Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42
ÂN TÌNH NGÀI CHỨA CHAN
Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con người và ân sủng của Người vẫn hằng chan chứa cho cả những ai được coi là không xứng đáng. Đó là chủ đề mà chúng ta suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Chay dưới ánh sáng của các bài đọc Lời Chúa hôm nay.
1. Thiên Chúa sẵn sàng thi ân giáng phúc
Trong bài đọc I (Xh 17,3-7), dân Do Thái hành trình trong sa mạc, họ phải chịu cảnh đói khát vì không có thức ăn và nước uống. Họ cần của ăn và nước uống. Họ lãng quên những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Nên họ kêu trách ông Môsê và Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa trả lời cho dân “vô ơn” này bằng việc ban cho họ nước uống. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người không thù hận ai. Thiên Chúa hiểu thấu nỗi thống khổ của họ và ban cho họ những gì cần thiết.
Trong bài đọc II (Rm 5,1-2.5-8) , thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Giêsu ban cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta xứng đáng. Ân sủng đến từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô minh chứng rằng tình yêu đó là hoàn toàn nhưng không và do lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Bởi lẽ, Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta là những người yếu đuối, những người vô đạo, trong khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa Giêsu chết vì chúng ta và như thế niềm hy vọng của chúng ta đặt trên nền tảng vững chắc là tình yêu của Chúa Kitô và ân sủng vững bền do Người ban tặng.
Trong bài Tin Mừng (Ga 4,5-42), chúng ta lắng nghe câu chuyện nổi tiếng về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari tại bờ giếng Giacóp ở Xykha, vào giữa trưa. Trong cuộc gặp gỡ này, có rất nhiều chi tiết: nơi chốn, thời gian và những nhân vật. Chúng ta tập trung suy tư về cuộc gặp gỡ xem ra bình thường này như là thời điểm của ân sủng mà Chúa Giêsu rộng ban cho con người qua người phụ nữ này. Ân sủng đã làm cho người phụ nữ Samari phải ngạc nhiên.
2. Vượt qua những giới hạn
Chúng ta biết rằng mọi sự đang chống lại người phụ nữ này: Trước hết, bà là một người Samari. Vào thời điểm đó, người Samari và người Do Thái đang thù địch nhau và tránh mặt nhau. Người Do Thái coi người Samari như là những người dân ngoại, những người không có niềm tin. Vì thế, người Do Thái không dám sử dụng những gì mà người Samari đã dùng, kể cả thức ăn, thức uống.
Thứ đến, bà là một người phụ nữ. Vào thời đó, cả với những người phụ nữ Do Thái và nhất là đối với những người phụ nữ dân ngoại Samari, họ thực sự bị coi là thuộc hạng thấp cổ bé miệng, không có quyền lợi và ưu tiên nào cả. Làm sao người phụ nữ này dám nói chuyện với Chúa Giêsu? Tiếp theo, như trình thuật cho thấy, chúng ta biết rằng bà đã có năm đời chồng rồi, một người có vấn đề về gia đình và chắc bà này là người có vấn đề về tính cách phụ nữ, một người có vấn đề về đời sống khác thường. Như thế, tất cả những điều này vốn là những sự cản trở ngăn cản Chúa và bà gặp nhau. Nhưng Chúa Giêsu chủ động đến nói chuyện với bà trước. Chúa Giêsu cởi mở bắt chuyện với bà. Chúa Giêsu đi bước đầu hội thoại với bà bằng việc xin nước uống, từ đó, Chúa hướng bà tới một thứ nước khác, nước hằng sống mà Người sẽ ban. Theo Gioan, nước đây chính là ân huệ Thánh Thần. Nước biểu tượng của sự sống từ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được ban như là nguồn mạch sự sống mới cho con người. Thánh Thần sẽ được đổ vào lòng chúng ta nhờ Đấng Phục Sinh để chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và kêu lên rằng “Ápba – Cha ơi” (x. Rm 5,5; Gl 4,6).
Điều đó làm cho bà phải ngạc nhiên. Bà không thể tin rằng một người Do Thái như Đức Giêsu lại có thể nói chuyện với bà, một người Samari như thế này được. Bà không thể tin rằng một người đàn ông Do Thái lại có thể trao đổi với một người phụ nữ Samari được. Bà cũng không thể tin rằng người đàn ông này lại biết rõ về bà. Trái tim và cuộc sống của bà không thể che giấu người này được. Từ những trao đổi về cuộc sống cá nhân, Chúa Giêsu hướng bà tới những điều cao cả hơn:
“Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23).
Những điều này làm cho bà phải ngạc nhiên và tự hỏi: “Ngài có phải là một vị ngôn sứ hay Ngài có phải là Đấng Mêsia không?” Người đàn bà dẫu không xứng đáng, nhưng qua cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu đã ban cho bà ân phúc cao cả, hồng ân tuyệt vời là nhận biết Đấng Mêsia và nhờ Người để bà biết tôn thờ Thiên Chúa.
3. Những điều kỳ diệu của ân sủng
Nhưng ân sủng này không chỉ cho một mình bà mà còn cho những người khác nữa. Bà đã chạy về báo tin cho mọi người trong làng biết rằng bà đã gặp Đấng Kitô. Họ kéo nhau ra để gặp Người. Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Bà trở thành một tông đồ của Chúa Giêsu khi bà kể cho họ nghe về việc bà gặp một người đặc biệt, một tiên tri và có thể là Đấng Mêsia mà người Do Thái đang trông chờ. Đấng đó biết rõ về cuộc đời tôi. Người yêu thương tôi. Người tôn trọng tôi và tôi cảm thấy được Người chúc phúc.
Ân sủng này từ một cuộc gặp gỡ nếu được dùng theo tiêu chuẩn của thế gian có thể không được ban cho người phụ nữ này, vì thân thế của bà là hoàn toàn bất xứng với ân sủng đó. Nhưng Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người. Thiên Chúa bảo đảm cho mọi người tội lỗi, cho tất cả những ai bất xứng rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Ơn Ta không bao giờ cạn đối với con.
Thánh Giuse mà chúng ta mừng kính trong tháng Ba này là một mẫu gương khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Ngài chỉ là một người thợ mộc nghèo hèn, đơn sơ, không có vai vế gì trong xã hội. Nhưng thánh nhân luôn tin tưởng vào Thiên Chúa nên ngài luôn được chúc phúc.
Cũng thế, bao nhiêu con người khiêm tốn trên thế gian này, những người thực sự cảm thấy mình bất xứng với hồng ân Thiên Chúa, họ vẫn có thể quay trở về và đón nhận ân sủng của Người ban một cách nhưng không. Bởi vì ơn cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên mọi giới hạn của con người. Tình yêu Chúa lớn hơn tội lỗi con người. Thiên Chúa luôn là quảng đại, rộng lượng và nhân ái đối với hết mọi người, ngay cả khi chúng ta bất xứng để đón nhận ân sủng Người. Đó là điều làm cho chúng ta vững tin vào Chúa. Đó là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi thiêng liêng. Đó là điều làm cho chúng ta luôn biết trở về với Chúa ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bất xứng và tội lỗi nhất. Cả lúc đó Chúa vẫn giang tay chờ đón chúng ta.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta suy ngắm tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là cơ hội để canh tân đời sống của mình như là nghĩa cử đáp lại lòng thương xót và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Đó là lời Chúa
MỘT SO SÁNH VÔ CÙNG KHẬP KHIỄNG
“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.
Ngày kia, Paderewski đến London công diễn. J. Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’, những gì tôi làm chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi toác ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là nên giống người nhạc sĩ! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim của người nhạc sĩ vĩ đại!
Kính thưa Anh Chị em,
Đó không phải là một câu nói chót lưỡi đầu môi, mà là một cam kết sống! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa là một tình yêu không ngưng nghỉ, không mệt mỏi, dành cho nhân loại. Ngài yêu thương nó với một tình yêu không thể hiểu thấu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu lớn đến nỗi chỉ một mình Ngài mới có thể hiểu! Rõ ràng, so với tình yêu vô bờ này, tình yêu của con người sẽ luôn què quặt, chắp vá, dẫu đó là ‘một so sánh vô cùng khập khiễng’.
Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu không ngại cảnh báo những gì chúng ta thường vấp phải, “Đừng xét đoán!”, “Đừng kết án!”. Ngài biết, trái tim của chúng ta là một chiến trường thực sự! Hãy xem, mặc dù rất khó, nhưng chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn tìm cách ‘cung phụng’ vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Đó là đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá. Chúa Giêsu luôn nhìn vào trái tim, Ngài đặt cược vào mặt tốt!
Vậy đâu là thái độ đúng đắn? Đaniel trong bài đọc hôm nay là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người; đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin lòng thương xót, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.
Anh Chị em,
“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nói cách khác, chúng ta cần một trái tim như trái tim của Thiên Chúa; và Chúa Giêsu đã làm người, với một trái tim, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng; những giọt máu, giọt nước cuối cùng nhỏ xuống cho đến khi trái tim Ngài khô đét. Bởi lẽ, trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi tự so mình với người khác; thế mà, không phải với họ, chính Chúa Giêsu mới là ‘người mẫu’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng. Trong sự tha thứ và xót thương, sự rộng lượng của Chúa Giêsu là không thể đo lường. Ngài đã chuộc lấy nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Vì thế, trái tim của Ngài đáng cho chúng ta ao ước và bắt chước!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế giới cần nhiều hơn những con người có một trái tim mềm, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!”, Amen.
(Tgp. Huế)
8. Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng tuyệt vời như thế, đến nỗi những hành vi của Mẹ đều trở thành mô phạm cho tất cả mọi người.
(Thánh Ambrosius)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người nước Tề đi thăm Biền Biền, nói:
- “Nghe danh tiếng thanh cao của Ngài đã lâu, không làm quan mà lại đi phục dịch cho mọi người.”
Biền Biền hỏi:
- “Ngài nghe ai nói?”
Người ấy trả lời:
- “Tôi nghe đứa con gái hàng xóm nói. ”
Biền Biền hỏi:
- “Nó nói như thế nào?”
Trả lời:
- “Đứa con gái hàng xóm nói nó không lấy chồng, nhưng chưa đến ba mươi tuổi thì đã sinh bảy đứa con. Danh nghĩa thì nói không chồng, nhưng hành vi của nó thì người lấy chồng cũng không bằng! Như ngài đây không làm quan, nhưng lương đống của ngài ngàn chung (chén) bạc, tuỳ tùng phục dịch trên trăm người, danh nghĩa thì nói không làm quan, nhưng ngài lại lớn hơn cả người làm quan!”
( Chính Quốc sách)
Suy tư 78:
Có một lúc nào đó, tôi cũng sẽ nghe người ta nói với tôi: “Ngài là linh mục, tu sĩ, tuy không phải là nhà triệu phú, nhưng ngài xài sang hơn cả triệu phú; tuy ngài không phải là một thanh niên đua đòi bắt chước, nhưng ngài đua đòi ăn diện còn hơn cả người đua đòi “ mốt” ăn diện; ngài tuy không phải là dân bợm nhậu, nhưng ngài ăn uống hậu nhẹt còn hơn cả bợm nhâu.”
Và cũng có một lúc nào đó, nếu tôi không sống với đời sống của một linh mục- một Chúa Ki-tô thứ hai– thì người ta cũng sẽ nói với tôi như thế này: “Mặc dù ngài là linh mục nhưng tư cách của ngài không giống linh mục chút nào, bởi vì ngài lo bon chen với tiền bạc và hưởng thụ hơn cả chúng tôi.”
Thật đáng tội nghiệp cho chúng ta –những linh mục, tu sĩ- biết chừng nào.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Chuyện Người Tha Thứ - Luke 6:37
Và Ngài nói, "Tha thứ, và bạn sẽ được thứ tha" (Luke 6:37).
Có một lần Phêrô hỏi Thầy mình, “Con sẽ phải tha cho anh chị em con bao nhiêu lần? Có phải bẩy lần hay không?” (Matt 18:21). Đức Giêsu lắc đầu, có lẽ Ngài đã cười, và Ngài nói, “Phêrô ơi, không phải bẩy lần đâu, mà là hơn thế nữa”.
Là một nhà tâm lý gia và bác sĩ đa khoa đại tài, Đức Giêsu có lý của Ngài khi vỗ vai dặn dò người đệ tử ruột của môn phái Kitô là, “Về vấn đề tha thứ, Phêrô ơi, tốt nhất, con nên tiếp tục tha thứ, bỏ qua, bởi vì nếu con không có khả năng tha thứ, nói về thể lý, hờn giận và cố chấp là một trong những nguyên nhân chính khiến áp suất máu của con lên rất cao, ảnh hưởng tới đường mạch lưu thông của máu huyết trong trái tim và bộ não; nói về tâm lý, một người không chịu tha thứ và cố chấp, tâm hồn của họ trống vắng an bình”. Cho nên cuối cùng, Đức Giêsu kết luận, “Không phải chỉ bẩy lần mà bẩy mươi lần bẩy” (Matt 18:22).
Suy Niệm
Một người có tính cố chấp, hay nổi giận, không chịu tha thứ, người này không có khả năng tập trung, do tư tưởng bị phân tán và chi phối bởi những biến cố khiến tự ái của mình bị thương tổn. Bởi thế trên khuôn mặt của một người không có lòng vị tha, bình an thiếu vắng, nhưng ngập tràn giận hờn.
Có một người, hai anh em chia nhau phần gia sản của căn nhà bố mẹ để lại. Người em qua mặt người anh, ôm gọn căn nhà một mình. Người anh buồn tủi, mặc cảm, và giận hờn; buồn tủi cho tình nghĩa anh em một giọt máu đào hơn ao nước lã, mặc cảm mình là anh mà bị em qua mặt, giận hờn người đưa cao tay chặt đứt tình nghĩa. Cho nên, chỉ trong một thời gian ngắn, cái trán của người anh, mới ba mươi tuổi, bắt đầu hằn sâu nét căm hận, tóc rụng lưa thưa. Tôi biết có một người bố giận dữ người con không nghe lời mình, lấy người vợ khác chủng tộc. Khuyên bảo người con không nghe, bởi quan niệm áo mặc không qua khỏi đầu, ông bố nổi giận, ông bố uất lên, mạch máu não đứt tung! Giờ này ông nằm bất động trên giường bệnh!
Ngược lại, nếu biết tha thứ, người chấp nhận xóa nhòa sẽ được hưởng những lợi ích của hành động bỏ qua. Một trong những lợi ích này là sự bình an trong tâm hồn và trên khuôn mặt. Đức Giêsu và Đức Phật xuất hiện với những khuôn mặt nhân hòa, và vị tha, bởi các Ngài là hiện thân của tha thứ. Những vị tu sĩ và cao tăng đắc đạo cũng có những khuôn mặt nhân ái, không phải tại họ sinh ra với những khuôn mặt của vị tha và bác ái, nhưng bởi họ thực tập và sống với tha thứ.
Đời sống của Đức Giêsu, Đức Phật, những vị tu sĩ và cao tăng đắc đạo là những bài học thực tế cho những người tín hữu trong đời sống đức tin hằng ngày về sự tha thứ. Một người thực tập được tha thứ, bình an tự động mở cửa nhà, bước vào trong tâm hồn của người đó. Bởi những ảnh hưởng của thể lý và tâm lý, nếu chúng ta có bình an trong tâm hồn, sức khỏe, cái nết, và cái đẹp sẽ định cư với chúng ta lâu dài và mãi mãi.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh, xin ban cho con nghị lực và ơn khôn ngoan để con thực tập nhân đức tha thứ, bỏ qua, quên đi và xóa nhòa.
□ Nguyễn Trung Tây
Nhân dịp các Giám Mục Đức tới Rome để viếng Mộ Hai Thánh Phêrô và Phaolô (Ad limina), hai vị Hồng Y Ladaria, Bộ trưởng Bộ Tín lý, và Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, đã thẳng thừng nói với các vị phải tạm hoãn các đề xuất đã được thông qua và công bố, vì chúng không phản ảnh tín lý, luân lý, huấn quyền của Giáo Hội, mà chỉ phản ảnh áp lực từ bên ngoài, nhất là của giới truyền thông cả đạo lẫn đời. Các ngài không e dè sử dụng các phạm trù ly giáo, mưu toan thay đổi Giáo Hội, áp đặt nghị trình riêng và sai lầm của mình lên Giáo Hội hoàn vũ, cao ngạo bác bỏ cả tinh thần đồng nghị do Đức Giáo Hoàng đề xuất, làm ngơ các đóng góp tích cực của Giáo Hội hoàn vũ, tự cô lập mình và xem ra bất cần. Đức Hồng Y Ladaria thậm chí còn đề cập đến chuyện mê tiền chính phủ của hàng Giám Mục Đức. Và ngài mong Đức Giáo Hoàng sẽ can thiệp "dứt khoát", vì "Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra".
Chúng tôi cho đăng tải hai bài nói chuyện của các ngài với các Giám Mục Đức, để bạn đọc thấy quyết tâm của Tòa Thánh trong việc ngăn chặn cuộc ly giáo có thể diễn ra bất cứ lúc nào, chỉ tiếc là các ngài vẫn còn sử dụng các thuật ngữ ngoại giao “dường như”, “xem ra” chứ không hẳn ra lệnh khiến Con đường Đồng nghị Đức vẫn tiếp tục nghĩ rằng họ chưa bị Vatican ra lệnh cấm (xem https://vietcatholic.net/News/Html/281504.htm).
Cả hai bài đều được kath.net [Đức] đăng tải và được Catholic World Report dịch sang tiếng Anh và công bố ngày 9 tháng 2, 2023. Các chỗ in đậm là do người dịch.
1.Một quan điểm Hoa Kỳ về tình hình của Giáo hội ở Đức, bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ladaria
Lý do chính khiến người ta nghi ngờ đường hướng của Giáo hội ở Đức là những nỗ lực tương tự để theo đuổi hệ tư tưởng thời đại đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay.
Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào?
Câu trả lời cho câu hỏi này rõ ràng phụ thuộc vào người được anh em hỏi, nhưng công bằng mà nói đối với nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân đang chú ý ở Hoa Kỳ, họ nghi ngờ sâu sắc về những gì Giáo Hội Công Giáo Đức đang làm liên quan tới tính đồng nghị. Đôi khi điều này gần như tuyệt vọng, vì rõ ràng là các giám mục Đức không quan tâm đến việc lắng nghe Giáo hội hoàn vũ, để lại rất ít hy vọng người Đức sẽ tự sửa sai. Ấn tượng là họ có một nghị trình muốn thay đổi Giáo hội, và họ muốn áp đặt tầm nhìn của mình lên Giáo hội hoàn vũ.
Các giám mục Đức đã nhận được những lời quở trách từ các Hồng Y bộ trưởng của các bộ quan trọng của Vatican (các Hồng Y Ouellet và Ladaria và Parolin), một bức thư ngỏ của 103 Hồng Y và Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, một cuộc trao đổi rất công khai với một Tổng Giám mục từ Hoa Kỳ, cùng với vô số những lời kêu gọi khác phải thận trọng, kể cả từ các giám mục Ba Lan và Scandinavia, chưa kể đến sự dè dặt sâu xa do chính Đức Giáo Hoàng bày tỏ.
Ấy thế nhưng, người Đức vẫn tiếp tục như thể không có điều gì trong số này xảy ra và hành động như thể họ được ban cho một sứ mệnh đặc biệt để cứu Giáo hội. Điều này cho thấy một mức độ cao ngạo nói lên một sự bác bỏ tinh thần đồng nghị như đã được Đức Thánh Cha cổ vũ. Về phương diện này, người Đức đã bác bỏ viễn kiến của Đức Thánh Cha về một Giáo hội khiêm tốn, biết lắng nghe và mãi là Công Giáo.
Người ta cũng nói rằng không ai trong số hơn 270 giám mục từ Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với các giám mục Đức. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ ở Bắc Âu, hàng giám mục trên toàn thế giới cũng không đưa ra lời khuyến khích nào. Sự im lặng này rất có ý nghĩa. Giáo Hội Đức phần lớn đã tự cô lập và dường như không quan tâm.
Một trong những mối quan tâm sâu xa nhất mà tôi đã nghe được từ những tiếng nói quan trọng ở đây tại Hoa Kỳ là người Đức sẽ làm suy yếu một sáng kiến có tiềm tàng quan trọng của Đức Thánh Cha. Trong khi có những lo ngại nghiêm trọng về việc nhấn mạnh vào quy trình và các tài liệu ban đầu do Con đường Đồng nghị đưa ra, phong trào hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn có những khả thể đang bị bắt cóc bởi một nhóm giám mục được thúc đẩy bởi ý thức hệ từ Đức. Nếu họ tiếp tục thống trị cuộc đàm luận, điều tốt đẹp vốn tiềm tàng nằm trong tầm tay với sẽ bị mất đi vì lợi ích vị kỷ của Giáo Hội Đức. Bất cứ cơ hội nào để Giáo hội mở rộng quan điểm của mình một cách hữu hiệu và thực sự Công Giáo sẽ bị mất đi bởi những tiếng ồn ào xung quanh những nỗ lực của các giám mục Đức nhằm thay đổi căn bản các giáo huấn chính của Giáo hội.
Ấn tượng ở đây là Giáo hội Đức được thúc đẩy bởi ý muốn thu hút nhiều người hơn trở lại với Giáo Hội thông qua việc thoả hiệp với hệ tư tưởng thời đại. Người Đức đề xuất rằng càng thế thế tục hóa càng là con đường dẫn đến tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm hoàn toàn ngược lại với trải nghiệm của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Các nhà thờ và cộng đồng địa phương đang phát triển ở đây là những cộng đồng luôn trung thành với mọi giáo huấn của Giáo hội. Điều này dường như cũng xảy ra ở các châu lục khác, đặc biệt là châu Phi. Thật xấu hổ khi các giám mục Đức không muốn học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác.
Việc tự do hóa Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt ra khỏi các hàng ghế nhà thờ, nhưng xu hướng này đã được đảo ngược ở những nơi có đức tin trong đó, tinh thần tin mừng, bắt nguồn từ mối quan hệ bản thân với Chúa Giêsu, và sự viên mãn của Giáo huấn Giáo Hội, được cử hành. Chính trong các giáo xứ biết giảng dạy đức tin một cách yêu thương và không cần xin lỗi, đầy những gia đình trẻ, chứ không phải những người đã sa vào tinh thần và giá trị của thời đại.
Đây là lý do chính dẫn đến sự nghi ngờ về đường hướng của Giáo hội ở Đức. Những nỗ lực tương tự đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay. Tự do hóa đức tin không đưa mọi người trở lại hàng ghế nhà thờ. Điều hữu hiệu là một nhân chứng phản hệ tư tưởng thời đại - một người trung thành với niềm tin vào tất cả vẻ đẹp của nó, luôn cổ xưa và luôn mới mẻ. Mầu nhiệm của đức tin viên mãn mới là điều hấp dẫn. Gần đây, tôi đã viết một thí dụ về điều này mà có lẽ có thể mang tính hướng dẫn cho các giám mục Đức.
Những người khác ở Hoa Kỳ đặt câu hỏi về mối tương quan tài chánh giữa Giáo Hội Công Giáo Đức và chính phủ. Việc sắp xếp thuế tín ngưỡng không quen thuộc với kinh nghiệm của người Mỹ, và đương nhiên là có sự nghi ngờ lớn về sự can dự của chính phủ vào các vấn đề của Giáo Hội ở đây tại Hoa Kỳ. Ít nhất, Dường như cũng có mùi thỏa hiệp thực tế của Giáo Hội Đức để duy trì dòng tiền thuế khá lớn. Cho dù có đúng như thế hay không, đây là một ấn tượng đang hiện hữu và khiến cho các động cơ của người Đức bị nghi ngờ.
Người ta cũng nhận thấy rằng các giám mục Đức thường sử dụng kinh nghiệm của họ về lạm dụng tình dục của giáo sĩ như một lý do cho một cuộc aggiornamento [cập nhật] có tính xa rời các giáo huấn chính của Giáo hội. Một lần nữa, tại Hoa Kỳ này, câu trả lời không phải là thỏa hiệp các giá trị của chủ trương tự do hóa tình dục mà là tuân thủ các giáo huấn của Giáo hội một cách đầy đủ hơn. Sử dụng sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của các giám mục Đức để hùng hổ thúc đẩy Giáo hội hoàn vũ tuân theo phán quyết của họ về luật luân lý là điều quả thực kỳ lạ. Đó hẳn là một mức độ cao ngạo chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thất bại về lãnh đạo.
Một số người lập luận rằng Giáo Hội Đức phản ảnh chặt chẽ hơn suy nghĩ của Đức Thánh Cha liên quan tới tính đồng nghị. Đây cũng là một tuyên bố kỳ lạ, gần như buồn cười, vì chính các giám mục Đức đã bị Vatican quở trách. Chính người Đức đã nhất tâm theo đuổi chủ nghĩa bất chính thống thông qua Con đường Đồng nghị của họ. Trên thực tế, cuộc thăm dò do các giám mục Đức ủy quyền đã tiết lộ rằng những nỗ lực của họ không phản ảnh ngay cả những nỗ lực gần gũi nhất với Giáo hội Đức trên khắp thế giới. Có một chủ nghĩa đế quốc thần học và giáo hội học phát xuất từ nước Đức đang đe dọa Giáo hội hoàn cầu.
Nỗi sợ hãi liên quan đến các nỗ lực của Đức là điều có thật, nhưng vẫn có hy vọng rằng Tòa thánh sẽ can thiệp. Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra, và tại Hoa Kỳ, người ta kỳ vọng rằng trong thời gian tới, ngài sẽ hành động dứt khoát để ngăn chặn sự hỗn loạn mà các giám mục Đức đã tạo ra. Nó sẽ phải trả giá bằng sự nhầm lẫn đã gieo rắc, nhưng có một kỳ vọng rằng người Đức sẽ được sửa chữa.
Làm thế nào họ thực hiện sự sửa đổi đó lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.
2. Trở lại với tinh thần của Tông đồ Công vụ, bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ouellet
Trong Thư gửi dân Chúa Hành Hương tại Đức [ngày 29 tháng 6 năm 2019], Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiệp thông với vị tiền nhiệm Bênêđictô XVI, đã ghi nhận tình trạng suy thoái của đời sống Kitô hữu tại nước này và mời gọi tất cả mọi người hãy phó thác cho Chúa Kitô như một chìa khóa để đổi mới; Đức Thánh Cha đã viết rằng đó là “một tình trạng suy thoái nhiều mặt, không dễ hoặc nhanh chóng giải quyết, đòi hỏi một cách tiếp cận nghiêm túc và đầy đủ thông tin, trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, thúc giục chúng ta nên giống như người hành khất trong Tông đồ Công vụ, biết lắng nghe lời của Thánh Tông Đồ: 'Vàng bạc thì tôi không có, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thành Nadarét, anh hãy bước đi!' (Cv 3:6). Tôi bắt đầu lại với đoạn trích này từ bức thư nói trên để đưa ra một số xem xét ngắn gọn về giáo hội học liên quan đến cuộc điều tra đồng nghị của anh em, theo tinh thần của Tông đồ Công vụ. Tôi làm điều này với tư cách là một người anh em trong hàng giám mục, nhưng cũng vì nhu cầu của giáo dân.
Trong tư cách những người kế vị các tông đồ ở Đức, anh em đã nghiêm túc nhìn nhận thảm kịch lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra, và theo cách đặc trưng của người Đức, đã phát động một chiến dịch nghiên cứu với các nguồn khoa học [xã hội], đức tin và tham vấn đồng nghị, để đạt được một cuộc duyệt lại triệt để giả thiết sẽ chấm dứt sự thất bại về mặt luân lý và định chế này. Các cuộc tranh luận sôi nổi đã được tiến hành và những cải cách được đề xuất bắt nguồn từ chúng chắc chắn đáng được khen ngợi vì sự lưu tâm, cam kết, tính sáng tạo, sự chân thành và sự táo bạo được biểu lộ qua Con đường Đồng nghị của anh em, trong đó giáo dân đóng vai trò bình đẳng nếu không muốn nói là chiếm ưu thế. Sau khi nghiên cứu cẩn thận các kết luận của anh em, người đọc đương nhiên đánh giá cao nỗ lực to lớn của việc tự phê bình có tính định chế, cũng như thời gian dành cho những suy tư này, và sự đầu tư công sức chung của các nhà thần học, giám mục và mục tử, đàn ông và đàn bà, để đi đến những điểm đồng thuận nhất định, mặc dù rất vất vả và có nhiều căng thẳng. Bây giờ tùy thuộc chúng tôi trả lời các đề xuất của anh em, vốn chứa đựng nhiều yếu tố thần học, tổ chức và thực dụng có thể chia sẻ được, nhưng lại nêu ra nhiều khó khăn nghiêm trọng theo quan điểm nhân học, mục vụ và giáo hội học.
Một số nhà phê bình có thẩm quyền đối với định hướng hiện tại của Con đường Đồng nghị ở Đức nói một cách công khai về một cuộc ly giáo tiềm ẩn mà đề xuất trong các bản văn của anh em, dưới hình thức hiện tại, có nguy cơ tán thành. Tôi biết rất rõ rằng anh em không có ý định phá vỡ sự hiệp thông phổ quát của Giáo hội, cũng không cổ vũ một hình thức cắt xén đời sống Kitô hữu cho phù hợp với “tinh thần thời đại” hơn là với Tin Mừng; thực vậy, có thể nói, những nhượng bộ xuất hiện trong các đề xuất của anh em đã bị áp lực rất mạnh mẽ của nền văn hóa và các phương tiện truyền thông moi móc [extorted]; tôi hiểu rằng ý định của anh em chính là để tránh ly giáo bằng cách làm cho các thừa tác viên của Tin Mừng trở nên đáng tin cậy hơn, đông đảo hơn và có phẩm chất tốt hơn, và bằng cách phát triển các cộng đồng Kitô hữu bao gồm và tôn trọng mọi thái độ hơn, những thái độ này phải được đánh giá một cách nhất quán với phẩm giá con người và quan niệm Kitô giáo về con người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nghị trình của một nhóm nhỏ các nhà thần học từ vài thập niên qua đột nhiên trở thành đề xuất của đa số hàng giám mục Đức: bãi bỏ luật độc thân bắt buộc, phong chức cho các viri probati [những người đàn ông đã kết hôn đủ tư cách], khả năng phụ nữ gia nhập thừa tác vụ thụ phong, đánh giá lại tính luân lý của đồng tính luyến ái, những hạn chế về cơ cấu và chức năng đối với thẩm quyền phẩm trật, những xem xét về tính dục do lý thuyết phái tính truyền cảm hứng, đề xuất về những thay đổi quan trọng đối với Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, v.v.
"Chuyện gì đã xảy ra?" “Chúng ta đã tiến đến điều gì?” nhiều tín hữu Công Giáo và các nhà quan sát tự hỏi một cách khó tin. Khó mà tránh được ấn tượng này là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, mặc dù cực kỳ nghiêm trọng, đã bị khai thác để thúc đẩy những ý tưởng khác không liên quan trực tiếp đến nó.
Đánh giá tổng thể các đề xuất, người ta có cảm giác đang đối đầu với không chỉ một cách giải thích rộng rãi hơn về kỷ luật hoặc luân lý Công Giáo, mà còn là một sự thay đổi căn bản gây ra những lo ngại nghiêm trọng, như Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vừa nói. Đối với chúng tôi, dường như chúng tôi đang đối diện với một kế hoạch “thay đổi Giáo hội” chứ không chỉ là những đổi mới mục vụ trong lĩnh vực luân lý hay tín điều. Thật không may, tôi phải nói rằng đề xuất hoàn cầu, vốn đã được công bố rộng rãi ở Đức và ở những nơi khác này đang làm tổn thương sự hiệp thông giáo hội, bởi vì nó gieo rắc nghi ngờ và hoang mang nơi dân Chúa. Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được những chứng từ tự nguyện ta thán về vụ tai tiếng gây ra cho những người nhỏ bé bởi đề xuất bất ngờ nhằm phá vỡ Truyền thống Công Giáo này.
Không có gì ngạc nhiên khi những kết quả này đang gây chia rẽ không những Hội đồng Giám mục địa phương và Giáo hội ở Đức, mà cả hàng giám mục trên toàn thế giới, vốn đã không khỏi phản ứng với sự kinh ngạc và lo lắng. Thực tế này khiến chúng ta phải suy nghĩ về nhiệm vụ chính của các giám mục, đó là giảng dạy theo Huấn Quyền của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng (xem Lumen gentium 25). Mọi giám mục, từ khi được tấn phong và được nhận vào đoàn những người kế vị các tông đồ, cum et sub Petro [với và dưới quyền Phêrô], đều có tư cách đại diện cho Giáo hội hoàn vũ trong phần đặc biệt của Giáo hội được ủy thác cho ngài và bảo đảm sự hiệp thông của phần ngài với Giáo hội hoàn cầu. Các tiêu chuẩn cho sự hiệp thông này được liệt kê trong Lumen gentium, Christus Dominus, và trong Bộ Giáo luật.
Việc Bức thư do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn thảo vào tháng 6 năm 2019 với mục đích định hướng đã được đón nhận như một điểm quy chiếu thiêng liêng, nhưng không thực sự là một hướng dẫn cho phương pháp đồng nghị, đã có những hệ quả quan trọng. Sau sự đi trệch ban đầu ra khỏi thẩm quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng ở bình diện phương pháp này, tiến trình của thủ tục đồng nghị đã đưa ra ánh sáng sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Huấn quyền chính thức ở bình diện bản chất, dẫn đến những đề xuất rõ ràng mâu thuẫn với giáo huấn được tất cả các vị Giáo hoàng lặp lại từ Công đồng chung Vatican thứ hai trở đi. Đáng ngạc nhiên về khía cạnh này là thái độ đối với quyết định dứt khoát của Thánh Gioan Phaolô II về việc Giáo Hội Công Giáo không thể tiến hành phong chức linh mục cho phụ nữ. Thái độ này cho thấy có vấn đề về đức tin đối với Huấn quyền và một chủ nghĩa duy lý xâm nhập nào đó không tuân theo các quyết định của nó trừ khi chúng có vẻ thuyết phục về mặt bản thân hoặc được dư luận chấp nhận rộng rãi. Thí dụ mang tính biểu tượng này, khi được cộng vào những thay đổi luân lý và kỷ luật mong muốn khác, sẽ làm suy yếu trách nhiệm của các giám mục đối với thừa tác vụ chính của họ và phủ bóng đen lên toàn bộ nỗ lực nói trên của hội đồng, vốn dường như bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhóm áp lực, và do đó bị nhiều người đánh giá như là một sáng kiến mạo hiểm chắc chắn sẽ gây thất vọng và thất bại vì nó đã “đi chệch đường rầy”.
Tạ ơn Chúa, những bản văn đã hoàn tất này— đã được biểu quyết, mặc dù chúng vẫn còn để ngỏ cho những sửa đổi thêm trong phiên họp cuối cùng dự kiến vào tháng Ba—cũng chứa đựng những tiến bộ đáng kể trong việc xem xét lại các vấn đề mục vụ và giáo hội học, chẳng hạn: một ý thức sâu sắc về công lý và về nghĩa vụ luân lý phải đền bù cho các nạn nhân bị lạm dụng, thăng tiến chức tư tế phổ quát của tất cả những người đã được rửa tội, thái độ biết nhìn nhận các đặc sủng. Xét về hoàn cảnh và những căng thẳng nghiêm trọng đi kèm với các phiên họp vào thời điểm bỏ phiếu, đặc biệt lưu ý đến cuộc tham vấn hiện tại cho Thượng Hội đồng phổ quát về tính đồng nghị, đối với chúng tôi, dường như cần phải tạm hoãn các đề xuất đã được trình bày, cùng với một duyệt xét quan trọng sẽ được thực hiện vào một ngày sau đó, dựa trên kết quả của Thượng hội đồng Rôma. Một cách đầy quan phòng, chúng ta có cơ hội kết hợp hai kỳ vọng này bằng cách áp dụng một sự thay đổi về phương pháp có thể giúp cải thiện các thể tài của Con đường Đồng nghị Đức, cùng với việc lắng nghe sâu sắc hơn cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của Thượng hội đồng Giám mục hoàn cầu. Rõ ràng phương pháp của Thượng Hội đồng hoàn vũ khác với phương pháp được sử dụng ở Đức: chắc chắn phương pháp này ít có tính nghị viện hơn, chú ý nhiều hơn đến sự tham gia hoàn cầu và đạt được sự đồng thuận được hình thành trên cơ sở lắng nghe thiêng liêng sâu sắc đối với dân Chúa.
Lý do căn bản cho lệnh tạm hoãn này là việc quan tâm đến sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn dựa trên sự hiệp nhất của các giám mục trong sự hiệp thông và vâng phục Phêrô. Việc ủng hộ đề xuất gây tranh cãi này của một hàng giám mục đang gặp khó khăn sẽ càng gieo thêm nghi ngờ và hoang mang trong dân Chúa. Lưu ý đến bối cảnh đại kết và tình hình địa chính trị của một thế giới đang bị chiến tranh tàn phá, có thể thấy trước rằng sự lan rộng hơn nữa của đề xuất này sẽ không giải quyết được những vấn đề mà nó được giả thiết sẽ khắc phục: sự ra đi ồ ạt của các tín hữu khỏi Giáo hội, sự ra đi của những người trẻ tuổi, điều gọi là “nguyên nhân hệ thống” của lạm dụng, cuộc khủng hoảng niềm tin nơi các tín hữu.
Giới hạn chính của đề xuất này có lẽ là một cách tiếp cận hộ giáo nào đó dựa trên các thay đổi văn hóa thay vì dựa trên một công bố Tin Mừng đổi mới. Anh em sở hữu vàng và bạc, kiến thức và uy tín được thừa nhận rộng rãi, và anh em quản lý tất cả những thứ đó một cách hào phóng, nhưng đừng quên làm chứng một cách mạnh mẽ và đơn giản cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô mà người dân của anh em đang van vỉ.
Với gương sáng và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta có thể trở lại với tinh thần của Sách Tông đồ Công vụ trên hết là hiến tặng Chúa Giêsu Kitô cho những người cần được chăm sóc và hoán cải, và không cao ngạo cho rằng các giải pháp văn hóa hoặc định chế là điều tối thiết để làm cho hình ảnh của Chúa Giêsu trở thành đáng tin cậy, mặc dù nó được đề xuất bởi các thừa tác viên, vốn là những người không hoàn hảo nhưng tin tưởng vào ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà bây giờ cần phải lặp lại và áp dụng cho việc xem xét lại các kết quả của Con đường Đồng nghị.
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp tới những người trẻ Công Giáo đang nhóm Đại hội Thắp sáng Lửa thiêng năm 2023, tại Luân Đôn, kêu gọi họ hãy dám sống khác biệt, bước đi trong tình bạn với Chúa Kitô.
(Tin Vatican - Devin Watkins)
Hàng chục ngàn thanh niên Công Giáo từ khắp nước Anh và xứ Wales đã qui tụ về Sân vận động OVO Arena Wembley, ở London, để tham dự Đại hội Thắp sáng Lửa thiêng (CYMFed) lần thứ 5 vào thứ Bảy 4/3/2023.
Sự kiện này được tổ chức 150 ngày trước Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 - sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023 - với chủ đề “Hãy trỗi dậy!”, một âm hưởng của đoạn Kinh thánh chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD): “Mẹ Maria trỗi dậy và vội vã lên đường”.
Được giải phóng nhờ Tin Mừng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào và khích lệ đến những người tham gia cuộc Hội ngộ của giới trẻ lần này.
Thông điệp được Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ký, Đức Thánh Cha đảm bảo với các bạn trẻ Công Giáo về “sự gần gũi thiêng liêng” của ngài và nguyện xin “Thiên Chúa toàn năng ban phước dồi dào cho thời gian họ ở bên nhau”.
Ngài bày tỏ hy vọng rằng “qua các nghi lễ, âm nhạc, chứng từ, và chia sẻ tình bạn với Chúa Kitô và với nhau, tất cả những người hiện diện sẽ được thăng tiến trong đức tin, tình yêu và can đảm làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng cứu độ cho chúng ta.”
Vẻ đẹp của lòng quảng đại
Đức Thánh Cha cũng thúc giục họ mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để đi theo Ngài, như Đức Maria đã làm.
“Dám sống khác biệt với những lý tưởng, khác với những lý tưởng của trần thế, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi cá nhân, cầu nguyện, theo đuổi công lý và lợi ích chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội.”
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc thông điệp của mình bằng cách phó thác các bạn trẻ Công Giáo xứ Anh quốc và xứ Wales cùng với gia đình của họ “cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Walsingham” và ban “phép lành như một bảo chứng của sự khôn ngoan, niềm vui và bình an trong Chúa Giêsu”.
Lớn lên như những người trẻ Công Giáo
Theo trang web của sự kiện, Thắp sáng Lửa thiêng (CYMFed) 2023 là cơ hội mời gọi giới trẻ “Vươn lên sau đại dịch, Hãy trỗi dậy với tư cách là những người Công Giáo trẻ, Hãy đứng dậy - như Đức Maria đã làm - cho cuộc hành trình quảng đại và đầy đức tin của chúng ta.”
Các diễn giả được mời nói chuyện trong Đại hội Thắp sáng Lửa thiêng (CYMFed) gồm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, người Phi Luật Tân, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, và Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của Perth Úc châu.
Tổ chức Giáo hoàng trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, gọi tắt là ACN, bày tỏ mối quan tâm của mình đối với tình hình của Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua, và đặc biệt đối với Đức Cha Rolando Álvarez, là người đã bị chế độ độc tài Daniel Ortega kết án vào ngày 9 tháng 2 tới 26 năm 4 tháng tù giam.
“Hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã bày tỏ nỗi buồn và sự quan tâm của mình vào ngày 12 tháng 2 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, tổ chức ACN xin các tín hữu đừng quên tình huống khủng khiếp mà Đức Cha Álvarez, giám mục của Matagalpa và là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí, đang trải qua và yêu cầu những lời cầu nguyện cho ngài và cho tất cả những người đang đau khổ ở Nicaragua,” một tuyên bố của ACN cho biết.
Trích dẫn một bài báo ngày 14 tháng 2 trên hãng truyền thông Nicaragua Actual, ACN cảnh báo rằng chế độ dường như đang bắt giữ các linh mục dám cầu nguyện cho Đức Cha Álvarez trong các Thánh lễ của các ngài, và coi đó là “một hành động bị cấm”.
“Ít nhất hai linh mục đã bị bắt ở Madriz và Nueva Segovia vì đã nhắc đến hoặc cầu nguyện cho vị giám mục trong các buổi cử hành Chúa nhật của họ,” tuyên bố cho biết. Cả hai thị trấn đều thuộc Giáo phận Esteli.
Theo Nicaragua Actual, hai vị linh mục được thả vài giờ sau đó với lời cảnh báo không được nhắc đến vị giám mục nữa.
“Vì tất cả những lý do này, trước nỗ lực bịt miệng những lời cầu nguyện của người dân Nicaragua, ACN yêu cầu các tín hữu và những người thiện chí trên khắp thế giới tăng gấp đôi lời cầu nguyện của họ cho Giáo hội Nicaragua,” tổ chức kêu gọi.
Do đó, Giáo hội ở Nicaragua sẽ có thể cảm thấy rằng mình “được đồng hành trong thử thách mà Giáo hội đang trải qua vào thời điểm này và có thể tiếp tục loan báo Tin Mừng và đồng hành với người dân của mình, đặc biệt là những người yếu thế và nghèo khổ nhất,” ACN cho biết.
“Tổ chức bị mất tinh thần trước những tin tức mà nó thường xuyên nhận được về các linh mục không được phép trở về đất nước, về các hạn chế thị thực đối với các tu sĩ nam nữ, về việc kiểm soát và giám sát các hoạt động của các linh mục và giám mục, nghe lén các bài giảng cũng như cấm các đám rước và lễ kỷ niệm tôn giáo,” tuyên bố lưu ý.
Vào tháng 8 năm 2022, Regina Lynch, giám đốc các dự án quốc tế của ACN, vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng cô ấy đã quan sát thấy “một nỗ lực nhằm bịt miệng Giáo hội ở Nicaragua.”
Một trong những điểm thấp mới nhất trong cuộc đàn áp Giáo hội của chế độ độc tài Nicaragua là việc gần đây bọn cầm quyền kết án Đức Cha Álvarez 26 năm 4 tháng tù vì tội “phản bội tổ quốc” với tội danh “phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia” và “lan truyền tin giả. “ Vị giám mục cũng bị tước quyền công dân Nicaragua.
Đức Cha Álvarez đã từ chối bị trục xuất cùng với 222 tù nhân chính trị khác, những người đã được đưa đến Washington, DC, vào ngày 9 tháng Hai trong một thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ngài hiện đang bị nhốt trong phòng giam an ninh tối đa trong nhà tù Nicaragua được gọi là “Modelo”.
Những người bị trục xuất bao gồm một số linh mục, chủng sinh và một giáo dân đã bị kết án 10 năm tù.
Source:National Catholic Register
Các Nữ tu dòng Trap của Nicaragua, đến từ Argentina vào năm 2001, đã thông báo rằng họ đã rời quốc gia Trung Mỹ này sau 22 năm làm việc và phục vụ.
Trong một bài đăng ngày 27 tháng 2 trên trang Facebook của họ, các nữ tu giải thích: “Chúng tôi, các Nữ tu Trappist của Nicaragua, đã tự nguyện rời khỏi đất nước” và cho biết họ đưa ra quyết định vì “các lý do của dòng”, “thiếu ơn gọi”,” và “tuổi già của một số chị em, v.v.”
“Chúng tôi sẽ luôn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, trong tình bạn và trong tình yêu mà Chúa đã ban cho chúng tôi trong suốt 22 năm qua,” các nữ tu nói thêm, đồng thời thông báo “điểm đến mới của các sơ là Panama.”
Các nữ tu Trap đầu tiên đến Nicaragua vào Tháng Giêng năm 2001 từ thị trấn Hinojo ở Á Căn Đình và thành lập Tu viện Đức Mẹ Hòa bình ở quận Chontales của Nicaragua.
Trong những ngày gần đây, các nữ tu đã bàn giao tu viện cho Giáo phận Juigalpa, nơi vẫn chưa đưa ra tuyên bố về việc chuyển giao.
Mặc dù các nữ tu không đề cập bất cứ điều gì trong thông cáo về tình trạng cư trú của họ ở Nicaragua, nhưng Tổng cục Di cư và Người nước ngoài đã ban hành lệnh triệu tập nhiều nhà truyền giáo tôn giáo và nước ngoài trong hai tuần qua.
Theo hãng truyền thông Nicaragua Noticias, những yêu cầu mới đang được đặt ra đối với những tu sĩ muốn ở lại nước này.
Sự ra đi của các nữ tu dòng Trap được thông báo vài ngày sau khi chế độ độc tài của Daniel Ortega, trong một cuộc tấn công mới chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua, cấm cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá trên đường phố.
Source:National Catholic Register
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này, Tin Mừng Biến Hình được công bố. Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi và tỏ cho các ông thấy Người trong tất cả vẻ đẹp của Người như là Con Thiên Chúa (x. Mt 17,1-9).
Chúng ta hãy dừng lại một chút trước cảnh tượng này và tự hỏi: Vẻ đẹp này bao gồm những gì? Các môn đệ thấy gì? Một hiệu ứng đặc biệt chăng? Thưa: Không, đó không phải như thế. Họ nhìn thấy ánh sáng thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa trên khuôn mặt và y phục của Chúa Giêsu, là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Sự uy nghi của Chúa, vẻ đẹp của Chúa được tỏ lộ. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, các môn đệ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô. Họ đã được nếm trước thiên đường. Thật là một bất ngờ cho các môn đệ! Họ đã có khuôn mặt của Tình yêu trước mắt họ quá lâu mà không bao giờ nhận thức được nó đẹp như thế nào! Chỉ đến bây giờ họ mới nhận ra điều đó với niềm vui như vậy, với niềm vui vô cùng.
Thực ra, qua kinh nghiệm này, Chúa Giêsu đang huấn luyện họ, chuẩn bị họ cho một bước quan trọng hơn. Trên thực tế, ngay sau đó, họ sẽ phải nhận ra vẻ đẹp tương tự ở Ngài khi Ngài bị treo trên thập tự giá và khuôn mặt của Ngài sẽ bị biến dạng. Thánh Phêrô đấu tranh để hiểu: thánh nhân muốn dừng thời gian, “tạm dừng” khung cảnh, ở lại đó và kéo dài trải nghiệm tuyệt vời này. Nhưng Chúa Giêsu không cho phép. Thật vậy, ánh sáng của Ngài không thể bị giản lược thành một “khoảnh khắc kỳ diệu”! Như vậy nó sẽ trở thành một cái gì đó giả tạo, giả tạo đúng thế, một cái gì đó sẽ tan biến vào làn sương mù của tình cảm thoáng qua. Ngược lại, Đức Kitô là ánh sáng soi đường cho chúng ta như cột lửa cho dân trong hoang địa (Xh 13,21). Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không làm cho các môn đệ xa rời thực tế cuộc sống, nhưng ban cho họ sức mạnh để theo Người cho đến tận Giêrusalem, cho đến tận thập giá. Vẻ đẹp của Chúa Kitô không xa lạ. Nó luôn đưa anh chị em về phía trước. Nó không làm cho anh chị em phải thoái lui nhưng tiến lên!
Anh chị em thân mến, Tin Mừng này cũng vạch ra một con đường cho chúng ta. Nó dạy cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc ở lại với Chúa Giêsu ngay cả khi không dễ hiểu mọi điều Người nói và làm cho chúng ta. Thực vậy, chính nhờ ở với Người mà chúng ta học cách nhận ra trên khuôn mặt Người vẻ đẹp rạng ngời của tình yêu Người ban cho chúng ta, ngay cả khi nó mang dấu thánh giá. Và chính ở ngôi trường của Ngài, chúng ta học cách nhìn thấy vẻ đẹp giống nhau trên khuôn mặt của những người đi bên cạnh chúng ta hàng ngày - gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người chăm sóc chúng ta theo những cách khác nhau nhất. Bao nhiêu khuôn mặt rạng ngời, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nếp nhăn, bao nhiêu nước mắt và vết sẹo biểu lộ tình yêu xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy học cách nhận ra chúng và lấp đầy tâm hồn chúng ta với những biểu lộ ấy. Và rồi chúng ta hãy lên đường để đem ánh sáng mà chúng ta đã nhận được đến cho cả những người khác nữa, qua những hành động yêu thương cụ thể (x. 1 Ga 3:18), dấn thân vào những công việc hàng ngày của chúng ta một cách quảng đại hơn, yêu thương, phục vụ và tha thứ với nhau, nghiêm túc và sẵn sàng hơn. Việc chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt tình yêu của Chúa, phải thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác.
Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có biết nhận ra ánh sáng tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có nhận ra niềm vui và lòng biết ơn trên khuôn mặt của những người yêu mến chúng ta không? Chúng ta có nhìn xung quanh mình để tìm kiếm những dấu hiệu của ánh sáng lấp đầy tâm hồn chúng ta và mở rộng chúng ra để chúng ta có thể đón nhận tình yêu và sự phục vụ không? Hay chúng ta thích ngọn lửa rơm của những ngẫu tượng khiến chúng ta xa lánh và khép kín chúng ta? Ánh sáng vĩ đại của Chúa hay ánh sáng giả tạo của ngẫu tượng. Tôi thích cái nào hơn?
Xin Mẹ Maria, Đấng đã giữ trong lòng ánh sáng của Con Mẹ trong bóng tối đồi Canvê, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tình yêu.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Những ngày qua, tôi thường nghĩ đến những nạn nhân của vụ tai nạn xe lửa xảy ra ở Hy Lạp. Nhiều người là sinh viên trẻ. Tôi đang cầu nguyện cho những người đã khuất. Tôi ở gần những người bị thương và thân nhân của họ. Xin Đức Mẹ an ủi họ.
Bây giờ tôi xin bày tỏ sự đau buồn về thảm kịch xảy ra ở vùng biển Cutro, gần Crotone. Tôi đang cầu nguyện cho vô số nạn nhân của vụ đắm tàu, cho người thân của họ và cho những người sống sót. Tôi bày tỏ lòng cảm kích và lòng biết ơn của mình đối với người dân và các tổ chức địa phương vì sự đoàn kết và lòng hiếu khách của họ đối với những anh chị em của chúng ta. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình với mọi người để những bi kịch tương tự không lặp lại. Hãy ngăn chặn những kẻ buôn người để chúng không tiếp tục cướp đi mạng sống của biết bao người dân vô tội! Xin cho những cuộc hành trình của hy vọng không bao giờ bị biến thành những cuộc hành trình của cái chết. Cầu mong vùng nước trong vắt của Địa Trung Hải không bao giờ bị nhuộm máu bởi những tai nạn thương tâm như vậy nữa! Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để hiểu và để khóc.
Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi xin chào cộng đồng Ukraine từ Milano đã đến đây nhân dịp kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Giám mục Josaphat, người đã hiến mạng sống mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Anh chị em thân mến, tôi ca ngợi những nỗ lực của anh chị em trong việc chào đón những đồng bào của anh chị em đã chạy trốn khỏi chiến tranh. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Josaphat, ban bình an cho người dân Ukraine đang bị vùi dập.
Tôi chào những người hành hương từ Lithuania và cộng đồng Lithuania ở Rôma đang mừng lễ Thánh Casimir, cũng như cộng đồng Công Giáo Rumani từ Zaragoza, Tây Ban Nha, và các nhóm giáo xứ đến từ Murcia và Jerez de la Frontera, Tây Ban Nha; và từ Tbilisi, Georgia.
Tôi chào các tín hữu từ Burkina Faso, các ứng viên Thêm Sức từ Scandicci và từ Anzio; các tín hữu từ Capaci, Ostia và San Mauro Abate ở Rôma.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
1. Bakhmut vẫn đứng vững. Các nước Đông Âu viện trợ gấp đạn pháo cho Ukraine để giữ vững thành phố.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Chúa Nhật mùng 5 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết giao tranh ở Bakhmut đang diễn ra chủ yếu ở các vùng ngoại ô. Thành phố hoàn toàn được kiểm soát bởi các lực lượng phòng vệ Ukraine. Theo báo cáo sơ bộ, ít nhất 150 quân Nga lọt được vào thành phố đã bị bắn chết, 3 binh sĩ Nga bị bắt làm tù binh. Hơn 200 binh sĩ Nga bị thương được đồng đội đưa ra khỏi thành phố.
Trả lời các báo cáo về việc rút lui của một số đơn vị, ông cho biết “Không có việc quân đội Ukraine rút hàng loạt”.
“Có 131 cuộc tấn công của đối phương bằng các hệ thống pháo binh khác nhau và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào thành phố Bakhmut, và 38 trận giao tranh.”
Tình hình ở thành phố Bakhmut và thành phố Kupiansk trở nên nghiêm trọng vì quân Ukraine thiếu đạn pháo 152ly cho các hệ thống pháo có từ thời Liên Xô. Quân Nga kéo đến quá đông khiến quân Ukraine sử dụng một khối lượng đạn pháo quá lớn làm cạn kiệt kho vũ khí của họ. Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết các nước có nguồn đạn pháo 152ly là Ba Lan, Tiệp, Rumani, và Slovakia đang khẩn cấp gởi các đạn pháo của họ cho Ukraine.
Hiện nay, có hai con đường để thoát ra khỏi thành phố Bakhmut, nhưng cả hai đều nằm trong tầm hỏa lực của quân xâm lược Nga. Trong ngày thứ Bẩy, pháo binh quân Ukraine đã bắn yểm trợ cho dân chạy ra ngoài. Ước lượng có từ 4000 đến 4500 người vẫn còn mắc kẹt bên trong thành phố. Một phụ nữ đã thiệt mạng và hai người đàn ông bị thương nặng do pháo kích của quân Nga khi cố gắng băng qua một cây cầu dã chiến để ra khỏi Bakhmut.
Cô cho biết hiện tại việc rời thành phố bằng các phương tiện giao thông là quá nguy hiểm đối với dân thường nên thay vào đó, mọi người phải đi bộ.
Một nhóm phóng viên AP gần Bakhmut hôm thứ Bảy đã nhìn thấy một cây cầu phao do binh lính Ukraine thiết lập để giúp một số cư dân còn lại của thành phố đến ngôi làng Khromove gần đó. Sau đó, họ thấy ít nhất 5 ngôi nhà bốc cháy do các cuộc tấn công vào Khromove.
Chỉ huy tối cao của Lực lượng chung NATO ở Âu Châu và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết trung bình quân đội Nga bắn hơn 23.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất hiện nay là quân Ukraine không đủ khả năng để bắn 1 phần ba cơ số đạn như thế. Tuy nhiên, họ có thể khắc phục bằng cách phóng các hỏa tiễn tầm xa vào các kho đạn pháo của Nga. Ông đề nghị Hoa Kỳ cung cấp cấp hệ thống hỏa tiễn với tầm bắn xa hơn các loại đã được cung cấp cho đến nay.
2. Số người chết trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở Zaporizhzhia tăng lên 11
Dịch vụ khẩn cấp nhà nước cho biết, số người chết trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào một khu chung cư ở thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, đã tăng lên 11 người sau khi thi thể một phụ nữ được tìm thấy trong đống đổ nát.
Một đứa trẻ nằm trong số những người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Năm vào tòa nhà dân cư năm tầng.
Các quan chức từ chính quyền khu vực cho biết một hỏa tiễn S-300 của Nga đã bắn trúng tòa nhà.
S-300 là tên chung chỉ một loạt các hệ thống hỏa tiễn đất đối không tầm xa do Liên Xô cũ phát triển và vận hành, hiện được trang bị cho quân đội của Nga, Ukraine và các nước Đông Âu cũ. Nó được sản xuất bởi NPO Almaz, dựa trên phiên bản S-300P ban đầu. Hệ thống S-300 được phát triển để phòng thủ trước các cuộc không kích và hỏa tiễn hành trình cho Lực lượng Phòng không Liên Xô.
Việc Nga sử dụng hỏa tiễn đất đối không như một thứ hỏa tiễn đất đối đất cho thấy họ đã cạn kiệt kho hỏa tiễn.
3. Chủ tịch nghị viện Âu Châu nhận định: Các cuộc đàm phán tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine có thể bắt đầu 'trong năm nay'
Chủ tịch nghị viện Âu Châu, Roberta Metsola, đã kêu gọi Ukraine được phép bắt đầu đàm phán tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu trong năm nay, trong chuyến thăm nước này vào hôm thứ Bảy.
Cô Metsola, đang ở thành phố Lviv phía tây, cho biết: “Tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán gia nhập có thể bắt đầu ngay trong năm nay.Tương lai của Ukraine là ở Liên minh Âu Châu.”
Brussels đã trao tư cách ứng cử viên chính thức cho Kyiv vào tháng 6 năm ngoái, bốn tháng sau khi Nga phát động một cuộc xâm lược tổng lực, nhưng tho AFP, quá trình gia nhập Liên minh Âu Châu thường mất vài năm.
Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào chính phủ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu, một số quốc gia tỏ ra nghi ngờ khả năng Ukraine có thể phục hồi sau chiến tranh và ban hành các cải cách dân chủ và chống tham nhũng là những điều kiện cần thiết để trở thành thành viên.
Nhưng Metsola, người đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và phát ngôn nhân của Verkhovna Rada, quốc hội Ukraine, Ruslan Stefanchuk, nằm trong số những người ở Brussels lạc quan rằng cả tư cách thành viên và những cải cách có thể được thực hiện nhanh chóng.
Cô Metsola nói: “Tốc độ mà Verkhovna Rada và chính phủ đang đạt được tiến bộ trong việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu gây ấn tượng mạnh với tôi.”
Trong một thông điệp trên mạng xã hội sau cuộc họp, Zelenskiy cảm ơn Metsola vì vai trò của cô trong việc bảo đảm sự ủng hộ của nghị viện Âu Châu đối với đơn ghi danh làm thành viên.
Tổng thống Zelenskiy nói: “Ukraine đặt mục tiêu hoàn thành việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu càng sớm càng tốt và bắt đầu đàm phán về việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong năm nay.”
Sau khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu, Ủy ban Âu Châu sẽ phải đánh giá liệu Kyiv có đáp ứng các tiêu chí thành viên Liên Hiệp Âu Châu về quản trị tốt, tự do dân chủ và pháp quyền hay không.
Sau đó, các nhà lãnh đạo của 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu hiện tại sẽ quyết định xem có nên kết nạp Ukraine hay không và khi nào.
Quá trình này thường kéo dài hơn 5 năm và đối với một số ứng cử viên như Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phía tây Balkan, quá trình này gần như bị đình trệ.
4. Cựu sĩ quan FSB lo ngại Nga có chiếm cũng không thể giữ nổi Bakhmut khi mùa đông tan băng
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ex-FSB Officer Fears Russia Cannot Hold Bakhmut After Winter Thaw”, nghĩa là “Cựu sĩ quan FSB lo ngại Nga không thể giữ nổi Bakhmut khi mùa đông tan băng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..
Blogger quân sự Nga Igor Girkin đã hạ thấp tầm quan trọng của các báo cáo rằng quân đội Nga đã bao vây Bakhmut và bày tỏ nghi ngờ rằng thành phố Donetsk có thể do Mạc Tư Khoa nắm giữ.
Yevgeny Prigozhin, nhà tài chính của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã tuyên bố rằng thành phố đã bị quân Nga bao vây trong trận chiến khốc liệt mà quân của ông ta đã tham gia.
Bình luận của Prigozhin theo sau đánh giá của các nhà phân tích rằng lực lượng Ukraine đang chuẩn bị rút khỏi thành phố, chỉ ra rằng hai cây cầu, một trong số đó là tuyến đường tiếp tế quan trọng, đã bị phá hủy.
Nhưng Girkin, cựu sĩ quan FSB và cựu chỉ huy các lực lượng Nga, người đã lãnh đạo các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donetsk ly khai vào năm 2014, đã bác bỏ các đánh giá lạc quan về những lợi ích của Nga trong thành phố đã chiến đấu trong bảy tháng qua.
Trên kênh Telegram của mình, Girkin viết rằng ông không “chia sẻ những dự báo lạc quan như vậy” như các blogger quân sự khác bày tỏ, về việc lực lượng Nga chiếm và giữ Bakhmut. Ông viết, sau nhiều tháng bị tấn công, quân đội Wagner sẽ phải nghỉ ngơi, điều này có thể cho phép Ukraine tập hợp lại và “trao đổi lãnh thổ theo thời gian”.
Ông nói rằng đây là “kế hoạch của Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine”, người sau đó sẽ “ra tay… có lẽ sau khi băng tan kết thúc,” ám chỉ mùa xuân.
“Chúng ta phải chuẩn bị để đẩy lùi cuộc tấn công của họ,” Girkin, người còn có tên là Strelkov, nói thêm, và đã chỉ trích mạnh mẽ nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin và hành động của các chỉ huy của ông.
“Cụ thể, tôi không mấy lạc quan về triển vọng chiếm được Bakhmut, vì điều này chỉ có nghĩa là người Ukraine đã giành được thời gian quý báu cho một cuộc phản công,” Girrkin nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.
Bất chấp các báo cáo về lợi ích của Nga, Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của nhóm phía đông Lực lượng vũ trang Ukraine, nói với CNN rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa chưa chiếm được Bakhmut và giao tranh vẫn tiếp tục ở ngoại ô thành phố.
Ông nói rằng thành phố vẫn được kiểm soát bởi “các lực lượng phòng vệ Ukraine: Lực lượng Vũ trang Ukraine, lính Biên phòng và Lực lượng Vệ binh Quốc gia.”
Tuy nhiên, Volodymyr Nazarenko, phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, đã không phủ nhận quy mô nhiệm vụ mà quân đội Ukraine phải đối mặt.
“Mỗi giờ ở Bakhmut giống như địa ngục,” ông nói với đài truyền hình Ukraine Kyiv24, mặc dù ông nói rằng các lực lượng Nga đã không vượt được qua sông Bakhmutka. Ông nói thêm: “Trong vài ngày qua, tiền tuyến đã được ổn định nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực của chúng ta.
5. Quân đội Nga tiếp tục lăn vào cùng một cửa tử bên ngoài Vuhledar
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Keep Rolling Into The Same Kill Zone Outside Vuhledar”, nghĩa là “Quân đội Nga tiếp tục lăn vào cùng một vùng đất chết chóc bên ngoài Vuhledar. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Có một ngã tư đường, cách thị trấn Mykilske vài trăm mét ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, đã trở thành một cái bẫy chết người kỳ lạ đối với quân đội Nga.
Quân đội Ukraine đã gài mìn giao lộ này. Họ được trang bị súng cối và hỏa tiễn chống tăng, và máy bay không người lái của họ, ẩn nấp gần đó. Đó là một khu vực chết người khét tiếng đến nỗi nó trở thành một chủ đề chính trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Nhưng điều đó không ngăn được người Nga cố băng qua giao lộ. Nhiều lần. Sau nhiều tuần bị phục kích, giao lộ giờ đây rải rác với hàng tá xe tăng và xe chiến đấu bị phá hủy trở lên.
Nạn nhân mới nhất của ngã tư sát thủ, là một chiếc xe chiến đấu BMP-2, đã cố gắng băng qua vào ngày thứ Hai—và lần đầu tiên đâm phải một quả mìn trước khi ăn cả một quả hỏa tiễn chống tăng.
Người Nga cố gắng chiếm giao lộ này vào cuối năm ngoái. Tiền tuyến trong khu vực này của Donbas chạy từ đông sang tây dọc theo đường cao tốc T0509, chia đôi các thị trấn Pavlivka và Mykilske do Nga kiểm soát.
Thành trì gần nhất của Ukraine, Vuhledar, nằm cách một dặm về phía bắc qua các con đường phụ. Điện Cẩm Linh đã tấn công vào Vuhledar như một phần của cuộc tấn công mùa đông tồi tệ, có thể thành công trong việc cuối cùng chiếm được thành phố tự do đẫm máu Bakhmut, cách 60 dặm về phía bắc.
Ở mọi nơi trừ Bakhmut, cuộc tấn công đã bị đình trệ. Giao lộ ngay phía bắc Mykilske giúp giải thích tại sao. Người Nga thất bại, rồi ngoan cố nhân đôi, nhân ba và nhân bốn lần thất bại đó.
Người Nga đã tiến về phía Vuhledar được vài tuần khi người Ukraine dàn dựng cái có thể là cuộc phục kích phức tạp đầu tiên tại ngã tư Mykilske.
Vào hoặc trước ngày 5 tháng 2, một bộ phận của tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Nga với xe tăng và phương tiện chiến đấu—T-80 và BMP-2—lăn bánh qua giao lộ và vượt qua các bãi mìn của Ukraine. Có thể có cả những chiếc TM-62 cổ điển của Liên Xô.
Kết quả là một đống lửa bốc cháy khi các phương tiện bị trúng mìn và tổ lái và hành khách của họ được cứu thoát. Một chiếc xe tăng đã cố gắng trốn thoát nhưng đã trúng đạn từ một đội Ukraine bắn lựu đạn phóng hỏa tiễn. Một chiếc BMP mất kiểm soát dường như đã cán phải một người lính Nga không may đang đứng trên đường.
Dấu tích kim loại xoắn tít lại của cuộc phục kích đó vẫn còn rõ ràng khi khoảng hai tuần sau, một đội hình khác của Nga băng qua cùng một giao lộ và không ngạc nhiên khi họ cũng trúng mìn. Có vẻ như nó lại xảy ra vài ngày sau đó với chiếc BMP-2 mới nhất đó.
Các chuyên gia không bị sốc. “Quân đội Nga có xu hướng lặp lại cùng một thất bại,” các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở Luân Đôn.
Các nhà phân tích của RUSI đổ lỗi cho các chỉ huy Nga là cứng đầu và không linh hoạt. Nhưng các sĩ quan cấp dưới gần tiền tuyến hơn cũng có thể có lỗi. “Trong khoảng thời gian khi các bộ chỉ huy cao hơn tìm cách xây dựng một kế hoạch, tình trạng tê liệt có xu hướng đeo bám các cấp dưới nếu mệnh lệnh ban đầu của họ không phản ánh đúng tình hình thực tế.”
Cụ thể là các tiểu đoàn và đại đội của Nga có xu hướng tiếp tục làm bất cứ điều gì họ đã làm - cho dù tai hại đến đâu - cho đến khi một số đại tá hoặc các tướng lãnh ở cấp lữ đoàn hoặc sư đoàn chỉ thị cụ thể cho họ dừng lại và làm điều gì đó khác.
Vì vậy, trong bối cảnh ban lãnh đạo gần như sụp đổ hoàn toàn, quân đội Nga vẫn tiếp tục lái xe tăng và phương tiện chiến đấu của họ vào giao lộ chết chóc trên đường tới Vuhledar. Và đã tiếp tục bị nổ tung bởi mìn và hỏa tiễn.
6. Ukraine dội gáo nước lạnh vào thông tin Bakhmut sắp rơi vào tay Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Pours Cold Water on Reports of Bakhmut's Imminent Fall to Russia”, nghĩa là “Ukraine dội gáo nước lạnh vào thông tin Bakhmut sắp rơi vào tay Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Phát ngôn nhân Lực lượng vũ trang Ukraine Serhiy Cherevatyi nói rằng quân đội nước ông chưa rút quân hàng loạt khỏi Bakhmut và Ukraine vẫn kiểm soát thành phố. Tuyên bố của Cherevatyi được đưa ra trong bối cảnh giao tranh dữ dội và báo cáo từ Tập đoàn Wagner của Nga rằng thành phố đã bị bao vây.
Cherevatyi đã nói chuyện với CNN vào hôm thứ Bảy rằng, “Cuộc giao tranh ở Bakhmut diễn ra chủ yếu ở vùng ngoại ô, thành phố vẫn do lực lượng phòng vệ Ukraine kiểm soát: Lực lượng Vũ trang Ukraine, lính Biên phòng và Lực lượng Vệ binh Quốc gia.”
Ông nói: “Cũng không có sự rút quân ồ ạt của quân đội Ukraine. Có 21 cuộc tấn công của đối phương với việc sử dụng các hệ thống pháo binh khác nhau và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt chỉ riêng gần Bakhmut, và 9 cuộc giao tranh. Tổng cộng có 131 cuộc tấn công và 38 cuộc giao tranh đã diễn ra trên mặt trận miền Đông Ukraine,” Cherevatyi nói.
Volodymyr Nazarenko, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cũng cho biết tương tự hôm thứ Bảy trong các bình luận với đài truyền hình Ukraine Kyiv2, rằng Nga vẫn chưa thành công trong việc chiếm Bakhmut. Ngược lại, ông khẳng định rằng Ukraine đã “ổn định” tiền tuyến, mặc dù ông thừa nhận lực lượng của Mạc Tư Khoa đã đạt được một số thành công.
“Mỗi giờ ở Bakhmut giống như địa ngục. Đối phương đã thành công ở phía bắc, tây bắc của Bakhmut so với một tuần trước. Binh lính Ukraine đang chống trả. Trong vài ngày qua, tiền tuyến đã được ổn định nhờ sự làm việc chăm chỉ và nỗ lực của chúng ta”, Nazarenko nói.
“Con đường Kostiantynivka-Bakhmut nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine. Họ đang làm điều này với những nỗ lực to lớn,” ông nói thêm.
Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ bảo vệ thành phố, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến đấu nhưng phải “không bằng bất cứ giá nào”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (MoD) hôm thứ Bảy cho biết lực lượng phòng thủ thành phố của Ukraine đang “chịu áp lực ngày càng nghiêm trọng”.
“Ukraine đang củng cố khu vực bằng các đơn vị tinh nhuệ, và trong vòng 36 giờ qua, hai cây cầu quan trọng ở Bakhmut đã bị phá hủy, bao gồm một cây cầu quan trọng nối thành phố với tuyến đường tiếp tế chính cuối cùng từ Bakhmut đến thành phố Chasiv Yar”.
Bakhmut, một thành phố phía đông của vùng Donetsk, đã xảy ra tranh chấp ác liệt kể từ tháng 8 năm 2022. Nếu bị quân đội Mạc Tư Khoa chiếm được, đây có thể là một thành công mong muốn từ lâu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng nó mang lại rất ít giá trị chiến lược. Bakhmut nằm ở một vị trí đáng mơ ước vì các con đường quan trọng nối Luhansk ở phía đông và Sloviansk ở phía tây bắc đều đi qua thành phố.
Rajan Menon, Giám đốc chương trình Chiến lược lớn tại Defense Priorities, nói với Newsweek hôm thứ Bảy, “Người Nga đã cố gắng chiếm Bakhmut, một thị trấn nhỏ, trong gần bảy tháng và vẫn chưa thành công mặc dù có lợi thế lớn về binh lính và hỏa lực. “
Menon nói tiếp: “Họ đã chịu tổn thất nặng nề và cũng đã pháo kích tan hoang thành phố này. Vì vậy, mặc dù Bakhmut có thể thất thủ trước sự bao vây ngày càng tăng của Nga, nhưng kết quả đó sẽ là một chiến thắng rỗng tuếch cho Nga. Vì nó sẽ không mở đường cho những bước tiến nhanh chóng vào sâu hơn trong tỉnh Donetsk.”
Ông nói: “Ukraine có nhiều thời gian để chuẩn bị nhiều tuyến phòng thủ bên ngoài Bakhmut và các thành phố như Kramatorsk lớn hơn nhiều.
1. Quân Nga đưa quân từ các nơi về đánh thành phố Bakhmut. Ukraine anh dũng đẩy lùi các cuộc tấn công
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 5 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, khẳng định quân Ukraine không có ý định rút lui khỏi thành phố Bakhmut.
Trong 24 giờ qua, quân xâm lược Nga đang tập trung nỗ lực tiến hành các hành động tấn công ở các hướng Bakhmut, Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Shakhtarsk. Trong ngày qua, lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi hơn 130 cuộc tấn công trên các hướng này.
Ông nhấn mạnh rằng đối phương chủ yếu tấn công vào thành phố Bakhmut và đã đưa thêm các lực lượng từ Kherson và Zaporizhzhia về khu vực Donetsk.
Trong bối cảnh đó, không quân Ukraine đã thực hiện 20 cuộc tấn công vào các vị trí của đối phương bao gồm 18 cuộc tấn công vào các điểm tập trung quân Nga và các đơn vị thiết bị quân sự của đối phương, hai cuộc tấn công vào các vị trí hệ thống hỏa tiễn phòng không của Nga.
Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết một kho đạn của quân Nga trong vùng Makiivka bị đánh trúng nổ long trời suốt đêm. Không quân cũng đánh sập một cây cầu trên xa lộ P66 trong vùng Luhansk bị tạm chiếm để ngăn chặn Nga chuyển quân và vũ khí.
Không quân Ukraine đã tấn công dữ dội vào đội hình của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 đang di chuyển từ phía Đông Kherson lên khu vực Donetsk để tăng cường cho các đơn vị Nga đang tấn công quyết liệt vào thành phố này. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 126 có đại bản doanh ở bán đảo Crimea đã hai lần cờ đỏ và ngày 28 tháng Ba được Putin phong tặng danh hiệu Cận Vệ. 5 xe chuyển quân, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 1 hệ thống phòng không điện tử của đối phương bị nổ tung. Thiệt hại nhân sự của quân xâm lược đang được làm rõ.
Đáp lại, quân đội Nga đã thực hiện 6 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 24 cuộc không kích, đồng thời khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt hơn 65 lần, cụ thể là nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Ở các hướng Kupiansk và Lyman, quân xâm lược Nga đã tiến hành các hành động tấn công thăm dò gần Nevske, và Bilohorivka của vùng Luhansk nhưng không thành công.
Ở hướng Bakhmut, quân Nga tiếp tục nỗ lực bao vây thành phố Bakhmut nhưng thất bại. Trong ngày qua, quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương ở hướng Bắc và Tây Bắc thành phố. Trong ngày qua, quân phòng thủ Ukraine đã bắn hạ 5 máy bay không người lái do thám và tấn công của đối phương. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh quyết liệt để giải vây cho đồng bào đang di tản khỏi thành phố và yểm trợ cho các cuộc phản công của quân phòng thủ Ukraine. Họ đã trúng 3 cụm địch, 2 vị trí hệ thống phòng không, 2 hệ thống tác chiến điện tử; phá hủy 12 cỗ trọng pháo của quân Nga.
Ở các hướng Zaporizhzhia và Kherson, quân xâm lược Nga án binh bất động. Họ đang tổ chức phòng thủ và cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật.
Tại Nova Kakhovka thuộc vùng Kherson, người Nga đang sử dụng thường dân làm 'lá chắn sống'. Quân đội xâm lược của Nga đang triển khai các hệ thống phòng không ở giữa các khu dân cư.
Bộ chỉ huy quân sự Nga đang mất kiểm soát đối với cái gọi là 'tiểu đoàn cossack' đang làm nhiệm vụ gần Vuhledar. Cả tiểu đoàn được tin là chống lệnh hành quân sau các tổn thất quá lớn.
Trong 24 giờ qua, 930 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng, 9 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và một hệ thống phòng không.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 5 Tháng Ba, 153.120 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.414 xe tăng, 6.692 xe thiết giáp, 2.426 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 248 hệ thống tác chiến phòng không, 302 máy bay, 289 trực thăng, 2.071 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.299 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 232 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Ukraine đang mong mỏi có được máy bay không người lái tàng hình của NATO có khả năng chấm dứt chiến tranh mau chóng.
Ukraine đang mong muốn có được máy bay không người lái đời mới của NATO, được gọi là máy bay không người lái ICE. Một nhóm chuyên gia NATO đang phát triển công nghệ mới giúp máy bay quân sự ít bị phát hiện hơn.
Hầu hết các dạng máy bay đều cần bộ truyền động cánh dọc và ngang để có thể bay và điều khiển. Công nghệ đang được phát triển khiến những cánh này trở nên dư thừa trong một số giai đoạn nhất định của chuyến bay, thay thế chúng bằng hệ thống kiểm soát luồng, chủ động sử dụng không khí để giúp điều khiển máy bay.
Nghiên cứu về các bộ điều khiển sáng tạo, hay ICE, đang được thực hiện bởi một nhóm đặc nhiệm của NATO thuộc Tổ chức Khoa học và Công nghệ của NATO, bao gồm các đại diện từ Văn phòng Nghiên cứu Khoa học của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, Học viện Không quân Hoa Kỳ ở Colorado, Viện Công nghệ Illinois và công ty Lockheed Martin.
Mẫu máy bay ICE đầu tiên được sản xuất vào năm 2015, có sải cánh chỉ 28 cm. Kể từ đó, nó đã trải qua nhiều vòng thử nghiệm trong đường hầm gió tại Học viện Không quân Hoa Kỳ ở Colorado.
Đoạn phim bao gồm nhiều cảnh quay khác nhau về các chuyên gia NATO đang làm việc và thử nghiệm một nguyên mẫu phương tiện bay không người lái (UAV).
“Thông thường, khi bạn đang lái máy bay, bạn đang làm chệch hướng các bề mặt điều khiển để điều động hoặc tránh gió giật. Những bề mặt lệch hướng này khiến máy bay dễ bị các thế lực thù địch phát hiện hơn.”
Daniel Miller của Lokheed Martin
“Khi chúng tôi muốn thử cảm nhận các máy bay không người lái thế hệ tiếp theo, chúng tôi thấy rằng chúng bị hạn chế bởi thực tế là chúng đắt hơn mức chúng ta muốn, vì vậy để cố gắng giảm trọng lượng và chi phí của hệ thống, chúng tôi muốn giảm độ phức tạp cơ khí của chúng, và để làm như vậy, chúng tôi đang xem xét các kỹ thuật điều khiển luồng hiện đại cho phép bạn có khả năng điều khiển máy bay trong chuyến bay mà không cần sử dụng bất kỳ loại bề mặt cơ học nào.”
Nếu quân Ukraine có những chiếc máy bay không người lái tàng hình này, họ có thể tấn công dễ dàng các kho đạn của đối phương.
3. Hết đạn, quân Nga dùng xẻng xông lên tấn công quân Ukraine
Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết các bằng chứng gần đây cho thấy có sự gia tăng “cận chiến” ở Ukraine, có thể là do Nga thiếu “đạn dược” vì đường tiếp tế của họ và các kho đạn dược bị pháo binh và không quân Ukraine đánh phá liên tục.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Vào cuối tháng 2, những người lính dự bị được huy động của Nga mô tả việc được lệnh tấn công một cứ điểm bê tông của Ukraine nhưng chỉ được trang bị bằng 'súng và xẻng'. 'Xẻng' có khả năng là công cụ đào giao thông hào lại được sử dụng để chiến đấu tay đôi.
Khả năng sát thương của công cụ đào hào MPL-50 tiêu chuẩn đặc biệt được thần thoại hóa ở Nga. Ít thay đổi kể từ khi nó được thiết kế vào năm 1869, việc tiếp tục sử dụng nó như một vũ khí làm nổi bật cuộc chiến tàn bạo và công nghệ thấp đã trở thành đặc điểm của phần lớn cuộc chiến.
Một trong những người dự bị mô tả là “không được chuẩn bị về thể chất cũng như tâm lý” cho hành động.
Bằng chứng gần đây cho thấy sự gia tăng cận chiến ở Ukraine. Đây có lẽ là kết quả của việc bộ chỉ huy Nga tiếp tục nhấn mạnh vào hành động tấn công chủ yếu bao gồm bộ binh không có xe cơ giới, ít được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo binh vì Nga thiếu đạn dược.
4. Nhà phân tích nói: Không có dấu hiệu sắp xảy ra về việc Ukraine rút khỏi Bakhmut
Một nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Ukraine cho biết vào cuối ngày thứ Bảy rằng ông không thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu tức thời nào cho thấy Kyiv sắp ra lệnh rút lui khỏi thành phố Bakhmut đang bị bao vây.
Oleh Zhdanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn: Hiện tại tình hình đã ổn định ít nhiều. Xét về bước tiến của quân đội Nga, chúng ta thực tế đã ngăn chặn được.
Reuters cũng đưa tin rằng tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã cảm ơn những người bảo vệ ở Bakhmut trong một tin nhắn video vào thứ Bảy nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về cuộc giao tranh.
Pháo binh Nga đã bắn phá các tuyến đường cuối cùng ra khỏi Bakhmut trong khi cố gắng hoàn thành việc bao vây thành phố và đưa Mạc Tư Khoa tiến gần hơn đến chiến thắng lớn đầu tiên trong cuộc chiến Ukraine sau sáu tháng.
Bộ tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết vào cuối ngày Chúa Nhật rằng họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga tại các làng Vasyukivka, Orikhovo-Vasylivka, Dubovo-Vasylivka và Hryhorivka, tất cả đều nằm ở phía bắc trung tâm thành phố Bakhmut.
Các chỉ huy hàng đầu của cái mà Mạc Tư Khoa gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine đã thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga về tình hình hiện tại và các kế hoạch hành động, Sergei Shoigu cho biết hôm Chúa Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm hiếm hoi tới các lực lượng của Nga được triển khai tại Ukraine, trao huân chương cho các quân nhân và gặp gỡ các chỉ huy cấp cao trong chuyến đi, theo một tuyên bố và video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Bảy.
Shoigu đã tổ chức một cuộc họp với các chỉ huy của chiến dịch, tuy nhiên Bộ Quốc Phòng Nga không nói rõ liệu cuộc họp có diễn ra trong chuyến đi hay không.
Sergei Shoigu đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để triển khai nhân sự an toàn trên thực địa, tổ chức hỗ trợ toàn diện cho binh sĩ Nga, đặc biệt là công tác y tế và hậu phương.
Các chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga chỉ thỉnh thoảng đến thăm tiền tuyến ở Ukraine kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm lược vào tháng 2 năm ngoái.
5. Hai phi công Ukraine đang ở Arizona, có khả năng được đào tạo lái F16
Hai phi công Ukraine đang ở Arizona để bay mô phỏng chiến đấu cơ F16 và được quân đội Mỹ đánh giá, hai quan chức Mỹ cho biết, vì Washington vẫn giữ im lặng về việc liệu họ có gửi máy bay chiến đấu hoặc máy bay không người lái điều khiển từ xa tinh vi tới Kyiv hay không.
Reuters báo cáo rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác đã cung cấp vũ khí tràn ngập Ukraine từ hỏa tiễn Javelin đến bệ phóng hỏa tiễn Himars nhưng vẫn chưa cam kết các máy bay phản lực tinh vi và máy bay không người lái vũ trang lớn nhất.
“Sự kiện làm quen” ở Arizona là sự kiện đầu tiên và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa các binh sĩ Ukraine và Hoa Kỳ, đồng thời tạo cơ hội quan sát cách thức hoạt động của lực lượng không quân Hoa Kỳ, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết: Sự kiện này cho phép chúng ta hỗ trợ tốt hơn các phi công Ukraine trở thành những phi công hiệu quả hơn và tư vấn tốt hơn cho họ về cách phát triển năng lực bản thân
6. Nhiều xe tăng Challenger 2 cũ của Anh được chuyển đến Ukraine khi London tăng gấp đôi cam kết của mình
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “More Ex-British Challenger 2 Tanks Are Bound For Ukraine As London Doubles Its Pledge”, nghĩa là “Nhiều xe tăng Challenger 2 cũ của Anh được chuyển đến Ukraine khi London tăng gấp đôi cam kết của mình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Vương quốc Anh đã tăng gấp đôi, từ 14 lên 28, xe tăng Challenger 2 mà nước này cam kết cung cấp cho Ukraine.
Việc bổ sung xe tăng, mà Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko đã công bố hôm thứ Bảy, sẽ không gây ngạc nhiên. Và nó có thể chỉ là khởi đầu của một cam kết thậm chí còn lớn hơn của Vương quốc Anh đối với việc tái vũ trang của Ukraine.
Hai Lữ Đoàn Dù tinh nhuệ của Ukraine dường như sẽ là những người đầu tiên nhận được Challenger 2. Mỗi lữ đoàn cần ít nhất 10 xe tăng để thay thế những chiếc T-80BV cũ của Liên Xô hiện tại.
28 chiếc Challenger 2 là đủ để trang bị cho cả hai lữ đoàn và cũng cung cấp phao bảo trì, để các kỹ thuật viên có thể sửa chữa xe tăng mà không làm giảm sức mạnh tuyến đầu của lữ đoàn.
Xu hướng này đang khuyến khích những người ủng hộ một Ukraine tự do. Alvis Vickers, nay là BAE Systems, đã chế tạo gần 400 chiếc Challenger 2 nặng 70 tấn, chở được 4 người—với động cơ diesel 1.200 mã lực và súng trường 120 ly—cho Quân đội Anh.
Người Anh chỉ muốn nâng cấp khoảng 150 chiếc xe tăng đã tồn tại hai thập kỷ để phục vụ liên tục. Phần còn lại, về lý thuyết, có sẵn để chuyển giao cho Ukraine.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng Lữ Đoàn Dù 25 và Lữ Đoàn Dù 80 sẽ là những người điều hành Challenger 2 đầu tiên của Ukraine, vì những người lính mặc trang phục của các đơn vị đó đã có mặt khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và thủ tướng Anh Rishi Sunak gặp nhau tại cơ sở huấn luyện của Quân đội Anh ở Lulworth Ranges ở Dorset vào đầu tháng Hai.
Quân đội Ukraine dự kiến các xe tăng mới sẽ đến Ukraine trong vòng tháng 3. Lính dù quân đội Ukraine không nhất thiết phải giống lính dù ở các quân đội khác. Khi họ đang chiến đấu trong một cuộc chiến cơ giới bên trong biên giới của đất nước họ, họ hầu như không bao giờ di chuyển bằng đường hàng không. Và không giống như các lực lượng Dù trong quân đội Anh hay Mỹ, mỗi Lữ Đoàn Dù của Ukraine có một đại đội gồm 10 xe tăng.
Các lữ đoàn này được huấn luyện để di chuyển nhanh chóng, vì vậy hiện tại họ vận hành một chiếc xe tăng với bản chất là động cơ phản lực. T-80BV nặng 42 tấn, chở được 3 người với súng nòng trơn 125 ly, có tua-bin 1.000 mã lực, thường đốt nhiên liệu hàng không nhưng về lý thuyết có thể đốt bất kỳ nhiên liệu hydrocacbon lỏng nào.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine nên ưu tiên hoán đổi những chiếc T-80BV của Lữ Đoàn Dù 25 và 80 để lấy những chiếc Challenger 2 nặng hơn, bọc thép tốt hơn và có tầm bắn xa hơn.
Các lữ đoàn đã hoạt động trong các khu rừng xung quanh Kreminna, 10 dặm về phía bắc của Lysychansk ở vùng Donbas phía đông Ukraine. Đây cũng là khu vực quân đội Nga tập trung xe tăng T-90 và xe chiến đấu BMP-T tốt nhất của mình.
Có thể các nhà lập kế hoạch ở Kyiv có ý định đặc biệt để những chiếc Challenger 2 giao tranh với những chiếc T-90 và BMP-T.
Chúng ta có thể xác nhận T-80BV nằm trong cơ cấu lực lượng của các lữ đoàn 25, 46, 79, 80, 81 và 95 của sư đoàn Dù Ukraine—cũng như trong một đơn vị Dù mới bắt đầu hình thành vào khoảng tháng 11.
Đó là 70 chiếc T-80BV tiền tuyến cho 7 lữ đoàn. Vài chục chiếc dự phòng có chức năng dự trữ và cũng là duy trì phao bảo dưỡng. Tổng cộng, lính dù Ukraine có khoảng 100 chiếc T-80 tùy ý sử dụng.
Tất cả những gì có thể nói là Vương quốc Anh sẽ phải tăng gấp ba hoặc gấp bốn lần cam kết về xe tăng của mình để tái trang bị cho toàn bộ sư đoàn Dù Ukraine.
Điều đó chắc chắn là có thể. Người Anh có xe tăng dự phòng.
7. Ankara đang nỗ lực mở rộng sáng kiến cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu hôm Chúa Nhật cho biết, Ankara đang nỗ lực mở rộng sáng kiến do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bị Nga phong tỏa sau cuộc xâm lược.
Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái đã cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine.
Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11 và sẽ hết hạn vào ngày 18 tháng 3 trừ khi có sự đồng ý gia hạn.
Çavuşoğlu cho biết trong một bài phát biểu tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về các nước kém phát triển nhất ở Doha, Qatar: “Chúng tôi đang làm việc cật lực để thực hiện suôn sẻ và gia hạn hơn nữa thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải”.
Çavuşoğlu cũng cho biết ông đã thảo luận về các nỗ lực mở rộng với tổng thư ký LHQ António Guterres.
Hôm thứ Tư, Nga cho biết họ sẽ chỉ đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải nếu lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp của họ được tính đến.
8. Số người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga ở Zaporizhzhia tăng lên 13
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 5 tháng Ba, cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết, số người chết trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào một khu chung cư ở thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, đã tăng lên 13 người sau khi thi thể hai người nữa được tìm thấy trong đống đổ nát.
Một đứa trẻ nằm trong số những người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào sáng sớm thứ Năm vào tòa nhà dân cư năm tầng. Các quan chức từ chính quyền khu vực cho biết một hỏa tiễn S-300 của Nga đã bắn trúng tòa nhà.
S-300 là tên chung chỉ một loạt các hệ thống hỏa tiễn đất đối không tầm xa do Liên Xô cũ phát triển và vận hành, hiện được trang bị cho quân đội của Nga, Ukraine và các nước Đông Âu cũ. Nó được sản xuất bởi NPO Almaz, dựa trên phiên bản S-300P ban đầu. Hệ thống S-300 được phát triển để phòng thủ trước các cuộc không kích và hỏa tiễn hành trình cho Lực lượng Phòng không Liên Xô.
Việc Nga sử dụng hỏa tiễn đất đối không như một thứ hỏa tiễn đất đối đất cho thấy họ đã cạn kiệt kho hỏa tiễn.
1. Hàng ngàn người dự lễ an táng Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles
Hôm 03 tháng Ba vừa qua, hàng ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ an táng Đức Cha David O’Connell, Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Los Angeles, Hoa Kỳ.
Đức Cha O’Connell năm nay 69 tuổi, gốc người Ái Nhĩ Lan, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục cách đây 7 năm. Ngài đảm trách một khu vực trong giáo phận đông đảo này và đặc biệt giúp đỡ những người di dân, người nghèo, nạn nhân của các băng đảng bạo lực từ 45 năm nay, ở khu vực nam Los Angeles. Đức Cha rất được dân chúng và tín hữu địa phương quý mến.
Cảnh sát cho biết Đức Cha O’Connell đã bị chồng của một bà giúp việc bắn chết trên giường tại tư gia của ngài ở khu vực Hacienda Heights lúc 1 giờ trưa, ngày thứ Bảy, 18 tháng Hai. Thủ phạm đã thú nhận tội ác và nói rằng Đức Cha nợ tiền của ông ta, một tuyên bố đã bị cảnh sát bác bỏ và cho biết can phạm là người nghiện ma túy.
Đức Cha José Gomez, Tổng Giám Mục Los Angeles, đã chủ sự thánh lễ an táng tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ các Thiên Thần ở địa phương, cùng với 3 Hồng Y, 34 giám mục và 50 linh mục đồng tế, trước sự hiện diện của 5.000 tín hữu. Nhiều người tham dự thánh lễ từ bên ngoài thánh đường. Có một số thân nhân của Đức Cha đến từ Ái Nhĩ Lan để dự lễ an táng. Thánh lễ này kết thúc ba ngày tang lễ cầu nguyện cho Đức Cố giám mục.
Trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã đọc sứ điệp chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, trong đó ngài ca ngợi Đức Cha O’Connell như một linh mục và giám mục “đặc biệt nổi bật vì lòng quan tâm đối với những người nghèo, người di dân, và những người đang ở trong tình cảnh khó khăn, túng quẫn, những cố gắng của Đức Cha trong việc duy trì sự thánh thiêng và phẩm giá của hồng ân sự sống Chúa ban, lòng nhiệt thành của Đức Cha trong việc thăng tiến tình liên đới, sự cộng tác và an bình trong cộng đoàn địa phương”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện để “những người tham dự lễ tưởng niệm Đức Cha O’Connell được củng cố trong quyết tâm từ bỏ những con đường bạo lực và vượt thắng sự ác bằng điều thiện.” Đức Thánh Cha chúc lành cho “tất cả những người đang khóc thương Đức Cha O’Connell như bảo chứng an bình và niềm an ủi trong Chúa”.
Đức Tổng Giám Mục Gomez gọi Đức Cố giám mục là “người bạn của Chúa Giêsu Kitô và của người nghèo” và ngài xin Đức Cha hãy tiếp tục chuyển cầu cho mọi người như Đức Cha vẫn làm khi còn sống.
2. Tổ chức Viện trợ Giáo hội Đau khổ 'Rất quan ngại' về việc Giám mục Nicaragua bị kết án tù đến 26 năm
Tổ chức Giáo hoàng trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, gọi tắt là ACN, bày tỏ mối quan tâm của mình đối với tình hình của Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua, và đặc biệt đối với Đức Cha Rolando Álvarez, là người đã bị chế độ độc tài Daniel Ortega kết án vào ngày 9 tháng 2 tới 26 năm 4 tháng tù giam.
“Hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã bày tỏ nỗi buồn và sự quan tâm của mình vào ngày 12 tháng 2 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, tổ chức ACN xin các tín hữu đừng quên tình huống khủng khiếp mà Đức Cha Álvarez, giám mục của Matagalpa và là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí, đang trải qua và yêu cầu những lời cầu nguyện cho ngài và cho tất cả những người đang đau khổ ở Nicaragua,” một tuyên bố của ACN cho biết.
Trích dẫn một bài báo ngày 14 tháng 2 trên hãng truyền thông Nicaragua Actual, ACN cảnh báo rằng chế độ dường như đang bắt giữ các linh mục dám cầu nguyện cho Đức Cha Álvarez trong các Thánh lễ của các ngài, và coi đó là “một hành động bị cấm”.
“Ít nhất hai linh mục đã bị bắt ở Madriz và Nueva Segovia vì đã nhắc đến hoặc cầu nguyện cho vị giám mục trong các buổi cử hành Chúa nhật của họ,” tuyên bố cho biết. Cả hai thị trấn đều thuộc Giáo phận Esteli.
Theo Nicaragua Actual, hai vị linh mục được thả vài giờ sau đó với lời cảnh báo không được nhắc đến vị giám mục nữa.
“Vì tất cả những lý do này, trước nỗ lực bịt miệng những lời cầu nguyện của người dân Nicaragua, ACN yêu cầu các tín hữu và những người thiện chí trên khắp thế giới tăng gấp đôi lời cầu nguyện của họ cho Giáo hội Nicaragua,” tổ chức kêu gọi.
Do đó, Giáo hội ở Nicaragua sẽ có thể cảm thấy rằng mình “được đồng hành trong thử thách mà Giáo hội đang trải qua vào thời điểm này và có thể tiếp tục loan báo Tin Mừng và đồng hành với người dân của mình, đặc biệt là những người yếu thế và nghèo khổ nhất,” ACN cho biết.
“Tổ chức bị mất tinh thần trước những tin tức mà nó thường xuyên nhận được về các linh mục không được phép trở về đất nước, về các hạn chế thị thực đối với các tu sĩ nam nữ, về việc kiểm soát và giám sát các hoạt động của các linh mục và giám mục, nghe lén các bài giảng cũng như cấm các đám rước và lễ kỷ niệm tôn giáo,” tuyên bố lưu ý.
Vào tháng 8 năm 2022, Regina Lynch, giám đốc các dự án quốc tế của ACN, vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng cô ấy đã quan sát thấy “một nỗ lực nhằm bịt miệng Giáo hội ở Nicaragua.”
Một trong những điểm thấp mới nhất trong cuộc đàn áp Giáo hội của chế độ độc tài Nicaragua là việc gần đây bọn cầm quyền kết án Đức Cha Álvarez 26 năm 4 tháng tù vì tội “phản bội tổ quốc” với tội danh “phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia” và “lan truyền tin giả. “ Vị giám mục cũng bị tước quyền công dân Nicaragua.
Đức Cha Álvarez đã từ chối bị trục xuất cùng với 222 tù nhân chính trị khác, những người đã được đưa đến Washington, DC, vào ngày 9 tháng Hai trong một thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ngài hiện đang bị nhốt trong phòng giam an ninh tối đa trong nhà tù Nicaragua được gọi là “Modelo”.
Những người bị trục xuất bao gồm một số linh mục, chủng sinh và một giáo dân đã bị kết án 10 năm tù.
Source:National Catholic Register
3. Các nữ tu dòng kín rời khỏi Nicaragua sau 22 năm hiện diện
Các Nữ tu dòng Trap của Nicaragua, đến từ Argentina vào năm 2001, đã thông báo rằng họ đã rời quốc gia Trung Mỹ này sau 22 năm làm việc và phục vụ.
Trong một bài đăng ngày 27 tháng 2 trên trang Facebook của họ, các nữ tu giải thích: “Chúng tôi, các Nữ tu Trappist của Nicaragua, đã tự nguyện rời khỏi đất nước” và cho biết họ đưa ra quyết định vì “các lý do của dòng”, “thiếu ơn gọi”,” và “tuổi già của một số chị em, v.v.”
“Chúng tôi sẽ luôn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, trong tình bạn và trong tình yêu mà Chúa đã ban cho chúng tôi trong suốt 22 năm qua,” các nữ tu nói thêm, đồng thời thông báo “điểm đến mới của các sơ là Panama.”
Các nữ tu Trap đầu tiên đến Nicaragua vào Tháng Giêng năm 2001 từ thị trấn Hinojo ở Á Căn Đình và thành lập Tu viện Đức Mẹ Hòa bình ở quận Chontales của Nicaragua.
Trong những ngày gần đây, các nữ tu đã bàn giao tu viện cho Giáo phận Juigalpa, nơi vẫn chưa đưa ra tuyên bố về việc chuyển giao.
Mặc dù các nữ tu không đề cập bất cứ điều gì trong thông cáo về tình trạng cư trú của họ ở Nicaragua, nhưng Tổng cục Di cư và Người nước ngoài đã ban hành lệnh triệu tập nhiều nhà truyền giáo tôn giáo và nước ngoài trong hai tuần qua.
Theo hãng truyền thông Nicaragua Noticias, những yêu cầu mới đang được đặt ra đối với những tu sĩ muốn ở lại nước này.
Sự ra đi của các nữ tu dòng Trap được thông báo vài ngày sau khi chế độ độc tài của Daniel Ortega, trong một cuộc tấn công mới chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua, cấm cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá trên đường phố.
Source:National Catholic Register