Ngày 06-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
07/03: Tránh lặp lại những thói giã hình của các Luật Sĩ và Biệt Phái – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:36 06/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Đó là lời Chúa
 
Giờ Của Ta Đã Điểm
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:26 06/03/2023
Giờ Của Ta Đã Điểm'

(Đức Kitô và Hy tế Thập giá trong cuộc đời thánh hiến)

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1); Đức Giêsu ngước măt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

“Chính trên thập giá mà tình yêu trinh khiết của Người dành cho Chúa Cha và cho tất cả mọi người tìm được cách diễn đạt mãnh liệt nhất; sự khó nghèo của Người còn đi đến sự từ bỏ mọi sự, trong khi sự vâng phục đi đến sự hy hiến mạng sống mình” (ĐSTH 23).

I. GIỜ TÔN VINH CHA ĐÃ ĐIỂM

1. Từ ý nghĩa “Giờ” trong bữa Tiệc Ly:

Tin mừng Thánh Gioan khi tường thuật khung cảnh “Bữa ăn cuối cùng” đã mở đầu bằng một mệnh đề mà trong đó có tới 2 từ “GIỜ” được nhấn mạnh: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “GIỜ” của Người đã đến, “GIỜ” phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
Chúng ta biết, Thánh Tông Đồ Gioan đã khéo léo tổng hợp ý nghĩa thần học về khái niệm “Giờ” của Thánh Kinh bao gồm 2 ý niệm: “Giờ” cánh chung của chương trình cứu độ (Cánh chung luận) và “Giờ” khổ nạn của Đấng Cứu Thế (Ki-Tô luận).
Thật vậy, với Thánh Gioan, Đức Kitô chính là Đấng được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình cứu độ (tôn vinh Thiên Chúa – Cứu độ con người); và Ngài đã thực hiện hoàn tất chương trình đó qua con đường “vượt qua” của mình (Khổ nạn-chết-sống lại-lên trời). Chính trong viễn tượng đó, Thánh Gioan đã trình bày một Đức Kitô dấn thân vào hành trình khổ nạn như tiến tới đĩnh điểm của cuộc tôn vinh, của ngày toàn thắng, của sự mạc khải tối hậu chân dung và sứ mạng của Ngài: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23); “Lạy Cha, giờ đã đến ! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha ! (Ga 17,1).

2. Tới ý nghĩa “Giờ” trên Núi Sọ:

Chúng ta lưu ý: Đức Kitô đã mặc khải ý nghĩa “Giờ” trong chính bàn Tiệc Vượt Qua mà dấu chỉ đặc trưng của “bữa ăn Vượt Qua” nguyên thủy nầy chính là “Con chiên bị sát tế” và “máu chiên ghi trên khung cửa nhà”. Cũng như bao người Do Thái khác, Đức Kitô hằng năm đã cử hành Lễ Vượt Qua nầy; và chính trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng – Giờ đã đến, Đức Kitô đã biến mình thành “con chiên vượt qua bị sát tế” khi biến bánh thành thịt và rượu thành máu. Lễ Vượt qua của giao ước cũ (Cựu Ước) mang giá trị tiên báo nay đã được hoàn tất và hiện thực qua Tiệc Thánh Thể của Giao ước Mới. “Máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”.
Và chúng ta cũng biết rằng: sau khi cử hành Lễ Vượt Qua, dân Ít-ra-en đã cùng với Mô-sê lên đường, vượt qua kiếp đời nô lệ để tìm về đất hứa của tự do trong đời sống của một dân tộc được Chúa tuyển chọn. Trong khi đó, sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dấn thân vào con đường khổ nạn-chết trên thánh giá và phục sinh để mang ơn cứu độ cho đoàn Dân Mới được cứu chuộc: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).

3. Và “Giờ” của chúng ta hôm nay:

Còn chúng ta thì sao? Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô đã nhắc nhở: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa chịu chết”. (1 Cr 11, 26). “Loan truyền Chúa chịu chết” phải chăng là làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chết cho tội lỗi của chính mình, bằng việc đón nhận những thương đau khổ lụy xảy đến giữa đời thường với tất cả tình yêu và trung tín, bằng việc biến cuộc sống trở nên “tấm bánh được bẻ ra” qua sự dấn thân sẻ chia và phục vụ mọi người trong tinh thần quảng đại, vị tha, bác ái…
Và đó lại chính là điều mà Tin Mừng Thánh Gioan (được trích đọc trong Lễ Tiệc Ly) nhắm đến, khi Ngài cố ý không nhắc tới việc “Truyền Phép” mà lại nhấn mạnh tới dấu chỉ “Rửa Chân”. Vâng, Thánh Thể chính là sự hạ mình thẳm sâu của Đấng là Mục Tử tối cao sẵn sàng vì đoàn chiên mà trở nên “hạt lúa mì mục nát trong lòng đất”, của Đấng là “Tấm bánh được bẻ ra” để nên “lương thực trường sinh nuôi sống con người”, của Đấng là Thầy, là Chúa mà sẵn sàng cúi xuống, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở thành tôi tớ “rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14)…
Hơn ai hết, những người tu sĩ được gọi mời cách sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến, Giờ phục vụ khiêm hạ, Giờ cứu độ vinh quang…, cái “Giờ” mà diễn tả theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập Tự, đó chính là “Giờ”:
Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn….
Tuy nhiên, chúng ta cần đào sâu chính cái “Giờ” cao điểm trong cuộc đời trần thế và cũng là là “Giờ” hy tế của Đức Kitô để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ con người, để chính chúng ta thực hiện chính cái “Giờ” thánh thiêng đó trên mọi bước đường đời.

II. GIỜ HY TẾ THẬP GIÁ

1. Hy tế Thập giá: Tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người.

1.1. Thập giá: Một lựa chọn khó khăn:

Trong cuộc sống mà chiều kích “tục hoá” gần như đang thắng thế trong xã hội con người hôm nay, thì quả thật, việc nêu cao ý nghĩa và giá trị của “thập giá”, “đau khổ”, “hy sinh” có thể bị coi là lỗi thời, là không nhân bản. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi; vì quả thật, nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy rằng: khi Đức Ki-tô loan báo sứ điệp “thập giá” thì các tông đồ cũng không thể chấp nhận: Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và này thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” Nhưng đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 21-23).
Quả thật, “thập giá”, “đau khổ” luôn là một thực tại “dị ứng” với tâm thức, tình cảm tự nhiên của con người. Tin mừng cũng đã cho chúng ta thấy rằng: chính Chúa Giê-su, khi đối diện với “thập giá”, “khổ nạn”, Ngài cũng đã xao xuyến, lo sợ: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như nững giọt máu rơi xuống đất. (Lc 22, 42-44).

1.2. Thập giá: Một lựa chọn căn bản của Đức Kitô:

Để hiểu ý nghĩa nầy, chúng ta hãy cùng đọc lại những lời dạy căn bản của Sách Giáo Lý của Giáo Hội:

- Đức Ki-tô dấn thân vào con đường “thập giá” để thực thi chương trình cứu độ của Cha: “Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Đức Giê-su, vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy ! Nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến” (Ga 12, 27); “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18, 11); Và trên thập giá, trước khi “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), Người còn nói: “Tôi khát” (Ga 19, 28)… Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).(GLGHCG 607-608).

- Đức Ki-tô dấn thân vào con đường Thập giá để thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người: Như vậy, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người. Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18). (GLGHCG 609).
Để làm bật nổi những ý nghĩa trên về mầu nhiệm Thập Giá, Thánh Gioan Thánh Giá đã có những lời: “Chính trong lúc cùng cực như thế, Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất, hơn cả những công trình Ngài đã thực hiện trên trời dưới đất trong cuộc sống trần thế đầy những phép lạ và kỳ công. Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ân thánh”.
Trong khi đó, chị Chiara Lubich đã có những cảm nhận sâu sắc về mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô được diễn tả sống động qua kinh nguyện sau đây:
“Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.
Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.
Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con”.
2. Thập giá trong cuộc đời thánh hiến:

Thấy được ý nghĩa và giá trị của Thập giá trong “cuộc dấn thân cứu độ” của Đức Ki-tô đó cũng chính là ánh sáng để đưa chúng ta, những người được thánh hiến, bước theo Người trong cuộc “dấn thân cho tình yêu và tình yêu”.

2.1. Thập giá: Một lựa chọn căn bản để thuộc về Đức Ki-tô:

Thật ra, lời mời gọi “bước theo Chúa Ki-tô trên con đường Thập giá” là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24).
Một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng: “Thập giá” chỉ là một cách diễn tả khác mạnh hơn, cụ thể hơn, “con đường hẹp”, “Tám mối phúc thật”, sự “khó nghèo”, “mục nát”, ngồi vào “chỗ cuối”, hay “tình yêu cho đến tận cùng”… mà Đức Ki-tô luôn nhấn mạnh trong lời rao giảng của Ngài.

2.2. Thập giá và đời thánh hiến:

Đức Ki-tô đã hứa cho những người “bỏ tất cả đi theo Ngài” sẽ được "phần thưởng gấp trăm ở đời nầy cùng với sự ngược đãi" (Mc 10, 29-30). Chính điều đó đã khẳng định rằng: Thập giá luôn là một thực tại gắn liền với cuộc đời thánh hiến; hay cường điệu một chút: Thập giá là chọn lựa căn bản của đời thánh hiến.
Để xác minh điều nầy, chúng ta hãy cùng nghe Đức Thánh Giáo hoàng G.P II nhắn nhủ các người thánh hiến: “Đời thánh hiến phản ảnh vẽ lộng lẫy nầy của tình yêu, bởi vì, bằng sự trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, đời thánh hiến tự nhận tin ở tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống với lòng tin đó. Như vậy, đời thánh hiến góp phần gìn giữ trong Giáo Hội ý thức sinh động rằng Thập giá là sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế gian. Thập giá là dấu chỉ vĩ đại về sự hiện diện cứu độ của Chúa Ki-tô, và điều đó đặc biệt đúng trong những nổi khó khăn và thử thách. Có rất nhiều người được thánh hiến liên tục làm chứng về điều đó với một sự can trường rất đáng khâm phục, khi họ thường xuyên phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, kể cả bị bắt bớ và tử đạo” (ĐSTH 24).

2.3. Giúp sống mầu nhiệm thập giá:

- Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với Thiên Chúa cách thân mật và hiếu thảo: “Nầy đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16, 32).
Vâng, Đức Ki-tô hiện diện với Đức Chúa Cha, sống thân mật với Chúa Cha đó là điều chúng ta nhận ra cách rõ nét trong bi kịch thương khó. Trái lại, khi gặp đau khổ, con người dễ bị ném vào trạng thái cô độc, có khuynh hướng cắt đứt mọi mối tương quan, cả với Thiên Chúa. Điều “tiêu cực” nầy thường dẫn đến hai hậu quả tai hại: hoặc là thất vọng, bế tắc… đến độ tự tìm lấy con đường giải thoát (tự tử); hoặc sống “bất cần”, tung hê mọi thứ, nỗi loạn…
Hãy cầu nguyện để chính trong những lúc đó phải là những phút giây chúng ta hiện diện đậm đà, thân mật với Thiên Chúa. Đồng thời, xin Chúa mở con mắt đức tin và mở con tim tình yêu để nhìn thấy và đón nhận thập giá của chính mình và của tha nhân trong thánh ý của Thiên Chúa và trong cuộc khổ nạn của chính Đức Kitô. Để cảm nhận điều nầy, chúng ta hãy nghe chứng từ của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: “Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong tâm hồn, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà người đặt trước chúng ta… Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đầy. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là tình thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa không thay đổi…".

- Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với anh em: Trên con đường khổ giá và trong những giây phút hấp hối trên đồi Canvê, Chúa Ki-tô không ngừng gặp gỡ anh em để ủi an (Lc 23, 27-30), để tha thứ (Lc 23, 43), để lo lắng, ủy thác (Ga 19, 25-27)… Tại Việt Nam chúng ta, vào buổi chiều ngày 26.7.1644, trên con đường tiến ra pháp trường “Gò Xử” ở Quảng Nam, thầy Giảng Anrê Phú Yên chân vui tiến bước, miệng lưỡi không ngừng chia sẻ với đoàn người tháp tùng chung quanh về niềm tin và con đường về trời; và trước khi bị chém, vẫn bình thản chào từ giã mọi người cùng với di chúc tinh thần tuyệt hảo: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời”. Trong cảnh tù ngục thương đau, thánh linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng chết thay cho một bạn tù…

- Đón nhận thập giá để “trở nên hoàn thiện mỗi ngày”: Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn mời gọi dân Chúa nên thánh đã khẳng định: “Thập giá, nhất là những mệt mỏi và đau khổ mà chúng ta trải nghiệm khi sống luật yêu thương và theo đuổi con đường công lý, chính là nguồn tăng trưởng và thánh hóa. Chúng ta hãy nhớ rằng khi Tân Ước nói chúng ta sẽ phải chịu đau khổ vì Tin Mừng, chính là nói đến những cuộc bách hại” (x. Cv 5,41; Pỉ 1,29; Cỉ 1,24; 2 Tm 1,12; 1 Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10).
Thánh Nữ Rosa Lima đã xác tín chân lý trên khi phát biểu rằng: “Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”; đây cũng chính là “con đường nên thánh” của thánh nữ người Phi Châu, Josephine Bakhita, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến như một chứng nhân sống động trong tông huấn Gaudete et Exsultate: “Việc phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao quý của minh. Chúng ta thấy điều này nơi Thánh Josephine Bakhiía: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ lúc còn bé khi mới lên bảy. Thánh nữ đã chịu đau khổ rất nhiều trong tay các chủ nhân độc ác. Nhưng thánh nữ đã hiểu được sự thật thâm sâu này, là Thiên Chúa, chứ không phải phàm nhân, mới là Chủ Nhân đích thật của mọi người, của mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm hạ này của Phi Châu”. Trong khi đó, thánh nữ Têrêsa hài Đồng Giêsu lại khẳng định: “Chúa biết đau khổ là phương tiện duy nhất để chuẩn bị cho chúng ta hiểu biết Chúa như chính Chúa hiểu biết về Mình, và chính chúng ta cũng trở nên thánh thiêng (divine)” nhờ Ơn Thánh Hóa.”
- Đón nhận Thập giá vì nhiệm thể là Hội Thánh: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Vâng, đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài “Hy tế của Đấng Cứu Độ”, để cùng với Đức Kitô “bị treo lên hầu kéo mọi người lên”… đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu, đặc biệt, của những người thánh hiến đó sao? Chính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm thật sâu chân lý nền tảng nầy: “Từ khi Chúa nâng cao tiêu chuẩn của Thánh Giá, tất cả mọi người phải chiến đấu và chiến thắng dưới bóng thánh giá đó. Sự đau khổ và bách hại cao xa hơn nhiều so bài thuyết giáo hùng hồn mà Chúa Giêsu ước muốn xây dựng cho Vương Quốc Chúa.”. Và chị thánh cũng xác tín rằng: mỗi một hy sinh thầm lặng, “một bước đi mệt nhọc”… đều là một sự nâng đỡ, hỗ trợ cho những “bước chân mệt mỏi” của các thừa sai trên cánh đồng truyền giáo…

Kết: Con đã dâng cho Chúa tất cả.

Chúng ta có thể tìm được ý nghĩa “Hiến Tế” thập giá của Đức Kitô qua một số những cuộc “hiến tế” giữa đời thường cuộc sống, mà có thể, ẩn giấu đâu đó, có cả “hiến tế” của mỗi người chúng ta, như cách cảm nhận sau đây của cô gái Vêrônica phung cùi người Camêrun, cho dù mù mắt, cùi tay, cụt giò, vẫn vui tươi biến cuộc đời thành hy lễ và nhận chân đời mình được đong đầy kỳ diệu, để Lời Chúa kết trái đơm bông nơi bao nhiêu anh chị em thương tật cùi hủi khác, mà lời thơ sau đây là một chứng từ rõ nét:

Lạy Chúa,
Chúa đã đến, đã xin con tất cả,
Và con đã dâng Chúa tất cả:
Con thích đọc,
Chúa đã lấy mất của con đôi mắt.
Con thích chạy nhảy giữa rừng cây,
Chúa đã lấy mất của con cặp giò.
Con thích hái hoa mùa xuân,
Chúa đã lấy mất đôi bàn tay con.

Con là phụ nữ,
Thích ngắm mái tóc mình óng ả
Và những ngón tay mình thanh tú,
Thì giờ đây,
Đầu con trọc lóc đến nơi rồi,
Và thế chỗ cho những ngón tay thanh tú,
Con chỉ còn những mẫu cùi cứng khô.

Chúa xem nè,
Thân hình duyên dáng của con,
Đã hư hoại quá mất rồi.
Nhưng,
Con không nổi loạn,
Con tạ ơn Chúa.
Muôn đời con sẽ thưa lời tạ ơn.
Bởi, nếu đêm nay con chết,
Con sẽ nhận thức được rằng:
Đời con đã được đong đầy kỳ diệu.
Sống lấy tình yêu,
Con đã được đổ cho ắp tràn giàn giụa,
Hơn hẳn lòng mình mong ước.
Ôi, Cha của con,
Cha tốt với con gái bé nhỏ Vêrônica
Của cha dường nào !
Và chiều nay,
Hỡi tình yêu của con !
Con xin cầu nguyện cho hết mọi người cùi
Khắp thế giới,
Nhất là con xin cầu nguyện cho những người
Mà chứng bệnh cùi tinh thần,
Đang vật đổ họ xuống,
Tàn phá họ,
Chiến thắng họ.
Chính những ngừời đó, con thương hơn cả.
Và lặng thầm,
Con hiến dâng mình con vì họ,
Bởi họ là anh em chị em với con.
Ôi ! Mến thương của con,
Con trình dâng Ngài,
Căn bệnh cùi thể xác của con,
Để những anh chị em ấy
Khỏi phải nếm biết
Cái nhờm tởm,
đắng cay và lạnh lẽo,
của bệnh cùi tinh thần.
Con là con gái bé bỏng của Cha.
Ôi ! Cha hãy nắm tay dắt con đi
Như bà mẹ dẫn dắt bé thơ,
Hãy xiết chặt con vào lòng Cha
Như ông bố
Ôm xiết đứa con nhỏ trong lòng mình.
Hãy ghìm con xuống sâu thẳm trái tim Cha,
Và ước chi con được ở đó mãi
Với những nguời con mến thương
Đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Chúng ta hãy cầu xin cho thế giới hôm nay có thêm được nhiều những mảnh đất tâm hồn như thế, và dĩ nhiên, trong đó có chúng ta.

Trương Đình Hiền (Bài giảng tĩnh tâm tháng 3/2023 - Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)

 
Được gọi để toả rạng
Lm Minh Anh
14:24 06/03/2023

ĐƯỢC GỌI ĐỂ TOẢ RẠNG
“Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

Irving Stone, người nghiên cứu “sự vĩ đại”, dành cả cuộc đời để viết tiểu sử, tiểu thuyết của các chính khách, thiên tài. Ông từng được hỏi, “Liệu có tìm thấy một sợi dây xuyên suốt cuộc đời tất cả những nhân vật này không?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời, họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ phải hoàn thành. Và họ đã nỗ lực!”; “Họ bị đánh vào đầu, bị gièm pha… và trong nhiều năm, chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ khiêm tốn đứng lên. Bạn không thể tiêu diệt những con người này; và vào cuối đời, họ toả sáng một khi đã khiêm tốn hoàn thành ‘một phần’ điều họ đặt ra. Vì lẽ, họ ‘được gọi để toả rạng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có những con người đã ngã gục, nhưng họ lại khiêm tốn đứng lên; và sau cùng, họ toả rạng!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng chỉ ra một bài học tuyệt vời, dẫu thật khó, “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”. Đây là chìa khoá để con người có một cuộc sống toả rạng! Chìa khoá đó có tên “Khiêm Tốn”, một công cụ để những ai ‘được gọi để toả rạng’ rạng ngời!

Sẽ rất thú vị và không mâu thuẫn khi nói, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi được tôn vinh! Ngài muốn bạn được thế giới chú ý! Ngài muốn ánh sáng tốt lành của bạn toả sáng và tạo nên những khác biệt! Thế nhưng, Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không bằng ‘phô diễn’ một nhân cách giả tạo hay vay mượn, nhưng muốn bạn thực sự chiếu sáng; vì lẽ, mỗi môn đệ của Ngài đều ‘được gọi để toả rạng’. Bí quyết của Ngài là, “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

Khiêm tốn, một đức tính giúp chúng ta thực sự trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có; và đơn giản, “tôi” là “tôi”. Nó cho phép bạn đón nhận những phẩm chất tốt, cũng như những thất bại của mình. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực’ về chính mình; nghĩa là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách tốt và không tốt của nó; nói cách khác, ‘chân thực và thành tâm’. Để khi mọi người nhìn thấy những phẩm chất này nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải quá nhiều theo cách thế gian, nhưng theo lẽ thường của con người. Họ sẽ không nhìn chúng ta với cái nhìn ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn thấy và yêu lấy những gì chúng ta có. Họ thích chúng, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước chúng! Bạn sẽ là ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

Isaia hôm nay cũng kêu gọi dân Chúa hãy khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo là “các hoàng tử của Sôđôma”, con cái Israel là “dân Gômôra”. Đây là hai thành thời Abraham, một ‘hình ảnh thu nhỏ’ của tất cả những gì xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Thế nhưng, Thiên Chúa không lên án dân, mà kêu gọi họ ăn năn, “Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy!”. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ tấm lòng của Ngài, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”. Ai hạ mình xuống tột cùng trong nhân loại bằng Con Thiên Chúa? Ngài đã huỷ mình ra không khi mang lấy kiếp phàm nhân! Sinh trong chuồng lừa, sống trong rạp mộc, chết trên núi Sọ mà không mảnh vải che thân. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài”. Chúa Cha đã cho Ngài toả sáng qua biến cố Phục Sinh; để qua mọi thời, “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Quả thế, Giêsu, vị Thầy, người Bạn tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài ước mong bạn và tôi, những môn đệ ‘được gọi để toả rạng’ của Ngài, tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” để toả chiếu thế giới nhân gian, bằng cách học lấy sự khiêm hạ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tước khỏi con mọi ảo ảnh phù phiếm bên trong lẫn bên ngoài; hầu như ngọn hải đăng, con không hụ còi, nhưng toả rạng ánh sáng của Chúa mà không ồn ào, động đạc!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 06/03/2023

9. Khiêm nhường của Đức Mẹ Ma-ri-a giống như cái thang của trời, Con Thiên Chúa đã dùng nó từ trời xuống để làm người.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:00 06/03/2023
79. THUẬN LỢI MỌI BỀ

Bên Đông Châu muốn trồng lúa nước, nhưng bên Tây Châu không mở nước, vua Đông Châu rất buồn rầu.

Tô tử bèn nói với vua bên Đông Châu:

- “Để tôi đi sứ sang Tây châu nhờ họ mở nước, được không?”

Vua Đông Châu vui vẻ đồng ý, Tô tử đi yết kiến vua Tây Châu bèn nói:

- “Cách làm của ngài sai rồi, ngài không mở nước thì có thể làm giàu cho bên Đông Châu đấy.

Bây giờ, dân chúng của họ đều trồng lúa mạch, chứ không trồng thứ gì khác, nếu ngài muốn làm tổn hại bên Đông Châu, thì chi bằng mở nước cho thật nhiều, ngập lụt hư cả lúc mạch của họ. Như vậy bên Đông Châu nhất định phải trồng lại lúa nước, lúc thu hoạch ngài xua quân giành lấy của chúng, thế là nhân dân Đông Châu đều qùy gối bái phục ngài, phục tùng sự thống trị của ngài.”

Nhà vua bên Tây Châu nói:

- “Diệu kế!”

Nói xong bèn ra lệnh mở nước, vậy là Tô tử cũng được tiền thù lao của hai nước.

( Chính Quốc sách)

Suy tư 79:

Bên Tây Châu chiếm thế thượng phong vì có nguồn nước, bên Đông Châu thất thế hơn vì không có nguồn nước, cho nên việc đồng án đều bị lệ thuộc bên Tây Châu, mặc dù vậy bên Đông Châu lại có thế hơn, vì Đông Châu có nhà du thuyết rất giỏi là Tô tử

Chỉ cần uốn cong ba tấc lưỡi, mà Tô tử đã khiến cho vua Tây Châu mở nước để Đông Châu cày cấy; không chiến tranh, không xua quân xâm lược mà bên Đông Châu vẫn thắng.

Trong cách xử sự hằng ngày thì lời nói rất quan trọng, nó có thể làm cho ta có rất nhiều bạn bè, nhưng cũng có thể làm cho ta có nhiều kẻ thù. Sách Châm Ngôn đã chứng minh cho ta thấy điều đó:

“ Người giữ lời nghiêm huấn thì đi trong sinh lộ,

kẻ khinh lời sửa dạy ắt sẽ bị lạc đường.

Môi lọc lừa che giấu lòng thù ghét,

kẻ buông lời vu cáo là đứa ngu si.

Người năng nói năng lỗi,

Ai dè giữ lời nói mới là người khôn.

Lưỡi người ngay là bạc ròng hảo hạn,

Tâm kẻ dữ chẳng đáng bao nhiêu

Môi kẻ ngay nuôi sống nhiều người,

Còn đứa dại, chết vì dốt nát.” ( Cn 10, 17-21)


Quả thật, lời nói của người khôn ngoan thì đem lại mát mẻ cho lòng người; và lời nói của những người ích kỷ thì chỉ đem lại sự chia rẽ và thù hận.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thầy Lạc Đề! Trò Lạc Đường - Matt 20:17-28
Nguyễn Trung Tây
18:29 06/03/2023
Nguyễn Trung Tây
Thầy "Lạc Đề!" Trò Lạc Đường - Matt 20:17-28


Lần đó trên con đường xa xôi từ núi Tabor biến hình về lại Galilee, một lần nữa Đức Giêsu lại tiên đoán về tương lai, “Con Người sẽ phải chết, sau ba ngày mới sống lại…” (Matt 12:19; Mk 9:31).

Thầy “lạc đề” như vậy, hỏi sao mà các tông đồ không lạc đường mùa chay dài dài… Đời đang tươi vui như những chú sư tử no mồi trong sa mạc Trung Đông kia mà, bởi đi theo Thầy, cuộc đời hứa hẹn lầu son gác tiá. Nếu Thầy có khả năng hóa bánh ra nhiều, chữa lành người bị quỷ ám, hồi sinh người đã chết, tại sao lại không đi theo. Đấng Thiên Sai mang tầm vóc vĩ đại tương tự hoàng đế David được tiên báo từ lâu, người có khả năng khôi phục lại đất nước Do Thái ra khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã giờ đây còn ai khác, ngoài Thầy… Làm chi khi sở hữu vương quyền, uy lực trong tay, Thầy lại không phân chia đồng đều cho các môn đệ, những người đã từng bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy.

Khi quyền lực nắm được trong tay, thì làm gì mà không có tiền bạc, mà không chỉ là tiền xu hay là vớ vẩn hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo đâu nhé, mà tiền trăm tiền bọc, toàn là tiền vàng, những đồng tiền sáng lấp lánh như truyện cổ tích ngàn lẻ một đêm.

Nhưng khổ! Không phải chỉ một lần, mà tới ba lần lận, ba lần là đúng cả ba, Thầy cứ mở miệng tiên đoán "vớ vẩn": Con Người sẽ bị các thầy thượng tế giết đi…

Không, đó không phải là câu chuyện mà các môn đệ muốn nghe muốn bàn. Bởi thế, lời Thầy lọt vô tai này, lại chạy qua lỗ tai kia, rồi đi thông thốc thẳng luôn ra ngoài, bởi Thầy ơi, chúng con đang bàn chuyện riêng tư. Mà tưởng là chuyện gì đại sự! Hóa ra, theo như thánh sử Mark, đề tài mấy người môn đệ hăng say thảo luận cũng vẫn chỉ liên quan đến hai chữ quyền lực (Mk 9:33-34).

Chưa đủ, ngay vừa sau khi Thầy tiên đoán lần thứ ba về cuộc thương khó, hai anh em James và John vẫn cứ tiếp tục lạc đường, lần này họ nhanh chân chạy đến tỉ tê với Đức Giêsu,

— Mai này khi Thầy vinh quang, xin cho anh em chúng con người bên tay trái người bên tay hữu nhé (Mark 10:37).

Vậy là ăn chắc. Đức Giêsu mà gật đầu thì thật đúng là đời nở ngàn vạn viên đá lót đường toàn bằng vàng ròng.

Mà thiết nghĩ hai ngàn năm trước và hai ngàn năm sau, cuộc đời nhân thế có lẽ cũng vẫn chưa có gì khác, cũng vẫn chỉ xoay quanh đề tài, quyền lực và tiền bạc.

Chẳng lạ chi, trong sa mạc Satan đã từng đem Đức Giêsu lên ngọn núi cao, chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, vinh hoa lợi lộc của trần gian, rồi nói: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi" (Matt 4:8-9). Khéo quá! Thật đúng là Satan.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô: Biển khơi đại dương là quà tặng của Thiên Chúa cho mọi thế hệ
Thanh Quảng sdb
04:20 06/03/2023
ĐGH Phanxicô: Biển khơi đại dương là quà tặng của Thiên Chúa cho mọi thế hệ

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp đến Hội nghị Đại dương lần thứ 8 được tổ chức tại Panama, và kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu hãy bảo vệ đại dương vì lợi ích của các thế hệ tương lai.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Nước Panama đã đăng khai Hội nghị Đại dương thế giới lần thứ 8 với chủ đề “Đại dương của chúng ta, sự kết nối của chúng ta” để nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức như là “nền tảng của các hành động và chính sách nhằm bảo vệ đại dương mênh mông của chúng ta”.

Sự kiện này diễn ra riêng biệt nhưng đồng thời với việc chính phủ các quốc gia có các cuộc đàm phán đột phá, do Liên hợp quốc tài trợ ở New York, trong đó tất cả đồng ý với một “Hiệp ước Biển khơi” mới để hệ thống hóa các nỗ lực bảo tồn các vùng đại dương nằm ngoài phạm vi quyền hạn của các quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp đến những tham dự viên đang nhóm họp tại Panama, vào các ngày 2-3 tháng 3, được công bố vào thứ Hai và được ký bởi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin.

Món quà Đấng Tạo Hóa ban tặng cho toàn thể nhân loại

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của “lòng khiêm hạ, biết ơn và tôn kính” khi chúng ta nói đại dương là “của chúng ta”.

“Bắt đầu từ những suy tư và nghiên cứu, sự hiểu biết của chúng ta về các cơ chế và sự cân bằng phức tạp và tuyệt vời của đại dương cho phép chúng ta đánh giá cao vai trò của chúng đối với mọi người, không chỉ với các cộng đồng ven biển mà thôi.”

ĐTC lưu ý rằng tất cả mọi người đều phụ thuộc vào đại dương và được coi đây là “di sản chung” của nhân loại.

Ngài nói thêm, các đại dương được ban cho chúng ta “như một món quà từ Đấng Tạo Hóa”, và do đó chúng ta phải nỗ lực xử dụng chúng một cách công bằng và khôn ngoan để lưu truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Chúng ta được gắn bó với nhau bởi một đại dương chung

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị hãy có một “tầm nhìn toàn diện về sinh thái học” phù hợp với thông điệp Laudato si’ của ngài.

ĐTC lưu ý rằng các đại dương phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, bao gồm ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như ngành công nghiệp khai thác quá vội vã dưới đáy biển.

Đức Thánh Cha cũng nói nhiều về thảm cảnh di cư xảy ra trên biển cả và việc đối xử quá nghiêm khắc với những người vượt biển.

ĐTC kêu gọi các chính phủ hãy nhìn nhận “sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng liên quốc gia” mà các đại dương là hiện thân.
 
Đức Hồng Y Grêgôriô: Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm cho người Mỹ ở cả hai phe ‘khó chịu’
Vu Van An
13:47 06/03/2023

Theo Kate Scanlon của tạp chí mạng Our Sunday Visitor, những người tham gia trong cuộc hội thảo ngày 28 tháng 2 về Tư tưởng Xã hội Công Giáo và Đời sống Công cộng, do Sáng kiến của Đại học Georgetown tổ chức, có sự tham gia của Đức Hồng Y Wilton Gregory, Tổng Giám Mục Washington, các người tham gia cho biết, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của ngài vào tháng 3, một dấu hiệu nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài là làm cho cả hai phe của nền chính trị Hoa Kỳ “không thoải mái”.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nguyên là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức.

Các tham dự viên cho biết: Trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã bác bỏ khái niệm coi Giáo Hội như một thực thể chính trị, thay vào đó nhấn mạnh các chủ đề như chăm sóc những người ở vùng ngoại vi và sáng thế. Nhưng cách tiếp cận của ngài đối với các chủ đề liên kết với nhau trong giáo huấn xã hội Công Giáo như một chiếc áo không đường nối không hoàn toàn phù hợp phẳng phiu với các ý thức hệ chính trị của Mỹ.

Đức Hồng Y Gregory nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho người Mỹ “hoàn toàn không thoải mái trong bất cứ khía cạnh nào của giáo huấn xã hội của Giáo hội”.

Nhận định rằng khán giả Washington nhận thức rõ sự phân cực chính trị gia tăng ở Hoa Kỳ, Đức Hồng Y nói thêm, “có rất nhiều điển hình cho thấy chúng ta thấy khó nói chuyện với nhau”.

Đức Hồng Y Gregory nói, “Và (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) khiến chúng ta có thể nói rằng, nếu bạn thực sự muốn thích nghi, bạn phải chấp nhận toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội. Vì vậy, bạn không thể thoải mái với biểu ngữ phò sự sống; bạn không thể thoải mái với chỉ những (vấn đề) xã hội cấp tiến—bạn phải có tất cả.”

Đức Hồng Y Gregory cho biết bốn năm của ngài ở Washington đã cho ngài thấy đất nước phải khẩn trương giải quyết “những thách thức” liên quan đến sự phân cực.

Đức Hồng Y Gregory nói, “Rõ ràng là chúng ta phải làm điều gì đó để cho phép mọi người nói chuyện với nhau một cách lễ độ, trung thực, bác ái, và không cảm thấy có kẻ thắng người thua, cảm thấy như tôi thắng hoặc bạn thắng. Đức Phanxicô nói, tại sao tất cả chúng ta không giành chiến thắng bằng cách hiểu được chiều rộng của đức tin Công Giáo và tiếp cận các vấn đề phức tạp với việc tôn trọng đầy tôn kính đối với sự thật?”

Nữ tu Norma Pimentel, giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện Công Giáo của Thung lũng Rio Grande ở Brownsville, Texas, đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã “phá vỡ các rào cản” và khuyến khích Giáo hội thoát ra khỏi “bong bóng” của mình để gặp gỡ “những người ở bên lề”.

Nữ tu Pimentel nói về công việc của tổ chức của bà ở biên giới “Bạn biết đấy, tôi luôn mời mọi người đến và xem; (bạn) cần nhìn thấy các gia đình, bạn phải nhìn thấy các khuôn mặt, những đứa trẻ và những giọt nước mắt, và phải thực sự gần gũi, để bạn có thể hiểu những gì ngài đang nói tới. Chỉ khi đó bạn mới biết mình cần phải làm gì. Bởi vì tôi nghĩ rằng Chúa đã tạo ra chúng ta để quan tâm lẫn nhau. Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết điều đó một cách hoàn hảo và ngài thực sự mời gọi chúng ta làm điều đó—đó là lý do tại sao ngài đẩy chúng ta ra các vùng ngoại vi bởi vì đó là nơi hiện hữu những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề, những người đang thực sự gặp khó khăn—họ không phù hợp với giáo hội mà chúng ta đã xay dựng nên”.

E.J. Dionne, một người viết chuyên mục cho tờ The Washington Post, người đã viết về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cách ngài ảnh hưởng đến đời sống công cộng của Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Brookings và giáo sư tại Trường Chính sách Công McCourt của Đại học Georgetown, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã buộc người Công Giáo nhìn thấy “những thiếu sót” của cả hai phe chính trị.

Dionne nói, “thí dụ, về vấn đề phá thai, trong đó có rất nhiều người Công Giáo cấp tiến thực sự không tin việc phá thai nên bị coi là bất hợp pháp, nhưng tôi nghĩ điều Đức Phanxicô làm là buộc họ phải suy nghĩ về việc, chẳng hạn, bạn sẽ làm gì? Đâu là trách nhiệm? Trách nhiệm làm giảm số ca phá thai là gì nếu bạn không biến nó thành bất hợp pháp. Và rõ ràng, đối với các Kitô hữu bảo thủ hơn, ngài thách thức họ về các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội, giúp đỡ của chính phủ cho người nghèo. Và vì vậy, ngài buộc bạn phải suy nghĩ kỹ xem những gì bạn tin có liên quan ra sao đến giáo huấn của Giáo Hội và tư tưởng xã hội Công Giáo”.

Đức Hồng Y Gregory đã ca ngợi Đức Phanxicô về một ngôi vị giáo hoàng “dễ tiếp cận” cả trong những lần xuất hiện trước công chúng và trong các bài viết của ngài.

Đức Hồng Y nói, “Thật khó để không thích một người thích bạn”.
 
Một linh mục tin rằng Chúa cứu ngài khỏi tay những kẻ bắt cóc ở Haiti
Đặng Tự Do
17:13 06/03/2023


Cha Antoine Macaire Christian Noah, một linh mục dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đến từ Cameroon, đã trốn thoát khỏi một băng nhóm tội phạm đã bắt cóc ngài ở Haiti vào tháng trước và đã được đưa đến một quốc gia khác để bảo đảm an toàn.

Hôm 2 tháng 3 vừa qua, Cha Fausto Cruz Rosa, bề trên của Phái đoàn Thừa sai dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ở Antilles, nói với ACI Prensa rằng Cha Macaire “đã bị bắt cóc và bị biệt giam 10 ngày trong một ngôi nhà bỏ hoang trên vùng ngoại ô Port-au-Prince,” của thủ đô Haiti.

“Vào ngày thứ 10, khi những kẻ bắt cóc đi ra ngoài ngài đã có thể trốn thoát. Bọn tội phạm thường xuyên ra ngoài vào ban đêm và nhốt ngài ở một trong những ngôi nhà mà các băng đảng thường chiếm giữ ở Haiti”.

Cha Macaire, 33 tuổi, được thụ phong cách đây chưa đầy hai năm, đã bị bắt cóc vào sáng ngày 7 tháng 2 khi đang trên đường đến cộng đồng truyền giáo của mình ở Kazal, cách Port-au-Prince khoảng 20 dặm về phía bắc.

Cha hiện đang ở Santo Domingo, thủ đô của Cộng hòa Dominica, nơi ngài vừa được giáo đoàn cử đến.

Cha Cruz kể lại rằng vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17 tháng 2 giờ địa phương, Cha Macaire phải đục một lỗ trên trần căn phòng nơi ngài bị giam giữ để thoát ra ngoài, rồi ngài bắt đầu chạy cho đến khi gặp một con đường.

“Ngài đã chạy cho đến 5:30 sáng, đến một thị trấn lân cận tên là Cabaret. Ở đó, một linh mục đã đón ngài vào giáo xứ. Ngài đã ở đó vài ngày cho đến khi chúng tôi tìm cách đưa ngài đến đảo Gonave, và sau đó đến thủ đô Haiti, hướng tới sân bay”

Theo cha Cruz, hoàn cảnh bị bắt của Cha Macaire diễn ra như sau: Vị linh mục trẻ đang trên đường trở về Haiti sau khi hướng dẫn các cuộc linh thao cho phái đoàn của ngài ở Cộng hòa Dominica.

Sau khi xuống máy bay, Cha Macaire đón một chiếc xe buýt, nhưng chẳng may, chiếc xe bị bởi một băng nhóm tội phạm chặn lại.

“Rõ ràng họ chỉ bắt ngài vì ngài là người nước ngoài. Đó là chiến lược họ luôn sử dụng. Và sau đó họ đưa ngài đến nơi giam giữ để đòi tiền chuộc”

Cha Cruz lưu ý rằng linh mục Phi Châu “không cảm thấy sợ hãi vì ngài đã cầu nguyện với vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Antôn thành Padua,” cũng như Thánh Anthony Mary Claret và Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria.

“Ngài là một người chuyên chăm cầu nguyện, rất thanh thản. Những kẻ bắt cóc ngạc nhiên làm sao linh mục có thể chịu đựng được, vì chúng chỉ cho ngài thức ăn bốn lần trong 10 ngày và một ít nước”.

Theo lời vị bề trên, “những lời cầu nguyện của toàn thế giới” rất hữu ích, và ngài chắc chắn rằng “Chúa đã thực sự can thiệp, để vị linh mục bị bắt cảm nhận được sức mạnh và lòng can đảm để trốn thoát và tin tưởng sẽ ra ngoài bình an vô sự. “

Cha Cruz nhấn mạnh rằng Cha Macaire “sẵn sàng trở lại Haiti càng sớm càng tốt.”

“Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến nghị rằng ngài nên vắng mặt trong thời gian này”.

Haiti đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội sâu sắc. Quốc gia này đã không có tổng thống kể từ tháng 7 năm 2021, khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát và không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức. Cuộc đấu tranh giành quyền lực đã làm trầm trọng thêm các cuộc biểu tình và bạo lực do các băng nhóm vũ trang và những kẻ bắt cóc thực hiện.

“Ngay bây giờ các băng đảng là những kẻ nắm giữ quyền lực trên thực tế. Cảnh sát khó có thể làm bất cứ điều gì; họ thậm chí đã giết nhiều cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật sợ hãi co cụm lại. Các linh mục đã nộp đơn khiếu nại và họ được thông báo rằng họ không thể làm bất cứ điều gì,” Cha Cruz giải thích.

Theo lời kể của cha bề trên, Cha Macaire đã hỏi những kẻ bắt cóc tại sao chúng lại thực hiện những hành động như vậy, và chúng trả lời rằng “tình hình rất phức tạp” và rằng chúng “không nhìn thấy tương lai”.

“Bây giờ chúng ta cầu nguyện cho những kẻ bắt cóc, cho sự hoán cải của họ và cho toàn bộ tình trạng mất an ninh và bạo lực mà người dân Haiti đang phải trải qua. Chúng ta cầu nguyện rằng Chúa sẽ tiếp tục lắng nghe chúng ta và rằng đất nước sẽ sớm tìm ra cách nào đó để thoát khỏi cuộc xung đột,” Cha Cruz kết luận.
Source:National Catholic Register
 
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi bình tĩnh giữa làn sóng bạo lực mới
Đặng Tự Do
17:15 06/03/2023


Với căng thẳng gia tăng giữa người Do Thái và người Palestin lên đến một tầm cao mới trong tuần qua giữa một loạt các vụ giết người mới, các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Bờ Tây đã lên án bạo lực và kêu gọi một giải pháp lâu dài tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong một tuyên bố ngày 1 tháng 3 từ Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, các nhà lãnh đạo giáo hội trong khu vực cho biết họ “rất buồn trước sự leo thang bạo lực mới nhất ở Thánh Địa Giêrusalem”.

Họ đặc biệt chỉ ra một sự việc vào Chúa Nhật tuần trước, ngày 26 tháng 2, trong đó hàng chục người định cư Israel đã “tung hoành” qua thị trấn Huwara của Palestine gần Nablus, giết chết một người đàn ông và làm bị thương hàng chục người khác “bằng các thanh kim loại và hơi cay, đồng thời đốt cháy hàng chục tòa nhà và xe hơi.”

Họ nói rằng cuộc tàn sát hôm Chúa Nhật ở Huwara là một hành động trả đũa sau khi một tay súng Palestine giết hai người định cư Israel trong cùng một thị trấn, một hành động tự nó là phản ứng đối với việc giết hại 11 người Palestine ở Nablus một tuần trước đó.

Sự việc Huwara xảy ra vào cuối cuộc họp hiếm hoi giữa chính quyền Israel và Palestine ở Aqaba, Jordan, trong đó Israel cho biết họ sẽ ngừng mở rộng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine nhằm chấm dứt điều mà các nhà lãnh đạo Giáo Hội gọi là “sự leo thang theo hình xoắn ốc và vô nghĩa” của xung đột bạo lực.

Bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 đã mang lại liên minh dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu cực đoan nhất của Israel cho đến nay, bao gồm các đảng theo đường lối cứng rắn mà nhiều người lo ngại sẽ ngày càng trở nên cực đoan, gây thêm bạo lực.

Trong năm qua, Israel được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. 66 người Palestine đã bị giết cho đến nay chỉ riêng trong năm 2023.

Trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất, thị trấn Huwara của Palestine đã bị những người định cư Israel tấn công, đốt xe hơi và ném đá chỉ vài giờ sau khi hai người Israel bị bắn chết khi họ lái xe qua thị trấn nằm ở phía bắc Bờ Tây.

Sau vụ việc, được một số người Palestine mô tả là một “cuộc tàn sát”, Bộ trưởng Tài chính cực hữu của Israel, Bezalel Smotrich, nói rằng Huwara nên bị “xóa sổ”.

Nhận xét đã vấp phải phản ứng dữ dội, bao gồm cả những lời chỉ trích hiếm hoi từ Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng của Israel.

Bạo lực gia tăng, bất chấp hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Jordan. Một tài xế người Mỹ gốc Israel đã bị bắn chết hôm thứ Hai, và hôm thứ Tư, các lực lượng Israel đã giết một người đàn ông Palestine khi đang tìm kiếm những kẻ tình nghi trong trại tị nạn Aqabat Jaber gần Jericho.

Kể từ khi chính phủ mới của Israel nhậm chức vào cuối năm ngoái, Lực lượng Phòng vệ Israel cho đến nay đã tiến hành 3 cuộc truy quét quy mô lớn vào các thành phố của Palestine, trong đó có cuộc đột kích vào ngày 22 tháng Hai ở Nablus khiến 11 người Palestine thiệt mạng, đó là số người Palestine thiệt mạng lớn nhất trong một chiến dịch của quân Israel kể từ năm 2005.

Với căng thẳng gia tăng từng ngày, có những lo ngại về sự leo thang hơn nữa trước tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo và lễ Vượt qua của người Do Thái chỉ trong vài tuần tới, khiến Hoa Kỳ, Jordan và Israel phải kêu gọi bình tĩnh.

Trước làn sóng bạo lực gần đây nhất này, người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk đã mô tả nhận xét của Smotrich kêu gọi “xóa sổ” Huwara là một “tuyên bố kích động bạo lực và thù địch không thể hiểu nổi”.

“Tình hình trên lãnh thổ Palestine bị xâm lược là một thảm kịch, trước hết là một thảm kịch đối với người dân Palestine,” ông nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, khi trình bày một báo cáo về tình trạng của các vùng lãnh thổ bị xâm lược.

Turk cho biết báo cáo của ông cho thấy lực lượng Israel thường xuyên sử dụng các “vũ khí gây chết người” bất kể mức độ đe dọa và đôi khi thậm chí như một biện pháp ban đầu chứ không phải là biện pháp cuối cùng.

Ông cho biết báo cáo của ông cũng đã ghi lại hàng trăm vụ giết người, trong đó có một số công dân không có vũ khí và nhiều trường hợp bạo lực ở cả hai bên.
Source:Crux
 
Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa vạch trần các thủ đoạn của Putin sau khi bỏ trốn khỏi Nga
Đặng Tự Do
17:16 06/03/2023


Pinchas Goldschmidt, Chủ Tịch Hội Đồng Các Rabbi Do Thái Giáo Âu Châu, nguyên là Rabbi trưởng Do Thái Giáo Mạc Tư Khoa từ năm 1993 cho đến khi bỏ trốn vào tháng 3 năm 2022 đã có một bài viết trên tờ Foreign Policy nhan đề “I Was Moscow’s Chief Rabbi. Russia Forced Me to Flee”, nghĩa là “Tôi là Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa. Nga buộc tôi phải trốn chạy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tôi đến nước Nga Xô viết vào năm 1989, khi perestroika và glasnost đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, để giúp xây dựng lại cộng đồng Do Thái đã bị tàn phá sau 70 năm cai trị của Cộng sản.

Một ngày mùa đông năm 2003, viên chức của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, người được bổ nhiệm vào Hội Đường Hợp Xướng Mạc Tư Khoa vào thời điểm đó—một người đàn ông mà tôi sẽ gọi là Oleg (tên của anh ấy đã được cố tình thay đổi)—mời tôi đến đồn cảnh sát tại 40 phố Sadovnichevskaya. Oleg và đồng nghiệp của anh ấy bắt đầu nói rằng tôi, một công dân Thụy Sĩ, đã sử dụng thị thực nhập cảnh ra vào nhiều lần để ở lại Nga, điều này là bất hợp pháp vì tôi là một nhân viên tôn giáo; tuy nhiên, họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề này nếu tôi bắt đầu báo cáo với họ. Họ ép tôi ký một cái gì đó, nhưng tôi từ chối thẳng thừng, nói rằng cáo mật người khác là vi phạm luật Do Thái.

Sau hơn một giờ quấy rầy tôi, cuối cùng họ cũng để tôi đi. Tôi đã bị chấn động đến tận cùng của con người mình. Oleg đã quay lại hai lần để thuyết phục tôi. Thậm chí có lần anh ta còn dừng xe tôi trên đường—kể từ lúc đó, tôi hiểu rằng người lái xe của tôi có thể cũng đang làm việc cho FSB. Hai năm sau, vào năm 2005, tôi bị trục xuất khỏi Nga—có thể liên quan đến việc tôi từ chối hợp tác với các cơ quan tình báo. Cuối cùng, tôi cũng có thể trở lại sau khi có sự can thiệp của Thủ tướng Ý khi đó là Silvio Berlusconi.

Trong những năm sau đó, tôi biết đã có nhiều nỗ lực tuyển dụng đồng nghiệp của mình trong cộng đồng Do Thái. Ngoài ra, các đặc vụ của FSB thường xuyên theo dõi, thăm viếng và đe dọa những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, bảo đảm rằng mọi người đều biết về sự hiện diện của họ. Một số thủ lĩnh sinh viên Do Thái được mời đến văn phòng của FSB trên Quảng trường Lubyanka

Có lẽ đáng chú ý nhất là vào năm 2000, Điện Cẩm Linh đã liên minh với Liên đoàn các Cộng đồng Do Thái của Nga, gọi tắt là FEOR— đó là một quan hệ đối tác phục vụ một số mục đích. Đầu tiên, đó là bằng chứng ngoại phạm cho việc Putin không phải là người bài Do Thái khi ông tiêu diệt hàng loạt các đối thủ chính trị - nhiều người trong số họ là người gốc Do Thái như Mikhail Fridman, Vladimir Gusinsky, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky.

Nhiệm vụ thứ hai của FEOR là dành cho thế giới phương Tây: Khi Putin trở nên độc đoán hơn và các cường quốc phương Tây trở nên e ngại, những người đứng đầu FEOR đã được cử đến phương Tây để truyền đạt một thông điệp: dù Putin có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì bất kỳ sự thay thế nào cũng sẽ tồi tệ hơn, và người Do Thái sẽ bị bách hại. Khi các cuộc biểu tình gia tăng ở Mạc Tư Khoa sau khi Putin tuyên bố trở lại nắm quyền vào năm 2012, các giáo sĩ Do Thái của FEOR đã nhanh chóng yêu cầu các giáo dân ở Mạc Tư Khoa của họ ngừng và không được tham gia các cuộc biểu tình, nhưng phải ủng hộ nỗ lực chung của chính phủ nhằm phi chính trị hóa xã hội dân sự.

Sau đó, khi Nga chinh phục Crimea, các nhà lãnh đạo của FEOR đã đi đầu trong việc thúc đẩy quan điểm trên mạng xã hội khi các cuộc biểu tình nổ ra từ người Do Thái Nga: Người Do Thái, đừng tham gia; đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.

Trong bối cảnh câu chuyện tuyên truyền của Nga về cuộc chiến chống phát xít mới ở Ukraine, Bảo tàng Khoan dung, do FEOR xây dựng và tập trung vào câu chuyện về Thế chiến II, đã được sử dụng nhiều lần để thúc đẩy quan điểm rằng cuộc chiến chống lại Ukraine là một cuộc chiến chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Đây là quan điểm được Giáo sĩ Alexander Boroda, chủ tịch của FEOR, sử dụng để ủng hộ cuộc chiến. Các tổ chức chị em của FEOR bên ngoài nước Nga, chẳng hạn như Chabad, hầu như không nói một lời nào.

Mặc dù Cẩm Linh đã phần nào thành công trong việc kiểm soát và biến cộng đồng Do Thái ở Nga thành công cụ, FSB vẫn tiếp tục cuộc chiến tiêu hao lực lượng chống lại các giáo sĩ Do Thái, chủ yếu là người nước ngoài. Họ đã trục xuất hơn 11 giáo sĩ Do Thái trong các cộng đồng suốt thập kỷ qua— họ là những người không tuân theo đường lối của đảng do FSB thành lập và được Giáo Hội Chính thống Nga minh họa cho các Giáo Hội khác noi theo.

Hai tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, tôi quyết định bỏ trốn khỏi Nga - nơi tôi đã phục vụ cộng đồng của mình với tư cách là giáo sĩ Do Thái trong ba thập kỷ - để đến Âu Châu và sau đó là Israel. Tôi nhận ra rằng tôi sẽ bị áp lực phải ủng hộ cuộc chiến, và sẽ rất nguy hiểm nếu tôi bày tỏ bất kỳ sự bất đồng nào.

Kể từ khi tôi ra đi, bất cứ nơi nào tôi đến trên thế giới, tôi thường được hỏi: Tại sao không còn những tiếng nói bất đồng và phản đối từ Giáo hội Chính thống Nga, cũng như các nhóm tôn giáo khác? Câu trả lời rất đơn giản và thường gây sốc cho người phương Tây—nhưng đó là một thực tế nổi tiếng đối với những người sống ở Nga: Vào thời Xô Viết, KGB kiểm soát đời sống tôn giáo và tuyển dụng một số lượng lớn các giáo sĩ để làm việc cho an ninh nhà nước. Hầu như không thể đạt được vị trí cao hơn trong bất kỳ hàng giáo phẩm tôn giáo nào mà không phải là một đặc vụ tích cực của KGB. Dưới thời của Putin, FSB lặp lại cùng một chính sách đó.
Source:Foreign Policy
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh Tempe Arizona Hành Hương Mùa Chay 2023.
Phan Hoảng Phú Quý
10:29 06/03/2023
Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh Tempe Arizona Hành Hương Mùa Chay 2023.

(Jarnell-Arizona) Trong tâm tình Mùa Chay, mùa hãm mình, hy sinh và làm việc bác ái, Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh đã tổ chức buổi hành hương Mùa Chay tại The Shrine of St.Joseph of the Mountains thuộc thành phố Jarnell, bang Arizona, vào lúc 8 giờ 30 sáng thứ Bảy ngày 04 tháng 3 năm 2023.

Xem Hình

Mặc dù tiết trời se lạnh, và nha khí tượng tiên đoán vẫn còn tuyết trên các sườn đồi núi tại Jarnell cũng như các vùng phụ cận, thế nhưng không phải vì vậy mà làm chùng lòng những vị cao niên muốn hành hương trong mùa chay này.

Chúng tôi hẹn nhau có mặt tại khuôn viên giáo xứ lúc 8 giờ sáng, và khởi hành lúc 8 giờ 30, thời gian từ thành phố Tempe đến Jarnell mất khoảng 2 giờ lái xe, ngồi trên xe mọi người cùng nhau lần hạt mân côi, đọc kinh Kính Lòng Thương Xót Chúa, hát thánh ca và chia sẽ với nhau về các câu chuyện vui buồn trong cuộc sống hàng ngày.

Đúng 10 giờ 30 chúng tôi đã có mặt tại Đền Thánh Thánh Giuse, cùng quây quần bên nhau lấy vài tấm hình kỷ niệm rồi bắt đầu suy gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá.

Lạy Chúa, Chúa đã phán: Ai muốn theo Ta, phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Xin cho chúng con biết yêu mến thập giá mà Chúa gửi đến trong cuộc sống. Xin giúp chúng con sống cuộc đời mới khi theo chân chúa trên đường khổ nạn này. Xin Chúa dạy chúng con biết rằng, đường đau khổ là đường đưa tới vinh quang, và triều thiên Thiên quốc chỉ dành cho những ai một đời biết hy sinh phục vụ tha nhân.

1 Nơi thứ nhất: Chúa Giêsu chịu bản án bất công

2 Nơi thứ hai: Chúa Giêsu vác thánh giá

3 Nơi thư ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

4 Nơi thứ tư: Chúa Giêsu gặc Đức Mẹ

5 Nơi thứ năm: Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa

6 Nơi thứ sáu: Bà Veronica lau mặt Chúa

7 Nơi thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

8 Nơi thứ tám: Chúa Giêsu gặp những người phụ nữ thành Giêrusalem

9 Nơi thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

10 Nơi thứ 10: Quân dữ lột áo Chúa Giêsu

11 Nơi thứ 11: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá

12 Nơi thứ 12: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá

13 Nơi thứ 13: Tháo xác Chúa xuống và trao vào tay Đức Mẹ

14 Nơi thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Mỗi chặng đường là một bài học cho chúng ta suy ngẫm, học hỏi và noi theo, như trong lời kinh chúng ta thường hát:

Lạy Chúa xin cho chúng con bước đi theo Ngài

Xin cho chúng con cùng vác với Ngài

Thập giá trên đường đời con đi

Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài

Xin cho con cùng chết với Ngài

Để được sống với Ngài vinh quang.

Sau giờ suy gẫm 14 chặng đành Thánh Giá là giờ nghĩ ngơi ăn trưa, thời gian này cũng là lúc mọi người chia sẽ với nhau những cãm nghiệm trong lúc đi qua 14 chặng Thánh Giá.

Nhiều người rất xúc động, vì đây là lần đầu tiên họ đến hành hương và biết được nơi chốn linh thiêng này, mặc dù họ sống ở đây một thời gian khá dài, có người đã đến đây nhiều lần rồi, nhưng hôm nay lại đến sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Virus Covid-19.

Trên khuôn mặt mọi người ai nấy đều biểu hiện một nét vui tươi, hớn hở vì họ đã được diễm phúc có những giây phút sống gần gũi bên Chúa khi đi qua 14 chặng Đàng Thánh Giá và nhất là được ôm ấp Chúa, được hôn Chúa trong Mồ.

Trước khi ra về, chúng tôi lại một lần nữa quây quần chung quanh Thánh Tượng Chúa Sống Lại cùng nhau đọc kinh Kính Lòng Thương Xót Chúa, xin ơn chữa lành và cầu xin bình an trên mọi nẽo đường chúng con ra về.

Việc đầu tiên khi về đến nhà là tôi bắt đầu xem lại các hình ảnh đã chụp, vì tôi nghi ngờ một số hình ảnh khi chụp tại Ngôi Mộ Chúa là không thành công, tại trong đó phần thì không có ánh sáng, phần thì chật hẹp, khi nhìn qua khung màn hình của máy ảnh thì chỉ thấy một khung tối đen, tôi không sao bố cục để lấy nét được, chỉ bấm nút và cầu may thôi, đồng thời để mọi người an tâm là có hình để kỷ niệm. Thế mà lạ lùng thay, những tấm hình mà tôi nghi ngờ ấy lại là những tấm hình bắt mắt nhất, ăn ảnh nhất, âu đó cũng là một phép mầu, một hồng ân, mà Thiên Chúa thương ban trao tặng.

Mùa Chay cũng là Mùa Thống Hối Ăn Năn trở về bên Chúa.

Có những lúc Chúa ơi con quên Ngài

Có những lúc Chúa ơi con đây dại ghê

Đã bao lần con đây bội hứa

Đã bao nhiêu lần lừa dối Cha yêu

Đã bao nhiêu lần con đây làm phiền

Người Cha yêu dấu, người Cha chí nhân

Người Cha hiền hậu, người Cha yêu thương

Có những lúc con tội đời

Có những lúc đắm say trong bao tội dơ

Đã bao nhiêu lần xin tha tội tình

Người Cha tha thứ, người Cha thứ tha

Ôm con vào lòng vì yêu thương con.

Người ra đón 2 tay đón con yêu

Người ôm con trong bao nỗi thương yêu

Tiệc hân hoan mang ra tiếp đón con

Người Cha vui vì người con đã mất đi, nay trở về.

Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống trọn hảo trong mùa chay này để xứng đáng đón nhận hồng ân Phục Sinh. Amen !

Phan Hoàng Phú Quý
 
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Thái Bình Khai Mạc Kỳ Tĩnh Tâm Năm 2023
BTTĐCV
19:59 06/03/2023
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Thái Bình Khai Mạc KỳTĩnh Tâm Năm 2023

Chiều ngày 06 tháng 3 năm 2023, tất cả quý cha đang phục vụ tại giáo phận Thái Bình đã trở về Toà Giám mục tham dự kỳ tĩnh tâm năm.

Tham dự kỳ tĩnh tâm năm dành cho linh mục của Giáo phận Thái Bình năm nay có Đức cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản – Giám mục Chính toà Giáo phận Hải Phòng (giảng phòng), Đức cha Đa-minh Đặng Văn Cầu – Giám mục Chính toà Giáo phận Thái Bình, Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Đệ - Nguyên Giám mục Giáo phận Thái Bình, 196 cha (cả triều và dòng) đang phục vụ trong Giáo phận và 6 thầy phó tế.

Xem Hình

Tuần tĩnh tâm của quý cha được khai mạc vào lúc 20g00 với lời chào và lời dẫn nhập cho đề tài suy niệm “Linh mục - người kiến tạo và bảo vệ sự hiệp nhất” của Đức cha Vinh-sơn, sau đó là giờ chầu Thánh Thể và Kinh tối tại Nhà nguyện Toà Giám mục.

Trước đó, vào lúc 17g30, quý cha đã có giờ Kinh chiều chung tại Nhà nguyện.

Tuần tĩnh tâm dành cho quý cha sẽ kết thúc vào trưa thứ Bảy, ngày 11.3.2023.

Trong suốt một tuần này, quý cha sẽ dành trọn thời gian bên Chúa, lắng đọng tâm hồn để suy niệm Lời Chúa dưới hướng dẫn của Đức cha Vinh-sơn. Bên cạnh đó, quý cha còn được lắng nghe huấn từ của Đức cha Đa-minh và Đức cha Phê-rô; được cùng với vị Chủ chăn Giáo phận hội thảo mục vụ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong khi thi hành tác vụ. Đặc biệt, trong những ngày này, các cha sẽ có được những khoảng thời gian thinh lặng để nguyện gẫm, sốt sắng tham dự thánh lễ và các giờ kinh.

Đây là kỳ tĩnh tâm thường niên theo luật định của các linh mục. Kỳ tĩnh tâm này rất quan trọng đối với quý cha là những người lãnh đạo tinh thần khi thi hành sứ vụ mục tử.

Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cách đặc biệt cho quý cha, để quý cha có thể đón nhận được thật nhiều ơn ích thiêng liêng trong tuần phòng này.

BTTĐCV
 
VietCatholic TV
Ukraine đồng loạt tấn công, san bằng 2 căn cứ Nga ở Melitopol. Tướng Anh: Gerasimov sẽ lật đổ Putin
VietCatholic Media
02:55 06/03/2023


1. Lính biên phòng Ukraine, và Lữ Đoàn Dù đẩy lùi một cuộc tấn công khác của Nga gần Bakhmut

Tại khu vực Donetsk, các đơn vị của Lực lượng Biên phòng Nhà nước Ukraine đã ngăn chặn một nỗ lực khác của quân đội Nga nhằm tấn công các vị trí của họ gần Bakhmut. Trung Tướng Serhiy Nayev, Tư Lệnh Các Lực Lượng Liên Hợp Ukraine, đang có mặt ngay trong thành phố Bakhmut cho biết như trên qua cầu truyền hình. Ông nói:

“Bộ binh địch không thể vượt qua vùng bị hỏa lực thường trực. Tổn thất nhân lực của quân xâm lược đang được xác minh thêm”

Được biết, pháo binh Nga đã tích cực nã pháo vào các cứ điểm của lực lượng biên phòng trên khắp khu vực Donetsk. Một cuộc không kích của Nga cũng được báo cáo dọc theo giới tuyến.

Ông cho biết thêm:

“Các binh sĩ của Lữ Đoàn Dù 77 đã tiêu diệt một đơn vị quân xâm lược ở một trong những hướng quan trọng. Các không ảnh từ máy bay không người lái cho thấy phần còn lại của đơn vị địch bị tiêu diệt hoàn toàn và các vị trí của địch đã bị quét sạch”.

2. Lực lượng vũ trang Ukraine phá hủy hai căn cứ quân sự của Nga ở Melitopol

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 6 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tối Chúa Nhật hai vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển các căn cứ quân sự của quân xâm lược ở Melitopol.

“Hai tiếng nổ mạnh đã được nghe thấy ở các quận phía bắc của thành phố. Chúng ta có thông tin rằng hai doanh trại của quân xâm lược Nga, nơi những kẻ phát xít đóng quân, đã bị phá hủy,” Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết qua cầu truyền hình.

Theo thông tin sơ bộ, hàng trăm quân xâm lược đã thiệt mạng. Bộ Tổng tham mưu sẽ cung cấp số liệu chính xác và thông tin đầy đủ, thị trưởng nói thêm.

Theo các nhân chứng địa phương, lúc 6h30, những vụ nổ mạnh ở Melitopol bị xâm lược đã làm nổ tung các cửa kính ở nhiều khu vực tại một số quận ở phía bắc và phía tây của thành phố. Còi báo động vang lên cùng với tiếng trực thăng của quân Nga vần vũ trên bầu trời. Có thể quân Nga tin rằng các nhóm biệt kích của quân Ukraine đã tấn công vào hai doanh trại quân đội này nên họ tung máy bay trực thăng lên để truy tìm. Tuy nhiên, Thị trưởng Ivan Fedorov tin rằng đây là kết quả của HIMARS.

Các tin tức sơ khởi cho thấy quân Nga đang đào bới trong đống đổ nát để đưa các quân nhân đang bị chôn vùi bên dưới vào bệnh viện. Cả hai doanh trại quân đội bị nổ tung đều là những khách sạn nhiều tầng trong vùng bị quân xâm lược trưng dụng làm trại lính.

Theo Ông Ivan Fedorov, cư dân địa phương đã nghe thấy các tiếng nổ vang lên suốt đêm. Quân Nga thường để đạn dược, hỏa tiễn và đạn pháo ngay trong trại lính. Điều này ngăn cản các nỗ lực tiếp cứu.

Trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ ngày 24 tháng Hai, 2022, quân Nga đã chiếm được thành phố Melitopol vào ngày 1 tháng Ba, và chọn Melitopol làm thủ phủ của vùng Zaporizhzhia vì họ không chiếm được thành phố Zaporizhzhia.

Trong bản báo cáo chiều Chúa Nhật 5 tháng Ba, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhấn mạnh rằng trong những ngày gần đây, đối phương chủ yếu tấn công vào thành phố Bakhmut và đã đưa thêm các lực lượng từ Kherson và Zaporizhzhia về khu vực Donetsk.

Trong bối cảnh đó, không quân Ukraine đã thực hiện 20 cuộc tấn công vào các vị trí của đối phương bao gồm 18 cuộc tấn công vào các điểm tập trung quân Nga và các đơn vị thiết bị quân sự của đối phương, hai cuộc tấn công vào các vị trí hệ thống hỏa tiễn phòng không của Nga.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết một kho đạn của quân Nga trong vùng Makiivka bị đánh trúng nổ long trời suốt đêm. Không quân cũng đánh sập một cây cầu trên xa lộ P66 trong vùng Luhansk bị tạm chiếm để ngăn chặn Nga chuyển quân và vũ khí.

Không quân Ukraine đã tấn công dữ dội vào đội hình của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 đang di chuyển từ phía Đông Kherson lên khu vực Donetsk để tăng cường cho các đơn vị Nga đang tấn công quyết liệt vào thành phố này. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 có đại bản doanh ở bán đảo Crimea đã hai lần cờ đỏ và ngày 28 tháng Ba được Putin phong tặng danh hiệu Cận Vệ. 5 xe chuyển quân, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 1 hệ thống phòng không điện tử của đối phương bị nổ tung. Thiệt hại nhân sự của quân xâm lược đang được làm rõ.

3. Cựu tổng tham mưu trưởng Anh nhận định: Putin sẽ bị lật đổ nếu Ukraine thắng thế

Cựu Tổng tham mưu trưởng Vương quốc Anh, Tướng Richard Dannatt, tin rằng trong trường hợp Ukraine phản công thành công, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị đuổi khỏi Điện Cẩm Linh.

Tướng Dannatt đã đưa ra lập trường trên với Sky News, hôm Chúa Nhật 5 tháng Ba.

“Vào một thời điểm nào đó vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, người Ukraine có thể tổ chức một cuộc phản công thực sự mạnh mẽ, sử dụng các thiết bị hiện đại mà chúng ta hiện đang cung cấp cho họ,” Dannatt nói và cho biết thêm rằng, nếu vũ khí và đạn dược của phương Tây tiếp tục chảy vào Ukraine và nếu phản công được hoạch định và triển khai đúng đắn, có cơ hội giành được kết quả quyết định trên chiến trường ngay trong năm nay.

Theo ý kiến của ông, “một vài đòn quyết định giáng vào một số điểm nhất định dọc theo mặt trận rất mở rộng này” chống lại quân đội Nga rất có thể sẽ làm nhụt chí tinh thần của quân đội Nga và bẻ gãy lưng quân đội Nga.

“Bạn không cần phải đánh bại một đội quân một cách chi tiết ở mọi nơi trên chiến trường. Bạn chỉ cần thuyết phục binh lính đối phương tin rằng họ đã thua, và khi họ nghĩ mình thua, nghĩa là họ đã thua,” vị tướng giải thích.

Phân tích tình hình xung quanh Bakhmut, Dannatt lưu ý rằng về mặt chiến lược, nó không quá quan trọng, nhưng trận chiến giành thành phố đã đạt được mục tiêu, trở thành một cái bẫy khiến nhiều người Nga phải hy sinh mạng sống, và do đó, việc người Ukraine rút lui để đến một phòng tuyến được bảo vệ nhiều hơn và tiếp tục trận chiến ở đó là hoàn toàn hợp lý.

Dannatt lưu ý rằng các tướng lĩnh cấp cao của Nga có thể không hài lòng với hành động của Putin.

“Tôi muốn nghĩ rằng nếu cuộc phản công của người Ukraine được lên kế hoạch, hỗ trợ và thực hiện đầy đủ tốt, thì Putin sẽ không thể tự mình đưa ra nhiều quyết định. Nếu quân đội của ông ấy sụp đổ và bỏ chạy, thì tôi nghĩ rất có thể ông ấy cũng sẽ bị quét sạch khỏi Điện Cẩm Linh,” ông nói.

Theo cựu Tổng tham mưu trưởng, sau Putin, “nhóm lãnh đạo bất mãn nhất ở Nga vào thời điểm hiện tại là các tướng lĩnh cấp cao,” và chính họ mới có thể lên nắm quyền.

Dannatt giải thích: “Họ đã chứng kiến Putin khơi mào một cuộc chiến mà có lẽ họ không đồng ý. Họ hiểu rằng vũ khí của họ thua kém rõ rệt so với phương Tây - phần lớn là do tham nhũng trong quá trình mua sắm quốc phòng.

Theo Dannatt, chính Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga, Valery Gerasimov, người có thể “lập một kế hoạch đủ hợp lý và có can đảm để nhìn thấu đáo tình hình” sẽ lật đổ Putin trong một nỗ lực chung cùng với các tướng lĩnh khác..

“Sẽ có nhiều thay đổi ở Nga trong 12 tháng tới. Tôi không nghi ngờ gì nữa,” ông nói thêm.

4. Thiếu tướng Kyrylo Budanov: Nga sẽ hết vũ khí quân sự vào cuối mùa xuân

Nền kinh tế Nga sẽ không thể hỗ trợ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine trong ba tháng nữa. Thành ra, nhà nước khủng bố chỉ còn một ít thời gian cho đến cuối mùa xuân để cố gắng đạt được ít nhất một số mục tiêu quân sự của mình ở Ukraine.

“Nga đã lãng phí một lượng lớn nhân lực, vũ khí và các tài nguyên. Nền kinh tế và sản xuất của nó không thể bù đắp những tổn thất này. Nó đã thay đổi một chuỗi dài các chỉ huy quân sự. Nếu quân đội Nga thất bại trong các mục tiêu vào mùa xuân này, họ sẽ không còn các công cụ quân sự”, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine nói với USA Today trong một cuộc phỏng vấn.

Ông dự đoán thêm rằng Ukraine và Nga sẽ đánh “một trận chiến quyết định vào mùa xuân này, và trận chiến này sẽ là trận chiến cuối cùng trước khi cuộc xâm lược này kết thúc”.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất này, Budanov cho biết chiến tranh sẽ không kết thúc cho đến khi Crimea được giải phóng khỏi Nga.

Giám đốc tình báo quân đội Ukraine cũng bác bỏ các đề xuất từ dư luận và các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây, những người cho rằng bằng cách cung cấp vũ khí hạng nặng hơn bao giờ hết cho Ukraine, NATO có nguy cơ vướng vào một cuộc chiến rộng lớn hơn với Nga.

“Tôi áp dụng một logic khác khi xem xét vấn đề này. Cuộc xung đột này đã phát triển thành một cuộc chiến sống còn giữa Nga và phương Tây. Vâng, phương Tây không tham gia vào cuộc chiến này với quân đội của họ. Nhưng họ đang cung cấp cho chúng ta vũ khí để chúng ta có thể sử dụng chúng trong cuộc chiến. Điều này có nghĩa là một chiến thắng của Ukraine trước Nga là một chiến thắng chung. Và nếu Ukraine sụp đổ - mặc dù khó xảy ra - thì đó là một thất bại đối với toàn bộ nền văn minh phương Tây,” ông nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoàn toàn đồng ý với nhận định của Thiếu tướng Kyrylo Budanov. Trong bài phát biểu tại Đại Học Keio, Nhật Bản, ông nói:

“Sự hỗ trợ của chúng ta tạo ra sự khác biệt thực sự cho người Ukraine. Giúp họ không chỉ sống sót mà còn đẩy lùi quân xâm lược Nga và giải phóng lãnh thổ của họ. Ukraine cần sự hỗ trợ liên tục của chúng ta bao lâu còn cần thiết. Bởi vì nếu Putin thắng, thông điệp gửi tới Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh sẽ là họ có thể đạt được những gì họ muốn thông qua vũ lực.

Điều này sẽ khiến cả thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Và chúng ta dễ bị tổn thương hơn.

Đồng thời khi chúng ta hỗ trợ Ukraine, ưu tiên chính của NATO là bảo vệ một tỷ người dân của chúng ta và từng inch lãnh thổ của Đồng minh. Để làm được điều này, chúng ta đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, đặc biệt là ở phía đông của Liên minh. Chúng ta có thêm quân trong tình trạng báo động cao. Sẵn sàng di chuyển, bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết. Phòng thủ mạnh hơn không phải để kích động xung đột với Nga. Nhưng để ngăn chặn một cuộc xung đột. Và gìn giữ hòa bình.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ. Và học những bài học có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai của nó.

Những gì đang xảy ra ở Âu Châu hôm nay có thể xảy ra ở Đông Á vào ngày mai. Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO. Nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng và các chính sách cưỡng chế của nó có những hậu quả. Vì an ninh của các bạn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và của chúng ta ở Âu Châu – Đại Tây Dương.

Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn nạn đó.”

5. Zaporizhzhia tuyên bố ngày than khóc sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào khu dân cư cao tầng khiến 13 người thiệt mạng

Hội đồng thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine đã tuyên bố hôm thứ Hai 6 tháng Ba là một ngày để tang sau khi 13 người thiệt mạng khi một hỏa tiễn bắn trúng một tòa nhà dân cư cao tầng hồi đầu tuần.

“Đây là một nỗi đau lớn cho toàn bộ Zaporizhzhia. Đó là lý do tại sao ngày 6 tháng Ba được tuyên bố là một ngày để tang trong thành phố của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta hãy tôn vinh ký ức ấp ủ của tất cả những người đã vĩnh viễn bị cắt ngắn cuộc đời vào đêm bi thảm vào tháng 3 đó,” Hội Đồng thành phố nói.

Lực lượng cấp cứu từ Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang đã tìm kiếm những người sống sót trong bốn ngày sau khi cuộc tấn công xảy ra hôm thứ Năm. Các lực lượng cấp cứu đã tìm thấy những người đàn ông, phụ nữ và một đứa trẻ nhỏ đã chết.

Chín người - trong đó có một phụ nữ mang thai - đã được giải cứu khỏi đống đổ nát vào sáng sớm thứ Năm, Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang báo cáo. Hội Đồng thành phố cho biết 5 người khác vẫn đang mất tích.

“Chúng ta cũng hãy cảm ơn những người cấp cứu của Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước, những người đã dọn dẹp đống đổ nát trong gần bốn ngày, cả ngày lẫn đêm, không nghỉ ngơi. Họ là những anh hùng của chúng ta. Chúng ta cúi đầu trước họ”

Một cuộc họp hội đồng thành phố sẽ được tổ chức vào thứ Hai với những cư dân sống sót của tòa nhà bị ảnh hưởng.

6. Không quân Ukraine nói họ cần tiêm kích F-16 để chống lại hỏa tiễn, và bom từ trên không của Nga

Bom dẫn đường của Nga có thể bay xa hàng chục km. Do đó, Ukraine cần máy bay chiến đấu, cụ thể là máy bay F-16, để chống lại các mối đe dọa từ Nga.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, đã đưa ra lập trường trên.

“Người Nga có thể sử dụng hỏa tiễn từ xa, như họ đã làm từ mùa xuân năm ngoái, và cũng có thể sử dụng bom dẫn đường trên không. Kho hỏa tiễn của đối phương không phải là vô hạn. Do đó, những quả bom dẫn đường này có thể bay xa hàng chục km và mất đi tính chính xác”, Ihnat nói.

Chính vì thế, Ukraine cần các máy bay chiến đấu hiện đại để bảo vệ các thành phố và làng mạc của Ukraine trước hỏa tiễn và bom từ trên không của Nga.

Theo Ihnat, các hệ thống phòng không tầm xa như SAMP/T và Patriot cũng có thể phát huy tác dụng trong vấn đề này. Nhưng, cần phải có khá nhiều hệ thống như thế để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, máy bay cơ động hơn và có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay ném bom của Nga hoặc ít nhất là đẩy chúng ra xa hơn, ngăn chúng thả bom. Với mục đích này, Ukraine cần có các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại, bởi các máy bay từ thời Liên Xô của nước này không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ này.

Cho đến nay, Washington vẫn giữ im lặng về việc liệu họ có gửi máy bay chiến đấu hoặc máy bay không người lái điều khiển từ xa tinh vi tới Kyiv hay không. Trong mấy ngày qua, hai phi công Ukraine đang ở Arizona để bay mô phỏng chiến đấu cơ F16 và được quân đội Mỹ đánh giá.

Sự kiện ở Arizona được nhiều người diễn giải khác nhau. Có người cho rằng Hoa Kỳ muốn cho các phi công Ukraine tận mắt chứng kiến F16 phức tạp đến mức nào, cần phải mất nhiều thời gian theo học, nhằm biện minh cho quyết định không cung cấp ngay F16 cho quân Ukraine.

Có người lạc quan hơn thì cho rằng sự kiện ở Arizona là “sự kiện làm quen” để rồi tiến tới việc cung cấp F16 cho quân Ukraine.

Phát biểu của Đại Tá Yurii Ihnat khiến nhiều người tin rằng sau khi được làm quen với F16, hai phi công Ukraine đã mê tít thò lò chiếc máy bay này, họ đã báo cáo về Kyiv, và Ukraine đang gia tăng gấp đôi các lời cầu xin đã được đưa ra sau khi họ đã đạt được các loại xe tăng phương Tây.

7. Cuộc chiến của Nga đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ cản đường

Khi Thụy Điển và Phần Lan tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái, nhiều người coi đó là một cú chọc vào mắt Nga.

Trong lịch sử, cả hai quốc gia đã cam kết không liên kết với NATO như một cách để tránh khiêu khích Mạc Tư Khoa. Cuộc xâm lược Ukraine đã thay đổi điều đó.

Cả Phần Lan và Thụy Điển - cùng với đại đa số các đồng minh NATO - đều muốn thấy các quốc gia này chính thức gia nhập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11 tháng 7. Tuy nhiên, một rào cản đáng kể đang cản trở điều này trở thành hiện thực: Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chính thức phê chuẩn đơn xin gia nhập của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất ngăn cản động thái này: Hung Gia Lợi cũng đã không phê chuẩn việc gia nhập của các nước Bắc Âu. Nhưng hiện tại, việc có được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn được coi là ưu tiên hàng đầu.

Thật không may cho nhóm ủng hộ NATO, các quan chức phương Tây đang ngày càng bi quan rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhúc nhích.

Chính thức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan vì lý do an ninh, xuất phát từ tranh chấp về việc dẫn độ một nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ chỉ định là khủng bố.

Nhưng Gonul Tol, một chuyên gia trong chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông, tin rằng có những lý do khác khiến ông Erdogan không muốn làm Tổng thống Nga Vladimir Putin khó chịu.

Từ việc bảo vệ hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ của mình đến việc duy trì huyết mạch kinh tế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tol nói rằng những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp những kẻ khủng bố đã tạo ra vỏ bọc hoàn hảo để Erdogan không tham gia vào vấn đề của NATO vào thời điểm bất tiện về chính trị.
 
Cờ gian bạc bịp: Wagner dọa rút khỏi Bakhmut. Mưu sát bạn Putin ngay ở Moscow. Nga cạn kiệt xe tăng
VietCatholic Media
15:03 06/03/2023


1. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh khẳng định Nga đã cạn kiệt xe tăng chiến đấu

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Quân đội Nga đã tiếp tục đối phó với những tổn thất nặng nề về chiến xa bằng cách triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 đã 60 tuổi.

Có khả năng thực tế là ngay cả các đơn vị của Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một, được cho là lực lượng xe tăng hàng đầu của Nga, cũng phải được tái trang bị xe tăng T-62 để bù đắp cho những tổn thất trước đó.

Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một trước đây dự kiến sẽ nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata thế hệ sau năm 2021.

Trong những ngày gần đây, xe bọc thép chở quân BTR-50 của Nga, lần đầu tiên được biên chế vào năm 1954, cũng được xác định đã triển khai lần đầu tiên ở Ukraine.

Kể từ mùa hè năm 2022, khoảng 800 chiếc T-62 đã lấy ra từ trong kho và một số chiếc đã nhận được hệ thống quan sát nâng cấp, rất có thể sẽ cải thiện hiệu quả của chúng vào ban đêm.

Tuy nhiên, cả hai loại phương tiện cổ điển này sẽ có nhiều lỗ hổng trên chiến trường hiện đại, bao gồm cả việc không có lớp giáp chống phản ứng nổ hiện đại.

2. Cờ gian bạc bịp: Yevgeny Prigozhin tuyên bố quân Wagner rút khỏi thành phố Bakhmut, quân Nga sẽ bị bắt cả lũ

Ngày 1 tháng 8, 2022, quân Nga đã pháo kích dữ dội vào thành phố Bakhmut. Cả Bộ Quốc Phòng Nga và trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đều tuyên bố cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut đã bắt đầu. Trong tuần qua, quân Wagner và quân chính quy Nga đã giành được một số lãnh thổ nhất định. Tuy nhiên, trong một diễn biến đang khiến người Nga cảm thấy khó hiểu Prigozhin tuyên bố nếu quân Wagner rút lui khỏi chiến trường thành phố Bakhmut, quân chính quy Nga sẽ bị bắt cả lũ.

Tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh, Olga Skabeyeva, nóng nảy cho rằng Prigozhin đang muốn ngã giá, kỳ kèo bớt một thêm hai khi chiến thắng đã gần kề. Cô ta gọi đây là trò cờ gian bạc bịp.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lập luận này của Prigozhin là có thể hiểu được. Có thể ông ta muốn trả đũa cho vụ thành phố Soledar. Bộ Quốc Phòng Nga khi loan báo chiếm được thành phố này đã không nhắc đến quân Wagner, mặc dù, theo Prigozhin, chỉ có quân Wagner tấn công, quân chính quy Nga không hề có mặt trong cuộc chiến ở thành phố đó. Cũng có thể ông ta đang hành động như một tài phiệt. Người khác làm tài phiệt xăng dầu, địa ốc, ông ta làm tài phiệt xương máu. Nhưng dù thế nào, ông ta cũng là tài phiệt, chuyện kỳ kèo, ngã giá là có thể hiểu được.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Bakhmut Frontline 'Will Crumble' Without Wagner Fighters—Prigozhin”, nghĩa là “Tiền tuyến Bakhmut 'Sẽ sụp đổ' nếu không có các chiến binh Wagner—Prigozhin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo chỉ huy lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin, tiền tuyến của Nga ở miền đông Ukraine “sẽ sụp đổ” nếu các chiến binh Wagner “rút lui” khỏi thành phố Bakhmut đang có nhiều tranh chấp.

Phát biểu trong một đoạn video do Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine dịch và đăng trực tuyến, người ta có thể thấy Prigozhin đang thảo luận về vai trò của các chiến binh đánh thuê Tập đoàn Wagner tại các điểm nóng giao tranh ở miền đông Ukraine.

Các tân binh bán quân sự đã chiến đấu cùng với các lực lượng quân sự chính quy của Nga để cố gắng chiếm thành phố Bakhmut của Donetsk, nơi đã trải qua giao tranh và bắn phá ác liệt trong nhiều tháng qua.

Nếu các chiến binh Wagner bị loại khỏi phương trình, thì “rõ ràng tiền tuyến sẽ sụp đổ, hàng loạt binh sĩ sẽ bị bắt” Prigozhin nói trong video. Các lực lượng Ukraine sau đó có thể tiến tới biên giới của Nga hoặc “thậm chí có thể xa hơn”, Prigozhin nói thêm.

“Nói chung, tình hình sẽ khó khăn cho tất cả các lực lượng quân sự bảo vệ lợi ích của Nga,” tỷ phú người Nga tiếp tục.

Gọi Tập đoàn Wagner là “xi măng”, ông cho biết lực lượng lính đánh thuê “ổn định” mặt trận và “ngăn chặn đối phương đột phá”.

Ông nói: “Nếu chúng tôi lùi bước, thì chúng tôi sẽ mãi mãi đi vào lịch sử với tư cách là những người đã chủ động dẫn đến thất bại trong cuộc chiến.

Đoạn video không có thời gian hoặc ngày tháng đã xuất hiện trên Twitter và các phương tiện truyền thông Ukraine vào hôm Chúa Nhật, nhưng không được đăng công khai lên trang Telegram chính thức của lực lượng bán quân sự Wagner.

Tuy nhiên, cựu sĩ quan FSB và là một blogger quân sự Igor Girkin, còn được gọi là Igor Strelkov, cho biết đoạn video đã được thu hình cách đây hai tuần, trước khi nó xuất hiện mà không nêu chi tiết nguồn của anh ta. Viết trên Telegram, ông cho biết Tập đoàn Wagner “ảnh hưởng đến tình hình chiến lược tổng thể ở mặt trận ở một mức độ rất nhỏ.”

Hôm thứ Bảy, tổ chức cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết các lực lượng Nga đã “thực hiện một bước tiến hạn chế được xác nhận gần Bakhmut” vào ngày hôm đó. Các lực lượng của Mạc Tư Khoa có thể đã giành được lợi thế để khởi động một “chuyển động quay đầu”, cơ quan nghiên cứu này cho biết thêm.

ISW lập luận rằng điều này có thể buộc các lực lượng Ukraine phải từ bỏ các vị trí phòng thủ của họ để tránh bị bao vây, mặc dù họ cho biết các chiến binh Nga vẫn chưa thành công trong việc đánh bật lực lượng của Kyiv khỏi thành phố.

Các chiến binh của Tập đoàn Wagner đã giành được lợi thế ở phía đông và đông bắc của thành phố, theo ISW, trích dẫn các nguồn tin của Nga. Nhóm chuyên gia cố vấn cho biết thêm, lực lượng lính đánh thuê đã “dàn các yếu tố tiên tiến nhất và được chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động tấn công trong khu vực”.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết Kyiv cũng đã cử các đơn vị tinh nhuệ đến hỗ trợ lực lượng của họ ở Bakhmut, đồng thời cho biết thêm rằng thành phố này đang chịu “áp lực ngày càng nghiêm trọng”.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trong và xung quanh Bakhmut, nhưng các lực lượng Nga vẫn đang cố gắng “bao vây thành phố”.

Hãng thông tấn AP đưa tin hôm thứ Bảy rằng dân thường đang đi bộ di tản khỏi Bakhmut sau khi việc di tản bằng các phương tiện giao thông trở nên quá nguy hiểm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga.

3. Chấn động Mạc Tư Khoa: Tài phiệt, bạn thân của Putin bị mưu sát ngay trên đường phố thủ đô.

Trưa ngày thứ Hai 6 tháng Ba theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa, tức là buổi tối theo giờ Việt Nam, Thông tấn xã Tass của Nga đã đánh đi bản tin sau đây.

Doanh nhân tỷ phú người Nga kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền hình Tsargrad, là Konstantin Malofeev nói rằng ông không bị thương trong một vụ ám sát do cơ quan đặc nhiệm Ukraine tổ chức.

Trước đó, Trung tâm Quan hệ Công chúng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã báo cáo rằng họ đã ngăn chặn một nỗ lực của các cơ quan an ninh Ukraine nhằm vào cuộc sống của Konstantin Malofeev.

“Đáp lại rất nhiều cuộc gọi lo lắng từ bạn bè và người quen, tôi báo cáo: cảm ơn Chúa, tôi không sao. Không ai bị thương cả,” anh viết trên kênh Telegram của mình.

Malofeev cũng cảm ơn mọi người vì những lời ủng hộ và nhấn mạnh rằng các mối đe dọa và tấn công khủng bố sẽ không ảnh hưởng đến lập trường yêu nước của anh.

Theo dịch vụ đặc biệt, người tổ chức nỗ lực ám sát này là Denis Kapustin, một công dân Nga sinh năm 1984, là người sáng lập và là một trong những thủ lĩnh của cái gọi là Quân đoàn tình nguyện Nga. Hành động khủng bố đã được lên kế hoạch thực hiện bằng cách cho nổ một thiết bị nổ tự chế gắn dưới xe của Malofeev. Theo FSB, một kế hoạch thực hiện hành động phá hoại và khủng bố tương tự đã được các cơ quan an ninh Ukraine sử dụng trong vụ sát hại nhà báo Nga Darya Dugina. Malofeev cũng viết: “Tôi hy vọng thủ phạm giết Dasha Dugina cuối cùng sẽ bị phanh phui và bị bắt giữ.”

Các nhà điều tra Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại Kapustin về âm mưu sát hại Malofeev theo Điều 205 liên quan đến khủng bố, 205 triệt 4, liên quan đến việc tham gia vào các hoạt động của một tổ chức khủng bố và 222 triệt 1 liên quan đến việc buôn bán trái phép chất nổ.

Tưởng cũng nên biết thêm: Quân đoàn tình nguyện Nga bao gồm những người Nga chiến đấu cho Ukraine chống lại Putin. Trong một diễn biến mới nhất, Denis Kapustin, đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc chống lại anh, khẳng định rằng anh không hề liên quan đến âm mưu sát hại Malofeev, nếu thực sự có một kế hoạch như thế.

Malofeev sinh ngày 3 tháng 7 năm 1974 tại thị trấn Pushchino của Mạc Tư Khoa, nơi anh theo học tại một trường cao đẳng nghệ thuật. Năm 1996, anh ta tốt nghiệp cử nhân luật tại Đại học quốc gia Mạc Tư Khoa. Cha của anh, Valery Mikhailovich là một nhà vật lý thiên văn và là trưởng phòng thí nghiệm của Khoa Vật lý thiên văn plasma tại Đài quan sát thiên văn vô tuyến Pushchino. Mẹ của anh, Raisa Zinurovna, là một lập trình viên và tổng giám đốc của Quỹ bác ái mà Malofeev là chủ tịch. Malofeev cũng là chủ cũ của Igor Girkin, một cựu đại tá FSB.

Kể từ năm 2014, Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Malofeev và các công ty của anh ta vì có liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào vùng Donbas và bán đảo Crimea.

Vào ngày 11 tháng 9 năm 2019, chính phủ Bulgaria đã cấm anh ta nhập cảnh vào nước này trong mười năm vì một âm mưu gián điệp nhằm mục đích biến đất nước khỏi định hướng thân phương Tây và tiến xa hơn về phía Mạc Tư Khoa.

Trong một diễn biến đang khiến người Nga cảm thấy khó hiểu, trùm Wagner Prigozhin tuyên bố nếu quân Wagner rút lui khỏi chiến trường thành phố Bakhmut, quân chính quy Nga sẽ bị bắt cả lũ.

Các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh, trong đó có tập đoàn truyền hình Tsargrad cho rằng Prigozhin đang muốn ngã giá với Putin khi chiến thắng đã gần kề. Họ gọi đây là trò cờ gian bạc bịp.

Nhiều người tin rằng, vụ mưu sát Malofeev không phải do Kapustin làm mà do chính trùm Wagner Prigozhin gây ra.

4. Nga cáo buộc Ukraine tấn công xuyên biên giới, cảnh giác người Nga phải thận trọng

Thống Đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết sáng ngày thứ Hai 6 tháng Ba, hệ thống phòng không đã bắn hạ được 3 hỏa tiễn của quân Ukraine nhắm vào các toa tầu gần biên giới với Ukraine.

Ông cho biết các nhà chức trách đang làm việc để tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Một người đàn ông được cho là đã bị vết thương do mảnh đạn ở cánh tay và được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương. Những thiệt hại khác bao gồm đường dây điện và mặt tiền của các tòa nhà gần nhà ga Belgorod.

Vyacheslav Gladkov cảnh giác người dân phải tuân theo các hiệu lệnh khi nghe còi báo động không kích. Ông phàn nàn rằng khi nghe thấy còi báo động nhiều người vẫn tỉnh bơ, không tìm chỗ ẩn núp.

Điều này có thể xảy ra là vì có quá nhiều trường hợp báo động giả. Hôm thứ Tư 22 tháng Hai, tại các khu vực Bryansk, Kursk, Voronezh, và Belgorod, nhiều cảnh hỗn loạn đã diễn ra. Tại thị trấn Grayvoron, trong khu vực Belgorod, nơi có khoảng 6.000 dân, dân chúng nhốn nháo tìm chỗ tránh hỏa tiễn. Trong khi đó, tại thành phố Verigovka, người lái xe đi làm đã tấp vào lề đường, ngơ ngác nhìn lên bầu trời; nhiều người khác lại quay đầu xe vòng về nhà.

Cảnh hỗn loạn kéo dài gần cả buổi sáng cho đến khi Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết các đài phát thanh thương mại ở các vùng của Nga đã phát sai tin tức về cảnh báo không kích và khả năng tấn công bằng hỏa tiễn sau khi máy chủ của họ bị điện tặc tấn công.

Tin tức về cảnh báo sai đã lan truyền trên mạng xã hội vào sáng hôm đó. Nhiều người thậm chí còn thêm mắm thêm muối cho biết chính mắt thấy hoả tiễn của Ukraine bắn vào các thành phố. Không rõ ai đứng sau vụ này.

Theo Vyacheslav Gladkov, “Do một cuộc tấn công của tin tặc vào máy chủ của một số đài phát thanh thương mại ở một số vùng của đất nước, thông tin sai lệch đã được phát trên sóng về một cảnh báo không kích và mối đe dọa tấn công hỏa tiễn”

Ông khẳng định “Thông tin này là giả mạo và không tương ứng với thực tế. Chúng tôi yêu cầu các bạn theo dõi các tin nhắn trong các nguồn chính thức; và không tung ra các thông tin sai lệch.”

5. Quân Ukraine tiếp tục làm chủ tình hình tại thành phố Bakhmut, 9 xe tăng và 11 xe thiết giáp của Nga bị bắn cháy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai mùng 6 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết:

“Các lực lượng vũ trang Ukraine đang nắm giữ đường cao tốc Bakhmut-Kostiantynivka một cách khá ổn định.” Đường cao tốc Bakhmut-Kostiantynivka là một tuyến đường quan trọng để tiếp tế vào thành phố.

Trong ngày qua, tất cả mọi cố gắng của quân Nga nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch này đã thất bại. Quân Nga đã bỏ lại 650 xác đồng đội, 9 xe tăng và 11 xe thiết giáp.

Các đơn vị pháo binh Ukraine đang pháo kích ráo riết để giải vây cho đồng bào đang di tản khỏi thành phố và yểm trợ cho các đơn vị bộ binh. Họ đã phá hủy 7 hệ thống pháo và 2 hệ thống phòng không của quân Nga.

Theo đánh giá của Chuẩn tướng Oleksii Hromov, lực lượng phòng thủ Bakhmut của Ukraine đang gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga, tạo tiền đề cho một cuộc phản công của Ukraine trong tương lai.

Các lực lượng Nga ở Bakhmut bị tiêu hao, trong khi các cuộc tấn công bị đình trệ ở những nơi khác. Từ giữa tháng Hai, quân Nga đã ráo riết tăng cường quân số nhằm dứt điểm thành phố Bakhmut. Tốc độ tăng cường quân đã chậm hẳn lại sau các tổn thất đáng kể.

Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết trong đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai, Nga đã phóng 15 máy bay không người lái cảm tử Shahed vào các các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 13 trong số 15 máy bay không người lái này.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 6 Tháng Ba, Nga đã mất khoảng 153.770 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.423 xe tăng, 6.703 xe thiết giáp, 2.433 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 250 hệ thống tác chiến phòng không, 302 máy bay, 289 trực thăng,, 2.086 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.307 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 234 đơn vị thiết bị đặc biệt.

6. Cựu chỉ huy quân đội Anh cho biết việc Ukraine rút về một vị trí dễ phòng thủ hơn ở Bakhmut là hợp lý

Tướng Richard Dannatt, trước đây là một nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Vương quốc Anh, cho biết hôm Chúa Nhật rằng việc quân đội Ukraine “rút lui về một tuyến dễ phòng thủ hơn” so với thành phố Bakhmut đang bị tranh chấp quyết liệt là “hoàn toàn hợp lý”.

Dannatt là cựu Tổng tham mưu trưởng Vương quốc Anh — người đứng đầu chuyên nghiệp của Quân đội Anh. Phát biểu trên Sky News của Anh, ông lập luận rằng Bakhmut “không quan trọng lắm” về mặt chiến lược đối với Ukraine.

Mặc dù vậy, thành phố bị bao vây đã đóng vai trò hiệu quả như “cái bẫy mà rất nhiều người Nga đã chui vào, và do đó, hoàn toàn hợp lý khi người Ukraine rút lui về một tuyến phòng thủ hơn và tiếp tục trận chiến ở đó,” Dannatt nói.

Phát biểu trên Sky News, ông nói rằng đối với các lực lượng Ukraine, Bakhmut về mặt chiến lược “không quan trọng lắm”, nhưng đã “đạt được mục tiêu trở thành một cái bẫy một cách hiệu quả thu hút rất nhiều sinh mạng của người Nga, và do đó nó hoàn toàn có ý nghĩa đối với Người Ukraine bây giờ rút về một tuyến phòng thủ hơn và tiếp tục trận chiến ở đó.”

Một chỉ huy địa phương của Ukraine hôm Chúa Nhật đã bác bỏ suy đoán ngày càng tăng về khả năng Ukraine rút quân khỏi thành phố, nói rằng không có “sự thay đổi chiến thuật” nào từ phía họ.

Volodymyr Nazarenko, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết: “Ngược lại, một số lực lượng dự bị mới đang đến để củng cố lực lượng phòng thủ. “Toàn bộ khu vực chiến đấu đang bị pháo kích hỗn loạn nhưng có mối liên hệ với thành phố, có những tuyến đường không bị cắt đứt.”

Thông tin thêm từ Dannatt về hình thái của cuộc chiến: Vị tướng này cho biết đây sẽ là chìa khóa để Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công hiện tại của Nga, mà ông tin rằng sẽ còn gia tăng. Sau đó, vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, Ukraine “có thể tổ chức một cuộc phản công thực sự mạnh mẽ bằng cách sử dụng các thiết bị hiện đại mà chúng ta hiện đang cung cấp cho họ”.

“Tôi nghĩ rằng tôi không đơn độc khi tin rằng một vài đòn quyết định giáng vào một số điểm nhất định dọc theo mặt trận rất mở rộng đó đối với quân đội Nga có thể có tác dụng làm suy sụp tinh thần của binh lính Nga hoặc bẻ gãy lưng quân đội Nga. Dannatt nói.

Khi được hỏi về việc phương Tây cung cấp thiết bị cho Ukraine, vị tướng này nói: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng chúng ta đã làm đủ. Chúng ta cần làm hết sức có thể để bảo đảm rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc trong năm nay.”

7. Kyiv cho biết họ sẽ sử dụng tài sản bị tịch thu của Nga để tái thiết đất nước và bồi thường cho người Ukraine

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết tại một hội nghị ở Lviv hôm thứ Bảy rằng Ukraine đang lên kế hoạch sử dụng hơn 460 triệu đô la tài sản bị tịch thu từ các ngân hàng Nga để tái thiết đất nước và bồi thường cho người dân Ukraine.

Shmyhal cho biết Ukraine đang phát triển các thủ tục sử dụng tài sản bị tịch thu để giúp công dân Ukraine và cộng đồng của họ phục hồi sau cuộc xâm lược của Nga.

Chính phủ đang làm việc với các đồng minh để phát triển một hệ thống dựa trên hiệp ước quốc tế, hệ thống này sẽ giúp quyết định cách đưa ra các khoản bồi thường cho người Ukraine.

Hệ thống này sẽ bao gồm một sổ ghi danh quốc tế về những thiệt hại do chiến tranh, một ủy ban xem xét các đơn xin bồi thường và một quỹ để chi trả bồi thường.

Thủ tướng cũng cho biết hôm thứ Bảy rằng Ukraine đang sử dụng khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ đô la từ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu để nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá của đất nước và các lĩnh vực ốm yếu khác.

Kyiv mong đợi viện trợ bổ sung đến từ Na Uy và Nhật Bản.
 
Nghẹt thở: Hành trình trốn thoát bọn bắt cóc của một LM. Rabbi Trưởng Do Thái Moscow bỏ trốn Putin
VietCatholic Media
17:11 06/03/2023


1. Một linh mục tin rằng Chúa cứu ngài khỏi tay những kẻ bắt cóc ở Haiti

Cha Antoine Macaire Christian Noah, một linh mục dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đến từ Cameroon, đã trốn thoát khỏi một băng nhóm tội phạm đã bắt cóc ngài ở Haiti vào tháng trước và đã được đưa đến một quốc gia khác để bảo đảm an toàn.

Hôm 2 tháng 3 vừa qua, Cha Fausto Cruz Rosa, bề trên của Phái đoàn Thừa sai dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ở Antilles, nói với ACI Prensa rằng Cha Macaire “đã bị bắt cóc và bị biệt giam 10 ngày trong một ngôi nhà bỏ hoang trên vùng ngoại ô Port-au-Prince,” của thủ đô Haiti.

“Vào ngày thứ 10, khi những kẻ bắt cóc đi ra ngoài ngài đã có thể trốn thoát. Bọn tội phạm thường xuyên ra ngoài vào ban đêm và nhốt ngài ở một trong những ngôi nhà mà các băng đảng thường chiếm giữ ở Haiti”.

Cha Macaire, 33 tuổi, được thụ phong cách đây chưa đầy hai năm, đã bị bắt cóc vào sáng ngày 7 tháng 2 khi đang trên đường đến cộng đồng truyền giáo của mình ở Kazal, cách Port-au-Prince khoảng 20 dặm về phía bắc.

Cha hiện đang ở Santo Domingo, thủ đô của Cộng hòa Dominica, nơi ngài vừa được giáo đoàn cử đến.

Cha Cruz kể lại rằng vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17 tháng 2 giờ địa phương, Cha Macaire phải đục một lỗ trên trần căn phòng nơi ngài bị giam giữ để thoát ra ngoài, rồi ngài bắt đầu chạy cho đến khi gặp một con đường.

“Ngài đã chạy cho đến 5:30 sáng, đến một thị trấn lân cận tên là Cabaret. Ở đó, một linh mục đã đón ngài vào giáo xứ. Ngài đã ở đó vài ngày cho đến khi chúng tôi tìm cách đưa ngài đến đảo Gonave, và sau đó đến thủ đô Haiti, hướng tới sân bay”

Theo cha Cruz, hoàn cảnh bị bắt của Cha Macaire diễn ra như sau: Vị linh mục trẻ đang trên đường trở về Haiti sau khi hướng dẫn các cuộc linh thao cho phái đoàn của ngài ở Cộng hòa Dominica.

Sau khi xuống máy bay, Cha Macaire đón một chiếc xe buýt, nhưng chẳng may, chiếc xe bị bởi một băng nhóm tội phạm chặn lại.

“Rõ ràng họ chỉ bắt ngài vì ngài là người nước ngoài. Đó là chiến lược họ luôn sử dụng. Và sau đó họ đưa ngài đến nơi giam giữ để đòi tiền chuộc”

Cha Cruz lưu ý rằng linh mục Phi Châu “không cảm thấy sợ hãi vì ngài đã cầu nguyện với vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Antôn thành Padua,” cũng như Thánh Anthony Mary Claret và Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria.

“Ngài là một người chuyên chăm cầu nguyện, rất thanh thản. Những kẻ bắt cóc ngạc nhiên làm sao linh mục có thể chịu đựng được, vì chúng chỉ cho ngài thức ăn bốn lần trong 10 ngày và một ít nước”.

Theo lời vị bề trên, “những lời cầu nguyện của toàn thế giới” rất hữu ích, và ngài chắc chắn rằng “Chúa đã thực sự can thiệp, để vị linh mục bị bắt cảm nhận được sức mạnh và lòng can đảm để trốn thoát và tin tưởng sẽ ra ngoài bình an vô sự. “

Cha Cruz nhấn mạnh rằng Cha Macaire “sẵn sàng trở lại Haiti càng sớm càng tốt.”

“Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến nghị rằng ngài nên vắng mặt trong thời gian này”.

Haiti đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội sâu sắc. Quốc gia này đã không có tổng thống kể từ tháng 7 năm 2021, khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát và không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức. Cuộc đấu tranh giành quyền lực đã làm trầm trọng thêm các cuộc biểu tình và bạo lực do các băng nhóm vũ trang và những kẻ bắt cóc thực hiện.

“Ngay bây giờ các băng đảng là những kẻ nắm giữ quyền lực trên thực tế. Cảnh sát khó có thể làm bất cứ điều gì; họ thậm chí đã giết nhiều cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật sợ hãi co cụm lại. Các linh mục đã nộp đơn khiếu nại và họ được thông báo rằng họ không thể làm bất cứ điều gì,” Cha Cruz giải thích.

Theo lời kể của cha bề trên, Cha Macaire đã hỏi những kẻ bắt cóc tại sao chúng lại thực hiện những hành động như vậy, và chúng trả lời rằng “tình hình rất phức tạp” và rằng chúng “không nhìn thấy tương lai”.

“Bây giờ chúng ta cầu nguyện cho những kẻ bắt cóc, cho sự hoán cải của họ và cho toàn bộ tình trạng mất an ninh và bạo lực mà người dân Haiti đang phải trải qua. Chúng ta cầu nguyện rằng Chúa sẽ tiếp tục lắng nghe chúng ta và rằng đất nước sẽ sớm tìm ra cách nào đó để thoát khỏi cuộc xung đột,” Cha Cruz kết luận.
Source:National Catholic Register

2. Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi bình tĩnh giữa làn sóng bạo lực mới

Với căng thẳng gia tăng giữa người Do Thái và người Palestin lên đến một tầm cao mới trong tuần qua giữa một loạt các vụ giết người mới, các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Bờ Tây đã lên án bạo lực và kêu gọi một giải pháp lâu dài tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong một tuyên bố ngày 1 tháng 3 từ Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, các nhà lãnh đạo giáo hội trong khu vực cho biết họ “rất buồn trước sự leo thang bạo lực mới nhất ở Thánh Địa Giêrusalem”.

Họ đặc biệt chỉ ra một sự việc vào Chúa Nhật tuần trước, ngày 26 tháng 2, trong đó hàng chục người định cư Israel đã “tung hoành” qua thị trấn Huwara của Palestine gần Nablus, giết chết một người đàn ông và làm bị thương hàng chục người khác “bằng các thanh kim loại và hơi cay, đồng thời đốt cháy hàng chục tòa nhà và xe hơi.”

Họ nói rằng cuộc tàn sát hôm Chúa Nhật ở Huwara là một hành động trả đũa sau khi một tay súng Palestine giết hai người định cư Israel trong cùng một thị trấn, một hành động tự nó là phản ứng đối với việc giết hại 11 người Palestine ở Nablus một tuần trước đó.

Sự việc Huwara xảy ra vào cuối cuộc họp hiếm hoi giữa chính quyền Israel và Palestine ở Aqaba, Jordan, trong đó Israel cho biết họ sẽ ngừng mở rộng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine nhằm chấm dứt điều mà các nhà lãnh đạo Giáo Hội gọi là “sự leo thang theo hình xoắn ốc và vô nghĩa” của xung đột bạo lực.

Bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 đã mang lại liên minh dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu cực đoan nhất của Israel cho đến nay, bao gồm các đảng theo đường lối cứng rắn mà nhiều người lo ngại sẽ ngày càng trở nên cực đoan, gây thêm bạo lực.

Trong năm qua, Israel được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. 66 người Palestine đã bị giết cho đến nay chỉ riêng trong năm 2023.

Trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất, thị trấn Huwara của Palestine đã bị những người định cư Israel tấn công, đốt xe hơi và ném đá chỉ vài giờ sau khi hai người Israel bị bắn chết khi họ lái xe qua thị trấn nằm ở phía bắc Bờ Tây.

Sau vụ việc, được một số người Palestine mô tả là một “cuộc tàn sát”, Bộ trưởng Tài chính cực hữu của Israel, Bezalel Smotrich, nói rằng Huwara nên bị “xóa sổ”.

Nhận xét đã vấp phải phản ứng dữ dội, bao gồm cả những lời chỉ trích hiếm hoi từ Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng của Israel.

Bạo lực gia tăng, bất chấp hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Jordan. Một tài xế người Mỹ gốc Israel đã bị bắn chết hôm thứ Hai, và hôm thứ Tư, các lực lượng Israel đã giết một người đàn ông Palestine khi đang tìm kiếm những kẻ tình nghi trong trại tị nạn Aqabat Jaber gần Jericho.

Kể từ khi chính phủ mới của Israel nhậm chức vào cuối năm ngoái, Lực lượng Phòng vệ Israel cho đến nay đã tiến hành 3 cuộc truy quét quy mô lớn vào các thành phố của Palestine, trong đó có cuộc đột kích vào ngày 22 tháng Hai ở Nablus khiến 11 người Palestine thiệt mạng, đó là số người Palestine thiệt mạng lớn nhất trong một chiến dịch của quân Israel kể từ năm 2005.

Với căng thẳng gia tăng từng ngày, có những lo ngại về sự leo thang hơn nữa trước tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo và lễ Vượt qua của người Do Thái chỉ trong vài tuần tới, khiến Hoa Kỳ, Jordan và Israel phải kêu gọi bình tĩnh.

Trước làn sóng bạo lực gần đây nhất này, người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk đã mô tả nhận xét của Smotrich kêu gọi “xóa sổ” Huwara là một “tuyên bố kích động bạo lực và thù địch không thể hiểu nổi”.

“Tình hình trên lãnh thổ Palestine bị xâm lược là một thảm kịch, trước hết là một thảm kịch đối với người dân Palestine,” ông nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, khi trình bày một báo cáo về tình trạng của các vùng lãnh thổ bị xâm lược.

Turk cho biết báo cáo của ông cho thấy lực lượng Israel thường xuyên sử dụng các “vũ khí gây chết người” bất kể mức độ đe dọa và đôi khi thậm chí như một biện pháp ban đầu chứ không phải là biện pháp cuối cùng.

Ông cho biết báo cáo của ông cũng đã ghi lại hàng trăm vụ giết người, trong đó có một số công dân không có vũ khí và nhiều trường hợp bạo lực ở cả hai bên.


Source:Crux

3. Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa vạch trần các thủ đoạn của Putin sau khi bỏ trốn khỏi Nga

Pinchas Goldschmidt, Chủ Tịch Hội Đồng Các Rabbi Do Thái Giáo Âu Châu, nguyên là Rabbi trưởng Do Thái Giáo Mạc Tư Khoa từ năm 1993 cho đến khi bỏ trốn vào tháng 3 năm 2022 đã có một bài viết trên tờ Foreign Policy nhan đề “I Was Moscow’s Chief Rabbi. Russia Forced Me to Flee”, nghĩa là “Tôi là Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa. Nga buộc tôi phải trốn chạy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tôi đến nước Nga Xô viết vào năm 1989, khi perestroika và glasnost đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, để giúp xây dựng lại cộng đồng Do Thái đã bị tàn phá sau 70 năm cai trị của Cộng sản.

Một ngày mùa đông năm 2003, viên chức của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, người được bổ nhiệm vào Hội Đường Hợp Xướng Mạc Tư Khoa vào thời điểm đó—một người đàn ông mà tôi sẽ gọi là Oleg (tên của anh ấy đã được cố tình thay đổi)—mời tôi đến đồn cảnh sát tại 40 phố Sadovnichevskaya. Oleg và đồng nghiệp của anh ấy bắt đầu nói rằng tôi, một công dân Thụy Sĩ, đã sử dụng thị thực nhập cảnh ra vào nhiều lần để ở lại Nga, điều này là bất hợp pháp vì tôi là một nhân viên tôn giáo; tuy nhiên, họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề này nếu tôi bắt đầu báo cáo với họ. Họ ép tôi ký một cái gì đó, nhưng tôi từ chối thẳng thừng, nói rằng cáo mật người khác là vi phạm luật Do Thái.

Sau hơn một giờ quấy rầy tôi, cuối cùng họ cũng để tôi đi. Tôi đã bị chấn động đến tận cùng của con người mình. Oleg đã quay lại hai lần để thuyết phục tôi. Thậm chí có lần anh ta còn dừng xe tôi trên đường—kể từ lúc đó, tôi hiểu rằng người lái xe của tôi có thể cũng đang làm việc cho FSB. Hai năm sau, vào năm 2005, tôi bị trục xuất khỏi Nga—có thể liên quan đến việc tôi từ chối hợp tác với các cơ quan tình báo. Cuối cùng, tôi cũng có thể trở lại sau khi có sự can thiệp của Thủ tướng Ý khi đó là Silvio Berlusconi.

Trong những năm sau đó, tôi biết đã có nhiều nỗ lực tuyển dụng đồng nghiệp của mình trong cộng đồng Do Thái. Ngoài ra, các đặc vụ của FSB thường xuyên theo dõi, thăm viếng và đe dọa những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, bảo đảm rằng mọi người đều biết về sự hiện diện của họ. Một số thủ lĩnh sinh viên Do Thái được mời đến văn phòng của FSB trên Quảng trường Lubyanka

Có lẽ đáng chú ý nhất là vào năm 2000, Điện Cẩm Linh đã liên minh với Liên đoàn các Cộng đồng Do Thái của Nga, gọi tắt là FEOR— đó là một quan hệ đối tác phục vụ một số mục đích. Đầu tiên, đó là bằng chứng ngoại phạm cho việc Putin không phải là người bài Do Thái khi ông tiêu diệt hàng loạt các đối thủ chính trị - nhiều người trong số họ là người gốc Do Thái như Mikhail Fridman, Vladimir Gusinsky, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky.

Nhiệm vụ thứ hai của FEOR là dành cho thế giới phương Tây: Khi Putin trở nên độc đoán hơn và các cường quốc phương Tây trở nên e ngại, những người đứng đầu FEOR đã được cử đến phương Tây để truyền đạt một thông điệp: dù Putin có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì bất kỳ sự thay thế nào cũng sẽ tồi tệ hơn, và người Do Thái sẽ bị bách hại. Khi các cuộc biểu tình gia tăng ở Mạc Tư Khoa sau khi Putin tuyên bố trở lại nắm quyền vào năm 2012, các giáo sĩ Do Thái của FEOR đã nhanh chóng yêu cầu các giáo dân ở Mạc Tư Khoa của họ ngừng và không được tham gia các cuộc biểu tình, nhưng phải ủng hộ nỗ lực chung của chính phủ nhằm phi chính trị hóa xã hội dân sự.

Sau đó, khi Nga chinh phục Crimea, các nhà lãnh đạo của FEOR đã đi đầu trong việc thúc đẩy quan điểm trên mạng xã hội khi các cuộc biểu tình nổ ra từ người Do Thái Nga: Người Do Thái, đừng tham gia; đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.

Trong bối cảnh câu chuyện tuyên truyền của Nga về cuộc chiến chống phát xít mới ở Ukraine, Bảo tàng Khoan dung, do FEOR xây dựng và tập trung vào câu chuyện về Thế chiến II, đã được sử dụng nhiều lần để thúc đẩy quan điểm rằng cuộc chiến chống lại Ukraine là một cuộc chiến chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Đây là quan điểm được Giáo sĩ Alexander Boroda, chủ tịch của FEOR, sử dụng để ủng hộ cuộc chiến. Các tổ chức chị em của FEOR bên ngoài nước Nga, chẳng hạn như Chabad, hầu như không nói một lời nào.

Mặc dù Cẩm Linh đã phần nào thành công trong việc kiểm soát và biến cộng đồng Do Thái ở Nga thành công cụ, FSB vẫn tiếp tục cuộc chiến tiêu hao lực lượng chống lại các giáo sĩ Do Thái, chủ yếu là người nước ngoài. Họ đã trục xuất hơn 11 giáo sĩ Do Thái trong các cộng đồng suốt thập kỷ qua— họ là những người không tuân theo đường lối của đảng do FSB thành lập và được Giáo Hội Chính thống Nga minh họa cho các Giáo Hội khác noi theo.

Hai tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, tôi quyết định bỏ trốn khỏi Nga - nơi tôi đã phục vụ cộng đồng của mình với tư cách là giáo sĩ Do Thái trong ba thập kỷ - để đến Âu Châu và sau đó là Israel. Tôi nhận ra rằng tôi sẽ bị áp lực phải ủng hộ cuộc chiến, và sẽ rất nguy hiểm nếu tôi bày tỏ bất kỳ sự bất đồng nào.

Kể từ khi tôi ra đi, bất cứ nơi nào tôi đến trên thế giới, tôi thường được hỏi: Tại sao không còn những tiếng nói bất đồng và phản đối từ Giáo hội Chính thống Nga, cũng như các nhóm tôn giáo khác? Câu trả lời rất đơn giản và thường gây sốc cho người phương Tây—nhưng đó là một thực tế nổi tiếng đối với những người sống ở Nga: Vào thời Xô Viết, KGB kiểm soát đời sống tôn giáo và tuyển dụng một số lượng lớn các giáo sĩ để làm việc cho an ninh nhà nước. Hầu như không thể đạt được vị trí cao hơn trong bất kỳ hàng giáo phẩm tôn giáo nào mà không phải là một đặc vụ tích cực của KGB. Dưới thời của Putin, FSB lặp lại cùng một chính sách đó.


Source:Foreign Policy