Ngày 29-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
21:47 29/02/2020
11. Chúng ta nên đem tất cả sức lực dâng hiến cho Thiên Chúa, và không tính toán dâng hiến bao nhiêu, như thế chúng ta dùng việc thiện để chứng minh tình yêu của chúng ta. (Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
22:01 29/02/2020
58. THIẾU TÀI VÔ ĐỨC

Thượng thư hữu bộc xạ Hà Kính Dung không biết viết kiểu chữ thảo, khi ký tên thì đem chữ “cẩu” trong chữ “kính” viết thật lớn, nhưng chữ “phụ” thì viết rất nhỏ; lúc viết chữ “dung” thì đem chữ “phụ” viết rất lớn và viết chữ “khẩu” rất nhỏ, họ Lục cười nhạo nói: “ ‘Cẩu’ viết rất lớn, ‘phụ’ cũng không nhỏ”. Hà Kính Dung nghe được thì cười mếu máo...

​​(Cổ kim tiếu sử)



Suy tư 58:

​Có những người thiếu tài nhưng lại có đức, đó là người hiền lành; có những người vô đức nhưng lại có tài, người ta thường gọi họ là kẻ gian ác hay gian ngoan, bởi vì thà có đức mà thiếu tài hơn là có tài mà vô đức...

Tài và đức là hai báu vật mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, mà ai là người biết nâng niu gìn giữ và phát triển nó, thì là người đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Tài năng không phải tự nhiên mà có, nhưng nhờ vào học hành và trau dồi tập luyện liên lĩ trong cuộc sống hằng ngày với tinh thần cầu tiến, nó như lưỡi dao càng mài càng sắt bén; đạo đức cũng không phải tự nhiên mà có, nhưng cần phải va chạm trong thực tế, phải cọ xát với nhiều tình cảnh éo le khổ não, và từ đó mới chắt lọc ra được những ưu khuyết điểm của mình cũng như của tha nhân để thông cảm và tha thứ, đó là đạo đức của những người biết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi mỗi con người. Nhưng dù là tài năng hay đạo đức thì cũng luôn cần pbải có ơn của Thiên Chúa giúp đỡ, cậy vào Ngài thì cái tài năng mới giúp ích cho mọi người, đạo đức mới trở nên lực hấp dẫn người khác đến với Thiên Chúa.

Chỉ có người Ki-tô hữu mới biết được như thế và làm như thế mà thôi, vì thầy dạy họ chính là Chúa Thánh Thần vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Muà tranh cử ở Hoa Kỳ: Ông Trump vẫn chưa kiếm được phiếu Công Giáo?
Trần Mạnh Trác
12:14 29/02/2020
Một cuộc thăm dò ý kiến của RealClear Opinion Research, được cơ quan truyền thông Công Giáo EWTN News (cuả Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ) tài trợ, đã được công bố hôm thứ Hai cho thấy ông Trump vẫn chưa kiếm được lá phiếu Công Giáo.

Nhắc lại cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, thì số người Công Giáo bỏ phiếu cho bà Clinton là 48%, trong khi ông Trump chỉ chiếm được 46%.

Cuộc thăm dò ý kiến lần này là phần thứ 2 trong một chương trình 4 phần cuả EWTN News. Cuộc thăm dò trước (đầu tiên,) cũng do RealClear Opinion Research thực hiện, đã khảo sát hơn 2.000 cử tri trong đó hơn một nửa là Công Giáo.

Cuộc thăm dò đó đã được công bố vào tháng 12 năm trước (2019,) cho thấy ông Trump thua to so với bất kỳ ứng cử viên nào của đảng Dân chủ.

Lần thăm dò này, chỉ khảo sát các cử tri Công Giáo mà thôi (1.512 người) và bao gồm những dữ liệu khác liên quan đến các vấn đề đạo đức và sống đạo.

Theo ông John Della Volpe, giám đốc cuả ban thăm dò cuả RealClear Opinion Research, thì cuộc thăm dò này cho thấy lá phiếu cuả người Công Giáo có vẻ như (kind of) phản ảnh một khuôn thước rộng hơn (the broad frame) cuả lá phiếu người Mỹ.

Nói cách nôm na thì :”Người ta bỏ phiếu như thế nào, thì người Công Giáo mình cũng làm y như vậy!”

Cũng có nghĩa là, một ứng cử viên không cần phải lo lắng về số cử tri Công Giáo, vì người Công Giáo đang chia rẽ, không đoàn kết thành một khối bỏ phiếu lớn (như người Do Thái chẳng hạn.)

Và sâu xa hơn, mặc dù các Giám Mục Hoa Kỳ có đưa ra một Kim Chỉ Nam rõ ràng để hướng dẫn lương tâm khi bỏ phiếu, người Giáo Dân phần đông thờ ơ với các hướng dẫn ấy!

Chỉ có 18% trong số những người được khảo sát nói rằng họ tin tất cả những gì Giáo hội dạy và sống đạo theo những giáo huấn này.

Trong nhóm đó thì ông Trump được 63% ủng hộ một cách chắc chắn và 67% nói rằng họ có khả năng sẽ bỏ phiếu cho ông vào tháng 11.

Một phần đáng kể, 41%, trong tập hợp những người Công Giáo sùng đạo là người Công Giáo gốc Tây Ban Nha.

Dữ liệu cuả cuộc thăm dò còn cho thấy sự chia rẽ giữa những người Công Giáo không chỉ là trên bình diện tranh cử và bỏ phiếu, mà còn thể hiện qua các quan điểm về đạo đức và sống đạo nữa.

Một cách tổng quát thì chỉ có 56% người Công Giáo Hoa Kỳ nói rằng họ chấp nhận tất cả hoặc hầu hết các giáo huấn của Giáo hội.

Chỉ hơn một phần ba người Công Giáo, 35%, tham dự thánh lễ hàng tuần hoặc nhiều hơn.

Những người Công Giáo khác, 14% tham dự Thánh Lễ một hoặc hai lần một tháng, 25% tham dự Thánh Lễ một hoặc hai lần một năm. Gần một nửa người Công Giáo, 49%, nói rằng họ cầu nguyện mỗi ngày, nhưng chỉ có 27% lần hạt Mân côi mỗi tuần.

Hơn tám phần mười, 81%, người Công Giáo tin vào Địa ngục và 78% tin vào ma quỷ.

Và mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố năm 2018 rằng án tử hình là không thể chấp nhận được, vẫn có từ 29% cho đến 57% người Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ án tử hình ở Mỹ.
 
Giáo hội Ý cầu nguyện và cử hành Thánh lễ trong cơn dịch đang bùng phát mạnh.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
13:16 29/02/2020
Giáo hội Ý đối mặt với sự bành trướng Coronavirus

Nạn dịch bùng phát nhanh tại Ý trong tuần này với 322 trường hợp bị nhiễm dịch và 11 người chết vì dịch coronavirus trên toàn quốc. Các lễ Tro bị hủy bỏ trong toàn vùng Lombardy vì chính quyền yêu cầu dân chúng ở trong nhà và tránh các cuộc tụ họp đông người. Tính đến ngày 29.2, Ý có 888 ca dương tính và 18 người chết.

ĐHY Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý viết trong thông báo ngày 24.2 rằng: Đối mặt với dịch Coronavirus, với những tin tức của những giáo phận có dịch, với sự cần thiết bảo vệ sức khỏe công cộng tránh bị lây nhiễm dịch trong những ngày này - ngài nêu tiếng - về trách nhiệm cộng tác với chính quyền dân sự chống lại nạn dịch. Trong khi đó, Giáo hội tại Ý trong lời cầu nguyện gần gũi với những bệnh nhân virus cùng với các thân nhân của họ, và các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu trong việc phòng chống nạn dịch. “Chúng tôi cam kết thực hiện phần của mình để giảm bớt sự hoang mang và sợ hãi, điều này sẽ dẫn đến việc đóng cửa vô trùng: đây là lúc để tìm lại những lý do hiện thực, tin tưởng và hy vọng, cho phép chúng ta cùng nhau đối mặt với tình huống khó khăn này.”

Sau khi bàn thảo với Chủ tịch Vùng Piemonte, ĐTGM Cesare Nosiglia, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Vùng Piemonte và Valle d’Aosta cùng với các Giám mục ra thông báo rằng ngày mai Chúa Nhật ngày 1 tháng 3 năm 2020, các thánh lễ sẽ được cử hành trong các giáo phận của Piemonte, tôn trọng các biện pháp phòng ngừa đã được chỉ ra trước đây. Hội đồng Giám mục của Piemonte và Valle d’Aosta đã công bố điều này trong một ghi chú được phát hành cách đây ít lâu.

Trong khi đó, nhà thờ mở cửa nhưng các Thánh lễ bị đình chỉ tại Milan. Các tín hữu ở Milan có thể hiệp thông với ĐTGM Mario Delpini cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Hầm mộ của nhà thờ Chính tòa Milan không có giáo dân tham dự. Thánh lễ sẽ được phát sóng trực tiếp trên Tgr Lombardia - Rai3 cho toàn bộ lãnh thổ khu vực bắt đầu từ 11 giờ sáng. Đây là một sáng kiến chưa từng có: nó được phát sinh để tuân thủ các biện pháp do Chủ tịch Vùng Lombardia, Attilio Fontana, hợp với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Roberto Speranza, về tình trạng khẩn cấp dịch tễ học từ Codiv-19.

Lời cầu nguyện của Đức Tổng Giám Mục Delpini.

Đức Tổng Giám Mục viết: «Phúc lành của Chúa mở ra sự thận trọng mà không báo động, ý thức về giới hạn mà không than phiền. Hội đồng nhân viên y tế và những người thiện tâm sẽ đề xuất các biện pháp khôn ngoan. Bất kỳ dấu hiệu nào được đưa ra để phòng ngừa và để hành sử thận trọng sẽ được các tổ chức giáo hội chấp nhận nghiêm chỉnh." “Tôi cầu xin phúc lành của Thiên Chúa trên đất nước chúng ta và trên tất cả các vùng đất của hành tinh. Trong lúc này, lo âu về nó và về những người thân yêu, thậm chí có thể gây ra hoảng sợ, làm lan rộng và lây nhiễm cuộc sống của chúng ta nhanh hơn và thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiễm virus.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô và nỗ lực phòng chống coronavirus của Tòa Thánh
Đặng Tự Do
19:37 29/02/2020
Trước các đồn đoán về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bối cảnh lây lan kinh hoàng của dịch bệnh coronavirus, hôm thứ Bẩy 29 tháng Hai, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vào chiều Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ cùng với giáo triều Rôma đáp hai xe bus đến tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, thuộc giáo phận Albano, cách Rôma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Ông cũng nói thêm là buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng Ba, vẫn sẽ diễn ra như thường lệ.

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay bắt đầu từ Chúa Nhật mùng 1 và kết thúc vào mùng 6 có chủ đề là “Bụi cây cháy bừng (Xh 3: 2) - Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người dưới ánh sáng của sách Xuất hành, Tin mừng Thánh Matthêu và lời cầu nguyện của Thánh vịnh.” Vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm này là Cha Pietro Bovati, linh mục Dòng Tên và Thư ký của Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh.

Chủ đề của tuần tĩnh tâm Mùa Chay này chạm đến kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc gặp gỡ của ông Môisê với Thiên Chúa khi ông nghe giọng nói của Thiên Chúa từ bụi cây đang cháy bừng. Chính giọng nói này chiếu sáng cuộc sống của dân Chúa và truyền cho họ phải sống như thế nào. Cha Pietro Bovati cho biết: “Các bài tĩnh tâm, về cơ bản, được soạn thảo như một sự giúp đỡ cho cuộc gặp gỡ cá vị này của các linh hồn với Thiên Chúa.”

Tòa Thánh đã thực hiện các biện pháp y tế đặc biệt, và đã hủy bỏ một số sự kiện trước tin tức cho biết tính đến chiều thứ Bẩy 29 tháng Hai, 1,128 người đã thử nghiệm dương tính với coronavirus ở Ý, và 29 người đã thiệt mạng vì virus cực kỳ nguy hiểm này.

“Các chai thuốc khử trùng tay đã được lắp đặt tại các văn phòng trong quốc gia thành Vatican. Bên cạnh đó, một y tá và bác sĩ túc trực tại một phòng khám của Vatican để sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức,” ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói với Vatican News.

Mặc dù chưa có trường hợp nào được chẩn đoán nhiễm coronavirus tại Vatican, nhưng ông Bruni cho biết rằng các nhân viên y tế của Vatican đã làm việc với Bộ Y tế Italia về các thủ tục có thể được thực hiện và liên hệ chặt chẽ với chính quyền miền Lazio, bao quanh Rôma.

Tuân thủ các quy định của chính quyền Ý, một số sự kiện được lên kế hoạch trong vài ngày tới bên trong những phòng họp, và có đông công chúng tham dự đã bị hoãn lại,” ông Bruni cho biết thêm.

Vì có tuần tĩnh tâm Mùa Chay từ 1 đến 6 tháng Ba, nên Vatican đã không lên kế hoạch cho các buổi triều yết với Đức Giáo Hoàng trong tuần lễ này. Đồng thời, các hội nghị ở Rôma và các sự kiện bên trong các tòa nhà khác đã bị hủy bỏ.

Một hội nghị dự trù diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng Ba tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô về việc mở văn khố Tòa Thánh về Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 đã bị hủy bỏ. Một cuộc hội thảo về truyền thông từ ngày 2 đến 7 tháng 3 tại Đại học Giáo hoàng Urbanô cho các đại diện trên toàn cầu của các hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cũng đã bị hủy bỏ.

Hôm 25 tháng Hai, một buổi ra mắt sách về Đức Hồng Y Celso Costantini, với các diễn giả chính là các Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Luis Antonio Tagle tân Bộ Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc; và Fernando Filoni, nguyên bộ trưởng bộ này đã bị hủy bỏ trước những lo ngại liên quan đến coronavirus.

Trong một quyết định đau lòng, tổng giáo phận Milan đã đình chỉ tất cả các thánh lễ bắt đầu từ tối 23 tháng Hai cho đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Venice, là Đức Tổng Giám Mục Francesco Moraglia, đã đình chỉ các Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác, trong một tuần, bao gồm lễ rửa tội và chặng đàng Thánh Giá, cho đến Chúa Nhật mùng 1 tháng Ba.

Trong miền Lazio, bao quanh Rôma, cho đến nay chỉ có ba trường hợp được báo cáo: một người Ý, đã hồi phục và hai khách du lịch Trung Quốc đang được điều trị trong bệnh viện.


Source:Catholic News Agency
 
Sứ điệp Đức Phanxicô gửi Hội nghị Trí Khôn Nhân Tạo tại Vatican
Vũ Văn An
21:01 29/02/2020
Các hãng thông tấn Công Giáo vừa loan tin về hội nghị do Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống tổ chức tại Vatican trong các ngày từ 26 đến 28 tháng Hai năm 2020, với chủ đề “Thuật toán ‘tốt’? Trí Khôn Nhân Tạo: Đạo đức, Luật lệ, Sức khỏe” ("The 'Good' Algorithm? Artificial Intelligence: Ethics, Law, Health")

Điều đáng nói là trong hội nghị này, có sự tham gia của các tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên về trí khôn nhân tạo như Micorsoft, IBM và một số cơ quan như FAO (Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc), Chủ tịch Nghị viện Âu Châu và đại diện Chính Phủ Ý Đại Lợi.

Tất cả các nhân vật và tổ chức trên đã cùng Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Sự Sống ký “Lời Kêu Gọi Cho Một Nền Đạo Đức Về Trí Khôn Nhân Tạo” nhằm hỗ trợ cho một cách tiếp cận đạo đức đối với Trí Khôn Nhân Tạo và cổ vũ cảm thức trách nhiệm giữa các tổ chức, các chính phủ và định chế nhằm tạo ra một tương lai trong đó các cải tân kỹ thuật số và tiến bộ kỹ thuật phục vụ thiên tài và óc sáng tạo nhân bản chứ không dần dần thay thế chúng.



Các nguyên tắc được Lời Kêu Gọi trên tổng hợp đã được phát biểu như sau:

“Các người bảo trợ lời kêu gọi bày tỏ ước mong của họ sẽ làm việc với nhau, trong bối cảnh này và ở bình diện quốc ia và quốc tế, để cổ vũ 'nền đạo đức thuật toán', tức việc sử dụng Trí Khôn Nhân Tạo hợp đạo đức như được định nghĩa bởi các nguyên tắc sau đây: 1) Minh Bạch: trên nguyên tắc, các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải giải thích được; 2) Bao Gồm: nhu cầu của mọi hữu thể nhân bản phải được xem xét để mọi người có thể được hưởng ích lợi và mọi cá nhân được cung ứng những điều kiện tốt nhất có thể để phát biểu và phát triển chính mình; 3) Trách Nhiệm: những người thiết kế và triển khai việc sử dụng Trí Khôn Nhân Tạo phải tiến hành một cách có trách nhiệm và minh bạch; 4) Vô Tư: không tạo ra hoặc hành động theo thành kiến, nhờ đó duy trì được sự hợp tình hợp lý và nhân phẩm; 5) Đáng Tin Cậy: các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải có khả năng vận hành một cách đáng tin cậy; 6) An toàn và Riêng Tư: các hệ thống Trí Khôn Nhân Tạo phải vận hành một cách an toàn và tôn trọng sự riêng tư của người dùng. Các nguyên tắc này là các yếu tố nền tảng của việc canh tân tốt đẹp”.

Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Paglia, chủ tịch Hàn Lâm Viện, đã đọc Sứ điệp của Đức Phanxicô gửi hội nghị:

Thưa qúy chính quyền, thưa quý bà và qúy ông, anh chị em thân mến,

Tôi xin chân thành chào đón qúy vị nhân Phiên Họp Toàn Thể của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự Sống. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Paglia vì những lời tốt đẹp của ngài. Tôi cũng biết ơn sự hiện diện của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Tổng Giám đốc Cơ Quan Lương nông Quốc tế và các nhà cầm quyền và lãnh đạo khác trong lĩnh vực Kỹ thuật thông tin. Tôi cũng xin chào đón những người tham gia cùng chúng tôi từ Thính phòng Conciliazione. Và tôi rất phấn khích trước sự hiện diện đông đảo của người trẻ: tôi thấy đây là một dấu hiệu đầy hy vọng.

Những vấn đề qúy vị đã đề cập trong những ngày này liên quan đến một trong những thay đổi quan trọng nhất ảnh hưởng đến thế giới ngày nay. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng thiên hà kỹ thuật số, và nhất là trí tuệ nhân tạo, nằm ở trung tâm của sự thay đổi mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua. Đổi mới kỹ thuật số chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, cả bản thân lẫn xã hội. Nó ảnh hưởng đến cách hiểu của chúng ta về thế giới và về chính chúng ta. Nó ngày càng hiện diện trong hoạt động của con người và thậm chí trong các quyết định của con người, và do đó làm thay đổi lối chúng ta suy nghĩ và hành động.

Các quyết định, thậm chí các quyết định quan trọng nhất, thí dụ như trong các lĩnh vực y tế, kinh tế hoặc xã hội, giờ đây là kết quả của ý chí con người và một loạt các nhập lượng thuật toán. Một hành vi bản thân hiện nay là điểm hội tụ giữa một nhập lượng thực sự nhân bản và một phép tính tự động, với kết quả ngày càng trở nên phức tạp trong việc hiểu được đối tượng của nó, thấy trước tác động của nó và xác định được sự đóng góp của từng nhân tố.

Chắc chắn, nhân loại đã trải qua những biến động sâu sắc trong lịch sử của họ: thí dụ, việc du nhập động cơ hơi nước, hoặc điện lực, hoặc việc phát minh ra ngành in từng cách mạng hóa cách chúng ta lưu trữ và truyền tải thông tin. Hiện nay, sự hội tụ giữa các lĩnh vực nhận thức khoa học và kỹ thuật khác nhau đang mở rộng và cho phép việc can thiệp vào các hiện tượng có độ lớn vi phân và tầm cỡ hành tinh, đến mức làm mờ nhạt ranh giới mà cho đến nay vẫn được coi là có thể phân biệt được một cách rõ ràng: thí dụ, giữa vật chất vô cơ và hữu cơ, giữa thực và ảo, giữa các bản sắc ổn định và các biến cố trong mối liên kết qua lại không ngừng.

Ở bình diện bản thân, thời đại kỹ thuật số đang thay đổi tri nhận của chúng ta về không gian, thời gian và cơ thể. Nó đang truyền dẫn một cảm thức về các khả thể vô hạn, ngay cả khi việc tiêu chuẩn hóa ngày càng trở thành tiêu chuẩn chính cho việc tổng hợp (aggregation). Càng ngày càng khó nhận ra và đánh giá cao sự khác biệt. Trên bình diện xã hội kinh tế, các người sử dụng thường bị giản lược thành “những người tiêu thụ”, làm mồi cho lợi ích cá nhân tập trung trong tay một số ít người. Từ các dấu vết kỹ thuật số rải rác trên internet, các thuật toán hiện đang trích xuất các dữ kiện cho phép các thói quen tâm trí và liên hệ được kiểm soát, cho các mục đích thương mại hoặc chính trị, thường chúng ta không biết. Sự bất cân xứng này, qua đó một ít người ưu tuyển biết mọi điều về chúng ta trong khi chúng ta không biết gì về họ, sự bất cân xứng đó làm mờ đục óc suy nghĩ có phê phán và việc thực thi tự do có ý thức. Các bất bình đẳng mở rộng rất lớn; nhận thức và sự giàu có tích lũy trong tay một ít người với nhiều rủi ro nghiêm trọng cho các xã hội dân chủ. Tuy nhiên, những nguy hiểm này không được làm mất đi tiềm năng to lớn mà các kỹ thuật mới mang lại. Chúng ta thấy mình đứng trước một hồng phúc từ Thiên Chúa, một nguồn tài nguyên có thể sinh hoa trái tốt.

Các vấn đề mà Hàn lâm viện của qúy vị đã và đang quan tâm kể từ khi thành lập hiện đang bước vào một con đường mới. Các ngành khoa học sinh học đang ngày càng sử dụng các thiết bị được trí tuệ nhân tạo cung cấp. Sự phát triển này đã dẫn đến những thay đổi sâu xa trong cách chúng ta hiểu và quản lý các sinh vật và các nét khác biệt của sự sống con người, những nét mà chúng ta vốn cam kết bảo vệ và cổ vũ, không chỉ ở chiều kích sinh học cấu thành, mà còn ở khía cạnh sinh học lịch sử không thể giản lược của nó. Mối tương quan qua lại và hòa nhập giữa sự sống “được sống” và sự sống “được cảm nghiệm” không thể bị loại bỏ vì sự tính toán ý thức hệ đơn thuần về hiệu suất chức năng và chi phí lâu dài. Các vấn đề đạo đức xuất phát từ những cách mà các thiết bị mới này có thể điều khiển sự ra đời và vận mệnh của các cá nhân kêu gọi phải có một cam kết đổi mới để bảo tồn phẩm chất nhân bản của lịch sử chung của chúng ta.

Vì lý do này, tôi biết ơn Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống vì những nỗ lực của nó trong việc phát triển một suy tư nghiêm túc vốn thúc đẩy đối thoại giữa các ngành khoa học khác nhau cần thiết để giải quyết các hiện tượng phức tạp này.

Tôi hài lòng khi thấy cuộc hội họp năm nay bao gồm các cá nhân vốn đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau trên phạm vi quốc tế trong các lĩnh vực khoa học, kỹ nghệ và đời sống chính trị. Tôi hài lòng với điều này và tôi cảm ơn qúy vị. Là các tín hữu, chúng ta không có những ý nghĩ làm sẵn về cách phải trả lời những câu hỏi không lường trước mà lịch sử đã đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay. Đúng hơn, nhiệm vụ của chúng ta là bước đi bên cạnh những người khác, chăm chú lắng nghe và tìm cách liên kết kinh nghiệm và suy tư. Là các tín hữu, chúng ta phải tự cho phép bản thân được thách thức, để lời Thiên Chúa và truyền thống đức tin của chúng ta có thể giúp chúng ta giải thích các hiện tượng của thế giới ngày nay và xác định các con đường nhân hóa, và do đó, việc truyền giảng Tin Mừng đầy yêu thương, để chúng ta có thể cùng hành trình với nhau. Nhờ cách này, chúng ta sẽ có thể đối thoại hữu hiệu với tất cả những người cam kết với việc phát triển con người, đồng thời duy trì nhân vị trong tất cả các chiều kích của nó, kể cả chiều kích tâm linh, ở trung tâm các nhận thức và triết lý hành động xã hội. Chúng ta phải đối diện với một nhiệm vụ có liên quan đến toàn thể gia đình nhân loại.

Trong bối cảnh này, người ta đã chứng minh rằng chỉ đào tạo trong việc sử dụng đúng các kỹ thuật mới sẽ là điều không đầy đủ. Là các công cụ hoặc khí cụ, chúng không có “tính trung lập”, vì, như chúng ta đã thấy, chúng định hình thế giới và làm lương tâm can dự vào bình diện giá trị. Chúng ta cần một cố gắng giáo dục rộng lớn hơn. Những lý do vững chắc cần được phát triển để cổ vũ sự kiên trì trong việc theo đuổi thiện ích chung, ngay cả khi không có lợi thế tức khắc ngay trước mắt. Có một chiều kích chính trị đối với việc sản xuất và sử dụng trí tuệ nhân tạo, một điều phải làm không phải chỉ để mở rộng các lợi ích cá nhân và hoàn toàn có tính chức năng của nó. Nói cách khác, sẽ là điều không đủ khi chỉ đơn thuần tin tưởng vào cảm thức đạo đức của các nhà nghiên cứu và phát triển các thiết bị và thuật toán. Cần phải lập ra các cơ quan xã hội trung gian có khả năng kết hợp và phát biểu các nhạy cảm về đạo đức của người sử dụng và nhà giáo dục.



Có nhiều chuyên ngành liên quan đến quá trình phát triển thiết bị kỹ thuật (người ta nghĩ đến việc nghiên cứu, lập kế hoạch, sản xuất, phân phối, sử dụng cá nhân và tập thể...), và mỗi lĩnh vực đòi hỏi một phạm vi trách nhiệm chuyên biệt. Chúng ta đang bắt đầu hé nhìn thấy một ngành học mới mà chúng ta có thể gọi là “sự phát triển đạo đức của các thuật toán”, hay đơn giản hơn là “Đạo đức thuật toán” (algo-ethics) (xem Diễn văn với Những Người Tham dự Đại hội về phẩm giá trẻ em trong Thế giới Kỹ Thuật Số, 14 tháng 11 năm 2019). Ngành này sẽ có mục đích bảo đảm việc duyệt xét một cách có năng quyền và chia sẻ các diễn trình qua đó chúng ta tích hợp các mối liên hệ giữa con người và kỹ thuật ngày nay. Trong việc chúng ta cùng nhau theo đuổi các mục tiêu này, một đóng góp quan yếu có thể được đưa ra nhờ các nguyên tắc trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội: phẩm giá con người, công lý, tính phụ đới và tính liên đới. những nguyên tắc này nói lên cam kết của chúng ta trong việc phục vụ mọi cá nhân trong tính toàn diện của họ và của mọi người, không kỳ thị hoặc loại trừ. Tính phức tạp của thế giới kỹ thuật đòi hỏi nơi chúng ta một khuôn khổ đạo đức ngày càng rõ ràng, để làm cho cam kết này thực sự hữu hiệu.

Sự phát triển đạo đức của các thuật toán – đạo đức thuật toán - có thể là cầu nối cho phép các nguyên tắc trên cụ thể đi vào các kỹ thuật dùng kỹ thuật số qua một cuộc đối thoại hữu hiệu xuyên ngành. Hơn nữa, trong cuộc gặp gỡ giữa các viễn kiến khác nhau về thế giới, các nhân quyền đại diện cho một điểm hội tụ quan trọng trong việc tìm kiếm cơ sở chung. Hiện nay, dường như cần phải có sự suy tư mới về các quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực này. Phạm vi và sự tăng tốc của các biến đổi trong kỷ nguyên kỹ thuật số trên thực tế đã đặt ra những vấn đề và tình huống không lường trước vốn thách thức các triết lý hành động cá nhân và tập thể của chúng ta. Chắc chắn, Lời Kêu Gọi mà tất cả qúy vị vừa ký hôm nay là một bước quan trọng theo hướng này, với ba tọa độ căn bản nhờ đó để hành trình: đạo đức, giáo dục và pháp luật.

Qúy vị thân mến, tôi bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với lòng quảng đại và năng lực mà qúy vị đã cam kết trong việc phát động diễn trình đánh giá lại một cách can đảm và đầy thách thức này. Tôi mời gọi qúy vị tiếp tục một cách táo bạo và biện phân, khi qúy vị tìm cách gia tăng sự tham gia của tất cả những người lưu tâm đến thiện ích của gia đình nhân loại. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước lành xuống trên tất cả qúy vị, để cuộc hành trình của qúy vị có thể tiếp tục một cách thanh thản và bình an, trong tinh thần hợp tác. Xin Đức Trinh Nữ trợ giúp qúy vị. Tôi đồng hành với qúy vị bằng phước lành của tôi. Và tôi yêu cầu qúy vị nhớ đến tôi trong những lời cầu nguyện của qúy vị.

Cảm ơn qúy vị.
 
Vatican kêu gọi các công ty hãy đoàn kết lại mà chăm sóc cho những bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh lạ!
Thanh Quảng sdb
23:04 29/02/2020
Vatican kêu gọi các công ty hãy đoàn kết lại mà chăm sóc cho những bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh lạ!

Cuối tháng 2 được coi là Ngày của những bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh lạ! Ước tính hàng năm có hơn 300 triệu người khắp nơi trên thế giới mắc phải một trong hơn 6.000 cơn bệnh hiếm lạ chưa được y khoa xác định.
(Robin Gomes – Tin Vatican)

Tòa Thánh Vatican kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy thực hiện lòng bác ái yêu thương và đoàn kết lại để chăm sóc sức khỏe hầu cung cấp, hỗ trợ và chăm sóc cụ thể cho các bệnh nhân mắc phải những cơn bệnh hiếm lạ! Giúp họ cảm thấy họ luôn là một thành phần của xã hội chứ không bị loại trừ!
Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Thánh bộ lo về các bệnh nhân tại Tòa thánh Vatican kêu gọi một sự phát triển con người toàn diện, đã gửi ra một thông điệp vào thứ bảy vừa qua nhân Ngày bệnh nhân được ghi nhớ vào ngày cuối cùng của tháng Hai.
Tổ chức châu Âu về các bệnh hiếm lạ (EURORDIS), một tổ chức phi chính phủ, được thiết lập từ năm 2008 để nâng cao nhận thức về các bệnh chưa được y khoa biết đến hoặc đã bị xếp vào quá khứ!
Theo tổ chức phi chính phủ, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc vào một trong hơn 6.000 bệnh hiếm lạ hàng năm...

Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hỗ trợ để cứu giúp những người mắc bệnh hiếm lạ. Trong một bài đăng trên Twitter @Pontifex của mình vào thứ Bảy, ĐTC viết: Nhân ngày quốc tế bệnh nhân, chúng ta hãy cùng nhau chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm các thứ bệnh hiếm lạ, hãy tiếp tục nghiên cứu, chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội để các bệnh nhân này cũng được thừa hưởng những phương tiện chữa trị bình đằng trong cuộc sống đầy đủ.

Bệnh hiếm lạ ở các nước nghèo
Trong thông điệp của mình, Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng thường những người mắc bệnh hiếm lạ và gia đình họ phải sống trong sự kỳ thị, bị cô lập và cảm thấy bất lực! Họ gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị cụ thể và chăm sóc thích hợp. Tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở những quốc gia nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn và thiếu thốn...
Nhấn mạnh tới quyền căn bản về sức khỏe và quyền được chăm sóc là một thúc bách của công lý, Đức Hồng Y cho rằng sự phân phối không đồng đều các nguồn lực kinh tế, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp, không đảm bảo các phương tiện đầy đủ cho sức khỏe, bảo vệ phẩm giá và sức khỏe cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ túng thiếu!

Ngành dược phẩm
Vì lý do này, Đức Hồng Y Turkson cho biết, kiến thức khoa học và nghiên cứu về dược phẩm, tuân thủ theo luật pháp hầu bảo vệ sở hữu trí tuệ và lợi nhuận hợp lý, nhưng cũng phải tìm ra những thỏa thuận phù hợp cho pháp quyền chẩn đoán và tiếp cận các liệu pháp thiết yếu, đặc biệt trong trường hợp bệnh hiếm gặp.
Công ty và tập đoàn
Đức Hồng Y Turkson nói: Nguyên tắc của các công ty con và tập đoàn phải truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế cũng như các chính sách y tế để đảm bảo rằng các hệ thống y tế được hiệu quả, tiếp cận công bằng trong chuẩn đoán, điều trị và hỗ trợ và chăm sóc cụ thể cho bệnh nhân và gia đình của họ được đảm bảo, đặc biệt là những người thiểu số dễ bị tổn thương nhất.
Trong Giáo Hội Công Giáo, nguyên lý của công việc giáo dục xã hội là quan tâm tới các vấn đề của con người và mọi quyết định nhằm mang lợi ích cho những người bị ảnh hưởng, chứ không phải theo những chỉ thị thuần túy của trung ương.

Bao gồm những việc cần làm
Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng những hệ lụy của các cơn bệnh hiếm lạ gây ra cho cuộc sống hàng ngày của các gia đình là sự gián đoạn làm ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm, thể chất và kinh tế, Đức Hồng Y Turkson mời gọi các tổ chức hãy chăm sóc sức khỏe và cả các phương diện xã hội như cuộc sống gia đình và các liên quan khác tác nhân khác trong xã hội của những người mắc bệnh... Ngài đặc biệt kêu gọi hãy lưu tâm tới nỗi cô đơn cô độc của người bệnh! Nói tóm lại là hãy có những hành vi phục vụ trong yêu thương…".
Ngài chia sẻ thật là lý tưởng, nếu bên cạnh các thành viên gia đình, có các nhân viên y tế, xã hội và mục vụ, cùng làm việc trong tinh thần huynh đệ, để chăm sóc cho những người mắc bệnh hiếm lạ, hãy kết hợp sự chăm sóc y tế với các hoạt động xã hội hầu đảm bảo cho các bệnh nhân cảm thấy họ là một thành phần của xã hội…
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Đến Với Mẹ Fatima
Dominic Đức Nguyễn
10:34 29/02/2020
ĐƯỜNG ĐẾN VỚI MẸ FATIMA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Fatimá hôm nay, con hân hoan bước tới
Cùng với Mẹ, tán tạ Chúa Ba Ngôi
Luôn phù trợ, những khi con yếu đuối
Ban ơn lành, trong khúc rẽ cuộc đời
Bước hành trình, Mẹ luôn cùng đi với
Nguồn ủi an, khi lệ đắng trên môi
(Trích thơ của Người Tri Ân)
 
VietCatholic TV
Thời buổi coronavirus: Gương làm ăn lương thiện của một thanh niên Công Giáo Hương Cảng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:11 29/02/2020
Trước đây, chúng tôi đã đưa tin về gương sáng của cô Maria Trần Chân Tử (Mako Chan - 陈真子), giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ở quận Thái Phố (Tai Po - 大埔).

Khi nguồn cung cấp khẩu trang y tế giảm dần ở Hương Cảng, cô Chân Tử, là chủ một thẩm mỹ viện, đã làm việc trong bốn ngày để làm 2,100 chai nước diệt trùng để rửa tay trong kho của mình. Được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, cô cũng đã phát cho những người nghèo những chai nước này và tổng cộng gần mười nghìn khẩu trang y tế làm từ Indonesia.

Tuần qua, chúng tôi cũng đã đưa tin về gương sáng của bác sĩ Alfred Hoàng (Wong - 黄), 38 tuổi, là giáo dân giáo xứ Thánh Giá ở Sao Cơ Loan (Shau Kei Wan -筲箕灣). Anh tình nguyện gia nhập đội ngũ nhân viên y tế tại khu cách ly.

Các đồng nghiệp Hương Cảng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh, gọi tắt là HSSC, vừa cho chúng tôi biết thêm một tấm gương khác của một thanh niên Công Giáo khác là anh Đường Chí Mẫn (Tang Zhimin - 唐志敏), 32 tuổi, là giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ở quận Thái Phố.

Mặc dù không có kinh nghiệm sản xuất. Anh Mẫn đã mở xưởng riêng của anh để làm các khẩu trang y tế sau khi các nhà thuốc trong thành phố bán hết các khẩu trang này giữa sự bùng phát toàn cầu trận dịch coronavirus.

Theo nhận định của anh, nguyên lý làm ăn trên thị trường là “nếu có nhu cầu thì có thị trường. Vì thế, tôi nghĩ làm các khẩu trang thì có gì mà khó, chỉ là mấy miếng vải khâu lại với nhau thôi mà. Sao tôi không mở xưởng riêng của mình?”

Anh Mẫn mướn một nhà kho và nhập máy móc từ Ấn Độ sang. Anh sản xuất và chỉ bán trên mạng trực tuyến để tránh cái cảnh người ta phải xếp hàng dài.

Anh nói: “Mục tiêu chúng tôi đặt ra là nếu chúng tôi tiếp tục được, cái xưởng này sẽ là cái khiên che chở cho Hương Cảng. Người Hương Cảng sẽ nhớ rằng có một cái xưởng như thế này. Khi người ta bán 10 đô la Hương Cảng một cái khẩu trang y tế, cái xưởng này vẫn chỉ bán 1 đô la Hương Cảng một cái.”

Nếu anh bán 5 đô la một cái, người ta vẫn mua ào ào. Nhưng anh không lợi dụng thời cơ để làm giầu trên nỗi khổ của người khác.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
 
Giáo dân Vũ Hán: Thứ Sáu Tuần Thánh của chúng tôi dài quá, biết đến khi nào mới đến lễ Phục sinh?
Giáo Hội Năm Châu
16:00 29/02/2020
Hy vọng coronavirus sẽ được giới hạn tại Trung Quốc đã biến mất khi trường hợp đầu tiên ở khu vực cận Sahara của châu Phi được công bố ở Nigeria hôm thứ Sáu, trong khi số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng ở Âu châu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Như thế, cho đến nay ít nhất 80 quốc gia, ở mọi lục địa, đã báo cáo về các trường hợp nhiễm coronavirus.

Ý đã báo cáo 650 trường hợp coronavirus và 17 trường hợp tử vong. Đó là con số nghiêm trọng nhất ở Âu châu do dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay.

Tại Trung Quốc - tâm chấn của căn bệnh chết người – sáng thứ Bẩy 29 tháng Hai, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, gọi tắt là NHC, đã báo cáo ít nhất 47 trường hợp tử vong do coronavirus, nâng tổng số trường hợp tử vong lên đến 2,835 người.

Ngoài ra, còn có 427 ca nhiễm mới, đẩy các trường hợp được xác nhận ở Trung Quốc đại lục lên đến 79,251 trường hợp và hơn 83,000 trường hợp trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý quý vị và anh chị em rằng các con số do bọn cầm quyền Bắc Kinh đưa ra chỉ là các con số mà đảng cộng sản Trung Quốc muốn người ta tin. Con số thật sự khác xa rất nhiều.

Một y tá tại Vũ Hán cho Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh, gọi tắt là HSSC, biết vào ngày 14 tháng Hai, NHC thừa nhận có 1,716 nhân viên y tế trên toàn quốc đã bị nhiễm virus, và cho biết 6 người trong số họ đã chết. Tuy nhiên, chính trong ngày đó, trong một cuộc họp báo, sở y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết có đến 6,000 nhân viên y tế đã nhiễm coronavirus. Và ít nhất 6 bác sĩ mà cô quen biết đã chết vì virus nguy hiểm này.

Người y tá này cũng cho biết trong thời gian đầu các bệnh nhân bị đuổi về nhà vì không có chỗ trong các bệnh viện. Gia đình đạo diễn Trương Khải (Chang Kai - 张凯), một đạo diễn phim lừng danh của Trung Quốc làm việc tại hãng phim Hồ Bắc, đã chết trong hoàn cảnh như thế.

Cha của anh cảm thấy không khoẻ vào đúng ngày mùng Một Tết Canh Tý. Nhà đạo diễn đưa người cha lớn tuổi của mình đến khám ở một bệnh viện và được xác nhận là ông cụ đã nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, bệnh viện yêu cầu đưa về nhà vì không có chỗ. Nhà đạo diễn, tin tưởng vào sự nổi tiếng của mình, đã đưa người cha đến một số bệnh viện khác ở Vũ Hán nhưng chỗ nào anh cũng bị từ chối vì thiếu giường. Nhiều người nằm la liệt cả ở ngoài hành lang. Không nỡ để cha nằm ngoài hè lạnh lẽo như thế, anh đưa ông về nhà. Ba ngày sau, ông cụ qua đời.

Nhưng bi kịch gia đình anh chỉ mới bắt đầu. Vào ngày 2 tháng Hai, mẹ anh cũng chết vì cùng một căn bệnh.

Trong thời gian chăm sóc cho song thân, anh nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 14 tháng Hai. Chỉ vài giờ sau đó, em gái anh cũng đã ngã gục trong trận chiến với virus. Vợ anh, qua đời một tuần sau đó.

Trung Quốc đã điều động các lực lượng quân y đến địa phương này. Cho đến nay ít nhất 3,500 quân nhân đã có mặt tại Vũ Hán.

Theo người y tá này, với sự có mặt của các lực lượng quân y này, hiện nay các bệnh viện ít đuổi người ta về hơn. Đồng thời, lại có một thông báo thưởng 10,000 nhân dân tệ, tức là khoảng 1,430 Mỹ Kim cho những ai báo cáo một người bệnh cố tình trốn tránh ở nhà. Có ai được thưởng món tiền hậu hĩnh này chưa thì cô không biết, nhưng hàng ngàn người đã bị bắt giao cho các lực lượng quân y này. Người dân địa phương lo sợ rằng đây chỉ một dịp để bọn cầm quyền thanh trừng các thành phần chống đối và những người tố cáo tham nhũng trong các năm qua.

Vũ Hán, như ta thấy ngày nay nằm ở hợp lưu của sông Hán (Han Jiang - 汉江) và sông Dương Tử (Yangtze - 长江) và được hình thành từ ba thành phố cũ liền kề nhau là Hán Khẩu (Hankou - 汉口), Hán Dương (Hanyang - 汉阳) và Vũ Xương (Wuchang - 武昌).

Vũ Xương là nơi đã xảy ra cuộc Cách Mạng Tân Hợi ngày 10 tháng 10, 1911 thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo.

Sau khi chiếm được Hoa Lục, Vũ Xương là nơi đã diễn ra những vụ tàn sát và bắt bớ kinh hoàng nhất trong năm 1953. Ký ức của những người già trong vùng còn in đậm những vụ xảy ra liên tiếp trong đó quân đội tấn công và giết chết công an để đánh tháo cho tù chạy trước cảnh quá nhiều người bị bắt.

Vào năm 1949, tại Hoa Lục có hơn 4 triệu người Công Giáo với 2698 linh mục bản xứ và 3015 linh mục truyền giáo đến từ các nước. Giáo Hội sở hữu 3932 trường trung tiểu học, 2 đại học, 216 bệnh viện, 781 trạm y tế, 254 viện mồ côi và 29 nhà in.

Khi Mao lên nắm quyền, việc đầu tiên của Mao là trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục để dễ bịt mắt tây phương và lường gạt các thành phần “tiến bộ” trong giới “trí thức” phương tây vẫn còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản. Số linh mục ngoại quốc đang từ con số 3015 tụt xuống còn 172 vị trong đó 71 vị đang rũ tù. 101 vị còn lại trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau này, nhiều vị như các cha dòng Trappist bị bắt đưa ra tòa án nhân dân, bị kết án là thực dân và xâm lược, bị tử hình bằng cách đập đầu vào đá, bể sọ chết.

Một vài con số cho chúng ta thấy sự khủng bố của cộng sản Trung quốc tàn bạo đến mức nào. Số linh mục bản xứ đang từ 2698 vị tụt xuống còn 400 vị trong đó có 160 vị đã bị kết án tử hình hay chung thân. Một số nhỏ tham gia vào hội Công Giáo Yêu Nước, số lớn trốn tránh trong dân không dám hành đạo vì công an ruồng bắt ngày đêm. Tất cả tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Tất cả chủng viện bị đóng cửa.

Ðời sống của các linh mục chui khó khăn và nguy hiểm đến độ nhiều người cho rằng nguy hiểm và khó khăn hơn các linh mục trong tù. Nhiều linh mục cho biết họ luôn luôn bị cám dỗ giữa việc ra đầu thú và việc tiếp tục hành đạo chui. Nếu đầu thú thì đi tù, mạng sống có thể bị nguy hiểm nhưng bớt cơ cực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, giáo dân sẽ không ai coi sóc. Chính vì vậy, các vị đành phó thác trong tay Chúa.

Các linh mục chui không được phép làm việc vì các ngài thường không có hộ khẩu. Các ngài cũng không thể sống nhờ sự chu cấp của giáo dân vì giáo dân cũng nghèo rớt mồng tơi. Các vị thường làm những việc vặt vãnh để độ nhật và dâng lễ chui, làm các phép bí tích tại tư gia và lợi dụng các đám ma để dâng lễ rong đường.

Những nhân chứng sống sót chạy thoát sang Hương Cảng kể lại trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), bọn công an và hồng vệ binh họp dân bắt họ chứng kiến cảnh bọn ác ôn này moi tim các linh mục chui và anh chị em tín hữu Công Giáo để xem “linh hồn lìa khỏi xác” như thế nào.

Những ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của các tín hữu Vũ Hán kéo dài quá lâu, từ năm 1949 đến nay, đang ở mức kịch liệt trong những ngày này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.