Ngày 23-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không Thể Thờ Hai Chủ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
00:51 23/02/2011
Chúa Nhật Thứ 8 Mùa Thường Niên, Năm A

Nói về tiền bạc, bao giờ Thánh Kinh cũng nói nghiêm túc. Thánh Kinh nói về tiền bạc hầu như nói về sự sống và sự chết. Với tiền bạc, người ta có thể cứu sống mình nhưng cũng có thể làm cho mình hư mất. Tiền bạc có thể mở cửa thiên đàng cho ai đó nếu biết dùng nó như một phương tiện, nhưng cũng có thể đóng lại với người ấy nếu chạy theo tôn thờ nó.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Phải lựa chọn một trong hai. Không được bắt cá hai tay.

1. Luận về đồng tiền.

Đồng tiền là đồng chuyền, rất bẩn, rất có nguy cơ truyền bệnh. Nhưng nó là một thứ thiêng liêng và quý giá vô cùng. Sống là phải lo kiếm tiền, kiếm bằng mọi giá, kiếm càng nhiều càng tốt.

Đồng tiền là thứ không ở lâu bền với người ta, nay nằm trên tay người này, mai đã sang túi người khác. Người có thu nhập thấp, cảm nhận điều này rõ lắm: Tiền lĩnh về, chưa kịp nóng túi, đã rủ rê nhau sang túi mấy bà bán gạo, bán rau ngoài chợ gần hết! Đồng tiền cũng còn được gọi là đồng bạc, một phần vì thế chăng? Cái sự chuyền của đồng tiền nhiều khi cũng bay bướm nghệ thuật lắm. Xin nêu một ví dụ: Chiều 24-4-2009, phía đầu chiếc xe CSGT màu trắng, người đại úy dí ngón tay trỏ vào tập biên bản, người vi phạm hiểu ý, “nhằn” ngay trong túi ra một tờ polyme màu xanh. Người đại úy lật mấy trang biên bản lên, người vi phạm vội vã nhét tờ 100.000 đ vào đó. Bỗng, một cơn gió vô tình thốc tới làm mấy trang biên bản bay tốc lên, tờ 100.000đ bay vèo theo gió, chờn vờn đậu xuống vỉa hè cách đó một quãng. Người đại úy vội vã chạy theo, vội vã cúi xuống nhặt, rồi khoan thai đút vào túi… Tờ 100.000đ màu xanh giờ đã nằm yên trong túi quần “ông” đại uý (Bài CSGT “làm luật” ngay tại Hà Nội, báo Khoa học & Đời sống, thứ ba ngày 5-5-2009).

Vì cái sự chuyền tay nhau như thế, nên nó rất bẩn. Có lẽ trên đời này, đồng tiền là thứ bẩn thỉu nhất, bởi nó giây đủ các mùi vị, từ mùi thịt cá tanh tưởi, đến mùi hoa quả thum thủm do bị ế, bị ủng; từ mùi mồ hôi của chị bán bánh cuốn đến mùi dầu mỡ của ông lão sửa xe…

Nhưng vì nó là đồng chuyền, cho nên đồng tiền luôn luôn mang trong mình nó sự tổng hợp vĩ đại nhất của tất thảy các mùi vị, không thiếu một thứ gì… Chính vì đặc điểm này, mà mặc dù quý đồng tiền đến mấy, người ta cũng chỉ mân mê chứ rất ít khi thấy một ai đó đưa nó đặt lên mũi, lên môi để ngửi hay để hôn! Không ngửi, không hôn vì nó rất bẩn; nhưng bẩn đến mấy chúng ta vẫn luôn luôn trân trọng đồng tiền. Ví dụ: Khi bề dưới muốn biếu tặng ai tiền, người đó phải cho nó vào phong bì, đưa bằng hai tay (thậm chí còn phải cung kính dâng lên). Ngược lại, khi được bề trên ban tặng thì bề dưới phải đưa cả hai bàn tay ra đón nhận, đồng thời cất tiếng “xin cảm ơn” (thêm chữ “ạ” nữa thì càng tốt).

Đồng tiền bẩn, nên nó chứa rất nhiều vi trùng; chứa nhiều vi trùng nên nó cũng là nguồn lây đủ mọi thứ bệnh, có loại bệnh không thể nói nên lời…!

Tiền bẩn, muốn sạch thì rửa. Nhưng có thứ tiền không bẩn, thậm chí còn nguyên đai nguyên kiện, thơm phức mùi mực in, mà người ta vẫn đem đi… rửa. Sự rửa như thế không được khen mà lại gọi là một thứ… tệ, vâng tệ rửa tiền! Nhà nước Việt Nam gần đây mới thành lập Ban chỉ đạo phòng chống nạn này! Quốc tế người ta làm cái công việc chống này từ lâu lắm rồi. Chắc vì họ quản lý kém, thậm chí rất thiếu kinh nghiệm? Ngay đến bây giờ Việt Nam mới thành lập ban chỉ đạo chống chứ đã trực tiếp chống đâu? Nghĩa là vẫn trên tinh thần phòng là chính, chứ không phải chống là chính.

Đồng tiền cũng có sự khôn sự dại! Bà con ta vẫn thường nhắc nhau: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” là gì? Tiền đi đâu mà được gọi là khôn vậy? Thời nào chứ thời buổi này, có lẽ ngay đến trẻ con nước mình cũng cảm nhận được điều đó. Bây giờ đi đâu, làm gì mà có sự đưa đường chỉ lối của đồng tiền (nhất là tiền ngoại), thì khó mấy cũng vượt qua, “kẻ thù nào đánh thắng”. Có tiền, mua gì cũng được. Thời nay người ta thường nói: “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn”. Cái vị thế của đồng tiền còn tạo thế lực cho người nắm giữ nó. Trong phạm vi hẹp là gia đình, ai có khả năng kiếm nhiều tiền, người đó là chủ; điều đó ai cũng thấy. Trong xã hội, thì dân gian có câu: “Vai mang túi bạc kè kè. Nói quấy nói quá, người nghe rầm rầm!”.

Sống đã vậy, chết thì sao? Có người nói, khi hai tay buông xuôi, đồng tiền chả có nghĩa gì nữa cả. Nói thế là xạo. Chết không kịp mang, nhưng chết rồi thì vẫn cần. Ngay lúc vừa ngậm hàm, người trong gia đình đã phải nghĩ ngay đến việc bỏ vào cái miệng vô hồn ấy một chút vẩy vàng. Rồi trên dọc đường tiễn đưa người quá cố, nhất là khi qua cầu, lại phải rải tiền xuống đường, xuống sông, cả tiền thật lẫn tiền âm phủ. Đó là tiền làm luật đối với bọn ma quỷ cản đường. “Trần sao âm vậy mà”! Ngoài ra, nhiều gia đình vào ngày giỗ, ngày Tết mua vàng mã đốt cúng cho người chết. Vậy người chết không cần tiền là cái gì?

Đồng tiền còn là vật có máu “lạnh”. Từ xa xưa ông cha ta đã nói: “Lạnh như tiền!”. Có thể xuất phát vì ngày xưa tiền làm bằng kim loại mà nhận xét như thế? Bây giờ dùng tiền giấy là chính, người ta vẫn không thay đổi cách nghĩ và cách nói đó. Thực ra cái “lạnh” của đồng tiền còn mang một ý nghĩa khác, nghĩa bóng nhiều hơn là nghĩa đen, chỉ những khi ta thiếu nó quá, cần đến nó quá, mới thực sự cảm nhận được cái chất “lạnh” của nó, đồng tiền!

Tiền là bạc. Bạc không chỉ là một loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mất cha, mất mẹ, mất vợ, mất chồng, mất bạn hữu, mất họ hàng. Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã phải thú nhận: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chua xót nói rằng: “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết cơm hết gạo, hết ông tôi”.

Tiền bạc không cần con người nhưng ai cũng cần tiền bạc. Dù tiền rách, tiền bẩn, tiền cũ… người ta vẫn dành cho nó một cảm tình. Có ai chê tiền đâu, từ người già cho tới trẻ em. Mà lạ lắm, những người lớn tuổi, dù có là mắt kém, thông manh lông quặm, tai điếc đặc ra, nhưng tiền vẫn không đếm lộn. Ai mượn bao nhiêu, thiếu nợ ngày nào, các cụ vẫn nhớ rõ ràng và nhớ chính xác. Chẳng trách chi, người ta cứ nói, “Đồng tiền nó liền khúc ruột”. Đụng tới khúc ruột, ai mà chẳng đau chẳng xót.

Vâng! Thế đó, đồng tiền là đồng chuyền, rất bẩn, rất có nguy cơ truyền bệnh. Nhưng nó là một thứ thiêng liêng và quý giá vô cùng. Sống là phải lo kiếm tiền, kiếm bằng mọi giá, kiếm càng nhiều càng tốt. Kiếm đến đâu, cất ngay vào ví, vào két hoặc gửi ra ngân hàng các nước trung lập. Nếu trót để bẩn quá, hoặc nghi… bẩn, phải rửa ngay. Rửa kín đáo, chớ để Ban phòng chống rửa tiền phát hiện! Còn khi chết? Yên tâm, đã có con cháu lo! Tuy nhiên cũng cần nhắc điều này: đồng tiền là rất bạc. Bạc tình, bạc cả nghĩa nữa. Không kín đáo, không có thế lực, dễ bị nó đưa tay vào còng có ngày! (Trần Huy Thuận).

Người ta thường nói rằng, tiền bạc có thể:

§ mua được cao lương mỹ vị, nhưng không thể mua được sự ngon miệng.

§ mua được thuốc thang đắt giá, nhưng không thể mua được sức khỏe.

§ mua được giường êm nệm ấm, nhưng không thể mua được giấc ngủ.

§ mua được nhà cao cửa rộng, nhưng không thể mua lấy mái ấm gia đình.

§ mua được trò chơi giải trí, nhưng không mua được sự bình an tâm hồn.

§ mua được sách vở tài liệu, nhưng không mua được sự thông minh.

§ mua được tôn giáo, nhưng không mua được ơn cứu độ.

§ mua được Passe-port và Visa để đi khắp thế giới, nhưng không thể mua được hộ chiếu để vào Nước Trời.

2. Chúa Giêsu đối với tiền của.

Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo, phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.

Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri, phẩm giá con người. Tiền của trở thành thần tượng và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và danh phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.

Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa ta xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa đã buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh: Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát: Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.

Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31: dụ ngôn người giàu và Lazarô), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.

3. Ưu tiên tìm kiếm Nước Trời

"Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi".

Ưu tiên hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi chọn lựa. Thế gian thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Con cái Chúa thì sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì tiền của, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

4. Kết luận:

Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Thánh Phaolô khuyến cáo “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10). Khi con người đã quá đề cao và bám víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất cả cuộc sống thì sẽ trở thành nô lệ cho nó.

Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua để sống, thăng tiến, phát triển, phục vụ... Giá trị của tiền của hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em, đặc biệt người nghèo khổ, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.

Nếu tiền của có thể là phương tiện mua tình bạn, để chia sẻ với tha nhân, thì nó cũng là một sức mạnh xấu, là cạm bẫy cần cảnh giác, như thư thánh Phaolô đã viết: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm6,17-18). Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.
 
Đừng lo
LM Giuse Trần Việt Hùng
09:53 23/02/2011
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được (Mt. 6, 24).Được hiện hữu trong đời là một hạnh phúc tuyệt vời. Từ hư không, mỗi người chúng ta được cha mẹ đưa vào đời qua sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi người được chia sẻ và hưởng nếm cuộc đời trong một khoảng thời gian. So với đời đời, thì mỗi người chúng ta chỉ tham dự vào vòng xoay của bánh xe lịch sử một chút. Thời gian cuộc sống dài vắn không quan trọng. Quan trọng nhất là chúng ta sống làm sao cho những tháng ngày hiện hữu trên trần gian có ý nghĩa và giá trị. Chúa Giêsu khuyên dạy rằng: Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?( Mt. 6.25). Ai sống lâu lắm cũng chỉ trên trăm tuổi. Điều quan trọng nhất là ngày chúng ta được sinh vào đời, cùng đồng hành với mọi người và đạt tới cùng đích của cuộc đời.

Nhìn vào mốc thời gian, đã có biết bao nhiêu con người đã xuất hiện và đã ra đi. Hình ảnh những người trai trẻ hay những ông bà cụ già cứ lần lượt biến đi khỏi cuộc đời. Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh đưa tiễn người thân hay cảnh chết chóc hàng loạt qua sự cố như động đất, sóng thần, bão lụt hay tai nạn. Đã có biết bao nhiêu thế hệ của con người đã qua. Nhưng Thiên Chúa hằng hữu luôn quan phòng cho mọi loài Chúa đã dựng nên. Khi chúng ta có cơ hội nhìn xem những phim tài liệu về cảnh sống thiên nhiên, chúng ta mới cảm nhận được rằng sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi dự trù của con người. Hằng năm, có cả triệu triệu con chim di chuyển từ Bắc Cực tới Nam Cực để tìm mồi và đến vùng nắng ấm để sinh sản truyền giống, sau đó lại bay trở về chốn cũ. Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?(Mt.6,26).

Sự sống là một mầu nhiệm. Cuộc đời mỗi người dài vắn tùy theo số mệnh. Mỗi một ngày sống là một hồng ân. Có những người sống và làm nên tên tuổi. Có những người sống âm thầm lặng lẽ nhưng không thiếu giá trị. Chúng ta thường đánh giá đời sống con người theo những chức bậc, thành qủa mà họ đã làm nên và được ghi danh sử sách. Những ảnh hưởng của họ trên cuộc sống xã hội và con người được báo chí hàng năm đăng tải tên tuổi những người có quyền lực nhất trên thế giới. Theo báo IGN Entertainment, năm 2001 người có quyền lực số một là ông tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, rồi đến thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Năm 2011, người có quyền lực nhất là tổng thống Trung Hoa Hu Jintao, rồi đến tổng thống Barack Obama. Đây là sự nhận định của nhà báo và sự đánh giá của con người xã hội. Chúng ta biết rằng dù ai tài giỏi, giầu có thế nào đi nữa, họ bước lên rồi lại có ngày bước xuống. Chẳng có ai nào cầm quyền mãi. Rồi cũng sẽ có ngày phải buông xuống, bỏ lại tất cả và ra đi. Trước mặt Chúa, tất cả sự khôn ngoan giầu có và quyền lực của con ngừoi chỉ là phẩn thổ.

Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt.6, 34). Lo lắng tích trữ cho sự giầu sang của mình rồi được gì? Trong những ngày qua, đọc tin tức trên báo có nhiều sự cố xảy ra. Trên báo Daily News tường thuật vụ tự tử của Mark Madoff, con của một nhà tỉ phú tên là Bernie Madoff. Ông Mark cũng là triệu phú đã thắt cổ tự tử khi tuổi đời mới 46. Một hoàn cảnh thảm thương, ông bố tỉ phú bị kết án tù chung thân tới 150 năm vì tội tham lạm gian dối và lừa đảo tiền của. Mark Madoff không thể chịu sức ép tư bề bởi lề luật, tòa án, dư luận và lương tâm. Anh đã kết liễu cuộc đời bằng một giây thòng lọng. Gia đình đã âm thầm viếng xác và thiêu xác một cách kín đáo. Ông bố trong tù cũng không muốn xin phép để về tiễn biệt con lần cuối. Tuần qua trên báo mạng New York lại loan tin một bà cụ tên Frida Tsirinsky, 86 tuổi sống ở Brooklyn đã bị người con trai Yefim Tsirinsky, 52 tuổi làm ngộp chết. Cũng chỉ vì đồng tiền đã làm mờ mắt và giết hại lương tâm. Anh đã lấy gối đè trên mặt mẹ cho ngộp thở và anh nói rằng đây là cách chết êm dịu.Để đi trọn cuộc lữ hành trần thế, chúng ta cứ phải phấn đấu không ngừng. Tôi thường có dịp đi thăm những người già cả trong vùng. Tôi không hiểu nổi tại sao có qúa nhiều cụ già sống đơn côi trơ trọi một mình. Con cháu thì ít mà mỗi người lại sống một nơi. Khi bệnh hoạn nằm xuống, chẳng có người thân nào bên cạnh. Có một câu truyện xảy ra cách đây không lâu: Có một ông cụ tên Paul chết, tại một tiểu bang gần bên, nhưng người thân lại muốn mang xác về vùng Bronx này để chôn, vì xưa ông đã được rửa tội và lớn lên tại đây. Mọi sự sắp đặt gọn gàng, xác được đưa về nhà quàng, sắp xếp thánh lễ an táng và có huyệt mộ nơi nghĩa trang để chôn cất. Khi đưa quan tài vào Nhà thờ để được dâng lễ An Táng, chỉ có hai nhân viên của nhà quàng đưa quan tài vào nhà thờ. Không có một người thân. Chỉ có linh mục dâng lễ và người đánh đàn hát lễ. Chỉ có thế. Thật buồn!

Trong những ngày qua, đã có những cuộc biểu tình chống đối chính phủ tại Ai-Cập. Người dân xuống đường đòi quyền lợi và muốn truất phế tổng thống. Tổng thống Bosni Mubarak đã cầm quyền 30 năm. Cả cuộc đời ông đã góp nhặt làm giầu cho bản thân và gia đình với số tiền khổng lồ qua nguồn phú túc của dân nước. Ông bị dân chúng tẩy chay và ghét bỏ. Ông đã phải từ chức và bỏ lại sau lưng tất cả quyền lực và danh dự. Dĩ nhiên ông đã làm nhiều điều tốt đẹp cho đất nước và nhân dân. Nhưng chính sách của chính phủ cũng không tránh khỏi những sự đán áp bạo tàn và đối xử bất công xã hội. Người dân trong nước bức xúc đã đứng lên đòi quyền lợi cho cuộc sống chung. Chúng ta thấy 30 năm nhiệt tâm phục vụ cho đất nước và dân tộc, cuối cùng ở tuổi đời 82, cũng phải buông xuống trong lao đao lận đận.

Làm sao chúng ta có thể tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời? Một ngày kia, tôi có dịp vào thăm một nghĩa trang của Nhà Dòng Kín, miền bắc của Tiểu bang Nữu Ước, trên mộ bia người ta chỉ ghi ngày, tháng và năm lìa trần. Họ không ghi ngày sinh tháng đẻ. Nên chúng ta không biết họ sống bao nhiêu tuổi, nhưng chúng ta biết chắc chắn là họ đã hiện hữu trong cuộc đời này. Các Dì không tích trữ của cải đời tạm này. Các Dì đã hiến dâng cả cuộc đời âm thầm cầu nguyện cho mọi người và cho Giáo Hội. Nếu chúng ta chỉ nhìn ở những thành quả bên ngoài thì tưởng là các Dì không góp phần sinh hoa trái cho xã hội và con người. Thật ra các Dì đã có một đời sống sinh ích cho nhiều người qua cuộc sống nội tâm sâu xa và phong phú kết hợp với Chúa. Các Dì ra đi thanh thản và vui hưởng một cuộc sống viên mãn bên Chúa tình thương như Chúa đã hứa: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt. 6,33).

Chúng ta không thể cùng lúc làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Chọn Chúa và có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Có Chúa làm chủ đời của chúng ta, chúng ta sẽ có sự khôn ngoan để đạt thành công trong mọi lãnh vực. Như xưa Vua Salômon đã không xin Chúa cho sống lâu, không xin giầu sang nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để tài phán dân chúng. Chúa đã ban cho Vua Salômon sự khôn ngoan: Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp (Các Vua1. 3,12). Khi Salômon có sự khôn ngoan thì Chúa lại ban thêm cho của cải dư dật: Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi.(CV1. 3,13). Chúng ta cũng nên tập sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa, Chúa sẽ không để chúng ta phải thất vọng. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?(Mt. 6,31). Cũng nên nhớ rằng Chúa ban cho chúng ta có trí khôn, có khả năng và sức khỏe để làm việc và sinh hoa trái. Chúng ta không thể ngồi đó mà chờ sung rụng, mà phải nỗ lực với khả năng của mình để sinh lợi cho cuộc sống.

Người ta thường nói: Cọp chết để da, người chết để tiếng. Cái gì sẽ còn lại sau cuộc sống này và cái gì sẽ có trong cuộc sống đời sau. Đây chính là then chốt và ý nghĩa của cuộc đời. Mọi người sẽ ra đi với bàn tay trắng, nhưng có những người ra đi còn bao nhiêu tiếng khóc tiếc thương, bao nhiêu nhớ nhung, biết bao thành tích đáng ca ngợi và sinh ích cho gia đình, tha nhân, xã hội và Giáo Hội. Bên kia sự sống, họ lại được đón nhận vào nơi hằng sống. Qủa là một cuộc sống nhiệm mầu và ý nghĩa. Khi chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta sẽ được tất cả. Còn nếu chúng ta ôm lấy của cải đời này làm chúa tể, khi mãn cuộc đời dương thế, chúng ta sẽ ra đi với bàn tay trắng. Không có hành trang và không có cùng đích. Chúng ta sẽ đi về đâu? Tay trắng sẽ hoàn trắng tay.
 
Có tin,có khác
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:54 23/02/2011
Chúa Nhật VIII TN A

“Vai mang bị bạc kè kè. Nói quấy, nói quá chúng nghe rầm rầm”. “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. “Có tiền mua tiên cũng được”. “Vạn sự phải có cái đầu tiên là tiền đâu?”. “Hạ tầng kiến trúc quyết định thượng tầng kiến trúc”. “Ai nắm hầu bao thì người ấy có quyền quyết định”. “Có thực mới vực được đạo”. “ Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”…Rất nhiều kiểu nói văn hoa hay dí dỏm của người xưa hay người đời nay như đã minh chứng sức mạnh to lớn, sức cuốn hút khó cưỡng của vật chất, tiền bạc. Chính Chúa Kitô cũng đã từng đặt đối trọng thần tài với Thiên Chúa khi dạy bảo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Dĩ nhiên, đã là người trong thân phận xác phàm thì không thể coi thường các điều kiện thể lý và vật chất. Pascal đã từng cảnh tỉnh rằng ai muốn sống như thiên thần thì sẽ có nguy cở trở thành loài vật. Để ban ơn cứu độ cho con người, Thiên Chúa đã chọn con đường vào trần gian, mang lấy thân nhục thể. Đã đón nhận xác đất vật hèn thì Con Thiên Chúa làm người chấp nhận bị điều kiện hoá bởi các quy luật sinh hoá lý mà trong đó vai trò của vật chất, tiền bạc không nhỏ chút nào. Ngay từ lúc khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng, chính Người cũng đã bị thần dữ cám dỗ về lãnh vực này (x.Mt 4,1-11).

Vấn đề đặt ra đó là vị trí chủ-tớ trong tương quan giữa con người chúng ta với của cải, tiền bạc. Của cải, tiền bạc vốn là tốt nhưng chúng chỉ tốt khi phục vụ con người, nghĩa là làm tôi con người. Chúng trở thành xấu khi con người đội chúng trên đầu trên cổ, xem chúng như những vị thần toàn năng. Rất nhiều câu ngạn ngữ nói đến ý tưởng này, chẳng hạn như “tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ tồi”... Chúng ta có thể nói rằng xưa lẫn nay người ta đều đồng thuận về chân lý này nghĩa là phải biết làm chủ tiền bạc, của cải. Thế nhưng trong thực tế thì dường như ngược lại. Chuyện để cho của cải, tiền bạc lôi kéo mình đến chỗ không hay, điều khiển mình làm những sự chẳng nên là chuyện không hiếm. Một thực tế nữa đó là những người thường lên tiếng khuyên dạy người ta cách thế làm chủ tiền của theo kiểu luân lý hay nói nôm na là dạy đời thì thường là những người đang sung túc, đủ đầy tiền của, không phải gánh chịu cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngày hai buổi, để kiếm cái ăn, cái mặc cho mình và gia đình. Chính vì thế mà biết bao văn chương chữ nghĩa về đề tài bạc tiền thoặt nghe rất dễ nhận nhưng chẳng làm thay đổi người nghe. Dòng đời xô bồ vẫn cứ chảy. Ma lực của đồng tiền vẫn cứ ngự trị cách này cách khác. Làm sao để đứng vững trước dòng xoáy của các nhu cầu cơm áo gạo tiền cũng như các phương tiện để sinh tồn và phát triển? Chúa Kitô cho chúng ta chiếc chìa khoá căn bản đó là lòng tin.

Đức tin tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa. Đức tin cũng là sự đáp trả của con người trong tự do và hiểu biết. Chúa Kitô mời gọi chúng ta dùng trí khôn để suy xét, cân nhắc và chọn lựa giữa những điều hơn kém. Với trí khôn bình thường, người ta dễ dàng nhận ra phần hơn kém giữa mạng sống và của ăn, giữa thân xác và áo quần. Thế mà vẫn có đó nhiều người vì cơm áo mà đã phải thiệt thân. Lưới đã rách thì cố tìm mấy viên chì cũng chẳng được ích gì. Từ dữ kiện đời thường Chúa Kitô mời gọi chúng ta phân định phần thiệt hơn giữa sự sống đời này với sự sống đời đời, đồng thời mời gọi chúng ta hướng cái nhìn lên Đấng Toàn năng chí ái, Đấng đã cho chúng ta từ hư vô hiện hữu ở đời này.

Cần xác định rằng không một ai trên trần gian này tự quyết định hay phải trả một giá nào cho việc làm người, chào đời của bản thân. Không một ai tự mình làm người nhưng là được dựng nên, được tạo thành. Người có niềm tin nhìn nhận việc làm người của mình do Đấng toàn năng. Cách riêng Kitô hữu tin nhận Đấng Toàn Năng cũng là Người Cha chí ái. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã cho tôi làm người, chào đời. Không bao giờ Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta. Chẳng có người mẹ nào quên được đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cho dù thỉnh thoảng có một đôi người mẹ trần gian vô tâm với con của mình thì Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ quên chúng ta (x.Is 49,14-15). Tác giả Thánh Vịnh luận lý rằng nếu Thiên Chúa ghét bỏ bất cứ loài nào thì Người đã không dựng nên nó.

Chúa Kitô mời gọi chúng ta hãy nhìn xem hoa cỏ, chim trời để vững tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương, chăm sóc mọi loài, nhất là loài người. Có được niềm tin này thì Kitô hữu cho dù vẫn phải gắng công kiếm tìm sinh kế cho bản thân và tha nhân nhưng không quá “lo lắng” theo kiểu người chưa hoặc không nhận biết Thiên Chúa. Vẫn nỗ lực lao tác kiếm tìm của cải vật chất nhưng chúng ta phải biết sử dụng chúng để phục vụ sự sống, để phát triển tình yêu. Đây là nội hàm lời dạy của Chúa Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…”(Mt 6,33).

Chúng ta ra sức kiếm tìm vật chất, tiền của để làm gì? Trả lời rốt ráo câu hỏi trên theo ánh sáng mạc khải thì chúng ta sẽ biết cách kiếm tìm của cải đẹp lòng Thiên Chúa. Thử hỏi rằng đã có nét khác biệt nào giữa Kitô hữu và bà con lương dân hay người khác đạo trong cách thế kiếm tìm vật chất, của tiền cũng như cách thế sử dụng chúng? Thiết nghĩ đây là một cách thế biểu lộ niềm tin mang tính khả tín và cũng là một cách thế rao giảng tin mừng hữu hiệu ngay giữa môi trường sống của Kitô hữu chúng ta. Và sẽ không thừa khi đề cập đến một hiện thực đó là đã có nhiều anh em lương dân hay bà con khác đạo xa lánh, từ chối ánh sáng tin mừng chỉ vì các gương xấu của Kitô hữu trong vấn đề kiếm tìm và sử dụng của cải, tiền bạc.

Dùng niềm tin để biện minh cho lối sống thì ít thuyết phục hơn là dùng chính cuộc sống để minh chứng cho niềm tin.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 23/02/2011
ĐI TRƯỚC ĐI SAU

N2T


Có một tân binh lần đầu tiên đến trong doanh trại, sĩ quan phụ trách tân binh vì cần tiền nên dùng rất nhiều cách để làm khổ anh ta. Trước hết sĩ quan để anh ta đi phía trước, khi tân binh đi phía trước thì viên sĩ quan chửi, nói:

- “Mày đi như thế, thì tao là kẻ hầu cận của mày sao ?”

Tân binh nghe nói như thế thì vội vàng đi tụt lùi phía sau, sĩ quan lại chửi:

- “Coi mày đi như thế, thì tao sẽ thành kẻ gọi loa dẹp đường cho mày sao ?”

Tân binh đi trước đi sau gì cũng bị chửi, nên quỳ xuống cầu khẩn:

- “Đại nhân kêu tôi đi như thế nào mới đúng ?”

Sĩ quan nói:

- “Nếu mày đưa cho tao ít tiền, tao sẽ cho mày đi thẳng hàng ngang”.

Suy tư:

Không phải đi trước hay đi sau là được vào Nước Trời, nhưng cần phải thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

Không ai bắt người Ki-tô hữu đi trước hay đi sau cả, và Giáo Hội cũng dạy con cái mình phải sống trọn vẹn ngày hôm nay, tức là thực hiện giây phút hiện tại cho đẹp lòng Chúa. Nhưng có những người Ki-tô hữu không đi trước mà cũng không đi sau trong đời sống thiêng liêng của mình, tức là họ không nhiệt tâm với việc đi dâng thánh lễ hoặc tham dự các bí tích, hoặc tham gia các công việc của giáo xứ, họ lừng khừng giữa cái nóng và cái lạnh của tín ngưỡng của mình, họ dửng dưng giữa sự nhiệt tâm và lạnh lùng của niềm tin của mình, họ nói rằng giữ đạo cũng thế mà không cũng thế, miễn là đừng làm sự ác là được rồi, thế là họ không muốn đi trước để vào Nước Trời và cũng chẳng muốn đi sau để xuống hỏa ngục, họ chỉ muốn đứng chơi vơi giữa ngã ba đường mà thôi.

Chúa Giê-su nói: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. (kH 3, 15-16)

Đi trước hay đi sau đều nguy hiểm, chỉ có thực hành ý Chúa trong giây phút hiện tại là nên thánh rồi.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:38 23/02/2011
N2T


3. Năm dấu đinh của Chúa Giê-su giống như năm lời biện hộ thường ở trước tòa Chúa Cha, thay cho nhân loại cầu ân. Thiên Chúa Cha vừa nhìn thấy năm vết đinh của Chúa Giê-su thì không thể không tha thứ cho tội nhân.

(Thánh Ambrosius)
 
Chớ lo gì ngày mai
Tuyết Mai
21:05 23/02/2011
Chúa Nhật Thứ 8 Mùa Thường Niên, Năm A

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?. (Mt 6, 24-34).

Trong tất cả Lời Phúc Âm của Chúa, hình như tôi thích bài Phúc Âm của tuần này nhất vì Chúa khuyên dậy tôi là đừng có lo lắng quá!. Thật phải khi chúng ta trong cuộc sống thường nhật là phải lo lắng cho được cái miếng ăn, xong đến cái mặc, rồi mới tới những thứ cần thiết khác. Xin đừng hiểu lầm là Chúa dậy chúng ta trở thành những con người lười biếng, nằm chờ sung rụng, hay chờ thiên hạ đem cơm đến tận nhà cho chúng ta; không không, hẳn Chúa không dậy chúng ta thế!. Hãy nhìn đàn kiến ngoài vườn chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, chính chúng là loài vật mà còn tự biết kiếm ăn thì hà huống gì chúng ta lại ngồi không. Ấy vậy có phải vì chúng là loài vật nên chúng chỉ biết kiếm ăn là việc chính và việc sinh sản, còn ngoài ra chúng chẳng biết được sự việc gì khác hơn những gì Chúa ban cho chúng. Còn con người chúng ta thì Chúa Cha dựng nên khác hẳn với loài vật. Chúa ban cho chúng ta có được hình hài y chang giống Ngài; Chúa ban cho chúng ta có được bộ óc thật cao siêu tùy theo khả năng của mỗi người dùng nó. Bởi lẽ Chúa ban cho mỗi người có một khả năng riêng biệt là vậy! Nếu không thì thế giới chỉ toàn là bác sĩ mà không có bệnh nhân; hoặc toàn là thầy cô giáo mà chẳng ai là học trò; hoặc toàn là Đức Giáo Hoàng hay đấng bậc tu trì mà chẳng có ai là giáo dân cả!. Chúa ban cho con người chúng ta mỗi người là một sáng tạo riêng của Chúa để tất cả sẽ hòa cùng nhịp sống để cùng nhau học hỏi và chia sẻ.

Sở dĩ Chúa Con Giêsu phải xuống thế gian là thế! Ngài muốn dậy con cái hư đốn của Ngài là hãy dành nhiều thời giờ mà cầu nguyện cùng Chúa Cha của Ngài. Cuộc sống trần gian này có là bao?. Có ai sống được hơn 120 tuổi mà không chết? Dẫu có sống hơn được vài tuổi nhưng trí óc và thân xác cũng đã nằm liệt như thực vật rồi!?. Chúa dậy cho chúng ta thấy cuộc sống trần gian này chỉ là nơi tu luyện nhân đức, tâm hồn, và linh hồn của chúng ta mà thôi!. Cuộc sống mai hậu trên Nước Trời mới là thiết yếu và là đời đời. Chúng ta cầy sâu cuốc bẫm để hy vọng có thật nhiều thóc lúa để tích lũy vào kho lẫm, để ăn cả đời được chắc?. Hay hằng ngày chúng ta chỉ biết sống ích kỷ, bon chen, hại người, để được thăng chức, có được bằng khen, và tăng lương, rồi thì mặc ai sống ra sao thì sống, miễn là chúng ta có của dư của để và sống một cuộc sống sung túc là được rồi?.

Lời Chúa dậy chúng ta ngày hôm nay, gẫm suy chúng ta phải cảm tạ Chúa thật nhiều vì đã nhắc nhở chúng ta hãy nên dừng chân lại. Thật phải cuộc sống ở đời này có là bao?. Chúng ta ăn được bao nhiêu? Có phải thời nay chúng ta được hướng dẫn rằng thà ăn ít chút mà còn sống lâu sống khỏe, còn hơn là ăn nhậu nhiều chỉ dẫn chúng ta ra mộ nằm sớm hơn?. Thời nay chúng ta được các bác sĩ khuyên răn là ăn rau, đậu, cá nhiều thì tốt và dảm ăn thịt càng nhiều càng tốt?. Nếu chúng ta hằng ngày chỉ tiêu thụ rau, đậu, và cá, thì đã dảm bớt cho chúng ta thật nhiều tiền trong sự ăn uống và nuôi thân xác hay chết của chúng ta rồi!. Còn quần áo chúng ta mặc ư!?. Cũng là cái quần cái áo, sao chúng ta không biết đi sắm sửa những nơi bán rẻ?. Để chẳng phải phí sức mà cầy thêm để sắm mua cho được những quần áo có tên hiệu? Nếu chúng ta sống dản tiện như Lời Chúa dậy tuần này thì tất cả chúng ta là con cái Chúa, sẽ có thật nhiều thời giờ mà làm việc cho Chúa và cho anh chị em.

Nhất là trong gia đình của chúng ta. Có ai bỏ bê con cái vì chạy theo danh lợi của cải thế trần?. Hẳn có nhiều lắm!. Vì theo thống kê của ngày hôm nay cho chúng ta biết hầu hết trẻ nhỏ, thanh niên, thiếu nữ, đang sống một cuộc sống rất bê bối vì thiếu sự dậy dỗ của cha mẹ; lý do không có thời giờ dậy dỗ con cái; bởi cả hai cha mẹ đều đi làm. Nhưng nếu làm vừa đủ thì cũng có rất nhiều thời giờ với chúng con, nhưng ngặt nỗi vì lòng tham của cả hai nên không tuần nào mà không làm thêm giờ, để cho có thêm cái này hay thêm cái kia để không thua bạn thua bè; so sánh nhau những thứ không cần thiết; không hiểu được tầm quan trọng nếu chúng con không có người dậy dỗ. Có nhiều cha mẹ chỉ biết thẩy chúng con vào những day care hay weekends care là đủ rồi! Chúng cần tiền thì mặc sức mà cho, không cần biết cái chúng đòi có nên cho hay không?. Vâng, đó là bổn phận và trách nhiệm chúng ta đối với con cái và gia đình. Gia đình vợ chồng đổ vỡ cũng từ đây. Gia đình là gì mà không được một bữa ăn nóng có mặt đầy đủ cả nhà? Gia đình là gì mà phòng ai nấy đóng kín? Gia đình là gì mà giống như share nhà share phòng quá? Gia đình là gì mà đùng một bữa chồng hay vợ báo tin cho nhau là sẽ ký giấy ly dị??. Quả là cái tin long trời lở đất??. Vì thế có phải tiền, rất nhiều khi nó là hỏa ngục mà chúng ta là người gieo nó?. Hoặc cầu mong được làm ông Lớn, cũng đánh mất hạnh phúc của chính mình, thật đau lòng thay!?. Được làm ông Lớn mà mất vợ, mất con, mất tình thân gia đình, mất tình thâm giao giữa những người gọi là bạn thân thiết của mình trong công sở, thì nay còn gì là hạnh phúc chứ!??.

Chúa ví những gì chúng ta khoác lên người (là những tên hiệu) như Vua Salomon mà còn không so sánh bằng hoa huệ ngoài đồng Chúa tạo nên chúng; thế mà hoa hôm nay chúng đẹp đẽ như thế mà mai bị vất vào lửa. Thì trần gian này ai có thể mặc đẹp đẽ hơn Vua Salomon chứ!??. Thưa chẳng thể được!. Vì không thợ dệt nào trên trần gian mà có thể làm hoa lụa giả y như thật được. Chỉ có Thiên Y Chúa ban cho chúng ta mới đẹp gấp trăm ngàn lần hoa huệ trần gian mà thôi!. Bởi Chúa muốn ban cho linh hồn đời đời của chúng ta được hưởng Nước Trời, Chúa mới phải dậy chúng ta bài học: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Quả thật Chúa nói ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy! Thế thì tại sao chúng ta không để cho Chúa quan phòng? Không để cho Chúa lo lắng, định liệu, và sắp đặt mọi việc cho chúng ta, có phải chúng ta sẽ được nhẹ gánh hơn nhiều hay không?. Khi chúng ta ôm đồm nhiều quá là chúng ta mắc lỗi cùng Chúa, bởi chúng ta đã không có thời giờ cho Chúa; chúng ta lại bỏ bê gia đình con cái; và chúng ta mắc cái tội tham lam vì đã chọn Tiền hơn chọn Chúa.

Lậy Chúa! Xin cho chúng con thấm nhập Lời Chúa vào lòng và chỉ chọn Chúa là vị Cứu Tinh cho cuộc đời của chúng con. Chúng con cố gắng cầu nguyện và chỉ biết chạy đến Chúa; dâng Chúa tất cả những gì thuộc về con, gia đình, người thân, những sự thiếu sót, bất toàn, và bất lực. Con xin đánh đổi tất cả để chỉ được có Chúa và chỉ có Chúa con mới được an nghỉ và bình an mà thôi!. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vai trò của truyền thanh
Vũ Văn An
16:39 23/02/2011
Ngày 10 tháng 2 vừa qua, tại Bảo Tàng Viện Vatican, nhân kỷ niệm 80 năm ngày Đài Phát Thánh Vatican bắt đầu hoạt động, Đức Ông Peter Bryan Wells, thứ trưởng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là phủ giám sát hoạt động của Đài này, đã đọc một bài tham luận về vai trò hiện nay của nó.

Theo đức ông, hiện ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong thế giới truyền thông ngày nay, như Đức Thánh Cha vừa nhắn nhủ trong Thông Điệp Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới ngày 24 tháng Giêng rằng: “Các kỹ thuật mới đang thay đổi không những phương cách truyền thông của ta, mà chính ngành truyền thông nữa, đến độ có thể nói rằng ta đang sống trong một thời kỳ có những biến đổi rộng lớn về văn hóa. Phương tiện truyền bá tín liệu và kiến thức này đang phát sinh ra một phương thức mới cho học thuật và tư duy, với những cơ may chưa từng có để ta thiết lập các mối tương quan và xây dựng sự hiệp thông”. Biến động vừa có tính kỹ thuật vừa có tính văn hóa này đang tác động trực tiếp lên ngành truyền thanh cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn khía cạnh nội dung. Các phương tiện truyền thông cổ điển, trong đó có ngành truyền thanh, không thể làm ngơ sức mạnh và tính phổ thông của các phương tiện truyền thông mới. Ta nên biết điều này: một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy điện thoại di động đang tạo ra hiện tượng “ghiền di động” (mobile addiction): đến độ có người thà chịu đói chứ không chịu bỏ thứ phương tiện giúp họ gửi và nhận các cú điện đàm và tin nhắn (xem http://www.digitaltrends.com/mobile/top-10-signs-of-cell-phone-addiction). Còn cơ quan thăm dò Nielsen thì cho biết trong các quốc gia Phương Tây, những người dưới 35 tuổi đã dành nhiều giờ cho internet hơn là cho truyền hình (xem http://www.nielsen.com/us/en/insights/press-room/ 2008/ nielsen_reports_tv.html). Ta cũng không nên quên rằng các phương tiện truyền thông mới đã là chất xúc tác gây ra những biến động lớn lao như “Biểu Tình Chống Xỉ Nhục” ở Pháp và Bỉ (1) và “Cách Mạng Hoa Nhài” (2) ở Tunisia.

Các biến cố trên cho thấy ngành truyền thanh không thể không xem sét đến việc xuất hiện hàng loạt những phương tiện kỹ thuật mới, từ “podcast” tới “iPad”, từ các hệ thống xã hội như “Facebook” tới các diễn đàn “tiểu” blogging như Twitter. Các phương tiện truyền thông mới phải được coi như những người cùng truyền thông (interlocutors) chứ không phải như những người cạnh tranh. Ngành truyền thanh phải coi các phương tiện truyền thông mới như một cơ may, chứ không phải một đe dọa. Chính ở đây, ta thấy tinh thần “hội tụ” giữa các phương tiện truyền thông, điều được Đức Thánh Cha nhắc đến trong Diễn Văn với Các Quản Trị Viên và Nhân Viên Trung Tâm Truyền Hình Vatican ngày 18 tháng 12 năm 2008. Nhận định về cách thức trong đó biên giới giữa các phương tiện truyền thông ngày một mờ nhạt đi và, đồng thời, mỗi ngày chúng một hành động chung với nhau (synergies) nhiều hơn, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: “Ngày nay, Liên Mạng đòi phải có sự tích nhập mỗi ngày một gia tăng giữa các phương thức truyền thông chữ viết, âm thanh và hình ảnh, và đó là thách thức đòi ta phải mở rộng và tăng cường các hình thức hợp tác giữa các phương tiện truyền thông đang phục vụ Tòa Thánh”. Để thành công trong trách vụ này, điều cần thiết là phải phá bỏ não trạng đóng khung: để nhìn truyền thanh, truyền hình, liên mạng và báo chí không như những dụng cụ biệt lập với những khả năng riêng rẽ, mà đúng hơn như những vòng tròn cắt nhau và nối kết với nhau.

Đối với Đài Truyền Thanh Vatican, sự hội tụ trên có lợi đầu tiên về phương diện kinh tế: thực vậy, việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới cho phép ta tối đa hóa năng xuất. Chắc chắn, hiện nay, tại Đài Truyền Thanh Vatican, đang diễn ra diễn trình tích nhập tín liệu, tức diễn trình sử dụng các phương tiện truyền thông mới và tất cả những gì chúng đem lại. Các phương tiện truyền thông mới này, nếu sử dụng một cách thông minh và tích nhập một cách khôn ngoan vào các cơ cấu hiện có, sẽ là những cỗ xe quan trọng chuyên chở được các sứ điệp truyền thanh, giúp chúng được quảng bá rộng rãi với phí tổn thật thấp. Tuy nhiên, lý do chính khiến Đài Truyền Thanh Vatican phải tiếp nhận các dụng cụ và kỹ thuật mới chủ yếu là hiệu năng kinh tế mà chúng hứa hẹn. Hiện tượng tổng hợp các phương tiện truyền thông cổ điển với các phương tiện truyền thông mới, nhất là việc hội nhập truyền thanh và liên mạng, phải được coi như một biến đổi tất yếu phát sinh ra vai trò đặc trưng mới cho dịch vụ truyền thanh, trong bối cảnh một hệ thống thông tin hoàn toàn đổi mới. Ta không nói đến việc loại bỏ chức năng chuyên biệt của truyền thanh, tức việc vươn tới người nghe. Đúng hơn, ta đang nói đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới giúp truyền thanh có khả năng thoả mãn hoài mong của các thính giả vốn mỗi ngày một nhạy cảm hơn đối với việc thông tin. Người ta thấy một quan niệm mới về truyền thanh đang ra đời. Do ba yếu tố sau: Thứ nhất, truyền thanh mềm dẻo hơn các phương tiện truyền thông khác, và có thể dễ dàng tìm được diễn đàn phân phối. Thứ hai, truyền thanh là một phương tiện truyền thông có mặt ở khắp nơi nhưng lại có tính không quá xâm phạm: không như hình ảnh, tiếng nói bao bọc và làm thính giả chìm hẳn vào một môi trường âm thanh nhưng lại không chiếm ngự không gian của người nghe. Thứ ba, truyền thanh là một phương tiện truyền thông thân mật, tương giao, một không gian để nội tâm hóa, nhận trách nhiệm, chứ không dành cho những điều ngoại vi, bề ngoài như hình ảnh.

Sự hội tụ của truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới sẽ không hủy diệt yếu tính của truyền thanh. Đứng hơn, sự hội tụ này sẽ làm vững mạnh việc truyền thông bằng truyền thanh. Trong trường hợp đặc trưng của Đài Truyền Thanh Vatican, việc hội tụ này sẽ bao gồm hai diễn trình bổ túc cho nhau. Diễn trình thứ nhất liên quan tới việc hòa hợp hóa công việc của Đài Truyền Thanh Vatican với các phương tiện truyền thông khác của Vatican. Diễn trình thứ hai liên quan tới mối tương quan giữa đài truyền thanh của Tòa Thánh với các đài truyền thanh khác khắp thế giới. Các cơ sở phát tuyến của truyền thông Vatican đang thực hiện diễn trình thứ nhất một cách đầy quyết tâm: các phạm vi hợp tác giữa Trung Tâm Truyền Hình Vatican, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội và Đài Truyền ThanhVatican là một bằng chứng hùng hồn. Tuy thế, những khai triển này mới là giai đoạn thứ nhất của một hiện tượng lớn hơn, bao quát hơn nhằm thiết lập được một sự hiện diện thường xuyên của Tòa Thánh trong thế giới các phương tiện truyền thông mới.

Diễn trình thứ hai có tính đặc trưng hơn: Đài Truyền Thanh Vatican vốn có vai trò làm gương, làm đuốc sáng, hướng dẫn mọi đài truyền thanh Công Giáo khác. Như thế, việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới sẽ giúp Đài Vatican trở thành nguồn cung cấp tư tưởng và dịch vụ cho các đài đàn em, và đồng thời là phương tiện nhờ đó các đài truyền thanh Công Giáo cấp địa phương có thể chia sẻ với nhau trên bình diện hoàn cầu. Muốn thành công trong thách đố khó khăn này, ta cần phải tiếp tục chiều hướng tương quan hữu cơ, vốn đã được khởi đầu lâu nay, giữa Đài Truyền Thanh Vatican và các đài truyền thanh Công Giáo khác trên toàn thế giới, một mối tương quan nay càng có thể thực hiện được nhờ các kỹ thuật mới.

Bản chất mối tương quan mới này bắt nguồn từ chính vai trò đặc trưng vốn được trao cho Đài Truyền Thanh Vatican, tức trở thành yếu tố chủ yếu trong các phương tiện phúc âm hóa mà Tòa Thánh hiện có, như lời Đức Bênêđíctô XVI từng giải thích ngày 20 tháng 6 năm 2008 trong Diễn Văn với Hội Nghị Quốc Tế Các Nhân Viên Truyền Thanh Công Giáo: “Vì mối liên kết của nó với ngôn từ, truyền thanh tham dự vào sứ mệnh và tính hữu hình của Giáo Hội. Nhưng nó cũng tạo ra một phương cách mới trong lối sống, trong lối làm và trong lối tạo nên Giáo Hội”.

Vì Giáo Hội tự bản chất là phổ quát, nên Đài Truyền Thanh Vatican cũng có một sứ mệnh phổ quát. Nó truyền thanh bằng hơn 40 ngôn ngữ và tự coi mình như phương tiện tuyệt hảo để đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chính vì lý do này, Đức Ông Wells cho rằng: các nhân viên của Đài cần luôn tự giúp mình cập nhật hóa không ngừng về mọi phương diện: kỹ thuật, chuyên nghiệp, văn hóa.

Vì mục tiêu này, ta cần có những phương tiện truyền thông mới, bởi vì thành công của việc vươn tới thính giả hoàn cầu tùy thuộc các phương tiện này: hãy tưởng tượng tới khả năng gửi một mẩu tin trực tiếp tới điện thoại di động của hàng triệu người hay khả năng gửi các tin nhắn đúng lúc cho những người sống trong các vùng có chiến tranh hay dưới các chế độ hà khắc.

Phúc âm hóa có nghĩa là đề cập tới những khó khăn mà Giáo Hội đang phải chịu đựng. Đài Truyền Thanh Vatican phải là tiếng nói của Giáo Hội để thách thức bất cứ ai cho rằng Giáo Hội không có khả năng canh tân nội bộ, để chứng tỏ cho họ thấy ước vọng không mệt mỏi của Giáo Hội muốn thanh tẩy chính mình như lời phát biểu của Vị Mục Tử Tối Cao. Đài Truyền Thanh Vatican phải là tiếng nói phát huy tự do tôn giáo trên thế giới. Nó phải là tiếng nói kêu gọi đối thoại và hoà hợp trong một thế giới đang mỗi ngày mỗi hướng về hận thù và bạo lực để giải quyết các tranh chấp.

Ai cũng biết rằng các phương tiện truyền thông mới là điều tuyệt đối chủ yếu, nếu Đài Truyền Thanh Vatican muốn thành công trở thành tiếng nói đó. Ngày nay, các bài viết của các thông tấn cũng như báo chí và cả trực thoại (talk shows) nữa đã nhường chỗ cho các “blogs”, e-mail, nhắn tin trên điện thoại… Ngay cả trước khi tới tay các phương tiện truyền thông cổ truyền, một mẩu tin đã bị chỉnh sửa, thay đổi, và một then máy mới đã lên khuôn và ảnh hưởng tới công luận trước rồi để hoặc làm cho mẩu tin ấy trở nên quan trọng hơn hai là giết luôn mẩu tin ấy, làm nó biến mất.

Ngày nay, lên tiếng trên đài, công bố, viết lách không còn đủ nữa. Người ta cần hiện diện ở chính thị trường, cập nhật hóa các trang mạng mới hòng vươn tới một thế giới lúc nào cũng thèm khát tin tức. Nói cách khác, không có được những phương tiện kỹ thuật mới để sử dụng hay không biết gì về những phương tiện hiện đại nhất hiện nay sẽ khiến sứ điệp của ta luôn đến sau cùng, luôn đến không đúng lúc, hay trở thành vô dụng. Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 45 nói trên, Đức Thánh Cha từng nhắc nhở ta nhớ: “các phương tiện truyền thông mới đã đóng góp ra sao vào việc khai triển ra các chân trời trí thức và tâm linh mới và phức tạp hơn, và các hình thức mới của ý thức chung”. Bởi thế, điều chủ yếu là Đài Truyền Thanh Vatican phải tiếp tục thích ứng đối với các phương tiện mới này nếu nó muốn trở thành bộ máy của các hình thức ý thức mới đó: tức nền văn hóa mới. Nên nhớ: việc khai triển ra nền văn hóa mới đặt căn bản trên tương quan tính ấy vốn là đặc trưng của Giáo Hội. Giáo Hội vốn không phải là mạng lưới xã hội đầu tiên có tính hoàn cầu đó sao? Thực vậy, trước khi các phương tiện truyền thông mới ra đời, ngôn ngữ phụng vụ, các giá trị và cách suy nghĩ của Giáo Hội về con người nhân bản vốn đã nối kết người Công Giáo khắp nơi trên thế giới lại với nhau, bất chấp nền văn hóa, ngôn ngữ, tuổi tác, sắc tộc và điều kiện kinh tế của họ. Việc hoàn cầu hóa các phương tiện truyền thông không làm ta sợ hãi, vì ta vốn là tác giả đầu tiên của sự kiện ấy.

Trong phần kết luận, Đức Ông Wells nhắc lại lời đài này quen dùng để mở đầu và kết thúc mọi bản tin của mình, như một biểu thức hy vọng, như một lực đẩy và là cốt lõi sứ mệnh của Đài, một lời chẳng kém ca khúc bất hủ “Christus vincit” (Chúa Kitô chiến thắng) đó là “Laudetur Iesus Christus” (Chúa Giêsu Kitô phải được chúc tụng).

Trích L'Osservatore Romano -- Feb. 16 tháng 2 năm 2011

Ghi chú

(1) Biểu Tình Chống Xỉ Nhục (Manifestation de la Honte) là những cuộc biểu tình của các hiệp hội, đảng phái cánh tả và các tổ chức Kitô Giáo cả ở Pháp lẫn ở Bỉ từ cuối năm ngoài cho tới đầu năm nay, nhằm chống lại các dự luật về di trú và quốc tịch, có tính phản động bất lợi cho người di dân, tị nạn Âu Châu, những dự luật họ coi là sự xỉ nhục của các xã hội văn minh.

(2) Cách mạng tại Tunisia được báo chí gọi là Cách Mạng Hoa Nhài (Jasmine Revolution), theo sáng kiến của ký giả Zied El Hani, một công dân Tunisia. Dù không được nhiều người Tunisia đồng ý, nhưng tên này không hẳn là tình cờ. Hoa nhài, mầu trắng, rất thơm, vốn là biểu tượng của Tunisia, tượng trưng cho sự trong trắng, niềm dịu ngọt vui sống và đức khoan dung. Nó vốn được dùng một cách rộng rãi để cổ vũ du khách tới thăm xứ sở.

Cả hai biến cố trên đều được cổ vũ bằng các phương tiện truyền thông mới.
 
Giáo hội Lào đối mặt đói kém
Trầm Thiên Thu
21:17 23/02/2011
Theo Tổ chức Nhân quyền tại London, khoảng 65 người Kitô hữu Lào đang phải đối mặt với việc thiếu ăn sau khi bị đuổi ra khỏi nhà vì không chịu bỏ đạo.

Theo Tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới (CSW - Christian Solidarity Worldwide), chính quyền địa phương đang ngăn chặn cung cấp lương thực cho 18 gia đình sống tạm tại trại tập trung, một số người ở đó từ tháng 1/2010.

Có 11 gia đình bị chĩa súng và phải ra khỏi làng Katin, quận Ta-Oyl, tỉnh Saravan khi họ đang dự thánh lễ từ 13 tháng trước. Và 7 gia đình khác bị đuổi khỏi làng hồi tháng 12/2010.

Theo tường trình của tổ chức CSW, các cán bộ làng không cho phép các Kitô hữu trở lại làng để canh tác ruộng nương và phá hủy vụ mùa của họ. Các cán bộ làng nói với dân các làng lân cận không được cung cấp lương thực hoặc giúp đỡ những người bị trục xuất khỏi làng.

Tổ chức CSW nói rằng, hồi tháng 3/2010, quận trưởng Ta-Oyl là Bounma đã gặp tổ chức CSW và đề nghị thúc giục các Kitô hữu bỏ đạo. Tổ chức này từ chối vì hiến pháp Lào có khoản bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Tổ chức CSW đã yêu cầu chính phủ Lào tôn trọng hiến pháp bảo vệ người dân bằng cách cho phép dân làng Katin về nhà.

(Chuyển ngữ từ UCANews)
 
Top Stories
Corées: Pour la première fois, des chrétiens des deux Corées célèbreront simultanément l’anniversaire du soulèvement du 1er mars contre l’occupation japonaise
Eglises d'Asie
09:47 23/02/2011
Eglises d'Asie, 23 février 2011 - Le Conseil national des Eglises (protestantes) de Corée du Sud (NCCK) a annoncé, lors d’une conférence de presse lundi 21 février, qu’il préparait la célébration conjointe de l’Independence Movement Day avec la Fédération chrétienne (protestante) de Corée du Nord (1). Bien que la Fédération chrétienne soit un organisme placé sous la dépendance du régime totalitaire de Pyongyang, cette commémoration qui aura lieu simultanément des deux côtés de la frontière représente une première dans les relations intercoréennes.

Pour la première fois depuis la scission des deux Corées, des célébrations simultanées auront lieu à Pyongyang et à Séoul, à l’occasion du Samil-jeol, anniversaire de la rébellion historique des Coréens contre l’occupant japonais le 1er mars 1919 (2). Ce soulèvement, manqué et brutalement réprimé dans le sang par les Japonais, se révélera un tournant décisif dans la lutte des Coréens pour leur indépendance, laquelle sera finalement acquise à l’issue de la Seconde guerre mondiale, en 1945.

En Corée du Sud, le 1er mars est célébré chaque année en grande pompe, en présence du président de la république qui prononce alors un discours officiel et assiste à une cérémonie au cours de laquelle est lue en public la déclaration d’indépendance des insurgés de 1919.

Ce « devoir de mémoire » d’un passé récent vécu en commun semble d’autant plus fédérateur pour les deux Corées, qui, après la guerre de 1950-1953, n’ont jamais signé de traité de paix, qu’il permet de raviver un fort sentiment d’identité nationale coréenne face au souvenir des atrocités de l’occupation japonaise encore très présente dans les esprits.
Le Rév. Kim Young-joo, secrétaire exécutif du NCCK, a confirmé que la [North’s] Korean Christian Federation avait donné son accord pour que toutes les églises des deux Corées organisent des célébrations de chaque côté de la frontière, au même moment, dans une démarche de communion inédite. En Corée du Nord, il n’y a officiellement que quatre lieux de culte chrétiens, tous édifiés à Pyongyang et strictement sous contrôle de l’Etat: une église catholique (qui fonctionne sans prêtre), deux temples protestants et une église orthodoxe édifiée récemment.
La date de ces commémorations simultanées a été fixée au dimanche précédant l’anniversaire du Soulèvement du 1er mars, soit le 27 février prochain. Il est également prévu que, durant les cérémonies, les Eglises feront une déclaration conjointe, condamnant la renaissance du nationalisme militaire japonais.

Le NCCK, fondé en 1924 sous l’occupation japonaise, a une longue tradition de lutte antimilitariste. Rassemblant huit Eglises protestantes et considéré comme promouvant une théologie libérale, le Conseil national des Eglises de Corée du Sud est particulièrement investi dans la défense des droits de l’homme et n’hésite pas à intervenir régulièrement sur la scène politique. « Le renouveau du militarisme au Japon est perceptible à travers les demandes d’amendements de l’article 9 de la Constitution du pays qui interdit tout acte belliqueux, le renforcement des Forces japonaises d’autodéfense (3), le culte rendu aux héros de guerre dans le sanctuaire de Yasukuni et les manuels scolaires travestissant la réalité historique (4) », déclarent ainsi les représentants du NCCK dans leur communiqué de presse du 21 février.

Le NCCK conclut sa déclaration en demandant au gouvernement japonais de reconnaître les crimes de guerre du passé, de maintenir la Constitution présente du Japon, de corriger les manuels d’histoire et de faire cesser la vénération officielle des héros de guerre à Yasukuni. La question, à forte charge symbolique et polémique du sanctuaire shinto de Yasukuni, est régulièrement évoquée par la Corée du Sud qui reproche à Tokyo de tolérer ce qu’elle considère comme une survivance inquiétante du nationalisme militaire japonais (5).

En outre, rappelle le Conseil des Eglises protestantes, le Japon se doit de verser des indemnités aux milliers de Coréens victimes des travaux forcés sous l’occupation japonaise (un terme qui regroupe le travail forcé, l’enrôlement d’office dans l’armée ou encore la prostitution des « femmes de réconfort » pour les soldats japonais) et doit cesser sa politique discriminatoire envers les Coréens vivant au Japon (soit quelque 625 000 Zainichi).

(1) Ucanews, 22 février 2011.
(2) A partir de Séoul et de Pyongyang où elle a éclaté le 1er mars 1919, la rébellion contre l’occupant, menée par des groupes d’étudiants et de religieux parmi lesquels se trouvent un grand nombre de chrétiens, gagne progressivement tout le pays, avant d’être violemment réprimée dans le sang par les forces japonaises. Selon les données disponibles, plus de 7 500 Coréens ont été tués au cours des trois premiers mois du Soulèvement du 1er mars et plus de 46 000 ont été faits prisonniers (dont une grande partie ont été torturés et exécutés).
(3) Les Forces japonaises d’autodéfense constituent de fait l’armée japonaise depuis sa défaite en 1945. L’article 9 de la Constitution d’après-guerre interdit au Japon d’avoir des comportements offensifs, mais lui permet d’avoir des troupes pour la défense du pays.
(4) Le 15 décembre 2006, la Diète japonaise a voté une réforme de la loi-cadre sur l’éducation – laquelle n’avait encore jamais été modifiée depuis sa promulgation en 1947 – rendant obligatoire l’enseignement de « l’amour pour la nation et le pays natal ». Mgr Takami, archevêque de Nagasaki, avait réagi immédiatement en prédisant qu’une telle réforme « transgressant la règle de non-intervention de l’Etat dans les affaires de l’éducation (…) en annonçait une autre, celle de la Constitution ».
(5) Yasukuni, haut-lieu du nationalisme nippon, est un sanctuaire shinto situé à Tokyo. Consacré à la mémoire des soldats morts au combat – y compris 14 criminels de guerre de la Seconde guerre mondiale –, il est fortement associé à l’idéologie militariste du Japon impérialiste. Sur la polémique créée par les visites à Yasukuni de personnages d’Etat et sur la position de l’Eglise catholique du Japon à ce sujet, voir EDA 336, 345, 389, 423, 428, 451, 452, 455, 465

(Source: Eglises d'Asie, 23 février 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Có một ngôi nhà thờ rất nghèo... Đang chờ chúng ta?
Khanh Nguyen Van
01:19 23/02/2011
6g sáng ngày thứ bảy 19/02/2011 các thành viên của nhóm TTMT từ các Gx. Chợ Đũi, Cầu Kho, Fatima, Bàn Cờ, Vườn Chuối, Tân Định, An Nhơn, Phú Hạnh, Gò Vấp, Bình Hòa, Thủ Thiêm, Mông Triệu, Ngả Sáu, Thạch Đà… có mặt đông đủ tại điểm hẹn số 1 Tôn Thất Tùng để lên đường đến ngôi Nhà Thờ rất nghèo đó. ..???.

Đúng 6g30 Đoàn khởi hành đi Long An theo QL.62 đi Mộc Hóa đến cây số 17 xe dừng lại mọi người xuống một chiếc phà nhỏ đi vào Nhà Thờ nghèo đó là Nhà Thờ Tân Đông (Cha Sở rất chu đáo! thay vì đi ghe vào nhưng sợ mọi người dân Saigon sợ nước nên Ngài cho một chiếc phà nhỏ rước đoàn vào, tuy phà chạy chậm nhưng rất an toàn. Mọi người thở một cái phào và an tâm…)

Đường vào Nhà Thờ nghèo có rất nhiều cầu khỉ, nếu đi đường bộ thì phải qua mấy chiếc cầu này… Đi một đoạn thì Tài công phải dừng chạy mà tháo gỡ rác và lục bình trôi dạt vào chân vịt máy chạy phà… Đi hơn 45 phút mà chỉ có 3km đường sông.

Đoàn đã đến Nhà Thờ rất nghèo mà Cha GB. Nguyễn Sang mô tả. Từ xa thấy một ngôi nhà thờ nhỏ thấp mái lợp bằng tôle cũ kỷ xuống cấp. Cha Sở ra tận bờ sông đón Đoàn, dáng Cha cao gầy khắc khổ… Chị NN trong Đoàn xướng lên mọi người cùng hát. .."chúng con chào mừng mới gặp Cha... mà chúng thấy mến thấy thương… các Cha ở nhà quê thấy thương quá!" một người trong Đoàn đã thốt lên như thế.! Cha con gặp nhau bắt tay mừng rỡ vì chúng con ở Tp. xung quanh chúng con Nhà Chúa nào cũng đẹp cũng khang trang lộng lẫy thế mà nơi đây có ngôi Nhà Chúa như thế này đây? Thương Cha, thương giáo dân nghèo thờ phượng Chúa trong ngôi nhà thờ này... còn Cha thì mừng vì nơi xa xôi nghèo nàn này có Đoàn 42 người từ TP đến viếng thăm & chia sẻ…

Bước vào khuôn viên nhà thờ gặp ngay tượng Đức Mẹ trước nhà thờ cũng củ kỹ theo thời gian… mọi người nhìn thấy đều xúc động. Nhưng mình tin Mẹ sẽ làm những điều diệu kỳ để nơi đây có ngôi nhà thờ mới xứng đáng để thờ phương CON của Mẹ.

Cha đưa Đoàn vào Nhà thờ chào Chúa, xong phát biểu đôi lời tâm sự về ngôi nhà thờ đã có gần 100 năm, từ ngôi nhà thờ bằng lá, rồi bằng tole, trong thời kỳ chiến tranh đã 3 lần bị cháy, nhưng giáo dân nghèo nơi đây kiên trì sửa chữa để còn tồn tại ngôi nhà thờ đến hôm nay mặc dù xuống cấp nặng nề nhưng vẫn còn dấu vết của một ngôi nhà thờ… để rồi hôm nay nơi đây mới có kế hoạch xây dựng một ngôi nhà thờ mới được... Sau đó Đoàn đi tham quan khắp nơi trong hàng rào khuôn viên Nhà thờ, đất nhà thờ rộng lắm., ở vị trí sông nước này một ngôi nhà thờ mới hiện hữu... sẽ kéo theo một sức sống dồi dào của bà con giáo dân nghèo, mình tin chắc như thế????

Sau khi trao tiền của Quý ân nhân đóng góp xây dựng Nhà Chúa, Đoàn từ giả Cha Sở Phêrô Đặng văn Đâu với lời chúc Cha sức khỏe để hoàn thành công trình xây dựng Nhà Chúa. Đoàn xuống phà trở ra QL.62 lên xe đi Tân Hiệp tham quan Nhà thờ Gx. Tân Hiệp của Cha GB. Nguyễn Sang sẽ khánh thành vào ngày 06/3/2011...

Từ xa đã thấy nóc ngôi nhà thờ mới, thật đẹp, đến gần ngôi nhà thờ mặc dù ko lộng lẫy cầu kỳ, nhưng rất sang, hài hòa với màu sắc cùng lối kiến trúc vì nơi đây khuôn viên nhà thờ rất hẹp thế mà Cha Sang đã tận dụng xây dựng đầy đủ: Nhà Xứ, Phòng Hiệp Thông (Phòng Hài cốt), Phòng Khách, Phòng Họp, Phòng học giáo lý, Phòng ăn, Nhà bếp… Bước vào trong Nhà thờ lại càng đẹp và sang trọng hơn với lối kiến trúc phương Tây nhẹ nhàng, mát mẻ… Với bao lời chúc mừng của mọi người với Cha Sang đã hoàn thành ngôi nhà thờ chỉ trong vòng có 1 năm, Chúa cho Cha giọng hát cùng với tư duy nhạy bén giúp Cha có tiền để xây dựng Nhà thờ nhưng cũng không khỏi khổ cực bôn ba trong nước cũng như ngoài nước để bán CD vừa lo cho người nghèo và xây dựng Nhà Chúa… Được biết sau khi khánh thành Cha được chuyển về Nhà Thờ Ba Giồng để lo xây dựng Trung Tâm Hành Hương các Thánh Tử Đạo Gp. Mỹ Tho. Đoàn dùng cơm đạm bạc với Cha xong từ giả trở về Saigon.
 
Lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, Quy Nhơn
Giáo xứ Tuy Hòa
09:50 23/02/2011
LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ PHÚ MỸ (22.02.2011)

Trong cái nắng dịu của những ngày đầu Xuân cùng với những cánh chim tung tăng trên khoảng trời xanh theo về trong làn gió mát dịu, trên con đường quê đất đỏ từng đoàn giáo dân đổ về ngôi nhà thờ nhỏ bé đã xanh rêu qua bao nhọc nhằn năm tháng, nhà thờ Phú Mỹ, nơi quy tụ của một cộng đoàn giáo dân mà nghe đâu đã hình thành từ năm 1941.

Trước đây, Phú Mỹ là một họ đạo trù phú bên bờ Bắc Sông Vệ, trực thuộc giáo xứ Châu Me. Tuy nhiên, sau bao tháng năm thăng trầm, các xứ đạo thuộc hạt Quảng Ngãi bị tàn phá nặng nề, nhiều giáo xứ bị xoá tên từ sau biến cố 1975: Cù Và, Tân Lộc, Phú Vang, Trà Câu, Trung Tín. Có những giáo xứ còn tên nhưng nhà thờ chính lại mất dấu: Kỳ Tân, Châu Me. Phú Mỹ hiện nay nằm trong địa bàn hành chánh huyện Tư Nghĩa, được chọn làm nhà thờ chính của giáo xứ Kỳ Tân, một giáo xứ kỳ cựu của giáo hạt Quảng Ngãi, giáo phận Qui Nhơn, toạ lạc vùng duyên hải Quảng Ngãi ở hạ nguồn Sông Vệ, đã bị chiến tranh tàn phá gần như 100%.

Tại vị trí nhà thờ Kỳ Tân hiện nay chỉ còn một hộ gia đình Công Giáo. Thì ra hôm nay, sắp sửa diễn ra một biến cố mục vụ quan trọng nơi vùng đất chân quên hiền hoà nầy, một cử hành Phụng vụ đặc biệt ghi dấu ấn một cuộc khởi đầu trong hy vọng: LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ PHÚ MỸ. Trong nét mặt tươi vui cùng với nụ cười và ánh mắt rạng rỡ, cha chánh xứ Ký Tân Grêgôriô Lê Văn Hiếu, tay bắt mặt mừng từng linh mục, nữ tu, chủng sinh và mọi anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ về tham dự.

Im lặng trong cái vẻ cổ kính, khiêm nhu, ngôi nhà thờ cũ từng mang tên "nhà thờ không ghế" như cũng đang rộn rã trong lớp áo rêu phong của tuối già đang chờ đợi ngày khai sinh một ngôi nhà thờ mới để kế tục di sản đức tin của bao thế hệ cha ông. Gần 9 giờ. Tiếng chuông báo hiệu vị Chủ chăn của giáo phận sắp đến. Mọi thành phần Dân Chúa trong hàng lối nghiêm chỉnh với thánh giá lọng vàng cùng với linh mục chánh xứ long trọng với áo các phép, dây stola đã sẵn sàng để chào đón Đức Cha trong nghi thức đón tiếp long trọng vị Chủ Chăn giáo phận về kinh lý mục vụ. "Đấng Nhân Danh Chúa mà đến" hôm nay là Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục phó giáo phận Qui Nhơn, người vừa mới được phong chức hơn một năm trước (4.2.2010).

Quả thật, đúng như lời của một vị Giáo Phụ: "Ở đâu có Giám Mục ở đó có Giáo Hội". Sự xuất hiện của Đức Cha đã khiến cả cộng đoàn như sinh động và hân hoan hẳn lên. Những lời hoan hô, những tràng pháo tay, những dấu thánh giá làm vội để nhận lãnh phép lành, cùng với những nụ cười và ánh mắt thân thương cảm động dâng về vị Cha chung giáo phận mà trong đó chắc chắn đã gói trọn bao nhiêu tin yêu và hy vọng, bao nhiêu hiệp thông và bác ái...Và cử hành Phụng vụ đã bắt đầu trong bầu khí trang nghiêm dưới bầu trời nắng dịu râm mát.

Phụng vụ hôm nay vối lễ kính LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Trong bài huấn dụ Lời Chúa, Đức Cha chủ tế đã nối kết trọng tâm Phụng Vụ của ngày lễ nầy với nghi thức ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ PHÚ MỸ. Phải chăng, việc lập Tông Toà ngày xưa và việc xây dựng nhà thờ mới hôm nay có mối tương mật thiết đó chính là "dòng chảy Tông Truyền" mà điểm xuất phát và nền tảng chính là Đức Kitô, Đấng đã chọn thánh Phêrô vì thủ trưởng Tông Đồ và đã cắt đặt "người dân chài xứ Galilê nầy" là hòn đá tảng để xây dựng toà nhà Hội Thánh; và trên chính nền tảng thiêng đó, các nhà thờ thiêng liêng và hữu hình khác được thiết dựng. Việc đặt viên đá xây dựng nhà thờ Phú Mỹ hôm nay là một cuộc xây dựng mới một đền thờ hữu hình để rồi sẽ quy tụ cộng đoàn làm nên một Hội Thánh thu nhỏ với những viên đá thiêng liêng là tâm hồn các anh chị em giáo hữu nơi đây để hằng ngày tiến dâng lên Thiên Chúa Hy Lễ Tạ Ơn và muôn ca kinh chúc tụng.

Ước mong của vị Chủ chăn giáo phận và cũng là ước mong muôn đời của Hội Thánh mà trích đoạn thư thánh Phaolô trong bài đọc 2 của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nhắn gởi: "Hãy trở nên viên đã sống động xây lên ngôi đền thờ Thiên Chúa". Và như thế, việc xây dựng ngôi thánh đường vật chất lại chính là một tiến trình xây dựng đời sống đức tin, xây dựng cộng đoàn. Phải chăng đó chính là dụng ý của thần học khi sử dụng từ "ECCLESIA" viết hoa để chỉ Giáo Hội và "ecclesia" viết thường để chỉ nhà thờ. Xin chúc Phú Mỹ sẽ lại có một Mùa Xuân đẹp, vui và thánh thiện như hôm nay để mãi mãi cộng đoàn nầy sẽ "PHÚ" về đời sống đức tin và "MỸ" về nếp sống iệp thông, yêu thương và văn hoá.
 
Buổi Tọa Đàm về đồng tính và những vấn đề trăn trở
Tạ Ân Phúc
10:03 23/02/2011
Buổi Tọa Đàm về đồng tính và những vấn đề trăn trở

Đồng tính, một đề tài nóng bỏng trong xã hội hiện nay, không những chỉ tại Việt Nam mà đã lan rộng từ lâu trên toàn thế giới với những dư luận trái chiều và chưa có hồi kết. Tại Việt Nam, vào giữa tháng 12 năm 2010, một cặp đồng tính nữ tổ chức đám cưới ở Hà Nội đã làm cộng đồng mạng xôn xao với những ý kiến khác nhau về luân lý, tôn giáo, thuần phong mỹ tục, về quyền tự quyết… gây không ít trăn trở cho những người quan tâm. Báo chí cũng đã nói nhiều về vấn đề này từ thống kê, phân tích, tâm sự, giải đáp thắc mắc, tư vấn tâm lý đến bênh vực và trêu chọc. Gần đây, nhất là qua dịp Tết, màn ảnh phim Việt rộ lên những bộ phim giải trí mà báo Thanh Niên phải dùng từ lạm dụng “đồng tính” khi nhà làm phim cố xen vào những tình tiết chủ yếu gây cười để câu khách chứ không thật sự tôn trọng họ, điều này gây bức xúc không ít trong giới đồng tính.

Xem hình buổi tọa đàm

Về phía Giáo Hội, ngay hôm 23/11/2010, trong buổi họp báo giới thiệu quyển sách “Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các dấu chỉ thời đại” tại Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh Vaitan, câu trả lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về vấn đề đồng tính trong quyển sách đã được trích lại: “Những người đồng tính luyến ái với những vấn đề và công việc của họ, trong tư cách là người, họ đáng được tôn trọng, dù họ có xu hướng đồng tính luyến ái, và không được kỳ thị họ vì xu hướng ấy. Nhưng đồng thời tính dục có một ý nghĩa và hướng đi nội tại, không phải là đồng tính luyến ái. Ý nghĩa và hướng đi của tính dục là để tạo nên sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và qua cách thức đó, giúp nhân loại duy trì dòng dõi và có tương lai. Giáo hội cần phải giữ vững điều đó, cho dù đây là điều không làm hài lòng nhiều người thời nay”.

Cùng với sự phát triển của truyền thông, của khoa học hiện đại, ngày nay người ta vẫn còn tranh luận xem xu hướng đồng tính luyến ái là bẩm sinh hay chỉ xuất hiện sớm trong cuộc sống. Trước vấn đề nóng bỏng của thời đại, để “Lắng nghe, Chia sẻ và Đồng cảm”, để giúp người đồng tính biết phân biệt những gì thuộc tình trạng và những gì tùy vào ý chí của họ, nhằm giúp họ tìm được ý nghĩa cuộc sống, sáng Thứ Bảy ngày 19/02/2011, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi Tọa Đàm với tựa đề: “ĐỒNG TÍNH - TÌNH YÊU, HÔN NHÂN VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ”. Đến chia sẻ tại buổi tọa đàm có 3 diễn giả với những cách nhìn vấn đề trên các phương diện của y học, xã hội học, tâm lý học và theo quan điểm của Giáo Hội: “Đồng tính ái dưới góc độ của y học và xã hội học” được trình bày bởi Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Thạc sĩ Khoa học Xã hội Sức khỏe, Bộ môn Khoa học Hành vi & Giáo dục Sức khỏe, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt (Hoa Kỳ) trình bày về “Đồng tính dưới cái nhìn của tâm lý học” Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Tổng Gp. Sài Gòn trình bày đề tài “Thế giới đồng tính nhìn từ chiều kích tâm linh”.

Ngay từ 7 giờ sáng các thành viên Ban Tổ Chức đã sớm có mặt để chuẩn bị cho công tác tiếp tân dù chương trình đến 8g15 mới bắt đầu. Hội trường lớn của Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn chật kín người khi cha FX. Nguyễn Minh Thiệu, SDB hướng dẫn cử tọa múa cử điệu bài “Nối Vòng Tay Lớn” để tạo sự sinh động mà ấm cúng cho buổi tọa đàm. Sau những giây phút đầu ngập ngừng, các ni sư, thượng tọa cũng hòa vào nhịp chung của toàn thể hội trường để tạo bầu khí huynh đệ trước khi bước vào những chia sẻ, thảo luận.

Qua lời giới thiệu của 2 MC Minh Khoa và Đông Quân, ngoài 3 diễn giả chính, buổi Tọa Đàm còn đón tiếp nhiều vị khách quý từ các tôn giáo bạn như Mục sư Phạm Đình Nhẫn và phu nhân; Sư cô Tiến sĩ Hương Nhủ, Giáo viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn; Đại Đức Thích Hoàng Dự. Phía Công Giáo có sự hiện diện của cha Đa Minh Trần Công Hiển, Chuyên viên tư vấn Tình Yêu, Hôn Nhân, Gia Đình Giáo phận Xuân Lộc; Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình; Cha Nhạc Sĩ Xuân Thảo, Dòng Phanxicô; Nữ tu Têrêsa Phạm Thị Oanh, Phó Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đaminh Tam Hiệp, Sr. Quỳnh Giao, Dòng Phan Sinh, Sr. Mai Thành, Dòng Đức Bà; Giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Ánh, Hiệu Trưởng Trường Quốc Tế.

Ngoài ra, đến dự buổi tọa đàm còn có gần 600 tham dự viên thuộc giới tri thức, giáo dục, linh mục, nam nữ tu sĩ, các tu sĩ tôn giáo bạn: Phật Giáo, Tin Lành, anh chị em đồng tính, và những người quan tâm.

Sau khi thánh hóa khai mạc, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Chuyên viên tư vấn Tình Yêu, Hôn Nhân, Gia Đình TGP. Sài Gòn, người phụ trách Chương Trình Chuyên Đề đã lên tuyên bố lý do của buổi Tọa Đàm. Soeur đã phân tích súc tích, sâu xa về thực trạng đồng tính của xã hột Việt Nam và trăn trở của những người làm công tác tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình khi tiếp xúc tư vấn cho người đồng tính. Soeur cho hay: “Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà chuyên môn đã đi đến kết luận: có ít nhất 5% nhân loại có khuynh hướng tính dục không giống với 95% đa số còn lại. Và 5% nhân loại đó không phải ai xa lạ, mà có thể chính là những người xung quanh, đồng nghiệp, bạn bè, anh chị em, con cháu của chúng ta”. Soeur cho biết thêm ở Việt Nam thì đồng tính vẫn còn là một vấn đề gây nhiều ngộ nhận và kỳ thị. Chưa từng có một cuộc nghiên cứu tầm cỡ hay thống kê trên cả nước hoặc một vùng nào đó về số lượng hay tỉ lệ người đồng tính trong dân chúng. Nếu áp dụng tỉ lệ 3-5% người trưởng thành (từ 15-49 tuổi) là người đồng tính mà các nhà khoa học và xã hội hay dùng là thì người đồng tính ở Việt Nam chiếm một con số không nhỏ. Soeur cho biết mục đích của buổi tọa đàm là nhằm tạo ra kênh thông tin “cung cấp kiến thức chuyên môn từ ba góc nhìn: sinh học - xã hội học, tâm lý học và quan điểm của Giáo hội về khái niệm đồng tính và người đồng tính, cũng như lắng nghe tiếng nói của những người có liên quan, trong tinh thần tôn trọng, chia sẻ và lắng nghe”.

Màn múa “Trăn Trở” tiếp theo với vũ đạo đẹp đã làm cả hội trường lắng đọng khi vũ đoàn Number One khắc họa những động tác thể hiện tâm trạng khắc khoải, băn khoăn, ưu tư của người đồng tính.

Đề tài “Đồng tính ái dưới góc độ của y học và xã hội học” được Bác sĩ Trương Trọng Hoàng trình bày bằng cách đưa ra khái niệm về đồng tính ái (ĐTA). Theo đó, từ “pê-đê” trong dân gian thường gọi để chỉ những người Nam thích ăn mặc như phụ nữ chỉ là một trường hợp của ĐTA mà thôi. Thật sự, ĐTA là (tiếng Anh là homosexuality và tiếng Pháp là homosexualité) là tình trạng một người có ham muốn gần gũi và quan hệ tình dục (QHTD) với người cùng giới tính. Người ĐTA nam tiếng Anh và tiếng Pháp cùng gọi là “gay”. Người ĐTA nữ tiếng Anh gọi là “lesbian”, tiếng Pháp gọi là “lesbienne”. Ngoài ra, còn có những dạng ĐTA như: người thích mặc trang phục của người khác phái, người chuyển giới tính, người lưỡng tính ái.

Dưới góc độ y học, người ĐTA là người có cơ quan sinh dục bình thường và có thể quan hệ với người khác phái để sinh con bình thường. Nếu người ĐTA không bộc lộ thì bản thân y học hiện tại không có cách nào để nhận biết ai đó là ĐTA hay không. Từ năm 1990 trong Phân loại bệnh quốc tế phiên bản 10 (ICD-10), Tổ chức Y tế Thế giới đã không xem đồng tính ái là một bệnh nữa mà chỉ coi đây là một khuynh hướng tình dục (sexual orientation).

Lý do nào dẫn đến ĐTA, hiện tại vẫn còn nhiều bàn cãi, chỉ có một số trường hợp do di truyền hoặc do nhóm tế bào thần kinh INAH3 ở vùng dưới đồi (Hypothalamus), tuy nhiên ở nhiều trường hợp khác lại không thấy điều này. Cũng có những người không thật sự ĐTA mà chỉ QHTD đồng giới do sống trong môi trường lâu ngày chỉ toàn là người cùng phái như trường nam, trường nữ, quân đội, nhà tù; hay những người QHTD cùng giới vì tò mò muốn thử, vì chạy theo mốt (mode); những người mại dâm nam phục vụ nhu cầu QHTD của những người ĐTA v.v...

Về vấn đề “điều trị”, qua kết quả của nhiều nghiên cứu, cho đến nay y học vẫn không tìm thấy cách nào thay đổi được tình trạng ĐTA mặc dù trên thế giới hiện nay có phong trào cố gắng làm điều này (SOCE: Sexual orientation change efforts).

Ở góc độ xã hội học thật ra có 2 khái niệm: giới tính (sex) và giới (gender). Trong khi giới tính chịu sự chi phối bởi yếu tố sinh học thì giới, tức những vai trò xã hội của người thuộc một giới tính nào đó lại gắn liền với những chuẩn mực xã hội (social norms). Thật sự, hiện tượng đồng tính ái vừa có khía cạnh về giới tính, vừa có khía cạnh về giới vì nó không chỉ liên quan đến cảm xúc mà còn liên quan đến hành vi, mà hành vi thì bị chi phối rất lớn bởi các chuẩn mực xã hội. Xét trên góc độ số đông (cho đến hiện tại), hành vi quan hệ tình cảm và tình dục cùng giới được xã hội học cho là lệch chuẩn (deviant). Vì thế quá trình hình thành hành vi của những người ĐTA và sự công khai hóa tình trạng ĐTA phụ thuộc rất lớn vào xã hội họ đang sống và tiến trình này được gọi là “sự bước ra” (coming out).

Xét về góc độ công khai tình trạng ĐTA, có thể chia thành 2 dạng ĐTA: dạng mở là công khai tình trạng ĐTA của mình, còn dạng kín là những người không dám công khai tình trạng ĐTA của mình. Trên thế giới nhiều nước đã chấp nhận đây là một khuynh hướng của thiểu số hơn là lệch chuẩn hoặc bất bình thường. Có thể nói ĐTA là một hiện tượng mà bản chất của nó vẫn còn nhiều điều chưa được rõ, nhưng dù muốn hay không, nó lại đang tồn tại. Có cái nhìn hiểu biết về nó sẽ giúp ta có một ứng xử phù hợp với bối cảnh văn hóa của từng nước hoặc thậm chí hoàn cảnh riêng của từng gia đình, từng cá nhân.

Sau 45 phút được trình bày khá chi tiết về ĐTA theo góc độ y học và xã hội học với những minh họa, những con số và những xu thế xã hội đối với người đồng tính, các tham dự viên được Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt trình bày về “Đồng tính dưới cái nhìn của tâm lý học” . Mở đầu, tiến sĩ cho hay đồng tính là một khuynh hướng, một lựa chọn và được diễn tả qua những thao thức, những tình cảm, những yêu đương và cả những chia sẻ về đời sống sinh lý giữa những người cùng giới tính. Từ năm 1990 trở đi, dù nhìn dưới góc độ thể lý hay tâm lý thì người ta không xem người đồng tính là người bệnh mà chỉ là một sự lựa chọn của con người đó. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề còn phải trăn trở và đòi hỏi nhiều nghiên cứu làm rõ.

Vấn đề đặt ra là nếu một lúc nào đó người con trai, con gái duy nhất trong gia đình bộc lộ xu hướng đồng tính thì cha mẹ sẽ giải quyết như thế nào? Hoặc giả như người vợ, người chồng bấy lâu nay bỗng dưng bộc lộ xu hướng đồng tính thì sẽ giải quyết ra sao?

Về phương diện khoa học, tâm lý, việc phân biệt người đồng tính hay không vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng đa số người đồng tính bị mắc chứng bệnh căng thẳng (stress), do họ không bộc lộ được hoàn toàn xu hướng đồng tính vì hoàn cảnh gia đình, xã hội. Họ gặp rất nhiều khó khăn, mặc cảm khi chia sẻ với gia đình, bạn bè do xã hội vẫn chưa chấp nhận. Chính vì thế họ dễ phản ứng tiêu cực, thiếu tự tin, rất nhạy cảm về giới tính nên khi tiếp xúc với họ cần tế nhị, cư xử như người bình thường vì chỉ cần một lời nói vô tình là có thể làm cho họ phản ứng.

Tâm lý học chỉ có thể giải thích chút ít về xu hướng giới tính, các nhà phân tâm học cho rằng thời gian phát triển thiếu nhi từ 18 tháng tuổi đến 4 tuổi, hình ảnh cư xử của người cha, người mẹ có thể ảnh hưởng đến hình thành giới tính của con trẻ. Đến 4 tuổi, đứa trẻ biết mình là trai hay gái và trong độ tuổi từ 4 đến 12, việc giáo dục tâm lý rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc chọn lựa phái tính. Người ta khi sinh ra, về cơ thể học dù đã xác định rõ là trai hay gái nhưng sự phát triển tâm lý đều mang hai hình ảnh trai và gái tùy thuộc vào giáo dục gia đình và môi trường sống. Bên cạnh đó, những hình ảnh xúc phạm tình dục hay tình cảm, sinh lý không được thỏa mãn trong đời sống vợ chồng cũng có ảnh hưởng làm cho người ta tìm đến tương quan tình dục khác dẫn đến xu hướng đồng tính. Tuy rằng những ảnh hưởng từ môi trường và giáo dục là ít nhưng không loại bỏ được ảnh hưởng của nó đến xu hướng này.

Khi có người thân có tác phong đồng tính thì cần tìm hiểu rõ xem đó có phải thật sự là đồng tính không, đế qua việc tư vấn tâm lý có thể điều chỉnh lại tư tưởng cho đúng. Cần tôn trọng, thương yêu họ vì họ có những sắc thái, bản tính đáng trân trọng.

Sau khi lắng nghe hai diễn giả trình bày, cử tọa được thư gỉãn bằng những điệu vũ sôi động, hấp dẫn của nhạc phẩm “Tự Hỏi”, do cha Nguyễn Minh Thiệu hướng dẫn cử điệu: nắng diễn tả bằng biểu tượng mặt trời, rừng cây dang tay trên cao, mây bay thì tay để ngang, người thì để hay tay trên ngực, nói đến muối thì lắc cổ tay, biển thì dang ngang hai tay, hoa thì để hai tay trên ngực: “Muối nếu không mặn nữa có còn là muối nữa không? Biển nếu không còn sóng có còn là biển được chăng? Hoa nếu chẳng toả hương, sẽ được gọi tên là gì? Người nếu chẳng yêu người, cõi đời còn gì vui không?”

Tâm linh là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người Công Giáo, buổi Tọa Đàm lại diễn ra tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận vì thế cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã trình bày “Thế giới đồng tính: nhìn từ chiều kích tâm linh”. Mở đầu, cha đặt ra câu hỏi: “Giáo Hội nghĩ rằng mình đang giảng dạy điều gì về tính dục hay không? Hơn thế nữa có biết đang giảng dạy điều gì về đồng tính?” . Bên cạnh đó, là một người sống đời tu, đời sống khiết tịnh, cha cũng tự vấn mình: “Tôi biết gì mà nói?”. Liền đó, ngài cho hay “quan điểm tính dục con người và vấn đề đồng tính của Giáo Hội không phải do các vị lãnh đạo Giáo Hội tự nghĩ ra nhưng là một cái nhìn xuất phát từ niềm tin mặc khải, những gì là chân lý mà người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa tỏ lộ cho mình biết về con người và những gì liên quan đến con người”.

Để trả lời câu hỏi về đồng tính nói riêng và tính dục nói chung, cha Luy đã trình bày cái nhìn về con người bằng câu hỏi: “Con người là gì?” . Theo quan điểm Công Giáo, cha khẳng định một niềm tin không lay chuyển rằng theo mạc khải Kinh Thánh, con người là một tạo vật được Thiên Chúa dựng nên: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Câu Kinh Thánh này đã nói lên “chiều kích giới tính nam nữ rất căn cơ trong hình ảnh Thiên Chúa được khắc ghi trong con người khi xuất hiện trên thế giới”.

Một câu hỏi kế tiếp được đặt ra: “Thiên Chúa là gì? Tại sao con người với giới tính lại phản chiếu Thiên Chúa cách nào đó?”. Tân Ước mặc khải rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, mà tình yêu bao giờ cũng là một tương quan giữa những ngôi vị khác biệt. Thiên Chúa muốn con người có giới tính nam nữ, để làm cơ sở sinh học cho một thực tại ái tình, là lực hút để người nam, người nữ kết hợp nên một xương, một thịt và sinh sôi nảy nở với sự chúc lành của Thiên Chúa. Ý nghĩa của tình yêu dựa trên giới tính khác biệt nam nữ là yêu thương nhau, nâng đỡ nhau và sinh con có trách nhiệm trong tình yêu thương để phản chiếu một Thiên Chúa của tình yêu, là Thiên Chúa phong nhiêu, nghĩa là Thiên Chúa sự sống, hằng sống.

Từ mặc khải của Kinh Thánh, Hội Thánh Công Giáo rút ra một cái nhìn về con người: Con người dù là nam hay nữ, dù là sắc tộc, dù là địa vị nào trong xã hội, dù là khuynh hướng tình dục như thế nào, đồng giới, khác giới hay lưỡng giới, dù là ai cũng là một người đáng được trân trọng, yêu thương vì đó là hình ảnh Thiên Chúa, là phẩm giá của con người, một phẩm giá siêu việt được chính Thiên Chúa ban.

Trong thế giới của anh chị em chúng ta, sự kỳ thị là đi ngược lại với tình yêu, người tin vào Chúa Giêsu lại không bao giờ kỳ thị. Vì tình yêu thương mà Con Thiên Chúa làm người đã chấp nhận mang cái giá phải trả là cái chết của mình, chính cái chết này nói lên hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu, vì cốt lõi của tình yêu là sự hiến dâng, là sự hy sinh, là sự quên mình, là sự tự hủy. Trong cái nhìn tính dục con người trong đời sống hôn nhân hay đời sống tính dục của loài người nói chung, cả trong đời tu, con người luôn luôn được nhìn trong viễn tượng con người là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa phong nhiêu.

Sự sống con người không chỉ dừng lại ở bình diện sinh học, mà còn ở bình diện tinh thần. Sự sống con người phải toàn diện, người ta không chỉ hạnh phúc khi người ta thoả mãn tính dục, người ta còn đòi hỏi ở những bình diện khác, mà khát vọng sâu nhất của con người ở bình diện cao hơn gọi là tâm linh, đó là khát vọng vô biên của con người.

Sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên từ đất, gọi tên Ađam và đã thổi Thần Khí của Ngài vào Ađam. Điều đó có nghĩa là con người không chỉ thuộc về đất mà còn thuộc về Trời. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người không chỉ sống bằng tình dục mà con người còn sống bằng tình yêu, vượt lên cõi vật chất thời gian, biến dịch vô thường và đó là cái vĩnh cửu.

Cha Luy đưa ra câu hỏi cuối cùng: “Làm sao để ta sống hạnh phúc trọn vẹn, hạnh phúc đích thực?” Ngài giải thích rằng nếu người ta chỉ chú tâm vào một điểm trong thế giới này, coi tình dục là cùng đích quan trọng tới mức như là cứu cánh thì mãi mãi sẽ còn những bất đồng, bất hòa và chiến tranh. Vì tính dục mà Chúa dựng nên nơi con người là một chiều kích rất căn bản để phục vụ cho việc yêu thương, nghĩa là biết ra khỏi chính mình để nhìn tới người khác. Do đó những anh chị em chúng ta, dù cảm nhận mình là nữ, là nam hay đồng tính, điều quan trọng không phải là đấu tranh cho chính mình mà cần phải đấu tranh với cái ác, với tội lỗi, với sự ích kỷ, với sự tàn bạo để biết quan tâm hơn, yêu thương hơn, bao dung hơn với con người anh em, trong đó có anh chị em đồng tính đang bị cách nào đó rất thiệt thòi trong cái nhìn của xã hội, đặc biệt ở Á Đông.

Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo vẫn không thay đổi trong cái nhìn cơ bản về con người và dạy rằng chỉ có trong hôn nhân, tính dục mới có ý nghĩa đích thực là để yêu thương nhau, nâng đỡ nhau, sinh con cái và giáo dục con cái, đó là kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa. Ngoài điều đó ra, con người đi ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa và vì thế không hợp luân lý.

Qua phần trình bày của mình, cha Luy cho rằng sự thật có thể gây thất vọng cho những người đồng tính, nhưng Giáo Hội đã có một sự đổi mới, đó là khi quay trở về nguồn với tinh thần Tin Mừng là tinh thần tình yêu thì sẽ được giải thoát, cả người trong giới và ngoài giới đồng tính đều được giải thoát, quan trọng là làm sao có được cái nhìn đó, nó phải thay đổi dần dần nội tâm để đạt được trái tim như Chúa Giêsu không phân biệt, bởi vì Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người mà không kỳ thị. Phương pháp thực hành như là một đường hướng để được giải thoát, đó là cầu nguyện, trở về với chính mình ở cõi thâm sâu nhất, nơi đó ta gặp được Thiên Chúa tình yêu. Trong một lối nói khác là thực hành thiền định, chánh niệm, quán chiếu thường xuyên để cái tâm càng ngày càng vô lượng hơn, yêu thương hơn mà không kỳ thị và trở về với sự thật mà thánh ý Thiên Chúa đã định, trong đó có vấn đề giới tính.

Sau giờ giải lao, buổi Tọa Đàm được nối tiếp bằng múa cử điệc nhạc phẩm “Tâm Điểm Yêu Thương” để diễn tả tình yêu và sự gặp gỡ nhau trong yêu thương. Sau đó, cử tọa buổi tọa đàm được lắng nghe tâm tư, tình cảm của những người trong cuộc, trước tiên là một nhân chứng đồng tính nữ, một người Công Giáo. Bằng lối thuật chuyện khá tự tin, trôi chảy pha chút dí dỏm khi sâu lắng, lúc gây cười, M.T. đã kể lại quá trình khám phá bản thân mình là ai, từ khi M.T. được sinh ra là một đứa con không mong đợi, thiếu tình thương của cha mẹ cho đến khi tìm đến cái chết do thất vọng về cuộc sống và để rồi sống tự tin như hôm nay nhờ vào đức tin vững vàng vào Thiên Chúa.

Thuở thiếu thời, M.T. đã có khuynh hước mặc đồ giống anh, em trai, có hành động cử chỉ như con trai. Khi đến tuổi vị thành niên, M.T. đã sốc khi người bạn gái đầu tiên viết cho một lá thư tình ướt át, nhưng sự tinh tế của người bạn gái thứ hai lại làm M.T. rung động. Lúc trưởng thành thì mất lòng tin vào người khác phái sau khi trải qua 2 mối tình tan vỡ. Khi đó, M.T. có những người bạn gái rất sâu sắc, ân cần, đồng cảm, chia sẻ đến tận cùng, lại tinh tế làm cho ranh giới về giới tính bị xóa bỏ. Từ đó dẫn đến chuyện yêu thương và sống theo cảm xúc mà không nghĩ sâu xa, miễn vui là được.

Dù được chia sẻ, giải tỏa phần nào nỗi cô độc nhưng M.T. lại cảm thấy bất an, lệ thuộc, mất tự do, bị kiểm soát. Qua những cuộc tình đồng giới chông chênh, không tìm được sự thỏa mãn từ tâm lý đến thể lý, để rồi tổn thương thất vọng cứ lớn dần, nỗi đau ngày càng sâu hơn và tận cùng dẫn M.T. đến ý nghĩ tự vẫn. Nhưng nhờ vào đức tin vào Thiên Chúa, M.T. đã cảm nhận được sự che chở khi muốn đoạn tuyệt cuộc đời để ra đi với trái tim hết sức tổn thương. Từ đó, M.T. hiểu được mình như thế nào và điều chỉnh tình cảm cho thích hợp.

M.T. cho hay rằng quan hệ đồng giới nếu đặt trên tình bạn nương tựa về tinh thần thì quá tốt, còn nếu chờ đợi người ta cho mình một tình yêu mãnh liệt, và đặt vào đó tất cả niềm tin, theo kinh nghiệm của M.T. thì luôn luôn thất bại. Bởi vì chưa chắc cách người ta yêu giống như điều mình ước mong.

Nhân chứng thứ hai chia sẻ ở buổi tọa đàm là L.T., một người đồng tính nam, 25t, hiện quản lý một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam nhằm hỗ trợ và giúp đỡ giới đồng tính: tư vấn tâm lý, dự phòng và lây nhiễm HIV, tư vấn cho gia đình và người thân của họ. Bằng lối đối đáp phỏng vấn, qua những câu hỏi của Sr. Maria Hồng Quế, L.T. cho hay đã biết mình là người đồng tính khi học cấp 3, có mối quan hệ với người cùng lớp, sau khi ra trường mỗi người một nẻo nhưng vẫn liên hệ với nhau thường xuyên, tình cảm cả hai trong sáng, không một chút cảm giác xác thịt nào. L.T. cho biết cũng đã từng thử quen một người bạn gái, sau ba tháng thì chia tay vì nhận thấy mình hoàn toàn không có một cảm giác nào với người bạn gái đó.

Trong gia đình, chỉ mẹ L.T. biết L.T. là một người đồng tính, lúc đầu mẹ hơi sốc nhưng sau đó cũng khoan dung: “Dù con là ai, thì con vẫn là 1 đứa con mà mẹ sinh ra”. Là người quản lý một tổ chức phi chính phủ, L.T. mong những người không phải là đồng tính có một cái nhìn thông cảm hơn về những người đồng tính và hãy xem những người đồng tính là một sự đa dạng sinh học.

Khi tặng hoa cho L.T., sư cô Hương Nhủ đã có đôi lời chân tình, sư cô cho hay đã tiếp xúc với nhiều người đồng tính, đa số có tâm trạng mặc cảm, đau khổ, cảm thấy bị bỏ rơi bên lề xã hội dù họ có nghề nghiệp và làm những điều tốt cho xã hội, hầu như lúc nào họ cũng giấu diếm mối quan hệ tình cảm riêng của mình. Các chứng nhân đã nói lên thật lòng tình cảm của người thuộc giới của mình. L.T. vì đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ đã lập ra một tổ chức để chia sẻ và giúp đỡ họ, làm ho họ không còn mặc cảm nữa. Sư cô cho rằng đem hạnh phúc đến cho mọi người là niềm hạnh phúc to lớn nhất cho mình, sư cô muốn dành tặng đóa hoa không chỉ riêng cho L.T. mà còn gởi đến cho những người đồng tính hãy tin tưởng vì tất cả mọi người đến với nhau bằng tình yêu thương chân thật.

Để thay đổi không khí, Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt đã trả lời câu hỏi của cử tọa: “Có nên khuyến khích người đồng tính bộc lộ mình hay không?”. Tiến sĩ cho rằng nên bộc lộ để tạo ra sự tự tin nơi chính mình, để vượt qua mọi thử thách; phải sống và minh chứng cho chọn lựa đó là đúng, tự tin và dám sống với chọn lựa của mình, chấp nhận may rủi ở sự chọn lựa đó.

Với câu hỏi “Cha mẹ phải đối xử với con cái như thế nào nếu con mình thực sự đồng tính?”, tiến sĩ cho rằng “dù gì đi nữa cũng là con cái mình”, những người có trách nhiệm đừng dùng cảm tính để đày đọa con cái của mình mà hãy nâng đỡ con cái sống tự tin.

“Sống trong môi trường biểu diễn thường xuyên nhìn thấy việc trang điểm, làm đẹp, chăm sóc bản thân thì có ảnh hưởng đến giới tính?”. Tiến sĩ trả lời điều đó tùy thuộc vào khuynh hướng cá nhân nhưng chưa quyết định người đó có đồng tính không trừ khi họ chọn lựa và chấp nhận sự chọn lựa đó như là diễn tả cách sống và khuynh hướng đồng tính của họ.

Nhân chứng cuối cùng là T.T.L, một người đồng tính nữ, 33 tuổi, sinh ra ở Hà Nội, làm việc tại Sài Gòn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đang sống cùng người bạn gái cũng đang có mặt tại buổi tọa đàm. Cũng bằng phương pháp phỏng vấn đối đáp, T.L cho biết đã phát hiện ra mình có tình cảm đặc biệt với một người bạn gái khi 19 tuổi, và đến hai năm sau đó thì khẳng định mình là người đồng tính. T.L nghĩ rằng đó là món quà mà cuộc sống ban tặng cho mình nên mình đón nhận trong niềm vui, chỉ có một băn khoăn duy nhất là không biết người bạn có đáp lại tình cảm của mình hay không thôi. Về phản ứng của gia đình, lúc mới biết người mẹ đã rất hoang mang, người chú thì khuyên gia đình hãy để cho T.L tự quyết định cuộc sống của mình.

Khi chia chia sẻ về những mối tình của mình, T.L cho biết từ khi thích người bạn gái đầu tiên đến giờ, T. L. có quen biết với một vài người khác. Điều khó khăn là rất khó tìm được người giống mình trong tiếp xúc hàng ngày, và khi gặp được người giống mình thì cũng chưa chắc người đó đã phù hợp cho mối quan hệ như mong muốn. Theo T.L. thì chung thủy là giá trị không phân biệt giới tính. Người đồng tính không dám lộ diện vì sợ bị kỳ thị, nhiều người còn chưa có cơ hội để sống cuộc sống của người đồng tính nên chưa thực sự biết được người đồng tính có chung thủy hay không.

T.L cho hay rằng xã hội Việt Nam có cái nhìn ít cực đoan hơn về đồng tính so với nhiều nước ở trong và ngoài Á Châu. Điều này xảy ra vì người Việt coi trọng tình nghĩa, không ưa bạo lực và có tấm lòng nhân ái bao dung đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn nhiều sự e dè, thậm chí sợ hãi đối với người đồng tính mà T.L cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nó là sự thiếu thông tin mà thôi.

Thời gian đã điểm 12 giờ trưa, rất nhiều câu hỏi của cử tọa được đặt ra cho các diễn giả, nhưng thời gian đã không cho phép buổi tọa đàm tiếp tục. Để kết thúc, cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đúc kết buổi tọa đàm. Ngài nói lời cảm tạ, ngợi khen Chúa vì đây là một cơ hội, một món quà rất đặc biệt cho mỗi tham dự viên của buổi tọa đàm. Để từ đó, mỗi người mở lòng ra nhiều hơn, mở mắt ra để nhìn thế giới xung quanh nhiều hơn, nhất là đối với những anh chị em trong thế giới đồng tính. Việt Nam là xã hội trọng chữ tình, chữ nghĩa, tuy nhiên cũng cần sự thông cảm qua lại. Mỗi người có những khác biệt, đừng vì những khác biệt mà gây tổn thương nhau, dù bằng lời nói, hành vi, hành động bên ngoài thể chất vì đó là điều dữ. Tình thương vượt lên trên khác biệt để chấp nhận nhau trong quan hệ gia đình, hôn nhân cũng như trong quan hệ giữa người với người trong cộng đồng, trong xã hội.

Cha cho hay khi nghe tâm tư tình cảm của anh chị em nhân chứng trò chuyện để hiểu rằng không dừng lại ở quan điểm khác biệt mà cần đạt mục tiêu, cũng là ơn cứu độ cuối cùng là làm sao chấp nhận yêu thương người khác, rất khác với ta, như Chúa Giêsu đã chấp nhận yêu thương những người tội lỗi, chết vì tội lỗi.

Cuối cùng, cha Luy nhấn mạnh rằng cần xác định căn tính của mình, bạn là bạn, tôi là tôi, nhưng đón nhận nhau trong cộng đồng yêu thương nhau, đó là cộng đồng phát triển theo hình ảnh của Thiên Chúa giữa trần gian.

Buổi tọa đàm kết thúc với bài hát “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” để nói lên dư vị để lại trong lòng mỗi người thật tốt đẹp, người Công Giáo hiểu rõ hơn về luân lý tính dục theo giáo huấn của Giáo Hội cũng như thái độ cần thiết để cư xử với người đồng tính, các tôn giáo bạn hiểu được cái nhìn của Hội Thánh Công Giáo đối với thân xác con người, còn giới đồng tính thì xóa bỏ được suy nghĩ cho rằng người Công Giáo luôn kỳ thị mình. Tuy còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp do thời gian không cho phép, nhưng bầu khí thông cảm, sẻ chia đã luôn là bầu khí xuyên suốt buổi tọa đàm. Mong rằng kết quả của buổi tọa đàm sẽ là bước đầu để giới Công Giáo tìm được hướng đi cụ thể thích hợp trong việc chăm sóc mục vụ đối với giới đồng tính mà vẫn giữ được bản sắc Kitô giáo của mình.

Sàigòn, ngày 22 tháng Hai năm 2011,

Tạ Ân Phúc
 
Cung nghinh Thánh Giá của Đại Hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội về giáo xứ Đại Điền
Đại Điền
10:54 23/02/2011
Bắc Ninh - Ngày 19 vừa qua, giới trẻ trong giáo xứ không quản trời mưa vẫn cung nghinh Thánh Giá được đón nhận từ nhà thờ Thống Nhất lúc 14 giờ về nhà thờ Sơn Đình thuộc giáo xứ Đại Điền. Giáo xứ Đại Điền vinh dự và hãnh diện được cung nghinh Thánh Giá của Đại Hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội một tuần lễ.

Xem hình ảnh

Thánh Lễ lúc 15 giờ do cha Tổng Đại Diện, Quản Hạt Tây Nam Giuse Trần Quang Vinh chủ tế cùng quí cha trong giáo hạt đồng tế.

Sau Thánh Lễ, toàn xứ tiếp tục cung nghinh Thánh Giá đi qua vùng du lịch Tây Thiên, qua Thiền Viện Trúc Lâm, qua xã Đại Đình, qua chợ chiều, qua giáo họ Sơn Thanh rồi về nhà xứ Đại Điền.

Trong niềm vui mừng nhờ cây Thánh Giá mà con người được ơn Cứu Độ, vì vậy giáo họ Liễn Sơn suy tôn Thánh Giá tham dự Thánh Lễ ngày thứ hai; giáo họ Sơn Đình ngày thứ ba; giáo họ Sơn Thanh ngày thứ tư; giáo họ Hợp Châu, Sơn Nam, cùng toàn thể giáo xứ Văn Thạch ngày thứ năm, nhà xứ Đại Điền ngày thứ sau, toàn giáo xứ Đại Điền ngày thứ bảy và trao lại Thánh Giá cho giáo xứ Hữu Bằng.

Kết thúc tuần lễ giáo xứ Đại Điền và Văn Thạch cung nghinh Thánh Giá. Ước gì không có hãnh diện nào bằng Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.
 
Lễ xuân Tân Mão đoàn Thiến Nhi Thánh Thể giáo xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
14:47 23/02/2011
Lễ Xuân Tân Mão

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris


Chúa nhật 20.02.2011: Đoàn Kytô Vua, Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris đã cùng Cộng Đoàn cử hành Thánh Lễ Đầu Xuân Tân Mão, khai mạc cho năm sinh nhật thứ 25 thành lập đoàn (1986-2011).

Trong một nhà nguyện được nới rộng với phòng khánh tiết, cả ngàn thiếu nhi và phụ huynh đã chen chật, ngồi đầy. Mọi người đều hướng về bàn thờ. Một con lân to thật to, tiến ra, nhảy múa, rồi bái phục trước bàn thờ. Một phút im lặng trang nghiêm. Ca đoàn thiếu nhi theo tiếng nhạc vĩ cầm, hát ca nhập lễ mừng xuân: « Vườn địa đàng có nụ là nụ tầm xuân, nở ra óng ả (í a) ven trời reo vui. Nói a lên tình là tình yêu Chúa Trời dựng nên chúng sinh muôn loài, để thông phần hạnh phúc với Người ». Hòa theo nhịp ca, đoàn lễ rước cha chủ tế, hai cha đồng tế và thầy phó tế tiến lên bàn thờ.

Xem hình Lễ Xuân Tân Mão

Ca nhập lễ chấm dứt, tiến ra máy vi âm, cha Tuyên Úy chủ tế nhắc cho các em và cộng đoàn về ý chỉ cầu nguyện của Thánh Lễ Đầu Xuân, đặc biệt cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngài nhắc đến lời ca nhập lễ ngày mồng hai tết:

« Con ơi giữ lấy lời cha
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm
Đèn soi trong chốn tối tăm
Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.
Nhớ cầu cho bậc tổ tiên
Khắc ghi công đức, một niềm tri ân.


Sau phúc âm, thầy phó tế PHẠM BÁ NHA chia sẻ Lời Chúa. Với chủ đề « Xem quả biết cây », thầy Nha nhắc lại lịch sử 25 năm của Đoàn Kytô Vua, Thiếu Nhi Thánh Thể, được thành lập năm 1986, đi vào hai ý tưởng chính: « Đoàn TNTT đã gieo giống và trồng cây ». và « Thời gian sau thiếu nhi, các gia đình phải tiếp tay vun trồng ».

1.- 25 năm, Đoàn THTT đã gieo giống và trồng cây

Tết Tân Mão năm nay là lần thứ 25 các thành phần của Đoàn Kytô Vua về đây ăn tết chung với nhau. Đây cũng là dịp để đoàn khai mạc năm sinh nhật thứ 25 thành lập đoàn. Mỗi năm mỗi khác, theo nhịp các tiến bộ kỹ thuật và xã hội. Nhưng mỗi năm, thấy con cháu khôn ngoan hơn, hiền hạnh hơn, hiếu thảo hơn, đạo đức hơn, có cha mẹ nào, có ông bà nào mà không vui lòng, hả dạ ?

1986, 25 năm trước đây, chiều thứ bảy đầu tháng 09, hôm ấy là ngày khai giảng niên học mới, niên học 1986-1987, nhưng khác với những ngày khai giảng trước và sau. Vì hôm ấy là ngày khai sinh Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại GXVN Paris, với việc thành lập Đoàn Kytô Vua. Sân giáo xứ ở Boissonnade, dẫu đã được Ban Thường Vụ khai công, nới rộng và làm sạch, vẫn nhỏ, nhưng cũng đủ chứa cả trăm người, thiếu nhi và cha mẹ, vừa là tiên khởi, vừa là thành phần sáng lập phong trào ở giáo xứ. Lần đầu tiên đeo khăn quàng, nhiều em ngơ ngác, ngộ nghĩnh. Nhưng có khăn quàng, xếp hàng, các em đã bắt đầu cảm thấy có một cái gì khang khác. Khác ở chổ nào, các em chưa nhận ra rõ rệt, nhưng mơ huyền, như mình là ấu nhi, là thiếu nhi, là nghĩa sĩ, là lính của Chúa Kytô Vua. Dưới cái lều vải to che nắng mưa, lòng các em và tâm tình các phụ huynh thấy lâng lâng, vui vui, nhất là lúc cùng nhau nhìn lên bàn thờ, đặt trên sân khấu, cuối sân, để dâng lễ.

1996, 10 năm sau ngày thành lập, số các em ghi tên học tiếng việt, học giáo lý và nhập đoàn càng ngày càng đông. Ban Giám Đốc và HĐMV ra công gắng sức, đã xây được một nhà giáo lý, dọc theo hàng rào, cho các em.

1998, Giáo xứ, nhờ sự vận động của BGĐ và BTV-HĐMV, đã được Đức Hồng Y Lustinger, tổng giám mục Paris, cho phép xử dụng một cơ sở mới, rộng hơn cơ sở cũ nhiều lần, lại có nhiều phòng, có thể xử dụng như những lớp học. Ở cơ sở mới này, số 38, rue des Epinettes, quận 17, các em thiếu nhi là những người ưu tiên. Nhờ cơ sở rộng rãi hơn, số các em đến giáo xứ mỗi chiều thứ bảy có phần tăng thêm.

2011, hiện nay, trung bình, ở cơ sở mới này, hàng năm có trên 200 em chuẩn bị ấu, ấu, thiếu và nghĩa sĩ, dành cả chiều thứ bảy, từ 15 giờ đến 19 giờ, đến họp mặt tại giáo xứ. Chương trình xoay quanh 4 sinh hoạt chính:

• Các lớp tiếng việt: từ chưa biết gì về tiếng mẹ đẻ, dần dần các em đã biết gọi được tên mẹ, tên cha, tên ông bà, biết chào hỏi, biết đọc, biết viết tiếng việt,…
• Sinh hoạt hội đoàn: từ nhút nhát, e thẹn, các em đã mạnh dạn trong hàng ngũ, múa vũ, hát ca, diễn kịch,. .trước đám đông. Lát nữa, trong phần Văn Nghệ Xuân, chúng ta sẽ được chứng kiến tận mắt khả năng ngôn ngữ tiếng việt và khả năng diễn xuất của các em trước công chúng.
• Các lớp giáo lý: từ chưa biết làm dấu, chưa thuộc kinh lậy cha, kinh kính mừng,. .vài ba năm sau, con cháu chúng ta đã biết và được xưng tội, rước lễ, lãnh phép thêm sức,…niềm vui nào cao hơn cho các cha mẹ công giáo ?
• Tham dự thánh lễ: từ chưa hiểu gì về đạo, con cháu chúng ta đã dần dà hiểu được rằng Thánh Lễ là trung tâm đời sống đạo, diễn lại Hy Tế của Đấng Cứu Thế, diễn lại cuộc tử nạn của Đấng Cứu Chuộc, diễn lại bữa tiệc ly, Chúa lập Phép Thánh Thể và chức Linh Mục,… thành ra con cháu chúng ta yêu mến thánh lễ hơn, năng tham dự thánh lễ hơn.

Bên cạnh 4 sinh hoạt chính và bình thường trên, còn những sinh hoạt dành riêng cho các trưởng, là các khóa huấn luyện. Và những buổi chầu Mình Thánh dành cho các trưởng, các giáo lý viên và các phụ huynh, để trở về nguồn, múc lấy ân sủng, sưởi ấm tâm hồn, tìm được những sáng kiến mới, hàn huyên với Chúa.

Nhờ những sinh hoạt trên, con cháu chúng ta đã đạt được những kết quả tốt về Thánh Kinh, về đạo và đã bắt đầu đưa ra được những so sánh, những nhận xét, hay những áp dụng cụ thể. Vào năm 2005, sau khi đã xem các anh chị huynh trưởng diễn tuồng Thương Khó, một cháu nhỏ, khoảng 8 tuổi đã hỏi bà nội: Sao Chúa Giê su trong tuồng diễn đã đi dép ? Trong Thánh Kinh con thấy Chúa đi chân không ? Kìa, bà nhìn lên thánh giá mà coi. Chúa đâu có đi dép ! Một khung cảnh khác: mới đây tôi được nghe một giáo lý viên kể rằng: trong lớp học của chị, cho các em tuổi từ 8 đến 10, hầu hết các em đều biết tên các thánh tông đồ. Có em còn đặt câu hỏi: Ai là người thay thế Giuđa ?

Sự khám phá và hiểu biết về đạo mà các em đang từ từ đạt được. Đó quả là một kết quả nhãn tiền. Kết quả ấy có được, là nhờ công lao cha Tuyên Úy, Các Giáo Lý Viên, Các huynh trưởng.

Năm 1986, nhiều em trong đoàn thiếu nhi lúc đó, mới là thiếu nhi, nghĩa sĩ của đoàn. Hôm nay, 2011, sau 25 năm, các em nghĩa sĩ 1986 đã trở thành ông bố, bà mẹ. Không còn là thiếu nhi thánh thể nữa, nhưng họ đã là bố mẹ của thiếu nhi thánh thể. Họ sống tinh thần TNTT với những hành động và tâm tư khác. Họ tận tụy, hy sinh cho con cái, cho TNTT. Họ nhập vào một đại gia đình thiêng liêng, gia đình TNTT.

Chính nhờ những bàn tay khéo léo, những tấm lòng quảng đại và tận tụy của những bậc cha mẹ cựu thiếu nhi, cựu huynh trưởng này, mà các sinh hoạt của Đoàn Kytô Vua, TNTT – GXVNP đã được hiệu quả hơn. Ngày nay, hằng năm, bao nhiêu dịp lễ của đoàn là bấy nhiêu dịp đóng góp của các vị: từ các ngày Rước Lễ Lần Đầu, ngày Lễ Thêm Sức, đến những Văn Nghệ Xuân, Giáng Sinh, Quan thầy đoàn, cấm trại,…

Tất cả những sinh hoạt này của các em, với sự đóng góp của Ban Giám Đốc, của HĐMV, của các anh chị huynh trưởng, của các giáo lý viên, của các phụ huynh… đã tạo thành một đặc điểm độc đáo của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ít giáo xứ khác ở Paris có được những sinh hoạt trẻ sầm uất như vậy ! Các Đức Cha thuộc Tổng Giáo Phận Paris rất vui mừng và khen ngợi giới trẻ GXVN Paris, đặc biệt là Đoàn TNTT. Ngày 04.07.2010 vừa qua, khi các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam quy tụ về Nhà Thờ Đức Bà, để cùng Đức Hồng Y André Vingt-Trois và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, cử hành Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm ở Việt Nam, linh mục điều hành lễ nghi đã rõ rệt khen ngợi và thán phục các em TNTT của GXVN Paris, vì có hàng ngũ, quy củ và biết tham gia vào nhiều công việc trong thánh lễ.

Trước những thành quả trên, trước những công lao của những người trách nhiệm, hôm nay, ngày đầu xuân, với tâm tình biết ơn, chúng ta, tất cả trong đại gia đình TNTT, cùng nhau xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho hai cha tuyên úy, như những người cha; cho các bậc phụ huynh, như những anh chị trong nhà: cho các huynh trưởng, là những người con lớn; và cho các em trong các ngành chuẩn bị ấu, ấu, thiếu, nghĩa sĩ, là những người con nhỏ của gia đình.

2. Cho tương lai, sau thiếu nhi, các gia đình phải tiếp tay vun trồng

25 năm gieo giống, trồng cây. Người chủ trồng đã làm xong nhiệm vụ. Xin trao lại cho thợ vun xới, chăm sóc. Điều này vừa hiểu theo nghĩa lịch sử của Đoàn Kytô Vua, vừa hiểu theo nghĩa lịch sử cuộc đời của từng em trong phong trào TNTT.

Trong những năm các em sinh hoạt với đoàn, các cha tuyên úy, các giáo lý viên, các huynh trưởng và các phụ huynh trong Ban Phụ Huynh TNTT,. . đã chu toàn trách nhiệm giáo dục. Nhưng thời gian trôi qua, lớn lên, nhiều em không còn ở trong đoàn nữa, nhưng công việc giáo dục vẫn còn phải được thi hành. Những năm còn lại trong việc giáo dục này, là thời gian vun trồng của các bậc cha mẹ trong gia đình. Hạt giống dẫu tốt, nhưng nếu gặp đất xấu, lại thêm nắng gắt,.. trước sau mầm non cũng có nhiều nguy cơ phải héo tàn, úa chết ! Đó là thảm cảnh đã từng thấy, và có người đã chia sẻ: Các em khi còn là TNTT thì ngoan và tốt. Nhưng sau khi chịu Phép Thêm Sức, đã bỏ đoàn; và bây giờ thì….

Điếu đó cho thấy rằng cha mẹ trong các gia đình phải tiếp tay vun trồng. Bằng cách nào ? Phải tạo cho đất vườn được tốt, xới bừa đất cho thoáng, tưới bón cho đều. Cụ thể là cha mẹ phải làm gương sáng trong việc đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, tham dự thánh lễ chúa nhật đều đặn, thực thi bác ái đúng mức. Nhất là sống và giữ cho cuộc sống gia đình được hòa thuận, yên vui. Uốn nắn con trong và bằng tình thương.

Vài gương tiền nhân có thể giúp các cha mẹ biết vun trồng cho con cái mình: Thánh Monica kiên tâm giáo dục con mỗi ngày, là thánh Augustinô. Mẹ thánh Don Bosco già yếu, nhưng luôn ở bên con và chăm sóc các trẻ mồ côi. Mẹ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã dậy ngài kinh kính mừng và đã kể tiểu sử các thánh tử đạo việt nam cho ngài nghe.

Trong việc vun trồng này, cần phải tỷ mỷ. Như việc làm dấu, đọc kinh, cũng phải làm đến nơi, đến chốn. Ban nãy, lúc bắt thánh lễ, cha tuyên úy đã bảo chúng ta, làm dấu chậm rãi, vừa làm, vừa đọc, và làm theo lời đọc. Ngài có ý bảo ta làm cho đúng. Làm theo hiểu. Và nhờ hiểu mà ta làm.

Một thanh niên Ý kể lại rằng: hồi cha thánh Piô (1887-1969) còn sống, một hôm anh lén vào nhà thờ. Anh leo lên gác đàn, gian giữa, nơi cha Piô thường cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Anh nhanh nhẹn quỳ bên cha thánh, chờ cha ban phép lành. Những mấy phút đã qua, cha vẫn không động đậy. Đánh bạo, anh lấy tay động vào người cha. Thay vì ban phép lành, cha nói với anh:

-Sao con đến đây quấy rầy người đang cầu nguyện ? Anh ấp úng:
-Thưa cha, tại con thấy nhà thờ mở cửa, con vào để gặp cha. Cha nghiêm khắc nói:
-Trước tiên, con phải học cách thức làm dấu thánh giá nghiêm chỉnh khi vào nhà thờ. Rồi sau đó, mới chào hỏi người quen biết. Anh chống chế:
-Con đã làm dấu hẳn hoi mà ! Cha Piô nghiêm giọng:
-Con đừng nói dối. Con chỉ rờ trên trán, trên mũi, trên môi mà thôi. Anh thú nhận:
-Đúng. Con đã làm dấu cách vội vàng, vì nóng lòng gặp cha. Cha dịu giọng:
-Giới trẻ chúng con không biết cầu nguyện chân thành tha thiết. Trong khi đó, thế giới này đang cần lời cầu nguyện của chúng ta.


Anh còn kể lại lời cha thánh nói với ba của anh, mỗi khi ông đến gặp và xưng tội với cha. Cha nói: “Phải mạnh dạn sửa trị con cái. Phải cứng rắn giáo dục con cái. Nếu không, con sẽ không chu toàn nhiệm vụ người cha”.

Thưa các phụ huynh quý mến,

Muốn có mùa gặt tốt, muốn có những gánh lúa vàng, muốn có những người con ngoan, chúng ta chỉ có một cách là theo giữ lời khuyên của cha thánh Piô: “Phải mạnh dạn sửa trị con cái. Phải cứng rắn giáo dục con cái”.

Lời kết thúc chia sẻ nặng trĩu ý nghĩa. Hai phút yên lặng như xoáy các phụ huynh vào với nhiệm vụ giáo dục của mình.

Rồi Thánh lễ đã được tiếp tục. Nhưng một nét độc đáo của các thánh lễ Đoàn Kytô Vua cần được tô đậm. Đó là vào lúc “Chúc Bình An”, ca đoàn luôn luôn cất lên và cả cộng đoàn hát theo bài: ” “Cầu cho cha mẹ 2”: “Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con, Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời và ơn cha mẹ siốt ngày coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan ». Bài ca càng ý nghĩa và cảm kích vào Lễ Xuân, Xuân Tân Mão.

Paris, ngày 23 tháng 02 năm 2011

Trần Văn Cảnh
 
Bài giảng của ĐGM Nguyễn Văn Khôi trong lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà hờ Phú Mỹ, Quảng Ngãi
+GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
21:15 23/02/2011
LỄ KÍNH TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân, Quảng Ngãi

Ngày 22 tháng 02 năm 2011

(Is 56,1-7; 1Cr 3,9-13.16-17; Mt 16,13-19)


Hôm nay chúng ta cùng nhau qui tụ về đây để tham dự thánh lễ kính nhớ việc thiết lập Tông tòa thánh Phêrô, trong đó có nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ Phú Mỹ, giáo xứ Kỳ Tân, giáo hạt Quảng Ngãi.

Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên tại xứ Do-thái. Ngài thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và hoàn tất cuộc đời trần thế cũng tại đó. Tuy nhiên, trước khi về trời, Ngài đã truyền cho các môn đệ hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Đạo Chúa đã bắt đầu được thiết lập tại Giêrusalem, để rồi sau đó theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bước chân các tông đồ đã vượt biên giới xứ Palestina để đến với những vùng đất xa hơn, cho đến tận Roma là thủ đô của đế quốc. Chính thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, sau thời gian hoạt động truyền giáo cho người bản xứ, cũng đã đến tận Roma để từ đó lãnh đạo Hội Thánh đang bành trướng khắp các tỉnh thành trong toàn đế quốc. Tại đây, ngài trở thành vị Giáo Hoàng tiên khởi trong lịch sử Kitô giáo và Roma trở thành nơi đặt ngai tòa của ngài.

Lễ kính Tông tòa thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các tông đồ. Nhờ đặc ân không sai lầm, thánh Phêrô là người bảo đảm đức tin của các anh em. Lòng tin của thánh Phêrô là đá tảng, trên đó Chúa Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Ngài.

Thánh Phêrô là vị tông đồ có niềm tin vững mạnh đã được chính Đức Giêsu đặt làm người đại diện cho Chúa để chăn dắt đàn chiên của Ngài ở trần gian. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, chính Phêrô là người đại diện cộng đoàn các môn đệ để thưa với Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng ấy không phải tự ngài nghĩ ra, nhưng là do Chúa Cha soi sáng. Một người đã được Chúa Cha ban cho ơn soi sáng và niềm tin mạnh mẽ như thế thì chắc chắn đáng được giao trọng trách lãnh đạo Hội Thánh. Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cới như vậy” (Mt 16,17-19).

Thực ra, chính Chúa Giêsu mới thực sự là Đá Tảng, vì Ngài là Thiên Chúa, như người Israel vẫn thường gọi Thiên Chúa là Đá Tảng của họ, nơi Ngài họ tìm được sự ẩn náu vững chắc. Chính Chúa Giêsu cũng đã tự ví mình như tảng đá góc tường, trên đó xây dựng tòa nhà kiên cố. Tòa nhà ấy chính là Hội Thánh, vững vàng qua muôn thế hệ, trước mọi phong ba bão táp hay sức tàn phá của trần gian. Chính Ngài là Đấng Bầu Chữa, là nơi các kitô hữu nương thân. Chính Chúa Giêsu là Đá Tảng không thể lay chuyển được, là nền tảng. Không ai có thể đặt nền tảng nào khác ngoài nền tảng đã đặt sẵn là Đức Kitô, như lời thánh Phaolô đã khẳng định trong bức thư thứ I gửi giáo đoàn Côrintô ở bài đọc II.

Thế nhưng, qua lời tuyên xưng niềm tin sắt đá của Phêrô, Đức Kitô đã chính thức đặt Phêrô làm người đại diện cho Ngài ở trần gian và ban cho Phêrô được tham dự vào cương vị Đá Tảng của Ngài, để Phêrô được nên vững chắc nhờ sức mạnh của chính Đức Kitô, để những gì Đức Kitô có được do quyền năng riêng thì Phêrô cũng có chung với Ngài nhờ được chia sẻ quyền năng ấy. Vì thế Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là Đá. Đá là vật cứng rắn, tồn tại và không thay đổi qua thời gian. Xét trên phương diện tự nhiên, Phêrô cũng chỉ là một con người xác phàm yếu đuối và dễ thay đổi như bao người khác. Tuy nhiên, ơn Chúa và sứ mạng được giao phó đã khiến Phêrô trở nên vững vàng chắc chắn, nên điểm tựa cho mọi người trong đức tin trước mọi cơn sóng gió. Như một ngôi nhà được xây trên đá, gió bão có thổi đến, nước lũ có ùa vào, nhà ấy vẫn đứng vững không sập, thì Hội Thánh Chúa Kitô cũng thế, ngay cả quyền lực tử thần cũng không thắng nổi. Suốt thời kỳ bách hại của các hoàng đế Roma, bóng tử thần lảng vảng trên từng ngôi nhà của các kitô hữu, nhưng tất cả họ đều không hề sợ chết, vẫn một mực tuyên xưng niềm tin của mình, nhờ sự gìn giữ của Chúa, nhờ sự chăn dắt dũng cảm, sự nhiệt thành tận tụy và gương sáng đức tin của thánh Phêrô, cũng như của những đấng kế vị ngài và các vị chủ chăn khác.

Kính thưa cộng đoàn,

Nhà thờ Phú Mỹ giáo xứ Kỳ Tân của chúng ta sắp được khởi công xây dựng làm nơi qui tụ cộng đoàn các kitô hữu để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó thể hiện hình ảnh Hội Thánh tại địa phương. Nhà thờ cũng là biểu tượng niềm tin của dân thánh Chúa, trải qua bao cơn bão tố phũ phàng của những biến động lịch sử, niềm tin ấy vẫn nguyên vẹn và ngày càng lớn mạnh, để đến hôm nay một ngôi nhà thờ đồ sộ kiên cố sắp mọc lên như một bằng chứng hùng hồn của niềm tin bất khuất ấy.

Để khởi đầu công trình xây dựng này, hôm nay viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ sẽ được làm phép cùng với diện tích khu đất làm nơi tọa lạc của ngôi nhà thờ. Viên đá này tượng trưng cho Đức Kitô là đá tảng góc tường, trên đó tòa nhà Hội Thánh được xây dựng. Viên đá đầu tiên này sẽ nối kết các viên đá khác để trở thành ngôi đền thánh, cũng như Đức Kitô và vị đại diện của Ngài là Đức Giáo Hoàng nối kết các kitô hữu thành ngôi nhà Hội Thánh, một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Tính chất của đá là cứng rắn, tượng trưng cho tình yêu trung thành không thay đổi của Thiên Chúa đối với dân Ngài và đồng thời cũng nói lên lòng tin vững vàng không lay chuyển của cộng đoàn tín hữu đối với Ngài. Mỗi người tín hữu là một viên đá sống động và rắn chắc được xây trên nền tảng là chính Đức Kitô và trên đức tin của Hội Thánh dưới quyền lãnh đạo của đấng kế vị thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian.

Một ngôi nhà thờ kiên cố mọc lên cùng với một cộng đoàn tín hữu ngày càng lớn mạnh giữa một vùng đất thân thương, giữa những anh chị em đồng bào bên lương, phải là một tín hiệu đáng mừng của một mùa xuân tràn trề hy vọng, báo hiệu một mùa lúa dồi dào. Trong đoạn sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, đền thờ Thiên Chúa được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân, tại đó ngay cả những của lễ hy sinh và lễ toàn thiêu của dân ngoại cũng được Ngài đoái nhận, và mọi người không phân biệt đều có thể tìm thấy niềm hoan hỉ nơi nhà cầu nguyện này.

Ngôi nhà thờ bằng gỗ đá mà cha sở Grêgôriô Lê Văn Hiếu và toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo xứ Kỳ Tân đang nỗ lực xây dựng, không những để các tín hữu có nơi thờ phượng Chúa và thể hiện tình hiệp thông huynh đệ với nhau, mà còn là một cơ sở truyền giáo, là nơi đón nhận các anh chị em bên lương đến tìm gặp Chúa, để được Ngài chỉ dạy con đường sự thật và sự sống, để được Ngài an ủi nâng đỡ những lúc gặp đau khổ phiền muộn hoặc thất vọng. Để nhà thờ Phú Mỹ trở nên “giàu đẹp” đúng với tên gọi và có sức lôi cuốn đối với anh chị em lương dân, mỗi người tín hữu trong giáo xứ Kỳ Tân hãy cố gắng canh tân chính mình mỗi ngày, để trở thành “mới mẻ diệu kỳ” trước mặt mọi người chung quanh. Hằng ngày anh chị em hãy để tâm suy niệm lời thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh chị em” (1Cr 3,17).
 
Cảm nhận về chuyến đi
Giáo xứ Thái Nguyên - Bắc Ninh - Viêtnam
21:36 23/02/2011
Tết tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người, mọi người cùng đi sắm tết, cùng về với gia đình, cùng về với ân tình …những câu hát đó vẫn vang vọng mãi trong tôi. Nhưng có phải là ai ai cũng được về với gia đình đâu? Ai cũng có điều kiện để đi sắm tết? Còn biết bao nhiêu người vẫn còn đang sống trong cảnh cô đơn, không có nơi để sum họp trong những ngày tết và cũng chẳng có điều kiện để đi sắm tết.

Với trái tim của người Mục tử, thao thức với đoàn chiên và vâng theo lời thầy Chí Thánh dạy: “ Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) “ mỗi lần anh em làm cho kẻ bé mọn này dù chỉ một chén nước lã thôi là làm cho chính Thầy”. Do vậy mà cha xứ Phanxicô-Xaviê Nguyễn Đức Đại, linh mục chánh xứ Thái nguyên, hằng năm cứ đến tết là Ngài đến với những trại phong, trại mồ côi, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để chúc tết và tặng quà cho những anh chị em đó.

Thật là may mắn cho tôi và thầy Đaminh Nguyễn Như Khuê khi về nghỉ tết, được cha Phanxicô cho đi chúc tết và tặng quà một số nơi.

Đúng 8 giờ sáng ngày 28 tết, xe chúng tôi chở những chiếc bánh chưng rời nhà xứ Thái nguyên. Điểm đầu tiên mà chúng tôi dừng chân đó là nhà xứ Yên Thủy, rồi đến giáo xứ Yên Lãng, chiếc xe lại tiếp tục cuộc hành trình qua những lưng đèo quanh co, uốn khúc, thấp thoáng trong cánh rừng xanh. Nơi cuối cùng mà chúng tôi dừng chân là trại phong Đồng Lệnh thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang( nơi mà tôi và thầy Đaminh Nguyễn Như Khuê đã được giúp hè một tháng).

Theo như chương trình thì đoàn chúng tôi sẽ có mặt lúc 12 giờ trưa, nhưng do có sự cố mà tới 2 giờ 30 chiều mới có mặt ở đó.

Khi chúng tôi tới nơi, thì mọi người đã tập chung chờ ở đó gần 2 giờ đồng hồ, bước chân xuống khỏi xe, mọi người từ cụ già tới trẻ thơ gần lại chúng tôi, xiết chặt bàn tay chào đón, trên môi nở những nụ cười thật đầm ấm, yêu thương, lúc đó cái giá rét của mùa đông trong tôi đã tan biến mất, họ đã sưởi ẩm trong tôi bằng một tình người chan chứa tình thương.

Những con người đó có khi là mất một chân, hay một tay, đôi mắt nhạt nhòa…họ là những người thường hay bị xã hội kỳ thị, nhưng họ vẫn vui vẻ, tràn trề sức sống, sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

Những chiếc bánh chưng, những túi bột ngọt của cha xứ Thái nguyên đã trao tặng cho những người bệnh phong nơi đây. Tuy món quà thật đơn sơ nhỏ bé ấy, nhưng cũng phần nào xoa đi nỗi khổ đau trong lòng họ.

Chia tay với mọi người nơi đây mà lòng tôi như muốn se lại, bởi những vòng tay xiết chặt, những lời chào bịn dịn. Nơi họ đang cần gì? Vâng! họ cần sự chia sẻ về tinh thần cũng như vật chất của mọi người.

Tạm biệt Đồng Lệnh, xe chúng tôi cứ xa dần, xa dần chìm vào trong màn đêm, tôi thầm nghĩ: ước chi mỗi chúng ta là những chiếc bánh chưng cho tăng thêm hương vị ngày tết! là những cánh bột ngọt làm cho nồi canh thêm ngọt ngào!

Người Cùng Đi
 
Cuộc tiếp đón nồng hậu các nữ tu Dòng Cát Minh Việt Nam tại Mobile
Peter Ca Nguyễn
21:43 23/02/2011
ALABAMA - Vào lúc 11g trưa Chúa Nhật ngày 20 tháng 02, chiếc phi cơ American Airlines đã đáp xuống phi trường Mobile- Alabam trong sự chờ đón của hàng trăm người, hầu như mọi sự chú ý được dồn vào 08 trong số những hành khách trong chuyến bay, có thêm vài nhân viên của phi trường được phân công dẫn đường cho những hành khách đặc biệt này. Họ chính là những nữ tu thuộc Dòng Cát Minh đến từ Nha Trang- Việt Nam.

Đep thay những bước chân truyền giáo

Kể từ khi trên nhật báo “The Catholic Week- số ra ngày 21 tháng 02” của Tổng Giáo Phận Mobile đưa tin, sẽ có tám nữ tu từ Việt Nam tham gia vào việc truyền giáo tại Giáo Phận, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân xứ biển Việt- Mỹ, thoáng qua không ít người dân Hoa Kỳ tỏ ý tò mò, đâu đó vẫn có rất nhiều người nong nóng chờ đón tin vui. Mọi công việc chuẩn bị đang bước vào giai đoạn gấp rút, ngôi nhà cộng đoàn gần như hoang phế nay đã được chỉnh tu lại một cách chu đáo, và chính nơi đây sẽ là nơi đón nhận và vun trồng những bông hoa xuất thân từ mảnh đất của 118 vị tử đạo.

Từ năm 1943, Dòng Cát Minh đã chính thức có mặt tại số 716 Dauphin Island Parkway, Thành Phố Mobile- Tiểu Bang ALABAMA, nhưng vì nhiều yếu tố ngoại cảnh, Cộng Đoàn này bị gián đoạn sau một thời gian lâu dài. Có rất nhiều người đã thắc mắc và đặt vấn đề lên Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi nên giải thể hay nên sử dụng cơ sở này vào việc khác? Riêng phần Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi, Ngài cũng không ngừng nỗ lực kêu gọi các nữ tu Dòng Cát Minh tại Hoa Kỳ về với Giáo Phận Mobile trong nhiều năm liền, nhưng tất cả đều bất thành. Trong chuyến đi về Giáo Triều Roma tiếp kiến Đức Thánh Cha Biển Đức 16, Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi đã dành thời gian gặp gỡ và trao đổi với các nữ tu Cát Minh tại Roma về mong ước của Ngài, cũng như tín hữu trong toàn Tổng Giáo Phận, là làm cho Cộng Đoàn Cát Minh sống lại nơi Giáo Phận mà Ngài coi sóc, thế nhưng lại một lần nữa Ngài nhận được câu trả lời bỏ ngỏ. Ngài trở về Giáo Phận với bao trăn trở, lo âu. Nhưng rồi chính Thiên Chúa đã can thiệp một cách kịp thời, Ngài chợt nghĩ ra phương án mới, tại sao không phải là Việt Nam, tại sao không chọn Việt Nam cho việc truyền giáo hôm nay?

Suy nghĩ của Ngài gần như có cơ sở, bởi ngay từ đầu năm học mới, cũng chính tại Giáo Phận này đã tiếp nhận thêm ba chủng sinh đến từ Việt Nam, “ D- Nguyễn, C- Nguyễn và H- Trần”. Họ đều là người con thuộc Giáo Phận Vinh. Vậy là Ngài quyết định tiếp tục làm bài toán khó theo hướng Việt Nam, với mong đợi đón nhận được sự hy sinh của những nữ tu dám dấn thân vào cánh đồng truyền giáo tại Mobile. Đáp lại lời kêu gọi, tám nữ tu thuộc Dòng Cát Minh Nha Trang- Việt Nam lên đường sang Hoa Kỳ trong tinh thần mục vụ, dấn thân, cầu nguyện tại Tổng Giáo Phận Mobile, Alabama.

Trước đó 1giờ, với sự hiện diễn của Đức Tổng Giám Mục Thomas Rodi, Cựu Tổng Giám Mục Oscar Hill Lipscomb, Cha Giám Đốc ơn gọi Alex, những bậc niên trưởng thuộc Hội Dòng Thánh Hiến, cùng rất nhiều linh mục trong toàn Giáo Phận đã ra tận phi trường Mobile chào đón những người con mới về với Giáo Phận. Phía Việt Nam gồm có Đức Ông Phạm Xuân Thắng, Cha Nguyễn Biểu, Cha Minh Cư, và Thầy Nguyễn Bảo- chính Thầy là người đã đưa luồng sinh khí mới này về với Giáo Phận Mobile, cùng đông đảo giáo dân người Mỹ- Việt. Phi trường Mobile như đón một sự kiện đặc biệt hơn, náo động hơn, nhưng cũng không kém phần trang trọng nhờ có sự trợ giúp của băng nhạc the McGill Toolen Concert, cùng những biểu ngữ tiếng Mỹ- Việt đón chào một cách trân trọng, “ Welcome, Welcome, Welcome! xin hân hoan chào đón, chào mừng các Sơ, Tổng Giáo Phận Mobile và Cộng Đoàn Tu Sỹ Thánh Hiến chào mừng các Sơ”. Và ngay buổi tối hôm Chúa Nhật, đài truyền hình Fox news đã ngay lập tức đưa tin về sự kiện đặc biệt này, như là một sự đáp trả tâm nguyện của Vị Mục Tử, đáp lại mong đợi của người tín hữu và đáp lại sự tận hiến của những nhà truyền giáo Á Đông. Những dòng nước mắt tự nó tuôn trào vì quá hãnh diễn, quá tự hào của người đến và người tiếp nhận.

Như vậy, lịch sử dòng Cát Minh tại Giáo Phận Mobile đã bước sang trang sử mới với sự cộng tác của những nữ tu xuất thân từ người Việt, một trang sử sử đẹp đang dần hé lộ cho cộng đoàn xứ biển Nha Trang- Việt Nam và người dân xứ biển Mobile- Hoa Kỳ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ
Trầm Thiên Thu
00:44 23/02/2011
Theo một nhà nghiên cứu người Ý làm việc ở Anh, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tử vong vì đột quỵ và bệnh tim.

Ngủ không đủ 6 giờ/đêm, đi ngủ trễ hoặc thức dậy quá sớm và các chứng rối loạn giấc ngủ khác là “bom hẹn giờ” đối với sức khỏe – GS Francesco Cappuccio, thuộc ĐH Warwick, nói trong một nghiên cứu công bố trên báo European Heart Journal.

Nhóm nghiên cứu của GS Cappuccio đã theo dõi sức khỏe của hơn 470.000 người ở 8 nước từ 7-25 tuổi và thấy rằng ngủ không đủ 6 giờ/đêm có nguy cơ bị bệnh tim mạch là 48% và bị đột quỵ là 15%.

Điều này củng cố các phát hiện trước đây của GS Cappuccio đã công bố trên báo Sleep, nói rằng không ngủ đủ làm tăng tử vong sớm khoảng 12%.

GS Cappuccio nói thêm: “Ngủ ít làm sản sinh các hormone như hormone gây stress và các hóa chất gây tổn hại khác có thể là “độc tố” làm hại hệ tim mạch”.

Nhưng ngủ nhiều quá cũng tổn hại sức khỏe. GS Cappuccio nói: “Chắc chắn ngủ khoảng 6-7 giờ/đêm, bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe và giảm nguy cơ bị các bệnh mãn tính”.

Nhà nghiên cứu Ý khuyên: “Hãy ngủ đủ nhu cầu để sống khỏe và sống thọ”.

(Chuyển ngữ từ Ansa.it)
 
Não linh động khi chúng ta đọc
Trầm Thiên Thu
00:46 23/02/2011
Nghiên cứu mới đây công bố trên báo Current Biology cho thấy rằng vùng não này thường kết hợp với việc đọc bằng mắt, cũng được “gõ nhẹ” khi người mù đọc chữ Braille.

Phần làm đông lạnh não (Brain Freezer) đòi hỏi bí ẩn của sự sống vĩnh cửu

Nhóm nghiên cứu này, được hướng dẫn bởi các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Y khoa Israel-Canada, đã theo dõi 8 người mù bằng máy cộng hưởng từ chức năng (functional MRI machine) trong khi họ đọc chữ Braille bằng ngón tay. VWFA (Visual Wave Functional Area) là vùng hoạt động nhiều nhất ở não người mù – giống như ở não của người đọc bằng mắt.

Nếu đúng là các vùng não chuyên trách về nguồn cảm giác (sensory input), các vùng não khác tập trung vào xúc giác (tactile sensory) sẽ hoạt động. Các nhà nghiên cứu nói rằng đây không là trường hợp riêng.

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng việc này hỗ trợ lý thuyết siêu phương thứ (metamodal theory) về não, hoặc trong đó một phần não có nhiệm vụ và không hạn chế theo một nguồn cảm giác nào. Thật vậy, họ tin rằng VWFA cần được tái xác định, hoặc có thể đặt tên lại, để diễn tả chính xác hơn mục đích của nó.

Người mù đọc được hình in

Các nhà nghiên cứu nói rằng đọc là hoạt động đã có 5.400 năm, khi việc đọc chữ Braille có chưa đầy 200 năm. Các khoa học gia không tin não tiến hóa để đọc, mà việc đọc sử dụng phần cứng hiện có của não, điều này giải thích lý do VWFA không hạn chế theo một cảm giác. Não đã được định hướng nhiệm vụ.

Nhóm nghiên cứu chưa chắc thông tin cảm xúc được truyền qua truyền lại bằng cách nào từ VWFA tới ngón tay người mù khi đọc chữ Braille. Cần nghiên cứu thêm để xác định cách hoạt động này.

Các phát hiện cũng tương phản với khuynh hướng của chúng ta quan niệm về não bằng nguồn cảm giác của não.

Điều này khiến bạn không biết cái gì khác được đơn giản hóa khi học khoa tâm lý. Có thể não của chúng ta chưa sẵn sàng đưa ra bí ẩn của nó.

(Chuyển ngữ từ Discovery News)
 
Cây gai dầu có lợi cho bệnh nhân ung thư
Trầm Thiên Thu
21:41 23/02/2011
Cây gai dầu (cannabis) có thể giúp các bệnh nhân ung thư (UT) bằng cách làm tăng sự ngon miệng và vị giác tốt hơn.

GS TS Wendy Wismer, thuộc ĐH Alberta, nói rằng nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy cannabis có thể giúp các bệnh nhân UT xử lý việc ăn không ngon, mất vị giác và khứu giác. Điều này có thể dẫn đến việc chán ăn khiến họ không đủ sức để điều trị.

TS Wismer nói rằng các bác sĩ có thể cân nhắc việc cho bệnh nhân dùng thuốc có hoạt chất delta-9-tetrahydrocannabinol (THC) trong cây gai dầu. Bà nói: “Có thể kiểm tra bất kỳ giai đoạn nào của bệnh UT, khi bệnh nhân mất vị giác và chán ăn”.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Niên giám UT (Annals of Oncology), cho thấy gần 3/4 số bệnh nhân UT dùng thuốc có 2,5mg THC đều tăng cảm giác ngon miệng.

Hơn 50% trong số họ nói rằng nó làm tăng vị giác so với chỉ 30% số bệnh nhân dùng giả dược.

Gino Vumbaca, giám đốc điều hành Hội đồng Quốc gia Úc về Thuốc, nói rằng việc dùng thuốc chứa THC có thể làm giảm một số vấn đề về sức khỏe hơn là hít khói gai dầu. Đa số các trường hợp phản đối việc dùng cây gai dầu vì mục đích y khoa đều dựa vào việc hít khói gai dầu, rồi mở rộng tới những người không cần nó.

GS Ian Olver, trưởng Hội đồng Ung thư Victoria, nói rằng cần sa (marijuana) gây phản ứng phụ riêng và có nhiều hiệu ứng thuốc để điều trị các triệu chứng này.

Nghiên cứu mới đây cho thấy mức tăng về sự ngon miệng, nhưng không tăng mức hấp thụ calorie, đây sẽ là điểm lý tưởng của một liệu pháp như vậy. Các nghiên cứu như thế hiện nay chưa cung cấp cơ sở hợp lý đối với việc dùng cần sa trong bất cứ dạng nào.

(Chuyển ngữ từ heraldsun.com.au)
 
Văn Hóa
Trung tín trong tình Chúa quan phòng
Mic. Cao Danh Viện
00:40 23/02/2011


Chúa Nhật Thứ 8 Mùa Thường Niên, Năm A


Chúa cho con có tự do

Dẫu trong thân phận bụi tro làm người

Đôi đàng chỉ chọn một thôi

Hoặc là Thiên Chúa; Hoặc đời phù vân

Không ai có thể một lần

Làm tôi hai chủ, lần khân ởm ờ



Đồng tiền tự nó ngu ngơ

Ai đem lên đặt bệ thờ mà chi!

Dùng tiền mở lối từ bi

Mà mua bằng hữu chờ khi về nguồn

Đồng tiền: ông chủ bất lương

Nhưng là đầy tớ đảm đương việc lành



Một đời con sống tín thành

Như con chim sẽ yên lành cậy trông

Ở trong tình Chúa quan phòng

Con như hoa rực hương nồng sắc xinh

Sớm chiều tiếng kệ câu kinh

Ngày ngày chung thủy mối tình thiên thu



Quẳng đi mọi gánh lo âu

Đặt niềm phó thác khiêm nhu trong Người

Tiên vàn tìm kiếm Nước Trời

Quan phòng Chúa đổ trùng khơi ơn lành

Con xin một dạ trung thành

Chọn đường công chính, thi hành ý Cha

22-2-2011

 
Chữ Tín
Giuse Nguyễn Hữu Đạt
00:57 23/02/2011
Ỷ vô hình, quyền phép
Lu xi phe ngạo ngược, trổ oai
Cám dỗ hoài trần thế sớm mai
Bẻ tín trung, cắt tình Thượng Đế !

Ngài yêu con chẳng nệ đổi thay
Chẳng để quỉ vồ, ám thỏa thích
Bởi kiêu căng con thường nhúc nhích
Đẩy trí khôn lìa xa bí tích !

Ơn Ngài thức tỉnh soi sáng rọi:
Tín trung con còm cõi, nghèo hèn
Cớ bươn chải, nhập nhoèn, xấu nết …
Từng đợt, từng đợt phết lem luốc
Mà lòng thản nhiên như không biết
Sống riêng tư trôi dạt tận bến mê !

Trên đường thênh thang hoan hỉ về
Ngài yêu thương, chả phạt, chỉ khuyên can
Chữ tín Ngài cứu chuộc nhân gian.

Chữ tín con khô khan quá thể
Con xin Đức Mẹ hòa tan tín nghèo.

(23/2/2011)
 
Không làm tôi hai chủ
Ngô xuân Tịnh
09:55 23/02/2011
Không làm tôi hai chủ
Mt 6,24

Nầy em có thể làm tôi
Một mình hai chủ trong đời được sao ?
Bởi vì phải bị lâm vào
Chủ thương chủ ghét làm sao trọn bề
Chủ nầy khinh bỉ ghét chê
Đang khi chủ nọ tràn trề tình thân
Ham mê của cải thế gian
Linh hồn đánh mất muôn vàn hiểm nguy
Sẽ luôn sóng gió bất kỳ
Bình an hạnh phúc mất đi trong đời
Còn như Thiên Chúa làm tôi
Là con cái Của Nước Trời thưởng ban
Bình an hạnh phúc vô vàn
Nếu như thách đố muôn vàn hiểm nguy
Quan phòng Chúa sẽ phù trì
Tìm về vĩnh phúc bước đi vững vàng
Em ơi có biết hay chăng
Làm tôi của cải thế gian đồng thời
Làm tôi Thiên Chúa than ôi
Là không thể được em ơi nhớ lời

Tin vào Chúa quan phòng
Mt 6 25-34

Đây Thầy bảo cho anh em biết
Đừng quá lo vật chất bản thân
Quá lo biết lấy gì ăn
Quá lo áo mặc ấm thâ hằng ngày

Mạng sống phải trọng hơn lương thực
Thân thể hơn áo mặc bên ngoài
Hãy xem tất cả chim trời
Rút ra bài học cuộc đời anh em

Chúng đâu biết đem thân gieo gặt
Cũng không biết cất của vào kho
Nhưng Cha anh em vẫn lo
Để cho chúng được ăn no hằng ngày

Hơn biết mấy loài chim muông đó
Là anh em có biết hay không ?
Ai nhờ lo lắng giỏi giang
Kéo dài đời sống một gang thêm vào ?

Xem hoa huệ đồng cao đua mọc
Không kéo sợi cực nhọc mảy may
Nhưng sắc của hoa huệ nầy
Salomon phú quý mặc tầy được sao ?

Hoa đồng cao nay còn mai mất
Thiên Chúa cho mặc đẹp như vầy
Phương chi chính anh em đây
Đức tin đừng kém như vầy được không

Đừng quá lo cơm ăn áo mặc
Những thứ đó chắc dân ngoại làm
Cha anh em Đấng từ nhân
Biết anh em cũng đang cần thứ chi

Vậy thì điều anh em tìm kiếm:
Ưu tiên Nước Thiên Chúa và rồi
Cả đức công chính của Người
Còn các thứ khác thì Người thêm cho

Đừng quá vì ngày mai lo lắng
Ngày mai hẵng để ngày mai lo
Những cái khổ cho từng ngày
Luôn luôn là cái đong đầy dương gian

Quan phòng phó thác hoàn toàn
Cuộc đời sẽ được bình an mọi ngày
Tình yêu Thiên Chúa đong đầy
Chính là phúc thật mọi ngày Chúa ban.
 
Thiền 5 Phút: Tôi Hét Lên
Nguyễn Trung Tây, SVD
18:47 23/02/2011
Thiền 5 Phút: Tôi Hét Lên!

Tôi mệt nhọc với cuộc đời,

Tôi khò khè với cuộc sống!

Tôi làm hãng cam, làm anh cai.

Tôi đếm tiền.

Tôi, vợ đẹp.

Tôi, con khôn.

Tôi ung thư.

Tôi hét lên!

oOo

Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm. Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, xe đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.

Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam.

Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy. Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay. Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải. Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ. Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…

Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá. Thoạt tiên là mười lăm đồng. Năm năm sau lương tăng lên. Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếp. Được làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn. Nhưng cũng chẳng sao. Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần. Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ. Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền. Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

Tôi hát nho nhỏ,

“Tiền là tiên là Phật,

Là sức bật của tuổi trẻ,

Là sức khỏe của tuổi già”.

Tiền!

Có tiền là có tiên. Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam. Nàng sửa cằm, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn. Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong. Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo. Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây. Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo. Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam. Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang. Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung. Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng. Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính. Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang. Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền. Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến. Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.

Cuộc sống tôi thênh thang. Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái. Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống!

Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật. Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.

Tôi đếm tiền mỏi tay!

Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.

Tôi hạnh phúc mênh mông!

Đời tôi màu hồng.

Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.

Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.

Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.

Tôi, thiên đàng trần thế!

Hồn ơi, vui lên!

oOo

Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát.

Đi khám,

Bác sĩ nói,

— Ung thư cuống họng.

Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc.

Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!

Thân thể xanh xao. Mặt bủng da chì!

Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.

Tôi húp phở, phở không ngon.

Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.

Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.

Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.

Tôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.

Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.

Sáng sáng nhìn qua khung cửa,

Bình minh rực rỡ,

tôi mơ sức khỏe.

Tôi khóc! Trời ơi, sao đời phù vân!

Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua.

Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa.

Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn.

Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm.

Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức. Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc. Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”

Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,

Ngày mai con có bài thi cuối khóa.

Chúc bố chóng bình phục”.

Nhưng tôi vẫn tuột dốc.

Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.

Tôi rớt xuống.

Tôi chạm đáy vực sâu.

Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.

Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:

“Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,

Xin chữa con!

Xin cứu con.

Nếu bây giờ,

Phép lạ xẩy ra,

Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,

Con sẽ vẫn làm anh cai,

Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.

Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!

Có đó rồi mất đó,

Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!”.

Nhưng phép lạ không xẩy ra.

Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,

Tôi khò khè với bệnh tật!

Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!

Tôi nằm dài trên giường bệnh,

Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.

Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”

Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”.

Tôi hét lên! Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!

Tôi mở mắt ra,

Người ướt đẫm mồ hôi!

Nhìn qua khung cửa,

Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.

Bên khung cửa,

Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning! Chào bình minh buổi sáng”.

Tỉnh cơn ác mộng,

Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua.

Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.

Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,

— Ủa, không đi làm sao?

Tôi đáp cộc lốc,

— Không!

Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…

www.nguyentrungtay.com
 
Pha,
lykhách
21:11 23/02/2011


Thơ pha nước lỡ đổ sầu tung tóe
Thời gian pha không gian mù mịt nẽo quê
Xị rượu Tây mang pha cốc Đế
Nếm vẫn nồng mùi…nước mắt hương quê!

Pha hồn người xưa vào kiểu sống người nay
Nghe vong linh tủi hổ về lất lây
Cây có cội, nước có nguồn, chim có pha rừng mấy
Cũng đừng quá đà pha mất gốc hóa Tàu, Tây!

Điều gì nên pha, chi không nên pha?
Thử pha chút tình nước trộn tình nhà
Pha thế thời cảnh gia vong - quốc phá
Ừ, không pha… mà cũng…coi như pha!

Thôi, khẳng định chẳng cần pha nữa
Sao cứ đem “bức xúc” với “nhạy cảm” pha nhau?
Rồi im lặng pha hèn cam chịu sống qua bữa
Dù nhất trí rằng cần khai phá trước, pha sau?!




 
Bí Tích Giải Tội
Giuse Nguyễn Hữu Đạt ( BT-BH )
21:23 23/02/2011










Mới ước mơ, tâm hồn thanh nhẹ
Bí tích huyền siêu Con Mẹ lập ban.

Tội lỗi con, hậu quả thế gian
Bệnh vô hình chẳng màng cũng bị
Thuốc thang phần xác đã tràn lan
Bệnh vẫn bệnh cơ man nào kể !

Bệnh thế kỷ, bệnh xưa cũ kỹ
Cứ bán đeo nhân loại từng giây
Có thuốc chữa, lây vẫn lây
Dù vô tình hay cố ý gây !

Mới mệt mỏi con mua nhân dược
Từ nguồn thương ban sẵn ngàn xưa
Con lành lặn, con vui đùa
Quên bỗng chốc mùa chay đà đến !

Chúa nuôi con, Chúa chữa con
Thuốc thiêng liêng khỏe tâm hồn
Mỗi khi sa ngã tha thứ luôn
Suối giải tội con tìm đến uống.

Cảm tạ Cha ban viên thần dược:
Lòng thống hối con thú, cha thương
Gánh tội đời lời thánh tỏ tường
70 lần 7, con đường trường sinh.

Bí tích giải tội, Bí tích thần linh
Chữa bệnh phần hồn, vui phần xác
Thành tâm con nhận, được Chúa vác
Trên vai hạnh phúc, địa đàng là đây.

Nhận Bí tích rồi, tội tan biến ngay.


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phố mưa
Nguyễn Bá Khanh
22:06 23/02/2011
PHỐ MƯA

Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Trời mưa khiến nước trôi trên phố,

Như những dòng sông khúc uốn quanh.

Sẽ chảy trôi về muôn ngã rẽ,

Và em ngã ấy sẽ xa anh.

(Trích thơ của Nguyễn Phan Nhật Nam)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền