Ngày 27-02-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:24 27/02/2018
48. ĐÁNH KHÔNG NGÃ TÔI
Quan Âm bồ tát nói với Lữ Động Tân:
- “Quá khứ của ngươi có ba lần uống rượu say ở lầu Nhạc Dương, tự ý hẹn với Hà tiên cô, lại đến Đinh Châu bán mực kiếm tiền, lại còn dùng phi kiếm chém rồng vàng, ngươi là người tiên tại sao không cai bốn chữ rượu, sắc, tiền, nóng (giận) ?”
Lữ Động Tân cãi bừa, nói:
- “Ngài nói phải cai rượu, tại sao trong tay ngài cầm bình tịnh ? Ngài nói không sắc, nhưng nuôi đồng nam đồng nữ để làm gì ? Ngài không tham tiền, tại sao toàn thân mạ toàn vàng lá ? Mặc dù ngài không nóng giận, tại sao lại phải hàng phục đại bàng ?”
Quan Âm không cách gì đối đáp được, bèn nổi giận đem ly trà và bình tịnh ném vào ông ta, Lữ Động Tân cười nói:
- “Ngài chỉ có một cái bình tịnh và hai cái ly, làm sao đánh ngã tôi được !”
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 49:
Quan Âm bồ tát không phải là Thiên Chúa nên vẫn còn nhớ đến những khuyết điểm của thần tiên, Quan Âm bồ tát không phải là Đức Chúa Giê-su nên vẫn còn chỉ trích những tội lỗi của thần tiên, Quan Âm bồ tát chỉ là một con người cho nên vẫn còn nhớ đến những khuyết điểm của tha nhân để chỉ trích...
Điểm nổi bật nhất của tình yêu chân thật chính là sự bao dung, bao dung to bao dung nhỏ, bao dung nhiều bao dung ít là tùy mức độ của tình yêu.
Người yêu ít thì lòng bao dung cũng ít cho nên vẫn còn nhớ đến những sai lầm nhỏ to của tha nhân để luôn “nhắc nhở”; người yêu nhiều thì lòng bao dung cũng nhiều, nhưng nhiều theo mức độ “cái tôi” của con người, nên họ bao dung đến lần thứ ba, qua lần thứ tư thì nhớ đến khuyết điểm trong quá khứ của tha nhân mà chỉ trích...
Chỉ có Thiên Chúa mới có một tình yêu rộng lớn vô bờ bến nên sự bao dung của Ngài cũng vĩ đại bao la. Sự bao dung này được thực hiện rõ ràng nhất qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su –Thiên Chúa làm người- để tha, để xoá và để quên tất cả những tội lỗi, những khuyết điểm và những thiếu sót của chúng ta đã xúc phạm đến Ngài và đến tha nhân. Sự bao dung vĩ đại này chúng ta cũng thấy được qua bí tích giải tội, nơi đây, thay vì nổi giận vì những xúc phạm của chúng ta đối với Thiên Chúa, thì chính Ngài đã không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa, mà trái lại còn ban ơn và hoàn trả lại sự trong trắng tinh tuyền của linh hồn như trong ngày chúng talãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Khi chúng ta nhớ lại những lỗi lầm trong quá khứ của tha nhân, thì chúng ta làm cho Chúa nhớ lại những lỗi lầm của chúng ta đã xúc phạm đến Ngài vậy.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con có đựơc một tình yêu bao dung như Chúa, để khi chúng con phục vụ tha nhân thì không còn nhớ đến những khuyết điểm trong quá khứ của họ, để chúng con ngày càng được nên giống Chúa hơn trong cung cách phục vụ, đó là khiêm tốn. Xin Chúa nhận lời chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:26 27/02/2018

39. Cầu nguyện là dẹp đi chướng ngại của linh hồn, khiến cho tâm hồn đối với Thiên Chúa thì cảm nhận được sự thỏa chí toại lòng.

(Thánh Isaac (or Sahak)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 3 Mùa Chay
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:14 27/02/2018
Chúa Nhật 3 MÙA CHAY. B
(Ga 1, 13-25)
THANH TẨY


Chúa lên Giê-rú-sa-lem,
Trung tâm Thành Thánh, dõi xem đền thờ.
Nhiều người buôn bán rình chờ,
Đổi tiền đổi bạc, hững hờ dối gian.
Bò lừa súc vật tràn lan,
Kẻ qua người lại, lạm càn chốn đây.
Chắp thừng đánh đuổi bọn này,
Chúa truyền ra khỏi, buồn thay thế trần.
Nhiệt tình thiêu đốt tấm thân,
Nơi đền Nhà Chúa, canh tân tỏ bày.
Các ông phá hủy đền này,
Ta xây dựng lại, ba ngày sẽ xong.
Những người Do-thái động lòng,
Giê-su mạc khải, trong vòng thời gian.
Đền thờ thân thể biến tan,
Ba ngày sống lại, ngập tràn vinh quang.

Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Hằng năm, Chúa vẫn lên đền thờ để kính viếng, cầu nguyện và giảng dậy. Hôm nay, lần sau cùng Chúa lên đền thờ trước khi chịu khổ nạn. Lời tiên báo của Chúa: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Chúa Giêsu nhìn nhận đền thờ như là nhà Cha của Ngài. Đền thờ là nơi mọi người tụ họp để thờ phượng Thiên Chúa. Đền thờ là nơi tế lễ, cầu nguyện, hội họp và nghe giải thích Kinh Thánh.

Nhiều người đã đến đền thờ để dâng cúng của lễ với lòng thành tạ ơn và dâng của lễ đền tội. Lạm dụng lòng thành của các giáo hữu, các chức sắc trong đạo đã cho phép buôn bán súc vật và đổi chác tiền bạc trong phần tiền đình của đền thờ. Dần dần vì lòng tham lam, đã biến sân đền thờ thành nơi buôn bán xô bồ. Chúa Giêsu có thái độ rất rõ ràng. Ngài đã lên tiếng đả kích công việc trần tục này và đã thách thức giáo quyền về cách sống đạo.

Suy nghĩ về hành động của Chúa Giêsu về việc thanh tẩy đền thờ, chúng ta được nhắc nhở rằng đền thờ là nhà Thiên Chúa ngự giữa loài người. Nhà thờ cần được gìn giữ sạch sẽ, gọn gàng và nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, tôn kính các thánh và là nơi tụ họp cộng đoàn để cử hành phụng vụ.

Đến nhà thờ là đến với Chúa cùng tha nhân. Chúng ta sẽ tìm thấy nguồn ủi an và niềm vui hoan lạc bên nhau khi chúng ta cùng hát kinh ca tụng Chúa. Chính Chúa Giêsu là Chủ và là trung tâm điểm của mọi sinh hoạt phụng vụ. Chúa đã hiến tế thân mình cho Chúa Cha trên thánh giá. Chúa còn hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để an ủi và chờ đón chúng ta đến với Chúa.

Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Mỗi khi tụ họp nơi nhà thờ là chúng ta được chia xẻ nguồn ân phúc mà chính Chúa tặng ban. Chúa nhủ rằng nơi nào có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Chúa, Chúa sẽ ở giữa họ. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thanh tẩy thân xác và linh hồn của chúng con. Để chúng con xứng đáng lãnh nhận lòng yêu thương vô ngần trong trái tim Chúa và chia xẻ tình yêu thương tới mọi người anh em chung quanh.

THỨ HAI, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Lc 4, 24-30).
TIÊN TRI


Thành Na-za-réth hôm nay,
Hội đường Chúa đến, đắng cay muộn phiền.
Quê hương từ chối chủ chiên,
Giê-su Cứu Thế, nhân hiền viếng thăm.
Tiên tri xuất hiện bao năm,
Chẳng màng tiếp đón, xa xăm vọng chờ.
Ê-li-a đến nương nhờ,
Nơi nhà bà góa, bên bờ Si-đon.
Ê-li-sê đợi mỏi mòn,
Naa-man chữa trị, là con xứ người.
Dân làng hiểu ý từng lời,
Hội đường phẫn nộ, xin mời Chúa ra.
Triền đồi dân chúng hét la,
Xô Người xuống vực, mong là chết đi.
Tiến qua giữa họ mà đi,
Uy quyền Chúa tỏ, từ bi hải hà.

THỨ BA, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Mt 18, 21-35).
THA THỨ


Phê-rô thưa Chúa nhân từ,
Anh em xúc phạm, tha như thế nào.
Con cần tha thứ ra sao?
Bao nhiêu mới đủ, khát khao bảy lần.
Chúa khuyên nhắn nhủ ân cần,
Bảy mươi lần bảy, tinh thần thảnh thơi.
Ông vua tính sổ đầy vơi,
Một người mắc nợ, vốn lời hụt ngân.
Không tiền trả nợ bán thân,
Thương tình tha thứ, thương dân khốn cùng.
Tên này rời khỏi tòa cung,
Dọc đường gặp bạn, nổi sung đòi tiền.
Bạn anh khất hẹn trả liền,
Tống giam ngục tối, gây phiền cho cân.
Vua rằng đầy tớ hư thân,
Bắt giam trả nợ, vạn lần tiểu tâm.

THỨ TƯ, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Mt 5, 17-19).
KIỆN TOÀN


Chúa truyền môn đệ lời này,
Tiên tri, lề luật, ơn Thầy ghi tâm.
Kiện toàn lời dậy uyên thâm,
Mọi điều giới luật, gieo mầm tin yêu.
Hoàn thành bộ luật cao siêu,
Phụ đề chấm phẩy, mọi điều đã ghi.
Cho dù trời đất qua đi,
Không hề hủy bỏ, chi li từng phần.
Người nào chối bỏ một vần,
Thông tri người khác, dấn thân vào đời.
Là người nhỏ nhất Nước Trời,
Còn ai tuân giữ, gọi mời tín trung.
Kể là cao cả bao dung,
Thưởng công xứng đáng, thiên cung đón chào.
Chu toàn thiên ý trên cao,
Thi hành luật dậy, tuôn trào hồng ân.

THỨ NĂM, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Lc 11, 14-23).
UY QUYỀN


Chúa trừ quỉ ám kẻ câm,
Toàn dân bỡ ngỡ, tưởng lầm quyền uy.
Mấy người trong bọn đa nghi,
Nghĩ rằng tướng quỉ, có khi nhúng vào.
Bê-el-giê-bút quyền cao,
Ông nhờ quỉ tướng, làm bao việc lành.
Người ta xúc phạm bạo hành,
Khinh thường quyền phép, chữa lành thế nhân.
Chúa bèn truyền dậy toàn dân,
Nước nào chia rẽ, từng phần nát tan.
Quyền ai trừ quỉ Sa-tan?
Bàn tay Thiên Chúa, đổ tràn mưa sa.
Ai không thu góp cùng Ta,
Là người phân tán, sa đà bất tuân.
Niềm tin vào Chúa từ nhân,
Hồng ân cao cả, muôn phần phúc vinh.

THỨ SÁU, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Mc 12, 28b-34).
GIỚI RĂN


Mấy người Luật Sĩ bước vào,
Hỏi han thử Chúa, dựa vào giới răn.
Giới nào trọng nhất tự căn?
Chúa liền phán bảo, khuyên răn lời này.
Hãy yêu Thiên Chúa mê say,
Hết lòng, hết sức, tỏ bày trí khôn.
Thứ hai giới luật đồng môn,
Tha nhân yêu mến, dủ hồn chứng minh.
Thưa Ngài, đúng lắm, hợp tình,
Yêu người yêu Chúa, hết mình vị tha.
Hơn là của lễ trên tòa,
Toàn thiêu hiến tế, thịt thà hy sinh.
Chúa khen ý kiến chân tình,
Khôn ngoan thông hiểu, tâm linh rạng ngời.
Không xa Nước Chúa trên trời,
Thực hành điều dậy, tuyệt vời biết bao.

THỨ BẢY, TUẦN 3 MÙA CHAY
(Lc 18, 9-14).
KHIÊM NHƯỜNG


Dụ ngôn Thầy dậy rõ ràng,
Đừng nên khinh bỉ, họ hàng thân quen.
Vài người công chính ươn hèn,
Tự hào lên mặt, ghét ghen muộn phiền.
Hai người cầu nguyện luân phiên,
Một người đứng thẳng, huyên thuyên nhiều điều.
Ăn chay bố thí thiệt nhiều,
Công bằng chính trực, không siêu đường tà.
Còn người thu thuế đứng xa,
Khiêm nhường đấm ngực, xin tha lỗi lầm.
Cầu Ngài thương xót thân tâm,
Chữa lành hồn xác, âm thầm nguyện xin.
Người này gương sáng đức tin,
Ông về khỏi tội, xét mình tinh trong.
Người kia Biệt phái chờ mong,
Khoe khoang tự đắc, trong lòng rỗng không.
 
Hãy Thanh Tẩy Đền Thờ Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:05 27/02/2018
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay – năm B

(Ga 2,13-25)

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69,10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy...

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người mua thì phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến, với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì nhắm đến việc giúp những người từ xa đến khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ : “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quày buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẩn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Ðức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (Mc 2,18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2,19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô : thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người chính là Ðền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói : “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo : “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác, mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, nơi cư trú đặc biệt của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, để chúng con có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Xây Dựng Đền Thờ Tâm Hồn
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
23:54 27/02/2018
CN 3 CHAY B

Phụng vụ Lời Chúa qua hai Chúa Nhật Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu vừa là con người phải chịu cám dỗ trong sa mạc, vừa là Con Thiên Chúa nơi biến cố Hiển Dung trên núi Tabor.
Phụng vụ Lời Chúa tuần 3 Mùa Chay trình bày Đức Giêsu là Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự kiện thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.

1. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. Cứ 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.
Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.
Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ: "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).

2. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.
Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.
Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).
Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

- Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.
Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

3. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn của mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;
Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.


 
Văn Hóa
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và việc thay đổi mô hình trong Giáo Hội
Vũ Văn An
20:48 27/02/2018
Gần đây, Đức Hồng Y Cupich của Chicago, người từ một giám mục của một giáo phận nhỏ xa xôi, được chính Đức Phanxicô đặt làm tổng giám mục Chicago, một giáo phận thuộc hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ, và sau đó, được nâng lên hàng Hồng Y, lên tiếng cho rằng Đức Phanxicô đã đưa ra một “sự chuyển dịch mô hình” cho Đạo Công Giáo. Điều này khiến ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register lục lại bài nói chuyện của Đức Hồng Y Joseph Ratziger năm 1989.



Trong bài nói chuyện với các giám mục Âu Châu nói trên, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vị giáo hoàng tương lai, đã dự kiến nhiều thách đố mà Giáo Hội thời nay đang phải đương đầu, và đề nghị phương cách để hiểu được chúng và giải quyết chúng một cách có hiệu quả.

Trong bài nói chuyện tựa là “Các Khó Khăn Đang Đặt Ra Cho Đức Tin tại Âu Châu Thời Nay”, Đức Hồng Y Ratzinger trình bầy hàng loạt các chống đối chống lại giáo huấn và thực hành của Giáo Hội được “những người Công Giáo suy nghĩ cấp tiến” nhắc đi nhắc lại.

Chống đối đầu tiên là bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai nhân tạo. Sự chống đối này đặt việc kiểm soát sinh đẻ nhân tạo trên “cùng một bình diện luân lý với mọi loại phương kế ngăn ngừa việc thụ thai mà việc áp dụng chúng chỉ tùy thuộc quyết định của một mình ‘lương tâm’ cá nhân mà thôi”.

Chống đối thứ hai liên quan đến việc Giáo Hội “kỳ thị” đồng tính luyến ái, và việc xác quyết tiếp theo của những người Công Giáo suy nghĩ cấp tiến về “sự đồng giá trị luân lý của mọi hình thức sinh hoạt tính dục miễn là chúng được thúc đẩy bởi ‘tình yêu’ hay ít nhất không gây hại cho ai”. Và liên quan đến việc này, ngài đơn cử “việc chấp nhận cho người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích”, và sau cùng là “việc phong chức linh mục cho nữ giới”.

Đức Hồng Y Ratzinger cho rằng các chống đối trên tra vấn cả nền luân lý tính dục lẫn trật tự bí tích của Giáo Hội, nhưng “chúng được nối kết chặt chẽ với nhau” phát sinh từ “quan niệm đặc thù về quyền tự do của con người” và các khó khăn liên hệ tới “nền luân lý tính dục cổ truyền của Giáo Hội”.

Ngài nói rằng thời nay, con người cảm thấy họ “đã tiến tới chỗ chấp nhận tính dục của họ một cách đa dạng hóa và ít gò bó hơn” và do đó, họ yêu cầu phải duyệt lại các tiêu chuẩn, những tiêu chuẩn bị họ coi “không thể còn chấp nhận được nữa trong hoàn cảnh hiện nay, bất kể, trong các điều kiện lịch sử của quá khứ, chúng quan trọng đến bao nhiêu chăng nữa”.

Các qui tắc của lương tâm

Theo ngài, lối suy nghĩ trên muốn chứng minh rằng thời nay, “cuối cùng, chúng ta đã khám phá ra các quyền lợi và tự do lương tâm của mình” và chúng ta “không còn sẵn sàng bắt nó tùy thuộc một thẩm quyền nào ở bên ngoài nữa”.

Ngài nói thêm: đối với những người có các chủ trương như thế, “mối liên hệ nền tảng giữa đàn ông và đàn bà” phải được sắp xếp lại cách nào đó để “các hoài mong lỗi thời về vai trò” phải “được vượt qua và sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội phải được dành cho phụ nữ ở mọi bình diện và lãnh vực”.

Đức Hồng Y nói rằng sẽ là một điều gây ngạc nhiên khi Giáo Hội, vốn là một định chế bảo thủ, lại đi theo một ý thức hệ như thế. Và nếu quả tình đi theo như thế, thì Giáo Hội buộc phải “bỏ qua một bên việc dùng thần học biện minh cho các cấm kỵ xưa về xã hội, và dấu hiệu đúng lúc nhất và chủ yếu nhất của ý muốn đó trong lúc này sẽ là việc Giáo Hội bằng lòng phong chức linh mục cho nữ giới”.

Sau đó, vị giáo hoàng tương lai đề cập tới chính gốc rễ của lối suy nghĩ cấp tiến và nhận định rằng các ý niệm chủ chốt của lối suy nghĩ này chính là các chữ “lương tâm” và “tự do”, những chữ vốn giả thiết “đem đến một thứ hào quang cho luân lý”, nhưng thực ra chúng đã “bác bỏ tính toàn vẹn của luân lý” và “đơn giản hóa một lương tâm lỏng lẻo”.

Ngài nhấn mạnh: lương tâm không còn được hiểu như một nhận thức phát sinh từ “1 hình thức hiểu biết cao hơn”, nhưng đúng hơn là “quyền tự quyết của cá nhân”: mỗi người tự quyết định cho chính mình “điều gì hợp luân trong một hoàn cảnh nhất định”.

Ngoài ra, Đức Hồng Y cho rằng ý niệm “qui tắc” (norms) hay “luật luân lý” đã mặc lấy “các bóng mờ tiêu cực của một cường độ đen tối” và dù “qui luật bên ngoài có thể cung cấp cho ta các mô thức hướng dẫn”, nhưng với một tư tưởng gia Công Giáo cấp tiến, không một trường hợp nào ta nên dùng nó làm “trọng tài tối hậu cho bổn phận của mình”.

Đức Hồng Y Ratzinger cho hay các thay đổi về phương thức như trên được mô tả là “giải phóng” nhưng thực ra, chỉ dẫn đến chỗ đánh mất sự dị biệt hóa giữa các phái tính, bị xô xuống nhanh hơn bởi việc tách biệt giữa tính dục và sinh sản, một việc tách biệt do thuốc viên ngừa thai dẫn khởi đầu tiên và đem tới cao điểm với việc có thể “ ‘tạo’ ra những hữu thể nhân bản trong phòng thí nghiệm”.

Ngài nói thêm: điều trên dẫn tới chỗ coi là “không quan trọng” các dị biệt giữa đồng tính luyến ái và dị tính luyến ái cũng như các liên hệ ngoài hôn nhân khác - một “viễn kiến cách mạng” nấp phía sau hàng loạt các chống đối chống lại giáo huấn của Giáo Hội vốn đã có từ thuở ban đầu.

Ngài nói như một “tiên tri” rằng “Chắc chắn đây sẽ là một trong các thách đố chính đối với việc suy tư nhân học trong những năm sắp đến”. Ngài cho rằng cần phải cần mẫn biện phân giữa hai điều: điều chống lại viễn kiến của đức tin về con người và điều chỉ “sửa đổi một cách đáng kể các ý niệm cổ truyền”.

Hít vào làn gió thay đổi mô thức

Sau đó, Đức Hồng Y đề cập đến việc các Kitô hữu đã chấp nhận ra sao lối suy nghĩ trên và kết luận điều này hệ ở sự “thay đổi sâu rộng ‘các mô thức’”, một việc xem ra có giá trị khi loại bỏ các mô thức cũ. Nhiều Kitô hữu đang “hít vào” bầu khí ấy, một bầu khí bề ngoài khá hấp dẫn.

Ngài đặt câu hỏi: “ai lại không ủng hộ lương tâm và tự do, và chống lại óc vụ luật và trói buộc? Ai lại muốn bị đặt vào thế phải bảo vệ các cấm kỵ? Nếu các câu hỏi được lên khuôn cách này, thì đức tin do Huấn Quyền công bố đã bị lèo lái vào một vị trí vô vọng mất rồi. Nó sẽ tự động sụp đổ vì đánh mất tính hợp lý của nó theo các mẫu mực suy nghĩ của thế giới hiện đại, và sẽ bị những người cấp tiến đương thời coi như một điều đã bị thay thế từ lâu”.

Để đáp lại điều trên một cách hữu hiệu, Đức Hồng Y Ratzinger cổ vũ việc phát biểu “luận lý học đức tin trong sự toàn vẹn của nó, trong lương tri và tính hợp lý trong quan điểm của nó về thực tại và đời sống”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến việc cần phải hiểu “mô thức” cách mạng mới mẻ này đã bước vào hiện hữu và việc nó chịu thay đổi ra sao trong ba lãnh vực: việc hoàn toàn biến mất học lý thần học về sáng thế vốn có liên hệ với việc hạ bệ siêu hình học; việc con người “bị giam cầm trong thực nghiệm giới (empirical) nghĩa là nhận thức chỉ dựa vào giác quan, một việc dẫn đến sự kiện “làm suy yếu Kitô Học” và chủ yếu là thiếu niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô; và cuối cùng là việc đánh mất niềm tin vào Tứ Chung, và sự kiện này là niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu “ít khi còn đóng được vai trò nào trong các bài giảng thời nay”.

Điều trên dẫn tới việc “Nước Thiên Chúa” gần như “được thay thế hoàn toàn” bằng “Không Tưởng về một thế giới tương lai tốt đẹp hơn”, nhưng đây chỉ là một mơ ước “không đủ”. Đúng hơn, nó rất nguy hiểm, “khi kiểu nói thế giới tốt đẹp hơn ấy nổi bật trong kinh nguyện và các bài giảng và vô tình thế chỗ cho đức tin làm thuốc trấn an”.

Đức Hồng Y Ratzinger kết luận bằng cách nói rằng ngài không muốn tỏ ra quá tiêu cực, nhưng đúng hơn, ngài muốn trình bầy “các trở ngại đối với đức tin trong bối cảnh Âu Châu’ và khảo sát “các động lực sâu xa nhất gây ra các khó khăn cá thể dưới các hình thức luôn luôn thay đổi”.

Ngài khuyên: “Chỉ bằng cách học hỏi để hiểu rằng nét căn bản của cuộc sống hiện đại là từ chối không nhìn nhận đức tin trước khi thảo luận mọi nội dung của nó, ta mới có khả năng giành lại sáng kiến thay vì chỉ đơn giản trả lời các câu hỏi được nêu ra”.

Ngài nói thêm: “Chỉ lúc đó, ta mới có thể tỏ lộ đức tin như một giải pháp thay thế mà thế giới hằng mong chờ sau sự thất bại của các thử nghiệm cấp tiến và Mácxít. Đây là thách đố của thời nay đối với Kitô Giáo, và trách nhiệm lớn lao của chúng ta lúc này trong tư cách Kitô hữu hệ ở chỗ đó”.

Kỳ sau: Nguyên Văn Bài Nói Chuyện của Đức Hồng Y Ratzinger năm 1989
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Trở về – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
05:05 27/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây