Ngày 21-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ưu tiên tìm kiếm Nước trời
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:41 21/02/2017
Chúa nhật 8 Thường niên A

Ưu tiên tìm kiếm Nước trời

Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm câu chuyện Phúc âm ‘ ông nhà giàu và Lazarô’: “Chúng ta hãy để câu chuyện đầy ý nghĩa này gợi hứng cho chúng ta, vì nó cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu chúng ta cần phải làm gì để có được hạnh phúc thật và được sống đời đời. Dụ ngôn ấy khuyên chúng ta thành tâm hoán cải”.

Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta rằng “lòng ham mê tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tim 6,10). Đây là nguyên nhân chính của sự đồi bại và là nguồn gốc của ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Đồng tiền có thể đi đến thống trị chúng ta, đến mức trở thành một thần tượng độc tài (x. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một công cụ giúp chúng ta làm điều thiện và bày tỏ tình liên đới với người khác, tiền bạc lại có thể trói buộc chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ chẳng còn chỗ cho tình yêu và cản trở hoà bình…

Đối với những kẻ bị thói ham mê của cải làm cho sa đọa, ngoài cái tôi của họ ra, chẳng có gì tồn tại. Những người xung quanh họ ở ngoài tầm mắt của họ. Hậu quả của việc gắn bó với tiền bạc là một thứ mù lòa. Người giàu có không nhìn thấy người nghèo, người đói khát, người bị thương, người nằm ở cửa nhà mình. Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể hiểu tại sao Phúc Âm quyết liệt lên án thói ham mê tiền bạc: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc ghét chủ này và yêu chủ kia, hoặc gắn bó với chủ này và khinh chê chủ nọ. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc được” (Mt 6,24). (Sứ điệp số 2).

Sức mạnh của tiền bạc thật là khủng khiếp. Chúa Giêsu so sánh nó như một ông chủ có khả năng cạnh tranh với chính Thiên Chúa: "Không ai có thể làm tôi hai chủ... Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Lc 16, 13). Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với việc phụng sự Thiên Chúa vì “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó”.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Lời dạy của Chúa Giêsu thật hợp lý. Nếu chúng ta chọn Thiên Chúa, mặc nhiên, Thiên Chúa là chủ của mình, còn chúng ta chọn tiền của, thì mặc nhiên tiền của là chủ của chúng ta. Thiên Chúa là sự sống vĩnh cửu, còn tiền bạc chỉ là phù vân tạm bợ. Phải lựa chọn một trong hai. Không được bắt cá hai tay. Tiền bạc luôn luôn là ông chủ xấu nhưng có thể là một người tôi tớ tốt. Nhưng bằng cách nào ta có thể bắt nó làm tôi tớ mình được?

1. Giáo huấn của Chúa Giêsu đối với tiền của.

Chúa Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo, phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.

Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri, phẩm giá con người. Tiền của trở thành thần tượng và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và danh phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.
Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt. Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa ta xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa đã buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh: “Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim”. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu là đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát: “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của”.

Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu có đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ích kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác.

2. Ưu tiên tìm kiếm Nước Trời

"Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi".

Ưu tiên hàng đầu của người môn đệ Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa. Mọi sự khác cũng cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Thiên Chúa. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đây là vấn đề giá trị khi chọn lựa. Thế gian thường lấy của cải vật chất làm ưu tiên số một và cho rằng của cải giàu sang sẽ giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và của con người. Con cái Chúa thì sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Chúa. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Ngài là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo Hội qua việc phục vụ anh em đồng loại. Sống theo ưu tiên đó, người Kitô hữu sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì tiền của, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Ngài mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

3. Tin tưởng vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa

Đấng Tạo Hóa ân cần chăm lo cho các loài thụ tạo đã được khẳng định trong nhiều bản văn Thánh kinh. Chúa Giêsu dùng ba ví dụ rất nên thơ gợi cảm nói về sự quan phòng. Chim trời không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống; cuộc đời của mỗi người có một quảng thời gian nhất định sống ở trần gian này, điều đó ta không thay đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu tuyên bố: “Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó“. Tin cậy vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hưởng những quan tâm của Cha trên trời.

Thiên Chúa ban cho con người của cải vật chất để sống, thăng tiến, phát triển và phục vụ tha nhân. Giá trị tiền của hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.

Xã hội càng phát triển thì sẽ có những người làm ăn giỏi và giàu lên. Họ phải đóng góp phúc lợi cộng đồng nhiều hơn. Những người làm giàu bằng con đường lương thiện, chân chính không có gì đáng phải chê bai hay công kích họ, đôi khi còn phải cảm phục ý chí, tài năng của họ. Nhất là khi họ không phải là quan chức (xã hội càng bất ổn các quan càng dễ làm giàu) mà họ làm giàu được trong thời buổi kinh tế suy thoái, với xã hội nhiễu nhương, bất ổn này thì càng đáng nể hơn. Và nếu họ minh bạch hóa được sự giàu có của mình thì cả xã hội sẽ “tâm phục, khẩu phục” tài năng của họ, thật sự kính trọng họ.

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,17-18).
Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

 
Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
10:07 21/02/2017
Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm A

Cuộc sống là một lựa chọn. Có những lựa chọn thông thường hằng ngày. Nhưng cũng có những lựa chọn quan trọng liên quan đến cả đời người. Vì thế, khi lựa chọn, nhất là đối với những lựa chọn quan trọng, cần phải tự mình phân định để biết cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào tốt cái nào tốt hơn. Tự mình phân định vẫn chưa đủ, cần phải hỏi ý kiến của những người khôn ngoan để chính họ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan về những điều chúng ta lựa chọn. Trên bình diện tôn giáo, người Kitô hữu chọn Chúa. Chọn Chúa nên phải từ bỏ những gì không thuộc về Chúa, chống đối Chúa, ngăn cản chúng ta đến với Chúa.

Chọn Chúa nên phải từ bỏ tiền của. Đoạn Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta chọn Chúa thì phải từ bỏ tiền của. Bởi vì, “không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia; hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6,24). Tự bản chất, tiền của là tốt, là hồng ân Chúa ban. Sử dụng đúng, tiền của mang lại cho con người nhiều lợi ích: nuôi sống bản thân, gia đình, làm việc bác ái, giúp việc công ích…Nhưng tiền của sẽ xấu nếu như con người coi nó như ông chủ: thu tích tiền của mà không biết chia sẻ (x. Lc 12,16-21), có tiền của mà không giúp anh em đang trong hoàn cảnh túng thiếu như dụ ngôn nhà phú hộ và ông Lazarô (x. Lc 16,19-21); coi tiền của hơn Chúa như Giuđa bán Chúa với giá 30 đồng bạc (x. Mt 26,14-15)…Thánh Phaolô tông đồ cũng nói: “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10).

Chọn Chúa thì phải tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài. Vì Ngài là người cha nhân lành, không bao giờ quên chúng ta là con cái của Ngài. Tiên tri Isaia trong bài đọc I cho chúng ta biết: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”(Is 49,15).

Tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa thì không lo lắng gì. Đức Giêsu dạy: “Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc… Cha trên trời biết rõ chúng con cần những sự đó”(Mt 6,31-32). Không lo lắng vì “Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?”(Mt 6,27). Đức Giêsu đã đưa ra hai hình ảnh để thuyết phục chúng ta. Hình ảnh thứ nhất là chim trời: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng”(Mt 6,26). Hình ảnh thứ hai là hoa huệ: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó”(Mt 6, 28-29). Nếu Thiên Chúa đã quan tâm đến chim trời, hoa đồng cỏ nội một cách chu đáo như thế, thì đối với con người chắc chắn Chúa quan tâm một cách đặc biệt hơn vì con người đáng giá hơn con chim sẻ bội phần và vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Không lo lắng gì không có nghĩa là cứ sống trong thụ động theo kiểu “há miệng chờ sung.” Nhưng phải biết cộng tác với Chúa tùy theo khả năng và ơn gọi của mình. Nghĩa là chúng ta phải biết lo liệu. Phải biết làm việc. Đức Giêsu đã làm việc, Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”(Ga 5,17). Tin mừng cho chúng ta thấy, Thiên Chúa đã thưởng công cho kẻ siêng năng làm việc và lên án kẻ lười biếng không chịu làm việc qua dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Thánh Phaolô cũng đã siêng năng làm việc, Ngài “đêm ngày làm lụng vất vả để khỏi thêm gánh nặng cho người khác” (x. 2Tx 3, 8), Ngài nói: “Ai không làm thì đứng có ăn” (2Tx 3,10). Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho.” Vì thế, phải làm việc để có của nuôi sống mình và phục vụ tha nhân. Nhưng phải làm việc trong niềm tin tưởng vào Chúa chứ không phải chỉ cậy dựa vào sức mình.

Tin tưởng vào Chúa thì phải luôn gắn bó với Ngài. Gắn bó với Chúa trong đời sống cầu nguyện. Vì thế, sáng vừa thức dậy, hãy dâng tất cả mọi công việc mình làm trong ngày cho Chúa, xin Chúa giúp đỡ. Mặt khác, để những công việc của chúng ta không những mưu ích cho phần xác mà còn mưu ích cho phần hồn, khi làm việc, thỉnh thoảng dừng lại để cầu nguyện với Chúa bằng những lời cầu nguyện vắn tắt, chẳng hạn như: “Lạy Chúa xin giúp con làm tốt công việc này.” Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng:“ Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm tốt hơn ta” (x. Số 117 Đường Hy Vọng). Cho nên, phải liên kết giữa làm việc và cầu nguyện. Cầu nguyện để hỏi ý Chúa. Cầu nguyện để phó thác công việc mình làm cho Chúa.

Tin tưởng vào Chúa thì phải lo tìm kiếm Nước Trời. Bởi vì, con người có hai phần hồn xác. Tìm kiếm của ăn phần xác là cần nhưng của ăn phần hồn còn cần thiết hơn. Đức Giêsu nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ ban cho”(Mt 6,33). Tìm kiếm Nước Trời bằng việc cầu nguyện, suy niệm và sống Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích, sống bác ái yêu thương. Tìm kiếm Nước Trời bằng cách lo chu toàn bổn phận của mình trong hiện tại. Bởi vì, quá khứ của chúng ta đã qua không thể làm cho nó quay trở lại được. Còn tương lai thì chưa đến và có thể không đến với chúng ta. Đức Giêsu đã nói: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).

Tóm lại, cuộc sống là một lựa chọn. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Lựa chọn sai sẽ dẫn đến bất hạnh. Lựa chọn đúng sẽ đem lại hạnh phúc. Chính vì thế, có những người đã phải sa Hỏa Ngục, vì suốt cuộc đời này họ đã lựa chọn sai: chọn ma quỷ, thế gian, xác thịt. Ngược lại, có những người đã được lên Thiên Đàng vì suốt cuộc đời này họ đã chọn đúng: chọn Chúa và những gì thuộc về Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta biết chọn Chúa, chọn những gì thuộc về Chúa để chúng ta có Chúa ở đời này và đặc biệt là được hưởng mặt Chúa nhãn tiền ở đời sau. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô nói: Cầu nguyện là phương thức thay đổi để yêu kẻ thù của mình.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:03 21/02/2017
ĐGH Phanxicô nói: Cầu nguyện là phương thức thay đổi để yêu kẻ thù của mình.

(EWTN News/CAN) Con đường dẫn đến sự thánh thiện đòi hỏi chúng ta phải bắt chước Chúa Kitô bằng cách yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình.

Trong chuyến viếng thăm các giáo xứ lần thứ 13 với cương vị Giáo Hoàng tại giáo phận Roma, ĐGH đã tiếp xúc với các bạn trẻ, những người đau yếu, các gia đình và những thành viên của tổ chức Caritas. Ngài cũng đã giải tội cho bốn tín hữu của giáo xứ. Trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 19 tháng 2 tại nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu thuộc giáo xứ Santa Maria Josefa, ĐGH đã nói rằng “Quả thật, Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, còn các con, các con có lòng thương xót không, có thương những người làm khốn cho các con hay những người không yêu các con không?

“Nếu Thiên Chúa có lòng thương xót, là Đấng Thánh, là Đấng toàn thiện thì chúng ta cũng phải có lòng thương xót, phải nên thánh và phải toàn thiện như Ngài. Những ai bắt chước Chúa và làm như vậy thì sẽ được phong thánh, họ trở thành thánh. Cuộc đời của người tín hữu thật đơn giản như thế.”

Bước theo con đường nên thánh, chúng ta không thể cứ ôm mãi sự giận hờn hay muốn trả thù người khác. Chính Chúa đã nói “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người giết hại anh em”.

“Cầu nguyện cho kẻ làm khốn cho mình ư?” ĐGH nói “Vâng, bởi vì việc ấy làm thay đổi đời sống.”

Nếu chúng ta nghĩ là không thể làm được thì hãy cầu nguyện. Cầu nguyện để xin ơn biết tha thứ và yêu thương.

Lời trong Kinh Thánh là “ Hãy nên thánh, vì Ta Thiên Chúa của các con là Đấng Thánh” và rằng “Hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng Toàn Thiện.”

Tha thứ và cầu nguyện là con đường chúng ta cần theo đuổi. Đây là con đường nên thánh. Nếu mọi người trên thế gian này đều học biết điều này thì sẽ không còn chiến tranh.

Chiến tranh bắt đầu “trong cay đắng, hận thù, khát vọng trả thù, bắt người khác phải đền trả. Nhưng mà nó làm tang hoang gia đình, đổ vỡ tình bằng hữu, phá hủy tình lối xóm, hủy hoại nhiều thứ lắm…

Đối với ĐGH thì đó là lý do chúng ta phải luôn cầu nguyện để xin ơn đừng ôm giữ lòng thù hận, biết cầu nguyện cho kẻ thù, biết cầu nguyện cho những người không yêu chúng ta, biết xin ơn hòa bình.

Nếu chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, ngay cả chỉ một lời cầu xin mỗi ngày cho kẻ thù của mình thôi, thì chúng ta sẽ “chiến thắng” và tiến bước trên con đường nên thánh và nên hoàn thiện.

Và cuối cùng thì “tốt lành vượt thắng gian tà, lòng đại lượng sẽ chiến thắng tội lỗi.”

Cầu nguyện là thuốc giải độc chống lại lòng hận thù, chống lại chiến tranh thường phát sinh từ ngay trong gia đình, trong khu xóm và giữa các gia đình.

ĐGH nói rằng nếu ngài biết có ai muốn làm hại ngài và không thích ngài thì chính ngài sẽ cầu nguyện đặc biệt cho họ. Xin hãy cầu nguyện để có hòa bình.

Giuse Thẩm Nguyễn

 
Một Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh của tổng thống Donald Trump
Đặng Tự Do
16:05 21/02/2017
Khẳng định rằng “Tôi không chống lại những người tị nạn, vì bản thân tôi là một người tị nạn,” một Giám mục Công Giáo nghi lễ Chanđê tại California đã lên tiếng bênh vực lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống Donald Trump đối với bảy quốc gia Hồi giáo.

Đức Giám Mục Bawai Soro, người đã đến Hoa Kỳ trong tư cách một người tị nạn từ Iraq vào năm 1973, đã viết trên tờ San Diego rằng “sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã minh họa mối nguy hiểm hiển nhiên mà Hoa Kỳ hiện phải đối mặt đối với trào lưu khủng bố Hồi giáo cực đoan.”

“Ông Trump không cần phải xin lỗi ai về lệnh cấm nhập cảnh của ông với lý do đơn giản rằng đến Mỹ không phải là một quyền mà là một đặc ân, đó là một đặc quyền người ta phải xếp hàng chờ đợi bất kể bao lâu để có thể đến Mỹ”.

Vị giám mục nói thêm:

“Nếu biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9 là do người Trung Quốc gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với người Trung Quốc; nếu do người Nam Mỹ gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng trên các quốc gia Nam Mỹ; và nếu nó do người Phi châu gây ra, lệnh cấm sẽ được áp dụng cho các nước châu Phi. Nhưng thực tế chứng minh rằng kể từ giữa những năm 1990 gần như tất cả các kẻ khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan đều là từ Trung Đông.”
 
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đề cao nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Josyf Slipyj khi đối mặt với cộng sản
Đặng Tự Do
16:25 21/02/2017
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, đã viết một bài ca ngợi người tiền nhiệm của mình, là Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh năm 1892 và qua đời năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ngài.

Đức Hồng Y Slipyj, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine trong thời gian từ 1944 đến 1984. Ngài đã thẳng thừng “từ chối lời hứa được tự do và bổng lộc cao nếu ngài tuyên bố xóa bỏ Giáo Hội của ngài.”

Đức Hồng Y Slipyj đã bị bỏ tù 18 năm, trong đó có tám năm lao động khổ sai tại Siberia, sau khi chế độ Joseph Stalin đàn áp Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine. Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối.

“Khi đến phương Tây, ngài trở thành một tiếng nói và biểu tượng của một 'Giáo Hội thầm lặng' ở Liên Xô đang bị bách hại bởi chế độ độc tài vô thần.”

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã can thiệp để ngài được trả tự do vào năm 1963, và Đức Phaolô VI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 1965.
 
Đức Hồng Y Josyf Slipyj tù nhân cộng sản Liên Xô
Đặng Tự Do
17:00 21/02/2017
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Hồng Y Josyf Slipyj
Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh ngày 17 tháng Hai năm 1893 ở làng Zazdrist, Galicia, lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung. Ngài theo học tại Đại học Lviv của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine và Chủng viện Innsbruck ở Áo, trước khi được thụ phong linh mục ngày 30 tháng 6 năm 1917. Từ 1920 đến 1922, ngài theo học ở Rôma tại Viện Giáo Hoàng Đông phương, Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas, và Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ngài trở lại Lviv, lúc đó là một phần của Ba Lan, và giảng dạy tại chủng viện Lviv trước khi trở thành Giám Đốc của trường này.

Ngày 22 Tháng Mười Hai năm 1939, với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài được tấn phong Giám mục giáo phận Serrae và kiêm nhiệm Giám Mục phó tổng giáo phận Lviv với quyền kế vị. Đức Tổng Giám Mục Andrey Sheptytsky đã tiến hành việc tấn phong này một cách bí mật vì sự hiện diện của quân Liên Xô và tình hình chính trị phức tạp tại Ukraine.

Đức Cha Slipyj trở thành người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine vào ngày 01 Tháng Mười Một năm 1944, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky.

Sau khi quân đội Liên Xô chiếm Lviv, Đức Tổng Giám Mục Slipyj bị bắt cùng với các giám mục khác vào năm 1945, bị kết án là hợp tác với chế độ Đức quốc xã. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine của bọn cầm quyền Xô Viết. Sau khi trải qua các nhà giam tại Lviv, Kiev và Mạc Tư Khoa, một tòa án của Liên Xô đã kết án ngài tám năm lao động khổ sai ở Siberia.

Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối. Vì thế, cộng sản Liên Xô triệu tập một hội đồng gồm 216 linh mục vào ngày 09 tháng 3 năm 1946 và ngày hôm sau, cái gọi là “Thượng Hội Đồng Lviv” được tổ chức tại Nhà thờ St. George, tuyên bố giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, và “tái hợp” với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Trong thời gian chịu tù đầy tại Siberia, ngài vẫn lén lút viết và các tác phẩm của ngài được bí mật lưu hành. Năm 1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi cho ngài một bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục. Bức thư đã bị tịch thu. Vì bức thư này và các tác phẩm được lưu hành bí mật của ngài, cộng sản kết án ngài thêm bảy năm tù.

Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1963, ngài được Nikita Khrushchev trả tự do chính quyền sau những áp lực chính trị từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II.

Năm 1949, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII tấn phong Hồng Y in pectore, nghĩa là không công khi danh tính, nhưng điều này hết hiệu lực vào năm 1958 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời.

Năm 1965, Đức Tổng Giám Mục Slipyj được tấn phong Hồng Y công khai, và được bổ nhiệm là Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa Sant' Atanasio. Vào thời điểm đó, ngài là vị Hồng Y thứ 4 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 9 năm 1984. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết, di tích của ngài đã được trả lại cho Nhà thờ Thánh George ở Lviv vào năm 1992.
 
Phái đoàn Tòa Thánh đi Cairô dự hội nghị chống chủ nghiã cực đoan tôn giáo
Nguyễn Long Thao
18:25 21/02/2017
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, sẽ đi Ai Cập trong tuần này để dự hội nghị chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tại Đại học Al Azhar

Hội nghị được tổ chức tại một học viện hàng đầu về tư tưởng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập. Điều đó làm nổi bật sự hợp tác giữa Vatican và đại học Al Azhar để "chống lại hiện tượng cuồng tín, cực đoan, và bạo lực nhân danh tôn giáo."

Đức Hồng Y Tauran dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu của Vatican, bao gồm Đức Tổng Giám Mục Bruno Musaro, Sứ Thần tại Cairo; Đức Giám Mục Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn; Đức Ông. Khaled Akasheh, chuyên gia của Hội đồng trong các vấn đề Hồi giáo.

Hội nghị diễn ra vào các ngày 22 và 23 tháng 2. Sau đó là ngày kỷ niệm chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Al Azhar vào năm 2000.
 
Người khởi diễn phán quyết hợp pháp hóa phá thai của Tối Cao Pháp Viện Mỹ trở thành chiến sĩ chống phá thai
Vũ Văn An
22:04 21/02/2017
Tin McCorvey qua đời ngày 18 tháng Hai vừa qua khiến người ta nghĩ tới điều nghịch lý vĩ đại diễn ra với phong trào phò phá thai của Hoa Kỳ suốt từ năm 1973 đến nay.

Thực vậy, năm đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết Roe v. Wade chính thức hợp pháp hóa phá thai trên cả nước. Nhưng Roe chỉ là tên nặc danh để đi kiện thẩm phán Wade của Tiểu Bang Texas đã không cho cô phá thai. Tên thật của Roe chính là Norma McCorvey, người thực sự chưa bao giờ phá thai tuy có tìm cách phá thai nhưng bị luật sư lừa nên không phá.

Một khởi đầu khó khăn

Theo Washington Post số ngày 18 tháng Hai này, McCorvey là tên chồng, tên thật là Norma Nelson, sinh ở Simmesport, La., ngày 22 tháng Chín, năm 1947. Cha cô, một thợ sửa máy truyề hình, phần lớn vắng bóng trong đời cô.

Cô lớn lên tại Texas, sống một phần tuổi thiếu niên trong một trường nội trú Công Giáo và trường cải tạo dành cho các thiếu niên bụi đời. Má của cô cho hay: bà thường đánh đập con gái trong những lúc giận dữ vì tác phong “đi hoang” của cô trong việc chung chạ tính dục với cả đàn ông lẫn đàn bà.

Còn ở tuổi thiếu niên, Norma đã có một cuộc hôn nhân vắn vỏi với một công nhân ngành sắt, tên là Elwood “Woody” McCorvey. Má cô đã phải nuôi dưỡng đứa con gái của hai người. Bé thơ thứ hai của cô, sinh không giá thú, đã được một gia đình khác nhận làm con nuôi.

Cô cho hay cô mang thai đứa con thứ ba liên hệ tới vụ Roe v. Wade trong một mối tình ở Dallas. Một luật sư về việc nhận con nuôi giới thiệu cô tới gặp Linda Coffee, một người, cũng như Sarah Weddington, mới tốt nghiệp trường luật và đang đi kiếm một thân chủ để thử nghiệm tính hợp hiến của luật phá thai của Texas.

Theo Leslie J. Reagan, một sử gia và tác giả cuốn “When Abortion Was a Crime: Women, Medecine, anh :Law in the United States, 1867-1973”, vào thời ấy, nhiều phụ nữ khá giả muốn phá thai thường tới các tiểu bang hoặc các nước cho phép thủ tục này.

Các phụ nữ như McCorvey, không tiền bạc để đi xa, có một số chọn lựa không được thoả đáng lắm. Họ phải phó thác cho những người cung cấp thủ tục phá thai không có chuyên môn về y khoa hoặc phải tự phá thai lấy, những việc làm thường mang tới kết quả nhiễm trùng hay chết chóc, hoặc đành tiếp tục mang thai.

McCorvey không phải là người khởi kiện đầu tiên muốn thách thức luật pháp tiểu bang, nhưng vụ Roe v. Wade là vụ đầu tiên đạt tới diễn trình thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện. Cô dùng tên giả Jane Roe để bảo vệ quyền tư riêng. Bên bị, Wade, chính là chánh án quận Dallas, một viên chức chịu trách nhiệm thi hành luật lệ phá thai của Texas.

Theo Wikipedia, diễn trình thượng tố của cô diễn ra như sau: Tháng Sáu năm 1969, Norma McCorvey thấy mình có thai đứa con thứ ba. Bạn bè khuyên cố nên khai man là bị cưỡng hiếp để được phá thai hợp pháp. Nhưng vì không có phúc trình của cảnh sát, nên vụ khai man này vô giá trị. Cô bèn nghĩ tới việc phá thai bất hợp pháp, nhưng cơ sở phá thai bất hợp pháp đã bị cảnh sát đóng cửa. Cuối cùng cô được giới thiệu tới hai luật sư Linda Coffee và Sarah Weddington.

Năm 1970, Hai luật sư trên nộp đơn lên Tòa Án Quận vùng Bắc Texas cho McCorvey với tên giả Jane Roe, lúc này không còn cho là mình bị hiếp dâm nữa. Bên bị, như đã thấy, là chánh án Henry Wade. Tháng Sáu năm này, 3 chánh án của Tòa Quận, tuy tuyên bố luật phá thai của Texas không hợp hiến, nhưng không ra lệnh ngưng chấp hành luật lệ này.

Thành thử Roe v. Wade được trình lên Tối Cao Pháp Viện ngay năm đó. Vì nhiều vụ khác, vụ này mãi tới 13 tháng Mười Hai, 1971 mới bắt đầu được xử. Ngay ở vòng lý chứng đầu tiên, 7 quan tòa đều muốn chống lại luật phá thai của Texas, tuy với những lý chứng khác nhau. Chánh án được ủy nhiệm viết lý chứng là Blackburn. Ông này cho rằng luật của Texas mơ hồ. Nên qua tháng 5 năm 1972, ông đề nghị vụ này nên lấy lý chứng lại và việc lấy chứng lý lại diễn ra ngày 11 tháng Mười năm 1972. Và Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết ngày 22 tháng Giêng 1973 với đa số 7 chống 2 ủng hộ Roe. Theo phán quyết này, phá thai là một quyền căn bản dưới Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ý kiến của phe đa số minh nhiên bác bỏ lý chứng “quyền sống” của bào thai.

Nhưng phán quyết trên không có tác dụng gì với Norma McCorvey, vì đến lúc đó, đứa con mà cô muốn trục thai đã 2 tuổi rưỡi và đã cho người khác làm con nuôi!

Theo Washington Post ngày 22 tháng Giêng năm 2016, cô tiếp tục giữ bí mật về tên Roe cho tới năm 1980 khi cô công khai tiết lộ vai trò của mình trong vụ kiện. Sau đó, năm 1994, cô đã xuất bản cuốn “I Am Roe”, nói rõ hành trình của mình xuyên qua thế giới tranh đấu quyền sinh sản, mối liên hệ với phụ nữ và việc ủng hộ phò phá thai của mình.

Cô nói với tờ New York Times năm 1994 rằng “tôi là người đàn bà đơn sơ với một nền giáo dục lớp chín chỉ muốn phụ nữ khỏi bị xách nhiễu hay kết án. Tôi chỉ muốn đặc ân được một bệnh xá sạch sẽ để tiến hành thủ tục… Tôi chưa bao giờ được đặc ân vào một bệnh xá phá thai, nằm xuống và được phá thai. Đó là điều duy nhất tôi chưa có”.

Nhưng chỉ non một năm sau, một bài báo khác cũng của New York Times cho ta những nhận định khác hẳn khi cô được rửa tội gia nhập Kitô Giáo năm 1995. Cô tái sinh, trở thành một tín đồ Phúc Âm ngoan đạo và bắt đầu làm việc cho Operation Rescue, một nhóm chống phá thai.

Không thoải mái trong thế giới hợm hĩnh

Câu truyện xẩy ra như sau: Sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cô làm việc trong các bệnh xá phá thai “cố gắng làm vui lòng mọi người và cố gắng làm người phò chọn lựa đến cùng”, cô nói với tập san Time như thế.

Nhưng cô cho biết “đó là một gánh rất nặng”. Theo cô, hậu cảnh xã hội trong tư cách một đứa trẻ bỏ học lúc còn ở trung học khiến cô thấy không thoải mái giữa những nhà tranh đấu phần lớn thuộc giai cấp thượng lưu và học hành cao cấp, những người góp tay biến phá thai thành một vấn đề có tầm quan trọng khẩn trương cho quốc gia trong các thập niên 1960 và 1970.

Có lần cô phát biểu “tôi không đủ tốt đối với họ… tôi chỉ là một đứa trẻ của đường phố”. Không lạ gì, khi gặp mục sư Benham, cô đã quyết định rời bỏ thế giới hợm hĩnh này.

Từ thù thành bạn

Theo Washington Post, khi mục sư Flip Benham mở một văn phòng cho nhóm chống phá thai của ông bên cạnh bệnh xá phá thai, nơi Norma McCorvey làm việc, cả hai nhìn nhau dưới cái nhìn ý thức hệ riêng của mình. McCorvey coi nhóm của Benham là “những tên giả hình đồi bại, tinh thần thấp hèn, phun lửa, ra vẻ mộ đạo, tự cho mình là chính trực, cuồng tín”.

Còn Mục Sư Benham thì cho tờ New York Times: ông lập văn phòng “ngay ở cổng hỏa ngục”.

Những “kẻ giả hình” mà McCorvey nói đến từng đuổi được một bác sĩ phá thai ra khỏi Dallas và từng đóng cửa một bệnh xá phá thai khác trong thành phố. Và điều Mục Sư Benham gọi là “cổng hỏa ngục” chính là chủ nhân của người phụ nữ được biết nhiều hơn dưới tên giả mà cô từng sử dụng trong vụ thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện để hợp pháp hóa việc phá thai.

Hầu như không có người nào nghĩ rằng McCorvey và Mục Sự Benham làm láng giềng lâu với nhau được. Và tuyệt đối không ai ngờ trước khi năm 1995 qua đi, họ lại có thể gọi nhau là bằng hữu. Cũng không ai ngờ cuộc hạnh ngộ của họ lại dẫn McCorvey đến chỗ dành hết quãng đời còn lại, cho tới Thứ Bẩy tuần qua, làm một người chống lại phong trào mà trước đó cô từng là một biểu tượng.

"Lòng khiêm nhường của ông đã làm tôi đầu hàng"

Một học sinh trung học bỏ học, muốn phá thai nhưng chiến thắng của cô tại Tối Cao Pháp Viện đến quá trễ để cô có thể toại nguyện, McCorvey mùa xuân ấy đang làm việc với tư cách giám đốc tiếp thị tại A Choice for Women ở Bắc Dallas.

Sau một năm sống gần như vô danh, cô cho xuất bản cuốn “I Am Roe”, tự đóng vai trò một khuôn mặt công cộng.
Cũng giống hầu hết mọi người ở Dallas thuộc các giới chống phá thai, cô biết Mục Sư Benham và nhóm của Ông, Operation Rescue. Nhóm này, hàng ngày, phản đối một bệnh xá phá thai gần đó trong suốt 6 năm trời, cho tới lúc nó phải đóng cửa.

Tháng Ba năm 1995, nhóm này rời trụ sở tới một dẫy phòng bên cạnh A Choice for Women. Ngày dọn tới, Mục Sư Benham nói với Dallas Morning News rằng “Chúa ban cho chúng tôi chỗ này ngay tại cửa kế bên nơi người ta đang giết các bé thơ trai và gái”.

Từ ngày đầu tiên, chỗ đậu xe chung của nhóm trở thành nơi tụ tập của những người phản đối và các phóng viên. McCorvey và Mục Sư Benham thay phiên nhau lên tiếng trong các cuộc phỏng vấn đọ sức nhau.

Trong tác phẩm thứ hai của mình tựa là “Won by Love”, McCorvey thuật lại rằng: Mục Sư Benham hỏi cô: “Cô Norma này, có phải cô vẫn còn đang giết các bé thơ phải không?”.

Cô trả lời “Tươi sáng lên đi. Điều ông cần là tới dự buổi hòa nhạc của Beach Boys”.

Mục Sư Benham trả lời: “Cô Norma này, tôi chưa dự một buổi hòa nhạc nào của Beach Boys từ năm 1976”.

Theo McCorvey, các hành xử qua lại giữa họ với nhau trước đó khá ít, vắn vỏi và đầy thù nghịch. Mục Sư Benham từng gọi cô là kẻ sát hại bé thơ trong buổi cô ký tặng sách. Còn cô thì có lần để lại những lời mắng nhiếc trên máy trả lời của mục sư.

Nhưng theo cô, với cuộc nói chuyện vắn vỏi về Beach Boys trên đây, “Flip trở thành nhân bản hơn đối với tôi”. Và cô thú nhận chính lòng khiêm nhường của mục sư đã làm cô phải đầu hàng.

Cô nhớ, có lần Mục Sư tới ngồi bên cạnh cô rồi xin lỗi đã xiên xỏ bêu xấu cô. Mục sư bảo: “Tôi thấy lời tôi nói rơi vào trái tim cô, và tôi biết chúng làm cô tổn thương rất nặng”.

McCorvey cảm thấy té ngửa. Cô cũng xin lỗi và chạy vào bên trong khóc ròng.

Thế là ở khu đặt các văn phòng này xuất hiện một khuôn mẫu kỳ lạ: cảnh sát liên hồi được mời tới và những cuộc phản đối ồn ào liên tiếp diễn ra ở bãi đậu xe, nhưng song song với chúng vẫn có những tình bằng hữu chớm nở giữa các nhân viên của các văn phòng đối nghịch.

McCorvey viết rằng: “cuộc chiến tranh đàng trước bệnh xá của chúng tôi trở thành cuộc chiến tranh yêu thương và ghét bỏ”.

Thực ra đều là "đồng chí"

Khoảng một tháng sau ngày Operation Rescue dọn tới, cảnh sát quận ập tới khám xét. Nhóm chống phá thai này nợ đại công ty phá thai Planned Parenthood hơn 1 triệu dollars sau khi thua vụ kiện vì tội đập phá các bệnh xá trong một thành phố khác.

Tờ Morning News tường trình rằng: các nhà chức trách tịch thu mọi thứ để trừ nợ. Các nhân viên “buộc phải đứng trong một văn phòng không có một chiếc ghế… và thay tã cho các trẻ thơ ngay trên nền nhà”.

McCorvey thì nhớ có qua cửa bên cạnh và thấy các địch thủ của mình trong một thế “hoảng hốt trông thấy”. Cô viết: “tôi rất, rất thương hại”. Nên đã cho họ mượn một máy “fax”.

Và sự tình cứ thế diễn tiến. Cô viết rằng sau giờ làm việc, lúc tư riêng, Mục Sư Benham thường chia sẻ với cô các đoạn Thánh Kinh.

Ngược lại, cô trình bầy sự pha trộn phức tạp giữa tôn giáo và các nền triết lý huyền nhiệm mà cô vốn tin.

Tuy nhiên, cơn giận đối với Mục Sư Benham đôi khi nhen nhúm trở lại khi cô thấy mục sư trả lời những cuộc phỏng vấn một cách như ném bom. Khi lần đầu tiên cô nghe theo thách thức của Mục Sư Benham mà đến nhà thờ, cô rất bất mãn khi nghe bài giảng chống lại người đồng tính, vì McCorvey vốn từ lâu đã được nhận diện là loại người này.
Nhưng, cô viết, “tôi thèm thuồng họ vì những gì họ có”.

Một sáng thứ Bẩy kia, hơn 50 người biểu tình phản đối ùa vào chỗ đậu xe của bệnh xá, gây phiền phức, chỉ vài tháng sau khi một công nhân phá thai bị thảm sát, và chính Jane Roe cũng là một mục tiêu.

Cô viết “tôi rất hoảng sợ. Nhưng rồi, gần như một thiên thần, Flip bước ra”. Bằng một ít lời nhẹ nhàng với người lãnh đạo cuộc biểu tình, mục sư đã khai quang được toàn bộ bãi đậu xe.

Khi mọi người đã đi khỏi, Mục Sư qua bên, kể cho McCorvey một câu truyện. Cô kể lại, Mục sự nói với cô: “Cô Norma này, tôi vốn là một người phò phá thai. Khi vợ tôi thấy nàng có thai 2 đứa con sinh đôi của chúng tôi, tôi bảo nàng phá chúng đi”.

Sự thú nhận trên làm cô hết sức bỡ ngỡ: “Nếu Flip giả thiết là kẻ đại thù của mình, tại sao anh ta lại cho mình biết một tín liệu có thể chứng tỏ có hại cho thanh danh của anh ta?”

Thực ra, vị mục sư này vốn đã kể cùng một câu truyện này cho tờ Morning News cách đó một năm. Nhưng McCorvey cho hay cô đã về nhà và bói bài Tarot xem chuyện này có ý nghĩa ra sao.

Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu ngĩ tới việc sát nhi khi làm việc tại bệnh xá. Và cô viết “một điều gì đó trong tôi đã thay đổi”.

Tái sinh

Tháng Tám năm 1995, McCorvey được một nhân viên của Operation Rescue mời tới nhà thờ. Nhân viên này là người đàn bà mà đôi khi cô được ngắm mấy đứa con của bà. Cô ít biết ai thuộc cộng đoàn này nhưng xem ra ai cũng biết cô trước khi mục sư lên tiếng.

Sau này, cô viết “Tôi thực sự không nhớ được phần lớn những điều mục sư nói nhưng mỗi chữ ông nói bắt đầu mở cửa sổ lòng tôi thêm một chút”.

Sau buổi cầu nguyện, cô theo cộng đoàn tới một căn nhà ở ngoài Dallas, đến một hồ tắm ở sân sau, nơi cô được rửa tội. Biến cố này đã được quảng bá trước đó, nhưng vẫn làm cả nước ngạc nhiên.

Ngày hôm sau, Tổng Thống Bill Clinton nói rằng: “Vâng, theo tôi hiểu, cô ấy đã trải qua một số thay đổi trong đời cô và đã có cuộc hoán cải tôn giáo nghiêm chỉnh và nay tin rằng phá thai là một việc sai quấy”.

McCorvey và Mục Sư Benham giải thích việc hoán cải này bằng các kiểu nói riêng của mình. Mục Sư nói với tờ Morning News rằng: “Qua bức tường của xưởng phá thai, Chúa Giêsu Kitô đã vươn tay ra và chạm tới lòng Norma McCorvey”. McCorvey thì nói với đài phát thanh địa phương rằng “Tôi nghĩ tôi luôn phò sự sống. Trước đây, tôi chỉ không biết đến nó mà thôi”.

Những năm sau đó, cô sẽ trở thành một biểu tượng của phong trào chống phá thai y như cô đã là một biểu tượng của phong trào phò phá thai trước đây. Một điều, có thể nói, đôi khi khá lúng túng.

Vanity Fair từng tường thuật lời McCorvey nói trước tấm phông các bào thai bị phá rằng “Đừng bỏ phiếu cho Barack Obama. Ông ta sát hại các trẻ thơ”.

Một số người tỏ ra hoài nghi cuộc hoán cải của McCorvey, cho rằng cô làm thế để quảng cáo tên tuổi mình. Sau khi cô bỏ hàng ngũ của họ, các người cổ vũ phá thai mô tả cô như một kẻ bù nhìn muốn tìm sự chú ý của thiên hạ.

Nhưng vào ngày sau khi cô chịu phép rửa, xem ra “Jane Roe” không hề chú ý đến chuyện tiếng tăm, chú ý. Khi Morning News gọi để phỏng vấn cô, họ chỉ nhận được lời nhắn này từ máy trả lời: “Sẽ không có các cuộc xuất hiện công cộng của tôi nữa. Tôi sẽ trở lại với con người thông thường Norma McCorvey”.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến di dân
Eglises Lm Trần Đức Anh OP
23:28 21/02/2017
VATICAN. ĐTC tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn quốc tế về chủ đề ”Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Silvano Tomasi, cựu quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở Genève, và tiến sĩ Hans-Gert Poettering người Đức, nguyên chủ tịch Nghị viện Âu Châu, ĐTC nhắc đến hiện tượng rộng lớn di dân và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và tị nạn.

ĐTC nói: ”Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”.

ĐTC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành.. đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di dân và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó ngoài quyền xuất cư, còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

Sau cùng, ĐTC nói: ”cần giúp những người di dân và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa hoặc bị xáp nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hóa của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto.

ĐTC cũng khẳng định rằng liên kết 4 động từ nói trên, ngày nay chính là một nghĩa vụ đối với các anh chị em chúng ta vì những lý do khác nhau, phải rời quê hương của họ. Đó là nghĩa vụ theo đức công bằng, văn minh và liên đới.

Ngài nói: ”không còn có thể bênh vực những chênh lệch không thể chấp nhận được về kinh tế, ngăn cản việc thực thi nguyên tắc mọi của tài nguyên trái đất là để dùng chung cho tất cả mọi người... Không thể chấp nhận một nhóm nhỏ kiểm soát tái nguyên của nửa thế giới.”

ĐTC nói: ”Đứng trước những thảm trạng ghi đậm trên cuộc sống của bao nhiêu người di dân và tị nạn - chiến tranh, bách hại, lạm dụng, bạo lực, chết chóc - chúng ta không thể không có những tâm tình cảm thông tự nhiên và liên đới. ”Em ngươi ở đâu?” (Xc St 4,9): câu hỏi này Thiên Chúa đặt ra cho con người từ thủa n nguyên thủy, có liên quan tới chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em di dân.. ”Đó không phải là câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tôi cho tôi, cho anh, và cho mỗi người chúng ta” (SD 21-2-2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ca Đoàn St Patrick, Gx Croydon Gây Quỹ Từ Thiện ''Bát Cơm cho Biển Hồ''
Vietcatholic Adelaide
01:23 21/02/2017
Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ

DO CA ĐOÀN SAINT PATRICK, THUỘC GIÁO XỨ CROYDON PARK - NAM ÚC TỔ CHỨC.

Phát xuất từ tinh thần bác ái Kitô Giáo và cũng là niềm ước mong mang lại một chút niềm vui và an ủi cho những mảnh đời cơ cực, đầy dẫy khổ đau của những đồng hương Việt Nam đang sống ở Biển Hồ, ca đoàn Saint Patrick thuộc giáo xứ Công Giáo Croydon Park, đã tổ chức Đêm Văn Nghệ “ Bát Cơm Tình Thương Cho Biển Hồ” vào lúc 6g30 ngày Thứ Bảy 18/02/2017 tại hội trường Trung Tâm sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tự Do / Nam Úc.

Đây là sinh hoạt thứ 3 trong dự án chương trình gây quỹ từ thiện mang tên "Bát Cơm Tình Thương cho Biển Hồ" sau Đêm Nhạc Sống & Karaoke Dạ Vũ (3/12/2016) và Gian hàng Hội chợ Tết Đinh Dậu ( 4&5/2/2017).

Trên 400 khách đã đến với Đêm Văn Nghệ Tri Ân trong một buổi chiều đẹp trời, nắng ấm để thưởng thức chương trình văn nghệ mang chủ đề yêu thương vào dịp cuối tuần và cũng để hỗ trợ cho chương trình mang ý nghĩa đặc biệt này. Nhiều khách mời tham dự là các thân hào nhân sĩ trong cộng đồng người Việt tự do tại Nam Úc, quý thành viên trong Ban Điều Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, các Hội đoàn, đoàn thể, các tổ chức, và đông đảo quý đồng hương tại Nam Úc.

Mở đầu là lời chào mừng và trình bày ý nghĩa của chương trình từ thiện gây quỹ giúp đồng hương VN tại Biển Hồ cùng với lời tri ân của anh ca đoàn trưởng Võ quốc Sỹ, cũng là trưởng BTC, với những tâm tình gửi đến quý vị quan khách và quý đồng hương hiện diện.

Chương trình văn nghệ được nối tiếp nhau qua những tiết mục đựợc ban tổ chức chọn lọc kỹ lưỡng gồm các thể loại như hợp ca, đơn ca, ảo thuật và hoạt cảnh v.v…. Mọi người đã có những giờ phút thư giản với những bản nhạc vui, sôi động, xen kẽ với giây phút lắng đọng hòa với những bài ca gợi lại những nết hùng tráng như nhạc khúc bài “ Bên Em Đang Có Ta” được ca đoàn Hy Vọng trình bày và bài “ Lênh đênh Biển Hồ” hay qua hoạt cảnh “ Bát Cơm Tình Thương Cho Biển Hồ” do ca đoàn Saint Patrick trình diễn cùng với những bài ca mang ý nghĩa yêu thương do nhiều ca nghệ sĩ, nói lên lòng hảo tâm, nghĩa đồng bào ….. qua nội dung chương trình, đã có những giờ phút thổn thức lòng người khi có dịp nhìn lại những hình ảnh tang thương, tơi tả của những mảnh đời bất hạnh, chìm nổi theo sóng nước, trông nhờ vào tấm lòng nhân ái của những đoàn từ thiện hay những gói qùa cứu trợ của những người hảo tâm …

Trong đêm văn nghệ BTC cũng đã có phần bán đấu giá và xổ số các tặng vật do các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm ủng hộ để gây thêm quỹ cho chương trình. Cũng ngay trong đêm văn nghệ gấy quỹ BTC đã báo cáo công khai tài chánh và mọi người đã vui mừng vỗ tay khi BTC công bố tổng số tiền quyên góp được trong suốt dự án đã lên đến trên $53,000.00 (năm mươi ba ngàn Úc kim).

Tất cả số tiền này sẽ được một số anh chị em, đại diện cho ca đoàn, sẽ tự lo chi phí, trở lại Biển Hồ dự định vào tháng 7/2017, để trao tận tay cho đồng bào món qùa quý gía mà đồng hương Nam Úc đã rộng tay đóng góp.

Đêm văn nghệ đã kết thúc với bài “Đêm Nguyện Cầu” xin cho thanh bình thật sự sớm trở về với dân tộc và quê hương Việt Nam.

Sự thành công tốt đẹp của đêm văn nghệ nói riêng và toàn bộ chương trình từ thiện nói chung sẽ không có được nếu không có sự hỗ trợ từ Cha Maurice, chánh xứ Giáo xứ Croydon Park, từ những tấm lòng quảng đại của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và đông đảo quý đồng hương. Ca đoàn cũng không quên sự đóng góp âm thầm của các ca viên và gia đình, thành viên trong ca đoàn và sự nhiệt tình của rất nhiều người thiện nguyện đã chung tay góp sức trong cả 3 dự án, góp phần hỗ trợ chương treình gây quỹ để có được thành qủa tốt đẹp này.

Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn những tấm lòng vàng của những người hảo tâm và những người thiện nguyện chỉ biết âm thầm cống hiến mà không mong cầu phải đền đáp thật là một nghĩa cử thật cao vời.

Vietcatholic-Adelaide
 
Thiện nguyện yêu thương cho đồng bào dân tộc
Thành Nhu
09:59 21/02/2017
Thiện nguyện yêu thương cho đồng bào dân tộc (đợt 2)

Sau chuyến hành trình “Thiện nguyện yêu thương” vào những ngày giáp tết Nguyên Đán, anh em Dòng Thánh Tâm chúng tôi cùng với đại gia đình chị Hường, chị Phương lại tiếp tục lên đường đến với đồng bào dân tộc trên dãy trường sơn hùng vĩ để cùng sẻ chia và trao ban những yêu thương.

Xem Hình

Hành trình lần này bắt đầu từ ngày 13 – 15/2/2017, đoàn chúng tôi sẽ đi đến các giáo xứ Đăk Tuk, Ling La (Tên cũ là Kon Dũ), De Sơmei, Hà Bầu Lệ Chí và Kon Mahar thuộc giáo phận Kon Tum.

Tại tỉnh Kon Tum

Xuất phát lúc 9g30 ngày 13/2 tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã vượt hàng trăm km trên đường trường sơn, đến huyện Đắk Glei, tỉnh Kontum, đoàn đã dừng chân và ăn trưa tại Cộng đoàn các Soeurs Phao Lô.

Đến với giáo xứ Đăk Tuk gần đó, chúng tôi phải đi vong con đường hình chữ U. Ngồi trong xe, Cha xứ Đăk Tuk Antôn Vũ Đình Long đã kể cho chúng tôi về những khó khăn của bà con giáo dân nơi vùng đất cằn cỗi, nhất là sự thiếu thốn về nơi thờ tự tâm linh khi ngôi nhà nguyện của giáo xứ từ lâu đang phải mượn tạm nhà dân.

Tại đây đoàn đã trao 200 phần quà cho bà con gồm thịt, cá khô, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo. Đại diện một em học sinh của giáo xứ đã nói lên những lời cảm ơn bằng tiếng Kinh và cùng với bà con hát vang bài ca chia tay đoàn bằng tiếng Bahnar sau đó.

Chia tay giáo xứ Đăk Tuk, chúng tôi lại lên đường đến với giáo xứ Linh La. Tại đây, bà con đã tập trung về tại nhà thờ giáo xứ từ rất sớm, chúng tôi đã khẩn trương trao 200 phần quà tại đây, sau đó dùng cơm tối tại nhà xứ do Cha GB. Nguyễn Minh Hoàng khoản đãi.

Giáo xứ có hai dãy nhà nội trú dành riêng cho các em học sinh nam nữ, tổng cộng có 42 em cả nam và nữ được Cha Hoàng nuôi ăn, ở miễn phí với mong muốn chắp thêm những ước mơ sau này cho các em. Cộng tác với cha để dạy đỗ các em còn có các Soeurs Dòng MTG Thủ Thiêm và Thầy giúp xứ.

Chúng tôi đã nghỉ đêm tại đây và cùng hiệp dâng Thánh Lễ với cộng đoàn giáo xứ lúc 5g15 sáng ngày 14/2.

Tại tỉnh Gia Lai

Chúng tôi đến giáo xứ Lệ Chí khi anh chị em trong ca đoàn của giáo xứ đang tất bật đón bà con từ các Làng xung quanh tụ về tại gia đình anh Hiếu.

Đến tại gia đình anh Hiếu, đoàn chúng tôi đã được bà con 16 Làng của các giáo xứ Hà Bầu, Kon Gan, De Smei và Lệ Chí đón chào bằng những nụ cười, đặc biệt là vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên xua đi những mệt mỏi của đường dài...

Sau đó đoàn và các anh chị em trong ca đoàn Lệ Chí đã phục vụ 300 tô cháo cùng với những đĩa lòng luộc và chai rượu những chai rượu gạo thơm nồng cho bà con.

Sau khi ăn cháo xong, chúng tôi đã trao 215 phần quà cho bà con, khoảng 2/3 trong số các phần quà này có thêm gạo, vì có nhiều cụ già neo đơn vùng này không trồng được lúa.

Bà con ở xa nhất cũng cách hơn 14 km, họ chở nhau trên 13 chiếc xe công nông, những người ở gần thì chở nhau bằng xe máy hay đi bộ.

Làng Lệ Chí hầu hết là những người dân Xứ Quảng (Quảng Nam) di dân vào, vì thế chiều tối cùng ngày anh chị em trong ca đoàn Lệ Chí đã khoản đãi đoàn một bữa cơm nhiều món, cùng với một đêm ca nhạc “Hát cho nhau nghe”.

Sau khi nghỉ đêm tại nhà Chú Trực, sáng ngày 15/2, đoàn cùng với Chú Trực, anh chị em trong ca đoàn Lệ Chí vượt qua quảng đường gần 53 km để đến với giáo xứ Kon Mahar, nơi Cha Giuse Nguyễn Duy Tài đang quản nhiệm.

Đến giáo xứ, lập tức chúng tôi được cha xứ và bà con chào rước bằng vũ điệu cồng chiêng, các em thiếu nhi thì vỗ tay với ánh mắt tròn xoe đầy lạ lẫm. Sau đó chúng tôi cùng hiệp dâng Thánh Lễ với giáo xứ bằng tiếng Bahnar.

Kết thúc Thánh Lễ, đoàn đã trao 1000 gói kẹo cho các em thiếu nhi, 300 phần quà có thêm gạo và khoảng 200 chiếc áo ấm mới cho bà con. Sau đó các anh chị trong ca đoàn Lệ Chí cùng với chúng tôi đã chiêu đãi 1.500 trẻ em và các cụ già bữa ăn trưa bằng mỳ cua, mỳ Quảng được chan nước hầm xương và thịt do đoàn chúng tôi đem lên từ Lệ Chí.

Sau khi dùng cơm trưa tại giáo xứ, đoàn được giao lưu với bà con bằng những vũ điệu cồng chiêng, được thưởng thức rượu cần giao lưu văn nghệ.

Dân làng đã tập hợp rất đông như một ngày hội, các tiết mục nhảy đặc sắc của các em thiếu nhi, hay các tiết mục hóa trang đơn sơ của các bà mẹ nơi đây đã cho chúng tôi thấy được tình liên đới, hiệp thông của những người cùng chung niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Sau buổi văn nghệ, chúng tôi đã chia tay Cha xứ và giáo xứ trong sự quyến luyến của dân làng, họ bắt tay, ôm chúng tôi như những người thân quen ruột thịt.

Trước khi trở về, chúng tôi lên đường đến với Đức Mẹ Măng Đen. Trong bóng đêm, nhìn lên đôi bàn tay không nguyên vẹn của Mẹ, làm chúng tôi liên tưởng đến những đôi bàn tay gầy gò và không nguyên vẹn của một số bệnh nhân phong mà chúng tôi gặp gỡ qua hai cuộc hành trình đến với bà con trên vùng đất Gialai Kontum.

Có lẽ mọi người cũng có những niềm riêng sau khi thân thưa cùng Mẹ, nên trong rất nhiều những chia sẽ, đoàn chúng tôi nghe chị Phương nói với cha Giuse Phan Tấn Hồ như sau: “Thưa Cha, nếu không có lòng yêu mến thì khó mà đi làm từ thiện cha hỉ. Nếu không có lòng yêu mến thì người ta sẻ nhanh nản lắm Cha ơi”!

Thành Nhu
 
Câu chuyện truyền giáo : Bahia Negra : Những người khốn khổ Chamacocos
Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.
18:00 21/02/2017
BAHIA NEGRA – NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ CHAMACOCOS

Đáp lại lời mời gọi của Giám Mục Tông Tòa vùng truyền giáo Chaco bao trùm cả vùng biên giới với Bolivia và Brazil mà trong đó vùng Bahía Negra là vùng truyền giáo rừng thiêng, nước độc, 3 anh em linh mục chúng tôi (2 Việt Nam và 1 Indonesia) được sự tín nhiệm của Bề trên và Tỉnh Dòng Paraguay đã lên đường đến vùng truyền giáo hẻo lánh này. Lúc đầu chúng tôi thiết nghĩ sẽ được làm việc với người Paraguay có dòng máu Âu châu như những vùng khác. Không ngờ người dân ở đây không chỉ là người Paraguay nhưng còn có một bộ lạc thổ dân gọi là Chamacocos (Chamacocos hay Ishir= Con người).

Xem Hình

Như đã chia sẻ trong bài trước, người thổ dân Chamacocos chiếm đến 73% dân số ở đây. Họ là những người bần cùng khốn khổ bị bỏ quên và là những nạn nhân bị liệt “bên lề xã hội” của chính quyền này.

Qua lời kể của các bậc trưởng lão của bộ lạc này và qua sự tìm hiểu về lịch sử của họ, chúng tôi biết được bộ lạc Chamacocos là những người bản xứ ở Bahia Negra từ thứ kỷ XVI. Lúc đó Bahia Negra là một vùng đất hoang sơ, hẻo lánh hơn bây giờ. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng và sông ngòi bằng nghề săn bắn, đánh bắt cá, trồng trọt và chăn nuôi. Họ sống tự do và cách biệt với thế giới bên ngoài. Cũng theo lời kể của các già làng, người Chamacocos lúc bấy giờ rất mạnh mẽ, hiển hách và dũng cảm. Năm 1932-1935 là những năm dầu xôi, lửa bỏng vì lẽ Paraguay phải đối đầu với cuộc chiến tranh (Guerra de Chaco) khốc liệt và đẫm máu với quốc gia láng giềng Bolivia. Trong lúc chính quyền bị lâm nguy, bộ lạc Chamacocos không khoanh tay đứng nhìn hay nhút nhát trốn chạy, ngược lại họ sát cánh hiên ngang ra chiến trường cùng với những chiến sĩ Paraguay, sẵn sàng hy sinh chiến đấu. Cuộc chiến đó đã lấy đi biết bao sinh mạng của người Paraguay lẫn người Chamacocos đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ quê hương, đất nước.

Sau cuộc chiến điêu tàn và đẫm máu đó, người Chamacocos trở về trong niềm hân hoan khôn tả vì chiến thắng nhưng họ không khỏi lo lắng vì phải bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Họ tưởng rằng chính quyền sẽ giúp đỡ họ để bắt đầu lại cuộc sống mà họ đã mất mát quá nhiều từ cuộc chiến. Tuy nhiên, sự mong đợi trở thành nổi thất vọng ê chề vì chính quyền không những không ngó ngàng gì mà còn lại tước đoạt thêm đất đai, tài sản còn lại của họ mà cha ông họ đã xây bằng xương máu mấy trăm năm trước. Họ không được hưởng quyền tự do, bình đẳng như các sắc tộc khác trong nước nhưng luôn bị đàn áp, bóc lột, kỳ thị và bị coi là “bên lề xã hội”.

Đứng trước sự đàn áp và ức hiếp của chính quyền, bộ lạc Chamacocos đã mất hết những gì thuộc về họ trong đó có quyền sống, quyền tự do trên chính vùng đất của mình. Vì thế, nhiều người trong số họ phải trốn vào rừng sâu đê sinh tồn hay trốn qua những nước vùng bien giới như Brazil hay Bolivia để tránh khỏi sự bất công và đàn áp dã man của chính quyền thời đó. Tôi còn nhớ một già làng của bộ lạc nói với tôi rằng: “Thưa Cha, chúng tôi cảm thấy như mình là người khách sống trên chính ngôi nhà của mình”.

Nghe qua những câu chuyện do các vị trưởng làng kể lại, chúng tôi cảm thấy xót xa trước hoàn cảnh của bộ lạc Chamacocos phải gánh chịu. là con người, ai trong chúng ta cũng ao ước được sống tự do và tận hưởng xứng đáng những quyền cơ bản và mưu cầu hạnh phúc. Thomas Jefferson, vị Tổng thống vĩ đại thứ 3 của Hoa Kỳ và là người viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã thốt lên rằng: “Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Xc Chương 58: Khám phá thiên tài trong bạn). Người Chamacocos không những bị mất đi của cải vật chất hay đất đai xương máu của cha ong họ để lại mà còn bị tước đi quyền làm người. Như bao sắc tộc khác ở thế kỷ XXI này, họ có quyền ước mơ được ăn no mặc ấm, được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc như một con người. Nhưng sự thật phũ phàng đó vẫn theo họ như một bóng ma suốt mấy trăm năm qua. Ước mơ được bình đẳng chỉ là mơ ước mà thôi.

Qua gần một năm sống và đồng hành với anh chị em Chamacocos ở vùng Bahía Negra (Vịnh Đen) này, hàng ngày chúng tôi tiếp không biết bao nhiêu người khách. Những người khách đó không ai khác hơn là những người khốn khổ Chamacocos đến xin từng túm gạo, ít đường, muối hay bánh mì để sống qua ngày. Thật sự ở thế kỷ XXI này ai cũng muốn ăn sung, mặc sướng, nhưng riêng với những người thổ dân Chamacocos thì họ chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi là được ăn no, mặc ấm để sống qua ngày. Nhìn những mảnh đời kém may mắn và khốn khổ đó, chúng tôi cảm thấy xót xa và bất lực trước hoàn cảnh mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Thế nhưng anh em chúng tôi cũng không chỉ khoanh tay đứng nhìn hay vô cảm trước sự đau khổ, nghèo nàn của họ mà cần làm một cái gì đó dù chúng tôi biết rằng mình không thể làm gì to tát ở đây.

Ông cha ta có câu: “Thương người như thể thương thân”. Đây chính là động lực thúc đẩy chúng tôi quan tâm và cảm thông “cái nghèo bền vững của họ”. Như Chúa Giêsu xưa kia chạnh lòng thương khi thấy đoàn chiên theo Ngài như chiên thiếu chủ chăn. Ngài đã nói với môn đệ là hãy cho họ ăn. Qua hình ảnh và lòng thương xót của Chúa Giêsu, chúng tôi bắt đầu góp phần giúp đỡ những người khốn khổ và bị bỏ rơi Chamacocos, ngoài việc tìm kiếm công việc cho họ, chúng tôi còn có những bữa ăn đạm bạc cho các em thiếu nhi vào mỗi trưa Chúa Nhật sau thánh lễ. Mỗi lần như vậy có đến gần 100 em và các em đều được ăn uống no nê. Các em rất vui và hạnh phúc khi nhận được những cử chỉ thân tình đó. Ông cha ta từng nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng tôi đã làm hết sức mình để đem lại niềm vui và tiếng cười cho các em nhỏ.

Nhìn hoàn cảnh và những mảnh đời bất hạnh của bộ lạc Chamacocos mà chúng tôi thấy bồi hồi, xót xa cho một kiếp người. Dù biết rằng với khả năng của chúng tôi không thể xóa đói giảm nghèo cho họ, nhưng qua sự đóng góp như hạt cát với sự tiếp tay của các mạnh thường quân, chúng tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy an ủi trong tâm hồn. Qua việc làm của chúng tôi, họ sẽ nhận ra rằng họ không cô đơn hay bị quên lãng mà được đối xử như những con người có nhân phẩm trong đó có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Hy vọng chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Thầy Chí Thánh, Người đã nhắc nhở các môn đệ xưa cũng là lời nhắn nhủ cho mọi người chúng ta đối với những người khốn khổ là: “Hãy cho họ ăn” (Xc. Lc 9, 11b-17).

Bahía Negra, ngày 21 tháng 02 năm 2017

Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Câu “Giáo Hội như là bí tích” được hiểu thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
10:05 21/02/2017
Giải đáp phụng vụ: Câu “Giáo Hội như là bí tích” được hiểu thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tại sao Giáo Hội Công Giáo là một bí tích? - A. A., Wiaga, Ghana.


Đáp: Đây quả là một thách thức và gần như đòi hỏi một bài tiểu luận. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng để nói gọn gàng và súc tích.

Khi nói về chủ đề này, hầu hết mọi người đều tham khảo Công đồng chung Vatican II. Văn kiện của Công đồng về phụng vụ, Sacrosanctum Concilium, nói trong số 5 như sau:

"Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước, qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó "Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống". Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội" (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học, Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt).

Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, của Công đồng chung Vatican II, ý tưởng này được củng cố trong số 9:

"Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc" (Bản dịch, như trên).

Sau đó, trong số 48, Giáo Hội được qui chiếu một cách rõ ràng như là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ".

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng ý tưởng của Giáo Hội như là bí tích chỉ xuất hiện trong đầu thập niên 1960. Kinh Thánh đã mô tả mầu nhiệm (đôi khi đồng nghĩa trong thực tế với từ ngữ Latinh Sacramentum, hoặc bí tích) của Giáo Hội khi nói rằng "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao" (1 Cr 3:16); và rằng sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trong Giáo Hội (Lc 12:32; Mc 4: 26-29). Mầu nhiệm của thân thể Chúa Kitô (1Cr 12: 1 và tiếp theo) được biểu lộ rõ ràng qua các hình ảnh như đàn chiên, cây nho, lâu đài, đền thờ, hiền thê.

Các Giáo Phụ cũng mô tả thực tế này với các lối nói có ý nghĩa. Sách Didache (được viết giữa năm 90 và năm 120) nói về "mầu nhiệm vũ trụ của Giáo Hội", thánh Xyprianô (qua đời năm 258) gọi Giáo Hội là "mầu nhiệm lớn của ơn cứu độ", và thánh Âutinh (354-430) nói đến Giáo Hội như là “bí tích kỳ diệu sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô", như được trích dẫn ở trên trong văn kiện Sacrosanctum Concilium, số 5.

Trong phụng vụ, chúng ta tìm thấy nhiều thí dụ. Một lời nguyện, được một số người gán cho Ðức Giáo Hoàng Lêô Cả (390-461) và được tìm thấy trong bản thảo Gelasia từ năm 750, gọi Giáo Hội là bí tích tuyệt vời, mà qua đó công cuộc cứu chuộc được tiếp tục, và thế giới được phục hồi trở về với định mệnh đầu tiên của mình. Nói cách khác Giáo Hội, như một thụ tạo mới của Chúa Kitô, phải là bí tích hướng dẫn thế giới trở về với kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa.

Với sự ra đời của thần học Kinh viện, khái niệm Giáo Hội như là bí tích bị mờ khuất trong một thời gian, mặc dù ý tưởng đã dần dần hồi phục trong các thế kỷ XIX và XX. Chủ đề được thảo luận rộng rãi trong các thập kỷ trước Công đồng chung Vatican II bởi một số nhà thần học lớn.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, trong một cách tóm lược các suy tư ban đầu, đã bàn đến khái niệm trong nhiểu đoạn văn, nhưng đặc biệt là trong số 774-776 liên quan đến Giáo Hội như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ:

"774. Tiếng La tinh dùng hai từ Mysterium (mầu nhiệm) và Sacramentum (bí tích) để dịch từ Mysterion của Hi lạp. Về sau, người ta phân biệt thuật ngữ Sacramentum (bí tích) để diễn tả dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ thuật ngữ Mysterium (mầu nhiệm) diễn tả ơn cứu độ ẩn giấu dưới dấu chỉ hữu hình đó. Theo nghĩa này, chính Ðức Kitô là mầu nhiệm cứu độ: mầu nhiệm Thiên Chúa không có gì khác hơn là chính Ðức Kitô (T. Âutinh thư 187, l1, 34). Công trình cứu độ của nhân tính thánh thiên và có sức thánh hóa của Ðức Kitô là bí tích cứu độ được tỏ lộ và tác động trong các bí tích của Giáo Hội (mà các Giáo Hội Ðông Phương gọi là các "mầu nhiệm thánh"). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những khí cụ Chúa Thánh Thần dùng để ban tràn đầy ân sủng của Ðức Kitô là Ðầu, cho Giáo Hội là Thân Thể. Như thế, Giáo Hội chứa đựng và thông ban ân sủng vô hình mà Giáo Hội là dấu chỉ. Chính trong nghĩa loại suy này mà Giáo Hội được gọi là "bí tích".

"775. "Trong Ðức Kitô, Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (LG 8). Mục đích đầu tiên của Giáo Hội là trở thành bí tích của sự kết hiệp mật thiết con người với Thiên Chúa. Vì sự hiệp thông giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự kết hiệp với Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng là bí tích hiệp nhất của nhân loại. Trong Giáo Hội, sự hiệp nhất đó đã bắt đầu, vì Giáo Hội qui tụ những người "thuộc mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ" (Kh 7, 9); đồng thời, Giáo Hội là "dấu chỉ và khí cụ" thực hiện trọn vẹn sự hiệp nhất còn phải đạt đến.

"776. Vì là bí tích, Giáo Hội cũng là khí cụ của Ðức Kitô. "Chúa Kitô dùng Giáo Hội như khí cụ để cứu chuộc mọi người" (x. LG 9), như "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" (x. LG 48), nhờ đó Ðức Kitô "bày tỏ và thực hiện mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người" (x. GS 45, 1). Giáo Hội là "dự phóng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại" (ĐTC Phao1ô VI, diễn từ ngày 22-6-1973). Thiên Chúa muốn cho "tất cả loài người họp thành một Dân duy nhất của Thiên Chúa, quy tụ trong Thân Thể duy nhất của Ðức Kitô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Thánh Thần" (AG 7; LG 17)” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Vì vậy, như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết, khái niệm Giáo Hội như bí tích là loại suy, và không có nghĩa rằng Giáo Hội là bí tích thứ tám.

Việc xem Giáo Hội như một bí tích giúp chúng ta có sự nắm bắt bảy bí tích rõ ràng hơn trong trong khuôn khổ của chính Giáo Hội. Chúng ta có thể thấy rõ hơn làm thế nào các ảnh hưởng của sự tham dự bí tích vượt quá mối quan hệ của cá nhân với Thiên Chúa, và làm gia tăng sự thánh thiện của toàn thể Giáo Hội.

Khái niệm này cũng làm sáng tỏ các châm ngôn cổ điển như "Giáo Hội làm nên Thánh Thể, và Thánh Thể làm nên Giáo Hội". Thánh Thể, trong một cách thức là toàn bộ đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội, tham gia trong một sự tương tác liên tục. Hành động cứu độ nển tảng của Chúa Kitô đến với các cá nhân thông qua Giáo Hội và các bí tích của Giáo Hội, và đồng thời việc cá nhân ôm trọn hành động cứu độ này thánh hóa và xây dựng Giáo Hội.

Linh đạo này, vốn có thể phái sinh từ việc đồng hóa sự hiệp thông cơ bản này trong Chúa Kitô, được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của Giáo Hội và - bởi vì Giáo Hội cũng là bí tích cho thế giới - với mỗi một con người, có thể dẫn chúng ta hiểu rằng mọi việc lành mà chúng ta làm, và cả các việc kém tích cực hơn của chúng ta, có các tác động vượt quá khu vực trực tiếp của chúng ta, và không chỉ mở rộng từ "khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn", nhưng còn có thể đến tận chính thiên đàng, thông qua sự hiệp thông của các thánh nữa. (Zenit.org 21-2-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nhẹ Nhàng Nụ Hôn
Tấn Đạt
20:38 21/02/2017
NHẸ NHÀNG NỤ HÔN
Ảnh của Tấn Đạt
Cho anh hôn một nụ hôn thanh khiết
Nhẹ nhàng thôi ở trên trán ưu tư
Để xua đi những nỗi sợ trầm tư
Của xa vắng, của cô đơn, lạc lõng
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)