Ngày 06-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Họp mặt các Thừa tác viên Công bố Lời Chúa tại GXVN-Paris
Gs Trần Văn Cảnh
08:45 06/03/2008
PARIS - Thứ bảy 23.02.2008, từ 10 giờ đến 18 giờ, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, theo lời mời của cô Anh Thư, Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh Nhạc Hội Đồng mục vụ, trên 30 người đã đến tham dụ buổi họp mặt « Các thừa tác viên công bố Lời Chúa », mà nôm na gọi là ‘người đọc thánh thư ‘.

10 giờ, trong không khí thoải mái quanh bàn bánh ngọt, trà nóng và cà phê, có nhạc Thánh ca làm nền, trên mộtt bàn nhỏ, bày các bộ sách lễ và sách các bài đọc, một số tập tài liệu chia sẻ: phiếu ghi danh, các bài hát trong ngày họp mặt, các tham dự viên từ từ tiến vào phòng họp. Lời chào nhau, tiếng hỏi thăm chân thành và thân mật.

10giờ 30, mọi ngườI đông đủ, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh ngỏ lời khai mạc. Thay mặt cộng đoàn Giáo xứ VN tại Paris, chào mỗi người hiện diện, Ngài tâm sự và nhắn nhủ: đây là dịp tốt để ngài được đọc lại Hiến chế của giáo hội về Phụng vụ. Đức Ông nhận xét rằng khi đọc Hiến chế về Phụng vụ mới giật mình thấy lỗi của giáo xứ trong Phụng vụ, mà trách nhiệm đó là của Đức Ông: chưa để ý đủ đến Phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là khi cử hành một việc lớn trong Phụng vụ là việc Đọc Sách Thánh. Hiến chế (số 29) về Phụng vụ có nói đến việc huấn luyện đọc Sách Thánh. Người đọc Sách Thánh phải thấm nhuần Lời Chúa và phải đọc với tinh thần, cung cách đọc và trật tự nào để cho Lời Chúa đến được với mọi người. Đức Ông cám ơn tài tổ chức của cô Anh Thư, sự giúp đỡ của cha Việt và sự hưởng ứng của mọi người có mặt hôm nay. Chúng ta đến để nói lên một điều quan trọng trong việc cử hành Phụng vụ, đó là Đọc Lời Chúa. Đọc Lời Chúa với lòng thấm nhuần yêu mến, trong đức tin của mình, để đưa, một cách dồi dào, ý nghĩa, nội dung, tinh thần Lời Chúa đến anh chị em đang nghe mình đọc Lời Chúa. Chúng ta đọc Lời Chúa nhân danh Chúa và nhân danh Giáo hội chứ không phải nhân danh mình. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho công việc làm của chúng ta. Xin cho Lời Chúa là Ánh Sáng, là Đường đi của mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể giúp cho cộng đoàn, nhóm, gia đình của chúng ta ở bất cứ nơi nào qua cung cách đọc của chúng ta. Đó là lời cầu chúc mà cũng là lời cầu nguyện mà Đức Ông muốn gửi đến cho mọi người trong ngày học tập đọc Lời Chúa hôm nay.

Tiếp đó, sau lời cầu nguyện qua bài ‘Xin Hiệp nhất’, mọi người tham dự đã tự giới thiệu mình cho nhau: tên họ, cộng đoàn, sinh hoạt trong hội đoàn, ban, nhóm,.. .

Giới thiệu khách mời danh dự và giảng viên buổi họp mặt: Cha Giuse Nguyễn Văn Việt, thuộc địa phận Xuân Lc. Vài nét về Cha Việt: 1990, Cha Việt bắt đầu tu học tại Đại chủng viện Xuân Lộc. 1997, tiếp tục học tại Đại chủng viện Sài gòn. 2003 đi giúp xứ. 2005 thụ phong linh mục. 2006 được cử sang Pháp học Phụng vụ và Thánh nhạc. Hiện cha đang học tại Đại học Công Giáo Paris và đang phụ trách phụng vụ cho gia đình Liên tu sĩ Việt nam tại Pháp. Cha cho biết đang cố gắng học tập, nghiên cứu để phục vụ hôm nay và để sau này về phục vụ giáo hi tại quê nhà một cách đắc lực hơn.

Cha Việt chia sẻ những ý nghĩa cha cảm nghiệm: ý nghĩa của việc tổ chức một buổi học về việc Công bố Lời Chúa trong Mùa chay, ý nghĩa của việc học tập Công bố Lời Chúa trong tinh thần hiệp nhất mà chúng ta vừa hát. Chúng ta đến gặp gỡ nhau hôm nay có cùng một điểm chung là muốn gặp gỡ Chúa, để Lời Chúa và buổi học hỏi biến đổi chúng ta hầu chúng ta có thể thực thi tác vụ một cách hoàn hảo hơn. Chúng ta là tác viên Lời Chúa. Xin Lời Chúa hướng dẫn chúng ta đi. Trong tinh thần đó, mọi người cùng cất tiếng hát cầu nguyện bài ‘Lắng nghe Lời Chúa’.

Mở đầu buổi học Công bố Lời Chúa bằng việc đọc Lời Chúa:

Đọc thư thứ 1 của thánh Gioan tông đồ (1Gi 1, 1-4): ‘Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, Chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.

Qua thư của thánh Gioan, chúng ta thấy nói về các tông đồ thuở đầu: Điều các ông đã thấy, các ông tin, các ông viết ra, các ông đi loan báo để mọi người cũng được biết, được tin, được hiệp thông với các ông, với Chúa Kitô và Chúa Cha, Để niềm vui của các ông được nên trọn vẹn. Các ông xác tín lời các ông công bố không phải là lời của chính các ông mà là Lời Hằng sống, Lời Cứu đ. Các ông nhận sứ mạng loan báo từ chính Chúa Kitô.

Công bố Lời Chúa là một vinh dự cao quý, sao Chúa lại chọn một con người bất toàn như mình ? (tiên tri Giêrêmia đã từng tự hỏi). Từ đó ý thức ra con người bất toàn của chính mình để luôn luôn khiêm tốn và trông cậy vào ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

10 giờ 45, cha Giuse Nguyễn Văn Việt trình bày chủ đề: ‘Thừa tác viên của Phụng vụ Lời Chúa ’

Cha Việt trao cho mỗi người tham dự sườn bài học theo chủ đề. Ngoài phần Khai mạc còn 2 phần chính là phần ni dung và phần thực hiện việc chọn và đọc Sách Thánh trong Phụng vụ.

I. Thừa Tác Viên đọc Sách Thánh là ai ?

I.1. Vài nét lịch sử về việc hình thành tác vụ đọc Sách Thánh:

Theo lịch sử Giáo hội: Buổi đầu, các Kitô hữu cử hành Lời Chúa chung với người Do thái, rồi cử hành Thánh Thể riêng với nhau. Dần dà, các Kitô hữu mới tách ra và cử hành Lời Chúa và Thánh Thể giữa Kitô hữu với nhau. Cấu trúc Thánh lễ như hôm nay chúng ta có bắt đầu từ thế kỷ thứ II, dần dần hình thành như ngày nay.

Từ 12 tông đồ, vì có nhu cầu nên chọn thêm nhóm 7 người khác để làm TTV công bố Lời Chúa và một số TTV khác để lo phục vụ cộng đoàn, như thăm viếng, giảng dạy, đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân....

Tuy các TTV nhận đặc sủng và sứ mạng khác nhau nhưng theo thánh Phaolô:. . . nhiều chi thể nhưng cùng một thân thể; nhiều đặc sủng nhưng cũng bắt nguồn từ một Chúa Thánh Thần.. .

I.2. Thầy Tác vụ đọc sách (lectorat):

Trước công đồng Vaticanô II, Giáo hội dành cho mình đc quyền công bố và giải thích Lời Chúa. Theo Giáo luật hiện hành (1983), thì tác vụ này được chính thức uỷ thác cho thầy tác vụ đọc sách. NgườI này phải là ngườI nam, đã rửa tội, có đời sống đạo dức xứng hợp, được tuyển chọn và trao ban qua mt nghi thức.

I.3. Người Tín hữu đọc Sách Thánh:

Từ sau công đồng Vatican II, Giáo hội không những mở rnang kho tàng Lời Chúa cho mọi tín hữu, mà còn mời gọi giáo dân tham gia vào tác vụ này. Bởi qua phép rửa, người tín hữu trở nên Con cái Chúa, được thông dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô: Tư tế, Vương đế, Tiên tri. Ơn gọi Tư tế chung (phổ quát) của giáo dân cho phép giáo dân tham dự Tác vụ Đọc Sách Thánh Phụng vụ giữa cng đoàn nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hi.

II. Lời Chúa trong Phụng vụ

II.1. Thánh Kinh (Sách Thánh gồm 73 cuốn) gồm có Cựu ước (46 cuốn) và Tân ước (27 cuốn).

Lời Chúa trích từ Kinh Thánh. Hiến chế Mạc khải số 21:. . . Hội Thánh luôn tôn kính Lời Chúa như chính Thân mình Chúa Kitô. Điều đó nói lên Bàn tiệc Lời Chúa cũng quan trọng như Bàn tiệc Mình và Máu Chúa Kitô. Cả hai cùng quan trọng và là mt, không tách rời ra được. Nghe Lời Chúa để được soi sáng hiểu mầu nhiệm Mình và Máu Chúa. Lãnh nhận Mình và Máu Chúa để thêm ơn, thêm sức đi loan báo Lời Chúa cho anh chị em. Đọc Sách Thánh, do đó, là hành đng của Đức Tin. Lời Chúa là Lời sáng tạo, Lời Quyền năng. Lời Chúa là Lời Hằng sống, Lời Chúa là Lời Cứu độ, và phát sinh hiệu quả (biến đổi con người nên con cái Chúa). Lời Chúa là Lời Yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với con người một cách trọn vẹn qua Chúa Kitô

II.2. Công đồng Vatican II canh tân Phụng vụ:

Trước Vatican II, Giáo hội giữ cho mình quyền đọc và cắt nghĩa Lời Chúa. Sau Vatican II, Giáo hội mở Lời Chúa ra cho giáo dân đọc và nghe Lời Chúa được sắp xếp qua các năm Phụng vụ A, B, C. Sự canh tân này có ý nghĩa quan trọng đến nỗi các nhà thần học gọi đó là ‘’ Lễ Hiện xuống mới‘’. Đưa Lời Chúa vào trong các cử hành Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, Giáo hội luôn tôn kính Lời Chúa như chính Thân Mình Chúa. Vì thế, phải coi cả hai phần PVLC và PVTT đều có giá trị như nhau và không tách rời. Các ưu tiên sắp xếp làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của Lời Chúa như: vị trí của Bục giảng Lời Chúa phải ở nơi xứng hợp với Bàn thờ, ở vị trí để mọi người có thể thấy rõ, nghe rõ. Bục đọc Lời Chúa phải là bục cố định, không di dời, trong gian cung thánh và được trang trí xứng hợp. Không được đọc gì khác trên Bục giảng ngoài việc đọc và giảng dạy Lời Chúa trong thánh lễ. Không được để thứ gì khác trên bục giảng ngoại trừ Sách Thánh, cũng nhưng không trang hoàng những thứ khác (giá sách, bàn thờ các thánh...) để làm mờ nhạt đi ý nghĩa của bục giảng. Linh mục hôn Sách Thánh nói lên sự tôn quý Lời Chúa như Mình và Máu Chúa.

II.3. Các sách Bài đọc:

Phân biệt sách: có Sách lễ (1 cuốn, sách lễ Rôma: các nghi thức và các lời kinh trong Thánh lễ), Sách Bài đọc (Lời Chúa trích từ Kinh Thánh, có 5 cuốn) và Sách lễ An táng (1 cuốn, gồm nghi thức và Lời Chúa).

1. Sách lễ Rôma: phần đầu của sách này là Qui chế Sách Lễ Rôma có ghi rõ các nguyên tắc hướng dẫn và thực hành việc cử hành thánh lễ. Đó là phần rất quan trọng. Phần sau là các bài Kinh dùng trong Thánh lễ. Thánh lễ trên toàn cầu tuy có cử hành bằng các ngôn ngữ khác nhau nhưng cũng là bằng ấy lời kinh hiệp thông được Giáo hội chuẩn nhận cho xử dụng.

2. Sách Bài đọc gồm 5 cuốn chính:

- Sách Mùa Vọng và Giáng sinh (2 phần): phần 1 từ CN 1 mùa Vọng đến CN 4 mùa Vọng. Phần 2 kể từ 17/12 đến hết lễ Ba Vua; riêng từ 17/12 đến 24/12 thì ưu tiên lấy các bài đọc trong phần 2 này mà không đọc theo tuần mùa Vọng ở phần 1 nữa.

- Sách Mùa Chay và Phục sinh (3 phần): phần 1-Mùa Chay, phần 2-Tam nhật thánh, phần 3-Phục sinh.

- Sách Mùa Thường niên 1: từ CN 1 đến CN 17 Thường niên.

- Sách Mùa Thường niên 2: từ CN 18 đến CN 34 Thường niên.

- Sách lễ ngoại lịch, lễ có nghi thức riêng hay theo nhu cầu. Trong trường hợp phải chọn bài đọc cho những lễ này, có 2 cách: cách 1 là tìm trong Sách bài đọc lễ ngoại lịch và cách 2 là tìm ở phần sau của các sách bài đọc theo mùa tương ứng.

3. Ngoài ra còn sách lễ An táng - Cầu hồn. Giữa bài đọc 1 và 2, cũng như bài Tin Mừng trong sách này không in liên tục mà thường phải tìm đọc bài kế tiếp ở trang khác. Do đó, cần xem trước và đánh dấu số trang.

Phân biệt thể loại: văn viết trong các Sách Bài đọc thường thấy trong 3 thể loại chính:

- Thể Tuyên xưng (ví dụ: CVTĐ 2,22, sau lễ Hiện xuống): lời tuyên xưng trước đối tượng chưa biết Chúa. Đọc với cung giọng xác quyết, dứt khoát.

- Thể Giáo huấn (ví dụ: Thư 1 Cor 1,10): nói với đối tượng là Kitô hữu. Đọc với cung giọng thân tình, tâm sự, nhắn nhủ.

- Thể Soi sáng - Loan báo (ví dụ: Is 43, 8-13): ‘’ Hãy để cho dân này ra đi,.. . có mắt mà như mù.. . ‘’

Cấu trúc Phụng vụ Lời Chúa: cấu trúc Phụng vụ Lời Chúa là cấu trúc đối thoại. Thiên Chúa nói với con người và con người đáp lại Lời Chúa. Các Bài đọc trong Thánh lễ CN gồm 3 bài:

- Bài 1: trích từ Cựu ước (trừ mùa Phục sinh lấy từ sách Tông đồ Công vụ).

- Thánh vịnh - Đáp ca: cộng đoàn mượn Lời Chúa trong các Thánh vịnh để đáp lại Lời Chúa. Do đó, người đọc Thánh vịnh phải khác người đọc bài đọc 1.

- Bài 2: Thánh Thư

- Tung hô Tin Mừng (Alléluia). Mùa Chay không đọc Alléluia.

- Bài 3: Tin Mừng. Giáo hội muốn cho giáo dân được nghe lần lượt Kho tàng Lời Chúa nên sắp cho đọc Lời Chúa liên tục theo chu kỳ 3 năm: Năm A đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu. Năm B đọc Tin Mừng theo thánh Maccô. Năm C đọc Tin Mừng theo thánh Luca.

Ngoài ra:

- Các Bài đọc trong Thánh lễ trong tuần thì lấy theo năm chẵn hay lẻ và chỉ đọc 2 bài đọc.

- Các lễ trọng và lễ kính trong tuần: 3 bài đọc.

- Các lễ nhớ (có lễ nhớ buc và lễ nhớ không buc): lễ nào có bài đọc riêng thì đọc bài đọc riêng; nếu không có thì đọc theo bài đọc trong tuần.

- Lễ ngoại lịch theo nhu cầu mục vụ: thứ Sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa, thứ tư đầu tháng kính thánh Giuse,.. .

- Lễ có nghi thức riêng: lễ cưới, lễ tang,.. . nếu có nghi ngờ, phải hỏi cha chủ sự.

- Trong mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, ngày CN, không được dùng các bài đọc khác ngoài bài đọc của ngày CN trong mùa.

- Trong mùa Thường niên và mùa Giáng sinh, ngày CN, tùy nhu cầu mục vụ, có thể chọn các bài đọc khác ngoài bài đọc của ngày CN trong mùa khi cử hành lễ An táng hay lễ cưới mà chỉ có hai bên gia đình của đôi hôn phối.

- Trong bối cảnh Thánh lễ cử hành trong gia đình hay trong một nhóm nhỏ, có thể dùng toàn bộ các bài đọc khác với bài đọc theo mùa.

- Riêng Thánh lễ An táng, Giáo hi ưu ái hơn, cho phép chọn các bài đọc theo nhu cầu mục vụ.

II.4. Cách thức công bố Lời Chúa:

1. Vị trí Bục đọc Lời Chúa (Giảng đài), ưu tiên sắp xếp làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của Lời Chúa như:

- Vị trí của Bục đọc Lời Chúa phải ở nơi xứng hợp bên cạnh Bàn thờ trên gian cung thánh. Bàn thờ, ở vị trí để mọi người có thể thấy rõ, nghe rõ.

- Bục đọc Lời Chúa phải là bục cố định, không di dời, cao ngang với Bàn thờ, trang trí cho tôn quí, xứng hợp.

- Không được đọc gì khác trên Bục đọc Lời Chúa ngoài đọc và cắt nghĩa Lời Chúa.

- Không được để Bục gì khác trong nhà thờ có trang trí bằng với Bục đọc Lời Chúa.

2. Âm thanh: điều chỉnh vừa tầm, cần đầu tư máy móc cho thật tốt. Thử micro trước lễ. Có người điều chỉnh.

3. Y phục: theo nghi thức, mặc áo alba trắng dài, may liền. Tuy nhiên Giáo hội cũng cho phép mở rnang hội nhập văn hóa: mặc y phục truyền thống, chỉnh tề. Y phục xứng kỳ đức.

4. Chỗ ngồi : xếp chỗ ngồi tiện cho đi lại, gọn, ít di chuyển. Không làm cho phân biệt, trịnh trọng quá đáng.

5. Đi đứng: nghiêm chỉnh, khoan thai, không vội vã. Không di chuyển trong lúc đang đọc lời nguyện (thiếu hiệp thông với việc đang cử hành). Theo Phụng vụ của Giáo hội, giây phút thinh lặng sau lời nguyện là 1 phần của Phụng vụ, nghĩa là phải tuân thủ chứ không phải tùy tiện tự ý bỏ hay thêm bớt gì khác.

6. Cúi chào: Hội đồng Giám mục VN được phép hội nhập văn hóa, phân biệt 2 cách cúi chào:

- Cúi đầu khi đi ngang tượng thánh, di tích thánh hay trước vị chủ sự.

- Cúi mình hay cúi sâu (gập người đến thắt lưng): khi đến trước Thánh Thể, trước Nhà Tạm, trước Bàn Thờ, hay trước thánh giá ngày thứ sáu tuần thánh, vì đó là sự hiện diện của Chúa Kitô.

Tuy nhiên khi Thánh lễ đang diễn tiến, Bàn thờ là trung tâm, ưu tiên nổi bật hơn Nhà Tạm: chỉ cúi mình chào Bàn Thờ.

7. Tư thế : đọc Lời Chúa trong tư thế đứng thẳng, không đảo mắt nhìn người khác, thái độ khiêm tốn, kính trọng, lắng nghe Lời Chúa. Hai tay để trên giá sách.

8. Cách đọc : đọc Lời Chúa thong thả, rõ ràng, hơi ngân cũng tốt. Đọc với cung giọng thích hợp theo thể loại như đã nói ở trên.

9. Phụng vụ buộc: khi kết thúc công bố Lời Chúa, phải nói với cộng đoàn « Đó là Lời Chúa ». Công thức này phải đọc nguyên như vậy, không chế biến gì khác. Khi nói lời đó với cộng đoàn, phải hướng mắt nhìn cộng đoàn.

10. Không nên sao chép Bài đọc ra giấy rời rồi đem lên đọc. Có thể bay mất giấy, gây lố bịch, mất trang nghiêm trong tác vụ thánh.

11. Khi công bố Lời Chúa, không được chia vai để đọc như một màn kịch vì không phải là diễn kịch. Chỉ trừ bài Thương khó trong tuần Thánh.

12. Người công bố Lời Chúa phải có ý thức chuẩn bị, mang tâm tình khiêm tốn để Lời Chúa tác đng. Người nghe Lời Chúa phải có tâm tình khao khát.

13. Con người bất toàn mà cử hành việc thánh thành sự được là nhờ chính Chúa Thánh Thần biến đổi, tác động. Chính Chúa hiện diện trong Lời của Ngài, làm cho Lời Chúa phát sinh hoa trái.

14. Khoảng cách giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người là vô biên, nhưng không phải vì vậy mà không dám công bố Lời Chúa mà chính là phải trông cậy ở ơn của Chúa Thánh Thần tác đng.

15. Khi đọc bài đọc, phải chú ý nhìn vào bài. Không đọc ‘’bài đọc 1 hay 2‘’, cũng không đọc lời tóm tắt in nghiêng trước bài đọc. Bởi vì những đoạn đó không phải là Lời Chúa.

16. Nếu đang lúc đọc Lời Chúa, âm thanh bị trục trặc, cứ tiếp tục đọc, đừng ngừng lại hay ra dấu hiệu gì. Chỉ chú tâm lo tác vụ đọc Lời Chúa mà mình đang có trách nhiệm làm thôi.

17. Cử hành Phụng vụ là phải cử hành nhịp nhàng, có người đảm trách từng phần vụ. Nếu lỡ sai thì cũng phải ‘’ sai trong trật tự ‘’ không làm rối loạn cả việc cử hành chung của cng đoàn. Mọi việc tùy theo sự quyết định của cha chủ sự.

Ăn trưa:

Nghỉ trưa, mọi người tham dự được mời dùng cơm trưa tại phòng ăn của giáo xứ. Trước khi ăn mọi người hát Hồng ân Thiên Chúa để tạ ơn Ngài. Ðức Ông Vinh chúc lành cho bữa ăn chung. Ai nấy sau khi đã dùng bữa đều khen ngon. Hỏi ra mới biết món mì spaghetti do chính cha Dũng nấu và dọn bàn. Sau bữa ăn trưa là giờ tự do.

III. Trao đổi, thực tập kỹ thuật.

III.1. Chia nhóm: 4 nhóm thảo luận.

Cha Việt đề nghị 3 câu hỏi để thảo luận với nhau:

1. Anh chị có nhận xét gì về việc cử hành Phụng vụ Lời Chúa ngày nay trong Thánh lễ ?

• 2. Đâu là những yếu tố, bề trong cũng như bề ngoài, cần phải có nơi TTV đọc Lời Chúa ?

• 3. Trong Thánh lễ, nếu lỡ đọc sai bài đọc thì phải làm sao ?


Các nhóm thảo luận hăng say với nhau trong 30 phút. Sau đó ngồi lại rút tỉa chung với nhau:

Trả lời 3 câu hỏi thảo luận đặt ra ở trên,

Nhóm 1 có giải đáp:

1. Cử hành Phụng vụ ở GXVN còn nhiều thiếu sót, thiếu chuẩn bị. Người đọc chưa thấm nhuần Lời Chúa. Trang phục chưa chỉnh tề, thiếu trang nghiêm.

2. TTV phải có sự chuẩn bị nội tâm thiêng liêng, cầu nguyện. Khi đọc phải thong thả, từ tốn. Muốn vậy, phải chuẩn bị trước ít nhất là 1 tuần.

2. Nếu lỡ đọc sai và biết là sai, phải ngưng lại, tìm đúng bài để đọc. Không nên đọc sai lấn tới. Hai người đọc 2 bài đọc nên đi lên cùng lúc và xuống cùng lúc để gọn và tránh di chuyển nhiều trong Thánh lễ.

Nhóm 2 có giải đáp:

1. Cử hành Phụng vụ ở GXVN thiếu chuẩn bị trước, thiếu tổ chức nhóm phụ trách đọc Lời Chúa như các nhóm phụ trách Phụng vụ thường thấy ở các giáo xứ Pháp. Ở một vài cộng đoàn, có khi chỉ có một người đọc các bài đọc, không chia sẻ trách nhiệm này cho người khác.

Đề nghị: Tổ chức học hỏi đọc Lời Chúa, tuyển chọn người đọc, tập luyện, lên lịch phân công đọc Lời Chúa trong các Thánh lễ. Cần có sự thông tin liên lạc trong nhóm đi đến hiệp thông với nhau. Phải có người đọc dự bị. Ví dụ: các thành viên trong nhóm Đọc Lời Chúa phải biết trước các bài đọc của Thánh lễ CN sắp tới.

Ngoài 2 người có tên trong lịch phân công đọc trong ngày đó, cũng nên có người khác trong nhóm có mặt trong Thánh lễ. Để khi 1 trong 2 người đọc Lời Chúa vắng mặt vì một lý do nào đó, người dự bị có thể thay thế tốt đẹp vì đã có chuẩn bị trước. Thiếu người nào, thay người đó thôi, không làm rối loạn lịch phân công.

2. Bề trong (phần thiêng liêng): TTV đọc Lời Chúa phải yêu mến và sống tinh thần Lời Chúa. Không bị ngăn trở hiệp thông với giáo hội. Phải có Bác ái khi thi hành Phụng vụ. Ý thức mình chỉ là công cụ của Chúa.

Bề ngoài: Phải có khả năng đọc chữ Việt và đọc rõ ràng. Ăn mặc chỉnh tề, nghiêm trang, tư cách đàng hoàng. Thái độ khiêm tốn, lắng nghe. Tránh mọi hình thức kịch tuồng, lố bịch.

3. Nếu đã có chuẩn bị trước như ở câu 1 và câu 2 thì tuy việc đọc sai có thể xảy ra nhưng là việc có thể tránh được.

Tuy nhiên, có thể có 2 trường hợp đọc sai:

- Đọc sai chữ hay câu: ngưng lại một chút rồi đọc lại nguyên câu. Không ú ớ hay xin lỗi vì mình chỉ là công cụ đọc Lời Chúa mà thôi chứ không phải nói chuyện với người khác.

- Đọc sai bài: phải chuẩn bị đọc với sách bài đọc thật. Nhưng nếu lỡ sai mà không biết thì tùy theo sự sắp xếp của Cha chủ sự.

Nhóm 3 có giải đáp:

1. Đây là mt dịp tốt để thấy tầm quan trọng của việc đọc Lời Chúa, để mang về áp dụng cho cng đoàn của mình. Thật là vinh dự khi được đọc Lời Chúa. Xác tín rằng PV Lời Chúa và PV Thánh Thể đều quan trọng nên phải chú tâm thực hiện. Không đọc Lời Chúa như đọc một bài diễn văn.

2. TTV phải có phẩm chất đạo đức, không rối. Đọc rõ, lớn, có chuẩn bị trước.

3. Nếu lỡ đọc sai mà cha hay thày sáu không nhắc thì cứ đọc luôn.

Nhóm 4 có giải đáp:

1. Đọc Lời Chúa là 1 Ơn gọi, là Hồng Ân, do đó phải chuẩn bị đọc trước, đọc rõ ràng, chính xác.

2. TTV phải nhã nhặn, khiêm tốn, đọc rõ ràng, chậm rãi và có kỹ thuật.

3. Lỡ đọc sai cứ đọc tiếp.

III.2. Thực hành đọc Lời Chúa:

Sau đó, mỗi nhóm chọn một bài đọc lấy từ sách Bài đọc và đề cử một người chuẩn bị, đại diện nhóm lên công bố Lời Chúa.

4 người lần lượt lên đọc. Sau đó mọi người nhận xét rút tỉa kinh nghiệm:

- Sau khi đọc xong, phải chờ cộng đoàn thưa xong rồi người đọc mới đi xuống.

- Khi nói ‘’ Đó là Lời Chúa ‘’, phải nhìn cộng đoàn vì nói với cộng đoàn.

- Khi đọc, phải đọc thong thả, từ tốn.

- Mặc dù cách phát âm tiếng Việt tùy theo miền có thể khác nhau và có thể gây hiểu lầm, khi công bố Lời Chúa, chúng ta nhớ cố gắng tập phát âm cho chuẩn xác, ít là theo đa số người nghe.

- Nên có xen kẽ TTV nam và nữ thì tốt hơn.

- Nhớ không đọc Bài đọc 1-2 và các lời tóm tắt in nghiêng nữa.

- Nhớ điều chỉnh micro cho vừa tầm đọc và có tiếng.

- Nhận xét chung, đọc đúng cung giọng thích hợp với thể loại bài đọc. Ngắt câu đúng. Hiểu được. Đọc có tâm tình.

- Khi đọc thể loại loan báo hay soi sáng, nên đọc lên giọng cao hơn một chút. Thể loại giáo huấn nên thấp hơn một chút.

- Nghệ thuật thánh dùng để chuyển tải Lời Chúa.

- Nếu không nắm chắc cách phát âm của một danh từ riêng, nên hỏi lại linh mục trước.

- Giữ 1 giây thinh lặng sau khi đọc xong Lời Chúa và trước khi nói với cộng đoàn ‘’ Đó là Lời Chúa ‘’ để phân biệt Lời Chúa và lời của người đọc.

III. 3. Giải quyết các tình huống

Cha Việt đặt ra một tình huống: Cha sở chỉ định một anh hay say rượu để đọc Lời Chúa. Có nhiều người phản đối. Riêng các anh chị nghĩ sao ?

Có nhiều ý kiến:

- Cha sở là người có trách nhiệm tinh thần với tất cả giáo dân trong xứ đạo của cha và cha biết rõ giáo dân của cha. Nếu như cha đã chỉ định người đó chắc là có ý muốn cải hóa anh ta. Chúng ta nên hưởng ứng và giúp đỡ anh ta vượt qua vì lẽ Phụng vụ mà thiếu mục vụ (Bác ái) thì không còn là Phụng vụ nữa rồi.

- Nếu anh ta rối thì không được.

- Cha không cho biết là anh ta say đến mức nào. Nhưng lúc anh cần phải đọc Lời Chúa chắc là không say. Có lẽ vì vậy mà cha sở muốn giúp anh tỉnh lại. Thôi thì cứ làm theo ý cha vì cha là người chịu trách nhiệm.

Cha Việt trả lời:

- Lời Chúa là Lời quyền năng, Lời phát sinh hiệu quả và biến đổi. Anh ta say là một bất toàn của con người nhưng chắc là không bị ngăn trở hiệp thông với Giáo hội, nếu không, chắc cha sở đã không gọi anh ta làm tác vụ này.

- Hãy nhìn Chúa Giêsu đối xử với người tội lỗi !

- Có lẽ chúng ta nên để ý đến tinh thần Bác ái trong Phụng vụ mà nâng đỡ anh và để cho Lời Chúa biến cải anh.

Các câu hỏi khác được đặt ra:

Có được đọc Lời nguyện giáo dân ở bục đọc Lời Chúa hay không ?

Cha Việt:

- Được đọc Lời nguyện giáo dân ở bục đọc hay ở một vị trí khác xứng hợp như đứng trước gian cung thánh hoặc ở chỗ ca đoàn. Riêng chú ý, nên gọi là Lời nguyện chung hơn là Lời nguyện giáo dân vì dễ gây hiểu làm. Ðó chỉ là lời nguyện của 1 thành phần nào đó trong giáo hội. Thứ đến, cho thấy lời nguyện này có tính phổ quát hướng đến mọi thành phần trong và ngoài giáo hi.

Câu hỏi: Tại sao linh mục phải hôn Bàn Thờ ?

Cha Việt:

- Bàn Thờ là thân xác Chúa Kitô. Tương tự, TTV hôn Sách Thánh vì Lời Chúa là chính Chúa Kitô.

Câu hỏi: Học hỏi biết như vậy rồi làm sao về áp dụng ở cng đoàn của mình đây, khó quá !

Cha Việt:

- Thờ phượng Chúa trong Thần Khí và Sự Thật, trong Tình Thương. Mình phải nói với nhau trong tình anh em xây dựng cng đoàn, nhẫn nại.

Câu hỏi: Cng đoàn chúng con vẫn dùng giấy photocopie các Bài đọc để cho các TTV đọc trong Thánh lễ.

Cha Việt:

- Cố gắng tìm mua cho cộng đoàn của mình 1 bộ sách lễ Rôma và một bộ Sách các Bài đọc. Nhớ mua sách Phụng vụ có imprimatur: có chuẩn nhận của Giáo hội cho phép dùng trong Phụng vụ. Vì việc Phụng vụ trước tiên là 1 cử hành thánh, có nghi thức, có sách vở văn bản, nhằm mục đích thánh hóa con người.

Câu hỏi: Có thể đọc Thánh vịnh trên Bục đọc Lời Chúa không ?

Cha Việt:

- Thánh vịnh vì là Lời Chúa (trích từ Kinh Thánh) mà con người dùng để đáp trả lại Lời của Chúa. Do đó, Thánh vịnh là 1 trường hợp có thể đọc trên Bục đọc Lời Chúa cũng như đứng đọc ở phía cộng đoàn. Vì là lời cộng đoàn đáp trả, nên để cộng đoàn hát chung ít nhất là câu điệp khúc. Ngày nay, Giáo hội khuyến khích đọc Thánh vịnh, nếu hát, phải chọn bài đúng lời của Thánh vịnh, không bị biến thể.

Câu hỏi: Nếu người rối thì có được đọc Lời Chúa hay không ?

Cha Việt:

- Rối đây hiểu là chống đối giáo hội một cách công khai. Như vậy là đánh mất sự hiệp thông với giáo hội nên không có đủ điều kiện để thực thi tác vụ đọc Lời Chúa.

- Ngoài ra, có những trường hợp bất toàn, không phải lỗi của đương sự, nhưng vì tránh gây hiểu lầm hay hiểu là nêu gương xấu mà giáo hội phải hạn chế ở một địa phương hay ở một giáo xứ nào đó mà không hạn chế ở nơi khác.

Kết thúc buổi chia sẻ và trao đổi

Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một ngày gặp gỡ để làm quen với nhau, hiểu biết nhau hơn, chia sẻ những khó khăn cũng như những vui mừng trong đời sống phụng vụ Lời Chúa của cộng đoàn. Ngạc nhiên và vui mừng thấy các anh chị TTV đọc Lời Chúa cởi mở, đơn sơ và chân tình học hỏi, góp ý và đón nhận góp ý của nhau. Cha Việt cho biết một tin mới: tháng 10/2008 này, có Thượng Hội đồng Giám mục họp ở Rôma để bàn về việc Đọc Lời Chúa. Điều đó cho thấy việc chúng ta học hỏi hôm nay là hiệp thông với ưu tư và sự quan tâm của Giáo hội. Ông Nguyễn Văn Ân đại diện anh chị em TTV cám ơn Cha Việt và giáo xứ đã giúp đỡ anh chị em học hỏi một cách bổ ích và ý thức hơn về tác vụ của mình để có thể chu toàn tác vụ này hơn trong cộng đoàn. Thâu lại giấy ghi tên các người tham dự để tiện thông tin, liên lạc, chia nhóm và lên lịch đọc Lời Chúa.

Và để kết thúc buổi họp mặt, các tham dự viên đã cùng chung tham dự thánh lễ. Chia sẻ Lời Chúa về Tin Mừng trích Gioan (4, 5-42): « người đàn bà Samaritaine xin Đức Kitô Nước hằng sống để khỏi phải khát nữa », cha Việt gợi ý ‘Nước không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người ở bất cứ nơi đâu. Con người còn khát khao nhiều giá trị cao quí hơn nước nữa. Câu hỏi đặt cho chúng ta là các TTV đọc Lời Chúa: Chúng ta có thật sự khao khát Lời Chúa trong cuộc đời của mình chưa ?

Sau thánh lễ, là người tổ chức buổi họp mặt, cô Anh Thư ngỏ lời cám ơn Cha Việt, các Cha trong Giáo xứ, Ban Thường vụ và các anh chị đã tổ chức và tham dự ngày Họp mặt hôm nay. Ròi mọi người cùng chụp hình lưu niệm chung. Đồng hồ treo tường chỉ 18 giờ.

Paris, ngày 06 tháng 03 năm 2008

(Viết theo biên bản của Nguyễn Mạnh Hùng và lời kể của Nathalie Vũ)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 06/03/2008
CHÓ DỮ RƯỢU CHUA

N2T


Nước Tống có một người họ Trang bán rượu cho người ta, ông ta nấu rượu rất thơm và thuần khiết rất được mọi người hoan nghinh.

Có một đại điền chủ muốn đãi tiệc mời khách, bèn sai đầy tớ đến tiệm rượu của nhà họ Trang để mua rượu, nhưng chó của nhà họ Trang rất dữ tợn, thường cắn bị thương những người đến mua rượu, người đầy tớ này trên đường đi càng nghĩ càng sợ hãi, và thực tế thì không dám đi, bèn tự tiện đi mua rượu nơi nhà người khác. Sau khi về nhà, chủ nhân vừa nếm thì cảm thấy mùi vị không đúng, bèn hỏi đầy tớ: “Mùi vị này không đúng, tại sao mày không mua rượu ở nhà ông Trang ?”

Người đầy tớ sợ bị chửi mắng, bèn nói dối: “Trong nhà ông Trang có con chó hung dữ, khách không dám đến cổng, cho nên rượu hôm nay trở thành chua rồi ạ !”

(Hàn Phi tử: Ngoại trữ thuyết tả hạ)

Suy tư:

Đã mở cửa tiệm buôn bán thì đừng nuôi chó dữ, bởi vì chẳng ai dại gì đến mua những nơi bán hàng có nuôi chó dữ; đã mở nhà hàng ăn uống, vui chơi, thì không nên nuôi chó dữ, bởi vì không một người khách nào muốn bị chó cắn cả...

Nhà thờ là nơi giáo dân đến để tham dự các lễ nghi của Giáo Hội, là nơi thờ phượng Thiên Chúa và là nơi để các giáo dân đến cầu nguyện với Thiên Chúa. Nhưng có một vài nhà thờ to lớn mà giáo dân không muốn đến chầu Chúa, bởi vì cha sở nuôi hai ba con cho to lớn chạy quanh nhà thờ, thấy người vào thì sủa om sòm và có khi nhe nanh muốn cắn...

Khi giáo dân có chuyện muốn gặp cha sở thì rón rén đi vào cửa hông hoặc lấp ló bên ngoài sân, bởi vì trong nhà cha sở có nuôi con cho bẹc-giê to bự chảng, đố ai mà muốn vào...

Thích nuôi chó là một thú vui không sao cả, nhưng có lẽ nên hy sinh thú vui đó để nhà thờ ngày càng có tiếng cười đùa vui vẻ của trẻ em, ngày càng có nhiều người đến chầu Chúa, và có nhiều người đến để tìm nguồn an ủi trong nhà thờ với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Nhà thờ đẹp to lớn mà nuôi thêm vài con chó dữ nữa, thì nhà thờ sẽ trở thành công sở và xa lạ với giáo dân.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 06/03/2008
N2T


20. Bạn phải dùng lương thực thiên thần như mưa tưới gội bạn, đền bù đủ những gì bạn thiếu sót.

(Thánh Teresa of Lisieux)
 
Sứ Điệp Phúc Âm: Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại.
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
20:20 06/03/2008
Ngày 9 tháng 3, 2008: CHÚA NHẬT THỨ NĂM MÙA CHAY, NĂM A.

Sách Tiên Tri Êdêkien 37:12-14;Thư gửi Rôma 8:8-11 và Phúc Ân Gioan 11:1-45

Sứ Điệp Phúc Âm: Chúa Giêsu là sự sống và là sự sống lại.

Câu hỏi giáo lý

1. Tại sao chỉ có Thiên Chúa bất tử?

Chỉ có Thiên Chúa tự hữu, không ai tạo dựng Chúa cả. Không được tạo dựng có nghĩa là không có bắt đầu và không có kết thúc. TC. vượt ngoài hạn định của thời gian. Mạc Khải về Thiên Chúa tự hữu hay bất tử tìm thấy trong Cựu Ước, như trong Sáng Thế Ký 21:33, Abraham gọi Chúa là Thiên Chúa bất tử hay trong Xuất Hành chương 3, Chúa hiện ra với Môsê và bảo “Ta là Đấng mà Ta là”. Chúa Giêsu cũng cho biết Ngài có trước Abraham” (Gioan 8:58). TC. là Chúa của kẻ sống, nơi Ngài và ai tin Ngài sẽ không có sự chết (Matcô 12:25-27)

2. Chúa đã cho bao nhiêu người sống lại từ cõi chết?

Con gái Ông Giairô, trưởng hội đường (Matcô 5:21-43, Matthêu 9:18-26 và Luca 8:40-56).

Con trai bà góa thành Naim, Phúc Âm Luca 7:11-17

Ladarô Betania, bạn Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay (Gio. 11:1-45)

Chính Chúa tự mình sống lại, được tường thuật trong Matthêu 28:8-20; Matcô 16:9-20; Luca 24:13-49; Gioan 20:11-21:25; Tông Đồ Công Vụ 1:1-11 và trong I Corintô 15:3-9

3. Chắc chắn có vô số người chết trong thời Chúa Giêsu, tại sao Chúa chỉ cho ba người sống lại?

Chúa đã làm 10 phép lạ chữa bệnh, 12 phép lạ trừ quỷ và 3 phép lạ phục sinh người chết. Chắc chắn số người bị quỷ ám, số bệnh nhân và số người chết nhiều gấp nhiều lần những người được Chúa cứu chữa. Chúa không có ý làm phép lạ để cứu tất cả, nhưng chỉ đủ để lời giảng “Thời giờ đã điểm và Nước Thiên Chúa đã gần!” được ứng nghiệm. Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế đã đến và ở giữa chúng ta. Ai tin Chúa, đều được cứu độ và đều được cứu sống. Như vậy, mọi người đều được chữa bệnh, được trừ quỹ và được phục sinh. Đó là phép lạ.

Áp dụng

1. Con người được tạo dựng “giống như Chúa!”

Chúng ta giống Chúa hay như Chúa như thế nào?

2. Lễ đám tang có đặt nến Phục Sinh trước quan tài người chết?

Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì?

3. Cách chia buồn thiết thực nhất với người chết và với gia đình người chết là dự lễ an táng và xin lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Người Việt Nam có thói quen xin lễ cầu nguyện cho kẻ chết trong tháng 11, tháng các linh hồn. Các bạn trẻ nên tiếp tục truyền thống xin lễ cầu cho kẻ chết. Đó là hiếu lễ, là cách trả ơn đối với người quá cố. Đó cũng là cách thể hiện niềm tin vào sự phục sinh, vào sự bất tử của linh hồn.
 
Chứng nhân lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ
Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ
20:32 06/03/2008
CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA VÀ ĐỨC MẸ

Lời dẫn: Sau hai tháng đau đớn trên giường bệnh, anh đã nằm xuống - giã biệt cuộc đời ở tuổi 32. Tưởng rằng sẽ chẳng ai màng đến cái chết của một anh chàng xì-ke và bị bệnh Sida, người đã từng gây ra biết bao điều đau lòng: cướp giật, đâm thuê, chém mướn…Và tưởng rằng bóng đêm dày đặc bao phủ đời anh sẽ đưa anh vào “hầm tối” của thế giới đêm đen. Nhưng không, bóng tối dù đen đủi và mạnh mẽ đến đâu cũng không dập tắt được Ánh Sáng (x. Ga 1,5): Ánh Sáng của niềm tin tưởng và hy vọng; Ánh Sáng của lời cầu nguyện và những hy sinh hằng ngày mà cha mẹ và biết bao người thân dành cho anh. Thực vậy, bóng đêm không thể nuốt chửng được Ánh Sáng, và sự dữ không thể thắng được tình yêu của Thiên Chúa nhân từ và của Mẹ Maria - tình yêu ấy đã theo gót chân từng con người đến cả những nơi tăm tối nhất để cứu họ, dù người đó có xứng đáng hay không. Một tình yêu nhưng không, một tình yêu nói với cả những ai tội lỗi nhất: “Con là con yêu dấu của Cha.” Mời bạn dành ít phút để đọc và suy niệm lời chứng về tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Mễ Du của chính người đã nằm xuống đã viết lại, và cũng chính anh đã chia sẻ trước mấy ngàn người của một vài giáo xứ ở quê nhà. Anh là Phêrô Nguyễn Gia Liêm, được CHÚA ĐÓN VỀ vào ngày 16. 02.2008 vừa qua. Lm. Nguyễn ngọc Thế sj

Tôi là một thanh niên 32 tuổi. Tuy thuộc gia đình công giáo gốc, nhưng tôi không giữ đạo cũng chẳng sống đạo. Tính tình ngang bướng không nghe giáo huấn của Chúa, cũng chẳng biết vâng lời ai, ngay cả cha mẹ của mình. Đến năm 18 tuổi tôi lao vào thế giới ăn chơi sa đoạ. Tôi làm đủ thứ nghề như đòi nợ thuê, cướp giật, cờ bạc, đâm thuê, chém mướn… bất chấp mọi thủ đoạn, chỉ cốt làm sao có tiền để ăn chơi, hút sách. Tôi trở thành con nghiện ngay lứa tuổi đôi mươi.

Đến năm 1997,tôi bị bắt tại Vũng Tàu vì tôi cướp giật. Sau 12 tháng tù giam, không hề hối cải, tôi tiếp tục lao vào con đường ăn chơi. Tôi cũng cai nghiện heroin nhiều lần nhưng thất bại.

Năm 2003, trong một vụ phạm pháp, tôi bị bắt đưa vào công an quận Tân Bình, lãnh án 18 tháng tù giam, chấp hành án tại trại giam cải tạo tỉnh Cà Mau. Tại đó tôi được thử máu, kết quả nhiễm HIV. Khi được tha về, tôi thất vọng chán nản vì căn bệnh bất trị này, buông trôi cuộc đời mình cho lăn xuống con dốc tội lỗi.

Lại phạm pháp vì tàng trữ Heroim, tôi bị bắt. Tòa án Hốc Môn xử 3 năm tù. Ở trại giam được 7 tháng, tôi chuyển đi Bố Lá. Ở đó tôi ngã bệnh trầm trọng đến nỗi khi có người nhà lên thăm nuôi, phải có ngươi dìu tôi ra. Ba tôi thấy vậy mới lấy một lọ nước nhỏ bảo tôi uống và nói là nước của Đức mẹ Lộ Đức do chị của tôi đang tu ở bên Pháp gửi về. Tôi nghĩ đó cũng chỉ là nước lã thôi và cũng uống để ba tôi vui lòng. Hai tuần sau tôi chuyển đến trường cải tạo khác và cảm thấy mình khỏe mạnh, mập mạp lạ thường.

Chấp hành án được hơn 2 năm tôi lại đổ bệnh trầm trọng phải nằm trạm xá gần 2 tháng. Cơ thể tôi từ 60kg sụt xuống còn 32kg. Tôi ở trong tình trạng hoàn toàn suy nhược cho nên phải chuyển ra bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Phước để xét nghiệm và nội soi phổi. Bác sĩ cho biết kết quả là lục phủ ngũ tạng của tôi đã nát bét hết, không xài được nữa. Nhưng lúc đó tôi đã ra chai lì, không còn biết sợ là gì, và cũng xác định mình đã ra nông nỗi này thì chết cũng chịu thôi. Bác sĩ đề nghị cho tôi về để người nhà lo hậu sự, vì tôi không còn khả năng tự phục vụ cho chính mình nữa.

Gia đình bảo lãnh tôi về nhà để chuẩn bị cho lần ra đi vĩnh viễn của tôi, một đứa con hoang đàng. Ba tôi vội vàng đi mời cha xứ để tôi được lãnh nhận Bí Tích Giải Tội, Xức Dầu và Mình Thánh Chúa. Cộng đoàn thấy tôi quá yếu nên rước thánh tượng Mẹ Mễ Du ở nhà thờ Huyện Sĩ về đọc kinh cầu nguyện cho tôi trong 3 đêm liền. Lúc ấy tôi chỉ biết nằm nghe mà thôi chứ không thể cử động nổi. Lạ lùng thay! Qua 3 đêm, sức khỏe của tôi dần dần hồi phục. Tôi đã ăn uống được bình thường và không cần người đỡ như lúc trước.

Khi sức khỏe của tôi đươc phục hồi nhờ phép mầu lòng thương xót Chúa và sự chuyển cầu của mẹ Mễ Du, thì…. than ôi! Tôi đâu có chịu hối cải. tôi lại lao vào con đường ma túy. Như chiếc xe không thắng, tôi lao vào ăn chơi, hút chích không thể dừng, mặc cho đời mình đi đến cuối đường là cái chết trắng tay. Mãi cho đến lúc đó mà tôi vẫn chưa nhận ra được lòng thương của Chúa, của Mẹ dành cho tôi, đã cứu tôi bao lần trong suốt những tháng năm vào tù ra khám và nhất là lúc thập tử nhất sinh vừa rồi.

Tôi chỉ còn là cái xác vô hồn sau khi đã vắt kiệt đời mình vào những cuộc ăn chơi vô độ đến nỗi vô tâm, vô cảm ngay cả với những người thân yêu của mình. Gia đình thấy tôi yếu nhược vội thắp nến đọc kinh cầu nguyện. Tôi nằm đó, tê liệt như cái xác không hồn, đau đớn, vật vã vì ma túy cho đến nửa đêm. Ma túy! Đúng, nó là con ma, con quỷ độc ác mà tôi đã vui vẻ trao trọn cuộc đời mình cho nó để bây giờ nó toan tính kéo tôi lao vào hỏa ngục cho có bạn bè! Có hối hận thì cũng đã muộn màng! Trong bóng đêm của đời mình tôi mơ màng nghe có tiếng ai đó nói bên tai. Tôi giật mình thức dậy cũng là lúc nhà thờ đổ chuông giờ lễ sáng. Tôi tỏ ý muốn đi dự lễ. Ba tôi ngạc nhiên và không hiểu sao tôi lại thay đổi, muốn đi dự lễ. Như được tiếp sức từ trời cao, dù không đủ sức khỏe, tôi vẫn cố lê từng bước đến nhà thờ, nơi có Chúa và Mẹ buồn sầu chờ đợi tôi đã bao lâu nay.

Cũng từ ngày đó, tôi mới thấy mình được ơn nhiều, đã vượt qua bệnh tật, nghiện ngập, vượt qua được những lôi kéo của thế gian xác thịt, ma quỷ để trở về với tình yêu thương của gia đình, với Cha trên trời. Tôi dứt hẳn được cơn nghiện, tôi cai sống! Điều mà trước kia đã bao lần tôi muốn mà không làm được, bao nhiêu trại cai nghiện cũng bó tay với tôi. Heroin tìm đến tôi thì tôi cũng phải tìm đến nó với bất cứ giá nào. Thế nhưng, bây giờ có Chúa rồi, tôi dửng dưng với nó. Thậm chí bạn bè nghiện cũ tìm đến, đưa chào mời miễn phí tôi cũng thản nhiên lắc đầu từ chối. Tôi hiểu rõ, sức mình không thể làm nổi điều này. Chỉ có ơn Chúa và Mẹ Maria qua lời cầu nguyện của gia đình và của cộng đoàn mà tôi mới được như hôm nay. Bây giờ tôi xác tín được như thánh Phaolô rằng: ”Tôi có thể làm được mọi sự trong Đức Kitô, Đấng ban sức manh cho tôi”.

Tôi đã cảm nhận được Lòng Thương xót của Chúa và tình thương của Mẹ Maria. Tôi đã được hồi sinh nhờ Máu và Nước của Chúa đã đổ ra trên Thập giá chuộc tôi về từ cõi chết: cái chết phần xác, cái chết phần hồn. Tôi muốn ghi lại những chứng tích này như dấu chỉ ngàn đời tình yêu của Chúa, lòng từ ái khôn lường của Mẹ Maria, Mẹ nhân loai, Mẹ của mỗi người chúng ta.

Phêrô Nguyễn Gia Liêm

Giáo xứ Tân Mỹ, Hóc Môn
 
Tin Mừng Cứu Sống
LM Giuse Nguyễn Hữu An
21:06 06/03/2008
Chúa Nhật V Mùa Chay A

TIN MỪNG CỨU SỐNG

Trong chuyến hành hương Đất Thánh cuối tháng 2 vừa rồi, tôi có đến thăm ngôi mộ Ladarô, mộ đục sâu vào đá, mấy chục bước tam cấp đi xuống, ánh sáng mờ ảo hắt lên những phiến đá lạnh lẽo nhập nhoà lung linh nơi Ladarô đã an nghĩ 4 ngày; thăm căn nhà 3 chị em Matta, Maria và Ladarô ở, viếng nhà thờ dâng kính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matta trước khi Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khoảng 1 giờ vì phải rẽ nhiều ngã quanh thành phố.

Đứng trước mộ Ladarô, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 11,1-45:

Trước ngôi mộ Ladarô
Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay: - Ladarô, người Thầy thương mến đang đau nặng. Chúa bảo: Bệnh này không đến nổi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

Cho dù Ladarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: - Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình: - Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy. Ladarô đã chết nhưng Matta tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Matta: - Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ. Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: - Con có tin điều đó không? Và Matta đã tuyên xưng: - Lạy Thầy con tin, Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian. Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha.

Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

Ta là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại, là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô Giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Là Kitô hữu, chúng ta tin có tội lỗi, tin vào thánh giá, tin có sự đau khổ và sự chết, tin vào ơn tha thứ, tin vào niềm vui, vào sự giải thoát, tin vào sự sống và sự sống lại.

Chính vì thế mà tất cả những lời chứa đựng trong Kinh thánh Tân ước được gọi là Tin mừng, Evangélion. Đó là Tin mừng cứu sống mà Chúa Kitô chính là nội dung; nói khác đi, chính Ngài là Tin mừng cứu sống (x.Mc 1,1). Thánh Phaolô thường gọi những lời thuyết giáo của Chúa là “Tin mừng Chúa Kitô” (x.1Tx 3,2; 1Cr 2,12; 4,4; 8,13; 10,14; Pl 1,27; Rm 15,19). Và chúng ta có thể tìm thấy trong thư gởi giáo dân thành Côrintô một toát yếu về Tin mừng ấy như sau: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cũng như đang nắm vững. Nhờ Tin mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

Trước hết, tôi đã trình bày lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ 3 đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm 12. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1Cr 15,1-8)

Chúng ta còn có thể tìm được những câu toát lược hơn nữa về Tin mừng Chúa Kitô, nhưng trong đó bao giờ cũng nêu lên hai điểm chính yếu: Chúa Kitô đã chết và Ngài đã sống lại (x.1Tx 4,14; 2 Cr 13,4; Rm 4,24-25; 8,34; 14,9).

Tin Mừng Cứu Sống chính là Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Chết và sống lại đó là hai sự kiện căn bản không thể tách rời. Không thể có sống lại nếu không chết, trái lại, nếu Chúa Kitô chết mà không sống lại thì nói như Thánh Phaolô “đức tin của chúng ta chỉ là trống rỗng” (1Cr 15,14), nghĩa là vô giá trị, giả dối.

Hai sự kiện trên vì bất khả phân như thế nên thánh Gioan đã liên kết lại trong cái mà Van den BUSSCHE gọi là “biến cố bất khả phân”, biến cố đó là biến cố cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên thánh giá mà thánh Gioan coi như là chính sự “Thăng Thượng” (Elevatio) của Chúa Kitô (Ga 8,28; 12,32); nói khác đi là chính giờ phút vinh quang của Ngài (Ga 13,31).

Bên trong nhà thờ Mộ Lazarô
Hai sự kiện, chết và sống lại đều cùng một mầu nhiệm Chúa Kitô. Lễ Vượt qua mới, hay là biến cố giải thoát, là môt biến cố bất khả phân. Tuy nhiên trong thực tế, biến cố này, tuy là một biến cố duy nhất nhưng rõ rệt phân làm hai đoạn chính: đó là chiều thứ 6 thụ khổ và sáng Chúa nhật Phục sinh. Vì thế, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là hai giai đoạn của cùng môt biến cố Cứu độ duy nhất.

Những bài Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay muốn chứng tỏ Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã loan báo, người Do Thái trông chờ hàng mấy trăm năm. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, và cũng là con người như chúng ta.

Việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Chúa Nhật thứ 1 mùa Chay) cho thấy Ngài là người đích thực, Ngài thông cảm với sự yếu đuối của con người. Việc Đức Giêsu hiển dung (CN 2 mùa Chay) cho thấy thần tính của Ngài, cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, được chính Chúa Cha giới thiệu. Câu chuyện về nước hằng sống với người phụ nữ Samari (CN 3 mùa Chay) cho thấy Ngài có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người, và Ngài tự xác nhận mình là Đấng Mêsia mà mọi người trông đợi. Việc làm sáng mắt người mù từ khi mới sinh (CN 4 mùa Chay) cho thấy quyền năng đặc biệt của Ngài và cách Ngài hành xử theo tình yêu hơn là theo lề luật. Quyền năng ấy lại còn đặc biệt hơn nữa với bài tường thuật Ngài làm cho Ladarô chết đã 4 ngày sống lại trong bài Tin Mừng CN 5 mùa Chay. Chúa Giêsu xác nhận Ngài “chính là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời”. Cuối cùng, Chúa Nhật kế tiếp (CN Phục Sinh) thuật lại việc sống lại của chính Ngài sau khi chịu tử nạn làm hy tế đền tội cho nhân loại. Sự sống lại này là dấu chứng vĩ đại và chắc chắn nhất chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia.

Bài Tin Mừng Chúa nhật V Mùa Chay chứng minh một cách tổng hợp Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, một con người đầy yêu thương. Ngài là Thiên Chúa, vì có khả năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người, vì khi đến thăm gia đình quý mến có người yêu thương đã chết, Chúa cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến”, Chúa đã khóc khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Chúa đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đó đã phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”. Như vậy, Ngài không chỉ yêu thương chúng ta bằng thứ tình yêu đầy tính thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, rộng rãi, và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Sự chết và sống lại của Chúa Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được rột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời,nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha (Rm 8,15).

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống”siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết”(Ga 11,26;1Ga,14). Không bao giờ chết là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.
 
Nối kết với Chúa Giê-su là Nguồn ban Sự Sống
LM Inhaxiô Trần Ngà
22:13 06/03/2008
Chúa Nhật 5 mùa chay

Nối kết với Chúa Giê-su là Nguồn ban Sự Sống

Sự sống vô cùng quý báu

Mạng sống hơn đống vàng. “Thà là một con chó (đang) sống còn hơn là một con sư tử chết.” (nhà văn Jack London)

Ai cũng khao khát sống, sống lâu sống khoẻ, trẻ mãi không già.
Người ta mưu cầu sự sống bằng đủ mọi cách, với bất cứ giá nào.
Nếu có phương thuốc trường sinh, thì dù phải mua với giá cao ngất, thậm chí phải bán cả gia tài mới đủ, người ta cũng quyết mua cho bằng được.

Thế nhưng, cuộc sống lại quá mỏng giòn

Thực tế cho thấy cuộc sống hiện tại thật mỏng giòn, mong manh, tạm bợ. Như quả bóng bóng xà phòng do một em bé thôi lên, trông long lanh hấp dẫn, óng ánh muôn màu. Nhưng rồi, bụp một cái! Nó tan biến hết, chẳng còn gì!

Vì thế mà một nhà thơ Việt nam, ông Nguyễn công Trứ than rằng: “Ôi, nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…”

Cái chết của Ladarô nói lên thân phận mong manh kiếp người

Cuộc đời của Ladarô cũng mong manh như thế. Đang nửa chừng xuân, đang tuổi còn dồi dào sức sống, Ladarô vội vã từ giã cuộc đời, để lại vô vàn đau thương tiếc nuối cho thân nhân cũng như bè bạn.

Đó là một mất mát vô cùng lớn lao mà không gì trên đời bù đắp nổi. Mất gì người ta cũng có thể kiếm lại được và có thể tậu lại cái mới tốt hơn; còn mất mạng sống là mất tất cả và dường như chẳng còn cách nào phục hồi lại được!

Chính vì thế mà khi La-da-rô chết đi, bà con họ hàng vô cùng thương tiếc. Cho dù La-da-rô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai người chị là Mat-ta và Maria vẫn còn ngậm ngùi thổn thức... Ngay cả Chúa Giê-su khi đến thăm mộ cũng không cầm được nước mắt trước cái chết của người thanh niên còn xuân trẻ nầy.

Khát vọng lớn nhất của nhân loại là khát sống. Cho dù cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, nay có mai không, có nhiều đắng cay cơ cực, có nhiều vất vả muộn phiền, nhưng ai ai cũng khát khao được sống.

Chúa Giê-su đem lại sự sống đời đời cho nhân loại

Vậy phải tìm đâu cho có sự sống lâu bền? Phải làm gì để biến đổi đời sống mau qua trở thành vĩnh cửu?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta bí quyết. Ngài tỏ cho Matta và Maria biết bí quyết nầy: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống”.

Nếu chỉ nói suông thì lời nói đó chẳng có giá trị gì. Điều quan trọng là lời khẳng định của Chúa Giê-su được củng cố bằng sự việc kèm theo. Dù La-da-rô đã chết và được mai táng trong mộ bốn ngày rồi, thân xác bắt đầu sình lên và đã nặng mùi, thế mà khi Chúa Giê-su kêu gọi: "La-da-rô, hãy ra đây!" thì người chết bắt đầu vươn vai chỗi đậy, bước ra khỏi mồ theo lời Chúa truyền dạy trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến, trước sự hoan hỉ khôn tả của thân nhân họ hàng.

Sự kiện Chúa Giê-su làm cho La-da-rô sống lại, kèm theo sự kiện chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ… chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.

Hãy kết nối với Chúa Giê-su để nhận được sự sống đời đời
Chúa Giê-su là Nguồn ban sự sống. Muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giê-su.
Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.
Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho.
Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể.
Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su, qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng con nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa.
Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su cho chúng con được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng con.
Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng con đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa như cành nho lìa thân nho, như bàn tay bị cắt lìa khỏi cơ thể và như thế chúng con đánh mất sự sống đời đời.
Xin cho chúng con sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được nối kết lại với Chúa và để cho sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền cho chúng con.
 
Hòa giải với mình
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
22:14 06/03/2008

Hòa giải với mình



Hòa giải với mình, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi người tín hữu đứng lên quay về hòa giải với người Cha nhân từ đang đứng chờ đợi bên khung cửa sổ của căn nhà ngày xưa. Nhưng trước khi bàn đến khía cạnh hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, người viết muốn bàn đến một khía cạnh hòa giải khác, đó là hòa giải với chính mình.

I. Hòa Giải

Thế nào là hòa giải với mình? Mà tại sao hòa giải với mình lại đi trước hòa giải với Thiên Chúa?

Đức Giêsu nói, “Yêu người như yêu chính mình”. Ông bà mình cũng nói, “Thương người như thể thương thân”. Thông thường chúng ta hiểu câu nói của Đức Giêsu và ông bà của mình một cách đơn giản là mình nên yêu mọi người như yêu thương chính mình. Nhưng cái rắc rối nằm ở chỗ nếu chúng ta không biết “thương thân”, “yêu chính mình”, làm sao chúng ta có thể biểu lộ hoặc thể hiện tình thương của mình tới những người khác? Thí dụ, nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không uống rượu say sưa làm hại đến lá gan và bao tử của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không hút thuốc lá làm hại đến hai lá phổi và sức khỏe của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ chăm sóc đến sức khỏe của mình nhiều hơn, bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống những thức ăn lành mạnh. Tương tự như vậy trước khi bàn về vấn đề hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta nên tự vấn chính mình,

— Tôi đã hòa giải được với tôi hay chưa?

Nếu không có khả năng tha thứ cho hoặc hòa giải được với mình, làm sao tôi có thể hòa giải được với ai khác?

II. Người Con Hoang Đàng

Câu chuyện Người Con Hoang Đàng (Luca 15:11 -32) là một câu chuyện nổi tiếng, gần như ai cũng biết. Nhưng có lẽ không mấy người chú ý đến một chi tiết liên quan đến khái niệm hòa giải với chính mình được trình bày trong câu chuyện. Trước khi quyết định quay về lại căn nhà xưa, Cậu Út nói,

— Tôi sẽ quay về nhà cha tôi. Tôi sẽ nói với người, “Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:18 -19).

Câu nói này Cậu Út không nói với ai hết nhưng với chính cậu ta. Sau đó Cậu Út mới lên đường trở lại căn nhà xưa. Khi gặp người cha, người con hoang đàng lập lại trước mặt thân phụ của mình nguyên văn câu nói mà cậu đã từng nói với chính mình trước đây,

— Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:21 ).

Câu nói mà Cậu Út nói với chính mình trước khi làm một đường vòng chữ U là một câu nói của hòa giải với chính mình. Vào giây phút đó, người con hoang đàng không hòa giải với bất cứ một người nào khác, nhưng với chính cậu ta. Bởi đã hòa giải được với mình, Cậu Út đứng dậy, quay về lại căn nhà xưa. Lần này cậu hòa giải với người cha của một thời mà cậu đã quay mặt từ chối, xoay lưng bỏ đi.

III. Tha Thứ, Hòa Giải

Có lần tôi gặp một người phụ nữ. Cô ta phá thai. Mười năm rồi, lương tâm cô ta bị cắn rứt với hình ảnh thai nhi đã một lần cô phá bỏ. Cô nói mặc dù đã lãnh nhận bí tích Hòa Giải nhiều lần, nhưng vẫn không cảm nhận được bình an trong tâm hồn. Lắng nghe câu chuyện, cuối cùng tôi hỏi,

— Vậy bao giờ chị sẽ tha thứ cho chị sau một lần lầm lỡ? Bao giờ chị sẽ hòa giải với chị cho một câu chuyện xảy ra đã hơn mười năm rồi? Mười năm vừa qua chị tự hành hạ mình chưa đủ hay sao?

Người con gái nhìn tôi. Cô ngỡ ngàng. Cô yên lặng. Và cô ta khóc! Nếu chưa hòa giải được với mình, tôi nghĩ rất khó cho chúng ta chấp nhận hòa giải với Thiên Chúa; bởi trong nhiều trường hợp, Chúa đã tha thứ cho chúng ta từ bao lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn như chú kiến, bò tới bò lui trên miệng chén, loay hoay đi ra đi vô lên án chúng ta.

IV. Hòa Giải Với Mình

Trong những buổi cấm phòng chia sẻ về chủ đề Hòa Giải, đặc biệt hòa giải với chính mình, nhiều người đặt câu hỏi, thắc mắc với tôi về những phương cách giúp chúng ta tha thứ và hòa giải với chính mình.

Khi một người xin lỗi chúng ta về một lời nói hay một hành động, động từ xin lỗi trong trường hợp này bao gồm hai ý nghĩa; thứ nhất, người xin lỗi biết mình sai lầm; thứ hai, người xin lỗi mong muốn được tha thứ. Nếu đồng ý tha thứ, chúng ta chấp nhận hòa giải. Tha thứ ở đây có nghĩa là không bao giờ chúng ta nhắc lại hành động lỗi lầm của người đó một lần nữa. Chúng ta không nhắc lại một lần nữa câu chuyện của quá khứ không phải bởi chúng ta đã quên đi chuyện cũ, nhưng bởi chúng ta đã chấp nhận hòa giải. Tiếng Anh có một câu nói khá chính xác diễn tả trường hợp này, forgive not forget, tha thứ nhưng không quên. Có thể câu chuyện đó vẫn nằm trong trí nhớ của chúng ta, nhưng bởi mình đã chấp nhận tha thứ hòa giải, chúng ta để cho câu chuyện đó chìm sâu vào trong quá khứ.

Thật sự ra có những biến cố trong đời, chúng ta không thể nào quên đi được, mặc dù chúng ta đã đồng ý tha thứ cho người lầm lỡ hoặc cho chính chúng ta. Dòng đời trôi qua nhưng biến cố này vẫn khắc sâu trong trí nhớ chúng ta. Nhớ lại những lỗi lầm hoặc biến cố này, chúng ta vẫn cảm thấy xót xa, mất bình an, thí dụ, phá thai. Ngược lại, cũng có những trường hợp chúng ta đã tha thứ, bỏ qua, và rồi chúng ta quên luôn câu chuyện này theo dòng thời gian.

Để hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì? Một trong những phương cách để hòa giải với Thiên Chúa mà một người Kitô hữu thường làm là qua Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta gặp một vị linh mục, người đại diện cho Chúa. Chúng ta NÓI với Chúa về những lỗi lầm. Chúng ta xin Thiên Chúa thứ tha cho những lần chúng ta yếu đuối.

Một cách tương tự, để tha thứ, để hòa giải được với mình, tôi đề nghị chúng ta có thể làm những điều sau đây:

(1). VIẾT những lỗi lầm của chúng ta lên trang giấy, thí dụ, viết nhật ký. Trong trường hợp viết nhật ký, chúng ta phải cẩn thận, bởi biết đâu sẽ có người thứ hai đọc được những hàng nhật ký riêng tư của chúng ta. Nếu muốn, sau khi viết lên giấy trắng những tâm sự riêng tư của mình, chúng ta nên đốt đi.

(2). Chúng ta NÓI ra hoặc KỂ lại với một người thứ hai về những lỗi lầm của chúng ta, những câu chuyện cắn rứt lương tâm của mình. Người thứ hai đây phải là một người chúng ta hoàn toàn tin tưởng được. Người này có thể là người bạn, hoặc người thân trong gia đình, hoặc linh mục trong tòa giải tội, hoặc sơ linh hướng, hoặc ngay cả với Thiên Chúa. Nếu có điều kiện về tài chánh, bạn có thể nói với bác sĩ tâm lý, counselor.

Viết hoặc nói ra những biến cố quan trọng, những biến cố cắn rứt lương tâm là một trong những cách một người có thể làm trong khi họ đang tìm cách để tha thứ và hòa giải với chính mình. Đặc biệt, một trong những dấu hiệu biết là mình đã tha thứ, đã bỏ qua, đã hòa giải là trong khi nhớ lại câu chuyện cũ, mình không còn cảm thấy bồi hồi xót xa, hoặc là lương tâm cắn rứt với câu chuyện cũ nữa

Lời Nguyện

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin ban thêm ơn thánh, xin dạy con thêm can đảm, quyết định đứng dậy, dứt khoát với những bóng đen của quá khứ, để Chúa làm mới lại thể xác và tâm hồn của con.

www.nguyentrungtay.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH họp với 200 nhà lãnh đạo tôn giáo khi ngài thăm Hoa kỳ
Phụng Nghi
09:56 06/03/2008
Washington (CNS) – Đức thánh cha Bênêđictô 16 sẽ gặp các đại diện của Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Jain và Ấn giáo trong cuộc họp Liên tôn vào 17 tháng 4, trong dịp ngài viếng thăm Hoa kỳ từ ngày 15 đến 20. Cuộc họp có chủ
ĐGH Benêdictô XVI gặp Thượng phụ Bartholomew I ngày 6/3/2006
đề “Các Tôn giáo Dấn thân cho Hoà bình”, lâu khoảng 45 phút, sẽ gồm diễn từ của Đức Giáo hoàng, lời chào mừng của những nhà lãnh đạo các tôn giáo, và trao tặng quà tượng trưng của thành viên mỗi tôn giáo hiện diện. Khoảng 200 nhà lãnh đạo đã được mời tới tham dự cuộc họp tại Trung tâm Văn hóa Gioan Phaolô II ở Washington, tọa lạc phía bên kia Vương cung Thánh đường Quốc gia dâng kính Mẹ Vô nhiễm và trường Đại học Công giáo Hoa kỳ, cả hai nơi này cũng là điểm dừng chân của Đức thánh cha trong lộ trình thăm viếng nước Mỹ của ngài.

“Tiếng khóc than đòi hòa bình trên thế giới kêu mời các tổ chức tôn giáo phải hợp sức lại”. Đó là lời của Giám mục Phụ tá Richard J. Sklba giáo phận Milwaukee, chủ tịch Ủy ban về Hiệp nhất và Liên tôn giáo vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, trong thông cáo phổ biến ngày 4 tháng 3 cùng với các chi tiết về cuộc họp. “Cuộc họp này biểu hiện niềm tin tưởng của Đức thánh cha vào nhu cầu các tổ chức tôn giáo phải đề cao mục tiêu hòa bình, là điều nằm nơi trọng tâm của tất cả mọi tôn giáo. Nó minh họa điều phải thực hiện trên khắp thế giới.”

Theo lời linh mục James Massa, giám đốc điều hành Ủy ban nói trên, thì trong số 200 vị được mời có 50 người Công giáo, số còn lại là những đại diện của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, hoặc đang hoạt động với giáo hội Công giáo trong các lãnh vực được quan tâm chung, hoặc đang có đối thoại với các đại diện của Giáo hội. Các đại diện của đạo Sikh, tôn giáo lớn thứ năm trên thế giới, trước đây đã dự trù tới họp nhưng sau từ chối, vì Cơ quan Mật vụ nại lý do an ninh đã quyết định rằng những người Sikh mang dao kirpan không được mang theo vào phòng họp. Đức tin Sikh buộc các thành viên chính thức nhập đạo phải luôn luôn mang theo kirpan, một lưỡi kiếm hay dao găm nhỏ thường đặt trong bao đeo bên trong quần áo họ mặc.
 
Tòa thánh dựng tượng Galileo
Phụng Nghi
11:39 06/03/2008
Galileo


Vatican (CNA) – Theo tin của báo Times, Tòa thánh Vatican dự trù dựng trong vườn hoa Tòa thánh một bức tượng của Galileo, nhà khoa học thế kỷ 15.

Bức tượng sẽ đứng gần ngôi nhà nơi nhà thiên văn học Galileo bị giam giữ trong lúc chờ phiên xử tội năm 1633. Ông bị kết án vì phát biểu công khai thuyết Nhật tâm (heliocentrism), một lý thuyết của Copernicus cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Mặc dầu không bị tra tấn hay hành quyết, theo như một số người tin tưởng, nhưng ông bị Pháp đình tôn giáo ép buộc phải công khai rút lại ý kiến.

Nicola Cabibbo, một nhà vật lý hạt nhân, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học, đã giải thích lý do việc dựng tượng. Ông nói: “Giáo hội muốn khép lại vụ việc Galileo và đạt tới một sự hiểu biết dứt khoát không chỉ về di sản vĩ đại của ông mà còn về mối liên hệ giữa khoa học và đức tin.”

Giáo sư Cabibbo nói rằng việc dựng tượng là điều thích hợp vì Galileo là một trong những người thành lập vào năm 1603 Viện Hàn lâm Lincei, tiền thân của Học viện Giáo hoàng về Khoa học ngày nay.

Việc đặt tượng được quỹ tư nhân bảo trợ, sẽ tiến hành trước một loạt các buổi lễ đánh dấu 400 năm ngày Galileo phát minh ra kính viễn vọng. Các hoạt động gồm có hội nghị tại Vatican về Galileo, có sự tham dự của 40 nhà khoa học quốc tế, và duyệt xét lại bản án Galileo tại Viện Florence do Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) điều hành. Một số thành viên Dòng này nằm trong tòa án đã xét xử và tuyên bố tình nghi Galileo là người lạc giáo.

Hồi tháng giêng năm nay, Đức thánh cha Bênêđictô XVI hủy bỏ cuộc thăm viếng trường Đại học La Sapienza ở Roma, sau khi một số người trong ban giảng huấn và sinh viên kết án ngài bào chữa cho việc kết tội Galileo. Họ trưng dẫn bài diễn văn ngài đọc tại La Sapienza năm 1990, khi còn là hồng y, thảo luận về việc thời đại tân tiến đã bắt đầu nghi ngờ chính nó ra sao. Hồng y Ratzinger lúc đó đưa ra bằng chứng sự tự nghi ngờ này nơi nhà triết học Paul Feyerabend, người đã gọi việc khởi tố Galileo vì tội lạc giáo là “hợp lý và chính đáng.”

Tòa thánh Vatican nhấn mạnh rằng những người phản kháng đã trích dẫn sai lời của Đức giáo hoàng, và sau đó tìm tòi cho thấy những người này đã xử dụng một tài liệu sai lạc phổ biến trên Wikipedia là bách khoa từ điển trên mạng Internet. Các người phản kháng đã bị kết án khắp nơi ở nước Ý, đã có 200 ngàn người tập họp để ủng hộ Đức thánh cha vào ngày chủ nhật sau khi bài diễn văn được bãi bỏ.
 
ĐTC Benêđictô XVI và Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Bartholomew I cầu nguyện chung
Đồng Nhân
12:15 06/03/2008
VATICAN - ĐTC Benêđictô XVI và Đức Thượng phụ Chính Thống giáo Bartholomew I của thành Constantinople đã có buổi gặp gỡ và cầu nguyện với nhau tại VAtican vào ngày hôm nay 6/3/2008.

Sau cuộc đàm thoại ngắn, Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Đại Kết đã vào nguyện đường Urban VII tại Vatican để cầu nguyện, hai vi đã đọc Kinh Lậy Cha chung với nhau bằng tiếng Latin.

Đức Thượng Phụ đến Roma để mừng kỉ niệm 90 thành lập Học Viện Giáo hoàng Đông phương (Pontifical Oriental Institute). Đức Bartholomew vào thập niên 1960 là sinh viện của Học Viện này, Ngài đã đổ bằng Tiến sĩ tại đây trước khi được thụ phong là linh mục Chính thống giáo vào năm 1969.

Đức Benedictô và Đức Thượng phụ Bartholomew đã từng cam kết sẽ hợp nhau với các nỗ lực tiến tới sự tái lập Hiệp nhất Kitô giáo. Từ khi lên làm Giáo hoàng vào năm 2005, Đức Benedictô đã gặp gỡ với Thượng phụ Bartholomew lần này là lần thứ 3. Lần gặp đầu vào tháng 11 năm 2006 khi Ngài tông du tới Istanbul củng với Đức Thượng Phụ mừng lễ Thánh Anrê Tông đồ, quan thầy của Tòa Constantinople. (Thượng phụ Bartholomew đã viết thư mời ĐTC Benedictô ngay sau khi được bầu là Giáo hoàng). Hai vị gặp nhau lần thứ hai vào tháng 10 năm 2007, khi Đức Thượng phụ tới Italia để tham dự Hội nghị Quốc Té về Hòa Bình tại thành Napoli, Nam Italia.
 
Các Đức Giám Mục Venezuela tố cáo thái độ hiếu chiến của Hugo Chávez
Nguyễn Việt Nam
15:49 06/03/2008
Hội Đồng Giám Mục Venezuela vừa đưa ra một thông báo “nhằm đáp trả bầu khí căng thẳng và bất định” mà quốc gia này đang trải qua do “cuộc khủng hoảng phức hợp” giữa chính quyền các nước Colombia, Ecuador và Venezuela.

Các Đức Giám Mục bày tỏ sự đau buồn rằng cuộc khủng hoảng đã xảy ra “giữa các nước cộng hòa chị em” và “vượt lên những nguyên cớ gây ra tranh chấp, việc làm xấu đi tình hình cuối cùng có thể làm hại bầu khí sống chung hòa bình truyền thống và gây ra xung đột vũ trang giữa các nước chị em với nhau”.

Khủng hoảng đã xảy ra khi quân đội Colombia bất ngờ tấn công vào một căn cứ của phiến quân cộng sản FARC nằm sâu trong lãnh thổ Ecuador. Cố nhiên, Ecuador phản ứng cáo buộc Colombia vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, chính quyền Chávez của Venezuela cũng nhào vô hô hoán chống lại Colombia và đưa quân áp sát biên giới.

Các Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng “không điều gì tích cực và lâu dài có thể đạt được thông qua bạo lực, thù hận và chiến tranh, dù là trong nước hay với các nước láng giềng chị em. Việc tìm kiếm hòa bình là nghĩa vụ căn bản của mọi nhà nước có trách nhiệm và đầu thời là một nhu cầu không thể thiếu được cho cuộc sống và cho sự phát triển toàn bộ của đất nước chúng ta”.

“Vì thế chúng tôi khuyến cáo nhà nước này hoàn thành nghĩa vụ hiến định của mình một cách dứt khoát và có trách nhiệm để bảo vệ hòa bình bên trong và bên ngoài Venezuela, cũng như bảo vệ chủ quyền với một thái độ ôn hòa khi đối phó với những yếu tố đa dạng và phức tạp của tình hình. Mặt khác, chúng tôi hy vọng chính quyền của chúng ta sẽ biết ơn trước những cáo buộc đưa ra bởi chính quyền Colombia”.

Venezuela đưa xe tăng áp sát biên giới Colombia
Các Đức Giám Mục cũng hy vọng rằng “tất cả các cơ chế thương thuyết và trung gian hòa giải” sẽ được khởi động và “được sự tán trợ của ba nước ngõ hầu nhanh chóng tái lập những kênh ngoại giao thông thường giữa các nhà nước chúng ta. Điều này sẽ khiến cho có thể thực hiện được cuộc đối thoại trực tiếp để tìm kiếm và tăng cường hòa bình và tránh việc leo thang tranh chấp”.

Các Đức Giám Mục đã khích lệ người dân Venezuela đến nhà thờ dâng thánh lễ đặc biệt vào Chúa Nhật này để “xin Chúa là Mục Tử nhân lành xua đi tai ương chiến tranh khỏi các dân tộc và san thẳng con đường hướng đến hòa bình tại Venezuela và giữa các quốc gia chị em thuộc châu Mỹ La Tinh yêu dấu của chúng ta”.

Các Đức Giám Mục cũng lên án việc các ủng hộ viên của Hugo Chávez tấn công vào văn phòng của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Caracas trước con mắt thờ ơ của cảnh sát. Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 27/2, những kẻ ủng hộ Hugo Chávez này đã chiếm văn phòng này trong nhiều giờ và tổ chức một cuộc biểu tình chống Giáo Hội Công Giáo và đài truyền hình độc lập duy nhất tại Venezuela Globovision.

Nhóm 15 tên côn đồ này đeo mặt nạ được hướng dẫn bởi Lina Ron, một thành viên của Đảng Liên Hiệp Xã Hội Venezuela – một tổ chức chính trị của Hugo Chávez chuyên tổ chức những cuộc phản biểu tình nhằm tấn công bạo lực tất cả những ai dám chống lại Hugo Chávez.

Nhóm côn đồ này đã trục xuất tất cả những nhân viên trong Văn Phòng Chưởng Ấn kể cả Đức Giám Mục Jesús González de Zárate, Giám Mục Phó của tổng giáo phận Caracas, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm chưa đầy một tháng.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Sabino, Tổng Giám Mục Caracas, không có mặt tại văn phòng này trong lúc xảy ra vụ lộn xộn. Nhóm côn đồ này đã truy lùng ngài nhắm tấn công bạo lực để trả thù cho những tuyên bố gần đây của ngài gây bất lợi cho Hugo Chavéz, đặc biệt là trong cuộc trưng cầu dân ý để Hugo Chavéz có thể cai trị Venezuela bao lâu tùy thích.

Sau khi chiếm được văn phòng, Lina Ron đọc một tuyên cáo lên án Giáo Hội Công Giáo là ủng hộ cho cuộc đảo chính bất thành vào năm 2002.

Các ủng hộ viên Chavéz lên án Đức Cố Tổng Giám Mục Caracas là Đức Hồng Y Ignacio Velasco đã ủng hộ cuộc đảo chính này trong khi Hội Đồng Giám Mục nước này liên tục phủ nhận sự dính líu của Đức Hồng Y cũng như của các Đức Giám Mục khác.

Ron cũng lên án Đức Sứ Thần Tòa Thánh về tội “phản cách mạng” vì đã cho Nixon Moreno, một sinh viên biểu tình trốn tránh trong Tòa Sứ Thần.

Mục tiêu khác của Ron là đài truyền hình Globovision. Ron nói: “Chúng tôi muốn đặt bom đài truyền hình này nhưng chúng tôi nhường điều này cho sáng kiến của mọi người”.

Các ủng hộ viên Chavéz đã lớn tiếng yêu cầu CONATEL, một tổ chức nhà nước kiểm soát truyền thanh và truyền hình phải “có hành động thích đáng chống lại đài truyền hình Globovision”.

Trước khi rút lui, bọn này hô to khẩu hiệu: “Có Chavéz thì có tất cả, không có Chavéz thì chỉ có chì (ám chỉ đạn)”.
 
Ít nhất 8 người chết trong vụ tấn công kinh hoàng vào một chủng viện tại Jerusalem
Đặng Tự Do
16:12 06/03/2008
Jerusalem - Một tay súng đã xâm nhập vào một chủng viện Do Thái Giáo tại Jerusalem, xả súng bắn bừa bãi trong một thư viện giết chết ít nhất là 8 người.

Quân Do Thái phong tỏa khu vực
Cảnh sát và quân Do Thái tại hiện trường
Thư viện nơi xảy ra vụ tấn công
Các nhân viên cấp cứu cho biết ít nhất là 10 người khác đã bị thương. Phát ngôn viên chính phủ Do Thái, ông Daniel Seaman cho biết là chỉ có một tay súng hành động chứ không phải là hai người như tường thuật ban đầu của một số báo chí.

Tại dải Gaza, quân du kích Hamas lên tiếng ca ngợi cuộc tấn công nhưng không thừa nhận trách nhiệm về vụ này. Hàng ngàn người đã đổ ra đường ăn mừng và bắn súng lên trời.

Trong điện văn gởi các ký giả, tổ chức Hamas viết: “Chúng tôi chúc phúc cho cuộc tấn công này. Đó sẽ không phải là cú cuối cùng”.

Tại Li Băng, Al-Manar của nhóm Hezbollah cho biết trên truyền hình là một nhóm vô danh có tên “Martyrs of Imad Mughniyeh and Gaza” (Những anh hùng tử đạo của thầy giảng kinh Koran Mughniyeh và của dải Gaza) chịu trách nhiệm về vụ này.

Thầy giảng kinh Koran Mughniyeh, một lãnh tụ quân Hezbollah đã bị giết bởi xe bom ở Syria hôm 12/2. Hezbollah cáo buộc Do Thái nhúng tay trong vụ này.

Cuộc tấn công này gây quan ngại cho tình hình đang có chiều hướng thuận lợi. Nó diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thuyết phục tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trở lại bàn thương thuyết với Do Thái. Ai Cập đang đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Do Thái và Palestine. Nước này đã rút lui sau những cuộc tấn công dữ dội của Do Thái tại dải Gaza.

Theo thông lệ, Do Thái sẽ tấn công rất dã man vào người Palestine để trả đũa cho vụ này.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2/3, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lo lắng của ngài về tình trạng căng thẳng giữa Do Thái và người Palestine tại dải Gaza đang dâng cao trong tuần qua. Chỉ mới hôm 1/3, 54 người đã bị giết tại dải Gaza trong cuộc không tập của quân Do Thái nhắm vào quân Hamas để trả thù cho những vụ tấn công hỏa tiễn nhắm vào Do Thái.

Ngài nói: “Tôi lặp lại lời mời gọi đến các nhà chức trách: cả Do Thái lẫn Palestine, xin họ ngưng ngay các hành vi bạo lực xoáy trôn ốc, đơn phương, vô điều kiện. Chỉ khi nào chúng ta chứng tỏ một sự tôn trọng tuyệt đối với sinh mạng con người, dù là của kẻ thù, thì chúng ta mới có thể hy vọng mang đến cho tương lai hòa bình, sự cùng tồn tại cho các thế hệ trẻ và cho tất cả mọi người có gốc rễ tại Thánh Địa”
 
Đức Hồng Y Tarcisio Bertone tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc diệt chủng tại Armenia
Thúy Dung
16:36 06/03/2008
Armenia. - Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã có những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, và với chính phủ nước này. Ngài cũng đã viếng thăm đài kỷ niệm các nạn nhân trong vụ diệt chủng tại Armenia.

Quân Thổ tàn sát người Armenia
Theo dự trù, Đức Hồng Y sẽ thăm nước này từ 2 đến 6/3. Tuy nhiên, do tình hình khủng hoảng chính trị tại đây, ngài đã hoãn cuộc viếng thăm. Ngài đã bắt đầu thăm Armenia hôm 4/3 với cuộc gặp gỡ với Đức Karekin II, Catholicos (Thượng Phụ) của Giáo Hội Armenia Tông Truyền. Hôm 5/3, ngài viếng mộ Đức Tổng Giám Mục Nerses Der Nersessian, vị Tổng Giám Mục Công Giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương tại Armenia. Ngài đã giữ chức vụ này từ 1991 đến khi qua đời năm 2004. Đức Hồng Y đã thăm Đức Tổng Giám Mục Nechan Karakeheyan, Tổng Giám Mục đương nhiệm của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương tại Armenia. Cùng ngày, Đức Hồng Y đã dâng thánh lễ tại một nhà thương ở Giumri.

Hôm 6/3, Đức Hồng Y đã gặp tổng thống Armenian, ông Robert Kocharian, người đã ca ngợi Đức Hồng Y vì những cố gắng của ngài làm cho thế giới biết đến cuộc diệt chủng tại Armenia. Cùng ngày, ngài đã viếng thăm viện bảo tàng diệt chủng tại thủ đô Armenia và đặt vòng hoa tại đây.

Sau khi rời Armenia, Đức Hồng Y sẽ lên đường thăm Azerbaijan, nơi ngài sẽ có những cuộc tiếp xúc với thủ tướng Arthur Rasizadeh, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, sứ thần Tòa Thánh tại đây và thăm cộng đoàn Công Giáo Azerbaijan cho đến ngày 9/3.

Tưởng cũng nên biết thêm, từ 1894 đến 1923 một thảm kịch ít được thế giới đề cập đến đã chụp xuống đầu người dân Armênia không phân biệt giới tính hay tuổi tác, một thảm kịch gần như tiêu diệt hoàn toàn dân tộc Kitô Giáo này, những người đầu tiên đã nhìn nhận Kitô Giáo là quốc giáo vào năm 301.

Người dân Armênia được coi là công dân hạng hai trong đế quốc Ottoman. Trong thời gian từ 1884 đến 1915 một con số ước lượng khoảng 300,000 người đã bị giết.

Ngày 24/4/1915, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng trăm nhà lãnh đạo Armênia trong khi tiến hành cuộc diệt chủng ít nhất từ 1 triệu đến 2 triệu người Armênia đang sống dưới ách đế quốc Ottoman.

Nhiều vị tử đạo trong cuộc diệt chủng này đã được Giáo Hội nhắc đến. Trong số các vị tử đạo có Chân phước Salvatore Lilli và 7 bạn tử đạo, bị quân Thổ giết chết; sư huynh Vittore Urrutia bị bỏ cho chết đói vì cứu giúp các giáo dân khỏi bị tàn sát; Sư huynh Pasquale Boladian, cũng bị chết đói; cha Patrizio Werkley, bị quân Thổ giết trong khi đang chăm sóc cho dân chúng bị dịch bệnh.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 19 Giám Mục Guatemala
LM Trần Đức Anh OP
20:41 06/03/2008
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ Giáo Hội tại Guatemala gia tăng nỗ lực giúp đỡ những người nghèo khổ, tăng cường việc chuẩn bị hôn phối và đẩy mạnh công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-3-2008 dành cho 19 GM Guatemala về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận định rằng: ”Anh em đang mang trong con tim mục tử của mình nỗi lo âu đứng trước sự gia tăng bạo lực và nghèo đói đang đè nặng trên phần lớn dân chúng, tạo nên sự di cư ồ ạt ra nước ngoài, mang theo những hậu quả trầm trọng trong lãnh vực bản thân và gia đình. Tình trạng này mời gọi anh em canh tân nỗ lực để tỏ cho mọi người khuôn mặt từ bi của Chúa, mà Giáo Hội được kêu gọi trở thành hình ảnh, tháp tùng và quảng đại, tận tụy phục vụ những người đau khổ và yếu thế nhất”.

ĐTC đề cao truyền thống coi trọng gia đình trong nền văn hóa Guatemala và ngài kêu gọi Giáo Hội địa phương ngày càng quan tâm huấn luyện vững chắc cho những người chuẩn bị kết hôn, mang niềm tin vậy vào trong các gia đình và trợ giúp cần thiết để các đôi vợ chồng chu toàn trách vụ của họ.

Ngài không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin và các bí tích để chống lại nguy cơ các giáo phái lan tràn chiêu dụ các tín hữu Công Giáo.

Sau cùng, ĐTC khích lệ Giáo Hội tại Guatemala tiếp tục canh tân tinh thần truyền giảng Tin Mừng, nhất là dưới ánh sáng những kết luận của Đại hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ châu la tinh nhóm tại Aparecida Brazil hồi tháng 5 năm 2007. Ngài nói: ”Tôi khuyến khích anh em tiếp tục sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội với tinh thần mới mẻ, trong bối cảnh của những thay đổi văn hóa hiện nay và của sự hoàn cầu hóa, mang lại một đà tiến với cho việc giảng thuyết và huấn giáo, công bố Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, như nền tảng và lý do hiện hữu của mọi tín hữu. Công cuộc truyền giảng Tin Mừng cho văn hóa là một trách vụ ưu tiên để Lời Chúa được đến với mọi người và được đón nhận trong tâm trí, trở thành ánh sáng soi chiếu và là nước thanh tẩy với sứ điệp của Tin Mừng mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”.

Guatemala rộng gần 109 ngàn cây số vuông, với gần 13 triệu dân cư, đa số là tín hữu Công Giáo (SD 6-3-2008)
 
Top Stories
Vietnamese in diaspora work with Catholic priests and lay people in Vietnam for an English-Vietnamese Catholic Dictionary
J.B. An Dang
08:01 06/03/2008
Vietnamese in diaspora work with Catholic priests and lay people in Vietnam for an English-Vietnamese Catholic Dictionary

Encouraged by the late Cardinal Francois Xavier Nguyen Van Thuan, President of the Pontifical Council for Justice and Peace, since 1996, hundreds Catholic priests, religious and lay people living overseas have been working together in VietCatholic News Agency to inform, inspire and support individuals and organizations in their daily lives and missions in Vietnam. The website carries translated texts of papal speeches, pronouncements and other Church documents. It also provides succinct news and comments on matters of Catholic interest.

Through the site, the communication between the Church in Vietnam and the universal Church has been greatly improved. While Catholics around the world have become better informed about the daily life, the missions, the sufferings, and the struggles of their brothers and sisters in Vietnam, Catholics in Vietnam have been enriched with numerous translated articles in various areas as well.

Thus, bishops in Vietnam have constantly reiterated the importance of the Church's work in communications, particularly the Internet. They have also emphasized the need to have an English-Vietnamese Catholic Dictionary to allow Catholics in Vietnam to use the Internet more effectively.

A committee to compile a dictionary of English Catholic terms has been set up on March 5. Monsignor Peter Nguyen Van Tai, the director of Radio Veritas in the Philippines, was appointed as the chairman of the committee.

“Such a dictionary will be a great help for Vietnamese Catholics in this Internet Age”, said Monsignor Peter Nguyen. "It's a challenging yet rewarding endeavor," he added noting the importance of English usage in communication.

While a very limited number of Catholics in Vietnam could co-operate with the Vietnamese in diaspora in previous communication projects, “this is the first one that involves a large number of Catholic priests in Vietnam,” commented Fr. John Tran Cong Nghi, director of VietCatholic News Agency in California, and also a vice-chairman of the committee.

“Without the Internet there would not be such a fantastic opportunity for Vietnamese in diaspora to work ‘closely’ with those living in Vietnam,” he added.
 
China considers abandoning its one-child policy
Catholic News Agency
20:44 06/03/2008
Beijing, Mar 2, 2008 / 03:32 pm (CNA).- China is considering the elimination of its controversial one-child policy in response to an aging population and a gender imbalance created by sex-selective abortion, Reuters reports.

The present policy usually limits families to one child, or two children if they live in the countryside.

“We want incrementally to have this change,” Vice Minister of the National Population and Family Planning Commission Zhao Baige told reporters in a Beijing talk about possible changes to the policy.

"I cannot answer at what time or how, but this has become a big issue among decision makers," Zhao added. "The attitude is to do the studies, to consider it responsibly and to set it up systematically."

China is the world’s most populous country. Its average fertility rate has dropped from 5.8 children per woman in the 1970s to 1.8 children per woman today, below the replacement rate of 2.1.

The Chinese government says its policies have prevented several hundred million births. However, experts have warned that its ageing population could cause severe social problems as the elderly come to outnumber the working population. The policy has also caused gender disparity from the selective abortion of girls, as male children are preferred for traditional and economic reasons.

The gender ratio in China is still close to 120 boys for every 100 girls

Increased mobility of the nation’s about 150 million migrant workers has weakened enforcement of the one-child policy. Wealthy citizens are also willing to pay the fines imposed by the policy when they have more children, though officials have pledged to increase fines on wealthy lawbreakers.

Enforcement of the policy has at times been draconian. According to human rights groups and the U.S. government, family planning officials have sometimes used forced abortion, coercive sterilization, and other abuses to ensure compliance with the policy.

Reggie Littlejohn, an American attorney who advises the Brussels-based non-governmental organization, Human Rights Without Frontiers, spoke with Cybercast News Service on Thursday, voicing her skepticism about the announcement.

"Right now, the one-child policy is often implemented by forced abortion and forced sterilization," she said. "Even if some couples in the future are allowed to have more than one child under the new policy, will the government still enforce that higher birth limit through coerced abortion and sterilization?"

"The timing of this announcement is no accident," she said, noting the announcement’s proximity to the Beijing Olympic Games and recent concerns about China’s involvement in Darfur.

"For me, the real question is not, 'Will the Chinese government abolish the one-child policy,'" Littlejohn said. "The real question is, 'Will the Chinese government abolish its coercive birth-control practices?"

The Bush administration withholds funding from the United Nations Population Fund because of its association with Chinese population control programs. According to Cybercast News Service, U.S. law prohibits funding for any agency that “supports or participates in the management of a program of coercive abortion or involuntary sterilization.”

China’s population could grow to 1.5 billion by 2033.
 
Venezuelan cardinal asks government to stay out of crisis between Ecuador and Colombia
Catholic News Agency
20:47 06/03/2008
“The Venezuelan people are not warmongers"

Caracas, Mar 6, 2008 / 06:28 pm (CNA).- The Archbishop of Caracas, Cardinal Jorge Urosa Sabino, has called on President Hugo Chavez and other Venezuelan officials not “to interfere in the diplomatic conflict between Ecuador and Colombia,” as “it is a problem that they must resolve, and we should not get involved in the matter.”

ĐHY Jorge Urosa Sabino
In speaking to the press, the cardinal pointed out that “there is a very serious problem between Colombia and Ecuador” and “only between those two countries, and I am sure that they will find solutions amidst the difficulties that have arisen from the events.”

“Let us have great serenity, an attitude of great moderation because many things are in jeopardy,” Cardinal Urosa said, emphasizing the negative effects that the closing of the border and the mobilization of troops have on nearby towns, generating anxiety “in the hearts of the soldiers and their families.”

He encouraged “the parties involved to meet and hold talks with the help of intermediaries in order to avoid the outbreak of armed conflict,” and he stressed that “the Venezuelan people are not warmongers and we should keep to that position. My call is to calm, to resolve differences peacefully, through dialogue and coming together so that there is no anxiety in the Venezuelan people.”

Likewise, Cardinal Urosa expressed his hope the situation would only be a “passing storm” and sent his blessing to “authorities, to all members of the military forces who are in a very difficult situation and above all to each Venezuelan so that we may all be builders of peace.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuần Tĩnh Tâm Năm 2008 của Linh mục đoàn Huế (3)
LM Nguyễn Vinh Gioang
18:01 06/03/2008
HUẾ - Chiều thứ ba, ngày 26/3/2008, lúc 14g30, linh mục giảng phòng huớng dẫn và chia sẻ đề tài: “Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Người chẳng nở tắt đi” (Mt 12,20).

Khi đã đến thời buổi, và Nước Thiên Chúa đã gần (x.Mc 1,4), Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh ra làm con một người phụ nữ (x.Gl 4,4), để cứu độ chúng ta, thì Người đã không cứu chúng ta bằng phép mầu, để biến thế gian này phút chốc trở thành thiên đàng. Người cũng không coi những đau khổ, lao đao của chúng ta là ảo ảnh, huyền hoặc.

Ca dao Việt Nam nói:

Yêu nhau, vạn sự chẳng nề

Một trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng.


Giữa Thiên Chúa với chúng ta, đúng là có một trăm chỗ lệch. Mà vì yêu thương, Thiên Chúa đã muốn nên giống anh em về mọi sự (Dt 2,17). trừ sự tội. Đức Kitô cảm thông với nỗi yếu hèn của ta vì Người có thể chạnh thương những kẻ u mê lầm lạc, vì chính Người cũng lâm phải yếu đuối tư bề (x.Dt 5,2).

Vào sáng thứ tư, ngày 27/2/2008, linh mục giảng phòng hướng dẫn tiếp đề tài hôm qua: “cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy, …”

Chúa Giêsu đã sinh ra trong chuồng bò, đầu đường xó chợ, và chết treo nhục hình thập giá. Từ nay, không còn có con người nào bất hạnh tới đâu, xấu số tới đâu, mà Người không tìm cho bằng được, để dồng hành, để nâng đỡ, để gánh lấy tội thế gian. Người là Đấng chăn chiên lành, lặn suối trèo non để đi tìm chỉ một con chiên lạc. Người là bà nghèo mất một đồng bạc thì phải quét dọn gầm giường gầm tủ, moi móc để tìm lại cho kỳ được (x. Lc 15).

Vì lẽ đó, “ Người đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng còn sống cho mình nữa, nhưng là cho Đấng đã chết và phục sinh vì mình” (x. 2Cr 5,15). “Nhờ Thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, để như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã phục sinh từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4). “Cho nên ai ở trong Đức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới” (2Cr 5,17), là trời mới đất mới.

Từ những mạc khải trên đây, ta ngộ ra rằng linh mục của Chúa Kitô phải là người gần gũi với người khác, đặc biệt là với những người nghèo khó, bất hạnh, lầm lạc, tội lỗi.

Linh mục không thể quan liêu, xa cách với dân thường, dân nghèo. Bởi linh mục không phải là một công chức hành chánh, mà là đồ đệ của Đức Kitô, đồ đệ lòng thương xót của Chúa, vì gặp và đón nhận Đức Kitô, là đã nhìn thấy một Tạo Thành mới, một “Trời Mới Đất Mới”, tâm cảnh mới ấy trở nên cái tâm, cái trí, cái hồn, và nên động lực cho mọi lời nói và việc làm của linh mục. Chính tâm cảnh mới ấy giúp ta tìm được những lời nói, những cử chỉ, những thâí độ khiến cho người khác cũng nhìn thấy Trới Mới Đất Mới như ta.

Thánh lễ đồng tế lúc 10g., cầu cho các giám mục và linh mục đã qua đời. Trong Thánh lễ nầy, Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ, Hạt trưởng Hạt Thành phố Huế, suy niệm bài sau đây.

Bài Tin Mừng hôm nay mang tựa đề “Đức Giêsu và Lề luật”.

Chính Chúa Giêsu nói: “Ta không đến để huỷ bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn”.

Kiện toàn ở đây, còn hơn cả việc giữ trọn Lề Luật bên ngoài như các vị lãnh đạo tôn giáo thường làm, nhưng là bổ khuyết và đưa đến hoàn hảo việc giữ đúng Lề luật bằng cách tái lập theo ý hướng và tinh thần đích thực của thánh ý Chúa. Trọng tâm của Luật Môisen nằm ở hai mặt của giới luật yêu thương, từ nơi đó các lề luật khác điều tìm được ý nghĩa và sức mạnh (x. Mt 22,40)

Ngài còn cho biết: “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Chấm phẩy này không phải hiểu như là những dấu để phân câu trong câu văn, mà phải hiểu đó là chữ nhỏ nhất trong mẫu tự Do-thái (chữ yôta) và những nét nhỏ như cái chấm để phân biệt chữ này với chữ khác. Chúa Giêsu dùng hình ảnh để nói lên tầm quan trọng của Lề Luật, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đã là ý muốn của Thiên Chúa, thì không có gì là nhỏ bé, tầm thường. Vì thế, không một chi tiết nào trong Lề Luật phải bị chê bỏ đi.

Như vậy, đối với Chúa Giêsu, kiện toàn luật sống của người kitô hữu không phải là giữ trọn lề luật cho được an tâm, mà là dấn thân cho đến tận cùng của tình yêu, như lời Phúc âm: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), nghĩa là cho đến mức độ cuối cùng của lòng yêu mến. Đối với Đức Giêsu, cách sống lề luật một cách tốt đẹp, đó là đạt tới chóp đỉnh của tình yêu.

Chính vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi người môn đệ của Ngài đạt đến những đòi hỏi vô giới hạn của tình yêu: ngày nào chúng ta sống tình yêu thương một cách mãnh liệt, thì không có gì là nhỏ bé cả. Đó chính là con đường thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu đã khai mở, vị thánh của con đường thơ bé thiêng liêng giúp đạt đến một cuộc sống được kiện toàn như lòng Chúa mong ước.

Tiểu sử thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu kể lại: “Tê-rê-sa thành Lisieux đã mong muốn có được và đáp ứng tất cả mọi ơn gọi, ơn gọi làm người chiến đấu, ơn gọi làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ, làm vị tử đạo, với niềm mong ước hoàn thành tất cả những công trình anh hùng nhất …. Bỗng một ngày kia, khi đọc thư thứ 1 gởi Cô-rin-tô, Tê-rê-sa hiểu được rằng: “Mọi hồng ân hoàn hảo nhất chẳng là gì nếu không có Tình Yêu …. rằng đức ái là con đường tuyệt diệu dẫn đến Thiên Chúa một cách chắc chắn. Sau cùng, đây là câu trả lời làm cho Tê-rê-sa an tâm vững dạ: “Tôi hiểu rằng Tình yêu bao hàm tất cả mọi ơn gọi, rằng tình yêu là tất cả…. Bấy giờ trong sự hoan lạc cuồng nhiệt, tôi đã kêu lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng, con đã tìm gặp được, ơn gọi của con chính là tình yêu! Phải, con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội thánh và chỗ đứng này, thân lạy Chúa, chính Chúa đã trao ban cho con…. Ở giữa lòng Hội thánh, con sẽ là tình yêu … như thế, con sẽ là tất cả…”

Con đường “thơ ấu thiêng liêng” đó luôn mời gọi chúng ta bước theo để yêu thương và phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại, giữa lòng Hội thánh và trong mọi môi trường với lòng mến ngày càng lớn hơn. Amen.

Hội Thánh gồm những người được Thiên Chúa tập họp quanh Đức Giêsu Kitô

Chiều ngày thứ tư, 27/2/2008, linh mục giảng phòng chia sẽ đề tài “Hội Thánh gồm những người được Thiên Chúa tập họp quanh Đức Giêsu Kitô.”

“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã phục sinh cho tới khi Chúa đến.”

Hội thánh trước tiên không phải là một tổ chức, hay một lực lượng nào trong xã hội. Hội thánh là những người được Thiên Chúa tập họp, chung quanh một Tin Mừng được công bố, Tin Mừng ấy là Đức Giêsu Kitô.

Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến là như thế: đến độ thí ban Con Một của Ngài, để phàm ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời (x. Ga 3,16).

“Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu mến đối với chúng ta thế này: là Đức Giêsu Kitô đã chết vì ta, ngay lúc ta còn tội nhân” (Rm 5,8).

Vì Đức Giêsu đã mang ta vào trong mà chết, vì Người đã chết như thế, nên trong mọi nhà thờ của Hội thánh, chúng ta cử hành lễ giỗ của Đức Giêsu. Dân Chúa luôn giữ trong lòng niềm thâm cảm về Đức Giêsu là Đấng đã chết vì mình, và linh mục là người được cử ra để sáng chiều lo việc cúng giỗ.

Cũng như trong mọi lễ giỗ, chúng ta tưởng nhớ một người thân đã ra đi (Phụng vụ Lời Chúa), chúng ta dâng lời khấn nguyện (phụng vụ Tạ Ơn), chúng ta cùng ăn giỗ (rước lễ) trong tình gia đình hiệp nhất.

Nhưng khác với lễ giỗ, chúng ta không tưởng nhó một ai đó đã ngàn trùng xa cách. Chúa Giêsu không phải người của cõi âm, Chúa là Thái Dương. Chúa đến nói với ta lời bình an: “Thầy đây! Đừng sợ” (Ga 6,20).

“Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi, Thầy sẽ đến với anh em. Còn ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy nhưng anh em thì thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sống” (Ga 14,18-19).

Thầy sẽ tái ngộ anh em, thì lòng anh em sẽ vui mầng và nỗi vui mừng của anh em không ai giật mất được (Ga 16,12).

Khi ấy và vì thế, Hội thánh loan báo niềm hy vọng cho con người và thế giới (x. Rm 8,24).

Qua ngày thứ năm, 28.02.2008, linh mục giảng phòng hướng dẫn và chia sẻ hai đề tài, đề tài thứ nhất về sứ vụ linh mục ngày nay, và đề tài thứ hai về Đức Mẹ.

Sứ vụ linh mục ngày nay

Sáng thứ năm, 28/2/2008, đề tài về sứ vụ linh mục ngày nay.

Hội thánh ở Việt Nam đang ở giữa một khối người, 93% chưa biết Chúa.

Đất nước và xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần, đặc biệt trong tầng lớp trẻ.

Đa số nhân dân là người nghèo, đang chật vật kiếm sống và khao khát sống.

Nhiều nạn nhân của tình trạng nghèo khổ bất công và tệ nạn xã hội.

Chính trong môi trường đó mà chúng ta được kêu gọi xây dựng linh đạo và nền văn minh tình thương và sự sống, đối đầu với nền văn minh sự chết.

Xã hội phát triển, kiến thức được nâng cao, người ta cũng có óc phê phán nhạy bén hơn, có thể “con chiên” không dễ bảo như trước.

Linh mục không chỉ cần kiến thức, cần biét cởi mở đối thoại, mà như lời các Đức Giáo Hoàng dạy, cần thi hành sứ vụ “chứng nhân”. Ngày nay, người ta trọng chứng nhân hơn thày dạy. Chính vì thế, bên cạnh những đòi hỏi nhân bản, cần về nguồn Lời Chúa, cần đón nhận Thần Khí cầu nguyện, cần một linh mục linh đạo có chiều sâu.

Mục vụ của chúng ta cũng nhằm biến các cộng đoàn của chúng ta thành cộng đoàn “chứng nhân”.

Chia sẻ đề tài về Đức Mẹ

Ban chiều ngày thứ năm, 28/2/2008, trong bài giảng cuối cùng, linh mục mục giảng phòng chia sẻ đề tài về Đức Mẹ như sau.

Đức Mẹ là mẫu gương và mẹ của linh mục. “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

Đức Mẹ là đấng ghi nhớ trong lòng Lời Chúa nói, việc Chúa làm, và suy đi nghĩ lại, trường kỳ, miên man, cho đến ngày giác ngộ.

Vì đã đứng ở đầu nguồn ơn cứu độ, được gội nhuần trong ơn cứu độ, Đức Mẹ trở nên Đấng hằng cứu giúp mọi người.

Đức Mẹ trong ánh sáng Phục sinh, hình ảnh của Hội thánh.

Nếu các ân huệ nơi Đức Mẹ lan toả ra khắp nơi, ta sẽ có Hội thánh.

Nếu tất cả các ân huệ của Hội thánh quy tụ nơi một người, ta sẽ có Đức Mẹ.
 
Hiệp Sĩ Đoàn Columbus của người Việt Nam đầu tiên tại miền Tây Hoa Kỳ ra mắt
Nguyễn Khanh
18:22 06/03/2008
Santa Ana - CA. Vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật ngày 2 tháng 3 năm 2008, Hiệp Sĩ Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã long trọng tổ chức Thánh Lễ Nhậm Chức của tân Ban Điều Hành (của đoàn) tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở quận Cam, thuộc tiểu bang California. Đây cũng là ngày chính thức ra mắt một Hiệp Sĩ Đoàn Columbus đầu tiên của người Việt Nam tại miền Tây Hoa Kỳ.

Hiệp Sĩ Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với danh số 14445, được thành lập vào ngày 14 tháng 1 năm 2008 tại Trung Tâm Công Giáo, qua sự vận động của ông Jim Heil, Trưởng cao cấp của Hiệp Sĩ Đoàn cấp tiểu bang, sự yểm trợ của Cha Mai Khải Hoàn, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo, và sự giúp đỡ của anh Nguyễn Lễ từ Hiệp Sĩ Đoàn Arlington, Virgina và cũng là Hiệp Sĩ Đoàn Việt Nam đầu tiên tại miền Bắc Hoa Kỳ. Ngay ngày thành lập, đoàn đã được vinh dự đón nhận sự tham gia của Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Cha Mai Khải Hoàn (Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo) và 2 Thầy Sáu cùng với 30 giáo dân Việt Nam. Lễ tuyên thệ đầu tiên cho những Hiệp Sĩ của Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được thực hiện vào ngày 23 tháng 1 năm 2008 và không lâu sau đó vào ngày 18 tháng 2 năm 2008.

Ban Điều Hành mới đã được chính thức bầu ra, gồm có Đại Hiệp (Grand Knight) là ông Nguyễn Khanh, Phó Đại Hiệp (Deputy Grand Knight) là ông Đoàn Khiết, Chưởng Ấn (Chancellor) là ông Đinh Hồng Phong, Thư Ký (Recorder) là ông Nguyễn Ngọc Oánh, Ủy Viên Tài Chánh (Financial Secretary) là ông Nguyễn Trọng Tài, Thủ Quỹ (Treasurer) là ông Nguyễn Thái, Giảng Viên (Lecturer) là Thầy Sáu Joseph Nguyễn Ánh, Luật Sĩ (Advocate) là ông Vũ Đạm, Quản Đốc (Warden) là ông Trần Đức, Nội Quản (Inside Guard) là ông Lê Huy Bồng, Ngoại Quản (Outside Guard) là ông Nguyễn Văn Quản, Linh Mục Tuyên Úy (Chaplain) là Cha Mai Khải Hoàn, Ủy Viên Nhân Sự (Membership) là ông Ôn Tuấn, Ủy Viên Sinh Hoạt (Program) là ông Kieth Đoàn, Ủy Viên Tiếp Tân (Hospitality) là ông Võ Long, Ủy Viên Thông Tin (Communication) là ông Oánh Nguyễn và Ủy Viên Phục Vụ Cộng Đoàn (Church Service) là ông Phạm Trạch.

Buổi lễ đã được long trọng cử hành dưới sự chủ tế của Đức Giám Mục Mai Thanh Lương cùng với các cha Mai Khải Hoàn, Chu Vinh Quang (Cha Chánh Xứ Giáo xứ St. Polycarp kiêm vị Hiệp Sĩ Đệ Tứ Đẳng) và thầy phó tế Nguyễn Ánh, với sự tham dự của rất đông gia đình các tân Hiệp Sĩ Việt Nam, giáo dân và nhiều Đại biểu Hiệp Sĩ Đoàn Columbus Mỹ.

Bắt đầu thánh lễ, trên 30 tân Hiệp Sĩ Việt Nam cùng với Đức Giám Mục Mai Thanh Lương và các Linh Mục được hướng dẫn bước vào đền thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dưới hàng chào danh dự của các Hiệp Sĩ người Mỹ. Trong bài giảng, Đức Giám Mục Mai Thanh Lương đã giảng về những đức tính rất đặc thù của người Hiệp Sĩ được gói trọn trong 4 phương châm của Hiệp Sĩ Đoàn là Bác Ái - Hiệp Nhất – Huynh Đệ và Ái Quốc. Ngài còn cho biết thêm là Hiệp Sĩ Đoàn Columbus là một hội đoàn Công giáo lớn nhất thế giới mang tính chất gia đình, huynh đệ và phục vụ, với hơn một triệu bảy trăm ngàn thành viên khắp Hoa-kỳ và nhiều nơi trên Thế Giới. Mục đích chính của Hiệp Sĩ Đoàn Columbus là để tạo cho quý ông có cơ hội để phụng sự Chúa, phục vụ giáo hội và giúp đỡ tha nhân để làm sáng danh Thiên Chúa

Trong phần đáp từ, ông Nguyễn Khanh, tân Đại Hiệp của Hiệp Sĩ Đoàn Các Thánh Tử Đạo, đã ngỏ lời cảm tạ đặc biệt đến ông Jim Heil và Cha Mai Khải Hoàn, niềm vinh dự với sự gia nhập đặc biệt của Đức Cha Mai Thanh Lương, cám ơn sự ủng hộ và giúp đở rất chân tình của đông đảo các Hiệp Sĩ Đoàn Mỹ tại địa phương và các thân hữu. Ông Khanh cũng còn cho biết thêm, đây là một tổ chức tương đối còn rất mới lạ với các cộng đoàn công giáo Việt Nam, nhưng ông tin rằng tổ chức này sẽ đem lại nhiều ích lợi cho các cộng đoàn khắp nơi, sẽ phát triển mạnh mẽ và rộng lớn trong tương lai. Là một Hiệp Sĩ Đoàn của người Việt Nam đầu tiên tại miền Tây Hoa Kỳ, những việc mà Ban Điều Hành mới của đoàn cần làm là tổ chức một Hiệp Sĩ Đoàn Columbus thuần túy của người Việt Nam, với những sinh hoạt hoàn toàn theo truyền thống và văn hóa Việt Nam. Dịch thuật và soạn thảo tất cả những văn kiện, nghi thức, nghi lễ và truyền thống của Hiệp Sĩ Đoàn theo nền văn hóa, nguyên lý và truyền thống Việt Nam. Tạo dựng một nền tảng vững bền cho một chi đoàn đầu tiên của người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, hầu có thể yểm trợ việc thành lập thêm nhiều Hiệp Sĩ Đoàn Columbus người Việt khác tại những nơi có cộng đoàn hay giáo xứ của người Việt Nam khắp nơi trên Thế Giới và hy vọng là luôn cả tại quê hương Việt Nam trong tương lai.

Hiệp Sĩ Đoàn Columbus được sáng lập vào năm 1882 bởi Cha Michael J. McGivney, một linh mục 29 tuổi khi ngài làm cha phụ tá tại giáo xứ St. Mary ở tỉnh New Haven, tiểu bang Connecticut. Danh xưng “Hiệp Sĩ Columbus” đã được các hiệp sĩ sáng lập lựa chọn để nhấn mạnh tinh thần xả thân, bác ái của các hiệp sĩ, để thể hiện những lý tưởng tu đức và phục vụ Giáo Hội Công giáo, phục vụ cho tổ quốc và làm sáng danh Chúa. Danh xưng này cũng được chọn để nhấn mạnh rằng chính những người Công giáo đã tham dự vào cuộc khám phá, thám hiểm và rao giảng Tin Mừng cho Mỹ-châu. Những nguyên lý của Hiệp sĩ đoàn Columbus, Bác ái, Hiệp nhất, Huynh đệ và Ái quốc, là nền móng để đoàn tiếp tục phát triển. Hiệp Sĩ Đoàn Columbus còn là một tổ chức lấy gia đình làm nền tảng, hết lòng giúp phát huy cuộc sống và yểm trợ cho giáo xứ trong việc phát triển tâm linh của từng cá nhân và gia đình. Tổ chức này cũng là cánh tay mặt của giáo hội, là một tiếng nói rất mạnh mẽ của giáo hội và là một tổ chức đã và đang cung ứng và đóng góp rất thiết thực cho giáo hội và các giáo xứ tại địa phương.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam tự hào (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
18:26 06/03/2008
Công Giáo Việt Nam tự hào
về thành tích ngăn bước cộng sản!


Giáo Hội dạy ta chống cộng nô,
Bởi vì kinh nghiệm tự Liên Xô:
Cộng sản đẩy dân vào cùng khốn,
Đảng thì tàn ác lại tham ô!

Cộng sản tràn vào chiếm Đông Âu,
Dẹp nền dân chủ có từ lâu,
Phá tan văn hoá bao đời trước,
Dìm bao dân tộc xuống hố sau...

Giáo Hội thấy bao cảnh thương tâm,
Muốn ngăn cộng sản nuốt Việt Nam,
Nên mới khuyên dục ta chống cộng,
Dù bị vu oan hoặc hiểu lầm...

Làm sao quên được chuyện Năm Tư (1954)
Giáo Hội tham gia cuộc di cư,
Vào Nam, “đất hưá,” ta phát triển,
Chuẩn bị sẵn sàng đợi “hồi cư.”

Muôn đời ghi nhớ ơn Miền Nam,
Bảo vệ cho ta hai mươi năm,
Yên tâm sống đạo và tu học,
Trong khi Miền Bắc bị bằm văm…

Công Giáo luôn luôn phải tự hào,
Bảo vệ Miền Nam, góp công lao,
Kết đoàn ngăn bước phường cộng sản,
Ai chê, ta cứ ngẩng đầu cao!

Đáng buồn nghe những giọng phĩnh phờ:
Than rằng ngày trước cực lắm cơ,
Phải theo Giáo Hội mà chống cộng,
Dù tình “dân tộc” muốn tràn bờ…

Nói vậy thật là chẳng biết ơn,
Công ai nuôi dạy được vuông tròn?
Ai chết cho mình tu và học?
Bình tâm mà xét rõ nguồn cơn!

Xin hãy đổi lòng nhân Muà Chay,
Trở về nguồn cội tự hôm nay,
Từ bỏ bạo quyền, theo dân tộc,
Thương người cùng khổ, mở vòng tay…

Boston, ngày 6 tháng 3 năm 2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự tự do của tạo vật có lý trí
Lm Nguyễn Hữu Thy
09:35 06/03/2008
Sự tự do của tạo vật có lý trí

(Origenes: Von den Prinzipien)


Người ta có thể nói được rằng thánh Augustinô ở Tây Phương như thế nào, thì Origenes ở Đông Phương cũng như thế: Một triết gia Kitô giáo đầy thế giá và gây được nhiều ảnh hưởng nhất. Đúng vậy, ảnh hưởng tinh thần của Origenes ở Đông Phương rất mạnh mẽ và sâu xa, mặc dầu trong những tranh cãi bất đồng vào các thế kỷ IV và thế kỷ VI, ông đã phải gánh chịu nhiều tổn thương vì bị vu khống và bị kết án là đã đưa ra những học thuyết sai lạc. Nhưng Johann Eck, - tên thật là Johann Maier (1486-1543), nhà thần học Công Giáo, một đối thủ của Martin Luther – đã nói rằng, đối với ông đọc một trang sách của Origenes còn giá trị hơn mười trang của Augustinô.

Triết gia và thần học gia tài ba Origenes
Origenes sinh năm 186 tại Alexandrien thuộc Ai Cập. Cùng thời với Plotin, một đại triết gia thuộc tân phái Platonisme, Origenes đã theo học triết học tại Ammonios Sakkas. Về sau, Origenes đã điều khiển trường thần học tại chính Alexandrien. Tại đây các học thuyết Kitô giáo được trình bày theo cách thức triết học cổ điển. Origenes là một trong những tác giả đã biên soạn nhiều sách vở nhất trong toàn thể thời cổ đại. Tổng số các tác phẩm do ông biên soạn lên tới 600 cuốn. Thuộc về số những tác phẩm quan trọng nhất của Origenes là những bình luận về các bản văn trong Kinh Thánh – Cựu cũng như Tân Ước – mà Rufin Acquileia vào thế ký IV đã phiên dịch ra tiếng La-tinh và nhờ vậy, thế giới Tây Phương lúc bấy giờ mới có điều kiện tiếp cận được với kho tàng các tác phẩm origenes.

Hai tác phẩm quan trọng nhất của Origenes, chắc hẳn đó phải là cuốn «Contra Celsum» - (Chống lại Celsus), một tác phẩm có tính cách minh giáo, tức trình bày những biện minh cho giáo lý Kitô giao dựa trên nền tảng triết học để phản bác chống lại triết gia Celsus thuộc học thuyết Platon, và cuốn «De Principiis» - (Về Các Nguyên Lý), một trình bày về các nguyên tắc nền tảng của nền triết học Kitô giáo.

Khắp nơi trong các tác phẩm của Origenes, người ta rất dễ dàng khám phá ra những dấu vết của triết học thời cổ đại, tức các tư tưởng của học thuyết duy trí Platon và phái khắc khổ Stoika. Trong các học thuyết về Thiên Chúa, về linh hồn bất tử, cả trong học thuyết về sự tiền hữu (Préexistence), về Kitô học và Thiên Chúa Ba Ngôi, v.v…, đâu đâu người ta cũng đều có thể bắt gặp được các tư tưởng rất quen thuộc của nền triết học cổ đại. Điều đó không có gì là ngạc nhiên, vì Origenes đã coi chính giáo lý Kitô giáo là hình thức cao tột đỉnh của Triết học. Do đó, người ta sẽ không thể tìm ra được nơi Origenes cũng như trong toàn thể Giáo Phụ học một khoa thần học hoàn toàn tách rời khỏi triết học.

Nhưng Origenes cũng đã đề xướng một đường lối tư duy mới mang màu sắc cá nhân của ông và là điều khác biệt với toàn bộ nền triết học cổ đại tiền Kitô giáo, đó chính là học thuyết về sự tự do. Tuy nhiên, chính Origenes lại không bao giờ tự khẳng định mình đã đưa ra một đường lối tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, nhưng ông chỉ muốn trình bày chân lý cũ dưới màu sắc huy hoàng mới mẻ mà thôi. Điều trước kia chưa bao giờ được nghe đến lại tự biểu lộ ra qua một sự đối kháng trừu tượng mà cho đến lúc bấy giờ chưa thể dẫn chứng được, tức là sự đối kháng giữa bản thể hay bản tính một bên và sự tự do một bên khác.

Như thế, Origenes đã đảo ngược sự tương quan lệ thuộc đó; nghĩa là chính sự tự do xác định bản thể, chứ không phải ngược lại. Để hiểu được điều Origenes thực sự muốn đề cập đến ở đây, người ta cần phải biết rõ được sự đối lập. Bởi vì những đề tài to lớn bao giờ cũng có những sự đối lập to lớn. Và sự đối lập ở đây là khuynh hướng triết học của duy trí chủ nghĩa hay ngộ đạo thuyết (Gnosis)(1). Những người thuộc phái duy trí chủ nghĩa, hay ngộ đạo thuyết, cho rằng tất cả những gì hiện hữu, thì hiện hữu thực tiễn dưới hình thức của một nguyên tắc hay của một bản thể có thể biến đổi; nếu vậy, người ta có thể nói rằng sự dữ cũng hiện hữu thực tiễn. Vì thế, nói chung, khuynh hướng triết học này gắn liền với tư tưởng về Nhị Nguyên thuyết.

Origenes trình bày học thuyết về sự tự do của ông đối lập với học thuyết về bản thể hay với học thuyết «bản tính». Sự dữ không phải là một bản thể thực tiễn, nhưng là phát xuất từ sự lạm dụng sự tự do. Nhưng học thuyết của Origenes về sự tự do không chỉ là một học thuyết về sự dữ mà thôi, nhưng trước hết nó còn nói lên rằng tất cả những gì hiện hữu đều cần phải qui hướng về sự tự do của tạo vật có lý trí.

Vậy, Thiên Chúa Tạo Hóa đã không tạo ra sự khác biệt trong thế giới của tạo vật có lý trí. Nhưng Người chỉ sáng tạo «một bản tính», và bản tính đó đã tự phân biệt với chính mình bằng sự tự do. Và khi Tạo Hoá tạo dựng nên vũ trụ còn lại cũng không do tùy thích, nhưng là dựa trên tác động của lý trí, thì cuối cùng tất cả những sự khác biệt trong vũ trụ là do sự tự do của tạo vật có lý trí.

Gregor Nyssa, một vị Giáo Phụ quan trọng vào thế kỷ IV, đã tóm tắt một cách rõ ràng ý tưởng cơ bản của Origenes trong một câu như sau: "Có thể nói được rằng chúng ta là cha đẻ của chính mình, khi chúng ta tự đưa chính mình làm tiêu biểu cho những người mà chúng ta muốn trở thành, và qua ý chí, chúng ta muốn uốn nắn mình thành mẫu người mà mình muốn trở thành." Người ta có thể quả quyết mà không sợ quá lời rằng, ở đây người ta nghe một Jean-Paul Sartre(2) của thời cổ đại Kitô giáo, dĩ nhiên theo nghĩa tích cực.

Từ những quan điểm nguyên tắc đó, Origenes đã chối bỏ quan điểm của học thuyết Platonisme về việc linh hồn đầu thai vào trong thể xác loài vật được hiểu theo nghĩa đen. Thật ra, điều Platon muốn đề cập đến khi ông nói về sự «loài vật hóa» của con người, đó là con người có thể trở thành loài vật, nếu con người chỉ chiều theo những đòi hỏi tự nhiên. Điều đáng ghi nhận ở đây là lối nói ẩn dụ này của Platon chẳng bao lâu đã được thu nhận vào trong học thuyết Platonisme.

Nhưng điều làm cho Origenes trở nên nổi danh là chính học thuyết «Apocatastse» của ông, tức chủ trương về sự cứu rỗi toàn diện cho muôn loài. Nhưng Origenes đã không công bố học thuyết đó như một tín điều. Cả học thuyết «Apocatastase» cũng gắn chặt với học thuyết về tự do. Nếu con người và tất cả những tạo vật có lý trí biết ý thức mình được tự do trước mặt Thiên Chúa, thì người ta không thể tưởng tượng được rằng, trong ngày tận thế, Thiên Chúa chỉ ban cho một số cá nhân nào đó sự cứu rỗi, chứ không phải cho tất cả mọi sự vật. Tuy nhiên, theo Origenes, thì "Giê-ru-sa-lem trên trời", "thiên đàng của sự tự do", luôn luôn là đối tượng của sự mong muốn hợp lý. Như vậy, đối với Origenes sự cứu rỗi của muôn vật có thể không gì khác hơn là một sự «hy vọng to lớn», như lời của Platon đã nói trong «Phaidon».

Những luận đề to lớn bao giờ cũng có những tác động to lớn. Lịch sử sự tác động của Origenes chưa được viết ra. Nhưng chúng ta đã gặp lại tư tưởng nền tảng của học thuyết về tự do của ông nơi Giovanni Pico Della Mirandola (1463-1494), triết gia người Ý, mà «Bài diễn thuyết về phẩm giá con người» thời danh của ông đã mau chóng được nồng nhiệt đón nhận như khởi đầu nền triết học tân đại.

Bấy giờ Tạo Hóa phán cùng A-dong: Ngươi hoàn toàn được tự do tự quyết định lấy bản chất của mình…, chứ không bị giới hạn. Ta đã không dựng nên ngươi như bậc thần thiêng hay loài trần tục, cũng không dựng nên ngươi như loài hay chết hoặc bất tử, hầu ngươi với quyền năng của mình, có thể tự cấu tạo chính mình theo những mô hình mà ngươi muốn. Ngươi có thể thoái hoá xuống bậc hạ đẳng thành loài súc vật; nhưng ngươi cũng có thể, nếu ngươi muốn, được tái sinh trên nơi cao cả, trong chốn các thần linh.

__________________

1. Gnosis, viết tắt của chữ „Gnostizimus“: Ngộ đạo thuyết hay Duy trí thuyết, chủ trương rằng sự hiểu biết chính là nguyên nhân mang lại sự cứu rỗi.

2. Jean-Paul Sartre (1905-1980): Triết gia người Pháp theo khuynh hướng triết học hiện sinh.

Sách tham khảo:

Orignes: «Von den Prinzipien» (De Principiis). Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Darmstadt 1992, 888 Seiten.
 
Thông Báo
Cộng Đồng Công Giáo Nam Úc Phân Ưu
Thiên Nam
19:09 06/03/2008
Nam Úc
Cộng Đồng Công Giáo Người Việt Nam / Nam Úc


Ai Tín

Trong niềm cậy trông vào lòng nhân từ và sự phục sinh vinh hiển của Chúa

Cộng Đồng Công Giáo Nam Úc vừa nhận được tin, thân phụ của: Soeur Ánh Linh Nguyễn Thị Bích dòng Nữ Tử Bác Ái Vũng Tàu, VN và ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Cộng Đồng, kiêm Hiệu Trưởng trường Việt Ngữ Đắc Lộ, Nam Úc là:

Cụ Cố Phêrô Nguyễn Quốc Trương

Vừa từ giã gia đình và bằng hữu, đi về nhà Cha trên Trời,

lúc 6 giờ 30 chiều thứ Năm ngày 6 tháng 3 năm 2008

Sau 95 năm hành trình đức tin nơi dương thế

Ban Tuyên Úy, Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể Cộng Đồng cùng hiệp ý cầu nguyện với Sr. Ánh Linh, gia đình ông bà Chủ Tịch và Thân Quyến.

Nguyện xin Thiên Chúa sớm đón nhận linh hồn Cụ Cố Phêrô về hưởng phúc Thiên Đàng

Thành Kính

-Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm

Quản Nhiệm Cộng Đồng, thay mặt Ban Tuyên Úy

-Hội Đồng Mục Vụ và Toàn Thể Cộng Đồng


-Ban Giám Hiệu, Giáo Chức, Hội Phụ Huynh và Học Sinh trường Việt Ngữ Đắc Lộ, Nam Úc
 
Tin Đáng Chú Ý
Tuyển cử Hội đồng Thị xã tại Pháp quốc
Hà Minh Thảo
18:25 06/03/2008
TUYỂN CỬ HỘI ĐỒNG THỊ XÃ TẠI PHÁP QUỐC

Cộng Hòa Pháp Quốc được chia thành 36.782 communes. Commune là tổ chức công quyền không có danh từ nào tương đương trong tiếng Việt chúng ta.

Commune nhỏ nhất là Charmont (Val-d’oise) chỉ có 32 dân cư trong khi commune lớn nhất là Paris với 2,16 triệu dân cư. Commune trung bình có khoảng 380 dân cư.

Có 31.994 communes dưới 2.000 dân cư; 3.894 từ 2.001 đến 10.000 dân cư; 782 từ 10.001 đến 50.000 dân cư; 102 từ 50.001 đến 200.000 dân cư và 10 hơn 200.001. Ngoài ra, 31.927 communes có dưới 200 dân cư.

Do đó, chúng tôi đề nghị các communes có dưới 3.500 dân cư gọi là thị xã và từ 3.500 dân cư là thành phố và Paris là Thủ đô.

Danh từ municipalité hay conseil municipal cũng được thông dịch là Hội đồng thị xã và Hội đồng Thành phố.

Chủ Nhật ngày 09.03.2008, 44 triệu cử tri Pháp và người dân Liên hiệp Aâu Châu cư ngụ tại Pháp sẽ tham gia đầu phiếu bầu nghị viên (conseiller municipal). Các nam nữ nghị viên đắc cử sẽ bầu Thị trưởng và Đô trưởng. Nhiệm kỳ nghị viên là 6 năm, nhưng năm 2007, hai cuộc tuyển cử quan trọng Tổng thống và Quốc hội đã khiến cho các nghị viên được gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm. Nếu kết quả vòng một không có kết quả như luật định thì cử tri được mời tham gia vòng hai vào ngày 16.03.2008.

I. CÁC THỊ XÃ DƯỚI 3.500 DÂN CƯ.

1. Nguyên tắc.

- bầu trực tiếp và kín;
- đa số hai vòng, có thể được tuyên bố đắc cử vòng nhất;
- các danh sách có thể trộn lẫn bằng thêm hay bớt ứng cử viên.

Ở vòng đầu, những ứng cử viên đạt được đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ và số phiếu phải hơn 25% số ứng cử viên ghi danh sẽ được tuyên bố đắc cử. Những ghế còn lại phải tranh cử qua vòng hai. Ở vòng nhì, các ứng cử viên đạt được số phiếu cao nhất được tuyên bố thắng cử.

2. Thiết lập liên danh.

- Trong những thị xã có dưới 2.500 dân cư, các liên danh có thể lập một cách không đầy đủ và ứng cử cá nhân cũng được chấp thuận tranh cử.
- Trong những thị xã có từ 2.501 đến 3.500 dân cư, các liên danh phải thiết lập với số ứng cử viên đúng với số ghế cần bầu cử.
- Từ cuộc tuyển cử năm 2001, luật số 2000-493 được áp dụng số ứng cử viên nam nữ bằng nhau (làm sao bằng nhau được khi tất cả các liên danh đều có số ứng cử viên là số lẻ ?). Năm nay, số ứng cử viên nam nữ phải xen kẽ nhau.

II. CÁC THÀNH PHỐ TRÊN 3.500 DÂN CƯ.

1. Nguyên tắc.

- phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín;
- đa số hai vòng, kết hợp thể thức đa sồ và tỉ lệ;
- mọi phiếu bầu có thay đổi, trộn lẫn bằng thêm hay bớt ứng cử viên được tuyên bố tuyển cử hiệu.

2. Thể thức bầu cử.

A. Vòng một. Liên danh đạt được đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ chiếm 50% số ghế bầu. Số còn lại chia cho các liên danh (kể cả liên danh đa số tuyệt đối) đạt được ít nhất là 5% số phiếu bầu hợp lệ, tỉ lệ theo số phiếu đạt được.

Thí dụ: Thành phố Ville có 17.764 cử tri ghi danh đầu phiếu; 13.293 cử tri đi bầu và có 13.142 phiếu hợp lệ.

a- 4 Liên danh tham dự tuyển cử và kết quả như sau: Liên danh A thu được 7.751 phiếu; Liên danh B: 4.042 phiếu; Liên danh C: 174 phiếu và Liên danh D: 1.175 phiếu.

b- Hội đồng Thành phố Ville có 33 ghế Nghị viên và sự phân chia sẽ thực hiện như sau:

- Liên danh A thu được 7.751 phiếu hay 58,91% số phiếu hợp lệ tức hơn đa số tuyệt đối {[(13142/2)+1] = 6.572 phiếu}, chiếm ngay 50% tổng số ghế tức 16 ghế.

- Liên danh C bị loại vì chỉ được 174 phiếu, hay 1,32% số phiếu hợp lệ tức dưới 5 số phiếu hợp lệ (= 657 phiếu).

- Sau khi Liên danh A nhận 16 ghế, còn lại 17 ghế phải chia. Mỗi ghế tương đương với số phiếu trung bình là: 13142/17 = 773 phiếu.

• Liên danh A chiếm thêm: 7751/773 = 10 ghế và còn lại 21 phiếu;
• Liên danh B chiếm: 4042/773 = 5 ghế và còn lại 177 phiếu;
• Liên danh D chiếm: 1175/773 = 1 ghế và còn lại 402 phiếu.

- Như vậy, chúng ta đã chia được 33 ghế và còn 1 ghế được chia thêm cho liên danh D và có số còn lại 402 cao hơn hai liên danh kia.

c- Kết quả chung cuộc: Liên danh A chiếm 26 ghế; Liên danh B: 5 ghế và Liên danh D: 2 ghế.

- Nếu không có liên danh đa số tuyệt đối, phải bầu vòng hai.

B. Vòng hai. Chỉ những liên danh đạt được ít nhất 10 % số phiếu bầu hợp lệ được tham gia tranh cử vòng này. Những liên danh đạt được ít nhất 5 % số phiếu bầu hợp lệ có thể kết hợp thành liên danh với một trong những liên danh đạt được 10 % số phiếu bầu hợp lệ.

- Liên danh đạt được số phiếu cao nhất chiếm 50% số ghế bầu. Số còn lại chia cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu bầu hợp lệ, tỉ lệ theo số phiếu đạt được.

III. QUI CHẾ RIÊNG CHO PARIS, MARSEILLE VÀ LYON.

Việc điều hành Paris, Marseille và Lyon được đảm trách bởi hai cấp Hội đồng:

- Hội đồng Đô thành cho Paris và Hội đồng Thành phố cho Marseille hay Lyon,
- Hội đồng Quận (Consei d’arrondissement) gồm các nghị viên được bầu trong các khu bầu cử (secteur électoral) được qui định bởi luật ngày 31.12.1982.

Paris chia thành 20 Quận, tương đương 20 khu bầu cử. Thành viên Hội đồng Đô thành đồng thời cũng là Nghị viên Tỉnh (conseiller général) vì Paris cũng là Tỉnh (département). Tuyển cử được tổ chức để bầu 354 nghị viên và chính họ sẽ bầu Quận trưởng và các Phó Quận trưởng (Maire d'arrondissement et des ajoints). Thành viên các Hội đồng Quận bầu 163 thành viên Hội đồng Paris. Hội đồng Paris sẽ bầu Đô trưởng (Maire de la capitale).

Marseille chia thành 16 Quận, nhưng chỉ 8 có khu bầu cử tức 2 Quận tương đương một khu bầu cử. Thành phố có 174 nghị viên bầu chọn 16 Quận trưởng và các Phó Quận trưởng. Thành viên các Hội đồng Quận bầu 101 hội viên Hội đồng Marseille sẽ bầu Thị trưởng Marseille.

Lyon tổ chức thành 9 Quận tương đương 9 khu bầu cử, gồm có 148 nghị viên chọn các Quận trưởng và các Phó Quận trưởng. Thành viên các Hội đồng Quận bầu 73 hội viên Hội đồng Lyon sẽ bầu Thị trưởng Lyon.

III. BẦU CỬ THỊ TRƯỞNG (MAIRE) VÀ CÁC PHÓ (ADJOINTS) THỊ TRƯỞNG.

Sau khi có kết quả tuyển cử đầy đủ, Hội đồng thị xã sẽ họp trong thời gian ngắn nhất để bầu thị trưởng và các phó thị trưởng hợp thành municipalité. Hội đồng thị xã có nhiệm vụ thảo luận và biểu quyết các việc công thị xã và quyền hành pháp đãm nhiệm bởi thị trưởng và các phó thị trưởng.

Thị trưởng, được bầu bởi các nghị viên thị xã trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Thị xã hay Thành phố và là người duy nhất trách nhiệm về hành chánh. Thị trưởng được bầu bằng phiếu kín và theo đa số tuyệt đối. Nếu không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối thì phải bầu lại và phải hội đủ đa số tuyệt đối. Không thành công, phải bầu lại lần thứ ba và, lần nầy, chỉ cần hội đủ đa số tương đối. Thị trưởng có thể, dưới sự giám sát và trách nhiệm của mình, bằng nghị định, ủy nhiệm một phần quyền cho một hay nhiều phó thị trưởng mà tổng số không cao hơn 30% thành viên Hội đồng Thị xã hay Thành phố. Những sự ủy nhiệm này, được ấn định rỏ ràng và nằm trong giới hạn thẩm quyền, có thể thu hồi bất cứ lúc nào.

Chức vụ Thị trưởng gần như bất cứ lúc nào cũng vào tay ứng cử viên trưởng liên danh đắc cử, trừ khi vị nầy là Tổng Trưởng hay Bộ Trưởng.

Người dân Pháp rất chú trọng đến tuyển cử Hội đồng Thị xã và Thành phố vì Thị xã (Thành phố) có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Thị trưởng, chức vụ ngày càng quan trọng vì Pháp quốc phát triển rất mạnh về chế độ địa phương tản quyền từ giáo dục tiểu học, an toàn giao thông cho đến tư pháp, hộ tịch (hình ảnh đẹp Thị trưởng, đại diện quốc gia, chấp nhận lời kết hôn và trao nhẫn cưới) v.v.. Do đó, họ thường bầu phiếu bằng nhắm vào uy tín cho ứng cử viên Trưởng liên danh hơn là xu hướng chánh trị.
 
Văn Hóa
Giáo dục con người tòan diện
LM Thái Nguyên
09:16 06/03/2008
GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Không có kế hoạch nào lớn lao, quan trọng và cao quí cho bằng kế hoạch trồng người. Quản Tử đã nói lên ý nghĩa đó như sau: “Nhất niên chi kế mạc như thọ cốc; thập niên chi kế mạc như thọ mộc; chung thân chi kế mạc như thọ nhân” : Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trọn đời không gì bằng trồng người.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007 về đề tài Giáo dục là lời cảnh báo cách riêng cho vấn đề giáo dục Kitô giáo, nhưng đó cũng còn là tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về việc giáo dục trong xã hội Việt Nam hiện thời. Đó là điều mà mỗi người chúng ta cùng suy tư và nhìn lại những cách thức và phương hướng mình đã được giáo dục, cũng như hiện đang là người giáo dục một cách nào đó dưới nhiều hình thức.

1. Vài định nghĩa

Giáo dục, đào tạo, huấn luyện, đều là những từ ngữ nhằm vào việc làm tăng triển, mở rộng và nâng cao toàn bộ đời sống con người về thể chất, tri thức và tâm linh. Có vài định nghĩa trong các Tự Điển Việt Nam như sau:

Giáo dục là “nhằm truyền thụ những tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức cần thiết cho đối tượng, giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách phù hợp với mục đích, mục tiêu chuẩn bị cho đối tượng tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội ” [1].

Đào tạo là “quá trình chuyển giao có hệ thống, có phương pháp về những kinh nghiệm, những tri thức, những kỹ năng... đồng thời bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cần thiết và chuẩn bị tâm thế cho người học đi vào cuộc sống lao động tự lập, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước... Ngày nay, đào tạo... đang dần tiến tới hợp tác song phương với người học để giúp họ chủ động, tích cực, tự giác chiếm lĩnh lấy tri thức, tự trang bị hành trang nghề nghiệp, chuyên môn” [2].

Huấn luyện, nói chung là giảng dạy, hướng dẫn luyện tập, hay chế tạo, nắn đúc, gầy dựng nên [3].

Mỗi định nghĩa đều liên quan và bổ túc cho nhau trong việc giáo dục, nhưng chưa thể là toàn bích khi xét về tính toàn diện của đời sống làm người. Điều quan trọng là cho ta thấy được đường hướng và vai trò của giáo dục, là nhằm giúp cho từng người phát huy hết mức khả năng thiên phú của mình, với tính cách đạo đức, nhằm góp phần lợi ích tối đa cho xã hội loài người.

Khi định nghĩa về giáo dục, Tự Điển Larousse cho thấy, đó là hoạt động đào tạo, huấn luyện về tri thức song song với việc thực hành đạo đức [4].

Thiết tưởng điều quan trọng trước tiên, việc giáo dục phải giúp mỗi người nhận ra sự hiện diện cao quí của họ trong cuộc sống này. Điều làm nên họ không phải là những thành tích, thành tựu, hay những công trình bên ngoài, mà chính họ mới là sự thành tựu và công trình sáng giá nhất, nghĩa là trở thành điều mà họ phải trở thành. Từ đó họ mới quí trọng việc giáo dục từ mọi phía, và coi đó là điều thiết yếu để làm nên cuộc sống chân thực của mình. Chính họ phải trở nên một công trình riêng biệt, độc đáo, góp phần vào đời sống nhân loại, nhưng vẫn nằm trong mối tương tác và hòa hợp chung, không chỉ giữa con người với nhau, mà còn đồng thời với Trời, đất, vạn vật. Chính trong tương quan bao hàm đó mà người ta thấy được ý nghĩa sâu xa của đời mình một cách thực tiễn và thiêng liêng. Nhờ đó, việc giáo dục giúp họ đáp ứng cũng như hoàn thành một định hướng siêu việt về chính mình. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả của mỗi con người được sinh ra trong cuộc sống này.

Nhờ giáo dục, con người hấp thụ những tinh hoa của nhân loại cho bản thân mình, và rồi tiếp tục sáng tạo làm thăng tiến bản thân, nhờ khả năng suy luận, phân tích và tổng hợp, dựa trên nền tảng của những điều mình đã tiếp thu, đã rèn luyện, để trở thành con người tiến bộ: một sự tiến bộ đúng nghĩa, quân bình, toàn diện trong mọi chiều kích của đời sống làm người: thể chất – tri thức – tinh thần - tâm linh. Các yếu tố đó liên kết hỗ tương làm một với nhau không thể tách rời, làm thành toàn bộ thống nhất và duy nhất của đời sống con người. Chủ trương giáo dục nào chỉ quan tâm đến sự thành toàn về một hai phương diện nào đó thôi, đều là cắt xén, làm hư hại, hoặc hủy hoại một phần sự sống của con người. Những hình thức như thế đều là phản tiến bộ.

2. Nhìn vào thực tế.

Thực tế, cuộc sống hôm nay cho thấy phần lớn sinh viên – học sinh đều học hành với tính cách “đối phó”, hoặc chỉ lo cho mình có nhiều kiến thức, nhiều khả năng, nhưng không đi đôi với việc đào luyện tâm hồn và nhân cách của mình. Chính vì vậy, nhiều bạn bất chấp mọi “mánh mung” và gian dối để được mảnh bằng. Nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm đến bề ngoài, chạy theo đủ mọi thứ “mốt”. Có nhiều bạn không chỉ chạy theo bất cứ mốt thời trang nào, mà còn chạy theo những mốt ăn chơi liều mạng, trác táng, kể cả những kiểu yêu cuồng sống vội, làm nên một cuộc sống thác loạn, gây tan tác cho bản thân, gia đình và xã hội. Còn phần đông những người lớn chỉ lao đầu vào cuộc sống kinh tế, và hầu như chỉ lo thăng tiến về thể chất và khả năng nghề nghiệp, để đạt tới lợi lộc và danh vọng càng cao càng tốt, coi đó như một bảo đảm hay đích điểm của đời sống hạnh phúc.

Tất cả những điều nói trên phải chăng là một phần lớn hậu quả của một lề lối giáo một chiều, “duy vật”, “duy thực dụng”, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, hiệu năng và kinh tế, chỉ lo “bề mặt” mà mất đi “bề trong”. Tình trạng lệch lạc này làm hụt hẩng đời sống nội tâm, khiến mất tính cách đạo đức và phương hướng trong mọi hoạt động, là nguyên nhân tạo nên xáo trộn và hỗn loạn trong đời sống cá nhân, cũng như gây ra nhiều tiêu cực và tệ đoan trong xã hội.

Thật ra trong xã hội hôm nay, người ta vẫn luôn đặt ra vấn đề đạo đức, vẫn rêu rao đòi nêu cao phẩm chất đạo đức. Nhưng là “đạo đức” gì? Đạo đức như thế nào? Nội dung và ý nghĩa của từ ngữ đó ra sao và có đầy đủ không? Dựa trên nền tảng nào để nói hai chữ “đạo đức”? Phải chăng có nhiều thứ đạo đức, mỗi thứ đạo đức lại được quyết đoán theo một ý hệ, theo một chủ nghĩa, theo điều kiện và nhu cầu của thời đại. Nếu thế, sợ rằng “đạo đức” lại trở thành “đứt đạo”.

Cũng như sự mất thăng bằng trong cán cân mậu dịch tạo nên khủng hoảng kinh tế thị trường, thì sự mất quân bình trong cuộc sống đạo đức của con người cũng gây ra những khủng hoảng tinh thần như vậy. Những hậu quả kinh tế bên ngoài dù sao cũng dễ chấn chỉnh, khôi phục và tái tạo, nhưng những hậu quả tinh thần thường để lại những vết rạn nứt hay suy sụp sâu nặng, có khi suốt đời vẫn không thể sửa chữa, bồi đắp hay phục hồi.

Nhưng rồi trong đường hướng giáo dục ngược lại cũng đem đến những tai hại nhất thiết. Nếu chỉ quan tâm giáo dục về mặt thiêng liêng, đạo đức, mà thiếu đào tạo về mặt nhân bản, trí thức, thể chất, thì lại tạo nên những con người ngây ngô, lạc lỏng, mơ hồ, sống trong tưởng tượng chứ không sống trong thực tế, như thể người của một thế giới khác. Không hòa nhập với cuộc sống xã hội đang vươn lên từ mọi phương diện thì khác nào tự loại trừ mình khỏi thế giới loài người.

3. Con người vừa là đối tượng vừa là chủ thể của giáo dục

Đường hướng giáo dục nào cũng phải để cho những người được giáo dục có cơ hội và điều kiện để thể hiện chính mình. Mọi hình thức áp đặt, nhồi nhét, nắn đúc, thúc ép, rập khuôn, đều là xúc phạm và gây tai hại, làm mất đi tính cách giáo dục. Vai trò của người giáo dục là giúp họ trở nên chính họ, chứ không trở nên giống mình. Không ai được quyền ép buộc người khác trở nên một loại người hay một kiểu người theo một thứ khuôn thước đã định sẵn, cho dù là cha mẹ. Chính vì thế mà R. Tagore đã xác định: “Mục đích của giáo dục là dạy cho con người biết quan cảm cái chân lý trong sự nhất trí hoàn toàn của nó” .

Trách nhiệm của những người giáo dục là giáo huấn, dạy dỗ, chỉ bảo, nhưng bằng phương cách trình bày, hướng dẫn, chỉ đường, chứ không bó buộc hay quyết định thay cho người thụ huấn. Điểm hay của người thầy là biết khơi dậy những khả năng tiềm ẩn đa dạng của mỗi người, đồng thời hỗ trợ và bổ túc những điều cần thiết, gợi ý những sáng kiến và đưa ra những phương pháp, cách thức, để mỗi người tự do lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với khả năng và tính cách của mình. Eward Gibbon cho thấy rằng: “Mọi người đều hấp thụ được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác tạo ra, còn một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình” .

Thật vậy, kết quả giáo dục, cuối cùng cũng là tùy thuộc ở người thụ huấn, là người giữ vai trò chính yếu trong việc ý thức chủ động và tích cực rèn luyện bản thân mình. Coi thường nguyên tắc tự đào luyện là phá ngầm tính kiên trì mai sau của mình. Thiếu nó, việc giáo dục trở thành mảnh đất hoang, hay giống như lò ấp trứng. Còn lò thì trứng còn tốt, ra khỏi lò chẳng biết ra sao. Việc giáo dục của gia đình hay học đường như lò ấp trứng là một hình thức giả tạo, trong đó đương sự sống, làm việc, học hành một cách chiếu lệ, trôi nổi theo dòng nước chảy. Một con người như thế khi vào đời sẽ bị chìm ngập trong những biến động. Để cho mọi cái dễ dàng lôi cuốn mình, thì mình không còn là mình nữa. Bởi vậy, “Giáo dục một người là đào luyện họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh” (Ch. Rivet).

Vì thế, mọi công cuộc đào tạo hay giáo dục, cuối cùng là tự đào tạo, tự giáo dục từ những gì mình đã được khai mở. Mỗi người là một cá vị độc nhất, hoàn toàn có tự do và trách nhiệm về cuộc đời mình, không thể dựa dẫm hay nại vào người khác, nhưng biết khai sáng cho mình một lối đi, một tâm thế, một phương cách thích hợp để phát huy mọi tiềm lực và khả năng của mình cho một cuộc sống đầy ý nghĩa.

4. Bản thân con người - trọng tâm của giáo dục

Vấn đề học hành ngày nay, phần nhiều người ta chỉ lo nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức, nhắm vào bằng cấp, vào chức vụ và thành thục chuyên môn, chứ không nhằm vào con người. Tiếc thay mảnh bằng không phải là con người, và con người không phải là mảnh bằng. Sự nhập nhằng này khiến người ta ảo tưởng về mình, tạo nên biết bao sai lầm và tai hại. Khi việc giáo dục xa rời với trọng tâm là con người thì không còn là giáo dục nữa, không còn tạo nên “người thật” nữa, mà là bào chế ra những “người máy”, để càng ngày càng đạt mục tiêu cao hơn về chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

Mọi sự tốt đẹp đều triển nở từ đời sống tinh thần. Khi tinh thần đã trở nên nô lệ cho vật chất thì con người bị tha hóa. Mọi sự bắt đầu từ bên trong, khi bên trong bị manh động thì mọi cái bên ngoài trở nên hỗn loạn. Cuộc sống con người cao đẹp từ chính đời sống tinh thần của họ, nghĩa là trong chính tâm thế và phẩm cách của họ. Giá trị của một con người được xác định chính yếu từ đó. Mọi cái khác như tài năng, chức vụ, chuyên môn, thế giá xã hội chỉ là phụ thuộc.

Lịch sử cho thấy thế giới đầy những con người tài trí, nhưng tài trí ấy không nằm trong những tâm hồn cao đẹp thì sẽ phát sinh những Hitler của thời đại mới. Bởi vậy, giáo dục quan trọng nhất vẫn là nhằm đào luyện tâm hồn con người, là khơi lên chân lý của sự sống đích thật đang tiềm ẩn nơi họ. Trong ý nghĩa đó Galileo đã phát biểu mạnh mẽ rằng: “Anh không thể dạy một ai cái gì cả, anh chỉ có thể giúp họ tìm thấy điều ấy ở trong họ mà thôi” .

Sự góp phần lớn lao nhất cho đời sống nhân loại không phải là những công trình thế kỷ được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, hay những phát minh khoa học lớn lao, mà chủ yếu là từ một đời sống thiện hảo của một con người. Những công trình tiến bộ đều có hai mặt của nó, có nhiều khi mặt tiêu cực và tính hủy diệt còn nhiều hơn bội phần về mặt tích cực và xây dựng. Không thể căn cứ vào đó mà xác định về sự văn minh tiến bộ đích thực. Tiến bộ rất cần thiết cho đời sống con người, nhưng phải được làm nên từ những con người thiện hảo. Phải là những con người thiện hảo mới thực sự đem lại lợi ích chân chính, bình an và hạnh phúc cho nhân loại.

Muốn thế, phải có sự góp phần lớn lao từ các tôn giáo. Xã hội nào thiếu sự hoạt động của các tôn giáo trong ngành giáo dục, thì khó lòng nói tới đạo đức và lành mạnh xã hội, và dễ gây suy thoái về phẩm chất đời sống làm người. Chỉ có tôn giáo mới giúp con người hướng thiện, hướng thượng, nhận ra cội nguồn vĩnh hằng để sống đúng căn tính của mình. Nhờ tôn giáo mà con người tìm ra đường ngay nẻo chính, tìm ra chân lý của lẽ sống làm người trong mối tương quan hợp nhất Thiên – Địa – Nhân.

Một con người mà không biết từ đâu mình đến, sinh ra để làm gì, đi về đâu, thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì? Không tìm ra ý nghĩa và mục đích sau cùng của cuộc đời mình thì sự hiện hữu của mình còn có giá trị gì? Rèn luyện bản thân, sống ngay chính, dấn thân phục vụ, góp phần xây dựng xã hội, v.v..., có khi phải hy sinh chính bản thân mình để bảo vệ quê hương dân tộc, để rồi chẳng còn gì nữa sao? Hay chỉ còn lại tấm bia đá “nhớ ơn”, còn bản thân mình thì đi vào hư vô, chẳng còn hy vọng gì khác? Việc giáo dục không cần tôn giáo sẽ đưa con người tới đâu? Hay chỉ còn là vong thân, với cuộc đời đáng nôn mửa?

Đang khi đó, trải qua từ bao đời, triết lý sống của truyền thống dân tộc Việt Nam là một triết lý thấm nhuần tôn giáo và tín ngưỡng. Tinh thần tôn giáo đó không những nằm ngay trong bản sắc dân tộc, trong truyền thống văn hóa, trong việc giáo dục từ trong gia đình đến học đường, mà nằm ngay trong những phong tục tập quán và mọi sinh hoạt hằng ngày. Cũng từ đó toát lên cái nét đẹp tinh thần rất hài hòa, sinh động và thiêng liêng của người Việt.

5. Triết lý truyền thống của dân tộc Việt [5]

Triết lý Tam Tài

Triết lý Tam Tài trong khối Viễn Đông rất bàn bạc, với tính cách thực tại hơn là triết lý. Trung Hoa chỉ liệt kê tổng quát theo các hiện tượng: thiên văn, địa văn và nhân văn. Nhật Bản chỉ nói một cách chung chung, áp dụng vào nhân sinh mà thôi. Riêng Việt Nam từ hồi còn là Việt tộc, các Tiên Hiền đã nói về Tam Tài như những thế lực cấu tạo, bảo tồn và phát huy vạn vật. Thiên-Địa-Nhân được trình bày như ba căn cơ cho Thiên Đạo, Địa Đạo và Nhân Đạo. Nhờ đó, Việt tộc từ ngàn xưa đã xây dựng Chủ Đạo Nhân bản tâm linh, là truyền thống văn hóa của ta ngày nay.

Con người là sức mạnh của Trời đất (Thiên địa chi đức); là chủ nhân trong vũ trụ, được Trời che đất chở (Thiên phú địa tái). Trong sự liên kết đó, con người khám phá những Thiên văn, khai quật những Địa văn, để tô điểm cho Nhân văn thêm tươi đẹp và phong phú. Sau này các nhà Việt Nho đã thể hiện dòng triết lý ấy trong thơ văn một cách đầy đủ, rõ ràng. Chẳng hạn bài thơ Tam Tài của Trần Cao Vân:

Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,
Trời Đất in Ta một chữ đồng.
Đất nứt Ta ra, Trời chuyển động,
Ta thay Trời mở Đất mênh mộng
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời Đất Ta đây đủ Hóa công.


Điểm thần học dân gian nổi bật lên ở đây là con người đứng giữa Trời Đất để nối kết đôi bờ Thiên Địa, được Trời che Đất chở, nên phải đắp đổi hai bên cho cân xứng. Con người vì thế phải làm tròn ba đạo: đạo Trời, đạo Đất và đạo Người. Nhờ vậy con người sẽ làm nên đời sống quân bình và toàn diện. Cha Trời Mẹ Đất chính là triết lý chấp Địa tòng Thiên của cha ông từ ngàn xưa. Nhờ đó, văn hóa truyền thống luôn là văn hóa nhất quán và giao hội. Vô tín ngưỡng, vô tôn giáo là phản bội dòng triết lý dân tộc. Con người Tam Tài là con người Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Nếu giáo dục là giúp cho con người tìm được chính mình, thì phải cho họ nhận ra ý nghĩa đời mình nhờ truy ra nguồn gốc đó, và sống tốt các tương quan đó, thì mới là giáo dục đúng nghĩa, toàn bích.

Triết Lý Âm Dương

Dòng triết lý này được thể hiện thời Hùng Vương với Bánh Dầy Bánh Chưng: một vuông một tròn tượng trưng cho Trời tròn Đất vuông, nói lên sự vuông tròn của Âm Dương mang ý nghĩa quân bình và toàn diện. Âm dương là hai nguyên tố sinh tồn và biến hóa qua Ngũ Hành: Thủy Hỏa Thổ Kim Mộc. Nhờ Ngũ Hành tương sinh tương khắc mà có biến hóa trong trời đất. Triết lý Âm Dương Ngũ Hành cũng là nền tảng cho sự hòa điệu trong trời đất và nơi cuộc sống con người. Nhờ đó cuộc sống của Việt tộc lúc nào cũng giao hòa và nhất quán. Luật cân bằng Âm Dương còn được ứng dụng cách triệt để và hiệu quả trong Y đạo, Y lý, Y thuật, Y thể để trị liệu vạn bệnh về thể chất cũng như tinh thần.

Triết lý Âm Dương cũng nói lên nhiều điểm Thần học. Đấng Tạo Hóa tức ông Trời đã tạo dựng hai nguyên tố uyên nguyên là âm dương, để sinh hóa vạn vật trong vũ trụ: sáng-tối, ngày-đêm, nam-nữ, lành-dữ, sướng-khổ, vui-buồn, may-rủi, thăng-trầm, v.v… Hiểu như thế, cha ông ta luôn thuận theo ý Trời và luật thiên nhiên đã được đặt để, nên “Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân” . Hoàn cảnh nào cũng có có thể đón nhận và sống trong an vui đề huề để triển nở đời sống bản thân, gia đình và xã hội.

Đạo sống quân bình âm dương chính là đạo sống Thái Hòa, tạo nên một tính cách sinh động rất uyển chuyển và hòa hợp, khiến cho người Việt Nam luôn giữ thế tự tại, làm chủ mọi sự trong mối liên thông với Đấng làm chủ chính mình và mọi người là ông Trời. Giáo dục là giúp con người đạt tới sự làm chủ bản thân mình, để từ đó biết làm chủ mọi vật, mọi việc, mọi hoàn cảnh. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi trước tiên, việc giáo dục phải giúp con người nhận ra Đấng làm chủ cuộc đời mình và toàn thể vũ trụ. Toàn thể mọi sự nơi con người phải được qui hướng về đó để làm nên sự thành toàn của chính mình.

Triết Lý Nông Nghiệp

Triết lý Nông Nghiệp hệ tại quan niệm: nông nghiệp là công việc do khối óc và bàn tay con người khai phá và làm nên từ tài nguyên sẵn có do Trời ban cho. Việc phát triển kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật, khoa học cũng bắt nguồn từ quan niệm nền tảng này. Căn bản của Nông Nghiệp hay mọi nghành nghề khác vẫn là đạo đức. Nền đạo đức này hệ tại ăn ở thuận hợp với Trời đất thì mới phong đăng hòa cố, bở vì: “Ơn Trời phù hộ ngày đêm”, hoặc “Quyền cao chức trọng Trời cho” , hoặc “Tam đa phú quý rõ ràng Trời cho” .

Căn bản của mọi tôn giáo là thờ Trời, dù ý niệm về Ông Trời có khác nhau, nhưng vẫn ý chỉ về một Đấng Tuyệt Đối, vô song, là chủ tể muôn loài muôn vật. Tất cả đều phải qui hướng về đó để phát triển cuộc sống mình, để tìm thấy ý nghĩa nguyên nhân và cùng đích của cuộc đời mình. “Sống gửi thác về” là như thế, là về với cội nguồn, về với Đấng mà từ đó mình đã phát xuất, để sau một sống đã chu toàn sứ mệnh là con Trời, người ta trở về nơi quê hương vĩnh cửu để sống an vui và hạnh phúc muôn đời. Giáo dục phải giúp con người đạt tới hiểu biết thâm hậu này để làm nền tảng cho mọi phát triển của đời người trong đời sống xã hội, thì mới là nền giáo dục chân chính, đích thực. Nền giáo dục chân chính, đích thực, chính là nền giáo dục Nhân bản Tâm linh.

Chú thích:
[1] Nhóm biên soạn, Từ Điển Giáo Dục Học, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2001.
[2] Như trên.
[3] Hoàng Phê, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2003; Lê văn Đức và nhóm biên soạn, Tự Điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[4] Larousse, 1992, tr. 352.
[5] Dựa trên bài viết “Triết lý truyền thống dân tộc Việt”, của Vũ Đình Trác trong cuốn Suy tư và đóng góp cho Thần Học Việt Nam, tr. 10-26.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hãy Hồi Sinh
Lm. Trần Cao Tường
13:47 06/03/2008

HÃY HỒI SINH - be reborn!



Ảnh của Cao Tường

Như nụ hoa bừng nở sau một thời nằm chết mùa đông,

nhựa sống trong con xin một lần trỗi dậy.

"Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ đuợc sống."

(Gioan 11:25)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News