Ngày 06-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hướng Thượng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:41 06/03/2020
Hướng Thượng

Chúa Nhật II Mùa Chay A

Chủ đề chính của bài Tin Mừng Chúa Nhật I mùa Chay cả ba năm A - B - C đều tập trung vào chủ đề “các chước cám dỗ”. Và bài Tin mừng Chúa Nhật II mùa Chay của cả ba năm A - B - C cũng tập trung vào một chủ đề “lên núi cao, Chúa biến hình”. Dưới cái nhìn tổng quát thì hình như Hội Thánh muốn chúng ta khởi đầu mùa chay thánh bằng sự gột bỏ những gì là “tiêu cực” do thần dữ cám dỗ để rồi cùng với Chúa Giêsu lên núi cao mà phát triển điều “tích cực” là cái nhìn và con tim của chúng ta.

Càng lên cao, tầm nhìn càng thêm bao quát là một điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Những người được dịp lên núi cao hay đã từng sử dụng phương tiện hàng không đều không khỏi bị cám dỗ phóng tầm nhìn đến quang cảnh chung quanh hay bên dưới. Quả thật, với cuộc sống thường nhật kiểu tà tà sát mặt đất thì luôn có đó nhiều điều rất cụ thể vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta. Và cũng từ cái nhìn hướng đến các vật thể trong thực tế vốn bị giới hạn thì chúng ta cũng có thể bị hạn chế tầm nhìn trong những lãnh vực “phi vật thể”. Chính vì thế, khi có dịp thuận tiện, người ta thường đến những nơi quang đãng hay lên chỗ cao, không chỉ để hít thở không khí trong lành mà còn được dịp phóng tầm nhìn bao quát hơn, rộng mở hơn.

Hãy lên cao! Càng lên cao, tâm hồn càng khoáng đạt hơn, rộng mở hơn. Các tu sĩ, đúng hơn là các đan sĩ trong truyền thống Kitô giáo nói riêng và trong các tôn giáo nói chung thường chọn những nơi cao để làm chốn tu tập. Càng lên cao thì lòng ta dường như càng nhẹ nhàng, thanh thoát và khoáng đạt hơn. Bài Tin Mừng Chúa Nhật II mùa Chay tường thuật sự kiện Chúa Kitô đưa ba môn sinh lên núi cao. Các sự kiện xảy ra trên núi Tabôrê ngày ấy dễ làm chúng ta dán mắt vào việc Chúa biến hình oai nghiêm sáng láng. Dĩ nhiên, chúng ta nhìn nhận việc Chúa Kitô tỏ ánh vinh quang của Người là để củng cố niềm tin cho các môn đệ thân tín. Tuy nhiên xin đừng quên nội dung câu chuyện đàm đạo giữa Chúa Kitô với Môsê và Êlia. Đó là cuộc tử nạn mà Chúa Kitô sẽ phải chịu tại Giêrusalem. Đây chính là đỉnh cao hay là điểm tới của tình yêu mà Chúa Kitô tỏ bày cho nhân loại là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).

Tình yêu làm phát sinh tình yêu. Lòng quảng đại làm triển nở lòng quảng đại. Quy luật tác động dây chuyền đã thể hiện hiệu năng ở lãnh vực này. Bị thúc bách một cách nào đó, Phêrô vội lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy muốn, chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Êlia” (Mt 17,4). Thế còn Phêrô và hai người bạn đồng môn là Giacôbê và Gioan sẽ ở đâu? Giả như Chúa Giêsu chấp thuận lời thỉnh cầu của thánh Phêrô thì tối hôm ấy, ba môn đệ của Người hẳn phải ở ngoài trời, trên cây hay trong bụi bờ nào đó. Tuy nhiên điều chúng ta chợt khám phá ở đây, đó là khi lên cao, được chiêm ngắm phần nào vinh quang của Thầy Giêsu thì tâm hồn của Phêrô đã mở ra. Ngài như quên hẳn mình đi.

Dệt xây một tâm hồn biết hướng thượng: Nếu hạn hẹp sự lên cao ở phạm trù không gian thì không biết bao người đã lên quá cao mà tâm hồn vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Với công nghệ hàng không hiện đại như hôm nay, rất nhiều người đã từng lên rất cao so với mặt đất. Theo thống kê thì mỗi ngày có hàng ngàn chuyến bay xuyên lục địa. Những người có điều kiện sử dụng phương tiện hàng không, thường là những người của tiền dư dả, ít ra là không thiếu. Thế nhưng lời cảnh giác của Chúa Kitô vẫn còn đó: người giàu có thì khó vào Nước trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24). Dù đã lên cao nhưng trái tim của nhiều người vẫn có thể chưa rộng mở. Như thế việc lên cao chỉ là một trong những phương thế, một trong những nguyên cớ để có được lòng hướng thượng.

Người có tâm hồn biết hướng thượng là người biết khao khát những giá trị cao cả, tốt đẹp trên những sự tốt đẹp bình thường mà nhiều người vẫn hằng tìm kiếm. Họ không dừng lại với chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, không dừng lại với chức quyền, danh phận hay lạc thú trần gian cách ích kỷ. Trái tim của họ luôn ấp ủ số phận của nhiều người. Tầm nhìn của họ luôn vượt quá những gì đang trông thấy. Khát mong của họ luôn vươn tới những giá trị vĩnh cửu, trường tồn… Có thể gọi họ là người sống có lý tuởng, muốn cống hiến hơn là tìm cách hưởng thụ.

Các chuyên gia xã hội học, các nhà đạo đức ngày nay đều có chung nhận định rằng con người, cách riêng giới trẻ hôm nay, trên thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng đang mất dần sự hướng thượng, chí cống hiến. Cùng với công nghệ hiện đại, ngành quảng cáo tiếp thị như đang tiếp sức xây dựng một lối sống hưởng thụ vị kỷ. Người người đua nhau kiếm tiền để hưởng thụ ích kỷ. Công ăn việc làm, đúng hơn là thu nhập tiền bạc như đang là mục tiêu của việc học tập của giới trẻ hôm nay mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định là “não trạng duy kinh tế” (x.Thư chung HĐGM VN năm 2007 số 11; 12). Chính vì thế mà chí cống hiến, sự hướng thượng ngày càng mai một.

Để lên cao, đúng hơn là để có tâm hồn hướng thượng cần thiết phải rủ bỏ nhiều vướng bận gây cản trở. Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế ký gợi mở ý tưởng là hãy ra đi. Giavê Thiên Chúa mời gọi Abraham ra đi: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Tuổi đời đã 75, trên mức xưa nay hiếm, đang chưa có người nối dõi tông đường, cùng với nghề chăn nuôi súc vật, thế mà ra đi đến nơi chưa từng biết, quả là một quyết định thiếu chín chắn và liều lĩnh. Nếu gọi quyết định ấy là dại dột hay điên rồ thì cũng không ngoa. Vậy mà Abraham đã ra đi theo lời Chúa gọi. Thế nhưng với cái quyết định liều lĩnh hay điên rồ ấy thì một thời kỳ mới của công trình cứu độ đã mở ra. Phải nhìn nhận rằng dù tuổi đã cao nhưng tâm hồn Abraham luôn ấp ủ những gì tốt đẹp hơn, cao hơn nữa.

Mùa chay thánh đã về, Kitô hữu chúng ta không được phép dừng lại ở việc sám hối, ăn năn về tội lỗi đã phạm mà còn phải dệt xây tấm lòng hướng thượng với chí cống hiến cao đẹp. Trong nông nghiệp, không ai làm cỏ chỉ để cho mảnh đất sạch sẽ mà là để trồng tỉa các loại cây hữu ích. “Anh em hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8). Lời của thánh Gioan Tẩy giả một cách nào đó thúc bách ta không ngừng lên cao, hướng thượng để cùng với Chúa Kitô sau khi xuống núi thì “cương quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đẹp như nam thần Giêsu
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:31 06/03/2020


Tuần này Phúc Âm kể chuyện Đức Giêsu biến hình vinh quang rạng ngời vẻ đẹp thần thánh. Đẹp quá khiến cho Phêrô ngất ngây thưa với Chúa rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!” Theo ngôn ngữ thời nay thì vẻ đẹp của Chúa đã làm cho trái tim Phêrô điêu đứng thốt lên: Wow, nam thần Giêsu!

Vẻ đẹp thần thánh của Chúa Giêsu khi biến hình giúp cho những người theo Chúa đẹp hơn. Không chỉ là vẻ đẹp hình dáng bên ngoài, mà còn là vẻ đẹp tâm hồn bên trong, đẹp nhất là hình ảnh Thiên Chúa vinh quang nơi mỗi người được tỏ lộ.

Đi theo Chúa để được đẹp. Được thế thì còn gì bằng. Chúa là Đấng tuyệt mỹ nên gần Ngài, vâng nghe lời Ngài thì tâm hồn ta cũng sẽ đẹp lên bởi vì: “gần đèn thì sáng.” Tâm hồn đẹp thì dung nhan cũng sẽ đẹp. Vẫn là khuôn mặt mộc bình thường thôi, nhưng khi tâm hồn ta vui vẻ, yêu thương, thánh thiện thì sẽ khiến cho nét mặt nhẹ nhàng, hớn hở, rạng rỡ, đẹp hẳn lên, trông thật đáng yêu.

Xã hội ngày nay đề cao cái đẹp, người ta đua nhau làm đẹp. Ai cũng thích đẹp. Tuy nhiên, cần phải để ý điều này: muốn có thân hình đẹp đẽ thì cần phải trải qua đau đớn. Muốn đẹp phải chịu đau. Để thân xác đẹp người ta phải hãm mình ăn kiêng để giữ eo thon thả, phải đổ mồ hôi tập luyện để thân hình săn chắc, bụng 6 múi, có khi phải phẫu thuật thẩm mỹ đau đớn đắt đỏ để có khuôn mặt như ý. Thế thì, để linh hồn đẹp đẽ chúng ta cũng không thể tránh khỏi đau đớn của hy sinh hãm mình, của từ bỏ cho đi, của cậy trông phó thác. Muốn có vinh quang phục sinh thì phải trải qua thương khó sự chết. Vì thế, sự kiện Chúa biến hình vinh quang là câu trả lời cho thắc mắc: “Theo Chúa cứ phải hy sinh hãm mình thì được cái gì?” Được đẹp cả hồn lẫn xác, được vui hưởng phúc phục sinh muôn đời, chứ còn gì nữa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ca nhiễm coronavirus đầu tiên được xác nhận tại Vatican. Tòa Thánh đình chỉ các dịch vụ y tế ngoại trú.
Đặng Tự Do
06:03 06/03/2020
Trước trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên được xác nhận tại Vatican, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã tuyên bố vào hôm thứ Sáu rằng tất cả các dịch vụ y tế ngoại trú được cung cấp bởi Cục Y tế và Vệ sinh Quốc gia Vatican đã bị đình chỉ để làm tổng vệ sinh cơ sở.

Ông Matteo Bruni cho biết thêm là các hoạt động sơ cứu khẩn cấp của Vatican vẫn tiếp tục hoạt động.

“Sáng nay, tất cả các dịch vụ ngoại trú của Cục Y tế và Vệ sinh Vatican đã tạm thời bị đình chỉ để vệ sinh môi trường sau khi xét nghiệm dương tính COVID-19 được tìm thấy ngày hôm qua nơi một bệnh nhân. Tuy nhiên, cơ sở sơ cứu vẫn đang hoạt động,” ông nói.

“Ban Giám đốc Cục Y tế và Vệ sinh Vatican đang thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Ý, và trong lúc này, đang kích hoạt các giao thức vệ sinh được dự liệu.”

Kể từ năm 1929, khi Tòa Thánh ký kết Hiệp ước Lateranô với Ý, Vatican đã cung cấp một cơ sở chăm sóc ngoại trú cho các nhân viên của mình và các cư dân trong Quốc gia Thành Vatican, nằm bên cạnh Nhà thuốc Vatican.

Phòng khám vừa bị đóng cửa nằm bên trong Vatican, nơi có khoảng 1,000 cư dân. Phòng khám được sử dụng bởi các linh mục, cư dân và nhân viên, bao gồm cả những người hiện đã nghỉ hưu, cũng như người thân của họ.

Vatican đang liên lạc với tất cả những người đã đến phòng khám này gần đây.

Không có chi tiết nào được cung cấp về việc người thử nghiệm dương tính là nhân viên của Vatican hay là một giáo sĩ hay một thành viên trong đoàn hiến binh hay đoàn ngự lâm quân Thụy sĩ.

Năm 2018, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một cơ sở ngoại trú khác cũng đã được mở tại quảng trường Thánh Phêrô, để chăm sóc cho người vô gia cư, người di cư và người tị nạn và những người khác tụ tập tại khu vực xung quanh quảng trường.

Mặc dù thông báo hôm Thứ Sáu 6 tháng Ba đánh dấu trường hợp coronoavirus đầu tiên liên quan đến Vatican, đến nay Ý vẫn là tâm chấn của dịch bệnh này tại Âu châu. Tính đến tối thứ Năm, các số liệu chính thức mới nhất đã báo cáo tổng cộng 3,858 trường hợp nhiễm bệnh, 414 trường hợp khỏi bệnh và 148 người chết. Độ tuổi trung bình của nạn nhân coronavirus ở Ý là 81, và hai phần ba trong số những người đã chết được báo cáo là có tiền sử bệnh.

Lo ngại về sự lây lan của virus gần đây đã khiến Thủ tướng Ý Giuseppe Conte công bố một loạt các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đóng cửa các trường từ mẫu giáo đến đại học cho đến ngày 15 tháng 3, cũng như các sự kiện thể thao, bao gồm cả những trận bóng đá Serie A rất thu hút người Ý.

Những lo ngại về việc lây lan coronavirus cũng đã buộc Giáo Hội Công Giáo tại Ý phải cắt giảm các hoạt động của mình, ví dụ như Giáo phận Rome, đã tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động không thuộc lãnh vực phụng vụ như giáo lý, chuẩn bị hôn nhân và mục vụ giới trẻ.

Hôm thứ Năm, ông Bruni cho rằng có lẽ Vatican cũng phải tính đến việc thực hiện các biện pháp tương tự. Ông nói với các phóng viên rằng “liên quan đến các hoạt động sắp tới của Đức Thánh Cha, Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican, các biện pháp đang được nghiên cứu để ngăn chặn sự lây lan của Covid- 19”.

Ông Bruni nhấn mạnh rằng mọi biện pháp Vatican đưa ra sẽ được thực hiện phối hợp với các biện pháp của chính quyền Ý.


Source:Crux
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:43 06/03/2020
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.

Ngày nay các vị nguyên thủ quốc gia, các vị bộ trưởng chính phủ các nước hay vùng miền thường hay có những cuộc họp thượng đỉnh bàn thảo về những việc thời sự chính trị kinh tế, nhất là khi có khủng hoảng xảy ra như hiện thời về bệnh dịch do vi trùng Corona gây ra đang lây lan truyền nhiễm đe dọa lan rộng khắp nơi trên thế giới.

Trong nếp sống đức tin đạo Công Giáo cũng có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh không chỉ diễn trong dòng thời gian lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở trần gian, như các Công đồng họp ở Vatican giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám mục toàn cầu. Nhưng cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần thứ nhất đã diễn ra từ trước khi Giáo hội Chúa được thành lập ở trần gian cách đây hơn hai ngàn năm.

Đó là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Chúa Giêsu Kitô, Tiên Tri tổ phụ Mose và Tiên tri Elia.

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này đã diễn ra trên đỉnh núi cao Tabor bên nước Do Thái. Ngọn núi này cao 588 mét trên mực nước biển, tọa lạc ở vùng Galileo phía bắc nước Do Thái.

Ngay từ thời xa xưa hai ngàn năm trước Chúa giáng sinh, dân chúng vùng Canaan đã lập đền thờ kính Thần Baal của họ trên núi Tabor.

Theo sử sách và khoa khảo cổ từ thế kỷ 6. sau Chúa giáng sinh đã có ba thánh đường được xây dựng trên núi này, và đến thế kỷ thứ 9. có tới bốn thánh đường trên núi này.

Năm 1099 các Tu sĩ dòng Benedicto đã đến núi này thành lập cơ sở tu viện nhà Dòng. Nhưng sau đó bị xâm chiếm phá hủy. Sau những lần thay đổi chủ về phươmg diện chính trị tôn giáo giữa Hồi giáo và Thập tự quân thế kỷ 12, và 13. kéo dài, nên các cơ sở thánh đường cũng như tu viện bị phá hủy trở thành hoang vắng. Đến năm 1921-1923 các Tu sĩ dòng Phanxico đã đến đây xây dựng lại thánh đường to lớn nguy nga do Kỹ sư Anton Barluzzi vẽ thiết kế như có hiện nay.

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh của ba nhân vật trên núi Tabor đã sống trải qua con đường sa mạc hoang vu nói lên khía cạnh thiêng liêng con đường chịu đựng đau khổ trong hoang mang.

Tiên tri tổ phụ Mose là người được Thiên Chúa ủy thác trao cho nhiệm vụ dẫn dân Israel từ Aicập trở về quê hương đất nước Chúa hứa ban đã ròng rã đi trong sa mạc hoang vu 40 năm. Trong cuộc xuất hành này Mose đã phải leo lên núi Sinai gặp Thiên Chúa Giave, và Thiên Chúa tin tưởng trao cho Mose tấm bia 10 điều răn của Thiên Chúa làm giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel.

Con đường đời sống của Mose với dân Israel đi trong sa mạc là con đừơng sỏi đá leo lên xuống núi có nhiều nguy hiểm đau khổ, nhưng sự tin tưởng vào Thiên Chúa là con đường cứu rỗi dẫn đến đích điểm về tới quê hương Chúa hứa ban.

Trên núi Nebo gần vùng biến giới đất Chúa hứa ban, Tiên tri tổ phụ Mose đã được nhìn thấy trước mắt mình miền đất quê hương Thiên Chúa hứa cho dân Israel. Tuy Mose không được đặt chân vào vùng đất Chúa hứa ban, nhưng trước khi qua đời Mose đã cảm nhận ra rằng Thiên Chúa trung thành giữ lời hứa của Người, cho dù có những khi đời sống xảy ra hoàn toàn khác không như con người nghĩ tưởng mong chờ.

Tiên tri Elia, một vị tiên tri lớn của dân Israel, cũng đã sống trải kinh nghiệm tương tự. Vị tiên tri này một mình trung thành với Giave Thiên Chúa chống trả lại Thần Baal và những lễ nghi thờ kính thần ngoại gíao thời đó. Tiên tri Elia bị phản bội, ông phải đi trốn vào sa mạc, ông cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng sau cùng ông được Thiên Chúa nâng đỡ sai Thiên Thần đến cho ăn uống nuôi sống cho có sức khoẻ đi vượt đường xa đến núi Horeb gặp được Thiên Chúa nhìn thấy vinh quang của Người.

Qua đó Tiên tri Elia cảm nhận ra rằng Thiên Chúa đã luôn hướng dẫn đồng hành với mình cho vượt qua khỏi những thời lúc khó nặng nề cô đơn, những lúc mất sức lực nhuệ khí lòng can đảm.

Phúc âm không thuật lại cuộc đàm đạo của ba nhân vật trong cuộc gặp thượng đỉnh trên núi Tabor, họ đã nói gì với nhau. Nhưng có thể hiểu ra rằng, cũng tương tự giống như Mose và Elia đã sống trải qua, Chúa Giêsu cũng gặp hoàn cảnh chao đảo nghi nan về con đường chính thật đời sống với Thiên Chúa Cha trao cho mình: con đường thập gía hy sinh mạng sống vì phần rỗi linh hồn nhân loại.

Nơi cuộc gặp gỡ thượng đỉnh trên núi Tabor, Chúa Giesu đã nghe được tiếng Thiên Chúa Cha nói với mình như lời chứng nhận bảo đảm cho con đường đời sống: „Đây là con yêu dấu đẹp lòng Ta, hãy nghe lời người!“

Lời này là Chúa Giêsu cũng đã nhận được ngày lãnh nhận nước rửa tội ở bờ sông Jordan năm xưa, khi Chúa Giêsu được Ông Thánh Gioan tẩy giả làm phép rửa cho.

Lời của Thiên Chúa cha từ trời nói vọng xuống khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ngày xưa ở bờ sông Jordan là lời sai đi của Thiên Chúa Cha cho Chúa Giesu khởi đầu sứ mạng truyền giáo ở trần gian.

Và lời Thiên Chúa Cha nói trên núi Tabor là lời chứng nhận củng cố sai đi bước vào cuộc khổ nạn thương khó chịu khổ hình thập gía chịu chết.Và sau cùng Chúa Giêsu được sống lại mang ơn cứu rỗi cho linh hồn con người khỏi hình phạt tội tổ tông xưa.

Trên đỉnh núi Tabor cuộc gặp gỡ thượng đỉnh mang ý nghĩa tầm vóc cao cả quan trọng không phải ở nơi chốn trên núi cao, nhưng với ba nhân vật cao cấp nhất trong đạo Chúa Giêsu Kitô, Tiên tri tổ phụ Mose và Tiên tri Elia, và họ nói chuyện về việc cao cả thiêng liêng về kinh nghiệm đời sống đạo đức tin tưởng vào Thiên Chúa trong đời sống. ( Phúc âm Thánh Mattheo 17, 1-9).

Mùa chay mời gọi con người suy nghĩ nhìn về con đường đời sống mình. Chắc chắn trong đời sống đã hay đang cùng sẽ có nhiều lần lâm vào hoàn cảnh gặp khó khăn đi trong hoang mang, bơ vơ, tưởng chừng như bị bỏ rơi.

Nhưng như Mose, Elia và Chúa Giêsu, chính trong những lúc khó khăn chao đảo nghi nan đó, Thiên Chúa luôn có mặt ra tay nâng đỡ cho có sức khoẻ nhuệ khí tỉnh vực dậy đi tiếp con đường đời sống vượt qua những thử thách hoang mang, như trong hoàn cảnh hiện tại vì bệnh dịch Covid 19 gây ra hoang mang chao đảo.

Thiên Chúa luôn trung thành không bỏ rơi ai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther 3
Vũ Văn An
16:46 06/03/2020
Các bạn sẽ hỏi, “Nếu mọi người trong Giáo Hội đều là linh mục cả, thì những vị hiện chúng ta gọi là linh mục khác người giáo dân ra sao?” Tôi xin trả lời: Quả là bất công khi những chữ như “linh mục”, “giáo sĩ”, “thiêng liêng”, “người của giáo hội” (ecclesiastic) được chuyển từ mọi Kitô hữu sang ít vị mà do việc dùng tai hại được gọi là “người của giáo hội”. Thánh Kinh không hề đưa ra sự phân biệt giữa họ này, mặc dù có dùng các chữ “thừa tác viên”, “đầy tớ”, “người quản lý” để chỉ những người nay tự hào gọi là giáo hoàng, giám mục và ngài (lords) và đều là những người, theo thừa tác vụ Lời Chúa, nên phục vụ người khác và giảng dậy họ đức tin vào Chúa Kitô và tự do của các tín hữu. Mặc dù tất cả chúng ta đều là linh mục ngang nhau, nhưng tất cả chúng ta không thể công khai thừa tác và giảng dậy được. Chúng ta không nên làm vậy dù có thể. Thành thử Thánh Phaolô từng viết trong 1Cr 4:1 rằng “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, việc quản lý trên nay đã phát triển thành một cuộc trình diễn quyền lực lớn lao và một sự chuyên chế khủng khiếp đến nỗi không một đế quốc ngoại giáo hay một quyền lực trần gian nào khác có thể so sánh bằng, như thể các giáo dân không phải là Kitô hữu nữa. Với sự bóp méo này, nhận thức về ơn thánh, đức tin, tự do của Kitô Giáo, và cả về Chúa Kitô hoàn toàn sụp đổ và thay thế cho nó là cái ách việc làm không chịu nổi của con người và lề luật cho tới khi chúng ta trở thành, như Ai Ca của Giêrêmia từng nói, tôi đòi cho những kẻ xấu xa nhất trên trần gian, những kẻ lạm dụng số phận không may của ta để chỉ phục vụ duy nhất ý muốn hèn hạ và đáng xấu hổ của họ.

Trở lại với các mục đích của chúng ta, tôi tin rằng ngày nay ai cũng đã hiểu rõ rằng giảng giải về việc làm, đời sống và lời nói của Chúa Giêsu như những sự kiện lịch sử là điều không đủ và không có nghĩa Kitô giáo, như thể biết được những điều này đã đủ cho tác phong hướng dẫn đời mình; thế nhưng, đây là thời thượng nơi những người được kể là những nhà giảng thuyết hay nhất thời ta. Càng thiếu sót hơn nữa khi không giảng dậy chi về Chúa Kitô và thay vào đó, đi giảng dậy lề luật của con người và các sắc chỉ của cha ông. Hiện nay không ít người giảng giải về Chúa Kitô và đọc về Người để đánh động người ta có thiện cảm với Chúa Kitô và ghét bỏ người Do Thái, và những điều vô nghĩa có tính con nít và đàn bà như thế. Đúng hơn, Chúa Kitô phải được giảng giải đến cùng để đức tin vào Người được củng cố, tin rằng không những Người là Chúa Kitô, mà còn là Chúa Kitô của bạn và của tôi và những điều được nói về Người và biểu thị nhân danh Người có thể có hiệu quả trong chúng ta. Đức tin như thế được phát sinh và duy trì trong ta nhờ rao giảng tại sao Người đã đến, Người đem đến và ban phát những gì, sẽ được ơn ích chi nếu ta tiếp nhận Người. Điều này được thực hiện khi tự do của Kitô hữu, thứ tự do Người ban phát được giảng dậy một cách đúng đắn và chúng ta được nghe bằng cách nào chúng ta hết thẩy đều là vua, đều là tư tế và, do đó, đều là chúa muôn loài và tin vững vàng rằng bất cứ làm gì, điều này cũng làm Thiên Chúa vui lòng và có thể chấp nhận trước nhan Thiên Chúa, như tôi đã nói.

Liệu có người nào khi lòng, được nghe những điều trên, lại không hân hoan đến tận đáy, và khi nhận được niềm an ủi như thế lại không dịu dàng để yêu Chúa Kitô như chưa bao giờ yêu đến thế bằng bất cứ lề luật hay việc làm nào? Ai có sức gây hại hay làm khiếp sợ một cõi lòng như thế? Nếu việc biết tội và sợ chết có lẻn vào nó chăng nữa, nó vẫn sẵn sàng trông vậy vào Chúa. Nó sẽ không sợ hãi khi nghe những tin tức xấu. Nó sẽ không bối rối khi thấy địch thù. Được như thế vì nó tin rằng sự chính trực của Chúa Kitô là sự chính trực của chính nó và tội lỗi của nó không phải của nó nữa mà là của Chúa Kitô, và mọi tội lỗi đều được sự chính trực của Chúa Kitô nuốt chửng. Như đã nói trên đây, đó là hậu quả tất yếu của đức tin vào Chúa Kitô. Do đó, trái tim ta học được cách chế giễu sự chết và tội lỗi và nói như thánh Tông đồ rằng “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 15:55-57). Sự chết đã bị nuốt chửng không những trong chiến thắng của Chúa Kitô mà còn bởi chiến thắng của chính chúng ta nữa, vì, nhờ đức tin, chiến thắng của Người đã trở thành chiến thắng của chính chúng ta và trong đức tin ấy, chúng ta cũng là những người chiến thắng.

Hãy để điều đó đủ với chúng ta liên quan tới con người bên trong, tới tự do của họ, và là nguồn tự do của họ, sự chính trực của đức tin. Con người này không cần lề luật cũng như các việc làm tốt nhưng, trái lại, bị thương tích bởi chúng nếu họ tin rằng họ được công chính nhờ chúng.

Giờ đây, chúng ta hãy hướng qua phần thứ hai, con người bên ngoài. Ở đây, ta sẽ trả lời cho tất cả những ai, bị xúc phạm bởi chữ “đức tin” và bởi những điều đã được nói trên đây, nay lên tiếng hỏi “nếu đức tin làm mọi điều và một mình nó đủ để được công chính, thì tại sao lại có lệnh truyền phải làm các việc tốt? Chúng tôi sẽ thoải mái chả cần phải làm việc gì và hài lòng với đức tin mà thôi”. Tôi xin trả lời: không phải thế, hỡi những kẻ xấu xa, không phải thế. Quả thích đáng nếu chúng ta là những con người hoàn toàn bên trong và hoàn toàn tâm linh. Nhưng chúng ta chỉ được như thế vào ngày sau hết, ngày kẻ chết sống lại. Bao lâu còn sống trong thân xác, chúng ta chỉ bắt đầu thực hiện tiến bộ trong điều sẽ trở thành hoàn hảo trong cuộc sống tương lai. Vì lý do này, Thánh Tông đồ, trong Rm 8:23, gọi tất cả những gì chúng ta có thể đạt được ở đời này là “các hoa trái đầu tiên của Thần khí” vì quả thực chúng ta sẽ nhận được phần lớn hơn, thậm chí sự viên mãn của Thần khí, trong tương lai. Đây là nơi để quả quyết rằng điều đã nói trên đây, tức việc Kitô hữu là đầy tớ mọi người và phải phục tùng mọi người. Bao lâu là người tự do, họ không thực hiện việc làm nào cả, nhưng bao lâu họ là đầy tớ, họ làm đủ loại việc làm. Chúng ta sẽ thấy tại sao lại như thế.

Như tôi đã thưa, dù một người được đức tin công chính hóa dư đầy và đầy đủ ở bên trong, trong tinh thần của họ, và do đó, có đủ những điều cần thiết, ngoại trừ việc đức tin này và những châu báu này phải mỗi ngày mỗi tăng trưởng, thậm chí cho tới đời sau, thì họ vẫn còn sống trong cuộc sống tử sinh này trên mặt đất. Ở đời này, họ phải kiểm soát thân xác họ và phải cư xử với mọi con người khác. Ở đây, các việc làm phải khởi đầu; ở đây, con người không thể hưởng nhàn; ở đây, quả thực họ phải lưu ý ra kỷ luật cho thân xác họ bằng ăn chay, canh chừng, lao động, và các kỷ luật hữu lý khác và bắt nó tùng phục Thần Khí nhằm để nó vâng theo và sống phù hợp với con người bên trong và đức tin chứ không nổi loạn chống đức tin và cản trở con người bên trong, như bản chất của thân xác quen làm nếu không bị kiểm soát. Con người bên trong, tức con người do đức tin, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vừa hân hoan vừa hạnh phúc nhờ Chúa Kitô, Đấng mà trong Nguời nhiều ơn phúc đã được ân ban cho họ; và, do đó, bận tâm số một của họ là phụng sự Thiên Chúa một cách hân hoan mà không nghĩ gì tới lợi lộc, trong yêu thương không hạn chế.

Trong khi làm như thế, quả họ gặp một ý chí ngược hẳn lại trong chính xác thịt họ, một xác thịt luôn muốn phụng sự thế gian và tìm các lợi điểm của thế gian. Tinh thần đức tin không thể dung thứ cho điều đó, nhưng với lòng nhiệt thành hân hoan, tinh thần này tìm cách bắt thân xác phải bị kiểm soát, phải chịu kiềm chế, như Thánh Phaolô đã viết trong Rm 7:22-23, “Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội lỗi” và ở một nơi khác, “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27) và trong Gl 5:24, “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”.

Tuy nhiên, khi thực hiện các việc làm ấy, chúng ta không nên nghĩ người ấy được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa nhờ chúng, vì đức tin, một mình nó là sự chính trực trước mặt Thiên Chúa, không thể chịu đựng được một ý kiến sai lạc như thế. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu ra rằng những việc làm này bắt thân xác phải tùng phục và thanh tẩy nó khỏi các thèm muốn xấu xa, và toàn bộ mục đích của chúng ta được điều hướng duy nhất vào việc xua trừ lòng thèm muốn. Vì nhờ đức tin, linh hồn được thanh tẩy và được tạo dựng để mến yêu Thiên Chúa, nên nó muốn rằng mọi sự, nhất là thân xác của chính nó, phải được thanh tẩy để mọi sự cùng tham gia với nó trong việc mến yêu và ca ngợi Thiên Chúa. Do đó, con người không thể ở không, vì nhu cầu thân xác họ thúc đẩy họ và họ buộc phải làm nhiều việc làm tốt để bắt nó phải tùng phục. Tuy thế, chính các việc làm không công chính hóa họ trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ thực hiện các việc làm vì tình yêu tự phát trong vâng phục Thiên Chúa và không xem xét điều gì ngoại trừ việc Thiên Chúa chấp thuận, Đấng mà họ vâng lời nhiệm nhặt trong mọi sự.

Nhờ cách trên, mọi người dễ dàng có khả năng học được cho mình cách giới hạn và thận trọng, như người ta thường nói, trong việc kiểm soát thân xác mình, vì họ sẽ ăn chay, canh chừng, và lao động bao lâu họ thấy đủ để cưỡng chế tính dâm dật và thèm muốn trong thân xác họ. Nhưng những người cho rằng mình được công chính hóa nhờ việc làm không xem xét việc kiểm soát lòng thèm muốn, nhưng chỉ nghĩ tới chính các việc làm và nghĩ rằng họ chỉ cần làm càng nhiều việc làm và những việc làm càng lớn càng tốt, là họ đã làm tốt và trở nên công chính. Đôi khi, thậm chí họ còn làm quẫn trí họ và phá hủy sức mạnh và việc làm của họ, hay ít nhất làm chúng trở nên vô dụng. Quả là đỉnh cao của rồ dại và hoàn toàn không biết gì tới sự sống và đức tin Kitô giáo khi một ai đó tìm cách được công chính hóa và cứu rỗi nhờ việc làm chứ không nhờ đức tin.

Muốn cho những điều chúng ta vừa nói dễ hiểu hơn, ta nên giải thích bằng các thí dụ sau đây. Chúng ta nên nghĩ tới các việc làm của một Kitô hữu được đức tin công chính hóa và cứu rỗi nhờ lòng thương xót nguyên tuyền và tự ý của Thiên Chúa, khi nghĩ tới các việc làm của Ađam và Evà trong Địa Đàng, và mọi con cháu của họ nếu họ không phạm tội. Ta đọc trong St 2:15: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”. Ta thấy Ađam được Thiên Chúa dựng nên là người công chính, chính trực, không có tội để ông không cần được công chính hóa và trở thành chính trực qua việc cày cấy và canh giữ đất đai; nhưng để ông khỏi ở không, Chúa đã cho ông một nhiệm vụ phải làm, là cày cấy và canh giữ đất đai. Nhiệm vụ này có lẽ quả là một việc làm tự do nhất, thực hiện chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa, chứ không để nhận được sự công chính hóa, một điều Ađam đã có đầy đủ và đáng đã là sinh quyền của mọi người chúng ta.

Các việc làm của một tín hữu cũng giống như thế. Nhờ đức tin của họ, họ được phục hồi trong Địa Đàng và được tái tạo, không cần việc làm để trở nên hay được công chính hóa; nhưng để họ khỏi ở không và cung ứng cho và duy trì thân xác họ, họ phải làm những việc làm như thế một cách tự do để làm vui lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa hoàn toàn được tái tạo, và đức tin và đức mến của ta chưa hoàn hảo, những việc làm này cần được gia tăng, không phải bằng các việc làm bên ngoài, mà bằng chính chúng.

Thí dụ thứ hai: một Giám Mục, khi thánh hiến một nhà thờ, ban phép thêm sức cho các trẻ em hay thực thi một nhiệm vụ nào khác vốn thuộc chức vụ của ngài, không trở thành Giám Mục nhờ những việc làm ấy. Thực vậy, nếu ngài không được bổ nhiệm làm Giám Mục trước đó, thì không việc làm nào trong số này có giá trị cả. Chúng chỉ là trò ngớ ngẩn, trẻ con, và lố bịch. Do đó, một Kitô hữu từng được thánh hiến nhờ đức tin của mình, thực hiện nhiều việc làm tốt, nhưng các việc làm này không làm họ trở thành thánh thiện hơn hay Kiô hữu nhiều hơn, vì đó là việc làm của một mình đức tin mà thôi. Và nếu một ai đó, trước nhất, không phải là một tín hữu và là một Kitô hữu, mọi việc làm của họ chẳng ăn nhằm chi và có thể chỉ là tội lỗi xấu xa và đáng kết án.

Các tuyên bố sau đây, vì thế, rất đúng: “Các việc làm tốt không làm nên một người tốt, nhưng một người tốt làm những việc làm tốt; các việc làm xấu không làm nên một người xấu, nhưng một người xấu làm những việc làm xấu”. Thành thử, điều luôn cần là bản chất hay chính con người phải tốt trước khi có bất cứ việc làm tốt nào, và các việc làm tốt theo sau và phát xuất từ một con người tốt, như chính Chúa Kitô cũng đã nói “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7:18). Điều rõ ràng là hoa quả không mang cây cối và cây cối không mọc trên hoa quả, mà trái lại, cây cối mang hoa quả và hoa quả mọc trên cây cối. Do đó, điều cần thiết là cây cối có trước hoa quả của chúng và hoa quả không làm cây cối trở nên tốt hay xấu, nhưng cây cối ra sao, hoa quả chúng mang ra vậy; nên một người, trước nhất, phải tốt hoặc xấu trước khi họ thực hiện một việc tốt hoặc một việc xấu, và việc làm của họ không làm họ tốt hay xấu, nhưng chính họ làm cho việc làm của họ tốt hay xấu.

Các minh họa cho cùng sự thật trên có thể tìm thấy trong mọi ngành nghề. Một căn nhà tốt hay xấu không làm nên người thợ xây tốt hay xấu; nhưng người thợ xây tốt hay xấu xây nên một căn nhà tốt hay xấu. Và nói chung, việc làm không làm cho người làm giống như nó, nhưng người làm làm cho việc làm giống như họ. Với việc làm của người ta cũng thế. Vì người ta ra sao, bất luận là người tin hay không tin, thì việc làm của họ cũng thế, tốt nếu được làm trong đức tin, xấu nếu được làm trong bất tín. Nhưng câu ngược lại thì không đúng nghĩa là việc làm khiến người ta thành người tin hay người không tin. Vì việc làm không làm người ta thành người tin,, thì nó cũng không làm họ thành người công chính. Nhưng vì đức tin làm một người thành người tin và công chính, nên đức tin thực hiện những việc làm tốt. Như thế, vì việc làm không công chính hóa bất cứ ai, và một người phải công chính trước khi thực hiện việc làm tốt, thì điều rất hiển nhiên là chỉ một mình đức tin, nhờ lòng thương xót nguyên tuyền của Thiên Chúa qua chúa Kitô và Lời của Người, xứng đáng và đủ để công chính hóa và cứu rỗi con người. Một Kitô hữu không cần bất cứ việc làm hay lề luật nào mới được cứu rỗi, vì nhờ đức tin, họ thoát khỏi mọi lề luật và làm mọi điều hoàn toàn tự do và phóng khoáng. Họ không tìm lợi lộc hay cứu vớt, vì họ đã dư đầy mọi sự và được cứu rỗi nhờ ơn thánh Thiên Chúa vì nay, trong đức tin của mình, họ chỉ lo tìm cách đẹp lòng Thiên Chúa.

Hơn nữa, không việc làm tốt nào giúp công chính hóa hay cứu rỗi một kẻ không tin. Đàng khác, không việc làm xấu nào biến họ thành người xấu hay kết án họ; nhưng chính việc không tin làm cho một người hay một cây làm điều xấu và đáng bị kết án. Do đó, khi một người tốt hay xấu, thì điều này không do các việc làm, mà do tin hay không tin, như một Hiền Nhân từng nói “Khởi đầu tội lỗi là con người xa lìa Thiên Chúa” (xem Hc 10:13), một việc diễn ra khi họ không tin. Và trong Dt 11:6, Thánh Phaolô viết rằng, “vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa...” Và Chúa Giêsu cũng nói như vậy, “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu” (Mt 12:33) như thể Người muốn nói, “ai muốn có quả tốt hãy bắt đầu trồng cây tốt”. Bởi thế, hãy để những người muốn thực hiện các việc làm tốt đừng bắt đầu làm các việc làm tốt, nhưng bằng cách tin, một điều mới làm người ta nên tốt, vì không có gì làm cho một người trở thành tốt ngoại trừ đức tin, hay xấu ngoại trừ việc không tin.

Trong quan điểm của con người, quả đúng là một người trở thành tốt hay xấu do các việc họ làm; nhưng việc tốt hay xấu này chỉ có nghĩa nói về người tốt hay người xấu và được biết như thế, như chính Chúa Kitô nói trong Mt 7:20, “vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bề ngoài và rất nhiều người đã bị lừa vì vẻ bề ngoài này và có cao ngạo viết và giảng dạy về các việc làm tốt nhờ đó, chúng ta có thể được công chính hóa mà không nhắc chi tới đức tin. Họ đi đường của họ, luôn bị đánh lừa và đi đánh lừa (2Tm 3:13), quả đang tiến tới nhưng là tiến vào tình trạng xấu hơn, họ là những kẻ mù hướng dẫn những kẻ mù khác, tự làm mình mỏi mệt với rất nhiều việc làm nhưng vẫn không bao giờ đạt được sự công chính đích thực (Mt 15:14). Về những người này, Thánh Phaolô viết trong 2Tm 3:5,7, “hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ... Lắng nghe bất cứ ai mà chẳng bao giờ nhận biết được chân lý”.

Do đó, bất cứ ai không muốn đi lạc với những kẻ mù này phải nhìn qua bên kia các việc làm, và bên kia các lề luật và học lý về việc làm. Quay mắt khỏi các việc làm, họ phải nhìn vào con người và hỏi họ được công chính hóa cách nào. Vì người ta được nên công chính và cứu rỗi, không phải bằng việc làm hay lề luật, nhưng bằng Lời Thiên Chúa, nghĩa là, bằng lời hứa ơn thánh, và bằng đức tin, vinh danh Thiên Chúa mãi mãi, Đấng cứu rỗi chúng ta không bằng các việc làm công chính do chúng ta thực hiện (Tt 3:5) nhưng nhờ lòng thương xót của Người, nhờ lời ơn thánh của Người khi chúng ta tin (1Cr 1:21).

Nhờ thế, chúng ta dễ biết cần phải bác bỏ hay không bác bỏ đến mức nào các việc làm tốt, và do tiêu chuẩn nào, mọi giáo huấn của con người liên quan đến các việc làm phải được giải thích. Nếu các việc làm được tìm kiếm như một phương tiện đạt sự công chính, bị đè nặng bởi con quái vật xấu xa này, và được thực hiện với ấn tượng sai lầm là nhờ chúng người ta được công chính hóa, thì chúng trở thành tất yếu và tự do cùng đức tin sẽ bị tiêu diệt; và việc thêm thắt này làm cho chúng không còn tốt nữa nhưng là các việc làm thực sự đáng bị lên án. Chúng không tự do, và chúng xúc phạm tới ơn thánh Thiên Chúa, vì công chính hóa và cứu rỗi nhờ đức tin vốn chỉ thuộc một mình ơn thánh của Thiên Chúa mà thôi. Điều các việc làm không có năng lực làm nhưng, do sự cao ngạo phạm thần điên rồ của chúng ta, vẫn cứ cao ngạo làm, thì chúng đã tự đẩy mình vào chức vụ và vinh dự của ơn thánh rồi. Do đó, chúng ta không bác bỏ các việc làm tốt; trái lại, chúng ta trân qúi và giảng dạy về chúng bao nhiêu có thể. Chúng ta không kết án chúng vì chúng nhưng vì sự thêm thắt phạm thần này vào chúng và ý tưởng xấu xa cho rằng phải tìm sự công chính qua chúng; vì điều này làm chúng có vẻ tốt ở bề ngoài, trong khi đúng ra, chúng không tốt. Chúng lừa dối người ta và dẫn họ tới chỗ lừa dối nhau như những con sói ham mồi đội lốt chiên (Mt 7:15).

Con quái vật đó, hay ý tưởng xấu xa, về các việc làm không ai địch nổi ở những nơi thiếu đức tin thành thực. Những nơi tạo ra các ông thánh này không thể tiễu trừ nó nếu đức tin, người tiêu diệt nó, không đến và thống trị trong lòng họ. Bản nhiên, tự mình, không thể tiễu trừ nó hay thậm chí nhìn nhận nó, nhưng đúng hơn coi nó như một dấu ấn của ý chí thánh thiện nhất. Nếu ảnh hưởng của phong tục được thêm vào và củng cố tính xấu xa này của bản nhiên, như các thầy dạy xấu xa đã khiến nó thực hiện, nó sẽ trở thành một điều xấu bất trị và dâãn người ta ra xa lạc và tiêu diệt vô số người không còn hy vọng cứu chữa. Do đó, dù rao giảng và viết về lòng thống hối, xưng tội và đền tội vẫn là điều tốt, giáo huấn của chúng ta chắc chắn có tính lừa đảo và ma quái nếu chúng ta dừng ở đó chứ không tiếp tục giảng dậy về đức tin.

Kỳ sau: Chúa Kitô dạy thống hối ăn năn, vì Nước Trời đã gần kề
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thầy Đồ Cô Đồ
Dominic Đức Nguyễn
23:07 06/03/2020
THẦY ĐỒ CÔ ĐỒ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Ngày xưa chỉ có thầy đồ
Thời nay bình đẳng cô đồ kém ai
(bt)
 
VietCatholic TV
Linh mục Hội Thừa Sai Paris cảnh báo: Hủy bỏ các thánh lễ có thể khiến giáo dân xa lìa đức tin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:42 06/03/2020
Trên khắp đất nước Phi Luật Tân, nơi đa số dân chúng theo Công Giáo, hàng giáo phẩm đã khích lệ anh chị em đừng nắm tay nhau trong các Thánh lễ Chúa Nhật. Các thực hành phổ biến như nắm tay trong khi đọc kinh Lạy Cha, hay bắt tay khi trao bình an không được khuyến khích vì nguy cơ coronavirus.

Đức Cha Broderick Pabillo, hiện là Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Manila, sau khi Đức Hồng Y Louis Tagle được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết

“Dịch bệnh này là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi bởi vì ở Phi Luật Tân, mọi người tụ tập cùng nhau trong các cử hành Phụng Vụ và rất nhiều người đến nhà thờ đặc biệt là trong thời gian Mùa Chay này.”

Các chính phủ trên khắp Á Châu đang ngày càng hạn chế việc tụ tập đông người ở một số nơi. Các trường học bị đóng cửa, và các sự kiện công cộng bị hủy bỏ ở Hàn Quốc nơi mà sự bùng phát virus corona bị nghi ngờ bắt nguồn từ giáo phái Shincheonji.

Trong một diễn biến thật đau lòng, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ có giáo dân tham dự trên cả nước. Đây là quyết định đầu tiên như thế trong lịch sử 236 năm của Giáo Hội, nhằm hợp tác với chính phủ trong nỗ lực chống lại sự lây lan của coronavirus.

Một quyết định tương tự đã được đưa ra trước đó tại Hương Cảng và Singapore.

Gần 100 trường hợp nhiễm coronavirus đã được ghi nhận tại Singapore. Anh chị em giáo dân phải tham dự thánh lễ tại gia đình qua màn ảnh truyền hình. Một giáo dân cho biết:

“Tôi thích đến nhà thờ hơn vì sự trọng thể và sự hiện diện cụ thể của Chúa Giêsu và vị linh mục ở đó. Với thánh lễ trực tuyến chúng tôi chỉ ngồi thoải mái trong nhà, giống như coi một bộ phim tập.”

Hôm 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám Quản Tông Tòa của Hương Cảng, đã tuyên bố đình chỉ tất cả các Thánh lễ tại tất cả các giáo xứ trong hai tuần.

Cha Nicolas de Francqueville, một nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris tại Hương Cảng, cho biết ngài hơi thất vọng về động thái này.

“Tôi không thực sự hiểu được hiệu quả của biện pháp này. Có những người nói rằng chính phủ đã gây áp lực rất lớn đối với Giáo phận Hương Cảng trong việc đình chỉ mọi hoạt động tôn giáo,” ngài nói.

Tuy nhiên, “điều gây ra sự sợ hãi nhiều hơn là phản ứng đối với virus chứ không phải chính virus,” Cha Francqueville nhận xét.

“Quyết định của giáo phận đình chỉ các Thánh Lễ có giáo dân tham dự là một sai lầm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hoảng loạn giữa các tín hữu.”

“Người Công Giáo Hương Cảng không chỉ chống lại sự lây lan của virus mà còn phải chiến đấu trong một trận chiến tâm linh,” vị linh mục nói. “Họ có hai cảm giác trái ngược nhau: nỗi sợ làm tê liệt họ và niềm tin khuyến khích họ tiến về phía trước.”

Trước tình cảnh hoang mang của các tín hữu, vị thừa sai người Pháp đã quyết định huỷ bỏ một chuyến đi sang Thái Lan. “Quyết định này khiến các giáo dân vui mừng, và tôi cũng rất vui,” ngài nói.

Bất chấp sự nghi ngờ về các biện pháp của giáo phận, vị linh mục bày tỏ sự tin tưởng vào Chúa: “Nếu đôi lúc bạn có thể thất vọng và bạn không hiểu hết sự hữu ích của những quyết định nào đó, Chúa Quan Phòng luôn ở đó và bạn nên tiếp tục cảm tạ mọi hồng ân nhận được.”

Việc đóng cửa các nhà thờ vẫn chưa cần thiết ở Phi Luật Tân, nhưng các hàng ghế trống không còn là một cảnh tượng hiếm thấy ở một số nhà thờ. Nhà thờ ở khu phố Tàu Manila này thường đông chật người vào ngày Chúa Nhật, nhiều người đôi khi phải đứng ngay lối vào trong suốt các thánh lễ. Tuy nhiên, trong những ngày này nhiều người đã chọn ở nhà theo dõi các thánh lễ trực tuyến vì sợ nhiễm coronavirus.
 
Trong bối cảnh dịch coronavirus, có thể xưng tội qua điện thoại hay email không? TGM Nam Hàn trả lời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:01 06/03/2020
Tính đến 10 giờ sáng thứ Sáu 6 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Nam Hàn đã lên đến 42 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 6,284 trường hợp. 60% các trường hợp tử vong là các thành viên của giáo phái Shincheonji. Theo báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nam Hàn, có 28 tín hữu Công Giáo nhiễm coronavirus trong chuyến đi hành hương Thánh Địa Giêrusalem từ ngày 8 đến 15 tháng Hai vừa qua. Hầu hết đã được phục hồi hoàn toàn.

Dù các trường hợp tử vong của người Công Giáo không nhiều, nhưng nhiều người đang phải sống trong tình trạng cách ly và lo sợ.

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Nam Hàn đã đặt hai thành phố Daegu và Cheongdo, hay còn gọi là Thành Đô, vào danh sách các “khu vực quan tâm đặc biệt”. Một thành phố gần đó vừa được chính phủ Nam Hàn liệt kê vào danh sách này, vào hôm thứ Năm 5 tháng Ba, là thành phố Khánh Sơn, tên tiếng Hàn là Gyeongsan. Thành phố thứ ba này có biên giới với cả hai thành phố nêu trên.

Cả 3 thành phố đều thuộc về tổng giáo phận Daegu. Đức Cha Tađêô Cho Hwan-Kil, Tổng Giám Mục của tổng giáo phận này, đã lên tiếng kêu gọi các linh mục của ngài chú ý đến các tổn hại tâm lý xuất hiện nơi anh chị em giáo dân trong thời gian dịch bệnh coronavirus, những người bình thường, cũng như các bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm bệnh, và đặc biệt là những người đã được xác nhận nhiễm bệnh.

“Nhiều người đã và đang phải vật lộn với nỗi sợ bị lây nhiễm, trầm cảm và những thay đổi đột ngột khác trong tâm lý của họ trong một tháng rưỡi qua,” Đức Cha nói trong thánh lễ trực tuyến.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng kể từ khi Nam Hàn xác nhận trường hợp coronavirus đầu tiên vào ngày 20 tháng Giêng, nỗi lo về căn bệnh truyền nhiễm đã nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng. Những nỗi sợ hãi như vậy có lẽ sẽ còn leo thang hơn nữa, khi con số các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh tiếp tục tăng ở mức chóng mặt.

Một số người cho biết họ liên tục cảm thấy lo lắng về việc nhiễm virus, trong khi những người khác nói rằng họ sợ đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người.

Đặc biệt, những bệnh nhân được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ trải qua các cảm giác lo lắng mạnh mẽ hơn nữa về sự kỳ thị xã hội và sự cô đơn từ sự cô lập kéo dài.

Chính vì thế, Đức Tổng Giám Mục nói người Công Giáo hãy yên tâm, nếu có ai bị nhiễm bệnh, thì trong bất cứ trường hợp nào, các linh mục sẽ tiếp tục ban phát các phép bí tích và chăm sóc mục vụ thích hợp cho họ.

Một cách cụ thể, Đức Tổng Giám Mục cho biết dù các thánh lễ bị đình chỉ theo đề nghị của chính quyền, các nhà thờ vẫn rộng mở đón các tín hữu đến cầu nguyện.

Các linh mục trong tổng giáo phận cũng sẵn sàng nói chuyện qua điện thoại hay qua các cuộc gặp gỡ tại nhà thờ.

Một số các linh mục cho biết trong những ngày qua họ nhận được nhiều cú điện thoại từ các bệnh nhân được xác nhận nhiễm bệnh, những người tự cách ly và những người vẫn đang khoẻ mạnh nhưng phải vật lộn với sự hoảng loạn, sợ hãi, căng thẳng và các cảm xúc khó chịu khác.

Đức Cha ghi nhận “Nhiều bệnh nhân, và những người đã phục hồi sau khi được điều trị ở bệnh viện phàn nàn về nỗi âu lo họ trở thành một gánh nặng cho xã hội, không dám đi ra ngoài và phải sống trong tình trạng cô lập kéo dài ở nhà.”

Đức Tổng Giám Mục khuyên anh chị em có các vấn đề về tâm lý nên gặp gỡ các linh mục, và nhất là hãy đến với bí tích hòa giải.

Vì có nhiều người đặt vấn đề là trong bối cảnh lây nhiễm coronavirus, liệu Giáo Hội có thể cho phép lãnh nhận bí tích hòa giải qua điện thoại hay email không.

Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Việc xưng tội là một hành vi gặp gỡ cá vị giữa ta với Chúa Giêsu qua sứ vụ của một linh mục. Điện thoại và email tách rời khỏi khía cạnh thể lý của sự gặp gỡ cá vị này. Việc xưng tội trong mọi bối cảnh cần có sự gặp gỡ trực tiếp linh mục – người đại diện Chúa thì người lãnh nhận bí tích hòa giải mới đón nhận cách hữu hiệu.”

Nhắc lại văn kiện Đạo Đức và Internet được công bố dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Tổng Giám Mục cho biết.

“Thực tại ảo không thể thay thế cho sự Hiện Diện Thật Sự của Đức Kitô trong Thánh Thể, cho thực tại bí tích của các bí tích khác, và cho việc chia sẻ thờ phượng trong một cộng đoàn nhân loại máu thịt. Không có bí tích nào trên Internet cả; và cả những cảm nghiệm tôn giáo, có thể xảy ra ở đó nhờ hồng ân của Thiên Chúa, cũng không đủ để tách biệt khỏi sự giao tiếp trong thế giới thực với những anh chị em cùng đức tin.”

Cuối cùng, ngài khuyên anh chị em tín hữu nên theo dõi các thánh lễ trực tuyến, rước lễ thiêng liêng, “dành thời gian đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm các bài đọc của Thánh lễ.”
 
Đáng âu lo: Tòa Thánh xác nhận ca nhiễm coronavirus đầu tiên trên lãnh thổ Vatican.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:15 06/03/2020
Trước trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên được xác nhận tại Vatican, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã tuyên bố vào hôm thứ Sáu rằng tất cả các dịch vụ y tế ngoại trú được cung cấp bởi Cục Y tế và Vệ sinh Quốc gia Vatican đã bị đình chỉ để làm tổng vệ sinh cơ sở.

Ông Matteo Bruni cho biết thêm là các hoạt động sơ cứu khẩn cấp của Vatican vẫn tiếp tục hoạt động.

“Sáng nay, tất cả các dịch vụ ngoại trú của Cục Y tế và Vệ sinh Vatican đã tạm thời bị đình chỉ để vệ sinh môi trường sau khi xét nghiệm dương tính COVID-19 được tìm thấy ngày hôm qua nơi một bệnh nhân. Tuy nhiên, cơ sở sơ cứu vẫn đang hoạt động,” ông nói.

“Ban Giám đốc Cục Y tế và Vệ sinh Vatican đang thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Ý, và trong lúc này, đang kích hoạt các giao thức vệ sinh được dự liệu.”

Kể từ năm 1929, khi Tòa Thánh ký kết Hiệp ước Lateranô với Ý, Vatican đã cung cấp một cơ sở chăm sóc ngoại trú cho các nhân viên của mình và các cư dân trong Quốc gia Thành Vatican, nằm bên cạnh Nhà thuốc Vatican.

Phòng khám vừa bị đóng cửa nằm bên trong Vatican, nơi có khoảng 1,000 cư dân. Phòng khám được sử dụng bởi các linh mục, cư dân và nhân viên, bao gồm cả những người hiện đã nghỉ hưu, cũng như người thân của họ.

Vatican đang liên lạc với tất cả những người đã đến phòng khám này gần đây.

Không có chi tiết nào được cung cấp về việc người thử nghiệm dương tính là nhân viên của Vatican hay là một giáo sĩ hay một thành viên trong đoàn hiến binh hay đoàn ngự lâm quân Thụy sĩ.

Năm 2018, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, một cơ sở ngoại trú khác cũng đã được mở tại quảng trường Thánh Phêrô, để chăm sóc cho người vô gia cư, người di cư và người tị nạn và những người khác tụ tập tại khu vực xung quanh quảng trường.

Mặc dù thông báo hôm Thứ Sáu 6 tháng Ba đánh dấu trường hợp coronoavirus đầu tiên liên quan đến Vatican, đến nay Ý vẫn là tâm chấn của dịch bệnh này tại Âu châu. Tính đến tối thứ Năm, các số liệu chính thức mới nhất đã báo cáo tổng cộng 3,858 trường hợp nhiễm bệnh, 414 trường hợp khỏi bệnh và 148 người chết. Độ tuổi trung bình của nạn nhân coronavirus ở Ý là 81, và hai phần ba trong số những người đã chết được báo cáo là có tiền sử bệnh.

Lo ngại về sự lây lan của virus gần đây đã khiến Thủ tướng Ý Giuseppe Conte công bố một loạt các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đóng cửa các trường từ mẫu giáo đến đại học cho đến ngày 15 tháng 3, cũng như các sự kiện thể thao, bao gồm cả những trận bóng đá Serie A rất thu hút người Ý.

Những lo ngại về việc lây lan coronavirus cũng đã buộc Giáo Hội Công Giáo tại Ý phải cắt giảm các hoạt động của mình, ví dụ như Giáo phận Rome, đã tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động không thuộc lãnh vực phụng vụ như giáo lý, chuẩn bị hôn nhân và mục vụ giới trẻ.

Hôm thứ Năm, ông Bruni cho rằng có lẽ Vatican cũng phải tính đến việc thực hiện các biện pháp tương tự. Ông nói với các phóng viên rằng “liên quan đến các hoạt động sắp tới của Đức Thánh Cha, Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican, các biện pháp đang được nghiên cứu để ngăn chặn sự lây lan của Covid- 19”.

Ông Bruni nhấn mạnh rằng mọi biện pháp Vatican đưa ra sẽ được thực hiện phối hợp với các biện pháp của chính quyền Ý.


Source:Crux
 
Đài Loan cáo buộc Trung Quốc bất nhân, nghi ngờ coronavirus là vũ khí sinh học
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:53 06/03/2020
Ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu - 吳釗燮), Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, đã cáo buộc Trung Quốc là quá bất nhân khi tiến hành chiến tranh trên mạng Internet nhằm phá vỡ cuộc chiến chống lại coronavirus của đảo quốc này bằng cách sử dụng tin giả, và làm mọi cách để họ không thể tham gia vào Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO.

Sự bùng phát của coronavirus đã làm căng thẳng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Trong các ngày qua, Đài Loan đặc biệt tức giận với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự tham gia tại WHO.

Trung Quốc cho biết Đài Loan chỉ là một trong những tỉnh của Trung Quốc, và vì thế không có quyền là thành viên của WHO, trong tư cách một quốc gia độc lập. Đài Loan đã gọi Trung Quốc là “khốn nạn” vì không cho phép quốc gia này có được thông tin cập nhật về coronavirus từ WHO. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng Đài Loan muốn có được những thông tin cần thiết này thì phải thông qua họ.

Tuần này, chính phủ Đài Loan đã báo cáo sự gia tăng các báo cáo trực tuyến giả mạo về tình trạng dịch bệnh trên đảo và đổ lỗi cho cảnh sát Internet của Trung Quốc, cũng như mạng lưới các dư luận viên cộng sản. Trung Quốc đã không trả lời các cáo buộc.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp nói trên Twitter rằng các quan chức Trung Quốc tuyên bố quan tâm đến sức khỏe của người dân Đài Loan như thể chúng tôi là người thân máu thịt của họ.

Ông nói thêm: Tuy nhiên, trong khi Đài Loan đang đối phó với COVID19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, các chiến binh mạng của họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh để phá vỡ những nỗ lực của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi vừa phải chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải chiến đấu với sự đê tiện tiêu biểu của Trung Quốc. Tôi không nói nên lời.

Các báo cáo giả mạo, mà chính phủ Đài Loan đã nhanh chóng và mạnh mẽ bác bỏ, bao gồm các tin giả cho rằng hòn đảo này đang che đậy số vụ nhiễm coronavirus thực sự; và một tin giả khác là các thành viên của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền được ưu tiên cung cấp các khẩu trang y tế.

Báo chí tại Đài Loan tỏ ra ủng hộ giả thuyết cho rằng dịch bệnh này thực ra phát sinh từ các phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán và nêu thắc mắc tại sao ở Iran xa xôi 7 thành viên chính phủ trong đó có cả phó tổng thống Iran, và thứ trưởng Y tế đều bị nhiễm coronavirus và thậm chí một trong 7 người ấy đã qua đời, trong khi đó, con virus cực kỳ lợi hại này lại chừa ra các cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Tại cuộc họp báo ở Trung Tâm Thông Tin của Bắc Kinh, hai nhà sinh vật học Tiểu Ba Đào (Botao Xiao - 小波涛) và Tiểu Lôi (Lei Xiao - 小雷) đã bác bỏ các giải thích chính thức được phổ biến trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho rằng dịch coronavirus đã phát sinh từ một chợ cá của Vũ Hán, và nói rằng dịch bệnh này thực ra phát sinh từ các phòng thí nghiệm ở thành phố này.

Trong một tài liệu có tựa đề “Nguồn gốc đáng tin cậy của 2019-nCoV coronavirus”, được in sẵn và được phát ngay cho các nhà báo có mặt trước khi cuộc họp báo bắt đầu, hai nhà khoa học này cho biết tại thành phố Vũ Hán có 2 phòng thí nghiệm sinh học của nhà nước. Một trong hai phòng thí nghiệm này chỉ cách chợ cá Vũ Hán chưa đến 280m.

Trong tuần qua, Đài Loan nói rằng họ sẽ trừng phạt những người lan truyền tin đồn. Hòn đảo này từ lâu đã tuyên bố Trung Quốc đang cố tình sử dụng tin giả để làm suy yếu nền dân chủ và niềm tin của người dân vào chính phủ.

Thêm vào những căng thẳng này, Trung Quốc trong những tuần gần đây đã thao dượt quân sự với các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom gần đảo. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã báo cáo một trường hợp khác vào hôm thứ Sáu.

Đài Loan đã sớm đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Các trường hợp nhiễm coronavirus của họ ít hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng số bệnh nhân của họ vẫn tiếp tục tăng.

Đài Loan đã báo cáo năm trường hợp nhiễm mới, bao gồm bốn người đã tiếp xúc với một bệnh nhân bị nhiễm bệnh khác trong bệnh viện và một người trở về sau chuyến đi đến Ai Cập và Dubai, nâng tổng số người Đài Loan nhiễm coronavirus lên 39 người.

Đài Loan cũng đã báo cáo một trường hợp tử vong do coronavirus, trong khi 9 bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Trung Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu, đã báo cáo hơn 79.000 ca nhiễm và hơn 2.800 ca tử vong.


Source:Reuters