Ngày 05-02-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 5 Quanh Năm Năm A - 5th Ordinary Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
03:58 05/02/2014
 
Các con là muối đất...Các con là sự sáng thế gian
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:48 05/02/2014
Suy niệm Chúa Nhật V thường niên - Năm A

Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian (Mt 5,13 - 16)

Lời mời gọi của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay vang lên thật khẩn thiết, gửi đến trước hết là các môn đệ, sau là chúng ta những người tín hữu đang sống ở mọi nơi và mọi thời đại. Sau khi Đức Giêsu công bố Tám Mối Phúc, Ngài phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Ngài mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” sống theo Ngài.

Quả thật, những lời Chúa Giêsu chứa đựng căn tính kitô giáo của chúng ta : “Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian”. Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối” và là “ánh sáng” nhưng là “muối” “ đất” và là “sự sáng” “thế gian”.

Tại sao lại là muối đất ?

Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối : “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói : “ Các con là muối đất ” (Mt 5, 13).

Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để tra vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, ướp đồ ăn tránh khỏi hư.

Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.

Sao lại là sự sáng thế gian ?

Khi Chúa Giêsu nói : “Các con là sự sáng thế gian”, chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Cũng trong phụng vụ hôm nay ngôn sứ Isaia nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).

Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng : thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Là muối đất và là sự sáng thế gian

“Các con là sự sáng thế gian”, những lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm và những gì chúng ta là Kitô hữu.

Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi rằng, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Đức Kitô trong các bí tích, Lời của Ngài và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần ? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Kitô Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Ngài. Hiệp nhất với Ngài, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan thật trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và hành động của con người.

Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ . Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng : “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.

Do đó mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Đức Kitô gửi đến mỗi chúng ta là hãy tỏa sáng “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2 Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).

Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong « Đức ái », không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và « quyền năng Chúa Thánh Thần » (x. Bài đọc II).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con làm thế nào để tuyên xưng đức tin của chúng con, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Hãy trở nên “vị mặn tình yêu Giêsu”
Jos. Vinc. Ngọc Biển
10:50 05/02/2014
Hãy trở nên “vị mặn tình yêu Giêsu”

(Chúa Nhật V Thường Niên, A)

Chúa Nhật tuần trước, thánh Mátthêu tường thuật việc Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy và mời gọi những người đang nghe Ngài đi theo con đường Bát Phúc thì được sống hạnh phúc đời đời. Hôm nay, như một sự tiệm tiến mang tính cấp thiết, Đức Giêsu không ngần ngại khẳng định: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng“Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13).

Vậy vai trò của muối trong đời sống thường ngày và ý nghĩa mà Đức Giêsu dùng để chỉ về các môn đệ là gì?

1. Muối trong sinh hoạt đời thường

Khi nói đến muối, chúng ta cũng nhớ ngay đến những cánh đồng muối. Muối được tích tụ từ lượng nước biển, khi nước biển dâng lên, người ta đắp đập, be bờ để giữ nước, rồi chờ cho ánh nắng mặt trời chiếu vào và sau đó, nước biển se lại thành muối. Từ một khối nước khổng lồ, nhưng khi thành muối, ta thấy nó trở thành những hạt li ti. Như vậy, muối là một hạt nhỏ nhoi trong muôn ngàn những loại khổng lồ. Nó nhỏ đến độ nhiều người không cần quan tâm đến nó nữa, chỉ biết được nó nặm mà thôi. Tuy nhiên, để cho mọi người thưởng thức được ngon miệng thì bản chất của nó phải hòa tan ra giữa thức ăn. Nếu không tan ra thì muối chỉ trơ trọi một mình và không phát huy được tác dụng của nó.

Khi nhắc đến muối, người ta cũng nhớ đến màu sắc của nó là màu trắng, gợi lại cho chúng ta màu của sự tinh khiết, trong sạch. Khi nghĩ về muối, người ta cũng cảm nghiệm ngay đến vị mặn của nó.

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây... không ai nói là tôi không cần đến muối. Vì thế, người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối, tăng hương vị. Chẳng thế mà cha ông ta thường có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”. Muối làm cho thức ăn thêm đậm đà. Muối cũng làm cho vị ngọt đã ngọt lại càng ngọt hơn. Người ta cũng dùng muối để trị bệnh, sát trùng và diệt khuẩn. Muối còn có chức năng giúp tiêu hóa tốt, dung hòa i - ốt trong cơ thể, và ngăn ngừa bệnh tật. Muối là một trong những khoáng chất quan trọng nơi sinh hoạt của con người và súc vật.

Muối trở nên quan trọng và phát huy tác dụng là vì nhờ vào vị mặn của nó. Nếu nó không còn mặn thì chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta chà đạp lên mà thôi.

2. Muối của người môn đệ

Khi ví người môn đệ như là muối ướp, Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của người môn đệ là phải mặn. Người môn đệ phải mang trong mình vị mặn của tình yêu, tha thứ, bao dung và liên đới. Nếu không có vị mặn như thế thì không còn đóng giữ vai trò của mình nữa. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: “Các con là muối đất” (Mt 5,13). Nhưng tiếp theo sau đó, Ngài nói ngay: “Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” (Mt 5,13). Thật vậy, người môn đệ trở nên muối trước tiên là ướp chính mình; sau là ướp cho đời.

Khi nói người môn đệ phải có trách nhiệm ướp đời, Đức Giêsu ngầm muốn nói đến một xã hội đang bị hư hỏng vì sự bê tha, suy đồi và trụy lạc về luân lý... Vì thế, để khỏi hư thối, người môn đệ phải trở nên muối mặn của nhân đức, và phải mang trong mình “vị mặn Giêsu” thì mới mong ướp cho đời được. Có thế, người môn đệ mới hy vọng đem lại cho xã hội một mùi vị thơm ngon... thay cho lạt lẽo, gian dối.

Cũng như những hạt muối được làm từ một khối nước biển tràn vào thế nào, thì người môn đệ cũng phải biết đón nhận nguồn “vị mặn Giêsu”, để rồi trở nên muối và góp phần ướp cho đời như vậy. Nếu hạt muối phải tan chảy ra thấm nhập vào từng thớ thịt, con cá... để tăng hương vị, để khỏi hư thối thế nào, thì người môn đệ cũng phải hòa mình vào trong cuộc sống nhân loại như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm biến chất vì những thói đời hư hỏng, mà vẫn luôn giữ được vị mặn như muối.

Thật vậy, vị mặn của mỗi chúng ta chính là mặn vì yêu mến Chúa, mặn vì yêu thương anh em, mặn vì lòng bao dung và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.

Lạy Chúa, giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn, coi thường những giá trị đạo đức, và đang trên đà xuống dốc vì những giá trị tầm thường. Xin Chúa cho chúng con được trở nên muối ướp cho đời để xã hội này ấm hơn nhờ “vị mặn của tình yêu Giêsu”. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Muối và ánh sáng cho đời
Lm. Đan Vinh
19:00 05/02/2014
Hiệp Sống Tin Mừng: Chúa NhậT 5 Thường Niên A

Is 58,7-10; 1 Cr 2,1-5; Mt 5,13-16

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA:

1. TIN MỪNG: Mt 5,13-16

(13) “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc qưăng ra ngòai cho người ta chà đạp thôi. (14) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

2. Ý CHÍNH: MUỐI ƯỚP CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO THẾ GIAN

Đây là đoạn Tin Mừng tiếp theo bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, nhằm nói lên bản chất và sứ mệnh của người môn đệ trong xã hội trần thế. Bản chất việc tông đồ của họ là muối mặn ướp cho đời khỏi hư hỏng và là ánh sáng soi đường cho thế gian. Họ có sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Để chu toàn được sứ mạng khó khăn này thì người môn đệ của Chúa phải trở thành thứ muối có chất mặn và là cây đèn có khả năng cháy sáng được đặt lên giá đèn cao để soi sáng mọi vật trong nhà giống như một thành phố được xây trên núi không tài nào che giấu được. Nghĩa là trước hết họ phải sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, để nhờ nếp sống tốt lành trổi vượt này, người đời sẽ được cảm hóa và sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Nước Trời do họ công bố.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13: + Muối cho đời: Muối là một chất phụ gia cần cho sự sống con người. Nó có tác dụng tẩy uế và sát trùng (x. Tl 9,45). Đức Giê-su muốn cho các môn đệ trở thành những người giữ cho xã hội khỏi hư hỏng tội lỗi, cũng giống như muối ướp thịt cá khỏi hư họai. Muối cũng làm cho đồ ăn được thơm ngon, là thứ gia vị tượng trưng cho giao ước được thêm vào các lễ phẩm dâng tiến cho Đức Chúa (x. Lv 2,13). Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải cải tạo xã hội loài người ngày một tốt đẹp hơn theo Thánh Ý Thiên Chúa, cũng như chất muối làm cho các món ăn thêm đậm đà ngon miệng. + Muối mà nhạt đi: Ở đây nói đến thứ muối bị biến chất, không còn vị mặn nữa. Nhưng thực ra muối nào mà chẳng mặn. Khi dùng kiểu nói này, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Môn đệ nào không sống đúng vai trò muối mặn, là một môn đệ bị biến chất, không còn là môn đệ thực sự của Người nữa. + Nó đã thành vô dụng: Muối mà ra nhạt sẽ chẳng ích lợi gì, không được dùng dù chỉ là làm phân bón. Người môn đệ cũng vậy: một khi không sống theo Tám Mối Phúc Thật, là tự đánh mất sự cao quý của mình, và sẽ trở thành đồ hư vất bỏ đáng bị người đời khinh dể. + Chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi: Thời bấy giờ có nhiều người thường hay đổ các đồ phế thải ra ngòai đường cho người ta dẫm đạp. Số phận của người môn đệ biến chất cũng sẽ bị người đời chà đạp khinh khi như thế.

- C 14: + Ánh sáng: Có đặc tính chiếu soi, xua đuổi bóng tối và làm cho người ta nhìn thấy đồ vật chung quanh. + cho trần gian: Môn đệ là ánh sáng soi cho thế gian, phân biệt với Đức Giê-su chính là nguồn phát ra ánh sáng như lời Người nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46), và: “Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,36). + Một thành xây trên núi sẽ không tài nào che giấu được: Cũng vậy, ánh sáng có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta giống như thành phố xây trên núi khiến ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Đời sống tốt lành của người môn đệ Đức Ki-tô cũng sẽ ảnh hưởng tới người khác. Điều này không trái nghịch với lời cảnh giác các môn đệ phải tránh thói phô trương công đức như các người Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 6,1).

- C 15-16: + Cái thùng: là một dụng cụ đo lường đựng được khỏang 9 lít, dưới chân đế có ba hoặc bốn cái chân. + “thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng”: cũng giống như câu “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường ? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao ?” (x. Mc 4,21). + Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi: Ở đây nhắc đến mục đích và phương cách làm việc tông đồ: Môn đệ sống tốt lành là nhằm cho người ta ngợi khen Chúa Cha trên trời, chứ không tìm tiếng khen nơi người đời. Thánh Ky-sô-lô-gô (Chrysôlôgô) nói: “Nếu người Ki-tô hữu sống xứng danh Ki-tô hữu, thì chắc sẽ không còn người ngoại giáo nữa !”.

4. CÂU HỎI:

1) Muối có đặc tính gì ? Đức Giê-su muốn môn đệ làm gì khi ví các ông với muối mặn ? 2) Muối nhạt đi ám chỉ điều gì nơi các môn đệ ? 3) Số phận của họ sẽ thế nào nếu họ trở thành đồ vô dụng ? 4) Phân biệt giữa ánh sáng của các môn đệ với ánh sáng của Đức Giê-su khác nhau ra sao ? 5) Đời sống của người môn đệ sẽ có tác động thế nào đối với người khác ? 6) Khi dạy môn đệ phải chiếu giãi ánh sáng trước mặt người đời bằng các việc lành, phải chăng Đức Giê-su muốn các ông bắt chước lối sống giả hình như bọn Biệt Phái ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (c. 16a).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG SÁNG PHỤC VỤ CỦA MỘT NỮ TU:

Cách đây ít lâu một đoạn phim ngắn được chiếu trên đài truyền hình Pa-ri (Paris) nước Pháp: Đầu tiên người ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ một đôi bàn tay xinh xắn và nõn nà đang săn sóc một vết thương lở loét trông thật ghê sợ. Tiếp theo là cảnh một nữ tu bác ái đội voan chùm đầu đang phục vụ một người bị bệnh phong. Rồi đến cảnh một khán giả đang ngồi xem truyền hình nói với người bên cạnh: “Có cho tôi một ngàn phờ-răng, tôi cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm ấy !”. Cuối cùng là cảnh phóng viên hỏi chị nữ tu kia: “Xin hỏi chị đã phục vụ các bệnh nhân phong ở đây được bao lâu rồi ?” Nữ tu trả lời: “Thưa được gần 20 năm”. Phóng viên hỏi tiếp: “Thế mỗi tháng chị nhận được thù lao bao nhiêu ?” Nữ tu trả lời: “Thưa không có đồng nào cả !”. Câu hỏi tiếp: “Có người nói: Dù có cho họ một ngàn phờ-răng, họ cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm này. Vậy tại sao chị lại sẵn lòng làm việc này không công tới gần hai mươi năm ?” Nữ tu trả lời: Tôi cũng vậy, có cho tôi một triệu phờ-răng tôi cũng không muốn làm việc này. Nhưng chính do lòng yêu mến Chúa Giê-su mà những bệnh nhân này là hiện thân của Người, nên tôi sẵn sàng làm tất cả mà không cần bất cứ thù lao nào hết !”.

2) GƯƠNG TRUNG THÀNH CỦA MỘT CON CHÓ:

Tại một trạm xe điện ngầm bên Nhật Bản, có một bức tượng khá nổi tiếng, không phải tượng của một nhân vật danh tiếng, nhưng là tượng một chú chó. Ai đi qua cũng chăm chú nhìn tượng con vật được tạc trong tư thế nằm ngước mắt nhìn về phía trước như đang đợi ai đó. Bức tượng này là hình ảnh của một chú chó mà câu chuyện về sự trung thành của nó lay động lòng người như sau: Một công nhân Nhật có nuôi được một con chó khôn ngoan và trung thành. Nó luôn đi theo và quấn quít bên ông chủ. Ngày nào nó cũng tiễn đưa ông đi làm tại trạm xe điện ngầm gần nhà. Nó chờ cho chủ lên tàu và tàu đóng cửa lại rồi mới đủng đỉnh ra về. Chiều đến, nó lại xuất hiện đúng giờ xe điện về đến trạm, vẫy đuôi chào đón chủ và sau đó ngoan ngoãn đi theo ông về nhà. Ngày nào cũng vậy, sáng theo chủ đến bến, chiến lại đến bến để đón chủ. Nhưng rồi một buổi chiều kia, người chủ của nó đã không trở về do tai nạn sập hầm và ông bị chết trong đó. Hôm ấy con chó như mọi lần đã đến trạm chờ chủ. Nhưng chờ đến chuyến xe cuối cùng mà không thấy chủ. Nó đành thất thểu ra về khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Hôm sau, trời vừa hừng sáng nó đã có mặt tại trạm xe điện và ngồi yên chờ chủ. Nhưng đến tối mịt không thấy ông, nó lại lui thủi trở về. Và ngày nào cũng vậy, con chó luôn có mặt và ra về đúng giờ dù không có ông chủ đi cùng. Chẳng ai thèm quan tâm tới con vật đáng thương ấy, ngoại trừ ông xếp nhà ga và mấy nhân viên phục vụ nhà ga. Người ta thấy càng ngày con chó càng gầy đi. Ai cho đồ ăn, nó cũng chỉ ngửi qua và không ăn. Đôi mắt nó ngày một buồn hơn, và bước đi của nó cũng ngày một loạng choạng chậm chạp hơn. Nó thất vọng vì bị mất ông chủ thật rồi !

Vào một buổi sáng kia, tiết trời giá rét, bên cạnh dòng người mặc áo ấm chen chúc nhau lên tàu, người ta thấy con chó trắng đã nằm chết co quắp bên vệ đường từ bao giờ. Thương hại con vật trung thành, ông xếp và các nhân viên nhà ga xe điện đã chôn cất nó tử tế. Và để tưởng nhớ một con vật trung thành, người ta đã đúc một bức tượng của nó và đặt ngay nơi nó thường nằm mỗi khi đến đưa đón chủ.

3) HAI LỐI ỨNG XỬ MANG LẠI HAI KẾT QUẢ TRÁI NGƯỢC:

Đức cha PHUN-TƠN SIN (Fulton Sheen) đã kể lại hai câu chuyện sau đây:

+ CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Tại một nhà thờ bên Nam Tư, một em lễ sinh đang giúp lễ cho cha già, đã vô tình đánh rơi làm bể lọ rượu lễ. Ngay lúc đó, vị linh mục dù đang dâng lễ, đã không kềm nổi sự tức giận, thẳng tay đánh em một bạt tai té giập vào tường. Ông còn thét lên: “Đồ nhãi ranh, làm ăn như vậy hả ? Mau cút ngay đi khuất mắt tao và nhớ đừng bao giờ vác mặt trở lại đây nữa nhé !” Cậu bé giúp lễ bị đánh rất tức giận. Cậu ta liền cởi ngay chiếc áo giúp lễ, rời khỏi nhà thờ và thề quyết sẽ không bao giờ thèm đặt chân vào nhà thờ nữa. Từ ngày đó, cậu ta trở thành kẻ thù của Giáo Hội. Về sau, khi đã trở thành người có quyền hành lớn lao, ông ta luôn gây khó dễ và quyết tâm tiêu diệt Giáo Hội. Kẻ đó không ai khác hơn là thống chế Ti-tô, một thời cai trị đất nước Nam Tư cũ.

+ CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Đức cha Phun-tơn tiếp tục kể câu chuyện về mình như sau: “Tôi còn nhớ rõ là hồi còn nhỏ, tôi đã ước muốn được giúp lễ phục vụ bàn thờ khi linh mục cử hành thánh lễ. Năm lên bảy tuổi, mẹ tôi rất có lòng đạo đã dẫn tôi đến gặp đức Tổng giám mục Giáo phận để xin cho tôi được vào ban lễ sinh giúp lễ tại nhà thờ. Một hôm, đến phiên tôi giúp lễ. Vì lần đầu làm công việc này, nên tôi bị lóng ngóng và lỡ tay làm rớt bình đựng rượu xuống nền cung thánh nhà thờ bể tan thành từng mảnh nhỏ. Ngay lúc đó tôi rất xấu hổ và sợ hãi, vì bọn giúp lễ chúng tôi kháo nhau rằng: Đức Tổng giám mục là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng biết tôi làm bể lọ rượu, mà ngài vẫn không mảy may phản ứng và cứ tiếp tục dâng thánh lễ như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi thánh lễ kết thúc và cởi áo lễ xong, ngài gọi tôi đến gần. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ngài quở mắng vì tội bất cẩn làm bể lọ rượu của mình. Nhưng sự thể lại diễn ra trái với tưởng tượng của tôi. Đức cha thân mật đặt bàn tay lên vai tôi rồi âu yếm nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Này con, lớn lên con có muốn đi tu và vào đại học không ? Con có bao giờ nghe nói về đại học Lu-vanh (Louvain) chưa ?” Tôi đáp: “Thưa đức cha chưa ạ”. Ngài nói tiếp: “Con hãy về nhà thưa với mẹ con rằng: Đức cha bảo lớn lên con sẽ đi tu và sẽ vào học tại đai học Lu-vanh nhé”. Từ ngày đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành và mỗi năm đều đạt thứ hạng cao. Khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, được cha mẹ đồng ý, tôi đã tự động đến gặp đức cha để xin ngài cho tôi được dâng mình cho Chúa và được vào chủng viện học làm linh mục. Vì là học sinh xuất sắc, tôi được đức cha cấp học bổng để vào đại học Lu-vanh là đại học rất danh tiếng thời đó. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp đại học với hạng ưu và được thụ phong linh mục, rồi một thời gian sau đó thành giám mục. Nghĩ lại cuộc đời của mình, tôi thấy phải cám ơn Chúa đã thương cho tôi có được cha mẹ thật tuyệt vời, đã yêu thương và nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người. Nhưng người tiếp theo tôi phải đặc biệt ghi ơn chính là Đức Tổng giám mục Giáo phận. Ngài là người khoan dung độ lượng: đã không la mắng khi tôi sai lỗi mà thay mặt Chúa để kêu gọi tôi dâng mình cho Chúa ngay khi mới 7 tuổi. Cũng nhờ lòng khoan dung và sự quan tâm ưu ái của ngài, mà tôi mới được như ngày hôm nay.

3. SUY NIỆM:

1) ANH EM LÀ MUỐI ƯỚP THIÊN HẠ VÀ LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI CHO ĐỜI:

“Thế nào là một Ki-tô hữu?”. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã trả lời cho vấn nạn ấy qua hai hình ảnh là muối và ánh sáng như sau:

- Muối mặn: Như chất muối mặn thấm vào đồ ăn, để giữ cho đồ ăn khỏi bị hư hỏng và thêm ngon miệng thì người tín hữu cũng phải sống chan hòa với mọi người chung quanh để cải hóa họ nên tốt hơn. Vị mặn là bản chất của muối. Nếu muối không còn chất mặn thì không còn phải thực sự là muối nữa. Một khi người tín hữu mất đi đức tin, thể hiện qua việc không quan tâm giữ các giới răn và không có tình thương người theo tinh thần của “Tám Mối Phúc”, chứng tỏ chất muối đức tin nơi họ đã biến chất, bấy giờ họ không còn có giá trị nữa và đáng bị khinh khi như muối lạt bị quăng ra đường cho mọi người chà đạp.

- Ánh sáng: Thực ra chỉ mình Đức Giê-su mới là nguồn sáng (x. Ga 8,12). Nhưng Người cũng muốn các tín hữu hôm nay phải giãi ánh sáng chiếu soi cho trần gian. Muốn chiếu giãi ánh sáng của Chúa cho người khác, trước hết chúng ta phải có Chúa là nguồn sáng trong tâm hồn mình. Lòng tin cậy mến Thiên Chúa phải được thẻ hiện qua các việc lành như : chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật, chăm sóc những người già cô đơn và những trẻ em mới sinh bị bỏ rơi… Nhờ đó lương dân sẽ nhận biết Thiên Chúa là “nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ” (Tv 27,1) và tin theo Đức Giê-su qua các tín hữu như Người đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

2) THỰC TRẠNG THẾ GIỚI HÔM NAY:

Nhiều người tín hữu chúng ta thường hay phàn nàn rằng: xã hội hôm nay ngày một suy đồi xuống cấp về nhân bản và tình người. Nhưng ít ai trong chúng ta dám nhận sự xuống cấp đó cũng có phần trách nhiệm của mình. Thực vậy: Xã hội suy đồi có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có một phần do lỗi của các tín hữu chúng ta: Có thể do muối Tin Mừng nơi chúng ta đã bị biến chất, tình Chúa tình người nơi chúng ta đã ra nhạt… nên chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu của tha nhân, chúng ta không đủ nhiệt tình để dấn thân cải thiện môi trường là gia đình, khu xóm, và xã hội nên đoàn kết và giúp nhau sống tốt hơn. Có thể do cây đèn đức tin của chúng ta đã cạn dầu ân sủng và không còn đủ sức chiếu sáng bác ái được nữa, nên xã hội và thế giới chung quanh chúng ta ngày càng trở nên tối tăm và sa đọa tội lỗi hơn.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?

Đọc Tin mừng chúng ta nhận ra rằng môn đệ của Chúa chính là người làm chứng và loan báo Tin mừng. Muối nơi chúng ta phải mặn. Ánh sáng trong chúng ta phải sáng tỏ như thành phố được xây trên núi, nghĩa là Nước Trời được công khai xây dựng bằng cả vật chất, bằng cả con người, bằng lời nói, thái độ cử chỉ hành động… để ai nhìn thấy cũng nhận ra Đức Giê-su đang sống và làm việc trong chúng ta. Hôm nay Đức Giê-su đã trao sứ mạng làm chứng về Chúa cho các Tông đồ và cho Hội Thánh để mọi dân nước được mặn lại đức Tin, được ánh sáng Lời Chúa soi chiếu và Nước Trời sẽ có nhiều người gia nhập và ngày một lan tỏa đến khắp cùng bờ cõi trái đất.

Mỗi người tín hữu cần ý thức nguyên nhân của sự xuống cấp xã hội hiện nay là do sự xuống cấp suy đồi của chính chúng ta, để từ đó biết khiêm tốn cầu xin Chúa Giê-su đổ ơn Thánh Thần chỉnh đốn những sai lệch, tăng cường độ mặn Tin Mừng cho chúng ta. Cần xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tin yêu bằng dầu ân sủng nhờ năng lãnh nhận các phép bí tích, nhất là tham dự các buổi hiệp sông chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện sám hối chung cộng đoàn, năng xưng tội và rước lễ cách sốt sắng để chu toàn sứ mạng.

Hiện nay vẫn có nhiều người tín hữu tuy có khả năng ướp mặn tha nhân, có đủ sức chiếu tỏa ánh sáng tin yêu của Thiên Chúa, nhưng lại không dám dấn thân vì sợ nguy hiểm. Cần có thêm nhiều tín hữu Công giáo trở thành những điểm sáng về các lãnh vực như: ca nhạc, sản xuất kinh tế, những gương điển hình tiên tiến về các công tác bác ái xã hội được tôn vinh trên các phương tiện truyền thông, những mẫu gương hy sinh quên mình được nhiều người biết đến và đề cao trên báo chí, các trang mạng internet và truyền thanh truyền hình... Các tín hữu chúng ta phải tỏa sáng qua những hoạt động tốt đẹp phục vụ người nghèo khó, bị khinh dể và bị bỏ rơi trong các cô nhi viện, nhà nuôi người già, người mù lòa khuyết tật, nhà chăm sóc bệnh cùi hay si-đa… để mọi người được sống chan hòa yêu thương trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau như sách Khải Huyền đã diễn tả: “Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,1-2).

4. THẢO LUẬN:

1) Trong lịch sử Việt Nam, bạn có biết những nhân vật người Công giáo nào đã để lại những công trình ích quốc lợi dân, làm rạng danh Thiên Chúa trước mặt đồng bào Việt Nam mà đại đa số là lương dân hay không ? Cụ thể: Đức cha A-lếch-xăng đờ Rốt đã để lại công trình nào ? Ông Nguyễn Trường Tộ đã làm gì ? Hàn Mặc Tử đã làm gì ? Pe-trus Ký đã làm gì ? 2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để chiếu soi ánh sáng tình thương của Chúa giúp đồng bào Việt Nam hôm nay nhận biết tin thờ Thiên Chúa ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã ban cho chúng con mặt trời chiếu sáng ban ngày và mặt trăng soi chiếu ban đêm. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã dạy các tín hữu chúng con phải trở thành ánh sáng giữa thế gian, là muối mặn ướp cho tha nhân khỏi bị hư hỏng. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm phải chu toàn. Xin cho chúng con luôn có ánh sáng của Chúa trong lòng, để đi đến đâu chúng con cũng đẩy lùi tăm tối tội lỗi, bất công và thù hận đến đó. Xin giúp chúng con luôn giữ gìn ngọn lửa đức ái trong tim, và luôn đi theo con đường mà Chúa đã soi dẫn và đi trước chúng con. Trong thực tế, xin cho chúng con luôn biết quên mình yêu thương phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật, để nên muối ướp cho đời, trở thành ánh sáng chiếu soi cho trần gian. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương công chính, hòa thuận, khiêm tốn và đạo đức để giáo dục đức tin cho con cái. Xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui của Chúa khi phục vụ những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi… là hiện thân của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc gặp ĐGH Phanxicô
Nguyễn Long Thao
10:32 05/02/2014
London 04/02/2014.- AFP trích dẫn nguồn tin của hoàng gia Anh quốc cho biết Nữ Hoàng Elizabeth II sẽ đi Rome gặp ĐGH Phanxicô vào đầu tháng 4 năm 2014.

Cùng đi với Nữ Hoàng có Huân Tước Philip là phu quân của Nữ Hoàng. Hai vị sẽ hội kiến với ĐGH sau khi dùng cơm trưa với Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

Đây là lần đầu tiên Nữ Hoàng Elizabeth II- vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh Quốc - gặp ĐGH Phanxicô là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Điện Buckingham loan báo tin trên chỉ một ngày sau khi xác nhận Nữ Hoàng sẽ chính thức viếng thăm nước Pháp để kỷ niệm lần thứ 70 ngày quân đội Đồng Minh đổ bộ lên Normandy

Nữ Hoàng năm nay 87 tuổi và Phu Quân Philip năm nay 92 tuổi thường để Hoàng Thái Tử Charles thay mặt hoàng tộc viếng thăm ngoại quốc.

Nữ Hoàng đi Rome lần này là chuyến đi đầu tiên rời khỏi nước Anh kể từ tháng 10 năm 2011 là năm Nữ Hoàng thăm Úc Châu.

Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 2010, ĐGH Bênêđictô XVI đã viếng thăm Edinburgh, Glasgow, London và Birmingham trong một chuyến tông du kéo dài 4 ngày. ĐGH Bênêđictô đã được Nữ Hoàng Elizabeth II tiếp kiến.

Điều đáng chú ý là chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II vào 1982 là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Anh Quốc kể từ khi Vua Heny VIII ly khai Giáo Hội Công Giáo và thiết lập Giáo Hội Anh Giáo vào năm 1534.

Nguyễn Long Thao
 
ĐTC: Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương, diễn tả tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
09:01 05/02/2014
Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương làm nảy sinh ra lộ trình của đức tin, sự hiệp thông và chứng tá kitô. Cùng với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức nó làm thành suối nguồn cuộc sống của chính Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 5-2-2014.

Tham dự buổi tiếp kiến cũng có 90 Giám Mục Ba Lan đang viếng mộ các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Sáng thứ tư 5-2-2014 trời Roma mưa khá lớn, nhưng nhiều tín hữu vẫn can đảm mặc áo mưa hay che dù kiên nhẫn tham dự buổi tiếp kiến. Nhiều người chạy vào trú dưới hai cánh hành lang của quảng trường và từ đó theo dõi buổi tiếp kiến trên hai màn truyền hình khổng lồ. Nhưng khi thấy xe díp của Đức Giáo Hoàng đi qua các lối chính chào dân chúng, họ lại chạy ra.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha trình bầy giáo lý về Bí tích Thánh Thể, là bí tích trung tâm của ”việc khai tâm kitô”. Đức Thánh Cha nói: điều chúng ta trông thấy khi tụ tập nhau cử hành bí tích Thánh Thể, khiến cho chúng ta trực giác được điều chúng ta sắp sống. Và ngài giải thích ý nghĩa các yếu tố của việc cử hành như sau:

Ở trung tâm không gian dành cho viỆc cử hành có bàn thờ, là một cái bàn phủ khăn, và điều này khiến chúng ta nghĩ tới một bữa tiệc. Trên bàn có thánh giá ám chỉ rằng trên bàn thờ đó được cử hành hiến tế của Chúa Kitô: chính Người là lương thực thiêng liêng mà chúng ta nhận dưới hình bánh và rượu. Bên cạnh bàn thờ có giá sách, nghĩa là nơi công bố Lời Chúa: điều này ám chỉ rằng chúng ta tụ họp nhau ở đây để lắng nghe Chúa nói qua Thánh Kinh, và như thế lương thực mà chúng ta lãnh nhận cũng là Lời Người.

Lời và Bánh trong Thánh Lễ trở thành một, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả các lời của Chúa Giêsu, tất cả các dấu chỉ Người đã làm, được cô đọng trong cử chỉ bẻ bánh và dâng chén, diễn tả trước hiến tế thập giá, và trong các lời: ”Các con hãy cầm lấy, hãy ăn, này là Mình Thầy... Hãy cầm lấy, hãy uống, này là Máu Thầy”. Cử chỉ của Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly là lời tạ ơn tột cùng Thiên Chúa Cha vì tình yêu của Người, vì lòng thương xót của Người. ”Tạ ơn” trong tiếng Hy lạp gọi là ”Eucharistia”. Đó, tại sao từ Eucaristia tóm tắt tất cả cử chỉ ấy, là cử chỉ của Thiên Chúa và cũng là của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là Người thật.

Như vậy, việc cử hành Thánh Thể hơn là một bữa tiệc thường: đó là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, mầu nhiệm chính của ơn cứu độ. ”Tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại, mà muốn nói rằng mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này là chúng ta tham dự vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm về Bí tích Thánh Thể như sau:

Bí tích Thánh Thể là tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa: thật thế, khi trở thành bánh bẻ ra cho chúng ta, Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta tất cả lòng xót thương và tình yêu của Người, đến độ canh tân con tim, cuộc sống, và kiểu tương quan của chúng ta với Người và các anh chị em khác.

Chính vì thế mà bình thường khi chúng ta tới gần Bí tích này, chúng ta nói ”lãnh nhận sự hiệp thông”, “làm sự hiệp thông”. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, sự tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể khiến cho chúng ta đồng hình đạng với Chúa Kitô trong cách thế duy nhất và sâu xa, bằng cách làm cho chúng ta hưởng nếm trước ngay từ bây giờ sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Cha, là đặc tích của bữa tiệc thiên quốc, nơi cùng với tất cả các Thánh chúng ta sẽ có niềm vui không thể tưởng tượng nổi chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt giáp mặt.

Anh chị em rất thân mến, chúng ta sẽ không bao giờ cảm tạ Chúa đủ vì ơn Người ban cho chúng ta với bí tích Thánh Thể. Đó là một ơn thật lớn lao và vì thế thật là quan trọng đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, đi lễ không phải chỉ để cầu nguyện, mà để nhận sự Hiệp Thông, nhận lấy bánh là Mình của Chúa Giêsu Kitô, cứu rỗi chúng ta, tha tội cho chúng ta, kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa Cha. Thật là đẹp, khi làm điều này. Và mỗi Chúa Nhật chúng ta hãy đi Lễ, bởi vì đó chính là ngày sống lại của Chúa. Vì vậy Chúa Nhật quan trọng đối với chúng ta đến thế. Và với bí tích Thánh Thể chúng ta cảm thấy sự tùy thuộc vào Giáo Hội, vào dân Chúa, vào thân mình của Chúa, vào Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta sẽ không bao giờ ngừng tiếp nhận tất cả giá trị và sự phong phú của nó. Như thế, chúng ta hãy xin cho Bí tích này có thể tiếp tục duy trì sống động sự hiện diện của Người trong Giáo Hội và nhào nặn các cộng đoàn của chúng ta trong tình bác ái và sự hiệp thông, theo con tim của Thiên Chúa Cha. Và điều này được thực hiện trong suốt cuộc sống, nhưng nó được bắt đầu với việc rước lễ lần đầu. Thật là quan trọng việc các trẻ em chuẩn bị tốt cho việc Rước Lễ lần đầu, và ước chi đừng có trẻ em nào không làm điều đó, bởi vì đó là bước đầu tiên của việc thuộc về Chúa Giêsu Kitô một cách mạnh mẽ, sau bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hiện diện tại quảng trường và chúc mọi người những ngày hành hương tươi vui. Chào các tín hữu và các Giám Mục Ba Lan Đức Thánh Cha nói: Anh em thân mến xin hãy chuyển lời chào thăm của tôi tới các linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ và toàn dân Ba Lan. Tôi bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của tôi cho anh em và những người Chúa trao phó cho sự săn sóc của anh em. Xin anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh em và Giáo Hội tại Ba Lan.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng chào một nhóm Giám Muc tham dự một cuộc họp do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức, và các linh mục đang tham dự tuần hội học về việc đào tạo nhân bản các ứng viên linh mục, do Đại học giáo hoàng Thánh Giá tổ chức. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ thánh Phêrô là dịp canh tân dấn thân truyền giáo và loan báo Tin Mừng, cách riêng cho những người rốt hết và những người nghèo.

Ngài cũng chào các sĩ quan và binh sĩ Lữ đoàn Sassari và hiệp hội các khách sạn. Ban quân nhạc của Lữ đoàn đã trình tấu nhiều bài tạo bầu khí tươi vui hùng tráng cho buổi tiếp kiến.

Chào các người đau yếu Đức Thánh Cha nói vì trời mưa nên họ tụ tập trong đại thính đường Phaolô VI và ngài đã gặp họ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến. Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ nhớ thánh nữ Agata trinh nữ tử đạo. Ngài cầu mong nhân đức anh hùng của thánh nữ giúp các bạn trẻ hiểu tầm quan trọng sự trong sạch của đức khiết tịnh. Ngài xin thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu chấp nhân thánh giá trong sự kết hiệp thiêng liêng với Thánh Tâm Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới hiểu biết vai trò của nữ giới trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em
Lm. Trần Đức Anh O.P chuyển ý
11:37 05/02/2014
VATICAN. Tòa Thánh ngạc nhiên về những nhận xét kết luận của Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, được công bố hôm 5-2-2014 tại Genève, trong đó Ủy ban mạnh mẽ cáo buộc Tòa Thánh về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Cơ quan này của LHQ quả quyết rằng Tòa Thánh tiếp tục vi phạm Hiệp ước về các quyền trẻ em, đồng thời cũng phê bình Vatican về lập trường liên quan đến đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Trong bản những nhận xét kết thúc Ủy ban về các quyền trẻ em đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự.

Ủy ban gồm 18 chuyên gia cũng yêu cầu Tòa Thánh phải mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt.

Trong buổi điều trần ngày 16-1-2014 tại Genève, Đại diện Tòa Thánh cho biết vấn đề xử lý các giáo sĩ phạm tội về phương diện hình luật thuộc thẩm quyền của nhà chức trách tư pháp của mỗi quốc gia nơi đương sự cư ngụ hoặc là công dân, với sự cộng tác của giáo quyền địa phương.

Đức TGM Silvano Tomasi

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên Sergio Centofanti của Đài Vatican, cùng ngày 5-2-2014, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, đã bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói rằng:

- Ủy ban Hiệp ước về các quyền của con người đã chính thức công bố hôm nay (5-2-2013) các kết luận và đề nghị với các nước được cứu xét trong khóa họp thứ 65 và gồm có Congo, Đức, Tòa Thánh, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: cần phải đợi, đọc kỹ lưỡng và phân tích chi tiết những gì các thành viên (18) Ủy ban này đã viết. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, vì khía cạnh tiêu cực của văn kiện mà nó gây ra. Dường như những kết luận trong văn kiện này đã được chuẩn bị trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Ủy ban và phái đoàn Tòa Thánh (ngày 16-1-2014 tại Genève). Phái đoàn đã trình bày các câu trả lời chi tiết rõ ràng về nhiều điểm, và tiếc là những câu trả lời đó đã không được ghi lại trong Văn kiện kết thúc này, hoặc ít là dường như các câu trả lời của phái đoàn Tòa Thánh đã không được cứu xét nghiêm túc. Thực tế là văn kiện kết thúc có vẻ như hầu như không được cập nhật gì, không đề ý gì đến những điều đã được thực hiện trong những năm gần đây trên bình diện Tòa Thánh, với những biện pháp được thẩm quyền của Quốc gia thành Vatican trực tiếp đề ra, và tại các nước khác nhau do các HĐGM đưa ra. Vì thế, tài liệu kết luận của Ủy ban LHQ thiếu một viễn tượng đúng đắn và không được cập nhật. Thực tế là đã có một loạt những thay đổi về phía Công Giáo để bảo vệ các trẻ em, mà tôi thấy khó tìm được ở cùng một mức độ dấn thân trong các tổ chức hoặc trong các nước khác. Đây là một sự kiện hiển nhiên không thể xuyên tạc được!

H. Làm sao Tòa Thánh trả lời chính xác cho mỗi lời cáo buộc của Ủy ban LHQ?

Đ. Không thể trả lời trong vòng 2 phút cho tất cả những lời khẳng định được đưa ra một cách rất sai trái trong Văn kiện kết luận của Ủy ban LHQ. Với tư cách là một thành viên, một quốc gia đã ký kết Hiệp ước, Tòa Thánh sẽ trả lời: Tòa Thánh đã phê chuẩn Hiệp ước và muốn tuân giữ Hiệp ước đó trong tinh thần và trong chữ viết, không du nhập thêm những thêm thắt ý thức hệ hoặc những áp đặt đi ra ngoài chính Hiệp ước. Ví dụ: trong lời tựa, Hiệp ước nói về việc bảo vệ sự sống và bênh vực trẻ em trước và sau khi sinh ra; trong khi đó thì Ủy ban lại đề nghị Tòa Thánh hãy thay đổi lập trường về vấn đề phá thai! Dĩ nhiên, khi một trẻ em bị giết rồi thì không còn quyền nữa! Vì thế tôi thấy đó thực là một điều trái ngược với những mục tiêu cơ bản của Hiệp Ước là bảo vệ các trẻ em. Ủy ban này đã không làm điều có lợi cho LHQ, khi tìm cách du nhập và đòi Tòa Thánh phải thay đổi giáo huấn không thể thương lượng được của mình! Vì thế, quả là buồn khi thấy Ủy ban LHQ đã không hiểu rõ bản chất và chức năng của Tòa Thánh, tuy Tòa Thánh đã nói rõ với Ủy ban quyết định của mình thi hành những yêu cầu của Hiệp ước về các quyền của trẻ em, nhưng còn xác định rõ và bảo vệ trước tiên các giá trị căn bản làm cho việc bảo vệ trẻ em trở nên thực sự và hữu hiệu.

H. Thoạt đầu LHQ nói rằng Vatican đã đáp ứng tốt đẹp hơn các nước khác về việc bảo vệ các trẻ vị thành niên. Vậy nay điều gì đã xảy ra?

Đ. Trong phần dẫn nhập của Phúc trình kết thúc có nhìn nhận sự rõ ràng trong các câu trả lời của Tòa Thánh được gửi về Ủy ban; Tòa Thánh không tìm cách tránh né một yêu cầu nào của Ủy ban, theo sự hiển nhiên hiện có, và khi không có thông tin ngay, thì chúng tôi hứa sẽ cung cấp các tin tức đó trong tương lai, theo các chỉ thị của Tòa Thánh, như tất cả các chính phủ khác đã làm. Vì thế, chúng tôi thấy cuộc gặp gỡ ngày 16-1-2014 có vẻ là một cuộc đối thoại xây dựng và tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục như vậy. Vì thế, giữa cảm tưởng về cuộc đối thoại trực tiếp của phái đoàn Tòa Thánh với Ủy ban, và văn bản kết luận cùng những đề nghị mà Ủy ban công bố, chúng tôi muốn nói rằng có lẽ văn bản những kết luận này đã được viết từ trước và không phản ảnh phần đóng góp và sự rõ ràng, ngoại trừ một vài điều được thêm vào một cách vội vã. Vì thế, chúng tôi phải tiếp tục trình bày giải thích về các lập trường của Tòa Thánh, trả lời cho những câu hỏi còn tồn đọng, làm sao để mục tiêu cơ bản mà người ta muốn đạt tới là sự bảo vệ trẻ em có thể đạt được. Người ta nói là có 40 triệu vụ lạm dụng trẻ em trên thế giới. Rất tiếc là một số trường hợp ấy, - tuy là với tỷ lệ rất nhỏ, so với những gì xảy ra trên thế giới, - cũng liên hệ tới những người của Giáo Hội. Và Giáo Hội đã trả lời và đã phản ứng, và tiếp tục làm như thế! Chúng ta phải nhấn mạnh về chính sách minh bạch này, không dung thứ sự lạm dụng, vì dù chỉ có một vụ lạm dụng trẻ em mà thôi thì cũng là một điều quá nhiều rồi!

H. Vậy điều gì có thể xảy ra?

Đ. Có lẽ các tổ chức phi chính phủ quan tâm với việc bảo vệ đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái và những vấn đề khác, chắc chắn là họ có những nhận xét cần trình bày và một cách nào đó đã củng cố một đường hướng ý thức hệ.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Trong thông cáo công bố sáng ngày 5-2-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng lấy làm tiếc vì Ủy ban LHQ về các quyền của trẻ em toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thi hành tự do tôn giáo:

”Vào cuối khóa họp thứ 65, Ủy ban về các quyền trẻ em đã công bố những nhận xét kết thúc về việc cứu xét các phúc trình của Tòa Thánh và 5 quốc gia đã ký kết Hiệp ước về các quyền trẻ em là Congo, Đức, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen.

Theo những thủ tục dự kiến dành cho các nước ký Hiệp Ước, Tòa Thánh ghi nhận những nhận xét kết luận về các bản phúc trình của mình, các nhận xét đó sẽ được cứu xét và nghiên cứu kỹ lưỡng trong sự tôn trọng hoàn toàn Hiệp Ước trong các lãnh vực khác nhau được Ủy ban trình bày, chiếu theo công pháp và thực hành quốc tế cũng như để ý đến cuộc thảo luận trao đổi với Ủy ban ngày 16-1 vừa qua.

Tuy nhiên, Tòa Thánh lấy làm tiếc vì thấy trong một số điểm của những quan sát kết thúc có một toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thực thi tự do tôn giáo. Bản nhận xét của Ủy ban đã phê bình giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm bênh vực và bảo vệ các quyền của trẻ em, phù hợp với các nguyên tắc được Hiệp ước về các quyền trẻ em thăng tiến, và theo các giá trị luân lý và tôn giáo được đạo lý Công Giáo.”
 
Huấn từ của Đức Thánh Cha ngày Thứ Tư 5/2/2014
Bùi Hữu Thư
12:56 05/02/2014
L’Osservatore Romano 2/5/2014

Thân chào quý anh chị em!

Hôm nay tôi sẽ nói với anh chị em về Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể nằm ngay trọng tâm của “tiến trình khai tâm”, cùng với Phép Rửa và Phép Thêm Sức, và là suối nguồn của chính sự sống của Giáo Hội. Thực vậy, từ Bí Tích tình yêu này, tuôn chẩy mọi hành trình đức tin chân chính, hiệp thông và nhân chứng.

Những gì chúng ta thấy khi tụ tập để cử hành Thánh Lễ, đã cho chúng ta một cảm nhận về những gì chúng ta sẽ sống. Tại trọng tâm của không gian được dành cho việc cử hành trên bàn thờ, là một cái bàn được phủ khăn, và điều này làm cho chúng ta nghĩ đến một bữa tiệc. Trên bàn có một thánh giá để biểu hiệu là những gì được dâng tiến trên bàn này là sự hy sinh của Chúa Ki-tô: Người là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta, dưới hình thức bánh và rượu. Bên cạnh bàn là bục giảng kinh, nơi Lời Chúa được công bố: và điều này chỉ rằng ở đó chúng ta tụ tập để nghe Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh, và vì thế thức ăn chúng ta tiếp nhận cũng là Lời Chúa. Lời và bánh trong Thánh Lễ trở nên một, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả Lời Chúa Giê-su, tất cả các dấu chỉ chính Người đã làm, được cô đọng thành một cử chỉ bẻ bánh và dâng chén Thánh, để tiên báo cho việc hy sinh trên thập giá, bằng những lời này: “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Ta... Hãy nhận lấy mà uống; vì đây là Máu Ta.”

Cử chỉ của Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc Ly là việc tạ ơn tối hậu dâng lên Chúa Cha vì tình yêu, và lòng thương xót của Người, vì đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban cho Con Một của Người vì tình yêu. Chính vì thế mà từ ngữ Thánh Thể bao hàm hành động này, là hành động của cả Thiên Chúa lẫn con người cùng nhau, hành động của Chúa Giê-su Ki-tô, chính là Thiên Chúa và cũng chính là con người.

Vì thế việc cử hành Thánh Lễ lớn hơn một bữa tiệc giản dị: đây chính là việc tưởng niệm cuộc hy sinh của Chúa Giê-su, một mầu nhiệm nằm ngay tại trọng tâm của việc cứu độ. “Tưởng nhớ” không chỉ là nhớ lại, mà là mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của cuộc tử nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Thánh Thể là cao đỉnh của hành động cứu chuộc của Thiên Chúa: Chúa Giê-su khi trở nên tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, đổ tràn đầy trên chúng ta lòng thương xót và yêu thương của Người, để canh tân trái tim, đời sống và cách thức chúng ta liên hệ với Người và với các anh chị em. Chính vì lý do này mà thông thường, khi chúng ta đến với bí tích này, chúng ta nói đến sự “tiếp nhận việc hiệp thông”, khi rước lễ, qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc rước lễ làm cho chúng ta sát nhập sâu xa vào Chúa Ki-tô, giúp cho chúng ta được nếm thử trước ngay bây giờ sự hiệp thông toàn vẹn với Chúa Cha, là đặc tính của bữa tiệc trên Trời, nơi chúng ta cùng với tất cả các Thánh sẽ có được niềm vui là chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện.

Các bạn thân mến, xin đừng bao giờ sao lãng việc cảm tạ Thiên Chúa về quà tặng Chúa đã ban cho chúng ta trong Phép Thánh Thể! Đây là một quà tặng quý báu và vì thế việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật rất quan trọng. Xin hãy đi lễ không chỉ là để cầu nguyện, mà là để rước lễ, rước lấy sự hiệp thông, rước lấy tấm bánh là nhiệm thể Chúa Giê-su Ki-tô, đã cứu chuộc chúng ta, tha thứ chúng ta, kết hiệp chúng ta với Chúa Cha. Đây là một điều tốt đẹp cần phải làm! Khi chúng ta đi lễ mỗi Chúa Nhật vì đây là ngày Chúa phục sinh. Vì thế Chúa Nhật rất quan trọng đối với chúng ta. Và trong phép Thánh Thể chúng ta cảm nhận được sự trực thuộc vào Giáo Hội, trực thuộc vào hàng Dân Chúa, vào Nhiệm Thể của Thiên Chúa, vào Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu thấu giá trị và sự phong phú của bí tích này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho bí tích này tiếp tục giữ cho sự hiện diện của Người sống động trong Giáo Hội, và gìn giữ cộng đồng của chúng ta tong tình bác ái và hiệp thông, theo đúng Thánh Ý Chúa Cha. Việc này được thực hiện trong suốt cuộc đời, nhưng khởi sự vào ngày chúng ta được Rước Lễ lần đầu tiên. Điều quan trọng là trẻ em phải được chuẩn bị kỹ lưỡng cho lúc Rước Lễ lần đầu và tất cả mọi trẻ em đều phải được rước lễ, vì đây là bước đầu của hành trình trang trọng để được trực thuộc vào Chúa Giê-su Ki-tô, sau Phép Rửa và Phép Thêm Sức.
 
Phản ứng của Tòa Thánh đối với phúc trình lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
22:46 05/02/2014
Lúc 8 giờ 42 phút sáng ngày 5 tháng Hai, giờ Rôma, hãng AP gửi đi bản tin tựa là “Phúc Trình LHQ tố cáo Vatican về lạm dụng tình dục”. Nguyên văn bản tin như sau:

Tường thuật của AP

Một uỷ ban nhân quyền của LHQ ngày 5 tháng Hai tố cáo Vatican về việc đã chấp nhận các chính sách để mặc các linh mục hãm hiếp và sách nhiễu hàng chục ngàn trẻ em trong các thập niên qua, và thúc giục định chế này cho mở các hồ sơ của mình về các người phạm tội ấu dâm cũng như các giáo phẩm che đậy các tội ác của họ.

Trong một phúc trình gây choáng váng, ủy ban của LHQ cũng nghiêm khắc chỉ trích Tòa Thánh về các thái độ đối với đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai và cho hay Tòa Thánh nên duyệt lại các chính sách của mình để đảm bảo các quyền của trẻ em và việc các em được chăm sóc y tế.

Về lạm dụng tình dục, phúc trình cho rằng “ủy ban hết sức quan tâm tới việc Tòa Thánh không thừa nhận tầm mức tội phạm, không đưa ra các biện pháp cần thiết để giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em và để bảo vệ trẻ em, và đã chấp nhận các chính sách và thực hành từng dẫn tới việc các người phạm tội tiếp tục lạm dụng, mà không bị trừng phạt”.

Phúc trình kêu gọi ủy ban lạm dụng tình dục mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố hồi tháng Mười Hai tiến hành một cuộc điều tra độc lập về mọi trường hợp lạm dụng của giáo sĩ và cung cách hàng giáo phẩm Công Giáo đáp ứng trong thời gian qua, và thúc giục Tòa Thánh định ra các qui luật rõ ràng về việc bắt buộc phải phúc trình việc lạm dụng cho cảnh sát.

Ủy ban đưa ra các khuyến cáo của mình sau khi bắt Tòa Thánh phải chịu một cuộc thẩm vấn dài một ngày vào tháng trước về việc thi hành Công Ước LHQ về Các Quyền Lợi Trẻ Em, là hiệp ước quốc tế chính nhằm bảo đảm nhi quyền. Trong buổi thẩm vấn này, các chuyên viên độc lập của ủy ban đã tra hỏi (grill) Tòa Thánh về việc bảo vệ trẻ em, dựa vào các phúc trình do các nhóm nạn nhân và các cơ quan nhân quyền soạn thảo.

Các khuyến cáo của ủy ban không có tính cách trói buộc và do đó không có cơ chế chấp pháp. Đúng hơn, LHQ yêu cầu Vatican thi hành các khuyến cáo và phúc trình trở lại hạn chót là năm 2017. Vatican đệ nạp phúc trình gần đây nhất sau 14 năm trì hoãn.

Trong khi phần lớn chú ý được chú mục vào vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, các khuyến cáo của ủy ban đi xa hơn thế, đề cập cả tới các vấn đề kỳ thị trẻ em và các quyền của các em được chăm sóc sức khỏe thỏa đáng. Khi đưa ra các khuyến cáo về việc Vatican duyệt lại các chính sách của mình đối với phá thai và ngừa thai, ủy ban đã pha mình quá sâu vào giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội về sự sống. Thành thử, những khuyến cáo ấy chắc chắn bị Vatican bác bỏ, vì Vatican vốn có một lịch sử đối đầu bằng ngoại giao với LHQ về việc chăm sóc sinh sản và các vấn đề tương tự.

Giáo huấn của Giáo Hội chủ trương rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai; do đó, Vatican chống việc phá thai và ngừa thai nhân tạo.

Vatican chưa đưa ra nhận định tức khắc.

Đáp ứng của Vatican

Tòa Thánh, tuy không phải là thành viên của LHQ, nhưng là một quan sát viên thường trực của tổ chức này và tích cực tham gia nhiều cơ cấu chuyên môn của nó. Nên việc một ủy ban chuyên môn của LHQ “thanh lý” việc Tòa Thánh thi hành một số lãnh vực của luật quốc tế, đương nhiên, là chuyện bình thường. Nhưng cung cách tường thuật của AP không khỏi gây cho người ta cảm tưởng ủy ban này đã biến Tòa Thánh thành “tội phạm” bị các “chuyên viên độc lập” của LHQ quay như chong chóng, choáng váng, sau khi đã sai sót trong việc phúc trình và nhất là trong việc thi hành các chính sách của LHQ liên quan tới quyền lợi trẻ em, người đồng tính, phá thai và ngừa thai.

Bài tường thuật không nhắc gì tới các cố gắng của Tòa Thánh trong việc hướng dẫn các hội đồng giám mục thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nguyên tuyền chỉ cho thấy Tòa Thánh chấp nhận các chính sách giúp duy trì việc tiếp diễn các lạm dụng kia! Không biết đó là những chính sách gì?

AP còn tròng câu cuối cùng như thể Tòa Thánh câm họng không trả lời được các tố giác! Đúng là phát ngôn viên Lombardi chưa lên tiếng ngay vì lúc AP phát hành bản tin của mình (8 giờ 42 phút sáng), các văn phòng của Tòa Thánh chưa bắt đầu làm việc. Vả lại, hôm ấy, Cha Lombardi đang ở Tây Ban Nha để nhận một giải thưởng về truyền thông của các giám mục nước này. Tuy nhiên, theo hãng tin Zenit ngày 5 tháng Hai, ngài đã vắn tắt cho hay: Tòa Thánh cam kết trong sáng trong vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Một giải thích sẽ được đưa ra về việc làm của ủy ban Vatican ngăn ngừa lạm dụng tình dục.

Còn theo Junno Arocho Esteves (Zenit, 5 tháng Hai), trong một phát biểu của Phủ Quốc Vụ Khanh, Tòa Thánh “sẽ nghiên cứu và khảo sát tường tận các khuyến cáo” của LHQ. Tuy nhiên, Tòa Thánh tỏ ý tiếc đối với việc ủy ban LHQ “mưu toan can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và việc thi hành tự do tôn giáo”.

Về việc chỉ trích lập trường của Tòa Thánh đối với đồng tính luyến ái, Phủ Quốc Vụ Khanh cho rằng Ủy Ban LHQ đã không nhắc gì tới việc Tòa Thánh từng kết án các kỳ thị và bạo lực chống lại người đồng tính. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng các người đồng tính nam nữ “phải được chấp nhận với lòng tôn trọng, cảm thương, và mẫn cảm… Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ phải được xa tránh” (điều 2357).

Chính vì thế, nhà xã hội học và là tác giả cuốn Pedofilia. Una battaglia che la Chiesa sta vincendo (Ấu dâm: Một Cuộc Chiến mà Giáo Hội Đang Thắng) là Massimo Introvigne gọi phúc trình trên là một “vi phạm tự do tôn giáo không thể dung thứ được”. Ông cho rằng lạm dụng tình dục vốn được các vị giáo hoàng trước đức Phanxicô thừa nhận và đưa ra các biện pháp sửa chữa. Phúc trình này, vì thế, có “những con số thống kê phóng đại và các kết án bừa bãi”.

Trên thực tế, Giáo Hội luôn nhận trách nhiệm đối với các linh mục và giám mục từng góp phần vào việc lạm dụng này, và đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt và hữu hiệu để xử lý các vấn đề này. Ông kết luận: “tài liệu này là dấu hiệu cho thấy thảm kịch ấu dâm được dùng làm cớ… để tấn Công Giáo Hội”.

Trong tuyên bố của Phủ Quốc Vụ Khanh, Tòa Thánh lặp lại cam kết của mình trong việc bảo vệ và che chở các nhi quyền “phù hợp với các nguyên tắc được Công Ước Về Nhi Quyền cổ vũ và phù hợp với các giá trị luân lý và tôn giáo được tín lý Công Giáo đề ra”.

Một phương thức tiêu cực

Trong khi ấy, Đức TGM Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh bên cạnh LHQ, sáng ngày 5 tháng Hai, cũng đã lên tiếng chỉ trích “phương thức tiêu cực” của phúc trình LHQ về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em; Ngài cho rằng các nhóm làm áp lực tại LHQ đang mưu toan “củng cố một đường hướng ý thức hệ”.

Đức TGM Tomasi gọi phúc trình trên là phúc trình “lỗi thời”. Nó không nhắc tới “những gì Tòa Thánh vốn đã và đang làm cũng như đã và đang đạt được trong lãnh vực bảo vệ trẻ em”.

Ngài cho rằng nếu tính đến những phương thuốc thực tế để ngăn ngừa các trường hợp lạm dụng trẻ em qua việc sử dụng luật lệ, qua các quyết định của các hội đồng giám mục, và qua việc huấn luyện các chủng sinh, thì thật khó “mà tìm được các định chế nào khác, thậm chí cả các quốc gia nào khác, đã làm nhiều như thế một cách chuyên biệt để bảo vệ trẻ em”.

Đức TGM Tomasi cũng cho biết trong phiên họp thứ 65 này của ủy ban, Tòa Thánh, trong tư cách 1 quốc gia thành viên, đã đệ nạp phúc trình của mình. Phúc trình này có trình bày các biện pháp cụ thể của cả Thị Quốc Vatican lẫn của Giáo Hội nói chung, trong đó, có việc thành lập ra Ủy Ban bảo vệ vị thành niên. Ngài nói rằng: “Tòa Thánh là quốc gia thành viên của Công Ước về Nhi Quyền, cam kết trung thành thực thi mọi yếu tố của Công Ước này”.

Về đồng tính luyến ái cũng như phá thai, Đức TGM Tomasi tuyên bố rằng Tòa Thánh không thể từ bỏ “các giáo huấn vốn thuộc xác tín sâu xa của mình và vốn là biểu thức của tự do tôn giáo. Đây là các giá trị mà theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo vốn duy trì ích chung của xã hội và do đó không thể bác bỏ được”. Vả lại, một trong các nguyên tắc của Công Ước Nhi Quyền là phải bảo vệ trẻ em trước và sau khi sinh.

Tuy nhiên, Đức TGM Tomasi cho hay các khuyến cáo của Ủy Ban sẽ được phân tích “một cách bình thản và trong chi tiết” trước khi Tòa Thánh trả lời một cách chính xác cho Ủy Ban, để sẽ “không còn hiểu lầm về lập trường của chúng tôi và lý do tại sao chúng tôi đưa ra một số chủ trương”.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Đài Phát Thanh Vatican, phần nói tiếng Ý, Đức TGM Tomasi cũng tố cáo các nhóm làm áp lực đã gây ảnh hưởng đối với bản phúc trình của ủy ban. Một số tổ chức phi chính phủ vì các quyền lợi riêng liên quan tới đồng tính, tới hôn nhân đồng tính và các vấn đề khác, “chắc chắn” đã “một cách nào đó, củng cố một đường hướng ý thức hệ”.

Ngài cho rằng phúc trình này phớt lờ phúc trình của Tòa Thánh đệ nạp tại Phiên Họp Thứ 65 của Ủy Ban. Điều này chứng tỏ nó đã được soạn sẵn trước khi có phiên họp. Vì rõ ràng nó không chịu cập nhật hóa các chi tiết do phúc trình của Tòa Thánh cung cấp. Các chi tiết này trình bày rõ ràng các biện pháp được Tòa Thánh cùng với Thị Quốc Vatican và các Hội Đồng Giám Mục các nước đưa ra trong mấy năm qua. Các biện pháp này vượt các biện pháp của nhiều định chế và nhiều quốc gia khác. Đây là những sự kiện, những chứng cớ không thể bóp méo được.

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức TGM Tomasi cho hay Tòa Thánh là một thành viên, một quốc gia thành viên của Công Ước Nhi Quyền, từng thừa nhận Công Ước này và cam kết tuân giữ nó “trong tinh thần và ngữ nghĩa, không thêm thắt các ý thức hệ hay các áp đặt nằm ngoài Công Ước”. Ngài dí dóm cho biết: trong Lời Nói Đầu, Công Ước Bảo Vệ Trẻ em có nói về việc bảo vệ sự sống và bảo vệ trẻ em trước và sau khi sinh; trong khi ấy, khuyến cáo của ủy ban lại khuyên Tòa Thánh phải thay đổi lập trường để cho phép phá thai! Một đứa trẻ bị giết thì làm sao có quyền nữa! “Thành thử đối với tôi điều này hình như là một mâu thuẫn thực sự đối với mục tiêu căn bản của Công Ước là bảo vệ trẻ em. Ủy Ban này không phục vụ tốt đối với LHQ, khi tìm cách dẫn dụ và yêu cầu Tòa Thánh thay đổi một giáo huấn không thể nào thay đổi được của mình! Như thế, thật đáng buồn khi thấy Ủy Ban không nắm vững bản chất và chức năng của Tòa Thánh, là cơ quan đã phát biểu rõ ràng cho ủy ban quyết định của mình sẽ thực thi hành các yêu cầu của Công Ước về nhi quyền, nhưng xác định rõ và bảo vệ trước tiên các giá trị nền tảng vốn đem lại sự bảo vệ đích thực và hữu hiệu cho trẻ em”.
 
Top Stories
Archbishop Tomasi reacts to UN report observations
Vatican Radio
12:03 05/02/2014
2014-02-05 Vatican - The United Nations has issued concluding observations on the reviewed reports of the Holy See and five States , Parties to the Convention on the Rights of the Child. It follows a hearing at the UN in Geneva attended by a group from Holy See last month. Heading the Vatican delegation at those discussions was Archbishop Silvano Tomasi, Permanent Observer of the Holy See to the United Nations in Geneva.

He gave his reaction to the report to Vatican Radio.

Q. What is the reaction of the Holy See to these harsh criticisms by the UN contained in this report?

The report in the concluding recommendations that the committee of the Convention on the Right of the Child that were released today point out a rather negative approach to what the Holy See has been doing and has already achieved in the area of the protection of children. The first impression is that the report in some ways is not up to date, not taking into account some of the clear and precise explanations that were given to the committee in the in the encounter that the delegation of the Holy See had with the committee three or four weeks ago. Second, I would say that there is a difficultly apparent in understanding the position of the Holy See that cannot certainly give up certain teachings that are part of their deep convictions and also an expression of freedom of religion and these are the values that in the tradition of the Catholic Church sustain the common good of society and therefore cannot be renounced, for example the committee asked for acceptance of abortion and this is a contradiction with the principle of life that the convention itself should support recommending that children be protected before and after birth. If a child is eliminated or killed we can no longer talk about rights for this person, so there is a need to calmly and in detail analyzing the recommendations proposed by the committee and provide an accurate response to the committee itself, so that there will be no misunderstanding on where we stand and the reason why we take certain positions and I would add that the practical remedies for preventing cases of abuse of children in forms of laws or decisions of Episcopal Conferences of directives for the formation of seminarians constitute a package of measures that is very difficult, I think, to find other institutions or even other states that have done so much specifically for the protection of children. So, my sense is that we have to continue to refine, to enact provisions that protect children in all their necessities so that they may grow and become productive adults in society and their dignity be constantly respected. And at the same time we have to keep in mind that even though there are so many millions, forty million cases of abuse a year regarding children and unfortunately some cases affect also Church personnel. We have to keep in mind that, we have to continue to combat this tragedy knowing that even a case of abuse of a child is a case too much.

Q. The United Nations had said that the Holy See had responded better than other countries regarding the safeguarding of children. What’s changed now?

A. The Holy See presented its report as a state like in this 65th session of the activity of the committee. The reports of Germany, the Holy See, Congo, Portugal, Russian Federation and Yemen were examined. The Holy See presented the concrete measures taken both at the level of the State of Vatican City and of the Church at large, taking into account that priests are not employees of the Pope but they are responsible citizens of the countries where they work and therefore accountable to the judicial system of those countries. The effort made was to give an objective picture of the remedies undertaken of the new steps that still are in the making like the commission announced by the Holy Father for the protection of minors and without any comparison with other states we simply say we recognize there has been a small percentage of Church personnel that have committed abuses and these are the steps taken to prevent that such abuses be made again. Maybe not all the observations in the facts have been adequately taken into account in the conclusions, so that for example the principle that the Holy See is accountable directly for the Vatican City State but not for other countries where local jurisdiction in the state authorities a responsibility and should implement and punish whoever including priests may have abused children, so that’s possibly an explanation but we need time to reflect carefully on the conclusions and recommendations of the committee and to prepare an adequate response, so that the objective may really be pursued. The Holy See is a state party to the Convention on the Rights of the Child and intends to be faithfully carrying out all the elements of this Convention for the protection of children and this is the way toward the future and I don’t think that there will be fundamental changes in this task ahead.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phiếm luận cảnh vui xuân bên Mỹ: Gx ĐMHCG ở Garland TX ăn Tết to.
Trần Mạnh Trác
16:28 05/02/2014


Gọi là to thì không thể sánh với cảnh đô hội ở Saigon, nơi mà hàng triệu người đổ xô ra đường vui cảnh Xuân về.

Nhưng mà Saigon thì có khi nào mà không có hàng triệu người chen lấn nhau phải không bà con ?

Cho nên so sánh với những nơi hẻo lánh như Pennsylvania thì vùng Dallas-Fort Worth cuả Texas có cái Tết rộn ràng, nhộn nhịp hơn rất nhiều.

Cũng xin nói lại cho đúng, Pennsylvania có dân số đông vào bậc nhất cuả Hoa Kỳ chứ không phải là chỗ hiu quạnh đâu, phố Philadelphia cũng chật chội không kém gì Saigon. Nhưng vì dân 'Việt Ta' ở đó không nhiều, cho nên "Nhất Nam viết Hữu, Thập Nữ viết Vô", cứ ít 'Người Mình' thì coi như là 'chốn hoang vu' vậy.

Cũng xin gửi lời chào tới bà con ở phố York, Pennsylvania. Năm nào cũng vậy, họ tổ chức vui Xuân cho toàn vùng, một nỗ lực duy trì truyền thống VN đáng được ca tụng.

Hy vọng năm nay, tuy có bảo tuyết tơi bời vào dịp Tết, bà con ở trên đó vẫn có được những ngày vui.



Nói tới bão tuyết thì vùng Dallas-Fort Worth đã từng chịu nhiều trận tuyết rơi bất chợt vào dịp Tết. Gx ĐMHCG ở Garland và Gx CTTD ở Arlington đã từng chiụ nhiều cảnh sụp lều thê thảm.

Hồi chưa có hội trường, các giáo xứ lớn đều phải thuê lều để tổ chức ăn Tết. Tuy lạnh lẽo và chật chội nhưng có dịp đoàn tụ để gặp gỡ chào hỏi đồng hương cũng đủ sởi ấm những nỗi lòng viễn xứ.







Nhưng việc phải muớn lều ăn Tết là đã khá lắm rồi đó, hồi tưởng vài chục năm về trước, khi các cộng đoàn người Việt còn phải 'ở nhờ' các nhà thờ Mỹ, thì dịp Tết chỉ là một buổi lễ Chuá Nhật trang nghiêm, rồi sau đó là một buổi văn nghệ 'bỏ túi' ngắn ngủi tại một hội trường 'mượn'. 'Cộng đồng người Việt' có tổ chức một buổi hội chợ vào sáng thứ Bảy, rồi sau đó thì việc vui Xuân chỉ qui tụ vào những buổi 'đại nhạc hội' có tính cách thương mại kiếm lời, hoặc ở những tư gia có tổ chức cờ bạc 'lậu' và ở những phòng trà ca nhạc nhẩy nhót qua đêm.







Năm nay Gx ĐMHCG ở Garland, với một hội trường mới, rộng rãi có sức chứa nhiều ngàn người, đã tổ chức ba ngày ăn Tết, kéo dài từ chiều Thứ Sáu cho đến chiều Chuá Nhật, tính ra là 22 giờ trình diễn văn nghệ không ngưng nghỉ.

Trời lạnh và có mưa, nhưng nhờ có một hội trường ấm cúng và an toàn cho nên yếu tố thời tiết không còn là một yếu tố quyết định nữa, bà con khắp nơi, lương cũng như giáo, đã đồ xô về đây để vui Xuân. Parking lúc nào cũng đầy ắp xe, hội trường lúc nào cũng thiếu chỗ chen chân.

Dĩ nhiên là một xứ đạo thì việc 'lễ lậy' là quan trọng nhất cho nên các Cha đã cử hành nhiều buổi lễ để 'tất niên' rồi 'minh niên' rồi 'tân niên' vv, và vv.

Đây là dịp để duy trì văn hoá dân tộc, vừa tỏ ra giáo xứ mình có tình hiếu khách, cha xứ không ngừng nhắc nhở như thế.

Tại hội trường, cảnh những gia đình có 'ông bà cha mẹ con cái cháu chắt' dzung dzăng dzung dzẻ dzui chơi' với nhau cả buổi thì không hiếm. Cũng được biết có nhiều gia đình trẻ, chịu cảnh phân ly vì tình trạng kinh tế trong nhiều năm qua, cũng đã đoàn viên xum họp ít ra là những ngày Tết.

Nguyện xin Chuá ban phuớc lành cho xứ đạo.

Xem hình ảnh
 
Ngày cao điểm Đại hội giới trẻ Giáo phận Vinh
Pv GPVO
21:53 05/02/2014
Sau ngày khai mạc diễn ra trong bầu khí ấm áp tình Chúa, tình người, và buổi sáng ngày cao điểm đầy sôi động với nhiều chương trình ý nghĩa, Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh lần thứ nhất đã bế mạc bằng thánh lễ tạ ơn trọng thể vào trưa ngày 05.2.2014 (Mồng 6 Tết Giáp Ngọ).

Xem Hình

Đúng 5 giờ 30 phút, lúc tiếng chuông báo thức vừa dứt, lời kinh dâng ngày vang vọng lên như một tâm tình tạ ơn và cầu xin Chúa cho ngày mới, ngày cao điểm trong chương trình Đại hội được diễn ra an lành, tốt đẹp.

Sau giờ điểm tâm, bầu khí tại Linh địa Trại Gáo dần sôi động lên bởi các “màn” khởi động do các linh hoạt viên cùng với gần 20 ngàn bạn trẻ. Sự bình lặng buổi ban mai tại Linh địa Trại Gáo thường thấy như đổi thay bởi tinh thần hăng say mà người trẻ khắp mọi vùng miền Giáo phận mang về Đại hội.

Tiếp đến, các tham dự viên được Cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng, giáo sư ĐCV Vinh Thanh chia sẻ xoay quanh những câu hỏi nền tảng vẫn hằng đeo đẳng trong nghĩ suy về định mệnh con người: Con người từ đâu mà đến? Sống trên đời để làm gì? Chết sẽ đi về đâu? Bằng những viện dẫn thần học, triết học và cả thực tiễn, Cha Phêrô đã giúp các bạn trẻ tái xác tín về niềm tin Kitô giáo, về đích điểm của nhân sinh; đồng thời, ngài mời gọi các bạn trẻ nỗ lực để có những hành trang thiết yếu hầu đạt đến đích điểm ấy.

Sau đó, Cha Phêrô cùng quý Cha đã giải đáp các thắc mắc mà các bạn trẻ đưa ra. Những tiếng vỗ tay đã vang lên không ngớt khi chị Maria Nguyễn Thị Quyên, một tân tòng, thuộc giáo xứ Cửa Lò chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình. Chị mạnh mẽ và xác tín hô vang như nhắn nhủ các bạn trẻ: "Hãy tự hào mình là người Công Giáo! Tôi yêu Chúa Kitô! Chúng ta hãy yêu Chúa Kitô một cách chân thật! Và chúng ta hãy sống xứng đáng là người Công Giáo"! Đó thức sự là một "cú hích niềm tin" cho nhiều bạn trẻ!

Đúng 8 giờ 30, Đại hội vui mừng được chào đón và lắng nghe Đức Cha Phaolô thuyết trình. Bằng kiến thức sâu rộng và thực tiễn, qua lối nói dí dỏm và sâu sắc, Đức Cha đã phác hoạ nên một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá. Và các tràng vỗ tay đã nhiều lần "cắt ngang" lời của thuyết trình viên, khi chủ đề "tâm tính của người Việt" và "tâm tính của người Nghệ - Tĩnh - Bình" được Đức Cha mô tả rất sinh động. Mỗi người như được "bước ra khỏi mình" để có cái nhìn khách quan khi nhận diện tâm tính của bản thân. Nhân dịp đầu năm mới, ngài mời gọi các bạn trẻ hãy thực thi 6 điểm: đừng nói dối; hãy cố gắng làm người tốt, người tử tế; hãy biết cộng tác với nhau; biết tôn trọng bản thân và tha nhân; biết đối thoại bằng lý trí; và biết quan tâm đến người khác.

Cao điểm của Đại hội Giới trẻ Giáo phận Vinh lần thứ nhất là thánh lễ tạ ơn lúc 10 giờ, do Đức Cha Phaolô chủ tế, trước sự hiện diện đông đảo của quý cha, quý tu sỹ, chủng sinh, quý khách hành hương và các bạn trẻ về tham dự đại hội.

Chia sẻ trong thánh lễ, vị Chủ chăn giáo phận đã gợi lên tâm tình tạ ơn bởi vô vàn hồng ân Chúa đã thương ban cho chúng ta, cách riêng là các bạn trẻ trong ngày Đại hội. Xoay quanh chủ đề Đại hội: "Lạy Chúa, con phải làm gì để được sự sống đời đời", ngài mời gọi các bạn trẻ tái khám phá Đức tin của mình, một Đức tin mà các khoa học gia đã chân nhận: "Khoa học được ví như một bình rượu ngon, uống một ngụm đã thấy say mê, uống đến cạn bình thì thấy Chúa ngồi ở đáy". (Tạp chí Tia Sáng, số Xuân 2014).

Với những thành quả mà Đại hội đã đạt được, Đức Cha Phaolô ân cần khích lệ các bạn trẻ không chỉ lưu giữ, mà còn phải diễn tả và tăng triển nó bằng lối sống mới, quyết tâm mới, xứng đáng là người trẻ của Đức Kitô hơn.

Sau thánh lễ, cha Antôn Nguyễn Quang Trung, đặc trách Giới trẻ Giáo phận Vinh, trưởng Ban tổ chức Đại hội, bày tỏ niềm tri ân đến quý Đức Cha, quý cha quản hạt, quý cha đặc trách, các giáo xứ và toàn thể các bạn trẻ trong toàn Giáo phận Vinh. Cách đặc biệt, ngài cám ơn cha quản xứ và cộng đoàn giáo xứ Mỹ Yên đã góp phần to lớn trong công tác tổ chức đại hội lần này.

Đại hội giới trẻ Giáo phận Vinh lần thứ nhất không chỉ là dịp hội ngộ, giao lưu, hâm nóng tình liên đới, sẻ chia của các bạn trẻ trong toàn Giáo phận, mà còn là dịp thuận lợi cho các bạn trẻ được đào sâu chiều kích niềm tin, có những phút giây ấm nồng tình Chúa và tình người.

Hy vọng rằng, với Đại hội giới trẻ lần này, các bạn trẻ có thể nhận ra tiếng Chúa đáp giải cho câu hỏi nền tảng: "Lạy Chúa, con phải làm gì để được sự sống đời đời (Mc 10,17). Đó sẽ là hành trang thiết yếu cho người Kitô hữu trẻ lên đường sống Đức tin trong giai đoạn mới.

Pv GPVO
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phiên điều trần UPR về tình trạng nhân quyền Việt Nam
Danlambao
11:56 05/02/2014
Danlambao - Buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang diễn ra, bắt đầu vào lúc 20h30 giờ Việt Nam, ngày 5/2/2014, tại Geneva, Thụy Sĩ.

Toàn bộ diễn biến phiên điều trần UPR lần thứ 18 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh UN Web TV, video phiên họp cũng sẽ được dẫn lại trên Danlambao với phần tường thuật những thông tin, diễn biến chính.

Trước thềm UPR, các tổ chức dân sự độc lập đã có nhiều nỗ lực nhằm vận động quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng nhân quyền Việt Nam. Đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam và VOICE đã thực hiện buổi gặp gỡ phái đoàn của Costa Rica (quốc gia trong nhóm Troika).

Được biết, trưởng phái đoàn Costa Rica đã cam kết đưa các tiếng nói của các hội nhóm dân sự độc lập vào phiên UPR và sẽ cố gắng đảm bảo phiên UPR công bằng, phản ánh đúng thực chất tình trạng nhân quyền của Việt Nam.

Trước đó, phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam cũng đã tổ chức rất thành công sự kiện mang tên 'Ngày Việt Nam' tại trụ sở Liên Hợp Quốc, với sự tham dự của nhiều phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Theo BBC Tiếng Việt, phái đoàn các nước đăng ký tham gia phát biểu trong phiên UPR của Việt Nam lên tới 107 nước.

Lúc 20h38 phút, buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chính thức diễn ra. Sau phát biểu khai mạc ngắn gọn của người chủ trì buổi họp, phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm khoảng 16 người đang thao tho bất tuyệt đọc một báo cáo khoảng 20 trang, tiếp tục khoe khoang về cái gọi là 'thành tích nhân quyền'.

Lúc 21 giờ: Đại diện Danlambao hiện đang có mặt tại hội trường cho biết, phiên điều trần diễn ra tại phòng hội nghị số 20, hội trường được bố trí theo kiểu bàn tròn (nhiều vòng tròn đồng tâm), với báo chí ngồi ngoài cùng.

Phiên kiểm điểm định kỳ bắt đầu với bài báo cáo thành tích nhân quyền của Việt Nam trong vòng 5 năm qua, do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc đọc.

Bài diễn văn nhấn mạnh những thành tựu Nhà nước đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. ''Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế-xã hội, kiện toàn hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền''. Diễn văn cho rằng sự kiện thông qua hiến pháp năm 2013 là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước và là ''bước tiến mới đến nhà nước pháp quyền''.

Ông Hà Kim Ngọc không quên nhấn mạnh, dự thảo hiến pháp đã được gửi đến các cơ quan truyền thông đại chúng trước 10 tháng, và nhận được ''hàng triệu ý kiến góp ý'', ''toàn bộ chương II của Hiến pháp với 36 điều được dành hoàn toàn cho vấn đề nhân quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân''.

Lúc 21:08': Sau 30 phút, phái đoàn chính phủ Việt Nam đã kết thúc phần đọc báo cáo dài 20 trang của thứ trưởng Hà Kim Ngọc. Hiện nay, phái đoàn ngoại giao các nước bắt đầu là Na Uy đang bình luận và nêu khuyến nghị cải thiện nhân quyền sau báo cáo của chính phủ Việt Nam.

Đại diện Danlambao cho biết thêm: Đáng chú ý là trong lúc phiên điều trần diễn ra, một cuộc biểu tình của đông đảo người Việt Nam ở châu Âu cũng đang diễn ra ngay trước cổng tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc, với những lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Bên trong hội trường cũng có mặt rất nhiều người Việt. Trước đó, một số người xuất hiện dường như chỉ để chụp ảnh phái đoàn dân sự của Việt Nam.

Đại diện Thái Lan phát biểu tỏ ý hoan nghênh các nỗ lực cải thiện nhân quyền của Việt Nam. ''Chúng tôi ghi nhận việc thông qua hiến pháp mới theo hướng thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi đánh giá cao chương trình hành động vì trẻ em, tạo ra một môi trường tốt đẹp hơn cho trẻ em. Chúng tôi kiến nghị Việt Nam thiết lập một định chế bảo vệ nhân quyền quốc gia''.

Đại diện Ba Lan đề nghị Việt Nam điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với các cơ chế nhân quyền quốc tế, phê chuẩn Công ước chống Tra tấn, xây dựng luật pháp theo hướng thừa nhận quyền tự do ngôn luận, hội họp, và tiến hành điều tra các vụ lạm dụng trẻ em, bạo lực nhằm vào trẻ em.

Đại diện Sri Lanka: Chúng tôi kiến nghị Việt Nam tiếp tục xúc tiến các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi của người thiểu số, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đại diện Thụy Điển: Facebook đang thu hút hàng triệu người sử dụng ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng ghi nhận sự tăng cường đàn áp, sách nhiễu nhằm vào những người sử dụng Facebook. Chúng tôi nhận thấy cả việc công an tăng cường dùng vũ lực đối với những người chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của họ một cách ôn hòa; và lạm dụng các điều luật mơ hồ để trấn áp. Chúng tôi kiến nghị:

- Việt Nam đảm bảo quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời;

- Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự và bổ sung các điều luật liên quan theo hướng bảo vệ nhân quyền;

- Việt Nam tiến tới giảm án tử hình.

Đại diện Philippines: Chúng tôi đề nghị Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia các cơ chế nhân quyền của khu vực, nhất là cơ chế bảo vệ quyền phụ nữ và chống buôn người.

Đại diện Vương Quốc Anh: Chúng tôi lo ngại về sự hạn chế các quyền về tự do thông tin, tự do ngôn luận. Chúng tôi lo ngại về sự hạn chế các quyền về tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do hội họp, và lo ngại về số án tử hình.

Đại diện Mỹ: Chúng tôi cảm ơn bài diễn văn của đoàn Việt Nam, cũng như hoan nghênh việc Viêt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và có những bước đi trong việc cải thiện quyền của người đồng tính (LGBT). Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR. Chúng tôi kiến nghị:

1. Việt Nam xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ

2. Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức...

3. Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn.

Bình luận của đại diện Danlambao đang có mặt tại hội trường: Xu hướng chung là các nước, đặc biệt các nước đang phát triển trong khu vực hoặc châu Mỹ, thể hiện quan điểm một cách ngoại giao, chung chung, chẳng hạn đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện nhân quyền.

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây như Thụy Điển, Anh, Mỹ... có quan điểm thẳng thắn và kiến nghị cụ thể hơn.

***

Lúc 09h55: Phái đoàn đại diện chính phủ Việt Nam đang phát biểu để phản hồi khuyến nghị của các nước. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc mời thành viên các bộ ngành trả lời các nội dung các đoàn vừa nêu. Bắt đầu là một viên chức bộ tư pháp đang giải trình bằng tiếng Việt, sau đó đến bộ kế hoạch đầu tư, bộ thông tin truyền thông và bộ công an.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết: Việt Nam đã giảm một nửa số tội có hình phạt tử hình, từ 44 tội trong Bộ luật hình sự năm 1985, xuống còn 29 tội trong Bộ luật hình sự năm 1999, và trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 giảm xuống còn 22.

Hình phạt tử hình là cần thiết để trừng phạt các hành vi phạm tội ở Việt Nam, người dân Việt Nam tán thành với quan điểm đó.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự và giảm số tội có hình phạt tử hình, chỉ giữ lại những tội nghiêm trọng, có tính chất man rợ, và CÁC TỘI ĐE DỌA SỰ TỒN VONG CỦA NHÀ NƯỚC.

Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông khẳng định: 'Quyền tự do ngôn luận, thông tin ở Việt Nam trong thời gian qua có sự cải thiện nhờ sự phát triển nhanh của Internet. Hiến pháp nêu rõ công dân có quyền tự do ngôn luận, hội họp... Ở Việt Nam hiện nay không có kiểm duyệt báo chí xuất bản, Internet. Các cuộc tranh luận, chất vấn diễn ra thực chất tại Quốc hội và các diễn đàn chính thức khác. Vai trò của Quốc hội được nâng cao. Hơn 3 triệu blogger còn bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội. Tuy nhiên luật pháp VN quy định hạn chế tự do ngôn luận trong một số trường hợp, phù hợp với ICCPR. Cụ thể, luật pháp Việt Nam cấm các hành vi sau đây: Tuyên truyền kích động bạo lực, kích động hằn thù dân tộc tôn giáo, truyền bá mê tín dị đoan, kích động bạo lực chống nhà nước

Liên quan đến vấn đề Internet, chúng tôi khẳng định Nghị định 72 không hạn chế tự do ngôn luận mà nhằm bảo vệ môi trường Internet, đối phó với các rủi ro từ việc sử dụng Internet, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp, tăng cường bảo đảm thông tin trên mạng...

Sau đó, đến lượt Đại diện Bộ Công an tiếp lời: Về cơ sở pháp lý của việc bắt giữ xử lý các cá nhân xâm phạm an ninh quốc gia: Đó là các điều luật được quy định tại Chương XI của BLHS, quy định các hành vi như khủng bố, bạo loạn, phá hoại chính sách kinh tế-xã hội, gây kỳ thị và chia rẽ, xâm phạm lợi ích nhà nước và cá nhân. Việc này phù hợp với Điều 18, 19, 21, 21 ICCPR.

Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định: Việt Nam đảm bảo tất cả các quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, hội họp, quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Các điều khoản về an ninh quốc gia đưa ra những giới hạn cần thiết trên một số lĩnh vực, trong các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, tự do tôn giáo... nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đạo đức và trật tự xã hội. Điều này phù hợp với Điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền. Còn về tình trạng giam giữ người phạm tội: Năm 2011 Việt Nam đã ban hành nghị định bổ sung về chế độ ăn mặc, ở, y tế, dạy nghề cho các phạm nhân. Luật Thi hành án hình sự quy định phạm nhân được phép gặp người thân...

Anh Bùi Tuấn Lâm (facebook Peter Lâm Bùi) đại diện cho phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam đến tham dự hội nghị. Trong ảnh, phía sau lưng của Lâm là phái đoàn đại diện chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, trong đó có đại diện bộ công an.

***

Đại diện Danlambao có mặt tại hội trường cho biết: Nhìn chung, đại diện phái đoàn Việt Nam phát biểu với nội dung tương tự như các cuộc họp chi bộ của đảng, chỉ khác là địa điểm diễn ra hội nghị là tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nhiều người Việt có mặt tại hội trường, nghe cách hỏi một đằng trả lời một nẻo của các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, và những câu trả lời ''lưỡi gỗ'' của Bộ 4T, Bộ Công an, đều phải chép miệng, lắc đầu ngắn ngẩm.

Khi Bộ 4T khẳng định ở Việt Nam không có kiểm duyệt báo chí-xuất bản, nhà báo Đoan Trang buột miệng: "Thế à?''

***

Tiếp tục phần bình luận và khuyến nghị của các nước, đại diện Canada phát biểu: Chính phủ Việt Nam đã từng chấp thuận khuyến nghị về Luật Tiếp cận Thông tin trong lần UPR 2009, vậy xin hỏi chính phủ Việt Nam bao giờ sẽ thông qua và ban hành Luật này?

Đề nghị chính phủ VN thay đổi các điều luật 79, 88 và 258 và các điều khoản khác trong Bộ luật Hình sự để phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Việt Nam về mặt kỹ thuật để thực hiện những điều này.

Trong khi đó, đại diện phái đoàn Trung Quốc cộng sản thì ngỏ lời chúc mừng các kết quả mà VN 'đạt được trong lĩnh vực nhân quyền'. Trung Quốc ủng hộ sự lựa chọn độc lập của Việt Nam trong các vấn đề nhân quyền.

Phái đoàn Cuba cộng sản 'khủng bố' hội nghị bằng phát biểu: Mong Việt Nam tiếp tục đảm bảo quyền con người để thực sự là một nhà nước của dân do dân và vì dân. Chúng tôi vẫn nhớ những lời của vị lãnh tụ vĩ đại Việt Nam, và những tình cảm gắn bó của chủ tịch Fidel Castro với nhân dân Việt Nam.

Đại diện Phần Lan: Xin chúc mừng Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và các nỗ lực cải thiện nhân quyền… Nhưng chúng tôi sẽ cảm ơn nếu các bạn nói rõ hơn tự do ngôn luận trên mạng được bảo đảm như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị Việt Nam đảm bảo Nghị định 72 được thực hiện sao cho không hạn chế tự do cá nhân được bày tỏ chính kiến trên Internet.

Đại diện Cộng hòa Séc: Kiến nghị Việt Nam gỡ bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng hy vọng chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách hướng tới nền dân chủ đa đảng.

***

Bạn đọc Dâu Bể Tang Thương bình luận trên phần phản hồi Danlambao: "Tôi chỉ bắt đầu nghe từ khi đại diện Algeria và Angola phát biểu và tắt ngay không nghe nữa. Nản toàn tập vì rõ ràng chẳng ai quan tâm đến tình hình thật sự của Việt Nam cả. Chỉ là những phát biểu chiếu lệ, hời hợt mang tính ngoại giao. Không thể nào mong chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới được.

Quang cảnh hôm nay chẳng khác gì lúc thế giới bị phân hóa trước thềm đệ nhị thế chiến. Xem bộ thế giới sau hơn 60 năm ngủ mơ đã quên đi bài học đắt giá, nhân nhượng với những quốc gia độc tài, hiếu chiến chỉ khuyến khích họ lấn tới mà thôi. Thôi thì toàn dân ta hãy cùng ôn lại Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vậy: Tự ta, ta phải cứu mình, vội vã hơn cứu người chết đuối..."

Sau phần khuyến nghị, phái đoàn Việt Nam lại tiếp tục báo cáo, khoe khoang thành tích nhằm lừa đảo cộng đồng quốc tế.

Đại diện Ủy ban Dân tộc báo cáo thành tích: 100% xã đạt giáo dục tiểu học, 34 tỉnh tổ chức lớp chữ tiếng dân tộc, hơn 99% xã có trạm y tế...

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ: Nhà nước luôn thực hiện chính sách nhất quán là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Hiến pháp quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không còn là với 'công dân' như trước đây, là là với 'mọi người'.

Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo in ấn kinh sách...

Nhìn chung, tất cả phần trả lời của đại diện phái đoàn chính phủ Việt đều được soạn sẵn theo định hướng của đảng cộng sản. Các đại biểu trong đoàn chỉ cần thao thao bất tuyệt đọc những bản báo cáo láo dài lê thê.

Các quan chức đều cắm cúi trích dẫn hiến pháp và luật pháp Việt Nam để phản bác các ý kiến, ví dụ khẳng định "Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, xét xử, quyền bình đẳng của mọi công dân trước tòa án". Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao hùng hồn tuyên bố: 'Khi xét xử, tòa án và thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật'.

'Theo điều 19 BLTTHS, luật sư có quyền bình đẳng với kiểm soát viên trong việc đưa ra chứng cứ, tranh luận... (nuốt nước bọt). Việc tham gia của luật sư giúp cho HĐXX có những bản án công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật'.

Nhìn chung, các thành viên phái đoàn Việt Nam đọc không sai một chữ so với diễn văn viết sẵn, chỉ thỉnh thoảng hơi ngắc ngứ.

Có mặt tại hội trường, giám đốc tổ chức VOICE là luật sư Trịnh Hội bình luận: "Thiệt là lạ. Đại diện các bộ từ Việt Nam chắc toàn là superman và superwoman. Họ đã biết trước các nước sẽ hỏi gì vì ngay sau khi có câu hỏi là họ đã soạn sẵn ngay vài trang giấy chỉ trong vòng vài phút để trả lời. Tiếc là câu trả lời tràng giang đại hải chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi!"

Tiếp tục phần bình luận và khuyến nghị của quốc tế, đại diện phái đoàn Đức phát biểu: Hoan nghênh VN ký Công ước Chống tra tấn và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền.

Đức khuyến nghị chính phủ Việt Nam giảm án tử hình. Trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân bị giam giữ tùy tiện. Thực hiện nghiêm túc các quyền được quy định trong các công ước mà VN đã ký kết, đặc biệt quyền tự do biểu đạt trên Internet.

(Nguồn: Danlambao.com, Ảnh: Bùi Tuấn Lâm)
 
Thông Báo
Phân ưu: Linh mục Bernard Nguyễn Tiến Huấn qua đời tại Ohio
Đức ông Trịnh Minh Trí
09:07 05/02/2014
PHÂN ƯU:
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
vừa nhận được tin:
Linh mục Bernard Nguyễn Tiến Huấn
Cựu Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Giáo Phận Cincinnati, Ohio
được Chúa gọi về ngày 31 tháng 1 năm 2014 tại Bệnh Viện Chirst Hospital ở Cincinnati, Ohio
Hưởng thọ 77 tuổi.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ VÀ THĂM VIẾNG:
Linh cửu được quàn tại Nhà Thờ Đức Mẹ La Vang
314 Township Avenue, Cincinnati, Ohio 45216

Thứ Tư ngày 5 tháng 2 năm 2014
Nghi Thức Phát Tang: 6:00 giờ tối
Thánh Lễ: 7:00 giờ tối
Thứ Năm ngày 6 tháng 2 năm 2014
Thánh Lễ: 7:00 giờ tối
Thăm viếng: 8:00 giờ tối – 9:00 giờ tối
Thứ Sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2014
Thăm viếng của Tổng Giáo Phận Cincinnati: 5:00 giờ chiều – 9:00 giờ tối

Thứ Bảy, ngày 8 -2-2014
Thánh Lễ An Táng: 10:00 giờ sáng,
Chủ tế: Đức Cha Dennis Schnurr, Giám Mục Giáo Phận Cincinnati
Sau Thánh Lễ, di quan va an táng tại Nghĩa Trang Gate of Heaven Cemetery
11000 Montgomery Road, Cincinnati, Ohio 45249

Tiểu sử Cha Bernard Nguyễn Tiến Huân
-Sinh ngày 11-12-1937 tại Thanh Hoá.
-Năm 1949 nhập Tiểu Chủng Viện Ba Làng, Thanh Hóa.
-Năm 1955 di cư vào Nam, tiếp tục học tại TCV Bùi Chu PIÔ XII. Học Triết học I tại Xuân Bích,
-Triết II tại Gia Định. Học Thần học tại ĐCV Thánh Giuse, Cường Để, Sàigòn.
-Ngày 29-4-1966 thụ phong Linh mục.
-Năm 1969 đậu Cử Nhân Triết Đông và Tây tại Đại Học Đà Lạt.
-Năm 1973 làm Giám Đốc Trường Trung Học Trí Đức, Nhà Thờ Chính Toà Đà Lạt.
-Năm 1974 thiết lập Giáo Xứ, Trung Tâm Giáo Dục và Ký Nhi Viện Đa Thiện, Đà Lạt.
-Năm 1975 di cư sang Hoa Kỳ. Từ đó tới năm 2007, phục vụ đồng bào Công Giáo Dayton và Cincinnati, Ohio.
-Ngày 29-4-1991 mừng kỷ niệm Ngân Khánh Linh Mục.
-Năm 1978-1987 Tuyên Úy Nhà Thương Good Samaritan, Dayton, Ohio.
-Năm 1978-1998 Tuyên Úy Hai Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, Dayton và Cincinnati, Ohio.
-Năm 1998-2007 Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ La-Vang, Cincinnati, Ohio.
-Năm 2007-2014 Hưu dưỡng tại Nhà Xứ Đức Mẹ La-Vang, Cincinnati, Ohio.
-Ngày 31-01-2014 Tạ thế về Nhà Cha lúc 12giờ 07 phút trưa.
-Ngày 08-02-2014 Yên nghỉ tại Nghĩa trang Gate of Heaven, Cincinnati, Ohio.

Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, xin hiệp ý cầu nguyện với Bà Cố Nguyễn Sen và Đại Gia Đình Tang Quyến,
Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, quý Cha Giáo Phận Thanh Hóa
Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Cố Bernard Nguyễn Tiến Huân vào chốn bình an và hạnh phúc muôn đời.

Xin quý Cha dâng Lễ, và mọi thành phần dân Chúa
trong Liên Đoàn cầu nguyện cho linh hồn Cha Cố Bernard.

Thành kính,
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Cáo Phó: LM Đaminh Vũ Ngọc An qua đời tại Maryland
Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam Maryland
19:16 05/02/2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Vàng
Đặng Đức Cương
22:16 05/02/2014
TRANG VÀNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
(Trích thơ của Hàn Mặc Tử)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 30/01 - 05/02/2014
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:31 05/02/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha phê bình những Kitô hữu cảm thấy hổ thẹn khi ngợi khen Chúa

Người ta có thể hào hứng reo hò khi đội bóng phe nhà làm bàn nhưng lại lấy làm hổ thẹn khi ngợi khen Chúa. Đôi khi có cả những tín hữu Kitô tỏ ra khinh thường những người bột phát nồng nhiệt ngợi khen Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nêu ra những nhận xét trên trong thánh lễ sáng 28 tháng Giêng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta khi ngài trình bày những suy tư trên bài Trích Sách Samuel quyển thứ Nhất trong đó mô tả sự hân hoan của Vua Đa-vít sau khi chiếm lại được hòm bia Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói:

“Có người nói: nhưng thưa cha chuyện ngợi khen Chúa bột phát như thế là dành cho những nhóm Canh Tân trong Thánh Linh, không phải dành cho mọi Kitô hữu. Không phải như thế: lời chúc tụng Chúa là một kinh nguyện Kitô giáo, dành cho tất cả chúng ta trong Thánh lễ, mỗi ngày, khi chúng ta hát Thánh, Thánh, Thánh ... Đây là một lời vinh tụng ca trong đó chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì sự vĩ đại của Ngài, vì Ngài là cao cả. Chúng ta ca tụng Ngài, bởi vì chúng ta hạnh phúc trước sự tuyệt vời của Ngài”.

"Có người lại nói: nhưng thưa cha để chúc tụng Chúa con không thể làm thế được...con phải ...Lạ lùng thật, anh chị em có thể hét lên khi đội banh của mình ghi bàn nhưng lại không thể hát khen ca ngợi Chúa à? Không thể thoát ra khỏi những khuôn sáo để hân hoan ca khen Ngài sao? Ca ngợi Thiên Chúa phải là một điều hoàn toàn nhưng không. Chúng ta ngợi khen Chúa không phải chỉ để xin Ngài điều gì hay để bày tỏ lòng biết ơn về những điều Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ muốn chúc tụng Ngài”.

"Đây là một câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho mình ngày hôm nay: Tôi ngợi khen Chúa như thế nào trong lời cầu nguyện của mình? Tôi có biết làm thế nào để ngợi khen Chúa không? Tôi có biết ngợi khen Chúa khi tôi đọc kinh Vinh Danh hay kinh Thánh, Thánh, Thánh không? Tôi có toàn tâm toàn trí khi đọc những kinh ấy, hay chỉ đơn thuần là những lời trên môi miệng? Câu chuyện vua Đa-vít nhảy múa, và bà Sarah nhảy mừng nói với tôi những điều gì? Khi Đa-vít vào thành một điều khác đã xảy đến: đó là một lễ hội"

"Tôi tự hỏi biết bao lần, trong lòng mình, chúng ta đã coi thường những người tốt, là những người người ngợi khen Chúa một cách tự nhiên. Có phải họ tán tụng Chúa không theo một thứ văn hóa hay một khuôn sáo nào hết mà chúng ta có thể khinh thường họ? Kinh Thánh nói rằng, chính vì điều này, mà bà Michal phải lâm vào cảnh hiếm muộn suốt đời mình. Lời Chúa muốn nói lên điều này: đó là niềm vui, trong lời tán tụng Chúa, làm cho chúng ta tốt đẹp. Sarah đã nhảy mừng vì ở tuổi chín mươi mà vẫn có thể sinh con. Những người nam nữ ca ngợi Chúa, chúc tụng Ngài, những người đọc kinh Vinh Danh với đầy niềm vui và những người hân hoan trong lòng khi hát kinh Thánh, Thánh, Thánh là những người Chúa cho sinh nhiều hoa trái."

2. Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phủ nhận Giáo Hội.

Trong bài giảng thánh lễ sáng 30 tháng Giêng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã diễn giải bài đọc thứ Nhất nói về vua Đa-vít, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa. Từ đó, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa việc thuộc về Giáo Hội, và sự đồng cảm của chúng ta với Giáo Hội và trong Giáo Hội.

Kitô hữu không phải là người đã chịu phép rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Thành quả đầu tiên của bí tích rửa tội là làm cho chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa. Không thể hiểu được một Kitô hữu mà không thuộc về Giáo Hội. Vì thế, vị Đại Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã nói rằng có một sự tách biệt vô lý khi một người nói mình yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội; nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được. Chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng trong Giáo Hội và chúng ta thực thi sự thánh thiện trong Giáo Hội, con đường của chúng ta ở trong Giáo Hội, chẳng vậy thì đó chỉ là một sự tưởng tượng, một sự phân cách vô nghĩa lý.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội và đồng cảm với Giáo Hội, đó là: khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội.

Ngài giải thích rằng:

“Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Đó là điều chúng ta thấy nơi vua Đa-vít. Người nói: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai, nhà con có là gì đâu?’ Với ý thức rằng lịch sử cứu độ không bắt đầu với tôi và sẽ không chấm dứt khi tôi chết đi. Cũng vậy, lịch sử Giáo Hội bắt đầu trước chúng ta, và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại dân tộc, đang tiến bước trên con đường của Chúa”.

Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục. “Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Hội Thánh và bảo tồn giáo lý ấy. Đức Phaolô Đệ Lục nhắc nhở rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một hồng ân và chúng ta phải thông truyền sứ điệp ấy như một hồng ân, một món quà, chứ không phải như một cái gì của chúng ta. Trung thành trong sự thông truyền đạo lý của Hội Thánh. Tin Mừng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành chủ nhân ông của Tin Mừng, chủ nhân của đạo lý đã nhận lãnh để sử dụng theo ý riêng của chúng ta”.

Sau cùng, cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Hội Thánh ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một sứ vụ đặc biệt”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội”

3. Thật là nguy hiểm khi chúng ta đánh mất ý thức về tội lỗi

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 31 tháng Giêng, tức là ngày Mùng Một Tết Giáp Ngọ, tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, Đức Thánh Cha đã cảnh cáo các tín hữu về nguy cơ đánh mất ý thức về tội lỗi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay quá thường khi những tội lỗi nghiêm trọng như tội ngoại tình được xem chỉ đơn giản như là một "vấn đề cần được giải quyết."

Đó là những gì xảy ra trong bài đọc hôm nay trong đó Vua Đa-vít si mê Bathsheba, vợ của U-ri, là một trong những tướng lĩnh của nhà vua. Đi sâu vào câu chuyện này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Vua Đa-vít đã chiếm đoạt người phụ nữ này và sai chồng cô ra tiền tuyến nơi đó vị tướng này đã bị giết chết.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng :

“Vua Đa-vít vừa phạm tội ngoại tình lại phạm thêm tội giết người. Tuy nhiên, đứng trước hai tội lỗi nghiêm trọng này, nhà vua chẳng chút áy náy.

Đa-vít không cảm thấy băn khoăn và không cầu xin sự tha thứ. Ông chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề một cách êm xuôi.

Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta. Một trong những dấu hiệu cho thấy ý thức về Nước Thiên Chúa đang bị suy giảm trong lòng ta là chúng ta mất đi cảm thức tội lỗi.

Khi người ta mất ý thức về Nước Trời, lúc đó nổi lên một "tầm nhìn nhân học toàn năng", tức là một nhân sinh quan sai lạc dẫn chúng ta đến chỗ tin tưởng mù quáng rằng chúng ta "có thể làm bất cứ điều gì".

Đức Giáo Hoàng cảnh báo bất cứ ai, ngay cả chính ngài, cũng có thể rơi vào tình trạng mất đi cảm thức tội lỗi. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện hàng ngày có thể chống lại những bất công gây ra từ sự kiêu ngạo của con người và gìn giữ chúng ta khỏi trở thành nạn nhân của "sự tầm thường hóa Kitô giáo" và những "tội lỗi không được nhìn nhận"

4. Hãy học biết cách tín thác vào Chúa lúc thịnh vượng cũng như khi gian truân

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 03 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục những suy tư của ngài về vua Đa-vít, người trong bài đọc hôm nay đã phải chạy trốn, vì hoàng tử Absalom là con ruột nhà vua đã phản bội. Đa-vít đau đớn trong lòng bởi vì ngay cả những thường dân cũng chống lại ông.

Trước tình cảnh này, Đa-vít, trong tư cách là một nhà cai trị, hiểu rõ rằng bất kỳ cuộc chiến nào để dập tắt cuộc nổi dậy sẽ rất khó khăn, và nhiều người sẽ phải chết. Vì vậy, thay vì chiến đấu chống lại con mình, Đa-vít quyết định lánh nạn để đảm bảo an toàn cho người dân và các thành phố.

Đức Thánh Cha nhận xét:

"Đa-vít là một người yêu mến Thiên Chúa và dân của ông. Một người biết mình là kẻ có tội, biết hối cải và ăn năn. Ông là một người biết tín thác nơi Thiên Chúa."

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy học biết cách tín thác vào Chúa lúc thịnh vượng cũng như khi gian truân.

5. Cũng giống như bất kỳ người cha nào, Thiên Chúa khóc thương con cái của Ngài

Trong Thánh lễ sáng thứ Ba 4 tháng Hai tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Thiên Chúa là một người cha khóc thương con cái Ngài và không bao giờ từ bỏ họ, thậm chí với những đứa con nổi loạn nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra ví dụ của vua Đa-vít, người đã khóc thương hoàng tử Absalom khi vị hoàng tử thứ Ba này qua đời. Ngài cũng đề cập đến chuyện ông Giai-rô, người đứng đầu một hội đường Do Thái đã khóc với Chúa Giêsu sau khi mất con gái mình.

Đức Thánh Cha nói:

"Với hai hình ảnh này chúng ta hãy nói: ‘Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng’ và hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Ngài, chính Chúa Thánh Thần, là Đấng dạy chúng ta nói ‘Abba , Lạy Cha!’ Đó thật là một ân sủng tuyệt vời để thân thưa cùng Chúa Cha với lòng chân thành từ con tim của chúng ta. Hãy cầu xin Ngài ân sủng này."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm đó rằng Chúa chờ đợi con cái của Ngài giống như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng chờ đợi con mình, bất kể những hành vi hoang đàng của nó.

Ngài kết luận rằng, các linh mục và giám mục nên có một tấm lòng phụ tử như thế.