Ngày 25-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Để sống hạnh phúc
Lm. Petrus Nguyễn Văn Hương
06:05 25/02/2017
Chúa Nhật VIII Thường niên A

Để sống hạnh phúc

Với Chúa Nhật này, Lời Chúa gợi cho chúng ta những bài học quý giá, đáng suy gẫm và áp dụng trong đời sống hằng ngày để sống hạnh phục. Đó là thái độ đúng đắn với tiền bạc, biết tin tưởng vào Chúa quan phòng và cuối cùng là biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời.

1. Thái độ đúng đắn với tiền bạc

Tiền của tự thân là tốt, có giá trị và có ích cho cuộc sống chúng ta. Tiền của vốn có một sức mạnh vạn năng như người đời vẫn thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền,” “có tiền mua tiên cũng được.” Tiền của có một sức hút khủng khiếp, nên nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Hay người xưa có câu: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú quý sơn lâm hữu khách tầm.”

Theo ánh sáng của đức tin, tiền của là hồng ân Thiên Chúa ban để giúp con người sống tốt, hạnh phúc và đúng nhân phẩm mình. Tiền của sẽ trở nên tốt nếu chúng ta coi nó phương tiện, là đầy tớ, nhưng nó sẽ trở nên xấu nếu chúng ta coi nó là mục đích, là ông chủ: “Đồng tiền là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu.” Nếu chúng ta coi tiền của như là ông chủ, chúng ta sẽ tự biến mình thành đầy tớ phục lụy nó. Nếu chúng ta coi tiền của là trên hết, chúng ta trở thành những tên đầy tớ tham lam, ích kỷ và độc ác, sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là có lợi cho mình, bất chấp luân thường đạo lý, lương tâm và chân lý.

Bởi thế, tiền của trở thành cơn cám dỗ triền miên của con người. Người ta nói rằng: “Muốn biết người đó là ai, hãy nhúng họ vào dung dịch của đồng tiền!” Ai trong chúng ta cũng cần tiền của để sống, nhưng từ cần tiền đến thích tiền, từ thích tiền đến tham tiền. Theo vòng xoáy đó, con người chạy theo đồng tiền, tôn thờ đồng tiền mà quên Thiên Chúa, tha nhân và đạo lý.

Nhà văn Đan Mạch nổi tiếng Anderson có những câu chuyện cười thiếu nhi khá thú vị cho người lớn: Có một em bé, cứ mỗi buổi sáng đi học, mẹ cho bé một đồng tiền để khuyến khích bé học giỏi. Một hôm bé nhận một đồng tiền, rồi vui vẻ hăng hái đến trường. Nhưng dọc đường bé vô ý làm rơi mất đồng tiền. Thế là bé ngồi khóc, không chịu tới trường.
Một lát sau, có một người qua đường thấy bé đang khóc thì hỏi: “Tại sao con khóc?” Bé trả lời: “Con làm mất một đồng tiền mẹ cho rồi.” Người đó nói với bé: “Thôi bé đường khóc nữa. Bé sẽ có lại đồng tiền đó mà.” Thế là người đó tặng bé một đồng tiền. Bé đứng lên và tiếp tục đến trường. Nhưng đi được một quảng đường, bé lại ngồi khóc. Người đó quay lại hỏi: “Tại sao con lại khóc? Có phải con lại làm mất đồng tiền đó rồi ạ?” Bé liền trả lời: “Dạ không. Nhưng nếu con không làm mất đồng tiền của mẹ cho con thì bây giờ con đã có hai đồng rồi!”
Một đứa bé đã có khuynh hướng thích tiền và tham tiền rồi. Có một, muốn hai, có voi đòi tiên. Tâm lý chung con người là như thế.

Bởi thế, Đức Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của tiền bạc. Nhưng Chúa chỉ muốn dạy các môn đệ và chúng ta phải có tầm hồn khó nghèo (Mt, 5,3), nghĩa là tránh thói tham lam tiền bạc, bởi vì, thánh Phaolô dạy: “Lòng tham tiền của là cội rễ của mọi điều gian ác” (1 Tm 6,10). Thật vậy, chính lòng tham tiền đã biến Giuđa từ một tông đồ trở thành kẻ phản bội, sẵn sàng bán nộp Thầy với giá 30 đồng bạc (x. Mt 26,14-16). Và kẻ có lòng tham lam tiền bạc thật khó vào Nước Thiên Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu (tham tiền) vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,26).

2. Tin tưởng vào tình Chúa quan phòng

Dù có tiền của hay không có, cuộc sống con người vẫn luôn có nhiều nỗi lo lắng và lo sợ. Lo lắng cho gia đình có đủ cơm gạo áo tiền mỗi ngày. Lo sợ vì sinh bệnh lão tử… Biết lo lắng, tiên liệu cho cuộc sống thì tốt, nhưng quá lo lắng làm chúng ta sinh bệnh, mất ngủ và bất an. May mắn cho chúng ta vì được Lời Chúa hôm nay hướng dẫn. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết cần có thái độ tin tưởng vào ơn Chúa quan phòng. Thiên Chúa là nơi chúng ta nương thân, là điểm tựa để chúng ta dấn thân, là chốn an toàn khi chúng ta gặp giông bão. Bởi vì, Thiên Chúa như người mẹ yêu thương và không thể nào quên đứa con thơ của mình (x. Isaia 49,15). Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh rất cụ thể để nói về sự quan phòng: Chim trời không gieo không gặt, nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, kéo rợi, thế mà, cả áo cẩm bào của vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không đẹp bằng. Thiên Chúa quan phòng nuôi sống chim trời, hoa cỏ, lẽ nào Người không lo lắng cho con người gấp bội sao? Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó… Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt, 6,31.34). Đó là đức cậy của Kitô Giáo, là tin tưởng vào Chúa quan phòng, Người sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành cần thiết cho chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy ký thác đường đời cho Chúa, vì Người hằng săn sóc anh em.

3. Ưu tiên tìm kiếm Nước Trời

Từ việc nhắc nhở chúng ta có thái độ đúng đắn với tiền của và biết sống phó thác, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời khi nói: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33).

Thật vậy, Nước Trời là giá trị tối thượng và là mục đích tối hậu của người Kitô hữu. Bởi vì, Nước Trời chính là Thiên Chúa, là sự sống đời đời, là hạnh phúc vĩnh cửu. Có Nước Trời là có tất cả. Mất Nước Trời là mất tất cả. Vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước ấy. Mọi sự khác là cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Trời. Đây là bậc thang giá trị chọn lựa của người Kitô hữu. Thế gian thường coi của cải vật chất, danh vọng và hưởng thụ là trên hết. Còn chúng ta coi Nước Trời là trên hết, là quan trọng nhất, là ưu tiên nhất, còn những thứ khác là thứ yếu. Sống theo chọn lựa đó, ắt chúng ta sẽ không nô lệ cho vật chất, không bán rẻ lương tâm vì tiền của, nhưng biết sử dụng tiền bạc và tất cả những gì mình có để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Như thế, nếu mỗi người sống theo tiêu chuẩn đó, nghĩa là có thái độ thanh thoát trước tiền của, biết tín thác vào Thiên Chúa và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời, chúng ta sẽ được bình an trong cuộc sống này, và sẽ được ban phần thưởng thiên đàng trong cuộc sống mai sau.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết chọn Chúa là đối tượng lớn nhất lòng trí con. Amen!
 
Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro - Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
10:48 25/02/2017
Suy Niệm Thứ Tư Lễ Tro - Năm A

Mới đây xuất hiện trên mạng hình ảnh những chị em phụ nữ Trung Quốc rủ nhau xuống mồ nằm. Khi mới nhìn thấy những hình ảnh này, chắc hẳn ai nấy đều thắc mắc là không hiểu vì sao họ lại làm như vậy?

Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là một phương pháp để giảm bớt căng thẳng của chị em phụ nữ Trung Quốc sau hôn nhân đổ vỡ. Theo người sáng tạo phương pháp này (bà Liu Taijie) chia sẻ, khi nằm xuống huyệt, họ sẽ cảm nhận như mình đã chết. Khi đó, họ mới hiểu rằng còn nhiều thứ trên đời mà họ còn chưa làm được. Từ đó, những người tham gia sẽ bỏ qua quá khứ buồn đau, bắt đầu cuộc sống mới cho riêng mình. (Nguồn: Internet).

Bắt đầu Mùa Chay, Giáo Hội cũng đưa ra nhiều phương pháp để giúp chúng ta chữa trị tâm hồn: Đó là sám hối, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Với lễ nghi xức tro hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro.”(St 3,19). Thật vậy, tro chỉ sự chóng qua mau tàn: Đó chính là thân phận bèo bọt của con người, như lời thánh vịnh 102 diễn tả:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

(Tv 102, 15-16)

Tro chỉ sự khiêm nhường: Khi chấp nhận được xức tro trên đầu là chấp nhận sự thấp kém, chấp nhận sự chóng qua mau tàn của mình. Chính ông Abraham đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa nhận mình là thân tro bụi (x. St 18,27). Tro cũng chỉ sự sám hối: Việc rắc tro trên đầu cũng là lễ nghi và là dấu chỉ lòng ăn năn sám hối của con người với Thiên Chúa (x. 2Sm 13,19; Mac 3,47 ; Eth 4,1; Mt 11,21). Khi xức tro, thừa tác viên cũng có thể dùng lời Kinh thánh sau đây để mời gọi các kitô hữu sám hối: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”(Mc 1,15). Tiên tri Giô-en mời gọi chúng ta hãy sám hối thực lòng: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Ge 2,12). Sám hối thực lòng là “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo” (Ge 2,13). Đó là hành động dũ bỏ những tội lỗi trong con người chúng ta. Thánh Phaolô nói rằng cần phải phá bỏ trong chúng ta con người cũ để mang lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Con người cũ đó là: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Dũ bỏ con người cũ nhưng phải thay thế vào đó bằng những việc lành phúc đức. Mùa chay mời gọi chúng ta thay thế bằng cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bố thí.

Việc cầu nguyện: Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa. Cầu nguyện đối với người kitô hữu như cá cần nước để sống. Khi cầu nguyện chúng ta bắt chước gương Đức Giêsu: Ngài cầu nguyện khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những vấn đề hệ trọng. Khi cầu nguyện chúng ta thi hành bổn phận Đức Giêsu dạy: Ngài dạy chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù; Ngài dạy chúng ta cầu nguyện để xua trừ ma quỷ, vì có những thứ quỷ chỉ có trừ được bằng cầu nguyện, như có lần Ngài nói: “Giống quỷ ấy chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”(Mc 9,29). Khi cầu nguyện nhắc nhở chúng ta sống tín thác vào Chúa. Đức Giêsu nói: “Không có Thầy các con không thể làm được việc gì?”(x. Ga 15,5). Vậy, chúng ta hãy xét mình lại về tinh thần cầu nguyện của chúng ta như thế nào? Cầu nguyện riêng? Cầu nguyện chung? Cầu nguyện trong gia đình, ở nhà thờ ? Cầu nguyện khi thành công? Cầu nguyện khi thất bại?...

Việc ăn chay: Nhằm giúp chúng ta làm chủ các ham muốn của xác thịt, tâm hồn gia tăng cách tự do để hướng tới sự chiêm niệm về các điều thiện hảo và đặc biệt là để đền bù các tội lỗi của mình, Giáo Hội mời gọi chúng ta ăn chay. Ăn chay theo luật bao gồm việc nhịn ăn và kiêng ăn. Việc nhịn ăn: Trong ngày ăn chay không được ăn vặt, chọn một bữa ăn no, còn hai bữa kia chỉ được ăn vừa hoặc ăn ít. Việc kiêng ăn: Kiêng ăn thịt loài máu nóng như thịt heo, gà, bò, vịt…Ngày hôm nay, Giáo Hội chỉ buộc ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoài ra, Giáo Hội khuyến khích người kitô hữu ăn chay theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Đặc biệt, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình ăn chay theo nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn: giảm bớt tiêu xài; kiêng ăn uống say sưa; không nói xấu nói hành; không xem những bộ phim xấu, những tranh ảnh khiêu dâm…Tiên tri Isaia còn cho chúng ta biết về cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích nhất, đó là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành”(Is 58,4-8).

Việc bố thí: Một trong những ý nghĩa của việc ăn chay là bớt phần ăn của mình để làm phúc bố thí cho người nghèo. Vì vậy, việc ăn chay và bố thí luôn đi đôi với nhau. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô.” Trong Tin mừng theo Thánh Mathêu, Đức Giêsu cũng cho chúng ta biết, khi làm phúc bố thí cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa, và đó cũng là điều kiện để được hạnh phúc Nước Trời. Vị Thẩm Phán mời gọi kẻ lành vào hưởng hạnh phúc nước trời bằng những lời thân thương sau đây: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết vận dụng những phương pháp mà Giáo Hội đưa ra trong Mùa Chay thánh này, đó là sám hối, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí để chữa trị tâm hồn chúng con, giúp chúng con có sức chiến đấu với sự dữ và ma quỷ. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Đừng lo lắng
Lm. Vinh Sơn scj,
22:12 25/02/2017
Chúa Nhật VIII Thường Niên A

ĐỪNG LO LẮNG

Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34

Một giáo sư thực vật học, tay cầm một hạt giống nhỏ mầu nâu và nói với cả lớp rằng:

- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm Hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và tôi có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi:

- Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?

Giáo sư trả lời:

- Đây mới là sự khác biệt: Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc mầu nhiệm mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hạt giống của Tạo Hóa luôn chứa đựng sự sống. Con người với sự tài giỏi của khoa học hiện đại, có thể tạo ra những hạt giống tương tự hoặc làm ra những người máy robot, nhưng không thể tạo ra được sự sống. Quyền sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa thôi... Chúng ta hãy phó thác cho Ngài và sống trong an bình thư thái.

Lo âu đó là sự thương tình của con người, đặc biệt là trước những sự việc quan trọng, trách nhiệm nặng nề và lao công vất vả trong cuộc sống để mưu sinh. Theo những nghiên cứu tâm lý học và y khoa, lo lắng quá sẽ làm mất trí nhớ và làm cho chúng ta thường cáu gắt. Hơn nữa, lo lắng thái quá sẽ có ảnh hưởng không tốt cho cơ thể nhất là trái tim. Cơ thể sẽ tiết ra một số hóa chất làm mạch máu co hẹp, tim đập mau, tăng huyết áp, tiêu hóa rối loạn, ngủ khó khăn cũng như làm cho tính tình thay đổi… Đi xa hơn nữa khi "lo lắng" theo đuổi của cải, tiền tài danh vọng sẽ như Chúa Giêsu nói: "Nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời Chúa không sinh hoa kết quả" (Mt 13,22). Một khi say mê tìm kiếm của cải vật chất như cứu cánh, chúng ta sẽ trở nên nô lệ của chúng, dẫn đến hậu quả tai hại như Thánh Phaolo khẳng định: “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Chính vì thế, chúng ta hiểu tại sao trước đó Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Mt 6,24). Cho nên Chúa Ngài đã kết án: "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!" (Lc 6,24), và Ngài kêu gọi: "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất: vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó" (Mt 6,19). Phải từ bỏ sự lo lắng về vật chất theo lời mới gọi: "Hãy đi bán tài sản của mình" (Mt 19,21), trở nên người thoát khỏi sự ràng buộc của cải thế gian. Chúa Giêsu muốn con người sống trong bình an hạnh phúc, Ngài muốn con người “Đừng lo lắng”.

Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Ngài đưa ra hình ảnh chim không lo gieo trồng và làm lụng vất vả vẫn được nuôi sống, hoa đồng nội không dệt may vẫn được mặc sắc màu đẹp tươi, tất cả được đặt dưới sự quan phòng của Tạo Hóa. Hình ảnh quá ấn tượng, tuyệt vời diễn ra chung quanh mỗi ngày mà ta chưa nghiệm ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cho vạn vật của vũ trụ. Hình ảnh cũng dễ làm chúng ta hiểu sai ý của Đức Kitô: Đừng làm gì cả, sống vô tư như anh chàng ngồi dưới gốc cây chờ sung rụng. Thật thế, Đức Giêsu không bao giờ nói rằng không nên làm việc. Ngài cũng không bao giờ khuyến khích con người lười biếng, vô tư ỷ vào lòng bố thí của bá tánh khi đi ăn xin, vô nghề nghiệp.

Thiên Chúa luôn khuyến khích con người lao công, vì chính Ngài đã truyền cho con người ngay từ thưở tạo dựng vũ trụ: "Hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng" (St 1,28). Đức Giêsu khẳng định của ăn có được là do lao công khi phán: "Vì thợ đáng được nuôi ăn" (Mt 10,10). Ngài lên án nghiêm khắc người đã không cố gắng làm việc để sinh lợi nén bạc mà người đó đã nhận (x. Mt 25,14-30): "Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài". Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng người nào không làm việc thì không có quyền ăn (x. 2 Tx 3,10).

Lo lắng làm việc là trách nhiệm của con người với Thiên Chúa với anh em với vũ trụ vạn vật nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh:“Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, gợi lên ý nghĩa tâm tình Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cầu nguyện Nước Chúa và danh Cha trước hiển trị trên Trời và dưới đất rồi mới đến cơm bánh nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” cũng có nghĩa là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa theo yêu cầu và luật lệ của Nước Ngài. Cho nên, việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính, là sự dấn thân như Bài Giảng Bát Phuc đã trình bày (x. Mt 5,1-12).

Tuy nhiên sự nỗ lực của con người không chỉ là sự cố gắng của bản thân mà cùng đồng hành với Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến Tận Thế như lời hứa của Ngài (x. Mt 28,20), Đấng tỏ ra với con người qua lời Ngôn sứ Isaia: "Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15). Nhưng con người quên sự đồng hành của Đấng luôn hiện diện và chăm sóc. Xa xưa trong sa mạc, dân Chúa đã quên sự săn sóc của Ngài khi quá lo lắng về thức ăn, nước uống… nên họ đã khổ đủ thứ (x. Ds 11,12,13 và 14), trong khi Giavê Thiên Chúa chỉ đòi hỏi một điều: tín trung với Ngài. Ngài sẽ bao bọc nâng đỡ và dẫn dắt dân Chúa đi về miền đất hứa. Trong cuộc sống ngày nay, con người lo lắng vật chất danh vọng mà quên đi sự có mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống.

Chúa Giêsu dạy: “Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc…” ( Mt 6,25 ). Tin mừng Matthêu dùng 6 lần động từ “lo lắng” cùng với lời khuyên nhủ: "đừng lo" để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” như Chúa Giêsu đã khẳng định (x. Mt 6,8.32). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em ( x. 1Pr 5, 7 ).

Thánh vịnh có câu :

"Hãy tín thác phận mình cho Chúa

Tín nhiệm Ngài, Ngai sẽ làm cho"

(Tv 118).

Chúng ta trong cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: lo lắng và ám ảnh một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai. Lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không biết nương tựa vào đâu, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân ; lo lắng về việc cơm gạo áo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên.Vì thế, sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Giữa biển đời ngập tràn lo âu, chúng ta chuyên chăm làm việc nhưng chúng ta cũng sống theo lời Chúa dạy "đừng lo lắng" và nhớ tâm tình của Thánh Augustinô chia sẻ: “Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài”.

Thật thế, như Thánh Vịnh nói:

“Chỉ nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui”

(Tv 61,2a).



Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 26/02/2017.
 
Công lý đời sau
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:03 25/02/2017
Thứ Tư Lễ Tro

Công lý đời sau

Sứ điệp Mùa Chay năm nay là một bài suy niệm sâu sắc về dụ ngôn “người phú hộ và Ladarô” (Lc 16,19-31). Lời đầu của Sứ điệp viết: “Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo Hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là Lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm”.

Suy tư về Lễ Tro và đời sau, trong số 3 của thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm gần giống với kinh nghiệm của người giàu có. Khi linh mục xức tro trên đầu chúng ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro”. Quả vậy, cả người giàu và người nghèo đều chết, và phần quan trọng hơn của dụ ngôn này diễn ra ở đời sau. Hai nhân vật bỗng nhiên khám phá ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì vào trần gian này, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6,7).

Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một khoảng trống không thể kết nối ở đời này và đời sau; có sự công bằng và công lý ở đời sau. Chính niềm tin vào đời sau được biểu hiện trong hành trình thiêng liêng của Mùa Chay.

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Abraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận. Địa ngục là do con người tự tạo ra từ đời này.

Xét cho cùng, ông phú hộ bị trầm luân địa ngục vì tội vô tâm, hững hờ, sống dửng dưng trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Ông không có tình thương.

Vì Tình thương là căn tính của con người, nên thiếu Tình thương là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì" (1Cr 13, 2). Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những nhóm lợi ích, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.

Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình thương này là hàng triệu và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ. Họ đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất Ladarô không được chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.

“Ở đời sau, một loại công bằng được phục hồi và những bất hạnh trong đời được đền bù bằng những điều tốt lành” (Sứ điệp số 3). Tội của những người giàu là sống trong dư dật mà không biết nghĩ đến những người túng quẫn. Sự giàu sang thừa thãi làm cho người ta không còn nhạy cảm với những đau khổ của những con người sống bên cạnh họ, làm cho người ta thành đui mù điếc lác trước nhu cầu của người khác. Mùa Chay cảnh giác chúng ta : đừng bao giờ để mình trở nên giống như ông phú hộ keo kiệt, vô cảm trước nhu cầu của người lân cận.
Hành trình thiêng liêng của Mùa Chay phải bắt đầu từ tình thương: cầu nguyện, chay tịnh để sống đức ái chia sẻ.

Có một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy. Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường… Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra : phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.

Mẹ ThánhTêrêsa Calcutta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố… Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân : muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Ngài còn kể : "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực : làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Ngài nói tiếp : "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".

Người giàu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ, người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn.

Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi". Ý nghĩa của Lời Chúa quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui..., anh nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng... nhưng khi cái chết đến, anh mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?

Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.

Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.

Mùa Chay năm nay, hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu, nhận lãnh tình thương để chúng ta chân thành trao ban tình thương cho anh em. Làm việc bác ái giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa. Luôn nghĩ đến người khác giúp chúng ta biết từ bỏ mình. Biết chạnh lòng thương trước những cảnh đời nghèo khổ sẽ giúp chúng ta thăng tiến trên đường nên thánh.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tương quan giữa phát triển kinh tế và tôn giáo: Trường họp giáo phận Essen ở Đức.
Nguyễn Long Thao
11:13 25/02/2017
Tương quan giữa phát triển kinh tế và tôn giáo: Trường hợp giáo phận Essen ở Đức.

Giữa phát triển kinh tế và tôn giáo, các nhà xã hội học thấy có sự liên hệ rõ rệt. Đó là trường hợp giáo phận Essen ở Đức. Xét về mặt diện tích, Giáo phận Essen là giáo phận nhỏ nhất, trong số 27 giáo phận của Đức nằm trong khu vực kỹ nghệ có mỏ than Ruhr và kỹ nghệ luyện thép.

Ngày hôm qua 23/ 2/ 2017 là ngày đánh dấu kỷ niệm 60 năm Đức Giáo Hoàng Piô XII ký sắc lệnh thành lập giáo phận Essen.

Khi mới thành lập số tín hữu Công Giáo trong giáo phận rất đông chiếm 1.4 triệu người mà đa số là di dân từ Nam Âu và Ba Lan đến làm việc trong các mỏ than và nhà máy luyện thép.

Tuy nhiên, sau 40 năm tình hình kinh tế tại giáo phận Essen thay đổi. Người ta ít dùng than vì ô nhiễm môi trường, trong khi đó thép nhập cảng từ Trung Quốc rẻ hơn nên nhiều mỏ than và nhà máy luyện thép tại giáo phận Essen bị đóng cửa. Công nhân di cư đến các vùng khác kiếm công ăn việc làm.

Nếu vào năm 1957, nền kinh tế tại giáo phận Essen thịnh vượng, số giáo dân là 1.4 triệu người thì năm 2017 vì cơ cấu kinh tế thay đôi nên số giáo dân giảm chỉ còn một nửa tức 791,000 người, chiếm 32% dân số của giáo phận.

Việc số giáo dân giảm sút kéo theo việc giảm sút các giáo xứ và nhà thờ, số giáo xứ trước kia là 259 thì nay chỉ còn 43 giáo xứ. Giáo phận đã phải đóng cửa hoặc bán hơn 200 nhà thờ.

Đức Giám Mục Overbeck của giáo phận Eassen đang phải nỗ lực giải quyết các vấn đề như nạn thất nghiệp, đối thoại liên tôn và việc hội nhập các di dân mới vào xã hội Đức.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình
Lm. Trần Đức Anh OP
10:10 25/02/2017
VATICAN. Sáng ngày 25-2-2017, ĐTC đã tiếp kiến 350 cha sở và các LM tham dự khóa học về hôn nhân và gia đình. Ngài kêu gọi các vị giúp chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ và giúp giải hôn phối cho những cặp gặp khó khăn và tin rằng hôn phối của họ kết ước bất thành.

Khóa họp do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức với các vị thẩm phán giảng huấn trong khóa học.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng các cha sở, các LM là những người đầu tiên tiếp xúc với các bạn trẻ muốn cử hành hôn phối và những người đã kết hôn mà gặp khó khăn, hoặc hôn nhân của họ bị tan vỡ và muốn khởi sự tiến trình xin xác nhận hôn nhân vô hiệu. ĐTC kêu gọi các LM hãy đồng hành với họ để làm chứng tá và nâng đỡ các tín hữu ấy, làm chứng về bản chất của bí tích hôn phối như hình ảnh của Thiên Chúa là cộng đoàn hiệp thông trọn vẹn giữa Ba Ngôi.

ĐTC nói rằng: ”Anh em cũng hãy quan tâm nâng đỡ những người nhận thấy cuộc kết hợp của họ không phải là một bí tích hôn phối đích thực và muốn ra khỏi tình trạng ấy. Trong công tác tế nhị và cần thiết này, anh em hãy làm sao để các tín hữu nhận thấy anh em không phải là những chuyên gia bàn giấy hoặc chuyên gia về các qui luật pháp lý, nhưng như những người anh đặt mình trong thái độ lắng nghe và cảm thông. Đồng thời anh em cũng hãy gần gũi với lối sống của Tin Mừng trong việc gặp gỡ và đón tiếp những người trẻ muốn sống chung mà không kết hôn. Trên bình diện tinh thần và luân lý, họ thuộc vào số những ngừơi nghèo và bé nhỏ mà Giáo Hội muốn là người Mẹ không bỏ rơi họ, theo gương Thầy và Chúa của chúng ta, nhưng gần gũi và chăm sóc họ (SD 25-2-2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Thảo về tình trạng trầm cảm và tự tử trong giới trẻ Việt Nam
Trần Bá Nguyệt hình ảnh Trần Văn Minh
19:27 25/02/2017
Melbourne, 25-2-2017
Buổi hội thảo do Hội Y Tế Việt Nam Victoria và Đoàn Thanh Niên Công Giáo VN Tổng Giáo phận Melbourne tổ chức với sự đóng góp của Cộng Đồng Công Gíao VN Tổng Giáo phận Melbourne, với sự tham dự của đại diện Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria đã diễn ra tại Nhà thờ Giáo Xứ St John the Baptist, Vùng Clipton Hill, Melbourne từ 2 giờ đến 6 giờ chiều cùng ngày.
Mời xem hình
Thành phần tham dự khoảng gần 200 người gồm hai nhóm tuổi rõ rệt: giới trẻ, thuộc thế hệ thứ hai rưỡi và giới phụ huynh, ông bà, thuộc thế hệ thứ nhất trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc. Chính vì thế hai chuyên viên tâm lý thuộc cơ quan CoHealth là anh Jean-Louis Nguyen và chị Thuỷ Đinh đã chia nhau phụ trách hai nhóm hội thảo riêng biệt kể trên. Có bốn linh mục Việt Nam và hai linh mục Úc cùng tham dự.
Theo thống kê và kết quả của nhiều năm làm việc, nguyên nhân của tình trạng trầm cảm trong giới phụ huynh và giới trẻ là do nền tảng gia đình khác biệt từ quê nhà kèm theo khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá khi đặt chân đến quốc gia mới là nước Úc. Từ căn bản đó, phải kể đến những khác biệt do cuộc sống trong xã hội mới tạo nên những ảnh hưởng liên quan đến kiến thức, cách đối phó với những thay đổi trong xã hội mới, các cơ hội, sự giúp đỡ trong xã hội mới. Những khía cạnh đó ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của cả hai thế hệ.
Thống kê trong cộng đồng người Việt tại Úc cho thấy 14,4 phần trăm mắc căn bệnh lo âu, 6,2 phần trăm trầm cảm và 5,1 phần trăm rối loạn tâm thần. Mỗi năm, cứ trong năm người thì có một người có vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Năm 2014, cuộc khảo sát 2.400 người Việt cho thấy 13 phần trăm sức khoẻ tinh thần không tốt. Trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ 35 phần trăm và nữ giới 46 phần trăm.
Các biểu hiện của bệnh trầm cảm có thể bao gồm các hiện tượng khóc lóc, buông xuôi, trầm tư, không chịu ăn uống hay ăn không thấy ngon, không ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Có thể kể đến chuyện thiếu hứng thú trong việc chăm sóc bề ngoài của mình, không tập trung, hay quên, chậm chạp, bực bội, đau nhức cơ thể, không thích ăn uống, không thích đi chơi, và muốn.. tự tử! Việc tự tử do trầm cảm là “cách giải quyết vĩnh viễn cho một vấn đề tạm thời”, do cảm thấy tội lỗi, bối rối, có thể báo trước bằng việc tự nhiên cho đi những tài sản quý giá hoặc sắp xếp công việc như sắp sửa đi xa.
Cuộc hội thảo xoay quanh ba câu hỏi: (1) lý do tự tử; (2) làm gì để giúp người có ý định tự tử; (3) và làm thế nào để giúp cộng đồng trong việc ngăn ngừa tự tử.
Sau gần một giờ rưỡi thảo luận và ít phút nghỉ ngơi, buổi hội thảo đã đề nghị phương cách để giúp người trầm cảm hoặc muốn tự tử là đem yêu thương đến cho họ để họ không cảm thấy cô đơn, dành thời gian cho họ, và gửi đến cho họ những thông tin đúng đắn, tạo cho họ niềm tin tôn giáo trong tình yêu tạo nên bởi Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa Giúp cho họ tránh tâm lý coi tôn giáo như một cơ chế sẵn sàng trừng phạt con người khi con người mắc lỗi. Đây cũng là lúc cần đến những chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Một việc khác cần làm là tạo những phương cách như thông tin, báo chí, mạng internet, thăm viếng để người bị trầm cảm không cảm thấy cô đơn.
Buổi hội thảo đã khép lại trong trầm lắng dưới ánh nến lung linh để tưởng niệm những anh chị em đã giã từ cuộc sống và đã đi vào cõi thiên thu bằng con đường tự huỷ hoại chính mình. Những giọt nến như những giọt lệ cảm thông và thấu hiểu nỗi cô đơn của những anh chị em đã chọn con đường về bên kia thế giới của riêng mình.
Được biết giới trẻ đã thống nhất chọn việc trợ Giúp người trẻ đang bị cô đơn và trầm cảm tìm được lẽ sống trong hy vọng và tinh thần vui tươi như một hoạt động chính của liên đoàn. Buổi hội thảo thật bổ ích cho mọi giới, cộng đồng nên duy trì các buổi sinh hoạt hữu ích này. Hẹn gặp nhau trong những kỳ hội thảo khác.
Ghi nhanh: Trần Bá Nguyệt (DCUC).
 
Văn Hóa
Thị trấn Búzios và duyên số với Brigitte Bardo
John
10:07 25/02/2017
BRAZIL - Armação dos Búzios hay gọi tắt là Búzios với diện tích là 70 cây số vuông và dân số trên 30 ngàn người. Đây là một khu nghỉ mát trên một bán đảo phía đông bắc gần thành phố lớn Rio de Janeiro. Nơi này được biết đến như một điểm nghỉ mát cao cấp cho du khách đến từ các thành phố lân cận và khách du lịch trên toàn thế giới, đặc biệt là từ Brazil và từ Argentina.

Hình ảnh

Bán đảo Buzio chỉ chừng 8 cây số nhưng có tới 23 bãi biển, trong số này Azeda, Ferradura, João Fernandes và Armação nằm trong số những bãi biển nổi tiếng nhất trong thị trấn.

Trong những năm 1900 Búzios đã được giới giầu và thành phần xã hội cao cấp Carioca, những người muốn thoát khỏi cuộc sống thành phố hỗn loạn của Rio de Janeiro và muốn đến đây hưởng không khí an bình và quang cảnh đẹp mà núi đồi và bãi biển cung cấp. Chính vì thế mà tại bán đảo này có nhiều villa rất đẹp, những nhà nghỉ mát sang trọng của những đại gia.

Nhưng phải đến năm 1964, khi nữ minh tinh điện ảnh Pháp là Brigitte Bardot đến thăm Búzios, thì nơi này bắt đầu có tiếng và phát triển thành một điểm đến du lịch quốc tế phổ biến.

Chúng tôi gia nhập một tour du lịch đi quanh bán đảo để tham quan những thắng cảnh và các địa điểm đặc biệt. Xe du lịch chở chúng tôi hết đồi này đến đỉnh núi khác. Mỗi nơi xe đều dừng lại để chúng tôi có thể thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp và chụp hình lưu niệm cũng như hưởng không khí trong lành từ trên cao nhìn xuống các bãi biển và các vịnh.

Thành phố này mới phát triển nhưng tại trung tâm thành phố ngay bên bãi biển chính với những con đường lát đá cục vuông có nhiều tiệm bán quà lưu niệm, du lịch và quần áo. Đường chính Rua das Pedras là một trung tâm ăn uống và cuộc sống về đêm rất nhộn nhịp.

Khi đi dọc qua con đường trải dài bên bờ biển dẩn đến chỗ có tượng của Brigitte Bardot, chúng tôi đề ý thấy có một tiệm ăn rất lớn, mái lợp rơm, ngoài để hình các vũ nữ samba đặc trưng Barzil và cả đầu sư tử phong cách Trung hoa. Tò mò vào thăm, bên trong cùng là 1 tượng Phật to lớn và 2 ông địa ngồi ở dưới…

Thế mới biết ngày nay không nơi nào du lịch trên thế giới mà không có tiệm ăn hay ảnh hưởng kinh tế của người Trung hoa. Một ví dụ tỏ tường là tôi cần cặp kính đọc sách và một đồng hồ báo thức… đi loay hoay vào nhiều tiệm tìm hai thứ này mà không đâu có… cho đến khi ở một góc phố có sập bán hàng thì thấy ngay có cả đồng hồ và cả kính nữa. Tôi liên mua cả hai, nhìn nhãn hiệu thì thấy cả 2 đều made in China, nhưng vì cần dùng nên rất sung sướng đế có nó.

Câu chuyện minh tinh Brigitte Bardot và Buzios

Brigitte Bardot là một nữ minh nổi tiếng của Pháp trong những năm 1960 (nhớ lại thời đó ở Việt Nam, những học sinh trung học hay đại học có lẽ ai cũng nghe đến minh tinh Brigitte Bardot vì báo chí hay đưa tin về người đẹp này với những bài bình luận và tin tức nóng bỏng).

Chính trong những năm đầu của thập niên 1960 Brigitte quyết định đi đến Rio de Janerio với bạn trai người Brazil có tên là Bob Zagury. Tuy nhiên, có quá nhiều những tay báo chí ngày đêm theo dõi đôi tình nhân thời danh này để săn ảnh của họ. Muốn tránh tình trạng này Bob đưa bạn gái Briggite Bardot đến Búzios một địa điểm yên tĩnh và độc quyền hầu có thể có những giờ riêng tư bên nhau.

Như người ta kể lại rằng: Vào thời điểm đó, các thị trấn nhỏ không có điện và đời sống thôn quê đơn giản của nơi này, kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên của bán đảo này, khiến Brigitte Bardot tuyên bố ngưỡng mộ nơi chốn này. Tức khắc Buzios trở thành điểm đến trong quan trọng cho khách du lịch, người giầu có và cả những ai tò mò.

Búzios trở thành một tâm điểm toàn cầu, thế rồi các ngôi sao khác như Mick Jagger và Madonna và nhiều minh tinh nổi tiếng khác cũng đến nghĩ hè ở đây, tuy nhiện họ không để lại ấn tượng sâu sắc như Brigitte Bardot. Nơi Birgitte ở trọ tại Búzios lần đầu tiên bây giờ là một khách sạn nhỏ, có tên là Pousada do Sol. Dải đất nối miền Praia da Armação với đường phố nổi tiếng nhất trong thị trấn, Rua das Pedras, được đặt theo tên Brigitte là: Orla Bardot.

Đặc biệt con đường vòng trên bãi biển được vinh danh mang tên Brigitte Bardot và một bức tượng đồng được của nàng được nghệ sĩ Christina Motta thực hiện. Thêm vào đó rạp chiếu phim duy nhất trong thị trấn cũng mang tên cô là Gran Cine Bardot. Bên trong rạp hát, có rất nhiều hình ảnh của các diễn viên nổi tiếng và nữ diễn viên, bao gồm cả hình ảnh và chữ ký của Brigitte treo trên một bức tường đặc biệt.

Ponta da Lagoinha

Ở Buzios có một nơi rất đặc biệt có tên là Ponta da Lagoinha, mà các học giả gọi là Himalaya của Brazil. Sở dĩ có tên này là do từ thực tại sự hình thành địa chất ở đây, có niên đại 600 triệu năm trước, nó được bao quanh bởi cá lớp dốc đá song song với đô nghiêng là 20 độ, một thực tế địa chất đẹp và đặc trưng của dãy núi Himalaya. Mũi đốc đá granite này trước đây là kẽ nứt khi Phi châu và Nam Mỹ còn nối liền thời nguyên sơ. Từ đây cũng có thể ngắm nhìn các bãi biển Forno và các đảo Ancora, Gravatás và Ilhotes tuyệt đẹp.

Vẻ đẹp tự nhiên và cảnh quan ấn tượng: các bờ đá ngoạn mục với hồ bơi nhỏ tự nhiên và nước trong nhìn xuyên thấu rõ ràng. Khi thủy triều thấp, có thể xuống tận dưới vực để khám phá và thưởng thức phong cảnh chung quanh vẫn còn bao quanh bởi các thảm thực vật đặc trưng của vùng biển, đặc biệt là những cụm xương rồng đầu trắng.

Ponta da Lagoinha có một không gian yên tĩnh ngay cả trong mùa du lịch cao, là một nơi hoàn hảo để ngắm hoàng hôn, hoặc bình minh, hay thưởng thức trăng nằm trên đầu.
 
Chùm rẽ cây
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:33 25/02/2017
Chùm rễ cây

Nói đến rễ, ta liên tưởng đến thảo mộc cây cối, dù là cây to lớn trong rừng, hay bé nhỏ như cỏ mọc bên ven đường, trên sườn núi, dưới thung lũng, bên bờ sông ao hồ….Vì cây nào, loài cỏ nào mà chẳng có chùm rễ nằm chằng chịt ẩn chui dưới lòng đất.

Rễ cây có nhiệm vụ hút thẩm nước chất dinh dưỡng từ lòng đất cát đá nuôi cho cây sống phát triển.

Rễ cây càng chằng chịt ăn sâu cùng lan tỏa ra xa, cây càng đứng vững vươn thẳng lên cao giữa không trung.

Nghĩ đến rễ, ta mường tượng đến cây gia phả, dòng tộc của mỗi gia đình. Gia đình nào cũng tổ tiên, Ông Bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng xa gần. Vì thế cây được dùng là hình ảnh nói về dòng họ, gia tộc con người.

Cây này có tên „cây gia phả“. Nếp sống, truyền thống phong tục do Tổ Tiên Ông Bà một dòng họ gia tộc, gia đình lập ra được ví kể như rễ của cây gia phả.

Gia tộc nào càng có đông nhiều anh em, con cháu, có nhiều truyền thống phong tục nếp sống…tầng cây, tàn cành là cây gia phả càng lan tỏa phủ rợp bóng càng rộng thêm ra.

Nhớ đến rễ, ta cũng nghĩ đến lịch sử một Hội đoàn đạo đời, nhất là đến cây đức tin của mình.

Sức sống, sự thành hình của một Đoàn thể cũng tựa như một cây có nhiều tầng rễ ăn sâu. Những tầng rễ đó là những chặng đường lịch sử ngày hôm qua, ngày hôm nay và kéo dài vào tương lai.

Những tầng rễ lịch sử đó nuôi sống cho Đoàn thể phát triển, trở nên vững chắc trong thời gian và không gian trước những thách đố đòi hỏi của lịch sử mỗi thời đại.

Tầng rễ lịch sử của một Đoàn thể là những kinh nghiệm qúy giá, rất nhiều khi là xương máu đã sống trải qua, những phong tục thói quen.

Những rễ kinh nghiệm đó nuôi sống cho sinh hoạt con người trong đoàn thể .

Những rễ kinh nghiệm đó giúp học hỏi năng đỡ suy nghĩ tìm ra sáng kiến trong đoàn thể.

Những rễ kinh nghiệm đó như tấm thảm muôn mầu, muôn kích thước lớn nhỏ khác nhau, cùng khác biệt nhau. Nhưng làm nên nền tảng cho lịch sử „cây đoàn thể“ đứng vững sống phát triển vươn lên cao.

Hình ảnh rễ cây xưa nay luôn là dấu chỉ về niềm hy vọng có sự sống trở lại như ngoài thiên nhiên, như nhiều nơi chỉ có một vài rễ cây còn sót lại sau vụ hỏa hoạn nay lụt lội, mà sau có những cây cối mọc trở lại. Và trong Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh này diễn tả niềm hy vọng đao đức:

„ Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn.“ ( Isaia 53,2)

Đức tin vào Thiên Chúa của chúng ta trong Hội Thánh cũng phát triển lớn dần như một cây. Và rễ nuôi sống cây đức tin cho phát triển chính là Chúa Giêsu:

"Ta là Giê-su, Ta đã sai thiên thần của Ta đến với các ngươi để làm chứng về những điều trên đây, liên quan đến các Hội Thánh. Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời.“ ( Kh 22, 16).

Như thế, sự phát triển của cây cối thảo mộc trong rừng, ngoài đường…hay cây gia phả, cây đoàn thể, cây đức tin đều có rễ. Chính rễ mang đến cho cây sức sống phát triển cùng vững mạnh đứng vững.

Thân cây, cành là cây không làm ra rễ cây. Nhưng rễ cây làm cho thân cùng cành lá cây phát triển tươi tốt vươn lên.

Cũng vậy, cây đức tin luôn cần phải có rễ Chúa Giêsu mới phát triển đứng vững được.

„Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn!“ (Roma 11,18)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long