Ngày 06-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/03: Yêu để được sống - Suy Niệm: Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:46 06/03/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Đó là lời Chúa
 
Nỗ lực cho sự thánh thiện
Lm. Minh Anh
02:52 06/03/2022

NỖ LỰC CHO SỰ THÁNH THIỆN
“Suốt bốn mươi ngày, Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”.

Nói về cám dỗ, C. S. Lewis nhận xét, “Sẽ rất ngớ ngẩn khi nói, những người tốt không biết cám dỗ là gì! Đó là một lời nói dối. Chỉ ai cố gắng chống lại cám dỗ, người ấy mới biết nó mạnh thế nào… Chúa Giêsu, người duy nhất không bao giờ khuất phục cám dỗ, người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì. Vì thế, Ngài nâng đỡ tất cả mọi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu, người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì!”. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay chứng tỏ nhận định sâu sắc của Lewis. Qua đó, chúng ta khám phá một thực tế thú vị, rằng, với Satan, khi chúng ta tầm thường, không có ‘nguy cơ’ trở thành thánh, vốn sẽ làm hỏng kế hoạch của nó… thì nó không quan tâm. Nhưng một khi chúng ta bắt đầu ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’, nó sẽ đặt đủ chướng ngại và chúng ta sẽ phải đối mặt với mọi loại hình cám dỗ.

Một chi tiết khá bất ngờ trong các Tin Mừng là, những lần duy nhất Chúa Giêsu bị cám dỗ là những lần Ngài đang cầu nguyện hoặc ăn chay hãm mình. Chính khi Ngài tịnh tâm, khổ chế như Tin Mừng hôm nay cho biết; hoặc khi Ngài tâm sự với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu đêm thứ Năm Tuần Thánh, thì ma quỷ tấn công. Một kịch bản tương tự cũng thường xuất hiện với chúng ta! Khi chúng ta quyết định làm một điều lành, thì rất nhanh chóng, công việc trở nên khó khăn, ‘một ai đó’ đã cản trở. Rõ ràng, ma quỷ sợ chúng ta thành thánh! Nó giăng mắc cạm bẫy; và quyết đánh bại chúng ta cho đến khi nào chúng ta bỏ đi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình.

Vậy tại sao Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, lại ở trong sa mạc, chịu đau khổ và bị cám dỗ? Tại sao Chúa Cha lại cho phép điều này xảy ra? Hơn thế nữa, Tin Mừng nói, Chúa Thánh Thần đã đưa Ngài vào sa mạc! Đâu là lý do? Lý do duy nhất là tình yêu! Ngài biết đã là con người thì phải chịu cám dỗ. Ngài chia sẻ phận người với chúng ta; và quan trọng hơn, Ngài chỉ cho chúng ta cách để chiến thắng. Ngài yêu thương chúng ta đến mức sẵn sàng cam chịu mọi đau khổ để có thể nhìn thẳng chúng ta và nói, “Vâng, Ta hiểu những gì con đang trải qua... Ta thực sự hiểu!”. Đây là tình yêu, một tình yêu sâu đậm đến nỗi Ngài sẵn sàng trải qua những yếu đuối và đau đớn của con người để có thể gặp con người ở đó; Ngài an ủi chúng ta giữa những gì chúng ta đang trải qua và nhẹ nâng chúng ta ra khỏi đó. Đau khổ của Ngài có một mục đích, một ý định. Và ý định, là trải nghiệm và nắm lấy những gì chúng ta đang nếm trải; Ngài phải nắm lấy!

Chiến thắng cám dỗ, Chúa Giêsu trở nên sức mạnh và nguồn cảm hứng cho chúng ta. Vào một ngày, chúng ta có thể cảm thấy sự cô đơn và cô lập của một người bị đẩy vào sa mạc tội lỗi; cảm thấy mình như một con thú hoang dã giữa những đam mê ngổn ngang; như thể Satan, tên xấu xa, đang chung đường với mình… Phải, Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy, và Ngài cho phép mình trải nghiệm điều này trong nhân tính để có thể cứu thoát và nâng đỡ những ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mỗi người. Điều quan trọng, là mỗi người biết tựa nương vào một mình Ngài. Thật thâm trầm lời Thánh Kinh qua thư Rôma hôm nay, “Ai tin vào Ngài, sẽ không phải hổ thẹn”; Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”, “Chúa Giêsu là người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì!”, là tình yêu và cứu độ! Cũng thế, chúng ta không thể không bị cám dỗ, nhưng chúng ta sẽ mặc cho nó một giá trị và ý nghĩa khi chiến thắng nó, đó là điều Lời Chúa muốn dạy chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu, hãy vào sa mạc lòng mình; nơi đó, Ngài đợi tôi, Ngài có thể gặp tôi bên trong sa mạc của tôi. Ngài ở đó, tìm kiếm tôi, gọi cho tôi; Ngài ở đó, giữa mọi thứ mà tôi có thể sẽ trải qua. Chính Ngài, Đấng đã đánh bại cám dỗ của sa mạc này, sẽ nhẹ nhàng dìu dắt tôi ra khỏi đó, đem tôi về cung lòng yêu thương của Cha. Ngài đã chinh phục sa mạc một lần và mãi mãi, Ngài cũng có thể chinh phục bất kỳ sa mạc nào trong đời tôi, hầu chấp cánh cho tôi trong mọi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa yêu con đến mức trải nghiệm mọi đau khổ kể cả chước cám dỗ. Xin giúp con luôn ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình với bất cứ giá nào, khi chỉ cậy trông vào Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Quỷ mang hình người
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
10:14 06/03/2022
Quỷ mang hình người

Năm 1971, báo chí có đăng tải một câu chuyện là lạ có thật mà cũng khó tin như thế này: Ở Vineland bang New Jersey, một thanh niên 21 tuổi tên là Mike đã làm một nghi lễ tôn thờ Satan bằng cách bóp nát 2 con chuột cống trong 2 bàn tay của mình và lấy máu bôi lên áo rồi yêu cầu 2 người bạn của mình trói tay chân của anh ta lại rồi thảy xuống nước. Mike tha thiết thuyết phục 2 người bạn đẩy anh ta xuống hồ nước để nhìn xem anh ta vùng vẫy và chết như thế nào. Tại sao lại như vậy?

Thưa, Mike là một người thờ ma quỉ. Anh ta bị ám ảnh bởi tư tưởng quỉ quái này: là nếu anh bị sát hại, thì sẽ tái sinh thành vị tướng chỉ huy 40 đạo quân ma quỉ? Chúng ta nghe chuyện, cho anh chàng Mike này là mát là hâm là chạm điện, khi không lại thờ ma quỉ với tư tưởng quỉ quái ! Nhưng chúng ta đừng quên tại Hoa Kỳ, một số người đang quay trở về thờ ma quỉ. Một khu phố ở San Francisco có ngôi đền thờ Satan, với hơn 10 ngàn người lui tới vái lạy…

Bộ mặt của ma quỉ: đen thui (đối với người da đen : quỉ màu trắng !), có sừng, có đuôi, gớm ghiếc mà vẫn có người thờ. Hành động thờ nó cũng ghê rợn, máu me, quái ác, vậy mà cũng có kẻ thực thi, đi theo... huống gì là ma quỉ khôn ngoan lắm, “ma nó quỉ lắm,” “quỉ nó ma lắm” (chỉ thua Đức Chúa Trời một chút !), nó không dại gì xuất đầu lộ diện nguyên hình xấu xí của nó, mà nó ẩn mình dưới nhiều bộ mặt đáng yêu, như thế thì sức mấy ta không tôn thờ. Trong Tây Du Ký, yêu quái xuất hiện như những nàng tiên cám dỗ Đường Tăng. Trong Thạch Sanh - Lý Thông: yêu quái xuất hiện như chàng thanh niên giỏi giang tuấn tú, để cướp cho được công chúa mỹ miều. Và còn muôn vàn bộ mặt đáng yêu đáng quý khác như vàng bạc lấp lánh, quyền thế oai linh, danh vọng tột đỉnh, mà quỉ ma núp bóng, ẩn mình, che mặt để ta phải sụp lạy.

Trong muôn vàn bộ mặt đó, hôm nay chỉ nhắc đến một bộ mặt : đó là bộ mặt “người” : vì Mùa Chay, mùa nhắc chúng ta đến Phép Rửa mà Công Đồng đã ra lệnh phải làm nổi bật trong 40 ngày này.

Ma quỉ ẩn hình dưới dạng con người để nhân loại phải thờ lạy. Khi người ta không thờ lạy Thiên Chúa, thì người ta phải tìm một cái gì khác để lạy lục. Satan đã khôn ngoan tìm giúp ta: con người. Con người có 3 mặt : con người nói chung (nhân loại); con người là một người nào đó; con người là chính mình.

1.- Quỉ dưới bộ mặt con người nói chung: chúng ta thấy rõ lắm. Càng khoa học, càng tối tân, con người càng nghĩ rằng chính con người sẽ trả lời tất cả mọi đòi hỏi, thắc mắc của con người: máy tính điện tử do con người sáng tạo, mạnh như Deep Blue của hãng IBM sẽ trả lời hết các câu hỏi, kể cả câu hỏi “có Chúa không, có đời sau không?”

Điển hình cho việc thờ lạy loài người là bài xã luận sau lần đầu tiên con người phóng thành công vệ tinh Spoutnik lên không gian, đưa Gagarin vào quĩ đạo. Bài xã luận coi đây là ngày thứ 8 của công cuộc sáng tạo : “Chúng tôi đã hoàn tất công cuộc sáng tạo. Chúng tôi còn qua mặt công cuộc sáng tạo nữa. Vệ tinh chúng tôi phóng lên đang chạy vòng quanh trái đất, tuân theo ý muốn của con người. Từ nay không ai còn có thể nói được có một Thiên Chúa đã điều khiển vũ trụ trăng sao.”

Ta không bình luận bài xã luận đó. Nhưng nêu lên để cho ta thấy một điển hình muốn nâng con người lên hàng Thượng đế, có khi hơn cả Thượng Đế !

Các nhà khoa học ở Trường Đại học Tyne (Anh) tuyên bố họ đã sẵn sàng trong việc tạo tinh trùng từ tủy xương phụ nữ. Nghĩa là, trong tương lai gần, phụ nữ không cần tinh trùng của đàn ông để sinh con. Bước đột phá này sẽ mở đường cho những cặp “vợ chồng” đồng tính nữ có con một cách tự nhiên

Song song, các đôi “vợ chồng” đồng tính nam cũng hoàn toàn có hy vọng tạo con từ bản thân họ. Các nhà khoa học nói trên cũng đang nghiên cứu tạo trứng từ tủy xương của đàn ông. Trứng này sẽ được phối với tinh trùng của người bạn đời đồng tính rồi thuê tử cung của một phụ nữ để sinh con.

2.- Quỷ dưới dạng một con người nào đó: rõ ràng, cụ thể: người khác. Ta nói thờ lạy, chứ không chỉ tôn kính, coi trọng. Thờ lạy là coi người khác đó chính là thần tượng của mình. Thần tượng chỉ huy (viễn khiển: remote control) tất cả lời nói, hành động của ta và ta làm gì nói gì cũng qui về người đó, vì người đó. Hitler của đệ nhị thế chiến, nay nhiều bạn trẻ còn muốn làm sống lại. Ngày nay cũng có những kẻ thờ lãnh tụ. Có thời Lý Tiểu Long là thần tượng của võ thuật phim ảnh, Marađona của bóng đá, Madonna của ca hát một thời, Brigitte Bardot minh tinh cũng từng là thần tượng lắm kẻ theo. Ở Việt-Nam ta có các ca sĩ mà ta kết làm thần tượng, minh tinh tài tử Hàn Quốc mà ta không thấy mặt là chịu không được: thế là hớt tóc cho giống, nhuộm tóc cùng màu, quần áo y chang, nói đúng từng chữ. Hình ảnh thần tượng ta phóng to đặt lên bàn…thờ, dán trong buồng ngủ để trước khi nằm nhìn thấy mà gặp trong mơ. Đi đường mang theo trong ví, có hình thần tượng để ngắm mà lấy sức mạnh…

3.- Quỷ là chính ta. Đây đích thị là kiêu ngạo, ta thờ lạy ta, ta tự hào về mình. Một trong bảy mối tội đầu và cũng là tội nguyên thuỷ như Adong và Eva nguyên tổ loài người.

Adong và Evà muốn biết tất cả (thiện, ác) như Thiên Chúa, muốn làm chủ mình, một mình. Về mặt này, ma quỉ tinh vi lắm, đến độ mình thờ mình mà không biết.

Một người học giỏi cậy mình thông minh. Một người có tài cậy mình tháo vát. Một anh giàu cậy mình lắm của. Một cô duyên dáng cậy mình dễ thương, một cô đẹp đẽ ỷ mình là Tây Thi, một người quyền thế coi mình là tất cả. Ta thấy lặp đi lặp lại chữ “mình.” Mình là nhất, tìm cho ra được một cái nhất nào đó để thờ mình. Nếu không đẹp, thì có duyên nhất; nếu không có duyên nhất, thì giàu nhất; nếu không giàu nhất thì đạo đức nhất; nếu không đạo đức nhất, thì ta đành đưa mình lên hàng khiêm nhường nhất. Mà mình là nhất thì Chúa phải nhì ! Nhất vợ thì trời phải nhì.

Có con quỉ kia cám dỗ nhà vua. Nó thấy nhà vua ngủ dậy trễ, nó đến cám dỗ bằng cách lay nhà vua dậy để đọc kinh. Tại sao vậy? Bởi khi nhà vua dậy đúng giờ đọc kinh, thì tự hào tự cao, còn nhà vua dậy trễ, hối hận, xin tha, Chúa tha, là quỉ thua xa rồi. Chúa ghét kẻ kiêu ngạo, và yêu thương kẻ khiêm nhường. Mà nhiều khi ta nghĩ ta khiêm nhường nhất, lại chính lúc ta kiêu ngạo số một.

Quỉ cám dỗ để ta thờ ta mà ta không biết : nó núp bóng dưới một cái nhất nào đó của ta để ta dễ vênh vang...

Không biết Chúa Giêsu xưa được quỉ hiện ra dưới hình dạng nào để cám dỗ về của ăn, về giàu có, về quyền cao, chứ ngày nay, quỷ thường hiện hình dưới dạng con người để cám dỗ ta, dưới ba dạng người: người nói chung; một người cụ thể, và người đó chính là ta. Ta khó thoát đi đâu.

Tuy nhiên ta cũng có một vũ khí thắng quỉ : qui về Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, chứ không phải hình ảnh quỉ ma. Vì thế con người là nhất : đúng. Ngay từ đầu thuở sáng tạo, con người là nhất. Khi tổ tông phạm tội Chúa không bỏ mặc nhưng đã tái sáng tạo qua công trình cứu chuộc của Đức Giêsu. Sáng tạo đã kỳ diệu, tái tạo càng diệu kỳ hơn. Nếu sáng tạo con người là nhất thì tái tạo là nhất hơn nữa. Mà Chúa tái tạo, tái sinh ta qua Bí tích Thánh Tẩy (trong đêm vọng Phục sinh chúng ta long trọng cử hành hoặc nhớ lại). Vậy thì : Nếu quỉ cám dỗ tôi: Minh ơi, mày là nhất đó. thì tôi không ngần ngại gì mà không dĩ độc trị độc, tương kế tựu kế mà trả lời với quỉ rằng : “OK, sure, đúng thế, chính tao là nhất, là năm bơ oăn. Nhưng đó là do Chúa cho. Chúa làm người để người làm Chúa. Mà làm Chúa là nhất !”

Qua Phép Rửa tái sinh, ta được sinh lại làm con Chúa Cha, làm em Chúa Con, đồng thừa tự Nước Trời với Chúa Kitô (sunkleronomos).

Không phải chỉ hồn làm con Chúa, mà cả xác lẫn hồn đều được cứu, được làm con Chúa, được cùng đồng phục sinh với Chúa Kitô.

Ơn này lớn lao quá: Nếu vênh vang là công ta mà có, ta đã lọt bẫy quỷ ma. Nếu ta hướng về Chúa Cha mà cảm tạ, thì đó chính là vũ khí thắng ma quỷ. Chúa nhận ta làm con qua Phép Rửa tái sinh mà mùa chay là mùa nhắc ta nhớ lại vậy. Amen

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 06/03/2022

8. Nguyên nhân ghen ghét là vì thấy cái hay của người khác vượt qua mình, nên trong lòng phát sinh ra một loại buồn bực không hợp lý.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 06/03/2022
14. TRONG BỤNG ĐẦY TIỀN

Thời của Tống Thái Tông, Vương Tiểu Ba ở Thanh Châu tạo phản, giết chết Từ Nguyên Chấn là huyện lịnh huyện Bành Sơn, mổ bụng ông ta bỏ tiền vào cho đầy, bởi vì căm ghét ông ta là người rất tham lam keo kiệt.

(Quách Đàm Trợ)

Suy tư 14:

Có những người giàu có chơi ngông trên sự thèm khát của người nghèo: họ cho con chó của họ ăn từng tô thịt bò trước mâm cơm dĩa rau của người giúp việc; họ “đốt” hàng triệu đồng chỉ một chai bia trước mặt người ăn xin nghèo khó.v.v... mất nước, mất nhà, mất vợ con, mất danh giá cũng vì thói chơi ngông vô đạo đức ấy.

Không phải vô cớ mà lòng thù hận của người nghèo bộc phát, đó là vì những người khi gặp thời vận thì kiêu ngạo coi trời bằng vung, coi người nghèo như rác rưởi, chính những việc làm ấy đã làm cho lòng căm thù của người khác nổi lên.

Người Ki-tô hữu phải sống như thế nào, để khi sa cơ thất thế thì vẫn còn có người yêu mến? Thưa, đó chính là: trước hết, trong bụng phải có đức ái, chứ không phải có nhiều tiền, và tiếp theo là thực hành đức ái trong cuộc sống với tất cả sự tôn trọng người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
3 vũ khí tinh thần của Đức Mẹ Fatima để chấm dứt chiến tranh & giành hòa bình
Đặng Tự Do
05:56 06/03/2022


Xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến những hành động chiến tranh, và thế giới nhìn với sự đau khổ về những sự kiện đáng buồn ở Đông Âu.

Người Công Giáo được kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình, và chúng ta có một vũ khí tinh thần “không thể sai lầm” mà Đức Mẹ Fatima đã để lại cho chúng ta.

Trong lần hiện ra năm 1917 của mình, giữa lúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất đang diễn ra, Đức Mẹ Fatima đã chỉ cho Lucia, Francisco và Jacinta Marto là các trẻ mục đồng ở Fatima rằng có điều gì đó đặc biệt mà họ phải làm để ngăn chặn chiến tranh.

Đồng thời, Đức Mẹ nói rằng nếu họ không làm theo những gì Mẹ khuyên, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ đến.

Mặc dù những cảnh báo này có bối cảnh lịch sử rõ ràng, nhưng lời khuyên của Đức Mẹ là cần thiết mọi lúc, đặc biệt là khi thế giới chứng kiến chiến tranh đang xảy ra. Đây là điều mà Đức Mẹ đã tiết lộ.

Lời khuyên của Đức Mẹ Fatima để chấm dứt chiến tranh

“Hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày để đạt được hòa bình trên thế giới và chấm dứt chiến tranh”

“Hãy tiếp tục lần hạt Mân Côi mỗi ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi để có được hòa bình trên thế giới và chấm dứt chiến tranh, bởi vì chỉ có mình Mẹ mới có thể chặn đứng.

“Các con đã thấy địa ngục nơi linh hồn của những tội nhân đáng thương hướng đến. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Nếu những gì Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và thế giới sẽ có hòa bình”.

“Chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng nếu họ không ngừng xúc phạm Chúa thì một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ bắt đầu”

“Mẹ muốn nói với các con rằng Mẹ muốn có một nhà nguyện được xây dựng ở đây để vinh danh Mẹ. Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sắp kết thúc, và những người lính sẽ sớm trở về nhà của họ”.

3 vũ khí tinh thần của Đức Mẹ Fatima

Trong những thông điệp này, Đức Mẹ đã đưa ra lời khuyên chính để kết thúc chiến tranh bằng “vũ khí thiêng liêng”:

Thứ nhất ngừng xúc phạm Thiên Chúa, ăn năn sám hối, hoán cải và phạt tạ

Thứ hai cầu nguyện Kinh Mân Côi không mệt mỏi

Thứ ba hãy tín thác vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin hãy cầu nguyện cho chúng con!
Source:Church POP
 
Với chiến tranh ở Ukraine, bối cảnh tôn giáo toàn cầu sẽ thay đổi
J.B. Đặng Minh An dịch
05:58 06/03/2022


John L. Allen ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican vừa có bài viết nhan đề “With war in Ukraine, the global religious landscape is destined to shift”, nghĩa là “Với chiến tranh ở Ukraine, bối cảnh tôn giáo toàn cầu sẽ thay đổi”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các cuộc chiến tranh luôn để lại những hậu quả to lớn không lường trước được, làm lu mờ một hiện trạng và định hình một cách thô bạo những thực tế mới. Trong khi hầu hết các chuyên gia đang cân nhắc về hậu quả địa chính trị, ngoại giao và quân sự từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cuộc chiến của Putin xem ra cũng gây ra những hậu quả quan trọng đối với lĩnh vực tôn giáo.

Ngay bây giờ những hậu quả đó dường như không thể thấy trước được, nhưng nó chắc chắn đáng để suy ngẫm về các khả năng có thể xảy ra.

Để bắt đầu, có ít nhất ba khía cạnh tôn giáo rõ ràng đối với cuộc xung đột này mà cho đến nay, phần lớn đã bị bỏ qua trong hầu hết các phân tích.

Thứ nhất, chiến tranh có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các Giáo Hội Chính thống giáo trên thế giới.

Có gần 300 triệu Kitô hữu Chính thống giáo trên thế giới, được chia thành 16 Giáo Hội tự trị và nhiều chi nhánh khác, với khoảng 100 triệu ở Nga và 40 triệu ở Ukraine. Giáo Hội Chính thống Nga coi Ukraine là cái nôi của đức tin và là “lãnh thổ giáo luật”, nhưng trên thực tế, các tín đồ Chính thống giáo ở Ukraine được chia thành hai Giáo Hội riêng biệt, chỉ có một Giáo Hội phụ thuộc trực tiếp vào Mạc Tư Khoa.

Do đó, một tác động của cuộc chiến có thể là tạo ra một ý thức mới về mục tiêu chung giữa Chính thống giáo ở Ukraine, làm suy yếu vị thế của Mạc Tư Khoa và tạo ra một quan điểm mới mạnh mẽ trong thế giới Chính thống giáo. Vào đầu cuộc chiến, chi nhánh Mạc Tư Khoa của Giáo Hội Chính thống giáo ở Ukraine đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án cuộc xâm lược, mặc dù nội dung đó đã nhanh chóng bị xóa khỏi trang web của họ.

Ngoài ra, trong một thời gian đã diễn ra một cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong thế giới Chính thống giáo giữa Mạc Tư Khoa và Tòa Thượng phụ Constantinople, do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lãnh đạo. Nói chung, Constantinople được coi là điểm tham chiếu tiến bộ và thân phương Tây hơn - Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, chẳng hạn, là một nhân vật đại kết, người đã tham gia vào nhiều mối quan hệ hợp tác với Đức Thánh Cha Phanxicô - trong khi Mạc Tư Khoa được coi là bảo thủ và đối đầu hơn.

Nhìn chung, Constantinople được xem là có ưu thế hơn, bắt nguồn từ quan niệm truyền thống coi Constantinople là “tòa đầu tiên trong số các tòa bình đẳng” trong truyền thống Chính thống. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa có số lượng tín hữu đông hơn, có nhiều tiền hơn và có sự hậu thuẫn của nhà nước Nga.

Nếu các tín hữu Chính thống giáo trên khắp thế giới phản đối người Nga, một tác động hiển nhiên là củng cố ưu thế của Constantinople.

Nhà sử học tôn giáo Diana Butler Bass nói như thế này:

Cô viết: “Xung đột ở Ukraine là về tôn giáo và loại Chính thống giáo nào sẽ định hình Đông Âu và các cộng đồng Chính thống giáo khác trên thế giới (đặc biệt là ở Phi Châu). Đây là một cuộc thập tự chinh, chiếm lại Thánh địa của Chính thống giáo Nga và đánh bại những kẻ dị giáo phương Tây hóa, những người không chịu khuất phục trước quyền lực tinh thần của Mạc Tư Khoa.”

“Nếu bạn không nắm được điều này, bạn sẽ không hiểu được gì cả. Ai sẽ kiểm soát ngôi nhà địa lý, 'Jerusalem,' của Giáo Hội Nga? Mạc Tư Khoa? Hay Constantinople? Và, việc tuyên bố lãnh thổ đó có ý nghĩa gì đối với Chính thống giáo trên toàn thế giới? Liệu Chính thống giáo toàn cầu sẽ hướng tới một tương lai rộng mở và đa nguyên hơn, hay nó sẽ là một phần của bộ ba độc tài tân Kitô?”

Thứ hai, cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể gây ra những hậu quả quan trọng đối với quan hệ Công Giáo-Chính thống giáo, đặc biệt là vì nó liên quan đến số phận của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, là Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương trên thế giới hiệp thông với Rôma.

Người Công Giáo Đông Phương ở Ukraine từ lâu đã đóng một vai trò to lớn trong các vấn đề quốc gia, sản sinh ra nhiều thế hệ học giả và nhà hoạt động hướng tới mục tiêu là một cộng đồng Kitô giáo thống nhất và độc lập trong nước. Người Công Giáo Đông Phương nói chung rất thân phương Tây và chống lại Mạc Tư Khoa, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc nổi dậy ủng hộ độc lập khác nhau của Ukraine, và chính vì lý do này mà có thể gặp rủi ro lớn khi cuộc tấn công của Nga tiếp tục diễn ra.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, chính sách tổng quát của Vatican đối với Chính thống giáo Nga là giảm bớt căng thẳng, thực hiện mọi nỗ lực để tránh đối đầu. Cách tiếp cận găng tay mềm này đã được củng cố dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ước mơ ấp ủ từ lâu của ngài về một Kitô giáo “thở bằng cả hai phổi”, cả Đông và Tây. Đức Giáo Hoàng Ba Lan là một đối thủ không mệt mỏi đối với chủ nghĩa Cộng sản và đã góp phần kích hoạt sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, nhưng ngài có xu hướng nhún nhường và khôn khéo khi nói đến Chính thống giáo Nga.

Tất cả những điều đó đã gây thất vọng cho nhiều người Công Giáo trong Chiến tranh Lạnh, và vẫn còn cho đến ngày nay, bởi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa công khai chỉ đích danh Nga là kẻ xâm lược, cũng như không lên án đích danh Putin về những hành động của y như nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu khác đã làm.

Xung đột hiện tại có thể có khả năng thay đổi phép tính đó. Đành rằng, cuộc viếng thăm gần như chưa từng có vào thứ Sáu tại Đại sứ quán Nga tại Tòa Thánh không kèm theo bất kỳ lời chỉ trích công khai nào đối với Mạc Tư Khoa, nhưng chúng ta hãy đối mặt với điều đó - một giáo hoàng không đi thẳng xuống Via della Conciliazione đến đại sứ quán nước ngoài vì ngài đang thấy vui.

Có lẽ hậu quả từ chiến tranh sẽ định hình nên một hình thái đại kết mới của Vatican, một hình thái mạnh mẽ hơn một chút về khả năng đẩy lùi.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng hiện tại cũng có thể tác động đến các cộng đồng Công Giáo và Kitô giáo bảo thủ ở phương Tây, những người đã coi Putin là đồng minh trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đặc biệt là về mặt bảo vệ các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Đông, và ủng hộ việc thúc đẩy các giá trị truyền thống của Kitô giáo như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa thế tục.

Nếu một số người Công Giáo và Kitô giáo bảo thủ phản đối Putin, điều đó có thể kích hoạt nhiệm vụ tìm kiếm những cách khác để nâng cao mục tiêu của họ.

Nhân tiện, cũng cần lưu ý rằng việc Putin giả vờ là một Người bảo vệ đức tin vĩ đại trên toàn cầu không hoàn toàn là điều đáng xấu hổ. Vào những thời điểm quan trọng ở Trung Đông, Putin đã sử dụng sức mạnh của Nga theo những cách thực sự mang lại lợi ích cho các tín hữu Kitô, đặc biệt là trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq.

Theo quy luật về những hậu quả không mong muốn, một Putin suy yếu và mất tập trung có thể khiến các tín hữu Kitô đó gặp nguy hiểm lớn hơn, một khả năng mà các nhà lãnh đạo phương Tây có tư duy tương lai sẽ lường trước được, bởi vì nếu không, Putin sẽ tự do tuyên truyền về sự thất bại của họ.

Tóm lại: Ở phía bên kia của cuộc chiến, bối cảnh tôn giáo toàn cầu đã được định sẵn để trông khác đi. Tuy nhiên, những khác biệt đó sẽ như thế nào sẽ được quyết định bởi những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra ngay bây giờ.
Source:Crux
 
GIẢI THÍCH: Chiến tranh Nga-Ukraine liên quan đến tôn giáo như thế nào?
J.B. Đặng Minh An dịch
06:04 06/03/2022


Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: EXPLAINER: How is Russia-Ukraine war linked to religion?. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Lịch sử chính trị đan quyện của Ukraine với Nga có một điểm tương đồng trong bối cảnh tôn giáo, với phần lớn dân số theo Chính Thống Giáo của Ukraine bị chia rẽ giữa một Giáo Hội có tư tưởng độc lập đặt trụ sở tại Kiev và một nhóm khác trung thành với giáo chủ của họ ở Mạc Tư Khoa.

Nhưng mặc dù đã có những lời kêu gọi đối với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ở cả Nga và Ukraine, lòng trung thành tôn giáo không phản ánh sự trung thành chính trị giữa cuộc chiến sinh tồn của Ukraine.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin biện minh rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông một phần là để bảo vệ Giáo Hội Chính thống giáo theo định hướng Mạc Tư Khoa, nhưng các nhà lãnh đạo của cả hai phái Chính thống Ukraine vẫn quyết liệt lên án cuộc xâm lược của Nga, cũng như thiểu số Công Giáo đáng kể của Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Epifany, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine có trụ sở tại Kiev, tuyên bố: “Với lời cầu nguyện trên môi, với tình yêu dành cho Chúa, cho Ukraine, cho các nước láng giềng, chúng tôi chiến đấu chống lại cái ác - và chúng tôi sẽ thấy chiến thắng”.

Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Chính thống giáo Nga, cho biết: “Hãy quên đi những cãi vã và hiểu lầm lẫn nhau và... đoàn kết với tình yêu dành cho Chúa và Tổ quốc của chúng ta”.

Ngay cả mặt trận xem ra có vẻ như thống nhất đó cũng phức tạp. Một ngày sau khi đăng thông điệp của Tổng Giám Mục Onufry vào hôm thứ Năm, trang web Giáo Hội của ngài lại bắt đầu đưa ra các báo cáo tuyên bố rằng các nhà thờ và người dân của họ đang bị tấn công, đổ lỗi một cuộc tấn công cho các đại diện của Giáo Hội đối thủ.

Sự chia rẽ giữa các thực thể Chính thống giáo của Ukraine đã gây tai tiếng trên toàn thế giới trong những năm gần đây khi các Giáo Hội Chính thống phải vật lộn với việc làm thế nào và liệu có nên đứng về phía nào hay không. Một số người Chính thống giáo Hoa Kỳ hy vọng họ có thể gạt những xung đột như vậy sang một bên và đoàn kết để cố gắng kết thúc chiến tranh, đồng thời lo sợ chiến tranh có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Đâu là cảnh quan tôn giáo của Ukraine?

Các cuộc khảo sát ước tính phần lớn dân số Ukraine theo Chính thống giáo, với một thiểu số đáng kể là người Công Giáo Ukraine thờ phượng theo nghi lễ Byzantine tương tự như Chính thống giáo nhưng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Dân số Ukraine cũng bao gồm tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn những người theo đạo Tin lành, Do Thái Giáo và Hồi giáo.

Ukraine và Nga bị chia cắt bởi một lịch sử chung, cả về tôn giáo và chính trị.

Họ nhận tổ tiên của mình đến từ vương quốc thời trung cổ Kievan Rus, nơi Hoàng tử Vladimir (Ukraine gọi là Volodymyr) vào thế kỷ thứ 10 đã từ chối ngoại giáo, đã được rửa tội ở Crimea và chấp nhận Kitô Giáo làm quốc giáo.

Vào năm 2014, Putin đã viện dẫn lịch sử đó để biện minh cho việc chiếm Crimea, vùng đất mà ông gọi là “thiêng liêng” đối với Nga.

Trong khi Putin nói rằng Nga là người thừa kế thực sự của vương quốc Kievan Rus, người Ukraine nói rằng nhà nước hiện đại của họ có một phả hệ riêng biệt và Mạc Tư Khoa đã không nổi lên như một cường quốc cho đến nhiều thế kỷ sau đó.

Sự căng thẳng đó vẫn tồn tại trong các mối quan hệ Chính thống giáo.

Các Giáo Hội chính thống trong lịch sử được tổ chức theo các quốc gia, với các Thượng Phụ có quyền tự trị trong lãnh thổ của họ trong khi bị ràng buộc bởi một đức tin chung. Vị Thượng phụ Đại kết của Constantinople được coi là vị thứ nhất trong số các vị ngang hàng nhưng, không giống như một giáo hoàng Công Giáo, ngài không có thẩm quyền chung.

Ai cai quản các Giáo Hội Chính Thống Ukraine ngày nay?

Điều đó phụ thuộc vào cách giải thích các sự kiện của hơn 300 năm trước.

Với việc nước Nga ngày càng hùng mạnh và Giáo Hội Constantinople suy yếu dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, Đức Thượng phụ Đại kết vào năm 1686 đã ủy quyền cho Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa thẩm quyền tấn phong Tổng Giám Mục Kiev [Hệ thống phẩm trật của Chính Thống Giáo bao gồm priest (linh mục), bishop (Giám Mục), metropolitan (Tổng Giám Mục) và patriarch (Thượng Phụ) – chú thích của người dịch]

Giáo Hội Chính thống Nga nói rằng đó là một cuộc chuyển giao quyền lực vĩnh viễn. Vị Thượng phụ Đại kết nói rằng đó chỉ là tạm thời.

Trong thế kỷ qua, Chính thống giáo Ukraine có tư tưởng độc lập đã thành lập các giáo hội riêng biệt mà không được công nhận chính thức cho đến năm 2019, khi Đức Thượng Phụ Đại Kết hiện nay là Bácthôlômêô công nhận Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập với giáo chủ Mạc Tư Khoa – là người đã phản đối quyết liệt động thái này và coi đó là bất hợp pháp.

Tình hình ở Ukraine còn tồi tệ hơn trên thực tế.

John Burgess, tác giả cuốn sách “Holy Rus: The Rebirth of Orthodoxy in New Russia”, cho biết nhiều tu viện và giáo xứ vẫn nằm dưới quyền của giáo chủ Mạc Tư Khoa, mặc dù rất khó tìm được số liệu thống kê chính xác. Burgess nói: Ở cấp độ làng mạc, nhiều người thậm chí có thể không biết về giáo xứ của họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hay thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Liệu sự ly giáo này có phản ảnh sự tách biệt giữa hai quốc gia hay không?

Có, mặc dù nó phức tạp.

Ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống Ukraine, đã vẽ ra một liên kết trực tiếp: “Sự độc lập của Giáo Hội chúng tôi là một phần trong các chính sách thân Âu Châu và phò Ukraine của chúng tôi”, ông nói vào năm 2018.

Nhưng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Zelinskyy, người gốc Do Thái, đã không nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc tôn giáo. Hôm thứ Bảy, ông cho biết ông đã nói chuyện với cả các nhà lãnh đạo Chính thống giáo cũng như các đại diện Công Giáo, Hồi giáo và Do Thái. “Tất cả các nhà lãnh đạo cầu nguyện cho linh hồn của những người bảo vệ đã hy sinh mạng sống của họ cho Ukraine và cho sự thống nhất và chiến thắng của chúng tôi. Và điều đó rất quan trọng, “ ông nói.

Putin đã cố gắng tận dụng vấn đề này.

Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2 tìm cách biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine sắp xảy ra bằng một câu chuyện lịch sử bị bóp méo, Putin tuyên bố mà không có bằng chứng rằng Kiev đang chuẩn bị cho việc “phá hủy” Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Nhưng phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đã so sánh chiến tranh với “tội lỗi của Cain”, nhân vật trong Kinh thánh đã sát hại em mình, cho thấy rằng ngay cả Giáo Hội hướng về Mạc Tư Khoa cũng có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc Ukraine.

Để so sánh, Đức Thượng Phụ Kirill của Moscow đã kêu gọi hòa bình nhưng không đổ lỗi cho cuộc xâm lược.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ lâu đã có quyền tự trị rộng rãi. Thêm vào đó, nó ngày càng có bản sắc Ukraine.

Alexei Krindatch, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Thống kê về các Giáo Hội Chính Thống Giáo của Hoa Kỳ cho biết: “Bất kể sự gắn bó với Giáo Hội nào, chúng ta có rất nhiều giáo sĩ mới lớn lên ở Ukraine độc lập. Krindatch, người lớn lên ở Liên Xô cũ, cho biết: “Sở thích chính trị của họ không nhất thiết phải tương quan với các khu vực pháp lý chính thức của giáo xứ.”

Những người Công Giáo nằm ở đâu trong bức tranh này?

Người Công Giáo Ukraine chủ yếu sống ở miền Tây Ukraine.

Người Công Giáo bắt đầu xuất hiện vào năm 1596 khi một số người Ukraine theo Chính thống giáo, khi đó nằm dưới sự cai trị của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva do Công Giáo thống trị, đệ trình lên Tòa Thánh một thỏa thuận xin hiệp thông trọn vẹn với Rôma miễn là Tòa Thánh cho phép họ giữ các thực hành đặc biệt như phụng vụ Byzantine của họ và cho phép các linh mục lập gia đình.

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo từ lâu đã lên án những thỏa thuận như thế và cáo buộc Công Giáo và nước ngoài xâm phạm đàn chiên của họ.

Người Công Giáo Ukraine có một lịch sử đặc biệt mạnh mẽ trong việc chống lại sự đàn áp của các Nga hoàng và cộng sản.

Mariana Karapinka, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết: “Mỗi khi Nga chiếm Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine đều bị triệt hạ”.

Người Công Giáo Ukraine đã bị đàn áp nghiêm trọng bởi Liên Xô, thậm chí một số nhà lãnh đạo đã tử vì đạo. Nhiều người Công Giáo Ukraine đã phải thờ phượng thầm lặng, và Giáo Hội đã phục hồi mạnh mẽ kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt.

Với lịch sử như vậy, người Công Giáo Ukraine có thể có lý do chính đáng để chống lại một cuộc tiếp quản khác của Mạc Tư Khoa. Nhưng họ không đơn độc, Karapinka nói. Bà nói: “Người Công Giáo Ukraine không phải là nhóm duy nhất bị Liên Xô đàn áp. Rất nhiều nhóm có lý do để chống lại người Nga.”

Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã cố gắng làm tan băng quan hệ với Giáo Hội Chính thống Nga trong khi cố gắng bảo vệ quyền của người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương và người Ukraine nói chung.

Vatican cho biết, trong một cử chỉ đặc biệt của Đức Giáo Hoàng chưa hề có tiền lệ, sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đại sứ quán Nga vào hôm thứ Sáu để đích thân “bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến”.

Giáo Hội độc lập Ukraine phát triển như thế nào bên ngoài Ukraine?

Giáo Hội Chính thống Nga đã quyết định “phá vỡ sự hiệp thông Thánh Thể” với Đức Thượng Phụ Đại kết của Constantinople vào năm 2018 khi ngài chuyển sang công nhận một Giáo Hội độc lập ở Ukraine. Điều đó có nghĩa là các thành viên của các Giáo Hội trực thuộc Mạc Tư Khoa không thể rước lễ tại các nhà thờ của Constantinople, và ngược lại.

Các tranh chấp đã lan sang các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương ở Phi Châu, nơi Chính thống giáo Nga đã tìm cách thành lập một Tòa Thượng Phụ mới sau khi Đức Thượng Phụ Alexandria bao gồm Ai Cập và toàn Phi Châu công nhận nền độc lập của giáo hội Ukraine.

Nhưng nhiều Giáo Hội khác đã tìm cách tránh xung đột. Ở Mỹ, nơi có nhiều nhóm Chính thống giáo khác nhau, hầu hết các nhóm vẫn hợp tác và thờ phượng chung với nhau.

Cha Alexander Rentel, Chưởng ấn của Giáo Hội Chính thống giáo ở Mỹ, có nguồn gốc từ Nga nhưng hiện độc lập với Mạc Tư Khoa nhận định rằng chiến tranh có thể tạo ra một điểm thống nhất giữa các giáo hội Chính Thống Giáo ở Hoa Kỳ nhưng có thể kiểm tra thêm mối quan hệ.

Ngài nói: “Sự chia rẽ diễn ra trong Chính thống giáo thế giới là một sự kiện khó khăn đối với Giáo hội Chính thống giáo. Bây giờ nó sẽ trở nên khó khăn hơn vì cuộc chiến này.”
Source:AP
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba
Đặng Tự Do
07:42 06/03/2022


Chúa Nhật 6 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu bị ma quỷ thử thách trong hoang địa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, đưa chúng ta vào hoang địa, nơi Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, suốt bốn mươi ngày, để bị ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4, 1-13). Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ, và Ngài đồng hành với chúng ta, mỗi người trong chúng ta, trong những cơn cám dỗ của chúng ta. Sa mạc tượng trưng cho cuộc chiến chống lại sự dụ dỗ của cái ác, để học cách lựa chọn tự do đích thực. Thật vậy, Chúa Giêsu sống kinh nghiệm trong sa mạc ngay trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Chính nhờ cuộc chiến tâm linh này, Ngài đã xác nhận một cách dứt khoát hình thái Đấng Mêsia mà mình dự định trở thành. Không phải kiểu Mêsia này, mà là kiểu đó: Tôi muốn nói rằng đây thực sự là lời tuyên bố về danh tính Đấng Cứu Thế của Chúa Giêsu, con đường thiên sai của Chúa Giêsu. “Tôi là Đấng Mêsia, nhưng trên con đường này”. Sau đó, chúng ta hãy xem xét kỹ những cám dỗ mà Ngài đang chiến đấu.

Hai lần ma quỷ nói với Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (câu 3: 9). Vì thế, ma quỷ đang đề nghị Ngài khai thác địa vị của mình: trước tiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất mà Ngài cảm thấy, là đói (xem câu 3), sau đó là gia tăng quyền lực của mình (xem câu 6-7); và cuối cùng, để có một dấu hiệu phi thường từ Thiên Chúa (xem câu 9-11). Ba sự cám dỗ. Nó giống như thể ma quỷ đang nói, “Nếu bạn là Con của Thiên Chúa, hãy tận dụng nó!”. Điều này thường xảy ra với chúng ta như thế nào: “Nhưng nếu bạn đang ở vị trí đó, hãy tận dụng nó! Đừng để vuột mất thời cơ”, tức là” nghĩ đến lợi ích của mình trước”. Đó là một lời tán tỉnh quyến rũ, nhưng nó dẫn anh chị em đến sự nô dịch của trái tim: nó khiến chúng ta bị ám ảnh bởi mong muốn có được, nó làm giảm mọi thứ thành sở hữu vật chất, quyền lực, danh vọng. Đây là cốt lõi của những cám dỗ. Nó là “chất độc của những đam mê”, trong đó cái ác bắt nguồn từ đó. Hãy nhìn vào chính mình, và chúng ta sẽ thấy rằng những cám dỗ của chúng ta luôn có suy nghĩ này, cách hành động này.

Nhưng Chúa Giêsu chống lại sự lôi cuốn của cái ác một cách chiến thắng. Làm thế nào để Ngài làm được điều này? Thưa: Bằng cách ứng phó với những cám dỗ bằng Lời Chúa, trong đó nói rằng không lợi dụng, không được lợi dụng Thiên Chúa, người khác và mọi việc cho mình, không lợi dụng địa vị của mình để có được đặc ân. Bởi vì hạnh phúc thực sự và tự do thực sự không được tìm thấy trong việc chiếm hữu, mà ở sự chia sẻ; không phải lợi dụng người khác, mà là yêu thương họ; không phải trong nỗi ám ảnh của quyền lực, nhưng trong niềm vui được phục vụ.

Thưa anh chị em, những cám dỗ này cũng đồng hành với chúng ta trên những chặng đường đời. Chúng ta phải cảnh giác - đừng sợ, điều đó xảy ra với tất cả mọi người - và hãy cảnh giác, bởi vì chúng thường che đậy dưới một hình thức tốt. Thực ra, ma quỷ vốn là kẻ gian xảo, luôn dùng sự lừa gạt. Ma quỷ muốn Chúa Giêsu tin rằng những đề xuất của nó là hữu ích để chứng minh rằng Ngài thực sự là Con Thiên Chúa. Và ma quỷ cũng làm như vậy với chúng ta: nó thường đến với “đôi mắt ngọt ngào”, “với khuôn mặt thiên thần”; nó thậm chí còn biết cách ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, với vẻ bề ngoài tôn giáo!

Và tôi muốn nhấn mạnh một điều. Chúa Giêsu không trò chuyện với ma quỷ: Ngài không bao giờ trò chuyện với ma quỷ. Hoặc là trục xuất nó, khi Chúa Giêsu chữa lành người bị quỷ ám, hoặc trong trường hợp này, khi Ngài phải đáp lại, Ngài đáp lại với Lời Chúa, không bao giờ bằng lời của mình. Hỡi anh chị em, đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ: hắn gian xảo hơn chúng ta. Không bao giờ! Hãy bám vào Lời Chúa như Chúa Giêsu, và nhất là luôn luôn trả lời bằng Lời Chúa. Và trên con đường này, chúng ta sẽ không bao giờ sai lầm.

Ma quỷ làm điều này với chúng ta: nó thường đến với “đôi mắt hiền từ”, “với khuôn mặt thiên thần”; nó thậm chí còn biết cách ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, rõ ràng là tôn giáo! Nếu chúng ta nhượng bộ sự tâng bốc của nó, cuối cùng chúng ta sẽ biện minh cho sự giả dối của mình bằng cách ngụy tạo nó với mục đích tốt. Chẳng hạb, biết bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy những chuyện như thế này:

“Tôi đã làm những điều kỳ cục, nhưng tôi đã giúp đỡ người nghèo”; “Tôi đã lợi dụng vai trò của mình - với tư cách là một chính trị gia, một thống đốc, một linh mục, một giám mục - nhưng cũng vì lợi ích”; “Tôi đã chiều theo bản năng của mình, nhưng cuối cùng, tôi không làm hại bất cứ ai”, những lời biện minh này, v.v., hết lần này đến lần khác. Xin vui lòng: đừng thỏa hiệp với cái ác! Không đối thoại với ma quỷ! Chúng ta không được đối thoại với sự cám dỗ, chúng ta không được rơi vào sự uể oải của lương tâm khiến chúng ta phải thốt lên: “Nhưng xét cho cùng, việc đó không nghiêm trọng, ai cũng làm thế mà”! Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng không tìm kiếm tương nhượng, không thỏa thuận với sự dữ. Ngài chống lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa, Đấng mạnh hơn ma quỷ, và do đó chiến thắng sự cám dỗ.

Ước gì thời gian của Mùa Chay này cũng là thời gian của sa mạc đối với chúng ta. Chúng ta hãy dành thời gian cho sự im lặng và cầu nguyện - chỉ một chút thôi, điều đó sẽ giúp ích cho chúng ta - trong những không gian này, chúng ta hãy dừng lại và nhìn vào những gì đang khuấy động trong trái tim của chúng ta, sự thật bên trong của chúng ta, mà chúng ta biết rằng không thể biện minh được. Chúng ta hãy tìm thấy sự trong sáng bên trong, đặt mình trước Lời Chúa trong lời cầu nguyện, để một cuộc chiến tích cực chống lại cái ác đang nô dịch chúng ta, một cuộc chiến cho tự do, có thể diễn ra trong chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trong sa mạc Mùa Chay và giúp chúng ta trên con đường hoán cải.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.

Tôi thực hiện lời kêu gọi chân thành để các hành lang nhân đạo được bảo đảm thực sự, viện trợ được bảo đảm và tạo điều kiện tiếp cận các khu vực bị bao vây, để cứu trợ thiết yếu cho các anh chị em của chúng ta bị nhậm chìm trong bom đạn và nỗi sợ hãi.

Tôi cảm ơn tất cả những người đang tiếp nhận người tị nạn. Trên hết, tôi khẩn cầu các cuộc tấn công vũ trang chấm dứt và đàm phán - và lẽ phải - sẽ thắng thế. Và luật pháp quốc tế một lần nữa được tôn trọng!

Và tôi cũng xin cảm ơn những nhà báo đã liều mình cung cấp thông tin. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã sử dụng dịch vụ này! Một dịch vụ cho phép chúng tôi tiếp cận với thảm kịch của quần thể đó và cho phép chúng tôi đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Ukraine: chúng ta có những lá cờ trước mặt. Với tư cách là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ, Nữ Vương Ukraine.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Tòa thánh đã sẵn sàng làm mọi việc, để phục vụ cho nền hòa bình này. Trong những ngày này, hai vị Hồng Y đã đến Ukraine, để phục vụ người dân, để giúp đỡ. Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn, để cung cấp viện trợ cho những người khó khăn, và Đức Hồng Y Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Sự hiện diện của hai vị Hồng Y ở đó không chỉ có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng mà của tất cả những Kitô Hữu muốn xích lại gần nhau hơn và nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ! Làm ơn dừng lại! Hãy nhìn sự tàn nhẫn này! “.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương từ Ý và các nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Concord, California, những người đến từ các thành phố khác nhau ở Ba Lan, và những người từ Cordoba và Sobradiel ở Tây Ban Nha. Tôi chào cộng đoàn của Đại Chủng viện Pháp ở Rôma, cùng với thân nhân của họ, các tín hữu từ Vedano al Lambro, những người trẻ của Saronno, Cesano Maderno, Baggio và Valceresio, giáo phận Milan, và những người Papiano và Cerqueto, giáo phận Perugia. Tôi gửi lời chào đến các nhà tài trợ tình nguyện của Cảnh sát Nhà nước Ý, cũng như những người tham gia cuộc hành hương để kỷ niệm chuyến thăm Iraq của tôi, cách đây đúng một năm.

Chiều nay, cùng với các cộng tác viên của Giáo triều Rôma Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay sẽ bắt đầu. Chúng tôi cầu nguyện cho mọi nhu cầu của Giáo hội và gia đình nhân loại. Và anh chị em cũng vậy, hãy cầu nguyện cho chúng tôi.

Xin chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tràn đầy may mắn và một con đường Mùa Chay được kết quả! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
ĐGH Phanxicô cử hai vị Hồng Y đến Ukraine
Nguyễn Long Thao
11:27 06/03/2022
ĐGH Phanxicô cử hai vị Hồng Y đến Ukraine, nơi 'những dòng sông máu và nước mắt chảy ra'

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới hôm nay đều loan tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và bày tỏ tình đoàn kết với dân chúng và đất nước Ukraine

“Ngỏ lời với dân chúng tại quảng trướng Thánh Phêrô trong buổi đoc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. ĐGH nói: “Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine, Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà còn là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, hủy diệt và đau khổ."

Các tín hữu đã tụ tập để cầu nguyện với ĐGH, bao gồm nhiều người từ Ukraine. Họ đã giơ cao lá cờ màu vàng và xanh của đất nước họ để mọi người đều nhìn thấy.

Đức Giáo Hoàng muốn giúp đỡ người dân Ukraine đạt được hòa bình. Ngài nói:“Tòa thánh đã sẵn sàng làm mọi thứ, để phục vụ cho nền hòa bình này”

Đồng thời Ngài loan báo đã phái hai vị Hồng Y đến Ukraine “để phục vụ và giúp đỡ nhân dân”.Hai vị này là Hồng Y Konrad Krajewski và Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng lâm thời của Bộ thúc đẩy phát triển con người toàn diện.

ĐGH nói thêm: “Sự hiện diện của hai vị Hồng Y là sự hiện diện không chỉ của Giáo Hoàng, mà là của tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, những người muốn xích lại gần nhau và nói rằng:‘ Chiến tranh là sự điên rồ! Làm ơn dừng lại! Hãy nhìn sự tàn ác này! ’”

Về người tị nạn, Ngài nói: “Số lượng nạn nhân ngày càng tăng, những người bỏ trốn chiến tranh cũng nhiều lên, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em.Ngài cảnh báo, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn.

ĐGH nói thêm: “Tôi chân thành kêu gọi các hành lang nhân đạo phải được bảo đảm, tạo điều kiện để viện trợ đến được các khu vực bị bao vây, nơi các anh chị em của chúng tôi bị đe dọa bởi bom đạn và nỗi sợ hãi. ”

“ĐGH cũng cảm ơn những nhà báo đã liều mình cung cấp thông tin. Ngài nói: “Cảm ơn các anh chị và các bạn đã sử dụng dịch vụ này! Một dịch vụ cho phép chúng tôi biết được thảm kịch của quần chúng và cho phép chúng tôi đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. "

ĐGH không nêu tên các nhà báo cụ thể hoặc các quốc gia hỗ trợ người tị nạn. Trước đây, ĐGH đã cảm ơn người dân Ba Lan vì sự hào phóng của họ trong việc chào đón những người chạy trốn khỏi Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi hòa bình. Gần đây, Ngài đã kêu gọi người Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine vào Thứ Tư Lễ Tro,

Tưởng cũng nên nhắc lại vào ngày 25 tháng 2, Ngài đã đến thăm Đại sứ quán Nga tại Tòa thánh, Tiến sĩ George Weigel nói với Catholic World Report rằng tại đây, Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời, trong cùng ngày hôm đó, Ngài đã gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine là Shevchuk Zelensky để bày tỏ sự ủng hộ hòa bình cho Ukraine.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Hai Sứ Giả Hòa Bình Sang Ukraine
Lê Đình Thông
11:38 06/03/2022
Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Hai Sứ Giả Hòa Bình Sang Ukraine

Vatican (06/03) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định gửi ĐHY Konrad Krajewski, đặc trách các công việc bác ái của Tòa Thánh và ĐHY Michael Czerny, giám đốc văn phòng di dân, bác ái, công lý và hòa bình của Tòa Thánh sang Ukraine. Các vị sứ giả có nhiệm vụ phát ngôn thông điệp ‘‘chiến tranh chỉ là sự điên cuồng’’. Đây là việc làm chưa từng có. Ngài tuyên bố đất nước Ukraine đang bị hủy diệt và kêu gọi các bên ngưng giao tranh, thiết lập hành lang nhân đạo.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói : ‘‘Ở Ukraine, máu và nước mắt tuôn chảy. Ngoài các cuộc hành quân còn là chiến tranh gieo chết chóc, hủy diệt, đói kém.’’ Ngài kêu gọi các bên ngưng chiến thảo luận nghiêm chỉnh, tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngài cũng cám ơn các nhà báo không ngại nguy hiểm, tường thuật tại chỗ các diến tiến mới nhất của tình hình chiến sự tại Ukraine.

Lê Đình Thông
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin Mừng Luca 5:
Vũ Văn An
00:29 06/03/2022

5. Bài Tin Mừng Luca 7:1-10:

Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. 2Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

4Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia : ‘Đến !’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’ là nó làm.” 9Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng : “oTôi nói cho các ông hay : ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.


(Trích Kinh Thánh trực tuyến của Nhóm CGKPV)

Bước nhẩy vọt của Đức Tin


Chú Thích

Một viên đại đội trưởng. Câu 9 cho thấy ông này là một người ngoại giáo. Có thể coi ông có quốc tịch Rôma vì tước của ông chỉ người đứng đầu một đại đội Rôma gồm 100 binh lính. Nhưng chắc chắn ông không chỉ huy binh lính Rôma đóng tại Caphácnaum vào lúc đó; có thể ông phục vụ Vua Herốt Antipas như người đứng đầu binh lính đánh thuê (trong Ga 4:46, ông được gọi là basilikos “một sĩ quan cận vệ của nhà vua”), cũng có thể phục vụ trong ngành cảnh sát hoặc thuế quan. Danh tính của ông này không quan trọng lắm đối với Luca; với ngài, ông này có thể là hình bóng của viên bách quân Cornêliô trong Cv 10:1.

Nô lệ. Cha Fitzmyer dịch là “đầy tớ” (doulos) hợp với câu 8 và có thể cả Mt 8:5. Trong Ga 4:4, 50, 52, người bệnh được gọi là huios (con trai). Nhưng “nô lệ” (pais) hay được dùng trong văn chương Hy lạp cổ điển và thời thịnh của văn hóa Hy lạp và thường được các độc giả của Luca hiểu như thế.

Bệnh nặng gần chết. Trong Mt 8:6, người đầy tớ “bị tê bại... đau đớn lắm”. Còn trong Ga 4:47 nó “sắp chết” vì “sốt” (câu 52).

Nghe đồn. Chắc chắn ám chỉ tiếng tăm làm phép lạ của Người. Chi tiết này được duy trì trong Ga 4:47.

Mấy kỳ mục của người Do thái. Presbyterious ở đây không chỉ có nghĩa bô lão như trong Cv 2:17 mà là kỳ mục, tức một nhóm đặc biệt trong cộng đồng Do Thái tại Caphácnaum (xem 20:1; 22:52; Cv 4:5,8,23). Họ được cử đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái, đủ chứng tỏ viên bách quân này tôn trọng phong tục Do Thái. Câu này chứng tỏ đặc điểm không Do Thái của người viết.

Cứu sống. Dịch rất đúng. Vì dù Luca dùng chữ diasōzein ở đây, một chữ thuộc từ vựng cứu rỗi của ngài, nhưng ở đây chỉ có nghĩa là cứu khỏi bệnh hay cái chết thể lý.

Đức Giêsu liền đi với họ. Trái với thái độ của Chúa Giêsu trong Mt 8:7 trong đó Chúa Giêsu chỉ nói: “tôi sẽ đến chữa nó”, Luca cho hay Chúa chấp nhận ngay lập tức thỉnh cầu của các kỳ mục. Thánh Phêrô sẽ có cùng phản ứng ở Cv 10:20,23.

Thưa Ngài. Luca dùng danh từ xưng hô kyrie ở đây, nhưng chắc chắn không có nghĩa gì ngoài lối xưng hô lịch sự thế tục.

Rước Ngài vào nhà tôi. Vào nhà một người ngoại giáo là nguồn bị khinh khi cho một người Do Thái (xem Cv 10:28; 11:12). Viên bách quân được mô tả là hiểu điều này.

Cứ nói một lời. Viên bách quân còn được mô tả là tin vào quyền năng của Chúa Giêsu, có thể chữa lành từ xa.

Ngay cả trong dân Ítraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế. Lời Chúa Giêsu thừa nhận đức tin của viên bách quân ngoại giáo chứa đựng một lời chỉ trích đức tin của Dân Do Thái đối với Người. Đây là một “tuyên bố” ngỏ với độc giả, thách thức họ một đáp ứng tương tự. Vì vậy, trong Luca, viên bách quân trở thành một biểu tượng cho niềm tin của người ngoại giáo chống lại phản ứng chung của Israel.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho rằng đoạn văn trên khởi đầu một loạt tình tiết trong Tin Mừng Luca muốn làm nổi bật việc Chúa Giêsu không được các nhà lãnh đạo Israel đón nhận, nhưng được người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, những người sẽ trở thành một phần trong Dân Thiên Chúa, biết đến và chạy tới.

Nó bắt đầu với việc chữa lành đầy tớ của viên bách quân (7:1-10) và kết thúc với đoạn rõ ràng của riêng Luca về các môn đệ phụ nữ ở Galilê (8: 1-3. Nó nhắc đến việc thừa nhận Người của viên bách quân ngoại giáo, dân làng Nain, “toàn thể Giuđêa”, các môn đệ của Gioan Tẩy giả, và người tội lỗi. Câu chủ yếu của loạt tình tiết này được gióng lên ở 7:16cd : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.

Câu truyện chữa lành người đầy tớ viên bách quân này, ngoài Luca, còn được Mátthêu (8:5-13) cũng như Gioan (4:46-53) tường thuật. Dĩ nhiên có những tương tự và khác biệt giữa các truyền thống. Trong cả ba trình thuật, viên chức (trong Luca và Mátthêu, là “viên đại đội trưởng” (“bách quân”); trong Gioan, là “sĩ quan cận vệ của nhà vua”) đóng tại Caphácnaum; ông ta có thể không phải là người Do Thái. Một người đầy tớ thân yêu của ông ta bị bệnh nặng và không thể được đưa tới Chúa Giêsu; viên quan này cầu xin nơi Người một việc chữa lành. Chúa Giêsu đáp ứng (bằng cách tới đó, hay bằng cách nói điều gì đó). Một lời yêu cầu nữa được ngỏ cùng Người, và người chữa lành người bệnh từ xa. Trong trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đang ở Cana, người bệnh là “con trai”. Bệnh của bệnh nhân mỗi trình thuật một khác. Nhưng điểm khác rõ rệt nhất, giống như trong Mátthêu, trong Gioan, viên quan đích thân tới gặp Chúa Giêsu; Gioan cũng bỏ câu viên quan nhắc đến thẩm quyền nhưng thay vào đó là yêu cầu thứ hai, sau khi Chúa Giêsu nhắc đến dấu lạ điềm thiêng.

Dù nhắc đến việc chữa bệnh cho người đầy tớ viên bách quân, nhưng đây không phải là một trình thuật về phép lạ vì điều đáng lưu ý ở đây là chính các diễn biến hơn là lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Việc chữa lành hoàn toàn nằm ở hậu cảnh. Cha Fitzmyer cho rằng, căn cứ vào việc Luca thêm câu “ngay cả trong dân Ítraen” (câu 9), có thể xếp tình tiết này vào loại công bố. R. Bultmann, History of the Synoptic Tradition, 38, xếp nó vào loại cách ngôn.

Điểm quan trọng trong trình thuật Luca không hẳn là việc xứng đáng của viên bách quân ngoại giáo này, một điểm được các kỳ mục Do Thái nhấn mạnh, mà đúng hơn là đức tin (pistis, 7:9) của ông ta. E. Earle Ellis (The Gospel of Luke), nhấn mạnh tới việc đối với các kì mục Do Thái, ông là người xứng đáng, nhưng chính ông cho là mình không xứng đáng, việc này làm nổi bật lòng khiêm nhường và đức tin của viên bách quân. Niềm tin hoàn toàn của ông vào quyền năng của “lời lẽ” của Chúa Giêsu là lời có tính tiên tri về sứ mệnh tương lai của Giáo Hội. Với người Do Thái, Chúa Giêsu đích thân đến nhưng bị họ bác bỏ; với người ngoại giáo, Người đến bằng lời nói qua trung gian các môn đệ. Đức tin của người ngoại giáo này tương phản với sự tò mò đầy hoài nghi ở Israel (tr. 117).

Có tác giả, Jeannine K. Brown (https://www.workingpreacher.org/commentaries/revised-common-lectionary/ordinary-09-3/commentary-on-luke-71-10-2), lưu ý rằng trong phần dẫn nhập của Luca về thừa tác vụ của Chúa Giêsu (4:16-30), Người đã từng nhắc đến việc Êlia chữa lành cho Naaman ngoại giáo và là một quân nhân khiến ông này tuyên xưng “trên trái đất này không có Thiên Chúa ngoại trử ở Israel” để tương phản với việc người đồng hương Nadarét không tin vào Người.

Tác giả này nhận định thêm rằng chúng ta không nên ngạc nhiên bởi những nơi khó có thể nẩy sinh đức tin trong thế giới chúng ta. Đức tin này có thể nẩy sinh nơi những người chúng ta tưởng là kẻ thù của chúng ta. Thiên Chúa có thể dùng những người bị chúng ta coi là kẻ thù để dạy chúng ta về đức tin đích thực và vì thế ta nên đi ngược lại câu 6:27: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.

Có tác giả (xem https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_1-10/) cho rằng viên bách quân tin một điều ít người tin. Ông ta tin một điều khó tin. Ông ta tin các sự thật cao siêu ít người khác tin. Ông ta tin gì?

Đầu tiên, ông ta tin vào sự thiếu sót công trạng của bản thân. Ông ta lịch sự. Ông ta khiêm tốn. Vâng, ông ta là một người đàn ông tốt. Phải, ông ta yêu người Do Thái. Vâng, ông ta đã xây dựng một giáo đường Do Thái. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta xứng đáng nhận được bất cứ điều gì từ Thiên Chúa, hoặc từ Chúa Giêsu Kitô. Ông ta biết mình không xứng đáng để đi gặp Chúa Giêsu, và ông ta biết mình không xứng đáng để Chúa Giêsu đến gặp mình. Ông ấy không xứng đáng. Hầu hết mọi người không tin điều này. Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ xứng đáng nhận được sự ưu ái từ Thiên Chúa. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ là những người khá tốt, và Thiên Chúa nợ họ một điều gì đó. Điều khó hơn nhiều là tin rằng tất cả những gì chúng ta có và tất cả những gì chúng ta được ban cho đều đơn giản chỉ bởi ân ban của Thiên Chúa. Nhưng đó là điều đầu tiên mà viên bách quân tin tưởng.

Thứ hai, ông tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Ông tin tưởng vào Đấng Kitô. Ông tin vào uy quyền của Chúa Giêsu. Ông ví Chúa Giêsu như những người chỉ huy quân đội. Ông biết rằng những gì Chúa Giêsu truyền đạt sẽ được thực hiện. Ông biết rằng những lời của Chúa Giêsu đủ để hoàn thành việc chữa lành. Một lần nữa, hầu hết người ta không tin điều này. Chúng ta có những lời hứa trong Kinh thánh rằng Đấng Kitô sẽ làm chúng ta ngày càng giống chính Người hơn. Người nói với chúng ta rằng Người sẽ không bao giờ bỏ bỏ rơi chúng ta. Người nói với chúng ta rằng Người sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Người nói với chúng ta rằng Người ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần cho sự sống và nên giống Thiên Chúa. Người nói với chúng ta rằng việc đưa Lời Chúa vào đời sống của chúng ta sẽ rửa sạch chúng ta và biến đổi chúng ta thành giống Người. Lời của Người là đủ. Hầu hết mọi người không thực sự tin những điều này. Và tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng một số trong số này là sự thật khó tin. Nhưng viên bách quân tỏ ra rất tin tưởng bởi vì ông tin vào quyền năng và thẩm quyền của Chúa Giêsu có thể làm chính những điều Người đã nói là Người sẽ làm. Viên bách quân tin rằng lời của Đấng Chúa Kitô là đủ.

Điều này liên quan đến điều thứ ba được viên bách quân tin tưởng. Ông tin tưởng vào khả năng chữa lành bệnh từ xa của Chúa Giêsu. Ông tin rằng Chúa Giêsu không cần phải hiện diện với người đầy tớ đang hấp hối để chữa lành cho anh ta. Chúa Giêsu không cần phải vung tay, hoặc nói bất cứ lời đặc biệt nào, hoặc thực hiện bất cứ sự xức dầu đặc biệt nào. Sự chữa lành từ Chúa đến mà không có bất cứ điều gì trong những điều mà hầu hết mọi người hồi đó, và thậm chí hầu hết mọi người ngày nay, đều nghĩ là cần thiết. Viên bách quân tin những điều này trong khi hầu như không ai khác làm vậy, và vì vậy ông ta có niềm tin rất lớn. Niềm tin lớn không phải là một mức độ tin tưởng cao hơn. Đó là tin vào một điều khó tin hơn, một điều gì đó trái ngược với những gì mà hầu hết mọi người đều tin tưởng. Ông tin vào một số sự thật khó hiểu. Và như vậy, Chúa Giêsu đã chữa lành cho tôi tớ của ông.

Nguồn :

1. Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981

2. E. Earle Ellis, The Gospel of Luke, New Century Bible, Oliphants, 1966

3. Các tài liệu trên Liên mạng
 
Văn Hóa
Triết học của Maurice Blondel, tiếp
Vũ Văn An
19:01 06/03/2022

Cuối cùng, ta nên khảo sát việc Blondel đã quả quyết ra sao trong chi tiết, bằng cách phân tích các nấc hoặc mức độ hành động của con người, luận điểm tổng quát mà chúng ta vừa rút ra. Trước tiên, người ta phải khảo sát xem liệu họ có thể thoát khỏi vấn đề vận mệnh bằng cách phần nào từ chối coi hành động một cách nghiêm túc hay không. Đó là thái độ tài tử (dilettantisme). Người tài tử, người hợp với mọi thứ mà không hiến mình cho bất cứ thứ gì, người muốn chơi và tận hưởng đẹp, nhưng không thực sự hành động, từ chối lựa chọn bất cứ điều gì và thực hành một loại xa lánh (détachement) phổ quát nào. Nhưng người ta chỉ xa lánh mọi thứ vì họ muốn gắn bó với bản thân họ mà thôi và thần thánh hóa sự độc lập của riêng mình. Việc từ khước lựa chọn vẫn là một lựa chọn, không ước muốn vẫn là một ước muốn. Người ta không tránh được vấn đề số phận và hành động vì khi họ tin đã dẹp được nó thì thật ra đã lại nêu nó ra một lần nữa. Lúc đó, liệu họ có cung cấp cho nó một giải pháp tiêu cực hay không? Nói cho ngay, đây không thể là thái độ tài tử, nhưng là thái độ bi quan, một thái độ không còn hệ ở việc không muốn gì nữa, mà là muốn điều không là gì cả (vouloir le rien), là muốn hư vô. Sự mâu thuẫn nội tại của một thái độ như vậy, nếu có thể, thậm chí còn rõ ràng hơn. Một cách nào đó, hoán vị Cogito (tôi suy nghĩ) của Descartes vào việc phân tích ý chí, Blondel muốn chứng minh rằng nỗ lực của Schopenhauer trong việc tiêu diệt nơi mỗi người mọi ước muốn phát xuất từ một ước muốn sâu xa hơn: không muốn là muốn cái không. "Người ta không thể lên đoạn đầu đài suy nghĩ và mong muốn: về chuyện ước muốn hiện hữu>, ước muốn không hiện hữu, ước muốn không ước muốn, vẫn luôn có chữ chung này, ước muốn, một chữ, do sự hiện diện tất yếu của nó, đang thống trị mọi hình thức hiện hữu hoặc hư vô hóa, và xếp đặt các thể đối lập nhau một cách đầy quyền tối cao” (L’Action, trang 37). Như thế, có thể rút ra một kết luận đầu tiên, với nhiều hậu quả: trong các hành động của tôi, trong thế giới, trong tôi, bên ngoài tôi, tôi chưa biết ở đâu hay ở thứ gì, có điều gì đó.



Một khi việc phủ nhận vấn đề này và giải pháp tiêu cực của nó bị loại bỏ, con đường sẽ được mở ra để triển khai hành động. Việc phê phán chủ nghĩa bi quan đã làm xuất hiện một sự lạc quan tối thiểu, ít nhất theo nghĩa ý chí không liên quan đến hư vô, nó phải có một đối tượng. Đối tượng này là gì? Dữ kiện sơ đẳng nhất là cảm giác. Nhưng cảm giác thể hiện một sự bất nhất và không mạch lạc, buộc chúng ta phải vượt qua nó. Con người là một hữu thể, để bảo đảm sự hiện hữu của mình, muốn biết phải dựa vào điều gì. Để làm điều này, họ tổ chức các hiện tượng thành hệ thống. Như Blondel nói, bạn không thể vịn vào điều gì này khi trực giác có tính cảm giới về nó cho chúng ta một tiết lộ ngay lập tức: trong chúng ta, có nhu cầu tìm kiếm sự bí mật của ngay việc nó xuất hiện, đằng sau những vẻ bề ngoài của nó. Khoa học phát sinh từ sự không đầy đủ của cảm giác. Đặc điểm căn bản của nó là tính khách quan: mục tiêu của nó là tổ chức toàn bộ các hiện tượng thành một hệ thống khách quan. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng hoạt động của chính chủ thể, người mà nó dù sao cũng cố gắng giản lược. Không có hệ thống nếu không có một sức mạnh liên kết xây dựng nên nó. Nhận thức đơn giản về tính tất định giả thiết và bao hàm ý thức về tự do. "Ước chi người ta nhìn vào con đường đã đi qua trong giai đoạn cuối cùng này từ điểm mà chúng ta muốn có một điều gì đó. Từ trực giác đầu tiên thuộc cảm giới, vốn có vẻ đơn giản chỉ vì nó không rõ ràng và nhất thiết mãi không nhất quán, phát sinh ra nhu cầu khoa học. Nhưng khoa học thực chứng không tìm thấy trong chính nó sự thống nhất và sự gắn bó chặt chẽ mà nó vốn trổi vượt nhưng không giải thích được; trong cảm giác thô sơ, vốn đã xuất hiện một sự tò mò mà nếu không có nó thì thậm chí sẽ không có bất cứ cảm giác nào thế nào, thì mọi chân lý tích cực cũng đòi sự trung gian của một hành động, sự hiện diện của một chủ thể như thế vì nếu không sẽ không thể có chân lý tích cực nào” (L’Action, trang 101).

Khi nêu ra đối tượng, người ta nêu ra chủ thể, và khi khẳng định hiện tượng, người ta đặt tư tưởng vào đó. Liệu tư tưởng cá nhân này, ngược lại, có thể tự lấy mình làm đủ không? Rõ ràng là không. Chủ nghĩa duy ngã (solipsisme) và vị kỷ là không thể chủ trương được. Theo Blondel, ý thức cởi mở hai cách, quá bên kia và ở trên kia: nó múc thức ăn của nó từ môi trường bao la mà nó tự tóm gọn trong chính nó và nó tự mở rộng ra mọi chiều kích của vũ trụ. Hành động “là ý định trong hành động”. Trước hết, nó là “ý định sống động trong sinh vật và mô phỏng các năng lực khó hiểu mà từ đó nó đã xuất hiện” (trang 146). Nhưng nó không thể bị giới hạn trong giới hạn của đời sống cá nhân. Không có quyết tâm nào được thể hiện trong thâm cung của một con người mà không lưu tâm tới thế giới bao quanh, không tìm kiếm ở đó một ngẫu hợp, mà không kích động ở đó một Hành động tương ứng. Hành động là phó mình cho vũ trụ, là tổ chức một thế giới phù hợp với mong muốn của mình. Và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuyển từ hành động cá nhân sang hành động xã hội. Tất cả phép biện chứng của Blondel, từ nay trở đi, đều theo diễn tiến của hành động từ lãnh vực cá nhân tới điểm tại đó ý chí, vốn luôn thúc đẩy chuyển động mở rộng này, đang chờ đợi và đòi hỏi sự ngẫu hợp mật thiết với những người khác. Vì sự hợp tác với những người khác là không đủ. Ước muốn của ý chí mới thử thách nhu cầu kết hợp thực sự và toàn diện: tình yêu như đối tượng mà nó hướng tới một cách không thể cưỡng được. Chính theo cách đó, ý chí của con người tạo ra một gia đình, nơi mà sự kết hợp của hai hữu thể cùng một lúc vừa được ước muốn vừa bất khả được khách quan hóa và hiện thực hóa nơi đứa con, tạo ra tổ quốc vượt ra ngoài các tình cảm gia đình và đi trước tình cảm đối với nhân loại như một tổng hợp nguyên thủy và đã được xác định giữa tất cả những thực thể này, cuối cùng tạo ra nhân loại, vốn học cách biết nhìn thấy nơi nô lệ, nơi người dã man, nơi người nghèo, nơi người bệnh hoặc liệt lào một bản thân khác. "Quy luật của thái độ vị kỷ chủ động và chinh phục là tự mâu thuẫn với chính nó và phần nào thay đổi suy nghĩ của nó muốn tự mở rộng đến những gì mà thoạt đầu nó có vẻ bác bỏ. Mang cả một dân tộc trong mình và tạo ra một linh hồn với nó không còn đủ nữa: có thể nói, con người khao khát nên duyên với chính nhân loại và chỉ tạo với nó một ý chí duy nhất” (tr. 274-275).

Chúng ta đang ở tận cùng chưa? Vẫn chưa. Vì chính nhân loại cũng chỉ tồn tại nhờ Tất cả những gì chứa nó và những gì nó chứa. Để cân bằng ý chí được ước muốn với ý chí ước muốn sâu sắc hơn của nó, ước muốn phần nào đã liên tiếp đồng hóa tất cả những gì tự trình diện với nó. Tuy nhiên, như Malebranche nói, nó vẫn cần luôn phải tiến xa hơn nữa. Vì không có gì hữu hạn có thể làm nó hài lòng. Và ngay trong chuyển động bất định và luôn luôn bất thỏa mãn này, điều vô hạn, cách nào đó vẫn hiện diện, ít nhất dưới hình thức phủ định. Nhu cầu điều vô hạn này, cá nhân có thể cố gắng để thỏa mãn, bằng cách đặt điều vô hạn vào một số đối tượng hữu hạn mà họ đã gặp trên đường đời của họ. Từ đó xuất hiện nhiều hình thức hoạt động mê tín dị đoan khác nhau, trong cố gắng cân bằng hành động của con người với ý chí của con người. Nhưng ý hướng này mâu thuẫn khi biến điều tương đối thành điều tuyệt đối, điều hữu hạn thành điều vô hạn. Điều này dường như dồn chúng ta vào một sự bế tắc thực sự: "Không thể không nhận ra sự không đầy đủ của toàn bộ trật tự tự nhiên và không thử nghiệm nhu cầu tiếp theo: không thể tìm thấy trong mình các phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tôn giáo này. Nó nhất thiết, nhưng nó không thể thực hiện được”(tr. 319). Nói cách khác, ý chí nhất thiết phải tự muốn nó nhưng nó không thể đạt được điều đó một cách trọn vẹn. Lối thoát duy nhất cho nó là tự mở ra đón một Ý chí khác sẽ làm cho nó hiện hữu. Vì vậy, vai trò của triết học là dẫn đến một lựa chọn mà việc giải quyết lựa chọn này không thuộc về nó. Chúng ta hãy làm rõ điều này. Có thể nói, hành động được mở sẵn từ trên cao. Suy tư quan niệm cho nó một giả thuyết giúp nó cuối cùng tự thể hiện và khóa lại chiếc khóa: đó là giả thuyết hồng ân thần linh. Triết học không thể biết hồng ân này có thật hay không. Nó chỉ thai nghén ra ý tưởng về nó, và ý tưởng này đối với nó là một giả thuyết cần thiết. Việc lựa chọn ủng hộ hay chống lại giả thuyết này là tùy thuộc vào người phải đối diện với giả thuyết này. Ý niệm siêu nhiên là một phần của triết học, nhưng thực tại của nó thì chỉ có thể khẳng định bằng ý thức tự do. Nhưng điều nhà triết học vẫn có thể làm là cho biết trong những điều kiện nào thì lựa chọn hợp lý. Tôn giáo nào khẳng định đã hoàn thành hành động của con người sẽ phải trả lời các đòi hỏi của phép biện chứng triết học, nghĩa là phải xuất hiện vào một thời điểm nào đó từ bên ngoài, trong lịch sử hoặc, nếu bạn thích, có nguồn gốc siêu nhiên. Blondel thậm chí còn cho rằng tôn giáo giả định mà ông đang nghiên cứu các điều kiện này phải có các tín điều và áp đặt một thực hành theo nghĩa đen, vì chính sự dị trị sẽ xuất hiện như một điều kiện nghịch lý của quyền tự trị. Việc Kitô giáo thực sự là tôn giáo này và việc nó cho phép ý chí được tự ước muốn trọn vẹn và hành động được tự hoàn thành, chỉ có kinh nghiệm tôn giáo mang ra sống trọn vẹn mới có thể làm chứng được. Nhưng ở cuối cuốn sách của mình, trong điều liên quan đến việc này, Blondel đã lưu ý đưa ra lời chứng cá nhân này, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa nó cần phải vượt quá triết học một cách vô hạn. “Tùy thuộc ở triết học việc chứng minh sự cần thiết phải nêu ra một giải pháp thay thế: Có hay không? Nó phải làm ta thấy rằng, một mình, câu hỏi duy nhất và phổ quát này, một câu hỏi bao trùm toàn bộ số phận của con người, tự áp đặt lên mọi người một cách nghiêm ngặt tuyệt đối. Có hay không? Nó cũng phải chứng minh rằng người ta không thể, trên thực tế, không tự tuyên bố ủng hộ hay chống lại điều siêu nhiên này: Có hay không? Một lần nữa, cũng thuộc về nó, việc khảo sát các hậu quả của giải pháp này hay giải pháp nọ và đo lường khoảng cách mênh mông giữa chúng: nó không thể đi xa hơn cũng như không thể nói đúng tên của nó, bất luận có hay không. Nhưng, nếu được phép thêm một chữ, chỉ một chữ thôi, vượt ra ngoài phạm vi khoa học nhân văn và thẩm quyền của triết học, thì, đứng trước Kitô giáo, chữ duy nhất có khả năng diễn đạt phần này, phần tốt nhất, phần chắc chắn vốn không thể truyền đạt vì nó chỉ nảy sinh từ sự thân mật của một hành động hoàn toàn có tính bản thân, một chữ tự nó là một Hành động, phải nói đó là : có (c’est)”(tr. 492).

Về phía Công Giáo, hành động được đón nhận không tệ lắm. Nhưng chúng ta thường thấy trong đó một loại hộ giáo chủ quan hơn, một loại hộ giáo ở ngưỡng cửa. Về phía Đại Học, nó làm dấy lên nhiều e ngại. Người ta thậm chí đã từ chối gần 2 năm, không dành cho Blondel một chức vụ giáo dục đại học lấy lý do ông thực hiện một công trình không phải triết học, mà là hộ giáo. Và Brunschvicg, trong một bài đánh giá trên Tập san Revue métaphysique et de morale, vào tháng 11 năm 1893, khi thấy ông tiến tới lối hộ giáo dị trị và thực hành đạo Công Giáo theo nghĩa đen, đã cảnh cáo ông sẽ gặp “trong số những kẻ bênh vực quyền của Lý trí những địch thủ lịch sự nhưng kiên quyết”. Chính để trả lời cùng một lúc cho các hiểu lầm của người này và các phản chứng của những người kia mà Blondel đã cho công bố, trong Annales de philosophie chrétienne (sáu bài báo, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm 1896), Lá thư về các đòi hỏi của tư tưởng đương thời trong các vấn đề hộ giáo và về phương pháp triết học trong nghiên cứu vấn đề tôn giáo. Đó là một kiểu bênh vực và minh họa cho hành động. Đối với người Công Giáo, ông chứng minh sự bất cập về mặt triết học của các phương pháp hộ giáo khác nhau được sử dụng cho đến nay và đối với những người không tin, ông chứng minh tính hợp pháp thuần lý của dự án của ông. Vì việc này, ông đặt lại một cách mạnh mẽ và rõ ràng chính vấn đề hành động. “Trong hai chữ cần phải giải thích, nhưng ngay lập tức cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột, tư tưởng hiện đại với tính nhạy cảm đố kị coi khái niệm nội tại như điều kiện của chính triết học, nghĩa là nếu, trong số các ý niệm đang thịnh hành, có một kết quả mà nó gắn liền với như một tiến bộ nào đó, thì chính là ý niệm rất đúng trong cốt lõi của nó, rằng không gì có thể xâm nhập vào con người, một chủ thể vốn không ra ngoài mình và không hề đáp ứng nhu cầu mở rộng, và với họ, không có chân lý nào đáng kể và giáo lệnh nào đáng chấp nhận, dù như một sự kiện lịch sử, hay như một giáo huấn truyền thống, hay như một nghĩa vụ được thêm vào từ bên ngoài nếu, một cách nào đó, không có tính tự trị và nội tại. Thế mà, mặt khác, chỉ thuộc Kitô hữu và chỉ thuộc người Công Giáo điều gì là siêu nhiên - không phải chỉ là điều siêu việt theo nghĩa siêu hình đơn giản của chữ này, bởi vì cuối cùng người ta có thể giả thiết các sự thật và các hiện hữu cao hơn chúng ta được chúng ta khẳng định từ tâm khảm như là nội tại hết thẩy - và đúng là siêu nhiên, nghĩa là con người không thể rút ra từ chính mình những gì người ta cho là có thể áp đặt lên tư tưởng và ý chí của họ” (Premiers Écrits, t. II, tr. 34). Và giải pháp là học thuyết siêu việt và phương pháp nội tại hàm ngụ lẫn nhau. “Vậy thì, phương pháp nội tại hệ ở điều gì nếu không phải là đặt thành phương trình trong chính ý thức điều chúng ta xem ra đang suy nghĩ, ước muốn và làm với điều chúng ta làm, chúng ta muốn và chúng ta nghĩ trong thực tế: đến nỗi trong các phủ định hoặc những mục đích được ước muốn một cách giả tạo sẽ lại tự tìm được những khẳng định sâu sắc và những nhu cầu không thể cưỡng lại được mà chúng vốn ngụ hàm” (tr. 39). Chính ý niệm nội tại chỉ được thể hiện trong ý thức chúng ta qua sự hiện diện của ý niệm siêu việt. Như thế, triết học và thần học có thể hỗ trợ lẫn nhau trong khi vẫn tôn trọng tính độc lập tương đối của nhau. Bằng cách này, một bước tiến lớn đã được vượt qua hướng tới điều Blondel luôn có ý định: làm cho một triết lý hành động phục vụ cho việc cấu thành một triết học thực sự về tôn giáo.

Một bước tiến mới đã được vượt qua với việc công bố trên tạp chí La Quinzaine (tháng 1 đến tháng 2 năm 1904) ba bài báo có tựa đề Histoire et dogme. Lần này, một cách bạo dạn phi thường và thành công trọn vẹn, nhà triết học của hành động sẽ giải quyết một vấn đề có tính tôn giáo rõ ràng, vốn chia rẽ những người cùng thời với ông, và ông sẽ chứng minh phương pháp và học thuyết của ông cho phép giải quyết nó ra sao. Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng duy hiện đại. Nhờ lên sơ đồ, người ta có thể nói rằng xét cho cùng, và tuân theo luận lý học nội tại mà may mắn thay, họ không theo đến cùng, những người theo chủ nghĩa giáo điều và những người theo chủ nghĩa lịch sử đã chống đối nhau. Blondel gọi thuyết duy hướng ngoại (extrinsécisme) là quan niệm của nhóm người đầu. Họ chỉ chấp nhận khoa học của quá khứ ở tước hiệu ban đầu và tạm thời, để cung cấp cho khoa hộ giáo một điểm xuất phát dưới hình thức các dấu chỉ khả giác hoặc phép lạ; sau đó, người ta cám ơn nó vì các dịch vụ của nó. “Kinh thánh được bảo đảm trong tổng thể, chứ không phải trong nội dung của nó, mà nhờ con dấu bên ngoài của Đấng thần linh: tại sao cần chứng thực các chi tiết của nó. Nó đầy tính khoa học tuyệt đối, cố định trong chân lý vĩnh cửu của nó; tại sao phải tìm kiếm các điều kiện nhân bản và ý nghĩa tương đối của nó? (Premiers Écrits, t.II, p. 158-159). Ông gọi là chủ nghĩa lịch sử quan niệm của nhóm người sau. Thí dụ, nơi Loisy chẳng hạn, nó sẽ dẫn đến việc biến lịch sử thành thước đo những gì người ta có thể biết. Trong dài hay ngắn hạn, nó sẽ trục xuất siêu nhiên. Trong cả hai trường hợp, sự ly hôn giữa tín điều và lịch sử rất rõ ràng, và nếu người ta tiếp tục thừa nhận điều này hay điều nọ của chúng, thì đó giống như hai thực tại riêng biệt không thông đạt với nhau: một bên là Đấng Kitô vĩnh cửu, Đấng Kitô-Thiên Chúa, đối tượng của một đức tin bên ngoài, mặt khác là Đấng Kitô tử sinh, Đấng Kitô-làm người chịu sự phán xét của lịch sử. Chống lại hai thái độ này, mà mỗi thái độ nói lên một phần của sự thật, nhưng đều làm sai lệch sự thật bởi chủ nghĩa độc quyền của họ, Blondel cố gắng khám phá ra nguyên tắc nhờ đó, sự tổng hợp lịch sử và giáo điều có thể hoạt động trong khi vẫn tôn trọng tính độc lập và sự liên đới của chúng. Nguyên tắc này là việc phân tích hành động, một việc phân tích cho phép không phải việc phát minh ra nó, nhưng việc hiểu nó tốt hơn. Giữa chủ nghĩa duy hướng ngoại, vốn quan niệm tín điều như một khối phi thời gian, không có liên hệ với lịch sử, không có sự phát triển, hạn chế chúng ta từ bên ngoài và được người ta duy trì như một kho chứa đã chết khô mà họ tự đặt mình làm người trông coi duy nhất chính trực và chủ nghĩa duy sử vốn có xu hướng tách các niềm tin Kitô giáo khỏi các sự kiện được nhà sử học quan sát, vốn đòi cho điều vừa kể một quyền tự chủ hoàn toàn và muốn giải thích mọi điều bằng sự tiến hóa trong khi bác bỏ khỏi thực tại coi như ngoại sử bất cứ điều gì mang tính tín điều, Blondel khám phá ra mối liên kết có thể hòa giải và làm chúng sinh động và không là gì khác ngoài hành động của Thiên Chúa trong Giáo hội của Người, tóm lại là Truyền thống, được định nghĩa như "thử nghiệm tập thể của Chúa Kitô đã được kiểm chứng và thể hiện trong chúng ta”(tr. 218). Truyền thống hoạt động là trung gian cần thiết giữa lịch sử và tín điều. Vì Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong các bản văn của Kinh thánh, mà còn trong Giáo hội của Người, nơi Người hành động, nên Truyền thống phải dựa cùng một lúc trên cả các bản văn lẫn một điều gì đó khác với chúng, "trên kinh nghiệm luôn hoạt động cho phép nó, ở một số khía cạnh nhất định, mãi làm chủ các bản văn thay vì bị nô lệ nghiêm ngặt đối với chúng” (trang 204). Không phải là chiếc kho cố định cũng không phải là một chồng đống những điều mới lạ, Truyền thống hoạt động là một sức mạnh chắc chắn bảo thủ và kiềm chế ở bề mặt, nhưng lại kích thích ở cốt lõi bằng cách hình thành một cách rõ ràng từ từ những gì mà quá khứ luôn mang ra sống một cách mặc nhiên.

Sau Lá thư, các chủ trương liên quan đến Blondel phần nào bị đảo ngược. Giới đại học ngưỡng mộ ông ở con số các đồng nghiệp của họ - và trong số những người vĩ đại nhất. Nhưng khi đọc lại - hoặc đọc – cuốn Hành động dưới sự soi sáng của ông, nhiều nhà thần học tin rằng họ đã phát hiện ở đó cả hàng ngàn sai sót mà thoạt đầu họ đã không thấy và buộc tội nó đã phủ nhận giá trị của sự thật khi khiến nó phụ thuộc vào hành động – mà chính họ không hiểu ý nghĩa. Chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa duy tín, chủ nghĩa tự nhiên, đó là những thuật ngữ đã tới tấp gán cho Blondel một cách thiếu cân nhắc. Lúc đầu ông từ khước trả lời. Bạn bè – đứng đầu trong số này, chúng ta phải kể Laberthonnière, Wehrlé, Valensin, Mallet - đã làm việc này cho ông. Sau đó, ông bước vào cuộc đấu, và đặc biệt trả lời trong Annales de Philosophie chretienne, một tập san mà ông đã mua bằng tiền của mình và đã giao cho người bạn của mình là Cha Laberthonnière trông coi. Nhưng thư từ của Blondel kể từ đó đã tiết lộ cho chúng ta biết ông đã phải chịu đựng những cuộc tấn công này như thế nào. Có vẻ như vô nghĩa nếu dừng lại ở đó vì ngày nay mọi người đều đồng ý về sự bất nhất của họ. Tuy nhiên, chúng khiến ông nghĩ rằng ngoài những lời chỉ trích thiếu thiện chí, còn có những hiểu lầm chủ yếu vì Hành động chỉ là tác phẩm phiến diện. Vì vậy, ông quyết định chấm dứt cuộc tranh cãi, ít nhất về phía ông, và im lặng chuẩn bị một công trình tổng thể sẽ kết liễu nó dứt khoát bằng cách làm sáng tỏ tư tưởng của ông hơn. Công trình tổng thể này chính là bộ sách bốn cuốn, mà bây giờ chúng ta phải khảo sát.

Kỳ sau: Công trình Bốn cuốn
 
VietCatholic TV
Tin vui giữa giờ tuyệt vọng của Ukraine. Zelenskyy nói quá hay, Mỹ đồng ý chi gấp 10 tỷ viện trợ
VietCatholic Media
02:57 06/03/2022


1. Tổng thống Zelenskyy thuyết phục được Hoa Kỳ viện trợ khẩn cấp 10 tỷ Mỹ Kim

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ vùng cấm bay trên đất nước ông, đình chỉ quyền truy cập thẻ tín dụng và cấm mua dầu của Nga.

Qua Zoom, Zelenskyy đã “cầu xin” gần 300 nhà lập pháp quốc hội Hoa Kỳ để giúp đất nước của ông có thêm máy bay.

Zelenskyy nói với các thượng nghị sĩ rằng ông cần máy bay và máy bay không người lái hơn các công cụ an ninh khác.

Thông điệp của ông rất đơn giản: “đóng cửa bầu trời hoặc cho chúng tôi máy bay”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh rằng các nước NATO có những máy bay chiến đấu như vậy. “Vì vậy, hãy lấy cho họ những chiếc máy bay và máy bay không người lái mà họ cần,” Graham nói trong một video đăng trên Twitter.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết, “Quốc hội đang làm việc với gói viện trợ 10 tỷ đô la, tức là 9.14 tỷ euro.

Schumer khẳng định: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng nhận được khoản hỗ trợ hơn 10 tỷ Mỹ Kim về kinh tế, nhân đạo và an ninh cho người dân Ukraine.

2. Đài Loan quan ngại về luận lý của Hoa Kỳ và NATO

Như chúng tôi đã đưa tin, trong một diễn văn nghẹn ngào, Tổng thống Zelenskyy đã khiển trách NATO vì từ chối vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, khi các cuộc không kích của Nga leo thang

Trong một bài phát biểu đầy xúc động và gay gắt, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ trích NATO từ chối áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cho rằng điều này sẽ cho phép Nga tiếp tục leo thang các cuộc tấn công từ trên không.

“Tất cả những người chết kể từ ngày hôm nay trở đi cũng sẽ chết vì các bạn, vì sự yếu đuối của các bạn, vì sự thiếu đoàn kết của các bạn,” ông nói trong một bài diễn văn tối qua.

“Liên minh đã bật đèn xanh cho việc ném bom các thành phố và làng mạc của Ukraine bằng cách từ chối tạo vùng cấm bay”.

Ông Zelenskyy nói rằng người Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự và đã phá hủy kế hoạch của Nga về một cuộc xâm lược chớp nhoáng. Ukraine “đã trải qua chín ngày đen tối và tội ác.”

“Chúng tôi là những chiến binh của ánh sáng,” ông nói.

“Lịch sử của Âu Châu sẽ ghi nhớ điều này mãi mãi.”

Giải thích cho quyết định từ chối thiết lập vùng cấm bay, thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là đưa máy bay NATO vào không phận Ukraine để bắn hạ máy bay Nga.

“Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi sẽ có thể đưa đến một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu,” ông nói.

Các quan sát viên lo lắng rằng, một câu trả lời như thế dễ dàng có thể lặp lại với cùng một logic tương tự trong trường hợp Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược Đài Loan, hay lấn chiếm các khu vực ở Biển Đông trong các tranh chấp với Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia và Mã Lai Á.

3. Phản ứng của Putin về việc NATO không thực hiện “vùng cấm bay”

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy đã bác bỏ ý tưởng áp đặt vùng “cấm bay” đối với Ukraine mà Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy đang kêu gọi.

“Điều đó là không thể được, bất kỳ nỗ lực nào của các quốc gia khác làm điều đó sẽ được coi là sự tham gia của họ vào xung đột quân sự”, ông Putin nói hôm thứ Bảy khi nói chuyện với các nữ phi công và tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot.

Hài lòng với quyết định của NATO không thực hiện “vùng cấm bay”, ông Putin đã được đằng chân lân đàng đầu. Putin nói rằng các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, cũng “giống như một lời tuyên chiến”. Đó là một tuyên bố gây lạnh xương sống cho nhiều người trên thế giới. Có vẻ như Putin muốn nói rằng trước cuộc xâm lược vô cớ, vô lý, ngang nhiên chà đạp lên công pháp quốc tế, không ai có quyền làm bất cứ điều gì chống lại ông ta.

Trong một cử chỉ ngạo mạn đầy thách thức, Putin nhấn mạnh rằng Nga có thể thích ứng và yêu cầu các nước đã áp đặt các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt này phải đảo ngược vì các lệnh đó, nếu không chúng cũng gây tổn hại đến lợi ích của họ.

Về cuộc xâm lược Ukraine, Putin lại tuyên bố rằng nó đã diễn ra “theo đúng kế hoạch, đúng lịch trình”. Ông cũng tuyên bố rằng Nga chỉ sử dụng quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải lính nghĩa vụ và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Trong bối cảnh các gia đình giầu có đưa con cái chạy ra nước ngoài để tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, Putin cho rằng ông ta không có ý định bắt lính, và cũng không có ý định ban bố tình trạng thiết quân luật và sẽ chỉ làm như vậy trong trường hợp có “sự xâm lược từ bên ngoài” đối với các khu vực cụ thể của Nga.

Theo ông Putin, các cuộc đàm phán với Ukraine đang tiếp tục với yêu cầu chính của Nga là “phi quân sự hóa” Ukraine.

Putin cũng đưa ra những bình luận đe dọa về tình trạng nhà nước của Ukraine.

“Đặc biệt là những người thuộc giới lãnh đạo ngày nay, nên hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, họ đặt câu hỏi về tương lai của nhà nước Ukraine. Và nếu nó xảy ra, nó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm của họ”

Putin cũng gợi ý rằng Nga có thể cố gắng chặn các hãng hàng không quốc tế bay qua Siberia, điều này sẽ làm gián đoạn các hãng hàng không quốc tế đang cố gắng bay từ Âu Châu đến Á Châu.

Putin tuyên bố rằng “những người theo chủ nghĩa phát xít mới” ở Ukraine không cho phép người dân rời khỏi các thành phố của Ukraine để sử dụng chúng làm lá chắn cho con người. Tuy nhiên, hôm thứ Bảy, Hồng Thập Tự quốc tế xác nhận rằng các cuộc di tản đã bị dừng lại chính là vì các cuộc pháo kích của Nga.

4. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu người Mỹ rời khỏi Nga 'ngay lập tức'

Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật các lời khuyên cho công dân Mỹ muốn du lịch sang Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và việc Nga thắt chặt đàn áp đối với những ai bất đồng chính kiến, tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ ở Nga, bao gồm thẻ tín dụng bị giảm sút và tình trạng thiếu tiền mặt.

“Các công dân Hoa Kỳ nên rời khỏi ngay lập tức,” lời khuyên cảnh báo và nói thêm, “nếu bạn muốn rời Nga, bạn nên tự mình thu xếp càng sớm càng tốt.”

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Mỹ: “Nếu bạn định ở lại Nga, hãy hiểu rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ có những hạn chế nghiêm trọng về khả năng hỗ trợ công dân Hoa Kỳ và các điều kiện, bao gồm cả các phương tiện đi lại, có thể thay đổi đột ngột.”

Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo thêm rằng công dân Hoa Kỳ có thể bị quấy rối bởi “các quan chức an ninh của chính phủ Nga” hoặc phải đối mặt với “việc phải thi hành luật pháp địa phương một cách tùy tiện”, điều mà họ đã cảnh báo trong nhiều năm.

Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn chi tiết về cách chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả qua biên giới đất liền bằng xe hơi và xe buýt cũng như các chuyến bay hạn chế.

5. Aeroflot tạm dừng tất cả các chuyến bay nước ngoài, trừ Belarus, từ ngày 8 tháng 3

Aeroflot, hãng hàng không hàng đầu của Nga, cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế - ngoại trừ đến nước láng giềng Belarus - bắt đầu từ ngày 8 tháng Ba khi Mạc Tư Khoa đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine.

Động thái được đưa ra hôm thứ Bảy sau khi cơ quan hàng không dân dụng của nước này, Rosaviatsiya, khuyến cáo rằng tất cả các hãng hàng không Nga đang khai thác máy bay thuê của nước ngoài phải dừng ngay các chuyến bay chở khách và chở hàng ra nước ngoài, với lý do rủi ro cao là máy bay cho thuê bị bắt giữ như một phần của lệnh trừng phạt của phương Tây cấm cho thuê máy bay đến Nga.

Khuyến nghị của Rosaviatsiya không áp dụng cho các hãng hàng không Nga sử dụng máy bay Nga hoặc máy bay nước ngoài không có nguy cơ bị tạm giữ. Nó cũng không áp dụng đối với các hãng hàng không nước ngoài từ các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và không đóng cửa không phận đối với máy bay Nga.

Hơn một nửa số máy bay thương mại ở Nga là máy bay thuê bao của các quốc gia khác, theo Aviation Week, một ấn phẩm trong ngành.

Một tuyên bố của Aeroflot về việc “tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 8 tháng 3” đã trích dẫn “các tình huống mới cản trở hoạt động của các chuyến bay”. Nó lưu ý rằng tất cả các đường bay nội địa sẽ tiếp tục không thay đổi, cũng như các chuyến bay đến Belarus, nơi mà nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hãng hàng không quốc doanh lớn nhất của Nga cũng cho biết họ sẽ hủy vé khứ hồi cho những hành khách dự kiến rời Nga sau ngày 6 tháng 3 và đi về sau ngày 8 tháng 3. Những người có vé một chiều sẽ được bay đến hết ngày 8 tháng 3.

Rosaviatsia cũng khuyến nghị những người Nga đang tìm cách trở về nước từ nước ngoài sắp xếp các chuyến bay quá cảnh qua các quốc gia không gia nhập lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.

Đầu tuần này, một hãng hàng không khác của Nga, S7, đã thông báo ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế của hãng do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga về cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Hãng hàng không bình dân Pobeda - một công ty con của Aeroflot - cũng cho biết họ sẽ tạm dừng các chuyến bay quốc tế từ ngày 8 tháng 3.

Lĩnh vực hàng không là một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ sau cuộc xâm lược Ukraine.

Hãng hàng không Nga Aeroflot đã bị cấm bay vào không phận của toàn bộ Liên Hiệp Âu Châu, Vương quốc Anh và Canada, buộc hãng này phải tạm dừng các chuyến bay đến các điểm đến này.

Để trả đũa, Nga đã cấm các hãng hàng không từ những quốc gia đó bay qua lãnh thổ của mình.

Hôm thứ Bảy, Putin đã đến thăm một trung tâm đào tạo của Aeroflot bên ngoài thủ đô Mạc Tư Khoa, và nói rằng mục tiêu của ông ở Ukraine là bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga thông qua “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” để Ukraine trở nên trung lập.

Ukraine và các nước phương Tây đã bác bỏ luận điểm của Putin, coi đây là cái cớ vô căn cứ cho cuộc xâm lược và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm cô lập Mạc Tư Khoa.
Source:Aljazeera

6. Việc Nga ném bom bừa bãi vào Ukraine sẽ gia tăng: Quan chức Mỹ

Hôm thứ Bảy, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với ABC News rằng họ không nghi ngờ gì về việc Nga ném bom bừa bãi vào Ukraine sẽ gia tăng trong những ngày tới.

Khi được hỏi họ nghĩ Ukraine có thể cầm cự được bao lâu, quan chức này cho biết các lực lượng Ukraine nói chung là “toàn bộ” đang suy thoái nhưng mạnh mẽ và phát triển với tư cách cá nhân hoặc các “nhóm du kích”. Theo quan chức này, ít nhất 500 “chiến binh” từ các nơi khác đã đến Ukraine để tham gia cuộc chiến chống lại Nga.

7. Bennett của Israel gặp Putin ở Mạc Tư Khoa

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa, đề nghị hòa giải cuộc xung đột ở Ukraine.

Một quan chức Israel cho biết cuộc hội đàm tại Điện Cẩm Linh đã kéo dài đến 3 giờ.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các hãng thông tấn Nga rằng họ đang “thảo luận về tình hình ở Ukraine”.

Không có thêm chi tiết nào được tiết lộ, nhưng văn phòng của Bennett cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau cuộc hội đàm với Putin.

Bennett rời Mạc Tư Khoa đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vài ngày sau cuộc gặp của họ tại Israel. Theo nguồn tin của DW, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau sau đó vào tối thứ Bảy, với một thông cáo báo chí có thể sẽ được đưa ra sau đó.

Israel duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine.
 
Chiến tranh Nga-Ukraine liên quan đến tôn giáo như thế nào?
VietCatholic Media
05:55 06/03/2022


1. 3 vũ khí tinh thần của Đức Mẹ Fatima để chấm dứt chiến tranh & giành hòa bình

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến những hành động chiến tranh, và thế giới nhìn với sự đau khổ về những sự kiện đáng buồn ở Đông Âu.

Người Công Giáo được kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình, và chúng ta có một vũ khí tinh thần “không thể sai lầm” mà Đức Mẹ Fatima đã để lại cho chúng ta.

Trong lần hiện ra năm 1917 của mình, giữa lúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất đang diễn ra, Đức Mẹ Fatima đã chỉ cho Lucia, Francisco và Jacinta Marto là các trẻ mục đồng ở Fatima rằng có điều gì đó đặc biệt mà họ phải làm để ngăn chặn chiến tranh.

Đồng thời, Đức Mẹ nói rằng nếu họ không làm theo những gì Mẹ khuyên, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ đến.

Mặc dù những cảnh báo này có bối cảnh lịch sử rõ ràng, nhưng lời khuyên của Đức Mẹ là cần thiết mọi lúc, đặc biệt là khi thế giới chứng kiến chiến tranh đang xảy ra. Đây là điều mà Đức Mẹ đã tiết lộ.

Lời khuyên của Đức Mẹ Fatima để chấm dứt chiến tranh

“Hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày để đạt được hòa bình trên thế giới và chấm dứt chiến tranh”

“Hãy tiếp tục lần hạt Mân Côi mỗi ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi để có được hòa bình trên thế giới và chấm dứt chiến tranh, bởi vì chỉ có mình Mẹ mới có thể chặn đứng.

“Các con đã thấy địa ngục nơi linh hồn của những tội nhân đáng thương hướng đến. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Nếu những gì Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và thế giới sẽ có hòa bình”.

“Chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng nếu họ không ngừng xúc phạm Chúa thì một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ bắt đầu”

“Mẹ muốn nói với các con rằng Mẹ muốn có một nhà nguyện được xây dựng ở đây để vinh danh Mẹ. Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sắp kết thúc, và những người lính sẽ sớm trở về nhà của họ”.

3 vũ khí tinh thần của Đức Mẹ Fatima

Trong những thông điệp này, Đức Mẹ đã đưa ra lời khuyên chính để kết thúc chiến tranh bằng “vũ khí thiêng liêng”:

Thứ nhất ngừng xúc phạm Thiên Chúa, ăn năn sám hối, hoán cải và phạt tạ

Thứ hai cầu nguyện Kinh Mân Côi không mệt mỏi

Thứ ba hãy tín thác vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin hãy cầu nguyện cho chúng con!
Source:Church POP

2. Với chiến tranh ở Ukraine, bối cảnh tôn giáo toàn cầu sẽ thay đổi

John L. Allen ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican vừa có bài viết nhan đề “With war in Ukraine, the global religious landscape is destined to shift”, nghĩa là “Với chiến tranh ở Ukraine, bối cảnh tôn giáo toàn cầu sẽ thay đổi”.

John L. Allen ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican vừa có bài viết nhan đề “With war in Ukraine, the global religious landscape is destined to shift”, nghĩa là “Với chiến tranh ở Ukraine, bối cảnh tôn giáo toàn cầu sẽ thay đổi”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ngay bây giờ những hậu quả đó dường như không thể thấy trước được, nhưng nó chắc chắn đáng để suy ngẫm về các khả năng có thể xảy ra.

Để bắt đầu, có ít nhất ba khía cạnh tôn giáo rõ ràng đối với cuộc xung đột này mà cho đến nay, phần lớn đã bị bỏ qua trong hầu hết các phân tích.

Thứ nhất, chiến tranh có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các Giáo Hội Chính thống giáo trên thế giới.

Có gần 300 triệu Kitô hữu Chính thống giáo trên thế giới, được chia thành 16 Giáo Hội tự trị và nhiều chi nhánh khác, với khoảng 100 triệu ở Nga và 40 triệu ở Ukraine. Giáo Hội Chính thống Nga coi Ukraine là cái nôi của đức tin và là “lãnh thổ giáo luật”, nhưng trên thực tế, các tín đồ Chính thống giáo ở Ukraine được chia thành hai Giáo Hội riêng biệt, chỉ có một Giáo Hội phụ thuộc trực tiếp vào Mạc Tư Khoa.

Do đó, một tác động của cuộc chiến có thể là tạo ra một ý thức mới về mục tiêu chung giữa Chính thống giáo ở Ukraine, làm suy yếu vị thế của Mạc Tư Khoa và tạo ra một quan điểm mới mạnh mẽ trong thế giới Chính thống giáo. Vào đầu cuộc chiến, chi nhánh Mạc Tư Khoa của Giáo Hội Chính thống giáo ở Ukraine đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án cuộc xâm lược, mặc dù nội dung đó đã nhanh chóng bị xóa khỏi trang web của họ.

Ngoài ra, trong một thời gian đã diễn ra một cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong thế giới Chính thống giáo giữa Mạc Tư Khoa và Tòa Thượng phụ Constantinople, do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lãnh đạo. Nói chung, Constantinople được coi là điểm tham chiếu tiến bộ và thân phương Tây hơn - Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, chẳng hạn, là một nhân vật đại kết, người đã tham gia vào nhiều mối quan hệ hợp tác với Đức Thánh Cha Phanxicô - trong khi Mạc Tư Khoa được coi là bảo thủ và đối đầu hơn.

Nhìn chung, Constantinople được xem là có ưu thế hơn, bắt nguồn từ quan niệm truyền thống coi Constantinople là “tòa đầu tiên trong số các tòa bình đẳng” trong truyền thống Chính thống. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa có số lượng tín hữu đông hơn, có nhiều tiền hơn và có sự hậu thuẫn của nhà nước Nga.

Nếu các tín hữu Chính thống giáo trên khắp thế giới phản đối người Nga, một tác động hiển nhiên là củng cố ưu thế của Constantinople.

Nhà sử học tôn giáo Diana Butler Bass nói như thế này:

Cô viết: “Xung đột ở Ukraine là về tôn giáo và loại Chính thống giáo nào sẽ định hình Đông Âu và các cộng đồng Chính thống giáo khác trên thế giới (đặc biệt là ở Phi Châu). Đây là một cuộc thập tự chinh, chiếm lại Thánh địa của Chính thống giáo Nga và đánh bại những kẻ dị giáo phương Tây hóa, những người không chịu khuất phục trước quyền lực tinh thần của Mạc Tư Khoa.”

“Nếu bạn không nắm được điều này, bạn sẽ không hiểu được gì cả. Ai sẽ kiểm soát ngôi nhà địa lý, 'Jerusalem,' của Giáo Hội Nga? Mạc Tư Khoa? Hay Constantinople? Và, việc tuyên bố lãnh thổ đó có ý nghĩa gì đối với Chính thống giáo trên toàn thế giới? Liệu Chính thống giáo toàn cầu sẽ hướng tới một tương lai rộng mở và đa nguyên hơn, hay nó sẽ là một phần của bộ ba độc tài tân Kitô?”

Thứ hai, cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể gây ra những hậu quả quan trọng đối với quan hệ Công Giáo-Chính thống giáo, đặc biệt là vì nó liên quan đến số phận của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, là Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương trên thế giới hiệp thông với Rôma.

Người Công Giáo Đông Phương ở Ukraine từ lâu đã đóng một vai trò to lớn trong các vấn đề quốc gia, sản sinh ra nhiều thế hệ học giả và nhà hoạt động hướng tới mục tiêu là một cộng đồng Kitô giáo thống nhất và độc lập trong nước. Người Công Giáo Đông Phương nói chung rất thân phương Tây và chống lại Mạc Tư Khoa, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc nổi dậy ủng hộ độc lập khác nhau của Ukraine, và chính vì lý do này mà có thể gặp rủi ro lớn khi cuộc tấn công của Nga tiếp tục diễn ra.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, chính sách tổng quát của Vatican đối với Chính thống giáo Nga là giảm bớt căng thẳng, thực hiện mọi nỗ lực để tránh đối đầu. Cách tiếp cận găng tay mềm này đã được củng cố dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ước mơ ấp ủ từ lâu của ngài về một Kitô giáo “thở bằng cả hai phổi”, cả Đông và Tây. Đức Giáo Hoàng Ba Lan là một đối thủ không mệt mỏi đối với chủ nghĩa Cộng sản và đã góp phần kích hoạt sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, nhưng ngài có xu hướng nhún nhường và khôn khéo khi nói đến Chính thống giáo Nga.

Tất cả những điều đó đã gây thất vọng cho nhiều người Công Giáo trong Chiến tranh Lạnh, và vẫn còn cho đến ngày nay, bởi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa công khai chỉ đích danh Nga là kẻ xâm lược, cũng như không lên án đích danh Putin về những hành động của y như nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu khác đã làm.

Xung đột hiện tại có thể có khả năng thay đổi phép tính đó. Đành rằng, cuộc viếng thăm gần như chưa từng có vào thứ Sáu tại Đại sứ quán Nga tại Tòa Thánh không kèm theo bất kỳ lời chỉ trích công khai nào đối với Mạc Tư Khoa, nhưng chúng ta hãy đối mặt với điều đó - một giáo hoàng không đi thẳng xuống Via della Conciliazione đến đại sứ quán nước ngoài vì ngài đang thấy vui.

Có lẽ hậu quả từ chiến tranh sẽ định hình nên một hình thái đại kết mới của Vatican, một hình thái mạnh mẽ hơn một chút về khả năng đẩy lùi.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng hiện tại cũng có thể tác động đến các cộng đồng Công Giáo và Kitô giáo bảo thủ ở phương Tây, những người đã coi Putin là đồng minh trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đặc biệt là về mặt bảo vệ các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Đông, và ủng hộ việc thúc đẩy các giá trị truyền thống của Kitô giáo như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa thế tục.

Nếu một số người Công Giáo và Kitô giáo bảo thủ phản đối Putin, điều đó có thể kích hoạt nhiệm vụ tìm kiếm những cách khác để nâng cao mục tiêu của họ.

Nhân tiện, cũng cần lưu ý rằng việc Putin giả vờ là một Người bảo vệ đức tin vĩ đại trên toàn cầu không hoàn toàn là điều đáng xấu hổ. Vào những thời điểm quan trọng ở Trung Đông, Putin đã sử dụng sức mạnh của Nga theo những cách thực sự mang lại lợi ích cho các tín hữu Kitô, đặc biệt là trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq.

Theo quy luật về những hậu quả không mong muốn, một Putin suy yếu và mất tập trung có thể khiến các tín hữu Kitô đó gặp nguy hiểm lớn hơn, một khả năng mà các nhà lãnh đạo phương Tây có tư duy tương lai sẽ lường trước được, bởi vì nếu không, Putin sẽ tự do tuyên truyền về sự thất bại của họ.

Tóm lại: Ở phía bên kia của cuộc chiến, bối cảnh tôn giáo toàn cầu đã được định sẵn để trông khác đi. Tuy nhiên, những khác biệt đó sẽ như thế nào sẽ được quyết định bởi những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra ngay bây giờ.
Source:Crux

3. GIẢI THÍCH: Chiến tranh Nga-Ukraine liên quan đến tôn giáo như thế nào?

Lịch sử chính trị đan quyện của Ukraine với Nga có một điểm tương đồng trong bối cảnh tôn giáo, với phần lớn dân số theo Chính Thống Giáo của Ukraine bị chia rẽ giữa một Giáo Hội có tư tưởng độc lập đặt trụ sở tại Kiev và một nhóm khác trung thành với giáo chủ của họ ở Mạc Tư Khoa.

Nhưng mặc dù đã có những lời kêu gọi đối với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ở cả Nga và Ukraine, lòng trung thành tôn giáo không phản ánh sự trung thành chính trị giữa cuộc chiến sinh tồn của Ukraine.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin biện minh rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông một phần là để bảo vệ Giáo Hội Chính thống giáo theo định hướng Mạc Tư Khoa, nhưng các nhà lãnh đạo của cả hai phái Chính thống Ukraine vẫn quyết liệt lên án cuộc xâm lược của Nga, cũng như thiểu số Công Giáo đáng kể của Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Epifany, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine có trụ sở tại Kiev, tuyên bố: “Với lời cầu nguyện trên môi, với tình yêu dành cho Chúa, cho Ukraine, cho các nước láng giềng, chúng tôi chiến đấu chống lại cái ác - và chúng tôi sẽ thấy chiến thắng”.

Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Chính thống giáo Nga, cho biết: “Hãy quên đi những cãi vã và hiểu lầm lẫn nhau và... đoàn kết với tình yêu dành cho Chúa và Tổ quốc của chúng ta”.

Ngay cả mặt trận xem ra có vẻ như thống nhất đó cũng phức tạp. Một ngày sau khi đăng thông điệp của Tổng Giám Mục Onufry vào hôm thứ Năm, trang web Giáo Hội của ngài lại bắt đầu đưa ra các báo cáo tuyên bố rằng các nhà thờ và người dân của họ đang bị tấn công, đổ lỗi một cuộc tấn công cho các đại diện của Giáo Hội đối thủ.

Sự chia rẽ giữa các thực thể Chính thống giáo của Ukraine đã gây tai tiếng trên toàn thế giới trong những năm gần đây khi các Giáo Hội Chính thống phải vật lộn với việc làm thế nào và liệu có nên đứng về phía nào hay không. Một số người Chính thống giáo Hoa Kỳ hy vọng họ có thể gạt những xung đột như vậy sang một bên và đoàn kết để cố gắng kết thúc chiến tranh, đồng thời lo sợ chiến tranh có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Đâu là cảnh quan tôn giáo của Ukraine?

Các cuộc khảo sát ước tính phần lớn dân số Ukraine theo Chính thống giáo, với một thiểu số đáng kể là người Công Giáo Ukraine thờ phượng theo nghi lễ Byzantine tương tự như Chính thống giáo nhưng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Dân số Ukraine cũng bao gồm tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn những người theo đạo Tin lành, Do Thái Giáo và Hồi giáo.

Ukraine và Nga bị chia cắt bởi một lịch sử chung, cả về tôn giáo và chính trị.

Họ nhận tổ tiên của mình đến từ vương quốc thời trung cổ Kievan Rus, nơi Hoàng tử Vladimir (Ukraine gọi là Volodymyr) vào thế kỷ thứ 10 đã từ chối ngoại giáo, đã được rửa tội ở Crimea và chấp nhận Kitô Giáo làm quốc giáo.

Vào năm 2014, Putin đã viện dẫn lịch sử đó để biện minh cho việc chiếm Crimea, vùng đất mà ông gọi là “thiêng liêng” đối với Nga.

Trong khi Putin nói rằng Nga là người thừa kế thực sự của vương quốc Kievan Rus, người Ukraine nói rằng nhà nước hiện đại của họ có một phả hệ riêng biệt và Mạc Tư Khoa đã không nổi lên như một cường quốc cho đến nhiều thế kỷ sau đó.

Sự căng thẳng đó vẫn tồn tại trong các mối quan hệ Chính thống giáo.

Các Giáo Hội chính thống trong lịch sử được tổ chức theo các quốc gia, với các Thượng Phụ có quyền tự trị trong lãnh thổ của họ trong khi bị ràng buộc bởi một đức tin chung. Vị Thượng phụ Đại kết của Constantinople được coi là vị thứ nhất trong số các vị ngang hàng nhưng, không giống như một giáo hoàng Công Giáo, ngài không có thẩm quyền chung.

Ai cai quản các Giáo Hội Chính Thống Ukraine ngày nay?

Điều đó phụ thuộc vào cách giải thích các sự kiện của hơn 300 năm trước.

Với việc nước Nga ngày càng hùng mạnh và Giáo Hội Constantinople suy yếu dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, Đức Thượng phụ Đại kết vào năm 1686 đã ủy quyền cho Đức Thượng phụ Mạc Tư Khoa thẩm quyền tấn phong Tổng Giám Mục Kiev [Hệ thống phẩm trật của Chính Thống Giáo bao gồm priest (linh mục), bishop (Giám Mục), metropolitan (Tổng Giám Mục) và patriarch (Thượng Phụ) – chú thích của người dịch]

Giáo Hội Chính thống Nga nói rằng đó là một cuộc chuyển giao quyền lực vĩnh viễn. Vị Thượng phụ Đại kết nói rằng đó chỉ là tạm thời.

Trong thế kỷ qua, Chính thống giáo Ukraine có tư tưởng độc lập đã thành lập các giáo hội riêng biệt mà không được công nhận chính thức cho đến năm 2019, khi Đức Thượng Phụ Đại Kết hiện nay là Bácthôlômêô công nhận Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập với giáo chủ Mạc Tư Khoa – là người đã phản đối quyết liệt động thái này và coi đó là bất hợp pháp.

Tình hình ở Ukraine còn tồi tệ hơn trên thực tế.

John Burgess, tác giả cuốn sách “Holy Rus: The Rebirth of Orthodoxy in New Russia”, cho biết nhiều tu viện và giáo xứ vẫn nằm dưới quyền của giáo chủ Mạc Tư Khoa, mặc dù rất khó tìm được số liệu thống kê chính xác. Burgess nói: Ở cấp độ làng mạc, nhiều người thậm chí có thể không biết về giáo xứ của họ thuộc về Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hay thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Liệu sự ly giáo này có phản ảnh sự tách biệt giữa hai quốc gia hay không?

Có, mặc dù nó phức tạp.

Ông Petro Poroshenko, cựu tổng thống Ukraine, đã vẽ ra một liên kết trực tiếp: “Sự độc lập của Giáo Hội chúng tôi là một phần trong các chính sách thân Âu Châu và phò Ukraine của chúng tôi”, ông nói vào năm 2018.

Nhưng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Zelinskyy, người gốc Do Thái, đã không nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc tôn giáo. Hôm thứ Bảy, ông cho biết ông đã nói chuyện với cả các nhà lãnh đạo Chính thống giáo cũng như các đại diện Công Giáo, Hồi giáo và Do Thái. “Tất cả các nhà lãnh đạo cầu nguyện cho linh hồn của những người bảo vệ đã hy sinh mạng sống của họ cho Ukraine và cho sự thống nhất và chiến thắng của chúng tôi. Và điều đó rất quan trọng, “ ông nói.

Putin đã cố gắng tận dụng vấn đề này.

Trong bài phát biểu ngày 21 tháng 2 tìm cách biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine sắp xảy ra bằng một câu chuyện lịch sử bị bóp méo, Putin tuyên bố mà không có bằng chứng rằng Kiev đang chuẩn bị cho việc “phá hủy” Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Nhưng phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Onufry, người đã so sánh chiến tranh với “tội lỗi của Cain”, nhân vật trong Kinh thánh đã sát hại em mình, cho thấy rằng ngay cả Giáo Hội hướng về Mạc Tư Khoa cũng có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc Ukraine.

Để so sánh, Đức Thượng Phụ Kirill của Moscow đã kêu gọi hòa bình nhưng không đổ lỗi cho cuộc xâm lược.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ lâu đã có quyền tự trị rộng rãi. Thêm vào đó, nó ngày càng có bản sắc Ukraine.

Alexei Krindatch, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Thống kê về các Giáo Hội Chính Thống Giáo của Hoa Kỳ cho biết: “Bất kể sự gắn bó với Giáo Hội nào, chúng ta có rất nhiều giáo sĩ mới lớn lên ở Ukraine độc lập. Krindatch, người lớn lên ở Liên Xô cũ, cho biết: “Sở thích chính trị của họ không nhất thiết phải tương quan với các khu vực pháp lý chính thức của giáo xứ.”

Những người Công Giáo nằm ở đâu trong bức tranh này?

Người Công Giáo Ukraine chủ yếu sống ở miền Tây Ukraine.

Người Công Giáo bắt đầu xuất hiện vào năm 1596 khi một số người Ukraine theo Chính thống giáo, khi đó nằm dưới sự cai trị của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva do Công Giáo thống trị, đệ trình lên Tòa Thánh một thỏa thuận xin hiệp thông trọn vẹn với Rôma miễn là Tòa Thánh cho phép họ giữ các thực hành đặc biệt như phụng vụ Byzantine của họ và cho phép các linh mục lập gia đình.

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo từ lâu đã lên án những thỏa thuận như thế và cáo buộc Công Giáo và nước ngoài xâm phạm đàn chiên của họ.

Người Công Giáo Ukraine có một lịch sử đặc biệt mạnh mẽ trong việc chống lại sự đàn áp của các Nga hoàng và cộng sản.

Mariana Karapinka, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết: “Mỗi khi Nga chiếm Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine đều bị triệt hạ”.

Người Công Giáo Ukraine đã bị đàn áp nghiêm trọng bởi Liên Xô, thậm chí một số nhà lãnh đạo đã tử vì đạo. Nhiều người Công Giáo Ukraine đã phải thờ phượng thầm lặng, và Giáo Hội đã phục hồi mạnh mẽ kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt.

Với lịch sử như vậy, người Công Giáo Ukraine có thể có lý do chính đáng để chống lại một cuộc tiếp quản khác của Mạc Tư Khoa. Nhưng họ không đơn độc, Karapinka nói. Bà nói: “Người Công Giáo Ukraine không phải là nhóm duy nhất bị Liên Xô đàn áp. Rất nhiều nhóm có lý do để chống lại người Nga.”

Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã cố gắng làm tan băng quan hệ với Giáo Hội Chính thống Nga trong khi cố gắng bảo vệ quyền của người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương và người Ukraine nói chung.

Vatican cho biết, trong một cử chỉ đặc biệt của Đức Giáo Hoàng chưa hề có tiền lệ, sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đại sứ quán Nga vào hôm thứ Sáu để đích thân “bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến”.

Giáo Hội độc lập Ukraine phát triển như thế nào bên ngoài Ukraine?

Giáo Hội Chính thống Nga đã quyết định “phá vỡ sự hiệp thông Thánh Thể” với Đức Thượng Phụ Đại kết của Constantinople vào năm 2018 khi ngài chuyển sang công nhận một Giáo Hội độc lập ở Ukraine. Điều đó có nghĩa là các thành viên của các Giáo Hội trực thuộc Mạc Tư Khoa không thể rước lễ tại các nhà thờ của Constantinople, và ngược lại.

Các tranh chấp đã lan sang các Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương ở Phi Châu, nơi Chính thống giáo Nga đã tìm cách thành lập một Tòa Thượng Phụ mới sau khi Đức Thượng Phụ Alexandria bao gồm Ai Cập và toàn Phi Châu công nhận nền độc lập của giáo hội Ukraine.

Nhưng nhiều Giáo Hội khác đã tìm cách tránh xung đột. Ở Mỹ, nơi có nhiều nhóm Chính thống giáo khác nhau, hầu hết các nhóm vẫn hợp tác và thờ phượng chung với nhau.

Cha Alexander Rentel, Chưởng ấn của Giáo Hội Chính thống giáo ở Mỹ, có nguồn gốc từ Nga nhưng hiện độc lập với Mạc Tư Khoa nhận định rằng chiến tranh có thể tạo ra một điểm thống nhất giữa các giáo hội Chính Thống Giáo ở Hoa Kỳ nhưng có thể kiểm tra thêm mối quan hệ.

Ngài nói: “Sự chia rẽ diễn ra trong Chính thống giáo thế giới là một sự kiện khó khăn đối với Giáo hội Chính thống giáo. Bây giờ nó sẽ trở nên khó khăn hơn vì cuộc chiến này.”
Source:AP
 
Nghẹt thở: Mỹ yêu cầu Ba Lan trao các máy bay chiến đấu cho Ukraine. Những ngày tới rất căng thẳng
VietCatholic Media
15:45 06/03/2022


1. Mỹ yêu cầu Ba Lan giao máy bay MiG 29 cho Ukraine để cứu nguy

Trong một diễn biến sẽ có tác động rất lớn đối với cuộc chiến tại Ukraine, Mỹ đang làm việc với Ba Lan để đạt được một thỏa thuận cho phép máy bay chiến đấu của Ba Lan được chuyển giao cho các phi công của Không quân Ukraine nhằm chống lại ưu thế trên không của Nga.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến việc Ukraine nhận 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan do Nga sản xuất, sau đó sẽ được thay thế bằng một loạt F-16 mới của Mỹ.

Không quân Ba Lan vận hành cả hai loại máy bay chiến đấu trong các hoạt động tác chiến của mình.

Ukraine lo ngại tấn công từ trên không có thể sớm là lựa chọn chiến thuật của Nga sau khi cuộc tấn công trên bộ của họ có vẻ đạt tiến độ chậm hơn nhiều so với dự đoán của Điện Cẩm Linh.

Tòa Bạch Ốc hiện đang tìm hiểu các tính toán thực tế cho việc thực hiện một thỏa thuận như vậy, bao gồm cả câu hỏi quan trọng là làm thế nào để người Ukraine có thể chạm tay vào máy bay.

'Có một số câu hỏi thực tế đầy thách thức, bao gồm cả việc các máy bay thực sự có thể được chuyển từ Ba Lan đến Ukraine ra sao.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói với Financial Times: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các khả năng mà chúng tôi có thể cung cấp để thay thế cho Ba Lan nếu nước này quyết định chuyển máy bay cho Ukraine”.

Ba Lan, một thành viên của NATO, cần phải giải quyết tình huống này một cách tế nhị và không được coi là đơn phương ủng hộ cuộc chiến.

Chính phủ Ba Lan lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ coi việc Ukraine được trao máy bay chiến đấu là hành động leo thang trực tiếp hoặc thậm chí là sự can thiệp của NATO.

Hôm thứ Bảy, Putin cho biết ông ta sẽ coi bất kỳ việc áp đặt khu vực cấm bay của bên thứ ba là 'tham gia vào cuộc xung đột vũ trang'.

'Ba Lan không ở trong tình trạng chiến tranh với Nga, nhưng cũng không phải là một quốc gia vô tư, vì họ ủng hộ Ukraine là nạn nhân của hành động xâm lược. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tất cả các vấn đề quân sự phải do tập thể Nato quyết định'', một quan chức Ba Lan cho biết.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước đây đã gạt toàn bộ ý kiến sang một bên khi lưu ý rằng việc cung cấp máy bay sẽ được coi là can thiệp về cơ bản vào cuộc xung đột.

Tuy nhiên, ý tưởng về việc Ba Lan ngầm cho phép Ukraine mượn máy bay chiến đấu của mình đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng ngoại giao Dmytro Kuleba của ông đồng tình ủng hộ. Họ nói rằng nếu NATO không thiết lập vùng cấm bay thì ít nhất cũng có thể cung cấp máy bay chiến đấu cho không quân Ukraine.

'Không có gì bí mật khi nhu cầu cao nhất mà chúng tôi đang cần là máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tấn công và hệ thống phòng không', ngoại trưởng Kuleba cho biết trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm thứ Bảy.

'Nếu chúng tôi mất bầu trời, sẽ có rất nhiều máu trên mặt đất, và đó sẽ là máu của dân thường.'

Trong một cuộc gọi với khoảng 300 nhà lập pháp Mỹ, tổng thống Zelensky đã bày tỏ một lời cầu xin đầy xúc động về việc Ba Lan nhận máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ và các nước Âu Châu khác và trao lại máy bay MiG cho họ.

Người Ukraine cần máy bay chiến đấu MiG của Nga hơn là F-16, bởi vì đó là những máy bay mà họ đã được huấn luyện để vận hành.

Washington hiện đang xem xét các cách thức có thể giúp cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đầu tuần này, Hoa Kỳ đã gửi hỏa tiễn phòng không địa đối không vận hành cá nhân.

Tòa Bạch Ốc tiết lộ Tổng thống Biden nói chuyện với Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tối thứ Bảy, trong đó ông cảm ơn Mỹ về vũ khí này nhưng giải thích rằng loại hỏa tiễn phòng không địa đối không này không đủ khả năng vì không thể đạt đến độ cao mà máy bay phản lực của Nga đang bay.

Tổng thống Biden nói với nhà lãnh đạo Ukraine rằng 'hỗ trợ an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine' đang được thực hiện. Tổng thống cho biết ông đang 'làm việc chặt chẽ với Quốc hội để bảo đảm nguồn tài trợ bổ sung'.
Source:Daily Mail

2. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Blinken gặp gỡ những người tị nạn ở Ba Lan

Trong chuyến công du ngoại giao tới Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm một trung tâm tị nạn và gặp gỡ những người đang chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Khoảng 3.000 người hiện đang ở trong một trung tâm mua sắm cũ ở Korczowa, gần với biên giới Ukraine.

Một phụ nữ 48 tuổi đến từ thị trấn Kropyvnytskyi của Ukraine cho biết cô đến Ba Lan bằng xe buýt cùng với 4 người con nuôi và hy vọng có thể đến được với anh trai của mình ở Đức. Thành phố quê hương của cô cách trung tâm tị nạn 800 km. Chồng của người phụ nữ ở lại để chiến đấu.

Hãng thông tấn AP dẫn lời bà nói: “Ở đó, họ đã ném bom y vào sân bay. Tất nhiên là chúng tôi rất sợ.”

Những người sống ở Korczowa chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 750,000 người tị nạn đã đến Ba Lan, với hàng trăm nghìn người khác chạy sang các nước khác.

3. Nga, Ukraine sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ ba vào thứ Hai

Đại diện của Ukraine và Nga sẽ gặp nhau vào thứ Hai cho vòng đàm phán thứ ba, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết trên Facebook.

Hôm thứ Bảy, Ukraine cho biết hai vòng đàm phán đầu tiên chưa có kết quả nhưng sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán.

Hôm thứ Năm, các bên đã đồng ý mở các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường ra khỏi một số khu vực chiến sự. Tuy nhiên, kế hoạch di tản dân thường khỏi Mariupol và Volnovakha đã thất bại do cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng những yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy về sự trợ giúp của NATO không giúp ích gì cho các cuộc đàm phán.

Ông nói rằng Mạc Tư Khoa đã sẵn sàng cho vòng thứ ba.

4. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục Putin dừng chiến tranh Ukraine 'ngay lập tức'

Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói chuyện với Vladimir Putin của Nga vào Chúa Nhật và sẽ kêu gọi Tổng thống Nga “chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức”.

“Tổng thống đã chuyển đến ông Putin thông điệp mà chúng tôi đã lặp lại ngay từ đầu: chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức, cho phép ngừng bắn và đàm phán, thiết lập hành lang nhân đạo và tiến hành di tản,” phát ngôn viên của Erdogan, Ibrahim Kalin nói với đài truyền hình NTV.

Erdogan được tường trình là đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine “ở cấp độ các nhà lãnh đạo” ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng ông Erdogan nói với Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu Charles Michel rằng thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mọi nỗ lực để đạt được hòa bình.

5. TV RAI của Ý tạm ngừng đưa tin ở Nga

Đài truyền hình công cộng RAI của Ý đang tạm ngừng hoạt động ở Nga,

RAI cho biết cần phải “bảo vệ sự an toàn của các nhà báo tại nơi đó cũng như quyền tự do thông tin tối đa về đất nước.”

Một số tổ chức tin tức quốc tế, bao gồm CNN và Bloomberg, cũng đã đình chỉ hoạt động sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký đạo luật trừng phạt hành vi phát tán “tin giả” với án tù lên đến 15 năm.

Một số trang web tin tức quốc tế, bao gồm DW, BBC và Meduza, không còn truy cập được ở Nga. Hôm thứ Sáu, cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết quyền truy cập vào các trang web đã bị “hạn chế”.

Các đài truyền hình công cộng của Đức cũng ngừng đưa tin từ Nga

Các đài truyền hình công cộng của Đức ARD và ZDF đã tham gia cùng các hãng truyền thông không phải của Nga, bao gồm BBC News và Bloomberg News, đình chỉ việc đưa tin từ Nga.

Động thái này diễn ra sau khi Nga thông qua đạo luật mới dự báo án tù cho bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài, nếu bị phát hiện công bố “thông tin sai lệch” về quân đội và cuộc xâm lược của Nga.

Truyền thông Nga đã được hướng dẫn chỉ lấy thông tin từ các nguồn chính thức, trong đó đề cập đến cuộc xâm lược liên tục của Mạc Tư Khoa vào Ukraine như một “nhiệm vụ đặc biệt”.

6. Liên Hiệp Âu Châu đình chỉ Nga, Belarus khỏi Hội đồng các nước Biển Baltic

Liên minh Âu Châu cho biết họ đã đồng ý với các thành viên khác của Hội đồng các quốc gia Biển Baltic, gọi tắt là CBSS, đã đình chỉ Nga và Belarus khỏi các hoạt động của hội đồng.

“Quyết định này là một phần trong phản ứng của Liên minh Âu Châu và các đối tác cùng chí hướng đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự tham gia của Belarus vào hành động gây hấn vô cớ và phi lý này”.

Liên minh Âu Châu cho biết việc đình chỉ sẽ “vẫn có hiệu lực cho đến khi có thể nối lại hợp tác dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.”

Nga là một trong những nước đồng sáng lập hội đồng và Belarus là quốc gia quan sát viên CBSS. Cơ quan này nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác khu vực.

Ngoài Liên Hiệp Âu Châu, các thành viên khác của hội đồng là Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Latvia, Litva, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển.

7. Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn ở Mariupol, Volnovakha đã kết thúc

Nga cho biết họ đang nối lại các cuộc tấn công vào các thành phố Mariupol và Volnovakha sau khi tạm thời ngừng bắn.

Mạc Tư Khoa cáo buộc Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đối với hai thành phố.

Nga tuyên bố ngừng bắn trước đó trong ngày, trong khi Ukraine tuyên bố rằng các cuộc pháo kích của Nga vẫn chưa dừng lại.

Các nhà chức trách Ukraine cho biết hàng nghìn dân thường vẫn bị mắc kẹt ở hai thành phố phía Nam.

Các nhà chức trách ở Mariupol yêu cầu mọi người trở về nhà của họ

“ Vì lý do an ninh, việc di tản bị hoãn lại, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục với Nga về cách” bảo đảm một hành lang nhân đạo an toàn.

Anh cho biết đề xuất ngừng bắn của Nga có lẽ là một nỗ lực để giảm bớt sự lên án của quốc tế trong khi tạo chi mình cơ hội để bố trí lại lực lượng của mình cho một cuộc tấn công mới.

Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter: “Bằng cách cáo buộc Ukraine vi phạm thỏa thuận, Nga có thể đang tìm cách chuyển trách nhiệm về các thương vong dân sự hiện tại và tương lai trong thành phố”.
 
ĐTC cử hai Hồng Y vào biển nước mắt Ukraine. Ta hãy cùng ngài đọc một Kinh Kính Mừng cho Ukraine
VietCatholic Media
19:23 06/03/2022


Chúa Nhật 6 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 1 Mùa Chay. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu bị ma quỷ thử thách trong hoang địa.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, đưa chúng ta vào hoang địa, nơi Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, suốt bốn mươi ngày, để bị ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4, 1-13). Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ, và Ngài đồng hành với chúng ta, mỗi người trong chúng ta, trong những cơn cám dỗ của chúng ta. Sa mạc tượng trưng cho cuộc chiến chống lại sự dụ dỗ của cái ác, để học cách lựa chọn tự do đích thực. Thật vậy, Chúa Giêsu sống kinh nghiệm trong sa mạc ngay trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Chính nhờ cuộc chiến tâm linh này, Ngài đã xác nhận một cách dứt khoát hình thái Đấng Mêsia mà mình dự định trở thành. Không phải kiểu Mêsia này, mà là kiểu đó: Tôi muốn nói rằng đây thực sự là lời tuyên bố về danh tính Đấng Cứu Thế của Chúa Giêsu, con đường thiên sai của Chúa Giêsu. “Tôi là Đấng Mêsia, nhưng trên con đường này”. Sau đó, chúng ta hãy xem xét kỹ những cám dỗ mà Ngài đang chiến đấu.

Hai lần ma quỷ nói với Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (câu 3: 9). Vì thế, ma quỷ đang đề nghị Ngài khai thác địa vị của mình: trước tiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất mà Ngài cảm thấy, là đói (xem câu 3), sau đó là gia tăng quyền lực của mình (xem câu 6-7); và cuối cùng, để có một dấu hiệu phi thường từ Thiên Chúa (xem câu 9-11). Ba sự cám dỗ. Nó giống như thể ma quỷ đang nói, “Nếu bạn là Con của Thiên Chúa, hãy tận dụng nó!”. Điều này thường xảy ra với chúng ta như thế nào: “Nhưng nếu bạn đang ở vị trí đó, hãy tận dụng nó! Đừng để vuột mất thời cơ”, tức là” nghĩ đến lợi ích của mình trước”. Đó là một lời tán tỉnh quyến rũ, nhưng nó dẫn anh chị em đến sự nô dịch của trái tim: nó khiến chúng ta bị ám ảnh bởi mong muốn có được, nó làm giảm mọi thứ thành sở hữu vật chất, quyền lực, danh vọng. Đây là cốt lõi của những cám dỗ. Nó là “chất độc của những đam mê”, trong đó cái ác bắt nguồn từ đó. Hãy nhìn vào chính mình, và chúng ta sẽ thấy rằng những cám dỗ của chúng ta luôn có suy nghĩ này, cách hành động này.

Nhưng Chúa Giêsu chống lại sự lôi cuốn của cái ác một cách chiến thắng. Làm thế nào để Ngài làm được điều này? Thưa: Bằng cách ứng phó với những cám dỗ bằng Lời Chúa, trong đó nói rằng không lợi dụng, không được lợi dụng Thiên Chúa, người khác và mọi việc cho mình, không lợi dụng địa vị của mình để có được đặc ân. Bởi vì hạnh phúc thực sự và tự do thực sự không được tìm thấy trong việc chiếm hữu, mà ở sự chia sẻ; không phải lợi dụng người khác, mà là yêu thương họ; không phải trong nỗi ám ảnh của quyền lực, nhưng trong niềm vui được phục vụ.

Thưa anh chị em, những cám dỗ này cũng đồng hành với chúng ta trên những chặng đường đời. Chúng ta phải cảnh giác - đừng sợ, điều đó xảy ra với tất cả mọi người - và hãy cảnh giác, bởi vì chúng thường che đậy dưới một hình thức tốt. Thực ra, ma quỷ vốn là kẻ gian xảo, luôn dùng sự lừa gạt. Ma quỷ muốn Chúa Giêsu tin rằng những đề xuất của nó là hữu ích để chứng minh rằng Ngài thực sự là Con Thiên Chúa. Và ma quỷ cũng làm như vậy với chúng ta: nó thường đến với “đôi mắt ngọt ngào”, “với khuôn mặt thiên thần”; nó thậm chí còn biết cách ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, với vẻ bề ngoài tôn giáo!

Và tôi muốn nhấn mạnh một điều. Chúa Giêsu không trò chuyện với ma quỷ: Ngài không bao giờ trò chuyện với ma quỷ. Hoặc là trục xuất nó, khi Chúa Giêsu chữa lành người bị quỷ ám, hoặc trong trường hợp này, khi Ngài phải đáp lại, Ngài đáp lại với Lời Chúa, không bao giờ bằng lời của mình. Hỡi anh chị em, đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ: hắn gian xảo hơn chúng ta. Không bao giờ! Hãy bám vào Lời Chúa như Chúa Giêsu, và nhất là luôn luôn trả lời bằng Lời Chúa. Và trên con đường này, chúng ta sẽ không bao giờ sai lầm.

Ma quỷ làm điều này với chúng ta: nó thường đến với “đôi mắt hiền từ”, “với khuôn mặt thiên thần”; nó thậm chí còn biết cách ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, rõ ràng là tôn giáo! Nếu chúng ta nhượng bộ sự tâng bốc của nó, cuối cùng chúng ta sẽ biện minh cho sự giả dối của mình bằng cách ngụy tạo nó với mục đích tốt. Chẳng hạb, biết bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy những chuyện như thế này:

“Tôi đã làm những điều kỳ cục, nhưng tôi đã giúp đỡ người nghèo”; “Tôi đã lợi dụng vai trò của mình - với tư cách là một chính trị gia, một thống đốc, một linh mục, một giám mục - nhưng cũng vì lợi ích”; “Tôi đã chiều theo bản năng của mình, nhưng cuối cùng, tôi không làm hại bất cứ ai”, những lời biện minh này, v.v., hết lần này đến lần khác. Xin vui lòng: đừng thỏa hiệp với cái ác! Không đối thoại với ma quỷ! Chúng ta không được đối thoại với sự cám dỗ, chúng ta không được rơi vào sự uể oải của lương tâm khiến chúng ta phải thốt lên: “Nhưng xét cho cùng, việc đó không nghiêm trọng, ai cũng làm thế mà”! Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng không tìm kiếm tương nhượng, không thỏa thuận với sự dữ. Ngài chống lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa, Đấng mạnh hơn ma quỷ, và do đó chiến thắng sự cám dỗ.

Ước gì thời gian của Mùa Chay này cũng là thời gian của sa mạc đối với chúng ta. Chúng ta hãy dành thời gian cho sự im lặng và cầu nguyện - chỉ một chút thôi, điều đó sẽ giúp ích cho chúng ta - trong những không gian này, chúng ta hãy dừng lại và nhìn vào những gì đang khuấy động trong trái tim của chúng ta, sự thật bên trong của chúng ta, mà chúng ta biết rằng không thể biện minh được. Chúng ta hãy tìm thấy sự trong sáng bên trong, đặt mình trước Lời Chúa trong lời cầu nguyện, để một cuộc chiến tích cực chống lại cái ác đang nô dịch chúng ta, một cuộc chiến cho tự do, có thể diễn ra trong chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trong sa mạc Mùa Chay và giúp chúng ta trên con đường hoán cải.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.

Tôi thực hiện lời kêu gọi chân thành để các hành lang nhân đạo được bảo đảm thực sự, viện trợ được bảo đảm và tạo điều kiện tiếp cận các khu vực bị bao vây, để cứu trợ thiết yếu cho các anh chị em của chúng ta bị nhậm chìm trong bom đạn và nỗi sợ hãi.

Tôi cảm ơn tất cả những người đang tiếp nhận người tị nạn. Trên hết, tôi khẩn cầu các cuộc tấn công vũ trang chấm dứt và đàm phán - và lẽ phải - sẽ thắng thế. Và luật pháp quốc tế một lần nữa được tôn trọng!

Và tôi cũng xin cảm ơn những nhà báo đã liều mình cung cấp thông tin. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã sử dụng dịch vụ này! Một dịch vụ cho phép chúng tôi tiếp cận với thảm kịch của quần thể đó và cho phép chúng tôi đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Ukraine: chúng ta có những lá cờ trước mặt. Với tư cách là anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ, Nữ Vương Ukraine.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Tòa thánh đã sẵn sàng làm mọi việc, để phục vụ cho nền hòa bình này. Trong những ngày này, hai vị Hồng Y đã đến Ukraine, để phục vụ người dân, để giúp đỡ. Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn, để cung cấp viện trợ cho những người khó khăn, và Đức Hồng Y Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Sự hiện diện của hai vị Hồng Y ở đó không chỉ có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng mà của tất cả những Kitô Hữu muốn xích lại gần nhau hơn và nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ! Làm ơn dừng lại! Hãy nhìn sự tàn nhẫn này! “.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương từ Ý và các nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Concord, California, những người đến từ các thành phố khác nhau ở Ba Lan, và những người từ Cordoba và Sobradiel ở Tây Ban Nha. Tôi chào cộng đoàn của Đại Chủng viện Pháp ở Rôma, cùng với thân nhân của họ, các tín hữu từ Vedano al Lambro, những người trẻ của Saronno, Cesano Maderno, Baggio và Valceresio, giáo phận Milan, và những người Papiano và Cerqueto, giáo phận Perugia. Tôi gửi lời chào đến các nhà tài trợ tình nguyện của Cảnh sát Nhà nước Ý, cũng như những người tham gia cuộc hành hương để kỷ niệm chuyến thăm Iraq của tôi, cách đây đúng một năm.

Chiều nay, cùng với các cộng tác viên của Giáo triều Rôma Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay sẽ bắt đầu. Chúng tôi cầu nguyện cho mọi nhu cầu của Giáo hội và gia đình nhân loại. Và anh chị em cũng vậy, hãy cầu nguyện cho chúng tôi.

Xin chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tràn đầy may mắn và một con đường Mùa Chay được kết quả! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office