Ngày 20-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Hãy yêu kẻ thù”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:10 20/02/2019
Chúa Nhật 7 Thường Niên C

Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:

- Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.
- Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…
- Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.
- Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.

Trang Tin mừng Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.

- Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.
- Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.
- Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là:

- Làm ơn cho kẻ ghét mình.
- Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
- Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.
- Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.
- Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời "Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…".

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người.

“Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.

Bài đọc 1 kể chuyện Đavit. Với những chiến thắng ngoài mặt trận, Đavit được quần chúng mến mộ suy tôn. Điều đó khiến vua Saun coi ông như là một mối đe dọa và tìm mọi cách để giết chết. Đavit có một cơ hội để giết chết Saun, nhưng ông đã từ chối làm điều đó vì trong mắt ông, Saun vua Itraen là một nhân vật thiêng liêng.Tình yêu giải phóng những năng lực phi thường trong con người.Quyền năng của tình yêu lớn hơn quyền năng của những điều xấu.Một trong những điều khó khăn nhất của mỗi người là yêu thương một người thù ghét mình.Vì thế, tình yêu đích thực là yêu thương người ghét mình.Lòng nhận hậu mạnh hơn thù oán. Phải có sức mạnh cảu tình yêu để vượt qua những cảm giác đắng cay và lòng muốn trả thù khi bị người khác đối xử tệ hại. Sự tha thứ không bao giờ dễ dàng. Phải cầu nguyện để tha thứ chiến thắng.

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Chúa Giêsu đến thế gian dùng tình yêu để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu.Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).

Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả?

Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu?

Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.



 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:54 20/02/2019
38. QUỶ ĐÓI HÁT TUỒNG

Liễu thị lang (quan thứ nhì trong sáu bộ) ở Trù Châu lúc còn trẻ là học sinh của trường Trù Châu, nói và viết văn hài hước rất hay.

Năm nọ tế Khổng tử vừa kết thúc, ông ta nhìn thấy rất nhiều học sinh tranh nhau nhặt đồ cúng để ăn, bèn hứng thú viết một bài thơ:

“Trời sẽ tối, tế sẽ xong.

Chỉ nghe ồn ào hai bên hành lang

tranh nhau thịt tôi mỏng, thịt anh béo,

tranh nhau bánh bao của anh to, của tôi nhỏ,

Nhan Uyên người đức hạnh, thấy liền cười mĩm.

Tử Lộ người dũng cảm, thấy thì nóng lòng sốt ruột.”


Phu tử thì thở dài nói: “Ta cũng tuyệt lương ở nước Trần, nhưng không thấy nhiều người chết đói như thế này”.

(Hài Tùng)

Suy tư 38:

Thấy người ăn cơm, gắp thức ăn và cơm lia lịa thì người ta cho là ăn như thể chết đói lâu ngày; thấy mấy cô ca sĩ nhảy nhót trên khán đài áo quần củn cởn hở trước hở sau, thì mấy cụ già (trong đó có tôi) nói nhảy như khỉ mắc phong; thấy người có đạo siêng năng đi lễ nhưng hay chửi người mắng vật, thì người ta nói là đạo đức giả...

“Miếng ăn là miếng tồi tàn”, ông bà chúng ta nói như thế để chứng tỏ rằng, ngày xưa ông bà chúng ta ăn uống rất có văn hoá và lịch sự.

Học trò mà tham ăn thì sẽ bị coi là học trò dốt; học trò mà tóc tai bờm xờm thì người ta nói học trò lười biếng; học trò mà ham mê cờ bạc thì là học trò hư...

Học trò là trí tuệ tương lai của đất nước, nhưng nếu học trò làm biếng học hành, ham hút xách hơn ham chữ nghĩa thì sẽ trở thành đại hoạ cho tương lai của đất nước hơn cả bệnh dịch truyền nhiễm; học trò là rường cột tương lai của tổ quốc, nhưng học trò ham ăn ham hút ham chơi bời hơn đến trường, thì rường cột tương lai của đất nước sẽ trở thành củi mục, mối mọt đục phá, tiền đồ tổ quốc sẽ rung rinh như nhà lá trước cơn gió mạnh...

Chỉ có những ai đã là học trò của Đức Chúa Giê-su mới có thể trở thành học trò tốt của xã hội, và là rường cột chắc chắn của tổ quốc trong tương lai, bởi vì cuộc sống của họ được Lời Chúa hướng dẫn mỗi ngày từng giây phút.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:57 20/02/2019

86. Lạy Chúa, ngài tạo dựng nên chúng con là vì Ngài, tâm hồn chúng con nếu không được Ngài, thì cuối cùng cũng không đạt được bình an.

(Thánh Augustin)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Công lí Chúa
Lm Vũđình Tường
19:04 20/02/2019
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm có lúc mình là nạn nhân của bạo hành, lúc khác mình lại gây bạo hành làm tổn thương đến danh dự người khác. Bạo hành gây ra hoặc do lời nói hoặc do việc làm. Khi đau khổ do bạo hành xẩy ra cần phải tìm cách giải quyết. Theo thói thường xã hội quan niệm công bằng theo nghĩa : có ăn, có trả; làm lỗi tất phải thường. Gây thiệt hại, đương nhiên phải đền bù. Đức Kitô dậy các môn đệ cách đối xử cách lành mạnh, cao thượng hơn. Ngài kêu gọi tránh dữ, làm lành; tránh trả đũa nhưng gây thiện cảm. Gây thiện cảm với người làm cho mình đau khổ là điều tưởng khó hơn ngồi tù ngục tối. Theo Đức Kitô, gây thiện cảm không phải là cách hành xử cao thượng mà chính là lối sống của người Kitô hữu. Để giao hoà với kẻ nhục mạ, làm khổ mình, Kitô hữu cần sức mạnh nội tâm qua cầu nguyện, phải can đảm đánh thắng cái tôi trong mình và í chí kiên quyết mới có thể thực hiện được điều đó.

Đức Kitô kêu gọi 'hãy yêu mến kẻ thù' c.27 bởi Kitô hữu cần có thái độ sống, không phải theo lề thói xã hội, mà sống theo gương Thầy Chí Thánh. Hành xử theo gương Đức Kitô chính là không vui mừng khi thấy kẻ làm hại mình gặp đau khổ, trái lại Kitô hữu hãy 'làm ơn cho kẻ ghét anh em'. c. 27b.

Thứ đến 'chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em' c.28a bởi vì thù oán gây chiến tranh; trong khi chúc lành và tha thứ kiến tạo hoà bình.

Quan trọng hơn cả là 'cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em' c.28b. Sức mạnh của cầu nguyện không phải chỉ mang ơn phúc đến cho người mình cầu cho mà chính người cầu nguyện được hưởng ân phúc Chúa ban. Lời cầu giúp Kitô hữu nhận biết không phải nhu cầu của riêng mình, mà giúp nhận ra nhu cầu của kẻ làm hại mình. Họ có đau khổ riêng của họ và chính những đau khổ tiềm ẩn đó là nguyên nhân dẫn đến hành động làm hại người khác. Nhận biết đau khổ của kẻ làm hại mình là bước đầu dẫn đến tha thứ, giao hoà. Sức mạnh của cầu nguyện còn làm cho người làm hại ta nhận biết cái sai trái của chính cá nhân họ và từ đó họ tìm cách thay đổi lối sống tốt lành hơn.

Công lí Đức Kitô truyền dậy không phải là kết án hay luận phạt mà chính là tha thứ và yêu thương. Thiếu đời sống cầu nguyện sẽ rất khó tha thứ bởi tự ta không thể tha thứ dễ dàng cho kẻ làm hại mình. Cần ơn Chúa. Với ơn Chúa thì mọi sự đều có thể bởi lúc đó ta không còn phải tự sức riêng mình, mà có ơn Chúa phù trợ, thúc đẩy việc giao hoà trở nên dễ dàng hơn, dễ thực hiện hơn. Thánh Phaolô đã khẳng định điều trên khi Ngài viết:

Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta'. Rm 8,31

Trả thù, trả đũa chính là hành xử cùng cung cách xã hội quan niệm về công lí. Trả đũa hay trả thù dễ hơn là tha thứ và đại đa số chọn cách dễ. Thực ra, trả đũa là đồng hoá mình thành một thành phần của kẻ làm hại ta. Hành xử cùng cung cách xã hội không phải là cách Đức Kitô hướng dẫn. Đời sống Kitô hữu không theo thói thường là kết án, hay đầy ải, tù đầy mà chính là tha thứ và yêu thương. Đây chính là cách Đức Kitô đối xử với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình: 'Tôi không lên án chị đâu, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa' Gn 8,11.

Món quà cao quí nhất Kitô có để cho đó là món quà tha thứ. Tha thứ cho lỗi lầm riêng mình và tha thứ cho lỗi lầm của anh em. Kẻ giầu có, quyền thế trong xã hội thường cố gắng có thêm tiền, thêm quyền mà ít quan tâm đến như cầu của người nghèo khó. Kết quả là kẻ giầu càng giầu, kẻ nghèo càng đói. Đức Kitô dậy các Kitô hữu cách sống tha thứ và yêu thương để thay đổi quan niệm sống trong xã hội.

TiengChuong.org

Justice of God

We all have experienced being hurt or causing other people to feel hurt. When hurt happens, we must do something to sooth the hurt. Jesus told us when people hurt us we had better not to pick a fight; be not a foe, but a friend. To be a friend to people who hurt us is a big ask. It isn't just a noble thing to do, but it actually is a Christian way of life. To follow the way of Jesus requires a great courage and inner strength, and a will-power to love those who harmed us.

Jesus commands us to 'love your enemy'v.27. Jesus expects his followers to behave, not in the same way as children of the world do. Their justice is getting even in terms of retaliation and vengeance. We learn best from Jesus by doing what he tells us to do.

First of all, we don't wish to harm people who caused us to suffer, but 'do good to those who hurt us' v.28 .

Second, we need to remember that vengeance creates war while forgiveness brings peace. Third, and most important of all, is to 'pray for those who treat you badly v.28b'. The power of prayers helps us to love people who hurt us as Jesus taught. Praying helps us to focus less on our own hurt but more on the hurt of people who have hurt us.

Fourth, following the teaching of Jesus about 'love your enemy', we need to see things not in the way of our society, but in God's way. When we do good and pray for them, the power of prayers can help people who hurt us come to a realization of the wrong that they were doing. God's justice is not condemnation but forgiveness, with the expectation that the penitent will see their own wrong and make a change from within their hearts. We are unable to forgive people who deeply hurt us unless we rely on God's grace and love. We are doing it with God and 'if God is on our side who can be against us. It is the Spirit of God that makes us free' Rm. 8,31.

When we retaliate we behave in the same way as children of the world, because it is easier to retaliate than to give pardon. Retaliation means to put oneself on the same level as the one who attacked us. We behave in the same manner as our enemy did and that is not the way Jesus lived. A Christian life isn't about what we are able to condemn but it is more about when we are able to show mercy and forgiveness. It is the way of Jesus when He said to the adulterous woman: 'I won't condemn you; go away and sin no more' Jn 8,11. The best gift a Christian can give is the gift of forgiveness. We must forgive ourselves of our own wrong doing and forgive those who wrong us. Our world shows that powerful and wealthy people use power and wealth to accumulate even more power and wealth with little regard to the welfare of other people. The end result is that the poor suffer, and the wealthy prosper. Jesus shows us the way of love, and God's mercy is able to transform our broken world.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đào tạo linh mục theo lòng mong ước của Chúa Giêsu Kitô
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
17:13 20/02/2019
Ngày 20.2.2019, Đức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa, Tổng Thư Ký Bộ Phúc Âm hóa các Dân Tộc, chủ tọa buổi khai mạc với những lời chào mừng của Đức Hồng Y Fernando Filoni cùng các Bề Trên của Bộ, gửi đến 25 Giám Đốc và Phó Giám Đốc các Chủng viện thuộc năm châu tham dự khóa học. Khóa huấn luyện dành cho những người đào tạo được tổ chức do Bộ Phúc Âm hóa các Dân Tộc, cùng cộng tác với Đại Học Giáo Hoàng Urbania, là một phần xếp đặt và chuẩn bị cho Tháng Truyền Giáo Ngoại Lệ sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức vào tháng 10 năm 2019. Khóa học nhằm tăng thêm tinh thần và đam mê truyền giáo nơi những Giáo Hội trẻ tại năm châu.

ĐTGM Rugambwa nói: “Chúng tôi tin rằng tương lai của Giáo Hội tùy thuộc vào phẩm chất của các linh mục. Đó là lý do tại sao Bộ coi việc đào tạo, đặc biệt là đào tạo linh mục, là ưu tiên, và Bộ mạnh mẽ ủng hộ không những các nhà đào tạo nhưng còn các cơ cấu đào tạo tại những xứ truyền giáo. Điều này xảy ra theo những cách khác nhau: ĐHY Tổng Trường thăm viếng các Chủng Viện trong nhiều dịp; hoạt động của Hiệp Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô Tông Đồ; dịch vụ của Đại Học Giáo Hoàng Urbania và các Viện được sát nhập với đại học. Tại Roma, Bộ cam kết trong lãnh vực đào tạo qua Đại Học Giáo Hoàng Urbania và năm trường đón nhận sinh viên từ năm châu: Urban College cho chủng sinh, trường Thánh Phaolô, trường Thánh Phêrô và Saint Joseph College dành cho linh mục, Mater Ecclesiae dành cho nữ tu.

ĐTGM giải thích thêm: “Quyết định khai mạc khoá học cho những người đào tạo là tiếp tục với những khóa học mới dành cho các giáo sư Chủng Viện và các Viện sát nhập với Đại Học Urbania, đã bắt đầu từ năm học 2012-2013. Khóa đầu từ tháng Mười đến tháng Hai dành cho việc đào tạo các giáo sư. Khóa sau từ tháng Hai đến tháng Năm dành cho việc đào tạo những người đào tạo. Mục tiêu của khóa học là chuẩn bị thích đáng trong việc định hưởng một Chủng Viện; củng cố kỹ năng đào tạo; cập nhật về những thách đố và những nhu cầu cho việc đào tạo linh mục. Để đạt được mục đích này, chúng tôi đưa ra một chương trình bao gồm việc điều khiển các lớp học với nhiều khía cạnh của đào tạo cũng như những thực hành cụ thể và trao đổi kinh nghiệm trong các nhóm làm việc.

ĐTGM Rugambwa ngỏ lời với các Giám Đốc và Phó Giám Đốc Chủng viện trong dịp này: “Tương lai của Giáo Hội tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh ở trong tay các bạn. Các bạn có một trách nhiệm quan trọng để trao cho các giáo phận những linh mục xứng đáng, được chuẩn bị cẩn thận về nhân bản, văn hóa và tâm linh, có khả năng rao giảng Tin Mừng. Hôm nay, chúng ta cần đào tạo các linh mục theo trái tim của Chúa, nghĩa là, các linh mục phản ánh hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Đầu và Mục Tử của Giáo Hội. Các Chủng Viện của các bạn cần phải đào tạo những môn đệ truyền giáo, sống trong tình yêu với Thầy, những Mục Tử ngửi mùi chiên, sống giữa họ để phục vụ và mang đến cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Cân thiết là mỗi linh mục phải luôn cảm thấy mình là một môn đệ trên cuộc hành trình, liên tục cần được đào tạo trọn vẹn để hiểu biềt và trở nên đồng dạng với Chúa Kitô. Hãy biết rằng phục vụ dành cho việc đào tạo linh mục là cách tốt đẹp nhất để tham dự vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Köln khuyên các Giám Mục Đức đừng tạo ra một “Giáo Hội mới”.
Đặng Tự Do
19:55 20/02/2019
Ghi nhận những thách thức mà Giáo Hội ở Đức phải đối diện, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki /ˈʁaɪ̯nɐ maˈʁiːa ˈvœlki/ của tổng giáo phận Köln /kœln/ (tiếng Anh là Cologne /kəˈloʊn/) nói với hệ thống truyền hình EWTN của Hoa Kỳ rằng trong cuộc tranh cãi về đường hướng của Giáo Hội, các giám mục được kêu gọi bảo tồn đức tin Công Giáo chứ không phải là đập đổ.

“Tình hình hiện tại ở Đức thực sự khó khăn. Và dường như có một cuộc tranh cãi về đường hướng chung của Giáo Hội khơi lên một phần từ những tai tiếng lạm dụng tính dục. Giờ đây, có những người cho rằng đã đến lúc phải xóa bỏ tất cả những gì chúng ta có cho đến nay. Từ bỏ thời xa xưa. Tôi nghĩ đó là một khái niệm rất nguy hiểm,” Đức Hồng Y Woelki nói với Martin Rothweiler, giám đốc các chương trình truyền hình của EWTN, hôm 13 tháng 2.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã dành cho EWTN cuộc phỏng vấn trên để bày tỏ các phản ứng của ngài trước một bức thư ngỏ được công bố trên các phương tiện truyền thông vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Hai bởi chín người Công Giáo Đức, trong đó có hai linh mục Dòng Tên nổi tiếng.

Trong bài “Open letter to Cardinal Marx urges changes to Church teaching on sexual morality” – “Thư ngỏ gởi cho Đức Hồng Y Marx để thúc giục các thay đổi đối với giáo huấn của Giáo Hội về luân lý tình dục”, Anian Christoph Wimmer của thông tấn xã Catholic News Agency cho biết chi tiết về bức thư này như sau:

Những người ký tên đã đòi Giáo Hội phải đoạn tuyệt với các giáo huấn về luân lý tình dục.

Họ cũng kêu gọi tái cấu trúc Giáo Hội, cụ thể là “sự phân chia quyền lực” giữa Vatican và các Giáo Hội địa phương, phong chức linh mục cho phụ nữ, chấm dứt tình trạng độc thân linh mục bắt buộc và một loạt những thay đổi khác.

Bức thư được gửi đến Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, và kêu gọi ngài và các giám mục khác hãy quyết liệt “dẫn đầu phong trào Cải cách”, và hứa hẹn rằng các giám mục “cải cách” sẽ nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của những người ký tên.

Tình hình Giáo Hội tại Đức hiện nay rất lạ lùng. Trước đây, những người hô hào “cải cách” là các nhà thần học hay các linh mục “nổi loạn” như Martin Luther, người đã dẫn đến việc hình thành đạo Tin Lành, trong khi đó các Giám Mục là những người quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo. Tình hình hiện nay ngược hẳn lại. Một số các Giám Mục Đức, như Đức Hồng Y Reinhard Marx, và Đức Hồng Y Walter Kasper lại là những người đặt hết vấn đề này sang vấn đề khác: cho người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, cho cả những người không Công Giáo rước Mình Thánh Chúa, tản quyền cho các Hội Đồng Giám Mục…

Trong số những người đã ký bức thư cần phải nhắc đến linh mục dòng Tên Ansgar Wucherpfennig, hiệu trưởng trường đại học Sankt Georgen ở Frankfurt, và một linh mục dòng Tên khác là cha Klaus Mertes. Ngoài ra, cũng phải kể thêm cha Julian zu Eltz Trưởng khoa Công Giáo của thành phố Frankfurt.

Các vị tên tuổi lẫy lừng này yêu cầu Giáo Hội Công Giáo nên nhấn nút “reset”, nghĩa là “xóa bàn làm lại” loại bỏ các giáo huấn truyền thống để tạo ra một khởi đầu mới về đạo đức tình dục, bao gồm cả “sự đánh giá hợp lý và công bằng về đồng tính luyến ái”.

Bức thư tiếp tục kêu gọi các giám mục theo đuổi một “sự phân chia quyền lực thực sự”, tuyên bố rằng điều này sẽ “phù hợp hơn với sự khiêm nhường của Chúa Kitô” và “mở ra khả thể phong chức cho phụ nữ”. Hơn nữa, những người ký tên còn yêu cầu rằng các linh mục triều phải được tự do lựa chọn có nên sống cuộc sống độc thân hay không.

Đáp lại trước những đòi hỏi này, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói:

“Chúng ta là một phần của một Truyền thống vĩ đại. Giáo Hội cũng tiêu biểu cho những sự thật vượt thời gian. Và như thế nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không phải là tự mình phát minh ra một Giáo Hội mới. Giáo Hội không phải là đòn bẩy mà chúng ta đã được trao để thao túng [khi chúng ta thấy thích hợp]. Trái lại, nhiệm vụ của chúng ta, trong tư cách các giám mục, là phải giữ gìn đức tin của Giáo Hội, vì đức tin này đã được truyền cho chúng ta từ các thánh Tông Đồ, và chúng ta được giao trọng trách công bố đức tin ấy một cách mới mẻ trong thời đại của chúng ta, và bảo tồn đức tin cho các thế hệ mai sau, cũng như truyền lại cho họ với những cách thức sao cho họ cũng có thể gặp gỡ Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của họ.”

Đức Hồng Y Woelki nhận xét rằng, “một trong những thách thức cơ bản” mà Giáo Hội ở Đức phải đối mặt là giữ cho sống động câu hỏi về Thiên Chúa trong toàn xã hội chúng ta. Ngày càng có nhiều người tin rằng họ có thể sống cuộc sống của họ thoải mái và tốt đẹp hơn nếu không có Chúa. Chính tại đây, Giáo Hội có một nhiệm vụ rất quan trọng là làm rõ rằng Thiên Chúa hiện hữu, và trên thực tế, Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi loài trên trời dưới đất. Do đó, câu hỏi về Thiên Chúa đối với tôi là một trong những thách thức cơ bản mà chúng ta cần phải giải quyết.”

Đức Hồng Y Woelki, 62 tuổi, đã làm Tổng giám mục Köln từ năm 2014. Ngài được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận này vào năm 1984, và trở thành Giám Mục Phụ Tá vào năm 2003. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Berlin từ năm 2011 cho đến khi trở về Köln, sau khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong Hồng Y vào ngày 18 tháng Hai, 2012.

Ngài là một trong bảy giám mục Đức đã viết thư cho Vatican năm ngoái để yêu cầu làm rõ “sáng kiến” do Đức Hồng Y Marx khởi xướng và được các Giám Mục “cải cách” tại Đức ủng hộ nhằm cho người phối ngẫu theo đạo Tin lành của người Công Giáo được rước lễ.

Về vấn đề lạm dụng tính dục, Đức Hồng Y Woelki nói với EWTN rằng người Công Giáo ở Đức rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng lạm dụng: “Đã có một sự mất niềm tin lớn cả trong và ngoài Giáo Hội. Thách thức bây giờ là làm thế nào có thể phục hồi được niềm tin này.”

Về những đề nghị cải cách Giáo Hội, theo Đức Hồng Y Woelki, “phải nói một cách đơn giản rằng Giáo Hội chưa bao giờ được đổi mới bằng cách trở nên ít đi, nhưng bằng cách nhiều hơn” so với văn hóa xung quanh Giáo Hội. Một lần nữa, chúng ta phải nhận ra rằng là Kitô hữu, chúng ta phải nuôi dưỡng một nền văn hóa thay thế, liên kết chặt chẽ với các tiêu chuẩn của Tin Mừng và thánh ý Chúa Giêsu Kitô. Và như thế, chúng ta không ít đi để chiều theo văn hóa đương đại, nhưng phải luôn luôn nhiều hơn để thay đổi xã hội theo những tiêu chí của Tin Mừng.”

Văn hóa Kitô giáo này, theo ngài, “không thể đạt được bằng cách xóa bỏ tình trạng độc thân linh mục. Cũng không thể đạt được bằng cách phong chức cho phụ nữ. Và nó cũng chẳng đạt được bằng cách nói rằng chúng ta phải có một nền đạo đức tình dục mới. Không, Tin Mừng là và tiếp tục phải là hòn đá tảng. Đức tin của Giáo Hội phải tiếp tục là hòn đá tảng, giống như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày cho chúng ta trong Giáo lý của ngài”.

“Thách thức thực sự là làm chứng và công bố đức tin vượt thời gian này sao cho dễ hiểu và dễ cảm nhận đối với con người ngày nay. Đây là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt, chứ không phải là thoái lui”.

Nền tảng cho niềm hy vọng cho Giáo Hội tại Đức, “là Chúa Kitô hiện hữu và tiếp tục là Chúa của Giáo Hội, và Thánh Thần của Ngài được hứa ban cho chúng ta tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn Giáo Hội”.

“Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn này. Dĩ nhiên, chúng ta phải mở lòng ra với Ngài để Thánh Thần Chúa có thể hoạt động trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Và chúng ta không được tự mình đóng vai Chúa Thánh Thần”.

Ngài giải thích rằng “với tư cách là các giám mục, chúng ta phải tuân theo Lời Chúa và cũng như tất cả mọi người và các giám mục đi trước chúng ta, chúng ta phải làm chứng và công bố Lời Chúa. Nói cách khác, Chúa Kitô hiện hữu, Chúa Kitô vẫn hiện hữu và Ngài hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài là Chúa của Giáo Hội. Như Ngài đã dẫn dắt Giáo Hội của Ngài vượt qua những thời khắc khó khăn trong quá khứ, Ngài chắc chắn sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn hiện tại này.”

Niềm tin của Đức Hồng Y Woelki cũng được tìm thấy nơi con người, ngài nói: “khi tôi gặp những người trẻ, những người đã để mình bị đốt cháy bởi đức tin của Giáo Hội. Và những người trẻ tuổi tìm kiếm chính xác những gì là 'nhiều hơn' nơi đức tin Kitô giáo, những người thấy mình có một chỗ trong ngôi nhà Giáo Hội, có một chỗ trong Bí tích Thánh Thể, tham dự các Thánh Lễ và chầu Thánh Thể, trong sự hiểu biết rằng cuộc sống của họ được Chúa Kitô chạm đến”.

“Đó là điều gì đó khuyến khích tôi, bởi vì những người trẻ này - như tôi trải nghiệm – là những người sống đích thực và có niềm tin. Và họ đem đến cho tôi hy vọng nơi chứng tá của họ.”


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn linh mục Louis Nguyễn Phúc Kim về việc mục vụ tại Canada
Khắc Thái
22:21 20/02/2019
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lịch Sử Một Chiều Là Ngụy Sử
Phạm Trần
20:59 20/02/2019
Đảng và giới Khoa học-Lịch sử Cộng sản Việt Nam có tham vọng viết lại lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến hiện đại, nhưng liệu họ có dám sỏng phẳng và công bằng với 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn không ?

Thắc mắc đưa ra dựa trên những bằng chứng không trong sáng và thiếu đầy đủ của Sử liệu đương thời phổ biến liên quan đến những biến cố nổi bật gồm:

-Cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc trong giai đoạn 1953-1960.

-Vụ án Nhân văn Giai Phẩm từ 1955 đến 1958.

-Cuộc chiến xâm lăng miền Nam của đảng CSVN.

-Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế.

-Cuộc chiến Hoàng Sa giữa quân đội VNCH và Trung Cộng năm 1974.

-Đánh Tư sản mại bản ở miền Nam sau năm 1975.

-Cưỡng bách người của Chế độ VNCH đi học tập-lao động.

-Nạn Thuyền nhân chạy thoát Cộng sản

-Cuộc chiến Biên giới Việt-Trung từ 17-02-1979 đến tháng 6 năm 89.

CHE ĐẬY LỊCH SỬ

Theo tin chính thức phổ biến ngày 12/02/2019 tại Hà Nội, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay còn gọi là Quốc sử sẽ có hơn “300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn.”

Báo Việt Nam Express viết:”Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử; 5 tập biên niên sự kiện; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.

Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học...

Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố GS Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân...” (ngày 12/02/2019)

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Nhưng điều được gọi là những "khoảng trống lịch sử" , trong đó có ghi lại nhiều tội ác của đảng CSVN trong chiến dịch Cải cách ruộng đất (CCRĐ), đã không hề được nói tới trong Sách “Việt Nam-Những Sự Kiện Lịch sử (1945-1975).

Trong thời gian Tháng Bảy-1956, sách này viết trong mục “Hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc”, như sau:

“Trung tuần tháng 7, Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương báo cáo tổng kết đợt V, đợt cuối củng của công tác cải cách ruộng đất trước HĐCP. HĐCP nhận định công cuộc vận động cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành ở miến Bắc. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn mười triệu nông dân lao động đã làm chủ nọng thôn.

Tuy nhiên trong qúa trình cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài. Nguyên nhân sai lầm là không nắm vững những biến đổi về sở hữu ruộng đất, vế giai cấp địa chủ và chế độ phong kiến ở nông thôn. Mặt khác do không nắm vững đường lối độc lập tự chủ, áp dụng máy móc những kinh nghiệm của nước ngoài, cường điệu tính chấtđấu tranh giai cấp, nến đánh nhầm vào nội bộ nông dân. Tháng 4-1956, Đảng đã phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và có chỉ thị sửa chữa nhưng sai lầm ấy. Ngày 18-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ, nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Người nhấn mạnh:” Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điễm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhắm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.”

NẠN NHÂN NGUYỄN THỊ NĂM

Tuyệt nhiên bài viết không nói đến số nông dân vô tội bị oan khiên trong đấu tố khép tội là địa chủ, cường hào ác bá, kẻ thù của nông dân. Không có số chính thức về những người bị hại, nhưng Bách khoa Toàn thư mở ghi lại :”Theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 thì khoảng 15.000 người bị xử bắn.

• Theo Gareth Porter: từ 800 đến 2.500; theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn): vào khoảng 5.000; theo giáo sư sử học James P. Harrison: vào khoảng 1.500 cộng với 1.500 bị cầm tù.

• Theo soạn giả Arthur Dommen thì cho rằng tính đến năm 1956 có khoảng 32.000 người bị hành hình trong vụ cải cách ruộng đất.

• Vũ Thư Hiên (Nhà văn) cho rằng con số người bị xử bắn là ít hơn con số 15.000 dẫn ở trên rất nhiều, tuy vậy ông chỉ có thể ước tính, chứ không có số liệu hoặc tài liệu nào cụ thể:

"Người ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng. Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới 50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị chết trong tù (những xã có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị) thì số người chết oan (kể cả trong Chỉnh đốn Tổ chức, tính cả người bị bức tử) nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Nói chung, đó cũng là đoán phỏng. Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác nếu không có một cuộc điều tra khoa học."

Nạn nhân bị vu oan cáo vạ và bị ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN phản bội tiêu biểu nhất là bàNguyễn Thị Năm (1906 – 9 tháng 7 năm 1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội). Theo tài liệu công khai, Bà là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đấtbà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn.

Bách khoa toàn thư mở viết tiếp :”Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt , Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị.

Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại" và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý". Bà bị lên án với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".

Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người...Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".

Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22 tháng 5 năm 1953, với sự tham dự của gần 1 vạn người dân địa phương. Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đấu tố.

Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được người dân địa phương gán ghép, bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất"...

Bà Năm bị đem ra trước công chúng đấu tố ba lần trước khi đem xử bắn.

“Theo Hoàng Tùng viết trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ thì: Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.”

Như vậy thì “khoảng trống lịch sử” về trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm có được viết lại đầy đủ không, hay vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng thất đức đối với vong linh bà Năm như hiện nay, khi nhà nước vẫn không trả lời đơn khiếu nại của gia đình yêu cầuphục hồi danh dự cho bà.

Và liệu Nhà Thơ “sắt máu” Tố Hữu có bị liên lụy tinh thần đối với những cái chết oan của nhiều nông dân qua những câu Thơ, chưa hề bị ông phủ nhận, đã hô hào chém giết trong cuộc cải cách ruộng đất:

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,

Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.”

NHÂN VĂN-GIAI PHẨM

Về Phong trào này, Bách khoa Toàn thư mở ghi lại:”Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là một phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức kết thúc vào tháng 6 năm 1958.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân Văn, một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm chủ nhiệmvà Trần Duy làm thư ký toà soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai PhẩmHoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương.

Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn.

Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản.

Nhưngnhiềungười đương thờikết luận Nhà báo-Nhà lý luậnNguyễn Hữu Đang (1913-2007) mới là linh hồn của Phong trào này. Vì vậy, ông đã bị kết án 15 năm tù vì tội kích động bạo loạn trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm (NVGP).

Bách khoa Toàn thư mở viết:” Ông bị biệt giam ở Hà Giang, được phóng thích 1973 theo Hiệp Định Paris, Nguyễn Hữu Đang là người Việt Nam duy nhất không nghe tiếng máy bay, không biết có chiến tranh Việt-Mỹ.”

ĐAO PHỦ TỐ HỮU

Người đứng đầu chiến dịch tiêu diệt nhóm NVGP là Nhà văn, Nhà Thơ Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền.

Theo tài liệu phổ biến, Tố Hữu, một trong số cán bộ cực kỳ giáo điềuvà cực đoan đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:

“Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm;Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ…”

Tuy nhiên, vào tháng 02/2007, nhà nước CSVN đã bất ngờ trao Giải thưởng cho các nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm vì các tác phẩm “có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Mỗi giải được kèm theo 60 triệu đồng.

Nhà văn Đỗ Chu - thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học - được báo trong nước dẫn lời xác nhận Giải thưởng được xem là "lời xin lỗi của anh em đối với các anh”.

Trả lời báo điện tử VietNamNet, nhà thơ Lê Đạt nói: "Đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không."

Các văn nghệ sĩ có dính đến Nhân Văn-Giai Phẩm đều bị kỷ luật. Mặc dù trên văn bản chỉ ghi khoảng hai, ba năm, nhưng thực tế, đa số bị treo bút, cô lập suốt 30 năm cho đến ngày Việt Nam tiến hành Đổi Mới năm 1986, theo tài liệu phổ biến.

XÂM LĂNG MIỀN NAM

Tiếp theo lịch sử cũng cần minh bạch tại sao miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa) đã gửi quân xâm lăng Việt Nam Cộng hòa để gây ra cuộc nội chiến đẫm máu từ 1954 đến 1975 ? Những người viết sử cũng cần soi mặt vào gương trước khi viết về vai trò của Quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác tham chiến bên cạnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đội quân ngoại quốc này có “chiếm đóng lãnh thổ” Việt Nam không ? Và người dân miền Nam có bao giờ là nộ lệ hay bị họ bóc lột như tuyên truyền bịa đặt và vô căn cứ của miền Bắc ? Và liệu nhân dân miền Nam có cần ai “giải phóng” không, hay chính nhân dân miền Bắc, trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời bấy giờ, mới cần được “giai phóng” để được sống làm người tử tế ?

Ngoài ra, trong cuộc chiến do miền Bắc chủ đạo này, đã xẩy ra vụ thảm sát trên 5,000 người dân vô tội ở mặt trận Huế-Thừa Thiên trong cuộtc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhiều nhân chứng xác nhận có bàn tay của lính Cộng sản miền Bắc và du kích địa phương chủ động.

Thế mà trong Sách “Những sự kiện lịch sử 1945-1975” của Viện Sử học chỉ viết có mấy dòng:”“Ở Huế ta làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập chính quyền cách mạng.”

Trong khi đó, đối với vụ Mỹ Lai, Sách này ghi:

“Đế quốc Mỹ gây ra vụ thảm sát lớn ở Sơn Mỹ:

“Tại xã Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Ngày 16-3-1968, lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 82 mở cuộc hành quân “giết sạch, đốt sách, phá sạch”, giết hại 502 người, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Dư luận trong nước, dư luận thế giới, kể cả dư luận Mỹ đã nghiêm khắc lên án tội ác vô cùng dã man này.”

HOÀNG SA-TRƯỜNG SA

Về cuộc chiến Hoàng Sa giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Trung Cộng, sách này ghi:”Ngày 19 tháng Một (1974)

Trung Quốc cho hải quân tiến đánh quân ngụy Sài Gòn và chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20 tháng Một 1974

Trung Quốc cho máy bay ném bom xuống ba đảo Hữu Nhật, Quang Anh và Hoàng Sa, sau đó quân Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Đồng thới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về tình hình quần đảo Hoàng Sa để biện hộ hành động của họ.

Đại diện chính quyền Sài Gòn tại Liên hợp quốc gửi Công hàm thông báo hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Hoàng Sa cho Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Chính quyền Sài Gởi thông báo tình hình Trường Sa cho các bên ký Định ước Pari và các nước khác trên thế giới.

Ngày 1 tháng Hai –1974 :

-Phó trưởng đoàn đại biểu CPCMLTCHMNVN ra tuyên bố ba điểm nhân việc Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa.

-Qua Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hummơ, Mỹ thông báo cho Sài Gòn biết họ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Cùng ngày, Sài Gòn cho quân tăng cường đến quấn đảo Trường Sa. Trung Quốc cho rằng hành động đó là khiêu khích đối với Trung Quốc.”

Chính phủ miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khi ấy đã không nói gì về biến cố Hoàng Sa, nơi có 74 Quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng.

Sau đó,ngày 14/03/1988 quân Trung Cộng đã đánh chiếm Gạc Ma và 6 bãi, đá trong quần đảo Trường Sa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, và Châu Viên. Có 64 người lính của CSVN giữ đảo bị tử thương trong cuộc giao tranh với quân Trung Cộng.

Vậy mà Viện Sử học Việt Nam đã không ghi dòng nào trong sách “Những sự kiện lịch sử (1945-1975)”

Liệu những người viết sử của Việt Nam có can đảm giải thích tại sao Đảng và Nhà nước CSVN đã có hành động phản bội xương máu và vong ơn bội nghĩa những người con dân nước Việt đã hy sinh xương máu chống quân xâm lược phương Bắc ở Hoàng sa và Trường Sa ?

ĐI TÙ-THUYỀN NHÂN

Họ (những người viết Sử) cũng cần phải công minh ghi lại những thảm cảnh mà đồng bào miền Nam đã phải gánh chịu đối với những quyết định phá hoại nền kinh tế miền Nam của đảng qua chủ trương đánh Tư sản mại bản năm 1977; đốt sách và tiêu diệt Văn hóa nhân bản của miền Nam ; bắt đi tù gọi là “cải tạo” hàng trăm ngàn Quân nhân, Công chức và Trí thức miền Nam khiến cho nhiều gia đình tan nát và nhiều người chết trong tù, kể cả những người nổi tiếng như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên, Thi sỹ Vũ Hoàng Chương v.v…

Và khi nói đến nạn thuyền nhân thì lịch sử cũng phải nói cho rõ ai đã gây ra thảm cảnh trên Biển Đông cho những người phải bỏ nước ra đi ? Sóng to, gió bão và nạn hải tặc đã làm cho nhiều chục ngàn người mất xác trên Biển Đông chỉ xẩy ra khi họ phải liều chết để làm thuyền nhân tìm đường tị nạn Cộng sản để được tự do.

Cuối cùng, khi viết về Cuộc chiến biên giới chống Tầu Cộng trong giai đoạn 1979-1989, những Nhà sử học Cộng sản cũng cần minh bạch giữa bạn và thù. Họ không thế lấy cớ “gác lại qúa khứ, hướng tới tương lai” để ngụy biện cho âm mưu “quên đi qúa khứ đau thương” để bảo vệ cho thứ quyền lợi phản quốc của những kẻ Nội Thù lúc nào cũng hô hào “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trong tinh thần 16 vàng, 4 tốt : “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” ; Và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”

Nhưng nếu mãi tới 40 năm sau mà sách Sử của Việt Nam chỉ đẻ được mấy dòng sơ sài về cuộc chiến đã nhuốm máu ngót 50,000 chiến sỹ và đồng bào, không kể khoảng 4,000 người lính còn bị “mất tích” ở chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) thì thất đức biết chừng nào ?

Hãy đọc nguyên văn:”5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 - 50km.

Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".

( Trích Lịch sử Việt Nam, tập 14, trang 355 )

Đó là lý do mà Gíao sư Sử học Phạm Hồng Tung hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã phát biểu :” Thanh niên, học sinh Việt Nam cứ đến ngày 7/5 lại nghe thấy những bài hát về Điện Biên Phủ, tuyên truyền về kháng chiến chống Pháp; cứ đến ngày 30/4 lại nghe tuyên truyền rất nhiều về kháng chiến chống Mỹ,… Nhưng những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc và phía Tây Nam(biên giới Việt Nam-Campuchia) lại rất ít được nhắc đến.

Ông Tung, người Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nói:”Trong nhà trường, việc giáo dục về nội dung lịch sử này lại cũng sơ sài –cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 chỉ được đề cập đến với 4 câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12.

Trong khi chúng ta nghĩ rằng vì mục đích hòa bình, hữu nghị hợp tác nên “gạt quá khứ” sang một bên, có phần e dè khi nhắc đến quá khứ. Nhưng ở phía bên kia biên giới, thanh niên Trung Quốc vẫn đang được dạy một chiều về sự kiện đã diễn ra, rằng đó là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh) nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô.”

Nhà giáo này kết luận:”Chính sự khác nhau trong nhận thức và trình bày lịch sử này đã trở thành một trong những ngọn nguồn của những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột. Điều này thật sự nguy hiểm.”

(báo VietNamNet, 13/02/2019)

Nhưng những người viết Sử và dạy Sử của nhà nước CSVN cũng cần biết rằng, nếu chẳng bao giờ giới trẻ Việt Nam hiểu được tại sao chiến tranh giữa người Việt với nhau đã kết thúc 44 năm mà lòng người vẫn ly tán; hoặc tại sao miền Bắc lại đi xâm lược miền Nam để gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn thì lịch sử nào cũng chỉ có mùi Ngụy sử. -/-

Phạm Trần

(02/019)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngày Biển Vắng/Empty Beach
Linda Rush
09:41 20/02/2019
NGÀY BIỂN VẮNG/EMPTY BEACH
Ảnh của Linda Rush

Hôm nay biển vắng bóng người
Mình ta ngồi ngắm mây trời lang thang.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/02/2019: Xúc phạm kinh hoàng tượng Chúa và Đức Mẹ tại Pháp, nhiều nhà thờ phải đóng cửa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:52 20/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Trong thư trả lời, Đức Thánh Cha gọi Maduro là “Ông” thay vì “Tổng thống”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư cho Nicolas Maduro để đáp lại lời mời gần đây của y muốn ngài làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Trong thư, Đức Thánh Cha gọi Nicolas Maduro là “señor” (ông) thay vì “presidente” (tổng thống).

Hôm thứ Tư, 13 tháng Hai, nhật báo Corriere Della Sera (Tin Chiều) có trụ sở tại Milan, Italia đã đăng những trích đoạn của lá thư Đức Thánh Cha gởi cho tên độc tài Maduro, trong đó ngài nhắc lại mong muốn cảnh bạo lực ở nước này phải chấm dứt ngay tức khắc.

Trong lá thư đề ngày 7 tháng Hai, Đức Thánh Cha phàn nàn rằng các nỗ lực hòa bình trước đây ở Venezuela đã “bị gián đoạn vì những gì đã được thỏa thuận trong các cuộc họp không được tuân thủ với những cử chỉ cụ thể nhằm thực hiện những gì đã được cam kết”.

Ngài nhấn mạnh rằng “Tòa Thánh đã chỉ rõ các điều kiện để một cuộc đối thoại là khả thi” vào tháng 12 năm 2016 qua “một loạt các yêu cầu” đối với Maduro.

Tờ Corriere della Sera đã trích dẫn những đoạn của bức thư trong đó Đức Phanxicô mong muốn “tránh mọi hình thức đổ máu” và mối quan tâm của ngài đối với những “đau khổ vô biên dường như không có hồi kết thúc của dân tộc cao quý Venezuela”.

Tuy nhiên, tờ báo đặc biệt lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi Maduro là “ông”, chứ không phải là “tổng thống”. Điều này phản ánh lập trường trung lập của Tòa Thánh đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nêu ra vào đầu tuần này.

Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đều tự xưng mình là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Do đó, để giữ trung lập Đức Thánh Cha đã gọi Nicolas Maduro là “ông” thay vì “tổng thống” như trước đây.

Các quan sát viên theo dõi tình hình tại Venezuela nhận định rằng với những cuộc biểu tình thu hút hàng triệu người như cuộc biểu tình hôm thứ Ba 12 tháng Hai, ngày tàn của tên độc tài Nicolas Maduro đã gần kề.

Giám mục San Cristóbal đã hô hào Nicolas Maduro xem xét sự đau khổ của người dân Venezuela trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn ra ở nước này.

2. Phó Chủ tịch HĐGM Venezuela kêu gọi Maduro mở mắt nhìn những đau khổ của dân chúng và thoái vị

“Hãy mở mắt ra để thấy sự đau khổ của mọi người. Hãy nghe tiếng khóc của mọi người”, Đức Cha Moronta đã lên tiếng kêu gọi tên độc tài Nicolas Maduro như trên trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này với ACI Press, chi nhánh tiếng Tây Ban Nha của Catholic News Agency.

Đức Cha Moronta, là phó chủ tịch hội đồng giám mục Venezuela, nói rằng trong nhiều năm qua người dân Venezuela đã yêu cầu thay đổi định hướng chính trị xã hội và kinh tế của đất nước.

“Giáo hội đã nhấn mạnh rằng tiếng nói của người dân phải được lắng nghe. Hàng lãnh đạo chính trị, xã hội và kinh tế phải đứng về phía người dân”

Nhận xét về ông Juan Guaidó, chủ tịch Quốc hội là người được Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và hơn 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela, Đức Cha Moronta ca tụng ông Juan Guaidó rất tích cực, coi ông là người xứng đáng trong “vai trò lãnh đạo” thay mặt các công dân của Venezuela.

Đức Cha Moronta nói rằng chính người dân Venezuela phải là “những người có thể và nên tạo ra những thay đổi” ở nước này.

Ngài nói rằng vai trò của Giáo hội là “xây các nhịp cầu” và nói thêm rằng Giáo hội sẵn sàng “làm mọi việc cần thiết để có một sự chuyển tiếp chính quyền trong trật tự và hòa bình.”

Đức Cha phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục cũng đã lưu ý rằng Giáo hội cổ vũ “không chỉ các hành động mà cả những nhận thức về sự cần thiết phải cải thiện tình hình, và ủng hộ các nhà lãnh đạo xã hội muốn phát triển đất nước một cách toàn diện.”

Đức Cha Moronta cho biết Giáo hội đã thực hiện “những hành động cụ thể trong mỗi giáo phận vì lợi ích của người dân, giúp họ có thể đạt được cuộc sống tốt hơn” và nhấn mạnh “sự hiệp thông giữa các Giáo hội ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Cúcuta ở Colombia với Giáo hội ở Venezuela.”

Cuối cùng, Đức Cha nói rằng với sự giúp đỡ của Giáo hội tại Colombia và các quốc gia khác, các trung tâm tiếp nhận viện trợ đã được thành lập trên khắp Giáo phận San Cristóbal, nơi giáp ranh với Giáo phận Cúcuta ở Colombia.

Bất kể tình trạng khốn cùng của dân chúng Venezuela, tên độc tài Nicolas Maduro đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát đóng cửa biên giới với Colombia để hàng viện trợ không đến được với người dân Venezuela.

3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Hồng Y Nhiếp Chính để điều hành công việc của Tòa Thánh khi trống ngôi Giáo Hoàng

Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngày 14 tháng Hai, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình, và Đời sống làm Hồng Y Nhiếp Chính.

Khi một vị Giáo Hoàng qua đời hay tuyên bố thoái vị, Giáo Hội rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng. Tất cả các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đều bị ngưng chức, ngoại trừ vị Hồng Y Nhiếp Chính.

Theo Tông hiến “Universi Dominici Gregis” (Mục tử của toàn thể đoàn chiên Chúa) do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, trong vai trò là vị chủ tịch của Tông Phòng, vị Hồng Y Nhiếp Chính chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi của Tòa Thánh trong khi trống ngôi Giáo Hoàng. Ngài điều hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng Y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

Trong trường hợp vị Giáo Hoàng qua đời, vị Hồng Y Nhiếp Chính là người thông báo chính thức tin này cho Đức Hồng Y giám quản Rôma, và Đức Hồng Y Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô. Sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng Y trưởng của 3 đẳng Giám Mục, Linh mục và Phó tế, ngài sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng Đức Giáo Hoàng quá cố; cũng như việc quay phim, chụp ảnh làm tài liệu.

Hồng Y Nhiếp Chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng nghỉ ngơi của Đức Giáo Hoàng, và phá hủy chiếc nhẫn Ngư Phủ thường đeo trên tay vị Giáo Hoàng, để tránh khả năng có người dùng nhẫn này để ngụy tạo văn kiện.

Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng Y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. Đức Hồng Y cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng.

Hồng Y Nhiếp Chính cũng là người nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell là Đức Hồng Y Jean Louis Tauran. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Hồng Y Nhiếp Chính vào ngày 20 tháng 12, 2014 và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9 tháng 3, 2015.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã qua đời ngày 5 tháng 7, 2018.

4. Báo La Croix cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức không mà là bao giờ thì ngài làm thế

Ngày 8 tháng Hai vừa qua, trên tờ La Croix của Pháp, ký giả Robert Mickens cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không mà là bao giờ thì ngài từ chức.

Theo ký giả trên, việc suy đoán liệu Đức Phanxicô có ý định là vị giáo hoàng thứ hai liên tiếp sẽ từ chức, theo gương vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô thứ 16, xuất hiện trong tâm trí nhiều người vào tuần qua khi ngài tổ chức cuộc họp báo trên chuyến bay từ Abu Dhabi trở về Vatican.

Trả lời câu hỏi của một ký giả, Đức Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được nhiều lời mời tới thăm các quốc gia Ả Rập khác, “nhưng năm nay thì không có thì giờ. Để xem liệu năm tới tôi hay một Phêrô khác có đi được hay không!”

Giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô thường thận trọng trong việc đưa ra các hứa hẹn nhất định sẽ tham dự các biến cố cách xa cả hàng tháng hay hàng năm, vì ý thức được khả năng tử vong của mình cũng như khó đoán được tương lai.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu ngay từ đầu triều đại của ngài cho thấy vấn đề không phải là liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không, mà là bao giờ thì ngài làm như vậy.

Và lý do thì đơn giản. Ngài không muốn sự từ chức của Đức Bênêđíctô thứ 16 đi vào lịch sử như một biến cố bất thường, bẩy trăm năm mới có một lần. Thay vào đó, ngài muốn nó trở thành một tiền lệ và một điều bình thường.

Tháng 8 năm 2014, trên chuyến máy bay từ Hán Thành trở về Vatican, ngài nói với các nhà báo tháp tùng “tôi luôn nghĩ tới ý tưởng rất có thể không làm hài lòng các nhà thần học. Tôi nghĩ rằng một vị giáo hoàng hưu trí không phải là một ngoại lệ”.

5. Đức Thánh Cha công nhận phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Henry Newman

Hôm thứ Tư 13 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh công nhận phép lạ do lời cầu bầu của Đức Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc nâng vị Chân Phước Hồng Y lên hàng Hiển thánh.

Nói cách khác, Đức Hồng Y John Henry Newman sẽ là một vị thánh mới cho nước Anh kể từ khi Thánh John Ogilvie được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên thánh vào năm 1976.

Đức Hồng Y Newman, sinh vào năm 1801, đã được Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI tuyên Chân Phước vào năm 2010. Ngài vốn là một linh mục Anh giáo, đã thành lập Hiệp hội sống tinh thần Chúa Kitô tại Đại học Oxford, và sau này Ngài đã tuyên xưng Đức tin Công Giáo và hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo vào năm 1845.

Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 đã tấn phong Hồng Y cho linh mục Newman vào ngày 12/5/1879, mặc dù ngài không phải là một giám mục và không bao giờ trở thành giám mục. Theo như thông lệ, một vị không phải là giám mục sẽ được tấn phong giám mục trước khi được phong Hồng Y. Nhưng theo thỉnh cầu của ngài, ngài không muốn được tấn phong giám mục.

Ngài qua đời ở tuổi 89. Trong lễ an táng của ngài, hơn 15,000 người đã xếp hàng dài trên đường phố để tiễn đưa ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Hồ sơ phong thánh cho ngài được bắt đầu vào năm 1958 và ngài được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô tuyên dương là vị Tôi tớ Chúa vào năm 1991 sau khi nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ngài.

6. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng không thể tùy tiện chế biến Phụng Vụ theo phong thái, ý thích và xu hướng cá nhân

Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích hôm thứ Năm 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Phụng Vụ không thể bị hạ giảm thành vấn đề thị hiếu, và cuối cùng trở thành chủ đề của sự phân cực ý thức hệ, bởi vì Phụng Vụ là cách chính yếu mà người Công Giáo gặp gỡ Chúa.

Bên cạnh đó, có nguy cơ là Phụng Vụ rơi vào một “quá khứ không còn tồn tại hoặc trượt vào một tương lai giả định”

“Thay vào đó, điểm khởi đầu phải là nhận ra thực tế của Phụng Vụ thánh như một kho tàng sống động không thể bị giản lược thành những phong cách, công thức và xu hướng, nhưng nên được chào đón với sự ngoan ngoãn và nên được cổ vũ với tình yêu, như dưỡng chất không thể thay thế được cho sự tăng trưởng hữu cơ của dân Chúa”

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng Phụng Vụ không phải là một lãnh vực “tự làm” và ngài thúc giục các viên chức tại Vatican cũng như “trong các lĩnh vực khác của đời sống Giáo Hội”, phải tránh “sự phân cực về ý thức hệ” và thái độ “địa phương bất di bất dịch” chống lại những ai có những ý tưởng khác về Phụng Vụ.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ tuyên bố của ngài trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm “rằng thực tại quan trọng hơn ý tưởng”.

“Khi chúng ta nhìn lại quá khứ với những khuynh hướng hoài cổ hoặc khi muốn áp đặt chúng một lần nữa, chúng ta có nguy cơ đặt một phần lên trên toàn bộ, đặt cái ‘tôi’ của mình trước cả dân Chúa, đặt trừu tượng trước cụ thể, và ý thức hệ trước hiệp thông và, về cơ bản, đặt sự trần tục lên trên sự thánh thiêng,” Đức Phanxicô quả quyết.

Trong cuộc gặp gỡ với các thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trong hội nghị toàn thể kéo dài từ 12 đến 15 tháng Hai, Đức Phanxicô đã đề cập đến tầm quan trọng của Phụng Vụ trong Giáo hội, về sự cộng tác tốt đẹp giữa các giáo đoàn của Vatican và các hội đồng giám mục, cũng như việc phát triển ý thức Phụng Vụ đúng đắn của người Công Giáo.

“Phụng Vụ trên thực tế là con đường chính mà qua đó đời sống Kitô hữu trải qua mọi giai đoạn tăng trưởng của nó,” Đức Phanxicô nói. “Anh em có trước mắt một nhiệm vụ tuyệt vời và đẹp đẽ: hãy làm hết sức để dân Chúa tái khám phá vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa khi cử hành những mầu nhiệm của Người.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng hội nghị toàn thể của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích rơi vào dịp kỷ niệm 50 năm Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI tổ chức lại bộ này “để hình thành sự đổi mới mà Công đồng Vatican II mong muốn. Đó là vấn đề xuất bản các sách Phụng Vụ theo những tiêu chí và quyết định của các Nghị Phụ Công đồng, với mục đích thúc đẩy trong dân Chúa việc 'tham gia tích cực, có ý thức và sùng mộ' các mầu nhiệm của Chúa Kitô.”

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng “truyền thống cầu nguyện của Giáo hội cần những cách diễn đạt mới, nhưng không đánh mất đi bất cứ những gì là di sản quý giá hàng ngàn năm, nhưng thậm chí là tái khám phá các kho báu ở dạng thức nguyên thủy”. Đức Thánh Cha cũng nêu bật rằng vào năm 1969 Lịch Rôma chung đã được thay đổi và sách lễ Rôma mới đã được ban hành. Ngài gọi đó là “những bước đầu tiên của một hành trình, sẽ được tiếp tục với sự kiên định khôn ngoan”.

Đức Phanxicô nói thêm rằng “thay đổi các sách Phụng Vụ mà thôi thì chưa đủ để cải thiện phẩm chất của Phụng Vụ”.

Ngài lập luận rằng sự hình thành ý thức Phụng Vụ đúng đắn nơi hàng giáo sĩ và giáo dân là điều nòng cốt, như đã được minh định trong Sacrosanctum Concilium, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, của Công đồng Vatican II được công bố vào năm 1963

Mặc dù cần thiết, chỉ cung cấp thông tin về sách Phụng Vụ mà thôi thì chưa thể gọi là một nền giáo dục Phụng Vụ đầy đủ, ngay cả khi điều ấy được thực hiện với mục đích duy trì sự hoàn thành nghiêm chỉnh các kỷ luật về nghi lễ.

“Để Phụng Vụ hoàn thành chức năng hình thành và biến đổi của mình, các mục tử và giáo dân cần phải nắm bắt ý nghĩa và ngôn ngữ tượng trưng của nó, bao gồm nghệ thuật, bài hát và âm nhạc, thậm chí cả sự im lặng, được dùng khi cử hành các mầu nhiệm.”

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Phụng Vụ phải được hiểu như là phương thế thúc đẩy “cuộc gặp gỡ sống động với Chúa bị đóng đinh và phục sinh”; và nhắc nhở rằng sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo trình bày Phụng Vụ theo cách này.

Nhắc đến chủ đề của hội nghị toàn thể lần này là “sự hình thành Phụng Vụ của dân Chúa”, Đức Thánh Cha nói rằng nhiệm vụ chờ đợi các vị “về cơ bản là truyền bá sự huy hoàng trong các mầu nhiệm sống động của Chúa, được thể hiện trong Phụng Vụ, trong dân Chúa.”

“Nói về sự hình thành Phụng Vụ của dân Chúa có nghĩa là trước hết phải nhận thức được vai trò không thể thay thế của Phụng Vụ trong Giáo hội và cho Giáo hội,” ngài nói.

“Và sau đó là giúp một cách cụ thể cho dân Chúa biết cách nội tâm hóa tốt hơn lời cầu nguyện của Giáo hội, yêu mến Phụng Vụ như một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa và với anh chị em mình và, dưới ánh sáng này, tái khám phá lại nội dung và tuân giữ các nghi thức Phụng Vụ.”

7. Ái Nhĩ Lan thắp những nến đền tội để cầu nguyện cho cuộc họp thượng đỉnh về nạn lạm dụng tính dục

Mười ngày trước cuộc họp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Hai, với các chủ tịch, hay đại diện, của tất cả các Hội đồng Giám mục để thảo luận về việc bảo vệ trẻ em trong toàn Giáo hội, Ái Nhĩ Lan sẽ tổ chức Ngày cầu nguyện hàng năm cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày Thứ Sáu, 15 tháng Hai.

Trong ngày này, một lời cầu nguyện đặc biệt được soạn ra cho dịp này sẽ được đọc trước “những ngọn nến Đền Tội” được thắp sáng tại các nhà thờ và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan để “cầu xin sự tha thứ cho một Giáo hội quá đau khổ vì tội lỗi lạm dụng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của tổng giáo phận Armagh và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

“Khi thắp lên những ngọn nến này chúng ta hãy nhớ đến những anh chị em của chúng ta, và gia đình của họ, những người đã phải chịu một nỗi đau suốt đời vì bị lạm dụng, niềm tin đã bị phản bội sâu sắc và đã bị thử thách tàn nhẫn Trong những tuần gần đây, tôi đã vinh dự gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng và các thành viên trong gia đình họ ở bốn tỉnh của Ái Nhĩ Lan. Nhiều người đã nói với tôi về tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho những nạn nhân và nhu cầu của Giáo hội phải cởi mở với công lý, đền tội và không bao giờ quên họ. Tôi đã bị rúng động bởi lòng can đảm của họ và bị choáng ngợp bởi sự hào phóng của họ. Ý định của tôi là truyền đạt kinh nghiệm sống và hiểu biết của những nạn nhân ở Ái Nhĩ Lan, và của cả cá nhân tôi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, và rộng rãi hơn cho các thành viên trong cuộc họp ở Rôma vào cuối tháng này.”

Đức Tổng Giám Mục Martin khuyến khích các giáo phận và giáo xứ trên khắp Ái Nhĩ Lan thực hiện sáng kiến cầu nguyện mới này và thắp “ngọn nến đền tội” trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục với Đức Thánh Cha tại Rôma.

Ngài nhấn mạnh rằng “Những ngọn nến là một dấu chỉ của sự ăn năn, là ánh sáng trong bóng tối, và là hy vọng”.

Lời cầu nguyện được dâng lên khi thắp sáng các ngọn nến này là: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con là những kẻ đã phạm quá nhiều tội lỗi. Chúng con đau buồn và ăn năn với tất cả trái tim của chúng con vì đã xúc phạm Chúa, vì những thất bại trầm trọng và sự bỏ bê những người trẻ tuổi và dễ bị tổn thương. Lạy Chúa, xin mang lại sự bình an cho cuộc sống tan vỡ của họ và chỉ cho chúng con thấy mọi phương cách để thoát khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng của Lời Chúa.”

8. 12 giáo phận tại Mỹ cho trẻ em chịu phép Thêm Sức trước khi rước lễ lần đầu

Đức Cha James Wall đã tuyên bố trong một lá thư mục vụ về quyết định của ngài phục hồi lại trật tự các bí tích khai tâm Kitô Giáo trong giáo phận Gallup của ngài.

Khi chính sách mới được thực hiện, trẻ em sẽ được thêm sức và rước lễ lần đầu trong cùng một Thánh lễ, khi các em lên 7 hoặc 8 tuổi.

“Nhận Bí tích Thêm sức sau khi rước lễ lần đầu, có xu hướng làm suy yếu sự hiểu biết về mối ràng buộc và mối quan hệ giữa các Bí tích khai tâm Kitô Giáo với nhau”, Đức Cha Wall viết trong bức thư mục vụ ngày 11 tháng Hai của mình.

Ngài nhận xét rằng: “Các Bí tích Rửa tội và Thêm sức dẫn tín hữu đến đỉnh điểm của việc bắt đầu vào Đời sống Kitô hữu nơi việc Rước lễ lần đầu, nên việc trì hoãn việc đón nhận bí tích Thâm Sức cho đến tuổi thiếu niên không phải lúc nào cũng có lợi”.

Đức Cha nói thêm rằng “Có một tỷ lệ đáng báo động những đứa trẻ Công Giáo của chúng ta đã được rửa tội và được rước lễ lần đầu, nhưng không tiếp tục việc học hỏi để đón nhận Bí tích Thêm sức, và trong nhiều trường hợp, các em không bao giờ nhận được Bí tích này. Là mục tử của anh chị em, tôi tin rằng điều quan trọng đối với con cái chúng ta, trước khi chúng đến tuổi thiếu niên, là chúng phải nhận được sức mạnh từ Bí tích quan trọng này.”

Giáo phận Gallup không phải là giáo phận đầu tiên cho trẻ em nhận Bí tích Thêm sức trước khi rước lễ lần đầu. 11 giáo phận tại Mỹ đã làm như thế. Năm 2017, giáo phận Manchester là giáo phận thứ 11 tại Hoa Kỳ làm như vậy.

Trong thư mục vụ của ngài, Đức Cha James Wall giải thích về Bí tích Thêm sức như sau:

Bí tích Rửa tội “nhúng chìm chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi”, trong khi ân sủng từ Bí tích Thêm sức “xác nhận và củng cố đời sống siêu nhiên mà chúng ta đã nhận được từ Bí tích Rửa tội và mở ra cho chúng ta những ân sủng để sống một cách trưởng thành hơn đời sống Kitô của chúng ta như các Kitô hữu chứng nhân cho Chúa Kitô trong tất cả mọi việc chúng ta làm.”

“Đồng thời, Bí tích Thêm sức mang lại cho chúng ta sự hiệp thông sâu sắc hơn với Chúa và với Giáo hội của Ngài và sự hiệp thông ấy nhận được sự thể hiện và ân sủng lớn nhất trong cuộc đời này nơi bí tích Mình Máu Thánh Chúa”

Đức Cha cũng lưu ý rằng ngài đã quyết định khôi phục lại trật tự ban đầu của các bí tích khai tâm Kitô Giáo “sau khi tham khảo ý kiến của linh mục đoàn và đã cầu nguyện về điều này”.

9. 10 ngày đầu tháng Hai, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Pháp

Nếu như Mễ Tây Cơ ngày nay khét tiếng là một quốc gia nơi an toàn của các linh mục là đáng lo ngại nhất thì nước Pháp đã trở thành nơi các ngôi thánh đường bị phạm thánh trầm trọng nhất.

Thật thế, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng Hai, 2019, 10 vụ phạm thánh nghiêm trọng đã diễn ra.

Vụ mới nhất là vụ lật nhào nhà Tạm tại nhà thờ Maisons-Laffitte.

Ngày 10 tháng Hai năm 2019, vào lúc xế trưa, cha sở giáo xứ Thánh Nicolas tại quận Maisons-Laffitte trong thành phố Yvelines phát hiện ra rằng nhà Tạm của nhà thờ đã bị lật nhào xuống đất. Cảnh sát đã được gọi đến điều tra. Dựa trên băng ghi hình từ các camera của nhà thờ, các lực lượng an ninh bắt giữ một người đàn ông 35 tuổi. Y đã thú nhận với cảnh sát hành động của mình.

Vụ việc này xảy ra ngay sau khi nhà thờ Thánh Nicolas tại Houilles cách đó 47km, ở phiá Bắc thủ đô Paris, bị phá hoại lần thứ ba trong vòng bảy ngày của tháng Hai.

Vào ngày 29 tháng Giêng, tượng Chúa Kitô vác thánh giá đã bị ném xuống đất tại khu vực dành cho ca đoàn nhà thờ Thánh Nicolas ở Houilles. Vài ngày sau, vào ngày 1 tháng Hai, kẻ gian trở lại đập nát những cánh tay của bức tượng. Vào ngày 4 tháng Hai, kẻ gian lại trở lại lần thứ ba đập nát một bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi.

Linh mục giáo xứ cho biết thiệt hại của bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi có từ thế kỷ 19 là “không thể sửa chữa” vì “hoàn toàn bị đập nát”.

10. Vụ phạm thánh tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon

Một vụ phạm thánh còn đáng kinh hoàng hơn nữa đã diễn ra chỉ một ngày trước đó tại nhà thờ Đức Bà của thành phố Côte-d'Or thuộc tổng giáo phận Dijon cách Paris 282 km về phiá Đông Nam.

Vào ngày 9 tháng Hai năm 2019 một bọn phá hoại, đến nay vẫn chưa bị bắt, đã lẻn vào nhà thờ. Chúng mở nhà Tạm ra quăng Mình Thánh Chúa xuống đất, khăn bàn thờ bị chúng vấy bẩn và một cuốn sách lễ Rôma bị xé nát. Chúng làm cho khung cảnh trên bàn thờ rất dơ bẩn đến mức ngày 12 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Roland Minnerath đã phải cử hành một thánh lễ đền tạ và tái thánh hiến ngôi thánh đường này trước khi có thể cử hành các thánh lễ như thường lệ.

Cha Emmanuel Pic, linh mục của giáo xứ, bày tỏ sự kinh hoàng của ngài và lưu ý rằng các thủ phạm đã tập trung tấn công vào “chính trái tim của đức tin Công Giáo” khi tấn công bàn thờ và nhà Tạm. Ngài nhấn mạnh rằng đối với người Công Giáo, bánh lễ sau khi được thánh hiến trong thánh lễ trước đó không còn là “Bánh, nhưng là thân thể của Chúa Kitô.”

Trong tổng số 541,800 dân, tổng giáo phận Dijon có 355,700 tín hữu Công Giáo chiếm 65.6% dân số.

11. Vụ phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants ở Nîmes

Ngày 5 tháng Hai năm 2019, văn phòng công tố viên ở Nîmes đã chính thức mở một cuộc điều tra sau một vụ phạm thánh còn nghiêm trọng hơn nữa tại nhà thờ Notre-Dame des Enfants của thành phố này.

Bọn phá hoại dùng phân người vẽ lên một hình thánh giá trên một bức tường bên trong nhà thờ. Nghiêm trọng hơn thế nữa, chúng đập bể nhà Tạm lấy các bánh thánh gắn dọc theo hình thánh giá đó. Những bánh thánh khác bị chúng vất vương vãi trên mặt đất.

Trong bản tuyên bố hôm 8 tháng Hai, Đức Cha Robert Wattebled, Giám mục giáo phận Nimes nhận định rằng:

“Việc phạm thánh tại nhà thờ Notre-Dame-des-Enfants ở Nîmes ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giáo phận chúng ta. Dấu thánh giá và Bí tích Thánh Thể đã là mục tiêu chính của những hành động gây đau thương nghiêm trọng. Hành động thô bỉ này làm tổn thương niềm tin sâu sắc nhất của tất cả chúng ta”.

Ngài cho biết rằng trong những điều kiện như thế, việc thờ phượng không thể được tổ chức trong ngôi thánh đường này cho đến khi những hành vi tục tĩu này được sửa chữa bởi một nghi thức sám hối mà đến nay vẫn chưa được ấn định vì còn phải mất một thời gian để khử các mùi hôi do bọn phá hoại gây ra.

Thông cáo của giáo phận Nîmes cho biết: “Cộng đồng các nữ tu dòng Carmêlô, dòng Xitô nhặt phép và dòng Clara khó nghèo của Giáo phận đã tổ chức một ngày ăn chay và đền tạ chung, như một cử chỉ đền bù cho các hành động phá hoại thô bỉ này.”

Thông cáo cho biết thêm: “Tất cả các giáo xứ và cộng đồng Công Giáo cũng đã liên kết với các nữ tu trong lời cầu nguyện này, theo những cách thức khác nhau phù hợp với họ”.

Trong tổng số 623,125 dân, giáo phận Nîmes, thuộc về tổng giáo phận Montpellier có 364,500 người Công Giáo chiếm tỷ lệ 58.5% dân số.

12. Vụ đốt cháy nhà thờ chánh tòa Lavaur

Tối ngày 5 tháng Hai, người thư ký của giáo xứ chánh tòa thành phố Lavaur của tỉnh Tarn cách thủ đô Paris 549 km về phía Nam đã làm thêm giờ để hoàn thành các báo cáo định kỳ. Cô phát hiện một mùi khói nồng nặc phát ra từ một đám cháy trong nhà thờ. Cô gọi điện thoại báo ngay cho lính cứu hỏa nên may mắn nhà thờ được cứu. Chỉ có khăn bàn thờ và vài thứ lặt vặt bị đốt cháy. Tuy nhiên, cây thánh giá lớn bị gỡ xuống và cánh tay Chúa bị bẻ cong.

Thị trưởng thành phố Lavaur đã phản ứng rất nhanh trên Twitter: “Chúa sẽ tha thứ cho nó; nhưng tôi thì không.” Ông thề sẽ tìm ra thủ phạm bằng mọi giá.

13. Bình đựng Mình Thánh Chúa bị lấy cắp tại nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien

Trước Thánh lễ sáng Chúa Nhật 3 tháng Hai, anh chị em giáo dân đã phát hiện ra kẻ gian đã đột nhập vào nhà thờ, bẻ khóa nhà Tạm trong nhà nguyện Thánh Anna của Nhà thờ Đức Bà và Thánh Junien ở thành phố Lusignan cách thủ đô Paris 364km về phía Nam Tây Nam, quăng các bánh thánh khắp nơi và đánh cắp bình đựng Mình Thánh Chúa. Cảnh sát đã được gọi đến và đã bắt đầu một cuộc điều tra.

Cũng trong ngày 3 tháng Hai, nhà Tạm cũng bị bẻ khoá và bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị đánh cắp tại nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Talmont cách Lusignan 149km về phía Tây Nam.

14. Vụ phá hoại cây thánh giá tại cao nguyên Pyrénées

Ngày 5 tháng Hai những người đi lễ buổi sáng đã phát hiện cây thánh giá bằng gỗ bên ngoài một nhà thờ nằm giữa Hèches và Avezac-Prat-Lahitte trong vùng cao nguyên Pyrénées, ở thành phố Labastide, đã bị phá hoại. Thủ phạm đã cắt cây thánh giá ở chỗ cách mặt đất khoảng một mét, và để lại mọi thứ ở hiện trường. Khi cây thánh giá đổ xuống, cánh tay của Chúa Kitô bị gãy. Thị trưởng thành phố Labastide đã ra lệnh mở cuộc điều tra.

Ngoài các vụ phạm thánh nghiêm trọng như trên, Giáo Hội tại Pháp còn phải chịu đựng những hình thức tấn công khác như ném đá vào nhà thờ làm bể cửa kính mầu, xô đổ các bức tượng như tại Saint -Gilles, Sainte-Croix, và Saint-Hilaire-de-Riez.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Khúc Ca Tạ Ơn - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
07:01 20/02/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây