Ngày 09-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Thường Niên 10/2/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:16 09/02/2019
Bài Ðọc I: Is 6, 1-2a, 3-8

"Này tôi đây, xin hãy sai tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa". Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.

Lúc bấy giờ tôi mới nói: "Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh". Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha". Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" Tôi liền thưa: "Này con đây, xin hãy sai con".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: "Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!"

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11

"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật V Thường Niên : Một chiếc thuyền đánh cá
Lm. Alf Nguyễn Công Minh, OFM
10:02 09/02/2019
Chúa Nhật V Thường Niên

Một chiếc thuyền đánh cá, trở thành toà giảng dạy và rồi biến thành biểu tượng của giáo hội truyền giao.

(Lc. 5,1-11)

1. Một chiếc thuyền đánh cá…

Chúng ta sẽ được thấy Luca vẽ bức tranh này một cách rất tài tình, khi đặt việc Đức Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên trong bối cảnh một mẻ lưới lạ lùng, quanh chiếc thuyền đánh cá

- Theo Phúc Âm Máccô và Mátthêu, hành động đầu tiên của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ là kêu gọi các môn đệ. Còn trong Phúc Âm Luca, đầu tiên Đức Giêsu lại được giới thiệu xuất hiện một mình đứng trước đám đông, rồi chỉ sau đó Người mới kêu gọi các môn đệ.

+ Trước tiên là "Simon", chủ chiếc thuyền mà lát nữa Đức Giêsu sẽ ngồi vào vị trí của ông. Chỉ trong có ít dòng mà tên ông được nói tới năm lần, trong đó có một lần và là lần đầu tiên ông được gọi là Simon-Phêrô

+ Rồi đến "hai con ông Zêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon"

+ Cả ba ông, Phêrô, Giacôbê, Gioan, được kêu gọi trước tiên, sẽ là những chứng nhân đặc tuyển được chứng kiến việc hồi sinh cho con gái ông Giairô, việc Chúa biến hình sáng láng trên núi Taborê (Lc.9,28) và vào riêng vườn Giệt Mt 26,37.

- Khung cảnh là "ven bờ Biển hồ Ghennêxarét" : Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau "để nghe lời Thiên Chúa ". Luca kể: Có hai chiếc thuyền đậu gần đó. Còn "những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới", sau khi đã đi đánh cá suốt đêm trở về mà chẳng được con cá nào.

R. Meynet nhận xét: "Đức Giêsu ở bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau. Trong khi đó, những người dân chài đang lo toan công việc thường ngày của họ : họ đang giặt lưới. Đám đông có đó, nhưng dân chài (cả 3 môn đệ đầu tiên Phêrô, Giacôbê, Gioan) họ lại không tham dự cùng với đám đông. Đám đông đang lắng nghe lời Chúa, còn họ đang giặt lưới" ("L’Évangile selon saint Luc. Phân tích tu từ", tập 2, trg 70).

2. Trở thành tòa giảng …

Bỗng dưng mọi sự bắt đầu đảo lộn. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, "thuyền đó của ông Simon và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút".

Thế là từ đây hai người, Đức Giêsu và ông Simon, là những kẻ "đồng hội đồng thuyền" dấn thân vào cùng một cuộc phiêu lưu : Simon, người dân chài của Biển hồ sát cánh liền kề với Đức Giêsu, người đang "ngồi" trong tư thế của một vị tôn sư dạy dỗ các môn sinh của mình, để ngỏ lời với đám đông. "Con thuyền của Phêrô đã trở thành tòa để giảng dạy" (Sđd).

Ngày nay, trong các đám đông vận động hoặc biểu tình, ta cũng thường thấy cảnh diễn giả, người vận động đứng trên mui xe, nóc nhà để cho mọi người dễ thấy và nhất là để nói cho mọi người dễ nghe. Họ biến mui xe, nóc nhà thành diễn đàn; còn Đức Giêsu biến con thuyền thành toà thuyết giáo di động. (Nhà thờ di động)

3. và cũng là biểu tượng Giáo hội truyền giáo.

Giảng xong, Chúa Giêsu nói " Hãy chèo ra chỗ nước sâu, (ra khơi: duc in alto) mà thả lưới bắt cá", giờ đây Đức Giêsu lệnh cho ông Phêrô như vậy. "Bắt cá", chuyện đó các ông đã vất vả "suốt cả đêm rồi mà không bắt được gì cả" dù rằng đêm tối vẫn là thời điểm thích hợp nhất cho việc đánh cá. Vậy mà, đang lúc các bạn chài người Nadarét của ông từ chối đề nghị kia của Đức Giêsu, thì Simon lại đầu hàng trước lệnh của người dân quê miền đồi núi Nazaret ấy, tức là Giêsu, thợ mộc vốn chẳng biết gì về chuyện chài lưới cả, ông đáp: "Thưa Thầy, dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới".

- Lời của Đức Giêsu tỏ ra rất hữu hiệu, vì mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới hầu như bị rách; họ phải "làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp", dẫu sao hai thuyền đều đầy cá đến gần chìm.

Thế là ông liền quỳ gối sấp mặt dưới chân người khách trên thuyền của mình như sấp mặt trước "Đức Chúa" vậy:"Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi".

- Câu trả lời mà Simon nhận được từ Đức Giêsu sẽ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông :"Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá" (=lưới người).

+ "Anh sẽ bắt người" : sát nghĩa là : anh sẽ bắt những con người sống, có nghĩa là anh sẽ giựt lên những con người đang sống, anh sẽ kéo họ ra khỏi thế lực của sự ác để bảo đảm cho họ được sống an lành. Là "ngư dân, dân chài", Simon-Phêrô vẫn sẽ giữ nghề đánh cá, nhưng cái nghề đi tìm cá ban đêm của ông, một khi thay đổi đối tượng: cá “người,” thì cũng sẽ thay đổi ý nghĩa.

"Từ nay", sứ mệnh của ông sẽ là lôi kéo người ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của sự ác và cái chết, mà thời đó người ta vốn dùng hình ảnh biểu tượng là chỗ nước sâu, để đưa họ đến cõi sống.

- Thế rồi, sau khi đã đưa thuyền vào bờ, Simon-Phêrô, Giacôbê và Gioan "bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu " "để dấn thân vào con đường mà theo kiểu nói của Ph. Bossuet và J. Radermakers, sẽ là một cuộc thả lưới lâu dài nhất và phi thường nhất trong cả cuộc đời của các ông" ("Đức Giêsu, Lời ban Ân sủng theo thánh Luca", tr.183).

Nếu Chúa Giêsu biến thuyền Phêrô thành toà giảng và thành biểu tượng của giáo hội truyền giáo (ra sâu bắt người sống), thì ta cũng có thể biến nhiều thứ thành toà giảng để bắt người sống. Ta có thể thấy khó mà sánh kịp với một Phanxicô Xavie, biến thuyền thành toà, biến đất thành đế, (nâng niu bàn chân Việt) biến biển thành nước thánh tẩy, để đưa 100 ngàn, và ngài còn dự định xa nữa, nhưng Chúa đã gọi ngài về lúc 46 tuổi (1506-1552), khi tại đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, mắt hướng về Trung Quốc cánh đồng sẽ bội thu. Nếu ta khó có thể sánh kịp một góc nhỏ của Phanxicô Xavie, thì ta không nên thua một vị khác, biến bốn bức tường thành toà giảng, và thành nơi câu các linh hồn sống.

Trong “Truyện Một tâm hồn” thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu có thuật lại một hy sinh rất đẹp của thánh nữ: “Một lần tại nhà giặt, con ngồi đàng trước một chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu, con muốn là ngay ra lau mặt cho chị ấy biết để đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghi lại như thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng cho mình một cách rất đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa, con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con rất nhiều. Qua nửa giờ, con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hễ sau này có dịp lại đến chốn đất lành ấy để được làm giầu (hạt ngọc) không mấy khó khăn”.

Chỗ khác, chị thánh còn nói: “Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống đất nhặt một cây kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn.

Một lần nọ, chị coi nhà liệt khuyên Chị thánh mỗi ngày nên đi bách bộ ngoài vườn 15 phút. Chị thánh coi lời khuyên đó như một mệnh lệnh. Bữa kia vào lúc quá trưa, một chị trông thấy Chị thánh bước đi khó khăn quá, mới thương hại bảo rằng:

- Chị về nằm nghỉ có lẽ lợi hơn đi bách bộ, đi như thế chỉ thêm mệt.

Chị thánh thưa lại:

- Vâng chính thế: nhưng chị có biết em lấy sức gì để đi được không ? Em đi để làm ích cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ: ở cõi xa xăm kia, có vị truyền giáo dường như đã kiệt sức vì mải miết theo đuổi công cuộc mở mang nước Chúa: em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để vị tông đồ kia đỡ nhọc mệt.

Hãy biến bàn học, bàn giấy, quày hàng, cỗ máy… thành những toà giảng, để câu, chài, bắt nhiều người sống về cho Chúa, ít ra là như cách bắt của chịTêrêxa trên. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(góp lại từ Đồng Hành, Tgm Kiệt…)
 
Tản mạn phút Giao Thừa
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:54 09/02/2019
Mở Kinh Thánh để tìm Lời Chúa dạy, giúp bản thân suy niệm và cầu nguyện trong giờ khắc chấm dứt năm cũ. Lòng nghe Chúa nói:

- "Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi Thần Khí Đức Chúa thổi qua" (Is 40, 6-7).
- "Thân phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét" (Dt 9, 27).
- "Anh em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, anh em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi" (Gc 4, 14).

Lời Chúa soi rọi giúp ta tin rằng, dẫu kiếp người có mỏng manh, thì vận mạng của nó đời đời tồn tại nơi Thiên Chúa.

Rồi nhìn lại chính mình...

Một năm trôi qua đời ta lại chất thêm tuổi. Sẽ già hơn, sẽ yếu hơn, vết hằn trên vầng tráng sẽ rõ nét và những dấu chân chim trên khóe mắt sẽ đậm sâu.

Kề sát tuổi ngũ tuần, ta biết mình không còn trẻ nữa. Ta càng cảm nhận sự già nua đang tấn công mỗi khi trái gió, trở trời. Bởi đã từng có lúc chồn chân mỏi gối, xương khớp nhức đau, thân xác nặng trĩu, bước chân chậm chạp, giọng nói khàng đục, tai ù và cổ họng rát buốt...
Ta biết rõ quỹ thời gian cho hành trình dương gian đời mình đang dần ngắn lại. Ta biết rõ, đời người như hành trình của người leo núi. Ta đã lên tới đỉnh ở tuổi đôi mươi. Bây giờ dần xuống bên kia sườn núi.

Đêm Giao thừa ngồi nhìn lại mình trong tiết trời se se lạnh, nghe cơn gió nhè nhẹ phe phẩy qua bờ vai, lại càng thấy đời mình sao bé con, sao ngắn ngủi.

Lòng đong không thể đầy một chút hương của cánh hoa cuối năm vừa rơi bên song, đủ thấy trước, hình ảnh một ngày sẽ rời xa tất cả, một ngày mà mọi thứ vẫn cứ nguyên vẹn, chỉ có xác thân là tàn phai... Khác gì cánh hoa vừa rơi, bỏ lại sau lưng nó mùa xuân lạc lỏng, đơn côi...

Với tất cả nỗi bâng khuân trong đêm cuối cùng của năm, bạn đừng vội kết luận tôi là kẻ bi quan. Tôi chỉ muốn nhận ra từ sự vội vả của thời gian là sự bất tất, sự nhẹ trôi của kiếp người.

Đó là sự thật chứ không phải bi quan. Cần phải nhìn và nhìn rõ sự thật về đời mình, để tìm cho mình lẽ sống, niềm vui sống và hạnh phúc sống. Kẻ chạy trốn hay né tránh sự thật về sự ngắn ngủi của đời người mới là kẻ bi quan. Bởi chính sự chạy trốn và né tránh đã cho thấy tất cả sự sợ hãi. Sợ đến nỗi không dám đối diện với nó, không dám nhắc đến nó...

Dù bi hay lạc quan, dù can đảm đối diện hay tìm trốn chạy về cái thật của sự ngắn ngủi đời mình, ta vẫn chết, vẫn sẽ có ngày mọi cách hiện diện hữu hình của ta sẽ chấm dứt nơi trần thế...

Sự thật không bao giờ có thể chối bỏ ấy, đã từng được tiên tri Isaia thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ" (38, 12).

Vậy lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc sống mà ta cần tìm đến để có thể tự tưởng thưởng cho mình một lối sống tích cực, một lối sống dồi dào, một tình yêu sống mảnh liệt, một lý tưởng sống cao đẹp, đó là luôn tìm gắn bó với Chúa, dù có phải chết vẫn một lòng nghiêm minh tuân giữ luật Chúa, và luôn hòa nhã, đáng yêu, luôn tạo tình thân nghĩa thiết với anh em, rộng lượng, bao dung, bác ái với mọi người không trừ ai...

Can đảm nhìn nhận sự thật để có trách nhiệm với sự sống của chính mình hôm nay, để luôn hướng về sự sống đích thực mai sau, mà từng thời khắc trôi qua, đều không bỏ lở, nhưng luôn đào tạo mình thành người hữu dụng, biết vươn lên sự thánh thiện, biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày kết thúc đời mình, biết tiến về chốn mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho mình.

Sống như thế không hề là điều bi quan, nhưng là sống có ý nghĩa, là tạo ra ý nghĩa và chiều sâu cho đời mình. Hay nói cách đơn giản theo ngôn ngữ thời đại, đó là sống có "chất". Sống bằng một lối sống đáng sống...

Bâng khuân trong tiết trời cuối năm, giữa lúc mọi người đang hối hả, đang tất bật vì cuộc mưu sinh, nhất là vì mọi trang trải, sắm sửa cho Tết, ta lại nghĩ về đời mình. Tưởng mình không giống ai. Nhưng không, ta lại thấy mình làm đúng. Ta thấy những suy tư này có thể giúp ai đó cùng ta nhận diện lại cuộc đời, nếu họ có chút thành ý.

Ta ước mọi người sống chậm lại một chút, giản đơn đi một chút trong cái bề bộn mà họ bị cuốn vào. Ta ước mọi người biết đi tìm lẽ sống trước khi tìm sự bồi đắp cho sự sống thân xác. Ta ước mọi người biết tìm Thiên Chúa làm chủ và là gia nghiệp duy nhất của đời mình. Ta ước... Ước nhiều lắm...

Giờ phút Giao thừa, dừng chân nhìn lại đời mình... Trời ơi!... Mới đó mà đã non ngũ tuần... Thèm lắm cái ngày xưa vô ưu, vô lo, vô suy nghĩ. Thèm lắm cái ngày xưa như mơ, như huyền thoại. Thèm lắm cái ngày xưa, thứ ngày xưa sao mà thắm đến vậy, thắm tận từng làn da, thớ thịt...

Thời gian nào rồi cũng trôi xa. Càng tiến đi với thời gian, sự sống trong ta càng ngắn dần. Rồi một ngày, chắc chắn ta sẽ dừng lại, dẫu thời gian mải miết trôi.

Ta đón nhận nó. Ta yêu từng giây phút của đời mình. Vì thế, ta quyết sống cho thật là sống, để nếu phải dừng lại, thì dù có chết, sẽ xứng đáng lãnh nhận cái giờ chết ấy, không còn gì hối tiếc, không còn gì vấn vương...

Thời khắc Giao thừa, nghĩ về cái chết như thế, ta thấy mình không bi quan, nhưng biết đó là điều cần thiết để càng ngày càng sống cho thật là sống..
.
Xin mọi cảnh vật, xin mùa xuân, xin những thiện chí của những người tốt lành hãy cùng ta cầu nguyện bắng chính lời cầu nguyện của vua Đavit xưa: "Lạy Chúa, ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết" (Sb 29, 15).

Xin chúc mùa xuân mãi tươi. Xin chúc đời người mãi đẹp. Xin chúc niềm vui ngày Tết mãi đầy đặn.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Timothy Dolan phản bác luận điệu chụp mũ của Thống đốc Cuomo
Đặng Tự Do
07:43 09/02/2019
Hôm 7 tháng Hai, trên Web site riêng của ngài, Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York đã có bài phản bác luận điệu chụp mũ bằng cách dán các nhãn hiệu của Thống đốc Cuomo[1]. Bản gốc bằng Anh ngữ nhan đề là Hiding Behind Labels. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Núp đằng sau những nhãn hiệu

Hôm nay, với lợi thế sân nhà trên tờ New York Thời báo, Thống đốc Cuomo đã liên kết tôi với khuynh hướng “tôn giáo hữu khuynh” [2].

Đây là một cái mới từ thống đốc. Ông ta đã không coi tôi là một thành phần “tôn giáo hữu khuynh” khi tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi trong việc tăng mức lương tối thiểu, cải tạo nhà tù, bảo vệ người lao động nhập cư, chào đón người nhập cư và người tị nạn, và vận động cho các chương trình liên quan đến dân số trong các nhà tù của tiểu bang, mà chúng tôi rất vui được hợp tác với ông ta vì những điều ấy cũng là những mục tiêu của chúng tôi. Tôi đoán tôi là một thành phần “tôn giáo tả khuynh” trong những trường hợp như thế.

Quyền dân sự của đứa trẻ bất lực, vô tội, trong bụng mẹ, như Thống đốc đảng Dân chủ tự do ở Pennsylvania Robert Casey đã có lần nhận xét không phải là chuyện “hữu khuynh hay tả khuynh, mà là vấn đề đúng hay sai”.

Ông Thống đốc [Cuomo] cũng tiếp tục nỗ lực của mình để giản lược sự vận động cho nhân quyền của trẻ sơ sinh thành một “vấn đề Công Giáo”, đó là một sự xúc phạm đối với các đồng minh của chúng tôi từ rất nhiều các tôn giáo, và cả những người không có niềm tin gì cả. Một lần nữa, Thống đốc Casey cũng đã từng khẳng định: “Niềm tin phò sinh của tôi không đến từ lớp tôn giáo của tôi trong một trường Công Giáo, nhưng từ các lớp về sinh học và về hiến pháp Hoa Kỳ của tôi.”

Vâng, tôn giáo là vấn đề cá vị; nhưng nó khó có thể nói là một vấn đề riêng tư, như cuộc đời và cuộc đấu tranh vì quyền công dân của Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King đã chỉ ra một cách hùng hồn. Đức tin mà Thống đốc Cuomo tuyên xưng cũng dạy rằng phân biệt đối xử với người nhập cư là vô luân. Phải chăng điều đó có nghĩa là ông ta không thể để nguyên tắc đạo đức này dẫn dắt chính sách công cộng của mình? Rõ ràng là không.

Hãy tranh luận về việc phá thai trên những gì nó là. Đừng núp đằng sau các nhãn hiệu như “cánh hữu” và “Công Giáo.”

[1] Andrew Cuomo, sinh ngày 6 tháng 12, 1957, đã từng kết hôn với Kerry Kennedy, con thứ bảy của Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, vào ngày 9 tháng 6 năm 1990. Họ có ba cô con gái trước khi ly thân vào năm 2003 và ly dị vào năm 2005. Năm 2011, ông ta bắt đầu sống với người dẫn chương trình của Food Network, Sandra Lee.

Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đuổi các quan điểm đối kháng triệt để với Giáo Hội về các vấn đề ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính. Theo tờ New York Times, các quan điểm này của Cuomo xuất phát từ trình trạng bất quy tắc trong cuộc sống hôn nhân sống chung mà không kết hôn với Lee. Sau khi ký Đạo luật Sức khoẻ Sinh sản hôm 22 tháng Giêng vừa qua trong đó mở rộng thời hạn cho phép phá thai đến cả những thời kỳ cuối của thai kỳ và loại bỏ hàng loạt các cấm cản phá thai do tiểu bang áp đặt, Cuomo thách thức các chỉ trích của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ bằng cách ra lệnh cho thắp sáng bằng ánh sáng màu hồng Trung tâm Thương mại Thế giới và các địa danh khác.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã kêu gọi ra vạ tuyệt thông cho Cuomo.

[2] ‘religious right’ hay ‘Christian right’

Các phong trào cánh tả trong thế kỷ 19 như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có tính bài bác hàng giáo sĩ rất hung hăng. Các cuộc cách mạng ở Pháp, Nga và Tây Ban Nha một phần nhằm vào hàng giáo phẩm địa phương và thiết lập một sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước.

Dù thế, vào thế kỷ 19, một số nhà văn và các nhà hoạt động xã hội như Robert Owen, Henri de Saint-Simon đã phát triển một trường phái tư tưởng gọi là chủ nghĩa xã hội Kitô giáo - Christian Socialism - dựa trên các nguyên tắc của Kitô Giáo nhưng tiêm nhiễm ít nhiều chủ nghĩa xã hội.

Những người tin vào những suy nghĩ này được gọi là ‘Christian left’. Sau này khi các xã hội trở nên ngày càng đa nguyên tôn giáo, từ ngữ phổ biến hơn là ‘religious left’ được dùng để chỉ những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh.

Cố nhiên, có những người ‘Christian left’ mặn mà với chủ nghĩa xã hội đến mức xa lìa các giá trị truyền thống Kitô. Tuy nhiên, hầu hết những người có khuynh hướng này vẫn có những ý tưởng tương tự như các nhóm chính trị Kitô giáo khác, chỉ khác về trọng tâm. Họ có thể xem các tín lý Kitô về một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như việc cấm giết người, hay việc Kinh Thánh chỉ trích tội tham lam của cải…là quan trọng hơn nhiều về mặt chính trị so với các vấn đề xã hội khác như phản đối đồng tính luyến ái.

Ở một mức độ rất đáng kể, những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh thực ra cũng chẳng quan tâm gì đến bất cứ triết lý xã hội nào. Khuynh hướng của họ chỉ đơn giản xuất phát từ các quan tâm mục vụ và truyền giáo cho giới công nhân.

‘Christian right’ hay ‘religious right’ – khuynh hướng tôn giáo hữu khuynh - được đặc trưng bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chính sách xã hội truyền thống của Kitô Giáo. Những người theo khuynh hướng này chủ yếu tìm cách áp dụng những hiểu biết của họ về tín lý Kitô giáo vào chính trị và chính sách công cộng bằng cách đề cao giá trị của các nguyên tắc Kitô, tìm cách sử dụng những nguyên tắc đó để tác động đến luật pháp và chính sách công cộng như trong các vấn đề bao gồm việc cầu nguyện ở các trường học, nghiên cứu tế bào gốc, đồng tính luyến ái, trợ tử, giáo dục giới tính, phá thai và vấn đề các hình ảnh khiêu dâm.


Source:Timothy Cardinal Dolan
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lễ cầu cho tổ tiên & mừng thọ
Văn Minh
10:09 09/02/2019
“Theo truyền thống (ngày mồng Hai Tết), Giáo hội nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người còn sống cũng như những đã qua đời”. Đó là lời mở đầu của cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, trong Thánh lễ kính nhớ về tổ tiên. Cách riêng, đối với giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, TGP sài Gòn, hôm nay còn là dịp mừng thọ cho 186 cụ tuổi từ 70 trở lên.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể được cử hành lúc 6g00 sáng thứ Tư ngày 06.02.2019, do cha giáo GiuseĐỗ Xuân Vinh chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh, phó xứ Chợ Đũi, cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Bình, phó xứ Tân Hương, và cha Martinô Nguyễn Đức Trọng, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn. Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài quý cụ bậc cao niên, còn có quý thầy, quý soeur, là những người con của giáo xứ cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ.

Đầu lễ, cha giáo Giuse Đỗ Xuân Vinh mời gọi cộng đoàn hiệp lời cầu nguyện cho quý cha cố, quý vị bậc tiền nhân đã có công xây dựng giáo xứ qua các thời kỳ, cùng 28 người trong giáo xứ đã qua đời trong năm 2018.

Sau bài Tin Mừng, cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh đã diễn giảng về điều răn thứ Tư là: “Thảo kính cha mẹ” Để nói lên lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục của các ngài. Vì vậy, phận làm con thì phải biết vâng lời cha mẹ của mình theo như Lời Chúa truyền dạy. Ngược lại, “Ai mà nguyền rủa cha mẹ mình, người đó sẽ bị xử tử”. Cha Vinh Sơn kể câu chuyện, có một gia đình kialà người Công Giáo, hai ông bàcó ba người con, trong ba người con thì mỗi người một công việc và thời gian làm việc cũng khác nhau, vì vậy, trong gia đình có ba người con thì có ba bữa ăn khác nhau. Chính vì vậy, màgia đình không có bữa ăn chung. Đối với gia đình người Công Giáo bữa ăn chung nó rất quan trọng,bởi vì nó nói lên sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Ngoài ra, nó còn là sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình lại với nhau, nếu không có bữa ăn chung, thì giờ đọc kinh chung trong gia đình cũng không có.

Để đúc kết bài giảng, cha vinh Sơn nhấn mạnh: Trong ngày lễ kính nhớ tổ tiên hôm nay, xin cho những người làm con biết vâng nghe lời dạy của cha mẹ, và cầu xin Chúa ban thêm lòng mến để mỗi người biết thảo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; khi các ngài còn sống thì phải thăm hỏi, giúp đỡ và nuôi dưỡng; một mai, các ngài khuất bóng thì cầu nguyện và xin lễ cùng các việc lành phúc đức khác để dâng lên cho cha mẹ và tổ tiên. Được như vậy, chúng ta mới làm đẹp lòng Chúa và vui lòng cha mẹ của mình.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 7g30.

Trước khi ra về, quý cha đã trao đến tận tay cho từng cụ một bao lì xì, và các cụ ai nấy đều vui mừng đón nhận.
 
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hongkong đón mừng Năm Mới Kỷ Hợi
Thanh Nguyễn
10:59 09/02/2019
HONGKONG - Tết Nguyên Đán là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm, người Việt chúng ta đã cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này và thường xem đó như là khoảng thời gian đẹp nhất để bắt đầu một năm mới. Hòa trong không khí và niềm vui chung của cả dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hongkong cũng đã dành những ngày đầu tiên của năm để cùng nhau tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa; để bày tỏ lòng thảo hiếu đối với ông bà tổ tiên và trao gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp đầu Xuân.

Hình ảnh

Ngày mùng 1 Tết, đông đảo anh chị em trong và ngoài Cộng đoàn đã cùng tụ họp tại Giáo xứ Thánh Giuse để tham dự thánh lễ cầu bình an cho năm mới do cha Giuse Mai Văn Thế chủ tế. Trong bài giảng, cha chủ tế đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ, nơi cộng đoàn và nơi chính mỗi người chúng ta. Ngài còn nhấn mạnh rằng, “dịp tết là thời gian chúng ta có cơ hội để thể hiện đức tin vào một thiên Chúa toàn năng, Đấng Quan Phòng vũ trụ và Đấng ban bình an cho thế giới. Dịp Tết cũng là cơ hội để mỗi thành viên trong cộng đoàn chia sẻ đức tin cho nhau và cùng giúp nhau thăng tiến trong ơn gọi Kitô hữu.” Cuối thánh lễ, cha chủ tế cùng quý cha đồng tế đã trao lộc thánh, phát lì xì và quà năm mới cho từng người tham dự thánh lễ. Sau lễ, quý cha quý tu sĩ và cộng đoàn đã thăm, chúc tết cha quản xứ giáo xứ Giuse và cùng nhau đón xuân trong khuôn viên giáo xứ.

Cũng như những năm trước, ngày mùng 2 tết hằng năm là ngày dành riêng cho việc kính nhớ ông bà tổ tiên; ngày mùng 2 tết cũng được cộng đoàn chúng ta xem là ngày LIÊN TU SĨ VÀ GIÁO DÂN. Năm nay, thánh lễ ngày mùng 2 tết đã được tổ chức tại Giáo xứ Mân Côi và do cha Phêrô Lâm Minh chủ tế; cha Giuse Đỗ Quốc Vũ giảng lễ cùng quý cha đồng tế đến từ Macao và Hongkong.

Mở đầu bài giảng, Cha Giuse Quốc Vũ, SDB đã cho cộng đoàn một khoảng thời gian ngắn để cùng ngẫm nghĩ lại tình thương của cha mẹ dành cho con cái qua việc lắng nghe 2 bài hát rất ý nghĩa về tình mẹ cha. Trong bài giảng, cha Giuse cũng đã nhấn mạnh đến sự thảo hiếu cũng như bổn phận, trách nhiệm của một người con đối với cha mẹ kể cả khi các ngài còn sống cũng như khi họ đã qua đời… Cuối thánh lễ, cha chủ tế cùng quý cha đồng tế đã đại diện cộng đoàn dâng hương để tỏ lòng kính trọng và sự thảo hiếu của con cháu đối với ông bà tổ tiên cũng như các bậc tiền nhân.

Sau thánh lễ, cộng đoàn đã quây quần bên nhau, chia sẻ những món ăn mang đậm hương vị quê hương, vui văn nghệ và trao gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp đầu năm mới.
 
Tiếp tục chuyện vui Xuân Kỷ Hợi tại Gx ĐMHCG Garland
Phạm Thái Hùng & Lê Phước
19:07 09/02/2019
Như đã loan báo trước ngày thứ Sáu chỉ là ngày khai mạc, thứ Bảy mới là ngày chính với thành phần ban nhạc và ca sĩ hùng hậu hơn, ban Phó Nhòm cuả giáo xứ do các anh Lê Phước, Phạm Thái Hùng đã ghi ảnh cà hai buổi văn nghệ, vậy chúng tôi xin được gửi tới quí vi như sau.

Xem hình ảnh Văn Nghệ do các anh Lê Phước và Phạm Thái Hùng