Ngày 23-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Bẩy Mùa Thường Niên 24/2/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:15 23/02/2019
Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

"Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: "Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai". Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: "Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?" Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: "Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

"Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:39 23/02/2019
41. TỰ BIẾT TÁM CHỮ

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, trong đó có một người rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tám chữ (coi bói đoán số).

Vương Nguyên Mỹ nói:

- “Tôi cũng biết coi bói vậy.”

Có người hỏi ông ta thế nào là tám chữ lớn, họ Vương trả lời:

- “Tôi và các ngài ai cũng phải chết.”

(Hài Tùng)

Suy tư 41:

Coi bói tức là đoán vận mệnh tương lai của con người sẽ như thế nào, hung hay kiết, xui hay hên.

Nhưng vận mệnh hên xui của con người thì đố ai biết được, chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi, nhưng có một điều mà ai cũng có thể biết cách chính xác mà không cần phải biết coi bói, đó là tất cả mọi người đều phải chết.

Con người ta ai ai cũng phải chết, đó là chân lý bất di bất dịch mà ai cũng phải biết, nhưng có một điều kỳ lạ là chúng ta ai cũng biết mình rồi có một ngày sẽ phải chết, thế mà chúng ta vẫn sống cách vui vẻ trong tội lỗi, chúng ta sống như là không hề biết có ngày mình sẽ phải chết và phải chịu phán xét...

Không ai được trường sinh bất tử, nhưng ai cũng được Thiên Chúa hứa ban cho sự sống đời đời, tức là trường sinh bất tử trên thiên đàng với Ngài, nếu họ trở nên con cái của Thiên Chúa và hiệp nhất trong đàn chiên của Ngài là Giáo Hội Công Giáo, và hiệp thông với đấng kế vị thánh Phê-rô là đức giáo hoàng.

Vận mạng hạnh phúc của mình mai sau như thế nào đều tuỳ thuộc vào cuộc sống của mình hôm nay, đó là điều mà ai cũng biết khỏi cần đi coi bói, nhưng biết mà không chịu sống tốt lành thì càng tồi tệ hơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 7 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:41 23/02/2019
Chúa Nhật VII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 6, 27-38.

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.


Bạn thân mến,

Câu Lời Chúa trên đây là tóm gọn bài huấn từ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài nói về lòng nhân từ, lòng nhân từ này không phải bắt chước các kinh sư hay người biệt phái, cũng không bắt chước các nhà hiền triết cổ nhân, nhưng bắt chước lòng nhân từ của Cha trên trời.

Không có lòng nhân từ thì không thể tha thứ cho ai, không có lòng nhân từ thì không thể đưa má bên kia cho người đánh, không có lòng nhân từ thì không thể cởi áo cho người nghèo, không có lòng nhân từ thì không thể cho ai vay mượn.v.v...Nếu Cha trên trời không nhân từ thì không ai được sống và hưởng phúc thiên đàng, nếu Cha trên trời không nhân từ thì nhân loại tiêu vong, và nếu Cha trên trời không nhân từ thì sẽ không có ơn cứu độ cho nhân loại, qua mầu nhiệm nhập thế của Đức Chúa Giê-su.

Lòng nhân từ của bạn đạt đến mức độ nào ? Mức độ tha thứ cho bạn bè nhưng lại căm hận kẻ thù; mức độ giúp đỡ người quen biết nhưng làm lơ với kẻ xa lạ; mức độ phục vụ những bệnh nhân sạch sẽ dễ thương, nhưng lại xa lánh những bệnh nhân lở loét phong cùi, hay mức độ chỉ yêu bà con bạn bè thân thuộc nhưng lại dửng dưng với những người khác !

Cuộc sống của những người chung quanh bạn sẽ vui hơn khi bạn có lòng nhân từ, vì hoa quả lòng nhân từ của bạn được kết sinh bởi tâm hồn ngập tràn tình yêu Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:44 23/02/2019

89. Ngoài mặt đoan chính thì có thể làm thay đổi lòng người khác, bảo tồn đức hạnh bên trong, giống như mũ và áo giáp bảo vệ thân thể vậy.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đó Là Người Mạnh Nhất
Lm Giuse Trương Đình Hiền
10:26 23/02/2019
Đó Là Người Mạnh Nhất

(Chúa Nhật 7 TN C 2019)

Trong lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên, Hội Thánh đã dâng lên Thiên Chúa những lời đặc biệt nầy : “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” !

Nếu căn cứ theo lời kinh nguyện phụng vụ quan trọng nầy (Kinh Tổng Nguyện của Thánh lễ Chúa Nhật), thì “quyền năng Chúa” không phải “được biểu lộ tỏ tường nhất” qua những hành vi to lớn vĩ đại, những cuộc thần hiển uy hùng như ta vẫn tưởng :

- Cựu ước có “đại hồng thuỷ thời No-e”, có lửa đốt sạch thành Sô-đô-ma thời Ab-ra-ham, có những tai ương cả thể xảy ra cho toàn dân Ai Cập thời Mô-sê, có “núi Si-nai khói bốc, lửa dậy…”, có “Nước Biển Đỏ tách đôi thành hai bờ dựng đứng” để dân Ít-ra-en vượt qua về Đất hứa….

- Tân ước, với quyền năng của “Vị Thiên Chúa làm người” : “chỉ một tiếng dẹp yên sóng cả ba đào”, chỉ “5 chiếc bánh và 2 con cá đãi dư dật đám 5000 dân đang khát đói”, chỉ một lời quyền năng đẩy lùi phong cùi, bất toạ, đui, điếc, què, câm…và cả một đoàn quân thất kinh sấp mặt trong đêm vườn dầu…!

Nhưng lại “được biểu lộ cách tỏ tường hơn cả khi Chúa thương xót và thứ tha” !

Với não trạng và tâm thức chuộng cái “mã ngoài hoành tráng”, đánh giá giá trị theo tiêu chuẩn “to con lớn xác”, quyền lực sang giàu, chọc trời khuấy nước, công thành danh toại…, quả thật, cho dù là những kẻ có đức tin, chấp nhận chân lý trên về Thiên Chúa quả là không dễ dàng chút nào.

Thế nhưng, những gì Hội Thánh “ORANDI” cũng là những điều Hội Thánh “CREDENDI” (Lex orandi Lex credendi – Luật cầu nguyện là luật đức tin). Hội Thánh đã cầu nguyện “…khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…”, thì chắc chắn, Hội Thánh xác tín rằng : những công trình vĩ đại nhất, cao cả nhất, quyền năng nhất mà Thiên Chúa thực hiện trong chương trình cứu rỗi con người, trong lịch sử nhân loại, đó chính là những việc thương xót và thứ tha.

Mà đúng vậy. Trong mọi công trình của Thiên Chúa, có công trình nào lớn cho bằng việc “Ngài đã thương ban Con Một” (Ga 3,16), một nghĩa cử vĩ đại nhất của thương xót và tha thứ, và cũng là việc “biểu lộ quyền năng cách tỏ tường nhất”.

Đó cũng chính là ý định, là con đường, là phương thế…mang tính “xuyên suốt” mà chúng ta có thể tìm thấy trong những lời dạy bảo của Thiên Chúa, ít nhất, ngay trong sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay.

Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, qua trích đoạn của sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy lùng để tiêu diệt Đa-vít, đã muốn gởi gắm chân lý nầy : điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại…không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt…mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái.

Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy : “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc ! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).

Rồi 1000 năm sau đó, một “hậu duệ của nhà Đa-vít”, chàng “Thợ mộc đến từ Na-da-rét”, Đức Giêsu-Kitô – Vị Thiên-Chúa-làm-người, đã trở thành người phát ngôn duy nhất và cũng “thẩm quyền nhất”, tái công bố một chân lý rõ ràng về Thiên Chúa để con người tin thờ và hành động theo ý Ngài : Thiên Chúa là Đấng nhân từ :

“… anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ…”.

Nếu Tin Mừng Luca là một trong 4 cuốn Tin Mừng có nội dung mang “dáng đứng của lòng thương xót”, thì quả thật những trích đoạn được công bố trong thánh lễ Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay chính là những giáo huấn cụ thể và tiêu biểu nhất.

Đặc biệt, “Bài giảng trên cánh đồng” hôm nay của Luca phần nào tương hợp với “Bài giảng trên núi” của thánh sử Matthêô (Mt 5-7). Tuy nhiên, “điểm nhấn” của Luca, thay vì, như Matthêô : “Hãy hoàn thiện, vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48), đã hướng tới “Hãy nhân từ vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Vâng, sự “toàn thiện” của Thiên Chúa cũng chính là “lòng nhân từ”; cho nên “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 11,44) cũng có nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16)

Để áp dụng thực hành “lòng nhân từ” của Thiên Chúa hầu trở nên “con cái của Đấng Tối Cao”, trước hết Tin mừng Luca đề nghị một một thái độ, một chọn lựa, mà nếu nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate, đó là một sự “lội ngược dòng” : “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, …”.

Chân lý Tin Mừng nầy không chỉ đối nghịch lại cái xu hướng mang tính tâm lý của con người, nhưng còn “ngược chiều” với cả một “định chế văn hoá” từng chi phối khá lâu dài và phổ cập trong lịch sử của con người cả đông lẫn tây : “Văn hoá thù hận”.

Người Á đông thì khăng khăng : “Sát phụ thù bất cọng đái thiên” (Thù giết cha không đội trời chung). Chuyện thù hận, oan oan tương báo, xưa nay ngập tràn. Do thù hận mà dẫn tới cái chết thương tâm của đôi trai gái Romeo-Juliete (Bi kịch của Shakespeare viết từ thời Trung cổ năm 1594-1595) hay cái chết oan nghiệt của đại anh hùng Tiêu Phong và cô bạn A Tử tại Nhạn Môn Quan (Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung : Thiên Long Bát bộ (Hay Lục Mạch thần kiếm)…

Trong khi đó, tại Việt nam chúng ta, ngoài đường, trong quán nhậu, nơi học đường…chỉ cần một “cái nhìn đểu”, một câu chửi thề, một lời nói không đâu…cũng có thể dẫn tới nhẹ nhất là cãi cọ đôi co, hơn tí là “sức đầu mẻ trán”, nặng là “tạt a-xít, cắt gân chân” và cuối cùng là “đi đứt cuộc đời” ! Chuyện kể tràn lan của báo đài trong mấy ngày Tết vừa qua hầu hết là như thế.

Không phải nhân loại không biết đến sự tai hại của hận thù. Nhà minh triết cổ thời của Rôma, Cicéron đã từng lưu ý : “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Riêng Đức Khổng Tử đã lưu ý các học trò : “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.

Thế nhưng, để có một con đường, một giải pháp đích thực hướng con người tới chân thiện, hoá giải hận thù, xây dựng nền văn minh tình thương, nhân loại phải chọn lựa Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống, Đấng dạy chân lý và mặc khải chính sự thánh thiện của Thiên Chúa : Nhân từ - Yêu thương.

Với một loạt đề nghị thể hiện lòng nhân từ : “chúc lành…, cầu nguyện…., đưa má phải…, giao áo trong…, làm ơn…, không đòi của cho vay…, đừng xét đoán, lên án…, hãy tha thứ, hãy cho…”, quả thật cách ứng xử của Tin Mừng là cả một cuộc “lột xác”, một “hoán cải không ngừng”. Chắc chắn, vì sự đòi hỏi cấp thiết của công cuộc Tân Phúc Âm hoá cho thế giới hôm nay, cũng như để mọi người Kitô hữu có cơ hội nhiều hơn, trực tiếp hơn, cụ thể hơn… sống “chiều kích nhân từ” nầy của Tin Mừng, mà Hội Thánh đã lập ra “Năm Thánh Lòng Thương Xót” (2015-2016) : “Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta.” (Tông sắc Dung nhan lòng thương xót, số 2).

Cho dù là một sự “lội ngược dòng” trong một thế giới tục hoá, thì sự chọn lựa sống yêu thương, nhân từ luôn là một “dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa”, dấu chỉ “mang ảnh hình của A-dam đến từ thượng giới” (Bđ2, Thư Cô-rin-tô).

Và chắc chắn một điều : chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist : “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”

Giuse Trương Đình Hiền

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Thuyết Trình tại Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Em của Linda Ghisoni, Phó Tổng Thư Ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
Vũ Văn An
05:42 23/02/2019
Linda Ghisoni, Phó Tổng Thư Ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã nói chuyện với Hội Nghị “Bảo Vệ Các Vị Thành Niên trong Giáo Hội” ngày 22 tháng 2, 2019 về “Hiệp thông: Làm Việc Với Nhau”. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của bà, một bài nói chuyện được Đức Phanxicô tán thưởng và bình luận sau đó, dựa vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh cung cấp.



******
Dẫn nhập

“Đây là một sự phản bội mới xuất phát từ bên trong Giáo hội. Trong mắt tôi, những người này là những con sói hú gào xâm nhập vào chuồng chiên để sau đó, gây sợ hãi thêm và phân tán đoàn chiên, trong khi đúng hơn họ phải là các Mục tử của Giáo hội biết chăm sóc đoàn chiên bé nhỏ và bảo vệ chúng”.

Trong chứng tá này của một nạn nhân đàn bà bị lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền lực và lạm dụng tình dục bởi các linh mục, các Mục tử này là những con sói hú gào từng tiên thiên (à priori) bác bỏ và, ngay cả sau khi các sự kiện phạm tội đã được chứng minh, đã làm cho người đàn bà này trở thành đối tượng để hăm dọa và hủy hoại phẩm giá, bằng cách định nghĩa người này chỉ như “một con người, cùng lắm, chỉ có thể qua lại giữa một tấm bảng và bức tường” (vô dụng và bị bác bỏ mọi khả thể).

Lắng nghe các nhân chứng như thế này không phải là một thực tập lòng thương hại, mà là một cuộc gặp gỡ với xác thịt Chúa Kitô, trong đó các vết thương không được chữa lành, những vết thương mà như Đức Thánh Cha đã nói, thưa Đức Thánh Cha, không được kê đơn thuốc.

Quỳ gối: đây có lẽ là tư thế thích đáng để xử lý các chủ đề của những ngày này. Quỳ gối trước các nạn nhân và gia đình họ, trước những kẻ lạm dụng, các đồng lõa của họ, những người bác bỏ, những người bị buộc tội một cách bất công, trước những người sao lãng, trước những người che đậy, trước những người cố gắng lên tiếng và hành động nhưng bị bịt miệng, trước những người thờ ơ. Quỳ gối trước Vị Cha giàu lòng thương xót, Đấng nhìn thấy thân xác tan nát của Chúa Kitô, Giáo hội của Người. Người sai chúng ta, như Dân của Người, lãnh trách nhiệm đối với các vết thương và chữa lành chúng bằng dầu thơm tình yêu của Người.

Thưa Đức Thánh Cha, các vị Hồng Y, thưa các vị tổng giám mục, thưa các vị giám mục, thưa các Mẹ và các Cha Bề trên đáng kính đang tụ tập nơi đây, con không có gì để dạy qúy vị. Đúng hơn, con tin rằng cùng nhau bằng cách lắng nghe nhau, chúng ta cam kết làm việc sao cho trong tương lai chúng ta không cần một biến cố ồn ào ầm ĩ như hội nghị này nữa và Giáo hội, dân Chúa, biết chăm sóc, một cách có khả năng, có trách nhiệm và yêu thương, những người bị liên lụy, với những gì đã xảy ra, để việc phòng ngừa không kết thúc bằng một chương trình đẹp đẽ, mà trở thành một thái độ trong công việc mục vụ thông thường.

1. Làm cho việc giải trình trách nhiệm cần thiết và khả hữu

Trước sự dị thường cố hữu trong mọi loại lạm dụng chống lại trẻ vị thành niên, cần thiết, trước hết, ấn định nhiệm vụ phải biết những gì đã xảy ra, cùng với việc ý thức được ý nghĩa của nó, bổn phận cung cấp sự thật, công lý, bồi thường và ngăn ngừa để đạt được việc không tái diễn những điều ghê tởm này.

Việc biết các vụ lạm dụng và bản chất của chúng, hiển nhiên, là khởi điểm căn bản; ngoài ra, không thể dự kiến bất cứ kế hoạch ngăn ngừa nào nếu chúng ta không biết phải tránh những gì. Tuy nhiên, việc biết các sự kiện và xác định bản chất của hiện tượng, dù rất cần thiết và căn bản, nhưng tự nó không đủ” (Đức Phanxicô, Thư Gửi dân Chúa, 20 tháng 8 năm 2018, số 2). Để thoả mãn các đòi hỏi về sự thật, công lý, bồi thường và ngăn ngừa nói trên dây, phải có việc lãnh trách nhiệm cần thiết về phần những người được chỉ định đảm nhiệm nó và do đó, nghĩa vụ của họ là phải làm cho nó được tôn trọng, nghĩa là cần có việc giải trình trách nhiệm.

Giải trình trách nhiệm đòi một diễn trình đánh giá và báo cáo liên quan đến các lựa chọn đã làm và các mục tiêu đã được xác định và ít nhiều được thể hiện. Nó đáp ứng nhu cầu phải có đặc điểm xã hội, đặt người có trách nhiệm đương đầu với bổn phận giải trình không chỉ với chính mình mà còn trước xã hội nơi họ sống và vì lợi ích của xã hội này mà họ được kêu gọi thủ diễn một vai trò chuyên biệt.

Tuy nhiên, việc giải trình trách nhiệm trong Giáo hội, trái với vẻ bề ngoài, không chủ yếu đáp ứng các nhu cầu xã hội và tổ chức. Cũng không, luôn ở hàng đầu, đáp ứng nhu cầu minh bạch, nhu cầu mà tất cả chúng ta được kêu gọi phải chú ý đặc biệt vì các lý do sự thật.

Dù sao, các nhu cầu như vậy, những nhu cầu không được sao lãng hoặc giảm thiểu, rất chính đáng, Giáo hội không thể thờ ơ đối với những gì chiều kích định chế của nó đòi hỏi, nhưng không phải các nhu cầu xã hội này tạo nên nền tảng của giải trình trách nhiệm, một điều phải được tìm kiếm trong bản chất riêng của Giáo hội như là mầu nhiệm hiệp thông.

Chúng ta biết rằng bản chất hiệp thông của Giáo hội đã xuất hiện đặc biệt trong suốt Công đồng Vatican II, mặc dù, thực ra, cả Hiến chế tín lý Lumen Gentium lẫn các văn kiện giáo hội học khác dường như đều không nhấn mạnh một cách minh nhiên đến giáo hội học hiệp thông.

Cần phải chờ Thượng hội đồng giám mục ngoại thường năm 1985 - được triệu tập để “suy niệm, đào sâu và cổ vũ việc áp dụng các giáo huấn của Vatican II hai mươi năm sau khi kết thúc” (Gioan Phaolô II, Bài diễn văn dịp kết thúc Khóa họp ngoại thường thứ II Thượng Hội đồng giám mục, ngày 7 tháng 12 năm 1985) mới có việc khai triển phạm trù hiệp thông như một hình thái giải thích Giáo hội dưới ánh sáng mạc khải. Điều này phát xuất từ việc tham chiếu trước nhất, trực tiếp, căn bản tới chiều kích bí tích của Giáo hội, nghĩa là mầu nhiệm Ba Ngôi trong đó, Giáo hội nhận ra gương mặt thực sự của mình, dù dưới hình thức bí tích và, do đó, có tính loại suy (analogique): “veluti sacramentum” “nghĩa là vừa là dấu chỉ vừa là dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và về sự hiệp nhất của toàn thể loài người” (LG 1).

Chỉ dựa trên nền tảng như vậy, tất cả các hành động trong Giáo hội mới có được ý nghĩa hoàn chỉnh: ngay một hành động có vẻ có nhiều đặc điểm của nhu cầu xã hội hơn là việc giải trình trách nhiệm cũng phải được đặt trong tương quan với bản chất riêng của Giáo hội, hay chiều kích “hiệp thông” của nó.

Điều này có thể có nghĩa gì trong lãnh vực chuyên biệt của chúng ta?

Con thường cảm thấy lo lắng trong Giáo hội đối với sự chú ý dành cho vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Một linh mục, vài ngày trước, đã thốt lên, "Lại nữa? Người ta cứ tiếp tục nói đến lạm dụng! Đây là một chú ý quá đáng được Giáo hội dành cho chủ đề này”.

Nhưng ngay cả một nữ lưu ngoan đạo cũng ngây thơ nói với con: "Tốt hơn hết là đừng nói về những vấn đề này, vì nếu không, bạn sẽ làm gia tăng sự hoài nghi đối với Giáo hội. Nói về nó sẽ che khuất hết những gì tốt đẹp đang được thực hiện trong các giáo xứ. Xin Đức Giáo Hoàng, các giám mục và linh mục thấy điều này giữa các đấng".
Có phải nói về nó, hay đúng hơn về chính các lạm dụng - lạm dụng lương tâm, quyền lực, lạm dụng tình dục - che khuất những điều tốt đẹp người ta đang sống trong các giáo xứ không ?

Đối với những người này - và trước hết đối với bản thân con – con xin nói rằng ý thức được hiện tượng và giải trình trách nhiệm của mình không phải là một nỗi ám ảnh, không phải là một hành động truy lùng lạc giáo (inquisitoire) tùy ý để thoả mãn các nhu cầu xã hội đơn thuần, nhưng là một đòi hỏi xuất phát từ chính bản chất của Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông đặt nền tảng trên Thiên Chúa Ba Ngôi, với tư cách là dân Chúa đang lữ hành, người không tránh né, nhưng đương đầu, với ý thức "hiệp thông" đổi mới, cả các thách đố liên quan đến các hành vi lạm dụng đã phát sinh giữa lòng mình gây hại cho những người nhỏ bé hơn, phá hoại và xé nát sự hiệp thông này.

2. Một số câu hỏi giáo hội học được nêu ra

Chỉ khởi từ viễn kiến Giáo hội như bí tích mà mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi được biểu thị và thể hiện, mà ta mới có thể hiểu chính xác sự đa dạng của các đặc sủng, ơn phúc và các thừa tác vụ trong Giáo hội, sự đa dạng trong các vai trò và chức năng trong dân Chúa.

2.1 Câu hỏi quan trọng đầu tiên xuất phát từ những gì đã nói đến, là như sau: các tín hữu của Giáo hội không tự gán cho mình các vai trò và trách nhiệm trên cơ sở phân phối xã hội vì các đòi hỏi của vận hành định chế: chúng ta biết rằng Chức linh mục chung của các tín hữu, được đặt nền tảng trên bí tích rửa tội, khiến các Kitô hữu tham dự, chính nhờ phép rửa, vào ba munus (chức vụ) của Chúa Kitô, Linh mục, Vua chuá và Nhà tiên tri (xem LG 10).

Do đó, việc trung thực nhắc đến Giáo hội như hiệp thông, như dân Chúa đang lữ hành, đòi hỏi và kích thích đạt tới điều mà mọi thành phần Dân này, mỗi người tùy theo cách riêng của họ, sống cách nhất quán các quyền lợi - nghĩa vụ mà Bí tích Rửa tội vốn làm họ trở thành các tham dự viên. Đó không phải là việc nắm chức vụ hoặc chức năng hoặc chia nhau quyền lực: lời kêu gọi trở thành dân Chúa đem lại cho chúng ta một sứ mệnh mà mọi người được sai đi để sống phù hợp với những ơn phúc đã nhận được, không phải một mình, mà chính xác như một dân tộc.

2.2 Câu hỏi quan trọng thứ hai trong bối cảnh bàn luận của chúng ta là sự thấu hiểu đúng đắn về thừa tác vụ thụ phong, đặc biệt là trong mối tương quan giữa vị Giám mục và các Linh mục.

Nếu một đàng, các linh mục buộc phải kết hợp với giám mục của họ bằng một lòng bác ái và vâng phục chân thành, nhìn nhận nơi ngài thẩm quyền của Chúa Kitô trong tư cách Mục tử tối cao, tuy nhiên, các giám mục, như đã viết trong Sắc lệnh Presbyterorum ordinis ở số 7, phải "quan tâm, bao nhiêu có thể, tới phúc lợi của họ [các linh mục], trước hết là phúc lợi vật chất của họ, nhưng trên hết là phúc lợi thiêng liêng. Vì chính các ngài [các Giám mục], trước hết, chịu trách nhiệm nặng nề đối với sự thánh thiện của các linh mục của mình; do đó các ngài phải tích cực quan tâm đến việc đào tạo thường trực hàng linh mục của mình (CD 15-16) ".

Một mối tương quan đúng đắn giữa giám mục và các linh mục dẫn đến việc giám mục lãnh trách nhiệm thực sự chăm sóc vật chất và tinh thần các linh mục; ngài là người chịu trách nhiệm trước nhất đối với sự thánh thiện của họ.

Điều cần thiết là thừa tác vụ linh mục, ở mọi bình diện, nhờ dựa vào một việc đào tạo vững chắc, phải được sống theo bản chất của nó, như một sự tận tụy và phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội bằng cách rửa chân, như Chúa Giêsu đã làm cho các tông đồ, trong khi làm thất vọng nhiều người cùng thời với ngài vì ngài không thực thi quyền lực mà họ mong đợi: thừa tác vụ linh mục sống như thế giữ gìn khỏi bất cứ cám dỗ nào muốn vuốt ve quyền lực, tự qui chiếu vào chính mình và tự mãn, thống trị và bóc lột người khác để nuôi dưỡng khoái cảm của mình ở mọi bình diện, thậm chí cả khoái cảm tình dục nữa.

Biết bao linh mục, bao giám mục đã tự xây dựng cho mình thừa tác vụ của mình, đời sống cầu nguyện, tận tụy và phục vụ của mình, bằng cách thiết lập các mối tương quan lành mạnh và tự do giữa lòng dân Chúa. Đối với các linh mục này, chúng con xin nói lời cảm ơn, khích lệ và hỗ trợ các ngài trong cuộc sống thánh thiện, phục vụ trong vườn nho của Chúa, vườn nho mà các ngài được mời gọi hướng về!

2.3 Một nhận xét sau cùng, xuất phát từ viễn kiến Giáo hội như hiệp thông, dân Chúa đang lữ hành, là nhu cầu tương tác giữa các đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau. Giáo hội được làm cho hiển thị và hữu hiệu trong bản chất "hiệp thông" của mình nếu mỗi người đã chịu phép rửa sống và thể hiện điều vốn là đặc điểm riêng của mình, nếu sự đa dạng các đặc sủng và thừa tác vụ tự biểu lộ trong dấn thân cần thiết của mỗi người, trong khi tôn trọng các dị biệt.

Văn kiện công đồng đã nói ở trên năm 1965 dành riêng cho các linh mục xác lập không những điều này "các linh mục phải thành tâm nhìn nhận và phát huy phẩm giá của giáo dân và vai trò riêng của họ trong sứ mạng của Giáo hội”, nhưng còn khuyên các ngài "sẵn lòng lắng nghe giáo dân, lưu ý một cách huynh đệ đến các mong chờ của họ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng của họ trong các lĩnh vực hoạt động nhân bản khác nhau, để có thể cùng với họ biện phân các dấu chỉ thời đại". Và văn kiện nói rằng họ đừng ngần ngại tin tưởng giáo dân "giao cho họ các trách nhiệm phục vụ Giáo hội, để họ được tự do và phạm vi hành động, hơn nữa, bằng cách mời họ, khi có cơ hội, tự đưa ra các sáng kiến" (PO 9).

Người ta đã chứng tỏ rằng từ sự hiệp thông từng cấu thành ra Giáo hội, có sự đóng góp nhất thiết và đa dạng của mọi người, không phải để đòi một "vai trò", mà là để làm hiển thị sự phong phú đa dạng của Giáo hội trong việc tôn trọng điều vốn đúng đắn là của riêng mỗi người, chống lại lý thuyết cho rằng đặc sủng tổng hợp là tổng hợp các đặc sủng.

2.4 Cuối cùng, sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa nhất thiết phải có tính năng động: các giáo dân, các người thánh hiến không được kêu gọi trở thành những người chỉ biết thi hành những gì các giáo sĩ quyết định, mà tất cả đều là những đầy tớ trong vườn nho duy nhất, nơi mỗi người đóng góp phần riêng của mình bằng cách tự mình dấn thân vào cuộc biện phân được Chúa Thánh Thần gợi ý cho Giáo hội.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thừa tác vụ thụ phong, ở mức cấp bậc cao nhất, tức thừa tác vụ giám mục, tự mang trong mình trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng, bằng thẩm quyền được thừa nhận, nhưng ngài không thể hành động một mình hoặc giới hạn trong một số nhỏ hành động biện phân của ngài. Điều sẽ rất quan trọng đối với các giám mục là phải cần đến sự đóng góp, tư vấn và biện phân mà mọi người trong Giáo hội của mình, kể cả các giáo dân, đều có khả năng, không những cho chính họ và cho các lựa chọn bản thân của họ, mà còn như Giáo hội và cho lợi ích của Giáo hội hic et nunc (ngay ở đây và lúc này) nơi họ được mời gọi sống.

Chính nền tảng của "sự hiệp thông" Giáo hội này luôn phải chỉ đường và phương pháp cho chúng ta; trong trường hợp này, là động lực tính của hệ luận toàn thể Dân Thiên Chúa đòi phải sống, trong khi cùng bước đi với nhau, " tính đồng nghị "như một diễn trình chia sẻ, trong đó mỗi người có một vai trò khác nhau, các trách nhiệm đa dạng hóa, nhưng tất cả tạo thành một Giáo hội duy nhất. "Trên thực tế - như chúng ta đọc trong Tông hiến Episcopalis Communio ngày 15 tháng 9 năm 2018 - toàn bộ tín hữu, nhờ được xức dầu phát xuất từ Đấng Thánh (1 Ga 2: 20,27), nên không thể sai lầm trong đức tin và biểu lộ nó qua cảm thức đức tin siêu nhiên của toàn dân Chúa, khi "từ các giám mục đến người cuối cùng trong các tín hữu giáo dân", biểu lộ sự đồng ý phổ quát của mình trong các vấn đề về đức tin và luân lý" (LG 12). [...] Một Giám mục, người sống giữa các tín hữu của mình, mở to tai để nghe "điều Chúa Thánh Thần nói với các Giáo Hội" (Kh 2: 7) và "tiếng nói của các con chiên", thông qua cùng các cơ chế giáo phận này, có nhiệm vụ cố vấn cho Đức Giám Mục, bằng cách khuyến khích một cuộc đối thoại trung thành và xây dựng "(CE 5).

Những suy tư này mời chúng ta tránh hai chủ trương sai lầm.

Một giám mục không thể nghĩ rằng các vấn đề liên quan đến Giáo hội có thể được giải quyết một mình hoặc chỉ riêng với một ít đồng nghiệp, theo điệp khúc: "chỉ có giám mục mới có thể biết điều gì tốt cho các giám mục", hoặc, một cách tương tự, "chỉ một linh mục mới biết điều gì là tốt cho các linh mục, chỉ một giáo dân mới biết điều gì là tốt cho các giáo dân, chỉ một phụ nữ mới biết điều gì là tốt cho các phụ nữ", v.v.

Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng theo ý con, quả là sai lầm khi cho rằng sự tham gia của giáo dân như thế trong các vấn đề đụng tới các thừa tác viên thụ phong phải là một đảm bảo để có sự trung thực nhiều hơn, bởi vì đây sẽ là "bên thứ ba" liên quan đến các biến cố. Ở đâu đó, có người nói: "Chúng ta hãy thành lập một ủy ban giáo dân vì nó đáng tin cậy hơn một ủy ban của các linh mục, những người có xu hướng ít khách quan hơn, trong việc che đậy và chống đỡ một cách tiên thiên".

Là một phụ nữ giáo dân, con phải thành thật nói rằng, không phân biệt giữa các linh mục, giữa các tu sĩ, cũng như giữa các giáo dân, có thể có, và đã có những người không tự do, sẵn sàng che đậy một cách tiên thiên, sẵn sàng phục vụ một ai đó thay vì phục vụ Giáo hội một cách yêu thương, thông minh, và trung thành với ơn gọi riêng của họ.

Trở về bản chất "hiệp thông" của Giáo hội, nơi thể hiện sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ, không có nghĩa là san bằng, nhưng bao gồm sự phong phú và sức mạnh, giúp tìm ra những lý do để tránh những khẩu hiệu cực đoan và không hữu hiệu kia.

3. Các ý tưởng cho một số thể hiện thực tế

Lưu ý tới các nền tảng và các vấn đề được nhắc lại một cách ngắn gọn, cuộc gặp gỡ này cho chúng ta cơ hội nhận ra những gì đang được thực hiện trong Giáo hội, những gì vẫn còn phải thực hiện, ý thức rằng nếu đúng là cuộc họp được Đức Giáo Hoàng triệu tập này không tạo đuợc điểm đến cho một hành trình đã hoàn tất, được xác nhận và hoàn hảo, thì cũng đúng là nó không phải là điểm khởi đầu, như thể người ta có thể bỏ qua các can thiệp của huấn quyền, các chuẩn tắc, các nền mục vụ đã được cổ vũ cho đến nay và nhiều hành động xảy ra sau đó.

3.1 Do đó, điểm đầu tiên là việc nhận thức và nghiên cứu các thực hành đã được rà xét và các hữu hiệu đã được cổ vũ trong các bối cảnh giáo hội khác, các hàng giám mục khác. Con xin nhắc đến các thực hành nhằm mời gọi sự can dự của những người có năng quyền đại diện cho toàn thể dân Thiên Chúa theo khả năng mỗi người đã chịu phép rửa, được Chúa Thánh Thần linh hứng, có khả năng phát biểu một "Sensus fidei" (cảm thức đức tin) mà Giáo hội không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh này, quả là tốt khi thừa nhận công việc của những người, trong nhiều năm gần đây, đã cống hiến trí khôn, trái tim và bàn tay cho chính nghĩa này bằng cách lắng nghe các nạn nhân, phát triển các qui thức, các đường hướng hướng dẫn, duyệt lại và nhiều điều khác, bằng cách lợi dụng các kỹ năng chuyên biệt từ toàn thể dân Chúa.

Lưu ý tới tính đa dạng do các bối cảnh văn hóa và xã hội khác nhau trong đó Giáo hội hiện diện, không có vé hạng kinh doanh (class affaire) trong các Giáo hội đặc thù và vé bình dân (classe économique) trong các giáo hội khác, nhưng một Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô được bày tỏ khắp nơi, đảm bảo cho mọi người, các phương tiện, thủ tục, tiêu chuẩn vượt trên những đặc thù nhất thiết của địa phương, bảo vệ trẻ vị thành niên bằng cách tìm kiếm sự thật, công lý, cổ vũ việc bồi thường và ngăn ngừa lạm dụng tình dục.

3.2 Trong các thủ bản hướng dẫn quốc gia, một chương chuyên biệt phải được lồng vào, để xác định các chủ đề quán xuyến và các thủ tục giải trình trách nhiệm, để các giám mục và bề trên dòng thiết lập một thủ tục xác minh thông thường để hoàn thành những điều dự liệu và động viên các hành động được thực hiện hay không, để không còn phải biện minh liên tiếp các lý do của một tác phong nhất định, bằng cách bắt nó tùy thuộc các nhu cầu giai đoạn, mà cuối cùng nối kết với hành động bênh vực.

Dự liệu một thủ tục xác minh thông thường không nên được giải thích như một sự không tin tưởng bề trên hoặc giám mục, mà đúng hơn được coi như một sự hỗ trợ giúp các ngài tập trung, chủ yếu vào chính các ngài và vào thời điểm tốt nhất, nghĩa là, khi mọi thành phần đều biết rõ và đều có mặt về các lý do của một hành động nào đó được thực hiện hoặc bỏ qua. Nói rằng ngay cả giám mục cũng luôn phải đưa ra một giải trình về công việc của mình cho một ai đó không có nghĩa là bắt ngài lệ thuộc một sự kiểm soát hoặc bao vây ngài bằng một sự nghi ngờ tiên thiên, nhưng để ngài dấn thân vào năng động tính hiệp thông giáo hội trong đó, mọi thành viên hành động một cách phối hợp, theo các đặc sủng và thừa tác vụ của họ. Nếu một linh mục báo cáo với cộng đồng, với hàng linh mục và giám mục của mình về hoạt động của mình, thì một giám mục sẽ báo cáo với ai? Ngài phải chịu việc giải trình trách nhiệm nào?

Xác định một phương pháp giải trình trách nhiệm khách quan không những không làm suy yếu thẩm quyền của ngài, mà qúy trọng ngài như là mục tử của một bầy chiên, trong chức năng không tách rời khỏi dân mà ngài được kêu gọi hiến mình cho. Như đối với mỗi người chúng ta, cũng có thể xảy ra sự kiện từ “việc trình báo” mà phát hiện được một lỗi lầm, mà nhận ra đây hiển nhiên là một nẻo đường đi sai, có lẽ vì tại thời điểm ấy, mình nghĩ – một cách sai lầm – rằng mình hành động vì điều tốt. Điều này sẽ không cấu thành một phán đoán dùng để tự bênh vực lấy lại uy tín, một vết nhơ đối với danh tiếng của mình, một đe dọa đối với quyền bính bình thường và trực tiếp của mình (x. CD 8a). Trái lại, nó sẽ là bằng chứng cho một con đường cùng đi với nhau, một con đường một mình nó có thể biện phân được chân lý, công lý, và bác ái. Luận lý học hiệp thông không diễn tiến như một buộc tội và bênh vực, mà như việc cùng chạy với nhau (đúng là "con-correre" chạy với nhau, chỉ có trong hiệp thông) vì lợi ích của mọi người. Do đó, giải trình trách nhiệm là một hình thức trong luận lý học hiệp thông này, một hình thức mà ngày nay càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Ở bình diện địa phương, trên cơ sở giáo phận hoặc khu vực, việc mở các hội đồng hoạt động một cách đồng trách nhiệm với các giám mục và bề trên dòng, bằng cách hỗ trợ các ngài trong trách vụ này một cách có khả năng và bằng cách hành xử như một nơi xác minh và biện phân trong những điều liên quan tới các sáng kiến sẽ đem ra thi hành, tuy nhiên không thay thế các ngài hoặc can thiệp vào các quyết định thuộc trách nhiệm pháp lý trực tiếp của giám mục hoặc bề trên dòng, có thể tạo thành một điển hình và một mô hình cộng tác lành mạnh của giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ trong đời sống của Giáo hội.

3.3 Điều mong muốn là, trong lãnh thổ của mỗi Hội đồng Giám mục, nên lập ra các ủy ban tư vấn độc lập để tư vấn và hỗ trợ các giám mục và bề trên dòng và để cổ vũ một mức độ trách nhiệm thống nhất trong các giáo phận khác nhau. Ước gì các ủy ban này bao gồm các giáo dân, cả các tu sĩ và giáo sĩ nữa. Trong trường hợp này, sẽ không có chuyện những người này phán xét các giám mục, mà là những tín hữu cung cấp lời cố vấn và trợ giúp cho các mục tử, bằng cách cũng đánh giá công việc bằng các tiêu chuẩn hợp tin mừng, và họ cũng thông báo cho các tín hữu của toàn lãnh thổ biết các thủ tục thích hợp.

Nhờ các báo cáo và các cuộc họp định kỳ, các ủy ban cố vấn quốc gia như vậy có thể góp phần vào việc bảo đảm tính thống nhất lớn hơn trong các thực hành và một việc đối chiếu (confrontation) luôn luôn hữu hiệu hơn, để các giáo hội đặc thù học hỏi lẫn nhau trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau và hiệp thông, nhằm mục đích tích cực đảm nhiệm và chia sẻ mối quan tâm đối với những người bé nhỏ nhất và dễ bị tổn thương nhất.

3.4 Cần xem xét cơ hội để tổ chức một văn phòng trung ương - không phải về giải trình trách nhiệm, một việc đúng hơn được đánh giá ở cấp địa phương – để cổ vũ việc huấn luyện các cơ chế này trong một bản sắc giáo hội thực sự, khuyến khích và kiểm nghiệm thường xuyên việc điều hành tốt những điều đã được khởi xướng ở cấp địa phương, với việc nhấn mạnh đến tính toàn vẹn cả trong quan điểm giáo hội học, để các đặc sủng và các thừa tác vụ hiện có đều được đại diện thỏa đáng và mỗi người có thể đóng góp với sự đóng góp chuyên biệt của mình trong khi duy trì quyền tự do của họ.

3.5 Cần phải duyệt lại luật lệ hiện hành về quyền giữ bí mật của Đức Giáo Hoàng, để nó bảo vệ các giá trị mà nó dự định bảo vệ, tức phẩm giá của những người liên hệ, tiếng tốt của mỗi người, lợi ích của Giáo hội, nhưng đồng thời, cho phép khai triển một bầu khí minh bạch và tin cậy hơn, tránh ý tưởng cho rằng bí mật được sử dụng để che giấu các vấn đề thay vì bảo vệ các sự thiện có liên quan.

3.6 Cũng cần phải tinh chỉnh các tiêu chuẩn để có được một nền truyền thông chính xác trong một thời đại như thời đại của chúng ta, trong đó, các nhu cầu minh bạch phải được cân bằng với các nhu cầu bảo mật: trên thực tế, một việc bảo mật không thể biện minh được, cũng như một việc tiết lộ không kiểm soát được, đều có nguy cơ tạo ra một nền truyền thông xấu xa và không phục vụ sự thật. Trách nhiệm cũng là phải biết cách truyền thông. Quả thực, nếu người ta không truyền thông, thì làm sao họ có thể giải trình với người khác? Và do đó, có thể có loại hiệp thông nào nữa giữa chúng ta được?

Kết luận

Những xem xét vừa được đề cập liên quan đến các hành động có thể thực hiện được trong tư cách Giáo hội, trong tư cách dân Chúa trong sự hiệp thông và đồng trách nhiệm, không phải chỉ là việc khuyến khích suy tư và đối chiếu theo chiều ngang, đặc biệt trong các công việc nhóm để tạo nên việc đào sâu và áp dụng cụ thể. Thật vậy, như thư gửi dân Chúa đã khuyên chúng ta, "ngày nay chúng ta phải nêu cao thách thức, trong tư cách dân Chúa, sẵn sàng mang lấy nỗi đau của các anh em của chúng ta đang bị bầm dập trong xác thịt và tinh thần của họ. Nếu trong quá khứ, làm ngơ bỏ sót có thể được coi là một hình thức đáp ứng, thì hôm nay chúng ta muốn rằng tình liên đới, hiểu theo nghĩa sâu sắc và đòi hỏi cao hơn của nó, phải mô tả cách xây dựng hiện tại và tương lai của chúng ta".
 
Bài giảng trong Phụng Vụ Sám Hối chiều thứ Bẩy 23/2 tại Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội
J.B. Đặng Minh An dịch
14:30 23/02/2019
“Chúng tôi thú nhận rằng các giám mục, phó tế và tu sĩ trong Giáo Hội đã gây ra bạo lực với trẻ em và thanh thiếu niên, chúng tôi đã che chở cho những tội lỗi, chúng tôi đã không thừa nhận sự đau khổ của nhiều nạn nhân, và các giám mục chúng tôi đã không sống đúng theo trách nhiệm của mình”.

Lời xưng thú tội lỗi tập thể đã được Đức Thánh Cha Phanxicô và gần hai trăm Hồng Y, Giám mục và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác đưa ra trong Phụng Vụ Sám Hối. Đây có lẽ là phần cảm động nhất tại Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội.

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con, Kyrie eleison. Xin Chúa thương xót chúng con.”

Phụng Vụ Sám Hối đã diễn ra lúc 5:30 chiều thứ Bẩy 23 tháng Hai tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican, nơi thường diễn ra các cuộc rước long trọng vào nhà nguyện Sistina, chẳng hạn như cuộc rước của các Hồng Y trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng.

Buổi Phụng Vụ được bắt đầu với một bài thánh ca thống hối. Sau đó, các vị cùng hát thánh vịnh sám hối, trước khi nghe bài Tin Mừng theo thánh Luca, về Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng.

Sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Philip Naameh của tổng giáo phận Tamale, Ghana, đã trình bày bài giảng của ngài trong một bầu khí trầm buồn.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đều biết rõ câu chuyện Đứa Con Hoang Đàng trong Phúc Âm. Chúng ta thường kể lại câu chuyện này, và thường giảng thuyết về câu chuyện đó. Trong các cộng đoàn của chúng ta, nó được dùng một cách đương nhiên để đề cập đến những người tội lỗi và khuyến khích họ ăn năn. Có lẽ chúng ta đã làm điều này quá thường xuyên đến nỗi chúng ta quên mất đi một điều quan trọng. Đó là chúng ta dễ dàng quên áp dụng câu chuyện Phúc Âm này cho chính mình, để thấy chính mình như hiện nay cũng là những đứa con hoang đàng.

Giống như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm, chúng ta cũng đã đòi quyền thừa kế của mình, đòi được rồi, và bây giờ chúng ta đang bận rộn hoang phí nó. Cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay là một biểu hiện của điều này. Chúa đã giao phó cho chúng ta việc chăm sóc thiện ích các linh hồn, Ngài tin tưởng rằng chúng ta sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, loan báo Tin mừng và giúp thiết lập Nước Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đang làm gì? Chúng ta có thực thi công lý được giao phó cho chúng ta không? Chúng ta không thể trả lời câu hỏi này với một sự khẳng định chân thành, không có chút nghi ngờ nào. Quá thường xuyên, chúng ta đã giữ im lặng, nhìn về hướng khác, tránh các xung đột - chúng ta đã quá tự mãn khi đối diện với chính mình, và với những mặt tối tăm của Giáo Hội. Do đó, chúng ta đã đánh mất đi niềm tin được trao phó cho chúng ta - đặc biệt trong các lãnh vực liên quan đến lạm dụng trong phạm vi trách nhiệm của Giáo Hội, mà chủ yếu là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta không dành cho mọi người sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng, đã phá hủy hy vọng; và con người đã bị xâm phạm nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Người con hoang đàng trong Tin Mừng mất tất cả - không chỉ là gia tài, mà còn là địa vị xã hội, thế giá, và danh tiếng của mình. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu chúng ta chịu cùng một số phận tương tự, nếu mọi người nói xấu chúng ta, nếu có sự ngờ vực đối với chúng ta, nếu có ai đó đe dọa sẽ rút lại những hỗ trợ vật chất dành cho chúng ta. Chúng ta không nên phàn nàn về điều này, mà thay vào đó hãy tự hỏi chúng ta nên làm gì khác đi. Không ai có thể tự miễn trừ cho mình, không ai có thể nói: nhưng cá nhân tôi không làm gì sai cả. Chúng ta là huynh đệ với nhau, chúng ta chịu trách nhiệm không chỉ cho bản thân mình mà còn cho mọi thành viên khác trong tình huynh đệ của chúng ta, và cho một tình huynh đệ phổ quát.

Chúng ta phải làm khác đi những điều gì, và chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Chúng ta hãy nhìn lại đứa con hoang đàng trong Tin Mừng. Đối với anh ta, tình hình bắt đầu trở nên tốt hơn khi anh ta quyết định trở nên rất khiêm tốn, thực hiện các công việc rất đơn giản và không yêu cầu bất kỳ đặc quyền nào. Tình hình của anh thay đổi khi anh nhận ra mình và thừa nhận đã phạm sai lầm, thú nhận điều này với cha mình, nói chuyện cởi mở về điều đó và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Nhờ đó, người cha trải nghiệm được niềm vui lớn trước sự trở lại của đứa con hoang đàng và tạo điều kiện cho anh em cùng chấp nhận lẫn nhau.

Chúng ta cũng có thể làm như thế không? Chúng ta có sẵn sàng làm như vậy không? Cuộc họp hiện tại sẽ đưa ra điều này, phải đưa ra điều này, nếu chúng ta muốn chứng tỏ rằng chúng ta là những con cái xứng đáng của Chúa, là Cha Trên Trời của chúng ta. Như chúng ta đã nghe và thảo luận hôm nay và hai ngày trước, điều này bao gồm việc chịu trách nhiệm, thể hiện trách nhiệm và thiết lập tính minh bạch.

Có một con đường dài trước mặt chúng ta, để thực sự thực hiện tất cả những điều này một cách bền vững trong một cách thế thích hợp. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đa dạng và đạt đến những tốc độ khác nhau. Cuộc họp hiện tại chỉ là một trong nhiều bước. Chúng ta không nên tin rằng chỉ vì chúng ta đã bắt đầu thay đổi một cái gì đó cùng nhau, thì mọi khó khăn đã được loại bỏ. Như trong trường hợp người con trai trở về nhà trong bài Tin Mừng, mọi thứ vẫn chưa hoàn thành - ít nhất, anh ta vẫn phải chinh phục được niềm tin của người anh trai mình một lần nữa. Chúng ta cũng nên làm như vậy: hãy chinh phục niềm tin của anh chị em của chúng ta trong các hội đoàn và cộng đồng, khôi phục lại sự tin tưởng của họ, và thiết lập lại ý muốn sẵn sàng hợp tác với chúng ta, để góp phần thiết lập Nước Thiên Chúa.”

Sau bài giảng, các tham dự viên một lần nữa đã nghe chứng từ của một nạn nhân bị lạm dụng, là người đã nói về những vết thương kéo dài suốt đời gây ra bởi sự lạm dụng: sự sỉ nhục, sự hoang mang, mong muốn trốn thoát - thậm chí là trốn thoát chính mình. “Điều làm tổn thương nhiều nhất là không ai hiểu bạn. Điều đó đeo bám bạn đến hết cuộc đời.” Tuy nhiên, ở cuối chứng từ, người ấy đã nói về hy vọng “Bây giờ tôi đã xoay sở để đối phó với điều này tốt hơn. Tôi cố gắng tập trung vào quyền được sống mà Chúa ban cho tôi. Tôi có thể và tôi được có mặt ở đây. Điều này cho tôi sự can đảm.”


Source:Catholic Herald
 
Linh mục nhà báo lừng danh thú nhận tội đạo văn
Đặng Tự Do
17:13 23/02/2019
Một linh mục nhà báo lừng danh từng là phát ngôn viên lâu năm của Vatican đã thừa nhận tội “cầm nhầm” những bài viết của người khác như của mình và xin lỗi vì tội đạo văn.

Đạo văn là chuyện sai trái nhưng cách thức ngài khiêm nhường thú nhận và đưa ra lời xin lỗi chân thành là một cử chỉ đáng trân trọng.

“Những gì tôi đã làm là sai, và tôi xin lỗi về điều đó. Tôi không biết nói gì khác hơn,” cha Thomas Rosica, CSB, nói với tờ National Post hôm ngày 22 tháng Hai.

Cha Rosica, người Canada, là một trợ lý phần tiếng Anh đã phục vụ lâu năm tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Ngài cũng là Giám đốc điều hành của Mạng lưới Truyền hình Salt + Light của Canada.

Hôm 15 tháng Hai, Life Site News đưa tin rằng ngài đã cầm nhầm nhiều áng văn hay của người khác để đưa vào những bài viết của mình, trong đó có nhiều bài giảng, bài thuyết trình, và các bài viết của một loạt các nhà văn, trong đó có các linh mục, các nhà thần học, các nhà báo và ít nhất hai Hồng Y.

Các báo cáo sau đó đã tìm thấy việc đạo văn của ngài rất phổ biến trong các bài tiểu luận, bài phát biểu và nhận định trong hơn một thập kỷ qua. Có những lúc ngài “sao y bản chánh” của người ta cả mấy “paragraphs”.

Cha Rosica nói với tờ National Post rằng ngài đã đạo văn của người ta vì cách thức ghi chú của ngài vô tổ chức, và đôi khi ngài còn dựa vào các tài liệu được chuẩn bị bởi các thực tập sinh.

“Tôi nhận ra sự nghiêm trọng của hành động này và tôi vô cùng hối hận. Tôi hứa sẽ cảnh giác hơn trong tương lai”.

Cha Rosica là thành viên trong hội đồng quản trị tại Đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Toronto và là một thành viên của Tu Hội Thánh Basil. Ngài hiện đang hỗ trợ Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ 10 năm Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng
Triết Giang
09:55 23/02/2019
Chiều ngày 22-2-2019, tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên đã chủ sự thánh lễ giỗ nhân 10 năm ngày mất của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (2009-2019). Cùng tham gia đồng tế có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt (Bắc Ninh), Đức cha Lorenso Chu Văn Minh và Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến (ảnh). Khoảng 100 linh mục trong và ngoài giáo phận, đông đảo tu sĩ nam nữ và công đoàn giáo dân đã tham dự cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y.

Mở dầu thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nói lên ý nghĩa của buổi lễ hôm nay là tưởng niệm và cầu nguyện cho một người cha, người thầy kính yêu của giáo phận Bắc Ninh và Hà Nội nên hai gia đình giáo phận đã quy tụ nơi đây để tưởng nhớ Đức Hồng Y Phaolô Giuse-người đã được Chúa gọi về cách đây đúng 10 năm.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Đức TGM đã nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Bênedictô XVI khi gặp các Giám mục Việt Nam tháng 6-2009 hết lời ca ngợi người mục tử trung thành, kiên trung với Hội thánh,với Thiên Chúa để rao giảng lời Chúa cho người Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn. Khi làm Giám mục giáo phận Bắc Ninh, một giáo phận có lúc chỉ có “hai linh mục rưỡi” cộng tác tức là hai linh mục khỏe và một linh mục già, ốm yếu nhưng Ngài không bỏ cuộc, vẫn
kiên trì củng cố đức tin cho cộng đoàn trong lúc có những thế lực trần gian muốn xóa bỏ Giáo Hội Công Giáo khỏi xã hội Việt Nam. Rồi 16 năm coi sóc Tổng giáo phận Hà Nội cũng vô vàn khó khăn thử thách. Nhưng Ngài vẫn chu toàn nhiệm vụ cho đến lúc Chúa gọi về.

Kết thúc thánh lễ, mọi người quy tụ về bên phần mộ của Đức cố Hồng Y để dâng lời cầu nguyện cho Ngài. Nhiều người còn nấn ná cầu nguyện và chụp ảnh kỷ niệm trước phần mộ của Ngài.

Được biết Đức Hồng Y Phaolô Giuse sinh ngày 20-5-1919 tại Phát Diệm, nhận linh mục Phạm Bá Trực làm nghĩa phụ. Ngài được truyền chức linh mục ngày 6-6-1949 và được Toà thánh bổ nhiệm là Giám mục Bắc Ninh ngày 5-4-1963. Ngày 13-4-1994 được bổ nhiệm là Tổng Giám mục Hà Nội và Ngài được vinh thăng là Hồng Y thứ ba người Việt Nam ngày 26-11-1994. Ngài được nghỉ hưu ngày 19-2-2005 và mất ngày 22-2-2009 hưởng tho 90 tuổi.

Triết Giang
 
Lễ Khấn Trọn Đan Viện Nữ Biển Đức, Đồi Hiển Linh, Lộc Nam
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:10 23/02/2019
Sáng ngày 22-2-2019, Lễ kính Lập Tông Tòa Thánh Phêrô, tại Nhà nguyện Giáo Họ Lộc Nam, Giáo phận Đà lạt, Ðức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám Mục Phó Giáo Phận Đà lạt đã chủ sự Thánh Lễ Khấn Dòng cho 3 Nữ Tu thuộc Đan Viện Nữ Biển Đức, Đồi Hiển Linh.

Cùng đồng tế có quý cha Dòng Biển đức và quý cha thân nhân các tân khấn sinh. Quý nam nữ tu sĩ, đông đảo ân nhân thân nhân của các tân Khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa Giáo họ Lộc Nam chung lời tạ ơn.

Lúc 9g30, Ban phụng vụ đọc lời dẫn lễ.

Xem Hình

Lễ kính Tông tòa Thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các Tông Đồ. Thánh lễ này là một lời tuyên xưng trọng thể quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Đây cũng là dịp Giáo Hội kêu mời giáo dân hãy cầu nguyện nhiều cho Đức Thánh Cha trước những khó khăn lớn lao của thời đại.

Trong tâm tình ấy cùng với nỗi khát mong được tận hiến cho Chúa và phục vụ mọi người trong ơn gọi Đan tu Biển Đức, các chị Rosa Pascal Tuyết Mai, Maria Têrêsa Nhị, Maria Catarina Kim Anh, hôm nay long trọng tuyên khấn trọn đời. Để trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, qua vai trò được Giáo Hội trao phó, là không ngừng ngợi khen, tạ ơn, khẩn nài và chuyển cầu cho toàn thể nhân loại, các chị dâng lên Chúa những nỗi lo âu và hy vọng, niềm vui và khổ đau của thế giới này. Như lời Đức Thánh Cha đã nói qua Tông huấn “Tìm kiếm Tôn nhan Thiên Chúa”.

Trong bầu khí vui mừng của hương xuân nắng ấm, cộng đoàn chúng ta quy tụ nơi đây để dâng lời cảm tạ Chúa. Tạ ơn Chúa về muôn vàn hồng ân phần hồn phần xác, khi chúng ta luôn được sống trong sự cưu mang, bao bọc chở che của Mẹ Hội Thánh. Chính vì vậy mà niềm vui dâng hiến của 3 tân Khấn sinh được trọn vẹn hơn và cũng không quên ơn quý vị ân nhân, thân nhân xa gần cùng cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Đại Lộc, Giáo họ Lộc Nam, hôm nay đã đến để hiệp thông chia sẻ và cầu nguyện cho Đan viện trong ngày hồng phúc này.

Trong giây phút linh thiêng này, chúng ta cùng sốt sắng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ và phó thác các tân Khấn sinh cho Chúa, nhờ chính hy tế Tạ ơn của Đức Giêsu Kitô sắp được tái diễn trên Bàn thờ mà chúng ta được thánh hóa, và các tân Khấn sinh hôm nay được thuộc trọn về Chúa nhiều hơn. Giờ đây cộng đoàn chúng ta cùng sốt sắng và hân hoan bước vào Thánh lễ.

Đoàn rước từ Tu viện tiến vào ngày Nhà nguyện, ca đoàn họ Lộc Nam hát vang bài ca nhập lễ.

Sau bài giảng là nghi thức khấn. Các Nữ Đan Tu tuyên khấn: An Định, Hoán Cải và Tuân Phục. Nghi thức khấn Đan Viện có những phần khác với các Hội Dòng mà tôi đã từng tham dự, nhiều phần và rất sốt sắng. Chẳng hạn cha mẹ đặt tay lên vai con gái…các Nữ tu đặt tay xin ơn Chúa xuống trên các tân khấn sinh…

“Khấn Trọn Đời” diễn tả chiều dài của lời đoan hứa dọc theo dòng thời gian “trinh khiết, khó nghèo và vâng phục”.“Khấn Trọn Đời” cũng bao hàm cả cuộc sống chiều rộng và chiều sâu của mầu nhiệm thánh giá. “Khấn Trọn Đời” đối với Nữ Tu luôn mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa chiều dài dọc theo thời gian là khấn cho cả cuộc đời còn lại mình. Ý nghĩa chiều rộng và chiều sâu diễn tả toàn bộ cuộc sống hướng tới sự trọn tình vẹn nghĩa với chữ yêu “Yêu như Chúa đã yêu”. Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn.Có như vậy cuộc đời của Nữ Tu mới trở thành của lễ tình yêu để hiệp dâng với Chúa trên bàn thờ mỗi ngày.

Trong Tông Huấn Vita Consecrata,Thánh Gioan Phaolô II đã trình bày vẻ đẹp của đời tu.Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp ( philocalia,số 19),hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa,chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng.Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa;họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27) và đồng thời cố gắng tu bổ hình ành Thiên Chúa đã bị méo mó trên khuôn mặt của bao anh chị em đồng loại (số 75).Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18),hoạ lại nếp sống của Ngài,đời tận hiến tiến tới chỗ “Đồng hoá hiện thân” (số 16) với Ngài.Ngoài việc hoạ lại nếp sống khiết tịnh,khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô,đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Ngài còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội,phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn. Không gì khác hơn ngoài tình yêu,một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô và hiến dâng chính những khả năng yêu thương của mình, mạnh dạn lên đường theo Ngài, say sưa trong nổi khát khao được trở nên người của Chúa và ước nguyện yêu mọi người trong ân huệ của Ngài.Chính tình yêu ấy sẽ giúp người tu sĩ sống đời khiết tịnh trong an vui và hạnh phúc, từ đó họ có thể thốt lên tâm tình: Lạy Chúa,chỉ mình Chúa là đủ cho con, và Lạy Chúa,xin cho con thấy Chúa thật bao la,để mọi sự đối với con chỉ là bé nhỏ.

Cuối thánh lễ, Bề trên Đan viện và đại diện gia đình các tân khấn sinh dâng lời cảm tạ. Sau thánh lễ, Đức cha Đaminh, các cha đồng tế, các tu sĩ nam nữ và các thân nhân khấn sinh chia vui bữa tiệc với Hội dòng.

***

Thánh Bênêđictô cũng gọi là Thánh Biển Đức (480 – 547), là Tổ phụ của các Hội Dòng Biển Đức và Xitô trên toàn thế giới. Tuy cùng theo một Tu Luật của Thánh Tổ phụ, nhưng mỗi Hội Dòng đều mang một sắc thái riêng tùy thời đại, hoàn cảnh lịch sử của vị Sáng lập.

Cộng đoàn Nữ Biển Đức Đồi Hiển Linh xuất phát từ Hội Dòng Biển Đức thánh Bathilde, Nhà tiên khởi của Việt Nam được thành lập tại Buôn Ma Thuột, năm 1954. Năm 1967, đan viện dời về Thủ Đức và đến năm 2000, Đan viện đã thành lập nhà con đầu tiên tại miền đất Lộc Nam này, với tên gọi: Đan viện Nữ Biển Đức – Đồi Hiển Linh.

Đan viện là “Ngôi trường phụng sự Chúa”, trong trường học này, đan sĩ được huấn luyện để trở thành “người của Chúa”, sống cho Chúa qua: Cầu nguyện và Lao động (Ora et Labora), đọc Kinh Thánh (Lectio Divina), thinh lặng lắng nghe, tìm Chúa, hoán cải, nghèo khó, yêu thương và đơn sơ. Mục đích của đời sống đan tu là “tìm kiếm Chúa và không quý gì hơn Chúa Kitô”. Việc “tìm kiếm Chúa” đòi hỏi đan sĩ từ bỏ ý riêng để sống Thánh Ý Chúa hầu có thể trung tín với ơn gọi đan tu.

Đan sĩ tuyên khấn 3 lời khấn: An định, Hoán cải và Vâng phục. Hai lời khấn Khó nghèo và Khiết tịnh được lồng trong lời khấn Hoán cải.

Đan sĩ là con người cầu nguyện, Phụng vụ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đan tụ, đan sĩ cầu nguyện cùng với Hội Thánh qua Kinh Thần vụ và trung tâm của Thần vụ là Thánh lễ. Cha thánh Biển Đức khuyến khích đan sĩ “không được quý gì hơn Thần vụ”.

Cộng đoàn là môi trường sống của Đan sĩ Biển Đức, là gia đình Đan viện và Đức Kitô là đầu của cộng đoàn, Ngài hiện diện hữu hình qua Viện phụ. Đan sĩ sống dưới sự hướng dẫn của Tu luật và Viện phụ. Đời sống cộng đoàn được tổ chức sao cho quân bình giữa: Kinh Thần vụ - Lao động – Đón tiếp khách - Học tập và nghỉ ngơi.

Tuy sống chung trong một cộng đoàn đan tu, nhưng đời sống cô tịch nội tâm của đan sĩ được thể hiện rõ nét qua thinh lặng và cầu nguyện. Chính nhờ đó mà đan sĩ luôn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa trong an bình và khiêm tốn.

Ngoài các giờ Thần vụ chung thì Lectio Divina, suy niệm Lời Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để giúp đan sĩ kết hiệp với Chúa Kitô, sống cho Chúa, vì Chúa và để có thể yêu thương như Chúa.

Nhờ ơn Chúa, với Chúa và trong Chúa mà đan sĩ gặp được các nỗi khát vọng thâm sâu và nhu cầu được cứu độ của mọi người, và liên đới sâu xa với anh chị em trong cầu nguyện bằng chính cuộc sống thánh hiến của mình trong nội vi đan viện.

Đời tu là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì đời sống thánh hiến được ban cho Giáo hội. Hồng ân Thiên Chúa chiếu rực trong cuộc đời của người tu sĩ để rồi người tu sĩ được biến đổi để đem Chúa Kitô cho cuộc đời. Xin chung lời cầu nguyện cho 3 bông hoa tiến dâng cho Thiên Chúa trong ơn gọi chiêm niệm đan tu.

Trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistica, thánh Gioan Phaolô II đã dành chương cuối để dạy các tín hữu noi gương bắt chước Đức Mẹ về lòng say mến Thánh Thể. Trót cả cuộc đời, Mẹ liên kết khít khao với Thánh Thể. Mẹ đã gắn bó thái độ nội tâm rất sâu xa với mầu nhiệm bí tích cực thánh. Có thể nói “Đức Maria là một phụ nữ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistica, 53). Tháng kính Mân Côi, theo gương Mẹ Maria Người Nữ Thánh Thể, ước mong các Nữ tu hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp, mãi tỏa hương nhân đức khoe sắc yêu thương.

Thánh Gioan Phaolô II mời gọi: “Hãy sống Bí tích Thánh Thể bằng chính niềm tin và tình yêu của Mẹ Maria, một trinh nữ lắng nghe, một trinh nữ nguyện cầu. Một trinh nữ hiến dâng, một hiền mẫu trinh nguyên, một trinh nữ gương mẫu và cũng là Bà Thầy của lòng tôn thờ thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày, đã biến đổi chính Mẹ thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa”. Ước gì trong cuộc đời thánh hiến, các Nữ tu biết siêng năng chạy đến trường học của Đức Maria để được biến đổi mỗi ngày thành của lễ tình yêu vẹn toàn dâng lên Chúa Cha.

Cầu chúc các tân khấn sinh gặt hái được hạnh phúc trong đời dâng hiến chiêm niệm nhờ yêu mến gắn bó với Thánh Thể Chúa Giêsu hàng ngày.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Đức Cha Giuse Trần Văn Toản được bổ nhiệm Giám Mục Chính Tòa Long Xuyên
Đặng Tự Do
13:17 23/02/2019
Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Bẩy 23 tháng Hai, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức khỏi các trách nhiệm mục vụ tại giáo phận Long Xuyên, Việt Nam của Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu.

Ngài được kế vị bởi Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, hiện là giám mục phó của cùng giáo phận.”

Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, sinh ngày 20 tháng Tám, 1945 tại Nam Định, Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng Tám, 1974 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Long Xuyên ngày 3 tháng Sáu, 1999.

Ngài trở thành Giám Mục chính tòa Long Xuyên, sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chấp thuận đơn từ chức của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần vào ngày 2 tháng 10, 2003.

Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sinh ngày 7 tháng Tư, 1955 tại tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng. Song thân ngài gốc giáo phận Thái Bình, Miền Bắc Việt Nam. Theo học tại tiểu chủng viện Long Xuyên từ 1966 đến 1974, rồi tại Đại chủng viện ở địa phương từ 1974 đến 1981. Thầy Giuse Toản đã phục vụ 11 năm trong giáo xứ Môi Khôi, Thạnh Quới, Giáo Phận Long Xuyên, trong khi chờ đợi được chịu chức Linh Mục.

Thầy thụ phong Linh Mục ngày 16 tháng Giêng năm 1992, thuộc giáo phận Long Xuyên.

Sau đó cha đã lần lượt đảm nhận các trách vụ sau đây:

– Từ 1992 đến 1999: Phó Xứ Môi Khôi, Láng Sen, hạt Vĩnh Thạnh.

– Từ 2000 đến 2005: theo học tại Đại học De La Salle, Manila, Philippines và đậu tiến sĩ về giáo dục.

– Từ năm 2006: cha làm Giám đốc Trung tâm mục vụ và phối hợp các hoạt động mục vụ và truyền giáo, Giám đốc tiểu chủng viện thánh Têrêsa, giảng dạy môn Truyền Giáo học tại Đại chủng viện liên giáo phận Cần Thơ.

Ngày 05 tháng Tư, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Toản, làm Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Long Xuyên với khẩu hiệu Giám mục: “Vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô” (x Gal 6. 14), và chỉ định cho ngài hiệu tòa Acalisso.

Ngày 25 tháng Tám, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Trần Văn Toản làm Giám Mục phó Giáo phận Long Xuyên với quyền kế vị.

Từ ngày 23 tháng Hai, 2019, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản là Giám Mục Chính Tòa Long Xuyên.


Source:Holy See Press Office
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Gilets Jaunes Biểu Tình Cho Đến Bao Giờ ?
Hà Minh Thảo
14:51 23/02/2019
Ngày 09.02.2019, Gilets Jaunes là Phong trào những người mặc Áo Vàng biểu tình chống Chánh phủ Cộng hòa Pháp vào mỗi ngày Thứ bảy đến lần thứ 13. Ðây là con số rất đặc biệt đối với người Pháp, nhất là rơi đúng vào Thứ Sáu 13 vì hôm trước đó Chúa Giêsu dự tiệc chia ly với 12 Tông đồ và, sau đó, đã chết trên Thập giá. Thời xưa, họ rất kỵ với số đó đến nổi khách sạn không có số 13 và được thay bằng số 12 bis. Hiện nay, trái lại, số 13 được coi là tốt, nên vào Thứ sáu 13, tổ chức xổ số Pháp xổ Super Loto.

Sau 13 vòng biểu tình, người ta hồ hởi khi thấy số người tham gia biểu tình ngày càng ít, nhưng chưa ai có thể tiên đoán được đến lúc nào các cuộc biểu tình này chấm dứt, sau những thiệt hại trầm trọng về người (chết, thương tật suốt đời và tù tội) cùng vật chất (cướp hàng hóa, đập phá nhà cửa, kinh tế đình trệ…).

Tôi chào đời khi người Pháp còn ở Việt Nam. Nhiều lần, tôi được nghe họ tự hào rằng: « Dân Pháp, trong bất hoàn cảnh nào, cũng có thể hòa giải tốt đẹp với nhau ». Tôi đã tin như thế. Nhưng, bây giờ, tôi tự hỏi nhận xét đó còn đúng không ? Tôi bắt đầu viết bài này sau khi xem trực tiếp những cảnh biểu tình, bạo lực, cướp bóc, hôi của, đốt xe… mỗi chiều Thứ bảy trong 14 tuần qua màn ảnh nhỏ đài BFM TV. Buồn và tiếc, tôi tự vấn ‘Pháp còn là một quốc gia pháp trị hay không?’.

I.- PHÁP LÀ QUỐC GIA PHÁP TRỊ HÀNG ÐẦU THẾ GIỚI.

Cám ơn Tiền Nhân đã qui định khi dịch ‘La France’ là ‘Pháp’ và trong tiếng Việt, chữ Pháp cũng có nghĩa là ‘luật’. Pháp trị là Ðiều Hành Việc Nước bằng Pháp Luật được ghi trong Hiến Pháp, luật căn bản, các Ðạo luật và Sắc luật cùng những văn kiện dưới Luật.

A./ Luật không được thi hành chặt chẻ.

Luật định: « Các cuộc biểu tình trên đường phố phải đăng ký tại cơ quan công quyền địa phương (Mairie hay Préfecture), ít nhất 3 ngày trước sự kiện, phải ghi rõ: lý do, địa điểm, ngày giờ, hành trình và chữ ký của những người trách nhiệm để cảnh sát được cử đến để giữ trật tự, yểm trợ ban tổ chức.

Chế tài. Ðiều 431.9 Hình luật qui định: « Nếu vi phạm không đăng ký hay đăng ký sai, hình phạt tù đến 6 tháng và 7.500 euros ».

Thực tế. Trước đây, các cuộc biểu tình thường do các Nghiệp đoàn hay các Ðoàn thể đứng ra tổ chức và đăng ký. ‘Áo Vàng’, từ chối hai loại tổ chức trên, qua internet, từng công dân (cá nhân) họ cùng mời gọi họp mặt với nhau đi biểu tình hay chiếm các bồn binh (rond-point) để đòi được tăng sức mua (pouvoir d’achat). Họ không muốn đăng ký vì sợ sự trà trộn của những người đập phá (casseurs) mà họ phải chịu trách nhiệm khi đăng ký với tên mình.

Mãi cho đến ngày 02.01.2019, ông Eric Drouet, một gương mặt Áo Vàng thật nổi trong các cuộc biểu tình từ khi bắt đầu ngày 17.11.2018, mới bị bắt về tội ‘tổ chức biểu tình không đăng ký’. Trong phiên Tòa Tiểu hình (tribunal correctionnel) ngày 15.02.2019, Công tố viên đề nghị 1 tháng tù treo và 500 euros phạt. Phán quyết sẽ được tuyên vào ngày 29.03.2019.

Ngày 12.02.2019, trong phiên họp chất vâÙn tại Quốc hội, Thủ tướng Edouard Philippe, để trả lời Dân biểu Patrick Mignola (Phong trào Dân chủ, MoDem, thân chính) về việc tái lập trật tự công cộng, đã công bố một con số: 1.796. Ðó là con số những bản án mà các Tòa án đã tuyên kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình Áo Vàng vào thứ bảy hàng tuần từ ngày 17.11.2018. Ngoài ra, còn 1.422 người còn đang chờ xét xử. Ngoài ra, có hơn 1.300 vụ xét xử tức thì và 31g người đã bị tống giam. 13 người đã bị truy tố về thiệt hại xung quanh và bên trong Khải Hoàn Môn hôm 01.12.2018. Thiết tưởng, tại một nước Dân chủ Pháp trị, số người tù gia tăng như vậy không là điều đáng khích lệ, trong khi nhà giam ở Pháp đã quá đông, ngân sách không có và mức khiếm hụt ở mức 3% Tổng sản lượng nội địa.

Suốt 13 chiều thứ bảy, nhờ BFM TV trực tiếp truyền hình, tôi được thấy tận mắt những cảnh bạo lực vô cùng đáng tiếc mà người Pháp sẳn sàng đem ra ‘chơi’ với nhau để máu đổ, thịt rơi. Xăng tăng giá là lý do Áo Vàng phải biểu tình phản đối nay được phung phí xài như nước lạnh để chạy đủ loại ô-tô cảnh sát, xe bọc sắt, trực thăng, xe phun nước. Ðại bác phun nước trên các xe này bắn thẳng vào người biểu tình làm cho họ phải oằn oại trên mặt đường, đặc biệt đối với những người ốm yếu nhất.

Súng bắn đạn cao su tự vệ (Lanceur de balle de défense, LBD) được cảnh sát sử dụng trong hai tháng Áo Vàng biểu tình đã gây thương tích cho lối 40 đồng bào (vỡ quai hàm, mặt chảy máu, mất một mắt, bị thương… được quay tại hiện trường, tay ôm mặt máu, hay ngã gục, hoặc được người ta sơ cứu, được truyền đi trên các phương tiện truyền thông.

Jim, một Áo Vàng tham gia biểu tình ở Bordeaux ngày 08.12.2018, bị trúng đạn LBD từ cảnh sát, thuật cho đài truyền hình France 3 Nouvelle-Aquitaine hôm 19.12.2018: « Chúng tôi không biết Bordeaux, những người Áo Vàng tập trung với nhau và muốn ra khỏi khu vực đó, nhưng bị kẹt giữa một bên là Cảnh sát Trật tự (CRS, Compagnies Républicaines de Sécurité) và bên kia là đám cháy. Tôi phải bảo vệ vợ mình nên tôi che cô ấy ở phía sau, và thế là tôi bị trúng một viên LBD. Tôi bị hỏng mắt bên phải. Ba tháng nữa, bác sĩ sẽ phẫu thuật lắp mắt giả ».

Một trường hợp khác. Thứ bảy ngày 05.012019, sau khi ăn trưa xong, Lilian, 15 tuổi rời nhà lúc 14 giờ đi đến Strasbourg nhân dịp soldes (mùa giảm giá) để mua một áo veste đã để ý từ lâu. Mẹ của Lilian, nói với đài RMC, ngày 14.01.2019, là bà vẫn còn giữ hóa đơn mua áo, ghi giờ thanh toán là 15 giờ 56. Trên đường về, trên tuyến đường đi ra trạm xe điện. Anh và các bạn thấy những người Áo Vàng chạy về phía mình và nhóm Lilian bị lẫn trong đoàn người biểu tình và chính lúc đó, anh bị trúng đạn cao su LBD. Anh bị thương một lỗ rất lớn trên má phải, phía trên cằm và hàm. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công. Lilian sẽ được khám lại trong 6 tháng tới và phải theo dõi xem thương tật ra sao.

Loại súng này được chế tạo bởi công ty Brügger & Thomet (Thụy Sĩ). Do đó Pháp phải nhập cảng trong khi cán cân thương mại Pháp luôn khiếm hụt. Báo ‘Le Parisien’ đưa tin, chỉ riêng ngày 01.12.2018, ‘776 phát súng LBD được bắn đi’ tại Paris. Sở Cảnh sát Paris không phủ nhận con số này, nhưng từ đó, không để lộ bất kỳ thông tin nào về việc sử dụng súng này.

Vừa tốn tiền vừa gây thương tích, lại còn tạo thêm khiếm hụt cho Quỹ Bảo hiễm Bịnh (Assurance Maladie). Thời Tổng thống François Hollande, ông đã ‘thưởng’ bồi hoàn 100% chi phí phá thai trong khi phá thai đâu phải là bệnh mà chỉ tạo điều kiện cho ‘làm tình vô trách nhiệm’. Ở đây cũng vậy, đánh đập và bắn nhau gây thương tích, chứ đâu phải là bệnh.

Tuyệt nhiên, Nhà Cầm Quyền Pháp không tôn sùng cái gọi là Cảnh sát trị hay Công an trị mà kêu gọi đối xử nhau bằng tình Huynh Ðệ (Fraternité) và, trong xã hội văn minh, người dân gọi nhân viên công lực là ‘bạn dân’. Vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh (nước Pháp đang trong tình trạng khủng bố đe dọa) và trật tự (an toàn để đồng bào sống và làm việc), cảnh sát và hiến binh Pháp đã phục vụ một cách tận tâm đáng phục. Số giờ làm việc phụ trôi mà các chính phủ thời các Tổng thống F. Hollande (Xã hội) và E. Macron (Tiến bước) chưa trả tiền lương lên đến hàng triệu giờ chứng minh điều đó. Sức người có hạn, bị buộc phải làm việc căn thẳng, việc tự kiểm hành động trở nên khó khăn giữa một bên là nhà nước cai trị và, bên kia, đồng bào bị trị mà chính cá nhân và gia đình họ cũng là những thành viên phe này. Ngoài ra, họ còn phải chịu trách nhiệm về hành động mình trước Tổng Thanh tra Cảnh sát Quốc gia (IGPN, Inspection générale de la Police nationale) và các Tòa án.

Từ khi Áo Vàng biểu tình đến ngày 11.01.2019, theo ông Eric Morvan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, IGPN đã nhận được 200 báo cáo về tình trạng bạo lực từ cảnh sát và đã thụ lý 78 hồ sơ.

Sau khi nhiều nhân sĩ trong nước yêu cầu ngừng sử dụng LBD, ngày 01.02.2019, Tham Chính Viện (Conseil d’Etat) đã ra quyết định cho phép cảnh sát tiếp tục xài LBD để đối phó với những người biểu tình bạo động. Do đó, vấn đề đã vượt biên giới, ngày 14.02.2019, Nghị viện Âu châu, bằng 438 phiếu thuận, 78 chống và 87 vắng mặt, đã thông qua Nghị quyết (không có hiệu lực cưỡng hành) lên án việc sử dụng võ khí này.

Phong trào Foulards Rouges (Khăn quàng Ðỏ) ra đời ngày 26.11.2018 để chống lại Gilets Jaunes bằng phủ nhận tính cách Toàn dân mà nhóm này tự nhận và phản đối sự vi phạm tự do đi lại và bạo lực. Ngày 27.01.2019, 10.500 Khăn quàng đỏ biểu tình ở Paris có đăng ký đúng luật và đã diễn hành trong trật tự. Tuy nhiên, chỉ thực hiện một lần đã hữu hiệu hay đã nhận thấy không cần thiết.

B./ Áp lực đường phố.

Tại các nước Dân chủ, người dân tín nhiệm và bầu Tổng thống để thực thi quyền Hành pháp và các Dân biểu, họp thành Quốc hội, nắm quyền Lập pháp. Tại Pháp, quyền Lập pháp còn chia cho Thượng viện, bầu gián tiếp bởi Dân cử các cấp. Quyền Hành pháp lưỡng cực được chia cho Thủ tướng, được bổ nhiệm bởi Tổng thống, nhưng không bị sa thải và Vị này có thể bị bất tín nhiệm bởi Quốc hội.

Ðiểm khác người ta thường nói là Tam Quyền Phân Lập, tức Ðộc lập với nhau, nhưng còn đặc tính nữa cần biết Ba Quyền không Biệt lập, tức phải hành động chung nhau để phục vụ Quyền lợi Toàn Dân. Hành pháp nạp trình Dự án Luật (cho Lập pháp để thảo luận và biểu quyết. Ðề nghị Luật là văn kiện nạp trình bởi thành viên Lập pháp. Sau đó, Tổng thống ký thành Luật và ban hành. Tư pháp xét xử dựa theo các Bộ Luật đã được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Sau những cuộc biểu tình ở Paris và khắp nơi trên nước Pháp ngày 17.11.2018 mà theo số liệu bộ Nội vụ công bố, có gần 290.000 người tham dự, có một người chết và 528 người bị thương, trong đó có 92 cảnh sát và hiến binh (gendarme), tối ngày 18.11.2018, trên đài truyền hình France 2, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố ông thấu hiểu nỗi lo của người biểu tình, nhưng sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu mà chính phủ đã đề ra.

Cũng trên Ðài này, Tổng trưởng Nội vụ Christophe Castaner chỉ trích là phong trào đấu tranh ‘Áo vàng’ đã ‘hoàn toàn chệch hướng’ và kêu gọi người biểu tình tôn trọng nguyên tắc tự do lưu thông và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ sớm được triển khai để giải tỏa các chốt trên các tuyến đường một cách có hệ thống và có phương pháp, tránh để xảy ra xô xát với người biểu tình. Ðến nay, ngày 17.02.2019, lời cảnh cáo vẫn chưa có hiệu quả hoàn toàn.

Tiếp theo, tối ngày 10.12.2018, để trả lời các đòi hỏi của phong trào Áo Vàng, Tổng thống E. Macron đã ban bố các giải pháp sau:

1. Tăng 100 euro cho công nhân hưởng lương tối thiểu (SMIC, Salaire minimum interprofessionnel de croissance).

2. Bải bỏ Ðóng góp Xã hội Tổng hợp (Contribution sociale généralisée, CSG) đánh trên hưu bổng cho các hưu viên lãnh hưu bổng từ 1.200 đến 2.000 euros/tháng ». Bách phân CSG từ 8,30% (2018) xuống còn 6,60% (2019) cho những hưu viên lãnh hưu bổng trên 2.000 euros/tháng.

3. Tiền lương giờ phụ trội (Heures supémentaires) được miễn thuế và không đóng góp an ninh xã hội.

4. Tiền thưởng Bất thường (Prime exceptionnelle), còn gọi là ‘tiền thưởng Macron’ vì được ông đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp tặng thưởng cho nhân viên không lãnh lương tháng quá 3 lần SMIC (tức 3.612 euros), được hưỏng sự miễn thuế và khỏi góp an ninh xã hội.

Cuối cùng, những biện pháp này đã buộc phải được thông qua nhanh chóng bởi Lưỡng viện Lập pháp chỉ hai ngày 21 và 22.1018. Ước lượng ngân sách phải chi tiêu và thất thu khoảng 10 tỷ euros. Luật Ngân sách tài khóa 2019 bị thay đổi để phải tăng mức bội chi.

II.- NƯỚC PHÁP DÂN CHỦ NHẤT NHÌ TOÀN CẦU.

A./ Bầu cử tự do, công bằng và hợp lệ.

Cử tri Pháp được tự do đi đến phòng phiếu để bầu hay vắng mặt là quyền của họ, không ai được quyền hỏi hay trách. Nhân viên phòng phiếu đóng dấu thẻ cử tri để đương sự không thể đi bầu quá một lần. Các ứng cử viên cũng như các liên danh đều được cung cấp phương tiện tranh cử hợp lý và công bằng. Việc kiểm phiêÙu và tuyên bố kết quả lẫn kế toán chi thu đều được sự giám sát của Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionel). Ðược Toàn dân trao quyền, các vị Dân cử thực thi Quyền hành và Bổn phận đã ghi trong Hiến Pháp 1958 và các bộ Luật hiện hành.

B./ Tổ chức cuộc Thảo luận lớn Toàn quốc (Grand Débat National).

Nhằm chấm dứt khủng hoảng Áo Vàng khởi đầu hôm 17.11.2018, ngày 17.11.2018, Tổng thống E. Macron loan báo tổ chức cuộc Thảo luận lớn khắp lãnh thổ và cho mọi người Pháp để tạo cơ hội cho mọi công dân có dịp góp ý với thẩm quyền chánh trị về 4 vấn đề qua 35 câu hỏi:

a. Việc chuyển đổi môi trường sinh thái (Transition écologique), làm thế nào để cách nhiệt nhà ở được tốt để tiết kiệm năng lượng như sưởi ấm thế nào ? đi lại như thế nào ?

b. Hệ thống thuế khóa (Fiscalité) và các chi tiêu công. Làm thế nào để hệ thống thuế công bằng hơn, hiệu quả hơn.

c. Tổ chức Công quyền (Organisatin de l’Etat, và các công vụ, tức làm sao cho các dịch vụ ấy gần gũi với người dân hơn và hiệu quả hơn.

d. Dân chủ và Công dân (Démocratie et citoyenné). Hoàn thiện các phương thức thực hành Dân chủ và quyền Công dân.

Ngày 13.01.2018, qua ‘Thư gởi Người Pháp’, ông Macron đưa tay hòa giải và đề nghị các công dân cùng nhau ‘xây dựng các giải pháp từ sự phẫn nộ’. Theo ông, các đề xuất của đồng bào không những có thể mang lại các giải pháp cho phép cải thiện cuộc sống hàng ngày, mà còn hướng đến việc ‘thiết lập nên một ‘khế ước xã hội mới’ định hướng cho những hành động của Chính phủ, của Quốc hội, và kể cả vị trí nước Pháp ở Aâu châu và trên trường quốc tế’. Cuộc Thảo luận dự kiến kéo dài hai tháng, từ ngày 15.01.2019.

Tổng thống Macron nhất định không tái xét quyết định bỏ thuế đánh vào người có tài sản lớn gọi tắt là ISF (Impôt de Solidarité sur la Fortune) và tăng bách phân CSG. ISF là thuế đóng góp bởi người giàu thì được giảm nhiều và đổi tên thành ISI (Impôt sur la Fortune Immobilère), chỉ đóng trên Bất động sản còn CSG, ai cũng phải đóng, kể cả người hưu và thất nghiệp, vẫn duy trì và mưu toan gia tăng. Do đó, ông Emmanuel Macron được tặng danh ‘Tổng thống của người giàu’.

Tổng thống E. Macron hứa sẽ lắng nghe tiếng nói của mọi người dân và chính ông sẽ ‘tổng kết’ cuộc Ðại thảo luận và công bố kết luận một tháng, sau khi chiến dịch tham khảo ý kiến kết thúc, vào 15 tháng Tư, sáu tuần trước Bầu cử Nghị viện Âu châu ngày 25.05.2019.

III./ NƯỚC PHÁP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THỨ THẬT.

Một quốc gia xã hội thực sự khi Lãnh đạo, bằng biện pháp Thuế vụ, biết mời gọi người khá giả chia phần thu nhập của mình để giúp đở đồng bào kém may mắn hơn. Do đó, nước Pháp đang là:

A. Vô địch về đóng góp bắt buộc (Prélèvements obligatoires).

Ðó là tổng cộng các loại thuế phải đóng và các khoản phải góp cho các quỹ an ninh xã hội mà người dân Pháp và ngoại quốc sống trên nước này phải trả lên đến 46,20% Tổng sản lượng nội địa (OCDE tháng 12/2018), một trong rất ít nước có bách phân cao nhất trong Liên hiệp Âu châu và 36 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE, Organisation de Coopération et de Développement Economiques). Ðó cũng là lý do mà Áo Vàng đã nêu lên để biểu tình từ ngày 17.11.2018 đến nay và không biết cho đến bao giờ.

B. Số thu bắt buộc đó để làm gì ?

Tại Pháp, tỷ lệ đánh thuế cao như vậy là nhằm để:

- trang trải chi phí cho các cơ quan công quyền và lương bổng cho công chức;

- chi trả, bồi hoàn và trợ cấp các dịch vụ an ninh xã hội (chửa bệnh, nghỉ bệnh, tiền hưu, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động, sinh sản và nghỉ hộ sản, …

- trợ cấp giáo dục và học tập do Ngân sách Quốc gia đài thọ 100%. Do quyết định của Chính phủ, trẻ em phải đi học từ 6 đến l6 tuổi, nên phụ huynh không phải trả học phí. Từ niên học 2019-2020, tuổi cưỡng bách sẽ là 3 đến 16 tuổi. Về học bổng, do công bằng xã hội, mức trợ cấp được tính theo thu nhập của phụ huynh và tính theo khả năng học chỉ là trường hợp ngoại lệ. Vì lý do Tự do, cha mẹ học sinh cho con theo học trường công hay tư đều được hưởng học bổng như nhau.

IV. CƠ HỘI ÐỂ CHẤM DỨT KHỦNG HOẢNG.

Dựa vào lịch sử xã hội Pháp và Hiến pháp Ðệ Ngũ Cộng hoà ngày 04.10.1958, chúng tôi thấy có 2 trường hợp để lựa chọn:

A./ Giải tán Quốc hội (Dissolution de l'Assemblée nationale.

Trong thời gian Áo Vàng biểu tình, người Pháp nhắc để so sánh với cuộc khủng hoảng năm 1968 dù tình hình kinh tế và xã hội rất khác nhau. Năm 1968, kinh tế phát triển mạnh thu hút công nhân lao động và sức mua bảo đãm, nhưng họ đòi Tự do như tự do luyến ái, tự do biểu tình. Sang năm 2018, người dân Pháp đầy đủ các quyền, như quyền đình công, phá thai, đám cưới đồng tính…, nhưng đầy bất công và sức mua yếu kém.

Năm 1968, cuộc khủng hoảng bắt đầu bởi các sinh viên bãi khóa từ ngày 22.03.1968 và, tháng 5, lan sang giới nhân công, lao động đình công, biểu tình tuy có dữ dội, nhưng không có đổ máu, hôi của như ngày nay. Phản ứng lập tức, thực thi quyền Pháp trị, chiếu Ðiều 12 Hiến pháp, Tổng thống Charles de Gaulle, ngày 30.05.1968, tuyên bố ‘Giải tán Quốc hội’ để hỏi sự tín nhiệm của người dân, chủ Ðất nước. Kết quả, cử tri Pháp trả lời ‘tín nhiệm những Gaullistes (người theo ông de Gaulle)’ để trở thành Dân biểu chiếm Ða số tại Quốc hội. Hòa bình chính trị tái ngự ngay.

Nếu ‘les Gaullistres’ trở thành thiểu số tại Quốc hội, ông de Gaulle vẫn là Tổng thống, nhưng phải cử một chánh trị gia thuộc phe đa số, thường thuộc phe đối lập, để làm Thủ tướng.

B. Trưng cầu Dân Ý (Référendum).

Khác với Bầu cử là cuộc bỏ phiếu phải chọn Tên một ứng cử viên hay một Liên danh các ứng cử viên. Trong khi, tại Pháp, cử tri được mời để chọn ‘OUI’ khi đồng ý hay ‘NON’ khi bác bỏ câu hỏi được đặt ra, thường bởi Tổng thống cho một cuộc Trưng cầu Dân ý toàn quốc, được quy định tại Ðiều 3 khoản 1 Hiến pháp 1958.

Ngày 27.04.1969, Tổng thống Charles de Gaulle mời cử tri Pháp tham gia cuộc Trưng cầu Dân ý và dùng lá phiếu để trả lời ‘Oui’ hay ‘Non’ cho câu hỏi mà ông đặt cho việc Cải tổ Thượng nghị viện (Sénat) và thành lập các Vùng (Régions). Câu hỏi thường được đặt thế nào để cử tri trả lời ‘Oui’ đồng ý với người hỏi, có nghĩa tín nhiệm Tổng thống. Kết quả: ‘Oui’ chỉ nhận được 47,59% tổng số phiếu hợp lệ và ‘Non’ thắng với 52,41% số phiếu đó. Ngày hôm sau 28.04.1969, ông De Gaulle từ chức Tổng thống như ông đã nói trước.

[Thiếu tướng Charles De Gaulle, cựu Tổng thống Pháp, là một Anh hùng Dân tộc, đã Giải phóng Quê hương khỏi quân Ðức cuối Thế chiến 2, ngày 25.08.1944].

Kết quả Trưng cầu Dân ý không buộc Tổng thống từ chức. Ngày 29.05.2005, Trưng cầu Dân ý về Hiến pháp Aâu châu. Kết quả, ‘Non’ đạt được 54,68% khiến Hiến pháp này bị xé bỏ trong toàn Liên hiệp Aâu châu. Tổng thống đương nhiệm Jacques Chirac đâu có từ chức.



Tại Pháp, không ai nghĩ đến Ðảo chính mà, một khi đã bầu một Tổng thống, mọi người phải chờ đến khi vị này mãn nhiệm hay từ chức vì đó chính là lỗi cử tri đoàn đã bầu chọn sai.



Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Đẹp Mùa Đông
Nguyễn Đức Cung
10:31 23/02/2019
NGÀY ĐẸP MÙA ĐÔNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Tạ ơn ngày đẹp mùa Đông
Trời xanh tuyết trắng mênh mông núi đồi.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Bài thuyết trình của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:48 23/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội khai mạc hôm 21 tháng Hai tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican.

Trong chương trình này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với quý vị và anh chị em bài thuyết trình thứ hai của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna /tʃɑːlz sɪ̈-klʊ-nɑ/ là Tổng Giám Mục Malta và đồng thời là Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Sau lời khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô, hội nghị đã nghe 3 bài thuyết trình.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân đã đọc bài thuyết trình đầu tiên có nhan đề “Mùi chiên: Biết được nỗi đau và chữa lành vết thương của họ là cốt lõi trong sứ vụ người mục tử”.

Tiếp theo, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đã trình bày bài thứ hai nhan đề: “Gánh lấy trách nhiệm giải quyết các trường hợp khủng hoảng lạm dụng tình dục và phòng chống lạm dụng.”

Mở đầu bài thuyết trình Đức Tổng Giám Mục nói:

Lãnh Trách nhiệm Cứu xét các Trường hợp của Cuộc Khủng hoảng Lạm dụng Tình dục và Ngăn ngừa Lạm dụng

Nhập đề

Cách các Giám mục chúng ta thực thi thừa tác vụ của mình để phục vụ công lý trong các cộng đồng của chúng ta là một trong những thử nghiệm căn bản của sự quản lý của chúng ta và, quả thực, của lòng trung thành của chúng ta. Xin trích dẫn Lời Chúa trong Lu-ca 12:48: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”. Chúng ta được trao phó chăm sóc giáo dân của chúng ta. Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là bảo vệ giáo dân của chúng ta và đảm bảo công lý khi họ bị lạm dụng. Trong bức thư gửi dân Chúa ở Ái Nhĩ Lan, công bố ngày 19 tháng 3 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói điều này: “Chỉ bằng cách khảo sát cẩn thận nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay, cuộc chẩn đoán rõ ràng các nguyên nhân của nó mới được thực hiện và các biện pháp khắc phục hữu hiệu mới được tìm thấy. Chắc chắn, trong số các nhân tố đóng góp, chúng ta có thể kể: các thủ tục không hỏa đáng để xác định sự thích hợp của các ứng viên vào chức linh mục và đời sống tu dòng; việc đào tạo về nhân bản, đạo đức, trí tuệ và thiêng liêng không đầy đủ trong các chủng viện và tập viện; xu hướng trong xã hội ưu đãi các giáo sĩ và các nhân vật có thẩm quyền khác; và mối quan tâm không đúng chỗ về danh tiếng của Giáo hội và tránh tai tiếng, dẫn đến việc không áp dụng các hình phạt giáo luật hiện có và bảo vệ phẩm giá của mọi người. Cần có hành động khẩn cấp để giải quyết những nhân tố này, các nhân tố đã gây ra hậu quả bi thảm đến thế trong cuộc sống các nạn nhân và gia đình họ, và đã che khuất ánh sáng Tin mừng đến độ thậm chí nhiều thế kỷ bách hại cũng đã không làm thành công như vậy) http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/letters/2010/document/hf_benxvi_let_20100319_ecl-ireland.html

Bài nói của tôi sáng nay có ý định lướt qua các giai đoạn chính của diễn trình cứu xét các trường hợp cá nhân lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các thành viên của hàng giáo sĩ với một số gợi ý thiết thực được hình thành bởi sự thận trọng, bởi việc thực hành tốt nhất và bởi mối quan tâm hàng đầu đối với việc bảo vệ sự vô tội của trẻ em và người trẻ của chúng ta.

Báo cáo hành vi sai trái về tình dục

Giai đoạn đầu tiên là Báo cáo hành vi sai trái về tình dục. Điều chủ yếu là cộng đồng nên được thông báo rằng họ có nghĩa vụ và quyền báo cáo hành vi sai trái về tình dục cho một người liên lạc trong giáo phận hoặc dòng tu. Những chi tiết về người liên lạc này nên được đăng tải công khai. Nên khuyến cáo việc này: nếu và khi một trường hợp có hành vi sai trái được trình trực tiếp cho Giám mục hoặc Bề trên dòng tu, các vị này phải chuyển thông tin cho người liên lạc được chỉ định. Trong mọi trường hợp và trong mọi giai đoạn xử lý các trường hợp này, hai điểm này phải luôn được tuân thủ: i) các qui thức (protocols) được thiết lập phải được tôn trọng. ii) luật dân sự hoặc trong nước phải được tuân theo. Điều quan trọng là mọi cáo buộc đều được điều tra với sự giúp đỡ của các chuyên gia và cuộc điều tra được kết thúc không chậm trễ một cách không cần thiết. Sự biện phân của thẩm quyền giáo hội phải có tính hợp đoàn. Trong một số hội đồng duyệt xét hoặc bảo vệ của các giáo hội địa phương, các ủy ban đã được thành lập và kinh nghiệm này đã được chứng minh là có lợi. Thật là một sự nhẹ lòng cho các giám mục khi chúng ta có thể chia sẻ nỗi buồn, nỗi đau và sự thất vọng của mình khi phải đối diện với những hậu quả khủng khiếp của hành vi sai trái nơi một số linh mục. Lời khuyên của chuyên gia mang lại ánh sáng và an ủi và giúp chúng ta đạt được các quyết định dựa trên năng lực khoa học và chuyên môn. Xử lý các trường hợp khi chúng phát sinh trong một khung cảnh đồng nghị hoặc hợp đoàn sẽ đem lại năng lực cần thiết cho các giám mục để vươn tay mục vụ ra với các nạn nhân, các linh mục bị buộc tội, cộng đồng tín hữu và thực sự với cả xã hội nói chung. Tất cả những người này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt và vị Giám mục và Bề trên dòng cần phải mở rộng sự ân cần mục vụ của mình đối với họ hoặc trực tiếp hoặc thông qua các đại diện của mình. Là các mục tử của đoàn chiên Chúa, chúng ta không nên đánh giá thấp sự cần thiết phải đối đầu với những vết thương sâu gây ra cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các thành viên của hàng giáo sĩ. Chúng là những vết thương có bản chất tâm lý và tâm linh cần được săn sóc cẩn thận. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với các nạn nhân trên khắp thế giới, tôi đã tiến đến chỗ nhận ra rằng đây là mảnh đất thánh thiêng nơi chúng ta gặp Chúa Giêsu trên Thập giá. Đây là một Via Crucis (Đàng Thánh Giá) mà các giám mục và các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội không thể bỏ lỡ. Chúng ta cần phải là Simon Xirênê giúp các nạn nhân, những người mà Chúa Giêsu đã đồng hóa với (Mt 25), vác thập giá nặng nề của họ.

Điều tra các trường hợp sai trái về tình dục

Theo Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis tutela, kết quả cuộc điều tra về hành vi sai trái tình dục của giáo sĩ với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi nên được trình cho Bộ Giáo lý Đức tin. Trong những trường hợp này, vị bản quyền được Giáo luật cho phép áp dụng các biện pháp phòng ngừa (điều 1722) nhằm hạn chế hoặc ngăn cấm việc thi hành thừa tác vụ. Vị bản quyền nên tham khảo ý kiến các chuyên gia giáo luật của mình trong tất cả các trường hợp về hành vi sai trái tình dục để việc chuyển trình được thực hiện khi cần thực hiện và các thủ tục thích đáng được áp dụng ở cấp địa phương khi vụ việc không được dành riêng cho Tòa thánh (ví dụ, khi xảy ra hành vi sai trái giữa người lớn thuận tình). Ngoài ra, các chuyên gia sẽ giúp Giám mục hoặc Bề trên dòng chia sẻ mọi thông tin cần thiết với Bộ Giáo Lý Đức Tin và sẽ giúp ngài bày tỏ ý kiến cố vấn của mình về giá trị của các lời cáo buộc và các thủ tục phải theo. Nên khuyến cáo việc này: Vị bản quyền nên theo dõi trường hợp với Bộ Giáo Lý Đức Tin. Giám mục hoặc Bề trên dòng là người có vị thế tốt nhất để biện phân tác động có thể có do kết quả của vụ kiện gây ra cho cộng đồng của mình. Bộ Giáo Lý Đức Tin rất coi trọng ý kiến cố vấn của Giám mục và luôn có mặt để thảo luận về các trường hợp cá nhân với các thẩm quyền giáo hội có năng quyền.

Diễn trình hình phạt giáo luật

Trong hầu hết các trường hợp được trình cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, một diễn trình hình phạt giáo luật được Tòa Thánh cho phép. Phần lớn các diễn trình hình phạt giáo luật thuộc loại ngoại tòa (extra-judicial) hoặc hành chánh (điều 1720). Diễn trình hình phạt tư pháp được cho phép trong một số ít trường hợp hơn. Trong cả hai loại diễn trình, vị bản quyền có nhiệm vụ đề cử các Thụ ủy (delegate) và Hội thẩm (assessor) hoặc Thẩm phán và Chưởng lý (promoter of juctice) là những người khôn ngoan, có trình độ học vấn và nổi tiếng về ý thức công bằng. Trong hệ thống của chúng ta, như được thu lượm hiện nay, vai trò của nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong tố tụng giáo luật bị hạn chế. Sự ân cần mục vụ của vị bản quyền sẽ giúp bù đắp sự thiếu thốn này. Người chịu trách nhiệm Bảo vệ An toàn trong Giáo phận hoặc Dòng tu nên có khả năng chia sẻ thông tin về tiến độ tố tụng với nạn nhân hoặc các nạn nhân trong vụ án. Trong diễn trình hình phạt tư pháp, nạn nhân có quyền khởi tố vụ án gây thiệt hại trước thẩm phán giáo hội của tòa Sơ thẩm. Trong trường hợp diễn trình xử phạt hành chánh, sáng kiến này nên được thực hiện bởi vị bản quyền thay mặt cho nạn nhân, yêu cầu thụ ủy bồi thường thiệt hại có lợi cho nạn nhân như hậu quả chờ quyết định kết tội cuối cùng. Yếu tính của một diễn trình công bằng đòi hỏi điều này: bị cáo được trình bày mọi lập luận và bằng chứng chống lại họ; bị cáo được dành trọn vẹn lợi ích của quyền được trình bày việc bênh vực mình; phán quyết được đưa ra dựa trên các sự kiện của vụ án và pháp luật áp dụng cho vụ án; một phán quyết hoặc quyết định hợp lý được truyền đạt bằng văn bản cho bị cáo và bị cáo được hưởng quyền đòi sửa lại một phán quyết hoặc một quyết định có hại cho mình. Một khi vị bản quyền, theo hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã chỉ định một thụ ủy và Hội thẩm của mình trong diễn trình hành chánh hoặc chỉ định các thành viên của tòa án trong diễn trình xử phạt tư pháp, ngài nên để những người được đề cử làm công việc của họ và không nên can thiệp vào diễn trình. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngài vẫn là đảm bảo để diễn trình được thực hiện kịp thời và đúng theo giáo luật. Một diễn trình hình phạt giáo luật, dù là tư pháp hay hành chánh, đều kết thúc với một trong ba kết quả có thể xảy ra: một decisio condemnatoria (quyết định lên án, trong đó bị cáo bị kết tội là có tội theo giáo luật) một decisio dimissoria (quyết định bác bỏ, trong đó, những lời buộc tội không được chứng minh); hoặc một decisio ansolutoria (quyết định tha bổng, trong đó, bị cáo được tuyên bố vô tội). Một decisio dimissoria có thể tạo ra một vấn đề nan giải. Giám mục hoặc bề trên dòng vẫn có thể không thoải mái với việc tái bổ nhiệm bị cáo vào thừa tác vụ trong trường hợp các cáo buộc là đáng tin cậy nhưng vụ việc không được chứng minh. Lời cố vấn của chuyên gia rất chủ yếu trong những trường hợp này và vị bản quyền nên sử dụng thẩm quyền của mình để bảo đảm ích chung và bảo đảm an toàn hữu hiệu cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Giao diện với quyền tài phán dân sự

Một khía cạnh chủ yếu của việc thi hành quyền quản lý trong những trường hợp này là giao diện thích đáng với quyền tài phán dân sự. Chúng ta đang nói về hành vi sai trái cũng là một tội ác trong mọi quyền tài phán dân sự. Năng quyền của các cơ quan nhà nước cần được tôn trọng. Luật Báo cáo cần được tuân thủ cẩn thận và tinh thần hợp tác sẽ có lợi cho cả Giáo hội và xã hội nói chung. Các Tòa án dân sự có thẩm quyền trừng phạt tội phạm và thẩm quyền khác để bồi thường thiệt hại theo luật liên quan đến các vấn đề dân sự. Các định mức dân sự hoặc các tiêu chuẩn về bằng chứng có thể khác với những điều này trong thủ tục tố tụng của giáo luật. Sự khác biệt về kết quả cho cùng một trường hợp không phải là điều hiếm khi xảy ra. Trong một số thủ tục tố tụng giáo luật, các hành vi được trình bày hoặc đưa ra trong diễn trình tố tụng dân sự được trình bày như một yếu tố bằng chứng. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong các trường hợp tạo mãi, sở hữu hoặc phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm liên quan đến trẻ vị thành niên, trong đó, các thẩm quyền Nhà nước sở hữu các phương tiện tốt hơn trong việc phát hiện, giám sát và tiếp cận bằng chứng. Sự khác biệt trong các luật lệ liên quan đến thời hiệu (statute of limitations or prescription) là một động lực khác tạo nên sự đa dạng về kết quả trong cùng một trường hợp được quyết định theo các phạm vi tài phán khác nhau. Quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin hạ thấp thời hiệu hai mươi năm vẫn được viện dẫn trong việc xử các vụ lâu năm (historical caes), nhưng dĩ nhiên đây không nên là tiêu chuẩn mà chỉ là ngoại lệ. Lý do pháp lý (ratio legis) ở đây là việc thiết lập sự thật và bảo đảm công lý đòi hỏi khả năng được thực thi quyền tài phán tư pháp có lợi cho lợi ích chung ngay trong các trường hợp tội phạm đã lâu.

Thực hiện các quyết định giáo luật

Giám mục và Bề trên dòng có nhiệm vụ giám sát việc thi hành và chấp hành các kết quả chính đáng của thủ tục tố tụng hình sự. Phải dành cho bị cáo quyền được sử dụng các biện pháp tu chính được pháp luật cho phép chống lại một quyết định khiến anh ta phải buồn phiền. Một khi giai đoạn kháng cáo đã hết, bổn phận vị bản quyền là phải thông báo cho Cộng đồng về kết quả cuối cùng của diễn trình. Các quyết định tuyên bố tội lỗi của bị cáo và hình phạt được áp dụng nên được thực hiện không chậm trễ. Các quyết định tuyên bố sự vô tội của bị cáo cũng cần được công bố công khai thích đáng. Chúng ta thẩy đều biết rằng rất khó khôi phục danh tiếng của một linh mục từng bị buộc tội một cách bất công. Vấn đề chăm sóc sau đó trong các trường hợp này cũng bao gồm cả việc chăm sóc các nạn nhân đã bị phản bội trong các khía cạnh căn bản và thiêng liêng nhất trong nhân cách và hữu thể của họ. Gia đình họ cũng bị ảnh hưởng sâu xa và cả cộng đồng nên chia sẻ gánh nặng đau buồn của họ và cùng với họ hướng tới sự hàn gắn.

Những lời của Đức Bênêđíctô XVI gửi cho các Giám mục Ái Nhĩ Lan vào ngày 28 tháng 10 năm 2006 nghe có vẻ tiên tri hơn ngày hôm nay: “Trong khi thi hành thừa tác mục vụ của anh em, anh em đã phải giải đáp trong nhiều năm gần đây nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Những trường hợp này càng bi thảm hơn nữa khi kẻ lạm dụng là một giáo sĩ. Các vết thương gây ra bởi các hành vi như vậy đâm thật sâu, và nhiệm vụ khẩn cấp là xây dựng lại niềm tin và niềm tín thác nơi những điều này đã bị tổn hại. Trong các cố gắng liên tiếp của anh em trong việc giải quyết hữu hiệu vấn đề này, điều quan trọng là phải thiết lập sự thật về những gì đã xảy ra trong quá khứ, thực hiện bất cứ bước cần thiết nào để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa, để đảm bảo rằng các nguyên tắc công lý được tôn trọng đầy đủ và, trên hết, để mang lại sự hàn gắn cho các nạn nhân và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi những tội ác nghiêm trọng này. Nhờ cách này, Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan sẽ ngày càng lớn mạnh hơn và có khả năng làm chứng cho quyền năng cứu chuộc của Thập giá Chúa Kitô. Tôi cầu xin để nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, lần thanh tẩy này sẽ làm cho tất cả dân thiên Chúa ở Ái Nhĩ Lan “duy trì và hoàn thiện trong cuộc sống họ sự thánh thiện mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa” (Lumen Gentium, 40).

Công việc tốt đẹp và sự cống hiến vị tha của đại đa số các linh mục và tu sĩ ở Ái Nhĩ Lan không nên bị che khuất bởi sự vi phạm của một số anh em của họ. Tôi chắc chắn rằng mọi người hiểu điều này, và tiếp tục nhìn hàng giáo sĩ của họ một cách âu yếm và quý trọng. Anh em hãy khuyến khích các linh mục của anh em luôn biết tìm kiếm sự đổi mới tâm linh và khám phá được niềm vui phục vụ đoàn chiên của họ trong đại gia đình Giáo hội”.

http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2006/oc/10/document/hf_ben-xvi_spe_20061028_ad-limina-ireland.html

Phòng chống lạm dụng tình dục

Việc Quản lý của chúng ta cũng nên nắm được vấn đề cấp bách và lâu dài về phòng ngừa hành vi sai trái tình dục nói chung và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nói riêng. Bất kể hiện đang thiếu các ứng viên cho chức linh mục ở một số nơi trên thế giới, nhưng cũng có cơ sở nở rộ ơn gọi ở những người khác, vấn đề sàng lọc các ứng viên tương lai vẫn là điều cốt yếu. Các văn kiện gần đây hơn của Bộ Giáo sĩ về các chương trình đào tạo nhân bản cần được nghiên cứu và thực thi một cách kỹ lưỡng. Xin trích dẫn văn kiện mới gần đây hơn là văn kiện Ratio Fundamentalis (8 tháng 12 năm 2016): “Chú ý lớn nhất phải được dành cho chủ đề bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, cảnh giác rằng những người tìm cách được nhận vào Chủng viện hoặc Nhà đào tạo, hoặc những người đã kiến nghị được nhận các Chức thánh, không can dự bất cứ cách nào với bất cứ tội ác hoặc hành vi có vấn đề nào trong lĩnh vực này. Các nhà đào tạo phải bảo đảm rằng những người đã có kinh nghiệm đau đớn trong lĩnh vực này nhận được sự đồng hành đặc biệt và thích đáng. Các bài học, hội thảo hoặc khóa học chuyên biệt về bảo vệ trẻ vị thành niên sẽ được đưa vào các chương trình đào tạo ban đầu và liên tục sau đó. Thông tin thỏa đáng phải được cung cấp một cách thích đáng, một điều cũng chú ý đến các lĩnh vực xử lý việc có thể bị bóc lột và bạo lực, chẳng hạn như buôn bán trẻ vị thành niên, lao động trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên hoặc người lớn dễ bị tổn thương” (số 202).

Một sự hiểu biết chính đáng và cân bằng về các yêu cầu của việc sống độc thân và khiết tịnh trong chức linh mục cần được củng cố bằng một sự đào tạo sâu sắc và lành mạnh trong tự do nhân bản và học thuyết luân lý lành mạnh. Các ứng viên vào chức linh mục và đời sống tu dòng nên nuôi dưỡng và phát triển trong tình phụ tử thiêng liêng, một tình phụ tử vẫn sẽ là động lực căn bản cho sự hiến mình quảng đại cho cộng đồng đức tin theo gương của Chúa Giêsu Mục tử nhân lành.

Giám mục và Bề trên dòng nên thực thi quyền làm cha thiêng liêng của mình đối với các linh mục được giao phó cho mình chăm sóc. Tình phụ tử này được chu toàn nhờ sự đồng hành với sự giúp đỡ của các linh mục khôn ngoan và thánh thiện. Phòng ngừa được phục vụ tốt hơn khi các quy thức (Protocols) rõ ràng và Quy tắc ứng xử được biết rõ. Phản ứng với hành vi sai trái phải công bằng và vô tư. Các kết quả phải rõ ràng ngay từ đầu. Trên hết, vị bản quyền có trách nhiệm trong việc bảo đảm và cổ vũ phúc lợi bản thân, thể chất, tinh thần và thiêng liêng của các linh mục của mình. Các văn kiện của huấn quyền về vấn đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo thường xuyên và phải có các biến cố và cơ cấu huynh đệ trong hàng linh mục.

Một người quản lý tốt sẽ tăng lực cho cộng đồng của mình thông qua việc thông tin và đào tạo. Đã có những trường hợp thực hành tốt nhất ở một số quốc gia nơi toàn bộ cộng đồng giáo xứ đã được đào tạo chuyên biệt về phòng ngừa. Kinh nghiệm giá trị và tích cực này cần phát triển trong khả năng tiếp cận và mở rộng trên toàn thế giới. Một dịch vụ khác đối với cộng đồng là việc sẵn sàng được truy cập một cách thân thiện với người dùng các cơ chế báo cáo để nền văn hóa phát hiện không chỉ được cổ vũ bằng lời nói mà còn được khuyến khích bằng việc làm. Các quy thức để bảo vệ an toàn nên dễ dàng được truy cập bằng một ngôn ngữ rõ ràng và trực tiếp. Cộng đồng đức tin dưới sự chăm sóc của chúng ta nên biết rằng chúng ta thực sự muốn làm sự việc. Họ nên tiến tới chỗ biết chúng ta như những người bạn đối với sự an toàn của họ và sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên của họ. Chúng ta sẽ liên kết với họ một cách thẳng thắn và khiêm tốn. Chúng ta sẽ bảo vệ họ bằng mọi giá. Chúng ta sẽ hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên được giao phó cho ta.

Một khía cạnh khác của việc quản lý phòng ngừa là việc lựa chọn và giới thiệu các ứng cử viên cho sứ mệnh Giám mục. Nhiều người yêu cầu diễn trình này phải cởi mở hơn đối với sự đóng tóp của giáo dân trong cộng đồng. Chúng ta, các Giám mục và bề trên dòng, có bổn phận thánh thiêng phải giúp Đức Thánh Cha đạt được một sự biện phân thích đáng liên quan đến các ứng viên có thể lãnh đạo trong tư cách Giám mục. Là một tội lỗi nghiêm trọng chống lại sự chính trực của thừa tác vụ giám mục khi che giấu hoặc đánh giá thấp các sự kiện có thể chỉ ra các thiếu sót trong lối sống hoặc việc làm cha thiêng liêng các linh mục đang chịu sự điều tra của Đức Giáo Hoàng về sự thích đáng của họ để đảm nhận chức Giám mục.

Ở điểm này, tôi muốn đưa ra một trích dẫn khác từ Thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gửi cho dân Chúa ở Ái Nhĩ Lan, ngày 19 tháng 3 năm 2010, lần này được minh nhiên gửi cho các Giám mục: “không thể chối cãi rằng một số hiền huynh và các tiền nhiệm của các hiền huynh đã thất bại, nhiều lần một cách đầy đau buồn, trong việc áp dụng các quy tắc lâu đời của giáo luật vào tội ác lạm dụng trẻ em. Các sai lầm nghiêm trọng đã được thực hiện khi giải đáp các cáo buộc. Tôi thừa nhận rất khó nắm được phạm vi và tính phức tạp của vấn đề, có được thông tin đáng tin cậy và đưa ra các quyết định đúng đắn dưới ánh sáng các lời khuyên chuyên gia mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều sai lầm nghiêm trọng trong phán quyết đã được thực hiện và nhiều thất bại về lãnh đạo đã xảy ra. Tất cả điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng uy tín và sự hữu hiệu của qúy hiền huynh. Tôi đánh giá cao các cố gắng mà qúy hiền huynh đã thực hiện để khắc phục các sai lầm trong quá khứ và để bảo đảm chúng sẽ không xảy ra lần nữa. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn của giáo luật trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ em, qúy hiền huynh hãy tiếp tục hợp tác với các cơ quan dân sự trong lĩnh vực năng quyền của họ. Rõ ràng, các bề trên dòng nên làm như vậy. Họ cũng đã tham gia vào các cuộc thảo luận gần đây tại Rôma nhằm mục đích thiết lập một cách tiếp cận rõ ràng và nhất quán các vấn đề này. Điều bắt buộc là các tiêu chuẩn an toàn trẻ em của Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan phải liên tục được tái duyệt và cập nhật và chúng phải được áp dụng đầy đủ và vô tư phù hợp với giáo luật.

Chỉ có hành động cương quyết được thực hiện một cách hoàn toàn trung thực và minh bạch mới khôi phục được sự kính trọng và thiện chí của người dân Ái Nhĩ Lan đối với Giáo hội mà chúng ta đã tận hiến cuộc sống của mình cho. Điều này, trước nhất và quan trọng nhất, phải phát sinh từ việc tự xét mình, việc thanh lọc nội tâm và đổi mới thiêng liêng của các hiền huynh. Người Ái Nhĩ Lan mong đợi một cách chính đáng, các hiền huynh là người của Chúa, trở nên thánh thiện, sống đơn giản, theo đuổi việc hồi tâm bản thân hàng ngày. Đối với họ, theo lời của Thánh Augustinô, các hiền huynh là giám mục; nhưng với họ, các hiền huynh được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Kitô (x. Bài giảng 340, 1). Do đó, tôi khuyên các hiền huynh hãy đổi mới ý thức trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa, phát triển tình liên đới với người của các hiền huynh và sâu sắc hóa mối quan tâm mục vụ của các hiền huynh đối với mọi thành viên trong đoàn chiên của các hiền huynh. Đặc biệt, tôi yêu cầu các hiền huynh phải chú ý đến đời sống tiêng liêng và luân lý của mỗi một linh mục của các hiền huynh. Hãy nêu gương cho họ bằng chính cuộc sống của các hiền huynh, gần gũi với họ, lắng nghe những lo lắng của họ, khích lệ họ vào thời điểm khó khăn này và khơi dậy ngọn lửa tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và cam kết phục vụ anh chị em của họ.

Giáo dân cũng vậy, nên được khuyến khích đóng vai trò riêng của họ trong đời sống của Giáo hội. Hãy xem xét để họ được đào tạo theo cách họ có thể đưa ra một giải trình rõ ràng và thuyết phục về Tin Mừng giữa xã hội hiện đại (x. 1 Pr 3:15) và hợp tác trọn vẹn hơn trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Điều này, đến lượt nó, sẽ giúp các hiền huynh một lần nữa trở thành những nhà lãnh đạo và nhân chứng đáng tin cậy cho sự thật cứu chuộc của Chúa Kitô.

http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/letters/2010/document

Kết luận

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Thư gửi dân Chúa (20 tháng 8 năm 2018): “Điều chủ yếu là chúng ta, trong tư cách một Giáo hội, có thể thừa nhận và kết án, một cách buồn rầu và xấu hổ, sự hung ác vi phạm bởi các người tận hiến, giáo sĩ và tất cả những người được giao nhiệm vụ canh chừng và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của chính mình và tội lỗi của người khác. Nhận thức về tội lỗi giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm, tội ác và các vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và dấn thân hơn trong hành trình hồi tâm đổi mới”. http: //m.vatican. va / content / francescomobile / en / Letters / 2018 / Documents / papa-francesco_20180820_lettera-popolo-didio.html


Source:Holy See Press Office