Ngày 28-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 8
VietCatholic Network
05:57 28/02/2012
"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna."(Lk 11:29). Dấu lạ ông Giôna là gì? Thưa, dấu lạ thực sự trong chuyện ông Giôna là cách thức Thiên Chúa đáp trả lại sự thống hối của dân thành Ninivê.

Ông Giôna đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và cố chạy trốn Ngài. Trong bụng một con cá khổng lồ, khi biết tính mạng mình trong cơn hiểm nghèo, ông đã than khóc trong niềm thống hối và Thiên Chúa đã giải thoát ông. Cũng vậy, khi dân thành Ninivê ăn năn, họ cũng được thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Dấu lạ thực sự ở đây là sự thống hối đã đem lại lòng thương xót. Lòng thương xót này là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà Ðức Giêsu đã thực hiện, trong mỗi việc chữa lành, giải thoát hay hóa bánh ra nhiều. Ðặc biệt nhất, lòng thương xót này là trung tâm của dấu lạ lớn nhất trên mọi dấu lạ - cái chết của Ðức Giêsu trên thánh giá.

Trong mọi thời đại, Thiên Chúa luôn muốn có một quan hệ với dân Ngài. Tình yêu của Ngài bền vững muôn đời. Những lời hứa công bố bởi các tiên tri trong cựu ước, nay được thực hiện qua sự thống hối và đức tin nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhờ thánh giá, mỗi người trong chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hòa với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong hình ảnh Ðức Giêsu. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào.

Bạn thấy gì nơi thánh giá? Bạn có thấy sự thánh thiện, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa? Bạn có thấy đấng đã yêu ta và muốn có một quan hệ cá nhân với ta? Hay bạn thấy nơi thập giá sự lên án và những tiêu chuẩn quá cao bạn dựa trên đó mà phán xét người ta? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hãy mở trái tim bạn ra hôm nay cho đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn. Hãy chạy đến cùng Ngài và Ngài sẽ chỉ cho bạn lòng thương xót không trí óc nhân loại nào có thể tưởng tượng nổi.

"Lạy Chúa Giêsu, con khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Sự nhân từ của Ngài vượt quá trí hiểu của con. Tình yêu Ngài vượt quá mong đợi của con. Xin cho con biết thống hối tội con và xin thương xót con".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:21 28/02/2012
NUỐT LY
N2T

Có một người ăn uống rất khỏe, ngày nọ đi ăn tiệc nhìn thấy ly uống rượu trên bàn quá nhỏ thì khóc lớn, khiến cho chủ nhà hoảng lên vội vàng hỏi anh ta nguyên nhân ? Anh ta trả lời:
- “Tôi thấy vật thì cảm thương, nhớ lại ngày bố tôi chết, ông ta hoàn toàn không có bệnh gì cả, chỉ vì bạn bè mời ông ta uống rượu, cũng giống như hôm nay anh bày ly trên bàn vậy, không ngờ khi uống thì nghe một tiếng “nấc” nuốt luôn cái ly và chết ngay lập tức, hôm nay tôi thấy cái ly này cũng nhỏ như thế, sao lại không thương tâm chảy nước mắt chứ ?”

Suy tư:
Rượu là chất cay nồng khi uống vào thì kích thích hệ thần kinh của con người, cho nên nó có thể là loại thuốc bổ cho những người biết cách dùng rượu, và đồng thời nó cũng là loại thuốc độc cho những người làm dụng nó.
Quây quần bên chai rượu thì ai cũng vui vẻ, uống một hai ly đầu thì tinh thần phấn chấn, uống qua ly thứ ba thứ tư thì tình thần bốc khói, uống một nửa chai thì lý trí có vấn đề, uống hai phần ba chai thì nói năng lảm nhảm như người mất trí, uống hết chai thì trở thành người điên thật trong vài giờ…
Có người chết vì bệnh, có người chết vì tuổi già sức yếu, có người chết vì những căn bệnh hiểm nghèo.v.v…những cái chết này thì ai cũng thương cảm, nhưng người say rượu mà không may bị tai nạn hoặc tử vong, thì ít được sự đồng cảm của người khác, bởi vì thời nay con người ta quá dị ứng với người say rượu.
Rượu là kẻ thù của hạnh phúc gia đình, nhưng người say rượu là kẻ trực tiếp “cầm lửa” đốt cháy ngôi nhà yêu thương của mình.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:22 28/02/2012
N2T

12. Nếu chúng ta kiên cường tháo chạy cám dỗ, thì cám dỗ sẽ trở thành đồ chơi của chúng ta, không cần phải sợ hãi.

(Thánh Augustine)
 
Thay đổi
Lm Vũđình Tường
15:29 28/02/2012
Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm B
Mc 9,2-10


Vũ trụ chúng ta sống luôn biến đổi. Người sống vùng sa mạc nhận biết biến đổi rõ nhất là trong sa mạc. Sau một cơn bão thung lũng cát biến thành núi cát. Sức mạnh đó vượt ngoài tưởng tượng của loài người. Các khoa học gia có thể giải thích, đo lường, tìm hiểu nhưng bất lực không thể ngăn cản. Người sống vùng đồng bằng nhận biết biến đổi qua nước chảy trên sông. Người ta nói nước chảy đá mòn. Thực tế dân sống vùng sông ngòi biết nước chảy vài ba năm sông bị cạn dần, bờ sông bị mòn, lòng sông đã không mòn mà còn bị phù sa bù lấp làm lòng sông nông cạn. Biến đổi trong vũ trụ là điều không thể tránh. Cuộc sống đời người cũng có nhiều biến đổi theo từng giai đoạn. Từ trẻ thơ biến thành thiếu niên rồi thanh niên rồi trưởng thành, thành người lớn trước khi phải nhờ đến cây gậy chống bước đi, cụ ông, cụ bà. Mỗi một giai đoạn đều có thay đổi về cả vóc dáng lẫn tinh thần.

Tương tự như thế cuộc sống tâm linh cũng có những giai đoạn phát triển, thay đổi. Mỗi một giai đoạn giúp chúng ta biến thành con người khác. Cũng vóc dáng đó, cũng con người đó nhưng trong tâm hồn có biến đổi, có giao động, có dấu chỉ của thành hình. Thành hình như thế nào tuỳ thuộc vào chọn lựa lối sống của mỗi cá nhân.

Mừng kính lễ Chúa biến hình giúp chúng ta nhận biết con người trung tín theo Chúa không biến hình nhưng thành hình. Thành hình như thế nào chúng ta không thể khẳng định rõ ràng. Chúng ta chỉ biết qua hình ảnh nhận được trên núi thánh chúng ta mường tượng ra cuộc sống tương lai của người trung thành theo Chúa sẽ tương tự như hình ảnh trên núi thánh. Nhìn vào hình dạng biến đổi của Thầy để có cảm nghiệm là sẽ trở nên giống Thầy. Toàn thân sẽ trắng như tuyết, mặt mày sáng tươi và tinh thần đầy hoan lạc. Điều này tự mình không thể hoàn thành nhưng nhờ vào ơn Thầy ban cho. Kẻ tin theo Chúa được khai mở chút ít về cuộc sống tương lai nhờ các môn đệ được Chúa cho cảm nhận trên núi thánh. Con người trở nên trong sáng nhờ ánh sáng của Thầy chiếu dọi. Như mặt trăng sáng nhờ mặt trời, các môn đệ trung tín trở nên trong sáng nhờ ánh sáng mặt trời công chính là Đức Kitô chiếu toả.

Môn đệ không dám so với Thầy thì ít ra hình ảnh các tổ phụ cho biết các ngài cũng biến đổi như thế. Các ngài không so với Thầy, các ngài có được sự sáng nhờ Thầy ban cho, nhờ sống trung tín trong niềm tin. Niềm tin đây chính là ai tin vào Thầy cũng sẽ cảm nhận được sự sống mới nơi Thầy ban cho. Sự sống đó biến đổi con người bất toàn của ta trở nên tốt hơn, đẹp hơn, cao quí hơn, hoàn toàn hơn và cuối cùng trong sáng như tuyết. Đây là một cảm nghiệm, niềm hạnh phúc tuyệt vời mà trần thế không thể nào diễn tả. Các môn đệ đi theo Thầy được Thầy ưu đãi cho cảm nghiệm sự sống tương lai. Các ngài được nhìn thấy tương lai đời mình hạnh phúc như hình ảnh trên núi thánh. Dù chỉ hé mở một chút đã khiến các ngài say mê, muốn buông bỏ mọi sự nơi trần thế, không còn quyến luyến chi. Trước khi thực sự bước vào cộc sống mới, cuộc sống thành hình đó các ngài phải xuống núi. Xuống núi không phải để tích trữ, thu góp. Xuống núi để chính thức từ bỏ, dứt khoát xa lìa những gì thuộc về trần thế. Mỗi một hành động tốt lành đều giúp ta trở nên trong sáng hơn, mỗi một cử chỉ bác ái, yêu thương đều biến ta trở nên tốt lành hơn. Chính những biến đổi hàng ngày trên thay hình đổi dạng cuộc sống của ta, giúp ta trở nên trong sáng hơn. Từ bỏ lối sống tự tạo để bước theo con đường Thầy đã đi qua, con đường Thầy dẫn đường, chỉ lối. Con đường từ bỏ dù chông gai, cay đắng cũng rất đáng từ bỏ, cố gắng, trung tín bước theo Thầy vì sau những vất vả, gian truân là ánh sáng ngập tràn. Sau những âu lo, phiền muộn là niềm vui vĩnh cửu. Sau những khổ đau là hạnh phúc tuyệt vời. Sau những xua đuổi, rượt bắt là tưng bừng chào đón, đàm đạo. Hình ảnh đám mây bao phủ chính là trở ngại ngăn cách lớn nhất cho những ai không thể dứt khoát từ bỏ. Chỉ khi nào vượt qua đám mây che phủ đó con người mới nhận biết chân giá trị của cuộc sống mai hậu đang đón chờ.

Chúng ta cầu xin tâm tình trong lòng luôn ấp ủ cảnh sống tươi sáng. Ước mong niềm hy vọng tươi sáng sẽ xoá tan mây mù, tăm tối.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông cáo chung về cuộc gặp gỡ Tòa Thánh và Việt Nam
LM. Trần Đức Anh OP chuyển ý
08:08 28/02/2012
VATICAN - Trưa ngày 28-2-2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo chung về cuộc gặp gỡ lần thứ 3 của Nhóm Làm việc chung Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội.

Cha Federico Lombardi S.J, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Trưởng phái đoàn Tòa Thánh là Đức Ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, và có sự hiện diện của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Cả hai vị được hai chức sắc thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh và Bộ Truyền giáo, tháp tùng. Nguyên văn thông cáo chung như sau:

”Như đã thỏa thuận trong dịp gặp gỡ lần thứ 2 của Nhóm Làm Việc chung Tòa Thánh và Việt Nam tại Vatican hồi tháng 6 năm 2010, cuộc gặp gỡ lần thứ 3 của Nhóm Làm Việc chung đã diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2-2012. Hai vị đồng chủ tọa cuộc gặp gỡ là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam, và Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng, Trưởng đoàn Tòa Thánh.

Hai bên đã cứu xét những vấn đề quốc tế, trao đổi tin tức về tình trạng liên hệ, phân tích những tiến bộ đã thực hiện trong quan hệ Việt Nam và Tòa Thánh từ sau cuộc gặp gỡ thứ 2 của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh, và đã thảo luận về những vấn đề liên hệ tới Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà Nước Việt Nam đã luôn thực hiện và còn tiếp tục cải tiến chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân. Nhà Nước khích lệ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tích cực và thực sự tham gia vào tiến trình hiện nay phát triển đất nước, kinh tế và xã hội.

Về phần mình, Phái Đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận những nhận xét đó và đánh giá cao sự quan tâm của Chính quyền dân sự đối với hoạt động của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt năm 2010, trong việc cử hành Năm Thánh, và nhân dịp các cuộc viếng thăm mục vụ của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú.

Tòa Thánh bày tỏ mong ước rằng vai trò của Vị Đại Diện không thường trú và sứ mạng của Ngài được tăng cường và mở rộng, để củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, cũng như ý hướng của Việt Nam và Tòa Thánh phát triển các mối quan hệ với nhau.

Cả hai bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức TGM Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, cả hai bên đã nhắc đến giáo huấn của ĐTC Biển Đức 16 về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công Giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động.

Cả hai bên đã đồng thuận về thẩm định theo đó các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã tiến triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ.
Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong một bầu không khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Hai bên đã thỏa thuận sẽ gặp lại nhau tại Vatican cho cuộc gặp gỡ thứ tư của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh. Ngày giờ cuộc gặp gỡ sẽ được thiết định qua đường ngoại giao.

Nhân dịp viếng thăm Việt Nam, Phái đoàn Tòa Thánh đã thăm Ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng; Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Ban tôn giáo của chính phủ, thăm Bệnh viện nhi đồng quốc gia, đang cộng tác với Bệnh viện ”Chúa Hài Đồng Giêsu” của Tòa Thánh ở Roma, cũng như một số cơ sở Công Giáo tại Hà Nội và Thành Phố Hồ chí Minh, và giáo phận Xuân Lộc ở Đồng Nai. (SD 28-2-2012)
 
Đức Thánh Cha khuyến khích các khoa học gia trong nỗ lực giải quyết vấn đề hiếm hoi
Bùi Hữu Thư
09:07 28/02/2012
Nhưng ngài nói ơn gọi hôn nhân không thể nản lòng khi không thể thụ thai

VATICAN, ngày 27, tháng 2, 2012 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Phương cách khoa học tốt nhất để giải quyết tình trạng tuyệt tự, và cũng là phương cách tôn trọng con người nhất, là sự theo đuổi việc định bệnh và trị liệu.

Đức Thánh Cha khẳng định như vậy ngày thứ bẩy vừa qua khi ngài tiếp kiến khoảng 300 thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, được triệu tập cho đại hội khoáng đại lần thứ 18, về đề tài hiếm hoi.

Đức Thánh Cha nói: "Sự theo đuổi việc định bệnh và trị liệu là đường lối khoa học đúng nhất để giải quyết vấn đề tuyệt tự, nhưng cũng là đường lối tôn trọng tính cách nhân bản toàn vẹn của những người được chữa trị. Thực vậy, sự hiệp thông của người nam và người nữ trong cộng đồng của đời sống hôn nhân chính là nơi chốn 'có phẩm giá nhất' trong đó, một con người, luôn luôn là một quà tặng, có thể được mời gọi để hiện hữu."

Đức Thánh Cha nói ngài khuyến khích "sự trung thực về trí tuệ," là "sự biểu hiện của một khoa học gìn giữ được việc tìm kiếm chân lý luôn sống động, trong việc phục vụ cho lợi ích chính đáng của con người, và tránh được nguy cơ là chỉ trở thành một thực hành có hiệu lực. Thực vậy, nhân loại và phẩm giá Kitô về việc tạo dựng, không chỉ nhắm vào một 'sản phẩm', nhưng phải được nối kết với liên hệ vợ chồng, là biểu hiệu của tình yêu giữa người chồng và người vợ, về sự kết hợp của họ không chỉ là về thể lý mà còn về tinh thần."

Ơn gọi để yêu thương

Đức Thánh Cha Benedict XVI công nhận là khoa học không thể tìm được một giải pháp cho tất cả mọi lý do của việc tuyệt tự.

Ngài khẳng định là Giáo Hội chú ý đến các cặp vợ chồng không có con và yểm trợ những nghiên cứu khoa học.

Ngài nói: "Tuy nhiên, khoa học không thể luôn luôn đáp ứng ước muốn của nhiều lứa đôi. Tôi muốn nhắc lại với các cặp vợ chồng không có con một lần nữa là ơn gọi hôn nhân không thể nào nản lòng vì điều này. Người chồng và vợ, vì chính ơn gọi của phép rửa và phép hôn phối, được mời gọi để hợp tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng một nhân loại mới. Thực vậy, ơn gọi để yêu thương, là ơn gọi tự hiến và đây là một sự khả dĩ không thể bị ngăn trở bởi bất cứ tình trạng nào của cơ thể. Vì thế, nơi nào khoa học không tìm được giải pháp, thì giải pháp đem lại ánh sáng sẽ đến từ Thiên Chúa."
 
Bản dịch mới Kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập
Nguyễn Trọng Đa
09:18 28/02/2012
Bản dịch mới Kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập

Một món quà quý giá cho các Kitô hữu của Thánh Địa

ROMA – Việc xuất bản mới Kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập đã được loan báo bởi trang web của Hạt Dòng Phan Sinh Thánh Địa, và Hạt Dòng thấy đây là “một món quà quý giá cho các Kitô hữu ở Thánh Địa”.

Thật vậy, nhà Xuất bản Phan Sinh (Franciscan Printing Press, FPP) ở Giêrusalem, vừa xuất bản hai “phiên bản quý giá” của Kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập, một phiên bản gồm cả Cựu Ước và Tân Ước, trong định dạng lớn (100 NIS, tiền shekel của Israel, khoảng 550.000 đồng) và một phiên bản chỉ có Tân Ước (10 NIS, tức 55.000 đồng, hoặc NIS 15, tức 82.500 đồng, cho bìa cứng).

Nguồn tin giải thích: "Đây là một sáng kiến có giá trị lớn nhằm mục đích đem lại câu trả lời cụ thể cho lời mời gọi của Giáo Hội Công Giáo, sau khi Giáo hội mời gọi cộng đồng các tín hữu hãy tái khám phá nguồn gốc của đức tin Kitô giáo, nền tảng và ý nghĩa của đời sống

đức tin của chúng ta, và sứ vụ của chúng ta với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô".

Hạt Dòng nhấn mạnh rằng "việc đọc và hiểu biết Kinh Thánh, việc suy niệm liên tục bản văn và sứ điệp cứu độ của Kinh Thánh, là một yếu tố không thể thay thế cho việc xây dựng căn tính Kitô giáo, và sự gắn bó ngày càng hoàn thiện hơn vào kế hoạch của Thiên Chúa trên con người”.

Đối với những người sống và làm việc ở Thánh Địa, đối với cộng đồng địa phương, mối quan hệ với Kinh Thánh "là chắc chắn được làm giàu bằng một kinh nghiệm đặc biệt nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với con người, bối cảnh địa lý, văn hóa xã hội, trong đó Chúa Giêsu đã sống, và do đó trở thành trung tâm thúc đẩy một sự nhạy cảm và ý muốn gìn giữ và bảo tồn Thánh Địa Kitô giáo, và di sản văn hóa và tinh thần to lớn của mình", nguồn tin lưu ý thêm.

Hạt Dòng Phan Sinh Thánh Địa đã muốn có bản dịch tiếng Ả Rập của Kinh Thánh, được thực hiện bởi các linh mục dòng Tên của Đại học thánh Giuse ở Beirut, và giao việc in ấn cho nhà Xuất bản Phan sinh (FPP), vốn từ khi khai trương cách đây 150 năm, bắt đầu hoạt động việc in ấn của mình với việc in Kinh Thánh bằng tiếng Ả Rập.

Hạt Dòng đã tặng hai cuốn Kinh Thánh trọn bộ cho mỗi giáo xứ ở Thánh Địa, và 10 cuốn Tân ước. Hạt Dòng bày tỏ mong muốn rằng "các cha xứ tiếp tục không mệt mỏi công việc mục vụ, mà Hạt Dòng chia sẻ, nâng đỡ và nhằm phổ biến Lời Chúa, và làm cho mọi người biết được công trình của Chúa trong lịch sử con người, và sứ mạng của Chúa Giêsu, được Chúa Cha sai đến để cứu độ toàn thế giới”.

Hạt Dòng giải thích thêm: “Bản dịch mới Kinh thánh bằng tiếng Ả Rập hình thành để phục vụ mọi Kitô hữu, nhất là các tín hữu ở Thánh Địa." (ZENIT.org 27-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Paraguay – Mục Vụ Chuyên Biệt
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
10:58 28/02/2012
PARAGUAY – MỤC VỤ CHUYÊN BIỆT

Thấm thoát đã gần hai tháng sống trong môi trường Tập Viện quốc tế với các Tập sinh và các anh em linh mục trong Ban đào tạo đa quốc gia, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều mới mẻ nhưng đôi lúc cũng hơi bị shock vì có những điều thật sự khá mới lạ mà các em Tập sinh của các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đã làm. Cũng may mà chúng tôi tập được sự kiên nhẫn từ mấy năm qua nên mọi sự trôi qua tương đối bình an. Có lẽ do sự hiểu biết về văn hóa tại các quốc gia Nam Mỹ của chúng tôi còn hạn hẹp nên cần phải học hỏi thêm.

Tôi còn nhớ những tháng năm trong Tập viện tại Việt Nam, vị cha già Tập sự Gérard đáng kính của chúng tôi (Ngài đã an giấc ngàn thu cách đây 9 năm) thật sự là một mẫu gương sống động cho các Tập sinh. Ngày ấy chúng tôi mỗi người mỗi tính và thỉnh thoảng có những chuyện cơm không lành, canh không ngọt trong đời sống chung. Nhưng vị Tập sư khả kính ấy, với lòng nhân hậu của một người cha, sự dịu hiền của một người mẹ đã giúp chúng tôi hòa giải với nhau, giúp chúng tôi biết sống yêu thương và nâng đỡ nhau. Những lời khuyên nhủ của Ngài cách đây nhiều năm bỗng nhiên sống lại trong tôi trong những ngày tháng này khi chúng tôi đang làm công việc mà chính Ngài đã làm năm xưa.

Thỉnh thoảng các anh em linh mục cùng Dòng ghé thăm Tập viện và chào hỏi chúng tôi một cách bông đùa : “Hola los santos mártires! ¿Qué tal su trabajo? (Chào các thánh tử đạo.! Công việc của các ngài thế nào?”). Sở dĩ anh em bông đùa như thế vì họ biết rằng bước vào công việc đào tạo, nhất là trong giai đoạn Tập viện là một vấn đề không dễ dàng chút nào, nhất là môi trường Tập viện quốc tế này.

Người ta thường nói : “ Chín người mười ý” là muốn diễn tả tình trạng mỗi người một ý khác nhau nên rất khó thống nhất ý kiến. Ở đây chúng tôi có cả thảy 14 người bao gồm 3 linh mục trong Ban đào tạo và 11 Tập sinh đến từ 7 quốc gia khác nhau nên chuyện bất đồng quan điềm là chuyện thường tình. Chính vì biết được chuyện đó nên ngay từ đầu chúng tôi đã có những cuộc họp để đưa ra những điều khoản nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc về sau và cũng để mọi người hiểu và tôn trọng nhau hơn.

Theo văn hóa của các nước Á châu, những người ở cương vị lãnh đạo hay phụ trách một lĩnh vực nào đó thì thường là người ra quyết định và những người khác phải làm theo. Văn hóa của người dân châu Mỹ Latin thì khác, những người làm lớn phải thăm dò ý kiến của những người khác trước khi đưa ra quyết định và phải là người làm gương trước. Nhà đào tạo không phải là người chỉ tay năm ngón mà phải xắn tay cùng với những người học trò mình, những người mình đang huấn luyện để cùng nhau tiến lên. Lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ rằng các chủng sinh mà mình đang huấn luyện thiếu tôn trọng mình vì chỉ gọi mình bằng một cái tên cộc lốc. Dần dần chúng tôi mới nghiệm ra rằng những người dân Nam Mỹ khi tôn trọng mình và gần gũi với mình thì họ gọi nhau bằng tên riêng chứ không phải do thiếu tôn trọng như mình nghĩ ngợi.

Như đã chia sẻ, các Tập sinh này đến từ nhiều nước khác nhau và mỗi người là một thế giới riêng biệt. Chúng tôi tôn trọng văn hóa, phong tục và cách sống của họ vì mỗi người là một nhân vị. Cách sống của người dân Nam Mỹ khá cởi mở, thẳng thắn và tự nhiên chứ không khép kín như một số dân tộc ở Á châu. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều khi cũng làm chúng tôi hơi bị shock. Ở đây chúng tôi không dùng tu phục, chúng tôi là những tu sĩ không áo Dòng và mỗi tập sinh có những trang phục riêng của quốc gia họ. Không hề có sự sợ hãi bị cho về hay có một khoảng cách với các nhà đào tạo. Chính các tập sinh, chứ không phải các nhà đào tạo, là những nhân vật chính của tập viện và các em cũng có quyền đưa ra đánh giá và nhận xét về những vị đào tạo của mình cách bình đẳng.

Về mục vụ, chúng tôi cùng đồng hành với các tập sinh ở các bệnh viện và các trại tù vào những ngày cuối tuần. Đây là công việc khá vất vả và phức tạp vì các bệnh nhân và các tù nhân là những người không dễ chịu chút nào. Có những ngày cuối tuần thật mệt vì gia đình của các bệnh nhân gọi lúc nửa đêm để ban các bí tích sau hết cho người nhà của họ mà không thể từ chối được vì mình đã có lời cam kết. Nhiều bệnh nhân được gia đình chăm sóc tận tình thì còn tốt, nhưng có những bệnh nhân chẳng được quan tâm chăm sóc kỹ nên nhiều lúc cử hình các bí tích mà trong người muốn nôn thóc nôn tháo vì bệnh nhân không được vệ sinh lâu ngày, cộng với những căn bệnh của họ. Chính các em tập sinh cũng từng có tâm trạng này khi trao Mình Thánh Chúa cho những bệnh nhân như thế.

Ngày thứ Tư Lễ Tro vừa qua là một ngày đáng nhớ đối với chúng tôi khi chúng tôi cử hành thánh lễ với nghi thức xức tro cho một trại tù nam với khoảng 3.000 tù nhân. Đây là một trại tù khá nổi tiếng ở thủ đô Asunción của Paraguay với những tội phạm khét tiếng về cướp của, giết người. Bước vào trại tù để dâng thánh lễ là phải bước qua nhiều cổng sắt được khóa kỹ, có hai vị cai tù hộ tống tôi đến nhà nguyện để ngồi tòa và sau đó dâng thánh lễ. Tôi quan sát tứ phía thấy khá nhiều tù nhân với những gương mặt thật bặm trợn đang hướng nhìn về tôi. Chúng tôi cũng cũng thấy có những căn phòng tù nhỏ xíu mà nhốt đến 5, 6 phạm nhân. Tất cả đều là tù hình sự và nhiều người đã từng ở đó nhiều năm mà vẫn chưa được tự do vì tội giết người. Các tập sinh lần đầu tiên đi với tôi có vẻ sợ hãi nhưng chúng tôi cố trấn an các em. Chúng tôi đã dùng câu Kinh Thánh của Tin Mừng Mát-thêu chương 25 về Ngày Phát Xét Chung như là châm ngôn trong lĩnh vực mục vụ này : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa… Vì khi Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…” (Xc Mt 25, 34tt). Trại tù nam này luôn náo loạn vì những tiếng kêu thét của những người tù bị lên cơn nghiện, tiếng đập phá và lo ó của những người khó tính khiến chúng tôi cũng không mấy tập trung trong việc mục vụ. Ngồi tòa mà mình có cảm giác sợ là không biết các hối nhân có khi nào làm hại mình không! Tuy nhiên, tôi cũng còn đủ tỉnh táo để cầu xin Chúa quan phòng mọi sự cho mình và cho các em tập sinh vì nếu lỡ các em có bề gì thì mình sẽ ăn nói làm sao với gia đình các em.

Trong bài giảng lễ nói về việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí, chúng tôi cố gợi lại những điều tốt đẹp mà người Paraguay hiền lành từng làm vì đây là một dân tộc hiền lành và hiếu khách. Chúng tôi luôn tránh những vấn đề nhạy cảm vì nếu lỡ lời là báo chí lại có dịp làm ầm lên ngay. Các tù nhân chăm chú nghe bài giảng lễ và sau đó vỗ tay thật lớn như là biểu lộ sự biết ơn đối với chúng tôi. Họ cũng lãnh nhận nghi thức xức tro cách sốt sắng dù cũng có một số phần tử xấu muốn phá rối trong thánh lễ. Tôi thấy tội nghiệp những người cai tù vì ngày nào cũng phải nghe những âm thanh ồn ào và những lời văng tục của một số tù nhân hung tợn. Đây thực sự là mục vụ chuyên biệt cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể có một thần kinh thép khi dấn thân trong lĩnh vực này. Trong tâm tình mùa Chay, xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho công việc mục vụ mới mẻ của chúng tôi.

Paraguay, 28-2-2012

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Con đường nên thánh gian nan: linh mục Flanagan của Boys Town (1)
Trần Mạnh Trác
17:45 28/02/2012
Lịch trình phong Thánh.

Theo thể thức của Giáo Luật, tòa Tổng Giám Mục Omaha vừa mới niêm yết một thông cáo trên cửa chính của nhà thờ chánh tòa St. Cecilia về ý định sẽ theo đuổi tiến trình phong thánh cho một linh mục quá cố của giáo phận, cha Edward Flanagan, sinh ngày 13 tháng 7, 1886 tại Ái Nhĩ Lan, mất ngày 15 tháng 5, 1948 tại Berlin, Đức quốc.

Linh mục Flanagan được biết nhiều nhất vì công việc mục vụ chuyên lo cho các trẻ trai 'bụi đời'. Ngài sáng lập ra 'phố của trẻ trai' (Boys Town) tại vùng ngọai ô Omaha, Nebraska. Tổ chức mục vụ của ngài vẫn tiếp tục và phát triển mạnh sau khi ngài qua đời, và hiện đang trực tiếp và gián tiếp chăm lo cho 1.4 triệu trẻ trai và gia đình của chúng trên khắp thế giới.

Những câu chuyện phấn khởi về Boys Town và về cha Flanagan đã từng được sọan thành phim do các tài tử Spencer Tracy và Mickey Rooney thủ vai. Spencer Tracy đọat giài Oscar nhờ đóng vai linh mục Flanagan một cách xuất sắc ( phim 'Boys Town', 1938).

Nếu không có gì trở ngại thì sau ba tuần lễ nữa, ngày 17 tháng 3 tới, tòa Tổng Giám Mục Omaha sẽ công bố linh mục Flanagan là một "Tôi Tớ Chúa" (Servant of God). Buổi lễ sẽ diễn ra lúc 9g sáng tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm của Boys Town (Immaculate Conception Church). Trong dịp này một ủy ban điều tra của Tòa Án Giáo Phận sẽ được tuyên thệ.

Chỉ sau khi Ủy ban đúc kết bản án một cách thuận lợi, một yêu cầu sẽ được gửi lên Bộ Phong Thánh. Sau khi hòan tất cứu xét mọi chi tiết, Bộ sẽ thỉnh nguyện lên Đức Giáo Hòang để xin công bố ngài là một bậc "Đáng Kính" (Venerable).

Sau đó người ta có thể phân phối các văn bản yêu cầu mọi người cầu nguyện nhờ danh ngài và báo cáo phép lạ.

Khi một phép lạ được công nhận, ban 'Vận Động' có thể thỉnh nguyện để ngài được nâng lên hàng 'Chân Phước'. (Beatification)

Phép lạ thứ hai sẽ là cớ để thỉnh nguyện nâng ngài lên bậc 'Hiển Thánh'. (Canonization)

Tuy chỉ cần có 2 phép lạ để phong Thánh, nhưng trên thực tế, đã có hàng ngàn phép lạ xảy ra tại Boys Town. Mỗi một đứa trẻ 'bụi đời bất trị' trở về lại với xã hội và trở thành một công dân có ích thì là một phép lạ vĩ đại rồi.

Những phép lạ đó có được là nhờ ở một người yếu đuối nghèo khổ và tha hương, đã nhận được cơ hội sống lần thứ hai, thứ ba, thứ bốn và hơn nữa, nhờ vào tình thương bao la của gia đình, cho nên người đó đã kiên trì giúp cho những đứa trẻ bất hạnh cũng có được một 'tình thương gia đình' như mình đã có để lập lại cuộc đời.

Một thời thơ ấu èo uột.

Edward dứng giữa hàng đầu
Edward J. Flanagan sinh ngày 13 tháng 7 năm 1886, là đứa con thứ 8 của một gia đình 11 con, cha là ông John Flanagan và mẹ là bà Nora. Gia đình ông bà John rất nghèo, sống lao động vất vả, cả nhà chui rúc trong một căn nhà nhỏ ở xóm Leaberg, thôn Roscommon, làng Ballymoe, nước Ái Nhĩ Lan.

Đứa bé Edward đã sinh ra thiếu tháng, mọi người tin rằng nó sẽ chết yểu 'ngày một ngày hai' mà thôi. Thời đó y học chưa tiến, mà ở một nơi thôn giã thì nào có phương tiện y khoa nào, cho nên ông nội của nó là cụ Patrick đã chữa bằng mẹo, ông ta ôm đứa bé tái xanh, khóc không thành tiếng, vào lòng, lấy khăn quấn cả hai ông cháu vào với nhau và ngồi bên bếp lửa đọc kinh, nhiều giờ nhiều lần. Như vậy, trong những giờ đầu tiên của cuộc đời, nhờ lời cầu nguyện, nhờ hơi ấm tình người, nó đã sống.

Những kỷ niệm gia đình đó đã khai sáng ra một lý tưởng giáo dục kéo dài trọn cả một cuộc đời, cha Flanagan nhắc lại thời thơ ấu như sau :
"Gia đình tôi là lọai rất 'xưa', chủ yếu xoay quanh sự quây quần bên lò sưởi, xoay quanh việc đọc kinh và sống tình ruột thịt gắn bó. Tôi tin rằng đó cũng là mẫu mực của một gia đình lý tưởng. Cha tôi thường kể lại những câu chuyện hấp dẫn cho những bộ óc non trẻ như tôi, đó là những câu chuyện phiêu lưu, hay là những chuyện tranh đấu giành độc lập của dân tộc Ái Nhĩ Lan. Nhờ ở bố mà tôi tìm ra cái khoa học làm người và thấm nhuần gương mẫu các thánh, các học giả và các anh hùng dân tộc. Cũng nhờ nhìn vào gương sống của bố tôi mà tôi học được cái qui tắc căn bản của cuộc đời mà thánh Benedict đã truyền dạy, đó là 'Cầu Nguyện và Làm Việc.'"

Là người con yếu ớt nhất trong nhà, sống lê lất và thường xuyên đau bệnh cho nên Edward chỉ được lãnh có một nhiệm vụ là lo cho đàn cừu khỏi đi gần đến cái rãnh sâu cạnh khu đất. Cũng nhờ có công việc nhẹ nhàng như vậy mà Edward có nhiều giờ để suy nghĩ, học hỏi, đọc sách và cầu nguyện. Trong một bức thư ngày 26 tháng 4 năm 1942 cho một người bạn, cha Flanagan tâm sự: "...Anh có biết rằng tôi đã từng là một 'mục tử' biết lo cho đàn bò và đàn cừu không? Đó là một công việc dành cho những đứa bé yếu ớt không làm được việc gì khác hơn, vả lại tôi cũng không thông minh gì hơn ai. Sau này tôi được gửi đi học linh mục, vì cũng một lẽ mà tôi đã nói, là chẳng làm được việc gì khác hơn cả; do đó kinh nghiệm thời thơ ấu làm 'mục tử' của tôi thì bất ngờ lại thích hợp cho công việc của tôi sau này."

Sống trong cảnh nghèo không chỉ làm cho Edward đồng hóa mình với những người bị bỏ rơi ngòai xã hội, cảnh ngộ đó cũng nung nấu cho em một ý chí là phải tìm mọi cách để giúp họ thóat khỏi cái cảnh khổ này, em đã nghiền ngẫm mọi lọai sách vở trong tầm tay: sách truyện, sách xã hội, sách giáo khoa, sách giáo lý và khoa học. Em đã đọc Charles Dickens từ lúc mới 12 tuổi và cũng nhờ ở các truyện của tác giả này mà em bắt đầu thấu hiểu cái ý nghĩa sâu xa thế nào là sống cảnh nghèo và vô gia cư.

Gia đình Flanagan là một gia đình ngoan đạo thích đọc kinh lần hạt Mân Côi. Những khi Edward đi lùa đàn cừu với cha, ông bố thuờng dậy lấy chuỗi ra lần hạt, dù là dưới những cơn mưa. Sau này, có những lần không thấy Edward về nhà, cả nhà đi tìm thì thấy em đang lần chuỗi quên về, lâu ngày thành ra một cái lệ, nghĩa là mỗi khi không thấy em đâu thì người ta lại tới ngay cùng một chỗ, và cũng sẽ thấy em đang say sưa lần chuỗi như thế.

(Kỳ sau: Cuộc Di cư lầm than và con đường tận hiến gian nan)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phòng Khám Thánh Tâm Giáo Xứ Tân Định: Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Nguyễn Xuân
11:09 28/02/2012
Phòng Khám Thánh Tâm Giáo Xứ Tân Định : Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Được sự khuyến khích và cho phép của linh mục chánh xứ Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, vào lúc 17g30 ngày 27/02/2012, linh mục bác sĩ Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc, Giám đốc điều hành Phòng Khám Đa khoa Thánh Tâm Tân Định đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho giới y tế, tất cả những nhân viên bác ái xã hội, phụ trách việc chăm sóc bệnh nhân. Cách riêng, đây cũng là dịp cầu nguyện cho các nhân viên phòng khám Thánh Tâm Tân Định- Công giáo cũng như không Công giáo- còn đang phục vụ cũng như đã qua đời.

Xem hình

Cùng dâng thánh lễ, có linh mục y sĩ phụ trách Chi hội Chữ thập đỏ Nagia, Hilariô Hoàng Đình Thiều, linh mục Đồng hành Caritas, Vinh Sơn F. Vũ Ngọc Đồng, linh mục Đồng hành Đối thoại Liên Tôn, FX Bảo Lộc, linh mục phụ trách Caritas, FX Nguyễn Phước Chân Lý, linh mục phụ tá giáo xứ Tân Định, Gioakim Nguyễn Thành Tựu. Về phía khách mời có Đại diện các Tôn giáo bạn, Hội Thánh Cao Đài, Hội Thánh Minh Lý Đạo – Tam Tông Miếu, bác sĩ Dũng đại diện giới y tế công giáo, y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, các điều dưỡng, các nhân viên tại các Bệnh viên, các Mái ấm và các Trung tâm Y tế công giáo.

Đầu thánh lễ, cha Hilariô chia sẻ sự cảm thông của mình với những anh chị em bệnh nhân. Thiên Chúa là Cha Từ ái đã không để cho con cái mình phải khổ hay thiếu thốn điều gì. Chính do những sai lầm của con người, đã khiến cho con người, ngay cả các thai nhi, các trẻ sơ sinh cũng phải khổ vì những căn bệnh quái ác. May thay, nhờ vào tinh thần dấn thân phục vụ của những người áo trắng đã làm vơi bớt những đau thương. Trong tinh thần Mùa Chay, cha mời gọi mọi người hãy dâng những hy sinh hàng ngày trong đời, như của lễ dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, nhất là về mặt Y tế và Môi trường, để con người bớt khổ đau.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng của thánh lễ hôm nay, từ câu “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 35,40), cha Phêrô Giuse Trúc mời gọi mọi người hãy đáp lại đòi hỏi thật đơn giản này của Chúa, hãy sống bác ái với anh chị em, chính là bác ái với Chúa vậy. Và những nhân viên y tế, trước tiên hãy tự rèn luyện các y đức công giáo, là điều kiện cơ bản. Kế đến bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và thực hiện trách nhiệm cách nghiêm túc vì một sơ hở của bản thân có thể gây hại cho bệnh nhân. Đòi hỏi cuối cùng là anh chị em hãy có tình huynh đệ bác ái, đoàn kết tương trợ nhau. Một chuyên gia dù tài giỏi mấy cũng không thể đơn phương hoàn tất công tác khám chữa bệnh , cần có sự hợp tác của nhiều khoa. Và đừng quên rằng ngay cả một nhân viên y tế tầm thường cũng có thể góp phần nhỏ bé của mình trong việc chung.

Cha đọc lại tâm tình của Chị Điều dưỡng Elisabeth Lưu Kim Hạp, ước ao được ở mãi trong ngành Y, được hiến thân và cho đi tất cả để sẳn sàng hy sinh âm thầm phục vụ nâng đỡ anh chị em trong cuộc chiến đấu vì sự sống.

Đó cũng là tâm tình của tất cả chúng ta, những người có tấm lòng hy sinh bác ái không thuộc riêng một tôn giáo hay tổ chức nào. Như Đại diện phòng Khám từ thiện Tam Tông Miếu chia sẻ “Tham gia việc xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần mang tình thương và Lẽ Thật, đức tin và niềm hy vọng cho những anh chị em yếu đuối bịnh hoạn là thực hiện nhiệm vụ do Đấng Thượng Đế tối cao đã trao ban cho chúng ta”

Trong tâm tình đó thánh lễ tiếp tục thật sốt sắng , mọi người cầu xin cho mình được biến đổi, được mặc lấy tâm tình của Chúa để có thể xoa dịu bớt nỗi đau của những người bất hạnh.

Đặc biệt, Ngày Thầy thuốc năm nay diễn ra vào dịp Gíao xứ Tân định cử hành Năm thánh kỷ niệm 150 năm thành lập, nên cuối thánh lễ linh mục chánh xứ Gioan Baotixita Võ Văn Ánh đã xin cho mọi người tham dự thánh lễ được lãnh nhận Phép lành Toàn xá khi đã giữ những điều kiện đã qui định.

Sau phần hiệp lễ, chị Đinh Thị Miên, Chủ tịch hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Định gửi đến toàn thể nhân viên lời chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam đồng thời chị trân trọng cám ơn anh chị em đã hỗ trợ với giáo xứ trong công tác từ thiện, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân trong những năm qua. Chị ước mong “ Với châm ngôn lương y như từ mẫu” các nhân viên phòng khám sẽ niềm nở đón tiếp các bệnh nhân nhất là các bênh nhân nghèo, yêu thương và giúp đỡ họ như lòng Chúa mong ước. Và đó cũng là ước nguyện của anh chị em giáo dân trong giáo xứ.

Đai diện giới y tế công giáo, bác sĩ Dũng chia sẻ về những khó khăn trong ngành y tế cũng như tình trạng quá tải của các cơ sở khám bệnh hiện nay. Bác sĩ cũng ước mong những bệnh nhân về mặt tinh thần cũng biết nhanh chân chạy đến với Chúa Đấng Chữa Lành đế được chữa lành phần hồn và xác.

Sau khi chụp hình lưu niệm, mọi người chia sẻ bữa cơm Agape trong tình thân.

Ước mong các thiên thần áo trắng này luôn là cánh tay nối dài, là những đôi chân, là những quả tim của Thiên Chúa, đem tình thương xoa dịu nỗi đau trần thế bằng chính nhiệt tình hy sinh và hiểu biết của mình

Đôi nét về Phòng Khám Thánh Tâm Tân Định

Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm được thành lập hơn sáu năm qua, là phòng khám Đông và Tây Y - xuất thân từ phòng chẩn trị Đông y do linh mục y sĩ GB Trần Văn Nhủ phụ trách . Phòng khám hoạt động nhờ quỹ đóng góp chung của giáo xứ, của các ân nhân xa gần và đặc biêt của Hội Đồng Giám mục Ý. Cuối năm 2011, Phòng Khám trang bị thêm xe Cứu thương, máy siêu âm 3D, máy Xquang, máy nội soi. Với trang thiết bị cao cấp phòng khám có thể tiếp nhận những bệnh nhân có khả năng đóng phí, đồng thời khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra Phòng Khám cũng tổ chức những chuyến đi khám bệnh cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa.

Khi đến thăm Phòng khám vào ngày 11/02/2012, Đức ông Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Y Tế, Jean Marie Mupendawatu đã khen ngợi những việc làm của giới y tế công giáo cũng như của riêng phòng khám “Các bạn đã có thể rao giảng những điều các bạn muốn rao giảng không phải bằng lời nói suông mà bằng những công việc bác ái từ thiện của mình”.

Mừng ngày Lễ Thầy Thuốc, Bác sĩ HUỲNH CÔNG TRIỆU - Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Quận 3 đến thăm, tặng quà và chúc mừng Phòng khám Thánh Tâm Tân Định .

Phòng khám cũng hân hạnh đón tiếp các vị cán bộ lãnh đạo của phường như chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Công an, Phó Chủ tịch UBMTTQ phường 8, quận 3. Tiếp đoàn có Anh Vũ Văn Phách - Phó Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ GX Tân Định, Lm Bs.Hà Thiên Trúc - Giám đốc Điều hành Phòng khám Thánh Tâm Tân Định, Anh Nguyễn Hoài Lộc - Giám đốc Hành chánh - Nhân sự

Các vị bày tỏ sự trân trọng biết ơn của mình đối với các công tác từ thiện mà giáo xứ đã thực hiện. Điều này nói lên sự hợp tác và quan tâm của chính quyền vể những việc làm có ích cho nhân dân. Thế giới này luôn cần đến sự chăm sóc về vật chất cũng như tinh thần của tất cả những tấm lòng nhân ái biết chia sẻ không phân biệt Tôn giáo cũng như tổ chức, cá nhân nào. Giáo xứ Tân Định đã góp phần của mình trong việc bác ái từ thiện thiết thực như Bữa cơm trưa cho người nghèo và Phòng Khám.

Nguyễn Xuân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đường một chiều
Bảo Giang
08:24 28/02/2012
“Cộng sản không thể nào sửa chửa, mà cần phải đào thải nó” Boris Yelsin.

Cuộc nổ súng, bắn thẳng vào những tên côn đồ ác ôn, ẩn nấp dưới danh nghĩa công quyền, công an, rồi quân đội nhân dân ở đầm tôm Tiên Lãng, Hải Phòng, do anh em Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy thực hiện vào ngày 05-01-2012 không phải chỉ để lại những dấu ấn. Trái lại, sẽ được coi là mốc điểm, hoặc đi vào lịch sử của một cuộc tranh đấu từ nhân dân chống bạo quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền sống, bảo vệ quyền làm người bằng những chứng từ, chứng tích đậm nét, không thể nào phai nhòa với thời gian và không gian. Bởi vì, nó đã:

1. Phá bỏ sự sợ hãi.
2. Cứu chính mình và đồng loại.
3. Mở ra một hướng đi tích cực cho xã hội.

1. Phá bỏ sự sợ hãi.

Có một sự kiện nghịch lý, nếu như không muốn nói là vô lý là: Một khối lượng lớn dân số, có sức mạnh được ví như rồng, như bể với hơn 80 triệu con người, chiếm tỷ lệ trên 90% dân số, với đầy đủ những khối óc linh mẫn, năng lực dồi dào, ý chí mạnh mẽ, góp mặt ở trong tất cả mọi hệ thống sinh hoạt trong xã hội, hiện diện trên khắp mọi phần đất của đất nước. Cộng chung với một khối lượng có hơn 3 triệu người ở hải ngoại, có đầy đũ mọi phương tiện vật chất, tinh thần, nhưng đã không được coi là trọng, là có khả năng “ tạo nên lịch sử”. Trái lại, bị xem là thứ đồ chơi, hay run rẩy chờ chết?

Thật vậy, nếu đem tổng hợp lại, sức mạnh ấy không phải chỉ được ví như rồng giữa bể khơi, như hổ báo trong chốn sơn lâm. Nhưng còn là khả năng dời núi lấp sông. Đó chính là sức mạnh mà chính cha ông chúng ta đã từng làm trong suốt chiều dài của lịch sử hơn bốn ngàn năm qua. Bỗng nhiên, từ một ngày có tai họa, chẳng ai bảo ai, cả một khối lượng lớn lao ấy, tự biến mình thành những sinh vật không còn lấy một chút sinh lực. Đứng co người, ngồi run rẩy trước họ nhà chuột (đồng chí), bao gồm đủ các loại chuột đồng, chuột cống, chuột hôi, chuột nhắt, chuột chũi... mà dân số của nó không qúa 4 triệu, vảo khoảng từ 5 đến 7 % dân số. Tệ hơn thế, giòng họ này còn qùy gồi khom lưng tôn thờ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, rồi buộc tất cã khối người đông đảo kia phải tùng phục theo cái lý lẽ đần độn ấy. ! Tại sao lại có chuyện nghịch lý như thế?

Nếu xét vế số phận của từng loài, lũ chuột kia chỉ cần nghe thấy tiếng kêu meo meo của một con mèo con thì nó đã không còn là bản sắc của chính con chuột. Nghĩa là, chúng sẽ tự co rúm ngưòi lại và chờ chết trước những cái vờn vẽ của một con mèo con, cần chi đến móng vuốt của con mèo mẹ! Ấy thế, mà nay là chuyện ngược đời. Từ 3-2-1930 đến nay, Rồng tự giam mình vào trong bể... cạn. Hổ, báo... thì đi tìm cũi sắt, nên chỉ nhác thấy bóng của con chuột nhắt là mất cả thần hồn lẫn thần tính! Nếu xét về thời gian thì trước kia (1989) còn có một chút lý lẽ để biện hộ. Nhưng từ sau ngày khối cộng ở Liên sô, Đông Âu đã sụp đổ, những con rồng, con hổ kia đã không thể cùng vươn vai đứng đậy. Trái lại, vẫn nằm run rẩy, chờ sung rụng. Tệ hơn, có khi còn phải qùy, bái, van lạy lũ chuột kia nữa mới là cái chuyện nghịch đời đáng nói. Tại sao lại như thế nhỉ?

Sợ vì di truyền chăng?

Sợ cái bạo tàn, sợ cộng sản thì ai mà không sợ. Bởi vì từ cha truyền lại cho con nghe cái dã man, vô đạo của Hồ chí Minh và Cộng phỉ qua những cuộc giết người dân Việt trong suốt chiều dài 80 năm kể từ khi chúng hiện diện trên mảnh đất Việt Nam đến nay. Nên có ai lại không nghe đến những chuyện Việt Minh đêm đêm đến gõ cửa từng nhà, dẫn gia chủ ra đi và hôm sau người dân bắt gặp cái đầu của nạn nhân “đứng” ở các ngã ba đường làng, cùng với tấm bảng và nét chữ gây tội ác của Hồ chí Minh còn để lại. Trong số những ngưòi bị thủ tiêu này có những Khái Hưng, Phạm Qùynh. Ngô đình Khôi.. . Đức Hùynh phú Sổ, cha chính Vinh... và nhiều đạo hữu của ông cũng như hàng trăm ngàn người dân Việt Nam khác. Rồi có ai lại không nghe biết đến những cuộc hành quyết tàn bạo của Hồ chí Minh, Trường Chinh trong thời đấu tố 1954-56, đối với nông dân Việt Nam, một thành phần dân tộc chân chính đã từng nuôi sống chúng trong thời chiến tranh, hay trong lúc chúng còn nằm trong bờ lau, trong bụi cỏ vào những năm từ 1930-1954.

Rồi đến chuyện chúng phá làng, đốt xóm thôn, phá đường, gài mìn giết hại đồng bào trên những tuyến đường di chuyển ở trong nam. Có ai lại không nghe đến chuyện Việt cộng pháo kích vào trường học Cai Lậy, giết chết hơn một trăm em học sinh tiểu học. Và có ai lại không nghe biết đến chuyện những hung thần mang tên Xuân, Tường, Phan... theo lệnh của Hồ chí Minh đã giết hại hơn ba ngàn đồng bào ta tại Huế vào tết Mậu Thân...

Hỏi có ai không nghe biết đến chuyện các sỹ quan và công chức Việt Nam sau cuộc chiến bị thổ phỉ cộng sản giết hại trong các trại tập trung, trong những cuộc đào thoát khỏi thiên đàng cộng sản. Và có ai không nghe biết đến những chuyện đồng bào bỏ nhà cửa, bỏ tài sản lại sau lưng mà trốn chạy bạo tàn từ Quảng Trị, Huế, Pleiku, Kon Tum, Ban mê Thuột, Đà Nẵng... đã trở thành những mốc điểm trực xạ cho Việt cộng tập bắn bằng súng tay, đại pháo của Nga, Tàu... Hỏi xem có bao nhiêu ngưòi đã gục xuống vì cái độc ác của chúng?

Nếu chúng ta và con cái chúng ta sợ hãi Việt cộng từ những sự kiện ấy là chuyện thường tình. Nếu có ai bảo là không sợ Việt cộng thì kẻ ấy là ngưòi nói dối, ngay cả các đoàn đảng viên Việt cộng cũng không có ngoại lệ! Người còn ở trong nước không nói làm chi, kẻ ở hải ngoại là bất thường! Bất thường là vì đã ở ngoài sông, ngoài biển, còn tình nguyện, xin được lao vào cái rọ sợ hãi cho có bạn! Thế là ta tự nuôi sống chúng để được tiếp tục sợ hãi. Bởi lẽ, nếu không có hàng tỷ, tỷ đô la từ hải ngoại, là máu, là mồ hôi nước mắt của những ngưòi vì sợ hãi cộng sản đã bỏ nước ra đi, gởi về Việt Nam thì Việt cộng đã chết từ lâu rồi, làm gì còn hung hăng đến hôm nay? Thế là ta tự giết ta. Ta giúp ta sợ hãi. Ta tự cắt lòng ta cho chảy máu! Còn kêu, trách ai kia sợ hãi làm sao được?

Sợ vì bị nhồi sọ.

Rối hơn 50 năm qua ở miền bắc, và gần 40 năm ở miền nam kể từ ngày 30-4-1975 đến nay, tất cả mọi trẻ thơ của Việt Nam đã được giáo dục bằng một nền văn hóa thiếu văn hóa, vô đạo đức và đầy phi nhân tính của cộng sản. Khi mới tập nói thì tiếng đầu đời “gọi sit ta lin” thay vì gọi cha gọi mẹ. Khi vào truờng chưa biết ất giáp gì đã được học những bài học đáng ghê tởm: Nào là nhờ có đảng dân ta mới có được Độc Lập, Tự Do. Nhờ ơn bác dân ta mới có cơm ăn áo mặc và các em mới được đi học, thành người. Rồi nhờ có đảng, ngọn đuốc của thế kỷ soi đường, dẫn dắt mà ta đi một mạch ” hêt thắng lợi này đến thắng lợi khác” giết địch như chẻ tre. Hai đế quốc đầu xỏ, con xen đầm của thế giới là bọn thực dân Pháp và Mỹ ngụy phải chắp tay xin hàng. Và nhờ tài lãnh đạo của bác, của đảng mà ta có bạn bè khắp năm châu bốn bể. Hơn thế, họ còn coi ta như ngọn đuốc soi đường để vùng lên giành độc lập. Như thế, đời đời các em phải nhớ ơn bác, nhớ ơn đảng. Vì không có đảng, không có bác là không có ta, không cả chữ cho ta học! Không có cơm ăn, không có áo mặc. Nên khi lớn lên, ta phải noi gương bác, học tập theo bác. Trai thì làm anh hùng Lê văn Tám. Gái thì như Võ thị Sáu ngoan cường! Nghe thật là kinh hãi, toát mồ hôi.

Từ đó, trẻ thơ khi vào nhà trường, không được học những bài học luân lý, nhân bản, để nhận thức được cái bất nhân bất nghĩa của Hồ chí Minh trong vụ việc giết Nông thị Xuân, bà Nguyễn thị Năm và hàng trăm ngàn đồng bào khác trong mủa đấu tố. Không được học về lịch sử và địa lý của đất nước mình để biết bờ cõi Việt Nam là từ đâu, ở đâu. Cũng chẳng biết được cái tinh thần bất khuất của cha ông ta từ những thời Lý, Lê,Trần, đến những bà Trưng bà Triêu ra sao. Nhưng được nhồi sọ đầy đủ về cái tình “ răng hở môi lạnh” với cái bảng 16 chữ vàng mã mà Tàu cộng đã ban cho những thành phần nô lệ cho chúng.

Rồi thêm vào những bài học ấy là lớp cán cộng được cài cắm vào học đường để rình rập và gieo vào lòng tuổi thơ sự sợ hãi bằng đủ mọi phương cách, trong đó có cả việc tạo ra phân biệt vì lý do Tôn Giáo. Rồi buộc tuổi thơ đi vào trong lề thói giáo dục đầy gian dối, phản nhân tính. Nếu khi chợt biết mình sai qua tiếng nói của gia đình, của tôn giáo thì lại lấy gian dối mà che đạy. Đây chính là một tai họa lớn cho xã hội. Bởi vì, sự gian dối không làm cho con người trường thành. Trái lại càng lúc càng chìm sâu vào trong sợ hãi. Nhưng còn tệ hại hơn cả sự sợ hãi ấy là: lớp trẻ ầy sau 20 năm 30 năm hoặc 50 năm, nay đã là những thành phần nòng cốt của xã hội và nó có thể chiếm tới 60% dân số! Một con số qúa lớn đã không thoát vòng sợ hãi

Sợ vì chia rẽ.

Từ bước dùng bạo lực, cộng sản đã thành công tạo ra sự sợ hãi cho con ngưòi. Chúng dồn con người vào sự cô đơn hay là tự chia rẽ. Cộng sản đã tạo ra sự chia rẽ ngay từ cách sống, cách suy nghĩ trong từng gia đình, rồi bước vào học đường và vào trong sinh hoạt của các tổ chức trong xã hội. Trăm người muôn ý, không thể hiệp nhất và tin nhau được lấy một vài điều gì. Vì bị đẩy vào môi trường gian dối và lừa đảo của cộng sản, có một thực tế là, cá nhân này chẳng dám tin cá nhân kia, dù cả hai cùng rất thành tâm trong khát vọng tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ của đất nước. Rồi tổ chức này không tin tổ chức khác. Ấy là chưa nói đến việc đề phòng nhau, hoặc gỉa “ lên gối” nhau. Kêt qủa, có khi chả có thằng ma bùn Việt cộng nào được gài vào tổ chức, nhất là những tổ chức ở hải ngoại, nhưng người ta cứ vẫn nghi kỵ lẫn nhau và không tin nhau. Đau đớn thay, ngay trong sinh hoạt của tôn giáo cũng đã có những dấu hiệu của nghi kỵ. Như thế là ta giúp nhau để cùng sợ Việt cộng, thay vì giúp nhau phá bỏ sự sợ hải. Bời vì, càng không tin nhau thì sự đề phòng về nhau càng lớn và càng tạo ra sự sợ hãi cho nhau.

Nhưng ngày 05-01-2012, hai anh em Đoàn văn Qúy, Đoàn văn Vươn đã phá tan sự sợ hãi và đồng lòng nổ súng vào những gian dối, cường quyền. Họ đã can đảm đứng dậy phá vỡ sự sợ hãi và gian dối đã bao phủ họ từ lúc được sinh ra. Họ không còn tin những bài học có đảng mới có ta. Có bác, dân ta mới có ăn, có mặc! Họ đã vưon lên trên đỉnh cao của cuộc sống là lấy niềm tin và nhân bản để phá vỡ sự sợ hãi, để bảo vệ chính quyền sống và quyền làm ngừời của mình. Kết qủa, họ không mất và xã hội cũng sẽ được hưởng lây lòng can trường của họ. Chúng ta thì sao? Liệu có dám phá vỡ sự sợ hãi cộng sản từ trong suy nghĩ và hành động của mình hay không? Nếu đã, ngày tàn của cộng sản chỉ là trong sớm tối. Nếu không, cứ tiếp tục giúp nhau sống trong sợ hãi và làm nô lệ cho chúng.

2. Cứu chính mình và đồng loại.

Nếu Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy không nổ sứng vào đám cường quyền gian dối giả danh nghĩa công quyền, công an, bộ đội nhân dân kia, tương lai của họ ra sao? Tôi cho rằng mọi ngưòi đã có sẵn câu trả lời chính xác là: Cả cái khu đầm tôm là mồ hôi, nước mắt và công sức của gia đình họ tạo ra trong hơn mười năm qua sẽ là một món qùa biếu qúa hời chui vào túi những kẻ cường quyền gian trá tại địa phương. Phần bản thân họ, bị tước đoạt hết phần tài sản và còn có cơ may đeo vào cổ cái bảng dân oan và kéo lê tấm thân đi hết nơi này đến nơi khác mà kêu oan như hàng chục ngàn gia đình nạn nhân khác đã làm. Và cái kết qủa sẽ chẳng bao giờ được giải oan. Và phần tài sản kia sẽ chẳng trở về với Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy.

Nhưng nay, Đoàn văn Vươn đã nổ súng. Trước mắt, nó tạo nên một tiếng vang qúa lớn, lớn đến độ chính những cán cộng không ngờ tới. Theo đó, việc chiếm đoạt đầm tôm Tiên Lãng để chia nhau thật không dễ dàng gì. Nói cách khác, anh có thể bị quy án, bỏ tù vì đã nổ súng làm bị thương 6 người vì tội phá miếng ăn của chúng. Nhưng sẽ không thể là những bản án một chiều, viết sẵn và cán cộng cũng không thể nuốt trôi tài sàn của gia đình anh. Nghĩa là anh bị đi tù thì kẻ khác cũng bỏ ăn! Như thế, việc nổ súng ấy không phải chỉ cứu chính anh và gia đình anh, nhưng còn cứu giúp đồng loại vì đã diệt trừ bớt sâu bọ. Hơn thế, nó có khả năng tạo ra tiền lệ lớn cho nhân dân noi theo mà bảo vệ lấy quyền sống và quyền tư hữu của mình. Một khi những người bị cưỡng chế cũng có thái độ mạnh dạn như anh, cái nhà nước Việt cộng khó mà đứng vững.

3. Mở ra một con đường.

Người ta thường nói: Tự Do, Nhân Quyền, không tự nhiên mà có. Nó có được là do đấu tranh. Cũng thế, tải sản vật chất của con ngưòi không tự nhiên mà có, nhưng có là do sự cần cù trong lao động và trí tuệ của người tạo ra.

Nói thì như thế, nhưng xem ra cái lý lẽ này hhông phù hợp với suy nghĩ và giác quan của cán cộng. Bởi vì, thật khó để chứng minh, cho thấy có một thứ tài sản nào của những cán cộng đang sở hữu mà lại do mồ hôi và công sức của họ tạo ra. Có chăng là do những thủ thuật chiếm đoạt, từ tham nhũng, hối mại quyền thế hoặc là từ những mỹ từ “quy hoạch” “cưỡng chế”, “giải phóng mặt bằng” trong đó bao gồm toàn bộ là tài sản lâu đời của ngưòi dân hay của của đất nước chui vào tay họ mà thôi. Nói trắng ra rằng, chẳng có mấy nguời tin từ gia phả của Lê Khả Phiêu, lại có được cái trống đồng Ngọc Lũ truyền đời để làm của riêng ở trong nhà. (nếu có thì xin cho xem chứng minh nguồn gốc). Chóp bu đã là trộm cưóp của công như thế thì địa phương có bài toán nào khác hay không? Theo đó, chuyện ở đầm tôm với tiếng súng của Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy chỉ là một bước không may cho những kẻ cường quyền gian trá tại địa phương mà thôi.

Bảo là chuyện không may cho cán cộng địa phương Tiên Lãng, Hải Phòng là vì: Cuộc chiến đấu can trường của quân dân Việt Nam để bảo vệ nền Độc Lập của tổ quốc và cuộc sống Tự Do, Dân Chủ của đồng bào trong hai mươi năm 1954-1975, sau muôn ngàn trắc trở, thiếu thốn, kể cả phản bội đã sụp đổ vào ngày 30-4-1975. Cuộc sụp đổ này đã đẩy toàn thể dân tộc Việt Nam, ở cả hai miền Bắc Nam, vào cuộc sống đầy bất hạnh dưới gọng kìm cộng sản do Hồ chí Minh lãnh đạo, nhưng là cái may qúa lớn cho hàng ngũ cán cộng.

Từ đó, ngưòi Việt Nam không phải chỉ gánh chịu một cuộc sống cơ cực về phần vật chất như những kẻ nô lệ cho chủ nghĩa bạo tàn gian dối, nhưng còn bị áp bức đày doạ trong đời sống của tinh thần nữa. Mặt xã hội, Việt cộng đã tàn phá và hủy diệt hầu như toàn bộ nền văn hóa nhân bản cổ truyền của Việt Nam qua các vụ phá đình, chùa, đập bỏ miếu thờ. Phá nhà thờ, chiếm hữu những nơi thờ phượng của đồng bào, của dân gian làm của riêng. Rồi hủy diệt nền văn hóa Nhân Lễ Nghĩa Tín Trung của dân tộc bằng những cuộc tàn xát tình người, giết chết tình đồng bào, nghĩa xóm thôn, tình họ hàng, thân tộc, tôn giáo trong những cuộc đấu tố... Chính cuộc tàn phá nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt mới là nỗi đau đớn, là thảm họa lâu dài cho đất nước.

Khi đứng trước tai họa qúa lớn của dân tộc, người Việt Nam vốn can trường, bất khuất trước những nghịch cảnh của quê hương bỗng trở nên như bầy chiên ngoan hiền trước những nanh vuốt của loài sói lang đang rình rập chung quanh mình. Họ tự mặc cho mình một thái độ thụ động, hơn là bạc nhược, để chịu đựng. Mong chờ sung rụng hơn là một cuộc trở mình. Họ ngồi chờ bằng trăm nghìn những than thở, lý lẽ khác nhau. Trong đó có cả việc tự đánh lừa mình bằng cái ý nghĩ: Chờ chúng tự giết nhau, còn ta không thể! Sự việc này đã tạo nên một nỗi cô đơn ghê gớm cho những người bước vào trường đấu tranh với bạo tàn. Mặc, họ cứ vẫn sợ, vẫn nuôi và giúp chính mình tiếp tục sợ hãi cộng sản.

Việc ngồi chờ sung rụng khéo mà sai. Lý lẽ cho rằng chúng ta không thể khéo mà chỉ để dối mình. Bởi vì, ngày 05-01-2012, phát súng bảo vệ quyền sống, bảo vệ Công Lý của Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy đã vang dội từ Tiên Lãnh, Hải Phòng. Tuy chưa thể tiêu diệt được họ nhà chuột, nhưng chúng đã run sợ và co cụm lại và đang cắn xé, tiêu diệt nhau. Điều ấy cho thấy rằng, cộng sản không phải là một cái thế lực đáng sợ và không thể bị phá vỡ như chúng ta từng ru ngủ và lừa nhau.

Nói cách khác, cuộc nổ súng nhắm vào bọn cường quyền gian dối, đạo tặc tại Tiên Lãng, Hải Phòng của Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Qúy đã đường hoàng mở ra một hướng đi cho người dân Việt Nam thấy là: Nếu chúng ta, mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, kể cả anh em trong quân đội và công an nhân dân, dám phá bỏ sợ hãi, dám hiên ngang cứu chính mình và gia đình mình, trong những điều kiện sẵn có như anh Vươn, anh Qúy, thì sau đêm dài tăm tối này, sáng mai khi nắng lên, tập đoàn Việt cộng gian dối đã có chung một nấm mồ. Sự gian trá, bạo tàn, vô đạo của nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn trở lại trên quê hương Việt Nam. Và đất nước ta sẽ bước sang một trang sử mới. Trang sử của Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, và Công Lý. Ở đó, những quyền căn bản của người dân được luật pháp công bố và bảo vệ.
 
Ðảng CSVN kêu gọi tự ‘chỉnh đốn’ để tồn tại
Người Việt
08:23 28/02/2012
HÀ NỘI (NV) - Ðảng Cộng Sản Việt Nam hôm 27 tháng 2 đã khai mạc một hội nghị bất thường, quy tụ cán bộ đảng viên cao cấp từ trung ương tới địa phương và kéo dài trong 3 ngày với trọng tâm chỉnh đốn đảng.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết có 1,000 đại biểu từ các ủy viên Bộ Chính Trị xuống tới các ban, ngành ở địa phương nhằm “quán triệt nghị quyết Trung Ương 4.”

Bản nghị quyết của kỳ Hội Nghị Trung Ương Ðảng Cộng Sản kỳ 4 họp ở Hà Nội cuối năm ngoái đưa ra một số vấn đề cấp bách mà các đảng viên CSVN phải làm hầu giúp đảng tồn tại.

Nghị quyết kêu gọi đảng viên tự phê bình và phê bình để chỉnh đốn lại một hệ thống đảng đang bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” nên “phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Bản tin của văn phòng chính phủ Việt Nam nói rằng đây là hội nghị cán bộ lớn nhất từ trước đến nay được Bộ Chính Trị triệu tập.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vụ nổ mìn và bắn súng chống cưỡng chế của gia đinh ông Ðoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, gây rúng động dư luận trong ngoài nước. Và đây có thể sẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo trong hội nghị lần này về quyền sở hữu đất đai của người dân, đặc biệt là nông dân ở Việt Nam.

Nhà cầm quyền trung ương cũng phải lên tiếng xác nhận chính quyền huyện Tiên Lãng trái luật đã dẫn tới hành động chống cưỡng chế bằng võ khí, một chuyện chưa từng có từ trước đến nay.

Theo TTXVN tường thuật, Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, đọc diễn văn kêu gọi cuộc họp tập trung vấn đề chỉnh đốn đảng vào “3 vấn đề cấp bách.”

Ðó là “vấn đề thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Vấn đề thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vấn đề thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng.”

Cả ba vấn đề này không có gì mới. Nó đã được nói đi nói lại trong các kỳ đại hội nhưng tất cả vẫn chỉ là những lời hô hào suông. Bây giờ, ông Trọng đề nghị thêm, sau các đợt “phê bình, tự phê bình” thì có thêm chuyện “lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể.” Nếu hai năm bị đánh giá thấp hay không hoàn thành nhiệm vụ thì “cần được xem xét, cho thôi chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.”

Ngay từ đầu năm ngoái, khi vừa được “cơ cấu” vào ghế tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã hô hào “chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ.” Một năm qua, dưới sự lèo lái của ông, tham nhũng vẫn cứ tham nhũng, lạm phát thì vô cùng tồi tệ, nhân dân oán thán. Họa Bắc thuộc được nhiều người báo động vẫn ngày một thêm rõ hơn về tham vọng của Bắc triều.

Một năm sau khi ông lên làm tổng bí thư thì xảy ra vụ cưỡng chế trái luật tài sản của gia đình anh em Ðoàn Văn Vươn. Nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng với sự hậu thuận của thành phố Hải Phòng nhất quyết cướp trắng toàn bộ tài sản, công trình lấn biển của người dân bất chấp luật lệ thì bị phản ứng. Dư luận cả nước kịch liệt đả kích các hành xử của nhà cầm quyền địa phương.

Ðã có nhiều lời đòi hỏi trị tội các cấp chính quyền từ thành xuống tới xã, nhưng cho tới nay, người ta chỉ thấy có hai ông chánh, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị cách chức.

Một ngày trước khi có hội nghị toàn quốc, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả phiêu phát biểu trên báo điện tử VietnamNet rằng thực trạng cán bộ đảng viên “biến chất, thoái hóa” hiện nay “nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư.” Chỉ vì đảng không ngăn chặn “đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng thêm trần trọng.”

Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 26 tháng 12, 2011, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên đại sứ CSVN tại Bắc Kinh - mượn lời của Cố Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh nói về tình hình đảng CSVN hiện nay là “nhà dột từ nóc dột xuống nên khó mà chỉnh đốn lại được.” (TN)

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145165&zoneid=1)
 
Văn Hóa
Đêm Châu Báu Pascha
Lê Đình Bảng
10:39 28/02/2012
Đêm Châu Báu Pascha

Mau chân đến dưới vòm cây xanh lá
Để hò reo cùng sông núi, đại dương
Mau lên nào, vào đền thánh lễ hương
Rất châu báu, rất ngọc ngà, sốt mến

Này, đôi mắt em rưng rưng lời nguyện
Và miệng môi đương dìu dặt cầm ca
Đêm nguyệt rằm, đêm sáng rỡ sao sa
Đêm cực thánh suốt ba nghìn thế giới

Mà mây suối ở trong nhau một cõi
Xác hồn thơm thơm ngào ngạt trầm hương
Đêm hằng xuân, đêm kỳ diệu khôn lường
Đâu nước mắt, khăn sô ? Đâu đầu tang tóc rối?

Ơ nơi ấy, trần gian không chạm tới
Chỉ có đức tin vô lượng hải hà
Của Chúa Trời, của thần khí Ngôi Ba
Của mầu nhiệm Phục Sinh cao vời, khôn ví

Để nghe rõ lời thiên thu vạn kỷ
Để ngộ ra mình được phước yêu vì
Hơn bạc vàng, hơn ngọc quý lưu ly
Này tổ phụ tiên tri bên kia bờ Cựu Ước

Người có thấy cuối biên cương, bờ vực
Cả thiên binh vạn mã dựng cơ đồ
Con bò vàng ngất ngưởng trước ngai vua
Từ vương tước đến quyền uy, phẩm oản

Và diên yến với bồ dào hảo hạng
Tàn cuộc truy hoan, ân oán giang hồ
Cả trần gian, một gò đống xương khô
Đòi đoạn tang thương, gió tanh mưa máu

Sau nỗi chết còn lai gì lưu dấu
Chỉ thấy sinh ly, tử biệt, đoạ đày
Giọt lệ nào ai khóc mướn thương vay,
Ai đau xót, ai ngậm ngùi cay đắng?

Ta về đọc thi thiên trong lều vắng
Chờ trăng lên, gõ nhịp khải hoàn ca
Halleluia, Halleluia
Người đã sống lại như lời phán hứa

Gò Dầu, Phục Sinh 2012
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm /Thiền: Hoa Với Nắng Xuân
Đặng Đức Cương
22:26 28/02/2012
HOA VỚI NẮNG XUÂN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Mùa xuân tới nắng gieo trong vắt
Sợi an bình tô sắc hoa xinh
Tha hương nắng có trọn tình
Xa quê nắng có ủ mình trong xuân?
(Trích thơ của T.A.)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền