Ngày 07-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/03: Ai làm lớn thì Người đó phải sống như một tôi tới phục vụ người khác – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
01:18 07/03/2023

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".

Đó là lời Chúa
 
Tìm một lối vào
Lm Minh Anh
14:28 07/03/2023

TÌM MỘT LỐI VÀO
“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp!”.

Thế kỷ 17, Oliver Cromwell, lãnh chúa nước Anh, đã kết án xử bắn một người lính trọng tội. Giờ hành quyết dự liệu diễn ra vào lúc chuông giới nghiêm đổ. Thế nhưng, đêm hôm ấy, chuông không đổ! Vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’ trại binh, leo lên tháp, bám vào chiếc chuông để ngăn nó ngân lên. Lãnh chúa triệu tập cô, buộc cô giải trình về hành động của mình. Cô đã khóc và cho ông thấy hai bàn tay bầm tím đầy máu. Phép lạ đã xảy ra, trái tim lãnh chúa thổn thức; ông nói, “Tình yêu của cô sẽ tồn tại vì những hy sinh của cô. Chuông không đổ, và máu cũng không!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chuông không đổ, và máu cũng không!”; bởi lẽ, vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’, khiến cho một con tim thổn thức, và tình yêu tồn tại! Cả hai bài đọc hôm nay cũng nói đến một lối vào; đúng hơn, một con đường mang tên “Khổ Đau”; trên đó, Giêrêmia của Cựu Ước và Giêsu của Tân Ước sẽ phải bước đi. Giêrêmia sợ hãi ‘tìm một lối ra’; Giêsu khí khái ‘tìm một lối vào!’.

Bị dân mình tẩy chay, Giêrêmia thở than, “Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con! Vì họ đào lỗ chôn con!”; Giêrêmia cầu Chúa hầu ‘tìm một lối ra’. Với Chúa Giêsu, Tin Mừng tường thuật cuộc hành hương trẩy lên Giêrusalem của Thầy trò Ngài. Không ‘tìm một lối ra’, Ngài ‘tìm một lối vào’; không cho riêng mình, nhưng còn cho các môn đệ, “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp!”.

Vậy mà, dù đang đi lên với Thầy, các môn đệ xem ra những chỉ muốn đi xuống! Bằng chứng là cuộc đối thoại không đáng có đã xảy ra giữa họ vì sự xuất hiện của ‘môn đệ mười ba’, bà Zêbêđê; và điều này đã khiến “nhóm mười người tức tối với hai anh em”. Xót xa thay! Đang khi Thầy nói chuyện đi lên, trò nghĩ chuyện đi xuống; Thầy ngưỡng chuyện trên trời, trò vọng chuyện dưới đất; Thầy lo chuyện bị nộp, trò tính chuyện trị vì; Thầy tìm vui lòng Cha, trò tìm thoả dạ mẹ. Rõ ràng, Thầy trò Chúa Giêsu lệch pha! Thầy ‘tìm một lối vào’, trò ‘tìm một lối ra!’.

Vậy đâu là phản ứng của Đấng Kitô? Với một nhân cách hiếu hoà, bản lãnh và tự tin, Chúa Giêsu khoan thai chỉ cho họ sự thật gai gốc Ngài sắp trải qua, nói cho họ chén thù chén tạc mà cùng Ngài, họ sắp uống; và cuối cùng, dạy cho họ bài học khiêm nhường phục vụ. Ngài kết luận, “Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”.

Như vậy, Chúa Giêsu đã đối diện sự thật; chấp nhận nó mà không do dự. Ngài không nhìn chén đắng và thập giá dưới lăng kính tiêu cực, không coi nó là bi kịch; thay vào đó, nhìn nó dưới ánh sáng cứu độ; đau khổ và cái chết là hành động của tình yêu. Vì thế, không chỉ đón nhận, Ngài ôm lấy nó. Ngài quyết ‘tìm một lối vào’ vì cuối đường hầm, một chân trời mới sẽ mở ra, một đại lộ ánh quang phục sinh rạng ngời, “Nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Anh Chị em,

“Này chúng ta lên Giêrusalem!”. Tình yêu của vị hôn thê với đôi tay đầy máu đã được đền đáp bằng mạng sống của người cô yêu. Cũng thế, tình yêu của Chúa Giêsu với đôi tay, đôi chân và thân xác đầy máu của Ngài cũng đã được đền đáp bằng ‘phần rỗi của cả nhân loại’ Ngài yêu.

Noi gương Chúa Giêsu, nhờ sức mạnh của Thánh Thần và biết tha thiết với Chúa Cha như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa”, bạn và tôi cũng sẽ vượt qua bất kỳ thập giá nào trong đời bằng tình yêu, lòng can đảm với một vòng tay sẵn sàng. Thay vì ‘tìm một lối ra’, chúng ta ‘tìm một lối vào’; đón nhận đau khổ trong ánh sáng cứu độ. Như Chúa Giêsu, bạn và tôi ôm chặt thánh giá đời mình; vì mọi thập giá đều có khả năng trở thành công cụ của ân sủng cho bạn, cho tôi và cho thế giới mà chúng ta sẽ được đền đáp.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng và sức mạnh, hầu con cũng có thể ‘tìm một lối vào’ trong những nẻo đường thập giá đời con; nhờ đó, cùng Chúa, con cũng cứu cả thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:56 07/03/2023

10. Đức Mẹ Ma-ri-a thật là Đấng tràn đầy ân sủng, trong lòng Mẹ có ẩn tàng kho báu thánh sủng.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 07/03/2023
80. VÌ NGƯỜI HIẾN THÂN

Mạnh Thường Quân đối xử rất tốt với môn khách là Hạ Hầu Chương, tặng ông ta tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, nhưng Hạ Hầu Chương vẫn luôn nói xấu Mạnh Thường Quân.

Có người mách với Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân nói:

- “Tôi thường có những việc phải thỉnh giáo Hạ hầu công, đừng nói về chuyện ông ấy.”

Phồn Thanh đem câu chuyện này nói lại với Hạ Hầu Chương, Hạ nói:

- “Tôi không có một chút công lao nào mà Mạnh Thường Quân tặng tôi tiền ăn của bốn năm trăm người gộp lại, lại còn đối xử rất tốt với tôi, mà tôi lại còn đi nói xấu ông ấy; Mạnh Thường Quân lấy lòng quân tử đối xử với người rất khoan hậu như vậy, mà tôi thì trở thành kẻ tiểu nhân vong ân bội nghĩa, hỗn láo, như thế tôi phải lấy nhân cách và danh dự của mình vì Mạnh Thường Quân mà cống hiến sức lực, tôi không biết còn phải nói gì nữa?”

( Chính Quốc sách )

Suy tư 80:

Chúng ta chưa bao giờ nói xấu đạo của mình, nhưng chúng ta cũng rất ít khi vì tôn giáo mà lên án những bất công trong xã hội.

Chúng ta chưa làm gì để cho Chúa vui cả, mà chỉ luôn luôn lấy cái trí nhỏ nhen, đem cái tâm ích kỷ của mình để đòi hỏi Chúa mà thôi.

Chúng ta chưa làm gì cho cộng đoàn của mình cả, mà chỉ vì những quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà đòi hỏi cộng đoàn và khích bác anh chị em trong cộng đoàn.

Chúng ta chưa làm gì cho giáo xứ của mình cả, nhưng cứ hể tới nhà thờ là chỉ trích người này người nọ, chỉ trích cái này sai cái kia chưa tốt.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mười năm của triều đại giáo hoàng Phanxicô trong những nét khái quát
Vu Van An
13:55 07/03/2023

Ngày 13 tháng này, Đức Phanxicô sẽ kỷ niệm chẵn 10 năm được bầu làm giáo hoàng, nhân dịp này, Elise Ann Allen của tạp chí mạng CruxNow có bài viết về những nét khái quát trong 10 năm qua của triều Giáo Hoàng Phanxicô:



Về hầu như mọi vấn đề có tầm quan trọng hiện đại – từ sự hoán cải bản thân qua chủ nghĩa dân túy duy dân tộc, đến sự mong manh của nền dân chủ, cuộc khủng hoảng lạm dụng và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội – Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều có điều gì đó để nói trong suốt mười năm tại vị của ngài.

Tuy nhiên, trong số đó, có một số vấn đề nổi bật như là các ưu tiên rõ ràng hơn, bao quát hơn đối với vị giáo hoàng này, những vấn đề mà nếu bạn nhìn một cách khái quát, sẽ tạo thành xương sống cho phần lớn các lối nói hoa mỹ và chính sách của ngài trong thập niên qua.

Dưới đây là bản tóm tắt năm chủ đề được cho là hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo

Đến nay, câu chuyện về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn danh hiệu giáo hoàng của mình đã được nhiều người biết đến. Ngài đã nói chuyện với các nhà báo chỉ vài ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, khi nói rằng chính người bạn của ngài, cố Hồng Y người Batây Claudio Hummes, là người đã truyền cảm hứng cho khẩu hiệu đó.

Như Đức Giáo Hoàng đã kể lại, một khi rõ ràng ngài đã được bầu, Đức Hồng Y Hummes, người đang ngồi bên cạnh ngài, thì thầm, “đừng quên người nghèo” và điều này đã truyền cảm hứng cho vị giáo hoàng tân cử chọn tên Phanxicô, theo tên của Thánh Phanxicô thành Assisi, được mệnh danh là “người nghèo thành Assisi.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói vào dịp đó: “Vâng, tôi muốn có một Giáo Hội nghèo cho người nghèo biết bao”. Kể từ đó, đây không những trở thành một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của ngài trong 10 năm qua, mà nó còn trở thành xương sống cho phong cách giáo hoàng và viễn kiến của ngài đối với Giáo Hội.

Từ bộ trang phục màu trắng đơn giản đến chiếc Fiat khiêm tốn mà ngài dùng đi đó đây, từ quyết định thanh toán hóa đơn khách sạn của chính ngài sau cuộc bầu cử và việc ngài chọn ai để rửa chân vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, dành ưu tiên cho phụ nữ, người di cư, người khuyết tật trí thức và tù nhân, một tinh thần khó nghèo đã nằm ở bên dưới tất cả.

Là một người, khi còn là tổng giám mục của Buenos Aires, thường xuyên đi tàu điện ngầm và đi bộ trên đường phố của những villas miserias [căn hộ khốn cùng], ngài đã luôn dành ưu tiên cho những người bên lề, nổi bật nhất là qua việc vận động nhân danh người di cư và người tị nạn, và trong các chuyến tông du nước ngoài của ngài.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã cam kết đến thăm các quốc gia mà chưa có vị giáo hoàng nào khác đến thăm, hoặc những quốc gia có vẻ nhỏ bé và không xứng đáng với một chuyến thăm của một vị giáo hoàng, với một đoàn chiên Công Giáo nhỏ bé, chẳng hạn như Bosnia và Herzegovina; Albania; Maxêđônia và Bungari; Gruzia và Adécbaigian; và Myanmar và Bangladesh.

Trong các chuyến tông du quốc tế của mình, ngài luôn quan tâm đến việc gặp gỡ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm cả các tù nhân; người di cư và người tị nạn; nạn nhân bị lạm dụng; trẻ em đường phố ở Phi luật tân; Kitô hữu bị bách hại và các nhóm thiểu số khác ở Iraq; hay các nạn nhân chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Giữa các chuyến đi, ngài luôn chào đón những người nghèo đến Vatican để tham quan bảo tàng hoặc những ngày bãi biển, và thường ủng hộ những người khuyết tật về thể chất và phát triển, yêu cầu để họ được phép lãnh nhận các bí tích. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016, ngài đến thăm những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bệnh tật và nghèo khó vào mỗi Thứ Sáu.

Chính sách ‘ưu tiên chọn người nghèo’ của ngài, như có thể gọi như thế, được minh họa thêm trong quyết định của ngài vào năm 2018 khi nâng người phát chẩn của ngài lên hàng Hồng Y, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski. Những người bị tri nhận như chiếm bậc thấp nhất trên thang xã hội, những người không thể biện hộ cho chính họ, đã và luôn nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của ngài, và họ sẽ tiếp tục như thế trong tương lai.

Khí hậu và môi trường

Song song với việc quan tâm và chăm sóc người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với môi trường, sự ngược đãi mà ngài cho là yếu tố góp phần vào một loạt vấn đề, bao gồm cả vấn đề di dân, vận động cho điều gọi là “di dân khí hậu,” cũng như đại dịch coronavirus.

Đây là mối quan tâm nổi bật của Đức Phanxicô ngay từ đầu, nổi bật nhất là với việc công bố Thông điệp sinh thái Laudato Si năm 2015, trong đó Đức Giáo Hoàng lên án mạnh mẽ chủ nghĩa tiêu dùng và điều, theo ngài, là các mô hình phát triển vô trách nhiệm, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ của việc biến đổi khí hậu và sự nóng lên của hoàn cầu, đồng thời kêu gọi thế giới hành động ngay lập tức.

Ngài đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hoàn cầu nổi tiếng như các cuộc họp COP [Hội nghị các bên] và thậm chí còn dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tại Glasgow vào tháng 11 năm 2021, nhưng đã không thể tham dự. Ngài đã phẫu thuật đại tràng vài tháng trước đó.

Thượng Hội đồng Giám mục năm 2019 của Đức Phanxicô về Amazon chủ yếu tập trung vào các vấn đề môi trường và nhu cầu bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Amazon và cứu nó khỏi nạn canh tác nương rẫy và các kỹ thuật khai thác xói mòn lấn chiếm đất đai bản địa, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của họ khi các công ty khai thác sâu hơn vào khu rừng giàu khoáng sản.

Đức Giáo Hoàng cũng đã gặp gỡ nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg và ca ngợi “các cuộc đình công khí hậu” do giới trẻ của cô thúc đẩy, và trong đại dịch COVID-19, ngài đổ lỗi phần lớn cho thói quen vô trách nhiệm với môi trường và ủng hộ việc phân phối vắc xin một cách công bằng.

Ngài cũng nhất quán kêu gọi chấm dứt việc khai thác lục địa châu Phi - gần đây nhất là trong chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan - cáo buộc các ngành công nghiệp khai thác và các tập đoàn giàu có đã “cưỡng hiếp” đất đai đến không còn sửa chữa được và thu hoạch tất cả của cải cho mình, khiến người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo hơn.

Hình thức vận động này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trong những hình thức nổi bật nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, và rất có thể sẽ tiếp tục được tiến hành.

Tính đồng nghị

Một khái niệm quan trọng khác trong 10 năm tại vị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “tính đồng nghị”, một từ ngữ thông dụng trong triều đại giáo hoàng của ngài, mặc dù nhiều người vẫn khó định nghĩa, bao hàm viễn kiến của ngài đối với giáo hội hoàn cầu và đã trở thành một trong những khía cạnh đương thời nổi bật nhất của triều giáo hoàng này.

Đức Phanxicô luôn sử dụng hạn từ “tính đồng nghị” để diễn tả một kiểu trao đổi tập thể và thẳng thắn nào trong đó các quyết định được cùng nhau đưa ra.

Theo thời gian, “tính đồng nghị” thường được hiểu là một phong cách quản lý hợp tác và tư vấn, trong đó tất cả các thành viên, giáo sĩ và giáo dân, tham gia vào việc đưa ra các quyết định về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

Hạn từ này bắt đầu xuất hiện trong Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018 của Đức Giáo Hoàng về giới trẻ và đã trở nên nổi bật đến mức nó trở thành chủ đề suy tư chính cho quá trình tham vấn nhiều giai đoạn kéo dài 4 năm trong Giáo hội hoàn cầu đang diễn ra như một phần của Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị của Đức Phanxicô.

Được đặc trưng bởi các giai đoạn khác nhau, bắt đầu bằng các cuộc tham vấn cấp địa phương, cấp giáo phận với giáo dân trong các giáo xứ, và chuyển sang giai đoạn châu lục, trong đó các bản tóm tắt của các cuộc tham vấn đó đang được thảo luận ở cấp độ rộng hơn, quá trình này đã bắt đầu vào năm 2021 và sẽ kết thúc với hai cuộc họp của các giám mục ở Rôma, một cuộc diễn ra vào tháng 10 năm nay và cuộc cuối cùng được ấn định vào tháng 10 năm 2024.

Mục tiêu chính đã nêu ra của Thượng hội đồng về tính đồng nghị là làm cho Giáo Hội thành một nơi cởi mở, chào đón và bao hàm hơn, nơi mọi người đều có tiếng nói được lắng nghe và không ai cảm thấy bị bỏ rơi, và là nơi các quyết định không được đưa ra từ trên cao bằng sắc lệnh, mà đúng hơn là được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của người dân.

Thực vậy, tính đồng nghị bao gồm một số ưu tiên chính của Đức Giáo Hoàng, từ việc xóa bỏ chủ nghĩa giáo sĩ trị đến việc trao quyền cho giáo dân và giới trẻ, đồng thời bảo đảm rằng phụ nữ có vai trò lớn hơn trong Giáo Hội, đặc biệt là khi nói đến vai trò lãnh đạo và ra quyết định.

Tính đồng nghị đối với Đức Phanxicô là bản lề trên đó Giáo hội nên hoạt động, và là quỹ đạo tự nhiên để thực hiện viễn kiến của Công đồng Vatican II, bảo đảm rằng giáo hội sẽ cởi mở, bao gồm và nhất là, lấy tín hiệu từ người dân.

Kinh tế

Một điệp khúc rõ ràng và nhất quán trong suốt 10 năm tại vị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là sự chỉ trích công khai của ngài đối với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và sự ủng hộ của ngài đối với một hệ thống hoàn cầu công bằng hơn, tập trung ít hơn vào lợi nhuận và tập trung nhiều hơn vào sự phân phối công bằng các nguồn lực để phục vụ lợi ích chung, và có lợi cho người nghèo.

Đức Phanxicô tin rằng nhiều cải cách xã hội mà ngài đang kêu gọi bắt đầu ở bình diện kinh tế, và ngài đã kêu gọi những thay đổi lớn đối với hệ thống hoàn cầu trong gần như tất cả các bài phát biểu và tài liệu quan trọng trong suốt triều đại giáo hoàng này, từ việc thúc giục các mô hình phát triển bền vững hơn trong Laudato Si, đến các lời kêu gọi của ngài cho một nền kinh tế châu Âu được đổi mới dựa trên sự hội nhập và phẩm giá con người khi nhận Giải thưởng Charlemagne danh giá năm 2016.

Trong bài phát biểu dịp đó, Đức Giáo Hoàng đã đặt ra cụm từ nổi tiếng của mình, “châu Âu bà già,” nói rằng lục địa này đã quên đi những lý tưởng sáng lập của mình và đã trở nên mệt mỏi và đang rất cần sức sống mới, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chuyển “từ một nền kinh tế lỏng sang một nền kinh tế xã hội”, hướng ít hơn vào doanh thu và đầu tư nhiều hơn vào con người, và chống tham nhũng.

Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 của ngài về tình bạn xã hội cũng mang nhiều giọng điệu tương tự, chứa đựng những lời chỉ trích rất dài đối với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, đồng thời ủng hộ nhiệt tình các nỗ lực và chính sách đa phương dành ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả người di cư và người tị nạn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tìm cách tranh thủ những người trẻ tuổi cho chính nghĩa này thông qua biến cố “Nền kinh tế của Đức Phanxicô”, được tổ chức tại Assisi năm ngoái, từng thu hút các nhà kinh tế trẻ và những người tạo ra sự thay đổi từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế hòa bình và công bằng hơn, dành ưu tiên cho người nghèo và môi trường.

Thoạt đầu được ấn định vào năm 2020 nhưng đã được dời lại do đại dịch vi-rút corona, với hầu hết các cuộc thảo luận và phiên làm việc trước đó đều được tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, khoảng 1000 người trẻ đã tham dự cuộc gặp trực tiếp và đã ký một hiệp ước với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó họ vạch ra viễn kiến về một nền kinh tế “hòa bình chứ không phải chiến tranh,” và được hướng dẫn bởi một bộ đạo đức rõ ràng dành ưu tiên cho phẩm giá con người và người nghèo.

Mặc dù tính đồng nghị đã đóng một vai trò quan trọng hơn trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô trong khoảng một năm qua, nhưng việc thúc đẩy hoán cải hệ thống kinh tế hoàn cầu của ngài vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Hoán cải Mục vụ

Có lẽ chủ đề quan trọng nhất trong suốt 10 năm trị vì của Đức Phanxicô cho đến nay, là việc ngài thúc đẩy việc hoán cải mục vụ.

Từ những bài phát biểu dài hàng năm của mình trước Giáo triều Rôma, đến các tài liệu quan trọng của Đức Giáo Hoàng, các buổi tiếp kiến và phát biểu trước công chúng, ngài đã liên tục kêu gọi các tín hữu hoán cải bản thân, đồng thời thúc giục Giáo Hội và các mục tử của Giáo Hội cũng làm như vậy.

Kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã thúc đẩy sự hoán cải này bằng cách chỉ trích Giáo Hội cứ mãi “đóng cửa” vào chính mình và bày tỏ mong muốn của ngài về “một Giáo hội hướng ra ngoài,” và tiếp xúc với người ta và nhu cầu của họ, thay vì bị ám ảnh bởi những cuộc tranh luận nội bộ tầm thường.

Toàn bộ chiến lược mục vụ của ngài nhằm mục đích giúp Giáo Hội trở thành “bệnh viện dã chiến dành cho người bệnh” mà ngài thường vận động, thay vì một câu lạc bộ dành riêng cho giới được tri nhận là thượng lưu, vốn là những người tuân theo mọi quy tắc và chấp nhận mọi học thuyết.

Mong muốn hoán cải mục vụ này có thể được nhìn thấy trong các bài phát biểu hàng năm khá dài và thẳng thắn của ngài trước các thành viên của Giáo triều Rôma, mà trong thập niên qua, ngài đã sử dụng như cơ hội để tiến hành một cuộc kiểm tra tập thể về một số “căn bệnh” tâm linh hữu thức, có tính chẩn đoán mà theo ngài, Giáo Hội đang mắc phải, và đưa ra các biện pháp khắc phục của riêng mình, luôn nhấn mạnh đến nhu cầu hoán cải.

Đức Phanxicô muốn cơ quan quản trị trung tâm của Giáo Hội và câu lạc bộ độc quyền nhất của nó, là Hồng Y đoàn, mang tính quốc tế và đa dạng hơn, đồng thời tập trung hơn vào việc truyền giảng Tin Mừng.

Mong muốn này được chứng minh không những bởi những người nhận mũ đỏ của ngài trong nhiều năm qua, mà còn cả bởi những bài viết của ngài trong các tài liệu quan trọng như tông huấn đầu tiên của ngài vào năm 2013, Evangelii Gaudium, hay “Niềm Vui Tin Mừng,” trong đó ngài kêu gọi các tín hữu trở thành “các môn đệ truyền giáo” yêu mến Tin Mừng, và tài liệu của ngài năm ngoái nhằm cải cách Giáo triều Rôma, Praedicate evangelium, hay “Hãy rao giảng Tin Mừng,” trong đó ngài đưa ra những thay đổi sâu rộng đối với giáo triều, tạo ra một bộ phận đặc biệt dành riêng cho việc truyền giáo và cho phép giáo dân nắm giữ những vai trò nổi bật hơn trong vai trò lãnh đạo.

Ngài đã nhất quán kêu gọi Giáo Hội trở nên thương xót hơn và dành ít thời gian hơn cho các cuộc tranh luận thần học và dành nhiều thời gian hơn để tiếp cận những người bị thương và đau khổ.

Đó là kết quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót của ngài, trong đó ngài cho phép tất cả các linh mục được tha tội phá thai và mở rộng khả năng tiếp cận với các ân xá, và đó là yếu tố thúc đẩy đằng sau quyết định của ngài trong chú thích khét tiếng 351 của tài liệu Amoris Laetitia năm 2016 của ngài, được công bố sau Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014 và 2015 về gia đình, trong đó ngài cho phép thận trọng mở cửa cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.

Đó cũng là động lực đằng sau việc ngài hợp lý hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu hóa hôn nhân, và cũng là một yếu tố quan trọng trong Thượng Hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị hiện nay.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi nhiệm vụ của mình là duyệt xét toàn bộ Giáo Hội, tiếp tục mở cửa Giáo Hội với thế giới và biến lòng thương xót và truyền giáo trở thành động lực đằng sau mọi hành động của mình, trong căn bản là thực hiện viễn kiến của Công đồng Vatican II và xóa bỏ bất cứ điều gì ngài tin là gây trở ngại cho việc này.

Hoán cải mục vụ là chìa khóa cho tất cả, nó là điều cần thiết để thực hiện viễn kiến của ngài, và điều này có thể sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài trong phần còn lại của triều đại giáo hoàng.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm các Hồng Y vào hội đồng cố vấn của ngài
Thanh Quảng sdb
17:23 07/03/2023
Đức Thánh Cha bổ nhiệm các Hồng Y vào hội đồng cố vấn của ngài

Aleteia

Hai Đức Hồng Y Tây Ban Nha và một Canada trong số năm tân Hồng Y trong hội đồng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các thành viên mới cho Hội đồng Hồng Y, cơ cấu mà ngài đã thiết lập để hỗ trợ ngài trong việc cải cách Giáo triều Rôma.

Năm Hồng Y mới sẽ tham gia Hội đồng là: Fernando Vérgez Alzaga (người Tây Ban Nha), Juan José Omella Omella (người Tây Ban Nha, tổng giám mục Barcelona), Gérald C. Lacroix (người Canada, tổng giám mục Quebec), Jean-Claude Hollerich (Luxemburg), và Sérgio da Rocha (người Brazil), tổng giám mục São Salvador da Bahia).

Bốn Hồng Y còn lại: Pietro Parolin (người Ý), Fridolin Ambongo (DRC), Oswald Gracias (người Ấn Độ), Seán Patrick O’Malley (người Mỹ).

Và ba Hồng Y không được gia hạn: Reinhard Marx (người Đức, 69 tuổi), Óscar Maradiaga (Honduras, 80 tuổi) và Giuseppe Bertello (người Ý, 80 tuổi).

Hồng Y Vérgez Alzaga là chủ tịch của Cơ quan quản lý Vatican và mới được tôn phong Hồng Y vào năm 2022. Vị Hồng Y giữ vị trí này đã là thành viên của hội đồng kể từ khi nó được thành lập.

Quyết định được chính thức công bố vào ngày 13 tháng 4 năm 2013, chỉ một tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu lên ngai tòa Thánh Phêrô, mục đích của Hội đồng Hồng Y là cố vấn cho Đức Thánh Cha về việc cai quản Giáo hội hoàn vũ.

Các Đức Hồng Y Oswald Gracias, Reinhard Marx, Seán Patrick O'Malley và Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, là bốn Hồng Y trong số tám thành viên ban đầu của Hội đồng đã ngưng công tác này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCGVN Sydney Giúp đỡ nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Khanh Lai
20:00 07/03/2023
CĐCGVN Sydney Giúp đỡ nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Sáng Thứ 3 ngày 7/3/2023 tại Văn Phòng Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP SYDNEY đã có cuộc gặp gỡ giữa đại diện Caritas Úc Châu và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, đại diện Ban Tuyên Úy có Lm. Remy Bùi Sơn Lâm, Tuyên Úy Trưởng, Lm. Paul Chu Văn Chi, Tuyên Úy, về phần Ban Thường Vụ có Ông Nguyễn Ngọc Khiêm chủ tịch CDCGVN Sydney.





Lm. Remy Bùi Sơn Lâm, Tuyên Úy Trưởng, đã có đôi lời với đại diện Caritas là cô Christine. Vì hoàn cảnh đau thương gây nhiều thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tuần vừa qua, chúng tôi nhớ lại những quá khứ của người việt những lúc rời bỏ quê hương sống tạm dung tại các trại tỵ nạn, và biết bao nhiêu người VN đã được sự giúp đỡ của Caritas trong những ngày tháng tha phương. CDCGVN TGP SYDNEY chúng tôi xin góp một bàn tay giúp đỡ và xoa dịu viết thương đau của các nạn nhân trong kỳ động đất vừa qua, xin chuyển tới cho Caritas Úc Châu là: $65,794 dollars để gởi đến các nạn nhân đau thương.





Đây là niềm vinh dự lớn lao cho CDCGVN TGP SYDNEY, đã góp một bàn tay giúp đỡ các nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhân dịp mùa chay thánh 2023 theo lời mời gọi của Đức Kitô: “Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25: 31-46)

Đây là số tiền tổng cộng đóng góp của tất cả giáo dân Công Giáo Việt Nam TGP SYDNEY từ ngày 25/2/2023 tới 9.50am sáng nay ngày 7/3/2023.



Khanh Lai tường trình và hình ảnh.
 
TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023 - Phần 1 - chủ đề Hiệp Thông
Khanh Lai
20:36 07/03/2023
TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023.

CHỦ ĐỀ: SỐNG TINH THẦN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH.

Ngày Thứ Nhất tại Cabramatta với chủ đề “Hiệp Thông”Mùa chay là mùa nhắc nhở mọi người tín hữu trở về

với lòng mình, với chính con người mình để ăn năn sám hối, chỉnh đốn lại đời sống để đón mừng ngày Chúa Phục Sinh. Chính vì thế, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức 3 ngày tĩnh tâm cho mọi tín hữu trong và ngoài cộng đồng.



Năm nay giảng tĩnh tâm, do Cha Phaolo Nguyễn Trọng Thiên, dòng Ngôi Lời SVD Giảng thuyết, chúng tôi thấy có một số anh chị em tới rất sớm để trang trí cho buổi thuyết giảng chiều nay, dưới sự hướng dẫn của Lm. Paul Chu Văn Chi.



Thứ ba ngày 7/3/2023 tại nhà thờ Sacred Heart, Cabramatta NSW lúc 7 tối, Thuyết giảng phần 1: với chủ đề “Hiệp Thông.”



Mở đầu là ca đoàn và tất cả giáo dân cùng hát bài “Hành Trang Tuổi Trẻ của Nhạc sĩ: Hoàng Đức, mở đầu cho chương trình thuyết giảng, Lm. Remy Bùi Sơn Lâm Tuyên Úy Trưởng, giới thiệu Cha Phaolo Nguyễn Trọng Thiên, dòng Ngôi Lời SVD Giảng thuyết, tiểu sử và đôi dòng về gd của ngài, Ngài cũng tâm tình lý do tại sao cha mẹ đặt tên cho ngài là “THIÊN” vì ngài sinh ra trùng ngày Đức Mẹ lên trời, vì lòng kính mến Đức Mẹ nên cha mẹ ngài đặt tên cho con mình là THIÊN.



Sống trong tinh thần Hiệp Hành mà Đức Thánh Cha kêu gọi từ năm 2021 tới 2023, bản thảo Một số việc làm cụ thể để tín hữu sống tinh thần hiệp hành



Trong đêm 7/3/2023, Cha Phaolo Nguyễn Trọng Thiên, chia sẻ đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Lc 24,13-24, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus. Cha Phaolo Nguyễn Trọng Thiên cũng chia sẻ Đức Kitô phục sinh mới là khởi đầu của Kitô Giáo, chứ không phải lễ truyền tin.



Sau phần thuyết giảng là phần giải đáp một số thắc mắc của giáo dân, ngài rất vui tươi và dí dỏm trong cách trả lời, mọi người đều vui vẻ, vì không còn giờ nên ngài hẹn quý ông bà anh chị em vào tối mai tại Lakemba với chủ đề: Tham Gia.





Ca đoàn cất bài hát “Thắp Sáng Trong Con của Sr Trầm Hương (FMFR) khép lại phần giải đáp, và chuẩn bị cho Thánh Lễ.



Thánh Lễ có 3 Linh Mục đồng tế, Lm. Paul Văn Chi, Lm. Nguyễn Trọng Thiên và Lm. Remy Bùi Sơn Lâm tuyên úy trưởng chủ tế Thánh Lễ.





Thánh lễ kết thúc lúc 9.10pm và cùng hẹn nhau vào chương trình thuyết giảng tối mai lúc 7pm tại Thánh đường St. Therese, Lakemba thứ 4 ngày 8/3/2023.

Khanh Lai tường trình.
 
VietCatholic TV
Nhật lệnh của Zelenskiy về Bakhmut, nhận định của NATO. Chỉ huy Nga: Shoigu và Wagner trúng kế Kyiv
VietCatholic Media
03:33 07/03/2023


1. Zelenskiy ra lệnh củng cố Bakhmut, nói rằng không thể bỏ rơi phần nào của Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai cho biết ông đã ra lệnh củng cố các vị trí bên trong thành phố Bakhmut, giải thích rằng không có phần nào của Ukraine có thể bị bỏ rơi.

Tổng thống cho biết ông đã đưa ra quyết định trên sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lãnh Ukraine.

“Tôi đã nói với tham mưu trưởng tìm lực lượng thích hợp để giúp những người ở Bakhmut. Không có phần nào của Ukraine có thể bị bỏ rơi”, ông Zelenskiy nói. “Không có chiến hào Ukraine nào mà ở đó sự kiên cường và chủ nghĩa anh hùng của những người lính của chúng ta lại không có giá trị.”

Zelenskiy dường như cũng đề cập đến những tin đồn về việc Ukraine rút quân khỏi thành phố phía đông, coi đó là “thông tin sai lệch”, đến từ những người không có quyền truy cập vào các cuộc họp báo bí mật để đưa ra quyết định.

Zelenskiy nói rằng Ukraine sẽ bảo vệ từng tấc đất của đất nước mình.

“Chúng ta đang bảo vệ và sẽ tiếp tục bảo vệ mọi phần của Ukraine,” ông nói. “Khi đến lúc, chúng ta sẽ giải phóng mọi thành phố và làng mạc trên đất nước chúng ta. Và chúng ta sẽ đưa ra câu trả lời có tính chất quyết liệt hơn cho mọi phát súng chống lại Ukraine, cho mọi hành động hèn hạ chống lại người dân Ukraine.”

Một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng lục quân Ukraine, đã đến thăm quân đội ở Bakhmut vào hôm Chúa Nhật trước khi có cuộc họp với Tổng thống Zelenskiy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 7 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết “Ngày 5 tháng 3, Đại Tướng Oleksandr Syrsky, Tư lệnh Lực lượng Lục Quân, một lần nữa đến thăm các đơn vị bảo vệ Bakhmut và vùng ngoại ô thành phố. Theo ông, cuộc chiến giành Bakhmut đã đạt đến cường độ cao nhất.”

“Đối phương đã gửi thêm lực lượng Wagner vào trận chiến. Các binh sĩ của chúng ta đang dũng cảm bảo vệ các vị trí của họ ở phía bắc Bakhmut, cố gắng ngăn thành phố bị bao vây”

Cho đến nay Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine không đề cập đến khả năng rút quân nhưng cho biết các lực lượng Ukraine đã gây tổn thất nghiêm trọng cho Nga trong vài tháng qua.

Thứ trưởng Hanna Maliar nói: “Trong suốt thời gian qua, những nỗ lực chiếm thành phố của đối phương đã bị đánh bại bởi sự kiên cường của những người lính của chúng ta. Quân phòng thủ của chúng ta đã gây ra tổn thất đáng kể cho đối phương, phá hủy một số lượng lớn phương tiện, buộc các đơn vị tấn công tốt nhất của Wagner phải chiến đấu và làm giảm tiềm năng tấn công của đối phương.”

Đại Tướng Syrskyi đã tổ chức và lãnh đạo lực lượng phòng thủ Kyiv, đánh lui thành công các lực lượng Nga gần như đã bao vây thủ đô Ukraine khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga.

Ông thường xuyên đến thăm các đơn vị tiền tuyến ở Donbas và những nơi khác, bao gồm cả Bakhmut. Chuyến thăm thành phố trước đây của ông là vào cuối tuần trước.

2. NATO ước tính số binh sĩ Nga mất ở Bakhmut nhiều gấp 5 lần so với Ukraine

Tình báo NATO ước tính rằng cứ mỗi binh sĩ Ukraine thiệt mạng khi bảo vệ Bakhmut thì lực lượng Nga mất ít nhất 5 người, một quan chức quân sự của liên minh Bắc Đại Tây Dương nói với CNN hôm thứ Hai.

Quan chức này cảnh báo tỷ lệ 5 trên 1 là ước tính có căn cứ dựa trên thông tin tình báo.

Quan chức này đã nói chuyện với CNN với điều kiện họ phải ẩn danh vì họ không được phép thảo luận về thông tin tình báo này. Bất chấp tỷ lệ thuận lợi, họ cũng cho biết Ukraine đang chịu tổn thất đáng kể khi bảo vệ thành phố.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng họ đang gây tổn thất nặng nề cho Nga khi Mạc Tư Khoa cố chiếm Bakhmut.

“Quân phòng thủ của chúng ta đã gây ra tổn thất đáng kể cho đối phương, phá hủy một số lượng lớn phương tiện, buộc các đơn vị tấn công tốt nhất của Wagner phải chiến đấu và làm giảm tiềm năng tấn công của đối phương”, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng trên bộ của Ukraine cho biết sau chuyến thăm Bakhmut vào ngày Chúa Nhật.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cũng cho biết nỗ lực chiếm Bakhmut của Nga đã làm suy giảm đáng kể khả năng tấn công thêm của nước này.

“Quân đội Nga có thể sẽ phải vật lộn để duy trì bất kỳ hoạt động tấn công nào tiếp theo trong vài tháng, tạo cơ hội cho Ukraine giành thế chủ động;” ISW tuyên bố hôm thứ Hai.

3. Ukraine phá hủy tháp giám sát ở khu vực biên giới Nga

Quân đội Ukraine cho biết họ đã phá hủy một tháp giám sát ở khu vực biên giới Bryansk của Nga bằng máy bay không người lái.

“Các lực lượng trinh sát của lực lượng đặc biệt KRAKEN đã phá hủy một tháp giám sát Grenader ở vùng Bryansk bằng máy bay không người lái kamikaze,” Đơn vị Kraken của Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết như trên.

Ít khi Ukraine thừa nhận các cuộc xâm nhập vào Nga. Sự thừa nhận hiếm hoi của các lực lượng Ukraine được đưa ra ngay sau một cuộc xâm nhập của quân tình nguyện Nga chiến đấu cho Ukraine vào cùng một khu vực của Nga vào tuần trước.

Các quan chức an ninh Nga tuyên bố rằng một nhóm vũ trang nhỏ của Ukraine đã vượt biên giới Nga vào khu vực Bryansk phía nam. Kyiv đã bác bỏ cáo buộc này và coi là “hành động khiêu khích có chủ ý cổ điển” của Điện Cẩm Linh.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết trong một tuyên bố thông qua cơ quan truyền thông nhà nước RIA Novosti hôm thứ Năm rằng cơ quan này đang tiến hành các hoạt động theo dõi “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine có vũ trang đã vi phạm biên giới nhà nước”. Tổng thống Vladimir Putin sau đó mô tả vụ việc là một cuộc tấn công khủng bố, và một quan chức địa phương cho biết hai thường dân đã thiệt mạng.

Vào thời điểm đó, CNN không thể xác minh độc lập các tuyên bố của Nga và phương tiện truyền thông địa phương không đưa bất kỳ hình ảnh nào về các sự việc được cho là, bất kỳ hình thức đối đầu hoặc một cuộc đột kích nào do chính quyền Nga đưa tin.

4. “Chúng ta sẽ tìm ra những kẻ giết người,” Zelenskiy thề khi đáp lại đoạn video quay cảnh sát hại người lính Ukraine không vũ trang

Các quan chức Ukraine đã chỉ trích Mạc Tư Khoa sau khi một đoạn video cho thấy một trong những binh sĩ của nước này, được cho là đang bị Nga giam giữ đã bị binh lính Nga hành quyết.

Đoạn video cho thấy một người lính không vũ trang trong bộ quân phục chiến đấu của Ukraine được lính Nga trao cho một điếu thuốc như ân huệ cuối cùng trước khi bị xử bắn. Anh hút điếu thuốc đó gần nơi dường như là một vị trí chiến đấu. Người lính sau đó rút điếu thuốc khỏi miệng, thổi khói và có thể nghe thấy tiếng nói “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine), trước khi các chiến binh bắn nhiều phát vào anh ta.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hứa Ukraine sẽ tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm về việc sát hại người lính này.

“Hôm nay, một đoạn video đã được công bố cho thấy quân xâm lược Nga đã giết hại dã man một chiến binh đã dũng cảm nói vào mặt họ: “Vinh quang cho Ukraine!,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình. “Tôi muốn tất cả chúng ta đồng thanh đáp lại lời của anh ấy: “Vinh quang thay anh hùng! Vinh quang cho các anh hùng! Niềm tự hào cho Ukraine!”

“Chúng ta sẽ tìm ra những kẻ giết người,” anh nói thêm.

Zelenskiy nói thêm Ukraine sẽ không bao giờ quên những người đã hy sinh vì đất nước của họ và cảm ơn những người hiện đang ở trên chiến trường.

Một số thông tin cơ bản: Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đổ lỗi cho Nga và nói rằng đó là bằng chứng bổ sung cho thấy cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa là “diệt chủng”. Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền Dmytro Lubinets, cùng một số người khác, cho biết ông đã chia sẻ đoạn video với các đối tác quốc tế như là “bằng chứng về một tội ác chiến tranh khác của Nga”.

5. “ Sự sụp đổ của Bakhmut” sẽ không phải là “thất bại chiến lược” đối với Ukraine

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nếu các lực lượng Nga chiếm được thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, thì đó sẽ không phải là “một bước thụt lùi về chiến lược hoặc tác chiến” đối với quân đội Ukraine.

“Tôi chắc chắn không muốn đánh giá thấp công việc to lớn mà các binh sĩ và lãnh đạo Ukraine đã bỏ ra để bảo vệ Bakhmut, nhưng tôi nghĩ rằng nó mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và tác chiến,” Austin nói trong chuyến thăm Alyan, Jordan.

“Vì vậy, sự thất thủ của Bakhmut không nhất thiết có nghĩa là người Nga đã thay đổi cục diện cuộc chiến này. Tôi nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục được tranh luận, ông nói thêm.

Austin nói: “Những gì tôi thấy là người Nga tiếp tục đổ vào rất nhiều binh lính được huấn luyện và trang bị kém. Và những đội quân đó đang rất nhanh chóng gặp phải sự sụp đổ của họ.”

Một số bối cảnh: Giao tranh dữ dội đang diễn ra xung quanh Bakhmut và các nhà phân tích nói rằng các lực lượng Nga đang giành được một số thắng lợi hạn chế nhưng bị thiệt hại rất nặng khi họ tìm cách bao vây các đơn vị Ukraine.

Hôm Chúa Nhật, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết đoạn video định vị địa lý cho thấy “Các lực lượng của Tập đoàn Wagner tiếp tục tiến công ở phía đông bắc Bakhmut và tiến gần ga xe lửa Stupky,” nằm ở phía bắc thành phố.

ISW cho biết thêm: “Các lực lượng Ukraine khó có thể rút khỏi Bakhmut ngay lập tức và có thể theo đuổi một cuộc rút lui dần dần trong chiến đấu để làm kiệt quệ lực lượng Nga thông qua chiến tranh đô thị”.

6. Thủ tướng Đức nói rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine phải bắt đầu với việc Putin chấm dứt hành vi gây hấn của mình

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên báo chí rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào xung quanh việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ chỉ bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu rằng ông đã thua trong cuộc chiến nảy.

“Theo quan điểm của tôi, điều cần thiết là Putin phải hiểu rằng ông ta sẽ không thành công với cuộc xâm lược này và sự xâm lược mang tính đế quốc của mình - rằng ông ta phải rút quân. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán,” Scholz nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chúa Nhật.

Ông nói thêm rằng ông tin Ukraine “sẵn sàng cho hòa bình.”

“Nếu bạn nhìn vào đề xuất của người Ukraine, có thể dễ dàng hiểu rằng họ đã sẵn sàng cho hòa bình. Phải có một cái gì đó được thực hiện. Điều này phải được thực hiện bởi Putin,” Scholz nói.

Khi được hỏi liệu có một thỏa thuận nào được thực hiện để chấm dứt chiến tranh hay không, có lẽ với việc Ukraine thừa nhận sẽ không chiếm lại Crimea hoặc một phần của khu vực phía đông Donbas, Scholz cho biết sẽ không có quyết định nào được đưa ra nếu không có phía Ukraine.

“Chúng ta sẽ không đưa ra quyết định thay họ. Chúng ta ủng hộ họ,” ông nói.

Tuy nhiên, các phóng viên đã hỏi thủ tướng liệu ông có khuyến khích Ukraine xem xét một thỏa thuận như vậy hay không.

“Chúng tôi đã nói với Ukraine rằng họ có thể trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu. Họ đang làm việc để đạt được tiến bộ trong tất cả các tiêu chí quan trọng cho việc này. Tôi nghĩ họ biết rằng chúng tôi sẵn sàng bảo đảm an ninh cho đất nước, trong thời kỳ hòa bình sắp tới, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được điều đó,” Scholz nói.

Thủ tướng Đức đã tổ chức các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington vào thứ Sáu sau 12 tháng đầy biến đổi chứng kiến Đức trải qua sự thay đổi quan trọng nhất trong chính sách quân sự và năng lượng trong nhiều thập kỷ.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã biến Scholz, người nhậm chức hai tháng trước cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa, trở thành một nhà lãnh đạo khủng hoảng, giám sát nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và nền dân chủ hùng mạnh nhất trong thời kỳ bạo lực tồi tệ nhất trên lục địa kể từ Thế chiến II.

Và nó đã đẩy anh ta và Biden vào một trong những mối quan hệ có kết quả nhất trên thế giới, được duy trì bởi sự phản đối chung đối với cuộc xâm lược của Nga nhưng đôi khi căng thẳng về cách phản ứng.

“Bạn đã bước lên để cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng. Và tôi cho rằng, ngoài sự hỗ trợ quân sự, sự hỗ trợ tinh thần mà bạn đã dành cho người Ukraine là rất sâu sắc.,” Biden nói với Thủ tướng Đức trong tuần này tại Phòng Bầu dục.

7. Mỹ và Lithuania cam kết hỗ trợ Kyiv “cho đến khi Ukraine thắng thế” đồng thời kêu gọi các đồng minh khác làm điều tương tự

Hoa Kỳ và Lithuania hôm thứ Hai đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Kyiv “cho đến khi Ukraine chiếm ưu thế” và kêu gọi các đồng minh khác làm điều tương tự - một thông điệp dường như ngầm gửi tới các nhà lãnh đạo có thể tìm cách tránh xa khi chiến tranh tiếp diễn mà không có dấu hiệu của giảm bớt.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp của họ tại Washington, DC, Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis cho biết Hoa Kỳ và Lithuania sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine “để xoa dịu nỗi đau của người dân và bảo vệ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ trong các đường biên giới được quốc tế công nhận..”

Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại lời kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh và rút toàn bộ quân đội và thiết bị của mình, tuyên bố cho biết.

Họ cũng “cam kết tiếp tục áp đặt các chi phí kinh tế mạnh mẽ đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt và truy cứu trách nhiệm đối với những người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công của Nga”.

Các quan chức từ Lithuania, một quốc gia vùng Baltic sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia NATO năm nay tại thủ đô Vilnius, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine và nhu cầu giành chiến thắng của Ukraine.

8. Cựu Tư lệnh Nga chỉ trích 'bệnh tâm thần' của lãnh đạo quân sự Putin

Căng thẳng đã dâng cao giữa trùm Wagner Yevgeny Prigozhin và Bộ Quốc Phòng Nga và trong nhiều trường hợp, Bộ Quốc Phòng Nga đã tìm cách thay các đơn vị quân Wagner bằng các đơn vị quân chính quy Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Military Leaders' 'Psychopathy' Slammed by Former Russian Commander”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga chỉ trích 'bệnh tâm thần' của lãnh đạo quân sự Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin, còn được gọi là Igor Ivanovich Strelkov, đã chỉ trích Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Tập đoàn Wagner và Bộ trưởng Quốc phòng Điện Cẩm Linh Sergei Shoigu về các hoạt động gần đây của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Grikin cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng Tập đoàn Wagner, một tổ chức lính đánh thuê bán quân sự của Nga, không thể bị giải tán sau trận chiến ở Bakhmut, mà theo các quan chức quốc phòng Anh đang trở nên căng thẳng và làm suy yếu quân đội Ukraine trước các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa.

Cựu chỉ huy Nga gợi ý rằng quân đội Nga cùng với Wagner nên rút khỏi tiền tuyến của chiến trường “để bổ sung và tổ chức lại, để sau đó được sử dụng theo hướng chiến lược hứa hẹn hơn cho các mặt trận đột phá”.

Nhưng ông cũng cho rằng việc loại bỏ Prigozhin khỏi vị trí lãnh đạo Wagner là “cần thiết khẩn cấp”.

“Vì tham vọng chính trị của anh ta, được nhân lên bởi chứng biến thái nhân cách, tội ác chiến tranh của tổ chức, xu hướng tự quảng cáo một cách vô liêm sỉ và ở nhiều khía cạnh một cách sai lầm và truyền bá 'khái niệm tội phạm' thối nát cho các lực lượng vũ trang—chỉ gây hại cho cả Wagner và sự nghiệp chung của chiến thắng trước 'Ukraine',” Girkin viết.

Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, tất cả những điều trên (ngoại trừ 'tội ác chiến tranh') cũng áp dụng cho Nguyên soái Sergei Shoigu. Nói tóm lại, cần phải gạt cả hai ra và tốt hơn là gạt cả hai ra cùng một lúc, bởi vì 'hai chiếc ủng trở thành một đôi.'“

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết chiến binh Wagner cùng với quân chính quy Nga đã tiến xa hơn vào vùng ngoại ô phía bắc Bakhmut, hiện là khu vực chính do Ukraine kiểm soát “dễ bị Nga tấn công từ ba phía”.

Các lực lượng Ukraine hiện đang chịu áp lực ngày càng tăng từ quân đội Nga, tình báo quân đội Anh cho biết hôm thứ Bảy. Ukraine đang củng cố khu vực bằng các đơn vị tinh nhuệ và đã phá hủy hai cây cầu quan trọng. Một trong số đó rất quan trọng để kết nối Bakhmut với tuyến đường cung cấp chính cuối cùng đến thành phố Chasiv Yar.

“Các tuyến đường tiếp tế do Ukraine nắm giữ ra khỏi thị trấn ngày càng bị hạn chế,” bản cập nhật quốc phòng của Anh cho biết thêm. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã đưa ra một đánh giá riêng, nói rằng việc phá hủy các cây cầu có thể là bước chuẩn bị cho việc Ukraine rút quân.

ISW cho biết: “Các lực lượng Ukraine dường như đang đặt ra các điều kiện cho một cuộc rút lui có kiểm soát khỏi các khu vực của Bakhmut”. Cơ quan cố vấn có trụ sở ở Washington DC cho biết việc phá hủy các cây cầu có thể cho thấy quân đội Ukraine muốn hạn chế sự di chuyển của Nga ở phía đông Bakhmut và hạn chế các tuyến đường đi ra phía tây của Nga.

Girkin trước đây đã chỉ trích Prigozhin, cả hai tham gia vào các cuộc tranh cãi công khai gần đây khi Tập đoàn Wagner không đạt được những bước tiến lớn ở miền đông Ukraine.

Tập đoàn Wagner được cho là đang cố gắng chiêu mộ các tù nhân để chiến đấu ở Ukraine, và được cho là đã đe dọa họ bằng các vụ án hình sự mới và biệt giam nếu họ từ chối tham gia. Prigozhin đã tuyên bố vào tháng 2 rằng Tập đoàn không còn tuyển mộ tù nhân Nga cho cuộc chiến.

“Việc tuyển mộ tù nhân của công ty quân sự tư nhân Wagner đã hoàn toàn chấm dứt,” Prigozhin cho biết vào thời điểm đó trên tài khoản Telegram của công ty Concord do ông ta sở hữu. “Hiện tại chúng ta đang thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình với những người làm việc cho chúng ta.”

Girkin sau đó đã bình luận về tuyên bố này, cho thấy rằng thời gian của Tập đoàn Wagner ở Ukraine là có hạn và lệnh chấm dứt tuyển mộ tù nhân đến từ chính Điện Cẩm Linh.

“Tôi tin rằng việc chấm dứt tuyển dụng là do 'lệnh từ cấp trên'. Và sau một thời gian nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Wagner trong việc tấn công thành công hết vị trí này đến vị trí khác, như đang xảy ra gần Bakhmut,” ông nói vào thời điểm đó trong một bài đăng trên Telegram.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận
 
HĐGM Phi lên án vụ tàn sát dã man. Bộ Giáo Lý Đức Tin nhận định về Công Nghị Đức. Kinh Truyền Tin
VietCatholic Media
05:13 07/03/2023


1. Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân lên án vụ thảm sát vô nghĩa thống đốc tỉnh Negros Oriental và năm người khác

Đức Cha Julito Cortes của giáo phận Dumaguete đã lên án vụ giết hại “khủng khiếp” Thống đốc Roel Degamo của tỉnh Negros Oriental và năm người khác vào hôm Thứ Bảy, ngày 4 tháng Ba. Một thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục Phi cũng đã mô tả vụ việc là một “hành động giết người đau lòng và vô nghĩa”.

“Làm sao chúng ta có thể có hòa bình lâu dài nếu chúng ta tiếp tục sống trong một nền văn hóa bạo lực?” Đức Cha Cortes nói. “Khi nào chu kỳ giết chóc này mới dừng lại?”

Báo cáo của cảnh sát cho biết một nhóm người được trang bị vũ khí hùng hậu đã xông vào tư dinh của Ông Degamo và nổ súng vào thống đốc và những người dân đang tụ tập trước khi trốn thoát.

Đức Cha gửi lời chia buồn đến gia đình của cố thống đốc và gia đình tang quyến của những người khác đã thiệt mạng,

“Cầu xin Thiên Chúa từ bi tuôn đổ trên anh chị em tất cả sức mạnh và sự an ủi mà anh chị em cần trong thời điểm vô cùng đau buồn này.”

Ngài kêu gọi chính quyền đưa những thủ phạm gây đổ máu ra trước công lý.

Ít nhất ba nghi phạm cho đến nay đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ liên quan đến vụ giết người.

Vị giám chức cũng khuyến khích các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho đến khi các vụ giết người trên đảo được giải quyết.

“Thiên Chúa biết nỗi thống khổ trong lòng chúng ta, thưa anh chị em. Vì vậy, đừng nản lòng. Chúa của tình yêu và lòng thương xót sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta,” Đức Cha Cortes nói.

Cảnh sát cho biết 6 nghi phạm mang theo súng trường và mặc đồng phục tương tự như đồng phục của lực lượng vũ trang đã xông vào nhà của thống đốc và nổ súng.

“Thống đốc Degamo không đáng phải chịu cái chết như vậy. Ông ấy đang phục vụ các cử tri của mình vào ngày thứ Bảy,” Janice Degamo, là thị trưởng của Pamplona, cho biết trong một video đăng trên Facebook.

Tổng thống Ferdinand Marcos đã lên án điều mà ông mô tả là “vụ ám sát” đồng minh chính trị của mình và cảnh báo những thủ phạm “hãy đầu hàng ngay bây giờ, đó sẽ là lựa chọn tốt nhất của các người”.

“Chính phủ của tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng tôi đưa những thủ phạm của tội ác ghê tởm và hèn hạ này ra trước công lý,” Marcos nói thêm.

Phát ngôn nhân cảnh sát tỉnh Kym Lopez nói với AFP rằng viên thống đốc đang phân phát viện trợ cho các cử tri thì bị bắn.

Cảnh sát cho biết họ đang truy lùng 10 nghi phạm, trong đó có 6 tay súng, những kẻ đã chạy trốn khỏi hiện trường trên 2 chiếc SUV và một chiếc xe bán tải trước khi bỏ lại các phương tiện ở một thành phố gần đó.

Bộ trưởng Nội vụ và Chính quyền địa phương Benjamin Abalos đã kêu gọi các nhân chứng tiến ra và giúp cảnh sát “đòi lại công lý” cho Degamo.

Degamo, 56 tuổi, là mục tiêu mới nhất trong lịch sử dài các vụ tấn công các chính trị gia ở Philippines. Anh ta ít nhất là người thứ ba bị bắn kể từ cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Tòa án Tối cao vào tháng trước đã tuyên bố ông là người chiến thắng hợp pháp trong cuộc tranh cử chức thống đốc Negros Oriental sau cuộc kiểm phiếu lại đã đánh bại đối thủ địa phương của ông, người trước đó đã được tuyên bố là người chiến thắng.

Degamo cũng đã vận động cho Marcos trong thời gian ông Marcos ra ứng cử tổng thống vào năm ngoái.

Mamintal Adiong, thống đốc tỉnh Lanao del Sur ở miền nam, đã bị bắn và bị thương vào tháng 2 trong một vụ tấn công khiến tài xế của ông và 3 cảnh sát hộ tống thiệt mạng.

Cùng tháng đó, phó thị trưởng của thị trấn phía bắc Aparri, Rommel Alameda, và năm người khác đi cùng ông đã bị bắn chết trong một cuộc phục kích trên đường cao tốc.

Lý do chính khiến người ta nghi ngờ đường hướng của Giáo hội ở Đức là những nỗ lực tương tự để theo đuổi hệ tư tưởng thời đại đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay.

2. Nhận định của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin về Tiến Trình Công Nghị Đức

Mạng Kath.net đã đăng một bài nhận định của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin về Tiến Trình Công Nghị Đức nhan đề “Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào?”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào? Thưa: Câu trả lời cho câu hỏi này rõ ràng phụ thuộc vào người được anh em hỏi, nhưng công bằng mà nói đối với nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân đang chú ý ở Hoa Kỳ, họ nghi ngờ sâu sắc về những gì Giáo Hội Công Giáo Đức đang làm liên quan tới tính đồng nghị. Đôi khi điều này gần như tuyệt vọng, vì rõ ràng là các giám mục Đức không quan tâm đến việc lắng nghe Giáo hội hoàn vũ, để lại rất ít hy vọng rằng người Đức sẽ tự sửa sai. Ấn tượng rõ ràng là họ có một nghị trình muốn thay đổi Giáo hội, và họ muốn áp đặt tầm nhìn của mình lên toàn bộ Giáo hội hoàn vũ.

Các giám mục Đức đã nhận được những lời quở trách từ các Hồng Y bộ trưởng của các bộ quan trọng của Vatican, một bức thư ngỏ của 103 Hồng Y và Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, một cuộc trao đổi rất công khai với một Tổng Giám mục từ Hoa Kỳ, cùng với vô số những lời kêu gọi khác phải thận trọng, kể cả từ các giám mục Ba Lan và Scandinavia, chưa kể đến sự dè dặt sâu xa do chính Đức Giáo Hoàng bày tỏ.

Ấy thế nhưng, người Đức vẫn tiếp tục như thể không có điều gì trong số này xảy ra và hành động như thể họ được ban cho một sứ mệnh đặc biệt để cứu Giáo hội. Điều này cho thấy một mức độ kiêu ngạo nói lên một sự bác bỏ tinh thần đồng nghị như đã được Đức Thánh Cha cổ vũ. Về phương diện này, người Đức đã bác bỏ viễn kiến của Đức Thánh Cha về một Giáo hội khiêm tốn, biết lắng nghe và mãi là Công Giáo.

Người ta cũng nói rằng không ai trong số hơn 270 giám mục từ Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với các giám mục Đức. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ ở Bắc Âu, hàng giám mục trên khăp thế giới cũng không đưa ra một lời khuyến khích nào. Sự im lặng này rất có ý nghĩa. Giáo Hội Đức phần lớn đã tự cô lập và dường như không quan tâm đến hàng Giám Mục thế giới.

Một trong những mối quan tâm sâu xa nhất mà tôi đã nghe được từ những tiếng nói quan trọng từ Hoa Kỳ là người Đức sẽ làm suy yếu một sáng kiến có tầm quan trọng tiềm tàng của Đức Thánh Cha. Trong khi có những lo ngại nghiêm trọng về việc nhấn mạnh vào quy trình và các tài liệu ban đầu do Tiến Trình Công Nghị đưa ra, phong trào hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn có những khả thể đang bị bắt cóc bởi một nhóm giám mục được thúc đẩy bởi ý thức hệ từ Đức. Nếu họ tiếp tục thống trị cuộc đàm luận, điều tốt đẹp vốn tiềm tàng nằm trong tầm tay với sẽ bị mất đi vì lợi ích vị kỷ của Giáo Hội Đức. Bất cứ cơ hội nào để Giáo hội mở rộng quan điểm của mình một cách hữu hiệu và thực sự Công Giáo sẽ bị mất đi bởi những tiếng ồn ào xung quanh những nỗ lực của các giám mục Đức nhằm thay đổi tận căn bản các giáo huấn chính của Giáo hội.

Ấn tượng ở đây là Giáo hội Đức được thúc đẩy bởi ý muốn thu hút nhiều người hơn trở lại với Giáo Hội thông qua việc thoả hiệp với ý thức hệ thời đại. Người Đức đề xuất rằng càng thế tục hóa, Giáo Hội càng tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm hoàn toàn ngược lại với trải nghiệm của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Các nhà thờ và cộng đồng địa phương đang phát triển ở Mỹ là những cộng đồng luôn trung thành với mọi giáo huấn của Giáo hội. Điều này cũng xảy ra ở các châu lục khác, đặc biệt là Phi Châu. Thật đáng xấu hổ khi các giám mục Đức không muốn học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác.

Việc tự do hóa Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt ra khỏi các hàng ghế nhà thờ, nhưng xu hướng này đã được đảo ngược ở những nơi có đức tin trong đó, tinh thần tin mừng, bắt nguồn từ mối quan hệ bản thân với Chúa Giêsu, và sự viên mãn của Giáo huấn Giáo Hội, được cử hành. Chính trong các giáo xứ biết giảng dạy đức tin một cách yêu thương và không cần xin lỗi, đầy những gia đình trẻ, chứ không phải những người đã sa vào tinh thần và giá trị của thời đại.

Đây là lý do chính dẫn đến sự nghi ngờ về đường hướng của Giáo hội ở Đức. Những nỗ lực tương tự đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay. Tự do hóa đức tin không đưa mọi người trở lại hàng ghế nhà thờ. Điều hữu hiệu là một nhân chứng đi ngược lại ý thức hệ thời đại - một người trung thành với niềm tin vào tất cả vẻ đẹp của đức tin, luôn cổ kính và luôn mới mẻ. Mầu nhiệm của đức tin viên mãn mới là điều hấp dẫn. Gần đây, tôi đã viết một thí dụ về điều này mà có lẽ có thể mang tính hướng dẫn cho các giám mục Đức.

Những người khác ở Hoa Kỳ đặt câu hỏi về mối tương quan tài chánh giữa Giáo Hội Công Giáo Đức và chính phủ. Việc sắp xếp thuế tín ngưỡng không quen thuộc với kinh nghiệm của người Mỹ, và đương nhiên là có sự nghi ngờ lớn về sự can dự của chính phủ vào các vấn đề của Giáo Hội. Ít nhất, Dường như cũng có mùi thỏa hiệp thực tế của Giáo Hội Đức để duy trì dòng tiền thuế khá lớn. Cho dù có đúng như thế hay không, đây là một ấn tượng đang hiện hữu và khiến cho các động cơ của người Đức bị nghi ngờ.

Người ta cũng nhận thấy rằng các giám mục Đức thường sử dụng kinh nghiệm của họ về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ như một chiêu bài biện minh cho những lời kêu gọi xa rời các giáo huấn chính của Giáo hội. Một lần nữa, tại Hoa Kỳ câu trả lời không phải là thỏa hiệp các giá trị của chủ trương tự do hóa tình dục mà là tuân thủ các giáo huấn của Giáo hội một cách đầy đủ hơn. Sử dụng sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của các giám mục Đức để hùng hổ thúc đẩy Giáo hội hoàn vũ phải tuân theo phán quyết của họ về luật luân lý là điều quả thực kỳ lạ. Đó hẳn là một mức độ kiêu ngạo chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thất bại về lãnh đạo.

Một số người lập luận rằng Giáo Hội Đức phản ảnh chặt chẽ hơn suy nghĩ của Đức Thánh Cha liên quan tới tính đồng nghị. Đây cũng là một tuyên bố kỳ lạ, gần như buồn cười, vì chính các giám mục Đức đã bị Vatican quở trách. Chính người Đức đã nhất tâm theo đuổi chủ nghĩa bất chính thống thông qua Tiến Trình Công Nghị của họ. Trên thực tế, cuộc thăm dò do các giám mục Đức ủy quyền đã tiết lộ rằng những nỗ lực của họ không phản ảnh ngay cả những nỗ lực gần gũi nhất với Giáo hội Đức trên khắp thế giới. Có một chủ nghĩa đế quốc thần học và giáo hội học phát xuất từ nước Đức đang đe dọa Giáo hội hoàn cầu.

Nỗi sợ hãi liên quan đến các nỗ lực của Đức là điều có thật, nhưng vẫn có hy vọng rằng Tòa thánh sẽ can thiệp. Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra, và tại Hoa Kỳ, người ta kỳ vọng rằng trong thời gian tới, ngài sẽ hành động dứt khoát để ngăn chặn sự hỗn loạn mà các giám mục Đức đã tạo ra. Nó sẽ phải trả giá bằng sự nhầm lẫn đã gieo rắc, nhưng có một kỳ vọng rằng người Đức sẽ được sửa chữa.

Làm thế nào họ thực hiện sự sửa đổi đó lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tháng Ba

Chúa Nhật 5 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này, Tin Mừng Biến Hình được công bố. Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi và tỏ cho các ông thấy Người trong tất cả vẻ đẹp của Người như là Con Thiên Chúa (x. Mt 17,1-9).

Chúng ta hãy dừng lại một chút trước cảnh tượng này và tự hỏi: Vẻ đẹp này bao gồm những gì? Các môn đệ thấy gì? Một hiệu ứng đặc biệt chăng? Thưa: Không, đó không phải như thế. Họ nhìn thấy ánh sáng thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa trên khuôn mặt và y phục của Chúa Giêsu, là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Sự uy nghi của Chúa, vẻ đẹp của Chúa được tỏ lộ. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, các môn đệ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô. Họ đã được nếm trước thiên đường. Thật là một bất ngờ cho các môn đệ! Họ đã có khuôn mặt của Tình yêu trước mắt họ quá lâu mà không bao giờ nhận thức được nó đẹp như thế nào! Chỉ đến bây giờ họ mới nhận ra điều đó với niềm vui như vậy, với niềm vui vô cùng.

Thực ra, qua kinh nghiệm này, Chúa Giêsu đang huấn luyện họ, chuẩn bị họ cho một bước quan trọng hơn. Trên thực tế, ngay sau đó, họ sẽ phải nhận ra vẻ đẹp tương tự ở Ngài khi Ngài bị treo trên thập tự giá và khuôn mặt của Ngài sẽ bị biến dạng. Thánh Phêrô đấu tranh để hiểu: thánh nhân muốn dừng thời gian, “tạm dừng” khung cảnh, ở lại đó và kéo dài trải nghiệm tuyệt vời này. Nhưng Chúa Giêsu không cho phép. Thật vậy, ánh sáng của Ngài không thể bị giản lược thành một “khoảnh khắc kỳ diệu”! Như vậy nó sẽ trở thành một cái gì đó giả tạo, giả tạo đúng thế, một cái gì đó sẽ tan biến vào làn sương mù của tình cảm thoáng qua. Ngược lại, Đức Kitô là ánh sáng soi đường cho chúng ta như cột lửa cho dân trong hoang địa (Xh 13,21). Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không làm cho các môn đệ xa rời thực tế cuộc sống, nhưng ban cho họ sức mạnh để theo Người cho đến tận Giêrusalem, cho đến tận thập giá. Vẻ đẹp của Chúa Kitô không xa lạ. Nó luôn đưa anh chị em về phía trước. Nó không làm cho anh chị em phải thoái lui nhưng tiến lên!

Anh chị em thân mến, Tin Mừng này cũng vạch ra một con đường cho chúng ta. Nó dạy cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc ở lại với Chúa Giêsu ngay cả khi không dễ hiểu mọi điều Người nói và làm cho chúng ta. Thực vậy, chính nhờ ở với Người mà chúng ta học cách nhận ra trên khuôn mặt Người vẻ đẹp rạng ngời của tình yêu Người ban cho chúng ta, ngay cả khi nó mang dấu thánh giá. Và chính ở ngôi trường của Ngài, chúng ta học cách nhìn thấy vẻ đẹp giống nhau trên khuôn mặt của những người đi bên cạnh chúng ta hàng ngày - gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người chăm sóc chúng ta theo những cách khác nhau nhất. Bao nhiêu khuôn mặt rạng ngời, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nếp nhăn, bao nhiêu nước mắt và vết sẹo biểu lộ tình yêu xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy học cách nhận ra chúng và lấp đầy tâm hồn chúng ta với những biểu lộ ấy. Và rồi chúng ta hãy lên đường để đem ánh sáng mà chúng ta đã nhận được đến cho cả những người khác nữa, qua những hành động yêu thương cụ thể (x. 1 Ga 3:18), dấn thân vào những công việc hàng ngày của chúng ta một cách quảng đại hơn, yêu thương, phục vụ và tha thứ với nhau, nghiêm túc và sẵn sàng hơn. Việc chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt tình yêu của Chúa, phải thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác.

Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có biết nhận ra ánh sáng tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có nhận ra niềm vui và lòng biết ơn trên khuôn mặt của những người yêu mến chúng ta không? Chúng ta có nhìn xung quanh mình để tìm kiếm những dấu hiệu của ánh sáng lấp đầy tâm hồn chúng ta và mở rộng chúng ra để chúng ta có thể đón nhận tình yêu và sự phục vụ không? Hay chúng ta thích ngọn lửa rơm của những ngẫu tượng khiến chúng ta xa lánh và khép kín chúng ta? Ánh sáng vĩ đại của Chúa hay ánh sáng giả tạo của ngẫu tượng. Tôi thích cái nào hơn?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã giữ trong lòng ánh sáng của Con Mẹ trong bóng tối đồi Canvê, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tình yêu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Những ngày qua, tôi thường nghĩ đến những nạn nhân của vụ tai nạn xe lửa xảy ra ở Hy Lạp. Nhiều người là sinh viên trẻ. Tôi đang cầu nguyện cho những người đã khuất. Tôi ở gần những người bị thương và thân nhân của họ. Xin Đức Mẹ an ủi họ.

Bây giờ tôi xin bày tỏ sự đau buồn về thảm kịch xảy ra ở vùng biển Cutro, gần Crotone. Tôi đang cầu nguyện cho vô số nạn nhân của vụ đắm tàu, cho người thân của họ và cho những người sống sót. Tôi bày tỏ lòng cảm kích và lòng biết ơn của mình đối với người dân và các tổ chức địa phương vì sự đoàn kết và lòng hiếu khách của họ đối với những anh chị em của chúng ta. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình với mọi người để những bi kịch tương tự không lặp lại. Hãy ngăn chặn những kẻ buôn người để chúng không tiếp tục cướp đi mạng sống của biết bao người dân vô tội! Xin cho những cuộc hành trình của hy vọng không bao giờ bị biến thành những cuộc hành trình của cái chết. Cầu mong vùng nước trong vắt của Địa Trung Hải không bao giờ bị nhuộm máu bởi những tai nạn thương tâm như vậy nữa! Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để hiểu và để khóc.

Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi xin chào cộng đồng Ukraine từ Milano đã đến đây nhân dịp kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Giám mục Josaphat, người đã hiến mạng sống mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Anh chị em thân mến, tôi ca ngợi những nỗ lực của anh chị em trong việc chào đón những đồng bào của anh chị em đã chạy trốn khỏi chiến tranh. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Josaphat, ban bình an cho người dân Ukraine đang bị vùi dập.

Tôi chào những người hành hương từ Lithuania và cộng đồng Lithuania ở Rôma đang mừng lễ Thánh Casimir, cũng như cộng đồng Công Giáo Rumani từ Zaragoza, Tây Ban Nha, và các nhóm giáo xứ đến từ Murcia và Jerez de la Frontera, Tây Ban Nha; và từ Tbilisi, Georgia.

Tôi chào các tín hữu từ Burkina Faso, các ứng viên Thêm Sức từ Scandicci và từ Anzio; các tín hữu từ Capaci, Ostia và San Mauro Abate ở Rôma.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Chạy không kịp 1.060 quân Nga tử trận, cùng 20 chiến xa, 23 trọng pháo. Chiếc Su-25 tiếp cứu nổ tung
VietCatholic Media
16:30 07/03/2023


1. Chạy không kịp 1.060 quân Nga tử trận, cùng 9 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 23 hệ thống pháo, máy bay Nga tiếp cứu bị bắn rớt

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba mùng 7 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tình hình tại thành phố Bakhmut đã tương đối ổn định.

Trong 24 giờ qua, quân xâm lược Nga đang tập trung nỗ lực tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Bakhmut, Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Shakhtarsk. Trong ngày qua, lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi hơn 130 cuộc tấn công trên các hướng này. Ngoại trừ tại thành phố Bakhmut, các cuộc tấn công của đối phương chỉ có tính chất thăm dò, và nhanh chóng bị dập tắt.

Riêng tại thành phố Bakhmut, các lực lượng Nga đã thực hiện 50 cuộc không kích và 5 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm nhằm yểm trợ cho 37 cuộc tấn công. Tất cả 37 cuộc tấn công đều bị đẩy lui. Viện binh của quân Ukraine còn chủ động mở 12 cuộc tấn công bên ngoài thành phố Bakhmut.

Trong 24 giờ qua, 1.060 quân Nga tử trận, chủ yếu là tại thành phố Bakhmut. Bên cạnh đó, quân xâm lược còn mất 9 xe tăng, 11 xe thiết giáp. Nga đã tung các chiến đấu cơ lên yểm trợ cho bộ binh đang tháo chạy. Một chiếc Su 25 bị bắn rớt. Quân Nga đã bỏ lại đến 23 hệ thống pháo.

Có hai yếu tố đang thay đổi tình hình một cách sâu sắc tại thành phố Bakhmut. Thứ nhất, quân Ukraine nhận được một khối lượng lớn đạn pháo từ các nước Đông Âu. Một số lượng lớn đạn pháo 155ly của Hoa Kỳ cũng đã đến nơi. Từ bên ngoài thành phố Bakhmut, các cỗ trọng pháo bắn suốt ngày đêm giải vây cho thành phố.

Thứ hai, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, quân Ukraine đã tìm được cách đối phó với một chiến thuật mới của quân Nga được áp dụng từ cuối tháng Hai. Chiến thuật này được gọi là “assault detachment” hay “biệt đội tấn công”. Theo chiến thuật này các lực lượng Nga bắt đầu các cuộc tấn công của họ bằng cách tấn công vào tiền tuyến của lực lượng phòng thủ bằng xe tăng hoặc chất nổ để tạo lỗ hổng trên hàng rào và các tòa nhà nhằm bảo đảm lối đi an toàn cho một đại đội tấn công, nhanh chóng tìm cách chiếm giữ các điểm quan sát, khiến đối phương bối rối, chiếm giữ nhiều cơ sở, nhiều tầng trong các tòa nhà, và ẩn nấp.

ISW nhận định rằng chiến thuật này cố gắng tạo ra các đội hình quân sự linh hoạt hơn. Tuy nhiên, vì ít được đào tạo bài bản, các hướng dẫn được quân Nga “áp dụng một cách mù quáng trên chiến trường dựa trên một số ví dụ thành công”. Quân Ukraine rõ ràng là đang tìm được cách khắc chế chiến thuật này.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 7 Tháng Ba, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 154.830 lính Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương bao gồm 3.432 xe tăng, 6.714 xe thiết giáp, 2.456 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 253 hệ thống phòng không, 303 máy bay, 289 máy bay trực thăng, 2.095 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.323 xe chuyển quân và nhiên liệu, 236 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Cũng trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều thứ Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng cho biết người lính Ukraine bị Nga hành quyết là anh Tymofiy Mykolayovych Shadura, một quân nhân của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30. Anh Shadura được ghi nhận mất tích kể từ ngày 3 tháng 2 năm 2023 sau các cuộc chiến ở thành phố Bakhmut, vùng Donetsk.

Tưởng cũng nên nhắc lại, các quan chức Ukraine đã chỉ trích Mạc Tư Khoa sau khi một đoạn video cho thấy anh Shadura, đang bị Nga giam giữ đã bị binh lính Nga hành quyết.

Đoạn video cho thấy anh trong bộ quân phục chiến đấu của Ukraine được lính Nga trao cho một điếu thuốc như ân huệ cuối cùng trước khi bị xử bắn. Anh hút điếu thuốc đó gần nơi dường như là một vị trí chiến đấu. Người lính sau đó rút điếu thuốc khỏi miệng, thổi khói và có thể nghe thấy tiếng nói “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine), trước khi quân Nga bắn nhiều phát vào anh ta.

Thi thể của anh Shadura hiện đang ở trong lãnh thổ tạm thời bị xâm lược. Vào ngày 6 tháng 3, bộ phận điều tra chính của Cơ quan An ninh Nhà nước SBU của Ukraine đã tiến hành tố tụng hình sự sau khi xuất hiện cảnh quay cho thấy anh Shadura bị người Nga bắn.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, cho biết như sau:

Việc phòng thủ Bakhmut của Ukraine tiếp tục làm suy giảm lực lượng của cả hai bên. Cuối tuần qua, các lực lượng Ukraine có thể đã ổn định vành đai phòng thủ của họ sau những bước tiến trước đó của Nga vào phía bắc thị trấn.

Một cuộc tấn công của Nga đã phá hủy một cây cầu bắc qua con đường tiếp tế trải nhựa duy nhất vào Bakhmut vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine vào khoảng ngày 02 tháng 3. Điều kiện lầy lội có khả năng cản trở các nỗ lực tiếp tế của Ukraine khi họ ngày càng sử dụng các lối đi không trải nhựa.

Những bất đồng công khai giữa Tập đoàn Wagner và Bộ Quốc phòng Nga về việc phân bổ đạn dược làm nổi bật khó khăn trong việc duy trì mức nhân sự và đạn dược cao cần thiết để tiến lên với chiến thuật hiện tại của họ.

3. Cố vấn tổng thống nói phòng thủ Bakhmut là một “thành công chiến lược vĩ đại” đối với Ukraine

Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết, cuộc bảo vệ thành phố Bakhmut của Ukraine đã “đạt được mục tiêu” và là “một thành công chiến lược lớn” đối với quân đội Ukraine.

Polodyak cho biết Ukraine có hai mục tiêu chính trong việc bảo vệ Bakmut: kéo dài thời gian để bổ sung lực lượng và gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga. Ông cho biết quyết định ưu tiên bảo vệ khu vực trọng điểm là một chiến lược chung do các quân binh chủng của đất nước vạch ra với sự chấp thuận của tổng thống Ukraine.

“Đối với việc bảo vệ Bakhmut, nó đã đạt được mục tiêu 1000%. Quân đội thực hiện kế hoạch một mặt tiêu diệt nhóm sẵn sàng chiến đấu chính của đối phương, mặt khác cho phép huấn luyện và đào tạo hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc phản công”, ông Podolyak nói.

Ông nói thêm: “Ngay cả khi giới lãnh đạo quân sự tại một thời điểm nào đó quyết định rút lui đến các vị trí thuận lợi hơn, thì trường hợp bảo vệ Bakhmut sẽ là một thành công chiến lược lớn đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine, làm nền tảng cho chiến thắng trong tương lai”.

Podolyak cảnh báo rằng quyết định rút quân vẫn chưa được đưa ra, thay vào đó đã có sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo quân sự để tiếp tục bảo vệ thành phố.

“Đây là một lợi thế của mô hình dân chủ, cho phép chúng ta lựa chọn và đưa ra quyết định tốt nhất. Rất nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra bởi chính tổng thống. Vì quyết định cuối cùng, với tư cách là tổng tư lệnh, được đưa ra bởi người đứng đầu nhà nước, nên tổng thống cảm thấy rất có trách nhiệm cá nhân,” ông nói thêm.

4. Liên Hiệp Âu Châu hợp tác mua sắm vũ khí giúp Ukraine

Liên Hiệp Âu Châu đang tiến gần hơn tới một động thái mang tính bước ngoặt trong việc mua sắm chung đạn dược để giúp Ukraine và bổ sung kho dự trữ của các thành viên nhưng những câu hỏi lớn liên quan đến kinh phí và quy mô vẫn chưa được giải quyết, Reuters đưa tin.

Các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu trong tuần này sẽ thảo luận về kế hoạch tăng tốc cung cấp đạn 155ly cho Ukraine, quốc gia đang cầu xin thêm đạn pháo như vậy để chống lại cuộc xâm lược của Nga, và cùng nhau đặt hàng nhiều loại đạn hơn.

Hanno Pevkur, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia - quốc gia đã thúc đẩy Liên Hiệp Âu Châu đặt mua hàng triệu quả đạn pháo - cho biết ông tin rằng các bộ trưởng sẽ đạt được “sự đồng thuận chính trị” để theo đuổi việc mua sắm chung khi họ gặp nhau tại Stockholm vào hôm thứ Tư.

Nhưng ông lưu ý rằng các vấn đề chính vẫn đang được tranh luận, chẳng hạn như cách thanh toán cho các giao dịch mua chung. Pevkur khẳng định các thành viên Liên Hiệp Âu Châu không thể dựa vào các khoản tiền đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Chúng ta cần một sự đồng thuận rõ ràng rằng phải có tiền mới cho sáng kiến này,” ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Chỉ huy tối cao của Lực lượng chung NATO ở Âu Châu và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết trung bình quân đội Nga bắn hơn 23.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất hiện nay là quân Ukraine không đủ khả năng để bắn 1 phần ba cơ số đạn như thế.

Tuy nhiên, họ có thể khắc phục bằng cách phóng các hỏa tiễn tầm xa vào các kho đạn pháo của Nga. Ông đề nghị Hoa Kỳ cung cấp cấp hệ thống hỏa tiễn với tầm bắn xa hơn các loại đã được cung cấp cho đến nay.

Trích dẫn các thông tin tình báo của Vương Quốc Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Hanno Pevkur tỏ ra rất lạc quan. Trong khi quân Ukraine đang nhận được một số lượng lớn xe tăng, Nga đã có dấu hiệu cạn kiệt xe tăng và không có triển vọng sản xuất để bù đắp những tổn thất vì đang bị cấm vận.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết quân Nga thiếu xe tăng đến mức phải lôi ra các xe tăng từ đời 1962 và các xe thiết giáp từ thời 1954. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Quân đội Nga đã tiếp tục đối phó với những tổn thất nặng nề về chiến xa bằng cách triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 đã 60 tuổi.

Có khả năng thực tế là ngay cả các đơn vị của Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một, được cho là lực lượng xe tăng hàng đầu của Nga, cũng phải được tái trang bị xe tăng T-62 để bù đắp cho những tổn thất trước đó.

Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một trước đây dự kiến sẽ nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata thế hệ sau năm 2021.

Trong những ngày gần đây, xe bọc thép chở quân BTR-50 của Nga, lần đầu tiên được biên chế vào năm 1954, cũng được xác định đã triển khai lần đầu tiên ở Ukraine.

Kể từ mùa hè năm 2022, khoảng 800 chiếc T-62 đã lấy ra từ trong kho và một số chiếc đã nhận được hệ thống quan sát nâng cấp, rất có thể sẽ cải thiện hiệu quả của chúng vào ban đêm.

Tuy nhiên, cả hai loại phương tiện cổ điển này sẽ có nhiều lỗ hổng trên chiến trường hiện đại, bao gồm cả việc không có lớp giáp chống phản ứng nổ hiện đại.

5. Kallas của Estonia chiến thắng trong cuộc bầu cử vào hôm Chúa Nhật

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas chuẩn bị thành lập chính phủ liên minh mới sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Chúa Nhật.

Đài truyền hình nhà nước ERR đưa tin Đảng Cải cách của Kallas đã giành được 37 trong số 101 ghế trong quốc hội.

Kallas lần đầu tiên được bầu làm thủ tướng vào năm 2021 và đã bày tỏ lập trường thân Âu Châu, cũng như ủng hộ mạnh mẽ Ukraine.

Kallas hiện phải tập hợp đa số 51 ghế để thành lập liên minh, làm việc với một hoặc nhiều trong số năm đảng khác giành được ghế trong quốc hội tiếp theo.

Đảng mạnh thứ hai, EKRE theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, chiếm 17 ghế, theo ERR.

Theo Ủy ban bầu cử Estonia, cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất kể từ khi Estonia giành lại độc lập vào năm 1991, với 615.009 cử tri tham gia.

6. Chỉ huy NATO nói: Moldova không nên sợ nước Nga không có khả năng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Moldova Shouldn't Fear Incapable Russia, NATO Chief Says”, nghĩa là “Chỉ huy NATO nói: Moldova không nên sợ nước Nga không có khả năng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Phó tổng thư ký NATO cho rằng Moldova nên bớt sợ hãi trước Nga, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tình hình an ninh ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Phát biểu với kênh truyền hình Prima TV của Rumani hôm thứ Bảy, Mircea Geoană cáo buộc Nga đã gây “áp lực to lớn” đối với Cộng hòa Moldova “trên mọi mặt trận”.

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Moldova trong những tuần gần đây. Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc vào tháng 2 rằng Nga, với sự giúp đỡ của các cá nhân đóng giả người biểu tình chống chính phủ, đang tìm cách lật đổ chính phủ của cô và ngăn cản đất nước của cô gia nhập Liên minh Âu Châu.

Sandu, một đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng Moldova trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Moldova, một quốc gia Đông Âu nhỏ có chung đường biên giới với Ukraine, có quân đội Nga đồn trú tại khu vực ly khai Transnistria. Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Ukraine lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công cờ giả như một cái cớ để Kyiv xâm chiếm Transnistria.

“Đó là chiến tranh hỗn hợp tốt nhất của nó. Đó không phải là một cuộc chiến tranh nóng bỏng như ở Ukraine, mà là một cuộc chiến hỗn hợp ở mức tối đa chống lại Cộng hòa Moldova,” Geoană nói.

Tuy nhiên, Geoană cho biết ông không tin rằng có “rủi ro quân sự đối với Cộng hòa Moldova vào thời điểm này.”

Ông nói thêm, Moldova cần “bớt sợ hãi trước Nga vì Nga gần như không thể giải quyết cuộc chiến ở Ukraine”.

Tuần trước, ông cũng nói rằng Moldova sẽ không “yếu về mặt quân sự” mặc dù có vị thế trung lập, nếu Mạc Tư Khoa cố gắng tiến hành một cuộc tấn công chống lại quốc gia Đông Âu này. Moldova nhận tư cách ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 6 năm 2022.

“Chúng ta phải công nhận thực tế rằng Cộng hòa Moldova, sau cuộc chiến ở Transnistria, 30 năm trước, đã có một điều khoản trung lập trong hiến pháp của mình,” Geoană nói. Vì vậy, điều này phải được tôn trọng.

Ông cho biết hôm thứ Bảy rằng Moldova “hiện có vị thế rất, rất cao trong thế giới phương Tây, kể cả ở đây tại NATO.”

“Họ đã là đối tác của NATO trong 30 năm. Chúng ta tôn trọng thực tế rằng đó là một quốc gia trung lập. Hiến pháp của Cộng hòa Moldova quy định rằng đây là một quốc gia trung lập, nhưng không phải là một quốc gia thờ ơ với NATO,” ông nói thêm.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Mỹ, hồi tháng 2 cho biết Putin “thiếu năng lực quân sự” để tấn công Moldova, nhưng nói rằng ông ta đang tích cực làm việc để phá hoại nước này.

Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận qua email.

7. Tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ làm bùng lên báo động

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Nuclear Submarines Deployed Off U.S. Coast Spark Alarm”, nghĩa là “Tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ làm bùng lên báo động.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Khi cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine tiếp tục ác liệt, các chỉ huy và quan sát viên quân sự của Hoa Kỳ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của hạm đội tàu ngầm Nga cách đó hàng ngàn dặm, ngay ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ.

Trong suốt cuộc chiến, bắt đầu khi Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, lực lượng Hải quân Nga đã được xây dựng ở Hắc Hải. Theo các quan chức, cũng có sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu ngầm Nga ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ và ở Địa Trung Hải.

Hải quân Nga chỉ huy một trong những hạm đội tàu ngầm đa dạng nhất trên thế giới. Một số có khả năng mang hỏa tiễn đạn đạo với đầu đạn hạt nhân, là thứ mà Mạc Tư Khoa coi là chìa khóa cho sự răn đe chiến lược của mình.

Quốc gia này đã nỗ lực cải thiện hạm đội tàu ngầm của mình kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Đặc biệt, trong vài năm qua, Mạc Tư Khoa đã sản xuất hàng loạt tàu ngầm có khả năng tiếp cận các mục tiêu quan trọng nhất ở Mỹ và lục địa Âu Châu..

Tháng 10 năm ngoái, Tướng Không quân Hoa Kỳ Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ và NORAD, đã cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu ngầm lớp Severodvinsk chạy bằng năng lượng hạt nhân ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ. Ông mô tả Nga là mối đe dọa chính đối với đất nước ngay bây giờ.

VanHerck nói với Hiệp hội Hội nghị Quân đội Hoa Kỳ: “Họ vừa di chuyển tàu ngầm, tàu ngầm Severodvinsk đầu tiên của họ vào Thái Bình Dương. Một chiếc Severodvinsk khác hiện đang ở Địa Trung Hải và một chiếc khác đang trên đường tiến vào Đại Tây Dương. Đó sẽ là một mối đe dọa cận kề, dai dẳng có khả năng mang theo một số lượng đáng kể hỏa tiễn hành trình tấn công mặt đất có thể đe dọa quê hương của chúng ta”.

Một tháng trước đó, OSINT và nhà phân tích Hải quân HI Sutton cho biết đã có sự tăng cường lực lượng Hải quân Nga ở Địa Trung Hải.

VanHerck vào năm 2021 đã mô tả các tàu ngầm này “ngang ngửa” với các tàu ngầm của Hoa Kỳ về độ yên tĩnh.

Vào tháng 2 năm 2020, Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Andrew “Woody” Lewis nói với Viện Hải quân Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng sự hiện diện ngày càng tăng của hoạt động tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương có nghĩa là các chiến hạm của ông không còn có thể coi Bờ Đông là một khu vực “không bị tranh chấp” hoặc một “nơi trú ẩn an toàn” đương nhiên cho các tàu của mình.

Lewis cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến số lượng tàu ngầm Nga ngày càng tăng được triển khai ở Đại Tây Dương và những tàu ngầm này có khả năng hơn bao giờ hết, được triển khai trong thời gian dài hơn, với nhiều hệ thống vũ khí sát thương hơn. Các thủy thủ của chúng tôi có suy nghĩ rằng họ không còn ở thế không bị cạnh tranh và phải sẵn sàng đối phó với các đối thủ cạnh tranh của chúng ta trên mọi hành trình.”

Quy mô chính xác của hoạt động dưới nước của tàu ngầm Nga vẫn chưa rõ ràng, mặc dù Peterson cho biết đã có sự gia tăng rõ ràng trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, Peterson lưu ý rằng ông tin rằng Hải quân Nga sẽ có một “điểm yếu” trong ít nhất 3 đến 5 năm tới do cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

“ Hải quân Nga đang cạn kiệt vũ khí, tôi nghĩ điều đó là rõ ràng. Chiến dịch của họ chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng chiến lược đã bị chậm lại. Họ không còn nổ súng thường xuyên nữa, và tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy họ sắp hết vũ khí hoặc thiếu nguồn cung”, ông nói với Newsweek.

Ông nói thêm: “Vì vậy, đó sẽ là một điểm yếu trong vài năm tới cho đến khi xung đột kết thúc và Hải quân có thể tái thiết.”

8. Hoa Kỳ huấn luyện các quốc gia NATO về cách vận hành HIMARS trên khắp Âu Châu

Các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh thi nhau hô hào tấn công vào các quốc gia Đông Âu vì sự hỗ trợ của họ dành cho Ukraine. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ loan báo kế hoạch huấn luyện các quốc gia về cách vận hành HIMARS.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. To Train NATO Nations on Operating HIMARS Across Europe”, nghĩa là “ Hoa Kỳ huấn luyện các quốc gia NATO về cách vận hành HIMARS trên khắp Âu Châu.”

Quân đội Hoa Kỳ đang chuẩn bị huấn luyện về Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao đã nổi bật trong cuộc chiến Ukraine.

Quân đoàn V của Quân đội Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu một hội nghị thượng đỉnh và các buổi huấn luyện để “nâng cao kiến thức về hoạt động và bảo trì HIMARS và các hệ thống liên quan,” quân đoàn cho biết trong một tuyên bố. Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết khóa huấn luyện có thể sẽ diễn ra ở Đông và Trung Âu.

Như đã biết, Sáng kiến Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao của Âu Châu sẽ bao gồm các hướng dẫn về “cách vận hành, huấn luyện, bảo trì và chiến đấu hiệu quả với hệ thống vũ khí”. Theo tuyên bố của Quân đoàn V, nó cũng sẽ liên quan đến các binh sĩ nước ngoài tham gia huấn luyện với các đơn vị Hoa Kỳ.

M142 HIMARS, do nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, là bệ phóng nhiều hỏa tiễn gắn trên bánh xe tiên tiến, có khả năng bắn một số hỏa tiễn chính xác vào các mục tiêu cách xa khoảng 40 dặm.

Hoa Kỳ bắt đầu gửi HIMARS cho lực lượng vũ trang Ukraine vào mùa hè năm ngoái và tính đến ngày 3 tháng 3 năm 2023, Hoa Kỳ đã gửi 38 HIMARS cùng với đạn dược liên quan, theo hồ sơ của Bộ Quốc phòng.

Colin Kahl, thứ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách, cho biết vào ngày 1 tháng 6 năm 2022, rằng HIMARS sẽ cung cấp cho các lực lượng vũ trang của Ukraine khoảng gấp đôi tầm bắn của các loại vũ khí pháo binh mà họ đã và đang sử dụng.

HIMARS được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ca ngợi là “công cụ mạnh mẽ” vào cuối tháng 6, khi chúng bắt đầu đến đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết vào ngày 27 tháng 7 rằng “HIMARS và các loại vũ khí chính xác khác đang xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng ta.”

Vào giữa tháng 7, Ukraine đã sử dụng HIMARS để tấn công các kho đạn dược của Nga và “làm suy giảm khả năng của lực lượng Nga trong việc duy trì số lượng lớn hỏa lực pháo binh dọc chiến tuyến”, theo một đánh giá được công bố bởi Viện nghiên cứu chiến tranh ISW cho biết như trên hôm 16 tháng Bẩy.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã “được chứng minh là những người vận hành thông minh loại vũ khí này”, Reznikov viết trên Twitter vào ngày 1 tháng 8.

Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews, Scotland, nói với BBC vào cuối tháng 8 rằng HIMARS nhanh chóng được sử dụng để chống lại các trung tâm chỉ huy và mục tiêu cố định ở Ukraine.

Tư lệnh Quân đoàn V, Trung tướng John S. Kolasheski đã mô tả HIMARS mang lại “lợi thế tác chiến trước đối phương và rất quan trọng trong chiến đấu trên bộ quy mô lớn.”

Kolasheski cho biết chúng có thể “khai hỏa hàng loạt nhanh chóng từ xa”, đồng thời cho biết thêm rằng chúng có thể cho phép các nước NATO và đồng minh tấn công vào “những địa điểm khó tiếp cận”.

Vào giữa tháng 7, Mỹ đã hứa cung cấp 12 HIMARS cho Ukraine và các hệ thống vũ khí này đang có “tác động đáng kể” đến nỗ lực chiến tranh của Kyiv, một quan chức quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết vào thời điểm đó.

Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao thông báo rằng họ sẽ cung cấp thêm đạn dược cho HIMARS và lựu pháo, thứ mà “Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả để tự vệ”, theo Ngoại trưởng Antony Blinken.
 
Tư lệnh lực lượng NATO kêu gọi lương tâm của Putin. Hai giáo phận Mỹ vẫn cho phép Thánh lễ Latinh
VietCatholic Media
17:05 07/03/2023


1. Tư lệnh lực lượng NATO ở Âu Châu kêu gọi Nga rút quân sau khi đã mất Nga mất 200.000 binh sĩ, và 2.000 xe tăng ở Ukraine

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất 200.000 binh sĩ và hơn 1.800 sĩ quan.

Chỉ huy tối cao của Lực lượng chung NATO ở Âu Châu và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Die Spiegel của Đức. Ông khuyên người Nga nên dừng cuộc chiến vì thương vong của cả hai bên đã quá cao và không có cơ hội cho người Nga dành được chiến thắng.

Tờ báo cho biết: “Theo ý kiến của Tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở Âu Châu, sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, NATO phải thích nghi với thực tế mới. Quy mô của cuộc chiến này là không thể tin được”

Theo Cavoli, Nga đã mất hơn 2.000 xe tăng chiến đấu; hơn 200.000 binh sĩ và hơn 1.800 sĩ quan. Theo tướng Mỹ, trung bình quân đội Nga bắn hơn 23.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

2. Phiên khoáng đại lần thứ 394 của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Hội đồng Giám mục Ba Lan sẽ nhóm khóa họp lần thứ 394 trong hai ngày 13 và 14 tháng Ba tới đây, tại thủ đô Warsaw và chủ yếu sẽ bàn về khóa họp mới đây ở cấp đại lục để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16 tại Rôma vào tháng Mười năm nay.

Trong khóa họp này, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, và Đức Tổng Giám Mục Adrian Galbas, điều hợp viên Công nghị về tính đồng hành trong Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, sẽ tường trình cho các giám mục Ba Lan về khóa họp của các đại biểu các Hội đồng Giám mục Âu châu, từ ngày 05 đến ngày 12 tháng Hai vừa qua tại Praha, thủ đô Cộng hòa Tiệp, về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới.

Linh mục Leszek Gesiak, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Ba Lan cho biết trong khóa họp sắp tới tại Warsaw, các giám mục cũng sẽ thảo luận về tổng hợp của tiến trình công nghị toàn quốc, qua các giáo phận Ba Lan: “Đây là một văn kiện phong phú và nhiều điểm hay, có thể gợi ý cho mỗi giáo phận tại Ba Lan, và đây là điều đáng thảo luận. Tổng hợp này cũng được gửi tới Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma và là điểm tham chiếu cho phái đoàn Ba Lan tại khóa họp ở Praha. Vì thế, các giám mục có thể xem tổng hợp này trong viễn tượng những tổng hợp của các nước khác được trình bày tại Praha, được soạn thảo tại những nước thường có những bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác biệt”.

Trong khóa họp thứ 394 tới đây, các giám mục Ba Lan cũng bàn tới lễ phong chân phước cho gia đình Ulma, bị Đức quốc xã sát hại trong thời Thế chiến thứ II vì đã giúp đỡ những người Do thái bị bách hại. Đức Cha Adam Szal, Tổng Giám Mục giáo phận Przemysl, nơi có gia đình Ulma, sẽ trình bày kế hoạch chuẩn bị lễ phong chân phước, ngày 10 tháng Chín năm nay tại Markowa, nơi gia đình các vị tôi tớ Chúa bị sát hại như những vị tử đạo.

Đại hội thứ 394 của các giám mục Ba Lan trùng vào kỷ niệm mười năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế, chiều ngày thứ Hai, 13 tháng Ba, các giám mục sẽ đến Đền thờ Chúa Quan Phòng ở ngoại ô Warsaw, để cử hành thánh lễ cầu cho Đức Thánh Cha. Thánh lễ sẽ do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan, chủ sự.

3. Hai giáo phận ở Mỹ vẫn tiếp tục cho phép việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống

Hai giáo phận ở Mỹ vẫn tiếp tục các thánh lễ theo nghi thức cũ bằng tiếng Latinh và theo sách lễ năm 1962 bất kể những hạn chế nghiêm ngặt vừa được đưa ra.

Hạn chế này do Đức Thánh Cha ban hành trong Tự Sắc Traditionis Custodes, ngày 16 tháng Bảy năm 2021, và mới đây là Phúc chiếu ngày 21 tháng hai của ngài siết chặt hơn nữa.

Có hai giám mục tuyên bố vẫn tuân hành quyết định của Tòa Thánh nhưng tìm cách đáp ứng nhu cầu của các tín hữu.

Trong cuộc phỏng vấn dành Đài truyền hình EWTN, ngày 02 tháng Ba vừa qua, Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Giáo phận Springfield, một luật sư luật đời và cũng là một luật sư giáo luật, cho biết ngài vẫn tuân hành giáo luật và chỉ thị của Tòa Thánh, theo đó việc giải thích và áp dụng tùy thuộc phán đoán của giám mục giáo phận, dựa theo nguyên tắc phụ đới, những quyết định phải được áp dụng ở cấp địa phương, trừ khi có lý do lật ngược lại.

Cụ thể là giáo phận có hai nơi cử hành thánh lễ cũ bằng tiếng Latinh: một là nhà thờ giáo xứ do Huynh đoàn thánh Phêrô phụ trách, và Huynh đoàn này đã được sự chuẩn chước của Đức Thánh Cha. Tiếp đến là một nhà thờ mà Đức Cha đã tuyên bố không phải là nhà thờ giáo xứ. Có hai giáo xứ được gộp lại: trong đó một thánh đường là nhà thờ giáo xứ, và nhà thờ còn lại không phải là thánh đường giáo xứ và Đức Cha cho cử hành thánh lễ tại đây.

Còn tại Tổng giáo phận Kansas City, cũng có hai nơi cử hành thánh lễ cũ. Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann cho biết: một thánh đường là của Huynh đoàn thánh Phêrô đã được chuẩn chước. Và một thánh đường không phải là nhà thờ giáo xứ.

Đức Tổng Giám Mục Naumann cũng nhấn mạnh rằng “Tôi thấy các tín hữu dự lễ tại hai thánh đường ấy là những người rất chân thành. Họ yêu mến Chúa và yêu mến Giáo hội, yêu mến Thánh Thể. Tôi nghĩ điều mà Đức Giáo Hoàng ban đầu tìm cách sửa sai, là vì có một thái độ của những người nghĩ rằng thánh lễ theo nghi thức Công đồng Tridentino là cao trọng hơn thánh lễ được cải tổ, và tôi nghĩ đó là một sai lầm. Nhưng tôi không nghĩ các tín hữu ở đây có thái độ như vậy. Và tôi nghĩ họ hoang mang vì những giới hạn áp đặt trên cả các giám mục, khi đưa ra những phán đoán thẩm định mục vụ”.

Trong cuốn sách “Không có gì ngoài sự thật”, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã dành ra bốn trang của cuốn sách để mô tả tất cả sự cay đắng mà Đức Bênêđictô cảm thấy vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, khi “khi lật qua tờ báo Quan Sát Viên Rôma vào chiều hôm đó, ngài khám phá ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tự sắc 'Traditionis custodes' về việc sử dụng phụng vụ Rôma trước cuộc cải cách năm 1970,” theo đó ngài hạn chế gần như đến mức xóa sạch quyền tự do cử hành Thánh lễ theo nghi thức cổ xưa mà chính Đức Bênêđictô đã cho phép vào năm 2007 với tự sắc “Summorum Pontificum.”

Tổng Giám Mục Gänswein kể lại rằng Đức Bênêđíctô “đã đọc tài liệu một cách cẩn thận,” và “khi tôi hỏi ý kiến của ngài” – ngài nói rằng ngài coi đó là “một sự thay đổi tất nhiên mang tính quyết định và đánh giá đó là một sai lầm, vì nó có nguy cơ gây nguy hiểm cho nỗ lực đạt được hòa bình mười bốn năm trước.”

Đức Giáo Hoàng danh dự “đặc biệt cho rằng thật sai lầm khi cấm cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ trong các nhà thờ giáo xứ, vì luôn rất nguy hiểm khi dồn một nhóm tín hữu vào một góc, khiến họ cảm thấy bị bách hại và truyền cảm hứng cho họ cảm giác phải bảo vệ căn tính của mình bằng mọi giá khi đối mặt với 'đối phương'.”

Phản ứng của hai Giám Mục Hoa Kỳ đối với phúc chiếu vừa được ban hành minh họa cho những tiên đoán của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.