Ngày 23-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ III Mùa Chay C - 28.2.2016
Lm Francis Lý văn Ca
16:43 23/02/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đang bước vào tuần lễ thứ 3 của Mùa Chay. Tính đến nay, chúng ta đã cùng đồng hành với Giáo Hội được phân nửa đoạn đường của Mùa Chay Thánh. Trong các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng, chúng ta sẽ nghe câu chuyện cây vả không sinh hoa kết trái và được chủ vườn đề nghị chặt đi. Qua dụ ngôn nầy, Chúa muốn tạo cho chúng ta một cơ hội chót. Qua đường lối của Chúa, Ngài tạo cho chúng ta nhiều cơ hội, nhiều dịp để ăn năn sám hối.
Như đã trình bày ở trên, đoạn đường của Mùa Chay, Mùa chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, chúng đã đi được nửa đoạn đường nầy. Chúng ta đã chuẩn bị được gì trong nửa cuộc hành trình Mùa Chay nầy cho đời sống thiêng liêng và đã làm gì giúp cho tha nhân? Hãy lợi dụng Mùa Chay để làm một cuộc canh tân và hòa giải. Đây cũng là chủ đề được chọn trong Mùa Hồng Phúc Năm Nay.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa cho Môisen diện kiến Ngài qua lửa cháy trong bụi gai. Chính Chúa đã mạc khải cho ông biết Ngài là ai?

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô muốn cho dân thành Côrintô hiểu được giá trị của Cựu Ước về những liên hệ đức tin. Đức tin đòi hỏi một thái độ dứt khoát với những thói hư tật xấu, những sự thờ phượng không đúng trong quá khứ.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Dụ ngôn về cây vả so sánh như cuộc hành trình của chúng ta, cơ hội của thời gian hay một đời người là dịp thuận tiện sau cùng để sinh hoa trái thánh thiện. Mùa Chay năm nay là Mùa Chay cuối cùng của cuộc đời tạm gửi thì anh chị em nghĩ sao khi nghe đoạn Tin Mừng sau đây.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Trước khi dâng lên Thiên Chúa bánh và rượu, chúng ta dâng lên Ngài những ý nguyện cầu cho tha nhân và cộng đoàn cũng như toàn thế giới:

1. Xin cho thời gian của Mùa Chay giúp chúng ta thăng tiến đời sống thiêng liêng, qua chay tịnh. Qua bố thí, chúng ta đem đến cho tha nhân niềm cậy trông để vui sống và vươn lên. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Qua chiến dịch tình thương đã và đang được phát động, với sự giúp đỡ của nhiều tín hữu đó đây, sẽ mang lại kết quả thiết thực cho những người nghèo đói khắp đó dây. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho những anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích khai tâm Kitô giáo, được lãnh hội những điều cần thiết cho đời sống mới làm con Chúa. Xin Chúa trả công cho những giảng viên giáo lý trong cộng đoàn, xứ đạo đã và đang giúp đỡ anh chị em tân tòng tìm hiểu đạo thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mỗi người trong chúng ta, trong cuộc hành trình đức tin, luôn sống kết hiệp với anh chị em trong Cộng Đoàn Xứ Đạo qua những công tác mục vụ hầu vun trồng và phát triển Cộng Đoàn Xứ Đạo của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những linh hồn đã yên nghỉ, những người chúng ta phải nhớ đến trong những thánh lễ tuần nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn thánh để trung thành làm chứng tá cho Chúa giữa trần gian, đem Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Chúa. Qua những cố gắng của chúng con, thế giới chúng con đang sống mỗi ngày sẽ nhận biết Chúa nhiều hơn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 23/02/2016
99. CON SÂU RƯỢU NGỤY BIỆN.
Khổng Quần vì thường uống rượu nên làm hỏng việc, bạn bè khuyên ông ta:
- “Uống rượu nhiều không tốt, miệng bình rượu làm bằng vải thường thường bị thối nát khiến cho người uống rượu cũng rất nguy hiểm.”
Khổng Quần trả lời:
- “Các anh không thấy à, bỏ thịt vô trong bình rượu thì cũng dễ mục nát vậy ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 99:
Tai hại của việc uống quá nhiều rượu thì ai cũng biết, kể cả người say rượu, nhưng khi say thì không ai nói mình say cả, mà nói là rượu say chứ họ không say !
Thường thì khuyên bảo những người ngoại đạo theo đạo dễ hơn là khuyên người có đạo mà thờ ơ với đạo, bởi vì chính họ luôn cho cái thờ ơ với Chúa của mình là đúng.
Họ tức tối phê bình ông cha sở:
“Cha cố gì mà ham tiền, xin lễ không đủ tiêu chuẩn trăm mươi ngàn thì không làm ngay, ai xin trên một trăm ngàn thì có trống với kèn, hát với hò, con nhà nghèo làm sao xin lễ được ?”
Họ nhạo cười phê bình mấy ông bà Đạo Binh Đức Mẹ:
“Mấy người đó đi khuyên bảo gì mà khuyên bảo, con cái họ cả đời không đến nhà thờ, gia đình thì lục đục dâu con, chồng thì rượu chè cả ngày, vậy mà đi khuyên bảo ai được, mắc cở như thế mà không chịu ở nhà...”
Bởi vì họ đã có thành kiến như thế nên khuyên bảo họ “quay về với Chúa” thì thật khó hơn dời núi; bởi vì họ giữ đạo là giữ cho ông cha sở và mấy ông mấy bà đạo binh Đức Mẹ, chứ không phải giữ đạo vì Chúa, vì đức tin của họ...
Tuy nhiên, xét cho cùng, tôi cũng có một phần trách nhiệm trong sự thờ ơ của họ đối với Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:42 23/02/2016

20. Yêu mến đức khiết tịnh là lấy vui vẻ làm nòng cốt.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Federico Lombardi sẽ thôi chức giám đốc Đài Phát Thanh Vatican nhưng vẫn giữ chức phát ngôn viên Tòa Thánh
Tiền Hô
08:49 23/02/2016
Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi (năm nay 73) tuổi sẽ thôi chức giám đốc Đài Phát Thanh Vatican (Radio Vatican) từ ngày 29 tháng 2 năm 2016. Ông Giacomo Ghisani, một giáo dân người Ý và hiện là phó giám đốc sẽ giữ chức giám đốc hành chính và đại diện hợp pháp "lâm thời" của Radio Vatican bắt đầu từ ngày 1 tháng 3. Ông Ghisani đã từng giữ chức trưởng ban quan hệ quốc tế và các vấn đề pháp lý của Radio Vatican trong nhiều năm qua.

Cha Lombardi vẫn sẽ tiếp tục làm chánh văn phòng báo chí Vatican và phát ngôn viên của Tòa Thánh trong thời gian tới. Những thay đổi về nhân sự này đã được Vatican công bố hôm Thứ Hai 22/02/2016.

Sinh năm 1942 ở miền bắc nước Ý gần Turino, Cha Lombardi được bổ nhiệm làm giám đốc chương trình của Đài Phát Thanh Vatican vào năm 1990. Sau đó vào năm 2001, ngài được bổ nhiệm thêm chức tổng giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican (CTV).

Trong việc tổ chức lại các cơ quan của Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Cha Lombardi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của đài phát thanh Vatican vào năm 2005 và chánh văn phòng báo chí Vatican vào năm 2006, trong khi vẫn tiếp tục lãnh đạo CTV. Trước khi nghỉ hưu hồi năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Ông Dario Viganò giám đốc mới cho CTV.

Trong một nỗ lực cải cách để làm cho truyền thông của Vatican hoạt động hiệu quả hơn, năm 2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quốc vụ viện Truyền thông với mục đích hợp nhất và điều phối nhiều cơ quan truyền thông của Tòa Thánh. Đức Ông Viganò làm trưởng ban thư ký của Quốc vụ viện Truyền thông đồng thời vẫn lãnh đạo CTV.

Cũng sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng này là Ông Alberto Gasbarri, giám đốc hành chính của đài phát thanh Vatican, và hiện là người lập kế hoạch cho các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng. Thay thế vị trí này là Cha Mauricio Rueda Beltz, người Colombia 46 tuổi, đã từng làm việc trong Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Cả hai vị trí sắp nghỉ kể trên là tổng giám đốc và giám hành chính của Đài Phát Thanh Vatican hiện tạm thời sẽ do Ông Ghisani đảm nhiệm.
 
Cuộc phỏng vấn trên không đang tạo ra tranh luận sôi nổi
Vũ Văn An
19:13 23/02/2016
Cuộc tranh luận về di dân tưởng là sôi nổi, mà thực ra không sôi nổi bằng cuộc tranh luận về ngừa thai khởi đi từ câu trả lời của Đức Phanxicô cho câu hỏi của Nhà Báo Paloma García Ovejero, Cadena COPE (Tây Ban Nha).

Nhà báo trên hỏi Đức Giáo Hoàng: “Thưa Đức Thánh Cha… liên quan tới việc tránh có thai, liệu Giáo Hội có thể xem xét ý niệm chọn 'sự ác kém hơn' hay không?”

Đức Phanxicô trả lời: “... Về ‘sự ác kém hơn’, tức tránh có thai, Đức Phaolô VI, một người vĩ đại, trong một tình huống khó khăn ở Phi Châu, đã cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm…tránh có thai không phải là một sự ác tuyệt đối. Trong một số trường hợp, như trong trường hợp này (nhiễm vi khuẩn Zika) chẳng hạn, hay trong trường hợp của Chân Phúc Phaolô VI, vấn đề đã rõ”.

Trước phát biểu trên, người Công Giáo đã có nhiều nhận định khác nhau đi từ giải thích, bênh vực, thông cảm, dè dặt tới phản đối thẳng thừng. Phần lớn những người cố gắng giải thích, bênh vực, thông cảm đều cho là Đức Phaolô VI quả có cho phép, một cách mặc nhiên, các nữ tu Phi Châu được dùng thuốc ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm. Người dè dặt và thẳng thừng phản đối thì cho rằng Đức Phaolô VI đã bị trích dẫn sai, ngài không hề cho phép như thế.

Phe giải thích, bênh vực, thông cảm

Inés San Martín của Crux chẳng hạn, chỉ trình bầy nhận định của Đức Phanxicô như một mẩu tin bình thường: “Đức Giáo Hoàng trích dẫn quyết định của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở đầu thập niên 1960, cho phép các nữ tu Công Giáo ở Congo dùng thuốc ngừa thai để tránh thai vì bị hiếp dâm. Tránh thai trong các trường hợp như thế, Đức Phanxicô cho hay ‘không phải là sự xấu tuyệt đối”. Nữ ký giả này cho rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như tỏ dấu hiệu cởi mở đối với việc kiểm soát sinh đẻ để tránh lây bệnh… Tuy nhiên, ngài không chuyên biệt nói rằng ngài chấp thuận ngừa thai để chống vi khuẩn Zika”.

Edward N. Peters, một tiến sĩ giáo luật và thường luật, giáo sư luật tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, thì minh nhiên thừa nhận Đức Phaolô VI có cho phép như trên. Ông viết “theo hiểu biết của tôi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quả có chấp thuận việc các nữ tu, bị đe doạ hiếp dâm, được dùng thuốc ngừa thai”. Ông bào chữa việc chấp thuận này như sau: “Điều hiển nhiên là các biện pháp này được sử dụng trong trường hợp tự vệ chống lại các hành vi tội ác và, điều quan trọng hơn nữa là, chúng xẩy ra bên ngoài bối cảnh liên hệ vợ chồng. Tránh thai trong các hoàn cảnh ngoại luật không những “không phải là một sự xấu tuyệt đối” mà còn không hề là một hành vi xấu chút nào. Tôi hy vọng rằng nhắc đến giai đoạn bất thường này trong một cuộc chuyện trò với báo chí sẽ không góp phần một cách không thích đáng vào việc thế giới hiểu lầm các giới hạn trong lập trường của Đức Phaolô VI trong trường hợp này và của việc giai đoạn ấy không thể áp dụng giáo huấn vững chắc của Giáo Hội về việc ngừa thai trong hôn nhân”.

Ông Edwards còn nhấn mạnh thêm rằng “không hề có ‘nguyên tắc’ hợp pháp nào theo đó một ‘sự kém xấu hơn trong hai sự xấu’ có thể được phép can dự vào một cách hợp thức. Nền thần học luân lý căn bản dạy rằng ngay một hành động xấu nhỏ cũng không bao giờ được can dự vào một cách hợp thức, bất kể có chút gì tốt xem ra có thể phát xuất từ đó và bất kể có chút gì xấu xem ra nhờ đó mà tránh được. Chắc chắn có nguyên tắc theo đó hành động tốt hay trung lập nào có hai hậu quả, một tốt một xấu, thì có thể được can dự vào trong một vài hoàn cảnh nào đó bất chấp các hậu quả xấu; và có nguyên tắc theo đó, ‘sự kém xấu hơn’ có thể được khoan dung (không được chọn). Nhưng việc phân tích chính xác và có trách nhiệm các vấn đề này đòi nhiều thì giờ hơn là thì giờ dành cho chúng trong một cuộc họp báo”.

Tiến sĩ Christopher Kaczor, Giáo Sư triết tại Loyola Marymout University, cũng mặc nhiên nhìn nhận việc Đức Phaolô VI cho phép như trên. Ông viết: “Khi được hỏi về việc tránh có thai vì vi khuẩn Zika, Đức Thánh Cha đã trích dẫn một luật trừ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI”.

Kaczor giải thích như sau: theo số 14 trong Thông điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, ngừa thai không có nghĩa chỉ đơn giản làm một điều gì đó để ngăn ngừa việc sinh đẻ. Người chọn không bao giờ làm tình để tránh sinh đẻ không hề ngừa thai. Ngừa thai là bất cứ hành động nào chuyên nhằm tránh việc sinh đẻ từ việc giao hợp tính dục.

Do đó, có thể sử dụng một dụng cụ ngừa thai một cách không ngừa thai. Nếu tôi dùng bao cao xu làm một trái banh nước và ném vào bạn, tôi đâu có sử dụng ngừa thai với bạn, cho dù tôi đã sử dụng một dụng cụ ngừa thai. Ngừa thai liên hệ tới việc có ý định làm cho các hành vi giao hợp tính dục thành không sinh đẻ, bởi thế, nếu không có giao hợp tính dục, sẽ không có sử dụng ngừa thai.

Khi một người đàn bà bị hiếp dâm, nàng không chọn được giao hợp tính dục. Vì ngừa thai bao hàm việc chọn biến hành vi tính dục thành không sinh đẻ, và vì người bị hiếp dâm không chọn được giao hợp tính dục, nên người bị hiếp dâm này không vi phạm nguyên tắc Đức Phaolô VI đã đưa ra trên đây cho dù dụng cụ ngừa thai đã được sử dụng. Thành thử, việc sử dụng dụng cụ ngừa thai trong trường hợp bị hiếp dâm không phài là một hành động ngược với Humanae vitae.

Nữ Tiến Sĩ Janet E. Smith, Giáo Sư môn Đạo Đức Học Sự Sống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit cũng có những nhận định tương tự như Tiến Sĩ Chris Kaczor. Nhưng khác với Đức Phanxicô, bà coi “cả ngừa thai lẫn phá thai đều là những sự xấu tuyệt đối”.

Nhưng vị nữ Tiến Sĩ này cho rằng câu nói của Đức Phanxicô khiến nhiều người bối rối là vì Giáo Hội vốn cho phép sử dụng các “hormones” có trong thuốc viên ngừa thai để chữa một số điều kiện thể lý. Như một phụ nữ bị chứng nang buồng trứng (ovarian cyst) hay chứng lạc nội mạc tử cung (endometriosis) có thể dùng các “hormones” có trong thuốc viên ngừa thai để đỡ đau đớn do các bệnh này gây ra, chứ không nhằm tránh việc sinh đẻ, cho dù vì thế mà khả năng sinh đẻ bị ảnh hưởng.

Việc Giáo Hội cho phép các nữ tu ở Congo có nguy cơ bị hiếp dâm được dùng “hormones” để ngăn ngừa việc trứng rụng (là công dụng của thuốc viên ngừa thai) cũng giống như thế. Trong trường hợp này, “hormones” được dùng với ý định tránh có thai, nhưng không phải là cái thai do kết quả giao hợp tính dục giữa vợ chồng. Đúng hơn, các nữ tu tự vệ chống lại các hậu quả có thể có của một hành vi hiếp dâm. Cũng nên nhớ rằng: người đàn bà được phép gây hại thể lý nặng, ngay cả cái chết, cho người đe dọa hiếp dâm mình. Hành động giết kẻ hiếp mình không được biện minh như là “sự kém xấu hơn” vì giết người không hề kém xấu hơn việc chịu hiếp dâm. Đúng hơn, hành vi của nàng là một hành vi tự vệ chính đáng và hợp luân.

Thành thử, việc người đàn bà làm một điều gì đó để ngăn ngừa tinh trùng của kẻ hiếp dâm không kết hợp với trứng của mình là một hành vi tự vệ chính đáng. Hành vi của nàng không liên hệ gì tới việc vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa đối với tính dục.

Phe dè dặt và phản đối thẳng thừng

Tim Townsend, chủ biên tin tức của timeline.com, thuộc phe dè dặt: tuy cho rằng “có lẽ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trích sai lịch sử khi nói tới ngừa thai và Zika” vì “Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chưa bao giờ nhắc tới Congo thuộc Bỉ và việc bề hội đồng các nữ tu”, nhưng dựa vào một phúc trình sau này, ông cho rằng rất có thể Đức Phanxicô dựa vào một hồ sơ mật nào đó để quả quyết như thế.

Townsend cho rằng đầu thập niên 1960, ở Congo thuộc Bỉ, quả có chuyện hiếp dâm bừa bãi nhưng liệu Vatican có thực sự “miễn chuẩn” cho các nữ tu gặp nguy cơ bị hiếp dâm hay không?

Ông trích dẫn bài viết năm 1975, tựa là Against Our Will: Men, Women and Rape (Ngược Với Ý Chí Ta: Đàn Ông, Đàn Bà và Hiếp Dâm) của Susan Brownmiller. Tác giả này viết rằng những câu truyện bề hội đồng các nữ tu ở Congo thuộc Bỉ là do lãnh tụ giành độc lập cho Congo là Patrice Lumumba nêu lên. Trước các câu truyện này, Vua Bỉ là Baudouin đã ủy nhiệm soạn một bạch thư tựa là “Congo Tháng Bẩy 1960: Bằng Chứng”. Kết quả: 794 vụ hiếp dâm của người Âu Châu trong 10 ngày Tháng Bẩy đã được lên tài liệu, trong đó, có vụ bề hội đồng 2 nữ tu ngay trong phòng nhà tù. Một phúc trình viên của các Đại Học Mỹ sau đó còn nói tới những vị linh mục bị sốc đến độ nói với anh rằng “phải phá thai thôi” cho bốn nữ tu bị đánh đập và bị hiếp dâm.

Linh mục James Keenan, một giáo sư thần học tại Boston College, đã nghiên cứu các cuộc tranh luận về các nữ tu Congo trong các giới thần học thời ấy, phần lớn diễn ra dưới triều giáo hoàng của Đức Gioan XXIII (Đức Phaolô VI chỉ được bầu vào tháng Sáu năm 1963).
Cha cho hay: “nhiều thần học gia chính ủng hộ việc các nữ tu có quyền ngăn ngừa việc thụ thai khi có nguy cơ bị hiếp dâm”.

Thực ra, có sự thiếu truyền thông rất rõ ràng ngay từ Đức Giáo Hoàng về các nữ tu Congo. Sự im lặng của Đức Gioan XXIII chắc chắn phải có ý nghĩa nào đó. Ngài không hề chế tài bất cứ thần học gia Công Giáo nào ủng hộ ý kiến trên, nên ta có thể coi như ngài mặc nhiên chấp nhận nó.

Cha Keenan cũng cho rằng: Đức Hồng Y Giovanni Montini, tức Đức Phaolô VI trong tương lai, năm 1962, có qua thăm Congo thuộc Bỉ. Ngài cũng không viết hay nói bất cứ điều gì lúc ấy và cả sau khi đã lên ngôi giáo hoàng về các nữ tu và việc ngừa thai cả.

Aline Kalbian, Giáo Sư môn tôn giáo tại Đại Học Tiểu Bang Florida và là tác giả cuốn Sex, Violence & Justice: Contraception and the Catholic Church cũng xem xét câu truyện các nữ tu Congo và cũng không tìm ra manh mối nào: “Tôi không tìm được bằng chứng nào cho thấy Đức Phaolô VI nói bất cứ điều gì về Congo và các nữ tu. Cả Đức Gioan XXIII cũng không nói gì hết”.

Kalbian cũng nhấn mạnh rằng thuốc viên ngừa thai mới được chấp thuận cho công chúng sử dụng vào năm 1960 nên chưa phổ biến lắm lúc xẩy ra cuộc khủng hoảng Congo. Thành thử cô nghĩ rằng cuộc tranh luận chỉ có tính giả thiết (hypothetical) mà thôi.

Cô nhận định: “đây là một nhóm các thần học gia tranh luận với nhau về khả năng [cung cấp thuốc ngừa thai cho các nữ tu]. Và tất cả những cuộc tranh luận này diễn ra thời Đức Gioan XXIII, nên lạ một điều là Đức Phanxicô trích dẫn Đức Phaolô VI”.

Kalbian, vì thế, dè dặt: “như thế, liệu Đức Phaolô VI có điều gì liên quan tới việc cho phép các nữ tu ở Congo sử dụng thuốc ngừa thai, như Đức Phanxicô gợi ý không? Không phải điều gì Vatican biết đều được nói ra công khai. Hồ sơ mật của nó hết sức dầy. Rất có thể Đức Giáo Hoàng sử dụng được văn khố của Vatican và biết được một điều gì đó về Đức Phaolô VI và Congo thuộc Bỉ mà ta không biết”.

Cha John Zuhlsdorf, trái lại, cho rằng “đây không hẳn là một dã sử ở tỉnh lẻ mà đây là một dối trá: Đức Phaolô VI không hề cho phép các nữ tu dùng thuốc ngừa thai… một chiến dịch dối trá đưa tin sai độc nhằm gây hoang mang tín hữu và phá hoại Giáo Hội”.

Cha cho rằng chiến dịch dối trá ấy đã được phát động từ lâu bởi các tác giả phò phá thai và sau đó, được nhiều người nhắc lại không cần chứng cớ…

Đối với người Công Giáo, Cha cho rằng chỉ có một bài báo đăng trên tờ Studi Cattolici ở Rôma năm 1961, số 27 là nói đến khả thể này. Tựa của bài báo “Una donna domanda: come negarsi alla violenza? Morale esemplificata. Un dibattito” (một phụ nữ hỏi, làm thế nào để thoát khỏi bạo lực? Điển hình luân lý. Một cuộc tranh luận).

Các tác giả là Đức Ông Pietro Palazzini, sau này được tấn phong giám mục và Hồng Y, nhưng lúc ấy là một thần học gia luân lý được kính trọng và là thư ký Bộ Công Đồng, Giáo Sư Francis Xavier Hurth, S.J., của Đại Học Gregorian và Đức Ông Ferdinando Lambruschini của Giáo Hoàng Đại Học Lateran, sau làm Tổng Giám Mục Perugia.

Trong bài báo trên, các tác giả thăm dò việc có thể áp dụng “nguyên tắc hiệu quả kép” vào trường hợp bị hiếp dâm, trong đó, mục đích hợp pháp được theo đuổi và không nhằm hậu quả có lẽ xấu. Chỉ có thế. Các vị cố gắng đưa ra ý kiến về một vấn đề phức tạp. Sau đó, bài báo được trích dẫn thả dàn bởi các nhà luân lý học và các nhà báo rồi trở thành “Rome” và sau đó trở thành "Đức Phaolô VI".

Điều ít người bên ngoài Ý biết là: theo tờ La Repubblica, khi xẩy ra các vụ hãm hiếp các nữ tu ở Bosnia trong thập niên 1990, được hỏi về vấn đề trên, Đức Hồng Y Palazzini cho hay: các ngài chỉ muốn thăm dò khả thể tránh thai sau một cuộc hiếp dâm và trước lúc thụ thai, với giả thiết rằng khả thể này hiện có, theo cách không liên hệ gì tới việc sử dụng thuốc viên cả hàng tuần lễ vì sợ có thể bị hãm hiếp.

Cũng theo tờ báo trên, vào dịp này, vì có tin Đức Gioan Phaolô II cho phép các nữ tu Bosnia sử dụng thuốc ngừa thai để tránh thai, nên vị phó giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh là Cha Piero Pennacchini đã tuyên bố:

“Tòa Thánh không bao giờ công bố bản văn nào cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai, cho dù các chị có nguy cơ bị hãm hiếp”. “Tôi không biết một văn kiện chính thức nào của Tòa Thánh về việc này”.

Một tác giả ký tên Marcel trên www.aggiecatholicblog.org, thì cho rằng câu trả lời của Đức Phanxicô về tránh có thai đã “gây lẫn lộn” và cả “thiệt hại” nữa.

Lẫn lộn vì thực ra việc Đức Phaolô VI cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai để tránh thai không phải là một luật trừ. Tại sao? Vì hiếp dâm không phải là một hành vi tính dục mà là một hành vi bạo lực. Tính dục được tạo ra với hai mục đích: gắn bó vợ chồng với nhau trong tình yêu và mở cửa đón nhận sự sống. Cả hai mục đích này đều không phải là của hiếp dâm và do đó, hiếp dâm không phải là hành vi tính dục. Bởi thế, cho phép các nữ tu ngừa thai trong trường hợp nói trên là một hành vi tự vệ chống lại hành vi hiếp dâm. Việc này khác với trường hợp Zika, trong đó vợ chồng hành động tính dục sử dụng thuốc ngừa thai để tránh có thai. Đây quả là ngừa thai đúng nghĩa, một hành vi phá hủy ý nghĩa của tính dục.

Marcel cũng cho rằng sử dụng kiểu nói tránh thai trong trường hợp Zika cũng không đúng. Tránh thai khác với ngừa thai: các vợ chồng sử dụng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên là để hoãn hay tránh thai.

Marcel còn cho rằng Đức Phanxicô đã dùng một nhận định ứng khẩu để “thay đổi giáo huấn của Giáo Hội”. Ngài không có thẩm quyền ấy. Ngài là người gìn giữ và bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải một tiên tri có thể thay đổi giáo huấn này tùy ý.

Cho nên, ông tin chắc sẽ không có chuyện thay đổi giáo huấn như truyền thông mong muốn. Ông cũng tin Tòa Thánh sẽ ra lời giải thích nay mai, “dù thiệt hại đã xẩy ra rồi”.

Không có giá trị trói buộc

Không rõ Marcel hiểu chữ Tòa Thánh là ai, nhưng phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi đã lên tiếng rồi. Ngày 19 tháng Hai, Cha Lombardi cho Đài Phát Thanh Vatican hay: Đức Giáo Hoàng nói tới “việc có thể sử dụng thuốc ngừa thai hay áo mưa trong các trường hợp khẩn cấp hay các hoàn cảnh đặc biệt” nhưng ngài không nói “đây là điều đã được chấp nhận và hành động này có thể thực hành không cần biện phân”.

Cha nhấn mạnh: “Quả thực, ngài nói rõ ràng rằng nó có thể được xem xét trong các trường hợp đặc biệt khẩn cấp”. Cha nói thêm: điển hình được Đức Phanxicô nêu ra tức việc Đức Phaolô VI cho phép các nữ tu ở Congo thuộc Bỉ có nguy cơ bị hãm hiếp được sử dụng thuốc ngừa thai “cho thấy đây không phải là hoàn cảnh bình thường trong đó có thể xem xét việc này”.

Sau đó, Cha Lombardi nhắc tới các nhận định của Đức Bênêđíctô XVI trong cuốn “Ánh Sáng Thế Gian” trong đó ngài nói tới việc dùng áo mưa trong những hoàn cảnh có nguy cơ lây bệnh, như AIDS, chẳng hạn. Cha nói: “Như thế, thuốc ngừa thai hay áo mưa cũng có thể là đối tượng để lương tâm nghiêm túc biện phân, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng”.

Lời phát biểu của Cha Lombardi, đối với nhiều người, vẫn không đánh tan được mối nghi ngại. Tuy nhiên, ở đây, E. Christian Brugger, Giáo Sư Thần Học Luân Lý tại Chủng Viện Thần Học St John Vianey ở Denver, dù cho rằng lời phát biểu của Đức Phanxicô “gây trở ngại và bối rối”, đã có hai nhận định:

a) “Các nhận định ứng khẩu của một vị giáo hoàng trong một cuộc phỏng vấn và lời bình luận của phát ngôn viên của ngài không tạo thành giáo huấn của Giáo Hội. Nên các quả quyết này không được Chúa Thánh Thần gìn giữ và không có thẩm quyền Giáo Hội. Người Công Giáo không hề có bất cứ nghĩa vụ nào phải tùng phục bằng cả tâm trí lẫn ý chí các quả quyết này” (xem Lumen Gentium, 25).

b) “Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người cha thân yêu của chúng ta. Chúng ta qúy mến ngài vì chức vụ của ngài và sẽ đứng bên ngài bất cứ khi nào ngài bị tấn công một cách sai lạc. Chúng ta muốn điều tốt cho ngài và điều tốt cho toàn thể Giáo Hội. Và chắc chắn chúng ta sẽ không đi theo con đường của Martin Luther đến chỗ bác bỏ tính tối thượng của Đức Giáo Hoàng và việc kế thừa các tông đồ. Nhưng Giáo Hội là của Chúa Giêsu, không phải của Đức Giáo Hoàng hay của các giám mục…

“Nên tôi muốn thưa cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô qúy yêu, người cha của tôi rằng:

“Xin Đức Thánh Cha vui lòng xác nhận lại ngay với toàn thể Giáo Hội sự thật và các hệ luận luân lý của sự thiện hai mặt trong hành vi vợ chồng, là hành vi, tự bản chất của nó, vốn được sắp đặt cho sự thiện của các người phối ngẫu và việc sinh sản cùng giáo dục con cái (Giáo Luật Điều 1055, §1); do đó, nếu ai cố ý hành động ngược lại hoặc sự thiện hợp nhất hoặc sự thiện sinh sản, người ấy tự động làm cho việc giao hợp của họ thành phi hôn nhân”.

Thực ra, không cần phải yêu cầu như trên, trong các bài giáo lý của ngài và trong rất nhiều bài nói của ngài về hôn nhân và gia đình, Đức Phanxicô vẫn đã đề cập tới sự thiện hai mặt đó rồi. Ngài vẫn tự hào là “người con của Giáo Hội”.

Vả lại trong vấn đề này, nhiều luận điểm chống lại Đức Phanxicô đã không có cơ sở vững chãi. Luận điểm cho rằng ngài sai về lịch sử khi kéo Đức Phaolô VI vào là một. Trước nhất, Đức Phaolô VI lên ngôi Giáo Hoàng tháng Sáu, năm 1963. Cuộc khủng hoảng ở Congo thuộc Bỉ không chỉ kéo dài 1 năm là năm 1961 dưới thời Đức Gioan XXIII mà thôi, mà theo Jimmy Akin và E. Christian Brugger, nó kéo dài từ năm 1960 tới năm 1965, đủ để Đức Phaolô VI can dự vào, nếu ngài muốn. Mà chắc chắn là ngài muốn, vì ngài từng qua quan sát tình thế ở đấy năm 1962. Thứ hai, theo John Allen, Đức Phaolô VI, khi còn là Tổng Giám Mục Milan, rất gần gũi với các trào lưu từng tạo ra Tờ Studi Cattolici, tức tờ chủ trương nên cung cấp thuốc ngừa thai cho các nữ tu Congo để tránh có thể có thai khi bị hiếp. Có người còn cho rằng chủ trương này phản ảnh suy nghĩ của ngài. Điều này càng được củng cố khi ngài phong Hồng Y cho một trong các tác giả của bài báo, tức Đức Hồng Y Pietro Palazzini.

Việc không có một văn bản chính thức nào của Đức Gioan XXIII hay của Đức Phaolô VI về vấn đề này được John Allen giải thích như sau: Trước nhất, tuy các ngài không ban hành một văn kiện ủng hộ nào, nhưng cũng không có văn kiện nào của các ngài hay của Tòa Thánh nói chung, phản bác ý kiến kia. Nên ý kiến này là một trong các phương thức hợp pháp. Đối với người Ý, mà Đức Phanxicô vốn thuộc dòng dõi Ý và rất lưu tâm tới sinh hoạt của Giáo Hội Ý, điều này có nghĩa là Đức Phaolô VI đã chấp thuận một cách mặc nhiên. Đây cũng là nhận định của Cha Keenan như đã nhắc trên đây. Vả lại, như Aline Kalbian trên đây đã viết, rất có thể có những hồ sơ mật mà chỉ Đức Phanxicô mới đọc được. Vatican có rất nhiều những hồ sơ mật như thế.

Hơn nữa, theo John Allen, việc này không khác bao nhiêu so với cách Vatican tiếp cận vấn đề áo mưa trong bối cảnh một người phối ngẫu mang HIV và người kia không mang, và mục đích là ngăn ngừa người không mang HIV khỏi lây nhiễm.

Năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI yêu cầu Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Sức Khỏe dưới quyền Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, người Mễ Tây Cơ, khảo sát vấn đề. Các kết luận của Hội Đồng này cũng chưa bao giờ được chính thức hoá nhưng cũng chưa bao giờ bị bác bỏ. Nhưng như trên đã nói, năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI cho hay dù Giáo Hội không coi áo mưa là giải pháp cho cuộc khủng hoảng AIDS, nhưng có những trường hợp nó có thể là “bước đầu” tiến tới một tác phong có trách nhiệm.

John Allen trích dẫn John Grabowski, một thần học gia luân lý tại Đại Học Công Giáo America, để nói rằng: Vatican đã biến nhiều lập trường thành thực hành. Tòa Thánh thích bỏ ngỏ nhiều vấn đề tế nhị, không đưa ra các tuyên bố có ảnh hưởng sâu rộng có thể bị lầm tưởng là thay đổi giáo huấn của Giáo Hội một cách đáng kể nhưng cũng không bác bỏ việc các mục tử mềm dẻo trong việc giúp người ta quyết định chọn các lựa chọn khó khăn.

Về chính nội dung lời phát biểu của Đức Phanxicô, Linh Mục Robert Gahl, thuộc hội Opus Dei, Giáo Sư Triết Học Luân Lý tại Giáo Hoàng Đại Học Thánh Giá ở Rôma, cho hay: lời phát biểu của Đức Phanxicô hoàn toàn phù hợp với Huấn Quyền Giáo Hội. Việc cho phép các nữ tu sử dụng thuốc ngừa thai để tránh có thai khi bị cưỡng hiếp, như trên đã nói, thực ra không phải là một luật trừ trong đạo đức tính dục, mà là phương cách hợp pháp để tự vệ chống lại một hành vi bạo lực.

Trường hợp Zika tuy có khác ở điểm giao hợp tính dục ở đây là giữa vợ chồng, chứ không phải cưỡng hiếp, nhưng có ai loại bỏ được khả năng vì một lý do nào đó, người vợ vẫn bị cưỡng bức phải thuận theo ý muốn của người chồng? Thành thử, theo Cha Gahl, Đức Phanxicô cân nhắc “viễn cảnh cực đoan” trong đó, người đàn bà bị đe dọa bởi người chồng vũ phu bị nhiễm vi khuẩn Zika muốn giao hợp tính dục với nàng.

Trong trường hợp này, lẽ dĩ nhiên người đàn bà này được phép sử dụng thuốc ngừa thai. Lẽ dĩ nhiên, với nhiều xem xét khác như cố gắng thuyết phục chồng tiết dục, ít nhất, trong một thời gian (không có trứng rụng). Nếu người chồng không nghe, thì “đây là vấn đề lương tâm nàng nên thực hiện, và nó tùy ở mức độ bạo lực”.

Nhận định trên cũng là nhận định của E. Christian Brugger, dù tác giả này có nhiều e ngại đối với lập trường của Đức Phanxicô. Ông viết: “Trường hợp Congo và trường hợp vi khuẩn Zika chỉ có thể tương tự nhau (về phương diện luân lý) nếu phụ nữ bị Zika đe dọa không có ý định giao hợp tính dục; nếu họ sợ bị hiếp bởi tay những kẻ gây hấn và muốn tránh các hậu quả cho chính họ và bất cứ bé thơ nào có thể được thụ thai, họ có thể sử dụng bất cứ ‘thuẫn che tử cung’ nào để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của kẻ gây hấn”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Các Đại Diện Tư Pháp Giáo Tỉnh Sài Gòn học tập Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:08 23/02/2016
Như đã quyết định từ cuộc họp tháng 11.2015 tại Trung tâm mục vụ Sài gòn, từ chiều ngày 22 đến chiều ngày 23.2.2016, các Linh mục đại diện tư pháp và các Linh mục làm việc cho Toà Án Hôn Phối Giáo Hội trong Giáo tỉnh Sài Gòn đã tề tựu tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu – Vũng Tàu để tiếp tục học tập Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức Cha Tôma, Giám mục giáo phận Bà Rịa, chủ trì, cha Gioan Bùi Thái Sơn hướng dẫn hội thảo. Có 44 linh mục đến từ các giáo phận, lần này ban tòa án hôn phối từ các giáo phận đông hơn, chẳng hạn Bà rịa có 8 thành viên, Cần thơ có 6 thành viên.

Hình ảnh

Trong 2 buổi làm việc, các tham dự viên lắng nghe các chuyên viên trình bày các đề tài.

1*- Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu bản dịch Tự Sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus”.
2*- Cha Luy Gonzaga Huỳnh Phước Lâm trình bày đề tài “Tố tụng hôn nhân ngắn gọn”.
3*- Cha JB Nguyễn Đức Tuệ với đề tài “Kháng cáo hôn nhân”.
4*- Theo nhãn giới suy tư thần học, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn với bài “Hướng dẫn mục vụ cho những người đã ly thân hay ly dị sống chung bất hợp luật”.
5*- Theo nhãn giới giáo luật, Cha Gioan Bùi Thái Sơn trình bày bài “Tư vấn giáo luật cho những người đã ly thân hay ly dị”.

Hai bài suy tư thần học và tư vấn giáo luật như là một bản “Hướng dẫn” (Vademecum) dành cho những người làm công tác tư vấn cho người đã ly thân hay ly dị, cấp giáo phận hay toàn quốc, theo tinh thần Khoản 3 của “Những quy định…”.

Sau mỗi đề đề tài, các tham dự viên sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho các bản văn.

Kết thúc ngày làm việc, Đức Cha Tôma cám ơn các thuyết trình viên đã nổ lực hoàn thành bản dịch Tự sắc “Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ” tương đối hoàn hảo và ngài đề nghị xem lại các bài viết dựa trên những góp ý hôm nay, trước ngày 15.3, các cha phụ trách bản văn gởi về Cha Sơn tổng hợp, sau đó Đức Cha sẽ trình với HĐGM VN trong kỳ họp tháng 4 sắp tới. Sau hai lần gặp gỡ nhau, các anh em đã làm việc rất tích cực để từ đó soạn thảo văn bản với những giải thích rõ ràng và vắn tắt theo giáo luật, vai trò đại diện tư pháp là chuyên viên giáo luật và khinh nghiệm làm việc tòa án nhằm giúp quý Đức Cha áp dụng Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” tại các giáo phận.

Cha Sơn thay mặt quý tham dự viên cám ơn Đức Cha Tôma đã luôn tạo điều kiện tốt nhất để các anh em linh mục học hỏi trao đổi nhằm giúp các tòa án Hôn phối các Giáo phận hoạt động tích cực hữu hiệu hơn. Xin Đức Cha cầu nguyện cho anh em làm việc trong lãnh vực giáo luật được ơn khôn ngoan sáng suốt để chu toàn công việc mà Giáo Hội trao phó. Ngài cám ơn Cha phụ trách Đền thánh và quý Thầy quý Nữ tu đã phục vụ thật tận tình chu đáo trong hai ngày qua.

Anh em gặp gỡ nhau cùng tắm biển thư giản, cùng hiệp dâng thánh lễ, được thưởng thức hải sản, thật vui vẻ đầm ấm tình huynh đệ. Cuộc hội thảo đã trang bị nhiều hành trang quý báu cho anh em linh mục đang làm mục vụ tại các toà án hôn phối ở các giáo phận. Các thuyết trình viên vừa là giáo sư chủng viện vừa là đại diện tư pháp tại giáo phận nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và nhiều ví dụ cụ thể chia sẻ thật bổ ích.

Luật pháp bảo vệ kết ước hôn nhân. Công việc chính của toà án hôn phối Giáo Hội là xác định những yếu tố để có thể phán quyết hôn nhân thành sự hay vô hiệu. Toà án hôn phối Giáo Hội sau khi tìm hiểu kỹ càng đã tuyên bố hủy bỏ những kết ước hôn nhân nào đó mà thực chất là vô hiệu, là nhằm đem lại hạnh phúc cho con người và tạo điều kiện cho con người có được một giao ước hôn nhân đúng theo ý định của Thiên Chúa và Giáo Hội.
 
Gala Merciful- Xót Thương hay Linh Ca
Phanxicô Răng Sún, Linh Ca
22:11 23/02/2016
Phanxicô Răng Sún, Gala Merciful- Xót Thương hay Linh Ca là những danh từ mà trong những ngày Tết vừa qua được các đài truyền thông nói đến trên nhiều làn sóng. Và rồi đúng 4:30chiều ngày Chúa Nhật thứ 2 của Mùa Chay Thánh, gần 600 quan khách từ nhiều Giáo Đoàn, Đoàn Thể và một số các Thương Gia xa gần đã tề tụ tại Nhà Hàng Sea Food cùng với quí linh mục Linh Ca 2016 chia sẻ trách nhiệm của người Kitô hữu qua lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hình ảnh

Linh mục Pham TăngTri từ giáo phận W. Palm, Florida đã bắt đầu Gala Merciful-Xót Thương qua lời tâm tình của Đức Giám Mục Kevin Vann GM Giáo Phận Orange. “cùng với những người hiện diện trong Mercifu Gala và trong Chúa Nhật thứ 2 của Mùa Chay, Cha cầu nguyện để sự sáng danh và biến hình của Chúa Giêsu hiện hữu trong chúng ta. Cha rất xin lỗi là không hiện diện với các con, nhưng tin rằng lời cầu nguyện của cha và ơn lành của Thiên Chúa ở với các con trong chương trình Gala Merciful- Xót Thương. Cám ơn lòng tin tưởng trong Đức Tin và phó thác công việc từ thiện này trong Chúa Thánh Thần.”

Sau đó chị Thanh Trúc người phóng viên của đài Radio Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) là người chị đã đồng hành với Bút Nhóm Lửa Việt trong nhiều năm qua, cùng với linh mục Hải Đăng đã mời gọi những người tham dự hướng về lá cờ Vàng của Tổ Quốc và dành những giây phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những anh hùng Tử Đạo Việt Nam đã hy sinh những giọt màu đào để làm chứng cho Đức Tin Kitô Giáo, và những chiến sĩ, đồng bào đã ngã mình để bảo vệ mảnh đất Việt Nam thân yêu.

Linh mục Gioan Bosco Nguyễn Trí thuộc giáo phận Atlanta, GA – đã diễn giải mọi người tham dự qua sự diễn xuất của các em ấu nhi TNTT thuộc cộng đoàn qua những tà Áo Dài của Tuổi Thơ để cùng nhìn lại Vườn Hoa của Giáo Hội Việt Nam đã vươn trồng bao nhiêu anh hùng tử đạo. Đây cũng là một phần nét đăc biệt của Linh Ca là mời cộng đoàn dân Chúa nhìn vào cuộc sống và khuyến khích kêu gọi mọi thành tử cùng sống và làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Và mọi người gần như phải dừng lại khi các chàng trai tuấn tú của Đất Việt Nhóm Linh Ca xuất hiện trong tà áo dài đỏ của mùa xuân và màu tím của mùa chay - dẫn đầu là cha Cố Nguyễn Trọng (sáng lập viên của Đền Đức Mẹ Lavang – Las Vegas) đứng gần đó là là linh mục cựu Trung Tá Tuyên Uý Hải Quân Nguyễn Chín đã đồng hành với quí linh mục như: Đồng Minh Quang, Võ Tá Đề, Nguyễn Hoài Chương, Nguyễn Quốc Tuấn, Phạm Tăng Tri, Nguyễn Trí và Vũ Hải Đăng. Gởi lời chúc xuân trong bài Ly Rượu Mừng – Cám ơn Linh Ca đã cho những người tham dự nhìn được sức sống đa dạng của người Mục Tử trong cộng đồng Việt Nam và họ đóng một vai trò rất quan trọng trong vườn hoa của Giáo Hội Hoa Kỳ và trong trái tim chúng ta.

Linh Mục Nguyễn Hoài Chương, người anh cả của Bút Nhóm Lửa Việt đã giới thiệu một nét đặc thù của Phanxicô Răng Sún hay còn được gọi là “Francis Dental Team” – những thiện nguyện viên ngành nha khoa đang sống trong Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ trong 40 năm qua. Lời Kinh Hòa Bình và tinh thần của Thánh Phanxicô là động lực thúc đẩy cho những người Kitô hữu cầu xin để được “làm khí cụ” của Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Để rồi một người tù nhân đã trở thành “Nhân Chứng Tình Yêu” của Thiên Chúa trong cuộc sống, với hơn ngàn ngày đêm bị quên lãng trong sự yên lặng và thù hận tại nhà tù, người tù không có bản án, đối đầu với sự chết và nỗi cô đơn của niềm tuyệt vọng – Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã chết và sống lại để trở thành Nhân Chứng của Tình Yêu tràn đầy Hy Vọng. Để rồi sau 5 năm, Thiên Chúa đã gọi người về Quê Trời – Án Phong Thánh cho người “Nhân Chứng Tình Yêu” này đã và đang tiến hành. Đức hạnh của người “Nhân Chứng Tình Yêu” này đã giúp những thiện nguyện viên Phanxicô Răng Sún mạnh dạn tiến bước đến những nơi nghèo khổ, xa thành phố và tỉnh lỵ, đến những buôn làng trên quê hương Việt Nam, với những khí cụ là tình yêu thương, qua những viên kẹo, viên thuốc, dụng cụ nha khoa, y và dược – Tiếng khóc của những học sinh, những em nhỏ trong phòng khám y khoa hay phòng nha khoa dã chiến và mồ hôi của người thiện nguyện viên đã ngân thành những điệp khúc của lời Kinh Hòa Bình hòa chung với ánh mắt cảm tạ và lần đầu tiên trong đời của họ được sự tận tình đón rước để được khám bệnh, phát thuốc hay nhổ cái răng đau kia. Niềm cảm tạ của những người kém may mắn luôn được đáp trả bằng nụ cười hạnh phúc của những người đến từ hơn nửa vòng trái đất với một tâm nguyện duy nhất là được giúp người nghèo khó, kẻ bị xã hội bỏ rơi. Cái bắt tay cảm ơn, nải chuối, trái na hay nén xôi gởi tặng... thật sự đó là niềm hy vọng đã thắp lên ánh sáng tới những nơi tối tăm, đến với những con người bất hạnh và từ nơi họ, chúng tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ bến. Để rồi ngày 13 tháng 3 năm 2013, một tin vui mừng cho Giáo Hội Hoàn Vũ có tân Giáo Hoàng là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngài là một tu sĩ Dòng Tên, nhưng chọn cho mình một tên gọi và sống đúng tình thần của Phanxicô khó nghèo. Cũng từ ngày đó, Đức Thánh Cha Phanxicô gần như đã mời gọi, đã thách đốcả Giáo Hội, tất cả người Kitô hữu phải là Giáo Hội của người Nghèo và Ngài mời gọi mọi người trong Giáo Hội phải là những người có sứ vụ với tha nhân trên toàn Thế Giới.

Trong tinh thần đó, để cảm nhận rõ ràng hơn sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong 10 năm qua – Phanxicô Răng Sún đã cùng với các nhóm như Bút Nhóm Lửa Việt, Project Việt Nam, Hello - Bonjour Vietnam, Beads of Hope và những thân hữu xa gần, kẻ mang kẹo, người mang dụng cụ nha khoa, y khoa, người mang thuốc… Họ là những bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, thầy giáo, linh mục, Tỳ Kheo, những sinh viên y khoa, mẹ, cha… họ đã liên kết lại với nhau, gói ghém những gì có thể mang về được - để tạo Niềm Tin và Niềm Hy Vọng trong tiếng cười đùa… họ đã về quê hương Việt Nam và in dấu chân của mình trên nhiều nẻo đường thật xa xôi hẻo lánh. Khả năng của Phanxicô Răng Sún là chuyên trị răng sún, răng sâu, răng hư hay kể cả những chiếc răng khểnh. Cùng với Project Vietnam trong những năm qua, Phanxicô Răng Sún đã chữa răng cho hơn 11,000 bệnh nhân và đồng hành với các vị y bác sĩ để phụ giúp đoàn giải phẫu sứt môi, hở hàm ếch cho các em nhỏ, hay cùng với Bút Nhóm Lửa Việt trong chương trình Chén Gạo Tình Thân và Chuỗi Hạt Hy Vọng đến bệnh viện Triều An, Viện Tim để thăm các cháu vừa được giải phẫu tim hay ghé thăm nơi làm những Đôi Giày, Dép dị dạng cho các bệnh nhân Phong tại Pleiku, Kontum. Hay trong những buổi chiều tối mà thời gian cho phép, Phanxicô Răng Sún mang theo những dụng cụ nha cần thiết, đến các Cô Nhi Viện trong sân Chùa hay những nơi do một tu hội đang chăm sóc, để khám bệnh và chữa răng cho các em ở đó!

Ánh đèn trong nhà hàng chỉ còn sáng tỏ để mọi người lắng nghe cháu bé Thiên Ái trong bài hát “Giấc Mơ Về Mẹ” giọng hát ngọt ngào nhưng thiên thân mời gọi mọi người cùng đồng hành với Linh Ca và Phanxicô Răng Sún – dìu các em Mô Côi – qua ân tình của những Linh Ca đã đồng hành với các em như linh mục Tăng Tri và Hải Đăng. Khi các ánh đèn ở nhà hàng được bật trở lại thì những người bạn nhưchị Minh Phượng, chị Kim Lan, chị Thanh Trúc đã năng nổ cùng với các anh chị trong phong trào Thăng Tiến Hôn Nhân của liên gia Các Thánh Tử đạo đã nhanh tay – nhanh chân và nhanh miệng để đến từng bàn để đón nhận những đóng góp, những chia sẻ và trợ lực trong những cố gắng của những nhân chứng Tình Yêu của Chúa Kitô và lấy tinh thần của Phanxicô làm mục đích cho cuộc hành trình mang nặng tình Xót Thương như Cha trên trời.

Mọi người hình như đã dừng ăn và uống để nhìn và lắng nghe người Cựu Trung Tá Hải Quân là linh mục Tuyên Uy Nguyễn Chín gởi tâm hồn của mình trong bài hát “Xuân Này Con Không Về”. Hình như không phải chỉ riêng Mùa Xuân này mà trong hơn 25 năm quân ngũ - người con này đã mang thiên chức Linh Mục đến với những người chiến sĩ Hải Quân và đồng hành với họ từ hậu cứ đến tiền tuyến – thêm vào đó Linh mục Hải Đăng cũng là Cựu Tuyên Uý Không Quân đã cùng chia sẻ cho những người hiện diện biết một chút vai trò và trách nhiệm của các Linh mục Tuyên Uý không những chỉ bận với mục vụ Giáo Xứ mà còn nhiều vai trò khác nữa.
Xen kẽ chương trình còn có phần Múa Lân của các em Cộng Đoàn Thánh Linh, phần xổ số và đặc biệt là những bức tranh thêu: Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo, ĐGH Phanxico, Bữa Tiệc Ly và 2 Icon ảnh Chúa và Đức Mẹ rất đẹp từ Rome và Đất Thánh của Lm. Hải Đăng đã được nhiều người quảng đại chuộc về.

Linh mục Đồng Minh Quang và Linh mục Hải Đăng cùng song ca nhạc phẩm "Có Bao Giờ Con Thấy Chúa" (Nhạc sĩ Quốc Hùng) đã làm cho mọi người nhận thức rằng, khi ta giúp đỡ cho người đói ăn, cho người khát uống, thăm viếng giúp đỡ anh em nghèo bệnh tật được sống là chúng ta đang giúp cho Chúa.

"Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu người nghèo...
Lạy Chúa xin cho con một quả tim luôn sắt son để con biết Chúa trong mọi người."

Sau phần trình diễn xuất sắc đó của Nhóm Linh Ca, chúng tôi đã đón nhận được $7,000.00 Dollars. giúp cho các chương trình bác ái.

Linh mục Võ Tá Đề là một tu sĩ dòng Ngôi Lời từ Chicago, IL. đã dí dỏm bằng những câu chuyện vui và câu hò, tạo cho quý khách những trận cười nghiêng ngả.

Nhạc phẩm "Ngài Nâng Con Lên" (You Raise Me Up) được trình bày hoà bè điêu luyện của Lm. Bill Cao & Lm. Hải Đăng, đã làm cho cả khán phòng im lặng để thưởng thức.

Nhắc đến Linh Ca thì phải nhắc đến Nhóm Trio Cha Cha Cha, nhóm tam ca này luôn mang tới những bất ngờ từ những điệu nhảy, bài hát sống động và những phong cách trang phục rất sáng tạo. Rất tiếc một thành viên trong đó là Lm. Nguyễn Hưng đang bận mục vụ ở Việt Nam không tham gia được. Thế nhưng Lm. Bill Cao & Lm. Hải Đăng đã kiếm được một Linh mục "King Kong" khác thế vào đó là Lm. Đồng Minh Quang.

The Trio Cha Cha Cha - Tam Ca Ba Con Khỉ đã biểu diễn xuất sắc với làn điệu dân ca, mặc những chiếc áo dài khăn đóng có hình Tam Không của các con khỉ: KHÔNG NÓI - KHÔNG NGHE & KHÔNG NHÌN. Bài hát này đã được một vị ân nhân ủng hộ $10,000.00 Dollars. Nhóm Trio kết thúc Gala Lòng Thương Xót với bài "Tình Lính" (Nhạc Y Vân) nhưng được Lm. Hải Đăng viết lại lời cho đời Linh mục, những chiến sĩ của Chúa Kito như sau:

Tôi là lính Nước Trời (lính lính lính Nước Trời)
Tình yêu thương rất nặng (lính lính lính Nước Trời)
Tình Chúa Trời ôm mộng (lính lính lính Nước Trời)
Tình hiến trọn trái tim (lính lính lính Nước Trời)
Và mối tình rất êm đềm, là tình riêng trong lòng tôi cho đi.

Có lúc muốn lấy hoa lòng
Tôi gởi về Cha yêu dấu
Và ngàn vì sao trên trời
Kết thành tràng chuỗi mân côi
Dù rằng đời tu không giàu
Mà chắc không nghèo tình yêu.

Tình yêu của anh em linh mục trong Nhóm Linh Ca cùng với tình yêu thương và tấm lòng quảng đại của quý khách tham dự trong Gala Lòng Thương Xót, cũng như quý vị ở nhiều tiểu bang khác đóng góp, đặc biệt những vị ân nhân ở Florida đã đem lại một Gala Lòng Thương Xót rất thành công với số người tham dự và số tiền đóng góp quảng đại hôm đó.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Buộc xưng tội trong mùa Chay không?
Nguyễn Trọng Đa
19:57 23/02/2016
Giải đáp phụng vụ: Buộc xưng tội trong mùa Chay không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Chúng ta đang sống mùa Chay thánh, mới đây con nghe nói rằng ai không xưng tội trong mùa Chay thì mắc tội trọng. Thưa cha, điều này có đúng không? - J. B., Ocala, Florida, Mỹ.

Đáp: Câu trả lời nhanh cho câu hỏi này là không. Tuy nhiên, câu trả lời nhanh là không hề đơn giản, vì có một số điểm cần lưu ý.

Theo Giáo luật:

"Điều 987

Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích Sám Hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình.

"Điều 988

§1. Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần xưng tội riêng.

§2. Khuyên các Kitô hữu cũng xưng cả những tội nhẹ nữa (CIS 901-902).

"Điều 989

Mọi tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, buộc phải xưng các tội trọng của mình một cách trung thực, một năm ít là một lần (CIS 906 ; CIO 719) (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Tuy nhiên, Giáo Luật cũng nói như sau về việc Rước lễ:

"Điều 920

§l. Sau khi đã rước lễ lần đầu, tất cả mọi tín hữu buộc phải rước lễ mỗi năm ít là một lần.

§2. Phải chu toàn mệnh lệnh này trong mùa Phục Sinh, trừ khi phải chu toàn vào một thời gian khác trong năm vì một lý do chính đáng (CIS 859 ; CIS 860 ; CIO 708)” (Bản dịch, như trên).

Các luật này bắt nguồn từ Hiến chế 21 của Công đồng Latêranô thứ IV năm 1215. Xin đọc:

"Tất cả các tín hữu, sau khi đến tuổi khôn, phải xưng tất cả tội lỗi của mình một cách chân thành với linh mục của mình ít nhất một năm một lần, và chăm chỉ làm việc đền tội do linh mục đưa ra cho mình. Họ hãy cung kính Rước Thánh Thể ít nhất vào lễ Phục sinh, trừ khi họ nghĩ rằng, vì một lý do chính đáng và theo lời khuyên của vị linh mục, họ nên tránh rước lễ trong một thời gian. Nếu không, họ sẽ bị cấm không được bước vào một nhà thờ trong suốt cuộc đời của họ, và họ sẽ bị từ chối chôn cất theo nghi thức Công Giáo sau khi qua đời. Xin công bố thường xuyên sắc lệnh cứu độ này trong các nhà thờ, để không ai có thể tìm ra cái cớ cho việc không hiểu biết của mình. Nếu bất kỳ người nào muốn, vì các lý do tốt, xưng tội với một linh mục khác, người ấy phải hỏi ý kiến của linh mục của mình và xin phép ngài; nếu không, linh mục ấy sẽ không có quyền tha hoặc ràng buộc họ. Linh mục cần phải sáng suốt và thận trọng, để cho giống như một bác sĩ lành nghề, ngài có thể đổ rượu và dầu trên các vết thương của người bị thương. Linh mục cần cẩn thận hỏi về hoàn cảnh của hối nhân và tội, để ngài thận trọng phân định lời khuyên cần thiết và nên áp dụng sự chữa trị nào, sử dụng các phương thế khác nhau để chữa lành người bệnh. Tuy nhiên, linh mục cần chăm sóc tối đa, không phản bội tội nhân bằng lời nói, cử chỉ, hoặc bất kỳ cách nào khác. Nếu linh mục cần lời khuyên khôn ngoan, ngài cứ thận trọng tìm kiếm, nhưng không đề cập đến người có liên quan. Vì nếu ai giả định tiết lộ một tội lỗi mà mình đã biết khi ngồi tòa giải tội, chúng tôi tuyên sắc rằng ngài không chỉ bị đình chỉ tác vụ linh mục của mình, mà còn phải ở trong một tu viện kín để làm việc đền tội vĩnh viễn nữa".

Các nguyên tắc này cũng được nêu ra trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo:

"1389. Giáo Hội buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng (x. OE 15) rước lễ mỗi năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (x. CIC, khoản 920), trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Giao Hòa. Giáo Hội hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hay thường xuyên hơn nữa, rước lễ hằng ngày” (Bản dịch Việt ngữ của Ban giáo lý, Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Và sau đó:

"Các điều răn của Giáo Hội

"2041. Các điều răn Giáo Hội nhằm nâng đỡ một đời sống luân lý gắn liền với đời sống phụng vụ và được đời sống này nuôi dưỡng. Tính cách bó buộc của các luật thiết định do các mục tử ban hành này có mục đích bảo đảm cho các tín hữu mức cần thiết phải có trong tinh thần cầu nguyện, trong cố gắng sống hợp với luân lý, trong sự gia tăng lòng mến Chúa yêu người.

“2042. Ðiều răn thứ nhất (vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và không làm những công việc nô dịch) đòi các tín hữu thánh hóa ngày mừng Chúa Phục Sinh, cũng như những lễ phụng vụ chính để tôn kính các mầu nhiệm của Chúa, của Ðức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, của các thánh, trước hết bằng việc tham dự cử hành Bí Tích Thánh Thể, là bí tích qui tụ cộng đoàn, và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy (x. CIC, 1246-1248; CCEO 880, 3; 881).

“Ðiều răn thứ hai: (mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần) bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy (x. CIC, 989, CCEO, 719)

“Ðiều răn thứ ba: (mọi tín hữu buộc phải rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh) bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình Máu Chúa Giêsu. Ðiều răn này phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, vì lễ Phục Sinh là nguồn gốc và là trung tâm của phụng vụ Ki-tô giáo (x. CIC, 920, CCEO, 708-881).

“2043. Ðiều răn thứ tư: (vào những ngày sám hối do Hội Thánh ấn định, các tín hữu buộc phải kiêng thịt và giữ chay) bảo đảm thời gian tu luyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ phụng vụ. Chay tịnh và hãm mình góp phần giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới tự do nội tâm (x. CIC, 1246, CCEO, 881,1,4; 880,3)).

“Ðiều răn thứ năm (các tín hữu buộc phải đóng góp cho các nhu cầu của Giáo Hội) dạy các tín hữu có bổn phận chu cấp cho những nhu cầu vật chất của Giáo Hội, tùy theo khả năng mỗi người (x. CIC, 222; CCEO 25)” (Bản dịch, như trên).

Từ các tài liệu này, chúng ta có thể suy luận rằng nghĩa vụ trước tiên là Rước lễ ít nhất một năm một lần, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh. Nghĩa vụ phải đi xưng tội trước khi Rước lễ là liên quan đến nghĩa vụ Rước lễ vào mùa Phục Sinh, để chắc chắn rằng người ấy ở trong tình trạng ân sủng. Mặc dù đây là một suy luận theo luận lý học từ quan điểm thiêng liêng, nhưng phải nhận xét rằng Giáo luật điều 920 §2 qui định xưng tội mỗi năm một lần và không nói về mùa nào cả.

Bộ Giáo luật hiện tại tạo điều kiện dễ dàng cho việc xưng tội, so với Bộ Giáo luật cũ, chẳng hạn loại bỏ yêu cầu phải xưng tội với chính cha xứ của mình để chu toàn nghĩa vụ.

Thời gian để hoàn thành nghĩa vụ mùa Phục Sinh, như đôi khi nó được gọi, có thể khác nhau giữa các nước. Tại Mỹ, thời gian này là từ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay đến hết ngày Lễ Chúa Ba Ngôi; ở các nước khác, mùa có thể bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên.

Tất nhiên, nghĩa vụ mùa Phục Sinh là một yêu cầu tối thiểu để động viên mọi người nhận lãnh các bí tích. Lý tưởng nhất, một người Công Giáo Rước lễ mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Một người Công Giáo cũng nên đi xưng tội bất cứ khi nào mình nhận thức đã phạm tội trọng, và việc xưng tội thường xuyên là rất được khuyến khích, thậm chí nếu chỉ có tội nhẹ. Như Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta, điều răn này nói: "bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy”.

Nếu các đề nghị này được tuân theo, mặc dù nghĩa vụ rước lễ trong mùa Phục Sinh vẫn còn, việc một người ta cần đi xưng tội trong Mùa Chay, hoặc ít nhất vào thời điểm nào đó trước khi Rước lễ vào mùa Phục sinh, sẽ không còn tồn tại, trừ khi người ấy có tội trọng. (Zenit.org 23-2-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Cám dỗ
Đinh Văn Tiến Hùng
11:16 23/02/2016
Cám Dỗ

*( Cảm hứng theo bài giảng của ĐTC Phanxicô tại Xóm nghèo đầy tội ác Ecatepec trong chuyến công du Mexico (12-17/2/16) – ĐTC đã gợi ý qua Phúc Âm Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay : Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ )

Mễ Tây Cơ ! Mễ Tây Cơ ! Bừng lên sức sống !
Dâng niềm tin yêu mạnh mẽ triệu triệu con tim :
Dân Nước công bằng no ấm khát vọng kiếm tìm,
Đang mong đợi Vị Sứ Giả Hòa Bình sẽ đến.

Giáo Hoàng nhân hậu bao người mến yêu tha thiết,
Ngài không ngại thăm viếng khu ổ chuột nghèo nàn,
Chứng kiến ủi an những mảnh đời sống lầm than,
Cùng kêu gọi chính quyền phải quyết tâm cải tiến.

Trong bài giảng Giáo Hoang Phan-xi-cô cảnh báo,
Ba Cám dỗ đang lung lạc lối cuốn lòng người :
Ham Giàu Sang- Chuộng Phù Hoa- Thái độ Vênh vang.
Vì luôn luôn nghĩ chỉ có mình là trên hết.

Giàu Sang : tài sản của người tìm cách đoạt chiếm,
Giành miếng ăn kẻ khác mặc gây hại khổ đau,
Xã hội thối nát, tội lỗi dâng phủ ngập đầu,
Đâu biết phú quí đã bốc cao mùi hôi thối.

Phù Hoa : say mê uy quyền không ngừng đeo đuổi,
Khinh chê loại bỏ những ai không giống như mình,
Chạy theo danh vọng, chà đạp phẩm giá coi khinh,
Nhưng phải nhớ phù hoa bọt bèo sẽ tan biến.

Vênh vang : tự đặt mình lên cao sang hơn hết,
Chẳng quan tâm cuộc tử sinh khắc khỏa bụi trần,
Còn cho mình được Thượng Đế ưu đãi quan tâm,
Nên nghênh ngang chà đạp nhân quyền có hệ thống.

Phải nhớ ba Cám dỗ đang xoi mòn diệt chủng,
Đưa nhận loại chìm ngập trong tai họa diệt vong,
Đang vùi đập niềm hy vọng thế giới chờ mong,
Và dập tắt Niềm Vui Tin Mừng của Thiên Chúa.

Hãy nhớ sự Giàu Sang tuyệt vời Vua Trời Đất,
Hãy nhớ Đấng Tối Cao Danh Tiếng ai sánh bằng,
Hãy nhớ chỉ Đấng Tối Cao tuyệt đối Uy Quyền,
Hãy nhớ tất cả chúng ta chỉ là tạo vật !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bức Tranh Mùa Đông
Lê Trị
19:31 23/02/2016
BỨC TRANH MÙA ĐÔNG
Ảnh của Lê Trị
Tạ ơn Thượng đế ban Đông tuyết
Để núi trên ngàn tự vẽ tranh.
(bt)
 
Thánh Ca
Video Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu - Trình bày: Ca Sĩ Như Mai
VietCatholic Network
21:57 23/02/2016


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Một Đời Sám Hối – Trình bày: Ca Sĩ Như Mai
VietCatholic Network
21:55 23/02/2016


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Con Tin Chúa Ơi - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
22:40 23/02/2016


Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây