Ngày 22-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ Bẩy Quanh Năm 23/2/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:48 22/02/2020
Bài Ðọc I: Lv 19,1-2. 17-18

"Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình".

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

Bài Ðọc II: 1 Cr 3, 16-23

"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 5, 38-48

"Các con hãy yêu thương thù địch các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

Ðó là lời Chúa.
 
Khi Tình Yêu Trở Thành Ánh Sáng
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:59 22/02/2020
Chúa Nhật VII TN A 2020

Văn chương tiểu thuyết kiếp hiệp của Tàu, có thể nói được, hầu hết xoay quanh chủ đề “oán thù”, ân oán thù hận. Oán thù giữa môn phái nầy với môn phái khác, giữa dòng tộc nầy với dòng tộc khác, giữa dân miền nầy với dân miền khác, giữa cá nhân nầy với cá nhân khác…đan xen, vướng vít, tồn tại miên viễn qua các loại thù: “tình ái thù” (Đinh Điển- Lăng Sương Hoa trong Liên Thành quyết), “phụ mẫu thù” (Quách Tĩnh-Dương Khang trong Anh hùng Xạ điêu), “sĩ diện thù” (Chu chỉ Nhược trong Cô gái Đồ Long), “quyền lực thù” (Nhạc Bất Quần-Đông phương Bất bại trong Tiếu ngạo giang hồ), “phu thê thù” (Tiêu Viễn Sơn trong Thiên Long bát bộ hay còn có tên khác là Lục Mạch thần kiếm)…

Dưới ngòi bút đầy tính nhân văn của cố đại văn hào Kim Dung, oán thù chỉ được hoá giải qua những mối tình si của các “cặp đôi” mà mỗi người thuộc một phe đối nghịch thâm thù. Vâng, chính nhờ những mối tình bất chấp mọi trái ngang, vượt qua mọi thù oán của họ mà cái gút của hận thù oan khúc mới được hoá giải: Hoàng Dung và Quách Tỉnh, Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung, Triệu Mẫn (Minh) và Trương Vô Kỵ…; và có lẽ một dấu chỉ, một hình tượng bi tráng và ấn tượng nhất để thuyết minh cho luận đề “tình yêu hoá giải hận thù” đó chính là cô hiệp nữ hiền diệu A Châu sẵn sàng dùng thân mình đón nhận phát chưởng ngộ nhận của người yêu Tiêu Phong (Kiều Phong), lấy cái chết để hoá giải mối thâm thù dòng tộc; và sau đó, tại Nhạn Môn quan, chính Tiêu Phong bẻ tên đâm ngực tự vẫn để Liêu quốc và Trung Nguyên dừng cơn huyết hận… (Thiên Long bát bộ).

Ý nghĩa và hình tượng của những mối tình ở “đôi bờ thù oán” trên nơi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung phương Đông, chúng ta lại gặp thấy một cặp đôi đầy ấn tượng dưới ngòi bút của văn hào người Anh Shakespeare qua tác phẩm bi hùng kịch lừng danh Romeo-Juliette. Vâng, chỉ sau cái chết đầy oan nghiệt của đôi bạn trẻ yêu nhau nầy mà hai dòng họ không đội trời chung Montague và Capulet cùng sắp hàng theo sau hai chiếc áo quan để cùng tiến vào Thánh đường hiệp dâng Thánh lễ…

Nhưng chuyện hận thù, oan khúc đâu phải chỉ là chuyện của ngày xưa hay trong tiểu thuyết, mà là chuyện xảy ra hằng ngày như cơm bữa trong xã hội chúng ta hôm nay: Vợ giết chồng, người yêu đâm chết người yêu, cha giết con, cháu hại ông bà, bạn bè thanh toán lẫn nhau…Trên bình diện quốc gia và quốc tế cũng chẳng khá hơn gì: hận thù tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp đất đai, quyền lợi kinh tế…đã làm dấy lên ngọn lửa oán thù, bạo lực chiến tranh liên miên hết nơi nầy đế nơi khác, thời nầy đến thời nọ. Cái chết oan khúc của cụ Lê Đình Kình mới đây trong “biến nạn Đồng Tâm” là một thí dụ điển hình !

Quả đúng như Cicéron diễn giả Lamã đã từng nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Và rồi thù oán mang theo oán thù. Oan oan tương báo. Cái vòng lẫn quẫn “oán thù” sẽ trói buộc con người trong nổi bất an và bất hạnh triền miên. Đức Khổng Tử cũng đã từng cảnh báo các đồ đệ phải tránh xa việc trả thù khi ngài phát biểu một ẩn dụ thâm thúy: “Trước khi lên đường báo thù, hãy đào hai cái huyệt”.

Hôm nay, Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một con đường, một phương thế để thiết lập mối tương quan hoà bình huynh đệ giữa con người, để loại bỏ oán thù và thiết lập một nền văn minh tình yêu và sự sống trên mặt đất: Đó chính là con đường tìm về sự thánh thiện của Thiên Chúa “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Sách Lêvi trong BĐ 1), “hãy nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng); và sự trọn lành hay “hoàn thiện” mà Thiên Chúa gọi mời con người chiêm ngưỡng và bắt chước Ngài lại chính là TÌNH YÊU, là lòng nhân từ. Bởi, như Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8); và việc “hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) cũng đồng nghĩa với việc “hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Vâng, tình yêu thương chính là con đường tìm lại căn tính đích thực của chính mình “đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (Thư 1 Côrintô trong BĐ 2) và cũng là con đường “cách mạng nội tâm” để xây dựng lại mối tương quan mới trong cung cách ứng xử của cái tôi thường tình “oan đền oán trả”: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Bài Tin Mừng). Chính Đức Kitô, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động: đón nhận cái chết vì tình yêu và sẵn sàng tha thứ và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Quả thật, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn minh sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”

Giữa một thế giới, một xã hội, một đất nước mà bạo lực, oán thù, ghen ghét đã trở thành một “phản ứng đương nhiên và thường xuyên” của con người, thì thật là thích hợp khi sứ điệp lời Chúa hôm nay vang lên lời mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, “Hãy nên trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành”. Và như thế, lời cầu nguyện dành cho nhau và cho cả thế giới không bao giờ lỗi thời lại chính là lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa Từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục….”.

Và thực ra, đã có những người con của Chúa thực thi huấn lệnh nầy để gieo mầm yêu thương, khoan dung, tha thứ, cho dù phải chấp nhận cái giá là hy sinh chính mạng sống mình, như linh mục Maximilien Kolbe chết thay người bạn trong trại tù của Quốc xã Đức vào thời đệ nhị thế chiến, hay như mục sư Martin Luther King Jr. chết để hoá giải cho cuộc kỳ thị lẫn nhau, phân biệt chủng tộc giữa những người da trắng và da màu. Cùng với cái chết như một lời chứng của hoà hợp, yêu thương, chính vị mục sư nầy đã chú giải thêm sứ điệp Tin Mừng hôm nay bằng những lời cũng thật thâm thuý: “Bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ ánh sáng mới làm được. Hận thù không thể xua đuổi hận thù, chỉ tình yêu mới làm được” (Darkness cannot drive out darkness, only light can do that. Hate cannot drive out hate, only love can do that).

Và có lẽ chúng ta đều đồng ý với “quy luật vật lý” cơ bản nầy của Nicola Tesla: “Nếu hận thù ghen ghét biến thành điện, thì cả thế giới sẽ được thắp sáng” (If your hate could be turned into electricity, it would light up the whole world). Hận thù chắc chắn sẽ không bao giờ trở thành “điện”; nhưng chắc một điều: tình yêu sẽ trở thành ánh sáng. Hãy yêu thương để biến ước mơ và cũng là mệnh lệnh của chính Đức Kitô trở thành hiện thực: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14).

Lm. Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 22/02/2020

6. Con người ta nếu cứ hồi tưởng về những việc thiện của mình đã làm, thì đức hạnh của họ nhất định không tiến triển được.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 22/02/2020
53. HAI DƯƠNG TƯƠNG NGỘ

Dương Văn Khanh ở Triết Giang làm bộ hình lang trung, còn Dương Văn Khanh ở Sơn Tây thì làm bộ hộ lang trung, cả hai người cùng làm lang trung ở kinh thành, lại vừa cùng tên cùng họ, cho nên rất dễ khiến người ta lầm lẩn.

Một hôm, Dương Văn Khanh ở Triết Giang mời Trần Sư Triệu dự tiệc, sau khi nhận thiệp mời, Sư Triệu bèn theo ngày viết trên thiệp mà đi dự, nhưng đi lầm đến nhà của Dương Văn Khanh ở Sơn Tây. Gặp lúc Văn Khanh ngủ, người nhà vào bẩm báo có Sư Triệu đến, Văn Khanh vội vàng đích thân ra mời vào ngồi hầu.

Ngồi rất lâu, cũng không thấy Văn Khanh có tình ý mời ăn tiệc, Sư Triệu liền nghĩ thầm: “Một bàn tiệc rượu đơn giản cũng được vậy, không nên lãng phí”. Văn Khanh nghe được thì có chút kinh ngạc, trong bụng nghĩ tại sao Sư Triệu nói mình đãi khách? Giữa lúc nghi ngại nhưng cũng vẫn ra lệnh cho người nhà chuẩn bị tiệc rượu.

Nhưng qua một lúc sau, Dương Văn Khanh ở Triết Giang sai người truy tìm tung tích mà đến bẩm báo với Sư Triệu:

- “Chủ nhân đã đợi rất lâu giờ, mời đại nhân đi mau”.

Sư Triệu tỉnh ngộ hỏi:

- “Té ra là chủ nhân của ngươi mời ta, ta đi nhầm nhà rồi !”

Và cười lớn mà đi theo.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 53:

Lầm lẫn tên người này với người nọ là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, nhất là đối với những người đãng trí và tuổi tác cao.

Trong đời sống thiêng liêng cũng có những lúc người Ki-tô hữu lầm lẫn chuyện đọc kinh và chuyện hy sinh là hai chuyện không ăn nhập gì với nhau, cho nên họ chỉ biết đọc kinh cho nhiều mà không có hy sinh, bởi vì hy sinh và cầu nguyện phải đi đôi với nhau; đọc kinh cầu nguyện mà không hy sinh thì giống như xác mà không có hồn, hy sinh mà không cầu nguyện thì giống như linh hồn không có thân xác, cho nên lời cầu nguyện chỉ có thế giá trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta kết hợp lời cầu nguyện và hy sinh là một...

Đức Chúa Giê-su đã hy sinh chết trên thập giá, và cũng trên thập giá Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Ngài, do đó mà chúng ta biết được hy sinh và cầu nguyện phải đi đôi với nhau trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu.

Nhầm lẫn vì tuổi tác cao, nhầm lẫn vì trùng tên họ là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, nhưng tách cầu nguyện và hy sinh ra làm hai là một nhầm lẫn rất lớn của người Ki-tô hữu, bởi vì cầu nguyện kèm với hy sinh là bảo bối để kéo ơn Thiên Chúa xuống trên chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Số trường hợp nhiễm coronavirus tại Ý tăng gần gấp 4 lần chỉ trong một ngày.
Đặng Tự Do
16:05 22/02/2020
Cho đến chiều thứ Bẩy 22 tháng Hai, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus ở Ý đã tăng lên 55 người, tức là tăng gần gấp 4 lần so với con số 14 người được báo cáo hôm thứ Sáu.

39 trường hợp được xác nhận ở khu vực phía bắc của Bologna và 12 trường hợp ở khu vực Veneto, người đứng đầu ngành y tế của miền Lombardy, Giulio Gallera, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy.

Một bệnh nhân nữ 77 tuổi bị coronavirus đã được phát hiện chết cô đơn trong nhà của mình, ông Gallera xác nhận.

“Chúng tôi có thể nói bà ấy là nạn nhân thứ hai của coronavirus ở Ý,” ông Gallera nói và nhấn mạnh thêm rằng các nhà chức trách vẫn phải “điều tra mối quan hệ giữa cái chết và virus”.

Tại vùng Bologna, 35 người được xét nghiệm dương tính tại thị trấn Codogno, hai người ở thành phố Cremona và hai người gần thành phố Pavia, ông Gallera cho biết thêm.

“Tất cả các hoạt động công cộng cũng đã bị đình chỉ ở 10 thị trấn phía nam Milan,” ông Gallera cho biết thêm.

Theo trang web của khu vực Bologna, các nhà ga ở ba nơi bị ảnh hưởng bởi vụ dịch bệnh này là Codogno, Maleo, Casalpusterlengo - sẽ đóng cửa từ thứ Bảy.

Chủ tịch miền Bologna, Attilio Fontana, cho biết: “Tất cả những người được xét nghiệm dương tính đã được bệnh viện Codogno tiếp xúc, trực tiếp hoặc gián tiếp.”

Gallera cho biết, bệnh nhân zero là một người vừa về từ Hoa Lục. Trong khi đó, bệnh nhân thứ nhất là một người đàn ông 38 tuổi làm việc tại bệnh viện Codogno, làngười không đi du lịch sang Trung Quốc nhưng đã gặp một người bạn, là bệnh nhân zero.

Các nhà chức trách đã kiểm tra các đồng nghiệp, nhân viên y tế và những người khác có liên hệ chặt chẽ với bệnh nhân đầu tiên.


Source:CNN
 
Các giám mục Địa Trung Hải kêu gọi các chính trị gia mở hành lang nhân đạo, chấm dứt nguyên nhấn di cư và thúc đẩy văn hóa hòa bình
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:57 22/02/2020
Các giám mục từ ba châu lục đang ở thành phố Bari của Ý để tìm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư làm suy yếu các quốc gia xung quanh biển Địa Trung Hải. Họ thảo luận về các hành động cụ thể có thể được thực hiện để giải quyết sự bất bình đẳng làm suy yếu lưu vực Địa Trung Hải và tạo thành một mảnh của "chiến tranh thế giới thứ ba," theo lời ĐGH Phanxicô.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội nhận thức được những hạn chế của họ trước sự phức tạp của các cuộc xung đột xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo. Nhưng họ thấy cuộc họp này, trên hết, như một điều gì đó tiên tri. ĐTGM Francesco Cacucci của thành phố Bari nói: "Chúng ta phải lưu ý đến thực tế rằng có một số phận chung giữa các dân tộc Địa Trung Hải. Với tư cách là Kitô hữu, chúng tôi được kêu gọi để nói với thế giới rằng mọi người nam nữ đều là một phần của một gia đình nhân loại."

Số phận chung giữa các dân tộc tại Địa Trung Hải

Mục đích chính của cuộc họp, do đó, là mang lại sự thay đổi về tâm lý. Khu vực Địa Trung Hải bị tàn phá bởi các cuộc chiến đẫm máu và mất cân bằng của cải giữa bờ biển phía bắc và phía nam. Điều này chỉ làm trầm trọng thêm kịch tính di cư. ĐHY Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý nói: "Chúng ta phải cung cấp cho người dân của chúng ta một tầm nhìn không phải là từng mảnh, nhưng là toàn cầu và nhân bản, khi nói đến về vấn đề và sự giàu có của Địa Trung Hải." Ngài nói: "Không thể giả vờ rằng các cuộc xung đột ở Libya hay Syria không liên quan đến chúng tôi."

"Đó là một cơn lốc của những cuộc gặp gỡ," Giáo chủ Ibrahim Isaac Sidrak của các tín hữu Coptic tại Alexandria nói. "Những trao đổi này phải đưa chúng ta ra khỏi sự cô lập. Chúng ta vẫn chưa làm việc đủ với nhau như các Giáo hội,", nhà lãnh đạo tinh thần 64 tuổi của khoảng 300.000 người Công Giáo Ai Cập nói. Một khi cuộc họp kết thúc, "chúng ta không rời hội nghị với những diễn thuyết tuyệt vời, chúng ta phải hành động", ĐTGM Paul Desfarges của Algiers nói. Những người tham gia, những người đang làm việc đặc biệt là làm thế nào để truyền tải niềm tin cho những người trẻ tuổi, có thể công bố một kế hoạch đào tạo cho các thế hệ mới, với các chìa khóa để cải thiện cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo. "Làm việc để truyền tải niềm tin đang hoạt động vì hòa bình", giáo chủ Ibrahim nhấn mạnh. "Bởi vì khi một người cư xử như một Kitô hữu chân chính, người đó luôn hành động vì hòa bình."

"Nếu muốn có hòa bình, phải cấm vũ khí."

Giáo chủ Sedrak nhận xét: "Hòa bình có giá. Ngài yêu cầu các nước giàu chia sẻ một chút phúc lợi," yêu cầu các cường quốc "nói không với cuộc chạy đua vũ trang". Ngài yêu cầu tất cả mọi người, ngay cả các Giáo hội, "trở thành một công cụ hòa bình". Ngài nhấn mạnh: “Vũ khí tạo ra nạn nhân. Chúng tạo ra vấn đề. Chúng tạo ra những người tị nạn. Chúng là cơ sở của tất cả những tệ nạn.” Ngài nói thêm: “Hãy sống hòa bình cùng nhau. Chúng ta phải tự chữa lành khỏi sợ hãi, bởi vì nỗi sợ hãi tạo ra nghi ngờ và thù hận là nguồn gốc của mọi cuộc chiến và tất cả những gì ngăn cách chúng ta..

Tổng Gíam Mục Scicluna của Malta cũng bày tỏ rất rõ ràng, mời gọi "biến đổi bài ngoại thành mến ngoại", nhưng cũng phân biệt giữa các trách nhiệm của cộng đồng giáo hội và chính trị. Về vấn đề này, Malta là "hòn đảo nhỏ" "phải mỗi ngày tiếp nhận những người di cư đến bờ biển của chúng ta, vệc tầu đắm cần sự giúp đỡ ngay lập tức, nhưng sau đó điều này gây ra căng thẳng trong các cấu trúc dành cho việc tiếp nhận và trong cộng đồng của chúng ta". "Chúng ta không thể nói với các chính trị gia phải làm gì nhưng việc chúng ta gặp nhau đã là một lời tiên tri, và tôi hy vọng nó cũng khuyến khích chính quyền dân sự làm mọi thứ có thể để giúp đỡ người di cư, được thúc giục bởi lời tiên tri chung của chúng ta".

Cổ võ nhân quyền, nhấn phẩm và tự do tôn giáo

Do đó, lời kêu gọi đã được đưa ra và tái khởi động bởi ĐHY Jean-Claude Hollerich, TGM của Luxembourg và chủ tịch của Ủy ban Giám mục Liên minh Châu u (Comece): "Chính trị phải chống lại các nguyên nhân di cư và cam kết hòa bình, nhân phẩm, tự do tôn giáo. Mọi người đều có quyền ở lại đất nước của mình." "Nếu Liên minh châu u không làm gì, Giáo hội phải là tiếng nói tiên tri và trở thành lương tâm của châu u.” Ngài nói thêm: "Trên thực tế, “chúng ta chứng kiến bi kịch của những người tị nạn. Chúng tai thấy nó ở các đảo của Hy Lạp và Libya. Đó là một sự xấu hổ cho châu u. Chúng ta nói rất nhiều về các giá trị châu u nhưng chúng ta quên họ hoàn toàn khi chúng ta phải giúp đỡ. Sự hấp dẫn mà chúng ta đưa ra là mở các hành lang nhân đạo. Nếu chỉ có một cuộc sống được cứu, thì đó là việc đáng làm". Cuối cùng, Giám mục Antonino Raspanti của Acireale, chủ tịch ủy ban tổ chức cuộc họp, nhấn mạnh sự liên tục cần thiết để tạo ra sáng kiến này. "Cần có một nhất trí và yêu cầu rằng nó không kết thúc ở đây, bởi vì chúng ta không muốn sự kiện này kết thúc tự nó. Những vấn đề được nêu lên trong những ngày này không phải là vấn đề đơn giản - ngài nói thêm - và chúng ta không giả định đã giải quyết chúng. Thay vào đó, cần phải nghiên cứu sâu hơn về tình hình phức tạp và đa dạng của Địa Trung Hải của chúng ta, bắt đầu từ sự đóng góp mà cộng đồng của chúng ta có thể cung cấp."

Đức tin của mọi dân tộc từ Địa Trung Hải có ích lợi cho Châu u.

Trong bản tóm tắt về các công trình, nhu cầu hiểu biết lớn hơn giữa các Giáo hội đã được nhấn mạnh. Cha Francesco Patton, Dòng Phanxicô, Giám đốc trông coi Đất thánh nói: " Địa Trung Hải là một "ngôi nhà chung," nhưng cư dân của nó cần biết nhau nhiều hơn, để tăng cường trao đổi văn hóa và đức tin, trong bầu không khí hòa bình, tôn trọng và hữu nghị, giữa hai Giáo hội Kitô giáo khác nhau và giữa các tôn giáo, chủ yếu là giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Liên quan đến mối quan hệ giữa tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo, Cha Patton trả lời các câu hỏi của các nhà báo rằng tuyên bố Abu Dhabi có chữ ký của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Giáo sĩ Al Ahzar được đưa vào trong các chủ đề học hỏi ở tất cả các trường tại Đất thánh." "Tài liệu Abu Dhabi là nền tảng được nghiên cứu trong trường học. Các sinh viên của chúng tôi thuộc Kitô giáo và Hồi giáo, không thể không biết điều đó. Hơn nữa, Tuyên bố đã đi vào chương trình giảng dạy của các chủng sinh đang hướng đến đời sống linh mục hoặc thánh hiến."

ĐGM Raspanti đã xem xét ngắn gọn tiến độ của công việc. Sau báo cáo giới thiệu, 58 giám mục chia thành sáu nhóm gồm 9 hoặc10 người. Sẽ thảo luận sâu hơn bằng cách chạm vào các chủ đề như truyền niềm tin cho giới trẻ, gia đình, lao động do chiến tranh, sự trống rỗng của cộng đồng ở ngoài nước, mối quan hệ với Hồi giáo. Trên hết, vị giám chức lưu ý, nhu cầu hiểu biết lớn hơn giữa các Giáo hội khác nhau, bao gồm cả những nghi thức khác nhau có hiệp thông với Rôma.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ kết thúc

ĐGH Phanxicô không ngừng lên án mạnh mẽ sự thờ ơ với số phận của những người di cư, rất nhiều người đã chết trên biển Địa Trung Hải trong khi cố gắng tiếp cận phương Tây. Ngài sẽ đến Bari vào ngày 23 tháng 2 để bầy tỏ hỗ trợ cá nhân ngài với các giám mục và cuộc hội họp của họ. ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật ngoài trời tại thủ phủ vùng Puglia và sẽ nhận được những đề nghị của các giám mục sau bốn ngày thảo luận. "Chính sự kiện lớn này có giá trị chính trị cao," Michele Emiliano, Chủ tịch Vùng Puglia nói."Sự hiện diện của các bạn ở đây tại Bari, cùng với Đức Thánh Cha, là nguồn hy vọng cho chúng tôi", ông nói với các giám mục. "Các bạn là một điểm tham chiếu cho những người muốn xây dựng những bước đường hội nhập giữa các nền văn hóa khác nhau," Emiliano nói. Nhưng định mệnh chung có nghĩa là gặp gỡ đích thực và lắng nghe. Các giám mục, với sự đa dạng về mối quan tâm và sự nhạy cảm của họ, là một ví dụ về sự khác biệt mà họ kêu gọi ở Địa Trung Hải. Một số người tham gia đang hy vọng rằng cuộc họp sẽ có thể giúp tập trung sự chú ý vào một khu vực Địa Trung Hải vẫn còn hướng rất nhiều về châu u.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Phản ứng sơ khởi của hàng giáo phẩm Italia trước tình trạng coronavirus lan nhanh
Đặng Tự Do
17:11 22/02/2020
Thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục đã cho biết một số phản ứng sơ khởi của hàng giáo phẩm Italia trước tình trạng coronavirus lan nhanh tại các tỉnh phía bắc của quốc gia này.

Tại Milan, nơi các thánh lễ cuối tuần này vẫn có thể tiến hành được, tổng giáo phận đã ra chỉ thị về việc rước Mình Thánh Chúa trong các thánh lễ có giáo dân tham dự.

“Tính đến các tình huống đang được tạo ra và phát triển, do sự lây nhiễm từ Covid-19, (hay coronavirus) trong lãnh thổ tổng giáo phận của chúng ta, chúng tôi đề nghị rằng việc rước lễ chỉ nên được phân phát trên tay, là điều phù hợp với chuẩn mực phụng vụ hiện hành”. Đây là chỉ thị do Đức Ông Franco Agnesi, tổng đại diện của tổng giáo phận Milan, đưa ra.

Trong khi đó, Phong Trào Công Giáo Tiến Hành của tổng giáo phận đã đình chỉ Hội đồng giáo phận dự kiến vào Chúa Nhật 23 tháng Hai. Một thông báo từ phong trào viết:

“Trước các tin tức dồn dập liên quan đến Coronavirus hay Covid-19 và các khuyến nghị của các tổ chức hữu quan, chúng tôi quyết định tránh tập hợp hơn 650 đại biểu tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan.”

Tại giáo phận Venice, thay mặt cho Đức Thượng Phụ Francesco Moraglia, Đức Ông Angelo Pagan, tổng đại diện đã gởi emails cho các linh mục. Ngài viết:

“Anh em thân mến, thể theo yêu cầu của anh em về thông tin liên quan đến cách hành xử trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan tràn, tôi xin anh em tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh thông thường đã ban hành, rửa tay cẩn thận và tránh tiếp xúc không cần thiết, chẳng hạn như đừng trao bình an bằng cách bắt tay nhau, và chờ đợi những chỉ dẫn từ giáo phận, sau khi chúng tôi tham khảo các chuyên gia về khoa học y tế để biết liệu thực sự có việc gì cần làm thêm hay không, và nếu có, thì phải làm gì.”

Trong khi đó, tại Codogno, nơi chính quyền đã yêu cầu hủy bỏ các cuộc gặp gỡ đông người, các nhà thờ đã phải hủy bỏ các thánh lễ cuối tuần này và cả ngày thứ Tư Lễ Tro, Đức Ông Iginio Passerini, cha sở giáo xứ San Biagio, ở ngay nơi có đông người bị nhiễm coronavirus nhất hiện nay nói:

“Tôi cho rằng không ai nghĩ rằng chúng ta lại phải đối phó với coronavirus ở đây trong thành phố Codogno này.”

Ngài ghi nhận rằng thành phố “đang trải qua những giờ phút đầy sợ hãi và hoang mang. Mọi người được yêu cầu ở trong nhà và tất cả các cuộc tụ họp công cộng đã bị đình chỉ, ngay cả những sắp đặt cần thiết này cũng khiến cho nỗi sợ của chúng ta trở nên kinh hoàng hơn”.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh các quy định yêu cầu chúng tôi tránh các dịp tụ tập và gặp gỡ nhau, dù cho đó là các cử hành phụng vụ, nhằm hạn chế sự lây lan của virus đe dọa sự chung sống của cộng đồng. Chúng ta sẽ phải trả giá bằng các thánh lễ Chúa Nhật làm cho chúng ta cảm thấy, trong tư cách là các tín hữu, một sự thiếu thốn của ăn thiêng liêng rất lớn, khi chúng ta chào đón những khoảnh khắc chuẩn bị cho Mùa Chay. Chúng ta hãy biến chuyện chẳng may này thành một dịp để cảm nhận sự đói khát của những người cảm thấy họ không thể sống mà không có Bí tích Thánh Thể”.

Tuy nhiên, Đức Ông Iginio Passerini hô hào anh chị em giáo dân của ngài rằng “Chúng ta phải có lòng can đảm và thanh thản như những tín hữu khi phải tiến bước trên đoạn đường này, nơi chúng ta gặp nhiều báo động và sợ hãi, nhưng chúng ta có thể truyền niềm tin và hy vọng là Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta.”

Đối với những người đã nhiễm coronavirus, vị linh mục nói: “Suy nghĩ của chúng ta cũng nên hướng đến những người bị nhiễm bệnh đang phải chiến đấu chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Chúng ta mong họ có nhiều sức mạnh và sự kiên nhẫn trong việc theo đuổi các liệu pháp. Chúng ta hãy nhớ những người đang bị cách ly, và trên hết là các nhân viên y tế đang chiến đấu diệt virus và ngăn chặn nhiễm trùng. Chúng ta đừng quên mọi người ở Ý và trên thế giới đang hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh này bằng mọi cách.”

Cho đến chiều thứ Bẩy 22 tháng Hai, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus ở Ý đã tăng lên 55 người, tức là tăng gần gấp 4 lần so với con số 14 người được báo cáo hôm thứ Sáu.

39 trường hợp được xác nhận ở khu vực phía bắc của Bologna và 12 trường hợp ở khu vực Veneto, người đứng đầu ngành y tế của miền Lombardy, Giulio Gallera, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy.

Một bệnh nhân nữ 77 tuổi bị coronavirus đã được phát hiện chết cô đơn trong nhà của mình, ông Gallera xác nhận.

“Chúng tôi có thể nói bà ấy là nạn nhân thứ hai của coronavirus ở Ý,” ông Gallera nói và nhấn mạnh thêm rằng các nhà chức trách vẫn phải “điều tra mối quan hệ giữa cái chết và virus”.

Tại vùng Bologna, 35 người được xét nghiệm dương tính tại thị trấn Codogno, hai người ở thành phố Cremona và hai người gần thành phố Pavia, ông Gallera cho biết thêm.

“Tất cả các hoạt động công cộng cũng đã bị đình chỉ ở 10 thị trấn phía nam Milan,” ông Gallera cho biết thêm.

Theo trang web của khu vực Bologna, các nhà ga ở ba nơi bị ảnh hưởng bởi vụ dịch bệnh này là Codogno, Maleo, Casalpusterlengo - sẽ đóng cửa từ thứ Bảy.

Chủ tịch miền Bologna, Attilio Fontana, cho biết: “Tất cả những người được xét nghiệm dương tính đã được bệnh viện Codogno tiếp xúc, trực tiếp hoặc gián tiếp.”

Gallera cho biết, bệnh nhân zero là một người vừa về từ Hoa Lục. Trong khi đó, bệnh nhân thứ nhất là một người đàn ông 38 tuổi làm việc tại bệnh viện Codogno, làngười không đi du lịch sang Trung Quốc nhưng đã gặp một người bạn, là bệnh nhân zero.

Các nhà chức trách đã kiểm tra các đồng nghiệp, nhân viên y tế và những người khác có liên hệ chặt chẽ với bệnh nhân đầu tiên.


Source:SIR

 
Hai tân Hiển thánh, 4 tân Chân phước và 4 Đấng đáng kính
Thanh Quảng sdb
17:32 22/02/2020
Hai tân Hiển thánh, 4 tân Chân phước và 4 Đấng đang kính

Tân hiển thánh Lazarus, hay được gọi là Devasahayam


Thứ Sáu 21/2/20, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các phép lạ của hai Chân phước để nâng các ngài lên bậc Hiển thánh, đó là Chân phước Devasahayam Pillai, người Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ 18 và Chân phước Maria Francesca di Gesù, người Ý sống vào thế kỷ thứ 19. ĐTC cũng châu phê hồ sơ của 8 tân Chân phước.

(Robin Gomes – Tin Vatican)

Thánh Devasahayam

Tân hiển thánh Lazarus, hay được gọi là Devasahayam, một người theo Ấn giáo (Hindu) sống ở thế kỷ 18, người gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo.

Tân hiển thánh sinh ngày 23 tháng 4 năm 1712 với tên Neelakanda Pillai, ở làng Nattalam, Devasahayam phục vụ cho quốc vương Travancore, phía nam Ấn Độ, bao trùm cả thành phố Kanyakumari ngày nay, ngay tại Cochin thuộc tiểu bang Kerala.

Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy năm 1745, ngài nhận tên thánh là 'Lazarus' hoặc 'Devasahayam' theo ngôn ngữ địa phương, nghĩa là ‘Chúa nâng đỡ tôi. Tuy nhiên, sự trở về của Ngài không được suôn sẻ với những đầu mục của tôn giáo bản địa. Họ cáo buộc Ngài với nhiều sai trái như phản quốc, làm gián điệp để chống lại Ngài và tống khứ Ngài khỏi các chức vụ trong hoàng gia. Ngài bị cầm tù và được phúc tử đạo... Được làm con Chúa đúng 7 năm, nhưng từng bị bắt, cầm tù và cuối cùng bị bắn chết trong rừng Aralvaimozhy vào ngày 14 tháng 1 năm 1752.

Các trang web viết về cuộc sống và cuộc tử đạo của Ngài được đăng trên trang web của Giáo phận Kottar, thành phố Kanyakumari của tiểu bang Tamil Nadu. Ngài được chôn tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Nagercoil, nơi mà nhiều tín hữu thường hành hương về cầu nguyện…

Devasahayam được tuyên phong Chân Phước ngày 2 tháng 12 năm 2012 tại Kottar, đúng vào dịp mừng 300 năm ngày sinh của Ngài.

Trong bài phát biểu nhân dịp phong Chân phước cho Ngài, trong buổi đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường thánh Phêrô năm xưa, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gọi Devasahayam là một giáo dân trung thành. ĐTC Bênêđictô XVI cũng mời gọi các Kitô hữu hãy chia sẻ niềm vui với Giáo hội Ấn Độ và cầu xin Chân phước phù giúp các Kitô hữu của đất nước rộng lớn này luôn gìn giữ và phát huy đức tin…

Thánh nữ Maria Francesca di Gesù

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thừa nhận phép lạ của Chân phước Maria Francesca di Gesù (tên trên giấy khai sinh là Anna Maria Rubatto), để nâng Ngài lên bậc Hiển thánh. Nữ thánh được sinh ra tại Carmagnola (Ý) ngày 14 tháng 2 năm 1844 và qua đời tại Montevideo (Uruguay) vào ngày 6 tháng 8 năm 1904. Ngài thành lập cộng đoàn nữ tu Capuchin tại Loano

Lễ nghi phong thánh cho hai Tân hiển thánh sẽ được quyết định vào một ngày gần đây…

Các Tân Chân phước

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt các phép lạ của các Chân phước mới:

Chân phước Carlo Acutis là một giáo dân sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991, tại Luân Đôn (Anh Quốc) và qua đời ngày 12 tháng 10 năm 2006 tại Monza (Ý).

Ngài là một Giáo lý viên trẻ có lòng sùng kính đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là một trang thanh niên sống rất bình thường chăm chỉ học hành và thích bóng đá cũng như giúp những người vô gia cư và yêu thích nấu ăn...

Ngài được biết đến qua việc tìm hiểu các phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới và ghi chép lại và đưa lên trang web mà Ngài tạo ra trong những tháng trước khi chết vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15. Ngài sẽ được nâng lên hàng Chân phước...

Chân phước tử đạo Cha Grande và hai bạn đồng hành

Chân phước tử đạo Rutilio Grande García là một linh mục Dòng Tên, được tử đạo cùng 2 người bạn, bị giết vì lòng căm thù đức tin ở El Salvador vào ngày 12 tháng 3 năm 1977.

Bị giết trước khi cuộc nội chiến ở Salvador bùng nổ, Cha Grande là một người bạn thân tín của thánh Giám mục Oscar Romero, đã trở thành một làn sóng, một ngọn lửa tranh đấu cho quyền làm người khắp miền Châu Mỹ Latinh.

Ngài được biết đến qua những công việc bảo vệ người nghèo, là một linh mục lão thành Dòng Tên; Ngài đã bị nhóm Phiến quân cực tả bắn chết cùng với một thiếu niên khác đang hành trình trên một chiếc xe gần ngôi làng nơi ngài được sinh ra.

Nỗi kinh hoàng của vụ ám hại cha Grande đã thúc đẩy Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero ở San Salvador can đảm đứng lên bênh vực cho người cô thân cô thế nghèo khổ! Ba năm sau, chính ĐTGM Romero cũng bị những phát đạn của những kẻ ám sát Ngài bắn gục trước những lời chỉ trích thẳng thắn quân đội và việc làm bất chính áp bức dân lành vô tội của chính quyền El Salvador.

Sắc lệnh về sự tử đạo của cha Grande và hai người bạn đồng hành với Ngài không cần phép lạ để nâng các ngài lên bậc chân phước! Chỉ bước cuối cùng lên bậc Hiển thánh, thì cần phải có phép lạ. Ngày phong chân phước sẽ được công bố vào một ngày gần đây...

Thừa nhận các Đức tính anh hùng

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng châu phê các kiến nghị về đức tính anh hùng của bốn ứng viên sau:

- Tôi tớ của Chúa Emilio Venturini, một linh mục triều và sáng lập Hội dòng nữ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngài sinh ra ở Chioggia (Ý) vào ngày 9 tháng 1 năm 1842 và qua đời tại đó vào ngày 1 tháng 12 năm 1905.

- Tôi tớ của Chúa Pirro Scavizzi, một linh mục triều, được sinh ra ở Gubbio (Ý) vào ngày 31 tháng 3 năm 1884, qua đời tại Rome vào ngày 9 tháng 9 năm 1964.

- Tôi tớ của Thần Emilio Recchia của Tu hội Năm Dấu Thánh Chúa, sinh ra ở Verona (Ý) vào ngày 19 tháng 2 năm 1888 và qua đời tại đó vào ngày 27 tháng 6 năm 1969.

- Tôi tớ Chúa Mario Hiriart Pulido, là một giáo dân, sinh ra tại Santiago de Chile (Chile) vào ngày 23 tháng 7 năm 1931, và qua đời tại Milwaukee (Hoa Kỳ) vào ngày 15 tháng 7 năm 1964.

Cả bốn vị được nhìn nhận là các Đấng Đáng kính của Thiên Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Cung Hiến và khánh thành Nhà thờ Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, Melbourne
Trần Văn Minh và Lê Hải
14:53 22/02/2020
Sau bao nhiêu ngày mong đợi và hết lòng hiệp ý cầu nguyện. Thiên Chúa đã lắng nghe và ban cho niềm ước mơ của Người Công Giáo Việt Nam trong Tổng giáo Phận Melbourne trở thành hiện thực. Ngôi thánh đường nguy nga, khang trang tuyệt hảo, và đặc biệt là do chính giáo dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các bậc chủ chăn đáng kính đã được xây dựng hoàn thành, và hôm nay Ngày 22/02/2020 vào lúc 10 giờ 30 sáng, trong niềm vui tạ ơn, Ngôi nhà chung của chúng ta đã chính thức được khánh thành, thánh hiến để trở thành ngôi thánh đường đầu tiên của người Công Giáo Việt Nam được xây dựng để dâng kính Đức Mẹ La Vang, cũng là trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang trên đất Melbourne nói riêng và Liên Bang Úc Châu nói chung.

Đức TGM Peter A. Comesoli và Đức cha Vincent Long chuẩn bị khánh thành nhà thờ TTTM La Vang, Melbourne


Hai Le

Xem hình

Tưởng cũng cần nhắc sơ qua lịch sử của Ngôi Nhà Chung mà chúng ta vui mừng khánh thành và thánh hiến hôm nay. Qua nhiều giai đoạn xin phép và xây dựng. Theo tài liệu của ban tổ chức. 32 năm trước, Năm 1988, Tòa Tổng Giám Mục (TGM) Melbourne đã cho phép hai cộng đoàn được mua khu đất 38.890 m2 tại Keysborough để xây dựng trung tâm và lấy tên là Trung Tâm Hoan Thiện. Và với các mốc điểm thời gian tuần tự:

Ngày 18/06/1989. Đức Tổng Giám Mục Frank Little chủ sự thánh lễ kỷ niệm một năm ngày tuyên phong hiển thánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam và đặt bia đá khởi công xây dựng các công trình tại trung tâm.

Ngày 24/04/1994, Thánh lễ khánh thành Nhà Nguyện được long trọng cử hành do Đức Tổng Giám Mục Frank Little chủ sự cùng với Đức Tổng Giám Mục Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận.

Và qua nhiều thời gian và sự kiện, nơi đây đã vinh dự tổ chức ba kỳ Đại hội Thánh Mẫu La Vang rất thành công. Ngày 7/12/2015 Đức Tổng Giám Mục Denis Hart cấp phép xây dựng thánh đường và các công trình phụ thuộc trung tâm.

Ngày 10/04/2018 Đức TGM Denis Hart chính thức cho phép đổi tên Trung Tâm Hoan Thiện thành “Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.” (Our Lady of La Vang Shrine.)

Ngày 5-6/05/2018, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang III với chủ đề: “Về bên Mẹ La Vang, trở về cội nguồn Việt.” Trong dịp này, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo phận Parramatta, công bố danh xưng mới của trung tâm và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

Ngày 6/8/2018 khởi công xây dựng thánh đường với diện tích 1,524 m2, có sức chứa 1,000 chỗ ngồi. Và dự kiến khánh thành thánh đường vào ngày 22/2/2020 để dâng kính Thánh Mẫu La Vang. Mở ra một trang sử mới cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Melbourne.

Qua nội dung nói về lịch sử hình thành Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang được chúng tôi tóm tắt theo tài liệu của Cộng đoàn Thánh Tôma Thiện phổ biến. Ngay từ ngày thành lập cộng đoàn, với những ước mơ làm sao để mảnh đất hoang vu này trở thành Trung Tâm Hành hương Thánh Mẫu La Vang, mặc dù với một sự quyết tâm của tất cả mọi người hiện diện. Nhưng ước mơ ấy đã kéo dài đến mấy chục năm trời.

Hôm nay, hòa cùng niềm vui chung của cộng đồng, chúng ta lại đón thêm một hồng ân mới từ Thiên Chúa ban cho, đó là trời Melbourne với thời tiết thật đẹp, (sau mấy ngày mưa gió,) một ngày thật lý tưởng, trời trong xanh, mây trắng, gió nhẹ, không khí dịu mát cảnh trí tươi xanh đẹp đẽ, đã làm rộn rã lòng người. Những tà áo dài với muôn mầu sắc lại nhẹ lay trong gió tăng thêm nét đẹp thuần túy dân tộc Việt Nam. Dọc theo hàng rào của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang cờ ngũ sắc tung bay như vui mừng cùng mọi người trong ngày hội lớn. Trước tượng đài Đức Mẹ La Vang, vườn hoa cũng tỏa thêm hương sắc thơm lừng để cùng với mọi người dâng lên Mẹ lời tri ân cảm mến.

Từng đoàn người từ khắp mọi miền trong tổng giáo phận kéo nhau về nhà Chúa, những chiếc xe nối đuôi nhau được sự hướng dẫn của các anh em trong ban trật tự chạy vào những nơi đậu xe theo quy định trong vùng carpark tại sân trung tâm hay đậu vào những nơi mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn. Đặc biệt, có đội xe luôn túc trực để đưa đón những ai cần đi ra carpark từ trung tâm và ngược lại như những con thoi cần mẫn.

Người người trong niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt với một chút tự hào, hãnh diện được có mặt trong ngày vô cùng trọng đại này. Mọi người đến rất sớm trước giờ lễ để được chiêm ngắm, chụp hình, quay phim để chiếu trực tiếp (Streamline) cho thân nhân bạn bè xa gần trên khắp thế giới có thể hưởng chung niềm vui ngày hội lớn, để cùng chung lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và Mẹ La Vang, cùng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam anh dũng.

Ban truyền thông của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang kết hợp cùng ban âm thanh của gia đình Bằng Uyên đã phục vụ, đưa hình ảnh sống động của buổi lễ đến khu nhà bạt nằm song song với ngôi thánh đường mới. Phòng triển lãm và thông tin nằm phía cuối nhà thờ có trưng bày hình ảnh về lịch sử hình thành của trung tâm.

Nhà thờ với lối kiến trúc hiện đại, kết hợp với những loại vật liệu mới tạo cho phía trong có một không gian thoáng đãng rộng rãi có sức chứa lên đến cả ngàn người với các lối đi cũng rất rộng. Phần cung thánh với các khung kính mầu được decal các bức ảnh rất có ý nghĩa của cộng đồng tỵ nạn chúng ta. Con thuyền vượt sóng gió hướng về niềm tin mà thánh giá Chúa là điểm đích của cuộc đời con người tìm đến. Bên phía phải còn lại là hình Chúa Giêsu cứu Thánh Phê Rô trên biển.

Các tượng ảnh trong nhà thờ đều mới, với 14 đàng thánh giá. Cung thánh với bàn thánh mới được làm bằng đá quý. Tượng Thánh Giuse và tượng Đức Mẹ La Vang được đặt trang trọng hai bên bàn thờ. Ghế ngồi giáo dân cũng được làm bằng gỗ quý và mới.

Nhớ lại, trong một buổi lễ tạ ơn, Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tuyển, Linh mục tiếp nối của quý linh mục tiền nhiệm của Cộng đoàn Tô Ma Thiện, và cũng là linh mục khởi công xây dựng ngôi thánh đường, đã tâm sự: Vì ước mơ và chờ đợi đã lâu, cộng đoàn chỉ cầu nguyện sao có được ngôi thánh đường trên có mái che, chung quanh có tường bao bọc, nền xi măng, còn những phần việc khác chưa dám mơ. Nhưng nhờ vào Lòng Chúa Thương Xót, Đức Mẹ và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu. Đến nay, những ước mơ đã hoàn thành và hơn thế nữa, nền nhà đã được nót gạch, còn làm thêm được khu đậu xe cũng rất khang trang đẹp đẽ đúng tiêu chuẩn và còn có vườn hoa nữa. Xin mọi người cùng tạ ơn Chúa cho cộng đồng chúng ta.

Đúng 10 giờ 30 phút. Đức Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Melbourne Peter A. Comesoli, cùng quý Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám mục Giáo phận Paramatta, Đức cha Mark Edwards và quý đức cha phụ tá trong Tổng Giáo Phận Melbourne. Đông đảo quý linh mục Việt Nam và qúy linh mục các sắc tộc bạn, quý tu sỹ nam nữ đến hiệp dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn. Cùng với quý quan khách trong chính quyền các cấp của Tiểu Bang Victoria, quý vị đại biểu quốc hội, Ông Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria, các vị đại diện tôn giáo bạn, Ban mục vụ cộng đồng và các cộng đoàn Công Giáo và giáo dân. Tất cả đã đến trước tiền đình ngôi thánh đường trong niềm hân hoan chờ đợi giờ phút khánh thành ngôi thánh đường mừng kính Đức Mẹ La Vang.

Sau lời chào mừng của Linh mục quản nhiệm John B. Đặng Nhật Trường. Đức Tổng Giám Mục cùng sự hiện diện của Linh mục Đặng Nhật Trường đã kéo màn che bia khánh thành bằng đồng bên cánh phải và Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long và Linh mục Vũ Ngọc Tuyển kéo màn che bia đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ cũng bằng đồng phía bên trái. Anh Thọ đại diện cộng đoàn đã trao chìa khóa tượng trưng cho Đức Tổng Giám Mục để Ngài tuyên bố khánh thành và mở cửa nhà thờ. Linh mục Đặng Nhật Trường quản nhiệm cộng đoàn và ông Trương Tấn Phát chủ tịch cộng đoàn đã cùng kéo hai cánh cửa chính của ngôi thánh đường, để quý chức sắc, quan khách, đoàn thể, giáo dân và đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ trong khi Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Cất Vang lời ca của bài Christ Be Our Light (Giêsu Nguồn Sáng.)

Đức Tổng với nghi thức thanh tẩy bằng nước phép và ca đoàn hát vang bài Tôi đã thấy nước. Và sau phần công bố lời Chúa và bài giảng của Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long bằng song ngữ Anh Việt. Phần chính trong nghi thức cung hiến nhà thờ được Đức Tổng Giám Mục cử hành sau Kinh Cầu Các Thánh. Trước tiên đức tổng đón nhận hộp xương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ tay Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tuyển dâng lên và kính cẩn đặt vào khu đặc biệt được dành sẵn, trang trọng nhất nơi bàn thánh. Tiếp đến là phần nghi thức xức dầu thánh trên mặt bàn thánh và đức tổng đã dùng tay để xoa đều khắp mặt đá của bàn thánh, tiếp theo là nghi thức đốt lửa. Trong khi đức tổng làm các nghi thức trên, quý linh mục tuyên úy cộng đoàn cũng xức dầu các ảnh tượng, và đốt các ngọn nến chung quanh tường nhà thờ.

Thánh lễ kết thúc, trong niềm vui cảm tạ, một bữa cơm thân mật dã chiến do cộng đoàn khoản đãi, đã được trao đến quan khách và mọi người vừa dùng cơm vừa thưởng thức văn nghệ và nghe phát biểu của quan khách tại khu vực lều lớn. Văn nghệ rất phong phú với đủ các bộ môn hợp ca, múa từ các cộng đoàn trong cộng đồng đóng góp. Cuối cùng, là phần xổ số trúng thưởng.

Kết thúc buổi lễ trong một ngày trời rất đẹp, bầu trời xanh lơ như mầu áo của Mẹ La Vang, và niềm vui rạng rỡ của đoàn con cái Mẹ, những người con cái xa quê hương, nay đã cung hiến ngôi thánh đường đầu tiên của Người Việt Nam trên xứ sở Melbourne, và vì mừng vui với lòng tạ ơn Chúa và Mẹ đã đoái thương ban cho đoàn con cái Mẹ đạt được niềm ước mơ từ hơn 32 năm mơ ước.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bà, Cháu Tần Tảo
Dominic Đức Nguyễn
13:53 22/02/2020
BÀ, CHÁU TẦN TẢO
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Dù cho vất vả trăm chiều
Có bà, có cháu mọi điều đẹp vui
(bt)
 
VietCatholic TV
ĐTC nói với các GM Mỹ ngài cảm thấy buồn vì nhiều người chê ngài không có can đảm cải cách thực sự
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:01 22/02/2020

Hôm 13 tháng Hai, một ngày sau khi Tông huấn Querida Amazonia được công bố, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các Giám Mục Hoa Kỳ về Rôma trong chương trình ad limina để viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Ngài nói với các Giám Mục Hoa Kỳ rằng ngài rất buồn vì nhiều người chê ngài không có can đảm cải cách thực sự. Junno Arocho Esteves, Cindy Wooden và Carol Glatz của thông tấn xã CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có bài tường thuật sau.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với một nhóm giám mục Hoa Kỳ rằng, giống như các vị, ngài bị buộc tội là thiếu can đảm hoặc không lắng nghe Chúa Thánh Thần khi ngài nói hoặc làm điều gì đó mà có người không đồng ý – chẳng hạn như không đề cập đến việc phong chức linh mục cho những người đã kết hôn trong tài liệu của ngài về vùng Amazon.

“Bạn có thể thấy sự sửng sốt của ngài khi ngài nói rằng đối với một số người, Thượng Hội Đồng Amazon tất cả chỉ là vấn đề về luật độc thân linh mục chứ không có gì liên quan đến Amazon cả,” Đức Cha William Wack, Giám Mục Pensacola-Tallahassee nói.

“Đức Thánh Cha cho biết một số người nói rằng ngài nhát đảm vì ngài không lắng nghe Chúa Thánh Thần,” vị giám mục nói với Catholic News Service, và cho biết thêm “Đức Thánh Cha nói: ‘Như thế là, họ không giận Chúa Thánh Thần. Họ đang giận tôi ở dưới đây đấy, như thể họ giả định rằng Chúa Thánh Thần luôn đồng ý với họ.’”

Đức Giám Mục Wack là một trong 15 giám mục từ Florida, Georgia, North Carolina và South Carolina, là những vị đã triều yết Đức Thánh Cha gần ba tiếng đồng hồ hôm thứ Năm 13 tháng Hai như một phần của trong chương trình ad limina thăm Vatican. Các ngài cũng được sự tham gia của hai vị từ Arizona – là Đức Cha Giám mục Edward Weisenburger của Tucson và Đức Cha Giám Mục Phụ Tá Eduardo Nevares của giáo phận Phoenix – là những vị đã không thể gặp Đức Thánh Cha với nhóm của các ngài vào ngày 10 tháng Hai.

Trong cuộc họp, một giám mục hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô về ba hoặc bốn điểm ngài muốn các Giám Mục Mỹ chia sẻ với người dân Hoa Kỳ từ tài liệu “Querida Amazonia”, nghĩa là “Vùng Amazon Yêu Dấu”, được công bố vào ngày hôm trước nhằm đưa ra các suy tư của Đức Giáo Hoàng về Thượng Hội Đồng Giám mục cho vùng Amazon.

Đức Cha Joel Konzen, Giám Mục Phụ Tá Atlanta, nói với CNS rằng Đức Giáo Hoàng nói thông điệp quan trọng nhất trong văn bản đối với người Công Giáo Hoa Kỳ là việc chăm sóc cho hành tinh này, “đây là một vấn đề nghiêm trọng.”

Sau đó, Đức Thánh Cha nói với các giám mục rằng đã phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để đưa ra được tài liệu này, nhưng những gì được báo cáo trên các phương tiện truyền thông chỉ có “mỗi một dòng” là “Đức Giáo Hoàng đã không có can đảm để thay đổi các luật lệ của Giáo Hội.”

Đức Giám Mục Wack cho biết Đức Giáo Hoàng nói với Giám Mục Mỹ rằng Thượng Hội Đồng được triệu tập “để nói về những vấn đề của Giáo Hội ở Amazon. Những người khác muốn tôi nói về luật độc thân linh mục. Họ đã biến điều đó thành vấn đề. Nhưng đó không phải là vấn đề của Thượng Hội Đồng này.”

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói với các giám mục rằng các ngài và các linh mục phải dạy bảo và thuyết giảng về việc chăm sóc môi trường,” Đức Giám Mục Wack nói. “Ngài cho biết ngay cả khi người ta không muốn nghe điều đó. Làm thế nào chúng ta có thể phủ nhận rằng mọi thứ đang thay đổi? Làm thế nào chúng ta có thể phủ nhận rằng chúng ta đang làm tổn thương tương lai của chúng ta? Và ngài nói, nếu chúng ta không đề cập đến những điều này, thì thật là đáng xấu hổ. Chúng ta phải rao giảng Tin Mừng, và đây là một phần của Tin Mừng.”

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về ý nghĩa của tính “đồng nghị” và các thành viên của Giáo Hội phải lắng nghe nhau, cầu nguyện trước các vấn đề và cố gắng để phân định một con đường tiến lên cùng với nhau. Thượng Hội Đồng, không phải là “một quốc hội trong đó người ta bỏ phiếu theo đa số trên một bó toàn bộ các vấn đề.”

Trong số các phản ứng liên quan đến Tông huấn mà Đức Thánh Cha Phanxicô để ý nhất, là một bài bình luận nói rằng ‘Đức Giáo Hoàng thiếu can đảm’ trong vấn đề phong chức cho những người nam đã lập gia đình.

Đức Tổng Giám Mục Wenski diễn giải ý kiến của Đức Giáo Hoàng với các Giám Mục Mỹ rằng “Thượng Hội Đồng không phải là về sự can đảm hay sự nhát đảm của Đức Giáo Hoàng. Thượng Hội Đồng là về tác động của Chúa Thánh Thần và sự phân định trong Chúa Thánh Thần. Và nếu không có Chúa Thánh Thần, thì không có sự phân định.”

Nếu không có sự phân định và tác động của Chúa Thánh Thần, thì lúc đó Thượng Hội Đồng chỉ là “một cuộc họp trong đó người ta chia sẻ ý kiến và có thể có các nghiên cứu, nhưng nó không nhất thiết là một thượng hội đồng trừ phi cách này cách khác nó được chi phối bởi Chúa Thánh Thần,” Đức Giám Mục Konzen nói.

Đức Cha Wack cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô cũng giải thích rằng tính đồng nghị và phân định là các quá trình vẫn tiếp tục ngay cả sau khi một Thượng Hội Đồng đã kết thúc và một tài liệu hậu Thượng Hội Đồng đã được công bố.

“Đức Thánh Cha nói: ‘Bạn không thể chỉ gặp gỡ nhau có một lần và sau đó nói, ‘Ồ, chúng ta đã có tất cả các câu trả lời,’ nhưng cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục,” vị giám mục nói. “Và như thế, Đức Thánh Cha nói: ‘Những gì chúng ta đã làm là chúng ta nêu ra những vấn đề này, và bây giờ chúng ta phải giải quyết các vấn đề đó,’ trong khi tiếp tục cầu khẩn Chúa Thánh Thần và phân định con đường cho tương lai.

Cũng như 13 nhóm giám mục Hoa Kỳ đi trước các ngài, các giám mục trong nhóm này cũng đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, vấn đề nhập cư, thanh niên và vấn đề mục vụ cho người trẻ và ý nghĩa của việc làm giám mục.

Đức Giám Mục Wack cho biết ngài đã nêu câu hỏi để được cố vấn về việc tìm kiếm sự cân bằng trong công việc của một giám mục vì “chúng ta được giả định là các mục tử, chúng ta được cho là tư tế cho dân, là những Chúa Kitô khác. Tuy nhiên, cũng giống như các mục tử khác, và như rất nhiều người làm việc trong Giáo hội, cũng như các bậc cha mẹ và những người đang làm việc trên thế giới, chúng ta quá bận rộn với rất nhiều thứ khác.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rất lâu về việc làm giám mục, ngài nói. “Ngài nói nếu chúng ta quá bận rộn làm những việc khác, chúng ta nên đặt những thứ khác sang một bên; chúng ta cầu nguyện, chúng ta thuyết giảng, và chúng ta phục vụ người dân của chúng ta.”

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói với CNS rằng khi tường thuật về các giáo huấn của Giáo Hội hay của Đức Thánh Cha Phanxicô, báo chí thường sử dụng “những phạm trù của thế gian và họ không hoàn toàn đánh giá cao việc chúng ta đang theo đuổi một cách sống khác, một cách suy nghĩ khác”.

Ngài nói thêm rằng cuộc gặp gỡ của các giám mục với Đức Giáo Hoàng là một chút thời gian để ‘được ở cùng với Đức Giáo Hoàng, nhìn Đức Giáo Hoàng và nghe Đức Giáo Hoàng’ trong một bầu không khí thoải mái và thảo luận về các vấn đề “mà chúng tôi các giám mục trên toàn thế giới quan tâm”.

“Đó là một cơ hội tuyệt vời bởi vì thông thường, trong tư cách là giám mục, chúng tôi thường nghĩ về Đức Giáo Hoàng qua lăng kính của giới truyền thông. Và thật tốt khi trải nghiệm mặt đối mặt cùng với ngài mà không có bộ lọc đó,” Đức Tổng Giám Mục nói.


Source:Crux

 
Coronavirus lan nhanh tới tận bên Ý. Trường học, nhà thờ đóng cửa ở 10 thành phố.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:02 22/02/2020
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, đã cảnh báo rằng cơ may ngăn chặn dịch coronavirus chết người này càng ngày càng nhạt nhòa dầnn trước sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh của những người chưa từng một lần đặt chân đến Trung Quốc, kể cả những người ở Trung Đông, là những người có rất ít quan tâm đến quốc gia này.

Li Băng và Israel đã xác nhận các trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên vào hôm thứ Sáu, trong khi Bộ Y tế Iran báo cáo có thêm hai trường hợp tử vong trong số 13 trường hợp nhiễm coronavirus mới. Như thế, đến nay tại Iran có 4 trường hợp tử vong và số ca nhiễm bệnh lên đến 18 người.

Trong khi đó tại Ý, thông tấn xã Ansa đã báo cáo cái chết đầu tiên do coronavirus. Một bệnh nhân ở thành phố Padua phía bắc nước Ý đã chết vì nhiễm coronavirus. Ông trở thành nạn nhân đầu tiên của Ý chết vì căn bệnh này. Thông tấn xã Ansa cho biết thêm người đàn ông đã chết ở tuổi 78.

Các nhà chức trách ở miền bắc Italia đã ra lệnh đóng cửa các trường học, các nhà hàng, các quán bar và các không gian công cộng khác tại 10 thị trấn sau một loạt các trường hợp coronavirus mới.

Năm bác sĩ và chín người khác đã xét nghiệm dương tính với coronavirus tại Bologna, sau khi dường như thường xuyên có các cuộc gặp gỡ tại một quán bar. Hai trường hợp khác xảy ra ở Veneto. Nhà chức trách cho biết như trên trong một cuộc họp báo.

Hơn 50,000 người đã được yêu cầu ở trong nhà, hạn chế ra đường trong các khu vực liên quan. Các sự kiện thể thao đã bị cấm trong một tuần. Nhà chức trách đã yêu cầu tổng giáo phận Bologna và giáo phận Vittorio Veneto hủy bỏ thánh lễ cuối tuần này và cả ngày thứ Tư Lễ Tro.

Tại Trung Quốc đại lục, tính đến ngày thứ Bẩy 22 tháng Hai, số người chết đã lên đến 2,345 người trong khi số ca nhiễm bệnh lên tới 76,288. Như thế, trong ngày thứ Sáu đã có thêm 109 người chết. Riêng tại thành phố Vũ Hán, có 90 người thiệt mạng. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh tăng 397 người.

Thêm một bác sĩ trẻ mới 29 tuổi đã chết tại Vũ Hán vì coronavirus. Trong khi đó, Bắc Kinh cho hay 500 tù nhân Trung Quốc bị nhiễm Covid-19, tại ba tỉnh. Trong số này có 230 tù nhân tại Nhà tù Phụ nữ Vũ Hán. Tân Hoa Xã cho biết giám đốc nhà tù này đã bị cách chức và bị bắt vào chiều thứ Sáu 21 tháng Hai vì tội tham ô các vật tư y tế phòng dịch. Tại Hồ Bắc còn một nhà tù khác có các tù nhân bị nhiễm coronavirus là nhà tù Sa Dương (Shayang - 沙洋) ở quân Hán Kim (Hanjin - 汉金) với 41 tù nhân nhiễm bệnh.

Tình trạng nhiễm bệnh trong tù là một khía cạnh đáng âu lo. Tuy nhiên, điều còn khiến các khoa học gia hoang mang hơn nữa là trường hợp một thiếu nữ 20 tuổi, không có bất cứ triệu chứng nhiễm bệnh nào đã lây bệnh cho 5 người thân của cô.

Thiếu nữ 20 tuổi này là người ở Vũ Hán, tâm chấn của sự bùng phát coronavirus. Cô đã đi 675 km về phía bắc đến thành phố An Dương (Anyang - 安阳) nơi cô lây bệnh cho 5 người thân, trong khi chính cô không có dấu hiệu nhiễm trùng nào. Các nhà khoa học Trung Quốc đã báo cáo như trên, như một bằng chứng mới về khả năng virus có thể lây lan từ những người không có bất cứ triệu chứng nào.

Theo báo cáo của bác sĩ Vương Mỹ Vận (Meiyun Wang - 王美韵) thuộc Bệnh viện Nhân dân Đại học Trịnh Châu (Zhengzhou - 郑州) và các đồng nghiệp của ông, các bác sĩ đã cách ly người thiếu nữ này và kiểm tra virus sau khi nhiều người thân của cô bắt đầu bị bệnh.

Ban đầu, người phụ nữ trẻ đã thử nghiệm âm tính với virus, nhưng xét nghiệm tiếp theo là dương tính.

Cả năm người thân của cô đều bị viêm phổi COVID-19, nhưng đến ngày 11 tháng Hai, cô gái trẻ vẫn không có bất kỳ triệu chứng nào, CT ngực của cô vẫn bình thường và cô không bị sốt, hoặc các triệu chứng hô hấp, như ho hoặc viêm họng.

Nghiên cứu về trường hợp này đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.

Khoảng 35 hành khách người Anh đã trở về nhà vào hôm thứ Bảy sau khi bị mắc kẹt hai tuần trên một tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản vì sự bùng phát của coronavirus.

Máy bay chở những người này đã hạ cánh xuống một sân bay của bộ quốc phòng ở Tây Nam nước Anh trên một chiếc máy bay do chính phủ Anh thuê từ Tokyo. Họ đã được đưa thẳng đến các cơ sở kiểm dịch.

Tàu Diamond Princess chở theo 3,700 người, trong đó có 78 người Anh, khi bị cách ly ở Yokohama vào ngày 5 tháng Hai. Hơn 620 hành khách trên tàu đã bị nhiễm coronavirus. Đây là con số nhiễm coronavirus lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Tại Nam Hàn, số trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus đã đột ngột tăng lên đến 346 người cho đến 9 giờ sáng ngày thứ Bẩy 22 tháng Hai. Phần lớn những người nhiễm bệnh là các tín hữu của giáo phái Tân Thiên Địa, tiếng Hàn gọi là Shincheonji.


Source:Al Jazeera