Ngày 03-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 03/03/2019
65. CƯỠNG CHẾ

Đại sư yêu cầu người đến bái sư phải nhất định thành khẩn và nghiêm chỉnh.

Nhưng, khi các đệ tử nghiêm chỉnh tinh tiến tu luyện thì ông ta lại gia tăng trách cứ. Cái mà ông ta yêu cầu là “thoải mái nghiêm chỉnh” hoặc “nghiêm chỉnh thoải mái”, giống như một vận động viên trong khi thi đấu, hoặc là như diễn viên đặt mình trên sân khấu.

Lại còn phải nhẫn nại vô hạn. Đại sư nói:

- “Dưới sự cưỡng chế thì đóa hoa nở ra sẽ không thơm ngát, dưới sự cưỡng chế thì quả đã kết trái cũng sẽ mất đi mùi vị của nó.”

Suy tư 65:

Có người đi tu vì bị gia đình cưỡng chế, cho nên khi đỗ “cụ” rồi thì tác oai tác quái, coi trời bằng vung, hoa quả của “đi tu cưỡng chế” này là sản sinh ra một lớp người gây gương mù gương xấu; có người không vâng lời nên bị bề trên cách cưỡng chế, nên oán trời trách người, và thường tỏ ra bất mãn gây mất đoàn kết trong cộng đoàn, hoa trái của sự “vâng lời cưỡng chế” này là sản sinh ra một số người bất mãn; lại có những tình yêu cưỡng chế bởi cha mẹ, cho nên gia đình của họ trở thành hỏa ngục trần gian, họ không tìm thấy yêu thương trong tình chồng vợ, hoa trái của “hôn nhân cưỡng chế” này thường là gia đình tan nát, vợ chồng ly dị, con cái bơ vơ...

Đời sống tu đức của người Ki-tô hữu cũng thế, phải có tâm hồn tự nguyện yêu mến Thiên Chúa, tự nguyện chịu hy sinh, tự nguyện phục vụ, thì lúc đó hoa trái mới thực sự thơm ngon, ai cũng thích, huống gì là Thiên Chúa.

Bởi vì chỉ cần một cố gắng tự nguyện vươn lên của chúng ta mà thôi, thì Thiên Chúa cũng đã yêu thích rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 03/03/2019
96.

Con người so với thiên thần thì Thiên Chúa thích hơn, bởi vì đối với Thiên Chúa thì thiên thần giống như thức ăn thức uống trong gia đình, mà con người thì như mùi vị dã thú săn bắt được, thật giống như người chăn dê rất vui mừng vì tìm lại được con dê đã mất, vượt qua chín mươi chín con dê không mất.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gọi đích danh việc khởi tố Đức Hồng Y Pell: Bách Hại Tôn Giáo
Vũ Văn An
04:22 03/03/2019
Theo dõi dư luận mấy ngày qua trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo về tin Đức Hồng Y Pell vào tù về “tội” lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, người ta thấy đủ phản ứng. Phần lớn là phẫn nộ. Nhưng có người, dù là vị vọng trong Giáo Hội như Đức Tổng Giám Mục Comensoli của Melbourne, lại đi dùng chữ “tủi nhục”. Tủi nhục là thế nào. Mình có làm gì đâu mà tủi nhục. Tủi nhục chăng là cái vụ khởi tố, kết án không dựa vào “corroborating evidence” (chứng cớ làm vững thêm) của tòa Melbourne, như Cha xứ gốc Đại Hàn của tôi viết trong Bản Tin Giáo Xứ Beverly Hills, New South Wales, Australia. Có ai dám bảo đảm là lời tố cáo của 1 người duy nhất là hoàn toàn đáng tin cậy hay không. Trên đời, lời vu oan cáo vạ không thiếu gì. Nên người ta mới cần đến “corroborating evidence”. Đàng này thì bất cần loại “evidence” này mà vẫn có thể kết án. Không ai lại không tin lời của 1 nạn nhân đích thực. Nhưng 1 nạn nhân không đích thực thì sao. Nếu ta tin người này, ta vô tình tạo ra thứ nạn nhân khác. Công lý ở đâu?

Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium, vì thế, gọi đích danh vụ khởi tố Đức Hồng Y Pell là Bách Hại Tôn Giáo trong bài “Calling Cardinal Pell’s Prosecution What It Is: Religious Persecution”. Chỉ có như vậy người ta mới hiểu được sự vô lý của bản án.

Trích dẫn lời của Henry David Thoreau, nhà bác học Hoa Kỳ thế kỷ 19: “Dưới 1 chính phủ cầm tù bất cứ ai một cách bất công, nơi ở thực sự cho 1 người công chính cũng là nhà tù” (Civil Disobedience), Cha de Souza viết rằng: Đức Hồng Y George Pell chính xác đang ở nơi ngài đáng lẽ nên ở vào đêm thứ Tư ở Melbourne: trong nhà tù. Sau đây là nguyên văn bài báo của Cha de Souza:

Bây giờ khi “lệnh cấm tường trình” kỳ cục ở Úc đã được hủy bỏ, ta được tự do tuyên bố điều vốn hiển nhiên trong một số năm qua.Việc khởi tố Đức Hồng Y Pell vốn là một cuộc hoài thai công lý quái gở, một cuộc bách hại tôn giáo do các phương tiện tố tụng thi hành.

Đức Hồng Y Pell đã bị kết tội Tháng Mười Hai vừa qua vì tấn công tình dục 2 thiếu nam 13 tuổi năm 1996. Ngay từ đầu, diễn trình dẫn đến việc kết tội là một chiến thuật được nâng đỡ và tính toán nhằm hủ hóa hệ thống công lý hình sự để đạt các mục tiêu do chính trị giật dây.

Thế là nay Đức Hồng Y Pell đang ngồi tù, chờ ngày bị kết án vào đầu tháng Ba. Việc Đức Hồng Y Pell vào tù chẳng có chi là tủi nhục cả: tủi nhục rõ ràng là điều đủ dư để phải mang bởi những kẻ đã đặt ngài vào đó.

Lời tố cáo gian

Hoài thai công lý (xử oan) quả có diễn ra. Đức Hồng Y Pell từng bị cáo gian năm 2002,và trước ngài, Đức Hồng Y Joseph Bernardin của Chicago bị cáo gian năm 1993. Cả hai vụ cáo gian đều được giải quyết bằng cách chạy đến với cảnh sát hay tòa án.

Tuy nhiên, trường hợp của Đức Hồng Y Pell không phải là một vụ hoài thai công lý giống như một sai lầm. Nó được thực hiện với cảnh sát và công tố viên có ác ý từ trước.

Người Mỹ không nên ngạc nhiên về điều này, vì danh sách những người bị kết án sai rất dài. Ngay cả một số tử tù cũng đã được gỡ tội trước khi vụ hành quyết họ được thi hành.

Truy tố cách ác ý những người nổi tiếng

Trường hợp nổi tiếng gần đây nhất ở Hoa Kỳ là vụ kết tội năm 2008 của Thượng nghị sĩ Ted Stevens, R-Alaska, người đã mất một cuộc vận động tái tranh cử xít xao sau khi bị kết tội không báo cáo điều bị coi là một món quà. Chỉ sau khi một nhân viên kiểm soát (whistleblower) của FBI tiết lộ hành vi sai trái đáng tiếc của công tố viên, ông Stevens mới được miễn tội. Việc này đến quá muộn để ông được tái cử, nhưng tiếng tốt của ông đã được khôi phục. Stevens qua đời năm 2010.

Nếu một Bộ Tư pháp do Đảng Cộng hòa lãnh đạo có thể kết án một cách có chủ ý, ác ý và sai trái thượng nghị sĩ Cộng hòa phục vụ lâu nhất trong nước, lúc ấy vẫn còn nổi tiếng ở bang nhà của ông, thì quả là trò chơi tương đối trẻ em để các công tố viên ở Victoria kết tội cách có chủ ý, ác ý và sai trái Đức Hồng Y Pell, người đã phải chịu một chiến dịch phỉ báng của truyền thông kéo dài hàng năm ở Úc. Chính cường độ của sự phỉ báng này đã khiến người ta có thể tìm được một bồi thẩm đoàn 12 người ở Melbourne, sẵn sàng tin rằng Đức Hồng Y Pell cũng đã lạm dụng tình dục các thiếu nam.

Tuy nhiên, vụ kiện chống lại Đức Hồng Y Pell kỳ quái một cách lố bịch đến nỗi các công tố viên phải mất hai lần mới có được các lời kết tội. Phiên tòa đầu tiên, vào tháng 9, đã kết thúc bằng một bồi thẩm đoàn ngang ngửa (hung jury), trong đó, có báo cáo cho rằng các bồi thẩm viên bỏ phiếu 10-2 để tha bổng. Một phiên tòa tái thẩm tiếp theo sau đó, với 1 bồi thẩm đoàn đạt được sự nhất trí cần thiết để kết tội vào tháng Mười Hai.

Các sự kiện được giả thiết của vụ án

Điều quan trọng đối với người Công Giáo là biết chi tiết chuyên biệt của vụ án, không phải chỉ là các tuyên bố tóm tắt cho rằng nó “yếu”.

Công tố viện buộc tội rằng Đức Hồng Y Pell, thay vì chào hỏi mọi người sau Thánh lễ, như thông lệ của ngài, lập tức rời bỏ mọi người trong Nhà thờ chính tòa Thánh Patrick, và đi vào phòng áo lễ không có ai đi cùng. Một mình vào phòng áo lễ, ngài thấy hai cậu bé ca viên, lúc đó cũng rời khỏi đám rước có cả năm chục cậu bé ca viên khác và đang uống trộm rượu lễ.

Bắt được các em quả tang, sau đó ngài nhanh chóng quyết định tấn công tình dục các em – “giao hợp bằng miệng”, nói cho chính xác một cách không đẹp lắm.

Điều này ngài đã hoàn thành ngay sau Thánh lễ, với cánh cửa phòng áo mở toang, mặc dù còn mặc đủ các lễ phục và hợp lý biết rằng ông từ coi phòng áo lễ, vị trưởng nghi, các cậu giúp lễ hoặc các vị đồng tế có thể ra vào hoặc thậm chí đi ngang qua cánh cửa mở, như thường lệ sau thánh lễ.

Trong khi đó, có hàng chục và hàng chục người trong nhà thờ chính tòa, cầu nguyện hoặc rảo quanh.

Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng sáu phút, sau đó các cậu trai đã đi tập hát và không bao giờ nói về điều đó với bất cứ ai trong 20 năm, thậm chí không nói với nhau. Thật vậy, một trong hai cậu bé, người đã chết vì dùng heroin quá liều lượng vào năm 2014, đã nói rõ với mẹ mình trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng tình dục.

Các điều được giả thiết là sự kiện hầu như không thể nào hoàn thành được. Hãy hỏi bất cứ linh mục của một giáo xứ có kích thước bình thường - huống hồ là một nhà thờ chính tòa - xem có thể cưỡng hiếp các cậu bé ca viên trong nhà thờ ngay sau Thánh lễ được không. Sáu mươi giây – chứ đừng nói sáu phút - sẽ không trôi qua nếu không có ai, hoặc vài người, đi vào đi ra, hoặc ít nhất là đi ngang qua cánh cửa mở. Hãy hỏi bất cứ linh mục nào xem ngài có thường ở một mình trong phòng áo ngay sau Thánh lễ, trong khi vẫn còn người trong nhà thờ và thánh đường chưa được dọn sạch.

Hơn nữa - một lần nữa, xin lỗi vì đã dùng đồ họa - không thể thực hiện việc cho là giao hợp khi mặc đầy đủ phẩm phục để cử hành Thánh lễ. Một lần nữa, hãy hỏi bất cứ 1 linh mục nào - huống chi là một tổng giám mục, người được mặc nhiều phẩm phục hơn - về sự lúng túng khi phải đến viếng Phòng tắm, nếu cần thiết, sau khi đã mặc phẩm phục. Nó đòi hỏi phải cởi phẩm phục, ít nhất một phần, hoặc phải xử lý vụng về các phẩm phục khác nhau, khiến việc sử dụng nhà vệ sinh trở nên khó khăn, không nói chi đến tấn công tình dục.

Người khiếu nại nói rằng Đức Hồng Y Pell chỉ vạch phẩm phục của ngài sang một bên, một điều không thể có, vì áo anba không có các lỗ hổng như vậy.

Điều mà Đức Hồng Y Pell bị buộc đã làm chỉ đơn giản là điều không thể có, ngay cả khi ngài đủ điên rồ cách nào đó để thử làm như vậy. Hơn nữa, bất cứ người đàn ông nào cố gắng hãm hiếp các bé trai ở nơi công cộng với người ta đi qua đi lại hẳn phải là loại người phạm tội liều lĩnh, mà về họ, đã có cả một lịch sử lâu dài về hành vi đó. Tất nhiên, không hề có một lịch sử như vậy.

Việc tham nhũng của cảnh sát

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một bồi thẩm đoàn gồm 12 công dân bình thường có thể bị thuyết phục, trái với bằng chứng và lương tri, rằng Đức Hồng Y Pell đã phạm tội. Dù sao, hàng chục và hàng chục cảnh sát và công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm quyết định rằng cựu tổng giám mục Sydney có tội ngay cả trước khi bất cứ cáo buộc nào được đưa ra. Đó là sự căm thù của Úc đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và George Pell nói riêng.

Vào năm 2013, cảnh sát Victoria đã phát động “Cuộc Hành Quân Tethering” để điều tra Đức Hồng Y Pell, mặc dù không có khiếu nại nào chống lại ngài. Sau đó, một chiến dịch kéo dài bốn năm để tìm những người sẵn sàng cáo buộc lạm dụng tình dục, một chiến dịch bao gồm cảnh sát Victoria lấy quảng cáo trên báo yêu cầu người ta khiếu nại về lạm dụng tình dục tại nhà thờ chính tòa Melbourne - trước khi có bất cứ khiếu nại nào.

Cảnh sát đã có người của họ, và chỉ cần một nạn nhân.

Với việc Úc đang trải qua một cuộc điều tra của ủy ban hoàng gia về lạm dụng tình dục - với việc Giáo Hội Công Giáo thu hút phần lớn sự chú ý - chỉ là vấn đề thời gian trước khi tìm thấy một ai đó có thể nói điều gì đó, hoặc nhớ điều gì đó, hoặc, nếu cần thiết, chế tạo nó hoàn toàn. Việc, sau tất cả những nỗ lực đó, cảnh sát Victoria chỉ có thể kết hợp được một vụ án mỏng manh như vậy tự nó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Đức Hồng Y Pell không phải là kẻ lạm dụng tình dục.

Chứng từ - hoặc không - của các người khiếu nại

Trong các vụ lạm dụng tình dục ở Victoria, nạn nhân làm chứng tại tòa án kín, nên công chúng không biết và không thể đánh giá tính đáng tin cậy của những gì được nói ra.

Trong phiên tòa đầu tiên, người khiếu nại đã làm chứng trước bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu không kết án. Trong phiên tòa thứ hai, người khiếu nại hoàn toàn không làm chứng, nhưng các ghi chép về lời khai của anh ta trong phiên tòa đầu tiên đã được đưa ra thay thế. Dường như bồi thẩm đoàn đầu tiên, những người được nghe người khiếu nại trực tiếp, thấy anh ta ít đáng tin hơn bồi thẩm đoàn thứ hai, những người không gặp anh ta trực tiếp.

Do đó, Đức Hồng Y Pell đã bị kết án dựa trên lời khai của một nhân chứng đã trình bày một câu chuyện không đáng tin, không có bằng chứng thêm (corroboration), không có bất cứ bằng chứng vật lý nào và không có bất cứ mẫu tác phong nào trước đó, trước sự kiên quyết nhất mực của người bị coi là thủ phạm rằng không có chuyện gì thuộc loại này xảy ra cả. Điều đó, gần như theo định nghĩa, đáp ứng các tiêu chuẩn của sự nghi ngờ hợp lý.

Càng ngạc nhiên hơn nữa, bồi thẩm đoàn kết án Đức Hồng Y Pell đã tấn công cậu bé thứ hai, mặc dù anh ta đã phủ nhận với chính gia đình mình rằng mình từng bị quấy rối. Người được cho là nạn nhân thứ hai đã chết năm 2014. Anh ta không bao giờ khiếu nại, không bao giờ được cảnh sát phỏng vấn và không bao giờ được kiểm tra tại tòa án.

Không có sự thù hận công cộng đối với Đức Hồng Y Pell, một trường hợp như vậy thậm chí sẽ không bao giờ được đưa ra tòa. Nhưng chỉ vì cảnh sát đã có người của họ trước khi họ có bất cứ cáo buộc hay bằng chứng nào, các công tố viên biết rằng họ có cơ hội tốt để có được một bồi thẩm đoàn quyết kết án Đức Hồng Y Pell đến mức họ chỉ phải cho những người này cơ hội mà thôi.

Một phiên tòa bí mật

Theo luật Victoria, một thẩm phán có thể ban hành lệnh cấm bất cứ và mọi tường trình về vụ án, khi họ nghĩ là cần thiết để bảo vệ một phiên tòa khỏi bị áp lực công cộng không đáng có. Lệnh cấm tường trình này, có nghĩa là ngay cả các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell cũng không được tiết lộ cho đến tuần này, hơn hai tháng sau khi bị kết án, rõ ràng là để bảo vệ Đức Hồng Y Pell được xét xử công bằng.



Trong thực tế, nó bảo vệ các công tố viên khỏi phải bảo vệ sự yếu kém của vụ án của họ trước tòa án công luận. Nếu, gần hai năm trước, các công tố viên đã phải tranh luận trước công chúng rằng Đức Hồng Y Pell đã hãm hiếp hai cậu bé ca viên trong một nhà thờ chính toà đông đúc ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật, ít nhất sẽ có một chút áp lực đối với bộ trưởng tư pháp Victoria phải duyệt lại xem liệu công lý đám đông (mob justice) có đang tiến hành hay không, như năm ngoái tại Úc, nơi Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của thành phố Adelaide bị kết án vì che đậy một vụ lạm dụng tình dục. Ngài đã bị kết án, và mặc dù ngài không muốn từ chức trước khi việc kháng cáo của ngài được thụ lý, áp lực từ Vatican, các giám mục anh em và thủ tướng Úc đã buộc ngài phải từ chức.

Chỉ vài tháng sau, ngài được tha bổng khi chống án, với thẩm phán tòa phúc thẩm phán quyết rằng bồi thẩm đoàn kết án ngài có khả năng bị ảnh hưởng bởi cơn giận dữ công khai đối với Giáo Hội Công Giáo.

Việc ấy đã xảy ra một lần nữa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư Mục Vụ Gởi Người Việt Công Giáo Tại Úc về Vụ Án Đức Hồng Y George Pell
VietCatholic Network
03:24 03/03/2019
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ngày Thứ Ba Béo và Thứ Tư Lễ TRo
Nguyễn Ngọc Duy Hân
18:00 03/03/2019
Ngày "Shrove Tuesday"

Trong tuần lễ đầu tháng Ba này có hai ngày đặc biệt. Đầu tiên là ngày "Shrove Tuesday" năm nay rơi vào thứ Ba, 5 tháng 3 và ngay sau đó là thư Tư Lễ Tro "Ash Wednesday" vào 6 tháng 3, bắt đầu Mùa Chay trong đạo Công Giáo.

Shrove Tuesday còn được gọi là ngày Pancake Tuesday hay ngày Mardi Gras (Fat Tuesday). Mardi Gras theo tiếng Pháp nghĩa là Thứ Ba Mập Béo, người ta thường ăn bữa ăn nhiều chất béo, ngon lành trước khi bắt đầu ăn kiêng theo nghi lễ của Mùa Chay ngay hôm sau vào Thứ Tư Lễ Tro. Chữ shrove, có nghĩa là thú nhận hoặc xưng tội. Ngày hội này được tổ chức rất lớn tại châu Âu, Hoa Kỳ, Ireland, Úc, Anh, Canada... đặc biệt rất nổi tiếng tại New Orleans nước Mỹ.
Người ta ra đường với mặt nạ và trang phục màu sắc, các hình ảnh đảo lộn với quy ước xã hội thông thường, khiêu vũ, thi đấu thể thao, xe hoa diễn hành... rất vui nhộn.

Ngày Thứ Ba này còn được gọi là Ngày Bánh Crepe (pancake). Pancake là một loại bánh mỏng làm từ bột mì được chiên vàng hai mặt. Bánh này làm bằng trứng – Trứng được mang ý nghĩa của sự sáng tạo, sanh sôi nảy nở. Thành phần chính của bánh là bột mì - là thức ăn cơ bản nuôi sống con người và muối – tượng trưng cho khát vọng sống, sự mặn mà để làm hương vị cho tinh thần và sữa – đại diện cho sự thanh khiết. Pancade thường được dùng với nước đường đặc biệt (golden syrup) hoặc nước chanh. Nhiều nơi cũng thêm vào trên mặt bánh các loại trái cây, bơ, chocolate, mứt... tùy theo sở thích của người dùng.

Người ta tìm thấy công thức hướng dẫn làm bánh pancake đầu tiên từ năm 1439 và được yêu thích đến nay. Tại nhiều nơi có nhà hàng chuyên bán bánh pancake, có nơi là nhà hàng Pancake Buffet luôn, tức là tha hồ ăn bao nhiêu bánh thì ăn với một giá nhất định. Người ta cho rằng hình tròn và màu vàng của bánh pancake tượng trưng cho Mặt Trời. Nắng ấm và ánh sáng của mặt trời xua tan những ngày đông lạnh giá và báo hiệu mùa Xuân đến.
Tại Anh, cuộc thi đua bánh pancake là một phần không thể thiếu trong Shrove Tuesday. Người ta chạy đua trên đường trong khi đang tung bánh pancake, người thắng cuộc là người chạy nhanh nhất trong khi vẫn tung bánh trên chảo mà không rớt.
Thứ Ba Béo là ngày cuối cùng trước khi ăn chay, kiêng cử các món ngon, béo ngậy ngọt ngào trước khi bắt đầu Mùa Chay ăn năn thống hối.

Mùa chay kéo dài 40 ngày trước lễ Phục Sinh (Easter), đây là khoảng thời gian người theo đạo Chúa ăn chay, hãm mình, giữ lời ăn tiếng nói, thống hối, làm việc thiện...

 Người Âu Mỹ lâu nay sống trong thanh bình, no ấm, luôn có nhiều ngày hội văn hóa, thể thao để vui chơi. Nhưng dù vui cũng có lúc muốn quay về để tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, mang lại niềm vui cho người khác.

Mùa Chay

Các tôn giáo thường đề cao việc ăn chay cầu nguyện, vì có nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm linh. Trong Đạo Công Giáo, Mùa Chay (Lent) là thời gian để ăn năn, sửa đổi con người cũ của mình.
Mùa chay là mùa Hồng Ân. Chúa phán: "Đây ta làm một thế giới mới" (Kh 21, 5)

Mùa Chay dài 40 ngày, bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro (Ash Wednesday), năm nay vào ngày 1 tháng 3, 2017 và kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau đó chuẩn bị chào đón Phục Sinh (Easter)

Trong Kinh Thánh đã có nhiều câu nói về viện ăn chay, hãm mình:
Khi con giúp đỡ người nghèo khó, đừng đánh trống thổi kèn việc con làm (Mt 6, 2)

Chúng ta cũng có thể áp dụng một vài điều, để sống tốt hơn trong mùa Chay này:

Ăn chay bằng đôi mắt:
Chỉ xem những gì lành mạnh tốt đẹp. Luôn có cái nhìn yêu thương, mang niềm vui cho người khác.

Ăn chay bằng đôi tai:
Sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ vui buồn với người chung quanh. Bỏ ngoài tai những điều cám dỗ, nói hành nói xấu, không đúng sự thật.

Ăn chay bằng miệng lưỡi:
Giữ gìn lời ăn tiếng nói “Hễ có thì nói có, không thì nói không. Thêm bớt là do ma quỷ” (Mt 5: 37)
Luôn mỉm cười, nói lời ngọt ngào an ủi, nâng đỡ tinh thần.
“Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra
làm ta ra ô uế” (Mt 15: 11)

Ăn chay bằng đôi tay:
Đôi tay siêng năng làm việc tốt lành, không ươn lười, không đập đổ.

Ăn chay bằng đôi chân:
Đôi chân biết rảo bước thăm viếng anh em, tiến trên đường Công Chính.
Chân không đi mãi, nhưng biết dừng lại để nhìn bước đường mình đã đi qua, suy nghĩ và tiến tới với những việc tốt đẹp hơn.

Ăn chay bằng đôi vai:
Biết chịu trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng với người khác.
Quan tâm hơn đến việc chung, ý thức hơn khi giao tiếp với người chung quanh

Ăn chay bằng trí óc:
Sử dụng đầu óc để phân biệt trái phải, không nghe lời xu nịnh. Dùng lý trí chiến thắng xác thân, không vì tình cảm yếu mềm.

Ăn chay bằng trái tim:
Giữ trái tim không chai cứng vô cảm, trái lại biết cảm thông tha thứ, biết quan tâm tới người khác, tới vận mệnh đất nước.

Tro là dấu hiệu cho thấy ta bé nhỏ, xức tro trên trán ngày thứ Tư Lễ Tro để nhắc nhở mình cần khiêm nhượng sửa mình, vì cuối cùng ai cũng sẽ trở về với bụi tro.
Tro tàn là khi gia đình thiếu yêu thương tha thứ, khi bạn bè mất nhau vì tính ích kỷ, nghi kỵ.

Xức tro trên đầu trong ngày thứ Tư Lễ Tro không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn:

“Xức tro” về cách ăn ở, sinh hoạt:
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.
Gìn giữ vệ sinh cá nhân, tập thể dục để gìn giữ sức khỏe, ăn uống có chừng mực.
Bỏ bớt những đam mê về giải trí, internet, rượu bia thuốc lá, tiêu xài hoang phí...

“Xức tro” về cách cư xử:
Đổi buồn sầu trách cứ thành tươi vui, thông cảm. Đổi dửng dưng thành niềm nở quan tâm.
Thay vì phao đồn tin xấu, tìm những điều tốt, đức hạnh để trao nhau.
Thay vì than phiền, nói lời khen tặng và cảm ơn nhau nhiều hơn.
Thay vì gây hoang mang chia rẽ, tích cực tạo bình an cho người khác.
Thay vì chỉ nói suông, quyết tâm giúp đỡ người kém may mắn: Trao tặng tiền trợ giúp, thức ăn, lời an ủi...
Tránh hồ đồ nóng nảy, chiến đấu với sự lười biếng ngại khó.

Nguyễn Ngọc Duy Hân
 
Cần lắm những dấu lặng, từ cuộc sống đời thường đến cử hành phụng vụ!
Gioakim Trương Đình Giai
19:54 03/03/2019
Cần lắm những dấu lặng, từ cuộc sống đời thường đến cử hành phụng vụ!


Tháng 3 là tháng Giáo hội CG đặc biết kính thánh Giuse, con người của thinh lặng. Phải chăng đây là nét đặc trưng nổi bật nhất của thánh Giuse. Ta không biết trong đời thật thánh Giuse là người như thế nào, chỉ biết người được mệnh danh là “người công chính”. Các Tin Mừng không hề ghi một lời nói nào của người cả, nhất là những lúc mà một người đàn ông bình thường luôn lên tiếng. Ví dụ lúc chưa về sống với Đức Maria mà thấy người mang thai, thánh Giuse âm thầm định lìa bỏ bà cách kín đáo, thay vì điều tra, hạch hỏi, hoạnh họe, tố cáo, hay lên án; hay lúc Maria đến ngày mãn nguyệt khai hoa, tìm không được chỗ trọ, bị từ khước, người cũng không hề than trách, càm ràm, bực dọc; hay khi Đức Giêsu 12 tuổi lên đền thờ Giêrusalem cùng với cha mẹ nhưng sau đó ở lại đền thờ Giêrusalem, lúc gặp lại Hài nhi, cũng không thấy thánh Giuse lên tiếng là rầy, trách móc Hài nhi mà là Đức Maria.

Con người ngày nay quá quen với những âm thanh ồn ào mà người ta gọi là một thứ ô nhiểm âm thanh. Quen đến độ người ta cảm thấy như thể không thể sống nếu thiếu chúng: Khi cuộc sống không bị lấp đầy bởi những tiếng động, âm thanh người ta cảm thấy sự thinh lặng thật nặng nề, trống vắng. Ngoài chợ đời đã vậy, ngay cả trong các nơi thờ tự cũng có khi bị quấy rối bởi tiếng động. Thậm chí trong trong các giờ tỉnh tâm, trong thánh lễ, những phút giây thinh lặng quý hiếm cũng thường bị coi thường, lãng quên. Trong nhà chầu thánh thể, lẽ ra là nơi chỉ dành cho cầu nguyện tuyệt đối trong thinh lặng, người ta cũng thường có khuynh hướng đọc kinh, lần hạt lớn tiếng.

Tôi nhớ trong một đợt linh thao với một nhóm sinh viên, sau một tuần sống thinh lặng suy niệm và cầu nguyện, đến ngày thứ bảy là ngày đúc kết, chia sẻ chứng từ, có một bạn nữ sinh viên chia sẻ bình thường bạn quen nói nhiều, nên cảm thấy rất khó chịu khi không được phép nói, nên lúc đầu bạn ấy thấy rất khó giữ thinh lăng, thấy không khí thinh lặng thật nặng nề, nhưng rồi ngày qua ngày, với trải nghiệm thinh lặng ngày càng tuyệt diệu, bạn ấy cảm thấy muốn kéo dài thời gian tỉnh tâm thinh lặng như thế thêm nữa. Quen sống trong thế giới ồn ào, người ta cứ ngỡ rằng mình không thể thiếu nó, cho đến khi bước dần vào thinh lặng, nếm hưởng được hương vị của thinh lặng, người ta mới nhận ra đây chính là điều thực sự cần thiết, và quan trọng cho đời sống nội tâm của mình. Chính vì thế tháng 3, tháng kính Thánh Giuse, có lẽ là thời gian thuận tiện để ta chiêm ngắm thánh Giuse, để qua đó ta thấy được tầm quan trọng của sự thinh lăng và nhất là để cùng người học thinh lặng. Tục ngữ dân gian có câu: Thinh lặng là vàng (“Le silence est d’or”). Maeterlinck, trong tác phẩm Le trésor des humbles (tạm dịch là “Kho tàng của những người khiêm nhu”) viết như sau: “Các tâm hồn lắng đọng trong thinh lặng, như vàng và bạc lắng đọng trong nước tinh khiết, và những lời chúng ta nói chỉ có ý nghĩa nhờ sự im lặng trong đó chúng trầm mình”. Từ kinh nghiệm khôn ngoan nhân loại đến các truyền thống tu thiền, hay chiêm niệm của tôn giáo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự thinh lăng trong đời sống tu đức. Trong tương quan tình yêu nam nữ, lúc ban đầu mới yêu nhau người ta có nhu cầu trao đổi chuyện trò rất nhiều, nhưng khi tương quan trở nên thân thiết hơn, người ta bớt lời, và thích cảm nhận của con tim hơn. Một nhà hiền triết nào đó đã nói: Sự thinh lăng là hoa trái của sự trưởng thành. Trong truyền thống tu đức Kitô giaó, sự thinh lặng càng được đánh giá rất cao nếu không muốn nói là cao nhất. Thinh lặng được đề cao như thế chỉ vì trong thinh lặng, ta mới có thể lắng nghe tiếng Chúa nói, điều duy nhất cần thiết đối với Kitô hữu. “Hỡi Israen, hãy im lặng mà nghe! Hôm nay ngươi đã trở thành dân của Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngươi hãy nghe tiếng Đức Chúa. Thiên Chúa ngươi, và đem ra thực hành những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người” (Đnl 27, 9) như hôn thê ‘nhận ra’ tiếng của Người Yêu (Dc 2,8; 5,2; 8,13). Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê trong tiếng tí tách của bụi gai bốc cháy (x. Xh 3), có khi Ngài lại xuất hiện cho Êlia trong làn gió hiu hiu (x. 1V 19,12-13), khi khác Ngài lại muốn thổ lộ tâm tình với Israel trong sự thinh lặng của sa mạc (x. Hs 2,16). Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu nhưng Ngài cũng là Vị Thiên Chúa ẩn mình (Is 45,15), thầm lặng và hiện diện nơi kín đáo. Chính Đức Giêsu cũng dạy cho chúng ta nếu muốn cầu nguyện thực sự ta phải vào phòng, đóng kín cửa…(Mt 6,6). Điều này không chỉ có nghĩa để không bị ảnh hưởng bởi tiếng động bên ngoài mà còn phải đạt được từ từ đến sự thinh lăng nội tâm, siêu thoát khỏi mọi tham sân si, duc vọng, ngộ nhận… Nếu trong kinh nghiệm dân gian, sự thinh lăng được coi là vàng, thì trong truyền thống tu đức của các tôn giáo nói nói chung và của Kitô giáo nói riêng thinh lặng còn được xem là kim cường, ngọc quý. Đức Giêsu cho thấy việc thinh lặng để lắng nghe lời Chúa là quan trong trọng hơn hết: Chỉ có một điều cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần nhất. (Lc 10, 38-42).

Trong kinh nghiệm dân gian, người ta nhân thấy hầu hết các xung đột nhỏ đến lớn, từ trong gia đình, đến xã hội, đều xuất phát từ lời nói. Bởi vậy tục ngữ có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, lưa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Theo thánh Giacôbê, người ta thường phạm tội lỗi qua miệng lưỡi, Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. (3, 6) Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân (3, 2). Điều đó chẳng khác nào ngài muốn nói chẳng ai hoàn toàn giữ được miệng lưỡi cả vì nhân vô thập toàn. Giới răn quan trọng nhất trong Kitô giáo là giới răn yêu thương, đức ái là điều quan trọng nhất, cao trọng nhất, đáng ao ước nhất và mãi mãi tồn tại, nhưng làm sao sống được đức ái, trước tiên là bằng lời nói, nếu tâm hồn chúng ta đầy ắp những tiếng động ồn ào, miệng lưỡi chúng ta không biết kiềm chế.

Thinh lặng bên ngoài đã quan trọng, thịnh lặng nội tâm còn quan trọng đến mức nào, bởi chưng không có thinh lặng, ta chẳng làm gì thực sự có giá trị trước mặt Chúa.

Cần thinh lặng cho đời sống cá nhân, cần thinh lặng cho đời sống cộng đoàn, cần thinh lặng cho đời sống xã hội. Cần thinh lặng để yêu thương, cần thinh lặng để gặp gỡ, cần thinh lặng để thờ phượng, cần thinh lặng. Cũng như trong một bản nhạc, có những dấu lặng, trong sinh hoạt của con người cần biết bao những dấu lặng như vậy, huống chi là trong đời sống thiêng liêng, trong sinh hoạt tôn giáo, và nhất là trong phụng vụ Kitô giáo. Thánh Gioan Thánh giá nói: Thinh lặng là ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa; Ngôn ngữ mà Thiên Chúa nghe rõ nhất là tình yêu thinh lặng.

Nhà thần bí Meister Eckart nói: Thiên Chúa giống như sự thinh lặng. Bởi thế, nếu con người muốn tìm gặp và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa thì điều kiện thiết yếu là thinh lặng. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: Hãy nhìn xem thiên nhiên thế nào - cây, cỏ, hoa - chúng lớn lên trong thinh lặng; hãy nhìn xem tinh tú, mặt trời và mặt trăng, chúng chuyển vận trong thinh lặng ra sao. Chúng ta cần thing lặng để có thể chạm đến linh hồn.

Phụng vụ là một trong những môi trường thuận tiện nhất cho việc gặp gỡ và cảm nhận Thiên Chúa. Do vậy, vô cùng cần thiết dành thời gian cho nhưng phút giây thinh lặng trong giờ cử hành phụng vụ. Thật ra trong cử hành thánh lễ, vẫn có những quy định về các phút thinh lặng, nhưng với thời gian, với cuộc sống vội vã, người ta càng có khuynh hướng cắt xén những phút thinh lặng, hoặc chỉ giữ qua loa chiếu lệ mà thôi. Người ta chưa nhận thức được giá trị lớn lao, đẹp đẽ, thánh thiêng của những phút thinh lặng hiếm hoi như thế, mà nếu thiếu đi, sẽ mất hẳn đi sự long trọng, thiêng thánh, vẽ đẹp, tính thông truyền đức tin của phụng vụ Kitô giáo. Theo tác giả Robert Hovda, thinh lặng phải được xem như là một điều kiện cần và đủ của phụng vụ. Ông nói: Nếu không đạt được "cảm thức linh thánh" thì thử hỏi chúng ta tìm thấy gì trong phụng vụ, phải chăng là sự an ủi hay những thứ không liên quan gì đến đức tin hoặc có khi chẳng có chi cả.

Thiết nghĩ thánh lễ sẽ sốt sắng, sẽ ấn tượng hơn biết bao khi khởi đầu thánh lễ, cả linh mục và cộng đoàn cung kính phủ phục sấp mình thinh lặng trước bàn thờ đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Phút thinh lặng tiếp theo là phút thinh lặng hồi tâm, sau lời mời gọi sám hối, trước khi đoc kinh cáo mình. Phút thinh lăng tiếp theo là phút thinh lặng là phút thinh lặng để Lời Chúa có cơ hội thấm nhập vào lòng tín hữu tham dự thánh lễ, tạo nên âm vang trong lòng họ, sau bài giảng của linh mục, Phút thinh lặng tiếp theo là phút thinh lăng để chuẩn bị tâm hồn người tín hữu bước vào nghi thức cao trọng nhất của phụng vụ thánh thể, trước khi đọc lời truyền phép. Phút thinh lặng tiếp theo là phút thinh lặng tưởng nhớ đến các linh hồn đã qua đời, sau lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, các đấng bậc, mọi người quá cố. Phút thinh lặng tiếp theo là phút thinh lặng để sống tâm tình thân mật với Chúa trong Bí tích thánh thể sau khi hiệp lễ. Chưa nói là rất cần những khoảnh khắc thinh lặng trong từng lời kinh nguyện, thậm chí trong bài giảng của linh mục, nhằm tạo sự chú ý, lắng đọng. giúp người tín hữu có thời để có thời gian suy tư, suy niệm, cầu nguyện, chứ không phải chỉ là đọc những lời kinh nguyên, hay xướng thưa. Nói chung cần phải có những khoảnh khắc thinh lặng như thế để những từng lời nguyện, lời kinh, lời giảng trở thành cơ hội tiếp cận, kết hiệp với Chúa chứ không phải chỉ là những nghi thức cử hành như một thủ tục, quá quen thuộc cốt chỉ đọc, lặp lại cho xong.

Ngày này người ta bị ám ảnh bởi vận tốc, ngay cả một số linh mục. Hoặc vì có linh mục muốn chiều theo thói đời, chiều theo sự dễ dãi của những người đi dự lễ như một thủ lục, để trả nợ luật lệ. Điều nghịch lý là càng chiều theo thói đời, càng làm cho thánh lễ mất đi sự thánh thiêng, sự thu hút thần bí, làm cho giáo dân dân càng xa dần thánh lễ. Thật ra, trừ những người giữ đạo vì luật lệ, người ta đến nhà thờ, đến dự thánh lễ, là muốn tìm một thời gian, một không gian thiêng thánh, hoàn toàn khác biệt với đời thường. Chính vì thế, cần phải chuẩn bị, làm mọi sự, cử hành thánh lễ thế nào để thánh lễ trở nên một cơ hội cảm nhận sự hiện diện của Chúa, và có thể gặp gỡ Chúa. Thật ra, đối với thánh lễ Chúa Nhật, chỉ cần một tiếng đồng hồ thật chất lượng là đủ. Một bài giảng có thể rút ngắn đi, nhưng những phút thinh lặng thánh thiêng nói trên không thể hy sinh vì bất cứ giá nào. Trong kinh nghiệm thường ngày cho ta thấy, ta không làm bất cứ điều gì thực sự có ý nghĩa nếu bị áp lực bởi thời gian, nếu tâm lý bị thúc bách bởi thời gian. Huống chi là cử hành phụng vụ, cử hành thánh lễ, nguồn mạch của đời sống Kitô hữu.

Được cử hành một cách thành tâm, chăm chút, thánh lễ chẳng những sẽ trở nên sốt sắng, long trọng, thiêng thánh hơn, trở thành cơ hội thuận tiện cảm nhận sự hiện diện và gặp gỡ Chúa, mà còn mang tính giáo huấn, thông truyền đức tin cho người giáo dân, cũng như những lương dân có dịp tình cờ hay chủ ý tham dự thánh lễ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quý trọng sự thinh lặng, cảm nhận sự thiêng thánh của thinh lặng, dành thời gian sống thinh lặng trong cuộc sống cá nhân, cộng đoàn, trong các sinh hoạt tôn giáo, và nhất là trong việc cử hành phụng vụ vì đó là cơ hội thuận tiện để chúng con có thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Chúa và gặp gỡ Người. Amen

Gioakim Trương Đình Giai
 
Ý Niệm Linh Hứng trong Thánh Kinh
Vũ Văn An
21:48 03/03/2019


Gần đây, nhân những cuộc tranh biện liên quan đến biện phân, đã có những ý kiến nói đến các giáo huấn Thánh Kinh hơi quá cấp tiến đến cho rằng hồi ấy chưa có video để ghi lại các biến cố và lời mạc khải như ta đọc hiện nay trong bộ sách thánh được công nhận thành qui điển Công Giáo. Ý niệm linh hứng hình như bị đặt thành nghi vấn trong bối cảnh này. Để soi sáng, chúng tôi dựa vào tài liệu của “The New Jerome Biblical Commentary”, ấn bản dành cho sinh viên, bài của Raymond F. Collins, S.T. D., giáo sư thường trú, phân khoa Thần Học, Đại Học Công Giáo Leuven, Louvain, Belgium, để viết đôi điều về ý niệm nền tảng này.

I. Công Đồng Vatican II

“Linh hứng Thiên Chúa và việc giải thích Thánh Kinh” là tựa đề chương 3 của Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa (Dei Verbum, 18/11/1965) của Công Đồng Vatican II. Trong văn kiện này, linh hứng là lối nói đặc biệt chỉ đặc điểm thánh thiêng độc đáo của Thánh Kinh, đem lại những hệ luận quan trọng đối với cách các tín hữu xem xét các sách Cựu và Tân Ước.
Quả quyết chủ yếu của Công Đồng (3:11) là:

“Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần (Spiritu Sancto afflante consignata sunt). Thực vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần (Spiritu Sancto inspirante conscripti) (x. Ga 20,31; 2Tm 3,16; 2Pr 1,19-21; 3,15-16) nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy. Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi.

Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các thánh sử (quod auctores inspirati seu hagiographi asserunt), là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta. Bởi vậy ‘mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành’ (2Tm 1, 16-17 bản Hy Lạp)”.

Rõ ràng Vatican II có ý định nhắc lại giáo huấn truyền thống về linh hứng. Bản văn trên đây nhắc đến 4 đoạn Tân Ước thường được trích dẫn trong cuộc tranh luận lâu dài của lịch sử Giáo Hội về linh hứng, nhất là 2Tm 3:16 và 2Pr 1:19-21. Ở một giai đoạn tương đối trễ của cuộc thảo luận tại Công Đồng về linh hứng và để đáp ứng một can thiệp của Dom B.C. Butler, 2Tm 3:16-17 đã được lồng vào để không ai còn hiểu lầm cách các nghị phụ hiểu về tín lý linh hứng của Thánh Kinh và điều các ngài coi là mục đích của nó. Các ngài có ý nhắc lại chính giáo huấn của Tân Ước. Về phương diện này, lời tuyên bố của Vatican II về linh hứng đồng tình với quan điểm của nhiều Kitô hữu Tin Lành, là những người vốn coi Thánh Kinh Tân Ước, nhất là 2Tm 3:16-17 và 2Pr 1:19-21, cung cấp các chứng tá chủ yếu về cách phải hiểu và phát biểu linh hứng ra sao.

Ý muốn của các nghị phụ trong việc tóm lược giáo huấn truyền thống về linh hứng được chứng tỏ hơn nữa bằng các tham chiếu ở phần chú thích: trích dẫn Dt 1:1; 4:7; 2Sm 23:2; Thánh Mátthêu sử dụng các công thức trích dẫn (như Mt 1:22); Thánh Augustinô (De Genesi ad literam,2.9.20; Ep. 82.3) và Thánh Tôma Aquinô (De veritate 1.12, a.2). Các chú thích cũng nhắc đến Trent và Vatican I cũng như hai thông điệp chính đã ban hành giữa Vatican I và Vatican II, tức Providentissimus Deus (1893) của Đức Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu (1943) của Đức Piô XII. Quan tâm của Vatican II muốn nhắc lại giáo huấn truyền thống về linh hứng càng có ý nghĩa hơn trước bối cảnh sơ đồ (schema) có tính nghịch hành (retrogressive) về linh hứng được đưa ra ở buổi đầu Công Đồng, cũng như cuộc thảo luận sâu rộng từng dẫn đến việc không những bác bỏ sơ đồ này mà còn dẫn tới nhiều duyệt xét bản văn cuối cùng được đúc kết thành một phần trong Dei Verbum.

Chín đoạn nữa đã được thêm vào Dei Verbum (7, 8, 9, 14, 16, 18, 20, 21, 24) làm cho việc nhắc đến sự linh hứng của Thánh Kinh rõ ràng hơn. Bản văn của Công Đồng quả quyết rằng Cựu Ước (3:14), Tân Ước (4:16), các Tin Mừng (5:18), Các thư của Thánh Phaolô và các trước tác của các Tông Đồ khác (5:20) đều được linh hứng. Một số đoạn văn của Công Đồng trích dẫn linh hứng như là một đặc tính của các bản văn Thánh Kinh (2:8; 6:21, 24) trong khi đó, nhiều đoạn văn khác hoặc khẳng định sự linh hứng của những người liên hệ trong trước tác Thánh Kinh hoặc nhắc đến các bản văn như đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (2:9; 4:14; 5:20; xem 2:7; 5:18). Thiên Chúa là “Đấng linh hứng và tác giả của cả hai tín ước” (4:16); ở nơi khác, linh hứng được chuyên biệt gán cho Chúa Thánh Thần (2:7,9; 5:18,20). Linh hứng được trích dẫn nhiều lần như là cơ sở để coi Thánh Kinh là (hay chứa đựng) lời Thiên Chúa (2:9; 4:14; 6:21,24). Các Tin Mừng được hưởng đặc sủng linh hứng một cách hết sức nổi bật (3:11; 5:18).

II. Truyền thống Kitô Giáo và Do Thái Giáo buổi đầu

(I).Tân Ước

Vậy, truyền thống nói gì về linh hứng? Hai đoạn Thánh Kinh quan trọng nhất là 2Tm 3:16-17 và 2Pr 1:19-21. Trong mỗi đoạn văn này, Bản Phổ Thông La Tinh đều dùng chữ inspirare (nghĩa đen là hít vào). Từ chữ này không những có chữ tiếng Anh inspire mà cả những chữ tương tự trong văn chương lãng mạn tân thời và các ngôn ngữ Đức nữa. Thoạt đầu, đoạn 2Tm, đoạn nói tới sự linh hứng của Thánh Kinh, xem ra quan trọng hơn đoạn 2Pr, tức đoạn nói tới sự linh hứng của việc nói tiên tri.

A. 2Tm 3:16-17

“Mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.

Bối cảnh trước mắt (3:10-17) khuyến khích Timôtê noi gương Thánh Phaolô và tiếp tục truyền thống giáo huấn của ngài. Timôtê được nhắc nhở nhớ đến “các trước tác thánh thiêng” mà ông vốn đã làm quen từ thuở nhỏ. Các trước tác này hiển nhiên là Thánh Kinh Do Thái (mặc dù qui điển dứt khoát của Do Thái chưa được xác định khi 2Tm được trước tác). Các trước tác thánh thiêng này “có khả năng dạy dỗ con để được cứu rỗi nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô” (2Tm 3:15). Mục đích của chúng là cứu rỗi, nhưng chìa khóa dẫn tới mục đích cứu rỗi này là Chúa Giêsu Kitô.

Ngoài việc nhắc tới Chúa Kitô này, thái độ của tác giả đối với các trước tác thánh đã được hình thành bên trong truyền thống Do Thái. Hai tác giả Do Thái chính vào thời văn hóa Hy Lạp mà các tác phẩm còn được lưu giữ đã nói tới các Sách Thánh Do Thái như là “các trước tác thánh” (Philo, De vita Mosis 2.292; Josephus, Ant. 10.10.4 §210). Theo Misna, các người thuộc phái nam Do Thái được huấn luyện về Sách Thánh từ lúc 5 tuổi (ʼAbot 5:21). Mặc dù việc nhắc đến đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (2Tm 3:15) rõ ràng cho thấy một viễn tượng Kitô Giáo, nhưng “sự hiện thực hóa” việc giải thích hàm chứa trong 2Tm rất nhất quán với cách giải thích Thánh Kinh trong các bản chú giải Qunram và các bản chú giải rabbi.

Các câu 16-17 cho ta một suy tư có tính giải thích đối với câu 15 nghĩa là về ích lợi của các trước tác thánh trong việc huấn giáo. Tác giả nhắc đến lý do tại sao các trước tác thánh lại có giá trị (câu 16a) và rồi nói rõ cách chúng có thể được sử dụng (các câu 16b-17). Bản Hy Lạp không hoàn toàn rõ ràng, như nhiều bản dịch đã cho thấy. Có ba tối nghĩa chính ở đây: (1) nghĩa của pasa graphē (“mọi sách thánh”), (2) nghĩa của theopneustos (“linh hứng”), và (3) chức năng văn phạm của theopneustos.

Sự hàm hồ của pasa graphē dễ thấy qua các bản dịch thay đổi từ “trọn bộ Thánh Kinh” (Living Bible) tới “mọi sách linh hứng” (NEB) và kiểu dịch chính xác từng chữ “mọi Sách Thánh”. Một mình nó, graphē có thể có nghĩa một câu viết đơn nhất, trọn một cuốn sách, hay toàn bộ Sách Thánh. Pasa có thể có nghĩa bao gồm (“trọn bộ”, tiếng Anh: whole) hay nghĩa phân bổ “mọi” (tiếng Anh: every). Vì Tân Ước không dùng “Sách Thánh” để chỉ một sách đơn nhất, nên khả thể kia phải bị loại bỏ. Vì bộ sưu tập các Sách Thánh Kitô Giáo, đến lúc viết 2Tm, vẫn chưa hiện hữu, nên kiểu nói “mọi Sách Thánh” chỉ có thể nói tới các Sách Thánh Do Thái mà thôi, như cũng đã được chứng tỏ bởi lối nói song hành “các trước tác thánh” ở câu 15. Cuối cùng, vì pasa graphē thiếu mạo từ xác định, nên phần lớn nó có nghĩa là mọi đoạn của Thánh Kinh.

Theopneustos (một chữ hiếm thấy) đã được đặc trưng dịch là “được Thiên Chúa linh hứng” nhưng chúng ta cũng gặp chữ “được linh hứng” đơn độc (NEB). Được hợp thành bởi theo, từ chữ theos “Thiên Chúa” và pneustos, từ động từ pneō, “thở, hít”, nó được tìm thấy một lần trong Tân Ước, nhưng không bao giờ được tìm thấy trong Bản Bẩy Mươi, và chỉ tìm thấy 4 lần khác trong các trước tác Hy lạp còn đến nay. Hiểu theo nghĩa tác động, nó gợi lên ý niệm Sách Thánh tràn đầy hơi thở hay thần khí (inspiring) của Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa thụ động, theopneustos gợi ý niệm: Sách Thánh đã được thở hơi (inspired) bởi Thiên Chúa. Đại đa số các nhà chú giải và các bản dịch xưa và nay hiểu tĩnh từ này theo nghĩa thụ động (1), nên pasa graphē theopneustos có nghĩa là Sách Thánh được linh hứng.

Vẫn còn vấn đề chức năng văn phạm của theopneustos. Nó được dùng như một vị ngữ (predicate) (RSV: “mọi Sách Thánh đều được linh hứng”) (All Scripture is inspired) hay như một thuộc ngữ (attribute) (một số bản xưa và bản của NEB): “mọi Sách Thánh được linh hứng” (every inspired Scripture)? Vấn đề văn phạm là: bản Hy Lạp thiếu động từ chính, nên một động từ liên từ (“là”) phải được cung cấp cho câu này. Sức nặng của các bản giải thích xem ra nghiêng về việc hiểu “được linh hướng” theo nghĩa vị ngữ. Như thế, 2Tm muốn khẳng định rằng mọi đoạn trong Sách Thánh Do Thái đều được linh hứng; hậu quả, do đó, là các Sách Thánh này đều hữu ích cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính. Vì Sách Thánh phát xuất từ Thiên Chúa, nên chúng được sử dụng một cách có ích trong các mục đích cả huấn giáo lẫn bảo khuyên luân lý.

Vì mọi việc sử dụng khác của chữ theopneustos, “được linh hứng”, đã xuất hiện trong văn chương viết sau 2Tm (Plutarch, Vettius Valens, Pseudo-Phocylides, và Sibylline Oracles.), nên một số người nghĩ rằng “được linh hứng” là một chữ do tác giả 2Tm sáng chế để làm nổi bật nguồn gốc thần thánh của Sách Thánh (xem C. Spicq, “theodidakoi, theoneustos,” Notes de lexicographie néotestamentaire [Gottingen, 1978] 1. 372-374). Tuy nhiên, ý kiến trổi vượt của các học giả là: “được linh hứng” là một chữ vay mượn từ các mô tả trong văn hóa Hy Lạp xưa về kinh nghiệm ngất trí của các tiên tri bói toán (mantic prophets).

theopneustos không được Philo sử dụng, nhưng mô tả của ông về Môsê như “một tiên tri có phẩm chất cao nhất” (De vita Mosis, 2.187-191) thì phần nào tương tự như kinh nghiệm đã được tóm lược trong Sibylline Oracles (Sấm ngôn Sybilline) và các bản văn khác của văn hóa Hy Lạp. Đối với Philo, vai trò của Môsê như một tiên tri là “công bố nhờ linh hứng (thespizē) điều không thể nắm được bằng lý trí”. Philo phân biệt 3 loại phát ngôn của Thiên Chúa: (1) tiên tri phục vụ như người giải thích các phát ngôn của Thiên Chúa. (2) Việc phát ngôn diễn ra trong cuộc đối thoại giữa tiên tri và Thiên Chúa. (3) “Người nói dường như ở dưới sự chiếm hữu của Thiên Chúa (enthousiōdes) nhờ thế ông chủ yếu và theo nghĩa hẹp được coi là một tiên tri”.

Philo coi các tiên tri khác ngoài Môsê là được linh hứng (Quis Rerum, 265; De vita Mosis 1.281; demutatione nominum 120). Về phương diện này, ông phản ảnh các quan điểm thông thường của Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất. Josephus viết về Balaam: “như thế ông đã nói nhờ linh hứng của Thiên Chúa, chứ không nhờ năng lực riêng của ông (epetheiazen ouk ōn en heautō tō de theiō pneumati), nhưng được thúc đẩy nói điều ông nói nhờ thần khí Thiên Chúa” (Ant. 4.6.5 §118). Trước đó, qui luật của Cộng Đồng Essene ở Qumran thúc giục các tín đồ hành động “phù hợp như các tiên tri được mạc khải bởi thần khí thánh thiện của Người” (1QS 8:16; xem 1QpHab 2:2; CD 2:12-13).

Còn đối với các Kitô hữu tiên khởi, một câu truyền thống gán cho Chúa Giêsu trong đó, Người coi Đavít được Chúa Thánh Thần linh hứng (Mt 22:43; Mc 12:36). Chúa Thánh Thần được cho là đã nói qua Đavít (Cv 1:16) hay 1 tiên tri (Cv 28:25). Thiên Chúa nói qua các tiên tri (Lc 1:70) hay qua Môsê (Mc 12:26; xem Mt 22:31; Lc 20:37). Các đoạn văn này cho thấy các Kitô hữu tiên khởi chia sẻ quan điểm thông thường của người Do Thái thời họ rằng các tiên tri, mà Môsê là điển hình đặc biệt, được Chúa Thánh Thần linh hứng.

B. 2Pr 1:19-21

“Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ... Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”.

Ngữ cảnh cận kề (1:12-21) bảo đảm niềm hy vọng cho các Kitô hữu. Sau khi suy niệm về việc hiển dung (các câu 12-18), tác giả trưng dẫn “lời tiên tri” (ton prophētikon logon ) nghĩa là toàn bộ Lề Luật, Tiên Tri, và Trước Tác: ba phần của Thánh Kinh Do Thái làm nền tảng cho niềm hy vọng theo nghĩa Thiên Chúa củng cố sự thật của nó, và sứ điệp về nó đang trong diễn trình được thể hiện. Các ý tưởng của tác giả về các tiên tri giả (2:1-3) được đưa vào nhờ một cảnh báo ở 1:20-21: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh (pasa prophēteia graphēs). Lý do vì việc nói tiên tri phát xuất từ Chúa Thánh Thần.

Kỳ sau: (II). Do Thái Giáo
_______________________________________________________________________
(1).Các bản dịch tiếng Việt cũng hiểu theo nghĩa thụ động, nhưng dịch từ này khác nhau.
Bản Tin Lành (Phan Khôi?) dịch là: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn”
Bản của Cha An Sơn Vị: “Mọi Sách Thánh đều do Thiên Phụ cảm hứng cho”
Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”
Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Kinh Thánh nhất nhất đã được thần hứng”
 
Văn Hóa
Thánh Giuse : Bổn Mạng Giáo Hội Việt Nam
Lê Đình Thông
13:41 03/03/2019
Thánh Giuse : Bổn Mạng Giáo Hội Việt Nam
Ngày 19 tháng 3 mừng kính:
Thánh Giuse công chính khiết tâm
Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Giáo Xứ gương lành cần chuyên

Cha Đắc Lộ đáp thuyền truyền giáo
Ngài giong buồm truyền đạo Thánh danh
Bão bùng Cửa Bạng xứ Thanh (1627)
Nhờ ơn Thánh Cả bình an đến bờ.

Theo Tông hiến Tông đồ Thánh vụ (1)
Thánh nhân luôn bầu cử quê hương
Giáo đoàn thoát ách tai ương
Cường quyền bách hại vững vàng vượt qua.

Nghề thợ mộc lo toan khổ cực
Có thước đo, bào, đục, cưa, khoan.
Là năm nhân đức chu toàn
Trong nhà ngoài ngõ hoàn thành nhỏ to.

Với cây thước đắn đo rất mực
Và lưỡi cưa cắt đứt dỗi hờn
Bào cho thẳng thắn nhẵn trơn
Đục, khoan cho vững, nhận ơn phước trời.

Gương Thánh Cả đời đời ghi nhớ
Luôn cần chuyên người thợ trồng nho
Việc đời việc đạo chung lo
Chu toàn bổn phận ấm no cửa nhà.

Các bạn trẻ mặn mà dấn bước
Luôn đồng hành nhập cuộc hăng say
Trung kiên đời đạo hai vai
Ơn lành chan chứa tài trai vẹn toàn

Lạy Thánh Cả chỉ đàng công chính
Cho mỗi người thanh tịnh trong lòng
Xin cho Hội thánh thông công
Cùng nhau hiệp nhất đồng lòng truyền rao.


---
(1) Sacrosancti Apostolatus (1678)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 04/03/2019: Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:22 03/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong mấy ngày qua, VietCatholic đã cố gắng cung cấp một số thông tin liên quan đến Hội Nghị Thương Đỉnh về Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội, chú trọng nhiều tới các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng và các nhân vật khác mà chúng tôi cho là chủ yếu để nắm được đường hướng giải quyết nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, một nạn đau lòng đến độ làm cho một vị Hồng Y phải tức tưởi khóc trong lúc đọc bài thuyết trình của mình. Dòng nước mắt này nhất định mang nhiều ý nghĩa cả hối hận lẫn hối tiếc và tức giận.

Nay hội nghị đã kết thúc, trong chương trình Giáo Hội Năm Châu tuần này, chúng tôi muốn duyệt lại toàn bộ các sự kiện đã diễn ra trong thời gian 4 ngày qua.

1. Ngày đầu tiên 21 tháng Hai

“Trách nhiệm, giải trình trách nhiệm, và minh bạch” cần phải là “thành phần trong DNA của Giáo Hội”. Đó là câu mở đầu Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, dùng để dẫn nhập buổi họp báo Ngày Một của Hội Nghị “Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội”.

Ông Bộ Trưởng Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh, Paolo Ruffini, là người đầu tiên lên tiếng với các nhà báo năm châu. Ông tóm tắt các bài phát biểu trong buổi sáng. Trước nhất là bài phát biểu của Đức Hồng Y Luis A. Tagle, Tổng Giám Mục Manila. Bài thứ hai là của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, phụ tá tổng thư ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin; và đề cập tới các buổi hỏi thưa sau đó.

Theo vị phối trí viên Hội Nghị là Cha Federico Lombardi, SJ, Hội Nghị đi đúng đường vào sáng thứ Năm vì đã bàn tới các hạn từ chủ chốt quan yếu. Cha nhận diện được các chữ như “Lắng nghe”, “tính đồng nghị”, “tính cụ thể”, “tính mạnh bạo”, “hoán cải” và “thanh tẩy”.

Sau đó, Cha Lombardi nhắc đến “21 điểm” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bầy cho các tham dự viên lúc khởi đầu các cuộc tranh nghị buổi sáng. Các điểm này sau đó đã được nhắc đến như “một bản đồ chỉ đường” để các giám mục thảo luận, cung cấp cho các ngài “các đề xuất cụ thể” giúp các ngài tiến bước. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Scicluna minh xác đây không phải là các “quyết định” của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ là “các suy tư” giúp các giám mục cả lúc các ngài ở trong hội nghị lẫn lúc đã trờ về nhà.

Trong các điểm được chú ý đặc biệt, là gợi ý của Đức Phanxicô nhằm nâng tuổi tối thiểu một thiếu nữ có thể kết hôn từ 14 lên 16, bằng tuổi của các thiếu nam, theo Giáo Luật.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay ngài hết sức xúc động khi lắng nghe các chứng từ của các nạn nhân và người sống sót lúc bắt đầu Hội Nghị tại Phòng Họp của Thượng hội đồng giám mục vào sáng thứ Năm. Hơn một lần, ngài nhấn mạnh đến việc “lắng nghe”; ngài nói rằng nó giống như “mảnh đất thánh thiêng”: lắng nghe các nạn nhân nhưng, trong trường hợp này, cũng lắng nghe “các hiền huynh giám mục” những người xuất thân từ nhiều thực tại văn hóa và địa dư đa dạng. Đức Tổng Giám Mục nhắc lại chính diễn từ của ngài ngỏ với các giám mục trong phiên họp toàn thể buổi sáng. Ngài tóm tắt bằng các chữ “khôn ngoan”, “thực hành tốt” và “cùng làm việc với nhau”. Ngài bảo “ta không thể để các giám mục cô đơn”. Về phương diện này, chúng ta cũng cần “tạo lực cho cộng đồng”, trợ giúp và nâng đỡ đặc biệt các giám mục nào đang sống trong các khu vực chỉ có thể tiếp cận rất ít các nguồn tài lực, các chuyên gia hay nhân viên.

Quan trọng hơn cả, Đức Tổng Giám Mục Scicluna cho hay điều sinh tử là Giáo Hội phải di chuyển “từ nền văn hóa im lặng qua nền văn hóa tiết lộ”. Chúng ta phải “đối diện và giải quyết tác phong xấu xa, sửa lại nó ngay từ đầu”.

Đức Tổng Giám Mục của Brisbane, Úc, Mark Coleridge, mô tả phiên họp đầu tiên vào buổi sáng như một ‘hành trình khám phá”; ngài nói rằng nó hoàn toàn khác với bất cứ Thượng hội đồng nào ngài từng tham dự. Ngài nói tới “nghị lực” và “hăm hở” trong việc các tham dự viên đề cập tới vấn đề. Ngài bảo: “chúng tôi lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe các người sống sót, và lắng nghe nhau”. Đức Tổng Giám Mục đánh giá cao các bài trình bầy rất khác nhau của Đức Hồng Y Tagle và của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, tóm tắt chúng bằng hai chữ “viễn kiến” và “chiến thuật”. Ngài nói: “chúng ta cần cả hai”.

Cha Hans Zollner SJ là thành viên của Ban Tổ Chức Hội Nghị. Ngài bắt đầu lên tiếng bằng cách cám ơn các người sống sót và nạn nhân về các chứng từ của họ, trong đó, ngài nói: “không tha điều gì” vì chúng “nóng bỏng, sống sượng [brutal], và trung thực”. Cha cho hay sau khi nghe các chứng từ này, đại diện cho năm châu và đủ mọi ngôn ngữ, các tham dự viên đã ngồi thừ ra đó trong 2 phút, tuyệt đối im lặng. Cha kết luận rằng qui định luật pháp, buộc phải giải trình trách nhiệm không đủ, trừ khi chúng được đi kèm với điều cha gọi là “cam kết tận đáy lòng”.

2. Ngày thứ hai: 22 tháng Hai

Chủ đề ngày thứ hai, 22 tháng Hai, là “Giải Trình Trách Nhiệm” (“Accountability”) và cuộc họp báo nhắc đến các đóng góp của hai Đức Hồng Y Cupich và O’Malley.

Cha Federico Lombardi bắt đầu buổi họp báo bằng cách mô tả “bầu khí” của Hội Nghị là “tích cực, xây dựng, hữu ích và cần thiết”.

Ngài nhắc đến sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Marta Santos Pais, đại diện đặc biệt của Tổng thư lý Liên Hiệp Quốc về “bạo lực chống trẻ em”. Văn phòng Liên Hiệp Quốc đã chia sẻ các số thống kê và các chi tiết trong các cố gắng bảo vệ trẻ em của họ, và những điều này đã được phân phối cho các giám mục tại Vatican hôm thứ Sáu.

Cha Lombardi cũng cho hay “21 điểm” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày với các Giám mục vào ngày thứ nhất, đã trở thành cơ sở để thảo luận và suy ngẫm trong các nhóm làm việc, khi các nhóm này cố gắng đem ra thực hành lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng phải có các đề nghị và kết quả cụ thể.

Ông Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp các bản tóm tắt, đầu tiên là về các Phiên toàn thể, và sau đó là về các nhóm làm việc chiều thứ Năm. Các vấn đề phát sinh trong cả hai phiên nhóm này bao gồm tầm quan trọng của việc cùng nhau làm việc theo cách hợp đoàn, và của việc nhận ra rằng lạm dụng là một tội ác, bất kể nền văn hóa của bất cứ quốc gia chuyên biệt nào. Một hệ luận (out-take) của phiên họp buổi sáng là việc Cam kết của Giáo hội trong việc áp dụng các quy tắc và hướng dẫn bảo vệ trẻ vị thành niên đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng các vụ lạm dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh điều này: thảo luận về tình dục không thể bị coi là điều cấm kỵ, và cần phải được xử lý như là một phần của sự đào tạo trong chủng viện.

Các nhóm làm việc nhỏ của hôm thứ Năm đã bàn đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tập trung vào nhu cầu phải dành ưu tiên cho các nạn nhân và cố gắng phá vỡ chu kỳ khiến một số người bị lạm dụng, trở thành kẻ lạm dụng. Các nhóm cũng thảo luận về sự cần thiết phải tạo ra các nhóm đặc nhiệm hỗn hợp để hỗ trợ các Giáo hội nhỏ hơn và có ít tài nguyên hơn.

Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, Tổng Giám mục Boston, đã phát biểu tại Buổi họp báo; ngài khẳng định “không có gì quan trọng hơn” so với việc giải quyết vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên này. Ngài cũng nói về việc phải tập chú vào các nạn nhân, và mô tả kinh nghiệm bản thân của ngài về việc gặp gỡ những người sống sót bị lạm dụng “giữa khi cuộc sống thay đổi”. Đức Hồng Y O’Malley nói rằng chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ các nạn nhân, “giới lãnh đạo Giáo hội mới học được sự tàn phá giáng lên cuộc sống của họ bởi các kinh nghiệm này”.

Đức Hồng Y nói đến sự cần thiết phải có “các kế hoạch hành động”, và về vấn đề này, ngài đã ca ngợi những “ý tưởng cụ thể” của ông Cameron phía sau các trình bày của Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago. Ngài cũng xác nhận tầm quan trọng của việc bao gồm các giáo dân trong việc giúp khôi phục niềm tin trong Giáo hội.

Về phần mình, Đức Hồng Y Cupich nói thêm rằng các cuộc gặp gỡ nạn nhân “đã khiến chúng ta tập chú”. Ngài nói: Mỗi câu chuyện đều độc đáo. Đức Hồng Y nói rằng nhận vấn đề làm của mình, liên quan đến trách nhiệm, liên quan đến trách nhiệm của các Giám mục, xét theo cá nhân hay nhóm, đều là “động lực thúc đẩy” đứng phía sau hội nghị về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội này. Ngài nói: những gì xảy ra ở một nơi ảnh hưởng đến mọi người, mọi nơi. Đức Hồng Y Cupich cũng nói về tầm quan trọng của “chiến lược”: ngài kết luận rằng Đức Giáo Hoàng muốn “những bước và các kết quả cụ thể”.

Trong Buổi họp báo này, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, đã nhắc đến bài phát biểu của Đức Hồng Y Oswald Gracias, về “Tính hợp đoàn” (Collegiality). Ngài nói: chúng tôi được kêu gọi phục vụ Giáo hội hoàn vũ trong tư cách Giám mục, và, “chúng tôi có trách nhiệm giải trình với giáo dân của chúng tôi”. Đức Tổng Giám Mục cũng đề cập đến vấn đề giáo dân tham gia vào lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên: “Việc tham gia của giáo dân không phải là một tùy chọn, hay một phụ lục, nó không phải là một việc thêm vào”. Ngài nói thêm: giáo dân là “nền tảng cho phúc lợi và ‘hữu thể’ của Giáo hội”, vì “chúng tôi đang cùng bước đi với nhau”.

3. Ngày thứ ba: 23 tháng Hai

Ngày thứ ba của Hội Nghị Bảo vệ Trẻ vị Thành niên trong Giáo hội tại Tòa thánh đã tập trung vào chủ đề Minh bạch. Trong số các vị tham dự buổi họp báo, có một nữ tu Châu Phi, Bề trên Cả Dòng Tên và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.

Buổi họp báo bắt đầu với Cha Federico Lombardi trình bày điều ngài gọi là bốn “quan sát” của ngài trong 24 giờ qua. Ngài đã mô tả chứng từ của một nạn nhân sống sót vào tối thứ Sáu, như là “khoảnh khắc thâm hậu nhất trong cuộc gặp gỡ của chúng ta cho đến nay”. Ngài nói, mọi người đều xúc động sâu xa bởi chứng từ của cô”; ngài cho rằng điều này xác nhận: việc “đích thân lắng nghe” đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Sau đó, Cha Lombardi đã bình luận về sự đóng góp của phụ nữ tại Hội Nghị này: Tiến sĩ Linda Ghisoni, Phó Tổng thư ký phân bộ Giáo dân của một bộ của Tòa thánh, người đã nói về chủ đề “Hiệp thông: làm việc với nhau”; và Nữ tu Veronica Openibo, Nigeria, người đã nói với các Giám mục về “Cởi mở: được sai ra thế giới”.

Cha Lombardi nói thêm: các thái độ và nhạy cảm nơi các Giám mục đã thay đổi sau ba ngày. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc theo dõi dựa trên các suy tư và kết luận của các nhóm làm việc nhỏ.

Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn về những can thiệp của các nhóm làm việc, một trong số đó mô tả Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” này như “một điểm bất phản hồi đầy tích cực”. Một số nhóm thảo luận tầm quan trọng của việc đồng hành với các nạn nhân và xây dựng lại các mối liên hệ với những người sống sót và gia đình họ. Các nhóm khác thăm dò các chủ đề hợp đoàn và đồng bộ, và làm thế nào để áp dụng chúng.

Các vấn đề tiếp theo bao gồm vai trò của giáo dân và gia đình, huấn luyện trong chủng viện và đào tạo linh mục, và nhu cầu sàng lọc và lựa chọn ứng viên chính xác hơn. Cuộc khủng hoảng trong gia đình được nhận diện là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “non nớt tình cảm” nơi một số cá nhân. Kết luận phổ quát là “mọi dân Thiên Chúa được kêu gọi thực thi trách nhiệm”, để bảo đảm việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội và thế giới.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã phát biểu tại Hội Nghị hôm Thứ Bảy về chủ đề, “Minh bạch trong một cộng đồng tín hữu”. Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y đã gặp trong khoảng 90 phút 16 người sống sót việc lạm dụng thuộc Nhóm ECA (Ending Clerical Abuse = Kết thúc việc Giáo sĩ Lạm dụng), bên ngoài Vatican. Ngài cho biết “Chúng tôi đã nói chuyện với nhau một cách không thể có được từ nhiều năm trước”. Thực thế, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực “đối thoại và cởi mở”, Đức Hồng Y Marx nói thế và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “diễn dịch từ ngữ thành sự kiện”. Ngài nói thêm: Kêu gọi mà thôi không đủ. Chúng ta cần theo dõi và kiểm nghiệm, “bảo đảm chúng ta đang làm những gì được chỉ định trong các hướng dẫn”. Đức Hồng Y đã mô tả Hội Nghị “Bảo vệ Trẻ Vị Thành niên trong Giáo hội” này là “một bước tiến về phía trước”, nhưng là “một bước tiến tốt về phía trước”.

Cũng trong Buổi họp báo này, Cha Arturo Sosa Abascal, SJ, Bề trên Cả Dòng Tên đã nói về “công lý và hàn gắn”, về trách nhiệm giải trình, tránh nền văn hóa im lặng, cầu xin sự tha thứ cho những sai lầm đã làm và tiến về phía trước một cách nhất quán và gắn bó. Cha Sosa cũng đề cập đến vấn đề đào tạo linh mục, nói rằng việc đào tạo như vậy cần cổ vũ “sự trưởng thành về cảm xúc cho phép chúng ta có những mối quan hệ lành mạnh”. Cha Bề trên Cả dòng Tên nói rằng, “việc thừa nhận sự thật về lạm dụng, tự nó, là một bước tiến lớn”. Tuy nhiên, theo ngài, điều cũng quan trọng là phải “nhận diện các nguyên nhân, để tìm ra thuốc chữa và áp dụng các chiến lược”.

Trong phần can thiệp của mình, Nữ tu Veronica Openibo đã mô tả phản ứng của bà đối với chứng từ của một nạn nhân lạm dụng tại Phòng Thượng hội đồng tối thứ Sáu: bà nói: “Một điều gì đó đã xảy ra trong Hội trường đó khi chúng tôi lắng nghe, như thể chúng tôi được mục kích những gì cô ấy đã trải qua”. Nữ tu Veronica cho biết chứng từ bản thân gây xúc động của người sống sót này đã làm tăng khả năng “lắng nghe, thấu cảm [empahty] và thiện cảm” của các giám mục.

Bà cho hay: một phần trong phản ứng của bà là nhớ đến điều này: tất cả chúng ta phải là “người của Hy vọng”. Đồng thời, chúng ta phải “có các kế hoạch chuyên dành cho việc bảo đảm để không những các người trẻ tuổi, mà mọi người dễ bị tổn thương đều được an toàn”. Bà kết luận “quyết định nằm trong tay các vị giám mục”, nhưng tất cả chúng ta phải “cùng nhau làm việc” để chấm dứt nạn lạm dụng.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ vào Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” này. Ngài gọi nó là “một chứng tá phi thường của phụ nữ” một chứng tá “mang lại khôn ngoan mà chúng ta cần”, và nhắc lại định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “Giáo hội là Phụ nữ”.

Lặp đi lặp lại lời kêu gọi của ngài về một “nền văn hóa tiết lộ”, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói tới minh bạch như là “hiệp thông và chia sẻ”. Ngài nói: Chúng ta cần thông đạt nhiều hơn với các nạn nhân; ngài tuyên bố rằng họ là những người “không được thông tri” và xác nhận rằng họ có “một vai trò để đóng”.

Để kết luận, Đức Tổng Giám Mục đã cảm ơn tất cả những người, trên khắp thế giới, đang đồng hành cùng các Giám mục và những người tham dự Hội Nghị này bằng lời cầu nguyện của họ: ngài nói: “Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ, nếu chúng ta muốn làm tốt việc này”

4. Ngày thứ Tư: 24 tháng Hai

Trong cuộc họp báo tại Vatican vào ngày kết thúc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội, các cam kết và sáng kiến cụ thể để bảo vệ trẻ em và chống lạm dụng đã được trình bầy.

Một câu hỏi mặc nhiên (và minh nhiên) đã làm nổi bật cuộc họp báo hôm nay: “Chuyện gì bây giờ đây?” Các kỳ vọng vốn khá cao, đặc biệt vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giao nhiệm vụ cho những người tham gia, lúc bắt đầu Hội nghị, phải đưa ra các sáng kiến cụ thể để giúp Giáo hội bảo vệ trẻ vị thành niên.

Các Sáng kiến cụ thể

Cha Federico Lombardi SJ, trong tư cách là Người điều hợp Hội Nghị về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội”, đã công bố ba sáng kiến sau đây:

1. Công bố nay mai một tự sắc của Đức Giáo Hoàng, cung cấp các quy tắc và quy định để bảo vệ an toàn cho các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương trong Thị Quốc Vatican.

2. Phân phối một vademecum (thủ bản, hoặc sách quy tắc) cho các Giám mục trên khắp thế giới, giải thích các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và mục vụ của các ngài liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.

3. Thành lập một “lực lượng đặc nhiệm”, bao gồm các chuyên gia có năng quyền, để hỗ trợ các Hội đồng Giám mục nào thiếu các nguồn lực hoặc chuyên môn cần thiết để đương đầu với vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên và xử lý việc lạm dụng.

Có một giải đáp thứ tư cho câu hỏi “Chuyện gì bây giờ đây?”, đó là sự kiện Ban tổ chức sẽ họp với những vị đứng đầu các bộ sở của Giáo Triều để thảo luận việc theo dõi và suy tư về câu hỏi có liên quan: “Chuyện gì tiếp theo đây?”

Các liên hệ truyền thông

Hội Nghị “Bảo vệ trẻ vị thành niên” tại Vatican đã nhận được sự đưa tin rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông trong vài ngày qua. Bộ trưởng Truyền thông Vatican, Paolo Ruffini, đã thừa nhận như vậy khi ông cảm ơn các nhà báo vì công việc của họ. Ông nhấn mạnh vai trò của các nhà báo như là vai trò “Tìm kiếm và báo cáo sự thật”. Ông đã nói tới tầm quan trọng của việc “lắng nghe không thiên kiến”, và nhìn nhận việc “không thể nào có truyền thông nếu ai cũng nói mà không có người lắng nghe”. Ông Ruffini, và các vị khác trên bàn chủ tọa Cuộc họp báo, đã ca ngợi nhà báo Mexico, Valentina Alazraki, vì sự đóng góp “can đảm” của cô cho Hội Nghị hôm Thứ Bảy, khi cô ngỏ lời với các Giám mục về chủ đề minh bạch: “Truyền thông cho mọi người”.

Phát biểu tại buổi họp báo, Valentina Alazraki khuyến khích việc “cùng nhau làm việc với Giáo hội” về vấn đề này, nhưng nhắc nhở các Giám mục đừng bao giờ nói “miễn bình luận”, và phải bảo đảm cung cấp cho truyền thông “những thông tin kịp thời và công bằng”.

Các ấn tượng cuối cùng

Khi được hỏi mang về được gì từ Hội Nghị, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục của Bombay, đã cho nó là “điều kịp thời, hữu ích và cần thiết”. Ngài nói: ngài và các hiền huynh giám mục đã ra về với một sự hiểu biết và ý thức phổ quát rằng đương đầu với vấn đề lạm dụng là “một ưu tiên đối với Giáo hội”. Ngài cũng ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ tại cuộc gặp gỡ, nêu bật giá trị của “những hiểu biết thông sáng và quan điểm nữ tính của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta đã cung cấp “những đoạn hồi tưởng của riêng mình trong bốn ngày này”. Ngài nói rằng ngài rất có ấn tượng bởi bài diễn văn bế mạc của Đức Cha Thánh và sự rõ ràng của ngài, định nghĩa cả việc lạm dụng lẫn việc bao che nó là “tội ác cực kỳ nghiêm trọng”. Đức Tổng Giám Mục nói: “không có chuyện trở lui nữa”. Ngài cũng nói rằng sự hiện diện của các nạn nhân sống sót là một phần quan yếu của trải nghiệm. Ngài nói thêm “Chúng ta không thể không lắng nghe các nạn nhân sống sót”. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh “dù sao, thay đổi cõi lòng mới là điều quan trọng”. Chúng ta cần động lực đúng đắn và, vì để được điều đó, chúng ta cần lắng nghe các giọng nói khác nhau - bao gồm giọng nói của phụ nữ, những người (trong trường hợp Hội Nghị này) đã mang đến “không khí tươi mát”.

Cha dòng Tên Hans Zollner, là thành viên của Ban tổ chức và Đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Giáo hoàng Đại học Gregorian. Ngài đã nói tới “một bước nhảy vọt về phẩm và lượng dọc hành trình hàng thập niên, một bước nhẩy vọt sẽ tiếp tục”. Ngai nói, các thái độ đã thay đổi, và con người đã biến đổi: họ quyết tâm “trở về nhà và làm một điều gì đó về nó”.

Cha Zollner kết luận ngay bây giờ, “Chúng ta cần tập chú vào những gì chúng ta đã làm ở đây”, tại Hội Nghị ở Vatican và xử lý “các gốc rễ có hệ thống của vấn đề”. Những điều này, các chủ đề trong ba ngày của Hội Nghị, phản ánh cả vấn đề lẫn giải pháp: Trách nhiệm, Giải trình Trách nhiệm và Minh bạch.

 
Những điểm chính cần biết về bản án chống lại Đức Hồng Y George Pell
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:05 03/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Có Những Buổi Chiều – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
03:05 03/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây