Ngày 02-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tám Mùa Thường Niên 3/3/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:00 02/03/2019
Bài Ðọc I: Hc 27, 5-8

"Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói".

Trích sách Huấn Ca.

Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa! (x. c. 2a).

Xướng: Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Ðấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.

Xướng: Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.

Xướng: Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Ðá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 54-58

"Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: "Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng". "Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật". Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 39-45

"Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

"Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:35 02/03/2019
48. CHỮ “NHẤT” QUÁ LỚN

Ông bố viết chữ “nhất 一” để dạy con trai, con trai đọc được mấy trang và thuộc lòng.

Ngày hôm sau khi ông bố lau bàn, thuận tay dùng vải ướt vẽ một gạch ngang trên bàn và hỏi con trai: “Đây là chữ gì ?”

Con trai giương cặp mắt nhìn nhìn, ông bố nói:

- “Đây là chữ “nhất一” mà ngày hôm qua bố đã dạy con đó mà.”

Con trai kinh ngạc mở to cặp mắt nói:

- “Mới cách có một đêm mà nó lớn như vậy sao ?”

(Tiếu phủ)

Suy tư 48:

Chữ “nhất” viết trong giấy và chữ “nhất” viết thật lớn trên bàn cũng chỉ là một chữ “nhất” mà thôi, dù cho nó có to có nhỏ như thế nào chăng nữa thì cũng là chữ “nhất” mà thôi.

Thiên Chúa trong Thánh Kinh và Thiên Chúa trong cuộc sống của người Ki-tô hữu thì giống nhau, cũng là một Thiên Chúa, nhưng có người Ki-tô hữu coi trọng Thiên Chúa trong Thánh Kinh mà coi thường Thiên Chúa trong cuộc sống, họ quỳ gối để đọc sách thánh, họ hôn kính Thánh Kinh nhưng lại bất kính với Chúa khi vào trong nhà thờ có Mình Thánh Chúa, họ có thái độ bất xứng với Chúa khi ở trong nhà thờ như: đi ngang đi dọc qua nhà tạm mà không cúi đầu chào kính, họ nói chuyện cười đùa không nghiêm trang đứng đắn trong nhà thờ...

Yêu mến Thiên Chúa trong Thánh Kinh mà không yên mến Thiên Chúa trong cuộc sống, thì chẳng khác chi người vô thần giương cặp mắt lên nhìn người ăn mày rồi nói: “Thiên Chúa là đây sao, sao mà tồi tàn quá vậy... ?”

Thiên Chúa trong Thánh Kinh và Thiên Chúa trong cuộc sống chỉ là một, cho nên người yêu mến Thánh Kinh thì đồng thời cũng yêu mến Thiên Chúa sống động đang hiện diện nơi tha nhân, nơi anh chị em của chúng ta và Thiên Chúa trong nhà tạm trong các nhà thờ trên thế giới...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 8 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:37 02/03/2019
Chúa Nhật VIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 6, 39-45.

“Lòng có đầy, miệng mới nói ra”.


Bạn thân mến,

Dựa vào bài Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay, tôi xin chia sè với các bạn 2 điểm chính mà Đức Chúa Giê-su đã nói rất rõ ràng cho chúng ta biết:

1. “Lấy cái xà ra khỏi mắt người trước đã”.

Có những lúc chúng ta chỉ thấy cái rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt mình thì lại không thấy. Cái rác trong mắt anh chị em mà chúng ta thấy có khi chỉ là một vài tật xấu không đáng kể, để rồi chúng ta lớn tiếng phê bình chỉ trích và làm cho lớn chuyện để thỏa mãn tâm địa xấu xa ích kỷ của mình, để che lấp cái xà trong con mắt của mình, mà cái xà trong con mắt của mình chính là kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ.v.v…

Đức Chúa Giê-su cũng cảnh cáo chúng ta: lấy cái xà trong mắt mình ra trước đã, rồi mới có thể thấy rõ ràng cái rác trong mắt tha nhân, bằng không thì chúng ta sẽ bị rơi xuống hố sâu trước anh chị em mình. Trong cuộc sống hằng ngày, sự ích kỷ luôn là sự đồng lõa với vô tâm, ích kỷ làm cho chúng ta chỉ biết mình mà trở thành vô tâm trước những người bất hạnh, vô cảm trước những bất công xảy ra trong cuộc sống chung quanh chúng ta.

Cái xà cũng là cái ích kỷ đó của bạn và tôi.

2. “Lòng có đầy, miệng mới nói ra”.

Thời nay có rất nhiều thanh niên nam nữ, hể mở miệng ra là chửi tục, thóa mạ và thốt ra những lời khiếm nhã làm cho người nghe phải mắc cở hoặc không thích.

Tại sao vậy ? Thưa, vì trong lòng họ ngập đầy những tư tưởng tục tỉu, cho nên khi mở miệng ra là nói toàn những lời tục tĩu; vì trong lòng họ luôn có những tư tưởng thù hằn ghét ghen, nên thốt ra những lời không thiện cảm, những lời chia rẻ làm cho cộng đoàn nghi kỵ lẫn nhau…

Nếu mỗi ngày chúng ta đọc một đoạn Tin Mừng và suy niệm, thì chắc chắn tâm hồn bạn và tôi tràn ngập những lời lẽ của Tin Mừng, để khi mở miệng ra là Lời Chúa được tuôn chảy, để ai nghe cũng cảm thấy có một sự an ủi, vui vẻ và bình an; nếu mỗi tuần khi rảnh rỗi chúng ta đọc một vài quyển sách tốt, thì trong bụng bạn và tôi sẽ là một kho tàng những lời nói hay, để khi lời nói thốt ra khỏi miệng thì làm cho người đối diện như tìm được bóng mát giữa trưa nắng hè…

Bạn thân mến,

Đời người rất ngắn ngủi, lấy tấm lòng chân thật và khiêm tốn để đối xử với nhau thì tôi không còn thấy cái rác trong mắt bạn, và bạn cũng không thấy cái xà trong mắt tôi, bởi vì bạn và tôi đều nhận ra rằng, chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Chúa, mà đã là tội nhân thì dám kết án và phán đoán ai chứ ?

Xin Chùa chúc lành cho chúng ta.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:39 02/03/2019

95. Nếu con muốn cho Thiên Chúa thỏa mãn, thì Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con thỏa mãn.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khai Mạc Mùa Chay Thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:09 02/03/2019
Khai Mạc Mùa Chay Thánh

(Mt 6, 1-6; 16-18)

Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12).

Như thế, hai ý tưởng trong Mùa Chay Thánh luôn song hành với nhau, thứ nhất : chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi; thứ hai : Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh với tình thương. Vì yếu đuối nên cần đến ơn Chúa, vì tội lỗi nên muốn được Chúa thứ tha, nhưng để lãnh nhận được ơn tha thứ thì cẩn phải trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong chay tịnh và nước mắt, hướng tới tha nhân. Đó là ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh.

Ăn chay

Cầu nguyện

Và bố thí

Là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay, vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.

Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.

Trước hết phải khiêm nhường

Ăn chay, tiếng La tinh là jejunium, nghĩa là : " Tự nhịn bất kỳ thức ăn nào". Khi nhịn chay, con người nhận ra mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, "hạ mình" trước mặt Chúa, vì cảm thấy mình mỏng giòn, yếu đuối như tác giả Thánh vịnh nói : " Phần tôi, những ngày chúng đau yếu, tôi đã từng khoác áo nhặm vào thân, lại ăn chay để hãm mình phạt xác, lòng tôi ấp ủ câu kinh lời nguyện” ( Tv 34, 13).

Khiêm nhường khi ăn chay còn để Chúa thấy rằng chúng ta chẳng là gì nếu không có Chúa và thiết tha kêu cầu Chúa : " Bấy giờ tất cả con cái Ít-ra-en và toàn dân đã lên Bết Ên; họ ngồi khóc tại đây trước nhan Ðức Chúa. Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Ðức Chúa " (x. Tl 20, 26) ; " Vua Ða-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất ; Vua trả lời: "Bao lâu đứa bé còn sống, ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: "Biết đâu Ðức Chúa sẽ thương xót ta và đứa bé sẽ sống! " (2 S 12, 16.22), nhất là nhận biết mình là tội lỗi, là hư vô và cầu xin ơn Chúa tha : " Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van". (Dn 9, 3). Việc giữ chay thể xác chỉ có ý nghĩa khi nhịn ăn đi kèm với việc trách xa tội lỗi : " Chúng nói: "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?"... Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? " (x. Is 58, 1-12), nếu không nó chỉ là phô trương.

Đừng phô trương

Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo : "Các người hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để cho thiên hạ trông thấy…khi các người bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng… Các ngươi có bố thì, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín. Và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho người " (Mt 6, 1-6).

Trong Kinh Thánh, Chúa tố cáo mạnh nhất cái vẻ bề ngoài, hay là giả hình. Vi khi giả hình, con người giáng cấp Thiên Chúa, họ đặt Ngài xuống hàng thứ hai, đặt tạo vật, công chúng lên chỗ nhất: "Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thí thấy tận đáy lòng" (1Sm 16, 7). Trau dồi dáng vẻ bên ngoài của chúng ta hơn tâm hồn chúng ta có nghĩa là coi người phàm trọng hơn Thiên Chúa.

Như vậy, vẻ bề ngoài hay sự giả hình tự bản chất là một sự thiếu đức tin: nhưng đó cũng là một sự thiếu đức bác ái đối với tha nhân theo nghĩa nó có xu hướng qui những con người thành những kẻ say mê. Sự giả hình không công nhận phẩm giá thích đáng của họ, nhưng thấy họ tùy thuộc hình ảnh của chính mình. Thiếu đức tin và thiếu đức bác ái, việc làm sẽ trở nên vô ích, nên không có được công phúc gì.

Thực hành bác ái

Sống mùa Chay Thánh, ngoài việc ăn chay, cầu nguyện, chúng ta còn phải thực hành bác ái. Ăn chay để giảm bớt những chi tiêu, giảm bớt những ham muốn của xác thịt... Cầu nguyện để gặp được Chúa, để hướng về hạnh phúc đời sau. Làm việc bác ái để cảm nhận, để xót xa và để làm xoa dịu những nỗi thống khổ vất vả nơi những mảnh đời thật sự đau thương cần ta trợ giúp.

Tóm lại, mùa Chay hàng năm là dịp để ta hướng lòng lên Thiên Chúa và mở lòng ra với tha nhân trong tình yêu thương. Như vậy ăn chay mà lòng không hướng về Chúa, không cầu nguyện thì chưa phải là ăn chay đúng ý hướng của Giáo hội. Vừa ăn chay vừa cầu nguyện mà không làm việc bác ái thì thiếu đi tình người, thiếu đi lòng thương xót đối với những mảnh đời đang thật sự cần ta trợ giúp.Vìthế, chủ đề của sứ điệpMùaChay năm nay lấy từ thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8,19).ĐứcGiáohoàngPhanxicôdạy :“Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta. Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viễn vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta” (TríchSứĐiệpMùaChay2019).

Vào cuối sứ điệp, Đức Giáo Hoàng khuyênchúng ta rèn nhân đức để chiến thắng tội lỗi: “Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Nhờ thế, khi chào đón vào cuộc sống của chúng ta một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết, chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh quang rạng rỡ quyền năng biến đổi của chiến thắng ấy cho tất cả các tạo vật” (TríchSứĐiệpMùaChay2019).

Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
George Pell: một Ngô Quang Kiệt cô đơn của Úc Châu
Đặng Tự Do
00:39 02/03/2019
Phán quyết “có tội” được công bố vào ngày 26 tháng 2 năm 2019 đối với Đức Hồng Y George Pell tiêu biểu cho một biến cố đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong các giao dịch với nhà nước hiện đại: một vị Hồng Y, tức là một trong số ít thành viên của Giáo Hội có quyền bỏ phiếu bầu giáo hoàng, đã bị kết án lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên bởi một tòa án thế tục.

Đây là một trường hợp rất khác với trường hợp của Theodore McCarrick, người đã được Vatican tuyên bố huyền chức cách đây vài ngày, cụ thể là vào ngày 16 tháng 2. McCarrick, là người đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô trục xuất khỏi Hồng Y đoàn vào tháng 7 năm 2018, đã bị kết tội bởi một phiên tòa giáo luật tại Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Vatican và không bao giờ phải đối mặt với công lý thế tục.

Việc kết án Đức Hồng Y Pell là một sự kiện tai họa đối với Giáo Hội Công Giáo, không chỉ ở Úc, mà trên toàn cầu, và nó phải được đặt trong bối cảnh của một chiến dịch làm tắt tiếng nói phê phán xã hội của Giáo Hội, và đẩy Giáo Hội vào bầu khí rất riêng tư cá nhân của các ông già bà lão.

Kể từ cuối năm 2017, Giáo Hội đã bước vào một giai đoạn mới trong việc đối phó với hậu quả của việc lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ: đó là một tai họa kinh niên chưa thấy hồi kết thúc. Úc đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mới này, bắt đầu với phúc trình tổng kết của Ủy ban Hoàng gia về các Trách nhiệm của các định chế đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em vào tháng 12 năm 2017 và phản ứng của Giáo Hội Công Giáo Úc đối với các khuyến nghị của ủy ban vào tháng 12 năm 2018.

Kế đó là vụ xét xử Tổng Giám mục Philip Wilson của tổng giáo phận Adelaide, người đã bị kết án bởi một tòa án thế tục vào tháng 7 năm 2018, nhưng sau đó chỉ vài tháng sau, tháng 12, 2018 tòa trên đã bác bỏ phán quyết của tòa dưới. Một đứa bé xưng tội với cha phó Philip Wilson rằng cha sở sờ mó nó. Ngài nạt nó truyền đọc mấy câu kinh, thay vì báo cảnh sát. Tội danh như thế tòa trên thấy tòa dưới làm quá tay nên truyền tha bổng cho ngài.

Các trường hợp của cả Tổng Giám mục Wilson và Hồng Y Pell đã đẩy Giáo Hội vào một lãnh địa chưa từng thấy: chúng ta đang chứng kiến cách thức người ta lạm dụng tội lạm dụng để xác định lại mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước.

Khái niệm về sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước đang được thử nghiệm đến cốt lõi của nó bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nói một cách đơn giản, Nhà thờ và Nhà nước không còn có nghĩa là những gì nó từng có nghĩa. Thế cho nên mới có chuyện Ủy ban Hoàng gia xen mình một cách quá đáng vào kỷ cương của Giáo Hội Công Giáo như buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội và táo tợn hơn khi yêu cầu Giáo Hội phải bãi bỏ luật độc thân linh mục, mặc dù, chính Ủy ban Hoàng gia cũng không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và việc lạm dụng tình dục trẻ em.

Điểm đáng nhấn mạnh ở đây là Giáo Hội Công Giáo hiện đang có xu thế, ngay cả khi không nói rõ ràng, là dựa vào các phán quyết của tòa án thế tục để đưa ra quyết định về việc sa thải các Hồng Y và giám mục của mình. Trường hợp Tổng Giám mục Wilson là một ví dụ điển hình.

Điều này dẫn đến một tình huống vô cùng phức tạp, bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại của “các cơn giận dữ”, của “những thịnh nộ bất ngờ”, trong đó rõ ràng là tòa án cao nhất hiện nay là dư luận - nhưng dư luận ấy hiện không còn được thông tin độc quyền bởi truyền thông chính mạch. Tòa án mới này của dư luận ngày càng bị các mạng xã hội chi phối, là nơi cả Giáo Hội lẫn truyền thông chính mạch có ít ảnh hưởng hơn so với trước đây. Thẳng thắn mà nói, không thể hiểu được làn sóng khủng hoảng lạm dụng tình dục hiện nay mà không xem xét đầy đủ vai trò của truyền thông xã hội trong tâm lý phẫn nộ tập thể. Trong thời đại của “các cơn giận dữ” trên mạng xã hội, luật pháp cũ theo đó "vẫn còn nghi ngờ thì vẫn chưa thể xem là có tội" không còn được áp dụng, bất kể luật bằng văn bản nói gì - đặc biệt là trong trường hợp các giáo sĩ bị cáo buộc lạm dụng tình dục.

Cấp bậc giáo hội của bị cáo càng cao thì càng có nhiều khả năng các yếu tố khác - định kiến của báo chí, bồi thẩm đoàn, thẩm phán, cảnh sát và chính trị gia - sẽ ảnh hưởng đến các phán quyết.

Đức Hồng Y Robert Bellarmin đã viết bốn thế kỷ trước về ảnh hưởng chính đáng của Giáo Hội đối với Nhà nước. Ngài nói rằng Giáo Hội đã thủ đắc một potestas indirecta in temporalibus (quyền lực gián tiếp trong các vấn đề thế tục) qua vai trò ngôn sứ, qua việc mạnh dạn phê phán xã hội, cổ vũ các giá trị truyền thống. Bây giờ tình hình đã được đảo ngược theo một nghĩa nào đó: Nhà nước sở hữu một loại potestas indirecta in ecclesiasticis (quyền lực gián tiếp trong các vấn đề giáo hội).

Khi bỏ tù được một Hồng Y (và báo chí Úc đang hò reo một bản án 50 năm tù dành cho Đức Hồng Y Pell) với những bằng chứng mong manh như thế, theo một nghĩa nào đó, bất cứ một Giám Mục nào, một linh mục nào cũng có thể bị bỏ tù bằng những thủ đoạn tương tự. Một bầu khí im lặng tràn lan trong Giáo Hội tại Úc Châu. Trong bầu khí im lặng bao trùm ấy chúng ta thấy nơi Hồng Y Pell những vu cáo và lăng mạ phải chịu từ các phương tiện truyền thông, những cô đơn phải trải qua ngày nào của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.

Điều này sẽ có hậu quả địa chấn cho tương lai của Giáo Hội và thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
 
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge trong tầm ngắm của truyền thông gây công phẫn và hạ nhục
Anthony Nguyễn
16:47 02/03/2019
“Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Lc 18:12,17)

Sau ba ngày hội thảo căng thẳng, sáng Chúa Nhật 24 tháng Hai, Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội đã kết thúc với thánh lễ do Đức Thánh Cha và các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đồng tế tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican.

Ít khi nào trong một thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự mà ngài không giảng. Đặc biệt, đây là một thánh lễ đồng tế với 114 vị Chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới. Ngoài ra còn có 14 nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 15 vị bản quyền không thuộc về các Hội Đồng Giám Mục, 12 Bề trên tổng quyền các dòng nam, 10 vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và 5 vị là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn. Tuy nhiên, trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha đã mời Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, của tổng giáo phận Brisbane, Australia và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia giảng thuyết.

Chỉ một ngày sau đó, ngài bị “lên news”!

Ngày 25 tháng Hai, tờ Guardian của Úc nói Đức Cha Coleridge bị khiếu nại liên quan đến cách hành xử của ngài trong cuộc họp diễn ra cách đây 13 năm, cụ thể là vào năm 2006, với một phụ nữ ở Canberra, là người đã đến gặp ngài để cung cấp thông tin về lạm dụng tình dục trẻ em.

Đây cũng là một cách kích động công phẫn dư luận dọn đường cho biến cố ngày 26 tháng Hai, khi tòa án dỡ bỏ lệnh cấm đưa tin về phiên tòa xử Đức Hồng Y George Pell, và công bố ngài “có tội”.

Đức Cha Coleridge được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Canberra-Goulburn vào tháng 6 năm đó, và chính thức nhận tòa vào ngày 17 tháng 8.

Theo tờ Guardian Australia, Đức Cha Coleridge đã phê bình người phụ nữ này là “tung tin đồn nhảm” và “to tiếng” với cô ta.

Đức Cha Coleridge đã bác bỏ các cáo buộc.

Một đại diện của tổng giáo phận Canberra-Goulburn nói với tờ Guardian Australia rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập, nhưng tiến độ đã bị trì hoãn vì người phụ nữ không tham gia: "Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge đã hợp tác với cuộc điều tra và bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc. Khi người khiếu nại được mời hợp tác với cuộc điều tra độc lập, cô đã từ chối không tham gia vào tiến trình này. Thay vào đó, cô đã chọn tung những cáo buộc này lên các phương tiện truyền thông, điều này gây thất vọng sâu sắc.”

Đức Cha Coleridge sinh năm 1948, và được thụ phong linh mục tại Tổng giáo phận Melbourne năm 1974, sau đó ngài trở thành Giám Mục Phụ Tá vào năm 2002. Ngài là Tổng giám mục của Canberra-Goulburn từ năm 2006 đến 2012, trước khi ngài được chuyển đến Tổng giáo phận Brisbane.


Source:Catholic Herald
 
ĐHY Brandmüller: Những người bỏ đạo, bất kể vì lý do gì, có nguy cơ rơi vào sự hủy diệt vĩnh viễn trong cõi hư vô.
Anthony Nguyễn
20:59 02/03/2019
Đức Hồng Y Walter Brandmüller, một trong những vị ký tên vào dubia (những điểm hồ nghi), cảnh báo người Công Giáo rời khỏi Giáo hội, bất kể vì lý do gì, là họ có nguy cơ rơi vào sự hư nát vĩnh viễn trong cõi hư vô.

Ngài cảnh báo: “Rời khỏi Giáo hội duy nhất chân chính có nghĩa là rơi vào cõi hư vô, và điều này, nếu xảy vào lúc chết, sẽ là một vận mệnh chung cuộc”.

Đức Hồng Y Brandmüller đã đưa ra lời bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn về lý do có một con số gia tăng đáng kể những người Công Giáo tại Bavaria đã rời khỏi Giáo hội.

Trích dẫn lời thánh Augustinô, Đức Hồng Y nói rằng người Công Giáo giống như những nhánh cây “hoặc là gắn liền với cây nho hoặc là tiêu tan trong lửa”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brand Brandmüller cũng nói rằng ngài cảm thấy được khích lệ bởi những người trẻ đã quyết định phục vụ Giáo hội bất chấp những tai tiếng hiện tại.

Nói chuyện với Tiến sĩ Armin Schwibach - Phóng viên Rome của trang web tin tức Công Giáo Áo, Kath net - Đức Hồng Y Brandmüller, người miền Ansbach, bên Đức, lần đầu tiên giải thích một số lý do tại sao, vào năm 2018, đã có sự gia tăng lên đến 25% người Công Giáo rời khỏi Giáo hội ở Bavaria so với năm 2017. Theo ngài, có một số người Công Giáo đã ở lại trong Giáo hội vì thói quen nhưng giờ đã bỏ đi do những vụ tai tiếng đang xảy ra trong Giáo hội.

“Cơn gió mạnh hiện đang đập mạnh hết đợt này đến đợt khác vào cây ‘Giáo Hội’”, Đức Hồng Y Brandmüller giải thích, “Nó thổi bay những chiếc lá đã chết và khô héo. Một khi chỉ có 5% đến 10% số người Công Giáo phải trả thuế cho Giáo hội đến nhà thờ vào Chúa Nhật, thì rõ ràng có bao nhiêu người thực sự có đức tin và thực hành đức tin ấy. Vì vậy, những chính thức lìa bỏ Giáo hội chỉ đơn thuần là làm cho hữu hình hơn những gì đã trở thành hiện thực trong một thời gian dài.”

Ở Đức, người Công Giáo phải ghi danh với nhà nước để đóng thuế bắt buộc cho Giáo hội. Một vấn đề với hệ thống này là các tín hữu ở Đức buộc phải tài trợ cho các dự án của Giáo hội đôi khi cổ vũ các quan điểm không chính thống.

Một bức thư ngỏ đã được công bố trên các phương tiện truyền thông vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Hai bởi chín người Công Giáo Đức, trong đó có hai linh mục Dòng Tên nổi tiếng. Những người ký tên đã đòi Giáo Hội phải đoạn tuyệt với các giáo huấn về luân lý tình dục.

Họ cũng kêu gọi tái cấu trúc Giáo Hội, cụ thể là “sự phân chia quyền lực” giữa Vatican và các Giáo Hội địa phương, phong chức linh mục cho phụ nữ, chấm dứt tình trạng độc thân linh mục bắt buộc và một loạt những thay đổi khác.

Bức thư được gửi đến Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, và kêu gọi ngài và các giám mục khác hãy quyết liệt “dẫn đầu phong trào Cải cách”, và hứa hẹn rằng các giám mục “cải cách” sẽ nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của những người ký tên.

Ngày nay, tại nhiều miền ở Đức, chính thức hay không nhiều người ly dị và tái hôn dân sự được cho rước lễ, cả những người không theo đạo Công Giáo nhưng là phối ngẫu của người Công Giáo cũng được cho rước lễ, là điều vi phạm giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội. Nhiều người Công Giáo không chấp nhận được điều này và rời bỏ các giáo xứ địa phương.

Bình luận thêm về nhóm người Công Giáo này, Đức Hồng Y cho biết rằng “họ là những người thà lái xe trong một giờ để tham dự một Thánh lễ được cử hành một cách trang nghiêm” hơn là dự lễ ở ngôi nhà thờ ngay trong khu vực mình.


Source:Life Site News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đi thăm giáo điểm
Maria Vũ Loan
10:12 02/03/2019
GIÁO ĐIỂM

Cuối tháng 01/2019, tôi đến thăm một giáo điểm thuộc TGP Sài Gòn (xin phép được giấu tên). Con đường dẫn đến điểm dừng dân cư rất đông đúc, nhưng giáo điểm lại nằm trên mảnh đất có ba mặt là đồng trống. Linh mục quản lý giáo điểm dẫn chúng tôi đi xem mọi “ngõ ngách” của một nơi thờ phượng đang dần hình thành. Đi đến đâu tôi cũng hỏi và cha cũng trả lời:

- Thánh lễ ở đây giáo dân có đông không mà sao cha để cái mái là mấy tấm bạt, giữa “đồng không mông quạnh” thế này, rồi mưa gió thì sao?

- Dạ, từ từ rồi mới được phép làm ạ!

- Trời! Sao cung thánh, nơi cha dâng của lễ mà thấp trũng thế này?

- Dạ, khi được phép cộng đoàn sẽ tìm cách lấp đầy đấy ạ!

- Ủa, ở đây cha sống cùng với những ai mà sao bếp ăn có nhiều nồi niêu xoong chảo thế này?

- Dạ thiếu nhi đi sinh hoạt được ăn sáng và có khá đông các em nên tự nấu cho rẻ ạ!

Cứ thế, chúng tôi hỏi, cha trả lời. Khi chúng tôi tỏ ra sốt ruột về những việc làm cho giáo điểm được “cứng cáp” và mau chóng thành nơi qui tụ dân Chúa một cách ổn định thì cha trả lời: “Việc của Chúa thì Ngài có kế hoạch của Ngài, còn mình thì kiên nhẫn và khéo léo nhận ra ý Chúa mà thực hiện!”. Tôi cười. Thật ra, chúng tôi đến đây định thực hiện một việc thiêng liêng nho nhỏ, khởi đầu bằng sáu tháng hoạt động nhưng...chưa thể bắt đầu. Nhìn những giáo dân nhập cư nườm nượp đổ về nhà thờ tham dự thánh lễ chiều Chúa Nhật, tôi không khỏi xúc động. Từ “kiên nhẫn” mà cha nói ra, tôi hiểu là “nhẫn nhục để kiên tâm thực hiện” một điều gì đó cho lợi ích truyền giáo. Sự nhẫn nhục này tôi coi là một hình thức chay tịnh.

Xem Hình

Mở tư liệu về các giáo xứ thuộc Giáo Hội Công GiáoViệt Nam, có thể thấy hiện nay nhiều giáo điểm đang hình thành, thực tế là không thiếu sự nỗ lực của dân Chúa nhưng lại thiếu sự cảm thông, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh, vùng núi. Chúng tôi không hiểu đây là “nỗi buồn trần thế” hay là “sự kiên nhẫn chưa chín mùi”?

CẢM XÚC PHỤNG VỤ

Những ngày vừa qua, tôi có tham dự một sự kiện tôn giáo nho nhỏ, lòng rất muốn viết bài, đưa tin lên phương tiện truyền thông, nhưng tôi không thể nào có đủ cảm xúc để ghi nhận sự việc ấy vì tất cả những gì diễn ra trong sự kiện “giống y hệt” năm ngoái! Lòng tôi bỗng “bật lên” câu hỏi: Trong phụng vụ hay trong các sự kiện tôn giáo, có cần cảm xúc mới không?

Đã có lần, tôi góp ý với một vị linh mục rằng: “Xin cha cho một chút thời sự vào bài giảng và một số câu chuyện, con nghĩ là sẽ giúp mọi người chú ý lắng nghe hơn!”. Sau đó, tôi cảm thấy vui khi dự thánh lễ cha dâng, vì bài giảng của cha có điểm nhấn của Lời Chúa, có liên hệ đến câu chuyện ngụ ngôn, rồi một chút thời sự đang “nóng” ở xã hội Việt Nam và có khi là thời sự quốc tế nữa. Thực ra, không thể thay đổi “nghi lễ” nhưng “làm tươi vui” giờ phút phụng vụ hẳn là chỉ cần một chút “khéo léo” là được. Tôi trộm nghĩ như thế.

Có một ông trùm xứ đạo nói với tôi: “Chị cầu nguyện cho cha xứ chúng em được làm...giám mục nhé!”. Tôi tròn mắt cười xòa: “Trời! Cha mới đổi về đây mà...để một thời gian xem sao, nếu “mọi chuyện tốt lành” thì cầu xin cho cha làm quản hạt, ông chịu không?”. Thì ra, cha xứ cũ ở đây lâu quá, công việc cứ “đều đều” nên khi cha mới về quí ông trùm hăng hái hẳn lên, lăng xăng làm việc theo “khuôn mới”, nên mới bật ra câu nói đơn sơ, ngộ nghĩnh ấy!

Đến đây, tôi lại trộm nghĩ đến việc thay đổi cha chánh xứ. Nếu cứ bảy năm hoặc mười năm, thì quí cha đổi nhiệm sở thì giáo dân các nơi được hưởng các ưu điểm, hoặc nếm trải “điều chưa tròn chĩnh” từ chủ chăn của mình, thì có lẽ giáo dân sẽ trưởng thành trong suy nghĩ của mình.

Xin phép được trộm nghĩ: Cứ sốt sắng chấp nhận một sự việc trong thời gian dài, như gió không thổi, thì có phải là chay tịnh không?

ĐAU KHỔ

Mùa Chay, người ta thường nhìn lên hình ảnh Đức Giêsu chết trên thánh giá, một biểu tượng diễn tả nỗi khổ đau tột cùng của con Thiên Chúa trong phận người. Người ta khó cảm nghiệm nỗi đau ấy khi cuộc sống đời thường an bình, no đủ, hạnh phúc.

Từ ngày 01/01/2019 đến nay, tôi đến bệnh viện hai lần thăm bệnh nhân. Khi trao tiền cho bà mẹ trẻ, có người con trai mới 22 tuổi, vừa bị máy nghiền nát đôi bàn tay. Dù nghèo nhưng nhận tiền mà khuôn mặt của chị như không còn cảm xúc, chị nói: “Cô chờ nửa giờ nữa, cháu sẽ xét nghiệm xong, có người đến thăm, nó mừng lắm! Mấy đêm nay nó cứ hốt hoảng la lên: “Tay con đâu rồi mẹ?!”. Tôi lặng im nhưng hiểu rằng người bạn trẻ ấy vừa “tiếp xúc” với một thực tế là đỉnh cao của sự đau khổ thể xác vì mất hai bàn tay thì từ nay anh sinh hoạt đời thường khó khăn, có thể đầy mặc cảm và nỗi khổ này kéo dài đến hết cuộc đời.

Bệnh viện giới thiệu thêm một trường hợp khác: một bạn trẻ bị máy nghiền nát đôi chân và phải cắt bỏ đến nửa đùi, trong khi chỉ còn hai mươi ngày nữa là đám cưới. Tôi nhìn cô gái trẻ đẹp, là vợ sắp cưới của anh, mà lòng chết lặng. Tình yêu của họ đang đong đầy cho một đám cưới ngập tràn hạnh phúc thì biến cố xảy ra. Chắc chắn trái tim của hai bạn trẻ này đang ở đỉnh cao của đau khổ.

Nỗi đau thể xác kéo theo nỗi khổ cho tâm hồn. Còn nỗi đau từ tâm hồn thì sao? Cũng trong khoảng thời gian này, có một người tuổi U60 là trụ cột gia đình đến thăm nhà tôi. Người vợ của anh bị tâm thần hoang tưởng nên nỗi đau xoắn vào đời anh từ từ. Và con người này trở nên chênh vênh, khi biết được đứa con trai cả (mà anh rất kỳ vọng) đã vướng vào tệ nạn ma túy. Anh đau đớn, hụt hẫng quá mức nên không còn nói chuyện với tôi như lúc trước. Tôi cũng chếnh choáng, vừa thương anh vừa giận thằng con trai. Rõ ràng, anh đang ở đỉnh cao của đau khổ.

Tôi tự hỏi, khi đang có sự tột cùng của đau khổ, người ta có chay tịnh được nữa không?

Qua tông thư Lòng thương xót và nỗi khốn cùng (Misericordia et misera) Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng: “Văn hóa từ bi thương xót được hình thành qua “việc không ngừng cầu nguyện”. Phải thôi giảng giải lòng thương xót bằng môi miệng mà hãy biến đổi nó thành “sự dấn thân và sẻ chia” qua cuộc sống hằng ngày.”

Tôi tự trả lời cho tôi, qua câu hỏi trên, bằng một sự an vui với những việc làm nhỏ bé của mình.

ĐỜI THƯỜNG

Sau mấy tháng luyện tập, tôi đã biết nấu ăn, từ món xôi gấc dễ nhìn đến món súp Châu Âu. Vì thế tôi thường bước ra chợ để mua rau, củ, quả... Ở chợ truyền thống hiện nay, vẫn còn khá nhiều chị em phụ nữ buôn bán nhỏ lẻ, và nhìn những gì họ bày bán mới thấy chị em kiếm tiền rất ít ỏi, khó khăn. Sự xa hoa vô tình ngoài xã hội làm tôi “xốn con mắt”, nhưng nếu có sự lãng phí nào đó từ Giáo hội địa phương hẳn là tôi sẽ “lẩm bẩm, càm ràm”.

Xã hội đã thành công khi “giáo dục tuyên truyền” mỗi gia đình chỉ có hai con, vì thế, người dân Việt chẳng có ai “ngã lăn ra chết vì đói” khi gạo ngon chưa đến 1 Usd/1kg, nhưng ở nơi hẻo lánh, người ta có thể bị sống “dưới mức con người văn minh”; hoặc những gia đình bỗng trở nên khốn cùng khi gặp tai nạn, tai họa.... Khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng cho năm nay là “Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn” là điều hết sức tế nhị, thân thiện, cảm thông với những người giáo dân, kể cả những gia đình lương dân khốn khổ.

Với nội dung định hướng như thế, sẽ có nhiều giáo xứ, cộng đoàn chú ý đến các gia đình, đến những con người khốn khổ trong các gia đình, đối với tôi, đây là một công trình hết sức to lớn, ẩn dấu hành trình truyền giáo, và bẻ ra tấm bánh không bao giờ hết của lòng mến. Ước mong, những định hướng kế tiếp luôn gần gũi với các thành phần dân Chúa như hiện nay.

NỖI BUỒN CÁT BỤI

Hiện nay, một số nhà thờ thuộc các giáo phận của giáo tỉnh Sài Gòn dâng thánh lễ an táng cho giáo dân lúc 5giờ00 sáng. Như thế có nghĩa là thân nhân và họ hàng của người qua đời phải “làm cách nào đó” để thức dậy rất sớm mà cùng di quan ra nhà thờ; bè bạn ở cùng khu vực có lẽ cũng không an lòng khi phải đến nhà thờ trước 5g00 sáng; người giáo dân cao tuổi trong cộng đoàn giáo xứ (nhất là gia đình neo đơn) nếu có quí mến người qua đời cũng có phần trở ngại để dự thánh lễ sau cùng với người đã khuất... Đối với tôi, đây là một nỗi buồn “không thể than vãn”. Ai cũng chết một lần. Tại sao không dâng thánh lễ cho người đã khuất theo giờ giấc đúng nguyện vọng của gia đình?

Trong các thành phần dân Chúa, có lẽ giáo dân là đơn sơ, lòng thành nhất. Thí dụ, khi Giáo Hội địa phương cần gì, giáo dân sẵn sàng mở lòng mà không cần toan tính; sẵn sàng góp công nếu không có của; khi gia đình gặp cơn nguy khốn, không dám làm phiền đến cộng đoàn nhưng nếu bất ngờ trúng số, thì nghĩ ngay đến nhà thờ và những sự liên quan...rất nhiệt thành. Thế nên tôi lại trộm nghĩ: tế nhị, tìm cách đáp ứng nhu cầu chính đáng của giáo dân là một sự cởi mở đầy lòng mến!

Có lần, vì ân tình trước sau, tôi đi tham dự thánh lễ an táng của bà cố ở vùng Xóm Mới, thánh lễ lúc 8g30, Tôi thong thả thức dậy, dùng bữa sáng và gọi Grabcar, rất thuận tiện. Hoặc dự thánh lễ an táng em của một chị ân nhân lúc 14g00, công việc kết thúc thật nhẹ nhàng, trọn tình trọn nghĩa. Mùa chay này, tôi hy sinh hãm mình, cầu nguyện để người giáo dân được “chú ý một cách tế nhị”. Đó có phải là sự chay tịnh hợp lý không?
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Áng Mây Chiều/Golden Clouds
Robert Helfman
09:47 02/03/2019
ÁNG MÂY CHIỀU/GOLDEN CLOUDS
Ảnh của Robert Helfman

Trời hoàng hôn nắng vàng xao xuyến
Kià làn mây gió quyến xa đưa
Mây trôi lững lờ hồn ai luống ngẩn ngơ
Chiều lắng lắng xuống dần lắng lắng
gieo buồn chiều mơ.
(Trích ca khúc của Dương Thiệu Tước)