Ngày 29-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 9
VietCatholic Network
07:05 29/02/2012
Hãy xin thì sẽ được (Mt 7:7). Thật là một lời hứa đầy khích lệ. Trong những lời rõ ràng, không chút mơ hồ, Ðức Giêsu nói với ta rằng Thiên Chúa sẽ cho ta những gì ta cầu xin Ngài nếu ta bền đỗ. Thiên Chúa rất quảng đại. Nhưng đồng thời Ngài muốn ta học cách xin, tìm kiếm và gõ cửa. Tại sao vậy? Có phải vì Ngài thích nhìn ta vất vả tìm kiếm ơn huệ của Ngài? Không phải như vậy. Ðức Giêsu biết rằng khi ta bền đỗ và tin cậy trong lời cầu xin, chúng ta có thể đập đổ những rào cản của sự cứng lòng, không cậy trông và hoài nghi.

Bạn có bền đỗ trong lời cầu xin cùng Chúa hay đôi khi bạn buông xuôi? Bạn có cảm thấy Thiên Chúa lạnh lùng, không trả lời những lời cầu xin của bạn? Ðiều này là bình thường. Tất cả chúng ta đôi khi thấy Chúa chậm đáp lại lời cầu của ta. Nhưng khi đáp trả của Chúa chậm đến, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấy một chiều dài lịch sử đến muôn đời, còn ta chỉ thấy hiện tại và trước mắt.

Mọi bậc làm cha mẹ biết rõ những gì con cái thật sự cần, trước mắt và lâu dài; lợi hại của những thứ mà con cái họ cầu xin; cũng như những thách đố con cái họ sẽ phải đối diện. Cũng vậy, Cha trên trời không có ý "làm hư hỏng" ta bằng cách ban cho ta quá nhiều, quá nhanh hay bằng cách cho ta những gì hại cho ta về lâu dài.

Chúng ta hãy tin cậy ở lời Ðức Giêsu. Nếu chúng ta bền đỗ, Thiên Chúa sẽ đáp lại mỗi lời cầu xin của chúng ta. Ðáp trả của Ngài đôi khi tế nhị và không tỏ tường tức khắc. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta dâng nhu cầu và ước muốn lên cùng Chúa, Ngài sẽ đáp lại như một người Cha từ ái. Ngài không gởi cho ta bất cứ thứ gì ta xin, như một giải quyết chớp nhoáng cho điều mà ta cảm nhận như một nhu cầu tức khắc. Tuy nhiên điều này là chắc chắn: dù cách thức Ngài đáp trả lời cầu xin của ta như thế nào, ơn phúc Ngài ban luôn lớn lao hơn điều ta trông đợi.

"Lạy Cha, xin luôn đổ trên con ơn phúc dồi dào của Ngài. Xin cho Nước Cha là điều mà con mong mỏi nhất trong lời cầu xin chứ không phải những gì dẫn đưa con lạc lối về".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Lịch phụng vụ tháng Ba
LM Anphong Trần Đức Phương
17:45 29/02/2012
Trong Tháng 3, Giáo Hội đặc biệt kính Thánh Giuse, thường gọi là Tháng Thánh Giuse với Lễ kính Thánh Giuse là bạn Đúc Trinh Nữ Maria vào ngày 19/3 hàng năm.

Năm nay tất cả Tháng Ba nằm trong Mùa Chay với các Chúa Nhật 2, 3, 4, 5 (Năm B). Ngoài ra chúng ta cũng mừng Lễ Truyền Tin vào ngày 26/3.

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY (Ngày 4/3): Cuộc đời đầy những đau khổ, thử thách. Đứng trước những thử thách, những đau khổ , chúng ta thường lo lắng và cảm thấy chán nản, thất vọng, nếu chúng ta không có một niềm tin vững chắc nơi Chúa và trông cậy hoàn toàn nơi Chúa để được sự nâng đỡ an ủi và hiểu được ý nghĩa sự đau khổ. Bài Đọc 1 (Sáng Thế 22:1-2,9,10-13,15-18): Tuyệt đối đặt niềm tin nơi Chúa, Abraham đã sẵn sàng dâng Isaac, người con trai duy nhất, cho Chúa ; nhưng sau thử thách lớn lao, Chúa để Isaac sống và Chúa đã an ủi và chúc phúc cho ông Abrahm và hứa ông sẽ là tổ phụ của cả một dân tộc đông đảo “như sao trên trời , như cát bờ biển.” Bài Đọc 2: (Rôma 8:31-34): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và ban chính Con Một Ngài cho chúng ta, Ngài sẵn sàng nghe lời chúng ta tin tưởng cầu xin. Bài Phúc Âm (Matcô 9: 2- 9) ghi lại việc Chúa Giêsu biến hình trên núi trước mặt ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan và đàm đạo với hai nhân vật quan trọng trong Cựu Ứớc là Moisê và Êlia, và Thiên Chúa Cha đã hiện ra và nói : “Đây là con yêu dấu của Cha, các con hãy nghe lời Người.”

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY (NGÀY 11/3) nói đến lề luật của Chúa mà chúng ta phải tuân giữ và việc tôn trọng Đền Thờ của Thiên Chúa, là Nhà Chúa, nơi để chúng ta đến thờ phượng Chúa và cầu nguyện . Bài Đọc 1 (Xuất Hành 20:1-3,7-8,12-17) ghi lại những lề luật Chúa ban trong Cựu Ước mà mọi người và mọi nơi phải tuân giữ, như tôn thờ Thiên Chúa, thảo kính cha mẹ, không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp… Những điều răn này được ghi lại trong bản “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.” Bài Đọc 2 (1 Corinthô 1:22-25): Thánh Phaolô nói đến chủ điểm rao giảng của Ngài là Chúa Giêsu Kitô đã chịu nạn, chịu chết để chuộc tội chúng ta , ai tin thì được hưởng ơn cứu rỗi. Bài Phúc Âm (Gioan 2:13-25) ghi lại việc Chúa Giêsu dùng roi đánh đuổi những kẻ buôn bán tại Đền Thờ Giêsusalem, và Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người: Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa, là nơi để cầu nguyện, chứ không phải để buôn bán. Chúa Giêsu cũng báo trước Ngài sẽ chịu nạn, chịu chết để chuộc tội nhân loại, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại.

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY (18/3): Thiên Chúa luôn yêu thương nhân loại chúng ta mà Ngài đã dựng nên “theo hình ảnh Chúa.” Khi chúng ta sa ngã phạm tội xa lạc đường ngay nẻo chính, thì Ngài gửi các đau khổ và thử thách đến để cảnh tỉnh chúng ta; nếu chúng ta biết sám hối lỗi lầm, ăn năn trở lại thì Chúa lại tha thứ và thương yêu chúng ta. Bài Đọc 1 (2 Ký Sự 36:14-16,19-23) ghi lại thời gian Dân Chúa sa ngã phạm tội và không chịu nghe lời các tiên tri để ăn năn sám hối lỗi lầm, nên Thiên Chúa đã để quân thù đến xâm chiếm và tàn phá đất nước,rồi bắt tất cả phải đi lưu đầy sang Babylon một thời gian lâu dài, cho đến khi họ nhận biết lỗi lầm và cầu khẩn Chúa thương cứu giúp đưa về quê hương. Bài Đọc 2 (Thơ Êphêso 2:4-10): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta nhớ đến lòng nhân từ của Chúa đối với chúng ta; cả khi chúng ta yếu đuối sa ngã, Ngài cũng vẫn thương chúng ta, sẵn sàng tha mọi lỗi lầm cho chúng ta, nếu chúng ta biết ăn năn xám hối lỗi lầm . Hơn nữa, ơn cứu rỗi được ban nhưng không cho chúng ta, chứ không vì công nghiệp gì của chúng ta; vì thế chúng ta đừng tự phụ. Bài Phúc Âm (Gioan 3: 14-21) ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô về lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì thương yêu chúng ta mà Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến, không phải để luận phạt chúng ta, nhưng để chịu chết treo trên Thánh giá để cứu chuộc chúng ta. Nhưng để được ơn tha thứ và cứu rỗi,chúng ta phải tin: “Ai tin thì sẽ được cứu rỗi, ai không tin thì sẽ bị luận phạt…”

LỂ THÁNH GIUSE BẠN ĐỨC TRINH NỮ MARIA (19/3): Thánh Lễ hôm nay suy tôn Thánh Giuse là Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.

Dù Đức Maria đã chịu thai Chúa Con do quyền năng Chúa Thánh Thần; nhưng người đời không biết được điều này, Thánh Guise cũng chỉ biết khi được Chúa soi sáng cho biết. Vì thế Đức Maria phải có một người chồng theo lề luật, và Thánh Giuse (dòng dõi Vua Đavid, Luca 2:4) đã được Thiên Chúa chọn để làm người chồng của Đức Maria trọn đời đồng trinh. Thánh Giuse cũng được ơn phúc trọn đời đồng trinh (Matthêu 1:25) và là cha nuôi Chúa Cứu Thế.

Thánh Giuse là một người thợ, sống nghèo khó, luôn phải làm ăn vất vả, nhưng luôn chu toàn bổn phận của một ngưòi chồng và người cha, chu toàn mọi bổn phận hàng ngày.

Thánh Giuse là gương mẫu nhiều nhân đức cho mọi người chúng ta. Nhất là lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa trong mọi sự và biết cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa.

Khi thấy Mẹ Maria có thai mà Thánh Giuse chưa biết do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không nổi giận , nhưng đã âm thầm cầu nguyện và được Chúa soi sáng cho biết Mẹ Maria đã được Chúa chọn để sinh ra Đấng Cứu Thế và đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần; lúc bấy giờ Thánh Giuse đã vui mừng cưới lấy Đức Maria theo lề luật (Matthêu 1:18-25).

Khi gần đến ngày Đức Maria sinh hạ Chúa Con mà phải về khai sổ ở mãi Belem, Thánh Giuse đã vất vả đưa Mẹ Maria đi mà không phàn nàn, kêu trách; nhất là khi tới nơi, lại không có chỗ trọ, nên phải để Mẹ Maria sinh Chúa Con nơi máng cỏ bò lừa ở ngoài trời (Luca 2:7; 2:12).

Sau đó ít lâu lại được Chúa soi sáng phải đưa ngay gia đình đi lánh nạn ở mãi Ai Cập, vì Vua Hêrôdê đang tìm cách giết Chúa Hài Nhi , Thánh Giuse lại vâng theo Thánh ý Chúa và lên đường ngay (Matthêu 2:13-14), dù không quen biết ai ở Ai Cập, và cũng không thắc mắc về đường đi thế nào, và sinh sống làm sao nơi đất khách quê người.

Khi Hêrôđê chết, lại đưa gia đình về lại Nagiarét (Matthêu 2:19-23), tiếp tục làm thợ để nuôi sống gia đình. Thánh Giuse đã luôn sống đời âm thầm cho đến khi được Thiên Chúa đưa ra khỏi đời này để về hưởng hạnh phúc Nước Chúa. Kinh Thánh đã ca tụng Thánh Giuse là “Người Công Chính.”(Matthêu 1:19).

Bài Đọc 1 (2 Samuel 7:4-5,12-14,16) ghi lại lời Thiên Chúa hứa với vua Đavid là dõng dõi của nhà vua sẽ được tồn tại mãi mãi qua muôn thế hệ. Bài Đọc 2 (Rôma 4:13,16-18,22) nói đến Lời Thiên Chúa đã hứa trước với ông Abraham là Ông sẽ là tổ phụ của những ai có lòng tin thuộc mọi dân tộc, qua mọi thời đại. Bài Phúc Âm (Matthêu 1:16,18-21,24) ghi lại việc Đức Trinh Nữ Maria đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần, và Thánh Giuse đã được Chúa soi sáng biết điều đó nên đã cưới Đức Maria theo lề luật, và khi Mẹ Maria sinh Chúa Con , Thánh Giuse đặt tên là Giêsu như Thiên Thần đã báo trước.

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY (NGÀY 25/3): Chúng ta đang đến gần những ngày kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại , tuần sau là Chúa Nhật Lễ Lá và tiếp theo là Tuần Thánh.

Các Bài đọc Chúa Nhật thứ 5 Mùa chay nói nhiều đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để chuộc tội nhân loại. Bài Đọc 1 (Giêrêmia 31: 31-34) : Tiên Tri Giêrêmia đã tiên báo về ngày Đấng Cứu Thế đến để ký kết Giao Ước mới với Dân Chúa và đem lại ơn cứu rỗi cho mọi người thành tâm thiện chí. Bài Đọc 2 (Thơ Do Thái 5:7-9): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : Chúa Giêsu, dù là Con Thiên Chúa ,nhưng đã vâng phục ý Chúa Cha và chấp nhận cuộc khổ nạn để cứu chuộc “những ai tùng phục Người.” Bài Phúc Âm (12: 20-33) Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy chấp nhận những đau khổ trong cuộc sống hàng ngày để thanh tẩy và hưởng ơn cứu rỗi; mọi người chúng ta như hạt giống gieo xuống đất, nếu nó mục nát đi sẽ nẩy sinh nhiều hoa trái. Đó là chết đi cho cuộc đời này để được cuộc sống đời đời. Khi Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh Gía, Ngài sẽ kéo chúng ta lên với Ngài.

LỄ TRUYỀN TIN: (26/3) Thánh Lễ hôm nay chính thức là vào ngày 25/3 , nhưng năm nay ngày 25/3 trùng vào ngày Chúa Nhật nên dịch vào Thứ Hai 26/3. Qua các Bài Đọc trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta có dịp suy ngắm một biến cố rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, giây phút Thiên Chúa sai Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria biết Mẹ là người đầy ơn phúc và đã được Thiên Chúa chọn để thụ thai Ngôi Hai xuống thế làm người do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và Đức Maria đã vâng theo thánh ý Chúa và thưa lời “Xin Vâng”, và ngay lúc đó “Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại và thực sự xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Đây là giây phút vô cùng quan trọng nối kết giữa Trời và Đất và chuẩn bị cho ngày Đấng cứu thế sinh ra mà chúng ta mừng kỷ niệm hàng năm vào ngày 25/12. Bài Đọc 1 (Isaia 7:10-14,8:10) : Tiên tri Isaia đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuống thế làm người qua lòng một Trinh Nữ do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bài Đoc 2 (Thơ Do Thái 10:4-10): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là các hy lễ và hiến tế theo Cựu Ước không thể đền tội chúng ta, nên chính Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người để chịu chết đền tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 1: 26-38): ghi lại việc Sứ Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ và sau khi đã nhận ra thánh ý Chúa đã yêu thương chọn Đức Trinh Nữ để chịu thai Ngôi Lời xuống thế làm người do quyền năng Chúa Thánh Thần mà vẫn còn trọn đời đồng trinh, Đức Maria đã thưa lời “Xin Vâng” và ngay khi đó “Ngôi Lời đã xuống thế làm người “ nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.”

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhận ra thánh ý Chúa và vâng theo trong sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng và tình thương của Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta. Đặc biệt trong tháng Ba này là tháng kính Thánh Giuse, chúng ta cùng cầu nguyện xin Thánh Giuse chuyển cầu, xin Chúa soi sang cho chúng ta hiểu được thánh ý Chúa trước các khó khăn mà chúng ta gặp trong đời sống, để can đảm thực thi ý Chúa với niềm tin tưởng hoàn toàn nơi lòng thương xót của Chúa là Cha chúng ta. Xin Chúa thương chúc lành và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.
 
Thánh Giuse yêu mến đức khiêm nhường
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
17:52 29/02/2012
Thánh Giuse được Tin Mừng nhắc đến qua biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu (x. Lc 2, 16 ; 27 ; 33;41 ; 48). Cũng qua biến cố này, chúng ta được biết ngài là bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria (x. Mt 1, 18). Ngoài thời niên thiếu của Đức Giêsu ra, chỉ thấy Thánh Kinh đích danh nêu danh tính của thánh nhân thêm một lần nữa trong dịpĐức Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth (x. Mt 13, 55).

So với Đức Maria, thánh Giuse ít được nói đến và đặc biệt hơn nữa, không hề có một lời nói nào của ngàitrong Thánh Kinh. Chỉ vỏn vẹn chừng ấy dữ liệu thôi cũng đủ để chúng ta phác hoạchân dung vị Phu Quân của Đức Maria. Ngài được nhắc đến như một vị thánh thầm lặng,một bậc gia trưởng gương mẫu, hay là người công chính đích thực. Nơi vị thánh ấy,chúng ta còn khám phá ra một nhân đức khác nữa rất trổi vượt của ngài, đó là đứckhiêm nhường.

Liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu, thánh Giuse được biết qua giấc mộng là trở thành chồng và cha trong sự chấp nhận mình không là gì cả. Người ta vẫn nói rằng nam giới thường hay chủ động. Họ cũng rất tự hào về phái tính mạnh mẽ của mình. Trong khi đó Giuse lại trở nên thụ động để đón nhận một con trẻ từ Chúa Thánh Thần.Đây chính là sự khiêm nhường tuyệt vời của thánh nhân.

Khiêm nhường trước hết không phải là thứ tình cảm khinh bỉ hay hạ giá bản thân. Khiêm nhường chính là một thái độ của sự thật đối với Thiên Chúa, đối với người khác và đối với chính bản thân. Nói đúng hơn, khiêm nhường là tiếng vang vọng trong trái tim con ngườivề sự thán phục trước Thiên Chúa Thánh Thiện và Tình Yêu, về cái nhìn tích cực đối với những người khác. Sự thán phục và cái nhìn tích cực ấy cho phép con người sống trong sự thật trước Thiên Chúa và người khác, bước vào bên trong của một mốiquan hệ đón nhận và hỗ tương, và chấp nhận chính mình với những ưu điểm cũng như những hạn chế. Thái độ của sự thật, khiêm nhường dẫn đến tình yêu. Tốt hơn nữa, khiêm nhường tập hợp chung tất cả tình yêu Thiên Chúa, tình yêu người khácvà tình yêu bản thân. (Theo định nghĩa của bách khoa toàn thư công giáo Théo).

Với cái nhìn ấy, đức khiêm nhường của thánh Giuse giúp cho mỗi thành viên trong gia đình của ngài được triển nở và lớn lên trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Tình Yêu, dướitác động của Chúa Thánh Thần.

Đức Trinh Nữ Maria, phận nữ tì hèn mọn và khiêm nhường, lại hoàn toàn tin tưởng một cách mãnh liệt vào lờiđã triển nở trong mình hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 38). Bản thân thánh Giuse, vị Phu Quân mẫu mực, luôn luôn nhận ra thánh ý Chúa trước mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời và mau mắn thực thi điều Chúa truyền dạy (x. Mt 1, 24 ;Mt 2, 14, Mt 2, 21). Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang, nhập thể để mang thânphận con người và cư ngụ giữa loài người(x. Ga 1, 14) thì luôn luôn được gọi là Con Yêu Dấu của Chúa Cha (x. Mc 1,11)vì biết lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4, 34).

Thánh Kinh cũng chochúng ta biết Thánh Giuse thuộc dòng dõi Vua Đavít (x. Mt 1, 1-16). Tuy nhiên, ngườihậu duệ ấy lại kiếm sống bằng một nghề rất bình thường của một phó thường dânkhông hơn không kém : nghề thợ mộc. Không hề có chức trọng quyền cao trongxã hội, cũng chẳng chọn cho mình một nghề an nhàn thư thái, Thánh Cả Giusekhiêm tốn hành nghề thợ mộc để làm kế sinh nhai và chu cấp cho gia đình. Ngàilàm công việc tầm thường ấy một cách phi thường với tất cả lòng mến yêu. Chínhcon người không tầm thường này đã hợp thức hoá cho Ngôi Hai Thiên Chúa được liệt vào dòng giống con Vua Đavít (x. Lc 1, 32). Chính bằng nghề thợ mộc tầm thường ấy,thánh Giuse đã hướng dẫn Con Thiên Chúa Nhập thể bài học làm người để sống đíchthực bản tính nhân loại như những con người khác, ngoại trừ tội lỗi (x. Lc 2,52). Đức Giêsu đã sống trọn vẹn kiếp người đến nỗi sau những ngày rong ruổi khắpđó đây trên đất nước Palestin, Ngài trở về quê hương Nazareth và giảng dậy trong hội đường. Dân chúng rất ngạc nhiên về lời giảng dậy của Ngài và những phép lạ Ngài làm thì đã tự hỏi : « Ông không phải là con bác thợ mộc đó sao ? » (Mt 13, 55).

Mừng lễ Thánh Giuse, Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy dâng tất cả các gia đình của mỗingười cho Thánh Cả trong niềm tin tưởng vào lời chuyển cầu rất có thần thế của ngài. Đồng thời cũng xin thánh nhân dạy cho chúng ta luôn quý trọng đức khiêm nhường để thánh ý Chúa được thực hiện trong mỗi khoảnh khắc và trọn vẹn trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:35 29/02/2012
QUẢ BÓNG
N2T

Có người mọc một khối u lớn nơi cổ, khi đang hóng mát ở nhà chùa thì vô tình ngủ say. Lúc ấy thần xuất hiện nhìn thấy người ấy, bèn hỏi người tùy tùng:
- “Đó là cái gì ?”
- “Là một quả bóng ?”

Thần ra lệnh cho người tùy tùng đi lấy “quả bóng” ấy.
Người ấy tỉnh dậy thì không thấy cái khối u đâu cả nên rất vui mừng và đi về nhà. Qua ngày hôm sau, lại có người cũng có một khối u nghe chuyện lạ như thế bèn vào trong chùa để ngủ, lần này thần ra lệnh cho tùy tùng:
- “Đem quả bóng hôm qua trả lại cho nó !”

Suy tư:
Cơ hội chỉ đến một lần và vận may cũng không thể ngày nào cũng có, cho nên người khôn ngoan thì biết nắm lấy cơ hội hiếm có và biết chớp thời cơ khi vận may đến, bởi vì đi chậm một bước thì cơ hội hoặc vận may sẽ không còn.
Trong các sách Tin Mừng, Thiên Chúa luôn để cơ hội cho những người mà Ngài yêu mến, tức là những người tội lỗi, để họ có cơ hội trở về nẻo chính đàng ngay, trở về với tình yêu của Ngài:
- Đức Chúa Giê-su đến nhà của ông Gia-kêu để cùng ăn cơm với ông, Ngài đã cho ông một cơ hội và ông đã hoán cải.
- Với người phụ nữ ngoại tình, Đức Chúa Giê-su đã nói: “chị về đi và đừng phạm tội nữa”, đã cho bà ta một cơ hội rất lớn làm lại cuộc đời.
- Với ánh mắt yêu thương, Đức Chúa Giê-su đã cho ông Phê-rô một cơ hội để hối lỗi của mình…
Trong cuộc sống của mỗi người, Thiên Chúa cũng để cho chúng ta nhiều cơ hội để chúng ta nhìn rõ con người tội lỗi của mình để sám hối và trở về với Chúa. Mà cơ hội lớn nhất đó chính là Mùa Chay thánh, mùa của ân sủng và thánh đức, mùa của yêu thương và tha thứ, mùa của hối cải và trở về…
Cơ hội như một quả bóng bay, nếu chúng ta lơ là không để ý thì nó sẽ bay và nổ tung trên không.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:42 29/02/2012
N2T

13. Đêm tối nếu có kẻ trộm đến nhà thì chỉ cần la lớn tiếng thì cướp kinh hoàng bỏ chạy, hàng xóm nghe tiếng kêu thì đến cứu; ma quỷ cám dỗ chúng ta phạm tội là cướp linh hồn của chúng ta. Trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa, chỉ cần chúng ta nhiệt tâm cầu nguyện, la lớn tiếng với Thiên Chúa thì ma quỷ cũng tất hoảng sợ mà chạy, và các thần thánh đều đến cứu giúp.

(Thánh Proterius)
 
Đền thờ của Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:21 29/02/2012
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, năm B
Ga 2, 13 – 25

Ngày xưa Giêrusalem là Nhà thờ lớn, là nơi hành hương, là nơi muôn dân qui tụ về dâng lễ, cầu kinh. Ngày nay, mọi Đền thờ đều là nhà của Thiên Chúa, là nơi để cầu nguyện. Tin mừng của thánh Gioan hôm nay, cho chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ làm ô uế Đền thờ và Ngài chỉ ra Ngài chính là Đền thờ…

Lần đầu tiên chúng ta thấy Chúa Giêsu nổi giận đối với những người buôn bán nơi Đền thờ Giêrusalem như đang buôn bán chiên, bò, bồ câu và đặc biệt Chúa Giêsu lật đổ bàn ghế của những người đổi tiền bạc. Đây là cơn giận thánh của Chúa Giêsu bởi vì Ngài vẫn nói với các môn đệ :” Hãy học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhượng”.Chúa Giêsu luôn bình thản trước những lời vua oan cáo vạ Ngài, trước những sự phản bội trắng trợn Ngài. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu tức giận, tỏ thái độ nghiêm khắc với những kẻ buôn bán, đổi chác tiền bạc dù rằng những ấy chỉ diễn ra nơi tiền đình Đền thờ, nhưng Chúa Giêsu vẫn cương quyết chống đối lại những người này vì Ngài cho rằng nó gây ồn ào, bất kính đối với Đền thờ, nơi Ngài cho là nhà của Cha Ngài. Ngài luôn tôn kính Đền thờ và Ngài không muốn con người xúc phạm đến Đền thờ, đến Nhà của Cha Ngài, nơi đây người ta hành hương, đi dâng lễ cầu kinh và cầu nguyện. Chúa Giêsu không chấp nhận việc con người làm cho Đền thờ ra ô uế. Chúa Giêsu thấy cần phải thanh tẩy Đền thờ dù rằng Ngài biết việc ấy sẽ gây nguy hại cho tính mạng của Ngài. Ngài nói :” Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây” (Ga 2, 16 ). Đem tất cả những thứ ấy ra khỏi nơi thờ phượng bởi vì chúng xúc phạm đến Cha của Ngài, xúc phạm đến chính thân xác, đến con người của Chúa Giêsu. Ngài muốn nơi thờ phượng phải là nơi tôn nghiêm, nơi tĩnh lặng, nơi thanh vắng, nơi con người, nhân loại gặp gỡ Thiên Chúa.

Người Do Thái lúc đó đâu có hiểu Ngài, đâu có nhận ra Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Độ trần gian. Do đó, họ vặn lại Ngài, nhưng Chúa Giêsu đã nói thẳng thừng với họ :” Cứ phá hủy Đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại “ (Ga 2, 19 ). Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết và sự sống lại của Ngài, nhưng nào đâu họ có hiểu ! Và Đền thờ ở đây, Đền thờ Ngài nói tới là chính thân xác của Ngài, thân xác sống lại của Ngài sẽ là Đền thờ mới, nơi toàn thể nhân loại sẽ thờ phượng cách đích thực.

Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, nhưng đồng thời Ngài cũng muốn thanh tẩy tâm hồn mỗi người chúng ta và thanh tẩy các nhà thờ, các nơi thờ phượng của chúng ta bởi vì tâm hồn chúng ta là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, nhưng nhiều khi chúng ta đã để chúng ra ô uế, do tội lỗi, do những bất xứng chúng ta xúc phạm đến Chúa. Nhiều nơi thờ phượng, nhiều nhà thờ chúng ta xây dựng hoành tráng, to tát bên ngoài nhưng việc đạo đức nhiều khi không đúng ý Chúa. Nhiều nơi tổ chức linh đình bề ngoài nhưng bề trong lại xa Chúa. Do đó, Chúa muốn chúng ta thanh tẩy nội tâm, thanh tẩy những gì bề ngoài không phù hợp với ý của Chúa vv…
Mỗi thánh lễ nơi một nhà thờ nào đó, chúng ta hiệp dâng cùng với linh mục. Chúng ta hiểu rõ rằng qua bí tích rửa tội chúng ta được tháp nhập vào trong Hội Thánh, và như thế, chúng ta được hội nhập, được tháp nhập vào một Đền thờ mới là chính thân xác phục sinh của Chúa. Nhà thờ là nơi thờ kính, là nơi cầu nguyện, là nơi tôn kính Chúa Cha qua Đức Kitô. Nhà thờ này còn quý giá hơn cả Đền thánh Giêrusalem xưa vì Đền thờ bây giờ chính là Con người Chúa Giêsu đã kinh qua cái chết và phục sinh.

Chúng ta luôn phải hiểu rõ rằng Đền thờ, nơi Thờ phượng hằng ngày chúng ta lui tới là nơi Chúa Giêsu ngự, là nơi Ngài qui tụ chúng ta lại và là nơi Ngài gặp gỡ chúng ta và ngược lại chúng ta được diễm phúc gặp gỡ Ngài. Nhà thờ còn là nơi có những mối quan hệ mật thiết với mỗi Kitô hữu hơn bất cứ nơi nao bởi đó là nơi có những kỷ niệm êm đềm nhất từ lúc chúng ta sinh ra cho đến khi chúng ta lìa đời. Nhà thờ là di sản quí báu của tổ tiên, cha ông chúng ta để lại.Nhà thờ là nơi qui tụ, họp mặt mọi người ta xứ họ để cảm tạ Thiên Chúa và xin ơn với Ngài. Chính vì thế, chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ và thanh tẩy Nhà thờ sao cho đẹp lòng Chúa và hợp với ý của Chúa.

Chúa đã phán :” Khi Danh Ta hiển thánh nơi các ngươi,
Ta sẽ tập trung các ngươi lại
Từ khắp mọi nơi trên mặt đất.
Trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong ngần,
Và mọi vết nhơ của các ngươi sẽ được tẩy sạch,
Ta sẽ đặt thần trí mới vào lòng các ngươi “ ( Ed 36, 23-26 ).

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi : là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đền thờ Giêrusalem là nơi qui tụ những ai ?
2.Giêrusalem trên nghĩa là gì ?
3.Tại sao lại phải thanh tẩy tâm hồn ?
4.Chúng ta phải có bổn phận và nghĩa vụ làm sao đối với Nhà thờ ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Giuse, ''Người Cha của Tân Phúc Âm Hóa''
Nguyễn Trọng Đa
07:36 29/02/2012
Thánh Giuse, "Người Cha của Tân Phúc Âm Hóa"

Sự chuẩn bị Năm Đức Tin trong giáo phận Fréjus-Toulon, Pháp

ROMA - "Tháng Thánh Giuse" - mà Giáo Hội mừng lễ ngày 19-3 -, là tháng Ba, bắt đầu từ ngày thứ năm 1-3 năm nay. Thánh Giuse, thánh bảo trợ của Công đồng chung Vatican II, dường như ngày nay được xem là "người cha của Tân Phúc Âm Hóa" và như là "vị thánh bổn mạng của Thiên niên kỷ thứ ba": đây là điều đưa ra ánh sáng một sáng kiến độc đáo của Đức Giám mục Dominique Rey, giám mục giáo phận Fréjus-Toulon (Pháp). Đây như là một "lễ hiển linh" của Thánh Giuse, trong khi Năm Đức tin xuất hiện ở chân trời.

Nhẫn Ngư phủ

Giáo phận Fréjus-Toulon sẽ thực sự tận hiến cho sự bầu cử của Thánh Giuse vào ngày 17-3 sắp tới, và sẽ chuẩn bị một tuần cửu nhật, mà người ta có thể thấy trên trang web của giáo phận: một bước đi vào truyền thống địa phương - cuộc hành hương đến Cotignac - và viễn tượng của Năm Đức tin, vốn bắt đầu từ ngày 11-10, cũng là mừng 50 năm ngày khai mạc Công đồng chung Vatican II.

Thánh Giuse đã hưởng một vị trí đặc biệt trong việc chuẩn bị Công đồng chung, bởi vì vào năm 1962, ĐTC Gioan XXIII đã chọn Ngài làm Đấng bảo trợ Công đồng chung, qua tông thư đề ngày 19-3-1961 bằng tiếng Ý “Le voci”. Chân Phước Gioan XXIII nhắc lại "các lời nói" và văn bản của các Đấng Tiền nhiệm của mình, từ ĐTC Piô IX đến ĐTC Piô XII, về thánh Giuse. Ngài cũng loan báo rằng bàn thờ thánh Giuse trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô phải được trang hoàng lộng lẫy và uy nghi.

Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã thực hiện một cử chỉ khác cho việc khai mạc Công đồng chung, để đóng ấn liên minh "Công đồng" với thánh Giuse: Hồi tháng 10-1962, Chân phước Giáo hoàng đã dâng tặng chiếc nhẫn Giáo hoàng của mình cho Thánh Giuse, và Ngài đặt nhẫn này tại đền thánh ở Kalisz, Ba Lan, nơi người ta tôn kính một tượng thánh Giuse nổi tiếng “hay làm phép lạ”.

Cũng chính Chân Phước Gioan XXIII đã đưa tên Thánh Giuse vào trong Lễ Quy, khi Ngài thông báo trong bài diễn văn bế mạc khoá họp thứ nhất của Công đồng chung, ngày 8-12-1962. Thánh Giuse đã cùng đi với Ngài từ thời thơ ấu: Ngài là Angelo Giuseppe (Giuse) Roncalli đó mà.

Đền thánh Knock

Cử chỉ của Chân Phước Gioan XXIII tạo cảm hứng cho cử chỉ của ĐTC Gioan Phaolô II, người đã dẫn lời của Chân Phước Gioan XXIII khi Ngài đeo “nhẫn Ngư phủ” vào tay thánh Giuse, được Ngài yêu mến từ thời thơ ấu: há chẳng phải như thân phụ Ngài, Ngài được gọi là Karol Jozef (Giuse) Wojtyla đó sao? Chiếc nhẫn đã được Đức Hồng Y Franciszek Macharski, Tổng Giám Mục Tông giáo phận Krakow, đặt trong nhà thờ Dòng Cát Minh, đền thánh dâng cho thánh Giuse, ngày 19-3-2004.

ĐTC Gioan Phaolô II đã đi đến một đền thánh khác, nơi đã xảy ra một cuộc hiện ra thầm lặng của thánh Giuse, tại Knock (Ireland), cách Dublin khoảng 220 km về phía tây bắc, vào đầu triều đại giáo hoàng của Ngài, ngày 30-9-1979. Đây là năm kỷ niệm Bách chu niên cuộc hiện ra, ngày 21-8-1979. Lần đó, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan viết Tin Mừng và Con Chiên Vượt Qua, và các thiên thần hiện ra cho hơn 15 người – trong độ tuổi 6-75, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em - trên đầu hồi phía nam của nhà thờ Knock.

Đức Thánh Cha người Ba Lan đã nhắc lại tầm quan trọng của Thánh Giuse cho đời sống Giáo Hội trong Tông Huấn Redemptoris Custos (ngày 15-8-1989), một thế kỷ sau thông điệp của ĐTC Lêô XIII Quamquam pluries, về sự tôn kính thánh Giuse (ngày 15-8-1889). Chân phước Giáo hoàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cử chỉ của ĐTC Piô IX, năm 1870: "Trong thời điểm khó khăn này của Giáo Hội, khi muốn dâng sự che chở đặt biệt của Giáo Hội cho Thánh Cả Giuse, Ngài đã tuyên bố thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội Công Giáo".

Về việc tuyên bố này, ĐTC Piô IX cũng đã chọn một ngày lễ Đức Mẹ: ngày 8-12. Nhưng ngày từ đầu triều đại của Ngài, ngày 10-12-1847, Ngài đã thiết lập ngày lễ và phụng vụ giờ kinh cho thánh Giuse bổn mạng, mà Ngài đã qui định vào chủ nhật thứ ba sau lễ Phục Sinh, và vào ngày 8-12-1870, Ngài đã tuyên bố thánh Giuse là “Bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ".

Đức tin và hành động của thánh Giuse

Về phần mình, ĐTC Biển Đức XVI - Joseph Ratzinger - gần đây đã công bố một Năm Đức tin, kết hợp với việc kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng chung Vatican II. Và, đã nhiều lần, Ngài mời gọi người Công giáo hãy đến với trường học của thánh Giuse, hãy có với thánh nhân một "cuộc đối thoại thiêng liêng”, liên quan đến một sự canh tân đức tin. Trước khi đọc kinh Truyền Tin ngày 18-12-2005, Ngài nói chẳng hạn: “Bây giờ là lúc thích hợp hơn bao giờ hết để thiết lập một thứ đối thoại thiêng liêng với Thánh Giuse, để Ngài giúp chúng ta sống viên mãn mầu nhiệm đức tin".

Ngày 18-3-2009, tại Yaounde (Cameroon, châu Phi), ĐTC Biển Đức XVI đã dành bài giảng của Ngài nói về thánh bổn mạng của Ngài. Ngài kết luận, khi nói với mọi thành phần Dân Chúa, rằng nơi thánh Giuse, không có "sự tách biệt giữa đức tin và hành động": "Việc suy niệm của chúng ta về hành trình con người và thiêng liêng của thánh Giuse, mời gọi chúng ta hãy học mọi sự phong phú của ơn gọi của Ngài, và mẫu gương của Ngài cho tất cả mọi người nam nữ muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa Kitô, trong chức linh mục hay đời sống thánh hiến, hoặc trong các dấn thân khác nhau của người giáo dân. Thánh Giuse đã thực sự sống trong sự soi chiếu của mầu nhiệm Nhập Thể. Không chỉ trong sự gần gũi thể lý, mà còn trong sự quan tâm của con tim. Thánh Giuse tiết lộ cho chúng ta bí mật của một nhân loại sống trong sự hiện diện của mầu nhiệm, được mở ra cho Ngài qua các chi tiết cụ thể nhất của cuộc đời Ngài. Nơi Ngài, không có sự tách biệt giữa đức tin và hành động. Đức tin của Ngài định hướng một cách quyết định các hành động của Ngài. Nghịch lý thay, chính khi hành động, chính khi lãnh các trách nhiệm, Ngài tự xoá mình đi để cho Chúa tự do thực hiện công việc của Chúa, mà không gặp trở ngại. Thánh Giuse là một "người công chính" (Mt 1, 19) bởi vì sự tồn tại của Ngài được điều chỉnh theo Lời Thiên Chúa".

Năm Linh Mục

Ngày 19-12-2010, chủ nhật thứ tư Mùa Vọng, ĐTC Biển Đức XVI đã suy niệm về lời loan báo với Thánh Giuse, trước khi đọc kinh Truyền Tin, và Ngài đã giao phó các linh mục trên toàn thế giới cho sự bảo trợ của thánh nhân, bằng cách nhắc các linh mục nhìn đến vai trò của "cha hợp pháp" của Chúa Giêsu, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Thánh Giuse loan báo các điều kỳ diệu của Chúa, làm chứng sự trinh tiết của Đức Maria, hành động nhưng không của Thiên Chúa, và bảo vệ cuộc sống trần thế của Đấng Mê-si-a. Vì vậy, chúng ta tôn kính người cha hợp pháp của Chúa Giêsu (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 532), bởi vì trong Ngài có một con người mới, nhìn về tương lai với sự tự tin và can đảm, không đi theo dự án riêng của mình, nhưng hoàn toàn phó thác vào lòng thương xót vô bờ bến của Đấng đã hoàn tất các lời sứ ngôn và mở ra thời kỳ cứu độ".

ĐTC nói: “Các bạn thân mến, tôi muốn phó thác cho Thánh Giuse, bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ, tất cả các mục tử, khuyến khích các mục tử “hãy trao cho các tín hữu và toàn thể thế giới lễ vật khiêm tốn hàng ngày của lời nói và hành động của Chúa Kitô "(Thư công bố Năm Linh Mục)."

Và Ngài nói bằng tiếng Pháp, sau khi đọc kinh Truyền Tin, nhân dịp chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, về "sự hiếu khách" của con người dâng cho chính Thiên Chúa: "Như thánh Giuse và Mẹ Maria, hiền thê của Ngài, chúng ta có thể dâng sự hiếu khách cho Thiên Chúa, Ngài đến với chúng ta dưới hình ảnh một bé thơ nhỏ bé và mong manh, đầy tình yêu và sự dịu hiền cho tất cả nhân loại!"

Tu sĩ Anrê và Cotignac

Ngày Chủ nhật, 17-10-2010, tại Roma, ĐTC Biển Đức XVI đã phong thánh cho một tu sĩ Dòng Thánh Giá ở Canada, tông đồ của Thánh Giuse, Thầy Andre Bessette, người đã xây dựng Nhà nguyện Thánh Giuse trên Núi Mont-Royal, nơi ngài là người bảo vệ trung thành cho đến khi qua đời năm 1937". ĐTC nhấn mạnh chính đức tin của tu sĩ này: "Là người ít học, ngài vẫn hiểu cốt yếu đức tin nằm ở đâu. Đối với ngài, tin có nghĩa là tự đặt mình một cách tự do và yêu mến vào ý Chúa. Được sống bởi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, ngài đã sống mối phúc của tâm hồn thanh sạch, mối phúc của sự ngay thẳng cá nhân. Chính nhờ sự đơn sơ này mà ngài giúp nhiều người nhìn thấy Thiên Chúa."

Giáo phận Fréjus-Toulon có trên lãnh thổ của mình đền thánh ở Cotignac, được giao cho các Tu sĩ Dòng thánh Gioan điều hành, nơi có sự hiện ra của Thánh Giuse với Gaspard Ricard, một người chăn chiên 22 tuổi ở Provence, ngày 7-6-1660: thánh nhân đưa tay chỉ cho người này một tảng đá lớn, và nói với anh để có nước uống: “Ta là Giuse, hãy nhấc hòn đá lên và lấy nước uống đi!”.

Nước Pháp đã được tận hiến cho thánh Giuse vào năm sau bởi Vua Louis XIV, ngày 19-3-1661, chỉ mười ngày sau khi ông lên ngôi Vua: trước đó, Vua đã đến hành hương ở Cotignac. (ZENIT.org 28-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tĩnh tâm linh thao của Đức Thánh Cha chú trọng vào hiệp thông
Bùi Hữu Thư
08:42 29/02/2012
Hồng Y người Congo suy niệm về giáo triều

VATICAN, ngày 28 tháng 2, 2012 (Zenit.org).- Hiệp thông với Thiên Chúa, như được giải thích trong thư thứ nhất của thánh Gioan là chủ đề chính của các bài tập tâm linh Mùa Chay đang tiếp diễn tại Vatican.

Từ nay cho đến ngày thứ bẩy, Đức Thánh Cha Benedict XVI và các thành viên của giáo triều Rôma đang tụ tập tại Nhà Nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của cung điện tông đồ để theo dõi ba buổi suy niệm mỗi ngày do Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục Kinshasa, Dân Chủ Cộng Hòa Congo hướng dẫn.

Như thường lệ, tất cả mọi hoạt động của Đức Thánh Cha trong tuần đều được bãi bỏ, kể cả buổi triều khiến chung ngày thứ tư.

Theo đài Radio Vatican, là cơ quan truyền thông độc nhất được phép thâu hình các bài tập linh thao, Hồng Y Monsengwo giải thích đó là hiệp thông với Thiên Chúa, từ nơi Người, Giáo Hội mới có được "lòng xót thương" và một "hướng dẫn yêu thương."

Được phỏng vấn bởi Alessandro De Carolis của đài Vatican Radio, Đức Hồng Y ở Kinshasa giải thích là "Thánh Gioan chú tâm nhiều đến việc hiệp thông trong Giáo Hội, dù là hiệp thông của các tín hữu với các Tông Đồ, hay giữa các tín hữu với Thiên Chúa, hay giữa các Tông Đồ với Thiên Chúa. "

Đức Hồng Y nói: "Đây là một chủ đề thích thú và luôn luôn thích hợp vì trong đề tài này chúng ta nói về tất cả mọi vấn đề Giáo Hội tiên khởi gặp phải và chính chúng ta cũng có thể vướng mắc ngày nay."

Sự đổ vỡ

Đức Hồng Y Monsengwo Pasinya đề cập đến sự đổ vỡ của hiệp thông trong Giáo Hội: một sự đổ vỡ về hiệp thông vì thiếu đức tin; một đổ vỡ hiệp thông vì thiếu đức ái; một đổ vỡ về đức tin vì giáo huấn của các Tông Đồ không được tuân theo.

Về vấn đề này ngài ghi nhận là "vào lúc khởi đầu của Giáo Hội, có những người không tin vào Giêsu, cũng như ngày nay cũng có những người không tin vào Giêsu: họ không tin rằng Giêsu là Đấng Thiên Sai, họ không tin rằng Giêsu đã nhập thể."

Rồi thánh Gioan bắt đầu tiếp xúc với những người không tin là Giêsu đã đến và ngài nói: "Họ đã ở giữa chúng ta nhưng họ đã bỏ di."

Theo Đức Hồng Y, "ngày nay chúng ta cũng có những cộng đồng đã ở với chúng ta nhưng đã bỏ đi: tất cả những cộng đồng nhỏ bé đã được chúng ta gọi là 'các giáo hội đã thức tỉnh,' hay chính thống cực đoan, v..v.., tất cả thực tại này đã được Thánh Gioan đề cập đến trong thư thứ nhất."

Đức Hồng Y tiếp, "Cuối cùng Thánh Gioan là người đã bắt đầu nói về đức tin nơi Giêsu Kitô, về sự hiệp thông với Thiên Chúa và, đồng thời, cho biết những tiêu chuẩn để được hiệp thông với Thiên Chúa. Do đó, ngày nay chúng ta lại chú ý đến những điều này."

Về câu hỏi làm sao những lời trong Thư của Thánh Gioan lại liên đới với các đề tài của Mùa Chay, Đức Tổng Giám Mục Kinshasa trả lời: "Trên thực tế, Mùa Chay là đi vào sa mạc với Chúa Giêsu và để được gần gũi Thiên Chúa hơn. Nơi Chúa Giêsu đã chiến thắng ma qủy, chúng ta cũng phải tránh không để ma quỷ thuyết phục. Do đó đây là lý do của Mùa Chay: sự kiện là Mùa Chay giúp chúng ta sống trong tình hiệp thông sâu đậm hơn với Thiên Chúa. Như vậy, hiệp thông với Thiên Chúa, trong Mùa Chay, khi bản văn của lá thư nói: 'Các bạn chiến thắng nhờ được Thần Khí xức dầu, nhờ Lời Chúa các bạn nhận được khi chịu phép rửa.'"

Trả lời một câu hỏi về Sứ Diệp Mùa Chay năm nay, trong đó Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh rất nhiều về khía cạnh bác ái cụ thể, Đức Hồng y Monsengwo Pasinya kết luận: "Lời Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hết sức chân thật: khi một ai đang ở Phi Châu và thấy sự nghèo khó, đau thương, chiến tranh, và tất cả những rối loạn đang tiếp diễn, người ấy không thể không nghĩ đến việc này. Chính vì thế chúng ta chấp nhận không ngần ngại sứ điệp của Đức Thánh Cha: vì phù hợp với thực tại của chúng ta."
 
Thiên Chúa trở lại trong nghệ thuật
Linh Tiến Khải
11:24 29/02/2012
Phỏng vấn Linh Mục François Boespflug, dòng Đa Minh, giáo sư nghệ thuật tôn giáo về sự kiện Thiên Chúa phục thù trong nghệ thuật

Từ nhiều thập niên qua thế giới Tây Âu tục hóa tìm mọi cách để gạt bỏ Thiên Chúa và sự thánh thiêng ra khỏi trái tim con người và cuộc sống xã hội. Điển hình là chủ trương tháo gỡ các Thánh Giá, ảnh tượng khỏi các lớp học, bàn giấy, công xưởng, và các nơi công cộng. Lý do mị dân thường được đưa ra là các biểu tượng tôn giáo ấy xúc phạm sự tự do của những người không theo Kitô giáo hay những người vô thần. Nhưng sự thật là xã hội tây âu đã đánh mất đi niềm tin kitô của mình, và không muốn thừa nhận gốc rễ kitô của nền văn hóa tây âu nữa. Tuy nhiên, sự thánh thiêng bị nền văn hóa tục hóa tây âu xóa bỏ, lại phục thù trong nghệ thuật.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Francois Boespflug, dòng Đa Minh, giáo sư nghệ thuật tôn giáo, về sự kiện phục thù này của sự thánh thiêng trong nghệ thuật. Trong 30 năm qua cha Boespflug đã khai trương rất nhiều con đường định đoạt giúp hiểu biết nghệ thuật tôn giáo trên ranh giới giữa thần học và iconologia, tức nghệ thuật vẽ các ảnh thánh trên gỗ. Cha cũng thuyết giảng trong các khóa học về nghệ thuật thánh, do Bảo tàng viện Louvre Paris tổ chức. Cuốn sách của cha tựa đề ”Thiên Chúa và các hình ảnh của Người. Một lịch sử của Đấng Vĩnh Cửu trong nghệ thuật” là một cuốn sách cổ điển nổi tiếng, cũng sẽ được xuất bản bằng tiếng Ý trong thời gian tới đây. Cha cũng mới cho in một cuốn sách khác tựa đề ”Tư tưởng của các hình ảnh” với sự cộng tác của bà Bérénice Levet, trong đó có tóm tắt tiểu sử cuộc đời và các sinh hoạt của cha trong lãnh vực nghiên cứu và dậy nghệ thuật thánh.

Hỏi: Thưa cha Boespflug, cha là chuyên viên nghệ thuật thánh, xin cha cho biết có cần phải có một năng khiếu tâm lý đặc biệt để có thể bước vào trong tương quan sâu xa với một tác phẩm nghệ thuật vẽ các hình ảnh thánh trên gỗ hay không?

Đáp: Để có thể bước vào trong tương quan với một bức tranh, tôi nghĩ trước hết cần phải thanh tẩy chính mình, từ bỏ các thành kiến có thể có, các lược đồ phân tích, các ý thức hệ, các giả thiết, và để cho chính tác phẩm tác động trên chúng ta, vì bình thường tác phẩm có sức mạnh diễn tả của nó. Đứng trước một tác phẩm cũng tương tự như khi chúng ta đứng trước một người khác. Cần phải có thời giờ để lắng nghe tác phẩm trong thinh lặng, với một thái độ trung lập tràn đầy lòng tốt. Và như thế chúng ta tìm cách thấm nhập vào cảnh được vẽ trong cái bản chất giác quan của nó, qua các vùng mầu sắc, và ánh sáng, chìm ngập vào trong điều mà Erwin Panofsky gọi là ”sân vận động tiền tranh vẽ”. Nói một cách tóm tắt, cần phải có sự giản dị, lòng tốt và sự chú ý. Sự vội vã và thái độ khinh rẻ là hai cố vấn tồi tệ nhất. Trong giai đoạn hai có tính cách suy tư hơn, đó là tìm đến với các ý niệm giải thích mới có ích lợi.

Hỏi: Trong trường hợp nghệ thuật tôn giáo, một cách đặc biệt trước các diễn tả về Thiên Chúa, mà cha là một chuyên viên nổi tiếng thế giới, có cái gì thay đổi không?

Đáp: Trong các trường hợp này, chúng ta thường đứng trước các chủ thể vượt xa kinh nhgiệm có thể cảm nhận được và chúng tùy thuộc một truyền thống. Truyền thống ấy lại đã nhận được rất nhiều từ Thánh Kinh và sự giải thích kitô trong lịch sử Giáo Hội. Giữa tác phẩm và người chiêm ngắm tác phẩm có các đòi buộc trước khác nhau, một loại văn phạm nào đó, và chúng trở thành chính yếu giúp hiểu biết các chủ ý của tác giả. Thí dụ trong việc diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi, một họa sĩ Tây Ban Nha hay Italia phải chú ý đến vài luật lệ của truyền thống Tây Ban Nha hay truyền thống Italia.

Hỏi: Một sự quân bình và thân thiết nào đó có thể có trước các tác phẩm lớn lao như ”Chúa Kitô Đấng Tạo Dựng” của vài vương cung thánh đường hay không thưa cha?

Đáp: Đây là các trường hợp ngoại lệ đã có trong nghệ thuật thời cổ kitô, như trong vương cung thánh đường thánh nữ Pudenziana tại Roma chẳng hạn. Nói chung, các tác phẩm này diễn tả khả năng của Thiên Chúa làm đầy vũ trụ. Thánh Agostino nói rằng Thiên Chúa ở trong sự toàn vẹn của Người tại khắp mọi nơi.

Hỏi: Các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống duy trì các ý niệm riêng về các ảnh thánh tới mức độ nào thưa cha?

Đáp: Không còn có thể nói về các khác biệt sâu xa liên quan tới kiểu hay sự nhậy cảm nữa, nhưng vẫn còn có sự phân biệt về quy chế hình ảnh tôn giáo. Bên Đông Phương thì việc gắn bó với phụng vụ là chính yếu, bên cạnh đó là xác tín rằng hình icone vẽ trên gỗ là trung tâm của một cuộc gặp gỡ có sức mạnh biến đổi con người và hầu như có giá trị bí tích. Còn bên Tây Phương, với thời gian các chiều kích dậy dỗ và kiểu mẫu cũng đã chiếm được bề dầy lớn. Các khác biệt này có thể trao ban sự phong phú cho cả hai bên, nhưng tôi chú ý ghi nhận rằng bên Đông Phương ngày nay lại tái nở hoa các cám dỗ của một thái độ đóng kín hay một quan niệm phân biệt lành dữ giữa nghệ thuật vẽ ảnh đạo trên gỗ bên Đông Phương, ngặt nhiệm, và trung thành với truyền thống, và các nghệ sĩ có óc tưởng tượng hay thay đổi.

Hỏi: Thưa cha, tương quan giữa đức tin của người nghệ sĩ và sự linh hứng là vấn đề đã luôn luôn được bàn cãi. Đâu là quan điểm của cha về vấn đề này?

Đáp: Bên Đông Phương cũng như bên Tây Phương, không bao giờ được đánh giá thấp khả năng diễn tả niềm tin của các nghệ sĩ trong các tác phẩm của họ. Nói chung có thể đề cập tới chiều kích vinh danh của nghệ thuật, có khả năng đưa chúng ta lên tới trời - như một loại trầm hương bằng mầu bay lên trời - như là lời chúc tụng Đấng Tạo Hóa thường khi rất xác tín. Tôi nghĩ tới icone Thiên Chúa Ba Ngôi của Nicoletto Semitecolo, hoạt động trong vùng Veneto đông bắc Italia hồi thế kỷ thứ XIV. Trước tác phẩm mới mẻ và hòa hợp này thì không thể không tiếp nhận được niềm tin thật sự sâu xa, đã thúc đẩy họa sĩ sử dụng hết tài năng của mình để thực hiện bức vẽ ấy.

Hỏi: Đối với cha, khi diễn tả Thiên Chúa thì mọi thế hệ đều kết thúc bằng việc tự thú. Cha muốn nói gì khi khẳng định như vậy?

Đáp: Đây là một vấn đề khó. Nhưng tôi có cảm tưởng là cho tới nay người ta đã quá lơ là đối với sự mòn mỏi tự nhiên của các lời nói và các hình thức trong dòng thời gian. Tới lúc trong đó một thế hệ, để có thể tiếp tục diễn tả tràn đầy niềm tin của mình, cảm thấy nhu cầu phải canh tân một phần các hình thái riêng, và tạo ra một từ ngữ mới. Liên quan tới vấn đề này tôi thấy các sứ điệp mới đây của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thật là táo bạo, khi ngài đề cập tới sự mệt nhọc của việc tin. Cả trong hội họa cũng thế, chắc chắn dọc dài các thế kỷ sự soi mòn tự nhiên đã là một cầu nhún định đoạt đối với việc canh tân các hình thái.

Hỏi: Thưa cha, bên Pháp, đã nảy sinh ra một cuộc tranh luận chung quanh ”Đấng Cứu Thế Salvator Mundi” của Antonello da Messina, được trình bầy lại trong vở kịch ”Về ý niệm gương mặt nơi Chúa Con” của nghệ sĩ Romeo Castellucci, người Ý. Cha có ngạc nhiên không?

Đáp: Tôi tin rằng đây là một triệu chứng của tình trạng nền văn hóa tây phương đứng trước Kitô giáo, mà tôi không biết nó cố ý tới mức nào. Gương mặt của Chúa Kitô là một dấu vết trở đi trở lại một cách mạnh mẽ, trong lúc Liên Hiệp Âu châu thất bại trong việc tuyên xưng gốc rễ kitô của mình; trong lúc các xã hội tục hóa áp đặt bắt các giáo sư phải im lặng không được nói về Thiên Chúa; trong lúc các nghệ sĩ lơ là với đề tài diễn tả Thiên Chúa. Dấu vết này không thể xóa nhòa được, mặc dù nó cũng chịu các tấn kích như xảy ra trong vở kịch của Romeo Castellucci. Chúa Kitô là chìa khóa phẩm giá thiên linh của chúng ta, và trong vở kịch Người là chứng nhân của tình trạng suy đồi vật lý của một con người không kiểm soát được thân xác của mình nữa. Đây là một sự đối chiếu của sức mạnh diễn tả lớn lao.

Hỏi: Đối kháng giả, sự đối chiếu cũng là việc kéo dài cái nhìn với một tác phẩm thánh duy nhất, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Cả điều này nữa cũng khiến cho chúng ta phải suy tư. Nói chung, tôi tin rằng nhân đức chú ý có thể kiểm thực cái nhìn của chúng ta cũng như thính giác của chúng ta. Trong tác phẩm tựa đề ”Sự chờ đợi của Thiên Chúa”, bà Simon Weil yêu cầu phải có nhân đức này, là nhân đức thật ra có thể trở thành chìa khóa canh tân tinh thần và khả năng hiểu biết của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến cảnh một cái tháp Babel hình ảnh đích thật. Sự hỗn độn biến đổi chúng ta, việc chồng chất các hình ảnh đánh mất đi sự hưởng nếm nghệ thuật. Vì thế chúng ta phải học tiếp xúc với một số hình ảnh được lựa chọn một cách kỹ lưỡng.

(Avvenire 17-2-2012)
 
Nạn đói kém hậu qủa của các đường lối chính trị nông nghiệp thiển cận
Linh Tiến Khải
11:25 29/02/2012
Phỏng vấn ông Paolo De Castro, giáo sư Kinh Tế Chính trị nông nghiệp đại học Bologna, trung Italia, về hậu qủa của các đường lối chính trị nông nghiệp sai lầm

Từ hơn một thế kỷ qua các phát triển kỹ thuật đã giúp ngành nông nghiệp sản xuất hữu hiệu và cung cấp nhiều thưc phẩm hơn với phẩm chất cao hơn. Nhưng các thay đổi cuộc sống và luật lệ kinh tế khiến cho nhiều nước trước đây sản xuất ngũ cốc giờ đây phải nhập cảng ngũ cốc. Sự cạnh tranh của các nước có nền kinh tế đang lên và nạn đầu tư cũng khiến cho thị trường thực phẩm thường gặp khủng hoảng gây ra rất nhiều khó khăn cho dân nghèo. Trong các năm qua tại nhiều nước nghèo Phi châu đã xảy các vụ xuống đường biểu tình và bạo động vì giá cả ngũ cốc và thực phẩm gia tăng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Paolo De Castro, giáo sư Kinh Tế Chính trị nông nghiệp đại học Bologna, trung Italia, về nạn đói kém như hậu qủa của các đường lối chính trị nông nghiệp sai lầm trên thế giới.

Giáo sư Paolo De Castro sinh năm 1959, đã từng là Bộ trưởng nông nghiệp Italia hai lần, và hiện nay là Chủ tịch Ủy ban nông nghiệp của Quốc Hội Âu châu. Cuốn sách mới nhất của giáo sư tựa đề ”Chạy về với đất. Thực phẩm và nông nghiệp trong kỷ nguyên của nạn khan hiếm mới”.

Hỏi: Thưa giáo sư De Castro, tại sao thế giới đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật tân tiến mà lại vẫn xảy ra nạn đói kém và khan hiếm thực phẩm?

Đáp: Trong các thập nhiên qua, thế giới, đặc biệt là các nước Âu châu, đã đề ra các đường lối chính trị cắt giảm sản xuất nông nghiệp vì tuân theo các luận lý thiển cận của việc tái quân bình thị trường. Trong một quốc gia như Italia chẳng hạn, các đường lối chính trị thiển cận ấy đã khiến rơi vào tình trạng mất thế quân bình: thay vì nhập cảng 100 thì vì nhu cầu gia tăng, ngày nay Italia phải nhập cảng thực phẩm ba lần nhiều hơn trước đây.

Hỏi: Nhưng mà thị trường không phải là lý do gây ra mọi sự dữ trong lãnh vực nông nghiệp, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Thị trường sản xuất ra sự hữu hiệu kinh tế, nhưng không thể yêu sách nó phân chia các tài nguyên một cách đồng đều trong xã hội. Và ngày nay còn hơn trước đây nữa cần phải có các luật lệ, bởi vì chúng ta đang bước vào một giai đoạn khan hiếm thực phẩm mới.

Hỏi: Nhưng mà các luật lệ này không phải chỉ là các luật lệ của Âu châu, mà phải là các luật lệ của toàn thế giới chứ?

Đáp: Vâng đúng thế. Cần bảo đảm cho an ninh lương thực, và Âu châu phải phát triển một dự án chung để điều hành một hiện tượng có nguy cơ trở thành một điều không thể kiểm soát được, vì sự kiện nhu cầu thực phẩm gia tăng với tiết nhịp đều đặn hơn là việc cung cấp lương thực. Nếu hai nước Nga và Ucraine đưa ra các thuế nhập cảng ngũ cốc, nếu Hội nghị thượng đỉnh của khối G20 đã dành 2 trên tổng số 7 trang của tài liệu chung kết cho vấn đề nông nghiệp, thì đây qủa là tiếng báo động cụ thể. chứ không phải là chuyện tầm thường không quan trọng.

Hỏi: Nó có phải là lời báo động liên quan tới nạn dân số gia tăng, như người ta vẫn thường làm hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Đây không phải là vấn đề dân số, mà là vấn đề liên quan tới sự gia tăng lợi tức bình quân tính theo đầu người bên Ấn Độ và bên Trung Quốc, với hậu qủa là việc thay đổi các thói quen ăn uống: Việc gia tăng lợi tức thay đổi các thói quen ăn uống của hàng tỷ người trên thế giới. Nó khiến cho người dân ăn thịt nhiều hơn và tiêu thụ ít ngũ cốc hơn. Nhưng để có một lượng protein thịt bò thì trung bình phải cần tới 7 lượng ngũ cốc. Và như thế nhu cầu ngũ cốc gia tăng một cách nghiệm trọng. Đã từ lâu mức gia tăng sản xuất nông nghiệp chỉ vào khoảng 1,5%, và như thế thì không đủ để đáp ứng các nhu cầu cần thực phẩm.

Hỏi: Như vậy, theo giáo sư cần phải có nhiều đất trồng tỉa hơn hay sao?

Đáp: Sự kiện cụ thể cho thấy là đất đai đã được khai thác hầu như hoàn toàn. Trái lại, nó có nguy cơ giảm thiểu, vì sự kiện các thành phố ngày càng nhiều hơn và trải dài ra lấn chiếm đất dành cho nông nghiệp. Bên cạnh đó là các công tác trồng tỉa không nhằm mục đích cung cấp thực phẩm, mà là để sản xuất xăng sinh học, các cơ cấu này xâm lấn lãnh vực sản xuất thực phẩm. Sự kiện này tạo ra hiện tượng tìm mua đất trồng trọt tại các quốc gia nghèo. Trung Quốc và Ấn Độ mua hay thuê đất canh tác tại nhiều nước Phi châu mà không theo luật lệ nào. Sự kiện này có nguy cơ làm nảy sinh ra các hình thức mới của nạn thực dân kinh tế. Không phải vô tình mà Brasil đã ra luật cấm bán đất cho người ngoại quốc.

Hỏi: Thưa giáo sư, nếu đất đai là của cải có hạn, thì làm sao mà có thể gia tăng sản xuất được?

Đáp: Đây không phải chỉ là vấn đề gia tăng sản xuất, mà cũng còn là vấn đề duy trì được thế quân bình giữa thị trường, kỹ nghệ và sản xuất nữa. Điển hình như vấn đề sản xuất đường. Cho tới năm 2005, Âu châu và đặc biệt là Italia, đã sản xuất đường thặng dư, vì được yểm trợ bởi các nguồn tài chánh công cộng khiến cho nó xem ra ít hữu hiệu trên bình diện thị trường. Rồi vì áp lực của giới sản xuất bánh ngọt yêu cầu được phép tự do mua đường với giá rẻ hơn, chính quyền đã đưa ra luật cải tổ kỹ nghệ sản xuất đường, với các cắt giảm việc sản xuất. Vào thời đó Italia xuất cảng đường với giá 300 mỹ kim một tấn, ngày nay Italia bị bắt buộc phải mua đường với giá gần 1.000 mỹ kim một tấn. Đối với sữa và các sản phẩm chế từ sữa cũng thế. Tất cả các luật lệ đã được nghĩ ra liên quan tới các sản xuất thặng dư hồi thập niên 1980. Ngày nay các hãng xưởng chế bánh ngọt của Italia gặp khủng hoảng vì không tìm ra sữa bột để làm bánh nữa, và toàn bộ việc sản xuất của châu Đại Dương bị thị trường Á châu nuốt trửng.

Hỏi: Như thế là trong nhiều thập niên qua các chính quyền đã đưa ra các đường lối chính trị sai lầm?

Đáp: Tôi gọi chúng là các đường lối thiển cận, không có khả năng chuẩn bị cho tương lai. Cần phải thay đổi. Phải làm sao để có sự cộng tác tràn đầy giữa kỹ nghệ và nông nghiệp. Phát triển việc nghiên cứu tìm tòi để gia tăng tiềm năng sản xuất của Âu châu.

Hỏi: Ngày trước Italia đã là quốc gia lãnh đạo trong lãnh vực nông nghiệp mà thưa giáo sư. Tại sao ngày nay nó lại rơi vào tình trạng lệ thuộc các nước khác về thực phẩm như vậy?

Đáp: Ngày nay tại Italia nông nghiệp đã bị bỏ bê, trong khi tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, và Brasil là ba quốc gia chiếm tới 70% tiền đầu tư trên toàn thế giới cho các nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Và quan trọng nhất là việc tìm kiếm và nghiên cứu công cộng liên quan tới tổ chức nông nghiệp thế giới chẳng hạn. Nó giúp tránh được các nguy cơ khai thác từ phía các tổ chức siêu quốc gây ra các hậu qủa kéo dài làm mất thế quân bình của thị trường.

Hỏi: Theo giáo sư thì tổ chức nông nghiệp quốc tế tích cực hay tiêu cực?

Đáp: Cần phải loại bỏ khỏi lãnh vực này các thiên kiến ý thức hệ. Việc tìm kiếm là điều nòng cốt giúp giải quyết vấn đề khan hiếm thực phẩm đang đè nặng trên nhiều quốc gia. Dĩ nhiên không phải chỉ trong lãnh vực liên quan tới kỹ thuật sinh học mà thôi. Tất cả mọi giải pháp giúp sản xuất nhiều hơn và gây ra ô nhiễm ít hơn đều là những điều nòng cốt. Cả xăng sinh học nữa, không phải được làm từ ngũ cốc, mà là chế bằng các chất thải.

Hỏi: Xem ra chúng ta đang trở lại thời hậu đệ nhị thế chiến, là thời gian có các dự án phát triển lớn trong lãnh vực nông nghiệp, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Các dự án phát triển nông nghiệp ngày nay lại cần thiết trên bình diện liên lục địa. Cần phải có các chiến thuật mới trong việc quản trị đất đai và chú ý đến việc sản xuất nông nghiệp cho một cuộc cách mạng xanh mới. Nhưng cũng cần giảm các phung phí. Ngày nay một phần ba thực phẩm sản xuất bị phung phí: nghĩa là mỗi người dân tây âu phung phí 300 kí lô thực phẩm, và mỗi người dân tại các nước nghèo đang trên đường phát triển phung phí 150 kí lô, nhất là trong giai đoạn sản xuất, duy trì và phân phối. Thí dụ điển hình như tại Anh quốc có hàng loạt các khâu bán hạ giá các thực phẩm hết hạn nhưng vẫn còn dùng được.

(Avvenire 29-12-2011)
 
Con đường nên thánh gian nan: linh mục Flanagan của Boys Town (2)
Trần Mạnh Trác
20:16 29/02/2012
Cuộc Di cư lầm than và con đường tận hiến gian nan

Edward sinh ra 40 năm sau Nạn Đói Lớn (Great Famine 1845), nhưng những ký ức về chết chóc vẫn còn rất sống động qua nhiều câu chuyện trong lúc em lớn lên. Tá điền Công Giáo bị đuổi khỏi nhà bởi giới qúi tộc Anh và cũng là chủ đất muốn cướp lấy đất mầu mỡ để chăn nuôi hoặc để giành ưu đãi cho thiểu số Tin Lành trung thành. Đa số dân cày chỉ còn những mảnh đất cằn cỗi và phải trồng khoai mới đủ ăn. Nạn dịch mất mùa khoai gây ra Nạn Đói Lớn. Kết quả là hàng triệu người chết , hàng triệu người đã bỏ quê hương di cư qua Mỹ. Dù thế các cơ chế bài Công Giáo vẫn tiếp diễn với chủ đích hòan tòan phá sản đám dân cứng đầu này, hàng triệu người đã mất nhà phải sống lang thang ở chốn rừng hoang bụi rậm. Với họ, niềm an ủi duy nhất là những buổi viếng thăm và dâng lễ trên bàn thờ bằng những viên đá xếp vội vã bởi các linh mục 'chui'. Các linh mục Công Giáo bị cấm không được đi vào lãnh địa, nếu bị bắt có thể bị bắn bỏ. Edward luôn giữ trong lòng hình ảnh của những vị linh mục anh hùng Ái Nhĩ Lan thời đó. Ngay từ lúc mới 6 tuổi, em đã có sự ao ước được đi tu.

Năm 1904 khi lên 18 tuổi, cậu Edward cùng chị là Nellie di cư qua Mỷ. Lúc đó gia đình Flanagan đã có một người con trai tu học cho giáo phận Omaha, Nebraska. Tình trạng kinh tế ở Ái Nhĩ Lan vẫn còn u tối lắm, các luật lệ và cơ chế bài Công Giáo vẫn chưa được cởi trói, con đường sống và tiến thân của thanh niên, dù là để đi tu, vẫn là bỏ nước ra đi. Hai chị em Flanagan đáp tầu S.S. Celtic và nhập cảng Ellis Island ngày 27 tháng 8 cùng năm. Họ ở nhờ tại nhà của một người cậu cho tới khi Edward được gia nhập chủng viện Mount St. Mary’s ở Emmitsburg, Maryland.

Học đựơc 2 năm, Edward ra trường với hạng danh dự và hội đủ điều kiện để tiếp tục học tại đại chủng viện Dunwoodie ở Yonkers để trở thành linh mục cho tổng giáo phận New York.

Nhưng ý Chúa muốn Edward phục vụ ở một nơi khác, ngay năm đầu tiên tại đại chủng viện cậu bị nhiễm bệnh sưng phổi (pneumonia) tới hai lần và vì phổi của cậu yếu quá cho nên bác sĩ khuyên cậu phải nghỉ học ít là một năm.

Lúc đó bà chị Nellie đã đi về Nebraska sống bằng nghề làm bếp cho người anh trai mới chịu chức linh mục là Cha P.A. (Patrick) Flanagan. Edward do đó cũng đi về Nebraska để được bà chị săn sóc dưỡng bệnh.

Nebraska là một tiểu bang trống trải không cây tại vùng 'Đại Đồng Bằng' miền 'Trung Tây' Hoa Kỳ (Great Plains of the Midwestern United States), chỉ có một thành phố lớn là Omaha. Khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh, mùa hè nóng cháy, nhiều giông bão và hay có lốc xóay.

Lúc đó dân số của Nebraska còn thưa thớt (bây giờ vẫn là tiểu bang thưa dân vào hàng thứ 8 của Mỹ,) người lao công kéo nhau về đây tùy theo mùa, hoặc để làm thịt bò, hoặc để gặt lúa bắp. Trong những lúc không có việc, nhiều gia đình sống lang thang trên đường phố Omaha, tiêu xài hết số tiền để dành ít ỏi và chờ cho mùa làm việc tới.

Trong thời gian ở với chị, Edward quyết định theo đuổi ơn gọi làm linh mục cho giáo phận Omaha. Vào tháng 8 năm 1907, Edward được gửi qua Ý, lưu trú tại Capranica College và học tại Gregorian University ở Roma. Nhưng khi mùa Đông đến, thì Edward lại bị nhiễm bệnh một lần nữa và phải đáp tàu trở về Mỹ.

Về sống nhờ chị lần thứ hai, Edward quyết định đi làm thêm. Cậu tìm được một việc kế tóan cho một công ty đóng hộp và làm việc ở đó cho tới khi hòan tòan lành mạnh. Cậu Edward một lần nữa xin tiếp tục theo đuổi ơn gọi làm linh mục.

Lần này cậu được gửi qua thành phố Innsbruck của nước Áo và học tại Royal Imperial Leopold Francis University cho tới khi mãn khóa.

Thế là trải qua bao nhiêu gian nan trắc trở, vào ngày 26 tháng 7 năm 1912 ước mộng làm linh mục mà Edward đã có từ lúc 6 tuổi trở thành sự thực. Linh mục Flanagan làm lễ mở tay tại nhà thờ St. Ignatius ở Innsbruck, xa quê hương, xa người thân thuộc.

Sau khi được truyền chức, linh mục Flanagan vội trở về Omaha và lãnh Bài Sai đi phục vụ cho một cộng đòan của người đồng hương Ái Nhĩ lan tại giáo xứ St Patrick ở O'Neill, Nebraska. Đó cũng là nơi mà người anh trai của ngài, linh mục Pat đã từng phục vụ khi mới chịu chức.

Tại vùng đất miền quê này, cha Flanagan trẻ đã chứng kiến cảnh những người đồng hương sống bám víu vào thực tế của miền đồng bằng, phần đông nghèo sơ xác, và mỗi mùa Đông đến lại gieo thêm tang thương và đói khổ. Ngài bán hết sách vở của mình và phân chia hết số lương ít ỏi ra nhưng cũng không đủ. Ngài coi cái khổ của họ cũng là của ngài.

Nhưng 6 tháng sau thì một biến cố ghê gớm hơn đã thay đổi hẳn cuộc đời của vị tân linh mục trẻ.

(kỳ tới: Tai ương và lý tưởng)
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013: Đức Hồng Y Rylko đến Rio để chuẩn bị cho biến cố này
Bùi Hữu Thư
21:26 29/02/2012
Sự tin tưởng của Đức Thánh Cha nơi giới trẻ

ROME, Thứ tư ngày 29 tháng 2, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Hồng Y Stanislas Rylko, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về giáo dân và một phái đoàn của hội đồng này đã đến Rio để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức từ ngày 23 đến 28 tháng 7, 2013.

Thực vậy, phái đoàn của Hội Đồng Giáo Hoàng về giáo dân, cổ võ cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio năm 2013, đã tiếp xúc ngày 27 tháng 2 tại Rio de Janeiro, với những giới chức trách nhiệm của Uỷ Ban tổ chức điạ phương (Comité organisateur local: COL).

Đức Hồng Y Rylko đã nhận xét là Đức Thánh Cha Benedict XVI đã theo dõi "rất mật thiết" những sự chuẩn bị và ngài hết sức "tin tưởng vào sự tham dự của tất cả mọi người trẻ." Ngài cũng nói thêm: "Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một cuộc mạo hiểm về đức tin, và đấng lãnh đạo là Chúa Thánh Thần. Chính Người là sức mạnh của chúng ta!"

Trong số các cuộc tiếp xúc trong chương trình của chuyến viếng thăm Rio này gồm có một cuộc gặp gỡ Thống Đốc Rio de Janeiro, Ông Sergio Cabral, Thị Trưởng Rio, Ông Eduardo Paes, và các giới chức phụ trách các phong trào và các cộng đồng mới.

Phái đoàn Vatican cũng đến các nơi chốn được chọn lựa cho các nghi thức sẽ được Đức Thánh Cha Benedict XVI chủ tọa trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Ngày thứ năm, 1 tháng 3, Đức Hồng Y Rylko phải chủ tế Thánh Lễ tại đền thánh Chúa Kitô Cứu Thế Corcovado, để kỷ niệm 447 năm thành lập thành phố "carioca" (tên người da đỏ điạ phương gọi Rio). Một buổi canh thức sẽ được tổ chức sau đó tại Nhà Thờ Thánh Anna, tại trung tâm thành phố.

Ngày 3 tháng 3, là thời hạn chót cho việc trình bầy các bản văn của Nhạc Hiệu chính thức của Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế giới của những người tham dự giải thi đua: người chiếm giải sẽ được công bố vào ngày 1 tháng 4.

Ngày Chúa Nhật 4 tháng 3, giáo phận Rio de Janeiro sẽ khởi sự "Chiến dịch tiếp đón và phục vụ" các khách hành hương sẽ đến từ khắp nơi trên toàn cầu để tham gia vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
 
Top Stories
Thailande: L’Eglise catholique et des ONG appellent à un changement d’approche des autorités dans le sanglant conflit du Sud thaïlandais
Eglises d'Asie
11:02 29/02/2012
Depuis huit ans que dure le conflit du Sud thaïlandais entre insurgés islamistes et forces de sécurité gouvernementales, aucune issue, qu’elle soit politique ou sécuritaire, ne semble devoir émerger. Face à cette apparente impasse, des responsables d’ONG ainsi que l’Eglise catholique sur place appellent à une nouvelle approche du problème.

Directrice d’Amnesty International en Thaïlande, Parinya Boonridrerthaikul remarque que « sept gouvernements et six Premier ministres ont mis en œuvre différentes méthodes pour tenter de trouver une solution à ce conflit, mais tous ont échoué ». La législation d’exception qui est en place dans les trois provinces à majorité musulmane du Sud thaïlandais a été maintenue, voire renforcée par ces différents gouvernements, mais elle n’a engendré que des difficultés supplémentaires, en termes notamment de violations des droits de l’homme. La police et l’armée peuvent, au titre de cette législation, placer en détention toute personne durant sept jours sans l’intervention d’aucun juge. « Les arrestations arbitraires, les détentions abusives et la torture derrière les barreaux sont devenues monnaie courante », dénonce la militante des droits de l’homme, dont l’organisation avait stigmatisé, dans un récent rapport, les « crimes de guerre » auxquels se livraient, pour leur part, les rebelles insurgés.

Depuis le 4 janvier 2004, date à laquelle des insurgés islamistes ont fait main basse sur un dépôt d’armes de Narathiwat, le conflit qui mine les trois provinces méridionales de Pattani, Narathiwat et Yala n’a cessé de faire des victimes. Début janvier 2012, un décompte très officiel d’une agence gouvernementale thaïlandaise indiquait qu’en l’espace de huit ans, le bilan s’élevait à 5 243 morts et 8 941 blessés ; parmi les morts, on comptait 4 215 civils, 351 soldats, 280 policiers, 148 enseignants et membres du personnel éducatif, sept moines bouddhistes et 242 insurgés présumés. Parmi les victimes indirectes figuraient 2 295 veuves et 4 455 orphelins. Sur un plan financier, cette guerre qui ne dit pas son nom a coûté 161 milliards de bahts (près de 4 milliards d’euros) à Bangkok en opérations militaires (70 % des 161 milliards de bahts) et projets de développement.

Le conflit ne donne aucun signe d’apaisement. Le centre Deep South Watch de l’Université Prince de Songkhla indique qu’au cours du mois de janvier dernier, 55 incidents violents ont été dénombrés, causant la mort de 33 personnes et faisant 41 blessés. L’équipe gouvernementale en place à Bangkok ne semble pas désireuse de changer son approche du problème. Outre la pression des militaires qui estiment que le maintien d’une législation d’exception est nécessaire compte tenu de la poursuite des violences, le gouvernement continue d’agir comme si l’allocation de subsides supplémentaires sur ces provinces permettra de rétablir le calme. Début février 2012, le ministre de la Justice Pracha Promnok a annoncé la mise en place de mesures de compensation pour les familles des victimes des trois provinces méridionales, en y ajoutant également celle de Songkhla. Ces dédommagements aux familles s’élèveront de 10 000 à 350 000 bahts selon les blessures subies et jusqu’à 7,5 millions de bahts (185 000 euros) par les familles des défunts.

Pour le P. Suwat Leungsa-ard, prêtre du diocèse catholique de Surat Thani, dont le territoire englobe les trois provinces du Sud thaïlandais, la réponse gouvernementale à cette situation, si elle se contente d’allier violence armée et manne financière, ne résoudra rien. « Le gouvernement a abordé ce problème comme le ferait une personne étrangère à la région, en outsider », remarque ce prêtre qui œuvre depuis de nombreuses années auprès de la toute petite communauté catholique locale ainsi qu’en faveur de la paix dans la région. Selon lui, les populations locales, comprises dans toutes leurs dimensions, ont été négligées par les acteurs politiques. C’est à la société civile, formée des ONG locales, des organisations religieuses, des intellectuels locaux, des responsables de communautés et de villages, d’agir sur ce conflit. « Localement, les populations comprennent quelles sont les racines du problème. Elles doivent donc être incluses dans la recherche d’une solution », explique-t-il.

Directeur du Centre diocésain de développement social, il estime que, sur le terrain, des initiatives voient le jour et permettent d’espérer que la région sortira un jour de la violence et du sous-développement qui l’accompagne. Il cite à cet égard un programme qu’il finance avec l’aide de l’Union européenne et qui permet à des veuves de se former sur un plan professionnel afin d’être à même de gagner leur vie et de faire vivre leur famille. « Pour cela, nous collaborons avec des responsables religieux musulmans et bouddhistes afin que les enseignements porteurs d’un message de paix dans l’une et l’autre religion puissent être entendus et mis en pratique par chacun », explique le prêtre. A un niveau supérieur, des contacts ont été établis avec l’Université Prince de Songkhla et avec l’Université islamique de Yala pour organiser des forums de partage d’information et tenter de dégager des solutions, lesquelles sont ensuite présentées sous forme de propositions au gouvernement, poursuit encore le P. Suwat.

A court terme, l’issue du conflit n’est cependant pas visible, reconnaît le prêtre, qui n’hésite pas à dire son scepticisme face aux récentes mesures d’indemnisation proposées par Bangkok. Sept millions et demi de bahts pour les familles qui ont perdu leur chef ne feront rien pour rétablir la vérité. « Ce qui importe, c’est de chercher la vérité et traduire en justice les coupables. Offrir de l’argent pour inciter les gens à ne plus demander la vérité n’a aucun sens. Le gouvernement doit faire face à ses responsabilités et enquêter sur tous les incidents qui ont fait tant et tant de victimes », conclut le prêtre.

(Source: Eglises d'Asie, 29 février 2012)
 
Vietnam: Communiqué conjoint de la troisième réunion du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège
Eglises d'Asie
11:04 29/02/2012
A l’issue de la rencontre de deux jours entre la délégation du Saint-Siège et celle du gouvernement vietnamien, à Hanoi, les 27 et les 28 février 2012, un communiqué a été publié (1). Lors de la précédente réunion à Rome en juin 2010, la version anglaise du communiqué différait par quelques termes de la version vietnamienne diffusée au Vietnam, Il s’agit cette fois-ci d’un communiqué conjoint signé par les deux parties. Ceci explique sans doute la prudence toute particulière dont...

... ont fait preuve les auteurs de ce texte où l’évocation des questions sensibles semble avoir été évitée.

Une première partie concerne l’évolution des rapports entre l’Etat vietnamien et le Saint-Siège, depuis la précédente réunion du groupe. C’est la partie la plus détaillée. L’événement le plus marquant, durant la période envisagée, a été, bien évidemment, la nomination de Mgr Leopoldo Girelli comme représentant non résident du Saint-Siège au Vietnam. Selon le communiqué, le Saint-Siège semble satisfait de l’accueil et de l’aide accordée par l’Etat vietnamien à son représentant lors de ses cinq voyages au Vietnam.

Cependant, Rome souhaite que son rôle et sa mission soient renforcés et étendus. On peut penser que le Saint-Siège désire que son représentant au Vietnam bénéficie d’un statut de diplomate, comme les autres nonces apostoliques dans les autres pays. Pour le moment Mgr Girelli, selon ses propres déclarations, n’exerce aucune fonction diplomatique auprès du gouvernement vietnamien. Le communiqué parle toutefois de « liens » ou encore de « relations » entre le Vietnam et le Saint-Siège, même s’il n’y est nulle part fait mention de « relations diplomatiques ». De son côté le gouvernement vietnamien a promis de faciliter le travail du représentant du Saint-Siège.

L’introduction du communiqué annonçait que des questions concernant l’Eglise catholique au Vietnam avaient été soulevées. Le communiqué conjoint reste fort discret sur leur teneur. Il est mentionné que le gouvernement a repris des lieux communs dont il use en ce type d’occasions, à savoir l’affirmation de la liberté religieuse, l’encouragement aux catholiques pour qu’ils participent au développement du pays, la référence à la consigne donnée par la première lettre de la Conférence épiscopale du Vietnam, « vivre l’Evangile au sein de la nation », et à l’enseignement de Benoît XVI dans son instruction aux évêques vietnamiens : « Un bon catholique est aussi un bon citoyen. » Aucune allusion n’est faite aux nombreux conflits qui ont éclaté en 2011 à propos de propriétés spoliées, d’exercice de la liberté religieuse et de la liberté d’expression, de l’engagement social et politique d’un certain nombre de laïcs catholiques.

Traduction

La rédaction d’Eglises Asie a traduit ce communiqué à partir du texte original en anglais publié par le bureau de presse du Vatican dans l’après-midi du 28 février 2012.

Comme convenu lors de la deuxième réunion du groupe mixte le travail Vietnam- Saint-Siège dans la Cité du Vatican (juin 2010), la troisième réunion du groupe s’est tenue à Hanoi, les 27 et 28 février 2012. La réunion était co-présidée par S. E. M. Bui Thanh Son, vice-ministre des Affaires étrangères, chef de la délégation vietnamienne, et par Mgr Ettore Balestrero, sous-secrétaire pour les relations avec les Etats, chef de la délégation du Saint-Siège.

Les deux parties ont examiné les questions internationales, se sont informées de leurs situations respectives et ont examiné les progrès accomplis dans les relations entre le Vietnam et le Saint-Siège après la deuxième réunion du groupe de travail. Elles ont aussi discuté des questions liées à l’Eglise catholique au Vietnam.

La délégation vietnamienne a souligné que l’Etat vietnamien a toujours mis en œuvre et amélioré en permanence une politique de respect et de garantie de la liberté de croyance et de religion pour le peuple. Il encourage l’Eglise catholique au Vietnam à participer activement et efficacement à l’actuel développement de la nation en matière économique et sociale.

De son côté, la délégation du Saint-Siège a pris note de ces considérations et a exprimé sa satisfaction pour l’attention accordée par les autorités civiles aux activités de l’Eglise catholique, en particulier en 2010 lors de la célébration de l’Année jubilaire, et à l’occasion des visites pastorales du représentant non résident, Mgr Leopoldo Girelli.

Le Saint-Siège a exprimé le souhait que le rôle et la mission de celui-ci soient renforcés et étendus afin de resserrer les liens entre le Saint-Siège et l’Eglise catholique au Vietnam, comme c’est l’intention du Vietnam et du Saint-Siège dans le cadre du développement de leurs relations.

Les deux parties ont convenu de faciliter le travail de Mgr Girelli, afin qu’il puisse mieux remplir sa mission.

En outre, les deux parties ont rappelé les enseignements de Sa Sainteté, le pape Benoît XVI, à savoir son invitation à « vivre l’Evangile au sein de la nation » et son encouragement à être un bon catholique et un bon citoyen. Les deux parties ont souligné la nécessité que soit poursuivie la coopération entre l’Eglise catholique et les autorités civiles afin de mettre concrètement et pratiquement en œuvre ces enseignements dans tous les domaines.

Les deux parties estiment également que les relations entre le Vietnam et le Saint-Siège poursuivent une évolution positive sur la base de la bonne volonté et du dialogue constructif, ainsi que du respect des principes exigés par les relations réciproques.

La réunion a eu lieu dans une atmosphère de cordialité, de franchise et de respect mutuel.

Les deux parties ont convenu de convoquer la quatrième réunion du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège au Vatican. La date de la réunion sera choisie par la voie diplomatique.

A l’occasion de son séjour au Viêtnam, la délégation du Saint-Siège a rendu des visites de courtoisie à SE le ministre des Affaires étrangères, M. Pham Minh Binh, au vice-directeur du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses, M. Nguyên Thanh Xuan. Elle s’est rendue à l’hôpital national pédiatrique, qui coopère avec l’hôpital ‘Bambino Gesù’ du Saint-Siège à Rome. Elle a aussi rendu visite à certaines institutions catholiques à Hanoi, Hô Chi Minh-Ville et dans le diocèse de Xuan Loc, Dong Nai.

(1) Une version en vietnamien du communiqué a été publiée par le site de la Conférence épiscopale du Vietnam : http://hdgmvietnam.org/thong-cao-chung-cua-phai-doan-viet-nam-va-phai-doan-toa-thanh-ve-cuoc-hop-vong-3-cua-nhom-cong-tac-hon-hop-viet-nam-–-toa-thanh/3715.63.8.aspx

(Source: Eglises d'Asie, 29 février 2012)
 
Preparing Evangelization Synod: Council stresses Family's role
Zenit
11:32 29/02/2012
Seen as Solution to the 'Crisis in Transmitting the Faith'

VATICAN CITY, FEB. 28, 2012 (Zenit.org).- The 12th Ordinary Council of the General Secretariat of the Synod of Bishops held its seventh meeting, highlighting the important role of the family in evangelization.

Archbishop Nikola Eterovic, secretary general of the Synod, led the preparatory meeting for the Oct. 7-28 synod, that will consider evangelization and the transmission of the faith.

The council worked on a draft of the "Instrumentum laboris" or working document of the forthcoming Synod, pausing to examine the issue of "the recipients of the new evangelization and the identity of Christians in their relationship with Christ."

A communiqué from the council noted that "debate was particularly intense concerning the primacy of the faith at this time in history, characterized as it is by a crisis in faith which is also a crisis in the transmission of faith. Mention was made of the 'fruitlessness of current evangelization,' also due to the influence of modern culture which makes the transmission of the faith particularly difficult, and represents a challenge for both Christians and the Church.

"In this context, the Year of Faith will be a good occasion to develop to gift of the faith received from the Lord, to live it and transmit it to others."
"The primary place for the transmission of faith was identified as the family," the communiqué added. "There the faith is communicated to young people who, in the family, learn both the contents and practice of Christian faith. The indispensable efforts of families are then extended by catechesis in ecclesial institutions, especially through the liturgy with the Sacraments and the homily, or by giving space to parish missions popular piety, movements and ecclesial communities."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Hồng Y và Giám Mục Sài Gòn gặp gỡ người dự tòng đầu Mùa Chay
Tạ Ân Phúc
10:13 29/02/2012
Đức Hồng Y và Giám Mục Sài Gòn gặp gỡ người dự tòng đầu Mùa Chay

Chiều tối Chúa Nhật 26/02/2012, Tiểu ban Dự tòng của Ban Giáo Lý Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa các Giám Mục giáo phận và anh chị em dự tòng nhân Chúa Nhật thứ I Mùa Chay tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận. Tham dự buổi gặp gỡ có Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Giám Mục Phụ Tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và 782 người dự tòng thuộc 43 giáo xứ, trong đó có 264 người dự tòng sẽ được rửa tội vào Lễ Vọng Phục Sinh sắp tới, cùng với các giáo lý viên, người đỡ đầu và thân nhân của người dự tòng.

Có thể nói buổi gặp gỡ là cơ hội để anh chị em dự tòng đang tìm hiểu Công Giáo có dịp tiếp xúc với các vị chủ chăn của giáo phận, đồng thời giúp họ hiểu thêm về cơ cấu, và sinh hoạt của Giáo Hội. Bằng việc tìm hiểu đức tin qua các lớp giáo lý tại các giáo xứ, họ đã chuẩn bị hành trang để gia nhập vào gia đình giáo phận qua các bí tích khai tâm Kitô giáo và được đón nhận như là Kitô hữu, qua câu chào mừng của ngày gặp gỡ: “Anh em không còn phải là người xa lạ, nhưng là người đồng hương, và là người nhà của Thiên Chúa”.

Xem hình

Dưới nắng chiều gay gắt, từng đoàn các giáo xứ đã lần lượt tiến vào khuôn viên của Trung Tâm Mục Vụ để tham dự buổi gặp gỡ. 16 giờ 20 chiều, khi nắng đã dịu dần, các đoàn bắt đầu ổn định vị trí để bắt đầu ngày gặp gỡ bằng những bài múa, hát sinh hoạt như: Bài tình ca Giêsu, I love you Giêsu, Con đường Giêsu. Sau những sôi động ban đầu, cộng đoàn trở nên lắng đọng tâm hồn với Nhóm CTC cùng cây đàn guitar qua việc ca tụng và cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần với các bài hát: Hãy đến, Tình yêu thương vời vợi, Hồng ân tuyệt vời. Kế đến, ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui thay mặt Ban Tổ Chức giới thiệu các thời kỳ của giai đoạn dự tòng để những người chuẩn bị theo Chúa hiểu được con đường mình đang dấn bước để trở thành Kitô hữu, theo đó các thời kỳ bao gồm: tiền dự tòng, dự tòng, thanh luyện và soi sáng, nhiệm huấn. Trong đó, sau thời kỳ dự tòng là nghi lễ tuyển chọn, được tổ chức trong Thánh Lễ hôm nay, nhằm nói lên ý nghĩa những người dự tòng đã chuẩn bị đầy đủ về giáo lý và đức tin để được Thiên Chúa tuyển chọn chuẩn bị gia nhập Công Giáo.

18 giờ 45, Đức Hồng Y và Đức Cha Phụ Tá đến với buổi gặp gỡ trong sự chào đón nồng nhiệt của cộng đoàn hiện diện. Người dự tòng đến với Chúa Kitô bằng nhiều cách khác nhau, có thể qua tình yêu của người của những người sắp trở thành tri kỷ của họ, hoặc qua chứng tá loan báo Tin Mừng của người Công Giáo, qua những ơn chữa lành mà họ kêu cầu… Trước sự hiện diện của cộng đoàn những người dự tòng, một số anh chị em đã chia sẻ về những điều mà họ trải nghiệm để đi quyết định tìm hiểu và bước theo chân Chúa Kitô.

Đến với Công Giáo qua tình yêu đôi lứa là trường hợp của anh Phêrô Lã Ngọc Vinh và chị dự tòng Mạc Thị Kiều Linh. Anh chị có một tình yêu bắt đầu từ tình bạn đã được 3 năm và muốn tiến xa hơn để đến với đời sống hôn nhân. Anh đã đề nghị chị tìm hiểu, học đạo, khi được ngỏ lời chị đã không biết bắt đầu từ đâu nhưng nhận thức được rằng để có đời sống tốt đẹp cho cả hai cần phải nhìn về một hướng. Từ đó, chị quyết định học giáo lý và anh đã tạo điều kiện thuận lợi và dành điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu để chị đến với Công Giáo. Khi có dịp, anh đã giới thiệu chị đến nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu, đến cầu nguyện tại tượng Đức Mẹ, và Thánh Giá trên đỉnh núi. Chị cho hay ban đầu ngại ngùng khi tham dự thánh lễ, cái gì cũng xa lạ, nhưng rồi cũng dần quen và qua anh, nhờ anh mà chị dễ dàng hòa nhập hơn khi tìm hiểu Thiên Chúa và đến với Người.

Đến với Công Giáo qua chứng tá của người có đạo, qua những sinh hoạt của người Công Giáo là trường hợp của em Nguyễn Thị Thanh Hồng, sinh viên năm thứ hai trường Cao Đẳng Công Thương. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, ba là đảng viên, trước đây em không hề biết đến Thiên Chúa. Khi lên Sài Gòn đi thi, được các tình nguyện viên đưa về một nhà trọ, cô chủ nhà trọ đã yêu thương giúp đỡ trong 5 ngày đi thi đó. Em đã có 2 buổi giao lưu với gần 150 người và cô đã có dịp để giới thiệu về Thiên Chúa với một câu hỏi làm đánh động mọi người: “Con người sinh ra từ đâu và chết đi sẽ đi về đâu?”. Khi trọ học, mỗi tối Chúa Nhật, em đã cầu nguyện cùng với các bạn, đó là nơi chia sẻ những vui buồn và những điều nhân bản. Từng bước, em đã đến với Thiên Chúa và giờ đây mỗi ngày em đều có Chúa trong tâm tư, hành động.

Được ơn chữa lành bệnh tật là trường hợp của anh Martinô Nguyễn Vạn Cường, anh là người thuộc vùng Chợ Mới, An Giang, cái nôi của đạo Hòa Hảo. Anh lập gia đình nhưng chẳng may vợ qua đời, sống trong cảnh gà trống nuôi con. Anh bị bệnh đường ruột hiểm nghèo, chạy chữa nhiều nơi không khỏi, nhờ người thân giới thiệu, anh đã được chữa lành qua lời cầu nguyện và gia nhập Công Giáo.

Ông Phaolô Trương Văn Công, sinh hoạt trong nhóm cầu nguyện Giáo xứ Phanxicô Xavie (Nhà thờ Cha Tam) là một đảng viên 44 năm tuổi đảng, là người có định kiến với Công Giáo. Rung rủi thay, ông lập gia đình với người Công Giáo nhưng mười mấy năm sau mới trở lại đạo do được ơn chữa lành. Ông là người nhận đỡ đầu cho nhiều người tân tòng trong những năm qua, ông cho hay người đỡ đầu phải năng học và sống Lời Chúa để trở thành cầu nối cho người tân tòng đến với Thiên Chúa. Ông thường cầu nguyện cho họ, giới thiệu Chúa cho họ cặn kẽ hơn, giúp họ củng cố đức tin, sống đạo và thờ phượng Chúa.

Trong lời trò chuyện với cộng đoàn những người dự tòng, Đức Hồng Y Gioan Baotixia nói rằng mình vui mừng khi thấy có nhiều anh chị em dự tòng gia nhập gia đình giáo phận, vì gia đình đông con thì nhà có phúc. Ngài cũng xác tín hơn rằng Chúa đã yêu thương mọi người trên thế giới và ở Việt Nam. Chúa đã gieo hạt giống đức tin, Tin Mừng vào thửa đất tâm hồn của mỗi người, của gia đình, xã hội, đất nước và nhiều người đã chăm lo hạt giống này làm cho hạt giống này nảy mầm, phát triển. Qua những chứng từ, Chúa đã gieo hạt giống đức tin bằng nhiều cách, qua tình bạn, tình yêu, qua biến cố cuộc đời, qua lời khuyên nhủ của người xung quanh.

“Người làm cho kẻ xa xôi thành những người láng giềng gần gũi. Người làm cho kẻ xa lạ thành bạn hữu anh em”. Câu hát được phổ từ câu thơ của Rabindranath Tagore được Đức Cha Phụ Tá mời gọi cùng hát với ý nghĩa mọi người cùng là anh em trong Chúa. Ngài giới thiệu về nhà nguyện Đại Chủng Viện, Nhà truyền thống, các dãy nhà của Đại chủng viện. Kế đến, ngài cũng cho hay Trung Tâm Mục Vụ có từ năm 2004, là nơi giáo phận tổ chức những khóa học dành cho anh chị em giáo dân, và cũng là học viện thần học của các nữ tu, là nơi diễn ra các sinh hoạt mục vụ, các sự kiện lớn, các buổi thường huấn của giáo phận. Đức Cha mời gọi anh chị em dự tòng tham gia các khóa học, các sự kiện khi có điều kiện.

Tiếp sau đó là Thánh lễ do Đức Hồng Y chủ sự, cùng đồng tế có Đức Cha Phụ Tá, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo Phận cùng 4 linh mục. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phụ Tá Phêrô cho hay theo tập tục nhiều nước, người dự tòng được mời gọi gặp gỡ giám mục giáo phận vào ngày đầu mùa Chay và giáo phận đã thực hiện việc này vài năm nay. Ngài cũng giải thích Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay nói đến ý nghĩa của dòng nước mà khi vị linh mục đổ lên đầu người lãnh bí tích Rửa tội là dòng nước hủy diệt con người cũ, và Thiên Chúa tha thứ tội lỗi để hình thành nên con người mới. Khi chịu phép rửa là ký kết giao ước với Thiên Chúa như ông Nôê và thuộc về Thiên Chúa mãi mãi. Thiên Chúa tha thứ, thanh tẩy và ban ơn lành cho ta, còn ta đáp lại như lời Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối là thay đổi cách nghĩ cũ của mình theo kiểu thế gian, để biết suy nghĩ và nhìn bằng cặp mắt của Thiên Chúa. Sám hối gắn liền với tin vào Tin Mừng, để lấy Tin Mừng của Chúa Giêsu làm ánh sáng, làm thước đo cho đời sống của mình. Việc sám hối và tin vào Tin Mừng phải thực hiện liên tục và kéo dài đến suốt cả cuộc đời. Ngài cũng ước mong rằng 40 ngày mùa Chay sẽ là thời gian để các anh chị em dự tòng thể hiện quyết tâm và chọn lựa dứt khoát: “Tôi chọn Đức Giêsu Kitô”.

Sau khi đọc kinh Tin Kính, Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã chủ sự nghi lễ tuyển chọn 264 người dự tòng, họ sẽ được nhận Bí tích Thanh Tẩy vào đêm Vọng Phục Sinh năm nay. Nghi Lễ bắt đầu bằng việc cha Trưởng Ban Giáo lý trình những người dự tòng lên Đức Hồng Y, ngài mời tiến lên cùng với người đỡ đầu. Họ được người đỡ đầu xác nhận là xứng đáng được nhận vào số tuyển nhân, họ bày tỏ ý muốn lãnh nhận các bí tích nhập đạo và được Đức Hồng y chấp nhận, ngài nhắn nhủ cần hiến dâng lòng trung tín lên Chúa. Họ được người đỡ đầu nâng đỡ qua cử chỉ đặt tay trên vai và được toàn thể cộng đoàn cầu nguyện cho để xứng đáng lãnh nhận các ơn vượt qua.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, một người đại diện cho anh chị em Dự tòng đã lên cám ơn Đức Hồng Y, Đức Cha Phụ Tá cùng cộng đoàn hiện diện đã nâng đỡ cho những người dự tòng được hiểu biết và vững đức tin hơn trong bước đường tìm hiểu về Chúa. Toàn thể những người dự tòng đã chụp hình lưu niệm cùng các vị chủ chăn giáo phận và ra về trong vũ điệu của bài hát “Hãy thắp sáng lên” trong ánh đuốc lung linh của các giáo lý viên để nhắn nhủ nhau hãy bừng lên ngọn lửa đức tin trong lòng mỗi người trên con đường theo Chúa nơi trần gian.

Tạ Ân Phúc.
 
Giáo hội Công giáo và Đồng bào Việt Nam (3)
Hà minh Thảo
11:21 29/02/2012
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ ÐỒNG BÀO VIỆT NAM (3)
(tiếp theo)

Là giáo dân tòng nhân Công giáo Việt Nam, chúng tôi luôn tiếp nhận với sự chân thành và trân trọng các sinh hoạt mục vụ từ Giáo hội Quê hương để hiệp thông và cầu nguyện. Do đó, có dịp đọc bài ‘Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của TGP Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa’, chúng tôi xin được phép trích nguyên văn hai đoạn sau đây :

« Giáo huấn Xã hội Công giáo tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, công bằng… nhưng đó không phải là cách thế để Giáo Hội Công Giáo đi đến lấn át hay thay thế chính quyền dân sự, nhưng muốn cùng với cộng đồng chính trị tham gia vào việc làm thăng tiến đời sống con người qua việc đối thoại thẳng thắn chân thành và cộng tác lành mạnh. Vì thế Giáo Hội muốn đối thoại thẳng thắn với cộng đồng chính trị để góp phần tìm ra những giải pháp làm thăng tiến con người, giúp phát triển con người toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, quảng bá và có cả những chấp nhận trả giá. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời của UBCL & HB khiến nhiều người hiểu nhầm mục đích hoạt động của tổ chức. Thường đồng nhất những hoạt động đòi Công lý & Hòa bình với việc làm mang tính chính trị. »

Đó là phần giới thiệu của Đức cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam và, tiếp đây, là lời chia sẻ của Đức cha Giu se Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, Giáo phận tổ chức Khóa học cho Giáo tỉnh Hà Nội ngày 13 và 14.02.2012 :

« UBCLHB được thành lập trong một bối cảnh rất nhạy cảm của xã hội Việt Nam, vì thế đã có nhiều ngộ nhận. Hội thảo về chủ quyền biển đông của UB dự định diễn ra ở Sài Gòn đã không được thực hiện trong năm qua là hệ quả của sự ngộ nhận đó. Công lý và hòa bình bị liên kết với vấn đề chính trị nên có nhiều rắc rối xẩy ra. Tôi mong muốn phía chính quyền cũng như những thành phần ngoài Giáo Hội công giáo nên nghĩ đó là một sinh hoạt nằm ngoài lãnh vực chính trị, nhưng muốn được cùng với cộng đồng chính trị tham gia những hoạt động mang lại thiện ích chung, ngõ hầu đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho Giáo Hội và xã hội trong bối cảnh có nhiều biến động như hôm nay. Giáo Hội không muốn thay thế chính quyền dân sự. Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi. »

3. Nghĩa chính của ‘làm chính trị’.

a. Chính trị công dân.

Một quốc gia dân chủ là khi người dân nước đó có quyền làm chủ vận mạng của dân tộc sống trên Quê hương đó.

Lúc đó, cá nhân chúng tôi là một sinh viên Viện Đại học Sài gòn, được chính quyền mời sử dụng một phần ‘quyền làm chủ Đất Nước’cúa mình bằng tham gia tuyển cử, chiếu Hiến pháp ngày 01.04.1967, để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống cùng 60 nghị sĩ Thượng nghị viện được tổ chức ngày 03.09.1967.

Đúng ngày đó, bằng sử dụng lá phiếu, tôi trao phần quyền Hành pháp của mình cho ứng cử viên Tổng thống mà tôi ‘thích’ nhất. Tiếp theo, tôi cũng chọn các liên danh ứng cử Thượng nghị viện để trao phần quyền Lập pháp.

Xong nhiệm vụ công dân, tôi vẫn tiếp tục việc học của mình.

b. Chính trị gia.

Đó là những ứng cử viên đắc cử tức họ được đa số cử tri tín nhiệm để hành sự quyền làm luật (cho Nghị sĩ) và thi hành luật (cho Tổng thống) một cách chuyên nghiệp trong suốt thời gian nhiệm kỳ của mình. Đây là những vị ‘làm chính trị’ tức phải thực hiện những điều họ đã hứa với cử tri. Không thi hành điều đó, kỳ sau, cử tri tín nhiệm ứng cử viên khác.

4. Hậu quả của việc sai lầm đó.

Hiện nay, nhiều người không phân biệt được ‘tự do ngôn luận’ với ‘làm chính trị’, nên khi phát biểu ý kiến của mình do học được hay nghĩ ra thì bị bắt và có thể bị cáo buộc ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 – Bộ luật Hình sự.

Gần đây, trong vụ cưỡng chế đất đai trái pháp luật tại Tiên Lãng, chúng tôi không khỏi giật mình khi nghe Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về trách nhiệm của Quốc hội, là cơ quan lập pháp, không ban hành đầy đủ quy định để chất lượng luật không tốt, để cho tình trạng xã hội thứ nhất là không có luật để mà thực hiện, hoặc là chất lượng luật không tốt thì không đưa luật vào cuộc sống được. Tuy nhiên, khi nhớ lại, trong kỳ bầu Đại biểu Quốc hội ngày 22.05.2011, ‘người ta’ đã dùng mọi thủ đoạn bất hợp pháp để loại trừ Luật sư Lê Quốc Quân, thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục, ứng cử tuy là người có khả năng hơn cả ba linh mục ‘quốc doanh’ ứng cử viên khác Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu) vì, trước hết, họ đã vi phạm Giáo luật).

III. SỰ LÊN TIẾNG VƯỢT BIÊN GIỚI.

Lời mời gọi "Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” của Đức Thánh Cha trùng dịp người Việt ở Hoa kỳ nhận lời mời của Phủ Tổng thống đến Tòa Bạch Oác để trình bày tình trạng nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam. Điều đáng tiếc là các trình bày khiếu kiện hay thỉnh nguyện thư trong nước không được Đảng và nhà nước trả lời, giải quyết.

Do đó, nhân cơ hội Tổng thống Barack Obama cho mở thùng thư điện tử và hứa tiếp người dân Hoa kỳ để nghe ý kiến của họ mỗi khi tiếp thu được ít nhất là 25.000 chữ ký trong vòng một tháng, người Việt đã bắt đầu gởi chữ ký về Tòa Bạch ốc từ ngày 08.02.2012 :

« Thông Điệp gởi Tổng thống Obama: ‘Hành Pháp Obama Không Nên Nới Rộng Mậu Dịch Với Việt Nam Bất Chấp Nhân Quyền’

Kể từ năm 2007, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã liên tục đàn áp dã man các nhà hoạt động nhân quyền, bắt hoặc giam các nhân sĩ như Linh mục Nguyễn Văn Lý, ứng cử viên Giải Nobel Hòa bình Hoà thượng Thích Quảng Độ và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày và gần đây nhất là nhạc sĩ Việt Khang. Anh đơn thuần chỉ muốn bày tỏ tình yêu nước và tự do qua các bài hát mà anh đã đăng trên mạng.

Quốc Hội đã đáp lại bằng luật Nhân Quyền Việt Nam, Luật Chế Tài Kẻ Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam và chỉ mới tháng trước là nghị quyết H Res 484. Chúng tôi thỉnh cầu Tổng thống hãy tận dụng cơ hội Việt Nam đang muốn thúc đẩy Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát để buộc họ phải thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ. Hãy cho thấy Hoa Kỳ luôn đặt tự do lên hàng đầu. »

[Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, tác giả hai bài hát ‘Việt Nam tôi đâu?’ và ‘Anh là ai?’, được phổ biến trong mùa hè năm 2011, vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Sài Gòn và Hà Nội. Sinh sống và bị bắt tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) ngày 23.12.2011. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa đưa ra thông báo gì về việc này.]

Nhờ sự hướng dẫn của các bạn trẻ thông thạo tin học, chỉ trong vòng chưa đến ba ngày, con số tối thiểu cần thiết 25.000 chữ ký đã đạt được vào ngày 11.02.2012.

Vào thời điểm này, con số kỷ lục trong lịch sử thỉnh nguyện thư qua trang mạng của Tòa Bạch ốc là 42.150 chữ ký, nên Nhạc sĩ Trúc Hồ và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, những người tích cực vận động mời ký tên Thỉnh nguyện thư này, yêu cầu đồng bào tiếp tục để lập kỷ lục mới nhằm :

- Phát huy niềm phấn khởi và tự tin ;

- Cho chánh phủ Tổng thống Obama thấy khả năng đoàn kết và huy động vượt trội của tập thể người Việt ở Hoa Kỳ để vận động Nhân quyền và Tự do cho đồng bào tại Quê hương.

Tôn trọng lời hứa với người dân, Tòa Bạch ốc mời Cộng đồng người Việt cử một phái đoàn 100 thành viên để tiếp xúc với đại diện Tòa Bạch ốc vào ngày 05.03.2012 từ 12 đến 15 giờ. Những vị này gồm 50 đại diện đến từ 50 tiểu bang và 50 người kia thuộc giới truyền thông, văn nghệ sĩ, chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau và các tổ chức đòi nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ cho Việt Nam. Tòa Bạch ốc sẽ gởi Thư Mời đến từng người.

Ngoài ra, được biết có Thỉnh nguyện thư này, các Dân biểu cũng mời Ban tổ chức cử một Phái đoàn người Việt đến trụ sở Hạ nghị viện Liên bang Hoa kỳ vào ngày 06.05.2012 để trao đổi các vấn đề về nhân quyền.

Một trong những Dân biểu ngỏ lời mời là bà Loretta Sanchez (Đảng Dân chủ, California) đã có cuộc trao đổi với đại sứ Ron Kirk hôm 19.02.2012 và nói các vấn đề về nhân quyền của Việt Nam cần phải được lồng vào các vòng đàm phán thương mại song phương giữa hai nước. Bà tiếp : « Mỗi khi Việt Nam đạt được một kết quả nào về mậu dịch, chẳng hạn khi có Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) với Hoa Kỳ, hay gia nhập vào Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), rồi trở thành hội viên của Hội Đồng Bảo An LHQ thì Việt Nam lại không thực thi những điều mình đã cam kết về nhân quyền và dân chủ. »

Vào lúc 20 giờ 43 GMT, số người ký tên Thỉnh nguyện thư đã lên đến : 93.285.

IV. KẾT LUẬN.

Mọi sự quan tâm, hiệp thông cầu nguyện và vận động nhân quyền cho đồng bào và tự do cho những người tù lương tâm tại Việt Nam là điều đáng hoan nghinh và chân thành cám ơn. Những các chính trị gia ngoại quốc có những quyền lợi của chính họ, của đảng và người dân chủ của họ trước nhân quyền và tự do của người Việt.

Là người Công giáo, chúng ta hãy thực hành trung thành với những Giáo huấn từ Tin Mừng Đức Kitô và những nhắn nhủ của các Đức Thánh Cha :

- ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị’ vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu (Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và Biển Đức XVI trong hai Huấn từ ngày 22.01.2002 và ngày 27.06.2009).

- « Hòa bình cho tất cả mọi người nảy sinh từ công lý của mỗi người và không ai có thể trốn tránh nghĩa vụ thiết yếu thăng tiến công lý, theo thẩm quyền và trách nhiệm riêng của mình. » và ‘mọi Kitô hữu có thể tự xét việc làm của mình có ‘Vậy là đủ rồi’ hay không so với những ơn huệ và tài năng Chúa đã ban’ (Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 01.01.2012).

Đề nghị chúng ta luôn hoạt động dựa trên các nguyên tắc, đặc biệt Công ích, Bổ trợ và Liên đới, được ghi trong Chương 4, nhằm phục vụ Con Người, đề cập nơi Chương 3 Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.

Thật là đáng buồn và tiấc khi nhận được tin Linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, Giáo phận Kon Tum, ngày 23.02.2012, sau khi đi dâng Thánh Lễ an táng ở làng Kon Hnong về, thì bị 3 tên côn đồ người Kinh, đuổi theo đánh Cha ngã xuống xe. Cha vội chạy vào rừng cao su, cũng bị bọn chúng rượt đuổi theo đánh, bị thương ở đầu và cả người, rất may Cha không nặng lắm. Sau đó bọn chúng ra đập phá hỏng xe máy của Cha Hoa ở đường và bỏ đi. Thảm trạng xảy ra chỉ 4 ngày trước khi Nhóm làm việc Việt Nam-Tòa Thánh bắt đầu lần họp lần thứ ba tại Hà Nội.
 
Văn Hóa
Nhành Huệ Trắng
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
17:43 29/02/2012
Cha Giuse như Nhành Huệ Trắng
Thiên Chúa thương ban tặng muôn nhà
Ngạt ngào thánh đức lan ra
Thấm vào mái ấm chan hòa thiên ân

Giữa phong ba cõi trần khổ lụy
Huệ Nước Trời tinh túy hồn hương
Bụi đời nhơ tạp không vương
Truân chuyên mấy ải chẳng sờn lòng Cha

Là mẫu gương tề gia chuẩn mực
Đầy khôn ngoan giữa lúc đảo điên
Tín trông vào Chúa trọn niềm
Tim hồng sáng vợi giữa đêm lữ hành

Cùng Hiền Mẫu tâm thành hợp ý
Dẫu đắn đo đoan thệ không phai
Liêm trinh duyên thắm đường dài
Bên nhau xây cất lâu đài nội tâm

Với Con Chúa nom chăm chu đáo
Cha thực thi trọn hảo Ý Trời
Thánh Gia Huệ Trắng nở tươi
Cùng triều thần thánh chung lời hoan ca.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi Bạn
Nguyễn Ngọc Liên
22:13 29/02/2012
ĐÔI BẠN
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Tình bạn cũ giữa chúng mình, đây, đó
Có khi nào có thể nhạt hay phai
Bao nhiêu năm như bụi trúc gốc mai
Vẫn tô điểm tình bạn, gieo xuân mới.
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền