Ngày 27-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biến hình lung linh tình dâng hiến
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:55 27/02/2021
BIẾN HÌNH LUNG LINH TÌNH DÂNG HIẾN

Phúc Âm Chúa Nhật 2 Mùa Chay luôn kể chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi đẹp đẽ rạng ngời. Sự kiện Chúa biến hình khích lệ các môn đệ dấn bước theo Ngài trên đường thương khó, và cũng là câu trả lời cho thắc mắc: Theo Chúa cứ phải hy sinh hãm mình thì được gì? Được hưởng vinh quang phục sinh, được đẹp lung linh toàn diện.

Trong đời, để đẹp hơn, nhiều người quyết tâm thay đổi hình ảnh bản thân nhờ chỉnh sửa hành vi lối sống hay chỉnh sửa nhan sắc hình thể khiến mọi người xung quanh trầm trồ khen ngợi và bản thân họ vui hạnh phúc với sự lột xác hoàn toàn của mình.

Trong Đạo, để đẹp hơn, Chúa biến hình cũng mời gọi chúng ta “lột xác” về lối sống tin yêu của mình. Một đức tin như Ápraham hoàn toàn vâng phục tín thác chẳng tiếc hiến dâng con một của mình cho Chúa (Bài đọc 1). Một tình yêu của Thiên Chúa là Cha yêu thương đến độ chẳng tiếc trao ban chính Con Một Ngài cho chúng ta (Bài đọc 2). Đó chính là vẻ đẹp lung linh của tấm lòng quảng đại yêu thương cho đi hết, hiến dâng hết, chẳng tiếc gì, chẳng giữ lại gì cho bản thân mình.

Để đời mình được biến hình, được lột xác hoàn toàn đẹp hơn, chúng ta luôn phải vượt qua những hy sinh vất vả, phải vượt qua ranh giới của riêng bản thân mình để mở rộng ra với hạnh phúc của tha nhân, và vươn cao lên cùng Chúa, đỉnh cao của núi biến hình, của tình yêu dâng hiến cao hơn cả núi. Amen.

 
Câu Chuyện Trên Núi
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
13:28 27/02/2021
Câu Chuyện Trên Núi

(Chúa Nhật 2 MC năm B 2021)

Để diễn tả những thực tại thấp hèn, dơ bẩn, cổ lậu, suy đồi…, cả trong thể chất lẫn tinh thần, người ta hay dùng biểu tượng “bùn lầy nước đọng”; riêng trong lãnh vực chính trị thế giới, khi nhắc đến cựu Tổng Thống D. Trump, người ta liền nghĩ tới cụm từ “tát cạn đầm lầy”, một định hướng và chủ trương cơ bản của “nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 45 Hoa Kỳ” nhằm trong sạch hoá, chuẩn hoá môi trường chính trị ở Washington DC, vốn đã trở nên một “đầm lầy” tai tiếng, đầy dẫy các chính trị gia biến chất, đồi truỵ, tham nhũng… Thế nhưng, xem ra đây là một cuộc “tát cạn đầm lầy” dang dở nếu không nói là thất bại của ngài Tổng Thống; vì, có thể nói được, chính cái “đầm lầy cố cựu và đầy phức tạp ma mảnh” nầy đã “dập tơi tả” tổng thống Trump và cuối cùng, ông đã bứng khỏi toà Bạch Ốc trong cuộc đua đầy kịch tính từ hôm 4.11.2020 vừa qua !

Và người ta cũng thường cho rằng: đối nghịch với “bùn lầy nước đọng”, hay “đầm lầy dơ bẩn, xấu xa” ở tà tà mặt đất…, đó lại là “không gian trong sáng ở trên cao”: bầu trời xanh thẳm, đỉnh núi uy nghiêm…; và vì thế, cũng chẳng khó để nhận ra một hiện tượng gần như phổ quát: các chùa chiền, tu viện… thường được xây dựng nơi chốn thâm nghiêm, cách biệt với chốn “phồn hoa đô hội, bụi bặm ồn ào…” !

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Chay cũng tập chú vào “Câu chuyện trên núi”, một chủ đề tâm tinh gần như đã trở thành truyền thống của hành trình “40 ngày tôi luyện” Mùa Chay để người Kitô hữu chuẩn bị mừng đại lễ Phục sinh hay để anh chị em Dự tòng chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích Khai tâm Kitô giáo; và “nhân vật cũng như không gian trọng tâm” của “câu chuyện trên núi” được Lời Chúa tuyển chọn lựa để minh hoạ cho “sứ điệp phụng vụ” hôm nay chính là: “Cụ Tổ Abraham với đứa con trai một Isaac trên núi Moria”, nhân vật của Cựu ước và “Chúa Giêsu cùng các môn sinh trên núi cao”, nhân vật của Tân Ước.

“Câu chuyện trên núi” đã khởi đầu bằng một “tiếng gọi đầy bi kịch”: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Đây đâu phải là một cuộc “mổ xẻ dao kéo” bình thường, mà là một cuộc “sát tế”; đúng hơn, một “nỗi đau ngút ngàn” của hy sinh, một “đón nhận anh hùng” của thái độ vâng phục hoàn hảo, và một “niềm trông cậy vững chắc” của niềm tin sâu thẳm lớn lao ! Và Thiên Chúa đã “thành công” trong cuộc “thử thách” liều lĩnh nầy: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”.

Vì không thể “vượt qua” cái cuộc “thử lửa gan nan” nầy, nên đã có không ít “người cha”, không chấp nhận “mất con”, và đã “quăng về phía Thiên Chúa những lời cay độc” như mấy câu thơ trên mộ bia của một em bé mang tên Ái 7 tuổi:

Ái ăn đâu, Ái ở đâu,

Để thương để nhớ để u sầu.

Trời Già độc địa làm chi bấy,

Nở bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Và câu chuyện “bi kịch lên núi” của cụ Tổ Abraham đã trở thành “hỉ kịch” khi xuống núi, một “cái kết đẹp”, một “niềm hy vọng đã nở hoa”: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Từ “câu chuyện trên núi Moria” của một thời xa xôi Cựu Ước, Lời Chúa như muốn dẫn cộng đoàn Kitô hữu và các anh chị em Dự tòng đến “câu chuyện trên núi Sọ” cách đây gần hai ngàn năm của Chúa Giêsu người Nadarét. Vâng, trên núi nầy, cho dù không xuất hiện tỏ tường bóng dáng “Người Cha”, “Đấng đã vì yêu mà hiến ban Người Con Một” (Ga 3,16) hay như lời khẳng quyết của Thánh Phaolô: “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta” (BĐ 2), thì tiếng kêu thảng thốt sau cùng của “Người Con Một Giêsu”: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46) đã diễn tả trọn vẹn những ý nghĩa của mầu nhiệm “hiến tế” mà cuộc “sát tế” trên núi Moria là một tiên trưng: “nỗi đau ngút ngàn” của hy sinh, một “đón nhận anh hùng” của thái độ vâng phục hoàn hảo, và một “niềm trông cậy vững chắc” của niềm tin sâu thẳm lớn lao !

Nhưng, cũng như “câu chuyện trên núi Moria” đã không kết thúc nơi “lát dao sát tế con của cụ Tổ Abraham”, thì “câu chuyện trên núi” vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ cũng không kết thúc nơi “lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn của Đấng chịu đóng đinh”, nhưng đã mở ra một chân trời khác, một viễn tượng khác: chân trời chiến thắng, viễn tượng phục sinh; và ý nghĩa nầy lại được chính Tin Mừng hôm nay minh hoạ qua “sứ điệp Biến Hình” của Đức Kitô trên đĩnh “Núi Cao” mà truyền thống có từ thế kỷ thứ 3 gọi tên là “Tabor” : Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. (Mc 9,2-5).

Nếu sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay muốn giải trình hai chiều kích bất khả phân ly của huyền nhiệm Vượt Qua: Khổ nạn – Phục Sinh, thì có lẽ, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đã “đi bước trước” khi đồng thanh tường thuật “biến cố Biến Hình” ở giữa hai lần “loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh”; và đây, chắc chắn là “dụng ý” của chính Chúa Giêsu, khi Ngài đang dẫn các môn sinh của Ngài trên đường tiến gần tới thời điểm “gay go” nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31; 9,31).

Đây quả thật không là “biến cố đột xuất”, ngẫu hứng, nhưng là “chân lý tối cao”, vẹn tuyền, được ấn chứng của cả “năm vị đại diện của hai Giao ước”: Cựu ước: Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu; Tân ước: Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao; đây còn là điểm đến của cả một “chương trình Cứu độ” mà “lề luật và các tiên tri” (Môsê, Êlia) nhường chỗ cho triều đại của “ân sủng và sự thật” (Đức Kitô): “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Đây cũng là điều mà Hội Thánh trong những ngày nầy, qua giáo huấn của Thánh Phaolô, muốn nói với các anh chị em Dự tòng sắp lãnh nhận các “Bí Tích Vượt Qua”: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4). Ngài cũng nói với chúng ta, những người Kitô hữu, những người đã được diễm phúc “đồng thừa kế với Đức Kitô”, thì “một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người… Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,17-18).

Mùa Chay đang trở về giữa lòng dân Chúa, một “Đoàn Dân” mà “y phục cầu chứng” là “tấm áo trắng tinh của Nhiệm tích Rửa Tội” và “gương mặt phản chiếu dung nhan Đấng Phục Sinh” chắc chắn không nhiều thì ít đã bị hoen ố và méo mó bới tội lỗi và bất trung. Vì thế, “sứ điệp Biến Hình” chưa bao giờ hết mang tính thời sự và là một tiếng gọi mời khẩn thiết: hãy lên cao, hãy biến hình.

Chúng ta thừa biết, cuộc sống đời thường luôn dư đầy cám dỗ để con người ở lại trong cái vũng lầy đơn điệu của những nhu cầu cơm áo gạo tiền, của những bận bịu công danh hưởng thụ, của những lo toan ăn no mặc ấm, của những lưu luyến dễ chịu ấm êm…, mà không đủ can đảm để bức phá lên cao biến đổi để tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn, thanh thoát hơn, quảng đại hơn…Đó là một loại “chim thiên nga” trên cao đã bị tự động thuần hóa giữa đám vịt nước ô hợp giữa đầm lầy cuộc sống đến độ không còn đủ khả năng cất cánh để bay cao trên khung trời lộng gió !

Người Ki-tô hữu hôm nay, với sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Chay, được gọi mời “lột xác, biến hình” để tìm lại cái đẹp đích thực của chính mình, cái đẹp của tâm hồn mang ảnh hình Thiên Chúa, cái đẹp của cuộc đời sống trọn hảo những giá trị của Phúc Âm, cái đẹp của “chiếc áo trắng tinh khôi ngày chịu Phép Rửa”; hay như giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2021, đó là một cuộc làm mới lại toàn bộ cuộc sống Tin, Cậy, Mến: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta”.

Cũng đừng quên, chính trong biến cố “lên cao và biến hình”, chúng ta sẽ nghe được chính mệnh lệnh của Chúa Cha: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”; và một khi để “lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin”, thì như Lời Tổng nguyện của Hội Thánh hôm nay, “cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện”.

Và như thế, “câu chuyện trên núi” mà sứ điệp Lời Chúa nhắn gởi hôm nay sẽ không bao giờ “trở thành cổ tích”; nhưng mãi mãi, từng ngày, phải được mỗi người Kitô hữu chúng ta viết lại, nhất là “viết lại cách cụ thể, sống động” trên độ đường Mùa Chay thánh nầy. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền









 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
First Things: Các Giám Mục âu lo rằng từ 25% đến 40% giáo dân sẽ không đến nhà thờ nữa sau đại dịch.
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
04:31 27/02/2021

Francis X. Maier là thành viên cao cấp trong nhóm Nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, và là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp về Nghiên cứu Hiến pháp tại Đại học Notre Dame. Ông đã liên lạc với 33 giám mục — 31 giám mục ở Hoa Kỳ và hai giám mục ở hải ngoại trong số các nước nói tiếng Anh. Trên tờ First Things, ông đã tóm lược kết quả những cuộc trò chuyện với các Giám Mục trong một bài báo có nhan đề “Somebody Needs To Be Dad”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Somebody Needs To Be Dad
By Francis X. Maier
Cần Phải Có Ai Đó Làm Cha


Đối với người Công Giáo, Công đồng Vatican II (1962–65) là sự kiện quan trọng trong 60 năm qua. Công đồng đổi mới sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội. Công đồng tái định hình lại mối quan hệ của Giáo Hội với người Do Thái, những Kitô hữu của các hệ phái khác và thế giới. Công đồng cũng thừa nhận một cách mới mẻ và mạnh mẽ tầm quan trọng của ơn gọi giáo dân.

Tuy nhiên, Công đồng đã không hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ, đặc biệt là về vấn đề quyền bính. Công đồng nhấn mạnh rằng nơi vị giám mục địa phương “Chúa Giêsu Kitô... hiện diện ở giữa các tín hữu”. Mọi giám mục địa phương đều có thẩm quyền dạy dỗ, khuyến khích, cai quản và sửa sai các tín hữu được giao phó. Vì vậy, với tư cách là “người cha và người mục tử” của dân mình, ngài phải là “tấm gương về sự thánh thiện trong đức bác ái, khiêm nhường và giản dị trong cuộc sống”, có bổn phận “uốn nắn đàn chiên của mình thành một gia đình” để tất cả “được sống và hành động trong sự hiệp thông của đức ái”.

Đó là những lời đẹp đẽ và cũng rất tỉnh táo. Đọc các tài liệu của Công đồng về các nhiệm vụ được giao cho một giám mục là một kinh nghiệm đầy khích lệ. Tham vọng trong Giáo hội không nhất thiết là một điều xấu; thật là dại dột khi nghĩ ngược lại. Nhưng bất kỳ người nào khao khát công việc tốt hơn nên suy nghĩ cẩn thận và kỹ lưỡng. Mọi đặc ân từng đi với công việc của một giám mục đã giảm dần trong vài thập kỷ qua trong khi các đòi buộc lại tăng lên. Vụ tai tiếng lạm dụng trong 20 năm qua, sự thù địch của môi trường văn hóa và chính trị ngày nay, và bản chất độc hại của những lời chỉ trích trong chính Giáo hội đã khiến nhiều người từ chối chức giám mục khi được đề nghị - theo một số báo cáo số người từ chối như thế lên đến một phần ba số ứng viên. Những người tầm thường, bất tài, và thậm chí là người xấu vẫn trở thành giám mục. Điều đáng chú ý là có cơ man các giám mục của chúng ta, chiếm tuyệt đại đa số, là những người tốt làm việc hết sức mình và làm tốt điều đó, với tư cách là một “người cha và một mục tử”. Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này trong 27 năm phục vụ giáo phận. Tôi đã chứng kiến một lần nữa và rồi một lần nữa trong hai tháng qua.

Vào tháng 11 năm 2020, tôi đã liên lạc với 33 giám mục — 31 giám mục ở Hoa Kỳ và hai giám mục ở hải ngoại trong số các nước nói tiếng Anh — cho một dự án mà tôi đang theo đuổi trong việc đổi mới văn hóa và Giáo hội với chương trình Nghiên cứu Hiến pháp tại Đại học Notre Dame. Mục đích của dự án rất đơn giản. Nếu Giáo hội muốn tìm cách trở thành một tác nhân đổi mới đời sống của một quốc gia và nền văn hóa của quốc gia đó, thì chính Giáo hội cũng phải được đổi mới. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta làm điều đó? Trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2020 đến ngày 17 tháng 2 năm nay, tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn một cách tín cẩn với 28 giám mục trong số đó. Hai cuộc phỏng vấn nữa đang chờ tổng kết; hai giám mục không trả lời; và một giám mục — là Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia của Glasgow, người mà tôi đã gặp và hỗ trợ ngài tại Thượng hội đồng năm 2015 — đã chết trước khi cuộc phỏng vấn của chúng tôi có thể diễn ra. Trong những tháng tới, tôi sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn tương tự với các giáo sĩ và các tu sĩ nam nữ, sau đó là các cuộc phỏng vấn với các giáo dân — là nhóm cuối cùng và lớn nhất.

Các giám mục Hoa Kỳ mà tôi đã nói chuyện phục vụ ở 20 tiểu bang khác nhau trong mọi vùng của đất nước. Các ngài có những tính cách, tài nguyên, bối cảnh và các kỹ năng rất khác nhau. Các ngài cũng phải đối mặt với những vấn đề chuyên biệt: Các vấn đề có tính cách địa phương ở vành đai kỹ nghệ suy thoái của Mỹ, ở các trang trại nông nghiệp, và ở phía nam / tây nam có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, các ngài có cùng những quan điểm và kinh nghiệm nhất định đáng được đề cập ngắn gọn ở đây.

Trung bình, COVID đã gây ra ít thiệt hại tài chính trong ngắn hạn cho nhiều giáo phận Hoa Kỳ hơn mức dự kiến ban đầu. Hầu hết các giám mục báo cáo doanh thu giảm từ 4% đến 8% so với năm trước vì vi rút. Các giáo xứ nghèo đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Ở một số nơi, lời kêu gọi hàng năm của giáo phận hoặc các tổ chức bác ái Công Giáo đã thực sự làm tăng doanh thu. Nhưng khi virus và các đợt khóa cửa kéo dài, điều này không thể tiếp tục, và những lo lắng sâu sắc hơn của hầu hết các giám mục mà tôi đã nói, tập trung vào sự suy tàn trong sự tham gia lâu dài của giáo dân trong đời sống Giáo hội. COVID và khả năng gây chết người của nó đã không tạo ra bất kỳ sự gia tăng đáng chú ý nào trong mối quan tâm của mọi người về nơi họ sẽ sống ở thế giới bên kia. Hầu hết các giám mục dự đoán từ 25% đến 40% giáo dân sẽ vĩnh viễn không tham dự các Thánh lễ và tham gia các công việc của giáo xứ ngay cả sau khi virus đã bị đẩy lùi thành một câu chuyện của quá khứ. Kết hợp với xu hướng suy giảm bí tích đã xảy ra, điều này gợi ý một tương lai nhỏ hơn, gọn gàng hơn cho nhiều giáo phận, sớm hơn nhiều dự định.

Những mối quan hệ với các cơ quan dân sự đang thay đổi. Một giám mục, được Rôma chuyển từ một giáo phận phía đông sang một giáo phận ở Trung Tây, đã so sánh sự hiếu chiến của thống đốc tiểu bang cũ của mình với sự nồng nhiệt và ủng hộ cá nhân của thống đốc ở tiểu bang mới của ngài. Mặc dù vậy, nhìn chung, có một chủ đề phổ biến là “chúng ta là những vị tướng không có quân đội, và chính quyền dân sự biết điều đó”. Các giám mục hoàn toàn nhất trí bày tỏ những lo lắng về tinh thần tiêu cực và những thiệt hại tiềm tàng từ chính quyền Biden.

Hầu hết các giám mục, khi được hỏi về những cú sốc lớn nhất mà các ngài trải qua khi trở thành giám mục — ngay cả những vị từng là cố vấn cho linh mục đoàn hoặc tổng đại diện, và do đó biết địa hình — và hình dung được trọng lượng, số lượng và dòng gánh nặng hành chính không ngừng nghỉ. Những điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kết nối mật thiết với mọi người của họ. Làm tốt công việc giám mục để lại ít thời gian cho việc nghỉ ngơi, và hầu hết những người ngoài cuộc không biết gì về giá phải trả của cá nhân vị giám mục. Tất cả các giám mục đều thừa nhận sự phụ thuộc của các ngài vào sự cộng tác của các cố vấn và nhân viên giáo dân, và nhu cầu ngày càng tăng trong việc phát triển các nhà lãnh đạo giáo dân.

Đồng thời, hầu hết các giám mục cho biết các ngài rất hài lòng với thừa tác vụ của mình và tin rằng quy trình tuyển chọn giám mục là hợp lý. Các ngài ủng hộ một cuộc tham vấn rộng rãi, bí mật trong việc đề cử các giám mục trong đó có sự tham gia nhiều hơn từ các tín hữu giáo dân hiểu biết. Nhưng các ngài phản đối mọi hình thức “dân chủ hóa” quá trình lựa chọn giám mục vì làm như thế sẽ lôi kéo thứ chính trị áp lực tồi tệ nhất của Mỹ vào cuộc sống của Giáo Hội. Một chủ đề được lặp đi lặp lại là các ngài lo lắng về sự can thiệp vào tiến trình tuyển chọn từ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Điều này thường liên quan đến sự mất tin tưởng một Hồng Y người Mỹ chưa tiện nêu tên. Sự thiếu tin tưởng ấy đôi khi được thể hiện bóng gió, và đôi khi được thể hiện một cách công khai. Hầu hết các giám mục bày tỏ sự hài lòng với tình trạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Một số đã lên tiếng bực tức với Hồng Y Wilton Gregory của Washington vì đã xói mòn quyền lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục về vấn đề Rước lễ và tình trạng bí tích có vấn đề của Tổng thống Biden.

Vấn đề nhạy cảm nhất trong các cuộc phỏng vấn khác nhau của tôi liên quan đến thái độ của các giám mục đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tất cả các giám mục mà tôi đã nói chuyện đều bày tỏ lòng trung thành chân thành với Đức Thánh Cha. Nhiều người ca ngợi những nỗ lực của ngài trong việc định hình lại Giáo triều Rôma theo hướng nâng đỡ nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn trong tương quan với các giám mục địa phương. Nhưng nhiều người cũng bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ không kém đối với những gì các ngài coi là những nhận xét và hành vi không rõ ràng của Đức Thánh Cha, những điều này thường gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu, khuyến khích xung đột và làm suy yếu khả năng giảng dạy và lãnh đạo của các giám mục. Tình cảm không thích Hoa Kỳ của Đức Phanxicô, mà nhiều người cảm nhận, không giúp ích được gì. Theo lời của một giám mục Tây Mississippi bối rối, “Cứ như thể ngài thích chọc vào mắt chúng tôi”.

Khi bị thúc ép, không giám mục nào mà tôi truy vấn có thể báo cáo dù chỉ một chủng sinh duy nhất của giáo phận được Đức Giáo Hoàng hiện tại truyền cảm hứng để theo đuổi đời sống linh mục. Không ai thích thú khi thừa nhận điều này. Tuy nhiên, các chủng sinh mà các ngài có — và một số giáo phận đang làm tốt một cách đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực này — có xu hướng là những người có động cơ mạnh mẽ. Một số đến từ các gia đình rạn nứt, những người khác đến từ các gia đình có nền tảng giáo dục tại nhà. Vẫn còn những người khác có một cuộc gặp gỡ mạnh mẽ nào đó với Chúa, một sự hoán cải bất ngờ về tôn giáo hoặc trải nghiệm tâm linh, dẫn họ đến chủng viện mặc dù họ không được giáo dục tôn giáo chính thức. Điều này làm cho năm dự bị hay năm “linh đạo” của một chủng viện trở thành một sự chuẩn bị quan trọng cho việc giáo dục chính thức tại chủng viện.

Tóm tắt hàng chục giờ phỏng vấn vào một cột web là một nhiệm vụ vô vọng và tôi sẽ không thử ở đây. Nhưng tôi sẽ chia sẻ một kinh nghiệm cuối cùng. Tôi hỏi mỗi giám mục mà tôi đã phỏng vấn một câu hỏi kết luận: Cuối cùng, điều gì khiến ngài lo lắng và điều gì khích lệ ngài nhất? Hết trường hợp này đến trường hợp khác, các giám mục đưa ra những câu trả lời giống nhau cho mỗi câu hỏi — đó là những người trẻ tuổi. Nỗi đau lớn nhất là số người trẻ rời bỏ Giáo hội. Nguồn hy vọng lớn nhất là lòng nhiệt thành và tính cách của những người trẻ trung thành và yêu mến Chúa Giêsu Kitô. Và đây là lý do tại sao, ở một mức độ mầu nhiệm nào đó, mọi giám mục mà tôi phỏng vấn đều cảnh giác rõ ràng trước những thách thức mà ngài phải đối mặt và đồng thời cảm thấy bình an.

Gia đình cần những người cha. Như chính cha tôi đã nói với sự khó chịu nhưng với sự đều đặn chính xác, “cần phải có ai đó làm cha” - vì lợi ích của mọi người, bất kể người ấy có bao nhiêu mụn cóc. Sự thật phi thường của đời sống Công Giáo ở Hoa Kỳ không phải là một số giám mục đã hạ nhục chúng ta một cách cay đắng, mà là nhiều vị đang làm công việc rất tốt.
Source:First Things
 
Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:29 27/02/2021

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register ngày 24 tháng Hai, 2021, ngài đã trình bày một số nhận định liên quan đến việc Đức Hồng Y Robert Sarah thôi giữ chức tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cardinal Robert Sarah, an Authentic Spiritual Guide
By Father Raymond J. de Souza
Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực


Ở tuổi 75 và sức khỏe rõ ràng còn rất tốt, Đức Hồng Y Robert Sarah có thể còn nhiều năm phục vụ với nhiều thành quả phía trước, nhưng việc nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích kết thúc một trong những chuỗi nhiệm vụ đáng chú ý nhất đối với bất kỳ vị giám mục nào trong Giáo Hội.

Đức Hồng Y Sarah, được thụ phong linh mục năm 1969, thuộc thế hệ thứ nhất của các hoa trái từ các hoạt động truyền giáo thuở ban đầu ở Phi Châu. Ngài thường nhắc nhớ rằng tấm gương của các linh mục truyền giáo trong làng của ngài đã đánh thức trong ngài tình yêu cầu nguyện và lòng kính trọng đối với chức tư tế như thế nào. Ngài là một trong những linh mục bản xứ đầu tiên ở quê hương Guinea của mình.

Tổng Giám Mục có tên trong danh sách bị ám sát

Đức Hồng Y Sarah được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Conakry, thủ đô của Guinea, vào năm 1979, chỉ sau 10 năm làm linh mục, ở tuổi 34. Guinea đang rơi vào khủng hoảng chính trị, và không rõ ai có thể lãnh đạo Giáo hội địa phương một cách hiệu quả chống lại những kẻ giết người trong chế độ của Ahmed Sékou Touré.

Đức Tổng Giám Mục Raymond-Marie Tchidimbo của Conakry đã bị Sékou Touré bắt giam vào năm 1971 trong một chiến dịch đàn áp trên quy mô lớn, bao gồm cả đàn áp tôn giáo. Ngài bị giam giữ tại trại tập trung khét tiếng Camp Boiro trong tám năm. Vào tháng 8 năm 1979, một thỏa thuận đã đạt được với Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Tchidimbo được trả tự do, lưu đày đến Rôma và từ chức.

Tổng giám mục của Conakry trong hoàn cảnh như vậy không phải là một chức vụ hấp dẫn. Tòa Thánh đã giao trách nhiệm ấy cho Cha Sarah trẻ, người không ảo tưởng về viễn cảnh tử đạo đang chờ đợi ngài. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã can đảm thách thức chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác xít và khiến Sékou Touré thù hận.

Năm 1984, Sékou Touré đột ngột gặp vấn đề về tim trong một chuyến đi đến Ả Rập Xê Út và được đưa đến Hoa Kỳ để cấp cứu y tế, tại đây hắn ta đột ngột qua đời. Trên bàn làm việc của hắn ở Conakry là danh sách những người sẽ bị ám sát, có lẽ sẽ có hiệu lực nếu hắn ta trở lại. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã có tên trong danh sách.

Sau khi Sékou Touré qua đời, Giáo hội và xã hội bị bao vây bởi xung đột liên tục với chế độ. Sau hơn 20 năm làm tổng giám mục, khi được bổ nhiệm vào Giáo triều Rôma, Đức Tổng Giám Mục Sarah đã nói thẳng thừng:

“Tôi biết rằng người dân Guinea rất quý trọng và yêu mến tôi. Nhưng tôi rời Guinea với ấn tượng rằng tôi bị chính phủ ghét bỏ vì tôi nói sự thật”.

Các hoàng tử Phi Châu ở Rome

Khi Đức Tổng Giám Mục Sarah đến Rome vào năm 2001, ngài đã bước vào bóng tối của các giám mục Tây Phi cao ngất ngưởng, cũng được phong chức giám mục ở các quốc gia bản địa của các ngài vào đầu những năm 30 tuổi.

Đức Hồng Y vĩ đại Bernardin Gantin của Benin đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đưa đến Rôma vào những năm 1970, được phong làm Hồng Y trong nhiệm kỳ cuối cùng của ngài vào năm 1977 cùng với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào chức vụ tổng trưởng Bộ Giám Mục. Đến năm 2002, Đức Hồng Y Gantin được ngưỡng mộ vô cùng đã trở thành niên trưởng của Hồng Y Đoàn. Là một người thánh thiện mang vẻ đẹp vương giả, nếu Đức Gioan Phaolô II qua đời 10 năm trước đó, vị Hồng Y người Phi Châu này có lẽ đã được nhiều người ưu ái đưa lên kế vị ngài.

Năm 2002, Đức Hồng Y Gantin nghỉ hưu tại quê hương Benin của mình, và vai trò lãnh đạo Phi Châu ở Rôma được trao cho Đức Hồng Y Phanxicô Arinze của Nigeria. Người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã được thăng chức cùng năm đó với công việc mà Đức Hồng Y Sarah cuối cùng sẽ nhận được, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Đức Hồng Y Arinze, một thành quả khác của hoạt động truyền giáo ban đầu của Giáo Hội ở Phi Châu, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong Giáo triều của Đức Gioan Phaolô và thường xuyên hiện diện tại Hoa Kỳ, nơi ngài nhận được vô số lời mời.

Sau khi Đức Hồng Y Arinze nghỉ hưu vào năm 2008, chiếc áo choàng được chuyển sang Tổng Giám Mục Sarah, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 phong Hồng Y vào năm 2010. Đức Bênêđíctô cũng là người đã bổ nhiệm ngài đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum”, điều hành các công việc bác ái của Đức Giáo Hoàng.

Có vẻ như Đức Hồng Y Sarah đã học được từ những người Tây Phi của mình rằng vai trò của ngài bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ quản lý bộ phận của mình.

Là một người phát ngôn thực sự cho Giáo Hội tại Phi Châu, mà Đức Phaolô Đệ Lục gọi là “quê hương mới của Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah sẽ mang đến cho cuộc thảo luận Công Giáo toàn cầu kinh nghiệm của sứ vụ truyền giáo trong Giáo Hội trẻ và trưởng thành, một sự tương phản so với sự mệt mỏi và thối chí của nhiều người đến từ “các quốc gia Công Giáo cũ” đã làm xuất huyết sức sống và năng lượng.

Bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội - và Hồng Y Sarah

“Bản chất sâu xa nhất của Giáo hội được thể hiện trong một bộ gồm ba trách nhiệm của mình”, Đức Bênêđíctô XVI viết trong thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu, 25). “Công bố lời Chúa (kerygma-Martyria), cử hành các bí tích (leitourgia), và thi hành sứ vụ bác ái (diakonia). Các nhiệm vụ này giả định lẫn nhau và không thể tách rời”.

“Trách nhiệm” hay “nghĩa vụ” là cách dịch của thuật ngữ tiếng Latinh munus (số ít) hoặc munera (số nhiều), vốn có ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Một munus không chỉ là một sứ vụ hay nhiệm vụ, mà còn là một nhiệm vụ trang trọng, một sứ mệnh, thậm chí là một căn tính. Thánh Phaolô VI đã bắt đầu thông điệp Humanae Vitae (Sự sống con người liên quan đến việc điều hòa sinh sản) của ngài bằng cách nói về những munera nghiêm trọng nhất mà cha mẹ phải gánh vác trong việc lưu truyền sự sống của con người.

Đức Hồng Y Sarah lần đầu tiên được đưa đến Rôma vào năm 2001 bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II, người đã bổ nhiệm ngài làm thư ký tại Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc (Propaganda Fidei), là cơ quan của Vatican chịu trách nhiệm giám sát việc truyền giáo cho muôn dân, tức là việc công bố lời Chúa - kerygma-Martyria.

Sau đó, ngài được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm người đứng đầu “Cor Unum”, là hội đồng thực thi các công việc bác ái – diakonia - của Đức Giáo Hoàng.

Cuối cùng, vào năm 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng chức lên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nơi ngài được phụ trách về leitourgia, đời sống bí tích của Giáo hội. Đức Hồng Y Sarah đã sống - không chỉ trong phạm vi các bổ nhiệm, mà bằng lòng nhiệt thành và sự tận tâm – đối với bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội.

Một nhà tiên tri và người hướng dẫn

Trước tin tức nghỉ hưu của ngài, nhiều bài bình luận đã cho thấy Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế chương trình cải cách phụng vụ của Đức Bênêđíctô XVI. Có sự thật trong đó. Trọng tâm của tầm nhìn của Đức Bênêđíctô đối với việc cải cách phụng vụ không phải là một hình thức ngoại thường, hay Tridentine, của Thánh lễ, mà theo định nghĩa vẫn là ngoại thường. Đúng hơn, Đức Bênêđíctô đã nhìn thấy con đường phía trước trong cử hành ad orientem của hình thức thông thường, hoặc Novus Ordo [ad orientem nghĩa là ‘hướng đông’. Thánh Basilô Cả quả quyết rằng ‘cầu nguyện quay mặt về hướng đông là luật bất thành văn lâu đời của Giáo Hội’. Trong các tác phẩm của các ngài, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah dùng từ ‘ad orientem’ không giới hạn theo nghĩa đen là phương hướng địa lý, nhưng ‘ad orientem’ là hướng về Thiên Chúa, để đề cao phục vụ trang nghiêm và phê phán các cử hành như một màn trình diễn trong đó các linh mục là nhân vật chính – chú thích của người dịch] Đức Hồng Y Sarah đã cố gắng hết sức để thúc đẩy thực hành đó với những thành công hạn chế; dự án đó sẽ tiếp tục khi những người khác tiếp nối.

Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế của Đức Bênêđíctô nhiều hơn nữa trong việc trở thành một tiếng nói tiên tri và hướng dẫn tinh thần thông qua ba cuốn sách phỏng vấn của ngài, tất cả đều là những tác phẩm Công Giáo được chào đón ở tầm mức quốc tế. Đức Hồng Y Ratzinger đã đi tiên phong trong hình thức này vào năm 1984 với cuốn “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”; bây giờ mỗi vị Hồng Y và cả những người phụ tá cho các ngài đều có sách phỏng vấn. Sự kiện những cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah đến được với đông đảo khán giả trong bối cảnh lộn xộn như vậy thật đáng chú ý; hơn thế nữa, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra khoảng chục cuốn sách phỏng vấn cùng một lúc, không cuốn nào tạo nên những ảnh hưởng như “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”, “Crossing the Threshold of Hope” – “Vượt Qua Ngưỡng Hy Vọng” của Đức Gioan Phaolô II hay bộ ba cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah: “God or Nothing” – “Có Chúa Hay Không Có Gì”, “The Power of Silence” – “Sức Mạnh Của Sự Im Lặng” và “The Day Is Now Far Spent” – “Ngày Đã Tàn”.

Một phần là tự truyện, một phần là những cảnh báo tiên tri, một phần là duyệt lại văn hóa Giáo Hội, những cuốn sách này trên hết là lời mời gọi khôi phục lại địa vị nguyên thủy của Thiên Chúa - trong cầu nguyện, trong công bố, trong sứ mệnh, trong phụng vụ và trật tự xã hội. Trong các cuốn sách của mình, Đức Hồng Y Sarah đã tiếp cận một lượng khán giả vượt xa giới hạn của Giáo triều Rôma, trở thành một người cha và người hướng dẫn tinh thần thực sự.

Chuyện gì tiếp theo?

Nhiều mục tử đã nghỉ hưu nói rằng, được giải phóng khỏi gánh nặng của công việc hành chính, họ có thể “trở lại làm linh mục”. Điều này có vẻ đúng hơn đối với các Hồng Y và giám mục. Không nghi ngờ gì nữa, với cuộc sống nội tâm mãnh liệt của mình - ba ngày không ăn trong vùng hoang dã là một dấu ấn của cuộc sống khổ hạnh của ngài ở Guinea - có thể mong đợi rằng Đức Hồng Y Sarah sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống ẩn dật, cô độc và cầu nguyện.

Người ta cũng mong đợi rằng ngài sẽ tiếp tục vai trò hướng dẫn tinh thần của mình. Ngài nhận được nhiều lời mời thuyết giảng hơn nhiều so với khả năng ngài có thể nhận khi giữ các chức vụ trong Giáo triều Rôma. Bây giờ ngài có thể tự do đảm nhận công việc đó.

Sự phát triển của Internet đã làm cho một giám mục, hoặc thậm chí một linh mục, có thể có một tác động rất lớn. Đồng thời, thế giới kỹ thuật số của những tranh cãi được thổi phồng đang là mối nguy hiểm hiện nay. Chính Đức Hồng Y Sarah đã vượt qua mối nguy hiểm đó vào năm ngoái khi được cho là đã tán thành tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò về đại dịch; ngài nhanh chóng tránh xa cuộc tranh cãi này. Giờ đây, Đức Hồng Y Sarah sẽ có cơ hội thuyết giảng với thế giới đó mà không rơi vào những cuộc luận chiến phân cực. Nó có thể mất một chút sức mạnh của sự im lặng.
Source:National Catholic Register
 
Ai sẽ thay thế Đức Hồng Y Robert Sarah?
Đặng Tự Do
17:06 27/02/2021
Sau khi Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, câu hỏi lớn xung quanh Vatican là ai sẽ thay thế vị trí của ngài.

Các nguồn tin thông thạo nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xem xét ba lựa chọn khả thi.

Đầu tiên là việc Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nâng Tổng Giám mục Arthur Roche, 70 tuổi, từ thư ký của bộ lên làm tổng trưởng.

Đức Tổng Giám Mục Roche được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào năm 2012. Trước đó, ngài là chủ tịch của Ủy ban Quốc tế về Phụng vụ của Anh từ năm 2002 đến năm 2012. Ngài cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Westminster từ 2001 đến năm 2002, Giám mục phó của giáo phận Leeds từ 2002 đến 2004, và Giám mục Leeds từ 2004 đến 2012.

Trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài là người đi giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Sarah trong các vấn đề phụng vụ. Ngài được giao phó viết bài bình luận cho Tự Sắc Magnum Principium – Nguyên tắc Chính yếu, trong đó chuyển giao trách nhiệm dịch các bản văn phụng vụ cho các hội đồng giám mục khu vực và quốc gia. Bản nhận xét này được đưa ra cùng với việc công bố Tự Sắc.

Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Roche làm thành viên của nhóm xem xét các kháng cáo về delicta graviora, tức là những tội ác nghiêm trọng thuộc trách nhiệm phán quyết của Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm cả tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Lựa chọn thứ hai là Đức Cha Claudio Maniago, Giám Mục giáo phận Castellaneta. Đức Cha Maniago, 62 tuổi, là chủ tịch Ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2015. Với cương vị đó, ngài giám sát bản dịch mới sang tiếng Ý của Sách lễ Rôma, trong đó có phiên bản mới của Kinh Lạy Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Maniago làm thành viên của Bộ Phụng tự vào năm 2016.

Lựa chọn thứ ba sẽ là Đức Cha Vittorio Viola, Giám Mục giáo phận Tortona. Một thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Cha Viola, 55 tuổi, đã trở thành giám mục từ năm 2014.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng Cha Viola lên hàng giám mục lên từ vị trí của ngài là chủ tịch của Assisi Caritas. Ngài cũng từng là Bề trên dòng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ vương các Thiên thần ở Assisi. Ngài quen biết Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm Assisi vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, khi ngài ngồi bên cạnh Đức Thánh Cha trong một bữa ăn trưa với người nghèo.

Trước đó ngài được Đức Cha Luca Brandolini, một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Tổng Giám Mục Annibale Bugnini, truyền chức linh mục.

Đức Cha Viola cũng là bạn thân của Đức Cha Domenico Sorrentino của Assisi, người từng là thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 2003 đến năm 2005.

Được biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá cao cách Đức Cha Viola tái tổ chức các giáo xứ ở Tortona, và ngài đã thể hiện kỹ năng ra những quyết định mạnh mẽ. Truyền thông Ý cho rằng Đức Cha Viola nằm trong số các ứng viên cho chức vụ Tổng giám mục Genova. Tuy nhiên, vào ngày 8 tháng 5 năm ngoái 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một tu sĩ Dòng Phanxicô ở Genoa, là Cha Marco Tasca làm Tổng Giám Mục Genoa. Nay truyền thông Ý giải thích quyết định này của Đức Thánh Cha là vì ngài quyết định gọi Đức Cha Viola đến Vatican.
Source:Catholic News Agency
 
Truyền thông Công Giáo và văn hóa triệt tiêu
Vũ Văn An
23:07 27/02/2021

Ký giả Công Giáo kỳ cựu Phil Lawler và là chủ bút tạp chí CatholicCulture vừa có bài viết về nền văn hóa triệt tiêu xử sự với truyền thông Công Giáo.



Ông cho rằng xu hướng kiểm duyệt đáng ngại, trong tin tức và nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội, hiện nay rõ ràng không thể nhầm lẫn. Tại thời điểm này, câu hỏi đặt ra là khi nào — chứ không phải liệu — các tiếng nói của Kitô hữu sẽ bị chặn đứng.

Tất nhiên, trừ khi, chúng ta có thể làm gì đó để đảo ngược xu hướng trên.

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin là vua. Nếu bạn kiểm soát được việc truy cập thông tin — và có thể chặn đứng việc truy cập các thông tin mà bạn không thích — bạn có thể củng cố quyền thống trị thế giới. Làm thế nào những kẻ hoài nghi có thể thách thức bạn, nếu họ không bao giờ nhận được thông tin chính xác về những gì bạn đang làm? Làm thế nào các đối thủ của bạn có thể tổ chức, nếu họ thiếu bất cứ cách nào để liên lạc với những người cùng chí hướng?

Cho đến nay, bạn từng nghe nhiều câu chuyện đáng ngại. Chỉ xin trích dẫn một vài trường hợp nghiêm trọng:

* Một nhà khoa học xã hội được kính trọng, chủ tịch một tổ chức tư vấn ở Washington, biết cuốn sách của ông về phong trào “chuyển giới” đã bị Amazon cấm. Tác giả, Ryan Anderson, không nhận được lời giải thích nào cho động thái này; có lẽ một nhân viên nào đó của Amazon, hành động đằng sau bức màn nặc danh, đã bị xúc phạm bởi quan điểm của ông ta (trong khi Amazon tiếp tục bán cuốn Mein Kampf của Hitler). Anderson nhận xét:

Nếu lo sợ các Ông Bự Kỹ thuật có thể làm gì nếu bạn bất đồng ý kiến về ý thức hệ phái tính, bạn hãy chờ xem các Ông Chính Phủ Bự sẽ làm gì nếu cái gọi là Đạo luật Bình đẳng trở thành luật. Thứ hai, một bài học: Nếu sợ Ông Chính phủ lớn, thì bạn đừng nhắm mắt làm ngơ trước các Ông Bự Kỹ thuật.

* Một giám mục Công Giáo người Ái Nhĩ Lan bị Twitter chặn vì một lời bình luận chống đối việc hỗ trợ tự tử. Twitter đưa ra lời giải thích nực cười rằng Giám mục Kevin Doran đã vi phạm chính sách chống lại việc cổ vũ tự tử. Cuối cùng Twitter đã nhận ra sai sót và khôi phục tài khoản của vị giám mục này. Nhưng một lần nữa, một nhân viên giấu mặt lại đã có thể kiểm duyệt một tiếng nói quan trọng.

Amazon, Twitter, Facebook và Google tạo thành những tầng lớp ưu tú không thể bị tấn công trên Internet, và cả bốn tập đoàn hùng mạnh này ngày càng dễ kiểm duyệt các ý kiến bị các nhà lãnh đạo của họ coi là sai lầm. Nhưng ai hướng dẫn các nhà kiểm duyệt?

Nhà xã hội học người Ý Gaetano Mosca, viết vào đầu thế kỷ 20, lập luận rằng tất cả các xã hội đều do giới tinh hoa thống trị, bằng cách này hay cách khác. Mosca nói, thử nghiệm của công lý xã hội là điều mà ông gọi là “quyền bảo vệ pháp lý” — liệu hệ thống có cung cấp cách thức cho những người bình thường để họ tự bảo vệ trước những quyết định gây thiệt hại của giới tinh hoa vốn cai trị họ hay không?

Trong những trường hợp nêu trên — và bạn đọc có thể còn đề cập đến nhiều trường hợp khác — câu trả lời vang dội là Không.

Vì vậy, theo tiêu chuẩn của Mosca, hệ thống của chúng ta là hệ thống bất công. Có lẽ còn tệ hơn thế, vì ngoài việc bóp nghẹt việc bất đồng quan điểm, những gã khổng lồ của internet đang nuôi dưỡng một loại bệnh nghiện làm mất đi sức mạnh của công chúng. Các thuật toán mạnh mẽ tìm hiểu thói quen của bạn, điều bạn thích và điều bạn không thích, những thứ thu hút sự chú ý của bạn; sau đó họ đặt ngày càng nhiều những thứ đó trước mặt bạn hay trước đôi mắt hau háu của bạn, chiếm hết thời gian của bạn.

Facebook, Twitter và Google đã phát triển mạnh cách nào? Họ tạo doanh thu ra sao? Câu trả lời hời hợt là họ bán không gian quảng cáo. Câu trả lời chính xác hơn là họ đang bán bạn, người dùng — bán bạn cho những nhà quảng cáo đó.

Vì vậy, nếu bạn phản đối chính sách của những gã khổng lồ internet, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vụ của họ, bạn đang làm việc cho các kẻ thù của mình. Chúng ta đang thể hiện một biến thể kỳ cục của điều Lenin dự đoán: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi dây mà chúng ta dùng để treo cổ họ”.

Tất cả chúng ta, trong chừng mực chúng ta dành thời gian trực tuyến, đang làm việc cho những gã khổng lồ internet, và không được trả một đồng xu cho thời gian của chúng ta. Khi ai đó làm việc không lương thì người ta gọi nó là gì? Không phải là nô lệ, vì là tự nguyện. Tuy nhiên, đó không phải là công việc tự nguyện, vì bạn đâu có ủng hộ chính nghĩa của họ. Nói một cách đơn giản, há đó không phải là sự ngu ngốc hay sao?

Hay đúng hơn, là việc thiếu các giải pháp thay thế. Chúng ta cần thông tin; chúng ta cần thảo luận các ý tưởng; chúng ta cần một cuộc trao đổi cởi mở. Nếu chúng ta rút khỏi diễn đàn internet, chúng ta sẽ mất bất cứ cơ hội thực tiễn nào để thách thức một ý thức hệ thống trị đang ngày càng trở nên thù địch hơn đối với chúng ta — và sẽ càng trở nên thù địch hơn nữa nếu chúng ta bị coi là “kẻ ngoài cuộc”, “kẻ tồi tệ” (deplorable).

Vậy thì đâu là lựa chọn thay thế của chúng ta? Lawler đề xuất một vài gợi ý — và yêu cầu độc giả đưa ra các gợi ý của riêng họ.

* Phản đối “nền văn hóa triệt tiêu”. Gây khó khăn cho những người kiểm duyệt muốn đóng cửa những tiếng nói đáng kính. Hãy lột mặt nạ chúng. Chế giễu chúng.

* Áp lực để chính phủ hành động trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet. Vì các chính trị gia cấp tiến thường có cùng các mục tiêu như những gã khổng lồ kỹ thuật, nên đối thủ của họ nên coi việc kiểm duyệt như một vấn đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử.

*Tạo các dịch vụ thay thế. Người ta biết đã có một số lựa chọn thay thế cho Facebook và Twitter, và chúng ta cầu chúc các thay thế này thành công. Nhưng xét một cách thực tiễn, còn lâu họ mới có khả năng đối đầu với sức mạnh của những người gã khổng lồ kỹ thuật. Và liệu chúng ta có bảo đảm rằng các dịch vụ mới nổi lên này, nếu họ đạt được một lượng lớn người theo dõi, sẽ không bị cám dỗ bởi cùng sự kiêu căng quyền lực như vậy không?

*Kiểm soát các trang web của chúng ta. Các tay kiểm duyệt của Facebook có thể chặn các bài đăng trên Facebook, nhưng họ không thể chỉnh sửa bài đăng trên các trang độc lập (chẳng hạn như CatholicCulture. org). Các blog cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát ngay lập tức của họ; họ không thể kiểm duyệt những gì họ không thể nhìn thấy. Ngay cả khi việc kiểm duyệt diễn tiến trên toàn bộ web, danh sách phân phối email cũ vẫn có thể tiếp tục các cuộc thảo luận. Hãy nghĩ đến khả thể đó như những samizdat (1) có kỹ thuật cao. Và đừng loại bỏ nó! Hãy tạo danh sách email của riêng bạn ngay bây giờ.

*Tuy nhiên, trên hết, chúng ta cần các chuyên gia kỹ thuật có thiên tài và khuynh hướng cần thiết để thiết kế các cách mới để chúng ta tương tác, không bị các bên thứ ba can thiệp. Internet được thiết kế để làm cho việc truyền thông an toàn khả hữu. Há chúng ta không nên có khả năng kiểm soát những trang web nào cần coi, những ý kiến nào chúng ta gặp phải, những thông tin nào chúng ta có thể truy cập hay sao?

Trong khi đó, trong khi chúng ta chờ đợi và hy vọng một giải pháp kỹ thuật, Lawler cho rằng chúng ta không nên tự ý rút lui khỏi cuộc chiến giành công luận. Đừng mắc sai lầm tự kiểm duyệt mình, chỉ để tránh bị người khác kiểm duyệt. Nếu chúng ta sắp sửa bị bịt miệng — và vấn đề này vẫn chưa được giải quyết — hãy ra tay chiến đấu.

(1) Samizdat là hình thức sao chép và phân phối lén lút các ấn phẩm bị nhà nước ngăn cấm, nhất là trong các nước cộng sản cũ của Đông Âu.
 
VietCatholic TV
Sống Mùa Chay: Bài Giảng thứ nhất của ĐHY Raniero Cantalamessa trước Giáo triều Rôma ngày 26/2/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:41 27/02/2021


Trong gần 100 năm qua, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm kéo dài gần một tuần. Đầu tiên là đầu Mùa Vọng, sau này được đổi lại là vào đầu Mùa Chay. Khoá tĩnh tâm này chỉ dành cho Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Bên cạnh đó, mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay còn có một sinh hoạt khác có nhiều người tham dự hơn là nghe giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày các bài suy niệm. Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.

Các bài thuyết giảng Mùa Chay năm 2021 sẽ do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày với chủ đề “Các con nói Thầy là ai?” (Mt 16:15).

Các bài thuyết giảng Mùa Chay sẽ diễn ra, theo cùng một thể thức như các bài thuyết giảng Mùa Vọng năm 2020, trong Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican để tạo điều kiện cho những vị tham gia có thể giữ khoảng cách xã hội phù hợp.

Các bài giảng sẽ diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào các ngày Thứ Sáu của Mùa Chay: cụ thể là vào các ngày 26 tháng 2, 5, 12 và 26 tháng 3 lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương.

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Hai, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2021 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng đầu tiên này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về Mùa Chay, tập trung vào chủ đề “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”

Mở đầu bài giảng, ngài nói:

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Như thường lệ, chúng ta sẽ dành bài suy niệm đầu tiên này để giới thiệu chung về Mùa Chay, trước khi đi sâu vào chủ đề cụ thể mà chúng ta đã lên kế hoạch sau khi đã hoàn thành các bài tĩnh tâm của Giáo triều. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay năm B, chúng ta đã nghe lời tuyên bố long trọng qua đó Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chúng ta muốn suy ngẫm về lời kêu gọi hãy ăn năn liên tục này của Chúa Giêsu.

Trong Tân Ước, sự hoán cải được đề cập đến trong ba thời điểm và bối cảnh khác nhau, mỗi thời điểm và bối cảnh này nêu bật một thành phần mới của tiến trình. Ba đoạn Phúc Âm kết hợp với nhau cho chúng ta một ý tưởng hoàn chỉnh về ý nghĩa của từ hoán cải trong Phúc âm. Chúng ta sẽ không nhất thiết phải trải nghiệm tất cả ba thành phần đó cùng nhau, với cùng một cường độ như nhau. Mỗi mùa của cuộc sống đòi hỏi một loại hoán cải chuyên biệt. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải xác định được điều nào là phù hợp nhất ngay bây giờ.

Sám hối, nghĩa là tin!>

Kiểu hoán cải đầu tiên là kiểu hoán cải vang lên khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và được tóm lược trong những lời này: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mc 1:15). Chúng ta hãy cố gắng hiểu ý nghĩa của từ ‘hoán cải’ trong bối cảnh này. Trước Chúa Giêsu, hoán cải luôn có nghĩa là ‘quay trở lại’ (từ shub trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là đảo ngược lộ trình, quay lại các bước của chính mình). Nó xác định hướng hành động của một ai đó khi, tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời, họ nhận ra rằng họ đang ‘đi chệch hướng’. Sau đó, họ dừng lại, để nghĩ lại tất cả; họ quyết định quay trở lại việc tuân giữ luật pháp và nối lại giao ước của họ với Thiên Chúa. Hoán cải, trong trường hợp này, về cơ bản có một ý nghĩa đạo đức và gợi lên ý tưởng về một điều gì đó đau đớn phải làm, chẳng hạn như thay đổi thói quen, ngừng làm điều này hoặc điều kia.

Trên môi của Chúa Giêsu, ý nghĩa đó thay đổi. Không phải là ngài thích thay đổi ý nghĩa của từ ngữ, nhưng với sự xuất hiện của Người, mọi thứ đã thay đổi. ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!’. Hoán cải hay ăn năn không còn có nghĩa là quay trở lại giao ước cũ và tuân thủ luật pháp, nhưng nó có nghĩa là nhảy vọt về phía trước và tiến vào Nước Trời, nắm lấy ơn cứu rỗi vươn đến cách nhưng không với mọi người, do sáng kiến tự do và tối cao của chính Thiên Chúa.

‘Hãy sám hối và tin tưởng’ không đề cập đến hai điều khác nhau và tiếp theo, mà là cùng một hành động cơ bản: sám hối, nghĩa là tin! Thánh Tôma Aquina cho biết: “Prima conversion fit per fidem”- “Hành động hoán cải đầu tiên bao gồm sự tin tưởng”. Tất cả điều này mời gọi một hành động ‘hoán cải’ thực sự, một sự thay đổi sâu sắc trong cách nhìn mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nó đòi hỏi sự chuyển đổi từ ý tưởng về một Thiên Chúa yêu sách, ra lệnh và đe dọa, sang ý tưởng về một Thiên Chúa đến với chúng ta với hai bàn tay đầy ắp để ban cho chúng ta mọi thứ. Đó là sự chuyển đổi từ ‘luật pháp’ sang ‘ân sủng’ mà Thánh Phaolô đã rất trân quí.

‘Trừ khi anh em trở lại mà nên như trẻ nhỏ…’

Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe đoạn thứ hai trong Tin Mừng, nơi mà sự hoán cải được nhắc đến một lần nữa:

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-3).

Lần này hoán cải thực sự có nghĩa là quay ngược lại một chặng đường dài đến tận thời thơ ấu của chúng ta! Chính động từ được sử dụng, strefo, chỉ các hướng đảo ngược trong một cuộc diễn hành. Đây là sự hoán cải của những người đã vào Nước Trời, đã tin theo Phúc Âm và phục vụ Chúa Kitô trong một thời gian dài. Đó là sự hoán cải của chính chúng ta!

Đâu là giả định tiềm tàng trong cuộc thảo luận về ai là người lớn nhất? Có ý kiến cho rằng mối quan tâm chính không còn là Nước Trời, mà là vị trí của các Tông đồ, là bản ngã của họ. Mỗi người trong số họ phần nào được quyền khao khát trở thành người lớn nhất: Phêrô đã nhận được lời hứa về quyền tối cao, Giuđa nắm giữ hòm tiền, Matthêu có thể khẳng định mình đã trao ra nhiều hơn những người khác, Anrê là người đầu tiên theo Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan nghĩ rằng họ đã ở trên núi Tabor với Người… Kết quả của tình huống này rất rõ ràng: sự ganh đua, nghi ngờ, so sánh lẫn nhau, sự thất vọng.

Chúa Giêsu bất ngờ vén bức màn. Hãy quên việc trở thành người trước hết: anh em sẽ không bao giờ vào Nước Trời theo cách đó! Biện pháp khắc phục điều đó là gì? Quay đầu, thay đổi hoàn toàn quan điểm và hướng đi. Chúa Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng đích thực. Cần phải chuyển trung tâm ra khỏi chính bạn và đặt lại trung tâm nơi Chúa Giêsu.

Nói đơn giản hơn, Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ trở nên giống như trẻ nhỏ. Đối với các ngài, trở lại làm trẻ nhỏ có nghĩa là quay trở lại lời mời gọi ban đầu của các ngài trên bờ hồ hoặc tại bàn làm việc của các ngài: không có các yêu cầu cá nhân hoặc chức danh, không có những so sánh lẫn nhau hoặc ghen tị và ganh đua. Của cải duy nhất của các ngài lúc đó là Chúa Giêsu, lời hứa của Ngài (‘Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người’) và sự hiện diện của Ngài. Khi đó các Tông đồ vẫn là bạn đồng hành với nhau; và đã không cạnh tranh cho vị trí trước hết.

Đối với chúng ta cũng vậy, quay trở lại làm trẻ thơ có nghĩa là quay trở lại thời điểm chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được gọi, thời điểm thụ phong linh mục, hay tuyên khấn của chúng ta, hoặc lần đầu tiên chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi chúng ta nói: “ Chỉ một mình Chúa là đủ!” Và chúng ta đã tin vào điều đó.

‘Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng’

Bối cảnh thứ ba trong đó một lời mời gọi cấp thiết hoán cải được lặp đi lặp lại là bối cảnh của bảy bức thư gửi các Giáo hội của Sách Khải Huyền. Bảy bức thư này được gửi đến những người và các cộng đồng, những người cũng như chúng ta, từ lâu đã sống một đời sống Kitô và trên thực tế, đời sống Kitô ấy đóng một vai trò quan trọng trong họ. Các thư này được gửi đến thiên thần của các Giáo hội khác nhau: ‘Gửi thiên thần của hội Thánh ở Ê-phê-sô, Đây là lời...’ Danh hiệu thiên thần đó không thể giải thích cách nào khác hơn là muốn đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến những mục tử của các cộng đồng. Không thể tưởng tượng được rằng Chúa Thánh Thần lại đổ lỗi cho các thiên thần về những lỗi lầm và sai lạc được báo cáo trong các giáo hội khác nhau, hoặc thậm chí còn khó tin hơn nữa là lời kêu gọi hoán cải được gửi đến các thiên thần thay vì con người!

Trong số bảy bức thư gửi cho các Giáo hội, bức thư mà chúng ta nên suy ngẫm nhất là bức thư gửi cho Giáo hội Laođikia. Chúng ta khá quen thuộc với giọng điệu gay gắt của lá thư:

“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta... Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! (Rev, 3: 15ff.)”.

Trọng tâm ở đây là hoán cải từ tầm thường và lạnh nhạt. Trong lịch sử sự thánh thiện của Kitô Giáo, ví dụ nổi tiếng nhất về kiểu hoán cải đầu tiên, từ tội lỗi sang ân sủng, là do Thánh Augustinô đưa ra; Thánh Teresa thành Ávila đưa ra ví dụ điển hình nhất về kiểu chuyển đổi thứ hai, từ lạnh nhạt sang nhiệt thành. Những gì Thánh nữ nói về bản thân trong cuốn Cuộc Sống chắc chắn bị phóng đại và bị chi phối bởi bản chất nhạy cảm trong lương tâm Thánh nữ, nhưng, dẫu sao, nó có thể giúp tất cả chúng ta tự vấn lương tâm của chính mình:

“Như thế, tôi đã bắt đầu sa vào hết trò tiêu khiển này đến trò tiêu khiển khác, hết sự phù phiếm này đến sự phù phiếm khác, và hết dịp tội này đến dịp tội khác. Tôi đã sa vào rất nhiều những dịp tội nghiêm trọng như thế, đến nỗi giờ đây tâm hồn tôi đã lạc lối bởi tất cả những điều phù phiếm này […]. Tất cả những điều của Thiên Chúa đã mang lại cho tôi niềm vui lớn, nhưng tôi lại bị ràng buộc với những thứ của thế giới. Dường như tôi muốn dung hòa hai điều mâu thuẫn này, là những điều hoàn toàn trái ngược với nhau - cuộc sống tinh thần và các thú vui cũng như những niềm vui và những trò tiêu khiển của các giác quan. Tình trạng này dẫn đến sự bất hạnh sâu sắc: Tôi đã trải qua gần hai mươi năm trên vùng biển đầy bão tố đó, thường xuyên sa ngã như thế và mỗi lần như thế lại đứng dậy, nhưng chẳng đi đến đâu, vì tôi lại sa ngã một lần nữa. Cuộc sống của tôi quá tệ đến mức tôi ít khi băn khoăn đối với các tội nhẹ, còn đối với các tội trọng, mặc dù sợ chúng, tôi không sợ đến mức lẽ ra tôi phải sợ; vì thế tôi đã không tránh khỏi nguy cơ sa ngã. Tôi có thể làm chứng rằng đây là một trong những kiểu sống đau buồn nhất mà tôi nghĩ có thể tưởng tượng ra được, vì tôi không có niềm vui nào trong Chúa cũng như không có niềm vui nào trên đời. Khi tôi đang ở giữa những thú vui trần tục, tôi đau khổ vì nhớ đến những gì tôi mắc nợ Thiên Chúa; khi tôi ở với Chúa, tôi trở nên bồn chồn vì những hấp lực trần tục”.

Trong phân tích này, nhiều người có thể tìm thấy lý do thực sự khiến họ không hài lòng và không hạnh phúc. Vậy thì, chúng ta hãy đi sâu vào việc từ bỏ sự lạnh nhạt. Thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu ở Rôma bằng những lời này: ‘Hãy nhiệt thành trong Thánh Linh, đừng trễ nải’(Ro 12:11). Có người sẽ bị cám dỗ để phản đối: ‘Chà, Phaolô thân mến, đó chính là vấn đề! Làm thế nào để bạn chuyển từ thờ ơ sang nhiệt thành nếu đó là điều bạn không may mắc phải?” Chúng ta có thể rơi vào trạng thái thờ ơ, cũng như có thể rơi vào cát lún, nhưng chúng ta không thể tự mình rút ra được bằng cách túm tóc mình mà lôi lên.

Sự phản đối mà chúng ta nêu ra là kết quả của việc bỏ qua hoặc hiểu sai cụm từ phụ trợ “trong Thánh Linh” (enneumati) mà Thánh Tông đồ đưa vào trong lời khuyên ‘Hãy nhiệt thành’ của ngài. Trong các thư của Thánh Phaolô, từ ‘Thánh Linh’ hầu như luôn luôn nhất quán chỉ ra hoặc bao gồm một ám chỉ đến Chúa Thánh Thần, điều đó chắc chắn đúng trong trường hợp này. Từ này hầu như không bao giờ chỉ đề cập đến tinh thần hoặc ý chí của chúng ta, ngoại trừ trong thư thứ Nhất gởi các tín hữu Thêxalônica (1 Th 5:23,) nơi từ ấy có nghĩa là thành phần của con người, cùng với thể xác và linh hồn.

Chúng ta là những người thừa kế của một linh đạo thường chứng kiến tiến trình dẫn đến sự trọn lành được chia thành ba giai đoạn cổ điển: từ purgativa, sang Illuminativa; rồi đến unitiva; nghĩa là thanh lọc, để được soi sáng, và hiệp nhất [trong Chúa]. Nói cách khác, chúng ta cần thực hành việc từ bỏ và khổ hạnh lâu dài trước khi chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng nhiệt thành. Tất cả điều này đều dựa trên trí tuệ tuyệt vời và kinh nghiệm hàng thế kỷ và sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng nó đã lỗi thời. Không, nó không lỗi thời, nhưng nó không phải là cách duy nhất mà ân sủng của Thiên Chúa phải theo.

Sự phân biệt nghiêm khắc như vậy cho thấy sự chuyển đổi tiệm tiến từ ơn Thánh Chúa sang nỗ lực của con người. Theo Tân Ước, đó là một quá trình tuần hoàn và diễn ra đồng thời, theo đó chắc chắn khổ hạnh là cần thiết để đạt được sự nhiệt thành của Thánh Linh, nhưng đồng thời, sự nhiệt thành của Thánh Linh cũng cần thiết để có thể thực hành việc khổ hạnh. Bắt tay vào một cuộc hành trình khổ hạnh mà không có sự thúc đẩy mạnh mẽ của Thánh Linh thì sẽ rất mệt mỏi và không tạo ra được gì ngoài ‘niềm tự hào về xác thịt’. Chúng ta được ban cho Thánh Linh để có thể khắc kỷ, chứ Thánh Linh không phải một phần thưởng cho việc tự hành hạ bản thân. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu nhờ Thánh Linh, anh em diệt trừ được những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống”. (Rm 8:13).

Cách thứ hai này, đi từ nhiệt thành đến khổ hạnh và thực hành nhân đức, là cách mà Chúa Giêsu muốn các Tông đồ noi theo. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại Cabasilas đã nói:

“Các Tông đồ và những người cha trong đức tin của chúng ta có lợi thế là được Đấng Cứu Độ đích thân hướng dẫn trong mọi giáo lý và nhiều hơn thế nữa. [...] Tuy nhiên, mặc dù đã biết tất cả những điều này, cho đến khi các ngài được làm phép Rửa [vào Lễ Ngũ Tuần, với Thánh Linh], các ngài đã không thể hiện bất cứ điều gì mới mẻ, cao quý, cao siêu, tốt hơn so với thời xưa. Nhưng khi các ngài nhận được phép Rửa và Đấng An Ủi ngự vào tâm hồn các ngài, thì các ngài trở nên mới mẻ và đón nhận một cuộc sống mới, các ngài là những người lãnh đạo người khác và làm cho ngọn lửa tình yêu dành cho Chúa Giêsu tỏa sáng trong chính các ngài và những người khác. [...] Cũng vậy, Thiên Chúa dẫn đưa tất cả các Thánh chào đời sau các ngài đến sự trọn lành”.

Các Giáo phụ đã thể hiện tất cả điều này bằng hình ảnh hấp dẫn của ‘cơn say tỉnh táo’. Điều khiến nhiều người trong số họ chấp nhận câu nói nghịch lý này, hay còn gọi là oxymoron, từ nhà hiền triết Philo thành Alexandria, là những lời của Thánh Phaolô nói với dân thành Êphêsô:

“Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thánh Linh. Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca do Thánh Linh linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa”(Ep 5, 18-19).

Bắt đầu với Origen, vô số văn bản của các Giáo phụ đã mô tả hình ảnh này, bằng cách đưa ra các tương đồng hoặc tương phản giữa say rượu thể chất và say rượu tâm linh. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, một số người đã ngộ nhận các Tông đồ với những người say rượu. Họ nghĩ như thế là đúng - như Thánh Cyrilô thành Giêrusalem viết; sai lầm duy nhất của họ là liên hệ cơn say đó với rượu bình thường, trong khi đó là ‘rượu mới’, được làm từ ‘cây nho thật’ là Chúa Kitô; các sứ đồ thực sự đã say, nhưng cơn say của các ngài là một cơn say tỉnh táo để nghiền nát tội lỗi và hồi sinh tâm hồn họ.

Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận lý tưởng say sưa tỉnh táo này và thể hiện nó trong hoàn cảnh hiện tại của lịch sử và của Giáo hội? Tại sao chúng ta lại có thể coi là hiển nhiên rằng cách cảm nghiệm Thánh Linh mạnh mẽ như vậy là một đặc ân riêng của các Giáo phụ và của lịch sử sơ khai của Giáo hội, nhưng đến thời chúng ta thì không còn nữa? Ân sủng của Chúa Kitô không giới hạn trong một thời đại cụ thể nào, nhưng được ban cho mọi thời đại. Vai trò của Thánh Linh chính là làm cho ơn cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên phổ quát và vươn đến mọi người, ở mọi thời điểm và bất kỳ không gian nào.

Như một Giáo phụ thời sơ khai của Giáo Hội đã nói, một đời sống Kitô đầy những nỗ lực khắc kỷ và khổ hạnh, nhưng thiếu sự tác động của Thánh Linh, sẽ giống như một Thánh Lễ với nhiều bài đọc, nghi thức và lễ vật, nhưng không có linh mục truyền phép. Tất cả sẽ vẫn như trước đây, bánh mì vẫn là bánh mì và rượu vẫn chỉ là rượu. Như Giáo phụ này đã kết luận:

“Điều tương tự cũng áp dụng cho các Kitô hữu. Ngay cả khi họ đã hoàn toàn chay tịnh, tham gia vào lễ canh thức, hát Thánh vịnh, thực hiện mọi hành vi khổ hạnh và thực hành nhân đức, nhưng nếu ân sủng chưa khởi sự các hoạt động mầu nhiệm của Thánh Linh trên bàn thờ là tâm hồn họ, toàn bộ quá trình khổ hạnh đó là không hoàn chỉnh và hầu như vô ích, bởi vì họ không tràn đầy niềm vui của Thánh Linh hoạt động một cách nhiệm mầu trong lòng họ.”

Đâu là ‘những nơi’ mà ngày nay Thánh Linh hoạt động giống như Ngài đã hành động trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Ambrôsiô. Trong số các Giáo phụ Latinh, ngài là người tiên báo xuất sắc nhất về cơn say tỉnh táo (sobria ebrietas) của Thần Khí. Sau khi đề cập đến hai ‘địa điểm’ cổ điển – là Thánh Thể và Sách Thánh - nơi Thần Khí có thể được kín múc, ngài đã gợi ý về một lựa chọn thứ ba:

“Lại còn một cơn say nữa do cơn mưa Thánh Thần tuôn rơi. Cơn say ấy tương tự như cơn say trong sách Tông đồ Công vụ, khi các Tông đồ nói các ngôn ngữ khác nhau mà đối với những người nghe có vẻ các ngài là những người đầy rượu rồi.”

Sau khi đề cập đến các phương thế ‘bình thường’, với những lời này, Thánh Ambrôsiô gợi ý đến phương thế ‘ngoại thường’ thứ ba, trong đó ngài muốn nói đến một điều không được hoạch định trước, và cũng chẳng phải là một định chế. Đó là về việc làm sống lại kinh nghiệm của các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chắc chắn, Thánh Ambrôsiô không có ý định chỉ ra lựa chọn thứ ba này, để nói với thính giả của mình rằng nó không thể tiếp cận được với họ, chỉ dành riêng cho các Tông đồ và thế hệ đầu tiên của các tín hữu Chúa Kitô. Ngược lại, ngài muốn thúc đẩy cộng đoàn của mình trải nghiệm ‘cơn mưa Thánh Linh’ diễn ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó là điều mà Thánh Gioan XXIII muốn làm với Công Đồng Vatican II: một ‘Lễ Hiện Xuống mới’ cho Giáo Hội.

Do đó, chúng ta cũng có cơ hội kín múc Thánh Linh từ kênh này, hoàn toàn phụ thuộc vào hành động tự do và tối cao của chính Thiên Chúa. Một trong những cách mà Thánh Linh thể hiện theo cách này bên ngoài các kênh thể chế được gọi là ‘phép Rửa trong Thánh Linh’. Tôi chỉ gợi ý về điều đó trong bối cảnh này mà không có ý định chiêu dụ, nhưng chỉ để đáp lại lời khuyến khích thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các thành viên của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo là hãy chia sẻ ‘dòng ân sủng’ trải qua từ phép Rửa trong Thánh Linh với toàn thể dân Chúa.

Cụm từ ‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Khi đề cập đến Lễ Hiện Xuống sắp xảy ra, trước khi lên trời, Người nói với các Tông đồ: “Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. (Cv 1: 5). Nghi lễ đó không có gì cao siêu; đúng hơn, nó bao gồm những cử chỉ cực kỳ đơn giản, thanh thản và hân hoan, cùng với cảm xúc khiêm tốn, ăn năn và sẵn sàng trở nên giống như những đứa trẻ.

Đó là một sự canh tân với nhận thức mới mẻ không chỉ về Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mà còn về toàn bộ đời sống Kitô hữu, về bí tích hôn phối đối với những người đã lập gia đình, về bí tích truyền chức đối với linh mục, về lễ tuyên khấn đối với những người Thánh hiến. Ứng viên chuẩn bị cho phép Rửa trong Thánh Linh không chỉ bằng việc xưng tội cách trọn, mà còn tham gia vào các buổi họp hướng dẫn, nơi họ có thể tiếp xúc sống động và vui tươi với những chân lý và những thực tại chính yếu của đức tin như tình yêu của Thiên Chúa, tội lỗi, ơn cứu rỗi, cuộc sống mới và sự biến đổi trong Chúa Kitô, các đặc sủng, và những hoa trái của Thánh Linh. Kết quả quan trọng thường xuyên nhất là việc khám phá ra ý nghĩa của việc có một ‘mối quan hệ cá vị’ với Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống. Theo cách hiểu của Công Giáo, Phép Rửa trong Thánh Linh không phải là điểm kết thúc của một cuộc hành trình, nhưng là điểm khởi đầu để trưởng thành với tư cách là các Kitô hữu và các thành viên dấn thân của Giáo hội.

Có chính đáng không khi mong đợi mọi người trải qua trải nghiệm này? Liệu đó có phải là cách duy nhất để cảm nghiệm ân sủng của Lễ Hiện Xuống đổi mới mà Công Đồng Vatican II đã hy vọng không? Nếu khi dùng cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, chúng ta muốn nói đến một nghi lễ, trong một bối cảnh nhất định nào đó, câu trả lời phải là không; đó chắc chắn không phải là cách duy nhất để tận hưởng một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thánh Linh. Đã có và hiện có vô số Kitô hữu đã có kinh nghiệm tương tự, mà không hề biết gì đến phép Rửa trong Thánh Linh, nhưng vẫn nhận được sự gia tăng rõ ràng ân sủng và một sự xức dầu mới với Thánh Linh sau một buổi tĩnh tâm, một buổi họp nhóm hoặc nhờ điều gì đó mà họ đã đọc qua. Ngay cả một khóa tĩnh tâm cũng có thể kết thúc bằng một lời cầu khẩn đặc biệt đến Chúa Thánh Thần, nếu người lãnh đạo đã có kinh nghiệm đó và những người tham gia hoan nghênh điều này. Nếu có ai đó không thích cụm từ “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy để họ sang một bên và thay vì “phép Rửa trong Thánh Linh”, hãy cầu xin “Thần khí của phép Rửa Tội”, nghĩa là một sự đổi mới của ân sủng đã nhận được trong lễ rửa tội.

Bí quyết là hãy nói ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến’, nhưng hãy nói điều đó với cả tấm lòng của bạn, vì biết rằng lời mời như vậy sẽ không thể không được lắng nghe. Nói điều đó với một “ đức tin mong đợi”, để cho Thánh Linh tự do đến theo cách thế và với những biểu hiện mà Ngài quyết định, chứ không phải theo cách chúng ta nghĩ rằng Ngài nên đến và thể hiện ra sao.

‘Phép Rửa trong Thánh Linh’ hóa ra là một phương tiện đơn giản và mạnh mẽ để đổi mới đời sống của hàng triệu tín hữu trong hầu hết các Giáo hội Kitô. Vô số người, những người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, nhờ kinh nghiệm đó đã trở thành Kitô hữu thực sự, tham gia vào việc cầu nguyện ngợi khen và trong các bí tích, những người truyền bá phúc âm tích cực, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ của họ. Một sự chuyển đổi thực sự từ thờ ơ thành nhiệt thành! Chúng ta thực sự nên tự nói với chính mình những gì mà Thánh Augustinô đã từng lặp lại, hầu như với sự phẫn nộ với chính mình khi nghe những câu chuyện về những người nam và những người nữ, những người mà tại một thời điểm nào đó, đã rời bỏ thế giới để hiến thân cho Chúa: “Si isti et istae, cur non ego” : “Nếu những người nam và những người nữ đó đã làm được, tại sao tôi lại không làm?”

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà Mẹ có được từ Con Mẹ tại tiệc cưới Cana miền Galilê. Qua lời cầu nguyện của Mẹ, vào dịp đó, nước đã biến thành rượu. Chúng ta hãy cầu xin rằng qua lời cầu bầu của Mẹ, nước lạnh nhạt của chúng ta có thể được biến thành rượu của lòng nhiệt thành mới. Chính là loại rượu mà các Tông đồ dùng trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã gây ra cơn say tỉnh táo và khiến các ngài ‘nhiệt thành trong Thánh Linh’.

1. Thánh Tommaso, Thánh Tôma, I-IIae, q. 113, a. 4.
2. Thánh Teresa thành Ávila, Cuộc Đời Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, chs. 7-8; http://www.carmelitemonks.org/Vocation/teresa_life.pdf.
3. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, II, 8: PG 150, 552 s.
4. Philo of Alexandria, Legum allegoriae, I, 84 (methē nefalios).
5 Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, Cat. XVII, 18-19 (PG 33, 989).
6. Macarius the Egyptian, in Filocalia, 3, Torino 1985, p. 325).
7. Thánh Ambrôsiô, Bình luận về Thánh Vịnh 35, 19.
8. Thánh Augustinô, Tự Thú, VIII, 8, 19.


Source:Cantalamessa
 
Tòa Thánh công nhận phép lạ diệu kỳ liên quan đến tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Ý
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:21 27/02/2021


1. Ðức Thánh Cha Phanxicô tôn vinh sự hy sinh của các nhân viên y tế đã chết trong đại dịch Covid-19.

Ngày 20 tháng 2 năm 2021, trong thư gửi Đức Cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự Sống, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các nhân viên y tế, đặc biệt là những người đã qua đời khi phục vụ trong đại dịch Covid-19.

Thư đã được Đức Cha Paglia đọc trong một nghi thức được Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống cử hành trực tuyến để tưởng niệm các nhân viên y tế đã qua đời trong đại dịch Covid-19. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp một năm phát hiện ca nhiễm coronavirus ở thị trấn Codogno của Ý. Hồi tháng 11 năm 2020, chính phủ Ý đã thiết lập ngày này, ngày 20 tháng 2, là ngày toàn quốc dành cho các nhân viên y tế.

Trong thư Ðức Thánh Cha khen ngợi các nhân viên y tế đã thực hành nghề nghiệp cách quảng đại, đôi khi anh hùng, như sống một sứ vụ. Ngài viết: “Tấm gương của rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đã chịu nguy hiểm đến mức hy sinh mạng sống, khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc trong tất cả chúng ta, và là lý do để chúng ta suy ngẫm. Trước sự tự hiến như vậy, toàn thể xã hội được thử thách để làm chứng ngày càng vĩ đại hơn về tình yêu thương tha nhân và quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người yếu đuối nhất”.

Ðức Thánh Cha nói rằng “sự cống hiến của các nhân viên y tế, ngay cả hiện nay, đang làm việc trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe là một 'thuốc chủng ngừa' chống lại chủ nghĩa cá nhân và vị kỷ, và thể hiện ước muốn chân thực nhất ở trong trái tim con người: được gần gũi với những người khốn khổ nhất và hy sinh bản thân vì họ.”

Ðức Thánh Cha cũng bảo đảm sự gần gũi thiêng liêng với những người tham gia sự kiện tưởng niệm: “Tôi tham gia cách thiêng liêng với tất cả những người tụ họp cho sự kiện kỷ niệm quan trọng này, và tôi gửi lời chúc lành đến quý vị.”

Trong năm qua, Ý đã ghi nhận gần 3 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 95,000 trường hợp tử vong. Theo Liên đoàn Quốc gia về bác sĩ phẫu thuật và nha sĩ, tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2021, ước tính có 324 bác sĩ đã chết ở Ý do đại dịch coronavirus.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận nhân đức anh hùng của các nữ tu tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận nhân đức anh hùng của ba nữ tu người Ý đã chết vì bệnh Ebola ở Phi Châu trong đợt bùng phát dịch năm 1995.

Sơ Floralba Rondi, Sơ Clarangela Ghilardi, và Sơ Dinarosa Bellerini là thành viên của dòng Nữ tu Người nghèo Palazzolo, và được cử đi truyền giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ở đó, khi đang phục vụ người nghèo, các sơ đã mắc bệnh và chết vì sốt xuất huyết Ebola trong vòng ba tuần, khi dịch bệnh bùng phát ở Kikwit. Các sơ ở độ tuổi 50 và 60.

Trong sáu tháng, 245 người chết vì dịch bệnh bùng phát, bao gồm cả các thành viên khác của dòng Nữ tu Người nghèo Palazzolo.

Hôm 20 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận các nhân đức anh hùng của ba nữ tu. Với sắc lệnh này, giờ đây các nữ tu được gọi là các “Bậc Đáng Kính”.

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận nhân đức anh hùng của Elisa Giambelluca, sinh năm 1941 và qua đời năm 1986, một nữ giáo dân người Ý và là thành viên của Phong trào Teresiana; Sơ Maria Felicita Fortunata Baseggio, sinh năm 1752 và qua đời năm 1829, một nữ tu người Ý của Dòng Thánh Augustinô; và Cha Ignatius Spencer, sinh năm 1799 và qua đời năm 1864, một linh mục người Anh của Dòng Thương khó Chúa Giêsu Kitô đã cải đạo từ Anh giáo sang Công Giáo.

Cha Albino Alves da Cunha e Silva, một linh mục người Bồ Đào Nha ở thế kỷ 20 cũng được công nhận là đã sống một cuộc đời với nhân đức anh hùng.

Vài năm sau khi Cha Silva được thụ phong linh mục, cuộc cách mạng năm 1910 bùng nổ ở Bồ Đào Nha và Chính phủ lâm thời theo xu hướng bài giáo sĩ lên nắm quyền, trục xuất các tu sĩ Dòng Tên và các linh mục dòng khác, đóng cửa các hội dòng, cấm giảng dạy tôn giáo trong trường học và thể chế hóa việc ly hôn hợp pháp.

Không chịu khuất phục, Cha Silva bị bắt, nhưng trước khi bị đày sang châu Phi, ngài đã trốn thoát, sau đó được bí mật đưa vào Tây Ban Nha, cuối cùng được đưa lên thuyền sang Brazil.

Ở đó, ngài phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ ở Catanduva, nơi ban đầu ngài không được chào đón cho lắm. Cha Silva cuối cùng đã chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của cộng đồng. Ngài đã xây dựng một nhà thờ mới, một bệnh viện và một ngôi nhà cho người già.

Cha Silva cũng thành lập các trường đại học, bao gồm một khoa y để đào tạo các bác sĩ làm việc trong bệnh viện của ngài.

Trong những năm cuối đời, sức khỏe yếu, Cha Silva thường trú tại bệnh viện, đích thân giúp đỡ bệnh nhân và các công việc khác. Ngài mất năm 1973, hai ngày trước sinh nhật lần thứ 91 của mình.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha công nhận phép lạ diệu kỳ liên quan đến tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Ý

Vào ngày 20 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Bậc Đáng Kính Armida Barelli, một nữ giáo dân người Ý từng là thành viên vĩnh khấn của Dòng Ba Phanxicô và là người đồng sáng lập Học viện những Người Truyền bá Vương quyền của Chúa Kitô.

Bậc Đáng Kính Barelli được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15 bổ nhiệm làm chủ tịch của tổ chức Thanh niên Nữ sinh Công Giáo Quốc gia vào năm 1918, và vào năm 1921, cô thành lập “ Hiệp hội những người bạn của Đại học Công Giáo”, một lần nữa theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô 15.

Bậc Đáng Kính Barelli đã dành phần lớn cuộc đời mình để truyền bá đặc sủng Dòng Phanxicô. Barelli mất năm 1952, vài năm sau khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của một căn bệnh ngày càng trầm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y việc nhìn nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Bậc Đáng Kính Barelli, vì thế Barelli sẽ được phong chân phước.

Điều kỳ diệu xảy ra ở Prato, Ý vào năm 1989. Một phụ nữ 65 tuổi, tên là Alice Maggini, bị chấn động mạnh khi bị xe tải tông khi đang đạp xe. Tai nạn nghiêm trọng đến mức các bác sĩ dự đoán bà Alice Maggini không thể nào sống nổi và nếu có sống cũng khật khùng vì bị tổn thương não nghiêm trọng.

Khi bà qua được thời kỳ nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ dự đoán Maggini sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về thần kinh do vụ tai nạn này, nhưng sau khi gia đình bà cầu nguyện nhờ sự chuyển cầu của Barelli, bà đã bình phục hoàn toàn một cách khó hiểu và tiếp tục sống khoẻ mạnh cho đến năm 2012 thì chết vì nguyên nhân tự nhiên là già yếu, thọ 88 tuổi.


Source:Catholic News Agency

4. Năm 2021 ngân sách Tòa Thánh thiếu hụt gần 50 triệu Euro.

Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh, dự kiến sẽ bị thiếu hụt 49.7 triệu Euro.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, công bố hôm 19 tháng 2 năm 2021, cho biết ngân sách năm 2021 đã được Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh thảo luận và chấp thuận trong cuộc họp trực tuyến hôm 16 tháng 2 năm 2021, và được Đức Thánh Cha phê chuẩn chiều 18 tháng 2 năm 2021, theo đó số thu nhập năm 2021 của Tòa Thánh là 260.4 triệu Euro và số chi sẽ là 310.1 triệu Euro, và như vậy sẽ hụt 49.7 triệu Euro, tương đương với 60 triệu Mỹ kim, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch.

Lần đầu tiên, theo chủ trương minh bạch và cải tổ, Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh bao gồm cả ngân khoản gọi là “Ðồng tiền thánh Phêrô” và các khoản thu nhập khác. Nếu không kể các khoản tiền này, thì số thiếu hụt của Tòa Thánh trong năm 2021 sẽ lên tới 80 triệu Euro.

Vì đại dịch, số thu nhập của Tòa Thánh bị giảm 21% trong năm 2020 so với năm 2019 trước đó. Thu nhập này đến từ các hoạt động thương mại, dịch vụ, tiền cho thuê nhà, cũng như số tiền các tín hữu dâng cúng hoặc đóng góp.

Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh cũng phản ánh cố gắng lớn để giảm chi: ngoại trừ tiền lương nhân viên, các chi phí khác giảm bớt 24 triệu Euro tức là ít hơn 14% so với năm 2019. Một trong các ưu tiên được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là duy trì công ăn việc làm trong thời buổi khó khăn nay.

Phần lớn tài nguyên của Tòa Thánh, tương đương với 68%, được dành cho các hoạt động tông đồ, 17% dành cho việc quản lý gia sản và các tài sản khác, 15% cho việc quản trị và các dịch vụ. Nếu số tiền dâng cúng vẫn ở mức độ như dự kiến, thì số thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng cách sử dụng tiền dự trữ của Tòa Thánh.


Source:Catholic World News