và khả năng của họ để được trao quyền và tích cực đáp lại tình yêu chữa lành của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, ngay cả khi điều đó không giống như những gì chúng ta được dạy để mong đợi việc nữ tính trong Kinh thánh trông như thế nào.”

Cô nói thêm rằng tổ chức này cũng lấy cảm hứng từ những phụ nữ khác trong Kinh thánh, bao gồm Ra-kháp (Rahab), Gia-ên (Jael), Đơ-vô-ra (Deborah) và Étte (Esther).

Cô nói: “Một số phụ nữ này được ca ngợi như những anh hùng đến nỗi cuối cùng họ trở thành hàng ngũ của chính Chúa Kitô, với tư cách là những người tổ mẫu trong đức tin của chúng ta”.

Creech và Cottrill tin rằng có một số cách mà Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đầu tiên, họ nói, cần phải có bài giáo lý tốt hơn về giáo huấn thực tế của Giáo hội về ly hôn và ly thân.

Các lớp học chuẩn bị cho hôn nhân và văn hóa chung của Giáo hội thường nhấn mạnh đến tính lâu dài của hôn nhân, nhưng không thừa nhận rằng Giáo hội thực sự cho phép ly hôn dân sự trong một số trường hợp, bao gồm cả trường hợp lạm dụng, họ nói.

Thứ hai, giống như Giáo hội đã triển khai các lớp học về môi trường an toàn để đối phó với nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Giuđitha muốn thấy việc chuẩn bị cho hôn nhân của Công Giáo bao gồm việc giáo dục về định nghĩa lạm dụng và cách nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm.

Ngay cả khi những sứ điệp này không được nội tâm hóa ngay lập tức, việc có kiến thức này có thể giúp một ai đó nhận ra hành vi lạm dụng nếu nó xảy ra với họ nhiều năm sau đó.

Họ nói thêm rằng các nhà thờ có thể noi gương sân bay, trạm xăng và quán bar, những nơi thường dán tờ rơi trong nhà vệ sinh nữ với các dấu hiệu cảnh báo lạm dụng và những cách kín đáo để phụ nữ ra hiệu rằng họ cần giúp đỡ.

Creech nói thêm rằng cô muốn thấy quá trình chuẩn bị cho hôn nhân bao gồm các cặp vợ chồng cố vấn, những người có thể nói chuyện với cả hai vợ chồng cũng như với từng cá nhân.

Cô nói: “Mọi người đều cần những cộng đồng có thể vừa hỗ trợ vừa yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm. Liều thuốc giải độc lớn nhất cho tình trạng lạm dụng là khi người ta không thể bị cô lập.”

Cô cho biết cô cũng muốn thấy Giáo hội làm nhiều hơn nữa để nêu bật những câu chuyện về các vị thánh hoặc chân phước đã thoát khỏi hoàn cảnh bị lạm dụng.

Bà nói: “[Những cá nhân này] được Giáo hội vinh danh là những người có đức tính anh hùng để noi theo. Những người như Thánh Fabiola của Rome, hay Tôi tớ Chúa Catherine Doherty, hoặc] Chân phước Seraphina Sforza.”

Cô nói “Maria Goretti là vị thánh lúc thêm sức của tôi, tôi yêu mến và ngưỡng mộ bà. Và tôi không có ý bôi nhọ gương sáng đó chút nào. Nhưng chúng tôi không nghe nói về Tôi Tớ Chúa Catherine Doherty, hay Chân phước Seraphina hay bất cứ ai trong số này trong diễn trình chuẩn bị thêm sức của chúng tôi, khi đó đều là những cách có giá trị như nhau để trở thành nữ tín hữu Công Giáo.”

Trong cộng đồng Giáo hội rộng lớn hơn, Creech cũng muốn thấy những câu chuyện về những phụ nữ địa phương đã thoát khỏi nạn lạm dụng và xây dựng lại cuộc sống của họ được chia sẻ.

Cô nói: “Những người này là hàng xóm của chúng ta, họ là cộng đồng của chúng ta”.

Cô nói tiếp: “Nhiều khi có quá nhiều sự xấu hổ, và liều thuốc giải độc duy nhất cho sự xấu hổ đó là ánh sáng, đó là ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô”.

“Biết rằng bạn được chào đón và bạn không phải là món hàng hư hỏng được chúng tôi dung thứ…chúng tôi muốn nói, 'Không, bạn là nền tảng trong cộng đồng của chúng tôi bởi vì tình yêu, sức mạnh và sự kiên trì mà bạn đã thể hiện cho đến thời điểm này, đó là điều chúng tôi mong muốn'."

Cô nói, điều này thậm chí có thể bao gồm những cách cụ thể để giúp phụ nữ xây dựng lại cuộc sống sau khi thoát khỏi sự lạm dụng - ví dụ, thông qua các bữa ăn hoặc dịch vụ chăm sóc trẻ em trong ngày ra tòa.

Tháng tới đánh dấu một năm Creech và Cottrill hỗ trợ người bạn của họ, người đã lìa bỏ người chồng bạo hành của mình - đầu tiên thông qua sự giúp đỡ của hai người trong tư cách cá nhân và sau đó thông qua tổ chức mà cô ấy đã truyền cảm hứng.

Creech nói: “Về cơ bản, chúng tôi đã giúp tài trợ cho cuộc sống của cô ấy trong năm qua”.

Tổ chức Giuđitha là một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Missouri và đang trong quá trình hoàn thiện tư cách phi lợi nhuận của mình. Nhóm gây quỹ thông qua trang web của mình. Tuy nhiên, ngoài tiền, Creech cho biết nhu cầu lớn nhất là lời cầu nguyện.

Creech nói: “Tôi nghĩ điều lớn nhất mà chúng tôi làm, có lẽ là điều khó thấy nhất, nhưng điều lớn nhất mà chúng tôi làm là mang lại hy vọng và lời cầu nguyện”.

Tổ chức được đăng ký tham gia tuần cửu nhật kéo dài 40 ngày trong Mùa Chay này với các Ẩn sĩ đi chân đất của Đức Mẹ Núi Cát Minh. Các nhà lãnh đạo muốn tổ chức các tuần cửu nhật khác trong năm, “chỉ để có những lời cầu nguyện vĩnh viễn xung quanh những người phụ nữ này.”

Cottrill cho biết cô muốn bất cứ phụ nữ nào đang trong tình trạng bị ngược đãi biết “rằng bạn không đáng nhận được sự đối xử mà bạn đang nhận và sự đối xử mà bạn đang nhận không thể hiện vai trò của bạn, địa vị của bạn với tư cách là con gái yêu dấu của Chúa.”

Cô nói tiếp “Sau đó, tôi nghĩ thứ đến, chúng tôi muốn nói với họ rằng bạn không cần phải ở lại và chấp nhận điều đó. Có thể có hy vọng. Có thể có phương pháp chữa lành cho bạn và chúng tôi muốn giúp bạn tìm ra điều đó, tuy nhiên nó sẽ tự biểu hiện ra đối với bạn.”

Creech nói thêm: “Và bạn đang làm ơn để kẻ ngược đãi bạn rời đi. Bởi vì mỗi khi kẻ bạo hành thực hiện một hành vi lạm dụng khác, họ đang tự chất than hồng lên đầu mình để chịu sự phán xét vĩnh viễn. Vì vậy, việc ra đi là một hành động của tình yêu.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội
Thanh Quảng sdb
17:16 07/03/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại một hội nghị quốc tế về nữ giới trong Giáo hội và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận những đóng góp của phụ nữ, đồng thời kêu gọi tăng góp tình đoàn kết và giáo dục để thúc đẩy quyền và phẩm giá cho phụ nữ.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Trong bài phát biểu với những người tham dự viên Hội nghị Quốc tế về chủ đề “Phụ nữ trong Giáo hội: Những người xây dựng nhân loại”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả những người tham dự, bày tỏ lòng biết ơn vì sự hiện diện của họ và việc tổ chức sự kiện này.

Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội cần ghi nhớ điều này, vì Giáo Hội chính là một người nữ: một người con, một hiền thê và một hiền mẫu”.

Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thừa nhận và đánh giá cao những đóng góp của nữ giới trong cộng đồng dân Chúa, đồng thời ngài kêu gọi tình đoàn kết, nhận thức và hợp tác để đạt được mục tiêu này.

Hội nghị quy tụ các thành viên từ khắp nơi trên thế giới, tập trung vào việc nêu bật sự thánh thiện mẫu mực như mười thánh nữ: Josephine Bakhita, Magdeleine Jesus, Elizabeth Ann Seton, Mary MacKillop, Laura Montoya, Kateri Tekakwitha, Teresa of Calcutta, Rafqa Pietra Choboq Ar -Rayès, Maria Beltrame Quattrocchi và Daphrose Mukasanga.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến bác ái, giáo dục và cầu nguyện của họ, thể hiện sự phản ánh độc đáo về sự thánh thiện của Thiên Chúa thông qua những đức tính thiên phú của họ.

“Sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết hơn bao giờ hết”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đồng thời thừa nhận còn quá nhiều những thách đố hận thù, bạo lực và xung đột ý thức hệ trong thế giới ngày nay.

Ngài nói về nhu cầu cấp thiết trước những đóng góp của phụ nữ, mà Ngài cho rằng qua những đặc trưng như sự dịu dàng và lòng trắc ẩn, nhằm thúc đẩy sự đoàn kết và khôi phục bản sắc thực sự cho nhân loại.

Về chủ đề giáo dục, Đức Thánh Cha Phanxicô khen ngợi sự hợp tác giữa hội nghị và các tổ chức học thuật Công Giáo khác nhau.

Ngài nói: “Mọi nỗ lực nhằm mang đến cho các sinh viên những chứng tá về sự thánh thiện, đặc biệt là sự thánh thiện của phụ nữ, có thể khuyến khích họ hướng tới các mục tiêu cao cả hơn”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền đạt những gương mẫu để truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách nhấn mạnh những cuộc đấu tranh đang diễn ra mà phụ nữ trên toàn thế giới phải đối mặt, bao gồm bạo lực, bất bình đẳng và bất công.

ĐTC kêu gọi những nỗ lực phối hợp để giải quyết những vấn đề này, nhấn mạnh tới sức mạnh biến đổi của giáo dục dành cho trẻ em nữ và thanh nữ trong việc thúc đẩy sự phát triển con người nói chung.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác thành quả của hội nghị cho Chúa và ban phép lành cho những người tham gia trước khi ngài kêu gọi tất cả hãy tiếp tục cam kết giúp thăng tiến quyền lợi và phẩm giá của phụ nữ.
 
Tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cùng Giáo triều Rôma. Bài thứ Hai: Ta là ánh sáng thế gian
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:59 07/03/2024


Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng có bài giảng tĩnh tâm trước Giáo triều Rôma.

Bài giảng thứ Hai của Đức Hồng Y có tựa đề: Ta là ánh sáng thế gian

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Trong những bài thuyết giảng Mùa Chay này, chúng ta đã đề nghị suy niệm về những câu “Ta là” (Ego eimi) vĩ đại được Chúa Giêsu tuyên bố trong Tin Mừng Gioan. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra đặt là: Liệu những câu “Ta là” ấy có thực sự được Chúa Giêsu nói ra hay là do những suy tư sau này của Thánh sử, giống như nhiều phần của Tin Mừng Thứ Tư? Câu trả lời mà hầu như tất cả các nhà chú giải ngày nay đều đưa ra cho câu hỏi này là câu thứ hai. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng những lời tuyên bố này thực sự là “từ Chúa Giêsu” và tôi sẽ cố gắng giải thích tại sao.

Có một sự thật lịch sử và một sự thật mà chúng ta có thể gọi là thật sự, hoặc có tính bản thể. Chúng ta hãy lấy một trong những câu “Ta là” của Chúa Giêsu, chẳng hạn như câu: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Nếu thông qua một khám phá mới nào đó khó lòng xảy ra được mà chúng ta biết được rằng câu này, trên thực tế và về mặt lịch sử, đã được Chúa Giêsu trần thế tuyên bố, thì đây không phải là điều khiến câu ấy trở thành “thật” (vì người thốt ra câu đó có thể đang tự lừa dối chính mình!). Điều làm cho tuyên bố này trở nên “thật” đó là – trong thực tế và vượt lên trên mọi khả thể lịch sử –Chúa Giêsu thật sự là đường, là sự thật và là sự sống.

Theo nghĩa sâu xa hơn và quan trọng hơn này, mỗi lời tuyên bố mà Chúa Giêsu đưa ra trong Tin Mừng Gioan đều là thật, kể cả lời tuyên bố long trọng của Người: “Trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8: 58). Định nghĩa cổ điển về chân lý là “sự tương ứng giữa sự vật và ý tưởng mà người ta có về sự vật” (adaequatio rei et Intellectus); chân lý được mạc khải là sự tương ứng hoàn hảo giữa thực tại và lời được mạc khải diễn tả chân lý đó. Vì vậy, những lời vĩ đại mà chúng ta sẽ suy niệm đều đến từ Chúa Giêsu: không phải từ Chúa Giêsu lịch sử, nhưng từ Chúa Giêsu, là Đấng - như Người đã hứa với các môn đệ (Ga 16:12-15) - nói với chúng ta bằng thẩm quyền của Đấng Phục Sinh, qua Thánh Thần của Người.

* * *

Từ hội đường Capernaum miền Galilê, hôm nay chúng ta tiến tới đền thờ Giêrusalem trong miền Giuđêa, nơi Chúa Giêsu đã đến nhân dịp Lễ Lều. Ở đây diễn ra cuộc tranh luận với “người Do Thái”, trong đó lời tự tuyên bố của Chúa Giêsu được đưa ra, mà trong bài suy niệm này, chúng ta muốn tập trung:

“Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12).

Lời này tràn đầy ý nghĩa và quá đẹp đến nỗi các Kitô hữu ngay lập tức chọn làm một trong những tước hiệu yêu thích về Đức Kitô. Trong nhiều vương cung thánh đường cổ - chẳng hạn như nhà thờ chính toà Cefalù và Monreale ở Sicily - bức tranh khảm phía sau thánh đường mô tả Chúa Giêsu là Đấng Pantocrator, hay Chúa của vũ trụ. Người cầm một cuốn sách mở trước mặt và giơ ra trang có viết chính những lời này, bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh: Egô eimi to phos tou cosmou – Ego sum lux mundi - Ta là ánh sáng thế gian.

Đối với chúng ta ngày nay, Chúa Giêsu “ánh sáng thế gian” đã trở thành một chân lý được tin và được công bố, nhưng đã có lúc sự việc không chỉ như vậy, mà hơn thế, đó là một trải nghiệm sống động, như đôi khi xảy ra với chúng ta, chẳng hạn như sau khi cúp điện, ánh sáng bất ngờ có lại, hoặc vào buổi sáng, khi mở cửa sổ, chúng ta được bao phủ với ánh sáng ban ngày. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô nói về trải nghiệm này như một cuộc hành trình “ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2: 9; Cl 1:12 ff.). Khi nhớ lại giây phút hoán cải và lãnh Phép Rửa của mình, Tertullian diễn tả giây phút này bằng hình ảnh một hài nhi bước ra từ bóng tối của lòng mẹ và hoảng sợ khi tiếp xúc với không khí và ánh sáng. Ông viết: “Bước ra từ một cung lòng vô minh, những Kitô hữu chúng ta, run rẩy trước ánh sáng chói lọi của chân lý” [1].

* * *

Chúng ta lập tức tự hỏi: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu “Ta là ánh sáng thế gian” có ý nghĩa gì đối với chúng ta, tại đây và lúc này? Cụm từ “ánh sáng thế gian” có 2 ý nghĩa cơ bản. Trước hết, ý nghĩa thứ nhất đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian vì Người là mạc khải tối cao và chung cuộc của Thiên Chúa cho nhân loại. Lời mở đầu của Thư gửi tín hữu Do Thái nêu rõ điều này một cách rõ ràng và trang trọng nhất:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1:1-2).

Tính mới lạ nằm ở chỗ thực tại độc nhất và không thể lặp lại đó là chính người mạc khải lại chính là mạc khải! “Ta là ánh sáng thế gian” chứ không phải “Ta mang ánh sáng vào thế gian”. Các ngôn sứ nói ở ngôi thứ ba: “Chúa phán thế này!”, còn Chúa Giêsu nói ở ngôi thứ nhất: “Ta bảo cho các ông biết!”. Năm 1964, Marshall McLuhan đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Phương tiện truyền thông là sứ điệp”, nghĩa là phương tiện truyền tải sứ điệp quyết định chính sứ điệp đó. Câu nói này áp dụng một cách độc đáo và siêu việt cho Đức Kitô. Nơi Người, phương tiện truyền tải thực sự là sứ điệp; người chuyển trao sứ điệp cũng chính là sứ điệp!

Như tôi đã nói, đây là ý nghĩa thứ nhất của cụm từ “ánh sáng thế gian”. Thứ đến, ý nghĩa thứ hai đó là: Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian theo nghĩa chính Người chiếu sáng thế gian, có nghĩa là Người phơi bày thế gian cho chính nó; Người phơi bày mọi sự trong sự thật của Người, như chúng ở trước mặt Thiên Chúa.

* * *

Chúng ta hãy suy tư về từng ý nghĩa trong 2 ý nghĩa này, khởi đi từ ý nghĩa thứ nhất, nghĩa là Chúa Giêsu là mạc khải tối cao về chân lý của Thiên Chúa. Từ quan điểm này, ánh sáng là Đức Kitô luôn có một đối thủ cạnh tranh khốc liệt, đó là lý trí con người. Chúng ta nói về vấn đề này không nhằm mục đích luận chiến hay hộ giáo, tức là biết cách làm sao để đáp lại những người chống đối đức tin (điều này sẽ mâu thuẫn với mục đích ban đầu của tôi), mà là để khẳng định mình trong đức tin.

Theo tôi, các cuộc tranh luận về đức tin và lý trí – chính xác hơn là về lý trí và mạc khải – bị ảnh hưởng bởi tính bất đối xứng cao độ. Người có đức tin chia sẻ lý trí với người vô thần; người vô thần không chia sẻ niềm tin vào mạc khải với người có đức tin. Người có đức tin thì nói ngôn ngữ của người đối thoại vô thần; người vô thần thì không nói ngôn ngữ của người đối tác có đức tin.

Đây chính là lý do tại sao cuộc tranh luận thuyết phục nhất về chủ đề đức tin và lý trí lại là cuộc tranh luận diễn ra trong chính con người, giữa đức tin và lý trí của chính mình. Chúng ta có những ví dụ điển hình nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng nhân loại về những người, mà nơi họ, chúng ta không thể nghi ngờ niềm say mê ngang nhau đối với cả lý trí và đức tin: Thánh Augustinô thành Hippo, Thánh Tôma Aquino, Blaise Pascal, Søren Kierkegaard, Thánh John Henry Newman, và chúng ta có thể thêm vào Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI...

Kết luận mà mỗi người trong số các ngài đưa ra đó là hành động tối thượng của lý trí con người là nhận ra rằng có một điều gì đó vượt lên trên lý trí. Đây cũng là điều khiến lý trí trở nên cao quý nhất vì nó cho thấy khả năng vượt lên trên chính nó. Đức tin không đối lập với lý trí nhưng nó giả định cần có lý trí, cũng như “ân sủng giả định phải có tự nhiên” [2].

Ngoài ra còn có một sự hiểu lầm thứ hai cần làm sáng tỏ liên quan đến cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí. Lời chỉ trích phổ biến nhắm vào các tín hữu là họ không thể khách quan, vì đức tin của họ ngay từ đầu đã áp đặt cho họ cái kết luận mà họ phải đạt đến. Nói cách khác, đức tin đóng vai trò như một tiền đề và một thành kiến. Nhưng ở đây người ta không chú ý đến thực tế là chính thành kiến này cũng tác động theo hướng ngược lại đối với nhà khoa học hoặc triết gia không có đức tin, và thậm chí còn theo một cách triệt để hơn nhiều. Nếu bạn đương nhiên giả định rằng Thiên Chúa không hiện hữu, rằng siêu nhiên không tồn tại, và phép lạ là không thể xảy ra, thì kết luận của bạn cũng đã được định trước ngay từ đầu rồi còn gì.

Đây là một ví dụ trong số nhiều ví dụ. Dựa trên nhãn quan của Freud về thực tế, liệu ông có thể thừa nhận rằng “tình yêu phổ quát” của thánh Phanxicô Assisi có một thành phần siêu nhiên được gọi là ân sủng chăng? Tất nhiên là không, và trên thực tế, Freud coi đó là một “nguồn gốc của tình yêu tính dục”. Theo ông, Thánh Phanxicô chỉ “là người đã sử dụng tình yêu nhiều nhất để mang lại lợi ích cho cảm giác hạnh phúc nội tâm của mình”. Nghĩa là, Thánh Phanxicô yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người, yêu mến mọi thụ tạo, và nhất là yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bởi vì điều này mang lại cho thánh nhân niềm vui và khiến ngài cảm thấy dễ chịu! [3],

Con người hiện đại, thay vì chọn chân lý, lại chọn việc tìm kiếm chân lý là giá trị tối thượng. Lessing đã viết rằng: “Nếu Thiên Chúa cầm trong tay phải Ngài tất cả chân lý, và trong tay trái Ngài chỉ có khát vọng hướng về chân lý luôn sống động, cho dù là nó trong tình trạng vĩnh viễn sai, và nếu Ngài nói với tôi: 'Hãy chọn đi!', thì tôi nên khiêm tốn cúi đầu về phía bên trái và nói: 'Đây, thưa Cha! Sự thật thuần khiết chỉ thuộc về Cha mà thôi” [4].

Lý do cho điều này khá đơn giản. Chừng nào bạn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu, thì chính bạn là người dẫn dắt trò chơi, với tư cách là nhân vật chính, trong khi đó, đối diện với chân lý được thừa nhận như vậy, bạn không còn cơ hội nữa và bạn phải đáp lại bằng “sự vâng phục của đức tin”. Đức tin thừa nhận sự tuyệt đối, trong khi lý trí lại muốn tiếp tục tranh luận vô thời hạn. Giống như nàng Scheherazade xinh đẹp trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, lý trí của con người luôn có một câu chuyện mới để kể để trì hoãn sự quy phục của mình.

Chỉ có 2 giải pháp khả thi cho sự căng thẳng giữa đức tin và lý trí: hoặc giảm thiểu đức tin “trong giới hạn của lý trí thuần túy”, hoặc phá bỏ giới hạn của lý trí thuần túy để “mở rộng ra một chân trời vô tận”. Giống như khi Ulysses của Dante, người đã chạm tới “Những cột trụ của Hercules”, mà khi đó từng được coi là nơi tận cùng của Trái đất, quyết định không dừng lại mà biến mái chèo thành đôi cánh cho chuyến bay táo bạo [5].

Tuy nhiên, tôi phải nhất quán với những tiền đề của mình. Cuộc tranh luận về đức tin và lý trí, trước khi trở thành cuộc tranh luận giữa “chúng ta và họ”, giữa người tin và người không tin, phải là cuộc tranh luận giữa chính những người có đức tin. Thật ra, loại chủ nghĩa duy lý tồi tệ nhất không phải là loại chủ nghĩa duy lý bên ngoài, mà là loại chủ nghĩa duy lý bên trong. Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1 Cr 2:4-5).”

Và ở một nơi khác, ngài viết: “Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Ðức Kitô. (2 Cr 10:4-5).”

Tiếc thay điều mà thánh Tông đồ lo sợ đã thường xảy ra giữa chúng ta. Thần học, nhất là ở phương Tây, ngày càng xa rời quyền năng của Thánh Thần để dựa vào sự khôn ngoan của con người. Chủ nghĩa duy lý hiện đại yêu cầu Kitô giáo phải trình bày sứ điệp của mình một cách biện chứng, nghĩa là đặt sứ điệp ấy vào nghiên cứu và thảo luận, để nó có thể phù hợp với khuôn khổ chung, cũng có thể chấp nhận được về mặt triết học của một nỗ lực chung và luôn mang tính tạm thời trong việc tự hiểu về số phận con người và vũ trụ. Tuy nhiên, khi làm như vậy, việc loan báo về cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô phải lệ thuộc vào một thẩm quyền khác - và được cho là có thẩm quyền cao hơn - Việc loan báo này không còn là một lời công bố Tin Mừng nữa mà chỉ là một giả thuyết.

Mối nguy hiểm cố hữu trong đường lối thần học này là Thiên Chúa bị đối tượng hóa. Ngài trở thành một đối tượng mà chúng ta nói đến chứ không phải là một chủ thể – hoặc với sự hiện diện của chủ thể đó – mà chúng ta nói chuyện với. Một “Ông ấy” – hay tệ hơn là “Nó” –chứ không bao giờ là “Ngài”! Đây là hậu quả của việc coi thần học là một “khoa học”. Nhiệm vụ trước hết của những người làm khoa học là phải trung lập với đối tượng nghiên cứu của mình; nhưng liệu bạn có thể giữ thái độ trung lập khi đề cập đến Thiên Chúa chăng? Đây là lý do chính đã thúc đẩy tôi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, từ bỏ việc giảng dạy thần học mang tính hàn lâm để dành trọn thời gian cho việc giảng thuyết. Thật vậy, hậu quả của cách làm thần học này là nó ngày càng trở thành một cuộc đối thoại với giới tinh hoa học thuật của thời đại, và ngày càng ít trở thành nguồn nuôi dưỡng cho đức tin của dân Chúa.

Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi tình trạng này bằng việc cầu nguyện, nói chuyện với Chúa trước khi nói về Chúa. Một vị Giáo phụ cổ xưa đã nói “Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ cầu nguyện thực sự, và nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ là một nhà thần học” [6]. Thánh Augustinô đã đạt được nền thần học bền vững và an toàn nhất của mình – bằng cách nói chuyện với Thiên Chúa trong tác phẩm Lời Tự thú của ngài. Việc chiêm niệm và noi gương Mẹ Thiên Chúa cũng giúp ích cho việc này. Trong cuộc sống trần thế của mình, Mẹ không lưu tâm gì đến những ý tưởng trừu tượng về Thiên Chúa và Chúa Giêsu Con của Mẹ, mà chỉ quan tâm đến thực tại sống động của các Ngài.

* * *

Ở phần đầu, tôi đã đề cập đến ý nghĩa thứ hai của cụm từ “ánh sáng thế gian”, và tôi muốn dành phần cuối cùng trong suy tư của mình cho nghĩa thứ hai này, và đây cũng là phần liên quan chặt chẽ nhất đến chúng ta. Như tôi đã nói, điều này có ý nghĩa khí cụ, có thể nói như thế, trong đó Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian: nghĩa là, Người chiếu sáng mọi sự; và Người làm cho thế gian giống như những gì mà mặt trời làm cho trái đất. Mặt trời không chiếu sáng cho chính nó mà chiếu sáng vạn vật trên trái đất và khiến vạn vật tỏ hiện dưới ánh sáng đích thực của nó.

Cũng theo nghĩa thứ hai này, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người có một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất, là đối thủ nội bộ, đối phương trong nhà. Cụm từ “ánh sáng thế gian” thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của nó tùy thuộc vào việc cụm từ “thế gian” được coi là sở hữu khách quan hay sở hữu chủ quan; nghĩa là tùy thuộc vào việc thế gian là đối tượng được chiếu sáng hay, thay vào đó, là chủ thể chiếu sáng. Trong trường hợp thứ hai này, thì không phải Tin Mừng mà là thế gian khiến chúng ta nhìn mọi sự theo ánh sáng riêng của chúng. Thánh sử Gioan đã khuyên nhủ các môn đệ của mình bằng những lời này: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2: 15-16).

Mối nguy hiểm của việc tuân theo thế gian này – tức là tinh thần thế gian – trong lĩnh vực tôn giáo và tâm linh, cũng tương đương với điều mà trong lĩnh vực xã hội, chúng ta gọi là tục hóa. Chẳng ai (đặc biệt là chính tôi) có thể nói rằng mối nguy hiểm này không rình rập họ. Một câu nói được cho là của Chúa Giêsu trong một bản văn cổ không chính thức có nội dung: “Nếu bạn không kiêng bớt thế gian, bạn sẽ không khám phá được vương quốc của Thiên Chúa”. Đây có lẽ là cuộc ăn chay cần thiết nhất hiện nay: kiêng bớt thế gian, nesteuein tô kosmô, như câu nói đã được trích dẫn ở trên!

Thế gian mà chúng ta nói đến và thế gian mà chúng ta không được tuân theo không phải là thế gian được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương; thực ra, không phải con người thế gian mà chúng ta phải luôn luôn gặp gỡ, đặc biệt là những người nghèo, những người thấp kém, và những người đau khổ. Nghịch lý thay, “việc hòa nhập” với thế giới của những người đau khổ và bị gạt ra lề xã hội này lại là cách tốt nhất để “tách” mình ra khỏi thế gian, bởi vì điều đó có nghĩa là đi đến nơi mà thế gian đang chạy trốn bằng tất cả sức mạnh của nó. Nó có nghĩa là tách mình ra khỏi nguyên tắc thống trị thế giới, là sự ích kỷ.

Sự thay đổi trước hết phải diễn ra trong cách chúng ta tư duy. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu ở Rôma rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính thế tục, nhưng nguyên nhân chính là sự khủng hoảng đức tin. Đức tin là chiến trường chính giữa Kitô hữu và thế gian. Chính nhờ đức tin mà người Kitô hữu không còn “thuộc về” thế gian nữa. Hiểu theo nghĩa đạo đức thì “thế gian” là tất cả những gì chống lại đức tin. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất, “chiến thắng của chúng ta đối với thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5:4). Về vấn đề này, trong Thư gửi tín hữu Êphêsô có một lời đáng để suy ngẫm lâu hơn một chút. Ngài nói: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2).

Nhà chú giải người Đức, Heinrich Schlier, đã thực hiện một phân tích sâu sắc về “tinh thần thế gian” bị Thánh Phaolô coi là đối thủ trực tiếp của “tinh thần phát xuất từ Thiên Chúa” (1 Cr 2: 12). Dư luận xã hội đóng vai trò quyết định trong việc này. Ngày nay chúng ta có thể gọi tinh thần thế gian - theo nghĩa đen - là “sức mạnh của không trung”, bởi vì nó lan truyền trước hết trên không trung qua các phương tiện truyền thông ảo. Schlier viết: “Đây là một tinh thần có mãnh lực lịch sử to lớn, mà cá nhân khó có thể thoát ra. Chúng ta tuân theo tinh thần chung và coi đó là điều hiển nhiên. Hành động, suy nghĩ hoặc nói điều gì đó chống lại tinh thần này đều bị coi là vô nghĩa hoặc thậm chí là bất công hoặc tội ác. Và rồi, chúng ta không còn dám đối diện với các sự vật, tình huống, và nhất là đời sống theo một cách khác với cách mà tinh thần đó thể hiện... Đặc điểm của tinh thần này là diễn giải thế giới và sự tồn tại của con người theo cách riêng của nó” [7].

Đây là điều mà chúng ta gọi là “thích ứng với tinh thần thời đại”. Bài học đạo đức trong bài Così fan tutte của Mozart. Hôm nay chúng ta có một hình ảnh mới để mô tả hành động bào mòn của tinh thần thế gian, đó là virus máy tính. Theo những gì tôi biết, virus là một chương trình được thiết kế độc hại, xâm nhập vào máy tính theo những cách thế không ngờ tới nhất (trao đổi e-mail, trang web...), và một khi xâm nhập vào bên trong, virus này sẽ gây nhầm lẫn hoặc chặn các hoạt động bình thường, do đó, làm thay đổi cái gọi là “hệ điều hành”.

Tinh thần thế gian cũng hành động theo cách tương tự. Nó thâm nhập vào chúng ta qua hàng ngàn kênh, giống như không khí chúng ta hít thở, và khi vào bên trong, nó thay đổi mô hình hoạt động của chúng ta: nó thay thế mô hình “Đức Kitô” bằng mô hình “thế gian”. Thế gian cũng có “ba ngôi”, tức là ba vị thần hay thần tượng để tôn thờ: lạc thú, quyền lực, và tiền bạc. Tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc về những thảm họa mà chúng gây ra cho xã hội, nhưng liệu chúng ta có chắc rằng, ở quy mô nhỏ bé của mình, bản thân chúng ta hoàn toàn miễn nhiễm với những vị thần ấy chăng?

Niềm an ủi lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại thế gian bên ngoài và thế gian bên trong chúng ta là biết rằng Đức Kitô phục sinh vẫn tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta bằng những lời mà Người đã cất lên trước khi từ biệt các môn đệ của mình:

“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (Ga 17: 15-20).

1.Terullianus, Apologeticum 39,9: “ad lucem expavescentes véritatis”.

2.Thomas Aquinas, S.Th., I, q. 2, a. 2 ad 1.

3.S. Freud, Civilization and Its Discontents, IV.

4,G. Lessing, Eine Duplik, I, in Werke 3, Zürich 1974, p.149.

5.See Inferno, XXVI, 125: “We of the oars made wings for our mad flight” (trans. Henry Wadsworth Longfellow).

6.Evagrius Ponticus, De oratione, 61 (PG 79, 1180).

7.Xem Clement Al., Stromata, 111, 15 (GCS, 52, p. 242, 2); A. Resch, Agrapha, 48 (TU, 30, 1906, p. 68).

8.H. Schlier, in “Geist und Leben 31 (1958), pp. 173-183


Source:Cantalamessa
 
Thánh tích của Thánh Tôma Aquinô được rước trong lễ kỷ niệm 750 năm ngày ngài qua đời
Vũ Văn An
21:13 07/03/2024

Courtney Mares của CNA, ngày 7 tháng 3 năm 2024, tường thuật rằng vào đêm trước lễ kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquinô, một hộp sọ được tôn kính như thánh tích của Thánh Tôma Aquinô đã được rước long trọng qua những con đường lát đá cuội của thị trấn Priverno, miền nam nước Ý.



Đức Giám Mục Mariano Crociata dẫn đầu cuộc rước để tôn vinh triết gia và nhà thần học thời Trung cổ được nhiều người coi là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nền văn minh phương Tây, người đã qua đời tại Tu viện Fossanova gần đó vào ngày 7 tháng 3 năm 1274.

Thánh tích này đã được tôn kính trong nhà thờ thế kỷ 12 của thị trấn kể từ khi nó được tìm thấy trên bàn thờ của Tu viện Fossanova gần đó vào năm 1585 với các tài liệu được công chứng cho thấy đó là hộp sọ của Tiến sĩ Thiên thần.

Cha Alessandro Trani, viện trưởng Nhà thờ chính tòa Priverno Santa Maria Annuziata, nói rằng lòng sùng kính mạnh mẽ trong thị trấn, nơi coi Thánh Tôma Aquinô là người bảo trợ, đã có từ nhiều thế kỷ trước.

Cha Trani nói với CNA: “Tại đây Thánh Tôma Aquinô đã trải qua những ngày cuối đời của ngài”.

“[Thánh Tôma Aquinô] đang ở với một người anh họ tại Lâu đài Maenza, và từ đó ngài yêu cầu được đưa đến một nơi thánh thiêng và ngài được đưa đến Tu viện Fossanova, nơi ngài kết thúc cuộc hành hương trần thế của ngài.”

Thánh Tôma Aquinô qua đời ở tuổi 48 tại tu viện nằm giữa Naples và Rome sau khi bị bệnh trên đường tham dự Công đồng Lyons.

Ba tháng trước khi qua đời, Thánh Tôma Aquinô đã trải qua một sự mặc khải mãnh liệt khi dâng Thánh lễ lúc gần hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất của mình, “Summa Theologiae” hay “Tổng lược thần học”. Sau khi trải nghiệm điều mặc khải này, Thánh Tôma Aquinô nói với người bạn và thư ký của mình là Thầy Reginald ở Priverno: “Công việc của tôi đã đến hồi kết. Tất cả những gì tôi đã viết dường như chỉ là đống rơm sau những điều đã được mặc khải cho tôi,” và ngài không bao giờ viết lại nữa.

Thi thể của Thánh Tôma Aquinô ược lưu giữ tại Tu viện Fossanova cho đến năm 1369 khi thánh tích của ngài được chuyển đến Toulouse, Pháp, nơi Dòng Đaminh được thành lập và nơi lăng mộ của Thánh Tôma Aquinô ngày nay có thể được tôn kính trong Nhà thờ Jacobins.

Hộp sọ ở Priverno là một trong hai hộp sọ hiện được các quan chức Giáo hội tuyên bố là hộp sọ của Thánh Tôma Aquinô. Dòng Đa Minh ở Toulouse gần đây đã đặt mua một hòm đựng thánh tích mới đựng hộp sọ của Thánh Tôma Aquinô, hiện đang lưu chuyển ở Pháp và nước ngoài.

Một nhóm sinh viên y khoa và một bác sĩ giải phẫu thần kinh đã tới Priverno vào năm 2023 để kiểm tra di tích giả định về hộp sọ của Thánh Tôma Aquinô ở Ý để tìm bằng chứng về việc liệu ngài có thể đã chết vì chấn thương sọ não hay không và trình bày những phát hiện của họ tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đang điều tra khả thể tiến hành phân tích pháp y chuyên sâu hơn về cả hai hộp sọ ở Ý và Pháp với sự cho phép của chính quyền địa phương để xác thực thánh tích.

Cha Trani thừa nhận rằng việc phân tích DNA một ngày nào đó có thể giúp chứng minh đâu mới là đầu thực sự của Thánh Tôma Aquinô nhưng nhấn mạnh rằng cuối cùng chính “lòng sùng kính mạnh mẽ của người dân mà qua Thánh Tôma Aquinô, cũng như qua mọi vị thánh, mang lại một cuộc gặp gỡ thực sự, đích thực với tình yêu của Thiên Chúa”.

Ngài nói, “Thánh Tôma Aquinô đã nói, và tiếp tục nói với trái tim tôi trong vài tháng tôi làm mục tử của nhà thờ này… Ngài là một phần trong việc đào tạo tôi… bởi vì ngài là một trong những tiến sĩ vĩ đại nhất của Giáo hội”,

Vị linh mục nói thêm, “Điều làm tôi say mê về Thánh Tôma Aquinô là cách ngài dẫn chúng ta vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa với sự đơn sơ của một đứa trẻ luôn biết thắc mắc.”

Cuộc rước và cử hành Thánh Aquinas ở Priverno là một phần trong hai năm kỷ niệm Năm Thánh Thánh Tôma Aquinô của Dòng Đaminh.

Trong Năm Thánh, người Công Giáo có thể nhận được ơn toàn xá bằng cách hành hương đến một thánh địa có liên hệ với Dòng Đa Minh để tham gia các cử hành Năm Thánh hoặc “ít nhất là dành một thời gian thích hợp để hồi tâm đạo đức,” kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, đọc Kinh Tin Kính và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Tôma Aquinô.

Năm Thánh kép của Dòng Đa Minh sẽ kết thúc sau lễ Thánh Tôma Aquinô vào ngày 28 tháng 1 năm 2025, kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ngài. Thánh Tôma Aquinô sinh năm 1225 tại thị trấn Roccasecca của Ý, cách Rome khoảng 75 dặm về phía đông nam, lúc đó là một phần của Vương quốc Sicily.

Đức Giám Mục Crociata của Latina-Terracina-Sezze-Priverno dẫn đầu đoàn rước ở Priverno sau Thánh lễ để tôn vinh Thánh Tôma Aquinô trong một nhà thờ chật cứng chỉ có chỗ đứng. Khi cuộc rước kết thúc, thánh tích được vận chuyển đến Tu viện Fossanova trên ghế trước của một chiếc xe Jeep.

Quốc vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ dâng Thánh lễ trước sự hiện diện của di tích Priverno vào ngày 7 tháng 3 tại Tu viện Fossanova, nơi một hội nghị cũng đang được tổ chức về Thánh Tôma Aquinô và luật tự nhiên được tài trợ bởi Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp tới các học giả tham gia hội nghị để đánh dấu kỷ niệm 750 năm.

Đức Thánh Cha viết: “Tiến sĩ Thiên thần đã xác tín sâu sắc rằng vì Thiên Chúa là sự thật và là ánh sáng soi sáng mọi sự hiểu biết, nên không thể có sự mâu thuẫn cuối cùng giữa sự thật được mặc khải và những sự thật được lý trí khám phá”.

“Trọng tâm trong sự hiểu biết của ngài về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí là niềm xác tín của ngài về quyền năng ân sủng của Thiên Chúa để chữa lành bản chất con người bị suy yếu bởi tội lỗi và nâng cao tâm trí thông qua việc tham gia vào sự hiểu biết và tình yêu của chính Thiên Chúa, và qua đó giúp chúng ta có thể hiểu và sắp xếp đúng đắn cuộc sống của chúng ta trong tư cách cá nhân và trong xã hội.”

Ngài viết thêm: “Ở đây, Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng, chúng ta coi trọng tâm của đời sống Kitô giáo là một hành vi thờ phượng tư tế nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa thế giới của chúng ta”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh vị trí chỗ đứng tốt
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
01:39 07/03/2024
Hình ảnh vị trí chỗ đứng tốt

Trong sinh hoạt đời sống hầu như ai cũng mong muốn cùng cố gắng nỗ lực đạt được vị trí chỗ đứng tốt trong công ăn việc làm ở mọi lãnh vực.

Vị trí chỗ đứng tốt ít hơn về khía cạnh không gian văn phòng chỗ ngồi làm việc rộng rãi tiện nghi thoải mái, nhưng nhiều hơn tình trạng bầu khí sinh hoạt tốt thân thiện với những người cùng sinh hoạt làm việc chung. Nhiều hơn nữa chỗ đứng vị trí có thể gây ảnh hưởng với tiếng nói có trọng lượng cùng chất lượng bàn thảo trong quyết định đưa đến quy định kết luận.

Điều này thể hiện sự cạnh tranh mạnh cùng sâu rộng nơi những người đứng đầu các cơ quan cấu trúc lãnh đạo văn phòng, hãng xưởng khu vực trong đời sống xã hội con người xưa nay.

Có hình ảnh như thế nơi nếp sống đạo giáo tinh thần không?

Văn phòng cơ cấu dù nhỏ luôn cần phải có người ở vị trí đứng đầu. Vì thế vị trí chỗ đứng ở lãnh vực tôn giáo tinh thần đều cần có người đứng đầu.

Nhưng những vị ở vị trí lãnh đạo trong tôn giáo được tuyển chọn cắt cử sai đến, như Đức Giáo Hoàng được các vi Hồng Y bầu chọn, Đức Giám Mục được các linh mục giáo phận chọn đề cử và được Đức Giáo Hoàng chứng nhận bổ nhiệm sai đến làm việc ở giáo phận, các cha xứ được Đức Giám Mục cũng vậy sai đến giáo xứ làm việc mục, nơi các nhà Dòng Tu viện càc Vị Bề Trên được các thành viên nhà Dòng tu viện bầu tuyển chọn. Các vị này có trách nhiệm quyền hành, có nhiều ảnh hưởng, nhưng các Vị luôn cần đến bầu khí tốt thân thiện cùng làm việc cộng tác của mọi người tín hữu Chúa Kito nơi sinh hoạt.

Qua Bí tích Rửa tội người tín hữu Chúa Kito có vị trí chỗ trong cộng đoàn Giáo hội Chúa ở trần gian. Nhưng Thánh Phaolo còn có xác tín sâu xa hướng về tương lai thieng liêng vượt qua khỏi cuộc sống trần gian: Chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kito.( Epheso 2,4-10).

Là con người tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng nuôi sống, không chỉ trên trần gian có được vị trí chỗ đứng làm việc sinh, có tiếng nói ảnh hưởng, nhưng cũng còn có vị trí chỗ đứng tốt ở trên trời bên Thiên Chúa nguồn sự sống, nguồn tình yêu, sau khi đời sống trên trần gian kết thúc.

Vì con người xưa nay không ai sống mãi mãi với thân xác hình hài như đang có. Cuộc đời dọc đường gió bụi trong thung lũng trần gian đầy nước mắt của bất kỳ ai có ngày kết thúc với sự chết. Chúa Giesu Kito là Con Thien Chúa xuống trần gian làm người cũng đã phải sống trải qua con đường đời như bao con người xưa nay. Nhưng Thiên Chúa không để cho Chúa Giesu Kito phải mãi mãi nằm trong nấm mồ sự chết, trái lại đã cho ngài chỗi dậy sống lại và lên trời lại.

Sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giesu Kito là sự sáng tạo mới, sự sáng tạo thứ hai cho trần gian: sự cứu độ, sự sống mới cho linh hồn con người thoát khỏi hình phạt sự chết vì tội lỗi !

Người tín hữu Chúa Kito ở trần gian tin tưởng theo Chúa trong suốt dọc đời mình, sau khi chết, qua tình yêu, lòng thương xót của Chúa, không do thành tích của riêng mình tạo làm ra, cũng được Thiên Chúa cứu độ cho một vị trí chỗ đứng ngồi tốt trên nước trời cùng với Chúa Kito, Đấng đã sống lại từ cõi chết.

Ngày xưa dân Israel phải chịu cuộc sống cảnh lưu đày sang xứ đất nước Babylon xa quê hương xứ sở, họ đau buồn tủi nhục tưởng mình như đã chết, và chỉ còn biết đứng ngồi than van khóc lóc. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi. Ngài qua Ngôn sứ Ezechiel đã mang đến cho họ lời đoan hứa chan hòa sự sống niềm hy vọng: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en.” (Ez 37,12).
 
Thống hối - Trở Về
Đinh văn Tiến Hùng
15:49 07/03/2024
MÙA CHAY, MÙA TRỞ VỀ

Mỗi khi Mùa Chay về, Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen lại vang lên inh ỏi bên tai chúng ta: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12). Phụng vụ lễ ca cũng hát lên những khúc ca không có êm tai chút nào hết, bởi những lời ấy cất lên như túc giục chúng ta: " Hãy trở về, trở về với Cha nhân lành”, vâng, Mùa Chay là Mùa trở về với Chúa".

Phải, không có một hành trình ra đi nào mà không có sự trở về. Sau nhiều năm lưu đày bên Ai-cập, Chúa đã giải thoát Israen và đưa họ về miền đất hứa đầy sữa và mật. Chúa Giêsu xuống thế để cứu chuộc loài người và đã trở về cùng Chúa Cha. Ngài cũng đã nói cho chúng ta biết: "Thầy đi dọn chỗ cho các con. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở". Có chỗ cho mỗi người chúng ta. Đó là hành trình trở về lần sau cùng của tôi, của chị và của anh nơi cõi vĩnh hằng.

Hành trình Mùa Chay năm nay, trước hết ta hãy trở về với chính trở về với con người thật của mình, hầu biết mình, nhận ra, chấp nhận mình, để sửa đổi, tha thứ cho chính mình. Thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cả là trở về để nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Ta không thể cho đi những gì mà mình không có. Cũng thế, ta không thể sửa đổi người khác nếu ta chưa sửa đổi chính mình; và ta cũng không thể trở về với Chúa, và anh chị em nếu ta chưa trở về với bản thân, ta sẽ không nhận được ơn tha thứ trực tiếp của Thiên Chúa nếu ta chưa trở về.

Kế đến ta trở về với tha nhân, và sau cùng là trở về với Chúa qua bí tích Hòa giải, qua thánh lễ, chầu Thánh Thể, qua việc đọc Lời Chúa, cầu nguyện, ngợi khen cảm tạ, và kính sợ Chúa. Chúng ta trở về với cả tâm hồn như lời mời gọi của Chúa hôm nay.

Lời Chúa qua tiên tri Giôen hô vang 2,12-13: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng". Thiên Chúa luôn nhìn những gì ở bên trong con người, ngược lại con người thì thường nhìn những gì ở bên ngoài. Hãy trao chiếc áo tâm hồn rách nát, sầu khổ, tội lỗi cho Chúa để Ngài thanh tẩy, chữa lành, và ban tràn đầy ơn cứu độ cho chúng ta.

Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay là giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự lừa dối trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật.

Ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh là: Ăn Chay, Cầu Nguyện, và Bố Thí vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người Kitô hữu.

Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.

Chúa đòi hỏi rất rõ ràng và minh bạch. Vậy làm thế nào để thực hiện ba điều Tin Mừng nhắc nhở chúng ta: Ăn chay - cầu nguyện - bố thí.

Những việc đạo đức chúng ta làm hàng ngày quy vào ba điều đó. Không phải Mùa Chay chúng ta vẫn làm. Bằng chứng là chúng ta vẫn cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, lãnh nhận các bí tích là chúng ta cầu nguyện. Các ngày thứ Sáu, Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các dịp lễ khác chứng ta vẫn ăn chay. Giúp đỡ người nghèo, góp tiền cho người nghèo ăn Tết là bố thí. Nhưng trong Mùa Chay Thánh, chúng ta phải làm những việc bình thường đó với một tinh thần mới mẻ, tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của Tin Mừng. Cụ thể, khi chúng ta giúp đỡ người khác, thì phải xem có phải có phải chúng ta khoe khoang, trịch thượng, khinh dể người nghèo không, hay là để cho người khác tuyên dương công trạng của chúng ta. "Điều gì tay mặt làm, đừng cho tay trái biết". Ngay chính bản thân mình, có giúp đỡ, phục vụ, thì cũng đừng có kiểu phô trương để rồi sung sướng. Hãy làm như Chúa đã bảo chúng ta. Một mình Chúa biết mà thôi.

Về cầu nguyện, chúng ta vẫn cầu nguyện, nhưng đôi lúc máy móc, không có tôn vinh Chúa, chỉ nghĩ đến mình, cầu nguyện để như là trình diễn. Nói đến việc ăn chay, phải cụ thể, khổ chế, thân xác phải cảm thấy đói, thèm, thiếu thốn, và chúng ta chấp nhận đói, thèm, thiếu thốn để đền lại tội lỗi chúng ta, để xin ơn Chúa cho chúng ta lướt thắng các cơn cám dỗ.

Vậy thưa anh chị em, vài tâm tình chúng ta cùng nhau gợi lên để có thêm nghị lực trở về với chính mình, về Chúa, với anh em, để sống tốt với Chúa và với tha nhân.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này. Amen.

( Trích dẫn bài Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ )

* Bài học Thống Hối & Trở Về *

Và Ta, một khi Ta được dương cao khỏi mặt đất, ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta

( Gioan,12: 32 )

Mỗi ngày mới đẹp bình minh,

Hồng ân nguồn mạch cứu tinh tuôn trào,

Hồn mang vết tội thương đau,

Tịnh trai chữa hết u sầu đắng cay

-Xưa thành Ninivê,

Được Giona tiên tri,

Báo Chúa sẽ giáng phạt,

Phải hối cải ngay đi.

-Vua vâng nghe lời khuyên,

Ban lệnh khắp mọi miền,

Dân đáp lời thống hối,

Nên Chúa cho bình yên.

-Tông đồ cả Phêrô,

Theo bên Chúa từng giờ,

Chợt tỉnh nghe gà gáy,

Ăn năn mắt lệ mờ.

-Thánh Phaolô môn đồ,

Trên đường Đamascô,

Ngã ngựa nghe Chúa gọi,

-Trỗi dậy không chần chờ.

-Noi gương Mai-đệ-Liên, (*)

Tháng ngày nặng triền miên,

Gieo mình trong tội lỗi,

-Theo Chúa hết ưu phiền.

-Thánh Augustinô,

Lạc lối không bến bờ,

Mải mê trong danh vọng,

Chúa khiến tỉnh giấc mơ.

-Người thu thuế Giakêu,

Biết mình phận thấp hèn,

Luôn khát khao mong đợi,

Đón rước Chúa ngày đêm.

-Như đứa con hoang đàng,

Của cải đã tiêu tan,

Nhưng thực tâm trỗi dậy,

Chúa đón nhận hân hoan.

-Con đang sống mỗi ngày

Thân tội lỗi tràn đầy,

Mang tâm hồn nhơ nhớp,

Sao đón Chúa vào đây !

-Xin cho con từng giây,

Đón nhận được hồng ân,

Biết ăn năn thống hối,

Lòng yêu Chúa đắm say.

-Xin Chúa kéo con lên,

Như Ngài hứa năm xưa,

Khi chết trên Thập giá,

Ban đời sống vững bền.

-Con đang trong Mùa chay

Dù tội lỗi tràn đầy,

Con quyết tâm cải hối,

Xin Chúa nhận con đây !

(*) Mai-đệ-Liên là tên Thánh Madalenna chuyển sang tiếng Việt

+ Lời nguyện

Lạy Chúa! Chúa chữa lành cho anh mù, cho dẫu hôm đó là ngày Sabát. Chúa muốn cứu anh thoát khỏi cảnh mù lòa, bởi vì, Chúa không muốn để anh bị mù tối trước những thực tại xung quanh. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng những giọt lệ thốngn hối, để đôi mắt của chúng con được rửa sạch khỏi mọi cấu bẩn, để rồi, chúng con có thể nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong mọi người, mọi việc, nhất là trong những người khó ưa, trong những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất. Xin cho chúng con nhìn được mọi sự nhừ Chúa nhìn. Amen.
 
Church Documents
Thu Trinh 08/03/2024
VietCatholic Media
18:56 07/03/2024
1. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin, hôm thứ Năm cho biết cuộc tập trận quân sự mới nhất của NATO giống như một cuộc diễn tập cho một cuộc đối đầu vũ trang với Nga.

Cuộc tập trận phản ứng Bắc Âu của NATO đang diễn ra trên khắp miền bắc Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan với sự tham gia của 20.000 binh sĩ từ 13 quốc gia.

Patrushev cho biết cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 14/3 đang gây bất ổn và làm gia tăng căng thẳng.

2. Nga triệu tập đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa và tuyên bố sẽ trục xuất các nhà ngoại giao can thiệp vào công việc nội bộ của nước này

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm cho biết họ đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa và cảnh báo bà về “những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga”, Reuters đưa tin.

Trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, Maria Zakharova cho biết hành vi như vậy sẽ “bị trấn áp một cách kiên quyết và thẳng thừng, thậm chí bao gồm cả việc trục xuất các nhân viên đại sứ quán Mỹ có liên quan đến những hành động như vậy”.

3. FSB của Nga hạ sát một người đàn ông Belarus mà họ cho rằng đã lên kế hoạch cho “một hành động khủng bố”

FSB của Nga tuyên bố đã hạ sát một người đàn ông Belarus mà họ cho rằng đã lên kế hoạch cho “một hành động khủng bố” thay mặt cho Ukraine, ở khu vực Karelia phía bắc nước Nga, theo hãng thông tấn nhà nước RIA.

FSB cho biết họ đã "thu giữ vũ khí và một thiết bị nổ tự chế" sau vụ xả súng.

RIA dẫn lời FSB nói rằng người đàn ông này đã có ý định cho nổ tung một tòa nhà hành chính ở thành phố Olonets, cách biên giới Phần Lan khoảng 250 km.

RIA dẫn lời FSB cho biết: “Trong quá trình bắt giữ, tên tội phạm đã nổ súng vào các sĩ quan dịch vụ đặc biệt và bị vô hiệu hóa trong cuộc đụng độ”.

Reuters đưa tin RIA đã công bố đoạn video cho thấy một số đặc vụ FSB bước vào một tòa nhà đổ nát, tối tăm ở một khu vực hẻo lánh, hét lên “ra đây” và sau đó nổ súng. Đoạn video sau đó cho thấy một người đàn ông dường như đã chết nằm trên mặt đất với một khẩu súng ngắn bên cạnh thi thể.

FSB cho biết thiết bị nổ tự chế này được chế tạo bằng chất nổ dẻo do Anh sản xuất và có ngòi nổ do Mỹ sản xuất.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, truyền thông Nga đưa tin tên người đàn ông này là Nikolai Alekseev, một nhà hoạt động 49 tuổi đến từ Belarus, người từng tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập ở đó vào năm 2020.

4. Tướng Nga cảnh báo xung đột Ukraine có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện ở Âu Châu

Một Tướng Nga đã cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở Âu Châu và cho biết khả năng các lực lượng của Mạc Tư Khoa tham gia vào một cuộc xung đột mới đang gia tăng “đáng kể”, hãng tin Reuters đưa tin.

Thượng tướng Vladimir Zarudnitsky, nhà lãnh đạo Học viện Quân sự của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, đã đưa ra nhận xét này trong một bài báo đăng trên “Tư tưởng quân sự”, một ấn phẩm của Bộ Quốc phòng, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin hôm thứ Năm.

“Khả năng leo thang xung đột ở Ukraine - từ việc mở rộng những người tham gia 'lực lượng ủy nhiệm' được sử dụng để đối đầu quân sự với Nga đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Âu Châu - không thể loại trừ", RIA dẫn lời ông nói.

“Nguồn đe dọa quân sự chính đối với đất nước chúng ta là chính sách chống Nga của Mỹ và các đồng minh, những người đang tiến hành một loại hình chiến tranh hỗn hợp mới nhằm làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể, hạn chế chủ quyền và phá hủy toàn vẹn lãnh thổ của nước ta,” ông nói.

“Khả năng của chúng ta bị lôi kéo có mục đích vào các cuộc xung đột quân sự mới đang gia tăng đáng kể.”

Bình luận của Zarudnitsky được đưa ra vào thời điểm phương Tây đang nỗ lực giúp Ukraine có thêm vũ khí và tài chính sau cuộc phản công thất bại của Kyiv vào mùa hè năm ngoái và sau khi lực lượng Nga giành lại thế chủ động trên chiến trường.

RIA cho biết thêm, Zarudnitsky ủng hộ một số thay đổi trong cách Nga tổ chức quân sự và an ninh, bao gồm cả việc nhấn mạnh hơn vào việc dựa vào cái mà ông gọi là các nước thân thiện để bảo đảm an ninh của chính Nga và củng cố toàn bộ xã hội Nga xung quanh nhu cầu quốc phòng của nước này.
 
VietCatholic TV
Putin phóng hỏa tiễn bất khả chiến bại lấy mạng Zelenskiy, nổ cách 150m. Ân nhân cứu mạng của Kyiv
VietCatholic Media
00:29 07/03/2024


1. Zelenskiy có ở cảng Odesa khi hỏa tiễn Nga bị bắn trúng không? Những gì chúng ta biết

Tờ Newsweek nêu câu hỏi như trên trong bài tường trình nhan đề “Was Zelensky at Odesa Port as Russian Missile Struck? What We Know”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã mô tả các vụ nổ vang lên ở thành phố Odesa của Ukraine trong chuyến thăm gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

“ Chúng tôi nghe thấy tiếng còi báo động và tiếng nổ xảy ra gần chúng tôi. AFP đưa tin, chúng tôi không có thời gian để đến nơi trú ẩn”, Mitsotakis nói với các phóng viên, trong khi Zelenskiy nói rằng cuộc tấn công đã khiến một số “người chết và bị thương”.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Hy Lạp, tờ báo Proto Thema đưa tin rằng một hỏa tiễn đã tấn công “cách nơi phái đoàn Hy Lạp tọa lạc 150 mét”, theo một bản dịch.

Nhà báo Hy Lạp Chris Koseloglou đã viết trên X,, rằng các nguồn tin của chính phủ Athens cho biết “không có vấn đề gì với an ninh của Thủ tướng và phái đoàn Hy Lạp”.

Trước khi xác nhận cuộc tấn công, người dùng mạng xã hội đã suy đoán liệu tổng thống Ukraine có ở Odesa vào thời điểm Nga xảy ra vụ tấn công hỏa tiễn hay không và cả hai chính phủ đều không công khai xác nhận cuộc gặp trước thời hạn.

Hãng tin Đông Âu ủng hộ Ukraine Nexta đã đăng một đoạn video về X từ thành phố, trong đó có thể nghe thấy một vụ nổ. Người dùng X Anna Winter đăng rằng một hỏa tiễn Iskander đã tấn công cơ sở hạ tầng trong thành phố, trong khi kênh Telegram của Ukraine theo dõi các cảnh báo trên không đăng rằng 5 người đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong một cuộc tấn công hỏa tiễn.

“Người Nga gửi hỏa tiễn đạn đạo tới trung tâm Odesa trong khi Thủ tướng Hy Lạp và Zelenskiy đang ở trong thị trấn,” người dùng X thân Ukraine “Jay in Kyiv” viết bên cạnh đoạn clip được chia sẻ rộng rãi. “Khoảnh khắc ngày hôm nay đến Odesa,” hãng tin độc lập tiếng Nga Chính trị Quốc gia đăng trên Telegram bên cạnh cùng một video.

“Các tài khoản công cộng địa phương đưa tin rằng Zelenskiy có thể đã ở thành phố vào thời điểm đó, vì các nhân chứng đã nhìn thấy đoàn xe của ông ấy,” kênh này cho biết và thêm vào một bài đăng khác: “Chuyến thăm của Zelenskiy tới Odesa, trong đó thành phố bị trúng hỏa tiễn, là đã được giới truyền thông Hy Lạp xác nhận.”

“Thủ tướng Hy Lạp đã đến Odesa để gặp Zelenskiy. Bây giờ thì rõ 'vụ nổ' là gì trong chuyến thăm cảng”, blogger quân sự người Nga Karnaukhov đăng trên Telegram. “Rõ ràng là họ muốn dọa ai.”

Trong một bài đăng khác bên cạnh hình ảnh tĩnh về làn khói được cho là bốc lên từ cảng Odesa, Karnaukhov viết: “Buổi biểu diễn này là dành cho Zelenskiy, ông ta và đoàn tùy tùng đã bị bao phủ bởi đạn đạo.”

Bên cạnh hình ảnh tương tự, phóng viên Rudenko của kênh Telegram đăng: “Một sự xuất hiện mạnh mẽ ở Odessa. Họ nói rằng Zelenskiy đã được nhìn thấy ở thành phố này”, nói thêm rằng đó là “một sự khiêu khích… nhằm nâng cao xếp hạng của ông ấy”.

Tờ Kyiv Independent cho biết Thủ tướng Hy Lạp đã ở Ukraine được vài giờ và “cùng lúc đó, cảnh báo trên không được công bố ở khu vực Odesa. Nguyên nhân là do máy bay cất cánh trên biển.

“Theo dữ liệu sơ bộ, Odesa đã bị trúng hỏa tiễn Iskander hoặc Onyx, như truyền thông địa phương đưa tin. Chưa có xác nhận chính thức”, cơ quan truyền thông cho biết thêm.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết khu vực Odesa nằm trong số các mục tiêu trên khắp đất nước trong cuộc tấn công quy mô lớn trong đêm của Nga, bao gồm 5 hỏa tiễn phòng không dẫn đường S-300 và hàng chục máy bay không người lái.

Tháng 8 năm ngoái, Athens đã tham gia Tuyên bố chung Nhóm Bảy nước (G7) về các cam kết an ninh đối với Ukraine và Zelenskiy đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Balkan đầu tiên ở Athens vào tháng đó. Vào Tháng Giêng, Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận về nhu cầu phòng thủ của Kyiv với Mitsotakis, “đặc biệt là về phòng không và pháo binh”.

2. Anh cho rằng chiến thuật quân sự chính của Nga thất bại ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Major Russian Military Tactic Failing in Ukraine: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong suốt tháng 2, nhưng các cuộc không kích này không gây thiệt hại nghiêm trọng cho lưới điện của Ukraine.

Trong bản cập nhật tình báo hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã tiến hành một “chiến dịch” tấn công một chiều bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine vào tháng trước, bao gồm cả mạng lưới điện của Kyiv. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra trên khắp Ukraine và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng điện lực địa phương ở các khu vực Donetsk, Dnipro và Lviv.

Nhưng trong khi mục tiêu của Mạc Tư Khoa có khả năng là “làm suy giảm các hoạt động công nghiệp ở Ukraine”, tình báo quân sự Anh cho biết “mạng lưới điện của Ukraine đang duy trì hoạt động ổn định” tính đến hôm thứ Hai. Các cuộc tấn công này bắt chước hành động tấn công dữ dội của Nga vào lưới điện Ukraine vào năm ngoái, dẫn đến tình trạng mất điện luân phiên trên khắp đất nước trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu nhân đạo của Trường Y tế Công cộng Yale đã công bố một báo cáo vào tuần trước ghi nhận 223 trường hợp thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine trong năm qua, lưu ý rằng thiệt hại này phù hợp với “nỗ lực rộng rãi và có hệ thống nhằm làm tê liệt việc sản xuất điện quan trọng và cơ sở hạ tầng truyền tải trên khắp Ukraine.”

Theo Yale News, mục đích của báo cáo là buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc tấn công vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, điều này có thể hàm ý vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Nathaniel Raymond, giám đốc điều hành tại phòng thí nghiệm Yale, cho biết trong cuộc họp ngắn tại: “Thực tế của vấn đề là, đặc biệt là ở Ukraine vào mùa đông, năng lượng điện là điều cần thiết… trong luật pháp quốc tế, thuật ngữ này là phương tiện cần thiết để sinh tồn”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào thứ Hai.

Raymond nói thêm trong sự kiện này rằng mặc dù các báo cáo về các cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine không thể tự mình chứng minh rằng Nga đã vi phạm luật nhân đạo trong cuộc chiến chống lại Ukraine, nhưng dữ liệu “phù hợp rằng một tội ác có thể đã xảy ra”.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt và các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Kyiv vào các trung tâm lọc dầu và nhà máy lọc dầu của Mạc Tư Khoa trong năm qua. Phát ngôn nhân của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với truyền thông địa phương vào tuần trước rằng Điện Cẩm Linh sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 để “bù đắp nhu cầu bùng nổ về các sản phẩm dầu mỏ”.

Xuất khẩu dầu mỏ và ngành năng lượng chiếm khoảng 30% doanh thu ngân sách của Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine.

3. Bị chỉ trích: Pháp khẳng định không hề chậm lụt trong viện trợ quân sự cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Under fire: France insists it’s no slacker on military aid to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bị Đức cáo buộc không viện trợ cho Ukraine hết khả năng của mình, Pháp cuối tuần qua đã đáp trả bằng cách lần đầu tiên công bố danh sách các trang thiết bị quân sự được giao cho Kyiv từ khi bắt đầu chiến tranh đến ngày 31 tháng 12.

Theo người Pháp, viện trợ quân sự của họ trị giá 2,6 tỷ euro, nhiều hơn con số 635 triệu euro ít ỏi được tính toán bởi Viện Kiel, một cơ quan nghiên cứu của Đức chuyên biên soạn danh sách có thẩm quyền về quốc gia nào đang cam kết những gì với Ukraine. Chỉ số đó cho thấy Đức ngày càng là nhà tài trợ quân sự lớn nhất Âu Châu cho Ukraine - hứa hẹn trị giá 17,7 tỷ euro.

Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Sébastien Lecornu viết : “Pháp đã lựa chọn hiệu quả hoạt động trong viện trợ quân sự cho Ukraine: hứa những gì bạn có thể thực hiện, thực hiện những gì bạn có thể hứa”.

Việc chuyển giao vũ khí của Pháp là tâm điểm của sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Paris và Berlin, khi các quan chức Đức công khai bày tỏ sự thất vọng với khoản viện trợ quân sự nhỏ bé của Pháp. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần kêu gọi kiểm toán các khoản đóng góp quốc gia trong bối cảnh thảo luận về cách hiệu chỉnh quỹ Liên Hiệp Âu Châu để hoàn trả các khoản đóng góp quân sự của các quốc gia cho Kyiv.

Đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước rằng quân đội phương Tây có thể được triển khai tới Ukraine đã làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa hai nước.

Trong khi đó, các quan chức Pháp bày tỏ sự thất vọng riêng tư khi Đức từ chối gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus, là thứ có thể sánh ngang với Pháp và Anh, những quốc gia đã bàn giao hỏa tiễn SCALP và Storm Shadow tương tự của họ.

Các quan chức Pháp bao gồm Lecornu từ lâu đã chỉ trích phương pháp luận của Viện Kiel, cho rằng tổ chức của Đức sử dụng các cam kết chứ không phải giao hàng thực tế để tính toán đóng góp của các quốc gia. Tuần trước, Bộ trưởng lực lượng vũ trang Pháp nói với các nhà lập pháp rằng ông đang khuyến khích các tổ chức nghiên cứu của Pháp đưa ra bảng xếp hạng của riêng họ.

Đo lường hiệu quả là rất khó khăn. Những người ủng hộ Pháp lập luận rằng một hỏa tiễn SCALP trị giá ước tính khoảng 850.000 euro, có tác động trên chiến trường nhiều hơn so với xe tăng Leopard 2 của Đức trị giá hơn 10 triệu euro.

Ngoài ra còn có một câu hỏi là có bao nhiêu lời hứa viện trợ thực sự được thực hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã phàn nàn vào tháng trước rằng một nửa số cam kết của phương Tây về thiết bị quân sự không đến đúng thời hạn, đồng thời nhấn mạnh tuyên bố của Pháp rằng có sự khác biệt giữa lời nói và hành động.

Danh sách vũ khí được chuyển giao của Pháp bao gồm 1.002 hệ thống phóng hỏa tiễn chống tăng AT4, 30 pháo tự hành Caesar, hai hệ thống phòng không Rattlesnake, sáu hệ thống hỏa tiễn Mistral và một hệ thống đất đối không tầm trung SAMPT.

Để đạt được con số 2,6 tỷ euro, Pháp tính toán chi phí thay thế cho những gì được gởi cho Ukraine. Trong trường hợp các thiết bị không được thay thế, như trường hợp của một số xe thiết giáp cũ được tặng, thì nó sẽ không được tính vào số tiền cuối cùng.

Tuy nhiên, các thiết bị có giá trị lớn như hỏa tiễn đất đối không Crotale và Aster, hỏa tiễn Mistral và hỏa tiễn tầm xa SCALP không được liệt kê trong danh sách quyên góp của Bộ vì lo ngại nó sẽ cung cấp cho Nga thông tin tình báo.

Các quan chức Pháp cũng khẳng định viện trợ cho Ukraine không nên khiến quân đội Pháp phải trả giá.

“Nguyên tắc cơ bản là không làm tổn hại đến khả năng của chúng tôi. Bằng cách hỗ trợ Ukraine, chúng tôi chưa bao giờ tước bỏ bất kỳ năng lực hoạt động nào của quân đội”, một quan chức của Bộ Lực lượng vũ trang Pháp nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.

Danh sách của Pháp cũng không bao gồm vũ khí cho năm nay - dự kiến sẽ có thêm hỏa tiễn SCALP, hàng trăm quả bom, 12 chiếc Caesar và 100 máy bay không người lái kamikaze, và vào giữa tháng 2, Pháp đã ký một thỏa thuận an ninh song phương trị giá 3 tỷ euro với Ukraine.

Trong thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine được ký vào tháng trước, Đức đã hứa cung cấp gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 1,1 tỷ euro.

Cũng không được tính là thông báo của Macron rằng Paris sẽ đóng góp vào sáng kiến của Tiệp mua 800.000 quả đạn pháo từ bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu để giúp Ukraine - một sự thay đổi đáng kể trong việc nước này thường xuyên chú trọng đầu tư vào khả năng quân sự của Âu Châu.

Tuy nhiên, trong khi các quốc gia bao gồm Hà Lan và Bỉ đã công bố đóng góp, Paris vẫn còn thắc mắc trước khi ký ngân phiếu cho các quốc gia ngoài Liên Hiệp Âu Châu như Ấn Độ hay Nam Hàn. Họ muốn biết liệu Praha đang nói về loại đạn thực tế có sẵn có thể được giao trong vài tuần hay đúng hơn là về “năng lực sản xuất”, trong trường hợp đó, Pháp muốn đầu tư vào các công ty Âu Châu hơn.

Viện Kiel giữ vững quan điểm của mình, dựa trên các thông báo công khai được tham chiếu chéo với thông tin công khai về dự trữ quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước, Christoph Trebesch, người điều hành cơ sở dữ liệu của viện nghiên cứu về viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine, cho biết nhóm nghiên cứu chỉ bỏ sót 9 bệ pháo Caesar trong phân tích quyên góp trước đó.

4. Video cho thấy xe tăng T-90 trị giá 4,5 triệu Mỹ Kim của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Video Shows Russia's $4.5M T-90 Tank Destroyed in Drone Attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cảnh quay mới xuất hiện cho thấy lực lượng Ukraine đã phá hủy một xe tăng T-90 tiên tiến của Nga trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Đoạn phim dài 17 giây trên không, được Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội, được quay bởi Lữ đoàn 92 Biệt Động Quân Ukraine. Nó dường như cho thấy chiếc xe tăng đang bị lực lượng Kyiv nhắm tới tại một địa điểm không xác định ở Ukraine và sau đó chiếc xe tăng từ xa chìm trong biển lửa trên một cánh đồng.

T-90 là xe tăng chiến đấu chủ lực được quân đội Nga sử dụng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Đó là pháo hoa! Bộ Quốc phòng cho biết một máy bay không người lái FPV đã phá hủy xe tăng T-90 của Nga trị giá 4,5 triệu Mỹ Kim. Trang web “1945” chỉ ra rằng những chiếc T-90 mới có thể có giá khoảng 4,5 triệu Mỹ Kim, trong khi các mẫu trước đó và rẻ hơn có thể có giá từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu Mỹ Kim.

Vào tháng 6 năm 2023, Putin đã giới thiệu xe tăng T-90M Proryv là xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin vào thời điểm đó.

“Cần có các hệ thống tác chiến chống tăng hiện đại. Xe tăng hiện đại cũng cần thiết. Ngày nay có thể nói T-90M Proryv là xe tăng tốt nhất thế giới. Ngay khi nó tiếp cận các vị trí, không còn cơ hội nào cho bất cứ ai hay bất cứ thứ gì. Nó bắn đến một phạm vi xa hơn và chính xác hơn. Nó cũng được bảo vệ tốt hơn “, nhà lãnh đạo Nga nói với các phóng viên.

Hôm Chúa Nhật, Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của Rostec, tập đoàn quốc phòng nhà nước, cho biết xe tăng T-14 Armata của Nga là loại xe tăng ưu việt hơn của nước này nhưng nó “quá giá trị” để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Chemezov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti: “Nhìn chung, Armata hơi đắt tiền. “Về mặt chức năng, tất nhiên nó vượt trội hơn nhiều so với các xe tăng hiện có, nhưng nó quá giá trị nên quân đội khó có thể sử dụng nó lúc này. Họ sẽ dễ dàng mua những chiếc T-90 tương tự hơn”.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Hai rằng Mạc Tư Khoa cho đến nay đã mất 6.657 xe tăng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Số liệu này được cung cấp bởi Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, đồng thời đưa ra ước tính về lực lượng quân sự của Nga. tổn thất về binh lính và trang thiết bị hàng ngày.

Kyiv cho biết Nga cũng đã mất tổng cộng 419.020 binh sĩ, 10.258 hệ thống pháo binh, 12.688 xe thiết giáp cũng như 347 máy bay phản lực quân sự trong cuộc chiến đang diễn ra. Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu của Ukraine.

5. Nhà lãnh đạo Cơ quan An ninh và Thông tin Moldova cho rằng Nga đang lên kế hoạch cho những nỗ lực mới nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước bằng cách kích động các cuộc biểu tình, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và phá vỡ kế hoạch gia nhập Liên minh Âu Châu.

Alexandru Musteata cho biết cơ quan của ông đã chặn một on số kỷ lục các hoạt động của cơ quan an ninh Nga kể từ năm 2023 và dự kiến sẽ có nhiều hành động gây bất ổn hơn trong năm nay và năm tới.

Musteata nói với giới truyền thông: “Các cơ quan tình báo Nga cũng có ý định can thiệp vào quá trình bầu cử năm nay”.

“Chúng tôi có thông tin rằng những nỗ lực đang được thực hiện nhằm gây bất ổn một cuộc trưng cầu dân ý về hội nhập Âu Châu, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, cũng như làm mất uy tín của các tổ chức chính phủ và chính trị gia ủng hộ việc Moldova gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.”

Tuần trước, các quan chức thân Nga ở vùng Transnistria ly khai của Moldova đã kêu gọi Mạc Tư Khoa “bảo vệ”. Transnistria, giáp Ukraine ở phía đông, đã duy trì quyền tự trị khỏi Moldova trong ba thập kỷ với sự hỗ trợ từ Nga. Putin có 1500 quân Nga đồn trú ở đó.

6. Báo cáo cho thấy Vladimir Putin lo ngại về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin Is Concerned About Low Voter Turnout: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo hôm thứ Hai, văn phòng của Putin lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Nga sẽ không đáp ứng được kỳ vọng về số lượng cử tri đi bỏ phiếu.

Meduza, một tờ báo độc lập của Nga, viết rằng Điện Cẩm Linh đang thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao để chống lại những cáo buộc phổ biến rằng các cuộc bầu cử ở Nga có gian lận.

Putin đã giữ chức tổng thống Nga từ năm 2000 đến năm 2008 và kể từ năm 2012, với một thời gian là thủ tướng và là nhà lãnh đạo hành pháp của nhà nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Putin vẫn được những người Nga hiếu chiến yêu mến, ngay cả khi sự ủng hộ dành cho cuộc chiến của ông ở Ukraine được cho là đã suy giảm và ông được nhiều người dự đoán sẽ giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ sáu trong cuộc bầu cử vào tháng 3.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, viết rằng lý do chính khiến Điện Cẩm Linh tiếp tục nỗ lực mang lại tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao là “để thể hiện chiêu bài về tính hợp pháp và sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng” trong cử tri của Putin.

Tuy nhiên, việc Putin gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng vang dội - dù là hợp pháp hay do gian lận kết quả - có thể là lý do khiến nhiều cử tri có thể ở nhà trong suốt cuộc bầu cử.

ISW viết rằng hiện đã có “cảm xúc rộng rãi ở Nga rằng cuộc bầu cử đã được quyết định và người Nga nhìn chung đã chấp nhận rằng Putin đã giành chiến thắng một lần nữa”.

Theo Meduza, Điện Cẩm Linh dự định đạt mốc 70 đến 80% cử tri đi bỏ phiếu khi các cuộc bỏ phiếu mở cửa từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3. Để đạt được mục tiêu này, Điện Cẩm Linh được cho là đang tìm cách huy động các công dân có quan hệ với chính phủ, bao gồm cả người lao động trong ngành và những người làm việc trong các tập đoàn nhà nước cũng như người thân, bạn bè của họ.

Một ví dụ được tờ báo này trích dẫn là các nhân viên của đảng chính trị Nước Nga Thống nhất. Những nhân viên này được cho là phải mang theo ít nhất 10 người đến các điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, một số tập đoàn lớn có quan hệ với Điện Cẩm Linh được cho là chỉ yêu cầu nhân viên mang theo hai người đi bỏ phiếu.

Meduza lưu ý rằng không có quy tắc thực tế nào về cách thực thi các yêu cầu này. Ấn phẩm trực tuyến cũng cho biết Điện Cẩm Linh được cho là đang xem xét các phương pháp khác để tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bằng cách làm cho việc bỏ phiếu thuận tiện hơn. Điều này bao gồm việc cung cấp cho cử tri tùy chọn phương thức bỏ phiếu điện tử và mã QR.

ISW nói thêm rằng họ “từ lâu đã đánh giá rằng việc chuẩn bị bầu cử của Điện Cẩm Linh nhằm mục đích coi cuộc bầu cử là hoàn toàn hợp pháp và được phổ biến rộng rãi với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đông đảo”.

7. Truyền thông Ba Lan đưa tin hôm thứ Ba rằng ba vật thể không xác định trông giống như quả bóng bay dự báo thời tiết đã được tìm thấy ở phía đông bắc đất nước và một số trong số chúng có dòng chữ Cyrillic.

Các vật thể này nằm ở hồ Mazury của Ba Lan, cách biên giới với vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga từ 20 km đến 100 km.

Đài phát thanh tư nhân RMF FM cho biết không có quả bóng bay nào có gắn bất kỳ thiết bị đặc biệt nào.

Emilia Plawska của cảnh sát địa phương ở Szczytno nói với giới truyền thông rằng quân đội đã được thông báo và sẽ kiểm tra.

Phát ngôn nhân của cảnh sát khu vực, Rafal Jackowski, cho biết đã có “nhiều” sự việc với khí cầu khí tượng trong khu vực.

Ba Lan ủng hộ nước láng giềng Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và cáo buộc Mạc Tư Khoa tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Ba Lan.

8. Ukraine chứng kiến Âu Châu giúp lấp đầy khoảng trống do viện trợ của Mỹ bị đình trệ

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine Sees Europe Helping Fill the Gap Left by Stalled US Aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các thành viên của Liên minh Âu Châu đang nỗ lực lấp đầy những khoảng trống cho Ukraine khi Quốc hội Mỹ tiếp tục trì hoãn việc thông qua viện trợ quân sự bổ sung.

Theo một báo cáo của Bloomberg tuần trước dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Tiệp Jan Jireš, Kyiv có thể sẽ nhận được một sự gia tăng đáng kể cho kho đạn pháo của mình nhờ vào nỗ lực khẩn cấp do Cộng hòa Tiệp dẫn đầu. Gói viện trợ, có sự tham gia của một số nước Âu Châu, được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đạn dược khi cuộc chiến chống lại Nga đang diễn ra ác liệt.

Không rõ gói pháo này được tài trợ như thế nào, nhưng Jireš nói với Bloomberg rằng nó được hỗ trợ bởi Canada, Đan Mạch và các quốc gia khác không muốn nêu tên. Bỉ cũng đã cam kết 216 triệu Mỹ Kim cho sáng kiến do Tiệp dẫn đầu vào tuần trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã cam kết hôm thứ Bảy rằng Hà Lan sẽ quyên góp 162 triệu Mỹ Kim cho nỗ lực này.

Theo Tổng thống Tiệp Petr Pavel, tổng cộng, gói viện trợ mới sẽ cung cấp hơn 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine trong vài tháng tới, bao gồm 500.000 quả đạn pháo 155 ly và 300.000 quả đạn pháo 122 ly.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Jireš nói rằng nỗ lực mới nhất là “chứng minh rằng chúng tôi thực sự đang làm điều gì đó chứ không phải chờ đợi điều gì sắp xảy ra trên Đồi Capitol.”

Trong khi Tòa Bạch Ốc rõ ràng đứng về phía Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, một số thành viên Quốc Hội tại Hạ viện đã phản đối việc ký vào một dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine mà không bao gồm các yêu cầu cụ thể của họ về tài trợ và cải cách tập trung vào biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.

Các thành viên Thượng viện đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài lưỡng đảng vào tháng trước nhằm phân bổ viện trợ bổ sung cho Ukraine, Israel và Đài Loan, mặc dù Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã từ chối đưa dự luật này lên sàn Hạ Viện để bỏ phiếu.

Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên vào Tháng Giêng rằng giao tranh tại Quốc hội đang ngăn cản Bộ Quốc phòng “đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp nhất trên chiến trường của Ukraine về những thứ như đạn pháo, vũ khí chống tăng, máy bay đánh chặn phòng không”.

Washington là nhà cung cấp đạn pháo 155 ly chính cho Ukraine và đã cung cấp hơn 2 triệu viên đạn kể từ tháng 2 năm 2022. Quân đội Hoa Kỳ công bố vào tháng trước rằng họ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng đạn dược hàng tháng vào mùa thu để đáp ứng nhu cầu của Ukraine dọc theo giới tuyến, với kế hoạch đạt tốc độ sản xuất lên tới 100.000 quả đạn mỗi tháng vào tháng 10 năm 2025.

Tuy nhiên, theo Doug Bush, trợ lý thư ký Lục quân về mua sắm, hậu cần và công nghệ, Lục quân cần có nguồn tài trợ bổ sung từ Quốc hội để đạt mốc 100.000. Với nguồn tài trợ hiện tại, Mỹ đang trên đà tăng sản lượng lên 80.000 quả đạn pháo - gần gấp ba lần tốc độ sản xuất hiện tại - vào mùa thu.

Các đồng minh Âu Châu khác cũng đã công bố kế hoạch tăng cường kho pháo binh của Ukraine, vốn đã đạt mức cực kỳ thấp trong những tháng gần đây. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich rằng đất nước của cô đã cam kết cung cấp “toàn bộ các hệ thống pháo” cho Kyiv.

9. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm thứ Ba cho biết Nga đã tăng cường lực lượng quân sự ở phía bắc và phía tây đất nước để chống lại điều mà Mạc Tư Khoa cho là việc NATO tăng cường lực lượng gần Nga.

Để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập NATO. NATO trong tuần này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự có tên là Phản ứng Bắc Âu 2024 mà tổ chức này cho biết sẽ có sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ ở Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển và sẽ tập trung vào phòng thủ tập thể.

“Trong bối cảnh NATO tăng cường tiềm năng quân sự gần biên giới Nga, sự mở rộng liên minh thông qua việc gia nhập Phần Lan và trong tương lai là Thụy Điển, chúng tôi đã thực hiện các bước để tăng cường các nhóm quân ở phía bắc- hướng chiến lược phía tây và phía tây”, Shoigu nói với các tướng lĩnh hàng đầu nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ của Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962, và Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây rằng điều này có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu quân đội phương Tây được gửi đến chiến đấu ở Ukraine.

10. Quan chức Anh cảnh cáo Putin sau khi Ukraine đánh chìm tàu chiến Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine Sinking Russian Warship Sparks Warning From UK Official”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh hôm thứ Ba đã cảnh cáo Putin sau thông tin Ukraine phá hủy một trong những tàu tuần tra của Hạm đội Hắc Hải của Nga.

“Hắc Hải không an toàn cho Hải quân của Putin”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói.

Vài giờ trước phát biểu của Shapps, tình báo quân sự Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy tàu tuần tra mới nhất của Hạm đội Hắc Hải, chiếc Sergey Kotov, trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái qua đêm.

Hạm đội Hắc Hải và các vị trí khác của Nga ở Crimea thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công từ quân đội Kyiv trong suốt cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố rằng một trong những mục tiêu cuối cùng của ông trong cuộc xung đột là giành lại quyền kiểm soát. quyền kiểm soát Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014 sau một cuộc xâm lược ngắn.

Crimea cũng là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho các lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine và Shapps nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động thành công của Kyiv trong khu vực.

Quan chức Anh lưu ý rằng “cho đến gần đây” vẫn “không thể tưởng tượng được” khi coi Hắc Hải là nơi nguy hiểm đối với hạm đội của Putin.

Shapps nói: “Bây giờ vì phương Tây ủng hộ Ukraine nên điều đó là không thể phủ nhận.”

Ông cũng sử dụng cuộc tấn công vào tàu Sergey Kotov để kêu gọi viện trợ quân sự nhiều hơn cho quân đội của Zelenskiy.

“ Nếu chúng tôi cung cấp cho họ những gì họ cần, lòng dũng cảm và kỹ năng của Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể mở ra những chiến thắng từng được cho là không thể”.

Theo hãng tin UNIAN có trụ sở tại Kyiv, tàu Sergey Kotov thuộc loạt tàu tuần tra Dự án 22160. Những con tàu này được cho là có chi phí đóng khoảng 65 triệu Mỹ Kim và có thể chứa thủy thủ đoàn 80 người, mặc dù không rõ có bao nhiêu người trên tàu Sergey Kotov.

Ukraine cho biết tàu Sergey Kotov “bị hư hại do hỏa hoạn ở vùng lãnh hải Ukraine”.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết như trên: “Do cuộc tấn công của máy bay không người lái hải quân Magura V5, tàu dự án 22160 'Sergey Kotov' của Nga đã bị hư hại ở đuôi tàu, bên phải và bên trái”.

Các quan chức Nga vẫn chưa bình luận về tàu Sergey Kotov và việc phá hủy nó cũng chưa được Newsweek xác minh độc lập, nhưng các blogger quân sự Nga cho biết con tàu đã bị đánh chìm.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết Nga có thể phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công hơn vào các tàu của họ trong khu vực.

“Hạm đội Hắc Hải của Nga là biểu tượng của sự xâm lược. Nó không thể ở Crimea của Ukraine”, Yermak viết trong một tin nhắn hôm thứ Ba trên Telegram.

11. Nga lo ngại danh tiếng của xe tăng T-14 Armata sẽ bị tổn hại ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia Fears T-14 Armata Tanks' Reputation Would Be Damaged in Ukraine: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo tình báo quân sự Anh, Nga có thể sẽ không đưa xe tăng T-14 Armata uy tín của mình ra tiền tuyến ở Ukraine để tránh “tổn hại danh tiếng tiềm tàng” nếu cỗ máy chiến tranh này không hoạt động tốt trong chiến đấu.

T-14 Armata, lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2015, được quảng cáo là xe tăng chiến đấu chủ lực) tiên tiến nhất của Mạc Tư Khoa. Những chiếc xe này được cho là đã xuất hiện lần đầu trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine vào tháng 7 năm 2023 trước khi bị Điện Cẩm Linh nhanh chóng thu hồi. Điện Cẩm Linh cho biết những chiếc xe tăng này đã được đưa vào chiến đấu như một cuộc “thử nghiệm”.

Hôm thứ Hai, giám đốc điều hành quân sự Nga và đồng minh của Điện Cẩm Linh, ông Sergey Chemezov, cho biết T-14 đang được lực lượng vũ trang Mạc Tư Khoa sử dụng, mặc dù T-14 sẽ không được triển khai tới Ukraine do chi phí cao. Chemezov, Giám đốc điều hành của công ty quốc phòng Nga Rostec, mô tả máy móc này là “quá giá trị” và nói thêm rằng quân đội Mạc Tư Khoa hiện dễ dàng sản xuất xe tăng T-19 thời Liên Xô hơn.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh đưa ra một lý do khác giải thích tại sao Nga vẫn chưa đưa Armata tham chiến, đồng thời cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Ba rằng T-14 chưa được triển khai tới Ukraine “do nguy cơ tổn hại danh tiếng khi mất ' phương tiện uy tín này trong chiến đấu.”

Bản cập nhật quốc phòng của Anh nói thêm rằng việc mất xe tăng T-14 sẽ buộc Nga phải sản xuất số lượng T-14 lớn hơn mà chỉ các biến thể khác mới có thể đáp ứng được.

Trong khi Nga gần đây đã giữ được đà ở Ukraine, lực lượng vũ trang của nước này đã chịu tổn thất lớn trong suốt cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Anh hồi đầu tuần cho biết hơn 355.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022, đồng thời ước tính Mạc Tư Khoa mất 983 binh sĩ mỗi ngày trong cuộc giao tranh hồi tháng 2.

Theo các quan chức Ukraine, Mạc Tư Khoa cũng bị tổn thất lớn về trang thiết bị, bao gồm 6.640 xe tăng và hơn 10.188 hệ thống pháo binh trong cuộc chiến. Kyiv cũng đã tiêu diệt một phần đáng kể Hạm đội Hắc Hải của Nga trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc đánh chìm một tàu tuần tra khác vào đêm thứ Ba.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cuối tháng trước cho biết 31.000 binh sĩ của ông đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Phái đoàn Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho biết vào Tháng Giêng rằng Ukraine cũng đã phải chịu 29.330 thương vong dân sự.

12. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng các cuộc tập trận của NATO hiện đang được tiến hành ở Đông Âu cho thấy “Ba Lan sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của mình phát sinh từ phòng thủ tập thể bất cứ lúc nào”.

Phát biểu gần Gniew ở Ba Lan, Tổng thống Duda cho biết cuộc tập trận cho thấy sự sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của NATO, bao gồm Ba Lan, Lithuania và các nước vùng Baltic.

Ông nói:

Đây là cuộc tập trận chung của chúng ta nhằm tăng cường an ninh cho toàn bộ sườn phía đông của NATO. Ba Lan sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của mình phát sinh từ phòng thủ tập thể bất cứ lúc nào, điều này đã được xác định. Lithuania có thể tin tưởng vào chúng ta rằng nếu có nhu cầu như vậy, binh lính Ba Lan sẽ kề vai sát cánh với lực lượng Lithuania để bảo vệ từng tấc đất khỏi cuộc tấn công của đối phương. Đây là một bài kiểm tra nghiêm chỉnh đối với các binh sĩ, nó cho thấy sự chuẩn bị xuất sắc của họ và sự sẵn sàng của chúng ta trong việc di chuyển lực lượng từ tây sang đông để đối phó với một cuộc tấn công có thể xảy ra vào lực lượng NATO ở khu vực Âu Châu của chúng ta.

Cuộc tập trận hôm thứ Ba bao gồm việc vượt sông Vistula với xe tăng và xe thiết giáp từ nhiều quốc gia NATO khác nhau tại một điểm rộng 340 mét. Đây là một phần của cuộc tập trận Phòng thủ kiên định, với khoảng 90.000 binh sĩ tham gia.
 
Anh dẫn đầu phong trào tịch thu tài sản Nga cho Ukraine. Chỉ còn 150m nữa, Nga chiến tranh với NATO
VietCatholic Media
15:48 07/03/2024


1. Vụ nổ rung chuyển Odesa gần nơi Zelenskiy gặp Thủ tướng Hy Lạp

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosion rocks Odesa near where Zelenskyy was meeting Greek PM”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một vụ nổ hỏa tiễn đạn đạo xảy ra chỉ cách đoàn xe của các nhà lãnh đạo Ukraine có vài trăm mét.

Một vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố cảng Odesa của Ukraine hôm thứ Tư trong chuyến thăm bí mật hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

Vụ nổ do hỏa tiễn đạn đạo gây ra diễn ra cách đoàn xe của các nhà lãnh đạo chỉ vài trăm mét, một quan chức Hy Lạp không có thẩm quyền phát biểu đã công khai xác nhận với POLITICO.

Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Stavros Papastavrou, trợ lý hàng đầu của Mitsotakis, xác nhận với truyền thông trong nước rằng không có người nào bị thương trong phái đoàn Hy Lạp sau vụ nổ.

Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ nổ. Odesa đã nằm dưới hỏa lực của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Cuộc gặp giữa Zelenskiy và Mitsotakis vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp vụ nổ. Chuyến thăm của Mitsotakis được tổ chức để thể hiện sự ủng hộ của Hy Lạp đối với Ukraine.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Mitsotakis mô tả vụ nổ xảy ra khi họ đang ở cảng Odesa.

“Ngay sau đó, khi chúng tôi đang lên xe, chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn,” Mitsotakis nói và nói thêm rằng đây là “lời nhắc nhở sống động nhất rằng có một cuộc chiến thực sự đang diễn ra ở đây”.

“Đây là một lý do nữa tại sao tất cả các nhà lãnh đạo Âu Châu nên đến Ukraine. Bởi vì việc nghe mô tả từ các phương tiện truyền thông hoặc từ Tổng thống Zelenskiy là một chuyện và việc trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến lại là một chuyện khác”, ông nói thêm.

Zelenskiy cho biết chi tiết chính xác của vụ tấn công vẫn chưa được biết nhưng có người chết và bị thương.

“Như bạn thấy, người Nga không quan tâm tới việc tấn công vào đâu, dù binh lính đang ở trong thị trấn hay khách quốc tế. Họ hoặc đã hoàn toàn mất trí hoặc không kiểm soát được quân đội của mình đang làm gì. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần được bảo vệ. Hệ thống phòng không là cách tốt nhất”, Tổng thống Zelenskiy nói thêm.

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước đưa ra ý tưởng đưa quân phương Tây đến Ukraine, Mitsotakis là một trong số các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu không chấp nhận lựa chọn đó.

“Tôi muốn bảo đảm với bạn rằng không có chuyện gửi lực lượng, lực lượng NATO của Âu Châu đến Ukraine… đó là vấn đề mà Hy Lạp cho rằng không tồn tại và tôi tin rằng nó không tồn tại đối với đại đa số đồng nghiệp của chúng tôi,” Mitsotakis nói với các phóng viên sau cuộc họp ở Paris.

2. Người Tiệp cắt đứt quan hệ với người Slovakia ủng hộ Mạc Tư Khoa

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Czechs burn bridge with Mạc Tư Khoa-boosting Slovaks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Chính phủ Tiệp của Thủ tướng Petr Fiala đã loại bỏ truyền thống họp nội các chung không chính thức với nội các Slovakia, quốc gia mà họ bất đồng sâu sắc về chính sách đối với Nga.

“Chúng tôi không nghĩ việc tổ chức các cuộc tham vấn liên chính phủ với chính phủ Slovakia trong những tuần hoặc tháng tới là phù hợp,” Fiala nói với các nhà báo hôm thứ Tư sau cuộc họp nội các Tiệp ở Praha. Tám cuộc họp chung đã được tổ chức kể từ năm 2012 nhằm mục đích thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa các quốc gia láng giềng nổi lên sau sự chia cắt của Tiệp Khắc vào năm 1993.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bratislava và Praha đã trở nên lạnh nhạt kể từ khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico trở lại nắm quyền vào tháng 10 trong nhiệm kỳ thứ tư. Trong khi Cộng hòa Tiệp đã kiên định ủng hộ Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 và gần đây hơn là vận động các đối tác của mình trong Liên minh Âu Châu để giúp mua hàng trăm ngàn quả đạn pháo cho Kyiv từ khắp nơi trên thế giới, Fico đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình “sẽ không gửi thêm một viên đạn nào nữa tới Ukraine.” Ông cũng kêu gọi Kyiv nhường lãnh thổ cho Mạc Tư Khoa để chấm dứt chiến tranh.

Vào ngày 2 tháng 3, vài ngày trước khi Fiala hủy bỏ các cuộc họp chung không chính thức, Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanár đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Thổ Nhĩ Kỳ. Fico đưa tin hai người đã thảo luận về “các khả năng có thể nảy sinh tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình đã được lên kế hoạch ở Thụy Sĩ” và cho biết cuộc gặp với ông Lavrov thể hiện “chính sách đối ngoại Slovakia có chủ quyền và cân bằng của chúng tôi đối với tất cả các bên”.

Vào cuối tháng 2, tại một cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo khu vực được mệnh danh là Visegrád Four, Thủ tướng Fico và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban - những người ủng hộ đàm phán hòa bình và đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến - đã xếp hàng chống lại Fiala và Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, cả hai đều ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

“Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng có sự khác biệt giữa chúng tôi,” Fiala nói.

Cuối tuần vừa qua, Fico lưu ý việc rút hệ thống phòng không của Ý khỏi Slovakia và hỏi ai sẽ bảo vệ các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Âu Châu của Tiệp Martin Dvořák đáp trả: “Ông ấy nên hỏi Putin rằng liệu họ có phải là những người bạn tuyệt vời như thế và việc nịnh bợ tổng thống Nga là cần thiết để Nga không tấn công”.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao ở Bratislava đã triệu tập đại sứ Hà Lan Gabriella Sancisi để phản đối cuộc tranh luận mà đại sứ quán của bà đang tổ chức hôm thứ Năm tại Praha về tình hình chính trị ở Slovakia. Bộ chỉ trích quyết định mời các nhà ngoại giao từ mọi quốc gia Liên Hiệp Âu Châu - ngoại trừ Slovakia.

Bộ Ngoại giao Slovakia bác bỏ sự can thiệp như vậy vào công việc nội bộ của Cộng hòa Slovakia, Bộ này cho biết trong một thông cáo báo chí.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ Ukraine đánh chìm tuần dương hạm Sergei Kotov của Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Vào ngày 5 tháng 3 năm 2024, Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết họ đã tấn công và đánh chìm tàu tuần tra SERGEI KOTOV lớp BYKOV của Nga, gần eo biển Kerch ở phía đông Hắc Hải. HUR cho biết cuộc tấn công vào SERGEI KOTOV đã sử dụng thuyền không người lái 'Magura V5'; cùng loại thuyền không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 14 tháng 2 năm 2024 nhằm vào Tàu đổ bộ TSEZAR KUNIKOV của Nga.

SERGEI KOTOV chỉ mới được đưa vào lực lượng Hạm Đội Hắc Hải vào tháng 7 năm 2022. Trước đó, nó đã bị thuyền không người lái nhắm tới vào tháng 7 và tháng 9 năm 2023, bị hư hại nhẹ và quay trở lại hoạt động ngay sau đó trong cả hai lần.

Đây là tàu thứ ba của Hạm đội Hắc Hải của Nga bị đánh chìm trong vòng 5 tuần qua. Có thể do tổn thất của Hạm đội Hắc Hải, vào ngày 15 tháng 2 năm 2024, Tư lệnh Hạm Đội Hắc Hải, Đô đốc Viktor Sokolov, đã bị cách chức. Ukraine tiếp tục hạn chế quyền tự do cơ động của Hải quân Nga ở Hắc Hải.

4. Ukraine tiếp cận hàng tỷ Mỹ Kim của Putin cất giấu ở nước ngoài

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Ukraine Closing In On Putin's Billions Stashed Abroad”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ sẵn sàng cho Ukraine vay toàn bộ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga ở Anh.

Phát biểu với các đồng nghiệp vào tối thứ Tư, Cameron nói rằng quyết định này sẽ được đưa ra trên cơ sở Mạc Tư Khoa sẽ buộc phải bồi thường cho Kyiv sau khi cuộc chiến của Putin ở nước láng giềng kết thúc, tờ The Guardian của Anh đưa tin.

Nhận xét của ông được đưa ra sau khi tờ New York Times vào tháng 12 đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể sắp thu giữ hơn 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của ngân hàng trung ương Nga được cất giữ ở các quốc gia phương Tây và giao chúng cho Ukraine để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của nước này.

Trích dẫn các quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ và Âu Châu, cơ quan truyền thông này đưa tin rằng Tòa Bạch Ốc đang âm thầm ra hiệu ủng hộ mới cho việc tịch thu các tài sản chủ quyền bất động của Nga. Tờ Times đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden, phối hợp với các chính phủ G7, đang tìm hiểu xem liệu họ có thể sử dụng các cơ quan hiện có của mình hay nên tìm kiếm hành động của quốc hội để sử dụng số tiền này.

Cameron nói: “Có cơ hội sử dụng thứ gì đó như khoản vay hợp vốn hoặc trái phiếu sử dụng hiệu quả tài sản bị đóng băng của Nga làm vật bảo đảm để đưa số tiền đó cho người Ukraine khi biết rằng chúng tôi sẽ thu lại số tiền đó khi Nga trả tiền bồi thường”.

“Đó có thể là cách tốt hơn để làm điều đó. Chúng tôi đang hướng tới sự đoàn kết tối đa của G7 và Liên Hiệp Âu Châu trong vấn đề này nhưng nếu không thể đạt được điều đó, tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải tiếp tục với các đồng minh muốn thực hiện hành động này”, ông nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Một nhà phân tích thị trường nói với Newsweek vào tháng trước rằng việc tịch thu tài sản của Nga như vậy có thể đồng nghĩa với việc các nền kinh tế ở phương Tây sẽ “chịu nhiều thiệt hại hơn là được lợi”.

Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com, cho biết không có điều khoản nào về việc tịch thu tài sản của một quốc gia nước ngoài mà các quốc gia phương Tây rõ ràng không có chiến tranh.

“Nếu không, việc tịch thu tài sản của Nga”, bao gồm cả tài sản của những nhà tài phiệt bị trừng phạt, “đã được thực hiện từ lâu để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra”.

Drozdz cho biết: “Vấn đề tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga là một kịch bản trong đó rất có thể các nền kinh tế phương Tây sẽ thiệt hại nhiều hơn lợi nhuận”. “Điều đáng nhấn mạnh là sức mạnh của họ phần lớn dựa trên pháp quyền và bảo vệ vốn của nhà đầu tư.”

Drozdz cho rằng nếu tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị tịch thu, “niềm tin vào đồng đô la Mỹ và đồng euro có thể bị ảnh hưởng đáng kể, điều này sẽ có tác động thiết yếu đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của các nước phương Tây”.

Drozdz nói thêm rằng điều đáng chú ý là theo Ukraine Support Tracker, khối lượng viện trợ cho Kyiv đã giảm 87% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. “Do đó, dường như hầu như không có lựa chọn nào khác cho Ukraine để tài trợ cho hoạt động của mình ngoài việc phát hành trái phiếu lãi suất cao,” ông nói.

5. NATO sẽ treo cờ Thụy Điển vào ngày thứ Hai

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO to fly Sweden’s flag on Monday”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bay tới Washington hôm thứ Tư khi nỗ lực gia nhập NATO bước vào những bước cuối cùng.

Các quan chức cho biết, một buổi lễ chào cờ đã được lên kế hoạch tại trụ sở liên minh ở ngoại ô Brussels vào trưa thứ Hai để đánh dấu nghi thức gia nhập.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Ngoại trưởng Tobias Billström đã tới Washington hôm thứ Tư. Hồ sơ gia nhập của Thụy Điển sẽ chính thức được lưu giữ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính thức kết thúc quá trình này.

Thụy Điển đã vượt qua rào cản cuối cùng để trở thành đồng minh thứ 32 vào tuần trước, sau khi Hung Gia Lợi – quốc gia thành viên cuối cùng – tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để thông qua đơn xin gia nhập. Tổng thống mới, Tamás Sulyok, đã ký thành luật vào hôm thứ Ba, ngay sau khi nhậm chức.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người vẫn duy trì liên lạc với Putin bất chấp áp lực của phương Tây, đã từ chối chấp thuận đề nghị của Thụy Điển trong hơn 600 ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành chậm việc gia nhập của Thụy Điển với lý do nước này chưa đủ cứng rắn đối với cộng đồng người Kurd thiểu số sống ở nước này.

Việc Thụy Điển gia nhập sẽ là một đòn chiến lược đối với Mạc Tư Khoa. Nó biến biển Baltic thành một cái hồ của NATO, giúp liên minh này dễ dàng theo dõi các hoạt động hải quân của Nga hơn nhiều. Thụy Điển cũng có quân đội được trang bị tốt và ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến.

6. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba nói rằng đã đến lúc các đồng minh của Ukraine phải bước lên, nhấn mạnh rằng bây giờ không phải là lúc để hèn nhát.

Reuters đưa tin, ông Macron nói với những người Pháp sống ở Praha: “Chúng ta chắc chắn đang tiến gần đến một thời điểm ở Âu Châu, nơi mà việc không trở thành kẻ hèn nhát là điều thích hợp”.

Macron vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều đồng minh phương Tây sau khi ông công khai thảo luận về ý tưởng gửi quân phương Tây tới Ukraine tại hội nghị về Ukraine ở Paris vào ngày 26/2.

Đề cập đến việc Nga xâm chiếm Ukraine, ông Macron hôm thứ Ba nói rằng Pháp và Cộng hòa Tiệp “nhận thức rõ rằng chiến tranh đang quay trở lại trên đất của chúng ta ở Âu Châu, rằng một số cường quốc vốn đã trở nên không thể ngăn cản đang gia tăng mối đe dọa tấn công chúng ta mỗi ngày nhiều hơn nữa, và chúng ta sẽ phải sống theo lịch sử và lòng can đảm mà lịch sử đòi hỏi.”

Macron không nói rõ hơn về điều này.

Trong chuyến thăm Praha, ông Macron cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc hỗ trợ các kế hoạch được Cộng hòa Tiệp công bố vào tháng trước, với sự hỗ trợ của Canada, Đan Mạch và các nước khác, nhằm tài trợ cho việc mua nhanh hàng trăm ngàn viên đạn từ các nước thứ ba để gửi tới Ukraine.

7. Tình báo phương Tây cho biết Nga sử dụng điệp viên Serbia để xâm nhập vào các cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia using Serbian agent to infiltrate EU bodies, Western intel says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một cuộc họp báo tình báo phương Tây mà POLITICO được xem, tình báo Nga đang sử dụng một điệp viên Serbia để xâm nhập vào các tổ chức của Liên Hiệp Âu Châu và truyền bá các quan điểm ủng hộ Điện Cẩm Linh về việc nước này xâm lược Ukraine.

Theo các tài liệu, gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2023, Novica Antić, quốc tịch Serbia – một “điệp viên gây ảnh hưởng” tích cực, người cố tình hợp tác chặt chẽ với cơ quan an ninh của Nga, theo các tài liệu – đã tổ chức các cuộc họp với các quan chức Âu Châu tại Brussels và đặc biệt là các Thành viên của Nghị viện Âu Châu.

Theo một thông cáo báo chí và một bức ảnh mà POLITICO nhìn thấy, những thành viên của Nghị Viện Âu Châu đó bao gồm nhà lập pháp Đảng Xanh người Đức Viola von Cramon-Taubadel, nhà lập pháp Đảng Xã hội và Dân chủ Ý Alessandra Moretti, và Vladimír Bilčík, một thành viên người Slovakia của Nhóm Đảng Nhân dân Âu Châu bảo thủ. Không có thông tin tình báo nào cho thấy Moretti, Bilčík và von Cramon-Taubadel đã biết về mối liên hệ với FSB của Antic khi họ gặp anh ta.

Moretti, Bilčík và von Cramon-Taubadel đã không trả lời yêu cầu bình luận từ POLITICO.

Antić, chủ tịch Công đoàn Quân sự Serbia, cũng đã gặp gỡ với đại diện của công đoàn EUROMIL và EPSU, lần lượt đại diện cho quân nhân lực lượng vũ trang và nhân viên dịch vụ công ở Liên minh Âu Châu.

Khi được hỏi về cuộc gặp với Antić, một quan chức của EPSU trả lời: “Một phái đoàn công đoàn của anh ta đã đến Brussels vào tháng 10, nơi họ đã gặp một số thành viên của Nghị Viện Âu Châu và tất cả họ đều minh bạch. Chủ đề duy nhất là quyền công đoàn.”

EUROMIL nói với POLITICO cho biết họ phản ứng mạnh mẽ với các sự kiện ở Serbia và bác bỏ mọi mối quan hệ có thể có với chính quyền Nga. Chủ tịch EUROMIL Emmanuel Jacob nói thêm “tổ chức có thể thực hiện bước ngắn hạn là tạm thời đình chỉ tư cách quan sát viên của Serbia để chờ làm rõ”.

Theo bản tóm tắt tình báo phương Tây mà POLITICO được xem, Antić là một “điệp viên gây ảnh hưởng” tích cực cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga, được gọi là FSB.

Antić hợp tác chặt chẽ với một cộng sự của FSB tên là Vyacheslav Kalinin, một công dân Nga và là tổng biên tập của Veteran News, một trang web truyền thông chuyên về tin tức dành cho các cựu chiến binh của lực lượng vũ trang. Chuyên mục “Giới thiệu về chúng tôi” trên trang web cho biết Veteran News là “đối tác thông tin” của FSB và Bộ Quốc phòng Nga, cùng với các chi nhánh khác của lực lượng an ninh Nga.

Kalinin đã không trả lời yêu cầu bình luận từ POLITICO.

Trong khi bản tóm tắt tình báo nêu bật đặc biệt các hành động của Antić, nó lưu ý rằng Kalinin đã tuyển dụng những người khác mà không nêu rõ số lượng và ở quốc gia nào.

Nga đang sử dụng Serbia làm bệ phóng cho các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm làm suy yếu tình cảm thân Liên Hiệp Âu Châu và ủng hộ NATO trong nước cũng như trong Liên minh Âu Châu, vốn là nước ủng hộ trung thành cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga hai năm trước. Antić đã sử dụng vai trò nhà lãnh đạo liên đoàn quân sự Serbia của mình để chỉ trích Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và các thành viên cao cấp của lực lượng vũ trang nước này.

“Họ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tuyên truyền của Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine”, cuộc họp ngắn cho biết, đề cập đến các cuộc họp ở Serbia và các nước Liên Hiệp Âu Châu.

Tin tức về việc Antić tổ chức các cuộc họp bên trong Nghị viện Âu Châu nhấn mạnh khả năng dễ bị tổn thương của cơ quan này trước các hoạt động gây ảnh hưởng do Nga hậu thuẫn. Đầu tháng này, POLITICO tiết lộ nhu liệu gián điệp đã được tìm thấy trên điện thoại di động của hai nhà lập pháp trong Nghị viện Âu Châu, trong đó có cựu Bộ trưởng Pháp về Âu Châu Nathalie Loiseau, chủ tịch tiểu ban quốc phòng của cơ quan này.

Antić và các đại diện của ông đã không trả lời yêu cầu bình luận từ POLITICO.

Kalinin đã mời Antić tới Nga để gặp các quan chức quân sự cao cấp của Nga từ năm 2019 đến năm 2020. Ban đầu tập trung vào việc gây ảnh hưởng đến xã hội dân sự Serbia, cặp đôi này sau đó đã mở rộng trọng tâm sang bao gồm các tổ chức công đoàn Âu Châu và cựu chiến binh, và trong những tháng gần đây, các thành viên của tổ chức này. Nghị viện Âu Châu.

Theo trang web tin tức Balkan Insight, Antić, một nhà phê bình quyết liệt đối với các lực lượng vũ trang của Serbia, người đã xúc phạm giới lãnh đạo chính trị của đất nước, hiện đang bị giam giữ với những cáo buộc chưa xác định.

Theo Balkan Insight, Antić đã bị đuổi khỏi quân đội Serbia hai lần trong 5 năm qua. Theo ấn phẩm, anh ta đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ. Một luật sư của Antić từ chối nêu rõ với Balkan Insight về những cáo buộc mà anh ta đang bị giam giữ.

8. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vũ trụ Hoa Kỳ cảnh báo về các kế hoạch không gian trong tương lai của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “US Space Command Leader Warns of Russia's Future Space Plans”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Vũ trụ Hoa Kỳ, Tướng Stephen Whiting, cảnh báo rằng Nga vẫn đặt ra thách thức “đáng gờm” đối với sự thống trị của Mỹ trong không gian mặc dù phải đối mặt với những thất bại trên chiến trường Ukraine.

“Những khó khăn của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine không nên tạo ra cảm giác tin tưởng sai lầm rằng Mạc Tư Khoa đang lụi tàn trong lĩnh vực không gian,” Whiting nói trong Hội nghị thượng đỉnh Vũ trụ 2024 hôm thứ Ba, theo SpaceNews.

Theo Whiting, sự yếu kém của quân đội Nga trong cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine có thể thúc đẩy Mạc Tư Khoa tập trung vào các hoạt động trên không gian, hệ thống mạng và các “phương pháp độc đáo” khác trong tương lai. Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa “sẽ vẫn là một thách thức ghê gớm và khó dự đoán hơn đối với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng trong thập kỷ tới, trong khi vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản do chính họ tạo ra”.

Bình luận của Whiting được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga, bắt đầu từ việc Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine, đã bùng phát thành cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát không gian trong những tháng gần đây. Tình báo Mỹ hồi tháng 2 cảnh báo rằng Điện Cẩm Linh đã có được một loại vũ khí chống vệ tinh đặt trên không gian sử dụng công nghệ hạt nhân, mặc dù phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã bảo đảm vài tuần sau đó rằng hệ thống này không hoạt động và không thể gây ra “sự hủy diệt vật lý trên trái đất”.

Tổng thống Vladimir Putin cũng kiên quyết bác bỏ cáo buộc rằng Mạc Tư Khoa có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cơ quan vũ trụ Nga, ông Yuri Borisov, hôm thứ Ba cho biết Điện Cẩm Linh đang đàm phán với Trung Quốc về việc đưa một nhà máy điện hạt nhân lên mặt trăng trong thập kỷ tới. Theo báo cáo từ Reuters, Borisov cho biết Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang “xem xét nghiêm chỉnh” dự án và Nga có thể đóng góp kiến thức của mình về “năng lượng vũ trụ hạt nhân”. Ông nói thêm rằng nhà máy điện có thể cho phép các khu định cư trên mặt trăng trong tương lai.

Whiting không đề cập đến các báo cáo liên quan đến công nghệ hạt nhân của Nga trong không gian, nhưng hôm thứ Ba ông đã nêu lên mối quan ngại rằng lo âu trước mắt đối với an ninh quốc gia Mỹ là bảo vệ các hệ thống vệ tinh khỏi các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn, coi những hệ thống như vậy là “nhu liệu” trong các chương trình không gian của Washington.

Whiting gần đây đã cảnh báo về việc Nga theo đuổi một “bộ vũ khí chống không gian”, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tuần trước rằng Mạc Tư Khoa đang nghiên cứu phát triển “vũ khí năng lượng định hướng và thiết bị gây nhiễu liên lạc vệ tinh” cũng như vũ khí không gian mạng.

“Những vũ khí này nhằm mục đích gây rối, đe dọa và tiêu diệt các mục tiêu không gian hoặc nếu không thì từ chối quyền tự do hành động trong không gian,” ông nói thêm. “Nga coi khả năng đối phó không gian của mình như một phương tiện để ngăn chặn sự xâm lược từ những đối phương phụ thuộc vào không gian.”

Whiting cũng cảnh báo các nhà lập pháp rằng Trung Quốc cũng đang phát triển năng lực không gian của mình, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang “tăng cường năng lực không gian quân sự và phản không gian với tốc độ chóng mặt để ngăn cản năng lực không gian của Mỹ và Đồng minh khi họ chọn”.

9. Vợ góa của cố thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đã kêu gọi người dân biểu tình phản đối Vladimir Putin tại các điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Yulia Navalnaya kêu gọi những người ủng hộ bà phản đối Putin bằng cách bỏ phiếu tập thể vào trưa giờ địa phương trong cuộc bầu cử ngày 17 tháng 3, tạo thành đám đông lớn và áp đảo các điểm bỏ phiếu.

Cô cho biết hành động này cũng là một cách để tôn vinh người chồng quá cố của cô, người đã nảy ra ý tưởng này trong một trong những tin nhắn công khai cuối cùng trước khi đột ngột qua đời trong một nhà tù ở Bắc Cực.

“Tôi muốn làm những gì anh ta cho là đúng,” Navalnaya nói trong một video đăng hôm thứ Tư trên YouTube. “Xung quanh bạn có rất nhiều người chống Putin và phản chiến, và nếu chúng ta đến cùng lúc, tiếng nói chống Putin của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Cuộc biểu tình bỏ phiếu đã được các đồng minh của Navalny gọi là “giữa trưa chống lại Putin” và cho biết đó là “ý nguyện chính trị” của Navalny.

Navalnaya kêu gọi những người ủng hộ bà bỏ phiếu cho “bất kỳ ứng cử viên nào ngoại trừ Putin”.

Cô ấy nói: “Bạn có thể làm hỏng lá phiếu, bạn có thể viết 'Navalny' bằng chữ lớn trên đó. Và ngay cả khi bạn không thấy ý nghĩa của việc bỏ phiếu, bạn có thể chỉ cần đến đứng tại điểm bỏ phiếu rồi quay lại và về nhà “.

Putin dự kiến sẽ bảo đảm thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử từ ngày 15 đến 17 tháng 3, điều này sẽ giữ ông ở Điện Cẩm Linh cho đến ít nhất là năm 2030.
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay: Để Con Nên Hình Bóng Người - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
01:06 07/03/2024
 
Tạ Ơn Thánh Cả Giuse
Phạm Trung
22:20 07/03/2024
 
Kính Mừng Thánh Giuse
Phạm Trung
22:20 07/03/2024