Ngày 01-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Số Phận Ngôn Sứ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:57 01/02/2019
Số Phận Ngôn Sứ

(Chúa Nhật IV TNC)

Đã là Kitô hữu thì thảy đều được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Lướt cái nhìn qua ba sứ vụ ấy thì sứ vụ tư tế xem ra được kính nể hơn cả. Sứ vụ vương giả tuy có nhiều vất vả nhưng lại được trọng kính một cách nào đó. Còn sứ vụ ngôn sứ thì có lẽ hẩm hiu nhất.

Làm ngôn sứ là nhân danh Chúa và thay mặt Chúa mà trình bày ý, lời của Chúa cho đồng loại. Lời Chúa là lời tình yêu, nhưng cũng là lời chân lý. Chính vì thế mà Lời Chúa được ví như thanh gươm hai lưỡi phân rẽ tâm hồn con người. Ngay lời của con người, nếu là lời của sự thật, thì cũng đã dễ mất lòng. Phận người chúng ta xem ra công ít mà tội nhiều. Mặt tốt cũng có, việc lành cũng có, nhưng chẳng đáng là bao so với mặt tồn tại và những lỗi lầm. Và thế là người ta thật khó chấp nhận khi sự thật về con người mình bị phơi bày.

Ngôn sứ là người thường nói những lời khó nghe. Vâng lệnh Thiên Chúa để nói lời tình yêu mà cũng là lời sự thật, quả là một sứ vụ đầy cam go. Hình như các ngôn sứ khi được Chúa kêu mời thi hành sứ vụ, thì thường run rẩy hoặc tìm cách thoái thác. Quả thật chuyện “chưa được mạ thì má đã sưng” là chuyện xưa nay không hiếm. Nói lời sự thật cho nhau, nhất là cho những người đang nắm quyền cao, chức trọng, thì biết bao nguy hiểm rình chờ ập xuống đầu, xuống cổ, không biết khi nào. Thế mà Chúa vẫn cứ bảo với ngôn sứ: “Người hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ, nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1,17).

Đã là ngôn sứ thì phải nói lời sự thật. Đây không chỉ là sứ mạng mà còn là cái giá của hạnh phúc người sứ ngôn. Nếu không nói thì chính sứ ngôn sẽ nhận lấy tại họa từ chính Thiên Chúa: “chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ”. Nếu người ngôn sứ mà không nói cho kẻ gian ác biết điều gian ác nó đã phạm, khiến nó phải chết trong sự gian ác của nó, thì chính Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu nó nơi người sứ ngôn (x.Ed 3,18).

Vấn đề thật lắm oái ăm và thật nhiêu khê, khi nói lời sự thật mà đó là những sự không hay, không tốt có đụng chạm đến những người chức cao quyền lớn thì rất dễ bị quy chụp là phản động, là gây chia rẽ, là vạch áo cho người xem lưng, là… Và số phận các sứ ngôn từ trước đến nay dường như chẳng khác nhau bao nhiêu, chẳng hạn như Êlia, Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả…thảy đều có kết cục chẳng sáng sủa chút nào.

Tuy nhiên làm sao để phân định rằng khi nào thì một ngôn sứ nói lời chân lý do Chúa phán truyền? Bởi chưng, cũng vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, chỉ nói những điều mình muốn nói, cho dù nhiều lúc đó là sự thật, nhưng không phải do Chúa ra lệnh nói. Chúng ta đừng quên, thần dữ cũng đã từng xui khiến nhiều người nó ám, mở miệng tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia và Chúa Kitô đã ngăn cấm chúng (x.Mc 1,21-28; Lc 4,31-37).

Dĩ nhiên, đã là ngôn sứ chính hiệu thì phải nói những gì Chúa phán dạy. Những gì Chúa phán dạy luôn hướng đến điều tốt đẹp. “Đã nhổ thì phải biết trồng”; “Đã đập phá thì phải biết dựng, biết xây” (x.Gr 1,10; 18,7-10). Ngôn sứ chính hiệu thì sau khi phê phán những điều tiêu cực, những mặt hạn chế, những lỗi lầm của con người, của xã hội, thì luôn đề ra giải pháp khắc phục và biện pháp sửa sai.

Như thế, mục đích của sứ ngôn khi nói lời sự thật thì luôn nhằm điều thiện hảo cho người nghe. Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng để mọi hành vi của chúng ta có giá trị thì phải xuất phát từ một tấm lòng đầy đức mến. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri (làm ngôn sứ), và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2). Tình mến ở đây phải là tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu thương đích thực được biểu hiện qua việc chúng ta làm tất cả chỉ vì hạnh phúc người mình yêu mến, trong sự liên đới đến cùng. Thánh tông đồ dân ngoại đã từng thốt lên:“Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên” (2Cr 11,29).

Một ngôn sứ của Chúa thì phải nói lời Chúa dạy. Lời Chúa dạy luôn là lời tình yêu, lời sự thật. Khi đã nói lời sự thật, dù rằng khởi đầu bằng những hiện thực chẳng hay chẳng tốt về tha nhân hay xã hội nhưng được kết thúc bằng những phương thế giúp nhau hoán cải, đổi thay, thăng tiến. Ngôn sứ của Chúa thì luôn chân thành mong ước điều tốt đẹp cho cả người mình phê phán hay góp ý. Và dĩ nhiên một trong những hệ quả dù không mong cũng thường xảy đến đó là thập giá.

Giêrêmia đã phải hứng chịu nhiều nỗi truân chuyên khi làm kiếp “tứ phía kinh hoàng” (x.Gr 20,4). Đó là thân phận con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Và ngay cả những người đồng hương của ngài, dân Anathốt, cũng đã đe dọa làm hại tính mạng ngài (x.Gr 11,19-21). Số phận của Vị Đại ngôn sứ là Giêsu Kitô cũng không hơn gì. Khi thẳng thắn nói cho người đồng hương biết về tính phổ quát của ơn cứu độ, tức là tình yêu của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, một xứ sở nào, thì Chúa Giêsu đã phải đón nhận sự phẫn nộ, đúng hơn là sự cuồng nộ của dân Nagiarét. Sự ích kỷ đã làm cho tâm hồn người dân Nagiarét lúc bấy giờ ra mù quáng. Ăn không được thì đập bỏ, chứ không cho kẻ khác hưởng nhờ chăng? Dù sao đi nữa thì thái độ cuồng nộ đến nỗi bắt Chúa Giêsu đem lên núi để xô Người xuống vực cho chết là một thái độ không thể hình dung, nhưng lại là sự thật.

Một vài nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu có hai lần về Nagiarét. Một lần thì Người được tung hô, đón nhận, và lần khác thì bị tẩy chay, ngược đãi. Thế nhưng, việc thánh sử Luca kể liền một mạch hai thái độ trái ngược của người đồng hương Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ cho ta thấy rõ lòng người rất dễ đổi trắng thay đen, khi sự ích kỷ, nhỏ nhen ngự trị. Sau này dân thành Giêrusalem cũng thế. Trước thì hoan hô, chúc tụng Con vua Đavit, thế mà sau đó mấy ngày lại giơ cao nắm đấm, la gào: “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”(x.Mt 21,9; 27,23).

Làm tất cả vì hạnh phúc người mình yêu, nói lời sự thật cho mình yêu và rồi sẵn sàng đón nhận sự ngược đãi, bách hại trong sự khoan dung, tha thứ, chính là chân dung ngôn sứ thật. Tuyên phán những sự may lành thì không khó, nhưng khi phải nói những điều chẳng hay, để giúp nhau thay đổi thì quả là chẳng dễ chút nào, nhất là khi sự chẳng hay ấy lại liên hệ đến những người có thể làm hại chúng ta cách này cách khác. Tuy nhiên đã là Kitô hữu thì tất thảy chúng ta đều phải làm sứ ngôn cho Thiên Chúa. Đây là một sứ mạng không thể khước từ hoặc cố tình xao nhãng hoặc tìm cách biện bạch để bỏ qua. Ước gì không một ai trong chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo hội, phải hứng chịu lời tuyên án của Thiên Chúa khi Người đòi nợ máu của người gian ác trên mình, vì đã không chu toàn sứ mạng ngôn sứ: nói lời tình yêu và nói lời sự thật.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cử hành Thánh Lễ Đại Trào đầu tiên tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một hồng ân đối với Cộng Đồng Công Giáo
Vũ Văn An
16:16 01/02/2019
Ngày 21 tháng 1, 2019, vị Đại Diện Tông Tòa vùng Nam Ả Rập, Đức Cha Paul Hinder, đã dành cho hãng tin Zenit một cuộc phỏng vấn về chuyến đi sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, vốn là một phần trong vùng do Đức Cha phụ trách.

Theo Đức Cha, “bất luận đó là các Kitô hữu sống giữa người Hồi Giáo hay người Hồi Giáo sống giữa các Kitô hữu, chúng ta đều phải học để sống hoà hợp với nhau”.



Và mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Đức Phanxicô tới thăm một quốc gia Hồi Giáo (ngài từng viếng thăm các nước đại đa số theo Hồi Giáo khác như Thổ nhĩ kỳ, Bosnia, Azerbaijan, Ai Cập và Bangladesh), nhưng Đức cha Hilder, thuộc dòng Phanxicô, sinh ở Thụy sĩ, đại diện tông tòa miền Nam bán đảo Ả Rập (các nước Yemen, Oman, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), cho hay việc công bố chuyến đi này vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Vì người Công Giáo ở vùng đất này đều là người ngoại quốc, phát xuất từ hơn 100 quốc gia, chủ yếu là Phi luật tân, Ấn độ. Thành thử, Đức Giáo Hoàng tới đây chắc chắn là khuyến khích các Kitô hữu sống đức tin của mình giữa những người Hồi Giáo qua đối thoại “Tất cả chúng ta biết rằng qua đối thoại, nhiều điều có thể đạt được, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một đại sứ đích thực của hòa bình”.

Hỏi về cơ hội diễn ra chuyến viếng thăm này, Đức Cha Hilder cho biết: Đức Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm theo lời mời của hoàng thân Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, đông cung thái tử của Abu Dhabi, để tham dự Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn về “tình huynh đệ nhân bản”.

Nói về bầu khí trong vùng, Đức Cha Hilder cho hay: khi ngài mới tới đây cách nay 15 năm, bầu khí tại Abu Dhabi là bầu khí “bất khả hữu” nhưng nay đã có nhiều thay đổi trong cung cách các Nước Vùng Vịnh cổ vũ và tự phóng chiếu mình như các quốc gia có trách nhiệm khắp thế giới. Họ đã khởi xướng và lãnh đạo nhiều chiến dịch nhân đạo, mà theo ngài, tạo ra một xã hội khoan dung là một diễn biến tự nhiên trong viễn kiến này...

Nhờ thế, Đức Phanxicô sẽ là thượng khách của nhà nước và trong tư cách này, chính phủ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ làm mọi cố gắng để sắp xếp và cung cấp mọi điều cần thiết cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Việc dự kiến cử hành thánh lễ công cộng đầu tiên quả là một hồng phúc đối với cộng đồng Công Giáo ở đây. Ngoài ra, không hề có phản ứng tiêu cực nào quanh chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

Về tính “di dân” của Đạo Công Giáo tại đây, Đức Cha Hilder nói rằng, “quả thực, chúng tôi là một ‘Giáo Hội di cư’ và tôi là ‘giam mục di dân’. Một trong các thư mục vụ năm 2015 của tôi tựa là ‘Nếu có thể, về phần anh chị em, hãy sống hoà bình với mọi người’ lấy từ thư Rôma 12:18. Tôi bắt đầu lá thư bằng những lời sau đây: ‘Những ngày này, chúng ta hầu như ngày nào cũng đọc về những người bị kỳ thị, tra tấn, và thậm chí bị giết: một số vì họ thuộc một bộ lạc hay một sắc tộc đặc thù; một số vì họ có 1 tôn giáo khác”.

“Nên, điều tôi muốn nói là dù chúng ta có thể khác về dáng vẻ, sắc tộc, văn hóa, và áo quần, tất cả chúng ta đều như nhau và muốn cùng những điều như nhau; đức tin, đức cậy và đức mến. Các điều chúng ta tin nối kết chúng ta chặt chẽ đến nỗi dù phát xuất từ nhiều bối cảnh khác nhau, chúng ta vẫn sống với nhau một cách hòa bình và hoà hợp. Các giáo xứ của chúng ta, tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng như tại các quốc gia của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, phát triển rực rỡ trên các dị biệt này và rất sôi động và sống động. Mọi nền văn hóa được cử hành với các phong tục và lòng sùng kính của họ; thí dụ, có loạt cửu nhật cử hành Thánh Lễ trong các cộng đồng Phi luật tân dẫn đến lễ Giáng Sinh tại mọi giáo xứ ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Chúng được sự tham dự của hàng ngàn tín hữu hoặc trước khi đi làm vào buổi sáng hay muộn về chiều tối. Tương tự như thế, cộng đồng Công Giáo nói tiếng Ả rập thuộc các giáo hội và nghi lễ khác nhau, với các thành viên đến từ Lebanon, Syria, Jordan, Ai cập, Iraq và Palestine và quá nữa là một chứng từ cho thấy đức tin đem mọi người chúng tôi đến với nhau”.

Đức Cha cũng cho biết, dù ý niệm ‘tự do tôn giáo’ và ‘tự do thờ phượng’ được hiểu khác nhau giữa người Kitô giáo và người Hồi Giáo, tín hữu Công Giáo tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã có thể “thờ phượng và cầu nguyện trong các khu vực được chỉ định trong 6 thập niên qua. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một xã hội rất khoan dung. Ngôi nhà thờ đầu tiên ở Abu Dhabi đã được khánh thành năm 1963 bởi chính ông hoàng quá cố Sheikh Shakbout, lúc ấy là nhà cai trị của Abu Dhabi”.

Bên cạnh Công Giáo, các anh em đại kết cũng có các nhà thờ khắp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chưa kể các tôn giáo khác như Ấn giáo và Đạo Sikh.

Theo Đức Cha Hilder, dù có những dị biệt về tự do tôn giáo, nhưng nguyên sự kiện người Công Giáo được phép thực hành tôn giáo của mình mà không bị một ác ý nào cũng là điều đáng ca ngợi. Ngài nói: “Là cư dân của đất nước, chúng tôi phải tuân theo luật pháp và tư pháp của họ, một điều cũng đúng đối với bất cứ quốc gia nào khác”.

Nhân dịp này, Đức Cha Hilder ca ngợi các cố gắng đối thoại của Đức Phanxicô. Theo Ngài đây không phải là cuộc đối thoại Hồi Giáo Kitô giáo đầu tiên của Đức Phanxicô. Năm 2017, khi tham dự một hội nghị tôn giáo ở Cairo, Ai cập, ngài đã tuyên bố rõ ràng: “Chúng ta một lần nữa hãy nói tiếng ‘không’ cương quyết và rõ ràng đối với mọi hình thức bạo động, trả thù, và kỳ thị thực hiện dưới danh tôn giáo và nhân danh Thiên Chúa”.

“Thành thử, từ câu nói trên, ta biết rằng qua đối thoại, nhiều điều có thể đạt tới và Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một đại sứ đích thực của hòa bình, ngài đã can đảm vượt qua các biên giới, phát huy những cuộc gặp gỡ đích thân với các nhà lãnh đạo tôn giáo, nguyên thủ quốc gia và các tổ chức nhân đạo trong thế giới Ảrập. Ngài đã thăm một số nuớc Hồi Giáo chính... Ngài tiếp tục sứ mệnh này để mở màn cuộc đối thoại và giải quyết các căng thẳng ở một số nước giữa người Hồi giáo và Kitô giáo”.

Đức cha cho rằng trong các cuộc gặp gỡ như thế, các quan điểm tôn giáo được chia sẻ, không nhằm đặt ra một mục tiêu nhưng đạt được sự đồng thuận có thể định hình cho các hành động sẽ đem lại thay đổi trong “tư duy” và “cách nhìn” nơi người bình thường. “Tất cả chúng ta đều muốn có hòa bình, đó là tiêu chuẩn nhân đạo căn bản đầu tiên, và chúng ta sống trong hòa bình với người lân cận bất kể tôn giáo, tín ngưỡng hay sắc tộc của họ. Bất kẻ là người Kitô hữu sống giữa người Hồi giáo hay người Hồi giáo sống giữa các Kitô hữu, chúng ta đều phải học để sống hòa hợp với nhau".

Đối với thiên kiến cho rằng Hồi giáo bất tương hợp với nhân quyền, tự do của con người, dân chủ, Đức Cha Hilder cho rằng đã sống ở 1 nước Hồi Giáo hơn 1 thập niên nay, ngài thấy không đúng như thế. Lẽ dĩ nhiên có một số quan niệm sai lầm và ý thức hệ liên quan với Hồi giáo và vì thế, cuộc đối thoại liên tôn là điều cần thiết. Một số tập tục văn hóa bị hiểu lầm là thực hành Hồi giáo và đây là điều nhiều hội nghị và các cuộc hội thảo nhằm sửa chữa.

Đức cha Hilder cũng hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ giúp cải thiện số phận của các cộng đồng thiểu số Kitô giáo. Ngài thừa nhận rằng tại các nước trong vùng, bị chiến tranh làm cho tan hoang, nhiều cộng đồng thiểu số Kitô giáo phải chịu nhiều tàn khốc. Nhưng điều cũng đúng là các cộng đồng thiểu số Hồi giáo cũng cùng chung số phận; thành thử đây không phải là chiến tranh tôn giáo, nhưng là những ý thức hệ lầm lẫn tấn công người vô tội nhân danh tôn giáo. Đức Phanxicô nhiều lần tố cáo các hành động ấy và cực lực bác bỏ chúng bằng tiếng “không” rõ ràng.
 
135,000 vé tham dự Thánh Lễ của Đức Phanxicô tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
Vũ Văn An
16:58 01/02/2019


Theo Vatican News, hàng ngàn người Công Giáo xếp hàng bên ngoài các nhà thờ tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất để lấy vé tham dự thánh lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Bán Đảo Ả Rập.

Đức Phanxicô sẽ tới thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Abu Dhabi, tối Chúa Nhật này. Chủ đề chuyến viếng thăm từ ngày 3 tới ngày 5 tháng 2 là “Hãy biến con thành Máng Chuyển Hòa Bình”. Đây sẽ là chuyến tông du ngoại quốc lần thứ 27 của Đức Phanxicô.

Cao điểm chuyến đi sẽ là Thánh Lễ ngài sẽ cử hành hôm thứ Ba, 5 tháng 2, tại Vận Động Trường Zayed ở Abu Dhabi, một thánh lễ sẽ có khoảng 135,000 người tham dự.

Vé trên không những cấp cho hàng ngàn tín hữu quyền tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng mà còn cho họ một ngày nghỉ việc.

Phép nghỉ trên được công bố bởi Bộ Tài Nguyên Nhân Bản và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Hóa (emiratisation) và cho thấy cố gắng của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong việc tạo điều kiện cho cuộc đối thoại liên tín ngưỡng, một cố gắng trùng hợp với Năm Khoan Dung 2019.

Người tìm vé tỏ ra rất kiên nhẫn và quyết tâm trong việc tìm dịp tham dự biến cố hiếm hoi là Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành này. Thiện nguyện viên Lucy Pascua, người hướng dẫn đám đông tại Nhà Thờ Công Giáo St Mary ở Dubai, nói rằng “Khoảng 4 giờ 30 chiều đã có một hàng xếp hàng dài rồi, dù việc phân phối vé chỉ bắt đầu diễn ra lúc 6 giờ chiều”.

Pascua cho biết: Khoảng 36,000 vé đã được phân phối cho các cá nhân vào cuối ngày thứ Sáu.

Khoảng 1 triệu người Công Giáo sống ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất theo ước tính của Toà Đại Diện Tông Tòa Miền Nam Bán Đảo Ả Rập, là thẩm quyền tài phán chính thức của Giáo Hội Công Giáo phụ trách Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Oman, và Yemen.

Với lượng đòi hỏi đồ sộ là 135,000 chỗ ngồi tham dự Thánh Lễ vào hôm thứ Ba, các tên đã được bốc thăm, đôi khi chỉ có một thành viên trong gia đình được trúng thăm mà thôi.

Ca đoàn

Một ca đoàn đa quốc gia gồm 120 thành viên thuộc 9 nhà thờ ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã được thành lập để hát trong Thánh Lễ Đại Trào. Họ sẽ được đệm bởi một đàn organ và dàn kèn đồng 10 chiếc. Các thành viên của ca đoàn phát xuất từ 283 ca sĩ thuộc 120 ca đoàn dự các buổi tập dượt. Họ là người Phi luật tân, Ấn độ, Lebanese, Syrians, Jordanians, Armenians, Pháp, Ý, Nigerians, Hoa kỳ, Nam dương, Hòa lan và Á căn đình.

Ca đoàn đặt dưới sự điều khiển của Joy Santos, người Phi luật tân
 
Ba nhân viên mật vụ cộng sản bị xét xử về tội ngụy tạo chứng cứ để bắt Chân Phước Jerzy Popieluszko
Đặng Tự Do
17:26 01/02/2019
Các công tố viên Ba Lan đã buộc tội ba cựu nhân viên mật vụ cộng sản về ngụy tạo bằng chứng giả nhằm truy tố Chân Phước Jerzy Popieluszko về tội danh “phản cách mạng”, “âm mưu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa” trước khi bắt cóc và sát hại ngài.

Ba người trong số bốn người này bị kết tội đã giết chết cha Popieluszko. Cả bốn đã được trả tự do trước đây sau những tranh cãi tại các phiên phúc thẩm.

Marcin Golebiewicz, một viên chức trong Ủy ban điều tra tội phạm chống lại quốc gia Ba Lan của đảng cộng sản, cho biết các nhân viên mật vụ này sẽ phải đối mặt với những án tù nhẹ nhất là 3 năm nếu bị kết án tạo ra bằng chứng giả theo luật hình sự và những khoản luật về “tội ác của cộng sản chống lại loài người”. Đó là chưa kể đến tội bắt cóc và sát hại ngài.

Ông Marcin nói rằng các nhân viên mật vụ này đã xâm nhập trái phép vào nhà Cha Popieluszko và để lại “đạn dược, chất nổ, truyền đơn và các ấn phẩm khác.”

“Hành vi này được cấu thành, tại thời điểm thực hiện, một hành động đàn áp và bách hại đối với một linh mục vì động cơ chính trị và tôn giáo,” bản tuyên bố nói.

Tuyên bố nói thêm là Chân phước Popieluszko đã phải khốn đốn với các cáo buộc lật đổ bọn cầm quyền khi ba tên mật vụ này sau đó “phát hiện” các vật phẩm chúng đã đặt vào nhà của vị linh mục trong một cuộc lục soát căn nhà của ngài vào tháng 12 năm 1983.

Chân phước Popieluszko, qua đời năm ngài 37 tuổi, có quan hệ mật thiết với phong trào Đoàn kết đã bị cộng sản đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngài nổi tiếng trên toàn quốc về các bài giảng bảo vệ nhân quyền. Cơ thể ngài bị trói và bị bịt miệng đã được vớt lên từ một hồ chứa nước sông Vistula vào tháng 10 năm 1984 sau khi ngài bị bắt cóc trên đường trở về sau khi cử hành một Thánh lễ ở Bydgoszcz.


Source: Catholic Herald Former communist agents charged with framing Blessed Jerzy Popieluszko
 
Hồng Y Miến Điện cảnh báo về những tai họa khi chính phủ cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện
Đặng Tự Do
18:02 01/02/2019
Dừng ngay lại dự án cho Trung Quốc xây nhà máy thủy điện tại Myanmar, Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon nói. Ngài nhấn mạnh rằng có quá nhiều vấn đề gây tranh cãi xung quanh dự án này và lưu ý rằng dòng sông Irrawaddy là biểu tượng thiêng liêng nhất của đất nước.

Sông Irrawaddy là “mẹ của chúng ta” và có nguy cơ bị mất đi “trước sự tham lam của một siêu cường”, Đức Hồng Y nói.

Sông Irrawaddy là con sông dài nhất của quốc gia Đông Nam Á này, chạy từ bắc xuống nam, “là một người đồng hành bất tận” trong sinh kế của người dân Miến. Trong tuyên bố hôm 28 tháng Giêng, Đức Hồng Y nói Miến Điện là “một quốc gia nông nghiệp, nơi 80% người dân sống bằng nghề nông”.

“Nhân danh tất cả người dân Miến, đặc biệt là các nông dân nghèo, chúng tôi thành khẩn van nài các bên hữu quan dừng ngay lại những nỗ lực lạm dụng của họ”. Irrawaddy được coi là cái nôi của nền văn minh cho sắc dân Miến chiếm đa số tại Miến Điện. Vì thế, “Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta phải chống lại mọi nỗ lực hủy hoại vận mệnh và nhân phẩm của quốc gia chúng ta.”

Dự án đập thủy điện Myitsone với chi phí $ 3.6 tỷ này, nếu được xây dựng như thiết kế, sẽ làm ngập hơn 200 dặm vuông đất rừng tại tiểu bang Kachin. Theo hợp đồng hiện nay, Trung Quốc sẽ xây đập thủy điện này cho Miến Điện. Đổi lại, Trung Quốc được hưởng 90 phần trăm nguồn điện sản xuất ra. Trung Quốc đã từng cố thuyết phục chính phủ quân sự về dự án này. Nhưng cánh quân nhân, cầm quyền trước năm 2011, đã bác bỏ dự án này.

Miến Điện “cầu xin tất cả mọi người có thiện chí hãy hỗ trợ người nghèo”, Đức Hồng Y Bo nói.

Theo Đức Hồng Y, dòng sông này “là chứng nhân cho những nỗi buồn, niềm vui và lịch sử bị tổn thương của chúng ta. Nó là niềm hy vọng của chúng ta, là định mệnh của chúng ta,”.

Dịp này, Đức Hồng Y cũng mạnh mẽ lên án các tội ác mà Trung Quốc gây ra cho quốc gia của ngài.

“Trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc đã lợi dụng Miến Điện, bao gồm cả việc buôn bán các cô gái và phụ nữ của chúng ta thông qua việc buôn người ở các bang phía bắc của Miến Điện”, Đức Hồng Y Bo nói.

“Viễn cảnh nghiệt ngã của hàng triệu nông dân mất sinh kế, việc lạm dụng các địa điểm linh thiêng dọc theo các dòng sông, cái chết và sự hủy diệt hệ động thực vật quý giá của quốc gia thân yêu chúng ta đang trở thành hiện thực kinh hoàng. Một tương lai ảm đạm đang chờ đợi người dân Miến Điện trừ khi dự án xây đập này bị chặn đứng.”

Lợi ích địa chính trị của Trung Quốc tại Miến Điện có tính chiến lược, bao gồm cả lối thoát ra Ấn Độ Dương cho các tỉnh phía tây nam Trung Quốc.

Đức Hồng Y cảnh báo rằng tình trạng nghèo đói, và bị cô lập của Miến Điện, và một loạt các sự kiện gần đây, thật không may, đã “làm tăng đòn bẩy dòm ngó của một số quốc gia đối với đất nước chúng ta”.

Các cuộc nội chiến ở các vùng ngoại vi của Miến Điện đã làm khổ cả quốc gia từng được gọi là Burma kể từ khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1948. Các dân quân người dân tộc đã giao tranh với quân đội, là những người đã cai trị đất nước từ năm 1962 đến 2011, và sau đó tiếp tục khuynh đảo chính quyền trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2015.


Source: Catholic News Service Myanmar cardinal says China-funded dam project must be stopped
 
Giờ này Asia Bibi đang ở đâu?
Đặng Tự Do
18:46 01/02/2019
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức tường thuật hôm thứ Sáu 1 tháng Hai rằng luật sư của người phụ nữ Công Giáo Pakistan, bị cáo gian tội phạm thượng đối với tiên tri Muhammad của Hồi Giáo, cho biết cô và chồng cô đã đến Canada. Các nguồn khác lại khẳng định cô vẫn còn ở Pakistan.

Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, luật sư Saif-ul-Malook nói với tờ báo rằng: “Cô ấy đã được xum họp với gia đình.” Hai cô con gái của Bibi được tin là đã được đưa sang sống ở Canada trước đó.

Tờ báo nói luật sư Saif-ul-Malook đã không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào về việc Bibi rời khỏi Pakistan, vì lý do an ninh.

Tuy nhiên, chính luật sư này đã phủ nhận tuyên bố trên khi tổ chức Bác ái Truyền giáo của Công Giáo Đức liên lạc với ông vài giờ sau đó.

Trong một tin nhắn trên Twitter, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ở Pakistan bác bỏ nguồn tin này và nói Asia Bibi vẫn còn ở tại Pakistan.

Cuối tháng 10 vừa qua Tối Cao Pháp Viện Pakistan đã đưa ra phán quyết tha bổng Asia Bibi vì không đủ bằng chứng buộc tội. Phán quyết này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình dữ dội của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan, như nhóm Tehreek-e-Labbaik do Khadim Rizvi, một thày giảng Kinh Qu’ran cực đoan lãnh đạo.

Các thành phần cực đoan đã yêu cầu tái xét vụ án. Trong phiên xử ngày 29 tháng Giêng, Tối Cao Pháp Viện đã giữ nguyên quyết định lật ngược án tử hình Bibi mà tòa này đã truyền hồi tháng 10 vừa qua. Đã không có những phản ứng nào đáng kể của các thành phần Hồi Giáo cực đoan vì các nhân vật lãnh đạo quá khích đã bị bắt sau các cuộc biểu tình bạo động hồi năm ngoái.

Diễn biến này khiến nhiều người tin rằng Asia Bibi sẽ sớm được đưa ra nước ngoài. Tuy nhiên, các báo cáo trước đây của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói rằng Bibi không thể rời khỏi quê hương của mình trên một chuyến bay thông thường vì quá nguy hiểm.

Frankfurter Allgemeine Zeitung nói thêm luật sư Saif-ul-Malook của Bibi đang có mặt ở Pakistan. Ông đã trở về nước ngay trước phiên điều trần cuối cùng của Tòa án Tối cao sau khi trải qua nhiều tháng sống ở nước ngoài vì các mối đe dọa liên quan đến tính mệnh.

“Tôi đang ở trong nhà mình, tôi không đến văn phòng của mình,” ông nói với tờ báo.


Source: Deutsche Welle: Conflicting reports about Asia Bibi's whereabouts
 
Quốc Vụ Khanh: Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất viết về chuyến viếng thăm ngày mai của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
21:34 01/02/2019


Vatican News ngày 1 tháng 3, 2019 có đăng tải bài nhận định sau đây của Quốc Vụ Khanh Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ngài Tiến Sĩ Sultan Ahmed Al Jaber, về chuyến viếng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất của Đức Phanxicô:

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Abu Dhabi vào tuần tới, đó sẽ là chuyến viếng thăm vùng Vịnh đầu tiên chưa bao giờ có của một vị giáo hoàng. Trong khi chuyến viếng thăm này tự nó là một biến cố cột mốc, nó cũng là một minh chứng hùng hồn cho các giá trị lâu đời như chấp nhận, sống chung, hoà nhập, khoan dung và tình người vốn được khắc ghi trong chính cốt lõi của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Từ ngày thành lập Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, các quyền lợi và tự do của mọi tín ngưỡng, giáo phái và niềm tin đều được bảo đảm. Hiến pháp của chúng tôi bảo vệ tự do phát biểu tôn giáo và minh nhiên ngăn cấm bất cứ hình thức kỳ thị nào dựa trên tôn giáo hay sắc tộc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tìm thấy một quốc gia nơi 1 triệu Kitô hữu thực hành tôn giáo của họ không gặp trở ngại nào bên cạnh đại đa số dân theo Hồi giáo. Khắp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trên 40 nhà thờ chào đón các tín hữu đến cầu nguyện bên cạnh các Đền thờ Hồi giáo, cũng như các Đền thờ Ấn giáo, Đạo Sikh và Phật giáo. Việc chấp nhận mọi tôn giáo của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một biểu thức nói lên cam kết của giới lãnh đạo chúng tôi đối với một xã hội cởi mở, một xã hội chào đón các người đại diện cho hơn 200 quốc tịch và nhóm sắc tộc làm việc, sống và phát triển mạnh mẽ bên trong biên giới của chúng tôi. Thái độ quảng đại này đối với người khác là một nguyên lý cốt lõi trong các giá trị của chúng tôi, một đặc tính chủ yếu trong nền văn hóa của chúng tôi và là cột trụ nền tảng trong viễn kiến của người cha sáng lập của chúng tôi, Ngài Sheikh Zayed bin Sultan al Nahyan. Ngài hiểu ra rằng cả xứ sở ngài lẫn cả vùng này sẽ có lợi khi bắc cầu và thực hiện các nối kết văn hóa với cộng đồng quốc tế. Triết lý này nâng đỡ chính sách ngoại giao biết tìm cách tạo ra các hợp tác cổ vũ thịnh vượng khắp thế giới, dựa trên việc tôn trọng lẫn nhau. Và nó được phản ảnh trong chính sách đối nội biết đối xử bình đẳng với các nền văn hóa khác nhau.

Trong tinh thần ấy, khi các di tích của Đan Viện Kitô Giáo thế kỷ thứ 7 được khám phá tại Đảo Sir Bani Yas năm 1992, Sheikh Zayed nhấn mạnh chúng phải được bảo tồn cả như thánh tích của một lịch sử thiêng liêng chung lẫn như biểu tượng hiện đại, mạnh mẽ của sự hài hòa liên văn hóa.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập các liên hệ ngoại giao đầu tiên với Vatican năm 2017, và kể từ đó, các liên hệ với Giáo Hội Công Giáo luôn được củng cố. Tiếp theo đó, là chuyến viếng thăm Vatican cao cấp vào năm 2016 bởi Ngài Sheikh Mohamed bin Zayed al Nahyan, Đông cung Thái tử Abu Dhabi, và Phó Tư Lệnh Tối Cao Các Lực Lượng Quân Sự Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Rồi, năm ngoái, Ngài Sheikh Abdullah bin Zayed, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế, đã trao tận tay lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất lịch sử.

Trong chuyến viếng thăm này, trong đó, có thánh lễ công cộng, Đức Giáo Hoàng sẽ hội kiến với Sheikh Ahmad Al Tayyeb, Đại giáo sĩ của Al Azhar, và là Chủ tịch Hội Đồng Các Trưởng Thượng Hồi giáo. Đem các vị lãnh đạo tinh thần của hai tín ngưỡng Sunni và Công Giáo lại với nhau, cuộc hội kiến này sẽ chứng tỏ một cam kết chung đối với các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình.

Đến đây vào “năm khoan dung”, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng giúp chúng tôi định nghĩa được điều chúng tôi muốn nói qua hạn từ này. Chuyến viếng thăm củng cố triết lý sống của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong việc hoà nhập tích cực và nhắc chúng tôi nhớ rằng khoan dung không phải là một trạng thái thụ động, nhưng đòi phải hành động liên tục và nhất quán. Cũng cùng một nguyên tắc này đã khiến chúng tôi tập chú vào một xã hội hợp tình hợp lý hơn, nơi quân bình phái tính bên trong các định chế hàng đầu của chúng tôi đang được thể hiện bằng cách được ưu tiên hóa.

Chúng ta nên xem xét biến cố cột mốc của tuần tới trong bối cảnh trên. Qua việc đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta gửi đi một thông điệp tới tất cả những ai đang sống giữa chúng ta, bất luận tín ngưỡng hay văn hóa, rằng không những họ nên cảm thấy được chấp nhận, mà còn được hoan nghinh như các tham dự viên tích cực và được ca tụng vì sự đóng góp tích cực họ hiến cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất được trở nên mạnh mẽ hơn nhờ tính đa dạng của các cộng đồng đã chọn xứ sở của chúng tôi làm nhà của họ. Nhờ duy trì tính đa dạng này, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ tiếp tục thịnh vượng, gây ảnh hưởng tích cực khắp vùng và khuyến khích sự chung sống hòa bình trên khắp mặt địa cầu.
 
Văn Hóa
Con heo trong ngụ ngôn
Trầm Thiên Thu
15:31 01/02/2019
CON HEO TRONG NGỤ NGÔN

ĐÊM BA MƯƠI CẦU BÌNH AN HẠNH PHÚC
SÁNG MỒNG MỘT KHẤN THÁNH THIỆN TIN YÊU


Con Heo, còn gọi là con Lợn, không hề xa lạ với mọi người – dù thuộc dân tộc nào trong cộng đồng nhân loại, có nghĩa là nó rất “quen thuộc” và “thân thiết” với con người, thế nên cũng có nhiều câu chuyện về con vật này – cả tốt và xấu. Trong văn hóa, con Heo còn được gọi bằng các tên khác như chú ỉn, cậu hợi, lão trư.

Khi ngụ ý nói về những người có thói xấu, người ta thường dùng hình tượng con Heo để ví von, chì chiết hoặc mỉa mai. Thiết tưởng, khi muốn ám chỉ cái xấu của con người, sử dụng chữ LỢN nghe có vẻ nặng nề và “đểu” hơn là sử dụng chữ HEO.

Nhân dịp tân niên Kỷ Hợi – 2019, chúng ta cùng suy tư về hai truyện ngụ ngôn – một tích cực và một tiêu cực. Có thể coi đây là cách thư giãn trong khoảng thời gian thư thái đón Xuân, ăn Tết, nhưng là cách thư giãn hoàn toàn nghiêm túc và hữu ích.

1. HEO và THỎ

Truyện kể rằng… Có con Heo rừng đang đi ăn đêm trong nương khoai thì bị mắc bẫy. Một chân sau của nó bị bẫy treo lơ lửng trên mặt đất, nó càng giẫy giụa thì vòng bẫy càng thắt chặt.

Trời gần sáng, bỗng Heo rừng tức giận quay đầu lại cắn đứt chân sau của nó đang vướng bẫy, rồi nó tập tễnh đi nhanh vào rừng. Con Thỏ thấy Heo rừng chân cụt đẫm máu bèn hỏi cho rõ đầu đuôi. Biết chuyện, Thỏ tỏ vẻ thán phục sự can đảm của Heo và khen Heo: “Ôi, anh thật là gan dạ”.

Heo rừng thản nhiên đáp: “Có gan góc gì đâu, chẳng qua ở lại đó thì sẽ bị giết thịt, thà mất một chân mà được trả lại với rừng có phải hơn không?”

Trong cuộc sống, đôi khi những trường hợp không có cách chọn lựa nào khác, như bị “triệt buộc” vậy. Tuy nhiên, chúng ta không thể buông xuôi hoặc thúc thủ, thụ động, mà phải dám bỏ cái gì đó – dù cái đó vẫn rất cần, để có thể đạt được cái quan trọng hơn. Con Heo dám tự cắn đứt chân mình để thoát khỏi sự kiềm chế, đó là tự giải thoát để có được sự tự do đích thực.

Lệ thuộc là hèn nhát, tồi tệ, nhục nhã. Cố gắng tìm cách tự giải thoát mình rồi trời sẽ giúp, không thể thụ động ngồi buồn rồi than thân trách phận. Các thói hư và tật xấu là “vòng kim cô” khiến chúng ta bị lệ thuộc; còn về tâm linh, “vòng kim cô” đó là tội lỗi, là ba thù (ma quỷ, thế gian, xác thịt). Tất cả đều bởi “cái tôi” mà ra: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta phải can đảm “từ bỏ mình và vác thập giá” (Mt 10:37-39; Mt 16:24-26; Mc 8:34-37; Lc 9:23-27; Lc 14:26-27). Cũng giống như con Heo, không ai có thể cắt bỏ “phần vướng víu” của mình ngoài chính mình, nghĩa là chúng ta phải tự “cắt” phần nào đó trong cuộc đời mình để có thể sống than thản và tự do đúng nghĩa – cả đời thường và tâm linh.

2. SÓI và LỢN

Truyện kể rằng… Một hôm, Sói xin Lợn cho vào ngủ trọ. Lợn cho Sói vào. Một lúc sau, Sói đẻ một bầy Sói con. Lợn đòi lại chỗ của mình, nhưng Sói phân bua: “Chị thấy đấy, sói con còn nhỏ cả, chị thư thả cho ít lâu”. Lợn nghĩ: “Thôi thì mình đợi ít lâu vậy!”

Thời gian cứ trôi qua, rồi mùa hè cũng qua, Lợn quyết đi gặp Sói để đòi lại chỗ. Sói mẹ ngang nhiên trả lời bằng giọng điệu thách thức: “Cứ thử động vào bọn ta đi. Bọn ta có những sáu, bọn ta sẽ xé xác mày”.

Ở dụ ngôn này, Lợn là hiện thân của hiền nhân, Sói là hiện thân của ác nhân. Lợn có lòng nhân ái nhưng bị Sói lợi dụng và chiếm đoạt tài sản. Tình trạng “tréo ngoe” này thường thấy xảy ra, nhất là trong xã hội Việt Nam ngày nay. Tiền nhân nói chí lý: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Chỉ có những kẻ có chức quyền mới ngang ngược và hống hách một cách công khai, đúng “quy trình”, đúng “tiêu chuẩn” và đúng “sách lược” như vậy. Dân đen thấp cổ bé miệng không thể làm như thế, mà họ cũng chẳng bao giờ dám làm gì quá đáng.

Kinh nghiệm cho thấy rằng vật chất dễ khiến con người mù quáng, biến lòng người đổi trắng thay đen: “Sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác” (Kn 4:12). Thánh Phaolô xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Thật vậy, hiền nhân cũng có thể hóa thành ác nhân. Tại sao vậy? Cái gì cũng có hệ lụy tất yếu: ý nghĩ xúi giục ham muốn, ham muốn sinh ra hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen trở thành tính cách, và tính cách hóa thành số phận.

Giáo dục coi thường nhân nghĩa nên thoái hóa, chú trọng lượng mà bỏ qua phẩm, đồng thời chỉ cho học những thứ gian xảo thì làm sao giới trẻ thành nhân? Đó là cách tự tiêu diệt, đầu độc dân tộc, sát nhân không cần vũ khí. Thật đáng sợ! Con người tiến hóa thành loài sói ác độc, thế nên rắp tâm làm hại loài lợn hiền lành.

Thánh Vịnh gia thân thưa: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:4-5). Thế gian như ao nước đục, nhưng Kitô hữu không được phép để mình đồng hóa. Hãy nghe lời khuyên của Thánh Philip Romolo Neri (1515–1595) và quyết tâm sống trong năm nay: “Hãy gieo mình vào vòng tay Thiên Chúa và hãy vững tin, nếu Người muốn anh em làm gì thì Người nhất định sẽ làm cho anh em thích hợp với công việc ấy và sẽ ban sức mạnh cho anh em”.

Và đây là một số Lời Quý Ý Thơm của các hiền nhân, những bậc trượng phu dày dạn kinh nghiệm. Họ không chỉ là những bậc khôn ngoan mà còn thông suốt và sống nhân bản.

  • “Có sai lầm mà không sửa, đó mới thật là sai lầm” (Khổng Tử).
  • “Biết đúng mà không theo là dở, biết sai mà không sửa là mê” (Dục Tử).
  • “Biết người là khôn, biết mình là sáng. Người tri túc không bao giờ nhục” (Lão Tử).
  • “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông, gần người lành thì có đức, gần người ngu thì dại, gần kẻ nịnh hót thì a dua, gần đứa tham lam thì trộm cắp” (Mạnh Tử).
 
Thánh Ca
Xuân trong tình Chúa – Trình bày: Đình Trinh
VietCatholic Network
16:16 01/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây