Ngày 05-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy sám hối
Đinh Lập Liễm
01:34 05/03/2010
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY C

+++

A. DẪN NHẬP

Hai tuần I và II Mùa Chay cho ta hiểu ý nghĩa về thử thách, cám dỗ và sau cám dỗ là vinh quang của Đức Kitô. Với Chúa nhật III này, các bài đọc của Lời Chúa chú trọng vào một trọng tâm là phải ăn năn sám hối và sinh hoa kết quả bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của Kitô hữu.

Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, một nghi thức thật cụ thể để diễn tả một trong những mục tiêu của Mùa Chay, đó là sám hối và trở về. Trong tâm tình đó, hôm nay vào giữa Mùa Chay, một lần nữa, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa để can đảm đứng dậy, sám hối về tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta trong cuộc sống.

Trong bài Tin mừng hôm nay, khi dùng hai biến cố gây ra chết người làm bối cảnh cho giáo huấn của Ngài – Trước hết Đức Giêsu đã đánh đổ quan niệm cũ sai lầm trong Do thái giáo, coi những người chết vì bệnh tật, tai nạn, bị đàn áp… là những người tội lỗi – Rồi Ngài khẳng định rằng nếu không sám hối và sinh hoa kết quả – mà cứ chai lì ra, thì sẽ chịu hậu quả khốc liệt hơn những người chết trong hai biến cố trên – vì họ sẽ bị chính ÔNG CHỦ LOẠI BỎ VĨNH VIỄN. Ông chủ đây là ai ngoài Thiên Chúa và cây vả là ai ngoài Kitô hữu, những người mà Đức Kitô đã tái sinh và vun trồng bằng chính Thịt Máu Ngài.

Mùa Chay là cơ may Chúa ban cho để chúng ta hối cải như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2Cr 6,2b). Ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thời gian gia hạn Chúa ban do lòng thương xót của Ngài. Sau khi cánh cửa thời gian khép lại, chúng ta sẽ không còn cơ hội để hối cải và sinh hoa kết quả nữa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 3,1-15

Dân Do thái là mối quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa. Tuần vừa qua, qua bài đọc 1, chúng ta được biết Thiên Chúa muốn chọn ông Abraham để thành lập một dân mới, dân riêng của Ngài. Tuần này, chúng ta được biết Thiên Chúa muốn nhờ ông Maisen để cứu dân ấy ra khỏi ách nô lệ của Ai cập và đưa họ vào Đất Hứa.

Khi ấy, Ông Maisen đang trốn trong sa mạc vì sợ vua Pharaon lùng bắt. Ông trông thấy bụi gai đang cháy bừng bừng mà không bị cháy rụi. Ông đến gần xem sao. Thiên Chúa hiện ra và gọi rõ tên ông và trao cho ông sứ mạng đưa dân ra khỏi Ai cập. Ông muốn hỏi tên Ngài, nhưng Thiên Chúa chỉ trả lời cho ông:”Ta là Đấng Hằng Hữu”.

Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu. Có nhiều lối giải thích kiểu nói này:

,

- Thiên Chúa từ chối không nói tên mình, bởi vì không ai có thể hiểu được Thiên Chúa.

- Ta là thế nào thì các ngươi sẽ hiểu, khi thấy các việc Ta sẽ làm (sau này khi thấy Thiên Chúa giải thoát dân Do thái: người ta sẽ hiểu Ngài là Đấng Giải thoát)

- Câu nói đó có thể dịch là “Ta là Đấng Hằng Hữu”.

- Cũng có thể dịch là “Ta là Đấng là”: ngược lại với các thần Ai cập chỉ là hư vô giả trá, chỉ có một mình Thiên Chúa là có thật (Carôlô).

+ Bài đọc 2: 1Cr 10,1-6.10-12

Tín hữu Côrintô đã được rửa tội và thông hiệp Bí tích Thánh Thể, nên tưởng rằng mình đã được giải thoát khỏi mọi cám dỗ. Phải luôn đề phòng kẻo bị sa ngã. Thánh Phaolô so sánh cuộc xuất hành về trời của tín hữu ngày nay với cuộc xuất hành về Đất Hứa của dân Do thái ngày xưa: mặc dầu được Chúa che chở, nhiều người đã gục ngã trước những thử thách ở sa mạc. Kitô hữu chúng ta cũng xuất hành như dân Do thái xưa, nhưng đừng bắt chước họ chiều theo dục vọng xấu xa, đừng kêu ca trách móc, trái lại, hãy tin tưởng phó thác cho Chúa và ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Ngài.

+ Bài Tin mừng: Lc 13,1-9

Người ta báo cho Đức Giêsu biết nguồn tin sốt dẻo: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ trong đền thờ. Đức Giêsu không muốn bày tỏ ý kiến về luân lý, chính trị hay xã hội, mà nhân cơ hội này nhắc nhở cho mọi người: đứng trước những biến cố lớn nhỏ của cuộc sống, hãy nhìn ra những tín hiệu nhắc nhở hãy sám hối để được sống.

Trong dụ ngôn cây vả không sinh trái, Đức Giêsu nhấn mạnh đến những tai vạ sẽ đè lên trên dân tộc bất trung (Mc 11,13). Vậy là Chúa mời gọi mọi người hãy sinh hoa trái của lòng sám hối. Phải biết rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là một thời gian được gia hạn nên phải lợi dụng thời gian này mà sám hối.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Sám hối để được sống

I. HAI SỰ KIỆN, MỘT Ý NGHĨA

1. Hai sự kiện:

Đang lúc Đức Giêsu khuyên giục các thính giả ăn năn sám hối, thì có người thuật lại với Đức Giêsu câu chuyện rùng rợn về vụ quan tổng trấn Philatô giết hại những người Galilê đang khi họ dâng lề trong đền thờ. Có lẽ đây là một cuộc biểu tình của nhóm người quá khích đang cố dấy lên một phong trào nổi dậy để cứu dân, chống lại chính quyền Rôma đang chiếm đóng. Giữa lúc đang cử hành phụng vụ, đang dâng lễ vật cầu xin Thiên Chúa trợ giúp, họ đã bị cảnh sát của tổng trấn Philatô tàn sát.

Đưa ra tin sốt dẻo này, chắc người ta tưởng Đức Giêsu sẽ đồng tình truyên bố số phận của những người bị tàn sát và bị tháp đè bẹp ấy là đúng lắm và Ngài cũng rơi vào lối ngụy biện thường tình, là người nào bị hành hạ nhiều chứng tỏ họ đã phạm tội nặng. Nhưng Đức Giêsu trả lời cho họ rằng người ta tạm thời chưa bị đau khổ là dấu ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa.

2. Một ý nghĩa

Người Do thái thường cho rằng những thử thách xẩy đến cho một người là như một sự trừng phạt kẻ đó. Nói cách khác, đau khổ là hình phạt của tội. Đối với Đức Giêsu, không có sự liên hệ nào giữa tai họa và tội lỗi. Trong phép lạ chữa cho người mù từ mới sinh, người ta hỏi Đức Giêsu: anh mù ấy do tội của anh hay của cha mẹ anh, thì Đức Giêsu trả lời rằng:”Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xẩy ra là để các việc Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại một sự kiện khác: 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết. Ngài khẳng định rằng đau khổ không phải do Thiên Chúa gửi đến. Sự thử thách không phải là một sự trừng phạt. Sự dữ xẩy đến cho ta thường chỉ là hậu quả tự nhiên của qui luật vạn vật… Thay vì buộc tội Chúa là “nguyên nhân đệ nhất” như các triết gia thường nói, chúng ta phải để ý đến những “nguyên nhân đệ nhị”, mà chúng ta có toàn quyền trên chúng. Đức Giêsu đã chiến đấu chống lại sự dữ. Ngài yêu cầu chúng ta đến lượt mình cũng phải chiến đấu, nhưng trước tiên trong chính bản thân chúng ta.

Như vậy là Đức Giêsu không muốn trả lời thẳng vào câu hỏi mà họ muốn đặt ra: những người bị giết và bị đè chết là do tội mà ra. Nhân dịp này Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học không phải thuộc lãnh vực luân lý, chính trị hay xã hội mà là thuộc lãnh vực tôn giáo. Đức Giêsu phán:”Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”. Lời nói của Ngài có tính cách răn đe: nếu các ông không thay đổi cách sống. Ngài không có ý nói đến cái chết thể lý mà chúng ta thấy hằng ngày chung quanh mình, mà là cái chết khác có tính cách mầu nhiệm do tội lỗi gây ra: một sự hư mất đời đời. Như vậy, qua sự kiện một số người Galilê bị giết Đức Giêsu muốn nhắc nhở cho người Do thái và chúng ta là phải sám hối kẻo phải hư mất đời đời.

II. DỤ NGÔN CÂY VẢ

1. Cây vả tại Palestine

Đức Giêsu dùng hình ảnh cây vả để khích lệ người Do thái ăn năn hối cải. Quả vả là thức ăn quen thuộc đối với người Do thái. Ở Palestine, người ta thường thấy cây vả, cây gai và cây táo trong những vườn nho. Đất mỏng và cằn cỗi đến nỗi bất kỳ ở đâu có đất, người ta cũng trồng cây. Nhưng thực tế là cây vả này được đặc ân hơn, nhưng nó lại tỏ ra không xứng đáng với đặc ân đó. Đức Giêsu đã nhiều lần trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhở dân chúng rằng họ sẽ bị xét đoán tùy theo những cơ hội may mắn mà họ đã có. Trong dụ ngôn cây vả chúng ta thấy có những ẩn dụ:

- Người trồng cây vả là Thiên Chúa.

- Cây vả là dân Do thái.

- Người làm vườn là Đức Giêsu.

2. Cây vả không sinh trái

Thế giới này phải đi trên con đường tiến hóa, tất cả cuộc tiến hóa nhằm sản sinh ra những cái gì có ích lợi, điều gì có ích sẽ cứ mạnh mẽ phát triển trên đường tiến hóa, trong khi những gì vô ích sẽ bị tiêu diệt. Cây vả kia cứ rút lấy sức lực của đất mà không sản sinh ra gì cả thì để làm gì cho nó ăn hại đất ?

Cũng thế, cây vả Israel phải sinh hoa kết quả, nếu không sẽ bị chặt đi. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Israel, trong quá khứ dân đã nhận được nhiều ơn. Chúa trông đợi nơi họ sinh nhiều hoa trái, tức là sự trung thành với lề luật, sự phụng thờ sốt sắng và trong sạch… Kết quả không như Chúa mong muốn. Chúa có quyền bỏ dân Chúa đã kén chọn.

Nhưng Thiên Chúa chấp nhận đề nghị của Đức Giêsu cho khoan giãn một thời gian, để Đức Giêsu sẽ chăm bón thêm bằng cách ban thêm nhiều ơn nhờ việc giáo huấn và các phép lạ… Nhưng Israel vẫn cố chấp không hoán cải để sinh hoa trái. Vì vậy, họ đã bị Thiên Chúa loại bỏ. Chính việc tàn phá Giêrusalem năm 70 là sự việc chứng thực điều đó.

3. Cơ may cuối cùng

Một cây vả thường phải 3 năm mới trưởng thành, nếu lúc đó nó không sinh trái, chắc không bao giờ sinh trái nữa. Nhưng cây vả này được ban cho một cơ may nữa để sinh hoa quả nếu không sẽ bị chặt đi.

Dụ ngôn này muốn diễn tả Thiên Chúa chờ đợi dân Ngài những hoa quả của lòng thống hối. Họ phải khẩn trương lợi dụng những lời mời gọi ăn năn sám hối của Đức Giêsu, Đấng trung gian giầu lòng thương xót, nhưng nếu họ cứ cố chấp mà khoan giãn không chịu sám ghối, thì họ sẽ bị số phận như cây vả không trái.

Như vậy, đối với chúng ta, nếu chúng ta từ chối hết cơ may này đến cơ may khác, nếu tiếng kêu mời của Thiên Chúa cứ trở đi trở lại với chúng ta cách vô ích thì đến một ngày, không phải Thiên Chúa đóng cửa lại, nhưng chính chúng ta tự ý đóng cửa lòng mình với Thiên Chúa.

III. CHÚNG TA PHẢI KHẨN TRƯƠNG SÁM HỐI

1. Mọi người phải sám hối

Lời Chúa hôm nay kêu gọi mọi người phải sám hối, không trừ ai. Đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, người thu thuế, gái điếm, trộm cắp, nhưng trong dụ ngôn cây vả trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 13,1-9), lại là những người được coi là đạo đức, ngay chính, được mọi người kính trọng: những người biệt phái.

Vậy người tốt cũng phải sám hối sao ? Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trái vả thì đâu còn là cây vả nữa, nó hoàn toàn trở nên vô ích.

Các Kitô hữu ít khi đặt cho mình câu hỏi sau đây: Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm ? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy “sinh trái” bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhăm đến mọi người (McCarthy).

2. Khác biệt giữa thánh thiện và tội lỗi

Người ta thường nói:”Nhân vô thập toàn”, không ai là con người hoàn hảo đến nỗi không còn điều gì phải sửa đổi. Đức Khổng Tử đã đưa ra một chương trình tổng quát để đào tạo con người, biến con người thành những hiền nhân quân tử và cao nhất là bậc thánh nhân, đó là TU THÂN.

Tu thân có nghĩa là sửa mình. Phải sửa mình cho nên tốt hơn theo phương châm của vua Thành Thang:Nhật nhật tân, hựu nhật tân”: ngày ngày mới, lại ngày mới hơn. Muốn sửa mình, cần phải xét mình để biết rõ con người mình.

Ông Trình Tử đã thực hiện việc xét mình hằng ngày khi ông nói:”Nhất nhật tam tỉnh ngô thân”: mỗi ngày ta phải xét mình ba lần.

Thánh Phaolo cũng nhắc nhở cho tín hữu Côrintô là phải lột bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới. Con người mới đây là con người đã được tu thân, đã qua một quá trình biến đổi cho nên tốt hơn.

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói:”Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

Truyện: Hối cải hay không

Chuyện cổ dân gian kể về hai người anh em nọ sống trong một ngôi làng miền Trung Âu đã bị bắt quả tang ăn trộm cừu của dân làng. Hình phạt cho họ là bị khắc hai chữ “ST” trên trán. “ST” có nghĩa là Sheep Thief ! Ăn trộm cừu ! Dấu khắc này là dấu sẹo trên trán phải mang suốt đời.

Đối với người em hình phạt này là tiêu hủy cuộc đời còn lại của chú. Chú càng phạm thêm nhiều tội ác hơn. Và cuối cùng chú đã bị chết trong tù ! Trái lại, người anh đã ăn năn hối cải và hoàn toàn thay đổi cuộc sống, từ tên tội phạm đã trở nên người hoàn lương, và sau cùng trở nên thánh thiện. Anh giúp đỡ mọi người, trong làng ai cũng thương mến. Năm tháng trôi qua, những người lớn tuổi thuộc thế hệ của anh chết gần hết. Một ngày nọ những người du khách vào làng nhìn thấy chữ “ST” trên trán ông lão bèn thắc mắc. Họ hỏi những người trẻ trong làng, nhưng chẳng ai biết thực sự nó có nghĩa là gì. Ai cũng trả lời rằng:”Điều đó đã xẩy ra bao nhiêu năm về trước rồi ! Nhưng theo họ nghĩ, chữ “ST” trên trán ông lão là một chữ viết tắt của chữ “Saint” = “Thánh”.

3. Tiêu cực và tích cực

Lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu hôm nay không phải chỉ là lời kêu gọi trở về từ tội lỗi, nhưng là một lời kêu gọi phải làm điều lành, điều tốt như bổn phận. Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu như không được giết hại người khác. Giáo lý của Chúa Kitô còn đòi buộc cả những điều tích cực: phải giúp đỡ tha nhân, yêu thương người nghèo khó. Thánh Giacôbê đã nói:”Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội”(Gc 4,17).

Sám hối hay hối cải không chỉ là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, trái lại sám hối cũng còn có nghĩa là không được như cũ mà phải tốt hơn, tấn tới hơn, nhân đức hơn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Do đó, một người sống cứ lừng khừng, tầm thường cũng đáng bị lên án như kẻ có tội vậy. Trái lại, một kẻ được gọi là sám hối thực sự không những xa lánh tội lỗi mà còn là con người có ích, trưởng thành.

Khi đọc dụ ngôn cây vả không sinh trái, chúng ta phải luôn theo nghĩa tích cực, nghĩa là không phải điều xấu điều ác đã không làm, nhưng là điều tốt, việc thiện đã bỏ qua. Người chủ vườn thất vọng không phải vì cây vả đã cho trái xấu xí hay độc hại, nhưng vì nó đã không sinh sản. Nó đã bị xét xử vì nó không sinh hoa trái. Bởi vậy, người sám hối là người phải đổi mới để mỗi ngày một nên tốt hơn:”Phải tiến bước trên con đường sám hối và của đổi mới, và phải qua cửa hẹp của thập giá, để thông ban hoa trái của ơn cứu độ cho người ta” (GLCG số 853; Lumen gentium đoạn 8).

4. Hãy tìm đến với Chúa

Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật, trong đó có loài người chúng ta (x. St 2,4-8). Ngài là chủ của vũ trụ. Đã là chủ, Thiên Chúa có toàn quyền kiểm điểm mọi vật từ vô tri vô giác cho đến giống có sự sống như loài người, loài vật hay cây cối. Giống vật nào không vừa ý Ngài, hay đi sai đường hướng Ngài đã chỉ định, thì Ngài sẽ hủy bỏ đi. Phải tìm đến với Ngài để Ngài chỉ bảo cho biết phải sống như thế nào mới đẹp lòng Ngài. Ngài ở gần chúng ta chứ không xa xôi gì, Ngài ở sát cạnh chúng ta, luôn hiện diện bên chúng ta. Tiên sinh Chư Cát Võ Hầu viết:

Thiên tính tuyệt vô âm,

Thương thương hà xứ tầm,

Phi cao diệc phi viễn,

Đó chi tại nhân tâm

Thiên Chúa vô hình vô tượng,

Ngự trời xanh mà chẳng thể tìm ra.

Tuy cao mà vẫn không xa,

Tìm Ngài không gặp đó là tại tâm.

Chúa đã trồng chúng ta là cây vả trong lòng Giáo hội, Ngài luôn săn sóc cây vả này, Ngài mong cho nó sinh hoa kết quả. Vì vậy, sám hối là một việc khẩn trương, chúng ta phải làm ngay, không được chần chừ hay chậm trễ. Chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ “đâm lao theo lao”, lỡ yếu đuối sa ngã phạm tội rồi, cho lỡ luôn, cứ kéo lê cuộc sống lầm lỡ đó. Hoặc chúng ta lại ru ngủ mình bằng ý tưởng “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình” !!!

Nhưng cuộc đời chúng ta kéo dài được bao nhiêu ? Người ta thường nói:Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, chết bất cứ lúc nào, ai biết được. Cái chết luôn gần kề, phải chuẩn bị cho kịp. Thiết tưởng dụ ngôn cây vả không sinh trái trong bài Tin mừng là một lời cảnh cáo cho tất cả Kitô hữu ngày nay. Thiên Chúa đang chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi ra tay trừng phạt chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta sinh hoa trái yêu thương, nhưng cho đến nay, phải nói rằng người Kitô hữu chúng ta đã sống với nhau thiếu tình thương một cách trầm trọng. Chúng ta không ý thức được tình trạng nguy hiểm đang chờ chúng ta:”Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(Mt 3,10; Lc 3,9).

Truyện: Cơ may cuối cùng

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ:”Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu.

Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn (GM Arthur Tonne).

Nếu có người đặt câu hỏi: Hiện nay trong Giáo hội còn nhiều người tội lỗi mà Chúa không diệt hết đi ? Để giải đáp thắc mắc này, chúng ta cần nhớ đến lời người làm vườn thưa với ông chủ:”Thưa ông, xin để thêm một năm nữa, nếu nó không sinh trái, chúng ta sẽ chặt đi”. Vẫn biết trong Giáo hội có nhiều người tội lỗi, nhưng Chúa nhân lành vô cùng còn đợi chờ và hy vọng, họ sẽ ăn năn hối cải như người coi vườn cố để cây nọ cây kia một thời gian nữa với hy vọng nó sẽ sinh trái để bõ công trồng.

Đối với người thực tình sám hối thì không có gì là quá muộn. Chúa sẽ tạo điều kiện cho họ. Một cây vả sau 3 năm mà không sinh trái thì hầu như chẳng bao giờ sinh trái nữa. Nhưng cây vả này được ban cho một cơ may nữa. Thiên Chúa bao giờ cũng ban cho người ta hết những cơ may này đến cơ may khác. Phêrô, Marcô, Phaolô hoan hỉ làm chứng về điều đó. Thiên Chúa vô cùng nhân từ với kẻ sa ngã chỗi dậy. Thiên Chúa chỉ cần con người có thiện chí muốn hối cải tùy theo sức của mình, còn bao nhiêu chúng ta trao trọn cho Chúa để Ngài cải hóa và hoàn thiện con người chúng ta để cho con người chúng ta sẽ trở nên có giá trị gấp trăm ngàn lần.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời và câu chuyện cha Mark Link để diễn tả tư tưởng ấy trong những dòng sau đây: Có một bài thơ nói về một chiếc vĩ cầm cũ kỹ. Giống như chúng ta, nó cũng có một cơ may thứ hai. Hơn nữa, nó còn là hình ảnh câu chuyện của bạn, của tôi và của tình yêu Chúa dành cho chúng ta nữa. Hy vọng bài thơ ấy sẽ tác tác động đến tâm hồn các bạn và sẽ thôi thúc các bạn tham dự thánh lễ hôm nay với niềm tri ân và lòng yêu mến nhiều hơn thường lệ.

Truyện: cây vĩ cầm đáng giá

Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi lại được dán lại. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thời giờ chăm chút cho nó làm gì. Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán:

- Nào, thưa quí vị, ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây ? Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao ? Ai sẽ trả nó ba đồng đây ? À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao ?

Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau bụi chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại những sợi dây lỏng. Sau đó ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, y như những bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rải nói:

-Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm cũ kỹ này đây ?

Đoạn ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói:

- Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên 2000 ? Hai ngàn rồi ! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không ? Một người chịu giá 3000, hai người chịu giá 3000, và còn nữa !!!

Đám đông hồ hởi reo vui nhưng có vài người trong họ la lên:

- Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm ấy !

Lập tức có tiếng đáp lại:

- Chính nhờ đôi tay ông nhạc sĩ chạm vào đấy.

Quả thế nhiều người trong chúng ta đừng đi sai đường lạc lối, bị bầm dập vì tội lỗi và bị đám đông vô tâm rẻ rúng, khác nào cây vĩ cầm cũ mèm kia. Chỉ một tô cháo, một ly rượu, một cuộc chơi là đã đưa chúng ta sa chân hết lần này đến lần khác, và cuối cùng chúng ta hầu như bị hư hoại luôn. Nhưng vị Minh Sư đã đến, và lũ dân chúng khờ khạo hoàn toàn không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự đổi thay của nó, sau khi linh hồn đã được đôi tay của vị Minh Sư chạm đến (Tác giả vô danh) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 75-76).
 
Thối hay thống hối
Lm Vũđình Tường
04:57 05/03/2010
Đức Kitô có lần dậy nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi nó sẽ trơ trọi một mình nhưng nếu nó chết đi nó sẽ sinh nhiều hoa trái (Gioan 12,24). Chân lí này là một thách đố lớn cho mọi thành phần Kitô hữu. Cần thống hối hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Chuẩn bị cho mùa chay thánh, đón mừng Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn nữa trong cố gắng làm chết đi những gì cản trở yêu thương, thứ tha.

Yêu thương

Muốn được Thiên Chúa yêu thương người đó cần đón nhận tình yêu Chúa ban. Để giầu có tình yêu Chúa, tình yêu đó cần chia sẻ cho anh chị em khác, không phân biệt thân thích hay xa lạ. Tất cả đều là anh chị em trong Chúa. Không chia sẻ, cho đi là yêu ích kỉ. Yêu ích kỉ không có trong Chúa vì Ngài là nguồn mạch yêu thương. Nguồn mạch thiếu sinh động, không chảy, nguồn mạch đó chứa nhiều tai họa cho con người. Không sinh động là nguồn mạch chết, tựa nước ao tù, phát sinh rong dại và là nơi sinh sản tốt cho loài muỗi. Tình yêu ích kỉ bất lợi cho đời vì là nguyên cớ gây đau khổ cho người. Tình yêu ích kỉ không bắt nguồn từ Chúa, thiếu liên kết với Chúa.

Đức Kitô dậy cành nào lìa cây sẽ khô héo liền, vì thế không thể chia sẻ tình yêu chân chính mà lại xa rời Chúa,. Phải gắn liền, liên kết với Ngài. Suối phải nối với nguồn, rời xa nguồn suối sớm khô cạn. Tình yêu không phân phát là tình yêu xa nguồn, lìa khỏi thân. (Gioan 15,5)

Tình yêu xã hội luôn đi kèm với tính toán, cân nhắc hơn thiệt, ràng buộc bằng vay trả và lợi nhuận. Lợi thì yêu, thiệt thì bỏ. Trái với lối sống xã hội, tình yêu Chúa ban hoàn toàn vô vị lợi, không điều kiện ràng buộc, ngoài luật yêu thương. Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình thí mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của Thầy. Đức Kitô xác nhận thế.

Thứ tha

Đức Kitô chết thay cho nhân loại để giao hoà cùng Chúa Cha. Ngài chết đi cho ta được sống. Vì thế cần phải học tha thứ cho nhau, bỏ qua cho nhau để cùng hưởng ơn giao hoà. Thiếu tha thứ lời cầu xin trong Kinh Lậy Cha không được Chúa nhận lời.

Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con.

Từ chối tha thứ là thiếu thành tâm trong lời cầu. Chân thành và khiêm tốn cần thiết để nhận ơn Chúa. Không thể yêu mến Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và hay tha thứ mà lại sống kiêu ngạo và trói buộc người khác. Không tha thứ là sống nghịch giới răn mến Chúa yêu người. Đức Kitô liệt họ vào số

Yêu Ngài bằng môi miệng, còn lòng thì xa Ngài (Mathew 15,8)

Chối bỏ ơn Chúa trợ lực vì cậy vào sức, tài, trí thông minh riêng. Chối bỏ con người bé nhỏ, tầm thường, yếu đuối và hay sa ngã, nên không cần ơn thống hối, thứ tha. Ơn tha thứ dành riêng cho người thành tâm thống hối, nhận Ngài là Cha, sống tình con thảo.

Kẻ phản bội

Không cùng chết với Đức Kitô sao có thể cùng Ngài chia sẻ đời sống mới. Ngài ban ơn cứu rỗi qua cây thập tự. Chúng ta cần tự nguyện đóng đinh không phải toàn thân, mà chọn lựa đóng đinh từng phần, đóng đinh thói hư, tật xấu, từng thói một, từng tật một. Huỷ diệt chúng, giết chết chúng để cùng được sống trong vinh quang Chúa. Bao lâu chưa đóng đinh, huỷ diệt tật xấu, bấy lâu chúng ta còn bị giam tù trong đam mê xấu trần thế. Đóng đinh ham mê trần tục là tự nguyện cùng chết với Đức Kitô để trở nên con người mới, con người của chân lí, của Phúc Âm.

Chứa kẻ thù

Cầm giữ đam mê bất chính có khác chi che dấu, bảo vệ, nuôi kẻ thù trong nhà. Thói hư nết xấu không thối đi, chết đi, bị huỷ diệt, sớm muộn gì chúng cũng giết chết con người chứa chấp, nuôi dưỡng nó. Chứa chấp, nuôi dưỡng tật xấu có ba điều hại.

Thứ nhất chúng huỷ hại ta đời này

Thứ hai chúng gây nhiều khổ đau cho thân nhân và tha nhân

Thứ ba tệ nhất, chúng làm mất sự sống trường sinh

Phải cương quyết, không nhân nhượng, giết chết tật xấu trong người, mới mong trở nên tốt lành, trong sáng trong yêu thương. Giết chết thói hư, tật xấu con người đã không chết mà còn nhận được sự sống tốt lành hơn vì thói hư, tật xấu chết thay để ta được sống.

Thống hối

Để được chết đi cho tội lỗi, cần nhận ơn sám hối và quyết tâm chừa, từ bỏ những ham mê bất chính. Thống hối mang lại sự sống và bình an thực cho tâm hồn. Không thống hối các tật xấu mang lại bình an giả tạo ngụy trang sau những say sưa chè chén, hút sách. Khi những độc tố kia tan biến niềm vui cũng tan theo.

Thống hối là tạo cho tâm hồn sự bình an thực sự, phát xuất từ nội tâm, do ơn Chúa ban. Ơn Chúa cầm giữ, bảo vệ người đó tránh khỏi rơi vào sa đoạ. Bao lâu còn cộng tác với ơn Chúa bấy lâu còn có bình an nội tâm thực sự.
 
Mầu tím trong phụng vụ mùa chay
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
09:27 05/03/2010
Mầu tím trong phụng vụ mùa chay

Suốt năm tuần lễ mùa chay bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro đến Chúa nhật lễ Lá, trong các lễ nghi phụng vụ đều dùng mầu tím từ khăn phủ bàn thờ đến áo lễ linh mục mặc.

Mầu tìm có ý nghĩa gì trong đời sống đức tin chúng ta?

Mầu tím là hỗn hợp pha trộn của hai mầu đỏ và xanh chung nhau.

Mầu tím nói về sự ăn năn thống hối trở về đường ngay lối chính.

Mầu tím dùng trong Phụng vụ cho mùa Vọng chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giáng sinh nhập thể làm người, cho mùa chay chuẩn bị đón mừng lễ Chúa sống lại từ cõi chết, cho nghi lễ cử hành bí tích hòa giải thống hối, cho lễ nghi rước kiệu cầu mùa ba ngày trước lễ Chúa Giêsu lên trời, và cho nghi lễ an táng người qua đời.

Trong mùa chay, phẩm phục phụng vụ dùng mầu tím muốn diễn tả: đời sống cũ của con người sụp tàn qua đi, và đời sống mới trong con người nẩy mầm mọc lên.

Đúng như vậy, mầu tím diễn tả sâu xa khía cạnh sụp đổ suy tàn, sự qua đi, sự cởi bỏ của con người cũ, nó khơi lên sự sầu buồn, nhớ nhung mong chờ.

Nhiều người nghĩ rằng mầu tím gợi lên tâm tưởng bất an, gây suy nghĩ bối rối. Có người cho rằng mầu tím đóng vai trò trung gian trình bày giữa trời và đất, giữa đam mê khát vọng và thông minh của trí khôn, giữa tình yêu mến và sự khôn ngoan.

Giáo Hội nhìn nơi mầu tím là mầu nối kết giữa mầu xanh và mầu đỏ. Mầu xanh nói chỉ về trời, còn mầu đỏ nói chỉ về con người.

Mầu tím dùng trong phụng vụ mùa chay muốn nói lên ý nghĩa: Thần linh Thiên Chúa liên kết với con người, cùng tìm cách thấm nhập vào thân xác máu mủ của họ.

Mùa chay không chỉ nguyên là thời thời gian hãm mình kiêng khem, nhưng còn là thời gian tinh luyện tẩy rửa cho trở nên tinh ròng thanh sạch, thân xác hướng về Thiên Chúa nơi trời cao, như mầu đỏ hoà lẫn chung hợp với mầu xanh.

Trong lễ an táng người qúa cố vị chủ tế mặc phẩm phục lễ nghi mầu tím muốn nói lên niềm hy vọng, người qúa cố với cả thân xác linh hồn đi về với Thiên Chúa, trời và đất liên kết lại với nhau, đất được cất nhắc đưa lên trời cao.

Mầu tím trong phụng vụ mùa chay nói lên ý nghĩa cánh cửa mầu nhiệm chết, sự đau buồn mở sang nếp sống mới: sự sống lại của Chúa Giêsu là ơn cứu chuộc cho con người.

Mùa chay 2010
 
Đây là thời gian để sám hối sửa mình
Phó tế: GB. Maria Nguyễn Văn Định
11:55 05/03/2010
Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay- Năm C

A- Cảm nghiệm Sống và lắng nghe sự thúc đẩy của Thánh Linh:

Bài đọc 1: Xuất hành (3:1-8a;13-15). “Ta thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết nỗi đau khổ của chúng.” (câu 7)

1/ Trước mọi đau khổ, tôi có thấy Chúa hiện diện không? Tại sao?

*Chúa luôn hiện diện trong mọi người để nâng đỡ và nhắc bảo họ.

2/ Lòng thương xót và hay tha thứ của Chúa từ trước tới nay thế nào?

* Lòng thương xót Chúa có từ đời đời cho những ai kính sợ Chúa.

Bài đọc 2:: 1 Corintô (10:1-6;10-12). “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.” (câu 6)

1/ Những sóng thần, động đất, nước lũ…xảy ra, răn dạy tôi điều gì?

* Dạy tôi phải cấp bách sám hôí là việc quan trọng nhất hôm nay.

2/ Tại sao phần đông cha ông chúng ta đều ngã quỵ trong sa mạc?

* Ngã qụy vì các ông lẩm bẩm, đòi hỏi đủ thứ và kêu trách Chúa.

Tin Mừng: Luca (13:1-9). “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám sám hối, thì các ông cũng sẽ bị chết hết y như vậy.” (câu 5)

1/ Có phải những tai họa xảy ra là Chúa giáng xuống người tội lỗi ?

* Những tai hoạ xảy ra là để răn bảo và vì yêu thương mọi người.

2/ Chúa muốn tôi sám hối để khỏi chết. Chia sẻ việc làm của bạn?

* Là kiểm điểm tội mình, lắng nghe Lời Chúa, đổi mới hoàn toàn.

B- Sám hối là ăn chay, một đòi hỏi cấp bách như cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: “mọi người phải nhận lỗi và quyết sửa lỗi.” (Lc 13, 6-9)

+ Kinh Thánh nói: Ông Et-te ăn chay cầu nguyện ba ngày: Bà Et-te nhờ người trả lời ông Móc-đo-khai: “Xin cha cứ đi tập hợp tất cả những người Do thái ở Su-san lại. Xin bà con ăn chay cầu nguyện cho con. Suốt ba ngày đêm, đừng ăn uống gì cả..” (Et 4,15-16)

*Tiên tri Đa-ni-en đã ăn chay để nhận mạc khải Thiên Chúa: Trong những ngày ấy, tôi là Đa-ni-en đã ăn chay suốt ba tuần như thể chịu tang: Tôi không ăn đồ cao lưong mỹ vị; thịt và rượu tôi không hề nếm chút nào; tôi cũng chẳng sức dầu thơm…(Đn 10, 2-3)

* Ăn chay cầu nguyện để tự xét mình: Phaolô đã ăn năn trở lại với Chúa: Ông Saolô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mat. Suốt ba ngày ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. (Cv 9, 8-9)

* Ăn chay trước khi ra trận: Vua Giơ-hô-sa-pát hoảng sợ và quyết tâm tìm kiếm Đức Chúa. Vua kêu gọi toàn thể Giu-đa ăn chay. Dân Giu-đa, người ta cũng đến kêu cầu Đức Chúa. (2 Sbn 20, 3-4)

* Ăn chay để Chúa thay đổi sự sửa phạt: “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và đi thểu não. Bấy giờ có Lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Ti-be rằng: Ngươi có thấy A-khap đã hạ mình trước mặt Ta…nên Ta không giáng hoạ nó. (1Vua 21, 27-29)

* Ăn chay cho việc chữa lành: Đức Giêsu quát mắng tên để chữa đứa trẻ bị kinh phong: Các môn đệ hỏi Đức Giêsu: Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên qủy ấy? - Chúa nói: Giống qủy này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện. (x. Mt 17, 18-21)

* Ăn chay để toàn thắng ma qủy cám dỗ: Suốt bốn mươi ngày, người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, người không ăn gì cả. (Lc 4, 2). Ma qủy liền cám dỗ Chúa Giêsu về của ăn, Chúa nói: “Đã có Lời chép rằng: Người ta không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4, 4)

C- Câu Kinh Thánh đánh động bạn và tôi chọn Sống tuần này:

NẾU CÁC ÔNG KHÔNG SÁM HỐI, THÌ CÁC ÔNG CŨNG SẼ CHẾT HẾT NHƯ VẬY. (Luca 13, 3)

1/ Tôi quyết sám hối bỏ tật xấu bằng sinh hoa quả là làm việc lành.

2/ Bạn dứt khoát, bỏ con người cũ, về làm hoà với Chúa và anh em.

D- Bạn và tôi cùng Cầu nguyện với Lời Chúa: (Pray in Action)

Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Con quyết không chiều theo những dục vọng xấu xa và sám hối xửa mình. Vì Chúa kiên nhẫn chờ đợi con như người kia chờ cây vả sinh trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.

Xin Mẹ Maria giúp con nhận ra lỗi lầm của mình, trở làm hoà với người thân trong gia đình và xã hội, để xứng đáng là con Chúa.

Hoa thơm cỏ lạ: KHÔNG CÓ LÝ DO ĐỂ BÀO CHỮA CHO TỘI LỖI
 
Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thay đổi tính cách
Jos. Tú Nạc, NMS
12:05 05/03/2010
Chúa Nhật Thứ 3, Mùa Chay – Năm C

(Exodus 3: 1-8, 13-15; Psalm 103; 1 Corinthians 10: 1-6, 10-12; Luke 13: 1-9)

Nhiều biểu hiện của Thiên Chúa ở giữa cuộc sống hàng ngày thật êm đềm và tinh tế. Nhưng đôi khi chúng làm bất cứ điều gì mà vi huyền vi diệu – trong thực tế, chúng có thể gây ấn tượng, tạo cảm giác sợ hãi và thậm chí đôi chút khủng hoảng tinh thần.

Sự biểu hiện của Thiên Chúa về bụi gai bốc cháy thể hiện cho phong cách trải nghiệm sau này, nhiều đến nỗi “bụi gai bốc cháy” thường xuyên được gắn liền trong ngôn ngữ văn hóa của chúng ta như một biểu tượng của điều gì đó không thể nào quên và làm biến đổi cuộc sống.

Sự xuất hiện của Thiên Chúa đến trong giữa cuộc sống đời thường của Moses. Ông đang bận tâm nhiệm vụ của riêng mình và hoàn toàn chưa chuẩn bị cho những sự kiện biến đổi thế giới mà ông định bộc lộ. Lời yêu cầu đầu tiên cho Moses là hãy giữ khoảng cách và cởi bỏ dép của mình. Để phù hợp với sự hiểu biết của thế giới cổ đại về sự thiêng liêng thánh thiện và tối cao bất kỳ sự quan hệ nào với những quyền lực thiêng liêng đều phải được kèm theo bởi sự thanh tẩy tuyệt đối và kính sợ sùng bái. Sau cùng, cuộc gặp gỡ bất ngờ tối cao và thiêng liêng ấy có thể là một trách nhiệm rủi ro: con người và sự thiêng liêng thánh thiện không cùng tồn tại tốt lành trong sự tương cận.

Thiên Chúa xác định chính người là Thiên Chúa cùng những người nói đến tổ phụ của Moses. Để hoàn thành lời hứa đã thực hiên cho Abraham. Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và dẫn đưa họ tới một vùng đất trù phú và phát đạt của riêng họ. Moses hết sức sợ hãi ngay cả lúc nhìn vào Thiên Chúa, nhưng sau đó trong câu chuyên Về Đất Hứa ông đối diện trực tiếp nói chuyện với Chúa Giê-su y như thể một người bạn. Moses hỏi điều mà dường như hợp lý. Ông là ai? Sau cùng, ông phải tuyên bố sự giải phóng thiêng liêng cho một dân tộc đang cư trú trên đất Ai Cập hàng bao thế kỷ và những người đã trưởng thành quen với cảnh nô lệ lầm than. Tên hoặc người có thẩm quyền ông cầu khẩn để thực hiện sứ mệnh dường như khó có thể này là ai?

Câu trả lời của Thiên Chúa lưỡng nghĩa mơ hồ và ẩn ý, “Ta là Đấng Tự Hữu” (I am who am) và “chính ta” quyền lực hơn những gì họ khước từ để nói. Thiên Chúa sẽ không được đặt tên, Thiên Chúa sẽ không được xác định; và trên hết mọi sự, Thiên Chúa sẽ không điều khiển hoặc kiểm soát. Tất cả những điều này đều nguy hiểm khi chúng ta quá tự tin để xác định, anh tính, lời tuyên bố hoặc phân tích Thiên Chúa. Sự giải phóng khỏi ách Ai Cập được hoàn thành bởi việc làm của Thiên Chúa thật hiển nhiên, bởi Moses có rất ít ỏi nếu bất cứ điều gì của ông cống hiến cho trách nhiệm hệ trọng này. Đơn thuần ông chỉ là công cụ trong bàn tay Thiên Chúa.

Có phải Thiên Chúa đã đánh ngã hàng ngàn người trong hoang địa? Rất khó xảy ra, nhưng một cách thức thực tế giải thích cổ đại đã qui cho mọi điều –xấu và tốt – đều do bàn tay của Thiên Chúa. Cách bình luận Kinh Thánh của Thánh Phao-lô hơi tối nghĩa và yếu ớt, nhưng mục đích mà ông đưa ra thì hoàn toàn đúng đắn. Ông chỉ ra rằng tình trạng của những người Israel với tư cách là dân chủa Thiên Chúa đã không bảo vệ họ thoát khỏi những hậu quả về hành động của họ. Tương tự như vậy, cộng đồng ở Corinth không nên nghĩ rằng họ được miễn khỏi sự trừng phạt. Thuộc về “cộng đồng được tuyển chọn hoặc cứu vớt” thì không boa giờ là một sự vượt qua tự do hoặc một chính sách bảo hiểm. Nếu bất cứ điều gì, nó có thể là tiếng gọi với một tiêu chuẩn cao hơn.

Thiên tai, đau khổ và cái chết luôn âm ỉ ràng buộc trong tâm trí nhiều người. Sự phô trương của cảnh lầm than và thảm kịch thê lương đã đặt ra những câu hỏi của tội lỗi. Ai là người chịu trách nhiệm? Họ bị trừng phạt để làm gì? Chúa Giê-su đã gạt bỏ khả năng phán đoán thông thường và người tập trung chú ý đến sự tàn bạo từ bàn tay của Phi-la-tô và một tai nạn được tổ chức bởi địa phương. Những người bị giết không xấu xa hơn bất kỳ những người nào khác, Chúa Giê-su nhấn mạnh. Đừng nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ phân xử như một sự trả thù. Nhưng sau đó có một lời phát biểu không bình thường: trừ phi tất cả các bạn ăn năn một sự hủy diệt tương tự chờ đợi các bạn. Nó có vẻ như mâu thuẫn. Nhưng Người dùng trong bối cảnh này với một phương tiện chuyển tải xúc động mạnh đến họ để thoát khỏi mẫu hành vi tiêu cực của chính họ.

Điều này được ghi chép vào cuối thế kỷ thứ nhất sau khi hủy diệt Jerusalem và đền thờ, và nhiều người tin rằng đó là sự báo oán thiêng liêng. Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh rằng dân chúng đã được cảnh báo. Hôm nay chúng ta có lẽ nói rằng đó là một hậu quả bi thảm của cuộc nổi dậy dại dột thiếu thận trọng chống lại một đế chế tàn bạo và áp bức không phải là do bàn tay của Thiên Chúa.

Dụ ngôn về cây vả mà Chúa Giê-su liên hệ là một điển hình về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và khuyến khích liên tục đến những giác quan của chúng ta và để thay đổi phương hướng của chúng ta. Một tiêu chuẩn xử thế quả quyết và trung thực, và sự tự vấn tinh thần sẽ ngăn chặn rất nhiều những bi kịch nhân loại.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 05/03/2010
ĐẠI SƯ ĐÙA NƯỚC

N2T


Một hôm đại sư Ha-Bi thuận tay ném áo đạo bào bên hồ nước, rồi nhảy xuống trong hồ mà tắm ! Đúng lúc Ha-Hsan đi qua, nhìn thấy chiếc đạo bào thì trong lòng nghĩ rằng nhất định có người để quên, thế là rất thận trọng nhặt lấy đợi người mất áo đến nhặt về.

Đại sư đi đến nhặt áo đạo bào, Ha-Hsan chất vấn:

- “Ngài đi tắm trong sông, cái áo đạo bào này để cho ai giữ vậy, rất có thể là bị mất cắp rồi, ngài biết chứ ?”

Đại sư trả lời:

- “Người mà tôi ủy thác đã sai ngài đến đây đứng gác để giữ nó.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Khi con người ta tu đạo đến hồi thoát tục thì tâm tình đơn sơ như trẻ em, ở đâu cũng thấy tâm tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ, nên họ vui vẻ hòa nhập với thiên nhiên mà không màng đến cái còn cái có, cái nguy cái lành của họ ở thế gian này.

Quăng cái áo bên hồ để nhảy xuống sông mà tắm, hòa cùng với thiên nhiên mà mất đi cái áo thì cũng chẳng sao cả, bởi vì cái áo không làm nên thầy tu, cái áo không làm cho người ta được vào Nước Trời, nhưng chính tâm hồn hoàn thiện yêu thương thì mới đáng được vào Nước Trời.

Quăng đi cái áo vật chất thế tục, quăng đi nhưng lo nghĩ của thế gian, quăng đi những bon chen của người đời thì mới được vào Nước của Thiên Chúa, tức là Nước Hằng Sống vậy.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:22 05/03/2010
CHỦ NHẬT 3 MÙA CHAY

Tin mừng: Lc 13, 1-9

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”


Bạn thân mến,

Dụ ngôn cây vả không ra trái mà bạn và tôi vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào, Chúa Giê-su không khách sáo nói lên ý của ông chủ là muốn đốn cây vả vô dụng, nhưng đồng thời Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà kiên nhẫn và chờ đợi chúng ta hối cải...

1. Yêu thương là kiên nhẫn.

Ông chủ đã kiên nhẫn với cây vả thêm một năm nữa và hi vọng nó sẽ ra trái thơm ngon, bố mẹ kiên nhẫn với con cái để nó nhận biết cái sai của mình mà tha thứ, người yêu kiên nhẫn với những khuyết điểm của người bạn mình, tất cả những kiên nhẫn này đều bắt nguồn từ sự yêu thương

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, đã kiên nhẫn trước những tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Ngài, mà chưa hối cải và nhìn nhận Ngài là Cha rất nhân từ của họ, tình yêu này được thôi thúc lên bởi sự hi sinh của Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã chết trên thập giá để xin Chúa Cha kiên nhẫn với những cứng đầu vô ơn bội nghĩa của nhân loại để họ hối cải, Ngài đã chết trên thập giá để làm một bằng chứng yêu thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha.

2. Yêu thương là chờ đợi.

Khi yêu nhau người ta thường hay chờ đợi, dù cho sự chờ đợi này có hạn chế trong một ngày hoặc một hai năm, yêu nhau người ta cũng lấy làm vui mừng để mà chờ đợi nhau khi có hẹn hò dù cho mưa gió bão bùng, và sự chờ đợi nào của con người cũng có giới hạn của nó. Nhưng sự chờ đợi của Thiên Chúa thì khác với nhân loại, Ngài không chờ đợi một hai hay ba năm, nhưng Ngài sẽ chờ đợi cho đến lúc nào chúng ta biết hối cải ăn năn...

Có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ hai mươi năm, có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ đến ba mươi năm, có người bốn mươi năm và có người bảy mươi, tám mươi năm thời gian dài cả một đời người, vậy mà Thiên Chúa vẫn chờ đợi, Ngài chờ đợi trong yêu thương chứ không trách móc, trong tha thứ chứ không phải án phạt...

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa của yêu thương, mùa của hối cải và trở về với Cha nhân từ trên trời, do đó Ngài muốn mỗi người trong chúng ta học nơi Ngài cách yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương chúng ta, đó là kiên nhẫn và chờ đợi anh em khi họ cố chấp mà xúc phạm đến mình:

Kiên nhẫn khi người khác nóng giận với mình đó là yêu thương.

Kiên nhẫn khi người khác coi thường mình đó là yêu thương.

Kiên nhẫn khi người khác nói móc họng mình đó là yêu thương.

Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em tỏ ra bất mãn với mình, đó là yêu thương.

Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em hiểu lầm mình đó là yêu thương.


Kiên nhẫn và chờ đợi là ý lực sống và thực hành của bạn và tôi đối với tất cả mọi người trong tuần mùa chay này.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:25 05/03/2010
N2T


9. Cái có thể ngăn chặn niềm vui thiêng liêng là tinh thần phân tán bên ngoài, và dựa vào bản thân mình.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:26 05/03/2010
N2T


381. Bỏ đi quả tim cảm ơn mà mình đã có, thì bất cứ lúc nào cũng nhạy cảm với tất cả những gì mà người khác làm cho mình.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giao kèo giữa hãng Sony và Vatican TV sẽ trình chiếu Đức Thánh Cha với hình ảnh thật rõ HD
Bùi Hữu Thư
04:39 05/03/2010
VATICAN, ngày 4 tháng 3, 2010 (Zenit.org).- Một thỏa hiệp giữa hãng Sony và Trung Tâm Truyền Hình Vatican sẽ giúp cho có hình ảnh của Đức Thánh Cha với độ rõ nét cao (High Definition: HD) vào tháng 10 năm nay, theo lời vị giám đốc văn phòng truyền thông của Tòa Thánh.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, cũng là người điều khiển đài truyền hình Vatican, tuyên bố về sự phát triển này ngày hôm nay trong một bản tin: “Đài truyền hình Vatican đang mua một hệ thống máy thu hình lưu động của Sony để có thể quay phim HD.”

Linh mục Lombardi nói giao kèo này là một phần của ý định của Đài Truyền Hình Vatican để theo sát những phát triển mới về kỹ thuật, và HD là “tiền phương của việc sản xuất các chương trình truyền hình.”

Ngài ghi nhận "Việc này ngày càng được phát triển và mỗi ngày càng có thêm các kênh phát hình HD. Do đó, cần phải có khả năng để sản xuất các chương trình với mức độ có tiêu chuẩn cao, để tránh việc truyền hình các sinh hoạt của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, trong tương lai gần đây phải nhờ vả vào các đài khác."

Hiệp Sĩ Kha Luân Bố sẽ tài trợ cho hệ thống máy thu hình lưu động này.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm các thành viên mới của Ủy ban Đại Hội Thánh Thể
Nguyễn Hoàng Thương
09:26 05/03/2010
Đức Thánh Cha bổ nhiệm các thành viên mới của Ủy ban Đại Hội Thánh Thể

Vatican (CNA/EWTN News) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm bốn giáo sĩ Vatican vào Ủy Ban Giáo Hoàng về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế hôm thứ Năm 04/3. Các thành viên mới sẽ làm công việc cử hành và chuẩn bị Đại hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50, sẽ diễn ra tại Dublin vào năm 2012.

Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, Đức Hồng y Antonio Cañizares Llovera, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích được bổ nhiệm hôm 04/3. Có hai linh mục cũng được bổ nhiệm vào ủy ban là cha Wojciech Giertych, thần học gia thuộc Phủ Giáo Hoàng và cha Theodore Mascarenhas của Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa.

Các nhà tổ chức tại Ái Nhĩ Lan mô tả các Đại Hội Thánh Thể sắp tới như là "một cuộc quy tụ mang tầm vóc quốc tế nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức về vị trí trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo, giúp nâng cao sự hiểu biết, việc cử hành phụng vụ và lôi cuốn sự chú ý đến chiều kích xã hội của Thánh Thể".

Đại hội diễn ra bốn năm một lần và mang đến các sự kiện về phụng vụ và văn hóa cùng với các bài giảng và hội thảo cho tín hữu. Chủ đề cho Đại hội Thánh Thể Quốc Tế 2012 (IEC) là "Bí tích Thánh Thể: Hiệp Thông với Chúa Kitô và với nhau".

Bốn năm trước đây, Thành phố Quebec đã tổ chức sự kiện này, trng quá khứ Ái Nhĩ Lan đã tổ chức đại hội vào năm 1932. Đại hội sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 17 tháng Sáu năm 2012.

Sự kiện này cũng sẽ kỷ niệm lần thứ 50 khai mạc Công Đồng Vatican II, mà Đức Tổng Giám mục Diarmuid Martin của Dublin gọi là "một thời điểm cho việc canh tân giáo huấn của Giáo Hội và cho sự hiểu biết của Giáo Hội về chính mình như là Nhiệm Thể của Chúa Kitô và là nhiệm thể của Thiên Chúa", khi ngài công bố bối cảnh và chủ đề của đại hội vào năm 2009.
 
Triển lãm các tác phẩm hội họa và điêu khắc tôn giáo đầy sinh động của Tây ban nha
Phụng Nghi
10:23 05/03/2010
WASHINGTON (CNS) – Một cuộc triển lãm có đề tài “The Sacred Made Real” được tổ chức tại National Gallery of Art ở Washington để trưng bầy 22 tác phẩm điêu khắc và hội họa của Tây ban nha vào thế kỷ 17. Những tác phẩm này mô tả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và mấy vị thánh bằng các chi tiết rất mực sống động.

Theo các viên chức viện bảo tàng cho biết, những công trình này, khi được sáng tạo 400 năm trước đây, có mục đích “khích động cảm quan và khuấy động tâm hồn”. Người phụ trách cuộc trưng bầy hy vọng những tác phẩm này hôm nay cũng sẽ gợi lên được sự đáp ứng tương tự như thế.

Trong 4 căn phòng triển lãm, các họa phẩm – gồm có những tuyệt tác của hai nhà danh họa Diego Velazquez và Francisco de Zurbaran -- được trưng bầy lần đầu tiên trước công chúng, bên cạnh những tác phẩm điêu khắc nhiều mầu sắc (polychrome) bằng gỗ (tượng được tô vẽ như người thật). Trong số những tượng điêu khắc này, nhiều tác phẩm chưa từng rời khỏi nước Tây ban nha trước đây, và vẫn còn được tôn kính trong các tu viện hoặc giáo đường trong các cuộc rước vào Tuần Thánh.
Ecce homo


Cuộc trưng bầy chỉ được tổ chức tại hai địa điểm, lần này khai mạc ngày 28 tháng 2 tại Washington và kéo dài tới ngày 31 tháng 5. Lần tổ chức trước là tại National Gallery ở London.

Các phòng trưng bầy được để sáng lờ mờ, tạo ra không khí nơi đây giống như trong một ngôi thánh đường, và chính các tượng ảnh trưng bầy cũng tạo ra cảm giác đó.

Người phụ trách cuộc triển lãm, ông Xavier Bray thuộc National Gallery ở London, nói với Thông tấn xã Catholic News Service rằng, hệt như các công trình nghệ thuật, khi được sáng tạo, “mang ý nghĩa muốn lên tiếng nói với con người” như thế nào, thì ngày nay tiếng nói của những tác phẩm đó vẫn còn “vô cùng mạnh mẽ, ngay cả khi được đem ra khỏi môi trường cố hữu” để trưng bầy ở khung cảnh của viện bảo tàng.

Ông thấy điều đó xảy ra tại London,khi nhiều người, đứng trước các tác phẩm nghệ thuật này, đã giữ im lặng và dường như đang cầu nguyện. Ngay cả những người không theo tôn giáo, khi ra về cũng mang theo một chút gì đó gây nên bởi phong cách miêu tả rõ rệt cái chết với những hình ảnh về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Ông Bray đã từng được thấy những tác phẩm điêu khắc này trong các thánh đường và tu viện mờ tối và cả khi được trang hoàng lộng lẫy trong những đám rước. Ông tin chắc về khả năng của những tác phẩm này có thể cất lên tiếng nói với lớp khán thính giả thời hiện đại, và ông dùng lý do đó để kêu gọi các viên chức có thẩm quyền trong giáo hội xin cho mượn các tác phẩm đó nhằm đem trưng bầy trước công chúng. Ông cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng lớn có thể tạo ra được tại Washington trong mùa Chay này.

Ông cho biết đã “liên tục viết thư” xin được mượn bức tượng Thánh Phanxicô nơi phòng thánh Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ ở Toledo.

Đó là một bức tượng nhỏ cao chừng 3 feet (khoảng 95 cm), chưa từng được đưa ra khỏi nhà thờ chính toà, tuy “nhỏ nhưng thật có mãnh lực.” Tượng mô tả thánh nhân trong phút xuất thần, và được cho biết là ĐGH Nicholas V đã tìm thấy 200 năm sau ngày thánh nhân qua đời.

Tác phẩm điêu khắc này có một dung mạo rất thực, với đôi mắt làm bằng thủy tinh, lông mày làm bằng tóc người thật và một sợi dây thắt lưng đong đưa từ chiếc áo – tức là mọi thứ dụng cụ chính trong nghề của nhà điêu khắc. (Họ cũng thường dùng những giọt nước mắt làm bằng thủy tinh, răng bằng ngà, tóc bằng sợi dây mây, và dùng sừng thú vật để làm móng chân). Bức tượng có hình dung tương tự như bức tranh vẽ thánh Phanxicô của họa sĩ Zurbaran được trưng bầy kế bên.
Tượng Thánh Phanxicô
Tranh Thánh Phanxicô


Xuyên suốt cuộc triển lãm, khách xem có thể thấy những hình ảnh tương tự: các tranh họa và tác phẩm điêu khắc đặt bên cạnh nhau. Việc trưng bầy cận kề nhau như thế không chỉ có mục đích nhấn mạnh đến phong cách tương tự của các nhà nghệ sĩ mà còn chứng tỏ rằng các họa sĩ và nhà điêu khắc đã cùng cộng tác với nhau và ảnh hưởng nhau thế nào.

Cuốn danh mục cuộc triển lãm cho biết nghệ sĩ Francisco Pacheco là người đã chỉ dẫn cả một thế hệ các nhà nghệ sĩ, gồm cả danh họa Velazquez, cách thức vẽ tượng bằng mầu sắc như da thịt người. Kỹ thuật này được gọi là “encarnacion" hay hiện thân, nguyên ngữ là “làm thành da thịt”. Pacheco đã vẽ trên một số tác phẩm điêu khắc gỗ của Juan Martinez Montanes. Ông này có tài điêu khắc nổi tiếng, được mệnh danh là “ông thần tạc gỗ.”

Các tác phẩm hiện thực do những nghệ sĩ này sáng tạo có mục đích tôn giáo và nghệ thuật.

Bà Elizabeth Lev, giáo sư khoa lịch sử nghệ thuật trường Đại học Duquesne tại Rome, trong một điện thư gửi cho CNS ngày 2 tháng 3 cho biết rằng các tác phẩm điêu khắc nhiều mầu sắc (polychrome) có mục đích “nhấn mạnh đến hình ảnh Thiên Chúa nhập thể làm người, đi giữa con người, và chịu khổ đau do bàn tay của con người, do đó tính hiện thực và nội dung có cảm xúc cao độ là những định chuẩn của những hình thái nghệ thuật này, trong khi đó các bức tranh mang cùng đề tài có phần hạn chế hơn.”

Bà nói nghệ thuật của Tây ban nha vào thế kỷ 17 rõ rệt chuyên chở những tín điều tôn giáo, “đặc biệt vào thời gian mới xuất hiện phong trào Cải cách của Tin lành, lúc đó yếu tố siêu nhiên của đức tin bị đem ra bàn cãi – chẳng hạn như vai trò của Đức Mẹ, quyền năng cầu bầu của các thánh, vai trò quan trọng của giáo hội.” Một tác phẩm điêu khắc có thể góp phần làm được điều đó, “bằng cách đem cái siêu nhiên lồng vào trong thế giới tự nhiên.” Các tượng điêu khắc về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã nâng cao nhịp điệu bằng cách sử dụng vững vàng các chi tiết sống động như vẽ các giọt máu, các vết thương, và vết thâm tím trên da thiịt.

Những hình ảnh Chúa bị đóng đinh trong cuộc triển lãm này gồm có họa phẩm “Chúa Kitô trên Thánh giá” vẽ năm 1627 của họa sĩ Zurbano, mượn từ Học viện Nghệ thuật Chicago. Họa phẩm này được trưng bầy bên cạnh bức điêu khắc polychrome “Chúa Kitô trên Thánh giá” do Montanes tạc và vẽ năm 1617, mượn của một tu viện Camêlô ở Seville.

Bà Lev nói rằng họa sĩ Zurbano “dùng mầu sắc bóng láng và các chi tiết sống động làm người thưởng ngoạn thảng thốt vì những hình ảnh hai chiều do ông tạo ra”, trong lúc đó, các tượng điêu khắc với cách thể hiện “da thịt Chúa vàng vọt như sáp, những giọt máu đậm, đôi môi xanh xám hé mở, đưa ra bằng chứng xác thực về sự khổ đau của Chúa Kitô vào trong không gian của chúng ta, đặt ngay trước cửa chúng ta.”

“Đối diện với những bức điêu khắc Chúa chịu đóng đinh này, với những chi tiết tàn nhẫn, không chút xót thương, sẽ đặt ra câu hỏi cho người xem, phải công nhận cụ thể cái giá của sự cứu độ Chúa trả cho mình.”

Hay như lời người tổ chức cuộc triển lãm: “Những hình ảnh này nhập thẳng vào người bạn.”

Về bức điêu khắc polychrome “Chúa Kitô trên Thánh giá”, ông Bray phát biểu: “Bạn biết đó là một tượng điêu khắc, thế nhưng bạn có cảm tưởng như mình đang chứng kiến trước mắt. Tác phẩm này vượt thời gian và không gian.”

Trang mạng của cuộc triển lãm là:

www.nga.gov/exhibitions/sacredinfo.shtm.

Nơi đây chúng ta có thể coi một video clip về cách tạc và tô vẽ nhiều mầu sắc (polychrome) các tượng gỗ.
 
Ơn gọi như lời ban cho
Vũ Văn An
21:14 05/03/2010
Khi nghe tới ơn gọi, phần đông người trẻ nghĩ tới cổ cồn Rôma hay bộ áo dòng. Nhưng theo một vị giám đốc của một cơ quan quan sát quốc tế nhằm cổ vũ học thuyết xã hội Công Giáo, ta cần phải canh tân ý niệm rộng rãi hơn về ơn gọi. Đó là nhận định của ông Stefano Fontana, một trong các giám đốc của Cơ Quan Quan Sát Văn Thuận Quốc Tế đặt trụ sở tại Ý. Ông vừa cho xuất bản cuốn sách tựa là "Parola e communita politica. Saggio su vocazione e attesa" (Lời và Cộng Đồng Chính Trị. Khảo Luận về Ơn Gọi và Hoài Bão). Trong buổi ra mắt sách, Fontana, cũng là một cố vấn của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cho rằng “cuộc khủng hoảng ơn gọi” là điều đáng lo ngại vì nó ngăn trở việc chung sống, ngăn trở “tính dễ tiếp nhận, lòng biết ơn và tính nhưng không”. Sách của ông nhằm đảo ngược lại khuynh hướng trên “vì ai không nghe thấy ơn gọi sẽ không biết phải đi đâu”

Theo Fontana, thế nào là ơn gọi? Ông bảo ơn gọi là một lời mời gọi, một lời nói ra nhằm tới tai ta và đòi ta một đáp ứng, một câu trả lời. Tự mình truyền đạt, ơn gọi lôi cuốn ta và mời ta tự thiết lập mình trong chính bản sắc mình. Đáp lại ý nghĩa từng lôi cuốn ta, ta tự thiết lập ta trong ý nghĩa của riêng mình. Khi khám phá ra một ý nghĩa mà chính ta không phải là người sáng chế, ta giáp mặt với một lời ngỏ với ta, một lời mời gọi, một ơn gọi. Ơn gọi là một hiện thân của thể vô điều kiện.

Trong cuốn sách, Fontana chủ trương rằng việc thiếu ơn gọi đã cản trở việc phát triển của con người, hạn chế việc chung sống xã hội và chính trị, và gây hại cho việc có một gia đình và cho việc dấn thân làm việc trong liên đới và trong liên hệ với người khác. Fontana chứng mình rằng hiện tượng đáng lo ngại nhất trong thời đại ta là khó khăn lắm ta mới đọc ra một lời ngỏ với ta, một ơn gọi, từ sự việc và từ cuộc sống của mình. Thật khó mà nhìn ra một ơn gọi trong những người ta yêu thương. Hôn nhân và gia đình càng ngày càng bị coi như những lựa chọn và quy ước, chứ không như những thực tại chứa đựng một đề nghị quan trọng mang ý nghĩa đối với nhân tính ta, một vẻ đẹp lôi cuốn và làm ta thích thú. Từ chính bản nhiên những con người nhân bản của ta, thật khó nhận ra một bài đọc cho thấy ta nên như thế nào, một định mức cho thấy con đường cần đi. Là một con người và là con người này phải chăng vẫn còn là một ơn gọi trước chủ nghĩa duy chủ quan và một nền văn hóa chỉ muốn ôm lấy duy nhất bản nhiên ở trong mình? Fontana cho rằng ngày nay, nhiều người không thấy trong bản sắc tính dục một ơn gọi nào, mà chỉ là một lựa chọn. Có một nhân tính được định hướng về tính dục không còn là điều để nói với ta và để thông truyền cho ta một kế hoạch, mà chỉ là một cấu trúc do chính ta tạo nên. Trọn cái thể lý của ta được coi như một cái gì đó để lên khuôn, lên kế hoạch, để đập bỏ và tái thiết, để phô trương trưng bày, chứ không phải như một ơn gọi để trân qúy.

Đức nết na giữ gìn (modesty) phát sinh do quan điểm coi thân xác như một lời ngỏ, nhưng thân xác ta chẳng còn điều gì để nói với ta, vì lời đầu và lời cuối trong nó ta phải đi tìm nơi son phấn và thuốc viên ngừa thai, trong viện thể thao thẩm mỹ và dao mổ, trong xilicon và trong những đường ngực thật thấp. Cả cái môi trường thiên nhiên đang ở trước mặt ta kia, cái thiên nhiên theo nghĩa hoàn toàn duy bản nhiên kia, cũng chỉ được nhìn như một toàn bộ những vật thể có tính chức năng. Cõi “tạo vật” không còn là ngôn từ của Ngôi Lời tạo dựng nữa, của lời hành động nữa, với một sứ điệp để loan truyền.

Trong xã hội ta đang sống, người ta đã quá đề cao cái tôi. Xem ra muốn hạnh phúc, người ta phải có toàn quyền đối với thực tại và sự việc, phải có khả năng vứt bỏ những con người và những thân xác, phải thể hiện chủ nghĩa hưởng lạc một cách trọn vẹn và toàn diện. Phải chăng đó là các động cơ dẫn tới việc dập tắt ơn gọi và làm nản lòng những người không tìm thấy ý nghĩa ở đời? Đối với câu hỏi này, Fontana cho rằng cơn khủng hoảng ơn gọi là điều hết sức đáng lo ngại, theo cả nghĩa xã hội lẫn chính trị, bởi nó kìm hãm ba thái độ chủ chốt để sống chung: tính dễ tiếp nhận, lòng biết ơn và tính nhưng không, không tính toán.

Thái độ đầu tiên là tính dễ tiếp nhận (receptivity). Cuộc khủng hoảng dân số đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều quốc gia và làm suy yếu các quốc gia này về phương diện luân lý trước sau mới là kinh tế chính là do cái tính khó chấp nhận hết sức phổ biến này. Các luật lệ cho phép “trợ tự sát” cho thấy rõ tính khó khăn của việc chấp nhận sự sống. Chủ nghĩa đa văn hóa và sự thất bại của nó cho thấy thái độ dửng dưng khoan dung không phải là một chấp nhận đúng nghĩa. Đàng khác, đối với chúng ta, việc chấp nhận người khác dường như là điều không thể có nếu ta không chịu tự chấp nhận chính mình và được người khác chấp nhận.

Thái độ thứ hai là lòng biết ơn (gratitude). Nếu các con người và các kinh nghiệm không nói với ta, ta sẽ không nhận ra mình như kẻ mắc mợ, và do đó thật khó để ta biết ơn vì đã gặp họ. Gia đình ta, nền văn hóa của ta, tư cách là đàn ông hay đàn bà của ta, việc có con của ta, việc làm của ta, việc ta xuất thân từ một lịch sử, việc ta tiếp nhận sự sống, tất cả đều là những đối tượng để ta biết ơn nếu ta tìm ra một gia tài ngôn từ nói, một mạc khải ý nghĩa đem lại cho ta ánh sáng cách nào đó. Nếu không, chỉ là bác bỏ, là từ chối tất cả những thứ ấy, ngay cả xấu hổ, ghét bỏ vì phải chịu đựng hàng loạt những áp đặt và bạo lực, có khi còn công khai bác bỏ hay chối bỏ (apostasy) chính mình và quá khứ của mình. Ta cũng có thể sống chính căn tính ta bằng lòng biết ơn. Ngày nay, xem ra Phương Tây đặc biệt bị cái hội chứng xấu hổ về chính mình và vô ơn này tác động. Nếu không cảm thấy biết ơn đối với những người đã chuyển giao cho ta một số giá trị nào đó, ta cũng sẽ không cảm thấy có bổn phận phải chuyển giao các giá trị này cho người khác. Thiếu lòng biết ơn là bẻ gẫy tính liên tục giữa các thế hệ và tạo ra tình thế “khẩn trương về giáo dục”.

Thái độ thứ ba là tính nhưng không, không tính toán (gratuitousness). Ơn gọi được ban cho ta như một quà tặng, một ơn phúc. Đánh mất ý hướng ơn gọi là đánh mất ý hướng quà tặng, ơn phúc, là nghĩ rằng ý nghĩa là điều luôn luôn và chỉ do ta sản xuất ra mà thôi. Nếu quá khứ của tôi, bản nhiên của tôi và người khác không nói với tôi, điều ấy có nghĩa là chính tôi đã tạo ra ý hướng cho họ hay chính chúng ta tạo ra nếu nói tới các cơ cấu văn hóa và xã hội. Tự do là điều người ta tiếp nhận nguyên tuyền như một ơn thánh, mà đối với nó, người ta tỏ lòng biết ơn vì đã có khả năng tiếp nhận được nó.

Ơn gọi là thứ đem lại tất cả các thái độ trên vì nó không phải là một “lời ta phát biểu” mà là một “lời được phát biểu với ta”; bởi thế, nó là một lời được ban cho.
 
Top Stories
Vietnam: Le départ de l’archevêque de Hanoi pour Rome provoque une grande émotion dans la population catholique de la capitale
Eglises d'Asie
10:51 05/03/2010
Eglises d’Asie, 5 mars 2010 – Une certaine inquiétude et beaucoup d’émotion ont entouré, le 4 mars 2010, le départ de Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt pour Rome. Invité par la Congrégation pour l’évangélisation des peuples et le Conseil pontifical Cor Unum, il doit y faire un long séjour de deux mois pour y restaurer ses forces, aujourd’hui sérieusement délabrées. C’est ce qu’a expliqué l’archevêque au groupe nombreux d’évêques, de prêtres et de laïcs qui sont venus le saluer à l’archevêché avant son départ, et l’ont ensuite accompagné jusqu’à l’aéroport.

Voilà déjà plusieurs mois que l’on sait que l’état de santé de l’archevêque de Hanoi laisse à désirer. Il souffre tout particulièrement d’insomnies répétées. Déjà, lors de son séjour à Rome, en juin dernier, pour la visite ad limina des évêques, il s’était confié aux responsables romains à ce sujet. Certains bruits avaient même laissé entendre qu’il avait proposé sa démission au Souverain Pontife. A son retour au Vietnam, il s’était isolé, pendant une période assez longue, au monastère cistercien de Châu Son, qui se trouve à environ 105 km au sud de Hanoi. Cependant, même s’il a pu mener à bien la mission qui était la sienne pour l’inauguration de l’Année sainte, il n’a jamais pu retrouver un état de santé satisfaisant. Le rôle joué par l’archevêque, lors de l’affaire de la Délégation apostolique, qui a commencé en décembre 2007, ensuite dans l’affaire de la paroisse de Thai Ha et encore, tout récemment, lors de la destruction par la police de la croix monumentale de Dong Chiêm, a rendu plus étroites les relations liant le responsable religieux de la capitale du Vietnam à la population catholique et à beaucoup de sympathisants. La tension supportée au cours de ces confrontations avec les autorités, ainsi que les calomnies qui ont pu être répandues à son sujet par les médias officiels ont sans doute contribué pour une part à la dégradation présente de la santé de l’archevêque. Par ailleurs, les autorités locales de Hanoi ayant demandé, en septembre 2008, à la Conférence épiscopale que Mgr Kiêt soit éloigné de la capitale, certaines personnes ont craint que ce séjour à Rome ne se transforme en exil permanent ! C’est pourquoi, de tous les voyages à l’étranger déjà accomplis par l’archevêque, ce dernier est celui qui a suscité le plus d’émotion et d’’interrogations.

Pourtant, ces derniers jours, les explications n’ont pas manqué. Les prêtres de l’archidiocèse, dans les paroisses, ont informé les fidèles, avec clarté et sans ambiguïté, du motif du voyage de leur pasteur à Rome, à savoir le soin de sa santé. A l’annonce de ce départ, beaucoup de chrétiens ont voulu organiser une manifestation de soutien à leur archevêque en l’accompagnant juste qu’à l’aérodrome. Pour des raisons compréhensibles, il leur a été demandé de renoncer à ce projet. Du coup, dans les derniers jours, les groupes venant visiter l’archevêque se sont multipliés. A chacun, avec calme et simplicité, celui-ci a répété les raisons de son absence temporaire du diocèse. Son séjour à Rome, au siège de Cor Unum, durerait au moins deux mois, le temps de retrouver des forces grâce aux soins d’un médecin romain bien connu. Il les a assurés de son désir de reprendre son poste à Hanoi dès son retour.

(Source: Eglises d'Asie, 5 mars 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội ngộ các linh mục thuộc Giáo tỉnh Huế tại La Vang, TGM Huế nhắn nhủ: ''hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên''
Trương Trí
11:05 05/03/2010
HUẾ - Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội công giáo tại Việt nam, một giáo tỉnh tổ chức gặp mặt cho các linh mục với thành phần tham dự đông đủ như thế này, tất cả các linh mục đoàn các giáo phận thuộc giáo tỉnh miền Trung đều do Đức Giám mục chủ chăn dẫn đầu, chỉ có giáo phận Kontum do Đức cha Micae Nguyễn Đức Oanh đi vắng nên do cha Tổng đại diện thay mặt. Đặc biệt năm nay lại là Năm Thánh Linh mục, cuộc Hội ngộ càng tăng thêm phần ý nghĩa hơn vì đó là cuộc HỘI NGỘ HÀNH HƯƠNG VỀ BÊN MẸ LAVANG, Mẹ của giáo hội và là Mẹ của các linh mục.

Xem hình ảnh

Sáng ngày 4.3, thánh lễ Mừng kính trọng thể CHÚA KITÔ LINH MỤC THƯỢNG PHẨM do Đức Tổng Giám mục Giáo tỉnh Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự. Cùng đồng tế có các vị Giám mục các giáo phận: Qui nhơn, Đà nẵng, Ban mê thuột, Kontum, Nha trang Huế và Đức Đan viện phụ Đan viện Thiên an Stêphanô Huỳnh Quang Sanh. Trong Nhà Nguyện chỉ đủ chổ cho các linh mục, tất cả cộng đoàn hành hương đều đứng dọc hai bên hành lang. Mặc dầu vậy, họ vẫn cảm nghiệm lòng sốt mến và đạo đức của các ngài. Thời tiết những ngày này hết sức nắng nóng, các ngài vẫn hy sinh bản thân mình khi mặc bộ áo lễ.

Trong bài giảng lễ, Đức TGM Nguyễn Như Thể chủ sự đã nói:

"Chúng ta cung kính suy niệm Mầu nhiệm Chúa Kitô Linh mục Thượng phẩm đời đời... Để trở thành Thượng tế của giao ước mới, Đức Giêsu SỐNG CHAN HÒA LIÊN ĐỚI với mọi người, nhất là với những người bần cùng nhất, hèn hạ nhất, những người thu thuế, những người tội lỗi, kể cả với những ngừoi mang án tử hình.Chúa Giêsu chấp nhận hoàn toàn liên đới với thân phận con người, chỉ trừ tội lỗi, để cất nhắc con người lên tới Thiên Chúa, điều mà các nghi lễ hiến thánh xưa với những vị tư tế tách biệt khỏi dân chúng không thể làm được...

Các Giám mục và Linh mục chúng ta được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu, phải trở nên mối dây liên kết hoàn toàn với anh em mình, chỉ trừ tọi lỗi. Mang lấy trong mình những niềm vui và đau khổ, những khó nhọc và hoài bão, những lo âu và hy vọng của tha nhân, để bày tỏ cho họ tình yêu hải hà của Thiên Chúa, và đem họ đến hiệp thông thân mật với Thiên Chúa...

Điều quan trọng nhất của Chúa Giêsu khi đến trần gian là loan báo tình yêu nhưng không của Thiên Chúa cho mọi người, loan báo và làm chứng cho đến giọt máu cuối cùng...

Chúa Giêsu bị cám dổ dùng quyền lực, từ trong sa mạc cho đến trên thập giá. Lịch sử lâu dài và nhiều khi rất đau đớn của giáo hội là lịch sử của nhiều vị lãnh đạo không biết làm thế nào để phát huy mối tương quan cảm thông tha thứ, nên họ thích kiểm soát và thống trị, thay vì đào luyện khả năng yêu thương và nhận được yêu thương. Sau khi giao phó cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, Chúa Giêsu đã để ông đối diện với một thực tế khó khăn: ngừoi lãnh đạo là người bị dẫn đến những nơi họ không ngờ, không muốn, dẫn đến thập giá. Thánh Phêrô đã thấm thía bài học về sự yếu đuối mỏng dòn của mình, và về lòng thương xót vô cùng tế nhị của Thầy Giêsu. Nên Ngài rất có thẩm quyền để đưa ra lời khuyên dạy cho anh em linh mục chúng ta: Anh em hảy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị mục tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát
.”

Buổi tối, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê văn Hồng, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Huế đã chủ sự cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể trên quãng trường Mân côi. Trong bầu trời đêm LaVang đầy uy nghiêm và linh thiêng của Thánh địa, với những ngọn nến lung linh trên tay mỗi người, vang vang lời kinh của các linh mục. Tiếp sau đó là phiên chầu Thánh thể trọng thể tại Linh Đài Đức mẹ. Trong bài suy niệm, Đức cha phụ tá Phanxicô Xaviê đã nói:

"Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, chúng con thờ lạy Chúa đang hiện diện với cộng đoàn anh em linh mục của Giáo tỉnh Huế, trong ngày hội ngộ bên Mẹ LaVang. Chúng con cảm ơn Chúa đã ban cho chúng con được sống vào những thời điểm ân phúc: đó là năm linh mục và năm thánh của giáo hội Việt nam. Chúng con cảm tạ Chúa đã qui tụ chúng con về bên Mẹ Maria, Mẹ của Chúa và cũng là Mẹ của chúng con. Không gian cũng như bối cảnh này gợi lên cho chúng con hình ảnh của Đức Maria và thánh Gioan dưới chân thập giá vào chiều thứ sáu năm xưa trên đồi Can vê. Vì yêu thương loài người, đặc biệt các linh mục của Chúa mà Gioan là đại diện, Chúa đã trối lại cho chúng con người Mẹ yêu dấu: hởi Bà nầy là con Bà...Hởi con nầy là Mẹ con.

Giờ phút này, mỗi người chúng con đang nghe lại lời của Chúa trối trăng: Này là Mẹ con, xin cho mỗi anh em linh mục chúng con cũng vui mừng đón nhận Mẹ vào cuộc đời của mình, để Mẹ đồng hành với chúng con mỗi ngày. Giây phút này cũng gợi lại cho chúng concảnh tượng nhà tiệc ly sau khi Chúa về trời. Mẹ Maria đã có mặt với các tông đồ để cũng cố niềm tin, để cùng cầu nguyện,để chuẩn bị tâm hồn các ngài đón nhận Chúa Thánh Thần với một sứ vụ mới: Ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân...

Chúa đã đặt nhiều kỳ vọng nơi chúng con: Chúa muốn biến chúng con thành một mục tử tốt lành, một người tôi tớ để phục vụ và yêu thương, một sứ giả của an bình và tha thứ, một chứng nhân của lòng thương xót. Chúa muốn chúng con trở thành ánh sáng của trần gian, muối mặn của đất và men tốt trong bột. Nhưng lạy Chúa, với thân phận yếu hèn và mỏng giòn của một con người tội lỗi, thật khó để đạt được lý tưởng mà Chúa đang mời gọi và mong đợi nơi chúng con. Chính Chúa biết rỏ hơn chúng con điều đó, nên Chúa luôn dạy dổ, nhắc bảo và đồng hành với chúng con bằng những lời rất thiết tha và thân tình...

Lạy Chúa, một ngày hội ngộ trong tình thương của Chúa và dưới sự che chở của Mẹ LaVang sắp kết thúc. Ngày mai anh em linh mục chúng con sẽ trở về với nhiệm sở, với công việc mục vụ, xin Chúa giúp mỗi người chúng con quyết tâm sống tốt hơn lý tưởng đời linh mục, đó là trở nên một mục tử tốt lành, một người tôi tớ để phục vụ, một tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, một chứng nhân của lòng thương xót. Chúng con xin dâng lên Chúa, qua bàn tay Mẹ Maria, tất cả anh em linh mục trên thế giới nầy. Xin Chúa thương cách riêng các anh em linh mục đang gặp thử thách trong thân xác vì tuổi tác hay bệnh tật. Xin Chúa nâng đở các linh mục đang phải đối diện với những thách đố trong sự trung tín với ơn gọi hay đang gặp những khó khăn trong tâm hồn
...”

Sau thánh lễ bế mạc sáng ngày 5.3, linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý hạt trưởng hạt Quảng trị, đã thay mặt ban tổ chức, thay mặt cộng đoàn linh mục tham dự Hội ngộ cảm ơn Đức Tổng Giám mục, quý Đức Giám mục về sự ưu ái đã tổ chức những ngày gặp gở này trong Năm Linh mục, năm mà Đức Thánh Cha Benêđictô 16muốn nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của cha Thánh Gioan Maria Vianey, mà cảm tạ hồng ân bao la của Thiên Chúa đã cho anh em chúng con, những con người bất xứng được làm linh mục của Chúa.
 
Đức TGM Hà Nội đã tới Roma bằng an
PV VietCatholic
18:58 05/03/2010
ROMA - Đức TGM Ngô quang Kiệt cùng với linh mục thư ký đã tới Roma lúc 6:30 sáng ngày 5/3/2010 (giờ Roma) được bằng an. Ngài rất vui vẻ và an bình.

Các linh mục, các thầy và các nữ tu Việt Nam đã đến chào mừng và gặp gỡ với Đức Tổng và Cha thư kỷ trưa nay và đã dùng bữa cơn trưa chung trong tình huynh đệ.

Ngay buổi chiều hôm nay Ngài cũng đã được đưa đến bệnh việc đặc biệt của Vatican để làm trắc nghiệm tiên khởi. Chính Đức Hồng Y chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng phụ trách về cơ quan Đồng Tâm (Cor Unum) đã dàn xếp mọi việc để việc chữa trị cho Đức Tổng được chu đáo và đem lại kết quả tốt đẹp.

Cũng được biết một số các vị Hồng Y làm việc trong các Bộ của Tòa Thánh khi nghe tin Đức TGM Hà Nội đến Vatican để chữa bệnh các Ngài đều phấn khởi và cầu chúc Đức Tổng được mọi sự an lành và mau chóng được bình phục hoàn toàn để sau đó trở về với đoàn chiên Hà Nội mà Chúa đã trao phó trọng trách cho Ngài.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Dáng Xuân
Diệp Hải Dung
23:08 05/03/2010

DÁNG XUÂN



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (Hình chụp tại Prairiewood, Sydney)

Em dịu dàng tươi thắm

Làn gió xuân xanh ngát

Mai vàng chừng hé nụ

Run rẩy chờ đón Xuân...

(Trích Thơ của Lê Bình Định)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền