Ngày 29-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mù lòa và mù quáng
LM Inhaxiô Trần Ngà
00:51 29/02/2008
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY (Ga 9,1.6-9.13-16.34-38)

Mù lòa và mù quáng

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa". Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" 9 Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây".

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy". 16Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. 33 Anh ta nói: "Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì. 34"Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" 36 Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" 37 Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây. 38"Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin". Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

***

Mù loà và mù quáng

Ngày xưa ở Ấn- độ, có một vị vua muốn tìm trò tiêu khiển, bèn nảy ra ý tưởng như sau: Vua cho quân lính đi lùng kiếm năm người mù bẩm sinh chưa hề biết con voi là gì để đưa về triều làm trò tiêu khiển. Rồi vua cho đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù:

Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay Trẫm sẽ cho các ngươi được biết. Các ngươi hãy tiến lại sờ voi rồi mô tả cho Trẫm và quần thần quanh đây biết hình hài con voi ra sao. Ai mô tả đúng nhất sẽ được trọng thưởng.

Sau một hồi sờ voi, anh thứ nhất tâu:

-Tâu bệ hạ! Con voi giống y như cột nhà! Đó là người sờ trúng chân voi.

Anh thứ hai thưa:

-Voi giống như cái quạt lớn. Đó là người sờ trúng tai voi.

-Voi giống như một khúc rễ cây ngoằn ngoèo! (đó là mô tả của anh sờ trúng vòi voi).

- Voi giống như một tảng đá lớn, tròn tròn! (đó là phát biểu của người sờ trúng bụng voi)

Anh thứ năm cho rằng bốn anh kia đều sai bét, và phần thưởng chắc chắn thuộc về mình. Anh đắc chí tâu:

-Lâu nay hạ thần tưởng rằng voi là con vật to ghê lắm. Nào ngờ giờ đây chính tay hạ thần sờ thấy voi chỉ giống như cái chổi cùn! (vì anh sờ trúng đuôi voi).

Anh nào cũng hăng say và quyết liệt bênh vực ý kiến của mình, cho rằng duy chỉ có mình là đúng và những người khác đều sai. Họ tranh cãi nhau kịch liệt. Người nầy chê trách người khác là ngu, là mù, là dốt nát! Rốt cuộc, chẳng ai chịu thua ai, cả năm người nổi khùng lên, xông vào đấm đá nhau hung tợn, máu mồm máu mũi trào ra thảm hại …

Trong khi đó nhà vua và triều thần ôm bụng cười ngặt nghẽo! Cười cho sự mù quáng đáng thương.

Cả năm anh mù nầy đều thuộc diện mù loà bẩm sinh, nhưng đồng thời cũng là những người mù quáng nặng nề.

Người mù quáng chỉ biết một phần mà cứ tưởng rằng mình biết toàn bộ, chỉ mới am tường một khía cạnh mà cho là mình đã quán triệt hoàn toàn… và cho rằng những ai không suy nghĩ như mình, không cùng quan điểm với mình, không phát biểu như mình là sai lạc. Họ không hề chấp nhận ý kiến người khác, hoặc tìm cách triệt hạ người bất đồng quan điểm với mình.

Đây là căn bệnh tinh thần rất phổ biến trong xã hội loài người suốt dòng lịch sử và đã gây nhiều đổ vỡ đau thương cho nhân loại.

Những người biệt phái được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thuộc hạng người mù quáng. Mắt các ông tuy sáng nhưng tâm hồn hoàn toàn mù tối. Các ông đã từng nghe lời Chúa Giê-su dạy, từng thấy phép lạ Chúa Giê-su làm và một trong các phép lạ ấy là việc chữa lành người mù bẩm sinh đang xảy ra sờ sờ trước mắt. Vậy mà các ông vẫn không nhìn nhận Ngài do Thiên Chúa mà đến, lại còn nhẫn tâm trục xuất người mù vừa được Chúa Giê-su chữa lành ra khỏi cộng đồng chỉ vì người nầy không cùng quan điểm với các ông, không chối bỏ sự thật như các ông…

Đọc kinh thánh, ta thấy lòng ghen tị của Ca-in đã làm cho anh trở nên mù quáng, mù quáng đến độ ra tay giết hại A-ben là đứa em hoàn toàn vô tội chỉ vì lễ vật của A-ben đẹp lòng Thiên Chúa.

Lòng ghen tị cũng đã làm cho vua Sao-lê trở thành mù quáng. Ban đầu vua rất yêu thương Đa-vít, xem Đa-vít như con. Nhưng khi Đa-vít giết được tướng giặc khổng lồ Gô-li-át, dân chúng hoan hô ca ngợi Đa-vít còn hơn vua, nên vua đâm ra ghen tức, lòng trí hoá ra mù quáng khiến vua săn lùng Đa-vít như một ác thú tận thâm sơn cùng cốc, tìm mọi cách giết hại vị anh hùng tài ba dũng cảm nầy.

Đến lượt Đa-vít, khi được lên ngôi vua, cũng trở nên mù quáng vì tình dục. Do say đắm sắc đẹp của bà Bát-sa-bê, vợ của U-ri-a, nhà vua đã sa ngã phạm tội với bà, sau đó lại tìm cách giết U-ri-a chồng bà và rồi chính thức cưới bà ấy làm vợ. Mù quáng đến thế thì thật là khủng khiếp!

Như thế, người mù quáng tự làm cho mình bị suy thoái nghiêm trọng, trở thành người xấu xa và gây thiệt hại khôn lường cho người khác.

Ngoài ra, điều tệ hại nhất là người mù quáng ít khi tự thấy được sự mù quáng của mình, không nhận ra lầm lỗi của mình, kể cả những tội tày trời, nên ngày càng lún sâu trong tội, vô phương cứu chữa!

Lạy Chúa Giê-su, như những người biệt phái xưa, con là người mù quáng cần được Chúa xót thương.

Xin thương mở mắt tâm hồn con như Chúa đã mở mắt người mù bẩm sinh được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay để con được thoát khỏi tối tăm lầm lạc và được hoan hỉ bước đi trong ánh sáng Tin Mừng.
 
Niềm tin Việt Nam: Chuyện người mù
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
02:53 29/02/2008

Niềm tin Việt Nam: Chuyện người mù

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Đức Giêsu và người mù, Ảnh Nguyễn Trung Tây
...Có những người mù mà lại không biết mình mù...

Chiều mùa đông tuyết rơi. Bước vô nhà bếp, chồng miệng tía lia,

— Ngoài đầu ngõ anh thấy có ông ăn mày đang ngồi ăn xin, hình như ông ấy bị mù.

Đang bận tíu tít trong bếp, nhưng vợ cũng gắng góp chuyện,

— Ừ, đúng rồi, lúc nãy đi làm về em cũng thấy… À! Mà anh ơi! Phụ em một tay được không? Anh thay quần áo đi, em nhờ anh chặt hộ cho em con gà luộc này với. Gớm! Bận bịu quá sức. Đúng là người có con mọn…

Bị sai vặt, chồng đánh xì tố bài chuồn,

— Tội nghiệp cho ông ăn mày ở đầu ngõ! Trời mùa đông tuyết rơi te tua mà đứng ngoài đầu đường chìa tay xin tiền...

Ngồi xuống ghế, chồng cởi chầm chậm từng nút dây giầy,

— Không hiểu tại sao thời Chúa đi giảng đạo, ở bên Do Thái xuất hiện nhiều người mù quá nhỉ? Mới tính sơ sơ là có ông mù ở phố Beithsaida nhé (Maccô 8:22-26), rồi ông mù ở thành Giêricô nè (Luca 18:35-43), rồi cái ông mù bẩm sinh ở trong Đền Thờ nữa nhé (Gioan 9). Nhưng ông ăn mày ở đầu ngõ nhà mình mới thiệt tình là thúi hẻo! Vừa mù lại vừa bị gậy ăn mày.

Tiện tay chồng cầm remote control bật nút TV một cái tách. Âm thanh vỡ tổ của trận football chui vào trong bếp biến thành ngòi ong chích ngay mặt vợ. Vợ nuốt nước miếng, nói vọng ra,

— Anh cứ ngồi ở đó đi để mà xuýt xoa thương hại cho cái ông mù ở đầu ngõ. Nói đâu xa xôi! Trong nhà mình cũng có người mù vậy thôi…

Chồng vội vàng giơ tay bấm nút tắt TV vừa “kịp” để nghe sang sảng lời tố của vợ,

— Nói anh có giận em cũng đành chịu. Em cũng vừa mới đi làm về, nhưng đã vội vàng lao vào bếp nấu cơm cho cả nhà ăn. Còn anh, em nhờ chặt hộ có mỗi con gà mà thôi, thế mà anh cứ làm mặt lơ lơ. Hỏi sao chồng tôi có mắt mà cũng như mù, có nhìn thấy chi đâu...

Chồng trợn mắt,

Sorry, sorry! Cho “tui” thêm mấy phút nữa đi “má”. “Mù” quá rồi cho nên có nhìn thấy gì đâu để mà cởi giầy ra đây nè… Vợ với con, thiệt tình là khổ!

Lời Chúa

Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôam mà rửa (Silôam có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được (John 9:6-7).

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin mở mắt để chúng con không còn mù, nhưng nhận ra những cực khổ và thiếu thốn của bố mẹ, của vợ chồng, và của những người thân. Xin ban cho chúng con lòng bác ái để chúng con biết chia cơm sẻ áo cho những người thiếu may mắn hơn chúng con.

www.nguyentrungtay.com
 
Người mù và người sáng mắt
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:58 29/02/2008
Chúa Nhật IV Mùa Chay/A

Người mù và người sáng mắt !


(Ep. 5,8-14; Ga 9,1-38)

Chúng ta đã nghe bài tường thuật của Tin Mừng: Một người thanh niên bị mù từ khi mới sinh nay lại nhìn thấy được. Và không những anh ta đã nhìn thấy nước trong hồ Si-lô-am và những cây cối mọc chung quanh anh ta, không những anh ta đã nhìn thấy thành đô Giê-ru-sa-lem và các tường vách đền thờ, và không những anh ta đã nhìn thấy những người đang đứng chung quanh anh ta: các ông Pha-ri-sêu với nét mặt hậm hực và cha mẹ anh ta đang trong cảnh nửa khóc nửa cười, cũng như đám dân chúng tò mò, nhưng anh đã nhìn thấy trước hết Ðức Giêsu, Ðấng đã cho đôi mắt anh nhìn thấy ánh sáng và chính trong Người anh đã nhận ra được «ánh sáng thế gian». Bởi vậy, anh không chỉ là một người nhìn thấy được, nhưng anh đã trở nên người có đức tin, đã trở nên người tín hữu, một người đã nhận biết được «sự vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên gương mặt Ðức Giêsu»(2 Cr 4,6). Ðiều trọng yếu có tính các quyết định trong câu chuyện không phải là: «Anh ta ao ước và anh ta đã có thể nhìn thấy», nhưng như anh ta đã nói: «Tôi tin, và anh sấp mình xuống dưới chân Người». Chính câu nói thứ hai này mới thực sự là động lực chữa lành bệnh mù cho anh, và sự chữa lành đó bây giờ cũng cần được thể hiện nơi chúng ta. Bởi vậy, dù đã xảy ra cách đây trên 2000 năm rồi, câu chuyện này vẫn phải được nhắc đi nhắc lại cho con cái loài người chúng ta.

Ðể hiểu ý nghĩa của câu chuyện một cách đúng đắn, chúng ta còn phải lắng nghe lời dạy của Giáo Hội trong Kinh Tiền Tụng hôm nay (về người mù từ khi mới sinh): «Người dùng mầu nhiệm nhập thể mà dẫn đưa nhân loại đang đi trong tối tăm đến ánh sáng đức tin, và nhờ sự tái sinh trong giếng nước rửa tội, Người đã thâu nhận những kẻ sinh ra làm nô lệ tội lỗi, được trở nên nghĩa tử của Chúa».

Những gì đã cụ thể xảy ra xưa kia với tính cách tượng trưng hàm ý, thì hôm nay cần phải thực sự xảy ra nơi chúng ta: Xin Chúa chữa lành bệnh mù tinh thần của chúng ta! Xin Chúa làm cho đôi mắt đức tin của chúng ta được nhìn thấy! Xin Chúa làm cho chúng ta thành những người biết nhận ra Chúa trong mọi sự và cảm nhận được rằng Người là ánh sáng, là sự sống và là sự cứu rỗi.

Ðể điều đó có thể xảy ra nơi chúng ta, Ðức Giêsu đã đến trong thế gian như «ánh sáng soi chiếu thế gian»! Người, Ðấng từng ở nơi Chúa Cha và nhìn thấu suốt mầu nhiệm Thiên Chúa, nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai; vâng, Người nói cho chúng ta, những kẻ không nhìn thấy Thiên Chúa, hầu để chúng ta trở thành những người nhìn thấy.

Những người mù không nhìn thấy gì cả, nên phải nhờ người khác nói cho nghe về vũ trụ, về thế giới, về con người như thế nào! Cũng vậy, theo bản chất tự nhiên, người phàm chúng ta mù lòa về Thiên Chúa, chúng ta không thể nào nhìn thấy Thiên Chúa được. Vì thế, chúng ta nhờ Ðức Giêsu kể cho nghe Thiên Chúa như thế nào, Người muốn gì nơi ta và làm thế nào để chúng ta có thể đến được với Người. Như vậy, người sáng mắt dẫn người mù vào trong vùng ánh sáng.

Một điều minh nhiên là nhờ đức tin, Thiên Chúa dẫn những người mù vào trong ánh sáng.

Trong khi những người mù nhờ Ðức Giêsu đã trở nên người sáng mắt, thì những người tự cho mình là sáng mắt, lại hoàn toàn mù lòa. Bấy giờ «Ðức Giêsu nói: Tôi đến thế gian này là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù» (Ga,9,39).

Quả vậy, những người Pha-ri-sêu tự cho mình là những người sáng mắt duy nhất, nên đã tự giam cầm mình trong sự mù lòa. Ðiều này chúng ta sẽ còn được nghe một lần rõ ràng hơn nữa trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật sắp tới: Chúa gọi La-da-rô ra khỏi mồ, Chúa cho La-da-rô được sống lại một cách công khai trước sự chứng kiến của mọi người. Phải chăng những người Pha-ri-sêu sẽ tin? Không, chẳng những họ không tin, mà còn bỏ đi để bàn tính là cần phải làm thế nào để tiêu diệt được Ðức Giêsu! Trong khi người mù nhìn thấy được và người chết được sống lại, thì họ lại tìm cách thoái thác, không muốn trở nên người sáng mắt! Ðiều đó tố cáo rằng không phải mắt họ bị mù hòa, nhưng là tâm hồn họ bị mù lòa, lòng trí họ bị bóng đêm phủ lấp, đến nỗi họ không thể và không muốn nhìn thấy được các dấu chỉ của Thiên Chúa. Sự can thiệp đầy yêu thương của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong Ðức Giêsu, đã làm cho họ bất mãn, đã làm cho họ càng lao mình vào trong bóng đêm của sự vô tri. Ðiều đó đưa đến kết luận là điều gì họ không muốn là không ai được phép đả động tới!

Người mù đã để cho Ðức Giêsu dẫn tới hồ Si-lô-am, tới sự được chữa lành và tới đức tin. Trong khi đó những người sáng mắt lại tự giam hãm mình lại phía sau bốn bức tường của những định kiến, của sự tự mãn và trong những cái lô-cốt khép kín của sự tự cao tự đại và của sự tự cô lập.

Nếu bài Tin Mừng hôm nay đã nêu ra cho chúng ta câu hỏi: Qúi ông bà thuộc về những người nào: những người tự cho mình là những người sáng mắt, và như thế tự cảm thấy là không cần đến ánh sáng của Thiên Chúa nữa, hay quí ông bà thuộc về những người – như người mù từ bẩm sinh được nói đến trong Phúc Âm – đã biết để cho Thiên Chúa và Giáo Hội Người hướng dẫn, đưa đường, vì họ hiểu được rằng nếu họ không được ánh sáng ơn thánh của Người soi chiếu, họ mãi mãi vẫn ở trong bóng tối của sự vô tri?

Mỗi người chỉ có thể đưa ra được câu trả lời chính xác, khi người đó thực sự thành tâm và khiêm tốn nhìn lại toàn diện cuộc sống của mình!
 
Phúc Âm Qua Thi Ca - Tháng 3/2008..
Trương-Hoàng
06:57 29/02/2008
Chúa nhật 4 Mùa chay (2/3/08).

Thời nào cũng có người mù,

Kẻ mù chân lý hận thù rắc gieo.

Mắt mù, tâm rực lửa yêu,

Hơn là mắt thấy làm điều bất nhân

Xưa nay trên cõi thế trần,

Mắt mù dễ chữa hơn chữa phần lương tri.

Chúa nhật 5 mùa chay (9/3/08).

La Gia Rô chết bốn ngày,

Chúa cho sống lại qủa đầy quyền năng.

Loan truyền cuộc sống vĩnh hằng,

Nhân thế hỡi ! có tin chăng hay ngờ.

Chúa nhật Lễ lá (16/3/08).

Tự hy sinh chết cứu đời,

Không vì áp lực, vâng lời Chúa Cha.

Tình yêu, chân lý giãi ra,

Chiếu soi vào chốn mù lòa tối tăm.

Chúa nhật Phục sinh (23/3/08).

Đá đời chỉ sự nặng nề,

Nặng hơn: đá tảng, luận về thế nhân.

Bao người trên cõi dương trần,

Lòng chai đá vẫn chẳng ngần nghĩ suy.

Đá che mộ Chúa vần đi,

Xin lăn tảng đá chai lỳ khỏi con.

Chúa nhật 2 Phục sinh (30/3/08).

Lỗi này đích thực tại tôi,

"Tiên thời trách kỷ, hậu thời trách nhân".

Tô-Ma đáng trách một phần,

Chỉ tin khi thấy, bản thân cứng lòng.

Bởi đương thời tạo cho Ông,

Kinh sư, luật sĩ. ..thiếu lòng thật ngay.

Bản năng cương nghị xưa nay,

Tô Ma thể hiện, đòi tay phải rờ.
 
Ánh sáng từ trái tim
Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
14:04 29/02/2008
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Ánh sáng từ trái tim

Chúa Giêsu chữa một người mù từ khi mới sinh và cho biết Chúa là ánh sáng chiếu soi trần gian.

1. Một cụ già trong một làng quê một hôm đặt câu hỏi cho các thanh niên: “Làm sao biết được trời còn tối hay đã sáng?” Một người trả lời:

- Khi ở tận chân trời có con trâu với con bò mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.

- Chưa đúng hẳn!

Một người khác:

- Khi ở mãi chân trời có cây dừa với cây chuối mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.

- Chưa đúng hẳn!

- Vậy cụ dạy thế nào ạ?

- Khi có một người đến với chúng ta, bất kể tuổi tác, màu da, tiếng nói, tôn giáo, học vấn, tính tình, quá khứ... mà chúng ta nhận ra đó là một người anh em, thì trời đã sáng; nếu không thì trời còn tối.

2. Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên xin các quan tìm cho một người biết nói đùa. Người ta dẫn đến cho ông một thiền sư.

Nhật hoàng:

- Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe.

- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo.

- Ta thấy nhà ngươi giống y hệt một con lợn!

- Tâu bệ hạ, còn hạ thần thì thấy bệ hạ giống y hệt Đức Phật!

- Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?

- Tâu bệ hạ, dễ hiểu lắm ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn vào đâu cũng thấy Đức Phật; còn ai có tâm của lợn thì nhìn vào đâu cũng thấy lợn!

3. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trái tim của Chúa, để con nhận thấy mọi người đều là anh em, và nhận thấy mọi anh em đều là hiện thân của Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 29/02/2008
LÝ KHÔI CẢNH CÁO HAI CÁNH QUÂN ĐỘI

N2T


Lý Khôi của nước Ngụy phụ trách lãnh đạo quân trú giữ vùng biên cương, đề phòng sự xâm phạm của quân Tần. Một hôm ông ta khuyên bảo quân đội hai cánh tả hữu, nói: “Các ngươi phải cẩn thận đề phòng, địch nhân không bao lâu sẽ đánh qua đó.”

Cũng một câu nói ấy mà nói nhiều lần, nhưng địch nhân từ trước đến nay không hề đánh qua, quân đội hai cánh tả hữu sau khi đã kinh nghiệm từng trãi căng thẳng một lần rồi hai lần phòng bị, nhưng vẫn bằng an, trong lòng sự cảnh giới cũng từ từ bớt căng thẳng, đồng thời cũng không tin tưởng lời của Lý Khôi nói nữa.

Qua mấy tháng sau, quân đội của nước Tần đột nhiên tập kích. Bởi vì quân nước Ngụy hoàn toàn không cảnh giác trong lòng, nên nhất thời phản ứng không kịp khiến cho cả quân đội hình như bị tiêu diệt hoàn toàn.

(Hàn Phi tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng)

Suy tư:

Có nhiều đứa con trợn mắt nói với bố mẹ: biết rồi cứ nói hoài; có những học trò xấc láo với thầy cô: biết rồi giảng moral hoài; có những giáo dân than phiền cha sở: chúng con biết rồi, cha đừng nói nữa. Và rồi thực tế đã chứng minh: cái biết rồi, nghe rồi ấy đã làm cho những đứa con thành kẻ phạm pháp, những đứa học trò thành những kẻ ma cô đỉ điếm, thành phần bất hảo nguy hiểm cho xã hội...

Quân nước Ngụy coi thường lời nhắc nhở của cấp trên nên bị tiêu diệt.

Cũng vậy, người Ki-tô hữu coi thường Lời Chúa và lời giảng dạy của Giáo Hội –qua linh mục và những người có trách nhiệm- thì cũng sẽ trở thành những phần tử chống đối Giáo Hội và là con cái của ma quỷ. Bởi vì Lời Chúa luôn được lập đi lập lại trong thánh lễ, Lời Chúa được giảng giải mỗi ngày trong thánh lễ, Lời Chúa được công bố mỗi ngày trong thánh lễ, không phải để cho người Ki-tô hữu bình luận phê bình, nhưng là để chiêm niệm, suy tư và sống Lời Chúa trong cuộc đời thường của mình.

Muốn Lời Chúa thật sự đi sâu vào trong tâm hồn mình, thì cần phải có tâm tình khiêm tốn lắng nghe, bằng không thì Lời Chúa sẽ trở thành quan tòa kết án, và là lưỡi dao sắc bén giết chết linh hồn chúng ta đấy.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 29/02/2008
CHỦ NHẬT IV MÙA CHAY

Tin mửng: Ga 9, 1-41.

“Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được”

Bạn thân mến,

Bạn thấy Chúa Giê-su trong bài Phúc Âm hôm nay như thế nào, bạn thấy có khác thường không, bởi vì thường thường trước khi chữa lành người nào thì Ngài hỏi họ có tin Ngài không, sau đó mới chữa lành. Nhưng hôm nay Ngài rất linh động trong việc chữa lành, Ngài không hỏi anh mù có tin Ngài không, mà lập tức chữa cho anh được sáng mắt, rồi sau đó –khi gặp lại- Ngài mới hỏi có tin Ngài không, đúng là kỳ thật phải không bạn ?

Chúa Giê-su là một nhà mô phạm và nhà tâm lý đại tài, Ngài không hỏi người mù có tin Ngài không rồi mới chữa lành mắt cho anh, vì người mù không thấy Ngài và cũng chẳng thấy Ngài làm những phép lạ, cho nên nếu Chúa Giê-su hỏi có tin Ngài không thì sẽ là một điều hết sức cưỡng ép, cho nên khi người mù được sáng mắt, nhìn thấy Ngài rõ ràng, Ngài mới hỏi có tin Ngài không, câu trả lời của người mù bây giờ thật chắc chắn và chính xác: “Thưa Ngài, tôi tin.” Thế là đủ, và đức tin đã làm cho người mù đổi mới hoàn toàn, trở nên chứng nhân cho dức tin của mình.

Sự mù lòa của người Pa-ri-sêu thật rõ ràng khi nhìn thấy người mù được sáng mắt, họ đã cố tình như không thấy Chúa Giê-su những việc Chúa Giê-su đã lam cho người mù, bởi vì con mắt tâm hồn của họ đã bị mù bởi những kiêu ngạo và ghét ghen. Họ nhìn mà không thấy, cho nên Chúa Giê-su đã nói với họ: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội.”

Bạn thân mến,

Trong cuộc sống đời thường, có những lúc chúng ta làm bộ sáng mắt lên án người này người nọ không biết gì, toàn là thứ đui mù cả; có những lúc chúng ta giả đui mù không thấy cái lẽ phải của người anh em, nhưng lại thấy cái sai trái của người có tiền có quyền; có những lúc chúng ta tự cho mình có con mắt công chính nhìn thấy rõ những sai trái của tha nhân, nhưng thật ra chính chúng ta là người mù trước tiên trước những hứa hẹn và quyền lợi bất chính của cá nhân.

Bạn và tôi hãy học như Chúa Giê-su không gượng ép khi đối xử với tha nhân, và có một đức tin thành thật chắc chắn như người mù, bởi vì con mắt xác thịt bị mù thì đã khổ, nhưng con mắt tâm hồn mà bị mù thì cái khổ và khốn nạn tăng lên cả vạn lần.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 29/02/2008
N2T


14. Hiệu nghiệm căn bản của bí tích Thánh Thể là làm cho con người hóa thành thần thánh, khiến họ giống như Thiên Chúa.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Ngày 29 tháng 2: Kính các tử vì đạo ở Alexandria
PhóTế Huỳnh Mai Trác
21:17 29/02/2008
Thánh Dionysius, Giám mục Alexandria đã viết: “Nhiều người vì săn sóc người bệnh truyền nhiểm mà trở thành nạn nhân. Những anh chị em thánh thiện của chúng ta đã sống như vậy, họ là những linh mục, phó tế, giáo dân, họ phải được tôn kính vì họ chính là sức mạnh của Giáo Hội. Cái chết của họ làm chứng đức tin cũng xứng đáng được gọi là tử vì đạo.”

Trong năm 261, bệnh dịch hạch lan tràn dữ dội trong các thành phố xứ Ai cập nhiều người Công giáo thánh thiện đã không ngại nguy hiểm, đã không chạy trốn còn dấn thân giúp đỡ săn sóc các bệnh nhân. Các bệnh nhân chết nằm la liệt ngoài đường trong nhà khắp nơi không ai chôn cất gây nên ô nhiểm rất trầm trọng.

Trong khi đó một sự lạ lùng đã xẩy ra. Các tín hữu Công giáo trong các thành phố trước kia đã trốn tránh ẩn núp hòng tránh các cuộc bắt bớ của quan quân nay thì đã can trường bước ra khỏi những nơi trú ẩn để giúp đỡ và săn sóc những bệnh nhân dịch hạch.

Họ đã làm một việc rất nguy hiểm có thể mất mạng sống. Họ đến săn sóc những người đau yếu, tẩm liệm và chôn cất những người chết. Công việc của họ như Đức Giám mục Dionysius nhận xét là đã hy sinh sự sống của mình vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Những tín hữu này đã thật sự sống Lời Chúa và xứng đáng là những tử vì đạo trong tinh thần bác ái.
 
Đôi mắt mới
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
23:02 29/02/2008
ĐÔI MẮT MỚI

(CN IV MÙA CHAY - NĂM A)

Trong bài viết “Đôi mắt”, Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã suy niệm về đôi mắt mù lòa của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế. Chúa Ki-tô đã chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức tin. Xin được mượn tư tưởng của Ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: Chúa Giê-su chữa người mù từ thuở mới sinh.

“Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em...”
(Lưu Trọng Lư)

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp. Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng.” (St 3,4 –7). (Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 – 71)

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

- Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra

- E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt

- Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. (sđd. tr. 72). “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. Mắt hai người đã mở ra. Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. A-đam – E-và đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Ki-tô đã đến chữa lành sự mù lòa ấy, hàn gắn lại vết thương thuở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giê-su chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù lòa của Nguyên tổ ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thuở địa đàng. Chúa Ki-tô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin. Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin.

Chúa Giê-su chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pha-ri-siêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giê-su lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Si-lô-ác Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.

Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giê-su và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giê-su tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin”. Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giê-su trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thuở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Đức Giê-su là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù lòa của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài.

Chúa Giê-su cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Người mở mắt cho Da-kêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1 – 10). Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36 – 50). Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32 – 43)...

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Ki-tô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xóa tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Ki-tô.
 
Sáng mắt
Lm Vũđình Tường
23:17 29/02/2008
Mắt là đèn soi. Vì là đèn soi nên soi kiểu nào, cách nào cũng không thấu triệt được sự việc. Soi sáng góc này sẽ tối cạnh kia. Đó là chưa kể chính đèn cũng có lúc hết dầu, phải châm thêm. Rất khó nhìn thấu toàn diện. Ngay cả làn chớp cũng chỉ loé sáng một góc trời nói chi đến đèn soi.

Có một ngọn đèn duy nhất chiếu sáng đáng tin đó là đèn trời. Ai cũng nhìn thấy đèn trời nhưng phải học cách coi ánh sáng của đèn trời mới có thể thấy được.

Ví von một cách khác mắt là cửa sổ của tâm hồn. Vì là cửa sổ nên tầm nhìn bị giới hạn trong khung cửa. Nếu đặt hết niềm tin vào mắt là cửa sổ của tâm hồn thì có khác chi câu chuyện ếch ngồi đáy giếng, nhìn bầu trời bao la, lúc nào cũng thấy bầu trời tròn quành quạnh. Thực tế bầu trời đâu có tròn như nhìn thấy.

NGẮM NHÌN

Có nhiều cách, kiểu nhìn khác nhau. Nhìn xa, nhìn gần, nhìn thẳng, nhìn ngay, nhìn xéo, nhìn nghiêng, đưa tận mắt nhìn, kể cả nhìn trộm. Khi được tự do nhìn, khi bắt buộc phải nhìn. Có khi nhìn mà không thấy. Đôi khi thấy giả bộ làm lơ, hoặc ngay cả không dám nhìn. Kinh nghiệm của người thích du lịch cho biết khi muốn nhìn lại không có giờ, nhìn qua rồi phải đi vì không thể ở lâu hơn; lúc dư giờ lại không có gì đáng nhìn.

MỤC ĐÍCH

Mục đích nhìn cũng khác nhau, khi thì nhìn cho ta, khi thì nhìn cho người, nhìn vì lịch sự làm vừa lòng người. Nhìn ăn tiền là nghề của thầy bói, nhìn chữa bệnh dành cho bác sĩ, nhìn xác định thật- giả nghề của các chuyên gia. Nhìn để đặt kế hoạch làm ăn, xây dựng. Nhìn dùm là nghề mai mối, đưa ý kiến, đề nghị. Nhìn soi mói do tò mò, nhìn trừng trừng để điều tra thẩm vấn, áp đảo tinh thần. Nhìn người lại nhớ đến ta là nhìn lại quá khứ.

NHÌN SAI

Khi nhìn vào thực tế, lúc nhìn cảnh vật, lúc khác lại nhìn vào thinh không. Nóng giận phủ mờ lí trí. Chủ quan đưa tới cái nhìn một chiều. Thích quá có cái nhìn thiên kiến. Tin vào chủ thuyết bị cái nhìn lãnh tụ chi phối. Tiền tài chức tước, thế lực điều khiển cách nhìn. Chỉ có một cách nhìn trong sáng đó là tình yêu hi sinh. Không có tình yêu nào cao quý hơn là tình yêu hi sinh, yêu hơn cả mạng sống mình.

CHIÊM NIỆM

Nhìn thoáng qua, không chú tâm đến mấy. Phải chăng cái nhìn của ta bị hướng dẫn, thu hút không phải bởi con mắt xác thịt mà là con mắt tâm hồn, tâm tình bên trong. Tâm hồn thoải mái giúp thưởng thức cảnh vật, tâm hồn sầu lo dẫn đến cái nhìn khác lạ. Trường hợp phải mở to mắt nhìn đi, nhìn lại, xem tới xem lui vẫn không thấy chi khác lạ. Trong khi đó ta biết chắc có điều bí ẩn, kì diệu, ta nhìn hoài không thấy.

Nhìn thoải mái say sưa đến độ những hàng chữ kia giúp mường tượng ra khung cảnh, hình ảnh, nhân vật sau các hàng chữ. Chữ nghĩa biến mất qua khung cảnh. Nhân vật xuất hiện và cảm xúc dâng trào qua ngắm nhìn. Cảm xúc có thể là vui vẻ, rộn ràng, hoặc là căng thẳng, lo lắng, buồn sầu. Hoặc là bình an trong tâm hồn. Càng nhìn ngắm bức tranh trong tâm càng rõ và thông cảm với các nhân vật trong chuyện. Người đọc sách lúc khóc, lúc cười, lúc bực, lúc vui vì họ cảm thông với nhân vật trong truyện.

Chính mình cảm nghiệm, chia sẻ cái cảm xúc của sự việc phơi bày trong trí. Càng nhìn càng bị thu hút, dường như hình ảnh đã nhập tâm, ngầm tâm sự với ta. Nhìn như thế tôn giáo gọi là chiêm niệm. Giúp người đọc nhìn thấy chính họ nằm trong khung cảnh, cùng với các nhân vật khác sinh hoạt. Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và cảm nghiệm thấy sự việc đang diễn ra. Như thế là chiêm niệm.

KINH THÁNH

Bao lần Đức Kitô nhìn cảm động đến rơi lệ. Phúc âm kể lại Ngài chạnh lòng thương làm phép lạ nuôi đám đông vì thấy họ đói khổ (Mat 14). Ngài rơi lệ vì cái chết của Lazaro (Gioan 11). Ngài xúc động khi nhìn thấy bà goá thành Nain khóc con (Luca 7,13).Nhìn như thế không phải là nhìn bằng mắt trần mà là mắt tâm linh, mắt của tâm hồn vì thế mà Đức Kitô làm phép lạ cứu giúp họ.

Người mù từ lúc mới sinh mù mắt thể lí nhưng mắt tâm linh của anh rất sáng. Anh nhìn bằng con mắt đức tin, hy vọng và trọn vẹn yêu thương. Vì thế anh đã nhìn ra Đức Kitô và Chúa chữa anh. Hãy sống và thực hành theo cảm nhận và hướng dẫn của con mắt tâm linh.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Augustinô: Sự cứu rỗi duy chỉ đến từ Thiên Chúa
Lm Nguyễn Hữu Thy
05:38 29/02/2008
Thánh Augustinô: Sự cứu rỗi duy chỉ đến từ Thiên Chúa

(Thánh Augustinô: Confessio – Tự thú)

Sau một thời gian dài tinh thần bị lạc lối trong đêm tối vô tri lầm lẫn và phải tự lần mò tìm ra lối thoát tiến về ánh sáng chân lý, vào năm 386 triết và thần học gia thời danh Augustinô – sinh năm 354 tại Bắc Phi Châu – đã trở lại Kitô giáo. Từ một môi trường sống bình dị ở tỉnh lẻ Hippo, giáo sư khoa tu từ học – cũng được gọi là khoa hùng biện - Augustinô đã trở thành một ngôi sao trí thức sáng chói tại kinh thành hoa lệ Milanô thuộc miền Bắc Ý, mà từ lâu đã được coi như thủ đô mới của Đế quốc Roma.

Thánh Augustinô thành Hippô: Nhà triết và thần học gia thời danh
Trong gần mười năm trời, Augustinô là đồ đệ của thuyết Nhị Nguyên, (Manichäismus), một phong trào cho rằng một thực tại luôn chứa đựng hai nguyên lý mâu thuẩn nhau; nói cách khác, trong một thực tại bao gồm cả phương diện tốt và phương diện xấu, và điều đó có nghĩa là không chỉ cái tốt mới cần thiết mà thôi, nhưng cả cái xấu nữa cũng là một điều đương nhiên.

Nhưng rồi cái học thuyết vô lý đó đã trở thành một thảm kịch nội tâm đối với sự nhận thức của Augustinô, khi một người bạn vô cùng keo sơn thân thiết của ông (mà người ta không biết tên) qua đời và khiến ông rơi vào trong một tình trạng hoài nghi cực độ, đến nỗi ông đã nghi ngờ ngay cả chính bản thân mình: «Tôi đã trở nên một vấn nạn cho chính tôi.» Đúng vậy, theo tâm lý mà nói, khi một sự xác tín cơ bản của con người bị sụp đổ, thì thường người ta không thể đơn giản thay thế vào đó một sự xác tín khác được. Augustinô trở thành một kẻ hoài nghi. Nhưng sau đó ông đã tìm gặp được nơi tân học thuyết Platon một điểm tựa tinh thần.

Tuy nhiên, kinh nghiệm về sự vô lý và trống rỗng vẫn còn theo đuổi ông, chứ nó chưa dễ dàng chịu buông tha. Tại kinh thành sầm uất hoa lệ Milanô, vị giáo sư khoa hùng biện thời danh đã đưa hết tâm huyết nghiên cứu ngành thơ phú và nghệ thuật diễn thuyết của người Roma. Tất cả những nghiên cứu này đã phong phú hóa rất nhiều cho kiến thức, nhưng trái lại không đem đến cho cuộc sống thực tiễn của Augustinô một sự định hướng và ý nghĩa rõ ràng nào cả. Một đàng, ông có ý định muốn trở thành Kitô hữu; nhưng đàng khác, những hiệu quả của sự hoài nghi vẫn còn in dấu sâu đậm nơi ký ức ông. Đây quả là một sự giằng co nội tâm đầy rắc rối khó khăn, đòi hỏi đương sự phải có một sự can đảm, sáng suốt, để có thể tìm ra được một lối thoát hợp lý, một bước ngoặt đúng đắn. Và bước ngoặt có tính cách quyết định trong đời Augustinô, chúng ta chỉ biết được và có lẽ chúng ta cũng có thể thực thi được, bởi vì chính Augustinô đã tự trình bày công khai. Đó chính là điều Augustinô đã làm trong tác phẩm thời danh «Confessio» (Tự Thú) của ông. Nhưng hai từ «Tự Thú» ở đây mang ý nghĩa kép: Trước hết, ông nhìn nhận tội lỗi và những sai lầm của mình và tiếp đến, ông tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.

Sau khi được bầu làm Giám Mục thành phố hải cảng Hippo ở Bắc Phi Châu vào năm 395, và một ít năm sau đó Augustinô đã viết ra tác phẩm «Confessio». Quả thực, vị Giám Mục thành Hippo muốn thay đổi cuộc sống của mình, vì thế, cùng với các bạn hữu ông đã chuyên lo về vấn đề suy tư triết học. Với tư cách là một vị Giám Mục, Augustinô không chỉ chuyên tâm vào việc ấn hành sách vở và việc giảng thuyết, những việc làm rất được dân chúng ca ngợi, nhưng ngài còn phải thực hiện một cộng đồng thân hữu.

Nhưng dĩ nhiên, không vì tình bạn hữu thân thiện mà con người được phép để cho mình bị cuốn hút vào những tiêu cực thế nhân. (Bởi vậy, không phải là một chuyện tình cờ, khi Đức Bênêđíctô XVI trong thông điệp «Spe Salvi» vừa qua đã nhắc đến sự tự tìm gặp chính mình và qua đó sự vượt thắng chính mình.) Augustinô thường chỉ có thời giờ vào ban đêm để biên soạn các văn bản, và nhờ thế, ngài đã để lại trong kho tàng triết học và thần học Giáo Hội một tác phẩm vĩ đại. Tác phẩm «Tự Thú» là một cuốn sách mà không có một cuốn sách nào khác về triết học thời cổ đại, cũng như không một cuốn sách nào khác về thần học vào thời hậu cổ đại có thể so sánh được. Mặc dù cuốn sách mang tính cách tự thuật, nhưng trong đó người ta lại biết được rất ít về đời sống tư của tác giả. Ở đây các giai đoạn cuộc sống được đưa ra làm đối tượng cho những phân tích mổ xẻ, hay trở thành dịp cho những vấn nạn dồn dập xuất hiện, để rồi không được giải đáp.

Chẳng hạn nhà tư tưởng Augustinô tường trình về một lỗi lầm của tuổi trẻ: Ông đã lẻn sang vườn cây ăn quả của hàng xóm hái trộm một trái lê. Bây giờ những suy tư về vấn đề mang tính cách triết học và luân lý được đặt ra là: Nếu vườn cây trái lê của gia đình hàng xóm không hấp dẫn, thì phải chăng đã không có vấn đề hái trộm? Vâng, vị Giám Mục thành Hippo đã thú nhận tội hái trộm trái lê của hàng xóm khi ông còn trẻ. Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu ở đây là ông muốn trình bày cái bí ẩn khó hiểu của các lý do. Ông xác tín tín rằng, nếu chỉ một mình mà thôi thì ông đã không làm điều đó. Như vậy là do sự ép buộc của một nhóm bạn bè? Nhưng tại sao lại bị ép buộc?

Nhà tư tưởng Augustinô mổ xẻ điều đó với nhiều ý nghĩa khác nhau được chứa đựng trong tiếng «tốt»: Phải chăng những quả lê của hàng xóm thơm ngon đến nỗi khiến người ta không thể cầm mình được sao? - Thực ra, không phải thế, trong thực tế có lẽ những quả lê của khu vườn nhà mình còn thơm ngon hơn. Hay: Đám thanh niên chỉ muốn lấy trộm để ăn cho bớt đói? - Không, đó cũng không phải là lý do, bởi lẽ sau khi lấy trộm xong, họ lại ném mấy trái lê đi. Như vậy, nhà tư tưởng Augustinô đã xác nhận rằng hành động hái trộm quả lê của vườn nhà hàng xóm hoàn toàn không vì do sự vui thích hay vì một lợi ích nào cả; tuy nhiên, phải có một lý do «tốt» nào đó chứa ẩn trong hành động trên – tức giá trị thầm kín thôi thúc đưa tới hành động đó – nếu không, hành động «hái trộm» đã không xảy ra.

Nhà tư tưởng Augustinô đã trình bày điều đó bằng những lời quá nghiêm khắc và bi thảm, đến nỗi khiến cho không ít độc giả tân thời ngày nay cảm thấy như bị khiêu khích về cách quá «phóng đại» vấn đề tội lỗi. Bởi vì, theo họ, nội dung vấn đề ở đây chỉ là một vài quả lê lặt vặt. Nhưng đối với Augustinô thì ông lại xác tín rằng vấn đề trọng tâm ở đây là vấn đề nguyên tắc. Vì cuối cùng hành động bị cấm kị đã thực sự xảy ra. Nhưng nếu người ta làm một điều gì đó, bởi vì nó bị cấm, thì nó trở nên điều cấm kị, tức chính điều xấu trở thành nguyên tắc cho hành động, còn một vài quả lê trên thực tế chỉ còn là dịp để hành động được cụ thể hóa mà thôi.

Trong cuốn sách thứ bảy, Augustinô còn bàn đến đề tài này một lần nữa. Sau khi những xác tín của ông về thuyết Nhị Nguyên sụp đổ, nhà tư tưởng Augustinô đã tìm gặp nơi học thuyết hậu Platonisme một ánh sáng giúp nhìn thấy được rằng không phải tất cả đều trở thành thực tiễn trong cùng một cách thức như nhau. Bằng mọi giá, nhà tư tưởng Augustinô muốn biết là sự dữ xuất phát từ đâu, tức đâu là nguồn gốc sự dữ. Ông cũng cho hay là xưa kia ông rất sợ chết trước khi có thể khám phá ra được chân lý. Nhưng Augustinô đã nhận thức được rằng bản chất của sự dữ là sự tiêu diệt. Tuy nhiên, sự dữ không thể trở thành thực tiễn cùng một cách thức như cái bị tiêu diệt. Điều đó cũng muốn nói rằng, sự dữ thực sự hiện hữu và gây tác dụng thực tiễn. Tất cả những gì được tạo dựng nên đều thiện hảo, còn cái ngược lại, tức nguyên nhân gây ra sự tiêu diệt là xấu. Sự dữ không phải là một cái gì chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng là một thực tại. Vì thế, nếu trong Kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: «Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ», thì điều đó gián tiếp quả quyết sự hiện hữu của sự dữ, vì chúng ta không cầu xin được gìn gữ trước một sự dữ «vô hữu». Một sự sợ hãi trước một sự dữ chỉ có vẻ bề ngoài mà thôi, chứ không hiện hữu thực sự, thì chỉ là một sợ hãi viễn vông, vô lý do. Như vậy, sự dữ là một cái gì thực tiễn.

Có lẽ thời kỳ nổi danh nhất của Augustinô, là khi ông tường trình về quyết định dứt khoát là xin được chịu Phép Thánh Tẩy của mình. Đó là điều đã xảy ra vào Lễ Phục Sinh năm 387 tại Milanô do Giám Mục Ambrôsiô chủ sự. Tuy nhiên, lúc bấy giờ trong lòng Augustinô không chỉ ngự trị hai «linh hồn», nhưng chính ông cũng bị phân hóa sâu xa với chính mình. Đúng lúc đó, ông đã nghe được câu hát của những đứa trẻ đang chơi ở vườn nhà bên cạnh: «Cầm lấy và hãy đọc đi!» Câu hát đơn sơ này đối với Augustinô trong lúc bấy giờ có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ông vội chạy đến nhà người bạn tên Alypius và mở Thư Thánh Phaolô liền gặp ngay câu này: «Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng…» (Rm 13,13tt).

Như vậy, nhà tư tưởng Augustinô đã tìm được cho đời mình một định hướng rõ rệt. Nhiều năm sau đó, trong tác phẩm «Tự Thú», Augustinô còn suy tư và tự hỏi một lần nữa: Phải chăng ý chí không phải là một động lực thúc đẩy tự nhiên trong tác động của con người? Bình thường, người ta muốn hoặc cũng có thể người ta không muốn; hay nói rõ hơn, người ta muốn một điều gì đó, nhưng người người ta lại không muốn thực hiện nó. Nhưng dĩ nhiên, điều đó chỉ có giá trị nếu như trong những tình huống đòi hỏi phải có sự quyết định và đồng thời sự định hướng vẫn không thay đổi.

Nhưng bây giờ một vấn đề khác có liên quan đến điều mà Augustinô muốn định hướng trong tương lai. Ý chí của ông không bị phân hóa, ông cũng không lưỡng lự giữa hai ý chí, chẳng hạn: một đàng thì muốn chịu Phép Thánh Tẩy, còn đàng khác lại không muốn. Nhưng ý chí của Augustinô chỉ còn non yếu, chưa vững mạnh mà thôi. Và một ý chí còn non yếu thì không thể trở nên mạnh mẽ qua một sự quyết định được. Đối với Augustinô, điều đó cho thấy rõ ràng là trong một tình huống như vậy, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể tìm ra được một lối thoát, một cách giải quyết hợp lý được. Vì thế theo ông, giáo huấn về ơn thánh là chính thần học giải phóng.

Nhà tư tưởng Augustinô muốn nói lên rằng mặc dù ông đã xa lìa Thiên Chúa, nhưng ngược lại, Thiên Chúa luôn ở bên ông và đồng hành với ông, cả khi ông bước đi trên con đường lầm lạc. Đúng vậy, Thiên Chúa luôn luôn gần gũi bên con người, dù cho con người thường đã không ý thức được sự hiện diện gần kề đó của Thiên Chúa. Đối với Augustinô, Thiên Chúa «còn gần gũi thân thiết với con người hơn cả con người đối với chính mình.»

Sự cứu thoát không phát xuất từ con người, nhưng phát xuất từ nội tâm dưới tác động của Thiên Chúa. Điều đó cho thấy rằng, nhà tư tưởng Augustinô không viết cho những người tò mò, nhưng cho những người thường thất vọng nghĩ rằng cuộc sống của họ vô ý nghĩa và không có mục đích hay không phải là mục đích mà họ có thể đạt tới và hiện thực được. «Con đã yêu Chúa trễ tràng». Trễ tràng, nhưng không quá trễ.

Đây quả thực là lịch sử một cuộc đời đi tìm kiếm đức tin một cách lạ lùng không thể tưởng tượng được. Chính từ cuộc đời đó nhà tư tưởng Augustinô đã biên soạn ra được một tác phẩm vĩ đại và vô giá: Cuốn «Confessio» - hay Bekenntnisse, hay Tự Thú. Và đó phải là tác phẩm của một vị thánh. Vâng, tác giả của tác phẩm vĩ đại «Tự Thú» là một vị thánh, một vị đại thánh của Giáo Hội: Thánh Augustinô!

______________________

Sách tham khảo:

Augustinus: «Bekenntnisse»(Tự Thú). Sel Verlag, Frankfurt am Mainz 2006.
 
TGM Paulos Faraj Rahho ở Mosul, Iraq, thuộc Công giáo nghi lễ Chaldean, bị bắt cóc.
Đồng Nhân
13:04 29/02/2008
IRAQ -- Theo tin của hãng AsiaNews thì Đức TGM
TGM Paulos Faraj Rahho
Paulos Faraj Rahho, Công giáo nghi lễ Chaldean của thành Mosul, thuộc Iraq, đã bị bắt cóc vào ngày hôm nay 29/2/2008 ở Mosul. Ba người đi với ngài đã bị giết.
 
ĐTC Benedictô XVI chào mừng bà Glendon, tân đại sứ Hoa Kỳ và khuyến khích người Mỹ hãy để giá trị luân lý hướng dẫn lực chọn của mình
Đồng Nhân
13:27 29/02/2008
VATICAN -- Hôm nay khi đón tiếp tân đại sứ Hoa kỳ cạnh Vatican, ĐTC Benedictô đã ca ngợi nhữn người dấn thân làm việc bảo vệ sự sống con người và thúc đẩy người Mỹ hảy đễ những giá trị luân lý ảnh hưởng trong quyết định chínht rị của mình.

Bà Mary Ann Glendon trình ủy nhiệm thư lên ĐTC Benêdictô
ĐTC nói "Sự đánh giá có tính cách lịch sử về vai trò tôn giáo của người Hoa Kỳ trong các quyết định chính sách và đường lối nại theo theo những giá trị luân lý và đạo đứcđược phản ánh trong những nỗ lực của rất nhiều công dân và các vị lãnh đạo chính quyền hầu đảm bảo qua luật pháp che chở ơn huệ sự sống, món quà của Thiên Chúa từ lúc thụ thai cho tới cái chết tự nhiên”.

ĐTC cũng nói tới sự dấn thân của người Hoa Kỳ “cho những giá trị luân lý được thể hiện qua những cố gắng bảo toàn định chế gia đình, công nhân sự kết hợp bền vững an toàn giữa người nam người nữ, và cuộc sống gia đình”.

ĐTC cũng bày tỏ xác tín rằng việc xây dựng một tương lai an toàn hơn cho gia đình nhân loại trước tiên và trên hết có nghĩa là hoạt động cho sự phát triển toàn diện các dân tộc, nhất là qua việc cung cấp các dịch vụ săn sóc sức khỏe thích hợp, loại trừ các bệnh dịch như bệnh Aids, kiến tạo những cơ may rộng rãi hơn về giáo dục cho người trẻ, thăng tiến phụ nữ, bài trừ tham ô hối lộ và nạn quân sự hóa làm tiêu tán các tài nguyên quí giá tại các nước nghèo.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh rằng ”sự tiến bộ của gia đình nhân loại không những đang bị đe dọa vì tai ương khủng bố quốc tế, nhưng còn vì những đe dọa đối với hòa bình như sự chạy đua võ trang và tình trạng tiếp tục căng thẳng tại Trung Đông. Nhân dịp này tôi bày tỏ hy vọng những cuộc thương thuyết kiên nhẫn và minh bạch sẽ đưa tới sự biam bớt và loại trừ các võ khí hạt nhân và Hội nghị hồi năm ngoái tại Annapolis sẽ là bước đầu trong những bước tiến dẫn đến nền hòa bình lâu bền ở Trung Đông”.

Bà Mary Ann Glendon cũng phát biểu trọng tâm và việc bảo vệ nhân phẩm con người, loại trừ nghèo đói và cổ võ hóa bình. Hiện diện trong buối gặp gỡ hôm nay có thân quyến và gia đình bà Glendon nữa.

Cả hai vị đều có nói tới chuyến tông du của ĐTC Benedictô XVI sắp tới Washington và New York vào ngày 15020 tháng 4 này.

ĐTC nói: “Tôi ngóng đợi tới cuộc thăm viếng mục vụ tới Hoa Kỳ trong tháng 4”.

Bà Glendon đáp lại rằng: “Đức Thánh cha sẽ hiện diện giữa những người bạn”.

Như chúng tôi đã loant in trước đây, bà Glendon được Tổng Thống George Bush bổ nhiệm bà Glendon vào ngày 5 tháng 12, 2007 và sau đó được Thượng Viên Hoa Kỳ chuẩn y.

Bà Glendon là một trí thức Công Giáo Hoa Kỳ thay thế ông Francis Rooney, một thương gia đã giữ chức vụ đại sứ từ tháng Mười 2005.

Bà Glendon từng là một giảng sư môn Luật tại Đại Học Harvard tại Cambridge, Massachusetts, và là một thành viên của Viện Khoa Học Xã Hội từ khi được thành lập năm 1994.

Vào tháng Ba năm 2004, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ định bà làm Viện Trưởng Học Viện, khiến cho bà trở thành phụ nữ đầu tiên nắm giữ một chức viện trưởng quan trọng trong các Giáo Hoàng Học Viện.

Viện Khoa Học Xã Hội chú trọng đến các vấn đề liên quan đến các khoa học xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp. Hầu như tự trị, viện này hoạt động với tư cách tư vấn cho Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình.

Bà Glendon, 69 tuổi, cũng là cố vấn cho Ủy Ban Chính Sách Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và là chủ tịch của Tiểu Ban Iraq của Ủy Ban này.

Bà là phụ nữ đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn lựa để hướng dẫn một phái đoàn Tòa Thánh tham dự Đại Hội của Liên Hiệp Quốc về Phụ Nữ tại Bắc Kinh năm 1995.

Các cuộc nghiên cứu của bà Glendon chú trọng đến vấn đề đạo đức sinh học, nhân quyền, và so sánh các bộ luật Hiến Pháp.

Từ năm 2001, bà cũng phục vụ trong Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học của Tổng Thống, và cố vấn cho Tổng Thống Hoa Kỳ.

Ngoài việc giảng dậy tại Đại Học Harvard, bà còn là một giáo sư khách tại Đại Học Gregorian do các cha Dòng Tên điều khiển tại Rôma, và một luật sư trong văn phòng của các luật sư Mayer, Brown và Platt.

Bà sanh trưởng tại Quận Berkshire, Massachusetts, và hiện đang sống với phu quân là ông Edward R. Lev tại Chestnut Hill, Massachusetts. Họ có ba người con gái.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại Hội Cor Unum - Đồng Tâm
LM. Trần Đức Anh OP
14:33 29/02/2008
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi đào sâu việc huấn luyện tinh thần cho các nhân viên bác ái của Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 29-2-2008, dành cho các tham dự viên Đại hội của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, nhóm tại Roma từ 28-2 đến 1-3-2008, về đề tài ”Những đức tính nhân bản và tinh thần của người làm việc trong các hoạt động bác ái của Giáo Hội”. Trong số các tham dự viên, đặc biệt có Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM giáo phận Hà Nội, thành viên của Hội đồng Cor Unum.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi đề cao tầm quan trọng của các hoạt động bác ái của Giáo Hội, ĐTC khẳng định rằng: ”Điều không thể thiếu được đối với những người hoạt động trong các tổ chức bác ái của Giáo Hội chính là ”sự huấn luyện tâm hồn”.. một sự huấn luyện nội tâm và thiêng liêng, từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, làm nảy sinh một tâm hồn nhạy cảm, giúp nhận ra và đáp ứng những mong đợi và nhu cầu của con người.. Vì thế, ai hoạt động trong các hình thức bác ái đa diện của Giáo Hội không thể chỉ hài lòng với những giải pháp kỹ thuật hoặc giải quyết các vấn đề và khó khăn về vật chất mà thôi. Việc giúp đỡ mà họ thực hiện không bao giờ được thu hẹp vào một cử chỉ yêu người mà thôi, nhưng phải là một sự biểu lộ cụ thể tình yêu thương theo tinh thần Tin Mừng”.

ĐTC nói thêm rằng ”Ai hoạt động giúp đỡ con người trong các tổ chức của xứ đạo, giáo phận và quốc tế, là người thi hành các công tác nhân danh Giáo Hội và họ được mời gọi tỏ cho thấy kinh nghiệm chân thực về Giáo Hội, qua các hoạt động của mình”. Ngài cũng chào mừng sáng kiến của Hội đồng Cor Unum tổ chức cuộc tĩnh tâm đầu tiên cho các vị chủ tịch và giám đốc các cơ quan bác ái của Mỹ Châu vào tháng 6 năm nay tại Guadalajara, Mêhicô. Sinh hoạt này sẽ giúp phục hồi trọn vẹn chiều kích nhân bản và Kitô vừa nói và ĐTC hy vọng sáng kiến này trong tương lai cũng có thể mở rộng cho các vùng khác trên thế giới (SD 29-2-2008)
 
Những người cuồng tín ở Pakistan là mối đe đọa cho người Công giáo
Đồng Nhân
14:55 29/02/2008
500 Kitô hữu nhận được thư nặc danh cảnh báo nếu không theo đạo Hồi sẽ gánh hậu quả bạo động

KOENIGSTEIN, Đức (Zenit) – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan kêu gọi chính quyền hãy bảo vệ người Kitô hữu trước những áp lực càng ngày càng tăng bạo loạn và áp lực bắt Kit6o hữu cải đạo sang Hồi giáo,

TGM Lawrence Saldanha của Lahore cho tổ chức Aid to the Church in Need (Giúp Giáo hội thiếu thốn) rằng các nhóm cực đoan đang gieo rắc “hận thù và vất khoan dung” nhằm dùng sức mạnh bắt Kitô hữu cải đạo sang Hồi giáo.

TGM Saldanha đưa ra trường hợo cụ thể một người cha trẻ có 4 đứa con bị bắt cóc và bị đe dọa tới tính mạng/

Tháng qua, trong thời gian bị giam giữ, người cha đó tên là Haroon làm nghề ngân hàng, bị ép buộc gọi điện thoại cho vợ rằng nếu báo cảnh sát thì ông ta sẽ bị giết. Sau đó ông ta đã có thể trón thoát được.

Những người bắt cóc ông ta thuộc tổ chức Jamaat-ul-Dawah, tổ chức này bị Anh quốc và các quốc gia khác xếp hạng là tổ chức khủng bố.

Họ thường bắt buộc và áp lực người Kitô hữu pah3i bỏ đạo và theo Hồi giáo.

Nhiều trường hợp xẩy ra tại Pakistan là các thiếu nữ Kitô hữu bị bắt cóc và bị bắt buộc cưới thanh niên Hồi giáo và phải cải đạo.

Trong cuộc phỏng vấn TGM Lahore cũng cho biết rằng 500 Kitô hữu nhận được thư nặc danh cảnh báo nếu không theo đạo Hồi sẽ gánh hậu quả tàn khốc không lường và cho thời hạn là 10 ngày.
 
Toàn cảnh tôn giáo tại Hoa kỳ
Phụng Nghi
18:00 29/02/2008
Toàn cảnh tôn giáo tại Hoa kỳ

Washington – Một cuộc nghiên cứu cho biết những phỏng định mới nhất và chi tiết nhất về kích thước và đặc tính dân số của các nhóm tôn giáo tại Hoa kỳ, cho thấy rằng số người theo tôn giáo rất đa dạng và cực kỳ chuyển động.

Diễn đàn Pew về Đời sống Công cộng và Tôn giáo (Pew Forum on Religion & Public Life) hôm 25 tháng 2 vừa qua đã công bố phúc trình đầu tiên về cuộc Thăm dò Khung cảnh Tôn giáo tại Hoa kỳ.

Bản Nghiên cứu dài 148 trang của nhóm Pew được coi là tấm ảnh chụp nhanh toàn diện nhất về các tín đồ tại Mỹ. Nghiên cứu dựa trên cuộc phỏng vấn bằng Anh ngữ và tiếng Spanish với mẫu đại diện của hơn 35 ngàn người lớn ở Hoa kỳ. Những cuộc phỏng vấn, gồm 40 câu hỏi, được thực hiện từ ngày 8 tháng 5 đến 1 tháng 8 năm 2007, cho biết ước lượng về các nhóm tôn giáo lớn nhỏ, và cũng còn mô tả những thay đổi trong việc theo đạo, phân tích sự liên hệ giữa việc theo đạo với nhiều yếu tố khác nhau về dân số, như: tuổi tác, sắc tộc, sinh quán, trình độ học vấn và mức lợi tức, phái tính, thành phần gia đình và nơi cư trú.

Ông Luis Lugo, giám đốc của Diễn Ðàn Pew, đưa ra nhận xét rằng người Mỹ “không chỉ thay đổi việc làm, thay đổi nơi sinh sống, và thay đổi người phối ngẫu, họ cũng thay đổi tôn giáo. Chúng tôi biết chuyện này có xảy ra, thế nhưng nghiên cứu cho chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất.”

Ông cho biết thêm: “Người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy số lượng người Hoa kỳ chuyển từ nhóm tôn giáo này sang nhóm khác – hoặc bỏ không theo đạo nào hết. Cũng sẽ ngạc nhiên về mức độ hình thành khung cảnh tôn giáo tại Mỹ do lớp người di dân gây ra.”

“Chúng tôi hy vọng rằng Bản Thăm Dò sẽ góp phần vào việc hiểu biết rõ rệt hơn về tầm quan trọng của tôn giáo đang ảnh hưởng lên cuộc sống cá nhân và công cộng của hầu hết người Mỹ.”

Sau đây là một số dữ kiện bản thăm dò tìm thấy:

1- Tổng quát: 78.4% người Mỹ theo Thiên Chúa giáo, chừng 5% thuộc các tôn giáo khác và 16.1% không theo đạo nào. Tôn giáo kế tiếp có nhiều tín đồ nhất là Do thái (1.7%). Các tôn giáo khác: Phật (0.7%), Hồi giáo (0.6%), Ấn giáo (0.4%), Đời Mới (New Age: 0.4%).

2- Chuyển đạo: Hơn ¼ người Mỹ đã bỏ đạo mình theo từ nhỏ để theo một đạo khác, hoặc để không theo đạo nào cả. Nếu kể cả số người Tin Lành chuyển từ hệ phái này sang hệ phái khác, thì gần như 44% người lớn tại Hoa kỳ đã chuyển đạo, theo đạo hoặc bỏ đạo.

Số người lớn bây giờ nói họ không theo đạo nào cả (16.1%) gần như gấp đôi con số họ nói mình không theo đạo nào hồi còn nhỏ. Trong số người không theo đạo, đàn ông nhiều hơn đàn bà. Trong số người Mỹ lớp tuổi 18-29, cứ 4 người thì có 1 nói họ không theo đạo nào. Trong lúc đó, đa số người lúc còn nhỏ không theo đạo nay nói họ đang theo một tôn giáo.

3- Tin Lành: Tại Hoa kỳ trước đây người theo Tin Lành luôn luôn có tỷ lệ cao nhất (vào giữa thập niên 1980 các cuộc thăm dò dân số cho biết có 2/3 theo đạo Tin Lành), nay thì chỉ còn 51% (mọi hệ phái), và số người trong lớp tuổi 18-29 chỉ còn 43% xác nhận mình theo Tin Lành.

Tin Lành có sự phân hóa nội bộ nhất, có hàng trăm hệ phái khác nhau, qui tụ lỏng lẻo chung quanh ba truyền thống: Tin Lành Evangelical (26.3%), Tin Lành Chính Thống (18.1%) và Tin Lành Da Đen (6.9%).

Hầu hết những mất mát trong Tin Lành là ở nơi các giáo hội chính thống (Episcopal, United Methodist, American Baptist và Presbyterian). Bản thăm dò ghi nhận sự mất mát này là do tỉ lệ sinh sản, do không có khả năng giữ được lớp người mới sinh sau này ở lại trong giáo hội, và như vậy vấn đề là ở phạm vi gia đình: có con và giáo dục con cái.

4- Công giáo: Số người Công giáo giữ mức ổn định trong những thập niên vừa qua. Tuy nhiên sự ổn định này rõ ràng mất dần đi, vì có một số lớn rời bỏ giáo hội. Trong cuộc thăm dò, có gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ không còn là người Công giáo nữa mặc dầu thuở nhỏ được nuôi dưỡng thành người Công giáo. Điều này có nghĩa là gần 10% dân Mỹ trước đây là người Công giáo. Tuy nhiên sự mất mát này được bù lại, một phần vì một số tân tòng, nhưng phần lớn là do những người di dân đến Mỹ (gần ½ số di dân là người Công giáo, hầu hết đến từ các nước thuộc châu Mỹ Latinh). Kết quả là tỷ lệ người nhận mình là Công giáo trong dân số (1/4) vẫn khá ổn định.

Người Latino hiện nay chiếm gần 1/3 số người lớn theo đạo Công giáo ở Hoa kỳ và tỉ lệ này sẽ cao hơn trong tương lai. Trong số người lớn tuổi (70 trở lên) cứ 8 người Công giáo thì có 1 người Latino (12%), nhưng trong lớp thanh niên (18 đến 29 tuổi), cứ 2 người Công giáo thì có gần 1 người Latino (45%).

5- Phật giáo: Trái với đạo Hồi và Ấn giáo, đạo Phật ở Hoa kỳ tạo thành phần lớn do người bản xứ (người da trắng và người cải đạo). Chỉ có 1/3 Phật tử là người Á châu. ¾ số Phật tử là người cải đạo.

6- Địa lý: Vùng Trung Tây, miền Nam, là chỗ tập trung nhiều nhất của các giáo hội Tin Lành Evangelical. Miền Đông Bắc tập trung nhiều người Công giáo nhất. Miền Tây có tỉ lệ cao nhất người không theo tôn giáo nào, gồm tỉ lệ cao người vô thần và bất khả tri (agnostics).

7- Gia đình: Trong số người đã kết hôn, cứ gần 10 người thì có 4 (tức 37%) kết hôn với người phối ngẫu theo tôn giáo khác. Con số này gồm cả các tín đồ Tin Lành kết hôn với một người Tin Lành thuộc hệ phái khác, chẳng hạn một người Baptist lấy một người Methodist.

Số người theo Ấn giáo và đạo Mormons kết hôn rất cao (Ấn giáo: 78%, Mormons: 71%) và thường kết hôn với người cùng tôn giáo (Ấn giáo: 90%, Mormons: 83%). Người Mormons và Hồi giáo là những nhóm có số con đông nhất: 20% người Mormons và 15 % người Hồi giáo có 3 con hoặc nhiều hơn.

8- Giáo dục và lợi tức: ½ số người theo Ấn giáo, 1/3 số người theo Do thái giáo, ¼ số Phật tử có bằng cao học (trong cả nước chỉ có 1/10 số người lớn có bằng cao học). Người theo Ấn giáo và Do thái giáo là những nhóm có lợi tức cao hơn những nhóm khác.

Kèm theo bản báo cáo là các biểu đồ ghi rõ các dữ kiện về phân phối địa lý, sắc tộc, phái tính, giáo dục, lợi tức.

Nhận định của một số nhân vật về kết quả cuộc thăm dò:

1. Luis E. Lugo, giám đốc Diễn đàn Pew: “Không ai thắng ai thua cả. Đó là một thị trường rất ganh đua và nếu anh ngủ quên trên chiến thắng, anh sẽ chỉ còn tên trong lịch sử.”

2. Greg Smith, một trong các nghiên cứu gia của Pew, giải thích: “Không có nhóm tôn giáo nào thắng hay thua trong vấn đề đổi đạo. Nhóm nào cũng vừa thắng và vừa thua trong cùng một lần.”

Thành phần được xem là “thắng lớn” lại không là một tôn giáo, mà là những người không thuộc một đạo nào tại nước Mỹ.

3. Green (thành viên diễn đàn Pew): "Hầu hết chuyện mất mát của Công giáo được bắt nguồn từ những thế hệ người di dân trước, đã đồng hóa vào văn hóa Mỹ, ít trung thành với căn tính và tôn giáo sắc tộc của mình".

4. Mary Gautier, phụ tá nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Hoạt động Tông đồ, trường đại học Georgetown: “Thứ đồng hoá đó là tiêu biểu cho mọi sắc tộc, và nó ảnh hưởng lên mọi tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo mà thôi.”

Giáo hội Công giáo đã có thời gian giữ vị trí năng động và thiết yếu. Nhưng đã có những thách đố trong việc duy trì số tín hữu. Kết hôn với người khác tôn giáo, số linh mục ít đi, và thiếu các phương tiện, các cơ sở hoạt động trong giáo hội, là những lý do khiến cho người ta bỏ đi theo đạo khác.

5. Lm Guillermo Garcia, chánh xứ St. Gertrude's Catholic Church tại Bell Gardens và là giáo sư về thần học tại Mount St. Mary's College nói rằng "số lớn người di dân Công giáo làm quân bình thành viên của giáo hội, nhưng “ngay dù họ tới đó, cũng có chiều hướng sẽ mất họ khi sang đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba.”

“Giáo hội Công giáo cần tìm ra nhiều phương cách sáng tạo hơn nữa để vươn tới các cộng đồng. Chúng ta quá là một cộng đoàn chuyên lo phụng vụ. Chúng ta có một số cơ cấu cổ xưa. Chúng ta không dùng các nguồn tài nguyên truyền hình, truyền thanh và Internet cũng như các phương tiện khác.”

6. Linh mục Allan Figueroa Deck, dòng Tên, giám đốc điều hành về tính đa dạng văn hóa cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, không ngạc nhiên về kết quả cuộc thăm dò:

Giáo hội đang bị bỏ lại phía sau. Chúng ta thiếu chiến sĩ.” Giáo huấn của giáo hội theo với thời gian vẫn còn có chỗ đứng, nhưng thiếu các linh mục, thừa tác viên giáo dân để loan truyền Tin Mừng và nối kết có hiệu quả giáo dân với Tin Mừng.”

“Sứ vụ của chúng ta là truyền bá Tin Mừng và chúng ta thiếu sót”.

Ngài giải thích rằng từ “evangelize (rao truyền Tin Mừng) bao gồm cả nghĩa “chuyển đổi trái tim con người và triển dương công lý xã hội.”

Cha Deck đã từ lâu hoạt động mục vụ cho người Hispanic. Ngài nói tiếp: Giáo hội Công giáo cũng đấu tranh để đặc biệt vươn tới các nhu cầu của những cộng đồng thiểu số, như người da màu, người gốc Á và Hispanics. Việc đồng hoá của người di dân vào giáo hội và vào nền văn hóa Hoa kỳ là một sự cân bằng đầy phức tạp. Chúng ta phải rất mực cẩn trọng. Vai trò của chúng ta là triển dương Tin Mừng, chứ không phải một nền văn hoá đặc thù nào, ngay cả nền văn hoá Mỹ nữa.”

7. Linh mục Thomas F. Dailey, O.S.F.S., Giám đốc Trung tâm Salêdiêng về Đức tin và Văn hóa, trường đại học DeSales: Một trong những cảnh báo của bản thăm dò là việc “người không theo tôn giáo nào đa số ở trong lớp tương đối trẻ so với các truyền thống tôn giáo khác.”

Điều này không gây ra ngạc nhiên xét theo các biên giới tương đối thoáng xốp đang bao quanh cuộc sống của người trẻ. Khi mà cuộc sống được thay đổi liên tục – khi cha mẹ thay đổi, khi chỗ cư trú di sang bang khác, khi bỏ công việc để nhận việc tốt hơn, khi các phụ tùng kỹ thuật được thay thế bằng con chip mới – thì sự lựa chọn tôn giáo để theo, hoặc chọn để không theo tôn giáo nào, trở thành một trong những lựa chọn đổi thay trong thị trường cuộc sống.

Người ta có thể lùng sục khung cảnh để nhận thức rõ sức đẩy đàng sau cuộc di tản tâm linh này. Các thay đổi trong phạm vi xã hội học nơi cuộc sống gia đình, sự xung đột về học thuật giữa khoa học và tôn giáo, ý thức toàn cầu về sự đa dạng của tôn giáo, hoặc căn bệnh theo chủ nghĩa tương đối với bất cứ suy nghĩ nào về “chân lý” trong thời đại mới – những điều đó và nhiều thủ phạm khác nữa có thể đưa ra để buộc tội. Nhưng sự thực vẫn tồn tại là người trẻ luôn luôn là những người đi tìm kiếm. Được đem vào lữ hành là cuộc sống, họ tìm tòi, họ hỏi han, họ thắc mắc, họ tìm kiếm điều gì làm cho tương lai mở rộng của họ được ổn định. Sự khác biệt về giới trẻ ngày nay (những người dưới 30, chiếm 1/3 tổng số những người tự nhận là vô thần hay bất khả tri hay không theo tôn giáo nào) là dường như họ đã không tìm được chỗ thả neo thuyền cuộc sống trong một tôn giáo.

Vấn đề, theo tôi ước đoán, nằm ở “tin mừng” mà tôn giáo truyền rao cho thế giới. Sinh viên đại học có khuynh hướng định nghĩa điều này bằng thông điệp tôn giáo nào đưa lại hiệu quả hoặc kết quả tốt; nói cách khác, viễn ảnh của họ cho rằng kinh nghiệm về giáo hội phải là dễ chịu, chắc chắn, vui thỏa hoặc kích thích. Người hướng dẫn về tôn giáo của họ chỉ ra một vị thần linh nào làm cho họ cảm thấy thoải mái. Những nhà giảng thuyết nào làm họ vui thích, âm nhạc làm họ hát theo, chỗ ngồi theo hình vòng cung, cơ sở thì tiện nghi – những điều đó và những điều tinh tế tương tự vội vã làm thành mồi câu để lôi kéo thế hệ trẻ tích cực gia nhập một giáo hội hơn.

Sự lôi kéo như thế nay không còn kết quả nữa (theo như thăm dò của Pew); ngay cả khi dường như có kết quả, cũng không lâu bền. “Tin mừng”, chủ yếu không phải là cảm nghiệm tích cực do tôn giáo đưa lại. Mà có nghĩa là các tin tức về điều làm ta mừng, điều gì là thực và chung cuộc có lợi ích cho con người. Đó là sự hiểu biết có nguyên tắc cách làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Đó là câu giải đáp cho những vấn nạn mọi người đặt ra.

Và tin tức đó, sự hiểu biết đó, câu giải đáp đó thường là một nhu cầu. Nó có chủ định thách đố vì nó là lời kêu gọi chuyển đổi – thay đổi cách suy tư (siêu nhiên hơn là thế tục), thay đổi cách tin tưởng (vào một Đấng Khác hơn là chính tôi), thay đổi cách hành động (làm điều gì tốt theo khách quan và không chỉ điều gì ta ước muốn theo chủ quan). Nếu “tin mừng” này không được gỡ bỏ lớp vải che ra cho các thế hệ tín hữu tương lai thấy, theo đường hướng chú trọng tới khát vọng của họ mà không thoả mãn các ưu tiên của họ, sẽ chẳng còn bao nhiêu điều để kêu gọi cá nhân nào theo đạo.

8. Phó tế Keith Fournier (hãng thông tấn Catholic Online): Kết quả cuộc thăm dò xác nhận tầm quan trọng thiết yếu của điều mà vị Tôi tớ Chúa đã quá vãng là Đức thánh cha Gioan Phaolô II gọi là nỗ lực mới “Truyền bá Tin Mừng”.

Nỗ lực không ngừng truyền rao Tin Mừng và giảng dạy giáo lý này nhằm trước hết giúp các tín hữu Công giáo hiểu và sống đức tin – và sau đó có thể chia sẻ đức tin đó với người khác – đã trở thành một trong những cam kết chính yếu của nhiều giáo phận Công giáo ở Hoa kỳ ngày nay.

9. Richard J. Mouw, giám đốc Chủng Viện Thần học Fuller ở Pasadena: “Dùng khung cảnh Tin Lành làm giả định để tìm hiểu đặc tính của người Mỹ, nay chỉ còn là sự việc trong quá khứ. Chúng ta càng ngày càng là một xã hội đa diện, và người Tin Lành chúng ta phải nghĩ nhiều về cách thức chúng ta góp phần vào ích lợi chung, chỉ như một giọng hát trong ban hợp xướng Mỹ quốc.”

Tuy có sự suy giảm số người tin theo tôn giáo, ông nói tiếp: “Chúng ta đừng vội vàng nhảy tới kết luận rằng chủ nghĩa thế tục đã thắng thế. Nơi những người không theo tôn giáo vẫn còn có rất nhiều sự kiện tâm linh. Tôi thấy đó là một điều thách đố hào hứng.”

“Chẳng hạn nhiều bậc cha mẹ có thể thoả mãn với “lối theo đạo truyền thống”, nhưng cũng biết rõ họ làm cho con cái chán ngấy. Vì thế họ đi tìm một chỗ mà cả gia đình có thể hướng tới. Làm thế có phải là coi tôn giáo chỉ như là một “loại hàng hóa”? Khó mà như vậy được. Đó là một cuộc tranh đấu để tìm ra phương sách giúp ta giải quyết một số trong những vấn đề rất sâu xa và thân thiết trong cuộc sống chúng ta.”

Các biểu đồ kèm theo phúc trình cuộc Thăm Dò Pew

Phân bố theo địa lý

Tôn giáo Đông bắc Trung tây Miền Nam Miền Tây Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 19% 23% 36% 22% 35556
Tin Lành Evangelical 10% 23% 50% 17% 9472
Tin Lành Chính thống 19% 29% 34% 18% 7470
Tin Lành Da Đen 13% 19% 60% 8% 1995
Công giáo 29% 24% 24% 23% 8054
Mormons 4% 7% 12% 76% 581
Chính thống giáo 33% 19% 24% 25% 363
Nhân chứng Jehova 16% 19% 36% 29% 215
Kitôgiáo khác 14% 23% 22% 41% 129
Do thái giáo 41% 12% 26% 21% 682
Hồi giáo 29% 22% 32% 18% 1050
Phật giáo 17% 15% 23% 45% 411
Ấn giáo 29% 13% 32% 26% 257
Tôn giáo khác 23% 20% 26% 31% 449
Không tôn giáo 19% 23% 29% 29% 5048

Phân bố theo tuổi tác

Tôn giáo 18-29 30-49 50-64 65+ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 20% 39% 25% 16% 34695
Tin Lành Evangelical 17% 39% 26% 19% 9281
Tin Lành Chính thống 14% 36% 28% 23% 7271
Tin Lành Da Đen 24% 36% 24% 15% 1942
Công giáo 18% 41% 24% 16% 7856
Mormons 24% 42% 19% 15% 565
Chính thống giáo 18% 38% 27% 17% 358
Nhân chứng Jehova 21% 39% 25% 14% 207
Kitôgiáo khác 16% 35% 27% 22% 127
Do thái giáo 20% 29% 29% 22% 664
Hồi giáo 29% 48% 18% 5% 1027
Phật giáo 23% 40% 30% 7% 410
Ấn giáo 18% 58% 19% 5% 250
Tôn giáo khác 26% 37% 27% 10% 437
Không tôn giáo 31% 40% 20% 8% 4947

Phân bố theo giới tính

Tôn giáo Nam Nữ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 48% 52% 35556
Tin Lành Evangelical 47% 53% 9472
Tin Lành Chính thống 46% 54% 7470
Tin Lành Da Đen 40% 60% 1995
Công giáo 46% 54% 8054
Mormons 44% 56% 581
Chính thống giáo 46% 54% 363
Nhân chứng Jehova 40% 60% 215
Kitôgiáo khác 46% 54% 129
Do thái giáo 52% 48% 682
Hồi giáo 54% 46% 1050
Phật giáo 53% 47% 411
Ấn giáo 61% 39% 257
Tôn giáo khác 54% 46% 449
Không tôn giáo 59% 41% 5048

Phân bố theo chủng tộc

Tôn giáo DaTrắng (non-Hispanic) Da Đen (non-Hispanic) Á châu (non-Hispanic) Khác/Pha trộn (non-Hispanic) Hispanic Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 71% 11% 3% 3% 12% 35101
Tin Lành Evangelical 81% 6% 2% 4% 7% 9380
Tin Lành Chính thống 91% 2% 1% 3% 3% 7383
Tin Lành Da Đen 2% 92% 0% 1% 4% 1990
Công giáo 65% 2% 2% 2% 29% 7987
Mormons 86% 3% 1% 3% 7% 571
Chính thống giáo 87% 6% 2% 3% 1% 358
Nhân chứng Jehova 48% 22% 0% 5% 24% 212
Kitôgiáo khác 77% 11% 0% 8% 4% 126
Do thái giáo 95% 1% 0% 2% 3% 671
Hồi giáo 37% 24% 20% 15% 4% 1030
Phật giáo 53% 4% 32% 5% 6% 405
Ấn giáo 5% 1% 88% 4% 2% 255
Tôn giáo khác 80% 2% 1% 13% 5% 436
Không tôn giáo 73% 8% 4% 4% 11% 4955

Phân bố theo lợi tức

Tôn giáo Dưới $30,000 $30,000-$49,999 $50,000-$74,999 $75,000-$99,999 $100,000+ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 31% 22% 17% 13% 18% 29435
Tin Lành Evangelical 34% 24% 18% 11% 13% 7943
Tin Lành Chính thống 25% 21% 18% 15% 21% 6142
Tin Lành Da Đen 47% 26% 12% 7% 8% 1656
Công giáo 31% 20% 16% 14% 19% 6565
Mormons 26% 21% 22% 16% 16% 512
Chính thống giáo 20% 24% 16% 13% 28% 290
Nhân chứng Jehova 42% 23% 17% 9% 9% 178
Kitôgiáo khác 29% 21% 13% 13% 23% 111
Do thái giáo 14% 11% 17% 12% 46% 520
Hồi giáo 35% 24% 15% 10% 16% 868
Phật giáo 25% 19% 17% 17% 22% 357
Ấn giáo 9% 10% 15% 22% 43% 220
Tôn giáo khác 28% 25% 16% 13% 18% 378
Không tôn giáo 29% 23% 16% 13% 19% 427

Phân bố theo học vấn

Tôn giáo Dưới Trung học Tốt nghiệp Trung học Ít năm Đại học Tốt nghiệp Đại học Hậu Đại học Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 14% 36% 23% 16% 11% 35298
Tin Lành Evangelical 16% 40% 24% 13% 7% 9411
Tin Lành Chính thống 9% 34% 24% 20% 14% 7429
Tin Lành Da Đen 19% 40% 25% 11% 5% 1985
Công giáo 17% 36% 21% 16% 10% 7990
Mormons 9% 30% 32% 18% 10% 578
Chính thống giáo 6% 26% 22% 28% 18% 362
Nhân chứng Jehova 19% 51% 22% 6% 3% 211
Kitôgiáo khác 12% 22% 27% 20% 20% 129
Do thái giáo 3% 19% 19% 24% 35% 676
Hồi giáo 21% 32% 23% 14% 10% 1031
Phật giáo 3% 23% 26% 22% 26% 408
Ấn giáo 4% 12% 10% 26% 48% 253
Tôn giáo khác 7% 25% 28% 18% 21% 448
Không tôn giáo 13% 34% 24% 16% 13% 5009

Phân bố theo gia cảnh

Tôn giáo Kết hôn Ở với phối ngẫu Ly dị/Ly thân Góa Chưa cưới bao giờ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 54% 6% 12% 8% 19% 35308
Tin Lành Evangelical 59% 5% 13% 9% 14% 9419
Tin Lành Chính thống 57% 5% 12% 11% 15% 7421
Tin Lành Da Đen 33% 6% 16% 11% 34% 1982
Công giáo 58% 7% 10% 8% 17% 8013
Mormons 71% 3% 9% 5% 12% 576
Chính thống giáo 58% 3% 9% 7% 22% 360
Nhân chứng Jehova 53% 1% 14% 11% 20% 213
Kitôgiáo khác 49% 10% 19% 6% 15% 129
Do thái giáo 57% 6% 9% 8% 19% 676
Hồi giáo 60% N/A 9% 3% 28% 1029
Phật giáo 45% 8% 12% 4% 31% 410
Ấn giáo 79% 0% 5% 2% 14% 256
Tôn giáo khác 44% 9% 15% 5% 26% 447
Không tôn giáo 46% 10% 12% 4% 28% 5005

Phân bố theo số con

Tôn giáo Không con Một con Hai con Ba con Bốn hoặc nhiều hơn Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 65% 13% 13% 6% 3% 35431
Tin Lành Evangelical 65% 13% 13% 6% 3% 9443
Tin Lành Chính thống 70% 12% 12% 5% 1% 7451
Tin Lành Da Đen 64% 15% 11% 6% 4% 1989
Công giáo 61% 13% 15% 7% 4% 8029
Mormons 51% 14% 14% 12% 9% 577
Chính thống giáo 70% 9% 14% 5% 1% 360
Nhân chứng Jehova 63% 16% 11% 6% 4% 215
Kitôgiáo khác 72% 12% 8% 4% 4% 129
Do thái giáo 72% 9% 11% 4% 4% 681
Hồi giáo 53% 13% 19% 9% 6% 116
Phật giáo 70% 16% 11% 3% 1% 411
Ấn giáo 52% 21% 24% 2% 1% 256
Tôn giáo khác 69% 15% 12% 3% 1% 449
Không tôn giáo 67% 13% 13% 5% 2% 5031


Phụng Nghi (tổng hợp)
 
Top Stories
Vietnam: underground Buddhists show solidarity with Hanoi Catholics
Independent Catholic News
03:04 29/02/2008
A leader of the outlawed Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV) has shown his support to Hanoi Catholics, in their quest to regain confiscated church property. He said the state-approved Buddhist leaders, who claimed the property was theirs, were: "tools of the Communist Party".

Hanoi Catholics who earlier this month won a government promise to restore Church control of the building that once housed the apostolic nunciature, now face a serious complication, as a state-approved Buddhist group has claimed ownership of the land. In a letter sent to the prime minister of Vietnam - dated February 16 - Venerable Thich Trung Hau, a leader of the Vietnam Buddhist Church (VBC) stated that any handover of property to the Catholic Church could not take place without the approval of the VBC, because he said, they were the authentic owners of the land. He argued that on the land in dispute there had been a pagoda named Bao Thien built in 1054. In 1883, "The French colonists seized and gave it to Bishop Puginier", he stated.

However, in an interview with the BBC on 23 February, Venerable Thich Khong Tanh, Commissioner for Social and Humanitarian Affairs of UBCV stated that the Catholic Church is actually the legal owner of the land. "The Catholic Church", he said "legally owned the land before the VBC was established, and even before Hau was born".

A state-run magazine published in 2001 states that the Bao Thien pagoda was destroyed in 1426 and that it was located in another place about 5km in the north of the nunciature. The plot of land on which the archbishop's residence, the city's Catholic cathedral, and St Joseph seminary are located had been vacant for a long time before 1883, when these building were constructed.

Thich Khong Tanh questions the political motive of the VBC leadership. "It is clear that the government is reluctant to satisfy the legitimate aspirations of Catholics. Now, they want to use Buddhists to confront the Catholics for them", he said urging Vietnam Buddhists not allow the government to do so.

He pointed out that the UBCV has no dealings with the Catholic Church, but added that two key UBCV institutions have also been seized by the government: the Vietnam Quoc Tu Pagoda and the Quang Duc Cultural Centre in Saigon.

The UBCV, which claims to lead 80% of Buddhists in Vietnam, has been outlawed since 1981, when the atheist government set up the state-controlled VBC. Like other Buddhist monks in UBCV, Venerable Thich Khong Tanh, 65,has spent 15 years in prison for his faith and is an outspoken advocacy of human rights.

Father Joseph Nguyen from Hanoi reported that some government officials have already criticized those involved in the letter of Thich Trung Hau. This development may drive Catholics to cooperate with the UBCV in future.

The state-sponsored Vietnam Buddhist Church in Hanoi is going to host the upcoming international celebrations of the 2008 Vesak Festival ­ the Anniversary of the Birth of Buddha. Up til now, celebrations have taken place in Thailand. This year, Vietnam asked the Thai government to allow Hanoi to host the Vesak festival. This looks set to pose additional tensions in the country.

© Independent Catholic News 2008
 
Vietnam government reaffirms its promise to return Hanoi nunciature
J.B. An Dang
04:13 29/02/2008
Among growing rumours of an imminent resumption of mass demonstrations, a high ranking official in the Vietnam Ministry of Religious Affairs reaffirms that his government will return the former nunciature to the Church to show its respect to the Holy See.

Catholics gather to read news
“The Prime Minister appreciated gestures of goodwill from Vatican and from Archbishop Ngo Quang Kiet when they instructed Hanoi Catholics to stop demonstrations. In reply, we also want to show our gestures of sincere dialogue”, said Tran Dinh Phung, the chief of the Government Committee for Religious Affairs during a 2-day conference of the “Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics” held at Hanoi from 27 to 28 February.

He reaffirmed his government’s promise to return the former nunciature to the Church, but did not explicitly state the exact time.

The Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics does not belong to the Church. It was set up by the communist government soon after it took control Vietnam in 1975. Its initial intention was to create a state-approved Catholic Church as the one in China. This attempt failed thanks to the fidelity to Christ and His Church of Bishops, priests, religious and lay people.

In many dioceses, Bishops explicitly ban their clergy to participate in the committee complaining that it interferes so much in normal activities of the Church, and causes confusions among the laity.

Government officials at the conference strongly criticized Thich Trung Hau, a leader of the Vietnam Buddhist Church set up by the Communist government in 1981, who recently published his letter sent to the Prime Minister making his own claim to ownership of the property, charging that the French colonial government had seized property from Buddhists in 1883. “His act could not help but complicate the search of a way to solve the issue peacefully”, an official said.

The “Catholics and People” magazine was also slated. During the meeting, officials accused the magazine of violating a government order to stop attacking on Hanoi Catholics in an attempt to ease the situation.

The magazine - which, despite its name, is controlled by the Communist party rather than the Church - has carried a series of articles supporting Thich Trung Hau’s claim to the building, charging that Catholic activists have violated property laws, and accusing the demonstrators of harming the public reputation of Catholic citizens. It argued that the nuncio's office became public property by default when the papal envoy left the country in 1959.

These articles were seen as “adding fuel to the fire” and might lead to social unrest as it incited conflicts between Catholics and Buddhists.

Some attendances in the conference suggested the government to close the magazine or at least force Truong Ba Can, the editor, to quit his position. Can is a notorious pro-communist Catholic dissident. He has used the magazine to lay harsh criticisms on Vatican and the Popes.

In particular, conference participants voiced their concerns that the paper has been out of their control and Can’s passionate anti-Vatican altitude is not in line with new religious policy which aims at establishing normal diplomatic relations with the Holy See.

The anti-Vatican policy of the magazine has caused great concerns among Catholics. In an article published in VietCatholic News Agency, Sr. Thérèse Mai Anh from Saigon, saw the magazine as “a concrete evidence of ongoing persecutions” that the Church in Vietnam has suffered.

In a relating development, Catholics’ activists have posted their articles on the wall of the office of Hanoi Archdiocese where hundreds of Catholics gather every day to discuss the progress in their quest to regain the nunciature. So far, Catholics in Vietnam have not been allowed to have their own media. In fact, there is no independent, privately-run media in Vietnam. Domestic newspapers, television and radio stations remain under strict government control.
 
I buddisti sotterranei sostengono il diritto dei cattolici di Hanoi sulla ex nunziatura
Asia-News
07:26 29/02/2008
Un esponente della bandita Chiesa buddista unificata contesta le affermazioni dei buddisti governativi che reclamano la proprietà dell’intera zona, compresi la cattedrale e l’arcivescovado. Una pretesa provocata per rinnegare la promessa di dare ai cattolici l’uso del complesso.

Hanoi (AsiaNews) – I buddisti della Chiesa buddista unificata del Vietnam (UBCV) – sotterranea, in quanto bandita dal governo in favore della Chiesa buddista del Vietnam (VBD) – hanno espresso il loro appoggio alla richiesta dei cattolici della capitale a proposito della restituzione del complesso della ex delegazione apostolica. Il venerabile Venerable Thích Không Tánh della UBVC, in particolare, in un’intervista alla BBC ha contestato l’affermazione della filogovernativa VBD, di essere la vera proprietaria del complesso che comprende la ex delegazione, l’arcivescovado e la cattedrale di San Giuseppe.

“Approvata” dal governo nel 1982 - dopo che l’anno prima era stata bandita la Chiesa buddista unificata - la Chiesa buddista del Vietnam in una lettera inviata il 16 febbraio al primo ministro ha rivendicato la proprietà del terreno, sostenendo che dal 1054 vi sorgeva la pagoda Báo Thiên e che solo nel 1883 i colonialisti francesi avevano dato il terreno ai cattolici. La mossa appare chiaramente ispirata da quegli ambienti governativi che tentano di rimangiarsi la promessa fatta all’inizio di febbraio ai cattolici per porre fine a 40 giorni di pacifica protesta iniziata nel dicembre scorso, proprio per la restituzione della ex delegazione apostolica.

“La Chiesa cattolica – ha dunque detto Thích Không Tánh, che ha trascorso 15 anni in prigione ed è esponente di una Chiesa che afferma di avere il sostegno dell’80% dei buddisti vietnamiti – è il legittimo proprietario del complesso da prima che nascesse la VBD ed anche prima della nascita di Thích Trung Hậu”, il leader dei buddisti governativi.

C’è da aggiungere che nel 2001, una pubblicazione statale aveva ricostruito che la pagoda di Báo Thiên era stata distrutta nel 1426 e che sorgeva cinque chilometri a nord della delegazione apostolica.

Ad Hanoi, padre Joseph Nguyễn rileva che “alcuni funzionari governativi hanno criticato coloro che hanno provocato la lettera di Thích Trung Hậu, sostenendo che in tal modo si spingono i cattolici a cooperare con la Chiesa buddista unificata”.
 
Underground Buddhists support right of Hanoi Catholics over nunciature building
Asia-News
07:27 29/02/2008
A representative of the outlawed Unified Buddhist Church contests the assertions of government-approved Buddhists who are claiming ownership of the entire zone, including the cathedral and the archbishop's residence. It's a claim advanced to beat back the promise to give the Catholics use of the complex.

Hanoi (AsiaNews) - Members of the Unified Buddhist Church of Vietnam (UBCV) - which is underground, in that it is outlawed by the government in favour of the Buddhist Church of Vietnam (VBD) - have expressed their support for the request of the capital's Catholics in regard to the restitution of the complex of the former apostolic delegation. The venerable Thích Không Tánh of the UBVC, in particular, in an interview with the BBC, has contested the assertion of the pro-government VBD that it is the true owner of the complex that includes the former delegation, the archbishop's residence, and the cathedral of Saint Joseph.

"Approved" by the government in 1982 - after the Unified Buddhist Church was outlawed the year before - the Buddhist Church of Vietnam, in a letter sent on February 16 to the prime minister, maintained that in 1054 the Báo Thiên pagoda stood on the site, and that it was only in 1883 that the French colonists had given the land to the Catholics. The move clearly appears to be inspired by the government circles that are trying to renege on the promise made to the Catholics at the beginning of February, to put an end to forty days of peaceful protests that began last December, for the restitution of the former apostolic delegation.

"The Catholic Church", says Thích Không Tánh, who spent 15 years in prison and is a representative of a Church that claims the support of 80 percent of Vietnamese Buddhists, "had legally owned the land before the VBD was established, and even before the birth of Thích Trung Hau", the leader of the government-approved Buddhists.

It must be added that in 2001, a state publication found that the pagoda of Báo Thiên had been destroyed in 1426, and that it stood five kilometres to the north of the apostolic delegation.

In Hanoi, Fr Joseph Nguyễn emphasises that "some government officials have already criticised those who involve in the letter of Thích Trung Hậu raising the concern that this development may force Catholics to cooperate with the Unified Buddhist Church".
 
Vietnam: Dans l’Affaire de la Délégation apostolique de Hanoi, un représentant du Premier ministre rompt le silence sans faire aucune allusion à la promesse de restitution
Eglises d’Asie
12:27 29/02/2008
Vietnam: Dans l’Affaire de la Délégation apostolique de Hanoi, un représentant du Premier ministre rompt le silence sans faire aucune allusion à la promesse de restitution

Pour la première fois depuis sa promesse de restitution de l’ancienne délégation apostolique, le gouvernement s’est départi de son silence sur l’affaire de la Délégation apostolique. Cependant, le représentant du gouvernement qui s’est exprimé à ce sujet n’a fait aucune allusion à l’engagement de restitution, pris devant l’archevêque de Hanoi et dix prêtres, le 31 janvier dernier.

La déclaration a eu lieu le 27 février, lors de la réunion du présidium du Comité d’union du catholicisme, une réunion destinée à préparer l’assemblée générale de cette organisation, membre du Front patriotique, prévue pour la fin de l’année. Un compte-rendu exhaustif de cette réunion a été publié, le 29 février par l’agence Vietcatholic News.

Le premier intervenant a été M. Trân Dinh Phung, chargé des affaires religieuses et ethniques, membre du bureau permanent du Front patriotique du Vietnam. C’est lui qui est venu exprimer le point de vue du Premier ministre devant les quelques prêtres, religieux et laïcs, membres dirigeants du Comité d’union. Il a déclaré que le chef du gouvernement, dans une réunion de fin janvier 2008, avait affirmé que la présentation par l’Eglise d’une requête demandant l’octroi d’un terrain à utiliser pour les activités de la Conférence épiscopale était tout à fait légitime. Le gouvernement ne pourra l’ignorer. Il ne peut laisser l’instance la plus haute d’une Eglise de six millions de fidèles qui, depuis 27 ans (depuis la fondation de la conférence épiscopale en 1980) collabore avec la nation, mendier une résidence à droite et à gauche. C’est pourquoi le Premier ministre a confié au Bureau des affaires religieuses du gouvernement, au Comité populaire (municipalité) de Hanoi et à un certain nombre de ministères concernés la charge d’examiner ce dossier.

Le Premier ministre, a rapporté son porte-parole, a fait l’éloge de la bonne volonté manifestée par le Vatican et par l’archevêché de Hanoi, qui ont exhorté les catholiques à mettre un terme à leurs assemblées de prière afin d’éviter les actes extrêmes qui auraient pu se produire, considérant qu’il s’agissait là d’une attitude de dialogue et de bonne volonté. Aussi bien le gouvernement manifestera, lui aussi, la même bonne volonté.

Le représentant de Nguyên Tân Dung a fait aussi allusion aux événements fâcheux qui se sont produits à Son La chez les catholiques Hmongs où des prêtres ont été empêchés de célébrer la messe de Noël. Il a affirmé que le président du Front patriotique avait téléphoné lui-même aux autorités civiles locales responsables. Le reste du discours a concerné les affaires intérieures du Comité d’union et ses relations avec les évêques.

Ces propos donnent à penser que le gouvernement songe à une autre solution que la restitution pure et simple du domaine réclamé par la communauté catholique. On ne connaît pas encore les réactions de la communauté catholique à ce discours, ni celles de la hiérarchie catholique. Celle-ci, en principe, ne traite pas directement avec le Comité d’union qui ne dépend pas d’elle mais des instances gouvernementales. Selon des sources de Hanoi, les responsables religieux auraient donné comme consigne aux fidèles de faire preuve de patience et d’attendre une éventuelle solution. Mais ils ont fixé une limite à ce temps d’attente, à savoir le dimanche des Rameaux, le 16 mars prochain. Dans le cas où la promesse gouvernementale ne serait pas tenue à cette date, les revendications seraient alors reprises pendant la Semaine Sainte.

(Source: Eglises d’Asie - Dépêches du 29 FEVRIER 2008)
 
Viet government repeats promise on restoring property
Catholic World News
14:43 29/02/2008
Hanoi, Feb. 29, 2008 (CWNews.com) - A ranking Vietnamese official has confirmed the government's commitment to restore Catholic ownership of a Hanoi building that once housed the offices of the apostolic nuncio.

Earlier this month, after a series of public demonstrations by Catholic activists outside the building in question, Archbishop Ngo Quang Kiet of Hanoi announced that the government had promised to return the building, which was confiscated by the Communist government in 1959.

However, lay Catholics were fearful that the government could renege on that promise. Those concerns grew when a Buddhist leader with close ties to the government claimed that the property actually belonged to Buddhist owners.

But speaking at a 2-day conference sponsored by the "Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics," the government's top religious-affairs leader, Tran Dinh Phung, reiterated that the building would be returned to Catholic ownership. He said that the government appreciated the gesture made by Archbishop Ngo, who had asked demonstrators to stop their prayer vigils outside the building in order to avoid confrontations. "In reply, we also want to show our gestures of sincere dialogue”, said Tran.

The government spokesman criticized the Buddhist leader who had entered a claim on the property, saying that the move "could not help but complicate the search for a way to solve the issue peacefully." He also criticized a magazine that had highlighted the Buddhist claim, saying that it was "adding fuel to the fire."

The "Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics" is a government-sponsored group that attempts to guide the activities of the Church, similar to the control exerted by the Catholic Patriotic Association in China.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
LM Trương Bá Cần vẫn không tha cho Công Giáo
Thúy Dung
16:03 29/02/2008
Trong lúc đã có những tin về việc nhà nước có thể sẽ giữ lời hứa trao trả lại Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội Công Giáo, linh mục cán bộ Trương Bá Cần vẫn tiếp tục nhất định giữ thái độ “bảo hoàng hơn vua”, đòi đặt lại toàn bộ vấn đề trong số báo 1646 ra ngày 29/2.

Linh mục Cần nhấn mạnh “Có lẽ đã đến lúc phải phân định rõ ràng quyền sở hữu nhà và sở hữu đất của Tòa Khâm sứ Hà Nội để nếu có phải trả, thì trả cái gì và trả cho ai”. Trong cụm từ “nếu có phải trả”, ông đã lộ rõ cái thế đứng của mình là một linh mục, một con cái trong Giáo Hội hay là một cán bộ (một loại cán bộ rất nguyên tắc và cứng nhắc) đứng về phía nhà nước miễn cưỡng trả lại một tài sản cho các công dân.

Về quyền sở hữu nhà, Lm Cần hạch hỏi và đòi buộc phải làm rõ là “Tòa giám mục Hà Nội đã cho Đức Khâm Sứ mượn ngôi nhà do Tòa giám mục xây để làm Tòa Khâm sứ hay Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ trên đất Tòa giám mục Hà Nội cho mượn”.

Lm Cần đã nêu vấn đề trên sau khi “ỡm ờ” “nghe nói” rằng “Tòa Khâm sứ hiện có ở số 42 Nhà Chung có thể đã được xây dựng năm 1950-1951”. Thâm ý của Lm Cần là trong trường hợp Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ thì ngôi nhà đó được coi là của ngoại bang, thuộc diện nhà vắng chủ do nhà nước quản lý. Giáo Hội Công Giáo có tính chất hoàn vũ. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các nước nghèo có thể đến từ Tòa Thánh, từ Giáo Hội Công Giáo tại các nước khác, hay từ các cơ quan bác ái Công Giáo như tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội đau khổ, Caritas,.. Nếu đặt vấn đề như ông thì khối nhà thờ, tu viện sẽ bị tịch thu vì kinh phí xây dựng không đến từ người dân trong nước.

Về quyền sở hữu đất, Lm Cần khăng khăng cho rằng “Riêng khu đất, trên đó hiện có Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ xưa kia là của Chùa Báo Thiên”. Cho nên, cho dù “Bằng khoán điền thổ là đất thuộc sở hữu của Tòa giám mục Hà Nội”, thì ông vẫn cho đó là chuyện bất công đối với Phật giáo để đi đến kết luận rằng “Phật giáo và Công giáo hiện đang sống bằng yên với nhau… liệu có nên vì mấy ngàn thước vuông đất mà làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đã có được về nhau”. Như vậy, theo ông không có vấn đề trả lại gì cả, cứ để cho nhà nước quản lý là tốt nhất.

Trong những số báo gần đây, người ta thấy rõ hai thủ pháp Lm Cần thường làm. Thứ nhất, ông chỉ trích thuật những tác giả nào, những đoạn nào ủng hộ cho lý luận của mình. Chẳng hạn, trong số báo vừa rồi, để kích động Phật giáo đấu tranh đòi đất của Công giáo, Lm Cần chỉ nêu André Masson để khẳng định rằng “Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cho phá bỏ Chùa Báo Thiên rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà Chung, để xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội”.

Những tác giả và những bài báo nào chống lại lý luận của mình thì Lm Cần không bao giờ nêu ra. Thẩm phán Lữ Giang đã ghi lại một vài tài liệu điển hình. Chẳng hạn, trong cuốn “Tự Điển Hà Nội Địa Danh” do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993 với giấy phép mang số 503-CT/VHTT, đã nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên như sau:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn.” (tr. 26).

Tháp Báo Thiên: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bảo năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332.

“Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý – Trần. Năm 1427, khi bị vây hảm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị dổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa – tháp họp chợ Báo Thiên.” (tr. 26).

Như vậy, cứ theo những tài liệu được Đảng và Nhà Nước cho phổ biến, Chúa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dân chúng dùng làm nơi họp chợ.

Hơn thế nữa, trong cuốn “Souvenirs” (Hồi Ký) của Bonnal, Công Sứ Hà Nội lúc đó, có ghi lại rằng khi thấy ngôi Chùa Báo Thiên bỏ hoang, dân chúng trong vùng đã họp nhau lại bàn bạc và nhận thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào. nên đã đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ đã chấp thuận cho phá bỏ ngôi chùa.

Công Sứ Bonnal cho biết thêm: Cuối năm 1883, Giám mục Puginier có xin ông khu đất vô chủ đó để xây nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng ông trả lời rằng vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của ông vì Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa của Pháp. Ông yêu cầu Giám mục Puginier trình bày vấn đề này với quan Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, một quan chức do Triều Đình Huế bổ nhiệm. Giám mục Puginier đã nêu lên ước muốn của ông với ông Tổng Đốc Độ. Ông Độ đã cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây là sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Vì thế, ông đã quyết định cấp cho Giám mục Puginier xây cất nhà thờ.

Như thế, hẳn đã rõ là Tháp Báo Thiên không phải là nơi thờ Phật mà là nơi tế trời của vua như Nam Giao ở Huế, nên không liên hệ gì đến Phật Giáo. Khu đất có Chùa Bảo Thiên trước đây chỉ còn là một khoảng đất trống đang được dùng để họp chợ và được Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ cấp cho Giám mục Puginier, chứ không phải Tây đã cho đập phá Chùa Bảo Tháp rồi lấy đất cấp cho Công giáo như Lm Trương Bá Cần viết.

Một thủ pháp nữa của Lm Cần là xé to một sự kiện hầu xuyên tạc sự thật rồi cứ thế dùng làm nền tảng để nói tiếp. Vụ nhóm “Nous sommes l’Eglise” là một ví dụ. Theo điều tra của chúng tôi nhóm “Nous sommes l’Eglise” chẳng làm nên trò trống gì nhưng Lm Cần xé to ra xem như đây đang là một chuyện gây nghiêng ngả Giáo Hội La Mã. Ông phịa ra rằng “Tại Áo, hơn 500.000 người (tức khoảng 15% dân số ) đã ký tên vào kiến nghị”. Và ông dùng "12 số báo Công Giáo và Dân Tộc liên tục để lên tiếng bênh vực cho nhóm này, dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người." (nhận định của Radio Veritas ngày 19/1/1996).

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23/2/2008, Thượng Tọa Thích Không Tánh thuộc GHPGVNTN không được nhà nước công nhận, đã nhận xét về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu (thuộc Giáo Hội quốc doanh do nhà nước dựng lên) gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

“Cái vấn đề là mình phải biết rằng bây giờ là do ai thúc đẩy mà Hòa Thượng Trung Hậu đã làm cái văn thư đó, là do cái lệnh của ai, và người ta đã mượn tay Hòa Thượng Trung Hậu làm cái văn thư đó nhắm mục đích gì. Mình phải biết cái chuyện đó.

“Bây giờ biết cái tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi. Cái chuyện đó ai cũng biết. Từ cái thời xa xưa đó, lúc đó Hòa Thượng Trung Hậu cũng chưa sinh ra, và cái GHVN cũng chưa có. Bây giờ người ta lại mượn tay Phật Giáo.

“Có những cái luật bất hồi tố. Thí dụ như có những tài sản, theo quốc tế người ta quy định, thí dụ như là những cái đất đai, những cái tài sản mà nó có từ Đệ Nhất hay Đệ Nghị Thế Chiến, thí dụ như vậy, hay là những cái thời điểm nào đó thì nó đã trở thành bất hồi tố. Cho nên bây giờ nó đã qua như vậy rồi.

“Bây giờ thì Nhà Nước Cộng Sản họ thấy họ khó đáp ứng theo cái đòi hỏi, cái đấu tranh, cái nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của Phật Giáo Việt Nam, rồi cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại, hay là thế nọ thế kia gì đó. Như vậy, vai trò GHPGVN trở thành tay sai để gỡ cái rồi cho Nhà Nước, trước cái hoàn cảnh Nhà Nước không có cái cách để mà giải quyết.”

“Còn đối với GHVNTN là một giáo hội đang bị bức tử, đang bị đàn áp, đang là một nạn nhân. Còn cái việc của GHVN đã làm đó, mình chẳng có để ý gì cái việc đó.”


Phật giáo người ta khôn ngoan sáng suốt không dễ bị mắc mưu. Người ta thấy vấn đề rộng lớn hơn, người ta "chẳng có để ý gì cái việc đó". Nhưng Lm Cần vẫn cứ để ý, vẫn cứ thắc mắc và xúi người ta thắc mắc. Nhà nước để lộ thiện chí muốn trả, ông vẫn không đồng ý trả. Tại sao ông lại thù Giáo Hội Công Giáo đến thế?!

Lm Trương bá Cần thắc mắc: “Có người cho rằng chúng tôi đã ‘nhầm lẫn vấn đề từ căn bản’”. Lm Cần không lý giải được tại sao người ta phê phán ông như thế. Có lẽ ông già cả lẩm cẩm nên ông không còn nhận ra được ông là ai và đang làm gì? Đó là cái “nhầm lẫn vấn đề từ căn bản” của ông.
 
Công Giáo Đồng Hành Cùng Dân Tộc!
Bs Vũ Linh Huy
17:38 29/02/2008
Công Giáo Đồng Hành Cùng Dân Tộc!
Không đồng hành cùng bạo quyền cộng sản!


Đảng cộng sản thật là gian xảo,
Nịnh bợ rằng Công Giáo tốt lành,
Đã cùng "dân tộc" đồng hành,
Phần tư thế kỷ lòng thành không sai…(*)

Dân Chuá chớ nghe lời ngon ngọt,
Dẫu lời ngon có lọt đến xương,
Đừng ham mấy miếng huy chương,
Cũng đừng hãnh diện treo tường bằng khen!

Theo bợ đỡ bạo quyền là nhục,
Chẳng xót xa dân tộc đau thương,
Chẳng yêu Giáo Hội, Quê Hương,
Gây cho Hội Thánh trăm đường khổ đau!

Nhân Muà Chay, hãy mau hoán cải,
Bỏ đường tà, trở lại nẻo ngay,
Đồng hành dân tộc từ đây,
Quyết theo Công Lý, chia tay bạo quyền!

Sống cho xứng chủ chiên đích thực,
Vác chiên đau, bênh vực chiên lành,
Đừng theo sói dữ tung hoành,
Cũng đừng lươn lẹo giả hình làm chi.

Muôn đời bia miệng khinh khi!

Boston, ngày 29 tháng 2 năm 2008

Chú thích:
(*)
"…Vụ trưởng Vụ Tôn giáo và dân tộc, ủy viên Thường trực MTTQVN
đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp
giao ban cuối tháng 1, 2008 của Chính phủ rằng, việc giáo hội
làm đơn xin cấp đất để sử dụng vào việc sinh hoạt của HĐGMVN l
à việc làm chính đáng. Nhà nước không thể bỏ qua. Không thể để
một tổ chức cao nhất của giáo hội với 6 triệu tín đồ đã 27 năm
đồng hành cùng dân tộc (ý nói từ khi thống nhất năm 1980)
mỗi lần họp hội lại phải đi nhờ hết địa phương này địa phương khác…"
 
LM Trương Bá Cần vẫn không tha cho Công Giáo
Thúy Dung
17:48 29/02/2008
Trong lúc đã có những tin về việc nhà nước có thể sẽ giữ lời hứa trao trả lại Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội Công Giáo, Lm cán bộ Trương Bá Cần vẫn tiếp tục nhất định giữ thái độ “bảo hoàng hơn vua”, đòi đặt lại toàn bộ vấn đề trong số báo 1646 ra ngày 29/2.

Lm Cần nhấn mạnh “Có lẽ đã đến lúc phải phân định rõ ràng quyền sở hữu nhà và sở hữu đất của Tòa Khâm sứ Hà Nội để nếu có phải trả, thì trả cái gì và trả cho ai”. Trong cụm từ “nếu có phải trả”, ông đã lộ rõ cái thế đứng của mình là một linh mục, một con cái trong Giáo Hội hay là một cán bộ (một loại cán bộ rất nguyên tắc và cứng nhắc) đứng về phía nhà nước miễn cưỡng trả lại một tài sản cho các công dân.

Về quyền sở hữu nhà, Lm Cần hạch hỏi và đòi buộc phải làm rõ là “Tòa giám mục Hà Nội đã cho Đức Khâm Sứ mượn ngôi nhà do Tòa giám mục xây để làm Tòa Khâm sứ hay Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ trên đất Tòa giám mục Hà Nội cho mượn”.

Lm Trương bá Cần đã nêu vấn đề trên sau khi “ỡm ờ” “nghe nói” rằng “Tòa Khâm sứ hiện có ở số 42 Nhà Chung có thể đã được xây dựng năm 1950-1951”. Thâm ý của Lm Cần là trong trường hợp Tòa Thánh đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi nhà Tòa Khâm sứ thì ngôi nhà đó được coi là của ngoại bang, thuộc diện nhà vắng chủ do nhà nước quản lý. Giáo Hội Công Giáo có tính chất hoàn vũ. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các nước nghèo có thể đến từ Tòa Thánh, từ Giáo Hội Công Giáo tại các nước khác, hay từ các cơ quan bác ái Công Giáo như tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội đau khổ, Caritas,.. Nếu đặt vấn đề như Lm Trương Bá Cần thì khối nhà thờ, tu viện sẽ bị tịch thu vì kinh phí xây dựng không đến từ người dân trong nước.

Về quyền sở hữu đất, Lm Cần khăng khăng cho rằng “Riêng khu đất, trên đó hiện có Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ xưa kia là của Chùa Báo Thiên”. Cho nên, cho dù “Bằng khoán điền thổ là đất thuộc sở hữu của Tòa giám mục Hà Nội”, thì Lm Cần vẫn cho đó là chuyện bất công đối với Phật giáo để đi đến kết luận rằng “Phật giáo và Công giáo hiện đang sống bằng yên với nhau… liệu có nên vì mấy ngàn thước vuông đất mà làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp đã có được về nhau”. Như vậy, theo ông không có vấn đề trả lại gì cả, cứ để cho nhà nước quản lý là tốt nhất.

Trong những số báo gần đây, người ta thấy rõ hai thủ pháp Lm Trương Bá Cần thường làm. Thứ nhất, ông chỉ trích thuật những tác giả nào, những đoạn nào ủng hộ cho lý luận của mình. Chẳng hạn, trong số báo vừa rồi, để kích động Phật giáo đấu tranh đòi đất của Công giáo, ông chỉ nêu André Masson để khẳng định rằng “Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cho phá bỏ Chùa Báo Thiên rồi làm thủ tục nhượng địa không bồi hoàn thửa đất tịch biên ấy cho Nhà Chung, để xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội”.

Những tác giả và những bài báo nào chống lại lý luận của mình thì Cần không bao giờ nêu ra. Thẩm phán Lữ Giang đã ghi lại một vài tài liệu điển hình. Chẳng hạn, trong cuốn “Tự Điển Hà Nội Địa Danh” do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993 với giấy phép mang số 503-CT/VHTT, đã nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên như sau:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn.” (tr. 26).

Tháp Báo Thiên: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bảo năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332.

“Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý – Trần. Năm 1427, khi bị vây hảm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị dổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa – tháp họp chợ Báo Thiên.” (tr. 26).

Như vậy, cứ theo những tài liệu được Đảng và Nhà Nước cho phổ biến, Chúa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dân chúng dùng làm nơi họp chợ.

Hơn thế nữa, trong cuốn “Souvenirs” (Hồi Ký) của Bonnal, Công Sứ Hà Nội lúc đó, có ghi lại rằng khi thấy ngôi Chùa Báo Thiên bỏ hoang, dân chúng trong vùng đã họp nhau lại bàn bạc và nhận thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào. nên đã đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ đã chấp thuận cho phá bỏ ngôi chùa.

Công Sứ Bonnal cho biết thêm: Cuối năm 1883, Giám mục Puginier có xin ông khu đất vô chủ đó để xây nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng ông trả lời rằng vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của ông vì Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa của Pháp. Ông yêu cầu Giám mục Puginier trình bày vấn đề này với quan Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, một quan chức do Triều Đình Huế bổ nhiệm. Giám mục Puginier đã nêu lên ước muốn của ông với ông Tổng Đốc Độ. Ông Độ đã cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây là sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Vì thế, ông đã quyết định cấp cho Giám mục Puginier xây cất nhà thờ.

Như thế, hẳn đã rõ là Tháp Báo Thiên không phải là nơi thờ Phật mà là nơi tế trời của vua như Nam Giao ở Huế, nên không liên hệ gì đến Phật Giáo. Khu đất có Chùa Bảo Thiên trước đây chỉ còn là một khoảng đất trống đang được dùng để họp chợ và được Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ cấp cho Giám mục Puginier, chứ không phải Tây đã cho đập phá Chùa Bảo Tháp rồi lấy đất cấp cho Công giáo như Lm Trương Bá Cần viết.

Một thủ pháp nữa của Lm Cần là xé to một sự kiện hầu xuyên tạc sự thật rồi cứ thế dùng làm nền tảng để nói tiếp. Vụ nhóm “Nous sommes l’Eglise” là một ví dụ. Theo điều tra của chúng tôi nhóm “Nous sommes l’Eglise” chẳng làm nên trò trống gì nhưng Cần xé to ra xem như đây đang là một chuyện gây nghiêng ngả Giáo Hội La Mã. Cần phịa ra rằng “Tại Áo, hơn 500.000 người (tức khoảng 15% dân số ) đã ký tên vào kiến nghị”. Và Lm Cần dùng "12 số báo Công Giáo và Dân Tộc liên tục để lên tiếng bênh vực cho nhóm này, dĩ nhiên với luận điệu công kích Giáo hội ra điều như trong Giáo hội không có dân chủ, không có tự do phát biểu, ra điều như Giáo hội bách hại một số người." (nhận định của Radio Veritas ngày 19/1/1996).

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23/2/2008, Thượng Tọa Thích Không Tánh thuộc GHPGVNTN không được nhà nước công nhận, đã nhận xét về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu (thuộc Giáo Hội quốc doanh do nhà nước dựng lên) gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

“Cái vấn đề là mình phải biết rằng bây giờ là do ai thúc đẩy mà Hòa Thượng Trung Hậu đã làm cái văn thư đó, là do cái lệnh của ai, và người ta đã mượn tay Hòa Thượng Trung Hậu làm cái văn thư đó nhắm mục đích gì. Mình phải biết cái chuyện đó.

“Bây giờ biết cái tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi. Cái chuyện đó ai cũng biết. Từ cái thời xa xưa đó, lúc đó Hòa Thượng Trung Hậu cũng chưa sinh ra, và cái GHVN cũng chưa có. Bây giờ người ta lại mượn tay Phật Giáo.

“Có những cái luật bất hồi tố. Thí dụ như có những tài sản, theo quốc tế người ta quy định, thí dụ như là những cái đất đai, những cái tài sản mà nó có từ Đệ Nhất hay Đệ Nghị Thế Chiến, thí dụ như vậy, hay là những cái thời điểm nào đó thì nó đã trở thành bất hồi tố. Cho nên bây giờ nó đã qua như vậy rồi.

“Bây giờ thì Nhà Nước Cộng Sản họ thấy họ khó đáp ứng theo cái đòi hỏi, cái đấu tranh, cái nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của Phật Giáo Việt Nam, rồi cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại, hay là thế nọ thế kia gì đó. Như vậy, vai trò GHPGVN trở thành tay sai để gỡ cái rồi cho Nhà Nước, trước cái hoàn cảnh Nhà Nước không có cái cách để mà giải quyết.”

“Còn đối với GHVNTN là một giáo hội đang bị bức tử, đang bị đàn áp, đang là một nạn nhân. Còn cái việc của GHVN đã làm đó, mình chẳng có để ý gì cái việc đó.”


Phật giáo người ta khôn ngoan sáng suốt không dễ bị mắc mưu. Người ta thấy vấn đề rộng lớn hơn, người ta "chẳng có để ý gì cái việc đó". Nhưng Lm Cần vẫn cứ để ý, vẫn cứ thắc mắc và xúi người ta thắc mắc. Nhà nước để lộ thiện chí muốn trả, Lm Cần vẫn không đồng ý trả. Tại sao ông lại thù Giáo Hội Công Giáo đến thế?

Lm Cần thắc mắc: “Có người cho rằng chúng tôi đã ‘nhầm lẫn vấn đề từ căn bản’”. Lm Cần không lý giải được tại sao người ta phê phán Lm Cần như thế. Có lẽ ông già cả lẩm cẩm, hay là vì theo nhà nước lâu năm, nên không còn biết ngượng đến mức không còn nhận ra được mình là ai và đang làm gì? Và như vậy, đó là cái “nhầm lẫn vấn đề từ căn bản” của ông.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trẻ em trai Việt Nam hành nghề mãi dâm ở Malaysia
Thanh Trúc
19:00 29/02/2008
Trẻ em trai Việt Nam hành nghề mãi dâm ở Malaysia

Washington DC (28/2/2008) – Sau đây là Cuộc phỏng vấn của Thanh Trúc, phóng viên đài RFA với LM Martinô Nguyễn Bá Thông:

Thanh Trúc:Tệ nạn thiếu nhi Việt Nam bị đưa sang các nước khác để hành nghề mại dâm, điển hình như qua Campuchia, bằng cách này cách khác đã được Thanh Trúc trình bày nhiều lần trên mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi mấy năm qua.

Gần đây nhất, vào tháng 11-2007, Thanh Trúc giới thiệu đến quí vị bộ phim Holly của đạo diễn Guy Jacobsen, thuật lại cuộc đời một bé gái Việt Nam bị buôn đi bán lại từ nhà chứa này qua nhà thổ khác ở Campuchia.

Phim Holly mở cánh cửa vào mặt thật kinh hoàng của kỹ nghệ thu mua và lạm dụng tình dục thiếu nhi mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng gọi là hình thức nô lệ thời hiện đại. Tuy nhiên vẫn còn một hình thức mua bán tình dục đáng sợ hơn mà không có mấy ngừơi trong và ngoài nước biết đến để đề phòng.

Qua câu chuyện hôm nay, Thanh Trúc mời quí vị nghe người kể, cũng là nhân chứng, Linh mục Martino, một lần nữa cảnh giác và báo động sự kiện một số em trai Việt vị thành niên đang hành nghề mãi dâm tại Malaysia.

Là ngừơi đặt niềm tin vào Thượng Đế, vào lương tâm của mình và của những người tốt lành trên Trái Đất, linh mục Martino tự nguyện dấn thân vào những hang ổ tăm tối của các đường dây mại dâm từ Campuchia qua đến Malaysia để nói lên sự thật đằng sau thế giới tối tăm đó.

Mời quí vị bước vào câu chuyện với Linh mục Martino:

LM Martino Thông: Mình là một Linh mục Công Giáo thuộc Giáo Phận Savannah của Tiểu Bang Georgia (Hoa Kỳ). Tôi rất vui khi chị cho phép tôi đến đây chia sẻ, nói lên cái vấn nạn đang xảy ra đối với những trẻ em Việt Nam. Có rất là nhiều người họ hay đặt câu hỏi là những việc gì tôi làm, tôi làm như thế nào, thì thực sự đây là năm thứ 11, năm chính thức mà tôi làm việc với các trẻ bụi đời, tôi đã đi trên 21 nước trên tòan thế giới, sống với các trẻ bụi đời từ những năm tôi còn học đại học, từ những năm trước khi tôi đi tu.

Rồi bắt đầu từ Mùa Hè năm 2000 là tôi chính thức làm thêm một phần nữa, đó là tôi làm việc với các trẻ vị thành niên, các bé gái bị bán để làm nô lệ tình dục bên Campuchia. Những em này là những em thực sự, thưa với quý vị, có những em chỉ mới 11-12 tuổi, rất là đau thương. Và cứ hàng năm tôi đều làm như vậy và năm nay đã là năm thứ 7 và thực sự bước qua năm thứ 8 rồi.

Thanh Trúc: Thưa Linh Mục, khi mà dấn thân vào công việc thì Linh Mục có gặp những khó khăn nào không?

LM Martino Thông: Thực sự là tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là ai cũng biết đời linh mục Công Giáo của tôi là tôi sống đức khiết tịnh, có nghĩa là tôi không có được ăn ở hay quan hệ tình cảm hay cả thân xác đối với người khác phái, mà khi tôi bước vô cuộc sống như vậy thì thật sự tôi vô trong đó tôi sống với các em đó, tức là tôi thuê các em như một người đi ăn chơi, thuê 3-4-5 em như vậy, tôi sống cả tuần với các em và tôi vẫn phải nói tôi là người Singapore, không biết nói tiếng Việt.

Thanh Trúc: Đó là lúc Linh Mục bắt đầu đến với các em gái nhỏ Việt Nam bị bán ở Campuchia?

LM Martino Thông: Thưa đúng. Cái quan trọng là khi tôi sống với các em cả tuần, như vậy tôi đi chơi với các em và các em mới bắt đầu nói ra các câu chuyện (nói với nhau, và không biết tôi hiểu tiếng Việt), nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Đó là những lúc thực sự tôi nghe và tôi hiểu hết. Và thật sự với chị, dĩ nhiên nó có những cám dỗ thì tôi tin tưởng Chúa giúp tôi vượt qua được. Nhưng mà cái khó khăn và cái đau đớn nhất của tôi là khi tôi nghe những câu chuyện đó bằng tiếng Việt, tôi hiểu hết được, nước mắt nó cứ muốn rơi từng dòng. Nhưng mà không thể khóc được thưa chị, bởi vì tôi khóc là các em đó biết được tôi biết tiếng Việt thì là tất cả mọi chuyện đều đổ vỡ.

Thanh Trúc: Đên đây thì Thanh Trúc cũng xin chân thành cảm ơn Linh Mục đã sẵn sàng chia sẻ với Thanh Trúc trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay. Linh Mục có thể nào thuật lại các em đã nói gì với nhau?

LM Martino Thông: Chẳng hạn như một cái như vầy. Có rất nhiều người nói tại sao Cha vô trong đó mà Cha cứ đi, mà Cha cứ làm như thằng đi ăn chơi như vậy thì nó nguy hiểm cho Cha, nguy hiểm cho mọi người. Tại sao Cha không vô đó Cha trả tiền cho các em đó để các em đó nói cho Cha biết thôi? Tôi cũng đã thử như vậy, nhưng mà các em đó không nói cho tôi một sự thật. Lý do là như vầy chị.

Có một lần các em đó kể với nhau (và tôi nghe) như vầy, tức là những người quản lý các em đó, họ cũng cho những người vô làm y như vậy. Họ giả đò nói rằng tôi là một người rất tốt lành muốn đưa các em về, vậy các em có muốn về hay không, hay là làm cách nào để giúp được các em ra thoát ra khỏi. Nhưng người đó là người của đường dây đó, họ đưa vô để coi các em đó (vẫn còn) muốn thoát ra khỏi hay đã được thuần hoá, đại khái tôi dùng chữ "thuần hoá".

Nhưng mà khi các em nói các em muốn về, thì chẳng hạn có một em kể là bị đến một tuần lễ chỉ được uống mà không được ăn gì cả và sau đó chỉ còn là một cái que bọc xương. Là bởi vì cái người của cái đường dây đó họ đưa vô và họ biết em này muốn thoát ra ngoài. Và khi em kể ra như vậy thì bị đánh đập và bị nhốt, bởi vì người đó là người của họ. Chính vì vậy mà các em đã không hề tin một người nào vô trong đó mặc dù người đó là một người nhân nghĩa thiệt, bởi vì các em sợ người đó chính là do người cai quản các em cài vô.

Thanh Trúc: Thưa Linh Mục, đó là những địa điểm nào ở Campuchia.

LM Martino Thông: Chỗ chính của tôi là tôi ở Siem Reap. Tôi chỉ mới lên thủ đô Phnom Penh có 3 lần. Bây giờ nếu hỏi có bao nhiêu em thì thật sự tôi không dám cho một con số, nhưng mà tôi có thể cho quý thính giả nghe đài con số như vầy, những người qua bên đó để bán dâm, tôi nghĩ là 70-80% là người Việt Nam. Trong số 70-80% đó thì tôi ước lượng theo những cái gì mà tôi đã nhìn, đã gặp 8 năm qua, tôi nghĩ khoảng 30% là những em vị thành niên.

Thanh Trúc: Thanh Trúc cũng có biết một điều từ những công việc tìm hiểu thực tế ở Cambodia về tình trạng thiếu nhi mại dâm đó. Linh Mục đi tiếp qua Malaysia, và ở Malaysia thì hình như Linh Mục cũng có đỉều nuốn chia sẻ?

LM Martino Thông: Cảm ơn chị Trúc. Thực sự mỗi người chúng ta khi nghe nói các em gái bị bán vô các động là tôi đã - xin lỗi, cuộc đời của tôi là linh mục, tôi cứ nói mọi người sống bình an, mà khi tôi nhìn thấy những cái đó là tôi muôn nổi điên, nói thật với quý vị là như vậy, huống chi điều tôi sắp kể với quý vị đây nó vừa xảy ra vào Tết Việt Nam vừa rồi. Tôi đi một chuyến về Việt Nam, rồi Kampuchia, sau đó tôi có ghé qua Malaysia. Tôi qua Malaysia là để xem có các em Việt Nam bị bán qua bên đó không.

Thanh Trúc: Chính là tìm các em gái Việt Nam?

LM Martino Thông: Đúng rồi. Tại vì tôi cũng có nghe tin hành lang như vậy (là có một số em bé gái VN bị bán qua Malaysia làm nô lệ tình dục), cho nên tôi muốn đi qua để xác minh chuyện đó có hay không. Nhưng khi tôi đi qua Malaysia thì thực sự là hai ngày hai đêm tôi không thể tìm được em nào tuổi vị thành niên mà là em gái; nhưng mà điều tôi sắp nói ra nó còn kinh hoàng hơn những gì mà tôi đã từng biết. Mình không biết con số đó là bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc chắn có ít nhất là hai em NAM người Việt Nam bán qua bên đó để phục vụ những người đồng tính luyến ái, tức là những người nam.

Thanh Trúc: Ít nhất là 2 em trai?

LM Martino Thông: Ít nhất là 2 em trai. Lý do tại sao tôi dám nói với chị ít nhất là 2 là bởi vì chính tôi đã quen với 2 em đó và tôi đã ở với mỗi em một đêm.

Thanh Trúc: Bằng cách nào, thưa Linh Mục?

LM Martino Thông: Khi tôi qua bên đó thì tôi phải nhờ những người (dắt mối), tôi phải trả tiền cho những người chuyên lái taxi, rồi những người đó đưa tôi vô các động. Đại khái tôi gọi họ là tú ông tú bà đó. Để tìm người nữ thì không thể tìm ra nữ được, thì họ há miệng ra họ offer, họ nói là có người nam, có muốn thử hay không. Mình hỏi người nam đó là người gì thì họ nói đó là Vietnamese. Thực sự với quý vị và chị, tới bây giờ tôi kể lại tôi còn rất lạnh, cảm thấy shock.

Thanh Trúc: Thấy choáng váng?

LM Martino Thông: Đúng rồi, chị. Rất choáng váng. Nói thật là tôi giận, tôi khó chịu, tôi tức nữa là đàng khác. Nhưng mà tôi biết đó là sự thật bởi vì các em đó đã nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Mình đã nói chuyện với 2 em này bằng tiếng Việt.

Thanh Trúc: Hai em đó đã nói gì với Linh Mục? Các em bị bán ra sao? Đến Malaysia bằng cách nào? Các em phải làm gì?

LM Martino Thông: Cái vấn đề là như vầy. Chắc chị Trúc và quý vị biết các em qua Kampuchia hầu hết là đưa qua đường biên giới, cửa ngõ của đường bộ và không có giấy tờ gì cả. Nhưng mà các em qua Malaysia, tức 2 em này, đựơc người mai mối đưa qua đó theo ngã du lịch, tức là có passport, có visa nhập cảnh vào Malaysia đàng hoàng. Và khi qua bên đó thì họ giữ hết giấy tờ và bắt các em phải làm như vậy. Và cái đau khổ là như vầy:

Thưa quý vị, các em này một ngày - dựa theo lơì 2 em đó nói và tôi chưa thể xác nhận đúng hay sai - nhưng mà một ngày các em tiếp từ 5 đến 10 người đàn ông. Tôi nghĩ điều này cũng có thể, vì vấn đề nó như vầy: Nó rất là tốn tiền để thuê các em này. Bình thường tôi có thể trả 100 đôla để tôi thuê một cô qua một đêm, nhưng mà tôi đã tốn 500 đôla để trả cho một em trai này trong một đêm, và họ không cho tôi thuê cả ngày lẫn đêm để tôi có nhiều thời gian hơn nói chuyện. Họ chỉ cho tôi mấy tiếng đồng hồ như vậy và có người tới dẫn các em đi. Nhưng mà nói trở lại vấn đề, tức là các em này qua bên đó bằng con đường chính thức và bây giờ bị họ lấy hết passport và mọi thứ để bắt làm công việc này.

Thanh Trúc: Có nghĩa là các em đi theo một người lớn nào đó qua Malaysia?

LM Martino Thông: Đúng rồi chị. Cái người lớn đó là những người nằm trong đường dây.

Thanh Trúc: Bán các em vào các động?

LM Martino Thông: Đúng rồi.

Thanh Trúc: Những điều các em nói, Linh Mục nghĩ là có thể tin được chăng, và vì sao các em tin Linh Mục đến độ có thể thổ lộ, bởi vì cái sợ hãi sự khủng bố đè nặng đầu óc trên các em bị bắt làm nô lệ tình dục?

LM Martino Thông: Giống như hồi nãy tôi có xác nhận lại là tôi nói về các chuyện bên Kampuchia thì tôi biết chắc 100%, cái chuyện bên này (Malaysia) tôi không dám chắc 100%. Mình không dám nói với quý vị là các em có những gì kể với tôi (các em ở Malaysia) là 100%, nhưng tôi tin cái chuyện đó nó có thật, không dám nói chắc 100% nhưng nó có thật.

Chẳng hạn như tôi nhớ cái em đầu tiên 13 tuổi được đưa vô phòng khách sạn của tôi, ngay lúc đó quý vị sẽ nhìn thấy một thân xác vô cùng mảnh mai, một đứa bé 13 tuổi còn da bọc xương. Nó nhìn tháy tôi khuôn mặt nó tái không còn một giọt máu. Và nó đứng nó run giống như là nó đang dứng trứoc tử thần vậy đó. Thật sự tôi muốn nói thật với quý vị, tôi ứa nước mắt, tôi chỉ muốn khóc lóc thôi.

Ngay lúc đó tôi đã muốn rơi nước mắt. Nhưng mà tôi đuổi người dẫn đường đi ra ngoài. Tôi đóng cửa phòng lại. Tôi không nói gì với em đó và tôi ngồi tôi khóc. Thực sự là tôi ngồi tôi khóc. Em đó nói câu tiếng Anh rất bập bẹ. Nó nói là "Why you cry?" Lúc đó tôi nói luôn bằng tiếng Việt. Tôi chưa bao giờ chuẩn bị để làm công việc này (làm việc với các bé trai) nên lúc đó tôi không chịu nổi được và tôi phát ra ngay bằng tiếng Việt.

Tôi nói “anh cũng là người Việt cho nên anh nhìn thấy cảnh này anh không thể chịu được và anh khóc.” Và từ đó hai người bắt đầu nói chuyện với nhau một tí xíu. Nhưng tôi xác nhận lại là tôi không dám tin 100% là các em nói với tôi đều là sự thật, nhưng mà tôi tin rằng tuy không 100% thì cũng phải 60-70% là sự thật.

Thanh Trúc: Sự hiện diện của các em trong các nhà chứa đó thật 100%?

LM Martino Thông: Chuyện đó thì chắc chắn. Tôi không biết là có bao nhiêu em nam bị bán qua bên Malaysia ngay bây giờ, nhưng mà chuyện có mặt của các em là chắc chắn thật 100%. Chính tôi, 2 tối tôi ở với 2 em.

Thanh Trúc: Thưa Linh Mục, vì lý do nào mà Linh Mục quyết định lên tiếng với Thanh Trúc về vấn đề, các em gái ở Campuchia thì đã đành vì lâu nay ai cũng biết, mà bây giờ đến lượt các em trai Việt Nam bị bán vào những nhà chưa ở bên Malaysia?

LM Martino Thông: Lý do duy nhất mà tôi có thể nói đó cũng là lý do tại sao gần 8 năm nay tôi cứ dấn thân vào công việc đó. Xin lỗi chị và xin lỗi quý vị cho tôi dùng cái chữ này, đôi lúc tôi cứ nói tôi chỉ xin làm “con chó” nhà Đức Chúa Trời, có nghĩa là tôi phải đi sủa lên cái vấn nạn của cuộc sống, và để sủa được cái vấn nạn của cuộc sống thì tôi phải lủi vào trong những chỗ đó. Biết nó là một sự thật.

Tôi rất là vui khi được chị Trúc liên lạc với tôi để phỏng vấn, bởi vì đây là một trong những con đường để tôi “sủa” lên vấn đề rất là cần thiết để cho mỗi người Việt, đặc biệt là những người Việt sống ở hải ngoại, chúng ta phải biết đây là những vấn nạn đang xảy ra đối với con cháu chúng ta ở Việt Nam, để rồi mỗi người chúng ta góp một bàn tay để chúng ta có thể làm một cái gì đó tốt hơn.

Thanh Trúc: Riêng bản thân của Linh Mục, Linh Mục dự tính sẽ làm những cái gì đối với vấn đề trẻ em trai Việt Nam bị bán qua Malaysia?

LM Martino Thông: Thực sự thì hiện bây giờ tôi có những người bạn, bởi vì trong cái thế linh mục đôi lúc tôi có những người bạn là những đại biểu quốc hội ở Hoa Kỳ này thì tôi đang muốn thu thập một số chứng cứ, hình ảnh, cũng như này nó, và tôi viết để tôi nhờ họ đưa những cái đó ra quốc hội, tức là áp lực chính phủ Việt Nam. Mình nói thật với chị nó là như vậy. Tôi cũng quen rất là nhiều ở Việt Nam, nhưng mà khi báo chí đăng lên thì nó ngưng lại đựoc một tháng, sau khi đó thì đâu lại trở về đó.

Thanh Trúc: Linh Mục có nghĩ rằng ông sẽ trở lại Malaysia một ngày nào đó chăng?

LM Martino Thông: Như vầy, tức là cứ mỗi năm, kỳ nghỉ của linh mục của tôi đựoc 1 tháng. Một tháng đó tôi dùng để đi làm việc với trẻ bụi đời, các em bị bán vô các động, cho nên chắc chắn là tôi đang dự tính là nếu bình thưòng thì tôi sẽ trở lại làm việc với trẻ bụi đời, trở về Malaysia một lần nữa.

Thanh Trúc: Thưa Linh mục Martino, Thạnh Trúc xin cảm ơn tất cả những lời chia sẻ của ông trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Vừa rồi là truyện kể của Linh mục Martino. Thanh Trúc xin phép được tạm ngưng câu chuyện của mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi ở đây và hẹn tái ngộ quí thính giả vào tối thứ Năm tuần tới.
 
Thông Báo
Soeur Mary Mỹ Lệ
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
08:14 29/02/2008

Soeur Mary Mỹ Lệ

Soeur Mary Mỹ Lệ và ca đoàn Cêcilia, Ảnh Ca đoàn Cêcilia
Tôi lớn lên tại xứ đạo Lộc Hưng của hạt Chí Hòa. Cuộc đời thiếu niên của tôi quanh quẩn với không khí xóm đạo, đi lễ sáng chiều, tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, giúp lễ, và Ca Đoàn. Năm 20 tuổi, tôi bỏ đi, cho tới 23 năm sau, tôi mới quay về để nhận ra quang cảnh xa lạ của xứ đạo năm xưa. Cũng ngôi nhà thờ Lộc Hưng vươn cao tháp chuông nhìn ra bầu trời và cánh đồng mênh mông, nhưng tôi không còn thấy thân quen với những gì hiện ra trước mặt nữa. Nhiều người trong giáo xứ tôi không còn nhận ra họ, bởi 23 năm quá là dài để một người trung niên trở thành da mồi tóc bạc, một em bé sơ sinh ngày nào giờ đã hóa thành một thiếu nữ lạ mặt. Tôi ngớ ngẩn lạc loài trong giáo xứ mất một thời gian cho tới khi tôi gặp lại Soeur Mary Mỹ Lệ của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Khi đó tôi mới từ từ nhận ra được một phần đời của mình nơi vùng đất cũ.

Gần năm năm trời liên tục từ năm 77 cho tới năm 82, tôi là thành viên của Ca Đoàn Cêcilia dưới sự hướng dẫn của Soeur Mary Mỹ Lệ. Tuần hai lần, Ca Đoàn tập hát buổi tối, lần hạt kinh Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá tối thứ Sáu, hát lễ ngày hai lần sáng chiều. Con đường tu hành của tôi ít hay nhiều đã có một phần công của Soeur Mary, bởi Soeur hay khuyến khích bọn con trai tụi tôi đi tu. Soeur không chỉ nói chuyện suông, nhưng Soeur còn đích thân bỏ mọi công chuyện cùng tôi đạp xe đạp lên Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse số 6 Cường Để gặp cha Giám Đốc. Bữa đó tôi mặc quần xanh, áo trắng, nhìn rất là thư sinh, nhưng (giời ạ!) tôi quên không khéo dấu nên lại lòi ra cái miệng hôi mùi thuốc Hoa Mai của một thời. Ngửi thấy mùi thuốc, cha Giám Đốc chê tôi thẳng cẳng, “Tên này miệng hôi mùi thuốc thì sao mà đi tu!”. Tôi không nhớ Soeur Mary đã làm “trạng sư” cho tôi như thế nào, nhưng cuối cùng Cha Giám Đốc vẫn nhận tôi, dù không bao giờ ngài có thiện cảm với mùi khói thuốc lúc nào cũng phảng phất từ khuôn mặt giả nai và màu áo trắng thư sinh của tôi.

Gần năm năm trời liên tục tôi hít thở sâu đậm không khí đạo đức dưới sự hướng dẫn của người nữ tu dáng nhỏ bé với cặp kiếng cận gọng vàng cho tới ngày tôi bước chân xuống thuyền.

Tôi không nhớ Soeur Mary giúp xứ Lộc Hưng khi nào. Nhưng cả một thời gian dài, nhiều thế hệ của giáo xứ Lộc Hưng vẫn còn nhớ tới người nữ tư dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã có một thời còng lưng cày bừa trên thửa ruộng truyền giáo Lộc Hưng. Bao nhiêu hạt giống Lộc Hưng đã nẩy mầm, vươn cao trở thành cây lúa sai trĩu những hạt, bởi được gieo trên thửa đất tốt do công lao vun xới của Soeur Mary. Bao nhiêu thế hệ Lộc Hưng đã trưởng thành trong đức tin bởi đức tính cần cù của người nữ tu cho tới ngày Soeur Mary lui về dưỡng lão tại Nhà Mẹ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Chính nơi đây, 23 năm sau tôi quay về, để rồi nhận ra Soeur Mary của ngày nào vẫn còn đó, vẫn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, vẫn áo chùng đen thánh thiện, vẫn đôi kính gọng vàng thân thương. Trong thánh lễ Tạ Ơn tại nguyện đường Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ngày hôm đó, tôi đã cám ơn Soeur Mary cho những lời cầu nguyện của Soeur, bởi thế tôi mới vừa đủ ơn trời để tiếp tục bước tới trên con đường tận hiến. Trong tia nắng rực rỡ nhiệt đới của ngày hôm đó, nắm tay tôi, Soeur ân cần khuyên bảo hãy tiếp tục bền đỗ đến cùng. Lúc đó tự nhiên tôi muốn khóc, bởi tôi nhận ra hình dạng của Soeur Mary của hai mươi mấy năm về trước, đang còng lưng đạp xe đạp mang tôi lên trình Cha Giám Đốc Chủng viện Thánh Giuse. Mấy ngày sau, tôi lại bỏ đi. Nhưng tôi vẫn nhớ những tia nắng trời chiếu sáng rực rỡ khuôn mặt thánh thiện của người nữ tu.

Sáng nay tôi nhận được thư từ bên Việt Nam báo Soeur Mary Mỹ Lệ đã nhắm mắt ngủ yên trong Chúa vào lúc 5 giờ sáng ngày 28 tháng 2, sau cuộc lữ hành 75 năm trên trần thế trong ơn gọi nữ tu Dòng Mến Thánh Giá!!!... Nhận được tin, tôi bâng khuâng nghĩ ngợi, nhớ tới bài suy niệm, “Lá dừa mùa Chay” vừa mới viết xong. Trong bài suy niệm, tôi lý luận rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình trên cõi trần, con người sẽ quay về lại với Chúa. Tôi tin rằng Soeur Mary với tà áo dòng Mến Thánh Giá đã đến trong cuộc đời để làm cho đời thêm đẹp, hơn thế nữa, để đời trần gian càng thêm thơm tho lời kinh thiên đàng. 75 năm tuổi, Soeur đã đi hết hành trình lữ thứ. Giờ này Soeur Mary Mỹ Lệ đang bước tới những bước chân đầu tiên tiến vào cung điện thiên đàng của Đức Vua Kitô.

Con xin được kính gửi lời chia buồn tới Mẹ Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Cha Chánh xứ Lộc Hưng, và toàn thể giáo dân xứ Lộc Hưng về sự ra đi của Soeur Mary Mỹ Lệ.

Nguyện xin thiên thần và các thánh rước đón linh hồn của Soeur Mary Mỹ Lệ về hưởng nhan thánh Chúa.

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mỏi Cánh
Nguyễn Anh Dzũng
00:09 29/02/2008

MỎI CÁNH



Nguyễn Anh Dzũng

Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn

Còn ai ngồi rạng cội cây già?

Chim vút lên như hòn đá ném,

Rồi thôi, cái có chỉ là qua.

(Trích thơ của Tô Thùy Yên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền