Ngày 24-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ăn năn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:29 24/02/2020


Lễ Tro

Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh.

Món ấy là món gì? Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Mùa Chay.

Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân. (x. Làm Nụ Hoa Trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).

1. Ăn năn sám hối

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ Giáo hoàng, Giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất. Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối ăn năn, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người. Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu. Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà. Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì? Thưa là để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc. Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình, hãy tỏ lòng ăn năn sám hối và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.

2. Năm bước ăn năn (x. Bài giảng lễ Tro 2007, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năm sám hối. Sự trở về này gồm nhiều giai đoạn, phần lớn xảy ra trong nội tâm. Ăn năm sám hối bắt đầu từ nội tâm, từ cõi lòng.

- Bước đầu tiên của hành trình ăn năn sám hối là ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, trong nội tâm, chúng ta thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Chúng ta phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm, hay cái tâm địa xấu xa của mình. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.
- Bước thứ hai là sự hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi. Sự ăn năn phản tỉnh của một con người sau khi đã lỡ làm điều ác, sẽ làm cho người đó trở nên tốt hơn, sâu sắc hơn.
- Bước thứ ba là sự gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm, là một sự gặp gỡ trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa. Càng yêu Chúa, chúng ta càng hối hận, càng hối hận chúng ta càng yêu Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Giai đoạn này Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được Tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
- Bước thứ tư là quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Giai đoạn này, cần phải lướt thắng sự ngại ngùng trong việc xưng tội, nói ra sự thật và tất cả sự thật với cha giải tội là đại diện cho Chúa và cho Hội Thánh. Giai đoạn này cũng rất cần thiết, vì nó biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối, tránh cho chúng ta ảo tưởng và sự chủ quan.
- Bước thứ năm là thực sự sửa đổi đời sống. Sống khác đi, không sống như cũ nữa, không làm điều ác nữa; dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi sự hy sinh, sự chiến đấu với chính mình, và sự chiến thắng, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa, cần sự giúp đỡ của những anh chị em đồng đạo với mình.

Để có thể canh tân đổi mới đời sống cách hữu hiệu và bền bỉ, phải cầu nguyện rất nhiều như lời Chúa dạy. Cầu nguyện âm thầm kín đáo trong lòng, chứ đọc kinh bên ngoài thôi chưa đủ. Rồi phải ăn chay, nghĩa là phải nhịn, không chỉ nhịn ăn mà thôi, có khi còn phải nhịn nói, nhịn thỏa mãn sở thích của mình, kiềm hãm tình cảm nóng giận. Và cuối cùng hãy tập làm việc lành, tập giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình.

3. Muốn ăn năn phải hãm mình

Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.

Mùa Chay là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội.

Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:55 24/02/2020

8. Con người ta nếu tu thân làm việc lành phúc đức mà pha trộn mấy phần tình cảm riêng tư yêu mến bản thân, thì giá trị rất nhỏ trong cái nhìn thánh của Thiên Chúa.

(Thánh Christina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 24/02/2020
55. MẶC NHẦM ÁO HỒNG BÀO

Quan văn Trần Sư Triệu thì không thích chuyện trang điểm, đầu bù tóc rối cũng lấy làm tự đắc kỳ thú.

Năm nọ, khi làm quan đến tứ phẩm thì vợ may cho ông ta cái áo trường bào màu đỏ, và dùng kim tuyến thêu một con sư tử rất uy vũ (1) , Trần Sư Triệu cũng không nhìn cho kỷ, bèn cầm lên và mặc vào, lại còn nhờ người vẽ lại một bức chân dung.

Về sau, Lý Đông Dương nhìn thấy trên áo quan văn thêu con mãnh thú là không đúng, bèn cười giễu người vẽ bức họa nói:

- “Nhìn đầu tóc không giống, nhìn áo càng không giống. Đây là Sư Triệu sao? Có thể tin và có thể không tin, tóc bù xù, áo càng bù xù, đại khái tàm tạm vậy mà !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 55:

Người ta thường nói “cái ăn cái mặc” là để chỉ “cái ăn” thì quan trọng thứ nhất và “cái mặc” thì quan trọng thứ nhì trong cuộc sống, người ta cũng nói “ăn sung mặc sướng” cũng là ý đó.

Người thế gian (người không đi tu) thì thích ăn sung mặc sướng, đó là chuyện bình thường; người tu trì thì tiết chế trong cách ăn mặc, đó là chuyện bình thường, cho nên cái không bình thường đáng lo ngại là khi người tu trì thích ăn sung mặc sướng như những người thế gian khác...

Có một vài linh mục và tu sĩ nam nữ thích ăn sung mặc sướng...hơn người thế gian, bởi vì có vị khi ăn cơm thì hết chê món này dở món kia ăn không ngon, và có khi trách luôn nhà bếp nấu ăn quá dở; có vị khi chuẩn bị đi đâu thì “trang điểm” lâu cả tiếng đồng hồ làm người khác phải đợi đến bực mình, tất cả những điều ấy là không bình thường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời, vì các vị ấy sống hưởng thụ và coi việc ăn việc mặc là số một của đời tu trì.

Ăn dở một chút cũng không sao nhưng sẽ tăng thêm vẽ đẹp cho tâm hồn tu sĩ, mặc không đẹp một chút cũng không sao nhưng nó làm tăng giá trị của người tu trì. Ai quá coi trọng đến vấn đề ăn uống thì không có đức ái trong tâm hồn, và ai quá chú trọng đến cách trang sức bên ngoài thì sẽ không có cái đẹp bên trong của tâm hồn, và nếu chúng ta –linh mục và tu sĩ- quá coi trọng vấn đề ăn mặc thì người ta sẽ cười nhạo và hỏi: “Đây là linh mục, đây là tu sĩ sao?”

(1) Thời xưa trên cổ áo quan văn thì thêu phi cầm, trên cổ áo quan võ thì thêu mảnh thú.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro (Năm A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:23 24/02/2020
THỨ TƯ LỄ TRO

Tin mừng: Mt 6, 1-6; 16-18.

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”


Anh chị em thân mến,

Thói giả hình của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su đau khổ trong vườn Giết-sê-ma-ni, lòng kiêu ngạo của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su phải chết trên thập giá. Duy chỉ có lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa và đối với anh chị em mình, mới làm cho Ngài phục sinh mỗi ngày trong tâm hồn của chúng ta, và trong tâm hồn của tha nhân mà thôi.

Khởi đầu mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin vào Phúc Âm của ngày hôm nay: sống chân thực và chân thành với anh chị em của mình, không giả hình giả bộ, không đạo đức giả hình như những người Pha-ri-siêu mà Đức Chúa Giê-su vẫn thường quở trách, bởi vì thói giả hình chỉ làm cho chúng ta như cái mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hôi thối xấu xa.

Có nhiều lần chúng ta sống giả hình với tha nhân khi chúng ta trong lòng rất oán ghét họ, nhưng bên ngoài thì làm bộ thân thiện; miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì chất chứa những mưu thâm hại người; đã nhiều lần bạn và tôi ăn chay bên ngoài như làm việc thiện, đọc kinh, thân thiện, nhưng bên trong tâm hồn thì ăn mặn những thức ăn như kiêu ngạo, ghét ghen, giận hờn, vu khống, hàm hồ cáo gian.v.v...tất cả những điều đó, đã làm cho chúng ta trở thành những tên quân dữ đóng đinh tha nhân vào thập giá như bọn lý hình đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá.

Tiên tri Gio-en đã cảnh cáo chúng ta: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”.

Nhưng đã có rất nhiều lần chúng ta xé áo để cho mọi người biết là chúng ta ăn chay, đó là những lúc chúng ta đóng kịch nhân nghĩa bên ngoài để đánh bóng địa vị của mình, rồi cười hả hê vì mánh lới nhân nghĩa giả trá của mình; có những lúc chúng ta đóng kịch không tham lam của cải thế gian trước mặt mọi người, nhưng lại đấu đá với anh em để được làm chức vụ trong cộng đoàn, hoặc để dành cho được nơi công tác tốt hơn...

Mùa chay là “xé lòng”, tức là hy sinh đền tội, là sám hối ăn năn, là xé nát những thói hư tật xấu của mình, là quyết tâm thay đổi cuộc sống, bởi vì khi chúng ta sửa đổi một vài tật xấu nơi mình, là chúng ta nhổ đi một cái gai nhọn đâm vào đầu Đức Chúa Giê-su; bởi vì khi chúng ta thống hối vì một tội trọng là chúng ta nhổ đi một cái đinh lớn đóng Đức Chúa Giê-su vào thập giá.

Anh chị em thân mến

Mùa chay là mùa của cầu nguyện, sám hối, hy sinh và thực hành đức ái, nếu chúng ta –những người Ki-tô hữu- không cầu nguyện thì sẽ có ngày muốn cầu nguyện mà không được; nếu chúng ta không sám hối thì tất sẽ có ngày hối không kịp; nếu chúng ta không hy sinh thì sẽ có ngày muốn hy sinh mà cũng không có cơ hội, nếu chúng ta không thực hành đức ái thì sẽ có ngày sẽ bị tình yêu Thiên Chúa lên án...

Mùa chay thánh năm nay, chúng ta –ít nữa- cũng có một quyết tâm cho mình, đó là phải sống tốt lành hơn mùa chay năm ngoái, phải sống làm chứng nhân cho Chúa hơn những ngày khác, bằng cách sống rất chân thực và chân thành với anh chị em của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Thứ Tư Lễ Tro. Năm A 26.2.2020
Lm Francis Lý văn Ca
19:27 24/02/2020
ÐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội qua việc ăn chay và kiêng thịt. Giờ đây chúng ta tham dự thánh lễ cũng như tham dự nghi thức làm phép và xức tro sau bài chia sẻ của linh mục chủ tế.

Mùa Chay trở về mời gọi người tín hữu sống tinh thần của việc ăn năn sám hối, trở về với Chúa qua chay tịnh và làm hòa với Ngài cũng như Anh Chị Em qua Bí Tích Hòa Giải một cách cụ thể.

Chu kỳ Phụng Vụ của Mùa Chay được bắt đầu qua nghi thức làm phép và xức tro hôm nay, có ý nghĩa kêu mời chúng ta ăn năn thống hối, qua việc làm cụ thể nầy, chúng ta sẽ nhận được sự khoan hồng thứ tha của Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót.

Giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Joana nhắc nhở dân chúng quay trở về với Thiên Chúa Giavê, qua chay tịnh phần xác. Chúng ta cũng được Giáo Hội mời gọi hy sinh, hãm mình và đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội trong chiến dịch tình thuơng của Mùa Chay.

TRƯỚC BÀI II:
Qua Ðức Kitô, chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa Cha. Nhưng với thân phận yếu hèn, chúng ta chúng ta đã đánh mất ơn Chúa qua tư tưởng, lời nói và việc làm. Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta chuẩn bị làm hòa lại với Chúa và với anh chị em qua những nghĩa cử cao đẹp.

TRƯỚC BÀI PHÚC ÂM:
Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ những nguyên tắc chính để thực hiện trong việc chay tịnh: Bố Thí, Cầu Nguyện và Ăn Chay Hãm Mình. Chúng ta đã thực hiện một phần nào đó trong ngày hôm nay và trong suốt lộ trình của Mùa Chay.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Qua phần phụng vụ đặc biệt của ngày lễ hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài, qua chay tịnh phần xác và hướng đến tha nhân trong sự bác ái. Giờ đây chúng ta dâng lên Thiên Chúa ý nguyện cầu sau đây:

1. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta phải trở về với Chúa và làm hòa với anh em. Xin Chúa giúp mỗi nguời trong chúng ta tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải và làm hòa với anh em trong thông cảm và tha thứ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Ðáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội kêu mời, chúng ta đã bước vào ngày đầu tiên của Mùa Chay Thánh. Xin cho chúng ta biết dùng 40 ngày của Mùa Chay, để mưu ích cho cá nhân bằng những ích lợi thiêng liêng và tha nhân nhận được lòng quảng đại của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Một năm đã qua, có quá nhiều biến cố đau thương xảy đến: thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn, mất mùa, khủng bố gieo tang tóc kinh hoàng, dịch cúm Conovirus. Xin cho chúng ta biết dùng khả năng Chúa ban để phần nào xoa dịu những thống khổ của anh chị em kém may mắn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mắt tâm hồn chúng ta rộng mở, trái tim chúng ta biết thông cảm với những nổi thống khổ của tha nhân và tay chúng ta biết chia sẻ với anh em đang khốn cùng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, thân bằng quyến thuộc, anh chị em của chúng ta đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, là Ðấng hay thương xót và tha thứ, xin nhìn đến sự thống hối ăn năn của chúng con trong ngày lễ hôm nay. Xin tăng thêm ơn thần lực, để chúng con mạnh dạn biến đổi đời sống và hướng đến anh em trong tình bác ái. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen.













 
Mùa Chay và Chay Tịnh
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
20:04 24/02/2020
Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro. Khi cúi đầu nhận lãnh những hạt tro, ta không chỉ biểu lộ hành vi sám hối, nhưng còn là dịp để nhìn lại thân phận con người được tạo tác từ tro bụi và sẽ trở về với bụi tro. Một thân phận mỏng giòn, mong manh sớm nở chiều tàn:

Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. (Tv 90)

Chúng ta thường chúc tuổi nhau vào những ngày đầu năm. Thêm tuổi là bớt đi thời gian sống, đó là quy luật vô thường bất biến của vạn vật. Hoa nở rồi tàn, Xuân đến rồi đi… Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì là vĩnh cửu mà chỉ là phù vân mong manh sương khói.

Nhưng nhiều khi thời gian sống cũng đột ngột dừng lại không theo quy luật vì những tác nhân bên ngoài như tai nạn hay dịch bệnh. Dịp đầu năm Canh Tý vừa qua, dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virus Covid-19 (Corona) đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và lây nhiễm cho mấy chục ngàn người ở nhiều quốc gia.

Dù con người là loài thụ tạo cao nhất được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người, nhưng vẫn là những thụ tạo có giới hạn, là những tội nhân cần sám hối và hoán cải. Lời Chúa trong ngày đầu mùa Chay kêu gọi con người hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.

Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hoán cải bằng cách làm hoà với Thiên Chúa: “Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5, 19–20).

Hòa giải không phải chỉ là nỗ lực của con người. Việc chúng ta hòa giải với Thiên Chúa và với anh em mình chỉ có thể thực hiện được nhờ Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng đã không tiếc gì Người Con duy nhất của mình. Nhờ bí tích Giao hòa, con người tha thứ và làm hòa với nhau. Canh tân đời sống thiêng liêng, ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa.

Trong ngày này, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta giữ chay (ăn chay) và kiêng thịt. Theo từ điển, ăn chay (trai, ăn lạt) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.

Đối với người Công Giáo, ăn chay là không ăn hoặc ăn uống ít đi, đạm bạc hơn bình thường. Tránh việc ăn vặt trong ngày chay và nếu được chỉ nên ăn một bữa no, còn những bữa khác chỉ nên ăn chút ít để bụng còn đói.

Quan trọng hơn là cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực con người. Ý thức mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Lương thực hàng ngày là do Thiên Chúa ban với sự cộng tác của con người chứ không phải “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!

Chay tịnh (cùng với việc cầu nguyện và bố thí) là một trong ba hành vi được khuyên làm để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Thực hành việc chay tịnh là bắt chước Chúa Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và cụ thể hơn: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).

Mục đích truyền thống của mùa Chay là việc chay tịnh, sám hối, ăn năn tội lỗi, cầu nguyện và thực hành bác ái. Bác ái trước hết là “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Thứ đến không phải ăn chay là tiết giảm chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng là để làm việc từ thiện chia sẻ cho người nghèo.

Giáo Hội Công Giáo là Giáo hội của người nghèo, điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô.” (Sứ điệp mùa Chay 2014).

Việc từ thiện vẫn được hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn. Nhưng nếu hiểu xâu xa hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì đó là trả lại cho người nghèo những quyền cơ bản về cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng mà lẽ ra họ được hưởng. Làm việc bác ái từ thiện là một cách thức trả nợ nhân sinh ngoài việc tích công góp đức.

Hãy để cho lòng thương xót dẫn đưa chúng ta đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Như thế, việc chay tịnh sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và đem lại những lợi ích thiêng liêng cho chúng ta trong mùa Chay Thánh này.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nam Hàn không loại trừ khả năng coronavirus là vũ khí sinh học của Trung Quốc
Đặng Tự Do
05:18 24/02/2020
Tại Hoa Lục, tính đến 10 giờ sáng thứ Hai 24 tháng Hai, số người chết vì coronavirus, hay còn gọi là COVID-19 đã tăng vọt lên đến 2,592 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 77,150 người. Như thế, trong ngày Chúa Nhật đã có thêm 150 người bị thiệt mạng, và thêm 409 người được xác nhận là đã nhiễm bệnh.

Nam Hàn đã báo cáo trường hợp tử vong thứ 7 và có thêm 161 trường hợp mới được xác nhận, đưa tổng số trường hợp nhiễm coronavirus ở đây lên 763 người.

Trong khi đó, một phụ nữ đào thoát khỏi Bắc Hàn được tìm thấy đã chết tại một căn hộ ở thành phố Hoa Thành (Hwaseong - 華城市), cách Hán Thành 80 km về phía nam.

Theo sở cảnh sát thành phố Hoa Thành, tỉnh Kinh Kỳ (Gyeonggi - 京畿), người phụ nữ được tìm thấy hôm Chúa Nhật đã chết trong một chiếc túi du lịch tại một căn hộ thuộc sở hữu của một người đàn ông, cũng là một người đã đào thoát khỏi Triều Tiên.

Thi thể của người phụ nữ được cảnh sát phát hiện sau khi một trong những người quen của cô báo cáo rằng không thể liên lạc được với cô.

Cảnh sát cho biết họ đã nghe nói rằng người phụ nữ 36 tuổi này và người đàn ông, 40 tuổi, đã sống chung với nhau tại nhà anh ta.

Cảnh sát cho biết thi thể của người phụ nữ được tìm thấy trong tư thế ngồi xổm bên trong vali, và có những dấu hiệu cho thấy cô đã chết vì bị đâm rất dã man.

Cảnh sát vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người đàn ông. Những người đào thoát khỏi Bắc Hàn thường đề cập đến khả năng của một cuộc tấn công sinh học từ Bắc Hàn và Trung Quốc. Hai người đào thoát này cũng không phải là ngoại lệ. Cho nên, vụ giết người, diễn ra vào thời điểm tế nhị này, khơi lên những đồn đại và lo lắng trong dư luận tại Nam Hàn. Có lẽ hai người này biết được điều gì đó. Đài truyền hình KBS cho biết vụ giết người này khiến Nam Hàn không thể loại trừ khả năng quốc gia này đang bị tấn công sinh học.

Ngay cả trong số những người Nam Hàn không tin vào giả thuyết một cuộc tấn công sinh học từ Trung Quốc, cũng có nhiều người nghĩ rằng các nhà cầm quyền nào cố ý dấu giếm thực trạng dịch bệnh ở quốc gia mình, khiến cho dịch bệnh tràn lan trên thế giới, cũng phải bị coi là đã phạm vào tội ác chống nhân loại.

Trong một diễn biến khác, các quan chức kiểm dịch đã khử trùng trung tâm sinh hoạt của giáo phái Shincheonji /shin-chong-di/ ở Daegu, hay còn gọi là Đại Khâu (大邱), vào ngày 23 tháng Hai năm 2020.

Hơn một nửa tổng số trường hợp nhiễm coronavirus của cả nước có liên quan đến các thành viên của nhóm này. Trong một thông báo trực tuyến hôm Chúa Nhật, giáo phái Shincheonji cho biết họ đã đóng cửa 1,100 trung tâm sinh hoạt trên toàn quốc. Tất cả các cuộc tụ họp và các cuộc họp của giáo phái đã bị hủy bỏ.

Tờ Catholic Times, của tổng giáo phận Daegu, trọng điểm của vụ bùng phát coronavirus, cho biết 77 tín hữu Công Giáo gần đây đã thực hiện một cuộc hành hương, do báo này tổ chức đến Israel, để thăm Thánh Địa, trong thời gian một tuần từ 8 đến 15 tháng Hai. Đến nay 28 người trong số những người hành hương này đã xét nghiệm dương tính với coronavirus khi trở về Nam Hàn. Israel đổ thừa Nam Hàn gieo rắc virus cho mình và hủy bỏ tất cả các chuyến bay đến từ Nam Hàn và Nhật Bản.

Tờ Catholic Times, có trụ sở tại Daegu đã sắp xếp chuyến đi hành hương này, đã đóng cửa các văn phòng của họ ở Hán Thành và Daegu, và đưa tất cả nhân viên của mình vào diện cách ly.

Tổng giáo phận Công Giáo Daegu và Giáo phận An Đông (Andong - 安東) đã quyết định đóng cửa các nhà thờ thuộc thẩm quyền tài phán của mình và đình chỉ tất cả các Thánh lễ, các cuộc họp cũng như các sự kiện trong nhiều tuần.

Dịch bệnh cũng giáng một đòn mạnh vào Giáo hội Tin lành. Đầu tháng 2, nhà thờ Myungryun ở trung tâm Hán Thành đã thay thế tất cả các buổi thờ phượng tại nhà thờ này bằng các buổi thờ phượng trực tuyến sau khi một số tín hữu được xác nhận nhiễm coronavirus.

Myungsung, là một trong những nhà thờ Tin Lành lớn nhất thế giới, cho biết sáu thành viên của nhà thờ, trong đó có một mục sư, đã tự cách ly sau khi tham dự một đám tang được tổ chức tại một bệnh viện ở Thành Đô, tiếng Hàn gọi là Cheongdo, vài tuần trước.


Source:Yonhap
Source:Yonhap

 
Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxicô: Mùa Chay - cuộc đối thoại thân tình với Chúa
Thanh Quảng sdb
18:25 24/02/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: Mùa Chay - cuộc đối thoại thân tình với Chúa



Tòa thánh Vatican đã phát hành Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về Mùa Chay 2020, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy hướng về mầu nhiệm Vượt qua như là trung tâm của tiến trình hoán cải.

Trong Thông điệp Mùa Chay 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra mầu nhiệm Vượt qua - mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu nạn, Cái chết và Phục sinh - làm nền tảng cho sự hoán cải. Thông điệp mang tiêu đề "Chúng ta cầu xin cho nhau nhờ danh Chúa Kitô để được hòa giải cùng Thiên Chúa", trích từ Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrinhtô.

Lời mời gọi thân tình với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha viết: Lời mời gọi hoán cải (Kerygma) là trọng điểm của thông điệp Tin Mừng, một tổng hợp mầu nhiệm của tình yêu 'chân thật, rất thật, cụ thể đến nỗi nó mời chúng ta tới một mối liên hệ cởi mở và đối thoại thân tình với Chúa Kitô (Christus vivit, 117).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngài muốn mời gọi mọi tín hữu trong Mùa Chay này, hãy hướng mắt nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhờ đó mà chúng ta được vực dậy hết lần này đến lần khác. Chúa Giêsu Phục sinh không phải là một sự kiện quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn là một sự kiện sống động hiện tại, nhờ đức tin cho phép chúng ta nhìn nhận và đụng chạm tới một Chúa Kitô hiện thân chịu khổ nạn.

Tầm quan trọng của cầu nguyện

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của lời cầu nguyện trong Mùa Chay, như một phương tiện để đáp lại tình yêu của Chúa, một tình yêu yêu thương chúng ta trước và mãi mãi! Chúng ta cũng được mời gọi để nghe và đáp lại Lời Chúa Giêsu, để trải nghiệm về lòng thương xót của Ngài, Ngài tự nguyện hiến thân vì chúng ta.

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa luôn lắng nghe và đối thoại trao ban ơn cứu rỗi của người cho tín hữu của Người, dù chúng ta đầy những khuyết điểm và lỗi phạm… Vì muốn cứu chuộc chúng ta mà Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến gánh lấy tội lỗi của chúng ta, như Đức Benedict XVI, đã nói vì thương xót chúng ta tội lỗi mà ‘Thiên Chúa đã tự chống nghịch lại chính Ngài (Deus caritas est, 12).

Cam kết xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Trước cuộc khổ nạn bi thương của Chúa Kitô bị đóng đinh giúp chúng ta nhận ra hình ảnh của Ngài nơi những người vô tội của các cuộc chiến, của các cuộc tấn công cướp sự sống của những thai nhi, đến những hất hủi người già neo đơn và nạn nhân của bạo lực dưới nhiều hình thức khác nhau...

Đức Thánh Cha nói: Điều này thúc đẩy mỗi người chúng ta phải cam kết tham gia vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Để tán dương và khích lệ những công cuộc từ thiện mà Đức Thánh Cha đã triệu tập một cuộc họp với các nhà kinh tế, doanh nhân và giới trẻ với mục đích phát triển và thành hình một mô hình cho một nền kinh tế công bằng và toàn diện hơn cho thế giới...

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp của mình bằng lời cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria, ước mong trong suốt mùa Chay này, chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn để nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa đến hòa giải với chính Ngài, giúp chúng ta nhìn về mầu nhiệm vượt qua, và mong được hoán cải cuộc sống kết hợp mật thiết cùng Chúa với một tâm hồn rộng mở và chân thành…
 
Sứ điệp Mùa Chay 2020 của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
19:39 24/02/2020
Ngày 24 tháng Hai năm 2020, Tòa Thánh đã cho công bố sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Dưới đây là toàn văn sứ điệp này:

“Chúng tôi cầu xin anh em, nhân danh Chúa Kitô, hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20)



Anh chị em thân mến,

Năm nay, Chúa ban cho chúng ta, một lần nữa, một thời gian thuận lợi để chuẩn bị cử hành bằng những tâm hồn đổi mới, mầu nhiệm lớn lao tức cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, vốn là nền tảng của đời sống Kitô hữu có tính bản thân và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta phải liên tục trở lại với mầu nhiệm này trong trí khôn và tâm hồn, vì nó sẽ tiếp tục lớn lên trong chúng ta theo mức độ chúng ta mở lòng ra đón nhận sức mạnh thiêng liêng của nó và đáp ứng một cách tự do và quảng đại.

1. Mầu nhiệm phục sinh là cơ sở của viêc hoán cải

Niềm vui Kitô giáo phát xuất từ việc lắng nghe và chấp nhận Tin mừng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Giáo lý sơ truyền này tóm kết mầu nhiệm của một tình yêu “có thực chất, chân thật, cụ thể đến nỗi nó mời gọi chúng ta tiến vào một mối liên hệ cởi mở và đối thoại hữu hiệu” (Christus Vivit, 117). Bất cứ ai tin thông điệp này cũng đều bác bỏ lời dối trá cho rằng cuộc sống của chúng ta là để chúng ta muốn làm gì theo ý muốn thì làm. Đúng hơn, sự sống được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa là Cha của chúng ta, từ ước mong của Người muốn ban cho chúng ta sự sống dồi dào (x. Ga 10:10). Trái lại, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói đầy cám dỗ của “cha mọi dối trá” (Ga 8:44), chúng ta có nguy cơ sa vào vực thẳm của sự phi lý, và trải nghiệm địa ngục ở đây trên trái đất, như quá nhiều sự kiện bi thảm trong kinh nghiệm bản thân và tập thể, buồn thay, vốn làm chứng.

Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những gì tôi đã viết cho những người trẻ tuổi trong Tông huấn Christus Vivit: “Hãy luôn nhìn lên đôi tay dang rộng của Chúa Kitô bị đóng đinh, hãy để các con được cứu rỗi hết lần này đến lần nọ. Và khi các con đi xưng các tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Người, một lòng thương xót vốn giải thoát các con khỏi mặc cảm tội lỗi. Các con hãy chiêm ngưỡng dòng máu Người tuôn ra một cách đầy yêu thương đến thế, và để mình được gột rửa bởi nó. Nhờ cách này, các con có thể được tái sinh một lần nữa” (Số 123). Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu không phải là một biến cố trong quá khứ; đúng hơn, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn hiện diện, cho phép chúng ta, bằng đức tin, nhìn và sờ vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ.

2. Tính cấp thiết của hoán cải

Điều tốt lành là suy ngẫm sâu sắc hơn về mầu nhiệm vượt qua mà qua đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, kinh nghiệm thương xót chỉ có thể xảy ra khi mối liên hệ “mặt đối mặt” với Chúa bị đóng đinh và phục sinh, “Đấng đã yêu tôi và đã phó mình cho tôi” (Gl 2:20), trong một cuộc đối thoại chân thành giữa bạn bè. Đó là lý do tại sao cầu nguyện rất quan trọng trong Mùa Chay. Thậm chí hơn cả một bổn phận, cầu nguyện phát biểu việc chúng ta cần phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu luôn đi trước và nâng đỡ chúng ta. Các Kitô hữu cầu nguyện trong khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng, chúng ta vẫn được yêu thương. Cầu nguyện có thể có bất cứ con số các hình thức khác nhau nào, nhưng điều thực sự quan trọng trong con mắt của Thiên Chúa, là nó thâm nhập sâu trong chúng ta và đẽo dần sự cứng lòng của chúng ta, khiến chúng ta hoán cải, mỗi ngày mỗi hoàn toàn hướng về Thiên Chúa và Thánh ý của Người hơn.

Như thế, trong mùa thuận lợi này, chúng ta có thể cho phép mình được dẫn dắt vào sa mạc như Israel (xem Hôsê 2:14), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của Phu quân chúng ta và cho phép nó vang lên mỗi ngày một sâu hơn trong chúng ta. Chúng ta càng gắn bó với lời nói của Người, chúng ta sẽ càng trải nghiệm được lòng thương xót mà Người tự do ban cho chúng ta. Mong sao chúng ta không để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích, trong ảo ảnh dại dột rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và phương tiện cho việc hoán cải của mình hướng về Người.

3. Thánh ý say mê của Thiên Chúa muốn đối thoại với con cái Người

Không bao giờ nên coi việc Thiên Chúa, một lần nữa, muốn dành cho chúng ta một thời gian thuận lợi để chúng ta hoán cải như một điều đương nhiên. Cơ hội mới này phải đánh thức trong chúng ta một cảm thức biết ơn và khuấy động chúng ta khỏi cơn lười biếng của chúng ta. Mặc dù đôi khi có sự hiện diện bi thảm của tội ác trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội để thay đổi đường đi của chúng ta này nói lên thánh ý bất di bất dịch của Thiên Chúa không làm gián đoạn cuộc đối thoại cứu rỗi của Người với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đấng không biết gì đến tội lỗi, thế nhưng, vì lợi ích của chúng ta, đã bị biến thành tội lỗi (x. 2Cr 5:21), thánh ý cứu rỗi này đã khiến Chúa Cha đặt lên vai Con của Người sức nặng của tội lỗi chúng ta, như trong kiểu phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “biến Thiên Chúa chống lại chính Người (Deus Caritas Est, 12). Vì Thiên Chúa cũng yêu cả các kẻ thù của Người nữa (x. Mt 5: 43-48).

Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi chúng ta qua mầu nhiệm Vượt qua của Con Người không liên quan gì đến cuộc trò chuyện trống rỗng, giống như cuộc trò truyện vốn được gán cho các cư dân cổ xưa của Athens, những người “dành thì giờ của mình không làm gì cả, ngoài việc kể hay nghe một điều gì đó mới lạ” (Công vụ 17:21).

Trò chuyện như vậy, được xác định bởi một óc tò mò trống rỗng và hời hợt, đặc trưng cho tính thế gian của mọi thời đại; trong thời đại của chúng ta, nó cũng có thể là mẹ đẻ của việc sử dụng sai lạc các phương tiện truyền thông.

4. Giàu có để chia sẻ, không giữ cho riêng mình

Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là cảm thấy thương cảm đối với các vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh hiện diện trong nhiều nạn nhân vô tội của chiến tranh, trong các cuộc tấn công vào sự sống, từ sự sống của người chưa sinh đến sự sống của người già và các hình thức bạo lực khác nhau. Các vết thương này cũng hiện diện trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều của cải trên Trái đất, buôn bán người dưới mọi hình thức và lòng thèm khát lợi nhuận không kiềm chế được, vốn là một hình thức thờ ngẫu tượng.

Ngày nay cũng thế, cần phải kêu gọi những người thiện chí nam nữ chia sẻ, bằng cách bố trí, các của cải của họ với những người thiếu thốn nhất, như một phương thế đích thân tham gia việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Việc bác ái cho đi làm cho chúng ta trở nên con người hơn, trong khi tích trữ có nguy cơ làm cho chúng ta trở nên ít con người hơn, bị giam cầm bởi sự ích kỷ của chính chúng ta. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa, và xem xét các khía cạnh cơ cấu của đời sống kinh tế của chúng ta. Vì lý do này, giữa Mùa Chay năm nay, từ ngày 26 đến 28 tháng 3, tôi sẽ triệu tập một cuộc gặp gỡ ở Assisi với các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân và người tạo thay đổi, nhằm mục đích lên khuôn một nền kinh tế công bằng và bao gồm hơn. Như Huấn quyền Giáo hội thường lặp đi lặp lại, đời sống chính trị đại diện cho một hình thức bác ái nổi bật (x. Đức Piô XI, Diễn Văn trước Liên đoàn sinh viên Đại học Công Giáo Ý, 18 tháng 12 năm 1927). Điều tương tự cũng đúng đối với đời sống kinh tế, một đời sống có thể được tiếp cận với cùng một tinh thần Tin Mừng, tinh thần các Mối Phúc Thật.

Tôi cầu xin Mẹ Maria chí thánh cầu nguyện để việc cử hành Mùa Chay của chúng ta sẽ mở tâm hồn để nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hòa giải với chính Người, rõi nhìn vào mầu nhiệm vượt qua, và được hoán cải quay về đối thoại cởi mở và chân thành với Người. Nhờ cách này, chúng ta sẽ trở thành điều Chúa Kitô từng gọi các môn đệ của Người: muối của trái đất và ánh sáng của thế gian (x. Mt 5: 13-14).

Phanxicô
Rôma, tại Nhà Thờ Thánh Gioan Latêranô, 7 tháng 10 năm 2019, Lễ Đức Mẹ Mân Côi.
 
Giáo dân Vũ Hán – Chúng tôi sống những ngày này như thể những ngày cuối cùng của đời mình
Đặng Tự Do
20:53 24/02/2020
Trong một diễn biến khiến người dân tại Vũ Hán hoang mang cực độ, một thông báo nới lỏng tình trạng cô lập thành phố được đưa ra trước đó vài giờ đã bị huỷ bỏ.

Trong một thông báo được đưa ra vào buổi trưa thứ Hai 24 tháng Hai, Trung Quốc cho biết tình trạng cô lập của thành phố Vũ Hán sẽ được nới lỏng. Nhưng chỉ vài giờ sau, thông báo này đã bị bác bỏ. Các phương tiện truyền thông nhà nước nói thông báo ấy hoàn toàn không có sự chấp thuận từ các quan chức cấp cao, và vì thế không có tác dụng.

“Việc phong tỏa thành phố Trung Quốc, nơi coronavirus mới, đã xuất hiện sẽ vẫn còn nguyên hiệu lực như trước,” Tân Hoa Xã nói.

Sự thay đổi đột ngột trong vòng vài giờ đồng hồ gây thêm hoang mang cho 11 triệu dân của thành phố Vũ Hán đã bị cô lập kể từ ngày 23 tháng Giêng.

Một giáo dân ở Vũ Hán nói với Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh của Hương Cảng, nỗi âu lo của mình là sẽ phải chết trong thành phố này khi bọn cầm quyền buộc những người khoẻ mạnh cứ tiếp tục phải bị cách ly với thế giới bên ngoài chung với những người bị lây nhiễm.

“Chúng tôi sống những ngày này như thể những ngày cuối cùng của đời mình. Đây có thể là Mùa Chay cuối cùng của chúng tôi. Có sống được đến lễ Phục sinh hay không là điều không ai biết được.”

Tỉnh Hồ Bắc - nơi có thủ phủ là Vũ Hán - cũng đã điều chỉnh số người nhiễm bệnh chính thức nhiều lần trong những tuần gần đây, gây ra sự ngờ vực về các con số thống kê từ tâm chấn của một ổ dịch đã lây nhiễm gần 80,000 người và giết chết hơn 2,600 người.

Hôm thứ Hai, một tuyên bố của bọn cầm quyền thành phố trên mạng Vi Bác, hay còn gọi là Weibo, một mạng xã hội giống như Twitter của Trung Quốc, nói rằng những người không phải là cư dân của thành phố có thể ra khỏi Vũ Hán miễn là họ khỏe mạnh và không bị cách ly. Đó là động thái đầu tiên để giảm bớt tình trạng cô lập đối với 60 triệu người Hồ Bắc trong cả tháng qua, và được coi là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tin rằng dịch bệnh bùng phát đã được kiểm soát.

Nhưng nhiều giờ sau, tuyên bố này đã bị xóa khỏi Weibo cũng như các phương tiện truyền thông khác của nhà nước mà không có lời giải thích nào. Sau đó, một tuyên bố mới đã được đưa ra trên tài khoản Weibo của thành phố, nói rằng thông báo trước đó là trái phép và sẽ không có hiệu lực.

Khi được tiếp cận qua điện thoại, một phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Vũ Hán cho Reuters biết cô nhận thấy sự rút lại tuyên bố trước đó, nhưng không có thêm thông tin nào về tình huống này. Ủy ban Y tế Hồ Bắc đã không trả lời các cú điện thoại để làm rõ thêm.

Việc thay đổi lập trường công khai từ lãnh đạo Hồ Bắc như thế đã diễn ra ít nhất hai lần trong một tuần qua.

Tuần trước, một số thành phố trong tỉnh Hồ Bắc đã cố tình giảm bớt các trường hợp nhiễm coronavirus hàng ngày. Lấy một thí dụ cụ thể cho dễ hiểu là thế này: Trong ngày thứ Hai, họ xác nhận 500 trường hợp mới nhiễm coronavirus. Cũng trong ngày thứ Hai, họ khám cho những người khác không phải 500 người này, là các bệnh nhân trước đây đã được xác nhận nhiễm coronavirus và phát hiện 100 người âm tính khi thử nghiệm acid nucleic, thì họ trừ đi 100 người này, và cho rằng chỉ có 400 trường hợp mới nhiễm coronavirus, trong khi thực tế là 500.

Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, là Ưng Dũng (Ying Yong - 应勇), đã ra lệnh cho họ không được trừ đi như thế vì làm xói mòn lòng tin của công chúng; và đe dọa trừng phạt họ.

Ưng Dũng, nguyên là thị trưởng thành phố Thượng Hải, mới được điều về làm bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc thay cho Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang - 蒋超良) từ ngày 12 tháng Hai.

Con số các trường hợp nhiễm coronavirus tại Hồ Bắc đã cao nghi ngút sau chỉ thị của Ưng Dũng: 5090 vào ngày 13 tháng Hai, 2641 vào ngày 14 tháng Hai. Nhưng bản thân Ưng Dũng lại bị Bắc Kinh khiển trách. Do đó, con số các trường hợp nhiễm coronavirus tại Hồ Bắc lại tụt giảm chỉ còn 394 vào ngày 19 tháng Hai.

Các chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm đang mất niềm tin vào tính chính xác của số lượng các trường hợp mắc bệnh coronavirus mới của Trung Quốc. Họ cho biết các quan chức y tế Trung Quốc thay đổi xoành xoạch định nghĩa về các trường hợp nhiễm coronavirus. Do đó, số lượng các trường hợp nhiễm coronavirus hôm 12 tháng Hai là 15,512 trường hợp, thể hiện một cú đại nhảy vọt từ con số 2015 trường hợp hôm 11 tháng Hai. Đến ngày 13 tháng Hai nó lại xuống chỉ còn có 5090 trường hợp.

Các thông điệp mâu thuẫn từ các quan chức Hồ Bắc đã làm tăng thêm sự phẫn nộ của công chúng trên khắp Trung Quốc về cách thế bọn cầm quyền trì hoãn các phản ứng ban đầu đối với sự bùng phát dịch bệnh và sự thiếu minh bạch của chúng.

Sự lây nhiễm tiếp tục lan rộng ở Á châu và một phần của Âu châu, làm dấy lên nỗi sợ về một đại dịch. Hàn Quốc, nước láng giềng Trung Quốc và là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất tiếp theo, đã xác nhận hơn 893 trường hợp nhiễm coronavirus và 8 trường hợp tử vong.


Source:Bloomberg
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huấn luyện thiếu nhi Thánh Thể tại giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
Liên đoàn Đa Minh Saviô
10:25 24/02/2020
Huấn luyện thiếu nhi Thánh Thể tại giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội

Với mục đích giúp cho phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) tại giáo xứ Tụy Hiền (Kẻ Sải) ngày một phát triển theo tinh thần của Hội đồng Giám mục Việt Nam, cách riêng theo định hướng của Tổng Giáo Phận Hà Nội, cha xứ Antôn Nguyễn Văn Độ - chính xứ Tụy Hiền đã mời cha Phêrô Nguyễn Quang Khánh – Phó Tuyên úy Liên đoàn TNTT Đaminh Saviô TGP Hà Nội, quý Sơ trợ úy và quý Trưởng trong Ban huấn luyện của Liên đoàn về tổ chức buổi huấn luyện đầu tiên về phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cho các em thiếu nhi trong Giáo xứ, trong hai ngày 22 và 23/02/2020.

Xem Hình

Chia sẻ trong giờ khai mạc, cha xứ Antôn đã nói lên những ưu tư của ngài về hoạt động của Thiếu nhi trong Giáo xứ. Ngài hy vọng thông qua các đợt tập huấn, Phong trào Thiếu nhi trong Giáo xứ sẽ trở nên quy củ và sinh động hơn, giúp các em trở nên những người Kitô hữu tốt cho Giáo hội và những công dân có ích cho xã hội.

Trong hai ngày ngắn ngủi, các em Thiếu nhi cũng như các bạn trẻ trong Giáo xứ đã được học hiểu, huấn luyện những kiến thức, kỹ năng cơ bản về TNTT như: tôn chỉ, mục đích của phong trào, phương pháp hàng đội, phương pháp sinh hoạt vui, quy định về đồng phục, khăn quàng, ơn gọi Huynh trưởng – Dự trưởng. Đặc biệt các em được cùng tham dự Thánh lễ Chúa Nhật do cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh - đặc trách phong trào TNTT giáo tỉnh Hà Nội chủ sự.

Ước mong với sự quan tâm của Cha xứ Antôn, sự đồng hành của quý Sơ cũng như sự cộng tác của Ban hành giáo và các thành phần dân Chúa, phong trào thiếu nhi tại giáo xứ Tụy Hiền sẽ mau chóng phát triển để sớm trở thành một Xứ đoàn trong đại gia đình TNTT Tổng Giáo phận.

Liên đoàn Đa Minh Saviô
 
Khánh thành nhà thờ Đức Mẹ La Vang đầu tiên trên đất Úc
Giáo Hội Năm Châu
20:40 24/02/2020


 
VietCatholic TV
Suy Niệm 24/02/2020: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:38 24/02/2020
Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc rằng sự giận dữ hủy hoại phá hủy nhiều thứ; ngược lại, sự hiền lành đạt được nhiều điều. Người hiền lành thu phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn, bảo vệ tương quan với Thiên Chúa. Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học theo gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Sáng thứ Tư 19 tháng 02 năm 2020, Ðức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung dành cho gần 8,000 tín hữu hiện diện trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Mở đầu buổi tiếp kiến, các tín hữu đã nghe đoạn Kinh Thánh trích từ Thánh vịnh 37 từ câu 3 đến câu 11:

“Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ. Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xáo trá. Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung, đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi, vì bọn gian ác sẽ bị diệt trừ, còn người trông đợi Chúa, sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Ít lâu nữa ác nhân sẽ chẳng còn, đến chỗ xưa cũng không tìm thấy hắn. Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà.”

Với đoạn Thánh vịnh trên, Ðức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý giải thích về Mối Phúc thứ ba: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt,5,5).

Mở đầu bài giáo lý, Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta đề cập đến phần thứ ba trong số tám mối phúc thật theo Tin mừng Thánh Matthêu: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5: 5).

Thuật ngữ “hiền lành” được sử dụng ở đây có nghĩa đen là ngọt ngào, dịu dàng, lịch sự, không có bạo lực. Sự hiền dịu được thể hiện trong những khoảnh khắc xung đột, nó được nhìn thấy qua cách người ta phản ứng trước một tình huống thù địch. Bất cứ ai cũng có vẻ ôn hòa khi mọi thứ đều thanh bình, nhưng người ta phản ứng thế nào khi ở “dưới áp lực”, nếu bị tấn công, bị xúc phạm, bị xâm hại?

Trong đoạn thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhắc lại “sự nhân từ và khoan dung của Chúa Kitô” (2 Cr 10,1). Còn thánh Phêrô thì nhắc lại thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó: Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công bằng” (1 Pr 2,23). Sự hiền lành của Chúa Giêsu được chứng tỏ rõ ràng trong cuộc Thương Khó.

Ðức Thánh Cha nhận xét: trong Kinh Thánh, từ “hiền lành” cũng nói đến người không có sản nghiệp đất đai; và do đó điều khiến chúng ta ngạc nhiên là Mối Phúc thứ ba nói rõ rằng những người hiền lành “sẽ được đất làm sản nghiệp.”

Trong thực tế, Mối Phúc này trưng dẫn Thánh vịnh 37 mà chúng ta nghe khi bắt đầu bài giáo lý. Ngay cả Thánh vịnh đó cũng cho thấy tương quan giữa sự hiền lành và sở hữu đất đai. Hai điều này, khi chúng ta suy nghĩ về nó, dường như không tương thích. Thực tế là, sở hữu đất đai là môi trường xung đột điển hình: người ta thường chiến đấu vì một lãnh thổ, để giành quyền bá chủ trên một khu vực nhất định. Trong các cuộc chiến, người mạnh nhất chiếm ưu thế và chinh phục các vùng đất khác.

Tiếp tục bài giáo lý, Ðức Thánh Cha nói: Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ động từ được sử dụng để chỉ sự sở hữu của những người hiền lành: họ không chinh phục đất đai, nhưng “thừa hưởng” nó. Trong Kinh Thánh, động từ “thừa hưởng” có nghĩa sâu hơn. dân Chúa xem vùng đất của Israel, Ðất Hứa, là tài sản thừa kế. Miền đất đó là một lời hứa và một món quà dành cho Dân của Thiên Chúa, và trở thành dấu chỉ của một điều lớn lao và sâu sắc hơn là một lãnh thổ đơn giản. Có một “miền đất” - theo cách chơi chữ - là Nước Trời, là miền đất mà chúng ta hành trình hướng về đó: trời mới và đất mới chúng ta đang đi đến (x. Is 65,17; 66,22; 2 Pr 3,13; Kh 21,1).

Do đó, người hiền lành là người “thừa hưởng” điều lớn lao nhất của các lãnh thổ. Họ không phải là kẻ hèn nhát, “kẻ yếu đuối”, người tìm thấy một đạo đức thu mình lại để tránh xa rắc rối. Hoàn toàn khác hẳn! Họ là người đã nhận được một gia tài và không muốn phân tán nó. Người hiền lành là môn đệ của Chúa Kitô, người đã học cách bảo vệ một miền đất khác. Họ bảo vệ sự bình an của mình, bảo vệ mối quan hệ của mình với Thiên Chúa và bảo vệ những ơn sủng của Ngài, giữ gìn lòng thương xót, tình huynh đệ, niềm tin, hy vọng. Bởi vì những người hiền lành là những người có lòng thương xót, có tình huynh đệ, tin tưởng và là những người có niềm hy vọng.

Nhắc đến tội tức giận, Ðức Thánh Cha nói: Ở đây chúng ta phải đề cập đến tội tức giận, một phong trào bạo lực mà tất cả chúng ta đều biết động lực của nó. Ai không có đôi lần tức giận? Tất cả đều có. Chúng ta phải đảo ngược Mối Phúc và tự hỏi mình một câu hỏi: với sự tức giận, chúng ta đã phá hủy bao nhiêu thứ? Chúng ta đã mất bao nhiêu thứ? Một khoảnh khắc tức giận có thể phá hủy nhiều thứ; bạn mất kiểm soát và không đánh giá điều gì thực sự quan trọng và bạn có thể phá hỏng mối quan hệ với một người anh em, đôi khi không thể chữa lành được. Vì giận dữ, nhiều anh em không nói chuyện với nhau nữa, họ xa cách nhau. Sự hiền lành quy tụ, còn giận dữ chia cách.

Ngược lại, người hiền lành chinh phục nhiều thứ. Sự hiền lành có khả năng chiến thắng trái tim, cứu vãn tình bạn và nhiều hơn thế nữa, bởi vì những người tức giận nhưng sau đó bình tĩnh lại, suy nghĩ lại và hối hận, và như thế, với sự hiện lành, nó có thể được xây dựng lại.

“Vùng đất” cần chinh phục với sự hiền lành chính là ơn cứu độ của người anh em mà Tin Mừng thánh Mátthêu nói đến: “Nếu người anh em của bạn lắng nghe bạn, bạn sẽ có được người anh em của mình” (Mt 18,15). Không có vùng đất nào đẹp hơn trái tim của người khác; không có lãnh thổ nào đẹp hơn cần thu được được hơn là sự bình yên tìm thấy với một người anh em. Ðó là mảnh đất cần thừa kế với sự hiền lành!
 
Giáo Hội Nam Hàn kêu cầu Đức Mẹ như ngọn hải đăng hy vọng trước sự bùng phát siêu nhanh coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:52 24/02/2020
Giáo Hội Nam Hàn kêu gọi lần chuỗi Mân Côi trực tuyến trước sự bùng phát quá nhanh của dịch bệnh coronavirus tại quốc gia này. Đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, có tựa đề Chạy Đến Bên Mẹ, là một trong các phản ứng đầu tiên của Giáo Hội tại Nam Hàn sau khi thủ tướng Chung Sye-kyun, hay còn gọi là Chung Thế Quân, tuyên bố quốc gia này rơi vào tình trạng khẩn cấp khi số người được xác nhận nhiễm bệnh đang tăng ở mức chóng mặt.

Cho đến sáng Chúa Nhật 23 tháng Hai, đã có 4 người chết và ít nhất 556 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận.

Đoạn video này có những tâm tình cầu nguyện như sau:

Trong những thời khắc bi thảm này, chúng ta hãy xin Mẹ Maria, là người đã đứng dưới chân Thập giá khi Chúa Giêsu Con Mẹ thở ra những hơi thở yếu ớt sau cùng. Lạy Mẹ, xin Mẹ hãy là trụ cột sức mạnh và là ngọn hải đăng hy vọng cho chúng con.

Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, và giúp chúng con ngăn chặn được nạn dịch chết người này. Chúng con thành khẩn cầu xin sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ. Xin giúp cho chúng con có thể ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng đến mức kinh hoàng của loại virus chết người này. Xin mang lại hy vọng và can đảm cho các bệnh nhân và các nhân viên y tế đang liều mạng sống để cứu những người bị nhiễm virus. Xin Mẹ đưa đôi bàn tay kỳ diệu của Mẹ chữa lành các bệnh nhân.

Với những người đã và sẽ mất mạng, các tín hữu được khích lệ trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa.

Xin Chúa đón nhận những người đã qua đời vào vòng tay từ ái của Ngài, xin an ủi các gia đình và lau nước mắt cho những người thân trước cảnh sinh ly tử biệt.

Nam Hàn đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus mới gây chết người, trong khi các ca nhiễm bệnh được xác nhận đang tăng mạnh theo từng ngày.

Hai thành phố phía nam là Daegu, còn gọi là Đại Khẩu, và Cheongdo, còn gọi là Thanh Đạo, đã được tuyên bố là các khu “quan ngại đặc biệt”.

Như chúng tôi đã loan tin, trong một trường hợp hết sức ngẫu nhiên, một người đàn bà thuộc giáo phái này bị sốt cao, hoa mắt khi đang lái xe, gây ra tai nạn xe cộ và được đưa vào nhà thương. Trong lúc chữa chạy cho bà, các bác sĩ thấy bà có những triệu chứng nhiễm coronavirus nên yêu cầu bà thử máu. Ban đầu bà từ chối viện dẫn các lý do tôn giáo. Tuy nhiên, sau khi chạy CT scan, các bác sĩ buộc bà phải thử máu và các xét nghiệm khác.

Sau khi có kết quả dương tính, cảnh sát đã yêu cầu bà khai ra những nơi bà đã viếng thăm trong thời gian mấy tuần qua. Người đàn bà này, được biết với bí danh là “bệnh nhân 31” khai ra đến đâu, chỗ đó liền bị đóng cửa, bao gồm cả một thương xá lớn tại Hán Thành.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, thị trưởng Quyền Vịnh Trân (Kwon Young-jin-權泳臻) cho biết khi cảnh sát tiếp xúc với trung tâm sinh hoạt của tà giáo Shincheonji tại Daegu, nhiều tín hữu tỏ ra sẵn sàng hợp tác với cảnh sát và 90 người cho biết có những dấu hiệu như sốt cao, ho và viêm họng.

Tính cho đến sáng ngày thứ Sáu, tất cả 90 người này đều đã được xác nhận là nhiễm bệnh. Cùng ngày, cảnh sát đã tìm được hơn 400 thành viên của giáo phái. Trong cuộc họp báo sau đó, thị trưởng thành phố cho biết hầu hết những người này đều có các triệu chứng của căn bệnh này, mặc dù các xét nghiệm vẫn đang tiếp diễn.

Tính đến trưa thứ Bẩy, 231 người của giáo phái Shincheonji đã được xác nhận nhiễm coronavirus. Đến sáng Chúa Nhật, con số này lên đến 309 người.

Tại Daegu, giáo phái Shincheonji có 9,336 thành viên. Thị trưởng Quyền Vịnh Trân yêu cầu họ tự cách ly, và tiếp xúc với các cơ quan y tế để được điều trị. Ông khẳng định trung tâm sinh hoạt của giáo phái này tại Daegu là “một ổ dịch”.

Các đường phố của Daegu hiện trở nên rất hoang vắng. Tất cả các căn cứ quân sự trên địa bàn thành phố Daegu bị đặt trong tình trạng cách ly sau khi thử nghiệm trên ba người lính đã cho kết quả dương tính. Daegu là thành phố lớn thứ tư của đất nước, với dân số 2.5 triệu người.

Chính quyền nghi ngờ sự bùng phát dịch bệnh hiện tại ở Nam Hàn bắt nguồn từ Cheongdo, sau khi một số lượng lớn tín đồ giáo phái Shincheonji tham dự một đám tang của người em nhà sáng lập giáo phái này suốt trong ba ngày từ 31 tháng Giêng đến 2 tháng Hai.

Giáo phái Shincheonji được thành lập bởi ông Lý Vạn Hy (Lee Man-hee -李萬熙) vào năm 1984 và hiện đang có trên dưới 200,000 tín đồ tại Nam Hàn.

Hội Đồng Các Giáo Hội Kitô tại Hàn Quốc, gọi tắt là CCK, cho rằng Shincheonji là tà giáo, không thể coi là giáo phái Kitô vì họ không thờ phượng Chúa Kitô nhưng thờ phượng người sáng lập ra giáo phái này, tức là ông Lý Vạn Hy. Nơi họ gặp gỡ nhau, bản thân giáo phái này không gọi là nhà thờ nhưng là trung tâm sinh hoạt nơi các thành viên học hỏi và hát những bài hát cộng đồng, như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Theo thông tấn xã Yonhap, người em ông Lý Vạn Hy bị bịnh tâm thần và được điều trị trong khoa tâm thần của bệnh viện Daenam tại Cheongdo, là quê hương của ông Lý.

Hôm thứ Sáu, một người thứ hai nhiễm coronavirus cũng đã chết. Nạn nhân là một phụ nữ ở độ tuổi 50. Cô đã chết ở thành phố Busan, còn gọi là Phủ Sơn, cách Hán Thành 329km về phía Đông Nam sau khi được chuyển đến đó từ bệnh viện tâm thần Daenam ở Cheongdo.

Cho đến nay, 111 bệnh nhân và các nhân viên y tế ở bệnh viện tâm thần Daenam cũng đã có kết quả thử nghiệm dương tính.

Chính quyền Nam Hàn đã đưa ra các biện pháp tích cực chống dịch bệnh. Chất khử trùng tay đã được đặt tại các điểm dừng giao thông công cộng và lối vào các tòa nhà.

Dấu hiệu cảnh báo chính phủ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chính quyền nói: Có ba cách để ngăn ngừa nhiễm trùng: đeo mặt nạ mọi lúc; rửa tay đúng cách bằng xà phòng trong hơn 30 giây; và che miệng lại khi ho.

Chính quyền cũng đã phát triển một số ứng dụng trên điện thoại di động và các trang web cho người dân biết phải đối mặt với rủi ro như thế nào.
 
Nỗi lo sợ kinh hoàng của người dân Ukraine tại Novi Sanzhary đối với nguy cơ coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 24/02/2020
Hôm thứ Năm 20 tháng Hai, 70 người trong đó có 45 người Ukraine đã được di tản từ Vũ Hán bên Trung Quốc, tâm chấn của trận dịch chết người, đến sân bay Kharkiv ở miền đông Ukraine.

Không ai trong số những người di tản này bị nhiễm coronavirus, nhưng 6 xe buýt đã chở họ đến trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố Novi Sanzhary để cách ly trong 14 ngày. Tại đây, đoàn xe đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của những người biểu tình nổi lửa ngăn đường và ném đá vào đoàn xe.

Một người biểu tình nói: “Chúng tôi chống lại việc đưa những người di tản đến đây. Đưa họ đi điều trị chỗ khác đi, giữa đồng không mông quạnh, 20 tới 30km cách xa chúng tôi. Hãy để họ tự dàn xếp lấy đi. Đây không phải là cách đâu, chúng tôi cũng là con người mà, và chúng tôi có con cái. Các bác sĩ không chữa nổi bệnh sốt này và ở đây chúng tôi đang phải đối diện với một thứ virus như thế.”

Một người khác nói: “Nhà tôi ở đây, chỗ cái rào cản này, và chỉ cách 50m là cái nhà thương mà họ nuốn đưa mấy người này đến. Tôi sống sát bên. Không phải một mình tôi. Tôi biết chỗ đó mà. Nó chưa sẵn sàng. Tôi sống sát bên mà chẳng ai hỏi tôi gì cả. Chẳng lẽ tôi phải dọn nhà đi? Tôi có một đứa con ở nhà. Anh có thực sự nghĩ rằng tôi nên ủng hộ chuyện này? Không, tôi chống lại điều đó.”

Xe thiết giáp đã được điều động để mở đường cho 6 chiếc xe buýt.

Sau một thời gian căng thẳng, cảnh sát và quân đội đã mở được đường đến tòa nhà nơi những người di tản sẽ ở lại trong thời gian cách ly 14 ngày.

Ủy ban thông tin của Giáo Hội Chính Thống Hiệp Nhất Ukraine bày tỏ nỗi buồn trước các phản ứng quá đáng của dân chúng thành phố Novi Sanzhary.

Trích thuật các báo cáo của Bộ Y tế Ukraine, Ủy ban thông tin khích lệ dân chúng tin tưởng vào các báo cáo của chính quyền theo đó không có hành khách nào trên 6 chiếc xe buýt này có dấu hiệu nhiễm thứ virus chết người này.

Bộ ngoại giao Ukraine cho biết có ba người Ukraine và một cư dân của Kazakhstan đã bị bỏ lại ở Trung Quốc, vì họ đã báo cáo rằng mình bị sốt.

Thủ tướng Oleksiy Honcharuk, Bộ trưởng Y tế Zoryana Skaletska và Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov đều đã đến thị trấn để cố gắng làm dịu căng thẳng.

Ủy ban thông tin kêu gọi người dân địa phương thể hiện lòng trắc ẩn và kiềm chế phản ứng của mình.

“Hầu hết các hành khách là những người dưới 30 tuổi. Họ đáng tuổi con cháu của nhiều người trong chúng ta.”

“Bên cạnh đó, còn có một mối nguy khác là chúng ta quên rằng tất cả chúng ta đều là con người được tạo thành giống hình ảnh Chúa. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều là người Ukraine.”

Ủy ban thông tin kết thúc tuyên bố của mình với lời kêu gọi người biểu tình thể hiện sự đồng cảm.

Trong khi đó, cơ quan an ninh mạng của Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết một email giả mạo được cho là của Bộ Y tế đã tung ra tin giả là một số người di tản đã nhiễm virus.

Các quan chức SBU hiện đang điều tra trò lừa bịp này.

Cho đến nay Ukraine không có trường hợp nhiễm bệnh coronavirus nào được xác nhận.

Để thể hiện tình đoàn kết với người di tản, Bộ trưởng Y tế Ukraine Zoryana Skaletska hôm thứ Sáu đã di chuyển đến cư ngụ chung với những người kiểm dịch và nói rằng bà sẽ điều hành công việc thường ngày của mình trong 14 ngày tới qua Skype và điện thoại di động.

“Tôi hy vọng rằng sự hiện diện của tôi ở đó sẽ làm dịu những âu lo của người dân Novi Sanzhary, cũng như phần còn lại của đất nước.”

Trong khi đó, hôm thứ Sáu, tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra nóng nảy hơn và đã so sánh các cuộc đụng độ vào hôm thứ Năm với Âu châu vào thời trung cổ.