Ngày 06-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chạm phải Đấng vô hình
Lm. Minh Anh
00:17 06/02/2022

CHẠM PHẢI ĐẤNG VÔ CÙNG
“Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất! Mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Ngài là Chúa các đạo binh!”.

Dr. Virginai Satir, nữ bác sĩ tâm lý, viết trong tác phẩm của mình, “Trẻ sơ sinh phát triển mạnh nhờ được vuốt ve thường xuyên. Chà, người lớn cũng không khác! Khi không được một bàn tay vỗ về, được ôm qua vai hay qua người, họ sẽ tự co rút vào mình. Tôi kê đơn: mỗi ngày, bốn cái ôm để tồn tại, tám cái ôm để duy trì, và mười hai cái ôm để thăng hoa. Tắt một lời, chạm đến nhau giữa vợ chồng, mẹ cha và con cái mỗi ngày, là một điều không thể thiếu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với Dr. Virginai Satir, việc “chạm đến nhau” giữa những con người quan trọng đến thế; phương chi việc con người ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, điều đó sẽ quan trọng hơn biết bao! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến sự choáng ngợp của con người trước một Đấng uy nghi, uy dũng và uy quyền. Isaia, Phaolô và Phêrô đã ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, cũng là Đấng sẽ sai họ đi!

Bài đọc thứ nhất tường thuật sự ngỡ ngàng của Isaia trong đền thánh. Giữa tiếng tung hô “Thánh, Thánh, Thánh” của đoàn thiên sứ, các nền nhà chuyển rung; Isaia khiếp hãi, “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ bẩn, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Ngài là Chúa các đạo binh!”. Ngay lúc đó, một thiên thần bay đến, tay cầm cục than đỏ, chạm vào lưỡi ông để ông được sạch; và Isaia nghe tiếng Chúa phán, “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?”; ông liền thưa, “Này con đây, xin hãy sai con!”.

Cũng thế, trong bài đọc thứ hai, Phaolô kể lại kinh nghiệm của mình về việc ông đã ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, “Sau cùng, Ngài cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ và không xứng đáng được gọi là tông đồ... Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa”. Quả thế, Phaolô đã trở thành lợi khí được chọn của Đấng Vô Cùng, được Ngài sai đi như một tông đồ kiệt xuất cho các dân ngoại.

Đặc biệt, với bài Tin Mừng; qua đó, chúng ta đọc thấy trải nghiệm tuyệt vời của Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Khi Phêrô đang giặt lưới cùng các bạn chài khác thì Chúa Giêsu đến, Ngài bước vào thuyền ông, đây cũng là thời khắc Ngài bước vào ‘con thuyền đời’ ông; Ngài yêu cầu ông ra khỏi bờ một chút để Ngài có thể dạy dỗ, và Ngài sẽ yêu cầu ông nhiều hơn về sau. Đoạn Ngài nói riêng với Phêrô, “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, thả lưới bắt cá”, và Phêrô phải ‘ra những trũng sâu’ suốt phần còn lại của đời mình. Yêu cầu này, lẽ thường, không có ý nghĩa gì với Phêrô, một ngư phủ dày dạn; tuy nhiên, Phêrô đã mềm mỏng đáp lại. Phép lạ đã xảy ra, và trước sự kinh ngạc với mẻ cá kỳ diệu, Phêrô choáng ngợp vì không chỉ một người có tên Giêsu đã chạm vào cuộc sống ông nhưng chính Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời ông. Phêrô nhận thức ông đang ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’; về phần mình, ông cảm thấy quá bất xứng, nên sụp lạy và thưa lên, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Thế nhưng, Chúa Giêsu nâng ông dậy, đẩy ông về phía trước, xa hơn, “Đừng sợ, từ nay, anh sẽ là kẻ chinh phục người ta!”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa chí thánh, Đấng mà cả thiên triều không chứa đủ vinh quang; vậy mà Ngài đã hạ cố xuống tận cùng thấp cho bằng con người, hầu con người có thể chạm được Ngài. Và thật lạ lùng, ai chạm đến Ngài đều được biến đổi. Ngài đụng đến Isaia bằng cục than lửa; lửa đó đã thanh tẩy lưỡi ông, khiến ông trở thành ngôn sứ của Chúa. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa không chỉ chạm đến con người bằng lửa, Ngài chạm đến nó bằng chính Con Một của Ngài. Sự đụng chạm này đã quật ngã Phêrô, hất văng Phaolô. Lúc chưa chạm Ngài, Phêrô gọi Chúa Giêsu là Thầy; nhưng sau mẻ cá kỳ lạ, ông phủ phục, thú nhận sự thấp hèn và tuyên xưng Ngài là Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ được chạm đến Chúa Giêsu mà còn được nên một với Ngài, Ngài trở nên của ăn nuôi sống chúng ta. Như Isaia, Phaolô và Phêrô, Chúa Giêsu ước mong chúng ta càng chạm đến Ngài, càng thuộc về Ngài; càng thuộc về Ngài càng nên thánh thiện và thật sự trở thành ngôn sứ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày con ‘chạm phải Đấng Vô Cùng’, xin giúp con biến đổi tận bên trong, hầu có thể tạo nên một sự khác biệt như Chúa kỳ vọng!”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:48 06/02/2022

2. Nguồn mạch của đời sống tu đức chính là Kinh Thánh.

(Linh mục Vincent Lebbe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:52 06/02/2022
90. TAM MÃNG BẮT QUỶ

Có một người dũng cảm mà ngay thật, tên là Khương Tam Mãng.

Một hôm, nghe nói việc Tống Định Bá bán quỷ mà được tiền thì rất phấn khởi nói:

- “Hôm nay tôi mới biết là có thể bắt quỷ được, giả như mỗi đêm mà bắt được một con quỷ, thì nhổ một bãi nước miếng bắt nó biến thành con dê, lợi dụng lúc nó sợ hãi kêu thét lên thì đem bán cho lò mổ thịt, thì ta có thể nhậu nhẹt no say trong một ngày”.

Thế là, mỗi đêm anh ta vác gậy cầm dây thừng đi vào trong nghĩa địa hoang vắng đợi, lại còn giả bộ uống rượu say ngủ trên đất để dụ dỗ quỷ đến, nhưng đừng nói là bắt được quỷ, mà ngay cả thấy quỷ cũng không.

Một tối nọ, anh ta ở trong rừng nhìn thấy mấy đốm lửa lân tinh, bèn đứng dậy đuổi theo, nhưng không ngờ mấy đốm lửa ấy tiêu tan, nên buồn bả trở về nhà. Cứ như thế thời gian qua một tháng, cũng vẫn không thu được kết quả gì, đành phải thôi vậy.

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 90:

Không ai bắt quỷ đem bán cả, bởi vì ma quỷ không phải là đồ vật, càng không phải là thứ để bán, chỉ có những người quá khờ nên nghe ai nói gì thì tin đó mà thôi.

Không thể dùng gậy gộc để bắt ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu hữu có phương thế để đuổi ma quỷ, đó chính là làm theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su: cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, đền tội...(Mt 17, 21)

Có những người muốn đuổi quỷ dâm dục ra khỏi mình, nhưng cứ thích đi đến những ổ quỷ là bóng tối, những phòng karaoke; có những người muốn đuổi quỷ tham lam ra khỏi mình, nhưng vẫn cứ tìm cách lươn lẹo gian dối người khác; có những người muốn đuổi quỷ kiêu ngạo ra khỏi mình, nhưng vì kiêu ngạo nên không muốn cầu nguyện, không muốn cậy vào ơn Chúa giúp, mà chỉ cậy vào sức riêng mình...

Đừng uổng công mất giờ đuổi ma quỷ ra khỏi lòng mình khi tâm hồn không thật lòng sám hối, không thật sự khiêm tốn, không chuyên tâm cầu nguyện.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Congo: Ngày Đời Sống Thánh Hiến đẫm máu
Đặng Tự Do
04:04 06/02/2022


Ngày Đời Sống Thánh Hiến 2 tháng Hai năm nay diễn ra trong bối cảnh người Công Giáo Việt Nam than khóc trước cái chết chỉ mấy ngày trước đó của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục Dòng Đa Minh, bị thảm sát tại Kon Tum.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đã xảy ra một biến cố hết sức đau lòng: một linh mục trẻ đã thiệt mạng sau khi vừa dâng Thánh lễ kỷ niệm Ngày Thế giới Đời Sống Thánh Hiến.

Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, đã bị ám sát bởi những kẻ có vũ trang ở lãnh thổ phía đông bắc Lubero vào ngày 2 tháng 2, khi đang lái xe đến giáo xứ của mình, giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, để dâng thánh lễ thứ hai sau khi dâng thánh lễ ở Kanyabayonga.

Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni cho biết trong một tuyên bố gửi vào ngày 3 tháng 2 cho ACI Africa, rằng một cuộc điều tra về vụ giết người đã bắt đầu.

Các cuộc tấn công của Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, đã được báo cáo tại giáo phận Butembo-Beni. Nhóm phiến quân có liên hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ nước láng giềng Uganda được cho là dưới sự lãnh đạo của một người Hồi giáo, là người từ bỏ đức tin Kitô để gia nhập Hồi Giáo.

Năm ngoái, Đức Cha Paluku đã lên án các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực. Ngài nói rằng các nhóm vũ trang đang “phá hủy các trường học và bệnh viện.”

“Họ thậm chí đang giết các bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh. Không một ngày nào trôi qua mà không có người bị giết,” Đức Cha Paluku cho biết như trên hồi tháng 5 năm 2021.

“Nhiều người đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ của họ bị giết. Có rất nhiều trẻ mồ côi và những phụ nữ góa bụa. Các ngôi làng đã bị thiêu rụi. Chúng ta đang ở trong tình trạng vô cùng khốn khổ”.

Vị giám mục người Congo đã công bố một tuần cửu nhật trong toàn giáo phận từ ngày 3 đến 11 tháng 2 với “ý định cầu nguyện cho linh hồn Cha Richard Masivi được đón nhận vào lòng thương xót Chúa”.

Vị cố linh mục đã khấn trọn trong Dòng Anh Em Hèn Mọn vào tháng 3 năm 2018 và được thụ phong linh mục vào tháng 2 năm 2019. Ngài là cựu sinh viên của trường Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya – là một cơ sở giáo dục thuộc sở hữu chung của 22 dòng tu.

Ngài đã là Cha Sở của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae kể từ tháng 10 năm 2021.

Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997. Đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đó là cũng là dịp để cộng đoàn dân Chúa cám ơn các linh mục, các tu sĩ nam nữ đã hiến dâng cuộc đời mình cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Hai
Đặng Tự Do
06:58 06/02/2022
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bờ Biển Galilê. Đám đông tụ tập xung quanh Chúa Giêsu khi một số ngư dân thất vọng, bao gồm cả Simôn Phêrô, đang rửa lưới sau một đêm đánh cá thất bại. Và kìa, Chúa Giêsu xuống thuyền của ông Simôn Phêrô; và Người lại bảo ông ra biển giăng lưới (x. Lc 5:1-4). Chúng ta hãy dừng lại ở hai hành động này của Chúa Giêsu: thứ nhất, Người xuống thuyền và thứ hai, Người mời chúng ta ra biển. Đó là một đêm mà mọi thứ trở nên tồi tệ, không có cá, nhưng ông Simôn Phêrô tin tưởng và ra khơi.

Đầu tiên, Chúa Giêsu xuống thuyền của ông Simôn Phêrô. Để làm gì? Thưa: Để dạy bảo. Ngài lên chính chiếc thuyền không đầy cá, nhưng đã trở về bờ trống trơn, sau một đêm làm việc và thất vọng. Đó là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta. Con thuyền đời ta mỗi ngày rời bến là gia đình để ra biển mưu sinh; mỗi ngày chúng ta cố gắng “thả lưới chỗ sâu”, nuôi dưỡng ước mơ, thực hiện các dự án, sống yêu thương trong các mối quan hệ của mình. Nhưng thường, giống như Phêrô, chúng ta trải qua những “đêm với những tấm lưới trống rỗng”, những đêm thất vọng vì cố gắng đến mấy cũng chẳng thấy kết quả như mong muốn: “Chúng tôi đã làm việc cả đêm mà chẳng bắt được gì” (câu 5), ông Simôn Phêrô nói. Đã bao lần chúng ta chỉ còn lại với cảm giác thất bại, trong lòng lại nảy sinh nỗi thất vọng và cay đắng. Đó là hai loại sâu mọt rất nguy hiểm.

Khi đó, Chúa làm gì? Thưa: Ngài quyết định lên thuyền của chúng ta. Từ đó Ngài loan báo Tin Mừng cho thế giới. Chính chiếc thuyền trống rỗng đó, một biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta, lại trở thành “chiếc bục giảng” của Chúa Giêsu, bục giảng mà từ đó Người công bố Lời Chúa. Và đây là điều Chúa thích làm: Chúa là Chúa của những điều ngạc nhiên, của những phép lạ trong những điều ngạc nhiên; bước lên con thuyền của cuộc đời chúng ta khi chúng ta không có gì để cống hiến; bước vào khoảng trống của chúng ta và lấp đầy chúng với sự hiện diện của Ngài; dùng sự nghèo khó của chúng ta để rao truyền sự giàu có của Ngài, sự khốn khổ của chúng ta để rao truyền lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn có một chiếc du thuyền, nhưng Ngài muốn một con thuyền tồi tàn “tồi tàn” là đủ cho Ngài, miễn là chúng ta chào đón Ngài: vâng! chào đón là quan trọng. Con thuyền không đáng quan tâm… chào đón mới là quan trọng. Nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta có để Chúa Giêsu bước vào con thuyền cuộc đời mình không? Chúng ta có đặt những gì ít ỏi chúng ta có dưới thánh ý Ngài không? Đôi khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng với Ngài vì chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng đây là một cái cớ mà Chúa không thích, vì nó xua đuổi Ngài ra khỏi chúng ta. Ngài là Chúa của sự gần gũi, của lòng trắc ẩn, của sự dịu dàng, và Ngài không chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo, Ngài tìm kiếm sự chấp nhận. Ngài cũng nói với anh chị em: “Hãy để Thầy lên con thuyền của cuộc đời con”. “Nhưng, Chúa ơi, hãy nhìn xem...”, “Như thế này: hãy để con tiếp tục, như thế này thôi Chúa ơi”. Hãy suy nghĩ về điều này.

Đây là cách Chúa xây dựng lại lòng tin của Phêrô. Sau khi xuống thuyền, sau khi rao giảng, Ngài nói với ông: “Hãy chèo ra chỗ sâu” (câu 4). Đó không phải là thời điểm thích hợp để đánh cá, đó là ban ngày, nhưng Phêrô tin cậy Chúa Giêsu. Ông không dựa vào chiến lược của những người đánh cá, mà ông biết rõ, nhưng ông dựa vào sự mới lạ của Chúa Giêsu. Sự ngạc nhiên đó đã thúc đẩy ông làm theo những gì Chúa Giêsu đã nói với ông. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta: nếu chúng ta đón Chúa trên thuyền của mình, chúng ta có thể ra khơi. Với Chúa Giêsu, ta có thể điều hướng biển đời mà không sợ hãi, không thất vọng khi không bắt được gì, và không nhượng bộ khi “không thể làm gì khác”. Luôn luôn, cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống của Giáo hội và xã hội, một điều gì đó cao đẹp và can đảm có thể được thực hiện: luôn luôn. Chúng ta luôn có thể bắt đầu lại Chúa luôn mời gọi chúng ta quay trở lại bởi vì Ngài mở ra những khả năng mới. Do đó, chúng ta hãy chấp nhận lời mời: chúng ta hãy xua đuổi sự bi quan và ngờ vực và hãy xuống biển với Chúa Giêsu. Ngay cả với chiếc thuyền nhỏ trống rỗng của chúng ta cũng sẽ chứng kiến một vụ đánh bắt kỳ diệu.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Đấng đã đón Chúa trên thuyền cuộc đời Mẹ, khích lệ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay đánh dấu Ngày quốc tế chống lại sự cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Khoảng ba triệu trẻ em gái phải trải qua thủ thuật này mỗi năm, thường trong tình trạng rất nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tục lệ này, không may phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, làm nhục phẩm giá của phụ nữ và đe dọa nghiêm trọng đến sự toàn vẹn về thể chất của họ.

Và vào ngày thứ Ba tới, lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita, Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại Nạn buôn người sẽ được cử hành. Đây là một vết thương sâu, gây ra bởi sự theo đuổi lợi ích kinh tế mà không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với con người một cách nhục nhã. Nhiều cô gái - chúng tôi nhìn thấy họ trên đường phố - những người không được tự do, là nô lệ của bọn buôn người, những người đưa họ đi làm và nếu họ không mang tiền về, chúng sẽ đánh họ. Điều này đang xảy ra ở các thành phố của chúng ta ngày nay. Hãy thực sự suy nghĩ về nó.

Đối mặt với những tai họa của nhân loại, tôi bày tỏ nỗi đau của mình và kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm phải hành động dứt khoát để tránh cả những hành vi bóc lột và làm nhục nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Ngày hôm nay, tại Ý cũng tổ chức Ngày cho cuộc sống với phương châm “Chăm sóc cho mỗi cuộc sống”. Lời kêu gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người yếu nhất: người già, người bệnh và ngay cả trẻ em đang bị ngăn cản chào đời. Tôi tham gia cùng các giám mục Ý trong việc thúc đẩy văn hóa sống như một phản ứng đối với luận lý của sự loại bỏ và suy giảm nhân khẩu học. Tất cả cuộc sống phải được bảo vệ, luôn luôn!

Chúng ta đã quen nhìn và đọc rất nhiều điều xấu trên các phương tiện truyền thông, những tin tức xấu, tai nạn, giết người... rất nhiều thứ. Nhưng hôm nay tôi xin đề cập đến hai điều đẹp đẽ. Một, ở Ma rốc, cả thị trấn đã cùng nhau cứu Rayan như thế nào. Cả thị trấn đã ở đó, làm việc để cứu một đứa trẻ. Họ đặt mọi thứ họ có vào đó. Thật không may, Rayan đã không qua khỏi. Nhưng ví dụ đó - hôm nay tôi đọc được trên tờ Il Messdowro - những bức ảnh chụp một ngôi làng ở đó, đang chờ cứu một đứa trẻ.... Cảm ơn những người này vì chứng tá đó!

Và một chuyện khác, đã xảy ra ở Ý ở đây, và sẽ không xuất hiện trên báo. Tại Monferrato: John, một người di cư Ghana 25 tuổi, người đã phải chịu đựng mọi thứ mà nhiều người di cư phải chịu để đến được đó, và cuối cùng định cư ở Monferrato, bắt đầu làm việc, xây dựng tương lai của mình, trong một công ty rượu. Và rồi anh ấy đổ bệnh vì căn bệnh ung thư quái ác, đến mức sắp chết. Và khi họ nói cho anh ta biết sự thật, và hỏi anh ta thích làm gì, anh ta trả lời: “Trở về nhà để ôm cha tôi trước khi mất.” Khi chết, anh nghĩ về cha mình. Và tại thị trấn Monferrato đó, họ lập tức thu thập và nhét đầy morphin vào người anh ta, họ đưa anh ta và một đồng nghiệp lên máy bay và tiễn anh ta về nhà để chết trong vòng tay của cha anh. Điều này cho chúng ta thấy rằng ngày nay, giữa rất nhiều tin xấu, vẫn có những điều đẹp đẽ, vẫn có.

Tôi chào tất cả anh chị em, những anh chị em ở Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, những người đến từ Đức, Ba Lan và Valencia, Tây Ban Nha; cũng như các sinh viên đại học Madrid - họ ồn ào, những người Tây Ban Nha đàng kia! - và các tín hữu của giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Rôma. Một lời chào đặc biệt đến các nữ tu của nhóm Talitha Kum, những người hoạt động chống lại nạn buôn người. Cảm ơn chị em. Cảm ơn vì những gì chị em đã làm, vì sự dũng cảm của chị em. Cảm ơn chị em. Tôi khuyến khích chị em trong công việc của mình và tôi chúc phúc cho bức tượng Thánh Josephine Bakhita.

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Mội cựu Giám Mục cao cấp Anh Giáo gia nhập Công Giáo
Nguyễn long Thao
11:08 06/02/2022
Trang tin tức của Giáo Hội Anh Giáo ở Tô Cách Lan (Scotland ) đưa tin, một cựu Giám mục Anh giáo của giáo phận Chester, Đức Giám Mục Peter Foster, đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Đây là vị giáo sĩ hàng đầu thứ ba của Giáo hội Anh Giáo trở thành giáo sĩ Công Giáo trong năm qua.

Tờ Giáo Hội Thời Báo (Church Times), một trang tin tức của Anh giáo, đã xác nhận tin này trong bản tin đề ngày 4 tháng 2 năm 2022. Được biết ĐGM Forster là bỉnh bút cho tờ báo này. Cho đến cuối năm 2019, Ngài thường xuyên viết các bài bình luận cho tờ báo.

ĐGM Forster đã lãnh đạo Giáo phận Anh giáo Chester trong hơn 22 năm và là giám mục phục vụ lâu nhất của Giáo hội Anh Giáo. Theo Premier Christian News, Giáo phận cũ của Ngài có khoảng 273 giáo xứ. Ngài nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2019 ở tuổi 69 và chuyển đến Scotland cùng vợ Elisabeth.

Tin tức gia nhập đạo Công Giáo của Đức Giám Mục Forster khiến ông trở thành giám mục thứ ba của Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Trong năm ngoái. Michael Nazir-Ali, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo vào tháng 9 và được thụ phong linh mục Công Giáo vào ngày 30 tháng 10. Jonathan Goodall, Giám mục Anh giáo của Ebbsfleet, hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo vào tháng 9 vừa qua.

Tờ Church Times cho biết ĐGM Forster từng là thành viên của Ủy ban Đại Kết Anh giáo và Công Giáo tại Anh. Ngài thuờng chỉ trích lập trường muốn đánh lạc hướng các mối quan hệ đại kết giữa hai tôn giáo.

Nguyễn Long Thao
 
Nước Pháp bàng hoàng trước cái chết trên đường phố Paris đông đúc
Đặng Tự Do
16:10 06/02/2022


Nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ René Robert đã chết vì hạ thân nhiệt sau khi ngã và bị người qua đường bỏ mặc suốt chín giờ đồng hồ

Cái chết của một người đàn ông 85 tuổi được cho là do hạ thân nhiệt đột ngột, té ngã và nằm sóng soài hơn 9 tiếng đồng hồ trên một con phố lạnh giá ở trung tâm Paris đã khiến người dân Pháp và xa hơn thế nữa vô cùng đau buồn, tức giận và không thể tin được một chuyện như thế lại có thể xảy ra.

René Robert, một nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ được biết đến với những bức ảnh chụp một số ngôi sao nhạc flamenco nổi tiếng nhất Tây Ban Nha, đã qua đời vào tuần trước sau khi trượt chân khi đang đi dạo hàng đêm quanh khu phố Paris sầm uất nơi anh sống.

Theo lời kể của bạn mình, nhà báo Michel Mompontet, Robert đã ngã trên đường Rue de Turbigo, giữa Place de la République và Les Halles.

“Anh ấy bị choáng váng và ngã xuống,” Mompontet cho biết trong một loạt các tweet. “Không thể gượng dậy được, anh ấy nằm gục tại chỗ trong giá lạnh suốt 9 tiếng đồng hồ cho đến khi một người vô gia cư gọi cho dịch vụ cấp cứu. Quá muộn. Anh ấy bị hạ thân nhiệt và không còn có thể cứu được nữa. Trong suốt chín giờ đồng hồ đó, không có người qua đường nào dừng lại để kiểm tra lý do tại sao người đàn ông này lại nằm trên vỉa hè. Không một ai cả.”

Mompontet, người cũng kể lại hoàn cảnh về cái chết của bạn mình trên France TV Info, cho biết Robert đã “bị giết bởi sự thờ ơ”, và nói thêm: “Nếu cái chết khủng khiếp này có thể phục vụ cho một số mục đích, nó sẽ là thế này: khi một người nằm trên vỉa hè, chúng ta nên hỏi han họ - cho dù chúng ta có thể bận rộn đến đâu. Hãy dừng lại một chút thôi. “

Mompontet chỉ ra rằng nhiều người - bao gồm cả bản thân anh - thường nhìn theo hướng khác khi gặp những người trên đường phố. Nhà báo nói với France TV Info: “Trước khi đưa ra bất kỳ bài học nào hoặc buộc tội bất kỳ ai, tôi cần phải giải quyết một câu hỏi nhỏ khiến tôi cảm thấy không thoải mái. “Tôi có dám chắc chắn 100% rằng tôi sẽ dừng lại nếu đối mặt với cảnh đó - một người đàn ông trên mặt đất? Tôi có dám chắc chắn 100% rằng tôi chưa bao giờ quay lưng lại với một người vô gia cư đang nằm trước ngưỡng cửa?”

Cái chết, xảy ra tại một khu vực của Paris, nơi nhiều người vô gia cư ngủ say, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về trách nhiệm công dân và sự lễ phép cơ bản của con người.

Một dòng tiêu đề trên tờ Le Figaro viết: “Nhiếp ảnh gia René Robert, đã chết trong sự thờ ơ giữa phố.”

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Lan đã tweet: “Cái chết của René Robert, người đã bất tử với chiếc máy ảnh của mình, tất cả các nghệ sĩ vĩ đại của flamenco, thách thức lương tâm tập thể của chúng ta”.

Robert, người đã chụp ảnh các huyền thoại flamenco bao gồm Camarón de la Isla và Paco de Lucía, được một người khác gần đây nhớ đến.

“Rất buồn trước sự ra đi của René Robert, người mà tôi may mắn được gặp và được chụp ảnh cùng,” ca sĩ nhạc flamenco từng đoạt giải Grammy Arcángel nói. “Tôi không thể hiểu tại sao không ai giúp anh ấy; Tôi không muốn nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có quá ít giá trị “.

Hiệp hội Olivar, đã làm việc với những người vô gia cư trẻ tuổi ở Madrid trong hơn 30 năm, cho biết họ rất buồn nhưng không ngạc nhiên. “Rất nhiều người đang nói về câu chuyện khủng khiếp của René Robert. Nhưng thực tế là đây là trải nghiệm tàn khốc hàng ngày của những người sống và chết trên đường phố. Điều gì đang xảy ra với chúng ta với tư cách là một xã hội mà những điều như thế này có thể xảy ra?”

Theo thống kê của các hiệp hội vô gia cư, 600 người chết trên đường phố ở Pháp mỗi năm.
Source:The Guardian
 
Các nhà hoạt động ủng hộ phá thai ở NYC chửi bới những người đi nhà thờ, chiếu khẩu hiệu Chúa yêu phá thai lên nhà thờ chính tòa St. Patrick
Đặng Tự Do
16:10 06/02/2022


Rào chắn và một hàng ngũ cảnh sát bảo vệ những người tham gia ủng hộ sự sống khi ra vào Thánh Lễ Canh thức Cầu nguyện cho Sự sống của Tổng giáo phận New York tại Nhà thờ Thánh Patrick vào tối thứ Bảy, khi các thành viên của nhóm hoạt động vì Quyền Phá thai Thành phố New York hô hào những lời lăng mạ và la hét thô tục với họ.

Những người biểu tình hét vào mặt những người đi lễ những từ ngữ rất thô bỉ. Nhiều người biểu tình khác còn và thực hiện những cử chỉ tục tĩu khi một loạt người từ trẻ nhỏ đến đàn ông và phụ nữ cao tuổi ra khỏi nhà thờ ở khu trung tâm Manhattan.

Ngoài những lời lẽ thô tục, những người biểu tình còn hô vang “Xấu hổ”, “Cảm ơn Chúa vì phá thai”, “Hãy về nhà phát xít, hãy về nhà” và “New York ghét bạn” cùng với các khẩu hiệu ủng hộ sự lựa chọn nhắm vào những người đi lễ.

Vào cuối cuộc biểu tình, các khẩu hiệu ủng hộ phá thai bao gồm “Chúa yêu phá thai” và “Phá thai vạn tuế” được chiếu sáng bên ngoài nhà thờ trng khi những người biểu tình hò reo cổ vũ. Vào ngày 20 tháng Giêng tại Washington, DC, một nhóm hoạt động khác, mang danh Công Giáo vì Sự lựa chọn, đã chiếu các khẩu hiệu ủng hộ phá thai trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong một Thánh lễ và Giờ Chầu Thánh Thể vào đêm trước của Cuộc Tuần Hành Phò Sinh.

Khoảng 100 người biểu tình đã tham dự cuộc biểu tình của Thành phố New York, được các nhà tổ chức hô hào trong một bài đăng trên Instagram. Nhiều người trong số những người tham gia đã sử dụng trống, máy lắc và các máy tạo tiếng ồn khác, những thứ mà những người bên trong nhà thờ có thể nghe thấy.

Lễ Canh thức Cầu nguyện cho Sự sống đánh dấu kỷ niệm 49 năm vụ Roe kiện Wade, với phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Theo lời kêu gọi của các giám mục Hoa Kỳ về việc sám hối và cầu nguyện cho những vi phạm chống lại phẩm giá của thai nhi, Đức Hồng Y Timothy Dolan ở New York đã cử hành Thánh lễ Canh thức lúc 5:30 chiều, sau đó là một giờ chầu Thánh Thể.

“Thật là một bi kịch khi một quốc gia được thành lập dựa trên quyền được sống và sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp cho tất cả sự sống lại cho rằng bạo lực như vậy là hợp pháp, như cách đây 49 năm trước” Đức Hồng Y Dolan nói trong bài giảng của ngài. “Điều đó không đúng. Đó không phải là tự nhiên. Đó không phải là cách mà Thiên Chúa đã định. Đó không phải là cách mà đất nước chúng ta dự định”.

Trong số những người bị la hét khi ra về sau buổi canh thức có Nathan Long và cậu con trai tuổi thiếu niên của anh ta. Cả hai đã có một cuộc tranh cãi ngắn với những người biểu tình.

Long, một người cha 7 con đến từ Dallas, Texas, cho biết anh nghĩ hầu hết những người biểu tình không được giáo dục về vấn đề cuộc sống. “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người chỉ muốn cần đuốc lên và tức giận vì bất cứ điều gì”

Một trong nhiều khẩu hiệu mà những người biểu tình hô vang đối với những người đi lễ là “Hãy ngừng quấy rối bệnh nhân!”

Khẩu hiệu đó đề cập đến một ngày cầu nguyện định kỳ cho sự sống được gọi là Nhân Chứng Cho Sự Sống, bao gồm Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, tiếp theo là một cuộc rước lần chuỗi Mân Côi đến phòng khám Kế Hoạch Gia đình gần đó và sau cùng là một buổi canh thức trước phòng khám.

Các nhóm ủng hộ phá thai đã gây xôn xao vào tháng 7 vì đã đứng trước đám rước kinh Mân Côi để chặn con đường đến phòng khám Kế Hoạch Gia đình. Các nhân viên cảnh sát được yêu cầu hộ tống đoàn rước Mân Côi và ngăn cách những người biểu tình.

Vào cuối cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, một phụ nữ có vẻ là người tổ chức đã thông báo với những người biểu tình rằng nhóm của y thị sẽ phản đối sự kiện Nhân chứng cho sự sống tiếp theo vào ngày 5 tháng 2 bằng cách làm chậm cuộc rước tràng hạt Mân Côi của những người tham gia “bằng thi thể của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
 
Hồng Y Tổng Tường Trình Viên Thượng hội đồng về tính đồng nghị khẳng định Cải cách cần một nền tảng ổn định
Đặng Tự Do
16:11 06/02/2022


Một vị Hồng Y Dòng Tên, người sẽ đóng vai trò trung tâm trong Thượng hội đồng về Synodality vào năm 2023 đã nói rằng những cải cách trong Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi “một nền tảng ổn định”. Synodality, theo định nghĩa của Ủy ban Thần Học Quốc Tế, là “mô thức sống và làm việc cụ thể của Giáo Hội, tức là của cộng đoàn dân Chúa, thể hiện và mang lại bản chất cho Giáo Hội là sự hiệp thông khi tất cả các thành viên của Giáo Hội cùng nhau hành trình trên con đường của Chúa, tụ họp và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội”.

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề trên tạp chí Herder Korrespondenz của Đức số tháng 2, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich được hỏi liệu ngài có thể hình dung việc giới thiệu các nữ phó tế hay không.

Vị Hồng Y trả lời: “Tôi sẽ không có gì chống lại điều đó. Nhưng cải cách cần một nền tảng ổn định. Nếu bây giờ Đức Giáo Hoàng chỉ đơn giản cho phép viri probati, tức là truyền chức linh mục cho những người đàn ông trưởng thành, đã lập gia đình, và các nữ phó tế, thì nguy cơ ly giáo sẽ rất lớn”.

“Rốt cuộc, đó không chỉ là về tình hình của Đức, nơi có lẽ chỉ một phần nhỏ sẽ tan rã. Ở Phi Châu hoặc ở các nước như Pháp, nhiều giám mục có thể sẽ không đồng hành với điều đó”.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Hồng Y Hollerich, tổng giám mục Luxembourg, làm vị tổng tường trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ 16 ở Rôma.

Sự kiện, thường được gọi là Thượng Hội đồng về Tính Đồng Nghị, đã được mô tả là sự kiện quan trọng nhất của Giáo Hội kể từ Công đồng Vatican II diễn ra từ năm 1962 đến 1965.

Đức Hồng Y Hollerich nói với Herder Korrespondenz rằng ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bị hiểu lầm.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng không có gì chống lại những người bảo thủ nếu họ học hỏi từ cuộc sống. Cũng thế, ngài không có gì chống lại những người cải cách nếu họ luôn nhớ đến toàn thể Giáo Hội. Và Đức Giáo Hoàng không thích đấu đá nội bộ trong Giáo Hội”.

“Tôi đôi khi có ấn tượng rằng các giám mục Đức không hiểu Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng không theo chủ nghĩa tự do, ngài là người cấp tiến. Từ tính triệt để của Tin Mừng dẫn đến sự thay đổi”.

Đức Hồng Y, người cũng là chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu Châu, gọi tắt là COMECE, thừa nhận rằng cải cách cơ cấu là cần thiết, nhưng nói rằng nó cần có sự đồng thuận.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải đưa càng nhiều người tham gia càng tốt trên đường đi. Và sau đó không phải là việc phong cho những người làm công tác mục vụ thành giáo sĩ hạng hai. Không thể có giáo sĩ được phong chức và giáo sĩ không được phong chức mà phải tiêu diệt chủ nghĩa giáo sĩ. Giữa các linh mục, nhưng cũng giữa các giáo dân”.

Vị Hồng Y 63 tuổi cũng thảo luận về Thánh lễ bằng tiếng Latinh, mà ngài nói có một bản văn “rất đẹp”. Ngài giải thích rằng đôi khi ngài sử dụng tiếng Latinh khi cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng của mình, nhưng có sự e dè khi làm như vậy trong khung cảnh giáo xứ.

“Tôi biết những người ở đó không hiểu tiếng Latinh và không thể làm gì về điều đó”.

“Nhưng tôi đã được yêu cầu thực hiện một cử hành Latinh ở Antwerp, bên Bỉ, theo nghi thức hiện tại. Tôi sẽ làm điều đó, nhưng tôi sẽ không cử hành theo nghi thức cũ”.

Đức Hồng Y Hollerich lưu ý rằng nếu cử hành theo nghi thức tiền Công Đồng với tư cách là một Hồng Y, ngài sẽ phải mặc một chiếc áo choàng cappa magna, tức là “áo choàng lớn”, lễ phục với một cái tà áo rất dài.

“Tôi chắc chắn sẽ ngã vì tôi không quen đi với một cái tà áo rất dài như vậy”

“Và trên hết, tôi sẽ rất xấu hổ. Chúa Kitô sẽ nói gì? Đó có phải là cách tôi hình dung bước theo Ngài hay không? Khi lướt đi bao bọc trong màu tím? 'Ta đã nói rằng ai yêu mến Ta, phải vác thập tự giá của mình... và theo Ta, chứ không vác tà áo tím mà theo Ta.'“

“Tôi sẽ có ấn tượng rằng tôi đang phản bội Chúa. Điều đó không có nghĩa là người khác có thể không làm được điều đó theo nghĩa tốt. Nhưng tôi thì không thể."
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Báo Ý xác nhận Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong 34 ngày đầu của năm 2022
Đặng Tự Do
04:06 06/02/2022


Trong số ra ngày thứ Bẩy 5 tháng Hai, tờ Il Sismografo, trích dẫn các nguồn tin từ Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cho biết có hai nhà truyền giáo bị giết khi đang thi hành sứ mệnh truyền giáo.

Vị đầu tiên là linh mục Dòng Đa Minh, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, bị giết khi đang giải tội tại nhà thờ thuộc Dak Mot, tỉnh Kon Tum.

Theo lời Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, giáo họ Sa Loong lâu nay vốn thuộc giáo xứ Đăk Mót. Thời gian gần đây, giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Và để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, Cha Giuse Thanh được bổ nhiệm về đây, thay thế cho người anh em cùng Dòng. Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.

Cha Giuse Thanh không phải là người địa phương. Ngài sinh tại Sài gòn và đã xung phong lên vùng Tây Nguyên nơi thiếu thốn mọi thứ, và sự hiện diện của Giáo Hội còn đang trải qua nhiều chông gai.

Ngài chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em dân tộc thiểu số, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.

Ngài đã sống các nhân đức anh hùng của một nhà truyền giáo, và xứng đáng được tuyên phong trong một quá trình điều tra cẩn thận của Tòa Thánh.

Vị thứ hai là Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, bị giết ngày 2 tháng 2 bởi các tay súng ở Vusesa, giữa Kirumba và Mighobwe, trong Lãnh thổ Lubero ở Bắc Kivu khi đang trên đường trở về giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nơi ngài đang làm Cha Sở, sau khi vừa dâng lễ mừng ngày đời sống thánh hiến cho một cộng đoàn các nữ tu tại Kanyabayonga.

Cũng giống như trong trường hợp của Cha Giuse Thanh, Cha Richard Masivi Kasereka, được đấng bản quyền là Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni, ca ngợi là một vị linh mục hiền lành, có lòng nhiệt thành truyền giáo nên đã xung phong lên vùng đất đầy khó khăn này. Vùng đất này kinh hoàng đến mức Đức Cha Paluku than thở rằng “không ngày nào mà không có người bị giết”

Cha Giuse Thanh bị giết trong hoàn cảnh còn nhiều uẩn khúc bởi Nguyễn Văn Kiên, một người Công Giáo, không thực hành đạo.

Cha Richard Masivi Kasereka bị giết bởi nhóm Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF. Tên cầm đầu ADF là David Steven, một người Công Giáo bỏ đạo, gia nhập Hồi Giáo và đổi tên thành Jamil Mukulu.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 30 tháng 12 vừa qua, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2021 là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.
Source:ilsismografo
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bị Đổ Oan !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
21:59 06/02/2022
Bị Đổ Oan !

Mấy ngày vừa qua, mạng thông tin xã hội nóng lên về chuyện một linh mục trẻ bị chém chết khi đang thi hành thừa tác vụ linh mục (ngồi tòa giải tội). Xót xa! Bàng hoàng! Và thật đau đớn khi biết hung thủ là một giáo dân Công Giáo mà hiện nay thì chưa rõ nguyên nhân và động cơ gây án. Càng thêm xót xa khi nghe một lời chia sẻ của đấng hữu trách rằng: “Thánh ý Thiên Chúa thật nhiệm mầu, chúng ta không thể suy thấu.” Đã là Thánh ý thì nhiệm mầu và vượt quá tầm luận lý của con người. Dẫu biết rằng quý đấng bậc có thiện ý muốn xoa dịu nỗi đau đoàn của tín hữu và người thân của nạn nhân, tuy nhiên khi nói lên chân lý này trong hoàn cảnh tang thương do bởi sự độc ác vô lương tâm thì có thể gây ngộ nhận.

Một thanh niên uống thuốc diệt cỏ tự vẫn. Không ít người đến cầu nguyện và theo thói quen nói rằng: “đến giờ Chúa gọi”. Thậm chí một thanh niên qua đời vì ẩu đả thì có ca đoàn lại cất lên bài ca: “Khi Chúa thương gọi con về…”. Có thanh niên qua đời vì tai nạn giao thông thì cũng có đấng đến chia buồn: “Bông hoa nào đẹp, Thiên Chúa ngắt về”. Thú thực tôi đã bộc trực rằng: “Đừng đổ oan cho Thiên Chúa!”

Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống (x.Mc 12,27). Phải mạnh mẽ khẳng định rằng Thánh ý Thiên Chúa không trực tiếp trên bất cứ cái chết nào. Theo cái nhìn “Kitô học” thì ngay cả cái chết thập giá của Chúa Giêsu cũng không phải là do thánh ý trực tiếp của Chúa Cha. Có người cha nào lại muốn con mình phải chịu chết cách đau thương? Thánh ý của Chúa Cha là muốn Chúa Con vào trần gian tìm ra cách thế tốt nhất để tỏ bày chân dung Đấng Tạo Thành là Cha Toàn Năng Chí Ái. Và trong thân phận loài người, khi đối diện với án hình thập giá thì Đấng làm người đã chấp nhận gánh lấy khổ hình, cái giá đắt phải trả cho việc mạc khải chân lý (x.Ga 18,37) và cũng là cách thể biểu lộ tình yêu nhưng không và đến cùng (x.Ga 15,13). Trong ba lần tiên báo về cuộc khổ hình thập giá Chúa Giêsu đều nói là Người “bị”, “chịu”, động từ ở thể thụ động. (x.Mt 16,21; 17,22; Mc 8,31; 9,31; Lc 9,22; 9,44).

Cái chết của con người là do bởi quy luật sinh học: sinh, lão, bệnh, tử, hoặc do vận hành của giới tự nhiên như tai ương, dịch bệnh hoặc do sự ác độc của đồng loại hoặc sự quẫn trí của bản thân…Xin đừng đổ oan cho Thiên Chúa. Nhiều kiểu nói “vô tình” như trên đã từng là nguyên cớ cho nhiều người chọn thái độ sống “vô thần”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin mừng Luca:
Vũ Văn An
18:09 06/02/2022

1.Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa Thường Niên: Luca 5:1-11: Vai trò của Ngư phủ Simôn:

Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” 9Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người
.

(Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú Thích

Ở bên hồ Ghennêxarét. Ghennêxarét là tên tiếng Hy Lạp của vùng đất nhỏ, mầu mỡ, đông dân phía tây của chiếc hồ mà một số tác giả gọi là Biển Galilê; nó nằm ở phía nam Caphácnaum. Tên của vùng cũng dùng để gọi chiếc hồ. Các Tin mừng gia gọi nó là biển (Thalassa, chữ cũng được dùng trong Dân số 34:11 và Giosuê 12:3 của Bản Bẩy Mươi). Luca dùng chữ “hồ” [limnē] chính xác hơn, chữ cũng được Josephus sử dụng trong Antiquities 18.2, 1 §28. Căn cứ vào đây, ta thấy nhận thức của Luca về địa dư Palestine không hề thiếu sót.

Trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu chỉ dạy bên hồ ở đây mà thôi; xem Mc 2:13; 3:7; 4:1-2. Conzelmann (Theology, 42) nghĩ rằng đối với Luca, hồ có nét “thần học” nhiều hơn, nơi biểu lộ quyền năng của Chúa Giêsu.

Lời Thiên Chúa. Lần đầu tiên xuất hiện cụm từ này, ho logos tou theou, trong Tin mừng Luca. Nó gần như là đặc trưng của Luca vì Máccô chỉ dùng 1 lần (7:13) cũng như Gioan (10:35) và có lẽ cả Mátthêu nữa (15:6) nhưng với dị bản nomos, “lề luật”, trong một số thủ bản. Trái lại, Luca sử dụng 4 lần trong Tin mừng (5:1; 8:11, 21; 11:28) và 14 lần trong Công vụ (4:31; 6:2,7; 8:14; 11:1; 12:24; 13:5,7, 44, 46, 48; 16:32;17:13; 18:11). Trong hầu hết các trường hợp trong Công vụ, cụm từ này dùng để chỉ sứ điệp Kitô giáo như được các tông đồ rao giảng; ở đây, Luca dùng chỉ chính lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Do đó, ngài dùng lời giảng dạy của Chúa Giêsu làm gốc rễ cho việc công bố của cộng đồng Kitô hữu. Nhưng như chính cụm từ cho thấy, gốc rễ sau cùng của giáo huấn này chính là Thiên Chúa, vì cụm từ muốn nói “lời của Thiên Chúa” hay “lời phát xuất từ Thiên Chúa” hơn là “lời nói về Thiên Chúa”. Dù những câu này được Máccô gợi hứng, nhưng cụm từ không xuất hiện trong Mc 4:1. Xem thêm J. Dupont, “‘Parole de Dieu’ et ‘parole du Seigneur’” [Lời của Thiên Chúa và lời của Chúa], Revue Biblique 62 (1955) 47-49.

Lời giảng của Chúa Giêsu cho đám đông đang chen lấn quanh Người không có gì liên quan đến phép lạ sắp tới; nhưng nó giải thích hoạt động của Người như một người giảng thuyết về Nước Trời và chuẩn bị cho chức năng mà Simôn được kêu gọi đảm nhiệm.

Những người đánh cá. Số nhiều này chịu ảnh hưởng của Máccô 1:16 là câu nhận diện cả Anrê lẫn Simôn là những người này (haleeis). Luca không bao giờ nhắc tới Anrê, nhưng động từ số nhiều ở các câu 4,6,7,9 hàm ý một người nào khác hiện diện trong thuyền cùng với Simôn và Chúa Giêsu.

Đang giặt lưới. Luca sửa đổi một chi tiết của Máccô 1:19, “đang vá lưới”. Về tư liệu liên quan tới bối cảnh lịch sử của nghề đánh cá ở Palestine, xin xem E.F.F. Bishop, “Jesus and the Lake” Catholic Biblical Quarterly 13 (1951) 398-414; W.H. Wuellner, The Meaning, 26-63.

Của ông Si-môn. Cả ở đây lẫn ở các câu 4,5, ngài chỉ được gọi là Simôn, nhưng trong câu 8, tên kép Simôn Phêrô đã được dùng, chắc chắn từ nguồn “L”. Việc chọn chiếc thuyền của Simôn đem lại cho ngài một thế nổi bật vì ngài sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nhóm các môn đệ được Chúa Giêsu thành lập.

Người ngồi xuống. Thế người thông thường cùng với một bạn đồng hành trên con thuyền nhỏ dĩ nhiên là ngồi. Nhưng thế ngồi của một vị thầy cũng đã được gợi ý (xem câu 4:20).

Người giảng dạy. Việc Luca nhấn mạnh tới hoạt động giảng dạy của Chúa Giêsu tiếp diễn. Việc lặp lại chủ đề quán xuyến này ở đây nối kết tình tiết này với hai câu cuối cùng của tình tiết trước (4:43-44); nó cung cấp bối cảnh giảng dạy nước trời cho lời hứa ngỏ với Simôn. Còn về cố gắng ẩn dụ hóa việc Chúa Giêsu giảng dạy từ thuyền Phêrô (= Giáo Hội), xin xem K. Zillessen, Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenchaft 57 (1966) 137-139; E. Hilgert, The Ship and Related Symbols in the New Testament (Assen: Van Gorcum, 1962)105-110.

Thưa Thầy. Ở đây, lần đầu tiên Luca dùng chữ epistata, là dạng xưng hô (vocative) của epistatēs. Chỉ có Luca dùng chữ này, các Tin Mừng nhất lãm khác thường dùng hoặc didaskale (thầy dạy [teacher]) hay rabbi (thầy =giáo sĩ). Trong văn chương Hy lạp, epistatēs có nghĩa rộng hơn, chỉ cả “người chỉ huy, nhà hành chánh, giám thị viên” (như trong ngành huấn luyện tuổi trẻ). Trong các trước tác Luca, nó được dùng cho Chúa Giêsu bởi các môn đệ mà thôi, trong khi didaskalos được cả người không phải là môn đệ dùng. Như trong 8:24; 17:13, epistata thích đáng hơn đối với bối cảnh phép lạ. Xem O. Glombitza, “Die Tidel didaskalos und epistatēs für Jesus bei Lukas” Zeitschrift für die Neutestamentliche Wissenchaft 49 (1958) 275-278.

Sấp mặt dưới chân Đức Giêsu. Cha Joseph A. Fitzmyer dịch là “He dropped his knees before Jesus” [Ông qùy gối trước Chúa Giêsu]

Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! Phản ứng của Simôn trước quyền năng biểu lộ trong mẻ cá lạ lùng đã liên hệ Chúa Giêsu với một lãnh vực mà ông vốn không thuộc về vì ông là một người tội lỗi.

Lạy Chúa. Simôn, kẻ tội lỗi, qùy trước “Chúa” của ông, sử dụng một danh hiệu vốn thường dùng cho Chúa Kitô phục sinh. Nó được duy trì ở đây, vì tác giả của nó viết trong Giai đoạn III của truyền thống Tin mừng.

Đừng sợ. Kiểu nói này không hẳn đặc trưng của Luca nhưng thường thấy trong các trước tác của ngài (1:13,30;8:50; 12:32; Cv 18:9; 27:24). Trong bối cảnh này, việc dùng nó hơi lạ khi Simôn chỉ bày tỏ tính tội lệ của mình, và phản ứng ngạc nhiên của ngài đã được ghi nhận. Cụm từ này thường quen thuộc trong các màn hiển linh (như 1:13,30; Cv 18:9; 27:24), và được dùng ở đây có lẽ để làm nổi bật đặc tính mạc khải của phép lạ vừa thực hiện. Mặt khác, nó cũng có thể là dấu vết của một câu truyện phép lạ hậu phục sinh nguyên thủy hơn.

Từ nay. Cụm từ này đặc trưng của Luca. F. Rehkopf (Die lukanische Sonderquelle, 92) cho là nó đã có trước Luca trong truyền thống Nhất Lãm; nhưng việc nó xuất hiện ở Cv 18:6 cho thấy nó đặc trưng của Luca.

Cụm từ thay đổi ý nghĩa của lời kêu gọi như diễn ra ở Mc 1:17, dẫn nhập một nét tức khắc chưa có ở đó. Nó hiển nhiên làm tăng vai trò của Simôn, người từ nay liên kết với chính sứ mệnh của Chúa Giêsu, cho dù lời hứa trong Luca không có câu “hãy theo Thầy”, L. Brun (Symbolae osloenses 11 (1932) 48) nghĩ việc dự ứng vai trò của Simôn thực tế mâu thuẫn với lời kêu gọi Nhóm Mười Hai ở 6:14; nhưng như thế là quá nhấn mạnh đế ý nghĩa của cụm từ. Nó được dùng ở đây theo nghĩa dự ứng (proleptic) như ở 12:52 và 22:69 (xem Klein, “Die Berufung des Petrus”, 13).

Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Nhiều bản dịch dịch là “kẻ đánh cá người”. Nhưng theo Cha Fitzmyer, chiểu tự, dịch là “bắt sống người ta”. Phân từ zōgrōn gồm chữ zōos (sống) và agrein (bắt, săn). Lời Chúa Giêsu được ngỏ với một mình Simôn, ngôi thứ hai số ít. Theo cách của ngư phủ, Simôn sẽ tụ tập người ta vào vương quốc Thiên Chúa. Xin lỗi J. Mánek, Novum Testamentum 2 (1957) 138-141, ẩn dụ dùng ở đây không nên giải thích theo thần thoại vũ trụ học cổ xưa mô tả vùng nước hỗn mang như kẻ thù phải được khuất phục; không hề có hàm ý nào như thế trong bản văn Luca. Cũng không nên nghĩ rằng là ngư phủ, Simôn sẽ kéo con người ra khỏi biển tăm tối họ hiện đang sống để vào một thế giới mới; điều này không những ẩn dụ hóa hình ảnh quá đáng mà còn mang theo sắc thái bất hạnh theo nghĩa cá thường không sống nổi ở trên cạn. Đúng hơn, ẩn dụ nên được giải thích ở bình diện bề mặt, giống như Cựu Ước từng dùng nó “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ –sấm ngôn của Đức Chúa– đến đánh bắt chúng” (Grm 16:16; xem Am 4:2; Kbc 1:14-15). Sắc thái phán xét cánh chung có thể nổi bật hơn trong các đoạn văn Cựu Ước, nhưng người ta không thể loại bỏ một sắc thái như thế trong các đoạn văn Tân Ước. Xem Hôdāyôt (Thanksgiving Hymns) from Cave 1 5:7-9, trong đó Thầy Công Chính cũng nhắc đến việc tụ tập những người nhiệm nhặt tuân theo Tôra trong một bối cảnh phán xét.

Ẩn dụ ngư phủ bắt những con người nhân bản cho Nước Trời hàm ngụ vai trò tác nhân trong liên kết với chính thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nó không tức khắc hàm ngụ việc làm môn đệ, ít nhất trong hình thức Luca nói về ơn gọi. Như Smith (Havard Theological Review 52 (1959) 197) đã cho thấy, vai trò Simôn được Chúa Giêsu kêu gọi đảm nhiệm không nên giải thích là “mọi Kitô hữu”. Đúng hơn nó được dùng để nói lên chức năng Phêrô.

Bỏ hết mọi sự. Luca lấy phân từ aphentes từ Mc 1:18, trong đó, nó được dùng để chỉ các môn đệ “bỏ” lưới của họ. Xem Mc 1:20. Một cách đặc trưng, Luca thay đổi nó, làm cho ba môn đệ ‘bỏ mọi sự” (panta).

Mà theo Người. Cụm từ này cũng lấy từ Máccô 1:18. Đây là lần đầu tiên xuất hiện chữ akolouthein trong Tin Mừng Luca, nơi nó sẽ thường được sử dụng để chỉ việc làm môn đệ Chúa Kitô (5:27-28; 9:23, 49, 57, 59, 61; 18:22,28). Josephus (Antiquities 8:13, 8 § 354) dùng nó gọi Êligia là môn đệ của Êlia (xem 1V 19:21 bản Bẩy Mươi). Trong văn chương giáo sĩ (rabbinical) sau này, “theo chân” (hālak ‘aḥărê, “bước chân theo”) thường được dùng để chỉ mối liên hệ của môn dệ với các rabbis. Tuy nhiên, có một sắc thái thêm trong việc Tân Ước dùng chữ akolouthein, vì nó xuất hiện trong cả 4 Tin Mừng với nghĩa “tự dấn thân... vượt qua mọi liên hệ khác” (G. Kittel, Theological Dictionary of the New Testament 1.213). Môn đệ thường làm điều học trò của một rabbi làm bề ngoài, nhưng ngụ hàm một gắn bó và dấn thân nội tâm với Chúa Giêsu và chính Nghĩa được Người rao giảng. Trong các trước tác Luca, nó còn có thêm một sắc thái nữa do viễn ảnh địa dư nó rất thích hợp với (xem T. Aerts, “A la suite de Jésus: Le verbe akolouthein dans la tradition synoptique” Analectica Lovaniensia Biblica et Orientalia 4/37 (1967) 1-71).



Nhận xét

Bốn tình tiết trước cung cấp cho ta một cái nhìn về thừa tác vụ được chính Chúa Giêsu tiến hành. Trong 4 tình tiết ấy, Người xuất hiện một mình ở Galilê, giảng dạy và chữa bệnh. Tuy nhiên, tình tiết cuối cùng (4:42-44) cũng tiết lộ rằng sứ mệnh rao giảng Nước Trời của Người nhằm một phạm vi rộng hơn Caphácnaum. Thực thế, câu 44 gợi ý cho thấy “Giuđêa” theo nghĩa rộng cũng có liên can. Tuy thế, giờ đây Luca trình bày Chúa Giêsu vẫn ở Galilê, ở bờ Hồ Ghennêxarét (5:1-11), quen biết với Simôn, người mà Người hứa ban cho một nghề khác, và được 2 người khác đi theo. Tình tiết này và tình tiết tiếp theo đi trước bất cứ tranh cãi nào mà thừa tác vụ giảng dạy và chữa lành của Chúa Giêsu có thể gợi lên; như thế chúng thuộc “buổi đầu” thừa tác vụ (chủ yếu) Galilê của Người. Theo một quan điểm khác, tình tiết nói đến lời hứa ngỏ với Simôn này báo trước việc chọn Nhóm Mười Hai (6:12-16), mà Simôn sẽ là người đứng đầu.

Tình tiết này là một điển hình hoán vị khác của Luca vì nó chịu ảnh hưởng của Máccô 1:16-20, dù trình thuật Luca phần lớn độc lập với nó. Bằng cách hoán vị màn này từ khung cảnh Máccô của nó, Luca đã loại bỏ tính hơi vô lý thường được nhiều người ghi nhận nơi tường thuật Máccô về việc kêu gọi 4 môn đệ, việc đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong Tin Mừng sau khi chịu phép rửa và sống trong sa mạc. Trong đồng văn Luca, người ta thấy Chúa Giêsu giảng dạy và chữa bệnh, còn Simôn thì mục kích một trong các việc cao cả Người làm (4:38-39). Như thế, các màn trước đây của Luca cung cấp khung cảnh hợp lý về phương diện tâm lý cho việc kêu gọi ngư phủ Simôn.

Tình tiết Luca này khó có thể chỉ song hành với Máccô 1:16-20. Ngoài khung cảnh mới do việc hoán vị cung cấp, còn có 3 điều khác nhau khác: (a) Chúa Giêsu không phải chỉ là khách qua đường; Người giảng dạy từ thuyền của Simôn cho đám đông trên bờ hồ (các câu 1-3); (b) Simôn thả lưới cho mẻ cá lạ lùng theo lời Chúa Giêsu (các câu 4-9a); (c) Chúa Giêsu hứa cho Simôn một nghề nghiệp mới, khiến Ông (và hai đồng bạn) bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu (các câu 9b-11). Trọn tình tiết vì thế được Luca soạn thảo từ chất liệu Máccô được hoán vị và soạn lại cũng như từ chất liệu khác do nguồn riêng (“L”) của chính Luca.

Khung cảnh của tình tiết (các câu 1-3) được gợi hứng bởi Mc 4:1-2, dẫn nhập vào bài giảng của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn trong Tin Mừng đó: Chúa Giêsu bước vào chiếc thuyền để giảng dạy người ta trên bờ hồ. Chi tiết này sau đó bị Luca bỏ, khi ngài dẫn nhập một số trong các dụ ngôn này (8:4), một dấu hiệu cho thấy, sau khi mượn chi tiết đó cho tình tiết này, ngài không muốn nhắc lại nó ở đó. Câu 1, với cách kết cấu đặc trưng egeneto de rõ ràng là một soạn lại của Luca. Mặt khác, việc thay đổi từ ploiaria (các con thuyền) qua ploiōn/ploiou (con thuyền) trong câu 3 cho thấy ảnh hưởng Máccô (xem Mc 4:1). Ta cũng thấy ảnh hưởng của Máccô trong các câu 9b-11 trong đó, câu truyện nối lại với Mc 1:16-20 (nhất là các câu 17c, 19, 20). Tuy nhiên ngay những song hành này cũng bị Luca điều chỉnh khi soạn thảo (“các đồng bạn của Simôn”, việc mang thuyền vào bờ). Khi người ta tách các chất liệu được Máccô gợi hứng, họ chỉ còn lại câu truyện về mẻ cá lạ lùng (4-9a).

Tuy nhiên, trình thuật này chỉ được liên kết với việc kêu gọi Simôn trong Tin Mừng này. Việc nó tương tự với các chi tiết trong Gioan 21:1-11 thường được ghi nhận. R.E. Brown (John, XII-XXI, 1090) đơn cử 10 điểm tương tự giữa các trình thuật Luca và Gioan: (1) các môn đệ đánh cá đêm ngày nhưng không bắt được gì; (2) chỉ thị của Chúa Giêsu thả lưới cho mẻ cá; (3) chỉ thị được tuân theo đã mang lại mẻ cá phi thường; (4) hậu quả của nó đối với lưới; (5) Simôn Phêrô phản ứng trước mẻ cá (nét đặc biệt của Gioan mô tả Người Môn đệ Yêu dấu đi trước ông); (6) Chúa Giêsu được ngỏ là “Chúa”; (7) các ngư phủ khác dự phần vào mẻ cá, nhưng không nói gì; (8) Việc “theo” Chúa Giêsu xẩy ra ở đoạn kết (Xem Gioan 21:19,22); (9) mẻ cá tượng trưng cố gắng truyền giáo thành công (minh nhiên hơn trong Luca); (10) cùng các từ ngữ được dùng để xuống thuyền, lên bờ, lưới v.v... có thể là tình cờ; nhưng việc dùng tên kép “Simôn Phêrô” (Luca 5:8; Gioan 21:7) thì không tình cờ, nó chỉ diễn ra ở đây trong Luca. Ta có thể thêm (11) không nhắc tới Anrê trong cả hai trình thuật (xem Mc 1:16).

Mặt khác, 7 điểm khác nhau đã được ghi nhận (xem A. Plummer, Gospel, 147): (1) Trong Gioan, Chúa Giêsu đầu tiên không được nhìn nhận; (2) Trong Gioan, Chúa Giêsu ở trên bờ chứ không ở dưới thuyền; (3) Trong Gioan, Simôn Phêrô và Người Môn đệ Yêu dấu ở trong cùng một con thuyền; (4) Trong Gioan, Phêrô để việc kéo mẻ cá cho người khác; (5) Trong Gioan, lưới không rách, trong Luca, nó rách; (6) Trong Gioan, cá bắt được ở gần bờ và được kéo lên; và (7) Trong Gioan, Phêrô chạy vội dưới nước đến với Chúa Giêsu, Đấng mà ông vừa bác bỏ; trong Luca, ông khẩn khoản xin Chúa rời xa ông.

Trong khi Plummer kết luận 2 phép lạ thuộc một loại tương tự do Chúa Giêsu thực hiện, một để minh họa việc kêu gọi Simôn; phép lạ kia để minh họa ơn gọi lại vị chánh tông đồ, các nhà chú giải ngày nay, đúng hơn, coi các màn Luca và Gioan như các trình thuật về cùng một phép lạ. Chúng diễn tả một mẩu truyền thống tin mừng cùng đến một cách độc lập với cả hai tin mừng gia. Luca biến nó thành một phần câu truyện của ngài về việc kêu gọi Simôn, nhưng Gioan biến nó thành câu truyện Chúa Giêsu sống lại hiện ra. G. Klein (“Berufung des Petrus,” 34-35) đã lập luận đúng rằng ít có màn nào nguyên ủy dẫn khởi từ thừa tác vụ của Chúa Giêsu và sau đó được dẫn vào tường trình của Gioan về cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sống lại; không có song hành nào cho loại hoán vị này trong truyền thống tin mừng trong khi các trường hợp được biết đến khác bao gồm việc hồi phóng (retrojection) một màn hậu phục sinh vào thừa tác vụ (thí dụ Mátthêu 16:16b-19; xem R.E. Brown và nhiều vị khác [chủ biên] Peter in the New Testament [New York: Paulist, 1973] 83-101). Mặt khác, hình thức Luca của câu truyện có rất ít dấu vết các yếu tố của một câu truyện hiện ra (xem C.H. Dodd, “The Appearances” 22-23). Đến thời Luca thừa hưởng truyền thống, thì truyện phép lạ đơn giản đã đến với ngài từ nguồn “L”; ngài nối nó với chất liệu Máccô và nhào nặn nó thành câu truyện kêu gọi Simôn. Một lý do khác để nghĩ rằng nguyên ủy nó phát sinh từ khung cảnh hậu phục sinh là phản ứng của Simôn Phêrô trong câu 8, ngỏ lời với Chúa Giêsu là “Chúa” và tự coi mình là “kẻ tội lỗi”, một phản ứng chỉ thích đáng hơn nếu áp dụng vào một người từng chối Thầy. Hơn nữa, câu 8 tự biểu lộ như một câu nối. Phản ứng của Phêrô đối với Chúa Giêsu sau mẻ cá có vẻ kỳ lạ; người ta thường mong đợi một phản ứng kinh ngạc hay biết ơn đối với người làm phép lạ hơn là tuyên xưng sự bất xứng của mình. Hoặc, người ta thường mong đợi Phêrô sẽ tự bênh vực khả năng ngư phủ của mình thay vì xin lỗi vì tội lỗi của mình. Phản ứng của Phêrô phản ảnh mặc cảm tội lỗi, một điều hơi lạ dưới ánh sáng một phép lạ làm vì ông, và là điều sẽ phát sinh hợp luận ý hơn từ một hành động hay tác phong mà nay ngài cảm thấy ân hận. Cũng không thể hiểu như một biểu thức nói lên sự xấu hổ vì đã làm suốt đêm mà không bắt được gì. Do đó, khung cảnh hậu phục sinh cho tình tiết nguyên thủy một lần nữa xem ra hữu lý.

R. Bultmann (History of the Synoptic Tradition, 28) coi Mc 1:16-20 như một cách ngôn (apophthegm) tiểu sử, một màn lý tưởng mô tả việc thình lình kêu gọi môn đệ bỏ việc “làm ăn” đang theo đuổi để “đi theo chân”. Ông coi màn này được nhào nặn từ một ẩn dụ đã được lên khuôn, đó là “kẻ đánh cá người”, được dùng cho các môn đệ khác. Bultmann liệt kê câu truyện bắt mẻ cá của Luca như một phép lạ tự nhiên (History of the Synoptic Tradition, 217), một điển hình cho thấy cùng một ẩn dụ đã được khai triển thành một câu truyện phép lạ ra sao. Nhưng như câu truyện hiện có trong Tin Mừng Luca, tình tiết này phải được coi về phương diện phê bình hình thức như một câu truyện tuyên bố; nó là câu truyện dẫn đến việc đó. Ủy nhiệm trao cho Phêrô thoạt đầu không phải là thành phần của câu truyện phép lạ, như tôi nhận thấy (xin lỗi Klein và các vị khác). Việc tuyên bố mang hình thức một lời hứa ngỏ với một mình Simôn, được dẫn nhập bằng cụm từ đặc trưng Luca “từ nay” (xem Chú Thích). Dù “đừng sợ” dường như một câu nói thích đáng hơn với câu truyện hiện ra (xem Mt 28:5, 10), nó vẫn thường được Luca dùng trong nhiều bối cảnh để cho thấy nó phát xuất từ lối soạn thảo của Luca.

Người ta phải thừa nhận rằng câu truyện nguyên thủy hơn của Máccô về việc kêu gọi 4 môn đệ phần nào có tính lý tưởng; nhưng nó đi hơi quá xa khi gán việc kêu gọi Simôn (và các môn đệ khác) duy nhất cho bối cảnh hậu phục sinh. Điều này sẽ được thảo luận lần nữa nhân bàn tới 6:12-16. Một lần nữa, việc liên kết một câu truyện phép lạ với việc kêu gọi Simôn, như Luca thực hiện ở đây, làm nổi bật đặc tính lý tưởng của màn này. Nhưng việc này không đủ để bác bỏ tính lịch sử của việc kêu gọi Simôn bởi Chúa Giêsu lịch sử trong thừa tác vụ của Người. Bất chấp các mưu toan chứng minh ngược lại, truyền thống coi Phêrô như người thứ nhất được kêu gọi không phải chỉ là việc nối dài truyền thống coi ngài như người đầu tiên mục kích Chúa Giêsu sống lại (1Cr 15:5; xem Lc 24:34). (Truyền thống coi Anrê như prōtoklētos, “được gọi đầu tiên” tùy thuộc câu Ga 1:40-42).

Tuy nhiên, quan trọng hơn vấn đề tính lịch sử của việc kêu gọi là ý nghĩa của màn này trong Tin Mừng Luca. Như Luca trình bày nó, Simôn được đích thân đem vào lãnh vực quyền năng của Chúa Giêsu, và kinh nghiệm này trở thành nền tảng cho lời hứa được ngỏ với ngài. Dù Simôn, ý thức rõ thân phận hoàn toàn tội lỗi hay bất xứng của mình để có thể liên kết với một nhân vật như Chúa Giêsu, đã phản ứng bằng cách qùy gối xuống, ngài vẫn được trấn an bởi Chúa Giêsu, Đấng hứa với ngài rằng ngài sẽ đóng vai trò tụ tập các hữu thể nhân bản vào vương quốc Chúa Giêsu đã đến để rao giảng. Việc này ngài sẽ làm như một ngư phủ thu thập cá vào lưới. Ngài được kể riêng ra như người Galilê thứ nhất được mục kích quyền năng lạ lùng của Chúa Giêsu (4:38; 5:6). Giờ đây, ngài được hứa một vai trò sẽ được lên hình dạng từ từ dứt khoát hơn khi câu truyện trong Tin Mừng và Công Vụ được khai triển. Câu truyện phép lạ (các câu 4-9a), vốn được liên kết với việc kêu gọi Simôn, sẽ làm tăng giá trị lời hứa ngỏ với ngài; nó biểu tượng cho sự thành công sẽ trợ giúp việc ngài đánh cá cho vương quốc. Nhưng Simôn không cô đơn. Dù ngài là người đầu tiên được kêu gọi, nhiều người khác cũng đã “bỏ mọi sự” để theo Chúa Giêsu (5:10a-c, 11b), nhưng lời hứa không được ngỏ với họ, như trong Máccô. Như thế, lời hứa ngỏ với Simôn ở ngôi thứ hai số ít báo trước vai trò lãnh đạo mà ngài sẽ đảm nhận trong câu truyện tiếp theo của Luca (xem 6:14, trong đó, tên ngài dẫn đầu danh sách Nhóm Mười Hai). Trong tư cách người đầu tiên được kêu gọi, ngài sẽ là người đầu tiên được mục kích Chúa Kitô sống lại (24:34; xem Cv 2:14-40).

Việc Luca soạn lại màn này cũng đã lên khuôn lại câu nói của Chúa Giêsu với Simôn. Trong Máccô 1:17, Chúa Giêsu nói “hãy theo tôi và tôi sẽ làm các anh trở thành những người đánh cá người”... Người ta thường nhận xét rằng lạ lùng xiết bao khi sử dụng ẩn dụ này, quả thế, quả là “bất thích hợp nếu sứ mệnh của các môn đệ được nghĩ là cứu người hay đem người ta tới ơn cứu rỗi” (C.W.F. Smith, Havard Theological Review 52 [1959] 187). Vì điều các ngư phủ làm cho cá thì chả có chi là cứu vớt hết. Ẩn dụ này thường được tương phản với ẩn dụ người chăn chiên trong Mc 6:34, một ẩn dụ gợi lên sự quan tâm, săn sóc, và yêu thương. Có lẽ đó là lý do Luca phát biểu lại lời hứa “Từ nay anh sẽ là người bắt những con người” (từng chữ: “anh sẽ bắt sống họ, esē zōgrōn). Hệ luận là họ sẽ được cứu khỏi cái chết và được duy trì để sống, khi họ được tụ tập để trở thành những người theo chân đi vào vương quốc (xem L. Gollenberg, Tidjds voor Theologie 5 [1965] 330-336). Như thế, Simôn “từ nay” trở thành nhà truyền giáo dẫn đầu vì chính nghĩa Chúa Giêsu.

Tình tiết này có chăng “một động lực hộ giáo hiển nhiên” (R. Leaney, Expository Times 65 [1953-1954] 381) nghĩa là lời của Simôn ở câu 8 và câu trả lời của Chúa Giêsu ở câu 10 có giải thích cho các độc giả Kitô giáo gốc Ngoại giáo và những người khác ở bên lề cộng đồng tiên khởi các sai sót của vị môn đệ thời danh nhất hay không? Có lẽ, nhưng nếu người ta thừa nhận khung cảnh nguyên thủy hơn cho lời lẽ của Phêrô ở câu 8, như đề nghị ở trên, thì đặc tính hộ giáo của tình tiết này có thể bị nghi vấn.

Tuy nhiên, có ý nghĩa hơn là gợi ý của H. Conzelmann (Theology, 42) cho rằng màn này dùng để làm nổi bật tình tiết Nadarét (4:16-30). Cả hai đều là những việc hoán vị của Luca và tạo ra một tương phản văn chương: việc phê phán và bác bỏ Chúa Giêsu của người cùng thị xã của Người nay đem lại việc đích thân và chân thực theo chân của Simôn và các đồng bạn khác. Đáp ứng như một môn đệ là theo chân Người trên đường đi của Người, một việc theo chân bao hàm việc “bắt sống” các con người nhân bản khác cho vương quốc.

Vì Chúa Giêsu nay được mô tả tự liên kết với mình các người theo chân sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh của mình, nên một số nhà bình luận nhìn thấy mối quan tâm Giáo Hội học xuất hiện trong tình tiết này (như H. Schurmann, Lukasevangelium, 264; J. Earnst, Evangelium nach Lukas, 185); quả thực, G. Schneider nghĩ rằng 5:1- 6:49 phải được đọc theo nghĩa này (Evangelium nach Lukas, 120). Điều này có thực sự là ý hướng của Luca hay không? Rất có thể có một vài cơ sở, nếu ta khoan dung đối với việc ẩn dụ hóa một số chi tiết của câu truyện. Vì ở đây, Chúa Giêsu được mô tả đang dạy “lời Thiên Chúa” cho đám đông từ chiếc thuyền sở hữu của Phêrô, liệu Luca có gợi ý rằng sứ điệp thực chất của Chúa Giêsu phát xuất từ “thuyền Phêrô” hay chăng? Điều này vốn trở nên một hình ảnh và phương thức giải thích rất thân thiết đối với các nhà bình luận của các thế kỷ về sau; nhưng lồng tất cả các điều này vào tình tiết này xem ra vượt quá ý định của Luca.

Dù Simôn Phêrô từ xưa đến nay vẫn được giới thiệu rất sớm trong câu truyện của Luca (4:38), tình tiết này bắt đầu biểu lộ lòng qúy mến Luca dành cho ngài, một lòng qúy mến, chắc chắn, ngài thừa hưởng được, từ cộng đồng có trước ngài. Đây là khởi đầu câu truyện đặc biệt mà Luca kể về Simôn trong trình thuật của chính ngài. Luca vốn rút từ nguồn “Mc” câu truyện về việc kêu gọi Simôn (5:3,10), vị trí thứ nhất của ngài trong nhóm Mười Hai (6:14), vai trò của ngài như phát ngôn viên của các môn đệ (9:20, 33; 18:28), mối liên kết của ngài với Chúa Giêsu, cùng với Giacôbê và Gioan (8:51; 9:28), và việc ngài chối Chúa Giêsu (22:33-34; 54b-60). Nhưng Luca cũng bỏ một số chi tiết ít tâng bốc hơn trong nguồn “Mc”: Chúa Giêsu quở trách ngài (Mc 8:32-33), Chúa Giêsu trách ngài ngủ say (Mc 14:37); Phêrô chạy tới mộ (24:12). (Mc 16:7 bị bỏ vì Lc 24 xoay quanh Giêrusalem). Nhưng một số chất liệu đặc biệt trong Tin Mừng Luca rút ra từ nguồn đặc biệt “L”: vai trò của ngài ở đây trong mẻ cá lạ lùng (5:4-8); Chúa Giêsu cầu nguyện cho Simôn (22:31-32); và việc thông báo với ngài về việc hiện ra của Chúa Kitô Phục sinh (24:34). Rõ ràng là trong nguồn “Q” không điều gì nói về Simon; và việc soạn thảo của Luca có lẽ chịu trách nhiệm đối với việc xuất hiện tên ngài trong 12:41; 22:8,61. Các tên khác nhau mà Luca dùng cho vị môn đệ này được nhắc đến trong Chú Thích về câu 4:38. Chúng ít được xác định trong các nguồn rằng ngài đã sử dụng. Nhưng ít nhất, Luca nhất quán trong việc gọi ngài là “Simôn” trước 6:14 trong đó, ngài nhắc tới việc Chúa Giêsu đặt cho ngài tên Phêrô. Muốn biết thêm các luận bàn khác về Simôn Phêrô trong Công vụ Luca, xin xem Brown và những người khác (chủ biên), Peter in the New Testament, 39-56, 109-28; W. Dietrich, Das Petrusbild der lukaschen Schriften (Beiträge zur Wissenchaft vom Alten und Neuen Testaments 94; Stuttgart: Kohlhammer, 1972).

Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 559-570
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 2/2022 : Chuyện Tôn Kính Vợ
Trà Lũ
17:42 06/02/2022
Canada đang giữa mùa đông. Tuần qua một trận tuyết lớn đã phủ lấp cả thành phố Toronto. Trận tuyết làm tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Du tả cảnh buồn khổ của cô Kiều : Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu. Cụ Nguyễn Du nói tới tuyết chắc là nói theo tưởng tượng chứ tôi không nghĩ là cụ có kinh nghiệm thực về cảnh tuyết ngập tới rèm, tức ngang tầm cửa sổ như ở Canada này. Ông H.O. đậu xe ngoài đường mà không nhớ chính xác nơi đậu, sáng dậy phải phá núi tuyết trước nhà mới ra được tới đường, rồi hì hục phá núi tuyêt trùm lấp cái xe. Mệt và nhọc bở hơi tai, đến khi cái xe ló ra một chút thì ông biết mình phá tuyết sai chỗ lầm xe… Ôi buồn làm sao ! Ông giận trận bão tuyết quá, ông không còn yêu tuyết như ngày mới sang đây. Rồi ông kể chuyện này cho cả làng nghe. Hồi ông mới sang Canada thì ông náo nức chờ xem tuyết, ông bảo đầu đông năm ấy, thấy tuyết rơi mong manh đẹp quá, ông đã ra giơ tay hứng tuyết và đưa lên miệng nếm vì ông nghĩ tuyết bay trắng xóa, thơ mộng, êm ả như thế này thì chắc nó ngon lắm…

Chắc chuyện tuyết làm các cụ lạnh mất rồi, xin đưa các cụ về chuyện thời sự còn nóng. Vẫn các chuyện dịch cô vít và các biến thể, vẫn chuyện ông Mỹ ông Tàu hầm hè nhau ở biển đông, nửa thế giới tẩy chay Thế Vận Hội 2022 Bắc kinh, chuyện ông Nga hầm hè với Nato và khối Đông Âu và Mỹ về Ukraine và Crimea. Canada mới ra lệnh cho các nhà ngoại giao rời khỏi Ukraine, chắc sắp có chuyện quan trọng. Ukraine là nước lớn thứ hai ở Châu Âu sau Nga, có các cảng chính trên Hắc Hải và chung biên giới với 4 quốc gia Nato. Ukraine có vẻ nghiêng về Nato. Chứng cớ là dân Ukraine đã phá đổ hàng ngàn tượng Lê Nin. Viết đến đây tôi thấy lo cho các tượng Bác Hồ ở quê nhà quá, chắc rồi cũng thế thôi. Lại có tin ở Nam Cali người ta vừa tìm ra kho vàng trắng Lithium ở hồ chết Saltom Sea…

Và tin nổi cộm nhất đầu năm dương lịch là tin Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Ngài nổi danh quốc tế ngang tầm đức Đạt Lai Lạt ma, Mục sư Luther King. Ngài chu du khắp thế giới giảng đạo thiền. Sau 40 năm đi khắp nơi, sau cùng ngài về quê hương ở Huế và ra đi giữa các thiền sinh. Cách đây mấy chục năm ngài có đến Canada, đến Toronto mở lớp dạy thiền sống tỉnh thức. Tôi có đi tham dự. Các điều Ngài dạy, hiện tôi chỉ còn giữ được 4 câu thiền này :

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giây phút đẹp tuyệt vời !

BS Nguyễn Khắc Viện, người bị ung thư, đã bị cắt 3 /4 phổi, bệnh viện bảo ông chỉ sống thêm được 2 năm, thế mà nhờ tập thở, ông đã sống thêm 50 năm. Ông đã truyền lại kinh ngiệm thở và sống phép lạ này cũng bằng một bài thơ, tôi cũng lượm ra 4 câu chính như sau:

Ép bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Tôi dính liền 4 câu thiền của Thày Nhất Hạnh trên đây với 4 câu thơ về cách thở của BS NGuyễn Khắc Viện này, làm thành bài kinh thiền đọc mỗi buổi sáng khi thức dậy. Tôi thấy có kết quả tốt các cụ ạ.. Tiếng Anh gọi thiền là mindfulness, tiếng Nhật là Zen, thiền là quán niệm sự sống qua hơi thở vào và ra. Khi hít hơi thở vào và thở ra thì chỉ tập trung tâm trí vào hơi thở, biết mình đang sống, đang được sống giây phút này.

Cụ già B.95 lên tiếng xin làng thôi chuyện thiền mà nói sang chuyện khác bớt tôn giáo đi. Bà cụ muốn tiếng cười cơ. Liền có ngay. Ông HO nói rằng đầu năm mà toàn chuyện nghiêm trang thì cả năm sẽ không vui. Tôi xin đố cả làng câu này :

‘…Cái của ông Trump ngắn hơn cái của ông Kennedy, cái người vợ thường xài chung với chồng, cái mà Đức Giáo Hoàng có mà không xài, xin đố cả làng đó là cái gì?.

Anh John và mấy bà bàn nhau một lúc rồi hỏi : đây là câu đố tục, phải không? Ông HO lắc đầu ngay, đầu năm mới ai dám nói chuyện tục! Cả làng lại xầm xì bàn nhau và cuối cùng xin chịu thua. Ông HO đáp ngay : đó là cái tên gọi của mọi người ! Nghe xong ai cũng gật gù : ừ, đúng qúa. Đang được hứng, ông HO kể tiếp : Rằng trong một lớp mẫu giáo kia, trong giờ giáo lý cô giáo hỏi cả lớp : Chúa ở đâu? Đa số các em bé trả lời : Chúa ở trên trời, ở trong nhà thờ, nhưng có 1 bé giơ tay nói : Chúa ở trong phòng tắm. Cô giáo hỏi tại sao thì bé này trả lời: mỗi lần mẹ con tắm xong bao giờ mẹ con cũng đứng lên bàn cân, rồi lần nào mẹ con cũng thốt lên : Lạy Chúa tôi !

Nghe xong cả làng đều cười. Phe các bà thì gật gù nói quả đúng vậy. Ông HO được các bà khen thì thích lắm vì thấy cả làng bắt đầu có cái không khí vui vẻ thường lệ.

Ông Từ Hòe tiếp lời ông HO xin nói về năm con Cọp. Phe các bà thích lắm, vỗ tay liền. Ông xin bàn về cái tên. Rằng tiếng VN rất giầu về tên gọi mãnh chúa này : Cọp, Hùm, Hổ, Ông 30, Chúa Sơn Lâm…trong khi Anh Pháp Tây Ban Nha chỉ có từ tiger,tigre, tiếng Tàu là từ Hu. Cơ thể con cọp chỗ nào cũng là thuốc đại bổ cho con người : râu hổ trị nhức răng, thịt hổ bổ thận, răng hổ để trừ tà ma, đeo ở cổ thì tránh dược bom đạn, xương hổ thì nấu thành cao hổ cốt đại cường dương…Và nhiều danh nhân thế giới đã sinh vào năm Hổ như Tổng De Gaulle sinh năm 1890, văn sĩ John Steinbeck 1902, Bà Giang Thanh 1914, Nam Phương Hoàng Hậu 1914, Fidel Castro 1926, Thiền sư Thích Nhất Hạnh 1926… Nói đến đây rồi ông Từ Hòe cười hề hề : Các cụ ta tin rằng những phụ nữ sinh vào năm hổ thường khó lấy chồng.

Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng ngay : Điều đó không đúng, chứng cớ là trong mấy nữ danh nhân ông vừa nhắc có ai khó lấy chồng và dữ như cọp đâu. Và nếu nói như vậy thì trái với lời Ông Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa lớn, một trong 5 quan đại thần của vua Bảo Đại. Theo Ông thì người Pháp ưa lấy đàn bà làm biểu tượng cho sự hạnh phúc. Muốn tả sự kiều diễm nhẹ nhàng duyên dáng thì họ vẽ trên con tem bưu điện hình người đàn bà giang tay đang khiêu vũ giữa mùa xuân. Tả cảnh vui thú điền viên thì họ vẽ cô con gái đang hái nho nét mặt tươi cười hớn hở. Tả sự tươi mát họ vẽ người đàn bà mình trần, thanh tân yểu điệu, tóc xõa xuống lưng, măt mũi tươi tỉnh, vừa tắm suối lên. Tả công lý họ làm tượng phụ nữ cầm cái cân. Muốn biểu tượng sự tự do họ đúc tượng mỹ nhân tay giơ cao ngọn đuốc. Họ đã đúc một tượng đồng khổng lồ đặt tên là Thần Tự Do đem tặng nước Mỹ. Nước Mỹ thích quá đã trưng bày tượng này ở đảo Liberty thuộc cảng New York năm 1886. Du khách nào tới New York cũng đều ra viếng tượng đài lịch sử này. Rồi cụ Chánh thấy mình đã nói dài bèn xin thôi và nhường phần ca tụng phái nữ cho các nhà thông thái trong làng. Phe các bà vỗ tay và xin ông Từ Hòe tiếp sức cụ Chánh về đề tài lớn này để lấy hên cho cả năm.

Ông Từ Hòe tươi mặt nói ngay : cái đề này hấp dẫn, xin cho tôi nói dài nha. Đầu năm mà ca tụng phái đẹp thì sẽ hên cả năm. Xin bắt đầu thế này : Liền ông con trai anh nào cũng có cái máu lăng nhăng, tiếng bình dân gọi là cái máu xấu, cái máu dê. Theo Lâm Ngữ Đường bên Tàu thì đó là cái máu Lão Tử và Trang Tử. Nhà văn này nói rõ hơn : anh liền ông nào cũng có bộ mặt Khổng Tử nhưng trong bụng thì là Lão Tử và Trang Tử. Nếu được phỏng vấn thì đấng nào cũng phán : tôi phải lăng nhăng một tý để hy vọng có một Khổng Tử thứ hai. Các cụ có biết tại sao anh ta dám nói như vậy không? Thưa, vì theo sử thì bố Đức Khổng Tử lấy vợ 1 thì đẻ ra toàn con gái, sách chép là 9 công nương lận cho nên không có kẻ nối dõi tông đường, thân phụ lấy vợ 2 cho ngài, bà V2 này đẻ được thằng con trai nhưng lại què quặt, thế là ông cụ phải lấy V3 cho ngài, và bà V3 này đã đẻ ra Đức Khổng Tử. Việc này dẫn ta đến kết luận là nếu không có V3 thì nước Trung Hoa đã không có thánh nhân Khổng Tử, vậy liền ông con trai phải lấy nhiều vợ để chắc chắn có kẻ nối dõi tông đường, và biết đâu sẽ có Khổng Tử thứ 2, Khổng Tử thứ 3… Nước An Nam thì cụ Nguyễn Công Trứ là một tấm gương sáng về tri hành hợp nhất. Theo sách ngoại truyện thì cụ có những 16 vợ lận. Cụ làm quan to, cụ đi đến đâu thì rải con đến đó. Chính cụ tự thuật chuyện cụ ngủ đò trên sông Hương ở Huế. Ban ngày quan chầu vua, ban đêm thì quan ngủ đò cặp kè với tiên. Chính cụ chép lại lời một tiên nữ ở Huế :

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn rầy rà như con

Tôi mê mấy chữ tần mần và rầy rà nà, chúng gợi hình đúng quá sức.

Phe liền ông trong làng ai cũng gật gù khen cụ Trứ nói đúng và đều cười sằng sặc. vì ai cũng nghĩ : Cụ đi guốc trong bụng chúng con. Chúng con y chang Cụ, cũng ưa tần mần và rầy rà lắm.

Ông Từ Hòe nhìn phe liền ông trong làng cười ngất thì biết ngay, đã là liền ông thì anh nào cũng có máu vừa thích cơm vừa thích phở, anh nào cũng thế trừ các đấng tu hành thứ thiệt mà thôi. Anh nào mê phở quá thì có bão ngay trong nhà, ly bay chén bay... Anh nào biết ăn năn thống hối thì được nội tướng từ bi hỷ xả, anh nào ngoan cố không biết hối cải thì tự nhiên trong nhà có con cọp cái Phi Châu ngay, sư tử Hà Đông ngay. Do vậy ông chồng nào sau khi ăn vụng phở thì đều mắc bệnh sợ vợ, nói theo ngôn ngữ hiện nay là người biết tôn kính vợ, ca tụng vợ.

Nghe tới đây thì anh John lên tiếng : Nếu vậy thì tôi thấy các chính khách Canada ai cũng sợ vợ. Chúng cớ là trong các cuộc bầu cử, bài diễn văn thắng cử và nhận chức, ông Canada nào cũng kết bằng câu : trong số các người mà tôi mang ơn nhiều nhất là …vợ tôi. Thế mới biết dân da trắng ở đây đã lây cái diễm phúc được sợ vợ giống phe ta. Tiếng Hồng Mao gọi vợ là ‘my better half’. Tôi thấy tiếng này hay quá sức, vì nó phảng phất màu Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Thánh thì Chúa đã lấy 1 xương sườn của Adam mà làm ra Eva, cho nên hai người trở thành một xương một thịt, một body. Giống y như tiếng Viêt nam, vợ chồng gọi nhau là MÌNH, mình ơi mình à. Tiếng Việt còn đi xa hơn nữa, còn gọi nhau là ‘nhà tôi’, my house my home. Đi làm về mà có cơm ngon canh ngọt thì đó là my house, tối nằm bên vợ được vợ vuốt ve nựng nịu thì đó là my home…

Chị Ba Biên Hòa ngắt lời hỏi chồng : Thế người Tàu gọi vợ chồng là gì?

Anh đáp ngay : là phu thê, chữ phu đi trước chữ thê, nghĩa là người Tàu không tôn kính người vợ đủ, bao giờ cũng phu thê và phu thê. Tiếng Việt nam ta thì hay vô cùng, lúc nào cũng nói vợ chồng, chữ vợ đi trước chữ chồng. Trong tiếng VN mà chữ chồng đi trước chữ vợ thì đó là dấu bất ổn như ‘ chồng chúa vợ tôi’. Chồng lang vợ chạ, chồng ăn chả vợ ăn nem, chồng hấm vợ hứ…Nhưng suy cho kỹ thì ta thấy cái tiếng Hồng Mao ‘My Better Half’ ý nghĩa thật là hay và cao siêu quá chừng.

Ông Từ Hòe đọc tiếp bài diễn văn : Nhưng từ cung cách tôn kính vợ đến cung cách sợ vợ thì không có xa gì. Nhiều bà vợ đã hiểu lầm cái thái độ cung kính của chồng mà lấn lướt. Cái bệnh sợ vợ có tính chất di truyền, cha truyền cho con, con truyền cho cháu, bệnh nó thấm vào máu. Bà tôi ngày xưa hay kể chuyện một ông nhà giàu kia trong làng có bệnh sợ vợ nổi tiếng. Bà vợ biến thành bà sư tử Hà Đông. Vì bà hung hăng dữ quá như vậy nên một hôm bà lên cơn điên quát mắng chồng, máu dồn lên tim mạnh quá, nên bà lăn đùng ra chết. Ông ta chôn cất vợ xong, hết sợ vợ nên người ông khỏe mạnh hơn, ai cũng khen, nhưng ông không dám tục huyền vì vợ đã đe nẹt từ trước. Có điều buồn cười là mỗi lần ông bệnh nặng mà nếu có ai nói rằng chắc ông sắp đi theo vợ, thì tự nhiên ông bò nhỏm dậy liền, không cần uống thuốc gì nữa, ông hết bệnh ngay.

Ông ODP xin góp một chuyện sợ vợ bên Tàu, sách chép là vào đời Đường. Rằng một vị quan to kia tên là Niệm Hoàn, ông rất giỏi và có công to nên vua tặng cho ông 2 nàng cung phi. Vợ quan tên là Liễu Thị. Ai cũng tưởng bà vợ ông sẽ rất vui vì có thêm người hầu hạ giúp đỡ, ai ngờ hai nàng xinh đẹp mũm mĩm đã bị bà đổ nước sôi vào mặt làm cho 2 cung phi hóa ra xấu xí. Vua Đường biết chuyện này liền triệu bà vào cung và phán rằng : ta truyền cho ngươi từ nay không được ghen bậy bạ, nếu trái lời ta thì phải uống chén thuốc độc này. Nói xong vua chỉ vào chén thuốc lớn trên bàn. Bà Liễu Thị nghe xong liền bẩm rằng : Ngày xưa khi hai chúng thần lấy nhau thì đã thề rằng cả hai chỉ có một trái tim, nay có thêm 2 trái tim nữa thì làm sao thần sống nổi, thà chết còn hơn. Nói xong Liễu Thị cầm chén thuốc uống một hơi cạn hết, uống xong bà ngã lăn xuống đất. Ai cũng tưởng bà chết nhưng không vì đây không phải là thuốc độc mà chỉ là rượu. Vua bèn bảo quan Niệm Hoàn rằng: Người mà không sợ chết thì không thể đem cái chết ra mà dọa được. Ghen như vợ ngươi thì cái uy của ta phải chào thua.

Tại VN ta, hồi đầu thập niên 1960 có chuyện cô vũ nữ xinh đẹp Cẩm Nhung được một quan trung tá kia mê mệt, tiếng đến tai bà vợ. Bà vợ quan liền thuê người tạt nguyên một chai acid vào mặt cô ta. Và đời cô Cẩm Nhung đã tàn tạ thảm thương.

Chuyện ghen là chuyện bình thường khi đã yêu nhau. Cái triết lý ghen của các bà vợ có thể tóm tắt trong câu ca dao này :

Ta rằng ta chẳng có ghen,

Chồng ta ta giữ, ta nghiến, ta nghiền ta chơi.

Đây là câu lục bát phá cách, thay vì 8 chữ thì nay là 10. Động từ nghiến chưa đủ, phải thêm từ nghiền nữa mới hết cái nghĩa yêu đương.

Cụ Chánh góp thêm ý : các cụ ta xưa khi nói về vợ dữ vì ghen thì các bà không những chỉ nghiến mà còn nghiền nữa mới thỏa cơn ghen, nhưng các cụ cũng đề ra một lời dạy vô cùng khôn ngoan có thể cải thiện cuộc đời đôi lứa :

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi

Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho.

Cụ giải thích : nàng hứa cưới cho vợ bé nhưng đây là câu dò ý đánh lừa, miệng ngọt ngào nói thế nhưng tay nàng đã cầm sẵn con giao.

Trong Kinh Thánh Chúa bảo đã lấy nhau thì hai người trở nên một xương một thịt. Có người hỏi : vậy trong con số MỘT này thì vợ và chồng mỗi người là bao nhiêu phần trăm? Thế giới nói tiếng Anh trả lời ngay : người vợ là phần lớn và tốt hơn : My better half. Chính vì cái phần lớn này đã sinh ra phong trào ‘tôn kính vợ’.

Làng An Lạc của tôi hay bàn về cái phong trào này lắm. Trong năm con cọp, nếu có lời bàn nào vui và mới, tôi sẽ trình các cụ ngay.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Báo Ý: Ngày Đời Sống Thánh Hiến đẫm lệ Việt Nam, Congo. Ca ngợi đức anh hùng của Cha Giuse Thanh
VietCatholic Media
04:03 06/02/2022


1. Ngày Đời Sống Thánh Hiến đẫm máu

Ngày Đời Sống Thánh Hiến 2 tháng Hai năm nay diễn ra trong bối cảnh người Công Giáo Việt Nam than khóc trước cái chết chỉ mấy ngày trước đó của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục Dòng Đa Minh, bị thảm sát tại Kon Tum.

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đã xảy ra một biến cố hết sức đau lòng: một linh mục trẻ đã thiệt mạng sau khi vừa dâng Thánh lễ kỷ niệm Ngày Thế giới Đời Sống Thánh Hiến.

Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, đã bị ám sát bởi những kẻ có vũ trang ở lãnh thổ phía đông bắc Lubero vào ngày 2 tháng 2, khi đang lái xe đến giáo xứ của mình, giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, để dâng thánh lễ thứ hai sau khi dâng thánh lễ ở Kanyabayonga.

Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni cho biết trong một tuyên bố gửi vào ngày 3 tháng 2 cho ACI Africa, rằng một cuộc điều tra về vụ giết người đã bắt đầu.

Các cuộc tấn công của Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, đã được báo cáo tại giáo phận Butembo-Beni. Nhóm phiến quân có liên hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ nước láng giềng Uganda được cho là dưới sự lãnh đạo của một người Hồi giáo, là người từ bỏ đức tin Kitô để gia nhập Hồi Giáo.

Năm ngoái, Đức Cha Paluku đã lên án các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực. Ngài nói rằng các nhóm vũ trang đang “phá hủy các trường học và bệnh viện.”

“Họ thậm chí đang giết các bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh. Không một ngày nào trôi qua mà không có người bị giết,” Đức Cha Paluku cho biết như trên hồi tháng 5 năm 2021.

“Nhiều người đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ của họ bị giết. Có rất nhiều trẻ mồ côi và những phụ nữ góa bụa. Các ngôi làng đã bị thiêu rụi. Chúng ta đang ở trong tình trạng vô cùng khốn khổ”.

Vị giám mục người Congo đã công bố một tuần cửu nhật trong toàn giáo phận từ ngày 3 đến 11 tháng 2 với “ý định cầu nguyện cho linh hồn Cha Richard Masivi được đón nhận vào lòng thương xót Chúa”.

Vị cố linh mục đã khấn trọn trong Dòng Anh Em Hèn Mọn vào tháng 3 năm 2018 và được thụ phong linh mục vào tháng 2 năm 2019. Ngài là cựu sinh viên của trường Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya – là một cơ sở giáo dục thuộc sở hữu chung của 22 dòng tu.

Ngài đã là Cha Sở của giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae kể từ tháng 10 năm 2021.

Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997. Đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đó là cũng là dịp để cộng đoàn dân Chúa cám ơn các linh mục, các tu sĩ nam nữ đã hiến dâng cuộc đời mình cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency

2. Báo Ý xác nhận Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong 34 ngày đầu của năm 2022

Trong số ra ngày thứ Bẩy 5 tháng Hai, tờ Il Sismografo, trích dẫn các nguồn tin từ Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cho biết có hai nhà truyền giáo bị giết khi đang thi hành sứ mệnh truyền giáo.

Vị đầu tiên là linh mục Dòng Đa Minh, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, bị giết khi đang giải tội tại nhà thờ thuộc Dak Mot, tỉnh Kon Tum.

Theo lời Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, giáo họ Sa Loong lâu nay vốn thuộc giáo xứ Đăk Mót. Thời gian gần đây, giáo họ đang có những bước chuẩn bị để thành lập giáo xứ mới. Trong đó, có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây ngôi nhà thờ. Và để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, Cha Giuse Thanh được bổ nhiệm về đây, thay thế cho người anh em cùng Dòng. Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.

Cha Giuse Thanh không phải là người địa phương. Ngài sinh tại Sài gòn và đã xung phong lên vùng Tây Nguyên nơi thiếu thốn mọi thứ, và sự hiện diện của Giáo Hội còn đang trải qua nhiều chông gai.

Ngài chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em dân tộc thiểu số, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.

Ngài đã sống các nhân đức anh hùng của một nhà truyền giáo, và xứng đáng được tuyên phong trong một quá trình điều tra cẩn thận của Tòa Thánh.

Vị thứ hai là Cha Richard Masivi Kasereka, 36 tuổi, bị giết ngày 2 tháng 2 bởi các tay súng ở Vusesa, giữa Kirumba và Mighobwe, trong Lãnh thổ Lubero ở Bắc Kivu khi đang trên đường trở về giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nơi ngài đang làm Cha Sở, sau khi vừa dâng lễ mừng ngày đời sống thánh hiến cho một cộng đoàn các nữ tu tại Kanyabayonga.

Cũng giống như trong trường hợp của Cha Giuse Thanh, Cha Richard Masivi Kasereka, được đấng bản quyền là Đức Cha Melchisédec Sikuli Paluku, Giám Mục của Butembo-Beni, ca ngợi là một vị linh mục hiền lành, có lòng nhiệt thành truyền giáo nên đã xung phong lên vùng đất đầy khó khăn này. Vùng đất này kinh hoàng đến mức Đức Cha Paluku than thở rằng “không ngày nào mà không có người bị giết”

Cha Giuse Thanh bị giết trong hoàn cảnh còn nhiều uẩn khúc bởi Nguyễn Văn Kiên, một người Công Giáo, không thực hành đạo.

Cha Richard Masivi Kasereka bị giết bởi nhóm Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF. Tên cầm đầu ADF là David Steven, một người Công Giáo bỏ đạo, gia nhập Hồi Giáo và đổi tên thành Jamil Mukulu.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 30 tháng 12 vừa qua, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2021 là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.
Source:ilsismografo
 
Éo le: Kẻ đã đâm anh ta trên đường phố Paris, cuối cùng lại là người đã cứu cuộc đời anh ta
VietCatholic Media
05:16 06/02/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Hán Thành nhắc lại cam kết hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Đức Tổng Giám Mục Phêrô Trọng Thuần Trạch (Chung Soon-taek, 정순택) của Hán Thành đã nhắc lại dấn thân làm việc vì hòa bình trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lý Nhân Anh (Lee In-young,이인영) vào đầu tháng này.

“Với tư cách là Giám Quản Tông Tòa Bình Nhưỡng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống Văn tại Dần vì đã xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm của ngài tới Vatican,” vị giám mục nói với Bộ trưởng trong cuộc gặp gỡ.

Đức Tổng Giám Mục cũng ca ngợi cuộc triển lãm có tiêu đề “Dây thép gai trở thành biểu tượng của Hòa bình,” do Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức tại Rôma.

Đáp lại, Bộ trưởng Lý nói rằng Đức Giáo Hoàng “đã mang lại sự thanh thản và an ủi cho tất cả người dân Hàn Quốc.”

Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tổng giáo phận Hán Thành trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau.

Bộ trưởng Lý ghi nhận Giáo Hội ở Hàn Quốc đã triển khai các sáng kiến về hòa bình và nâng cao nhận thức văn hóa, chẳng hạn như “Cuộc hành hương hòa bình” bao gồm chuyến thăm khu phi quân sự và hội nghị quốc tế hàng năm mang tên “Diễn đàn chia sẻ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.

Ông cho biết chính phủ Hàn Quốc muốn Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc “tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được hòa bình giữa hai miền Nam Bắc”.

Trong buổi tiếp, Đức Tổng Giám Mục đã giới thiệu và trình bày về chương trình đặc biệt với chủ đề “Bán đảo Triều Tiên và Con đường dẫn đến hòa bình của Thượng hội đồng vào năm 2022: Kỷ niệm, Truyền thông, Hiệp thông.”
Source:Licas

2. Người đàn ông đã đâm anh ta cuối cùng lại là người đã cứu cuộc đời anh ta

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 28 tháng Giêng vừa qua có bài nhan đề “The man who stabbed him ended up saving his life”, nghĩa là “Người đàn ông đã đâm anh ta cuối cùng lại là người đã cứu sống anh ta”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sau ba tuần trong bệnh viện, Matthieu Noli đã thay đổi.

Năm từ và một lời cầu xin: “Con chưa muốn chết; Lạy Chúa, hãy cho con cơ hội thứ hai”. Matthieu Noli sẽ không bao giờ quên những lời này mà anh đã lặp đi lặp lại ít nhất một trăm lần hơn 20 năm trước.

Mọi chuyện bắt đầu như bao ngày cuối tuần bình thường khác. Vào đêm ngày 31 tháng 8 năm 2001, anh đi thăm một người bạn ở Toulouse, Pháp. Sau một buổi tối bất ngờ với những người bạn khác, anh bắt đầu tìm một nơi để nghỉ qua đêm.

“Tôi chỉ nhớ một điều: bạn tôi sống bên trên một nhà hàng gần Quảng trường Capitol. Vì vậy, tôi đã xin người đầu tiên tôi nhìn thấy chỉ đường cho tôi, và sau đó là người thứ hai… cho đến khi tôi gặp anh chàng này”.

Người lạ này, cao to, để râu với khuôn mặt hơi góc cạnh, không được thân thiện cho lắm.

“Tôi nói ‘Bon soir’, chúc anh ấy một buổi tối tốt lành, và nói với anh ấy rằng tôi đang tìm địa chỉ. Nhưng anh ta mắng tôi và bảo tôi cút ngay đi. Tôi đã tức giận và phạm sai lầm khi xúc phạm anh ta. Anh ấy đáp lại, ‘Mày muốn cái gì?’”.

Nói chưa dứt câu, người đàn ông đã đâm Matthieu nhiều nhát vào bụng và vào cổ họng.

Lúc đầu, Matthieu không nhận ra sự nghiêm trọng của các vết thương, nhưng sau đó, người thanh niên 30 tuổi nhận thấy rằng mình mất rất nhiều máu. Anh ta cố gắng đi bộ đến một chiếc xe cảnh sát, lúc đó các nhân viên đã đến hỗ trợ anh ta và kêu gọi sự giúp đỡ.

Cơ hội thứ hai

Với một lá phổi bị thủng và một vết cắt sâu trên cổ, các chẩn đoán tiên báo tình trạng của Matthieu là rất bi quan. Bất cứ lúc nào, chiếc giường bệnh này cũng có thể trở thành giường chết của anh. Matthieu Noli quyết định đắm mình trong lời cầu nguyện. “Tôi đã nói với Chúa, ‘Lạy Chúa, nếu con có thể làm điều gì đó tốt trong đời, hãy cho con cơ hội thứ hai’ và lời cầu nguyện của tôi đã được lắng nghe.”

Sau ba tuần trong bệnh viện, anh đã là một người đàn ông thay đổi.

“Cuộc sống thứ hai của tôi bắt đầu với một chiếc bè được tạo thành từ ba tấm ván: đức tin là thứ đã trở nên thực sự sống động, tình yêu và viết văn.”

Matthieu đã đi rất nhiều nơi cho đến nay và có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau; giờ đây, anh quyết định mạo hiểm lao vào công việc luôn quyến rũ anh: đó là viết văn. “Sống sót sau những cú đâm này không khiến tôi trở thành siêu nhân, tôi vẫn còn đầy những điểm yếu. Tôi thích lời cầu nguyện của người hành hương Nga và cô bé Têrêxa”.

Hai thập kỷ sau, Matthew Noli truyền vào những cuốn sách của mình niềm vui của niềm tin đã tồn tại trong anh. Anh ấy thậm chí còn đi xa đến mức để một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, La Conversion d’Arthur Grandin, đưa ra tiếng nói cho niềm tin làm sống động anh ấy. “Chúng ta có đức tin vui vẻ của những người khoác trên mình tấm áo choàng của những yếu đuối được chia sẻ, đức tin hòa bình của những người biết rằng cuối cùng lòng bác ái sẽ thắng thế, và đức tin nhẹ nhàng của những người tin rằng Ngài sẽ đến để nâng chúng ta lên. “

Khi được hỏi liệu anh ta có oán hận gì với kẻ đã đâm mình không, Noli cười đáp: “Ở khía cạnh nào đó, người đó đã cứu cuộc đời tôi!”


Source:Aleteia
 
Nước Pháp bàng hoàng trước sự nhẫn tâm. Ngay giữa New York, người đi nhà thờ bị chửi bới, dọa nạt
VietCatholic Media
16:07 06/02/2022


1. Nước Pháp bàng hoàng trước cái chết trên đường phố Paris đông đúc

Nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ René Robert đã chết vì hạ thân nhiệt sau khi ngã và bị người qua đường bỏ mặc suốt chín giờ đồng hồ

Cái chết của một người đàn ông 85 tuổi được cho là do hạ thân nhiệt đột ngột, té ngã và nằm sóng soài hơn 9 tiếng đồng hồ trên một con phố lạnh giá ở trung tâm Paris đã khiến người dân Pháp và xa hơn thế nữa vô cùng đau buồn, tức giận và không thể tin được một chuyện như thế lại có thể xảy ra.

René Robert, một nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ được biết đến với những bức ảnh chụp một số ngôi sao nhạc flamenco nổi tiếng nhất Tây Ban Nha, đã qua đời vào tuần trước sau khi trượt chân khi đang đi dạo hàng đêm quanh khu phố Paris sầm uất nơi anh sống.

Theo lời kể của bạn mình, nhà báo Michel Mompontet, Robert đã ngã trên đường Rue de Turbigo, giữa Place de la République và Les Halles.

“Anh ấy bị choáng váng và ngã xuống,” Mompontet cho biết trong một loạt các tweet. “Không thể gượng dậy được, anh ấy nằm gục tại chỗ trong giá lạnh suốt 9 tiếng đồng hồ cho đến khi một người vô gia cư gọi cho dịch vụ cấp cứu. Quá muộn. Anh ấy bị hạ thân nhiệt và không còn có thể cứu được nữa. Trong suốt chín giờ đồng hồ đó, không có người qua đường nào dừng lại để kiểm tra lý do tại sao người đàn ông này lại nằm trên vỉa hè. Không một ai cả.”

Mompontet, người cũng kể lại hoàn cảnh về cái chết của bạn mình trên France TV Info, cho biết Robert đã “bị giết bởi sự thờ ơ”, và nói thêm: “Nếu cái chết khủng khiếp này có thể phục vụ cho một số mục đích, nó sẽ là thế này: khi một người nằm trên vỉa hè, chúng ta nên hỏi han họ - cho dù chúng ta có thể bận rộn đến đâu. Hãy dừng lại một chút thôi. “

Mompontet chỉ ra rằng nhiều người - bao gồm cả bản thân anh - thường nhìn theo hướng khác khi gặp những người trên đường phố. Nhà báo nói với France TV Info: “Trước khi đưa ra bất kỳ bài học nào hoặc buộc tội bất kỳ ai, tôi cần phải giải quyết một câu hỏi nhỏ khiến tôi cảm thấy không thoải mái. “Tôi có dám chắc chắn 100% rằng tôi sẽ dừng lại nếu đối mặt với cảnh đó - một người đàn ông trên mặt đất? Tôi có dám chắc chắn 100% rằng tôi chưa bao giờ quay lưng lại với một người vô gia cư đang nằm trước ngưỡng cửa?”

Cái chết, xảy ra tại một khu vực của Paris, nơi nhiều người vô gia cư ngủ say, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về trách nhiệm công dân và sự lễ phép cơ bản của con người.

Một dòng tiêu đề trên tờ Le Figaro viết: “Nhiếp ảnh gia René Robert, đã chết trong sự thờ ơ giữa phố.”

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Lan đã tweet: “Cái chết của René Robert, người đã bất tử với chiếc máy ảnh của mình, tất cả các nghệ sĩ vĩ đại của flamenco, thách thức lương tâm tập thể của chúng ta”.

Robert, người đã chụp ảnh các huyền thoại flamenco bao gồm Camarón de la Isla và Paco de Lucía, được một người khác gần đây nhớ đến.

“Rất buồn trước sự ra đi của René Robert, người mà tôi may mắn được gặp và được chụp ảnh cùng,” ca sĩ nhạc flamenco từng đoạt giải Grammy Arcángel nói. “Tôi không thể hiểu tại sao không ai giúp anh ấy; Tôi không muốn nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có quá ít giá trị “.

Hiệp hội Olivar, đã làm việc với những người vô gia cư trẻ tuổi ở Madrid trong hơn 30 năm, cho biết họ rất buồn nhưng không ngạc nhiên. “Rất nhiều người đang nói về câu chuyện khủng khiếp của René Robert. Nhưng thực tế là đây là trải nghiệm tàn khốc hàng ngày của những người sống và chết trên đường phố. Điều gì đang xảy ra với chúng ta với tư cách là một xã hội mà những điều như thế này có thể xảy ra?”

Theo thống kê của các hiệp hội vô gia cư, 600 người chết trên đường phố ở Pháp mỗi năm.
Source:The Guardian

2. Các nhà hoạt động ủng hộ phá thai ở NYC chửi bới những người đi nhà thờ, chiếu khẩu hiệu 'Chúa yêu phá thai' lên nhà thờ chính tòa St. Patrick

Rào chắn và một hàng ngũ cảnh sát bảo vệ những người tham gia ủng hộ sự sống khi ra vào Thánh Lễ Canh thức Cầu nguyện cho Sự sống của Tổng giáo phận New York tại Nhà thờ Thánh Patrick vào tối thứ Bảy, khi các thành viên của nhóm hoạt động vì Quyền Phá thai Thành phố New York hô hào những lời lăng mạ và la hét thô tục với họ.

Những người biểu tình hét vào mặt những người đi lễ những từ ngữ rất thô bỉ. Nhiều người biểu tình khác còn và thực hiện những cử chỉ tục tĩu khi một loạt người từ trẻ nhỏ đến đàn ông và phụ nữ cao tuổi ra khỏi nhà thờ ở khu trung tâm Manhattan.

Ngoài những lời lẽ thô tục, những người biểu tình còn hô vang “Xấu hổ”, “Cảm ơn Chúa vì phá thai”, “Hãy về nhà phát xít, hãy về nhà” và “New York ghét bạn” cùng với các khẩu hiệu ủng hộ sự lựa chọn nhắm vào những người đi lễ.

Vào cuối cuộc biểu tình, các khẩu hiệu ủng hộ phá thai bao gồm “Chúa yêu phá thai” và “Phá thai vạn tuế” được chiếu sáng bên ngoài nhà thờ trng khi những người biểu tình hò reo cổ vũ. Vào ngày 20 tháng Giêng tại Washington, DC, một nhóm hoạt động khác, mang danh Công Giáo vì Sự lựa chọn, đã chiếu các khẩu hiệu ủng hộ phá thai trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong một Thánh lễ và Giờ Chầu Thánh Thể vào đêm trước của Cuộc Tuần Hành Phò Sinh.

Khoảng 100 người biểu tình đã tham dự cuộc biểu tình của Thành phố New York, được các nhà tổ chức hô hào trong một bài đăng trên Instagram. Nhiều người trong số những người tham gia đã sử dụng trống, máy lắc và các máy tạo tiếng ồn khác, những thứ mà những người bên trong nhà thờ có thể nghe thấy.

Lễ Canh thức Cầu nguyện cho Sự sống đánh dấu kỷ niệm 49 năm vụ Roe kiện Wade, với phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Theo lời kêu gọi của các giám mục Hoa Kỳ về việc sám hối và cầu nguyện cho những vi phạm chống lại phẩm giá của thai nhi, Đức Hồng Y Timothy Dolan ở New York đã cử hành Thánh lễ Canh thức lúc 5:30 chiều, sau đó là một giờ chầu Thánh Thể.

“Thật là một bi kịch khi một quốc gia được thành lập dựa trên quyền được sống và sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp cho tất cả sự sống lại cho rằng bạo lực như vậy là hợp pháp, như cách đây 49 năm trước” Đức Hồng Y Dolan nói trong bài giảng của ngài. “Điều đó không đúng. Đó không phải là tự nhiên. Đó không phải là cách mà Thiên Chúa đã định. Đó không phải là cách mà đất nước chúng ta dự định”.

Trong số những người bị la hét khi ra về sau buổi canh thức có Nathan Long và cậu con trai tuổi thiếu niên của anh ta. Cả hai đã có một cuộc tranh cãi ngắn với những người biểu tình.

Long, một người cha 7 con đến từ Dallas, Texas, cho biết anh nghĩ hầu hết những người biểu tình không được giáo dục về vấn đề cuộc sống. “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người chỉ muốn cần đuốc lên và tức giận vì bất cứ điều gì”

Một trong nhiều khẩu hiệu mà những người biểu tình hô vang đối với những người đi lễ là “Hãy ngừng quấy rối bệnh nhân!”

Khẩu hiệu đó đề cập đến một ngày cầu nguyện định kỳ cho sự sống được gọi là Nhân Chứng Cho Sự Sống, bao gồm Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, tiếp theo là một cuộc rước lần chuỗi Mân Côi đến phòng khám Kế Hoạch Gia đình gần đó và sau cùng là một buổi canh thức trước phòng khám.

Các nhóm ủng hộ phá thai đã gây xôn xao vào tháng 7 vì đã đứng trước đám rước kinh Mân Côi để chặn con đường đến phòng khám Kế Hoạch Gia đình. Các nhân viên cảnh sát được yêu cầu hộ tống đoàn rước Mân Côi và ngăn cách những người biểu tình.

Vào cuối cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, một phụ nữ có vẻ là người tổ chức đã thông báo với những người biểu tình rằng nhóm của y thị sẽ phản đối sự kiện Nhân chứng cho sự sống tiếp theo vào ngày 5 tháng 2 bằng cách làm chậm cuộc rước tràng hạt Mân Côi của những người tham gia “bằng thi thể của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency

3. Hồng Y Tổng Tường Trình Viên Thượng hội đồng về tính đồng nghị khẳng định Cải cách cần một nền tảng ổn định

Một vị Hồng Y Dòng Tên, người sẽ đóng vai trò trung tâm trong Thượng hội đồng về Synodality vào năm 2023 đã nói rằng những cải cách trong Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi “một nền tảng ổn định”. Synodality, theo định nghĩa của Ủy ban Thần Học Quốc Tế, là “mô thức sống và làm việc cụ thể của Giáo Hội, tức là của cộng đoàn dân Chúa, thể hiện và mang lại bản chất cho Giáo Hội là sự hiệp thông khi tất cả các thành viên của Giáo Hội cùng nhau hành trình trên con đường của Chúa, tụ họp và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền bá Phúc âm của Giáo Hội”.

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề trên tạp chí Herder Korrespondenz của Đức số tháng 2, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich được hỏi liệu ngài có thể hình dung việc giới thiệu các nữ phó tế hay không.

Vị Hồng Y trả lời: “Tôi sẽ không có gì chống lại điều đó. Nhưng cải cách cần một nền tảng ổn định. Nếu bây giờ Đức Giáo Hoàng chỉ đơn giản cho phép viri probati, tức là truyền chức linh mục cho những người đàn ông trưởng thành, đã lập gia đình, và các nữ phó tế, thì nguy cơ ly giáo sẽ rất lớn”.

“Rốt cuộc, đó không chỉ là về tình hình của Đức, nơi có lẽ chỉ một phần nhỏ sẽ tan rã. Ở Phi Châu hoặc ở các nước như Pháp, nhiều giám mục có thể sẽ không đồng hành với điều đó”.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Hồng Y Hollerich, tổng giám mục Luxembourg, làm vị tổng tường trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ 16 ở Rôma.

Sự kiện, thường được gọi là Thượng Hội đồng về Tính Đồng Nghị, đã được mô tả là sự kiện quan trọng nhất của Giáo Hội kể từ Công đồng Vatican II diễn ra từ năm 1962 đến 1965.

Đức Hồng Y Hollerich nói với Herder Korrespondenz rằng ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bị hiểu lầm.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng không có gì chống lại những người bảo thủ nếu họ học hỏi từ cuộc sống. Cũng thế, ngài không có gì chống lại những người cải cách nếu họ luôn nhớ đến toàn thể Giáo Hội. Và Đức Giáo Hoàng không thích đấu đá nội bộ trong Giáo Hội”.

“Tôi đôi khi có ấn tượng rằng các giám mục Đức không hiểu Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng không theo chủ nghĩa tự do, ngài là người cấp tiến. Từ tính triệt để của Tin Mừng dẫn đến sự thay đổi”.

Đức Hồng Y, người cũng là chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu Châu, gọi tắt là COMECE, thừa nhận rằng cải cách cơ cấu là cần thiết, nhưng nói rằng nó cần có sự đồng thuận.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải đưa càng nhiều người tham gia càng tốt trên đường đi. Và sau đó không phải là việc phong cho những người làm công tác mục vụ thành giáo sĩ hạng hai. Không thể có giáo sĩ được phong chức và giáo sĩ không được phong chức mà phải tiêu diệt chủ nghĩa giáo sĩ. Giữa các linh mục, nhưng cũng giữa các giáo dân”.

Vị Hồng Y 63 tuổi cũng thảo luận về Thánh lễ bằng tiếng Latinh, mà ngài nói có một bản văn “rất đẹp”. Ngài giải thích rằng đôi khi ngài sử dụng tiếng Latinh khi cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng của mình, nhưng có sự e dè khi làm như vậy trong khung cảnh giáo xứ.

“Tôi biết những người ở đó không hiểu tiếng Latinh và không thể làm gì về điều đó”.

“Nhưng tôi đã được yêu cầu thực hiện một cử hành Latinh ở Antwerp, bên Bỉ, theo nghi thức hiện tại. Tôi sẽ làm điều đó, nhưng tôi sẽ không cử hành theo nghi thức cũ”.

Đức Hồng Y Hollerich lưu ý rằng nếu cử hành theo nghi thức tiền Công Đồng với tư cách là một Hồng Y, ngài sẽ phải mặc một chiếc áo choàng cappa magna, tức là “áo choàng lớn”, lễ phục với một cái tà áo rất dài.

“Tôi chắc chắn sẽ ngã vì tôi không quen đi với một cái tà áo rất dài như vậy”

“Và trên hết, tôi sẽ rất xấu hổ. Chúa Kitô sẽ nói gì? Đó có phải là cách tôi hình dung bước theo Ngài hay không? Khi lướt đi bao bọc trong màu tím? 'Ta đã nói rằng ai yêu mến Ta, phải vác thập tự giá của mình... và theo Ta, chứ không vác tà áo tím mà theo Ta.'“

“Tôi sẽ có ấn tượng rằng tôi đang phản bội Chúa. Điều đó không có nghĩa là người khác có thể không làm được điều đó theo nghĩa tốt. Nhưng tôi thì không thể."
Source:Catholic News Agency