Ngày 11-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:21 11/02/2009
THĂNG HOA

N2T


Một phụ nữ đau khổ vì con bà chết, bà đến trước mặt đại sư để tìm kiếm bình an tâm hồn.

Đại sư nhẫn nại nghe bà kể chuyện về quá trình đứa con đã mất và đau khổ trong tâm hồn.

Sau đó, ông ta dịu dàng nói: “Này con, ta không thể vì con mà lau nước mắt, ta chỉ có thể dạy con làm như thế nào để thánh hóa những giọt nước mắt này.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Đức tin làm cho những người Ki-tô hữu nhìn thấy thánh ý Chúa trong mọi sự, cho nên qua một thử thách, hay một đau khổ thì người ta rất dễ dàng nhận ra ai là người có đức tin và ai là người không có đức tin: người có đức tin thì xin on Chúa thánh hóa sự đau khổ, người không có đức tin thì oán trời trách người.

Nhưng trong thực tế, có những người Ki-tô hữu cũng oán trời trách người vì họ thấy sự thống khổ của họ quá to lớn, to lớn hơn cả ân sủng mà Chúa ban cho họ trong cuộc sống. Họ chỉ nhìn thấy đau khổ khổ, thiệt thòi, mất mát, mà không nhìn thấy qua những sự đau khổ ấy thì hạnh phúc sẽ đến với họ, nếu họ biết dùng ơn Chúa ban để thánh hóa những đau khổ mà họ đang chịu.

Ngoài Chúa Giê-su ra, thì không ai có thể lau nước mắt cho chúng ta, nghĩa là không ai tình nguyện chịu đau khổ cho chúng ta, nhưng –trong Chúa Giê-su- người ta có thể giúp chia sẻ với những đau khổ của chúng ta bằng lời cầu nguyện, bằng những góp ý chân thành, bằng những giúp đỡ cụ thể...

Ơn Chúa có thể làm cho điều xấu ra tốt, đau khổ thành hạnh phúc, nếu chúng ta biết lấy đức tin để nhận ra ý muốn của Ngài, đó chính là thăng hoa đời sống tâm linh của mình vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:22 11/02/2009
N2T


77. Nếu chúng ta mỗi giờ mỗi khắc nhớ đến Thiên Chúa, thì ở trên thế gian này đã hưởng được phúc thiên đàng, bởi vì phúc thiên đàng là luôn luôn nhìn thấy Thiên Chúa.

(Thánh Bonaventura)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:23 11/02/2009
N2T


22. Mục tiêu phấn đấu của chúng ta không phải là cố ý, nhưng là sống chính trực.

 
Tình yêu là năm chiếc lá
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
04:51 11/02/2009

TÌNH YÊU LÀ NĂM CHIẾC LÁ



Ngày 14 tháng 2, Giáo hội mừng lễ Thánh Valentinô. Trong khi đó xã hội lại mừng Ngày Tình Yêu.

Ngày lễ Thánh Valentinô được mừng như Ngày Tình Yêu đã trở nên nhộn nhịp vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Những người yêu nhau viết cho nhau những bức thư tình, gửi tặng cho nhau những đoá hoa hồng.

Khởi sự là Ngày Tình Nhân rồi trở thành Ngày Tình Yêu, ngày lễ Thánh Valentinô trở thành lễ của các mối tình khác nhau. Năm 1981, các cặp vợ chồng tại Baton Rouge, Louisiana đề nghị thống đốc tiểu bang và Giám mục công bố lễ Thánh Valentinô là “NgàyHôn Nhân”. Năm 1983, cả nước Hoa Kỳ và một vài nước khác đã mừng “Ngày Hôn Nhân Thế Giới”. Ngày này đã được cử hành vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng hai hàng năm. Tại Việt nam, lễ này mới xuất hiện trong vòng 10 năm qua. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban phép lành Toà thánh cho những ai tham dự nghi lễ mừng Ngày Hôn Nhân Thế Giới này.

Nhân Ngày Tình Yêu, chúng ta cầu chúc cho các đôi hôn phối sống thuỷ chung, hạnh phúc, trung tín giao ước tình yêu suốt đời.

Tình yêu và hạnh phúc song hành cùng nhau. Có tình yêu mới có hạnh phúc. Càng hạnh phúc tình yêu càng dạt dào.

Có bài thơ “Về Năm Chiếc Lá” của Dạ Thảo Phương nói về tình yêu và hạnh phúc.

Hạnh phúc là một chiếc lá
Âm thầm nảy lộc đêm đông.
Buồn đau là một chiếc lá
Rụng trong nhựa úa mai hồng.
Nhớ mong là một chiếc lá
Run vô cớ giữa lặng không.
Hờn ghen là một chiếc lá
Lay lắt mãi giữa cành không.
Tình yêu chỉ năm chiếc lá
Mà làm thành một cơn giông.


Bài thơ về năm chiếc lá là khúc hát về tình yêu của muôn người, muôn đời. Hạnh phúc, buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn, mỗi trạng thái tình yêu ấy ứng với một chiếc lá đời. Tình yêu muôn thửơ vẫn là thứ tình cảm kỳ lạ và khó hiểu. Khi ngọt ngào hạnh phúc, khi hờn ghen giận dỗi cách vô cớ, lúc lại tin ỵêu mãnh liệt. Có người đã cho tình yêu là một loại thực phẩm với đủ năm mùi vị: ngọt, đắng, chát, chua, cay.

Nảy mầm từ tình yêu chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là mong ước ngàn đời của con người. Ai cũng muốn được hạnh phúc. Ai cũng đi tìm và xây đắp hạnh phúc.

Hạnh phúc là một chiếc lá, âm thầm nảy lộc đêm đông. Cũng như chiếc lá lặng lẽ vươn mình giữa đêm đông, hạnh phúc con người chỉ có được khi biết dày công chăm nom gìn giữ, biết vượt qua khó khăn thử thách. Hạnh phúc là quà tặng, là hồng ân, con người phải biết trân trọng, nâng niu giữ gìn những gì mình đang có. Bởi lẽ, biết đâu rằng giông bão cuộc đời nổi lên cuốn theo chiếc lá hạnh phúc mong manh.

Buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn là mỗi chiếc lá cảm xúc của tình yêu. Chiếc âm thầm trong hạnh phúc. Chiếc rụng úa bởi buồn đau. Chiếc run lên vì mong nhớ. Chiếc hờn ghen khi vở tắt. Chiếc cô đơn giữa lặng không.

Tình yêu là năm chiếc lá mà làm thành một cơn giông. Năm chiếc lá hạnh phúc, buồn đau, mong nhớ, hờn ghen, cô đơn là năm khía cạnh của tình yêu đôi lứa. Năm chiếc lá ấy dẫu mong manh, bé nhỏ nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh lớn lao là làm thành một cơn giông. Cơn giông của tình yêu đầy sức mạnh. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu là nguồn sống cho đời. Ai đã một lần yêu mới thấu hiểu tình yêu. Người mình yêu là lẽ sống trên đời.

Tình yêu rất huyền nhiệm Tình yêu kỳ diệu nó gõ hồn ta vào những giờ không định như Xuân Diệu viết:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.


Chỉ một lần chạm tay nhau thôi, về nhà đã mang bệnh tương tư:

Hôm qua lỡ chạm tay nhau,
về nhà đó có bị đau không nào,
riêng đây chẳng biết vì sao,
chạm tay lần ấy đau vào đến tim.


Đau vào đến tim chính là khởi đầu cho những xao xuyến rung động của tình yêu.

Khi yêu rồi thì sức mạnh của tình yêu giúp con người vượt qua tất cả mọi thử thách, mọi khó khăn để có nhau:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Yêu nhau bất kể giàu nghèo, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam.


Yêu nhau mọi sự trở nên ngon ngọt:

Thiếp xa chàng ăn vàng cũng đắng,
thiếp gần chàng ăn muối trắng cũng ngon.


Bài thơ “Lạ chưa” đã diễn tả sự kỳ diệu ấy của tình yêu:

Lạ chưa vẫn ở bên em,
mà anh cứ nhớ cứ thèm gần hơn.
Cứ lo em giận em hờn,
mãi mê anh để cô đơn em buồn.
Cớ chi chắp được đôi hồn,
như chim đôi cánh lượn hôn mây trời.
Cớ chi đi suốt đường đời,
như hình với bóng sóng đôi tháng ngày.
Em cười anh cũng vui lây,
em đau anh lại lệ cay xót thầm.
Qua bao xao động thăng trầm,
tâm ca được mấy tri ân không lời.
Tình yêu là thế em ơi,
hai người mà hoá một người trăm năm.


Tình yêu thật đẹp và thật kỳ diệu. Vì thế, quyết định sống chung với một người suốt đời là điều hết sức quan trọng. Quyết định mà không hiểu biết đó là liều lĩnh và mù quáng sẽ dẫn tới bất hạnh. Sự hiểu biết về mình và đối tượng mình chọn lựa luôn cần thời gian dài khá dài tìm hiểu,thử thách, đo lường.

Thời gian chính là thước đo tình yêu.Chân thật hay giả dối, thuỷ chung hay hời hợt chóng qua, thời gian sẽ xác định cho một tình yêu. Bởi vậy ông bà chúng ta khôn ngoan khuyên dạy con cháu, cần phải có thời gian dài để tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới tiến tới hôn nhân.

Ngày nay, người ta yêu nhau vội vàng, cưới nhau vội vã và bỏ nhau cũng mau chóng. Vì chưa hiểu nhau và chưa có đủ thời gian để tình yêu nên sâu đậm.Tựa như tình yêu hờ hững mà Mỹ Tâm hát trong bài ca “ hát với dòng sông”: tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc. Yêu nhau mà không mong đợi, không hối tiếc thì đâu phải là yêu thật tình.

Các đôi vợ chồng cũng cần có thời gian dành cho nhau. Cảm thông, chia sẽ những khó khăn vui buồn của nhau trong cuộc sống. Khi người vợ quá lo lắng về con cái. Bận rộn cơm áo gạo tiền. Họ tự bó chặt trong những thứ vụn vặt ấy. Khi người chồng bị cuốn hút trong công việc và bè bạn. Họ không còn dành thời gian cho vợ con. Đó là những nguy hiểm cho rạn nứt và bất hoà gia đình. Cần lắm thời gian vợ chồng dành cho nhau, cho gia đình mình.

Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại.Trong Phúc âm, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy sống giây phút hiện tại. Kinh Lạy Cha,Chúa dạy: Xin Cha cho chúng con hôm nay và nhắc nhở rằng, ngày nào cũng có sự lao nhọc, cũng có niềm vui của ngày đó.

Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.

Cầu chúc cho những người đang yêu, những đôi vợ chồng đã yêu luôn sống hạnh phúc. Cho dẫu tình yêu như năm chiếc lá buồn đau nhớ mong hờn ghen cô đơn thì hạnh phúc vẫn luôn là chiềc trên cành mãi màu xanh. Xanh hy vọng. Xanh niềm vui và sự sống.
 
Tình thương là thánh thiện
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:57 11/02/2009
Chúa Nhật 6 Năm B

Thánh với phàm, thiêng với tục là những phạm trù tôn giáo mà mọi thời và mọi nơi đều biết đến.

Cái thánh thiêng là cái cao cả siêu việt, khác lạ, đáng kính và nhiều khi đáng sợ.

Cái phàm tục là cái thông thường, cái tầm thường, nhiều khi đáng khinh và bị coi là ô uế dơ dáy.

Trong các tôn giáo sơ khai, cái thánh thiêng hiện diện ở khắp nơi trong mọi sự từ núi cao đến sông dài, từ đền thờ tới gốc đa, gốc đề, từ tượng thần đến cái bình vôi, từ cá sấu đến các tinh tú.

Trái lại, ngày nay trong thế giới tục hoá, mọi sự đều được giải thiêng, chẳng có gì thánh thiêng ngoài khoa học thực nghiệm duy lý với các định luật, các công thức.

Trong tiếng Do thái, "thánh" có nghĩa là tách biệt. Cái linh thiêng là cái gì tách biệt khỏi cái thường ngày, khỏi cái tầm thường thông tục. Cái thánh thiêng là cái gì khác lạ cao xa, ở bên ngoài, ở bên kia, ở bên trên cái thông thường. Do đó Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh, bởi vì Người cao cả, siêu việt, tuyệt đối, khác lạ. Người là Đấng siêu việt. Đấng cao cả, linh thiêng phải ngự ở những nơi linh thiêng cao cả, đó là những ngọn núi thánh, những Đền thờ, những nơi tách biệt khỏi chốn phàm trần.

Những người được tuyển chọn để phục vụ Đấng Thánh cũng phải là những người tách biệt khỏi người phàm. Hàng Tư tế trong dân Do thái chỉ được chọn từ chi tộc Lêvi, họ phải là những người không tỳ vết, không tật nguyền, phải giữ những luật lệ khắt khe hơn người thường.

Tất cả những gì dành riêng cho Đấng Thánh, những gì được coi như thuộc về Người, đó đều là những cái thánh: núi thánh, đền thánh, nơi thánh, ngày thánh, đồ vật thánh. Phạm đến những cái đó là phạm đến chính Đấng Thánh.

Quan niệm lính thánh như vậy muốn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Từ đó người ta đẩy xa Đấng Thánh ra khỏi cuộc đời và ngày càng đóng khung Người vào trong phạm vi của núi thánh, của Đền thờ, của nơi thánh, nơi cực thánh. Không gian của Người ngày càng bị thu hẹp lại.

Dân Israel được gọi là Dân Thánh, dân riêng của Chúa, thuộc về Chúa. Họ tự coi mình là sở hữu Thiên Chúa: Người là của riêng họ, thuộc về họ.

Dân Israel chờ đợi một vị Thiên Sai ngự đến trong cung thánh đền thiêng.

Trong một thế giới mà cái thánh thiêng và cái phàm tục được xác định rạch ròi tỉ mỉ, chúng ta mới thấy việc Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thánh làm người, một người phàm ở giữa những người phàm gặp phải sự chống đối quyết liệt.

Ngay từ giây phút đầu thai, Đức Giêsu đã không đến trong Đền thờ mà lại đến trong căn nhà nhỏ bé ở Nazareth. Người đầu thai trong lòng một thôn nữ vô danh đối với người Do thái. Rồi khi chào đời, Người đã lấy chuồng bò làm nhà ở, lấy máng cỏ làm nôi, lấy những kẻ mục đồng vốn bị người Do thái coi là uế tạp làm bầu bạn. Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu sống như một người tầm thường giữa những người nghèo khổ, đồng hành ăn uống với những người bị coi là tội lỗi, thâu nhận người thu thuế làm môn đệ.

Trang tin mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu không ngại đưa tay sờ tới người cùi để chữa cho người ấy được lành sạch. Đức Giêsu không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế.

Người mắc bệnh phong cùi đau đớn về thân xác sẽ chết dần chết mòn. Nỗi đớn đau về tinh thần còn khốn khổ hơn nữa. Trong bài đọc 1 sách Lêvi quy định "Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xoã tóc che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!". Họ bị cách ly ra khỏi cộng đồng, sống tủi nhục cho đến chết. Ai tiếp xúc hay đụng đến họ là bị nhơ bẩn, ô uế. Nếu người phong cùi chỉ thò đầu vào nhà nào thì nhà đó bị lây bẩn đến tận cây kèo trên mái. Không ai được phép chào hỏi một người phong cùi ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phong đứng đầu gió, người ở cuối gió phải cách xa 45m. Ngay cả một quả trứng cũng không được ăn nếu bán ở đường phố có người phong đi qua. Chưa có bệnh tật nào lại phân rẽ một người với đồng bào mình như bệnh phong. Thế mà Đức Giêsu đã sờ đến người phong. Bàn tay Người đụng vào da thịt bệnh nhân với các vết thương lỡ loét. Người không bị ô uế, bị dơ bẩn nhưng Người làm cho bệnh nhân hết ô uế và được lành sạch, được hội nhập vào đời sống cộng đoàn. Anh ta lấy lại phẩm giá con người. Niềm vui quá lớn lao khiến anh đi loan báo khắp nơi.

Đức Giêsu bác bỏ hoàn toàn quan niệm về sạch dơ của người Do thái. Đối với Người, không có gì bên ngoài lại làm cho con người ra dơ trước mặt Thiên Chúa. Cái gì dơ, cái gì tội lỗi chính là từ trong lòng con người mà phát xuất ra. Đó là: tà dâm, trộm cắp giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, kêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

Đức Giêsu khẳng định: Ngày Sabat được lập ra cho con người chứ không phải con người được dựng nên cho ngày Sabat và vì thế con người làm chủ luôn ngày Sabat. Tất cả đều vì con người và cho con người. Đức Giêsu luôn sống tình thương cho con người. Tình thương chính là sự thánh thiện. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương. Tình thương là chia sẽ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết trong cuốn"Giọt máu" một câu rất sâu sắc "Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đấy là chí thánh". Tác giả hiểu ý nghĩa của từ chí thánh theo đúng những gì là phàm tục, thế gian là cõi hồng trần bụi bặm. Cái chí thánh chính là dìm mình, hoà vào trong bùn lầy, trong tội lỗi để làm cho từ vũng bùn lầy, từ vực thẳm tội lỗi ấy nở hoa, rực lên sự thánh thiện.

Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.

Người Kitô hữu mỗi ngày đến Nhà thờ dự tiệc Thánh Thể, tiệc Tình thương. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương của Chúa. Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bàc ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian. Người tín hữu luôn được mời gọi sống như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ trong bài đọc 2:"Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm vì danh Chúa Kitô".
 
Những tông đồ người phong cùi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:58 11/02/2009
Chúa nhật 6 năm B

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm xa lánh như bệnh siđa ngày nay vậy. Trong Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nổi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nổi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm thiêu đốt.

Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Và Người còn đưa tay chạm vào thân mình lỡ loét ấy. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp những điều được coi là cấm kỵ của Đạo Do Thái. Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thao tao. Anh là một con người như bao con người khác.

Điều quan trọng hơn, đó la khi chữa anh khỏi bệnh nan y, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về. Nhữg vết thương trong tâm hồn nay đã lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, nay anh đựoc bàn tay âu yếm ân cần của Chúa đón nhận anh trở lại với xã hội loài người. Qua vị thượng tế anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm được phục hồi, danh dự được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người như mọi người.

Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.

Có một môn đệ theo gương Thầy Chí thánh đã đến ở giữa người cùi, cùng sống và đã chết giữa họ. Đó là Cha Đamiên mà Đức Hồng Y FX.Nguyễn Văn Thuận đã kể trong cuốn sách “ Những người lữ hành trên đường hy vọng”. Vị Tông đồ người hủi ấy đã được Giáo hội phong thánh.

Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng...

Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamiên, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.

Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?”

Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đamiên càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo Cha... Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế ? Họ nói gì thế ?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người Cha, xem thử Cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: ”Không, Cha đẹp quá !”

Dần dần, Cha Đamiên hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giê-su bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi.

Một ngày kia, đến lượt Cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình Cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày Cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình Cha Đamiên để mô tả sự hy sinh vĩ đại của Cha. Bà cụ thân sinh của Cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy ?” Các con đều trả lời mẹ:Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamiên đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Đamiên đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp Cha hy sinh suốt đời vì họ.

Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Đức Cha Gio-an Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài-gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.

Cha Phao-lô Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.

Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.

Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn và Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Ki-tô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ... Chúa đã sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.
 
Chúa chữa người bệnh cùi
Tuyết Mai
05:59 11/02/2009
Có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. (Mc 1, 40-45).

Bệnh cùi là một bệnh không thể nào có thể chữa cho dứt hẳn được, vì vi khuẩn cùi luôn sống ở trong máu huyết, chúng ăn dần cơ thể con người ta, cho đến khi không còn gì để ăn được nữa thì con người cũng sẽ phải chết theo chúng!? Ai mang chứng bệnh cùi này thật là tội nghiệp vì họ biết trước rằng mình sẽ phải xa tránh người thân. Bị cô lập sống chung với những con người mang cùng chứng bệnh với mình. Tập sống một cuộc sống mới, không có gì là sáng sủa và có tương lai. Bị xã hội ruồng bỏ và khinh khi. Luôn bị căng thẳng vì chứng bệnh do những con vi khuẩn tác yêu tác quái này luôn hoành hành và cắn xé cơ thể, luôn sống trong đau đớn cả tâm thần và thể xác. Không còn gì là cuộc đời, phải không thưa anh chị em? Nhìn những con người đau khổ này thật sự chúng ta là con người mang danh là kitô hữu con Thiên Chúa, đã hay sẽ làm được gì để giúp đỡ họ vơi đi chút nào sự đau khổ triền miên này!?? Để qua được một cuộc sống ngày lại ngày trong một căn bệnh hiểm nghèo và quái ác này!? Có phải những anh chị em này, họ mới có toàn quyền để than thân trách phận, để than khóc, để tỉ tê và trách móc hay oán than, vì cớ lẽ vì sao mà Chúa lại để cho họ, với một căn bệnh như thể phải chịu đựng bị lãnh một bản án tù chung thân không có ngày được trả tự do, sẽ không còn có những ngày được lành sạch, không có ngày còn có cơ hội được trở về cùng gia đình và xã hội mà sống một cuộc sống thật bình thường như trước đây!?

Cuộc sống thật bình thường của những anh chị em này trước đây, quả thật bây giờ chỉ còn là giấc mơ. Một giấc mơ không tưởng. Một giấc mơ mà trước đây cũng giống như tất cả chúng ta đây! Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống thật bình thường, thật bình an, thật hạnh phúc, thật no đủ, thật ấm êm, nhưng có phải chúng ta lại không biết quý trọng một cuộc sống ngày lại ngày, cứ trôi qua thật êm ả! Chúng ta lại cảm thấy cuộc sống sao quá chán chường, ngày nào cũng nhìn thấy bao nhiêu đó khuôn mặt? Ngày nào cũng bao nhiêu đó công việc? Ngày nào cũng bao nhiêu đó vấn đề? Ngày nào cũng y như ngày nào? Chẳng có gì là hứng thú! Chẳng có gì là thử thách! Chẳng có gì là thay đổi!???

Chúa tác tạo ra nhân loại con người của chúng ta, mà Chúa cũng còn phải ngạc nhiên sao con người của chúng ta lại quá phức tạp, quá khó hiểu, và quá tội lỗi. Tội lỗi ngay từ đầu tiên do hai ông bà Adong và Evà. Sự gì Chúa ban cho bình thường, bình an, và đầy đủ, thì lại cảm thấy dễ chán nản và chán đời. Thích đi tìm những sự gì mang lại cho chúng ta những điều không tốt lành, hại và hao mòn cho cơ thể của chúng ta, đưa đến sự chết chóc, và mất linh hồn quý báu để vùi sâu vào nơi hỏa ngục đời đời thì mới không gọi là chán chường!? Suy nghĩ cho cùng, thì tất cả mọi sự gì Thiên Chúa làm ra vì con người và cho con người, thì hầu hết là tuyệt hảo. Tuyệt hảo đến độ mà chúng ta xem thường và không biết quý trọng.

Có phải khi Chúa làm ra con người thì con người trở nên thật hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa, đó là tác tạo con người đầu tiên của Thiên Chúa là ông Adong và bà Evà hay không? Ngay cả hình ảnh cũng được cho nên giống Ngài, nhưng vì đâu và vì tội lỗi chi mà con người càng ngày càng đẻ ra những chứng bệnh thật là lạ lùng, như ngày hôm nay chúng ta từng chứng kiến? Có phải bệnh tật càng nhiều là vì con người của chúng ta không biết giữ gìn hay không? Nếu là cha mẹ biết gìn giữ và theo luật của Chúa thì những chứng bệnh con cái của chúng ta không phải mang? Có phải có nhiều chứng bệnh mà do con người quá tội lỗi đã sanh ra những đứa con bệnh hoạn và thật tội nghiệp, điển hình như chứng bệnh xida và còn nhiều chứng bệnh tương tự chết người như thế không?

Ai trong chúng ta dám tự phụ là trong suốt cả cuộc đời của chúng ta là hoàn toàn không bao giờ có mang một chứng bệnh nào? Từ chứng bệnh trong thân xác? Bệnh trong tư tưởng? Bệnh tật? Tật bệnh? Bệnh gian tham? Bệnh lươn lẹo có nói không, không nói có? Bệnh hoạn? Bệnh tứ đổ tường?. ... Có phải bệnh gì cũng cho chúng ta ít nhiều đau khổ, từ chứng bệnh nhẹ nhất như nhức đầu sổ mũi cho đến chứng bệnh nặng nhất là ung thư? Còn những chứng bệnh không rõ rệt nhưng nó cứ ăn sâu trong tư tưởng và trong tâm hồn của chúng ta, như thèm được phạm tội và hay tơ tưởng đến những chuyện có thể dẫn đến tội trọng được? Đầu tiên là do con mắt nhìn. ... mà khi đã nhìn thấy rồi thì động lòng tham. ... mà lòng tham không kềm chế được thì sẽ lập tức mang đến hành động. ... rồi thì sau khi dẫn đến hành động là chúng ta tức khắc phạm tội. Nhẹ hay nặng thì tức khắc chúng ta sẽ biết, do thiên thần bản mệnh của chúng ta cho biết.

Thông thường thì ít có ai trong chúng ta là biết mình phạm tội vì thường thì hành động chưa thực sự xẩy ra, nhưng có phải sự ham muốn đã có và đã cấy sâu trong lòng, trong tâm hồn, và trong tâm tưởng của chúng ta bấy lâu nay hay không? Chỉ cần một sự cố nào xẩy ra trong gia đình, hay cho chính mình, thì lập tức chúng ta sẽ chạy theo thật nhanh những gì chúng ta ao ước hay đã ôm ấp từ lâu, nay mong cho sớm thành sự thật? Thí dụ vợ chồng ăn ở đã lâu thì tiếng bấc tiếng chì sao lại có thể tránh cho không xẩy ra hằng ngày được vì đó là chuyện thường tình của bao nhiêu gia đình, nhưng nếu không có cô hàng xóm xinh xắn bắt con mắt, thì người đàn ông không thể nào có cớ để mà đóng tuồng mà trút đổ hết lên đầu của người vợ, để dễ dàng bước ra đi với cô hàng xóm mà không để lại một chút gì là hối hận, thương tiếc, và trách nhiệm của mình đối với vợ con của mình. Từ cái chuyện mơ ước ngay từ lúc ban đầu tưởng chừng như chỉ là giấc mơ, nhưng vì lòng ham muốn mà chúng ta có thể phạm tội trọng không thể nào tha thứ cho được là vậy! Bệnh này thì chúng ta gọi tên chúng là bệnh gì nhỉ!?? Có phải thứ bệnh này còn độc hại hơn cả bệnh cùi và bệnh ung thư không? Chúng ta còn có những chứng bệnh khác nữa không rõ tên tuổi nhưng cũng không phải là bệnh nhẹ, như bệnh hay đổ thừa cho người khác làm để tránh hành vi tội lỗi của mình, mà tội này là tội có thể đưa anh chị em của mình vào lao tù hay xử tử được. Dù là vô tình hay cố ý, như có những cuốn phim chúng ta được xem là vì cố gắng che đậy cho những người giầu có mà vu khống cho những người vô tội phải bị đi tù đầy và bị chết oan, là chuyện thương tâm mà trong xã hội nào chúng ta cũng gặp phải? Những bệnh này thưa có phải còn nặng nhiều hơn những chứng bệnh nan y hay cùi không?

Ấy thế mà biết bao nhiêu con người trong chúng ta đang mắc phải chứng bệnh này đấy mà không biết để tìm thầy tìm thuốc mà chữa trị. Những chứng bệnh ghê tởm này thì Chúa Giêsu ghét ghê lắm! Những chứng bệnh này thường gặp nơi những con người có cuộc sống như phường đạo đức giả ấy mà! Họ là những con người phariseu, luật sĩ, và nhà thông luật, mang danh Chúa để làm thương mại. Họ mang danh Chúa để che đậy những việc làm bất xứng của họ. Họ mang danh Chúa để ăn cướp của dân nghèo, và còn làm bao nhiêu điều đau khổ cho anh chị em thấp cổ bé miệng khắp nơi.

Lậy Chúa Giêsu nhân lành!

Hôm nay Chúa đã động chạm đến người cùi và đã chữa anh sạch bệnh. Xin Chúa thương tất cả con cái Chúa đây là những người bị bệnh cùi trong nhiều hình thức. Có những chứng bệnh cùi của chúng con không xùi ra ngoài da ngoài mặt, nhưng lại còn ghê tởm hơn thế nữa! Xin Chúa hãy chạm đến chúng con, để tất cả những chứng bệnh cùi đáng ghê tởm từ bên trong chúng con được sạch. Bởi chúng con cùi từ trong tư tưởng, tâm hồn, và thân xác, nên không còn chỗ sạch sẽ để mời Chúa ngự vào nhà tâm hồn của chúng con. Chúng con cứ mải ao ước những sự việc không bình thường không tốt đẹp, để rồi con người của chúng con cứ ra ghẻ lở, và như một thứ cùi khó chữa vì nó không làm cho bên ngoài của chúng con ra xấu xí, nhưng bên trong đã rữa nát và thối tha mà chúng con nào có hay!?????

Chúng con tha thiết nài xin Chúa Giêsu hãy động chạm đến chúng con để chúng con được sạch. Amen.
 
Bệnh ''đã ''cùi, không sợ lở''
Pm. Cao Huy Hoàng
06:16 11/02/2009
Chúa Nhật 6 năm B

Theo khoa học hiện nay thì bệnh phong dễ lây lan nhưng không dễ lây nhiễm. Người ta lầm tưởng như thế vì sự lở loét quá khiếp kinh của nó. Bởi vậy, ngay từ thời Cựu Ước, người Do Thái xem người mắc bịnh quái ác này là do tội lỗi và bị Thiên Chúa trừng phạt. Thực ra, khi đọc lại đoạn sách Lêvi 13,1-2.44-46, thì những lời Đức Chúa phán với Môise và Aharon không hề kết án họ, không hề xua đuổi họ; nhưng là sắp xếp cho họ một chỗ riêng, vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng. Người mắc bệnh không có thuốc chữa trị này chắc chắn đau khổ lắm. Thêm vào đó, cách đối xử của cộng đồng có thể gây cho họ cảm thấy nhục nhã và tuyệt vọng khôn cùng: “Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,44-46)

Không có bản văn nào nói đến cuộc sống của những cộng đồng người phong cùi ngoài trại. Tôi muốn nghĩ ngay đến một cộng đồng ngoài trại. Thiên Chúa đã không bỏ rơi họ. Thiết tưởng họ là những người được Chúa tách riêng ra vì sự ô uế do căn bệnh thể lý, không phải do một hình phạt. Họ được Thiên Chúa thương yêu cách riêng, theo cách của Thiên Chúa. Trong cái túi của những người cùng số phận, chắc chắn họ đã chia sẻ cho nhau niềm hy vọng trong sự quan phòng của Chúa.

Năm 1976, khi chúng tôi còn ở Hòa Yên, anh em chúng tôi vẫn đi xe đạp ra đến tận Suối Dầu để cắt cỏ cho bò. Chúng tôi đã tìm gặp được một cộng đoàn người phong từ trại phong Hansen Nha Trang chuyển lên đây. Họ thương yêu nhau lắm. Tương tự, ở các trại phong Qui Hòa, Bến Sắn, Di Linh, Văn Môn, Sóc Sơn… đang là những mái ấm của những người đau khổ, và là nơi thu hút nhiều sự chia sẻ của những con người có trái tim của Chúa.

Thế thì bệnh phong cùi thể lý, sự ô uế do bệnh gây ra… chỉ là hình ảnh ẩn dụ của Lời Chúa hôm nay. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Corinto1 Cr 10,31 - 11,1 mở ra cho chúng ta ẩn dụ ấy, để hiểu rằng có một thứ bệnh phong cùi dễ lây lan, cũng dễ lây nhiễm, và cực kỳ nguy hiểm hơn trong đời sống tín hữu, đó là: gương xấu “Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa”.

Thánh Phaolô căn dặn rằng tất cả mọi việc phải làm vì vinh danh Chúa. Như vậy, tất cả những việc đã làm không vì vinh danh Chúa, có thể nói, đều là gương xấu. Có phải, “tất cả vì vinh danh Chúa “ là kim chỉ nam của đời sống tín hữu không? Một phút tĩnh lặng lại lòng mình, sẽ thấy Thánh Phaolô rất có lý, vì sự hiện hữu của mọi sinh vật trên đời nầy đều cho vinh danh Chúa. Ngược lại với nguyên tắc này, là do một sự thôi thúc vị kỷ ở bên trong, bắt nguồn từ lòng kiêu ngạo, và sinh ra bao tội lỗi khác, bao gương xấu khác.

Không có sự “khiêm tốn thật trong lòng” nào sinh ra gương xấu. Ngược lại gương xấu nào cũng phản ảnh sự kiêu ngạo và kiêu ngạo thái quá.

Phải khiêm tốn mà nhìn nhận rằng: gương xấu trong giáo hội cũng không thiếu. Có phải vì không để Thiên Chúa được lớn lên, mà bao nhiêu nỗ lực cũng hoài công vô ích và trở thành gương xấu? Uy tín của Thiên Chúa không hề thuyên giảm nhưng khuôn mặt của Ngài bị che lấp bởi những sự chói lọi của thế trần làm vinh quang cho nhau. Chưa dám nói đến những gương xấu do tội lỗi của mọi thành phần dân Chúa làm giảm đi uy tín của giáo hội đối với lương dân. Có những người hết mình cho Giáo hội, tưởng là vì vinh danh Chúa, vỡ ra chuyện, mới hiểu là vì cá nhân mình, vì vinh danh mình.

Khi đã vì mình, thì tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống tín hữu đều không sinh ích lợi cho mình và cho ai. Mà ngược lại, gây nên bao nhiêu bất nhất trong giáo hội. Một người làm việc tông đồ nhiệt tình, không vì Chúa, nhưng vì để thỏa mãn cái hiếu thắng của mình, sẽ gặp thất bại. Và khi thất bại thì tỏ ra bất mãn hơn ai hết. Đã có người, làm việc với Giáo xứ hăng say lắm, không phải vì yêu mến Chúa, mà vì tình cảm riêng tư với Cha sở, cha phó. Chuyện vô duyên ấy trở nên gương mù cho Giáo Dân. Hội Đồng lên tiếng. Đức Giám Mục thuyên chuyển cả hai cha đi khi mới được vài tháng hay chưa tròn một năm phục vụ. Một người bất mãn ĐGM, kéo theo một ê-kíp phản đối. Rồi sau đó, bất cộng tác với Cha sở mới, và kêu gọi mọi người bất cộng tác, chưa kể đến việc rêu rao những lời bất kính. Gây phe phái trong giáo xứ. Đó không phải là gương xấu sao? Gương xấu ấy không bắt nguồn từ sự kiêu ngạo sao? Gương xấu ấy không phải là gương xấu cho Hội Thánh của Thiên Chúa, cho cả lương lẫn giáo như lời Thánh Phaolô hôm nay đã nhắc nhở đấy sao?

Còn bao nhiêu gương xấu nữa mà thiết tưởng phải thật khiêm tốn bình tâm và can đảm để xét cho ra. Trong số những người buôn gian bán lận, bất công, lừa đảo, ngoại tình, ly dỵ, phá thai, mãi dâm, ma túy, trộm cắp, tin vơ thờ quấy….không có con cái của Chúa, của Hội thánh sao? Thật đáng buồn, khi nghe tin ở các phiên tòa xử, trước vành móng ngựa, cũng có những người con của Giáo hội vướng vào những tội phạm luân lý không đáng có.

Gương xấu trong xã hội thì không kể xiết. Không đúng sự thật từ trong những trang lịch sử, đến những tờ quảng cáo. Chủ trương duy lợi cho một số thành phần dẫn đến bao bất công xã hội. Sự ăn chơi, hưởng thụ vô độ của người lớn làm băng hoại cả một nền thuần phong mỹ tục vốn giản dị thanh khiết bên lũy tre làng. Lũ cháu, đàn con đang tập nếp sống mới ngoài vòng luân thường đạo lý. Bởi đâu? Thưa bởi vì “thựợng bất chính, hạ tắc loạn”. Một thế hệ trẻ đi về đâu khi những cái bất chính của người lớn tràn lan như sóng vỡ bờ. Sự dối trá của người lớn lộ liẽu trên các phương tiện truyền thông đến nỗi con cháu mới vừa học vỡ lòng cũng nom thấy, cũng hiểu ra. Đúng là xã hội đang mang và gieo một mầm bệnh không chỉ lở loét ngoài da trông ghê tởm, mà còn làm nghẽn mạch cả một thế hệ hậu sinh: Không biết tin vào đâu là sự thật.

Những thói hư tật xấu có sức lây lan nhanh thành nếp sống của một xã hội và lây nhiễm đến cộng đoàn dân Chúa còn hơn sức lây nhiễm của thứ bệnh phong mà người ta kinh tởm.

Đã vậy, trong văn nói tiếng Việt còn có câu nầy: “đã cùi, không sợ lở”, chỉ tình trạng buông xuôi, liều mạng, không muốn sửa đổi, khắc phục, hay cải thiện. Não trạng ấy cũng đang định hướng cho một cuộc phiêu lưu không dừng của một xã hội. Không thể định hướng ngược lại theo chiều mà người ta gọi là đi lên, là tiến bộ. Càng không thể dừng lại cái tham vọng làm chủ và mọi việc làm của chủ đều đúng.

Tiếc thay, những người con của Chúa cũng ảnh hưởng không ít cách sống liều mạng như thế. Từ những tội nhỏ, gương xấu nhỏ, họ không sửa đổi, cải thiện mà còn liều mình làm phạm những tội lớn, gây những gương xấu lớn hơn. Trước đây, những người làm gương xấu trong giáo hội gọi là tội nhân công khai, có khi phải bị những biện pháp chế tài, chẳng hạn “chôn ngoài đất thánh” như những người cùi ở ngoài trại. Những người làm gương xấu trong xã hội, trong cộng đoàn ngày nay có nghĩ là mình cũng phải định cư muôn đời bên ngoài nước Thiên Chúa không? Hay là bị buộc vào cối đá mà quăng xuống biển. Những người theo chủ trương “đã cùi không sợ lở” có lẽ số phận càng tệ hơn, vì chính họ không muốn được sạch, và không tin vào lòng thương cứu chữa của Chúa.

Chúa Giêsu đến cứu chữa những gì đã hư mất. Chúa làm cho người phong cùi được sạch. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ không cứu những người theo chủ trương liều mạng “đã cùi không sợ lở”. Vì trong trình thuật qua bài Tin Mừng, Thánh Marco ghi rất rõ chi tiết nầy: “Khi ấy có người bị phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh hãy được sạch!" Lập tức bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. “ (Mc 1, 40-42)

Người phong muốn mình được sạch, và quì xuống van xin. Trong lời van xin, cũng rất chân thành và khiêm tốn: “Nếu Ngài muốn”.

Không ai trong chúng ta là người vô tội. Không ai không bị ô uế bởi tội. Và vì tội, ai cũng đã hơn một lần làm gương xấu, làm cho sự ô uế của mình lây nhiềm đến hồn xác anh em- thân thể Chúa Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần.

Thiết nghĩ, điểm quan trọng trong năm Giáo dục Gia Đình không thể bỏ qua, là các cha mẹ cải thiện chính mình và giáo dục cho con cái có cảm thức đúng đắn về tội, hậu quả của tội như sự phong hủi của tâm hồn, sống trong tội là làm gương xấu, làm lây nhiễm các chi thể hội thánh, và nhất quyết khiêm tốn quỳ xuống van xin Chúa Giêsu cứu chữa khẩn cấp. Không thể trì hoản với bí tích giải tội như chủ trương xã hội “ đã cùi không sợ lở”.

Lạy Chúa Giêsu, nếu ngài muốn, xin cho con được sạch. Xin tẩy những lở loét trong con do tội kiêu ngạo, và xin cho tất cả những việc con làm vì vinh danh Chúa. A men
 
Người anh em phung hủi
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
10:59 11/02/2009
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B

NGƯỜI ANH EM PHUNG HỦI

A. DẪN NHẬP

Bệnh phung hủi là một chứng bệnh ghê sợ nhất và cũng khó chữa. Hiện nay trên thế giới có chừng 15 triệu nạn nhân. Ở Việt nam chúng ta cũng chẳng thiếu gì người bị phung hủi. Hiện nay có 21 trại phong cùi. Một trong những trại phung nổi tiếng mà thi sĩ Hàn mạc Tử đã phải ở đó và ngôi mộ của thi sĩ cũng còn ở gần đó: trại phung Qui hòa thuộc tỉnh Bình định.

Đối với xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, người phung hủi bị coi như là người có tội bị Thiên Chúa phạt, nên họ bị kỳ thị triệt để, bị loại ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, phải sống riêng rẽ ở nơi hẻo lánh, xa mọi người, sống cô đơn, không được tham dự các lễ nghi. Họ sống mà như đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa khỏi, mới cứu sống được.

Ngoài bệnh phung cùi thể xác, còn một thứ bệnh khác là bệnh phung cùi thiêng liêng. Khi phạm tội trọng là người ta đã trở nên phung cùi trước mặt Chúa. Họ sống mà như đã chết. Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho linh hồn họ khỏi bệnh cùi. Hãy đến với toà cáo giải.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Lv 13,1-2.45-46

Sách Lêvi trong Kinh thánh dùng hai chương nói về căn bệnh này, không phải về phương diện thể lý cho bằng cách đối xử với nạn nhân trong cộng đoàn. Sách Luật không đề cập đến cách điều trị, vì đó không phải là mục tiêu mà trước tiên nhắm đến phương thế khám phá những triệu chứng, để trục xuất người mắc bệnh ra khỏi cộng đoàn.

Luật Maisen đòi buộc người mắc bệnh phung cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi gặp người nào lành sạch thì phải hô lên: ”Ô uế, ô uế”. Vì là người bị cho là ô uế, tội lỗi nên phải sống riêng rẽ, sống bên ngoài trại.

+ Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1

Đây là phần kết luận của đoạn kết về vấn đề ăn thịt cúng. Tuy thánh Phaolô không đề cập đến bệnh cùi, nhưng cùng chung một vấn đề là “sạch và dơ”. Người Do thái luôn chú trọng đến đồ ăn sạch và dơ, họ nhất quyết phải lánh xa những đồ ăn dơ. Nhưng thánh Phaolô đã đả phá quan niệm ấy, ngài cho rằng những gì Thiên Chúa đã dựng nên cho con người thì đều sạch cả, nó chỉ trở nên dơ do lòng người mà ra. Vì thế Ngài kết luận: đừng chú trọng phân biệt đồ ăn sạch hay dơ mà điều cần nhất là khi ăn khi uống, dù khi bất cứ làm việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mc 1, 40-45

Cả ba sách Phúc âm nhất lãm đều nhắc đến việc Đức Giêsu chữa lành người phung hủi, ở đây có lẽ là một trong những phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu. Đó là một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy thời Thiên sai đã đến. Đối với người Do thái, bệnh phung cùi là bệnh nan y chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi. Chứng bệnh này rất hay lây và có liên hệ đến tội lỗi. Người phung hủi là người bị loại ra khỏi đời sống xã hội Do thái: khi chữa lành, Đức Giêsu đã phục hồi phẩm giá cho anh và cáo giác việc cấm đoán anh ta cho đến lúc đó.

Việc chữa bệnh này còn nói lên lòng thương xót của Chúa đối với nạn nhân; đồng thời đả phá những luật lệ cấm kỵ làm thương tổn đến phẩm giá con người. Phép lạ này cũng nói lên sứ mạng cứu thế của Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Đừng trở thành người phung cùi

I. BỆNH PHUNG HỦI THỜI ĐỨC GIÊSU

1. Luật Do thái về bệnh phung cùi

Theo luật Do thái, những ai mắc bệnh cùi không được sống trà trộn trong dân chúng vì bệnh này là bệnh nan y và hay lây. Vì vậy số phận của họ đã khổ vì bệnh hoạn lại còn khốn nạn hơn vì tình trạng cô đơn.

Căn bệnh đáng sợ nhất đối với người Do thái ngày xưa chính là bệnh cùi. Nó như cơn đại dịch truyền nhiễm gieo rắc biết bao khiếp sợ cho những nạn nhân của nó vì hồi đó không có hy vọng cứu chữa. Số phận của người bệnh cùi thực sự rất đáng thương. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh bị cách ly khỏi mọi đời sống xã hội và ép buộc phải trốn tránh xã hội. Điều này có nghĩa là người bệnh phải thốt ra lời từ biệt gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả cuộc sống nghề nghiệp và tất cả mọi người thân thương quen biết. Một lần vĩnh biệt như là đã chết. Tâm trạng âu lo hoảng loạn và nỗi đau lòng khổ tâm vì bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi cộng đồng xã hội, phải nói thật là có sức tàn phá khủng khiếp. Hơn nữa, người bệnh bị mang danh là người tội lỗi bị Thiên Chúa phạt.

2. Đau đớn thể xác

Có những triệu chứng để xem biết ai đã mắc chứng bệnh này. Nó có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè... Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết.

Cũng có thể bắt đầu bằng tình trạng mất cảm giác ở một vài phần thân thể, dây thần kinh bị nhiễm trùng, gân cốt co lại làm cho hai bàn tay trông giống như móng thú vật. Tiếp theo là tay chân bị lở loét, ngón tay ngón chân rụng dần cho đến khi cả hai bàn tay bàn chân rớt hẳn ra. Trường hợp này có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. Đó là cái chết tiệm tiến kinh khủng làm cho con người chết từng phần một.

3. Đau khổ tinh thần

Đau khổ tinh thần còn lớn hơn đau khổ về thể xác. Theo sách Lêvi, người phung cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết. Và sách còn cho biết thêm:”Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên:”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là là một nơi bên ngoài trại

(Lv 13, 45-46). Nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là nhơ bẩn và còn bị coi là bị Chúa phạt.

Thời trung cổ, người nào mắc bệnh phung cùi thì thầy cả mặc áo lễ, cầm thánh giá đưa người bệnh vào nhà thờ và cử hành lễ an táng.

Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu ở trại cùi Qui hoà, biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ ta mới hiểu được nỗi đau đớn trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

Đọc chuyện cha Đa-miêng, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức giám mục ở đảo Hawai giới thiệu cha Đa-miêng với dân cùi ở đảo là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Đa-miêng rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Đa-miêng là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau:”Không”. Dần dần cha Đa-miêng hoà đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

II. ĐỨC GIÊSU CHỮA BỆNH PHUNG CÙI

Người Do thái rất sợ người phung cùi vì họ là người ô uế phải tránh xa. Không ai được phép chào hỏi một người phung ở ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phung hủi đứng đầu gió thì người ở cuối gió phải cách xa 45 mét. Ngay cả một quả trứng, các rabbi Do thái cũng không ăn nếu bán ở đường phố có người phung hủi đi qua.

Vì có những sự kỳ thị và cấm kỵ quá mức như vậy, chúng ta cần xem thái độ của người phung và của Đức Giêsu trong phép lạ chữa bệnh này.

1. Thái độ của người phung cùi

Theo nguyên tắc, người mắc mệnh phung không được đến gần người lành. Đây là một cấm kỵ. Nhưng người phung hủi đây bỏ mọi mặc cảm đến với một lòng tin tưởng: anh chắc chắn nếu Chúa muốn Ngài có thể chữa lành. Nếu không tin, anh đã không dám làm thế vì không một người phung hủi nào dám đến gần một vị bác sĩ vì biết sẽ bị ném đá đuổi đi. Nhưng nguời này đã đến với Đức Giêsu. Anh hoàn toàn tin tưởng Ngài sẵn sàng tiếp đón một người bị mọi người xua đuổi. Lòng tin tưởng đã khiến anh liều mình bị ném đá khi đến gần Đức Giêsu vì đã vi phạm luật.

Anh còn đến với Chúa với tấm lòng khiêm cung khi anh ta nói:”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được lành”. Nói như thế, anh ta dường như muốn nói với Đức Giêsu rằng:”Tôi biết mình chẳng ra gì, mọi người xa lánh, khinh dể tôi, tôi biết tôi không có quyền gì kêu cầu Ngài, chỉ mong Ngài đoái thương đến cảnh cùng khốn của tôi”. Chính lòng khiêm nhường nhận biết sự bất xứng và nhu cầu của mình, người bệnh tìm đến với Đức Giêsu.

2. Thái độ của Đức Giêsu

Tin mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu rất xúc động cảm thông khi gặp thấy người cùi. Thấy người phung cùi tiến đến, Chúa bầy tỏ lòng thương xót ngay. Dầu luật pháp không cho phép đụng đến người phung hủi, chỉ đến gần 2 mét đã bị ô uế rồi, thế mà Đức Giêsu giơ tay ra đụng đến anh ta. Đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có một bó buộc duy nhất là luật yêu thương. Đây là lần duy nhất trong số những người tiếp xúc giữa Chúa và người bệnh mà Ngài tỏ ra động lòng trắc ẩn rõ ràng nhất. Điều này nói lên một điều gì đó sâu xa nơi Con Người đang-ra-tay-chữa-lành kia, như là dấu chỉ của lòng thương xót, đồng thời giúp chúng ta nhìn sâu vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn quan tâm săn sóc mọi thứ bệnh tật phần xác cũng như phần hồn.

III. BỆNH PHUNG HỦI THIÊNG LIÊNG

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thế xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi, cũng khiến người ta bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

Để được thoát khỏi cảnh tuyệt vọng, người phung cùi đã tìm đến Chúa để xin được chữa lành. Người cùi đã không để cho thất vọng chi phối. Anh ta đã đến kêu cầu Chúa. Cái điều mà tội nhân cần có là đức tin và lòng trông cậy của người cùi vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Để có thể nại đến quyền năng và lòng thương xót của Chúa, người ta phải nhận mình có bệnh và có tội. Người không nhận mình là có bệnh và có tội, thì không tìm đến thầy thuốc. Họ là những người vô phương cứu chữa.

Khi phạm tội trọng, đó là lúc linh hồn bị bệnh phong cùi, linh hôn còn sống mà đã như chết trước mặt Chúa, chỉ có phép giải tội mới làm cho linh hồn được khỏi bệnh phong, mới làm cho linh hồn được trong sạch và được sống lại. Thiên Chúa không trực tiếp chữa bệnh phong linh hồn nhưng Ngài nhờ tay Linh mục để sửa chữa và làm cho sống lại.

Truyện: Pho tượng biết hát.

Nơi đồng Memnon, chỗ thành Thèbes cũ, người ta đựng lên hai tượng đá mạnh mẽ, cao độ 20 thước, tượng hai ông vua, khắc trong một thứ đá bở, ngồi đó từ 20 thế kỷ trước Chúa giáng sinh. Chính vua Pharao Amenhotep III đã dựng hai tượng ấy. Một trong” hai cây cột Memnon này”(người đời xưa gọi hai tượng ấy là cột trụ) nứt ra hồi động đất năm 27 trước Chúa giáng sinh. Vừa khi mặt trời mới mọc soi bức tượng, tượng đã ra nóng và bắt đầu rên siết, bắt đầu kêu la cách lạ kỳ, đó là bức tượng Memnon “hát”.

Trong linh hồn ta cũng vậy, sự sống bắt đầu hát, bắt đầu rên siết, bắt đầu reo vui và khoái chí sau khi xưng tội cho tử tế, chính là lúc mức ánh sáng mặt trời đầu hết, lúc sự yêu mến hay thiêu đốt của Chúa Giêsu, đổ xuống chan chứa trong linh hồn ta khi Thầy Cả ban phép giải tội. Chúa Giêsu vào ở lại trong linh hồn ta tràn trề sự vui, và tiếp theo sau Chúa Giêsu một mãnh lực như đồng như sắt chỗi dậy: đó là ý muốn quyết định bắt đầu một cuộc đời mới mẻ, đẹp hơn và thanh sạch hơn. Phải làm thử đã thì mới nghiệm biết phép lạ Chúa làm trong linh hồn ở tòa giải tội. Bởi vì sự dựng nên thế giới là điều ít cao siêu hơn là sự linh hồn chết được sống lại (GM Toth – Phêrô Thông, Tôn giáo với thanh niên, 1949, tr 235).

IV. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI NẠN NHÂN ĐAU KHỔ

Đứng trước những nạn nhân phong cùi đau khổ này, chúng ta phải có một quyết tâm không bao giờ tự làm cho mình thành người cùi và cũng đừng làm cho những người sống chung quanh mình thành những người cùi. Nghĩa là có những người cư xử như mình bị cùi, khi tự xây cho mình một pháo đài ích kỷ, lập dị... Có những người khác lại đối xử với anh em như những người cùi, khi làm cho anh em cô đơn hoàn toàn, do lời nói hay thái độ chia rẽ, phân biệt đối xử...chẳng hạn có những người, những tập thể mà chúng ta xa lánh theo kiểu dân Do thái xa lánh người cùi.

Chúng ta đừng bao giờ sống như thế, chúng ta đừng bao giờ tự cô lập mình, đừng bao giờ gây chia rẽ; trái lại, hãy luôn sống cởi mở với mọi người, đối xử với mọi người trong tinh thần yêu thương và hợp tác.

Thái độ tiếp theo của chúng ta là phải yêu thương và tôn trọng người đau khổ, nhất là những người phong cùi về thể xác cũng như linh hồn. Xử đối tốt với người đau khổ là món quà quí giá chúng ta tặng cho họ, không gì làm cho họ sung sướng hơn. Người ta thường nói:

- Của cho không qúi bằng cách cho.

- Lời chào cao hơn mâm cỗ.

- Vật khinh nhưng hình trọng.

(Tục ngữ)

Chúa Giêsu luôn tiếp đón mọi người một cách lịch sự và yêu thương, không bao giờ Ngài có thái độ cứng rắn hay khinh miệt người đau khổ và tội lỗi. Có biết bao gương tốt đẹp của Chúa Giêsu đã được ghi trong sách Tin Mừng, tất cả đều nói lên tình thương và tôn trọng mọi người, không phân biệt sang hèn hay màu da ngôn ngữ, kẻ lành hay người dữ.

Truyện: Léon Tolstoi và người hành khất.

Một hôm Tolstoi, một đại văn hào người Nga, đang ngồi nghỉ mát trên ghế đá trong một công viên gần nhà, thì bỗng có người đàn ông lớn tuổi, áo quần nhếch nhác, đến gần và giơ chiếc mũ cũ rách ra trước mặt nhà văn để xin giúp đỡ. Nhà văn liền thò tay vào túi áo định lấy tiền cho người ăn xin, nhưng tìm hết túi áo này sang túi áo khác mà không kiếm thấy đồng nào. Bấy giờ ông nhìn người ăn xin và nói với sự hối tiếc như sau: “Này người anh em, xin thứ lỗi cho tôi. Vì hôm nay tôi rất tiếc đã để quên ví tiền ở nhà rồi! ” Bấy giờ, người ăn xin thay vì buồn giận, thì đã mỉm cười và nói: “Tôi thật không biết phải cảm ơn ông thế nào cho xứng. Vì hôm nay ông đã cho tôi một món quà qúi báu hơn tiền bạc. Đó là ông đã không những không khinh dể tôi, mà còn tôn trọng tôi khi gọi tôi là “Người anh em”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát, Đà lạt
 
5 Phút một tuần với Thánh Phaolô: Bài 1 - Thánh Phaolô và Thế Giới của Ngài
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
14:53 11/02/2009
Thánh Phaolô ở giữa hai thế giới: một đằng là thế giới của Đế Quốc Rôma, đằng khác là thế giới của Đạo Do Thái mà trong đó truyền thống đức tin thật khắt khe. Gia tài văn hóa pha trộn ấy chắc chắn cuối cùng đã giúp Thánh Phaolô, một tín hữu Do Thái, trở thành Tông Đồ Dân Ngoại.

Thánh Luca cho chúng ta biết trong Sách Tông Đồ Công Vụ rằng Thánh Phaolô bắt đầu cuộc đời của ngài ở Tarsô (tại Trung Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào đầu thế kỷ thứ nhất. Như Thánh Phaolô đã nói với viên sĩ quan chỉ huy lính Rôma trong Tông Đồ Công Vụ (21:39) rằng quê ngài là một thành phố “không phải là không có tiếng tăm”. Thực ra nó là thủ phủ tỉnh Cilicia của Rôma, một trung tâm thương mại và văn hóa nổi danh vì những trường phái triết học của nó. Tiếng Hy Lạp có thể là tiếng mẹ đẻ của ngài và có lẽ ngài đã được giáo dục trong nền văn hóa và tu từ học Hy Lạp, cùng phương pháp viết thư Hy Lạp, như chúng ta thấy rõ trong các Thư của ngài. Thánh Phaolô là một công dân Rôma (Cv 16:37-38), một địa vị xã hội quan trọng mà chắc ngài được thừa hưởng từ thân phụ. Ngài làm nghề may lều (Cv 18:3) và hãnh diện vì nghề nghiệp cùng được độc lập về tài chánh do nghề này đem lại cho ngài (x. 1 Thes 2:9; 1 Cor 4:12).

Một điều quan trọng khác trong việc hiểu Thánh Phaolô là căn tính Do Thái chắc chắn của ngài. Chính những lời chứng của ngài xác quyết điều ấy: “Được cắt bì đúng ngày thứ tám, dòng dõi Israel, chi tộc Bengiamin, một người Do Thái sinh ra bởi người Do Thái; tuân giữ Lề Luật như một người Pharisiêu; về sự nhiệt thành, thì khủng bố Hội Thánh; còn về sự công chính theo Lề Luật, thì không thể chê trách được” (Phil 3:5-6). Trong hội đường địa phương ở Tarsô, Thánh Phaolô chắc đã học Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh. Ở đó linh hồn ngài được nuôi dưỡng bởi lòng sùng đạo Do Thái, và ở đó lòng nhiệt thành đối với các truyền thống đức tin của ngài được hun đúc. Thánh Phaolô đã nhận mình là một người “Biệt Phái’, một phong trào cải cách của thường dân đóng vai trò dẫn đầu trong sự sống còn và tinh thần của Đạo Do Thái suốt thế kỷ thứ nhất.

Thánh Phaolô không bao giờ để mất hay chối bỏ quá trình văn hóa và tôn giáo của ngài. Trong đời sống của ngài sau này, Ngài đã pha lẫn quá trình ấy với tình yêu nhiệt thành đối với Đức Kitô, để tuôn ra sức năng động của con người và lịch sử của ngài.

THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để bàn luận: Chúng ta đang sống trong một thời đại khác xa thời đại Thánh Phaolô, người Công Giáo chúng ta là một cộng đồng có nhiều nền văn hóa khác nhau. Những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng gần một nửa số người Công Giáo tại Hoa Kỳ dưới 29 tuổi thuộc gốc La Tinh. Đức Tin của chúng ta không mời gọi chúng ta loại trừ, nhưng ôm ấp và cử hành sự khác biệt ấy như là một dấu hiệu của tính phổ quát của Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô. Bạn đã cảm nghiệm thế nào về sự phong phú mà những khác biệt về văn hóa đem lại cho Hội Thánh?

LM Donald Senior, C.P.

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.
 
Valentine: Tình yêu là năm chiếc lá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:57 11/02/2009
Ngày 14 tháng 2, Giáo hội mừng lễ Thánh Valentinô. Trong khi đó xã hội lại mừng Ngày Tình Yêu.

Ngày lễ Thánh Valentinô được mừng như Ngày Tình Yêu đã trở nên nhộn nhịp vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Những người yêu nhau viết cho nhau những bức thư tình, gửi tặng cho nhau những đoá hoa hồng.

Khởi sự là Ngày Tình Nhân rồi trở thành Ngày Tình Yêu, ngày lễ Thánh Valentinô trở thành lễ của các mối tình khác nhau. Năm 1981, các cặp vợ chồng tại Baton Rouge, Louisiana đề nghị thống đốc tiểu bang và Giám mục công bố lễ Thánh Valentinô là “NgàyHôn Nhân”. Năm 1983, cả nước Hoa Kỳ và một vài nước khác đã mừng “Ngày Hôn Nhân Thế Giới”. Ngày này đã được cử hành vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng hai hàng năm. Tại Việt nam, lễ này mới xuất hiện trong vòng 10 năm qua. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban phép lành Toà thánh cho những ai tham dự nghi lễ mừng Ngày Hôn Nhân Thế Giới này.

Nhân Ngày Tình Yêu, chúng ta cầu chúc cho các đôi hôn phối sống thuỷ chung, hạnh phúc, trung tín giao ước tình yêu suốt đời.

Tình yêu và hạnh phúc song hành cùng nhau. Có tình yêu mới có hạnh phúc. Càng hạnh phúc tình yêu càng dạt dào.

Có bài thơ “Về Năm Chiếc Lá” của Dạ Thảo Phương nói về tình yêu và hạnh phúc.

Hạnh phúc là một chiếc lá
Am thầm nảy lộc đêm đông.
Buồn đau là một chiếc lá
Rụng trong nhựa úa mai hồng.
Nhớ mong là một chiếc lá
Run vô cớ giữa lặng không.
Hờn ghen là một chiếc lá
Lay lắt mãi giữa cành không.
Tình yêu chỉ năm chiếc lá
Mà làm thành một cơn giông
.

Bài thơ về năm chiếc lá là khúc hát về tình yêu của muôn người, muôn đời. Hạnh phúc, buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn, mỗi trạng thái tình yêu ấy ứng với một chiếc lá đời. Tình yêu muôn thửơ vẫn là thứ tình cảm kỳ lạ và khó hiểu. Khi ngọt ngào hạnh phúc, khi hờn ghen giận dỗi cách vô cớ, lúc lại tin ỵêu mãnh liệt. Có người đã cho tình yêu là một loại thực phẩm với đủ năm mùi vị: ngọt, đắng, chát, chua, cay.

Nảy mầm từ tình yêu chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là mong ước ngàn đời của con người. Ai cũng muốn được hạnh phúc. Ai cũng đi tìm và xây đắp hạnh phúc.

Hạnh phúc là một chiếc lá, âm thầm nảy lộc đêm đông. Cũng như chiếc lá lặng lẽ vươn mình giữa đêm đông, hạnh phúc con người chỉ có được khi biết dày công chăm nom gìn giữ, biết vượt qua khó khăn thử thách. Hạnh phúc là quà tặng, là hồng ân, con người phải biết trân trọng, nâng niu giữ gìn những gì mình đang có. Bởi lẽ, biết đâu rằng giông bão cuộc đời nổi lên cuốn theo chiếc lá hạnh phúc mong manh.

Buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn là mỗi chiếc lá cảm xúc của tình yêu. Chiếc âm thầm trong hạnh phúc. Chiếc rụng úa bởi buồn đau. Chiếc run lên vì mong nhớ. Chiếc hờn ghen khi vở tắt. Chiếc cô đơn giữa lặng không.

Tình yêu là năm chiếc lá mà làm thành một cơn giông. Năm chiếc lá hạnh phúc, buồn đau, mong nhớ, hờn ghen, cô đơn là năm khía cạnh của tình yêu đôi lứa. Năm chiếc lá ấy dẫu mong manh, bé nhỏ nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh lớn lao là làm thành một cơn giông. Cơn giông của tình yêu đầy sức mạnh. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu là nguồn sống cho đời. Ai đã một lần yêu mới thấu hiểu tình yêu. Người mình yêu là lẽ sống trên đời.

Tình yêu rất huyền nhiệm Tình yêu kỳ diệu nó gõ hồn ta vào những giờ không định như Xuân Diệu viết:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.


Chỉ một lần chạm tay nhau thôi, về nhà đã mang bệnh tương tư:

Hôm qua lỡ chạm tay nhau,
về nhà đó có bị đau không nào,
riêng đây chẳng biết vì sao,
chạm tay lần ấy đau vào đến tim
.

Đau vào đến tim chính là khởi đầu cho những xao xuyến rung động của tình yêu.

Khi yêu rồi thì sức mạnh của tình yêu giúp con người vượt qua tất cả mọi thử thách, mọi khó khăn để có nhau:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Yêu nhau bất kể giàu nghèo, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam
.

Yêu nhau mọi sự trở nên ngon ngọt:

Thiếp xa chàng ăn vàng cũng đắng,
thiếp gần chàng ăn muối trắng cũng ngon
.

Bài thơ “Lạ chưa” đã diễn tả sự kỳ diệu ấy của tình yêu:

Lạ chưa vẫn ở bên em,
mà anh cứ nhớ cứ thèm gần hơn.
Cứ lo em giận em hờn,
mãi mê anh để cô đơn em buồn.
Cớ chi chắp được đôi hồn,
như chim đôi cánh lượn hôn mây trời.
Cớ chi đi suốt đường đời,
như hình với bóng sóng đôi tháng ngày.
Em cười anh cũng vui lây,
em đau anh lại lệ cay xót thầm.
Qua bao xao động thăng trầm,
tâm ca được mấy tri ân không lời.
Tình yêu là thế em ơi,
hai người mà hoá một người trăm năm
.

Tình yêu thật đẹp và thật kỳ diệu. Vì thế, quyết định sống chung với một người suốt đời là điều hết sức quan trọng. Quyết định mà không hiểu biết đó là liều lĩnh và mù quáng sẽ dẫn tới bất hạnh. Sự hiểu biết về mình và đối tượng mình chọn lựa luôn cần thời gian dài khá dài tìm hiểu,thử thách, đo lường.

Thời gian chính là thước đo tình yêu.Chân thật hay giả dối, thuỷ chung hay hời hợt chóng qua, thời gian sẽ xác định cho một tình yêu. Bởi vậy ông bà chúng ta khôn ngoan khuyên dạy con cháu, cần phải có thời gian dài để tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới tiến tới hôn nhân.

Ngày nay, người ta yêu nhau vội vàng, cưới nhau vội vã và bỏ nhau cũng mau chóng. Vì chưa hiểu nhau và chưa có đủ thời gian để tình yêu nên sâu đậm.Tựa như tình yêu hờ hững mà Mỹ Tâm hát trong bài ca “ hát với dòng sông”: tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc. Yêu nhau mà không mong đợi, không hối tiếc thì đâu phải là yêu thật tình.

Các đôi vợ chồng cũng cần có thời gian dành cho nhau. Cảm thông, chia sẽ những khó khăn vui buồn của nhau trong cuộc sống. Khi người vợ quá lo lắng về con cái. Bận rộn cơm áo gạo tiền. Họ tự bó chặt trong những thứ vụn vặt ấy. Khi người chồng bị cuốn hút trong công việc và bè bạn. Họ không còn dành thời gian cho vợ con. Đó là những nguy hiểm cho rạn nứt và bất hoà gia đình. Cần lắm thời gian vợ chồng dành cho nhau, cho gia đình mình.

Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại.Trong Phúc âm, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy sống giây phút hiện tại. Kinh Lạy Cha,Chúa dạy: Xin Cha cho chúng con hôm nay và nhắc nhở rằng, ngày nào cũng có sự lao nhọc, cũng có niềm vui của ngày đó.

Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.

Cầu chúc cho những người đang yêu, những đôi vợ chồng đã yêu luôn sống hạnh phúc. Cho dẫu tình yêu như năm chiếc lá buồn đau nhớ mong hờn ghen cô đơn thì hạnh phúc vẫn luôn là chiềc trên cành mãi màu xanh. Xanh hy vọng. Xanh niềm vui và sự sống.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quan Điểm của Đức Giáo Hoàng và Nữ Thủ Tướng Đức về Nạn Diệt Chủng
Vũ Văn An
00:19 11/02/2009
Quan điểm của Đức Giáo Hoàng và Nữ Thủ Tướng Đức về Nạn Diệt Chủng

Sau cuộc điện đàm ngày 8 tháng 2, Đức Bênêđíctô XVI và Nữ Thủ Tướng Đưứ cho hay các vị có chung một quan điểm về thảm kịch Diệt Chủng.

Nữ Thủ Tướng Angela Merkel của Đức đã yêu cầu được nói truyện với Đức Giáo Hoàng về Nạn Diệt Chủng. Cuộc đàm đạo này được coi là khai triển mới nhất liên quan đến vụ xôn xao do giám mục Richard William, một chức sắc thuộc Hội Thánh Piô X, gây ra. Vị này lên truyền hình bác bỏ Nạn Diệt Chủng gần như cùng lúc với việc ông được rút lại vạ tuyệt thông với ba giám mục khác thuộc cùng một Hội với mình.

Đức Giáo Hoàng không hay biết gì về quan điểm của vị giám mục này đối với Nạn Diệt Chủng khi ngài ra lệnh ban hành sắc lệnh rút lại vạ tuyệt thông từng áp dụng cho họ trước đây. Và việc rút lại vạ tuyệt thông này không ảnh hưởng gì tới tư thế của Hội Thánh Piô X, một nhóm đang hoạt động dù không được nhìn nhận về phương diện giáo luật trong lòng Giáo Hội.

Theo một thông cáo của Tòa Thánh, cuộc điện đàm giữa Đức Giáo Hoàng và Bà Merkel đã diễn ra trong “một bầu khí rất tôn trọng nhau” trong đó cả Đức Thánh Cha lẫn Nữ Thủ Tướng “đã nói lên quan điểm riêng của mình”

Theo tuyên bố chung của cả hai phát ngôn viên, Ulrich Wilhem và Linh Mục Dòng Tên Federico Lombardi, cuộc điện đàm này rất “thân thiện và xây dựng” và “được đánh dấu bằng việc cả hai vị đều có quan điểm chung và sâu sắc rằng Nạn Diệt Chủng là một cảnh cáo có giá trị đối với nhân loại”.

Theo thông cáo chung này, hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới các lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 28 tháng 1 vừa qua tại buổi triều yết chung, và chính lời tuyên bố của Bà Merkel vào tuần trước. Trong buổi triều yết trên, Đức Giáo Hoàng quả quyết rằng Nạn Diệt Chủng “đối với mọi người phải là một lời cảnh báo để họ đừng quên, đừng bác bỏ và đừng theo chủ nghĩa giảm thiểu, vì bạo hành dù chỉ chống lại một con người cũng là chống lại toàn thể nhân loại”. Đức Thánh Cha cũng tuyên bố rằng: “Khi âu yếm nhắc lại lời bày tỏ tình liên đới hoàn toàn và không chút tranh luận của tôi với các anh em của chúng ta, những người đã tiếp nhận Giao Ước Đầu Tiên, tôi hy vọng rằng ký ức về Nạn Diệt Chủng sẽ thúc đẩy nhân loại suy nghĩ về sức mạnh khôn lường của sự ác khi nó thống trị được trái tim con người”. Ngài nói thêm: “Chớ chi Nạn Diệt Chủng đặc biệt dạy chúng ta, các thế hệ cũ cũng như các thế hệ mới, rằng chỉ có con đường liên lỉ của lắng nghe và đối thoại, của yêu thương và tha thứ, mới dẫn các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo của thế giới tới cuộc gặp gỡ hằng mong đợi của tình anh em và sự bình an trên thế giới mà thôi”.

Phản ứng

Căn cứ vào lời tuyên bố của Bà Merkel vào Thứ Ba vừa qua, các lời tuyên bố trên bị coi là “không đủ”. Bà quả quyết rằng: “Về phía Vatican và Đức Giáo Hoàng, cần phải dứt khoát hiểu rõ điều này: chủ nghĩa bác bỏ là điều không được phép và ta nên đối xử tích cực với Do Thái Giáo”.

Cùng ngày trên, Cha Lombardi nhắc lại một lần nữa trên Đài Phát Thanh Vatican rằng Đức Giáo Hoàng “hoàn toàn rõ ràng nhận biết và lên án Nạn Diệt Chủng đối với Dân Tộc Do Thái thời Quốc Xã”. Và vào ngày hôm sau, Phủ Quốc Vụ Khanh của Vatican đã công bố một bản văn quả quyết rằng “các quan điểm của giám mục Williamson về nạn Diệt Chủng hoàn toàn không thể chấp nhận được và bị Đức Thánh Cha cực lực bác bỏ”.

Bản văn trên cũng minh xác rằng bốn giám mục, dù được tha khỏi vạ tuyệt thông, vẫn chưa có “chức năng giáo luật trong Giáo Hội và không được thi hành hợp lệ một thừa tác vụ nào trong Giáo Hội”. Còn hội Thánh Piô X thì vẫn tiếp tục ở trong “tình huống tài phán” hiện hành và “không được hưởng bất cứ sự nhìn nhận nào về giáo luật trong Giáo Hội Công Giáo”. Bản văn này nói rằng giám mục William nếu muốn “được chấp nhận thi hành các chức năng giám mục trong Giáo Hội, phải tách mình một cách tuyệt đối rõ ràng và công khai ra khỏi chủ trương hiện nay của mình về Nạn Diệt Chủng”.

Thứ Năm vừa qua, Bà Merkel đưa ra một quan điểm tích cực hơn về các lời tuyên bố của Vatican: “Thái độ của Vatican cho thấy rõ ràng rằng ta không thể cho phép việc bác bỏ thảm họa này mà hòng thoát được hậu quả”

Dai dẳng

Trong khi đó, theo báo chí Đức hôm Thứ Bẩy, giám mục Williamson khước từ không chịu rút lại quan điểm của mình dù ông “không tìm được chứng cớ lịch sử” để chi tiết hóa luận điểm của mình về những điều xẩy ra tại các trại tập trung của Đức Quốc Xã.

Theo lời tuyên bố của ông, được đăng tải trên nhật báo Đức Der Spiegel, giám mục này còn tái lặp lại lời ông chỉ trích Công Đồng Chung Vatican II.

Trái với thái độ ấy, vào Thứ Sáu vừa qua, Hội Thánh Piô X cho công bố việc một bề trên bên Ý, là linh mục Davide Pagliarani, đã trục xuất một trong các hội viên của mình là linh mục Floriano Abrahamowicz, vì “các lý do nghiêm trọng về kỷ luật”. Tại Ý, linh mục Abrahamowicz được nhiều người biết đến do các lời tuyên bố của ông chống lại Công Đồng Vatican II cũng như quả quyết rằng các phòng hơi ngạt của Quốc Xã thựa ra chỉ “dùng để tẩy uế”. Một thông cáo của Hội nói rằng: “việc trục xuất này, dầu đáng buồn, nhưng cần thiết để tránh việc một lần nữa hình ảnh về Hội Thánh Piô X bị bóp méo, và do đó, việc phục vụ Giáo Hội của mình bị thương tổn”.

Giám mục Williamson bị giải nhiệm

Tin từ Buenos Aires ngày 9 tháng 2 năm 2009 của hãng tin Zenit cho hay: vị giám mục của Hội Thánh Piô X là Richard Williamson, người từng bác bỏ sự kiện 6 triệu người Do Thái bị giết vì hơi ngạt trong các trại tập trung của Quốc Xã, đã bị bãi nhiệm khỏi chức vụ giám đốc chủng viện của tổ chức này tại Á Căn Đình.

Vị giám mục người Anh 68 tuổi này không còn là giám đốc chủng viện La Reja nữa. Nhật báo La Nacion tại Á Căn Đình tường trình như thế. Tờ báo cho hay họ nhận được tin này qua một điện thư của cha Christian Bouchacourt, hiện là giám đốc vùng Nam Mỹ của Hội Thánh Piô X.

Cha Bouchacourt nói rằng vị giám mục này vốn đã bị bãi nhiệm từ mấy hôm nay rồi. Và vị giám đốc Nam Mỹ này nhắc lại lời tuyên bố mới đây của đức cha Bernard Fellay, bề trên cả của Hội, nói rằng các quan điểm của đức cha Williamson “không phản ảnh chút nào quan điểm của hội chúng tôi”. Đức cha Fellay cũng quả quyết rằng: “một giám mục Công Giáo không thể dùng thẩm quyền Giáo Hội để lên tiếng nếu đó không phải là vấn đề thuộc đức tin và luân lý”.

Vấn đề tổ chức nội bộ

Bất kể chủ trương trước đây và hiện nay của ông trong Hội Thánh Piô X có ra sao, giám mục Williamson và ba giám mục từng được rút vạ tuyệt thông cũng không được thực thi hợp lệ bất cứ thừa tác vụ nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Như Phủ Quốc Vụ Khanh của Vatican mới đây đã minh xác trong một tuyên bố vào Thứ Tư tuần trước, “Việc rút lại vạ tuyệt thông chỉ giải thoát bốn giám mục khỏi hình phạt giáo luật nặng nhất, nhưng không thay đổi chút nào tình huống tài phán của Huynh ĐoànThánh Piô X, một huynh đoàn vào lúc này không được hưởng bất cứ sự thừa nhận nào về giáo luật trong Giáo Hội Công Giáo. Cả bốn giám mục cũng thế, dù được giải khỏi vạ tuyệt thông, họ vẫn không có chức năng giáo luật nào trong Giáo Hội và không được thi hành hợp lệ bất cứ thừa tác vụ vào trong Giáo Hội”.
 
Đức Thánh Cha bầy tỏ sự u sầu về nạn cháy rừng tại Úc
Bùi Hữu Thư
01:35 11/02/2009

Đức Thánh Cha bầy tỏ sự u sầu về nạn cháy rừng tại Úc



Cộng Đồng Công Giáo kết hiệp để cứu trợ các nạn nhân

VATICAN ngày 10, tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI cam đoan với nước Úc về sự cầu nguyện mật thiết ngài dành cho các nạn nhân các vụ cháy rừng tại Victoria, và cho các tổ chức cứu trợ đã đến tiếp cứu họ.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, hôm nay khẳng định như vậy trong một điện văn gửi cho bà Quentin Bryce, Thống Đốc Úc. Con số thương vong đã lên đến 181 người, với nhiều người còn mất tích. Hàng trăm gia đình mất nhà cửa và đang sống trong các trại tạm trú.

Thống Đốc Úc Quentin Bryce
Điện văn viết như sau: "Đức Thánh Cha Benedict XVI hết sức u buồn khi được tin về thảm họa do các vụ cháy mới đây gây ra tại tiểu bang Victoria, ngài cam đoan với tất cả các nạn nhân là ngài cầu nguyện mật thiết cho họ.

"Đức Thánh Cha gửi gấm các nạn nhân đã chết cho lòng thương xót của Thiên Chúa Tối Cao, và ngài cầu xin cho các gia đình tang quyến, và những ai đang đau khổ vì mất nhà cửa, thiệt hại ruộng đất, được ban cho sức mạnh và nguồn an ủi thiêng liêng.

"Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang tham gia vào công cuộc cứu trợ cho các nạn nhân của thiên tai này, và khuyến khích họ trong nỗ lực tiếp tế và yểm trợ."

Xin hãy làm tất những gì có thể

Tổng Giám Mục Philip Wilson, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, tuyên bố ngày thứ hai là “Giáo Hội Công Giáo sẽ làm tất những gì có thể, cả về tinh thần lẫn thực tế, để sát cánh hợp quần với những ai chịu đau khổ."

Tổng Giám Mục Philip Wilson


Mạng lưới của Tổng Giáo Phận Melbourne có đăng lời của vị chủ tịch Hội Đồng: “Tôi biết là các giáo xứ Công Giáo trên toàn nước Úc đã đang cầu nguyện cho các người chết trong các vụ cháy rừng, cũng như những ai đang đau khổ vì mất mát người thân, nhà cửa, gia súc thân yêu và mọi sở hữu.

"Ngoài ra, các cơ quan Cứu Trợ Công Giáo, như Thánh Vincent de Paul và Centacare cũng đã đang hoạt động tích cực."

Đức Tổng Giám Mục Wislon tiếp: "Tôi luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những ai đang hết sức đau khổ, và tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những thiện nguyện viên và chuyên viên đang chiến đấu cam go, khẩn cấp và không màng cực khổ trong các trận hỏa hoạn và lụt lội này."

Một chút hy vọng

Ông Denis Fitzgerald, Giám đốc Cơ Quan Xã Hội của Tổng Giáo Phận, cho biết cộng đồng Công Giáo đang đáp ứng để cứu trợ cho các vụ hỏa hoạn đã khởi sự từ cuối tuần qua và hãy còn tiếp diễn.

Ông nhận xét rằng “một ánh lửa hy vọng đã bừng lên trong thảm họa này và cộng đồng Úc đã kết hiệp để yểm trợ: Các trường học, giáo xứ, gia đình đã hăng hái yểm trợ, các cơ quan cứu trợ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hứa giúp đỡ.

"Cộng Đồng Công Giáo Úc là một thành phần đáng kể trong sự đáp ứng này."
 
Lịch trình thăm Thánh Địa của Đức Thánh Cha
Trần Hoàn Chỉnh
06:14 11/02/2009
VATICAN 10.02.2009 (CNA) – Hai tháng sau chuyến tông du đến Phi Châu, Đức Thánh Cha sẽ đến Trung Đông để thăm viếng nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, một đền thờ Hồi Giáo tại Jordan, bảo tàng Yad Vashem về nạn diệt chủng người Dothái cũng như thăm viếng Bethlehem và Nazareth.

Mặc dù chuyến tông du chưa được chính thức công bố, nhưng theo một bài viết trên nhật báo Ý Il Giornale của Andrea Tornielli, một chuyên gia về Vatican đã nói về cuộc tông du từ ngày 8 - 15 tháng 5 sắp tới của Đức Thánh Cha, bắt đầu từ thủ đô Amman của Jordan. Tại đây ngài sẽ thăm một đền thờ Hồi Giáo cũng như Mt. Nedo, một địa điểm Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm vào năm 2000.

Tờ nhật báo Ý này cũng lưu ý rằng chuyến tông du có thể bị trì hoãn vì bạo lực tại khu vực này. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, Đức Thánh Cha đã lên lịch trình cho việc cử hành Thánh Lễ cho người Công Giáo tại Amman vào ngày 10 tháng 5 trước khi thăm viếng nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở Jordan.

Những ngày tiếp sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm thủ đô Tel Aviv của Israel để gặp tổng thống nước này trước khi thăm Bảo tàng Yad Vashem về nạn diệt chủng người Dothái.

Chuyến thăm đến viện bảo tàng này sẽ được theo dõi sát xao sau những tai tiếng gần đây xung quanh giám mục Richard Williamson của Huynh Đoàn Piô X và cũng bởi những tranh cãi xung quanh một bức ảnh về Đức Thánh Cha Piô XII tại bảo tàng này.

Theo lời chú thích bên dưới bức ảnh: “Ngay cả khi những báo cáo về những vụ sát hại người Dothái được đưa đến Vatican, giáo hoàng đã không có phản ứng gì dù là bằng lời nói hay văn bản. Vào tháng 12 năm 1942, (giáo hoàng Piô XII) đã né tránh ký vào bản tuyên ngôn của đồng minh lên án nạn diệt chủng người Dothái. Khi người Dothái bị trục xuất khỏi Rôma đến Auschwitz, giáo hoàng đã không can thiệp.

“giáo hoàng đã giữ lập trường trung lập của mình trong suốt giai đoạn chiến tranh. Sự im lặng của ông và việc thiếu vắng những nguyên tắc chỉ đạo đã khiến các giáo sĩ khắp Châu Âu lựa chọn cách phản ứng của riêng họ.”

Lời chú thích này đã bị đặt nghi vấn bởi Vatican khi mà trong dịp gần đây nhất vào tháng 10 năm ngoái, cha Federico Lombardi, S.J. phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng: “Như đã biết, vị đại diện Tòa Thánh tại Israel đã có lần đưa ra những phản đối liên quan đến lời chú thích về Đức Thánh Cha Piô XII tại bảo tàng Yad Vashem. Vì vậy, hy vọng rằng đây sẽ là đề tài cho một cuộc điều tra mới mang tính khách quan và sâu xa hơn về vai trò của ban quản lý bảo tàng.”

Tờ Il Giornale cũng nói rằng trong suốt những ngày từ 12 – 15, Đức Thánh Cha sẽ gặp đại giáo sĩ Hồi Giáo tại Giêrusalem và sau đó sẽ gặp đại giáo sĩ Dothái giáo của Israel. Được biết, ngài cũng sẽ thăm trại tỵ nạn của người Palestine, Nazareth, Bethlehem và nhà thờ Mộ Thánh tại Giêrusalem.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha được mong đợi sẽ được công bố vào đầu tháng 3.

Theo Catholic News Agency
 
Hội nghị về thuyết tiến hoá do Tòa thánh tổ chức
Phụng Nghi
18:56 11/02/2009
Vatican City (CNA).- Tòa thánh Vatican chính thức thông báo một hội nghị về thuyết tiến hoá sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng Ba sắp tới. Mục tiêu của hội nghị là tái thiết lập một cuộc đối thoại giữa đức tin và khoa học liên quan đến vấn đề tiến hóa.

Như chúng tôi đã loan tin trước đây, hội nghị sẽ có chủ đề "Biological Evolution: Facts and Theories. A Critical Appraisal 150 years after 'The Origin of Species'" (Tiến hóa Sinh học: Sự kiện và Lý thuyết. Phê bình Định giá 150 năm sau ngày cuốn ‘Nguồn gốc Muôn loài’ xuất bản), và họp từ ngày 3 đến 7 tháng 3. Hội nghị thượng đỉnh này là một phần trong Dự án STOQ (Science, Theology and the Ontological Quest, Khoa học, Thần học và Kiếm tìm Bản thể học) do Tòa thánh đồng bào trợ.

Tại cuộc họp báo sáng nay, Đức Tổng giám mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, nói rằng mục đích của hội nghị nói trên là để “lập lại cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, bởi vì không yếu tố nào trong hai có thể giải đáp đầy đủ huyền nhiệm về con người và vũ trụ.”

Hội nghị sẽ chia làm 9 phiên họp, theo lời giải thích của linh mục giám đốc hội nghị là cha Marc Leclerc thuộc Dòng Tên. Các phiên họp sẽ đề cập đến rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như: “thuyết tiến hóa dựa trên các sự kiện thiết yếu nào, các sự kiện liên kết với môn cổ sinh vật học (palaeontology) và khoa sinh học phân tử (molecular biology );…nghiên cứu khoa học về cơ cấu của sự tiến hóa,…và khoa học phải nói gì về nguồn gốc của con người.”

Cha Leclerc nói thêm rằng cũng phải chú ý đến “những vấn nạn nhân chủng học lớn lao liên quan đến thuyết tiến hóa… và những nội dung hợp lý của lý thuyết này đối với các lãnh vực tri thức luận (epistemological) và siêu hình (metaphysical) cũng như đối với triết học về thiên nhiên.”

Cha cho biết hai phiên họp cũng sẽ dành riêng cho việc nghiên cứu thuyết tiến hóa “theo nhãn quan đức tin Kitô giáo, dựa trên sự bình giải đúng đắn các văn bản Kinh Thánh liên quan đến công cuộc sáng thế, và sự tiếp nhận thuyết tiến hóa của Giáo hội.”

Giáo sư Saverio Forestiero, hiện giảng dậy khoa động vật học tại trường Đại học Torvergata ở Roma, đề ra một giả thuyết thích thú về kết quả của hội nghị sắp tới. Ông nhận định rằng “tính uyển chuyển tương đối của lý thuyết tiến hóa phần lớn là nhờ ở một loạt những khám phá đạt được trong 25 năm cuối thế kỷ trước, những khám phá này cần phải có lý thuyết tổng hợp để sắp xếp lại và có thể dẫn tới một lý thuyết tiến hóa thuộc thế hệ thứ ba.”

Ông nói tiếp: “Theo quan điểm của tôi, hội nghị này đưa ra một cơ hội, chẳng phải để tuyên truyền hoặc để hối tiếc, cho các nhà khoa học, các triết gia và các nhà thần học được gặp gỡ và thảo luận về những câu hỏi căn bản do sự tiến hoá sinh học đặt ra – đã được công nhận và thảo luận như một sự kiện không còn nghi ngờ gì nữa – nhằm khảo sát các biểu thị và những cơ cấu phát sinh, và để phân tích ảnh hưởng cũng như phẩm chất của các lý thuyết giải thích đã được đề ra cho đến nay.”

Linh mục Tanzella-Nitti, giáo sư thần học, cũng trình bày ý kiến của ngài về những đóng góp mà khoa thần học có thể đưa ra trong cuộc thảo luận về thuyết tiến hóa.

Cha Tanzella-Nitti tuyên bố: “từ viễn cảnh thần học Kitô giáo, sự tiến hóa sinh học và sự sáng tạo vũ trụ không loại trừ nhau chút nào… Không có cơ cấu tiến hóa nào phản bác lại điều khẳng định rằng Thiên Chúa đã muốn – hay nói cách khác, đã tạo dựng nên – con người. Cũng không phải là điều đó bị phản biện bởi tính chất thất thường của nhiều biến cố xảy ra trong thời kỳ phát triển chậm chạp của sự sống, khi chỉ dựa vào cơ may là giải thích một hiện tượng đơn thuần theo khoa học.”

Vị giáo sư dậy môn Thần học Cơ bản này nói rằng ngài hy vọng “các khoa học tự nhiên có thể được thần học dùng như là một nguồn thông tin tích cực, chứ không phải được coi như là nguồn gốc gây ra những khó khăn… Tôi không tin rằng sự tiến hóa sinh học có thể xảy ra được trong một thế giới vật chất, mà không có thông tin, không có đường hướng, không có hoạch định. Trong một thế giới đã được tạo dựng, vai trò của thần học đúng là để nói với chúng ta về thiên nhiên và ý nghĩa của nó, về Ngôi Lời, như Bênêđictô XVI ưa nói, là nền tảng tự hữu của mọi sự và của lịch sử.”
 
Mối liên hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Do Thái đang được hàn gắn
Bùi Hữu Thư
22:26 11/02/2009

Mối liên hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Do Thái đang được hàn gắn



Hai bên gặp gỡ tại Rôma

VATICAN ngày 10, tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Theo Nghị Hội Do Thái Quốc Tế, sự nứt rạn giữa Vatican và Do Thái xẩy ra sau khi Tòa Thánh tha vạ tuyệt thông cho một giám mục chối từ Holocaust có thể được hàn gắn.

Tổ chức quốc tế này, đại diện cho 100 cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới, nhóm họp tại Rôma ngày thứ hai với Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Uỷ Ban của Tòa Thánh về Liên Tôn với người Do Thái.

Đức Hồng Y Walter Kasper


Đoàn đại biểu đến Rôma để thảo luận về việc tha vạ tuyệt thông cho bốn giám mục của Hội Dòng Thánh Piô X, kể cả giám mục Richard Williamson, là người trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Thụy Điển đã tuyên bố chối bỏ việc 6 triệu người Do Thái bị giết bằng hơi ngạt, vào lúc việc tha vạ tuyệt thông này được công bố.

Các giám mục, kể cả đương kim bề trên tổng quyền của Hội Dòng Thánh Piô X đã bị tuyệt thông năm 1988 khi họ được Tổng Giám Mục Lefèbvre tấn phong giám mục không có phép của Đức Giáo Hoàng.

Ông Ronald Lauder, chủ tịch Nghị Hội Do Thái Quốc Tế nói, Vatican cho đến nay đã có phản ứng để đáp lại những ưu tư của cộng đồng Do Thái, nhưng các đáp ứng này phải được tiếp diễn bằng các hành động cụ thể.

Giám mục Richard Williamson 68 tuổi người Anh hiện vẫn đang im lặng về vấn đề Holocaust và đã bị bãi chức viện trưởng chủng viện của Hội Dòng Thánh Piô X tại Argentina.

Ông Lauder nói, "Chúng tôi muốn Vatican ý thức rằng khi chấp nhận các nhân vật chống Do Thái như [giám mục] Williamson, thành qủa của bốn chục năm đối thoại giữa Do Thái và Công Giáo kể từ khi bản tuyên ngôn 'Nostra Aetate' được ban hành năm 1965 sẽ bị nghi hoặc. Chúng tôi tin rằng điệp văn của chúng tôi đã được thấu hiểu. Các tranh luận khúc mắc trong ba tuần qua đã có ảnh hưởng tích cực."

Ông Richard Prasquier, Chủ Tịch của tổ chức Do Thái liên hệ Pháp CRIF, và bà Maram Stern, Phó Tổng Thư Ký đặc trách đối thoại liên tôn của Nghị Hội Do Thái Quốc Tế, cả hai đã bầy tỏ niềm lạc quan là tình trạng hiện thời sẽ chấm dứt mau chóng và sẽ không làm cản trở cho mối liên hệ Công Giáo và Do Thái trong tương lai.

Khi đề cập đến lời tuyên bố của giám mục Williamson trên đài truyền hình Thụy Điển, ông Prasquier nói, "Hôm nay, chúng tôi khẳng định chắc chắn rằng việc chối từ Holocaust không phải là một ý kiến, mà là một tội phạm."

Ông Lauder bầy tỏ niềm hy vọng là cuộc viếng thăm Do Thái của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong năm nay sẽ được tiến hành như đã hoạch định. Đây sẽ là một cơ hội để tái khẳng định sự cam kết của Vatican cho việc đối thoại với người Do Thái."
 
Top Stories
Vietnam: L’épiscopat vietnamien compte un deuxième centenaire, Mgr Michel Nguyên Khac Ngu, ancien évêque de Long Xuyên
Eglises d'Asie
06:22 11/02/2009
L’épiscopat vietnamien compte désormais deux centenaires. Le premier, Mgr Antoine Nguyên Van Thiên avec 103 ans, est le doyen de l’épiscopat mondial. Il a été évêque de Vinh Long de 1960 à 1968, date à laquelle une grave affection des yeux l’obligea à donner sa démission Il réside actuellement dans le Midi de la France. Le nouveau centenaire est Mgr Michel Nguyên Khac Ngu, ancien évêque de Long Xuyên. Il vient d’atteindre cet âge vénérable, le 2 février dernier. Depuis sa retraite en 1997, il continue de vivre sur les lieux de son ancien ministère. Son successeur direct, Mgr Jean-Baptiste Bui Tuân, retraité depuis quelques années déjà, et l’actuel évêque du diocèse, Mgr Trân Xuân Tiêu, étaient présents à côté de lui pour célébrer ce joyeux événement.

La vie de Mgr Ngu est intimement liée aux événements qui ont marqué l’histoire bouleversée et douloureuse du Vietnam et de son Eglise au XXème siècle. Mgr Ngu est né le 2 février 1909 dans la partie nord du Vietnam, dans une paroisse du diocèse de Thai Binh. Il fit ses études secondaires au séminaire de My Son, dans le diocèse de Lang Son, à la frontière de la Chine. En 1934, il est en France et poursuit sa formation au grand séminaire de Luçon. C’est là qu’il est ordonné prêtre. A son retour au pays, il est chargé de divers ministères, professeur au petit séminaire, secrétaire de la Délégation apostolique à Huê. Il a été curé de plusieurs paroisses et enfin vicaire général de son diocèse de Lang Son. En 1954, après les accords de Genève, avec de très nombreux prêtres du Nord, il suit le mouvement d’exode qui a déplacé près d’un million de Nord-Vietnamiens vers le sud. Une bonne partie d’entre eux étaient catholiques. Près de Saigon, avec les réfugiés de sa région, il fonde alors une paroisse, qui, précisément, s’appellera Lang Son. Plusieurs charges lui sont confiées par l’épiscopat du Sud: aumônier général de la croisade eucharistique, coordinateur des mouvements d’action catholique, etc.

En 1960, le Saint-Siège érige le diocèse de Long Xuyên à l’extrême sud-ouest du Vietnam, à la frontière du Cambodge. Le P. Michel Ngu en est nommé le premier évêque. Cette même année, le 4 novembre, le Saint-Siège établissait la hiérarchie pour l’Eglise du Vietnam. Le nouvel évêque participa au concile Vatican II. Avec son diocèse et le reste de la communauté catholique du Vietnam, il traversa ensuite une période difficile, marquée par la guerre jusqu’en 1975, puis par les très dures années qui suivirent, durant lesquelles le pouvoir communiste mit en œuvre une politique très sévère en matière de liberté religieuse. Après 37 ans d’épiscopat, le 30 décembre 1997, le Saint-Siège acceptait enfin sa démission. L’évêque coadjuteur, Mgr Jean-Baptiste Bui Tuân, prit alors sa succession.

Le lendemain de cette célébration, un groupe d’évêques conduit par le cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Mân est venu présenter à l’évêque centenaire les souhaits de bon anniversaire de la Conférence épiscopale du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 10 février 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đan Sa (GP Vinh) thăm các gia đình bị tai nạn chìm đò
Đức Giang
06:12 11/02/2009
QUẢNG BÌNH - Vào ngày 30 Tết Âm lịch (tức ngày 25/1/2009), người dân ở xã Quảng Hải – Huyện Quảng Trạch – Tỉnh Quảng Bình, một chuyến đò “Titanic” lịch sử trên dòng sông Gianh đã cướp đi 42 sinh mệnh của 35 gia đình. Đây là một vụ đắp đò làm chết nhiều người nhất trong lịch sử.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online: “ngay sau khi sự việc xảy ra, lúc đó khoảng 6 giờ 30 phút, chiếc đò nhỏ do một người tên Quý lái, chở khoảng 70 người đi từ xã Quảng Hải sang bờ bắc sông Gianh để đi chợ Tết, khi còn cách bờ chừng 30m thì đò bị lật khiến toàn bộ người đi trên đò chìm xuống sông. Có hơn 20 người được cứu sống kịp thời. Đến 12 giờ 30 cùng ngày, người dân và lực lượng cứu nạn tổ chức vớt được 38 thi thể. Trong khi đó, theo số liệu từ UBND xã Quảng Hải thì 47 gia đình đến trình báo có người mất tích. Như vậy nếu như 47 người trên đều đi trên chiếc đò đó thì hiện vẫn còn 9 người chưa được tìm thấy” (http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200904/20090125135006.aspx).

Trước những mất mát to lớn và với tình nghĩa đồng bào, cha xứ giáo xứ Đan Sa đã kêu gọi bà con giáo dân giáo xứ ủng hộ và giúp đỡ thăm hỏi những gia đình bị nạn. Vào lúc 7 giờ sáng thứ 2, ngày 09/02/2009, linh mục Antôn Đậu Thanh Minh, quản xứ giáo xứ Đan Sa và HĐMV giáo xứ, các ban ngành phụ huynh, phụ nữ, các tổ trưởng chia sẻ Lời Chúa đã đến nơi các gia đình bị nạn để động viên khích lệ tinh thần, phúng điếu, chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của người anh em. Cha xứ nói với chúng tôi: “Điều quan trọng không phải là món quà bằng vật chất mà là món quà tinh thần là liên đới và chia sẻ”. Đoàn chúng tôi tới nơi để thăm hỏi động viên các gia đình và người thân. Qua đó chúng tôi cảm thấy cuộc đời này thật ý nghĩa khi biết sống có trách nhiệm liên đới hiệp thông trong đau khổ.

Đến đây ai cũng phải ngậm ngùi vì những cảnh đau thương mất mát của những người thân: có gia đình chết 3 người, 2 người…. có một vài trường hợp người con mới 3 tháng tuổi đã vĩnh viễn không được nhìn thấy mẹ nó, một trường hợp em bé 1 tuổi mồ côi cha, nay chỉ còn một người mẹ duy nhất để nuôi dạy và yêu thương thế mà dòng sông cũng không thương tiếc đã cướp đi người mẹ hiền của em. Có gia đình bị dòng sông cướp đi vợ, một người con và một bào thai. Đến đây ai cũng ngậm ngùi rơi lệ.

Trên chuyến đò sang Quảng Hải, chúng tôi đã hỏi thăm về nguyên nhân đắm đò thì người ta cho biết là chiếc đò đã chở quá tải. Theo giấy phép đăng ký thì đò này chỉ được phép chở 12 người qua sông cho mỗi lượt trong khi chiếc thuyền này đã phải gồng mình gấp 6 đến 7 lần. Điều đáng nói ở đây là trách nhiệm thuộc về ai?!

Vào lúc 13 giở 30 phút chúng tôi mới đến nhà cuối cùng. Chúng tôi đã chia tay bà con và hòn đảo Quảng Hải để trở về nhà. Dù cơn đói đang cồn cào cái bụng của chúng tôi, đôi chân chúng tôi đã mỏi mệt, nhưng trên khuôn mặt ai cũng vui vẻ vì được chia sẻ và an ủi những ai bị nạn. Đúng như lời thanh Phanxicô At-xi-di: chính lúc cho đi là lúc được lãnh nhận. Chúng tôi đã nhận được nhiều hơn là cho đi.
 
Về lại Thái Hà
Hiếu Minh
14:17 11/02/2009
Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 2009

Tôi về thăm lại Thái Hà những ngày sau tết Kỷ Sửu. Thời tiết Hà Nội những ngày này thật mát mẻ, dễ chịu biết bao!

Thái Hà đã khai mạc năm Thánh cách nay chưa đầy hai tuần. Những ngày này có rất nhiều người hành hương về với Thái Hà. Hầu như lúc nào trong ngày cũng có người lui tới Đền Thái Hà tấp nập và nhộn nhịp. Suốt năm Thánh này, mỗi ngày trong tuần nhà thờ Thái Hà có thêm thánh lễ lúc 10 giờ sáng để khách hành hương có thể tham dự, ngoài 2 thánh lễ như thường lệ lúc 5g30 và 18g30.

Về Thái Hà lần này lòng tôi ngập tràn một nỗi niềm hạnh phúc đến lạ kỳ. Tôi không hiểu được cảm giác lạ kỳ ấy, chỉ thấy dâng trào nơi lòng mình một niềm xúc cảm sâu xa. Chiều đến tôi dạo bước thăm lại Đền Thánh Giêrađô, nơi mà chỉ cách đây không lâu là địa điểm tập kết của những con nghiện và kim tiêm, kết quả tất yếu của một nền văn minh của sự chết, nền văn minh XHCN... Một khung cảnh rất đẹp trong Đền Thánh Giêrađô hiện ra trước mắt tôi: một Cung thánh to lớn dành cho những thánh lễ ngoài trời có đông người tham dự, vài dãy phòng học giáo lý dọc theo bờ tường của Đền Thánh Giêrađô,… Tất cả đều được lắp ghép rất đẹp và chắc chắn. Nghe nói khi giáo dân tiến hành làm các phòng học giáo lý này, mấy tay cán bộ nhà nước tới đòi hỏi giấy phép xây dựng thì được trả lời rằng: “Ở đây chỉ ‘dựng’ chứ không ‘xây’. Khi nào có cả ‘xây’ và ‘dựng’ thì mới phải xin phép”. Cái ngữ cán bộ nhà nước này chỉ giỏi ăn hiếp dân lành. Đố có tay cán bộ nào dám bén mảng tới những công trình xây dựng trái phép của các “sếp” nhà họ.

Tôi thầm tạ ơn Chúa vì những dãy nhà đẹp đẽ trong khuôn viên Đền Thánh Giêrađô mới được dựng lên để đáp ứng như cầu học giáo lý và các sinh hoạt khác tại Thái Hà. Những dãy nhà mới này có thể thách thức nhà cầm quyền, vì từ lâu họ đã muốn chiếm dụng nơi này làm của riêng cho một vài cán bộ nào đó. Hiện vẫn còn một căn nhà của một tay đảng viên nằm chình ình rất khó coi trong khuôn viên Đền Thánh Giêrađô mà giáo xứ Thái Hà chưa “mời” đi được… Nhưng những dãy nhà này minh chứng một cách hùng hồn rằng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo ở Thái Hà là một nhu cầu rất lớn và có thật. Khuôn viên giáo xứ hiện nay và kể cả khuôn viên Đền Thánh Giêrađô vẫn không thể đáp ứng nhu cầu ấy.

Vì thế, nhà cầm quyền Hà Nội cần nhanh chóng giao lại bệnh viện Đống Đa và công viên 1 tháng 6 kia (cho đến nay vẫn thuộc sở hữu của giáo xứ và Tu viện DCCT Thái Hà theo pháp lý) cho Tu viện DCCT và giáo xứ Thái Hà, để giáo dân Thái Hà phục vụ nhu cầu tôn giáo của họ một cách tốt đẹp. Chỉ có như thế nhà cầm quyền mới lấy lại được niềm tin nơi người dân, một niềm tin đã bị mất từ lâu.

Trong thánh lễ chiều tại Thái Hà, cha chính xứ giới thiệu vị linh mục chủ tế hôm nay là một linh mục từ miền Nam ra hành hương nhân dịp Thái Hà mở năm Thánh. Cùng đi với ngài còn có 45 anh chị em giáo dân trong giáo xứ. Cha xứ miền Nam đã nói lời cám ơn cộng đoàn Thái Hà qua biến cố xảy ra tại đây. Ngài nói rằng nhờ sự kiện Thái Hà mà ngài mà giáo dân trong giáo xứ được nhìn thấy một đời sống đức tin sống động. Điều này giúp cho đời sống đức tin của giáo xứ ngài rất nhiều…

Chắc chắn còn nhiều và rất nhiều người chưa có cơ hội đến với Thái Hà như tôi và những anh chị em giáo xứ ở miền Nam kia… Hãy về Thái Hà để cảm nhận được tình thương của Chúa và sự chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương Công Lý và Hòa Bình nơi đây.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Chim Dưới Trời Xanh
Đặng Đức Cương
06:15 11/02/2009

CÁNH CHIM DƯỚI TRỜI XANH



Ảnh của Đặng Đức Cương

Buổi sáng nay xuân vừa đang nụ

Trong vườn yêu ong rủ rỉ tình

Trên trời xanh chim ả kiếm chim anh…

(Trích thơ của Đuyên Hồng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền